Pages

Saturday, July 14, 2012

CHÍNH LUẬN HUỲNH QUỐC BÌNH


Còn Hay Không Còn Tổ Quốc?
Huỳnh Quốc Bình
Tổ Quốc không chỉ là mảnh đất do tiền nhân để lại cho con cháu qua các thời đại, mà Tổ Quốc là vô hình, là niềm hảnh diện của con dân một đất nước. Giang sơn của một quốc gia có thể mất vào tay kẻ cướp hay kẻ thù dân tộc, nhưng Tổ Quốc vẫn là “máu thịt” không thể tách rời khỏi thân thể của con dân. Và chắc chắn không một kẻ thù nào có thể lấy hình ảnh thiêng liêng của Tổ Quốc ra khỏi tim óc những người biết yêu Tổ Quốc. Hình ảnh Tổ Quốc chỉ lu mờ khi người ta tìm cách chối bỏ gốc gác của mình để chọn một loại “tổ quốc” xã hội chủ nghĩa, một thứ “tổ quốc” phi nhân” và tình nguyện làm thân nô lệ kẻ thù và mang súng đạn của chúng về dày xéo quê hương. Điều đáng mỉa mai là những tên thuộc loại “khôn ngoan trong việc ác, dốt nát trong việc lành” này, lại ngạo mạn cho rằng mình là "đỉnh cao trí tuệ loài người".
 
Diện tích đất đai quốc gia này có thể to lớn hơn quốc gia kia, nhưng niềm tự hào về Tổ Quốc của con dân mỗi nước không thể do lường theo sự lớn nhỏ của phần đất mà họ có. Người ta nói “Tổ Quốc với con dân giống cha mẹ với con cái” không phải là quá đáng. Một người yêu ông bà, cha mẹ, người thân, nhưng có thể không yêu Tổ Quốc; nhưng chắc chắn một người biết yêu Tổ Quốc không thể không yêu người thân mình. Và một khi đã yêu thì người đó sẽ tìm đủ cách để nói hay làm những điều có lợi cho những gì mình "yêu". Điều này không khác chi một người lính chiến yêu đời binh nghiệp. Người đó xem quân đội là sự nghiệp đời mình. Bằng chứng là có một vị Tướng trong quân đội Hoa Kỳ đã tuyên bố:  “Người ta có thể mang tôi ra khỏi quân đội, nhưng không thể mang quân đội ra khỏi tôi”.  (They can bring me out of the army, Abut they can never tear the Army out of me.)
 
Trở lại chuyện “Tổ Quốc”. Phía người Việt Nam , có những tên muốn chứng tỏ mình hiểu biết, thông thái hơn người, nên buông lời xúc phạm và nguyền rủa tiền nhân anh hùng. Chúng lên án tổ quốc của chúng bằng những nhận xét hết sức hời hợt, bất công. Chúng đánh mất lòng tự trọng và liêm sỉ tối thiểu để tìm cách đồng hóa những khuyết điểm của chính thể này với tội lỗi tày trời của một đảng gian ác khác. Hãy chịu khó nghe Nguyễn Gia Kiểng trong “Tổ Quốc Ăn Năn ” của đương sự: “Tổ quốc của phe cộng sản là một tổ quốc gian ác, trong khi tổ quốc của các chính quyền quốc gia là một tổ quốc tầm phào.” Chỉ có chế độ gian ác hay chính thể sai lầm chứ không thể có một loại tổ quốc nào là “gian ác” hoặc “tầm phào” cả… Dĩ nhiên, bài viết này không dành để tranh luận với những tên “trí thức” thuộc loại không sử dụng óc để nhận xét. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng: Tổ Quốc Việt Nam là vô hình chứ không chỉ là dãy giang sơn hữu hình đang nằm trong tay những tên VC gian ác để ngày nay chúng tạo không biết bao nhiêu điều tồi tệ trên đó.
 
Bây giờ chúng ta thử thu gọn hình ảnh một đất nước trở thành hình ảnh của một gia đình. Gia đình kia chẳng may bị kẻ cướp xông vào nhà khống chế tất cả mọi người và hãm hiếp, vơ vét của cải mà họ có. Chỉ vài người may mắn thoát thân. Người kẹt lại bên trong, ngày đêm phải sống đời đói rách, tủi nhục và mong chờ người chạy thoát quay về cứu mình. Trong khi đó người chạy thoát vì phải lo kiếm sống để sinh tồn. Sau khi đời sống ổn định, bắt đầu lo hưởng thụ, lâu ngày quên mình cũng từng là nạn nhân của bọn cướp. Có người quên luôn cả ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì và anh chị em của mình vẫn còn nằm trong tay bọn cướp... Điều đáng buồn, đáng trách là những người này ung dung trở về căn nhà đó như một người hàng xóm về thăm nhà theo kiểu "áo gấm về làng". Có người còn nhẫn tâm bỏ vài mươi Mỹ kim ra để ngủ trên thân xác “tiều tụy” của chị em “ruột thịt” với mình. Chưa hết, họ còn tỏ ra thân thiện và bắt tay làm ăn với bọn cướp trong các vỏ bọc “tôn giáo”, “từ thiện” và “văn hoá”. Ai lên tiếng cản ngăn, họ bảo rằng "tôi không làm chính trị". Ai lên tiếng phản đối, họ bảo "thôi dừng làm chính trị".
 
Trong sinh hoạt tại hải ngoại, tôi thấy không ít người chẳng làm gì cả, tối ngày chỉ ngồi một chỗ mà than phiền hết điều này việc kia. Mỗi năm họ chỉ "yêu nước" một vài lần trong những ngày lễ lớn. Họ thường xuyên "thương nòi" chung quanh tách cà phê hay chén trà. Họ chỉ bàn thảo "chuyện đại sự" trong những bữa tiệc linh đình, đầy ắp rượu Mỹ rượu Tây. Họ “yêu” đất nước và dân tộc họ bằng những chuyến về thăm nhà theo cung cách của một người ngoại quốc đến Việt Nam sử dụng tài chánh theo kiểu “vung tiền qua cửa sổ”. Họ ra vào Việt Nam như người ta đi chợ qua nhiều “vỏ bọc” khác nhau, nhưng thực chất là mang đô-la về nộp cho bọn cướp. Để biện minh cho hành động tiêu cực của chính mình, họ không ngại nói lời ta thán, chê bai những khuyết điểm trong các sinh hoạt cộng đồng… Nhưng lại không biết hay không chịu làm một điều gì cho cộng đồng tốt hơn. Họ hết lời ca ngợi các cộng đồng Do Thái, Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa, Lào và Cam Bốt nhưng lại chê bai, thống trách, thậm chí còn "nguyền rủa" những khuyết điểm của cộng đồng mình.
 
Nói đến đây tôi nhớ đến bài diễn văn của cựu Tổng Thống Hoa Kỳ John F Kennedy đọc trong buổi lễ nhậm chức tại Washington DC, ngày 20 tháng Giêng năm 1961, ông đã để lại câu nói bất hủ không chỉ cho nhân dân Hoa Kỳ mà cho cả thế giới về tương quan giữa đất nước và dân tộc: "Ask not what your country can do for you--ask what you can do for your country". Xin tạm dịch "Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho Tổ Quốc”.
 
Mới đây tôi có dịp đọc bài viết ngắn, tiêu đề "Chuyện Bình Thường" của nhà văn "Tiểu Tử". Tác giả có  kèm theo một tấm hình và đoạn văn diễn tả những lời trao đổi giữa hai người bạn, người này đang sống tại Việt Nam và người kia đang sống đời lưu vong tại hải ngoại. Họ không nói điều gì xa vời. Họ không "nói chuyện chính trị". Họ cũng không bàn chuyện "thiêng liêng nửa vời", nhưng lại nói về những gì thuộc loại "chuyện bình thường" trên đất nước Việt Nam hiện nay: "Khoá xe vào chân để yên tâm ngủ trưa cho … ngon lành là chuyện bình thường ở xứ nầy, đâu có gì lạ ! Bồ coi, như tôi bây giờ, trên xe đạp lúc nào cũng có ba (3) cái khoá : một cái để khoá bánh trước vô sườn xe, một cái để khoá bánh sau vô sườn xe, còn cái thứ ba là để khoá sườn xe vô cột điện. Vậy là an toàn ! Không làm vậy, nghĩa là chỉ khoá một bánh xe vô cột điện là chúng nó tháo lấy bánh xe còn lại, có khi lấy luôn cái sườn xe nữa ! Chuyện bình thường mà bồ !"
 
 
https://lh3.googleusercontent.com/9rgQEVCNRT9dAvIZluOfg5Lmrkxul7rjKAQ5KK0W5mx6lx43XFK1gCY1ode28LYV6u5CXtlr4OhXvKpq-UXym6vgtH8wAPOI7iMmiXRWbrRUOrm-MRo 
Dân lao động nghỉ trưa trên vỉa hè phải cẩn thận khoá xe đạp vào chân để khỏi bị mất cắp
 
Bây giờ chúng ta thử hỏi:
-        Có một đất nước nào mà phụ nữ, trẻ con bị bán ra nước ngoài làm nô lệ tình dục nhiều như Việt Nam ? Chỉ có Việt Nam .
-        Có một đất nước nào mà phụ nữ phải trần truồng xếp hàng để cho đàn ông ngoại quốc ngắm nhìn và chọn lựa để mang về “làm vợ” cho cả nhà họ hay không? Chỉ có Việt Nam .
-        Có một đất nước nào mà nhà tù nhiều hơn trường học? Chỉ có Việt Nam .
-        Có đất nước nào mà người dân phải ăn toàn khẩu hiệu (bánh vẻ) thay cơm? Chỉ có Việt Nam .
-        Và còn nhiều điều nghịch lý khác nữa, không sao kể hết trong khuôn khổ một bài viết.
 
http://i52.tinypic.com/10ns084.jpg
Phụ nữ VN xếp hàng chờ đợi được tuyển chọn để có thể "loã lồ" cho đàn ông Đại Hàn, Hồng Kông, Đài Loan ngắm nhìn và chọn lựa mang về làm… vợ
 
Do sự tình cờ tôi đọc được bài viết "Tiếng nói từ trái tim" của một người Việt tỵ nạn VC tại Hoa Kỳ. Bài viết rất cảm động và tình người. Tác cho biết rằng vợ chồng ông đã trên dưới 70 tuổi. Họ sống chung với con cháu thật vui vẻ, hạnh phúc. Họ không có gì phải than thở, phàn nàn. Họ sống như tất cả những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản khác, rồi già đi, rồi chết đi, nhường chỗ cho con, cháu. Họ tự hỏi: “Thế cũng xong một cuộc sống bình thường như tất cả mọi người. Thế thì trăn trở cái gì? Thế thì khó chịu cái gì?” Cuối cùng ông đã thố lộ: “Tôi chưa trả nợ cho Tổ Quốc Việt Nam của tôi một cách trọn vẹn. Tổ Quốc đã cho tôi tất cả, nhưng tôi chưa đáp ứng lại được một phần. Và đến ngày 30 tháng Tư 1975, tôi đã mất Tổ Quốc. Gia đình còn, nhưng Tổ Quốc không còn. Tôi là một người không còn Tổ Quốc từ năm 1975…”
Dù không hoàn toàn đồng ý với tác giả nhưng tôi hết sức cảm thông cho tác giả. Tôi xin mượn phần kết luận bài viết này để nói lên ý của tôi về vấn đề “còn hay không còn Tổ Quốc?”
 
Kết luận: Một người vì hoàn cảnh phải lìa xa quê hương sống đời lưu lạc một cách lâu dài, chưa hẵn là đã "mất Tổ Quốc". Người ta có thể sống bất cứ nơi nào trên thế giới miễn là vẫn còn nhớ mình là ai và vẫn còn muốn làm một cái gì đó lợi cho đất nước và dân tộc mình. Hoặc nếu không làm được một điều gì có lợi nhưng dứt khoát không làm hại cho đất nước và dân tộc mình, thì người đó vẫn còn Tổ Quốc. Bất cứ ai có những hành động tàn phá tài nguyên quốc gia, bất chấp nền luân lý và đạo đức dân tộc mình bị suy đồi, chọn ngồi chung bàn ăn chung mâm với bọn độc tài gian ác vì quyền lợi cá nhân, tiếp tay bọn độc tài gian ác để để hãm hại đồng bào, làm tay sai cho ngoại bang để được vinh thân, phì da... thì đó mới chính là những kẻ không còn Tổ Quốc.
 
Huỳnh Quốc Bình
Viết xong tại Salem , Oregon , USA
Chiều ngày 4 tháng 7 năm 2012
 

No comments:

Post a Comment