Pages

Sunday, November 6, 2011

NGUYỄN TÀI NGỌC * QUÊN




Người nào ngày xưa nói câu “càng già, càng dẻo, càng dai” chắc có lẽ một là trẻ con hỉ mũi chưa sạch không biết kinh nghiệm già cả là gì, hai là ở túc trực tại nhà thương điên Biên Hòa nên phát ngôn bừa bãi không hiểu chính lời mình nói, ba là một bà già 90 tuổi xưa nay độc thân vẫn còn trinh lần đầu tiên trong đời lên xe hoa về nhà chồng, và bốn là làm ở cơ quan truyền thông tuyên truyền chống đế quốc Mỹ nói xuyên tạc mãi thành ra thói quen, cứ tưởng những gì mình phát biểu là đúng sự thật. Không, càng già không càng dẻo và nhất định không càng dai. Ngược lại, “càng già, càng mỏi, càng quên”. Tôi đã quá 50, cũng đã bắt đầu già. Những người cùng lứa tuổi già với tôi suy nhược giống nhau nên điều mỏi mệt không làm tôi lo ngại. Điều lo ngại là gần đây tôi hay quên làm tôi lo lắng sốt mông sốt vó là bắt đầu có dấu hiệu của bệnh mất trí nhớ Alzheimer’s. Cái bệnh quên của tôi rất đặc biệt ở chỗ tôi không nhớ tên đàn bà. Tên đàn ông thì tôi nhớ, nhưng đàn bà thì không. Nhân viên làm trong sở không nói chuyện vài tháng là tôi quên tên. Ngay cả những bà vợ láng giềng trong khu nhà tôi ở mà tôi cũng quên tên của họ. Buổi chiều đi làm về lái xe đậu trước cửa garage, vừa bước ra xe thì một bà cũng mới đi làm về, hớn hở vẫy tay chào “ Hi, David!”. Sáng Thứ Bẩy hay Chủ Nhật ra trước cửa nhặt báo đem vào nhà thì bà trước nhà cũng ra trước sân nhặt báo, nhoẻn miệng cười : “Hi, David!” Tối Thứ Năm đem thùng rác ra đường cho người ta đổ rác vào sáng hôm sau, bà láng giềng kế bên cũng mang thùng rác ra cùng một lúc, “Hi, David!”. Mỗi lần như thế tôi đều đứng thộn mặt ra, không nhớ tên người láng giềng của mình là gì, chỉ ú ớ: “Oh, hi…!”. Không lần nào là tôi không thấy xấu hổ, không cảm thấy mình quá bất lịch sự không gọi đích danh của họ để chào trả lễ. Đôi lúc tôi phải chạy thật nhanh vào nhà hỏi vợ con nhắc cho tôi biết tên họ là gì rồi trở lại ra ngoài nói chuyện với họ “ Hi Debra….”, “Hi Maria….”, “Hi Peggy….”. Sau này, không muốn mấy bà ấy nghĩ tôi khinh người không gọi họ bằng tên, tôi viết tên của họ vào một mảnh giấy, để vào ngăn đựng bao tay trong xe để không thể nào quên tên của họ. Trong những năm gần đây, một số ca sĩ, nhạc sĩ, MC, sinh sống ở hải ngoại có căn bệnh quên giống như tôi (MC: Master of Ceremonies, người điều khiển chương trình của ban Tùng Lâm). Họ không nhớ lý do nào rời quê hương hơn 35 năm về trước. Bây giờ tất cả lần lượt khăn gói quả mướp về lại Việt Nam (lần này cao cấp hơn ngày ra đi là đựng khăn gói quả mướp trong hành lý Samsonite hay Louis Vuitton). Nhưng khác với cái quên của tôi là một căn bệnh của tạo hóa dành cho những người có mái tóc muối tiêu nhân loại không thể nào tránh khỏi, cái quên của họ là một cái quên cố tình, cái quên của họ là một cái quên có chủ ý, cái quên của họ chỉ với mục đích duy nhất là kiếm tiền cho cá nhân họ với một đầu óc hẹp hòi hoàn toàn không suy xét.

Triết lý gia nổi tiếng người Mỹ gốc Tây Ban Nha George Santayana nói một câu rất nổi tiếng: “Người không nhớ quá khứ chắc chắn sẽ tái phạm lỗi lầm” ("Those who cannot remember the past are condemned to repeat it"). Những ca sĩ, nhạc sĩ, MC, này là những người không nhớ quá khứ trong câu nói của ông George Santayana. Trong cái bối cảnh khốc liệt của chiến tranh, của chiến thắng của đại quân Bắc Việt, họ đã quên những chuyện đau thương, căm hờn, khổ ải, tước đoạt, xót xa, chết chóc, thân nhân muôn đời vĩnh biệt của hơn 35 năm về trước.

Họ đã quên trăm nghìn dân chúng trong nỗi kinh hoàng gia tài chỉ là mảnh vải che thân hay bao bố đội trên đầu, kẹt cứng trên một con đường duy nhất đầy máu đổ để có thể thoát thân vào SàiGòn lánh nạn khi Tổng Thống Thiệu quyết định bỏ tử thủ vùng Cao nguyên. Họ quên đi cả nghìn thuyền nhân boat people đã bỏ mạng nơi biển cả, trong tay hải tặc Thái Lan trên con đường ra khơi tìm tự do. Họ đã quên đi cả trăm nghìn chồng, cha, chú, bác, anh, em, trong quân đội đi tù với cả nghìn người đã vĩnh viễn không có cơ hội đoàn tụ với gia đình.

Họ đã quên đi những bà mẹ điên đầu xoay sở làm cách nào tìm được từng củ khoai, từng bát bo-bo để nuôi nấng bố mẹ, chồng con của mình qua thời gian nghèo đói kinh hoàng nhất của lịch sử Việt Nam. Họ đã quên đi là một phần tử trong một tập thể chiến bại, sinh mạng của họ trở nên vô nghĩa, rẻ hơn một con thú vật, như chỉ mành treo chuông, có thể bị lấy mất đi bất cứ lúc nào không một ai hay biết. Họ quên đi tất cả chỉ vì lý do gì? Tìm lại mạng sống của mình?

Thưa không, các quốc gia hải ngoại bảo toàn tối đa sinh mạng công dân của họ. Đóng góp vào việc hỗ trợ dân nghèo, giúp ích xã hội? Thưa không, đã có chính phủ Hoa Kỳ hay tư nhân người Mỹ trắng như Bill Gates, Warren Buffet… lo. Họ quên đi tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất: kiếm tiền để làm giầu cho cá nhân của họ. Giá vào cửa show của họ lên đến hai hay ba triệu đồng Việt Nam ($100-$150 dollars) / một vé. Lương tháng của một anh làm nghề bảo vệ hay cắt tóc đàn ông của một người ở Việt Nam thậm chí không bằng một vé xem show của họ.

Tôi thắc mắc không hiểu lương tâm của họ có bao giờ hỏi chính họ là những người tạo ra vật giá leo thang đắt đỏ ở Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến dân nghèo càng túng quẫn không tìm đủ miếng ăn? Thế nhưng tự hỏi là tự trả lời: lòng tham của họ là một lòng tham không đáy. Điều ngạc nhiên tôi nhận thấy là những người này khi trở lại bên Mỹ, họ vẫn ngang nhiên kiếm tiền như thường, không một ai chê trách.

Các chương trình DVD vẫn bán chạy như tôm tươi. MC, ca sĩ ở đây vẫn tiếp tục điều khiển, hát hò trong chương trình với họ như không có chuyện gì xẩy ra. Họ vẫn tiếp tục đòi tiền thù lao cao tận trời vì vẫn có người bằng lòng trả tiền họ đòi hỏi. Tôi biết một cô ca sĩ hàng đầu ở đây đòi tiền thù lao $5000 dollars cho một xuất hát ba tiếng đồng hồ. Không những thế, cô ta đòi phải trả tiền máy bay cho chồng đi theo!

Thế mà vẫn có bầu show hay tập đoàn tư nhân trả số tiền đòi hỏi đó. Chúng ta, những người bỏ tiền mua vé đi xem show của họ hát ở bên Mỹ hay chuyển tiếp email video của họ hát cho bạn bè xem, là những người đã trực tiếp hay gián tiếp đồng ý với hành động của họ làm, nối giáo cho giặc. Bernie Madoff, cựu Giám Đốc Thị Trường Chứng Khoán NASDAQ lừa gạt khách hàng trị giá 65 tỷ đô-la làm vài người tự vẫn vì số tiền mất mát quá lớn. Chính người con cả của ông ta, Mark Madoff tự tử vào tháng 12 năm ngoái vì xấu hổ với hành động của bố mình làm, và vì những cơ quan đầu tư thưa kiện để lấy lại tiền.

Andrew Madoff, người con thứ hai, trong chương trình “60 minutes” vào Chủ Nhật tuần vừa rồi , tuyên bố là anh đã từ bố mình, cắt đứt tất cả mọi liên lạc vì hành động của ông ta quá đê hèn, làm hại cả trăm nghìn người. Khi thấy cha mình làm một điều sai quấy, Andrew Madoff còn từ bỏ cha mình được thì tại sao người Việt hải ngoại không có một thái độ dứt khoát với các ca sĩ về Việt Nam hát? Hoa Kỳ là một xã hội tư bản, tiền là động lực chính yếu thúc đẩy tất cả mọi sự. Netflix là một hãng cho mướn phim ở Mỹ. Khi một người trả tiền lệ phí hàng tháng, họ có thể xem bằng hai loại: Netflix gửi DVD đến nhà hoặc họ xem trực tiếp trên TV streamlined (Netflix chiếu phim thẳng trên TV như mình xem TV những chương trình thường lệ).

Vài tháng trước đây, Giám Đốc Netflix là Reed Hastings quyết định không gửi DVD đến nhà nữa. Ai muốn thì phải trả thêm tiền. Chính sách này làm những hội viên mướn phim Netflix nổi giận. Chỉ trong một tháng mà 800,000 người hủy bỏ thẻ hội viên! Dịch vụ thẻ lấy tiền debit card ở nhà băng Mỹ từ xưa đến nay miễn phí. Vài tuần trước đây, Bank Of America tuyên bố tính tiền khách hàng $5 dollar/ một tháng. Khi chính sách này áp dụng, cả nghìn người hủy bỏ trương mục ở Bank Of America và mở trương mục mới ở ngân hàng khác.

Mất một số khách hàng khá lớn làm Bank Of America cách đây hai ngày quyết định sẽ không tính tiền thân chủ $5 nữa, debit card sẽ được miễn phí như cũ. Chúng ta có thể bắt chước hội viên của Netflix hay thân chủ của Bank Of America, không nên tiêu một xu cho các ca sĩ này. Không bỏ tiền mua vé đi xem những ca sĩ, MC, hải ngoại về Việt Nam trình diễn; không chuyển tiếp email tin tức, video liên hệ đến họ là một hành động thực tiễn nói cho họ biết là những gì họ đang làm là sai lầm. Thế nhưng buồn thay người Việt hải ngoại chúng ta không có can đảm gióng tiếng chuông lương tâm cho họ biết.

Chính chúng ta là những người gián tiếp cổ võ hành động của họ bằng cách mua vé đi xem show, chuyển tiếp email liên quan đến họ. Do đó, chúng ta cũng như họ, không khác biệt một tí nào. Họa sĩ Walt Kelly vào năm 1941 trong một tranh hoạt họa khá nhiều người ưa thích, vẽ con thú Pogo tuyên bố với bạn nó, con cá sấu Albert: “We have met the enemy, and he is us”. Câu nói này thật hợp tình hợp lý với tất cả người Việt chúng ta ở hải ngoại trong vấn đề này: “Chúng ta đã gặp kẻ thù, và kẻ thù đó là chính chúng ta”.
Nguyễn Tài Ngọc
http://www.saigonocean.com/ November 2011

No comments:

Post a Comment