Pages

Tuesday, September 11, 2012

NHÓM SÁNG TẠO

Thảo luận của nhóm Sáng Tạo: Nhân vật trong tiểu thuyết



(Lời BBT): Nhóm Sáng Tạo là cách gọi khác để trỏ những thành viên chủ chốt củaxoay quanh tạp chí Sáng Tạo: Mai Thảo (chủ trương biên tập) và: Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp.
Sáng Tạo, tạp chí văn nghệ hàng tháng, số 1 ra tháng 10 năm 1956 tại Sài Gòn, đến số 31 ra tháng 9 năm 1959 thì bị đình bản. Tháng 7 năm 1960, Sáng Tạo, diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay ra mắt số 1, Mai Thảo chủ nhiệm, ban biên tập có 8 người,  đến số 7 tháng 9 năm 1961 lại đình bản. Tạp chí Sáng Tạo, như vậy, có tổng cộng 38 số gồm cả “bộ cũ” và “bộ mới”.  Ở “bộ cũ” (31 số), trình bày đơn giản; bìa hai màu (màu bìa thay đổi theo mỗi số), 56 trang ruột, bốn trang bìa cứng, đến số 18 thì tăng 80 trang, các giai phẩm (số đặc biệt) thì số trang tăng nhiều hơn thường lệ; các chuyên mục nổi bật: Biên khảo; Sáng tác; Thơ tự do; Vấn đề văn học; Qua các bộ môn văn nghệ... Ở ‘bộ mới” (7 số), số trang tăng lên 112, các chuyên mục của bộ cũ không được giữ, ưu tiên đăng những sáng tác và bàn luận các vấn đề cốt yếu của nghệ thuật đương thời. Bởi thế, các tác giả trẻ xuất hiện nhiều hơn so với bộ cũ vốn vẫn còn khá đông những tác giả “tiền chiến”.
Sáng Tạo có thể coi là tạp chí tiên phong và có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đời sống văn chương nghệ thuật miền Nam giai đoạn 1955 -1960. Trong thời gian hiện diện và truyền đi nhiều cảm hứng sáng tạo nhất, tạp chí này đã qui tụ những cây bút sáng giá lúc bấy giờ và họ, bằng tài năng, nhiệt huyết của mình, đã tạo nên sự chuyển biến sâu sắc trong sinh hoạt tri thức, văn nghệ văn hóa miền Nam vốn đang thăng hoa nhờ những cú hích lịch sử- xã hội đặc biệt (di cư, đệ nhất Cộng Hòa, tiếp xúc văn hóa phương Tây...) Trong và sau Sáng Tạo, thực tế văn học miền Nam vừa có một mạch nguồn canh tân, đổi mới vừa có điểm tựa của tinh thần tự do, dân chủ để đa dạng hóa các giá trị, tiếng nói, gương mặt.
Một điểm nhấn đáng chú ý ở Sáng Tạo “bộ mới” là câu hỏi Thế nào là nghệ thuật hôm nay ? và các đáp án của nó dần được mở ra trong bốn cuộc thảo luận: Nhân vật trong tiểu thuyết (số 1, tr.5-tr.18); Nói chuyện về thơ bây giờ (số 2, tr.1-tr.17); Ngôn ngữ mới trong hội họa (số 3, tr.1-tr.21); Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam (số 4, tr.1-tr.16). Các thảo luận này, về sau, được in thành sách Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng tạo, lời tựa của Nguyễn Sỹ Tế, trong Tủ sách Ý Thức, nxb Sáng Tạo, Saigon 1965. Mỗi cuộc thảo luận, như tên gọi, đều khơi ra/thêm những vấn có tính chất lí luận, dựa vào quan điểm/nhìn nhận của người tham gia, nhằm xác quyết đường hướng “đi tìm một ý thức hệ để dẫn dắt hành động để rồi bằng hành động chúng ta chứng thực cho lý tưởng” (Nguyễn Sỹ Tế). Đích ngắm cuối cùng của các thảo luận đó là hiện thực hóa chúng trong sáng tạo mà một vài thành viên đã triển khai rất đồng thời.
Cuộc thảo luận Nhân vật trong tiểu thuyết có sự tham gia của 8 tác giả trong ban biên tập, văn bản do Mai Thảo ghi. Trong cảm nhận của chúng tôi, những đánh giá/ý kiến ở cuộc thảo luận này có phần ít cực đoan hơn so với ba cuộc thảo luận sau. Ít nhưng không phải là không. Dĩ nhiên, trên đường đi tới vị trí của một nhóm/phái mới, sự cực đoan phủ nhận di sản vừa qua sẽ là chất xúc tác để nảy sinh canh tân, đột phá. Nhận thấy cuộc thảo luận này vẫn truyền đạt được nhiều gợi ý thú vị cho/trong bối cảnh viết/sáng tạo hôm nay, chúng tôi xin đăng lại toàn bộ văn bản và tin rằng đã đến lúc việc phục dựng tiếng nói bị lãng quên là nghĩa vụ của người thức nhận thấu đáo.
(M.A.T)
Nhân vật trong tiểu thuyết
(Thảo luận giữa Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thuỳ Yên, Thái Tuấn)
Trần Thanh Hiệp: Tôi đặt vấn đề “nhân vật trong tiểu thuyết” trong một vấn đề khác rộng lớn hơn: Vấn đề “giá trị của nghệ thuật”. Nếu có nhiều quan niệm về giá trị của nghệ thuật để phải chọn lựa thời tôi sẽ lựa chọn quan niệm theo đó “nghệ thuật là tất cả sự nghiệp của con người để biểu hiện sự lớn lao của mình”. Sự lớn lao không nhất thiết tuỳ thuộc ở sự thành công rực rỡ trong cõi đời mà còn có thể là sự đau khổ bi thảm đưa đến cõi chết. Nhờ có nghệ thuật, con người trường tồn được sự hiện diện của mình mặc dù chính nó luôn luôn bị huỷ hoại.
Trong số các bộ môn của nghệ thuật, tiểu thuyết có lẽ là một bộ môn có nhiều điều kiện hơn hết để giúp nghệ thuật đạt được giá trị mà tôi kể trên. Bởi vì tiểu thuyết có thể đưa tới cho con người những kích thước vô hạn: của sự sống, của cái chết, của phi thời gian. Mà trong tiểu thuyết vấn đề quan trọng – theo tôi – phải là vấn đề nhân vật. Người ta sẽ tìm thấy bộ mặt đầy đủ của con người trong các nhân vật của tiểu thuyết. Người ta sẽ tìm thấy vị trí của con người, tương quan của con người với tất cả xung quanh, qua các nhân vật của tiểu thuyết. Nếu trong tiểu thuyết, ngoài nhân vật còn có gì khác nữa, thời nhân vật cũng vừa là cơ thể vừa là linh hồn. Tiểu thuyết của chúng ta – tôi nói rõ hơn của những người viết tiểu thuyết Việt Nam ngày trước và bây giờ - có mang lại cho chúng ta ít nhất một cảm tưởng rằng các tiểu thuyết ấy đã tự định nghĩa được, đã tự bênh vực được không? Câu trả lời có thể thay đổi tuỳ theo từng người. Tuy nhiên có một điểm không thể chối cãi được là chúng ta hiện nay bất mãn về các tiểu thuyết của chúng ta. Trong khi đó chúng ta vẫn không ngừng tìm kiếm, đòi hỏi một đời sống lớn lao cho con người của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta đã thất bại ở mọi nơi khác, tôi tưởng chúng ta có thể và phải thành công ở nghệ thuật, hay hẹp hơn một chút, ở tiểu thuyết. Ở tôi, vấn đề nhân vật được đặt ra trong cái “ám ảnh” khởi đầu đó.
Bây giờ nếu cần đào sâu hơn tôi nghĩ chúng ta có thể đề cập tới một vài chi tiết căn bản của vấn đề nhân vật: Chúng ta xây dựng nhân vật bằng một hay nhiều kỹ thuật nào? Trong một hay nhiều ý thức nào? Sở dĩ tôi phải nhắc tới vấn đề kỹ thuật là vì vấn đề này cũng có phần quyết định của nó và nhiều khi sự thất bại của tiểu thuyết trước hết là một sự thất bại về kỹ thuật. Phải làm thế nào cho có thể thành một nhân vật mà lại là một nhân vật tiểu thuyết? Chỗ đứng của tác giả trong nhân vật phải quy định ra sao? Nhân vật là tác giả phóng lớn, là tác giả thu hẹp hay là tác giả nguyên vẹn, hay là tác giả phân hoá?
Nhưng phần kỹ thuật dù sao cũng chỉ là những công việc được gọi là “công việc vật chất”. Quan hệ là việc đem lại sự sống cho nhân vật: Ngay ở cuộc đời này, hay ở nơi nào khác nhân vật có những vấn đề gì để giải quyết? Và họ đã giải quyết ra sao v.v. Như thế chúng ta cũng nên ghi nhận sự tiến triển của sự xây dựng các nhân vật trong tiểu thuyết đến ngày hôm nay một cách tổng quát. Để chúng ta quy định thế nào là “cái mới” của những người viết tiểu thuyết mới. Theo tôi nhân vật trong tiểu thuyết mới rất nhũn nhặn, họ đã từ bỏ nhiều tham vọng siêu hình, thuyết lý để đứng lại giữa cuộc đời bình thường, ngay thẳng và mãnh liệt theo đuổi sự sống.

Thanh Tâm Tuyền: Tôi thấy là một điều khó khăn nếu phải quy định thế nào là nhân vật. Điều chúng ta nhận thấy trong một số tiểu thuyết mới là tác giả chú trọng tạo cái không khí cho toàn thể tác phẩm. Không khí là chính. Nhân vật là phụ. Nhân vật giống nhau, nhiều khi chỉ còn là những tên gọi Justine [1] chẳng hạn. Nhân vật chính là một thành phố.
Duy Thanh: Khi viết tôi không hề nghĩ đến nhân vật. Khởi từ một hình ảnh một ý tưởng nào đó, viết dần dần rồi nhân vật hiện ra theo.
Tô Thuỳ Yên: Tôi cũng có đọc Justine. Nhưng đó là đường lối riêng của Durrell. Trong văn nghệ thì nhiều đường lối lắm, vì thế không thể coi là một khuôn thước bắt buộc một nhà văn để được tiếng cấp tiến phải sử dụng đến. Gây không khí cho tiểu thuyết là một điều kiện cần thiết nhưng chưa là đầy đủ. Tiểu thuyết cổ điển cũng mang trong nó một không khí cá biệt. Không khí chỉ là môi trường cho nhân vật cử động thôi. Thành thử nhân vật vẫn phải là trọng tâm của tiểu thuyết gia.
Thanh Tâm Tuyền: Đó là đường lối chung của các tiểu thuyết gia hiện thời.
Tô Thuỳ Yên: Tôi cứ tạm nghĩ khác vậy.
Thái Tuấn: Tôi không có một ý niệm rõ rệt lắm về nhân vật tiểu thuyết. Nhưng khi vẽ, qua hoạ phẩm, tôi thấy trước kia đề tài chính cho hội hoạ là người. Bây giờ đề tài người không cần thiết, mà hội hoạ cũng không cần đề tài. Sự khác biệt của mỗi hoạ phẩm nằm trong những yếu tố khác. Người trong hoạ phẩm có thể giống nhau và điều đó không đáng kể.
Thanh Tâm Tuyền: Đặt vấn đề một cách cụ thể hơn, chúng ta có thể phân tích được rằng quan niệm về nhân vật thời xưa dựa vào tâm lý cổ điển. Trong tâm lý nhân vật có những thành phần riêng biệt và chia rẽ. Như đời sống tâm lý nhân vật cổ điển được chia làm ba phần: thông minh, cảm xúc và ý chí. Mỗi nhân vật được quy định cá tính về một trong những khuynh hướng căn bản kể trên. Bây giờ, con người là một đồng nhất. Trong mỗi hành động đều gồm cả một đời sống tâm linh. Phải kể ở đây tâm lý học của Freud chú trọng khai triển con người ở bí mật tiềm thức hiện lên.
Tô Thuỳ Yên: Sự phân chia của đời sống thành ba phần này chỉ là phân chia trong sách giáo khoa. Những nhà văn, kể cả cổ điển không phân chia như vậy khi cầm bút. Theo ý tôi, đề tài vẫn là đề tài không thay đổi, những vấn đề muôn thuở như tình yêu, cái chết, sự đơn độc, Thượng đế v.v. Mỗi tiểu thuyết gia là một dòng thám hiểm và cũng không mang lại một trả lời nào. Những khám phá về tâm lý của Freud và những người như ông không đặt ra một vấn đề nào mới. Chúng ta chỉ có thể coi những khám phá ấy là những phương tiện đưa tiểu thuyết gia lặn sâu thêm xuống tâm linh con người.
Tôi xin nói thêm: thoạt nhìn vào tiểu thuyết hiện thời, người ta dễ có cảm tưởng lầm lẫn rằng tiềm thức là một vấn đề mới mẻ của con người. Sự thực, đó chỉ là một vấn đề của khoa học tâm lý mà thôi, xin nhấn mạnh như vậy. Galilée chưa thốt ra câu bất hủ: E pur si muove, người ta chưa biết đến thì trái đất cũng quay tròn như hồi nào rồi. Phần tiềm thức vẫn có sẵn trong tâm hồn người trước Freud (hay trước Dostoievsky?) và tất cả công nghiệp của Freud là đã chỉ điểm cho chúng ta miền còn hoang dã, nơi những vấn đề muôn thuở của con người ẩn núp, trốn tránh và chỉ nơi ấy thôi người ta mới tìm bắt được chúng nguyên hình, mặt thật không hoá trang, không biến dạng. Tiểu thuyết gia ngày nay đi sâu mãi vào mảnh đất hoang dã ấy, lìa bỏ mực lưng chừng nông cạn của tâm linh, lìa bỏ những lieux communs [2] thành thử người đọc vội vàng có thể lầm tưởng được rằng hiện có những vấn đề mới được đặt ra. Nhìn kỹ thì những con người ở mọi thời đại, mọi hoàn cảnh vẫn đồng tính với nhau, vẫn mang bên trong nỗi thắc mắc không nguôi, sự tìm hiểu không ngừng về những ẩn số nhất định không bao giờ có giải đáp vĩnh cửu. Nói như vậy, tôi không phủ nhận những tác giả đi trước đã chẳng tìm được những giải pháp nào đáng kể. Nhưng giải đáp của một tác giả bao giờ cũng chỉ có một giá trị nhất thời thôi. Giải đáp ấy gắn chặt với một xã hội nhất định (có khi không hẳn là một xã hội đương thời với tác giả và giá trị của nó mất đi theo xã hội ấy). Có lẽ nhờ vậy mà chúng ta, những người đến sau vẫn còn có cái gì để diễn tả, trình bày về những điều đã quá cũ…, một bí ẩn dù đã ngàn đời nhưng chưa được phô bày, lột trần vẫn còn là mới mẻ.
Trần Thanh Hiệp: Quan niệm của Thanh Tâm Tuyền có thể được xác định trong những tiểu thuyết dài. Tiếc rằng chúng ta còn ít tiểu thuyết dài. Nhân vật đã có, phần lớn là nhân vật truyện ngắn. Từ tiểu thuyết dài đến truyện ngắn có thể có chung một quan niệm về xây dựng nhân vật được không?
Thanh Tâm Tuyền: Đó chính là chỗ yếu của chúng ta và cũng là cũng là khó khăn chính khi bàn đến vấn đề nhân vật. Qua những truyện ngắn, nhân vật mình dựng lên còn mờ nhạt, ấu trĩ. Nhưng có một điểm đáng ghi nhận là nếu chúng ta có giúp cho người đọc về phương diện nhân vật thì cũng chỉ là giúp cho họ nhận định được sự khác biệt giữa nhân vật bây giờ với nhân vật ngày trước trong tiểu thuyết nói chung. Có thể phân chia thành hai dòng: Một, cổ điển, đàn bà là nhân vật chính. Hai, mới, nhân vật chính là đàn ông.

Trần Thanh Hiệp: (cười) Vì thế đàn ông ca ngợi đàn ông? Đàn bà bị truất phế như trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền?
Thanh Tâm Tuyền: Đúng. Xin khai triển thêm cho rõ ý. Tiểu thuyết cũ cũng từng có đàn ông là nhân vật chính: 1) Trong những truyện phiêu lưu, nhân vật đơn độc và hoàn toàn do tưởng tượng; 2) Trong thế giới gồm có một đàn ông và một đàn bà, mà đàn ông chỉ là hàm số của đàn bà; Tiểu thuyết bây giờ, người đàn ông sống trong thế giới mình, đàn bà có mặt trong thế giới đó và chịu những quy luật của thế giới đó.

Tô Thuỳ Yên: Như thế có vẻ cực đoan. Đàn ông hay đàn bà không nhất định. Vấn đề thuộc đàn bà thì phải chiếu qua nhận xét, cảm giác đàn bà. Tiểu thuyết ngày nay, đúng như nhận xét của Thanh Tâm Tuyền, hình như không quan tâm mấy đến đàn bà nữa, thành thử đã mất đi một số độc giả đàn bà, một số quan trọng. Không biết đó là khuyết điểm của tiểu thuyết mới hay của tâm hồn đàn bà nữa.
Trần Thanh Hiệp: Điều tôi thắc mắc không do nơi nhân vật là đàn ông hay đàn bà, mà là vấn đề chủ quan hay khách quan của tác giả. Thí dụ: diễn tả đời sống một người khác không phải chính mình, ta nên diễn tả theo chủ quan ta hay căn cứ vào những yếu tố khách quan?
Duy Thanh: Nếu không gần đời sống xích lô, khó mà “nằm” được trong người xích lô, để nói được những sự thực về hắn. Cho khỏi hời hợt, giả tạo, tôi thấy tiện hơn là đặt vấn đề lựa chọn nhân vật, lựa chọn đề tài. Tôi sẽ chỉ viết về những nhân vật gần gụi, quen biết trong giới thanh niên chẳng hạn.
Thanh Tâm Tuyền: Đặt câu hỏi rõ hơn, nhân vật có phải là tác giả không? Có hai cách kiếm tài liệu, một, ở ngoài đời, hai, ở chính mình. Trong nhân vật có thể có những mảnh của tác giả nhưng không bao giờ là tác giả hết. Như cuốn Bếp lửa của tôi, khi viết ở bản thảo, tôi có đề một câu trên đầu của Rimbaud, sau lại xoá đi vì thấy không cần thiết: je est un autre [3]. Mặc dầu trong ấy tôi cho nhân vật mượn cả tên tục tôi và nhiều hoàn cảnh tôi đã sống.
Tô Thuỳ Yên: Việc xưng tôi trong một tác phẩm chỉ là một cách đo lường những nhân vật khác, en fonction du moi, của chính nhân vật kể truyện mà không cần cho người đọc biết đến những sự đo lường về mình ở các tác giả khác.
Thái Tuấn: Trong hội hoạ, những chân dung của Modigliani chẳng hạn. Người ta không cần biết rõ người ngồi mẫu là ai, mà chỉ nói: ”Đó là một Modi.”
Doãn Quốc Sỹ: Chúng ta vừa nói đến cái chính trong tiểu thuyết mới là không khí. Nhưng không khí theo tôi cũng do những sự kiện được mô tả đúng, thực, và sinh động tạo thành. Phim Au risque de se perdre [4] là một bằng chứng: Chính cái thực của đời sống ở trại hủi, nhà thương điên, tu viện đã tạo nên cái không khí cho cuốn phim và tiểu thuyết.
Duy Thanh: Nhưng tiểu thuyết còn có một sắc thái này: là những nhân vật hoàn toàn do tưởng tượng tạo nên mà vẫn hết sức hợp lý. Hợp lý ở riêng câu chuyện mà tác giả viết. Mặc dầu có thể đấy là một câu chuyện vô lý hoàn toàn. Điểm quan yếu của sự thành công ở một nhà văn là do chỗ ấy. Cái sự thật của tiểu thuyết.

Thanh Tâm Tuyền: Cố nhiên. Một tác phẩm bao giờ cũng bắt nguồn từ trong đời sống để tách rời khỏi đời sống và đứng độc lập. Les racines du ciel [5] cho ta một bằng chứng về nhân vật phi lý ngoài đời, rất có lý trong tiểu thuyết. Tính chất hữu lý ấy có cả trong loại truyện cổ tích và thần thoại lẫn tiểu thuyết bây giờ. Qua bao nhiêu biến thái, tiểu thuyết xưa và nay vẫn có một vài nét chung, mà sự phi lý của nhân vật và ngoài đời hợp lý với nội dung tiểu thuyết là một. Michel Butor đã định nghĩa tiểu thuyết như một chuyện kể không cần phải có những dẫn chứng ngoài đời.
Trần Thanh Hiệp: Như vậy thế giới tiểu thuyết có còn giống với thế giới ngoài đời không?

Thái Tuấn: Có chứ. Giống ở cái phần tinh tuý (essence).
Thanh Tâm Tuyền: Tiểu thuyết là hình bóng cuộc đời. Và hình bóng còn thực hơn cả cuộc đời. Nhân vật tiểu thuyết còn thực hơn cả nhân vật ngoài đời. Cố nhiên là nhân vật phải thành hình và có một đời sống hẳn hoi của nhân vật.
Thái Tuấn: Một điểm nữa mà tôi nhận thấy ở các nhân vật tiểu thuyết của một tác giả là tác giả có dựng bao nhiêu nhân vật khác biệt nhau, những nhân vật đó vẫn có phảng phất một điểm đồng nhất nào đó. Khi vẽ tôi cũng cảm thấy như vậy.
Thanh Tâm Tuyền: Điểm đúng nhất mà anh Thái Tuấn nhận thấy ở các nhân vật dù khác biệt nhau ấy, có. Đó chính là nỗi ám ảnh của mỗi tác giả. Tác giả bao giờ cũng mang một ám ảnh trong tâm hồn, nó phảng phất ở tất cả các nhân vật tác giả đó tạo ra. Ở truyện Doãn Quốc Sỹ, chúng ta thấy hầu hết nhân vật của anh đều mang cái ám ảnh muốn sống thoải mái bên trên bụi bặm cuộc đời hàng ngày. Những tác giả lớn bao giờ cũng có một ám ảnh chính, duy nhất và chẳng bao giờ từ bỏ được ám ảnh ấy. Nhân vật của Malraux, của Dostoievsky đều biểu hiện nỗi ám ảnh duy nhất của Malraux, của Dostoievsky. Mối ám ảnh đó, cần nhận rõ, chỉ có trong tác phẩm, và chính tác giả nhiều khi cũng không hay nữa. Nhà phê bình phải khám phá thấy ám ảnh đó trong phê bình nhân vật tiểu thuyết.
Doãn Quốc Sỹ: Tôi cũng đồng ý thế. Nhân vật và nỗi ám ảnh của tác giả có như những sự vật bị hút vào một lòng trái đất. Có thể tác giả dựng một cách khách quan nhiều nhân vật với những nết hay tật xấu khác nhau nhưng sự hiện diện của toàn thể các nhân vật đó đủ chứng minh một cái gì. Cái gì đó chính là nỗi ám ảnh của tác giả.
Trần Thanh Hiệp: Điểm khác biệt tôi thấy giữa tiểu thuyết xưa kia và bây giờ là tiểu thuyết xưa kia chú trọng đến xếp đặt những trường hợp đặc biệt, trái với bây giờ, những sự bình thường được nói đến. Diễn tả bây giờ thì táo bạo, người ta đi thẳng vào sự thực không e dè gì hết.
Thái Tuấn: Tôi thấy trước kia tiểu thuyết thường được cấu tạo trên những luân lý, tiêu chuẩn sẵn có của đời sống. Bây giờ có khuynh hướng, tác phẩm tự tạo một luân lý riêng – các nhân vật được giải phóng và luân lý là luân lý của tiểu thuyết.
Thanh Tâm Tuyền: Phân biệt một tiểu thuyết cổ điển với tiểu thuyết mới, người ta thường gán cho tiểu thuyết mới một tính chất phi lý, các nhân vật bây giờ là phi lý. Sự thật, tiểu thuyết xưa mới phi lý, vì nhân vật tiểu thuyết xưa thường sống trong một đam mê nào đó (passion). Mà đam mê là dẫn đến phi lý. Nhân vật tiểu thuyết bây giờ sáng suốt quá, ý thức quá, không còn đam mê. Người đọc gán cho chúng là phi lý vì sợ sự sáng suốt đó. Điều nữa, cái mà người ta sợ ở tiểu thuyết bây giờ là các nhân vật chính đều là đàn ông. Tác giả nhập vào ý thức nhân vật và sống trong đó. Nhân vật thì cô đơn, khắc khoải giữa cuộc đời chưa thành hình. Nhân vật dần dần chỉ còn là hình bóng, hình bóng chỉ là tiếng nói. Thí dụ: La Chute [6] của Camus.
Trần Thanh Hiệp: Tôi nghĩ không biết có nên tìm kiếm, lựa chọn nhân vật trong một giai cấp nào không? Vì trong một xã hội phân hoá có những tầng lớp đời sống đã mất hết tính chất nghệ thuật.
Tô Thuỳ Yên: Nhận xét về giai cấp như thế là đúng. Nhưng không thể áp dụng cho nghệ thuật được. Không thể chỉ dựng nhân vật của giai cấp này, bỏ giai cấp nọ. Nhưng muốn tìm những mảnh đất trù phú nhất thì thường là ở những giai cấp đang tan rã hoặc đang thành hình. Ở những nơi này có xao xuyến lung lay, những vấn đề vĩnh cửu về đời sống mới có dịp lộ ra dưới hình thức thô bạo thuần tuý. Ở những nơi ấy mới có nhiều tính chất văn nghệ.
Thanh Tâm Tuyền: Cái kém của ta là chỉ diễn tả nổi những nhân vật trong những giới thân quen với mình. Tác giả lớn chụp được ý nghĩa và hình ảnh đời sống khắp nơi để có thể tạo ra những nhân vật thuộc mọi giới, mọi tầng lớp. Malraux tìm ý nghĩa của cái chết, của hành động chỉ ở những con người cách mạng. Có những tác giả tìm được ý nghĩa trên ở những con người khác con người cách mạng. Phải tới được như vậy.

Trần Thanh Hiệp: Những nhân vật trong tiểu thuyết trước của ta có để lại những tính chất gì đáng kể không?

Thanh Tâm Tuyền: Tuy mới cách đây mấy chục năm mà theo ý tôi đã là hai thế giới. Nhân vật ngày trước không để lại tính chất gì tìm thấy ở nhân vật bây giờ. Đã có một cuộc đổi đời. Và cuộc đổi đời đã có với nhân vật tiểu thuyết.
Thái Tuấn: Trừ vài ngoại lệ. Trường hợp nhân vật của Nguyễn Tuân chẳng hạn. Chúng vẫn gần lắm với nhân vật bây giờ. "Thiếu quê hương", "Chiếc lư đồng mắt cua” rất gần bây giờ cho nên khác hẳn với những nhân vật tiểu thuyết cùng thời với Tuân (nhân vật của Nhất Linh, Khái Hưng).
Thanh Tâm Tuyền: Không đúng. Nhân vật của Nguyễn Tuân đối với tôi có một thái độ cổ điển, tôi gọi là thái độ thế kỷ thứ 19. Nhân vật của Tuân không có gì đáng nhắc tới hôm nay nữa. Thái độ đó là “Sống và chết trước một tấm gương”, thái độ dandy [7] của Baudelaire, gương đây là người khác. Những nhân vật kênh kiệu làm dáng ấy đã chết với loại tiểu thuyết đẻ ra chúng.
Trần Thanh Hiệp: Trở lại nhân vật bây giờ. Theo tôi, ở vào thời đại này, chúng phải được ghi nhận qua những vết tích chiến tranh. Nhân vật của chúng ta dù sao cũng nên là nhân chứng của thời đại. Và nhắc đến thời đại chúng ta không thể quên “chiến tranh”. Chiến tranh can thiệp vào đời sống con người như một quyết định, có tính cách số mệnh. Phải trình bày nhân vật với những vấn đề do chiến tranh mà có. Với ảnh hưởng của chiến tranh đối với nhân vật. Phải làm thế nào phản ánh được ý nghĩa chiến tranh trong đời sống nhân vật.

Thanh Tâm Tuyền: Tuy vậy cần nhận định rõ, chiến tranh chỉ đẩy những vấn đề trở nên khốc liệt hơn, gấp rút hơn. Chỉ nên coi chiến tranh như một sự kéo dài của cuộc đời. Có chiến tranh hay không, vấn đề vẫn có, chỉ mãnh liệt hơn lúc bình thường. Nhiều tác giả trẻ Âu Tây lầm vì coi chiến tranh như một miếng mồi ngon cho việc tìm kiếm đề tài tác phẩm. Phải hiểu chiến tranh như một sự bùng nổ toàn diện của tất cả các vấn đề.

Trần Thanh Hiệp: Nhưng còn có những trường hợp đời sống con người bị đảo lộn hẳn vì chiến tranh can thiệp đến. Chẳng hạn trường hợp hai người yêu nhau, kẻ bị giết, người bị hiếp, vậy chiến tranh có quyết định, có tính chất chi phối chứ.
Thanh Tâm Tuyền: Tuỳ quan niệm từng tác giả khi nhìn vào những thảm kịch ấy. Truyện ấy một tác giả có thể kể lại như một tin chó chết. Một tác giả khác có thể khai thác để dựng một mối ám ảnh vì tình yêu, về ý nghĩa sống còn.
Trần Thanh Hiệp: Nhân vật tuỳ trường hợp hoàn cảnh, ưng chịu, xây dựng, cải tạo, chống đối, phản kháng. Nhân vật tiểu thuyết ta bây giờ có thái độ phản kháng, chán chường nhưng thiếu tích cực, không rõ rệt tuy đã có mầm mống cho việc tạo thành những nhân vật mới. Cái khó của chúng ta là định một thái độ cho nhân vật của chúng ta.
Thanh Tâm Tuyền: Định trước thì không biết thế nào mà định. Nhưng đã có, tạm mở một dấu ngoặc cho riêng chúng ta tôi thấy thái độ nhân vật của Duy Thanh là thái độ trở về nguyên thuỷ. Chúng mang cái mãnh liệt vũ bão trở về đời sống để chống lại nó. Nhân vật Doãn Quốc Sỹ có một thái độ sống ôn hoà, vượt lên trên tất cả những phức tạp cuộc đời. Nhân vật của Mai Thảo trẻ và vui được với những ám ảnh của mình. Thái độ vui đó không biết tác giả có thật không, nhưng trong truyện thì có.
Trần Thanh Hiệp: Nhân vật của Thanh Tâm Tuyền đem cái trong trắng để thử thách với cái nhơ bẩn và làm nổi bật những cái trong trắng ấy. Ở Nguyễn Sỹ Tế, nhân vật muốn tới một thứ “maturité”, trầm, không xáo động.

Thanh Tâm Tuyền: Tôi thấy nhân vật của anh Tế có một điểm ló lên nhưng chưa rõ, nó rất cần cho tiểu thuyết mới. Chúng có những nét trào lộng thông minh, một thái độ gắn bó với cuộc đời một cách tha thiết và khoan dung. Nhận xét chung thì nhân vật của anh Tế còn phôi thai, chưa thành hình người vì tác giả viết còn ít quá.

Tô Thuỳ Yên: Nhân vật của Thanh Tâm Tuyền là niềm bí ẩn trong một tri thức sáng suốt về mình, là sự cao quý của một thân phận hèn mọn lấm bẩn. Nhân vật của Mai Thảo như người vừa bị cơn ốm ngặt nghèo quay trở lại cuộc đời với cờ xí được vá và nhuộm lại của tin vui và đạo đức (tôi không hài lòng về danh từ này lắm).

Thanh Tâm Tuyền: Phải công nhận nhà văn ta sống chật hẹp ít ỏi và khép kín quá cho nên các nhân vật tạo ra chỉ có hình bóng.
Thái Tuấn: Truyện ngắn của ta nhân vật bị tước bỏ hết mọi chi tiết. Cả đến những hành động cũng vậy. Nặng về phần suy diễn tâm linh cho nên chuyện có cái không khí của những giấc mơ.
 Thanh Tâm Tuyền: Nhân vật ta nhập nội nhiều hơn hướng ngoại.

Nguyễn Sỹ Tế: Nếu nói về nhân vật, có thể xếp loại hai tiểu thuyết: 1) nghiên cứu tâm tính, loại này tất nhiên phải có nhân vật; nhân vật là yếu tố xây dựng chính. 2) loại tiểu thuyết giãi bày ý kiến; nhân vật chỉ là phương tiện như những phương tiện khác. Ở loại một, trí tưởng tượng con người chỉ có giới hạn. Các nhân vật mà tác giả yêu thương giận ghét chỉ là những hình dáng – có thể hơi lạ thường một chút – của tác giả. Tác giả là nhân vật duy nhất. Nếu nói về những khuynh hướng cũ và mới thì xưa kia chuộng những tâm lý nông cạn thông thường. Mới, nhân vật ưa đi vào những chiều sâu của tâm lý. Tâm lý của người xưa có tính cách stylisé (kiểu mẫu hoá). Bây giờ có tính cách sống động (vécu).
Thanh Tâm Tuyền: Nhưng tính cách sống động này lại có thể bị kiểu mẫu hoá bởi những tác giả theo đuổi vô ý thức.

Nguyễn Sỹ Tế: Đặt vấn đề nhân vật tiểu thuyết thực ra cũng rất khiên cưỡng. Mà cũng không nên phân loại văn học. Nếu cần phải giữ danh từ thì đành giữ lại một danh từ tiểu thuyết để chỉ chung cho các loại. Người phê bình tiểu thuyết đã là viết một cuốn tiểu thuyết thứ hai. Bởi như tôi đã nói, tiểu thuyết chỉ có một nhân vật: tác giả. Vậy tôi xướng lên chủ nghĩa totalibertisme [8].
Tô Thuỳ Yên: Định nghĩa tiểu thuyết là một việc không làm được. Có những danh từ không thể định nghĩa dứt khoát. Thí dụ danh từ trí thức. Nhưng khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết người ta vẫn có thể biết dễ dàng đó có phải là một cuốn tiểu thuyết hay không? Một tác phẩm hoàn thành xong chỉ có một nửa linh hồn của nó. Một nửa linh hồn nữa là của người đọc. Người phê bình khi phê bình đã mang một nửa linh hồn mình vào đó, nhìn tiểu thuyết ấy qua lăng kính của tâm hồn mình, nhưng không thể gọi bài phê bình ấy là một cuốn tiểu thuyết thứ hai.
Doãn Quốc Sỹ: Về câu anh Thái Tuấn nói là truyện của mình ít chi tiết, tôi đồng ý và cho rằng đấy là một nét truyền thống của quan niệm nghệ thuật thuỷ mặc Đông phương. Chúng ta chỉ ghi những nét chấm phá tổng quát. Đông Chu Liệt Quốc được viết hàng ngàn trang cũng chỉ là gồm hàng ngàn sự kiện lịch sử với những nhân vật, những động tác ghi một cách chấm phá tổng quát. Chứ không như Dostoievsky chẳng hạn, tả cặn kẽ nhân vật ngồi như thế nào, đứng như thế nào, bàn ghế đồ đạc xung quanh ra sao, yết hầu cùng các thớ thịt mặt chuyển động ra sao khi nói, khi cảm động. Ngày nay chúng ta chịu ảnh hưởng Tây phương và đã có khuynh hướng nhận xét chi tiết nhưng so với những chi tiết kỹ lưỡng của Tây phương thì chúng ta quả là còn “thuỷ mặc” lắm. Vả lại, tôi thiết nghĩ, chúng ta chỉ nên dung hoà: đừng quá sơ sài thuỷ mặc, còn ghi quá tỉ mỉ chi tiết nhiều khi cũng là thừa.
Tô Thuỳ Yên: Tôi ao ước viết được một cuốn tiểu thuyết mà trong đó các nhân vật “vivent philosophiquement mais ne philosophent pas”[9]. Tôi quan niệm chi tiết chỉ có giá trị khi nào chúng là apports [9] của những nhân vật trong đó. Chi tiết soi sáng nhân vật, thiếu nhiệm vụ ấy chi tiết trở nên rườm rà, che khuất nhân vật, làm mệt người đọc vô ích. Bởi vậy tôi không chịu được Balzac, Zola dù rằng ở hai tác giả này chi tiết mới là rườm rà vô dụng chứ chưa che khuất nổi những nhân vật đồ sộ của họ.
Thanh Tâm Tuyền: Điểm đó cũng là thành công của một vài tiểu thuyết gia lớn của Mỹ như Faulkner, Passos. Sự thất bại của tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đối với người đọc hiểu biết ngày nay là có những đoạn tả cảnh rất đẹp, nhưng thừa. Bằng chứng cụ thể là đọc tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn có thể nhẩy những đoạn thừa đó mà vẫn biết rõ cốt chuyện.
Doãn Quốc Sỹ: Tôi muốn những chi tiết trong một tiểu thuyết được rườm rà như một dòng sông tràn bờ nhưng tất cả vẫn bị hút về phía biển.
Thanh Tâm Tuyền: Trở về nhân vật. Tôi phát biểu một ý kiến hơi chủ quan là từ xưa tới nay người ta thường tìm ở ngoài đời để dựng nhân vật. Tôi nghĩ nhiều khi nên dựng xong nhân vật rồi hãy tìm ở ngoài đời để kiểm chứng, và như thế người viết tiểu thuyết mới đầy đủ ý nghĩa là một ông trời con. Ý kiến trên tưởng chỉ là nói đùa nhưng tôi đã tìm thấy ý nghĩa của nó. Cái ý nghĩa chính là ảnh hưởng của tiểu thuyết trong đời sống. Sẽ có những người ngoài đời bắt chước sống theo những nhân vật trong tiểu thuyết, và giá trị một tiểu thuyết chính ở chỗ nó tạo được một lối sống cho đời. Lối sống ấy càng bền bao nhiêu, tiểu thuyết càng sống lâu bấy nhiêu, và nhân vật hiện hình ở rất nhiều người ngoài đời.
Tô Thuỳ Yên: Đó cũng là ý kiến của Wilde: La nature imite l’art [10]. Nhưng trước khi những người ngoài đời bắt chước lối sống của nhân vật tiểu thuyết, nhân vật tiểu thuyết đã bắt chước lối sống ngoài đời. Cuộc đời vẫn mang đến cho tác giả những nguyên liệu xây dựng tác phẩm. Đó là điều không thể nào chối nhận được.

Nguyễn Sỹ Tế: Có một kinh nghiệm rất lớn cho người viết tiểu thuyết mặc dầu vấn đề có vẻ giáo khoa: Đó là sự nối kết giữa nhân vật với tác giả, với thời đại. Một hôm Vũ Khắc Khoan hỏi tôi tại sao những tiểu thuyết trước 1940, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn bây giờ đọc không hứng thú nữa? Chính là ở trường cửu tính và nhất thời tính của tiểu thuyết. Tác phẩm muốn trường tồn phải có hai điều kiện: 1) Đạt tới tinh lọc của nghệ thuật; 2) Đạt tới đáy siêu hình của con người; Muốn có trường cửu tính phải xây dựng bằng nhất thời tính. Những tác phẩm tiền chiến không sống sót nữa vì: 1) Tác giả bất tài; 2) Tưởng tượng là đã sống với thời đại mà không sống gì cả; Cũng có khi nhất thời tính bị lấn át. Tôi đã làm một thứ điều tra. Tố Tâm, Tuyết Hồng lệ sử khi mới ra đời đã làm lãng quên đến cả Kiều của Nguyễn Du. Nhưng về sau lại chìm đi vì giá trị Tố Tâm Tuyết Hồng lệ sử thua hẳn Kiều ở hai điều kiện trên. Thí dụ về sự đạt tới đáy siêu hình con người: ta không sống ở Nga và thời đại Nguyễn Du mà những tác phẩm của Dostoievsky và Kiều vẫn khuấy động đến phần sâu thẳm trong ta. Chính vì những tác giả đó đã sống đến sống chết với thời đại mình. Tác giả tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn chưa sống với thời đại. Chứng cớ: Những thảm kịch trưng ra trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn chỉ là một phần rất nhỏ của tấn thảm kịch xã hội thời đó. Đứng ngoài ngó vào, nghe đồn, không sống hẳn nên những thảm kịch nêu ra đều hết sức phiến diện. Nhân vật thì chưa đau đớn hết thân phận chúng. Sống với thời đại là phải chia sẻ trong từng thời khắc mọi sức nặng của tất cả các vấn đề chồng chất, kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội, tóm lại tất cả khối đời sống. Vấn đề làm tôi thắc mắc: xưa nay chúng ta có quan niệm hơi sai lầm về đời người viết phải sa đoạ truỵ lạc. Rất có thể nếp sống chỉ là tự dối mình để lấp đầy khoảng rỗng hãi hùng của tâm hồn, để trốn tránh thời đại. Thái độ đó cần lên án. Còn nếu thái độ đó là một hành động ý thức phản kháng cái nếp sống giả dối của thời đại mà những kẻ thủ lợi dùng nó để che đậy những vấn đề sinh tử của đời sống thì đó là một điều có thể chấp nhận. Tôi không nhất đán lên án tiểu thuyết của sự phi lý, sự thất vọng nhất là của Tây phương ngày nay.
Thanh Tâm Tuyền: Xin soi sáng ý này của anh Tế, là vấn đề đó thì sự thực tuỳ đòi hỏi của bản chất từng người. Có những người ngồi im lặng một chỗ mà thâu góp hết tất cả cái đau đớn của một đời ở trong mình để thoát ra tác phẩm. Còn những người viết khác, những người viết chỉ là con đường tuyệt vọng cuối cùng, thì cần sống mãnh liệt để giải thoát những ấm ức mà sa đoạ trong một hoàn cảnh xã hội bế tắc là một sự sáng tạo vô ích nhưng cần thiết với hắn.
Nguyễn Sỹ Tế: Tôi nhắc lại, trong tác phẩm chỉ có một nhân vật là tác giả. Tác giả cần phải thay đổi đạo đức. Trần Tế Xương đã thay đổi cả đạo đức trong nguyên lý. Trong một xã hội thối tha, mọi tội ác chống nó, phá vỡ nó đều có thể chấp nhận.
Thái Tuấn: Nhân vật có là những kiểu mẫu để mọi người noi theo không?
Thanh Tâm Tuyền: Trở về nhân vật. Anh Tế nêu lên nhất thời tính và trường cửu tính. Riêng tôi khi viết chỉ nghĩ đến người đọc hiện thời và bỏ qua sự bất hủ. Người viết tiểu thuyết nên đánh cá với tương lai không nên tìm cách tạo những nhân vật vĩnh viễn. Sự sống sót của nhân vật sau này ở ngoài ý muốn tác giả. Nên để phần may rủi cho người đọc sau này định. Ý kiến ấy tôi học của Sartre.
Doãn Quốc Sỹ: Nhân vật phải có sự xót xa về hiện tại rồi tự nhiên lại vươn lên sự trường cửu của tâm tình, không thể hững hờ với cuộc sống hiện tại.
Thanh Tâm Tuyền: Đặt một câu hỏi. Thử quy định một cách phác lược thế nào là một nhân vật của thời chúng ta đang sống đây?
Duy Thanh: Khó mà quy định được rõ ràng. Tác giả chỉ có thể tạo nhân vật hắn tưởng là thời đại, theo một quan niệm riêng. Nếu có hình thành được cái mẫu điển hình ấy hay không lại do tài người viết.

Tô Thuỳ Yên: Một tác giả - chúng ta coi là chân chính – không thể chọn lựa lấy cho mình một lối nhìn sự vật. Lối nhìn ấy đã có sẵn từ bao giờ trong xương thịt của hắn. Một đề tài, một nhân vật đã có sẵn trong người hắn, trước khi hắn tìm thấy, biết đến. Nói như Plisnier thì một nhân vật là một kết quả tất yếu bất ngờ của sự dính líu giữa hắn và đời sống, và nhân vật ấy hiện lên tác phẩm và mang sẵn trong nó cái ám ảnh suốt đời không cản lại được của tác giả. Tôi chưa viết cuốn tiểu thuyết nào thành thử không thể rõ những nhân vật sau này của tôi. Không ai có thể đặt định được gì cho tương lai mình trước được.
Thanh Tâm Tuyền: Ở những tác giả buộc chặt được với thời đại tôi thấy có thể quy định rằng: nhân vật thời nay là một thứ người bước vào cuộc đời với một cặp mắt bỡ ngỡ kinh ngạc và đòi hỏi một sự đặt lại tất cả các vấn đề mà từ trước tới nay người ta coi như đã giải quyết ổn thoả hay người ta đã làm lơ.

Tô Thuỳ Yên: Dùng hình ảnh, là “nhân vật với con mắt người tiền sử”.
Thanh Tâm Tuyền: Riêng ở Việt Nam sự tạo ra những nhân vật như thế rất cần thiết để bù đắp cho thái độ ôn hoà và trầm lặng của mình trong mấy ngàn năm. Bởi vậy nhân vật của người viết ngày nay sẽ không là một người vỗ về kẻ đọc. Nó chính là những con quỷ ám ảnh – những con quỷ thời tiền sử về ám ảnh – kẻ đọc, trong những lúc tỉnh thức. Đó chính là một cớ mà tôi thành thật với tôi và với bạn tôi mà nói rằng: Nhiều lúc tôi khó chịu với nhân vật ôn hoà của Doãn Quốc Sỹ.
Thái Tuấn: Nhân vật trong hội hoạ đã được khoả thân về thể xác. Nhân vật trong tiểu thuyết phải được khoả thân tâm hồn.
Tô Thuỳ Yên: Tôi rất tức mình mỗi khi phải đọc xong một cuốn tiểu thuyết mà cả tâm hồn tôi không được lay chuyển sụp đổ tận gốc rễ. Bởi vậy tôi thích nhân vật của Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền hơn nhân vật của Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ. Không biết tôi có bi quan cùng cực không nhưng tôi cho là tôi có cái vinh dự chứng kiến (hay tham dự) cuộc tranh chấp quyết liệt của nhân loại. Nên tôi muốn tìm thấy phần nào nỗi kinh hoàng đó của tôi trong tiểu thuyết.
Duy Thanh: Tôi muốn những nhân vật của tôi phải là một sự phiêu lưu bất kể mọi giới hạn. Cũng phiêu lưu như khi tôi làm công việc nghệ thuật. Tất nhiên, lúc viết cần có một vài ý tưởng căn bản về hành động của nhân vật. Nhưng khi chúng bắt đầu có mặt trên giấy thì chúng cũng được phép tự do sống cuộc sống của chúng. Mình lúc bấy giờ chỉ ở vị trí một kẻ ghi lại.
Thanh Tâm Tuyền: Một điều nữa: không những nhân vật thời nay chỉ có sự ngạc nhiên của thời tiền sử mà còn kèm thêm sự sợ hãi, nói mạnh hơn là sự kinh hoàng trước cái mù mịt của tương lai và của chính nó, bởi người ta đã giúp nó nhìn thấy nó quá rõ. Có thể đặt một hình ảnh như sau để tả tình trạng mập mờ không biết là tuyệt vọng hay hy vọng: nhân vật được đặt trước một thứ ánh sáng chói loà nên tối mắt, để cuối cùng nó không biết là ánh sáng hay bóng tối nữa. Người đọc chắc hẳn cảm thấy điều ấy nên sợ các nhân vật mới.

Tóm lại đây là trình bày về nhân vật của tôi: Tôi chia tiểu thuyết làm hai dòng: một dòng tiêu biểu là Tolstoi và Dickens, một dòng là Dostoievsky. Những nhân vật của dòng thứ nhất là những nhân vật yên ổn dù có qua bao nhiêu lần cựa quậy xáo trộn của đời sống rồi vẫn thu xếp xong với nhau. Và cuộc đời sau câu chuyện lại tuần tự tiếp diễn như không có gì xảy ra. Những nhân vật của dòng thứ hai kéo dài cho tới bây giờ - tôi tôn Dostoievsky là tiểu thuyết gia đại tài nhất nhân loại – hiện lên làm xáo trộn đời sống và khi chúng mất đi, đời sống không trở lại nếp cũ được. Đó là những nhân vật quỷ quái nhưng chính là những bộ dạng chân thật mà con người vẫn quay mặt không dám nhìn tới.

Nguyễn Sỹ Tế: Những ý kiến phong phú và phức tạp của chúng ta về nhân vật tiểu thuyết qua mọi khía cạnh của vấn đề chứng tỏ những suy ngẫm sâu xa về một đề tài mà ít ai cho làm trọng và cho phép tôi nhận định rằng không có thời đại nào văn học lại có tính cách siêu hình bằng thời đại này. Cho nên tôi mới nghĩ rằng nhân vật tiểu thuyết dầu khoác đặc tính này, nếp sống kia, liên lạc với tác giả và thời đại ra sao, vấn đề vẫn là một vấn đề chung cho văn học nghệ thuật: vấn đề sống và viết của những người làm văn nghệ. Tôi bao giờ cũng thành khẩn kêu gọi và tin tưởng ở một văn chương ý thức và tự do (littérature consciente et libre).

(1960)
---
Văn bản lấy từ Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng tạo, http://www.talawas.org, cập nhật ngày 23/1/2007. Chú thích dưới đây là của M.A.T
 [1]: Justine (xuất bản 1957): Cuốn đầu tiên trong bộ tiểu thuyết bốn cuốn The Alexandria Quartet  của nhà văn, nhà thơ người Anh gốc Ấn Lawrence George Durrell (1912-1990). Ba cuốn tiếp sau là: Balthazar [1958], Mountolive [1959] và Clea [1960]
[2]: lieux communs: Những nơi chốn công cộng
[3]: Je est un autre: Tôi là một kẻ khác (Rimbaud)
[4]: Au risque de se perdre: Chuyện nữ tu (1959), phim của Fred Zinnemann, có nữ minh tinh Audrey Hepburn thủ vai chính.
[5]: Les racines du ciel: Cội rễ bầu trời, tiểu thuyết đoạt giải Goncourt năm 1956 của nhà văn Pháp Romain Gary (1914-1980)
[6]: La Chute: Sa đọa - Tiểu thuyết của nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960)
 [7] dandy: công tử bột
[8]: totalibertisme: Tự do tuyệt đối
[9]: vivent philosophiquement mais ne philosophent pas (tạm dịch): sống về mặt triết học nhưng không phải bàn/triết luận; - apports: vốn góp
[10]: la nature imite l’art: tự nhiên bắt chước/mô phỏng nghệ thuật (Oscar Wilde) – đối lập với thuyết của Aristotle.

No comments:

Post a Comment