Pages

Wednesday, January 11, 2012

LÊ PHAN * TRUNG QUỐC

Chuyện Trung Quốc
Lê Phan


Ðầu năm Dương lịch, Trung Quốc nhắc nhở thế giới về thái độ của họ khi cho phát hành một bộ tem kỷ niệm năm con rồng.
Tem Trung Quốc mới phát hành, mừng năm con rồng, nhưng bị người dân cho là mẫu vẽ trông dữ quá. (Hình: Peter Parks/AFP/Getty Images)
Con rồng Trung Quốc lần này là một con rồng mà đến một nữ văn sĩ Trung Quốc phải la lên là nó làm bà “sợ đến chết” luôn.

Ðây là hình ảnh một con vật không giống những con rồng chúng ta vẫn thấy. Mặt là mặt sư tử, con rồng này đủ móng, vuốt trông dữ dằn như muốn dọa nạt thiên hạ. Và dĩ nhiên rồng này là rồng năm móng, vốn xưa nay chỉ để dành cho rồng của các quân vương. Cũng phải nói thật ra mặt rồng vốn là mặt sư tử nhưng bình thường không ai đưa mặt rồng ra trước.

Nhưng cũng có thể như một học giả nhận xét con rồng này đang “nhe nanh lộ vuốt” tức là cử chỉ của những con vật khi sợ hay khi giật mình. Nhà học giả này nhắc cho chúng ta hình ảnh của một con mèo khi bị sợ.

Nhà học giả Trung Quốc còn ví con rồng này cũng như thái độ được diễn tả trong bài tiểu luận của Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào mới được phổ biến trên báo Học Tập, cơ quan lý luận của đảng Cộng Sản, yêu cầu toàn dân phải sẵn sàng để bảo vệ chống lại cuộc tấn công của Tây phương vào nền văn hóa và chủ thuyết của Trung Quốc. Ông Hồ Cẩm Ðào đã nói là sợ Lady Gaga hơn là sợ một sư đoàn thiện chiến.

Mỉa mai nhất là một post trên Sina Weibo, một website tương đương với Twitter, trong đó một nhà văn viết là có hai cách để diễn tả con rồng trong cái tem này “Một là nhốt các lãnh tụ vào chuồng, và hai là giữ quyền lực ở bên ngoài chuồng.”


Tất cả những nhận xét đó cho chúng ta thấy là người Hoa, nhất là các nhà trí thức, hiểu rõ tim đen của hàng lãnh đạo. Ðiều đáng ngại là thái độ của các nhà kinh doanh ngoại quốc, các học giả và các nhà báo chuyên viết về Trung Quốc. Trong khi các nhà kinh doanh ao ước tiếp tục mãi của một chế độ độc tài đảng trị để dễ làm ăn thì các nhà báo và học giả đã muốn tiếp tục những luận điệu đe dọa mà phần chính là vì Trung Quốc có như vậy thì họ mới còn có chỗ đứng.


Những vị tổng quản trị Tây phương, nếu được quyền bỏ phiếu về một thể chế tương lai cho Trung Quốc thì sẽ chọn một chế độ độc tài nơi mà những “dòng con lãnh tụ” mà cha đã là đồng chí của ông Mao hay ông Ðặng, sẽ tiếp tục cầm quyền với hứa hẹn một bầu không khí thân thiện với những doanh gia nào sẵn sàng làm ăn với họ. Theo họ đó là loại những người cộng sản có thể dễ dàng làm bạn hàng.

Nhưng nhà báo như tờ The Economist chẳng hạn đã mặc nhiên tiên đoán là Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trở thành cường quốc số một của thế giới vào trễ nhất là khoảng năm 2020.

Mà không phải chỉ riêng gì báo chí, rất nhiều các chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc cũng có lý luận tương tự. Một nhà bình luận đã mỉa mai là sở dĩ họ phải nói đến chuyện đương nhiên Trung Quốc sẽ hùng mạnh vì nếu không thì vị thế của họ sẽ lung lay. Ai cần chuyên gia về một quốc gia sẽ không là một đại cường.



Cũng may là những vị này không bỏ phiếu bởi nhờ vậy mà Trung Quốc có lẽ sẽ dần dà tìm được một giải pháp của một chính phủ liên hiệp trong đó các “dòng con lãnh tụ” do ông Tập Cận Bình, người vốn hầu như chắc sẽ trở thành tổng bí thư và chủ tịch nước, cầm đầu, sẽ được thăng bằng bởi những người như ông Lý Kế Cương, người có triển vọng sẽ là thủ tướng, và Uông Dương, bí thư thành ủy Quảng Ðông.


Bởi nếu Trung Quốc sẽ được cai trị bởi những người như ông Bạch Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh, người đã chọn một bên là chính sách mỵ dân chống băng đảng và một bên là luận điệu rặc mùi Mao trong khi lại tỏ ra có thái độ dám làm đã lôi cuốn các công ty Hoa Kỳ và Âu Châu tìm tới thành phố của ông. Trùng Khánh đang xây một đường xe lửa xuyên lục địa nối liền với Ðức.


Các nhà kinh doanh Tây phương thường kể đến thành tích này một cách thán phục và để chứng tỏ là các lãnh tụ của Bắc Kinh có thể làm những chuyện mà Tây phương, nợ nần chồng chấp, yếu đuối hủ bại, không thể nào làm nổi. Họ nói đến đường rầy được dựng lên, đường bộ rải nhựa, di dân từ nông thôn ra tỉnh để ráp iPads và máy giặt. Ðó theo họ là những thành quả tột đỉnh đã tạo nên phép lạ Trung Quốc.


Nhưng một sự chuyển đổi do nhà nước điều động như vậy có những phí tổn ngầm mà phải đến khi những vụ như Ô Khảm xảy ra thì mới thấy. Ở Ô Khảm, chúng ta hẳn còn nhớ, nông dân ở ngôi làng thuộc tỉnh Quảng Ðông này đã lập rào cản, tự cô lập mình chống lại công an, thành lập chính quyền độc lập và suốt gần một tháng trời chống lại các viên chức địa phương đã làm giàu trên việc tịch thu đất đai của họ bán cho các xí nghiệp. Một viên chức đó, các nông dân còn nhắc nhở, đã dám mua một cái xe hơi 31,000 đô la.

Một chế độ độc đoán và việc họ thích làm tiền không phải là vấn đề trong con mắt của các nhà kinh doanh Tây phương bởi nó cũng chẳng khác gì vị thế của họ cả. Nhưng sự bất mãn nội địa sẽ biến nó thành một vấn đề cho những ai muốn làm ăn ở Trung Quốc. Ðó là kinh nghiệm mà Apples, Samsung, và nhiều đại công ty khác đang khám phá ra khi các cuộc đình công làm tê liệt dây chuyền sản xuất.


Bất mãn gia tăng sẽ dẫn đến biến loạn. Trong năm 2011, Trung Quốc đã chứng kiến vô số những vụ nổi loạn mà giải pháp bình thường là đàn áp. Riêng trường hợp của Ô Khảm, làng có một cái may là nằm trong khu vực của ông Uông Dương.

Ông Uông đã chấm dứt cuộc đối đầu ở Ô Khảm bằng cách gửi đến các nhà điều tra từ tỉnh ủy. Họ công nhận những khiếu nại của dân chúng là đúng và trả lại đất đai, thả hết những người bị bắt. Dân làng Ô Khảm hài lòng, mọi việc êm thấm.


Trong khi đó thái độ của ông Bạch Hy Lai thì khác hẳn. Ông đã không hề ngần ngại trong việc đàn áp trong khi tổ chức các cuộc ca hát tập thể những bài ca “cách mạng” thời ông Mao.


Ðiều các nhà học giả, các nhà báo vốn tiên đoán Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số một của thế giới đã giả định là Trung Quốc sẽ giải quyết được những vấn đề mà nếu không giải quyết sẽ dẫn đến bạo loạn và đổ vỡ.

Muốn giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có những cải tổ sâu rộng chuyển đổi một nền kinh tế sống nhờ xuất khẩu thành một nền kinh tế tiêu thụ. Sự chuyển đổi đó đòi hỏi thể nào cũng có một giai đoạn khó khăn trong đó sẽ có nhiều bất mãn. Chế độ của Bắc Kinh hiện nay chỉ biết giải quyết vấn đề bằng đàn áp. Nhưng nếu họ chọn đàn áp thì bạo loạn sẽ bùng lên. Cái vòng luẩn quẩn đó không phải lần đầu mới xảy ra cho Trung Quốc.


Muốn thực sự giải quyết thì giải pháp của ông Uông Dương ở Quảng Ðông, một giải pháp tương đối dân chủ và ôn hòa, là giải pháp tốt nhất. Nhưng không phải ai trong đảng cũng đồng ý với lập trường đó. Hay đúng hơn đại đa số hàng lãnh tụ không chấp nhận giải pháp đó.

Mà nếu vậy thì triển vọng Trung Quốc trở thành cường quốc số một thực sự khó thành. Một quốc gia trải qua một giai đoạn chuyển đổi khó khăn về kinh tế mà không có sự đồng thuận của nhân dân sẽ thất bại. Ngay chính một số kinh tế gia người Hoa cũng đang lo sợ là thay vì trở thành cường quốc số một, Trung Quốc sẽ bị rơi vào cái bẫy của các quốc gia với lợi tức trung bình.
Và đó chính là mối sợ tiềm ẩn trong cái tem con rồng mới phát hành.

No comments:

Post a Comment