Pages

Monday, July 30, 2012

NGUYỄN NHÂN TRÍ *THƯỢNG ĐẾ


TÔI VÀ THƯỢNG ĐẾ
Nguyễn Nhân Trí



Lời nói đầu

Tại sao tôi lại bỏ công viết về đề tài nầy trong khi từ hàng chục thế kỷ nay, bao nhiêu triết gia, nhà lý luận, nhà khoa học đã hao tốn công sức mà chẳng đi đến đâu; bao nhiêu cuộc chém giết đẫm máu từ thế hệ nầy qua thế hệ khác trên mọi mảnh đất của quả địa cầu nầy vẫn chưa giải quyết được gì?
Câu trả lời là, tôi cần viết lại để trước hết hệ thống hóa những gì trong đầu, để dễ cho tôi suy nghĩ, lý luận và đúc kết những kiến thức đã thu nhập được. Chắc chắn bài này không có tham vọng thuyết phục ai hết. Tôi đoán biết rằng số người có cùng cách nhìn giống hay tương tự với tôi rất nhỏ, trong khi số người có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi đọc những gì tôi viết là rất lớn, và rất nhiều những người nầy hiện đang là bạn bè, thân quyến, láng giềng, đồng nghiệp của tôi. Phải nhìn nhận đây là điều làm tôi lưỡng lự nhất khi thảo luận về đề tài nầy.
Trong nhiều bài viết, tôi thường lấy Thiên Chúa giáo (Christianity) làm thí dụ khi nói về những tôn giáo tin vào sự hiện hữu của một "Đấng Tối Cao". Lý do duy nhất là vì Thiên Chúa giáo là một tôn giáo lớn, quen thuộc với nhiều người, kể cả tôi, trong xã hội phương Đông lẫn phương Tây. Tôi ít nhắc đến Hồi giáo (Islam) tuy Hồi giáo cũng là một tôn giáo lớn và tin ở một Thượng đế Độc tôn, lý do là vì kiến thức của tôi về Hồi giáo ít ỏi so với về Thiên Chúa giáo.
Dữ kiện trình bày ở đây phần lớn đi từ kiến thức "phổ thông", cộng với quá trình nghiên cứu qua sách vở và Internet. Nếu cần tìm hiểu thêm, bạn đọc hãy vào Google tìm những chữ như "theism", "atheism", "agnosticism", "creationism", "evolution", v.v. Trong đó ta sẽ tìm thấy rất nhiều bài viết thảo luận về những tư tưởng tương tự nhưng nội dung chi tiết, thâm sâu, bao quát hơn nữa.
Vài định nghĩa
Thuyết vô thần (atheism) là gì? Theo một định nghĩa, người theo thuyết vô thần "không tin ở sự hiện hữu của Thượng đế". Việc "không tin" nầy phải đi từ một sự quyết định và lựa chọn hẳn hoi của người đó. Nếu một người vì chưa hề nghe biết đến khái niệm của Thượng đế là gì nên không tin ở sự hiện hữu của Thượng đế thì, theo định nghĩa nầy, người đó không phải là vô thần.
Theo một định nghĩa khác, người vô thần "tin rằng không có Thượng đế". Sự khác nhau giữa hai quan điểm nầy tuy nhỏ nhưng rất quan trọng. Quan điểm "tin rằng không có Thượng đế" là triệt để và khẳng định hơn quan điểm "không tin ở sự hiện hữu của Thượng đế". Tuy nhiên, theo luận lý học thì người xác quyết một điều phải có trách nhiệm đưa ra bằng chứng để minh chứng điều đó, trong khi người phủ nhận một điều không có trách nhiệm đó.
Có người theo phái vô thần vì họ không thấy bằng chứng nào về sự hiện hữu của Thượng đế cả. Có người theo phái vô thần vì họ thấy rằng khái niệm "Thượng đế" trong những tôn giáo lớn kể trên rất tự mâu thuẫn (self-contradictory) và trái nghịch với phép luận lý (illogical). Và có người không cần dựa vào lý luận, sách vở gì cả; họ thấy thuyết vô thần chỉ là một điều hiển nhiên, tự nhiên, không có gì cần để bàn cãi.
Trái ngược với thuyết vô thần là thuyết hữu thần (theism). Theo định nghĩa, một người hữu thần tin rằng Thượng đế hiện hữu. Trong khi người vô thần đều có cái nhìn giống nhau ở điểm cho rằng "Thượng đế không hiện hữu", phái hữu thần phân chia ra nhiều tập hợp khác nhau gọi là tôn giáo. Mỗi tôn giáo có một Thượng đế, một kinh thánh, một chế độ quản trị tín đồ, v.v. khác nhau (và hầu như không có tôn giáo nào đồng ý với tôn giáo khác về những vấn đề trên).
Nói chung, Thượng đế trong nhiều tôn giáo được coi là đấng Tối cao tuyệt đối. Theo Thiên Chúa giáo, Thượng đế là toàn năng (omnipotent), hiện diện khắp nơi (omnipresent) và toàn trí (omniscient). Mỗi tôn giáo cũng có kinh sách khác nhau chứa đựng những lời Thượng đế dạy. Trong Thiên Chúa giáo có Kinh Thánh, Hồi Giáo có Koran, v.v [1] .
Nói đến thuyết hữu thần và vô thần thì phải nói đến thuyết bất khả tri (agnosticism). Danh từ "bất khả tri" được Thomas Huxley nêu lên năm 1889. Theo gốc chữ Hy Lạp, từ nầy có nghĩa là "không có - kiến thức" ("a-gnosis"). Người theo phái bất khả tri cho rằng cả hai quan điểm "Thượng đế chắc chắn hiện hữu" và "Thượng đế chắc chắn không hiện hữu" đều vô căn cứ và vô giá trị vì chưa hề, và có thể sẽ không bao giờ, có bằng chứng cụ thể xác nhận được điều nầy.
Một người theo thuyết bất khả tri tin rằng con người không thể nào biết rõ về tất cả tính chất, cấu tạo, cách vận hành, v.v. của thế giới siêu nhiên; và do đó cũng không thể biết rõ là có Thượng đế hay không. Mặt khác, người theo phái bất khả tri cũng sẽ không ngần ngại thừa nhận giá trị của bất cứ sự kiện nào nếu có bằng cớ minh chứng rõ ràng bằng phương pháp khoa học thực nghiệm.
Ngôn ngữ không bao giờ chính xác 100%. Từ ngữ có thể mang nhiều nghĩa khác nhau. Có người dùng những định nghĩa trên một cách rộng rãi hơn người khác. Vì vậy khi thảo luận với một người tự xưng là "hữu thần", "vô thần" hay "bất khả tri", cần biết người ấy xác định rõ ràng những từ đó mang nghĩa gì. Có người hiểu "bất khả tri" là người lưỡng lự (có nghĩa là không biết bên nào đúng bên nào sai) giữa thuyết vô thần và hữu thần. Có người cho chữ "vô thần" có nghĩa là không tin ở Thượng đế cũng như bất cứ hiện tượng siêu nhiên nào (thí dụ như linh hồn, luật quả báo, đầu thai, tái sinh, v.v.). Có người tự cho mình là "vô thần" nhưng vẫn nhìn nhận những hiện tượng siêu nhiên kể trên.
Chủ thuyết nào?
Theo những định nghĩa trên, chắc chắn tôi không phải thuộc phái hữu thần. Tôi không tin ở sự hiện hữu của Thượng đế, đặc biệt là một Thượng đế được nhân cách hóa (có nghĩa là có tất cả những biệt tính từ hình dáng đến tâm lý của con người, thí dụ như trong Thiên Chúa giáo).
Thay vì tin ở sự hiện hữu của Thượng đế như một nhân trạng (a personality god), tôi tin rằng có những định luật bao quát chi phối, điều khiển, vận hành, ảnh hưởng (và có thể tạo lập ra) tất cả mọi vật, mọi thứ trong tất cả mọi vũ trụ (kể cả những vũ trụ mà con người có thể không nhận thức được). Những định luật nầy lớn hơn, rộng hơn và thâm sâu hơn tất cả những định luật trong ngành vật lý mà khoa học ngày nay đã phát hiện. Những định luật khoa học ngày nay chỉ là những trường hợp riêng của những định luật vũ trụ, và chỉ "đúng" trong một số môi trường giới hạn. Những định luật vũ trụ, hay những "huyền lực" nầy áp dụng vào vạn vật trong vũ trụ một cách bất di bất dịch, không có cá tính, không có tình cảm, không có nhân cách; hay nói cách khác là không hề giống như bất cứ Thượng đế của bất cứ tôn giáo nào.
Với quan niệm trên, tôi cũng không thuộc phái vô thần chính thống. Richard Dawkins (sinh năm 1941) là một trong những tác giả tiên phong nổi tiếng của chủ thuyết vô thần hiện nay. Ông cho rằng những ai, mặc dù không tin ở sự hiện hữu của Thượng đế nhưng lại tin vào những hiện tượng "siêu nhiên" thí dụ như linh hồn, nghiệp lực (Karma), có thế giới khác ngoài thế giới vật chất, sự tái sinh, đồng bóng, ma ám, dĩa bay, người hành tinh, v.v. đều không thuộc vào trường phái của ông. Tôi rất ái mộ Dawkins với lối lý luận cứng rắn của ông, nhưng không đồng ý với ông ở chỗ phủ nhận tất cả những hiện tượng "siêu nhiên" kể trên.
Theo tôi, "siêu nhiên" là những hiện tượng thiên nhiên mà khoa học hiện tại không hay chưa thể giải thích được. Trong lịch sử nhân loại có biết bao nhiêu hiện tượng "siêu nhiên" đã biến thành kiến thức phổ thông về "thiên nhiên" theo sự phát triển của khoa học. Phủ nhận đồng loạt các hiện tượng siêu nhiên như một tập thể chung có lẽ là một thái độ vội vàng. Với sự tiến hóa của khoa học, biết đâu các hiện tượng nầy sẽ trở thành kiến thức phổ thông một ngày nào đó trong tương lai.
Một vài nhận định
Tôi tôn trọng tín ngưỡng (belief) và đức tin (faith) của người khác. Ai cũng có quyền tin ở một điều gì đó một cách vô điều kiện. Họ không cần phải biện hộ cũng như không cần chứng minh với ai khác về niềm tin của họ là "đúng" hay "hợp lý". Nhưng lòng tin không phải là khoa học. Hầu hết lòng tin hữu thần đều phát sinh trước khi khoa học thực nghiệm thành hình. Ngày nay hầu hết, nếu không phải là tất cả, những đức tin nầy đều không được chấp nhận khi được kiểm nghiệm bởi phương cách khoa học. Cố tình gán ép những phát hiện khoa học với đức tin để bênh vực giá trị của lý thuyết hữu thần - thí dụ như chủ thuyết Thiết kế Thông minh (Intelligent Design) - chỉ là một cách ngụy biện rất phổ biến ngày nay.
Dưới đây là vài nhận định thêm của tôi về vấn đề nầy.
1. Thượng đế không tạo ra con người mà ngược lại chính con người tạo ra Thượng đế.
Trước hết, ai cũng phải công nhận là con người hơn các loài thú ở chỗ nhờ sự tiến hóa của bộ óc, con người có thể dự tính cho tương lai xa và suy tư về những khái niệm trừu tượng.
Khi đối diện với những hiện tượng thiên nhiên chung quanh mình như mưa bão, sấm sét, núi lửa, động đất, lụt lội, thú dữ v.v..., con người thời tiền sử phải rất hoang mang, sợ hãi. Với trình độ hiểu biết hạn hẹp về thiên nhiên con người cảm thấy bất an và bất lực. Họ cần phải có lối thoát và vì vậy đã "phát minh" ra khái niệm "thần linh" dính liền vào những hiện tượng nầy để giải thích và trấn an mình. Từ đó họ có đủ các loại thần linh như thần mưa, thần bão, thần sấm, thần sét, thần lửa, thần rắn, thần cọp, v.v. Bằng cách tôn thờ và cúng tế, con người thượng cổ cảm thấy rằng họ có thể mua chuộc được ân huệ và sự bảo vệ của những thần linh, mong làm suy giảm ít nhiều những ảnh hưởng xấu của các hiện tượng trên đối với họ.
Tương tự, con người từ thuở sơ khai đã phải đối diện với các hiện tượng thiên nhiên mà kinh hãi nhất là sự chết. Một lần nữa con người cần có một lối thoát và lối thoát nầy là khái niệm của sự sống sau khi chết. Bản năng sinh tồn của con người không chấp nhận được sự hủy diệt của sự sống và kết thúc tuyệt đối sau khi hiện tượng chết xảy ra. Và vì con người là một loài thú sống tập thể nên trong những thế giới thực và siêu nhiên do họ tự tạo ra nầy, con người cần phải có một con thú đầu đàn với đầy đủ quyền năng và uy lực để hướng dẫn và bảo vệ. Từ đó, con thú đầu đàn cao cả nhất của loài người được sinh ra với tên "Thượng đế".
Nói một cách khác, xuất phát từ những cảm giác đơn độc trong thế giới bao la, khi đối diện với đau khổ, nguy hiểm, tai ương mà không có lối thoát, và nhất là từ nỗi cô đơn tột cùng khi phải đối diện với cái chết mà con người cần có và cần tin rằng có một Thượng đế cũng như đủ hạng loại thần linh khác.
2. Quan niệm "Thượng đế" cũng đã trải qua một quá trình tiến hóa
Hãy tưởng tượng một người tiền sử đang đi trong rừng và bất ngờ bị một bầy thú dữ rượt theo ăn thịt. May mắn thay, anh ta leo được lên một cành cây cao nên tạm thời thoát chết. Trong khi ngồi trên cây run rẩy nhìn xuống bầy thú dữ chực chờ dưới đất, anh nhận thấy rằng mình đang ở đường cùng nên anh sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì miễn sao là có chút hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh nguy hiểm nầy. Anh sực nhớ đến những câu chuyện ai đó trong bộ lạc kể về một vị thần nọ. Mặc dầu không tin lắm vào những câu chuyện nầy, anh ta cũng bắt đầu khấn vái rằng nếu thần cứu anh khỏi bị đám thú dữ lần nầy thì anh sẽ trả ơn, bằng cách sẽ dâng cúng con vật săn được đầu tiên ngày mai chẳng hạn.
Có hai trường hợp xảy ra ở đây:
Trường hợp thứ nhất: chẳng may anh vuột tay té xuống đất và bị đám thú dữ ăn thịt. Hết chuyện. Không ai bao giờ biết đến việc anh ta đã cầu khẩn vị thần nọ để cứu mạng nhưng vẫn chết.
Trường hợp thứ hai: vì lý do gì đó mà đám thú dữ cuối cùng bỏ đi nên anh thoát nạn trở về. Một trong những chuyện anh ta làm đầu tiên là kể lại cho những người trong bộ lạc từng chi tiết về sự thoát hiểm của anh, trong đó có việc "nhờ cầu khẩn mà đã được thần cứu mạng". Không bao lâu sau vị thần nọ sẽ chính thức trở thành "thần cứu nạn" của cả bộ lạc và của cả những bộ lạc lân cận khi họ nghe kể về chuyện nầy.
Đây chính là một hình thức "tuyển chọn trong thiên nhiên" (natural selection) như được diễn tả bởi thuyết tiến hóa (evolution theory). Chỉ có những dữ kiện hỗ trợ cho lòng tín ngưỡng của thần thánh mới được sống còn để tăng trưởng. Những dữ kiện khác không thích hợp đều bị gạt bỏ và quên lãng. Hơn nữa, con người luôn luôn có khuynh hướng chỉ nghe thấy những gì họ muốn nghe thấy.
Vô số những thí dụ tương tự có thể áp dụng cho lòng tin ở sự phù hộ của Thượng đế. Chúng ta có khuynh hướng cho rằng con người ngày nay với nền khoa học tiến triển vượt bực không thể còn lý luận một cách ngu muội như con người tiền sử kia được. Nhưng trong thực tế thì con người ngày nay cũng vẫn chỉ nghe thấy những gì họ muốn nghe thấy.
Nhìn vào lịch sử của Thiên Chúa giáo chẳng hạn, chúng ta có thể thấy ngay Thiên Chúa giáo ngày nay khác hẳn với Thiên Chúa giáo của thời kỳ đầu. Từ quan niệm về một số luận đề cơ bản cho đến cách truyền bá tôn giáo, cách dẫn dắt tín đồ v.v. trong 2000 năm chúng đã biến hóa rất nhiều để thích ứng với hoàn cảnh xã hội mới, với khám phá của khoa học. Nếu không có quá trình tiến hóa nầy, chắc Thiên Chúa giáo không còn giữ một vị trí khá vững vàng trong môi trường chính trị cũng như nhân sinh của nhân loại như ngày nay.
3. Có thể chứng minh được sự không-hiện-hữu của Thượng đế hay không?
Theo tôi, nếu muốn chứng minh thuyết "Thượng đế không hiện hữu" là sai trái, phái hữu thần chỉ cần tìm ra một bằng chứng là Thượng đế có hiện hữu. Nhưng cho đến bây giờ, chưa ai từng đưa ra được một bằng chứng nào cho thấy Thượng đế hiện hữu.
"Bằng chứng" phải là một sự kiện hay hiện tượng có thể nhìn thấy hay đo lường được bằng giác quan hay dụng cụ khoa học một cách rõ ràng. Những sự kiện, hiện tượng nầy phải có thể được lặp lại tại nhiều nơi và nhiều thời điểm khác nhau. Thí dụ trong môi trường sống bình thường trên trái đất, bằng chứng về sự hiện hữu của trọng lực có thể được minh chứng và được chấp nhận dễ dàng, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bởi bất cứ ai. Viện vào "Kinh Thánh dạy như vậy" hay dựa trên "cảm giác", "linh cảm", "cảm nhận", v.v. đều không được coi là bằng chứng vì những điều nầy chỉ là chủ quan, không phải là khách quan.
Do đó, ta có thể nói rằng vì chưa có ai chứng minh được thuyết "Thượng đế không hiện hữu" là sai, cho nên thuyết nầy rất có thể đúng.
Hơn nữa, phái hữu thần cũng không thể đòi hỏi phái vô thần phải đưa bằng chứng ra là không có Thượng đế thì họ mới tin là Thượng đế không hiện hữu. Lý do là vì phái hữu thần vẫn thường dùng cách lý luận nầy một cách thuận lợi cho họ. Hãy lấy Thiên Chúa giáo làm thí dụ: Thiên Chúa giáo không bao giờ chấp nhận sự hiện hữu của những vị Thượng đế của những tôn giáo khác, như là Allah của Hồi giáo hay Brahman của Ấn Độ giáo. Vậy mà tín đồ Thiên Chúa giáo có bao giờ đưa ra được bằng chứng là Allah và Brahman không hiện hữu đâu?
Nói chung là, từ đầu ta có thể thấy rằng thuyết vô thần ("không tin Thượng đế hiện hữu") thuận lợi và dễ thuyết phục hơn thuyết hữu thần ("Thượng đế hiện hữu") ở chỗ là người hữu thần cần phải đưa ra bằng chứng về sự hiện hữu của Thượng đế. Trong khi đó, người vô thần không cần phải đưa ra bằng chứng nào vì họ không khẳng định một điều gì cả.
Tôi không rõ lối biện luận nầy có thể làm thuyết vô thần đáng tin cậy hơn thuyết hữu thần hay không. Đến nay chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn là thuyết hữu thần không thể khẳng định niềm tin về sự hiện hữu của Thượng đế của họ là đã được minh chứng.
4. Làm sao giải thích được những hiện tượng "huyền bí", "phép lạ"?
Những người theo phái hữu thần thường có khuynh hướng gọi những hiện tượng mà khoa học không giải thích được là "huyền bí", là "phép lạ". Họ dùng sự kiện nầy để qui ra rằng phải có một đấng thiêng liêng, đấng Tối cao, Thượng đế.
Theo tôi, bất cứ ở nơi đâu, ở thời điểm lịch sử nào cũng có nhiều sự kiện, nhiều hiện tượng xảy ra mà nhà khoa học trong môi trường và thời điểm đó không thể giải thích được. Có rất nhiều lý do mà lý do thông thường nhất là vì mức độ hiểu biết của người quan sát chưa đủ để thấy, để hiểu, để đo lường, để giải thích được những hiện tượng nầy.
Trong lịch sử, có rất nhiều hiện tượng mà chúng ta ngày nay gọi là "thiên nhiên" đã từng được tôn giáo cho là "huyền bí". Trong một thời gian dài nhiều thiên niên kỷ những nền văn minh vĩ đại nhất của nhân loại như Ai Cập, La Mã, Trung Hoa, In-ca đã tôn thờ thần Sấm, thần Sét, thần Mưa, thần Gió, thần Mặt trời, thần Núi lửa, thần Đất, thần Sông, thần Biển, thần Chiến tranh, thần Tình yêu, thần Sinh sản, thần Tiền tài, . v.v. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật và ý thức xã hội hiện đại, phần lớn chúng ta chỉ bật cười khi nghe kể về những niềm tin nầy. Chúng ta tưởng rằng loài người đã vượt lên khỏi những khái niệm ấu trĩ đó. Nhưng chúng ta có thật đã thay đổi gì lắm ở phương diện nầy hay không? Theo tôi thì không.. Trong Thiên Chúa giáo chẳng hạn, tất cả những vị thần ngày xưa chỉ được thay thế bằng một vị thần lớn nhất mà họ gọi là Thiên Chúa mà thôi. Đó là vì theo tôn giáo nầy, "Thiên Chúa tạo ra và điều hành mọi vật", từ sấm, sét, gió, mưa, mặt trời, núi lửa, v.v. đến cả tình yêu, văn hóa, nghệ thuật, v.v.
Hơn nữa, theo tôi, đại đa số những cái gọi là "phép lạ" được diễn tả bởi các tôn giáo đều rất mơ hồ và chủ quan. Những "phép lạ" nầy không hề được kiểm nghiệm hay minh chứng bằng phương pháp khoa học và thường không được công nhận bởi cả nhiều người trong chính tôn giáo đó. Đại đa số những cái gọi là "phép lạ" chẳng qua chỉ là trường hợp tự kỷ ám thị để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của chính họ mà thôi.
Ngoài ra, theo tôi, có rất nhiều trường hợp "phép lạ" chỉ là do sự giàn dựng của con người vì lý do lợi nhuận. Ai cũng thấy được là mỗi khi có một "phép lạ" hiện ra tại một thôn làng hẻo lánh thì tất cả những dịch vụ giao thông, buôn bán, thương mại, địa ốc, v.v. của toàn khu vực thường tăng vọt lên gấp bội lần trong một thời gian rất ngắn. Chính những lợi ích tài chính khổng lồ nầy là động lực rất lớn khiến cho những người có quyền lợi dính liền đến những "phép lạ" thường nỗ lực tích cực để bảo vệ "giá trị thiêng liêng" của chúng. Và một trong những cách bảo vệ hữu hiệu nhất là ngăn cản không để khoa học có cơ hội khám nghiệm kỹ càng để xác nhận thực chất của những "phép lạ" nầy.
5. Không tin ở Thượng đế thì làm sao sống một đời sống đạo đức được?
Theo tôi thì phái hữu thần hiểu nghĩa chữ "đạo đức" khác với phái vô thần. Thiên Chúa giáo chẳng hạn, tin rằng Thiên Chúa qua Kinh Thánh đặt ra những luật lệ mà loài người phải tuân theo. Ai sống theo những gì Kinh Thánh dạy là có đạo đức, ai làm ngược lại là vô đạo đức. Trong khi đó, người vô thần dựa vào những gì con người cảm nhận một cách tự nhiên là "đúng" mà gọi là "đạo đức" chớ không dựa vào những gì "Thiên Chúa" răn họ phải làm.
Có nhiều hành vi (thí dụ như yêu thương đồng loại, giúp đỡ người hoạn nạn, không trộm cắp, không nói dối, v.v.) được cả người vô thần và hữu thần đều cùng cho là "đạo đức" nhưng vì những lý do khác nhau. Người vô thần không làm điều vô đạo vì họ cảm thấy những điều đó trái với lý lẽ sống tự nhiên của con người, trong khi người hữu thần tuân thủ những điều răn trong Kinh Thánh.
Theo tôi, "đạo đức" là một hiện tượng tâm lý hoàn toàn độc lập với tôn giáo. Hoặc vì từ cá tính bẩm sinh hoặc vì từ môi trường sinh sống hay cơ cấu giáo dục, có những người thường đã có sẵn một mức độ "đạo đức" trong họ. Những người nầy dù có theo một tôn giáo nào hay không, họ vẫn cảm thấy từ đáy sâu của bản năng của họ những hành động "đạo đức" là "đúng". Tương tự, có những người, trong một khía cạnh, một lãnh vực nào đó trong đời sống, không có "đạo đức". Những người nầy không cảm thấy "sai" khi họ làm những việc thiếu "đạo đức".
Nhiều tôn giáo dựa sự trừng phạt để dạy con người về "đạo đức". Thí dụ điển hình lại là trong Thiên Chúa giáo: những kẻ không làm theo lời Kinh Thánh hay Thiên Chúa thì sẽ bị đốt cháy đời đời trong Hỏa ngục. Theo tôi, sự đe dọa không phải lúc nào cũng là một phương cách hiệu quả để giáo dục con người. Sự đe dọa có thể đem lại một cảm giác tội lỗi cho con người chớ không thể làm họ trở thành thật sự "đạo đức" hơn. Đe dọa bị trừng phạt có thể dùng để đè nén nhiều hành động "kém đạo đức" nhưng không thể hoàn toàn cấm cản những hành động nầy xảy ra. Hàng ngày trong xã hội xưa nay chúng ta đã và đang thấy có biết bao nhiêu người tuy rất sùng đạo nhưng vẫn cố tình vi phạm những qui luật "đạo đức" cơ bản nhất của chính tôn giáo họ.
Tóm lại, theo tôi, tôn giáo hay sự tin tưởng ở Thượng đế không phải là điều kiện cần và đủ để sống một cuộc đời đạo đức như nhiều người theo phái hữu thần thường phát biểu.
-----------------------------------------------
[1] Tôi không đưa Phật giáo vào những tôn giáo hữu thần ở đây vì theo kinh Phật, Thích Ca Mâu Ni chỉ cho mình là "Thầy" chỉ đường đi đến giác ngộ chớ không bao giờ tự xưng là Thượng đế của loài người hay vũ trụ. Theo tôi, phần lớn Phật giáo ngày nay đã bị biến thể trở thành một tôn giáo mang dạng hữu thần và đầy những mê tín dị đoan nhảm nhí

No comments:

Post a Comment