Pages

Wednesday, June 27, 2012

BICH XUÂN * CAFÉ PARIS

Paris Về Đêm Bên Những Tiệm Café

Bích Xuân, Paris

 

 

 
 
 
 

Paris về đêm bây giờ có thể so sánh như người một đàn bà, bắt đầu trang điểm cho cặp má thêm hồng, cho đôi môi đậm đỏ. Những người ở vùng ngoại ô, hay những người ở Paris, họ thường đi tìm những quán café đẹp, hoặc quán café cũ của ngày xưa, để có những giây phút hoài cảm bên ly café. Bởi, nơi đây là di tích gợi nhớ lại quá khứ. Những quán café này cũng dành cho những người hay đi chơi khuya đến ăn trễ, hay uống một ly rượu nhỏ. Song song vào đó họ lên sàn nhảy, nhún vài động tác, xài cho cạn hết năng lượng trước khi đi về ... ngủ. Paris về đêm, còn có nơi để cho người ta buông thả cuộc đời bằng cách ... trao đổi thể xác với nhau một cách nhẹ nhàng mà hầu như những người chung quanh chẳng ai thèm để ý tới.  



 
 
 
 
 

Paris có rất nhiều tiệm café, đó chính là Paris có nét độc đáo riêng của nó. Truớc hết xin nói về những tiệm café nổi tiếng, nằm trong những khu sầm uất của Paris, và tiệm cũng đã nhiều tuổi thọ (nhà cửa ở Paris trên hai, ba, trăm năm là thường). Tiệm café Flore ở đường Boulevard Saint-Germain, quận 5, tiệm này có 120 tuổi(1887). Tiệm Flore nằm trong khu nổi tiếng Saint-Germain. Nơi đây như là một cái làng nhỏ trong Paris mà nhiều người ngoại quốc biết đến, nhờ tiệm tồn tại đến hôm nay.


Café Flore độc đáo nhất, không suy suyển với thời gian, được coi như là một ngã tư để trao đổi thời trang và những tư tưởng mới. Rất có nhiều người muốn đến đây để thưởng thức bầu không khí đặc biệt bên ly café nhỏ, đậm đắng, nhưng rất thơm ... Tiệm café Flore này, lấy tên một tượng thần, dựng bên kia đường. Nói tóm lại, từ năm 1930, những tiệm café nằm trên khu vực này, là nơi hẹn hò của những nhà trí thức, hoạ sĩ, nhà xuất bản, tài tử điện ảnh. Juliette Gréco, và Boris Vian thường sánh vai nhau ở đây. Nhà văn viết về thuyết hiện sinh Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir cũng thường hẹn gặp nhau tại đây vào năm 1939. 



 
 
 
 
  
 
Rồi đến tiệm café Chat Noir (Mèo Đen) được 126 năm tuổi của Rodolphe Salis, một người có tâm hồn nghệ sĩ. Tiệm café Chat Noir nằm ở dưới chân đồi Montmartre. Khách thường tới café Chat Noir vào buổi chiều tối, để nghe những bài hát, hay nghe những người khách lên kể những chuyện vui, chuyện tiếu lâm ... Café Chat Noir được thành lập 1881, (nguyên trước kia là một bưu điện). Vì sao có tên Mèo Đen ? Vì, Rodolphe Salis tình cờ "thấy" một con mèo hoang, trong cuốn sách qua một câu chuyện. Và ông chủ này tưởng tượng ra một cái bảng, trong đó có vẽ con mèo đen lớn, với cặp mắt màu xanh lá cây, ngồi trên một mảnh trăng lưỡi liềm, nên ông đặt ngay tên tiệm café là Chat Noir.

Tiệm Chat Noir là nơi tập trung những văn nghệ sĩ, họ đến để trình bày những bản nhạc mới, thơ mới sáng tác. Họ đến, để đọc cho nhau nghe, hoặc kể chuyện, hoặc tranh luận về đề tài thơ, nhạc, hay hát, ngâm thơ ... Café mỗi ngày càng đông khách, ông Salis mở thêm café Chat Noir thứ hai. Ông định mở thêm tiệm thứ ba thì ông bị bệnh mất năm 46 tuổi . Ở một góc Paris khác, có tiệm café Le Hard-Rock, tiệm này hay chơi nhạc Rock. Tiệm café này gần nhà hát kịch Rex, trên đại lộ Montmartre ở quận 9. Ở đây, ăn uống như kiểu bắc Mỹ (Mễ). Có hai món ăn đặc biệt là :Ribs và Fajitas. Nhà hàng này, bên trong có trưng bày 63.000 kỷ vật liên quan đến giới âm nhạc. Đây như một viện bảo tàng nhỏ của các ngôi sao về nhạc Rock. 63.000 đồ vật đủ loại, gồm có, những bản nhạc, đàn, áo quần của những người chơi nhạc Rock nổi tiếng, trong đó có cây đàn nổi tiếng của Eric Clapton nổi bật treo trên tường gần bar rượu. Sau đó là cây đàn của Pete Townsend.
Tiệm café ở một nơi khác là tiệm : café Charbon ở quận 15, nằm trên đường Oberkampf. Đây là một trong những khu đẹp của Paris, với những ngọn đèn trình bày rất lạ, đẹp mắt, và với những đồ chưng bằng đất nung. Còn một nơi café nổi tiếng khác là café Marly, nằm trên đường Rivoli thuộc quận nhất, tiệm café Marly ở ngay trong trung tâm của viện bảo tàng Louvre, trước mặt Kim tự tháp bằng kính. Tất cả café kể trên nổi tiếng về những cái duy nhất. Mỗi tiệm đều có những sắc thái độc đáo, riêng. Đến dùng một ly café nhỏ ở đây, có thể người ta sẽ tìm thấy những gì họ đang mong muốn, chờ đợi ... Đến thế kỷ 20, Paris về đêm thay đổi nhanh chóng.

Những tiệm café nhộn nhịp khách ra vào là nhờ ảnh hưởng của giới văn nghệ sĩ nổi tiếng ngày xưa, thường là động cơ để khiến khách đến tiệm café này nhiều hơn. Chẳng hạn như tiệm café ở vùng Montparnasse là tiệm Le Dome, La Rotonde mà hoạ sĩ nổi tiếng Picasso, Paul Klee, Marc Chagall, thường hay hẹn hò nhau ở đây. Các tiệm café này bây giờ vẫn còn hoạt động. Rồi đến khu vực của người Á châu hôm nay. Người Việt ở khắp nơi khi nghe nói đến Paris đều biết khu 13, do người Á châu làm "vua". Thật ra, chỉ là một khu vực nhỏ nằm trong quận 13 Paris mà thôi.


Người ta tưởng quận 13 là khu phố Á châu, không có gì để đi chơi về đêm, ngoài những tiệm ăn, có ca nhạc. Đó là điều sai lầm. Vùng 13 này, chia ra 3 vùng khá xa nhau. Mỗi vùng có nét độc đáo riêng và khác nhau. Người ưa thích về cảnh lạ, hay người thích những gì có liên quan đến người Á châu thì vào những tiệm ăn, hay vào những gian hàng trong siêu thị, dành riêng cho người Á châu, để nghe những bản nhạc mới nhất của ca sĩ Hồng Kông, hay là ca sĩ Việt Nam. Một nơi khác, ở vùng Butte aux Cailles, ban ngày rất trầm lặng, nhưng tối đến có những địa điểm như Merle Moqueur, người ta hay tụ họp tại đây. Nơi này, một số trưởng giả thích cuộc sống phiêu bạt, lang thang về đêm với một sắc thái riêng biệt của họ, và cũng là khu của nghệ sĩ. Cũng tại nơi này, có hai tiệm nổi tiếng là Batofar và Guinguette ở trên đường François Mauriac.

Nơi đây là hiện thân văn hóa của âm nhạc. Có hai chiếc tàu, một chiếc tàu sắt và một chiếc tàu buồm bằng gỗ như kiểu của Tàu. Các tàu này đậu ở bên dòng sông Seine. Trên tàu có ca nhạc cuối tuần. Trong tuần khách có thể vào uống café nghe nhạc hoà tấu, với gía 15 euro. Còn nghe hoà nhạc và bao ăn "trọn gói" 3 món gồm : khai vị, món chính, và món tráng miệng, giá 30 euro . >Ngược về quá khứ của Paris về đêm.
Dân Paris ăn chơi về đêm có từ lúc nào ? Cho đến bây giờ, những nhà khảo cổ vẫn chưa tìm thấy dấu vết của những bộ xương người đi chơi đêm ở Paris đang cầm ly rượu uống, hay ở trong tư thế ngồi ăn.
Do đó, người ta không thể biết rằng, những người đi chơi đêm tại Paris bắt đầu có từ lúc nào ? Theo người ta biết, dân Gaulois lúc đó đi chơi đêm trời Paris tối đen như mực, đâu đã có ánh đèn ? Thành ra, đi chơi đêm thời đó là một vấn đề rất nguy hiểm. Muốn đi chơi đêm để uống rượu là vô cùng liều lĩnh. Nếu có, cũng chỉ có ba hạng người mới dám đi thôi. Hạng thứ nhất : những người trưởng giả có tiền, có hầu cận bảo vệ. Hạng người thứ hai : quân nhân có mang gươm, tự tin nơi sức mạnh của họ, và hạng người thứ ba là đám bụi đời, có lẽ phải thêm vào nhóm thứ tư mà người ta ít đánh giá, đó là đám sinh viên hay đi ... nhậu đêm. Năm 1667, cảnh sát trưởng ở Paris, tổ chức chương trình thắp sáng Paris bằng những ánh đèn dầu, có cảnh sát đi tuần hàng đêm.

Từ đó, Paris mới bắt đầu có an ninh. Năm 1715, chính phủ cho mở những dạ vũ ở các nơi công cộng mà trước đó người ta chỉ tổ chức trong khung cảnh gia đình, hội họp mà thôi. Đến năm 1917, có tổ chức triển lãm quốc tế, lúc đó, những quán bia, rượu mở ra và được tiếp khách bởi những cô gái trẻ đẹp, ăn mặc rất hấp dẫn (không có con trai) do một ông chủ quán lăng xê ra vụ này. Phong trào cạnh tranh đua nhau mở quán bia, rượu có gái đẹp, mặc đầm xòe tiếp khách khắp mọi nơi trên đường phố Paris, thu hút được nhiều khách. Nhưng thật sự, người dân đi chơi đêm ở Paris, phải chờ đến thời đại Napoléon các hộp đêm mới bành trướng. Những hộp đêm dạ vũ theo nhau mọc lên khắp nơi. Nhà hát Opéra, tổ chức dạ vũ 3 ngày trong một tuần (một trong những nơi dạ vũ nổi tiếng của thời Napoléon, bây giờ là toà án lớn thương mại Paris). Paris bắt đầu có nhiều tiệm café. Vào năm 1730, có 380 tiệm café tại Paris. Trong các tiệm café, có thêm phần ca nhạc

 Đến nửa thế kỷ 19 người ta vẫn chưa phân biệt được, giữa các tiệm café và quán ca nhạc. Còn những dạ vũ lớn, thường thường tổ chức ngoài trời, trong những công viên lớn. Những nơi này, cạnh tranh với những nơi dạ vũ có bán rượu. Đến năm 1830, ngoài những tiệm café trên, có thêm 138 hộp đêm dạ vũ ở trước những cửa của vòng đai xa lộ, trước khi vào Paris. Tiệm vừa uống càfé, vừa nghe hoà nhạc, được tổ chức tại Champs Elysées vào năm 1840 dưới một cái lều lớn, gọi là "Concert de la Corde", lúc đó, ca sĩ chỉ đứng ca trên một thùng ... rượu. Buổi ca nhạc tuy đơn sơ, nhưng rất thành công. Sau đó, người ta bắt chước mở tiệm, vừa uống café, vừa nghe nhạc loại này đã trở thành một phong trào ... Và Paris về đêm bên những tiệm café cho mãi đến hôm nay ... Chuyện bên lề các quán ăn. Mấy tuần nay Paris bỗng chói chang nắng. Dân Paris thấy nắng là ùa ra phố, mua sắm, hoặc ngồi quán café ... và, Paris đã bắt đầu có khách du lịch. Nhân tiện đây xin kể vài chuyện ... vui, để bạn đừng ngạc nhiên khi đến một nơi lạ. Khi khách vào trong một nhà hàng sang trọng, có con nhỏ đi theo.
Đứa nhỏ ăn chung phần với mẹ, nhà hàng sẽ tính thêm tiền phần ăn của đứa bé (phục vụ muỗng, nĩa, ly, khăn cho đứa bé họ tính tiền service). Người mẹ có quyền không trả, nếu trong Menu không ghi rõ, nên hỏi người hầu bàn, vì có tiệm tính tiền, có tiệm không, nên đa số người trả tiền không để ý điều này. Khách đặt phòng ở khách sạn. Thường thường chủ khách sạn đòi đặt trước một số tiền cọc, để chắc chắn khi đến sẽ có phòng. Tiền đặt cọc có hai loại. Loại Arrhes : có thể lấy lại tiền đặt cọc, và chủ khách sạn có thể hoàn lại tiền cho khách gấp hai lần, khi họ cần cho người khác mướn. Loại thứ hai Acompte : không thể lấy lại tiền, trừ trường hợp khách có những sự rủi ro ngoài ý muốn. Còn Menu resto, phải hỏi rõ ràng để đừng lộn giá tiền ban ngày với ban đêm (thường trong menu để không rõ ràng). Và, trong mục về rượu, gía tiền chai rượu ghi 8 đồng.

Nhưng khi tính tiền, khách phải trả 16 đồng ? Vì, 8 đồng chỉ là nửa chai. Khi khách hỏi mới được giải thích. >Một chuyện nữa, bình nước lạnh lấy từ nước robinet không tính tiền trong bữa ăn, nếu ngoài bữa ăn có tiệm tính tiền. Còn về rượu và nước suối, phải khui trước mặt khách. Chuyện cuối cùng là khi thanh toán tiền, người hầu bàn hoàn trả tiền lại khách, họ để những đồng tiền kẻng dưới tờ giấy tính tiền, tiền giấy thì để trên tờ giấy tính tiền. Khách đi với bồ nhí, hơi đâu để ý chuyện lẻ tẻ, lấy vội những tờ giấy bạc để trên. Rồi nắm tay bồ nhí đi ra ... Có biết đâu, đồng tiền kẻng của Pháp có loại 2 đồng, và 1 đồng ...
Bích Xuân, Paris
 

  

 

No comments:

Post a Comment