Pages

Monday, September 10, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * QUỐC GIA DÂN TỘC



Quốc Gia, Dân Tộc
và Địa Phương Phân Quyền


Từ hơn nửa thế kỷ nay, người Việt Nam chúng ta bàn tán, thảo luận nhiều về các ý niệm quốc gia và dân tộc, quốc gia và quốc tế, quốc gia và cộng sản. Vì lẽ quốc tế là đối vị của quốc gia, mà cộng sản trong bản chất là quốc tế, nên người Việt Nam chúng ta trong bấy lâu nay có thói quen sử dụng các từ quốc gia và cộng sản như là biểu thị của các ý niệm và thực thể đối kháng nhau. Mặt khác, không phải chỉ có quốc tế mới là đối vị của quốc gia, mà còn có một ý niệm khác không kém phần quan trọng đối kháng với từ quốc gia, đó là ý niệm địa phương. Thực vậy, quốc gia là nước, lớn hơn nước là quốc tế, nhỏ hơn nước là địa phương. Thế thì tại sao khi bàn tán, thảo luận về các vấn đề liên quan đến quốc gia, dân tộc, chúng ta chỉ chú trọng đến khía cạnh quốc gia và quốc tế mà xem nhẹ khía cạnh quốc gia và địa phương, cũng như có thói quen mặc nhiên thừa nhận quốc gia và cộng sản là những ý niệm và thực thể đối kháng với nhau.

Nguyên do chính yếu của tình hình vừa nêu trên là vì bước chân vào thế kỷ hai mươi, đất nước chúng ta vẫn còn đắm chìm trong tình trạng một xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Các nỗ lực giải phóng dân tộc thoát vòng nô lệ ngoại bang thường đi đôi với nỗ lực khôi phục vương triều nhà Nguyễn. Nói một cách khác, cho đến thời điểm này, ở nước ta, ý niệm ái quốc đi liền với ý niệm trung quân, và tinh thần quốc gia chưa được hình thành. Phải đợi đến thập niên những năm hai mươi, sau khi Phan Tây Hồ lên tiếng chế riễu “ Ai về địa phủ hỏi Gia Long, Khải Định thằng này phải cháu ông?”, và nhất là sau khi mười ba liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài ở Yên Bái vào năm 1930, thì ý niệm ái quốc mới tách rời khỏi ý niệm trung quân, và tinh thần quốc gia dân tộc mới được hình thành và khẳng định. Cũng cùng thời gian này, Nguyễn Ái Quốc viết kịch “Con rồng tre” đả kích Nam triều, và theo lệnh Đệ tam Quốc tế kết hợp ba tổ chức Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng, và Đông Dương Cộng Sản Liên Ðoàn, để thành lập Việt Nam Cộng Sản Đảng vào đầu năm 1930 tại Quảng Châu (đến cuối năm 1930 thì Trần Phú đổi lại tên là Đông Dương Cộng Sản Đảng). Tất cả các tổ chức chính trị lúc bấy giờ, cả cộng sản lẫn không cộng sản, đều chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp để giải phóng đất nước và kích động tình tự dân tộc để tổ chức quần chúng. Vì những điểm tương đồng rất cơ bản này mà thành phần quần chúng trí thức không chú tâm phân biệt cộng sản với không cộng sản, mà chỉ hời hợt nhận thức bản chất quốc gia hay quốc tế của các tổ chức chính trị đương thời. Đông Dương Cộng Sản Đảng là một bộ phận của Đệ tam Quốc tế, mang tính chất quốc tế rõ rệt, nên tất cả những tổ chức nào không phải là cộng sản (đệ tam lẫn đệ tứ) đều được gộp lại dưới một danh xưng chung là quốc gia, để rồi dần dà quốc gia trở thành đối vị của cộng sản.

Từ đó cho đến nay, người Việt Nam chúng ta cứ quen đem quốc gia ra đối kháng với cộng sản. Tàu Tưởng với Tàu Mao đánh nhau thì gọi là chiến tranh Quốc Cộng. Việt Minh với Quốc Dân Đảng kình chống nhau thì gọi là phân tranh Quốc Cộng. Từ cơ sở đó, hễ cái gì chống lại cộng sản thì được gộp lại thành một danh xưng chung chung là quốc gia. Như vậy là không được chính xác. Từ quốc gia bao hàm nhiều ý niệm cao sâu, không thể tùy tiện dùng làm đối vị với từ cộng sản. Người Việt Nam cộng sản lấy chủ nghĩa Mác Lê làm kinh điển, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam. Người Việt Nam không theo chủ nghĩa cộng sản nhận định rằng chủ nghĩa Mác Lê là không tưởng, là ngụy biện, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là những ý tưởng của người khác được lặp lại, không có gì mới lạ. Người Việt Nam không theo chủ nghĩa cộng sản có thể là đa số quần chúng thầm lặng, hay có thể là những người chống cộng nhiệt tình, nhưng cho dù thuộc thành phần nào chăng nữa thì chính xác họ là những người không cộng sản. Do đó, đối vị của cộng sản là cụm từ không cộng sản.

Mặt khác, đối vị của tinh thần quốc gia là tinh thần quốc tế và tinh thần địa phương. Quốc gia bao hàm hai ý niệm cơ bản là trong cả nước và cho toàn dân. Hễ một trong hai ý niệm đó không được thể hiện đúng mức hoặc thiếu trọn vẹn thì mất đi tính chất quốc gia. Quốc tế có thể mang nhiều hình thái. Quốc tế có thể là chính trị, là quân sự, là tôn giáo, là kinh tế, là văn hóa, là xã hội. Dù cho toàn dân, nhưng một khi đã là quốc tế, thì quốc gia bị phủ lấp, quyền lợi quốc gia không được tôn trọng, phúc lợi dân tộc phải chịu hy sinh cho nghĩa vụ quốc tế. Nếu là quốc tế mà lại không phải cho toàn dân thì càng tệ hại hơn, chẳng những quyền lợi quốc gia bị hy sinh mà phúc lợi dân tộc cũng hoàn toàn bị quên lãng. Chung qui chỉ có thiểu số hưởng đặc quyền đặc lợi là ngồi mát ăn bát vàng, sống no say phè phỡn trên sự điêu tàn của quốc gia và nỗi khốn cùng của đại khối dân tộc. Tinh thần địa phương cũng tác hại không kém. Địa phương thì đương nhiên không thể nào là trong cả nước và cho toàn dân. Địa phương xói mòn, phá nát sự thống nhất quốc gia. Địa phương phân hóa, hủy hoại tình đoàn kết dân tộc. Tinh thần địa phương làm nẩy sinh sự đố kỵ giữa các địa phương, sự bất phục tùng trung ương, đưa đến hậu quả cát cứ và nội chiến, quốc gia vỡ vụn thành nhiều mảnh, dân tộc chia rẽ thành nhiều nhóm sống trong hận thù.

Quốc gia là không cộng sản, vì lẽ cộng sản là quốc tế. Nhưng cộng sản Việt Nam trong quá khứ lại thường gian trá đội lốt quốc gia, và triệt để khai thác tình tự dân tộc. Ngày nay, mặt nạ yêu nước thương dân của cộng sản Việt Nam đã bị vỡ vụn, bộ mặt thật của cộng sản Việt Nam đã lộ nguyên hình, và người Việt Nam chúng ta, sau bao nhiêu kinh nghiệm cay đắng, đã nhận chân thực tế phũ phàng là đối với cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản mới là cứu cánh, còn quốc gia chỉ là chiêu bài, dân tộc chỉ là phương tiện. Tuy vậy, cộng sản Việt Nam trăm mưu nghìn kế, ngày nay vẫn tiếp tục lừa mị quần chúng ngây thơ, nhất là trí thức và tuổi trẻ nhiệt tình, sử dụng các hình thái văn nghệ tâm lý chiến để kích động lòng yêu nước thương dân của các thành phần này, đồng thời mập mờ khoác trở lại lên mình cái lốt mới quốc gia dân tộc. Bởi vậy, người Việt Nam chúng ta ngày nay vẫn cần phải cảnh giác thủ đoạn quỉ quyệt của người cộng sản để tỉnh táo nhận định chân với giả. Trong ý hệ Mác Lê, dứt khoát là không có chỗ đứng cho hai tiếng quốc gia. Trong ý hệ Mác Lê, tình tự dân tộc bị chê là ấu trĩ, chủ nghĩa dân tộc bị chê là hẹp hòi. Người Việt Nam cộng sản đặt quyền lợi Đảng Cộng sản của họ lên trên quyền lợi quốc gia và không đếm xĩa gì đến phúc lợi dân tộc. Mọi hành vi và ngôn ngữ yêu nước thương nòi chỉ là những màn kịch khéo đóng.

Quốc gia là chống cộng, nhưng ngược lại, không phải bất cứ cơ cấu chống cộng nào cũng có thể gộp chung lại thành một tổng thể để mệnh danh là quốc gia. Thực vậy, nếu có những cơ cấu chống cộng ở phạm trù cả nước thì cũng có những cơ cấu chống cộng mang tính chất quốc tế hoặc địa phương. Mặt khác, đã từng có những cơ cấu chống cộng tự nhận là quốc gia nhưng không lấy quyền lợi quốc gia làm cứu cánh, lấy phúc lợi dân tộc làm đối tượng, mà trong thực tế, chỉ nhằm vào việc đấu tranh với đảng cộng sản cầm quyền để tranh giành đặc quyền đặc lợi cho một thiểu số thành phần nhân dân mang tính chất giai cấp, tôn giáo, địa phương, hoặc chủng tộc. Do đó, vấn dề đặt ra ở đây là vấn đề chính danh. Quốc gia là chống cộng, quốc gia và chống cộng có chung một mục tiêu đấu tranh là thực hiện sự giải thể chế độ cộng sản và triệt tiêu chính quyền chuyên chính vô sản, nhưng quốc gia với chống cộng cực đoan có sự khác biệt tế nhị là quốc gia chống cộng nhưng không bao giờ vì sự nghiệp chống cộng mà đi ngược quyền lợi tối thượng của quốc gia và hy sinh phúc lợi của đại khối dân tộc.

Tinh thần quốc gia là yếu tố căn bản để thực hiện và củng cố sự thống nhất quốc gia và tình đoàn kết dân tộc. Một khi đã nhận định rằng đối vị của quốc gia là quốc tế và địa phương thì song song với sự nghiệp bảo vệ đất nước chống lại các hình thái xâm lược hoặc áp đảo của các thế lực quốc tế, người Việt Nam chúng ta ngày nay cần phải nhanh chóng tìm cách giải tiêu tinh thần địa phương vốn là uyên nguyên của tình trạng kỳ thị và chia rẽ nam bắc của đất nước chúng ta xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển dân tộc. Các yếu tố lịch sử và địa lý đã hình thành trên quốc gia Việt Nam hai khu vực lớn chung quanh Hà Nội và Sài Gòn. Hai trung tâm này kèn cựa nhau để tranh giành ngôi vị thủ đô nước Việt Nam thống nhất. Tình trạng này quả tình là không thích hợp với chính sách trung ương tập quyền. Cần thực hiện ngay sự phân quyền rộng rãi cho địa phương. Trung ương chỉ cần nắm chính cương chính sách, và một vài lĩnh vực trọng yếu trên phạm trù quốc gia như ngoại giao, quốc phòng, tiền tệ. Mọi việc khác nên để cho địa phương tự trị. Địa phương sẽ tùy nghi huy động nhân tài vật lực cơ hữu để phát triển khu vực của mình dưới sự điều hợp của trung ương cho ăn nhịp với chính sách chung của cả nước.

Hà Nội và Sài Gòn đều là đại địa, là trung tâm của những miền rộng đất, đông dân và nhiều của. Tuy vậy, chính quyền trung ương của nước Việt Nam thống nhất không nên đóng ở Hà Nội hoặc Sài Gòn. Nếu thủ đô đóng ở một trong hai trung tâm lớn này thì trung tâm kia sẽ cảm thấy bị thua thiệt, bị lấn ép, bị khai thác, bị bóc lột, bị lãng quên, bị kìm hãm, vì nghĩ rằng  trung ương qui tụ nhân tài và tập trung vật lực của cả nước vào việc tô bồi, tân tạo và phát triển thủ đô. Năm 1902, phủ Toàn Quyền Đông Dương thuộc Pháp dời từ Sài Gòn ra Hà Nội thì Sài Gòn hậm hực. Năm 1948, chính quyền Quốc Gia Việt Nam đặt thủ đô ở Sài Gòn thì Hà Nội bất mãn. Năm 1976, hiệp thương hai miền Nam Bắc thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam với Hà Nội tiếp tục làm thủ đô thì Sài Gòn và miền Nam uất ức. Cứ cái đà này thì mâu thuẫn bắc nam mỗi ngày một thêm trầm trọng, tinh thần kỳ thị địa phương mỗi ngày một thêm sâu sắc, nguy cơ cát cứ và phân ly mỗi ngày một thêm đè nặng lên nền thống nhất quốc gia và tình đoàn kết dân tộc. Bởi vậy, song hành với việc để các địa phương nam bắc được tự trị rộng rãi, chính quyền trung ương của nước Việt Nam thống nhất nên đặt ở một nơi khác, không nam không bắc. Nếu Việt Nam chia làm hai miền tự trị thì chính quyền trung ương đặt ở Huế. Nếu Việt Nam chia làm ba miền Trung Nam Bắc thì chính quyền trung ương đặt ở Đà Lạt.

Nếu Việt Nam chia làm hai miền thì từ Quảng Trị trở ra thuộc về Hà Nội, từ Quảng Nam trở vào thuộc về Sài Gòn. Nếu Việt Nam chia làm ba miền thì Thanh Hóa thuộc về miền Bắc, Bình Thuận thuộc về miền Nam, từ Nghệ An đến Ban Mê Thuột và Khánh Hòa là miền Trung. Để phát triển khu vực miền Trung ngang tầm với hai miền Nam Bắc, cần gộp hai thành phố Huế và Đà Nẵng thành một phức hợp đô thị có một tổ chức quản lý hành chánh duy nhất. Huế-Đà Nẵng sẽ vừa là trung tâm địa lý, chính trị, kinh tế và văn hóa của miền Trung, vừa là nền móng vững chãi cho sự thống nhất lãnh thổ và sự hòa hợp nhân tâm của quốc gia và dân tộc Việt Nam. Huế có thế mạnh lịch sử và văn hóa, Đà Nẵng có thế mạnh địa lý và kinh tế. Huế có vị trí chiến lược của thành Khu Túc thời Bắc thuộc, có vai trò chính trị của Hóa Thành thời Trần Lê, có dấu ấn văn hóa của cố đô Phú Xuân thời các vua chúa nhà Nguyễn. Đà Nẵng là mắt xích quan yếu của hệ thống hàng không hàng hải quốc tế đông tây. Đà Nẵng nằm ngay trên đường bay quốc tế A1. Lệ phí Hồng Kông (Hongkong fee) của Đà Nẵng, tính theo vị trí xa gần đối với thủy đạo từ Singapore đi Hong Kong men theo bờ biển Phi Luật Tân, thì tương đương với Vũng Tàu và Cam Ranh, và thấp hơn Hải Phòng rất nhiều. Nếu thủy đạo Singapore-Hồng Kông men theo bờ biển Trung Bộ và Hải Nam thì Đà Nẵng và Cam Ranh nằm ngay trên hải trình. Đà Nẵng lại là cảng biển nước sâu (cảng Nam Thọ ở mặt đông bán đảo Sơn Chà), thuận lợi hơn các cảng Sài Gòn và Hải Phòng phải đi vào cửa sông.

Nếu phát triển riêng rẽ, Huế cũng như Đà Nẵng đều bộc lộ những mặt mạnh mặt yếu. Nhưng nếu tổ chức lại thành một phức hợp đô thị, Huế-Đà Nẵng sẽ bổ khuyết cho nhau để tự giải hóa các mặt yếu, đồng thời phát huy được tối đa các mặt mạnh. Ngược dòng lịch sử, Huế-Đà Nẵng là địa bàn giao thoa của hai văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh, là nơi đối đầu của hai văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, và là chiến trường tranh chấp giữa hai quốc gia Cổ Việt và Cổ Chiêm. Trước khi Đại Việt và Chiêm Thành thống nhất, Huế và Đà Nẵng luôn luôn cùng thuộc về một phân hạt hành chánh, dù là thuộc Chiêm hay thuộc Việt. Thuộc Chiêm thì cùng là châu Lý (Ri), thuộc Việt thì cùng là châu Hóa. Đến khi An Nam thống nhất với Việt Thường để trở thành Việt Nam thì Huế trở thành kinh đô và Đà Nẵng là cửa ngõ của triều đình. Nằm ở đầu mối giao thông hàng không hàng hải quốc tế, Đà Nẵng lo việc giao lưu với bên ngoài. Nằm ở đầu mối hành lang đông tây, Huế phụ trách việc thâm nhập và khai thông nội địa. Từ ngã ba Tuần, ngược nguồn Tả Trạch, nếu qua đèo Khiêm Quang thì ta vào thượng đạo Quảng Nam, nếu qua thung lũng A Sau và huyện Hiên huyện Giàng thì ta lên Tây Nguyên hoặc qua Biển Hồ. Cũng từ ngã ba Tuần, ngược nguồn Hữu Trạch lên huyện A Lưới, nếu theo đường xuyên sơn thì ta qua Paksé, nếu vượt đèo Lao Bảo thì ta qua Savanakhet, Korat, và Thượng Lào. Đường hầm Hải Vân đang được thi công sẽ thu ngắn khoảng cách 107 kilômét giữa Huế và Đà Nẵng còn lại năm bảy chục kilômét, vừa vặn là đường kính của một đô thị thông thường trên thế giớì ngày nay. Mặt khác, đèo Lao Bảo có độ dốc rất xuôi, các điểm cao cũng chỉ trên dưới 200 mét, cho nên các dự án đường sắt và sông đào Đông Hà-Savanakhet đã hoạch định từ thời Pháp thuộc và Nhật thuộc có nhiều khả năng được thực hiện dễ dàng với trình độ kỹ thuật hiện đại.

Mỗi khi đề cập các vấn đề chính trị và văn hóa của đất nước, cũng như thảo luận các vấn đề phát triển kinh tế và cải tiến dân sinh, người Việt Nam chúng ta ngày nay nên gạt bỏ tinh thần địa phương để nâng tầm nhìn lên cao bao quát toàn bộ lãnh thổ quốc gia, từ bắc xuống nam, từ biển lên rừng, chứ không nên khư khư tự giới hạn trong khuôn khổ một khu vực, một địa phương. Đành rằng các lưu vực sông Hồng sông Mã là nơi hình thành dân tộc Việt Nam qua tiến trình hỗn chủng giữa dân Tiền Việt và dân Hán Hoa Bắc, nhưng địa bàn dân Tiền Việt tỏa rộng khắp miền Hoa Nam và bán đảo Đông Dương, cho nên chúng ta không nên  tự giới hạn lãnh thổ ban đầu của chúng ta trong mỗi một huyện Tây Vu hoặc quận Giao Chỉ. Nước Văn Lang hay Môn Lang, có nghĩa là làng của người Môn, đất nước của người Môn, vươn dài lên tới hồ Động Đình. Cha rồng họ Lạc, mẹ tiên họ Âu, rõ ràng đất nước thời hồng hoang đã bao gồm cả Bắc Việt (Lạc Việt) lẫn Lưỡng Quảng (Âu Việt). Thế thì tại sao Thục Phán từ Tây Âu xuống kiêm tính Lạc Việt, lập ra nước Âu Lạc, lại được thừa nhận là vua Việt Nam, còn Triệu Đà từ Âu Việt qua thôn tính Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt, đã được sử cũ thừa nhận là vua Việt Nam, lại bị các sử gia Hà Nội xem là quân xâm lược? Phải chăng vì Thục Phán đóng đô ở Cổ Loa huyện Tây Vu, còn Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung huyện Nam Hải, bên ngoài lãnh thổ miền bắc nước ta ngày nay? Chả thế mà nhà cầm quyền Hà Nội có dự án khôi phục lại thành Cổ Loa, một việc làm vừa phi kinh tế, vừa không có ý nghĩa, bởi lẽ, trái với sự lầm tưởng của các nhà biên khảo từ trước tới nay, thực tế lịch sử là chỉ có vòng thành ngoài hình trôn ốc bằng đất là của An Dương Vương, chứ thành vuông bằng gạch bên trong là thành của Mã Viện.

Công nghiệp của Thục Phán và Triệu Đà đều nên được xem như là nỗ lực thống nhất dân tộc, nghĩa là thâu gồm các lãnh thổ vụn vặt thành một đất nước rộng lớn, tập hợp các vương quốc nhỏ bé thành một quốc gia hùng mạnh, trên nền móng một quốc dân hợp nhất là chủng tộc Bách Việt. Sự kiện này được nhìn nhận trong bức thư của Hán Văn Đế gửi Triệu Vũ Vương, cũng như qua quyết định của Hán Vũ Đế duy trì toàn thể lãnh thổ Nam Việt trong một tổ chức riêng biệt gọi là Giao Chỉ Bộ, mà về sau được đổi lại là Giao Châu. Chỉ vì nhà Đông Ngô không kiềm chế nỗi Sĩ Nhiếp, tuy đã cử Bộ Chất làm Thứ Sử Giao Châu, nhưng vẫn phải chịu để Sĩ Nhiếp kiêm tính cả hai thành Quảng Tín và Luy Lâu, cũng như phải chịu để Sĩ Nhiếp cắt cử anh em chia nhau giữ chức Thái Thú các quận Nhật Nam, Hợp Phố và Nam Hải, nên sau khi Sĩ Nhiếp chết, Ngô Tôn Hạo bèn chia Giao Châu làm hai châu Giao, Quảng. Sĩ Nhiếp với Triệu Đà, tuy bên văn bên võ khác nhau, nhưng công trạng đối với dân ta có mức độ tương đồng. Nếu Sĩ Nhiếp đã được tôn xưng là Sĩ Vương, là Nam Giao Học Tổ, thì lẽ nào Triệu Đà, người đã đưa dân ta từ văn minh đồ đồng tiến lên văn minh đồ sắt, lại không được thừa nhận là vua chúa Việt Nam?

Cũng cùng một chiều hướng, việc Khu Liên ở huyện Tượng Lâm dựng nền tự chủ, lập ra nước Lâm Ấp, phải được xem như là sự nghiệp giải phóng cư dân bản địa thoát khỏi sự đô hộ của người Tàu. Vào thời điểm này, cư dân bản địa ở huyện Tượng Lâm không có gì khác biệt với cư dân bản địa ở huyện Tây Quyển hoặc ở huyện Tây Vu. Mặt khác, một số vua chúa Lâm Ấp buổi đầu như Phạm Văn, Phạm Phật, Phạm Hồ Đạt lại là di dân gốc Hán, y hệt Triệu Đà ở Nam Hải, Sĩ Nhiếp ở Thương Ngô, Lý Bôn ở Giao Chỉ. Vua Lâm Ấp Phạm Dương Mại II lại đã từng đòi hỏi nhà Tống (Nam Bắc Triều) giao trả quyền thống lĩnh toàn bộ Giao Châu. Bởi vậy, cuộc chiến tranh ở biên cương giữa Lâm Ấp với Giao Châu phải được người Việt Nam chúng ta ngày nay xem là cuộc đấu tranh với quân giặc xâm lược để tiếp tục hoàn chỉnh sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nếu Thục Phán và Triệu Đà đã được sử cũ xem là vua chúa Việt Nam thì vua chúa Lâm Ấp cũng như vua chúa Chiêm Thành về sau phải được người Việt Nam chúng ta ngày nay thừa nhận là vua chúa Việt Nam, ít nhất cũng ngang tầm với vua chúa các thời đại đất nước qua phân Mạc, Lê Trung Hưng, Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn.
 
Với góc nhìn và thế đứng được điều chỉnh lại, song hành với việc tái tổ chức lãnh thổ và phân quyền rộng rãi cho các địa phương, người Việt Nam chúng ta ngày nay, một mặt sẽ gột bỏ được tinh thần kỳ thị địa phương, chia rẽ nam bắc, mặt khác sẽ rũ sạch tâm lý phục Tàu, sợ Tàu, chạy theo đuôi Tàu, đồng thời sẽ có thái độ thân ái hơn, cư xử bình đẳng hơn, không còn mang nặng đầu óc tự tôn quá đáng trong khi giao tiếp với các sắc tộc anh em trong cộng đồng dân tộc. Chúng ta nâng tầm nhìn lên cao để bao quát cả khu vực cư dân Bách Việt, rọi ánh sáng tìm tòi lùi xa trở lại thời sơ sử mịt mù, và chúng ta sẽ hóa giải mưu mô thâm độc của người Hán cứ tìm mọi cách để chúng ta tự mình đồng hóa với người Tàu. Cha rồng họ Lạc, mẹ tiên họ Âu đều là người đồng chủng. Làm gì có chuyện Âu cơ vốn là người Bắc (người Hán), muốn đem 50 con về bắc nhưng bị Hoàng Đế đem binh ngăn trở. Lúc bấy giờ, Hoàng Đế còn ở tận trên thảo nguyên Cam Túc, đâu đã có mặt ở Giang Nam. Thực tế lịch sử là không hề có liên hệ huyết thống giữa Việt tộc và Hán tộc vào thời bấy giờ. Chỉ từ khi Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư mang quân đi đánh Bách Việt, sự hỗn chủng mới xẩy ra. Do yếu tố di dân Hán mà phát sinh sự phân hóa cư dân Tiền Việt thành hai tộc Việt Mường riêng rẽ, nhưng người Việt vẫn không phải là người Hán, người Việt vẫn bảo lưu được nhiều đặc điểm nhân chủng và yếu tố văn hóa cội nguồn, nhờ vậy mà người Việt không bị tuyệt giống.

Tuy nhiên, người Tàu cũng đã thành công một phần trong việc làm cho đa số người Việt tự nhận là hậu duệ của di dân gốc Hán. Người Việt Nam chúng ta ngày nay cần ý thức rằng cho dù gia phả chúng ta còn ghi tiên tổ xa xưa vốn người Chân Định (Triệu Đà) hay người nước Lỗ (Sĩ Nhiếp), người đất Mân (Trần Thủ Độ) hay người Triết Giang (Hồ Quý Ly), thì trong máu thịt chúng ta cũng vẫn có ít nhiều yếu tố bản địa, khiến đầu chúng ta đa số có chỉ số sọ dài, khiến máu chúng ta đa số thuộc nhóm máu loại O. Dứt khoát chúng ta là người Việt chứ không phải là người Hán. Chúng ta phải chấm dứt việc sử dụng góc nhìn và thế đứng rập khuôn theo người Tàu mỗi khi đề cấp đến các vấn đề chính trị và văn hóa Việt Nam. Chúng ta đừng theo đuôi người Tàu gọi bà Triệu là con mụ Triệu (Triệu Ẩu), truyền tụng với nhau rằng bà Triệu chết đi được Thượng Đế cho làm thần ôn dịch, xuyên tạc việc dân chúng Cửu Chân bày tượng thần linga trong đền thờ bà Triệu là để trấn áp ôn dịch bởi vì bà Triệu là phụ nữ, nay tuy làm thần ôn dịch nhưng vẫn không thoát khỏi tính cả thẹn khi nhìn thấy các hình tượng sinh thực khí (Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên). Chúng ta cũng đừng theo đuôi người Tàu gọi người Lâm Ấp là dân man, gọi các đạo binh Lâm Ấp đánh vào Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ là quân giặc cướp, bởi lẽ tiên tổ người Lâm Ấp - Chiêm Thành cũng là di dân người Môn Nam Á đợt hai đã từ Hoa Nam tiến vào bờ biển Tượng Lâm cùng thời với đám di dân tiến vào bờ biển Giao Chỉ, và thực tế lịch sử đã chứng minh rằng mục đích tiến quân của Lâm Ấp là để đánh đuổi quân Tàu xâm lược ra khỏi Giao Châu, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bằng cớ hiển nhiên của sự kiện này là việc quân Lâm Ấp tiến chiếm thành Khu Túc (Thừa Thiên), triệt hạ các quận thành Cửu Chân (Thanh Hóa) và Giao Chỉ (Bắc Ninh) năm 248 sau Công nguyên, đã xẩy ra cùng một lúc với việc khởi nghĩa của Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh, và trước áp lực của đạo quân Lục Dận, khi quân Lâm Ấp phải rút lui thì việc khởi nghĩa của anh em họ Triệu cũng thất bại.

Người Việt Nam chúng ta thường xuyên phải đối đầu với âm mưu của người ngoài luôn luôn toan tính xé nát quốc gia Việt Nam làm nhiều mảnh, chia rẽ quốc dân Việt Nam thành nhiều nhóm, bằng nhiều hình thức tinh tế và đa dạng nhằm mục đích khoét sâu các dị biệt nam bắc, các bất đồng địa phương, các mâu thuẩn sắc tộc. Với góc nhìn và thế đứng được điều chỉnh lại như thế, chúng ta dễ dàng phát huy tinh thần quốc gia, vun quén tình tự dân tộc, và củng cố sự đoàn kết quốc dân, để vô hiệu hóa các kế hoạch thâm độc của người ngoài. Thực tế lịch sử là không hề có sự kiện vương quốc Đại Việt thôn tính vương quốc Chiêm Thành, sắc dân Kinh đồng hóa sắc dân Thượng. Quốc gia Việt Nam ngày nay là kết quả của sự thống nhất An Nam với Việt Thường, được hình thành từ thuở hồng hoang trên cùng chung một cơ sở đất nước và con người: Văn Lang, hay Môn Lang, làng của người Môn, đất nước của người Môn.

                                                            Tháng 10 năm 2002

                                                         Minh Vũ Hồ Văn Châm







 

No comments:

Post a Comment