Pages

Saturday, August 6, 2011

TRUYỆN NGUYỄN VĂN SÂM


Con Chim Hán Học Cuối Mùa
Ở Ngôi Trường Thành Phố

Thích thú khi kỹ niệm tưởng chừng đã bị phủ kín dưới tầng tầng lớp lớp thời gian bỗng được phép màu khơi dậy cuồn cuộn tuôn về không thể kềm chế, lúc tôi nhìn thấy lại hai câu đối ngày nào trước cổng trường.

Cám ơn bạn bè đã giữ được trong trí tinh chất tư tưởng của vị thầy tôi kính mến. Cám ơn anh em cùng chung mái trường thuộc những thế hệ khác nhau, giờ lạc lõng quê người, cùng nhau hội lại, đã giúp tôi có dịp đào xới những gì đã vùi chôn trong ký ức.

Tôi đọc câu đối bằng trí nhớ “Khổng Mạnh cương thường tua khắc cốt, Âu Tây khoa học yếu minh tâm” khi những cảm tường về nơi mình tòng học đang được tiếp nối phát biểu thật cảm động trên sân khấu! Anh ngồi gần ngời sáng ánh mắt, rung động vì thời trai trẻ hiện về. Em nào đó lẩm nhẩm cố ghi nội dung ẩn tàng trong các chữ thật bình thường trước mặt.

NVS & SN 06-2006

Hình ảnh vị giáo sư vỡ lòng tôi chữ Hán hơn ba thập niên trước hiện rõ ràng trong trí. Vị thầy một niên khóa xa xưa người học trò một đời chịu ảnh hưởng. Vị thầy khuất núi từ lâu người trò như còn mơ hồ nghe đâu đây lời giáo huấn.

Thầy tôi, giáo sư Ưng Thiều, vị giáo sư già, người thầy trễ tràng rớt rơi lại của giai đoạn Hán học cuối mùa, một thời nặng nợ trường ốc, khổ tâm với “điêu trùng”, “trường quy” năm đó lạc lõng giữa đám học trò nhìn chuyện xưa như những điều kỳ dị, ngô nghê, cố hủ.

Ánh mắt thầy không vừa ý khi có đứa đùa kêu thầy bằng ông nội, cử-chỉ ngừng giảng của thầy biểu lộ sự thất vọng khi thấy cả lớp có độ hơn mười đứa thì hầu như đủ chục “cúi đầu bái thiên địa” khi thầy giảng điều hay ho trong Ngọc tỉnh liên phú, trong Chí linh sơn phú hay ngâm nga xã-tắc lưỡng hồi lao thạch mã…

Có thể trong những đứa ngủ gục nhiều nhứt có tôi, có thể trong những đứa phá thầy nổi tiếng có tôi, không nhớ rõ; chỉ biêt giờ nầy nhiều khi buồn tình đọc lại cỗ văn bí lối, tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ… Nhưng làm sao kéo được thời gian trở về? Vị thầy cũ, con yến muộn màng của Mùa Xuân Hán học đã không còn nữa. Mùa Xuân đó cũng đã trôi qua theo dòng liên tục của thời gian miên viễn, lấp chìm trong sự tiến hóa tất nhiên của đời, của đất nước. Và chính học trò mình cũng đã quên trong bao nhiêu năm tháng chạy theo ảo ảnh phù du mà gọi bằng thực tế ao cơm.

Cách học trò năm mươi tuổi, thầy tôi da mặt nhăn nheo theo sự tàn phá của thời gian, luôn luôn súng sính torng bộ quần áo rộng thùng thình, đôi giầy da màu nâu to lớn, đôn đốc từng đứa sổ phải ngay, ngang phải thẳng, đá phải sắc.

Thầy nhắc chừng đứa nầy viết trái cựa, đứa kia viết thiếu nét, nhận xét tập nào viết như gà bới, cua bò, tập nào dơ như nhai mà nhả. Thầy luôn luôn bận rộn, khuyên nhủ, canh chừng, khuyến khích, trái hẵn với những bức tranh thầy đồ dạy học với ông thầy già ngồi hút thuốc lào, cây roi mây cật to tướng cạnh bên, anh lớn dạy trò nhỏ, mạnh ai nấy ê a, học cách nào cũng được sự đóng góp của thầy có tính cách xúc tác hơn tác dụng. Nhiều lúc thầy tôi đứng cạnh một anh học trò giỏi giảng thêm về khí ,về lực, về thần trong cách viết chữ Nho, chúng tôi cố vãnh tai nghe lén nhưng, độ hiểu, mức thầm, lòng thích thật vô cùng ít ỏi…

Chúng tôi ai nấy ham vui, chểnh mảng, cố tìm lý chứng biện minh cho sự lười biếng của mình, rồi ngày tháng trôi qua, 214 bộ của chữ Hán như 214 vũ khí quay quần tấn kích chúng tôi, không một anh nào thuộc hết, không một anh nào nhớ rõ bộ nào trước bộ nào sau, không anh nào có thể xác định được một cách chắn chắn chữ nào thuộc về bộ nào nếu trước đó chưa từng gặp. Người xưa học một biết mười, thơ phú, văn từ mây trôi nước chảy, chúng tôi học trăm điều chưa chắc nhớ một, lè què mấy chữ, xọ nọ qua kia, tác thành tộ, ngộ thành quá, mã thành yên, lộn tùng phèo, rối nhùi mớ bòng bong.


Thầy tôi, thầy Ưng Thiều, không có trách nhiệm gì hết trong sự dốt nát đó của học trò. Lỗi chúng tôi, chút nắng quái chiều hôm Hán học không soi đủ hang tối dốt nát, u mê trễ lười. Lời giảng thiết tha như nhỏ máu từ con tim, có thể tác dụng như “mổ óc nhét vào” của thầy, hiệu quả với ai chứ không đủ sức rửa được sự u trệ của những đầu óc non nớt ham vui. Có thể chúng tôi lúc đó còn thơ dại, những con chim chưa đủ lông cánh, chưa đứng vững trên đôi chân mình, trí tuệ nào để hiểu hết lời thầy nói.


Có thể hình thù chữ Hán hiện ra ngay từ phút đầu đã là con ngáo ộp biến hóa khiến ai cũng ngán ngẫm bút lông và sợ hãi trước những nét đá, phết, ngang sổ xa lạ. Trường hợp tôi là một điển hình. Đậu vào lớp Đệ Thất từ một lớp Nhứt của trường danh tiếng ở Sàigòn, ngôi trường mang tên người đồng thời với Sĩ Tãi Trương Vĩnh Ký, và cũng nổi tiếng nhờ viết lách như ông: Thế Tải, Trương Minh Ký, tôi cũng là một đứa nhỏ ham chơi chưa có ý thức được sự cần thiết phải học huống chi sự quan trọng của chữ Hán!


Ghi học Hán văn vì ở nhà lúc đó không biết do ai mua, lang thang mấy cuốn Minh Tâm Bảo Giám, mấy cuốn kinh, vài cuốn Tứ thư do học giả Đoàn Trung Còn dịch, có in chữ Hán kèm theo, buồn tình tôi đọc tới đọc lui đã thuộc được một số mặt chữ. Bước vào thực tế tôi mới thấy biết vài ba chữ học lóm không đầy lá mít của mình là đương đầu không biết người biết ta với con-ngáo-ộp-biến-hóa-thiên-hìnhvạn-trạng-ba-đầu-sáu-tay-mười-hai-con-mắt là chữ Hán.

Sau vài tháng còng lưng mõi cổ, mõi tay, tôi chán chi hồ, giả, dã. Tôi tự biện hộ rằng biết nghĩa, biết chuyện xưa tích cũ là đủ, biết mặt chữ Hán cũng vô ích thôi và bắt đầu dòm qua các bạn cùng lứa tay cặp cuốn Anglais visant hay Anglais sans peine thầm nghĩ rán cho tới hè, rồi năm tới từ giã bút lông, chia tay thứ chữ ngoằn ngoèo xa lạ đó.

Lúc ấy bên ngoài những chiếc tàu Mỹ khổng lồ đang tuôn đổ hàng vạn đồng bào tôi từ xa xăm tới. Tôi lạ lùng với quần áo và tiếng nói của họ, nhưng tôi cũng bị choáng váng vì sự vĩ đại của con tàu nọ bên cạnh những chiếc tàu đi sông đi cận duyên như con voi đứng bên con kiến, nghĩ đến sự văn minh, kỹ thuật, tôi chợt thấy chữ Hán là một cái gì đó lỗi thời, như người tiền sử đứng trước cai máy thâu thanh. Phải học tiếng Anh, tiếng Pháp!

Ngày lại ngày, chiến cụ, súng ống, xe tăng, xe jeep được chở đến chạy rầm rầm, rung rinh thành phố, lay động căn gác nhỏ trong xóm nhỏ nghèo nàn cả gia đình tôi chui rút, trong khi những giọng Anh ngữ rất sang, hứa hẹn những chân trời mới từ các lớp bên cạnh của mấy thầy Sang, Thọ, Khoa, Thái mỗi khi tôi có dịp đi ngang đều đánh rộn ràng tim tôi bằng một sự hấp dẫn khôn cưỡng.

Thèm được học tiếng Anh nhưng thích nghe chuyện thánh hiền, hai đối lực vằn vật trong tôi suốt mấy tháng trường, cuối cùng hình ảnh thầy Thiều đã thắng, hằng ngày tôi cùng một số ít ỏi bạn bè chăm chỉ còng lưng với môn Hán văn trong khi một phần lớn đã đổi sang Anh ngữ.

Thầy giảng dạy về sự đa nghĩa của tiếng Hán Việt tùy theo cách viết, chữ tân tùy lúc là khách, là mới, là bờ sông, chữ minh tùy lúc là sáng, là tối. Chữ Hán tùy theo bộ thủ mà thay đổi nghĩa, tiếng Việt phần lớn mượn từ tiếng Hán, nên nhờ đó cũng phong phú, đa nghĩa theo. Tôi làm quen với kho tàng ngôn ngữ Việt từ đó.

Thầy tôi giọng trọ trẹ, chúng tôi những đứa nhỏ sanh trưởng ở Sàigòn, rất lạ tai với cách phát âm bỏ dấu nặng trên khắp mọi chữ, nhiều khi ngẩn ngơ nhìn nhau lắc đầu. Mặc dầu trong gia đình tôi hết phân nửa sanh trưởng ở Huế, tôi lắm khi cũng lúng túng không hiểu rõ ràng thầy nói gì. Một vài đứa bạn cùng lớp lần đầu gặp mô, tê, răng, rứa, cào nhào sao trường không mướn một ông thầy Việt Nam, thầy Thiều người Huế nói khó nghe quá.

Tôi lờ mờ thấy rằng thầy mình cũng là người Việt Nam nhưng vào lúc đó chưa đủ khả năng để đính chính điều sai lầm trầm trọng nầy. Sau nầy, một hai năm sau, khi lớn hơn đôi chút biết về cây một gốc Huế-Sàigòn-Hànội quê hương ta thì thầy không còn dạy nữa.


Thầy mất hay về hưu tôi không rõ vì còn mãi mê với những điều khác, chọc thầy Tập Petit Xồi về chuyện chuyên môn đem quyển Le petit Chose của Alphonse Daudet ra giảng, kể cho nhau nghe để cùng cười hì hì về chuyện đã qua mặt được thầy Khiêm với những tờ đơn cáo lỗi vắng mặt đứa nầy viết giùm đứa kia, chuyện hùn tiền mướn ông xích lô già vô gải đầu gải tai xin phép vì “con mình” đã bị bịnh nghỉ hết mấy ngày, hoặc rủ những đứa chịu chơi không phải một lớp mà ba bốn lớp lân cận trốn học ngồi lềnh khênh đầy rạp hát bóng Nam Việt hay lang thang khắp nơi trong Sở Thú.

Tôi, nghe lời bạn bè, xin đi tiểu, để qua mấy lớp lớn, đi thật chậm hay thập thò vãnh tai nghe tiếng được tiếng mất mấy ông Tây bụng phệ cắc nghĩa bài để rồi ước ao phải chi mình sanh ra trước vài năm, nói tiếng Tây hay như mấy ảnh, ra đường không sợ ông Tây, bà đầm…

Thầy Thiều thể hiện một sự dung hợp kỳ diệu giữa Đông Tây. Thời đó rất nhiều giáo sư vào lớp, ngồi yên vị trên ghế, mắt nghiêm khắc đão qua đão lại xem học trò có đứng nghiêm hay không, sau khi thấy cả lớp im phăng phắc thầy mới ra lịnh ngồi xuống. Chưa hết, tất cả khoanh tay trên bàn, thầy vừa ý mới cho mở tập ra. Thầy Thiều không vậy, chờ học sinh ngồi xuống là thầy viết bài trên bảng và bắt đầu giảng. Thầy nói đến sự kính thầy học, nhưng không khúm núm, trọng thầy nhưng không sợ để xa cách, thân nhưng không lờn… Với tôi lúc đó như có điều gì lạ lùng trong mấy khái niệm trên.

Tuột Dốc Đời

Truyện ngắn

Nguyễn Văn Sâm

Tôi biểu anh xe ôm ngừng lại. Anh ta hỏi tôi sao đi làm về khuya dữ vậy. Chỗ nầy thúi lắm ai ở cũng bị viêm mũi, viêm cuống họng mà cô ở được cũng hay. Tôi nói láo tài tình rằng mình ở đây cả chục năm rồi, có viêm gì đâu ngoài viêm màng túi. Anh ta cười vui nói màng túi thì lúc nầy ai lại chẳng bị viêm trừ bố già hay con cái các đại gia. Tôi trả tiền anh hậu hĩ rồi lững thững đi dọc theo lề đường, giỏ xách trên vai. Phố khuya vắng tanh tới chó cũng đi ngủ hết chẳng thấy con nào sủa bâng quơ hay lang thang lục lọi mấy bao rác như buổi chiều. Gió thổi lồng lộng. Gió càng mát thì càng nghe mùi thúi. Nồng nặc. Tanh tưởi. Hèn chi cái địa danh Cống Thúi không biết ai đặt mà chết tên luôn lâu nay.


Tôi trở tay, ôm cái giỏ xách vào ngực, thân thương quá đi. Tủi thân con tôi, biết hít thở hơi trần thế chưa đầy một tiếng đồng hồ rồi thì vĩnh viễn. Mẹ thương con biết là bao nhiêu, bây giờ sẽ xa con luôn rồi. Hơi lạnh như đồng từ túi xách quyện vô ngực tạo cho tôi cảm giác sợ hãi. Chưn tôi quíu lại. Lề Cống Thúi kia rồi. Chỉ cần một cái vung tay là xong chứ gì! Tôi ngần ngừ ngang. Tụi nó nói nhiều lần đây là mồ chôn uổng tử. Tôi lờ mờ biết uổng tử là những đứa trẻ chết oan khi còn nhỏ. Bây giờ mới biết rằng đưa một uổng tử xuống dòng kia là chuyện không phải dễ dàng gì dầu chẳng ai thấy cũng không ai biết.


Nước Cống Thúi đem ngòm chẳng khác nước sông Nại Hà, như không chảy vì nước đặc quánh, vì màu đem của nó hợp với màu đêm. Mùi thúi nãy giờ mà mũi tôi cũng vẫn chưa làm quen được, dưới dòng kia một vài chỗ lấp lánh ánh sáng phản chiếu từ những ngọn đèn leo lét của mấy căn nhà cất chồm lên mé kinh càng làm cho dòng nước mang màu sắc kinh dị hơn. Con tôi không thể hóa thân ở đây được. Dầu sao cũng là kiếp người, con phải được đối xử khác với những thứ vật dụng phế thải, những chất ô uế, những con chuột chết mèo chết người ta vất liệng dưới kia. Gió bây giờ lạnh hơn, tôi ôm cái giỏ vào ngực mà nghe nước mắt mình rơi rơi. Một ông xe ôm chạy trờ tới gạ đi đâu ông chở, tôi trả lời trong xa vắng không biết tại sao mình lại có ý tưởng nầy:

“Cho tôi đi Bến Xe Miền Đông.”

Người đàn ông xô cửa bước ra. Chín Tươi nghe một mùi thúi nồng nặc mũi, chạy tới hai bên màng tang tỏa ra một xú vị chua chua làm nó muốn mửa ngang, nó nhăn mặt một chút rồi lách mình bước vô, rán sức kéo khép cánh cửa lại. Cánh cửa cũ hư, hơi nặng, xệ xuống do lệch bản lề, phía cạnh dưới lại bê bết nên không thể che chắn kín được hoàn toàn. Chín Tươi hơi do dự nhưng khi liếc thấy sau mình còn mấy người sẵn sàng chồm lên thế chỗ nên mạnh dạn đặt chưn lên một chỗ tương đối sạch rồi tìm chỗ cho cái chưn kia.

Cái giỏ bỏ giấy rác hơi cao, trong đó lềnh khênh đủ loại giấy dơ không thể cho con vô đó được. Con phải nằm ngoài. Mẹ thương con quá nhưng biết làm sao bây giờ. Đời mẹ còn lo chưa xong, không còn tay nào đưa ra nâng dắt đời con được. Con hãy quay trở lại bằng ngõ khác đủ ăn đủ xài, ít ra cũng dễ thở hơn đời mẹ. Chín Tươi móc trong giỏ xách nãy giờ nó cặp bên nách một gói gì đó bao bọc bằng cái khăn lông, nhè nhẹ đặt xuống kế bên cái giỏ rác, dựa vô góc tường. Nó lật một chút chéo khăn lên, dòm dòm vô đó rồi xụt xịt khóc… Thời gian lặng lẽ trôi qua. Cái mùi khó chịu bắt nhức đầu lúc mới bước vô giờ không còn nữa.

Bên ngoài có giọng oang oang của một người đàn bà lớn tiếng trong khi gõ ầm ầm lên cửa buồng cầu:

“Ai trong cầu số 7 thì đi ra liền nhe. Tới giờ làm vệ sinh rồi. Đừng có mà ngủ luôn trong đó! Ngủ thì về nhà mà ngủ, đây không phải là phòng ngủ đâu nhe!”

Chín Tươi lật đật đứng dậy, lách mình đi ra, cố tránh ánh mắt của người đàn bà làm vệ sinh, một người đàn bà dáng dấp đàn ông, mang ủng cao su che gần hết ống quyển, một tay cầm chổi tàu cau, tay kia cầm đồ gắp rác, mặt mày coi bộ bặm trợn, khó chịu, như sẵn sàng cà khịa với bất kỳ ai.

Chín Tươi bước đi mau, đưa tay chùi nước mắt. Người sao nhiều quá, buổi sáng có khác. Biết vậy mình quanh vô đâu đó để trưa hãy đi.

Nó mới ra chưa tới buồng số 2 thì chị làm vệ sinh kêu giật giọng:

“Nè cô kia! Đứng lại cho tui hỏi chút coi. Làm gì mà đi như chạy trốn vậy?”

Chín Tươi giả đò không nghe, bước mau hơn, nhưng nó buộc lòng phải đứng lại khi nghe tiếng hăm dọa chắc nịch:

“Ê, không đứng lại tao kêu Bảo Vệ vô đó”.

“Chị kêu tui?”

“Mầy chứ ai, bộ tao điên tao kêu tao chắc? Đâu có huỡn dữ vậy đâu bây!”

Bà nầy nói đã nhiều mà coi bộ thích câu mâu dàn trời. Chín Tươi nhỏ nhẹ:
“Chuyện gì vậy chị?”

“Mầy đừng làm bộ giả mù sa mưa nữa. Chơi cho sướng rồi bỏ con vô cầu tiêu!” Sợ người đối thoại phản đối, chị bước tới nói thêm liền, không kịp thở. “Đây đây nè, Vô đây tao chỉ cho coi.” Chị ta nắm tay Chín Tươi kéo vô phía trong trở lại. Chín Tươi điếng hồn. Chuyện tầy huầy rồi, làm sao bây giờ. Nó chống chế yếu ớt:

“Ai biết gì đâu nè, khi không cái đề án tử người ta.”

“Mầy chối hả, cái mặt mầy xanh chành. Chém chết cũng mới đẻ, đẻ một mình không có mụ nên mất máu. Mới nứt mắt đã bày đặt!” Chị ta vừa nói vừa lận cái môi dưới ra dài sọc. “Chơi cho đã rồi liệng con, không biết đứa nhỏ còn sống hay đã chết nữa.” Chị nói mà vẫn nắm chặt tay Chín Tươi kéo về phía buồng cầu số 7.

Những người đàn ông đàn bà đang đợi đi cầu, nghe chuyện kéo nhau tới, bu kín. Chín Tươi vẫn yếu ớt chối:

“Đâu phải tui, tui không biết gì hết. Chị đừng nói oan cho người khác nha.” Nó tủi thân khóc thút thít như con nít bị rầy oan.

“Hình như đứa nhỏ đã chết rồi. Nè tội giết con nặng lắm nhe. Nếu đẻ chưa đủ tháng nó chết thì tội còn ít. Đủ ngày đủ tháng, nó sống mà mẹ nó giết liệng xác thì là tội giết người đó. Năm nay ít nhứt là cả chục đứa nhỏ bị bỏ như thế nầy, kiến bu đầy hai mắt với lỗ rún, tội nghiệp ôi là tội nghiệp!”

Ôi con ôi! Mẹ đâu có muốn vậy. Con chết khi mới chào đời chớ không phải mẹ làm con chết phải không con! Xin con hãy làm chứng cho tình của mẹ đối với con.

Có tiếng ai đó hỏi:

“Rồi xác mấy đứa nhỏ đó ra sao?”

Chị ta ngó vô mặt người đặt câu hỏi, trả lời mà coi bộ khinh thị một người gà mờ chẳng biết gì hết:

“Thì cũng đem vô đống rác Đông Thạnh, Hốc Môn bỏ như bao nhiêu thứ rác khác, chứ còn gì nữa mà hỏi. Bộ đem về xào ăn được chắc? Ai ở không mà điều cha điều mẹ chi cho mệt. Bịnh viện Từ Dũ mỗi ngày nạo cả trăm ca thì cũng vậy thôi.” Chị ta ngừng một lúc, mắt đảo chung quanh: “Nhưng mà biết được ai liệng bỏ con thì cũng bắt giao lên phường để họ giải quyết làm gương cho người khác.”

Chín Tươi vùng vẫy mạnh:

“Chị đừng đổ tội oan cho người ta, tôi không có đẻ đái gì hết!”

“Không có thì mầy về phường nói chuyện với công an. Ai chịu cha ăn cướp bao giờ!”

Hai bên cải nhau qua lại, người tò mò mỗi lúc một đông.

Chín Tươi như đuối lý và đuối sức, nó khóc lớn và muốn buông trôi cho chuyện tới đâu hay tới đó. Mệt lắm rồi, quá sức chịu đựng rồi. Bỗng có một người trung niên ăn mặc hơi sạch sẽ hơn những người khác, vẹt đám đông bước vô:

“Chuyện gì đây em!” Rồi anh ta quay vô người phụ nữ làm vệ sinh: “Thôi chị đừng nghi oan cho vợ tôi nữa. Nó hiền lắm ai nói oan gì cũng chỉ biết khóc mà thôi. Chị cầm số tiền nầy, chiều nay làm phước mua chút nhang đèn cúng vái cho oan hồn đứa nhỏ dễ đi đầu thai. Chị làm vậy là có phước lắm đó, còn hơn cất năm bảy kiểng chùa. chị thấy nó trước mà không cúng vái thì nó theo phá chịu không nổi đâu! Cô hồn các đảng đó.” Anh ta nhấn mạnh mấy tiếng chót.

Người đàn bà liếc vội xuống nắm tiền trong tay người đàn ông mới tới. Coi bộ hơi nhiều à nhe. Tờ giấy năm trăm ngàn bọc ở ngoài. Chị dịu giọng:

“Tui đâu có biết cô nầy là vợ ông. Mấy cô gái mới lớn, không chồng, đẻ non hay tự phá thai liệng con ở đây hoài hoài. Chỗ nầy còn ít, ở Cống Thúi khu chế xuất Sóng Thần còn ghê gớm hơn. Tối liệng xuống đó có trời mà biết!”

Những người xúm coi bây giờ chuyển hướng đề tài bàn tán sang qua con nít phá thai liệng con ở đâu nhiều, Cống Thúi, cầu tiêu công cộng, vườn cao su hay mấy cái vườn bông…”

Chín Tươi được kéo ra ngoài, ấn lên một chiếc taxi. Người đàn ông trao cho tài xế một số tiền, nói với anh ta chạy tới chỗ cô nầy muốn, rồi bước qua đường lên một chiếc xe ôm..

Chín Tươi chưa hết bàng hoàng, mặt vẫn cúi gầm xuống và những giọt nước mắt tủi nhục vẫn rơi thấm ướt cổ tay áo….

Từ giã người tình, Chín Tươi bước lên xe Lam. Nó mỉm cười khi nhớ lại câu năn nỉ nho nhỏ của Tư Thiện: “Tối nay 9 giờ anh chờ em ở chỗ cũ, bụi chuối của bà Tư bán xôi. Em nhớ ra đó nhe, đừng để anh chờ mỏi mòn như lần rồi nha cưng.”

Tuy không muốn hẹn hò lúc nầy nhưng Chín Tươi thích câu nói có tiếng cưng ngọt ngào đó. Tiếng cưng đeo đuổi nó suốt đường từ chợ về nhà như một hương vị ấm áp không gì so sánh được trong hoàn cảnh gia đình địa ngục hiện giờ.

Xe ngừng trước hẻm, Chín Tươi bước xuống lầm lũi đi, tránh những cái nhìn soi mói như muốn lột trần của lũ bạn anh nó đương ngồi nhậu ở đầu hẻm. Hi vọng không có ảnh trong đó. Nó khựng lại khi thằng Chảy kêu lớn, giọng của kẻ cầm quyền.

“Tươi, mầy về nhà mau mau nấu nồi cháo vịt cho tao. Con vịt tao cột ở nhà bếp. Mau lên nhe mậy.”

Chín Tươi không trả lời trả vốn gì hết, nó quày quả đi mau hơn. Ông thần men nầy mà càng nói thì càng sanh giặc. Thằng Chảy như bị mất mặt với bạn bè nói vói theo:

“Tao nói mầy nghe không đó, bộ câm sao không trả lời. Lát nữa tao về mà không có cháo thì mầy đừng sống với tao.”

Chín Tươi nuốt nước miếng. Anh em mà làm như chủ đối với nô lệ, lại hăm doạ.

“Ờ mà mà đứng lại cho tao nói một câu được không, hay là mầy muốn ăn đòn.”

Đứa em gái đứng lại, bất động xa xa thằng anh.

“Tao mới lấy mấy triệu của Dì Hai trên chợ để cho mầy đi thành phố làm giấy tờ lấy chồng Hàn quốc, mầy sửa soạn mai đi cho người ta coi mắt đó. Tao không có tiền trả lại cho người ta đâu.”

“Không có tiền sao anh dám lấy tiền của thiên hạ xài. Em đâu muốn lấy chồng xa đâu. Ba già rồi, sống nay chết mai làm sao bỏ đi cho đành.”

“Thây kệ ổng, ổng già cúp thùng thiếc, chết thì cũng được rồi. Tao phải lo thân tao chớ. Mầy đi thì tao có chút đỉnh, mầy ở lại thì tao có khỉ khô gì. Không được cãi, mầy mà không nghe lời tao thì thằng Tư Thiện có ngày đổ ruột đó. Tao nói thiệt chứ không hăm dọa ai đâu. Tao biết mầy với nó hẹn hò ở đâu hết mà tao chưa kịp nói đó thôi.”

Tôi bỏ đi mờ mờ sáng hôm đó. Ở lại thì có ngày Thiện đổ ruột thiệt tình. Ai chứ ông nội Chảy thì chuyện gì mà không dám làm. Có lần hết tiền trả chầu nhậu, bạn bè thách thức ảnh đã dám đem cái xe máy của tôi đi cầm khỏi cần giấy tờ gì hết. Bị Ba rầy ảnh đã cự cãi và lật đổ tung bàn thờ rồi bỏ đi mấy ngày mới vác mặt về. Vậy mà có thôi đâu, ảnh còn hăm hễ ông già cằn nhằn nữa thì ảnh chém chết rồi đi tù.

Tôi chỉ khóc thầm và ba thì lặng lẽ như chiếc bóng. Giờ ảnh lại muốn cà khịa tới Thiện. Tôi không trốn đi thì Thiện chắc chắn sẽ có nhiều nguy cơ. Đi trình diện ngoại nhân cho họ ngắm nghía sờ nắn thân thể tinh khiết của mình không mảnh vải che thân để lựa chọn eo xèo là điều tôi không thể nào chấp nhận được. Cưới vợ hay mua heo chó đây? Thôi, phải giải quyết, ở đây như nằm trong hai từng địa ngục chịu sao thấu.


Thành phố may ra chứa chấp tôi. Địa chỉ mấy con bạn trong túi, tôi hẹn Thiện để gặp nhau lần cuối. Trăng mờ mờ, tình cảm dồn dập, nỗi bi thiết phải xa người tình không biết có còn gặp nhau được nữa chăng khiến tôi dễ dãi mà chính mình cũng lấy làm lạ. Hai bàn tay Thiện hăm hở khám phá người tôi không còn chỗ nào là không biết. Da thịt hưởng ứng thiệt nhiệt tình, tôi chỉ nín thở ngó trăng. Thỉnh thoảng tôi cảnh giác từ tốn kéo tay Thiện đặt lên má mình để tránh khỏi tuột dốc đời. Tôi còn quá trẻ, chỉ mới 17 chứ mấy. Bàn tay Thiện ướt trơn, tôi xấu hổ muốn chết mà Thiện thì cứ thở dồn dập áp mắt mũi vào mình tôi. Nghĩ đến nỗi khó khăn của mình trong tương lai, tôi dằn lòng mạnh dạn đứng dậy, quyết liệt từ giã. Không thể được Tươi ơi, đàn ông chỉ biết hiện tại, mầy có thân phải lo.

Và tôi để Thiện ngơ ngác chưa kịp hoàn hồn, chận chiếc xe Lam sớm lên chợ, giã từ đời sống thôn quê dấn thân vào nơi gió cát hi vọng khỏi tuột dốc đời.

Chín Tươi về tới xóm mình lúc gần chín giờ sáng. Hai dãy nhà trọ đâu mặt tưng bửng sáng hay xế xế chiều thì ồn ào với những sinh hoạt cá nhân, giờ nầy vắng hoe. Hai sợi dây kẽm dài giăng từ trong cùng ra tới cửa cổng treo máng đầy dẫy áo quần và đồ lót rẻ tiền… bình thường nó không chú ý lắm bây giờ phải chun qua để vô mở cửa phòng làm cho nó thêm chán ngán trong lòng.


Tay run run Chín Tươi mở cửa, kéo lại màn phân cách giữa hai cái giường, nó liệng cái giỏ xuống đất, hất mạnh giày ra khỏi chưn, ngả mình thiệt mạnh lên giường, nhắm mắt tĩnh thần. Nó nghĩ tới ân nhân xuất hiện đúng lúc đã cứu mình ra khỏi cơn bối rối mà thầm mừng. Nó nhớ lại gương mặt nhăn nheo của đứa con đỏ hỏn khi mới sanh rồi tím bầm sau đó không lâu. Nó nhớ tới Thiện để tội nghiệp người tình chung sao mình lại tiếc làm gì cái đêm hôm ấy. Nhớ tới ba với cái quán hớt tóc ọp ẹp mà treo bảng Thanh Bần bữa nào cũng bị thằng con trai trời thần hỗn hào lột tới đồng bạc cuối cùng nên suốt đời chịu cảnh bần sát ván. Ba ơi, tội nghiệp ba quá chừng đi thôi!

Có tiếng đập mạnh vô cửa phòng, giống như lúc nảy ở bến xe Miền Đông:

“Em Tươi, mở cửa cho anh vô với. Anh thèm em quá.”

Chín Tươi chùi đầu mạnh xuống nệm như thể nệm có thể che kín đầu nó, ngăn chặn được âm thanh nó không muốn nghe:

“Em Tươi, anh đây mà, nhớ em quá chời! Cho anh yêu em một lần nữa đi! “

Chín Tươi lăn mình trở dậy, ụa ói trên nệm những thức ăn của ngày hôm trước. Nó bịt mạnh hai tai như muốn đè dính hai vành tai vô màng tang. Mặt nó đỏ ké như da cắc kè.

Bên ngoài tiếng gõ càng gấp rút hơn và lời năn nỉ trở thành lời chửi bới tục tĩu lẫn những hăm dọa :

“Kim chích dính máu HIV của tao còn đây để đợi mầy. Mầy không cho tao vô mai chiều tao gặp là đâm liền cho mầy biết si đa là gì… ĐM. cự cãi, tránh né rồi mầy cũng có bầu với tao như mấy con nhỏ khác ở xóm nầy, đừng bày đặt chảnh với tao.”

Yên lặng đâu chừng năm bảy phút bên ngoài, bên trong là hơi thở dồn dập như tức giận kinh hồn đang được dồn nén xuống.

“Mở cửa cho anh nha Tươi. Anh xin yêu đểu lần nầy nữa thôi. Lời hứa danh dự đó.”

Chín Tươi bật khóc:

“Tình yêu đích thực lại tiếc chẳng cho, tình xin đểu lại nhắm mắt, tặc lưỡi giao nộp không biết bao nhiêu lần. Sao đời tôi khổ như thế nầy!”

“Em Tươi, thiệt ra lần nầy anh chỉ muốn rờ bụng em để nghe con máy động mà thôi. Anh biết em gần ngày mà…”

Con! Người ta còn nói đến chữ con được sao. Con phải được tạo nên do tình yêu. Con có mặt bất ngờ do cưỡng bức không bao giờ có cha, chỉ có mẹ mà thôi. Mẹ nó không thể cưu mang nó được thì nó giã từ thế gian nầy để sau đó trở lại bình thường trong sự thương yêu của hai đấng tạo thành. Phải vậy không con? Phải vậy không con?

Chín Tươi bật cười khan, cười rũ rượi cho đến khi nó bỗng nghe bực một cái và cảm giác như mình đang bị rơi từ trên cao chín từng mây xuống. Máu đỏ từ từ lan ra trên nệm.

Bên ngoài vẫn là tiếng đập cửa ồn ào, chửi rủa, hăm he.

Bên trong yên lặng như tờ, Chín Tươi bất động, mặt mày thanh thản, nét thanh thản nó tìm tới bây giờ mới có.

Lúc đó Chín Tươi mới bước qua tuổi mười tám không lâu.

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA. Dec 02, 09

No comments:

Post a Comment