Pages

Monday, December 19, 2011

TIN VIÊT NAM & TRUNG QUỐC



Biển Đông

Tàu lặn Giao Long (video truyền hình Trung Quốc). Ảnh minh họa
Tàu lặn Giao Long (video truyền hình Trung Quốc). Ảnh minh họa


Trung Quốc sẽ đưa tàu thăm dò biển sâu xuống Biển Đông

Trọng Nghĩa

Chủ trương khống chế tài nguyên dầu khí dưới lòng Biển Đông của Bắc Kinh ngày càng rõ nét. Sau khi quyết định đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ CNOOC 981 xuống Biển Đông trong một hai tuần lễ sắp tới đây, ngày 15/12/2011 vừa qua, Trung Quốc đã cho xuất xưởng một chiếc tàu thăm dò biển sâu tối tân cũng sẽ hoạt động tại vùng Biển Đông.

Theo hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã, con tàu thăm dò mang ký hiệu HYSY708 đã được xưởng đóng tàu Hoàng Phố ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) bàn giao cho khách hàng là Công ty Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc COSL

. Đây là một tàu thăm dò thuộc loại hiện đại nhất do chính Trung Quốc chế tạo. Dài 105 m, rộng 23,4m, trọng tải 11.600 tấn, con tàu có khả năng thăm dò ở độ sâu 3.000m dưới mặt biển, và khoan sâu 600 m dưới lòng biển. Tàu đã được thiết kế và trang bị bằng công nghệ tối tân để thực hiện việc thăm dò địa chất và địa chấn ở các vùng biển nước sâu.

Theo các nguồn tin từ tập đoàn chế tạo ra chiếc tàu này, sản phẩm của họ đã bổ khuyết một lỗ hổng của Trung Quốc trong lãnh vực thăm dò các vùng biển nước sâu. Các nguồn tin trên xác định rằng con tàu này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí tại vùng Biển Đông.

Việc cho chiếc tàu thăm dò hiện đại này xuống hoạt động ở vùng Biển Đông là một bước mới của Trung Quốc trong chiến lược khống chế tài nguyên dầu khí tại vùng Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền trên 80% diện tích, bất chấp phản đối của các láng giềng, từ Việt Nam, Philippines, Malaysia cho đến Brunei và Đài Loan. Bước này đã tiếp nối theo quyết định đưa giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc xuống hoạt động tại Biển Đông.

Như RFI đã loan tin, một viên chức tập đoàn dầu hỏa Trung Quốc CNOOC, hôm thứ Ba 06/12/2011 vừa qua, đã tiết lộ là giàn khoan mang ký hiệu 981 của họ sẽ khoan mũi đầu tiên ở vùng phía Bắc Biển Đông « vào cuối tháng này hay đầu tháng Giêng ». Điểm giống nhau giữa giàn khoan CNOOC 981 và tàu thăm dò HYSY708 là cả hai đều do Trung Quốc tự chế tạo, giúp cho nước này khỏi bị lệ thuộc vào nước ngoài, khi tiến hành hoạt động tại những vùng có tranh chấp.

Một bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo Global Times hồi tháng Năm vừa qua đã công khai khẳng định ý đồ của Trung Quốc, khi nói rõ là giàn khoan nước sâu sẽ giúp Bắc Kinh hiện diện mạnh mẽ tại vùng phía nam Biển Đông. Một chuyên gia Trung Quốc khi trả lời tờ báo, đã không ngần ngại tuyên bố : « Bây giờ khi đã có công nghệ để khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông, Trung Quốc cần nỗ lực bảo vệ hoạt động của mình và răn đe các nước khác, không cho họ khai thác trái phép
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20111218-trung-quoc-se-dua-tau-tham-do-bien-sau-xuong-bien-dong


Ý nghĩa chuyến đi thăm VN của Phó Chủ Tịch TQ Tập Cận Bình
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-12-18

Phó chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào ngày 20 tới đây sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

AFP Photo/Feng Li

Phó chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong buổi lễ đón tiếp PTT Nam Phi Kgalema Motlanthe tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh hôm 28/09/2011.

Chuyến đi này mang ý nghĩa gì trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung có một số trở ngại về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, cũng như hoạt động lấn lướt của Trung Quốc tại vùng biển đó?

Gia Minh hỏi chuyện giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, khoa Bang giao Quốc tế, Đại học George Mason tại bang Virginia, Hoa Kỳ. Trước hết ông đưa ra nhận định về chuyến đi Việt Nam sắp đến của ông Tập Cận Bình.
Thủ tục ngoại giao

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Một số nhà bình luận đã cho biết việc đưa ông Tập Cận Bình sang Việt Nam là để ‘đánh bóng’ cho ông ta. Lý do vì sang năm ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch nước Trung Quốc. Họ để ông đi Việt Nam, Thái Lan và sau đó chuẩn bị cho ông đi Mỹ nữa nhằm vừa thử thách vừa nêu cao ông lên.

Theo tôi chuyến đi của ông Tập Cận Bình còn liên quan đến thủ tục ngoại giao nữa. Tôi nhớ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (hồi tháng giêng năm rồi), Việt Nam có cử một người sang Trung Quốc và đưa lời mời chủ tịch và tổng bí thư Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Phía Trung Quốc chờ ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm để rồi họ đáp lễ; nhưng ông Trọng chỉ là tổng bí thư đảng thôi; còn tổng bí thư Đảng CS Trung Quốc còn là chủ tịch nước nữa. Trong khi đó chủ tịch nước Việt Nam lại thăm Ấn Độ chứ chưa sang thăm Trung Quốc. Nên họ cử ông phó chủ tịch nước Tập Cận Bình sang, và cũng theo lời mời của bà phó chủ tịch nước Việt Nam, và của Trung ương Đảng VN.
obama-australia-16nov2011-250.jpg
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama duyệt hàng quân danh dự khi đến Úc. 16/11/2011. AFP photo.

Theo tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Trung Quốc cũng muốn phản ứng lại trước một loạt những cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ sang Châu Á như của bà ngoại trưởng Hillary Clinton, rồi tổng trưởng quốc phòng Leon Panetta, và của cả tổng thống Barack Obama.

Lần này Trung Quốc đưa ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, Thái Lan và đồng thời ông Đới Bỉnh Quốc sang thăm Miến Điện. Đặc biệt trong tháng này ông Đới Bỉnh Quốc lại đi gặp bà Aung San Suu Kyi nữa. Điều đó cho thấy Trung Quốc liệu theo chiều phát triển ở Á Châu mà đi theo họ chứ không còn cưỡng lại như xưa nữa.

Gia Minh: Có ý kiến cho rằng Việt Nam là nước nhỏ bên Trung Quốc, và lâu nay Trung Quốc có chính sách bành trướng xuống phía nam, ‘nam dụ’. Giáo sư thấy ý kiến đó chính xác thế nào?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Khuynh hướng bành trướng ảnh hưởng, không phải chiếm đất, quốc gia lớn nào cũng có. Trung Quốc là nước lớn ở Á Châu nên họ muốn đóng vai trò chủ yếu, không nói là vai trò độc tôn tại Á Châu. Việt Nam ở sát nách Trung Quốc mà lại là nước cộng sản nữa; cho nên Trung Quốc tập trung rất nhiều vào Việt Nam. Việt Nam ở vị trí chiến lược rất quan trọng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Theo tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Trung Quốc cũng muốn phản ứng lại trước một loạt những cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Mỹ sang Châu Á.

GS Nguyễn Mạnh Hùng

Nếu họ khống chế được Việt Nam họ sẽ khống chế được Đông Nam Á. Dĩ nhiên họ không hy vọng khống chế được Việt Nam; nên họ tìm cách ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam. Do đó làm các nước Đông Nam Á phải đi theo, đó là mục tiêu, vì thế các quốc gia Đông Nam Á muốn Việt Nam cứng rắn hơn, tức độc lập hơn với Trung Quốc.

Những tuyên bố gần đây của những nhà lãnh đạo Việt Nam cho thấy họ khó có thể nhượng bộ hơn được nữa. Nhất là trong chuyến thăm của ông thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh để tham gia hội nghị đối tác chiến lược lần thứ hai với Trung Quốc, ông cũng nói rõ khi đến thăm trường đại học Quốc Phòng tại Trung Quốc rằng hai đảng phải liên hệ và khác biệt giữa hai phía là biển đảo. Căn cứ để giải quyết khác biệt đặt trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và độc lập của nhau dựa trên luật quốc tế, dù hai nước có cùng lý tưởng.

Tại Việt Nam trong mùa hè rồi có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, thì tôi nghĩ Việt Nam không thể có những nhượng bộ hơn nữa với phía Trung Quốc.
Tận dụng cơ hội

Gia Minh: Sau những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam như thế, và nay có cuộc viếng thăm của nhân vật sắp trở thành chủ tịch nước và tổng bí thư đảng Trung Quốc như thế, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đạt được những điều mong muốn ra sao?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tất nhiên Trung Quốc muốn xoa dịu Việt Nam vì sợ Việt Nam đi gần với Mỹ. Vấn đề là họ xoa dịu bằng cách nào và Việt Nam đòi gì? Gần đây chúng ta thấy có người như ông Jerome Cohen tuyên bố tại Hong Kong rằng Trung Quốc có thể nhượng bộ về vấn đề Hoàng Sa vì ông Tập Cận Bình biết luật.
submarine-kilo-636-250.jpg
Tàu ngầm loại kilo 636 Việt Nam mua của Nga. RFA-Screen cap/ hoangsa.org.

Quan hệ về vấn đề Hoàng Sa là quan hệ về pháp lý, về chủ quyền của Việt Nam và Trung Quốc. Tôi nghĩ, trừ khi ông này có tin tức đặc biệt trong Trung Quốc, đây chỉ là một mơ ước viễn vông mà thôi. Bởi vì nếu chúng ta nhìn vào những chuyện xảy ra trên thế giới thì ta thấy chuyện khó xảy ra.

Như chuyện vào năm 1967 Do Thái chiếm cao điểm Golan của Syria, mà cao điểm này thuộc Syria rõ ràng, họ vẫn không trả lại. Rồi trong trường hợp hồi Đệ nhị Thế chiến Mỹ ‘dụ’ Nga tham dự vào đánh Nhật, Mỹ để cho Nga chiến bốn đảo phía bắc của Nhật. Nhật đòi hoài Nga không trả, chỉ có một lần khi ông Yeltsin định sang Nhật hứa trả hai đảo, đổi lại sự viện trợ rất lớn của Nhật. Nhưng rồi ông Yeltsin cũng không sang thăm được, vì có chống đối, rồi chẳng có gì xảy ra.

Giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong cuộc chiến tranh năm 1979, sau đó năm 1984 Trung Quốc chiếm núi Lão Sơn mà đến bây giờ Trung Quốc đâu trả; huống chi Hoàng Sa Trung Quốc cho thuộc chủ quyền của họ. Cái thuộc chủ quyền của mình mà họ không trả thì nói gì đến cái mà họ cho là chủ quyền của họ. Đó là nói về vấn đề lý mà chúng ta thấy trên thế giới. Còn về tình, trong tình trạng dân tộc chủ nghĩa đang lên ở Trung Quốc, còn ông Tập Cận Bình sắp làm chủ tịch rồi, thì ông không có khả năng chính trị để làm chuyện ấy.

Vấn đề đặt ra nếu Việt Nam đòi, thì đòi được gì? Tôi nghĩ nếu Trung Quốc bằng lòng nhượng bộ, thì có một số chuyện mà họ có thể làm.

Việt Nam có thể yêu cầu Trung Quốc điều thứ nhất là ra lệnh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo chấm dứt những luận điệu và đe dọa đánh Việt Nam. Thứ hai, trong điều đình họ có thể định lại một cách bán chính thức vùng đánh cá gần đảo Hoàng Sa.

GS Nguyễn Mạnh Hùng

Thứ nhất trong cuộc gặp giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào, họ ký thông cáo chung nói để làm giảm căng thẳng - dân chúng không còn tạo căng thẳng hơn, Việt Nam đã dẹp biểu tình rồi, báo chí Việt Nam không chỉ trích Trung Quốc nhiều nữa. Nếu có thể được, Việt Nam có thể yêu cầu Trung Quốc điều thứ nhất là ra lệnh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo chấm dứt những luận điệu và đe dọa đánh Việt Nam. Ít nhất đây là chỉ dấu có thể làm được.

Thứ hai, trong điều đình họ có thể định lại một cách bán chính thức vùng đánh cá gần đảo Hoàng Sa; bớt đòi hỏi của Trung Quốc kéo dài ra, để cho ngư dân Việt Nam có thể đánh cá, kiếm sống gần Hoàng Sa hơn, khỏi bị bắt bớ. Đó là hai điều mà Trung Quốc nếu có thiện chí thì có thể làm được.

Gia Minh: Điều gì có thể thúc đẩy để họ có thiện chí khác với thái độ và hành động mà họ làm lâu nay?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tại vì Việt Nam đã cứng rắn hơn rồi. Ít nhất Việt Nam cũng làm được ba bốn việc. Thứ nhất Trung Quốc không muốn Việt Nam công khai hóa, thì Việt Nam công khai hóa; Trung Quốc không muốn Việt Nam đa phương hóa, thì Việt Nam đa phương hóa, chỉ có bảo Hoàng sa là vấn đề riêng giữa hai nước nên ‘nói’ song phương, còn Trường Sa là nhiều nước nên phải đa phương. Trung Quốc không muốn Việt Nam đi gần với Mỹ, thì Việt Nam đi gần với Mỹ. Việt Nam còn đi mua vũ khí để củng cố khả năng quốc phòng của mình.

Đối với việc biểu tình chống Trung Quốc nếu Việt Nam nhất định đàn áp cũng được, nhưng họ cũng để cho biểu tình. Trung Quốc thấy nhu cầu của chính phủ Việt Nam hiện nay không thể nào làm nhiều nhượng bộ hơn được. Nếu họ muốn có cảm tình của Việt Nam, muốn Việt Nam còn thân hữu với Trung Quốc, dĩ nhiên họ phải mềm dẻo lại. Chúng ta thấy Trung Quốc rất giỏi, họ tính chuyện rất lâu dài, ‘mềm nắn, rắn buông’. Nếu Việt Nam ‘rắn’, họ có thể hòa hoãn lại, có thể làm một số nhượng bộ nhỏ thôi.

Gia Minh: Cám ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng về những phân tích đối với chuyến đi Việt Nam sắp đến của ông Tập Cận Bình.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/xi-visits-vn-testfor-tricky-rlatshp-gminh-12182011091206.html

No comments:

Post a Comment