Pages

Saturday, October 29, 2016

NGÔ ĐIÌNH DIỆM & NGÔ ĐÌNH NHU

LỄ TƯỞNG NIỆM TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

 

Paris tưởng niệm 50 năm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu qua đời

Tường An - thông tín viên RFA từ Paris
2013-11-03
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
presi\dent-ngo
Tổng thống Ngô Đình Diệm trong chuyền công du Hoa Kỳ năm 1957
Courtesy photo vicomtech.net 
Ngày 2 tháng 11 vừa qua, Người Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới  đã làm lễ tưởng niệm 50 năm cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm và cố vấn Ngô-Đình Nhu qua đời. Tại Paris cũng có hai buổi tưởng niệm. Đặc biệt, tại Giáo xứ Việt Nam ở Paris, có sự hiện diện của ông Ngổ Đình Quỳnh, thứ nam của ông Ngô-Đình Nhu. Từ Giáo xứ Paris, thông tín viên Tường An gửi về bài tường trình.
Ngày 2 tháng 11 năm 2013, đánh dấu 50 năm chấm dứt nền đệ nhất Cộng Hoà bằng cái chết bi thảm của cố Tổng thống Ngô-Đình Diệm và bào đệ của ông là cố vấn Ngô-Đình Nhu. Cho đến hôm nay, ai đứng sau cái chết của 2 vị lãnh đạo quyền hành nhất của nền đệ nhất Cộng Hoà vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.
Các tài liệu lịch sử ghi lại, bên cạnh quốc sách chống Cộng mạnh mẽ, chính sách về tôn giáo của Tổng Thống Ngô-Đình Diệm cũng gây nhiều tranh cải. Nhưng, dù yêu hay ghét, người ta cũng không thể phủ nhận lập trường yêu nước của chí sĩ Ngô-Đình Diệm. Hình ảnh ông tiếp các phái đoàn ngoại quốc trong quốc phục Việt Nam vẫn là một dấu ấn về một lãnh tụ với một lập trường quốc gia kiên định.
Vì thế, mỗi năm, ở các quốc gia có người Việt định cư đều tổ chức lễ tưởng niệm Ngài. Đặc biệt, năm nay, kỷ niệm 50 năm đã có khoảng 26 nơi ở Âu Châu, Hoa Kỳ, Úc Châu và Việt Nam  đã đồng tổ chức lễ Tưởng Niệm.Tại Paris cũng đã có 2 nơi tổ chức lễ Tưởng Niệm.

ngo-dinh-nhu
Cố vấn Ngô Đình Nhu, linh hồn của nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam
Ngày 2 tháng 11 vừa qua, tại quận 17 Paris, có hơn 200 người Việt và ngoại quốc đã đến tham dự lễ tưởng niệm do giáo xứ Việt Nam tổ chức. Thánh lễ bắt đầu lúc 11 giờ với chính giữa nhà thờ là hai bức hình được phóng to của cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm và bào đệ Ngô-Đình Nhu. Sau phần thánh lễ do Linh Mục Mai Đức Vinh chủ lễ là phần văn nghệ và triển lãm các hình ảnh của gia đình Tổng Thống Ngô-Đình Diệm. Sau đó,  ông Olindo, chồng của bà Ngô-Đình Lệ Quyên đến từ Ý, trình bày về lịch sử của gia đình Ngô-Đình qua những dương ảnh. Buổi lễ còn có sự tham dự của nhiều tôn giáo khác nhau, ông Huỳnh Tâm, một đạo hữu đạo Cao Đài chia sẻ cảm tưởng của ông :
« Lần đầu tiên Giáo xứ Paris tổ chức mà có mời tất cả cộng đồng người Việt tại Paris cũng như đại diện của các tôn giáo. Tôi tới đây với tư cách là một tín hữu Cao Đài đến kỷ niệm 50 năm ngày cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm qua đời. Đây là dịp mà chúng ta tưởng nhớ đến một người làm nên lịch sử của một giai đoạn đó. Tôi thường đi tham dự nhiều lần mỗi năm, phần đông thì người Tây tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham dự của Giáo xứ Việt Nam tổ chức, thì tôi thấy đây là một công việc tưởng niệm rất xứng đáng »
Đặc biệt,  buổi tưởng niệm còn có sự hiện diện của ông Ngô-Đình Quỳnh, thứ nam của cố vấn Ngô-Đình Nhu và phu nhân Trần Lệ Xuân. Được hỏi cảm tưởng của ông về việc nhiều nơi trên thế giới năm nay đồng tưởng niệm Tổng Thống Ngô-Đình Diệm và cố vấn Ngô-Đình Nhu, ông tỏ vẻ vui mừng :
« Tôi rất vui mừng thấy nhiều người Việt Nam cũng làm lễ bên Mỹ, bên Belgique (Bỉ), bên Việt Nam hôm qua để tưởng niệm Tổng Thống và bào đệ Ngô-Đình Nhu. Họ hiểu sự hy sinh của Cha của tôi và Bác của tôi. Tôi rất là cảm động ( Je suis ému)  Bởi vì cho gia đình của tôi là một sự mất mát lớn. Một điều đã khó cho người ta không hiểu để người ta làm lễ tưởng niệm và nhìn nhận giá trị của sự hy sinh đó như là một trách nhiệm đối với công lý và cũng là một bổn phận phải ghi nhớ »
Sự hy sinh đó là gì ? Nó có ý nghĩ gì đối với quá khứ, với những người đã sống và chết cho nền dân chủ của đất nước và cho cả những thế hệ trong tương lai, người thứ nam của ông Ngô-Đình Nhu chia sẻ :
« Nếu cô hỏi tôi về sự hy sinh đó nó có ý nghĩa gì cho tương lai ? Thì tình thế bây giờ đã thay đổi khác rồi. Điều quan trọng là sự đoàn kết và tình liên đới và cái ý thức rằng người Việt Nam có một vị thế nào đó để rồi từ đó một sức mạnh sẽ nẩy sinh. Bởi nhân dân Việt Nam có một vị thế nào đó mà trong nhất thời chưa được lộ rõ »
commemoration-pres-diemTổng Thống Ngô Đình Diệm sinh ngày 3.1.1901 ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là người con thứ ba trong một gia đình lễ giáo, nhiều đời làm quan trong triều Nguyễn. Giòng họ theo đạo Công giáo từ đầu thế kỷ thứ 17. Ông có hai người anh là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục, các em trai là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện và hai em gái. Ngô-Đình Diệm là vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng Hoà. Ông không có gia đình, suốt đời phục vụ cho đất nước như câu nói của ông :
Tôi tiến, hãy theo tôi;
tôi lùi, hãy bắn tôi;
tôi chết, hãy trả thù cho tôi.
Tôi không phải là thần thánh,
tôi chỉ là một người bình thường,
tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc,
một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.

Hồi tưởng về người Bác của mình, ông Ngô Đình Quỳnh kể :
«  Tôi nhớ trong dinh Độc Lập, lâu lâu tôi đang ăn cơm thì Tổng Thống tới, rồi thì nói chuyện với ông Cố vấn. Khi họ nói chuyện với nhau thì Tổng Thống hỏi cái gì đó,  rồi thì ông Cố vấn 2-5 phút sau trả lời. Tôi nhớ rằng cho mấy đứa con ăn cơm chung với gia đình như vậy là khá rồi, chứ (thường thì) ăn cơm trong phòng.  Lâu lâu tụi tôi cũng có tới, nhưng ông Tổng Thống bao giờ cũng rất là bận rộn. Tôi tới tôi chơi thì ông Tổng Thống cứ để cho tôi chơi chung quanh. »
Cố vấn Ngô Đình Nhu có 4 người con : Ngô-Đình Trác, Ngô-Đình Quỳnh, Ngô-Đình Lệ Thuỷ và Ngô-Đình Lệ Quyên. Kể từ sau khi hai anh em Ngô-Đình Diệm và Ngô-Đình Nhu bị sát hại, dòng họ Ngô-Đình cũng trải qua nhiều biến cố. Hai người con gái của Ngô-Đình Nhu và Trần Lệ Xuân là Ngô-Đình Lệ Thủy và Ngô-Đình Lệ Quyên lần lượt qua đời vào năm 1967 và 2012 vì tai nạn giao thông. Bà Trần Lệ Xuân đã sống những năm tháng cuối đời trong lặng lẽ ở Ý và qua đời  năm 2011 tại một bệnh viện ở Rome ở tuổi 87. Hiện con trưởng Ngô-Đình Trác đang sống với gia đình ở Ý và người con trai thứ Ngô-Đình Quỳnh, hiện đang sống và làm việc tại Bỉ
Theo Luật sư Lâm Lễ Trinh trong một cuộc phỏng vấn, ông Ngô-Đình Diệm là Tổng Thống, nhưng khai sinh chế độ Việt Nam Cộng Hoà công lớn là của ông Ngô-Đình Nhu. Ông Ngô-Đình Quỳnh nhớ về Cha như là một người kín đáo và tận tuỵ cho đất nước. Ông nói :
«  Cha tôi là…..ít người nói chuyện về ông Cố vấn, vì ổng cũng không muốn xuất hiện, nhưng ông có một ý thức chính trị để đối phó với sự phức tạp của tình hình đa nguyên thời đó. Ông còn có sự trung tín với người anh và đi đến cùng với người anh của mình. Hai năm sau khi Cha tôi chết, họ làm cái test cho tôi ở trường, họ bảo vẽ Cha thì tôi sẽ vẽ cái gì, tôi vẽ : một mặt trời.Và Má thì vẽ ra sao ? Tôi vẽ một cái rừng và một nguồn suối. Tôi nhớ gia đình của tôi phải hy sinh nên tôi biết là họ không có nhiều thì giờ cho tôi. Nhưng tôi biết họ thương tôi nhiều.  »  

ngo-dinh-quynh

Con trai thứ của Cố Vấn Ngọ Đình Nhu, ông Ngô Đình Quỳnh, trả lời đài Á Châu Tự Do


Nhân lễ tưởng niệm 50 năm ngày qua đời của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, ông Ngô Đình Quỳnh đã cho ra mắt quyển sách bằng tiếng Pháp «  La République du Việt Nam et les Ngô-Đình » ( Nền Việt Nam Công Hoà và Gia đình Ngô-Đình)  viết từ hồi ký của mẹ ông là bà Ngô-Đình Nhu Trần Lệ Xuân. Ông cho biết lý do ra đời của quyển sách này :
«  Cuốn sách được xuất bản hôm nay có một phần hồi ức của Mẹ tôi được ghi chép từ năm 1963. Đồng thời chúng tôi có ý muốn soi sáng một phần của lịch sử hãy còn mù mờ. Một số sai lầm về hình ảnh hai anh em họ Ngô mà cả bên Tây Phương lẫn đảng Cộng sảng Việt Nam đã lưu truyền. Từ quyển sách này chúng tôi muốn đem lại cái nhìn đúng đắn hơn, đồng thời có phần đóng góp của Mẹ tôi với nhãn quan có phần huyền bí của Bà. Thế thôi! »
Một sự kiện đặc biệt là lễ tưởng niệm 50 năm cố Tổng thống Ngô-Đình Diệm và bào đệ Ngô-Đình Nhu cũng được tổ chức tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, thuộc phường Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, nơi an nghĩ của Huynh Đệ Ngô-Đình với khoảng 50 người tham dự, đặc biệt có rất nhiều người trẻ. Ông Ngô-Đình Quỳnh rất cảm động trước sự kiện này :
« Tôi nghe rằng họ có làm lễ ở Việt Nam hôm qua, tôi rất vui mừng. Tôi biết rằng mỗi năm họ có làm đó, tôi biết là cũng rất khó khăn vì người Cộng sản họ không chịu cho mình làm một cách sâu xa. Tôi cho là hết sức tốt. tôi vui mừng vì không phải chỉ người « Việt Nam diasporal » ( cộng đồng người Việt ở nước ngoài ) mà thôi mà những người Việt Nam trong nước cũng nhớ. Thì đó là sự vui mừng ! »
Nửa thế kỷ dâu bể đã qua, sự kiện nhiều người trẻ, không biết gì về cố Tổng Thống Ngô-Đình Diệm -và một chế độ đã lùi vào quá khứ -đến thắp nhang trước mộ phần ông. Có phải chăng đã đến lúc những người trẻ vượt ra khỏi sách vở nhà trường, tự đi tìm một sự thật lịch sử cho chính mình ?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/paris--commemoration-of-50-years-president-ngo-dinh-diem-and-ngo-dinh-nhu-s-death-11032013131800.html

 Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm

Cập nhật: 02:27 GMT - thứ hai, 4 tháng 11, 2013
John F. Kennedy
Chính ông John F. Kennedy đã đồng ý với đảo chính với điều kiện nó phải thành công
Các tài liệu giải mật gần đây cho thấy Tổng thống John F. Kennedy đồng ý phải lật đổ người tương nhiệm tại Sài Gòn, ông Ngô Đình Diệm, hồi năm 1963.
Mặc dù phản đối đảo chính ngay lập tức khi các tướng lĩnh ở Sài Gòn tiếp cận Hoa Kỳ hồi cuối tháng Tám năm 1963, ông Kennedy dần dần cảm thấy rằng không còn lựa chọn nào khác trong cố gắng mang lại thành công cho cuộc chiến chống cộng sản ở nam Việt Nam, theo dẫn chứng từ các băng ghi âm những cuộc họp của Tổng thống Kennedy với các quan chức Hoa Kỳ.
Những phân tích của trang Bấm Lưu trữ An ninh Quốc gia, trang của các nhà báo và học giả lập ra để đảm bảo độ minh bạch của các quyết định chính trị, cho thấy ông Kennedy thực sự quan tâm tới những diễn biến ở Sài Gòn vào thời điểm đó và cố gắng để có những thông tin đầy đủ nhất trước khi đi tới quyết định sẽ làm gì.
Tài liệu mang tên 'Cuộc đảo chính Diệm sau 50 năm, John F. Kennedy và miền Nam Việt Nam, 1963' dựa vào một loạt những băng ghi âm mà chính Tổng thống Kennedy ghi lại và được giải mật trong vài năm gần đây cùng với một số văn bản mật đã được công bố để kết luận ông Kennedy đã không phản đối đảo chính nhưng muốn đảm bảo đảo chính phải thành công.
Vị Tổng thống đã chủ trì nhiều cuộc họp để bàn về chuyện Hoa Kỳ cần ứng phó ra sao trước tình hình phức tạp ở Sài Gòn trong đó có cuộc tấn công của gia đình họ Ngô nhắm vào Phật giáo, phe quân đội muốn lật ông Diệm và cả tin tức Cố vấn Ngô Đình Nhu đã có những liên hệ bí mật với miền bắc cộng sản.
Ông Kennedy đóng vai trò điều phối thay vì áp đặt ý kiến cá nhân khi gặp gỡ các quan chức quốc phòng và ngoại giao hàng đầu để bàn về nam Việt Nam.

Loại bỏ ông Nhu

Cũng như các quan chức Hoa Kỳ khác, ông Kennedy đồng ý rằng cần phải loại bỏ Cố vấn Ngô Đình Nhu, người đứng đằng sau nhiều quyết định bị xem là tai hại của Tổng thống Diệm.
Ông Ngô Đình Diệm duyệt đội danh dự nhân quốc khánh năm 1962
Ông Diệm kiên quyết không loại bỏ em trai khỏi vị trí cố vấn dù Hoa Kỳ gây sức ép
Ngay cả sau khi đã có tin các tướng lĩnh Sài Gòn đang mưu lật ông Diệm, Tổng thống Kennedy vẫn muốn có những hoạt động ngoại giao nhằm thuyết phục ông Diệm gạt bỏ ông Nhu và bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông cố vấn.
Nhưng vào thời điểm cuối tháng Tám năm 1963, hai tháng trước cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, ông Kennedy cũng biết rằng tương quan lực lượng giữa phe toan đảo chính và phe trung thành với ông Diệm nghiêng về phía quân ủng hộ gia đình họ Ngô.
Khi đó ông Kennedy cũng nhận thấy Mỹ, theo chính lời ông, đang "ngập tới hông" ở Việt Nam và cuộc chiến chống cộng sản sẽ không đi tới đâu nếu ông Diệm và các ủng hộ viên của ông tiếp tục tại nhiệm.
Vị Tổng thống cũng ý thức được rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bất bình nếu biết ông đứng về phía các viên tướng đảo chính nhưng kết luận rằng các dân biểu còn "giận dữ hơn nếu Việt Nam thất bại" trong cố gắng trở thành hình mẫu phi cộng sản ở châu Á.
Ông cũng trực tiếp nghe bàn thảo về các phương thức Hoa Kỳ có thể thực hiện để ủng hộ giới tướng lĩnh muốn đảo chính trong đó có giảm viện trợ của Hoa Kỳ cho lực lượng đặc nhiệm trung thành với ông Diệm, dùng trực thăng của quân đội Hoa Kỳ để giúp chuyển quân cho các viên tướng Sài Gòn và cả kế hoạch di tản người Mỹ nếu đảo chính bất thành.

10 năm đẫm máu

Cuối cùng cuộc đảo chính đã diễn ra hôm 1/11/1963 với sự bật đèn xanh của Mỹ và sau khi các tướng mưu đảo chính hội đủ lực lượng vượt trội so với quân trung thành với ông Diệm.
Lính Hoa Kỳ ở Việt Nam
Nửa triệu lính Hoa Kỳ đã tới Việt Nam trong những năm sau đảo chính
Cả hai ông Diệm và Nhu bị giết hôm 2/11 và miền Nam rơi vào tình trạng bất ổn chính trị từ đó cho tới khi tan rã vào năm 1975.
Hai mươi ngày sau chính Tổng thống Kennedy cũng bị sát hại bởi một tay súng.
Sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam ngày càng tăng sau sự ra đi của cả hai tổng thống.
Trong năm 1965, Hoa Kỳ đưa 200.000 quân tới tham chiến ở Việt Nam và số quân này tăng gấp đôi trong năm sau đó và đạt nửa triệu vào năm 1967.


Tới khi Hiệp ước Paris nhằm chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam được ký kết, hơn 58.000 lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tàn khốc vốn cũng cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam.http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/11/131104_kennedy_ung_ho_lat_diem.shtml

HOWARD JONES *NGÔ ĐÌNH NHU

NGÔ ĐÌNH NHU THỎA HIỆP VỚI HÀ NỘI
· Dịch theo sách: Death of a Generation - How the Assassinations of Diem and JFK Prolonged the Vietnam War
· Tác giả: Howard Jones, Giáo sư Danh dự, khoa Sử học, University of Alabama
· Nhà Xuất Bản: Oxford University Press, New York 2003
[LỜI NGƯỜI DỊCH: Bài này sẽ tập trung dịch những cuộc móc nối, thương thuyết mật giữa Hà Nội và ông Ngô Đình Nhu, qua trung gian của Đại diện Ba Lan Mieczylaw Maneli, Khâm sứ Vatican Salvatore d’Asta, Đại sứ Pháp Roger Lalouette và Chủ tịch Ủy hội Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến ICC Ramchundur Goburdhun. Phần được dịch sẽ là 11 trang: 310-314, 344-345, 362-364, và 406.
Tác phẩm này được viết rất mực công phu trong 15 năm, bởi Howard Jones, Giáo sư Đại học University of Alabama. Sách nầy khác tất cả những sách trước đó, vì sử dụng rất nhiều nguồn tài liệu, trong đó có những cuộc điều trần chưa được in trên sách, báo nào.
Bản thảo được Jones đưa cho 4 vị giáo sư bạn – David Beito, Ron Robel, Tony Freyer, Forrest McDonald -- cùng trong đại học này, đọc, kiểm soát và góp ý.
Jones cũng đưa cho nhiều giáo sư và học giả khác -- James K. Galbraith, ở University of Texas; Paul Hendrickson, ở báo Washington Post và là tác giả một tác phẩm viết về Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara; Ken Hughes, ở University of Virginia; Don Rakestraw, ở Georgia Southern University; Pete Maslowski, University of Nebraska -- đọc bản thảo và góp ý.
Đặc biệt, Jones đã phỏng vấn nhiều người liên hệ tới thời kỳ 1963 tại Việt Nam, trong đó có Daniel Ellsberg, John Kenneth Galbraith, Roger Hilsman, Jack Langguth, Robert McNamara, Walt Rostow, và Dean Rusk.
Jones cũng được trợ giúp về tài liệu từ hàng chục học giả khác tại các Thư Viện Tổng Thống John F. Kennedy Library, Gerald R. Ford Library, Lyndon B. Johnson Library, Trung Tâm Văn Khố Quốc Gia. Trong đó có những cuộc điều trần chưa từng phổ biến.
Có thể kể, một điển hình cho sự nghiên cứu công phu và cẩn trọng của tác phẩm này như chú thích số 47 của trang 314, trong đó dẫn tới 7 nguồn khác nhau. Những chú thích khác đã dẫn 4 nguồn, hay 5 nguồn là bình thường. Tất cả các chú thích nơi đây đều sẽ không dịch ra Việt ngữ, để người nghiên cứu có thể dựa vào chú thích đó mà tự mình dễ dàng tìm ra tài liệu gốc Anh ngữ.
Có thể ghi nhận một số diễn biến nơi đây:
- Ngày 25-8-1963, Tướng Nguyễn Khánh nói với một viên chức Mỹ rằng ông Ngô Đình Nhu đang liên lạc với Hà Nội, và bày tỏ quan ngại, nói rằng các tướng sẽ chống tới cùng các giải pháp thương lượng Nam-Bắc và trung lập hóa Miền Nam, vì các tướng sợ sẽ bị trả thù.
- Chính phủ Kennedy xem việc Nhu tìm hiệp ước với Hà Nội là phản bội lòng tin của Mỹ.
- Đại sứ Nolting nói là có biết các đại diện Việt Cộng tới thẳng Dinh Tổng Thống, vào họp và đi ra bình an.
- Có nhiều tin trong mùa hè 1963 rằng Nhu liên lạc với Hà Nội qua trung gian Khâm sứ Vatican, Đại diện Ba Lan ở ICC (Maneli), Đại sứ Pháp, Đại sứ Ấn, Đại sứ Ý.
- Pháp muốn trung lập hóa Nam VN và tranh dành ảnh hưởng với Mỹ tại Đông Dương cũ..
- Đầu năm 1963, Nhu đã gặp một đại diện Việt Cộng ở Huế
- Đại diện Ba Lan ở ICC là Maneli, vào tháng 8-1963, đã báo cáo về chính phủ Ba Lan rằng trong khi anh em Diệm-Nhu đàn áp Phật Giáo dữ dội, thì Hà Nội và Việt Cộng, qua những cuộc thương thuyết, đã hy vọng sẽ hỗ trợ Diệm-Nhu để yêu cầu người Mỹ rút khỏi Việt Nam.
- Nhu nói trong một buổi họp 15 tướng lãnh rằng Nhu đang thương thuyết với Hà Nội, và không sợ chuyện Mỹ cắt viện trợ, vì cuộc chiến sẽ ngưng.
- Nhu viết bài trên báo Times of Vietnam ấn bản đầu tháng 9-1963 nói rằng Mỹ đang âm mưu đảo chánh anh em Diệm-Nhu
- Nhu hút nha phiến, và mang bệnh ảo tưởng về “sự vĩ đại của Nhu.” Ngôn ngữ Nhu nói trong một buổi gặp Maneli có dấu hiệu Nhu bị bệnh tâm thần. Điều nầy được xác nhận bởi Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần và Chánh Văn phòng Võ Văn Hải
- Trong tháng 9-1963, Nhu cũng khoe với Alsop, một nhà bình luận Hoa Kỳ, rằng Nhu đang nói chuyện với Hà Nội.
- Tình báo Mỹ nhận ra trong tháng 10-1963, tại Sài Gòn có 10 âm mưu đảo chánh, muốn lật đổ anh em nhà Ngô, nhưng chỉ nhóm các tướng lãnh là có kế hoạch khả thi.
- Đại sứ Lodge nói rằng Mỹ không có cách nào ngăn cuộc đảo chánh được, vì các tướng lãnh tự thấy sẽ bị trả thù, mất hết đường sống khi Nhu bắt tay Hà Nội.
- Tướng Tôn Thất Đính nói rằng Nhu đã họp với Tướng VC Văn Tiến Dũng qua Ủy hội ICC.
- Xem chú thích 38: Giới ngoại giao tại Sài Gòn chuyển cho nhau một tấm hình và nghi là có dan díu tình cảm bất chính giữa Maneli và Bà Nhu, nhưng Maneli bác bỏ.
Kèm bản Việt ngữ nầy là các bản Anh ngữ chụp lại từ bản chính để độc giả nào quan tâm có thể đối chiếu, đọc bản gốc Anh văn. Toàn văn dịch bởi Cư sĩ Nguyên Giác.]
HNG - Như vậy, việc ông Nhu, với sự “đồng ý” của ông Diệm và lời “xúi dại” của Đại sứ Pháp, đã quyết định liên hệ với Hà Nội để tìm cách đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam hầu tìm một giải pháp cho cuộc chiến tranh Quốc-Cọng là sự thật không thể chối cải. Sự thật đó, qua các tiết lộ của nhân vật trong cuộc, đã cho thấy nguyên ủy sâu thẳm của quyết định nầy là cơn bệnh hoang tưởng của một đầu óc mang bệnh cuồng vĩ của ông Nhu. Còn phía Hà Nội, trong quá trình thiết lập mối liên hệ, theo dõi kỹ những tuyên bố và động thái của các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy ta thấy rõ ràng rằng những toan tính chính trị của họ chỉ là “Mỹ phải ra đi” để cán cân thắng lợi trên chính trường cũng như ngoài chiến trường nghiêng về phía họ … Đó là chiến lược nhất quán của Hà Nội. Sau nầy, từ hòa đàm Ba Lê (1968-1973) đến chính sách “Việt Nam hóa” chiến tranh của Mỹ (1969-1972), từ khi tấn chiếm Ban Mê Thuột đến khi dàn 9 sư đoàn ở cửa ngõ Sài Gòn vào cuối tháng 4/1975, lãnh đạo Hà Nội cũng chỉ đòi hỏi 3 chính phủ Thiệu, rồi Hương, rồi Minh của miền Nam một điều kiện chính trị là “Mỹ phải ra đi”.
Hai vấn đề còn lại để thẩm định giá trị của “bước sẩy chân” chính trị (political faux-pas) nầy của ông Nhu là (1) Quá trình lấy quyết định thỏa hiệp với Hà Nội và cách thiết lập mối liên hệ với Bắc Việt của hai anh em ông Diệm Nhu có phù hợp với Hiến pháp, Luật pháp, Hiện thực Chính trị và An ninh, Lòng dân và Thế nước của chế độ Việt Nam Cọng Hòa tại miền Nam từ năm 1954 qua phân cho đến lúc bấy giờ không ? Và (2), giải pháp “đuổi Mỹ và thỏa hiệp với Cọng” của hai anh em ông Diệm Nhu, nếu không có ngày 1-11-1963, thì có đạt được kết quả dự kiến là hai ông Nhu Diệm sẽ cùng với đảng Lao Động và ông Hồ Chí Minh, với cơ cấu chính trị nào và trong sách lược quốc gia nào, sẽ mang lại thống nhất độc lập bền vững, dân chủ tự do thật sự, và hòa bình thịnh vượng cho Việt Nam trong bối cảnh tuyến đầu của cuộc thư hùng Tư bản-Cọng sản vào đầu thập niên 1960’ ? (Nhấn mạnh trong bản dịch là của HNG)
BẮT ĐẦU BẢN DỊCH
■ Trang 310:
Gần như tất cả các nguồn tin đều nhận định ông Nhu là nan đề chính, và Đại sứ Lodge vẫn dè dặt, cảnh giác Bạch Ốc vào ngày 24-8-1963 rằng chưa tới lúc để đứng về phía các tướng lãnh VNCH. Lodge không đồng ý với CIA, cơ quan tình báo này gọi ông Nhu là “nhân vật nắm quyền, có lẽ với ưng thuận của Tổng Thống Diệm.”
Dựa vào những cuộc nói chuyện riêng rẽ với Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần, Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống Võ Văn Hải, Tướng Trần Văn Đôn và Tướng Lê Văn Kim, Đại sứ Lodge khẳng định rằng ông Nhu (“nếu ông này không hoàn toàn vẽ ra kế hoạch mọi thứ”) có lẽ đã có ủng hộ từ ông Diệm trong việc soạn kế hoạch tổng tấn công các chùa (đêm 20-8 rạng ngày 21-8-1963). Nhiều phần có lẽ rằng quân đội VNCH không tham dự tấn công chùa, và phía gây tội là cảnh sát và Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung.
Đại sứ Lodge nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là, cả 3 sĩ quan chỉ huy quân sự quyền lực nhất tại Sài Gòn -- Tướng Trần Văn Đôn, Tướng Tôn Thất Đính, và Đại Tá Lê Quang Tung -- vẫn giữ lòng trung thành với hoặc ông Diệm hoặc ông Nhu. Bất kỳ nỗ lực nào từ phía Mỹ muốn vận dụng các tướng sẽ là “phát đạn trong bóng đêm.” (35)
Vào thời điểm quan trọng này, Tướng Nguyễn Khánh thông báo cho John Richardson (Trưởng Phòng CIA tại Sài Gòn) vào ngày Chủ Nhật 25-8-1963 về một diễn biến bất tường: Nhu đang xem xét một hiệp ước với Hà Nội để sẽ kết thúc chiến tranh. Bên cạnh việc làm mất mặt các tướng lãnh trong trận tổng tấn công các chùa, có phải Nhu cũng muốn tìm một thương lượng giữa Bắc VN và Nam VN để buộc người Mỹ ra khỏi VN?
Chính phủ Kennedy chỉ trích hành vi phản bội lòng tin này, mặc dù một năm trước đó Mỹ đã lặng lẽ đưa Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ về Chính Trị Vụ William Averell Harriman thăm dò về một khả năng tương tự với các đại diện nhà nước Hà Nội tại Geneva. Nhiều năm sau, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Viễn Đông Vụ Roger Hilsman nói rằng Bạch Ốc đã xem các cuộc nói chuyện như thế như là nỗ lực của chế độ Diệm muốn làm áp lực Hoa Kỳ.
Nhưng các lời khẳng định của Tướng Khánh thu hút sự chú ý tức khắc tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, nơi xem Tướng Khánh là “một trong các tướng lãnh xuất sắc, vừa can đảm, vừa phức tạp.”
Điều quan trọng nhất là, các tướng lãnh VNCH tin vào chuyện đó. Tướng Khánh nói với một viên chức CIA tại Sài Gòn rằng họ lo sợ cho sinh mạng của họ, và sẽ tất yếu nổi dậy” nếu Nhu tìm một hiệp ước với hoặc Hà Nội, hoặc với Cộng Sản Trung Quốc để trung lập hóa Nam VN. Các tướng lãnh nghĩ rằng, sau đó, Nhu sẽ chĩa mũi dùi sang họ. Họ “sẽ kháng cự dữ dội nếu các chính khách hiện nắm quyền lực lại đi sai lối.” Bởi vì giờ khác biệt (giữa Mỹ và VN), bức điện văn kể về buổi họp của Tướng Khánh với Richardson (Trưởng Phòng CIA tại Sài Gòn) tới Washington vào Thứ Bảy 24-8-1963, lúc 9:30 giờ sáng. (36)
Chuyện Tướng Khánh nói không gây ngạc nhiên nhiều ở Washington. Cựu Đại sứ Mỹ tại VN
Frederick Nolting trước đó đã tường trình về nhiều cuộc liên lạc ngõ sau do Nhu thực hiện với người CS mà ông Diệm “đều biết cả.”
Tuy nhiên, Phó Đại Sứ Mỹ William Trueheart bác bỏ thông tin rằng Nhu đang bí mật thương thuyết với Bắc Việt và bác bỏ bản tin [Nhu] muốn Hoa Kỳ rút khỏi VN. “Tôi thực sự nghĩ đó phần nhiều là tin nhảm.
Nhưng rồi, nhiều năm sau, chính Nolting đã hồi tưởng lại rằng “Các lãnh tụ Việt Cộng tới thẳng văn phòng của Nhu trong Dinh Tổng Thống... với thỏa thuận rằng họ sẽ không bị bắt trong khi họ ở đó.”
Nolting nói, “Tôi đã biết chuyện đó. Và tôi biết chắc rằng họ đã nói, ‘Đừng để người Mỹ vào sâu ở đây.’ Và [biết] Nhu đã nói, ‘Đừng để người Tàu dính vào mấy chuyện này.’"
■ Trang 311:
Nolting ghi nhận rằng chính phủ Mỹ chỉ trích hành động của anh em Diệm-Nhu như là phản bội. “Tôi đã rơi vào cảnh khó khăn khi tìm cách nói, ‘Chờ một chút. Có thể chuyện này không phảỉ là phản bội. Hãy cho họ [Diệm-Nhu] một cơ hội. Họ không quá ngu ngốc thế, và họ không đang phản bội chúng ta.” Nhu đang tìm cách thuyết phục Việt Cộng hãy ‘bán đứng, trên thực tế, cho chính phủ [VNCH].”
Bạch Ốc đã quyết định không can thiệp, để mọi chuyện diễn tiến khi nào mà chế độ Diệm chưa bán đứng Miền Nam cho CS. Nolting thì không biết chắc là ai đã trả lời các điện văn của ông, nhưng chữ ký của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Dean Rusk ghi tên tất cả các điện văn phúc đáp đó. (37)
Lời kể của Nolting phù hợp với nhiều tin nghe được trong mùa hè 1963, rằng Đại diện Ba Lan của Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế ICC, Mieczylaw Maneli, đóng vai trung gian hòa bình giữa Nhu và Hà Nội.
Maneli, người từng sống sót qua trại tập trung Auschwitz trong Thế Chiến 2, làm giáo sư luật ở đại học University of Warsaw và là đảng viên Cộng Sản, sau đó xác nhận rằng ông đã hai lần họp với ông Nhu. Lần đầu là ngày 25-8-1963, trong một buổi tiếp tân ở Sài Gòn có tham dự của nhiều đại diện ngoại giao, và lần thứ nhì là gặp bí mật tại Dinh Gia Long vào ngày 2-9-1963.
Đại sứ Pháp tại Sài Gòn, Roger Lalouette, đã thu xếp buổi họp đầu tiên với sự hỗ trợ từ Đại sứ Ấn Độ và là Chủ tịch ICC Ramchundur Goburdhun, Đại sứ Ý Giovanni Orlandi, và Khâm sứ Vatican là Đức Ông Salvatore d’Asta.
Theo lời Maneli, Lalouette đã tìm cách phát triển một cuộc trao đổi văn hóa và kinh tế giữa những người Việt thù nghịch nhau để sẽ đặt nền tảng cho sự thống nhất VN và do vậy sẽ “đưa chế độ Diệm về lại thân Pháp và tách khỏi phía người Mỹ vô tình.”
Kết thúc cuộc chiến VN sẽ cho VN trung lập hóa theo đường hướng của Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle, người có ý định kết hợp Việt Nam với hai nước trung lập Lào và Cam Bốt để biến vùng này một lần nữa trở thành “viên ngọc trong hào quang vĩ đại của nước Pháp.”
Thời điểm của buổi họp đầu tiên giữa Nhu và Maneli trùng hợp với lời báo động nêu lên từ Tướng Khánh và cho tính xác thực về nỗi lo sợ của Tướng này. (38)
Khi Maneli lần đầu đưa ra kế hoạch hòa bình này cho Hà Nội xem vào mùa xuân 1963, Thủ Tướng Bắc VN Phạm Văn Đồng lập lại lời khẳng định trước đó của ông Hồ Chí Minh rằng Bắc VN đã sẵn sàng thương thuyết vào bất kỳ lúc nào. Ngoại Trưởng Xuân Thủy đã có một danh sách các hàng hóa trong đó có cả than và các vật liệu kỹ nghệ khác, mà chính phủ Bắc VN sẽ trao đổi với Nam VN đổi lấy gạo và nhiều lương thực khác.
Cả 2 lãnh tụ Bắc VN này đều công khai chỉ trích chế độ Diệm nhưng nói vẫn sẵn sàng thương thuyết. Họ Hồ trước đó cũng đã nói với Goburdhun rằng Diệm là “một người yêu nước kiểu của ông ấy” và rằng giao thương là có thể. Ông Hồ nói, “Khi ông gặp ông Diệm, hãy bắt tay ông Diệm giùm tôi với.” (39)
Vào tháng 7-1963, Maneli thăm Hà Nội lần nữa, sau đó nói rằng quan tâm muốn thương thuyết của ông Hồ đã tác động quyết định của NLF (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) để không leo thang hành động trong khi chính phủ ông Diệm căng thẳng với Phật Giáo.
■ Trang 312:
Thực sự, Bắc VN đã cho thấy rằng ông Diệm có thể trở thành một nguyên thủ có thể chấp nhận được của chính phủ Sài Gòn. Lalouette đã nghĩ rằng Diệm sẽ sống sót nếu Diệm chấp nhận một cuộc dàn xếp chính trị. “Ông ta [Diệm] lẽ ra phải thay đổi hệ thống [cai trị] nếu ông ta vẫn giữ quyền lực, nhưng ông ta đã có chính phủ và bộ máy hành chánh, và ông ta có nhân sự tốt.”
Mùa hè đó, ông Hồ công khai kêu gọi ngưng bắn, mà lần này, [lời kêu gọi] dường như chân thực vì Bắc VN quan tâm về việc Mỹ mở rộng tham dự quân sự. Maneli cũng thấy hy vọng cho việc Diệm vẫn nắm quyền được – ít nhất là một thời gian nữa. “Nếu chính phủ Hà Nội không nỗ lực tấn công nhằm lật đổ Diệm và Nhu khỏi Sài Gòn, điều này chắc chắn vì Hà Nội muốn Diệm-Nhu nắm quyền thêm một thời gian nữa -- đủ lâu để đạt một thỏa ước với họ sau lưng người Mỹ.”
Nhận được thông tin từ Hà Nội, Nhu có lẽ đã nói chuyện với ông Hồ “xuyên qua các đặc sứ trực tiếp từ Hà Nội, với giúp đỡ từ người Pháp.” Maneli đã chính xác. Vài năm sau đó, theo báo Hòa Bình có tòa soạn ở Sài Gòn thì ông Nhu đã gặp các đại diện Việt Cộng tại Huế, thành phố quê nhà của ông, vào đầu năm 1963.
Nhu lúc đó nói chuyện với người anh/em của một đại sứ Bắc Việt, và thương thuyết đã khởi sự vào tháng 7-1963, như Maneli nghi ngờ. Và, đúng như sự suy nghĩ của Lalouette, những cuộc thương thuyết bí mật này giúp giải thích tại sao Việt Cộng không lợi dụng thời cơ trong khi ông Diệm căng thẳng với Mỹ để tung ra một trận tấn công lớn vào cuối tháng 8-1963. (40)
Khi Maneli hỏi Phạm Văn Đồng (Thủ Tướng Bắc Việt) và Xuân Thủy (Bộ Trưởng Ngoại Giao Bắc Việt) rằng điều gì ông nên nói nếu ông Nhu mời thương thuyết, họ đã trả lời: “Bất cứ những gì ngài biết về lập trường chúng tôi về hợp tác và trao đổi kinh tế và văn hóa, về hòa bình và thống nhất đất nước. Một điều chắc chắn rằng: người Mỹ phaỉ ra đi. Trên căn bản chính trị này, chúng ta có thể thương thuyết về mọi thứ.”
Maneli đã hỏi Phạm Văn Đồng (với ông Hồ Chí Minh lúc đó đứng trong phòng, “lặng lẽ, như dường bị cưỡng ép”) rằng Hà Nội sẽ có hay không cứu xét “một hình thức liên bang với Diệm-Nhu hay một thứ gì trong bản chất về một chính phủ liên hiệp.”
Thủ Tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố: “Mọi thứ đều có thể thương thuyết được dựa vào nền tảng độc lập và chủ quyền cho VN. Hiệp ước Geneva cung cấp nền tảng pháp lý và chính trị cho điều này: không lập doanh trại hay để lính nước ngoài trên lãnh thổ VN. Chúng tôi có thể đạt tới một hiệp ước với bất kỳ người VN nào.”
Maneli cảnh báo rằng các cường quốc Tây phương sẽ chống một chính phủ liên hiệp và [sẽ] đòi an toàn cho anh em Diệm-Nhu. Phạm Văn Đồng lập lại: “Mọi thứ đều có thể là đề tài thương thuyết. Chúng tôi có ước muốn chân thực chấm dứt tranh chấp, để thiết lập hòa bình và thống nhất trên căn bản thực tế hoàn toàn. Chúng tôi là những người thực tế.” (41)
Maneli kết thúc bản phúc trình gửi cấp chỉ huy của ông tại Warsaw ngày 10-7-1963 rằng cả 2 chính phủ VN muốn đạt thỏa ước theo kiểu riêng của họ. Họ muốn làm như thế mà “không có tham dự của các Siêu Cường Quốc, không có Moscow, không có Washington, và chắc chắn là không có Bắc Kinh; cả 2 chính phủ ước muốn có những cuộc nói chuyện tối mật và phải giữ một mặt ngoài chính thức nào đó.” Hà Nội đã đón nhận sáng kiến này, mà lần đầu tiên không có sự chấp thuận trước của Bắc Kinh.
Đại diện Phái đoàn Ba Lan tại ICC, Mieczyslaw Maneli, và tác phẩm War Of The Vanquished
(xuất bản năm 1971) kể lại toàn bộ vai trò trung gian của ông trong thỏa hiệp Hà Nội - Sài Gòn
■ Trang 313:
Maneli liên tục báo cáo về chính phủ của ông [Ba Lan] trong đầu tháng 8-1963 rằng nếu Diệm và Nhu muốn sống còn, họ hoặc phải rời khỏi Việt Nam hoặc đàn áp Phật Tử. Hà Nội và Việt Cộng đã chọn lập trường “chờ cho một cuộc ‘nội chiến’ mới và trong cơ hội đầu tiên này, họ sẽ hỗ trợ Diệm để chống lại người Mỹ.”
Cả Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh đã nêu lập trường rõ ràng: “Mục tiêu và việc làm tối quan trọng của chúng tôi là dẹp bỏ người Mỹ. Và rồi chúng ta sẽ thấy.” Maneli không ngờ vực rằng “một đồng thuận tối mật” đã có giữa “Diệm-Nhu và Hà Nội” -- rằng “khi nào Diệm-Nhu còn tham dự chống lại phía người Mỹ và đồng minh [của Mỹ], Hà Nội sẽ để cho Diệm-Nhu sống.” (42)
Maneli nhận định, việc bổ nhiệm Lodge làm tân Đại sứ Mỹ đã khởi động ra các sự kiện dẫn tới việc ông gặp ông Nhu lần đầu hôm 25-8-1963. Thực sự, hành động của Bạch Ốc “đã khởi sự kết thúc chế độ ông Diệm” và buộc họ [Diệm Nhu] tấn công những người Phật Tử “thân Mỹ” trước khi Lodge tới VN. Anh em Diệm-Nhu đã tung ra trận tổng tấn công nhà chùa, theo Maneli lý luận, là để “tự cứu họ khỏi bị đảo chánh do Mỹ thúc đẩy,” nhưng hành vi tấn công chùa hóa ra lại làm mất uy tín chế độ trước người dân Việt và thế giới.
Bây giờ, trong tuyệt vọng, Nhu sắp xếp để tân Ngoại Trưởng Trương Công Cừu mời Maneli vào dự bữa tiệc chỉ mới 4 ngày sau trận tổng tấn công các chùa, trong đó có Đại sứ Lodge trong danh sách khách mời của các viên chức ngoại giao. Đó là một quyết định mấu chốt. Sự hiện diện của Maneli ghi dấu lần đầu một nhà ngoại giao Cộng Sản tham dự một buổi họp mặt cấp cao như thế ở Sài Gòn. Nơi đó, trong một cử chỉ dàn dựng sẵn, Lalouette (Đại sứ Pháp), Orlandi (Đại sứ Ý), d’Asta (Khâm sứ Vatican), và Goburdhun (Chủ tịch ICC) đã tạo cho Maneili và Nhu gặp nhau. (43)
Nhu nói với Maneli trong khi nhóm nhà ngoại giao này quan sát hai người, “Tôi đã nghe nhiều về ngài từ các bạn chung của chúng ta. Dân tộc Việt vốn nhạy cảm về vấn đề chủ quyền và sự bất tín, không chỉ đối với người Trung Quốc mà còn đối với tất cả những kẻ chiếm đóng và thực dân, tất cả.” (44)
Maneli và, tất nhiên là, cả những người khác đang trong cuộc nói chuyện, nghĩ trong đầu rằng có phải Nhu bao gồm cả người Mỹ [trong câu nói đó] không?
Nhu khẳng định, “Bây giờ chúng ta muốn hòa bình, và chỉ muốn hòa bình thôi... Tôi tin rằng Ủy Hội Quốc Tế có thể và nên đóng một vai quan trọng trọng việc tái lập hòa bình tại Việt Nam.”
Maneli cẩn trọng bảo đảm với Nhu rằng tất cả những thành viên Ủy Hội đã nghĩ rằng Ủy Hội “có thể giữ vai trò xây dựng nếu cả hai phía mong muốn.”
Nhu nhấn mạnh, “Chính phủ Việt Nam ước muốn hành động theo tinh thần của Hiệp Định Geneva.”
Maneli trả lời rằng, đó là cách duy nhất để đạt hòa bình và thống nhất. (45)
Lodge đã gặp Maneli trong bữa tiệc, nhưng bị lôi đi giữa cuộc đối thoại, tình hình này cho thấy đánh giá ban đầu của Maneli về tính kiêu hãnh của Đại sứ Lodge. Nếu Lodge ở lại thêm một chút, thay vì về sớm, Lodge có thể đã nhận ra cuộc thảo luận của Maneli với Nhu.
■ Trang 314
Kết hợp với những gì Bạch Ốc đã biết về liên lạc của Nhu với Việt Cộng và với Bắc Việt, những trao đổi công khai giữa Maneli và Nhu có thể đã khuyến khích chính phủ Mỹ xem xét về các tác động chính trị. Có phải buổi gặp gỡ này củng cố cho nỗi nghi ngờ đã lan rộng rằng Maneli đã trở thành trung gian giữa hai miền Việt Nam? Ảnh hưởng nào đã có từ các cuộc liên lạc Nam-Bắc đối với quan điểm các tướng lãnh VNCH về một cuộc đảo chánh? (46)
III
Nỗ lực của Đại sứ Lodge để trì hoãn bất kỳ hành động nào đã không có ảnh hưởng: Điện văn ngày 24-8-1963 của ông đã tới Washington vào lúc 2:05 giờ chiều Thứ Bảy, khi đó, như định mệnh đã sắp xếp, chỉ có vài cố vấn làm việc và họ là những người công khai chỉ trích chế độ ông Diệm. Forrestal (Phụ tá Cố vấn An ninh), Hilsman (Thứ Trưởng Ngoại Giao Viễn Đông Vụ), và Harriman (Thứ Trưởng Ngoại Giao Chính Trị Vụ) đọc bản điện văn của Lodge một cách quan ngại, ghi nhận rằng điện văn đã xác minh nỗi nghi ngờ của họ về những thủ đoạn bất lương của Nhu trong cuộc tổng tấn công các chùa.
Có phải tin này củng cố cho bản điện văn sáng hôm đó từ Sài Gòn có ghi lời Tướng Khánh cáo buộc rằng Nhu đang bí mật thương thuyết với Hà Nội? Có lẽ ngay cả phóng viên Halberstam đã chính xác trong ấn bản ngày hôm đó của tờ New York Times, khi ông tường trình rằng nhiều quan sát viên tại Sài Gòn đã gọi cuộc tổng tấn công nhà chùa là ‘cú đánh của Nhu.’
Không kiểm chứng trước với Phụ tá Cố Vấn An Ninh Quốc gia McGoerge Bundy, Forrestal kèm một lá thư “chỉ để đọc thôi” vào một điện văn gửi Tổng Thống vào lúc 4:50 giờ chiều, thông báo về thư của Lodge và kèm một đề nghị đáp ứng với Sài Gòn, mà ba cố vấn – Forrestal, Harriman và Hilsman – đã soạn thảo với sự chấp thuận của Ball (Thứ Trưởng Ngoại Giao) và Đô Đốc Felt (Tư Lệnh Quân Lực Mỹ ở Thái Bình Dương) và muốn gửi ngay đêm hôm đó.
Lodge khuyến cáo là “hãy chờ xem” cho tới khi ông có thể quyết định xem quân đội VNCH có hành động nào chống Nhu hay không.
Harriman, Hilsman, và Forrestal thì muốn hành động tức khắc vì tình hình tại Sài Gòn có thể không “linh hoạt lâu nữa.” Hilsman gọi bức điện văn của Lodge là “có lẽ phán đoán thuyết phục nhất trước giờ” cho thấy các tướng lãnh VNCH không hài lòng với việc ông bà Nhu hung bạo với Phật Tử.
Nếu Nhu còn nắm quyền, “chế độ sẽ tiếp tục đi theo chính sách tự sát mà không chỉ kéo Việt Nam xuống chỗ xấu hổ và thảm họa nhưng cũng kéo cả Mỹ như thế.” Harriman và Hilsman muốn rằng Mỹ phải “hành động trước khi tình hình tại Sài Gòn đóng băng.” (47)
Sự thật đã trở thành không thể chối bỏ: Nhu là người trách nhiệm cuộc tổng tấn công các chùa. Điện văn 243, soạn bởi Harriman, Hilsman, và Forrestal (với giúp đỡ từ Mendenhall), kêu gọi Lodge phải công khai tố cáo Nhu về vụ tấn công chùa, trong khi Washington và đài VOA cùng làm như thế khi nào Đại sứ Lodge cho thấy thời điểm thích nghi lên tiếng.
Nhu đã sắp xếp để công chúng có ấn tượng rằng quân đội VNCH trách nhiệm trận tắm máu đó và như thế tự đưa Nhu vào vị trí lãnh đạo... (Sẽ nhảy tới trang 344 để nói tiếp phần Nhu liên lạc với Hà Nội).
■ Trang 344:
Ngoại Trưởng Rusk đồng ý với khuyến cáo của Đại sứ Lodge để tiếp tục áp lực ông Diệm phải tiến hành thay đổi nội các. Vẫn còn giữ lý luận rằng khuyến khích một cuộc đảo chánh không có nghĩa là đồng lõa, Ngoại Trưởng khẳng định rằng Bạch Ốc sẽ hỗ trợ cho một nỗ lực đảo chánh của người Việt, nhưng Bạch Ốc “không nên và sẽ không khởi dậy và điều hành một cuộc đảo chánh.”
Trong một cố gắng giải thích cũng dao động như thế để phân biệt giữa động cơ Hoa Kỳ và hành động Hoa Kỳ, Rusk tuyên bố rằng Diệm phải hiểu rằng Mỹ tìm cách “cải thiện chính phủ [của Diệm] chứ không phải lật đổ.”
Hạ Viện Mỹ mới đây đã cắt chương trình viện trợ, “phần lớn vì thất vọng trong toàn bộ các nỗ lực tại Việt Nam.” Nếu không có thay đổi chính phủ, Mỹ có thể sẽ ngưng tất cả viện trợ.
Diệm phải chứng minh cho Quốc Hội Mỹ và cho dư luận thấy rằng “chúng tôi không yêu cầu người Mỹ tới để bị hy sinh nhằm hỗ trợ cho khát vọng của Bà Nhu muốn nướng thịt các vị sư.”
Các biện pháp cứng rắn bây giờ có cơ may sẽ thành công, vì đã thấy ông Diệm “có thể cũng đã biết sợ trong những ngày gần đây.” (55)
Tính bất khả tiên đoán của tình hình Việt Nam tiếp tục làm rối trí Bạch Ốc khi, vào ngày 1 tháng 9-1963, Đại sứ Lodge có buổi họp lâu 2 giờ với Nhu, trong đó cho thấy chuyện ngạc nhiên là Nhu đồng ý từ chức ra khỏi chính phủ như một dấu hiện của sự thành công trong cuộc chiến. Trước mặt Đại sứ Ý và Khâm sứ Vatican, Nhu tuyên bố rằng ông không còn được cần tới nữa và sẽ về hưu ở Đà Lạt sau khi chính phủ Sài Gòn gỡ thiết quân luật.
Những vị khách lắng nghe kinh ngạc trong khi Nhu khẳng định một cách bi hài rằng Nhu ưa thích chờ đợi cho tới khi “các điệp viên Mỹ nào đó” những người vẫn còn đang ám trợ một cuộc đảo chánh chống lại gia đình ông đã rời khỏi Việt Nam. “Mọi người đều biết họ là ai.”
Bà Nhu sẽ rời Việt Nam ngày 17-9-1963 để dự Hội Nghị Liên Quốc Hội (Interparliamentary Union) tại Nam Tư, sau đó sẽ đi tới Ý Đại Lợi và có thể tới Mỹ, nơi bà có một lời mời để nói chuyện trước Câu Lạc Bộ Báo Chí Hải Ngoại (Overseas Press Club) tại New York.
Khâm sứ Vatican sẽ sắp xếp để Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục ra khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, Nhu từ chối rời Việt Nam vì các liên lạc của Nhu với các cán bộ Việt Cộng, vốn bị mất tinh thần vì sự tiếp trợ không đủ từ Bắc Việt và đã sẵn sàng rời bỏ cuộc chiến vũ trang. (56)
Đại sứ Lodge chắc chắn đã nhận ra rằng Nhu không thật thà về chuyện rút khỏi chính phủ và rằng Nhu đã giấu các động cơ. Có chứng cớ nào về thành công [trên chiến trường] của quân lực VNCH? Những liên lạc nào Nhu đã thực hiện với Việt Cộng? Còn về những tin đồn về Nhu nói chuyện với Hà Nội? CIA đã gọi đó là “bí mật hiển lộ” trong giới ngoại giao ở Sài Gòn rằng Nhu đã liên lạc với Hà Nội và rằng ngườì Pháp đang tìm kiếm hòa giải giữa Nam và Bắc VN.
■ Trang 345:
Nhu mới đây đã nói với 15 tướng lãnh tại bộ tổng tham mưu Quân lực VNCH là đừng lo ngại về chuyện người Mỹ hăm dọa cắt viện trợ; Nhu “đã liên lạc với các anh em Miền Bắc và có thể có dịp nghỉ ngơi bằng cách yêu cầu Bắc Việt chỉ thị cho các du kích Miền Nam tạm ngưng hoạt động trong khi thương thuyết cho một thương lượng lâu dài.” Nhu đã tố cáo rằng CIA muốn Nhu “bước sang một bên,” và [CIA] đang làm việc với các “phần tử bí mật” trong chính phủ Mỹ để lật đổ chế độ Diệm. Chỉ có Đại sứ Lodge đưa tới hy vọng, theo Nhu khẳng định trong một lời tuyên bố và lời này hiển lộ ảo vọng cuả Nhu. “Chúng ta có thể vận dụng sai sử Lodge – Lodge sẽ đồng ý hoàn toàn với những suy nghĩ và những hành động của chúng ta.” (57)
Thái độ sai lầm của Nhu cứ tiếp diễn mãi khi Maneli gặp Nhu hôm 2-9-1963 (mà điều này nhiều năm sau mới được biết) trong khi đang có sự phẫn nộ về một bài viết nơi trang nhất của tờ Times of Vietnam trong đó cho thấy rạn vỡ giữa chế độ Diệm và Hoa Kỳ. Dòng tưạ đề nêu rõ, “CIA tài trợ một âm mưu đảo chánh.”
Bài này do Nhu viết, bản gốc của bài đã kể ra tên nhiều viên chức CIA đứng sau âm mưu, trong đó có Trưởng phòng CIA tại Sài Gòn là Richardson. Có một vài người sau đó kể lại rằng, Bà Nhu đã xóa tên ông Nhu trên bài viết đó.
Maneli tới Dinh, vào ngồi với Nhu ở một chiếc bàn nhỏ trong một căn phòng rải rác đồ đạc để lăn lóc “trông như một khối rác.” Nhu nhanh chóng khởi sự độc thoại trong đó có những ngôn ngữ và ý tưởng Mác-xít, điều này làm cho Maneli sửng sờ. (58)
Tôi đang thực hiện một cuộc chiến để kết thúc chiến tranh vĩnh viễn tại Việt Nam; Tôi đang thực sự chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng Sản để kết thúc chủ nghĩa tư bản vật chất. Tôi đang tạm thời xiết chặt tự do để sẽ cho lại tự do trong một hình thức vô hạn. Tôi đang củng cố kỹ luật để khai tử những trói buộc ngoại tại. Tôi đang trung ương tập quyền đất nước để sẽ dân chủ hóa và sẽ phân tán quyền lực ... Các ấp chiến lược là định chế căn bản của nền dân chủ trực tiếp. Khi các ấp nầy phát triển và thịnh vượng, chúng sẽ trở thành hạt nhân chính của một tổ chức quốc gia, và rồi chính bản thân nhà nước – như Karl Marx đã nói -- sẽ biến mất.” (59)
Hàng rào tre của một Ấp Chiến lược.
Theo ông Nhu, Ấp sẽ trở thành "định chế căn bản của nền dân chủ trực tiếp" và là
"hạt nhân chính của tổ chức quốc gia, và nhờ vậy, nhà nước sẽ biến mất"
Nhu thấy cái nhìn kinh ngạc của Maneli, và lập lại tuyên bố đó. “Đúng vậy. Tôi đồng ý với kết luận cuối cùng của Marx: nhà nước phải biến mất – đó là một điều kiện cho chiến thắng cuối cùng của dân chủ. Ý nghĩa của đời tôi là làm việc để cho tôi có thể trở thành không cần thiết. Tôi không chống lại những cuộc thương thuyết và hợp tác với Miền Bắc... Nơi đây, Ủy hội Quốc tế -- và bản thân ngài—có thể đóng một vai trò tích cực.(60)
Maneli lập lại lời bảo đảm trước đó của ông đối với Nhu rằng Ủy hội Kiềm soát Quốc tế ICC sẽ làm mọi việc có thể để kết thúc chiến tranh, ghi nhận rằng Sài Gòn đang râm ran những tin đồn về những cuộc thương thuyết bí mật. Maneli tin rằng Diệm và Nhu đã nghĩ rằng nếu họ tách lìa người Mỹ, họ có thể trong vị trí để sắp xếp cuộc thương lượng với Hà Nội. Do đó họ sử dụng nỗi sợ lan rộng này “để gây kinh hoảng và để bắt chẹt các đồng minh chống Cộng của họ.(61)
Sau đó trong ngày, Maneli nói chuyện với Lalouette, được Lalouette nhấn mạnh lần nữa rằng cách duy nhất để có hòa bình tại VN là xuyên qua chế độ Diệm. Maneli chưa bao giờ chấp nhận lời khẳng định như thế. (Nhảy tới trang 362)
■ Trang 362, từ giữa trang:
Các nguồn tin tình báo củng cố niềm tin của Đại sứ Lodge rằng đã tới lúc phải hành động quyết liệt, đặc biệt bởi vì các bản tin liên tiếp cho thấy Nhu đang thương thuyết với Hà Nội, “có hay không có sự xúi dại của người Pháp.”
De Gaulle mới trước đó đã lập lại lời khẳng định rằng chỉ có trung lập hóa Nam Việt Nam mới có thể ngăn cản làn sóng Cộng Sản xâm chiếm. Ông nói thế cũng có lợi ích riêng: phương cách đó sẽ trao một cơ hội để tái lập vị trí của Pháp trong khu vực. Thực sự, tham vọng của De Gaulle vượt xa hơn Việt Nam. Ông đã thu hút sự ủng hộ rộng rãi từ dân Pháp vì đã thiết lập Pháp Quốc như cường quốc trung gian chính trong việc làm giảm căng thẳng Chiến Tranh Lạnh.
Một chính phủ trung lập tại VN sẽ làm tăng ảnh hưởng de Gaulle như một lãnh tụ thế giới, và kết hợp với việc de Gaulle ủng hộ cho Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc, sẽ làm khựng lại những bước lớn của chính sách Mỹ tại Châu Á và Châu Âu.
De Gaulle biết rằng chỉ cần có những cuộc thương thuyết giữa Nhu và Hà Nội là sẽ hợp thức hóa được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (NLF) và sẽ tăng áp lực cho một hội nghị quốc tế về Việt Nam mà người Pháp có thể đóng vai chủ tọa. Liên Xô sẽ hỗ trợ, Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ nếu các nước tham dự kêu gọi Hoa Kỳ rời bỏ Nam Việt Nam.
Đại sứ Lodge nhận định rằng cơ hội duy nhất của Nhu để sống còn nằm trong việc sắp xếp với Bắc Việt để buộc Mỹ ra đi.
■ Trang 363-364:
Cả McCone (Giám Đốc CIA) và Harriman (Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ về Chính Trị Vụ) đều biết lời cảnh báo của Robert Thompson (Chuyên gia về chống du kích, đã xóa sổ cuộc chiến của Cộng Sản Mã Lai, và là Trưởng Phái Đoàn Cố Vấn Anh Quốc để giúp Hoa Kỳ ở VN) rằng “Nhu có lá bài độc duy nhất là việc Mỹ rút quân. Đưa lá bài đó ra,” Thompson nhận định, “Bắc Việt sẽ trả gần như với mọi giá.” (33)
CIA cũng nhận thấy rằng nhiều phần là chế độ Diệm, Hà Nội và người Pháp đang thúc giục để dẫn tới hòa giải hai miền Nam-Bắc. Phải thú nhận rằng, sự thống nhất Việt Nam không phải là giải pháp thay thế khả thi trong tình hình có những căm thù cay đắng hiện nay. Nhưng một cuộc ngưng bắn có thể củng cố đòi hỏi của Hà Nội rằng Mỹ phaỉ rút hoàn toàn khỏi Việt Nam, sau đó là sự thiết lập một chính phủ liên hiệp ở Miền Nam VN trong đó đón nhận tất cả các nhóm chính trị, kể cả Việt Cộng.
Người Pháp đã tìm cách hành động như vai trò liên lạc của Hà Nội với Tây Phương. Mặc dù Nhu sẽ đối diện sự chống đối gay gắt từ các tướng lãnh VNCH đối với bất kỳ thỏa hiệp nào với Miền Bắc, Nhu có thể nghĩ chuyện này khả thi nhờ ủng hộ từ người Pháp.
Nhà bình luận Joseph Alsop trong bài viết ngày 18-9-1963 trên tờ Washington Post đã làm cho Bạch Ốc thêm quan ngại. Trong bài viết tựa đề “Very Ugly Stuff” (Chuyện Cực Kỳ Xấu Xa), Alsop cáo buộc rằng, lần đầu tiên Nhu thú nhận đã liên lạc với Hà Nội. (34)
Nếu như thế, hành vị của Nhu hứa hẹn hậu quả nghiêm trọng đối với chính sách Mỹ. Nhu nhận định rằng thương lượng Nam-Bắc là rủi ro, nhưng đáng chấp nhận nếu có rủi ro. Làm sao Nhu có thể biết chắc rằng Nhu (và ông anh) sẽ sống sót với sắp xếp mới chứ?
CIA nhận định rằng thống nhất tức khắc là khó có thể được, vì Hà Nội trước đó đã công khai tuyên bố ý định sát nhập Nam VN. Nhưng Bắc VN tất phảỉ kiên nhẫn, và sẽ muốn làm dịu cuộc chiến trước khi Hoa Kỳ tăng sự tham dự.
Sài Gòn có lẽ sẽ có thể chấp nhận ngưng bắn và một vài hình thức trung lập để tự bảo tồn. Nhu đã nói rõ lập trường rồi. Cả công khai và cả nơi riêng tư, Nhu tố cáo Mỹ đã đưa Nam VN vào vị trí thuộc địa. Tuy nhiên, ở một mặt khác, việc Nhu nói rằng có sự ủng hộ của Mỹ đã làm suy yếu những người đối lập với chế độ Diệm tại Nam VN trong khi làm tăng uy tín Nhu.
Bệnh hoang tưởng quyền lực của Nhu đã lộ hẳn ra trong lời khoe khoang rằng duy chỉ có Nhu là có thể cứu Nam VN. Tôi là “cột xương sống duy nhất” của cuộc chiến chống Cộng, Nhu khoe với Alsop. “Ngay cả nếu người Mỹ quý vị có rút đi, tôi sẽ vẫn thắng cuộc chiến với cương vị lãnh tụ của phong trào du kích vĩ đại của tôi.
Cả Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần và Chánh Văn Phòng Võ Văn Hải (thư ký riêng cuả Diệm) đều nói rằng Nhu đã hút nha phiến trong hai năm qua, điều nầy giải thích cho bệnh hoang tưởng cuồng vĩ của Nhu. (35)
Cơn lốc những sự kiện đã làm cho mùa thu năm 1963 trở thành thời kỳ nghiêm trọng tại VN. Chế độ Diệm đã gỡ thiết quân luật vào ngày 16-9-1963, nhưng chính sách đàn áp Phật Tử vẫn không ngừng. Trong một bản tin phát thanh cùng ngày, NLF (Mặt trận Giải phóng) lên án chế độ Diệm vì đã đàn áp Phật Tử và “tập đoàn Mỹ hiếu chiến” đang tiến “vào một đường hầm không lối ra.” Rằng tất cả những đồng bào Nam VN hãy nổi dậy chống “bọn xâm lược Mỹ và các con chó săn của chúng – gia đình Ngô Đình Diệm.”
Cả những nguồn tin tình báo Mỹ và the Country Team in South Vietnam (cụm từ này có nghĩa: các viên chức Tòa Đại Sứ Mỹ) kết luận rằng những người chống Nhu có mặt ở mọi cấp trong chính phủ, cũng như trong quân đội VNCH và trong giới trí thức thành thị. MACV nhận định rằng các sĩ quan cao cấp nhất cuả quân lực VNCH bác bỏ vai trò lãnh đạo của Nhu “trong bất kỳ điều kiện nào.”
Nếu những nhận định này là chính xác, hễ Nhu càng hành động, là càng bảo đảm sẽ rơi khỏi quyền lực.
■ Trang 406:
Đại sứ Lodge đã chính xác khi khẳng định rằng không người Mỹ nào có thể ngăn cản các tướng VNCH phát động cuộc đảo chánh.
Những lực mạnh mẽ đã thúc giục họ hành động, đáng ghi nhận nhất là việc chính phủ Kennedy đã cắt giảm có chọn lọc viện trợ, vốn là sự ủng hộ thấy rõ của Lodge cho một cuộc đảo chánh, và hậu quả thảm tử chắc chắn xảy ra cho họ nếu có bất kỳ thương lượng nào đạt được giữa Nhu và Hà Nội.
Tướng Tôn Thất Đính, sau nầy, giải thích về cuộc đảo chánh trong nhiều cách, trực tiếp nhất là việc Nhu mới liên lạc với Tướng Việt Cộng Văn Tiến Dũng xuyên qua đại diện Ba Lan trong Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế ICC.
Nhu có vẻ như thu xếp gần xong việc kết thúc cuộc chiến, việc sẽ giữ gìn được chế độ Diệm, và việc sẽ tới cao điểm là các bản án tử hình cho những người âm mưu đảo chánh. Giây phút quyết định đã tới khi các tướng lãnh chống đối nhận ra nỗi nguy hiểm chết chóc lớn hơn khi trì hoãn đảo chánh thay vì cứ tiến hành luôn. (70)
Vào cuối tháng 10-1963, một cuộc đảo chánh lần nữa thấy như dường tất yếu. Đại sứ Lodge báo cáo rằng có ít nhất 10 nhóm nói về chuyện đảo chánh, nhưng nhóm chính yếu, dĩ nhiên, là các tướng lãnh cao cấp cuả quân lực VNCH.
Lần này khác một trời một vực với kinh nghiệm hồi tháng 8-1963. Chính phủ Kennedy đã ra dấu hiệu ủng hộ, Tướng Dương Văn Minh và các bạn tướng lãnh của ông có một kế hoạch, và việc Nhu thương thuyết với Hà Nội đã xóa bỏ mọi do dự của họ.
Bạch Ốc nêu chính sách hồi tháng 8-1963 là sẽ ủng hộ các tướng nếu họ thành công và sẽ không bao giờ biết tới nếu họ thất bại. Nhưng tình hình quốc nội và quốc ngoại VN đã suy sụp tệ hại trong 2 tháng qua, tới nổi một cuộc đảo chánh trở thành một lối khả thi duy nhất cho chính phủ Kennedy để gỡ rối cho quân Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Chỉ có sự thay đổi chính phủ Nam VN, mà nhờ vậy, Hoa Kỳ có thể tuyên bố đã có tiến bộ cần và đủ trong nỗ lực viện trợ để [rút bớt quân Mỹ và] trở về mức chỉ duy trì cố vấn Mỹ cấp thấp và mức độ viện trợ tương đương như hồi đầu năm 1961.
Một lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ, cả Hải quân và Không quân, đã tiến vào khơi sát bờ biển Nam VN để sẵn sàng di tản người Mỹ. Đại sứ Lodge được lệnh từ chối bất kỳ lời nài nỉ xin giúp nào từ bất kỳ phe nào trong cuộc đảo chánh. Nhu có vẻ như sẵn sàng thương thuyết để đạt thương lượng với Hà Nội. Đối với các tướng lãnh VNCH, bây giờ hoặc sẽ không bao giờ...(71)
NOTES
Chú thích cho các trang 310-314:
35. Lodge to Rusk, Aug. 24, 1963, FRUS, 3: Vietnam January–August 1963, 620–21; President’s Intelligence Checklist (sent to Hyannis Port, Mass.), Aug. 24, 1963, ibid., ed. note, 626; Current Intelligence Memorandum, CIA, Aug. 26, 1963, ibid., ed. note, 626.
36. Acting sec. of state to Lodge, Aug. 25, 1963, FRUS, 3: Vietnam January– August 1963, 635; CIA station in Saigon to CIA in Washington, Aug. 25, 1963, ibid., 633–34; author’s interview with Hilsman, Sept. 17, 2001; Hammer, Death in November, 177; Winters, Year of the Hare, 61.
37. Nolting Oral History Interview, 80–81 (May 6, 1970), JFKL; Trueheart Oral History Interview, 1: 53–54, LBJL; Nolting Oral History Interview, 115–16, May 7, 1970, by Joseph E. O’Connor, for JFKL Oral History Program.
38. Mieczyslaw Maneli, War of the Vanquished (New York: Harper and Row, 1971), 115, 117–18, 121, 125. A photograph had circulated among the diplomatic corps that suggested an immoral liaison between Maneli and Madame Nhu. Maneli denied both charges, although wittily remarking that “a love affair with as interesting and unusual a woman as Madame Nhu . . . could only adorn a man’s biography.” Ibid., 112–13. See also Langguth, Our Vietnam, 232, and Logevall, Choosing War, 6–12. Later exiled from Poland, Maneli came to the United States and taught political science at Queens College in New York. Hammer also emphasizes France’s wish to reestablish its control over Vietnam. See Death in November, 222. Dinh told the press that the Diem government “had entered negotiations with the Communists. . . by contacting the Polish representative on the ICC.” Policy of the Military Revolutionary Council and the Provisional Government of the Republic of Vietnam (Saigon: Ministry of Information, 1963), 32. Wason Pamphlet, Department of State Vietnam 373+. Echols Collection: Selections on the Vietnam War.
39. Maneli, War of the Vanquished, 121–22; Ho quoted in Hammer, Death in November, 221–22.
40. Maneli, War of the Vanquished, 127; Hammer, Death in November, 223; Lalouette quoted in ibid.
41. Maneli, War of the Vanquished, 127–28; Hammer, Death in November, 223–24; Winters, Year of the Hare, 43–44; Duiker, Ho Chi Minh, 534. Ho Chi Minh expressed the same peace terms in an interview with Wilfred Burchett that appeared in Moscow’s New Times on May 29, 1963. See FRUS, 4: Vietnam August–December 1963, 85 n. 3.
42. Maneli, War of the Vanquished, 128–29, 131, 134.
43. Ibid., 135–37; Hammer, Death in November, 220–21.
44. Nhu’s first quote in Hammer, Death in November, 221; Nhu’s second quote in Maneli, War of the Vanquished

This message has been truncated


No comments:

Post a Comment