Pages

Sunday, December 11, 2011

HÁT TRỐNG QUÂN




Hát Trống Quân
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hát Trống Quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằngtrung du của Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra.


Lịch sử

Tục truyền, hát Trống Quân xuất hiện vào đời nhà Trần, thời kháng chiến chống quân Nguyên, binh sĩ khi giải trí ngồi thành hai hàng đối nhau, một bên là "Hát xướng", một bên là "Hát đáp", khi hát gõ vào tang trống để làm nhịp[cần dẫn nguồn].

Đặc trưng

Hát trống quân ở mỗi địa phương có chút ít khác nhau về làn điệu, cách thức, thời điểm hát nhưng có đặc điểm chung là cách thức hát xướng giống nhau, làn điệu gần giống nhau và sử dụng một loại trống để đánh nhịp khi hát và đoạn "Lưu không" giữa những câu đối đáp.

Hát Trống Quân phổ biến ở Bắc Bộ thường được tổ chức vào nhựng tuần trăng tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với trai hoặc gái trong làng hoặc giữa họ với nhau vào buổi tối, lúc nghỉ việc. Hát trống Quân thường được tổ chức ngoài sân nhà hoặc ở bãi cỏ rộng, ở gần đình làng, giữa một bên là nam và một bên là nữ.

Trống thùng

Khi hát Trống Quân có trống dẫn nhịp. Người ta còn gọi là trống này là "Trống thùng". Trống thùng được cấu tạo như sau: Hai cọc được được cắm ở hai bên, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng (hoặc ngồi). Một sợi dây thừng được buộc vào hai cọc, chính giữa sợi dây đặt một cái thùng, mặt rỗng úp xuống một hố đất nhỏ, mặt đáy trên sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy thùng mà kêu thành tiếng. Xưa kia, trống thùng làm bằng hai cọc tre cao khoảng 1 mét và một thanh tầm vông gát ngang. Giữa thanh tầm vông người ta đặt một thanh tre vuông góc, một đầu chống lên một miếng ván mỏng được đặt hờ trên một hố đất nhỏ. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống thùng (là phần dây nơi đầu cọc hoặc đầu thanh tầm vông) để làm nhịp "Lưu không", vừa để thúc giục phe bên kia hát đáp lại.

Tiết tấu

Về âm nhạc, Trống Quân là một làn điệu gần với tiếng nói hơn. Vì lời ca là thơ lục bát và mỗi lần hát có thể dài ngắn khác nhau, nên giai điệu biến đổi theo dấu giọng, Trống Quân lấy đối lời làm chính và được diễn xướng ở tốc độ nhanh vừa, lời ca chỉ có vài tiếng đệm nhằm phục vụ cho việc xây dựng giai điệu như: thời, có mấy, hời, ư, nầy, rằng... Đoạn tiết tấu “Lưu không” của hát Trống Quân:

♪♪|♪♬ ♪♪|♩ ♪♪|♪♬ ♪♪|♩

hoặc

♪♪|♩ ♪♪|♩ ♪♪|♪♬ ♪♪|♩
Trống quân
Có đám mây xanh
Trên trời (thời) có đám mây xanh
Ở giữa (thời) mây trắng (ấy)
Chung quanh mây bển vàng (ư…) - “Lưu không”
Ước gì (thời) anh lấy được nàng thì anh (này)
Mua gạch (ấy) Bát Tràng đem về xây (ư…) - “Lưu không”
Xây dọc (thời) anh lại xây ngang (chứ)
Xây hồ (thời) bán nguyệt (ấy)
Cho nàng chân rửa chân (ư…) - “Lưu không”
Nên chăng (thời) tình ái nghĩa ân
Chẳng nân (này) phi giả (ấy)
Về dân Tràng Bát Tràng – “Lưu không”



Ngày xuân nghe hát trống quân...

Thứ Năm, 12/02/2009 07:00

(TT&VH Cuối tuần) - Hãy nghe một thiếu nữ ngày xưa thách cưới thế này: Cưới em trăm tấm lụa đào... Tráp trầu đủ cả trăm đôi/ Ống vôi bằng bạc, chìa vôi bằng vàng... Cưới em một vạn trâu bò/ Hai vạn dê lợn, chín vò rượu tăm. Sính lễ vật chất đã đành thế, sính lễ “phi vật thể” mới khó: Lá đa mặt nguyệt đêm rằm/ Răng nanh chú Cuội/ Râu cằm Thiên lôi...

Thách vậy mới thỏa tấm lòng. Chàng mà lo được thiếp cùng xin theo. Không biết trai vùng khác sẽ đối đáp thế nào, còn trai ở chằm Dạ Trạch, Bãi Sậy - Hưng Yên đối thế này: Nghèo thì bán núi bán sông/ Lấy tiền mà cưới bõ công đi về/ Anh đây có cái nhà tre/Đố làm bằng sậy, rui mè bằng lau/ Cột cái bằng cây thầu dầu/ Mái nhà anh lợp bằng tầu chuối khô/ Ván bưng thời đóng bằng mo/ Câu đầu cũng chạm con cò, con chim/ Sau có khóm khoai lim/ Trước nhà rau rệu bìm bìm cảnh chơi/ Nước ăn anh hứng mưa trời/...

Em về sinh sống cùng anh/ Giường rơm, chăn cói, quạt mành, mo cau/ Đôi ta ý hợp tâm đầu/ Anh êm, em ấm trước sau vẹn tròn. Đó là lời hát trống quân còn lưu lại ở xã Dạ Trạch, (Khoái Châu - Hưng Yên), mảnh đất có huyền tích về Chử Đồng Tử không manh khố che thân mà cưới được Tiên Dung công chúa làm vợ.

Nghe trống quân Dạ Trạch - Nhớ thiên tình sử trên Bãi Tự Nhiên Nghệ thuật hát trống quân là một phương thức giao duyên của trai gái thôn quê đồng bằng Bắc bộ, có ở rất nhiều vùng, từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên... cho đến Thanh Hóa, tuy mỗi vùng mỗi khác biệt chút ít. Riêng trống quân Dạ Trạch, sự ra đời của nó lại được gắn chặt với huyền tích về thiên tình sử trên bãi Tự Nhiên. Nơi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử.

Chuyện kể rằng sau cái duyên kỳ ngộ trên bãi sông, thì cặp vợ chồng Tiên Dung - Chử Đồng Tử cắm đất lập làng, khẩn hoang chiêu mộ dân chúng. Họ dạy dân cấy lúa chăn tằm, dùng phép tiên chữa bệnh cho nhân dân. Lúc rảnh rỗi, nàng công chúa Tiên Dung lại dạy trai gái hát đối. Chính từ điệu hát này mà đức thánh Chử lại cưới thêm một bà vợ nữa, tên là Tây Sa công chúa (là điều bất ngờ rất ít người biết). Điệu hát ấy được coi chính là điệu hát trống quân Dạ Trạch còn lưu truyền đến ngày nay, mà người ta vẫn thường hát trước cửa ngôi Đình Hóa - xã Dạ Trạch.

Nơi đây thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, tương truyền họ đã bay về trời từ đây, để lại cái tên đầm Dạ Trạch (thuộc khu vực chằm Nhất Dạ ngày xưa). Ngôi Đình Hóa nằm bên này sông Hồng thuộc tỉnh Hưng Yên, thì bên kia sông đối diện là bãi Tự Nhiên, nơi tương truyền công chúa Tiên Dung quây màn tắm tiên mà gặp Chử Đồng Tử (bãi Tự Nhiên thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín - Hà Tây cũ).

Còn đây những nét tinh hoa… Về xã Dạ Trạch (cách Hà Nội 40km, đi theo đường Bát Tràng) trong những ngày đầu Xuân chúng tôi gặp các đôi nghệ nhân hát trống quân là các ông Nguyễn Hữu Bổn (70 tuổi) - bà Lê Thị Lâm (65 tuổi), ông Lê Xuân Mau (72 tuổi) - bà Nguyễn Thị Thanh Xuyên (57 tuổi). Trước 1945, thì các vị này còn ít tuổi, chỉ được nghe đàn anh, đàn chị hát trống quân ít nhiều. Rất tiếc, những vị cao niên hơn như các ông Nguyễn Duy Phí, Lê Hồng Điệp, Nguyễn Ngọc Lại (trước 1945 đã từng đi hát, và đầu những năm 1990 có công sưu tầm bài hát, khôi phục lại đội hát trống quân) thì đã qua đời cả...

Thời xưa, khi nông nhàn, hay kỳ trăng sáng, trai gái ở thôn Yên Vĩnh (xã Dạ Trạch ngày nay) thường tìm bãi đất trống trong làng, đào đất làm trống quân, chải chiếu ngồi hát. Việc hát trống quân không cầu kỳ tinh tế như quan họ, mà lại nôm na ngẫu hứng ứng tác, cứ thơ lục bát là hát được (có cả bài hát kể về chuyện Tiên Dung - Chử Đồng Tử). Lời hát có lúc chân tình giản dị, nhưng cũng có lời “bốc lên đến giời”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Xuyên kể rằng, mỗi khi vào đám trống quân ngày xưa, gái trai mê mải lắm. Hát tới khi không họa vần được là thua mới thôi. Bà và ông Mau hát liền cho chúng tôi nghe. Bên nam hát hỏi rằng: “Đồn em hay kể chuyện Kiều/ Nhân đây anh hỏi mấy điều xem sao? Kiều - Vân em chị thế nào/ Ai hơn ai kém má đào Xuân xanh/” . Bên nữ mới đáp: “Hỏi sao ngoắt ngoéo thế anh/ Thúy Kiều là chị rõ rành hẳn hoi/ Hai nàng cùng đẻ sinh đôi/ Anh nhắc câu chuyện em thời tỏ ra/ Đầu lòng hai ả Tố Nga...

Đáp xong, bên nữ cũng đáo để không kém, hát hỏi nên nam: “Bây giờ núi trả lời non/ Em hỏi thực chàng Từ Hải con ai...”. Bên nam “bí cờ”, đành phịa: “Từ Hải chính thực người tài/ Con ông Từ Bể vốn người Việt Đông...”. Cứ thế, có đôi trai tài gái sắc hát mấy đêm liền mới chịu nhau, rồi nên duyên... Trống quân có nhiều lối hát: hát chào; hát họa (đối); hát đố (hoa quả, sông núi, đố lẩy Kiều); hát thách; hát ước hẹn; hát thề nguyền...

Một canh hát trống quân ngày trước, giống như quan họ, không có thời hạn nhất định, đám hát có khi thâu đêm, nối từ hôm này sang hôm khác. Nhưng bài hát cổ khôi phục lại, có bài dài tới 15 - 20 phút. Trống quân cổ ở Dạ Trạch ngay lần đầu tiên đem đi trình làng đã đoạt HCV Liên hoan Văn nghệ dân gian toàn quốc. Sau đó, thi thoảng hàng năm, ông Bổn bà Lâm, ông Mau bà Xuyên lại được Bảo tàng Dân tộc học mời lên biểu diễn..

Ông Bổn và bộ "đạo cụ" hát trống quân cổ

Hát trống quân, dễ nhưng mà… khó! Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan lý giải, hát trống quân có từ thời Trần, do quân lính gõ sạp thuyền hát giải trí trong lúc hành quân, sau này mới truyền vào dân gian. Có thuyết khác lại cho rằng hát trống quân là nói chệch từ “tống quân” (tiễn bạn) mà ra. Có thuyết lại cho rằng (Nhạc sĩ Tú Ngọc dẫn trong sách Dân ca Việt Nam, 1994) hát trống quân cũng ra đời trong quân ngũ, nhưng lại từ thời vua Quang Trung đem quân ra Bắc...

Thực sự, cho tới tận hôm nay, trống quân ra đời từ bao giờ còn là điều mà giới nghiên cứu âm nhạc dân tộc chưa khẳng định được cho minh xác... So những làn điệu dân ca giao duyên khác như hát đúm, hát ghẹo, hát xoan, hát ví, thì trống quân là một thể hát có thể nói là đơn giản nhất về cả âm nhạc lẫn cách diễn xướng.

Nhạc cụ gõ duy nhất là chiếc trống quân giữ nhịp, tạo tiết tấu. Nhưng đúng theo thể cách của những đám hát trống quân xưa ở Dạ Trạch thì thường dùng cái thùng gỗ đựng nước mắm của những thuyền buôn mắm ngày xưa, cho tiếng rất vang và ấm. Loại thùng này bằng gỗ ghép đai mây phết sơn ta, cao khoảng 40cm, đường kính đáy 30cm, đựng được 20 lít nước mắm.

Người ta đào một hố đất, kê mấy thanh tre ngang rồi úp ngược cái thùng gỗ xuống. Sau đó đóng cọc căng dây mây, sợi dây dài 5m vắt qua một cái chạc chữ V trên mặt đáy thùng gỗ. Khi hát, người ta cầm dùi gỗ, gõ vào cái dây mây căng thẳng. Ông Nguyễn Hữu Bổn còn giữ được nguyên một bộ “đạo cụ” từ ngày xưa gồm thùng nước mắm, chạc, dây mây, dùi gỗ, cọc... Người hát trải chiếu, nam một bên, nữ một bên.

Từng đôi một vào hát thì ngồi trên hai chiếc ghế gần thùng trống, cách nhau sợi dây trống. Cứ nam hát xong thì người nữ hát đáp, hoặc ngược lại, không hát song ca. Vì là hát đối đáp, nên người hát buộc phải hát rõ lời, không có nhấn nhá luyến láy gì nhiều (thì người nghe mới hiểu đúng mà đối lại được). Xưa, lời hát không chép ra, mà tự thuộc, tự hát, tự ứng biến sáng tác đặt lời ứng đối thử tài đua trí nhau trong lúc hát. Nghe những nghệ nhân Dạ Trạch hát, chúng tôi cảm thấy nó như một thứ nhạc jazz ngẫu hứng và bất ngờ thú vị.

Trống quân Dạ Trạch còn ghi lại được mấy chục bài ca lời cổ và đặc biệt khác hẳn lời trống quân các vùng khác... Khi yêu nhau thì hát hay hát ho đã đành, nhưng đôi nào ghét nhau thì có đặt lời hát chửi, có khi nghĩa thì rất tục, mà lại “thanh” vì được chuyển qua lời hát. Ông Bổn còn sưu tầm được cả bài hát chửi. Vừa đọc cho chúng tôi nghe, ông phì cười nói: "Cứ bảo gái Hưng Yên hiền lành... lời lẽ thế này thì ai mà biểu diễn được...".

Trống quân Dạ Trạch nghe chậm rãi và tình tứ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Xuyên kể rằng khi đội trống quân Dạ Trạch đi hát ở Bảo tàng Dân tộc học vào Trung thu năm 2008, một cô phiên dịch viên tiếng Anh nghe bà và ông Mau hát bài Hát thách cưới, nước mắt cứ chảy ròng ròng. Hỏi sao lại khóc, thì cô gái bảo nghe hát mà thương bà ngoại quá. Ngày xưa, cũng vì cụ ngoại thách cưới cao quá, người bà thương không lấy được, phải bỏ đi, bà ôm hận suốt một đời. Nhưng lúc nghe bà kể thì chỉ thương chứ cũng không khóc, bây giờ nghe Trống quân lại khóc vì cảm thấu được cái đau khổ của bà mình...

Trống quân Dạ Trạch bị đứt đoạn năm 1945 (giống như các làn điệu dân ca nơi khác) do biến động lịch sử. Năm 1992, một số nghệ nhân cao tuổi sưu tập lời, khôi phục thành các bài hát đối. Họ lập ra đội trống quân Dạ Trạch, vận động các thành viên tuổi trung niên ở xã tham gia, mời những nghệ nhân từng đi hát ngày xưa tham gia biểu diễn và truyền dạy. Lẽ ra, hát Trống quân thường là thanh niên, nhưng thanh niên xã Dạ Trạch có nghề cân sức khỏe (bằng cái máy đo chiều cao cân nặng ta vẫn thấy người đẩy đi rong ở mọi nơi) nên họ bỏ đi tứ xứ làm ăn. Cả làng có hơn 200 cái cân, đi theo mỗi cái cân là một gia đình, hoặc một thanh niên độc thân, đẩy cân đi cân người khắp nước.

Do vậy, đội Trống quân Dạ Trạch chỉ còn những người trung niên và người già. Ông Bổn ao ước: "Chúng tôi đã già, nhưng vẫn phấn son đi hát, lườm nguýt nhau vui đáo để, tuy nó trẻ trung ra nhưng cũng không hợp bằng lớp trẻ nó hát. Mong sao có kinh phí thành lập một câu lạc bộ để truyền dạy cho lớp trẻ, duy trì những lời hay ý đẹp, giai điệu độc đáo của cha ông truyền lại...". Ông Bổn, bà Lâm, ông Mau, bà Xuyên hát một lúc thì như quên mấy người chúng tôi ngồi đó. Tuổi họ cũng đã ở xế chiều, hát lại những lời ca trai gái thuở đôi tám ngày xưa, mà tuổi Xuân như ùa lại về làm cho thời gian mất đi, chỉ còn giọng hát ngân lên thanh tao duyên dáng...

Có gì giống nhau giữa trống quân và cái “clôổng tật”? “Clôổng tật” là tiếng Mường gọi cái “trống đất”. Cách đây vài năm, chúng tôi có đến nhà ông nghệ nhân Đinh Văn Nhật ở thôn Nưa Thượng, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn để tìm hiểu về cách làm, diễn xướng trống đất và đàn “toòng - tửng” của người Mường. Theo truyền thuyết của người Mường, thì trống đất có từ thời vua Hùng. Cách làm trống khá giống cách tạo trống quân. Nhưng khác ở chỗ lấy ngay hố đất làm hộp cộng hưởng (có bịt mặt hố bằng mo cây bương).

Sợi dây vắt qua mặt hố (dùng để gõ lên dây phát ra tiếng) được ghim căng xuống với mặt mo chứ không phải kê dựng lên như trống đất. Bình thường, trẻ trâu cũng làm được trống đất, nhưng các cụ người Mường xưa cấm, vì sợ đánh lên nó “động rừng”, vì đây còn là cách truyền âm để báo hiệu giặc giã.

Các cụ thầy mo Mường khi làm trống đất là phải cúng gà, và hợp tấu với đàn “toòng - tửng” để tế bái, chứ không phải dụng cụ âm nhạc để đùa chơi. Nếu như trống đất và trống quân là một, thì đây là một nhạc cụ tối cổ của người Việt. Bằng vào sự đơn giản trong việc chế tác, và sự phổ biến của lối hát, các gõ trống như thế khắp miền Bắc, thì hẳn lai lịch trống quân có thể là rất lâu đời...

Vũ Lâm



Hà thành lại vang câu hát trống quân

Tags: Hưng Yên, Nghệ Thuật Dân Gian, hát trống quân, nhà nghiên cứu, Cây Đàn, Hà Thành, câu hát, có thể, đầu năm, khán giả, tt, làm, đội, trung, người Ngay những ngày đầu năm mới, các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian ở Trung tâm (TT) Phát triển nghệ thuật Âm nhạc VN đã tập trung hoàn thiện một tổ khúc hát trống quân để ra mắt khán giả đêm thứ Bảy 3/3. Buổi biểu diễn sẽ được tổ chức tại sân khấu “Hà thành 36 phố phường”- khu chợ đêm Hàng Đào- Đồng Xuân.
















No comments:

Post a Comment