Pages

Thursday, April 5, 2012

VỀ ÔNG TRẦN CHÁNH THÀNH



Luật Sư Trần Chánh Thành



Đầu thập niên 1940: Cử Nhân Luật khoa, Đại học Luật khoa Hà Nội.


1945 : Chánh văn phòng, Bộ Tư Pháp (thời Thủ Tướng Trần Trọng Kim).

1946-1949: Giám Đốc Tư Pháp Liên Khu 3(thời kỳ kháng chiến chống Pháp).

1949-1951: Giám Đốc Kinh Tế Liên Khu 3 (thời kỳ kháng chiến chống
Pháp), rời bỏ chiến khu, dùng mảng nhỏ, vượt biển Sầm
SơnThanh Hóa trở về vùng quốc gia.

1952-1954: hành nghề Luật tại Sàigòn (trong văn phòng LS.Trương Đình
Dzu).
1954: tham dự phái đoàn của Bộ Quốc Phòng (thời Thủ Tướng Bửu
Lộc) sang Paris dự hội nghị.

1954-1955: Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng (thời Thủ Tướng Ngô Đình Diệm).

1955-1960: Bộ Trưởng Bộ Thông Tin, Việt Nam Cộng Hòa.
1955: Phát động Phong Trào Tố Cộng.
1955: Chủ Tịch Hội Đồng Tố Cộng (gồm các Bộ Thông Tin, Tư
Pháp, Quốc Phòng, Nội Vụ )
1955: Dân biểu trong Quốc Hội Lập Hiến,
tham dự vào Ủy Ban soạn thảo Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa.

1962- 1964: Đại sứ Việt Nam tại Tunisie.

1970: Tổng Trưởng Ngọai Giao, Việt Nam Cộng Hòa.

1975: Ông quyết định không chịu ra trình diện đầu hàng quân Cộng Sản.
Ngày 3 tháng 5 năm 1975, ông uống thuốc độc tự vận.

LUẬT KHOA SAN JOSE BLOG


* Trong những ngày cuối cùng tháng tư đen , năm 75, các ông Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Phan Huy Quát đã ở đâu, làm gì?
* L.S. Thành với bức tượng võ sĩ đạo Nhật Bản linh thiêng, kỳ bí.

Đặng Văn Nhâm

Lời tác giả .- Gương liệt sĩ đã để lại đến muôn đời:Thành mất, tướng tuẫn tiết là lẽ thường. Đáng kể như trường hợp Phan Thanh Giản, sau khi mất 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm 1867 và Nguyễn Tri Phương sau khi mất thành Hà Nội (1873). Thời đệ nhị thế chiến, 1945, sau khi nước Nhật đầu hàng, một số tướng lãnh Nhật không chịu nhục cũng noi gương võ sĩ đạo đã dùng Hara-Kiri để tuẫn tiết.

Như thế, trong cuộc thất bại năm 1975, các tướng Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng... tuẫn tiết cũng chỉ là hành động "ninh thọ tử bất ninh thọ nhục" cuả những người đã từng xông pha trận mạc, vốn sẵn có giòng máu anh hùng trong huyết quản.

Nhưng "Văn quan" không sợ chết như một võ tướng trong giây phút nước mất nhà tan mới là điều cổ kim hãn hữu và đáng cho mọi người noi gương và suy ngẫm.

Năm nay, nhân ngày 30 tháng Tư Đen cuả một phần tư thế kỷ sau, tôi không nhắc lại những cái chết đáng ca ngợi cuả các vị tướng anh hùng đã nêu tên ở trên, một phần vì năm nào, nhân dịp này, báo chí cũng đã đề cập đến, nên không còn gì mới lạ hơn nưã. Bây giờ tôi viết thêm cũng bằng thừa! Trong khi đó, tôi lại thấy, từ một phần tư thế kỷ qua chẳng ai đề cập đến một sự tuẫn tiết đầy sĩ khí hào hùng cuả một "văn quan" đã từng đóng vai khai quốc công thần cuả nền đệ nhất CH miền Nam, một nhân vật chánh trị đã khai sinh chiến dịch "Tố Cộng" khiến cho hàng trăm ngàn cán binh CS nằm vùng ở miền Nam bị điêu đứng... Hành động tuẫn tiết cuả ông ngay khi quân CSBV mới kéo vào thủ đô miền Nam, không chịu để cho quân CS áp giải vào những trại tù cải tạo , để rồi sau đó nhờ những tờ tự thú, tự kiểm để được hưởng kiếp sống thừa trong tủi nhực do kẻ thù ban cho chẳng những đã nói lên tiết tháo bất khuất cuả kẻ sĩ , mà ông còn dùng cái chết nhẹ tưạ lông hồng cuả mình để cảnh giác thế giới tự do về hiểm hoạ CS trong vùng Đông Nam Á. Đó mới chính là điều mới lạ và là một tấm gương sáng cho hậu thế mà nay tôi xin cống hiến bạn đọc... – ĐVN.

L.S. TRẦN CHÁNH THÀNH VỚI NỀN ĐỆ NHẤT C.H.

Suốt chiều dài lịch sử chống Cộng ở miền Nam, từ năm 1954 đến 1975, một khuôn mặt chính trị đã nổi bật nhất dưới thời đệ nhất CH là luật sư Trần Chánh Thành. Nhiều người còn coi ông Thành như một bậc khai quốc công thần của nhà Ngô. Đánh giá ông Thành như thế, tưởng cũng không có gì gọi là quá đáng. Ngay trong nội các đầu tiên, ra mắt quốc dân tại Sài Gòn ngày 6.7.1954, của thủ tướng Ngô Đình Diệm, người ta đã thấy ông Thành giữ chức Bộ Trưởng tại Phủ Thủ Tướng. Nên nhớ lúc đó chưa có phong trào di cư. Vì lúc này hội nghị Genève vẫn chưa đạt được thỏa hiệp trọn vẹn vấn đề phân chia Nam-Bắc cho hiệp định Genève (Accords de Genève). Nhưng lúc này tên ông Trần Chánh Thành vẫn còn nhiều xa lạ đối với quần chúng miền Nam.

Đến khi thủ tướng Ngô Đình Diệm cải tổ chánh phủ ngày 10.5.1955,ông Thành đảm nhiệm chức vụ Tổng Trưởng Thông Tin. Đây là một thời kỳ dầu sôi lửa bỏng, nhiều thử thách gay go nhất của chế độ Ngô Đình Diệm. Nhiệm vụ "Tổng Trưởng Thông Tin" lúc bấy giờ không chỉ giản dị gói tròn trong khuôn khổ của hai chữ "thông tin" hiền lành, mà thực sự là một cơ quan đầu não của chế độ đang phải chiến đấu quyết liệt, có tính cách sinh tử, bằng các phương tiện truyền thông, tâm lý... cùng một lúc trên hai trận tuyến chống CS và tiêu diệt mầm mống phá hoại của các phần tử tay sai thực dân Pháp. Đặc biệt nhất là chiến dịch truất phế Bảo Đại. Ngoài nhiệm vụ nặng nề đó, ông Thành còn phải đảm nhiệm trách vụ chủ tịch "Hội Đồng Tố Cộng" gồm các bộ Thông Tin, Tư Pháp, Quốc Phòng và Nội Vụ. Mặt khác ông Thành còn là một dân biểu trong quốc hội Lập Hiến, có chân trong Ủy Ban soạn thảo Hiến Pháp cùng với 14 dân biểu khác. Thời gian ấy TT Diệm lại đặc biệt tín nhiệm TC Thành, bàn bạc với các ông em cố vấn trao quyền lãnh đạo "Phong trào Cách Mạng QG" cho Thành, giưã lúc đảng Cần Lao Nhân Vị cuả ông Nhu chưa tiện xuất đầu lộ diện. Buổi đầu nội bộ đầu não dinh Độc Lập rất muốn tránh điều đàm tiếu: Chẳng lẽ ông anh thủ tướng, nắm trọn quyền uy quốc sự lại có bên cạnh một ông em là thủ lãnh một đảng chánh trị bề thế nưã hay sao? Lúc bấy giờ tên ông Thành đã thực sự đã trở thành một ngôi sao sáng, nổi bật trên đấu trường chánh trị miền Nam.

Bên ngoài dân chúng, ai cũng lầm tưởng, như thế chắc chắn ông Trần Chánh Thành phải được chế độ nuông chiều, và anh em Tổng Thống Diệm tin yêu, gắn bó chặt chẽ. Nhưng ở đời, có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Những chuyện tâm huyết sau đây của ông Thành đều được giữ kín như bưng. Ngoài một vài người anh em trong thân quyến, không ai biết được. Nay tôi kể ra đây chỉ cốt cho các thế hệ hậu sinh thấy rõ sự nẩy mầm tai hại của chế độ gia đình trị và tôn giáo trị dưới hai thời đệ nhất, và đệ nhị CH miền Nam VN, không kém gì sự tai hại của chế độ độc tài đảng trị của CS miền Bắc. Nên biết dưới thời Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống, tất cả anh em dòng họ nhà Thiệu và cả bên vợ của Thiệu là Nguyễn Thị Kim Anh, bất luận xa gần, đều được ban phát chức tước, ngôi cao bổng hậu, ngồi mát ăn bát vàng. Tạm kể sơ sơ, nào là: Đại sứ Ý Đại Lợi Nguyễn Văn Hiếu, Đại Sứ Đài Loan Nguyễn Văn Kiểu, Chủ Tịch Giám Sát Viện Ngô Xuân Tích, Ngô Thị Huyết (tục danh chị Sáu Huyết buôn lậu hàng quốc cấm và buôn quan bán tước của chế độ), mẹ của Hoàng Đức Nhã, bí thư kiêm cố vấn của Tổng Thống, kiêm Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi, đại tá tỉnh trưởng Hoàng Đức Ninh, tổng trưởng Thông Tin, tổng trưởng Văn Hóa Giáo Dục Ngô Khắc Tĩnh, chủ tịch Công Ty Phân Bón Hải Long Nguyễn Xuân Nguyên, anh em cột chèo với Thiệu . Thậm chí cả đến người con rể của Ngô Xuân Tích, tên "Từ Bò Viên" ( vì nhà anh này bán thịt bò vò viên, hiện đang ở khu Bolsa,HK) một đại úy Công Binh , cũng đã được Thiệu đem vào dinh Độc Lập ban cho chức "Công Cán Ủy Viên" trong nhà luôn luôn có đến ba, bốn người lính hầu ( theo lời tự khoe trước các chỗ đông người của Từ Bò Viên) v.v...và v.v...

Trong tương lai, dân tộc VN muốn thoát khỏi vòng ách nạn của các loại chế độ cai trị lạc hậu, vô nhân tính ấy, chỉ có một con đường duy nhất phải theo là thiết lập một hệ thống đảng phái chánh trị mạch lạc với công thức hoàn toàn mới mẻ, tạo cơ hội cho mọi người có tài năng, đức độ trong quần chúng, không phân biệt địa phương, tôn giáo...có môi trường tham gia gánh vác việc phục hưng đất nước.

Bây giờ trở lại chuyện Trần Chánh Thành với anh em TT Ngô Đình Diệm trong dinh Độc Lập.Để bạn đọc nắm vững vấn đề, trước hết tôi xin được tóm lược thân thế của ông, rồi đến các hoạt động chánh trị theo tiến trình thời gian. Tuy dòng dõi gia tộc là người miền Bắc, nhưng Trần Chánh Thành lại sinh trưởng ở miền Trung, học trung học ở Huế. Bởi thân phụ của ông Thành là cụ Hường Lô Tự KhanhTrần Đức, đã giữ chức vụ bí thư của Khâm Sứ Pháp ở Trung Kỳ, đồng thời làm thông ngôn bên cạnh vua Khải Định.Khi vua khải Định sang Pháp dự hội chợ đấu xảo Marseille, cụ Hường Lô Tự Khanh Trần Đức, xuất thân trường Hậu Bổ, cũng có chân trong phái đoàn tháp tùng. Thuở thiếu thời ông Thành học hành xuất sắc, đỗ cử nhân luật, rồi đỗ đầu kỳ thi tri huyện tư pháp cho cả Trung-Bắc Kỳ,và đã từng được bổ nhiệm chức chưởng lý các tòa án miền Trung, là một chức vụ đứng đầu ngành thẩm phán công tố. Thời chánh phủ Trần Trọng Kim, sau một thời gian ngắn làm chánh văn phòng bộ Tư Pháp, dưới quyền tổng trưởng Tư Pháp Trịnh Đình Thảo.Tháng 8.1945, sau khi VM cướp chính quyền , ở cương vị chủ tịch nhà nước VN dân chủ Cộng Hoà, Hồ Chí Minh đánh điện vời TC Thành ra Hà Nội. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ (12.46), ông Thành đã từng đảm nhiệm liên tiếp hai chức vụ quan trọng trong guồng máy kháng chiến: Giám Đốc Tư Pháp liên khu 3 ( 3 năm đầu), rồi Giám Đốc Kinh Tế liên khu 3 ( 2 năm sau). Sau đó ông Thành đã nại cớ bị bệnh trĩ nặng không đạp xe máy đi họp được, để xin từ chức về Nghệ An tạm trú ở nhà họ cuả Cao Xuân Vỹ (phủ Diễn Châu, LK 4). Nên biết trong thời kỳ kháng chiến, LK 3 vô cùng quan trọng, chẳng khác nào thủ đô của chánh phủ kháng chiến, lại là nguồn kinh tế chính, cung cấp huyết mạch nuôi dưỡng cơ quan đầu não (đã tập trung hết cả trong vùng rừng núi Cao- Bắc-Lạng). LK 3 gồm thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Hà Đông, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiến An, Sơn Tây, Phủ Lý, Ninh Bình, Nam Định...

Sau đó, vì không thể nào thích hợp được với chủ nghĩa CS, ông Thành đã rời bỏ chiến khu, cùng một người em thúc bá là nhà báo Mạc Kinh sau này, dùng một chiếc mảng nhỏ, vượt biển Sầm Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hóa, ải địa đầu của liên khu Tư, trốn vào vùng quốc gia. Sau hai tháng ở Hà Nội, hai anh em ông Thành bay vào Sài Gòn.Tại đây, trong thời gian đầu, ông Thành làm luật sư trong văn phòng của LS Trương Đình Dzu, rồi gặp gỡ ông Ngô Đình Nhu. Lúc bấy giờ, khoảng năm 1952, lá bài Ngô Đình Diệm đã được người Mỹ chú ý đến. Ông Ngô Đình Nhu đưa ra dự kiến xuất bản tạp chí Xã Hội, dùng làm cơ quan tuyền truyền ủng hộ cho giải pháp Ngô Đình Diệm. Đến tháng 10.1952, tạp chí Xã Hội ra mắt số đầu tiên , do ông Nhu đứng tên gíam đốc, chủ nhiệm, với sự cộng tác của hai anh em ông Thành ngay từ đầu.

Trong khoảng thời gian từ 1952 đến 1954, thỉnh thoảng ông Ngô Đình Cẩn ở Huế bay vào Sài Gòn để họp bàn. Với dáng điệu chậm chạp, lờ khờ, bị nhiều người chê là quê mùa, thất học, nhưng ông Cẩn lại ăn nói chững chạc, biện luận rành mạch, đâu ra đấy, với những ý kiến cụ thể, sâu sắc,và một nhãn quan chính trị , đối phó với CS khá bén nhậy. Cá tính và ngoại hình của ông Cẩn hoàn toàn khác hẳn ông Nhu, một con người dong dỏng cao, gương mặt đăm chiêu, khắc khổ, lúc nào cũng lầm lì . Những ai đã có dịp gần gũi ông Nhu ít nhiều đều phải nhìn nhận về chất kiêu ở ông. Có lẽ ông tự kiêu về thành tích học vấn, đã từng xuất thân từ một chủng viện nổi tiếng có truyền thống lâu đời là "École des Chartres" của Pháp. Ôâng Nhu còn là một người mang nặng thành kiến đối với các đảng phái chánh trị linh tinh, nhất là đố kỵ giới chính khách, chánh trị gia Bắc Kỳ dữ lắm. Bởi thế, người ta thấy những kẻ ham nói nhiều, hay phát biểu ý kiến nọ kia, và tỏ ra có nhận xét khá sắc bén, trước sau gì cũng đều bị ông Nhu gạt bỏ ra ngoài vòng liên hệ.

Ông Nhu chỉ thích người đối thoại cứ ngồi im đấy, chăm chú nghe ông, rồi thỉnh thoảng lựa lời, lựa dịp chen vào vài lời bàn bạc khéo léo, như kẻ đánh trống chầu, thì mau chóng chiếm được cảm tình của ông.Nói một cách chính xác, ông Nhu muốn xuất hiện trong xã hội chánh trị miền Nam như một khuôn mặt lý thuyết gia, một nhà lãnh tụ. Ông hoàn toàn không có tài hùng biện, đành rằng ông suy tư rất nhiều.

Riêng ông Thành, sở dĩ đã được ông Diệm mến mộ, tin dùng ngay từ buổi đầu, khi mới về VN nhậm chức thủ tướng, một phần vì gia thế, một phần vì ông Diệm không coi ông Thành là người Bắc, rặt nòi rau muống như LS Lê Quang Luật. Nhưng phần lớn vẫn do thành tích và khả năng của ông Thành. Ngoài những chức vụ có tính cách chuyên gia luật pháp từ thời chánh phủ Trần Trọng Kim cùng những kinh nghiệm hiểu biết phong phú về người và việc trong thời bưng biền kháng chiến, năm 1954, Thành được mời tham gia phái đoàn của bộ Quốc Phòng [ do ông Phan Huy Quát làm tổng trưởng , trong nội các của thủ tướng Bửu Lộc], sang Paris dự hội nghị với chánh quyền Pháp.

Khoảng đầu tháng 4 năm 1955, ông Thành đã khởi sự phát động "PHONG TRÀO TỐ CỘNG" trên toàn quốc, khiến cho trên 200 ngàn cán binh CS đang nằm vùng ở miền Nam vô cùng lo ngại. Lúc bấy giờ các giáo phái và một số chính đảng mệnh danh quốc gia còn đang kèn cựa tranh chấp với ông Diệm. Giữa cơn sóng gió ba đào của đất nước, con thuyền quốc gia chưa biết sẽ trôi giạt về đâu, thế mà trong bóng tối của dinh Độc Lập, sự rạn nứt giữa hai người em của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã ngấm ngầm xảy ra với kẻ đã dầy công xây dựng nền đệ nhất CH.

Sự hiềm khích vì mặc cảm và lòng đố kỵ giữa ông Nhu với ông Thành đã ngấm ngầm bùng nổ sớm lắm. Ngoại trừ cảm tình riêng cuả TT Diệm dành cho ông Thành vì sự đóng góp tích cực cuả Thành. Nhưng các ông em cố vấn lại luôn đặt vấn đề phòng ngưà, ngăn chận ảnh hưởng cuả Thành. Ngay trong khoảng thời gian đang diễn ra chiến dịch "truất phế Bảo Đại", tức khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10, năm 1955, bộ Thông Tin đã tung ra rất nhiều truyền đơn đủ loại của các đoàn thể chánh trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội ủng hộ chính phủ, cổ động quần chúng tham gia việc truất phế Bảo Đại, thì lẫn trong đám rừng truyền đơn ấy, đột nhiên người ta nhận thấy xen lẫn những tấm truyền đơn với giọng điệu rất khác lạ, tuồng như muốn ngầm ám chỉ Trần Chánh Thành là Cộng Sản!

Dĩ nhiên trong quần chúng không mấy ai để ý đến chuyện tuế toái đó làm gì. Nhưng một vài người trong cuộc, hoặc có liên hệ xa gần với các hoạt động hậu trường chánh trị trong dinh Độc Lập không khỏi sinh nghi và thắc mắc. Một hôm, rất tình cờ, một người anh em trong thân tộc của ông Thành (và cũng là người có nhiều công đóng góp với ông Nhu ngay từ trước ngày Ngô Chí Sĩ về nước chấp chánh, và từng soạn nhiều bài cho TT Diệm.Sau đấy nên vốn đã có cái ưu thế ra vào bàn giấy riêng cuả BS Tuyến) vui chân bước vào văn phòng sở Nghiên Cứu Chánh Trị, đang tạm thời đặt trên lầu nhà sách "Lượm Lúa Vàng" của cha Thục, ở đường Trần Hưng Đạo (Boulevard Galliéni). Lúc đó người em thúc bá của ông Thành đã bất chợt bắt gặp những tấm truyền đơn khác lạ kia đang nằm chất đống trong ngăn kéo. Biết rõ ràng như thế rồi, anh mới đem hỏi BS Tuyến. Ông Tuyến hoảng hốt phân trần là "bọn đàn em làm bậy quá!". Phần ông bận bịu trăm thứ, đâu còn thì giờ nào mà để mắt đến những chuyện mờ ám linh tinh như thế. Cuối cùng ông Tuyến còn thố lộ thêm: "Mình đã mắng bọn chúng nó dữ lắm rồi! Thôi anh hãy bỏ qua , và giữ kín đừng kể lại cho anh Thành biết làm gì!" Ngoài ra, ông Tuyến còn buộc phải hứa giữ kín tuyệt đối chuyện đó, không kể cho ai biết.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi qua dưới gầm cầu. Hằng ngày, trong dinh Độc Lập, ông Thành vẫn tiếp tục làm việc gần gũi với TT Diệm và vẫn rất được ông Diệm tin dùng; trong khi ông Nhu vẫn giữ một thái độ hoài nghi, kín đáo đối phó.

Đến khoảng giữa năm 1957, một đột biến quan trọng khác đã xảy ra là âm mưu ám sát ông Thành do "Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung", lãnh mạng của ông Cẩn, vào Sài Gòn thi hành. Đến mức này, mọi âm mưu ngấm ngầm của hai người em ông Diệm nhằm chống phá ông Thành đã được che đậy từ năm 1955 đến nay mới được báo tri cho ông Thành biết. Trước tình thế khẩn trương như vậy, bắt buộc ông Trần Chánh Thành phải tường trình cặn kẽ cho ông Diệm.

Sau khi đã nghe ông Thành kể hết đầu đuôi, lập tức ông Diệm đùng đùng nổi cơn thịnh nộ, nhưng vẫn không dám la rầy, sửa sai hai người em, mà lại trút hết trách nhiệm lên đầu bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ông ra lịnh gọi ông Tuyến vào, hạch hỏi, quát tháo và mắng nhiếc thậm tệ, rồi lại còn thuận tay xô hết giấy má trên bàn cho bay tung tóe xuống đất. Trước tai bay vạ gió xảy đến bất ngờ như thế, ông Tuyến chẳng còn biết nói gì hơn là đứng im chịu trận!

Sau đó, chắc ông Diệm đã nói chuyện riêng với hai ông Nhu, Cẩn gì đó, nên vấn đề rạn nứt sâu xa, đến mức đối nghịch trầm trọng này đã được dinh Độc Lập tạm thời cho "đông lạnh", để ông Thành vẫn tiếp tục phục vụ chế độ, và kề cận ông Diệm mãi cho đến năm 1960, sau vụ đảo chánh hụt của đại tá Nguyễn Chánh Thi...

Đến đây, thiết tưởng tôi cũng nên nói qua về nguyên nhân đã nảy sinh lòng nghi kỵ, hờn ghen giữa hai ông Nhu, Cẩn đối với ông Thành, là một trong số vài tổng trưởng đã được tổng thống Diệm hết lòng tin yêu. Lúc đó ông Thành là người đã phát động "phong trào Tố Cộng" như một quốc sách, diễn ra rầm rộ trên cả nước. Thoạt tiên thành quả rất tốt đẹp. Vì người điều khiển chiến dịch đã nhắm đúng đối tượng để triệt hạ như những tay thợ săn dã thú thiện nghệ trong rừng, nhắm đúng con mồi, bắn bách phát bách trúng.

Nếu đường lối ấy cứ thế mà tiến triển, chắc miền Nam sẽ mau chóngquét sạch được bọn cán bộ CS nằm vùng. Nhưng không ngờ chẳng bao lâu sau, "phong trào Tố Cộng" lần hồi biến dạng thành một con dao hai lưỡi, hết sức nguy hiểm về nhiều mặt. Theo tôi tìm hiểu, lúc đó đã có rất nhiều nguyên nhân khiến "phong trào Tố Cộng" của ông Thành bị biến chất. Nhưng cho dễ hiểu, tôi xin tóm gọn trong vài nguyên nhân chính như sau: Phản ứng mạnh mẽ và hành động phá hoại chiến dịch "Tố Cộng" của bọn cán bộ CS nằm vùng thuộc đủ mọi thành phần, khắp nơi trên toàn quốc.Trong số, đáng kể nhất là đám cán bộ CS đội lốt tu sĩ Thiên Chúa Giáo – đặc biệt là một số linh mục di cư - lúc bấy giờ đang được anh em nhà họ Ngô rất mực trọng vọng, coi như thành phần nòng cốt quan yếu của chế độ. Cộng thêm vào đó là đầu óc thiển cận, và tinh thần nhu nhược, hèn yếu của đám chính khách quốc gia sôi thịt.

Tập đoàn cán bộ CS nằm vùng ở miền Nam [gồm cả một đạo quân đông đảo đến gần 200 ngàn người không tập kết ra Bắc theo tinh thần hiệp định Genève năm 1954] đứng trước nguy cơ bị Trần Chánh Thành lật mặt nạ đã lập tức áp dụng chiến thuật "gậy ông đậïp lưng ông", hay còn gọi là "mượn dao giết người". Bọn cán bộ CS nằm vùng trong Nam mau chóng sốt sắng tiếp tay với các chính quyền địa phương trong công tác "Tố Cộng", làm như thể chúng coi CS như kẻ tử thù, bất cộng đái thiên. Đồng thời đám cán bộ ấy cũng áp dụng chiến thuật hỏa mù, "chụp mũ CS" bừa bãi, lung tung, lên đầu lên cổ cho cả những người cán bộ quốc gia chân chính, và những kẻ nào mà chúng liệt vào thành phần nguy hiểm đối với cách mạng. Như thế, tất nhiên đường lối "Tố Cộng" của chánh phủ trở nên hỗn loạn ngay, tinh thần quần chúng bắt đầu giao động hoang mang, Quốc / Cộng, chân / giả khó phân. Hiệu năng "Tố Cộng" bị sa sút.

Mặt khác, bọn cán bộ cao cấp CS khoác áo tu sĩ Thiên Chúa giáo di cư bắt đầu sử dụng chiếc dù tôn giáo để bảo vệ cho các "đồng chí" nằm vùng, bằng cách mở rộng cửa, đón nhận những kẻ ngoại đạo "tân tòng". Đọc đến đây, tôi tin chắc, bạn đọc không còn thắc mắc nữa khi nhớ lại dưới thời kỳ gia đình trị và tôn giáo trị của TT Ngô Đình Diệm, song song với "phong trào Tố Cộng" từng đợt sóng tín đồ TCG tân tòng đã bỗng nhiên dâng lên cuồn cuộn làn sóng vỡ bờ khắp nơi trên toàn lãnh thổ miền Nam. Nói có sách , mách có chứng, nơi đây tôi xin đơn cử một trường hợp điển hình của phong trào "cán bộ CS nằm vùng cải đạo theo TCG " để khỏi bị sa lưới của "phong trào Tố Cộng" do ông Trần Chánh Thành đặt ra.

CÁN BỘ C.S. NẰM VÙNG CẢI ĐẠO TÂN TÒNG!

Ngoài miền Trung, tiện nội có một gia đình thân tộc cư ngụ ở đường Lê Thánh Tôn (ấp Bình Nhạn, xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) , nên thỉnh thoảng vợ chồng tôi hay ra đó chơi. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều ở lại lâu ngày, có khi hàng tuần lễ mới trở về Sài

Gòn. Trước mặt nhà này là gia đình của một người tên Hùng lấy vợ Huế. Lúc bấy giờ anh ta mới khoảng 38 hay 40 tuổi gì đó.

Theo sự tìm hiểu của tôi, trước hiệp định Genève 54, vùng này thuộc VC kiểm soát (thuộc liên khu 5, sau đổi tên là Miền Nam Trung Bộ, do Nguyễn Duy Trinh, bí thư Liên Khu Ủy kiêm chủ tịch Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh, chỉ huy). Trong thời kỳ đó, tên Hùng đã là đảng viên CS và đã từng giữ chức Trung Đội Trưởng Dân Quân Du Kích Xã tại địa phương.

Sau khi phân chia đất nước, vùng này thuộc quyền chánh phủ quốc gia kiểm soát. Chiến dịch "Tố Cộng" được ông Trần Chánh Thành, Tổng Trưởng Thông Tin, kiêm chủ tịch "Hội Đồng Liên Bộ Tố Cộng" phát động mạnh mẽ kể từ ngày 11.4.1955. Tôi còn nhớ trong thời điểm này, tỉnh trưởng Phú Yên là Lương Duy Ủy, sau đã bị giết trong vụ Mậu Thân, tại Nha Trang.

Khi cao trào "Tố Cộng" trở nên quyết liệt, tên Hùng sợ bị sa lưới, nên đã tìm cách "chui sâu" vào vỏ bọc an toàn "con chiên Thiên Chúa Giáo". Với cái mác "con chiên TCG" thời TT Ngô Đình Diệm cũng được liệt vào hàng "công dân ưu đãi" con cưng của chế độ. Nhất là khi con chiên đó lại được một ông cha di cư nào che chở thì chẳng có kẻ nào dám đụng đến một cọng lông chân. Nếu trong đời có kẻ nào dại dột đụng đến con chiên, dù tân tòng cũng thế, lập tức các cha cố ra mặt can thiệp ngay. Nhờ thế vợ chồng tên Hùng đã được yên ổn làm ăn, và ba đứa con nhỏ, xem ra cũng no đủ, phủ phê... Lần hồi gia đình tên Hùng trở nên khágiả, nhà cửa sửa sang tươm tất. Trong nhà, cán bộ CS Hùng mở ra hai lớp học, từ lớp Năm đến lớp Tư , cho trẻ con quanh vùng. Còn người vợ thì làm bánh chưng, bánh tét, để bán lẻ và bỏ mối...

Trong thời gian làm báo ở quê nhà, tôi đã lặn lội đi nhiều nơi, nhất là miền Trung, nên đã thấy tận mắt và biết rõ ràng nhiều trường hợp cán bộ CS đã được các linh mục bao che, cho cải đạo tân tòng, để được ưu đãi. Có lần tôi đã đặt thẳng vấn đề này với linh mục Tô Đình Sơn, gốc người Qui Nhơn, khoảng năm 1967, ông được bổ đến Tuy Hòa. Đến năm 1970-1971, ông đổi về Qui Nhơn, vì nơi đây là địa phận do Giám Mục Trần Kim Điền (?) cai quản...LM Tô Đình Sơn đã giải thích ngon ơ, làm như thể lúc đó miền Nam không hề xảy ra chiến tranh với CS: "Nước Chúa luôn luôn mở rộng cho mọi người, không phân biệt một ai. Dù cho là đảng viên CS thực sự chăng nữa, tình thương của Chúa cũng có thể cảm hóa được. Tệ lắm thì kể bỏ đời này. Nhưng đời sau chắc sẽ tốt!"

Như thế, ngay từ khi khởi đầu nền đệ nhất CH, tôi đã thấy chính sách "Chống Cộng" của chính phủ Ngô Đình Diệm chỉ là một trò "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" vô cùng tai hại. Một đàng vì nghĩa vụ ông Thành chủ trương diệt Cộng.Nhưng ngược lại, một số cha cố rất thân cận, rất được tín nhiệm của anh em TT Diệm lại ra mặt công khai bao che, tàng nặc cán bộ CS nằm vùng. Sự đối nghịch quyết liệt, có tính cách sinh tử , đã hiện ra quá rõ rệt trên đấu trường chính trị miền Nam. Từ đó, tôi nhận ra vị thế cô đơn, cực kỳ nguy hiểm của ông Thành, và cảm thấy ái ngại cho ông.

Cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến. Có lẽ nhóm cha cố di cư muốn sớm triệt hạ người chủ xướng "phong trào Tố Cộng", nên đã ra tay xúi dục, tung tin phao đồn ông Thành là cán bộ CS cao cấp mai phục trong chánh quyền, để gây mối nghi kỵ trong lòng anh em TT Ngô Đình Diệm, mượn tay anh em nhà họ Ngô loại bỏ ông Trần Chánh Thành. Đòn ly gián này của bọn CS nằm vùng đã tỏ ra vô cùng thâm độc, khêu gợi đúng đầu mối của sự nghi ngờ là tiền tích sống trong kháng chiến 7 năm với CS ở LK 3 , miền Bắc của ông Thành.

Như mọi người đều biết, hành động tung tin đồn thất thiệt vốn là ngón sở trường của người CS . Tục ngữ đã nói "tin đồn đến tai người khôn là hết! "Nhưng ngược lại, nếu tin đồn đến tai kẻ ngu, thì chẳng khác nào ngọn lửa rừng gặp được gió to, chẳng mấy chốc mà lan ra khắp nơi, mọi chốn, gây nên tai họa vô lường. Bởi khi thiên hạ nghe tin đồn, dù là nhảm nhí, vẫn cứ ghim ngay vào trong bụng, không cần vội kiểm chứng để rõ trắng / đen làm gì. Có lắm chuyện thuộc loại tin đồn, đến mãi về sau người nghe mới có cơ hội khám phá ra được sự thật, thì mọi việc đã quá muộn rồi.Vô phương cứu vãn!Bởi thế, lịch sử nhân loại, tự ngàn xưa, đã chứng minh: Tin đồn vốn là một thứ võ khí giết người mà không cần động thủ, là một đạo quân không cần đánh mà thắng! Trong phạm vi tuyên truyền và chiến tranh tâm lý, người khéo tung tin đồn ví chẳng khác nào nhà ảo thuật tài tình, có thể biến một bó hoa đủ màu xinh đẹp thành một bó dao găm, hay một một con chim bồ câu hiền lành, dễ thương, biến thành một con mãng xà nguy hiểm, khiến người xem bị mê mẩn tâm thần, lầm lạc tức thì ngay trong giây lát đó.

Vậy, hành động của ông Nhu, sai sở Mật Vụ tung truyền đơn ngầm tố cáo ông Trần Chánh Thành là CS năm 1955, với việc ông Cẩn sai Đoàn Công tác Đặc Biệt Miền Trung vào Sài Gòn ám sát ông Trần Chánh Thành, theo tôi nghĩ , chẳng qua đều do bàn tay ám hại người quốc gia của bọn cán bộ CS nằm vùng mà thôi!

Tuy nhiên, ông Thành hãy còn may mắn, vẫn được TT Diệm tiếp tục tin dùng. Đến năm 1962, ông Thành đã được ông Diệm bổ nhiệm đi làm đại sứ VNCH tại Tunisie, một nước Bắc Phi, cựu thuộc địa Pháp. Trong suốt giai đoạn nhiễu nhương của đất nước, dưới thời các tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh..., ông Trần Chánh Thành đã lui về ở ẩn. Mãi đến năm 1970, người ta mới thấy ông Thành xuất hiện trở lại chính trường. Ông đứng trong liên danh "Bạch Tượng" (Cần Lao) tranh cử vào Thượng Viện và giữ chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao...

CHUYỆN KHÔNG TIN VẪN PHẢI TIN!

Đây là một chuyện "bí mật hậu trường" khác của ông Thành. Nhưng chuyện này lại chẳng dính dáng gì đến việc quốc gia đại sự hay chánh trị. Chuyện này phải nói là kỳ bí, đến mức gần như hoang đường, hoàn toàn có tính cách riêng tư trong phạm vi gia đình. Người ngoài và ngay cả giới thân hữu của ông Thành cũng không mấy người được biết.

Từ thuở làm người, tôi vốn là một kẻ thuộc loại "vô sư vô sách, quỉ thần bất trách, quỉ thần tri". Tôi không bao giờ biết sợ ma quái, hay tin những chuyện có tính cách dị đoan, hoang đường. Nhưng trước chuyện kỳ bí này đã xảy ra trong gia đình ông Thành, khởi từ một truyền thuyết đượm đầy tính chất thần thoại khó tin (1957), rồi lần hồi đến 18 năm sau bỗng nhiên biến thành hiện thực (1975)!

Vì tính cách huyền bí kỳ diệu nhưng vẫn gắn liền với thời cuộc ấy của câu chuyện, nên tôi mạn phép kể vào đây để bạn đọc tường lãm.

Như đoạn trên tôi đã kể, năm 1957, ông Thành đã may mắn nhờ anh em thông báo cho khám phá kịp thời âm mưu ám hại của "Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung" của ông Cẩn. Cũng trong năm này, chắc phải do một ma lực thiêng liêng nào đó đưa đẩy đã khiến ông Thành được một người sành điệu trong giới sưu tầm đồ cổ ở Sài Gòn giới thiệu một pho tượng bán thân, tạc bằng đá màu xanh lam, rất mỹ thuật, bề ngang khoảng 60 phân tây và chiều cao khoảng 80 phân tây. Thoạt nhìn người ta nhận ra ngay khuôn mặt lớn, rất linh hoạt và thần khí đầy vẻ uy nghi của một vị Thiền Sư hoặc một võ sĩ đạo Nhật Bản. Màu đá theo thời gian đã cũ chứng tỏ đây là một bức tượng cổ rất lâu đời.

Thoạt trông thấy pho tượng, dù chưa biết lai lịch như thế nào, ông Thành đã thích ngay, nên không ngại tốn kém rước về để trưng bày trong phòng khách. Sau đó ông Thành mới nhờ một thân hữu thâm nho, người Nghệ An đến "Viện Bác Cổ" [nằm trong khuôn viên Sở Thú, đầu đại lộ Norodom-Thống Nhất- ở Sài Gòn], để truy tầm lai lịch của pho tượng hiếm có và quí giá đó. Nơi đây, vị Nho gia người xứ Nghệ đã được ông Vương Hồng Sển, một chuyên gia đồ cổ, quản thủ Bảo Tàng Viện Quốc Gia, hợp tác, tham cứu tài liệu tàng trữ trong thư khố của "Société des Études Indochinoises" do các nhà bác học, khảo cổ lừng danh thế giới của Pháp dựng lên. Nhờ thế, sau đó, ông Thành mới được biết pho tượng bán thân ấy đã tạc chân dung một nhân vật võ sĩ đạo lừng danh của Nhật từ trên 300 năm trước. Nhưng ông Sển vẫn không truy tầm được nguồn gốc và nguyên nhân vì sao mà một pho tượng cổ quí, hiếm có, thuộc loại "quốc gia chi bảo" ấy của nước Nhật lại bị trôi dạt sang đến tận nước VN xa xôi này. Nhưng người ta vẫn có thể nhận ra dấu vết của pho tượng kỳ dị đó, khởi đầu đã được đặt trong khuôn viên dinh Thống Soái Nam Kỳ [tức dinh Norodom, sau đổi tên là dinh Độc Lập], khi ngôi dinh thự này mới hoàn tất. Từ đó, người ta dự đoán, khi Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương (9.3.1945), nhà cầm quyền Nhật ở Đông Dương đã chiếm ngụ dinh Norodom, thấy pho tượng cổ của nước họ, họ liền tịch thâu lại.Nhưng chẳng bao lâu sau quân Nhật bị thất trận, phải đầu hàng. Quân đồng minh đến Sài Gòn giải giới quân đội Nhật. Trong cơn loạn lạc ấy, pho tượng võ sĩ đạo Nhật Bản cũng không thoát khỏi cảnh truân chuyên, thân phận ba đào, trôi giạt hết nơi này đến nơi khác...

Nhưng kỳ lạ nhất, có tính chất huyền bí vô cùng chẳng khác nào lời sấm ký, trong lý lịch của pho tượng , người ta còn đọc được một di ngôn lưu truyền chắc nịch,vắn tắt như sau:" Khi nào trên mặt tượng nổi lên một chấm nhỏ dưới bụng mắt như một giọt lệ, đó là điềm báo trước một đại họa sắp giáng xuống cho chủ nhân đang thủ đắc"!

Nghe thuật lại như thế, trong lòng ông Thành vẫn bán tín bán nghi. Ông săm soi thật kỷ pho tượng, nhận thấy tuyệt nhiên chẳng có một dấu vết gì khác thường , chứ đừng nói gì đến kỳ bí, trên khuôn mặt, và dưới bụng hai con mắt của pho tượng. Cái vẻ đẹp đầy mỹ tính của bức tượng cộng thêm nét uy nghi, lẫm liệt , xuất thần trên khuôn mặt của người võ sĩ đạo Nhật Bản, đã chiếm trọn lòng say mê, thích thú của ông Thành, khiến cho lời báo tri của pho tượng huyền bí kia bị đánh bật ra ngoài. Ông thuê thợ đóng một cái bệ gỗ cao, chắc chắn, để kê pho tượng tại một vị trí trang trọng và thích hợp nhất ở phòng khách. Ông còn căn dặn gia nhân phục dịch trong nhà phải đặc biệt quan tâm lau chùi pho tượng hằng ngày.

Theo thời gian, lâu dần pho tượng trở thành một vật quá quen thuộc trong gia đình ông Thành. Chẳng còn ai quan tâm đến pho tượng với câu sấm ký lưu truyền của nó nữa. Năm tháng cứ thế lặng lẽ trôi qua. Hàng chục năm trời sau, thời gian tuần tự trôi qua êm đềm, trên mặt pho tượng vẫn không hiện ra một dấu vết gì khác lạ. Nhưng bỗng một hôm, khoảng năm 1973, vào lúc sáng sớm, như thường lệ ông Thành bước xuống phòng khách, từng trệt của ngôi nhà 4 tầng, số 59 đường Duy Tân, có sân rộng và dài non trăm thước. Ông bước tới nhìn pho tượng như một thói quen hằng ngày. Bỗng ông giật mình đánh thót, khi chợt thấy một chút gì hơi khác lạ nơi má bên trái của mặt tượng. Một chấm nhỏ bằng hột bắp đã nổi lên! Khi lấy tay sờ vào , thì cái chấm ấy vẫn chỉ bằng đá cứng màu xanh lam của toàn bộ bức tượng. Như vậy rõ ràng cái chấm nhỏ như giọt nước mắt ấy đã mọc lên từ trong bức tượng như một cái mụn bọc nhỏ, chứ không phải từ ngoài gắn hay dính vào. Đầu óc ông Thành trở nên bàng hoàng, ông mở rộng cửa sổ cho ánh sáng lùa vào. Giọt lệ đá ấy càng hiển lộ rõ rệt hơn. Để nhận xét cho chắc chắn hơn, ông gọi hai người nhà bưng pho tượng ra sân. Dưới ánh nắng chan hòa sáng rực, cảm giác kinh hoàng bùng lên trong lòng, ông Thành thấy rõ ràng đó là một giọt lệ đá đột nhiên xuất hiện đúng như lời sấm lý lưu truyền, chứ không phải là chuyện hoang tưởng, mơ hồ. Trong khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi, ông Thành nhớ lại lời ghi chép trong Viện Bác Cổ khoảng mười năm trước. Ông trầm ngâm nhưng tỏ vẻ đăm chiêu suy nghĩ lắm. Ngoài kia, thời thế đang biến chuyển dồn dập một cách đáng lo ngại.

Ông cố moi hết ký ức, vận dụng hết trí nhớ mà vẫn không sao luận giải nổi hiện tượng đột xuất kỳ bí này. Từ bao nhiêu năm rồi, cũng như mới ngày hôm qua đây, có bao giờ ông thấy cái giọt lệ tiền định ấy đâu! Hiển nhiên cái giọt lệ báo điềm thảm họa dưới bụng mắt của pho tượng huyền bí mới đột ngột hiện lên hôm nay. Trong lòng ông thầm nghĩ, pho tượng tạc bằng đá cứng chứ phải đâu bằng gỗ, hoặc loài hoa cỏ mà một sớm một chiều nảy mầm kết nụ. Như vậy, chẳng hóa ra câu chuyện hài hước "mầm đá" của cụ Trạng Quỳnh ngày xưa đã phần nào có thực?

Thế rồi, không giữ mãi được mối băn khoăn cho riêng mình, ông Thành đã đem chia sẻ hiện tượng "giọt lệ" dưới mắt pho tượng trong nhà với một vài thân nhân ruột thịt. Cuối cùng, mọi người đều nhất trí với ông Thành: Chuyện đã xảy ra đến như thế, vô phương hoán cải, âu cũng do định mệnh đã an bài, đành cứ thản nhiên mà chấp nhận, bình tĩnh mà quan sát tình thế, và chiêm nghiệm vào cảnh ngộ của mình. Nhưng, kể từ ngày đó, cả nhà ai cũng không khỏi âm thầm bận tâm lo lắng, vì để ý thấy dường như "giọt lệ đá" trên mặt pho tượng mỗi ngày càng nổi lên rõ dần và thêm lớn dần ...

Đến lúc này chuyện "thiên cơ tiền định" ghi trong bức tượng đã đột nhiên hiển lộ như tiếng còi báo động, song le như thế chỉ mới có phân nửa. Còn một nửa cuối, thảm họa đau thương sẽ xảy ra cho gia đình chủ nhân thủ đắc pho tượng chưa linh ứng. Phần này, ta phải chờ mãi đến ngày 3.5.1975, tức hơn hai năm sau, mới thấy được tính chất linh thiêng, kỳ diệu của lời tiên tri báo động đã ghi trong lai lịch của bức tượng. Đó là ngày ông Thành tự sát! Tiếp theo sau không lâu, chỉ khoảng 10 ngày là cùng, bà cụ thân mẫu của ông Thành cũng đã sẩy chân ngã từ trên lầu xuống đất, và qua đời luôn!...

NHỮNG GIÂY PHÚT CUỐI CÙNG LINH NGHIỆM...

Cuối tháng Tư Đen , năm 1975, trong giây phút hấp hối của thủ đô Sài Gòn, ông Thành, cũng như nhiều nhân vật từng cầm quyền cao cấp khác, đã thấy rõ miền Nam sẽ không sao thoát khỏi bàn tay sắt máu của quân CSBV, nên ông đã gửi trước vợ con sang Pháp lánh nạn. [Được biết khuê danh của bà Thành là Thẩm Thị Nguyệt Nhung. Hai năm sau ngày ông thành qua đời, ở Paris, bà quả phụ Trần Chánh Thành đã bước thêm bước nữa !]. Còn bản thân ông vẫn ung dung ở lại theo dõi tình hình. Bởi ông Thành và các ông Trần Trung Dung , Phan Huy Quát, đã được tòa đại sứ Pháp tại Sài Gòn cam kết sẽ cho xe đến tận nhà đón ra phi trường để bay sang Pháp vào lúc 10 giờ sáng ngày 29.4.75.Nhưng bất ngờ đến ngày đó, Sài Gòn lên cơn sốt cực độ, thời tiết nóng đến 35 độ bách phân, khiến thiên hạ ai cũng muốn lột phăng quần áo ném đi cho thân thể thoải mái. Trong khi đó, ngược lại đài phát thanh cứ ra rả tả cảnh "tuyết rơi" và chơi không ngừng bản nhạc lạc điệu "Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời!...". Đó là ám hiệu của tòa đại sứ Mỹ, nhắc nhở mọi công dân Mỹ ở Sài Gòn phải mau chóng chuồn ra đệ thất hạm đội cho lẹ. Quanh cảnh thành phố mau chóng trở nên cực kỳ hỗn loạn, cướp bóc hôi của tư gia và các cơ sở Mỹ nổi lên lung tung khắp nơi, mọi liên lạc bằng điện thoại đều bị gián đoạn. Tòa đại sứ Mỹ bị dân chúng , đủ mọi hạng người bu quanh dầy đặc, khiến trở thành "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Quang cảnh tòa đại sứ Pháp gần đó cũng đông đúc, rối loạn không kém. Vì thế, liên lạc giữa tòa đại sứ Pháp với ba ông Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung và Phan Huy Quát tất nhiên bị gián đoạn. Ba nhân vật chánh trị này, từ lâu, vốn rất thân với nhau. Trong cơn nguy cấp ấy, ba ông vẫn cố giữ liên lạc rất chặt chẽ, và bàn tính tạm thời tìm một nơi ẩn náu an toàn, kín đáo. Đến ngày hôm sau, 30.4.75, ba ông Thành, Dung , Quát móc nối được với một nhân vật thẩm quyền của bệnh viện Grall, để giả trang vào đó tạm trú. Nhưng chỉ 24 giờ sau, có lẽ bị động, bệnh viện Grall yêu cầu cả ba ông phải mau chóng rời khỏi nơi đây. Lập tức ba người phải chia tay, mỗi người đi một ngả, để tìm lối thoát hiểm riêng cho mình.

Riêng ông Thành vào ẩn náu trong một "appartement" của một cao ốc lớn trên đường Gia Long, sát ngay góc đường Tự Do. Nhưng trước khi đến trú ẩn trong cao ốc này, ông Thành đã dặn dò ông M K, một người em thúc bá, về mọi cách liên lạc. Đến 4 giờ chiều ngày 2.5, ông M K đến cao ốc đó đón ông Thành để đưa thẳng về nhà của ông ở dường Duy Tân. Mới giờ đó, không ngờ Ủy Ban Quân Quản Thành Phố đã cho bộ đội đến canh gác khu cao ốc này rồi. Quan sát thấy chỉ có vỏn vẹn một tên bộ đội chính qui, đeo băng đỏ trên cánh tay, cầm súng AK đi đi lại lại dọc theo mặt tiền cao ốc đến cuối đường, rồi quay lại, rất đều đặn như người nhàn tản đi bách bộ, cuối cùng MK lẻn vào được khu cao ốc để đón ông Thành ra đường Tự Do, đến nơi có chiếc xe Honda 2 bánh đậu sẵn với cô con gái 16 tuổi, tên Dung, con gái của ông M K đang đứng canh chừng. Đến tận lúc đó tên bộ đội canh gác vẫn không hề biết tí gì về những chuyện đã xảy ra chung quanh hắn. Trong giỏ xe, ông M K còn ngụy trang thêm vài bó rau muống, để làm giảm bớt sự tò mò chú ý của bọn lính canh CS đối với một chiếc xe chở khẳm đến 3 người!

Lúc bấy giờ ngôi nhà ở đường Duy Tân của gia đình ông Thành chỉ còn vỏn vẹn ba, bốn gia nhân với bà cụ thân mẫu của ông Thành và bà Nhơn, một người chị gái của ông, năm nay đã 87 tuổi , hiện định cư ở Pháp. Còn bà Thành và các con đã được ông Thành gửi sang Pháp lánh nạn trước từ tháng 3.1975. Nên biết, ông Thành mồ côi cha từ thuở nhỏ, nên đã được người chú là cụ Trần Nguyên Anh, thân sinh của ông M K, cưu mang dưỡng dục đến lớn. Vì thế nên ông Thành và ông M K đã thương yêu, quyến luyến nhau như anh em ruột thịt.

Trong tình trạng tuyệt vọng chiều hôm đó, hai anh em ông Thành đã kín đáo khép mình trong một căn phòng nhỏ cùng nhau tâm sự rất nhiều, mãi cho đến gần sát giờ giới nghiêm (7 giờ) vẫn chưa dứt. Cuối cùng, giờ chia tay đã đến, ông Thành cầm tay người em bịn rịn, dặn dò, nhắn gửi hết việc gia đình, rồi ông lại còn nói thêm một câu ngắn gọn: "Chúng ta đều đã hiểu CS quá rõ. Với anh, chỉ có một lựa chọn cuối cùng. Anh phải tự xử lấy anh thôi...Em về đi. Giờ giới nghiêm đã tới rồi. Sáng sớm mai em lên với anh nhé!..."

Ông M K nghe những câu ông Thành nói chẳng khác nào như những lời trăn trối, khiến lòng ông tan nát. Trước khi ra về, ông M K đã nhìn thật lâu vào mắt ông Thành và ngậm ngùi nói:

_ "Dù thế nào chăng nữa, xin anh cũng đừng quyết định gì vội. Hãy cố chờ đến sáng mai anh em ta gặp lại nhau..."

Tuy nói như thế, nhưng thâm tâm ông M K vẫn không tin vào hiệu quả của lời mình nói. Linh tính đã báo cho ông biết rằng kể từ giây phút này, ông đã mất hẳn, mất vĩnh viễn ông Thành ...

Suốt đêm hôm đó, ông M K không tài nào chợp mắt được. Hai ông bà đã thao thức sáng đêm bàn bạc chuyện gia đình, chuyện ông Thành và cả chuyện của bản thân đang bị đặt trước một viễn ảnh tương lai đen tối mờ mịt, rẫy đầy bất trắc, thảm họa khó lường. Đến khi trời vừa sáng, giờ giới nghiêm vừa dứt, ông M K đã hấp tấp phóng xe Honda lên thẳng nhà ông Thành. Vừa đặt chân vào phòng khách. Khác hẳn mọi khi, nơi đây bỗng trở nên vắng lặng như tờ, như không còn một hơi thở nào nữa. Không khí trong căn phòng này đã bao phủ một màu thê lương , ảm đạm. Bà Nhơn lẻ loi, đôi mắt đỏ hoe, đang ngồi thu mình nơi bực cầu thang, lối dẫn lên phòng ngủ của ông Thành . Bà Nhơn bảo ông M K:

_ "Em lên ngay đi. Thành an nghỉ rồi! Hồi hôm , Thành đã nói chuyện lâu với chị...dặn trao tập giấy màu vàng cho em đó... Thành nằm ở phòng ngủ nhỏ lầu hai... Em ở bên Thành đi. Chị phải tới sứ quán Pháp ngay bây giờ để làm sẵn thủ tục. Chị sẽ quay về thật gấp..."

Được biết bà Nhơn có quốc tịch Pháp, dạy học ở Collège Nha Trang, thuộc nhân viên "Centre Culturel Francais".

Lập tức ông M K phải lo giải quyết ngay một số việc cần kíp. Trước hết, mời bà cụ thân mẫu của ông Thành đi theo bà Nhơn đến tạm trú tại nhà một thân nhân khác, và phải nói dối là cụ cứ đi trước, còn ông Thành sẽ được tòa đại sứ Pháp cho xe đến đón ra phi trường sau. Ông M K sợ bà cụ mà biết chuyện ông Thành tự tử thì sẽ lôi thôi to. Mọi việc lo cho ông Thành bây giờ phải thật kín đáo, không để lộ một chút tin tức hay nghi hoặc nào ra ngoài vòng ruột thịt. Mặt khác, ông M K dặn gia nhân hãy để cho ông Thành ngủ yên, đừng ai quấy rầy, không cần đem sữa sáng như thường lệ, vì đêm qua ông đã thức khuya...Sáng nay ông Thành cũng không muốn tiếp khách nữa!...

Khi còn lại chỉ có một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang, ông M K mới đẩy nhẹ cửa phòng ngủ, tiếng máy lạnh vẫn sè sè nho nhỏ. Ông Thành đang nằm đó, bất động như người đang ngủ mê. Nét mặt bình thản. Nhưng hai bên cánh mũi có hai vệt thuốc nhỏ màu nâu nhạt lẫn chút máu đỏ đọng lại, dài bằng hai đốt ngón tay. Ông M K ôm nhẹ mặt ông Thành, thấy vẫn còn ấm, ngực và chân tay vẫn hãy còn ấm. Ông thầm nghĩ chắc ông Thành chỉ mới vừa từ giã cõi đời thôi. Nhì trên mặc chiếc bàn ngủ, một hộp thuốc ngủ 50 viên chẳng còn sót một viên nào. Nơi bàn giấy góc phòng, mọi thứ đều ngăn nắp. Có một tập giấy 18 trang. Ông M K liếc thoáng qua , biết ngay là những lời trăn trối cuối cùng của ông Thành. Ông Thành lên tiếng tố cáo hiểm họa CSVN trước thế giới tự do, sau khi chúng đã cưỡng chiếm miền Nam. Ông Thành cũng tiên liệu để kêu gọi thế giới dân chủ , nhân đạo phải có trách nhiệm tinh thần ngăn chận bàn tay máu trả thù trút lên mạng sống của toàn thể quân nhân và quần chúng miền Nam. Ngoài ra, ông Thành còn phác họa cho mọi người thấy trước thảm trạng của miền Nam, đồng thời phơi bày âm mưu gây chiến tranh loạn lạc đối với các nước láng giềng trong bán đảo Đông Dương và Thái Lan. Cuối cùng ông Thành minh xác, ông đã lấy cái chết để phản đối CSBV xâm chiếm miền Nam. Một cái chết âm thầm nhưng đầy tiết tháo, sĩ khí của một nhân vật chánh trị, khi biết mình đã không thực hiện trọn vẹn được lý tưởng thì ung dung, thanh thản ra đi, để cho đối phương phải trọng nể. Cái chết của ông Thành vì thế đã có chút gì khác với những cái chết của các tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam , Lê Văn Hưng v.v...

Bên cạnh tập giấy đó, ông Thành còn viết sẵn vài dòng chữ trên một tấm danh thiếp, nhằm gửi thẳng cho cơ quan an ninh, xác định cái chết của ông là do chính ông tự chọn, đừng gây phiền nhiễu cho ai hết!

Trong vòng một tiếng đồng hồ sau, bà Nhơn đã trở về. Lúc này, toàn thân ông ông Thành mới bắt đầu trở lạnh, lạnh ngắt. Một mặt ông M K phải lo canh chừng đám gia nhân, vài người còn lại. Mặt khác bà Nhơn lo liên lạc báo tin cho vài người bà con trong thân tộc nội, ngoại (bên bà Thành). Nhưng không một ai lui tới. Dường như ai cũng lo ngại, muốn trốn tránh. Không khí thành phố Sài Gòn lúc ấy căng thẳng đến tột độ. Ai cũng có chuyện để phải lo và để sợ. Một tiếng động mạnh cũng đủ làm cho người ta giật mình kinh hoảng, nhớn nhác...

Trong hoàn cảnh đó, một mình ông M K phải lo hết mọi việc rửa ráy thi hài và tẩn liệm cho ông Thành.

Lúc ấy, khoảng ba giờ chiều , bỗng gia nhân báo tin có ban Quân Quản đến khám nhà. Gồm ba cán bộ đeo súng ngắn bên hông, băng đỏ trên cánh tay, và một tên bộ đội mang tiểu liên đi theo hộ vệ. Trong trường hợp này, dù muốn dù không, ông M K vẫn phải ra mặt tiếp đón. Ngay câu đầu tiên bọn cán bộ CS đã nói thẳng, chúng đến tiếp thu ngôi nhà, và ra lệnh đưa chúng đi xét nhà. Chúng đi thẳng một mạch lên lầu 4, rồi từ đó mới trở xuống, vào từng phòng một, quan sát soi mói và khám xét cẩn thận. Không bỏ sót một phòng nào. Vào đâu chúng cũng ngắm nhìn, để ý kiểm điểm từng ly từng tí, rồi xẵng giọng hạ lịnh: "Đồ đạc ở đâu để nguyên đấy. Cấm tuyệt không được di chuyển!"

Khi xuống đến lầu 2, nơi có phòng thi hài của ông Thành nằm đó, bỗng nhiên đầu óc ông M K trở nên căng thẳng tột độ. Tinh thần ông bấn loạn. Nếu bọn cán bộ CS bất chợt thấy thi hài ông Thành đang nằm trơ trơ ở đó, ông sẽ trả lời như thế nào? Một điều chắc chắn nhất, không thể nào tránh được là bọn cán bộ CS sẽ hạch hỏi mọi người hiện diện trong nhà. Rồi thì mọi sự sẽ phải khai trình tỉ mĩ, từ tên tuổi, chức phận cũ, rồi đến nguyên nhân cái chết... Nhưng liệu bọn CS ác ôn này có cho phép chôn cất ngay không, hay sẽ đem thi hài đi mổ xẻ, khán nghiệm...?

Lại còn vấn đề sấp giấy ông Thành đã viết di ngôn tố cáo CSVN nữa chứ. Ông M K bối rối vô cùng, không biết sẽ phải ăn nói ra sao, và rồi những gì sẽ xảy ra cho bản thân ông ngay sau đó, ông không thể lường được.

Trong tình cảnh nguy nan đó, ông M K chỉ còn kịp nghĩ đến việc cầu nguyện vong hồn ông Thành, sống khôn, thác thiêng, xin ông phù hộ cho gia đình thoát qua được cơn hiểm nghèo nghiệt ngã này, để còn có cơ hội chôn cất di hài ông êm thắm!

Không ngờ một chuyện lạ của đời người đã xảy đến, chẳng khác nào như lời khấn vái của ông M K linh ứng , như linh hồn ông Thành hãy còn lẩn khuất đâu đó, để lôi chân bọn cán bộ CSBV đi qua căn phòng đó. Chúng vừa đi vừa chuyện trò với nhau, và vẫn ra lệnh mở từng cửa phòng, nhưng không còn vẻ tích cực soi mói như vài giây đồng hồ trước đó. Khi chúng đến trước cửa phòng ông Thành nằm, lồng ngực M K tưởng chừng sắp nổ tung. Nhưng chẳng khác nào như một phép lạ, chúng cứ thế đi luôn, không dừng lại, cho đến phòng cuối của từng lầu 2, rồi chúng đi luôn xuống dưới nhà...

Nơi đây, chúng dừng lại, ghi vội biên bản, coi như ngôi nhà này vô chủ. Chủ nhân đã bỏ đi ngoại quốc! Thì ra bọn cán bộ này cũng ngờ ngệch lắm.Trong đầu chúng đã bị nhồi chặt cứng một mớ lý thuyết Mác Xít, với những giáo điều rẻ tiền, đâu còn chỗ nào để chứa thêm một thứ hiểu biết gì khác! Nhưng chúng đặc biệt quan tâm đến mọi thứ đồ đạc vật chất trong nhà. Cuối cùng, trước khi ra đi, chúng ra lệnh: Mọi người trong nhà chỉ được phép quây quần ở tầng trệt, không được bén mảng lên lầu. Đồ đạc trong nhà không được tơ hào suy suyển.

Sau đó bà Nhơn và ông M K phân công mỗi người một việc cần kíp. Bà Nhơn chạy vội ra phường khai tử cho ông Thành, với lý do bịnh tim. Còn ông M K phóng thẳng về nhà tìm giấy chủ quyền ngôi mộ của bà thân mẫu ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi [còn một tầng trên], đem trình ban Quân Quản Nghĩa Trang, để xin đóng dấu cho mai táng.

Đến lúc này xét ra cái chết của ông Thành chẳng còn gì cần phải che giấu nữa, nên gia nhân đều được biết hết. Tiếng khóc không còn bị đè nén ấm ức, nghẹn ngào nữa, mà được tự do vang lên , khiến các nhà hàng xóm không khỏi ngạc nhiên. Cách nhà ông Thành chừng hai, ba ngôi biệt thự là trụ sở của "Hội Trí Thức Yêu Nước" thành phố HCM của đám Ngô Bá Thành, ni sư Huỳnh Liên, Trương Đình Dzu, Trần Thúc Linh v.v...Vì thế nên tin ông Thành qua đời đã mau chóng đến tai những người trong hội ấy.

Ngày hôm sau, 2.5.1975, lèo tèo vài thân nhân đến viếng. Trong đám bạn bè, người ta chỉ thấy một mình ông Trần Trung Dung.

Ngày 4.5.75, khoảng vài mươi người đã đến tiễn đưa di thể ông Thành đến nơi an nghỉ cuối cùng. Không khí lo sợ, ngại ngùng lặng lẽ bao trùm hết cả vẻ "tử biệt sinh ly" của một đám tang.

Thế rồi không ngờ họa vô đơn chí, ông Thành vừa qua đời chưa được mấy ngày, chừng hơn một tuần lễ sau, bà cụ thân mẫu của ông Thành cũng ngã từ lầu cao xuống đất . Một đám tang thảm đạm khác lại diễn ra trong không khí chánh trị nặng nề, ngột ngạt của đô thành Sài Gòn tràn ngập màu cờ đỏ sao vàng!

Cùng lúc đó, tin ông Thành tự tử cũng nhanh chóng loan ra rộng rãi. Nhưng lại bằng một luận điệu sai lạc, ngỡ nghệch, dường như có ác ý xuyên tạc như sau: "Hôm 1.5, ông Trần Chánh Thành còn kẹt lại Sài Gòn. Khi cán bộ CS đến bấm chuông ngoài cổng, ông Thành sợ hãi, nghĩ rằng sẽ bị bắt, nên vội vàng uống thuốc ngủ tự tử !"

Lời đồn đãi ngây ngô ấy thế mà vẫn có cánh dài bay xa, ra tới hải ngoại. Nhưng khôi hài nhất là vẫn có một số người vội tin. Trong đó còn có cả mấy ông nhà báo nữa! Người ta đã lười suy nghĩ đến độ không chịu động não một chút để nhìn ra tính cách phi lý của tin đồn: Đợi CS đến tận nơi bắt mới đem thuốc ngủ ra uống, thì thuốc nào ngấm cho kịp? Khi đó chắc chắn CS đã xích tay lôi đi rồi!

Bởi vậy, như trên đã nói, từ cổ chí kim tin đồn vốn là một loại võ khí giết người độc hại hơn gươm , đao, súng đạn. Khi sự thật được phơi bày ra ánh sáng thì mọi việc đều đã quá muộn rồi! Do đó nơi đây, kể chuyện này tôi chỉ nhằm mục đích duy nhất: Trả sự thật về cho sự thật. Và "toute vérité est bonne à dire"!

* * * * *

Bây giờ trở lại pho tượng võ sĩ đạo linh thiêng, huyền bí trong nhà ông Thành. Đến lúc này mọi người trong gia tộc mới thấy sự linh ứng hiển lộ qua "giọt lệ đá", nên khi đưa linh cữu ông thành ra nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, tang quyến đã phải dúi tiền cho bọn đô tỳ, kín đáo bưng bức tượng lén đặt vào trong xe tang. Ngay sau khi đã an táng ông Thành rồi, người nhà ông Thành mới đem pho tượng ấy lên cúng cho một ngôi chùa ở Thủ Đức. Nay pho tượng võ sĩ đạo huyền bí ấy trôi nổi về đâu, không ai biết được!

(trích BMHTCTMN , quyển 3)

Đặng Văn Nhâm


No comments:

Post a Comment