Pages

Sunday, May 13, 2012

NGÀY CỦA MẸ


 Những ca khúc mừng “Ngày Của Mẹ”

2012-05-13
Cứ vào ngày chủ nhật thứ hai của mỗi tháng 5, người dân khắp Hoa Kỳ lại hân hoan chào đón ngày của Mẹ, là ngày để những đứa con tỏ bày lòng kính yêu và hiếu thảo lên người mẹ hiền.

RFA photo
Hoa bán ở Hà Nội cho dịp lễ "Mother's Day" năm 2012.
Ngày lễ này cũng đã được du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Dù trong 364 ngày còn lại vẫn biết không thể đủ để trả nợ ơn nghĩa sinh thành, nhưng người ta vẫn muốn có một ngày thật đặc biệt để ca tụng mẹ bằng những món quà, những đóa hoa và dĩ nhiên là cả những bản nhạc.
Chương trình âm nhạc cuối tuần hôm nay, hy vọng, được góp một phần tiếng nói bé nhỏ để gửi đến tất cả những người mẹ Việt Nam khắp năm châu bốn bể những lời chúc ngọt ngào nhất.
Đã lâu lắm rồi, có lần tôi đọc đâu đó câu nói, cha mẹ xem con cái như cả cuộc đời mình, còn con cái chỉ xem cha mẹ như một mắt xích trong cuộc sống của họ. Dường như với bậc sinh thành thì ngày nào cũng là “ngày của con” bởi có người mẹ nào mà không đêm ngày lo lắng cho con cái. Kể từ khi con còn trong bụng cho đến lúc con có mặt trên cõi đời, là ngày mẹ biết thêm những lo toan vất vả. Không biết bao lần mẹ âm thầm hy sinh, nước mắt tuôn rơi vì những bước đi dại khờ, lầm lỗi của con trên đường đời. Mẹ luôn luôn là bóng mát, là nơi trở về để con nương náu mỗi khi vấp ngã. Bởi lẽ thế, tình mẹ như nước trong nguồn chẳng bao giờ vơi cạn. Nước mắt chảy xuôi mà!
Huyền Diệu Tình Mẹ 

betty-tisdale--250.jpg
Bà Betty Tisdale và những đứa trẻ mồ côi gốc Việt Nam, ảnh chụp trước đây. 
Quý vị đang cùng nghe một nhạc phẩm đặc biệt có tên Huyền Diệu Tình Mẹ qua tiếng hát ca sĩ Thanh Sử, tác giả của bài hát này là một thính giả của đài RFA, đó là cô Đoàn Vĩnh Nguyên, hiện đang sinh sống tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.
Năm ngoái, cũng vào Ngày của Mẹ, cô đã gửi cho chúng tôi bài thơ này và đúng một năm sau, bài thơ của cô được phổ nhạc. Chia sẻ những cảm xúc về nguồn cội sáng tác bài thơ đầy ý nghĩa này, cô Vĩnh Nguyên tâm sự, sau năm 1975, khi chồng còn trong trại cải tạo, bản thân cô mới 23 tuổi, phải nuôi 2 con nhỏ, trong tay không có một tài sản hay nghề nghiệp gì, thì chính mẹ cô đã là nơi nương tựa, bảo ban để cô có những bước đi đầu tiên vào con đường sự nghiệp:
“Thực sự trong cuộc sống của tôi có quá nhiều những thăng trầm, đó chỉ là những trải nghiệm trong cuộc sống của tôi. Trước hết tôi muốn ghi lại để con cái được biết và thứ hai là để tỏ lòng kính yêu đến người mẹ rất kính yêu của tôi.
Theo tôi tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất trên đời này chắc chắn phải là tình mẹ.
Cô Đoàn Vĩnh Nguyên
Do những thăng trầm của cuộc sống, thực sự là tôi không nghĩ tôi có được ngày hôm nay, không nghĩ là tôi có thể thành công sau những thất bại ê chề. Mẹ tôi đã cho những lời khuyên bảo, chỉ dạy, bà cụ luôn dạy là “phải biết kính trên nhường dưới, biết sống tình nghĩa”. Tôi thấy tình mẹ rất quan trọng, khi mình thất bại ê chề, nếu mà không có ai cố gắng chỉ bảo mình, cho mình thêm sức mạnh về tinh thần để mình vươn lên trong cuộc sống (thì mình đã không làm được). Và tôi đã bước vào đời.

Đây là một ngày lễ rất đặc biệt để nhắc nhở những người con yêu kính cha mẹ mình hơn. Tôi nhận thấy tình mẹ rất cao quý, rất thiêng liêng, nhưng cũng mang một trách nhiệm rất quan trọng. Bởi vì phải làm sao lo cho con có sức khỏe, làm sao cho con học hành tốt và làm sao để cho con có một nhân cách tốt. Theo tôi tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất trên đời này chắc chắn phải là tình mẹ.”
Thưa quí vị, nơi sâu thẳm trái tim của người mẹ nào cũng là tình thương yêu dành cho con vô bờ bến, tình mẹ huyền diệu, tình mẹ nhiệm màu, bởi ở đó chất chứa sự hy sinh, tha thứ, sự đùm bọc, bảo ban. Ngày của Mẹ chỉ là một lần nữa, để nhắc nhở những đứa con hãy yêu mẹ nhiều hơn. Hy vọng rằng, với ít phút phát thanh tối nay, chúng ta, những người con, hãy hứa sống thật tốt, thật ý nghĩa cho cuộc đời - để mỗi ngày hiện hữu đều là Ngày của Mẹ phải không quý vị.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/songs-for-mothers-day-vh-05132012130646.html
  
Ngày của Mẹ
2010-05-08
Mother’s Day - Ngày của Mẹ, như một nhắc nhở về tình mẫu tử, đến ánh mắt mẹ hiền mà ai trong chúng ta cũng có.
AFP photo/Mike Clark
Một em bé trai thổi bong bóng với Mẹ tại hội chợ Tết ở HongKong hôm 08/02/2005
Tình mẫu tử có lẽ là món quà vĩ đại nhất mà thượng đế trao cho mọi sinh vật trên trái đất này. Đối với con người, thì nét nổi bật nhất của tình mẹ là đức tính hy sinh cho con cái. Sự hy sinh vô bờ của người mẹ có lẽ là động lực chính cho những áng văn bất hủ, ca ngợi tình mẹ và cũng có lẽ, sự hy sinh vô giá ấy đã làm chúng ta gắn bó với mẹ một cách tự nhiên hơn. Mẹ hiền đồng nghĩa với yêu thương và cũng chính Mẹ hiền là ánh sáng dẫn dắt chúng ta trong những tối tăm mịt mù của cuộc sống.
Bên cạnh những tác phẩm bất hủ viết về mẹ của các tác giả lừng danh đã khá quen thuộc với chúng ta, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu hai bài luận văn trong nhà trường, một của Phương Thúy, học sinh lớp 10 trường trung học Hội An và bài thứ hai của Hồ Duyên, học sinh trường Lê Quý Đôn Thành Phố Hồ Chí Minh.
Hai bài luận văn này có thể được xem là mẫu mực trong lớp học vì hội đủ những đòi hỏi mà một bài luận văn cần có. Tuy nhiên, cao hơn hết là yếu tố nội tại của nó. Bài văn thứ nhất của Phương Thúy được viết trong tâm thức cảm nhận rõ rệt tình mẹ và người đọc chia sẻ khá dễ dàng những chi tiết làm cho bài văn nổi bật. Bài văn thứ hai, bóng dáng của mẹ chỉ là tấm phông cho người cha nhưng vẫn toát lên sự thương nhớ day dứt đến nao lòng của đứa trẻ trong những ngày đầu vắng mẹ.

Lòng hy sinh vô bờ bến

Sau đây mời quý vị thưởng thức bài văn thứ nhất của Phương Thúy qua giọng đọc của Khoa Diễm:
“Trong ký ức của tôi vẫn in đậm mãi những bóng dáng của một thời thơ ấu nhọc nhằn. Ngày bố rời hai mẹ con lên đường vào đơn vị, mẹ đã khóc rất nhiều. Khi ấy, tôi - một đứa trẻ ngây thơ cứ nghĩ rằng bố đi mua kẹo thôi mà. Thế rồi bố đã không về, tôi lầm lũi ngồi trong góc nhà, khóc mãi. Mẹ đã dỗ dành tôi rất nhiều. Cũng từ ngày ấy, mọi gánh nặng đặt lên đôi vai của mẹ.
Mẹ trở thành trụ cột của gia đình. Và rồi mẹ tìm được một công việc nhỏ nhưng rất vất vả: làm thợ may trong một công ty may tư nhân. Ngày ấy, vì đồng lương quá ít ỏi nên mẹ phải chăn nuôi thêm để tăng thu nhập. Hằng ngày, mẹ phải dậy từ bốn giờ sáng để giặt giũ quần áo, chuẩn bị bữa ăn cho chị em tôi, rồi lo thức ăn cho lợn gà, sau đó mẹ mới đi làm. Tôi thương mẹ lắm. Có những lúc mẹ phải làm ca đêm đến tận khuya mới về tới nhà với đôi mắt thâm quầng, tay run lên vì cái lạnh của sương đêm, tôi chỉ biết lặng nhìn mẹ mà chẳng thốt nên lời. Đôi khi bắt gặp mẹ cố gắng đạp chiếc xe đạp cà tàng giữa cái nắng trưa gay gắt, tôi chỉ muốn òa lên khóc vì thương mẹ.
mother-child-305.jpg
Tình mẹ thương con vô bờ bến và không bao giờ thay đổi.
Bà tôi thường nói:" Số mẹ cháu là số khổ, cả đời vất vả, không biết đến bao giờ mới nghỉ ngơi được". Mỗi khi nghe bà nói như vậy, không hiểu sao tôi lại cảm thấy tim mình nhói đau.
Tôi tự trách mình sao quá vô tâm, chưa bao giờ tôi để ý đến suy nghĩ của mẹ. Suốt bao nhiêu năm qua, hiếm có lần tôi và mẹ ngồi lại tâm sự với nhau, nếu có thì cũng chỉ là việc học hành, trường lớp,...Có lẽ cũng bởi mẹ tôi bận bịu quá, cả ngày mẹ chỉ gặp tôi vào những bữa cơm gia đình, và có thể cũng bởi tôi quá vô tâm, vô tâm đến mức nhiều lúc trở nên vô tình. Tuy vậy, tôi biết mẹ luôn hiểu thấu những tâm tư tình cảm của tôi, của một cô bé vừa mới bước vào tuổi mới lớn với những suy nghĩ mà nhiều khi còn rất nông cạn, dẫu rằng tôi luôn cố chứng tỏ mình là một người mạnh mẽ, luôn lạc quan, luôn yêu đời. Mặc dù ít khi thể hiện bằng cử chỉ, nhưng tôi hiểu rằng mẹ rất thương tôi. Có những đêm mùa đông trời chuyển, tôi lên cơn đau khớp. Từng cơn đau ập đến như xát đá lạnh vào xương vào tủy tôi. Nhìn tôi lăn lộn với cơn đau, mẹ im lặng quay đầu khẽ lau nước mắt.
Có những lúc mẹ phải làm ca đêm đến tận khuya mới về tới nhà với đôi mắt thâm quầng, tay run lên vì cái lạnh của sương đêm, tôi chỉ biết lặng nhìn mẹ mà chẳng thốt nên lời.
Phương Thúy
Mẹ đã gieo vào tâm hồn tôi hạt giống yêu thương, đã làm cho nó nảy mầm và lớn dần theo tôi qua từng tháng năm, để tôi biết cách sống yêu thương là rộng lượng thứ tha lỗi lầm, là chấp nhận sự khác biệt của người khác với tất cả tấm lòng biết lắng nghe, biết sẻ chia để mai này, trong vòng quay nghiệt ngã của cuộc đời, có thể tôi phải bỏ lại nhiều thứ nhưng hạt giống yêu thương của mẹ vẫn còn luôn mãi trong tôi và trổ sinh nhiều bông trái để tôi có thể tiếp tục gieo mầm yêu thương cho các thế hệ mai sau.
Đời mẹ là những tảo tần, là những hy sinh, là những tất bật với bộn bề những bon chen, nghịch cảnh của cuộc sống. Nhưng mẹ vẫn kiên cường vượt qua tất cả. Mẹ truyền cho tôi thêm niềm tin và nghị lực sống, mẹ giúp tôi có đủ can đảm để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, để tôi đủ dũng cảm bước tiếp và vượt qua những cám dỗ trên bước đường tương lai phía trước. Mẹ giúp tôi biết cầu mong cho mình "đủ khiêm tốn để lắng nghe người trên, biết dẹp tự ái để lắng nghe người dưới, đủ khôn ngoan để lắng nghe quá khứ, đủ cởi mở để lắng nghe tương lai và đủ tự tin để lắng nghe chính mình."
Quý vị vừa nghe bài luận văn của Phương Thúy viết về người mẹ của mình. Cảm giác mà Phương Thúy mang lại cho chúng ta có lẽ rất man mác, rất chân phương. Hình như tình cảm dành cho mẹ của em khá sâu, khá day dứt, để từ đó đi vào tâm tình của người nghe sâu hơn chăng?

Mất mẹ, mất cả bầu trời

Bây giờ chúng tôi xin được giới thiệu bài văn thứ hai, khá bất ngờ và đầy kịch tính của tác giả Hồ Duyên. Bài văn này lấy mẹ để nói về cha, lấy cha để nhắc tới mẹ. Cảm gác hụt hẫng ban đầu đã nhường lại cho sự tròn trịa yêu thương ở những dòng cuối của câu chuyện đã làm người nghe bâng khuâng mãi về sau. Bài này được thể hiện qua hai giọng đọc Phương Thy và Ngọc Nhân.
“Giờ tập làm văn, tôi luôn được cô giáo khen bài viết của mình và thường lên đứng giữa lớp để đọc bài tập làm văn của mình cho cả lớp nghe. Bài viết của tôi bao giờ cũng đạt điểm 7, 8 - điểm cao nhất dành cho môn tập làm văn. Tôi luôn hãnh diện vì điều đó và dường như chưa một bạn nào trong lớp phá được “kỷ lục” của tôi.
Như mọi khi, tôi lại được cô giáo gọi lên đọc bài văn “Em hãy tả về người mẹ của mình". Tôi ngước cao mặt, đĩnh đạc bước lên giữa lớp trong sự nể phục của các bạn và cất cao giọng đọc: “Mẹ em là người tuyệt vời nhất. Mẹ đẹp như cô tiên trong truỵên cổ tích. Mái tóc mẹ dài óng ả buông xỏa ngang lưng. Mẹ gội đầu bằng trái bồ kết nên tóc mẹ vừa mượt vừa suôn. Mẹ bảo "Lớn lên con gái đừng gội đầu bằng dầu gội mà nấu trái bồ kết gội cho tóc đẹp như của mẹ”. Mẹ có khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Mỗi khi mẹ cười hai hàm răng mẹ trắng ngần trông đẹp lắm! Mẹ vừa dịu dàng lại vừa đảm đang. Đi làm về, mẹ vừa vào bếp nấu cơm cho cả gia đình, tối mẹ lại dạy em học bài, dọn dẹp nhà cửa rồi mới đi ngủ. Những đêm đông trời trở rét, nửa đêm mẹ lại thức giấc đắp lại tấm chăn cho em... Trong trái tim em, mẹ là tất cả, mẹ là cô tiên tuyệt vời nhất trong cuộc đời em ...”.
Fact box
- Tại Mỹ, Ngày Của Mẹ được tổ chức hằng năm, vào ngày chủ nhật thứ nhì trong tháng 5
- được thành lập theo ý kiến của bà Anna Jarvis,
- hoa Cẩm Chướng được coi là biểu tượng cho Ngày Của Mẹ.
Đó là những lời văn mà tôi đã được chị gái dạy để tả về người mẹ của mình. Những bài văn của tôi luôn được điểm cao vì trước khi viết tôi luôn "tham khảo" ý kiến của chị rồi tưởng tượng thêm để diễn đạt cho hay. Có lẽ với trí tưởng tượng phong phú nên tôi sớm nổi tiếng là học sinh giỏi văn của trường.
Đọc xong bài văn tả mẹ của mình, tôi sướng lâng lâng trong người và đi về chỗ trong tiếng vỗ tay của các bạn. Đợi giây lát, cô tôi bảo: “Bài văn tả mẹ của bạn Duyên rất hay. Câu cú gãy gọn, diễn đạt trôi chảy. Các em nên học cách diễn đạt của bạn để viết văn cho hay và phải đọc thêm nhiều sách. Hôm nay, cô muốn các em nghe thêm một bài văn nữa. Cô mời bạn Hùng".
Tôi thoáng ngạc nhiên vì Hùng mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, nhà Hùng rất nghèo và Hùng chỉ học giỏi môn toán. Tôi thầm cười khi nghĩ "Chắc Hùng viết nhăng viết cuội nên bị cô phê bình đây”. Hùng cúi đầu cầm tập bước lên bảng và đọc: “Em không còn mẹ. Mẹ mất đã lâu lắm rồi nên em không nhớ rõ khuôn mặt của mẹ. Mỗi lần nhớ mẹ, em chỉ nhìn lên tấm ảnh trên bàn thờ mẹ, nhớ mẹ, thương mẹ rồi chỉ biết khóc mà thôi! Mẹ mất khi em bé của em mới một tuổi. Lúc đó ba cực lắm vì phải vừa đi làm vừa nuôi em và em gái. Em gái cứ bệnh rồi khóc hoài. Sáng, ba dậy thật sớm để nấu cháo để lấy nước pha sữa cho em. 
Mùa mưa, nhà dột ướt không đủ chỗ ngủ, ba ru em và em gái ngủ xong rồi nằm xuống sàn nhà. Sáng thức dậy em đã thấy ba nấu sẵn nồi cháo và kèm theo tờ giấy dặn:"Con nhớ ăn sáng rồi mới đi học”. Ba em là công nhân vệ sinh nên sáng phải dậy thật sớm làm sạch đường phố trước khi mọi người thức giấc. Em chuẩn bị đi học ba mới trở về lo cho em gái. Buổi chiều, em đi học về trông em cho ba đi làm tiếp. Ba em cực lắm nhưng lúc nào ba cũng dịu dàng như mẹ. Em ước ao mẹ mình còn sống để đỡ đần công việc cho ba. Em thèm được như các bạn có mẹ, được mẹ ôm vào lòng, được mẹ khâu áo khi bị rách, được nghe mẹ hát ru em bé ngủ như cô Tư ở sát nhà. Mỗi lần nghe cô Tư hát ru con, em lại nhớ mẹ và nước mắt trào ra. Ba bảo: "Mẹ bây giờ đã thành cô tiên ở tận trên trời cao, mẹ cũng nhớ và thương con lắm nên con phải học thật giỏi mẹ mới vui". Em cũng thầm hứa với ba, sẽ học giỏi, học giỏi rồi mẹ sẽ sống lại với cha con mình, phải không ba?
Bà Betty Tisdale và những đứa trẻ mồ côi gốc Việt Nam, ảnh chụp trước đây.
Bà Betty Tisdale và những đứa trẻ mồ côi gốc Việt Nam, ảnh chụp trước đây. 
Em càng lớn mái tóc ba càng bạc nhiều hơn. Nhìn ba tảo tần lo cho em và em gái ăn học, em thương ba lắm chỉ mong mình nhanh lớn để đi làm giúp ba, nuôi em gái. Em không còn mẹ nhưng ba chính là người mẹ vĩ đại trong cuộc đời em. Em yêu ba vô cùng..."
Những dòng cuối cùng, Hùng đã đọc trong nước mắt, cả lớp đều khóc, cả cô giáo cũng khóc và không biết tự lúc nào, nước mắt của tôi cũng lăn dài trên khuôn mặt của mình...
Mỗi năm một lần, ngày Mother’s Day mang đến cho chúng ta cơ hội ngồi lại suy ngẫm những gì mà bà mẹ hiền đã làm cho chúng ta và đổi lại đôi khi ta cần tự hỏi rằng ta đã làm gì cho mẹ? Câu hỏi này cần một nơi thinh lặng để mỗi người có cơ hội ngồi một mình, đối diện với chính mình, nhặt ra từng lỗi lầm nhỏ nhất mà chính ta đã làm cho mẹ.
Em thèm được như các bạn có mẹ, được mẹ ôm vào lòng, được mẹ khâu áo khi bị rách, được nghe mẹ hát ru em bé ngủ như cô Tư ở sát nhà.
Hồ Duyên
Mother’s Day cũng là dịp để mua quà cho mẹ hiền nếu những ai may mắn còn mẹ. Chúng ta thường tự hỏi “Món quà nào xứng đáng nhất dành cho mẹ trong dịp này?” Câu trả lời có thể rất đơn giản: “Mẹ chỉ cần con yêu mẹ, thế là đủ”. Đây có thể là món quà đơn giản nhưng không dễ mang đến cho mẹ hiền, phải không, thưa quý vị?
Tình yêu của chúng ta đối với mẹ có vẻ lợt lạt quá hay chăng?
Hay vì chúng ta không có khả năng bày tỏ với mẹ rằng “mẹ ơi con yêu mẹ lắm” như nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từng ghi trong bài “Bông Hồng Cài Áo”?
Chúng tôi xin tạm ngưng chương trình nơi đây và thành tâm chúc cho tất cả quý vị ngày hôm nay sẽ nở được cánh hoa tình yêu trong lòng đối với mẹ hiền, người duy nhất trên trái đất này không bao giờ ngoảnh mặt với chúng ta trong bất cứ tình cảnh khốn khó nào....

No comments:

Post a Comment