Các nông cụ Việt Nam vang bóng một thời
Tiểu Đệ
Trong dân gian ai cũng biết : «Đời sống con người hay vật dụng hằng ngày cũng chỉ có một thời kỳ mà thôi». Bởi vì, sự vô thường phải đến để thay đổi không ai thoát khỏi, từ con người cho đến vật dụng. Nếu chúng ta nhìn ngược thời gian khoảng non một lục hoa giáp (60 năm), thì chúng ta sẽ thấy sự thay đổi đời sống con người đáng lưu ý, bằng chứng những nông cụ Việt Nam chúng ta đã không còn sử dụng nữa, ví như : Cối xay lúa, cối xay bột, cối giả gạo... cho đến cái phảng, cái cù nèo, cái nọc để cấy lúa v.v.
Trước đây, trong quyển sách 4000 TỪ NGỮ THỰC HÀNH tôi để bút hiệu Hàn Lâm NGUYỄN PHÚ THỨ (nay bước sang năm 2011 tôi chỉ dùng Tiểu Đệ NGUYỄN PHÚ THỨ), có nêu đến các Nông Cụ Việt Nam, ngõ hầu góp phần giữ gìn và phổ biến cho thế hệ sau biết (xin xem Sinh Hoạt Đời Sống Việt Nam trong quyển sách 4000 TỪ NGỮ THỰC HÀNH từ trang 567 đén trrang 599). Nay, xin góp phần mọn về Vang bóng một thời qua các nông cụ Việt Nam.
Như chúng ta biết, đất nước VN phần đông sống về nông nghiệp, cho nên mới thấy trong dân gian có câu :
Tháng chạp là tháng trồng khoai, Tháng giêng trồng đậu, Tháng hai trồng cà, Tháng ba cày vỡ ruộng ra, Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng...
Lưỡi cày và trâu cày ruộng
Vì thế, công việc làm ruộng bắt dầu tháng 3 âm lịch (Tháng ba cày vỡ ruộng ra), ngày trước dùng lưỡi cày với đôi trâu cày đất làm ruộng. Sau đó, mới lựa lúa tốt làm giống để chuẩn bị rải lúa xuống miếng đất gieo mạ (Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng) và bừa trục miếng đất. Trâu bừa trục dất
Mãi đến khoảng 14 tháng 7 âm lịch hằng năm, nước dâng bò lên tới các ruộng đất gò, thì bắt đầu nhổ mạ, bởi vì, con nước rong chỉ thuận tiện để cấy được mấy ngày, nếu nhổ mạ trễ thì cây mạ kể như bị nằm phơi nắng, hoặc là có nơi mùa cấy bắt đầu rất muộn, khoảng đầu tháng 8 âm lịch. Đó là, lúc mưa dầm nước lụt, ngập đến lưng quần, nông dân phải cấy các loại giống lúa mùa có thân cao như : nàng thơm, nàng tét, trắng lùn...
Nhổ mạ để cấy lúc đầu thì cấy nọc, sau đất thuộc dùng trâu cày thì cấy tay.
Cây nọc
Khoảng bốn giờ hay hơn một chút, người thợ cấy đến miếng ruộng để bắt công cấy và khoảng năm giờ sáng bắt đầu cấy, họ cấy thật nhanh thoan thoát với cái âm thanh tay người rút khỏi mặt nước nghe chong chóc vang đều, có nơi họ phải trầm mình dưới nước hoặc bị những đám mưa, mặc cho muỗi mòng đĩa vắt. Quang cảnh các thợ cấy Trên lưng họ là tấm lá chằm và chiếc nón lá để che mưa, nắng. Bữa cơm trưa của họ thường ăn trên bờ giồng gồm : Cơm, một chén Mắm chưng hoặc là Cá kho và một tô Bí rợ hầm dừa...
Khi nói đến cấy lúa, thường dành đàn bà, phải dùng cây nọc để cấy lúa. Cây nọc thường dùng cây Căm xe, Cà chất để đẽo làm cây nọc, nếu làm bằng cây tạp như cây : Sao, Dầu, Mù U... thì cấy chỉ được một mùa mà thôi. Còn đàn ông thì lo chuyển gánh mạ, đôi khi bằng trâu để cung cấp cho đàn bà cấy.
Ngoài ra, họ phải lo cày bừa, trục và phát cỏ để dọn đất, cào cỏ thành bờ giồng cho sạch để trước khi quý đàn bà cấy lúa. Khi nhắc đến cây Phảng phát cỏ, thì nó phải đi kèm với cây Cù nèo móc cỏ. Hồi xưa, dân làng phát cỏ dọn đất vào mùa mưa, vì cỏ mọc xanh dờn cả cánh đồng. Đây là, công việc nặng nhọc, người nông dân trai tráng chỉ có thể phát cỏ một công đất mỗi ngày, là mệt đừ, cho nên phải ăn cơm trước dằn bụng mới phát nổi, từ sáng sớm khoảng 4 giờ 30 hay 5 giờ đã ra đồng để phát cỏ, nghe tiếng phảng đập xuống phình phịch, làm dậy lên cả cánh đồng.
Cây Phảng với Cù nèo và người phát cỏ
Như chúng ta đã biết việc làm ruộng bắt đầu : Tháng ba cày vỡ ruộng ra, Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng Cho đến gần Tết tức tháng Chạp mới đem lúa được về nhà và chuẩn bị ăn Tết nguyên Đán chào mừng năm mới. Vì thế, nhà nông có nơi làm tới 2 hoặc 3 vụ mùa, tùy theo lúa giống và khu đất ruộng đã được phân chia khoanh vùng manh mún để thực hiện. vì thế, trên đồng ruộng lúc nào cũng có lúa chín, mới ngậm đồng đồng, mới cấy, mới gieo mạ hay cấy giâm...
Nhưng đa phần, mùa nước nổi từ tháng bảy đến tháng tám là mùa đông ken để cấy lúa và bắt đầu tháng 11 cho đến tháng Chạp là mùa gặt lúa chín vàng ngoài đồng. Dưới đây, là quang cảnh cắt lúa, đập lúa của nhà nông : Sau đó, mới phơi lúa, quạt lúa, giê lúa... mới đem lúa vào nhà, hoặc lúa bán đong bằng cái gịa 40 lít như dưới đây : Khi có lúa vào bồ nhà rồi, quý bà con nhà nông còn phải qua giai đoạn xay lúa, rồi giả gạo mới có hạt gạo trắng để nấu cơm dùng hằng ngày, giai đoạn này thời xa xưa cũng không kém phần cơ cực mới có miếng ăn. Nhân đây, xin kể Cối xay lúa, Cối giả gạo, Cối xay bột.... ngày xưa Vang bóng một thời nay không còn hữu dung nữa như sau :
1.- Cối xay lúa :
Ngày trước không có nhà máy xay lúa như ngày nay, cho nên phải dùng Cối xay lúa, trong thời gian trước kia, khoảng nửa thế kỷ, ngày nay cối này không còn thấy để sữ dụng nữa, chỉ thấy ở trong viện bảo tàng, để các em cháu thuộc thế hệ trẻ sau biết được Cối xay lúa, xin trích hình ảnh tôi đã chụp được như sau : Khi nhìn chúng ta thấy Cối xay lúa có hai thớt trên và dưới chồng lên nhau, cho nên Ông bà mình nói Cối xay lúa này có âm dương kết hợp giống như Cối xay bột vậy, ngoài ra còn có cần trục để xay lúa.
Cái thớt trên để đổ lúa vào như chúng ta thấy hình ảnh dưới đây : Việc làm Cối xay lúa rất cơ cực, tôi đã nghe các bô lão xa xưa kể lại, xin trích dẫn như sau : Khi nhìn cái cối, chúng ta thấy cái vỏ của nó làm bằng tre hoặc trúc, cho nên trước hết phải đương như cái hình dạng giống như cái cần xé, rồi chọn đất sét thật tốt và dẽo, có khi dùng chân đạp vào cho dẽ, kế đến chọn cây như : Căm xe, Cà chất để chẻ làm răng đặt lên trên, nếu làm bằng cây tạp như cây : Đước, Sao, Dầu, Mù U... thì chỉ xài không được lâu, tuy giá rẽ hơn. Việc làm cối phải biết chẻ răng cho đúng kỹ thuật, nếu không xay lúa không ra gạo lức tốt mà còn làm nát gạo...
Việc làm cối thớt trên và thớt dưới làm giống như nhau, chỉ khác thớt trên phải khoét lỗ để khi xay lúa mà cho lúa vào và làm thêm 2 tay để gắn cần trục xay lúa. Sau đó, làm cái chân cối và cái cần cần trục để xay lúa bằng tay. Về việc làm cối, mỗi miền đất nước khác nhau, có nơi rất cầu kỳ, dùng Tre để đan vỏ cối phải đốn vào tháng chạp, bởi vì, mùa khô, Tre khô ráo nước, vừa dễ đan và có độ bền. Còn răng cối được làm bằng rễ cây dẻ và được trét một lớp đất ổ mối lên các kẽ răng, bởi vì, các Cụ ngày xưa cho rằng đất ổ mối chịu được khí hậu nóng lạnh không nứt nẻ rất tốt. Cối xay lúa chỉ để xay ra gạo lức, còn muốn có gạo trắng để ăn thì phải dùng chiếc cối giã gạo. Muốn có gạo lức sạch sau khi xay lúa xong, lại phải đem ra gió để giê lúa cho sạch vỏ lúa trước khi đem giã gạo trắng.
2.- Cối giã gạo gồm có cái cối và cái chày, thông thường thời xưa cái Cối làm bằng cây quý như Căm xe, Cà chất, Cẩm lai.... để cho nó cứng, chắc bền, quết (giã) lâu ngày không ra dăm, có hình trụ, sau thập niên 60 – 70 Cối không làm bằng cây nữa, mả được thay thế Cối bằng đá, bởi cây quý càng ngày khó tìm chăng ? còn cái chày thường làm 2 cái bằng cây tạp như : Sao, Dầu, Mù U...dài khoảng từ 1 thước 2 đến 1thước rưỡi (1,5m), để hai người cùng giã cho mau trắng gạo, vào dịp năm hết Tết đến, thường dùng cái cối này để quết Bánh Phòng (xin Cối chày giã gạo xem bài Phong Tục Tết trích quyển Tìm Hiểu Đời Sống An Lạc từ trang 590 đến trang 616 của Tiểu Đệ Nguyễn Phú Thứ).
2.- Cối giã gạo gồm có cái cối và cái chày, thông thường thời xưa cái Cối làm bằng cây quý như Căm xe, Cà chất, Cẩm lai.... để cho nó cứng, chắc bền, quết (giã) lâu ngày không ra dăm, có hình trụ, sau thập niên 60 – 70 Cối không làm bằng cây nữa, mả được thay thế Cối bằng đá, bởi cây quý càng ngày khó tìm chăng ? còn cái chày thường làm 2 cái bằng cây tạp như : Sao, Dầu, Mù U...dài khoảng từ 1 thước 2 đến 1thước rưỡi (1,5m), để hai người cùng giã cho mau trắng gạo, vào dịp năm hết Tết đến, thường dùng cái cối này để quết Bánh Phòng (xin Cối chày giã gạo xem bài Phong Tục Tết trích quyển Tìm Hiểu Đời Sống An Lạc từ trang 590 đến trang 616 của Tiểu Đệ Nguyễn Phú Thứ).
Sau khi giã gạo xong, còn phải dùng cái sàng để sàng lọc Cám và gạo tấm ra. Cám để cho heo ăn, còn gạo tấm để nấu cơm tấm sau này. Gạo tấm Bà đang sàng gạo
Các cái Sàng
3.- Cối xay bột :
Sau khi dùng Cối giã gạo để có gạo trắng nấu cơm ăn mỗi ngày, giống như người Pháp ăn bánh mì vậy. Nhưng muốn có bột dể làm bánh, thì phải dùng gạo ngâm nước trước một đêm trước khi xay ra bột. Cối xay bột, làm bằng khối đá, rồi đẽo thành hai thớt trên và dưới như hình kế bên đây. Ngày xưa, nhứt là trong dịp cận Tết, thông thường, quý bà con đồng hương dùng Cối xay bột để xay ra bột, rồi làm các loại bánh, đặc biệt còn mang bột đến lò để tráng các bánh tráng như : bánh tráng mỏng để làm bánh cuốn, chả giò, bánh tráng mỏng ngọt để ăn sống, bánh tráng dày để nướng. Ngoài ra, quý bà trong khi tráng bánh, còn mang theo nhưn đậu xanh, dừa nạo mới rán vỏ... rồi lấy bánh tráng ngọt mõng làm da bánh ướt ăn rất ngon. Đó là, thời kỳ xa xưa, Cối xay bột ngày nay không còn dùng nữa, vì bột đã được bày bán khắp nơi rất tiện dụng. Cối xay bột
4.- Dụng cụ bắt Cá, lươn :
Trở lại mùa nước nổi từ tháng bảy đến tháng tám là mùa đông ken để cấy lúa, các loại cá cũng thi nhau lên đồng tìm chổ đẻ và đến mùa lúa chín vàng đồng , nước bắt đầu rút cạn, thì cá cũng bắt đầu trở ra sông rach, cho nên nhà nông bắt cá quanh năm và thường dùng dụng cụ để bắt cá, xin trích dẫn trang 586 quyển 4000 Từ Ngữ Thực Hành 2 viết 4 ngôn ngữ : Anh Pháp Việt và Hoa (Đức) Ngữ của Nguyễn Phú Thứ có nêu lên các dụng cụ nhà nông đã vang danh một thời dưới đây :
Cái bung Cái đụt Cái giỏ Cái rộng cá Cái đăng Cái nôm Nôm bắt cá Cái lờ Cái đó Cái trúm đặt bắt lươn (Nếu cần tìm hiểu thêm phương cách Soi cá, Câu cá, Nhấp cá, Cấm câu, Giăng câu, Bủa lưới cá, Đặt lờ bắt cá Sặt, Đặt trúm bắt lươn, bắt chuột.... xin mời tìm đọc các bài viết của nhà văn Lê Cần Thơ, chủ bút tạp chi Văn Hóa Việt Nam, phát hành Houston, Texas, Hoa Kỳ, đặc biệt bài viết của Anh Kể Chuyện Bắt Cá Miệt Vườn Trên Sông Nước Quê Tôi, đã đăng trên đặc san Phù Sa Cửu Long Xuân Kỷ Sửu 2009 từ trang 93 đến trang 102, rất giá trị, trân trọng giới thiệu đến thế hệ trẻ nghiên cứu sưu tầm làm tài liệu khi cần).
Nếu chúng ta nhìn ngược thời gian trên dưới 50 năm, đời sống của chúng ta ở nông thôn VN, mặc dù với nông cụ thô sơ miệt vườn, không được văn minh máy móc tối tân như bây giờ, nhưng có đời sống thoải mái, bởi ngoài đồng có ruộng lúa, có cá tôm, chim, chuột rất nhiều, sau vườn có cây trái và có sông nước trong lành, không bị nhiểm trùng như hiện nay, làm cho sức khỏe con người bị bịnh đe dọa, bởi hóa chất và kỷ nghệ máy móc tạo nên.
Hơn nữa, ngày nay dân số đã tăng trên 85 triệu người, trong khi các loại cá tôm sanh nở không đáp ứng lại nhu cầu đòi hỏi, cho nên không còn cảnh rải Cám ran thơm trên đất sình khi nước cạn rồi chờ các lũ Cá Mè Dinh theo nước lớn lên ăn mồi, để Chài vài mẻ bắt Cá Mè Dinh, như thời thân phụ tôi đã chài xa xưa, bởi vì, bị nguồn nước không được trong sạch do các chất thải độc hại ô nhiểm của các nhà máy, ngoài ra, do sự đánh bắt quá nhiều mà không biết bảo dưỡng các loại cá tôm cá, ví như rà điện.... làm tiêu hao những trứng và cá con, đôi khi không còn thấy xuất hiện những con cá quen thuộc như cá : Trê vàng, Lăng, Phèn, Rô đồng (chỉ thấy Cá Rô Phi).... Để tạm kết thúc bài này, xin góp phần mọn cho những ai muốn tìm hiểu các Nông Cụ Vang Bóng Một Thời, đồng thời rất mong những vị đã từng sanh sống ở nông thôn hiểu biết, xin cho biết thêm để bổ túc bài này đầy đủ hơn. Trân trọng Cảm Ơn trước.
Tiểu Đệ
KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN P.L. 2555 -- 2011
No comments:
Post a Comment