Pages

Friday, October 28, 2011

VIỆT NAM & THẾ GIỚI


Báo Trung Quốc cảnh báo 'sẽ có tiếng đại bác' ở vùng biển tranh chấp

Tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Ðông
Hình: AP
Tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ở Biển Ðông

Một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo ngày hôm nay rằng các nước có liên quan đến vụ tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, nên “chuẩn bị tinh thần nghe tiếng súng đại bác” nếu họ tiếp tục bất đồng với Bắc Kinh.

Hãng thông tấn Reuters và Bloomberg trích bài xã luận đăng trên tờ Hoàn Cầu Thời báo (The Global Times) của Trung Quốc trong đó cáo buộc các nước như Việt Nam và Philippines đã lợi dụng “lập trường ngoại giao mềm mỏng” của Trung Quốc để thúc đẩy cho chương trình nghị sự của chính họ.

Bài xã luận có đoạn viết “Hiện tại, Trung Quốc hiểu là cần phải đi theo các kênh đàm phán với các nước khác để giải quyết tranh chấp. Nhưng nếu tình hình trở nên xấu đi, thì hành động quân sự là điều cần thiết”.

Bài xã luận không có chữ ký viết tiếp rằng “nếu những nước này không muốn thay đổi cách hành xử với Trung Quốc, họ sẽ cần phải chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đại bác. Chúng ta cần sẵn sàng cho điều đó, bởi đây có thể là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp ở vùng biển này”.

Chính phủ Trung Quốc ngày hôm nay nói rằng bài viết không đại diện cho quan điểm của họ.

Khi được đề nghị bình luận về bài xã luận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Khương Du nói rằng chính phủ “Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và rằng việc gieo mối bất hòa và thù nghịch chỉ làm phức tạp thêm tình hình”.

Trong những tháng gần đây các tàu tuần tra của Trung Quốc đã tìm cách cản trở các cuộc thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philippines ở vùng biển Đông.

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cảnh báo rằng các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ở khu vực này là mối đe dọa đối với các tuyến đường hàng hải.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-china-warning-10-25-2011-132520423.html

Trung Quốc lại để báo chí hăm dọa
dùng võ lực với các láng giềng có tranh chấp trên biển


Chiến hạm của hải quân Trung Quốc tại Biển Đông (DR)
Chiến hạm của hải quân Trung Quốc tại Biển Đông (DR)

Trọng Nghĩa

Vào hôm nay, 25/10/2011, Bắc Kinh lại bật đèn xanh cho báo chí hù dọa các láng giềng. Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), đã nêu đích danh Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc, để cảnh cáo các nước đang tranh chấp chủ quyền trên các vùng Biển Đông và biển Hoa Đông với Trung Quốc là phải thay đổi lập trường, nếu không muốn chịu cảnh binh đao.

Trong bài xã luận viết bằng cả Anh ngữ lẫn Hoa ngữ, mang tựa đề « Đừng xem phương thức tiếp cận hòa bình là điều được hưởng mãi mãi », tờ báo này đã tố cáo các láng giềng của Trung Quốc là đã lợi dụng « đường lối ngoại giao hiếu hòa » của Bắc Kinh để thủ lợi cho riêng mình. Do đó, tờ báo cho rằng : « Nếu không thay đổi thái độ, các nước này sẽ phải chuẩn bị tinh thần để nghe thấy tiếng đại pháo », và chính quyền Trung Quốc cũng phải sẵn sàng cho biện pháp « phản công » quân sự, vì đây có thể là biện pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp.

Dù có đề cập đến Hàn Quốc, nhưng Hoàn cầu Thời báo Trung Quốc đặc biệt gay gắt với Philippines và Việt Nam bị họ cho là « Tưởng rằng Trung Quốc đang bị sức ép nhiều phía, nên nghĩ rằng thời cơ đã đến để buộc Trung Quốc phải từ bỏ quyền lợi của mình » ở Biển Đông. Đối với tờ báo này, chính quyền Bắc Kinh cần phải tính đến một số biện pháp quân sự, nếu « tình hình xấu đi ».

Đây không phải là lần đầu tiên mà tờ Hoàn cầu Thời báo có lời lẽ hung hăng với Việt Nam và Philippines. Cuối tháng 9 vừa qua, tờ báo này đã từng đăng bài của một tác giả ký tên là Long Đạo, kêu gọi Trung Quốc nên đánh phủ đầu Việt Nam và Philippines, hai nước đã dám chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Global Times không phải là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho dù trực thuộc Nhân dân Nhật báo. Tuy nhiên, tờ báo này được cho là diễn đàn của các thành phần diều hâu trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc.

Theo giới phân tích, không phải là ngẫu nhiên mà Trung Quốc lại bật đèn xanh cho tờ Hoàn cầu Thời báo đe dọa các láng giềng vào thời điểm này. Nhân vòng công du châu Á đầu tiên của mình khỏi sự từ chủ nhật 23/10, tân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lên tiếng xác định trở lại với các nước trong vùng là Hoa Kỳ sẽ không cắt giảm lực lượng quân sự tại châu Á, cho dù ngân sách quốc phòng Mỹ sắp bị thu hẹp.

Theo nhận định của báo Wall Street Journal, khi cho biết là việc Hoa Kỳ triệt thoái quân khỏi Irak và Afghanistan sẽ cho phép Lầu Năm Góc chuyển nguồn lực qua châu Á, ông Panetta đã trấn an các đồng minh và đối tác ở Châu Á rằng, Washington kiên quyết hiện diện đáng kể trong vùng để cân bằng với đà vươn lên nhanh chóng về mặt quân sự của Trung Quốc.

Lời đe dọa các nước láng giềng mà tờ Hoàn cầu Thời báo tung ra vào hôm nay, như vậy, có thể được xem là một đòn cân não mới trong cuộc chiến tranh tâm lý của Trung Quốc, nối tiếp theo một bài bình luận khác gần đây trên tờ Nhân dân Nhật báo. Ngày 28/09 vừa qua, tờ báo này đã khuyên các quốc gia Á châu là không nên « núp bóng » Hoa Kỳ, cho rằng “có thể làm bất cứ điều gì” nhờ có sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111025-trung-quoc-lai-de-bao-chi-de-doa-dung-vo-luc-voi-cac-lang-gieng-co-tranh-chap-tren-b



Chính sách liên minh của Việt Nam
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2011-10-25

Những diễn biến dồn dập gần đây cho thấy Việt Nam ngày một thành công hơn trong nỗ lực vận động các nước nối kết với mình qua các chuyến công du của lãnh đạo cao nhất nước.

AFP photo

Trung tướng Đỗ Bá Tỵ -Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (thứ 5 từ bên trái) với lãnh đạo hải quân các nước khu vực Đông Nam Á họp tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 7 năm 2011.

Đường lối ngoại giao ...

Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công du Trung Quốc song song với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng thăm Ấn Độ thì thế cờ Biển Đông cách nào đó đang nặng về phía Trung Quốc bỗng chệch dần về phương Nam một ít. Giới quan sát quốc tế từ Tây phương tới Đông nam Á đều cùng đồng ý rằng Ấn Độ là đối trọng hợp lý nhất mà Việt Nam chọn lựa trong thế cân bằng với áp lực Trung Quốc ngày một đè nặng lên vùng biển tranh chấp.

Ấn Độ không nhường bước trước những hăm dọa của Trung Quốc như với các nước phương Tây khác khi quyền lợi kinh tế của họ bị Trung Quốc đem ra mặc cả. Nhiều tập đoàn dầu khí Tây phương nhượng bộ Trung Quốc khi ngưng khai thác các giếng thuộc chủ quyền Việt Nam để lãnh những gói thầu lớn hơn từ Trung Quốc cộng với các quyền lợi kinh tế khác là đòn mà Trung Quốc đánh trí mạng vào kinh tế lẫn chủ quyền Việt Nam. Cho tới khi Ấn Độ ngang nhiên chống lại những tuyên bố vô lý của Bắc Kinh thì chừng như Trung Quốc hiểu rằng không phải cứ lớn tiếng hăm dọa thì nước nào cũng nhịn nhục mình.

Việt Nam đã chủ động hơn khi công khai liên tiếp kết hợp những hội nghị, công du hay hợp tác với nhiều nước trong khu vực. Sau Ấn Độ là Nhật Bản, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đạt được những thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Nhật không phải là chuyện ngoại giao mà là một đối sách có tính chiến lược khi hiểu rằng ngoài Philippines, thì Nhật là nước có hoàn cảnh giống với Việt Nam nhất khi phải liên tục đối phó với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo.

Bước sắp tới nữa là Việt Nam nên hợp tác nhiều hơn nữa với các nước, đặc biệt là Mỹ bởi vì thế lực quân sự của Mỹ trên thế giới này đáng kể hơn cả.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng

Rõ ràng là Nhật không thể cung cấp vũ khí cho Việt Nam vì bản hiến pháp nước này ràng buộc ngặt nghèo không cho phát triển quốc phòng nhưng khi có biến thì Nhật sẽ không bó tay chờ Trung Quốc thanh toán mình bằng những phương tiện chiến tranh, vì dù sao thì Nhật cũng đang sở hữu một lực lượng hải quân hùng hậu nhất châu Á.

Nếu Việt Nam tạo được thế liên minh các nước trong tinh thần cùng gìn giữ an ninh trong khu vực thì Nhật cũng tự biết sẽ phải làm gì trước sự hùng mạnh lên của Trung Quốc.

Nhật Bản sẽ cùng các nước tạo thế cân bằng sức mạnh quân sự qua các hỗ trợ kinh nghiệm quốc phòng hay chia sẻ thông tin và nhất là tạo một niềm tin cho các quốc gia nhược tiểu có lẽ là điều thiết yếu trong lúc này khi mà Trung Quốc luôn tận dụng chính sách kinh tế đi kèm với quân sự để đè ép các nước trong vùng đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Cùng bị chèn ép như Việt Nam nhưng Manila tỏ ra linh hoạt và cứng rắn hơn Hà Nội rất nhiều. Không những sẵn sàng chọn lựa biện pháp vũ lực nếu bị tấn công, Manila còn công khai cho thấy hiệp ước hỗ trợ quân sự năm 1951 giữa nước này với Washington vẫn còn hiệu lực và Hoa kỳ cũng công khai thừa nhận điều này như một quỹ bảo hiểm cho bất cứ những manh động nào từ Trung Quốc.

... và quân sự

Chuyến viếng thăm Manila sắp tới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không những giải quyết những băn khoăn của Manila về tuyên bố chung 6 điểm Việt Trung mà ông Sang còn được kỳ vọng là chiếc gạch nối nhằm tạo thế liên lập giữa các nước nhỏ với nhau trong một không gian địa chính trị gắn bó mật thiết nhằm vô hiệu hóa kế hoạch bẻ đũa từng chiếc của Trung Quốc.

000_Hkg5492173-250.jpg
Hải quân VN xem mô hình "Trường Sa Lớn" tại buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập "Đường mòn HCM trên biển" hôm 21/10/2011. AFP photo
Do thế nước yếu nên Việt Nam đã chuẩn bị rất nhiều kế hoạch cho việc tự vệ của mình với những vận động xin mua các loại vũ khí tối tân khác từ Ấn và Nga. Nhà báo Ngô Nhân Dụng, cây bỉnh bút thời sự của nhiều tờ báo lớn tại hải ngoại cho biết:

"Ngoài cái việc ông Phùng Quang Thanh nói chuyện với người Nhật về vấn đề hỗ tương về quốc phòng thì chúng ta còn biết chính phủ Việt Nam đã mua những hỏa tiễn của Ấn Độ hợp tác với Nga sản xuất điều đó cho thấy rằng Việt Nam đã đi theo con đường là phải hợp tác với nhiều quốc gia châu Á. Bước sắp tới nữa là Việt Nam nên hợp tác nhiều hơn nữa với các nước, đặc biệt là Mỹ bởi vì thế lực quân sự của Mỹ trên thế giới này đáng kể hơn cả.

Nước Nhật dù sao cũng bị hạn chế về hiến pháp hòa bình, không cho phép nước Nhật có quân đội, không cho phép Nhật có hải quân. Nếu trông cậy vào Ấn Độ và Nhật trong việc mua khí giới là điều tốt nhưng nước Mỹ là nước sẵn sàng cung cấp vũ khí cho những nước nhỏ để họ tự vệ."

Ngoài cái việc ông Phùng Quang Thanh nói chuyện với người Nhật về vấn đề hỗ tương về quốc phòng thì chúng ta còn biết chính phủ Việt Nam đã mua những hỏa tiễn của Ấn Độ hợp tác với Nga sản xuất

Nhà báo Ngô Nhân Dụng

Tuy nhiên yếu tố Hoa Kỳ mới chính là niềm tin của các nước châu Á, trong đó Việt Nam không thể không tính tới mặc dù danh xưng Xã Hội Chủ Nghĩa của Hà Nội vẫn đang là trở ngại cho những tiến độ nhằm gần hơn với thế giới. Sự trở lại lần này của Hoa Kỳ có tính bền vững hơn so với những đánh giá hời hợt như trước đây khi người ta cho rằng tổ chức ASEAN chưa đủ lớn để Hoa kỳ hướng tới. Kinh tế và triển vọng vươn lên của ASEAN tuy đã được Hoa kỳ đánh giá cao nhưng đến khi các vụ tranh chấp Biển Đông ngày một nặng nề hơn thì Washington nhận ra rằng quyền lợi lẫn quyền lực của mình đã bị Trung Quốc thách thức.

Khi tuyên bố Biển Đông là quyền lợi quốc gia, một cách chơi chữ đối với tuyên bố lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho thấy thái độ dứt khoát của Mỹ và phía sau tuyên bố ấy là một nước Mỹ đủ mạnh để khống chế mọi quyết sách quân sự của Trung Quốc chứ không phải là lời nói suông nhằm làm yên tâm những đồng minh của Mỹ.

Đồng minh Hoa Kỳ

Trong thông điệp nói về chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Hillary một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ xem khu vực này là trọng tâm như thế nào đối với chính sách mới mà Nhà Trắng hứa theo đuổi:

hilary-pgkhiem-state-250.jpg
NT Hillary Clinton và BT Phạm Gia Khiêm trong ngày kỷ niệm 15 bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt tại Hà Nội hôm 22/7/2010. Photo courtesy of state.gov
"Tôi rất tự tin cũng như chúng ta sẽ nói với các nước châu Á rằng chúng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới và sẵn sàng chọn lựa những khó khăn nhất để giữ lời hứa với đồng minh của chúng ta."

Bà Hillary cũng khẳng định Hoa kỳ sẽ bảo vệ vùng biển Malacca như tuyến đường huyết mạch bằng sức mạnh hiện có của hải quân Mỹ hiện diện trong vùng. Singapore sẽ là vọng gác tiền tiêu được Hoa kỳ hỗ trợ cho các hoạt động mà chính nước này cũng rất bất ngờ. Trước những động thái này nhà báo Ngô Nhân Dụng cho biết nhận xét của ông:

"Việt Nam tự nhiên thấy rằng mình có thể yên tâm hơn khi mình không bị những nước khác đe dọa vùng Biển Đông của mình, trong đó có lẽ Trung Quốc là nước tiêu biểu nhất. Tôi nghĩ là trong trường hợp này chính phủ Việt Nam nên bày tỏ lời hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Mỹ. Đệ Thất Hạm đội mỹ ở vùng Malacca vì đó là con đường huyết mạch chuyên chở đến 80% dầu lửa và khí đốt nhập cảng cho các nước Trung Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan. Việt Nam cũng nên bày tỏ ý kiến là mình cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ an ninh của vùng biển đó và trong đó có cả an ninh của chính mình."

Ông Đới Bỉnh Quốc mới đây đã làm dịu tình hình căng thẳng khi thấy rằng Trung Quốc có triển vọng bị cô lập qua tuyên bố chung sống và giải quyết các vụ việc trong tinh thần hòa bình. Tuyên bố của một nhân vật sắp nhận trọng trách đứng đầu hơn một tỷ dân chắc không thể là một tuyên bố suông. Dù cho thế nào thì Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhất là cần thời gian để tự trang bị thêm sức mạnh cho mình trước khi tính tới chuyện phải đối đầu gần như phân nửa thế giới hợp lại khi phát động một cuộc chiến chưa biết ai sẽ thắng ai.

Ông Lê Ngọc Thống một cây viết phân tích quân sự từ trong nước cho biết nhận xét của ông về viễn ảnh một cuộc tấn công của Trung Quốc nếu có:

Tôi rất tự tin cũng như chúng ta sẽ nói với các nước châu Á rằng chúng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới và sẵn sàng chọn lựa những khó khăn nhất để giữ lời hứa với đồng minh của chúng ta."

NT. Hillary Clinton

"Thật ra thì cái điều này khó xảy ra lắm vì nó không đem lại cái lợi ích toàn cầu của Trung Quốc bao nhiêu cả. Thứ hai nữa chừng nào Trung Quốc đến mức coi thế giới không ra gì thì mới làm như thế. Tuy nhiên khi có xảy ra thì từ thực tiễn của năm 1979 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là không để bị bất ngờ và theo tôi sự đối phó với Việt Nam là không để bị bất ngờ."

Không ai muốn chiến tranh là lẽ thường nhưng khi có chiến tranh xảy ra thì không nước nào muốn mình thất bại. Để đạt được điều tưởng chừng như đơn giản này Việt Nam hơn ai hết rất cần rút lấy kinh nghiệm của cha ông trước khi tin vào các lời hứa của người láng giềng chưa bao giờ giữ lời hứa của họ trong hàng ngàn năm qua, trong đó có lời hứa mới nhất của ông Đới Bỉnh Quốc mà nhiều nước chưa có kinh nghiệm với Trung Quốc đã tỏ ra yên tâm.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-seek-alliance-official-visits-ml-10252011164213.html

“Dân đang đòi dân chủ thực sự”
Cập nhật: 14:22 GMT - chủ nhật, 23 tháng 10, 2011
Lãnh đạo Việt Nam

Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung văn bản luật tối cao trong hệ thống luật pháp của mình.

Việt Nam cần mở rộng dân chủ để cải thiện việc làm luật và sửa đổi Hiến pháp, một cựu Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bình luận với BBC nhân việc Quốc Hội Việt Nam đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung văn bản luật căn bản, tối cao của quốc gia.

Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong phần hai cuộc phỏng vấn dành cho BBC nói bản Hiến pháp sửa đổi sẽ cần được sự “phúc quyết của người dân”, mặc dù ông cảnh báo việc bảo đảm phúc quyết có được hiệu lực thực sự có thể là một vấn đề.

Bình luận về ý kiến của một bộ phận dân chúng quan ngại về nguy cơ được cho là có sự "lạm dụng quyền lực" ở một bộ phận cán bộ ngành Công an, an ninh trong ứng xử với dân hiện nay, cựu Phó Chủ tịch Hội Luật gia khẳng định các hành vi vi phạm bị “pháp luật nghiêm cấm” và ai vi phạm thì người đó phải “chịu trách nhiệm” và "bị xử lý.”

Cựu quan chức từng hoạt động nhiều năm ở Quốc hội cũng đưa ra bình luận riêng về một số quan chức lãnh đạo Quốc Hội, trong đó có đương kim Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và người tiền nhiệm, ông Nguyễn Văn An, và bày tỏ tin tưởng rằng ông Sinh Hùng có đủ “kinh nghiệm” để lãnh đạo thành công Quốc hội khóa XIII.

Mở đầu phần hai và cũng là phần cuối cuộc trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc đưa ra dự đoán về kết quả lần sửa đổi Hiến pháp kỳ này.

Ông Nguyễn Đình Lộc: Thành công thì tôi tin chắc là thành công rồi. Còn ở mức độ nào thì phải tính thêm. Vì có một số vấn đề, ý kiến còn khác nhau. Có người muốn thế này, nhưng người khác lại chưa muốn, nên còn phải tính thêm.

BBC: Theo ông hiện nay và tới đây phải làm những gì để công tác sửa đổi Hiến pháp và làm luật được tốt hơn?

"Đã có nhiều luật, thì đừng biến luật thành luật rừng. Làm thế nào luật được mọi người tuân thủ, thì cái đó, bản thân Đảng Cộng sản cũng rất thiết tha"

Ông Nguyễn Đình Lộc: Tới đây vấn đề sửa đổi hay không sửa đổi có thể mang ra phúc quyết (bởi) nhân dân.

BBC: Nhưng làm sao bảo đảm sự phúc quyết được thực sự của dân?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó lại là vấn đề khác. Nó đòi hỏi toàn bộ không khí dân chủ phải khác. Phải tiếp tục dân chủ nữa, đổi mới nữa.

BBC: Ở Việt Nam, có người nói luật làm ra rất nhiều rồi, nhưng việc bảo đảm cho luật pháp được thi hành một cách thực sự nghiêm minh và hiệu quả vẫn là một vấn đề. Theo ông, việc đó trên thực tế đã được làm tốt chưa?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó cũng là một vấn đề mà chúng tôi đang băn khoăn. Đã có nhiều luật, thì đừng biến luật thành luật rừng. Làm thế nào luật được mọi người tuân thủ, thì cái đó, bản thân Đảng Cộng sản cũng rất thiết tha nhưng không phải là muốn mà được.

'Phàn nàn Công an'

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc cho rằng Việt Nam đã có đầy đủ quy định luật pháp để ngăn ngừa lạm dụng quyền lực trong điều tra, xét hỏi, tố tụng.

BBC: Bình luận của ông về sáng kiến luật pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ Công an soạn thảo luật về biểu tình? Liệu ngoài hay bên cạnh Bộ Công an chuẩn bị, còn Bộ, ngành hay liên Bộ, ngành nào khác cũng phù hợp để giao soạn thảo luật này?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Luật Biểu tình hay Luật chống Biểu tình? Cái đó cũng có thể giao cho một cơ quan khác, chứ không nhất thiết cứ một cơ quan, bộ nào đó bắt buộc phải làm. Còn cái đó (giao cho Bộ Công an) thì bây giờ tôi cũng không rõ lắm đâu để mà phát biểu.

BBC: Ông bình luận gì về tỷ lệ thành phần Quốc hội khóa hiện nay. Có người quan sát cho thấy Trung ương Hội Liên hiệp Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) có một Tổng Thư ký đại diện đã không vào được Quốc hội. Trong khi đó có vẻ nhiều vị thuộc các thành phần như công an, hoặc công an đã dân sự hóa, hoặc tầng lớp các nhà tư sản, doanh nghiệp…được đưa vào nhiều. Thay đổi trong tỉ lệ thành phần này có ý nghĩa gì?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Ý nghĩa tốt chứ. Nên nhớ rằng không khí dân chủ trong Quốc hội ngày càng phát triển, từ nhiệm kỳ này, khóa này qua khóa khác rất phát triển. Cho nên thành phần rất quan trọng và không khí dân chủ là tốt lên chứ sao.

"Cái đó pháp luật đã cấm rồi... Nếu người nào làm thì người đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Cái đó được gọi là những tội hình sự rồi"

BBC: Truyền thông trong nước phản ánh khá nhiều trường hợp người dân phàn nàn về việc bị ngành Công an bắt và đưa vào các cơ quan xử lý, tạm giam, giam giữ, và trong quá trình điều tra, xét hỏi của ngành Công an, nhiều người cáo buộc dân bị gây thương tích, thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp trong đó được cho là “oan sai”, bình luận của ông?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó pháp luật đã cấm rồi. Cấm, không được làm việc đó. Nếu người nào làm thì người đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Cái đó được gọi là những tội hình sự rồi.

BBC: Liệu có nên có một đạo luật nào đó ngăn ngừa điều mà một bộ phận người dân e ngại và mô tả như hiện tượng hay xu hướng được cho là “Công an trị” trong xã hội?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Chúng tôi chưa dùng từ “Công an trị” đâu. Từ đó là hơi nặng.

BBC: Tuy nhiên, theo ông, phải làm thế nào để hạn chế hiện tượng đó, chẳng hạn như một số cán bộ công an bị cáo buộc đã xâm phạm thân thể, phương hại tinh thần, thậm chí làm thiệt mạng người dân?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Bản thân pháp luật của chúng tôi cũng rất nghiêm rồi. Không chấp nhận những việc như thế. Bây giờ làm thế nào đảm bảo để pháp luật được tôn trọng thôi. Không có dùng tra tấn, không có dùng nhục hình… Không có những việc đó, pháp luật cấm.

'Dân đòi dân chủ'

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng

Ông Nguyễn Đình Lộc tin rằng Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có đủ kinh nghiệm lãnh đạo thành công Quốc Hội.

BBC: Trở lại với Quốc hội và sửa đổi Hiến pháp, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vốn là một nhà hành pháp, mới trở thành lãnh đạo nghị viện, liệu kinh nghiệm của ông Hùng sẽ giúp ông lãnh đạo tốt sửa đổi Hiến pháp, nhất là so với các tiền nhiệm, chẳng hạn ông Nguyễn Văn An, người được cho là vận hành tốt Quốc hội khóa XI và tạo đà thuận lợi cho khóa XII vừa qua?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Ông Nguyễn Văn An được dư luận và bản thân chúng tôi rất tôn trọng. Đúng là ông có kinh nghiệm.

Nhưng bản thân ông An cũng là cán bộ chính trị sang chứ có chuyên về Quốc hội đâu. Ông từng làm Bí thư tỉnh.

Với ông Nguyễn Sinh Hùng, mới là Kỳ họp đầu tiên nên bây giờ chưa nói được.

"Tôi tin ông Hùng, từ một cán bộ thôi nhưng đã lên đến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, bây giờ chuyên về Quốc hội thì tốt quá rồi"

Nhưng tôi tin ông Hùng, từ một cán bộ thôi nhưng đã lên đến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, bây giờ chuyên về Quốc hội thì tốt quá rồi .

BBC: Câu hỏi cuối cùng, theo ông bao giờ người dân Việt Nam sẽ có được một bản Hiến pháp bảo đảm hoàn toàn và hiệu quả cho họ các quyền tự do đích thực, giúp đất nước có được một thể chế chính trị dân chủ thực sự và văn minh cùng một hệ thống luật pháp hiệu quả mà không hình thức?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó tôi không đoán được, nhưng tôi mong rằng tình hình ngày càng tốt hơn và có khả năng tốt hơn.

Vì trình độ của nhân dân và yêu cầu của nhân dân cũng ngày càng rõ.

Nhân dân cũng đang đòi có dân chủ thực sự.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ 1992 đến 2002, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội luật gia và Đại biểu Quốc hội các khóa VII, IX, X và XI.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/10/111020_nguyendinhloc_inv2.shtml

No comments:

Post a Comment