Pages

Monday, October 24, 2011

TRÀ LŨ *ANH EM MỘT NHÀ

LÁ THƯ CANADA: ANH EM MỘT NHÀ



Lễ Lao Động ở Canada là ngày Thứ Hai đầu tiên trong tháng Chín, khác hẳn với VN và nhiều quốc gia Âu Châu là ngày đầu tháng Năm. Dân Canada mừng lễ này vui vẻ vì được nghỉ thêm một ngày sau chủ nhật. Ai cũng nhớ ngày lễ này vì hôm sau bao giờ cũng là ngày tựu trường , ngày khai giảng một năm học mới. Từ em bé tí xíu theo cha mẹ đi vườn trẻ đến anh chị sinh viên to đùng vai đeo nặng một bị sách tới trường, tất cả đều nói nói cười cười, vui vẻ líu lo như một bầy chim. Tôi gốc nhà giáo nên xưa nay tôi thích ngày khai trường lắm. Nó đầy ắp những kỷ niệm thân thương. Nhìn các em học sinh đôi mắt ngây thơ trong trắng, bao giờ tôi cũng nghĩ đây là các thiên thần bé nhỏ. Ban chiều lúc tan học, nghe các em bàn cãi chuyện học bài và làm bài, tôi thấy các em đúng là đang chuẩn bị vào đời, các em chính là tương lai của đất nước thân yêu này.

Các em thật là có phước mà các em đâu có hay. Các em đang đuợc hấp thụ một nền giáo dục tối hảo so với toàn cầu. Theo thống kê quốc tế vừa được công bố, trong 300 trường đại học nổi tiếng trên thế giới, Canada có 14 trường trong danh sách vàng này, McGill University ở Quebec đứng thứ 17,và Toronto University ở Ontario đứng thứ 23… Và trong số hàng hàng lớp lớp các bạn trẻ đang đi học này có rất nhiều em Việt nam. Nhiều em đã và đang là những ngôi sao sáng chói trong trường. Xin tạ ơn Trời Phật, xin tạ ơn Tổ Tiên Việt Nam. Chẳng cần phải dẫn chứng đâu xa, báo chí tuần qua vừa cho biết ông Charles Nguyễn Chi, mới 45 tuổi, đã được mời làm viện trưởng danh dự của Đại học Carleton ngay tại thủ đô Ottawa. Ông Chi là thuyền nhân tỵ nạn, tới Canada năm xưa khi còn nhỏ xíu. Những viện trưởng trước Ông Chi là những nhân vật nổi tiếng quốc tế như cựu Thủ tướng Lester Pearson, như quan Toàn Quyền Ray Inatyshyn. Ông Chi sở dĩ học giỏi và đạt tới tuyệt đỉnh danh vọng như vậy, theo tôi nghĩ, là vì ông có hạt giống VN trong người. Các cụ nhớ bảo con cháu đang cắp sách đến trường như vậy nha.

Nhân nói tới việc xếp hạng, xin khoe luôn các cụ tin vui này, là theo Tạp chí uy tín quốc tế The Economist, Canada cũng vừa có 3 thành phố được xếp rất cao trong 140 thành phố đáng sống nhất trần gian. Theo danh sách này, 5 thành phố đứng đầu là :Melbourne của Úc, Vienna của Áo, rồi Vancouver của Canada, Toronto của Canada và Calgary của Canada. Ủy ban chấm điểm đã căn cứ vào các yếu tố môi sinh, xã hội, y tế, giáo dục, tự do dân chủ.

Các cụ phương xa đã du lịch Úc Đại lợi, và Vienna ở Âu Châu mà chưa đến viếng 3 thành phố trên đây của Canada là một thiếu sót lớn lắm đó. Xin kính mời. Tại ba thành phố nổi tiếng này có rất đông đồng bào VN. Cụ nhớ phở, nhớ bún chả Hà Nội, nhớ Bún bò Huê ư? Ba nơi này có nhiều nhà hàng phe ta lắm. Cụ cứ xuống phố là ngửi thấy mùi nước mắm, mùi rau giấp cá, mùi kinh giới tía tô liền à.

Đang nói tới ăn uống, xin trình các cụ tin này : Canada không những là quốc gia tôn trọng mạng sống con người, mà còn tôn trọng mạng sống con vật nữa. Tháng trước báo chí loan tin một ông VN họ Nguyễn đã bị 5 ngày tù vì dám đánh mấy con sóc phá vườn rau của ông. Hàng xóm thấy ông vác gậy đánh con sóc, họ liền kêu 911. Cảnh sát tới bắt ông liền. Đấy là chuyện tháng trước, còn tuần vừa qua, mấy ông nghị viên thành phố Mississauga đang trình bày dự luật cấm bán ‘vây/vi cá mập’. Họ nhắm vào mấy nhà hàng Tàu đây. Món xúp vây cá mập là một món ăn trân qúy, tiệc nào mà chẳng có. Mấy ông nghị lập luận rằng, cái vây ở trên lưng và bụng cá mập là bộ máy định hướng của con cá. Bây giờ cắt vây thì con cá sẽ chết. Xưa nay ngư phủ đánh bắt cá mập chỉ cốt cắt bộ vây mà thôi, cắt xong thì họ vất cá xuống biển. Con cá chết liền. Các quan nghị viên lập luận rằng cắt vây như vậy là một hành động dã mãn đối với con cá, và cũng là một hành động làm hại môi sinh. Xưa nay cá mập là loài thu dọn và làm sạch đáy biển. Nay giết cá mập thì ai sẽ thu dọn đáy biển ?

Chưa biết việc cấm nhập cảng vây cá mập sẽ đi đến đâu. Viết đến đây thì tôi nhớ tới chuyện con cá chép Á châu. Các cụ còn nhớ chuyện này chứ. Rằng ít lâu nay, ở khu vực Ngũ Đại Hồ xuất hiện những chú cá chép to tướng. Bên Á Châu con cá này nặng tới 2 kí lô là cùng, nhưng từ khi sang tới miền biển này, các chú cá chép hóa ra to lớn lạ thường, đang từ 2 kí nay bỗng nhảy vọt lên 20 kí, có con nặng tới 40 kí. Vì gặp môi trường qúa tốt, chúng lớn như thổi. Kẹt một cái là chúng phá hoại môi sinh và tàn sát các loài cá khác.

Đó là chuyện con cá chép Á Châu, Asian carp. Bây giờ Canada lại còn phải đương đầu với con bọ Á Châu, Asian longhorned beetle. Theo các nhà côn trùng học thì kề từ thập niên 1990, không biết từ đâu loại bọ sừng cứng này từ Á Châu xuất hiện ở Canada và đang bắt đầu tàn phá cây cối. Ban đầu thì chúng gậm nhấm cây cối trong thành phố, nay thì chúng bắt đầu lan vào rừng. Đặc biệt chúng thích gậm nhấm cây phong nhất. Các cụ phương xa chắc biết cây phong là biều tương Canada chứ, hình lá phong ở giữa quốc kỳ Canada mà. Cuối mùa thu, lá cây phong đang màu xanh biến sang màu vàng rồi mầu đỏ, đẹp hết sức vậy đó. Các cụ thử tưởng tượng một rừng phong, lá xanh lá vàng lá đỏ chen nhau, đẹp biết chừng nào. Hàng năm du khách phương xa thường đến đây ngắm rừng phong Canada.

Sở dĩ lá phong biến ra các màu đẹp như vậy là vì nhựa cây phong ở Canada có vị ngọt. Dân Canada hứng nhựa phong rồi chế biến ra các loại đường và các loại syrup. Maple Syrup ở Canada ngon có tiếng, vừa thơm ngon vừa tinh khiết. Các cụ du lịch Canada muốn mua cái gì đặc biệt Canada để làm kỷ niệm hay làm qùa, xin mua Maple Syrup nha. Tôi lạc đề mất rồi. Tôi đang nói về loại con bọ Á Châu tàn phá rừng phong Canada cơ mà. Người ta giải thích sở dĩ loại bọ Á Châu này phá hoại rừng phong là vì nhựa cây phong thơm ngon qúa, bên Á Châu khô cằn không hề có loại chất bổ dưỡng như vậy. Rừng phong đẹp như thế mà đang bị con bọ Á Châu tàn phá, nghĩ có tức không ?


Cụ Chánh tiên chỉ làng nghe tôi bàn như vậy thì gật gù đồng ý ngay. Cụ bảo nói gì đâu xa, cụ có một đàn cháu nội ngoại, khi còn ở VN thì chúng gầy còm, thấp bé và học dốt, từ ngày sang tới Canada, ăn cơm Canada, hít thở không khí Canada, chúng lớn hẳn lên, béo tốt hẳn ra, và học hành giỏi xuất chúng. Mà chẳng riêng gì nhà lão, các gia đình bạn bè cũng y chang như vậy. Lão quen một ông khi xưa làm nghề đánh cá ở Phước Tỉnh, Vũng Tàu, từ ngày định cư ở Canada, gia đình ông phát lên bất ngờ. Ba con làm bác sĩ, một con làm kỹ sư, một con làm luật sư. Qủa thật đất Canada là đất thiên đàng. Ở xứ này mà không tăng trưởng khoẻ mạnh và học hành không tiến bộ là do lỗi mình lười biếng mà thôi.

Chúng tôi đang đứng ngoài vườn bàn chuyện hạt giống Việt Nam gặp đất tốt Canada đã nảy nở xum xuê như con cá chép, như con cá mập, như con cái ông đánh cá Phước Tỉnh, thì Chị ba Biên Hòa mời vào nhà ăn phở. Nhà đây là nhà cụ Chánh. Chị Ba là người say mê nấu ăn, nên cứ mỗi lần họp làng là chị tình nguyện đến sớm, vừa để giúp chủ nhân vừa để học thêm việc bếp lửa. Chị gốc người Nam nên chỉ rành món bánh canh giò heo, chứ không rành về phở.

Bữa nay cụ Chanh nấu phở bò. Chị khoe chị đã học được bí quyết nấu phở ngon của Cụ Chánh. Cái khó nhất là hương và vị. Nay thì chị biết cách. Anh John chồng chị nói khích : Em có giỏi thì em nói cho cả làng nghe coi. Chị bảo khó gì chuyện này. Tôi xin trình ra đây hết với dân làng mà tôi hằng coi như anh em ruột thịt, tôi sẽ không giữ điều gì bí mật cho riêng mình. Xưa thì tôi không biết làm sao cho ra mùi vị phở, nay thì Cụ Chánh đã chỉ. Phở ngon là do nước dùng.

Nấu nồi nước phở khá công phu. Bữa nay tôi giúp nấu phở bò. Phở bò mới là phở, phở gà là phở tầm bậy, đúng như Cụ Nguyễn Tuân đã dạy. Bước đầu tiên là phải rửa xương bò cho kỹ. Cho xương vào nồi đổ ngập nước, đun sôi 5 phút rồi đổ ra rửa xương cho sạch, rửa cả nồi nữa. Rồi mới chính thức nấu . Lấy một tờ giấy bạc gói một củ hành tây đã bổ ra làm tám, mấy miếng gừng, mấy cánh hồi, mấy hạt tiêu sọ, gói lại, để lên bếp lửa liu riu 5 phút, xong rồi cho tất cả vào một cái túi vải thưa, rồi để cái túi này xuống đáy nồi xương, rồi hầm chừng 3 giờ. Rồi tra thêm nước mắm và đường phèn. Cho lửa riu riu thêm 3 tiếng nữa là xong.


Bữa phở hôm nay ngon thật là ngon, phở rất Bắc Kỳ. Ông ODP, một người có uy tín về ăn uống đã đọc các lệnh truyền như sau : Phở phải ăn nóng và ăn ngay. Không được nói chuyện trong khi ăn phở. Không được nhìn ngang nhìn ngửa, mắt phải nhìn vào nước phở, bánh phở, miếng thịt, ngọn rau húng. Mũi phải hít hà cho trọn vẹn cái hương thơm ngào ngạt đang bay lên. Không được uống rượu uống bia hay nước ngọt khi ăn phở , các thứ này phải uống về sau. Không được cho tương đen tương đỏ vào tô phở vì như vậy là bạn làm hư hết bát phở. Ăn phở là phải húp chứ không dùng muỗng dùng thìa. Húp phở bạn sẽ thấy trọn vẹn mùi phở nóng bay thẳng vào mũi, từ mũi nó chạy thẳng lên đầu.

Chị Ba lên tiếng : Ui chao, ăn phở cũng phải có luật lệ như vậy sao? Ông ODP trả lời : Không phải là luật lệ mà là một nghệ thuật. Một tô phở được nấu nướng công phu như vậy, bát phở được trình bày đẹp mắt như vậy mà bây giờ bạn cho tương đen tương đỏ và vắt chanh vào rồi quấy ngậu lên, tô phở đẹp như bài thơ bây giờ đã hóa ra một tô tả pí lù nước đen ngầu. Mùi vị phở đã bay đi hết, bây giờ phở có mùi Tàu Chợ Lớn! Than ôi!

Vì muốn dân làng ăn đúng tô phở Bắc Kỳ truyền thống nên hôm nay trên bàn ăn cụ Chánh không bày giá sống, không có chai tương đen tương đỏ, không có chai bia, không có chai coca cola. Ăn phở xong dân làng được mời uống cà phê và uống trà. Tráng miệng là bánh đậu xanh kiểu Bảo Hiên Rồng Vàng ngày xưa bán ở đường Hiền Vương Saigon. Chịu và phục cụ Chánh qúa. Đúng là ăn phở Bắc Kỳ phải theo phép Bắc Kỳ.

Trong phần uống trà, chúng tôi đã bàn sang món Huế. Ai cũng nghĩ rằng hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân sẽ nói rõ về các món Huế, nhưng không phải. Diễn giả chính là ông ODP. Sợ cái ông này quá. Nghe ông nói đến đâu hai cô gật đầu đến đó, không cãi được chỗ nào. Anh H.O. nói nhỏ vào tai tôi : Ngày xưa ông ta đóng quân rất lâu ngoài Huế, xém lấy vợ Huế đấy.

Ông kể : Thuở đó tôi trọ ở đường Gia Hội, con phố không lớn nhưng là nơi bán những món ngon nhất Huế, như bún bò Mụ Rớt, bánh bèo nậm lọc Mụ Đỏ, bánh khoái Mụ Tư Điện, cơm hến Mụ Sỏ, bánh canh Nam Phổ…Đó là những món bán ngoài phố. Trong nhà thì bà chủ ưa cho ăn mấy món cũng rất Huế như bún thịt nướng, chả giò mà người Huế gọi là ram Huế, bánh cuốn… Những món này ăn với nước mắm tỏi ớt và cà cuống. Chao ơi giọt cà cuống nó làm tăng độ ngon lên cực kỳ.


Chị Ba xin ngắt lời. Chị bảo cà cuống là món Bắc Kỳ, làm sao ở Huế lại có món cà cuống. Ông ODP bác ngay cái ý kiến đó. Ông bảo ngày xưa ông cũng nghĩ như vậy, nhưng đến khi sống ở Huế, mắt nhìn thấy người ta đi bắt cà cuống vào buổi tối sau cơn mưa thì ông mới tin là Huế có cà cuống. Chao ơi những con cà cuống từ dưới bờ sông tăm tối bay vọt lên tìm ánh sáng le lói trên cầu, chúng bám vào thành cầu, trụ cầu và cột đèn, nhiều vô số kể. Dân bắt chuyên nghiệp thì bỏ cà cuống vào bao bố, đem về nhà thì mới lọc ra lấy những con đực. Nói đến đây rồi ông cười hà hà, các bạn nhớ kỹ nha, chỉ có con cà cuống đực mới có tinh dầu, mới là giống quý mà thôi. Túi chứa tinh dầu của nó nằm ở giữa ức và bụng…

Nghe ông ODP tả món Huế xong thì dân làng đều biểu quyết tháng sau sẽ ăn món Huế. Hai mệ Huế liền chỉ tay vào ông ODP Bắc Kỳ: Đây là đầu bếp nấu món Huế. Nếu tháng tới mà làng tôi nhậu món Huế thì tôi sẽ trình các cụ sau nha.

Bây giờ nhân mùa khai trường, xin trình các cụ một tin liên quan tới nhà trường. Không phải tin giảng bài hay học bài mà là tin đọc kinh. Đây là một vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm đang gây xôn xao chấn động. Đó là nhà trường Valley Park Miđle School ở Toronto cho phép 400 học sinh Hồi Giáo đưọc xử dụng hội trường vào các chiều thứ Sáu để cầu nguyện. Khi nhóm này tụ họp quỳ xuống cầu kinh thì các nhóm khác phải đi chỗ khác. Hiện nay các học sinh thuộc tôn giáo Do Thái, Tin lành, Hindu và Công Giáo đang phản đối chuyện này. Cho nhóm này mà không cho nhóm kia, lôi thôi đây, các cụ ơi. Hình như sắp có biểu tình. Nghe nói bên Pháp cũng có nan đề này thì phải. Cô Cao Xuân lên tiếng : Xưa nay tôn giáo luôn đem lại hòa bình, bây giờ tôn giáo đem lại chiến tranh sao?

Thôi, không nói chuyện tôn giáo nữa kẻo các cụ nhức đầu. Xin được trở lại chuyện con cá. Thành phố Toronto của tôi đang có dự án xây một aquarium vĩ đại để lôi cuốn du khách. Tôi không biết phải dịch chữ aquarium này thế nào, aquarium mà Toronto muốn xây không phải là cái bể cá hay hồ cá, mà là một tòa nhà kính vĩ đại nhất Bắc Mỹ để nuôi và trưng bày các loại cá. Nhà thủy tinh này sẽ chứa 7 triệu lít nước, trưng bày ít nhất 13.000 con cá các loại, từ con cá mập khổng lồ tới con cá kiểng bé li ti. Kinh phí 130 triệu đồng. Sẽ hoàn tất năm 2013. Hiện nay Toronto nổi tiếng với tháp CN Tower cao nhất thế giới. Nay hồ cá này cũng sẽ to nhất thế giới. Theo dự phóng, nó sẽ thu hút ít nhất 2 triệu du khách hàng năm.


Anh John giữ phần tin thời sự xin kết thúc bằng hai tin này ; Thứ nhất là thành phố Halifax miền đông mới kỷ niệm 10 năm ngày kinh hoàng 11/9, rất trọng thể. Tại sao lại trọng thể? Thưa tại vì phi trường Stanfield ở tỉng bang Halifax cách đây 10 năm đã đón tiếp rất nhiều chuyến bay phải chuyển hướng từ Hoa Kỳ lên đây tránh nạn và hơn 7.000 du khách không nơi cư trú đã được dân chúng Halifax rước về nhà cho ăn ở. Các du khách vẫn nhớ mãi ơn này.

Dịp này, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ đã trao tặng ông thị trưởng Halifax một bảng Hoa Kỳ ghi ơn . Halifax nằm phía bên trên Boston của Hoa Kỳ. Tin thứ hai là tin tuy đã cũ nhưng vẫn còn rung chuyển và nhiều âm vang. Đó là cuối tháng Tám vừa qua một số phụ nữ đã cởi trần nhong nhong ngoài phố để phản đối nhà chức trách Toronto đã không cho họ tổ chức biểu tình đòi quyền cởi trần như đàn ông.

Họ bảo tại sao đàn ông cởi trần dạo phố thì được mà đàn bà chúng tôi cởi trần dạo phố lại bị cấm ? Chính quyền kỳ thị nam nữ rõ ràng. Họ đã kêu gọi phụ nữ Toronto hãy chuẩn bị dự ngày cởi trần, National GoTopless Day, nhưng chính quyền không cho. Chính quyền bảo các chị muốn cởi trần thì xin ra bãi biển dành riêng, ở đó các chị tự do hoàn toàn, các chị có quyền cởi cả trên cả dưới.


Rồi anh H.O. thêm phần tin tức cộng đồng VN. Anh bảo tin biểu tình chống Trung Cộng mấy tuần qua thì ai cũng biết rồi. Phe ta ở Toronto, ở Montreal, ở Vancouver xuống phố với cờ vàng rợp đường. Anh chỉ muốn góp ý với các ban tổ chức biểu tình chống Trung Cộng. Mình đến chửi nó thì phải nói cho nó hiểu, nếu các biểu ngữ và các khẩu hiệu chỉ viết bằng tiếng Việt thì nó đâu có hiểu , vậy xin viết nhiều tiếng Anh và nhất là tiếng Tàu.


Cậy người biết tiếng Tàu chửi bằng tiếng Tàu cho nó sợ nha. Nói đến đây rồi anh H.O. cười hề hề : Tuần qua, sau khi đi biểu tình, bọn này kéo nhau đi ăn phở. Trong khi ăn, một vị xồn xồn kể câu chuyện chửi Tàu hay không chịu được. Chuyện như sau : Có một anh chàng thấy khẩu súng của mình tự nhiên mỗi ngày mỗi xanh lè. Xưa nay nó có màu như thế bao giờ. Anh bèn đi bác sĩ.

Bác sĩ khám xong liền bảo : Con chim của anh bị nhiễm trùng nặng, phải cắt bỏ. Nghe thấy việc phải cắt con chim thì anh sợ qúa, bèn hỏi liệu có cách nào khác không. Bác sĩ nghiêm mặt trả lời : Hoặc cắt hoặc anh chết, không còn giải pháp nào khác. Anh ta hỏi tiếp : nếu cắt thì tôi đi đái làm sao? Bác sĩ bảo sẽ đặt cho anh một ống nylon. Làm xong, tuần sau anh ta trở lại bác sĩ bá cáo : bác sĩ ơi, cái ống nylon bây giờ cũng nhiễm trùng cũng chuyển sang mầu xanh y như con chim lúc trước. Bác sĩ khám ống nylon xong bèn phán : tại cái quần ‘made in China’ của anh làm cho cái ống ra màu xanh. Nghe xong, anh ta hét lên : Tổ cha cái thằng Tàu! Chúng mày hại ông!


Phe liền ông chúng tôi nghe xong thì lăn ra cười, phe các bà thì chỉ cười khúc khích. Chị Ba Biên Hòa không muốn bàn chuyện cái quần made in China. Chị trở về chuyện mấy cô đòi cởi trần dạo phố. Chị phát biểu : Cho tự do hoàn toàn thì loạn to. Các bác cứ tưởng tượng mà coi, mùa hè, thành phố Toronto đẹp như vậy mà bỗng dưng liền bà con gái nhong nhong phơi ngực ngoài đường, ai chịu cho thấu. Tại nạn xe hơi sẽ tăng lên gấp bội. Anh đang lái xe mà thấy một chị cởi trần thì liệu anh còn cầm trí lái xe nữa không?

Anh John thấy cụ B.95 ngáp dài thì biết rằng cụ đã chán chuyện thời sự cởi trần, anh liền xin chuyển đề tài. Anh kể tuần qua anh đã đọc được một chuyện tiếu lâm hay lắm, chuyện này chỉ kể bằng tiếng VN mới hay chứ dịch ra tiếng ngoại quốc thì mất đi qúa nửa cái duyên của nó. Chuyện như thế này:

Có một cặp vợ chồng trẻ mới cưới nhau được một năm, và cô vợ vừa thấy mình tắt kinh được một tháng. Hai vợ chồng sung sướng lắm vì cả hai đều đang mong có con. Một buổi sáng kia, chồng đi làm, chỉ có cô vợ trẻ ở nhà. Có một anh nhân viên sở điện lực tới bấm chuông, cô vợ ra mở cửa. Cô hỏi :

- Có chuyện chi vậy anh?

- Tôi đến đây chỉ để báo cho chị biết là chị đã trễ một tháng rồi đó

Cô vợ trố mắt kinh ngạc :

- Há, sao anh biết?

- Chị đừng có kinh ngạc, chị trễ dù một ngày chúng tôi cũng biết chứ đừng nói chi tới một tháng như hiện nay.

Cô vợ tỏ vẻ vừa sợ hãi vừa mắc cở :

- Thôi, đợi chồng tôi về chồng tôi sẽ nói chuyện với các anh.

Nói xong cô đóng sập cửa lại. Ngay sáng hôm sau, anh chồng tới sở điện lực đòi gặp anh nhân viên đi hôm trước. Thấy mặt anh nhân viên, anh chồng đập bàn thét lớn:

- Này anh kia, anh muốn gì ở vợ chồng chúng tôi?

- Việc đơn giản thôi. Ông bà cứ đưa tiền đây là mọi việc sẽ ổn thỏa ngay.

Anh chồng nghĩ mình bị tống tiền liền đáp:

- Nếu tao không đưa tiền cho mày thì sao?

Anh điện lực đáp tỉnh bơ:

- Bắt buộc chúng tôi phải cắt của ông thôi!

Anh chồng há hốc miệng :

- Cắt rồi thì vợ tao xài cái gì?

- Thì ông bảo bà xã xài đỡ cây đèn cầy !

Cả làng nghe xong thì phá ra cười. Rõ ràng ông nói gà bà nói vịt nha.

Thấy dân làng còn thích nghe loại chuyện này, anh John kể thêm một chuyện nữa, chuyện này có gốc trong sách tiếng Anh. Rằng một cặp vợ chồng già kia sau bữa ăn tối đã ra ngoài lan can ngồi hưởng trăng thanh gió mát. Hai người cùng nhâm nhi cognac. Bỗng bà vợ lên tiếng :

-Nè, ta yêu ngươi lắm nha, sống mà không có ngươi thì ta sẽ ra sao.

Ông chồng nghe thấy như vậy liền hỏi :

- Này bà, xưa nay bà vẫn gọi tôi là cưng ơi, bữa nay bà gọi tôi là ngươi, sao vậy ?

Bà vợ trả lời tỉnh bơ :

- À, tôi đang nói với ly cognac mà !

Kể xong chuyện này, anh John tuyên bố chấm hết. Anh xin Ông ODP tiếp sức. Bồ chữ ODP nói ngay : Bà con đang nghe chuyện cười, bây giờ nếu tôi kể chuyện nghiêm trang, chuyện đạo đức, có được không? Cả làng gật đầu đồng ý. Ông ODP liền kể :

Tuần qua, tình cờ tôi mở kho sách cũ, tôi gặp bài Thương Ngườì trong tập Gia Huấn Ca của Cụ Nguyễn Trãi ( 1380-1442 ), bài này như sau :

Thương người tất tả ngược xuôi
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ
Thương người ôm dắt trẻ thơ
Thương người tuổi tác già nua bần hàn
Thương người quan quả cô đơn
Thương người lỡ bước lầm than bên đường
Thấy ai đói rách thì thương
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn
Thương người như thể thương thân


…………………………………………………

Qua bài này Cụ muốn khuyên con cháu phải biết thương người, nhất là những người xấu số. Vì sao phải thương người ư ? Điều này rất hiển nhiên vì ai cũng từ bọc 100 trứng của mẹ Âu Cơ mà ra, cho nên chúng ta là anh em với nhau, xưa nay chúng ta vẫn gọi nhau là đồng bào mà. Trên thế giới này, người các nước khác họ không gọi nhau là đồng bào bao giờ. Xin các bạn chú ý tới nhóm chữ ‘anh em với nhau’. Nhóm chữ này làm tôi nhớ tới bài kinh người Công Giáo vẫn đọc trong nhà thờ mỗi sáng chủ nhật. Đó là kinh ‘Thương người có 14 mối’. Bài kinh chia ra làm 2 phần, bảy mối đầu là thương về phần xác, bảy mối sau là về phần hồn. Thương phần xác 7 mối như sau :

Thứ nhất cho kẻ đói ăn
Thứ hai cho kẻ khát uống
Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm cho khách đỗ nhà
Thứ sáu chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy chôn xác kẻ chết


…………………………….

Tôi thấy nội dung bài khuyên con cháu của cụ Nguyễn Trãi rất gần với bài kinh trong nhà thờ. Bài nào có trước? Tôi nghĩ bài của Cụ Nguyễn Trãi có trước vì cụ sống vào thế kỷ 15, còn bài kinh trong nhà thờ này do các vị truyền giáo Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha đặt ra, sớm lắm là vào thế kỷ 16. Điều này chứng tỏ rằng tổ tiên VN chúng ta vĩ đại vô cùng. Tổ tiên Việt nam đã biết đến Ông Trời ngay từ hồi lập quốc và đã biết cách sống thế nào cho phải đạo là đồng bào, là anh em với nhau, trước cả khi đạo Chúa Trời sang Á Châu.

Xin Ơn Trên cho chúng con biết coi nhau là anh em một nhà.

TRÀ LŨ

No comments:

Post a Comment