Pages

Thursday, December 22, 2011

NGUYỄN THIÊN THỤ * NGUYỄN DUY CẦN


NGUYỄN DUY CẦN
(1907-1098)


Ông Nguyễn Duy Cần sinh tại Mỹ Tho cho nên ông lấy bút hiệu là Thu Giang, tức là sông Mỹ Tho. Ông sinh ngày 15 tháng 7 năm 1907 tại làng Điều Hoà, tổng Thuận Trị, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, tức là ông sinh ở trung tâm thành phố Mỹ Tho. Sau ông lên Saigon làm giáo sư kiêm Hiệu trưởng một trường Trung học tư thục đô thành. Một vài tài liệu ghi ông mất năm 1988 là không đúng vì tôi đã gặp ông trong khoảng 1995 tại Saigon. Một vài tài liệu ghi ông mất năm 1998 có lẽ tài liệu này nói đúng. Không thấy tài liệu nào nói về việc học của ông, có lẽ ông tự học (Tôi Tự Học).

Ông là một nhà văn kỳ cựu của Nam Kỳ, và thuộc vào lớp người có nhiều sách biên khảo. Theo một tài liệu , ông có trên 30 tác phẩm:

Tác phẩm:

1.Duy tâm và duy vật 1935
2.Toàn chân triết luận 1936
3.Thanh dạ Văn chung 1939
4.Cổ nhân 1940
5.Cái dũng của Thánh nhân 1951
6.Óc sáng suốt 1952
7.Thuật tư tưởng 1953
8.Thuật xử thế của Người Xưa 1954
9.Trang tử tinh hoa 1956
10.Lão Tử tinh hoa
11.Văn minh Tây phương và Đông phương 1957
12.Tôi tự học 1960
13.Thuật Yêu đương 1960
14.Lão Tử Đạo đức Kinh 1960
15.Một nghệ thuật sống 1960
16.Cái cười của Thánh nhân
17.Tinh hoa Đạo học Đông phương
18.Phật học tinh hoa
19.Nhập môn triết học Đông phương
20.Văn hoá Giáo dục miền NamVN 1970
21.Nam hoa kinh
22.Dịch học tinh hoa
23.Để trở thành nhà Văn
24.Tâm sự người Xưa
25.Đạo học Đông phương trong xã hội ngày nay
26.Thuật dưỡng sinh của Đông phương Đạo học
27.Chu Dịch huyền giải
28.Liêt Tử Xung hư chân kinh
29. Chu dịch tường giải
30. Tử vi bí kiếp
31. Thiền đạo Trung Hoa

Bản này tương đối đầy đủ nhưng năm xuất bản thì có sai khác với các tài liệu khác.


Xem qua bản thống kê trên, chúng ta thấy ông Nguyễn Duy Cần khởi đầu sự nghiệp bằng nghiên cứu triết lý với hai quyển Duy tâm và duy vật 1935 và Toàn chân triết luận 1936. Tiếp theo, ông chuyển sang nghiên cứu loại "sách học làm người". Tại miền Nam, các ông Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt là những người đi đầu và chuyên về bộ môn này. Ông Hoàng Xuân Việt đã có khoảng 100 tác phẩm về loại này. Sau 1975, loại sách Học Làm Người cũng nở rộ nhưng phần lớn là chép lại sách cũ hay sách ngoại quốc. Cuối cùng, ông chuyển sang nghiên cứu triết học Đông phương với các sách về Phật giáo, Lão giáo.Vì ông dày công nghiên cứu Triết học Đông Phương nên ông được mời làm giáo sư môn Triết học Đông Phương tại trường Đại học Văn khoa Sai gòn với Nguyễn Đăng Thục, Giản Chi, Linh Mục Bửu Dưỡng, LM Kim Định, Thượng Tọa Quảng Liên, Thựợng Tọa Minh Châu. Các ông bạn tôi ở ban Hán Văn coi thường ông Nguyễn Duy Cần vì ông nghiên cứu sách Tàu qua các sách Tây chứ không đọc thông Hán tự. Nhưng tôi nghĩ rằng "nhân vô thập toàn" vì các cụ giỏi Hán văn như các cụ nghè, cụ cử có làm thơ văn nhưng không chuyên nghiên cứu. Rất it các cụ nghiên cứu thâm sâu hoặc viết báo, làm sách như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Ngô Bằng Giực, Bùi Kỷ, Phan Kế Bính. Người giỏi nhất chính là Phan Bội Châu.
Còn lớp học Tây học thì it đề cập đến cổ văn. Thản hoặc cũng có một năm ba người như Nguyễn Đổng Chi, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phan Khoang. . . Thành thử một người như cụ Nguyễn Duy Cần viết những sách về cổ học là một điều đáng hoan nghênh.

Người Việt Nam có câu :" Cháy nhà ra mặt chuột" là rất đúng. Sau 1975, những tay chống cộng, những tay quân tử tàu một số tỏ ra những kẻ tiểu nhân nịnh hót. Phần lớn những anh trong ban Sinh Ngữ Anh, Pháp là có bản lĩnh khá. Giáo sư Nghiêm Toản lấy cớ 70 tuổi xin về hưu. Có ông cụ trên 70, thực hành nhân nghĩa lễ trí tín của thánh nhân, chạy theo Lý Chánh Trung hy vọng sẽ được mời dạy tiếp. Việt Cộng cho ông nghỉ, ông xin được ở lại để học tập tiến bộ! Ông Nguyễn Duy Cần nghe đâu được người em tập kết về rỉ tai mọi sự, nên chưa đến 70 đã xin về dưỡng bệnh. Từ đó ông ở nhà. Tôi thầm khen ông là người có khí tiết và có hiểu biết! Phải rồi, 70 tuổi còn bon chen gì nữa. Hơn nữa, tuổi già, ngồi hội truờng hàng giờ đau cả lưng, ê cả mông, lại phải nghe những tên vừa ngọng vừa ngu nói dài nói dai, nói dởm hàng giờ chịu sao thấu! Trước hàng trăm giáo sư tiến sĩ miền Nam, người từ Pháp, kẻ từ Mỹ về đây mà chúng tự nhiên bốc phét đúng là "tự nhiên như người Hà Lội". Nào là bác Hồ hy sinh hạnh phúc gia đình để cứu nước cứu dân. Nào là quân ta chế được xăng bột, mỗi bộ đội mang một bao, khi nào cần xăng thì đổ nước lạnh quấy lên mà dùng cho ô tô, máy bay. Và ngoài Bắc chỗ nào cũng có mỏ dầu, cứ cắm ống đu đủ xuống là dầu trào lên, cứ tự nhiên mà nấu bánh chưng, bánh tét! Chúng nó không phải tầm thường đâu. Từ Trung ương vào đấy, là tổ sư của bọn quân quản trong này. Để báo hiếu, báo ơn, chúng mời các ngài răng đen cải mả vào để nói chuyện cho bọn trong Nam nghe, sau đó thì tham quan du hí, và trước khi về nghe nói được phong bao dày cộm!


Khoảng năm 1900, một vài đại học tư đã xin được giấy phép. Ông Hoàng Xuân Việt sau 1975 rất có thế giá. Ông cùng cựu LM Thanh Lãng hợp tác với Viện Khoa Học Xã Hội miền Nam dịch quyển Việt Bồ La, ông Hoàng Xuân Việt xin phép mở một đại học tư. Họ chấp nhận cho ông mở một trường Cao Đẳng tên là trường Nguyễn Trãi, chuyên dạy Hán Nôm. Than ôi, dân Việt Nam thích học Đại học chứ không thích Cao Đẳng. Cao Đẳng là cái mốt của 1930 chứ sau này it ai mê Cao Đẳng. Mà Đại học ăn khách là dạy computer và Anh Văn. Họ cho ông Hoàng Xuân Việt một món ăn không thể nhai, không thể nuốt. Trường treo bảng hai ba năm mà vẫn chưa có sinh viên.

Vì thế ông Hoàng Xuân Việt phải cố gắng phấn đấu. Một hôm tôi tới thăm ông tại trường, thấy ở bàn khách một bản thảo đã đánh máy rất to, rất dày khoảng 2000 trang, ngoài đề là "Tự Điển Hồ Chí Minh". Từ đó tôi đâm ra " kính nhi viễn chi" cái ông có tài thần thông biến hóa đó! Từ trước, tôi vẫn biết ông là tay siêu đẳng nhưng sự thật trước mắt, ông là trên cả tuyệt vời! Sau đó tôi xuất ngoại, không biết trường ốc của ông có khấm khá gì không.

Khoảng năm 1993-95, một hôm, trường Cao Đẳng Nguyễn Trãi mở cuộc chiêu đãi. Ông Hoàng Xuân Việt cho người mang xe ô to con đi rước cụ Nguyễn Duy Cần tới dự. Ông Nguyễn Duy Cần đi vào phải có hai người xốc nách. Tôi nhìn ông sửng sốt. Nếu ông bệnh thì ở nhà cho khoẻ sao lại đến đây? Ông bước vào ngồi ghế thượng khách. Ông Hoàng Xuân Việt mời ông Nguyễn Duy Cần có lẽ vì hai ông tương đắc trong chuyên môn "Sách Học Làm Người". Lại nữa, năm này nghe nói ông Nguyễn Duy Cần đã gần 90 tuổi, ông Hoàng Xuân Việt muốn giới thiệu một văn nhân Nam Kỳ với quan khách. Ông Nguyễn Duy Cần ngồi im, không lên phát biểu, trái lại thái độ rất ư mệt mỏi, bệnh hoạn, như sắp chết đến nơi. Tan tiệc, ÔngHoàng Xuân Việt vội cho người đưa cụ về trước vì sợ cụ mệt, cụ bệnh.

Người lái xe đưa cụ về đến nhà cụ, rồi trở lại trường Nguyễn Trãi. Chúng tôi còn ngồi lại hàn huyên, thấy tài xế về vội chạy lại hỏi sức khỏe của cụ Nguyễn Duy Cần ra sao. Ông lái xe nói:
"Về nhà ông tỉnh như sáo, rất mạnh khoẻ và vui vẻ!"
Tôi cười thầm trong bụng:"Quả là "lão già đa mưu kế".Ông này tất sống thọ và an khang trong chế độ cộng sản. Ông đã thực hành đúng lời đức Khổng dạy: " Nước loạn, người có trí nên giả như người ngu". Quả vậy, người khoẻ cũng nên làm như người bệnh thì mới an toàn.
Nguyễn Thiên Thụ

No comments:

Post a Comment