Pages

Wednesday, June 27, 2012

KỸ NGHỆ TRỒNG TÁO TRUNG QUỐC


 
Kỹ nghệ trồng táo 'rất  đẹp cực kỳ  độc hại '
 ở Trung Quốc

Táo của Trung Quốc nổi tiếng màu sắc đẹp, vỏ bóng, ăn giòn, sản lượng cả triệu tấn mỗi năm, song giới nghiên cứu cảnh báo loại trái này rất có hại cho sức khỏe vì được trồng bằng phương pháp ủ bọc nhựa độc hại. > Người Trung Quốc sợ thực phẩm nước mình
Mỗi năm hàng triệu tấn táo Fuji xuất xứ từ Yên Đài, Sơn Đông, được phân phối đi khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc và xuất cảng.
Một cuộc điều tra gần đây phát hiện những nông dân ở Sơn Đông đã dùng bọc nhựa bên trong có thuốc trừ sâu để ủ táo.
Mặc dù "công thức" trồng táo này luôn được giữ kín, song các nông dân đã thừa nhận với tờ Chinawhisper rằng chất bột được dùng trong các bọc nhựa kia chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsenic, có thể gây ra những triệu chứng ngộ độc như co giật, sốt, bất tỉnh, ói mửa).


Phương pháp trồng táo độc hại này được áp dụng rộng rãi trong các nông trại ở địa phương này.
Loại túi nhựa độc hại dùng để bọc trái táo được sản xuất bí mật ở các xưởng nhỏ lẻ.
Các công nhân làm việc ngày đêm để làm "túi bọc táo".
Trong thành phần nguyên liệu sản xuất túi nhựa có cả thuốc trừ sâu pha loãng với nước.
Trên bao bì của túi nhựa ghi chú là "túi chỉ dùng bọc táo" chứ không có cảnh báo về thành phần thuốc trừ sâu bên trong.
Tháng 3 năm nay, cơ quan chức năng địa phương đã tịch thu 200 triệu túi nhựa độc hại và ra lệnh cấm sử dụng phương pháp ủ trái cây này. Tuy nhiên một lượng lớn các túi nhựa như thế vẫn đang được sản xuất và cung ứng cho các nông trại trồng táo.
Thi Trân
__

__,_._,___

Người tiêu dùng tẩy chay táo Trung Quốc

nnvn   -Thứ Hai, 18/06/2012, 17:13 (GMT+7)
Táo Fuji đẹp, giòn, ngọt xuất xứ Trung Quốc rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Tuy nhiên thông tin loại táo này trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại tẩy chay.
>> Công nghệ trồng táo rợn người ở Trung Quốc
Tại chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) tối 17/6, chị Trang mân mê lựa những trái táo (bom) đỏ để mua về ăn. Vốn thích ăn táo, chị cho biết trước đây thường chỉ quan tâm chọn loại có màu sắc đẹp mắt, vỏ bóng và không bị dập. Tuy nhiên nghe thông tin táo Trung Quốc nhiễm thuốc trừ sâu, chị luôn để ý hỏi về xuất xứ sản phẩm và mua loại nhập khẩu từ Mỹ hoặc New Zealand.
"Hễ nghe đến trái cây Trung Quốc là mình thấy sợ sợ. Mặc dù giá táo Mỹ hay New Zealand đắt hơn cả chục nghìn đồng so với các loại khác nhưng tiền nào của nấy, thà đắt chút mà an toàn", chị Trang, nhân viên một ngân hàng tại TP HCM nói sau khi lựa được 2 kg táo của Mỹ.
Người tiêu dùng . Ảnh: Thi Trân.
Một cửa hàng trái cây tại chợ Bến Thành có bán táo Fuji nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều khi ngay cả người bán cũng không phân biệt được đâu là táo Trung Quốc hay Mỹ.
Bán hàng trăm loại trái cây ở chợ Bến Thành gần chục năm nay, anh Tùng cho biết trước đây anh thường nhập các loại trái cây, trong đó có táo Fuji Trung Quốc về bán. Nhờ giá thành rẻ hơn so với các loại khác nên mặt hàng này bán khá chạy. Tuy nhiên khoảng vài năm nay người tiêu dùng tỏ ra dè chừng, nhất là sau khi có thông tin táo Trung Quốc được ủ thuốc trừ sâu, khách hàng dường như quay lưng với loại trái này.
"Hồi đó có ngày tôi bán được cả gần 100 kg táo Fuji nhưng về sau chẳng ai mua nữa, chỉ cần nói hàng Trung Quốc là bà con lắc đầu ái ngại nên chúng tôi chỉ nhập hàng Nhật, Mỹ, Úc...", anh nói.
Anh Tùng kể trước đây khách hàng TP HCM thường chỉ chú ý chọn những loại trái cây đẹp mắt thì hiện nay mọi người bắt đầu quan tâm hỏi về nguồn gốc sản phẩm. Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng nên hiện nay nên các tiểu thương khu chợ này thường không nhập hàng Trung Quốc về bán.
Tuy nhiên anh Tùng cũng thừa nhận bản thân làm lâu năm trong lĩnh vực này nhưng anh không thể phân biệt được đâu là táo Trung Quốc hay Mỹ. "Phía công ty họ giao hàng có dán tem của nước nào thì biết vậy thôi chứ của Trung Quốc mà họ bảo là New Zealand chúng tôi cũng chẳng kiểm chứng được", anh phân trần.
Vừa mua được 6 trái táo to màu hồng đẹp mắt ở cửa hàng của anh Tùng, chị Hương cho biết chỉ khi có giỗ chạp hoặc biếu ai đó chị mới mua trái cây bóng đẹp thế này chứ không để ăn. Chị kể mặc dù thích ăn táo nhưng có lần mua táo về để quên trong tủ lạnh cả 2 tuần mà trái vẫn tươi nguyên, từ đó chị không thiết tha ăn loại trái cây này nữa.
Theo khảo sát, tại TP HCM, đa số chợ và siêu thị đều có bán táo Fuji loại to, tròn có màu sắc đẹp mắt. Tuy nhiên khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, hầu hết các chủ tiệm đều nói là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Australia hoặc New Zealand.
Như cửa hàng của bà Hoa (đường 3 tháng 2, quận 10) bày bán rất nhiều loại trái cây, đặc biệt là táo có đến 5 loại với màu sắc, chủng loại và xuất xứ khác nhau. Riêng về táo Fuji, chủ tiệm này cho biết chỉ có bán 2 loại Fuji nhập từ Nhật (giá 50.000 đồng một kg) và Mỹ (70.000 đồng một kg).
Bà chủ cho biết thông thường khách mua những loại táo có màu sắc đẹp mắt này để biếu hoặc cúng chứ ít khi ăn nên bán khá chậm. Trước đây mỗi ngày cửa hàng bán được gần 50 kg táo thì hiện nay trung bình chỉ từ 10 đến 20 kg.
"Một số khách hàng đến đây hỏi mua, khi tôi đưa táo Fuji Nhật ra họ cũng bảo là giống loại của Trung Quốc lắm nhưng tôi cũng chịu chẳng biết thực hư thế nào. Có khi phía công ty họ cố tình tráo đổi tem nhãn thì mình làm sao phân biệt được", bà Hoa băn khoăn.
Sau khi truyền thông Trung Quốc đưa tin phát hiện táo Fuji nhiễm độc và loại táo này cũng được nhập khẩu vào Việt Nam, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM đã kiến nghị lên UBND thành phố lấy mẫu sản phẩm để kiểm định.
Tại Hà Nội, đa số các cửa hàng trái cây đều có bán loại táo Fuji Trung Quốc, có giá chênh lệch rõ rệt so với các loại xuất xứ từ Mỹ, Australia. Tại một số cửa hàng lớn có 2 loại táo Trung Quốc: táo bở giá 30.000 – 40.000 đồng một kg và táo đường Fuji vỏ bóng đẹp giá 60.000 - 70.000 đồng một kg.
Chủ một cửa hàng trái cây nhập khẩu trên đường Cầu Giấy giới thiệu: “Loại táo Trung Quốc này có màu sắc đẹp mắt, để được lâu nhưng ít người mua hơn. Thông thường khách hàng hay mua táo Úc, táo Mỹ, ăn giòn, ngọt và bảo đảm an toàn. Táo Trung Quốc chỉ sử dụng để bày mâm ngũ quả thôi”.
Tương tự tại chợ Nghĩa Tân hầu hết cửa hàng đều bán loại táo Fuji với giá từ 60.000 đồng một kg (xuất xứ Trung Quốc), 100.000 đồng một kg (Australia).
Từ vài năm qua người Hà Nội đã không mấy mặn mà với táo Trung Quốc, nhất là từ khi có thông tin về loại táo "cực đẹp cực độc", người tiêu dùng càng lo ngại.
"Giờ miền Bắc đang là mùa vải, mận, dưa hấu, giá lại rất rẻ nên chúng tôi toàn mua các loại quả này thôi, ai dại gì mua táo Trung Quốc ăn. Nếu có mua cũng chỉ để cúng vào ngày rằm, 30 vì táo đó to đẹp, lại thơm và để được lâu", một vị khách nữ trên đường Hồ Tùng Mậu cho biết.
Trước tình hình này, một số chủ cửa hàng nhỏ đã nói dối rằng các loại táo bở (táo tàu) và táo đường (hay táo Fuji, táo dai) đều trồng ở Việt Nam. Nhiều chủ cửa hàng còn quảng cáo táo Fuji là loại táo xịn, màu sắc đẹp, ăn giòn và ngọt không như loại táo tàu (táo bở) có giá chỉ bằng một nửa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Vinh, chủ nhiệm Văn phòng phía Nam Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại về các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, nhất là trái cây kém chất lượng. Tuy nhiên theo đánh giá của ông Vinh, các mặt hàng trái cây nhập khẩu qua đường tiểu ngạch vẫn đang được bán tràn lan trên thị trường và dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng.
Trong khi chờ sự can thiệp của cơ quan chức năng, ông Vinh khuyên "đừng vì ham giá rẻ mà mua những loại trái cây không rõ nguồn gốc. Tốt nhất nên mua những sản phẩm chất lượng đã được công nhận và bán ở những cửa hàng uy tín".
Vừa qua nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin táo Fuji xuất xứ từ Yên Đài, Sơn Đông được trồng bằng phương pháp ủ bọc nhựa tẩm bột có hại cho sức khỏe người dùng. Chất bột trong các bọc nhựa kia chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen).
Tháng 3 năm nay, cơ quan chức năng địa phương đã tịch thu 200 triệu túi nhựa độc hại và ra lệnh cấm sử dụng phương pháp ủ trái cây này. Tuy nhiên một lượng lớn các túi nhựa như thế vẫn đang được sản xuất và cung ứng cho các nông trại trồng táo. Trước thông tin này, giới tiêu dùng Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại và quay lưng với mặt hàng táo vốn rất được ưa chuộng tại đây.
Theo vnexpress

No comments:

Post a Comment