Pages

Friday, October 21, 2011

HẢI ĐÀ * ĐƯỜNG THI


Hải Đà-Vương Ngọc Long

Tình Thu Trong Đường Thi.


Ngô đồng một chiếc lá rơi
Câu thơ cổ độ ngâm lời thu phong ...


"Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu"
(Một chiếc lá ngô đồng rụng xuống
Cả thiên hạ biết mùa thu trở về)

Thiên nhiên và mùa Thu giao hưởng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, là cả một nguồn tha thiết khơi động cảm xúc bao la và thi hứng tuôn trào cho tao nhân mặc khách.
Bức tranh Thu là phối hợp những đường nét tinh tế, những gam màu mỹ thuật, và những âm thanh chọn lọc, tất cả nhẹ nhàng lâng lâng như màn sương khói chìm đắm hồn người …..

Bước vào thế giới Đường Thi là bước vào một vũ trụ Thơ mênh mang bát ngát vô chung vô thủy, là đi vào một thế giới huyền thoại của tác động và mỹ thuật , của biểu cảm và hình tượng , có khả năng khêu gợi và cuốn hút tâm tư người đọc.
Ngôn ngữ thơ Đường rất giàu hình ảnh và cảm xúc . Người ta thường nói "ý tại ngôn ngoại" (ý tại ngoài lời), những bài thơ Đường ngắn gọn như bát cú, tứ tuyệt, chỉ giới hạn trong một số từ ngữ nhất định, mà đã diễn đạt tất cả những suy tư cảm xúc của tác giả , mặc dầu cô động hạn chế, nhưng rất hàm súc, toàn bài thơ như đôi mắt … cửa sổ của linh hồn đã giải bày được đời sống nội tâm, trạng thái tư duy, dung hòa giữa mẫn cảm của con tim và nhận thức của khối óc .

Nhạc điệu câu thơ hài hòa, tiết tấu nhịp nhàng ngân nga, âm hưởng sâu sắc nồng nàn, tạo nên những cảm giác nhẹ nhàng êm ái dễ đi vào tâm hồn người đọc. Cái phong cách của Đường Thi là một tổng hợp tinh vi của một nghệ thuật xử dụng ngôn ngữ phong phú điêu luyện qua thi pháp, thể loại, từ điệu, âm nhạc … đồng thời đã phản ảnh những quan điểm tích cực và tiêu cực , những tư tưởng triết lý của nhà thơ , được ăn sâu như gốc rễ qua các triều đại lịch sử …. Khi nhà thơ đã đắm chìm phong tỏa trước một thế giới vật chất chung quanh, của một khung cảnh thiên nhiên bao la vô hạn, con người thơ chỉ cảm thấy mình là một sinh vật nhỏ nhoi bất lực, đành mang một tư tưởng yếm thế thụ động " Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong" … Có những nhà thơ suốt đời mang hoài bão " trí quân trạch dân" , "kinh bang tế thế " đến khi gặp cảnh không may, gian khổ , cảnh ngộ éo le, thì chán nản buông xuôi thích tìm đến thiên nhiên với cuộc đời "bán quan bán ẩn" … Họ đã tìm thú tiêu khiển bằng cách điền viên ẩn dật, phỏng đạo cầu tiên …. Nội dung thơ miêu tả thú điền viên, sơn thủy, lối sống ẩn dật thanh nhàn chịu ảnh hưởng đạo lý vô-vi đã chiếm một vị trí quan trọng trong thơ Đường . Thiên nhiên của thơ Đường bàng bạc tình Xuân , Hạ, Thu, Đông ……. Bốn mùa hoa lá thay màu, đâm chồi nẩy lộc sẽ tuần tự biến thiên theo định luật vô thường của vũ trụ … nhưng Tiết Thu, Tình Thu, Ý Thu mãi mãi là sức hút lôi cuốn mãnh liệt muôn chiều của thi ca nghệ thuật trong nền văn hóa Đông Tây kim cổ ….
Phạm vi bài sưu khảo nầy đề cập đến Tình Thu trong Đường Thi, gồm khoảng 70 bài thơ Thu tiêu biểu xuất sắc của các thi sĩ nổi tiếng, những thiên tài xuất chúng, những đại thụ sừng sững trên thi đàn Trung Quốc như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Trương Kế, Vương Duy, Giả Đảo, Lưu Vũ Tích … Đó là những ngôi sao lấp lánh trên thi đàn đời Đường Tống đã xử dụng bút pháp tinh vi và mẫn tuệ tuyệt vời để ca ngợi một mùa Thu mênh mang, một tình Thu dịu vợi, một ý Thu bàng bạc, một hồn Thu lâng lâng, trầm lặng đến nao lòng của trăng sương, gió núi, với những phút giây thanh thản hồn nhiên, trong nỗi bâng khuâng cánh nhạn bay về, hòa lòng xao xuyến theo nhịp chày đập vải may áo, nỗi niềm ray rứt đón gió heo may the thắt lạnh lùng, nỗi lòng ảm đạm nhìn ánh lửa bập bùng đom đóm trong đêm, những tiếng tơ lòng khao khát ngân vang trầm mình trên những phím đàn thánh thót dưới ánh trăng ngà, với lá ngô đồng rơi lả tả đầy ắp thềm trăng. Bức tranh thu đã được tô đẹp bằng một vầng trăng thu huyền ảo … Trăng soi lồng lộng trên sóng nước bập bềnh biến dòng sông thành một giải lụa vàng óng ả . Trong một đêm trăng vắng vẻ nhà thơ Lý Bạch nằm trong thư phòng, bóng trăng khe khẽ len qua khung cửa sổ rọi sáng đầu giường, trong một không gian tịch mịch giữa đêm, hồn thơ đã nhập vào hồn trăng bay lâng lâng vào một cõi mộng ảo vô cùng … Những tia sáng của trăng chập chờn mờ ảo đã làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ đầu giường, nhìn trăng mà lòng buồn vời vợi, ngỗn ngang trăm mối tơ lòng …
Có nỗi buồn nào ray rức da diết ngấm tận hồn bằng nỗi sầu nhớ cố hương, quê cha đất tổ :

Giường khuya trăng chiếu bời bời
Sương rơi phủ đất ngỡ đời chiêm bao
Ngẩng đầu trăng sáng trên cao
Cúi đầu ngấn lệ nghẹn ngào.... cố hương.
(Tĩnh Dạ Tứ – Lý Bạch)

Bài thơ thu nầy đã vẽ lên một bức tranh sống động, có một âm hưởng tuyệt vời, trở thành một bài nhạc phủ (khúc hát mùa thu) trác tuyệt của Đường Thi .. "Ngưỡng đầu khán minh nguyệt, Ký tình thiên lý quang " (Ngẩng nhìn trăng sáng lung linh, Xót thương nghìn dặm gửi tình quê xa) .Trăng là người tình chung thủy của Lý Bạch, để cuối cùng trong một đêm say khướt nhà thơ đã trầm mình xuống sông Trường Giang để được ôm vầng trăng trăng huyền ảo để cùng với trăng vĩnh viển an giấc ngàn thu ….Không có trăng nào đẹp bằng trăng thu, chẳng có trăng nào nào sáng hơn trăng quê như Đỗ Phủ đã âm thầm hoài vọng thiết tha :

Tha phương đêm phủ màu sương trắng
Cố quận trăng soi ánh tỏ ngời.
(Nguyệt Dạ Ức Xá Đệ – Đỗ Phủ)

Hãy tưởng tượng khi nhà thơ một mình nằm trên thuyền trong một đêm thu , nhìn những hàng cây lá phong đỏ ối, lả tả rơi rụng trên giòng sông cuốn trôi, đóm lửa chài bập bùng, tiếng quạ kêu, và văng vẳng trong đêm thanh vắng là tiếng chuông chùa ngân vang, ai mà chẳng chùng lòng não nuột ….

Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ...
(Phong Kiều Dạ Bạc – Trương Kế)

Phong cảnh mùa thu đa tình đa cảm ru ngủ lòng người đã được diễn tả qua ngòi bút trác tuyệt tài tình của thi nhân:

Oanh vàng liễu biếc song song hót
Nhạn trắng trời xanh vút vút bay
Tây lĩnh nghìn thu sương tuyết phủ
Đông Ngô thuyền đậu lớp lớp đầy.
(Tuyệt Cú - Đỗ Phủ)

Mây chiều gom hết trời thu giá
Lẳng lặng sông Ngân đổ nguyệt đầy
Kiếp ấy đêm nao tình nở đẹp
Chốn nào trăng sáng hẹn cùng say ?
(Trung Thu Nguyệt - Tô Thức)

Ảm đạm trời thu điểm ánh thiều
Hán Cung lồng lộng gió phiêu phiêu
Lưa thưa sao sớm vờn chân nhạn
Réo rắt lầu khuya lộng sáo diều.
(Tràng An Thu Tịch -Triệu Cổ)

Mùa Thu là mùa của gợi nhớ mông lung, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình của những kẻ phải mang kiếp sống tha phương lênh đênh nơi xứ lạ quê người, cái nỗi niềm cô độc lầm than của một kiếp sống ly hương:

Lưa thưa sao sớm vờn chân nhạn
Réo rắt lầu khuya lộng sáo diều
Sông quê mùa cá, chưa về xứ
Đày đọa phương người, phận hẩm hiu.
(Tràng An Thu Tịch – Triệu Cổ)

Tùng cúc hai lần rơi lệ uất
Đò đơn một độ khóc quê ròng
Thấu xương cơn rét cần may áo
Bạch Đế chày buông tiếng chập chùng.
(Thu Hứng – Đỗ Phủ)

Có những bài thơ Thu đã được sáng tác để ghi nhớ, hồi tưởng lại một giai đoạn lịch sử nào đó, nhớ lại một thời vàng son nhung gấm , khi nhà thơ đã nhập thế, làm quan, lo việc triều cung, nhưng đôi khi gặp hoàn cảnh không may, không được thăng quan tiến chức, mà thất vọng chán nản, đành thúc thủ an phận, chấp nhận số mệnh một cách tiêu cực theo đạo lý Trung Dung : "Thượng oán bất thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh" (Trên không oán trời, dưới không trách người, sống bình dị đợi mệnh)

Nức nở ve kêu thương nguyệt úa
Não nùng đom đóm khóc chiều ngây
Tài văn bao thuở triều cung hiến
Thở vắn đêm sương lệ ứa đầy.
(Tân Thu – Đỗ Phủ)

Ghé bến thu sầu đau dạ khách
Lên non tuổi hạc xót thương mình
Phơ phơ tóc trắng đời chao đảo
Lắm nỗi chua cay, rượu chẳng đành.
(Đăng Cao – Đỗ Phủ)

Lê gót phong trần, thư bặt tín
Dặm trường quan tái, bước gian nan
Mười năm lủi thủi đời hiu quạnh
Thúc thủ giờ đây sống tịnh an.
( Túc Phủ – Đỗ Phủ)

Những hạt mưa thu rơi thánh thót bên song gợi nỗi sầu hiu hắt, cảnh lòng quạnh quẽ cô đơn, sau tháng ngày đăng đẳng việc triều cung, nay ngồi ngẫm nghĩ về thân phận con người và cuộc đời :

Nắng tàn dạo mát hồ trong
Lăn tăn sóng nước gợi lòng cô liêu
Sự đời trôi nổi đã nhiều
Hỏi con nước chảy còn điều thở than ?
(Thu Nhật Hồ Thượng - Tịch Huỳnh)

Cái chế độ phong-kiến của Trung Quốc đôi khi chỉ là một lớp son phô trương lòe loẹt, một phồn vinh giả tạo, một tập đoàn bè phái vương tộc, những nhà nho nhập cuộc với quan điểm "nhập thế hành động", nhưng đôi khi họ cảm thấy chán nản vì không thực hiện được cái hoài bão to lớn của họ mà họ ngán ngẩm thời thế ,đành phải từ bỏ áo mũ xênh xang, quyền cao chức trọng, để lui về ẩn dật, vui thú điền viên, bỏ hết tục lụy trần ai, dùng ngòi bút ca ngợi sự thanh nhàn theo quan điểm đạo Phật "xuất thế vô vi" , hoặc cầu cứu đến phép vô sinh, thuốc tiên huyễn hoặc phù phiếm ….

Người Nam, kẻ Bắc dừng đây
Gió qua sông Sở lắt lay bãi tần
Thu sầu khó cảm thiền nhân
Mình ta đầu núi, lòng lâng lâng buồn.
(Đề Hoài Nam Tự – Trình Hiệu)

Tóc trắng mong đen nào ước được ?
Thuốc tiên muốn luyện khó cầu may
Tuổi già suy yếu ai nào cưỡng ?
Đạt phép vô sinh nguyện ước đầy.
(Thu Dạ Độc Tọa – Vương Duy)

Cái triết lý về cuộc đời, nhân sinh quan cũng thấy trong những bài thơ thu, theo quan điểm cuộc đời chỉ là một giấc hoàng lương mộng, kiếp sống tạm bợ, phù du :

Cây tàn gợi khách lòng đau
Đêm nghe tiếng gió thu sầu vi vu
Sớm soi gương tóc rối bù
Bóng hình in kiếp phù du ngỡ ngàng.
(Thu Triêu Lãm Kính -Tiết Tắc)

Dặm trường tóc trắng mây bay
Sầu bao nhiêu nỗi đong đầy khôn vơi
Thẫn thờ lặng ngắm gương soi
Sương thu nào thấy bên đời phù du ?
(Thu Phố Ca - Lý Bạch)

Có những bài thơ nói lên cảnh biên tái thời cảnh chiến chinh, binh đao khói lửa, cảnh chiến trường thảm khốc thê lương ảm đạm:

Sông thu ngựa uống sa đà
Nước se se lạnh, gió sà cắt da
Cát đìu hiu quạnh bóng tà
Lâm Thao chốn cũ xa xa rập rình
Trường Thành bao độ chiến chinh
Nêu gương tiết khí, vẹn tình nước non
Tấc lòng kim cổ sắt son
Phau phau xương trắng chập chờn cỏ lau.
( Tái Hạ Khúc - Vương Xương Linh)

và nỗi lòng của người chinh-phụ ở quê nhà, nhớ chồng đi thú đồn xa, đó là những cảm xúc nội tâm quằn quại , đau thương của thời chinh chiến, có bao người ra đi mà trở lại :

Trường An lẻ bóng trăng côi
Tiếng chày đập vải buông lơi bốn bề
Gió thu dìu dặt lê thê
Chắc từ quan ải lùa về đêm mơ
Bao giờ hết giặc hung đồ
Chàng thôi chinh chiến, em chờ bên song.
(Tử Dạ Ngô Ca - Lý Bạch)

Đó là những nỗi ngậm ngùi xót xa, những lời u uất, than oán, sầu hận của người vợ thương nhớ chồng đang dãi nắng dầm sương nơi biên tái với bao gian nan hiểm nguy đang rập rình chờ đợi, và người chinh phụ ở quê nhà chỉ biết vào ra canh cửi

Chàng đi quan ải xa xôi
Đá xanh em rửa, bồi hồi thu sang
Xác xơ cây cỏ héo tàn
Thêm sầu ly biệt bẽ bàng vấn vương
Áo thời em giặt em thương
Nôn nao gửi kịp biên cương cho chồng
Thêu thùa em chẳng ngại công
Chàng ơi có thấu tiếng lòng phu thê...
(Đảo Y - Đỗ Phủ)

Có những bài thơ đã nói lên cái hoàn cảnh xã hội bi đát của một chế độ "phong kiến tôn quân", người phụ nử trở thành một nô bộc, một công cụ vui chơi để thỏa mãn nhu
cầu sắc dục của vua chúa . Cái quan điểm chồng chúa vợ tôi đã được thi hành một cách triệt để : "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử ", tình yêu đã bị phủ nhận, hạnh phúc bị triệt tiêu … đó là số phận hẩm hiu chua xót của các cung tần mỹ nữ , đã phải từ bỏ cuộc sống gia đình chân chính để bị đầy đọa trong thâm cung lặng lẽ, nhan sắc héo mòn với thời gian, tuổi trẻ tàn phai bị chôn vùi một cách tức tưởi một khi họ không còn được vua chúa ân sủng nữa. Đó là những bài thơ có tính cách xã hội đã lột trần phơi bày cái giai cấp thống trị độc ác, bạc bẽo và bất nhân . Những tâm trạng chua xót của các cung tần mỹ nữ sống cô đơn mỗi độ thu về , mặc dầu chỉ là những lời than trách nhẹ nhàng và chịu đựng ….

Móc sương ướt đẫm cung thềm ngọc
Chăn gấm đêm trường thấm lạnh thân
Buông bức rèm gương lòng thổn thức
Trăng thu ngóng đợi sáng đầy sân.
(Ngọc Giai Oán - Lý Bạch)

Sen thắm đâu bằng sắc mỹ nhân
Gió lùa Thủy Điện ngát châu thân
Quạt thu che kín ôm sầu hận
Trăng đợi quân vương mãi trắng ngần.
(Tây Cung Thu Oán -Vương Xương Linh)

Cái nỗi khát khao tìm kiếm một hạnh phúc gia đình bình dị của người cung nữ với nỗi sầu khôn nguôi năm tháng, ôm hận nhìn dòng nước chảy nhanh, như vô tình xô đẩy tuổi thanh xuân không chút xót thương, người cung nữ đã phải đề bài thơ trên chiếc lá phong đỏ úa thả xuống dòng sông, theo nước cuốn trôi hờ hững, mong rằng một kẻ tha nhân nào đó nhặt chiếc lá, để đọc được những ý nghĩ thầm kín tha thiết của người cung phi bị tù ải lâu đời muốn nhắn nhủ:

Sông sâu nước chảy xiết cùng
Thâm cung nhàn rỗi, não nùng thâu đêm
Lá hồng … gửi gắm lòng em
Người ơi thấu hiểu nỗi niềm cấm cung ?
(Đề Hồng Diệp -Hàn Thị)

Đọc thơ Đường để cảm nhận tiếng lòng xao xuyến của người xưa vọng lại của hồn xưa trăn trở còn phảng phất đâu đây... Những bài thơ thu với những từ diệu điêu luyện, ý tưởng phong phú, cảnh tình thắm thiết … đậm đà tình cảm sâu sắc, nồng nàn, với những ngôn ngữ thâm thúy, tự nhiên hàm súc, ý tưởng chân thật thanh đạm , luật thi rất tinh mật , hoặc có những bài thơ giàu chất trí tuệ hơn cảm xúc …. Những tâm tình của người xưa : tình bạn hữu, tình vợ chồng, tình vua tôi , và ít oi những bài thơ ca tụng tình yêu đã bàng bạc trong những bài thơ đậm đà màu sắc nghĩa tình, đạo lý ….
Những nỗi bồi hồi, thao thức nhớ bạn tri âm, trằn trọc đêm dài ...

Nhớ bạn đêm thu thổn thức chờ
Trời thanh, dạo mát, động hồn thơ
Thông rơi lả tả bên đồi vắng
Khắc khoải năm canh ngủ vật vờ.
(Thu Dạ Ký Khâu Vương Ngoại - Vi Ứng Vật)

Những phút giây thanh thản vô tư quên đời , dạo chơi trên Động đình Hồ, thưởng ngoạn trăng thanh gió mát bến Tiêu Tương ….

Đã luống sầu vương, quên đọc sách
Thôi đành tìm rượu, đến lầu xinh
Lạc Dương nhớ bạn, thầm khao khát
Hội ngộ chung vui vẹn nghĩa tình.
(Đồng Vương Chinh Quân Tương Trung Hữu Hoài -Trương Vị)

Có những bài thơ man mác tình hoài cổ, trong một đêm thu giữa cảnh trời đất mênh mông bát ngát, người thơ bỗng cảm thấy lòng trống trải cô đơn , nghĩ đến chuyện xưa tích cũ mà ngao ngán ngậm ngùi nghĩ chuyện đời nay, tìm đâu ra người tri âm tri kỷ ? Nhà thơ đã dùng quá khứ để làm lăng kính chiếu vào hiện tại bằng những tia sáng triết lý muôn màu nói lên sự biến đổi của nhân thường thế thái khi thời gian như một con nước chảy qua cầu và vũ trụ biến đổi không ngừng …..

Thuyền thu ngắm cảnh trăng thâu
Tạ quân chuyện cũ nhớ rầu rĩ ai
Cất cao vút giọng ngâm dài
Người xưa nào biết lòng này hay chăng ?
Mai thuyền bỏ bến buồm căng
Lá phong rơi rụng bẽ bàng người đi...
(Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ -Lý Bạch)

Khói vương hơi lạnh vàng cây cỏ
Thu nhuốm sắc tà bạc lá ngô
Lầu Bắc chiều buông khơi tưởng nhớ
Cảm hoài Ông Tạ, gió thu mơ...
(Thu Đăng Tuyên Thành Tạ Diêu Bắc Lâu - Lý Bạch)

Và trong cái nỗi khắc khoải suy tư đó, nhà thơ chỉ ước ao thầm mong có một kẻ tri âm, một tâm hồn đồng điệu, và có những đêm dài nhà thơ đã trăn trở, trằn trọc, dằn vặt , đay nghiến, cấu xé với hồn thơ và con chữ như Giả Đảo :

Hai câu ròng rã ba năm
Rưng rưng ngấn lệ... sầu ngâm, tủi thầm
Ngậm ngùi vắng bóng tri âm
Thu về góc núi đêm nằm suy tư.
(Tuyệt Cú -Giả Đảo)

Một số ít bài thơ ca tụng tình yêu, mang tích chất lãng mạn, lẳng lơ, mặc dầu rất ít oi , đã đem lại những luồng gió tươi mát, ngan ngát mùi hương phấn da thịt ….

Trăng thu rón rén xuyên mành
Áo xiêm cởi nhẹ, đèn hanh hanh mờ
Tiếng cười khẽ động màn tơ
Ưỡn mình, lan huệ thẫn thờ ngát hương.
(Tử Dạ Thu Ca - Khuyết Danh)

Lối mòn phủ ánh hoàng hôn
Ai cùng ai thấu nỗi buồn của nhau ?
Đường xưa khuất bóng, lòng đau
Gió thu xao động nhánh sầu lúa non.
(Thu Nhật -Cảnh Vi)

Một bài thơ Đường khi đã đạt đến mức độ toàn mỹ và trác tuyệt, mỗi một chữ, một lời, một ý như những viên ngọc quí đã được kết hợp hài hòa, chi ly, để hình tạo một chuỗi kim cương lấp lánh , một giải giai-chương tuyệt vời... Vì lòng đam mê văn chương và thi ca, tác giả mạo muội chỉ xin mượn ý và phỏng dịch từ Thơ ra Thơ. Vì phải giữ cấu tứ, âm điệu, thể cách, luật bằng trắc nên chắc chắc có rất nhiều thiếu sót vì nhiều chữ không được sát nghĩa, khó lột đúng tinh thần nguyên tác, cái khó khăn là phải giữ cái hồn thơ và ý thơ của nguyên bản, và đồng thời thi điệu của bài thơ dịch. Hơn nữa có một số chữ và câu trong bài thơ Đường sau nhiều lần trước tác, biên soạn, đã tam sao thất bản, gây sự sôi động bàn cãi nhiều lần. Khi nước ta có chữ quốc ngữ và tiếng Việt càng ngày càng được cải cách phong phú và dồi dào, đã có rất nhiều nhà chuyên khảo Hán Học uyên bác, các đại học giả tiền bối đã dịch Thơ Đường với những bản dịch trác tuyệt và tài hoa. Nhưng mỗi dịch giả có một cách dịch thâm thúy khác nhau dưới các khía cạnh thưởng ngoạn đa dạng và cảm xúc rung động muôn chiều khi đọc, ngâm, vịnh một bài thơ Đường .

... Nếu có gì thiếu sót và bất cẩn, mong sự lượng thứ và thông cảm của quí bậc túc nho trưởng thượng và quí bạn đọc yêu thơ .Vì lý do kỹ thuật về nhu- liệu, rất tiếc chưa in được nguyên tác chữ Hán của mỗi bài thơ Đường, tác giả mong bạn đọc lượng thứ .

..................................................................................................................................................
Thơ:

Nguyễn Quốc Trinh

Lời dẫn:
(Đường Bá Bổn)
Nguyễn Quốc Trinh (SN1932) tác giả thi tập "
Ươm đẹp" (Hà Nội 1953) , Duy Thanh vẽ bìa và phác họa chân dung - có thể nói bìa tập thơ đầu tiên Duy Thanh trình bầy ( một trong 3 họa sĩ tốt nghiệp từ "lò họa" Nguyễn Tiến Chung: gồm Lê Khánh Hòa, Ngọc Dũng và Duy Thanh). Sau 1954, họa sĩ Khánh Hòa ở lại; còn Duy Thanh, Ngọc Dũng di cư. Sau 75 hai họa sĩ lại di tản , rồi Ngọc Dũng qua đời ở Mỹ; một Duy Thanh và phu nhân Liên ẩn mình đâu đó ở San Francisco - anh em thường đùa nơi này chỉ " 100 quan tậu được sáu ả ! "(nhại tiếng Phú lãng sa) .
Một buổi non trưa ( 14 / 10/ 2011) anh đến thăm tôi, nhăc chuyện cũ"...
ông ơi! có nhớ Duy Thanh có tên thật Nguyễn Khánh Thành không? Bây giờ nó ở đâu, sống hay chết, khi in tập " Ươm đẹp" ở Hà Nội 1953, tôi giao hết cho nó in ấn , phát hành, tặng giùm bè bạn; còn tôi " lỉnh" ra hậu phương !... ." Nay anh cư ngụ tại Quận 12, SaiGon, báo tin sẽ in một tập thơ mới sau gần 60 năm - bây giờ gửi một bài đọc trước cho vui.

Quyền lực
I
Thua kém Quyền lực
ngươi là nạn nhân
Thèm khát quyền lực
ngươi là tiểu nhân
Chiếm đỉnh quyền lực
ngươi thành Hôn quân
II
Nếu khinh Quyền lực
ngươi là Hiền nhân
Nếu thách quyền lực
ngươi là chính nhân
Nếu nhường quyền lực
ngươi là siêu nhân
III
Lạm dụng Quyền lực
ngươi thành bất nhân
Chơi trò quyền lực
ngươi thành sát nhân
Bị tước Quyền lực
ngươi thành tội nhân.
.....................................................................................................................................
Lữ Quốc Văn

Gởi Thế Phong - Người Gặp Tình Cờ Sau 32 Năm

Lời dẫn:
(Thế Phong)
Lữ Quốc Văn - bút danh Nguyễn Thế Văn ( SN 1934), vai em thúc bá nhà gia phả học Dã Lan-Nguyễn Đức Dụ. Tình cờ gặp một bạn lạ mặt tại nhà Dã Lan năm 1992- chủ nhà giới thiệu đây là một cựu hiệu trưởng Trung học tư thục ở Biên Hòa, anh em thúc bá , từng có bài viết đăng ở tạp chí "Trình bầy "trước giải phóng : ".. hai người làm quen nhau đi, tứ hải giai huynh đệ mà !", ông Dụ kết thúc. Vậy quen nhau, sau biết thêm Lữ Quốc Văn còn là bạn thân Nguyễn Khắc Ngữ, tác giả" Mẫu hệ Chàm". Tôi quen Ngữ từ "Đàm trường viễn kiến / chủ soái Nguyễn Đức Quỳnh " - một sa-lông văn chương đủ mặt văn nhân, thi sĩ trẻ , sau này trở thành " tay tổ văn nghệ miền
Nam " ( Phan Nghị). Đúng là " tứ hải giai huynh đệ " thật ! Thế Văn đọc "Nửa đường đi xuống" từ 1959, trong tập truyện, tôi nhắc chuyện cô Minh, con gái ông Chánh Thóc - vợ một người bạn từng nuôi khi tôi " không chốn dung thân". Thế Văn tâm đắc chuyện này, bởi cô Minh trong truyện, có lần được hứa gả cho anh (thân sinh Thế Văn và ông Chánh Thóc nằm dài cùng "phì phò thở khói nàng Tiên nâu" - cao hứng hứa làm thông gia) .
Trả lời sắc vóc cô Minh sau khi lập gia đình , vẫn đẹp như ca dao "gái một con trông mòn con mắt", mình giây, "khô chân gân mặt đắt tiền cũng mua" - bây giò nàng ở đâu, Bến Hải hay Cà Mâu , Bên Này Cầu Biên Giới hay Bên Kia Nửa Trái Địa Cầu xa!
Một buổi sáng, ngồi trong một quán S.H. - tôi - ngồi bên lề tán thưởng "nụ cười rúc rích mấy cháu mơn mởn xinh , đẹp rợn tơ hồng" - thì THẰNG TO ĐẦU bỗng im bặt - lấy bài thơ đưa tôi - mời bạn cùng đọc bài thơ ấy đề tặng THẰNG PHẢI GIÓ "người gặp tình cờ sau 32 năm". Là vậy!

Mời anh cạn hết ly đen nhỏ
Mặc chút đắng cay đọng bờ môi.
Mộng vàng xênh xang xin rũ bỏ
Mà thương tháng ngày lặng lẽ trôi !

Sáng nay mặt trời vào tuổi đỏ
Mây cùng trời xanh vắt ngang mày
Lá lại vừa rơi trên vạt cỏ
Hạt sương mỏng manh đọng bàn tay.

Nếu anh chợt nhớ mà bâng khuâng
Bạn bè cánh rủ theo nhau mãi
Hồ cá còn trơ bóng lăng quăng
Mình hỏi chuyện mình, mặc trăng xoãi !

Sao người lại quên sắc đỏ ươm?
Mắt biếc có đủ dìm ngươi chết ?
Mày liễu cong dài như lưỡi gươm !
Tri kỷ mà em - Sao còn hết ?!

Ngươi có lịm người bên lá nhỏ
Ta ở tít xa cũng xôn xao
Nắng chiều vừa khuất, vừng trăng tỏ
Đẹp rợn tơ hồng mê cung sao ?

Ảo ảnh đâu rồi ? Ảnh ảo bay xa
Mắt chợt vô hồn như bãi tha ma!
Tưởng gọi thu về- đông lạnh đến
Phách sõng. Đàn ngưng - Bặt tiếng ca.

(10/2011)

.................................................................................
Quan Dương

Bóng Xế Qua Cầu

Trái tim vợ cột đầu giường
Nửa đêm lén tháo dây cương
nhảy rào
Chữ tình
em mắc ngọn cau
Ta đành làm rễ bám vào
gốc cây

Đem muôn thuở
tưới xuống đây
Cạn lòng
ướt cả giấc đầy chiêm bao
Trống trơn
Mây gió ùa vào
Có cùng muốn nhớ thương nhau
Cũng đành.

Ngậm ngùi bóng xế hôn hoàng
Chia em vết lõm trong hồn
Héo queo.

No comments:

Post a Comment