Pages

Saturday, October 29, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN = ĐẶNG ĐÌNH HƯNG = VIỆT CỘNG

HỒ MINH DŨNG * BÊN TRỜI HOA CHẦU NỞ


BÊN TRỜI HOA CHẦU NỞ
Hồ Minh Dũng


Trong tù, anh Hoàng Vân chỉ làm một việc duy nhất : đổ phân người.

Tuy công viêc gọi là thấp hèn, cũng qua một cuộc họp bình chọn cam go của anh em đồng cảnh ngộ, có sự phê chuẩn của cán bộ quản giáo.

Với anh em, anh là người đàng hoàng, mạnh khỏe, nỗ lực trong mọi công tác, không nề hà lánh nặng tìm nhẹ, nín thở qua sông. Với quản giáo, anh là phạm nhân chưa có một biểu hiện đáng ngờ vực, trong những lá thư gửi về thăm vợ con ở Sài Gòn, khi kiểm duyệt, vẫn thấy anh có quyết tâm học tập, tha thiết một ngày về đoàn viên. Hơn thế, anh có một người cô ruột là cán bộ cao cấp trong ngành nông nghiệp. Giao cho anh công việc “tự giác” nầy là tạm... ổn.

Trại giam Vĩnh Quang do bộ Nội Vụ quản lý, nằm nép mình dưới sườn đồi hẻo lánh. Quanh năm có sương mù bao phủ. Cảnh sắc lúc nào cũng tiêu điều, buồn bã. Ngoài chính trị phạm tiếp nhận từ các trại Quân đội sau năm 1975, còn giam giữ hàng trăm tội phạm hình sự nhiều nơi gom về. Họ toàn là những con người xác xơ, ngơ ngáo bị hoàn cảnh lùa vào con đường hoạn nạn, sống khắc khoải, lưng chừng giữa biên giới thiện ác, không biết đời mình rồi sẽ kết thúc ra sao. Nhưng họ bày tỏ mối thân thiện ngay khi đám Sĩ quan chế độ cũ lúc sa cơ đến đây, có thể là rước bớt hay chia bớt cho họ những điều hiểm nghèo, ác liệt, lại có thêm những người bạn đồng hành hào phóng, đa tài. Cục diện đã thay đổi, nhưng âm hưởng hào quang ngày nào vẫn còn đó.

Khi Hoàng Vân đẩy thùng phi phân người ngang qua trước cửa khu giam biệt lập, có hàng chục người già trẻ, ló đầu ra đón mừng hồ hởi, có kẻ quăng ra cho anh một bao thuốc lào Vĩnh Bảo, có kẻ liệng cho anh vài điếu thuốc lá Sông Cầu... gọi là chút tình nghĩa bất phân ly lúc chim lồng cá chậu. Có kẻ, không kềm được nỗi ấm ức lâu ngày, cất tiếng : “Đại bàng miền Nam ơi, cánh mới sụm thôi, chưa gãy lìa đâu nhé. To gan lên, sau cơn mưa trời lại sáng choang đó.”
Người khác, mái tóc đã hoa râm, nồng nhiệt chen vào : “Một mai kia, trời có lật, đất có nghiêng về phía mình, các anh đi trước, có chúng tôi theo sau, nhé.”
Về sau, khi có lệnh ban giám thị cấm không cho ra đứng cửa liên hệ nữa, bọn họ lại đục thủng bức tường gạch một lỗ vừa cái đầu người chui ra, chờ anh đi qua, thập thò bắn tiếng : “May tạm cái khẩu trang bịt mũi miệng. Ở đây tọa bệnh, chỉ có ông trời cứu.”
Một đứa khác, mặt còn non choẹt, đứng tên vai bạn, nhú đầu lên khỏi bức tường, nói theo : “Hôm nào chị trong ra, nhớ cho bọn bên nầy gửi lời thăm và có chi cho hưởng chút xái, đừng quên nghe anh.”
Công việc của anh làm không lấy gì phức tạp. Chiều hôm trước đã có trực buồng các đội lấy phân trong cầu tiêu ra đổ vào thùng để bên hông hội trường, chỉ cần cán bộ an ninh trại khám qua coi có kẻ nào liều mạng chui vào đó để trốn trại không, là giao cho anh, anh chỉ việc cầm hai cái cần xe cải tiến có bốn bánh bằng gỗ đẩy đi.

Phân người tù, trong một chế độ ăn uống khắc nghiệt, chia sẻ rất mật thiết với “Hoàn cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn vì tàn dư của chế độ cũ để lại” không lấy gì phức tạp, không gây vất vả nhiều cho anh, chỉ có cái việc hủy nó đi mới nan giải.
Trước đây, khi người tù hình sự đảm trách, chỉ việc đẩy xe ra khỏi đồi chè trục xuống là xong, vài giờ sau từng bầy chim mỏ nhọn lông đen, không biết từ đâu kéo về cắn xé, giành giật kêu chí chóe. Từ khi phái đoàn công an tỉnh sở tại về điều nghiên, thấy khu ruộng lúa phía trước trại còi cọt, không đủ thóc gạo cải thiện bữa ăn cho đám vợ con cán bộ ở khu gia binh bên hông trại, nên đưa ra nhiều kế hoạch cụ thể, trong ấy có phương pháp cổ điển, đốt phân người thành tro rải xuống ruộng. Hoàng Vân là người tù duy nhất được mang theo hộp quẹt trong túi để làm nhiệm vụ đó.
Công việc nầy về sau gây cho anh nhiều vất vả, vốn tính kiên nhẫn, chịu đựng bền bỉ anh cũng lắm phen chùn bước. Nếu phân người được phơi phóng vài ba hôm thì khỏi mất thì giờ nhen nhóm. Nhưng phơi như thế lại mất hai người tù canh chim, biết đâu họ lợi dụng kẽ hở nầy để “khước từ” cải tạo. Mà đâu có phải chỉ có chim ban ngày, ban đêm còn có biết bao sinh vật cần đến cặn bã nầy, lớn như chồn cáo, nhỏ như bọ hung, bọ rầy...
Hôm nhóm bếp đầu tiên, cán bộ quản giáo ân cần nói với anh : “Điều cốt nhất là phải ngồi trên gió, nghe anh Vân. Hơi độc của khói nầy được ban nghiên cứu nông nghiệp trung ương đánh giá là, có tác dụng làm tổn thương hệ thống thần kinh động vật khi tiếp cận, giống như chất hóa học màu da cam mà đế quốc Mỹ đã sử dụng ở chiến trường. Phân người, xét cho cùng, không có gì đáng ngại, ngoài chất độc hữu cơ của nó.
 Xã hội mới, không đánh giá hồ đồ việc làm của từng cá nhân, coi trọng thực chất hơn là từ ngữ bề ngoài. Ráng lên anh Vân, mùa đông đến, trời năng mưa, khí hậu ẩm ướt lại cần thiện chí của anh. Kỳ họp đến, tôi sẽ đạo đạt lên ban giám thị cho anh hưởng mức ăn A, lại bồi dưỡng thêm cho anh mỗi tuần nửa ký sắn tươi đã vạt sạch đầu đuôi, hay hai trăm gam sắn khô chưa ngâm nước. Lúc nào vợ ra, tôi sẽ trình lên ‘khung’ cho anh ra thăm bốn mươi tám tiếng, nhé.”
Khi nhận số sắn thêm nầy, Hoàng Vân đem hết cho anh em trong đội đang đói kiệt sức. Còn anh, một cơ thể to lớn, làm việc cực nhọc cũng cần yểm trợ, thì đã có bếp lửa bên cạnh, chỉ đi một vòng giữa đồi núi trung du nầy là có củ mài, gốc chuối rừng, rau dệu, rau tàu bay, bắc gô lên là xong.
Điều làm cho anh khó xử bộc phát sau nầy là, phải tìm ra một phương cách hợp tình hợp lý để đối xử với đám vợ con trong khu gia đình tập thể, thường ra đây la cà, vòi vĩnh xin một ít tro phân về bón hoa màu.
Lúc nào ra, họ cũng vác bộ mặt rầu rầu như vừa rời khỏi đám tang, kèm theo những lời thành khẩn, dịu ngọt, o bế. Có chị mang biếu anh vài viên thuốc ký ninh phòng khi sốt rét, có bác nhân dịp lên lễ đền Hùng đem về tặng anh một vài viên cuội nhẵn bóng gọi là món quà tưởng nhớ tiền nhân. Có anh, trước đây trong đội phòng không, nay điều về coi tù mang đến tặng một miếng inox bằng bàn tay lấy từ thân máy bay B52 bắn rớt, để anh chạm khắc làm vật kỷ niệm ở tù. 
Đáng nhớ nhất là có mấy em bé bỏ học đến mách nhỏ vào tai anh, nghe thiên hạ bàn tán xôn xao về các lực lượng Phục Quốc trong Nam nổi lên như kiến cỏ và tình nguyện mang thư anh ra tận huyện lỵ bỏ vào thùng thư bưu điện, anh muốn viết gì cho vợ con thì tha hồ.
Khu gia đình cán bộ nầy có riêng một mảnh đất nằm thoai thoải bên bờ suối. Họ trồng đủ các thứ cây: mướp, cà, xu hào, đậu, ớt, gừng, giềng, sả, hành tỏi... Sở dĩ được tốt tươi quanh năm là nhờ anh du di trong một mức độ vừa phải, nếu cán bộ nào phát hiện ra thì anh cũng có lý do biện bạch.
Không phải ai cũng đem theo vợ con đến ở đây, nên chuyện chia rẽ trong nội bộ xẩy ra thường ngày, có khi ngờ vực đến sự cống hiến hy sinh của những người đã có bốn, năm mươi năm tuổi đảng. Nghiệt thay, có những mất mát vô lý mà lực lượng vệ binh rình hoài không bắt gặp được. Thân sắn chưa trỗ nạng ba, khoai lang chưa ra hoa đã đào trốc gốc, cuốc xẻng để ngoài “lô” không cánh mà bay, mấy cái thùng gánh nước tưới cây đội hàn gò chưa làm xong cũng không còn, thậm chí mấy chĩnh nước mắm, mấy thùng mỡ lợn dành cho bếp tù, đêm khuya cũng có kẻ leo tường vào cạy cửa lấy hết.
Trong một xã hội chưa xây dựng lại “Bằng mười ngày xưa” thì những hiện tượng ấy có thể xí xóa bỏ qua. Đằng này, khu vực trại giam, trên danh nghĩa cải tà quy chánh, thì chuyện ấy khó coi, tựa hồ như vạch áo cho người xem lưng, nên ban giám thị phải tập trung toàn trại viên lên hội trường làm việc.

Ông giám thị vận dụng hết sở trường nghề nghiệp, nói : “Gần đây, có những sự vụ việc xẩy ra ngoài ý muốn, chúng tôi đã cho mời chuyên viên trên về điều tra và có kết luận rằng, những dấu chân của những kẻ bất chính đó luôn đi về phía mặt trời lặn, rồi mất tích trong dãy núi đá vôi. Rất có thể, không ai khác hơn là cháu chắt mấy đời của bọn ngụy quân, ngụy quyền trước năm 1954 còn lại chưa gột bỏ hết cái thói ăn bám xã hội đấy. Nhưng, với sự cảnh giác cao độ của quần chng, với quyền lực sắt thép của đảng, trước sau gì chúng tôi cũng tóm cổ thôi.”
Chờ cho hết tiếng vỗ tay của đám vệ binh cò mồi ngồi phía sau, ông giám thị tiếp : “Tôi nói thật với các anh, chỉ riêng tù chính trị thôi nhé, các anh còn nhớ gì trong lịch sử cổ đại Trung Quốc không, chính cái thằng cha Lưu Bang nước mắt cá sấu kia, trên đường bôn ba lập nên nhà Hán, cũng có lần chui vô nhà một người con gái tên Thích Cơ định trộm gà ăn thịt. Kẻ mà sử sách thường gọi là tráng sĩ thề qua sông Dịch không về, cũng ăn cắp của người hàng xóm cái... mái chèo. Các anh có biết ai không ? Kinh Kha đấy.”
Ngừng lại, ngó quanh hội trường, thấy đám hình sự đứa ngủ gật, đứa ngáp, đứa gãi ghẻ ngứa, ông giám thị vỗ bàn : “Ê, chỏng tai lên mà nghe nào. Trưa nay tất cả các anh được ăn nguyên con trâu nặng gần hai trăm rưỡi ký. Lần nầy, trại không bán bộ da cho dân phơi khô làm mặt trống, mà hầm nhừ cho các anh ăn luôn.” 
Đem miếng ăn ra nhử, nhưng đám người phờ phạc vẫn ngồi im như tượng, giám thị lắc đầu, tiếp : “Tôi biết các anh đang cần gì, tiêu chuẩn đảng nuôi cũng không đến nỗi nào, hiềm vì lòng dạ con người thường có khuynh hướng ngả về phía tiêu cực, là nguyên nhân chính phát sinh ra những túi tham vô đáy, khi bộ não không nhận thức được thì hệ thống tiêu hóa hùa theo mà khống chế, từ đó mọc ra những gai, rễ níu kéo trì trệ, khó tiến bộ để về với gia đình được. Các anh có biết con rùa treo trên ngọn cây cao, không ăn uống chi mà bao nhiêu lâu mới chịu chết không ?”
Một câu hỏi như thế, dĩ nhiên phía dưới không có tiếng đáp lại. Thân thể họ đã kiệt, lượng máu trong người chỉ bơm thấu được một phần cơ bắp, mắt mờ, tai lãng, nghe lời ông giám thị cũng như vịt nghe sấm. Cuối cùng, ông giám thị cũng không chờ câu trả lời ấy nữa, kết thúc buổi nói chuyện bằng cách động viên: “Bắt đầu từ nay cho đến khi cĩ lệnh mới, mỗi tuần, trưa chủ nhật, các anh được ăn mỗi người một bát cơm trắng. Khi có sự chiếu cố nầy, tuyệt đối cấm không được chụm năm chụm ba đánh cờ tướng ăn thua bằng cách bôi lọ nồi vào mặt đấy. Mặt tù, bôi thêm thứ đen điu ấy vào, trông không giống ai. Kẻ bất tuân sẽ biệt giam vô hạn định, nhớ chưa. Hết.”

Sau buổi lên hội trường, cán bộ quản giáo gọi riêng Hoàng Vân ra đầu hồi, dặn nhỏ : “Dù thế nào đi nữa, anh cũng kín miệng để bảo vệ danh dự chúng tôi. Vạn sự bất như bần, giai do đều phát xuất từ sự thiếu thốn. Không ai muốn bôi tro trát trấu vào mặt. Công tâm mà nói, nếu anh không khôn khéo cho ít nhiều tro phân thì cái rẫy bên bờ suối kia, cây cỏ cú cũng không trồi đầu lên nổi, đừng nói chi chuyện hoa với màu. Tôi đại diện những người anh giúp, cám ơn anh nhiều, nhiều lắm nhé.”

Cũng nhờ anh Vân mà nội quy trong đội được nới lỏng đôi chút, hàng tháng những lá thư gửi về gia đình cũng kiểm duyệt qua loa, ngày chủ nhật hay ngày lễ được nổi lửa “cải thiện” sớm hơn năm mười phút. Có ai đó, trong nỗi nhớ thương không dằn được, cất lên vài câu “nhạc vàng” cũng không sao. Đi thu hoạch, có ai nhai trộm một mẩu sắn sống chỉ rầy rà vài tiếng. Khi ra ngoài chặt tre về đan đát có ai trúng gió cũng được phép vào nhà dân xin dầu hôi bôi để cạo. Tóm lại, như lời một vị Đại tá, cựu Tỉnh trưởng đã vui : một người đổ phân cả đội được nhờ.
Một hôm Hoàng Vân đang lúi húi nhóm lửa để đốt phân thì một cô gái đến, vui vẻ nói chuyện, như đã từng quen biết : “Anh tù miền Nam nè, em nghe đâu trong đó các anh thèm chất ngọt quá, khi đánh răng nuốt luôn cả kem, phải không ?”

Câu hỏi khởi đầu trên đôi môi chúm chím, hiền từ, làm Vân bật cười : “Phải.”

Cô gái ngồi xuống cạnh anh, buông tiếp một tràng câu hỏi : “Nghe các anh cạo râu bằng mẻ chai, phải không ?”

“Phải.”

“Giường chiếu các anh ngủ, rệp bò lổm ngổm, không tài nào đếm xuể à ?”

“Phải.”

“Móng tay dài, các anh dùng răng cắn phải không ?”

“Không dùng răng thì dùng gì ?”

“Còn móng chân ?”

“Cũng thế.”

“Nghe người ta kể, khi ăn bắp, các anh cẩn thận đếm từng hột mới bỏ vo miệng nhai, làm chi thế cho mất thì giờ ?”

“Để không đi bữa ăn.”

Cô gái không còn giữ nét vui tươi nữa, tỏ vẻ ngao ngán : “Em còn nghe các anh ăn cả ốc sên, cóc, ễnh ương, chàng hiu, bọ cạp, bọ xít, cào cào, cuốn chiếu, đuông, rắn mai, thằn lằn, mối, kiến, sâu róm nữa, phải không ?”

“Con gì ăn được thì ăn, trừ bọ hung.”

“Phải, bọ hung nhớp, đừng thèm ăn. Thế có ai ăn rít ?”

“Không.”

“Vì sao thế anh?”

“Vì tìm không ra.”

Cô gái lại cười bày hai hàm trắng ngà. Nụ cười làm nét mặt cô ngây thơ thêm. Lát sau cô hỏi tiếp : “Vì sao lại lạ đời thế anh nhỉ ?”

“Vì chúng tôi là tù, tù bỏ đói.”

Cô gái như chợt tỉnh, đưa đôi mắt buồn thiu nhìn qua mấy ngọn đồi đầy hoa chẩu nở. Màu hoa trắng xóa bít kín chân trời. Những áng mây phía sau hoa cũng trắng xóa. Rồi cô chặc lưỡi : “Hèn gì ai cũng ngán ở tù. Em ở tận ngoài mỏ than Quảng Ninh kia, vào đây thăm người chị lấy chồng công an coi tù đây. Trong làng em, cũng có mấy người đi tù, họ đi luôn, không thấy về. Hồi còn đi học, em học môn vạn vật, được biết không phải loài vật nào cũng ăn được, như gan cóc tía, mật kỳ đà chẳng hạn, các anh đừng xem thường mà bỏ mạng. Cũng may mà ở núi đồi, con cá nóc không bơi lên được, không thì các anh ăn phải, chết hết còn gì ?”

“Cô em đừng lo, các anh còn sống nhăn đây. Có chết, thì không phải chết vì... ăn bậy.”

Cô gái hiểu ý : “Biết thế rồi, nhưng cũng phải ráng mà sống chứ. Em nghe họ đồn, vợ các anh trong Nam đi lấy chồng hết phải không ?”

“Có ít thôi, bằng chứng là ngày nào cũng có những người lặn lội ra đây thăm chồng.”

“Con cái các anh có người đi bươi những đống rác ?

“Con không cha, đói thì đi đâu cũng đi, miễn là không đi giết người, cướp của.”

Đăm chiêu một hồi lâu, cô gái lại hỏi, giọng buồn bã: “Khi anh chị yêu nhau, có nghĩ đến ngày xa nhau, khi anh đã xa lâu như thế nầy rồi, có thương chị ấy không ?”
Hoàng Vân khẽ cười : “Đã gọi là yêu nhau, lúc gần cũng như lúc xa, đều như nhau.”
“Thế mà người ta cứ nói, các anh và cả các chị nữa, đều là hạng bạc tình. À, anh nè, bây giờ thì người ta nói con dơi sinh chuột, chuột đẻ ra trứng, trứng nở ra chồn hương còn được nữa là. Riêng bản thân em, dù có đem xuống vịnh Hạ Long trấn nước, cũng không tin con vượn sinh ra người. Tổ tiên mình hẳn phải cao sang, sao nhăn nhó như khỉ được, tính chi nước cờ, buồn quá, phải không anh ? Thôi em vào, chị em cho em mang lon đỗ lạc rang nầy ra biếu anh ăn đỡ buồn. Mai em về quê rồi. Chắc là tết nầy lại lên. Hẹn gặp anh lần sau nhé.” Đi một quãng, cô lại quay lui, nói : “Chuyến sau, thế nào em cũng biếu anh cây dao nhíp để cắt móng tay, móng chân. Mỗi lần cúi xuống cắn móng chân coi chừng gãy cổ, nghe anh.”

Cuối mùa Đông năm ấy, Hoàng Vân lâm bệnh. Cán bộ trại cũng như anh em cùng cảnh ngộ không ai biết anh bệnh gì. Khi không còn sức để gánh vác công việc nữa thì mức ăn của anh trụt xuống hạng B tức khắc, dù ban giám thị trại biết anh có nhiều cố gắng, nay đau ốm, đối xử như thế là bất nhẫn, nhưng điều quan trọng hơn là, cảnh tỉnh cho người khác biết, trong xã hội mới, dứt khoát có làm có ăn, không làm thì nhịn, chẳng thiên vị, ưu đãi cho bất cứ ai.
Trong những ngày ấy thì bà cô từ Hà Nội lên thăm. Nhờ sự chiếu cố đặc biệt của ban giám thị trại, anh được ngồi lên chiếc xe cải tiến trước dùng riêng cho anh chở phân, để hai người tù hình sự đẩy ra thăm cô.

Vừa trông thấy người đàn bà ngồi trong phòng tiếp tân, anh cố ngẩng đầu cao, cất tiếng gọi : “Cô !”

Người đàn bà quay lại, hỏi cán bộ phụ trách thăm nuôi : “Người ngồi trên xe là thân nhân của tôi ?”

Cán bộ chưa kịp trả lời, từ ngoài hành lang, anh lại ráng sức : “Cháu đây, cô ơi !”

Rời khỏi chỗ ngồi, người đàn bà châm chạp đi về phía anh, tỏ vẻ ngạc nhiên : “Cậu là Nguyễn Hoàng

Vân đây à. Sao nhận ra tôi ?”

“Thấy cô giống bố cháu như đúc.”

Vừa nói hết câu, anh khóc rống lên. Một hồi, anh nín bặt, rồi lại khóc thút thít như đứa trẻ thất lạc lâu ngày được gặp mẹ.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi vào tù anh khóc.

Năm 1954, anh mới lên sáu tuổi theo cha anh di cư vào Nam, cô đi chiến khu.

Khi anh còn trong quân ngũ, mỗi lần về phép thăm cha, ông đều nhắc, đại khái, sau nầy nếu giải phóng được miền Bắc, nhớ ghé số nhà nầy..., phố nầy...,đó là nơi tổ tiên trú ngụ đ bao đời. Anh chị em bố người nào nét mặt cũng hao hao giống nhau, dễ nhận ra thôi. Nay cha đã ra người thiên cổ, không ngờ gặp cô ở chốn nầy. Anh khóc vì chuyện đời trớ trêu.
Vốn là người từng trải, rất hiểu nỗi lòng tù nhân lúc nầy, người cô an ủi : “Đừng khóc, cháu. Gặp được cô là điều may. Ít ra, cháu cũng có một người cùng máu mủ đến thăm trong tình cảnh nầy. Nếu cô đoán không nhầm, chắc có một lúc nào đó, thâm tâm cháu cũng nghĩ rằng, đời cháu với một quá khứ của mình, coi như đã hết, chẳng còn ai ngó ngàng đến. Người ta nói, một giọt máu đào hơn ao nước lã, đối với cô, không phải ao, mà… hồ, đầm. Cha cháu qua đời, cô không gặp mặt. Cô còn nhớ, hồi thơ ấu, hai anh em thường dắt nhau ra con đê Yên Phụ ngắm chiều xuống bên kia sông Hồng.
 Bầu trời trước mắt ngày ấy mây quấn quít bên nhau, đẹp làm sao cháu ơi. Trong mấy anh chị em, cha cháu thương cô nhất. Cháu cũng có nét giống cha, có điều gầy rạc, xanh xao quá. Hồi mới giải phóng, cô vào tiếp thu cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh có ghé nhà, lúc đó cháu đã tập trung cải tạo rồi. Tội nghiệp vợ cháu, đặt hết niềm tin nơi cô, nhờ cô đứng ra bảo lãnh cho cháu được sớm về. Cháu dâu có ngờ đâu rằng, đối với cách mạng, ai gieo thì nấy gặt, một mình. Vợ cháu cũng có tặng cô một cái đài ba băng, loại Nhật Bản ít hao pin, nay cô còn nghe tốt. Vừa mới đây, vợ cháu có viết thư ra thăm cô và gửi kèm theo tấm ngân phiếu, nhờ cô mua một vài thứ cho cháu ăn tết. Ra năm rộng tháng dài, vợ cháu sẽ ra thăm, chắc là đem theo cả mấy đứa con.”

Hoàng Vân bối rối nhìn cô, lúc lâu mới nói được : “Thuở sinh thời cha cháu thường nhắc đến cô. Cha cháu nói hồi học tiểu học, cô có khiếu vẽ, vẽ hoa sữa, trái sấu giống như đúc.”

“Ừ, lớn lên cô chẳng vẽ vời gì được, mà có theo nghề hội họa chăng nữa, suốt đời cũng chỉ ra góc đường ăn cơm tấm và ở nhà tập thể với chuột đó thôi. Thế cháu bệnh gì mà phải có hai người dìu. Bại hả ?”

“Cháu cũng chẳng biết bệnh gì.”
“Chắc thiếu thốn dồn dập rồi sinh bệnh, có quà nầy cháu cứ bồi dưỡng một thời gian sẽ bình phục. Các vị lãnh đạo cao cấp trong đảng ai cũng có một thời bị tù, lâm trọng bệnh mà về sau không hề hấn gì. Riêng cô đây, hồi đi kháng chiến, khi không xáng xuống bệnh, hai chân sưng vù như cột nhà, tưởng liệt suốt đời, thế mà cũng lành ráo.”
Rồi bà ghé vào tai anh, khẽ nói : “Như thế nầy cũng là may rồi đó cháu. Nhổ cỏ mà không nhổ tận gốc là người ta mong có ngày để cho mặt đất bớt vẻ tiêu điều. Lịch sử nhân loại còn sờ sờ đó, chắc cháu cũng đã nắm, bất cứ một phe thua nào cũng bị phe thắng tàn sát, Tây Sơn với Chúa Trịnh, nhà Nguyễn với Tây Sơn cũng thế thôi, có người bị xẻo từng miếng thịt, lóc từng khúc xương, có người bị cột vào bốn chân voi xé xác, có người bị xẻo mũi, cắt tai, đâm thủng mắt dắt đi bêu ngoài đường. Nay đảng không làm thế, nhưng dĩ nhiên là chịu chế độ uốn nắn khắt khe, thậm chí có khi vô cùng khắc bạc. Cháu nên xác định vị trí của mình, nghe đâu, trước cháu ở trong binh chủng gì ghê gớm lắm, chỗ nào có đối phương thì xông ào tới, coi cái chết nhẹ như lông. Vậy thì nay chiến bại, như thế nầy, cũng không oan ức gì. Cháu nghe lời cô nói có lý không ?”
Suy nghĩ một hồi, Hoàng Vân nói : “Nhưng cháu có cái lý của cháu. Cháu không buồn vì chuyện mình bị tù, nhưng buồn vì cháu không giữ được nơi mình phải giữ. Cháu phải ở vào cái thế chịu bó tay đầu hàng, rồi đâm đầu vô tù, trong khi cháu và đồng đội còn sức và nhiệt huyết để chiến đấu, thế thôi.”

“Cô hiểu. Nhưng sự việc đã xẩy ra rồi, chấp nhận nó là điều tối cần. Coi như ách giữa đàng quàng vào cổ.”
Không muốn đả động đến chuyện chính trị nữa, người cô quay lại gọi cán bộ đang đứng nhìn trời nhìn đất ngoài hành lang vào, hỏi : “Thế đồng chí quản lý phạm nhân, có biết cháu tôi bệnh gì không ?”
“Thưa, tôi không phải quản giáo, chỉ thuần phụ trách thăm nuôi.”
Sau, Hoàng Vân hỏi thêm : “Dượng và các em có khỏe không. Cô lên thăm cháu bằng phương tiện gì ?”“Dượng về hưu rồi, các em đã thành gia thất. Cô đi xe đò lên Bến Phà Trang, từ đó vào đây bằng xe trâu. Ngồi trên xe trâu mệt, nhưng có cái thú là được lắc lư, thấy mình chông chênh giữa núi đồi cũng vui, lại giúp mình có dịp hồi tưởng lại thời xuân xanh bay nhảy đã qua. Mỗi lần đi công tác bằng xe con, nhanh, sướng hơn, nhưng cũng có cái giá phải trả : tiếng động cơ ồn ào làm liên tưởng đến những ngày Hà Nội bị rải thảm bom, lòng không yên. Cháu biết năm nay cô mấy tuổi không ? Sáu mươi hai rồi đấy, thua cha cháu ba tuổi. Nếu cha cháu ở lại, giác ngộ đi theo tiếng gọi của bác Hồ thì cũng làm ông nầy ông nọ như ai. Số mạng cháu lại khác đi, có khi ngược lại, ngược một trăm tám chục độ với hoàn cảnh nầy, nghĩa là bản thân cô lại nương tựa vào cháu không chừng.”

“Sao tóc cô không có sợi nào bạc hết ?”

Giữa tình huống nầy, một câu hỏi như thế làm bà cô bật cười : “Còn làm việc, còn đi đây đi đó, chứ cháu. Đàn bà mà tóc bạc coi như hết thời. Cổ nhân nói, bất hứa nhân gian kiến bạc đầu (*), đúng lắm. Nên cô phải nhuộm, dù tốn kém, mất thì giờ, không hợp với trào lưu về nguồn, nhưng thà thế còn hơn. Đây là những thứ cô mua đúng trong thư vợ cháu dặn, vừa vặn số tiền vợ cháu gửi ra. Còn gói nầy, cô tặng riêng cháu, gần hai ký cám lứt loại tốt trộn với đường đen, chính tay cô thức gần suốt đêm rang cho cháu đấy, nhớ giữ cẩn thận mà ăn dần. Có thể nói, đây là thứ thuốc tiên chữa bá bệnh. Sau nầy cháu được tha, cô có ý kiến, không nên ở Thành phố, đem vợ con lên Định Quán mà sinh sống, cô nghe miệt ấy có rất nhiều gỗ qúy, vợ chồng cô gần hết đời, trong nhà không có nổi một bộ bàn ghế bằng cẩm lai, gụ, để nở mặt mày với thiên hạ.”
Ngừng lại để lấy thêm hơi, bà cô tiếp : “Khi nào nhận được giấy tha, cháu nhớ về Hà Nội thăm cô, địa chỉ cô ghi sẵn đây. Đây không phải nhà cô mà nhà một người bạn, cô sẽ dặn họ trước. Cô với cháu là tình thâm ruột thịt, chính kiến có thể châm chước san bằng được, nhưng dượng là người dưng, biết cháu không đồng lý tưởng, sợ không niềm nở hay hai bên có những lời lẽ khiêu khích nhau, mất đoàn kết.” “Cám ơn cô, cháu hiểu rồi.”
“Thế trong trại cháu làm gì ?”
“Thưa cô, cháu chuyên khâu hủy phân...”

Bà cô quắc mắt, ngạc nhiên : “Phân gì thế ?”

“ Dạ... bò.”

“Bò của trại hay dân?”

“Trại nuôi mấy con, vỗ béo, Tết nầy làm thịt.”

“Ừ, tốt thôi. Bò là loài ăn cỏ nhai lại, phân của chúng không ngại. Chỉ sợ phân người. Ở trong ngành nông nghiệp lâu, cô biết rất rõ. Trong các động vật, phân người và loài khỉ vượn là đáng sợ nhất, vì cơ cấu đường ruột non, ruột già cầu kỳ, khúc chiết, làm cho chất cặn bã thoát chậm và xử lý qua nhiều dạng phức tạp trước khi thành phân thuần túy. Thôi, hết giờ thăm cháu rồi. Cô về. Cháu nhớ lấy mấy miếng đường lẻ cho hai em tù dìu cháu nhé. Ra năm, vợ con cháu ra thăm, nếu rảnh, cô cùng lên thăm luôn, bằng không cô cũng làm cho cháu vài ký cám rang nữa. Ngày về ghé thăm cô, ở lại chơi vài bữa, cô sẽ đem cháu ra hồ Hoàn Kiếm chơi, thuê thợ chụp chung vài tấm ảnh màu. À, cháu Vân nầy, khi nãy cô nói với cháu mà chưa hết ý, cô nhuộm tóc không phải là cưa sừng làm nghé đâu nhé. Cưa, là một động tác thời nào cũng…đau, cô không ngu gì.”
Rồi người cô nắm lấy bàn tay lạnh buốt của anh : “Cô đi đây. Cháu ho nhiều thế, coi chừng hai lá phổi.”Chờ bóng cô khất sau màn hoa chẩu trắng đục, Hoàng Vân quay lại, nhờ hai bạn tù hình sự dìu lên xe. Anh lại bật khóc, lần nầy khóc vì trong đời, anh đã có lần nói dối, mà lại nói dối với cô ruột mình. Mấy ngày sau bệnh tình Hoàng Vân đã đến hồi nguy kịch, hết cơ cứu vãn, ban giám thị trại mới điều xe hơi quân đội chở ra Bệnh viện Thị xã Vĩnh Yên. Từ đó anh đi biệt không về nữa !...


Hồ Minh Dũng

___________

(*) Đừng để cho người đời thấy lúc đầu bạc.

NGUYỄN TRẦN LÊ *VƯỢT BIÊN

 
VƯỢT  BIÊN 
 Nguyễn Trần Lê


    Tôi đứng trước cửa, mắt ráo hoảnh, nắm chặt bàn tay gầy guộc của Mẹ tôi, tim tôi vẫn đập, hình như nhịp có hơi mạnh, nhói lên, nhưng tôi vẫn không thể nào khóc, nhìn đôi mắt buồn rười rượi của Mẹ tôi mà nước mắt đã bắt đầu, lòng như nấc nghẹn. Vì nếu tôi rơi nước mắt thì chắc chắn sẽ còn làm cho sự bịn-rịn lâu hơn.
    Tôi thưa ; “ Thưa Cậu Mợ, con đi, anh đi các em .”
    Mấy đứa em đứng sau Câu Mợ tôi, ngó ra cửa nơi tôi đang đứng. Trời chiều tối,
ánh đèn trong hành lang cư xá Thanh Đa lù mù, tôi không dám nhìn thẳng vào cửa nữa, nắm chặt lấy tay Mẹ tôi và rồi Bố tôi, các em rồi vội bước đi, không dám quay lại, tôi biết rằng đằng sau tôi, nơi cánh cửa Bố Mẹ tôi và các em đang ngó trông theo. Và từ giờ phút này họ sẽ thao thức, không ngủ vì những lo lắng. Vì ngày hôm đó tôi phải tới một điểm hẹn nghỉ qua đêm để sáng sớm hôm sau tới Xa cảng Miền Tây gặp người dẫn đường, tôi và một nhóm ba người nữa sẽ lên xe đò đi Trà Vinh chuẩn bị cho lần vượt biên thứ ba của tôi.
    Mờ sáng trước khi xuống Xa cảng, chúng tôi đã vội ghé vào tiệm hủ tiếu gần đó ăn bữa điểm tâm cuối cùng của Sàigòn.
    Ánh đèn mờ nhạt của Xa cảng, nhưng xe cộ hành khách đã đông, những tiếng rao hàng nhộn nhịp. Chiếc xe Dodge cổ lỗ đã được hơn nửa hành khách, chật chội trên những hàng ghế da cũ kỹ. Bó người trong xe, tôi lơ đãng nhìn ra ngoài, Sai Gòn vẫn còn một nhịp điệu, những tiếng nổ xình xịch của những chiếc xe đò cũ-kỹ. Những người lơ xe mời chào, lôi kéo hành-khách, ‘Đi đâu cô Hai, anh Hai , xe đi Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh đây, sắp khởi hành, mời Bà con cô bác mau lên xe kẻo hết chỗ! Mời chào, níu kéo như vậy, xe thì máy vẫn nổ như dợm chạy làm mọi người vội vàng chạy, trèo kéo lên xe, cứ như thế mãi gần một tiếng sau xe mới chuyển bánh.
    Mặt trời lố dạng, qua khỏi Chợ lớn thì đã lên cao, những dòng xe xuôi ngược, những khuôn mặt xạm kịt vì thời tiết và đời sống. Sài-Gòn sau Giải-Phóng ! 1983, 8 năm sau Giải-Phóng! Nhìn lại những người dân thành-phố, chỉ thấy những bộ áo ngắn! không xe xua, không mầu mè, không kiểu cọ! Làm như quần áo chỉ là để che thân và hòa nhịp với cuộc sống văn minh mới!
         Chợt nghĩ đến những ngày xưa, mỗi lần tầu về lại SàiGòn sau những cuộc tuần dương dài hàng tháng trời . Quần áo tiểu lễ sạch trắng, mũ mão, lon lá đứng dàn chào dọc theo hai bên chiến hạm để cặp cầu Bộ Tư-Lệnh Hải Quân, mà nay đã là một anh chàng thường dân không hộ khẩu, không nghề nghiệp, không tương lai, vất vưởng sống từng ngày sau gần 7 năm được nhà nước ưu ái đã cho đi ‘Học tập cải tạo’. Học tập tiến bộ nhà nước đã tha cho trở về đời-sống một người dân ‘Ngụy’. Và tôi đành phải kiếm đường bôn tẩu cho tương lai, chả biêt ra sao, nhưng ít ra cũng không phải xếp hàng cả ngày để nhận vài trăm gram đường, vài lạng thịt hàng tháng!
    Xe vẫn bon bon theo quốc-lộ 4, qua nhiều chặng kiểm soát của Công An, lơ xe cứ thế quà cáp và những dúi tay để cho xe đi được nhanh chóng hơn . Trong xe,hành khách đủ mọi thành phần, nhưng có lẽ họ là những người lo buôn bán kiếm cơm, hay là một vài người như tôi, chạy đôn đáo để tìm đường vuợt biên cứu khổ. Mặc bộ đồ không giống ai, bộ quần áo cả hơn 10 năm trước, đầu tóc lòa xòa như thằng lơ xe, không một mảnh giấy tùy thân, đầu óc đã sắp sẵn những gì cần thiết để nếu như bị bắt dọc đường. Xe qua Vĩnh-Long, rẽ trái để hướng về Trà-Vinh, đi thẳng là đường về Cần-Thơ, mà trước đây tôi đã qua lại không biết bao nhiêu lần. Dọc đường những ngôi nhà lá chỏng chơ, chung quanh những cây vườn xanh, tiêu điều, chỉ toàn thấy là những lá cờ đỏ sao vàng và những khẩu hiệu quyêt-thắng. Người dân cư lầm lũi sống! Cũng chả biết họ sống như thế nào?
    Tới thị-trấn Trà-Vinh là cũng đã xế trưa, ghé vào quán làm một đĩa cơm, uống vội ly nước trà đá, người dẫn đường ra hiệu theo anh ta để lên xe Lam về Cầu Quang. Đường đất bụi mờ, 12 người trên chiếc xe Lam 3 bánh, mà gần 2 giờ sau mới tới được thị trấn, chợ búa đã thưa thớt, lếch thếch đi bộ theo anh ta, trời đã sẩm chiều, nên cũng không mấy ai để ý đến mình. Gần 20 phút sau tới một quán nước, anh bảo ngồi uống nước, sau đó anh chạy đi một chốc, rồi một người khác lại dẫn chúng tôi tới một ngôi nhà khác, ngồi chờ một hồi lâu đến tối hẳn rồi mới theo con đường đất của thịtrấn để tới một căn nhà nằm dọc theo bờ sông Hậu. Vừa lách qua khỏi cánh cửa, qua ánh đèn dầu leo lét, người chủ nhà dắt chúng tôi vào ngay một căn phòng phía sau đã chuẩn bị sẵn, và nói cho tôi hay ở đây 2 ngày rồi sẽ có ghe đưa ra  ghe lớn. Cần gì cho họ hay vì hai vợ chồng ở nhà suốt ngày. Sau đó mới biết là vợ chồng người con của họ cũng theo chuyến này, cho nên họ đã chịu ém chúng tôi ở đó.
    Một bữa cơm thanh đạm dọn cho chúng tôi, mọi chuyện vệ sinh cho họ biết để họ coi động tĩnh trước rồi mới cho tôi hay. Mệt mỏi sau một ngày dài từ Sài-Gòn xuống đây, thao thức một lát thì tôi cũng ngủ vùi. Nửa đêm thức giấc vì những tiếng vo ve của muỗi, những tiếng chó sủa bâng qươ, chập chờn. Sáng dậy hơi sớm, đã thấy vợ chồng chủ nhà dọn sẵn cho bữa sáng, cũng chẳng có gì, nồi sôi và ly cà phê. Nhìn qua cửa sổ là sân sau với chum nước và những cây ăn trái, bờ sông không xa, thỉnh thoảng lại thấy những chiếc ghe máy vụt ngang qua cửa sổ. Ngày ba bữa,hôm đầu cũng không thấy gì - êm ả trôi qua- hồi-hộp, nhưng vẫn phải cố gắng tỉnh táo, vì biết rằng có thể ngày mai là sẽ bắt đầu việc của mình.
    Sẩm tối hôm sau, sau bữa cơm chiều, vợ chồng người chủ nhà đưa chúng tôi xuống chíếc ghe đuôi tôm trên chất đầy mía ngụy trang, nấp dưới lòng ghe cùng ba người nữa, dọc sông vẫn còn thấy những ánh đèn thấp-thoáng của các ghe câu hay của những người dân qua lại. Miền quê thật yên tĩnh. Văng vẳng tiếng hò cải lương từ một Radio nào đó. Gần 2 tiếng ngồi bó gối trong lòng ghe, người tôi như cứng lai. Tiếng máy chậm lại rồi ủi vào một bờ kinh. Nằm chờ một hồi, đột nhiên có tiếng máy nổ bình bịch giữa sông, một ánh đèn chớp, qua lại, ghe lớn đã tới, chống sào chạy ngược ra giữa dòng! Chúng tôi vội vàng lên ghe lớn, chỉ kịp trao lại mảnh giấy cho người chủ ghe để nhờ họ trao lại cho người tổ chức chuyển về cho gia-đình tôi thông báo là đã lên ghe lớn (Còn chuyện sau này có được hay không thì cũng chả biết sao). Nhóm của tôi chui tọt vào khoang chiếc ghe bầu chuyên chạy trong sông chở nông sản, trống rỗng. Sau ghe là phòng lái, với tay lái là cái cần dài, ngồi trên mũi ghe có thể lái và nhìn hướng đi được, dưới là khoang của chủ ghe. Máy đươc gắn máy Yanmar xanh hai block, lòng ghe trống rỗng. Một tấm bạt nhà binh phủ kín từ trước tới sau, mà hai bên be ghe đã được đóng cao trên bình thường để nâng chiều cao của lòng ghe
    Hỏi người tài công sông toán thứ hai của người bạn tôi tới chưa?
    Hắn nói sắp tới. (vì phải chia làm hai ba ngả để tiện tránh những sự bất trắc,  toán hai của người bạn cùng khóa, anh ta là tài công chính của một chuyến vượt-biên, đã nhiều lần vượt-biên cũng như đi bán chính-thức cũng không trót lọt, tài-sản gần cạn, cuối cùng được một tổ-chức kêu đi cùng gia-đình, nhưng giờ phút chót chính anh ta lại là người bị tổ-chức bỏ lại chỉ vì tin vào những bói toán, có anh đi thì không thể nào thành-công được). Gặp tôi giữa chợ An Đông, ngồi uống cà phê anh đã rưng- rưng nước mắt kể lại những vất-vả, khó-khăn anh đã chịu đựng trong suốt mấy năm qua, hơn 3 năm cải-tạo được tha về ở dưới tỉnh làm ăn và tìm đường vươt biên, vài chuyến không thành, đi bán chính-thức, nhờ có nghề Hải Quân nên không phải trả tiền, nhưng rồi bị bắt, nằm hộp thêm hai năm nữa, gia-đình vất-vưởng, cuộc đời cứ xui xẻo, đến ngày cuối chính tài công  lại bị bỏ lại. Vợ con không biết ra sao vì đi dưới miệt lục tỉnh qua ngõ vịnh Thái Lan, tuy gần nhưng nhiều hải tặc, cầu trời khấn Phật. Thôi thì mày để tao nói chuyện với thằng chủ tầu coi sao? Vì họ làm cho gia đình, phần nữa mày gốc Tầu nói chuyện với dân Tầu chắc cũng không khó lắm, thế là sau vài lần gặp mọi chuyện OK, chờ ngày khởi hành. Hơn một năm trời theo chiếc ghe này, không thấy động tĩnh gì, họ tính quá kỹ. Lên xuống hai, ba lần đi dò đường, coi ghe...mãi đến đầu tháng 4 họ mới quyết định. 49 người chen chúc trong chiếc ghe không một chỗ nằm thoải mái! Đúng là đi tìm sự sống trong cái chết ! Thôi cũng đành phó mặc cho trời đất ! Lạy Trời Phật thương con và mọi người cho chuyến đi được bình-an.
    Quay qua người tài công sông hỏi:  bản-đồ, hải bàn, đèn pin tôi đã mua trao cho chủ ghe trước đây đâu? Mò mẫm trong đêm tối để gắn la bàn, không thể nào có tí ánh sáng cho la bàn. Một tiếng chửi thề ‘Mẹ kiếp’, đã nói cho gắn đèn vào la bàn, nay không có làm sao mà dòm la bàn? người tài công sông im lặng. Anh ta cũng chỉ là một người dân địa phương đi theo ghe để làm và tìm đường vươt-biên.
    Mười năm lính biển thưc-sự tôi chưa bao giờ lái một chiếc ghe bầu như thế này, trên tầu đầy đủ dụng cụ hải-hành, có bão lớn hay sóng to cũng không lo lắng lắm. Đằng này ghe trống trơn, chỉ có tấm bạt đóng nẹp phủ lên trên, 49 nhân mạng trong ghe! Trông chờ vào khả năng đi biển của tôi! Mà thưc sự nghĩ lại khả năng đi biển của tôi là khả năng của một người điều khiển những chiện hạm hay những chiến đỉnh đi biển có điều kiện, chứ đâu chỉ để lái chíêc ghe bầu 9 mét. Đã bước lên là phải làm, cũng đành phải gắn cho xong chiếc la bàn. Cầm cái đèn pin dọi quanh, thỉnh-thoảng liếc vào đó mà lái.
    Từ Cầu Quang ra cửa Trần Đề quả thật không xa, hai bên bờ sông tối như mực, mặt sông loáng thoáng, ngồi trên nóc ghe, tay cầm lái, nhướng mắt nhìn trước mặt để tìm ánh đèn hải tiêu, nước đã bắt đầu lớn, con tầu chạy chầm chậm, khoảng một tiếng sau, đang ngon trớn, tầu tự dưng chậm lại rồi đứng hẳn, thôi chết rồi, mắc cạn, thử lùi bẻ lại tay lái, nhưng không nhúc nhích, tiến tới không được, kêu mấy cậu thanh niên lấy sào chống, nhưng cũng không được, đành chờ. Mọi người hốt hoảng, những tiếng đọc kinh, khấn vái. Hơn nửa tiếng sau, nước đã cao hơn, thử lại một lần nữa, con tầu lướt tới trước, tiếp tục. Thật hú vía. Ra tới cửa sông, gió đã hơi mạnh.
    Biển đen kịt, lờ-mờ những ánh đèn ghe thấp thoáng, những chòm sao chi chít trên trời, đèn la bàn không có, đành phải lái theo kinh nghiệm, nhìn những chòm sao, gió Đông Bắc, lấy hướng 090 thẳng ra khơi, bên trái mờ xa là Hải Đăng Vũng Tầu. Gió đã mạnh hơn cấp 2, nhấp nhô sóng bạc đầu, con tầu lắc lư, hơi chếch xuôi nên cũng đỡ. Ngồi trên nóc ghe xoạc chân ra giữ cần lái, mắt luôn nhìn vào la bàn. Loáng thoáng ánh đèn pin dọi vào la bàn, tôi vẫn cố gắng giữ hướng nhưng cũng không thể nào đúng được, thôi cũng đành để sai biệt + 5 độ. Nhưng nhìn sóng và chòm Nam Tào Bắc đẩu mà đi. Cuộc đời hải nghiệp chưa một lần nào mà đi biển như lần này.
    Ngồi trên nóc ghe, khóac thêm tấm áo mưa của người em rể cho từ lâu nay mới thấy hữu hiệu, có nón che, gọn nhẹ, có túi trước ngực đựng ít kẹo. Đã dự tính dù tầu có chạy chậm nhưng với sức gió và nước hy vọng trong 24 giờ đầu cũng có thể chạy được 100 hải lý, nghĩa là qua khỏi vùng kiểm- soát và ngoài khơi đường tầu buôn chạy, như vậy mơi có nhiều hy vọng hơn. Một đêm cầm tay lái không thể nào nhắm măt được, nhờ có gió biển đã giúp tôi thêm phần tỉnh táo. Mặt trời mới nhú lên đàng Đông, nhìn biển rộng bao la, những con sóng bạc đầu nhấp nhô, đã quen với sóng gió, tôi cảm thấy sảng khoái, mới hơn có 9 giờ hải hành, cũng chưa xa bờ được bao nhiêu, tôi và người bạn ngồi trên mũi ghe vừa lái vừa kiểm soát mọi việc, hình dạng những chiếc ghe đánh cá quốc doanh mờ mờ sau lưng. Không một bóng dáng chiếc tầu nào chung quanh, nhường tay lái cho người bạn, tôi nằm ngả lưng ngay tên nóc ghe. Khoảng giữa trưa, trời đổi gió, có it hạt mưa, liếm láp những giọt nước mưa, vị ngọt của viên kẹo làm tôi thấy đỡ một chút, thay phiên nhau 3 người nhưng tôi và người bạn là chính, ôm cần lái, mệt đừ. Mọi người hầu như nằm chết liệt trong khoang, không còn nghe thấy nhưng tiếng đọc kinh nữa. Đã quá mệt mỏi, chắc vậy. Tôi cũng không còn biết gì đã xẩy ra ở trong lòng chiếc ghe nữa! Đâu có biết rằng trong đó họ đã cấu xé nhau vì những giọt nước,miếng ăn. Ói mửa, mệt mỏi, sợ hãi.Chiếc ghe vẫn cứ nhấp nhô. Biển thì vẫn gào.
    Đêm thứ hai biết rằng cũng đã xa hải phận, ước tính, tôi đổi hướng 220, ghe đã bớt nhồi, xuôi sóng nên đã thấy dễ chịu. Trời vẫn mưa lâm râm, thấp thoáng vài ánh đèn tầu, phản ứng tư nhiên, qươ đèn vẫy, nào có ai thấy, quá xa, có ai thấy mình? ngộ nhỡ tầu Liên Xô thì cũng chết dở. Lại tiếp tục, mệt thì nằm soải lưng, tay nắm chặt hai thanh sắt trên nóc ghe.
    Ngày thứ ba công viêc vẫn tiếp tục, hớp vội tí cháo chủ tầu đưa cho, lại chia nhau lái. Nắng lên không bao lâu trời lại chìm vào mầu xám. Biển đêm thật kinh sợ, không biết nó sẽ xẩy ra cái gì nữa.
    Sáng ngày thứ tư, nhấp nhô trên trời đã thấy bóng dáng những con chim hải âu bay lượn, vài chú cá heo lội rượt theo ghe, một tay nắm chặt thanh sắt, một tay cầm cái khăn mặt nhúng tí nước biển thoa mặt cho tỉnh táo. Hình như mình đã nghĩ đến sự sống. Có cá heo tức là có cơ may, có chim là thấy có cơ gần bờ. Nhưng hết ngày cũng chưa thấy gì. Biển vẫn còn đây, bờ vẫn xa !
    Trời đột nhiên trở gió, mưa đã bắt đầu nặng hạt, một ít nước ngọt thấm giọng, mà suốt mấy ngày qua mọi người chỉ uống nước sông lợn cợn, được thêm tí cháo. Nhấm ngụm coca cola mà người tài công sông đưa cho, ôi đã làm sao? Đưa cần lái cho bạn tôi, hai bàn tay nắm chặt nóc ghe, nằm lịm đi không biết bao lâu ? người bạn đánh thức tôi dậy và chuyền cho tôi viên kẹo! Lại tiếp tục thay hắn nắm cần ghe. Ngày thứ tư mây đen vần vũ! có mưa, biển đã dịu lại đôi chút! Hình như tôi có cảm giác có mùi hơi đất nào gần đây! Xa xa một vài đốm sáng của chiếc ghe nào đây. Không biết là đâu, Côn Sơn, Cà Mau? Chỉ có chết nếu gặp ghe quôc-doanh! Nhớt đã gần cạn, tôi đâm lo, bây giờ lại phải nhờ gió để đi, trong khi người cơ khí tắt máy, coi lại máy móc.Vừa giương được tấm buồm dã chiến lên, con tầu như đã hứng được gió, chầm chậm theo hướng đi. Những ánh đèn ghe đã biến mất, nhìn chùm sao Nam tào Bắc đẩu ban đêm theo đó mà đi, thỉnh thoảng vẫn lại phải bấm đèn pin để coi lại hướng. Đến sẩm tối, máy đã sửa xong, tiếng máy nổ làm tôi dịu lại, mọi người bớt cầu kinh niệm Phật, tất cả đều đã mệt mỏi. Bực mình vì người chủ tầu đã không lo liệu nước uống và thức ăn cho đầy đủ, tôi đã phải chửi thề, phần vì sóng biển dập dềnh khó mà nấu nướng, họ cũng cố gắng nấu thêm nồi cháo cho mọi người cầm hơi.
    Sáng ngày thứ năm, biển đã dịu lại, những cánh chim hải âu đã thấy nhiều. Một làn gió nhẹ, mùi muối, mùi nước biển, mùi tanh của cá đâu đây! Mặt trời đã hạ, mờ xa bóng dáng một hòn đảo? Mừng quá ! Cố gắng lướt tới,gần đó chiếc ghe đánh cá đang bỏ lưới. Không rõ là của ai ! Bắc ống dòm thấy dáng lạ, không giống ghe Thái Lan, vì ghe Thái thường cao và lớn, không giống ghe Kiên giang, Quốc doanh, tôi cũng yên tâm. Nhưng cũng phải kêu mấy cậu thanh niên chuẩn bị dao rựa! Trong trường hợp hải tặc là phải ra tay không nuối tiếc. Đến gần,cũng may họ cũng chỉ là những dân đánh cá. Trông dáng Á châu, đen đủi, tôi chắc là dân Indo hay Mã lai. Ra dấu hiệu, tôi nói người chủ ghe nói bằng tiếng Tầu, họ hiểu. Nói cần ít thức ăn và nước uống. Họ đã cho nồi cơm và ít nước uống. Bàn với mọi người nên bỏ chút ít để họ giúp đỡ. Sau một hồi mặc cả, gom được ít vàng, đưa cho họ, nhờ họ dẫn dắt vào gần đất liền một chút. Họ nói sợ vì tầu tuần bắt được họ là chết. Tôi kêu thôi để đêm tối hãy làm. Và khi vào gần bờ tụi này sẽ lo liệu. Hơn 4 tiếng đồng hồ sau chúng tôi mới thấy bóng dáng bờ, ngoài xa là những ánh đèn ghe giăng lưới. Thôi thế là tạm yên.
    Mò mẫm vào được cửa sông, không một tầu tuần nào hay biết. Tới gần  tôi bơi vào bờ cầu cứu, người dân trông thấy họ đuổi ra. Nói ra lại tầu tụi Cảnh Sát nó biết nó sẽ ra ngay, nếu ở trên bờ nó bắt là chết. Lập tức tôi phóng xuông sông, một mảnh nhọn đâm sắc vào chân, máu tuôn sối xả, nhưng tôi chẳng biết đâu cứ thế mà lội ra ghe. Vừa leo lên ghe, trong bờ đã có tiếng loa và ánh đèn ra hiệu đi theo họ! Vòng vo trong lạch ,tôi lái tới cầu căn cứ, hóa ra đây là một làng của thị trấn Dungun. Họ lùa chúng tôi lên bờ, trong khi đám lính đi lục soát khắp ghe. Lếch thếch sắp hàng dọc trong sân trại lính, moị người mệt mỏi nằm la liệt trên mặt đất, những lời cầu kinh, khấn Phật cám ơn đã phù-hộ.
    Có lẽ rằng đã có những chiếc ghe khác tới đây trước đó ! Nên những người lính Mã lai họ cũng không lạ gì những người như chúng tôi, chỉ bắt tập trung vào một khu vực trong sân, chỉ nơi tiêu tiểu. Và tối hôm đó họ đã cho chúng tôi một bữa ăn nóng ‘Mì gói’.  Sướng làm sao! Bốn người lính gác chung quanh. Ăn xong chúng tôi lăn ra đất và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Đêm lạnh nhưng có xá gì. Đất liền, Tư Do, như đã có. Mừng. Không hiểu giờ này ở nhà cha mẹ anh em tôi có mừng được như tôi bây giờ hay không? hay lại là những đêm ngày thao-thức.
    Mờ sáng nằm nhìn trời mừng rơi nước mắt. Bạn tôi đã ôm chầm lấy tôi và hai đứa cùng khóc,thế là nó đã thoát,nhưng không biết vợ con ra sao ? Vì vẫn chưa liên lạc được. Bữa ăn sáng với một nồi mì gói và ít lon CocaCola đã được trại lính tiếp tế qua Hội Hồng Thập Tự, Lưỡi Liềm Đỏ Mã Lai. Họ đã kêu tôi và chủ tầu lên hỏi cung, từ đâu đi, bao nhiêu người. Ai là chủ tầu, ai lái tầu? mọi cái tôi đều nói hết. Xế trưa, một chiếc xe Búyt của Hội Hồng Thập Tự MãLai đã tới và đưa chúng tôi tới một trại chuyển tiếp khác.
    Ba giờ xe Buýt tới Trangannu. Bàn chân tôi nhức nhối, mặc dù đã được trại lính băng bó. Đi khập khễnh, bạn tôi đã phải cõng tôi đi mỗi lúc cần.
   Ở trại chuyển tiếp,chúng tôi đã gặp một số anh em tới trước. Họ cũng đang chờ chuyến tầu chuyển qua đảo Pulau Bidong. Một tuần nằm chờ, cơm nước có Hội Hồng Thập Tự Malai lo nên cũng yên. Không một đồng xu dính túi, thèm thuốc lá không thể nào kiếm ra. Loay hoay làm quen với một vài người tới trước, họ chia cho vài điếu!
    5 ngày 5 đêm nay thì đã tới đất liền. Ngồi thầm nói “Cậu Mợ ơi, các em ơi! Nếu giờ này gia đình biết được con đã tới được bến bờ MaLai thì chắc mừng lắm.”
 Tuy nhiên vài người khi còn ở trại Dungun họ đã nhờ lính MaLai gửi giúp những điện tín báo cho thân nhân bên nhà biết là chuyến đi đã tới bình an. Và nhờ đó người chủ ghe sẽ lại nhà thông báo cho gia đình tôi biết. Tôi chỉ chờ có vậy mà thôi.
    Tội nghiệp cho Mẹ tôi, vì lo cho chồng con mà sức khỏe hao mòn. Cha tôi cũng đã phải chịu 6 năm cải tạo suốt từ Long Khánh, Biên Hòa và Hoàng Liên Sơn, Yên Bái. Nghĩ đến những lần mẹ tôi và các em tôi quẩy trên lưng ít thức ăn tiếp tế, trong khi tại nhà mọi người vẫn phải lo từng ngày! Lòng tôi lại nghẹn ngào! Biết bao giờ tôi mới trả được ơn nghĩa sinh thành này. Những ngày chờ đợi, tuy có ăn, có yên, nhưng lòng tôi vẫn tê tái. Ra đi một mình không giúp được một ai trong anh em, gia đình. Tiếc nuối làm sao, lần trước cố đem đi người em trai đi, nhưng không thành phải trở lại, may không bị bắt. Số, tại số. Thôi cuộc đời đã không cho tôi được can đảm và khôn ngoan để bao bọc gia đình thì bây giờ tôi lại tự lo lắng cuộc sống mong có cơ hội giúp đỡ gia đình bằng cách khác vậy.
    Con tầu đưa chúng tôi ra đảo cũng khá lớn, chứa hơn 50 người, hơn một giờ tầu mới tới Pulau Bidong, trên cầu tầu, dọc theo bãi biển mọi người sắp hàng đón chúng tôi. Tầu vừa cặp cầu là đã có đại-diện phái-đoàn Cao-Ủy và phái đoàn-trại ra tiếp đón. Những tiếng reo hò, vỗ tay, những lời nồng nàn, ấm cúng, chào mừng chúng tôi đã đến được bến bờ Tư Do. Họ đã tập trung chúng tôi vào hôi trường để khai lý lịch và diễn biến cuộc hải trình. Bốn giờ làm việc, tôi mệt lả. Cũng vừa có tiếng kẻng lãnh cơm. Cũng may, có chút cơm nóng, cá kho, ăn vội cho yên bụng. Còn chuẩn bị cho buổi tối. Có được cái mùng, cái mền cũng đỡ, vài cái chén, đôi đũa, đó là gia tài của tôi khi tới trại. Bộ quần áo độc nhất từ ngày rời Việt Nam vẫn mặc cho đến lúc qua tới Bidong. Một giấc tới sáng không mộng-mị. Yên bình.
Nguyễn Trần Lê

ĐẶNG ĐÌNH HƯNG * Ô MAI




Ô MAI
Đặng Đình Hưng




Roman poem
1 2

Ô mai là tác phẩm cuối cùng của tác giả quá cố Đặng Đình Hưng, được viết ít lâu sau Bến lạ (đã xuất bản năm 1991, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh). Ô mai mang một hình thức đặc biệt, có lẽ chỉ có riêng ở tác giả và cũng chỉ xuất hiện một lần: trên nền một độc thoại nửa thơ nửa văn xuôi, hiện lên câu chuyện tình hư hư thực thực với những đoạn hát đôi của nhạc kịch, xen kẽ là những tùy bút đầy không khí và những đối đáp lý thú về công việc sáng tạo mà ông gọi là “thể ngiệm”. Gọi đây là một tác phẩm thơ thì nó là thứ thơ không chút bận tâm đến những qui ước có sẵn về thơ. Và quả thật nó là thơ đến tận cùng, ở một ngôn ngữ đầy nhạc tính bên trong, nén chặt và âm vang, gợi cảm và gợi tưởng, ở chất trữ tình trí tuệ, bông đùa rớm máu. Nó là thơ ở công phu “làm tiếng việt”, thứ tiếng Việt - Đặng Đình Hưng, quanh co và nhảy vọt, chắc nịch và lan man.
Ô mai là hình ảnh nội tâm của một “người thể ngiệm” sống chỉ để cảm nhận thế giới xung quanh và cảm nhận bản thân mình qua tất cả các giác quan. “Anh gọi đó là “nhập” – Thấy”. Sau những “cơn thể ngiệm” chỉ để xếp “vào va ly”, sau mọi “giao lưu” đã mòn, con người “cô đơn toàn phần” (“cô đơn là cứ phải toàn phần mới sinh năng lượng”) khao khát đến vô vọng một “người không quen”. “Người không quen” bất ngờ hiện ra, lại là cô bé “Ô mai” tủi nhục và trong sáng, đầy thương mến, của đời thường. Cô bé đem đến cho “người thể ngiệm cô đơn” một lần duy nhất những dòng thơ dịu dàng xanh tươi và bâng khuâng lạ. Để rồi lại biến đi như mộng - “Ô mai-em” là thực hay là mộng? - đẩy ông vào cơn thể ngiệm cuối cùng, bế tắc. Tuy nhiên, chỉ một lần đến với ông, “Ô mai-em” trở thành sự cứu rỗi, thành màu xanh lay động chốn “siêu hầm” nơi ông tự cô lập.



Nếu Bến lạ là cơn mê sảng của một tâm hồn đầy khát vọng bị dồn nén, thì có thể coi Ô mai như một sự giải thoát. Sự giải thoát mà tác giả đã gặp được ở cuối cuộc đời bi kịch của ông.
(Lời giới thiệu của Hoàng Hưng)
Sống khuôn nhịp. Tới mức người cùng cái ngôi nhà năm tầng này như thuộc. Thuộc jờ đi, về, sức nặng, sức nhẹ, dài ngắn bàn chân cầu thang.

Những câu hỏi thường lệ: đi đấy à - jờ này chưa đi à - vừa có người tìm ông.

Ai nhỉ? Hỏi thôi, chứ người đó thì biết. Chỉ người đó, [1] không ai, không ai tìm cả.

Vắng. Anh thường ngồi jờ dài, chẳng nghĩ. Chỉ cảm. Cảm bằng da. Da của mắt - bàn tay - chủ yếu là lưng. Tới mức toàn thân gắn hẳn vào không khí, đồ vật, tường, buồng. Rầm rì một cái chợ không lời dưới chân, anh rầm rì vỗ theo. Toàn thân, một con sông trôi, xô đẩy những cảm jác, những sực chợt. Một cơn mưa hình záng. Những hạt hột vỗ vỗ. Anh gọi đó là “nhập”- Thấy.

Những lúc này, hễ có jì phiền, ví dụ cần làm một điều jì thực tế ra tiền chẳng hạn, anh xua phăng đi. Khinh. Tư thế đó chốc chốc ngắt ra bằng hé cửa trò chuyện một cách cực kỳ mát dịu với một cháu nhỏ láng jiềng gõ guốc xíu ngoài hành lang tới trao đổi câu cú gồ ghề văn fạm.

Sau những cuộc cảm jác này, lệ - một ngày hai lần, anh ra quán. Uống, và nhìn. Nhìn người. Anh ngồi dài, tắm vào cái số đông di động ở quán. Cùng ngần ấy cảm jác - lạc thú. Cái ầm ầm ở quán, anh ầm ầm vỗ theo.

Sống như vậy nhiều năm, anh thấy thoải mái. Thoải mái tới sảng khoái. Bởi thế, hễ có ai tốt bụng gợi ý là nên tìm một cái trại sống cho tĩnh, anh lịch thiệp không đáp. Như vậy, tự tại. Trên cái nền tự tại này, thỉnh thoảng (hình như cứ năm năm một lần) lại nổi lên, có thể nói chồm lên một cơn xáo động. Xáo động mà anh gọi là “xáo động thể ngiệm”. Cụ thể, đã có những thể ngiệm đi tới tạm sơ kết, gần như tổng kết hẳn. Thể ngiệm về danh lợi quyền - tình-ước mơ - kiến thức jì đó…- những cái gọi là đề bắt buộc của đời (các tập chép, đóng, xếp từng chồng, fân loại đánh số). Khi nghe bàn, anh điềm đạm nghĩ qua việc khác.
Triệu chứng những cơn thể ngiệm này là nếp sống thay đổi. Thay đổi đột ngột. Vẹo khuôn nhịp. Ồn ào - thình lình lặng thinh. Ứ tràn trề - lại za ziết tự kiềm chế. Cố nhiên, sinh hoạt làn da ján đoạn. Có khi đình hẳn. Ít ngày này, những triệu chứng lại xuất hiện. Chiều hướng như thể lại một cơn thể ngiệm. Thể ngiệm jì, chưa biết. Nhưng đích là có: trầm ngâm - cửa sổ đóng ban ngày.
Điều lạ so với tuổi, cơn này có vẻ nặng hơn các cơn trước.
Cứ tấy lên - bồn chồn - người xọp da tái. Cài fòng nhỏ, rít thuốc liên tục, lúc lúc ngước lên já sách.
Triệu chứng còn cho thấy cơn này ngấu hơn các cơn trước - vẻ công phu. Dáng - âm - hình- màu… coi như xong qua các cơn trước. Dù sao, quyến luyến, anh cũng để đúng năm ngày ôn luyện lại - động tác sửa soạn cho việc nhập cơn này: sổ tay anh, mấy điều lộn đi lộn lại: vị - nếm - gu - khó.

Cho nên phương châm của anh là thính - kỹ. Anh ra chợ.


1. Chợ

Lần này không ngồi ở jữa chợ, ồn. Anh lui vào một quán không nhìn thấy, mà từ quán nhìn thấy các dòng đi - xe - người - những cái rổ rá - mớ rau - như thể một fông động. Thú, cực thú! có lúc mải ngắm và nếm (nếm là đích) anh quên khuấy một cái chén trên tay.

Nếm cả một cái chợ không fải là chuyện dễ. Fải có một động cơ cực mạnh: Thèm. Có thèm mới ăn được. Kiểu nhà thơ, người ta ăn tái.

ăn tái bình minh
ăn tái buổi chiều
ăn (ràu rạu) cả mặt trời [2]

kiểu người thịt, người ta ăn mâng

đi anh
mâng
thứ bảy… jờ dâng
mâng lại mùa mâng
mâng/cần
Con sông quên
Con sông lên
quên hết đợi chờ

Anh cảm thấy bất lực. Không phải thiếu thèm. Ngược lại, thèm cứ chồm. Mênh mông! Không điều khiển được. Chợt - thu gọn lại - một thèm bé - bé da diết: một mùi hương tóc. Tóc cả thảy bảy loại: ngắn - dài vai - tóc óng chanh bồ kết - tóc mồ hôi nức nở (vuốt cho em) - tóc đêm nhòe dưới vòm đèn.

Hương trời tóc - thở tóc - jật mình! hương người.

Nhưng, tìm tóc fải con sông quên. Anh đi quên. Thế là vào cơn thể ngiệm.

Có người bảo đây là cơn thể ngiệm số 7. Thực ra, anh không đặt tên đánh số. Cứ chồng đống lên nhau các cơn khác nhau. Cơn trước chưa xong, tiếp ngay cơn sau, kể cả các cơn cũ cũng tấy lên cùng dự. Bởi thế, ai hỏi, anh chỉ nói: Thế, thế. Không đánh số được cái thèm.

Kể từ buổi một dúm nguyên âm ă ấ ra đi, chưa bao jờ anh thấy fức tạp hơn cái cơn thể ngiệm này - cơn thèm. Thèm tổng hợp, đóng cục, đem ra cắt bằng các fích tự vị, không được. Lại còn là một lao động nhọc mệt cần sự phối hợp của toàn bộ ngũ quan, kể cả cơ bắp. Mà thú vị, thèm đi, thèm lại. Một cực thèm có thể tới ba lần. Có khi hàng ngày. [3] Điểm cao của thèm có khi chụm lại tất cả các thứ thèm: ăn - nghe - nhìn - ngắm, chẳng hạn ăn một quả chuông buông jờ…

Công việc phức tạp. Anh lại fải ra chợ.

Không như trước ngồi ngắm suông ở một quán, mà sà xuống cụ thể như mọi người: ăn - gắp - xin tí tương dấm… Ăn trực tiếp. Xách lên tay một con cá chép, mở cái mang ra xem có hồng tươi. Lên tay một tảng thịt. Nghe trọng lượng. Đi duyệt một lượt các mẹt gan - tim - bù dục - chân jò - thủ - lòng tràng. Tung nhẹ tay một quả xoài năm ký nâng niu. Lặng lẽ ngắm không lời một quả quýt đỏ chôn báo động… Nhưng đẹp vẫn là gạo. Gạo có khuôn mặt hiền. Đố thấy một mảy may ác ý. Chả cứ gạo mình thon (cái gọi lờ hăm mấy) mà mình bầu, tròn nom cũng thích. Đặm.

Xát máy tuy trắng - bốp, song hẳn mất một cái jì. Tiếc! Cho nên đáng tin hơn cả vẫn là gạo jã bằng chân người. Anh đi duyệt một lượt - có khi hai lượt - các loại: tẻ - nếp - trắng - đỏ (may ra còn đỏ lốc). Nói riêng về nếp, với cái mùi chớm sương, chỉ nom hình một hạt nếp cái là đã thấy sữa và hương trời. Nhìn anh loay hoay, quay đi quay lại cái khoanh chợ thúng - mẹt - bao tải - tay nải gạo, người tinh ý thấy không fải chỉ là để nắm cái hương - vị - dáng - hình jì đó - như thường lệ ở anh - mà rõ vẻ một suy tính. Cái suy tính từ nhiều ngày này theo dõi không buông anh. Biết thế - biết thế! nói sau.

Trở về quả quýt đỏ chôn - nhất là chớm - người ta thấy bao jờ cũng làm anh gai gai, khó nói. Nhất là thêm một tiếng buông: ai mua rươi ra mua… Cái tiếng nữ cao lê thê dài dọc fố mùa tro thổi thốc trời đông. Ngoại ô và phố bé. Bất thần anh đang ngồi trong một tiếng thở vang.

Cho nên có người còn cho cơn thể ngiệm này là cơn thể ngiệm tiếng vang. [4] Mà thật! Thế thì không hết mất. Cái jì cũng làm cớ.

Từ một quả bầu - dài mặt - đến con kiến - tha fương. Từ một bóng gà xa đi vào bụi thẳm tới những vệt bước chân đi quên bên một sườn đồi. Từ một cựa mình gối bé đến bóng đôi đi trên bãi biển xa vời…

Anh bèn tự kiềm chế, không mở rộng xúc động nữa. Trở về khuôn nhịp! Khuôn nhịp không lâu, cơn thèm lại chồm lên - dữ dội hơn. [5] Bèn fải thôi khuôn nhịp. Fải đi vào jao lưu.

Nhưng jao lưu với ai. Thoạt, tìm mãi không ra. Soi gương cũng không thấy. Anh lại “đi xa ra fố nửa jờ”. [6] Về - Thấy! Vội lấy jấy bút ra jao lưu hẳn với người không quen. Không quen có một mùi hương vị. Hương vị từ lâu không thấy ở quen. Thèm cái mùi không quen này! Tưởng chừng như khát. Thư “Tôi thèm quá! Thèm cái không quen. Tới với tôi đi người không quen ạ người ơi! Thiết tha- khẩn khoản - van nài - S.O.S”.

Thư gửi đi lúc nào - Chắc gửi ngay. Chỉ biết (nói trước một chút) số mệnh thư có hồi âm. Hồi âm ngày thứ bảy. Lúc nhận hồi âm, anh đang bận tiến hành gấp - ác liệt - đợt ba của cơn thể ngiệm jao lưu này. Cơn có já trị ngoặt đời anh.


2. Một cái ngoặc.

Cái ngoặc được đính vào - có thể tháo ra khỏi truyện - một tư liệu đời anh.
TG

Ác liệt sao? mệt, kiệt sức, tuyệt vọng hay jì vậy? mà một hôm tinh mơ đã thấy anh đóng cửa lại, jở và mang bày toàn bộ ja sản jấy má của đời mình ra sàn nhà. Một đống. Lẫn lộn với chiếu, mền chăn, cùng các hợp bụi (khoảng ba tầng). Jở ra làm jì thế? dọn nhà à? Chỉ biết thấy anh hí hoáy, fân khoanh khu. Đây khu já sách - dăm ba cuốn cứ lẽo đẽo đi theo nhau qua các cuộc dọn nhà - không nỡ rứt nhau ra. Sách và người thường nhìn lại nhau bằng cái bìa. Khoảng cách nhìn lại cứ thưa dần. Hình như có tới ngoài ba năm nay. Đây khoanh các mảnh, tờ các loại gập lẫn vào mấy chiếc fong bì tem đã bóc - vài cái cacpôtan mừng năm mới đã xưa hoen.

Cùng khoanh, khoảng vài chục mẩu kê ra những đồ nhỏ:

khăn mặt - đánh răng
cạo râu - quần áo lót - máy lửa
bút - kính
chìa khóa nhà…

Có lẽ của các cuộc lên đường nhỏ

Một tập những mảnh (mực - chì bi - chì thường) viết vội.

Nội dung na ná như nhau:

- Đến không gặp, chín giờ sáng - ký…
- ba lần đến không gặp - ký …
- ra ngay xiếc! ký tắt
- bà cụ x chết 4 giờ sáng - về ngay v.v…

Những mảnh treo cửa vào một cái đinh

lòng thòng một mẩu bút chì buộc dây thép - Ba sấp - riêng một thời jan gần đây - lên tới một trăm tờ mẩu. Đọc những mảnh mẩu, có cái đặc biệt là hiện lên một cách dễ chịu - những khuôn mặt của vòng sống, những ngẫu nhiên của ngày. Có khi cả những cảnh ngộ.

Ngừng. Như nghĩ một cái jì, như jải lao lấy sức tiến vào một khoanh khác. Khoanh một sấp những bức thư đặt trong một bìa các tông vải dán gãy đã long, đen mốc cùng một tấm ảnh không album xếp lẫn lộn nhau trong một tờ jấy đã ố vàng.

Thư nhiều loại, một số bằng pelure ngoại, khổ to, dầy. Thư người thân nói chuyện đời thân. Đời thân gồm có thiếu nhi - chữ mực tím nguều ngoào. Có cái đã lớn hơn vài chục năm.

Điều lạ, không một lá thư tình. Chưa yêu à? Hay tình đã fai xa.

Ảnh. Thuốc long ra. Những khuôn mặt chập lại. Fải nhẹ tay bóc ra. Lâu chưa? Không mở ra nhìn - không mở do thiếu tình - hay ghim tình mà thời jan ăn mặt. [7] Thời jan ăn cả đá, cả sắt, thành rỉ sắt chuyển thành vôi đất - chả cứ người - nhan sắc và công danh.

Và đây khoanh cuối cùng. Khoanh một cái va li. [8] Cái va li này cũng đã từng đi theo nhau lâu năm qua những thăng trầm - hợp tan tan hợp - những hình bóng cảnh huống - những vị mùi. Va li đựng các cơn thể ngiệm buộc từng chồng, fân loại đánh số và những thể ngiệm dở dang (non) quàn lại.

Mỗi lần gặp lại, hai bên nhìn nhau - mở ra - xua mấy con dán - đóng lại. Nhìn nhau mừng không - nhớ nhung không - fức tạp - mà an bài.

Bắt đầu cuộc lọc - thải và jữ. Khác các cuộc lọc trước, lần này anh thận trọng từng tờ, từng mảnh mẩu - đắn đo. Một lúc lâu, lọc được một đống bùng nhùng, có những tờ vò vo nhanh.
Chốc chốc lại bới cái đống ra xem có lẫn lộn một cái gì (như thể có thể níu lại, vớt).

Công việc bên ngoài như vậy. Thì cơn jông bên trong chạy theo tốc độ - theo từ của bão - lên tới cấp 10, 11, có khi 12 jó xoáy.

Cho nên mệt. Nhưng cái mệt như thể đã có sự thuận tình, mệt ngũ vị: cay - mặn - chát và ngòn ngọt.

Dùng dằng trước cái đống này. Ở hay đi? Cái đống hiện thân một mảnh đời dài. Một cuộc tổng tảo mộ. Để làm jì mà tổng tảo mộ! Một quyết định jì đây? Hay chỉ là cơn ngiện bệnh tật quen ăn quá khứ che lấp đi cái hiện hành. Thì thình lình, một tiếng bên trong: đi! bến con sông không tắm lại hai lần - đi! những thay đổi mong nhất cũng có cái vị buồn buồn đấy.

Thế là định. Định xong, anh thấy gọn và khỏe. Khỏe mệt nhoài.

Anh nằm xuống jữa cái đống ngổn ngang (như jữa một chiến địa chưa thu dọn).

Thiếp đi lúc nào không biết. Trong cơn thiếp, như có tiếng gõ cửa. Gõ khẽ, lâu lâu gõ lại - rồi thôi - anh ngủ hẳn.


*


Tiện anh ngủ, nói vắng anh những điều mà người ta bàn tán xung quanh anh những cơn thể ngiệm của anh - và anh. Những người này fần lớn tốt bụng - hoặc ít nhiều tốt bụng.

hỏi: thể ngiệm cô đơn làm gì? Chắc ông buồn lắm?

đáp: cô đơn mà là buồn? Thú vị đấy. Cô đơn, tôi về tôi - ông về ông. Tiện!

- cô đơn mức độ nào thì tốt?

- cô đơn là cứ phải toàn fần mới sinh năng lượng. Năng lượng 1! Từ 1 mà đi

hỏi: thể ngiệm đặm nhạt là thế nào? Nhạt có việc jì không?

đáp: 3 loại nhạt: nhạt 1 - nhạt 2 - nhạt 3 - Nhạt 3 thì cực độc - Đây ông xem fích đánh số - Nhạt 3: jả - thông dụng gọi là fô

hỏi: thể ngiệm dài ngắn là thế nào? Chắc ông không ưa lải nhải?

đáp: Fép văn là thế. Ít - ít - ít nữa thì tốt. Đây là ông xem fích. Dài: ôi lải nhải!

một loạt ý kiến khác gộp lại thành lời bình fẩm:

thực ra, ông ta đi vào những cơn thể ngiệm này để làm jì? đời vỡ từ lâu - tay trắng - nợ đầm đìa. Mà cứ đi vào những thể ngiệm đâu đâu - Ai trả công - ai dùng. Một thể ngiệm xong, vào va li. Tiếp một thể ngiệm, lại vào va li. Thế thì hết đời. Jời đầy.

Đáp: thế chả nhẽ con gà đẻ trứng - nuôi con - gầy mõ thân mình đi, cùng là jời đầy à? (một số lứa đẻ ấp, đẻ ấp, rồi jà, rồi chết. Con gà đâu tính toán khi sinh).

Lại như loài cỏ. Có những thứ li ti ở trong rừng - không hoặc chưa ai biết đến (cái công dụng của mình) thế mà cũng cứ gắng bằng toàn lực toài ra qua rặm thẳm. Thế cũng là jời đầy à? Ôi đã sinh mà không sinh có được đâu. Âu cái lí sinh! [9] một tiếng: không phải chuyện jời đầy. Thể ngiệm thì tốt thôi. Nhưng ra đời được, thì phải tôi với bà đi Văn Điển.

Anh cười. Bình bàn cái cười của anh, một người bạn đông tây lên tiếng: những loại thể ngiệm này thuộc loại thời đại nơi nơi hiện có và fải có. Chỉ còn xem nó khớp với cái ism nào, tôi đã tra -nó chả ism gì, cứ thường thường là tốt.

Một anh khác cười to - miệng rộng - yêu đời.

Một anh: fải!!! cảnh ngộ như vậy là phải.

Riêng một anh (người ấy) trầm trầm: nó thế đấy, con libiđô [10] .

Số đông bận đời mình, không chú ý những thể ngiệm này. Hoặc chú ý tầm xa khi có dịp. Xa nhưng gần. Vô tư - ấm, vài cái ngĩ kiểu: xem dáng uống thì thong dong nhàn tản-từng jọt kéo dài. Mà dáng ăn thì vất vả - hối hả. Như thể cái việc ăn là để cho qua đi mà thôi.

- Còn jì nữa mà ăn, uống cả rồi!

- Không hẳn thế. Có lúc ngồi trước một mâm đầy, anh ta uống rất lâu. Khi mọi người ăn xong, anh ta cũng xong, không động đũa. Hình như với anh ta, việc ăn làm ngừng trệ mạch nghĩ. Nom cái dáng anh ta ngồi uống một mình, thấy có cái jì chạy bên trong khá kịch liệt. Có thể là anh ta làm việc. Dù sao thì cũng là số jời không cho ăn, thế thôi.

- Thế thì anh ta dại. Thể ngiệm là điều không nắm trong tay, không có thật. Đây! miếng thịt lụa bày trên đĩa sứ (cộng hoa thể) đó là cái có thật. Duy nhất thật. Cho nên, của vạn loài, cái jống nhà thơ là dại nhất. Toàn mải mê đi.

ăn hoa
ăn không
ăn những tình không
Răng tốt/ cứ đòi ăn
Cả một sa mạc không tình

- Chả fải tất cả. Cũng có những nhà thơ ăn thật. Âu, mỗi người một kiếp.

- kiếp cái anh này lệch lạc.

- ừ, nhưng fải ngĩ thế này. Có người đàn bà ăn dở để sửa soạn đẻ: ăn gạch - ăn khế - ăn than -ăn bức vách… nhưng người ta đẻ.

- ai khiến đẻ!

- ai mà khiến hoặc không khiến người được đẻ!
……………
……………
…………..

Đại khái vậy. Các luồng đi. Riêng một luồng rợn nhất luồng rõi anh vào tận jấc ngủ. Tiếng cười gằn nhạt: bảo mà! chỉ dẫn tới ô danh - tiêu diệt mà thôi.

Người ngủ ú ớ. Một sa mạc kinh hoàng. Dơ hai tay cầu cứu. Tới ngay đi, tới với tôi đi, người ơi!

Trí vẫn tỉnh, định nói to lên điều đó. Nhưng cơ thể không tuân. Định thần mạnh hơn nữa - định toàn thần, anh thốt được tiếng ra. Xong, bình tĩnh mở mắt. Thì ra một đêm rét. Anh đang nằm trên đống jấy. Đông đã tới bao jờ. Mấy tia nắng đông lé loi cửa kính. Qua rồi cơn ác mộng ma đè. Sờ lại, thân thể nguyên. Gắng một nụ cười, anh định thần đứng dậy (hết ngoặc).


3. Một ngày đi

Thực hiện quyết ngị chiều hôm trước-cái quyết ngị trọng đại và ngần ấy khó mới đạt được, anh sửa soạn chuyến đi jao lưu - jao lưu một ngày.

Việc sửa soạn như thường lệ ở anh-gồm trước hết là một fép tạo mới, bằng cách cạo râu - tắm (hễ mùa đông thì nước nóng) - thay toàn bộ áo quần - nhất là đôi tất - chân thật khô lau cái khăn không. [11]

Khoan khoái-vẻ thong dong, anh ra fố. Thành bại cho cơn thể ngiệm đặt tất cả vào chuyến đi này. Chuyến đi sẽ gỡ cho anh cái tắc từ một số ngày. Tắc mới gây mất tự tin - hơn thế đưa tới tự ngờ (cái điều đau đớn ấy).

Vậy anh đi. Có một điều khác với các lần đi trước. Các lần trước, mải mê cái chủ yếu - cái bao quát, thì kì này - có lẽ tại méo mó ngề ngiệp - anh bị hút vào toàn chi tiết.

Phố: những dòng đi, lúc đậm, lúc nhạt. Vội - vướng - tránh xe nhau. Một chi tiết hấp dẫn/ là chỉ mới một cơn jó đông sang - chưa kịp rụng lá vàng - mà sớm mai lên hết các bộ đồ - kể cả cái khăn quàng nữ hai vòng che mũi - những bộ đồ - một số mang màu năm ngoái - thậm chí những năm rất xa xưa. Những bộ đồ cứ đều kì cất đi - rồi lại mang ra, xen vào, những bộ đồ chói ở những thành fần thanh thiếu nữ, thanh niên. Ngoài ra mấy cái áo zòng zọc thanh niên tay cộc cứ fóng xe nhanh ngược jó. Anh đi giữa họ với cái đồ đoocmơi - tuy sờn khuỷu nhưng kranh ngực còn đứng / anh cố đứng ngực mình theo.

Đi! phố - ngoặt fố - lại ngoặt fố. Chợ li ti chợ. Những cái mẹt, mải mê những cái mẹt thành ra những chợ qui mô tim – gan - jò thủ - anh không vào - từ lâu đã thể ngiệm xong - các quán đồ mỡ/ người lịch sự lau mồm đi ra - cô gái ngồi đuôi con vetpa tân trang nổ máy - anh cũng không vào. Đã thể ngiệm/ năm nào quên rồi. Những quán ăn công với một cái đuôi, và nhanh tay cái ghế/ anh cũng không vào.

Đã thể ngiệm kỹ qua các cuộc xuống tàu ga ngày hạ, tay xách nách mang kèm trẻ con và một bu gà. Lác đác vài khuôn mặt nhỡ ngước mắt nhìn nhau thì nhạt quá! hao hao quen khi học cùng trường với nhau ở một thời xa / hoặc xa xưa làm việc quan hệ qua loa với nhau thành một nơi công sở. Thành ra, đi đã khá lâu/ chưa gặp jao lưu. Chán! anh bèn ngĩ ra một fép - cho vui - fép gọi là tự tủm tỉm. Fép này júp rất tốt trong tình huống chưa có jao lưu. Tủm tỉm rằng jả sử cơ nhỡ thiếu một hào (điều này đang có thật) mà - để xem người đời phản xạ - dại dột khi tự jới thiệu mình là “người thể ngiệm”, thì ắt bị tự ái chết, tự ái tới xúc phạm: ai biết thể ngiệm là quái gì, thiếu một hào thì trả một hào!

Anh đi fố fố cột đèn. Tiếng sau lưng: có jì bán không chú. Anh khẽ lắc đầu. Chả cứ hỏi anh, mà có thể bất luận ai qua. Ngừng ở một quán rau công. Một cái đuôi dài (có lẽ cải bắp cải lơ về).

Bèn tủm tỉm là nhỡ đi thẳng lên người thứ nhất nhờ mua kết hợp một xu hành hoa, thì ắt lập tức: xếp hàng đi ông kia! Mà jả sử lại dại dột đi tự jới thiệu (cho thêm phần sức nặng) rằng mình là người thể ngiệm, thì lập tức: thể ngiệm thể ngụng gì, chị hàng đừng bán!

- bán cho người ta. Người ta là đàn ông. Mua có một xu hành. Mà nom dáng người chắc có điều jì vội vã. Đưa đây tôi mua hộ! Quay nhìn, tiếng mắng phần lớn là của các cháu choai choai nam nữ tuổi chua. Qua các tủ kính tạp hóa bày dăm ba cái lược mới anh nhìn lướt. Các quầy đồ cũ -chủ yếu các quần áo cũ - anh không nhìn (vờ không nhìn cái người thân ấy). Đứng tần ngần một lát ngã tư, anh quay vào fố trong. Cái khúc fố ngăn ra bằng hai biển sơn cắm hai đầu. Cho trẻ con chơi. Ngoài vài cháu xách chai không - cha mẹ sai đi mua nước mắm hoặc mua rượu có khách - hoặc rượu cho bố cháu ngày hai bữa. Các cháu đều bận vào con ngựa hoặc cái xe đạp vòng nhỏ. Anh đứng ngắm - xa xôi - không lời - quay đi.

Thế là suốt từ sáng chưa jao lưu. Bèn ngĩ ra một vài nơi đã jao lưu rồi. Jao lưu lại vậy. Thoạt là mấy cái quán vòng tròn quen gọi là quán độc đáo. Một vòng người ngồi làm độc đáo trên miệng chén tròn. Anh nhòm vào, tự nhủ: thôi, mòn mòn - dù sao cũng un souvenir - Tiếp tới một vài quán quen gọi là: quán không mòn [12] -anh nhòm vào: cũng mòn! mòn từ lâu. Thế còn quán đồng ngiệp? - đồng ngiệp? - đồng ngiệp nào? Không có đồng ngiệp.

Hiện ra một loạt khuôn mặt. Một bộ đồ gồm hầu hết các vần chữ cái. Những khuôn mặt tự lao vào đời. Jữa cái mênh mông/ kiểu họ/ họ đi tìm lí jải một cái jì - một cái jì mà họ cho là có thật/ cầm chắc được ở trong tay như họ ngĩ:

- mai, trận nữa ốc đi!

- không, ta cứ cộc cộc.

Nhưng jờ này đến thì A đi làm -B bảng fấn -C đi trẻ đón con - V cắt đinh - O chăn lợn băm chuối - U ngồi dán đèn lồng.

Đành gác lại - Anh đi tới một nơi. Một nơi quen ngủ trưa (thay đêm) cho tới chiều tà. Đứa con nói: bố cháu đi thư viện. Anh ngồi lại. Ngồi một mình. Ngồi rất lâu.

Về - fố lác đác đèn. Anh đi fía hồ nước. Jờ tình duyên - Những tình duyên bờ nước. Anh tránh nhìn. Họ cũng tránh nhìn anh. Quen chân, anh đi vào một quán - diện người thân. Quán bà cụ -Mấm: Thế là một ngày đi.


[1]La Mã II (Kômik)
[2]Lune atroce - soleil amer (Rimbaud)
[3]cơm
[4]lẽ cố nhiên ấu thơ
[5]hỏi người phau con bướm mini vườn thơ ấy
[6]Lirik
[7]nhà thời gian ở đâu? Đực hay cái? - nài xin biết nhà, sẽ sẵn sàng gõ cửa.
[8]một va li im lặng - va li đi đường - ai lại đi đường ngay ở trong nhà (Kômik)
[9]Thánh Thán (tựa Mái tây)
[10]libiđô mấy cháu, mà hôm qua gặp, bụng lại chửa tướng (chú thích này của tác giả bị NXB Hội Nhà Văn cắt bỏ khi in)
[11]1. thỏi phấn (Bến lạ)
[12]1. ước mơ à
Nguồn: NXB Hội Nhà Văn, 1993

Thursday, November 7, 2013

CTV * KHÔNG ĐƯỢC TỐ THAM NHŨNG

Đại biểu quốc hội bị chỉ đạo 'không phát biểu về tham nhũng'

CTV Danlambao - Phát biểu tại buổi họp quốc hội vào sáng ngày 7/11, đại biểu Lê Như Tiến thuộc đoàn Quảng Trị đã tiết lộ một thông tin 'động trời': “Mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ: phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng, vì nếu còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho. Càng không nên phát biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì vạch áo cho người xem lưng”.

Vị đại biểu hiện đang là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH bày tỏ sự lo ngại: “Vậy là cuộc chiến chống tham nhũng có nguy cơ triệt tiêu trên diễn đàn Quốc hội” (Theo báo Tuổi Trẻ).

“Thế nhưng, bây giờ đang có một thực trạng đáng lo ngại, đó là việc người dân cũng đang vô cảm với công tác phòng chống tham nhũng. Họ tố cáo tham nhũng nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết, phản hồi. Thậm chí họ còn bị những kẻ tham nhũng không từ một thủ đoạn nào để trả thù, dằn mặt, bắt cóc người thân để gây áp lực, vứt ma túy vào nhà. Người tố cáo, chống tham nhũng đang trở nên đơn thương độc mã, nhiều người còn khuyên ĐB QH nên im lặng là vàng”, đại biểu Tiến cho biết.
Việc đại biểu quốc hội được chỉ đạo phải phát biểu theo định hướng là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng, tình trạng trên do chính miệng một đại biểu quốc hội thừa nhận thì đây quả là một thông tin 'động trời'. Điều này gián tiếp xác nhận những lời hô hào về quyết tâm chống tham nhũng của nhà cầm quyền CSVN cũng chỉ là khẩu hiệu lừa dối nhân dân.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), mỗi ngày họp quốc hội tính sơ sơ cũng tiêu tốn hết 1 tỷ đồng tiền thuế nhân dân. 'Không phát biểu về tham nhũng' thì quốc hội họp để làm gì?
Trường hợp của đại biểu Lê Như Tiến không phải là cá biệt, nhất là đối với một quốc hội toàn đảng viên đảng cộng sản như hiện nay. Đến một 'lãnh đạo địa phương' còn dám chỉ đạo đại biểu quốc hội phát biểu, thì việc người dân gọi là quốc hội bù nhìn quả không sai chút nào.
'Lãnh đạo địa phương' ở đây được dự đoán có thể là một quan chức tại Quảng Bình - nơi mà đại biểu Lê Như Tiến đại diện.

CẨU NHẬT TÂN * CÔNG AN TRA TẤN

Công an tra tấn ông Nguyễn Thanh Chấn được Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an khen thưởng

Cầu Nhật Tân - Ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết án chung thân oan uổng và đã thụ án được 10 năm vừa tố cáo một số cán bộ Công an Bắc Giang tra tấn, ép cung bắt nhận tội giết người. Một trong những sỹ quan Công an này tuy vẫn tiếp tục bị kiện vì tra tấn và bức cung trong một vụ tử hình oan khác lại vừa được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã lập thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó, người này đã leo lên vị trí lãnh đạo một cơ quan thuộc Công an tỉnh Bắc Giang. Một người nữa thì được đề bạt và nâng quân hàm sau vụ anh Chấn và hiện là Phó trưởng công an huyện Lục Nam.


Thượng tá Đào Văn Biên: điều tra viên, người trực tiếp tra tấn, ép cung ông Nguyễn Thanh Chấn. Sau vụ này, ông Biên được thăng quân hàm và đề bạt lên chức Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang. Thượng tá Đào Văn Biên hiện còn bị gia đình bị cáo Hàn Đức Long (huyện Tân Yên) tố cáo việc Thượng tá Biên tra tấn, đánh đập, ngụy tạo chứng cứ, hồ sơ vụ án khiến anh Hàn Đức Long bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang kết án tử hình oan năm 2011. Anh Long đang chờ thi hành án tử hình trong trại giam Kế.
Mặc dù nổi tiếng tại tỉnh Bắc Giang với cái mác “chuyên gia tra tấn” nhưng Thượng tá Biên vẫn được Bộ trưởng Bộ Công an (tại tờ trình số 1358/TTr-BCA-X11) và được Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương (tại tờ trình số 917/TTr-BTĐKT) đề nghị khen thưởng và sau đó được Thủ tướng cấp Bằng khen (tại Quyết định số 919/QĐ-TTg) vì đã lập thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Theo thông tin bên trong, ông Biên dự kiến được cơ cấu lên làm lãnh đạo Công an tỉnh.
Còn điều tra viên Ngô Đình Dung, người cũng trực tiếp tham gia tra tấn, bức cung ông Nguyễn Thanh Chấn, kết thúc chuyên án oan, cũng được thăng quân hàm và đề bạt lên giữ chức vụ Phó trưởng Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Cái Quyết định khen thưởng chết tiệt kia đã lý giải tại sao anh X im thin thít trong vụ này. Còn chú Tư thì lên ngay báo đưa ra mấy tuyên bố cực kỳ hùng hồn.

http://caunhattan.wordpress.com/2013/11/07/cong-an-tra-tan-ong-nguyen-thanh-chan-duoc-thu-tuong-va-bo-truong-bo-cong-an-khen-thuong/


 Xin nghe  một lão trượng hát ca tụng Đoàn Văn Vưon chống cộng sản cướp nhà, cướp đất

CHÂU VĂN THI * TÔN THẤT TẦN

Viếng đám tang cụ ông Tôn Thất Tần - người bị chế độ CS bỏ tù 32 năm không xét xử

Châu Văn Thi (Danlambao) - Được tin nhạc phụ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo là cụ ông Tôn Thất Tần vừa qua đời, chúng tôi tất tả đi viếng đám tang của cụ ông ở chùa Đại Giác, Phú Nhuận. Sau khi thắp hương xong cho cụ, chúng tôi có ngồi nói chuyện với gia đình. Bà Tôn Nữ Giáng Tiên cho biết ông là một trong những người tù lâu năm nhất dưới chế độ cộng sản. Dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn còn minh mẫn đến những ngày cuối đời nhưng từ lâu ông đã không còn màng chuyện thế sự...
*
Facebook của nhà văn Phạm Đình Trọng có viết về ông Tôn Thất Tần như sau:
- Mười ba tuổi, chú bé Tôn Thất Tần đã mồ côi cha vì Cộng sản. Tháng chín, năm 1930 phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi lên. Những người nông dân giáo mác gậy gộc trong tay ầm ầm kéo đến huyện đường Nghi Lộc, nơi bố Tôn Thất Tần là Tôn Thất Hoàn đang là tri huyện. Trong tay tri huyện Tôn Thất Hoàn có một đội lính lệ hơn ba mươi quân bảo vệ an ninh trong huyện nhưng tri huyện Tôn Thất Hoàn không đưa quân ra đối đầu với những người nổi dậy sẽ gây đổ máu. Ông cùng một viên lục sự tay không ra gặp những người nông dân. Quan huyện Tôn Thất Hoàn cùng viên lục sự liền bị những nông dân chặt đầu.
- Hai mươi bảy tuổi, anh thanh niên Tôn Thất Tần đã trở thành người tù Cộng sản chỉ vì anh bộc lộ chính kiến phản đối Hiệp định 6.3.1946 do Hồ Chí Minh kí với Pháp thỏa thuận cho quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân Tàu Tưởng giải giáp quân Nhật. Năm mươi chín tuổi, ông già Tôn Thất Tần mới bước ra khỏi nhà tù Cộng sản. 
Cáo Phó: Cụ ông Tôn Thất Tần qua đời - Thượng thọ: 96 tuổi 
Nhà hoạt động Nguyễn Hoàng Vi và Lưu Trọng Kiệt thắp hương trước linh cữu của cụ ông Tốt Thất Tần. 
Tác giả thắp hương trước linh cữu của cụ ông Tôn Thất Tần. 
Linh cữu được quàn tại chùa Đại Giác, Phú Nhuận. 
Nói chuyện, chia buồn với gia đình. 
*
Nhà văn Phạm Đình Trọng còn cho biết:
Cuộc đời người tù của cụ Tôn Thất Tần kéo dài qua đời ba đảng Mác xít: Đảng Cộng sản Đông Dương, đảng Lao động Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam. 96 năm có mặt trên cõi đời thì một phần ba cuộc đời cụ Tôn Thất Tần, 32 năm (1946 – 1977), để lại trong nhà tù Cộng sản.
Đày đọa một con người 32 năm trong nhà tù cộng sản hà khắc tưởng đã là kỉ lục về sự tàn nhẫn, độc ác của một thể chế phản con người. Nhưng từ 2009 kỉ lục này đã bị phá bởi người tù Nguyễn Hữu Cầu, một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đến nay người tù Nguyễn Hữu Cầu đã có 37 thâm niên trong tù. Con số kỉ lục này chưa dừng lại.
Lấy bạo lực công an, tòa án, nhà tù đối phó với dân, trả lời những tiếng nói khác biệt của dân, Nhà nước Cộng sản đã tạo ra những bản án tàn bạo, man rợ với Tôn Thất Tần, Nguyễn Hữu Cầu, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ . . . Đó là tội ác chống con người, chống nhân dân, chống lại những tiếng nói thường tình của một xã hội dân sự, tội ác cộng sản. Lịch sử sẽ khắc ghi và phán xét! 
Văn hiến Việt Nam là: Lấy trí nhân thắng cường bạo; Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Một Nhà nước không còn trí nhân, không còn nhân nghĩa, chỉ tồn tại bằng bạo lực, bằng cái ác là Nhà nước đó đã tự khai tử ngay từ khi ra đời. Bạo lực dù mạnh đến đâu cũng không thể tồn tại lâu bền. Bạo lực càng tran lan là bước đường cùng càng đến gần. Nhà nước đó cùng với những công sai, những quan tòa, những cai ngục sẽ không trốn được bản án nghiêm khắc và ô nhục của Nhân dân, của lịch sử dành cho họ.
Nhà văn Phạm Đình Trọng, Lê Phú Khải trước linh cữu cụ ông Tôn Thất Tần 
Châu Văn Thi - Phóng viên lề dân tường trình từ Sài Gòn

MINH VĂN * KẺ HUYỄN


Trang Chủ

Bài viết mới nhất

Những kẻ huyễn hoặc mọc rêu

Minh Văn
Trong lịch sử loài người, chưa có trang sử nào đau thương và đẫm máu hơn trang sử Cộng Sản, và cũng chưa có chế độ nào ngược đời phi nhân như vậy. Ấy thế nhưng điều lạ lùng là từ xưa tới nay không có một chế độ nào tự ca ngợi bản thân hơn thế cả. Đảng Cộng sản cầm quyền và lãnh tụ của họ bao giờ cũng vĩ đại ngất trời qua hệ thống truyền thông độc quyền duy nhất, vì vậy mà nhân dân là kẻ thấp hèn và luôn phải phục tùng chế độ. Đảng Cộng sản tự ca ngợi bản thân như một như cầu để tồn tại và lừa dối người dân. Để đến nỗi, thế giới thì người ta đã phát triển văn minh giàu mạnh, còn đất nước Việt Nam vẫn nghèo nàn lạc hậu. Nhìn quanh, người ta đã bay trên bầu trời tự do, trong khi mình đã phủ đầy rêu phong.
Không chỉ duy nhất ở Việt Nam, mà tất cả các quốc gia Cộng Sản đều như vậy, vì họ có cùng một mô hình. Sự huyễn hoặc lừa dối là khởi nguồn của mọi chế độ Cộng Sản, và cũng là cách thức để họ tồn tại, hòng che dấu sự sai trái và phi nhân.
Vì vậy mà việc tuyên truyền ca ngợi lãnh tụ và đảng luôn nằm trong chiến lược sống còn của bất kỳ chế độ Cộng sản nào, nó như một hành động lên đồng điên rồ hoặc bệnh dịch nguy hại. Đó là căn bệnh kinh niên mãn tính của Cộng Sản, nó chưa thể chấm dứt chừng nào cái đảng ngược đời này còn tồn tại. Ngày nay, tội ác và sự sai trái của các chế độ Cộng Sản đã được phơi bày ra trước ánh sáng của lịch sử. Thế nhưng, mấy quốc gia Cộng sản còn sót lại vẫn tự ca ngợi và huyễn hoặc bản thân, vì như đã nói, đó là căn bệnh mãn tính và nhu cầu tồn tại của họ.
Ở bên Trung Quốc láng giềng của chúng ta, đồng chí Mao Trạch Đông (thủ phạm giết hại mấy chục triệu người dân) được gọi là mặt trời hồng của Phương Đông. Một thời gian dài, tệ sùng bái đồng chí này như một bệnh dịch, đến nổi phàm bất kỳ cái gì mà ông ta nói ra đều trở thành chân lý và khuôn vàng thước ngọc cho tất cả mọi người. Còn Phi-đen Cát-xtơ-rô – Lãnh tụ đảng Cộng sản Cu Ba – thì được coi là một chiến binh vĩ đại với cái tài diễn thuyết siêu phàm. Họ nói rằng đồng chí này có thể nói một lúc mấy ngày mà không biết chán (người dân thì bắt buộc phải nghe, cực chẳng đã). Trong khi thực chất ông ta là một kẻ chuyên đặt bom phá hoại đường tàu và khủng bố giết người. Rồi còn Kim Jong-un của đất nước Triều Tiên cha truyền con nối nữa. Đồng chí này được truyền ngôi khi mới ngoài 20 tuổi. Theo báo chí nước này thì ông Kim Jong-un được sinh ra tại một ngọn núi thiêng huyền thoại của đất nước, lúc ông chào đời thì xuất hiện một ngôi sao trên bầu trời, ánh sáng lấp lánh chiếu rọi khắp muôn phương. Quả là nghe như trong truyền thuyết vậy.
Ngoài một bộ máy tuyên truyền có chủ đích, thì việc sáng tác các bài hát để ca ngợi lãnh tụ và chế độ cũng có một không hai. Chưa và không bao giờ nhiều hơn như vậy, số lượng các bài hát ca ngợi lãnh tụ và chế độ Cộng sản thì quả thực vô tiền khoáng hậu. Xứng đáng là đệ nhất huyễn hoặc thế gian.
Đám lâu la Cộng Sản không ngừng ca ngợi và rỉ tai người dân về sự vĩ đại của lãnh tụ và đảng, hòng bồi đắp thêm sự vững bền cho chế độ. Dưới đây là đoạn đối thoại giữa một lâu la Cộng sản và người dân (mà chúng ta vẫn gọi là dân đen):
Lâu la Cộng Sản:
- Trên thế giới, tôi chưa từng thấy ai vĩ đại hơn đảng và Bác Hồ ta.
Dân Đen:
- Ông thấy vĩ đại chỗ nào?
Lâu la Cộng Sản:
- Thì Bác Hồ một đời vì nước vì dân, không vợ không con. Đảng thì đã lãnh đạo toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh, giành lại độc lập tự do cho đất nước.
Dân Đen:
- Ông có biết ông Hồ có mấy con riêng không? Hai cuộc chiến tranh phi nghĩa do đảng Cộng Sản gây nên đã giết hại mấy triệu sinh mạng đồng bào? Để bây giờ dựng nên một chế độ độc tài tàn bạo, chứ có phải giành lại độc lập tự do gì đâu?
Rồi Dân Đen nhìn Lâu la Cộng Sản lúc này đã tái mặt, nói tiếp:
- Ông có biết trái đất này sắp bị diệt vong hay không?
Lâu la Cộng Sản hoảng hốt hỏi:
- Tại sao vậy? Thế thì phải làm sao bây giờ?
Dân Đen:
- Vì sắp va chạm với một tiểu hành tinh khác. Thế giới người ta đang nghĩ cách cứu trái đất bằng cách bắn đầu đạn hạt nhân để làm trệch quỹ đạo của tiểu hành tinh đó.
Lau những giọt mồ hôi lúc này đã lấm chấm trên trán, Lâu la Cộng Sản lắp bắp:
- Thế giới người ta giỏi…giỏi…thật. Cứ như Việt Nam mình thì chết…chết…đến nơi rồi mà còn không biết.
Bấy giờ Dân Đen mới phì cười:
- Ông chẳng đã nói là thế giới chẳng ai giỏi và vĩ đại hơn đảng Cộng sản và Bác Hồ rồi còn gì? Sao không đưa mấy thứ đó ra mà cứu trái đất đi?
Nguyên nhân của sự chậm tiến và ngu dốt là tự ca ngợi bản thân. Huyễn hoặc chính mình là khởi nguồn và cũng là kết thúc của chế độ Cộng Sản. Vì nó sẽ bị chính sự thật dấy lên lật đổ, để mà lấy lại chân lý cho đất nước và nhân dân.
(8/11/2013)

No comments:

Post a Comment