Pages

Thursday, August 25, 2011

TRUYỆN NGẮN





CHÉN CƠM ÔNG ĐỊA

Tôi lớn lên trong một con hẻm nghèo nơi tỉnh lẻ. Sau nhà là ao, trước nhà là mấy bụi xương rồng, bên hông là hàng dừa làm ranh với nhà hàng xóm. Trong xóm tôi hầu như nhà ai cũng thế… Vách lá, mái tôn, đầu hè là dãy lu chứa nước. Vịt gà thả nuôi trong sân, trưa trưa chiều chiều văng vẳng tiếng ca vọng cổ. Có nhiều tuồng, đã hơn hai chục năm mà tôi vẫn còn thuộc nằm lòng từng câu hát.

Hẻm nhỏ đầy sình lầy nước đọng vào mùa mưa. Đàn ông quê tôi khi đó mang dép Lào, đàn bà thì đội nón lá, xách giỏ đệm bàng đi bộ ra chợ. Con nít thường cởi trần, chuốt nhọn cây bình bát làm gươm, đánh nhau khản cổ. Con nhà nghèo không chơi những trò tốn tiền, ngoài giờ đi học đứa nào cũng có việc chi đó để đỡ đần cha mẹ. Đứa đi sàng gạo, đứa làm mành trúc, đứa bán khoai lang, đứa ngồi nướng bắp,… Làm vậy nhưng vẫn không ai đủ ăn, chuyện đi học về nhịn đói đi làm, đi bán là bình thường. Nhiều bữa đói quá, hái bình bát chín hườm ven bờ ao, đem vô ngào đường, ăn cho đỡ đói.


Và mùa hè của tôi là theo mẹ đi lột vỏ tôm đông lạnh. Tôi nhớ rõ công lột 1kg là 500 đồng. Cả ngày ngồi cúi mặt dầm tay trong nước đá lột từng con tôm, hai mẹ con lột được cao nhất là 8 – 10kg. Cơm bình dân bán trước xí nghiệp giá từ 1,000 – 1,300 đồng/dĩa. Thế nên hai mẹ con không dám ăn cơm. Tờ mờ khoảng 3h sáng ngày nào mẹ tôi cũng dậy sớm, nấu cơm, bỏ sẵn vào cà-mên. 4h30 sáng, mẹ con lục tục dắt díu nhau ra xe buýt. Đi đến tối mịt trở về, tay cầm được vài ngàn đồng. Tôi nhớ, mỗi chiều mưa lâm thâm, đèn đường vàng vọt, tôi chạy chân trần trên đá đỏ loang ướt, ra chợ chồm hổm gần nhà, mua hai lọn rau muống héo, 1kg gạo. Về nhà mẹ nấu canh rau muống, rim mặn ít tôm lén lút giấu bớt trong cà-mên cơm đã ăn hết hồi trưa, cơm gạo gãy rẻ tiền nóng hôi hổi. Đó là những buổi tối muộn hạnh phúc của cả nhà.

Nhưng cũng có khi xí nghiệp không có tôm, sáng sớm đến nơi ngồi chờ chán rồi về. Lòng thấp thỏm hôm đó thế nào cũng đói! Có lẽ từ những trận đói tuổi thơ mà lớn lên tôi luôn thích sơn hào hải vị. Có tiền trong tay là cứ nghĩ đến chuyện đi ăn, đi chơi. Như một nỗi ám ảnh tiềm thức không dễ gì vượt thoát.


Những ngày đó, mấy dì làm chung không có gì làm thì ngồi tụ tập đánh bài, chửi nhau chí chóe. Mẹ tôi hiền, không thích mấy trò đó, buồn bã đón xe buýt dắt tôi về. Hai mẹ con thui thủi ra vô trong cái chòi rách nát. Mẹ biết tôi đói mà tôi sợ mẹ buồn không dám nói. Mẹ nằm trên võng. Tôi ngồi móc bùn chơi nặn tượng một mình ngoài sân. Lát sau, tôi nghe mẹ vạch liếp sau đi đâu đó… Trở về, mẹ đưa tôi 1,000 đồng, kêu đi mua tương hột. Tôi hỏi lại mẹ, nhà đâu còn gạo, mua tương hột làm gì? Mẹ nói, con cứ đi, mẹ sẽ nấu cơm chờ sẵn.

Tôi im lặng cầm tô đi mua tương, lòng cứ thắc mắc mẹ lấy đâu tiền mà mua gạo?… Về nhà, tôi bưng tô nhảy mương nước sau nhà đi thẳng vào bếp. Thấy nồi cơm vừa chín thơm trên bếp củi còn đỏ rực. Dĩa rau tập tàng luộc mướt rượt còn bốc khói. Mừng muốn khóc!

Hai mẹ con ngồi ăn cơm với rau luộc chấm tương. Ngoài hè mưa vỗ vào vách lá nghe lộp rộp. Gió lùa qua kẽ, mát lạnh từng cơn. Tôi cứ tấm tắc khen ngon. Mẹ nhìn tôi cười buồn không nói gì. Tôi hỏi gạo đâu mà mẹ nấu cơm, mẹ cười ra vẻ giỡn, chọc tôi ăn đi, bí mật, đừng có hỏi!

Trong đời, tôi chưa từng có bữa cơm nào ngon như ngày hôm đó.

Đận sau, tình cờ nằm chơi trên võng, tôi thoáng để ý nhìn xuống bàn thờ ông Địa kê trên hai cục gạch. Thấy hũ muối bên trái thì còn, bên phải là hũ gạo thì trống trơn. Lúc đó, dù trí óc còn non nớt lắm! Nhưng sao tôi bỗng hiểu ngay. Tôi không thắc mắc vì sao hũ gạo trên bàn thờ trống rỗng.

Thành thị bây giờ, tôi thấy người ta không chưng hũ muối với hũ gạo trên trang thờ ông Địa nữa, chỉ có đèn đuốc xanh đỏ lộng lẫy với trái cây nhựa và hoa giả. Chẳng hiểu tại sao? Có lẽ thời buổi hiện đại thì tập tục thờ cúng khác đi? Hay là tại con nít bây giờ no đủ? Không biết chừng! Tôi không chắc về điều đó.

Hanwonders (lảm nhảm)

Theo http://hanwonders.multiply.com/journal/item/475/475

No comments:

Post a Comment