Pages

Tuesday, November 22, 2011

KÝ TRẦN ĐĂNG HỒNG




NGÀY NHÀ GIÁO (TEACHERS’ DAY)
Trần-Đăng Hồng

Trong chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên năm 1992, sau 18 năm xa quê hương, tôi đã khám phá bao chuyện đổi thay được thấy tận mắt trên quê hương mình. Có một điều làm tôi ngở ngàng, và cảm thấy khó chịu, là cảnh nhiều học sinh, sinh viên mang quà gồm vải vóc, quần áo may sẳn, bì thơ tiền, hay nhiều quà biếu quý giá đến biếu thầy cô trong Ngày Nhà Giáo 20/11.


Trong cuộc đời dạy học của tôi, gồm 10 năm ở Việt Nam và 30 năm ở Anh, tôi chưa hề được nghe về Ngày Nhà Giáo. Điều đó thật dễ hiểu, vì nước Anh hay Pháp cũng như Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 không có ngày lễ truyền thống này.

“Tôn sư Trọng Đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không Thầy đố mầy làm nên” vốn đã ăn sâu vào tâm thức người Việt từ muôn đời. Cha mẹ sinh ra thân thể và nuôi ta khôn lớn, nhưng chính “Thầy” mới rèn luyện trí óc ta thành người để bước cao lên bậc thang xã hội. Giáo dục là bước đầu căn bản để phát triễn đất đước, Thầy Giáo chính là người thi hành việc giáo dục. Trong bất cứ xã hội nào, “Thầy giáo” vẫn được đề cao.

Trong xã hội Việt Nam, việc học hành rất được khuyến khích, cha mẹ lúc nào cũng hy sinh cá nhân mình để nuôi con ăn học cao hơn, “con hơn cha là nhà có phúc”, vì vậy thầy giáo rất được xã hội tôn kính. Ngày xưa ở Việt Nam không có Ngày Nhà Giáo được ấn định vào một ngày nhất định, mà là bàng bạc ở mọi ngày, ở mọi lứa tuổi. Học trò tới già vẫn kính trọng, nhớ ơn thầy. Ngày xưa, Việt Nam cũng không có ngày Father’s Day (Ngày lễ Cha), hay Mother’s Day (ngày Lễ Mẹ), là vì làm con phải có hiếu và đền ơn Cha Mẹ suốt cả cuộc đời, chứ không phải thể hiện chỉ một ngày cho mỗi năm.

Vì sự quan trọng của giáo dục và vai trò của Thầy Giáo, cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc ấn định ngày 5 Tháng Mười là Ngày Nhà Giáo Thế Giới (World Teachers’ Day). Tuy nhiên, mỗi quốc gia có thể chọn một ngày khác, để vinh danh thầy giáo chung chung, hay vinh danh một hay vài vị thầy đã đóng góp quan trọng vào văn hóa hay một ngành nào đó của đất nước.


Chẳng hạn, từ 1915 Argentina lấy ngày 11 tháng 9 làm Ngày Nhà Giáo. Ngày này vốn là ngày giỗ ông Domingo Faustino Sarmiento (15/2/1811 – 11/9/1888). Ông là một nhà hoạt động chính trị, đại trí thức, nhà văn, chính khách và là Tổng Thống thứ 7 của Argentina.
Ấn Độ chọn ngày 5 tháng 9 là ngày sinh của Dr Sarvepalli Radhakrishnan (5/9/1888 – 17/4/1975) làm Ngày Nhà Giáo. Ông là một nhà hiền triết và chính khách lỗi lạc, làm Phó Tổng Thống (1952-1962) và Tổng Thống Ấn Độ (1962-1967).

Đài Loan, chọn ngày 27/8 là ngày sanh của đức Khỗng Tử, nhưng từ 1952 đổi lại 27/9 chính xác hơn theo lịch Gregorian.
Khối Hồi Giáo Phi Châu và Trung Đông gồm 12 nước chọn chung một ngày 28/2 (Morocco, Algeria, Tunisia, Libya, Egypt, Jordan, Saudi Arabia, Yemen, Bahrain, Qatar, UAE, Oman).
Ở Tây Âu, chỉ có 3 nước là Germany (5/10), Netherlands (5/10) và Spain (29/2) là có Ngày Nhà Giáo, chỉ trên giấy tờ chứ không có tổ chức lễ lạc gì cả.

Ở Hoa Kỳ, “Ngày Nhà Giáo Quốc Gia” (National Teacher Day) xảy ra vào ngày Thứ Ba (Tuesday) trong “Tuần Lễ Ghi Ơn Thầy Giáo” (Teacher Appreciation Week) là tuần lễ đầu tiên của tháng Năm (May). Hiệp Hội Quốc Gia Giáo Dục (National Education Association) mô tả ngày này “là ngày vinh danh thầy cô giáo đã góp phần cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn”. Vào khoảng 1944, thầy Ryan Krug của tiểu bang Wisconsin vận động các nhà chính trị và giáo dục Hoa Kỳ cần có một ngày vinh danh nhà giáo. Thầy Woodbridge viết thư cho bà Eleanor Roosevelt năm 1953 để thuyết phục Quốc Hội tuyên bố ngày National Teacher Day.

Tới năm 1980, Quốc Hội chuẩn y chọn ngày 7 tháng 3 làm ngày National Teacher Day cho năm đó. Hiệp Hội Giáo Dục Quốc Gia sau đó chọn ngày Tuesday đầu tiên của tháng Ba (March) cho tới năm 1985, và sau đó chọn ngày Tuesday trong tuần lể Ghi ơn Thầy Giáo đầu tháng May. Riêng tại tiểu bang Massachusetts thì chọn ngày 11 tháng 9 làm ngày Teachers’ Day kễ từ 1976. Ngày nay Massachusetts chọn ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng Sáu (June) làm Ngày Nhà Giáo.
Á Châu vốn đề cao việc học, Ngày Nhà Giáo coi như có ở mỗi quốc gia.


Trung quốc chọn ngày 10 tháng 9. Vào ngày này, học sinh biếu thầy cô tấm thiếp và hoa. Hồng Kông trước 1997, chọn ngày 28 tháng 9 là Ngày Nhà Giáo của thời Tưởng Giới Thạch, nhưng sau khi xáp nhập vào Trung Quốc thì chọn ngày 10/9.


Ở Đài Loan (Taiwan) Ngày Nhà Giáo không những chỉ vinh danh Thầy Cô Giáo về những đức tính mô phạm, tranh đấu, đóng góp vào chuyện học của học sinh mà còn đóng góp vào cộng đồng, xã hội. Vào ngày này phụ huynh tỏ ơn với Thầy Cô bằng cách đến thăm thầy cô hay gởi thiệp cám ơn. Ngoài ra, tại miếu thờ Khỗng Tữ ở mổi địa phương đều tổ chức lễ hội. Lễ hội bắt đầu từ 6 giờ sáng với tiếng trống, 54 nhạc công trong bộ lễ phục thắt lưng xanh, 36 (hay 64) vũ công trong y phục vàng thắt lưng xanh. Bò, dê và heo được tế lễ. Cũng trong dịp này, quan chức địa phương vinh danh vài Thầy Cô đã đóng góp tốt đẹp cho giáo dục ở địa phương.


Ở Singapore, ngày Thứ Sáu (Friday) đầu tiên của tháng 9 là Ngày Nhà Giáo. Vào ngày này, học sinh được nghỉ học. Lễ vinh danh Thầy Cô được tỗ chức ngày hôm trước, và sau đó được nghỉ học buổi còn lại.

Phi Luật Tân chọn ngày Teachers’ Day của UNESCO là 5 tháng 10. Trong ngày này, Tổng thống vinh danh khoảng 500.000 thầy cô trên toàn quốc. Tuy nhiên, ở địa phương mỗi trường ở bậc tiểu học và Trung học chọn một ngày thuận tiện trong tháng 9 hay tháng 10 để tổ chức. Vào ngày lễ này, các thầy cô được học sinh quàng một vòng hoa Lan vào cổ. Học sinh tổ chức ca nhạc, vũ điệu, ngâm thơ ca ngợi thầy cô trước hội trường. Các học sinh trường Hoa kiều thường tổ chức vào ngày 27/9 để vinh danh thầy cô, và ngày 28/9 là ngày lễ nghĩ học. Ngày 27/9 chính là ngày sanh của đức Khỗng Tử.

Tại Indonesia, ngày 25/11 là Ngày Nhà Giáo, để kỹ niệm ngày thành lập Hiệp Hội Giáo Chức Indonesia (Indonesian Teachers’ Association). Vào ngày này học sinh đi học, và Hiệp Hội tổ chức lễ Vinh Danh vài thầy giáo, hiệu trưởng, và nhân viên xuất sắc.
Tại Malaysia, ngày 16/5 là Ngày Nhà Giáo, để kỹ niệm ngày 16/5/1956 là ngày chính phủ Liên Bang ban hành Bảng Tường Trình Giáo Dục Razak làm nền tảng giáo dục cho Mã Lai. Học sinh vẫn đi học.

Thái Lan chọn ngày 16/1 làm Ngày Nhà Giáo. Trong ngày này, học sinh được nghĩ học. Không có lễ lạc gì cả. Đây chỉ là một dịp thầy trò được ngơi nghỉ giữa học kỳ quá dài.
Nam Hàn chọn ngày 15/5 kễ từ 1963. Nguồn gốc bắt đầu từ việc nhóm Thanh Thiếu Niên Hồng Thập Tự (Red Cross Youth) tổ chức viếng thăm các thầy cô bệnh nằm trong nhà thương. Ngày Nhà Giáo gián đoạn trong thời gian từ 1973 đến 1985. Vào ngày này, học sinh biếu thầy cô hoa cẩm chướng. Ngày nay, Nam Hàn đã hủy bỏ Ngày Nhà Giáo vì cho đây là một dịp học trò và phụ huynh “hối lộ” thầy cô bằng quà cáp đắt tiền. Ngày nay, thay thế vào đó là một ngày du hành dành cho thầy cô do nhà trường tổ chức.


Tại Miền Nam Việt Nam trước 1975 không có Ngày Nhà Giáo.
Tại Miền Bắc, kễ từ 1958, ngày 20/11 là Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Lịch sử ngày này bắt nguồn từ nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục trong khối Cộng Sản đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Trong một hội nghị giáo dục của khối này tổ chức từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lấy ngày này làm Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Sau khi thống nhất, Việt Nam Xã hội Chủ Nghĩa áp dụng ngày Nhà Giáo vào Miền Nam, không những cho học sinh tiểu học, trung học mà còn cho cả đại học.


Tuy nhiên, sau khi chũ nghĩa Cộng Sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, các nước cựu cộng sản này đã từ bỏ ngày 20/11 làm Ngày Nhà Giáo mà chọn một ngày khác. Chẳng hạn Bulgaria, Estonia, Romania, Russia chọn ngày 5/10 của UNESCO; Albany ngày 7/3; Tiệp Khắc và Slovakia ngày 28/3; Hungary Chủ Nhật đầu tiên của tháng 6; Ba Lan 14/10; Ukraine Chủ Nhật đầu tiên của tháng 10.

Tại Việt Nam, học sinh sinh viên chuẩn bị cả tuần trước bằng bích chương, tràng hoa, ca nhạc và thực phẩm cho tiệc tùng tại trường. Ngoài ra, học sinh, sinh viên mang “quà” và tràng hoa đến từng nhà thầy cô để biếu.

Vì vậy, Ngày Nhà Giáo thật xa lạ đối với tôi. Tôi chỉ nhớ là khi học ở trường làng thời tiểu học, mỗi đầu niên học có lệ “cúng trường”. Vào ngày này, Má tôi luộc một con gà và nấu một dĩa xôi để tôi mang đến cúng trường. Các học sinh khác, đứa mang chuối, đứa mang bánh, v.v. tùy khả năng mỗi gia đình trong làng nghèo.

Tôi không hiểu mục đích của “cúng trường” là gì, có lẽ trong 3 tháng nghĩ hè ma quỹ vào cư ngụ trong trường vắng bóng học sinh, nay cúng đễ học sinh được an lành trong việc học hành, cũng có thể là một dịp phụ huynh đải các thầy cô và người giúp việc như ông cai trường. Ngày giỗ, phụ huynh cũng thường mời thầy giáo đến dự. Ngày Tết, học trò đến chúc tết nhà thầy. Cũng có quà biếu, nhưng đó chỉ có tính cách cá nhân, chứ không có thành lệ bắt buộc.

Trong thập niên đầu sau 75, thầy giáo cũng như mọi người dân ở Miền Nam đều gặp khó khăn về kinh tế, và đều “đói” về mọi phương diện. Thầy cô khi nhận được một món quà nhỏ từ học sinh như vài mét vải, chiếc áo may sẳn đều cảm động, mặc dầu khá ngỡ ngàng vì đâylà cách đối xữ tình nghĩa thầy trò hoàn toàn mới lạ.

Tôi có nhiều dịp đi công tác hàng chục lần ở Việt Nam kéo dài trong gần 10 năm, có dịp gặp lại học sinh, sinh viên cũ, bạn bè, đồng nghiệp cũ cấp Trung học và Đại học. Trong các dịp này, cũng có chuyến trùng vào Ngày Nhà Giáo. Ngoài ra, tôi cũng có nhiều du học sinh từ Việt Nam đến học trong phòng thí nghiệm của tôi. Nhờ qua quan sát tại chỗ, cũng như qua các thố lộ tâm tình, tôi biết khá nhiều về hiện trạng giáo dục và sự xuống cấp đạo đức ở quê nhà. Tôi hỏi một số đồng nghiệp cũ về cảm tưởng thế nào khi lần đầu tiên nhận quà của học sinh trong Ngày Nhà Giáo. Ai cũng trã lời là cảm thấy “hơi nhục và tũi thân” khi nhận quà vật chất, nhưng vì đói quá nên nhận, rồi các năm sau quen dần và coi như chuyện bình thường.


Nhưng rồi với thời gian, những món “quà” đó tăng dần về giá trị, và không còn mang ý nghĩa thuần túy “nhớ ơn thầy cô”. Người “cho” mặc dầu không nói ra, nhưng người “nhận” phải hiểu ngầm rằng phải “trả” lại tương xứng. Đó là phải “nâng đở” điểm cao khi thi cử, phải làm sao cho con họ đậu, v.v. tùy trường hợp. Thầy càng có chức phận cao, có quyền chấm đậu hay đánh rớt, thì không những vào Ngày Nhà Giáo, mà còn là ngày Tết, ngày sinh nhật, v.v. học sinh hay sinh viên tự nguyện mang “quà” , “bì thư” biếu Thầy. Báo chí cũng từng đăng việc giáo sư gạ gẫm làm tình với nữ sinh để được chấm đậu.


Ngày nay, phụ huynh học sinh từ em bé ở cấp nhà trẻ, cho đến sinh viên đại học, sau đại học đều nơm nớp lo sợ Ngày Nhà Giáo sắp đến, nhất là các gia đình nghèo đông con đi học.
Nhân dịp này, tôi xin kễ một chuyện vui có tính châm chọc hài hước được nhiều người kễ lại. Vào Ngày Nhà Giáo, vợ một thầy giáo dặn người giúp việc “Hôm nay, hễ nghe tiếng bấm chuông hay gõ cửa, thì chị mở cửa. Còn nghe chân đá vào cửa thì chị báo cho tôi biết ngay để tôi mở cửa”. Chị giúp việc hỏi lại “Tại sao vậy, thưa Bà”. Bà chủ trả lời “Người bấm chuông hay gõ cửa chỉ mang quà nhỏ trên một tay, chị ra tiếp và nhận quà được rồi. Còn người dùng chân đá vào cửa, chứng tỏ hai tay phải ôm quà lớn và nặng, chị phải để tôi ra tiếp đón”.


Khi viết bài này, tôi không có ý vơ đủa cả nắm. Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn, cũng vẫn còn nhiều thầy cô giáo đáng kính trọng, từ tư cách đến chất lượng giãng dạy. Và cũng còn vô số môn sinh tôn sư trọng đạo thật sự. Tôi vốn biết có nhiều nhóm cựu học sinh, sinh viên, trong nước hay hải ngoại, khi nghe thầy cô nay về hưu gặp khó khăn tài chánh hay bịnh hoạn đều quyên góp, cử đại diện đến thăm viếng và giúp đở.
Reading, Ngày Nhà Giáo 2011
Trần Đăng Hồng

No comments:

Post a Comment