Pages

Monday, September 10, 2012

LÊ DINH * 50 NĂM ÂM NHẠC

NT 142 - tháng 01 - 2006

LÊ DINH

50 NĂM ÂM NHẠC


Nhạc phẩm đầu tay của tôi, do nhà Xuất bản Tinh Hoa Miền Nam ấn hành, ra đời ngày 18 tháng 7 năm 1956, năm tôi 22 tuổi: đó là bài Làng Anh Làng Em. Thấm thoát đã đúng 50 năm tôi cầm bút và cầm đàn. Có nhiều bạn đọc, sau khi xem Thúy Nga Paris By Night số 70, thắc mắc về số tuổi của tôi, cắc cớ hỏi tôi vậy chớ anh (tức là tôi) có khai thêm tuổi không? Xin trả lời, tôi sinh năm Giáp Tuất và năm nay là năm Bính Tuất, 6 lần 12 con Giáp đã đi qua với tuổi của tôi rồi. Nếu nói về năm Dương lịch thì tôi sinh năm 1934, và bước qua 2006, tới ngày 8 tháng 9 này là đã 72 lần mùa Xuân qua đời tôi. Và tiện đây, nhân ngày tư ngày Tết, tôi cũng có vài điều muốn nói với quý thân hữu và những người đã mến mộ nhạc Lê Dinh từ nửa thế kỷ nay, và cũng để giải đáp thắc mắc của một số độc giả muốn tìm hiểu đôi điều bốn chuyện về chúng tôi, những chuyện từ trước đến nay chưa có ai nói tới.

Trước nhất là về cái tên. Cách nay 7 năm, nhân dịp tham dự một buổi họp mặt do một nhà thơ thân hữu ở Montréal tổ chức đón tiếp thi sĩ Hà Huyền Chi từ Lacey (WA) qua thăm bạn bè ở Montréal, có một ông khách hỏi sao tôi lấy tên Lê Dinh? Tôi trả lời rằng tên trong khai sinh của tôi làø Lê văn Dinh, chữ Lê Dinh lấy từ đó ra, chỉ bỏ bớt chữ "văn" cho đỡ luộm thuộm mà thôi. Ông bạn này mỉm cười khó hiểu và thú thật cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu ý nghĩa cái mỉm cười của ông khách lạ này. Có lẽ theo ông, tên tôi không lấy gì làm văn hoa cho lắm, không biết có phải vậy không? Nói về cái tên trong giới nhạc sĩ, phần đông lấy tên thật của mình làm tên riêng, có khi giữ nguyên, có khi bỏ bớt chữ giữa, có khi bỏ bớt chữ đầu hoặc chữ cuối. Cũng có những nhạc sĩ lấy những tên lạ hoắc, không ăn nhập gì tới cái tên trong khai sinh, nhưng có một ý nghĩa riêng tư nào đó, rất quýù đối với họ. Tôi cũng thường hay nói với bạn bè trong giới sáng tác rằng tôi sinh ra ở làng Vĩnh Hựu của tỉnh Gò Công năm xưa (Bây giờ Gò Công không còn là tỉnh nữa) cho nên dù có muốn - cũng như nhiều nghệ sĩ khác, lấy tên nơi chôn nhau cắt rún của mình - tôi cũng không thể lấy được biệt danh Lê Vĩnh Hựu, vừa khó đọc, vừa khó nhớ. Những làng kế cận làng Vĩnh Hựu của tôi cũng đều bắt đầu bằng chữ Vĩnh, như Vĩnh Trị, Vĩnh Viễn, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh... nếu tôi sinh ra ở Vĩnh Trị, tôi có thể lấy tên Lê Vĩnh Trị chẳng hạn, để ghi nhớ quê hương của mình như các nhà văn Hà Kỳ Lam, Trà Lũ... ghép hay lấy tên nơi sinh trưởng để làm biệt danh của mình, vì dù sao Lê Vĩnh Trị còn nghe được hơn là Lê Vĩnh Hựu (người bình dân miền Nam sẽ đọc là Lê Dĩnh Hụ). Người bạn lâu năm của chúng tôi là nhạc sĩ Minh Kỳ, tên thật là Vĩnh Mỹ, người hoàng phái, đã qua đời từ 31 năm nay, cho nên tôi rất lấy làm tiếc vì cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu do đâu anh lấy tên Minh Kỳ để rồi không bao giờ còn hỏi được nữa. Còn nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật là Trần An Bường, rồi sửa "trại" ra là "Anh Bằng", nghe đâu anh cũng lấy tên từ một con sông hay một cái làng nào ở miền Bắc, nơi sinh trưởng của anh. Ngày xưa, tôi và Minh Kỳ thường hay nói giỡn chơi với Anh Bằng rằng không ai khôn bằng anh, lấy biệt danh Anh Bằng thì già trẻ bé lớn gì cũng phải gọi anh bằng "anh" hết. Nhất là phái nữ, khi nói chuyện với Anh Bằng thì thế nào cũng bắt đầu bằng tiếng "anh" ngọt xớt: Anh Bằng ơi... Nhạc sĩ sáng tác có tên bắt đầu bằng "Anh" khá nhiều như Anh Việt, Anh Thy, Anh Huy, Anh Hoa, Anh Sơn, Anh Việt Thu, Anh Việt Thanh v.v... nhưng chưa thấy nhạc sĩ nào cả gan lấy tên bắt đầu bằng chữ "Ông" cả.

Nhắc đến Minh Kỳ, trước khi thành lập nhóm Lê Minh Bằng, Minh Kỳ và tôi thường hay sáng tác chung. Anh có biệt tài viết nhạc rất nhanh, nhưng nhanh mà hay chứ không phải nhanh mà dở. Chẳng hạn như trường hợp bài "Cánh thiệp đầu Xuân". Một buổi trưa vào khoảng tháng 11 năm 1964 (Giáp Thìn), gần đến Tết Ất Tỵ, anh đến nhà tôi ở cư xá Chu Mạnh Trinh (Phú Nhuận) bằng chiếc Lambretta trắng của anh. Nghe tiếng Lambretta quen thuộc từ xa là tôi biết anh Minh Kỳ đến. Đưa cho tôi bản nháp một bài nhạc chưa có tên, anh bảo tôi xem lại và viết lời gấp để kịp cho trình bày trong dịp Xuân, ngày mai phải có tựa bài và lời ca cho anh. Biết tính ý nóng nảy và gấp rút của anh, tôi nhận bản thảo anh đưa và báo hại đêm đó, tôi phải thức đến quá nửa khuya mới hoàn tất bài "Cánh thiệp đầu Xuân" mà sau này và cho mãi đến bây giờ, mỗi dịp Xuân về, quý độc giả thường nghe nhiều ca sĩ trình bày qua làn sóng phát thanh cũng như ở những buổi nhạc hội mừng Xuân:
Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng
Xuân đến rồi đây nào ai biết không
Mang những hoài mong đi vào ngày tháng
Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang...

Hôm sau, Minh Kỳ đến xem bản nhạc đã hoàn tất và chúng tôi ngồi lại hát thử, anh bảo rằng chắc chắn bài này sẽ "ăn". Chữ "ăn" đây là ăn khách, có nghĩa là sẽ được nhiều người ưa thích và như vậy sẽ tái bản nhanh. Mà quả thật vậy, khi bài hát này được trình bày vài lần trên đài phát thanh, anh Lê Mộng Bảo, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam liền tìm chúng tôi để hỏi mua bản quyền xuất bản vĩnh viễn và liên tiếp rất nhiều năm sau nữa, bản nhạc này được tái bản nhiều lần.

Nhưng chưa hết, sau khi lấy bài nhạc "Cánh thiệp đầu Xuân" và trước khi ra về, Minh Kỳ còn trao cho tôi một bài khác, cũng nhạc không thôi, chưa có lời, chưa có tựa và nhịp điệu rộn rã, có vẻ Xuân, bảo tôi làm tiếp lời thêm một bài nữa cũng về... Xuân. Cầm bản nháp trong tay, sau khi Minh Kỳ ra về rồi, tôi mới nghĩ thật khó mà viết lời cho hai bản nhạc cùng đề tài Xuân mà không giống nhau. Cũng lại phải nửa đêm thức trắng để tìm cách viết lời ca sao cho khác đi, và vài ngày sau, một bài về Xuân thứù hai ra đời, có cái tựa "Hạnh phúc đầu Xuân" như sau:
Thắm thoát là đây, một mùa Xuân mới với ngàn cánh mai vàng
Nụ cười trên môi, trên làn má ai đón Xuân tươi vừa sang
Biết chúc chi đây, khi làn gió Xuân về, giấy trắng ghi lại đôi giòng nhạc tâm tư, làm thơ trao duyên, gửi người đôi câu chúc nhau "hạnh phúc đầu Xuân".
Xuân nay tôi chúc, người miền biên cương...

Nhạc phẩm này sau đó cũng do nhà Xuất bản Tinh Hoa Miền Nam mua đứt bản quyền xuất bản.

Về nguồn gốc của ca khúc "Thương đời hoa", tôi viết năm 1959, khi biết tin qua báo chí, một nữ sinh Gia Long tên Lan (?) bị bà vợ của người yêu đánh ghen và tạt nước cường toan vào mặt, hủy hoại nét mỹ miều trên gương mặt của một cô nữ sinh xinh đẹp. Tin này gây xúc động cho mọi người, không những chỉ nam giới mà cho cả nữ giới. Nếu tôi là đàn bà, khi nổi máu Hoạn Thư, tôi tạt "acide" vào mặt ông chồng tôi, chứ không nở phá hủy một nụ hoa hàm tiếu như thế. Với tâm hồn đa cảm của một nhạc sĩ ở lứa tuổi 25, tôi không thể không cảm xúc được cho nên viết đôi dòng nhạc thương cảm để tặng người con gái xấu số chưa hề quen biết này:
Buồn viết nên bài ca
Vì nhớ thương đời hoa
Mặn mà thay lúc đầu, dịu dàng khoe sắc màu, nhìn dòng đời vui biết bao.
Ngày ấy nay còn đâu
Vì xác hoa tàn mau
Ngại ngùng hoa biếng cười, vì đời hoa úa rồi mà thời gian lạnh lùng trôi...

Có nhiều độc giả cũng như thân hữu hỏi tôi tại sao tôi viết bài "Nếu mai này" (1972) nghe thảm thiết quá vậy, nhất là khi nghe Thế Sơn trình bày trong chương trình Thúy Nga Paris By Night 70, với phần hòa âm rất đặc sắc của Tùng Châu, nhắm mắt lại, chúng ta tưởng tượng như một đoàn người mặc đồ đen, âm thầm, lặng lẽ bước sau chiếc xe tang, đưa người bạc phước về nơi chín suối. Thú thật, tôi viết bài này khi tôi nhìn thấy sự giả dối trong trường hợp của riêng tôi, mà có lẽ cũng là của không ít bạn bè quen biết, qua những mối tình thề non hẹn biển nhưng chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi. Còn sống bên nhau mà đã phản bội nhau rồi thì khi một người về chốn âm cảnh, kẻ còn lại dương thế, đừng che mắt thế gian bằng cách ôm hoa đi viếng mộ, đốt vài cây nhang, lấy mù soa chậm nước mắt, khiến linh hồn người chết không thanh thản về miền miên viễn được:
Nếu mai anh chết, xin em đừng tìm vào nghĩa trang nghe
Xin em đừng vờ thương người cũ, đặt vòng hoa tưởng nhớ
Nếu mai anh chết, đừng quấn khăn tang, để lãng quên duyên ban đầu và hồn anh được nghĩ yên một giấc thiên thu.

Nhưng cũng không nên quơ đũa cả nắm những người tình một thuở đó, cũng có người rất chân thành như một người đã cho tôi lời nói chân thành đáng yêu trong giai đoạn đời son trẻ, bay bướm của tôi mà tôi nhớ lại và lấy làm lời kết thúc bài "Biển Dâu", đó là 7 chữ "Tôi yêâu người còn hơn yêu tôi":
Em về ôm phận thương đau
Tình vui được buổi ban đầu
Tình buồn không biết bao lâu
Lệ nhạt nhòa qua những đêm thâu
Cho dù dâu biển chia phôi
Chiều nao nhìn áng mây trôi
Người ơi còn nhớ nhung lời:
"Tôi yêu người còn hơn yêu tôi"
Cũng trong chiều hướng tốt đẹp này, tôi được biết có một trường hợp thật đáng đề cao tấm lòng chung thủy của người con gái. Đó là chuyện một người bạn nhạc sĩ nổi tiếng, rất thân với tôi, vào tháng tư năm1975, anh đã ra đi bất cập không một lời từ giã người yêu, một nữ ca sĩ, đã từ bao năm gắn bó. Nàng vẫn chờ, một năm, hai năm rồi ba năm, người ra đi vẫn biệt tâm, không có tin tức gì gửi về nhà, cô này vẫn đợi... Thỉnh thoảng cô ta gặp tôi, với nét mặt buồn hiu, hỏi thăm tin tức về người yêu, nhưng tôi cũng như cô thôi, đâu có nhận được thư từ gì của ông bạn. Nhưng có lẽ vì sự thúc bách của gia đình nên cô phải lấy chồng. Đám cưới của cô, tôi có tham dự. Nhưng tôi biết chắn chắn rằng cuộc hôn nhân tạm bợ này không kéo dài được và quả nhiên, không lâu sau đó họ ly dị và cho đến ngày tôi vượt biên, hơn 3 năm sau, lòng cô vẫn còn vương hình bóng của người yêu cũ và cô vẫn đợi chờ.

Trong một bữa tiệc cưới, tôi ngồi gần một người khách không quen. Qua câu chuyện, ông khách này biết tôi là tác giả bài "Chữ Tình", ông hỏi tôi làm thế nào mà tôi viết được một bài nhạc nói đúng tâm trạng của những người đang yêu quá vậy? (Có lẽ ông cũng đang ở trong tâm trạng này chăng?). Tôi nói thì thời thanh xuân, cũng ba chìm bảy nổi, chết đuối trồi lên hụt xuống bao nhiêu bận rồi mới lấy đó làm kinh nghiệm để viết chứ. Thử hỏi có kẻ nào đang yêu mà được yên ổn sống phẳng lặng trong hạnh phúc không? Người ta bảo "Yêu nhau lắm cắn nhau đau", mà thật vậy, yêu nhiều thì ghen nhiều. Ghen thật cũng có mà ghen vu vơ cũng có. Ghen thật rồi buồn dằn vặt thì không nói làm gì. Nhưng ghen vu vơ rồi sợ sệt, sợ người yêu ngoạïi tình rồi nay hờn mai giận, tối ngày sống trong khắc khoải lo âu thì mới đáng nói. Thấy người yêu thân mật với một kẻ khác - không phải là mình - thì mặt mày ủ rũ, buồn ơi là buồn. Vắng mặt người yêu đôi ba ngày thì thấy dài như đôi ba tháng, vắng mặt đôi ba tháng thì thấy dài như đôi ba năm. Tình yêu là liều thuốc bổ, đem lại cho con người sự hăng say làm việc nhưng tình yêu cũng là liều thuốc độc giết dần giết mòn kẻ bị người yêu cho mọc sừng:
Chữ tình, thuốc đắng đã trao nhau
Uống vào, chuốc lấy lắm thương đau,
U sầu và héo hắt, lo âu đêm ngày
Chữ tình là sông dài bóng mát
Chữ tình là đêm dài thức trắng,
Chữ tình một khi uống vào đầy mặn, ngọt, chua, cay.

Về sự hợp tác làm ăn, người ta kỵ nhất con số 3, cũng như khi có 3 người cùng chung với nhau mở một công ty hay hùn hạp làm ăn chuyện gì. Trong quân đội, "tam tam chế" thì được, nhưng trong công việc làm ăn, rất kỵ khi có 3 người kết hợp. Trường hợp của chúng tôi, 3 người: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng, lấy tên chung là Lê Minh Bằng, hợp tác với nhau từ năm 1966 để mở lớp nhạc Lê Minh Bằng ở đường Hai Bà Trưng, thành lập ban Sóng Mới trên Đài Phát Thanh Saigon, phụ trách tổ chức Tuyển lựa ca sĩ ở rạp Quốc Thanh, và làm cố vấn cho hãng dĩa cùng nhà xuất bản Sóng Nhạc của Ông Nguyễn Tất Oanh ở đường Phạm Ngũ Lão. Thoạt tiên, ông Nguyễn Tất Oanh (đã qua đời) bảo rằng không được vì là 3 người, xui lắm. Chúng tôi không tin, cho đó là dị đoan, hơn nữa chúng tôi 3 người, một Nam, một Trung, một Bắc, có lẽ đó là ngoại lệ, sự xui xẻo không áp dụng cho trường hợp của chúng tôi. Ông chủ nhà in Tương Lai trong Chợ Lớn, nơi chúng tôi in nhạc lúc mới bắt đầu hợp tác, là một người Tàu, cũng nói: "À cái lày không được đâu nị, chếch à". Nhưng chúng tôi cũng không tin. Nhưng rồi 9 năm sau CS vào, Minh Kỳ, người luôn luôn bảo rằng khi Việt cộng tới thì anh phải chạy tị nạn ngay, đem theo một đứa con trai lớn để nối giòng, nhưng rồi anh ở lại để chỉ 5 tháng sau, anh chết một cách oan uổng và phi lý ở trại giam. Và Anh Bằng với tôi, hai người còn lại cũng phải ở hai nơi xa xôi, cách nhau hơn 4,000 dặm, có gặp nhau cũng 5, 3 năm mới gặp nhau một lần. Người ta bảo "Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành", ở trường hợp của chúng tôi, biết vậy nhưng không làm sao được. Ba anh em chúng tôi - tam ngu thành hiền - trong vấn đề làm việc cũng như trong vấn đề tình cảm, tính tình, đều bổ túc cho nhau, thiếu một trong ba người là không thể nào thành công được.

Thoáng một chốc, đã 30 năm, hết nửa đời người. Ngày đặt chân lên vùng đất lạ, sức khỏe còn sung mãn, mái tóc còn đen mun, thế mà giờ đây, qua sinh hoạt hàng ngày, tôi thấy tôi "bóng dâu đã xế ngang đầu", càng ngày càng gần với đất hơn. Rồi đi về đâu? Người ta bảo đó là "chín suối mười suối", hay "cửu tuyền thập tuyền", "thiên đàng địa ngục" gì đó, đố ai biết được? Nhưng có lẽ mình sẽ gặp lại những người đã đi trước và về nơi đó trước mình, trước nhất là ông bà cha mẹ, thân nhân, rồi sau đó là bạn bè thân thích. Có điều chắc chắn là nơi đó không có hận thù mà chỉ có yêu thương, nơi đó chỉ có yên vui, không có buồn phiền, không có phản trắc. Rồi Minh Kỳ cũng làm nhạc đưa Lê Dinh viết lời cho thật gấp. Rồi tôi cũng sẽ thức trắng đêm để viết bài, không phải "Hạnh phúc đầu Xuân" mà bài "Hạnh phúc vĩnh cửu" và cùng Minh Kỳ đèo nhau trên chiếc xe Lambretta màu trắng của anh, rong chơi khắp chốn trong cõi yên bình miên viễn.


No comments:

Post a Comment