Pages

Sunday, April 8, 2012

PHAN QUỲNH * VÕ VIỆT NAM

Tản Mạn Về Võ Roi Võ Gậy ViệtNam

VSNT Phan Quỳnh

Nhà võ xưa cho rằng gậy là tiền thân của các loại binh khí cầm tay cổ điển khác. Gậy vót nhọn có thể trở thành cây dáo, cây lao hay ngọn bút v.v…

Gậy còn được gọi là Roi, Hèo, Trượng, Tiên, hay Côn … và có nhiều loại dài ngắn khác nhau . Gậy dài được gọi là Gậy Bẩy hay Trung Bình Tiên, dài bẩy thước ta (khoảng 2,80 mét); gậy ngắn có tên là Gậy Ba dài ba thước ta (khoảng 1,20 mét) tiết diện tròn khoảng trên hay dưới 5cm tùy người xử dụng bằng gỗ lim, gỗ nghiến hay tre đực đặc ruột, tre bánh tẻ, hoặc bằng sắt thép.

Gậy ngắn tiết diện vuông hay chữ nhật bằng gỗ hay sắt được gọi là tay thước hay giản. (Đôi khi giản có tiết diện lục giác và có cán cầm).

Riêng roi làm bằng gỗ dẻo, bằng mây già hoặc tre đặc, to nhỏ tùy theo bàn tay người xử dụng lớn, nhỏ.

Nhiều lò võ xưa thực dụng hơn, không phân chia gậy, côn theo thước tấc như trên mà linh động căn cứ vào tầm vóc lớn nhỏ của từng người xử dụng, căn cứ vào chiều cao từng võ sinh để phân chia gậy ra nhiều loại dài ngắn với những tên khác nhau như Trường Côn, Tề Mi Côn, Trung Côn, hay Đoản Côn.

Đoản côn có chiều dài từ bả vai hay nách xuống tới đầu ngón tay người xử dụng duỗi thẳng.

Trung côn dài từ mặt đất chân đứng thẳng đến ngực người xử dụng.

Tề mi côn dài từ mặt đất đến ngang tầm mi mắt.

Trường côn dài nhất, từ mặt đất tới đầu ngón tay với thẳng của người xử dụng (được gọi là “dài một đầu một với”) .


Do đó Tề Mi Côn của người này có thể là Trung Côn của người khác.

Đánh gậy là môn võ chiến đấu và cũng là môn thể thao được hình thành rất sớm ở nước ta, và đã trở thành môn võ truyền thống.

Truyền thuyết Phủ Đổng Thiên Vương nói lên gậy đã được xử dụng nhiều và phổ biến từ hồi đầu thuở các vua Hùng dựng nước. Cậu bé đánh giặc Ân bằng ngựa sắt, roi sắt. Chưa hết, roi sắt bị gẫy, cậu bé dũng sĩ anh hùng làng Gióng đã nhổ từng khóm tre ngà làm roi quay tít hàng trăm vòng rồi quất mạnh xuống đầu giặc :

Đứa thì sứt mũi sứt tai,

Đứa thì chết nhóc vì gai tre ngà.

(Bài ca Hội Gióng)


Truyền thuyết cho biết thêm theo Thánh Gióng đi đánh giặc còn có ông Đường Ghềnh (Trung Mầu, Gia Lâm) cầm vồ đập đất, có đoàn trẻ chăn trâu Hội Xá (Gia Lâm) cầm roi, cầm khăng, có người câu cá vác cần câu đuổi giặc.

Tác giả Đào Duy Anh nghiên cứu cổ sử tại huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa phát hiện rải rác hàng trăm đền thờ Thánh Lưỡng , một nhân vật thời cuối nhà Tùy chống quân nhà Đường ở quận Cửu Chân (nay là Thanh Hóa), hàng năm nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội cúng tế tại các đền thờ Thánh Lưỡng này, ngoài những trò vui chơi khác, lễ hội luôn luôn tổ chức biểu diễn trò đánh Trận Gậy để tưởng niệm sinh hoạt thường nhật củaThánh Lưỡng thời xưa (Đào Duy Anh, HỒI KÝ ĐÀO DUY ANH – Nhớ Nghĩ Chiều Hôm, nhà xuất bản Trẻ tái bản, tpHCM 2000, trang 122).

Gậy đã gắn liền vào sinh hoạt hàng ngày của tổ tiên chúng ta . Gia đình nào trước đây cũng có cái gậy dựng ở góc nhà. Cái then cài cửa, cái cán cuốc, cán xẻng, cái mái chèo thuyền, cái bắp cầy, đòn gánh, cần câu, v.v. … lúc biến cũng dễ dàng trở thành cây gậy ngừa phòng bất trắc.

Tới dịp hội hè đình đám, đánh gậy là môn thể thao được thanh niên trai tráng trong làng đua nhau thi sức , trổ tài . Họ lập ra những phường hội để tập dượt, để giúp nhau trau dồi tài nghệ, tinh luyện về môn đánh gậy .

Tác giả Toan Ánh nói về ngày hội thi đấu trung bình tiên xưa như sau :

” Thường tại các hội quê, khi có đấu trung bình tiên dân làng đều có treo giải như giải đánh vật hoặc giải bơi thuyền hoặc như nhiều cuộc vui xuân khác vậy. Các võ sĩ dự cuộc đấu roi, vì giải thưởng thì ít, vì tinh thần thượng võ, nhất là vì danh dự của từng lò roi thì nhiều. Hai tiếng lò roi để chỉ những tay chơi trung bình tiên xuất thân ở một xã nào, hoặc ở một nhóm nào, có người huấn luyện chỉ dẫn.

“Đánh trung bình tiên, đánh tay đôi, ai đánh trúng địch thủ vào những chỗ hiểm và đánh trúng nhiều được coi là thắng.

“Trong cuộc đấu, chiếc gậy thường được bịt giẻ ở đầu để tránh sự nguy hiểm cho các đấu thủ. Đầu bịt giẻ, được nhúng vào nước vôi trắng, để một khi địch thủ nào đánh trúng đối phương sẽ có dấu vết để lại. Vết vôi ở người mỗi địch thủ giúp cho ban giám khảo xét định hơn thua. Trận đấu gồm nhiều hợp và mỗi hợp tính theo những động tác của các đối thủ”. (1)

Năm 1258, quân Nguyên lần thứ nhất sang xâm lược Đại Việt. Khi đã chiếm được Thăng Long, bọn giặc xua quân đi càn quét, cướp phá các vùng lân cận. Tới Cổ Sở (nay là Yên Sở phía tây ngoại thành Hà Nội) , giặc bị nhân dân trong vùng dùng gậy, dùng dáo đánh cho thua to . Nói về trận đánh này, sử cũ đã ghi :” Đời Nguyên Phong (Trần Thái Tông), quân Thoát Hoan vào cướp, khi đến xã Cổ Sở ngựa không tiến được , người trong xã chống phá được giặc”.

Sử cũ cũng ghi :”Năm Mậu Tuất (1298) (đời Trần Anh Tông), mùa thu tháng tám thi đấu gậy”.

Tuy sử không thuật rõ thể thức thi đấu thế nào, song cuộc thi được kể là ở triều Trần, diễn ra sau khi đất nước đã ba lần đánh thắng giặc Mông Cổ và cuộc thi đấu có ý nghĩa khuyến khích quân sĩ và nhân dân trong nước mài sắc cảnh giác, luôn luôn tập luyện sẵn sàng đứng lên chiến đấu đập tan mọi cuộc ngoại xâm.

Một sự kiện cũng liên quan đến đánh gậy đã được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chép vào năm 1323: “Ông Mặc thi đấu trượng chiếm cao khoa” .

Đánh gậy là một môn võ truyền thống của dân tộc đã được nhiều người ngưỡng mộ và tập luyện. Không những thanh niên trai tráng tập luyện mà ngay cả nữ giới cũng trau dồi kỹ thuật chiến đấu này :

Ai vô Bình Định mà coi,

Đàn bà cũng biết cầm roi đi quờn (quyền).

(Ca dao)

Hoặc

Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh

Xin mở một dấu ngoặc về truyền thuyết nguồn gốc roi Thuận Truyền thuộc xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định: Roi Thuận Truyền xa nữa không rõ ông tổ là ai, nhưng võ sư Hồ Nhu được xem như một sư tổ. Ông sinh năm 1891, cha từng là một võ quan triều Nguyễn, mẹ người Huế, cũng là con nhà võ. Chuyện xưa kể, một lần do bị bức hiếp, Hồ Nhu đã đánh trả con trai một ông Hương Kiểm trong làng. Ông Hương Kiểm xách gậy đi tìm, đòi đánh ông. Mẹ ông đã giở ngay cán cuốc đánh ngược lên một thế. Vậy là cái gậy trong tay Hương Kiểm bay vù tận ngõ. Từ đó, Hồ Nhu bắt đầu theo mẹ luyện võ. Nhưng theo võ sư Hồ Sừng, hồi bé, võ sư Hồ Nhu chưa được mẹ dạy võ. Ông phải tìm học ở nhiều ông thầy khác, như học roi của Ba Đề, học nội công của Đội Sẻ, tiếp đến học roi của Hồ Khiêm, ông còn được một tạo sĩ (đậu tiến sĩ võ) truyền dạy thêm. Khi đường roi đã cứng cáp vì kết hợp tinh hoa của nhiều thầy, thấy được, mẹ ông mới tinh truyền thêm. Đường roi càng trở nên thiên biến vạn hóa, sâu hiểm khôn lường. . . .

Tháng 11 năm Mậu Thân 1788 quân Mãn Thanh xâm chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, sau khi đăng quang tại Phú Xuân (Huế), vội kéo đại binh thần tốc đi Bắc phạt. Tới Nghệ An, nhà vua dừng lại đây vài ngày để mộ thêm quân và nhanh chóng tuyển dụng được trăm ngàn tân binh. Theo truyền thuyết vùng Thanh Nghệ, cả cánh rừng tre rộng lớn nơi đây đã được nhà vua trưng dụng để lấy tre làm binh khí, làm quân dụng cho đoàn tân binh nghĩa quân này. Điều đó nói lên gậy tre vót nhọn có lẽ là binh khí chủ yếu của đoàn tân nghĩa binh Tây Sơn, bởi với thời gian ngắn ngủi kỷ lục không dễ rèn đúc đủ binh khí bằng sắt thép trang bị cho cả nhiều ngàn quân.

Tới thế kỷ 19, võ gậy ở nước ta đã được phát huy tới trình độ cao. Một lần nữa, gậy được quy định rõ ràng : gậy dùng để tập và thi lúc này ngoài gậy tre còn xử dụng hai loại gậy nữa là sắt và gỗ. Gậy sắt theo qui định có loại dài hơn 6 thước 3 tấc ta (khoảng 1,50 mét) và nặng tới 40 cân ta (khoảng 25 kg); còn gậy gỗ dài 6 thước 5 tấc với chu vi 2 tấc 6 phân. Việc thi gậy thời này có hai môn : múa và đấu.

Múa gậy để biểu diễn tài khéo léo và sức mạnh.

Đấu gậy để thẩm định kỹ thuật chính xác, dũng mãnh và linh hoạt cần thiết cho chiến đấu.

Thể thức thi Hội thời nhà Nguyễn : ngoài các môn võ bắt buộc phải thi khác, riêng môn đấu gậy đầu thế kỷ 19 sử sách có nói rõ : “Thi đấu côn gỗ cứ một người thi đấu với hai người, người nào thắng luôn cả hai là hạng ưu; thắng một người và ngang sức (hòa) một người là hạng bình ; thắng một người và kém (thua) một người hoặc ngang sức hai người là hạng thứ ; không thắng là hạng liệt “. Rõ ràng đây là môn đấu đòi hỏi người thi phải có tài năng, sức lực, dũng cảm, và mưu trí. Đó là cuộc thi đấu gậy để đạt danh hiệu Cử Nhân Võ.

Còn đấu gậy trong thi Đình thì mức độ yêu cầu cao hơn. Một người phải đấu với năm người, thắng cả mới được là ưu; nếu chỉ thắng bốn ngang sức một hay thắng ba ngang sức hai là bình. Còn thắng hai ngang sức ba hoặc thắng một ngang sức bốn là thứ ; không thắng là liệt. Đó là cuộc thi đấu gậy để đạt danh hiệu Tiến Sĩ Võ.

Song dù thi Hội hay thi Đình, người thi đều phải qua cuộc thử sức bằng môn múa hai loại gậy gỗ và sắt. Yêu cầu múa phải nhanh, mạnh, khéo, gọn, … , gậy múa phải quay tít trên cao và bao kín quanh mình, không trống không hở.

XX

X

Chàng Lía, một dũng sĩ đất Qui Nhơn Bình Định nổi lên chống bất công của triều đình nhà Nguyễn, có tài đánh gậy rất khéo léo , tinh vi :

Đường côn trọn vẹn trăm bề,

Múa như giông tố tiếng nghe vù vù .

( Vè chàng Lía )

Khi quân Pháp nổ súng tấn công cướp thành Gia Định năm 1859, nhân dân Nam Bộ đứng lên dùng gậy tầm vông xông ra chống giặc Pháp cứu nước. Tinh thần chiến đấu ngoan cường của nghĩa quân dưới trướng chủ tướng Trương Định đã được cụ Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi trong bài ” Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc “ nổi tiếng :

Ngoài cật có một manh áo vải,

Trong tay cầm một ngọn tầm vông.

Các thế võ gậy cổ truyền với những đòn miếng lợi hại mỗi địa phương trên đất nước, mỗi lò võ xưa có những cách cầm gậy, vuốt gậy khác nhau . Có lò võ thích xử dụng gậy dài, có lò chỉ chuyên luyện gậy ngắn để xử dụng những thế xuyên lâm (đâm thẳng), bổ thượng, phạt tả, phạt hữu, dóc mía dọc (đánh từ trên xuống hay từ dưới lên), dóc mía ngang (đánh từ phải qua trái hay ngược lại), thượng công hạ kích, với những thế công thế thủ khác nhau,vân vân

Về kỹ thuật cầm gậy, cầm côn, thường dùng cả hai tay nhưng cũng có thể xử dụng một tay cho gậy ngắn, và có nhiều lối nắm cầm gậy khác nhau, ½, 2/3 hay cả vòng tròn gậy tùy theo thế võ hay đấu trường rộng hẹp khác nhau, trong ngõ hẻm, trong rừng rậm, v.v. . . Thông thường có hai lối cầm gậy dài : Nhật nguyệt áp chưởngLong trảo hộ châu .

Nhật nguyệt áp chưởng là lối cầm gậy hai tay đối nhau hai bên , tay trong tay ngoài nắm chặt gậy nằm gọn ở giữa hai lòng bàn tay.

Long trảo hộ châu là lối cầm gậy bằng mười đầu móng tay và cả hai

tay đều cùng ở một phía gậy .

Tác giả Bùi Trọng Việt trong Đặc san Trúc Lâm xuân Ất Dậu 2005

trang 107 đã mô tả chi tiết về Đấu Gậy Ngày Xuân:

Chỗ tập đánh gậy thường là một bãi cỏ trống hoặc một cái sân đất rộng để học viên nhẩy múa và đập gậy cũng như thúc gậy xuống đất. Sau một thời gian tập hết các thế đánh và đỡ cũng phải cả năm. Nhưng để trở nên một tay tài nghệ đủ tiêu chuẩn để tham dự các trận đấu còn tùy thuộc vào khả năng, sở học và kinh nghiệm của học viên. Riêng những tay gậy có đủ sức tham dự những trận thư hùng trong những dịp hội hè đình đám, hoặc dịp Tết để tranh giải quán quân với thiên hạ thì ph6i là những tay điêu luyện bậc thầy. Tuy nhiên các trận đấu cũng có giới hạn tùy theo địa phương, thí dụ : tranh giải hàng Tổng (gồm có 5, 6 làng), hàng Huyện hoặc liên Huyện, hoặc liên Tỉnh, v.v. . .

Ban Giám khảo dĩ nhiên phải là những tay gậy có nghệ thuật siêu quần thuộc loại trưởng môn, tức là các ông thầy của các “lò” huấn luyện. Người trọng tài (xưa gọi là người “cầm trịch” ) không có môn sinh tham dự trong trận đấu. Thường những trận đánh qua trọng thì họ phải mời mấy người từ những tỉnh khác tới để tránh thiên vị và tăng thêm phần long trọng.

Giải thưởng ngày xưa thường bằng hiện kim hoặc bằng khen thưởng của các quan đầu Huyện hay đầu Tỉnh, nhưng phần nhiều họ lại trọng cái danh dự quán quân hơn cả.

Tiện đây chúng tôi xin kể sơ qua một trận mà chính người viết đã được mục kích.

. . . Đấu trường là một bãi đất rộng, bên cạnh một ngôi đình, chung quanh là những cây cổ thụ và một phía là những bụi tre già. Người xem đứng nghẹt ở chung quanh, ở bên ngoài hai hàng dây trão giới hạn như hình chữ U với những hàng cột cao treo hàng chục cái đèn măng-xông (manchon), sáng như ban ngày. Phía đầu chữ U là khán đài chính nơi quan huyện đại diện cho Tỉnh cùng các vị hương lý và ban trọng tài. Mấy người “cầm trịch” thì ngồi ở hai bên; trên hai chiếc ghế khá cao gần trên hàng cây bắc giống như cái chòi.

Phía sau dẫy ghế trọng tài là một bàn hương án có bầy một cái đỉnh lớn đốt trầm, khói tỏa mùi thơm phảng phất, ngay trước hương án là một tấm giấy lớn ghi tên các toán tham dự. Sau khán đài là một chiếc quan tài, đây là món quà tặng cho một tay gậy nào xấu số mà lỡ bị đánh chết bất tử thì đã có quan huyện đại diện qua đầu Tỉnh chứng kiến rồi, phe bại trận chỉ việc đem xác chết về chôn mà không có lý do để thưa kiện (chúng tôi không hiểu những người tham dự có ký kết gì không?).

Xung quanh vòng đai là những người cầm gậy giữ trật tự và bốn người ngồi trên đòn gióng cao để làm trọng tài phụ. Bên phải khán đài treo một cái chiêng lớn và bên trái là một cái trống. Hai góc phía trước khán đài là hai cái bảng đen. Một cái ghi thể lệ các trận đấu. Một cái ghi ngày tháng, trận đấu thứ mấy và lò nào đang giữ giải, gồm : hạng nhất, hạng nhì và hạng ba. Thời gian tranh giải là 10 ngày, hôm đó là ngày thứ 8 và lò gậy Thái Bình đang giữ giải. Thể lệ là lò nào cảm thấy có thể thắng cuộc thì xin vào đấu, chớ không có bắt thăm theo vòng loại như các trò chơi thể thao bây giờ. Trong vòng hai ngày nữa là mãn cuộc, nếu không có đội nào dự tranh thì đội giữ giải cuối cùng coi như thắng cuộc.

Theo thông lệ thì sau khi người đại diện đọc thể lệ cuộc đấu thì lập tức ba hồi chiêng trộng nổi lên, tiếp theo là một tràng pháo nổ thật dài. Khi tiếng pháo dứt, thì ba tiếng trống điểm, báo hiệu giờ khởi đấu bắt đầu. Lập tức hai đấu thủ ăn mặc nai nịt gọn gàng, một người thắt ngang lưng giải lục xanh và người kia mang giải lụa đỏ. Đầu mỗi người chít một khăn ngang thắt ra sau gáy thành một giải dài tới ngang vai, trông như một tráng sĩ. Mỗi người mang một cây gậy ra sân, hai người cùng múa bài “bái Tổ” thật đẹp mắt và mỉm cười chào quan khách và khán giả, rồi cùng nhau đi một bài “trảo mã” (?) và khiêm tốn chào nhau theo thủ tục Tổ truyền. Đoạn đôi kỳ phùng địch thủ chống đốc gậy tung người ra xa nhau với những đường gậy nhanh như gió. Trước còn vờn nhau để thử tài cao thập, đồng thời tìm những điểm yếu của nhau để khai thác cho đúng lúc. Rồi lập tức trổ ra những ngón nghề để hạ nhau như : đường Xuyên sơn, tức đâm thẳng đầu gậy vào người đối phương, phạt tả, phạt hữu, bổ thượng hoặc tiền xung hậu kích.

… Tiếp theo là những đòn chí tử bằng cả sức mạnh của cây gậy giáng xuống đầu nhau với đòn Bổ thượng, tức là cầm một đầu gậy đánh thật mạnh ngay giữa đầu hoặc phía tay nào mạnh của đối phương 06 làm giảm sức mạnh của nhau.

Bên đỡ chuyển ngay thế trung bình tận đưa gậy lên đỡ đòn đập thẳng xuống đầu như trời giáng của đối phương và nhanh như chớp, người đỡ đòn xoay người qua một bên lùa cây gậy quay một đường cực mạnh ngang chân dưới để trả đũa bằng một đòn “quét chợ” từ phải qua trái, nhanh đến nỗi ta không trông thấy gậy mà chỉ nghe được tiếng gió xẹt bên tai. Bên bị đòn “quét chợ” cũng chẳng kém, nhẩy bổng người lên như con sóc chống ngay đầu gậy nghiêng về một phía để đỡ đòn. Đồng thời vuốt đốc gậy tung ngay một đường phạt ngang lưng từ trái qua phải, bên bị đánh xoay người qua phải vớ thế đinh tấn, hai tay đưa gậy ra đỡ cú đánh ngang hông. Tiếng kêu chát chúa của 2 cây gậy chạm nhau chưa dứt thì người bị đánh đã vuốt ngay đốc gậy tuốt một đòn “dóc mía” thốc ngược từ dưới lên trên làn cho người đang ở thế công phải chống gậy xuống đất ở thế nghiêng theo 45 độ hai tay giữ chắc để thủ, nếu không khéo sẽ bị đánh văng ra ngoài vòng hạn định.

… khi đang quần thảo bên nhau, bỗng nhiên họ chống gậy bay người qua một bên và có khi bay qua hẳn phía sau đối phương để đánh hững đòn hiểm nghèo, nếu sơ hở thì khó tránh né được …. (trang 108)

XX
X

Để tạm kết thúc, xin đơn cử hai bài thiệu về võ gậy cổ truyền, một bài về gậy dài, bài “Lữ Vọng Tâm Côn” và một bài về gậy ngắn, bài “Hoàng Kim Giản Pháp” được lưu truyền trong dân gian hay trong các lò võ xa xưa ở nước ta :

I/ Lữ Vọng Tâm Côn

Thượng trình thọ thế lưỡng biên khai ,

Tam tấn xà thương nhất điểm lai ,

Bảo tử kinh xa hồi tọa mã ,

Kinh châu hổ cứ trấn Trung sơn ,

Điểm thủy phong đao phi chiếc dực .

Thạch bàn Lữ Vọng tọa lý ngư , (2)

Phi khứ phi lai biên quơ thảo ,

Đàng địa phi xa luyện trung thiên .

II/ Hoàng Kim Giản Pháp

Bình thân lập thế ,

Lưỡng long thủ châu ,

Khuynh thân bái tổ ,

Thiềm thử vọng nguyệt ,

Kim giản bạt sơn ,

Tiềm tàng long hổ ,

Phượng vũ xuyên lâm ,

Phi giao đoạt ngọc ,

Mãnh sư trấn động ,

Cuồng phong tảo diệp nhất,

Cuồng phong tảo diệp nhì,

Tiềm tàng long hổ ,

Phượng vũ xuyên lâm ,

Phi giao đoạt ngọc ,

Mãnh sư trấn động ,

Cuồng phong tảo diệp ,

Tiềm tàng long hổ ,

Lão tiều quải sơn ,

Thiềm thử vọng nguyệt ,

Lão tiều quải sơn ,

Vân gia hồi giản ,

Đoạt mệnh kim giản ,

Khuynh thân bái tổ . /.

PQ

____________________________________________________

(1) Toan Ánh, Nếp cũ . Hội hè đình đám. Saigon, Sao Mai xb, 1974, trang 278.

(2) Có nơi đọc là ” Thạch bàn lưỡng vọng tọa lý ngư “.

Võ học: Vật cổ truyền Việt Nam

VẬT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

TRONG LỊCH SỬ VÀ GIAI THOẠI


VSNT Phan Quỳnh

Đấu vật là một hoạt động dùng sức không có phương tiện , dụng cụ nào ngoài tài khéo nhanh nhẹn , nghệ thuật , dẻo dai và sức lực nhằm thi thố tài năng quật ngã nhau giữa hai đối thủ gọi là Đô hay Đô Vật .

Khác với đánh võ bàn tay luôn luôn cứng, khi giao đấu các đô vật hai bàn tay mở xòe và mền mại , hầu dễ dàng cầm nắm , quăng quật . Những đô vật nổi tiếng hay bậc thầy được tôn là Trạng Vật . Tại những làng thôn có nhiều đô vật giỏi , hoặc có nơi đào tạo được nhiều đô vật , có thầy dạy hẳn hoi , gọi là Lò Vật .

Vật là một bộ môn thể thao rất được ưa chuộng trong giới nông dân ViệtNam thời xưa . Những ngày đầu của mùa Xuân thuở thanh bình hay những buổi hội hè đình đám nơi thôn dã, dân làng thường tổ chức những cuộc vui như hát quan họ, thi nấu cơm, chọi trâu, đá gà, đánh đu, kéo co, bắn nỏ, đánh gậy trung bình tiên, đấu vật, v.v… Nhất là đấu vật, mở hội ngày Xuân mà không có thi vật thì thật là thiếu thú vị của những ngày Tết. Trống vật nổi lên là có sức thu hút mọi người , già , trẻ , gái , trai , đủ mọi tầng lớp nô nức đến bao quanh đấu trường ; người ta bình luận say sưa , chê khen rành rọt từng thế , từng miếng vật , từng keo vật từng tác phong của mỗi đô .

Bộ môn vật , ngoài tính cách giải trí vui chơi , còn là một môn thể thao hữu ích, giúp thanh niên trong làng thêm cường tráng, thêm nghị lực , lòng dũng cảm , để giữ làng , giữ lúa và giữ nước. Đấu vật đã trở thành một tục lệ , một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ViệtNam. Bức tranh dân gian Du Xuân Đồ đã miêu tả sống động cảnh tượng sinh hoạt văn nghệ , thể thao của nhân dân Việt Nam xưa vào dịp đầu Xuân với lời thơ chú thích :

Thái bình mở hội xuân ,

Nô nức quyết xa gần ,

Nhạc dâng ca trong điện ,

Trò thưởng vật ngoài sân

Ca dao vùng SơnNamcó câu :

Ba năm chúa mở khoa thi

Đệ nhất thi vật , đệ nhì thi bơi,

Đệ tứ thi đánh cờ người ,

Phường Bông tứ xứ mồng Mười tháng Ba .

Ngay từ thời xa xưa, khi mới có của bộ môn này tại nước ta , vật đã được coi là một phương pháp dùng để luyện sức , đo tài , chọn người ra giúp dân giúp nước . Điều đó đã thể hiện ngay trong kỹ thuật , phong cách và lối chơi .

Theo Pierre Gourou, tác giả sách “Les Paysans Du Delta Tonkinois” tái bản tại Paris năm 1965 (1), thì tại đồng bằâng sông Hồng có nhiều làng, ví dụ làng Hà Lỗ tỉnh Bắc Ninh, có tục “đặt ruộng“, dành riêng một số Công điền của làng cho làm rẽ, cho thuê thu tô để có tiền tổ chức Hội Vật hàng năm.

Thật vậy , xưa kia ở nước ta chẳng mấy nơi không có lò vật . Có những lò vật vang lừng xứ Bắc như lò vật Guột , Tri Nhị , Gia Lương (Bắc Ninh), lò vật Đông Kỵ (Đồng Quang, Từ Sơn , Bắc Ninh) lò vật Thụy Lâm (Đông Anh, Cổ Loa) , lò làng Yên ( Yên Mẫn, Châm Khê , Võ Giàng ) lò Liễu Đôi (Nam Hà) , lò Phú Thọ , Vĩnh Phúc Yên , Nam Định, Hưng Yên ,Hải Phòng, lò vật Thường Tín, lò Thanh hóa, Nghệ An , vân vân . Hội Vật làng Sình (xã Phú Mậu , huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên) hàng năm mở hội vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch thu hút nhiều đô danh tiếng miền Trung. Lại có lò cứ 12 năm mới mở Hội Vật một lần, ví dụ lò vật Trà Lữ thuộc trấn Sơn Nam cũ, cứ đúng năm Mùi mới lại mở thi Vật, nơi tranh hùng của các đô vật bốn phương , háo hức về giật giải. Nhưng cũng có làng khi mở hội đình rángù tổ chức đấu vật vẫn không thành , theo các cụ già xưa , nếu nơi naò không phải là đất vật thì khó có thể lập nổi sân vật mà các tay đô vật giỏi cũng không đến tranh giải. Đền Lý Bát Đế , thờ tám vị vua nhà Hậu Lý (từ năm 1010 đến năm 1225) tại Đình Bảng (Bắc Ninh), có tượng hai ông Đá Rãi, hai đô vật nổi tiếng.


Các bô lão Trường Yên Ninh Bình rất tự hào về những ngày hội lớn hàng năm ở địa phương mình : Hội đền vua Đinh , Hội chùa Trường Yên , Hội Cờ Lau tập trận. Trò vui lớn nhất của những hội này là trò đấu võ, đấu vật. Những đô và những thày dậy võ họ Đinh, họ Bùi, họ Vũ cha truyền con nối, làm vẻ vang làng xóm .

Dưới đây, chúng ta thử hướng về lối vật của người nông dân ViệtNamthời xa xưa.

I/. TẬP LUYỆN.

1/. Quanh năm, xong việc đồng áng , được lúc nào rảnh rỗi, trai tráng trong làng thường rủ nhau tập dượt võ thuật hay vật, họ chỉ bào lẫn nhau, ai có miếng võ nào hay, ngón vật nào độc đáo thì lại truyền dậy cho anh em cùng tập. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, nếu trong làng có ông thày võ, họ đến tụ tập tại nhà ông thày để luyện tập thêm ; làng nào không có thì cử người đi đón thày ở lò võ , lò vật các làng lân cận về để dậy.

Trang phục khi tập luyện cũng như khi lên đài đấu của các đô vật là đóùng có mỗi một cái khố và ởû trần, không có đai đẳng gì cảø, trên đầu chít khăn đầu rìu hay chít khăn bỏ tua . Khố là một miếng vài dài được cuốn vào như một cái quần sì-líp. Khố có nhiều màu, nào đỏ, nào xanh, nâu hay vàng, hồng, tím, . . .

2/. Kỹ thuật và Nghi lễ .

Trước hết, các đô vật được tập cách luyện thể lực cho dai sứ, mạnh tay mạnh chân, cách đứng thủ thế nào cho vững chắc , cách “lồng tay tư”sao cho có ưu thế và những bộ pháp như cách di chuyển từng bước chân, khi tới, khi lui, khi bước ngang, bước xéo, xoay vòng, … Họ còn được tập luyện cách té ngã thế nào cho khỏi đập đầu xuống đất , khỏi gẫy tay, tập cách né tránh, thoát hiểm, “ cầøu vồng “, kể cả những nghi thức có tính cách tôn giáo dành riêng cho mỗi lò vật, như Múa Hoa, Xe Đài hay còn gọi là Ra Giàng, hoặc Múa Hạc v.v…


Ra Giàng , Múa Hạc hay Xe Đài là một lễ nghi thành kính của các đô vật , và còn một hình thức khởi động của đô vật có mang tính dân tộc , vừa là cách trình diễn của đô vật với khán giả, tạo một không khí hào hứng lành mạnh trước khi vào cuộc đấu thực sự. Ngoài ra Ra Giàng , hai bên vờn nhau , còn đánh đòn tâm lý , gây cho đối phương tư tưởng hoang mang , giao động với những lối Ra Giàng hùng dũng , chân đứng hình con hạc , hay đứng theo kiểu con phượng nhích chân , con dang cất cánh hoặc con công múa xòe, cổ tay uốn lượn , ngón tay múa may mền dẻo , uốn éo , giống như những nghi thức tay Ấn tay Quyết của các thầy tế , pháp sư hay phù thủy .

Có lẽ nó có nguồn gốc của lễ nghi Tế Thần sau những chiến thắng của các dân tộc Á đông thời thượng cổ bên ngọn lửa thiêng bập bùng trên thuyền chiến hay đồng nội ven ao hồ, sông biển . (Xem Luyện Võ của Phan Quỳnh) . Phải chăng có sự liên hệ nào đó giữa những hình ảnh Ra Giàng hay Múa Hạc của các đô vật vùng đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ Việt Nam mà nhịp chân tiến lên lùi xuống ba bước, bước ngang hai bước với những cảnh chim chóc , cảnh người múa (múa võ?) chạm đúc trang trí trên trống đồng Đông Sơn, hay rõ hơn trống đồng Hoàng Hạ , Ngọc Lũ hay trên thạp đồng Đào Thịnh ? Điểm đáng chú ý là động tác bàn tay những người múa trên trống đồng, thạp đồng đã được thể hiện một cách cường điệu, bàn tay xòe ra hình ba chạc to quá khổ so với người .




(Xin mở một ngoặc đơn là một số các dân tộc ở Nam Á và ở châu Á hải đảo chạy dài từ phía nam quần đảo Nam Dương đổ lên vùng đa đảo cực bắc Thái Bình Dương cũng có những nghi thức Ra Giàng giống như các đô vật vùng châu thổ sông Hồng , sông Mã : nghi thức Kanbangan của các võ sĩ Pukalam Pentjack cổ điển ở Indonesia, ở vùng hải đảo Celebes , nghi thức Nagdadasal của các đô vật Dommoq nhóm bộ lạc Tagalog vùng đảo Luzon Phi Luật Tân , nghi lễ Suat-Mon hay Wai-Pá thành kính cầu nguyện lúc thượng đài của các võ sĩ Muay-Tai Thái Lan , các võ sĩ Tỷ-Môi xa xưa ở Ai Lao hay của các đô vật Sumo ở Hokkaido Nhật Bản) .

Vật không phải chỉ cần có sức khỏe , có lực để thắng được đối phương , nó còn đòi hỏi phải có thế , có miếng , có kỹ thuật , có mánh lới , cộng với sự nhanh nhẹn , chính xác của từng đô vật. Do đó , vật có nhiều thế , nhiều miếng , có những miếng đánh trong tư thế bất ngờ , có những miếng đánh trong lúc giằng co , hoặc đánh trong tư thế nằm (nằm bò) . Dưới đây là một số đòn miếng vật thông dụng :

- : dùng hông hoặc vai làm điểm tựa để quăng ngã đối thủ.

- Ngáng (hay Cản) : dùng chân quét hay gạt, cản chân đối thủ làm mãt thăng bằng cho té ngãù.

- Đệm : dùng đầøu gối, hay bắp đùi , lót đằng sau chân đối thủ rồi dùng sức mạnh của mình gait , đẩêy, sô đối phưóng té ngửa ra.

- Vét : đang vờn nhau, nhử cho đối thủ tiến lại gần, nhanh chóng cúi người xuống, chân trái gập hạ thấõp, chân phải rút về sau duỗi thẳûng, đồng thời tay phải đưa lên ấõn mạnh vào vai trái đốùi thủ, bàn tay bắùt chặùt lãy khoeo sau chân trái đối thủ giật mạnh về phía mình.

- Bắt Để Hớt Gót : Hai đô vật đối diện sát vào nhau (mà chưa lồng tay tư) một người bất ngờ dùng hai tay bắt chặt lấy cánh tay phải đối phương . Chân phải và người lập tức xoay chếch sang phía bên phải , người cúi thấp hai chân dạng ra hai bàn chân rê mạnh và nhanh , lùi chếch về phía sau , đồng thời dùng hai tay kéo mạnh đối phương về phía mình. Khi đối phương đang mất đà hơi chúi về phía trước thì lập tức ta hạ tay trái xuống , từ phía trong dùng bàn tay phải bắt và hất mạnh cổ chân trái đối phương ra đằng sau. Thuận bên nào , làm bên ấy.

-Bốc Một Chân :

a/ Tư thế bất ngờ : Hai đô vật đứng sát và đối diện , một trong hai người bất ngờ hất hai tay của đối phương lên và người phải nhanh chóng chuồi dài ra phía sau, lúc này chân trái đặt trước , chân phải đặt ở phía sau , đầu cúi xuống , dùng vai ấn vào thân thể đối phương, đồng thời dùng hai tay bốc khoeo chân phải đối phương giật mạnh về phía mình , đối phương bị mất thăng bằng bởi hai lực nên ngã ngửa.

b/ Tư thế giằng co :Tayphải bá cổ đối phương , tay trái nắm cánh tay trên , tay phải đối phương, dầu cúi xuống dựa vào gáy phía phải đối phương, chân trái phía trước , chân phỉ phía sau. Đối phương dùng sức nay ta , ta dùng sức nay lại . Đối phương lại cố dùng sức nay ta , ta bất ngờ hạ thấp người xuống và đánh như miếng bốc một chân trong tư thế bất ngờ.

-Sườn tay trong : còn gọi là đánh đòn dọc , bất ngờ biến thế thật nhanh, luồn luồn cánh tay phải vào phía trong cánh tay trái đối phương , bàn tay phải lồng vào nách trái đối phương .Tay trái nắm vào cánh tay phải đối phương , ghì vào sát người mình . Đồng thời bước nhanh chân phải về phía trong lòng đối phương , cúi người xuống dùng hông mình hất mạnh đối phương ra phía sau cho ngã .

-Đánh Gẩy : Đang lồng tay tư , bất ngờ đổi hai tay vào phía trong cánh tay đối phương , bàn tay trái mở nay mạnh vào cổ bean phải , bàn tay phải xốc nách trái đối phương , kéo mạnh về phía mình , đồng thời nghiêng người dùng sườn trái hất mạnh , chân phải hất chân đối phương cho té ngã.

-Tay Quai : Đang lồng tay tư , bất ngờ chuyển hai tay vào phía trong hai cánh tay đối phương , tay phải luồn qua dưới nách trái đối phương, tay trái luồn qua trên vai đối phương đều ra sau long và hai bàn tay nắm chắc lấy nhau ghì chặt đối phương . Rồi bất ngờ dùng tay phải nay mạnh đối phương ra sau , cánh tay trái kéomạnh đối phương về phía mình . Đồng thời nghiêng mình dùng sườn phải đánh mạnh và châm phải hất chân đối phương cho té ngã .

- Nằm Bò (hay Hạ Thổ) : khi bị xa cớ lỡ miếng hay khi gặp đối thủ mạnh hớn, họ thường nằm sãp xuống mặt đãt, tay chân dang rộng ra, mặc cho đối thủ tha hồ đẩêy, bê, bứng, nhấõc hổng, để rồi liệu cơ hội đánh lừa đối thủ, lợi dụng lúc đối thủ sơ hở thì lập tức chồm dậy tấn công lại.

Các miếng Bốc , miếng Gồng , miếng Sườn , … , có lại có nhiều thế khác nhau : Gồng Đứng , Gồng Quỳ , Gồng Ngồi , Sườn Tay Trong , Sườn Tay Ngoài , Bốc Hai Chân , Bốc Một Chân , vân vân .(2)

Tuy nhiên , mỗi lò vật , mỗi địa phương , lại có những thế vật độc đáo , đặc biệt riêng , phong cách riêng , mạnh mẽ , ác hiểm hay uyển chuyển , bay bướm riêng , nổi tiếng trong vùng , nhất là những thế “đánh dịp nhì” . nghĩa là kỹ thuật đánh chống lại , phản lại : chống Bốc , chống Gồng ngồi , chống Mói , chống Cầu vồng , chống Sườn trong , vân vân , ví dụ xưa kia : lò Mỹ Độ (tên nôm là làng Đò thuộc tổng Mỹ Cầu , Phủ Lạng Thương, Bắc Giang) có miếng chống Vét, chống Gẫy , Lấy Bò ; lò Mai Động có miếng Giồng , miếng Mói ; lò Yên Sở có miếng Sườn miếng Móc ; lò Đồng Tâm (Vụ Bản, Nam Định) lại nổi tiếng với những ngón Móc-Chảo, Vỉa Lộn Cối , Giát Bốc , Bỏ Thuốc , Sườn Cặp Cổ , . . .

II/-. LỆ VẬT

Muốn đánh bại đối thủ trong cuộc đãu vật thì các đô vật phải theo những luật lệ sau đây :

1/. Nhấc bổng địch thủ hổng cảø hai chân lên khỏi mặt đất (“Túc Ly Địa”) được coi là thắng , hổng một chân không kể .

2/. Vật đối phương té ngã ngửa, lưng vai chạm mặùt đấõt thì thắng (“Lấm Lưng Trắng Bụng”), ngã xấõp không kể .

Vật không có hòa, phải xác định một thắng một thua (thắng tuyệt đối hay thắng điểm). Ngoài ra không được đấm đá , bãm huyệt, móc xương quai xanh , chẹn hàm , bẻ cổ , lên gối, nắm tóc, móc mắùt, cù léc, thọc cắn,…, phun nưôc miếng, văng tục, xé khố đối thủ, hay khi bị té ngã rồi không được móc chân cho đối thủ ngã theo, v.v…

Thí sinh thượng đài đấu vật không tính tuổi tác hay cân lượng.




III/. GIẢI VẬT.

Tùy theo địa phương tổ chức, vật có nhiều giải khác nhau, chia hai loại : Giải Thờ và Giải Chính.

1/. Giải Thờ (hay Giải Hàng)

Giải thờ còn được gọi là Giải Xông Sới , không có người giữ giải . Ai muốn lên vật thì ghi tên rồi bắt cặp. Ai thắng thì được làng thưởng. Tranh Giải Thờ chỉ là mở• đầu cho ngày Hội Vật, để cho những ai muốn khảo sức nhau thì lên bắt cặp, và có nhiều Giải Thờ trong một ngày. Ở giải này khi vật hai đối thủ thường không dùng hết sức, chỉ cốt phô bày nghệ thuật, vật cho đẹp, cho vui, có khi cả hai cùng té ngã cho cả làng cùng cười. Thay vì họ lừa miếng nhau thì họ lại múa may cho thật mền dẻo để người xem vui mắt.(3)

2/. Giải Chính.

Giải Chính có ba giải : giải nhất, giảøi nhì và giảøi ba. Ba giải này đều có người xin giữ . Các đô vật tứ xứ muốn phá giải nào thì xin ghi tên để vật với người giữ giải ấy. Nếu không có ai xin phá giải trong ba ngày, theo lệ làng, thì người giữ giải đương nhiên được lãnh giải mình giữ (Giải Cạn).

Trong ba Giải Chính này thì giải ba phải được phá trước rồi mới tới giải nhì, và giải nhất.

Về số đối thủ phải đấu thì lệ làng định như sau :

- Giải nhất : trong sáu ngoài năm.

- Giải nhì : trong bốn ngoài ba.

- Giải ba : trong ba ngoài hai.

“Trong sáu ngoài năm” nghĩa là ai giữ giải nhất thì phải vật thắng đủ liền sáu người mới được coi là chiếm giải, còn người phá giải thì chỉ cần vật ngã năm đối thủ kể cả người giữ giải . Nếu người giữ giải đã thắng năm keo mà bị thua keo chót thì cũng không được nhận giải . “Trong bốn ngoài ba” hay “Trong ba ngoài hai” cũng tính tương tự như thế.Giải thưởng cho đô vật có nhiều loại cho giải chính , giải hàng , lại có giải chung cuộc cho đô vật nào thắng nhiều điểm nhật trong những ngày Hội Vật

Thường thường Giải Chính do đô vật hạng nhất trong làng hay ở các làng khác đến xin giữ .

IV/. THƯỢNG ĐÀI .

Ngày Hội Vật đầu Xuân đã đến. Trống vật thúc dục làm nao nức lòng người. Già trẻ, trai gái đều bỏ mặc hết mọi công việc nhà, rủ nhau tụ tập đông đảo trưôc sân đình để dự khán. Các đô trong làng đều ghi tên dự thí. Những đô tứ xứ, ở các làng lân cận muốn xin dự thí phải mang lễ vật đến để xin cúng thần . Tùy theo lệ làng, có nơi lễ vật là đĩa sôi gấc, hay nhánh cau với vài lá trầu , hoặc bó hoa, trái cây hoa quả ø, hoặc thẻ nhang,…

Bãi cỏ phẳng rộng trước sân đình làng được dùng làm đấu trường , ở giữa được kẻ vạch một vòng tròn , đường kính khoảng 6 mét bằng vôi trắng, vòng tròn này được gọi là sới vật. Có nơi sới vật là hình vuông mỗi cạnh tám mét , có nơi sới vật được đóng dóng bằng tre chung quanh , có nơi sới vật nằm dưới đáy ao nông cạn đã tát hết nước và khơi khô trước sân đình để dân làng , khán giả đứng chung quanh bờ xem cho rõ (sân này còn được dùng để đánh cờ người) . Hai bên sới vật là hai hàng cờ đuôi nheo ngũ hành gồm năm mầu xanh, đỏ đen vàng trắng, mỗi bên năm lá cờ . Các đô vật trong thiên hạ ởû trần trùng trục, chỉ đóng mỗi một cái khố , đầu chit khăn , ngồi thành hai hàng dưôi hai dẫy cờ . Người nào cũng lực lưỡng, bắp thịt nỏ nang rắn chắc.

Hai bên tả hữu trước sới vật là hai cái trống cái (trống lớn) , có nơi chỉ dùng một trống thôi , và những hàng ghế danh dự dành cho quí vị chức sắc trong làng và hàng tổng. Hai vị đàn anh trong dân được cử đánh trống cái , gọi là “cầm chịch” , nghĩa là làm nhiệm vụ của trưởng ban Trọng tài cuộc đấu .




Giữa hai trống cái đó là bàn thờ thần , và phía dưới , trước mặt bàn thờ , được trải một chiếc chiếu cạp điều để các đô lễ thần trưôc và sau khi giao đãu. Có điều họ lễ thần không bằng cả hai tay như bình thường mà chỉ lễ lên gối xuống gối chống một tay trái thôi.

Sau khi múa Ra Giàng , hai đô vật bắt đầøu giao đấõu. Trống vật liên tục mỗi hồi là ba tiếng. Hai người cầm chịch cứ người nọ đánh ba tiếng dứt thì người kia lại đánh ba tiếng tiếp theo. Các đô vật tài hoa thường dùng các miếng vật vừa đẹp mắt mà vẫn quyết liệt , nghiêm túc và chính xác .

Ngay giữa sới vật có ba người tuần đinh, làm nhiệm vụ của trọng tài phụ . Hai trong ba người này , mỗi người cầm một lá cờ đuôi nheo nhỏ phất phẩy làm hiệu lệnh vật, người thứ ba cầm một trống lưng (trống nhỏ) để gõ nhẹ khuyến khích , thúc dục hai đô tấn công tiếp.

Keo vật càng trở nên gây cấn, tiếng trống lại mau hơn, người tuầøn đinh kề hẳn trống vào mang tai các đô để thúc , để cổ võ để nhắc nhở , hai lá cờ đuôi nheo cũng nhộn nhịp phe phẩy không ngừng để giữ trật tự, giãn các khán giả vây vòng mỗi lúc một quá chặùt.

Khán giảø reo hò , la hét khuyến khích yểm trợï tinh thần “gà nhà”, họ dán mắt vào từng miếng bốc , miếng sườn , miếng gồng của các đô , rồi reo lên khi đô nào đó hạ đối phương bằng một miếng đẹp mắt . Keo vật vào hồi quyết liệt , họ , những khán giả sát gần sới vật , nằm xoài ra đất để xem cho rõ .

Hai đối thủ nào bá cổ, nào tay nắm tay , hoặc thủ thế, giữ miếng , vờn nhau , . . . Họ ôm lưng, bá vai, ngáng chân, có lúc họ nắm tay nhau giật mạnh rồi buông ra cho té ngã. Cuộc đấu mỗi lúc một gay go, sôi động và hào hứng. Họ lừa nhau từng miếng, từng bưôc chân, từng cách di chuyển, rồi gặp cơ hội thuận tiện họ quật ngã ngửa nhau “lấm lưng trắng bụng” giữa tiếng reo hò ầm ĩ vui vẻ của mọi người …

Giải nhất vừa được phá . Kẻ chiến thắng hiên ngang kiêu hãnh lên lãnh giải . Phần thưởng đôi khi chỉ là ba vuông vải nhiễu điều, gói trà mạn sen (có những Hội Vật lớn , giải chính là một con bò hay con nghé) và một phong pháo toàn hồng được xé ra đốt ngay sau cuộc đấõu như chào mừng người vô địch thiên hạ .

Sau ba ngày tận sức, tận lực chiến đấõu trong tinh thần thượng võ , huynh đệ , các đô lại quây quần dướâi mái đình cùng nhau chè chén vui vẻ .

V/ VẬT TRONG LỊCH SỬ VÀ GIAI THOẠI




Vật cổ truyền ViệtNamđã có từ thời thượng cổ . Truyền thuyết và giai thoại về vật cũng phong phú và đa dạng .

Một truyền thống cao đẹp của vật là ngay từ thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước , các anh hùng dân tộc cứu dân giúp nước phần lớn đều là những đô vật nổi tiếng trong dân gian , được nhân dân kính trọng và thờ phụng mà ngày nay vẫn còn đền thờ : như Lý Ông Trọng (Lý Thân) được thờ ở Chèm , (ngoại ô Hà Nội), như Đô Lỗ (Cao Lỗ) , Đô Nồi (Nồi Hầu) , giúp vua Thục An Dương Vương (năm 257-207 trước Tây lịch) , ngày nay nhân dân vẫn hương khói thờ phụng tại Cổ Loa.

Theo Thần tích đền Nghè (Hải Phòng) bà Lê Chân dựng đài thi võ , luyện vật cho ba quân , chiến đấu giúp Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Tây lịch) đánh đuổi quân Đông Hán Trung quốc . Đô Dương , Đô Chinh (Nguyễn Tam Chinh) đã là những bậc thày nổi tiếng trong làng xã trước khi ra giúp Hai Bà Trưng cứu nước . Khi chết , Đô Chinh được nhân dân nhớ ơn, vinh tôn là Thần Hoàng làng làng Mai Động (ngoại thành Hà Nội), thờ phụng cho đến ngày nay và được xưng tụng là ông tổ lò vật Mai Động .

Nhân đây cũng xin nêu lên một chi tiết cần tìm hiểu thêm về Thành Hoàng làng Mai Động của các tác giả Văn Hạc trong bài “Lai Lịch Và Ý Nghĩa Hội Vật Làng Mai Động” đăng trong báo Trung Bắc Chủ Nhật , số 100 phát hành tại Hà Nội ngày 1 tháng 3 năm 1942 (trang 15 , 16) và tác giả Toan Ánh trong tác phẩm Hội Hè Đình Đám, quyển thượng xuất bản tại Saigon năm 1969 (trang 61) , các tác giả này đều cho Thành Hoàng Làng Mai Động là Bà Lê Chân , nhưng thần phả làng Mai Động và nhân dân làng này lại cho biết Thành Hoàng làng là lão đô Nguyễn Tam Chinh . (Bà Lê Chân và lão đô Nguyễn Tam Chinh đều là tướng lãnh của Hai Bà Trưng).

Thần phả làng Mai Động ghi : Nguyễn Tam Chinh vốn người Thanh Hóa , vì chán cảnh mất nước , bỏ ra bắc tới Động Mơ tức Mai Động , thấy vùng đất lạ mới dừng lại mở trường dậy học . Ông thu nhận được 30 môn đồ , có sức khỏe , có kiến thức ,truyền dậy cả văn cả võ để đợi thời cơ . Trong các môn võ thuật , ông chú ý dậy cho học trò cách thức đấu vật . Ngày ngày , trước sân trường , ông ngồi xem từng cặp luyện tập , chỉ cho họ những ngón sơ hở và truyền cho họ những miếng hiểm ác để hạ thủ đối phương . Lớp học càng ngày càng tấn tới . Khi Hai Bà Trưng hiệu triệu nhân dân nổi dậy khởi nghĩa đánh đuổi quân Tô Định , ông làm lễ tế trời đất rồi cùng học trò kéo quân lên phụ giúp Hai Bà Trưng và lập được nhiều chiến công . Già trẻ trai gái mở hội đón rước và tình nguyện xin theo Đô Chinh rất đông . Cũng từ đó môn vật được lưu truyền lại trong vùng . Hàng năm mỗi lần Tết đến , nhân dân ở nay lại tổ chức Hội Vật vào những ngày mồng 4, 5, 6 để tưởng nhớ người xưa .

Truyền thuyết cũng kể rằng khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa , nhiều đô vật Kinh Bắc (Bắc-giang, Bắc-ninh) đã cùng bà Thánh Thiên hưởng ứng nhiệt liệt và đã trở thành những tướng giỏi của Hai Bà . Thánh Thiên công chúa sau khi hy sinh đền nợ nước đã được nhân dân Ngọc Lâm (huyện Yên Dũng , Bắc Giang) thờ làm Thần Hoàng làng .

Trước khi phát động quần chúng khởi nghĩa đánh giặc Đông Ngô , Bà Triệu (năm 248) đã lên núi Nưa mở trường thi võ, đấu vật , luyện kiếm , bắn cung nỏ , huấn luyện nghĩa quân sao cho mỗi người vừa có thể lực dồi dào , vừa tinh thông các môn võ nghệ , chiến đấu chống giặc, khiến kẻ địch khiếp vía phải thốt lên :

Hoành qua đương hổ dị

Đối diện Bà vương nam !

(múa giáo chống hổ dễ , giáp mặt với vua Bà thực khó!)

Dân gian ngày nay còn truyền tụng câu ca dao nói lên sự ủng hộ của quần chúng đối với “Nhụy Kiều tướng quân” Triệu Thị Trinh và ca ngợi tài đức của bà :

Ru con con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà Triệu tướng cưỡi voi bành vàng.

Lý Bôn tức Lý Nam Đế (năm 544-5480), Triệu Quang Phục , Mai Thúc Loan tức Mai Hắc Đế (năm 722) . . . đều có sức khỏe hơn người và nổi tiếng về vật đã lãnh đạo toàn dân nổi lên chống quân Trung quốc xâm lược . Phùng Hưng giỏi vật và quật chết được cọp dữ dược nhân dân tôn là Đô Quân , vua của các đô vật , và người em ruột của ông là Phùng Hải , giỏi vật không kém anh , được nhân dân tôn là Đô Bảo , tướng của các đô vật trong thiên hạ (4)

Lò vật làng Quỳnh Đô đã nổi tiếng trong vùng ngay từ thế kỷ thứ VI , thời kỳ nhà Lương đang đô hộ Giao Châu. Tục ngữ có câu : “Lo vật Quỳnh Đô , rỏ cua Cổ điển” , Quỳnh Đô thuộc huyện Thanh Trì , tỉnh Hà Đông . Hồi còn son trẻ , lão đô Phạm Tu trước khi ra giúp vua Lý Nam Đế đánh đuổi quân nhà Lương , khai sáng nhà nước Vạn Xuân năm 544, đã từng học vật tại Quỳnh Đô . ông người làng Quang (tức làng Thanh Liệt , Thanh Trì, cùng quê hương với thày đồ cương trực Chu Van An) đã sang tập vật làng bên là Quỳnh Đô và trở thành một đô vật nổi tiếng trong vùng, nhân dân thường gọi là Đô Tu (có tài liệu ghi là Đô Hồ, vì tương truyền thần thánh đất Tây Hồ đã “ứng điềm lành” trong việc ông ra đời) (5)

Nhân dân vùng Thanh Hóa ngày nay vẫn còn truyền tụng về lò vật nổi tiếng của Dương Đình Nghệ , nơi sản xuất ra nhiều đô vật giỏi ra giúp Ngô Vương Quyền đánh đuổi quân Nam Hán (năm 939), dựng nền độc lập lâu dài cho đất nước .

Ngay khi giành được nền tự chủ lâu dài cho dân tộc , các triều đại Đinh Lê Lý Trần và tiếp theo sau nữa , trong việc tổ chức quân độ gìn giữ bờ cõi , nhà nước đều coi trọng bộ môn vật , đã thiết lập trong quân ngũ nhiều đội vật , tổ chức thường xuyên đấu vật nhằm rèn luyện thể lực , lòng dũng cảm , tuyển lựa nhân tài và giải trí trong quân sĩ .

Đội Đô vật Xuân Trường thời Trần đã góp phần tạo chiến công hiển hách thắng quân Mông Nguyên, một đoàn quân hung hãn , có lối vật Mông cổ nổi tiếng đương thời . Bà Liệt , Hoài Đức Vương , con tư sinh của Trần Thừa , em cùng cha khác mẹ của vua Trần Thái Tông , cũng đã từng là một đô vật có hạng trong đội vật nổi tiếng tại kinh đô Thăng Long .

Sử cũ chép : “ Nhâm Thìn , năm Thiên Ứng chính bình thứ I (1232) (nhà Tống , năm Thiệu Định thứ 5) . Tháng Giêng , mùa Xuân mới sắp xếp nghi lễ trong triều :

Phong cho em là Bà Liệt tước Hoài Đức Vương.

Thượng hoàng lúc còn hàn vi , có lấy một người con gái ở thôn Bà Liệt , huyện Tây Chân , khi đã có thai thì bỏ , sau sinh con trai , Thượng hoàng không nhìn nhận gì đến . Người con trai ấy lúc lớn lên , mặt mũi khôi ngô , giỏi nghề võ , sung vào đội đánh vật . Một hôm , cùng với người trong đội đánh cầu , rồi lại cùng nhau đánh vật , người kia vật người con trai ấy ngã , chẹn lấy cổ , gần tắt thở , Thượng hoàng tự nhiên quát to lên rằng : “ Nó là con ta nay ! “ Anh kia sợ , buông ra , nhân thế gọi tên là Bà Liệt . Nay có lệnh phong tước cho (6)

Trong binh đội của triều đình nhà Hậu Lê, đô vật được chia làm nhiều loại từ thấp đến cao với những cấp bậc , tên gọi khác nhau , lịch trình đấu vật hàng năm và cách thi vật tại kinh đô Thăng Long được Phan Huy Chú ghi rõ ràng trong sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí như sau :

“Hàng năm , khi Tế cờ xong , sai hai viên quan võ coi thi đánh vật (một viên quản binh thị hậu , một viên quản ngoại binh) . Trước khi thi Đô và Sứ ba keo , rồi Đô và Sứ mới cử tử đệ rat hi . Những người mới tiến cử cùng đấu với nhau , ai thắng ba keo thì cho đấu với Xa . Thắng Xa ba keo thì cho đấi với Dù . Tuy thắng Dù ba keo , cũng không được đấu với Sứ . Lực đấu với Lực thắng ba keo thì cho đấu với Xa , thắng Xa ba keo , cho đấu với Dù , thắng Dù ba keo , cho đấu với Sứ . Tuy thắng Sứ ba keo , cũng không được đấu với Đô. Nội lực sĩ đấu với Nội lực sĩ , thắng ba keo , thì cho đấu với Xa , thắng Xa ba keo , cho đấu với Dù , thắng Dù ba keo , cho đấu với Sứ , thắng Sứ ba keo , cho đấu với Đô . Người mới tiến cử đấu với Dù thắng hai keo trở lên , thì cho làm danh tướng ở Dù , đấu với Xa thắng hai keo trở lên , cho làm danh tướng ở Xa , đấu với Lực thắng hai keo trở lean , cho làm danh tướng ở Lực . Lực đấu với Dù thắng hai keo trở lên , cho làm danh tướng ở Dù , đấu với Xa thắng hai keo , cho làm danh tướng ở Xa . Nội lực sĩ đấu với Xa , thắng hai keo , cho làm danh tướng ở Xa , đấu với Dù thắng hai keo , cho làm danh tướng ở Dù . Người nào thắng Sứ hai keo , cho chức phó đề hạt ; thắng Đô hai keo , cho chức đô úy . Sứ thắng Sứ ba keo , cho đấu với Đô ; thắng Đô một keo , dẫu có thua một keo , cũng cho thăng chức . Đô mà thắng Đô , không thua keo nào , cho chức Đô úy. (chú giải : Đô , Sứ : các tay vật cao cấp ; Xa : có lẽ là quân ở các độ Tứ xa ; Dù : có lẽ là quân các độ Bả dù ; Lực : tên những đội quân, ví như Lực, Hành)” (7)

Một giai thoại về Trạng Vật dưới triều vua Lê Thánh Tông đã được Vũ Phương Đề ghi lại năm 1755 trong tác phẩm Công-Dư Tiệp-Ký như sau :

Ông Võ-Phong người làng Mộ-Trạch là em quan Thượng Võ-Hữu, nguyên người có tướng ngũ-đoản (chân tay , tai , mắt , miệng , mũi , 5 thứ đều ngắn và nhỏ , còn người thì thấp) nhưng rất giỏi về môn đấu vật . Đời vua Lê Thánh-Tông (1460-70) nhân có một hôm ông ra kinh thành Tràng-An gặp lúc vua đang ngự triều , ông thấy có viên Đô-lực sĩ vác chiếc chùy đồng đứng hầu có vẻ dương dương tự đắc ! ông bèn quay lại hỏi bạn : này bác người kia là ai ? có tài cán chi ? mà dám ngang nhiên như vậy .

Bạn đáp : Người đó là một võ sĩ sở trường về môn đánh vật , hiện thời không ai địch nổi ! như vậy cũng là một cách để tiến thân đó !

Nghe bạn kể xong ông lại hỏi rằng : nếu vậy ngày mai tôi muốn cùng y so tài cao thấp phỏng có được không ?

Bạn nghe xong vội vàng can rằng : người ta cao lớn thế kia mà bác thì bé loắt choắt như vậy ! sợ khi đối thủ lại làm trò cười cho thiên hạ đó thôi !

Ông mỉm cười đáp : điều đó xin Bác đừng ngại . Tôi đây bản lĩnh rất cao cường ! từ trước đến giờ chưa ai thắng nổi . Còn y chẳng qua chưa gặp địch thủ nên mới nổi danh , nhưng nay gặp tôi rồi Bác thử coi tôi sẽ thắng y một cách rất dễ đó ! Nói xong ông bèn viết một bản tấu xin cùng lực sĩ so tài .

Hoàng Thượng xem tấu phán rằng : lực sĩ của ta tuyển lựa trong muôn ngàn người mới được có một ! hỏi có ai hơn được nữa ? thế mà anh kia tài nghệ ra sao lại giám to gan lớn mật như vậy ? nhưng rồi Ngài cũng phê chuẩn và định ngày giờ tỉ thí để Ngài thân ngự ra coi .

Thế rồi đến hôm tỉ thí , trong lúc đôi bên còn đương vờn nhau biểu diễn , thì ông quờ ngay xuống đất lấy một ít cát nắm kín trong lòng bàn tay , thừa lúc vô tình ném thẳng vào mặt địch thủ . Lực sĩ vừa nhắm mắt lại thì nhanh như chớp , ông đã dùng miếng Xuyên Trừu , một tay thọc nách một chân đệm phía sau lưng , đẩy mạnh một cái khiến cho Lực sĩ mất đà bị nằm phơi bụng ngay trên mặt đất (Theo lệ đua vật , hễ ai bị nằm ngửa bụng mới gọi là thua , còn nằm sấp bụng thì không kể) . Thế là ông đã thắng cuộc một cách dễ dàng ! khán giả hoan hô nhiệt liệt .

Lúc ấy Hoàng-Thượng ở trên đài trông xuống thấy ông quật đổ Lực sĩ mau lẹ như vậy , Ngài cũng tấm tắc khen là một tay Thần dũng , rồi sai lột chức Đô Lực-sĩ để phong cho ông ; dần dần ông được thăng đến Cẩ-Y Thị-Vệ Úy-ty Chỉ-huy-Sứ , nổi tiếng là người chính trực siêng năng . . . . làm Trạng đô vật . . . (8)

Sử cũ cũng ghi chuyện Mạc Đăng Dung , người tạo dựng triều đại nhà Mạc (1527-1667), từng là một ngư phủ nghèo hèn , nhờ tài vật khéo léo mà nổi danh, bước tiến vào quan trường leo từ võ tướng lên đến bậc đế vương (9)

Một giai thoại nữa về vật có liên quan đến Mạc Đăng Dung được hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án trong tác phẩm Tang Thương Ngẫu Lục thế kỷ XIX ghi lại như sau :

Triều trước , ông Lê Tuấn Mậu , người làng Xuân Lội , huyện Yên Phong làm quan đến chức Đô Ngự Sử . Bấy giờ Mạc Đăng Dung do sự đánh vật mà được làm nên quan to. Ông nhiếc hắn rằng :

-Anh đừng cậy sức , ta rất có thể như thế được , nhưng không thèm làm nay thôi.

Giăng Dung tức , xin với vua cùng ông thou sức , ông hăng hái nhận lời , bôi mỡ vào mình , cài kim vào tóc và khố , vật cho Đăng Dung ngã suýt chết.

Khi Đăng Dung cướp ngôi , ông thác bệnh không ra . Y cố mời mãi , ông bảo người đỡ vực vào triều , rồi nhổ vào mặt hắn mà chết . (10)

Vào thế kỷ XVI , có một giai thoại về quan Thượng thư mê vật như sau : Thượng thư Nguyễn Doãn Khâm thời nhà Mạc ,vốn là một đô vật . Một ngày Xuân nọ đi qua làng Giao Tất (Gia Lâm Bắc Ninh) mởù hội đầu năm , thấy một đô vật đã ba ngày liền giữ giải làng . Ông dừng lại và xin vào đọ sức . Đô vật đang giữ giải giận lắm , định bụng vật ông ngã ngay tức khắc . Song chỉ một keo , ông đã làm cho đô vật ấy lấm lưng , trở tay không kịp . Anh ta liền bái phục , xin nhường lại giải cho ông . Nhưng ông không nhận . Đó là một giai thoại mà nhân dân hay truyền tụng để nói lên tinh thần thượng võ và tính khiêm tốn , thương yêu lẫn nhau giữa các đô vật (11)

Trên phần lớn các cột kèo , hoành phi , bình phong bằng gỗ quí tại đình , chùa , đền , miếu ở miền Bắc xưa các nghệ sĩ dân gian thường trang trí , chạm trổ , tạc khắc những cảnh sinh hoạt , hội hè đương thời , và đấu vật là một đề tài không thể thiếu trong những trang trí này .

Tác giả Bàng Bá Lân có bài thơ “Vô Địch” nói về đấu vật như sau :

Vô Địch

Trên sân cỏ trưôc đình, hai đấu thủ.

Hai tượng đồng – đối mặt đứng khom khom.

Bốn cánh tay dang thẳng đợi giao đòn;

Bốn chân vững như chôn liền xuống đất.

Họ lăn lẳn nhìn nhau vào tận mặt.

Bắp thịt căng, cuồn cuộn nổi như thừng.

Mắt gườm gườm như cọp dữ tranh hùng.

Cằâm chành bạnh, tay chờn vờn giữ miếng.

Bỗng như chớp, cà hai cùng chồm đến.

Nắm tay nhau giật, lắùc, vặn tơi bời..

Tùng, tùng … tùng. Trống vật giục liên hồi.

Cuộc giao đấõu đã tới màn gay cấn :

Anh “Khố Đỏ”, to con hơn chèn lấn

Ghì đối phưóng muốn nghẹt thởû rơi xương.

Nhưng “Khố Đen” luồn mau lẹ dị thường

Như lươn trạch, thoát vòng tay địch thủ.

Cuộc đấõu sức vẫn chưa phân thắng phụ,

Mọi ngón đòn ác liệt được đưa ra.

Mồ hôi nồng thoa mỡ bóng làn da.

Bỗng “Khố Đỏ” vung tay như trăn gió.

Quấn chặt cứng lấy cánh tay đối thủ,

Còn tay kia quờ rộng bắt ngang chân

“Khố Đen” vùng nhẩy vọt vượt qua tầm

Tránh thoát kịp, và tung đòn hiểm độc.

Hắn húc mạnh đầu đối phương nghe “cộp”

“Khố Đỏ” bất ngờ lộng óc, chùn chân,

Mắt hoa lên, lỏng hởû cánh tay thần

“Khố Đen” lẹ luồn nhanh vào bụng địch,

Chuyển thần lực, đội bổng trăm cân thịt

Quay một vòng và quật ngửa tênh hênh

Tiếng hò reo vang rộn cảø sân đình.

Hoan hô kẻ vừa thắng vòng chung kết . (12)

V/ KẾT

Xuân đã hết, ai nấy lại tiếp tục công việc đồng áng và hẹn gặp nhau trong những ngày Xuân năm sau.

Điểm ghi nhận nơi đây là các đô vật nông dân xưa có một tinh thần thượng võ đáng kính trọng, họ ganh đua nhau trong tài cao thấp, kẻ thắng người bại đều hảø hê vui vẻ, khâm phục nhau thật sự, không hận thù ghen ghét. Mặc dù phần thưởng các giài vật không đáng giá bao nhiêu so với công lao lặn lội từ xa xôi và sắm sửa lễ vật mang đến, họ vẫn nao nức, hăng say rủ nhau đến phá giải. Hễ nghe thấy nơi nào, làng nào mở Hội Vật nhất nhất họ cũng hẹn hòø, lặn lội rủ nhau đến dự để đua sức, để xem mặt biết tên người vô địch.

Vật cổ truyền Việt Nam có xu thế thiên về các đánh và đỡ ở thế thấp . Tuy nhiên , vật Việt Nam cũng có sử dụng các miếng ở thế đánh cao như Đội, Sườn , và nhiều miếng đánh khác đòi hỏi kỹ thuật cao , nhưng nói chung ít được dùng . Và dù ở thế , miếng nào , thấp hay cao , đều dùng tài nghệ làm cho đối phương té ngã “lấm lưng trắng bụng” . loại trừ những lối đánh ác hiểm . Điều này đã trở thành đạo lý và phong tục trong làng vật Việt Nam xưa . Nhờ vậy , tuy trong từng làng xã chưa có luật lệ đấu vật thành văn rõ ràng , nhưng từ các đô vật tới người xem trước nay đều coi những lối đánh ác hiểm là xấu , là hèn , trái với tinh thần thượng võ chân chính . Những đô vật có kỹ thuật cao , có miếng đánh sáng tạo , điêu luyện , được nhân dân quí mến, tuổi trẻ tin theo , triều đình mộ dụng vậy.

Chú thích

(1) Pierre Gourou , Les paysans du delta tonkinois , Paris, Monton et Ce Lahay , 1965 .

(2)Vật Việt Nam , Tổng cục Thể Dục Thể Thao, Ha Nội, 1974 , trang 9.

(3) Toan Ánh , Phong Tục Việt Nam , nhà XB Xuân Thu tái bản tại Los Alamitos USA , trang 230.

(4) Lý Tế Xuyên , Việt Điện U-Linh Tập , bản dịch của Lê Hữu Mục , Saigon , nhà sách Khai Trí , 1960 , trang 49 .

(5) Trần Quốc Vượng (chủ biên), Nghìn Xưa Văn Hiến, TẬP I , tái bản lần 1, Hà Nội, nhà xuất bản Hà Nội , 2000, trang 133..

(6) Quốc Sử Quán thế ky XIX , Việt Sử Thông Giám Cương Mục ,(chinh tên là “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”) Chính biên, quyển 6-8, tập V , Tổ Biên Dịch : “Ban Nghiên Cứu Văn Sử Địa “ biên dịch và chú giải, Hà Nội, nhà xuất bản Văn Sử Địa, 1958 , trang 455 .

(7) Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, tập IV Binh Chế Chí, Văn Tịch Chí, Bang Giao Chi, bảng sách dẫn, Viện Sử Học Việt Nam phiên dịch và chú giải, Đào Duy Anh hiệu đính, Hà Nội, nhà Xuất bản Sử Học, 1961, trang 34-35 .

(8) Vũ Phương Đề , Công-Dư Tiệp-Ký , quyển I, dịch giả Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, in lần thứ nhất, Saigon , Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, 1961, trang 17-19 .

(9) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 , tập III , Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch và chú thích , Hà Nội , nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội , 1993 , trang 109

(10) Phạm Đình Hổ & Nguyễn Án , Tang Thương Ngẫu Lục , dịch giả Đạm Nguyên , quyển nhất, Saigon , Bộ QGGD xuất bản , 1962 , trang 85-86.

(11)Lê Đại , Nét Đẹp Của Tinh Thần Thượng Võ, tuần báo Thể Dục Thể Thao số 7(577) , Hà Nội , thứ bẩy 12 tháng 2 năm 1976, trang 4.

(12) Bàng Bá Lân , Vào Thu, Thơ , Saigon , nhà xuất bản Ánh Sáng 1969 , trang 48 .

Chọi trâu Đồ Sơn - huyền thoại và tiểu xảo,

No comments:

Post a Comment