Pages

Sunday, November 27, 2011

NGÃI VỊ VỊ


Ai Weiwei.jpg

Ngải Vị Vị艾未未


CÁCH ĐÂY BẢY THÁNG, Công an Cộng Sản Trung quốc bắt giữ nhà nghệ sĩ tài hoa của Trung Hoa, Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) tại phi trường, và đưa ông đến một điạ điểm bí mật. Kể từ đó, ông Ngải Vị Vị bắt đầu phải trải qua một thời gian biệt giam kéo dài hơn hai tháng. Ông là một nhà danh hoạ, một kiến trúc sư,và một nhà đúc tượng tài hoa nhất nước, từng được Đảng Cộng sản Trung quốc cưng như trứng mỏng.

Sau đó, ông trở thành một người có lập trường đối kháng gay gắt. Ông thường lên tiếng chỉ trích chính quyền Cộng Sản Trung quốc vi phạm nhân quyền. Vì thế, họ tìm đủ mọi cách kết tội ông, bằng những tội vu vơ không căn cứ, chỉ tìm cớ để bắt giam ông. Chúng nói ông phạm tội về kinh tế, và chúng đưa ông đi biệt giam, không cho tiếp xúc với bất cứ một ai.

Chúng thực hiện những cuộc lấy khẩu cung theo kiểu Kafka, tức là hỏi cung liên tục, không ngừng nghỉ, và khủng bố tinh thần ông. Với quyết tâm muốn bảo vệ sự thông minh, tỉnh táo của mình, ông Ngải tìm cách ghi nhớ từng ch tiết nhỏ của thời gian ông bị giam cầm.

Ông thú thật: “Nhưng sau 20 ngày đầu óc tôi trở nên rỗng tuếch, không nhớ gì nữa.”. Ông kể lại chi tiết những gì đã xảy đến cho ông, và hoàn cảnh bi đát ông phải chịu đựng trong thời gian bị biệt giam. Bị cấm tiếp xúc với bên ngoài, trong một phòng giam trống trơn, không vật dụng, không một thứ gì khác. Trí óc của ông bắt đầu hoảng sợ. Ông Ngải tâm sự: “Tôi nhận ra con người chúng ta ai cũng cần phải có thông tin để tồn tại. Không có thông tin, coi như bạn đã chết. Qủa thực đây là một cuộc trắc nghiệm cân não ghê gớm. Nó còn đau khổ hơn là nhục hình đánh vào thân thể.”.


Thèm muốn có giao tiếp, chung đụng, ông Ngải lấy kim châm vào mấy tên lính gác coi tù, để chọc cho chúng nói chuyện. Nhưng theo ông Ngải, các cậu ấy: “cứ nhìn chòng chọc vào tôi, bất động, không một cảm xúc. Mấy chú lính gác còn trẻ quá, tóc tai cắt ngắn gọn, và vô cảm, họ làm như thể là không có mặt mình ở đó.”.

Không còn việc gì để làm, ông Ngải đi tới đi lui trong phòng giam. Ông đi bách bộ mãi, đi hoài, dễ cũng có đến 600 dậm, và nhờ vậy giảm được 30 pounds trọng lượng thân mình trong 81 ngày bị giam cầm.”. Ông Ngải kể tiếp: “Tiêu khiển thời gian là một việc làm thật khó. Tôi ước gì có đưá nào nó đem tôi ra đánh đập, còn thích hơn là để ngồi không. Ít ra mình còn có sự tiếp xúc giữa con người với nhau. Khi đó mình còn trông thấy có kẻ nổi giận. Khi bị cắt bỏ hoàn toàn mọi cảm xúc, không còn lý do để giận dữ hay sợ hãi, về mặt tâm lý, điều này thật là đáng sợ.”.

Kể từ ngày được thả ra, cho về nhà, ông Ngải rất ngần ngại khi cần nói cho công chúng biết về những gì xảy ra khi ông bị cầm tù, hoạ hoằn lắm ông chỉ nói đuà rằng nhờ bị giam cầm trong tù nên ông gầy bớt, và có dáng người thon nhẹ, bớt ô dề hơn lúc trước. Một người bạn thân thì nói rằng ông Ngải độ này tỏ ra bồn chồn, căng thẳng hơn trước. Chính ông Ngải lại nói rất ít về chuyện ông ở tù, hay ảnh hưởng của vụ đi tù đã làm thay đổi con người ông, và sự sáng tác của ông ra sao. Ông chỉ nói vắn tắt: “Tôi cảm nhận được như thế nào khi ở cầm tù. Đó là một thế giới đen tối lắm.”


Việc ông Ngải phải dè dặt vì đó là điều kiện để ông được trả tự do. Ông nói chính phủ đã cảnh cáo ông không được nói với mọi người về kinh nghiệm đau khổ ông phải trải qua trong thời giam bị giam cầm. Nhưng ông Ngải thú thật: “Tôi không thể chịu được khi tôi không được phép trả lời về những điều kiện sống lúc ở tù”. Kể từ ngày ra khỏi tù, ông Ngải lại tiếp tục lên tiếng chỉ trích chế độ bằng cách viết trong “Twitter” trên Weibo account. Chính phủ bèn trả thù bằng cách kết tội ông thiếu thuế. Họ gởi giấy báo ông phải đóng một số tiền thiếu thuế lên đến $2.4 triệu đô la. Đó là tiền thuế thiếu của một công ty ông không hề điều hành.


Ông Ngải và bạn bè của ông nói hành vi buộc tội ông thiếu thuế là một chiến thuật gián tiếp bủa vây ông Ngải, buộc ông phải im lặng, không được lên tiếng phản kháng nữa. Ông Ngải tường thuật lại : “Trước khi đưa giấy đòi tiền thuế thiếu, công an nói cho tôi rõ là khi nhà nước kết tội tôi thiếu thuế tức là tôi có thiếu thuế, không thể sai được, đừng cãi lý, vô ích.”. Nếu ông hoạ sĩ sĩ không đóng nổi tiền thuế thiếu, vợ ông và bạn bè làm việc chung với ông sẽ phải vào tù. Ông Ngải rất sợ chuyện này xảy ra: “Họ thừa biết tôi không đời nào để những người thân phải đi tù. Họ hiểu tôi rõ lắm. Như thế là hết. Không còn gì để chống lại họ đươc nữa.”.


Ông Ngải giải thích thêm: “Họ theo dõi bạn ở khắp nơi, cho đến lúc bạn oải mình, không còn năng lực nữa, và gục ngã. Làm cái trò này, họ nắm chắc phần thắng lợi trong tay. Họ có trong tay hàng trăm nha sở để bao vây bạn, bạn không thể chống lại được. Chỉ còn có nước tự vẫn…. văn phòng sở thuế, nhân viên toà án, hay công an, tất cả đều như nhau, cùng một bộ mặt. Giống như bạn đang chơi cờ tướng, bạn vừa đi một hai nước cờ, địch thủ đã bê cả bàn cờ đập lên đầu bạn, và bỏ đi.”.

Hành động mới nhất của ông Ngải Vị Vị là nói cho mọi người biết về những đau khổ, cực hình ông phải chịu trong thời gian ở tù. Sau khi được thông báo về số tiền thuế ông thiếu nợ, ông Ngải dùng Google + phát tán trên liên mạng những lời chỉ dẫn để công dân mạng cho ông mượn tiền trả thuế. Ông hứa sẽ trả lại đầy đủ không thiếu một xu.

Công dân mạng đáp ứng lời kêu gọi của ông một cách nhiệt tình. Chỉ trong vòng tuần lễ đầu, ông nhận được hơn $1 triệu đô la do hàng chục ngàn người gởi đến. Người ủng hộ ông ùn ùn kéo đến phòng vẽ của ông ở Bắc Kinh để đưa đề nghị giúp ông. Một người lạ mặt xếp tờ giấy bạc, trị giá khoảng 15 xu Mỹ, thành cái máy bay giấy, và liệng vào trong nhà ông. Hai người khác thì cưỡi xe gắn máy ném hai quả bóng nhỏ vo tròn bằng loại giấy bạc 100 đồng nhân dân tệ, và ném vào sân sau nhà ông. Một nữ sinh viên 26 tuồi lặn lội đi suốt 22 giờ bằng mọi phương tiện để đến gặp ông Ngải. Cô xin được dấu tên vì sợ bị trả thù. Cô thú thật: “Tôi sợ hãi khi lặn lội để đến được đây. Tôi chỉ muốn nói với ông Ngải rằng chúng tôi không quên ông khi ông bị cầm tù.”.

Ông Ngải nhận xét về thái độ của công chúng như sau: “Thật là đẹp biết bao khi thấy con người vẫn ước ao được quyền phát biểu ý kiến của mình. Sự kiện này cho thấy công chúng ủng hộ tôi. Người dân không có phương tiện để bộc lộ ý kiến của mình.”.

Ông Ngải tìm được người ủng hộ ở cả những làm ông ngạc nhiên- ngay tại nơi giam cầm ông. Ông kể lại như sau: “Một anh lính gác không thể tin vào những điều họ thấy. Anh ta phân trần: “ Chúng cháu chẳng biết gì cả. Chúng cháu chỉ làm công việc ở trên giao phó.” . Anh chàng thẩm vấn viên đầu tiên hỏi cung ông Ngải mở đầu bằng câu nói: “Tôi phải thi hành nhiệm vụ đúng theo chỉ thị. Nhưng chú có thể trả lời: “Tôi không biết, hay tôi không nhớ.” . Tôi nghĩ trong đầu: “Chao ơi! Anh chàng này đúng là người cùng phe với tôi.”. Một anh thẩm vấn viên khác ngỏ lời xin lỗi: “Trời đất! Có lẽ chú nổi tiếng quá, nhưng tôi lại không biết gì về chú cả. Xin lỗi chú nhé, điều này làm tôi xấu hổ. Thôi để tối nay tôi vào trong internet và tìm hiểu thêm về chú.”.



Đôi lúc ông Ngải cảm thấy mình bị choáng ngộp vì sự ủng hộ của qúa nhiều người cảm mến ông, và ông đã phải lén trốn ra khỏi phòng vẽ của mình. Ông nói: “Nhiều người vây quanh lấy tôi quá, khiến tôi không thể ngồi mãi tiếp khách được.”. Ông ta là người thích hàn huyên, liên lạc với đại chúng. Theo lời kể lại của ông Urs Meille, một chủ nhân phòng trưng bầy tranh người Thụy Sĩ, từng làm đại diện thưong mại cho ông Ngải từ năm 1997: “Sau khi được ra khỏi tù vào tháng Sáu, việc làm đầu tiên của ông Ngải là kết nối lại những quan hệ cũ của ông . Thông tin, trao đổi ý kiến, tin tức đối với ông hết sức là thiết yếu.”.


Ông Ngải khẳng định những nhận xét trên, và nói: “Đối thoại, trả lời câu hỏi của công chúng làm tôi cảm thấy thoải mái. Tôi ngồi cả ngày trên internet để đọc những bài bình luận, và theo dõi những cuộc thảo luận của công chúng.”


Cách đây hai tuần, trong lúc ngồi trong phòng vẽ, người ta thấy ông lúc nào cũng bận rộn trả lời điện thoại, hay làm việc với computer. Những người phụ việc, bạn bè và các nghệ sĩ thân hữu khác đến thăm ông, ra vào nhà ông rất đông. Nơi đây cũng là nhà của bà Lu Qing,vợ ông. Bà sống với vài con mèo, và một con chó béo tên là Danny. Bà Lu kể lại: “Ông Ngải nhà tôi chẳng bao giờ nghe nhạc cả, thế mà trong nhà lúc nào cũng ồn ào vì khách đến thăm đầy nhà.” Ông Ngải mặc cái áo choàng màu xanh biển bạc màu, hiệu Gap, và đôi giầy vải màu xanh lá cây sáng tươi. Bà Lu tâm sự: “Anh ấy chẳng bao giờ để ý đến ăn mặc, miễn sao được mặc đồ thoài mái, và bằng vải cotton là được.” . Ông Ngải chỉ chú tâm đặc biệt đến giao dịch với công chúng qua liên mạng. Tính ra mỗi ngày ông bỏ ra khoảng sáu giờ đồng hồ làm việc trên internet.

Ông tâm sự: “Nếu không có Twitter, tôi không còn là con người nữa. Tôi đã gởi đi khoảng 60,000 câu viết trên tweet.” Ông chỉ cho mọi người thấy cả chồng giấy dầy cộm, in những lời viết trên Tweet. Ông sẽ hiệu đính lại để in thành sách. Ông nói thêm: “Chồng giấy này mới chỉ là một nửa thôi.”. Chính ông Ngải đã viết hơn một triệu chữ trên Twitter. Hai ngày trước khi ông bị bắt hồi tháng Tư, ai đó đã viết trên Twitter gởi cho ông: “Ông Ngải ơi, hãy tỏ ra vô cảm, tìm cách di cư đi nơi khác.”. Nhưng ông Ngải trả lời: “ Không được, tôi là người Hoa. Đây là quê cha đất tổ của tôi. Tôi sẽ không đi đâu cả.”.

Thực ra nếu muốn xuất ngoại, ông Ngải cũng không thể làm được. Ông đã bị cấm không được ra khỏi Bắc Kinh, nhà của ông đã bị gắn dụng cụ theo dõi từng li từng tí một. Ông phải trình diện Phòng Công An điạ phương ít nhất mỗi tuần một lần. Công an vẫn ghé lại thăm nhà ông. Nhưng trong nhà có đông khách quá, nên ông cũng chẳng thèm để ý. Rồi tên công an ngỏ ý mời ông Ngải đi uống trà. Đây là một uyển ngữ để nói rằng họ muốn”làm việc” với ông qua hình thức ngồi tán gẫu với nhau. Nhưng ông Ngải trả lời: Không, tôi không thèm ngồi uống trà với mấy chú em đâu.” . Thế là chúng đưa giấy mời ông lên Phòng Công An Phường. Và khi đến Phòng Công An chúng có thể trở mặt thành những con rối điên khùng. Mặc xác chúng. Ở đây là nhà của tôi, tôi có quyền có đời sống riêng của mình.”.


Ông Ngải tin rằng cả thế giới phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền đang xảy ra ở Trung quốc, và ông muốn đưa đẩy cộng đồng quốc tế phải chú đến tình trạng tồi tệ này. Ông bình luận: “Ngày nay thế giới Tây phương e ngaị nói về nhân quyền và tình hình chính trị ở Trung Hoa. Họ cần tiền. Nhưng mỗi đồng xu họ vay muợn, hay lấy từ sản phẩm Made in China đều thực sự xuất phát từ sự hy sinh ghê gớm về nhân quyền của người dân trong nước Trung Hoa phải chịu đựng. Với tình hình toàn cầu hoá, và với sự phổ biến của internet, mọi người đều thấy rõ. Đừng gỉa vờ nói rằng mình không biết. Hỡi các chính khách phương Tây, thật là xấu hổ nếu quí vị không giúp người dân Trung quốc, tình trạng vi phạm nhân quyền sẽ tiếp tục diễn ra, và ngày càng tồi tệ
thêm.”.

Trong lúc phải chiến đấu chống lại lệnh đòi nộp thuế, ông Ngải dã quyết định mình sẽ nên làm gì, và đắn đo không rõ khi nào chính quyền sẽ đến bắt ông đi. Tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung quốc tuyên bố như sau: “Không cần biết đương sự sẽ xử trí ra sao. Tuy nhiên, không ai có thể thay đổi sự thực là ông Ngải Vị Vị đãvi phạm luật thuế rất nhiều.” . Nhật báo The Global Times, một tờ báo thân với chính quyền, đã viết một bài bình luận liên quan đến việc làm của ông Ngải. Họ tố cáo ông “gây qũi bất hợp pháp.”. Nhiều người khuyên ông Ngải: “Thôi thi cứ đóng tiền thuế thiếu, và tiền phạt cho xong đi. Đừng đưa ra toà vô ích.” .

Ông Ngải nói về số tiền phạt, theo ông là sai, và ông sẽ chiến đấu đế cùng để bảo vệ danh dự, phẩm giá của ông.
Ông Ngải phát tán trên Google + chứng từ thuế của ông, và ông yêu cầu chính quyền công bố tin tức về việc kết tội ông thiếu thuế. Ông không tin chính phủ sẽ làm theo lời thách thức của ông. Ông cũng dư hiểu chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ đến bắt ông đi. Theo ông chính quyền nói thẳng vào mặt ông rằng ông không có quyền tự bảo vệ cho mình. Ông Ngải kể ra trường hợp của người bạn thân là luật sư Liu Xiaoyuan. Ông này bị bắt hồi tháng Tư, một phần cũng vì ông có quan hệ thân thiết với ông Ngải. Khi vào nhà giam, chúng lột chuồng ông luật sư, đấm đá vào người ông và nói: Chúng tao đánh đập mày đó. Mày có dám làm gì không?”.


Ở Trung quốc, chúng ta không có quyền đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng thủ tục tố tụng tư pháp. Do đó chúng đánh ông luật sư mềm người ra, và nói: “Tao sẽ làm cho gia đình mày ly tán, vợ mày sẽ bỏ mày, con mày sẽ không nhìn nhận mày, và mọi người trong gia đình mày sẽ phải chết. Tin tao đi. Chúng tao sẽ làm đúng như vậy.”. Ông Ngải nêu câu hỏi: “Vì sao anh bạn luật sư của tôi phải chịu nhục hình như vậy? Tôi không tài nào hiểu nổi. Trung quốc bây giờ là một nhà nước độc tài, cai trị bằng công an, cảnh sát, và chúng làm việc tồi bại đó bằng cả một hệ thống theo dỏi, dò xét, và bắt bớ với mọi phương tiện chúng có trong tay.”.


Mặc dù có thể bị trả thù, nhưng có lẽ ông Ngải sẽ tiếp tục lên tiếng tố cáo chính quyền Trung quốc, và kêu gọi bạn bè công dân mạng, cũng như chính quyền nước ngoài hãy hành động, tiếp tay với ông phản đối những vi phạm nhân quyền của nhà nước Trung Hoa. Ông Ngải coi hành động đấu tranh của ông như một cuộc vận động qui mô để nói với toàn thể xã hội loài người và các chính phủ rằng không ai có quyền dùng luật pháp để trả thù, nhằm tiêu diệt những người có chính kiến khác biệt. Họ không thể dùng thủ đoạn xấu xa để trả thù các nghệ sĩ muốn tự do diễn ta ý kiến của mình .

Ông nói: “Nếu một quốc gia cứ dùng biện pháp bịt miệng người dân bẳng những thứ luật giả dối, quốc gia đó sẽ không có tương lai. Một khi hiện tượng này xảy ra, nói theo khía cạnh thẩm mỹ, cũng như luân lý, quốc gia đó đã chết rồi. Họ có thể thắng vài trận trên chíến trường, vì họ có quyền lực, sức mạnh. Nhưng họ thua cả một cuộc chiến về danh dự, lòng tin của người dân.”.
Nguyễn Minh Tâm dịch theo Newswe ek ngày 21/11/2011


No comments:

Post a Comment