Pages

Wednesday, January 11, 2012

TRƯỜNG KHÙNG * VIỆT NAM TỰ DO NHẤT


Phiếm luận: Việt Nam là xứ tự do nhứt thế giới

Một số người sống ở nước ngoài than phiền, thậm chí chỉ trích VN chưa được tự do lắm. Tui nghe như vậy riết, rồi giống như bị nhồi sọ, đâm ra tin thiệt, cảm thấy mình là một người VN bất hạnh. Nhưng mới đây, khi tui đi một chuyến du lịch ở Singapore, một xứ có thể nói là rất tự do, tui mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Hóa ra người ta nói VN chưa được tự do lắm chỉ là nói xấu, xuyên tạc, hổng chừng là ganh tị nữa. Tui nói như vầy là nói có sách, mách có chứng đàng hoàng, chớ không phải nói đại, nói bừa.

Đây nè, ở Singapore, sơ ý mà liệng miếng rác xuống đường phố là cảnh sát phạt thắt họng. Hút thuốc cũng phải có chỗ, mà đâu phải chỗ nào cũng cho hút thuốc.

Những chỗ nào có cái gạt tàn thuốc ở ngoài đường to bằng cái thùng rác cao cả thước thì mới được đứng kế bên mà hút. Còn trong những nơi công cộng khác hoặc các siêu thị, tìm đỏ mắt cũng không ra chỗ dành cho người hút thuốc. Ở VN, trái lại, theo như những người bạn ngoại quốc mà tui quen, họ khen VN là tuyệt vời, muốn hút thuốc ở đâu cũng được, kể cả ở những chỗ có để bảng cấm hút thuốc.

Còn rác thì muốn liệng đâu cũng được, chẳng ai bắt bớ, hỏi tội mình gì cả, sướng ơi là sướng. Chưa hết đâu, đàn ông lỡ mắc tiểu quá trong lúc đi đường mà không có nhà vệ sinh công cộng thì cũng không có gì phải lo.

Nếu tính đi tìm nhà vệ sinh công cộng thì chắc tiêu quá vì kiếm hoài hổng ra, mà có kiếm ra được đi nữa thì chưa chắc được xài, vì có khi nó bị hư chưa được sửa chữa hoặc người trông coi bỏ đi đâu mất nên cửa toilet bị khóa lại. Vậy là huề trất. Nhưng không có nhà vệ sinh công cộng thì đã sao đâu, chuyện nhỏ.

Người VN mình vốn tính tình phóng khoáng, không thích bị gò bó trong 4 bức vách của toilet, nên thích đi toilet ở ngoài trời hơn, vừa mát mẻ, vừa khỏi tốn tiền, tạm gọi là đi “tiểu sinh thái” (nhái theo danh từ “du lịch sinh thái”). Chỗ đi tiểu ngoài trời thì thiếu gì, cứ đi đến chỗ bức tường nào có vẽ nguệch ngoạc mấy chữ “cấm không tiểu tiện” thì nhào vô mà tiểu là chắc ăn, vì chắc chắn là đã có nhiều người từng tiểu tiện nơi đây nên mới có mấy chữ như vậy.

Hơn nữa, bà con mình thích nói lái nên đọc mà hiểu ngược lại là “tiện tiểu không cấm”. Cùng lắm không thấy vách tường kiểu đó thì đứng nấp sau mấy xe tải đậu trên ven đường rồi xả ra cho sướng.

Còn khạc nhổ hả, thoải mái vô cùng. Ra đường, muốn khạc nhổ chỗ nào mà chẳng được, đừng khạc vô mình người khác là được. Thậm chí khi đi trên xe buýt, người ta cũng có thể khạc nhổ xuống sàn cũng không sao, đừng khạc trúng chân người khác coi chừng bị “đục” ráng chịu.


Chưa hết, ở những khu phố bình dân hay xóm lao động nghèo, con nít ngồi ỉa ngoài đường là chuyện thường ngày, còn người lớn thì phải chờ đến ban đêm thì mới lén lén ra lề đường hay mép đường phóng uế. Đối với những người sống lang thang đầu đường xó chợ, không nhà không cửa thì đâu còn cách lựa chọn nào khác. Thậm chí ban ngày ban mặt mà rủi mắc quá thì người lớn, kể cả đàn bà, cũng vô tư chổng mông ngồi ỉa bên lề đường, mặc cho người qua đường dòm ngó.

Cho nên, có một số lề đường mà người đi bộ không dám đi qua, một phần vì hôi thúi quá, một phần sợ bị đạp trúng “mìn dẻo” bất tử thì không biết kiếm nước ở đâu mà rửa. Nếu bà con nào có dịp đi ngang đường Nguyễn Trãi, Quận 1 (đường Võ Tánh trước đây) khúc bên hông nhà thờ Huyện Sĩ thì sẽ thấy cái món “mìn thúi” này.


Đó quý vị thấy chưa, tiểu tiện, đại tiện, khạc nhổ “sinh thái” như thế mà có ai bị bắt bớ gì đâu, thật là tự do thoải mái. Về chuyện ồn ào làm phiền hàng xóm, ở nước ngoài, bất cứ vì lý do gì cũng bị thưa cảnh sát đến lập biên bản, xử phạt. Còn ở VN ta, ở nhà mà có đám cưới hay đám ma thì tha hồ mà làm ồn ào cả xóm cũng chẳng ai thưa gởi gì cả. Thậm chí, có đám ma còn tổ chức thật là hoành tráng, thuê đến mấy dàn nhạc, cổ nhạc, tân nhạc, còn có cả mini xiếc và một nhóm lại cái (gays) tới biểu diễn văn nghệ, ca múa rùm trời.

Có lúc cao hứng, đội văn nghệ đám ma này còn chơi nổi, tràn ra ngoài đường nhảy múa theo nhạc, làm cho người đi xe qua lại hiếu kỳ dừng lại xem. Vậy là kẹt xe, nhưng chẳng ai làm gì được ai cả, thật là tự do quá cỡ.


Trong lúc đi đường, đèn xanh đèn đỏ chỉ có giá trị khi có công an giao thông đứng chần vần ở ngả tư, còn không có thì cứ tự nhiên mà đi qua. Ai hơi sức đâu mà đi tuân theo hiệu lệnh của cái đèn giao thông chết tiệt, nhứt là ở VN làm gì có camera theo dõi chụp hình đâu mà sợ.

Có lần tui đi đến một ngả tư đèn xanh đèn đỏ, đèn vừa đỏ là tui dừng xe lại liền. Bỗng có một chiếc xe Honda trờ tới, đang tính chạy qua luôn, bị tui dừng lại phía trước nên người thanh niên lái xe phải lẹ tay lách qua, vừa tiếp tục chạy qua lúc đèn đỏ vừa chửi tui “Đ.M. chạy xe gì kỳ vậy cha nội !”.

Có một lúc khác, khi tui dừng lại ở một ngả tư đèn xanh đèn đỏ không có nhiều xe qua lại lắm, nhiều người cứ tỉnh bơ chạy vượt qua luôn, còn ngoái nhìn tui như tui là người ngoài hành tinh vậy.

Có lẽ họ nghĩ rằng tui là Hai Lúa mới ở dưới tỉnh nhỏ lên Sài Gòn, hoặc họ nghĩ là tui khờ khạo, chưa biết tận dụng cái tự do của mình trong những hoàn cảnh như vậy. Còn khi sắp hàng để làm gì đó, như gởi xe, mua vé..v..v.. cũng đâu nhứt thiết phải ai tới trước thì đứng trước.

Đâu có ai treo bảng quy định người tới trước thì đứng trước, tới sau thì đứng sau. Cho nên, ai đến sau mà thiếu kiên nhẫn và mặt dầy một chút thì cứ sấn tới, rình rình xen lên phía trước. Nếu có ai đứng trong hàng cự nự phản đối thì trở xuống, ăn gian không được thì bỏ. Còn không ai nói gì thì tỉnh bơ đứng luôn, như không có gì bậy bạ cả, miễn là giả lơ, tránh nhìn lại người mà mình vừa xen vô phía trước để khỏi trông thấy “đôi mắt hình viên đạn” đang nhìn mình.


Khi tấp vào lề đường đậu xe lại, dù là xe mô tô hay ô tô, quý vị cần lưu ý là chỗ lề đường đó có ở phía trước chỗ buôn bán của người ta không, nếu không muốn gặp phiền phức. Lề đường là chốn công cộng, nhưng người buôn bán tự cho họ có quyền không cho ai đậu, ngoại trừ khách hàng của họ. Hễ ai không phải là khách hàng mà đậu lại là họ tìm cách đuổi, vì sợ khách hàng của họ không có chỗ đậu, hoặc mình đậu xe làm cản trở tầm nhìn của khách qua lại không nhìn thấy cửa hàng.

Người bán hàng lịch sự thì nhỏ nhẹ mời mình đi chỗ khác, nhưng người lịch sự thì hiếm lắm, vì “Thạch Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều”. Đa số họ thường muốn đuổi mình như đuổi tà. Còn nếu mình lấy lý ra mà cãi lại không đi thì họ chửi xiên chửi xéo thậm tệ, đôi lúc còn “đốt phông lông” trước mặt mình như để xua đi sự xui xẻo mà nguyên nhân là mình gây ra. Thiệt ra ai cũng có quyền tự do của mình cả.

Người bán hàng thì tự cho mình có quyền chọn người cho đậu trên khu vực đó, còn khách đi đường cũng có quyền cãi lại, không bỏ đi chỗ khác đậu vì đó là nơi công cộng. Nhưng nếu mình là khách qua đường, liệu có nhiều thời gian và mặt dầy để đôi co ì xèo với họ ngoài đường phố hay không. Tâm lý chung thì chẳng ai muốn dây dưa hay đôi co với mấy thành phần “Lý Thông” như vậy, nên đành phải làm Thạch Sanh lẳng lặng mà đi chỗ khác cho khỏi phiền phức.


Ớ xứ người, nhứt là ở những xứ văn minh, luật là luật, không có cái kiểu gọi là rình rình “lách luật” hay du di như ở VN. Ra đường, rủi vi phạm luật giao thông, cứ thoải mái thương lượng giá phạt với cảnh sát giao thông, dĩ nhiên là không cần làm biên bản phạt vạ gì cả, đôi bên đều có lợi. Người vi phạm sẽ mất ít tiền hơn theo quy định về khoản phạt và khỏi mất công đi nộp tiền phạt ở kho bạc Nhà nước.

Còn cảnh sát giao thông thì khỏi mất công viết biên bản phạt mà còn có tiền bỏ túi riêng nữa, nhứt cử lưỡng tiện. Trong làm ăn kinh doanh cũng vậy, ai mà làm đúng quy định, khai báo đúng doanh thu và nộp thuế đầy đủ thì có mà ăn mày. Quy định Nhà nước thì phải gắt gao, kiểm soát thật chặt chẽ, nhưng phải “vô lý” một chút thì mấy cán bộ phòng thuế mới có đất sống, chứ lương công chức rẻ như bèo thì làm sao sống nổi.

Cho nên, việc người làm ăn thỏa hiệp với cán bộ thuế để trốn thuế là chuyện bình thường, đôi bên cùng có lợi. Chỉ có Nhà nước là bất lợi, nhưng Nhà nước là cái gì quá trừu tượng, còn cơm áo gạo tiền mới là chuyện thực sự sống còn. Vì vậy mà các đại gia VN trong thương mại hiện nay đều là những tay trốn thuế cỡ bự, nhưng trốn thuế có bảo lãnh ngầm vì có ăn chia sòng phẳng với các cán bộ thuế cấp cao.

Cho nên, có người ở nước ngoài nói là làm ăn ở VN khó quá, là tại họ chưa hiểu hết cái tự do thoải mái này. Ai biểu nhà kinh doanh phải làm đúng luật? Luật lệ thì thay đổi như mưa nắng, ai mà theo cho nổi, nhưng bản chất con người thì đâu dễ gì thay đổi theo mưa nắng. Vậy thì cái tự do làm ăn là biết lợi dụng ở chỗ thói quen (hay tánh tham) của con người chứ ai đi bám theo luật pháp hay quy định làm chi cho khổ thân. Nếu biết lợi dụng ở chỗ này thì muốn làm ăn thứ gì ở VN cũng được cả, còn ở nước ngoài thì bó tay bởi luật lệ, đâu có gì là tự do nữa.


Những tự do mà tui kể ở trên là loại tự do của người dân, chẳng cần có hiến pháp hay một văn kiện pháp luật nào quy định. Đó là loại tự do bất thành văn, Singapore hay Mỹ làm gì có.

Thế nhưng, dân có cái tự do của dân, còn quan chức Nhà nước cũng có cái tự do của quan chức. Hiến pháp thực ra chỉ là cái khung pháp lý, còn thực hiện thì cần có nhiều văn kiện pháp lý khác nữa, nói chung là luật, thì mới có căn cứ để khai triển. Thế nhưng, cẩn thận hơn nữa, Nhà nước còn ra các văn bản dưới luật như các Thông tư hướng dẫn để các cấp chính quyền địa phương ở tỉnh thành, quận huyện biết rõ mà thực hiện.

Nhưng không biết có biết rõ thật không, một số chính quyền địa phương đã tìm cách lách hay gọi là “vận dụng” để làm theo cách của mình, đôi lúc trở thành “luật rừng” để làm lợi cho địa phương mình, hay có thể hiểu ngầm là làm lợi cho riêng bản thân mình thì đúng hơn. Tại như vậy mà cơ quan thanh tra mới có việc làm và có đất sống.

Trừ những vụ việc bê bối hay scandals quá nổi cộm và báo chí đã lên tiếng nên đoàn thanh tra phải làm cho đúng bài bản, còn những vụ khác hầu như thanh tra chỉ tìm cách moi móc sai sót của các quan chức để chia chác quyền lợi mà thôi. Ngu sao mà đi thanh tra, moi móc để mang tiếng oán mà mình chẳng được lợi ích gì. Cứ giơ cao, đánh khẽ hoặc xù luôn các sai phạm quy định mà có bao thơ đầy tiền thì có phải là hay hơn không.

Vì vậy mà thỉnh thỏang, một số địa phương có ngân sách bị hao hụt hay thiếu hụt sao đó thì mạnh dạn tự động “đẻ” ra vài khoản thu nào đó rồi bắt dân đóng. Chỉ khi nào dân chúng than trời quá, báo chí lên tiếng thì việc làm trời ơi đó mới chịu ngưng.

Dĩ nhiên, sẽ có thanh tra đến địa phương đó tìm hiểu sự việc, nhưng không phải vụ bê bối nào cũng được xử lý đúng luật và được công bố cho dân biết mà đôi khi bị “chìm xuồng” đâu mất. Thậm chí, nếu vụ bê bối được công bố thì cũng tránh né rất tài tình, rồi thì cuối cùng cái bài bản cũ được lập đi lập lại là sẽ “rút kinh nghiệm”, chấm hết.

Trên các quốc lộ cũng vậy, một số địa phương, nhứt là khu vực phía Bắc, lâu lâu lại bày ra những trạm kiểm soát giao thông “từ trên trời rơi xuống”, chặn xe tải lại “làm luật”, nghĩa là bắt địa công khai các lái xe.

Việc chặn bắt xe trái phép như vậy kéo dài có khi vài năm, nhưng khi bị báo chí phanh phui, hỏi tới các quan chức có thẩm quyền tại địa phương, thì họ giả nai như chẳng biết gì cả, tài thiệt. Như vậy, luật thì cứ là luật trên giấy tờ, lệ thì là lệ của quan chức, tự do là như thế đó. Mà cái tự do này nảy sinh là đúng theo những gì tiền nhân đã phán: “bần cùng tất biến”.

Tui không nói là “bần cùng sanh đạo tặc “ đâu nha, mặc dù bản chất của nó cũng tương tự như thế. Chứ bà con nghĩ coi, lương công chức VN thì sống sao nổi, hổng “tất biến” thì chắc là “tất tử”. Nhưng mấy chục năm nay, có cán bộ Nhà nước nào bị chết đói đâu, trái lại nữa là khác. Tại VN, ngoài các đại gia tư nhân về kinh doanh nổi bật, còn rất nhiều đại gia chìm là cán bộ Nhà nước. Lâu lâu, khi có chuyện gì bê bối đổ bể trước công luận thì người dân mới té ngửa là những người “đầy tớ dân” khả kính ấy quả là đại gia, giàu ơi là giàu.

Bởi vậy, gần đây có nổi lên nhiều vụ trộm cắp xảy ra tại nhà các cán bộ Nhà nước cao cấp. Điều mỉa mai là những nhà của “đại gia” bị trộm viếng đều là nhà của các “hung thần” đối với bọn tội phạm, như trung tá, đại tá công an chẳng hạn. Tụi ăn trộm này thật là cao cơ.

Thứ nhứt, tụi nó biết chắc là mấy cán bộ cao cấp này thế nào cũng là đại gia có của chìm, chớ mấy chả ngu sao bỏ tiền vào ngân hàng thì lộ chân tướng là đại gia trong khi đồng lương không đủ sống. Thứ hai, mấy cha này chảnh lắm, tưởng bở mình là “ông kẹ”, thằng ăn trộm nào mà dám dẫn xác vào hang cọp.

Chính vì vậy mà mấy chả ỷ y, không đề phòng nên tụi ăn trộm mới dễ bề hành động. Hơn nữa, mấy cha cán bộ cao cấp này mà có bị trộm thì đâu phải cha nào cũng dám khai báo hết sự thật về tài sản bị mất của mình, sợ người ta biết mình là đại gia thì ăn nói sao với đồng nghiệp, với đảng ủy.

Kẹt quá không dấu được thì cùng lắm mấy chả khai mất ít đi để không ai để ý. Vì vậy, thằng ăn trộm có bị bắt và buộc phải trả lại tài sản ăn trộm thì nó cũng đâu có ngu gì mà khai thật số tài sản trộm được, phần chênh lệch dôi ra thì dấu kỹ, sau này ra tù có mà xài. Mấy thằng ăn trộm này tính toán tài thiệt.


Dó, quý vị thấy chưa, dân có cái tự do của dân, còn quan có cái tự do của quan, ai cũng được tự do cả, luật hay quy định Nhà nước cũng chẳng gò bó hay làm gì được để hạn chế. Mà trên đây là tui chỉ nói những sự việc về tự do mà ai cũng biết, đôi lúc có báo chí VN đăng tin hẳn hoi, chứ không phải tui bịa ra để lên mặt hay lấy làm hãnh diện là người VN đâu. Còn nhiều cái tự do “bất thành văn” hơn nữa mà tui biết nhưng nhiều người sẽ khó tin nên không tiện kể ra.


Có một điều tui nói ra nhưng không biết quý vị có tin tui không. Số là sau khi đi du lịch Singapore về tới VN, khi nhìn thấy trên mặt đất ngoài đường chỗ nào cũng có rác, chỗ nhiều chỗ ít, sao tui cảm thấy có một cái gì đó thật là thân thương dễ chịu. Như vậy mới là VN chứ. Ngày nào đó, khi nhìn thấy trên đường phố Sài Gòn sạch trơn, không còn thấy bóng dáng của rác rưởi nữa, có lẽ tui sẽ chép miệng than rằng : Ôi tự do, ngày xưa nay còn đâu………. Trường Khùng

No comments:

Post a Comment