Pages

Wednesday, November 16, 2011

ĐÀM TRUNG PHÁP * ANH VĂN


Nhiều học trò ngoại quốc
nói và viết tiếng Anh quá kém: Lỗi tại ai?
Posted: 11/11/2011 by Quản thủ thư viện in Biên Khảo / Phê Bình, Đàm Trung Pháp

Đàm Trung Pháp, PhD
Giáo sư ngữ học giáo dục
Texas Woman’s University


Tác giả Đàm Trung Pháp

Lai lịch bài viết này: Một buổi hội thảo giáo dục mang chủ đề “Academic success for all limited-English-proficient students” đã được Oklahoma State Department of Education tổ chức ngày 22-2-2002 tại University of Central Oklahoma. Được mời làm diễn giả chủ đề (Keynote speaker) khai mạc cuộc hội thảo, tác giả bài viết này đã đề cập đến một thực trạng có thể làm buồn lòng một số thính giả trong buổi hội thảo nhưng vẫn phải nói ra. Xin gửi đến bạn đọc bốn phương bản dịch sang tiếng Việt của bài thuyết trình đó.

oOo

Thuyết trình của tôi hôm nay với quý đồng nghiệp tại Oklahoma bắt nguồn từ bài viết mang tên What teachers need to know about language phổ biến vào mùa hè năm 2000 của Giáo sư Lily Wong Fillmore thuộc University of California at Berkeley và Giáo sư Catherine Snow thuộc Harvard University [1]. Đọc xong bài viết ấy, tôi thấy như nỗi ưu tư của chính tôi (và có lẽ của nhiều nhà giáo dục ngôn ngữ khác nữa) đã được hai tác giả nói dùm lên một cách rất hùng hồn. Đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho nghề nghiệp chúng ta.

Hai vị giáo sư nêu trên nhận thấy hình như các học trò mà tiếng mẹ đẻ không phải là Anh ngữ càng ngày càng bị khó khăn trong việc học hỏi ngôn ngữ này. Có những em khi ghi danh học mẫu giáo được xếp loại “khả năng Anh ngữ hạn chế” và 13 năm sau đó khi tốt nghiệp trung học vẫn thuộc loại “khả năng Anh ngữ hạn chế”! Ngay cả những em rất chăm chỉ học hành, thuộc đủ mọi sắc tộc, bất kể là sản phẩm của giáo dục song ngữ hoặc là của giáo dục ESL, cũng không chinh phục được Anh ngữ.

Những dữ kiện từ chương trình ESL của University of California at Irvine năm 1997 vẽ lên một hình ảnh bi đát: 60% các sinh viên năm thứ nhất đã rớt bài thi luận văn Anh ngữ tại trường này, và 90% của các sinh viên thi rớt này là người Á châu đã từng theo học ở Mỹ tối thiểu là 8 năm. Đó là các em học sinh đã tốt nghiệp trung học với hạng danh dự, đã từng học các lớp Anh ngữ cao cấp (AP English).

Nhưng, khổ thay, khả năng viết tiếng Anh của các em cho chúng ta thấy các em không nắm vững được cú pháp thứ tiếng này chút nào! Đó là chuyện ở California. Còn ở Texas thì cách đây ít lâu tôi có nhận được một thư mời viết bằng thứ tiếng Anh thuộc loại vừa tả của một sinh viên gốc người Việt, nguyên văn như sau: “Do you always wanted to know what is the different between the Vietnamese and American culture? Do you always wondering why our parents thinking are so differences than we are? Than come to the Living Two Cultures Conference!” Đọc xong thư mời với những lỗi văn phạm khủng khiếp ấy, tôi chợt rùng mình [2].

Tôi biết chắc quý đồng nghiệp tại Oklahoma cũng đã có những kinh nghiệm tương tự. Vì đâu ra nông nỗi này? Theo tôi, lý do hiển nhiên là các em đã không được huấn luyện kỹ càng để các em có thể làm chủ được các cấu trúc cũng như các khuôn mẫu sử dụng của Anh ngữ. Nhiều giáo chức ngày nay không đủ khả năng giúp học trò chinh phục văn phạm và cú pháp tiếng Anh. Cách đây vài chục năm, văn phạm tiếng Anh và ít nhất là một ngoại ngữ được cho vào học trình trung học Mỹ, nhưng ngày nay hai môn học này không còn là những môn học bắt buộc nữa.

Do đó, vài ba thế hệ nhà giáo đã không có cơ hội trau giồi văn phạm và ngoại ngữ khi họ còn ở trung học. Không nắm vững văn phạm, các nhà giáo này không nhận ra các lỗi văn phạm của học trò, và nếu có nhận ra những lỗi của học trò cũng không biết cách giúp chúng sửa các lỗi đó ra sao. Họ cũng có khuynh hướng quá dễ dãi lúc chấm bài học trò.

Hai giáo sư Fillmore và Snow có đưa ra thí dụ một bài luận văn trong lớp “Honors English” của một học trò trung học gốc ngoại quốc, viết không đâu vào đâu, hoàn toàn không lớp lang, và đầy lỗi văn phạm. Vậy mà người phụ trách giảng dạy không hề sửa một chút nào và còn phê hai chữ “Great work!” thật lớn vào trang đầu của bài viết ấy! Có lý do gì để cho em học trò này nghĩ là mình viết tiếng Anh rất kém không?

Một lý do nữa khiến ra nông nỗi này: một vài lý thuyết về giáo dục ESL khuyên các nhà giáo không nên giảng dạy văn phạm trực tiếp cho học trò và cũng không nên đề cập đến các lỗi văn phạm của học trò (vì làm như vậy học trò sẽ bị ức chế tinh thần và hết ham học).

Các nhà giáo chỉ việc nói tiếng Anh sao cho học trò hiểu được, bằng cách dùng các hình vẽ, các cách biểu diễn để cho chúng thủ đắc (acquire) tiếng Anh một cách “tự nhiên” và “tự động”. Theo các lý thuyết ấy thì giảng dạy trực tiếp không thay đổi gì được tiến trình phát triển ngôn ngữ; sự thủ đắc các luật lệ ngôn ngữ là công việc của các cơ phận đặc trách ngôn ngữ nằm trong bộ óc. Nhờ vào chúng, học trò cuối cùng sẽ tự khám phá ra và nắm vững được những luật lệ ngôn ngữ. Nhưng sự chinh phục ngôn ngữ có thực sự giản dị như vậy không?

Tôi không tin như vậy, và tôi đồng ý hoàn toàn với hai giáo sư Fillmore và Snow rằng phải có một điều kiện khác nữa vô cùng quan trọng mới mong được thành công: Các học trò phải tác động (interact) trực tiếp và thường xuyên với những cá nhân giỏi tiếng Anh đến độ có thể giải thích cho chúng biết tiếng Anh thao tác (operates) ra sao và được sử dụng như thế nào. Khi điều kiện này không có, việc học bất thành. Khi con số học trò chưa thạo tiếng Anh quá lớn so với con số người giỏi tiếng Anh (như trong một lớp học mà đại đa số là các học trò chưa thạo tiếng Anh), thì đây là một tình trạng bi đát.

Chuyện gì sẽ xẩy ra trong trường hợp này? Xin thưa, các học trò sẽ không tiến bộ, hoặc chúng sẽ học hỏi lẫn nhau. Kết quả là chúng sẽ nói và viết một thứ tiếng Anh giả cầy pha trộn hai ngôn ngữ (interlanguage pidgin), đi trệch và khác xa tiếng Anh tiêu chuẩn.

Thứ tiếng Anh giả cầy này hết thuốc chữa, và được các học trò ấy sử dụng một cách thông thạo và đầy tự tin! Một học sinh 12 tuổi gốc Miên, sau khi học 8 năm tại Mỹ, đã diễn tả như sau về mấy người bà con của em vừa sang Mỹ định cư: “Hmm . . . they – they, like, speak Cambodian more because they more comfortable in it. They don’t want to talk English sometime because – when they go to school they don’t, like, really talking, right? But when at home they chatter-talk. ‘Cause they kind of shy, you know, like, when the teacher call on them and they don’t know the answer, sometime they know the answer but they shy to answer. If you ask them, ask them so quietly, they answer.”

Trước tình trạng khẩn trương này, chúng ta phải làm gì? Giáo sư Fillmore và giáo sư Snow đề nghị xác đáng là giáo chức ESL phải được thấm nhuần môn “ngữ học giáo dục” với các chủ đề như kiến thức về ngôn ngữ và ngữ học, tiến trình thủ đắc ngôn ngữ thứ hai như thế nào, nghệ thuật học hỏi và giảng dạy ngôn ngữ thứ hai ra sao, và kiến thức về nét đa dạng văn hóa trong xã hội Mỹ.

Theo tôi biết thì thực ra nhiều chương trình đào tạo giáo chức ESL (trong đó có chương trình mà tôi đang làm giám đốc tại Texas Woman’s University) đều đã có những môn học kể trên, nhưng chúng chưa hữu hiệu đúng mức và cần điều chỉnh lại. Điều đáng quan ngại là nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp và trở thành nhà giáo đã không nắm vững được cấu trúc của tiếng Mỹ để có thể “phát hiện” ra những lỗi của học trò, rồi “chẩn bệnh” và cuối cùng đề nghị một phương thức giúp học trò chinh phục những lỗi đó.

Sau hơn 30 năm trong ngành giáo dục ESL ở Việt Nam và Hoa Kỳ, giờ đây nghĩ lại tôi thấy hai cuốn sách đã giúp tôi nhiều nhất trong thời gian du học tại Mỹ là cuốn Patterns of English của Paul Roberts [3] và cuốn The structure of American English của W. Nelson Francis [4]. Hai cuốn sách giáo khoa này đã cho tôi một nền tảng kiến thức vững vàng khiến tôi có thể viết tiếng Anh đúng văn phạm khi còn là sinh viên, và khi thành nhà giáo có thể giải thích cho học trò của tôi về những lỗi văn phạm của họ khi viết tiếng Anh.

Tôi còn nhớ rõ sự thích thú to lớn của tôi khi tôi “học” được trong cuốn sách của Francis rằng một mệnh đề bắt đầu bằng liên từ “that” (như “That he passed the test”) có thể đứng làm chủ từ trong một câu (như “That he passed the test surprises everyone.”) Tôi lại càng thích chí hơn nữa khi biết rằng một tính từ cũng có thể đóng vai chủ từ trong câu, như câu “Easy does it”!

Tôi ước ao được thấy, trong một tương lai rất gần, các chương trình đào tạo giáo chức ESL tại các đại học cũng như các chương trình tu nghiệp giáo chức ESL tại các khu học chánh sẽ nhấn mạnh gấp bội về kiến thức văn phạm cũng như về khả năng phát hiện ra lỗi văn phạm của học trò và tìm cách giúp học trò vượt qua những lỗi đó.

Mỗi lần thấy học trò phạm một lỗi văn phạm, nhà giáo hãy coi đó như một “cơ hội giảng dạy” (teachable moment) quý báu và sẵn sàng cung cấp một bài học nho nhỏ. Tôi xin đưa ra dưới đây một thí dụ trong đó có một lỗi văn phạm rất thông thường của học trò ESL mà chúng ta không nên làm ngơ, vì nếu chúng ta tiếp tục làm ngơ thì lỗi đó chắc chắn sẽ mau chóng trở thành vĩnh cửu (fossilized), vô phương cứu chữa cho những học trò đó!

Câu sai văn phạm mà tôi lấy làm thí dụ là “I am here since yesterday” do một học trò gốc Mỹ châu la-tinh viết. Câu này nghe bất ổn quá đi, và lỗi là do động từ dùng không đúng thời (tense). Sau khi đã phát hiện lỗi này, tôi chẩn bệnh nó như sau: Người học trò này đã chuyển cách dùng thời tiếng Tây ban nha sang tiếng Anh cho nên đã gây ra một lỗi lầm thuộc loại “chuyển nhượng tiêu cực” (negative-transfer error).

Quả thực, câu sai văn phạm tiếng Anh “I am here since yesterday” được chuyển thẳng từ câu tương đương nhưng đúng văn phạm tiếng Tây ban nha là “Estoy aquí desde ayer.” Đây là cơ hội ngàn vàng để tôi cho lớp học ôn lại bài học nho nhỏ về cách dùng thời “present perfect” trong tiếng Anh, một thời để diễn tả một hành động bắt nguồn từ quá khứ nhưng vẫn còn tồn tại lúc chúng ta đang nói. Tôi sẽ chỉ hài lòng khi tất cả các học trò trong lớp (bất kể sắc tộc nào) nhận ra rằng câu “I am here since yesterday” là trật văn phạm, vì câu đúng phải là “I have been here since yesterday”!

Tôi xin gửi đến quý đồng nghiệp lời tâm tình này trước khi chia tay: Chúng ta hãy tìm hiểu thêm về văn phạm tiếng Anh và hãy lưu tâm hơn nhiều đến những lỗi văn phạm của học trò để có thể giúp chúng tránh được những lỗi lầm ấy. Sự lưu loát (fluency) chỉ có giá trị khi nó đi đôi với sự chính xác (accuracy) của ngôn ngữ. Mục đích tối hậu của giáo dục ESL là các học trò phải chinh phục được tiếng Anh tiêu chuẩn (standard English) trong môi trường hàn lâm.

Đàm Trung Pháp
Nguồn: Tác giả gửi

Cước chú:

[1] Fillmore, L.W., & Snow, C. (2000). What teachers need to know about language. Washington, DC: US Department of Education, Educational Resources Information Center (ERIC).

[2] Ba câu tiếng Anh này chứa đựng quá nhiều lỗi về văn phạm và về cách dùng chữ. Trong câu thứ nhất, nhóm chữ “Do you always wanted to know…” không thể nào có thể được chấp nhận trong tiếng Anh, vì trợ động từ “do” trong dạng hiện tại không thể đi với động từ “wanted” trong dạng quá khứ.

Thường thường người ta nói ‘Have you ever wanted to know…” Phần còn lại của câu thứ nhất cũng sai ở chỗ người viết đã dùng cách nói trực tiếp (direct speech) thay vì cách nói gián tiếp (indirect speech) mới đúng, đó là chưa kể đến danh từ “difference” đã viết sai thành tính từ “different” và chữ “culture” ở cuối câu phải là số nhiều mới đúng. Vậy thời phần chót của câu thứ nhất phải là “what the difference between the Vietnamese and American cultures is” trong trường hợp chúng ta chấp nhận chữ “difference” ở dạng số ít như người viết đó đề nghị.

Câu thứ hai cũng sai không kém gì câu thứ nhất. Nhóm chữ “Do you always wondering why…” không thể là tiếng Anh được chút nào, mà phải thay thế bằng “Have you ever wondered why…” và phần còn lại của câu thứ hai cũng có vài lỗi sơ đẳng: thiếu dấu hiệu chỉ sở hữu cách (possessive case) cho danh từ “parents”, danh từ “differences” dùng thay và sai cho tính từ “different”, cũng như “we are” dùng thay và sai cho đại từ sở hữu “ours”. Phần cuối của câu thứ hai phải là “our parents’ thinking is so different than ours”. Câu chót khá nhất, vì chỉ viết sai chánh tả chữ thứ nhất trong câu: “Then” viết sai thành “Than”].

[3] Roberts, P. (1956). Patterns of English. New York: Harcourt, Brace & World.

[4] Francis, W.N. (1958). The structure of American English. New York: Ronald Press Company.

http://sangtao.org/2011/11/11/nhieu-h%E1%BB%8Dc-tro-ngoai-quoc-noi-va-viet-tieng-anh-qua-kem/#more-16408

No comments:

Post a Comment