Pages

Wednesday, September 7, 2011

TIN VIỆT NAM & THẾ GIỚI





Đại hội Dân chủ Á châu tại Đài Bắc Ỷ Lan, thông tín viên RFA
2011-08-29

200 Nhà Dân chủ, Giáo sư Đại học, Đại biểu Quốc hội và các Nhà hoạch định chính sách của 36 quốc gia trên khắp năm châu đã về Đài Bắc họp Đại hội Dân chủ Á châu trong hai ngày 22 và 23.8 vừa qua.

Photo courtesy of queme.net

Giáo sư George W. Tsai (bên trái), GS Võ Văn Ái (giữa) đúc kết thành quả Đại hội tại Đại hội Dân chủ Á châu tổ chức tại Đài Bắc hai ngày 22 và 23.8

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam được mời tham dự Đại hội trong tư cách đại biểu cho Việt Nam. Hà Nội gửi một quan sát viên đến đại hội nhưng không tham gia các tổ hội thảo hay đọc tham luận.

Mục tiêu của Đại hội nhằm nghiên cứu sự liên hệ giữa dân chủ và phát triển trong xã hội ngày nay, cũng như khảo sát những phương pháp tối hậu thực hiện dân chủ.

Nhiệm vụ của Đại hội đối với các nước Á châu là ủng hộ các phong trào dân chủ, thăng tiến đồng bộ các phong trào này, và tìm những đường hướng phát triển dân chủ. Bốn mục tiêu nhắm tới là tập họp các nhà dân chủ Á châu để chia sẻ kinh nghiệm, vận dụng ý chí để thực hiện dân chủ nơi các vùng miền khác nhau, liên hệ các phong trào dân chủ với sự phát triển kinh tế xã hội, và liên kết dân chủ với vấn đề tăng trưởng, bình đẳng và công bằng xã hội.

Ông Vương Kim Bình, Chủ tịch Quốc hội Đài Loan, và Phó Tổng thống Đài Loan, Vincent Siew, đọc diễn văn khai mạc Đại hội.
Đại hội chia thành 10 tổ thảo luận qua 10 đề tài : Con đường đưa tới dân chủ và phát triển; Tăng trưởng và Bình đẳng : thử thách dân chủ tại Châu Á; Quyền năng của Xã hội dân sự; Phụ nữ Á châu tham gia chính trị; Vai trò truyền thông dân chủ; Giới trẻ tham gia thăng tiến dân chủ; Giáo dục dân chủ; Sự đói nghèo và dân chủ; Đa văn hóa và dân chủ; Công nghệ và dân chủ.

Hiện trạng dân chủ ở châu Á

Đại hội kết thúc với hai phiên khoáng đại : đúc kết thành quả Đại hội do ông Võ Văn Ái và Giáo sư George W. Tsai làm chủ tọa, và khoáng đại 2 do ông Teh-Fu Huang, Chủ tịch Đài loan Dân chủ Cơ kim hội đọc Tuyên ngôn Đại hội Dân chủ Á châu. Liên quan đến Việt Nam, Ông Chủ tịch Teh-Fu Huang nhấn mạnh trong Tuyên ngôn 27 điểm rằng :

“Chúng tôi được báo động khẩn trương về tình hình chính trị tệ hại tại Á châu như trường hợp các nước Thái Lan, Cam-Bốt, Lào và Sri Lanka. Đồng thời, trường hợp các nước Miến Điện, Bắc Triều Tiên và Việt Nam vẫn còn là ba quốc gia đàn áp nhất trên địa cầu.

Chúng tôi vinh danh và tưởng nhớ đông đảo những nạn nhân vô danh hay hữu danh tranh đấu cho nhân quyền song song với những nhà quán quân cho nhân quyền và dân chủ như ông Munir ở Nam Dương, Somchai Neelapaijit ở Thái Lan, Hòa thượng Thích Quảng Độ ở Việt Nam, Liu Shiu Bao và Ai Wei Wei ở Trung quốc. Bằng sự chia sẻ và làm nhân chứng, chúng tôi tái xác nhận sự cam kết về những nguyên tắc cơ bản cho dân chủ và nhân quyền, và hồi phục tình liên đới với những ai đấu tranh chống lại các chính quyền phi dân chủ tại Châu Á”.

Ngoại trưởng Đài Loan, Yang Jin-Tien, đọc diễn văn bế mạc Đại hội ca ngợi cuộc gặp gỡ quan trọng của những nhà dân chủ và nhân vật quốc tế tại Đại hội Dân chủ Á châu lần thứ nhất. Ông nói :

Chúng tôi được báo động khẩn trương về tình hình chính trị tệ hại tại Á châu như trường hợp các nước Thái Lan, Cam-Bốt, Lào và Sri Lanka. Đồng thời, trường hợp các nước Miến Điện, Bắc Triều Tiên và Việt Nam vẫn còn là ba quốc gia đàn áp nhất trên địa cầu.

Chủ tịch Teh-Fu Huang

“Thật phấn khởi cho chúng tôi khi các nhà dân chủ, các nhà hoạch định chính sách gặp gỡ nhau tại Đài Loan, để đẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa tại Châu Á tới đỉnh cao. Những biến cố hiện thời cho thấy các lời kêu gọi cho sự đổi thay đang truyền lan thế giới minh chứng rằng dân chủ và tự do là lý tưởng mà mọi dân tộc tìm kiếm”.

Chiều ngày 22.8, Tổng thống Đài Loan, Mã Anh Cửu, tiếp tại Phủ Tổng thống trong vòng hơn một giờ đồng hồ để trao đổi về vấn đề thăng tiến dân chủ tại Á châu với phái đoàn 14 người đại diện cho 200 đại biểu, bao gồm các Giáo sư và Nghiên cứu sư về chính trị học tại Viện Nghiên cứu Hoover, Đại học Berkeley, Đại học Chicago ở Hoa Kỳ, Đại học Quốc gia Úc Đại Lợi, Đại học Jain, Ấn Độ, Đại học Quốc gia Đài Bắc, Viện Nghiên cứu Chiến lược Phi Luật Tân, Giám đốc Vụ Trung quốc của Trung tâm Jimmy Carter, Giám đốc Diễn đàn Dân chủ thuộc Tổ chức Quốc gia Tài trợ Dân chủ, Hoa Kỳ, Giám đốc Trung tâm quốc tế Chuyển tiếp dân chủ, Hung Gia Lợi; Giám đốc Hội đồng Quốc tế Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, Dân biểu Quốc hội Lithuania, và ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam.

Sau đó tại Quốc hội Đài Loan, Chủ tịch Quốc hội Vương Kim Bình cũng tiếp phái đoàn gần một giờ đồng hồ trao đổi vấn đề dân chủ tại Châu Á.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Đài Bắc, Đài Loan
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/confer-f-asia-demo-taip-yl-08292011161847.html



Tàu TQ và Ấn Độ đụng nhau ngoài khơi VN
Cập nhật: 08:38 GMT - thứ năm, 1 tháng 9, 2011
Chiến hạm INS Airavat của Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ gần đây đang tăng cường hợp tác hải quân

Tin cho hay tàu chiến Trung Quốc đã chặn đường tàu hải quân Ấn Độ khi tàu này rời Việt Nam sau chuyến thăm hồi tháng Bảy.

Thời báo Tài chính (Financial Times) có trụ sở ở London, cho hay một tàu chiến không rõ số hiệu của Trung Quốc đã ra tín hiệu đòi chiến hạm INS Airavat của Ấn Độ phải trình báo danh tính và giải trình lý do có mặt trong vùng biển quốc tế, không lâu sau khi tàu này hoàn tất chuyến thăm Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc và Ấn Độ chạm trán nhau như vậy tại Biển Đông.

Sự việc gợi nhớ vụ tàu Impeccable của Hoa Kỳ năm 2009, khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đã gây hấn tàu thăm dò Mỹ cũng trong vùng Biển Đông.

Thời báo Tài chính nói rằng sự việc vừa phát lộ đã khẳng định lại thái độ ngày càng mạnh bạo của hải quân Trung Quốc và đã khiến quan chức quốc phòng cả của Ấn Độ và Việt Nam tức giận.

Báo này dẫn lời một quan chức Ấn Độ nói: "Bất cứ nền hải quân nào trên thế giới cũng có toàn quyền được đi qua hải phận quốc tế. Nước nào tự nhận quyền sở hữu hoặc ngăn cản tàu bè của nước khác đi qua đều là không thể chấp nhận được".

Không phải biển riêng của Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận tàu INS Airavat đã thăm Việt Nam từ 19/7-22/7, nhưng nói không có tin về sự việc kể trên.

Tuy nhiên, giới ngoại giao ở Hà Nội nói với phóng viên của Thời báo Tài chính rằng Việt Nam bực tức vì hành động mà họ coi là "chủ ý khiêu khích" từ phía Trung Quốc.

Được biết tàu INS Airavat đã thăm Nha Trang và Hải Phòng, sau khi tham dự Triển lãm Quốc phòng Bridex 2011 ở Brunei hồi đầu tháng Bảy.

"Bất cứ nền hải quân nào trên thế giới cũng có toàn quyền được đi qua hải phận quốc tế. Nước nào tự nhận quyền sở hữu hoặc ngăn cản tàu bè của nước khác đi qua đều là không thể chấp nhận được"

Một quan chức Ấn Độ

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một nguồn tin có hiểu biết về sự kiện nói rằng hiện vẫn chưa rõ nó xảy ra cách xa bờ biển của Việt Nam bao nhiêu.

Nguồn tin dấu tên này nói: "Đây là cách tiếp cận đặc trưng của Trung Quốc". Theo người này, việc chặn tàu nước ngoài là cử chỉ tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vùng Biển Đông.

Tuy có tới sáu quốc gia cùng tham gia tranh chấp tại đây, Trung Quốc là nước có tuyên bố chủ quyền rộng lớn nhất, chiếm 80% diện tích Biển Đông.

Hoa Kỳ đã nhiều lần phản đối việc sách nhiễu và gây hấn đối với các tàu bè qua lại vùng biển giàu tài nguyên này, nói rằng bảo đảm tự do lưu thông hàng hải là "lợi ích quốc gia" của Mỹ.

Ngoài chỉ trích việc Việt Nam hợp tác với Hoa Kỳ, giới phân tích Trung Quốc cũng cho rằng Việt Nam đang tích cực lôi kéo Ấn Độ tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông.

Một chương trình mới đây của truyền hình Trung Quốc CCTV nói Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh hải quân Việt Nam, từng mời Ấn Độ lập cơ sở thường xuyên tại Nha Trang.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/09/110901_indian_ship_china.shtml

Tướng Hưởng than phiền về Biển Đông
Cập nhật: 12:48 GMT - thứ tư, 31 tháng 8, 2011
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte

Ông Hưởng phàn nàn với Thứ trưởng Negroponte rằng Hoa Kỳ không ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

Tài liệu do Wikileaks công bố cho thấy Thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng khi còn tại chức đã tỏ ý trách cứ Hoa Kỳ không đứng về phía Việt Nam ở Biển Đông trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte.

Bấm Điện tín của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội nói cuộc gặp diễn ra hôm 11/9/2008 với sự tham gia của Phó trợ lý ngoại trưởng Scot Marciel, Đại sứ Michael Michalak và phía Việt Nam còn có Tướng Tô Lâm và Đại tá Đào Tâm Châu.

Phần tóm tắt cuộc gặp viết: "Thứ trưởng [công an] Hưởng bày tỏ quan điểm của ông về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và than phiền về việc thiếu sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quan điểm của Việt Nam.

Phần sau của bức điện nói: "Ông Hưởng thể hiện ý kiến rằng an ninh khu vực, hòa bình và thịnh vượng không thể có được nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ và nói thêm sự có mặt của Hoa Kỳ có thể điều phối quan hệ trong khu vực.

"Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, nhưng Việt Nam không thể chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông."

Ông Hưởng cũng nói với phía Hoa Kỳ ông hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận kỹ ở đối thoại quốc phòng Việt - Mỹ trong tháng 10 năm đó.

Quan chức phát biểu

Trước lời phàn nàn của Tướng Hưởng về chuyện Hoa Kỳ không ủng hộ Việt Nam ở Biển Đông, điện tín của Đại sứ quán Hoa Kỳ nói Thứ trưởng Negroponte nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ "có ủng hộ quyền kinh doanh chính đáng của các công ty Hoa Kỳ ở Việt Nam".

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và các Thượng Nghĩ sỹ Hoa Kỳ trong những tháng qua có vẻ mạnh bạo hơn trong những tuyên bố của họ về vùng biển mà quốc tế gọi là Biển Nam Trung Hoa.

"Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng"

Tướng Nguyễn Chí Vịnh

Trong khi đó bản thân các quan chức cao cấp của Việt Nam lại đưa ra những tuyên bố khác nhau, tùy lúc về vùng biển này.

Mới đây nhất Trung Tướng quân đội Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố thay cho Bắc Kinh rằng "Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam".

Còn trên Biển Đông Trung Quốc đã chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa năm 1974 và đảo đá Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa năm 1988.

Tướng Vịnh cũng nói sau chuyến thăm tới Bắc Kinh mới đây:

"Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển".

Dù câu nói của ông về sự hợp tác với Trung Quốc là câu có điều kiện, thời điểm phát biểu đã khiến nó thành chủ đề thu hút sự quan tâm của bạn đọc các trang mạng trong và ngoài nước, kể cả BBC Tiếng Việt.

Một cuộc thăm dò trên trang Bấm Facebook của BBC Tiếng Việt cho thấy phần đông người được hỏi không ủng hộ cách nói của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Hơn 40 người cho rằng phát biểu của ông Vịnh là "mơ hồ và khó hiểu" trong khi chỉ có 10 người cho rằng ông phát biểu "mạnh mẽ và tỏ rõ ý chí bảo vệ chủ quyền".

Được biết sau nhiều tháng không có động thái gì, Trung Quốc và Việt Nam hẹn họp tại Hà Nội có thể từ 5 đến 9 tháng 9 này về biển đảo trong vòng đàm phán thứ 5 do Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc chủ trì.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110831_us_vn_general_nguyenvanhuong.shtml

'Tàu ngầm VN đe dọa Trung Quốc'
Cập nhật: 05:19 GMT - thứ ba, 16 tháng 8, 2011
  • In trang này


    Tàu ngầm của Nga

    Việt Nam mua của Nga sáu tàu ngầm hạng Kilo

    Truyền hình Trung Quốc vừa có một số chương trình phân tích các hoạt động nâng cấp năng lực hải quân của Việt Nam, đặc biệt là hợp đồng mua tàu ngầm từ Nga.

    Các chương trình này được thực hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh được báo chí dẫn lời nói hồi đầu tháng rằng Việt Nam "phấn đấu trong 5 - 6 năm tới sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại với sáu tàu ngầm lớp kilo".

    Kênh CCTV-4 Truyền hình Trung ương Trung Quốc mới đây trong chuyên mục 'Trọng tâm Hôm nay' dài 30 phút đã có chương trình thảo luận với hai chuyên gia: Chuẩn đô đốc Doãn Trác và nhà nghiên cứu Dương Hy Vũ từ Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế về chương trình hiện đại hóa hải quân của Việt Nam.

    Chương trình bắt đầu bằng đoạn video ngắn giới thiệu việc Hà Nội bỏ 3,2 tỷ đôla để mua sáu tàu ngầm hạng Kilo và 20 chiến đấu cơ Su-30 MK2V của Nga.

    Theo Chuẩn đô đốc Doãn Trác, các hợp đồng mua bán vũ khí này bắt nguồn từ ba lý do chính. Lý do đầu tiên là các nước trong khu vực Biển Đông hiện đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang, và Việt Nam nay có khả năng tài chính để tăng chi tiêu quốc phòng.

    Lý do thứ hai, theo ông Doãn, là Việt Nam dè chừng hiện diện của các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong khu vực.

    Lý do thứ ba, quan trọng hơn cả, là Việt Nam tìm cách ngăn chặn Trung Quốc trong các tranh chấp về lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

    Chuyên gia Dương Hy Vũ nói thêm rằng Việt Nam luôn áp dụng cách tiếp cận một mặt mong muốn hòa bình để duy trì quyền lợi nhưng mặt khác lại tăng cường năng lực quân sự để mở rộng quyền lợi khi có dịp.

    Ông Dương nói trên CCTV: "Việt Nam có thể ngăn cản được các quốc gia lân cận khác ở Biển Đông nhưng đã quá tự phụ nếu cho rằng có thể cản bước Trung Quốc".

    Đe dọa ở Biển Đông

    Câu hỏi mà chương trình truyền hình Trung Quốc đặt ra là việc Việt Nam trong tương lai có trong tay các tàu ngầm và chiến đấu cơ sẽ thay đổi cục diện ở Biển Đông như thế nào.

    Chuẩn đô đốc Doãn nhận định rằng tàu ngầm tấn công lớp 636 có thể là "đe dọa nghiêm trọng" (cho Trung Quốc) tại Biển Đông.

    Ông Dương Hy Vũ nói thêm rằng Việt Nam đã chọn một khu vực tấn công tàu ngầm ở eo biển Malacca để tập luyện chiến lược.

    Ông nói: "Eo biển Malacca là đường thủy tối quan trọng đối với các nước, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc".

    "Tấn công tàu ngầm tại đây sẽ gây tác hại vô cùng nghiêm trọng cho tất cả các nước."

    Các chuyên gia cũng đề cập tới khả năng tham gia tranh chấp Biển Đông của các quốc gia bên ngoài như Nga và Hoa Kỳ.

    Chuyên gia Dương Hy Vũ Lu nhận định rằng chính sách của Việt Nam luôn luôn là lôi kéo Nga và Mỹ vào tranh chấp Biển Đông; và không chỉ hai nước này mà càng nhiều nước lớn càng tốt nhằm kiềm chế Trung Quốc.

    Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh

    Ông Phùng Quang Thanh nói sáu năm nữa Việt Nam sẽ có hạm đội tàu ngầm

    "Đây là chủ ý của Việt Nam, nhưng làm như vậy không khác nào đùa với lửa."

    Ông Dương nói: "Chính sách này không chỉ làm căng thẳng thêm tình hình khu vực, mà còn có hại cho chính Việt Nam".

    Chuyên gia này phân tích rằng cả Hoa Kỳ và Nga đều muốn đặt căn cứ tại Việt Nam, nhưng quyền lợi của hai nước này lại mâu thuẫn nhau và do vậy, Việt Nam khó có thể dung hòa quan hệ với cả hai cùng một lúc.

    'Lôi kéo Ấn Độ'

    Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Việt Nam cũng đang tích cực lôi kéo Ấn Độ tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.

    Chương trình của CCTV nói Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh hải quân Việt Nam, từng mời Ấn Độ lập cơ sở thường xuyên tại Nha Trang.

    Chuẩn đô đốc Doãn nhận xét Việt Nam chọn Ấn Độ vì hai lẽ: trong khi Mỹ đang khủng hoảng kinh tế, Ấn Độ là quốc gia đang lên và có thể có điều kiện đầu tư quân sự vào Việt Nam. Lẽ thứ hai, Việt Nam vẫn còn dè chừng Mỹ, quốc gia cựu thù, vốn có thể hậu thuẫn một cuộc "cách mạng màu" để lật đổ chính quyền Hà Nội. Ấn Độ thì không gây quan ngại này.

    Không chỉ CCTV-4, môt số kênh truyền hình khác của Trung Quốc cũng làm chương trình về kế hoạch mua tàu ngầm của Việt Nam, cho thấy đây là chủ đề quan tâm lớn của dư luận trong nước Trung Quốc.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110816_china_viet_scs.shtml


Quan hệ Việt-Mỹ phát triển trên nhiều lĩnh vực
Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-08-31

Bài báo tựa đề tạm dịch là “Việt Nam chào đón cựu thù” (Vietnam Embraces an Old Enemy), được tờ New York Times phổ biến hôm Chủ Nhật 28 tháng 8 vừa rồi.

AFP photo

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (P) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòngViệt Nam Phùng Quang Thanh bắt tay nhau trước cuộc họp song phương trong quá trình Đối thoại Shangri-La, một hội nghị an ninh hàng năm, tại Singapore vào ngày 4 tháng 6 năm 2010.

"Chất xúc tác" Trung Quốc

Mở đầu, bài báo này cập tới tân Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, con của cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, và nhận định rằng Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đang nỗ lực tối đa nhằm tranh thủ thêm sự quan tâm và can dự của nước cựu thù – tức Hoa Kỳ. Theo tác giả thì Việt Nam cần sự hiện diện của Hoa Kỳ vì lý do kinh tế cũng như nhằm đối trọng Trung Quốc.

Qua bài “Việt Nam chào đón cựu thù”, tác giả là bình luận gia Albert R. Hunt trích dẫn lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, 52 tuổi, lên tiếng tại Hà Nội mới đây rằng người ta không thể tưởng tượng được là mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Sau 16 năm bình thường hóa bang giao, hai nước đã đi đến giai đọan phát triển quan hệ hầu như trong mọi lãnh vực.

Lời tuyên bố của tân Ngoại trưởng Việt Nam được đưa ra giữa lúc Trung Quốc ngày càng gây hấn đáng ngại chủ quyền Việt Nam và người dân Việt, nhất là ngư dân. Nhận xét về tuyên bố đó của ông Phạm Bình Minh, cựu Tổng lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, ông Dương Danh Dy cho biết:

“Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh. Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa bang giao hơn 15 năm nay, thì hai nước có những bước phát triển rất đáng hoan nghênh. Nhưng trong tình hình mới thì tôi nghĩ rằng còn cần phải tăng nhanh hơn nữa việc phát triển về nhiều mặt giữa 2 nước.”

Về vấn đề này, GS Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn Bang giao Quốc tế tại Đại học George Mason, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, nhận xét:

“Tôi nghĩ hành động của Trung Quốc từ năm 2009 đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là lãnh vực quốc phòng, đi nhanh hơn. Và hiện nay nó tiếp tục đi nhanh. Vấn đề Trung Quốc đặt ra cho hai nước Mỹ-Việt, khiến cho quan hệ quốc phòng của họ ngày càng thắt chặt hơn.”

Tôi nghĩ hành động của Trung Quốc từ năm 2009 đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là lãnh vực quốc phòng, đi nhanh hơn.

GS Nguyễn Mạnh Hùng

Bài “Việt Nam chào đón cựu thù” vừa nói nhân tiện cũng nhắc tới thân phụ của tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh là cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - nhân vật mà người ta tin là có lập trường mạnh mẽ chống Trung Quốc trong giai đọan Việt Nam và Trung Quốc không còn “môi hở răng lạnh” với nhau. Nhắc tới Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Cựu Tổng Lãnh Sự Dương Danh Dy nhận xét:

“Tôi cũng đã làm việc với một số bộ trưởng ngoại giao và sau này với một số bộ trưởng nữa và hiện tôi về hưu rồi. Nhưng phải nói thẳng rằng ông Nguyễn Cơ Thạch là 1 trong những ngoại trưởng rất xuất sắc của Việt Nam. Trung Quốc biết ông này rất tài cho nên họ cố tình hạ bệ ông ấy, tìm cách để ông ấy không tiếp tục công tác được nữa. Nếu ông Nguyễn Cơ Thạch tiếp tục tại chức thì, theo cái nhìn của tôi, nếu năm 1991 Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc thì chính năm 91 ấy, Việt Nam cũng đã phải bình thường quan hệ với Mỹ rồi, chứ không phải đợi tới năm 1995 đâu.”

Đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ

Nếu so với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam thì có lẽ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao chưa hẳn là đủ mạnh để có tác động đáng kể đến chính sách, chủ trương của Việt Nam đối với Bắc Kinh. Như vậy liệu tân Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có thể gặp khó khăn ra sao vào lúc mối quan hệ Việt-Trung, trên thực tế chứ không phải trên lý thuyết “núi liền núi sông liền sông”, ngày càng phức tạp ? Và có thể có ý kiến nêu lên là liệu tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh có “theo gương cha” mà không hài lòng với xứ đàn anh Phương Bắc không ? Chuyên gia về Trung Quốc Dương Danh Dy phân tích:

000_Hkg5113872-250.jpg
Đô đốc Mỹ Tom Carney (T) và Đại tá Hải quân Việt Nam Nguyễn Văn Lâm tại cảng Tiên Sa hôm 15/7/2011. AFP

“Tôi thấy trong tình hình hiện nay, khi lên nhậm chức, tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở trong một tình hình rất thuận lợi. Sau Đại hội Đảng, sau Quốc hội mới thì anh ấy chính thức là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương khóa 2 trong khi ở tuổi ngòai 50 - ở tuổi mà theo tôi có thể phát huy được tài năng. Và anh ấy cũng chẳng cần đứng dưới cái bóng của ai cả, không cần núp dưới cái bóng của bố anh.

Vấn đề không phải vì anh Phạm Bình Minh là con trai của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bởi vì là con trai của lãnh đạo thì có khối anh là con trai của ông Tổng bí thư này, con trai của Tổng bí thư kia mà tại sao không làm gì được cả ? Bên ngoài, như bên báo Mỹ, cứ thường hay có chuyện suy diễn cá nhân thôi chứ tôi nói thật, họ không thấy tình hình thực tế Việt Nam.
Không phải anh Phạm Bình Minh, mà bất cứ anh nào khác, khi lên làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thì cũng phải đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, đẩy mạnh quan hệ với tất cả các nước khác trên thế giới theo đúng chủ trương của Đảng CSVN, chứ không phải riêng gì anh Phạm Bình Minh.”

Vẫn theo bài báo vừa nói, trong khi Hoa Kỳ chưa hoàn toàn xóa bỏ nỗi đau chiến tranh thì Việt Nam vốn bị nỗi đau còn nặng hơn, đã sẵn sàng đón nhận cựu thù của mình, đặc biệt là qua hợp tác kinh tế tốt đẹp và giờ, cả hợp tác đáng kể về quân sự - diễn tiến mà theo bài báo, tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã tuyên bố rằng hai bên đang thảo luận nâng cấp hợp tác chiến lược lên “tầm cao mới”, “có lợi cho sự ổn định trong khu vực” và phù hợp với đường lối “đa phương” của Việt Nam. Nhưng bài báo không quên lưu ý rằng việc đàm phán đa phương và xúc tiến vai trò của Hoa Kỳ trong việc ổn định khu vực không được Bắc Kinh hoan nghênh – và thực tế cho thấy Hoa Lục từng có phản ứng mạnh mẽ.

Chính người Trung Quốc cũng thừa nhận là từ xưa tới nay không bao giờ họ đắc ý về Phương Nam cả, họ toàn thất bại tại Phương Nam thôi.

Ông Dương Danh Dy

Liên quan mối quan hệ Việt-Trung, chuyên gia Trung Quốc Dương Danh Dy nhận xét: “Theo tôi thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đúng là đang trong giai đọan có rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi tin là bằng trí tuệ, bản lĩnh của nhân dân Việt Nam, thì phía Trung Quốc – mà tôi hy vọng những người lãnh đạo Trung Quốc – sẽ rút ra được kinh nghiệm thực tế, đó là gây sự với nước láng giềng Phương Nam này thì từ xưa tới nay, Trung Quốc chưa bao giờ thắng cả.

Họ cần phải rút ra bài học này mà xử lý vấn đề để không ảnh hưởng tới lợi ích chung của nhân dân 2 nước. Chính người Trung Quốc cũng thừa nhận là từ xưa tới nay không bao giờ họ đắc ý về Phương Nam cả, họ toàn thất bại tại Phương Nam thôi.”

Vấn đề chủ quyền biển Đông

000_Hkg3651319-250.jpg
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (giữa) tại cuộc họp song phương Đối thoại Shangri-La, một hội nghị an ninh hàng năm, tại Singapore vào ngày 04 tháng 6 năm 2010. AFP
Nhắc tới chuyện Trung Quốc chưa bao giờ chinh phục thực sự tại Phương Nam, bài báo “Việt Nam chào đón cựu thù” vừa nói cũng không quên đề cập tới dòng lịch sử, qua đó, Việt Nam đã có “xung đột dài lâu với Trung Quốc” mà gần đây nhất là cuộc hải chiến Hòang Sa giữa Việt Nam CH với Trung Quốc hồi năm 1974, cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 mà lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói là “dạy cho Việt Nam 1 bài học”, và cuộc tấn công hải quân của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi năm 1988. Và đặc biệt là căng thẳng Việt-Trung về vấn đề chủ quyền tại biển Đông ngày càng tiếp diễn đáng ngại.

Theo bài báo thì các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vốn quan ngại về sự sự gây hấn của một Phương Bắc đầy tự tin, muốn Washington liên minh chặt chẽ hơn với Việt Nam. Họ đặc biệt chú ý tới thế hệ lãnh đạo trẻ mà tiêu biểu là tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Chuyên gia Trung Quốc Dương Danh Dy lưu ý về điểm này:

“Trong vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ của mình. Đó là không đi bên này để chống bên kia cũng như không đi với bên kia để chống bên này. Còn nếu như Mỹ có những trang bị khoa học kỹ thuật tân tiến và Mỹ đồng ý bán, còn Việt Nam có tiền, thì chắc chắn, để bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam, Việt Nam cần và hoan nghênh những thiết bị đó thôi.”

Nhưng bài báo cho rằng Việt Nam không chắc là Hoa Kỳ có cam kết dài lâu với Á Châu hay không giữa lúc ở chỗ riêng tư các viên chức than phiền là đối với Washington, vùng Đông Nam Á này có ưu tiên thấp hơn là Trung Quốc. Bài báo trích dẫn lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn một “chính sách kiên định hơn” của Mỹ nhằm “quan tâm nhiều hơn” tới vùng Đông Nam Á.

Và, bài báo cũng không quên lưu ý rằng điều rắc rối hơn nữa cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là hai nước tiếp tục bất đồng liên quan chính sách của Hà Nội về nhân quyền và quyền chính trị tại Việt Nam.

Theo dòng thời sự:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-new-forei-minis-tight-us-cn-tq-08312011175936.html


No comments:

Post a Comment