Pages

Monday, April 25, 2011

TS.MAI THANH TRUYẾT * TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC


Trung Quốc: Những Mắt Xích Tiến Chiếm Việt Nam?

Ts Mai Thanh Truyết

Chính sách đối với Việt Nam

Trung Quốc từ hơn 30 năm qua (không kể trong thời kỳ chiến tranh trước năm 1975), đã và đang chuyển mình tiến về Đông Nam Á. Và Việt Nam là một trong những thí điểm lớn để cho tư bản TQ định cư cùng với những ảnh hưởng chính trị và quân sự để thực hiện mộng bá quyền nước lớn và thôn tính vùng Đông Nam Á cùng biển Đông.

Trước sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt, việc hạ giá thành phẩm là việc làm ưu tiên để có thể chiếm lĩnh thị trường thế giới. Đó là chính sách chung của mọi quốc gia. Do đó, Việt Nam là một mãnh đất béo bở cho tài phiệt TQ đầu tư vì: - Nhân công còn quá rẻ, ngay cả đối với nhân công TQ vốn dĩ đã quá rẻ mạt; - Chi phí cho việc bảo vệ môi trường không bị đòi hỏi gắt gao như ở TQ hiện tại; - Và quan trọng nhất là mọi thủ tục hành chánh và dịch vụ xuất nhập cảng đều được dễ dàng vì cung cách quản lý địa phương ở Việt Nam dễ bị mua chuộc.

Từ 3 yếu tố trên, Việt Nam đối với TQ có thể được ví như là Mễ Tây Cơ với Hoa Kỳ trong lãnh vực đầu tư và sản xuất. Thêm một yếu tố tâm lý quan trọng khiến cho các nhà đầu tư TQ di chuyển xuống Việt Nam là TQ tìm thấy nơi đây một xứ sở giống như đất nước của họ, một đất nước đang chuyển mình từ từ và đang từ bỏ chủ thuyết cộng sản không tưởng để tiến tới một nền kinh tế thị trường tự do đầy hấp dẫn. Còn về tâm lý chung của hai dân tộc, có nhiều điểm tương đồng chính nhất là việc quan hệ kinh doanh dựa theo cách tiếp cận có tính cách cá nhân và thường sử dụng quyền lực áp đặt để lấn át pháp luật hầu mang lại mọi dễ dãi trong thủ tục hành chánh.

Hãy nghe Zou Qinghai, Chủ tịch phòng Thương mãi Triết Giang tuyên bố:” Chúng tôi hiểu thông suốt rằng phải đưa tiền hối lộ mới xong công việc. Cách thức phát triển của Việt Nam chỉ đơn giản là một bản sao của Trung Quốc”. Hiện tại, tính đến cuối năm 2005, đầu tư của TQ chính thức vào Việt Nam tương đối còn khiêm nhường so với các quốc gia trong vùng như Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn là 734 triệu Mỹ kim so với hơn 50 tỷ của ba nước vừa kể trên. Nhưng qua những con số không chính thức có liên quan đến những đối tác Hồng Kông thì mức thẩm thấu vào Việt NamN có thể lên đến 3,7 tỷ.

Và thương mãi hai chiều dự kiến trong năm 2008 là trên 10 tỷ Mỹ kim. Các công ty TQ chú trọng đầu tư vào năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. TQ đã ký thoả thuận trong việc thăm dò dầu khí ở vịnh Bắc Việt trong khi Hồ Cẩm Đào viếng thăm thủ đô Hà Nội vào tháng 10, 2005. Việt Nam vẫn là một lợi điểm cho TQ vì hai quốc gia đã ký hiệp ước tự do mậu dịch với nhau. Từ đó, TQ có thể chuyển ngành dệt sang VN để tránh vấn đề hạng ngạch (quota) trong việc xuất cảng các sản phẩm nầy qua Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu. Ảnh hưởng lên môi sinh Việt Nam Gần 20 năm qua, TQ đã bắt đầu chuyển dịch các cơ sở sản xuất qua VN vì áp lực của luật ô nhiễm môi trường ở bản địa là chính.

Các đầu tư di chuyển về VN cũng vì luật lệ ở TQ nghiêm ngặt hơn qua việc bảo vệ môi trường ở một số khu vực tại TQ, đặc biệt ở các tỉnh ở miền duyên hải như Thượng Hải, Hong Kong, Triết Giang. Chính quyền ở những tỉnh nầy khuyến khích đầu tư ở Việt Nam đối với các công nghệ gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất như công nghệ thép, plastic, điện tử, hoá chất v.v… Cơ quan bảo vệ môi trường ở các tỉnh trên đã bắt đầu ngăn cấm và tước quyền sử dụng đất, nước, và điện của những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đó cũng là một trong những lý do chính để các nhà đầu tư TQ xuôi Nam, một nơi có chi phí dùng trong an toàn lao động rẻ mạt.

Từ những nhận định và phân tích trên đây, quả thật Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều hệ quả của việc bành trướng và phát triển kinh tế và kỹ nghệ của TQ. Tư thế của một đàn em Việt Nam trước một đàn anh nước lớn TQ cho đến nay vẫn là một sự thuần phục hoàn toàn. Thuần phục trong tư thế chính trị, quân sự lẫn kinh tế.

TQ đã tạo được một sức ép quá mạnh trong ba lãnh vực trên, khiến cho Việt Nam luôn luôn đang ở thế bị động và không thể nào thoát khỏi tầm ảnh hưởng của ba gọng kền trên. Chiến lược xâm chiếm Việt Nam của Trung Quốc Chúng ta thử hình dung các mắc xích có thể kết nối bảy sự kiện đang được khai triển ở Việt Nam và các quốc gia lân cận.

Đó là: 1- Công trình xây dựng xa lộ Trường sơn, 2 - Mở rộng đường số 9 nối liền biên giới Thái-Lào ra biển Đông qua thị xã Đồng Hới, 3 – Xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, 4 - Dự án quốc tế giữa Trung Quốc, Lào, và Thái Lan trong việc khai thông lòng sông Cửu Long để tàu vận tài nặng có thể lưu thông trên thủy lộ nầy, 5 - Thiết lập xa lộ nối liền thành phố Nam Ninh và Hà Nội, 6 - Miễn hộ chiếu cho người Trung hoa vào tận mũi Cà Mau, 7 - Dự án khai thác quặng bauxite ở vùng Tây nguyên (Cao nguyên). Công trình xây dựng xa lộ Trường Sơn: Từ năm 2001, cựu Thủ tướng Việt Nam cộng sản Võ Văn Kiệt đã ra lịnh bằng mọi giá phải xây dựng xa lộ Trường Sơn nối liền Bắc Nam dọc theo biện giiới Việt Miên Lào, huy động hàng trăm ngàn thanh niên xung phong thời bấy giờ.

Theo quan điểm chiến lược quân sự mới, xa lộ Trường Sơn sẽ không còn là con đường chiến lược một khi có chiến tranh như lãnh đạo Việt Nam biện minh cho việc xây dựng nầy, vì với vũ khí tối tân hiện tại, sẽ không có việc di chuyển vũ khí và quân đội bằng đường bộ qua kinh nghiệm hai trận chiến ở Iraq và Afganistan. Thiết nghĩ đây là con đường chiến lựơc dành cho mục đích kinh tế-chính trị, nhưng không hẳn để áp dụng cho Việt Nam vì trong suốt chiều dài của xa lộ là vùng thưa dân cư nếu không nói là hoang dã.

Như vậy mục tiêu chính phải chăng là nhắm tới một mục tiêu bí mật nhằm giải quyết huyết lộ vận chuyển hàng hoá hai chiều ở miền Tây Trung Quốc ra hải ngoại. Thử hỏi, Quốc lộ I, con đường huyết mạch của Việt Nam, cần phải được nâng cấp vì nhu cầu giao thông và phát triển cho Việt Nam, nhất là từ Quảng Trị trở ra Bắc nhưng tại sao không được lưu tâm đến?

Đường số 9 được nới rộng thành một xa lộ để khai thông một huyết mạch mới đông tây từ Thái Lan ra biển Đông nối liền Quảng Trị và thành phố Tchepone va Sawannakhet của Lào. Có được con đường nầy, hàng hoá hai chiều của TQ có thể được chuyển vận bằng đường sông và đường bộ để tiếp cận với các quốc gia khác qua biển Đông. Về nhà máy lọc dầu Dung Quất: Tuy vùng nầy không có hạ tầng cơ sở như giao thông, điện nuớc, và dân cư thưa thớt, và rất xa trung tâm sản xuất dầu thô hàng ngàn dậm.

Địa điểm nầy phải chăng được chọn lựa để đáp ứng mục tiêu chuyển vận dầu khí vào vùng đất phía Tây Nam của Trung Quốc, thay vì phải chuyển vận bằng xe từ Thượng Hải, Hong Kong bằng đường bộ rất tốn kém? Có phải, chính vì các lý do trên mà Việt Nam chấp nhận mọi tốn kém để xây dựng nhà máy Dung Quất dù cho tư bản Pháp và Liên bang Nga đã rút ra khỏi dự án từ ban đầu. Và công trình quốc tế thứ tư là trục vớt đá ngầm cùng nới sâu lòng sông Cửu Long không ngoài mục đích vận chuyển của các tàu vận tải hàng hóa có trọng tải trên 20 ngàn tấn nối liền Vân Nam (Tây Nam Trung Quốc), Thái, Lào, và Việt Nam, và giao thương với thế giới.

Vân Nam là một tỉnh sản xuất hoá chất hàng đầu của Trung Quốc; do đó, nhu cầu vận chuyển nguyên liệu nhập cảng và xuất cảng thành phảm ra ngoại quốc là một nhu cầu chính yếu. Thiết lập xa lộ nối liền Nam Ninh và Hà Nội: Song song với việc trên, một thiết lộ cũng đã được khai thác và nối liền hai thành phố. Việc xây dựng hoàn toàn do nhân viên và chuyển viên Trung Quốc đãm nhiệm, cũng như bề ngang của đường xe lữa dựa theo tiêu chuẩn Trung Quốc; do đó, xe lửa Việt Nam không thể sử dụng được.

Hiện tại, chúng ta chỉ thấy các toa xe lửa hoàn toàn mang bản hiệu chữ Tàu mà thôi. Phải chăng, thiết lộ nầy ngoài nhu cầu phục vụ các dịch vụ giao thương kinh tế giữa hai nước hay còn một ẩn dụ nào khác? Đó là con đường tháo chạy an toàn cho lãnh đạo Việt Nam hiện tại, mỗi khi có biến động lờn ở Việt Nam?

Việc miễn hộ chiếu cho người Trung hoa vào tận Mũi Cà Mau:Mãi cho đấn tháng 11, 2008, người Trung hoa được tự do đi lại, không cần hộ chiểu chỉ ở các tỉnh miền Bắc. Sau ngày trên, người Trung hoa có thể đi lại vào tận cao nguyên thậm chí đến tận Cà Mau không cần xin hộ chiếu. Quyết định nầy là một lợi khí lớn cho Trung Quốc để chuyển vận hàng hoá và thực phẩm chính thức hay không chính thức xâm nhập vào tận miền Nam bằng đường bộ. Hiện tại, tại Sài Gòn, hoá chất bảo vệ thực vật không nhản hiệu được bày bán tự do, đủ loại thực phẩm, cây trái được bày bán ở thị trường miền Nam.

Thử hỏi, thời gian thu hoạch trong nội địa Trung Quốc, chuyển vận bằng xe từ biên giới Bắc Việt (không có máy điều hoà không khí) xuôi Nam, làm sao các thực phẩm cây trái trên vẫn còn tươi rói, thậm chí cả cuống và lá vẫn xanh tươi như vừa mới hái? Một trong những nguồn lợi chính của Đà Lạt là rau cũ, nhưng thị trường đã bị ối động vì không địch lại với hàng Trung Quốc vì giá rẻ hơn, trong khi phí tổn chuyên chở rất cao.

Sau cùng, dự án khai thác quặng bauxitedo chính thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng ra lịnh tiến hành ngay, mặc dù có biết bao góp ý từ những nhà chuyên môn trong nước và hải ngoại, thậm chí có những góp ý hoàn toàn trái ngược của Tướng cộng sản Võ Nguyên Giáp, cùng kinh nghiệm của các quốc gia đã khai thác như Nga Sô, Nam Mỹ, Phi Châu, Trung Quôc và Úc Châu.
\
Tất cả đểu khuyến cáo là không hiệu quả kinh tế và mức độ ô nhiễm môi trường rất cao. Chính Trung Quôc phải đóng cửa một nhà máy mới vừa khánh thành tiêu tốn trên 1 tỷ Nhân dân tệ vì không giải quyết được áp lực của ngưòi dân và sức ép của luật môi trường. Chính vì vậy mà Việt Nam “phải vâng lịnh” tiến hành ngay việc xây dựng hai nhà máy khai thác ở Đắk Nông dưới sự quản lý của nhân công, kỹ sư và thiết bị hoàn toàn do phía Trung Quốc cung cấp. Hiện tại (tháng 2, 2009), theo tướng Giáp, đã có trên 100 nhân viên TQ hiện diện ở hai công trường nầy

Theo dự tính sẽ có trên 2000 công nhân và kỹ sự TQ cho công trình trên. Họ đã xây dựng lều trại, chuyển chở thiết bị và dụng cụ để khai thác quặng mỏ (hay thiết bị quân sự để thăm dò vùng tài nguyên dồi dào của cao nguyên Trung phần nầy?). Ngoài ra, hiện tại còn có theo ước tính trên 100 ngàn di dân Trung Quốc đang hiện diện nơi đây. Cùng với dự án khai thác bauxite còn hai dự án phụ góp phần vào là dự án xây dựng tuyến đường sắt nối liền Tây Nguyên và Bình Thuận và dự án xây dựng bến cảng Bình Thuận để chuyển tải alumin (giai đoạn đầu trước khi tinh luyện ra nhôm kim loại) bằng đường hoả xa và đường biển.

Do đó, dự án khai thác bauxite đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ và nguồn nước thật dồi dào, chưa kể đến nguy cơ môi trường trước mắt là không khí bị ô nhiễm, môi trường nước cũng bị ô nhiễm do bùn “đỏ” trôi theo đường nước đi vào sông Đồng Nai, nguồn nước chính dự trù cho việc khai thác nầy. Nguy hiểm nhất là bùn đỏ sẽ chiếm lĩnh một diện tích vô cùng to lớn và hệ sinh thái chung quanh hoàn toàn bị hủy diệt, cùng vùng đất khai thác và vùng đất chứa bùn đỏ bị hoang hoá hoàn toàn. Theo ước tính, muốn sản xuất 1,2 triệu tấn alumin hàng năm, phải cần đền một lượng điện gấp đôi lượng điện Việt Nam đang có hiện nay.

Vì vậy, để kết luận, tính cách khả thi của dự án không cao, nếu không nói là bất khả thi. Như vậy, quyết định trên có phải là một quyết định đánh trống bỏ dùi hay không? Hay là còn có một “ý đồ” nào khác hơn là việc khai thác nhôm? Sự hiện diện của công nhân, chuyên viên, kỹ sư Trung Quốc ở vùng Cao nguyên, xương sống của Việt Nam, nguồn nguyên liệu dồi dào còn lại của Đất Nước, có thể là một nhân tố chính trị-quân sự- kinh tế để Trung Quốc có thêm điều kiện để khống chế Việt Nam? Nhu cầu nhôm của Việt Nam hàng năm vào khoảng 100 đến 150 ngàn tấn dễ dàng được nhập cảng từ Úc châu. Thử hỏi với lượng sản xuất hàng triệu tấn dùng để xuất cảng sang Trung Quốc mà thôi, do đó, càng thêm bị lệ thuộc vào quốc gia nầy, và dễ dàng bị khuynh đão cũng như áp lực của TQ.

Nếu tổng hợp bảy mắc xích trên lại với nhau, chúng ta có thể hình dung được một sự phối hợp chiến lược nhuần nhuyễn về quân sự-kinh tế-chính trị. Nhưng sự phối hợp đó có thể chỉ để phục vụ cho nhu cầu của đàn anh nước lớn để: Chuyển vận hàng hóa xuất cảng từ lục địa Tây Nam Trung Quốc sang Thái, Lào, Việt Nam và quốc tế. Sản phẩm nhập cảng chiến lược của Trung Quốc là dầu khí, và Dung Quất sẽ là nguồn cung cấp quan trọng cho vùng nầy. Và biết bao lợi ích khác nữa cho Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự và chính trị. Nếu dự kiến cảnh tượng trên đây là một sự thật thì đây sẽ không thể hiện tinh thần hội nhập và phát triển bền vững theo tinh thần của Liên Hiệp Quốc đề ra mà chỉ tô đậm thêm lý tính thần phục, nếu không nói là nô lệ của cường quyền để phục vụ cho nhu cầu kinh tế, chính trị, và quân sự của Trung Quốc hơn là tạo thêm phúc lợi cho người dân Việt.

Xuyên qua bảy cản ngại đã phân tích ở phần trên để lý giải cho việc phát triển không đồng bộ đưa đến tình trạng bế tắc hiện tại của Việt Nam trong vấn đề hội nhập vào tiến trình tòan cầu hóa trên thế giới, Việt Nam đang tiếp tục đi theo chiều hướng kinh tế chỉ huy, do đó không còn đủ sức quán tính mạnh để vượt ra khỏi rào cản thần phục và xin-cho, để rồi cuối cùng giải pháp thần phục vẫn là giải pháp dễ nhất và an toàn nhất cho công cuộc bảo vệ quyền lực.

Từ những lý do đó, làm sao lãnh đạo Việt Nam có thể đem lại niềm tin cho người dân được. Biết đến bao giờ thái độ thần phục của Việt Nam được chấm dứt để cho người dân Việt có khả năng đứng vững trên hai chân của mình. Lịch sử Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ không quên ghi lại những trang sử đen tối của dân tộc trong giai đoạn nầy.

Thay lời kết Qua những nhận định và phân tích vừa kể trên, quả thật chúng ta đã thấy thật rõ âm mưu thôn tính Việt Nam của Trung Quốc và lý tính thuần phục của Việt Nam hiện tại. Đất Nước là Đất Nước của chung, của cả dân tộc. Từ người lãnh đạo quản lý Đất Nước cho đến người dân cùng đinh trong xã hội cần phải được dự phần và chia xẻ trách nhiệm đối với Đất Nước. Ở các quốc gia tiến bộ và phát triển, người có quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Một tai nạn xe lữa hay máy bay có thể khiến cho ông/bà Bộ trưởng Giao thông phải nhận lãnh trách nhiệm và từ chức. Huống chi trong việc quản lý một Đất Nước.

Việt Nam từ bao năm nay, có biết bao chính sách, kế hoạch… bị phá sản mà nhân sự đề ra chính sách vẫn ung dung tự tại trên cương vị cũ, có khi càng cao hơn để có điều kiện đề ra những chính sách phá sản khác! Đó là một trong nhiều nghịch lý làm trì trệ sự tiến hóa và phát triển của Dân tộc. Tóm lại, cho đến ngày hôm nay, có thể nói qua những phân tích trên đây, mọi hành xử của cộng sản Việt Nam đều do cộng sản TQ điều khiển từ xa; Việt Nam hoàn toàn không còn khà năng quyết định vận mệnh của đất nước nếu không có sự “góp ý” của Trung Quốc. Qua việc đàn áp người dân trong nước trong khi biểu tình chống TQ lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như qua việc Việt Nam để công an TQ đàn áp người dân trong khi biểu tình chống việc rước đuốc thế vận vừa qua đủ để nói lên tính nô lệ TQ của nhà cầm quyền cộng sản Viêt Nam hiện tại.

Hiện tại, nội bộ đảng cộng sản Việt Nam đang có nhiều rạn nứt trầm trọng, và rạn nứt nầy có thể làm cho đảng cộng sản tan rã trong tương lai. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chờ đợi trong thụ động mà cả người Việt trong nước hay tại hải ngoại cần phải thúc đẩy càng mạnh thêm để tiến trình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam diễn ra càng nhanh hơn nữa. “Quan hệ” hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam gần đây được ca ngợi bằng 16 chữ vàng: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” đã được người dân Hà Nội đổi lại một cách mỉa mai là :”Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai”.

Sách Lịch sử Việt Nam của Cụ Trần Trọng Kim có ghi là Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử trải qua bốn lần bị Bắc thuộc. Ngày hôm nay, có thể được ghi thêm là Bắc thuộc lần thứ năm kể từ ngày 3 tháng 2 năm 1930 và kết thúc vào ngày… Ngày đó sẽ do tất cả người Việt trong và ngoài nước quyết định.
TS Mai Thanh Tuyết

No comments:

Post a Comment