Pages

Monday, September 10, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * LỤC TỔ HUỆ NĂNG



LỤC TỔ HUỆ NĂNG

 Các kinh điển Phật giáo thì nhiều vô số. Khoảng thế kỷ thứ nhất, Đại Thừa Phật giáo(Mahayana) nổi lên thì cũng là lúc một số đại sư như Long Thọ , Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân xuất hiện và kinh điển ra đời. như các bộ kinh Kim Cương, Diệu Pháp Liên Hoa, Trung Luận (hay Trung Quán Luận), ĐạI Thừa KhởI Tín Luận. Các bộ kinh này không nói rõ tác giả là ai. Pháp Bảo Đàn Kinh là một tác phẩm đầu tiên công khai cho biết tác giả.
Pháp bảo đàn kinh (zh. 法寶壇經) là một bộ ngữ lục, 1 quyển, do Lục tổ Huệ Năng thuyết giảng , nên còn gọi là Lục tổ đàn kinh (六祖壇經). Lúc Lục tổ Huệ Năng ở chùa Bảo Lâm, Tào Khê có Thứ sử Thiều Châu là Vi Cừ thỉnh Tổ vào chùa Đại Phạm để diễn giảng pháp Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật. Bài giảng của Huệ Năng được đệ tử là Pháp Hải ghi lại thành sách, về sau gọi là Đàn kinh. Trải qua nhiều lần sửa chữa thêm thắt, xuất hiện hơn 10 bản khác nhau, nhưng đại khái có thể phân làm 4 bản quan trọng hơn cả:
(1). Bản Đôn Hoàng (敦煌本), gọi đủ là Nam tông đốn giáo tối thượng đại thừa ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật kinh Lục tổ Huệ Năng Đại sư ư Thiều Châu Đại Phạm tự thí pháp đàn kinh (南宗頓教最上大乘摩呵般若波羅蜜經六祖惠能大師于韶州大梵寺施法壇經). Bản này gồm có 57 tiết, chẳng chia phẩm mục, chữ nghĩa chất phác, được xem là bản có sớm nhất.
(2). Bản của Huệ Hân (惠昕), tên Lục tổ đàn kinh (六祖壇經), chia làm 2 quyển thượng và hạ, gồm 11 môn, khoảng hơn 14.000 chữ, ít hơn bản Đôn Hoàng 1.000 chữ. Bài tựa của Huệ Hân viết: Bản xưa văn rườm rà được đệ tử xem qua, trước vui sau chán. Có thể thấy rằng bản này đã được lược bớt chút ít.
(3). Bản của Khế Tung, gọi đủ là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh Tào Khê nguyên bản (六祖大師法寶壇經曹溪原本), gọi tắt là Tào Khê nguyên bản, gồm 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do sư Khế Tung biên sửa lại vào khoảng niên hiệu Chí Hoà (1054-1056) đời nhà Tống.
(4).Bản của Tông Bảo, gọi đủ là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh (六祖大師法寶壇), 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do sư Tông Bảo (宗寶) biên tập lại vào niên hiệu Chí Nguyên thứ 28 (1291) đời nhà Nguyên, đây là bản thường thấy lưu hành, được xếp vào Đại Chính tạng tập 48 trang 845.


Như vậy, Pháp Bảo Đàn Kinh do lục tổ truyền giảng, sau do các đệ tử ghi chép lại, và sửa chữa nhiều lần. Nội dung của Pháp Bảo Đàn Kinh bản Đôn Hoàng đại khái chia làm 3 phần:
(1).Việc Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao truyền y pháp cho Huệ Năng.
(2). Những lờI giảng thuyết của Huệ Năng và các lời vấn đáp giữa Huệ Năng và đệ tử.
(3).Những lời Huệ Năng dặn dò đệ tử trước khi tịch diệt.



Hòa thượng Thích Mãn Giác đã dịch bản Đôn Hoàng và nhân định như sau:
Nguyên bản Pháp Bảo Đàn kinh mà tôi dịch đây là bản mới tìm được từ động Đôn Hoàng, vùng sa mạc Tân Cương, miền Trung Á. Bản này đã được viết ra vào khoảng năm 830 và trễ nhất là năm 860 (theo giảo nghiệm lối viết chữ thảo ở thời đó, do một chuyên viên danh tiếng, giáo sư Akira Fujieda của Đại học Tokyo). Đây là bản Pháp Bảo Đàn xưa nhất của thế giới hiện nay. Trước đây, ở Việt Nam, tôi được biết ít nhất có ba bản dịch Việt của ba dịch giả (Hòa thượng Thích Minh Trực, ông Đoàn Trung Còn, và ông Tô Quế), nhưng cả ba bản dịch này được dựa theo bản chữ Hán Pháp Bảo Đàn kinh được viết vào thế kỷ thứ XIII (năm 1291), gọi bản Tông Bảo; bản này không khác lắm với bản Đức Dị được in vào năm 1290 tại Nam Hải (bản Đức Dị đã được du nhập vào Triều Tiên vào năm 1316 và tất cả bản Pháp Bảo Đàn kinh bằng tiếng Triều Tiên đều xuất phát từ bản Đức Dị). Bản Pháp Bảo Đàn kinh được thông dụng nhất hiện nay ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam chính là bản Tông Bảo được viết vào năm 1291 và được in trong Đại Tạng kinh ở đời Minh. Ngoài những bản vừa kể, ít nhất chúng ta được biết có gần mười bản Pháp Bảo Đàn kinh khác nhau, ngoài bản xưa nhất tìm lại được ở động Đôn Hoàng, viết vào khoảng những năm 830-860 (chính là bản tôi dịch), những bản khác là bản Huệ Hân (năm 967), bản Thiều Hồi (năm 1013), bản Tồn Trung (năm 1116), bản Bắc Tống (năm 1153). Ngoài ra có hai bản đáng lưu ý và được coi đầy đủ nhất là hai bản ở Nhật Bản, bản Đại Thừa Tự (Daijòji) và bản Hưng Thánh Tự (Kòshòji); bản Đại Thừa Tự thì dựa vào bản Tồn Trung, còn bản Hưng Thánh Tự thì dựa vào bản Bắc Tống và bản Thiều Hồi. Tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh khác nhau vừa kể trên đều xuất phát từ bản duy nhất còn tìm lại được: chính là bản Đôn Hoàng (830-860) mà tôi dịch ở đây. Bản Đôn Hoàng là bản ngắn gọn nhất và chỉ gồm có mười hai ngàn chữ, còn những bản khác (bản đời Nguyên và Minh) gồm khoảng hai mươi mốt ngàn chữ. Bản chữ Hán tôi dịch ở đây được dựa theo bản chữ Hán đã được san định kỹ lưỡng do công phu uyên bác của giáo sư Philip B.Yampolsky của Đại học Columbia (The Platform Sutra of the Six Patriarch, the Text of the Tun-Huang Manuscript with Translation, Introduction, and Notes by Philip B.Yampolsky, Columbia University Press, New York, 1967). ( NXB. Tôn Giáo Hà Nội (2003).



I. HUỆ NĂNG:


Huệ Năng (zh. huìnéng/ hui-neng 慧能, ja. enō), 638-713, là đệ tử của ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Sau khi được truyền y bát, sư bắt đầu giáo hoá ở chùa Pháp Tính, về sau về Bảo Lâm tự ở Tào Khê và thành lập Nam tông. Trong tác phẩm này, lục tổ đã giới thiệu tiểu sử của Ngài:
. Cha hiền của Huệ Năng vốn là một quan viên ở Phạm Dương, sau đó người bị giáng chức và phạt làm thường dân ở Tân Châu, Lĩnh Nam. Lúc Huệ Năng còn nhỏ, cha mất sớm, mẹ già và con thơ dọn về Nam Hải.



Hòa thượng Mãn Giác xác quyết – “Huệ Năng là người Việt Nam, sinh ở Lĩnh Nam””. . .- Lĩnh Nam là đất Việt Nam (ngày xưa Lưỡng Quảng: Quảng Đông và Quảng Tây cũng thuộc Việt Nam). Ngay đến Yampolsky cũng đã chú thích rất rõ: "Lĩnh Nam là những vùng ở Quảng Đông, Quảng Tây, và miền "Bắc Đông Dương Việt Nam" ("Ling-nan indicates the areas of Kwangtung, Kwangsi, and Northern Indochina", op. cit., trang 126). Còn địa danhh "Nam Hải" ghi trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh thì theo Yampolsky đó là Phiên Ngung, tức là thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày xưa .



Hoà thuợng căn cứ hai điểm mà kết luận Huệ Năng là người Việt Nam:
(1)- Huệ Năng không biết đọc và không biết viết chữ Tàu;
(2)- Huệ Năng sinh trưởng tại Lĩnh Nam và hoằng pháp chung quanh vùng Nam Hải, tức là Phiên Ngung (thuộc lãnh thổ Việt Nam thời đó).


1.LĨNH NAM


Lĩnh Nam 嶺南 là một vùng rộng lớn và có nhiều định nghĩa khác nhau.
+Theo Yampolsky, Lĩnh Nam gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt Nam.
+Theo Đào Duy Anh, Lĩnh Nam là phía nam miền Ngũ Lãnh nước Tàu. NgườI ta thường gọI miền Quảng Đông, Quảng Tây là Lãnh Nam (Hán Việt Từ Điển).
+Từ Điển Từ Hải chú: Lĩnh Nam là tên đường đặt ra từ đời Đường. Lĩnh Nam là vùng đất ở phía nam Ngũ Lĩnh. Hiện nay ở vùng Lưỡng VIệt (Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam, thuộc thành phố Quảng Châu, tức là huyện Phiên Ngung. Sau lại phân ra hai đường Lĩnh Nam đông, Lĩnh Nam tây, nay thuộc Vi ệt trung .
+Một số người Việt Nam cho rằng Lĩnh Nam là Việt Nam như trong “ Lĩnh Nam Chích Quái” của Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh. Điều này không đúng, và là một sự suy diễn quá rộng rãi. Hòa thượng đã theo ý tưởng này, cho Lĩnh Nam là Việt Nam:
- Lục tổ “người đất Lĩnh Nam (tức là Việt Nam).”
- “Huệ Năng là người Việt Nam, sinh ở Lĩnh Nam”




Theo thiển kiến, dù rằng năm 208 tr.TL, Triệu Đà, lấy quận Nam Hải và nước Âu Lạc lập nên nước Nam Việt cũng không thể bảo rằng người Quảng Đông, Quảng Tây đều là người Việt Nam vì nước Nam Việt chỉ là một phần của Quảng Đông và Quảng Tây mà thôi, mà trong nước Nam Việt còn có một phần là người Tàu. Như vậy không thể kết luận Huệ Năng là người Việt Nam. Hơn nữa, năm 208 trước TL, Phiên Ngung, Quảng Châu thuộc Nam Việt nhưng năm 111 tr.TL thì bị Lộ Bác Đức xâm chiếm, bị sát nhập vào Trung Quốc, cho nên khoảng thế kỷ thứ bảy, tức gần ngàn năm sau, khi lục tổ ra đời, người và đất đai không còn là Nam Việt hay Việt Nam nữa. Việc này giống như trăm năm, hay ngàn năm sau, một sử gia hay thiền sư nào đó viết Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Mãn Giác là người Chiêm Thành, và Trương Vĩnh Ký, Paulus Của, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường là người Cambodia !



Giả sử Lĩnh Nam là Việt Nam đI nữa, Huệ Năng là ngườI Trung Quốc, vì cha của Ngài ở Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc phạm tộI, bị cách chức và bị đày ra biên cương (bản Tuyên Hóa).. . Phạm Dương là chánh quán còn Lĩnh Nam chỉ là trú quán cho nên không thể nói ông là người Lĩnh Nam, Việt Nam. Việc này cũng dễ hiểu. Như tại Sài gòn, có nhiều người Trung Quốc, Ấn Đô và Tây phương sinh sống, ta không thể kết luận họ sống ở Sài gòn tức họ là người Việt Nam.


2. BẮC NAM
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh hai từ “Bắc, Nam” được nhắc đến nhiều lần. Hoà thượng Mãn Giác vin vào hai chữ Bắc và Nam để xác định Bắc là Trung Quốc, Nam là Việt Nam.. Chúng ta phải hiểu chữ "Bắc" trong kinh có nghĩa là "Trung Quốc" và "Nam" có nghĩa là Việt Nam; ngày xưa người Trung Hoa coi nước Việt Nam là thuộc địa miền Nam của họ.


Vì suy nghĩ như vậy cho nên khi diễn giảng, hòa thượng đã đem tất cả chữ Nam trong Pháp Bảo Đàn Kinh cho là Việt Nam.


Mãn Giác dịch :
Huệ Năng nói: "Con người tuy có Nam Bắc, Phật tánh lại chẳng có Bắc Nam. Tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, Phật tánh trong chúng ta có gì là sai biệt?".
Mãn Giác diễn giảng:
"Con người tuy có Tàu có Việt, tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, nhưng Phật tánh trong Hòa thượng và trong tôi chẳng có gì là sai biệt".
Mãn Giác dịch :
Sau khi đắc pháp rồi, nửa đêm Huệ Năng tôi bèn cấp tốc ra đi. Ngũ Tổ đích thân tiễn Huệ năng tới đến mãi tận trạm Cửu Giang. Tôi giác ngộ lập tức. Ngũ Tổ lại dặn dò: "Ông
phải nỗ lực, đem pháp về phương Nam, trong vòng ba năm không được hoằng pháp, nếu không e sẽ có pháp nạn. Sau đó rồi ông hãy hoằng hóa, khéo dẫn dắt kẻ mê mờ. Nếu như ông khai mở được tâm họ thì họ cũng không khác gì ông". Sau khi tạ từ xong, tôi bèn đi về phương Nam.
Mãn Giác diễn giảng:
Ngũ Tổ âm thầm lén lút đưa tiễn Huệ Năng đến trạm Cửu Giang, và đuổi khéo Huệ Năng trở về rừng rú Việt Nam, không dám giữ lại đất Trung Hoa, [. . .]. Hòa thượng khéo léo kín đáo trao truyền tất cả trách nhiệm tâm linh nặng nề nhất của đạo pháp, khéo léo khuyên Huệ Năng lui trở về Việt Nam và trốn tránh ở Việt Nam, chứ đừng ra mắt xuất hiện ở đất Trung Hoa nữa; Huệ Năng đã nghe lời dạy của Ngũ Tổ và đã mất dạng ở đất Trung Hoa trong vòng mười sáu năm; ngài trở về ẩn náu ở vùng rừng núi Việt Nam và đến mười sáu năm sau mới xuất hiện giữa vùng biên cương hai nước để thuyết pháp.


Đó là một việc diễn dịch sai lầm vì Bắc và Nam có nhiều nghĩa. Trung quôc có Nam Kinh, Bắc Kinh, Việt Nam có Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Mỹ có Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Nam không có nghĩa là Việt Nam.



3. NGÔN NGỮ VÀ VĂN TỰ


Hòa thượng còn căn cứ vào việc Huệ Năng không biết viết Hoa văn và nói không giỏi Hoa ngữ mà kết luận Huệ Năng là người Việt Nam. Sự thật thì người Việt Nam và Trung quốc không phải ai cũng học Hoa văn và nói giỏi tiếng Hoa bởi vì dân Quảng Đông có thể không hiểu ngôn ngũ tỉnh khác. Các tài liệu đều nói Huệ Năng không biết đọc, biết viết, nhưng không có tài liệu nào nói ngài chỉ biết tiếng Hoa chút ít như Hòa thượng Mãn Giác đã viết: Huệ Năng biết nói tiếng Tàu, nhưng nói đại khái thôi và không rành lắm : dữ kiện lịch sử đã chứng minh rằng Huệ Năng nói không rành tiếng Tàu (đã được những hậu bản kinh Pháp Bảo Đàn ghi chép) dù Huệ năng có nói tiếng Tàu theo giọng Quảng Đông đi nữa thì không có lý do gì mà Huệ Năng phải cần tự biện hộ (ngài đối đáp với Hoằng Nhẫn) lúc Ngũ Tổ đưa ngài đến trạm Cửu Giang để trở về Việt Nam, như sắp vĩnh biệt Ngũ Tổ. Chẳng hạn đọc lại bản Tông Bảo của Pháp Bảo Đàn kinh. . . .
Về việc nói tiếng Hoa, các bản dịch như nhau.
+Bản Duy Lực: Huệ Năng sanh nơi biên địa nên giọng nói khó nghe.
+Bản Minh Trực: Huệ Năng này sanh tại xứ dã man, giọng nói nặng âm thổ ngữ,
+Bản Thanh Từ: Huệ Năng sanh nơi biên phương, tiếng nói không đúng,
+Bản Trí Quang: Huệ Năng con sanh ra ở chỗ biên địa, đến nỗi tiếng nói cũng không đúng. . .
+ Bản Tuyên Hóa: Huệ Năng nầy sanh nơi biên địa, giọng nói không đúng.
+Bản Mãn Giác: Huệ Năng này sanh tại xứ dã man và giọng nói không đúng,

Như vậy là đa số bản đều hiểu rằng Huệ Năng sinh sống nơi biên địa cho nên giọng nói khó nghe, Huệ Năng sinh trưởng ở Quảng Đông nên ngôn ngữ khác với Kỳ Châu, chứ không phải ông không thạo tiếng Hoa. Chúng ta đều biết mỗi địa phương Trung Hoa có ngôn ngữ khác nhau. Ngay tại Việt Nam, người Bắc Kỳ hay Nam kỳ thì cho rằng giọng Nghệ, Tĩnh, Bình , Quảng Nam, Quảng Ngãi là nói khó nghe ( nói khó nghe chứ không phải là không biết nói tiếng Việt, hay chỉ biết chút đỉnh tiếng Việt thôi!)


Một người lúc nhỏ nghe được kinh Kim Cang, sau lớn lên đi thuyết pháp bằng tiếng Hoa thì trình độ nói tiếng Tàu không phải dở. Hơn nữa, Ngài sinh ở Quảng Đông, thuyết pháp ở Quảng Đông thì chắc chắn không gặp trở ngại về ngôn ngữ. Tôi nhớ trước đây, có một vị tu sĩ đã cho rằng Pháp Bảo Đàn Kinh có lối văn giản dị, dễ hiểu và đó là Hán văn của người Việt Nam. Vị tu sĩ đó quên mất một điều là Huệ Năng không biết viết, biết đọc. Pháp Bảo Đàn Kinh là do các đệ tử đời sau ghi chép.



Lý luận của hòa thượng Mãn Giác đôi khi mâu thuẫn. Phần lớn hòa thượng cho rằng Lĩnh Nam là Việt Nam và lục tổ là người Việt Nam nhưng có đoạn hòa thượng lại nói Huệ Năng “ở vùng gần biên giới Trung Hoa”[.. ] Ngài Huệ Năng thuyết pháp trên ba mươi mấy năm trời chung quanh vùng Quảng Đông và vùng biên giới Trung - Việt [ . ..]


Theo Yampolsky, chúng ta chỉ biết chắc có một điều là có một người tên là Huệ Năng, một thiền sư có đôi chút tiếng tăm đương thời và sống đâu đó ở vùng miền Nam Trung Hoa".
Theo thiển kiến, theo các tài liêu, các địa danh mấu chốt về nơi sinh trưởng của Huệ Năng là Lĩnh Nam, Hải Nam, Phiên Ngung, do đó ta có thể kết luận Huệ Năng sinh trưởng ở vùng Quảng Đông, Trung Quốc.

Xưa nay, Pháp Bảo Đàn Kinh được coi như là một tài liệu khá đầy đủ về cuộc đời và tư tưởng Huệ Năng. Nhưng sau này,Tào Khê Ðại sư Biệt truyện (gọi tắt là Biệt truyện) đã tuyệt tích ở Trung Quốc lại được lưu truyền đến Nhật Bản, năm 1920 mới được Trung Quốc sao chép lại. Quyển sách này ghi chép cuộc đời của Lục tổ, và so sánh hai bản, chúng ta nhận thấy có những điểm khác biệt như sau:


(1). Huệ Năng đi tu ở chùa từ nhỏ:
Theo Biệt truyện: Ðại sư Huệ Năng họ Lô, người Tân Châu. Bố mẹ mất sớm, 3 tuổi đã mồ côi, có chí hướng hơn người. Năm đó, Đại sư vân du đến Tào Khê, kết nghĩa anh em với người trong thôn tên Lưu Chí Lược, lúc đó khoảng 30 tuổi. Lưu Chí Lược có người cô, xuất gia ở chùa Sơn Giản, hiệu Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Niết Bàn. Ban ngày, Ðại sư cùng Lược làm lụng, tối đến nghe kinh, sáng lại vì Vô Tận Tạng giải thích nghĩa kinh. Ni cô Vô Tận Tạng lấy kinh cùng đọc. Sau Huệ Năng xuất gia ở chùa Bảo Lâm 3 năm.
Năm thứ 5 niên hiệu Hàm Hanh, lúc Ðại sư 34 tuổi, sư đến Hoàng Mai, Kỳ Châu, xin học Ngũ tổ. Đàn Kinh thì nói Huệ Năng bán củi nuôi mẹ, đến Hoàng Mai học pháp lúc 24 tuổi.

(2). Đối thoại giữa ngũ tổ và Huệ Năng khác Đàn Kinh. Tổ hỏi: Con là người Tân Châu, Lãnh Nam, lẽ nào có thể làm Phật? Huệ Năng hỏi lại: Phật tánh người Tân Châu, Lãnh Nam và Phật tánh của Hòa thượng có gì sai biệt? Ngũ tổ không hỏi tiếp, và không có bài kệ Bồ đề bản vô thọ.
Theo Tâm Hiếu, Biệt truyện được một vị Tăng vô danh trước tác vào năm thứ 2 niên hiệu Kiến Trung đời Ðường (781), là sách chép tay lưu truyền ở khu vực Triết Giang. Khoảng 24 năm sau, cao tăng Nhật Bản, hiệu Tối Trừng (761- 822) đến Trung Quốc học pháp vào năm thứ 20 niên hiệu Trinh Nguyên đời Ðường (804), “bán vàng mua giấy” sao chép cả thảy 345 quyển gồm 128 bộ kinh điển Phật giáo. Sau đó, mang toàn bộ những kinh sao chép này về Nhật Bản. Trong đó, có quyển Tào Khê Ðại sư biệt truyện. Nhật Bản rất trọng bộ Biệt truyện này, liệt vào Tục tạng của Nhật. “Truyện” có dòng chữ “viết xong vào ngày 9 tháng 3 năm 19 niên hiệu Trinh Nguyên, Thiên Thai tông-Tối Trừng”, đóng mộc chùa Tỷ Duệ. Năm 1920, khoảng 1.200 năm sau, từ Nhật Bản, kinh này được sao chép về lại Trung Quốc. Lúc này, Hồ Thích từng đi đến Nhật Bản, Anh, Pháp sưu tập một số lượng lớn sử liệu trước đời Tống, có liên quan đến Thiền tông vào đời Đường của Trung Quốc, Biệt truyện có phải Hồ Thích lúc đó sao chép lại không, cần phải nghiên cứu nữa .



Theo Tâm Hiếu, Biệt truyện là tập truyện ghi lại gia thế, cuộc đời và hoạt động truyền pháp của Lục tổ, là tư liệu hình thành sớm nhất trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc. Ra đời sau khi Lục tổ viên tịch 68 năm, so với Ðàn kinh của Ðôn Hoàng viết sớm hơn 120 năm, là tài liệu vô cùng quý giá. Hồ Thích đối với Biệt truyện, có viết, đọc và khảo chứng qua. Ông so sánh 3 quyển: Biệt truyện, Ðôn Hoàng bổn đàn kinh và Minh tạng bổn đàn kinh, phát hiện có 5 chỗ mà Ðàn kinh trưng dụng sao chép từ trong Biệt truyện. Sau khi khảo chứng, Hồ Thích có viết bài Khảo chứng đàn kinh. Ông nói: Có thể chứng minh quan hệ giữa Tào Khê Ðại sư biệt truyện và bản Minh tạng bổn đàn kinh, tôi đã từng khảo đính qua các bản Ðàn kinh, liệt kê ra một bản, ghi rõ diễn biến của Ðàn kinh. Trong quyển Hướng dẫn đọc Ðàn kinh, trang số 200, Hồ Thích có liệt kê rất nhiều sự tích, thuyết minh Ðàn kinh được rút từ tài liệu Biệt truyện, bản thân của Ðàn kinh chính là khẳng định tính chân thật đối với Biệt truyện.
Sau khi Hồ Thích khẳng định Biệt truyện, không rõ vì nguyên nhân nào ông lại phủ nhận gọi nó là bộ “Ngụy thư”.


Theo Mãn Giác, sau khi khảo xét rất kỹ lương tất cả tài liệu liên quan đến Huệ Năng trong bộ Toàn Đường văn, Yampolsky phải đi đến kết luận rằng tất cả đều là ngụy tạo (op. cit., trang 59).[. .] Theo Yampolsky, chỉ có hai tài liệu đáng tin cậy: thứ nhất là Lăng Già sư tử ký (khai quật ở Đôn Hoàng), và tài liệu này chỉ nhắc đến tên Huệ Năng như là một trong mười học trò của Hoằng Nhẫn, chỉ thế thôi và không có ghi chép sự kiện gì khác; tài liệu thứ hai là bia ký của thi hào Vương Duy vào khoảng năm 740. Còn tất cả những tài liệu khác đều do những thời đại sau ngụy tạo. . .(Mãn Giác).



Theo thiển kiến, Pháp Bảo Đàn Kinh do đời sau ghi chép, nhằm tuyên truyền cho nên có nhiều điều không thật, hoặc truyền thuyết, mơ hồ, và “những điểm chép sai quá lộ liễu” như việc tạc tượng Huệ Năng “ Bản Tông Bảo có điều vô lý là ghi rằng Phương Biên, người tạc tượng, đã gặp Bồ Đề Đạt Ma, đến trước Huệ Năng năm đời Tổ ( Mãn Giác ).
Chúng ta cũng còn phải chờ các tài liệu mới để có đủ kết luận.




II. TƯ TƯỞNG TRONG PHÁP BẢO ĐÀN KINH


Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, chúng ta thấy hai phần rõ rệt. Phần nói về tư tưởng Huệ Năng, và một phần nói về cuộc đời Huệ Năng. Phần tư tưởng có lẽ là của Huệ Năng. Trong phần này, chúng ta nhận thấy có hai phần. Một phần là tư tưởng chung của Phật giáo Bắc phương, và một phần là tư tưởng riêng của Huệ Năng.

1. ĐẠI THỪA
(1). Không tính:
Bài giảng đầu tiên của Huệ Năng lấy ý từ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa:
Chư vị Thiện tri thức! Bồ đề tự tánh bổn lai thanh tịnh giác ngộ, vốn là bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Cần nên dùng cái chân tâm giản đơn thẳng thắn này mà thành Phật, không nên dùng tâm vọng tưởng
Bài kệ của Huệ Năng là bày tỏ không thuyết của Phật nhất là của phái Thiền Tông:
Bồ đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào vướng trần ai?
(2). Bất nhị pháp môn:
–Pháp sư! Ngài diễn giảng kinh Niết Bàn, nếu Ngài có thể thấy Phật tánh, minh tâm kiến tánh, đó chính là pháp bất nhị pháp môn trong Phật pháp. [. . .]. "Thiện căn có hai loại: một là thường, hai là vô thường. Nhưng Phật tánh không có sự phân biệt giữa thường và vô thường, cho nên không đoạn Phật tánh. Gọi đó là bất nhị pháp môn. Lại nữa, ngũ giới, thập thiện là thiện; ngũ nghịch, thập ác là ác, nhưng Phật tánh không có sự phân biệt của thiện ác, đó gọi là bất nhị pháp môn [. . .] "Phiền não tức là Bồ-đề, chẳng phải hai và chẳng phải khác nhau. Lấy trí huệ mà chiếu phá phiền não, là chỗ thấy hiểu của hàng Nhị thừa, là cái căn cơ của xe nai, xe dê. Bực đại trí thượng căn chẳng phải làm như vậy.[. .] .Minh và vô minh, kẻ phàm phu xem đó là hai loại khác nhau, nhưng người có trí huệ thì hiểu rõ tánh của nó không có hai thứ, là tánh vô nhị, đó là Thực tánh." (Bản Tuyên Hóa).

(3). Tôn trọng cư sĩ và tu tại gia.
Rất nhiều kinhđiển đã đề cao vai trò cư sĩ như Duy Ma Cật Kinh. Ở đây, Huệ Năng cũng vậy:
Nếu muốn tu hành, tại gia cũng được, không nhất định phải ở Chùa. Người tại gia có thể tu hành, giống như người Ðông phương có tâm lành. Xuất gia mà không tu hành cũng giống như người Tây phương tâm ác (bản Tuyên Hóa).


2. HUỆ NĂNG


Huệ Năng có kiến giải riêng, rất mạnh mẽ và độc đáo, khác với Lâm Tế.
(1). Chống cực đoan của không thuyết:
Diệu tánh của chúng ta vốn là không, không có một pháp khả đắc, cho nên nói Tự tánh như hư không, chân vọng đều ở trong, ngộ triệt bổn lai thể, một cái thông tất cả đều thông, tự tánh Chân không giống như đạo lý trên đây tôi vừa nói.
Quý vị Thiện tri thức! Không nên nghe tôi nói không, liền chấp vào không. Ðiều quan trọng nhất là không được chấp vào không. Nếu các ông nói tất cả là không, tâm không thân cũng không, thế giới cũng không, như thế ngồi thiền sẽ lạc vào vô ký không. Vô ký không thì giống như người đã chết rồi, cái gì cũng không biết, tuy là người sống nhưng vừa ngồi thiền là giống như chết. Chúng ta tu đạo cần phải biết trong cái Chân không có cái Diệu hữu, không phải cái gì cũng không biết. Cái gì cần biết, cái gì không cần biết, phải sáng suốt nhận định rõ ràng; giống như đạo lý "tâm thanh nước hiện bóng trăng, định tâm định ý bóng mây không còn. (bản Tuyên Hóa).


(2). Chống cực đoan bất lập văn tự:
Nếu các ông không chấp có, mà lại chấp vào không, thì sẽ tăng trưởng vô minh. Người chấp trước vào không sẽ nói như thế này: "Cái gì cũng không cần, không cần học kinh điển, vì tất cả đều là không, không cần dùng văn tự! Văn tự là chấp tướng." Ðã nói không dùng văn tự vậy thì y cũng không nên nói, vì ngữ ngôn là tướng của văn tự, văn tự chính là ngữ ngôn.


(3). Kiến giải minh bạch về tọa thiền:
Tâm bình hà lao trì giới,
Hạnh trực hà dụng tu thiền!
[. . .]. Thiền, không nhất định giới hạn nơi im lặng tịnh tọa, mà là đi đứng nằm ngồi đều là thiền, cho nên nói "đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói im động tĩnh thể an nhiên." Người biết dụng công, không chỉ giới hạn nơi tịnh tọa mới dụng công, mà bất cứ lúc nào, ở đâu cũng đều có thể dụng công [. . ]. "Chư Thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn nầy không có chỗ nào ngăn, không có sự gì cản. Ngoài đối với tất cả các điều lành dữ các cảnh giới, mà tâm chẳng khởi vọng niệm, gọi là tọa. Trong thấy tánh mình chẳng động, gọi là thiền [. . .]. Ðại sư nói: "Ðạo do tâm mà ngộ, đâu phải do ngồi. Kinh nói: ‘Nếu nói Như Lai hoặc nằm hoặc ngồi là hành tà đạo. Bởi cớ sao? Không từ chỗ nào mà lại, cũng không từ chỗ nào mà đi.’ Không sanh không diệt là tánh Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp đều vắng lặng trống không là tánh Như Lai thanh tịnh tọa. Thế là cứu cánh không chứng đắc, hà huống là ngồi!"" (Bản Tuyên Hóa).


(4). Chủ trương đốn ngộ:
Ðốn pháp là gì? Ðốn chính là bảo quý vị phải đoạn. Ðoạn cái gì? Ðoạn lòng dâm dục.[. . .]. Ðốn là lập tức hiểu rõ sáng suốt, hiểu rõ một cái lý. Lý tức đốn ngộ, sự cần tiệm tu, tu hành cần ngày này qua ngày kia tu hành, ngộ chỉ là ngộ cái lý, cho đến chứng quả vẫn là tự mình tu hành[. ..]. Tổ Sư mới gọi đại chúng mà bảo rằng: "Pháp vốn là một tông, còn người thì có Nam và Bắc. Pháp tức là một thứ, còn chỗ thấy thì có mau chậm. Pháp không có mau chậm. Bởi con người có tánh sáng tối, cho nên mới gọi là mau chậm.



III. GHI CHÉP CỦA CÁC ĐỆ TỬ


Phần nói về tiểu sử chính là ngọn bút của các đệ tử đời sau.
1.Về việc Huệ Năng được truyền y bát:
(1). Truyền y bát.
Dường như mục đích chính là tuyên thuyết Huệ Năng được truyền thụ y bát để đánh tan việc dư luận nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Huệ Năng. Tài liệu của hoà thượng Mãn Giác cho thấy ban đầu Huệ Năng không có tiếng tăm gì cả, sau nhờ Thần Hội gióng trống khua chiêng mà được người đời để ý:
Danh tiếng, uy thế của Thần Tú và đệ tử Phổ Tịch lẫy lừng vang dội và được vua Trung Hoa coi như Quốc sư, đang khi ấy ngài Huệ Năng chỉ là một ông đạo sĩ "man rợ" tối tăm ở biên cương, chỉ có được một số môn đệ người Trung Hoa trung thành sùng bái, trong số đó có một người tên là Thần Hội; chính Thần Hội sau này đã khôi phục lại ngôi vị Tổ sư thứ sáu cho Huệ Năng và rao truyền đạo lý Đốn ngộ Bát nhã của Huệ Năng và đẩy lùi tất cả những trường phái Thiền tông khác đi vào bóng tối của lịch sử. Tất cả tư tưởng đạo lý của Thần Hội đều được rút ra trực tiếp từ Huệ Năng.
Huệ Năng lúc đầu không nổi bật là do những lý do sau:
-Không ai biết hoặc ít biết về việc Huệ Năng được truyền y bát.
-Phải rất lâu, sau khi rời Hoàng Mai, Huệ Năng mới xuất đầu lộ diện.
Phải chăng muốn biện minh việc Huệ Năng được “bí truyền” mà các tác giả phải bày ra những chuyện tranh giành, ám toán như sau:
–Ta nghĩ trí huệ và kiến giải của ngươi có chỗ dùng, nhưng lo có người ganh ghét mà khởi tâm hại ngươi, cho nên cố ý không nói chuyện nhiều với ngươi. Ngươi có hiểu nỗi khổ tâm của ta không?
-"Y bát là đầu mối của sự tranh giành, chỉ truyền đến ông là ngừng, đời sau không nên tiếp tục truyền nữa. Nếu truyền y bát này, sợ rằng sinh mệnh ông giống như sợi chỉ mành treo chuông, bất cứ lúc nào cũng có sự nguy hiểm. Ông lập tức rời khỏi chỗ này, vì tôi e có người hại ông."
Đoạn sau đây thì giống như việc tổ sư cầm gậy đập vào đầu Tôn Hành giả:
Ngũ Tổ dùng gậy gõ vào cối ba tiếng, rồi bỏ đi. [. . ]. Huệ Năng hiểu rõ ý của Ngũ Tổ muốn Ngài canh ba đêm nay vào phòng Ngũ Tổ. Gõ vào cối ba tiếng là cách nói không lời.
Nếu nơi tu hành mà tranh giành, chém giết như vậy thì trách sao đảng cướp?

(2). Nói xấu Thần Tú và ca tụng Huệ Năng.
Dù là Huệ Năng cao hơn Thần Tú, Thần Tú cũng đứng sau Huệ Năng, hai ông đều là thiền sư, học một thầy. Cách đề cao mình và mạt sát người là một điều không nên có trong cửa thiền. Việc tự đề cao không ngờ chi làm hoen ố danh dự hai bên:
Giống như đồ đảng của Thần Tú, tâng bốc đưa Thầy mình lên cao, cho rằng Thầy mình sẽ làm Lục Tổ, cho nên dự bị những người đồ đảng tâm phúc ở khắp nơi dò tin tức. Nếu Ngũ Tổ Ðại sư truyền y bát cho ai liền sát hại người ấy.
Tôn giáo nào cũng có những kẻ xấu. Bên Phật có Devadatta, bên Thiên Chúa giáo có Judas . Tác phẩm “ Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết “ của Colleen Mc Cullough đã nói lên tham vọng của một số nhà tu, mà Ái tình, Tiền tài và Quyền lực vẫn là những mục tiêu của họ. Bởi vậy mà ta không ngạc nhiên về việc tôn giáo đã gây ra chiến tranh thế giới mà người ta gọi là cuộc thánh chiến. Cuộc thánh chiến đã qua nhiều thế kỷ, nhưng ngày nay, một số Hồi giáo vẫn phá hoại các di tích Phật giáo



Mục đích chính của các đệ tử của Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh là truyền bá tư tưởng của thầy mình, đồng thời ca tụng thầy mình. Đó là tâm lý chung của người đời, ai cũng quý thầy mình, phe mình và người mình yêu còn người khác là không đáng quan tâm. Hoà thượng Mãn Giác cũng đề cao Huệ Năng mà cho rằng Huệ Năng là tổ sư Thiền chứ không phải Đạt Ma:
“Người đã thực sự sáng tạo ra Thiền tông lại chính là Huệ Năng chứ không phải Bồ Đề Đạt Ma; ngài Bồ Đề Đạt Ma chỉ là được truyền thống Thiền chọn lựa đứng tên danh dự mà thôi để linh động hóa tinh thần tạ ơn đối với Ấn Độ, quê hương tâm linh của Phật giáo nhân loại”.
Những điều viết ra trong Đàn Kinh không biết có đúng sự thực hay không, nhưng dù đúng hay sai, vẫn là phản tác dụng, tôn kính hóa ra bất kính, đề cao hóa ra miệt thị..
Tất nhiên là đệ tử của Huệ Năng tôn kính Pháp Nhẫn. Nhưng trong khi đề cao Huệ Năng kém văn hóa và quê mùa mà có trí tuệ cao, họ viết về lời ngũ tổ trong buổi sơ ngộ Huệ Năng mà những lời lẽ này không thể có ở một nhà chân tu:
Ngươi là người Lĩnh Nam lại là người man di mọi rợ thì làm sao có thể làm Phật được?
Ngũ tổ đã gọi Huệ Năng là “ các lão”. Hoà thượng Tuyên Hóa giải thích:
"Các" là một loại thú nhỏ có mũi rất ngắn, gần giống như loại chó. "Lão" là người man di chưa khai hóa. Các lão là chỉ loại người không rõ đạo lý, chưa được khai hóa, là người thuộc về loài súc sanh.
Chính hoà thượng Mãn Giác rất tôn kính và tự hào về Huệ Năng nhưng không hiểu sao trong lời diễn giảng lại vô tình khinh thị Huệ Năng, coi Huệ Năng là một kẻ “ khôn vặt” , có hành động “ lố bịch” mặc dầu những chữ này được đóng trong ngoặc kép:
Huệ Năng đã hiểu mật ý của Ngũ Tổ và muốn nói với Ngũ Tổ rằng: "Thầy muốn đưa con về Việt Nam là để cứu thoát con để khỏi bị lâm nạn ở đất Tàu, vì con nói tiếng Tàu không rành, là người mọi rợ, lại lên ngôi vị Tổ sư [. . .]. Chỉ có thể hiểu như vậy mới không thấy cái "lố bịch" của Huệ Năng khi tỏ vẻ "khôn vặt" chơi chữ với chữ "độ" trong một giây phút linh thiêng nhất, lúc giã biệt thầy.
Tóm lại, Pháp Bảo Đàn Kinh là một viên ngọc quý nhưng có một vài tỳ vết.




TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Pháp Bảo Đàn Kinh . Thích Duy Lực. Thư viện Hoa Sen
Pháp Bảo Đàn Kinh. Mãn Giác. Thư viện Hoa Sen
Ngài Huệ Năng . Trí Quang. Thư viện Hoa Sen
Pháp Bảo Đàn Kinh .Thanh Từ. Thư viện Hoa Sen
http://www.thuvienhoasen.org/khphapbaodan-07.htm
Pháp Bảo Đàn Kinh .Hoà thượng Tuyên Hóa
http://www.tangthuphathoc.net/gianggiai/kpbdlg-01.htm

Tâm Hiếu. Khảo chứng mới về cuộc đời lục tổ Huệ Nă ng.
(Lược theo báo Cam Lồ, Học viện Cửu Hoa Sơn, Trung Quốc)
http://www.giacngo.vn/chude/vulan2008/2008/08/05/73C413/
Tuệ Nguyễn. Lục tổ Huệ Năng là người Hoa hay người Việt? http://giaodiemonline.com/2008/10/lucto2.htm


1 comment:

  1. Tôi không biết phải giới thiệu như thế nào. Những quyển sách mà các bạn sẽ đọc sau đây là những tác phẩm vô cùng quý cho những người thành tâm tìm đạo. Không phải bằng sự tin tưởng, cầu nguyện, mà bằng sự sáng suốt. Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “ Duy Tuệ Thị Nghiệp ”. Như người đi đêm chỉ cần một ánh đèn là đũ. Nếu những lời hay, sách quý đúng vào mục đích nhất là mục đích cốt tủy của người tầm đạo thì thật là như một ngọn đèn sáng. Trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm “ Chân Lý-Là ” và nhiều quyển sách quý giá khác của dịch giả Vũ Toàn. Vô cùng cảm ơn công sức dịch thuật của dịch giả và sự chia sẻ vô vụ lợi của Ông. Tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” là “ Đối thoại sấm sét, trực chỉ giữa một người ở ngoài Tâm và những người còn quanh quẩn trong Tâm ”. Xin mời các bạn. Nếu các bạn muốn, xin vào trang web chuabenhdongian.com và để lại email tôi sẽ gửi sách đến các bạn

    ReplyDelete