Pages

Monday, September 10, 2012

TRẦN BÌNH NAM * TRUNG ĐÔNG

Chính sách Trung đông của Hoa Kỳ
(qua tòa đại sứ đang xây tại Baghdad)
Trần Bình Nam
Chính trường Hoa Kỳ đang sôi nổi về cuộc chiến Iraq. Đa số dân chúng muốn Hoa Kỳ rút lui càng sớm càng tốt, trong khi đảng Cộng hòa cầm quyền và đảng Dân chủ đối lập tranh cãi về cách rút lui.
Qua thông tin hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình chúng ta có cảm tưởng đảng Dân chủ muốn quân đội Hoa Kỳ rút lui để cho người Iraq giải quyết chuyện nội bộ với nhau, trong khi tổng thống Bush muốn duy trì quân đội Hoa Kỳ tại đó cho đến khi thiết lập được một chính quyền thân Tây phương tại Baghdad.
Sự thật không phải như vậy. Cả hai đảng đều có chính sách dài hạn duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Trung đông. Và điều này có thể thấy qua ngân sách 592 triệu mỹ kim do chính quyền Cộng hòa đề nghị và quốc hội do đảng Dân chủ nắm đa số chấp thuận mới đây để xây một tòa đại sứ vĩ đại của Hoa Kỳ tại Baghdad mà không có một tranh luận ồn ào nào cả.
Theo bài báo “Fortress America” (tạm dịch: Pháo đài của nước Mỹ) của ký giả Jane C. Loeffler đăng trên tạp chí Foreign Policy số tháng 9 & tháng 10, 2007, tòa đại sứ 592 triệu mỹ kim đang được xây cất trên một công viên lớn bên bờ sông Tigris nằm trong Green Zone tại Baghdad là tòa đại sứ lớn nhất trong số 250 tòa đại sứ và cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ trên thế giới. Tòa đại sứ mới chiếm 104 mẫu tây, tức rộng gấp sáu lần khuôn viên của trụ sở Liên hiệp quốc tại New York, và rộng gấp mười lần tòa đại sứ mới đang được xây tại Bắc Kinh.
Tòa đại sứ mới tại Baghdad vừa là một pháo đài (như tên bài báo của Jane Loeffler gợi ý) vừa là một thành phố nhỏ (ngoại trừ chưa có một phi trường riêng) tự túc về mọi phương diện từ điện, nước, hệ thống thoát nước cho đến tiếp vận. Ông đại sứ, nhân viên và gia đình có thể sống và làm việc trong tòa đại sứ một cách an toàn ngay cả trường hợp thành phố Baghdad bị bao vây dài ngày. Trong khuôn viên tòa đại sứ có tiệm ăn, có siêu thị, có trung tâm mua bán, rạp chiếu bóng, viện thẩm mỹ cho các bà, có sân tennis, khu thể dục thể thao, hồ tắm, trường học, thư viện, và một American Club cho các sinh hoạt xã hội.
Tòa đại sứ gồm 20 khu dinh thự trong đó có sáu khu chung cư mỗi khu có 619 phòng ngủ, hai khu dinh thự khác dùng làm văn phòng có khả năng cung cấp chỗ làm việc cho 1000 viên chức. Giới chức cao cấp của tòa đại sứ có nhà ở riêng biệt. Khuôn viên 104 mẫu đất dù nằm trong Green Zone được bảo vệ vẫn được bảo vệ thêm bởi một bức tường cao 3 mét và một đội quân gồm 1000 thủy quân lục chiến. Theo ông Charles E. Williams, người phụ trách xây cất các cơ sở ngoại giao ở hải ngoại, chi phí điều hành của tòa đại sứ mới ở Baghdad ước lượng 2 triệu 740 ngàn mỹ kim mỗi ngày.
Nếu đảng Dân chủ muốn bỏ mặc Iraq - như dư luận cho chúng ta có cảm tưởng như vậy- đảng Dân chủ sẽ không im lặng chấp thuận ngân sách xây cất một tòa đại sứ qui mô như vậy tại Baghdad mà không lên tiếng ngăn cản.
Như vậy, như đã nói ở trên, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có chính sách dài hạn duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Trung đông như khuyến cáo của Nhóm Nghiên Cứu Iraq (Iraq Study Group) do hai ông James Baker III, bộ trưởng ngoại giao dưới thời tổng thống George H. W. Bush và Lee H. Hamilton Dân biểu Dân chủ nguyên chủ tịch ủy ban Ngoại giao Hạ nghị viện làm chủ tịch và đồng chủ tịch gởi tổng thống Bush ngày 6/12/2006, và đề nghị của ông cựu bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld đệ trình ngày 3/12/2006.
Trong thời kỳ Việt Nam hóa chiến tranh Việt Nam (1968-1972) Hoa Kỳ cho xây cất để mở rộng thêm rất nhiều căn cứ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa, từ Trung tâm Huấn luyện, căn cứ tiếp liệu, đến căn cứ đồn trú và trại gia binh để có khả năng tăng quân số cho kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, nhưng các công trình xây cất này đều bằng vật liệu nhẹ chỉ dùng được tối đa từ 5 đến 7 năm (và sau này chúng ta biết là các nhà hoạch định sách lược Hoa Kỳ đã có chính sách rút lui vĩnh viễn khỏi Việt Nam sau khi ký được hiệp định ngưng bắn với Hà Nội và thu hồi tù binh).
Theo bản nghiên cứu Baker-Hamilton, Hoa Kỳ nên áp dụng chiến lược tái phối trí gồm: 1) Tăng cường huấn luyện quân đội Iraq để họ có thể duy trì an ninh ngăn chận một cuộc nội chiến lan rộng. 2) Tái phối trí quân đội tùy theo tình trạng an ninh, và nên chấm dứt nhiệm vụ tác chiến sớm, tốt nhất là vào đầu năm 2008. 3) Cải thiện quan hệ với Iran và Syria và yêu cầu hai nước này giúp ổn định tình hình tại Iraq và Trung đông, và cần tìm một giải pháp cụ thể cho cuộc tranh chấp Do Thái – Palestines.
Về kế hoạch dài hạn ông Rumsfeld, trước khi từ chức đã trình tổng thống Bush một chương trình tái phối trí quân đội Hoa Kỳ tại Trung đông. Ông đề nghị tập trung quân đội Hoa Kỳ từ 55 căn cứ như hiện nay còn 5 căn cứ và đóng tại những vùng an toàn tại Iraq hay tại Kuwait để sẵn sàng can thiệp.
Nhóm nghiên cứu Baker-Hamilton không đề nghị rút quân một cách dứt khoát và vĩnh viễn ra khỏi Trung đông mà chỉ đề nghị chấm dứt tác chiến trên đường phố để tránh tổn thất sinh mạng binh sĩ. Toàn bộ đề nghị này không trái với đề nghị tái phối trí của ông Rumsfeld.
Việc xây cất tòa đại sứ mới tại Baghdad cho thấy Hoa Kỳ đã có kế hoạch ở lại Trung đông sau khi chấm dứt các cuộc giao tranh với quân nổi dậy và tái phối trí lực lượng quân sự. Việc tái phối trí này là một phần trong chương trình tái phối trí toàn bộ các lực lượng Hoa Kỳ trên thế giới như đã được Bộ quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ vào tháng Tư năm 2005.
Theo kế hoạch này Hoa Kỳ sẽ giảm quân số 71.000 tại Đức hiện nay xuống một nửa. Trong số 71.000 quân này, bộ binh gồm 56.000 người sẽ được giảm 60%. Hoa Kỳ sẽ thiết lập một số căn cứ nhỏ đóng tại Romania hay Bulgaria với những đơn vị quân đội trang bị nhẹ có khả năng can thiệp nhanh chóng để chống khủng bố. Các căn cứ quân sự ở vùng Trung Á như Uzbakistan, Tajikistan và Kyrgyzstan được thành lập năm 2001 vì nhu cầu chiến tranh tại Afghanistan sẽ biến thành những trung tâm huấn luyện và tiếp vận. Số quân đóng tại Nhật Bản và Nam Hàn cũng sẽ được giảm xuống 15% còn lại khoảng 85.000 quân. Sự giảm quân này trong vùng Thái bình dương sẽ được bù đắp lại bằng những đơn vị hải không quân với hàng không mẫu hạm đóng tại Guam và Hawaii. Hoa Kỳ cũng sẽ chuẩn bị những căn cứ tiếp vận và hành quân tại Úc, Singapore và Thái Lan. Nói chung Hoa Kỳ sẽ giảm quân số tại hải ngoại nhưng không giảm khả năng hành động và can thiệp trên thế giới.
Tại Trung đông, trung tâm ngoại giao và chính trị là tòa đại sứ mới được xây cất như một pháo đài tại Baghdad được yểm trợ bởi một số căn cứ quân sự như đề nghị của ông Rumsfeld. Một chính phủ Iraq thân Hoa Kỳ sẽ làm việc trong Green Zone và sẽ được quân đội Iraq bảo vệ.
Một thực tế trước mắt dân chúng Hoa Kỳ đang quan tâm là Hoa Kỳ đang có chiến tranh, một cuộc chiến tranh không được lòng dân và Hoa Kỳ rút ra sớm ngày nào tốt ngày đó. Nhưng đảng nào làm việc đó mà không có chính sách làm cho Hoa Kỳ mạnh hơn, gây lại uy tín đã mất trên thế giới thì đảng đó sẽ thất bại, trước mắt là cuộc bầu cử tháng 11 năm 2008.
Cuộc chiến tranh tại Iraq tuy còn nhì nhằng, nhưng chính sách lưỡng đảng là rút quân khỏi chiến trường Iraq nên sẽ không còn là một yếu tố ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 cho bằng chính sách của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đối với tình hình chung tại Trung đông nói riêng và sự ổn định thế giới nói chung trong đó có chính sách của Hoa Kỳ đối với Liên hiệp Âu châu, đối với Trung quốc và Liên bang Nga.
Đảng nào qua các chính sách trên củng cố được uy tín của Hoa Kỳ đảng đó sẽ được dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ.
Người ta đang chờ đợi bản báo cáo của tướng David Petraeus, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Iraq và đại sứ Ryan Crocker sẽ đệ trình tổng thống và quốc hội vào giữa tháng 9 này như là báo cáo để dựa vào đó hoạch định sách lược quân sự của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến Iraq.
Nhưng chiến lược của Hoa Kỳ tại Trung đông hình như đã được đồng thuận của hai đảng, và bản báo cáo của tướng Petraeus cũng không có gì có thể thay đổi chiến lược đó. Bản báo cáo sẽ phản ánh thực tế của chiến trường là trước sau Hoa Kỳ cũng phải xuống thang chiến tranh, nhưng cần thời gian để củng cố một chính phủ thân Hoa Kỳ tại Baghdad. Trong khi đó Hoa Kỳ tái phối trí quân đội về những vị trí có thể can thiệp nhanh chóng bằng hải lục không quân phối hợp.
Tòa đại sứ Hoa Kỳ đang được xây cất tại Baghdad sẽ là cứ điểm phòng vệ cuối cùng, ngay cả trong trường hợp xấu nhất là Baghdad bị quân nổi dậy bao vây.
Trần Bình Nam
September 4, 2007

No comments:

Post a Comment