Pages

Monday, September 10, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * CỘNG ĐỒNG



Vấn Đề Kết Hợp Cộng Đồng


Từ một vài năm trở lại đây, vấn đề kết hợp cộng đồng rất được nhiều vị lãnh đạo các tổ chức chính trị, tôn giáo, xã hội, văn hóa ở hải ngoại đặc biệt quan tâm. Năm ngoái, ở California và ở Quận Columbia, Hoa kỳ, đã có những nỗ lực tích cực để tiến tới việc kết hợp một số tổ chức cộng đồng Bắc Mỹ, Tây Âu và Úc châu. Kết quả buổi đầu có vẻ khích lệ. Năm nay, ở Toronto, Canada, đang tiến hành giai đoạn chuẩn bị vận động thành lập Mặt Trận Dân Chủ kết hợp các phong trào đấu tranh dân chủ Hải ngoại-Quốc nội. Khí thế đang lên, và công việc được tiến hành với niềm tin mạnh mẽ.

Các hoạt động trên đây là những tín hiệu đáng mừng để chấm dứt một tình trạng rất phổ biến hiện nay là tình trạng phân hóa và đa tạp của các cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Những người có lòng với quê hương, với dân tộc, ai không mong mõi người người đoàn kết, nhà nhà đoàn kết, để các cộng đồng hải ngoại có thể kết hợp thành một tổ chức thuần nhất, có lãnh đạo tập trung, có thực lực cụ thể và có mục tiêu rõ ràng.

Bài này là những ý kiến đóng góp vào việc thực hiện niềm mong ước nói trên.

Vấn đề kết hợp cộng đồng bao hàm hai ý niệm, ý niệm đoàn kết và ý niệm hợp nhất. Hai ý niệm này không phải là hai yếu tố riêng rẽ, nhưng là hai thành phần cấu tạo pha trộn nhuần nhuyễn với nhau của một khối thành phẩm duy nhất. Muốn hợp nhất các cộng đồng thì các thành viên cộng đồng phải đoàn kết với nhau, nhiên hậu các cộng đồng mới có thể kết hợp thành một tổ chức thuần nhất có thực lực, có lãnh đạo và có mục tiêu hành động cụ thể.

Từ nửa thế kỷ nay, người ta nói quá nhiều đến vấn đề đoàn kết. Trước tiên, ông Bảo Đại đã đề cập đến vấn đề này trong chiếu thoái vị tháng 9 năm 1945: "Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết". Sau đó, Mặt Trận Việt Minh, rồi Mặt Trận Liên Việt luôn luôn kêu gọi đoàn kết và gán câu nói trên cho ông Hồ Chí Minh. Bản thân ông Hồ Chí Minh cũng đưa ra khẩu hiệu: "Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết; Thành công, Thành công, Đại thành công". Mọi người đều kêu gọi đoàn kết, nhưng ngoài miệng thì cùng nói đoàn kết mà trong bụng thì mỗi người nghĩ về đoàn kết một cách khác nhau. Ông Bảo Đại nói đoàn kết để che đậy sự khiếp nhược không dám đương đầu với Việt Minh. Ông Bảo Đại khoác áo đoàn kết lên người để che đậy sự đầu hàng dễ dàng và nhục nhã trước một đối phương lúc bấy giờ không có thực lực đáng kể, trong khi bản thân ông chỉ vì hèn nhát, vì chây lười quen thân, nên ngại khó ngại khổ mà từ chối vận dụng cả một khối người thạo việc và cả một kho vũ khí tối tân người ta mang đến dâng hiến tận tầm tay. Ông Hồ Chí Minh nói đoàn kết để bắt mọi người phải tuyệt đối nghe theo lời ông, làm theo lệnh ông, dù cho lời nói và việc làm của ông có nhiều khi đi ngược lại quyền lợi của quốc gia, của dân tộc. Ông Hồ Chí Minh ký Hiệp Ðịnh sơ bộ 6-3-1946 để cho thực dân Pháp mang quân vào chiếm đóng các thị trấn quan yếu ở phía bắc vĩ tuyến 16, có ai vì yêu nước chống thực dân mà lên tiếng phản đối là bị lên án thiếu đoàn kết. Ông Hồ Chí Minh cho bày ra vụ Ôn Như Hầu, gây chia rẽ quốc cộng, đem Vệ Quốc Quân và Công An Nhân Dân tiêu diệt các đảng phái chính trị, ám sát các lãnh tụ tôn giáo, chụp mũ những ai bất đồng chính kiến là thiếu đoàn kết, là phản động, để củng cố độc quyền  lãnh đạo, để thực
 hiện chuyên chính vô sản.

Phức tạp như vậy thì chúng ta phải hiểu thế nào là đoàn kết? Làm thế nào để có được đoàn kết và thực hiện sự kết hợp các cộng đồng? 

Muốn nắm vững vấn đề đoàn kết, trước hết chúng ta phải phân biệt bản chất với hiện trạng. Bản chất của đoàn kết nằm trong chữ kết, có nghĩa là đan, là bện lại với nhau, là gắn, là dính liền với nhau. Còn hiện trạng của đoàn kết ở nơi chữ đoàn, bao hàm ý niệm về lượng, về số đông, số nhiều, càng đông càng nhiều thì càng to càng lớn, càng mạnh càng vững. Thông thường thì trị số tuyệt đối của bản chất và hiện trạng biến đổi ngược chiều với nhau. Tổ chức càng đông người thì sự liên hệ giữa các thành viên càng lỏng lẻo. Tổ chức càng ít người thì sự cố kết giữa các thành viên càng thắt chặt, càng gắn bó. Tất nhiên là vẫn có những truờng hợp đặc biệt. Tổ chức tuy đông, địa bàn tuy rộng, nhưng nội bộ vẫn đoàn kết, muôn lòng như một, nhờ vào kỹ luật nghiêm minh, lý tưởng cao đẹp, mục tiêu rõ ràng, lãnh đạo tập trung, thành viên năng nỗ và hết mình vì nghĩa vụ, không vì quyền lợi riêng tư mà xem nhẹ công việc chung của tổ chức, của cộng đồng.

Đây mới chỉ là sự đoàn kết nội bộ của từng cộng đồng. Đến như sự kết hợp các cộng đồng lại với nhau thì cần phải có một sự đoàn kết ở mức độ lớn hơn, cao hơn, giữa các cộng đồng, nhiên hậu mới có khả năng hợp nhất các cộng đồng thành một tổ chức duy nhất. Thực hiện đoàn kết giữa các thành viên của một cộng đồng đã là khó, đương nhiên việc thực hiện đoàn kết giữa các cộng đồng với nhau để đi đến việc hợp nhất các cộng đồng và duy trì sự hợp nhất đó là cả một vấn đề phức tạp và khó khăn, cần đến uy tín, đức độ và khả năng của người chủ xướng và nhất là tùy thuộc vào tính cách hữu hiệu và khả thi của phương thức thực hiện.

Các vị lãnh đạo tinh thần chủ trương độc tôn và các nhà chính trị chủ trương chuyên chính thì thực hiện việc kết hợp cộng đồng bằng phương thức hội nhập. Các cộng đồng thành viên được phân tích tỉ mỉ về mọi mặt, được đánh giá thận trọng để sắp hạng, được gạn lọc kỹ lưỡng để loại bỏ những thành phần xét không thể kết hợp, sau đó các cộng đồng tuyển chọn được phân biệt cộng đồng nào là thành phần chính và những cộng đồng nào là những thành phần phụ. Và đây là cốt lõi của phương thức hội nhập : tất cả những thành phần phụ phải sát nhập vào thành phần chính, tan biến vào thành phần chính, xóa bỏ bản sắc riêng để đồng hóa với thành phần chính và cuối cùng trở thành thành phần chính. Nếu không thể hoặc không muốn hội nhập thì phải bị tiêu diệt.

Đấy là phương thức kết hợp theo kiểu Việt Minh, theo kiểu Liên Việt. Những năm đầu của thập niên 40, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (Việt Minh) ra đời, kêu gọi mọi người đoàn kết.Vì nhu cầu chống thực dân Pháp đang mưu toan trở lại đô hộ Việt Nam, chính phủ liên hiệp quốc cộng đã được thành lập vào đầu năm 1946. Chính thể liên hiệp quốc cộng lúc bấy giờ mang màu sắc đại đoàn kết dân tộc, với một quốc hội có 40 ghế nhường sẵn (không cần phải bầu cử) cho các chính đảng không cộng sản, và một chính phủ, ngoài các thành phần cộng sản, còn bao gồm các thành phần nhân sĩ không đảng phái như cụ Huỳnh Thúc Kháng, các thành phần thân Trung Quốc như Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Việt Cách) của cụ Nguyễn Hải Thần, và các thành phần đảng phái chính trị cách mạng khuynh hướng quốc gia cực đoan Quốc Dân Đảng (Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Đại Việt Dân Chính Đảng). Các thành phần không cộng sản tham gia chính thể liên hiệp chỉ vì nhu cầu đoàn kết dân tộc để chống thực dân, trong lúc thâm ý của ông Hồ Chí Minh là muốn tạo cho chế độ một bộ mặt quốc gia dân chủ để che đậy bản chất cộng sản đệ tam quốc tế của chính quyền Việt Minh lúc bấy giờ
đang bị phe Đồng Minh nghi kỵ. Trong việc kết hợp cộng đồng quốc cộng lần này, ông Hồ Chí Minh vẫn chủ trương áp dụng phương thức hội nhập, với toan tính cố hữu là cộng sản là thành phần chính, các cá nhân độc lập và các đảng phái chính trị không cộng sản là các thành phần phụ, các thành phần phụ này phải phục vụ các mục tiêu của phe cộng sản để rồi trở thành cộng sản, nếu không thì phải bị tiêu diệt. Bởi nguyên lý bất di bất dịch đó mà cụ Huỳnh Thúc Kháng trọn đời là cái bung xung cho ông Hồ Chí Minh lợi dụng. Cũng bởi cái nguyên lý bất di bất dịch đó mà sau khi ông Nguyễn Tường Tam không chịu phó thự Hiệp Định sơ bộ 6-3-1946 thì Công An Nhân Dân đã ngụy tạo vụ Ôn Như Hầu để chính quyền Việt Minh lấy cớ đem quân đội và công an tiêu diệt toàn bộ lực lượng Quốc Dân Đảng.

Một thí dụ điển hình khác của việc kết hợp cộng đồng bằng phuơng thức hội nhập là trường hợp Mặt Trận Liên Việt. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp thực dân, chính quyền cộng sản đã dàn dựng nên Mặt Trận Liên Việt để kết hợp các thành phần tôn giáo, địa chủ, phú nông, trí thức, văn ngệ sĩ v.v. Nếu năm 1946, đối tượng kết hợp cộng đồng là các lực lượng chính trị thì việc kết hợp cộng đồng lần này nhằm vào các đối tượng tôn giáo và các giai cấp xã hội không cộng sản để huy động các nguồn nhân tài vật lực phục vụ kháng chiến chống Pháp và thực hiện chủ nghĩa xã hội. Luôn luôn cái chính vẫn là chủ nghĩa cộng sản, luôn luôn cái chính vẫn là giai cấp vô sản, nhưng những người chủ xướng việc kết hợp đã khôn khéo đề cao tinh thần yêu nước và tình tự dân tộc để mưu toan lôi kéo các cộng đồng tôn giáo và các giai tầng xã hội phi vô sản đi theo con đường "đầu hàng giai cấp" do Bác và Đảng vạch ra. Cộng sản đề cao Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Trương Định; và cộng sản đã có được những tổ chức Phật Giáo yêu nước, Công Giáo yêu nước, Hòa Hảo yêu nước, Cao Đài yêu nước; cộng sản đã lập được những đảng chính trị như đảng Xã Hội, như đảng Dân Chủ với các lãnh tụ chính trị salon như Nghiêm Xuân Yêm, như Nguyễn Xiễn; cộng sản đã sử dụng được tài năng chuyên môn của những trí thức hoạt đầu như Phan Anh, vô tâm như Tôn Thất Tùng, thật thà như Trần Đại Nghĩa; cộng sản đã khai thác đất đai và tiêu xài tiền bạc của biết bao nhiêu người hằng tâm hằng sản trong giai cấp địa chủ, phú nông như bà Cát Hanh Long; cộng sản đã vận dụng được cả một đội ngũ văn nghệ sĩ gia nô rất mực trung thành như Hoài Thanh, như Chế Lan Viên, như Lưu Trọng Lư, như Nguyễn Đình Thi, trung thành tuyệt đối đến độ phủ nhận cả các đứa con tinh thần dày công mang nặng đẻ đau của mình trước khi Đảng rọi cho ánh sáng để đổi đời. Vậy thì, rõ ràng là những cái phụ phải tự xóa bỏ bản sắc để hội nhập vào cái chính, tan biến vào cái chính, trở thành cái chính, và nếu không thể hoặc không muốn trở thành cái chính thì phải bị tiêu diệt. Bởi thế, đã có biết bao nhiêu tu sĩ Phật Giáo, linh mục Công Giáo, mục sư Tin Lành, phải chịu cảnh quản thúc. Bởi thế, Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ phải bị mất tích để chỗ lại cho Mười Trí tung hoành. Bởi thế, bà Cát Hanh Long bản chất địa chủ không thể từ bỏ được bản chất địa chủ, không thể đầu hàng giai cấp, thì bản thân vốn là cát bụi, Đảng cho về với cát bụi. Bởi thế, Hoàng Thọ, Nguyễn Bình, cho dù đánh trận có giỏi, chỉ huy có hay, nhưng bản chất tiểu tư sản, cá nhân chủ nghĩa, không thể cải hóa thành vô sản chân chính, nên phải bị tiêu diệt, bằng cách này hay cách khác, người thì bị chụp mũ phản động, ra tòa lãnh án tử hình, người thì bị thảm sát bởi thủ đoạn hiểm độc mượn tay quân biệt kích đối phương. Bởi thế, nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nhân vì trăm hoa đua nở mà bị tơi bời hoa lá, Phan Khôi bị đả kích, Nguyễn Tuân, Nguyễn Mạnh Tường bị kiểm điểm, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, bị án lao động cải tạo trên miền than Đông Bắc. Diễn biến của quá trình kết hợp theo phương thức hội nhập của Mặt Trận Liên Việt kéo dài xuyên qua chín năm kháng chiến và tiếp tục tác động trong các cơ chế hậu thân là Mặt Trận Dân Tộc  Giải  Phóng  Miền  Nam  trước  đây  và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hiện giờ.

Nhưng việc kết hợp theo phương thức hội nhập với những hệ quả tàn độc cũng chẳng phải là hành động của riêng gì ông Hồ Chí Minh và tập đoàn cộng sản Việt Nam. Ở ngay nước Trung Hoa láng giềng của chúng ta cũng như trong lịch sử Việt Nam kim cổ vẫn nhan nhãn những trường hợp tương tự, một khi người ta thực hiện kết hợp cộng đồng nhưng lại chủ trương chính trị chuyên chế. Lấy ngay thí dụ của Quốc Dân Đảng Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1949, khi bị Mao Trạch Đông đuổi chạy ra Đài Loan, Tưởng Giới Thạch kêu gọi toàn dân đại đoàn kết. Chúng ta cũng cần lưu ý là tình hình chính trị của Trung Hoa Dân Quốc khi chân ướt chân ráo ra tới Đài Loan y hệt như tình hình chính trị của Việt Nam Cộng Hòa những năm đầu thập niên 70, nghĩa là rối loạn và phân hóa cùng cực. Tưởng Giới Thạch triệu tập quốc dân đại hội để bàn chuyện thực hiện đại đoàn kết dân tộc, nhưng thay vì thành tâm bàn chuyện kết hợp, lại sai bộ hạ thân tín là Đại Tá Bành Mạnh Tập ngầm bố trí sẵn quân sát thủ, để khi các đại biểu thuộc mọi khuynh hướng chính trị, tôn giáo, văn hoá, xã hội, xưa nay vẫn có thái độ chống đối họ Tưởng, vừa an tọa là bị súng liên thanh bắn chết không còn sót một mống. Tưởng Giới Thạch không chấp nhận bất kỳ chính kiến nào đi ra ngoài khuôn khổ Chủ nghĩa Tam Dân; Tưởng Giới Thạch không dung dưỡng bất kỳ chính khách nào không chịu tuyệt đối và mù quáng tuân thủ mệnh lệnh lãnh tụ. Như vậy, kết hợp cộng đồng theo kiểu Quốc Dân Đảng Trung Hoa Dân Quốc năm 1949 phải được hiểu là những thành phần phụ phải hội nhập trọn vẹn vào thành phần chính, tan biến vào thành phần chính, trở thành thành phần chính là Quốc Dân Đảng Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo độc tôn của họ Tưởng, nếu không thì phải bị tiêu diệt trọn vẹn. Sau vụ tàn sát tập thể các thành phần đối lập, Bành Mạnh Tập được thăng cấp tướng và  được đưa  đi làm Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc tại Thái Lan.
Trong tình trạng hiện nay của các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, liệu chúng ta có thể thực hiện việc kết hợp theo phương thức hội nhập như thế được không? Chắc chắn là không. Vậy có còn phương thức kết hợp nào khác để cho chúng ta lựa chọn? Và chúng ta phải đứng trên bình diện nào để phân tích bản chất các cộng đồng, và từ góc cạnh nào để  quan sát hoạt động và lượng định tầm vóc các cộng đồng ngõ hầu hoạch định kế sách thực hiện vấn đề kết hợp? Nói khác đi, chúng ta phải làm gì để kết hợp các cộng đồng và duy trì sự kết hợp đó ?
              Không ai có thể phủ nhận một chuyện hiển nhiên là việc kết hợp thực sự và bền chặt các cá nhân, các tổ chức, các thành phần, các hiệp hội, các hệ phái chính trị, các đoàn thể cộng đồng ..., đương nhiên phải được hiểu như là một sự hội nhập trọn vẹn, một sự tan biến toàn diện của những cái phụ vào cái chính, hay nói một cách khác, là một sự kiêm tính đôi lúc có thể có tính chất tương đối của cái chính đối với những cái phụ, để tất cả hòa đồng thành một thực thể duy nhất mang sắc thái của cái chính, hay có sắc thái mới riêng biệt không giống sắc thái của bất kỳ thành viên nào. Sự hội nhập đó không nhất thiết phải bị cưỡng bức bằng bạo lực mà ngược lại vẫn có thể thực hiện tự nguyện. Và đặc biệt là những thành phần không muốn hội nhập hay không thể hội nhập vẫn có thể được dung dưỡng tồn tại. Những Bá Di, Thúc Tề không chịu ăn lúa của nhà Chu vẫn có điều kiện lên núi Thú Dương tìm rau vi ăn mà sống. Tuy nhiên, một khi đã tự nguyện kết hợp thì những thành phần phụ không thể nào cứ giữ bản sắc riêng, cơ cấu riêng, sinh họat riêng, truyền thống riêng, vì sự kiện này sẽ đưa đến hệ quả tất yếu là làm cho bản chất của thành phẩm kết hợp trở thành một thứ lổn nhổn, không thể kết dính, không thể thuần nhất, không thể vững bền. Lại nữa, vì không thể áp đặt độc tôn, vì không thể chủ trương chuyên chính, vì không thể sử dụng bạo lực  để  củng cố  và duy trì  sự  kết hợp, nên  muốn  cho tổ chức
được chặt chẻ, hành động được nhất quán, mệnh lệnh được tuân hành, nhóm chủ xướng, và đặc biệt là người lãnh đạo, phải là những người năng nỗ và có thực tài, phải có uy tín và đức độ, để cho mọi người tâm phục. Ngoài ra, mọi người trong tổ chức kết hợp, bất kỳ xuất thân từ nguồn gốc nào, không phân biệt nguyên thủy là từ tổ chức thuộc thành phần phụ, hay xưa nay vốn thuộc thành phần chính gốc, tất cả đều phải có thiện tâm thiện chí, hết mình vì nghĩa cả, quên quyền lợi riêng tư để mà chỉ biết có công việc chung. Sau cùng, tổ chức kết hợp phải có chương trình hành động cụ thể và khả thi, có mục tiêu đấu tranh rõ ràng và thực tế, có tinh thần phục vụ kiêm ái và vị tha, có tính chất tác động quảng bá và đại chúng, có lý tưởng phụng sự cao cả, chính đại và quang minh, không theo đuôi ngoại bang, không phục vụ cho quyền lợi của người ngoài, mà chỉ một lòng một dạ vì dân tộc, vì đất nước, vì Tổ Quốc Việt Nam.

              Trên đây là đại lược những điều kiện tối thiết để thực hiện việc kết hợp các cộng đồng thành một tổ chức thuần nhất, gắn bó chặt chẻ và tồn tại lâu dài, không bằng phương thức ép buộc, không bằng thủ đoạn bá đạo, không sử dụng phương tiện bạo lực. Trên cơ sở đó,  xét đến hiện tình các cộng đồng hải ngoại Việt Nam đang hoạt động công khai hoặc bán chính thức, một vấn đề khác vô cùng quan yếu lại nẩy sinh, đấy là làm thế nào để lượng giá các cộng đồng, phân loại thành cái chính và những cái phụ, để tuyển chọn làm trung tâm hấp lực, thu hút các cộng đồng khác hội nhập vào để trở thành một tổ chức duy nhất. Thật là hiếm thấy những cộng đồng có thực lực, có tổ chức, tự bản thân có đủ hấp lực để thu hút các cộng đồng khác hội nhập vào mình. Hơn nữa, với con số hàng trăm hội đoàn và tổ chức đang hoạt động hiện nay rải rác khắp năm châu bốn biển, có cộng đồng nào tự giác chịu lép vai lép vế, tự nguyện nhường ngôi nhường vị cho cộng đồng khác đâu? Đó là chưa kể đến tệ trạng chia rẽ và kèn cựa bên trong từng tổ chức, từng hội đoàn, từng hệ phái, và hiện tượng thiếu đoàn kết, bất hợp tác, giữa các cộng đồng với nhau.

              Vì vậy, trong nhất thời, chưa thể nào nói đến chuyện thực sự kết hợp các cộng đồng thành những tổ chức thuần nhất, nói chi đến việc kết hợp thành một tổ chức duy nhất. Như đã trình bày ở phần vào đề, trước khi hợp nhất thì phải có đoàn kết, đoàn kết trong nội bộ từng tổ chức, và đoàn kết và hợp tác giữa các cộng đồng. Đoàn kết là điều kiện tiên quyết cơ bản của vấn đề kết hợp cộng đồng. Thêm vào đó là yếu tố thời gian. Hãy để cho thời gian làm sáng tỏ mục tiêu chung. Hãy để cho thời gian quét sạch bụi mù, vén cao chân mây cho mọi người nhìn thấy chính nghĩa, nhiên hậu tìm ra mẫu số chung làm động cơ cho nhu cầu kết hợp. Và cũng vô cùng thực tế là hãy để cho thời gian thực hiện sự sàng lọc. Các tổ chức tôn giáo, các tổ chức chính trị, các tổ chức văn hóa, các tổ chức xã hội..., tự mình hãy lo kiện toàn tổ chức, thanh lọc hàng ngũ, cải tiến lề lối làm việc, nghĩ đến công việc chung mà dẹp bỏ quyền lợi riêng tư của bản thân, của phe nhóm, đừng quá chú tâm vào cái tôi và cái chúng tôi mà xem nhẹ cái chúng ta, để làm sáng tỏ đường lối hành động, mục tiêu đấu tranh, lý tưởng hoài bão. Thứ đến là hãy chấm dứt ngay việc công kích nhau, khuynh loát nhau, thậm chí bôi bẩn nhau. Nếu quan điểm có bất đồng thì hãy lịch sự phê phán, bình tĩnh tranh luận, để làm sáng tỏ chân lý. Hãy kính trọng lẫn nhau. Các cộng đồng hải ngoại, xin đừng có ai ngậm máu phun người. Ngậm máu phun người thì miệng mình bị hoen ố trước, mặt mình bị lem luốc trước. Sau cùng là hãy thiết lập một mối quan hệ thân hữu thường xuyên giữa các cộng đồng, để trao đổi quan điểm với nhau, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, để rồi dần dà cùng nhau tìm ra cái mẫu số chung cho động cơ hoạt động của đại khối cộng đồng.

              Những cá nhân lem nhem, những tổ chức bê bối, dần dà sẽ bị đào thải. Những cá nhân năng nỗ, đức độ và có thực tài, những tổ chức đứng đắn, có uy tín, có thực lực, có hậu thuẫn, sẽ có  cơ hội  nổi bật. Đến  lúc đó, quần chúng  các cộng  đồng hải ngoại sẽ có cơ sở để phân biệt cái chính và những cái phụ. Đương nhiên, cái chính sẽ thu hút những cái phụ, những cái phụ sẽ tự nguyện tự giác hội nhập vào cái chính. Sự đoàn kết của các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại sẽ được thực hiện. Sự kết hợp của các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại thành một tổ chức duy nhất có chung một màu cờ, một sắc áo sẽ được hình thành.

                                                Ottawa, tháng bảy, 1996
                                               Minh Vũ Hồ Văn Châm

No comments:

Post a Comment