Pages

Wednesday, December 14, 2011

TRẦN BÌNH NAM * NHỮNG NẤM MỒ VÔ CHỦ


Những nấm mồ vô chủ

Trải bao thỏ lặn ác tà
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm
(Truyện Kiều: Nguyễn Du)

Trần Bình Nam

“Họ là những kẻ không may, chết đi không tên tuổi, không ai thừa nhận, thân nhân không có tiền mai táng.”

Hai ký giả Hailey Branson-Potts và Rosanna Xia nhập đề bài phóng sự tường thuật lễ mai táng cho hơn 1.600 người hôm 7 tháng 12 tại nghĩa trang quận Los Angeles nằm trên đồi Boyle Heights bằng mấy nét chấm phá trên (1).


Bài tường thuật viết tiếp:

“Hằng năm trong tháng 12, trước ngày lễ Giáng sinh, Nhà Hỏa táng và Nghĩa địa quận Los Angeles tổ chức một lễ vùi tro chung cho những nắm tro vô thừa nhận còn nằm ở Nhà Hỏa táng. Lễ mai táng năm nay có vài chục người biết và đến tham dự. Không ai có quan hệ hay bà con xa gần với những người đã khuất.


“Mục sư Christ Ponnet, người phụ trách phần hồn của Trung Tâm Y Khoa của quận Los Angeles và đại học USC (County-USC Medical Center) làm chủ lễ mai táng.

“Ông đọc kinh cầu hồn của Hồi giáo, Phật Giáo, đạo Do Thái, đạo Thiên chúa để không bỏ sót một ai và kết thúc bằng lời cầu nguyện:

Trời ban cho tôi sự thanh thản
Chấp nhận mọi sự rủi may
Nơi cõi trần đầy tội lỗi này …. (2)

Và hát thánh ca:
Ngài là kẻ chăn dắt tôi
Qua đồi qua suối
Và cho tôi yên nghỉ
Nơi cánh đồng xanh tĩnh mịch này … (3)

Tiếng Thánh ca dứt, những người đi đưa tiến đến rải hoa và đất xuống mộ huyệt. Xe ủi đất rồ máy.

“Bệnh viện County –USC là một bệnh viện nhận chữa trị người không có bảo hiểm. Ông gặp một số người nằm ở bệnh viện không ai thăm viếng, cô đơn lủi thủi và ông biết ông sẽ gặp lại họ trong một buổi lễ vùi tro tập thể nào đó.

“Ông Albert Gaskin, Giám đốc Nghĩa địa nói ông đã tham dự ít nhất 30 lễ an táng tập thể. Mỗi lần ông có một mối xúc động khác nhau. ‘Buồn nhất là khi phải thiêu xác hài nhi. Từ các bệnh viện trong quận Los Angeles gom về năm nay có đến 300 hài nhi bị bỏ lại vì gia đình không có tiền chôn cất.’ Xác vô thừa nhận thường được ướp tại nhà xác từ hai đến ba năm trước khi thiêu. Hiện có 5,199 xác còn ướp và một số đáo hạn sẽ được thiêu và chôn năm tới.

“Quận Los Angeles có lệ chôn tro tập thể từ năm 1896. Trong buổi lễ an táng hôm Thứ Tư 7 tháng 12 vừa qua có khoảng 20 người đến tham dự. Nghĩa địa nằm trên một triền đồi trông xuống góc đường Lorena và 1st street. Mồ chôn được ghi dấu bằng một tấm biển đồng vuông vức mỗi bề 12 phân trên có ghi năm chôn. Đôi khi thân nhân biết quá trễ người thân mình đã được chôn trong một nấm mồ tập thể. Cạnh tấm biển ghi năm chôn đôi khi người ta thấy có một biển tên nhỏ nhỏ bên cạnh. Cạnh tấm biển năm 1978 thấy có Daniel Westhart 22 tuổi, và cạnh tấm biển năm1981 có tên Dennis Riley 23 tuổi. Ông Gaskin nói ông biết có một gia đình hằng năm mang hoa đến viếng một ngôi mộ nhiều lần.

“Trong số 20 người đến tiễn đưa năm nay có EdPilolla 39 tuổi ở Torrance. EdPilolla không quen biết ai trong những người xấu số. Ông đến để san sẻ chút tình với những người bất hạnh. Cùng đi với EdPilolla là 6 người bạn làm việc cho một cơ quan từ thiện công giáo. Cơ quan này có một quán phát cháo gà miễn phí tại khu dành cho những người vô gia cư ở trung tâm thành phố Los Angeles và điều hành một nhà tế bần tại Boyle Heights dành cho người già bệnh không người săn sóc. Bà Ann Boden 56 tuổi cùng đi với EdPilolla nói: “Nhiều người bệnh, không thân nhân, tứ cố vô thân đến ăn cháo của chúng tôi. Nhiều người trong đó chung cục về nằm đây, nơi nắm đất vô chủ này”

“Bà kết luận: ‘Xã hội chúng ta có 1% trên cùng, thì đây là 1% dưới đáy. Hãy cầu nguyện cho họ.’

Trần Bình Nam

Dec. 10, 2011

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

(

1) “Poignant burial ritual for the poor”, Los Angeles Times 8/12/2011, Section AA (2) Serenity Prayer (3) Psalm 23

No comments:

Post a Comment