Pages

Monday, January 30, 2012

PHONG TỤC TẾT NGÀY NAY


Đầu năm đi lễ chùa
Thy Nga, phóng viên đài RFA
2010-02-28

“Tôi lên chùa” ... Hôm nay là rằm tháng Giêng, hay còn được gọi là lễ Thượng Nguyên. Từ xa xưa, trong dân gian Việt Nam đã truyền tụng câu ca:

AFP photo/Hoang Dinh Nam

Múa lân khánh thành một ngôi chùa ở tỉnh Ninh Bình

“Lễ Phật quanh năm

không bằng ngày rằm tháng Giêng”

Câu này nói lên tầm quan trọng của ngày rằm tháng Giêng trong tâm linh người Việt. Theo tài liệu của trang mạng Dân Gian thì Thượng Nguyên vừa được gọi là lễ, vừa được gọi là Tết.

“Tôi lên chùa” Mộng Lan phổ ý thơ Huệ Thu, và trình bày …

Ngay sau Tết Nguyên Đán, các phủ, đền, chùa đã sửa soạn, giăng đèn hoa, chuẩn bị đón phật tử mười phương về lễ Phật. Gọi là rằm nhưng từ ngày 12 tháng Giêng, hầu hết các ngôi chùa đã rộng cửa đón phật tử và du khách. Không khí lễ Thượng Nguyên có thể thấy ở tất cả các chùa từ Bắc vào Nam.

Lễ Thượng Nguyên

Riêng tại Hà Nội thì chùa Thọ Lão tuy nằm khuất trong ngõ nhỏ phố Lò Đúc nhưng là một chùa đẹp và có tiếng là linh thiêng. Từ sáng sớm, đã có nhiều phật tử tới tế lễ, xin lộc, làm lễ giải sao, xin quẻ may mắn. Rời chùa Thọ Lão ngược lên Phủ Tây Hồ, vòng vào chùa Sùng Quang, … đâu đâu ta cũng gặp không khí tôn nghiêm lễ chùa ngày rằm đầu tiên của năm. Chùa Đình Quán được coi là ngôi chùa có địa thế đẹp nhất nhì Hà Nội. Theo qui định, chùa Đình Quán bắt đầu lễ Thượng Nguyên vào ngày 12 tháng Giêng. Giải thích điều này, các thầy ở chùa cho biết lễ Thượng Nguyên tổ chức trong 4 ngày từ 12 đến rằm, nhưng ngày 12 bao giờ cũng là lễ chính. Đúng ngày này, phật tử ở khắp nơi về lễ chùa đông tới cả chục nghìn người.

chua-ha-noi-250.jpg
Ngày Tết, ở các chùa chiền, các miếu chật cứng người xin xăm. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Có sách ghi lễ Thượng Nguyên có nguồn gốc từ thời Tây Hán. Lễ bắt đầu vào buổi tối để cúng thần sao, cầu một năm mưa thuận gió hòa cho mùa màng tốt tươi. Song, Thượng Nguyên cũng được coi là ngày vía Phật. Vào ngày này, Phật tổ giáng trần tại các chùa để chứng độ lòng thành của tăng ni, phật tử. Vì thế, các lão bà thường tới chùa để cầu kinh niệm phật. Các cụ vừa lần tràng hạt vừa kể lại sự tích của Đức Phật, của chư vị Bồ Tát, cũng như sự hy sinh cao cả của các người.

Thành kính khấn cầu

Trong làn khói hương, mọi người thành kính khấn cầu cho bản thân và gia đình những điều tốt lành. Nhiều học sinh sinh viên mang đồ lễ tới chùa cầu xin may mắn trong học tập thi cử và con đường công danh sự nghiệp. Nam thanh nữ tú cũng đến cửa Phật, cung kính khấn nguyện. Chùa Hà ở Cầu Giấy là nơi đông các đôi trai gái tới khấn vái xin được se duyên kết tóc với nhau đến trọn đời.

“Em lễ chùa này” nhạc bản của Phạm Duy, tiếng hát Lệ Thu

Vào ngày rằm tháng Giêng, ở tất cả các chùa, đền, phủ đều nghi ngút khói nhang của người đến cúng bái. Phật tử đổ về đông, các dịch vụ đèn nhang, hương hoa, vàng mã cũng rất đắt khách, người mua không mặc cả và người bán không nói thách. Trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng nơi cửa Phật, mọi người đều hòa nhã vui vầy.

Phong tục truyền thống

Cùng với tín ngưỡng tâm linh, đầu năm đi lễ rằm tháng Giêng đã trở thành một phong tục đẹp, một nét sinh hoạt văn hoá của dân tộc Việt Nam.

chua-huong-250.jpg
Du khách trên đường đến Chùa Hương. AFP photo/Hoang Dinh Nam.
Không biết những thỉnh cầu có đến được cửu trùng hay không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi đi lễ đầu năm hay đi trảy hội trở về, tâm hồn của họ như được thắp sáng lên và ngày mai cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.

Nhập vào dòng người đi lễ đầu Xuân, ta cảm thấy như đất trời giao hòa, con người dường như cảm thông với nhau hơn.

Ở miền Bắc, ta đi lễ hội Chùa Hương, hoặc hành hương đến chốn bồng lai tiên cảnh Yên Tử của Thiền phái Trúc Lâm; hay thành kính thắp hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cầu mong cho con cháu trở nên những người hiền tài cho tương lai của đất nước.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/Tradition-of-going-to-the-pagoda-at-the-beginning-of-the-new-year-tnga-02282010140531.html


Ngày Xuân nói chuyện Tết
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-01-28

Ở Việt Nam cứ đến khoảng 23 tháng Chạp Âm lịch, ngày đưa Táo Quân về chầu Trời là mọi nhà bắt đầu chuẩn bị đón Tết.

AFP PHOTO

Chợ Hoa Xuân.


Tuy nhiên cuộc sống bận rộn hiện nay khiến ai nấy cũng tất bật với công việc hàng ngày nên không có thời gian rảnh rổi để tìm hiểu về ý nghĩa của một số vấn đề liên quan đến dịp đầu năm trong văn hóa dân gian.

Quỳnh Như có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, người được mệnh danh là “Nhà Hà Nội học vĩ đại” để tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến Tết ta. Mời quý vị theo dõi…

Tết trong văn hóa Việt

Tết tức là ngày bà con làng xóm tụ hội lại với nhau để vui chơi giải trí, ăn mừng thắng lợi của một vụ mùa. Ý nghĩa của Tết đầu tiên là như vậy.

Ô. Nguyễn Vinh Phúc

“Nhà Hà Nội học” là cách gọi trân trọng mà nhiều ngành dành cho ông Nguyễn Vinh Phúc, một người chuyên nghiên cứu về Hà Nội. Mặc dù đã bứơc sang tuổi thập bát ông vẫn say mê nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, và nhiệt thành chia sẻ kho kiến thức mà ông đã tích luỹ được. Đề cập đến khái niệm Tết trong văn hóa Việt Nam ông Nguyễn Vinh Phúc cho biết:

“Tết tức là ngày bà con làng xóm tụ hội lại với nhau để vui chơi giải trí, ăn mừng thắng lợi của một vụ mùa. Ý nghĩa của Tết đầu tiên là như vậy. Đó là một cái đốt, gần như một cái đốt tre, một cái mấu quan trọng trong một năm, đánh dấu mùa màng đã xong, mà thực tế là đến Tháng Chạp ta là đã cấy, đã cày xong rồi, đã thu hoạch lúa mùa rồi, bây giờ là lúc nghỉ ngơi, nông nhàn, cho nên bà con tổ chức ngày hội họp gia đình, làng xóm, để vui vẻ giải trí với nhau, là một dịp để mọi người vui chơi, để mọi người tỏ lòng biết ơn thiên nhiên, biết ơn trời đất đã giúp cho mình, cho mình một cái vụ mùa gọi là "mưa thuận gió hòa". Đầu tiên là lễ ăn mừng thắng lợi về vụ mùa của người nông dân. Trước kia, chín mươi mấy phần trăm dân số ta là nông dân, cho nên đầu tiên ý nghĩa của cái Tết chính là như vậy.”

Với ý niệm đó người xưa tổ chức nhiều hoạt động lễ hội trong năm để ăn mừng và đều gọi đó là Tết. Ông Phúc nói:

EcardTet-54-250.jpg
Hoa mai ngày Tết. Photo courtesy of ChaobacsyBlog.
“Ở Việt Nam thì mình có rất nhiều Tết. Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, rồi thì nào là Tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 âm lịch, rồi nào là Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch, rồi thì Tết Trung Thu là rằm tháng 8, rồi Tết Hạ Nguyên là rằm tháng 10, nhưng mà tất cả các tết kia đó thì đều là đàn em của Tết Nguyên Đán. Theo cách nói của người Việt Nam ngày xưa, các cụ ta gọi Tết Nguyên Đán là Tết Cả. Khi tiếp xúc với văn hóa Hán thì các cụ dùng cái từ ngữ Hán gọi là Nguyên Đán.”

Quan trọng nhất là Tết Nguyên Đán vì nó được xem như cái Tết Cả. Cụ Nguyễn Vinh Phúc giải thích chữ Nguyên Đán như sau:

“Nguyên tức là khởi đầu, là bắt đầu và Đán là buổi sáng, tức là sớm đầu tiên của một năm. Tết Nguyên Đán là như cái Tết bắt đầu; mở đầu một buổi sáng sáng sủa, đẹp đẽ, bởi lẽ rằng bắt đầu từ đó là hết một năm cũ và sang một năm mới, nên Tết Nguyên Đán là cái Tết tổ chức vào ngày mùng Một tháng Giêng âm lịch của chúng ta.”

Đêm Giao thừa

Giao thừa: giao là giao lại, còn thừa tức là tiếp lấy, có nghĩa là cái năm cũ giao lại và năm mới tiếp nhận lấy, kế thừa là thế.

Ô. Nguyễn Vinh Phúc
Nói đến Tết ai cũng nghĩ đến những thời khắc thiêng liêng của năm mới mà mọi người đều không thể bỏ sót là đêm Giao thừa, thế nhưng có đôi khi người ta còn gọi là đêm Trừ tịch. Vậy Giao thừa và Trừ tịch có nghĩa là gì trong tiếng Hán Việt. Ông Phúc diễn giải.

Trước tiên thế nào là đêm Trừ tịch:

“Trừ là trừ hết đi, tịch là một tối, một đêm. Trừ tịch là cái đêm trừ hết những cái cũ để thay đổi, thay đổi sang cái mới. Đêm Trừ tịch, đêm ba mười tết đó là cái đêm mà mọi người quan niệm rằng là sẽ trừ hết đi, bỏ hết đi những cái cũ kỹ, và thay vào đó là những cái mới, cho nên gọi là Trừ tịch.”

Còn hiểu thế nào là đêm Giao thừa?

“Bởi vì lúc nửa đêm, 12 giờ đêm của ngày 30 tháng Chạp là lúc gọi là Giao thừa: giao là giao lại, còn thừa tức là tiếp lấy, có nghĩa là cái năm cũ giao lại và năm mới tiếp nhận lấy, kế thừa là thế. Chữ Giao thừa bắt nguồn từ một tín ngưỡng cổ. Thường các cụ ta ngày xưa quan niệm rằng mỗi một năm có một vị quan trên trời gọi là quan Hành khiển coi sóc năm đó, cứ đến giờ phút cuối cái năm này, mở đầu năm kia, quan hành khiển của năm cũ bàn giao công việc cai trị của mình trong cõi nhân gian này cho ông Hành khiển của năm mới; ông mới tiếp thu lấy, cho nên gọi là đêm Giao thừa. Khoảnh khắc ấy có tính chất thiêng liêng. Đối với người dân chúng ta thì thấy đó là giờ phút trời đất giao hòa. Cả một vụ Đông Hàn đến đây là chấm dứt, và từ đây sẽ mở ra một mùa Xuân nồng ấm, cho nên những cái gì lạnh buốt, những cái gì thê lương, những cái gì khô úa của mùa đông đến đây coi như chấm dứt. Thế cho nên đối với mọi người dân Việt Nam chúng ta đêm Giao thừa mang tính chất thiêng liêng. Thế cho nên Tết Nguyên Đán, Đêm Giao Thừa và chữ Trừ Tịch nó là một cụm với nhau. Điểm đỉnh của Tết Nguyên Đán là tối Trừ Tịch.”

Nhân dịp đầu năm không thể nào không nhắc tới ngày Rằm Tháng Giêng, còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu. Ông Nguyễn Vinh Phúc cho biết:

Del361547-250.jpg
Ngày Tết mua chữ cầu may. AFP PHOTO.
“Mười lăm ngày sau Tết, người Việt chúng ta nôm na gọi là Rằm Tháng Giêng, nhưng theo chữ Hán thì người ta gọi là Tết Nguyên Tiêu, hay là Tết Thượng Nguyên. Nguyên Tiêu là gì? Tiêu đồng nghĩa với chữ "dạ" là đêm. Nguyên tiêu là cái đêm đầu tiên. Tại sao gọi là đầu tiên? Là vì đêm này là đêm đầu tiên chúng ta chứng kiến mặt trăng tròn trịa. Trước kia chúng ta cũng tôn thờ trăng, coi mặt trời là dương – là cha, trăng là mẹ – là âm, cho nên đêm Nguyên Tiêu mà ta gọi là Rằm Tháng Giêng. Đầu tiên Rằm Tháng Giêng hay đêm Nguyên Tiêu là để cho mọi người hưởng thụ ánh trăng rằm đẹp đẽ mát mẻ của trời xuân. Thế rồi từ đó mới chuyển thành một ngày hội, người ta chăng đèn kết hoa. Các nhà văn hóa học thì cho rằng đó là sự chuyển hóa từ dương sang âm.”


Giải thích màu sắc tôn giáo của ngày Rằm Tháng Giêng, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nói thêm:

“Sau đó thì tín ngưỡng Phật Giáo mới gia nhập vào nước ta thì nó chuyển thành một tín ngưỡng về Phật Giáo, tức là theo kinh của Phật thì ngày rằm tháng giêng chính là cái ngày mà chư Phật ở trên cõi Cực Lạc xuống dưới trần gian này xem xét mọi việc để cân phúc cân tội cho người ta. Thế cho nên người xưa bảo rằng "Lễ Phật quanh năm không bằng Lễ Rằm Tháng Giêng" là như vậy. Vào ngày Rằm Tháng Giêng, ngày Nguyên Tiêu các chùa đều tổ chức lễ cả, rồi thì các tín đồ Phật tử đến lễ để cầu may cầu phúc và xin tránh họa, và nhiều khi nam nữ đến lễ để xin cầu duyên. Ít lâu sau tín ngưỡng Đạo Giáo xuất hiện, Đạo Giáo thì quan niệm rằng ngày Rằm Tháng Giêng là ngày vía Thiên Quang. Đó là ngày vía – ngày kỵ húy của ông Thiên Quang. Cho nên đó là ngày Đạo Giáo dùng để dâng sao giải hạn, các đạo sĩ tổ chức dâng sao giải hạn. Và nhà chùa cũng bắt chước như vậy, cũng lấy ngày Rằm Tháng Giêng là ngày dâng sao giải hạn để trừ các tật ách. Đó là nguồn gốc tinh thần của Tết Nguyên Tiêu.”

Người Việt luôn nghĩ rằng gìn giữ truyền thống ngày Tết là nét đẹp của dân tộc nhưng hình như càng ngày người ta càng rời xa ý nghĩa đích thực, mà lại chạy theo những xa hoa bề ngoài, đây là cách giết lần mòn nét truyền thống mà ông cha hàng ngàn năm qua bồi đắp.

Ôn cố tri tân là cách ghi lại những nét đẹp cổ xưa hầu chia sẻ cho lớp trẻ cũng là những việc tuy nhỏ, nhưng nên làm trong ý nghĩa đích thực của một cái Tết Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/spring-think-about-tet-qnhu-01282011122041.html

Quan niệm “Ăn Tết” ngày nay
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-01-24

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đời sống vật chất của người dân cũng được cải thiện phần nào.

AFP photo

Người dân mua cây tắc về nhà chưng vào dịp Tết nguyên đán.

Như vậy bây giờ người dân trong nước đón Tết ra sao, Tết có còn là một sinh hoạt mang giá trị phong tục cổ truyền hay chỉ đơn thuần là những ngày nghỉ kéo dài?

Quỳnh Như có cuộc trò chuyện với nhà sử học, Giáo sư Lê Văn Lan về vấn đề này.

Ăn Tết, chơi Tết

Giáo sư Lê Văn Lan là một chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc tại Hà Nội, đồng thời ông cũng là một trong những người sáng lập Viện Sử học Việt Nam. Đề cập đến ngày Tết cổ truyền của người Việt, Giáo sư cho biết:

“Để chỉ việc đón Tết, ở Việt Nam lâu nay đều dùng từ ngữ là ăn Tết, chơi Tết. Việt Nam có hai chữ ăn, chơi. Bây giờ người ta ăn Tết, chơi Tết cũng giống như ngày xưa. Nhưng việc lễ Tết cũng là một bộ phận của việc ăn Tết, chơi Tết, thì bây giờ chữ lễ đã bị quên đi rất nhiều, và người ta tập trung vào việc ăn. Đặc biệt là chuyện chơi, ví dụ trong những ngày này thì các tour du lịch đi chơi nước ngoài đều đã cháy hết rồi. Trong khi đó cái Tết cổ truyền là người ta tập trung về gặp gỡ, hội tụ gia đình. Còn bây giờ người ta bỏ gia đình, bỏ quê hương đi chơi. Thì đó là một cái khác của chuyện ăn, chơi ngày Tết mà quên mất chữ lễ Tết.”

Để chỉ việc đón Tết, ở Việt Nam lâu nay đều dùng từ ngữ là ăn Tết, chơi Tết. Việt Nam có hai chữ ăn, chơi. Bây giờ người ta ăn Tết, chơi Tết cũng giống như ngày xưa.

Giáo sư Lê Văn Lan

Theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa này, hiện nay người ta đang quên dần các phong tục ngày Tết và không hiểu được hết các ý nghiã tinh thần của việc đón Tết. Giáo sư giải thích:

“Đặc biệt cái chữ lễ Tết ngày xưa nó làm cho ngày Tết trở nên linh thiêng. Thì bây giờ người ta gần như quên hết. Hỏi sự tích về ông Công, ông Táo thì chẳng mấy người bây giờ biết nữa. Thậm chí họ còn biết lệch đi, biết những biến tướng.

Hkg3217849-250.jpg
Phố Ông Đồ ở Hà Nội trong những ngày cận Tết Canh Dần. AFP Photo.
Ví dụ, cái gốc của ông Công, ông Táo thì vốn là tục thờ Thần Bếp, Thần Nhà trong các gia đình người Việt xưa, thì bây giờ thành ra là chuyện sắm sửa để cho ông Công, ông Táo – hai ông, một bà lên chầu Giời. Và trước đây người ta dùng con cá chép làm lễ để ông Công, ông Táo làm phương tiện đi chầu Giời, thì bây giờ người ta lại dùng con rùa tai đỏ thả nó xuống nứơc để làm lễ phóng sinh vào ngày đó. Ví dụ bây giờ người ta đem rùa tai đỏ thả xuống Hồ Gươm. Và như thế là làm hại môi trường và làm hại cho cả Cụ Rùa linh thiêng đang sống ở đấy.”

Sử gia Lê Văn Lan cũng đưa ra những ví dụ cụ thể để minh chứng cho điều ông vừa nói:

“Nếu hỏi về đêm Giao thừa. Thế nào là Giao thừa, thế nào là Trừ tịch. Cũng chẳng mấy ai biết nữa. Hỏi về việc vì sao phải bắc cây mía, mà phải là miá tím, ở hai bên bàn thờ để cho ông bà, tổ tiên dùng những nấc thang của các đốt miá, mà về ngự ở bàn thờ. Thì bây giờ cũng chẳng mấy ai biết vì sao lại làm như thế.”

Ông Nguyễn Hồng Phúc một nhà giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng nói lên suy nghĩ về phong tục ăn Tết của người Việt xưa như sau:

“Cái Tết cổ truyền của Việt Nam ngày xưa thì thiên về những nghi thức, những tính cách gia đình đối với ông bà. Chẳng hạn như bắt đầu từ ngày 23 Tết mình tiễn ông Táo về Trời. Đến đêm Giao Thừa mình phải có mâm cúng ông bà, rước ông bà về đón Tết. Xong rồi sau Tết lại tiễn ông bà đi, chẳng hạn như vậy. Trong những ngày Tết, dù ở xa xôi đến đâu thì mọi người cũng đều về thăm gia đình của mình, xum họp trong đại gia đình lớn của mình, về thăm cha mẹ, xong rồi tất cả anh em quay quần với nhau bên mâm cơm.”

Quan niệm mới

Quan sát cách đón Tết hiện nay của bà con trong nước, Giáo sư Lê Văn Lan nhận định:

“Theo hướng bây giờ đó là một cái biến tướng thiên về vật chất. Ví dụ lì-xì, là tiếng du nhập từ ngôn ngữ Quảng Đông vào miền Nam, bây giờ thì nó lan ra khắp nước.

Chẳng ai biết lì-xì là cái quái gì, nhưng vẫn dùng rất phổ biến. Và điều quan trọng là lì-xì bây giờ, từ trẻ con đến người lớn đều rất thích được lì-xì vào dịp Tết. Trong khi đó nguồn gốc lì-xì chính là tục mừng tuổi – người ta tặng cho nhau một chút ít tiền, có giá trị tượng trưng thôi, để mừng cho anh năm mới này được thêm một tuổi.

000_Hkg2091758-200.jpg
Dâng lễ cúng chùa. AFP photo
Con cháu thì mừng tuổi cha mẹ, ông bà. Ông bà thì mừng tuổi cho trẻ nhỏ trong nhà, nhưng bây giờ thì nó biến thành những phong bì dầy cộp. Trẻ con thì hết sức háo hức, rất thích được lì-xì để nhận càng nhiều tiền càng tốt. Như vậy việc ăn, chơi, và lễ Tết ở Việt Nam năm nay và những năm gần đây đang biến hóa, biến tướng và thiên về văn hoá vật chất hưởng thụ, mà quên mất những ý nghiã thiêng liêng sâu xa, những giá trị tinh thần của ngày Tết gói lại trong chữ Lễ ngày xưa.”

Ông Hồng Phúc cũng đưa ra nhận xét về cách đón Xuân “cách tân” hiện nay. Ông này nói:

“Đặc biệt, từ xa xưa đêm Giao thừa thông thường ngoài đường rất vắng, bởi vì mọi người ở nhà – đêm Giao thừa không phải là đêm để đi chơi, mà là cái đêm để tập trung tất cả ai nấy đều về nhà mình. Nhưng bây giờ nó mang tính cách thực dụng hơn nhiều, và ngược lại những nghi thức rườm rà ngày xưa – những cây nêu thì bây giờ gần như chẳng nơi nào có nữa.

Thậm chí về đến vùng quê cũng không còn cây nêu nữa. Rồi những thức ăn cho ngày Tết thì có bánh chưng. Ngày xưa thường mỗi gia đình tự nấu nồi bánh chưng.

Vào những đêm trước ngày Tết ngồi canh nồi bánh chưng rất vui. Còn bây giờ thì người ta coi những việc đó là cực khổ. Không còn niềm vui nấu bánh chưng nữa. Thực tế là ra các cửa hàng có sẳn bánh chưng, mua về nhà ăn, và thậm chí chưa chắc thanh niên bây giờ họ thích ăn bánh chưng nữa.

Ngày xưa Tết người ta thường hay ăn mứt, bây giờ thì có những cái mới thuận tiện hơn. Còn trong chuyện tiếp khách thì nhiều khi có những loại bánh, chứ không phải những loại mứt cổ truyền như ngày xưa.”

Và vấn đề vật chất hiện đang được coi trọng hơn những giá trị tinh thần. Ông Phúc chia sẻ:

“Ngày xưa Mùng Một Tết đi ra đường rất vắng, vì mọi người đều về nhà, nhưng bây giờ ngày Mùng Một Tết nếu đến các chỗ vui chơi giải trí công cộng thì thấy rất đông đảo. Mấy ngày Tết trở thành những ngày nghỉ ngơi vui chơi, chứ không còn mang tính cách nghi thức như ngày xưa nữa. Dần dần, lớp trẻ mới lớn lên không còn chú trọng nhiều đến các giá trị ăn hoá cổ truyền ngày xưa nữa, và Tết chỉ còn mang tính cách của những ngày vui chơi. Chỉ có mỗi phong tục lì-xì thì hình như là vẫn còn hơi nhiều. Người ta không bỏ qua – đi đâu cũng có phong tục lì xì cho con cháu.”

Ông bà thì mừng tuổi cho trẻ nhỏ trong nhà, nhưng bây giờ thì nó biến thành những phong bì dầy cộp. Trẻ con thì hết sức háo hức, rất thích được lì-xì để nhận càng nhiều tiền càng tốt.

Giáo sư Lê Văn Lan

Như vậy, làm thế nào để duy trì và gìn giữ những giá trị tôn vinh đang bị xao lãng. Nhà Sử học Lê Văn Lan băn khoăn trước hiện trạng này. Ông nói:

“Tôi thấy đây không chỉ là điều bất lực, mà là sự xao nhãng của những người cầm cân nẩy mực cho tình hình văn hóa của đất nước Việt Nam hiện nay. Chính họ cũng đang bị lôi cuốn theo trào lưu hưởng thụ vật chất của những ngày nghỉ, mà bây giờ được lồng vào cho dịp Tết. Chính họ cũng đã đua nhau đi du lịch, đi ăn chơi. Cho nên không trông mong gì vào họ trong việc giáo dục, dạy dỗ, chỉnh sửa lại các ý nghĩa, giá trị của ngày Tết cổ truyền mà bây giờ đang bị biến tướng.”

Quan niệm ăn Tết ngày một trôi theo với đời sống và phương tiện hiện đại, chính những thay đổi này góp phần thay đổi diện mạo những cái Tết cổ truyền và không ai dám đoan chắc rằng, bao lâu nữa thì những cái Tết năm xưa còn ở lại với những tấm lòng luôn trăn trở với những ngày Tết truyền thống Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nowaday-what-vietnamese-people-think-about-tet-part-1-qn-01242011174833.html

No comments:

Post a Comment