Pages

Saturday, July 21, 2012

VẺ VANG PHỤ NỮ VIỆT NAM


 

 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 

vinh danh một phụ nữ Việt

Chị Ðỗ Minh Thùy mới đây được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh là cựu sinh viên xuất sắc nhất của tháng Bảy
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên dương chị Ðỗ Minh Thùy (người mặc áo dài màu vàng), trong một cuộc họp mặt nhân kỷ niệm 20 năm chương trình Fulbright Việt Nam.


CỠ CHỮ
Học chuyên ngành tiếng Anh và lại có niềm đam mê viết lách, Ðỗ Minh Thùy đã tận dụng được cả hai lợi thế đó khi được tuyển vào làm việc tại một tạp chí của Mỹ, Tạp chí Time, ở Việt Nam hồi đầu những năm 2000. Nhưng không dừng lại ở một công việc mà có lẽ nhiều bạn trẻ mơ ước tại một tạp chí nước ngoài danh tiếng, Thùy vẫn muốn được mở rộng kiến thức và muốn được đào tạo bài bản về nghề làm báo, chính vì vậy mà khi biết chương trình Fulbright có học bổng dành cho ngành báo chí, chị đã quyết tâm xin học bổng cao học và đã được lựa chọn vào học thạc sĩ báo chí tại trường đại học Indiana vào năm 2004.

Trong thời gian học tại đó, chị nhận ra có một sự khác biệt cơ bản giữa việc dạy và học báo chí ở Mỹ và ở Việt Nam, chị nói: “Khi học bên đó thày cô dậy cho tôi nhiều kiến thức, nhưng đồng thời họ cũng yêu cầu sinh viên phải thực hành những gì đã học. Ví dụ giảng viên dạy viết của tôi ngay từ những ngày đầu tiên đã yêu cầu sinh viên phải viết một bài và làm ra một tờ báo của chính lớp học đó. Những bài tập mà cô hướng dẫn trên lớp thì sau đó cũng được áp dụng ngay để làm sao sinh viên có thể thực hành luôn. Tôi thấy đó là điều mà ở Việt Nam trong các chương trình học nói chung, và các chương trình học báo chí nói riêng thì dường như vẫn còn thiếu.” 

Chính những sự khác biệt trong môi trường giáo dục của Mỹ đã thôi thúc Thùy muốn truyền đạt lại những kinh nghiệm và kiến thức mà mình học được cho các nhà báo trẻ và các em sinh viên ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành báo chí ở Mỹ trở về Việt Nam, chị đã cùng một số cựu sinh viên đã từng theo học ở Hoa Kỳ lập nên dự án mang tên ‘Chương trình Nâng cao Năng lực Nhà báo trẻ Việt Nam’ vào năm 2009.

Hoạt động chính của chương trình là thiết kế các khóa học nhằm nâng cao năng lực viết bài, đưa tin, kinh nghiệm trong việc khai thác, thu thập, xử lý thông tin, viết tin bài, phóng sự ảnh, nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp cũng như tính chuyên nghiệp. Chị Thùy cho biết chương trình cũng thường xuyên mời các nhà báo kỳ cựu của Việt Nam, như nhà báo Huy Ðức, bút danh Osin, và cả các nhà báo của các tờ báo nước ngoài tới chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Ngoài ra, chương trình cũng thường tổ chức những chuyến đi thực tế cho các nhà báo trẻ để họ có thể tiếp xúc với những vấn đề nổi cộm đang được xã hội quan tâm.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, kể từ khi thành lập, dự án đã thực hiện 41 khóa tập huấn cho hàng ngàn nhà báo trẻ và sinh viên báo chí ở Việt Nam. Cũng nhờ có chương trình huấn luyện này mà một mạng lưới mới kết nối các nhà báo trẻ ở Việt Nam đã ra đời để ủng hộ cho vấn đề đạo đức nghề nghiệp và nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành báo chí của Việt Nam.

Chị Ðỗ Minh Thùy mới đây đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh là cựu sinh viên xuất sắc nhất của tháng 7 để công nhận sự tận tâm của chị trong việc nâng cao tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp của ngành báo chí Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, đích thân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên dương chị Thùy trong một buổi họp mặt nhân kỷ niệm 20 năm chương trình Fulbright Việt Nam. Bà Clinton nói: “Ðỗ Minh Thùy đã nhận được học bổng Fulbright để học báo chí ở Indiana. Sau khi học xong, cô ấy nhận thấy rằng các nhà báo như mình ở Việt Nam xứng đáng tiếp cận với những kinh nghiệm và kỹ năng mà cô ấy học được ở Mỹ. Cô ấy cùng với những người bạn khác đã tạo ra một chương trình đào tạo và huấn luyện cho các nhà báo trẻ. Những khóa huấn luyện cô ấy tổ chức thu hút tới 2.300 bạn trẻ ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Một học bổng cho một cá nhân giờ đây đã có hiệu ứng dây chuyền trong một lĩnh vực riêng biệt ra toàn xã hội.”

Chị Ðỗ Minh Thùy cùng các đồng nghiệp và học viên.
​​Phát biểu cảm tưởng về việc được vinh danh này, chị Thùy khiêm tốn nói: “Tôi cũng rất bất ngờ khi được chọn là cựu sinh viên xuất sắc của tháng Bảy, cũng như được bà Ngoại trưởng đề cập đến trong cuộc gặp với các cựu thành viên chương trình Fulbright. Ðây là một vinh dự rất lớn và tôi nghĩ rằng vinh dự này không phải chỉ của riêng tôi mà tôi muốn gửi sự ghi nhận này tới tất cả các anh chị thành viên đã tham gia dự án từ những ngày đầu. Các anh, các chị đã đóng góp một phần rất lớn. Mặc dù đây là sự ghi nhận cá nhân, nhưng tôi muốn nói rằng thành công đó không phải là nỗ lực của riêng bản thân tôi, mà còn là của tất cả nhóm trong suốt thời gian qua, và tôi cũng chỉ là người đại diện mà thôi.”

Nói về lĩnh vực báo chí ở Việt Nam, vấn đề được nhiều người quan tâm không chỉ có đạo đức nghề nghiệp hay sự chuyên nghiệp của các ký giả, mà vấn đề tự do báo chí cũng luôn được các nhà quan sát và các tổ chức quốc tế đề cập đến. Trong báo cáo về Tự do Báo chí Toàn cầu năm 2011, tổ chức Freedom House nhận xét Việt Nam vẫn không có tự do báo chí, trong khi Báo cáo về nhân quyền năm 2011 của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định rằng tất cả báo chí, đài truyền thanh và truyền hình trong nước vẫn do chính phủ hoặc các tổ chức quần chúng kiểm soát và các hãng tin tức, truyền thông tư nhân vẫn bị cấm thành lập.

Khi được hỏi ý kiến về nhận định này với tư cách là người đã từng tiếp xúc với cả hai nền báo chí Mỹ và Việt Nam, chị Thùy cho biết: “Tôi nghĩ khi người ta tiến hành báo cáo hay điều tra nào đó thì người ta đã có cơ sở nhất định như đối tượng phỏng vấn hay làm điều tra, vì vậy báo cáo đó dựa trên kết quả mà họ thu được. Tôi không biết họ lấy mẫu điều tra như thế nào nên tôi không thể nói báo cáo đó đúng 100% hay là sai. Nhưng tôi may mắn được tiếp xúc với hai nền báo chí, ở Hoa Kỳ thì nhà báo có được sự tự do nhất định khi họ viết bài và họ được bảo vệ. Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng các cơ quan nhà nước, chính phủ cũng đang cố gắng hướng tới để làm sao bảo vệ quyền tự do ngôn luận của nhà báo nói riêng và người dân nói chung.”

Cũng theo chị Thùy, tự nhân hóa báo chí là xu hướng tất yếu mà Việt Nam sẽ đi theo, chị nói: “Báo chí tư nhân thì cũng đã manh nha xuất hiện ở Việt Nam. Ở Việt Nam mà muốn ra một tờ báo nào đó thì bao giờ cũng phải dưới một cơ quan nào đó, rồi cơ quan đó có thể thực hiện tờ báo đó hay để tư nhân làm, và điều này thì đã có rồi. Tôi nghĩ rằng sớm hay muộn thì đây cũng là một xu hướng chung mà Việt Nam cũng cần phải tiến tới. Nếu điều đó là tốt thì chúng ta không có gì phải sợ hay ngăn cản cả.”
Ðược biết, hàng tháng, Bộ phận đặc trách các vấn đề của cựu sinh viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều công nhận thành tích của một cựu sinh viên xuất sắc. Trong suốt tháng Bảy này, chị Ðỗ Minh Thùy sẽ được vinh danh trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dành cho hơn một triệu cựu sinh viên mà Bộ đã tài trợ học bổng trên khắp thế giới.

Quí vị có thể tìm hiểu thêm về dự án của chị Thùy tại: evj.vn. 

Cô gái Việt thay đổi Luật an toàn xe bus tại Mỹ

2012-07-16
Trong thời gian gần bốn năm, trên dưới hai mươi lần đến thủ đô Hoa Thịnh đốn để vận động "Dự Luật tăng cường An Toàn cho xe chở hành khách".
AFP photo
Một chiếc xe bus chở khách tại Washington, DC.

Ngày 6 tháng Bảy vừa qua, cô Lê Yến Chi đã được toại nguyện khi tổng thống Obama ký ban hành điều luật này. Lý do nào đã khiến một cô gái Việt tại Houston làm được việc này?

Người thân bị nạn

Trên đường đi dự Đại Hội Thánh Mẫu tại Dòng Đồng Công ở Carthage, thuộc tiểu bang Missouri vào tháng Tám năm 2008, một trong bốn chiếc xe Bus chở những giáo dân người Việt Houston và vùng phụ cận đã bị tai nạn thảm khốc tại Sherman, một thị trấn phía Bắc thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Tai nạn này gây tử vong cho 17 giáo dân và nhiều người khác bị thương tích. Một trong số 17 người bị thiệt mạng là bà Lâm Sở Tường, mẹ của cô Lê Yến Chi, một tiến sĩ ngành tâm lý xã hội, hiện đang làm việc tại Houston.
Sinh ra và lớn lên tại Houston, Yến Chi là con gái út trong một gia đình có hai người con của đôi vợ chồng tị nạn cộng sản năm 1975. Bố cô qua đời trong một ca mổ tim khi cô vừa 7 tuổi và người anh 8 tuổi, lúc mẹ cô mới 39 tuổi. Bà Tường đã ở vậy nuôi hai con khôn lớn. Bà là một nhân viên sở Xã Hội, và là một con chiên ngoan đạo. Bà đã dành nhiều thời gian để sinh hoạt trong các giáo xứ. Mỗi năm Bà cùng nhiều giáo dân khác đi dự Lễ Thánh Mẫu. Cô Yến Chi cho biết cô thường đi cùng với Mẹ nhưng năm 2008, vì mới có việc làm tại Galveston, sau một thời gian dài học tiến sĩ tại Hawaii, nên cô không tham dự.
Đã bốn năm trôi qua, nhưng với giọng nói đầy nước mắt khi nhắc đến cái chết của thân mẫu, Yến Chi cho biết cô vận động điều luật này vì cô không muốn thấy gia đình khác phải trải qua những mất mát lớn lao mà anh em cô đã gặp phải :
"Con rất là thương Mẹ, con thấy mất Mẹ giống như vậy, ai mà chịu nổi. Con không muốn có những người khác phải chịu cảnh khổ đau như con nên con cố gắng làm việc này để tránh chuyện tương tự xảy ra cho gia đình khác ..."
Cô nói thêm là tai nạn thảm khốc đó đã làm nhiều gia đình người Việt đau khổ nhưng vì ai cũng bận rộn với công việc và gia đình, mà cô lúc đó thì còn độc thân nên có nhiều thì giờ hơn những người khác, vì vậy cô vận động dự luật tăng cường an toàn cho xe chở hành khách. Cô cho biết lúc sinh tiền, mẹ cô thường giúp đỡ người khác và cô đã hứa trước di ảnh của Mẹ là sẽ không để cái chết của Mẹ cô trở thành vô nghĩa:
"Nhiều gia đình bị ảnh hưởng vì tai nạn này. Mẹ con là người luôn luôn giúp đỡ người khác nên con phải làm việc này vì con thương Mẹ, không muốn cái chết của Mẹ là senseless hay in vain ..."
Để giữ được lời hứa với vong linh thân mẫu, ngay sau tang lễ của Mẹ, Yến Chi bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân gây ra tai nạn cho chiếc xe đã chở mẹ cô. Khi biết được đã có nhiều khiếm khuyết trong chiếc xe đó trên bản tường trình của Ủy ban kiểm soát an toàn giao thông (The National Transportation Safety Board), như là; tài xế có lượng cocaine và rượu trong máu mà có thể là người tài xế này vừa mới xử dụng ma túy khoảng một tiếng đồng hồ trước khi bắt đầu lái xe; công ty cho mướn xe này đã từng bị ngưng hoạt động vì vi phạm luật nhưng mới mở lại dưới cái tên khác, hay là nơi kiểm soát xe (inspection) đã không trang bị đầy đủ dụng cụ để làm việc này vv... Yến Chi liên lạc với các vị dân cử để tìm hiểu thêm.
Cô đã được những vị dân cử của Texas như thượng nghị sĩ Kay Baily Hitchison, dân biểu Sheila Jackson Lee cùng vài vị dân cử của các tiểu bang khác nữa,đỡ đầu dự luật này:
"Con gặp thượng nghị sĩ Kay Baily Hitchison của Texas, thượng nghị sĩ Sherrod Brown của Ohio ..."
Dự luật này đã được đệ trình với lưỡng viện trước đó nhưng mãi cho đến ngày 29 tháng Sáu năm 2012, mới được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống ký ban hành vào ngày 6 tháng Bảy. Với điều luật mới này, xe chở hành khách phải có dây cài an toàn, trần xe và cửa sổ phải an toàn hơn và đặc biệt là tài xế lái xe chở hành khách phải được kiểm soát cũng như được huấn luyện kỹ lưỡng hơn:
"Phải có seat belt cho passengers, có anti-ejection glazing on the windows... Tài xế lái xe phải khám sức khỏe ..."
Luật này cũng buộc chủ hãng cho thuê xe khi mở thương vụ mới, phải khai báo nếu trong quá khứ đã từng có công ty bị đóng cửa vì vi phạm luật giao thông.
"Mấy companies mà đã bị đóng cửa mà bây giờ mở công ty khác thì phải điền vào đơn những chi tiết đó ..."

Một mình vận động

000_GYI0064134152-250.jpg
Cô Lê Yến Chi cầm di ảnh của mẹ cô trong một buổi điều trần An toàn xe buýt ở Washington, DC hôm 30/3/2011. AFP photo
Mặc dù một mình vận động cho điều luật này, cô Yến Chi nói rằng sở dĩ có được kết quả như vậy là do chính mẹ cô luôn ở bên cạnh để giúp cô có đủ nghị lực trong ròng rã 4 năm trời để vận động. Chính mẹ cô giúp cô biến đau khổ của mình thành những công ích cho người khác, thay vì bị buồn đau đánh gục: "Con biết là con không tự mình làm được việc này mà là do Mẹ giúp con có sức mạnh để làm, tại vì cái này mà một người làm thì thấy nhiều quá. Làm sao mà một cá nhân có thể thuyết phục được Quốc Hội Mỹ, mà đặc biệt cá nhân đó lại là một người Việt! Có lẽ do con nói được tiếng Mỹ, và nói từ từ nên người ta nghe, chứ con thấy mình không là cái gì cả. Con lấy nỗi buồn mất Mẹ để làm được điều hữu ích cho người khác chứ không để cái buồn làm mình té xuống."
Được hỏi nếu trường hợp tai nạn xảy ra tại Việt Nam mà có những nguyên do vì bất cẩn như chiếc xe đã chở mẹ cô thì cô có nghĩ là có người sẽ vận động để thay đổi gì không, Yến Chi nói rằng vì Việt Nam không có tự do nên có lẽ sẽ không có ai vận động dự luật một mình như cô đã làm:
"Nếu mà trường hợp này xảy ra bên Việt Nam chắc không có ai làm gì đâu, tại vì Việt Nam không có tự do thì không có ai làm như vậy."
Nhưng theo cô, nếu nhiều người cùng đứng lên làm việc với nhau thì có thể sẽ làm cho chính quyền quan tâm và thay đổi:
"... because there are lots of bad situation in VietNam I would think that people need to stand together and work together..."
Trước tin vui Tổng Thống Obama ký ban hành luật mới về an toàn cho xe chở hành kháck, linh mục Đỗ Đình Bảng, người có mối thâm giao với gia đình Yến Chi trên dưới 40 năm nay cho biết, là ông rất ngạc nhiên khi dự luật do Yến Chi vận động được trở thành luật:
"Tôi rất ngạc nhiên nhưng đây cũng là cái gương cho chính tôi, bởi vì nhiều khi mình không có nghĩ là sẽ thành công nhưng cuối cùng rồi thì hôm nay chúng ta thấy là một vài tuần nữa cái luật này sẽ được phổ biến. Như vậy thì là một điều rất hay và là một điểm son cho tuổi trẻ Việt Nam. Sang bên này, được cái nền giáo dục mới thì đã biết phát triển cái tinh thần gia đình giữa mẹ con, giữa ông bà con cháu và đời mình phát triển đường lối của người Mỹ. Điều đó rất đáng khen."
Và bà Lâm Muội, em gái của mẹ Yến Chi cũng cho biết là bà vô cùng hãnh diện về việc làm của cháu bà:
"Tôi rất hãnh diện. Tôi biết cháu làm như vậy nhưng tôi rất bất ngờ khi hay tin là dự luật đó đã thành luật rồi. Cháu đã làm được một việc lớn như vậy. Một mình mà đi lên Washington D.C. cả 20 lần trong vòng gần 4 năm để hoàn thành công việc đó thì tôi thấy cháu thật là xứng đáng đã thành công."
Chúng ta thường nghe nói "Một con Én không làm nổi mùa Xuân" nhưng với sự kiên trì và lòng yêu kính đấng sinh thành đã khuất, một cô gái Việt đã thành công trong việc thay đổi được luật an toàn cho xe chở hành khách tại Hoa Kỳ.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/motor-coach-safety-in-us-hv-07162012132505.html

No comments:

Post a Comment