Pages

Friday, November 4, 2011

DI VẬT LỊCH SỬ

The Diamond Sūtra, The World's Earliest Dated Printed Book from AD 868
The Diamond Sūtra, The World’s Earliest Dated Printed Book from AD 868

Ẩn mình nhiều thế kỷ trong hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng phía Tây Bắc Trung Quốc, Kinh Kim Cang (Diamond Sutra) là quyển sách in có từ lâu đời nhất vượt qua mọi biến cố của thời gian và còn trong tình trạng nguyên vẹn cho đến ngày nay. Bản in này được thực hiện vào năm 868 sau công nguyên- vào thời nhà Đường tại Trung Quốc, dù vậy người ta nghi ngờ rằng nó có thể đã xuất hiện lâu hơn trước đó.

Sách được in bằng kỹ thuật chạm khắc gỗ- kỹ thuật in của người Trung Quốc vào lúc đó- trước khi Châu Âu phát minh ra máy in có con lăn hàng trăm năm.

Bảy dải giấy nhuộm màu vàng được dán lại với nhau để tạo thành một cuộn giấy dài hơn 5m quấn quanh một cọc gỗ bên trong. Sách được viết bằng tiếng Trung Quốc. Kinh Kim Cang tên đầy đủ là Kim Cang Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa Kinh là một bộ kinh quan trọng trong hệ Bát Nhã của Phật giáo Đại thừa.

Được biết sách được tìm thấy vào năm 1907 bởi nhà khảo cổ học, nhà thám hiểm người Anh gốc Hungary Marc Aurel Stein. Năm 2004, sách được trưng bày tại triển lãm mang chủ đề Con đường tơ lụa tại thư viện Anh Quốc ở Luân Đôn và hiện vẫn còn được lưu giữ tại đây.


RAO BÁN BẢO VẬT CỦA TRIỀU NGUYỄN

Trần Đức Anh Sơn


Những năm gần đây, nhiều cổ vật triều Nguyễn (1802 - 1945), trong đó, có nhiều bảo vật bằng vàng, bạc, đá quý được đấu giá công khai ở London, Paris, New York… hay được rao bán trên các trang web chuyên về cổ vật và nghệ thuật phẩm như eBay hay Spink. Đây quả là điều đáng buồn cho những ai quan tâm và yêu quí cổ vật Việt Nam nói chung và bảo vật của triều Nguyễn nói riêng. Phần lớn các bảo vật này được đưa ra nước ngoài từ trước năm 1975, theo nhiều con đường, nhiều cách thức khác nhau, nhưng phần lớn đều là phi pháp.

Hành trình của bảo vật triều Nguyễn

Sau thất bại trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) với thực dân Pháp, vua Tự Đức (1848 - 1883) phải thu gom gần như toàn bộ vàng thoi, bạc nén trong quốc khố để bồi thường chiến phí. Do quốc khố không có đủ vàng thoi để bồi thường chiến phí nên vua Tự Đức phải thu hồi một số bảo vật bằng vàng và bằng bạc đang trưng bày trong các cung điện, đúc thành thoi vàng và nén bạc trả để trả cho người Pháp. Năm 1869, vua Tự Đức ra lệnh cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa… nộp lại kim ấn (ấn bằng vàng) và kim sách (sách phong bằng vàng) mà triều đình đã ban cho họ trước đây, đúc thành 135 đĩnh vàng để triều đình tiêu dùng. Sau đó, vua Tự Đức đã cải cấp (cấp lại) cho họ những chiếc ấn và những sách phong làm bằng đồng.

Ngày 5/7/1885, quân Pháp đánh chiếm Kinh Thành Huế, vua Hàm Nghi và hoàng gia xuất bôn ra Quảng Trị, rồi ra Hà Tĩnh, đem theo một số vàng bạc, châu báu để tiêu dùng. Trong lúc ấy, quân Pháp tràn vào cướp bóc tất cả đồ đạc quý giá đang trưng bày và thờ tự trong các cung điện ở trong Đại Nội. Theo ghi chép của linh mục Siefert, người có mặt ở Huế lúc bấy giờ, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5/7/1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hại trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ… Tại các tôn miếu thờ các vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp” (J. Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, Paris, Éditions Sociales, 1955, p. 134).

Phần lớn những bảo vật cướp bóc trong đợt này đã được người Pháp chuyển về Paris. Sau khi vua Đồng Khánh (1885 - 1889) lên ngôi vào tháng 9/1885, người Pháp đã trả lại cho triều đình nhà Nguyễn một số kim bảo, ngọc tỉ và kim sách. Triều đình đã cho chuyển những bảo vật này về bảo quản và thờ trong điện Phụng Tiên. Trong số đó có một cuốn kim sách khắc bài Tự chế mạng danh thi của vua Minh Mạng và một nén vàng lớn, gồm hai nửa, nặng gần 2 kg, trên đó có khắc dòng chữ Hán (phiên âm):

Thế tổ Đế hậu, Quý Mão bá thiên thời tín vật (Tín vật vào năm Quý Mão - 1783 - của Thế tổ Cao hoàng đế và hoàng hậu).

Đây là nén vàng mà Nguyễn Ánh đã chặt làm đôi, rồi ông và bà Tống Thị Lan, vợ cả của ông, mỗi người giữ một nửa để làm tín vật, trước khi ông trốn ra đảo Phú Quốc vì bị quân Tây Sơn truy đuổi. Đến đời Duy Tân (1907 - 1916), triều đình lại chuyển các bảo vật này về cất giữ trong điện Cần Chánh ở bên trong Tử Cấm Thành. Ngoài kim bảo, ngọc tỉ, kim sách…của vua, hoàng phi, hoàng tử và công chúa, còn có một hổ phù bằng vàng, gồm hai mảnh, gọi là phù tín. Khi vua xuất cung thường phải mang theo một mảnh của hổ phù này. Khi trở về, vua phải đưa mảnh hổ phù này cho lính canh để ráp với mảnh còn lại, nếu thấy khớp với nhau thì nhà vua mới được nhập cung. Tuy nhiên, trong lần kiểm kê tài sản trong điện Cần Chánh do ông Paul Boudet thực hiện vào năm 1942, thì không thấy kê tên hổ phù bằng vàng này. Cuộc kiểm kê này còn cho biết: vào lúc bấy giờ trong điện Cần Chánh còn lưu giữ 46 kim ấn và ngọc tỉ, 26 kim sách, trong đó có 3 kim sách khắc các bài Thánh chế mạng danh kim sách và nhiều kim sách khác đề niên hiệu các vua: Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Ngoài ra, còn có một số sách phong bằng bạc mạ vàng do triều đình tấn phong cho các hoàng thái hậu và thái tử. Tất cả những bảo vật này dường như biến mất sau ngày nhà Nguyễn cáo chung. Những bảo vật của triều Nguyễn trên sàn đấu giá Sau nhiều thập kỷ “ẩn mình” trong các bảo tàng và các sưu tập tư nhân ở ngoại quốc, những bảo vật của triều Nguyễn bắt đầu “lộ diện”, ở trong các bảo tàng sang trọng lẫn trên thị trường mua bán cổ vật ở hải ngoại. Bài viết này giới thiệu một số bảo vật của triều Nguyễn mà tôi đã có dịp diện kiến hoặc có được thông tin và hình ảnh từ hành trình “theo dấu cổ vật Việt Nam ở hải ngoại” mà tôi đã theo đuổi trong nhiều năm qua.

Bảo vật thứ nhất là chiếc quán tẩy làm bằng vàng, thuộc sở hữu của nhà sưu tập Ralph Marty ở Anh. Quán tẩy này được đưa ra trưng bày tại nhà đấu giá Roger Keverne ở London (Anh) vào mùa đông năm 2008 (ảnh 1). Đây là chậu đựng nước để nhà vua rửa tay trước khi cử hành đại lễ trong tông miếu triều Nguyễn. Quán tẩy có đường kính 31,7cm, vành miệng có khắc dòng lạc khoản gồm 18 chữ Hán: Bát ngũ tuế kim, tam thập ngũ lượng lục chỉ bát phân, tượng tác tượng tứ phụng tạo (vàng 8,5 tuổi, nặng 35 lượng 6 chỉ 8 phân, do thợ ở đội 4 trong tượng cục vâng mệnh làm ra). Theo ghi chép trong vựng tập của cuộc đấu giá thì quán tẩy này có xuất xứ từ Huế vào năm 1887, trước khi được bán cho ông Ralph Marty vào năm 1926. Tuy nhiên, theo những ghi chép của linh mục Siefert thì quán tẩy bằng vàng này có thể đã bị người Pháp lấy đi từ miếu thờ các vua nhà Nguyễn ở trong Đại Nội Huế khi họ tràn vào đây để cướp bóc của cải và báu vật của triều Nguyễn sau sự kiện “Kinh đô thất thủ” (5/7/1885)

Bảo vật thứ hai là một sách phong bằng bạc mạ vàng, trước đây thuộc sưu tập của ông Hồ Đình Xuân ở Pháp, được đưa ra bán đấu giá ở Paris vào ngày 12/12/1996 với giá 9.500 franc (ảnh 2). Đây là sách phong do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách gồm 5 tờ 10 trang, kích thước 23cm x 14cm. Ngoài 2 trang bìa trước và sau, 8 trang còn lại của sách phong khắc 186 chữ Hán nói về thân thế và công trạng của bà Vũ Thị Viên và lý do vua Thiệu Trị sách phong cho bà. Đây cũng là cuốn sách phong duy nhất làm bằng bạc mạ vàng vẫn còn tồn tại, vì ở Việt Nam và hải ngoại, người ta chỉ còn trông thấy một số đồng sách (sách phong bằng đồng ) và thể sách (sách phong bằng lụa) mà thôi, chủ yếu mang niên hiệu từ đời Tự Đức trở về sau. Đáng chú ý là người mua được sách phong này vào năm 1996, đã ủy thác cho nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris đấu giá sách phong này vào ngày 16/12/2010. Sotheby’s đặt giá cho cuốn sách phong này là 30.000 - 40.000 euro, nhưng cuối cùng sách phong đã được bán với giá 72.750 euro (chưa kể tiền thuế và tiền phí đấu giá).

Bảo vật thứ ba cũng là một sách phong bằng vàng, do nhà đấu giá Sotheby’s rao bán ở Paris (ảnh 3). Sách phong này do vua Gia Long cho làm vào năm 1807 để tôn phong bà Đoàn Thị (khuyết danh), chánh phi của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601 - 1648), là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Sách phong này thuộc bộ sưu tập của ông Ralph Marty, ủy thác cho Sotheby’s đấu giá vào ngày 16/12/2010. Tuy nhiên, do sách phong này bị mất 2 trang bìa nên không được người mua quan tâm. Vì thế, việc đấu giá sách phong này không thành công và vẫn đang được chủ nhân lưu giữ để chờ phiên đấu giá mới. Bảo vật thứ tư là trấn

phong kích thước 20cm x 19cm, thuộc sưu tập của hoàng thái tử Bảo Long, được đưa ra bán đấu giá ở London vào năm 2008 (ảnh 4). Trấn phong làm bằng vàng, nặng 11,9 lượng. Phần trên trấn phong chạm lộng đồ án lưỡng long triều nhật, phần dưới chạm lộng đồ án long hàm thọ; còn hai trụ ở hai bên trấn phong thì chạm hình rồng đoanh, đặt trên thân hai con kỳ lân làm bằng bạc, nặng 2,2 lượng. Mặt trước trấn phong có gắn dòng chữ Hán đúc bằng vàng Vạn thọ tứ tuần đại khánh tiết, nổi trên nền hồi văn chữ Vạn liên hoàn. Trấn phong này là quà mừng thọ vua Khải Định nhân dịp sinh nhật lần thứ 40 của vua (1924).


Bảo vật thứ năm cũng là một tấm trấn phong, nhưng gồm 4 tấm vàng liên kết với nhau, có tổng chiều dài là 57,50 cm, cân nặng 1,66 kg (ảnh 5). Mặt trước trấn phong chạm nổi hình bản đồ Việt Nam (tấm thứ 1), cảnh chùa Thiên Mụ (tấm thứ 2), cảnh Phu Văn Lâu và Kỳ Đài Huế (tấm thứ 3); đồ án rồng mây và văn thủy ba (tấm thứ 4). Mặt sau trấn phong khắc những dòng chữ Hán, cho biết, đây là quà tặng của dân chúng An Nam cho hoàng thái tử Vĩnh Thụy vào năm 1923. Nội dung văn tự trên mặt sau trấn phong tạm dịch như sau: “Kính mong Hoàng thái tử sức khỏe dồi dào, học hành thành đạt ở nơi trời Tây, sau này về nước kế vị vua cha, cai trị đất nước, xây dựng một đất nước Việt Nam tự do, thống nhất từ Bắc đến Nam, có sức mạnh và bình đẳng với các quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời dân chúng cũng cầu chúc Hoàng đế Khải Định, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy trường thọ, chúc triều Nguyễn trường tồn”. Trấn phong này thuộc bộ sưu tập của Cựu hoàng Bảo Đại, được đưa ra bán đấu giá ở London vào năm 2008.

Bảo vật thứ sáu là tượng con giải trãi bằng vàng đời Minh Mạng (1820 - 1845). Đây là pho tượng linh thú duy nhất bằng vàng do nhà Nguyễn chế tác được ghi nhận từ trước tới nay (ảnh 6). Tượng cao 12cm, nặng 211,7 gam, được đưa ra đấu giá ở Reuil-Malmaison (ngoại ô thành phố Paris) với giá 12.000 euro. Dưới bụng linh vật có khắc 2 dòng chữ Hán, dòng bên trái khắc các chữ: Minh Mạng thập bát niên tạo ngũ thốn cửu phân; dòng bên phải khắc các chữ: Bát ngũ tuế hoàng kim trọng ngũ lượng. Theo tôi, có lẽ người thợ khắc 2 dòng chữ Hán này đã khắc nhầm trật tự các chữ. Hai dòng chữ Hán này lẽ ra phải được khắc theo trật tự như sau: Minh Mạng thập bát niên tạo (Làm vào năm Minh Mạng thứ 18 - 1837) và Bát ngũ tuế hoàng kim trọng ngũ lượng ngũ thốn cửu phân (vàng tám tuổi rưỡi, cân nặng 5 lượng 5 chỉ 9 phân). Theo truyền thuyết, giải trãi là con vật đứng đầu trong 5 loại linh thú thuộc bộ kỳ lân và là linh thú tượng trưng cho sự ngay thẳng. Vì thế, hình con giải trãi thường được vẽ trên tường ở nơi xử án hoặc trên ghế của các quan tòa để biểu trưng cho chấp pháp. Thời Nguyễn, con giải trãi được thể hiện bằng hai cái sừng bằng bạc gắn trên bác sơn của chiếc mũ dành cho chức Khoa đạo, là chức quan giữ hiến pháp trong triều đình, gọi là mũ giải trãi.

Bảo vật thứ bảy là chậu pháp lam chưng một bộ “cành vàng lá ngọc” của triều Nguyễn đang được một nhà sưu tập tư nhân ở Mỹ rao bán 30.000 USD (ảnh 7). Theo nhà nghiên cứu Philippe Truong ở Paris, người đã tiếp xúc với bộ “cành vàng lá ngọc” và là người gửi thông tin và hình ảnh cho tôi, thì đây là bộ cành vàng lá ngọc thực sự, được gia đình nhà sưu tập này lưu giữ trong hơn 50 năm qua. Hiện nay, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và trong các cung điện, lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế hiện đang trưng bày và lưu giữ khoảng 20 bộ “cành vàng lá ngọc”, nhưng tất cả đều “cành vàng, lá ngọc” được phục chế dưới triều Đồng Khánh (1885 - 1889), với cành làm bằng gỗ thếp vàng, lá làm bằng ngọc, pha lê và thủy tinh, không có bộ “cành vàng lá ngọc” nào có cành làm bằng vàng thật như các bộ “cành vàng lá ngọc” đầu thời Nguyễn. Do hoàn cảnh éo le của lịch sử, nhiều bảo vật của triều Nguyễn, cũng là những di sản lịch sử văn hóa của Việt Nam đang thuộc quyền sở hữu của các tổ chức và cá nhân của nước ngoài. Nhiều bảo vật đó đang được trưng bày trong các bảo tàng sang trọng ở London, Paris, New York, Berlin, Tokyo… nhưng cũng có nhiều bảo vật đang “trôi nỗi” trên thị trường cổ vật và trở thành những món hàng siêu lợi nhuận của các nhà kinh doanh cổ vật. Đây là một thực tế đáng buồn, cũng là nỗi buồn của những người yêu quý và quan tâm đến số phận của những cổ vật vô giá của Việt Nam đang lưu lạc ở xứ người. T.Đ.A.S.

No comments:

Post a Comment