Pages

Wednesday, June 13, 2012

TRUYỆN JESS STUART

NGÀY CHA TÔI ĐẾN TRƯỜNG
Nguyên tác: Split Cherry Tree
Tác giả       :Jess Stuart ( Mỹ)(1907-   ?)
Người dịch: Trần thị Cổ Tích
Nguồn: Adventures in American Litterature.
 
Giới thiệu tác giả:
        Sinh trưởng trong một gia đình nông dân chưa ai học đến bậc trung học, nhưng Jess luôn mong mỏi trở thành nhà văn nên bằng mọi cách đã gắng học đến bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông làm quản lý một trường huyện. Cuộc sống không dễ dàng gì với ông và ông đã tích lũy năng lượng từ những khó khăn trong cuộc sống. Những bài thơ đầu tiên được làm trên những tờ giấy loại hoặc lá thuốc lá trong khi ông đang cày bừa. Nhiều truyện ngắn về những nông dân và thợ săn vùngKentuckyđã đưa ông trở thành nhà văn viết về địa phương hàng đầu của Mỹ.
Tác phẩm: – Taps for Private Tussie( bán được nửa triệu bản)
                 – The Thread That Runs So True, xuất bản khoảng năm 1956, là tiểu thuyết tự truyện, kể về thời kỳ khởi đầu của sự nghiệp giáo dục, lúc đó ông thậm chí còn trẻ hơn một số học sinh của mình.
“Split Cherry Tree” phần nào cũng là tự truyện. Cậu bé và thầy Herbert có thể đều là Stuart ở những độ tuổi khác nhau.
                    
                             ***
    Tôi khẩn khoản nói với thầy Herbert: -Em không ngại phải ở lại trường sau buổi học nhưng em thật sự mong rằng thà thầy đánh đòn em rồi cho em về nhà sớm còn hơn. Cha em sẽ cho em ăn roi nếu em về trễ hai tiếng đồng hồ dù vì bất cứ lý do gì.
   – Em đã lớn rồi. Không thể dùng roi vọt được. -Thầy Herbert nhẹ nhàng nói. -Thầy phạt em vì cái tội đã trèo lên cây anh đào đó. Các em biết rõ mà. Năm cậu kia đã nộp phạt mỗi người một đô la. Em là người duy nhất không nộp. Em không thể mượn đâu được một đô sao?
   -Dạ, không ạ. Em chấp nhận hình phạt, hy vọng sẽ nhanh thôi. Em không ngại gì cả, thưa thầy.
   Thầy Herbert đứng nhìn tôi. Trông ông thật cao lớn. Ông mặc bộ com-lê xám, rất hợp với mái tóc muối tiêu của ông.
   -Thầy chưa biết cha em đâu. -Tôi giải thích. -Có thể nói cha em hơi lỗi thời. Ông buộc chúng em phải vâng lời ông cho đến khi đủ hai mốt tuổi. Ông tin vào câu “Thương cho roi cho vọt”. Em không thể nào nói cho ông thông cảm được về chuyện cây anh đào. Em là người đầu tiên trong gia đình được đi học trung học đó, thầy ạ.
   – Em phải chịu phạt thôi. -Thầy Herbert dứt khoát. -Em phải ở lại sau buổi học hai tiếng và ngày mai cũng vậy. Thâỳ sẽ trả cho em hai mươi lăm xu mỗi giờ. Đó là  món tiền công khá hời so với một học sinh trung học. Nhiệm vụ của em là quét các phòng học, lau bảng, lau cửa sổ. Thầy sẽ trả tiền cho em.
   Tôi không thể hỏi mượn thầy một đô. Tôi biết thầy sẽ không bao giờ cho mượn. Tôi phải ở lại trường giúp bác bảo vệ làm việc để kiếm tiền trả tiền phạt.
   Tôi vừa quét vừa suy nghĩ. Cha sẽ làm gì tôi nhỉ. Tôi nên nói dối ông thế nào đây khi về nhà? Ờ, mà sao tôi lại leo lên để rồi làm gãy cây anh đào đó. Sao chúng tôi lại điên rồ chạy lên đồi, bỏ xa đám bạn trong trường chớ. Tại sao chúng tôi lại làm việc đó. Sáu mống trèo lên một cây anh đào nhỏ bé để đuổi theo một con thằn lằn. Tại sao cái cây lại ngã xuống cùng với chúng tôi. Lẽ ra nó phải cứng cáp mạnh mẽ hơn mới phải. Tại sao lão Eif Crabtree lại ngẫu nhiên cày ruộng bên dưới chân đồi để rồi bắt gặp chúng tôi làm gãy cây. Sao lão không tử tế hơn mà lại khăng khăng đòi chúng tôi phải đền sáu đô cho cái cây bị gãy? Thật là xui xẻo!
   Khi tôi rời trường thì đã sáu giờ. Tôi phải đi bộ gần mười cây số. Có lẽ phải hơn bảy giờ tôi mới về tới nhà. Có nhiều việc phải làm ở nhà. Cả cha và tôi cùng làm. Sáu con bò cái cần lấy sữa. Mười chín gia súc phải cho ăn. Bốn con la, hai lăm con lợn thịt. Đốn củi dùng cho nhà bếp và lò sưởi. Lấy nước giếng. Có lẽ khi tôi về đến nhà thì cha đang làm những việc đó. Hẳn ông đang nổi khùng và tự hỏi điều gì đã giữ tôi ở lại trường.
   Tôi vội vã chạy về nhà dưới những bóng cây đen sẫm, trụi lá. Phóng thật nhanh lên đồi. Chạy thục mạng xuống đồi. Mặt đất lạnh cóng. Phải nhanh lên, nhanh lên. Đã đến chỗ mô đất dẫn tới vùng đồng cỏ nuôi bò của nhà tôi. Chạy dọc mô đất, gió thổi khô mồ hôi trên mặt,tôi băng qua cánh đồng cỏ về tới nhà.
   Ném sách vở xuống khoảnh sân  nứt nẻ, tôi chạy ngay đến sân kho để rải cỏ khô cho bầy gia súc. Không có thời gian thay bộ đồ đi học bằng áo quần lao động, tôi chạy tới vựa lúa. Cha đang rải cỏ khô trên đất. Đó là việc của tôi. Tôi phóng đến chỗ hàng rào và kêu lớn: -Để đó cho con cha ơi. Để con làm. Con về hơi trễ.
     – Tao biết chớ. -Cha quay lại nhìn thẳng vào tôi, mắt ông lấp lánh ánh lửa. -Cái gì ngoài kia hấp dẫn mày vậy? Xao không lo về giúp tao làm việc.Tao ước ao một đứa chong nhà này chở thành người tử tế có học mà mày làm như vậy đó hả. Cho mày tới chường để mày hư hỏng vậy xao?
    Tôi quyết định sẽ không nói gì cả. Tôi không muốn nói tại sao tôi về trễ. Cha ngừng rải cỏ khô, nhìn tôi gịân dữ: -Xao tới giờ mày mới về? Nói tao nghe không thì tao cho ăn doi ngay tại chỗ.
    Tôi thú thật:- Con phải ở lại sau buổi học. -Cuối cùng thì tôi không thể dối cha được. Ông sẽ đến trường và tìm ra lý do tôi ở lại. Nếu tôi nói dối thì sẽ thật tồi tệ.
    Cha gằn giọng: -Vì xao mày phải ở lại xau buổi học?
    Tôi lí nhí: -Lớp sinh học của con đi dã ngoại. Sáu đứa con trai bọn con làm gãy cây anh đào. Chúng con phải góp mỗi đứa một đô la để đền. Con không có tiền nên thầy Herbert sắp xếp cho con lao động để kiếm tiền. Thầy trả cho con mỗi giờ hai lăm xu. Con phải ở lại chiều nay và chiều mai nữa.
  – Mày có nói thiệt không hả? -Cha giận dữ hỏi.
  – Con nói thật cha à.Cha cứ đến trường hỏi xem.
  – Đó là việc tao xẽ làm ngày mai. -Cha hăm he. -Bọn bay làm gãy cây anh đào của ai vậy?
  – Của lão Eif Crabtree.
  – Bây làm cái giống gì ở tận chỗ lão Crabtree lận? Lão ở cách chường tới bốn dặm. Mà nhà chường không có xách dạy cho bây xao? Họ cho bây da ngoài và lang thang chên những xườn đồi à? Nếu họ chỉ dạy có bấy nhiêu thì tao xẽ cho mày ở nhà, Dave à. Tao phải làm lụng cực khổ như vầy không phải để cho mày học cái kiểu đó.
   Tôi vội vã phân trần: -Không phải cha à. Bây giờ đang là mùa xuân. Môn học ở trường chúng con cần phải có côn trùng, rắn rết, hoa cỏ, thằn lằn, ếch nhái… Môn đó gọi là môn sinh học. Hôm nay đẹp trời nên chúng con ra ngoài để kiếm mấy thứ đó. Sáu đứa bọn con cùng lúc trông thấy con thằn lằn đang phơi nắng trên cây anh đào và thế là bọn con  leo lên bắt. Cây bị ngã và bị chẻ ở chỗ chạc ba. Xui xẻo là lão Eif Crabtree lại đang cày bừa phía dưới đồi. Lão chạy lên hỏi tên bọn con. Mấy đứa kia trả tiền phần chúng. Con không có tiền. Thầy Herbert sắp xếp cho con làm việc ở trường để trả nợ.
    – Ờ, phải dồi. Mày là con của một lão nghèo khổ mà. -Cha nổi sùng. -Xáng mai tao xẽ đích thân đi hỏi cho da lẽ. Tao xẽxăn xóc” ông thầy tí chút. Ông ta có phải người  vùng này đâu. Tao xẽ tới đó gặp ông ta. Cho phép bọn bây bỏ bê xách vở và lêu lổng chên đồi à. Chường quái gì lạ vậy? Hồi nhỏ tao có học như vậy đâu mà mọi việc vẫn cứ là tốt đẹp.
    – Con xin cha đừng tới đó .- Tôi năn nỉ. -Cha chỉ việc cho con năm mươi xu để trả số tiền phạt còn lại. Con không muốn cha tới đó chút nào. Con sợ cha gây sự với thầy Herbert lắm.
    – Mày xấu hổ vì lão già này hả, Dave? – Cha tức tối. -Xau tất cả
những việc tao làm để nuôi nấng mày, cố hết xức cho mày tới chường để xau này có cuộc xống khá hơn tao? Để dồi xem. Chính tay tao xẽ uốn nắn mọi thứ cho ngay ngắn. Chính tay tao xẽxăn xóc” ông thầy Herbert. Ông ta không có quyền giữ mày lại và cho mấy đứa kia da về chỉ vì chúng có tiền. Tao nghèo khổ thiệt đó, nhưng nên nhớ, một viên đạn có thể ghim vào một thầy giáo cũng giống như vào bất cứ kẻ nào, ghim vào kẻ giàu cũng giống như vào người nghèo. Thôi, làm việc đi không thì tao  lấy doi tuốt vào lưng mày bây giờ.
Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ cố hết sức chạy băng qua khu rừng phía bên kia sân kho và rời xa trường, xa gia đình mãi mãi. Cha không thể bắt được  tôi. Tôi sẽ trốn đi thật xa vì tôi không thể đi cùng cha đến trường. Ông có súng. Ông sẽ bắn thầy Herbert. Khó mà biết được ông sẽ làm gì. Tôi có thể nói với cha là trường học vùng cao bây giờ đã thay đổi, không còn như thời nhỏ cha đi học nữa. Tôi có thể nói với ông là chúng tôi học về ếch nhái, chim muông, cây cỏ… nhưng cha sẽ không hiểu. Thật ra, nếu tôi bỏ trốn thì cũng chẳng ăn nhằm gì với cha. Dù sao ông cũng vẫn cứ đến gặp thầy Herbert và biết đâu ông sẽ nghĩ rằng chính nhà trường và thầy Herbert đã đem tôi trốn khỏi nhà.Vậy thì không cần chạy trốn. Tôi phải ở lại, cho trâu bò ăn cỏ khô và cùng cha đến trường vào sáng mai.
  Tôi lấy một bó cỏ khô, tháo dây buộc chung quanh rồi trải cỏ lên mấy tảng đá, lên những cây tầm xuân còn xanh và lên các bụi cây để gia súc khỏi giẫm đạp. Tôi còn phải dựng cỏ khô vào thân cây sồi, đặt chúng trên những tảng đá ở đồng cỏ phía trên chuồng lợn trên đồi. Cỏ khô lạnh cứng sau khi được xếp chặt thành đụn lớn.
    Tôi vác từng bó cỏ khô từ đụn cỏ đến trải cho mỗi con bò. Cha thì đến sân kho cho la ăn và ném bắp vào chuồng cho lợn.
   Trăng chiếu sáng rỡ trên bầu trời tháng ba lạnh giá. Tôi đã hoàn thành công việc của mình dưới ánh trăng. Thầy Herbert thật sự không biết tôi phải làm bao nhiêu là việc ở nhà. Nếu biết, chắc chắn thầy sẽ không giữ tôi lại trường. Thầy sẽ cho tôi mượn một đô la để đền cho việc làm gãy cây. Thầy chưa từng sống ở vùng cao. Thầy không thể hiểu cái cách học trò vùng cao phải làm việc để có tiền đi học. Hiện giờ thầy đang dạy ở một trường quận, nơi mà tất cả học trò đều là con của nông dân vùng cao.
    Xong việc. Tôi về nhà và ăn bữa xúp. Cha và mẹ đã ăn xong. Món xúp của tôi lạnh ngắt. Tôi nghe cha và mẹ nói chuyện ở phòng ngoài. Cha kể cho mẹ nghe việc tôi phải ở lại trường sau buổi học.


     -Tối nay tôi xẽ vắt xữa và chẻ củi cho xong. Thật vất vả khi phải vật lộn với đất đai xuốt ngày. Ngày mai tôi xẽ nghỉ làm để coi thử mình có thể xữa chữa mọi việc tí chút không. Tôi xẽ tới cái chường đó. Đối với ông thầy Herbert thì tôi không phải là học trò ngoan ngoãn gì nên ông ta xẽ không giữ tôi lại.Tôi xẽ dạy một loại bài học khác ở đó và giúp ông ta làm quen với nó.
   Mẹ can ngăn: -Ông không nên tới đó, Luster à.Đừng có gây dắc dối. Ông có thể bị bỏ tù vì cái chò đó. Cảnh xát xẽ bắt ông đó. Ông chỉ tới đó vung vít và gây khó khăn cho thằng Dave con ông chước mặt bạn bè nó mà thôi.
-         Khó khăn hay không khó khăn mặc kệ. Ông ta có quan tâm tới những việc tôi làm ở đây không hả? Tôi xẽ cho ông ta biết dằng ông ta không có quyền giữ một đứa chẻ và tha cho những đứa khác. Con tôi không tốt như chúng xao? Một viên đạn xẽ cắm một lỗ vào một thầy giáo cũng như vào những kẻ khác mà thôi. Ông ta không thể làm như vậy với tôi mà được. Tôi xẽ cho ông ta ăn kẹo đồng chước nhứt. Xáng xớm mai tôi xẽ tới đó và uốn nắn mọi việc cho tử tế. Tôi xẽ coi thử việc học về mấy con vật là cái gì. Việc này ảnh hưởng tới mọi loài vật của thượng đế. Xăn bắt dắn dết, thằn lằn, ếch nhái. Lùng xục khắp vùng, xâm nhập vườn cây anh đào dồi làm gãy cây chỉ vì đuổi theo mấy con thằn lằn. Lão Eif Crabtree lẽ da nên đổ chì nóng vào chúng nó thay vì đền xáu đô. Và ông thầy Herbert xẽ là kẻ đầu tiên lãnh đủ.
Tôi ăn vội ăn vàng rồi chạy nhanh lên gác đốt đèn lên học bài. Tôi cố quên mọi chuyện. Tôi học môn hình học phẳng rồi đến môn sinh học. Thật khó nhét bài học vào đầu vì tôi mãi nghĩ đến cha. Sáng mai ông sẽ cùng tôi đến trường. Ông sẽ mang theo súng để bắn thầy Herbert! Thầy sẽ nghĩ về tôi thế nào đây?T ôi không thể chịu nổi.Tôi ghét phải đi với cha. Cầu mong tối nay ông bớt nóng giận và ngày mai ông sẽ ở nhà.


    Cha thức dậy lúc bốn giờ sáng. Ông nhóm lửa ở bếp và lò sưởi rồi gọi mẹ dậy lo chuẩn bị bữa sáng, sau đó đánh thức tôi dậy cho gia súc ăn và vắt sữa bò. Khi chúng tôi xong mọi việc ở vựa lúa thì cũng là lúc mẹ chuẩn bị xong bữa sáng. Chúng tôi ăn sáng. Trời dần sáng tỏ. Những cây sồi trơ trụi phủ đầy sương giá trắng toát. Cả vùng đồi trắng toát vì sương giá. Một cơn gió lạnh thổi qua. Bầu trời thật trong trẻo. Chẳng bao lâu mặt trời lên xua tan sương giá. Chiều đến có thể có nắng ấm và băng sẽ tan. Sẽ lại có bùn trên đồi và nước bùn sẽ chảy xuống những khe nhỏ.

   Và thế là cuối cùng cha ra lệnh: -Nào, Dave. Chúng ta chủng bị tới chường thôi. Xáng nay cha xẽ đi với mày xem thử cái vụ học hành về dắn dết, côn chùng, và việc làm gãy cây da xao. Cha không ưa cái kiểu học kỳ cục đó chút nào.
   Vậy là cha đã không quên. Tôi phải đưa ông tới trường. Tôi mừng là chúng tôi đi sớm. Nếu lỡ cha có bắn thầy Herbert thì sẽ không có quá nhiều bạn học của tôi trông thấy.
  Tôi biết cha sẽ không ăn mặc như ở nhà khi đến trường. Ông mặc quần yếm lao động, mang đôi ủng to,áo sơ mi màu xanh da trời, áo khoác bằng lông cừu và cái mũ mềm màu đen vành rộng bẻ cong xuống, chóp mũ đã bắt đầu sờn. Ông đặt súng vào bao súng. Chúng tôi bắt đầu băng qua ngọn đồi, lê bước về phía trường học.
   Khi chúng tôi đến nơi thì hãy còn sớm. Thầy Herbert đã ở đó. Bước lên bậc thềm vào trường, tôi nghĩ: – Biết đâu cha sẽ nhận ra thầy Herbert là người tốt. Cha chỉ chưa hiểu thầy ấy mà thôi. Cũng như tình cảm mình đối với anh em nhà Lambert ở bên kia đồi vậy mà. Mình không thích họ cho đến khi mình gặp và trò chuyện với họ. Sau khi đi học và chuyện trò cùng nhau mình bỗng dưng yêu mến họ và tất cả trở thành bạn bè. Chúng ta cần nhiều thời gian để hiểu người khác.
    – Ông là thầy phụ chách ở đây phải không? -Cha đột ngột hỏi.
    – Phải. -Thầy Herbert ôn tồn.-Còn ông là cha của Dave?
    – Đúng vậy. -Cha cộc cằn trả lời và rút súng ra đặt trên ghế trong văn phòng của thầy Herbert.Đôi mắt thầy tròn xoe sau cặp kính gọng đen khi thầy trông thấy khẩu súng. Mặt thầy đỏ lựng.
  Cha nghênh mặt: -Tôi muốn biết vài điều về cái chường này. Tôi đang cố gắng cho Dave chở nên người có học hành đàng hoàng. Nó là đứa duy nhất chong mười một đứa con của tôi được vào chường chung học. Vậy mà nó đi học về chễ để tôi phải làm mọi việc ở nhà. Nó nói dằng hôm qua cả chường đi xăn côn chùng và làm gãy một cây anh đào. Nó phải ở lại chường làm việc xuốt hai giờ để kiếm tiền đền cây anh đào đó. Có đúng vậy không?
  Thầy Herbert vừa nhìn khẩu súng vừa đáp: -À…Tôi tin là như thế.
   Cha lớn tiếng:- Vậy da đây đâu phải là chường chung học. Đây là chường côn chùng, chường thằn lằn, chường dắn dết. Dù gì đi nữa thì nó cũng không xứng đáng là chường học chút nào!
  Thầy Herbert hỏi dò: – Ông mang theo súng làm gì vậy?
  – Thầy thấy cái lỗ nhỏ kia chớ? -Cha vừa nói vừa cầm khẩu súng lên và đặt ngón tay dưới nòng súng. -Một viên đạn có thể bay da khỏi cái lỗ này và giết chết một thầy giáo như giết chết bất cứ kẻ nào, cả người giàu lẫn người nghèo. Nhưng mà xau khi gặp thầy tôi hiểu dằn
  Cha đứng đó. Cao lớn và rắn rỏi, nước da nâu đen mạnh mẽ. Tôi chưa từng biết là cha cao lớn và rắn rỏi đến thế. Tôi chưa từng nhìn thấy cha ở trường. Tôi chỉ thấy thầy Herbert. Thầy luôn luôn cao lớn trong mắt tôi. Nhưng lúc này, bên cạnh cha, thầy không còn cao lớn nữa.
  Thầy điềm đạm: -Tôi chỉ làm bổn phận của tôi, thưa ông Sexton. Chúng tôi theo đúng chương trình học mà tiểu bang giao cho.
   – Chương chình học à?- Cha sẵng giọng. -Học cái gì? Học côn chùng xâu bọ hả? Đem chẻ dong chơi ngoài dừng chong khi cha mẹ khốn khổ của chúng ở nhà làm việc như những tên nô lệ để chúng được tới chường , được học hành đàng hoàng. Thầy cũng biết thật là nguy hiểm khi cho cả đám vừa chai vừa gái da ngoài cùng nhau như vậy chớ?
     Bây giờ đã có nhiều học sinh đến trường. Thầy Herbert bảo: -Dave, đóng cửa lại kẻo nhiều người nghe thấy. -Tôi bước ra đóng cửa, run như chiếc lá trong cơn gió mạnh. Tôi lo cha sẽ đánh thầy Herbert bất cứ lúc nào. Ông đang nói huyên thuyên liên tục. Mặt ông đỏ dần. Màu đỏ đến từ làn da nâu dãi dầu mưa nắng trên gương mặt cha.
  Thầy Herbert nghiêm nghị: -Tôi có trách nhiệm với những học sinh này. Tôi biết việc gì chúng nên làm và việc gì không nên. Tôi không giao cho những giáo viên khác đi với chúng mà đích thân tôi đưa đi. Phải rồi. Tôi mang cả trai lẫn gái cùng đi. Tại sao không?
  – Theo tôi việc đó không hay lắm. Đem cả đám chẻ này da ngoài, xục xạo cả vùng, làm gãy cây, dồi giữ lại xau buổi học!
  Tôi có thể làm gì khác với Dave bây giờ hả ông Sexton? -Thầy Herbert hỏi. -Mấy cậu ấy không việc gì phải cùng trèo lên cây đuổi theo một con thằn lằn. Lẽ ra chỉ một người là đủ. Người chủ đòi bồi thường sáu đô. Tôi nghĩ điều đó hơi quá quắt nhưng chúng tôi vẫn phải trả. Bắt mấy cậu kia trả tiền và tha cho con trai ông ư? Cậu ấy nói cậu ấy không có tiền và cũng không thể mượn được. Vì thế tôi cho cậu cơ hội làm việc để kiếm tiền. Cậu ấy không làm việc cho tôi. Cậu ấy làm cho nhà trường.
   – Tôi không biết ông có thể làm gì với nó.- Cha cự nự. -Theo tôi cứ đánh đòn là xong. Đó là những gì nó cần.
   – Cậu ấy lớn tồ rồi không thể dùng roi vọt được. -Thầy Herbert cười, chỉ vào tôi. Trông đã ra bộ dạng thanh niên rồi đó.


   – Đối với tôi thì nó vẫn còn cần đến doi vọt. Nó chưa đủ lớn cho tới khi nó hai mốt tuổi. Tôi thấy chẳng hay ho chút nào khi bắt một đứa làm việc và tha cho mấy đứa kia chỉ vì chúng nó có tiền. Tôi cũng chẳng biết nhà chường cần làm gì với mấy con bọ đó. Chẳng hay ho chút nào!
  Cha nhặt khẩu súng và đặt lại vào bao. Màu đỏ biến khỏi gương mặt thầy Herbert. Thầy nói thêm vài điều với cha. Cha đã hơi dịu đi. Thật buồn cười khi nhìn cha ở trong trường. Đây là lần đầu tiên ông có mặt ở một trường trung học.

  Thầy Herbert tiếp tục: -Ông Sexton à. Chúng tôi không chỉ bắt ếch nhái rắn rết thằn lằn bươm bướm cỏ cây mà chúng tôi còn tìm cỏ timothy khô để đặt trong lồng kính và nuôi động vật nguyên sinh nữa.
   – Tôi không biết động vật nguyên xinh là cái gì cả. Còn lồng kính chắc là một cái bẫy kiểu mới để lừa phỉnh lũ gà mái và nuôi gà con chớ gì. Tôi không tin lắm vào cái cách gây giống gà như ông vừa nói.

   – Ông có nghe nói về vi trùng chứ, ông Sexton?
   – Cứ gọi tôi là Luster cho tự nhiên thân mật, nếu thầy không ngại. -Cha làm ra vẻ  hờ hững.
   – Vâng, ông anh Luster, ông có nghe nói về vi trùng chứ hả?
  – Có nghe. Nhưng tôi không tin cái chuyện vi chùng.Xáu mươi lăm tuổi đầu dồi mà tôi có thấy con vi chùng nào đâu.
  – Ông anh không thể nhìn bằng mắt thường được. -Thầy Herbert vui vẻ. – Ông  anh chỉ việc cất súng vào bao và ở lại với chúng tôi ngày nay. Tôi sẽ cho ông anh xem vài điều thú vị. Trong bựa răng của ông anh có vi trùng đấy.
  – Cái gì? -Cha giật mình. -Thầy định nói là chong miệng tôi có vi chùng á?
  – Đúng vậy. Giống  hệt như loại vi trùng chúng tôi tìm thấy trong cơ thể một con rắn khi giải phẫu nó.
  – Tôi không muốn cãi cọ với thầy nhưng tôi không tin chong miệng tôi có cái thứ đó.
  – Hãy ở lại với chúng tôi hôm nay. Tôi sẽ chứng minh cho ông anh thấy. Nhà trường vùng cao đã thay đổi nhiều kể từ thời ông anh cắp sách đến trường. Tôi đoán hồi ấy nơi này chưa có trường trung học.

  – Không có. Chỉ học đọc, học viết và đếm tới mười thôi. Chúng tôi không học ếch nhái, không tìm thấy vi chùng chong miệngchong bụng dắn. Thế giới thay đổi nhiều vậy xao?
  – Đúng thế. Và chúng tôi hy vọng thế giới thay đổi theo chiều hướng tốt. Những chàng trai như con trai ông anh sẽ giúp thay đổi thế giới. Chúng hiểu rõ điều đó. Tôi đã nói rồi. Hôm nay hãy ở lại đây với chúng tôi nhé.

   – Tôi xẽ ở lại với thầy. Tôi muốn coi con vi chùng chong miệng tôi.Cả đời tôi chưa thấy một con vi chùng. Chăm nghe không bằng một thấy. Cha tôi đã nói vậy mà.
  Cha cùng thầy Herbert ra khỏi văn phòng. Tôi hy vọng thầy không bắt giữ cha về tội đã rút súng. Súng của cha luôn là người bạn đồng hành của ông mỗi khi ông dẹp yên những vụ tranh chấp.
  Chuông reo vào lớp. Sân trường sôi động hẳn lên. Các học sinh nhìn cha khi họ xếp hàng vào lớp. Họ nhăn mũi trêu ghẹo nhau và thụi nhau. Cha đứng ở cửa nhìn họ đi qua. Hai hàng dài nghiêm chỉnh đi vào lớp.Namnữ đều trông sáng sủa và ăn mặc gọn gàng. Cha đứng trong sân trường dưới cây du trụi lá, áo khoác bằng da cừu, đôi ủng lớn phía trước viền lông thỏ, đôi tất dày bó chặt phía trên. Ống quần yếm lụng thụng và nhăn nhúm giữa áo khoác và miệng ủng. Cổ áo sơ mi màu da trời ló ra. Chiếc mũ đen lớn rộng vành để lộ mái tóc đen có vài vệt tóc bạc. Gương mặt rắn rỏi và làn da sạm nắng như một lá cỏ khô. Bàn tay to bè gân guốc xương xẩu như rễ cây du bên cạnh ông.
  Vào giờ học đầu tiên, tôi thấy cha và thầy Herbert đi dạo quanh trường. Đến giờ học môn hình học, cha và thầy đi vào lớp. Chúng tôi đang chứng minh định đề toán học trên bảng. Họ im lặng đi vào và ngồi một lát. Tôi nghe Fred Wurts thì thầm với Glenn Armstrong:- Lão già đó là ai vậy, Lord? Trông thật thô lỗ. -Glenn cũng thì thầm trả lời:- Tao nghĩ đó là cha của thằng Dave. -Học sinh trong lớp nhìn cha chăm chú. Chắc hẳn họ đang tự hỏi ông làm gì ở trường. Trước khi hết giờ học, cha và thầy đứng lên đi ra khỏi phòng Tôi thấy họ trong sân chơi. Thầy Herbert đang giải thích cho cha điều gì đó. Tôi cũng có thể thấy rõ hình thù khẩu súng của cha hằn rõ dưới lớp áo khoác mỗi khi cha bước đi.
  Buổi trưa, trong phòng ăn của trường, cha và thầy cùng ngồi ở cái bàn nhỏ nơi thầy Herbert luôn luôn ngồi ăn một mình. Họ cùng ăn trưa. Bọn học sinh quan sát cách cha ăn. Cha ăn bằng dao thay vì dùng nĩa. Nhiều học sinh cảm thấy ái ngại cho tôi sau khi biết ông là cha tôi. Nhưng họ không cần phải như thế. Tôi không xấu hổ gì về cha khi tôi nhận ra rằng cha đã không bắn thầy Herbert. Tôi vui mừng vì họ đã trở thành bạn bè. Tôi không xấu hổ về cha chút nào bao lâu ông còn cư xử đẹp.Ông sẽ hiểu về nhà trường cũng như tôi đã hiểu anh em nhà Lambert ở bên kia đồi.
  Buổi chiều, vào lúc chúng tôi học môn sinh học, cha bước vào lớp.Ông ngồi ở một ghế đẩu cao bên cạnh kính hiển vi. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc như thể không có cha trong lớp. Cha lấy con dao của ông và cạo một ít cao răng trong miệng.Thầy Herbert đặt nó lên thấu kính và gắn kính hiển vi cho cha. Thầy cũng gắn kính vào và làm việc một lát. Sau đó thầy quay lại gọi cha: -Này,Luster. Ông anh nhìn thử xem. Nhìn thẳng vào chỗ có ánh sáng nhé. 

Nheo một mắt lại. -Cha cúi xuống và làm theo lời thầy. Sau cùng cha reo lên: -Tôi thấy dồi. Ai mà ngờ được nó ở ngay chong dăng của mình, ngay chong miệng mình.Thầy có chắc chúng không phải là đồ giả không, hả thầy Herbert?
  – Không đâu, Luster.- Thầy Herbert nghiêm nghị:- Chính là vi trùng đó. Vi trùng sống trong một thế giới mà với mắt thường chúng ta không thấy được. Chúng ta phải dùng kính hiển vi. Có hàng triệu con trong cơ thể chúng ta. Một số có hại. Một số có ích.

  Cha lại cúi xuống và nhìn qua kính hiển vi. Chúng tôi ngừng làm việc và nhìn cha. Ông ngồi ngay trên cái ghế cao.Đầu gối tựa vào bàn. Chân ông dài. Cái áo khoác vén lên ở phía sau khi cha cúi xuống để lộ báng súng. Ngay lập tức thầy Herbert kéo cái áo khoác xuống.
  -Ồ, đúng dồi. Cha nói và đứng lên kéo cái áo khoác xuống. Gương mặt cha hơi đỏ lên. Cha nhớ lại khầu súng và nhận ra nó thật vô dụng ở đây.
  Thầy Herbert nói thêm: -Hôm qua chúng tôi bắt được một con rắn đen. Tôi để đàng kia kìa. Chúng tôi sẽ gây mê và giải phẫu cho ông anh xem vi trùng trong cơ thể nó.
  – Đừng làm vậy. -Cha hốt hoảng. -Tôi tin thầy dồi. Tôi không muốn thầy giết mấy con dắn đâu. Tôi không bao giờ hại dắn. Chúng bắt chuột giỏi lắm và giúp chúng tôi nhiều chong việc nhà nông. Tôi thích dắn. Tôi ghét những ai giết chúng. Ở chỗ tôi, tôi không cho phép ai hại chúng.
   Các học sinh nhìn cha. Họ có vẻ thích ông khi nghe ông nói như thế. Ôi, cha tôi, súng trong túi và trái tim nhân hậu  trong lồng ngực. Nhân hậu với rắn, không phải với con người. Ở nhà cha không khi nào đánh mấy con la và bầy gia súc.
  Cha giải thích: -Con người có thể tự bảo vệ nhưng loài vật không thể. Không lý do gì mà người ta đánh đập mấy con la khi nó làm việc tốt. Hạng người đó chẳng tử tế chút nào.
  Thầy Herbert đưa cha sang phòng thí nghiệm. Thầy chỉ cho cha thấy chúng tôi đang làm nhiều việc khác nhau và giới thiệu những thiết bị chúng tôi sử dụng. Họ đứng chuyện trò trong khi chúng tôi làm việc. Rồi họ cùng bước ra ngoài. Họ nói chuyện to hơn khi đã ra ngoài hành lang.
   Tôi ra khỏi phòng sau khi học xong môn sinh học. Đó là giờ học cuối trong ngày. Tôi định lấy chổi và quét tiếp hai giờ nữa để trả cho xong nợ. Tôi tự nhủ không biết cha có đồng ý cho tôi ở lại hay không .Ông đang đứng trong phòng họp nhìn học sinh xếp hàng đi ra. Trông cha thật lạc lõng giữa chúng tôi. Cha như một chiếc lá đã xám màu trên cây mà ở ngọn cây những chồi non đang nhú.


  Tôi lấy chổi và bắt đầu quét. Thầy Herbert bước đến bảo tôi: -Để khi khác hãy làm. Hôm nay em có thể về với cha em. Ông đang đợi ngoài kia kìa.
  Tôi đặt chổi xuống, lấy sách vở và bước xuống bậc cấp.
  Cha ngạc nhiên:-Con không ở lại quét dọn nữa xao? Tôi hớn hở: -Thầy nói để khi khác làm. Thầy cho phép con cùng về với cha.

    -Không. -Cha quả quyết. -Con phải làm theo lời thầy. Thầy ấy là người tốt.Nhà chường đã thay đổi theo thời gian. Cha là chiếc lá úa dồi, Dave à. Cha lạc hậu dồi. Cha không còn thuộc về nơi này nữa. Nếu thầy Herbert cho phép thì cha xẽ lấy chổi và cha con ta cùng quét chong một tiếng. Như vậy là cha giúp con chả nợ đó. Để cha hỏi xem thầy có đồng ý không.

  Thầy Herbert vui vẻ nói: -Tôi sẽ hủy món nợ. Tôi chỉ mong ông hiểu thôi, ông anh Luster ạ.
  Cha thẳng thắn: -Tôi hiểu, thưa thầy. Và vì tôi hiểu nên tôi quyết định con  tôi phải chả cái nợ làm gãy cây và tôi sẽ giúp nó chả nợ.

  Thầy Herbert ôn tồn: -Đừng như thế. Tất cả tùy thuộc vào tôi mà.
  Cha lắc đầu: -Chúng tôi không làm những chuyện như vậy. Chúng tôi là những người ngay thẳng thật thà. Chúng tôi không muốn làm điều gì vô nghĩa. Thầy Herbert à, bây giờ thì đến lượt thầy xai và tôi đúng nhé. Thầy phải nghe tôi. Tôi được học dất nhiều từ thầy. Con chai tôi phải tiến lên. Thế giới đã bỏ dơi tôi. Nó liên tục thay đổi trong khi tôi cắm mặt cày xới những ngọn đồi, cặm cụi nuôi xống gia đình. Tôi là người ngay thẳng thật thà .Tôi không xù nợ. Tôi không bắt chước người ta xù nợ. Tôi không học hành nhiều nhưng tôi biết xữa chữa xai lầm của mình khi đã hiểu da mọi chuyện.


  Thế là thầy Herbert ra về. Cha và tôi ở lại quét dọn. Trông cha cầm chổi thật ngộ. Ở nhà không khi nào cha cầm chổi. Mẹ dùng chổi. Cha dùng cuốc. Cha làm những việc nặng. Cha nói: -Cha không quét được. Nếu được cha đã quét lâu dồi. Nhìn những vệt đất trên xàn kìa. Đây không phải việc dành cho cha. Mấy cây chổi nhẹ hều. Cha xẽ làm tốt nhất những việc cha có thể làm, Dave à .Cha đã hiểu lầm nhà chường.
  Tôi làm ra vẻ quan trọng: -Cha có biết rằng thầy Herbert có thể ra lệnh bắt cha vì tội mang súng vào trường và chĩa súng trong văn phòng không? Người ta có thể bỏ tù cha vì việc đó.
   – Nhưng mọi việc tốt đẹp cả đó chớ? -Cha hể hả. -Cha đã làm đúng. Thầy Herbert không đưa việc đó ra tòa. Thầy ấy thích cha. Cha thích thầy ấy. Cả hai chúng ta đã chia xẻ với nhau. Thầy ấy biết cách uốn nắn. Thầy đã chứng minh cho cha thấy nhiều điều. Con phải tiếp tục tới chường. Cha có thể luôn mạnh mẽ như khi cha đến vùng núi này và làm việc cật lực chong bấy nhiêu năm.Nhưng cha lạc hậu dồ , Dave ạ. Cha chỉ là một con người bé nhỏ. Bàn tay con có thể mềm mại hơn cha. Áo quần con xạch xẽ hơn cha. Con thật xự đẹp đẽ bảnh bao hơn lão già này. Nhưng con hãy nhớ, Dave à, phải biết chả nợxống thật thà chung thực. Phải tử tế với thú vật và đừng quấy dầy những con dắn. Đó là tất cả những gì cha thu nhận được từ nhà chường. Hãy để những con dắn ngủ yên và xau đó thả cho chúng đi.
   Khi chúng tôi về đến nhà trời đã tối. Những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Trăng đã lên cao. Mặt đất lạnh giá. Cha gấp rút về nhà. Tôi không thể chạy như đêm trước đã chạy .Khi chúng tôi xong việc thì đã hơn mười giờ. Chúng tôi ăn bữa xúp. Cha ngồi trước lò sưởi và bảo với mẹ rằng lúc nào đó ông sẽ đưa mẹ đến trường và chỉ cho bà xem một con vi trùng. Mẹ cũng chưa hề thấy. Cha kể cho mẹ nghe về trường trung học, về thầy Herbert tốt bụng. Ông kể về ngôi trường kỳ lạ bên kia đồi. Nó đã khác biết bao so với thời xa xưa ấy.
                                                 Người dịch:   TRẦN THỊ CỔ TÍCH
                            
 

No comments:

Post a Comment