Pages

Monday, September 10, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * HIẾU ĐỆ

 

 Hiếu Đệ (1932- 2009)


Ông tên thật là Nguyễn Tánh Đệ, sinh năm 1932, tại Phan Thiết. Từ 15 tuổi ông sống ở Sài Gòn, học trường Huỳnh Khương Ninh, Lasan Tabert và Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Khi còn là sinh viên, ông cộng tác với tờ Đời Mới của Trần Văn Ân, và Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai. Tốt nghiệp Mỹ Thuật năm 1957, giáo sư hội họa các trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Đồng Khánh (Huế). Năm 1968, nhập ngũ khóa 14 Thủ Đức. Sau 1975, bị tù năm năm. Từ 1990 định cư tại Michigan, Hoa Kỳ. Ông tiếp tục cộng tác với nhiều báo chí hải ngoại.
TÁC PHẨM. Các tập truyện:
-Bên Đục Bên Trong, Hương Cau, Paris, 2004
-Niềm Đau Bạc Tóc. Hương Cau, Paris, 2004
-Nước Mắt Tình Yêu. Hương Cau, Paris, 2006
-Lưu Xứ U Minh, Hương Cau, Paris, 2006
(Ba tập truyện đầu viết chung với Võ Phước Hiếu ).
Truyện của họa sĩ Hiếu Đệ là truyện về những sĩ quan Cộng Hòa, đặc biệt là các họa sĩ trong trại tù Cộng sản, như Văn Đen, Nguyễn Thanh Thu, Nguyễn Vạn Lộc. Thế giới của Hiếu Đệ là các họa sĩ, và chủ đề của ông là cảnh tù đày trong nhà tù cộng sản.
>1. Bên Đục Bên Trong.
Tập truyện này gồm 8 truyện ngắn, Hiếu Đệ viết bốn truyện :
- Họa sĩ Trần Quang Hiếu
- Hai mối tình của người tù biệt giam.
- Món quà tết cho thủ trưởng mang về Bắc.
- Pho tượng thương tiếc.
Trong tập truyện này, Hiếu Đệ viết về tình đồng đội, và chí khí bất khuất của người chiến sĩ cộng hòa. Một tù nhân hái chuối rừng về ăn, bị công an đánh đập tàn nhẫn. Nạn nhân biện hộ rằng mình vô tội, mình chỉ hái cây rừng, không ăn cắp của trại. Chúng vừa hành hạ, vừa nói:
Chuối rừng cũng là của trại, của nhà nước, của nhân dân. Ăn cắp của nhà nước, của nhân mà bảo là không có tội à? (39).
Thu Dù đứng lên quát mắng bọn công an, kêu chúng ngừng tay nên anh bị chúng xúm lại đánh đòn hội chợ, và kết tội anh chống đối chúng, bắt biệt giam trong ‘’conex’’, là loại thùng sắt lớn của Mỹ, vuông vắn, dài khoảng hai mét, dùng đựng quân cụ.
Thu Dù vẫn cao đầu, thẳng lưng, mắt trừng trừng nhìn chúng, không hề sợ hãi (39).
Người tù, đặc biệt là tù biệt giam, ngoài ý chí phải có các yếu tố khác phù trợ để tồn tại. Thu Dù đã dùng phương pháp tập thiền để quên đau đớn.
Những đau đớn về thể xác như dần dần bớt đi. . .Lòng anh yên tĩnh, không bồn chồn lo lắng, không bận bịu nội tâm. Khắc phục được ngoại cảnh, tâm hồn anh an nhiên tự tại, thơ thới hơn bao giờ (41)
Ngoài ra, anh còn gặp một cơ duyên. Trong các truyện tù, có những tù nhân làm bạn với chuột, còn đây, Thu Dù làm bạn với một cọng rau lang từ ngoài bò vào conex:
Đấy quả là một cọng rau lang, không biết gốc nó từ đâu mà bò vào lỗ hổng dưới gầm connex. Anh mừng vô cùng. Anh vừa có một sinh vật đến làm bạn (42).
Trong tù, trong conex, Thu Dù có một thế giới riêng, là thế giới của tâm thức, không gian của tình yêu, và vũ trụ thiền:
Trong conex, ngọn rau lang kia cũng là mặt trời, cũng là trăng sao của anh. Nó đem không gian bên ngoài vào lòng cô đơn của anh bên trong (43).
Đoạn viết về cọng rau lang rất hay, mang ý vị thiền, nhưng đoạn sau viết về mối tình thầm lặng giữa Thu Dù và cô Xuân thì kém hơn. Trong trại tù, dù là ban đêm, cũng có những cặp mắt quan sát, lẽ nào tù nhân và ‘’chị nuôi’’lại nói chuyện cà kê, trong buổi sáng, không phải giờ phát cơm, đối thoại dài khoảng mười trang giấy (48-59) , nào là ‘’nhân chi sơ, tính bản thiện’’, ‘’tình thương ‘’, ‘’hận thù’’.
Hiếu Đệ cho ta biết sinh hoạt các họa sĩ và tình cảnh của họ bị đày ải sau ngày 30-4-75. Trong khi nhậu, Nghiêu Đề kể chuyện Gia Long phục quốc, các họa sĩ Bắc Kỳ bảo anh phản động (31), họa sĩ Tú Duyên trước 1975 vẽ tranh Kiều, trong đó có hình Tử Hải chết đứng, một người mua tranh và mang đi ngoại quốc, bị chận lại. Đã thế, bọn công an bắt ông về tội ông trù ẻo đảng chết tươi như Từ Hải. Tú Duyên thanh minh rằng ông vẽ tranh Kiều hơn ba bốn chục năm trước nên mới được thả ( Họa sĩ Trần Quang Hiếu , 32). Qua chuyện này, chúng ta biết cái bệnh chụp mũ, cái bệnh vu khống và phóng đại đã ăn sâu trong tâm khảm người cộng sản, cho dù họ là văn nghệ sĩ. Ta còn thấy bọn công an rât thông minh, biết tranh quý muốn chiếm đoạt nên bày chuyện để khủng bố và cướp tài sản người ta!
Đi tù về, Hiếu Đệ phải đạp xích lô kiếm sống. Ông cho ta thấy một màn bi hài kịch của một mảnh đời của ông sau 1975:
Tôi đạp chiếc xich lô cũ rích leo dốc Càu Bông hết muốn nổi.giữa lúc cơn mưa lớn. . . Khách xuống xe, tôi quay lại đạp hối hả vì mưa mỗi lúc một lớn và sấm sét ào ào.. . Tôi nép vào mái hiên một căn nhà nhỏ. . Nghe tiếng sột soạt bên ngoài, một chàng trai bước ra trước hiên nhìn tôi rồi nói:
-Này ông xích lô ơi! Có đụt mưa thì cứ vô trong này. Ngoài đó lạnh lắm, không khéo đứng lâu bị cảm bây giờ. Ông này ốm yếu như vầy mà còn đạp xích lô kiếm ăn. . . Thật cơ khổ quá!
Nghe tiếng nói xem thiệt lòng, tôi bước vô thềm nhà. Bỗng trong bàn rượu có đứa nhìn tôi chằm chặp rồi la lên:
-TrờI ơi! Thầy HIếu Đệ nè tụi bây ơi. Này tụi bây không nhìn ra ông thầy sao?
Cả đám vụt đứng lên lôi tôi đến bàn nhậu:
- Ngồi xuống đây, ông thầy! Thầy đi học tập cải tạo về hồi nào vậy? Sao tụi em không hay? Sao thầy phải đạp xe xe như vầy? (Chiếc xích lô của thầy, 118-119).
Bức tranh thật cảm động. Thanh niên miền Nam còn mang nặng tình xưa nghĩa cũ, còn nhiều nhân tính, không đến nỗi tàn ác như một số thanh niên ngoài Bắc, như người học trò đã giết Lan Khai!
2. Niềm Đau Bạc Tóc:
Tập truyện này có 7 truyện, Hiếu Đệ viết 5 truyện.
Trong các truyện, Sau đêm văn nghệ , là có ý nghĩa nhất. Cộng sản bắt tù nhân phải làm văn nghệ. Ở đây tác giả muốn nhấn mạnh thái độ của một số cộng sản trong văn nghệ, và hành xử độc đoán, tàn bạo của cộng sản trong nhà tù nhỏ, một hình thái thu gọn của nhà tù lớn là đất nước Việt Nam.
Cũng như ngoài đời, các tác phẩm văn nghệ đã được trình duyệt trước khi tập và diễn. Tất cả được ban quản đốc nhà tù chấp nhận. Ấy thế mà đêm đó, bọn quản đốc trại giam tập trung anh em tù nhân lại, lên mặt chê bai, bắt khoan, bắt nhặt, tỏ ra chúng thông minh, sáng suốt. Chúng ăn nói hàm hồ theo lối ‘’lý luận của kẻ mạnh’’ ( La raison du plus fort). Trong một vở kịch, bối cảnh là một bàn thờ có ảnh người mẹ, chúng bảo là ảnh của Nguyễn Văn Thiệu:
Sao lại vẽ mặt thằng Thiệu? Đã đi học tập cải tạo mà chưa bỏ lòng tôn thờ thằng Thiệu? (31)
Buồn cười nhất là nhạc đệm là bản ‘Giải phóng Miền Nam’ . Trong màn kịch có đoạn lính Mỹ đi càn, trong xóm có tiếng chó sủa. Chúng bảo:
Sao lại để chó sủa quân đoàn anh dũng của ta? Sao cho chó sủa bài hát chiến thắng của ta? (32)
Kịch có nhiều đoạn làm khán giả cười dù không phải là hài kịch.
Trong màn kịch, có đoạn lính Mỹ đánh ông già, cô dâu đang bế con, lính Mỹ hất cô ngã lăn, đứa trẻ văng ra thành một đống giẻ rách. Khán giả cười vang.
Lẽ ra bữa ấy, tất cả khán giả phải đứng dậy (như thời cải cách ruộng đất ngoài Bắc) , giơ nắm tay lên cao, đồng hô: -Đả đảo! Đả đảo Mỹ thực dân! Đả đảo Mỹ xâm lăng. . . chứ sao lại cười? Cười là phản động! Là phản cách mạng (33) .
Về màn kịch khác, mẹ tù nhân đi thăm con. Mẹ khuyên con, con khuyên mẹ nên học tập tốt, lao động tốt. Các tù nhân bị kết tội:
Về hoạt cảnh thì tồi tệ vô cùng. Lúc mẹ già đi thăm con, hai mẹ con từ giã nhau và hát bài học tập tốt, lao động tốt. . . Đoạn ấy không nghiêm trang. Mẹ nhắn nhủ con rất phải cách. Thế sao cả khán giả lại ôm bụng cười lăn ra. Té ra đãy là hài kịch ư? B an văn nghệ không đủ trình độ xây dựng. Cả khán giả trại viên cũng chưa có trình độ xem kịch (33).
Qua truyện này cũng như một số truyện khác của Hiếu Đệ, và báo chí cộng sản
( như vụ đánh Nhân Văn Giai Phẩm), chúng ta thấy cái lý luận Mác-xít Lenin- nít, cái cơ sở ‘biện chứng pháp’ của người cộng sản từ bọn trung ương cho đến văn nghệ sĩ và bọn công an, toàn là lối nói hồ đồ, vô căn cứ, nhằm vu khống và buộc tội cho người.
Cộng sản chú trọng tuyên truyền, nhất là mặt văn nghệ. Dân Nam ra Bắc tập kết bị bạc đãi đúng như Xuân Vũ đã trình bày, Tám Sạc Ne là người Nam ra Bắc tập kết, hiểu lòng dạ bọn Bắc Kỳ, bất mãn với bọn Bắc Kỳ, và có chút cảm tình với dân miền Nam. Ông còn là người từng trải xã hội chủ nghĩa về chính trị cũng như văn hóa, nghệ thuật. Trước đêm văn nghệ, Tám Sac Ne đã nói:
Tao thấy tụi bây hồ hởi lắm về đêm văn nghệ đó hả? Khó lắm đo nghen! Chuyện văn nghệ không phải chuyện giỡn đâu. Sớn sác rồi bị nhốt connex cả đám cho coi. Tao nói trước cho biết. Tụi bây có nghe chuyện Trăm hoa đua nở, nhà nhà lên tiếng ở ngoài Bắc hồi 1957 rồi chứ? Liệu hồn đó nghen!( 27)
Trong ngày tập văn nghệ, bọn tù nhân xin Tám Sạc Ne cho ý kiến., ông nói:
-Tao không có ý kiến gì hết.. . Bày chi cái chuyện văn nghệ văn gừng toi mạng có bữa đó nghen. Tao nói thật đó.
- Nhưng kịch bản chúng tôi ca ngợi cách mạng mà cũng không được sao?
Tám Sạt Ne cười ruồi: Tụi bây giỏi cứ ca ngợi tụi nó đi rồi sẽ biết hì hì. . . (29).
Sau đêm văn nghệ, Tám Sạc Ne lại đến. Như một triết gia, ông phân tích cho bọn tù nghe:
Vì các anh không biết vị trí của mình. Làm việc gì cũng phải nhớ vị trí các anh đứng chỗ nào cái đã. Ví như anh Hiếu Đệ vẽ hình giỏi mà anh vẽ hình bác Hồ có đẹp cách mấy thì anh vẫn có tội. Ý gì mà anh học viên học tập cải tạo lại đi ca tụng lãnh tụ của tụi tui là người cách mạng chiến thắng? Anh đâu phải là đảng viên cũng như anh đâu phải là thứ con ruột mà ca ngợi bố tui. Anh chỉ cốt làm cho tôi nghi ngờ anh (34).
Tám Sạc Ne đã nói đúng tâm lý cộng sản, tâm lý của một số ông hương, lý, quê mùa, vô học nhưng vô cùng tự cao, tự đại và cùng hung cực ác. Cộng sản bao giờ cũng chủ trọng cái ‘‘ngã’’ của họ. Họ không có công bằng, tự do, dân chủ, dân tộc và nhân loại. Khi yếu, họ có thể cộng tác, nhưng khi nắm quyền, họ trừ khử mọi đối thủ kể cả đàn em của họ. Trong từ điển cộng sản, không có chia chác, hòa hợp. Marx chú trọng về vô sản, không bao giờ để các giai cấp khác sống. Stalin không tha thứ cho Trotsky và đệ tứ quốc tế. Mao thẳng tay khử Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu. Hồ Chí Minh quyết sát hại Quốc Dân Đảng, Đại Việt Đảng. Ông không để Phan Bội Châu sống mà cũng không nương tay với các đồng chí ông, nhất là những kẻ có thể tranh quyền ông như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sơn, Hải Triều, Trần Văn Giàu, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. Những người này trước sau sẽ bị đích thân ông hạ thủ, hay ra lệnh cho đàn em giết, hoặc nhờ tay Pháp tiêu diệt. Nhẹ lắm là đám này sẽ bị ô nhục, lột chức, bị đẩy dần dần ra khỏi bộ máy đảng. Họ giữ độc quyền chống Pháp và độc quyền cai trị nước. Họ cho họ là giỏi nhất, vì họ là cộng sản chính thống, từng lao động, từng chiến đấu và chiến thắng. Họ coi họ giữ độc quyền về Marx, những trí thức ở Pháp hay Liên Xô về như Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu chỉ là cục phân, lý thuyết suông, chỉ riêng ông Hồ là xứng đáng làm lãnh tụ cộng sản, và giảng dạy về Marx. Ngay trong đảng, đám miền Trung làm chủ, đám miền Nam tập kết bị coi như một thứ ghẻ lở. Không có anh em, đồng chí, không có đại đồng thế giới mà là tinh thần cục bộ, tinh thần địa phương. Cho nên khi Trường Chinh làm Tổng bí thư, miền Bắc ăn mừng lớn vì từ Lê Lợi cho đến Nguyễn Ánh, hơn mấy thế kỷ, đây là lần đầu tiên dân Bắc lên làm ‘’vua’’! Trong đảng, vai vế, mâm cỗ đã xếp sẵn. Bọn nô lệ tránh xa, đừng đứng ngoài nhìn vào. Như thế là vô lễ! Ngày xưa, vua chúa còn trọng đãi hiền sĩ nghèo nàn, tư bản còn coi trọng công nhân, và trí thức, trong thế giới cộng sản chỉ có cộng sản mới có quyền lợi và địa vị. Ngoài ra, anh phải biết anh thuộc phe nào, mạnh hay yếu, và anh có dù che hay không. Anh không phải là cộng sản, đừng viết về Marx và Lenin dù anh là tiến sĩ triết học. Dù anh là cộng sản, anh cũng phải được cấp trên phép mới được vinh hạnh này. Cũng vậy, dù anh là họa sĩ, nếu không có lệnh, anh đừng vẽ ông Hồ hay cờ búa liềm. Anh là đảng viên, được lệnh trên ra cũng chết, huống hồ anh là ngụy quân, ngụy quyền! Không dễ đâu. Nếu anh vẽ màu đậm hơn hay nhạt hơn, thân ông già mập hơn hay ốm hơn, râu dài hơn hay ngắn hơn, anh đều bị đưa ra phê bình và kết tội là phản động. Trong một đại hội đảng cộng sản Việt Nam, một anh họa sĩ cộng sản đã khốn đốn về tội vẽ búa liềm ‘’sai quy cách’’ chỉ vì anh muốn khác đời hoặc anh theo phái lập thể của Picasso, hoặc phái ấn tượng!

Truyện của Hiếu Đệ rất sâu sắc. Ông là một triết gia. Khổng tử đưa ra thuyết chính danh : ‘’quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử’, nghĩa là vua phải xứng đáng danh hiệu vua, tôi phải xứng với danh hiệu tôi; cha phải làm đúng danh xưng cha, con phải xứng đáng bổn phận con. Khổng tử gọi Kiệt, Trụ là giặc, không gọi là vua. Hiếu Đệ đưa ra thuyết vị trí. Trong cuộc sống, mỗi người phải biết rõ vị trí mình và vị trí người khác trong mỗi hoàn cảnh. Chúng ta là chủ hay khách, ta ngồi ghế chủ tọa hay kẻ đứng hầu, ta là con đẻ hay con nuôi, hay mang thân phận nô lệ. Nếu biết vị trí mình, thì ta sẽ có tư tưởng đúng và hành động đúng.

Truyện của Hiếu Đệ phản chiếu lịch sử Việt Nam thời trước và sau 1975. Trong truyện Con hổ đình Xóm Củi, ông trình bày một sự thực phũ phàng, và cũng là một chân lý. Ông Thanh Thu nổi tiếng về pho tượng Tiếc thương, thế mà khi ông đắp hình ông hổ đình xóm Củi thì bị dân chúng chê. Như vậy, nghệ thuật cũng như chân lý chỉ là tương đối, đúng và đẹp nơi này nhưng sai và xấu ở nơi khác. Cũng trong truyện này, Hiếu Đệ cho biết lịch sử các bức tượng đặt tại Sài Gòn sau khi Ngô Đình Diệm bị giết. Ông cho rằng Vũ Văn Mảu và Dương Văn Minh lừa thầy, phản bạn (13). Vấn này đã gây tranh cãi trong nhân dân ta. Nhiều người tôn sùng Ngô Đình Diệm, đâm ra oán hận Mỹ và Phật giáo. Không phải Mỹ, không phải Phật giáo, không phải Dương Văn Minh. Chính là tâm tham , tâm phản phúc của anh em ông, gia đình ông và tập đoàn ông làm hại anh em ông ( đã trình bày ở tập I, Bối cảnh lịch sử ). Tại sao Hiếu Đệ không trách ông Diệm phản bội Bảo Đại, phản bội Thiên chúa giáo, phản bội dân tộc Việt Nam, và nước Mỹ, người bạn, người thầy của ông đã nuôi dưỡng ông và đưa ông về làm tổng thống? Một tổng thống mà như thế thì sao người ta chẳng bỏ mình mà lui binh!


3. LƯU XỨ U MINH.
Ngoài bìa đề là ký sự, tức là truyện thực, tả cuộc sống thực tại đây. Sau khi đi tù về, ông bị đày xuống U Minh lao động khổ sai trong nông trường cộng sản .Tại đây, ông và các tù nhân sĩ quan khác, cũng như một số nhà tư aản sau khi bị cướp tài sản, bị giam, rồi bị đày làm nông nô tại vùng U Minh.. Ông cho biết vài nét về U Minh thời chống Pháp, và sinh hoạt tại đây sau 1975. Truyện của ông cũng mang tính cách tố cộng, nói về tội ác của cộng sản từ 1945 cho đến nay tại U Minh đối với nhân dân Việt Nam. Ông cũng nói đến việc người Hoa thân Trung cộng bị giết sạch, và người Hoa giàu có bị đày xuống U Minh sau 1975:
Họ kêu khổ liền miệng, kể lể những đoạn trường trầm luân từ sau 1975, nhà mất, người chết, của cải tan tành, lang thang đói rách, qua nhiều vùng kinh tế mới, rồi cuối cùng lại bị xuống đến U Minh và có lẽ là đoạn đường chót của sự chịu đựng của họ .
Họ chán nản bảo: Đàn ông trong xóm, kể cả trẻ con phải làm quần quật ngoài đồng. Lãy sức người để thay thế sức trâu bò. . . Rồi đây ỡ U Minh, đàn ông biến thành trâu bò, còn đàn bà thành khỉ Cà Mâu hết (119).
Truyện này cho ta biết sinh hoạt và phong tục tại U Minh. Hơn nữa, tiểu thuyết của ông đã nói đến các phụ nữ miền Nam trong thời Cộng sản chiếm miền Nam. Có những người vợ chạy theo quyền lực và tiền bạc như cô An, vợ của Nguyễn Ga Hào ( 151-155). Tuy nhiên có những nguời vợ chung thủy, khôn ngoan biết tìm cách cứu thoát chồng như vợ của Hiếu Đệ (257), đã tìm cách xin cho ông về vùng kinh tế mới Bà Bèo gần Mỹ Tho, rồi tìm cách xin đi theo chương trình HO. Mặt khác, cũng như Lê Xuyên, Hiếu Đệ viết về truyện nam nữ xứ U Minh rất đặc sắc, thành thử truyện của ông cũng có chất tươi mát, không khô khan. Hiếu Đệ có tinh thần triết lý. Chỗ nào liên hệ đến tâm lý, hoặc triết lý, ông đều viết xuất sắc.
  

No comments:

Post a Comment