Pages

Saturday, March 24, 2012

TRUNG QUỐC & VIỆT NAM


Đánh giá về chiến lược của Trung Quốc

Cảnh sát Trung Quốc đi tuần tra trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, 13/03/2012
Cảnh sát Trung Quốc đi tuần tra trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, 13/03/2012
REUTERSĐức Tâm

Các lợi ích cốt lõi chiến lược của Trung Quốc là gì? Liệu Bắc Kinh có đủ khả năng đối phó với các thách thức đe dọa những lợi ích này hay không? Trang mạng Stratfor, ngày 06/03/2012, có bài « Đánh giá về chiến lược của Trung Quốc » của George Friedman. RFI dịch và giới thiệu.

Nói một cách đơn giản, Trung Quốc có ba lợi ích chiến lược cốt lõi.

Trong số những lợi ích này, có việc duy trì an ninh nội địa. Về mặt lịch sử, khi Trung Quốc tham gia vào thưong mại toàn cầu, như trong thế kỷ 19 vả đầu thế kỷ 20, vùng duyên hải thì phồn thịnh, trong khi vùng nắm sâu trong lãnh thổ, cách bờ biển khoảng 100 dặm và trải dài suốt 1000 dặm về phía tây, thì nghèo nàn. Hiện nay, khoảng 80% người dân Trung Quốc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập trung bình tại Bolivia.

Đa số người nghèo Trung Quốc sống ở phía tây vùng duyên hải phồn thịnh ; sự chệnh lệch giàu nghèo đã nhiều lần làm dấy lên những căng thẳng về lợi ích giữa vùng duyên hải và vùng bên trong lãnh thổ. Sau sự trỗi dậy không thành vào năm 1927 tại Thượng Hải, Mao Trạch Đông đã khai thác những căng thẳng này trong cuộc Vạn lý Trường chinh tiến vào bên trong lãnh thổ, lập lên một quân đội nông dân và cuối cùng chiếm được vùng duyên hải. Ông ta đã đóng cửa Trung Quốc đối với hệ thống thương mại quốc tế, để lại một đất nước Trung Hoa thống nhất và công bằng hơn, nhưng cực kỳ nghèo khổ.

Chính phủ hiện nay tìm kiếm các phương tiện tạo ra của cải để duy trì sự ổn định: mua sự trung thành của người dân bằng cách sử dụng nhân lực ồ ạt. Các kế hoạch phát triển công nghiệp được triển khai mang ít tư duy thị trường hoặc kiếm lợi, mà có mục đích tạo tối đa công ăn việc làm. Các khoản tiết kiệm tư nhân được sử dụng để tài trợ cho các nỗ lực công nghiệp, chỉ có một ít vốn trong nước được dùng để mua sản phẩm. Bởi vì Trung Quốc cần phải xuất khẩu.

Mối quan tâm chiến lược thứ hai xuất phát từ mối quan tâm thứ nhất. Nền tảng thiết kế công nghiệp của Trung Quốc là sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ của nền kinh tế nội địa, do vậy, Trung Quốc phải xuất khẩu hàng hóa ra thế giới và nhập khẩu nguyên liệu. Vì thế, Trung Quốc phải làm bất kỳ việc gì để đáp ứng nhu cầu của thế giới đối với các xuất khẩu của họ. Điều này bao gồm một loạt các hoạt động, từ đầu tư tiền tệ vào các nền kinh tế của những nước tiêu thụ cho đến việc tạo các lối thông thương không hạn chế với các tuyến hàng hải thế giới.

Lợi ích chiến lược thứ ba là duy trì sự kiểm soát đối với các vùng đệm. Người Hán, sắc tộc chính và lâu đời của Trung Quốc sống tập trung trên hai phần ba lãnh thổ ở phía đông Trung Quốc, nơi có lượng nước mưa dồi dào, khác hẳn với một phần ba lãnh thổ khô cằn còn lại ở miền trung và phía tây. Do đó, điều tất yếu là an ninh của Trung Quốc phụ thuộc vào việc kiểm soát được bốn vùng đệm bao quanh, không thuộc cư dân Hán Trung Quốc : Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng. Bảo đảm an ninh tại các vùng này có nghĩa là Trung Quốc có thể cách biệt được với Nga ở phía bắc, ngăn ngừa được bất kỳ cuộc tấn công nào đến các thảo nguyên phía tây và bất kỳ cuộc tấn công nào đến từ Ấn Độ hoặc Đông Nam Á.

Về mặt địa lý, việc kiểm soát được các vùng đệm tạo ra cho Trung Quốc những hàng rào che chắn tự nhiên – rừng rậm, núi, thảo nguyên và vùng hoang mạc Siberi – rất khó vượt qua và tạo thế phòng thủ vững chắc đẩy mọi kẻ xâm lược vào thế rất bất lợi.

Những lợi ích bị thách thức

Giờ đây, Trung Quốc phải đốí mặt với những thách thức đe dọa tất cả ba lợi ích chiến lược này.

Sự suy giảm kinh tế tại châu Âu và Hoa Kỳ - hai khách hàng chính của Trung Quốc – đã đẩy xuất khẩu của Trung Quốc vào tình huống cạnh tranh ngày càng mạnh và nhu cầu giảm. Trong khi đó, Trung Quốc không thể nâng cao nhu cầu tiêu dùng nội địa một cách phù hợp và không bảo đảm được việc tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế độc lập mà Hải quân Hoa Kỳ bảo vệ.

Cũng chính những thúc bách kinh tế này lại trở thành thách thức ngay tại Trung Quốc. Vùng duyên hải thịnh vượng phụ thuộc vào thương mại hiện đang bị suy giảm và vùng nghèo nàn nằm sâu trong lục địa lại cần phải trợ cấp, điều này khó thực hiện khi mà tăng trưởng kinh tế đang rất chậm chạp.

Ngoài ra, hai vùng đệm của Trung Quốc đang trong quá trình biến động. Các phần tử ở ngay Tây Tạng và Tân Cương chống đối quyết liệt sự chiếm đóng của người Hán. Bắc Kinh hiểu được rằng việc mất các vùng này có thể gây ra những mối đe doạ đối với an ninh Trung Quốc – đặc biệt là các mất mát này có thể tạo nên sự thèm muốn ở phía bắc Ấn Độ thuộc dãy núi Himalaya hoặc tạo ra một chế độ Hồi giáo cực đoan tại Tân Cương.

Tình hình tại Tây Tạng có nguy cơ rối loạn nhất. Một cuộc chiến tranh triệt để giữa Ấn Độ và Trung Quốc – lớn hơn những va chạm nhỏ - không thể kéo dài vì hai nước bị ngăn cách bởi dãy núi Himalayas. Không một bên nào có thể hỗ trợ hậu cần cho cuộc chiến tranh trên quy mô lớn với nhiều binh đoàn tham chiến ở nơi này. Thế nhưng, Trung Quốc và Ấn Độ có thể đe dọa nhau, nếu một trong hai bên vượt qua được Himalayas và thiết lập sự hiện diện quân sự ở phía bên kia dãy núi. Đối với Ấn Độ, mối đe doạ có thể nổi lên nếu như một số lượng lớn binh sĩ Trung Quốc vào Pakistan. Đối với Trung Quốc, mối đe doạ có thể xuất hiện nếu một số lượng lớn binh sĩ Ấn Độ vào được Tây Tạng.

Chính vì thế, Trung Quốc thường xuyên làm như họ sẽ đưa một số lượng lớn binh sĩ vào Pakistan, nhưng xét cho cùng, Pakistan không thu được lợi ích gì trên thực tế trong việc để cho quân đội Trung Quốc chiếm đóng – cho dù sự chiếm đóng này là nhằm chống lại Ấn Độ. Bản thân Trung Quốc cũng không quan tâm đến việc tiến hành các chiến dịch bảo đảm an ninh tại Pakistan. Phía Ấn Độ cũng ít quan tâm đến việc đưa quân vào Tây Tạng trong trường hợp có một cuộc cách mạng ở đó. Đối với New Delhi, một Tây Tạng độc lập không có quân đội Trung Quốc có lẽ tốt hơn là việc Ấn Độ phải đưa một số lượng binh sĩ đông đảo vào đây. Tây Tạng càng trở thành vấn đề đối với Trung Quốc, thì Ấn Độ lại càng dễ quản lý hồ sơ này. Những người nổi dậy Tây Tạng dường như nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ tối thiểu từ Ấn Độ, không vượt qua mức có thể đe doạ sự kiểm soát của Trung Quốc.

Chừng nào các vấn đề nội bộ ở những nơi sinh sống của ngưòi Hán còn quản lý được, thì Trung Quốc vẫn duy trì được sự thống trị tại các các vùng đệm, cho dù phải có một số nỗ lực cũng như tổn hại về uy tín ở nước ngoài.

Vấn đề mấu chốt đối với Trung Quốc là duy trì ổn định trong nước. Nếu bộ phận người Hán Trung Quốc không ổn định thì không thể kiểm soát được các vùng đệm. Việc duy trì ổn định vùng nằm sâu trong lãnh thổ đòi hỏi phải có sự chuyển giao nguồn của cải và điều này buộc nền kinh tế vùng duyên hải phải có tăng trưỏng cao liên tục nhằm tạo ra nguồn vốn chu cấp cho vùng nội địa. Nếu luồng xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu bị ngưng lại thì thu nhập của vùng sâu trong lãnh thổ sẽ nhanh chóng bị giảm xuống tới mức có thể dẫn đến những bùng nổ về chính trị. (Hiện nay, một cuộc cách mạng còn lâu mới xẩy ra tại Trung Quốc, nhưng các căng thẳng xã hội ngày càng tăng và Trung Quốc phải sử dụng bộ máy an ninh và Quân đội Giải phóng Nhân dân để kiểm soát các căng thẳng này.)

Việc duy trì các luồng xuất – nhập khẩu đó là một thách thức to lớn. Chính mô hình chỉ chú trọng đến tạo công ăn việc làm và chia sẻ thị trường hơn là tìm kiếm lợi nhuận dẫn đến việc phân bổ sai lệch các nguồn và cắt đứt mối liên hệ tự điều hòa thông thường giữa cung và cầu. Một trong những hậu quả rối loạn nhất là lạm phát, làm tăng chi phí trợ cấp cho vùng sâu trong lãnh thổ, vào lúc khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với các nước xuất khẩu khác trên thế giới – cũng có giá nhân công thấp - đang bị xói mòn.

Đối với Bắc Kinh, đây là một thách thức chiến lược và chỉ có thể ngăn chặn được thánh thức này qua việc nâng cao mức lợi nhuận trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Các nhà sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp không thể làm được việc này. Giải pháp là phải bắt đầu chế tạo những sản phẩm có giá trị gia tăng cao (ít giầy dép, nhiều xe hơi hơn), thế nhưng, công việc này đòi hỏi một loại nhân lực khác, đó là những nhân công được giáo dục và đào tạo trong nhiều năm, có trình độ cao hơn mức trung bình của người dân vùng duyên hải Trung Quốc, trong khi người dân ở vùng sâu lãnh thổ lại có trình độ thấp hơn rất nhiều. Công việc này cũng đòi hỏi phải cạnh tranh trực tiếp với các nền kinh tế đã được thiết lập vững chắc từ lâu như Nhật Bản, Đức và Hoa Kỳ. Đây là trận chiến mang tính chiến lược mà Trung Quốc phải tiến hành nếu muốn duy trì sự ổn định đất nước.

Yếu tố quân sự

Ngoài những vấn đề về mô hình kinh tế, Trung Quốc còn phải đối mặt với một vấn đề quân sự cốt yếu. Sự sống còn của Trung Quốc phụ thuộc vào các vùng biển. Địa hình của biển Hoa Nam (tức Biển Đông) và biển Hoa Đông làm cho Trung Quốc dễ bị phong tỏa. Biển Hoa Đông bị vây quanh bởi bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan với một chuỗi đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Biển Đông thậm chí còn bị khép kín hơn bởi Đài Loan, Philippines, Indonesia và Singapore. Mối lo ngại chiến lược lớn nhất của Bắc Kinh là Hoa Kỳ có thể phong tỏa Trung Quốc, không phải với việc đưa Hạm đội 7 vào bên trong hai chuỗi đảo, mà là ở bên ngoài hai hàng rào này. Ở vị trí đó, Hoa Kỳ buộc Trung Quốc phải điều tàu chiến đi ra xa lãnh thổ để mở đường – và đương đầu với tàu chiến Mỹ - và cho đến nay, Mỹ vẫn có thể ngăn chặn các lối thoát ra bên ngoài của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc không có hải quân đủ khả năng thách thức Hoa Kỳ làm phức tạp thêm vấn đề. Thực vậy, Trung Quốc vẫn còn trong quá trình hoàn thiện hàng không mẫu hạm đầu tiên và hải quân của nước này không đủ tầm cỡ và chất lượng thách thức Mỹ. Thế nhưng, thiết bị hải quân không phải là thách thức lớn nhất đối với Trung Quốc. Hoa Kỳ đã đặt đóng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên vào năm 1922 và từ đó đến nay, đã tinh nhuệ hóa binh chủng không quân hải quân và lực lượng hải – không quân chiến thuật. Việc đào tạo đô đốc và các sĩ quan có khả năng chỉ huy lực lượng hải-không quân đã trải qua mấy thế hệ. Trong khi đó, Trung Quốc chưa bao giờ có lực lượng hải – không quân và họ cũng không hề có đô đốc chỉ huy lực lượng này.

Trung Quốc hiểu được vấn đề và đă lựa chọn một chiến lược khác để răn đe hải quân Hoa Kỳ phong tỏa : Đó là dùng tên lừa chống tàu chiến có khả năng tấn công thậm chí chọc thủng các hệ thống phòng thủ của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, kết hợp với sự hiện diện của tàu ngầm. Hoa Kỳ không muốn đối đầu với Trung Quốc chút nào, nhưng nếu họ thay đổi ý định thì Trung Quốc có thể gặp rất nhiều khó khăn để đáp trả.

Vào lúc Trung Quốc có một hệ thống tên lửa trên mặt đất hùng hậu, bản thân hệ thống này lại rất dễ bị tổn thương bởi các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo, không quân và máy bay không người lái hiện đang được phát triển và các phương tiện tấn công khác. Khả năng tiến hành một trận chiến kéo dài của Trung Quốc bị hạn chế. Ngoài ra, chiến lược dùng tên lửa chỉ có tác dụng khi có khả năng trinh thám hiệu quả. Không thể phá hủy một tàu chiến nếu không biết nó ở đâu. Việc này đỏi hỏi phải có các hệ thống trinh thám đặt trên không trung có thể nhận diện các tàu chiến của Mỹ và một hệ thống kiểm soát bắn tích hợp cao. Điều này làm nẩy sinh câu hỏi là liệu Mỹ có khả năng chống lại sự quan sát của vệ tinh hay không ? Chúng tôi có thể bảo đảm là có và nếu Mỹ sử dụng thì nó sẽ làm cho hệ thống trinh thám của Trung Quốc mù lòa.

Do vậy, Trung Quốc bổ xung chiến lược chống bao vây bằng cách có những cảng thông ra biển tại các nước trong vùng Ấn Độ Dương và ở bên ngoài vùng Biển Đông. Bắc Kinh có kế hoạch xây các cảng ở Pakistan và Miến Điện, quốc gia đang được ve vãn, với triển vọng quốc tế chấm dứt sự cô lập. Bắc Kinh đã sẵn sàng tài trợ và phát triển cảng thông ra biển ở Gwadar tại Pakistan, Colombo và Hambantota tại Sri Lanka và Trung Quốc rất hy vọng xây được cảng nước sâu ở Sittwe, Miến Điện. Để thực hiện chiến lược này, Bắc Kinh cần có những hạ tầng giao thông nối liền Trung Quốc với các cảng. Điều đó có nghĩa là phải phát triển các hệ thống đưòng sắt và đường bộ. Thế nhưng, không nên đánh giá thấp những khó khăn trong việc xây dựng các hệ thống này tại Miến Điện, chẳng hạn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Bắc Kinh phải duy trì mối quan hệ chính trị cho phép Trung Quốc tiếp cận được với các cảng. Ví dụ, Pakistan và Miến Điện không ổn định và Bắc Kinh không thể chắc chắn là các chính phủ hợp tác với Trung Quốc sẽ luôn luôn đứng vững tại các nước này. Trong trường hợp của Miến Điện, những mở cửa chính trị gần đây có thể dẫn đến việc chính quyền Naypyidaw thoát ra ngoài vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Xây cảng và đường sá, rồi một cuộc đảo chính hoặc bầu cử lập ra một chính phủ bài Trung Quốc là khả năng có thể xẩy ra. Bởi vì đây là một trong những lợi ích chiến lược cơ bản, Bắc Kinh không thể đơn giản cho rằng việc xây một cảng sẽ giúp họ có thể tự do tiếp cận với cảng này. Thêm vào đó, các tuyến đường bộ và đường sắt rất dễ bị phá hoại bởi lực lượng du kích hoặc bị phá hủy bởi các vụ không kích hoặc tấn công của tên lửa.

Để cho các cảng ở Ấn Độ Dương trở nên hữu dụng, Bắc Kinh cần phải tin rằng họ có khả năng kiểm soát được tình hình chính trị tại nước có cảng trong một thời gian dài. Kiểu kiểm soát từ xa này chỉ có thể được bảo đảm bằng một sức mạnh to lớn đủ để mở lối tiếp cận ra các cảng và hệ thống giao thông. Có một điều quan trọng nên ghi nhớ là từ khi những người Cộng sản lên cầm quyền, Trung Quốc hiếm khi mở các chiến dịch quân sự - và nếu có làm thì thu được những kết quả không như ý muốn. Cuộc xâm lấn Tây Tạng đã thành công vì chỉ vấp phải một sự kháng cự thực sự ở mức tối thiểu. Việc can thiệp vào Triều Tiên đã phá vỡ thế bí, nhưng Trung Quốc đã phải trả một cái giá khủng khiếp, hứng chịu nhiều mất mát và trở nên rất thận trọng trong tương lai. Năm 1979, Trung Quốc tấn công Việt Nam, và hứng chịu một thất bại đáng kể. Trung Quốc cố gắng đưa ra hình ảnh của mình như là một lực lượng quân sự có năng lực, nhưng trên thực tế, quân đội Trung Quốc có ít kinh nghiệm chiến đấu ở bên ngoài và những kinh nghiệm ít ỏi mà họ có được thì cũng không thích thú gì.

An ninh quốc nội đối chọi với khả năng chiến đấu ở bên ngoài

Nguyên nhân của sự thiếu kinh nghiệm này xuất phát từ vấn đề an ninh nội địa. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc –(PLA) chủ yếu được xây dựng như một lực lượng an ninh nội địa – một sự cần thiết do những căng thẳng nội bộ trong lịch sử Trung Quốc. Vấn đề đặt ra không phải là liệu Trung Quốc hiện nay có kinh nghiệm về những căng thẳng này hay không. Vấn đề là khả năng. Việc lập kế hoạch chiến lược thận trọng đòi hỏi phải xây dựng các lực lượng để đối phó với những tình huống xấu nhất.

Được xác định là phải bảo đảm an ninh nội địa, về mặt học thuyết cũng như hậu cần, PLA không thiên về tác chiến tấn công. Sử dụng một lực lượng được đào tạo để bảo đảm an ninh như một lực lượng tác chiến tấn công thì dẫn đến thất bại hoặc rơi vào tình trạng rất khó khăn không lối thoát. Do quy mô của những vấn đề nội bộ tiềm ẩn tại Trung Quốc và thách thức chiếm lĩnh một đất nước như Miến Điện hoặc càng khó hơn như là Pakistan, việc xây dựng một lực lượng bổ sung có đủ khả năng có thể không vượt quá nguồn nhân lực sẵn có của Trung Quốc, nhưng nó vượt quá khả năng chỉ huy và hậu cần của Trung Quốc. PLA được lập ra để kiểm soát Trung Quốc, không phải để chiến đấu ở bên ngoài, và các chiến lược được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu ở bên ngoài trong tương lai cũng có nhiều rủi ro.

Cần phải ghi nhận là từ những năm 1980, Trung Quốc đã có ý định chuyển giao trách nhiệm an ninh nội địa cho lực lượng Cảnh sát Vũ Trang Nhân dân, biên phòng và các lực lượng an ninh nội địa khác; những lực lượng này đã được phát triển và đào tạo để đối phó với tình trạng bất ổn xã hội. Thế nhưng, cho dù có cơ cấu lại, Trung Quốc vẫn còn có nhiều hạn chế to lớn trong việc huy động sức mạnh quân sự ra bên ngoài, trên quy mô lớn, để có thể thách thức trực tiếp Hoa Kỳ.

Có một khoảng cách giữa việc coi Trung Quốc như một cường quốc khu vực và thực tế. Bắc Kinh có thể kiểm soát được trong nước, nhưng khả năng của Trung Quốc kiểm soát các nước láng giềng bằng sức mạnh quân sự thì lại hạn chế. Hơn nữa, mối lo sợ Trung Quốc xâm lăng Đài Loan không có cơ sở. Trung Quốc không thể thực hiện được một cuộc tấn công đổ bộ xa như vậy, đó là chưa kể đến việc phải hỗ trợ hậu cần cho trận chiến ở xa. Trung Quốc có một lựa chọn là thay thế bằng một cuộc chiến tranh du kích tại chỗ, giống như Philippines hoặc Indonesia. Vấn đề là với một cuộc chiến tranh như vậy thì Trung Quốc cần mở các tuyến đường biển, thế nhưng, điều mà các du kích quân có thể làm được – cho dù họ được trang bị tên lửa chống tàu chiến và mìn - là đóng các tuyến đường biển, chứ không thể giúp khai thông.

Giải pháp chính trị

Do vậy, Trung Quốc phải đối mặt với một vấn đề chiến lược quan trọng. Trung Quốc phải xây dựng chiến lược an ninh quốc gia trên cơ sở những gì mà Hoa Kỳ có thể làm, chứ không phải trên cơ sở những gì mà Bắc Kinh cảm thấy muốn làm vào lúc này. Trung Quốc không thể ngăn chặn được Hoa Kỳ trên biển và chiến lược xây dựng các cảng ở Ấn Độ Dương vấp phải thực tế là chi phí rất lớn và các điều kiện chính trị cho phép tiếp cận các cảng này không chắc chắn. Các nhu cầu thành lập một lực lượng đủ khả năng bảo đảm việc tiếp cận các cảng đi ngược lại những đòi hỏi về an ninh bên trong Trung Quốc.

Chừng nào mà Hoa Kỳ vẫn là cường quốc hải quân thống trị thế giới, thì chiến lược của Trung Quốc vẫn phải là có được sự trung lập hóa về mặt chính trị của Mỹ. Nhưng Bắc Kinh cũng cần phải chắc chắn là Washington không cảm thấy bị sức ép và do vậy lựa chọn giải pháp phong tỏa. Vì vậy, Trung Quốc cần phải hiện diện như là một bộ phận cơ bản trong đời sống kinh tế của Mỹ. Thế nhưng, Hoa Kỳ không nhất thiết nhìn nhận hoạt động kinh tế của Trung Quốc như là một mối lợi và cũng không rõ là liệu Trung Quốc có thể mãi mãi duy trì vị thế duy nhất như vậy với Hoa Kỳ. Mặt khác, cũng có những giải pháp đỡ tốn kém hơn.

Những hô hào hùng biện của chính quyền và lập trường của phe cứng rắn – nhằm tạo ra sự ủng hộ của những phần tử dân tộc chủ nghĩa ở trong nước – có thể có hiệu quả về chính trị, nhưng lại làm cho quan hệ với Hoa Kỳ căng thẳng. Nó không làm cho quan hệ căng thẳng đến mức có nguy cơ xung đột quân sự nhưng do sự yếu kém của Trung Quốc, mọi sự căng thẳng đều nguy hiểm. Trung Quốc cho rằng họ biết cách đi cân bằng giữa một bên là những tuyên bố hùng biện và một bên là mối nguy hiểm thực sự trong quan hệ với Hoa Kỳ. Đây vẫn là một sự cân bằng tế tế nhị.

Hiện có người cho rằng Trung Quốc là một cường quốc khu vực, thậm chí thế giới, đang trỗi dậy. Trung Quốc có thể đang trỗi dậy, nhưng còn lâu mới giải quyết được những vấn đề chiến lược cơ bản của mình và hơn nữa là thách thức được Hoa Kỳ. Các căng thẳng trong chiến lược của Trung Quốc chắc chắn làm suy yếu nước này, nếu không muốn nói là chí tử. Tất cả những lựa chọn đều có những điểm yếu kém.

Chiến lược thực sự của Trung Quốc là phải tránh những lựa chọn chiến lược rủi ro. Trung Quốc có may mắn là trong 30 năm qua đã tránh được việc đưa ra những quyết định như vậy, nhưng Bắc Kinh lại không hẳn có những công cụ cần thiết để kiến tạo lại môi truờng này. Nếu tính tới quy mô các thách thức đối với ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay – người ta nghĩ ngay đến các tranh chấp về năng lượng ở Sudan và quá trình thử nghiệm chính trị tại Miến Điện – có thể nói, về cơ bản, chính sách của Trung Quốc chỉ là một sự hy vọng mù quáng.

Bài tiếng Anh: http://www.stratfor.com/weekly/state-world-assessing-chinas-strategy?utm_source=freelist-f&utm_medium=email&utm_campaign=20120306&utm_term=gweekly&utm_content=readmore&elq=eb8347c49349449b8234568d191d8c56

tags: Châu Á - Chuyên mục trên mạng - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120313-danh-gia-ve-chien-luoc-cua-trung-quoc

Trung Quốc: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?
2012-03-16

Các sự kiện chính trị Trung Quốc có thể không hoàn toàn giống với nét đặc thù của Việt Nam tuy nhiên về chính sách đối với dân chúng thì hoàn toàn có thể theo đó để rút ra bài học cho mình.

AFP PHOTO / Ed Jones

Toàn cảnh Đại lễ đường nhân dân trong quá trình bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012.

Những động thái chính trị hồi gần đây của Trung Quốc đang dấy lên những câu hỏi cho quan sát viên quốc tế về hiện tình thật sự của Bắc Kinh qua các sự kiện chính trị được xem là hiếm hoi trong bối cảnh lịch sử cận đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc Lâm có thêm chi tiết về những sự kiện liên tục đang xảy ra này:

Những con rắn nhiều đầu

Trước tiên là một biến cố chính trị có thể nói làm rung động thế giới quyền lực của Bắc Kinh khi tháng trước một cựu viên chức cao cấp nắm vị trí lãnh đạo công an của thành phố Trùng Khánh đã vào tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Thành Đô và ở trong đó nhiều tiếng đồng hồ. Người dân Thành Đô chứng kiến cảnh hàng chục xe cảnh sát dàn hàng ngang trước sứ quán Mỹ để chận bắt nhân vật quan trọng bị tình nghi là có ý đồ xin tỵ nạn chính trị này mặc dù trước đó ông là người được xem là một trong những người có quyền lực nhất thành phố Trùng Khánh.

Cái vụ của ông Bạc Hy Lai cho thấy đây là một dấu hiệu có sự xuất hiện của phong trào ủng hộ Mao Trạch Đông, xuất hiện trong nội bộ Đảng.

Trần Bình Nam

Nhân vật bị bao vây này là Vương Lập Quân là cánh tay mặt của Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh một thành phố trực thuộc và cai quản bởi Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân đã thật sự tham gia cuộc chiến tranh chống mafia tại Trùng Khánh và cuộc chiến rất được lòng dân này lại chạm phải nọc của những con rắn nhiều đầu dàn ra khắp đất nước bao la hơn một tỷ dân Trung Quốc.

Mafia có sự bao che phía sau của các thế lực chính trị để kinh doanh và trấn đoạt rất nhiều lãnh vực trong đó bao gồm bất động sản, một lĩnh vực làm giàu mau chóng vì cưỡng chế đất đai của người dân với danh nghĩa vì nhu cầu công ích nhưng thật ra là chia nhau phần lợi béo bở sau khi bán cho các tập đoàn khai thác.

Bạc Hy Lai nổi tiếng và dân chúng Trùng Khánh xem ông là một người hùng, sẵn sàng cho việc bước chân vào Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, như giới quan sát quốc tế từng tiên đoán vụ Vương Lập Thành và các thế lực bị ông Bạc Hy Lai đánh sập đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc tỏ thái độ: Sáng ngày 15 tháng 3, Tân Hoa Xã thông báo Bộ chính trị đã quyết định thôi chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh của ông Bạc Hy Lai. Người lên thay là phó thủ tướng Trương Đức Giang, một nhân vật có tiếng là bảo thủ.

BO_XILAI0314_2012_AFP-250.jpg
Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai trong lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO / Mark Ralston.

Đòn đánh vào Bạc Hy Lai xảy ra một ngày sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trên diễn đàn Quốc hội vào ngày 14 tháng 3. Ông nói nhiều về các vấn nạn mà Trung Quốc đang phải đối phó. Điều ông đặc biệt quan tâm là Trung Quốc sẽ lặp lại cuộc Cách mạng Văn Hóa, cuộc cách mạng đã giết chết hơn hai chục triệu dân Trung Quốc trong thập niên 60-70 nếu Trung Quốc không sớm thay đổi các chính sách về chính trị.

Nhận định về những biến cố chính trị này, ông Trần Bình Nam, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho biết:

“Thủ tướng Ôn Gia Bảo nếu mình theo dõi ông trong suốt thời gian ông làm Thủ tướng thì mình thấy rằng ông là người có bộ óc cải tổ và ông thấy hướng đi của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng theo hướng cải tổ đó nhưng quá chậm đối với ông cho nên ông phát biểu như vậy.

Tuy nhiên những phát biểu của ông do không còn tại chức lâu dài nên nó có vẻ rất dè dặt. Ngày hôm qua trong buổi nói chuyện trước khi bế mạc Quốc hội do trong năm nay ông phải rời khỏi chức vụ cho nên có lẽ đây là lần cuối cùng ông cần nói rõ những quan điểm của ông và điều này rất quan trọng vì nó cho thấy tại Trung Quốc có rất nhiều người có nhu cầu đòi hỏi cần cải tổ chính trị mạnh mẽ hơn nữa và đồng thời nhân việc xảy ra tại Trùng Khánh và Thành Đô thì ông Ôn Gia Bảo cảnh giác rằng cần quan tâm đến những quan niệm của Mao trạch Đông để thỏa mãn những thành phần mà họ còn muốn thực hiện những ý định đó. Nếu không, có thể có những sự bùng nổ mà không thể kiểm soát được như từng xảy ra trong cuộc cách mạng văn hóa từ năm 1966 cho đến năm 1976.”

Thảm họa bất động sản?

Trong suốt thời gian ông Ôn Gia Bảo làm Thủ tướng thì mình thấy rằng ông là người có bộ óc cải tổ và ông thấy hướng đi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trần Bình Nam

Với hình ảnh của một người sắp ra đi Thủ tướng Ôn Gia Bảo làm thế giới nhìn thấy hiện tình của Trung Quốc rõ hơn bởi ông là tiếng nói duy nhất trong những vị lãnh đạo của Bắc Kinh dám công khai thừa nhận và lo âu trước các vấn nạn không còn là thử thách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải vượt qua.

Ông Ôn Gia Bảo báo động bất động sản của Trung Quốc có thể trở thành thảm họa cho nước này vì sau bao năm phát triển Trung Quốc đã có một thị trường bất động sản ngày càng tỏ ra chông chênh so với giá trị thực của nó. Thủ tướng Ôn Gia Bảo muốn nhắc đến những thế lực đen tối đang lũng đoạn thị trường này tuy không nói thẳng ra ai cũng biết đó chính là hàng chục ngàn đảng viên cao cấp mà ông Bạc Hy Lai đã chiến đấu chống lại tại Trùng Khánh.

Cũng có nhận định rằng ông Bạc Hy Lai đang theo đuổi tư tưởng Mao Trạch Đông khi muốn trong sạch Đảng Cộng sản bằng những thủ đoạn thanh trừng nội bộ qua chiêu bài tiêu diệt mafia. Ý kiến về việc này ông Trần Bình Nam cho biết:

“Cái vụ của ông Bạc Hy Lai cho thấy đây là một dấu hiệu có sự xuất hiện của phong trào ủng hộ Mao Trạch Đông, xuất hiện trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên điều này thật ra không mới mẻ. Từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu những cuộc cải tổ tại Trung Quốc thì đương nhiên những tư tưởng của Mao Trạch Đông bị dẹp qua một bên nhưng trong nội bộ vẫn có phong trào đó vẫn âm thầm diễn ra từ thời đó đến giờ và có lẽ vụ của ông Bạc Hy Lai đã làm cho sự việc đó nổi bật lên. Đương nhiên Bộ chính trị của Đảng công sản Trung Quốc bây giờ rất lo ngại tư tưởng của Mao Trạch Đông nó xuất hiện trở lại.

Khi dấu hiệu đó quá nặng nề thì họ phải tìm cách dẹp đi. Tôi thấy đó là lý do chính yếu của sự cách chức ông Bạc Hy Lai.”

053_3JINPING20120306194025-200.jpg
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên màn hình trong thời gian Quốc hội Trung Quốc nhóm họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 05 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO.

Không dừng lại ở đó, sáng ngày 16 tháng 3, một nhân vật nổi tiếng khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại lên tiếng. Đó là Phó chủ tịch Tập Cận Bình, ông đã mạnh mẽ cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là nơi tập trung của thành phần thối nát, giá áo túi cơm cần phải trong sạch hóa.

Hãng tin Reuters trích dẫn lời lên án mạnh mẽ này và cho rằng nó đang làm cho cả Đảng cộng sản Trung Quốc rúng động. Tuy chưa chính thức nhậm chức nhưng ông Tập Cận Bình đương nhiên được xem là sẽ thay thế vai trò của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào qua các chuẩn bị kỹ lưỡng của Bắc Kinh hồi gần đây. Những lời kết án nặng nề của ông Tập Cận Bình đối với Đảng của ông hứa hẹn một cuộc tẩy rửa trong Đảng một khi ông chính chức nắm quyền lực cao nhất nước.

Bài học cho Việt Nam

Những sự kiện xảy ra tại Trung Quốc khiến người ta liên tưởng tới Việt Nam. Tuy hoàn toàn không giống nhau về con người, đất nước và vị thế địa lý nhưng Việt Nam đã áp dụng hầu như tất cả chính sách của Trung Quốc vào chế độ chính trị của mình. Mỗi một biến động của Trung Quốc đều khiến Hà Nội theo dõi như đang xảy ra trên đất nước Việt Nam. Trước các lời lên án gắt gao đối với hệ thống chính trị Trung Quốc liệu Việt Nam có kinh nghiệm gì cần phải rút ra hầu cải tổ cho chính trên phần đất của mình, đặc biệt là vụ án Đoàn Văn Vươn hiện đang trên bàn phán xét của dư luận toàn quốc?

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết quan điểm của ông trước câu hỏi này, ông nói:

Việt Nam chúng ta nên cải tiến, nên có sự đổi mới hơn tức là quan tâm đến nhân dân hơn để giảm bớt những cái áp bức dân vì nếu bức xúc quá mức thì có thể gây mất ổn định chính trị.

Nguyễn Trọng Vĩnh

“Từ trước đến nay tôi không muốn Việt Nam theo Trung Quốc. Trung Quốc làm gì thì Việt Nam theo cái đấy từ trước tới nay. Tôi chỉ muốn Việt Nam làm gì thì chủ động trên tinh thần chủ động của mình thôi. Nhưng đối với tình hình Việt Nam hiện nay tôi đã từng nói rồi nó không có dân chủ và có nhiều quan chức người ta áp bức dân lắm. Cái vụ Tiên Lãng vừa rồi là một trong hàng nghìn vụ như thế nhưng người ta vẫn im lặng, chỉ tới khi vụ ông Đoàn Văn Vươn thì nó là một cái biểu hiện tức nước vỡ bờ. Tôi cũng muốn Việt Nam chúng ta nên cải tiến, nên có sự đổi mới hơn tức là quan tâm đến nhân dân hơn để giảm bớt những cái áp bức dân vì nếu bức xúc quá mức thì có thể gây mất ổn định chính trị.”

Nguyên đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh đưa ra vụ Thái Bình làm điển hình cho mối lo của ông, theo ông thì Thái Bình sẽ lập lại nếu nhà nước khôngthay đổi chính sách đối với đất đai và nhất là thái độ cường hào ác bá của cán bộ:

“Trước đây có vụ Thái Bình. Nếu không cải cách không mở rộng dân chủ không có thay đổi thái độ đối với dân và trân trọng cái quyền của dân, không lo đời sống của dân thì đến một lúc tôi cho rằng sẽ có nhiều Thái Bình như trước đây và đấy là điều đáng lo. Tôi cũng muốn nhà nước ta phải có những cải cách nếu không thì dễ sinh bùng nổ rất nguy hiểm.”

Các sự kiện chính trị Trung Quốc có thể không hoàn toàn giống với nét đặc thù của Việt Nam tuy nhiên về chính sách đối với dân chúng thì hoàn toàn có thể theo đó để rút ra bài học cho mình. Vụ Ô Khảm của Trung Quốc và Tiên Lãng của Việt Nam tuy hai nơi hai hoàn cảnh nhưng nội dung hoàn toàn giống nhau. Trung Quốc may mắn hơn Việt Nam vì chính quyền dám cho phép người dân bầu cử ở cấp xã đề chọn người lãnh đạo cho mình, trong khi Việt Nam vẫn phân vân trước câu hỏi phải chọn ai, giữa đảng viên hay người dân.

Đối với lời lên án đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là phường giá áo túi cơm, thối nát của Phó chủ tịch Tập Cận Bình so với câu nói của Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng có quá nhiều những con sâu trong hệ thống Đảng thì câu nói của ông Sang vẫn nhẹ nhàng hơn của lãnh tụ Trung Quốc. Tuy nhiên hình ảnh những con sâu nhung nhúc vẫn không phải là cái gì đẹp đẽ đang hiện diện và phát triển hàng ngày trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cn-experience-vn-ml-03162012151525.html

Trung Quốc: Tham nhũng hàng tỷ đô la trong công trình xe lửa cao tốc

Tàu cao tốc Trung Quốc
Tàu cao tốc Trung Quốc
REUTERS/Stringer/Files

Tú Anh

Không trả tiền mua trang thiết bị, không bồi hoàn cho nông dân bị trưng thu đất đai, gọi thầu thiếu minh bạch, bằng những việc làm như vậy cán bộ chính quyền đã bỏ túi hàng tỷ đô la. Tám tháng sau ngày khai trương đường xe lửa cao tốc Bắc Kinh –Thượng Hải, kết quả kiểm toán thứ hai phát hiện hàng loạt trường hợp gian lận.

Khai trương một cách rầm rộ vào tháng 6/2011, tuyến đường xe lửa cao tốc dài 1.318km, nối liền thủ đô Trung Quốc với thành phố Thượng Hải được xem là « biểu tượng của chính sách đầu tư hạ tầng ».

Tuy nhiên, việc xây dựng là cơ hội để cho cán bộ từ bộ trưởng bộ đường sắt đến viên chức địa phương tham ô hàng chục tỷ nhân dân tệ. Bản báo cáo thứ hai của Văn phòng Kiểm toán công bố hôm nay 19/03/2012 ghi nhận hàng loạt vụ bê bối đã xảy ra ngay từ năm 2007 tức là ngay từ khi gọi thầu.

Thời gian nghiên cứu hồ sơ đấu thầu rút ngắn từ 5 ngày xuống 13 giờ. Thay đổi kính chắn gió vào giờ chót làm phí tổn thêm hơn 413 triệu nhân dân tệ. Ngay ngân sách bồi thường cho nông dân phải dời chỗ ở hoặc mất đất xây đường cao tốc cũng bị ăn chặn, như ở Thiên Tân lên đến 500 triệu nhân dân tệ hoặc làm hồ sơ giả để được ngân sách bồi thường như ở Nam Kinh.

Một hình thức sai trái khác là không trả tiền cho các hãng gia công và công ty xây dựng. Tổng cộng có 656 hãng cung cấp trang thiết bị và 1.471 toán nhân công không nhận được tiền. Số tiền « trả chậm » tính đến tháng 5/2011 là 8,25 tỷ nhân dân tệ. Các khoản tiền trái phép trên đây tương đương với gần 1,5 tỷ đô la.

Những vụ bê bối được phát hiện hàng loạt từ khi bộ trưởng bộ đường sắt Lưu Chí Quân bị cách chức hồi đầu năm 2011 với tội danh tham ô một món tiền tương đương với 100 triệu đôla.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120319-tai-trung-quoc-hang-ty-do-la-tham-nhung-trong-cong-trinh-xe-lua-cao-toc-bac-kinh-thu




Tại Trung Quốc, địa ốc ở các thành phố lớn mất giá

Tại Trung Quốc, dù các cao ốc vẫn được xây cất, nhưng giá địa ốc sụt giảm mạnh. Ảnh chụp tại một thành phố thuộc tỉnh An Huy (18/03/2012).
Tại Trung Quốc, dù các cao ốc vẫn được xây cất, nhưng giá địa ốc sụt giảm mạnh. Ảnh chụp tại một thành phố thuộc tỉnh An Huy (18/03/2012).
REUTERS/Stringer

Thanh Hà Trong tháng 2/2012, thị trường nhà đất tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc mất giá. Doanh thu của ngành bất động sản Trung Quốc giảm 20,9 % trong hai tháng đầu năm. Giới phân tích lo ngại ngành địa ốc suy sụp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn quốc.

Trong bản báo cáo được công bố ngày 18/03/2012, chính quyền Trung Quốc ghi nhận thị trường nhà đất tại gần 2/3 các thành phố lớn ở nước này giảm giá trong tháng Hai vừa qua. Tổng Cục Thống Kê Trung Quốc cho biết giá nhà đất đã giảm tại 45 trên tổng số 70 thành phố cỡ vừa và lớn. Tại 21 thành phố, giá nhà được coi là ổn định. Riêng tại 5 thành phố còn lại thì chỉ số này đã gia tăng. Đối với nhà mới xây, trong một năm qua giá đã giảm tại 27 thành phố.

Giới phân tích cho rằng, thị trường nhà đất Trung Quốc đang có khuynh hướng giảm giá. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu cho thấy, các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản, được Bắc Kinh ban hành từ năm 2010, bắt đầu đem lại hiệu quả. Các biện pháp đó gồm việc hạn chế người dân sở hữu cùng lúc nhiều nhà, hay đánh thuế nhà đất tại một số các thành phố. Cùng lúc đó, chính quyền tăng lãi suất tín dụng để giới hạn các dịch vụ mua bán bất động sản.

Nhiều nhà phân tích lo ngại thị trường bất động sản Trung Quốc có nguy cơ suy sụp, gây tác động dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế nước này, vào lúc mà dự báo tăng trưởng của năm 2012 chỉ còn vào khoảng hơn 7 % thay vì 9,2 % như năm ngoái.

Trước mắt chính quyền Trung Quốc chưa có ý định nới lỏng các biện pháp làm hạ nhiệt thị trường địa ốc. Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, thuộc văn phòng tư vấn địa ốc EC Harris của Anh, khuynh hướng bất động sản Trung Quốc giảm giá còn tiếp tục kéo dài, ít nhất là cho tới quý ba 2012 và EC Harris không chờ đợi là Bắc Kinh sẽ có những biện pháp để đảo ngược tình huống.

tags: Kinh tế - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120318-tai-trung-quoc-dia-oc-tai-cac-thanh-pho-lon-mat-gia
Phỏng vấn giáo sư Vũ Quốc Thúc về quan hệ Việt-Trung
"Giáo sư Vũ Quốc Thúc trả lời phỏng vấn

Giáo sư Vũ Quốc Thúc trả lời phỏng vấn RFI ngày 08/03/2012.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc trả lời phỏng vấn RFI ngày 08/03/2012.
Thanh Phương
Thanh Phương


RFI ngày 08/03/2012." title="Giáo sư Vũ Quốc Thúc trả lời phỏng vấn RFI ngày 08/03/2012." height="257" width="344" />Giáo sư Vũ Quốc Thúc là một nhà trí thức đã từng trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc Việt Nam. Tốt nghiệp tiến sĩ Luật và thạc sĩ đại học Kinh tế Pháp, ngoài việc giảng dạy ở đại học suốt từ những năm 1950, ông cũng đã từng giữ những chức vụ quan trọng dưới hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa: Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Cố vấn Phủ Tổng thống, Quốc vụ khanh phụ trách tái thiết và phát triển... Tên tuổi của giáo sư Vũ Quốc Thúc cũng gắn liền với Kế hoạch Hậu chiến Lilienthal-Vũ Quốc Thúc (1968).

Sang Pháp tỵ nạn từ cuối thập niên 1970 và hiện vẫn sống ở ngoại ô Paris, giáo sư Vũ Quốc Thúc, năm nay dù đã sang tuổi 92, vẫn theo dõi rất sát thời sự quốc tế và trong nước, cũng như vẫn không ngớt trăn trở về tiền đồ của dân tộc, nhất là trong bối cảnh mà hiểm họa Trung Quốc ngày càng đè nặng lên Việt Nam.

Chính mối ưu tư của một học giả yêu nước thương dân đã thúc đẩy giáo sư Vũ Quốc Thúc tham gia ký tên cùng với 35 nhà trí thức hải ngoại vào bức Thư ngỏ gởi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc. Do việc tham gia ký tên bức thư ngỏ này mà ông đã bị một số người ở hải ngoại chỉ trích, nhưng đối với giáo sư Vũ Quốc Thúc, đó là cái giá mà một nhà trí thức dấn thân sẳn sàng trả, vì sự tồn vong của đất nước.

Qua sự sắp xếp của giáo sư Nguyễn Thái Sơn ở Paris, chúng tôi đã có dịp thực hiện một cuộc phỏng vấn rất dài với giáo sư Vũ Quốc Thúc vào ngày 8/3 vừa qua tại nhà riêng của giáo sư Thái Sơn.

Tuổi đã quá cửu tuần, nhưng giáo sư Vũ Quốc Thúc vẫn còn khoẻ, thậm chí tự mình đi xe lửa và métro đến chỗ hẹn, không cần ai chở đến! Giống như vào những năm tháng còn đứng trên bục giảng đại học, càng nói, giọng của ông càng hùng hồn, khi thế của ông càng hăng say, như thể là bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân vẫn còn nguyên vẹn trong con người của bậc trưởng lão này.

Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị một phần của cuộc phỏng vấn với giáo sư Vũ Quốc Thúc, chủ yếu nói về những suy nghĩ của một nhà trí thức hải ngoại về quan hệ Việt- Trung xưa và nay:

RFI: Xin kính chào giáo sư Vũ Quốc Thúc. Trưóc hết, ông có nhận định thế nào về nguy cơ bành trướng của Trung Quốc đối với Việt Nam?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Chúng ta không thể không lo ngại trước những mưu toan bành trướng của người bạn láng giềng phương Bắc. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng trong bao nhiêu thế kỹ nay, chính quyền ở Trung Quốc luôn tìm cách bành trướng lãnh thổ về phương Nam. Vì điều kiện địa lý chính trị, Việt Nam chúng ta ngay từ đầu, khi thì là tiền đồn để người bạn phương Bắc tiến về phương Nam, nhưng cũng có lúc là cái nút chặn con đường bành trướng thế lực của họ về phương Nam.

Qua lịch sử, tôi rất lấy làm hãnh diện là tổ tiên chúng ta đã không ngần ngại chống lại những mưu toan xâm lăng của láng giềng phương Bắc, mặc dù biết rõ tương quan lực lượng vô cùng bất lợi cho chúng ta, đã khéo léo lợi dụng những ưu điểm về địa thế để luôn luôn đánh bại được họ.

Nên nhớ rằng hồi đó trên trường quốc tế, chúng ta chỉ là một nước nhỏ yếu, đâu biết trông cậy vào ai, mà phải luôn đối phó với một láng giềng mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Đọc lại lịch sử, chúng tôi thấy tổ tiên chúng ta đã khéo léo, biết lúc cương, lúc nhu, làm như là chịu cái quyền của láng giềng phương Bắc về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế không bao giờ để cho họ trực tiếp đô hộ chúng ta.

RFI: So sánh cách chính sách ngày nay của các lãnh đạo Việt Nam với cách đối phó của ông cha ta trước đây?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Mỗi thời đại, chúng ta phải dựa vào những cái gì là ước lệ chung trên trường ngoại giao. Ngày xưa, chỉ có Trung Quốc lớn mạnh và chúng ta, với một số nước nhỏ yếu khác ở vùng Nam Á. Lúc đó, chúng ta phải viện vào cái gì đễ giữ không cho Trung Quốc xâm lăng? Chúng ta đã dựa ngay vào cái văn hóa của Trung Quốc, vào cái lễ nghi của Trung Quốc, vào thể chế dựa trên nguyên tắc phong kiến của Trung Quốc.

Ngày nay, trái lại, đã có luật quốc tế và hơn nữa, chúng ta đã có một vị thế ngoại giao có thể nói là khá mạnh. Tôi nhớ là vào năm 2007, Việt Nam được bầu làm hội viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với một đa số gần như là 80-90% hội viên LHQ. Như vậy về mặt ngoại giao đã có hai thắng điểm so với ngày xưa: các công ước quốc tế và cảm tình của các nước LHQ đối với ta.

Nhưng lịch sử cũng cho ta thấy là khi một nước nào có ý đồ bành trướng thì lắm khi họ bất chấp luật lệ quốc tế, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, muốn đặt quốc tế trước sự đã rồi. Chính vì thế chúng ta bao giờ cũng phải cảnh giác. Tôi vẫn nhớ câu ngạn ngữ La Tinh “ Nếu anh muốn hòa bình thì anh phải chuẩn bị chiến tranh”. Chính vì thế phải bồi dưỡng nội lực của mình, để có thể chống lại họ nếu cần.

Tôi không phải là một nhà quân sự, nhưng tôi thấy rằng với những phương tiện hiện đại sát thương hàng loạt, chúng ta có thể bị áp đảo trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng không một cường quốc nào có thể chiếm đóng lãnh thổ một nước khác, khi mà nhân dân nước đó không cam chịu. Bởi vì khi nhân dân kết đoàn thành một khối, thì bằng cách này hay cách khác, ta có thể tiêu diệt dần dần, làm hao mòn lực lượng của kẻ chiếm đóng và rốt cuộc thì kẻ chiếm đóng phải ra đi và lắm khi phải ra đi trong tuổi nhục.

Nhưng kịch bản có thể dễ xảy ra hơn là Trung Quốc sẽ chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa? Làm cách nào để ngăn chận?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Chính vì thế mà tôi rất mừng là có sự trở lại ở Á châu, nhất là ở vùng Đông Nam Á, của đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy là Hoa Kỳ đang có tham vọng ( tham vọng đó là chính đáng, chứ không vô lý ), đó là thiết lập một trật tự mới cho toàn cầu và trong trật tự mới đó, Hoa Kỳ sẽ chú tâm đặc biệt hơn đến vùng Thái Bình Dương và cả Đông Nam Á, cho rằng đó là vùng sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai.

Cho nên, trong giai đoạn khó khăn này, tôi rất mừng là giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sự bang giao càng ngày càng thắm thiết hơn. Nhờ bang giao thân hữu với Hoa Kỳ, nhờ sự trở lại của Hoa Kỳ, nhờ ý thức quyền lợi chung là phải cộng tác với nhau để khai thác tài nguyên biển và nhất là để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải, nên tôi không e ngại chuyện Trung Quốc lấn át chúng ta.

Nhưng năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng quốc tế lúc ấy chưa rõ ràng, cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ đi, không nước nào ở Tây phương can thiệp vào Đông Nam Á nữa, đặt thế giới trước sự đã rồi, chiếm đóng Hoàng Sa. Chuyện đó rồi đây sẽ phải giải quyết bằng thương lượng và nếu cần, đưa ra trước một cơ quan quốc tế nào đó.

Ta đừng nghĩ là Trung Quốc mạnh. Nếu đem hải quân của họ chống Hải quân Hoa Kỳ thì chẳng khác gì đem một cái gì mong manh chọi với một tảng đá lớn. Tôi tin rằng những người cầm đầu ở Trung Quốc, nhất là những người chỉ huy hải quân không dại gì đi vào con đường nguy hiểm đó. Cho nên, tôi tin rằng nếu Hoa Kỳ trở lại và bắt tay với Việt Nam thì ta không ngại gì.

RFI: Phải chăng do sự ràng buộc giữa hai đảng Cộng sản, giới lãnh đạo Việt Nam bị bó tay trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Tôi cũng đã nhìn thấy từ lâu hiểm hoạ Bắc thuộc. Họ không cần chiếm đóng mình, mà họ lợi dụng chủ nghĩa Mác- Lênin, bổ túc thêm tư tưởng Mao Trạch Đông, họ viện lý do liên đới giữa các Đảng Cộng sản, để tự coi họ là Cộng sản đàn anh và Việt Nam là Cộng sản đàn em. Bất lợi cho chúng ta là vào năm 1990, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, chế độ Cộng sản Âu châu trên đường tan rã, những người cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó đã sang Thành Đô, chấp nhận khuất phục Đảng CS Trung Hoa. Tôi không rõ về chi tiết của những cam kết, nhưng tôi được biết rằng Đảng CS Việt Nam đã chấp nhận theo đúng đường lối của Đảng CS Trung Hoa

Đến bây giờ, vì sợ hãi đàn Đảng Cs đàn anh như thế cho nên giới lãnh đạo Việt Nam luôn luôn cứ ngoài mặt thì phản đối dựa trên những nguyên tắc luật lệ quốc tế, nhưng bên trong chẳng qua chỉ phản ứng lấy lệ và luôn luôn phục tùng Đảng CS Trung Quốc.

Chính vì thế mà tôi đã từng đề nghị là phải cắt đứt dây xích ràng buộc Đảng CS Việt Nam vào Đảng CS Trung Quốc. Tại sao họ lại dựa vào Đảng CS Việt Nam để nắm toàn dân Việt Nam? Là vì thể chế chung của các nước CS là Đảng CS nắm độc quyền toàn trị trên đất Việt Nam. Dân chủ chỉ là hình thức.

Đảng CS Việt Nam trước tiên phải trả lại quyền làm chủ thật sự cho nhân dân, chứ không phải chỉ thay đổi một số luật lệ. Họ có thể sửa đổi Hiến pháp, đưa ra một số luật về bầu cử, về chính đảng, nhưng sẽ chỉ là hình thức. Dân chủ phải là trong tinh thần, trong tác phong. Từ những người cầm đầu cho đến nhân dân, ai cũng phải có tinh thần dân chủ. Phải có ý chí dân chủ, thì lúc bầy giờ mới thực hiện được chế độ dân chủ thật sự.

Bây giờ không phải là thời buổi mà nhân dân xem những người cầm đầu là phụ mẫu của mình nữa. Những người cầm đầu là do dân bầu ra, đại diện cho nhân dân, được giao nhiệm vụ quản trị đất nước. Nhưng họ phải chịu trách nhiệm của họ. Nhân dân vẫn là làm chủ và làm chủ thật sự.

Mà khi tôi nói nhân dân là nói toàn thể nhân dân, không chỉ người sống ở quốc nội. Đừng quên rằng có đến 3 triệu người hiện đang sống ở hải ngoại. Họ là dân Việt Nam, thì trước hết họ có bổn phận và có quyền yêu nước. Tại sao lại có những người coi rằng yêu nước là độc quyền dành cho một phe đảng? Đừng quên rẳng chính nhờ tinh thần dân tộc, mà đất nước ta mới tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tình thần dân tộc ấy dựa trên ý chí sống chung, dựa trên ý thức trách nhiệm, dựa trên cái ký ức cả một quá trình tranh đấu qua bao thế kỹ.

Tôi cũng là một người sống ở hải ngoại, cho nên tôi vẫn coi tôi như là dân Việt. Đừng tưởng rằng tôi sống ở hải ngoại thì tôi không có cách gì để tham gia vào sinh hoạt chính trị trong nước. Không! Chúng ta sống vào một thời đại có những tiến bộ rất ngoạn mục về kỹ thuật truyền thông. Ở đâu tôi cũng vẫn theo dõi được tình hình chính trị trong nước, góp ý kiến và nếu cần, đưa những ý kiến ấy về nước để gây nên những phong trào trong nước.

RFI: Vì sao ông đã tham gia ký tên vào bức thư ngỏ của các trí thức hải ngoại gởi các lãnh đạo Việt Nam, cho dù bị chỉ trích là công nhận chế độ hiện nay?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Tranh đấu không phải lúc nào cũng bằng võ lực, mà ngày nay ta phải sử dụng những võ khí mới mà tiến bộ kỹ thuật mang lại cho chúng ta. Cũng chính vì thế mà sau khi xảy ra các cuộc cách mạng màu ở Đông Âu, tôi đã có bài phân tích liệu cách mạng nhung có thể xảy ra ở Việt Nam hay không.

Những người đối lập có thể tấn công trước hết là với lợi khí thông tin và nhất là phải đưa những ý kiến của mình về truyền bá trong nước, làm biến chuyển tâm lý của nhân dân trong nước và kể cả tâm lý của những người đang nắm quyền. Họ cũng là người Việt Nam. Dù muốn dù không, họ không thể nào gạt bỏ tinh thần dân tộc, mà trong đó lòng yêu nước là chuyện tự nhiên.

Những người ở hải ngoại có thể có những hành động đi thẳng vào tâm lý của những người trong nước, khích động tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, khiến cho họ thức tỉnh. Chính vì lý do mà tôi đã không ngần ngại ký tên vào bức thư ngỏ. Mà khi gởi bức thư ngỏ đó đi thì nhiều người nghĩ rằng đó là công nhận thế chế hiện thời với sự lãnh đạo của Đảng CS, thì tôi xin nói ngay: Ta không thể quay lưng vào thực tế. Hành động thì phải dựa trên hoàn cảnh thực tế. Nếu hành động mà cứ nhìn vào quá khứ, tưởng như là quá khứ đó vẫn còn cho đến ngày hôm nay, thì làm sao tranh đấu được?

Tôi không bao giờ phân biệt trí thức với nhân dân, mà chúng ta là những công dân giống nhau. Những người được gán cho là “trí thức” ấy, chẳng qua có thể là họ am hiểu tình hình hơn. Ở ngoại quốc này, nếu theo dõi thông tin thì có thể biết rõ tình hình thế giới, còn trái lại những người trong nước, dù có bằng cấp đến đâu đi nữa, mà không được thông tin đều đặn thì, vẫn không am hiểu tình hình thế giới, mà ngay cả tình hình trong nước cũng chưa chắc là nắm rõ. Một khi không hiểu như thế thì có đáng gọi là trí thức hay không?

Chính vì thế mà những người ở hải ngoại, dù có bằng cấp hay không bằng cấp, nhưng một khi đã am hiểu tình hình thì phải dám dấn thân. Nói rằng đi bước trước như thế có nghĩa là khuất phục Đảng CS Việt Nam, thì chẳng qua đó chỉ là đạo đức giả, để biện minh cho việc không dám dấn thân. Một khi đã hiểu rõ tình hình, thì phải ý thức cái trách nhiệm của mình, mà trách nhiệm của mình là lắm khi phải xung phong đi, phải dấn thân đi, phải nhảy xuống vũng bùn đi. Người ta còn có thể hy sinh được tính mạng, còn mình chỉ sợ những lời chỉ trích mà không dám làm, thì có phải là có lỗi với dân tộc hay không?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc
19/03/2012
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120319-phong-van-giao-su-vu-quoc-thuc-ve-quan-he-viet-trung

More

Câu chuyện Việt Nam
Thứ Tư, 21 tháng 3 2012

Phỏng vấn Giáo sư Vũ Quốc Thúc
Giáo sư Vũ Quốc Thúc, cựu Khoa Trưởng Trường Luật Sài Gòn, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Việt nam Cộng hòa, cựu Giáo sư Đại Học Paris XII, là người từng nắm nhiều chức vụ quan trọng trong nền Đệ nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam trước đây. Nay đã ngoài 90, nhiều người coi ông như một chứng nhân của lịch sử, người đã theo sát những thăng trầm của đất nước trong một giai đoạn kéo dài trên nửa thế kỷ. Trong Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này, Giáo sư Vũ Quốc Thúc chia sẻ những ưu tư của ông về hiện tình đất nước, và nguyện vọng của ông muốn đất nước duy trì độc lập và quyền tự quyết.

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc
Việt Nam sẽ giữ vị thế nào trong trật tự thế giới mới đang thành hình, khi mà Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trên sân khấu thế giới, và giữa lúc Hoa Kỳ đang tăng cường nỗ lực để xây dựng một liên minh khu vực nhằm kiềm hãm Trung Quốc qua chính sách trở lại Châu Á? Giáo sư Vũ Quốc Thúc nhận định:

“Nước Việt Nam hiện nay đang đứng vào một khúc quanh lịch sử. Nếu mà không khéo léo thì có thể dân tộc và đất nước Việt Nam một lần nữa lại lâm vào cái cảnh bị hai thế lực ngoại bang tranh giành trên đất mình và rồi bị lợi dụng người Việt Nam để mà đánh nhau để bảo vệ các quyền lợi của họ. Việt Nam đã qua cái cảnh ngộ đó trong bao nhiêu năm nay rồi, đất nước đã bị tàn phá nhiều rồi, dân tộc đã bị tang tóc đau khổ nhiều lắm rồi... Chính vì thế cho nên chúng ta phải tỉnh táo. Tôi xin thưa rằng nhìn với con mắt người Việt Nam như thế, thì tôi lo ngại vô cùng. Toàn thể công dân ở trong nước cũng như ngoài nước có trách nhiệm làm thế nào để giữ được nước Việt Nam, đừng để một lần nữa bị lâm vào cảnh chiến tranh, huynh đệ tương tàn, rồi thì đất nước bị tàn phá mà rốt cuộc chỉ có ngoại bang được lợi mà thôi.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói mặc dù Trung Quốc đang phát triển mạnh và có tham vọng trở thành một siêu cường thứ hai, Việt Nam không thể để cho cường quốc phương Bắc làm mưa làm gió như chốn không người. Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói điều quan trọng là người Việt phải làm sao làm chủ được vận mệnh của mình, đừng để đất nước rơi lại vào tình trạng bị động như trong quá khứ, để các siêu cường đưa ra quyết định trong khi người Việt Nam chi biết thi hành. Tuy nhiên các điều kiện thực tế có cho phép Việt Nam làm điều đó hay không?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: "Chúng ta không nên có mặc cảm là chúng ta yếu quá. Ta không phải là một cường quốc về quân sự, nhưng ta đủ sức để ngăn chặn không cho một ngoại bang nào chiếm đóng nước chúng ta. Họ có thể tàn phá chúng ta. Họ có thể đánh bại quân đội chúng ta, nhưng nếu họ muốn chiếm đóng đất nước chúng ta thì chắc chắn họ sẽ bị thất bại, họ sẽ giam mình vào ngõ bí và rồi họ sẽ sa lầy, rồi lực lượng của họ sẽ hao mòn dần dần. Chúng ta có một điều mà không ai có thể tiêu diệt được hết, đó là tình nghĩa dân tộc, là ý chí muốn độc lập, cái quyền tự quyết mà mình phải tha thiết bảo vệ, vậy thì bằng mọi cách, không ai có thể chiếm đóng đất nước chúng ta, biến chúng ta thành nô lệ.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói không giống như thời xưa, Việt Nam bây giờ có một số lợi khí ngoại giao trong tay, Việt Nam có thể vận động quốc tế và sát cánh với các nước lân bang để chống chủ nghĩa bành trướng.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc giải thích: "Chúng ta có thể khai thác vị trí về địa lý của chúng ta. Đất nước chúng ta là một cửa ngõ để xâm nhập vào nội địa Trung Hoa. Cái quan trọng của Việt Nam chúng ta là ở chỗ đó. Nếu Việt Nam đi với một cường quốc Tây phương, như Hoa Kỳ, để trở thành một cứ điểm hầu xâm nhập Trung Quốc thì tất nhiên sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại lắm, nhưng nếu Trung Quốc xâm nhập Việt Nam thì các nước Tây phương sẵn sàng giúp Việt Nam để lợi dụng địa thế chiến lược của Việt Nam.”

Tuy vậy, Giáo sư Vũ Quốc Thúc khuyến cáo chớ nên đi vào con đường đó, bởi vì đó có thể là một thảm họa cho Việt Nam. Ông chủ trương Việt Nam phải giữ quyền chủ động bằng cách đứng giữa các thế lực khu vực:

“Vì thế tôi đã đề nghị nếu Việt Nam bảo vệ được quy chế trung lập vĩnh viễn theo quốc tế công pháp, thì trước hết là cam kết của chúng ta không thể để cho bất cứ một ngoại bang nào dùng đất nước chúng ta làm bàn đạp để xâm lăng một nước khác.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc tin rằng giải pháp trung lập có thể mang lại cho quốc gia quyền toàn vẹn lãnh thổ mà không bên nào được xâm phạm:

“Phải bảo vệ nền trung lập pháp lý đó, và thứ hai là quyền tự do giao thương với bất cứ nước nào, trong trường hợp đó nếu một nước nào xâm lăng nước ta, ta có thể trông cậy vào sự tiếp tay của các ngoại bang để bảo vệ nền độc lập của mình, đồng thời chúng ta cam kết sẽ không đứng về một phe nào nếu xảy ra một sự xung đột trên trường quốc tế.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc đơn cử một tiền lệ là nước Áo vào năm 1945.

“Ngay từ ngày 27 tháng Tư năm 1945, nước Áo đã được công nhận là một cộng hòa liên bang độc lập có chủ quyền. Như vậy nước Áo đã được trung lập mà bây giờ nước này đóng một vai tuồng quan trọng như thế nào trên trường ngoại giao. Thế thì tại sao những gì làm được bên Áo lại không làm được ở Việt Nam?”

Tuy nhiên thực tế là Việt Nam vẫn nằm dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản ,Việt Nam, vốn có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Giới phân tích nhận định rằng hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam hiện nay hầu hết đều thân Trung Quốc, trong các điều kiện đó, nhiều người lo sợ về cái gọi là “hiểm họa Bắc thuộc mới”. Liệu hiểm họa này có thực hay không?

Giáo sư Vũ Quốc Thúc: “Hiểm họa Bắc thuộc đó vẫn có nếu chúng ta cứ nhắm mắt theo đúng cái chủ nghĩa Mác-Lênin, là nền tảng lý thuyết của cộng sản, thì người ta biết là họ đặt sự liên đới của giai cấp vô sản toàn thế giới lên trên cả các quyền lợi quốc gia, họ không công nhận sự khác biệt giữa các quốc gia, mà trái lại, họ cho rằng giai cấp vô sản toàn thế giới là một khối, phải liên đới với nhau.”

Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói trên thực tế, lý thuyết cộng sản thực ra không còn nữa và tình liên đới giữa giai cấp vô sản quốc tế cũng không còn.

Ông đơn cử một ví dụ: “Khi những ngư dân ở Quảng Ngãi đi đánh cá mà bị tàu hải giám Trung Quốc đến đánh đuổi, cướp đoạt tài sản, rồi bắt giam thì tôi xin hỏi rằng như thế là Trung Quốc đã đặt cái nghĩa liên đới cộng sản 16 chữ vàng 4 chữ tốt đó, thì họ có đặt cái nghĩa liên đới đó lên trên quyền lợi quốc gia không? Họ đã lợi dụng chủ nghĩa cộng sản, chiêu bài cộng sản để mà ru ngủ, để mà ràng buộc Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chúng ta những người dân Việt Nam phải tìm cách để bảo vệ chủ quyền của chúng ta, không ai có thể ru ngủ chúng ta, đánh lừa thế giới dựa trên chiêu bài liên đới cộng sản để mà biến chúng ta thành một quận huyện của Trung Quốc. Khi tôi đòi hỏi trung lập là tôi muốn nhắc nhở (giới lãnh đạo Việt Nam) như thế đó, phải trông cậy vào sức mạnh của mình đã, dù yếu thì yếu, nhưng chúng ta phải cố gắng để tự giải phóng.”

Là một người gắn bó với quê hương và dân tộc trong suốt đời mình, vì hoàn cảnh bị buộc phải đi sống lưu vong, Giáo sư Vũ Quốc Thúc vẫn khẳng định tư cách công dân Việt Nam của ông, và quyền được yêu nước:


“Yêu nước không phải là độc quyền của bất cứ đảng nào hết. Yêu nước là cái quyền và cũng là bổn phận của toàn thể mọi công dân, dù ở trong nước hay ở ngoại quốc cũng thế.”

Trong các điều kiện đất nước còn bị đe dọa và đứng trước nguy cơ có thể mất thêm đất thêm biển, giữa lúc cái hố chia rẽ về ý thức hệ, về chính kiến giữa các tập thể người Việt còn rất sâu, hầu như không tài nào lấp được, liệu Giáo sư Vũ Quốc Thúc có hoài nghi, có ưu tư cho tiền đồ dân tộc?

“Bản tính của tôi lạc quan, thế nên tôi tin rằng tiền đồ của nước Việt Nam nó tươi sáng lắm. Nếu mà tôi hoài nghi những người lưu vong ở hải ngoại hay là những người đang cầm quyền, những người cộng sản trong nước, thì không bao giờ tôi đưa ra những chủ trương như chủ trương trung lập, người ta sẽ cho là tôi viển vông, không tưởng, nhưng chính vì tôi tin tưởng ở tiền đồ của đất nước, tôi tin ở mệnh nước.

Và xét lại lịch sử, chúng ta đã từng bị Tàu đô hộ, chúng ta đã từng bị Pháp đô hộ, mà rồi chúng ta vẫn lấy lại được độc lập, thế cho nên tôi tin rằng tương lai của Việt Nam, do cái địa lý, cái vị trí của nó, và do ý chí của người dân Việt, chúng ta ai nấy cũng đều yêu nước, chúng ta đã chứng tỏ khả năng của chúng ta. Tôi cứ nhìn vào tầng lớp thanh niên bây giờ ở hải ngoại, nơi nào tôi thấy họ cũng xuất sắc, đầy đủ khả năng để mà cạnh tranh với lại những người ngoại quốc.

Thế thì nếu hoàn cảnh đất nước mà thuận lợi, thì tôi tin rằng không thiếu gì những người sẽ trở lại quê hương, xây dựng lại đất nước, mà ngay những người trong nước lúc đó người ta sẽ nhìn rõ hơn, để hãnh diện hơn về tương lai của dân tộc, người ta không an phận để bây giờ chỉ thụ hưởng thôi, mà trái lại người ta sẽ tìm cách để xây dựng lại đất nước, để cho Việt Nam ngày mai đây cũng sẽ phú cường, hiện đại như là các nước láng giềng ở Đông Nam Á.”

Kính thưa quý vị, ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách đến đây đã kết thúc, xin chân thành cảm tạ Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã dành cho Ban Việt ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn này. Quý vị có thể bình luận về đề tài hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video, bình luận và trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus.

Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý vị và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

No comments:

Post a Comment