Pages

Wednesday, December 14, 2011

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TUÂN



CHIẾC ÁO GẤM MƯỢN

NGUYỄN TUÂN

Tặng Trương Tửu

Nguyễn vừa mới đi chơi về, quần áo mặc luôn ở người nhàu bẩn, râu tóc bừa bộn. Chàng có cái diện mạo của một kẻ ở rừng bỗng chốc có dịp đặt chân lên đất thành phố... Chàng mở va-ly. Trong đó quần áo cũ guộn tròn thành từng bó cứng chắc co lại vì lớp mồ hôi của cuộc viễn du vừa khô ráo. Cái bề trong của chiếc va-ly sau một cuộc đi chơi cũng mệt mỏi như cái bề ngoài của kẻ đi chơi xa về. Đâu là những cái nền nếp trong trắng tươi thơm sáng sủa của hành trang, của tấm lòng cởi mở và đầy mơ vọng trức một ngày khởi hành.

Nguyễn vội đi nằm, tìm sự thoải mái cho thân thể và đánh dấu lại trong đầu mình, trong tâm mình một vài hình ảnh, một vài câu nói lượm lặt được ở dọc đường. Cái việc thú vị ấy người ta thường gọi là việc soạn lại những dòng bút ký lữ hành.

Trên bàn bụi bặm, một tập thư và báo chí chồng chất thành một bó cao đã buộc Nguyễn dựng mình trở dậy đi ra phía bàn giấy, bóc xem ngay những trang chữ viết, những trang in nó dính buộc chàng với cuộc sống ở đây. Cuộc sống ấy, hơn một tuần lễ nay đã đánh sống mất Nguyễn và vẫn đợi chàng trở lại để mách bảo cho chàng biết đến những cái gì "đã" xảy ra ở đây.

Đọc qua loa tập báo chí ghi lại một vài tình trạng vụn vặt của xã hội vẫn không có gì là đổi mới, và những biểu diễn linh tinh của lòng người ở đây vẫn chịu yên ổn thấp hèn với những thỏa mãn phù phiếm, Nguyễn thất vọng. "Thế mà mình cứ tưởng ở đây đã có một cuộc biến cải gì lớn lao có thể đem lại hăm hở cho mình."

Soạn đến tập thư, không thấy một chiếc bi thư nào có đường viền đen của giấy báo tang, Nguyễn cho ý nghĩ mình theo ra sau một tiếng ngáp dài: "Ra vẫn chưa có một người quen nào chết bớt đi cho. Đã sốt ruột chưa? Nếu bây giờ vì một phép thần bí gì, trong sự sống của loài người, sẽ không có sự chết chóc, sẽ không có một người nào chết, mỗi người đều cứ lù lù sống mãi ỳ ra đấy, thì không biết rồi cuộc sống của con người ta sẽ nặng nhọc đến bực nào nhỉ? Từ xưa đến giờ ai ai cũng đều bạc đãi thần chết cả. Đã mấy người biết cám ơn cái chết."




Nguyễn vẫn soạn thư. Cái gì mà lại có cả một miếng bìa đỏ bỏ vào trong một cái bì thư màu phấn hồng thế kia hở đời! Thiếp báo hỷ! À ra có một người quen sắp thành... người đây. Hôn nhân. Thành gia thất. Hạnh phúc. Kiến thiết. Hoài bão. Nguyễn mỉm cười.

Nhưng mà ai lấy vợ thế này, Nguyễn nhìn kỹ cuối lá thiếp. Ô ra một anh bạn. Cái người bạn lành như hạt gạo trần mễ và hiền đến nỗi chưa từng ngứt đầu một con nhặng xanh, ừ, người bạn ấy sắp lấy vợ nghĩa là sắp lập lại cuộc đời, nghĩa là sắp thành một cái bản ngã khác, - càng nghĩ đến Nguyễn càng không muốn nghĩ nữa.


Thôi thì cũng cứ cho là vui đi. Và Nguyễn đang đem tất cả thông minh của mình ra để cố tìm trong đầu lấy một cái đồ vật gì hay hay có ỳ nghĩa để mừng người bạn. Ừ, ngày mai ngày mốt gì đây là ở dưới nhà bạn sẽ cho nổ những cối pháo toàn hồng xác rụng xô bồ như một rừng đào lúc gió ngàn tạ hết cánh hoa khai xuống thảm cỏ lau.

- Kìa anh, tôi đang định thân hành đưa cái gói kia xuống mừng anh... Lấy vợ! Vui nhỉ! Anh ngồi xuống đây. Sao trông anh xanh thế? Trưng một cái mặt thiếu máu vào giữa một ngày trọng đại, giữa một ngày vui nhất trong đời mình, hỏng lắm đó.

Dực cười và nói luôn cho Nguyễn biết rằng mình đã cắt chàng đi phù rể hộ đấy!

Nguyễn tưởng bạn mình muốn đùa.

- Anh bảo tôi đi phù rể? Có lẽ anh cũng đã thừa hiểu lôi đã là bố sáu đứa con vừa trai lẫn gái. Còn son trẻ gì nữa mà đi phù rể.

- Cái đó không hề gì, trong bọn bạn phù rể tôi chọn thì có ba bạn đã là bố trẻ con. Tôi có cái ý chương chướng như thế, anh chiều tôi vậy!

- Thế nhưng mà rồi ăn mặc ra sao?

- Áo gấm! Tôi đã có đủ cả áo gấm cho các anh đến một chục bộ, rộng hẹp, dài ngắn đủ cả, các anh thử cái nào vừa thì mặc.

Thế là Nguyễn phải đi phù rể, không còn chối cãi vào đâu được nữa. Chàng nằm khàn chờ đợi cái không khí náo nhiệt một buổi ăn cỗ bát, dọn đường trước cho một ngày tốt lành đi rước dâu, chàng sẽ xúng xính mặc một cái áo gấm chui vào một chiếc xe hơi hòm kính. Nguyễn dí mặt vào một tấm gương chàng tin rằng hôm ấy mình sẽ buồn cười.


Mà quả như điều Nguyễn dự đoán. Buổi sớm hôm ấy chàng ngắm mình trong gương nhà anh bạn Dực, thấy mình là đáng buồn cười thực. Nguyễn đang sống một ngày mới với một tâm hồn mới quá. Cả mấy người bạn chàng cũng vậy. Cái khăn mượn, cái áo gấm mượn, đến cả cái áo trắng dài cũng mượn. Trông cả bọn như một đám lễ sinh. Trương, Đỗ, Đức và Nguyễn, cả bốn anh phù rể ghé đầu khít vào nhau như là lúc đi chung một tấm ảnh bán thân. Họ ngắm lẫn mặt nhau trong tấm gương mới của một người vừa đưa mừng nhà đám cùng nghiêng nghé và cùng cười rộ.


Trông hay đáo để. Đức có vẻ một ông ấm cuối mùa. Đỗ trông như một ông tri huyện hậu tuyển. Trương có cái phong thái một ông lãnh binh lúc phải cất bộ giáp trụ để khoác một tấm áo thường phục của quan văn. Đến lượt anh em phẩm bình cái đầu Nguyễn nghiêng ngả trong gương thì ai nấy đều bảo nhau là "trông hắn như một tên đề lại già"


Còn Dực thì, ái dà! thật là một ông tân lang mày râu nhẵn, áo quần phẳng lì. Khi mà người ta sung sướng! Thật cũng khó mà giấu diếm không cho lòng mình đừng tiết lậu ra ngoài quần áo được. Mỗi người còn lại vẩy cho nhau vài giọt nước hoa "Cái điều mà người đàn bà muốn" và sóc lại cho nhau một cái cổ áo đổ.

Chưa bao giờ Nguyễn đi phù rể, chàng thấy mình say sưa với cái vui của bạn lồng vào trong một cái tâm trạng rất mới của mình.

Nhưng mà dưới kia nhà đám đã bóp còi inh ỏi giục cả bọn mau xuống mà đi đi thôi.

- "Dạ xin các ngài lên đường cho, được giờ lắm rồi".

Cái ông chủ hôn - cả một thân áo trước xệ xuống vì đám huy chương bằng bạc, bằng vàng, bằng đồng, bằng chì, xun xoe nói thế. Vâng, thì đi.

Nguyễn khom khom chui vào cái xe hòm kính. Thế rồi cái đoàn xe ấy - cái nào cũng rộng rãi - vù vù qua cầu Bồ Đề. Trời phăn phăn mưa. Nguyễn hút xì gà, hút thuốc ăng-lê, hút thuốc Hiệp Chủng Quốc. Đến thuốc Ai Cập, rồi đến thuốc có hương vị Thổ Nhĩ Kỳ. Dịp cầu thì dài và gợi cảm một cách cầu kỳ. Trời thì cao rộng và lòng sông thì... thì nước xoáy những vòng tròn.


Lòng Nguyễn vui nhộn như người ta đang rước đèn hội Tây ngay trong bụng mình. Chàng cảm thấy được sống là một cái vinh dự hơn là một cái lụy. Chàng không ngờ mình lại hoan lạc được đến nhường này. Hoan lạc một cách chí thành riêng với mình chứ không phải là vì tính cách thù thế của trường hợp này.

Anh bạn Dực thấy Nguyễn vui trong tấm áo gấm nền huyền như một bà già được bát canh, lấy làm cảm ơn thầm. Từ hôm trước anh chỉ sợ lo Nguyễn chiêu đăm vì phải dự vào cái đám rước này mà có lẽ chỉ có vai chính là mới riêng thấy đẹp mắt đẹp lòng thôi..

Thẹo sau một cái xe hoa trắng, thu gọn mình trong một tấm áo hàng tơ dệt hoa ngũ sắc, Nguyễn không chờ đợi đến sự phục hưng đột ngột này của một tấm lòng hồ đã héo cạn. Một buổi sớm ấy đi phò tá một người bạn đang tìm hạnh phúc ở người đàn bà, trên con đường nhựa Hải Phòng nhẵn lì, Nguyễn ngờ ngợ hình như chính mình cũng vừa thoáng chộp được cái bóng của hạnh phúc. Một tí hạnh phúc xổi thì.


Một giây lát hạnh phúc trong hiện tại... Khi mà người ta cảm thấy mình được vui một cách không cần xếp đặt! Nguyễn có cần gì nhiều. Chàng muốn nói to một câu hoặc giơ tay giơ chân lên để tỏ thêm ráng mình đang lấy làm bằng lòng cái buổi sớm đẹp tươi này. Lúc này Nguyễn lại thấy cần tha thứ cho tất cả chung quanh.

Đến phủ Mỹ Hào, đoàn xe dừng lại trước cổng làng cô dâu. Nguyễn ngà ngà say vì không khí béo ngậy của một buổi mai mát đặc đang tràn ngập hai buồng phổi, vì tốc lực trong hơn nửa giờ đồng hồ, vì khói các thứ thuốc lá thấm tẩm bộ lòng thành tâm.

Chàng ngây ngất, loạng choạng bước xuống xe, nhìn lũy tre già ấm bụi phủ lấy cổng gạch làng, rũ vạt áo gấm nhàu, tưởng đâu như mình là một kẻ nào hiển đạt được về thăm lại quê hương một ngày xuân liệt sau những năm lang bạt kỳ hồ. Nguyễn lấy bộ điệu đứng cho các bạn chụp tấm ảnh kỷ niệm ngay chỗ cổng làng, bên lề đường cái quan. Những lúc này chàng khó mà giữ cho tự nhiên được.

Một tràng pháo nổ. Khói mù mù. Nhà trai vào đến ngõ, một tràng pháo nữa lại làm lũ chim bồ câu trắng lồm lộp bay vung lên khoảng giời xanh. Cô dâu lên đường về nhà bạn Nguyễn.

Con đường về, ồ, sao mà chóng thế. Đã đến cửa nhà Dực rồi. Vừa đúng ngọ. Cái ngày vui đã đến đoạn giữa, đã hết một nửa. Một quả ăn đã đến lúc chín và quá một tí nữa, chỉ quá một lúc nữa thôi, nó sẽ mõm, sẽ nẫu! Nguyễn hơi nao nao vì cảm thấy một ngày đẹp đã hết một nửa. Nguyễn muốn người ta đốt pháo nữa cho nhiều lên, để khói cứ đùn lên mãi mãi làm cho những người ngồi đấy nhìn chẳng được nhau tuy là vẫn gần nhau trong tấc gang.

Cô dâu và chú rể đi lễ các bàn thờ. Bốn ông bạn phù rể và bốn cô phù dâu đi dài ra như là giai nhân tài tử của một ngày chơi hội xuân. Giá cuộc sống của Nguyễn ngày nào cũng là một ngày đi phù rể như thế này nhỉ?

Cả một cái phố xóm ngoại ô nhìn cái đám cưới dài có đuôi ấy mà cười một cách thân thiện. Cái cười của hàng xứ lúc này giấu đâu cho hết dộ lượng bao dung.

Giữa đường. Nguyễn bắt gặp một người bạn đứng trên tàu điện đi ngược lên phố. Người ấy ra hiệu cười nháy và nói lóng bằng mắt. Hôm nọ Nguyễn và người ấy đều có chung dự một đám cưới và một đám ma luôn trong một ngày. - "Buổi sớm cùng đi chấp phất theo một cái xe tang một người xấu số, buổi chiều cùng đi nâng cốc để mừng một người sung sướng. Anh và tôi có thể mãi mãi làm thứ người của Hiếu Hỷ thiên hạ khổng" Nguyễn vừa nhìn cái gấu quần sa tanh trắng phủ kín hở gót chân tròn một cô dâu đỏ như son đi trước, vừa nhớ đến câu nói khó chịu của người bạn thoáng gặp lại trên tầu điện kia.

Thế rồi là bây giờ, mọi người đều ngồi vào bàn tiệc. Rượu vào Nguyễn trở nên bạo dạn. Chàng đã dám nhìn thẳng vào mặt vợ bạn. Chị Dực không có tính bẽn lẽn, hay lôi thôi. Nguyễn nhớ đến một câu thơ cổ: Khấp như thiếu nữ vu quy nhật... Tính lẩm cẩm, hay lo nghĩ trước cho đoạn chót của mọi việc. Nguyễn vẩn vơ ngồi tưởng đến một ngày rất gần cái ngày nhộn nhịp này, có những người thiếu phụ chỉ còn đẹp được lòng cái đẹp của Đức Hạnh thôi. Và khói lửa củi trong bếp cùng với tiếng khóc bú của một hòn máu lọt lòng sẽ giục người đàn bà chóng già hơn là một người đàn ông giang hồ khi phải nghe mãi hàng mười lăm năm một cái tiếng gà gáy pha trộn với tiếng móng ngựa dồn trong hơi sương dặm khách.

Bàn tiệc hiện vẻ mỏi mệt..

Nguyễn cảm thấy mình sắp là người thừa ở chốn này, bèn xin lui về sang gác nhà bên cạnh thay áo. Trả lại chiếc áo gấm hoa vàng dát bạc cho nhà đám: Nguyễn lại sắp trở lại với những cái bình lặng quen thuộc mỗi ngày của chàng. Hơi men ngà ngà và dư vị ngày vui làm cho Nguyễn đang tưởng đến bây giờ là bao giờ. Dẫu sao cái ngày vui ké ấy cũng là một giấc mơ bằng vàng diệp. Nguyễn đã đi sát gần ngay vào cái sung sướng, của chung quanh.

Chiều rã đám, Nguyễn và ba người bạn phù rể đều rã rời gối lên đống áo gấm mượn mà bàng hoàng. Mặt đất trước nhà Dực, gió chiều lật ngửa những cánh pháo tươi thắm.

No comments:

Post a Comment