Pages

Monday, September 26, 2011

KÝ NGUYỄN NGỌC GIÀ

Nhân chuyện đổi tiền
nghỉ về Sài Gòn Một Thưở

Lời nói đầu: có thể đối với thế hệ trẻ ngày nay, nội dung dưới đây sẽ khó để mường tượng về một chút gì đó của Saigon xưa, vì người viết bài không phải là nhà văn chuyên nghiệp để có bút lực mạnh mẽ, sâu sắc cùng ngôn từ xác đáng, nhằm giúp cho họ thêm một góc nhìn lịch sử đau thương của đất nước. Chỉ mong bài viết như một chút tâm tình của người Saigon cho những ai còn yêu mến và nhớ thương về Saigon một thuở. Từ đó, mong tất cả mọi người chung tay giúp người dân trong nước đấu tranh cho nền tự do dân chủ mau chóng đến với Quê hương chúng ta.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tạo có bài "Tự dưng lại nghĩ đến tiền" để phản ánh tâm trạng lo âu, chán ngán của người dân trước vấn đề lạm phát tồi tệ nhất tại Việt Nam tính trong 3 năm qua. Từ đó ông hồi tưởng đến câu chuyện đổi tiền ngày xưa đã mang lại thảm họa cho toàn dân cách đây hơn 25 năm - lần đổi tiền tính từ năm 1985. Nhân đó, có độc giả muốn tìm hiểu về thực trạng và hệ lụy khủng khiếp của vấn nạn đổi tiền làm tiêu điều nền kinh tế đất nước cũng như kéo theo nhiều hậu quả tai hại về nhân cách con người tha hóa theo các đợt đổi tiền. Rất tiếc, người viết bài không có đủ tư liệu để giải đáp thỏa đáng thắc mắc quan trọng, chính đáng nhưng vô cùng khó khăn này, vì vậy chỉ xin làm công việc "ôn cố tri tân" như một giây phút tưởng niệm về Saigon xưa, qua một góc nhìn nhỏ bé về hiện trạng kinh tế - xã hội VN ngày xưa và cho hôm nay.


Bồi hồi nhớ lại những ngày của mấy mươi năm về trước trong các đợt đổi tiền, thật thê lương và ảm đạm, khiến tôi không khỏi rợn mình về một thời quá vãng!

Những ngày vui mừng ngắn ngủi dành cho hòa bình mau chóng đi qua. Tiếng đại bác ầm ì trong những đêm khuya dội về thành phố (1) không còn nữa, và... không gian Saigon đầy sức sống, khá giàu có, tiện nghi, nhộn nhịp lại an bình mau chóng nhường chỗ cho một... "THÀNH PHỐ CHẾT"!!! Một Thành phố đìu hiu, vắng lặng, khẽ khàng, nhẹ bỗng theo từng bước chân người. Những bước chân mạnh dạn, khỏe khoắn, vô tư đã lui bước trước những bàn chân bỗng nhẹ tênh theo từng thân người sụt ký vì đói! Những bước chân trở nên rón rén mà vội vàng tội nghiệp!.

Má tôi - sau 2 năm "giải phóng" - gặp lại một người quen trên đường và nhận được ánh nhìn thương hại mà khó hiểu: "Trời! chị Tư! Sao chị ốm dữ vậy?!". Má tôi gượng cười không biết trả lời ra sao. Chẳng lẽ nói: "Vì đói!". Không thể tin được một bà chủ độ tuổi 57, cao một mét năm mươi lăm, cân nặng hơn 75kg, giờ (hình như) chỉ còn không đầy 55kg! Một bà chủ của một cơ ngơi nổi tiếng lại than: "Đói!". Sự thật là vậy! Tôi nhớ má tôi nói với tôi: "Đói đến nỗi mà má thấy đi ngoài đường cứ liêu xiêu trước cơn gió lớn!".

Thành phố với những tuần cúp điện 5 cho đến 6 ngày từ 5 giờ chiều cho đến 11 giờ đêm. Thành phố mà việc cúp điện của ngày xưa (trước 1975) là điều làm cho trẻ con reo lên mừng rỡ mỗi khi ánh sáng từ các bóng đèn huỳnh quang vụt tắt, để chúng được thắp lên ngọn nến lung linh mà vui đùa trong chốc lát và tiếc nuối khi quãng thời gian đó mau chóng qua đi trong chừng mười lăm phút (vì hầu như cúp điện ở SG do sự cố kỹ thuật là chính).


Còn bấy giờ, người Saigon cứ cầu mong mau mau có điện để còn làm những việc không tên cho gia đình, cầu mong chút ánh sáng le lói mỗi khuya để tranh thủ làm hàng gia công (chằm nón lá, móc len, làm hộp giấy, se cói làm mành, se sợi cho bao bố... nhiều lắm những công việc mà người Saigon không thể nào hình dung tại sao một thời mình có thể sống và vượt qua hay đến vậy?!).


Trong khi đó, bọn trẻ không còn mừng vui để sống trong ánh nến mà vùi đầu bên ngọn đèn hột vịt tù mù để học từng con chữ bên trang giấy đen xì, nhám rột mà cây bút mực tím động vào đâu là mực nhòe nhoẹt vào đấy, viết đến đâu là vội vàng dùng giấy chậm ngay vào đấy một cách cẩn thận nếu muốn đọc được và không để cô giáo bực mình la mắng vì tính cẩu thả; những ngọn đèn tù mù thiếu sáng giúp chúng tranh thủ gọt những trái cóc héo, những trái ổi teo tóp, ngâm vào một lọ nước cho tươi tắn để ngày mai đem bán trên các ngã phố giúp cha mẹ có thêm đồng tiền mua gạo (ở chợ đen). Dù không phải là những quà vặt ngon lành gì, nhưng chúng không phải là thứ thực phẩm đầy chất độc hại như bây giờ, người ta bán cho con trẻ trước cổng trường vào những giờ tan học!

Tuổi thơ bây giờ coi vậy mà đầy nguy cơ rình rập với chúng nhiều hơn so với cách đây vài chục năm!!!

Nhà mặt tiền cũng như nhà trong hẻm. Một không gian ủ dột và đìu hiu trải dài khắp các con phố và ngõ ngách Saigon. Nhà đúc hay nhà mái tôn cũng vậy, khắp nơi biến thành những chuồng heo trong nhà để tranh thủ nuôi heo cải thiện cuộc sống, những cái ghế xích đu, những giàn hoa ti gôn trên những sân thượng nhường chỗ cho những dây bầu, dây mướp để có chút rau trong bữa ăn. Dưới những giàn bầu, giàn mướp đấy là những chuồng gà mà bọn trẻ con ngồi trông ngóng những quả trứng nóng hổi của những con gà mái đẻ ra để vội vàng chộp ngay vì sợ con gà mẹ vô tình dẫm lên sẽ làm mất một bữa ăn tươi cho gia đình...

Những con heo làm sao mau lớn, mạnh khỏe, bán được giá... trở thành đề tài bàn tán chính cho các gia đình hàng xóm, thay cho những cuốn tiểu thuyết, những bộ phim, hay một vở thoại kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, La Thoại Tân, Tùng Lâm hay một tuồng cải lương của Bạch Lê (chị ruột của Thành Lộc), Thanh Thế, Thanh Nga... nói về nhân nghĩa ở đời, công ơn của đấng sinh thành, tình thầy trò, nghĩa bằng hữu, tính quân tử, cao thượng, vị tha....


Câu chuyện học hành, cúp cua, phá phách... của bọn trẻ trở thành thứ yếu sau những con heo, con gà cùng giàn mướp, dây bầu. Bọn trẻ dễ dàng được cảm thông, xí xóa để lên lớp dù nhiều lần không làm bài cô giáo giao vì các lý do vô cùng chính đáng như: tối qua phải phụ má bán bánh cuốn đến mười một giờ khuya, hôm qua phải xếp hàng đi lấy bia hơi về cho chị bán, hôm khác phải xếp hàng mất 5 tiếng để mua dầu hôi, mua than bùn, than đá cho cả nhà có cái mà xài... hàng trăm lý do, cái nào cũng đúng, cũng thật. Ai cũng vậy! Thầy nào, cô nào nỡ trách, nỡ phạt! Học hành cứ thế mà tuột dốc thảm hại từ năm này qua năm kia! Trách ai! Cho bọn trẻ ở lại lớp sao? Nói vậy chứ, bọn trẻ lúc đó lại tỏ ra trách nhiệm và cố gắng hết mình, cả trong việc kiếm tiền phụ gia đình cho đến việc học. Sĩ diện và lòng tự trọng còn nhiều lắm không như bây giờ! Chắc từ trong gian khổ mà chúng thấm thía hơn, cố học để mong đổi đời! Ba tôi thường nói một thuở!

Thầy cô nghèo quá, mang cả bánh kẹo vào trường bán cho học trò vào giờ ra chơi. Học trò tiện tặn chút tiền còm mua giùm cô giáo khi thì cái kẹo, lúc thì miếng bánh... Có Thầy đi đạp xích lô, có Cô đi bán nón, chạy bán thuốc tây, thuốc lá, bỏ mối ba cái hàng lưỡi lam, xà bông cục (nhớt nhợt có 75% dầu), có thầy cô tận dụng nghề hóa học hùn nhau làm bột giặt bán ra... để kiếm tiền mua chút gạo, chút sữa cho con (loại sữa bột của LX, vừa đóng cục, vừa đầy mùi mỡ) Thầy. Cô. Trò. Trường... cứ thế mà trôi tuồn tuột theo cái miếng ăn, cái áo, cơn bệnh. Đạo đức từ đó xuống hàng thứ yếu! Nếp nhà từ đó chỉ còn biết làm sao no cái bụng, ấm cái thân trước đã!

Thật đau buồn, khi tôi đang diễn tả cuộc sống phần lớn dân Saigon ngay tại một quận trung tâm Saigon, không phải vùng quê xa lắc nào đó!

Những chiều mưa thê lương và xám xịt cả vùng trời rộng lớn, ôm cái bụng đói meo, nhiều trẻ em đã phải lang thang nhiều ngã phố để mời khách mua những cái bánh làm từ khoai mì (vì khẩu phần lương thực thời đó hầu như khoai mì, khoai lang, bo bo, mì gói vụn, mì vắt mốc là phần nhiều, có thể nói chiếm khoảng 70% - 80% trong khẩu phần mà nhà nước ban cho mỗi đầu người) vì ăn ngán quá, người dân chế biến ra đủ thứ món vẫn chưa hết ngán, thế là sáng tạo ra đủ thứ loại bánh để bán cho nhau. Không hiểu sao những năm sau 1975, trời mưa nhiều lắm và lạnh lắm vào mùa hè. Càng lạnh càng đói cồn cào. Những củ khoai mì luộc nóng (dù bị sượng và bị sùng nhiều lắm) chấm muối suông cũng giúp người dân ấm lòng trong cái lạnh co ro...

Tôi nhớ, dân thường thì khẩu phần 9kg/tháng, những ai làm việc trí óc hưởng khẩu phần 13kg/tháng, lao động trực tiếp như công nhân bốc xếp, công nhân vệ sinh, các công nhân làm trong những nơi trực tiếp thì được 18kg/tháng. Thời của "trí thức là cục phân" được tính qua khẩu phần 13kg/tháng. Xin nói rõ, 13kg/tháng nghĩa là quy ra gạo thôi, trong 13 kg đó, ai cũng hiểu 70% - 80% là các loại: bo bo (thứ mà LX viện trợ vì nhà nước VN xin mà nói dối với họ là để phát triển chăn nuôi), khoai sùng, mì mốc... Thằng em tôi lúc ấy chừng mười mấy tuổi, cái tuổi đang ăn, đang lớn, ngày nào cũng bo bo, nó đứng khóc ròng. Má tôi dỗ dành: "ráng đi con! không ăn thì đâu có cái gì ăn!". Nhớ nó lúc đó trệu trạo nhai bo bo mà tội! Bo bo là loại thực phẩm dân Saigon chưa bao giờ biết tới trước đây. Rất nhiều người đã khổ sở và loay hoay để làm sao chế biến nó như một món ăn cho gia đình. Khổ lắm! Khó mà nói hết bằng lời!

Thành phố không còn những ánh điện sáng choang, vui tươi trên các ngã phố, nói chi là những panel, những bảng hiệu, những ánh sáng đầy màu sắc mà các bạn trẻ đang thấy bây giờ... Cả một thành phố tăm tối, lặng lẽ và u sầu!

Ba đợt đổi tiền tại Việt Nam tính từ 30/4/1975 đã tàn phá tan hoang đất nước như nhiều người trong thế hệ không còn trẻ đã thấy sau từng đợt đổi tiền. Nó đã làm tan nhà nát cửa nhiều gia đình, không ít người đã chọn cách quyên sinh để bộc lộ sự phẫn uất trước tài sản mồ hôi nước mắt bị cướp giựt trắng trợn chỉ sau một ngày, nhiều người hóa điên chỉ sau một đêm, những người khác tìm đủ mọi cách vượt biên để thoát khỏi thảm họa điêu linh nói chung và sự tàn mạt từ các đợt đổi tiền nói riêng, nhiều người khác co rúm lại thủ thân trong vỏ ốc gia đình, những trường hợp khác nữa thì song song vừa mất tài sản vừa bị khuyến dụ hay cưỡng bức theo cái gọi là "kinh tế mới" với lời kêu gọi ngọt ngào, thắm tình quê hương từ phía "nhà nước" để dấn thân về những vùng quê khô cằn hẻo lánh với một ít lương thực và công cụ nhằm đi... xây dựng cuộc sống mới (!).

Nhiều gia cảnh của các gia đình thuộc chính quyền VNCH lâm vào cảnh kiệt quệ về kinh tế, khủng hoảng tinh thần, bởi lẽ lớp vừa lo sinh kế ngày hai bữa với khoai lang sùng và khoai mì thối; với bo bo và gạo mốc, với mì khô và bánh mì cứng đến nỗi người ta nói đùa nhau rằng: "chọi vào chó, nó cũng lỗ đầu"; lớp vừa lo làm sao có đủ lương thực, thực phẩm gói ghém tiện tặn để lo cho chồng, cho cha, cho anh em đang vùi mình nơi các trại cải tạo kéo dài từ Bắc chí Nam... mà những chuyến xe đi thăm tù cải tạo không phải muốn đi là dễ! Những chuyến xe chạy bằng than(*)rong ruổi trên khắp nẻo đường mà từ người đi buôn chuyến cho đến khách và những thân nhân tù nhân phải chen chúc nhau trong một không gian vừa nóng, vừa bẩn, vừa sợ phỏng (vì bình đựng than treo lộ thiên ngay sau đuôi xe và khá to như bình gaz loại lớn ngày nay, cao chừng 1,2m, phi tròn khoảng 40 - 50cm). Khi xe chạy, những hòn than nho nhỏ rơi vãi dọc đường, vì quá trình đốt nóng để có năng lượng cho xe chạy làm nó nhỏ hơn cái miệng chứa cũng là nơi để thoát nóng cho "bình than"!

Biết bao là cơ man những mảnh đời quặn thắt tâm can người dân một thời mà nhiều người bồi hồi nhớ lại để ngồi rơi lệ ru người, ru mình, ru cho dân tộc một giấc ngủ bình an trong một nghĩa trang lạnh lùng nào đó từ những cánh rừng hoang sơ, thâm u, cùng cốc hay trên những mảnh đất tình người nơi xứ lạ.

Không khỏi chạnh lòng và nghẹn ngào để nghĩ về một thời bão tố cuồng điên táp qua mảnh đất dẻo dai, trong khi người dân vẫn kiên gan chịu đựng để sống âm thầm, lặng lẽ, để chờ đợi một ngày nói cho thế hệ mai sau một kiếp đời lầm than, cơ cực mà người Việt Nam vốn dĩ không đáng phải gánh chịu vì sự ngu dốt, tham lam và tàn ác của CSVN.

* * *

Tôi - một người sinh ra trong gia đình Cộng sản nòi (sau 75 tôi mới biết). Cha tôi là biệt động thành hoạt động thuộc cánh Trần Hải Phụng. Chỉ dám xem mình là một chứng nhân (dù không đầy đủ) về một thời điêu linh của dân Việt, để nói cho thế hệ trẻ về một phần sự thật mà tôi biết cũng như từ chiêm nghiệm cá nhân. Tôi viết như một lời sám hối thay cho gia đình tôi, dù biết rằng cha tôi, anh tôi là những người bị CS lừa đảo và mất trắng tất cả, nhưng dù sao họ cũng đã từ nạn nhân biến thành tòng phạm cùng CSVN hãm hại, đày đọa dân tộc này.

(còn nữa)

Nguyễn Ngọc Già

Tác giả gửi tới Dân Luận

(1)

_________________________

p/s: không biết cách kể chuyện của tôi có chán không? nếu quý độc giả muốn nghe tôi xin tiếp trong phần sau.

(*) Một loại xe đò (một thời) chạy đường dài, nhưng chạy bằng than bùn (loại than vụn như mạt cưa lại ướt nhão nhoẹt (còn tệ hơn đất sét, vì đất sét còn dễ nắn hơn nhiều. Thật khó để diễn tả loại than này, nếu ai có cách diễn đạt tốt hơn thì vui lòng diễn giải thêm) được nắn từng nắm tay, sau đó đem phơi nắng để khô lại và sử dụng), (nếu tôi nhớ không lầm người ta còn gọi là than quả bàng). Loại xe này bây giờ không thể tìm thấy.

.

No comments:

Post a Comment