Pages

Wednesday, November 23, 2016

BẮC HÀN = HÀ THÚC KÝ= PHAN LẠC TIẾP =PHẠM HUẤN


QUAN CHƯC BẮC HÀN THÁO CHẠY

Kim Jong-un tỏ rõ vẻ già nua trong những ngày tàn của chính quyền Triều Tiên. (Ảnh: Internet)
    Kim Jong-un tỏ rõ vẻ già nua trong những ngày tàn của chính quyền Triều Tiên. (Ảnh: Internet)
 
Có thể nói, chính quyền độc tài Kim Jong-un đang trong giai đoạn hấp hối: Trong năm nay đã có ít nhất 20 quan chức cấp cao của chính quyền Kim Jong-un bỏ trốn sang Hàn Quốc. Ngày 27/10 vừa qua, truyền thông của Úc đã cung cấp thông tin cho biết, số quan chức cấp cao của Triều Tiên chạy trốn càng ngày càng nhiều.
 
Theo thông tin, trong số những người bỏ chạy có cả quan chức của Bộ Chính trị Quân đội Nhân dân (People‘s Army Politburo). Vị quan chức này khi được cử đi thăm Bắc Kinh đã trốn chạy qua Hàn Quốc.
 
Đa số người bỏ trốn là quan chức ngoại giao được Kim Jong-un tín nhiệm
 
Vào tuần trước, Cục Tình báo Hàn Quốc (NIS) đã công bố số liệu mới nhất về các quan chức Triều Tiên bỏ trốn. Người phụ trách NIS cho biết, đa số những người bỏ chạy đều là quan chức được Kim Jong-un tín nhiệm, họ sau khi được cử đi nước ngoài đã quay về Hàn Quốc mà không về Triều Tiên.
 
Trong số những người trốn khỏi có thành viên của Phòng số 39 Đảng Lao động Triều Tiên (tức Ban Kế toán – Tài chính Triều Tiên). Phòng số 39 phụ trách quản lý quỹ hối lộ của Kim Jong-un.
 
Theo thông tin, trong số quan chức tạo phản có người được phái đi Phi châu, phụ trách về dự án tượng đài bằng đồng. Triều Tiên nổi tiếng về xây dựng tượng đài khổng lồ bằng đồng mang phong cách Chủ nghĩa Xã hội, thợ của Triều Tiên có nhu cầu thị trường lớn ở Zimbabwe. Vị quan chức này đã mang theo một phần tiền dự án bỏ chạy.
 
Theo NIS, số quan chức tháo chạy khỏi Bình Nhưỡng đang ngày càng tăng lên. Năm 2003, có 8 quan chức chạy đến Seoul, còn năm ngoái có 18 quan chức. Ngoài ra còn nhiều quan chức đã chạy đến Âu châu và Mỹ.
 
Vai trò thống trị của Kim Jong-un không còn giữ được lâu?
 
Giáo sư Toshimitsu Shigemura thuộc Đại học Waseda ở Tokyo cho biết: “Quyền lực của Kim Jong-un đang ngày càng bấp bênh”.
 
“Sau sự kiện hành quyết ông chú dượng Jang Sung-taek vào tháng 12/2013, rất nhiều quan chức đã quyết định bỏ chạy vì lo lắng họ sẽ trở thành đối tượng tiếp theo. Những lo lắng cho đến nay vẫn thường trực. Kể từ tháng 12/2011 khi Kim Jong-un kế vị, vì để nắm quyền tốt hơn, tên độc tài này đã tiến hành thanh trừng hàng loạt quan chức.”
 
Giáo sư Toshimitsu Shigemura còn cho biết, Kim Jong-un đã hành quyết rất nhiều người, trở thành chính quyền theo Chủ nghĩa Stalin. Những người bỏ trốn đã bỏ cả gia đình của họ, nếu họ quay lại Triều Tiên chắc chắn sẽ bị hành quyết. Có thể họ nhận thấy chính quyền Kim Jong-un đang đến ngày tàn. Khi chính quyền sụp đổ họ có thể cứu được gia đình của họ.
 
Kim Jong-un sợ chính biến và bị ám sát
 
Việc Kim Jong-un không xuất hiện trong Lễ Duyệt binh ở Bắc Kinh được giới quan sát chú ý. Ngày 9/3, Thời báo New York đã dẫn lời Phó Giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei cho biết, việc Kim Jong-un vắng mặt có thể vì sợ sẽ không an toàn khi ra khỏi Triều Tiên.
 
Trong bài báo “Ngày tận thế của Triều Tiên” (North Korea’s Endgame) đã kể về lối sống xa hoa của chính quyền Kim Jong-un làm cạn kiệt tài sản mà các đời trước để lại, việc duy trì chế độ của chính quyền Triều Tiên vì thế ngày càng khó khăn, nguy cơ bị ám sát luôn thường trực đe dọa.
 
Ngày 12/5/2015, một nữ quan chức cấp cao trốn khỏi Triều Tiên đã tiết lộ trên kênh CNN của Mỹ, Kim Jong-un đã áp dụng kiểu khủng bố chính trị mới hoàn toàn khác. Trước đây ông Kim Jong-il thường đối phó kẻ thù chính trị bằng cách bỏ tù, nhưng Kim Jong-un thì trực tiếp hành hình, mức độ tàn nhẫn đến chính những người quen thấy sự tàn nhẫn dưới thời Kim Jong-il cũng phải kinh hãi.
 
Người phụ nữ này nói, Kim Jong-un lên nắm quyền được 3 tháng đã hành quyết 7 thân tín, tịch thu tài sản và chu di tam tộc toàn bộ người thân trong gia đình của họ, bao gồm cả trẻ em cũng không tha. Trong 3 năm đầu cầm quyền, hàng trăm người ưu tú đã bị hành quyết.
 
Trước đó, vào ngày 11/5, nữ quan chức này đã cho CNN biết, Kim Jong-un đã hạ lệnh giết người cô là Kim Kyong-hui bằng cách bắt uống thuốc độc. Sau đó vào ngày 13/5, báo Yonhap (thông tấn xã Hàn Quốc) đã đưa tin nhân vật số hai trong quân đội Triều Tiên, Phó Nguyên soái Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên là Hyon Yong-chol bị Kim Jong-un hành hình bằng pháo cao xạ với sự chứng kiến của hàng trăm người tại hiện trường.
 

HỒ VĂN CHÂM * SỐNG CÒN VỚI DÂN TỘC CỦA HÀ THÚC KÝ

    SỐNG CÒN VỚI DÂN TỘC CỦA HÀ THÚC KÝ
 HỒ VĂN CHÂM\
 
 
Sống Còn Với Dân Tộc” là nhan đề cuốn hồi ký chính trị của cố Chủ Tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng Hà Thúc Ký.
            Kỹ sư Hà Thúc Ký sinh trưởng ở Huế, xuất thân là quan chức ngành Thủy Lâm thời Pháp thuộc. Sau khi Việt Minh nắm chính quyền, quan Tham Thủy Lâm Hà Thúc Ký gia nhập Giải Phóng Quân (Vệ Quốc Đoàn) chiến đấu ở Mặt Trận Nam Lào. Vì có mâu thuẫn cá nhân với viên chính ủy mà bị quy chụp là thành phần phản động Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hà Thúc Ký rời quân ngũ, ra Hà Nội sống trở lại đời sinh viên. Tại đây, chàng trai 25 tuổi Hà Thúc Ký gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng, và được giao công tác làm Trưởng ban Báo chí Nội Thành. Cuối năm 1946, Hà Thúc Ký được lệnh trở về Huế làm Phụ tá cho Bác sĩ Bửu Hiệp là Xứ Ủy Xứ Bộ Trung Việt của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Sau khi Bửu Hiệp bị ám sát, Hà Thúc Ký thay thế làm Xứ Ủy, và đã cùng một số cộng sự viên xây dựng cơ sở vững mạnh cho đảng Đại Việt tại miền Trung, đặc biệt là ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Sau biến cố Ba Lòng, đảng Đại Việt bị chính quyền đương thời đàn áp, bản thân Hà Thúc Ký bị kết án và bị bắt giam. Qua thời đệ nhị Cộng Hòa, Hà Thúc Ký tập họp đồng chí tản mác khắp nơi để tái lập Đại Việt Quốc Dân Đảng. Tổ chức mới tiếp nối truyền thống Trương Tử Anh, xiển dương chủ nghĩa dân tộc sinh tồn, chủ trương cách mạng, nên mang danh xưng là Đại Việt Cách Mạng Đảng. Lãnh tụ Hà Thúc Ký đưa Đại Việt Cách Mạng Đảng ra hoạt động công khai, bố trí đảng viên tham gia chính quyền trong các ngành lập pháp, hành pháp, quân đội, công an, cảnh sát, chiêu hồi, xây dựng nông thôn. Sau ngày Sắc Luật Tu Chính Quy Chế Chính Đảng được ban hành vào năm 1972, Đại Việt Cách Mạng Đảng trở lại hoạt động bí mật. Từ năm 1975, tại hải ngoại, Chủ Tịch Hà Thúc Ký tiếp tục được tín nhiệm ở vị thế lãnh đạo Đảng cho đến năm 2005. Hà Thúc Ký mất năm 2008 tại Mỹ, hưởng thọ 88 tuổi.
            Cuốn hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” của Hà Thúc Ký khổ trung bình, dài 371 trang, bìa cứng, giấy trắng, ấn loát rõ ràng, trình bày trang nhã, do Phương Nghi ấn hành năm 2009. Ngoài phần đầu ngắn gọn dành cho các hồi ức về thời niên thiếu ở Huế và cuộc đời công chức ở Cà Mâu, hồi ký của Hà Thúc Ký chủ yếu nói về các hoạt động của tác giả từ năm 1945 đến năm 1975, kể từ khi gia nhập Giải Phóng Quân chiến đấu ở Mặt Trận Nam Lào cho đến ngày lên tàu Trường Xuân di tản ra nước ngoài, sống đời lưu vong của người tỵ nạn cộng sản. Hồi ký của Hà Thúc Ký hầu như không nhắc nhở gì đến các hoạt động từ năm 1975 trở đi. Có lẽ tác giả nghĩ rằng trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình có những công việc mà tới giờ phút lâm chung tác giả vẫn chưa tiện nói ra hết các tình tiết, ngọn ngành, nhất là những công việc đã làm trong thời gian sống lưu vong trên đồng đất nước người, bởi lẽ thời cơ chưa thuận lợi, vận nước chưa hanh thông, một số lớn những người có liên hệ đến các công việc đó đang còn ở trong vòng kiềm tỏa của chính quyền chuyên chính trong nước.
Người viết những dòng tản mạn này được nhà xuất bản Phương Nghi ưu ái gửi cho một bản với lời đề tặng thân tình kèm chữ ký ghi chú “Ký thay anh Cả”. Phương Nghi không ai khác là phu nhân của tác giả cuốn hồi ký. Chính vì cảm kích ân tình tri ngộ của anh chị Hà Thúc Ký mà người viết nảy sinh ý định ghi lại những dòng tản mạn này về cuốn hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc”, trước là để nói lên những cảm nghĩ chân thành của mình về người lãnh tụ nay đã khuất núi, sau nữa là để soi sáng một số vấn đề tuy có nêu ra trong cuốn hồi ký nhưng tác giả không tiện kể hết tình tiết, ngọn ngành, bởi lẽ tác giả nghĩ rằng cái tôi là cái đáng ghét, tác giả không muốn mang tiếng khoe khoang để tự đề cao hay biện minh để đổ trách nhiệm cho người khác.
Tác giả cuốn hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” thuộc dòng dõi quan lại, bên nội bên ngoại đều là đại thần lương đống triều đình. Bản thân tác giả cũng là người thành đạt trên cả hai mặt khoa hoạn. Thế nhưng tác giả Hà Thúc Ký là con người rất mực khiêm cung. Nếp sống bình nhựt của tác giả rất ngăn nắp và giản dị. Tác giả không uống trà, không uống rượu, không hút thuốc lá, không ghiền cà phê. Trong bữa tiệc tại tư gia Thiếu tá Thao Ô chỉ huy trưởng lực lượng Lào Độc Lập Ê Cà Lạt ở mặt trận quốc lộ 9, tác giả Hà Thúc Ký, dù đã nín thở cố nuốt trôi món ruột trâu chấm mật để giữ phép lịch sự tôn trọng chủ nhà, vẫn cương quyết từ chối uống rượu trong lúc các quan khách khác, phần lớn là các tài xẻng địa phương, thi nhau uống rượu như hũ chìm. Tác giả Hà Thúc Ký không ham ăn ngon mặc đẹp, không quen nếp sống xa hoa, không mấy khi lui tới các nơi trà đình tửu quán, và không bao giờ đi ngang về tắt, lân la sớm mận tối đào. Dù ở cương vị Đảng trưởng hay ở cương vị Bộ trưởng, những khi đi công tác bên ngoài mà có sinh hoạt liên hoan với anh em đồng chí hay với thuộc hạ dưới quyền, tác giả Hà Thúc Ký luôn luôn nêu cao tinh thần đồng cam cộng khổ với mọi người. Tác giả Hà Thúc Ký từ chối không tiếp nhận những biệt đãi dành riêng cho lãnh đạo. Người viết còn nhớ một lần tháp tùng anh Cả đi công tác đảng vụ ở Vũng Tàu, ngoài các buổi sinh hoạt tập thể với anh em đảng bộ địa phương, hai người chúng tôi lui về trú ngụ trong ngôi biệt thự của kỹ sư Nguyễn Thôn là bạn đồng nghiệp Thủy Lâm của tác giả, để sáng sớm thảnh thơi tắm biển và điểm tâm bằng một chiếc bánh ú với nước lã đun sôi để nguội, bỏ ngoài tai lời nài nỉ thiết tha của các đồng chí có lòng mến mộ mời chúng tôi đi thưởng thức đặc sản của Vũng Tàu. Một lần khác đưa theo người viết ra Huế sinh hoạt đảng vào mùa hè nắng nóng, Tổng Bí Thư Hà Thúc Ký đã nhờ đồng chí Tôn Thất Tế là Bí thư Đảng bộ Liên Tỉnh Bắc Hải Vân tổ chức cho chúng tôi ngủ đò trên sông Hương thay vì ngủ qua đêm ở khách sạn. Người viết cùng với mấy anh em lãnh đạo đảng bộ địa phương đã trải qua những giờ khắc tuyệt vời bên cạnh vị lãnh tụ ít nói ít cười, rất mực nhân từ và độ lượng được dấu kín trong cái võ bọc nghiêm nghị và khắc khổ. Những giờ khắc đó là những giờ khắc trong sáng và lành mạnh đúng nghĩa, không trà không rượu, không có thương nữ hát khúc Hậu Đình Hoa, duy chỉ có trăng thanh gió mát với sóng vỗ mạn thuyền.
Tác giả hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” quen lề lối làm việc nghiêm túc, nói năng cẩn thận và khúc chiết, đôi khi có phần bộc trực, không quanh co khuất tất, không dối trá phỉnh nịnh để làm đẹp lòng người đối thoại. Bởi vậy, khi giải bày ý tưởng lên giấy trắng mực đen, tác giả hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” có lối hành văn rõ ràng với ngữ nghĩa minh bạch, bút pháp vững chải, lời lẽ cô đọng và ý tứ súc tích. Điều này được thể hiện rõ nét qua độ dày vừa phải của cuốn hồi ký. Thật vậy, khối lượng dữ kiện được đề cập đến trong tác phẩm rất phong phú và đa dạng. Với lề lối kể lể dông dài thường bắt gặp trong phần lớn các cuốn hồi ký đã xuất bản trong mấy thập niên vừa qua, hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” có thể dày đến trên dưới một nghìn trang thay vì thu gọn trong ba bốn trăm trang. Nói về quê quán của mình, tác giả chỉ viết sơ lược về “cuộc đất Dinh”, về cột lim đình làng, về đại hồng chung của chùa làng. Tác giả không lan man đề cập đến thân thế và sự nghiệp Tư Đồ Võ Văn Dũng, cũng như không đả động đến câu tục ngữ “thình thình như cột đình La Chữ”quen thuộc ở cửa miệng dân gian. Nói về truyền thống hiếu học của La Chữ, tác giả chỉ mô tả địa cuộc “nghiên bút” theo quan điểm phong thủy của dân làng. Tác giả tuyệt nhiên không mảy may tiết lộ về gia thế của mình. Chỉ tính riêng khoa thi Hương năm Bính Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 18 (1906), trường Thừa Thiên (dành cho sĩ tử từ Quảng Bình đến Quảng Nam) có 25 người đậu Cử nhân thì La Chữ đã chiếm hết 5 người. Đó là các ông Lê Hoàn, Hà Xuân Hải, Hà Thúc Tuân, Hà Thúc Du, và Hà Thúc Huyên. Ba ông Hà Thúc này là ba anh em ruột, và ông Hà Thúc Huyên là thân ph tác gi. C ba ông Hà Thúc này về sau đều là đại thần lương đống triều đình, góp phần tạo thành câu nói cửa miệng của người đương thời ở đất Thần Kinh “nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà”.
Với cương vị người lãnh đạo một chính đảng, Chủ Tịch Hà Thúc Ký thường xuyên được anh em đồng chí khắp nơi thông báo các sự kiện quan trọng xảy ra bên trong Việt Nam. Chắc chắn tác giả hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” đã nghe nói đến các khai quật khảo cổ tại Cồn Ràng và Cồn Dài trong địa phận xã Hương Chữ. Những phát hiện tại hai di chỉ này rất quan trọng. Các hiện vật mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh tại Cồn Ràng, nhất là hàng trăm mộ chum và hiện vật tùy táng phân bố dày đặc tại Cồn Dài, đã dứt khoát khẳng định sự kiện văn hóa Sa Huỳnh không chỉ lan tỏa trong phạm vi Nam Hải Vân mà còn tiến xa hơn lên phía bắc. Gần đây, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan ở Huế đã sưu tập rất nhiều cổ vật được trục vớt từ đáy sông Hương. Ngoài những đồng tiền đời Tùy, đời Đường, điều đáng quan tâm trong bộ sưu tập là sự đa dạng và phong phú của những mảnh gốm mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh. Các hiện vật thu lượm được ở Hương Chữ thuộc huyện Hương Trà cùng với việc phát hiện trống đồng Đông Sơn ở Phong Mỹ thuộc huyện Phong Điền ở kế bên, đã minh chứng một thực tế trong quá khứ xa xưa rằng vùng Huế là địa bàn giao thoa, hay hơn thế nữa, là trung tâm hội tụ của hai nền văn hóa rực rỡ Đông Sơn và Sa Huỳnh. Việc khai quật khảo cổ đã xảy ra trên chính làng quê La Chữ của mình, nhưng tác giả hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” không đưa vào trong tác phẩm. Tác giả nghĩ rằng chuyện này xảy ra sau năm 1975, tác giả không thể có mặt ở trong nước, không thể có điều kiện tự thân mắt thấy tai nghe để hiểu rõ tường tận tình tiết ngọn ngành, nên lược bỏ không bàn tới. Ngược lại, tác giả đã để dành nhiều trang viết về khuôn phép học đường, tổ chức hành chánh, lễ tế Nam Giao, cùng với một vài nét văn hóa đặc thù thời Pháp thuộc, là những điều tác giả am tường, thông thạo, vì lẽ tác giả ít nhiều là người trong cuộc, kiến thức thu góp được chủ yếu rút tỉa từ kinh nghiệm bản thân. Tác giả mong muốn truyền đạt những thông tin ấy cho lớp người trẻ đi sau. Nói tóm lại, những gì nên viết ra, những gì nên lược bỏ, tác giả đều đắn đo suy tính kỹ càng. Đó là dụng tâm của tác giả hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc”, và là biểu hiện bản chất cẩn trọng trong lời nói và việc làm của con người Hà Thúc Ký.
Bản chất cẩn trọng đó bàng bạc trong văn phong của tác giả. Độc giả thường xuyên của Tạp chí Cách Mạng những năm trước đây quen thuộc với các bút hiệu Nam Phong, Bắc Vũ đều có chung nhận xét rằng trong các bài viết của tác giả Hà Thúc Ký, không những câu văn mạch lạc, ý tứ khúc chiết, mà việc dùng từ và đánh dấu cũng không hề vượt ra ngoài quy phạm của tiếng Việt phổ thông. Bởi vậy, một vài khuyết điểm nhỏ nhặt về hình thức bắt gặp rải rác trong hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc” không phải là sơ sót của tác giả mà chủ yếu là do khâu ấn loát. Vì lý do bệnh tiểu đường trở nặng, tác giả không có điều kiện rà soát lại bản layout trước khi đem in. Những lỗi chính tả như Hội Quảng Trị (Hội Quảng Tri), cung Càng Thành (cung Càn Thành), xắp xếp (sắp xếp), giậu đổ bình leo (giậu đổ bìm leo) v. v. rõ ràng là lỗi lầm từ người đánh máy do thói quen phát âm sai hoặc không thông suốt ngữ nghĩa. Quảng Tri là biết rộng, là tên một hội văn hóa, không liên quan gì đến tỉnh Quảng Trị. Càn là Trời, là Vua, cung Càn Thành là nơi vua ở, chứ Càng Thành thì không có nghĩa gì cả. Xuyên suốt hồi ký “Sống Còn Với Dân Tộc”, tác giả viết toàn chuyện thật, người thật, không rườm rà cà kê nghê ngỗng. Hãy lấy thí dụ ở Chương 5, đoạn Chung Cục Của Một Triều Đại. Nói về liên hệ gia đình với nhà Nguyễn, tác giả chỉ viết vắn tắt bác và cha đều làm quan nhà Nguyễn, mẹ và vợ đều là người hoàng tộc. Tác giả đâu có kể lể dài dòng các bác người thì Hiệp Tá Đại Học sĩ, người thì Tuần Vũ, còn thân phụ thì Tham Tri bộ Hình, rồi chuyển qua Tham Tri bộ Lại. Tác giả cũng không đi quá xa đề tài, lan man nói mẹ là người hệ 9, hậu duệ của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vợ là người hệ 3, hệ tổ là Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên. Vậy thì một vài khuyết điểm như vừa nêu trên đã phát xuất từ khâu ấn loát, xét ra lại chẳng quan trọng gì, độc giả chắc chắn cũng rộng tình thông cảm.
Sau khi Hiến pháp 1-4-1967 được ban hành, các tổ chức chính trị ở miền Nam Việt Nam náo nức chuẩn bị người ra tranh cử vào các cơ quan công quyền. Đại Việt Cách Mạng Đảng đưa Liên Danh Bông Lúa Hà Thúc Ký - Nguyễn Văn Định ra tranh cử Tổng Thống - Phó Tổng Thống, và 4 Liên Danh Bông Lúa, Bó Lúa, Cấy Lúa, Gặt Lúa ra tranh cử Thượng Viện. Mỗi liên danh tranh cử Thượng Viện gồm 10 ứng viên chính thức và 1 ứng viên dự khuyết. Đưa ra một loạt 4 liên danh gồm 44 người để tranh cử 60 ghế Nghị sĩ, Tổng Bí Thư Hà Thúc Ký hy vọng đắc cử được 1 liên danh. Vì vậy, tinh binh mãnh tướng của Đại Việt Cách Mạng Đảng đều dồn hết cho Liên Danh Bông Lúa là liên danh tranh cử Thượng Viện được mang cùng dấu hiệu đảng huy với liên danh tranh cử Tổng Thống – Phó Tổng Thống. Người viết được xếp vào Liên Danh Cấy Lúa. Biết được dụng tâm của người lãnh đạo Đảng, một vài anh em có hỏi sao không sắp xếp để người viết vào Liên Danh Bông Lúa thì được anh Cả cho biết là đã có chủ trương để người viết đảm trách nhiệm vụ khác. Số là Tổng Bí Thư Hà Thúc Ký nhận xét rằng người viết có khả năng tổ chức và điều hành hơn là công tác vận động hành lang nên chuẩn bị đưa người viết tham gia ngành hành pháp chứ không muốn người viết đắc cử vào nghị trường. Trước đây không lâu đã có lần Đại Việt Cách Mạng Đảng giới thiệu người viết làm Tỉnh Trưởng Quảng Trị thay thế Đại Tá Nguyễn Ấm xin từ chức. Nay gặp lúc giới chính trị Sài Gòn phản đối việc cả Tướng Thiệu lẫn Tướng Kỳ đứng chung một liên danh mà cuộc bầu cử lại do chính quyền đương nhiệm tổ chức nên đòi hỏi phải có một chính phủ chuyển tiếp để việc bầu cử được vô tư và công bằng, Đại Việt Cách Mạng Đảng một mặt vẫn ráo riết chuẩn bị việc tranh cử, mặt khác cử Bác sĩ Nguyễn Thạch và Kỹ sư Nguyễn Thôn cùng với người viết tham gia chính phủ chuyển tiếp. Gần đến ngày nộp hồ sơ cho ủy ban bầu cử, sau khi duyệt xét lần cuối các danh sách ứng viên, Tổng Bí Thư Hà Thúc Ký sợ rằng Liên Danh Cấy Lúa có thể đắc cử nên đã rút tên 2 ứng viên sáng giá Nguyễn Đình Hoan, Giáo sư Viện Đại Học Huế và Đoàn Ý, Luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, ra khỏi Liên Danh Cấy Lúa để tăng cường cho các liên danh khác. Có lẽ đoán được ý nghĩ của Tổng Bí Thư Hà Thúc Ký không mong muốn cho Liên Danh Cấy Lúa đắc cử nên vào phút chót Đại Tá Phạm Đỗ Thành, Giám Đốc Nha Quân sản Bộ Quốc Phòng, đã rút tên ra khỏi Liên Danh Cấy Lúa khiến người viết phải vất vả ngược xuôi kiếm người điền khuyết để kịp hoàn tất hồ sơ đúng hạn kỳ.
Đầu năm 1969, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ủy nhiệm Phụ tá Nguyễn Cao Thăng thương nghị với các tổ chức chính trị trong nước để thành lập Mặt Trận Dân Chủ Xã Hội. Kết quả có 6 đoàn thể thỏa hiệp tham gia Mặt Trận. Đây là một cuộc hôn nhân vì lý trí chứ không phải là một sự gắn bó tình nghĩa để phụng sự lý tưởng chung. Tổng Thống Thiệu lợi dụng Mặt Trận để tuyên truyền rằng chính quyền có hậu thuẫn quần chúng. Các đoàn thể trong Mặt Trận lợi dụng danh nghĩa hợp tác để sử dụng phương tiện chính quyền trong mục đích bành trướng cơ sở và phát triển thế lực, nhất là để tham gia các cương vị công cử cấp trung ương. Kịp đến khi chính phủ Trần Thiện Khiêm thành lập vào đầu tháng 9 năm 1969 thì chỉ có 2 đảng Nhân Xã và Đại Việt Cách Mạng được mời tham gia. Các đoàn thể không được mời lặng lẽ quay sang phía đối lập. Mặt Trận âm thầm tan rã. Để công chúng không chú ý đến sự kiện này, nhật báo Chính Luận, trong bài nhận định về tân Nội các, đã viết rằng 2 ông Hồ Văn Châm và Ngô Khắc Tỉnh tham gia chính phủ với tư cách nhân sĩ độc lập, cũng như bản tin Việt Tấn Xã đã đăng danh sách các thành viên Nội các mà không hề đả động đến xuất xứ đảng phái của người viết và của Dược sĩ Ngô Khắc Tỉnh. Ngược lại, sau màn độc diễn năm 1971 của liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương, Đại Việt Cách Mạng Đảng chuyển sang thế đối lập với chính quyền, rồi tiếp đến, Sắc Luật Tu Chính Quy Chế Chính Đảng được ban hành năm 1972 giải tán các chính đảng, Đại Việt Cách Mạng Đảng lui về hoạt động bí mật, thì trong dịp công bố Nội các cải tổ tháng 2 năm 1974, Việt Tấn Xã lại loan tin người viết tham gia Nội các với tư cách là Tổng Ủy viên Tổ chức Ban Chấp Hành Trung Ương Đại Việt Cách Mạng Đảng. Việc người viết đã ở lại trong Nội các qua mấy lần cải tổ trước đây là chuyện bàn tính riêng giữa người viết với Chủ Tịch Hà Thúc Ký, không mảy may gây sự chú ý của một ai. Nhưng lối loan tin lần này của Việt Tấn Xã đã gây nên dư luận sôi nổi trong giới chính trị đối lập với chính quyền, và đặt Chủ Tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng vào vị thế khó ăn khó nói. Đương nhiên Việt Tấn Xã không đưa tin như thế nếu không có chỉ thị từ cấp cao hơn. Dù sao thì chính quyền một phần nào cũng đạt được mục đích gây phân hóa trong hàng ngũ các tổ chức đối lập.
Để làm êm dịu dư luận, nhất là để hóa giải sự nghi kỵ Đại Việt Cách Mạng Đảng đi đêm với chính quyền đương nhiệm, Chủ Tịch Hà Thúc Ký cho phổ biến tại hành lang Thượng Viện tờ xác minh người viết không ở trong Đại Việt Cách Mạng Đảng kể từ 31-12-1972. Văn kiện xác minh này được soạn thảo rất khéo, chỉ nêu lên sự việc mà không nói lý do cũng như không kèm theo lời giải thích, để người đọc muốn hiểu sao thì hiểu. Rõ ràng là Sắc Luật Tu Chính Quy Chế Chính Đảng ban hành vào giữa năm 1972 sửa đổi Luật 19-6-1969, với những điều lệ ràng buộc hết sức khắt khe, đã gián tiếp giải tán tất cả các chính đảng đương thời kể từ ngày 31-12-1972. Như vậy, đứng về mặt hợp pháp để được hoạt động công khai, đảng đã không tồn tại thì đương nhiên đảng viên không còn ở trong đảng. Dù sao thì việc loan tin người viết không ở trong Đại Việt Cách Mạng Đảng kể từ 31-12-1972 cũng giải hóa được sự nghi kỵ của các tổ chức đối lập, gỡ cho Chủ Tịch Hà Thúc Ký thoát ra khỏi cái lúng túng nhất thời và đưa Đại Việt Cách Mạng Đảng trở về vị trí nguyên thủy trong hàng ngũ Lực lượng thứ ba. Nhưng dư luận anh em trong nội bộ Đại Việt Cách Mạng Đảng thì lại khác, nhất là sau ngày người viết chuyển sang bộ Cựu Chiến Binh lại kiêm nhiệm thêm bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Một vài nhóm anh em ở miền Trung đòi hỏi thi hành kỷ luật sắt máu, khiến Chủ Tịch Hà Thúc Ký phải lên tiếng ngăn cản, và Ban Bảo vệ yếu nhân của cảnh sát Sài Gòn phải tăng cường nhân sự canh gác nhà riêng cũng như sở làm của người viết. Chủ Tịch Hà Thúc Ký chỉ lên tiếng ngăn cản dự tính của các phần tử quá khích, chứ không tiết lộ bất kỳ tình tiết gì, mà bản thân người viết cũng im lặng, không biện minh, không giải thích với bất kỳ ai, ngay cả với vợ con trong nhà. Bởi vậy, sự việc tuy có gây nên công luận sôi nổi nhất thời, nhưng rồi cũng theo ngày tháng trôi qua, ai hiểu sao thì hiểu, không một ai biết rõ ẩn tình, duy chỉ có người viết hết lòng cảm phục Chủ Tịch Hà Thúc Ký đã đi một nước cờ tuyệt vời của bậc thầy cao thủ.
Liên hệ giữa tác giả “Sống Còn Với Dân Tộc” Hà Thúc Ký và người viết chủ yếu là tương quan đảng vụ. Tuy vậy, do sự đẩy đưa của thời thế, cộng thêm một số yếu tố riêng tư, tương quan này đã trở nên giao tình tri ngộ. Tác giả với người viết không phải đồng trang lứa. Tuổi chúng tôi chênh lệch nhau đúng một con giáp. Tác giả với người viết không phải là đồng nghiệp, lại cũng không phải là bạn bè, cho dù là bạn vong niên. Tác giả với người viết cũng không phải là bà con, mặc dù tác giả với vợ người viết là anh em con dì con già. Thật vậy, tác giả với người viết làm việc chung với nhau đã lâu, thế mà mãi đến giữa năm 1967, tác giả có việc cần nên đến tìm người viết tại nhà riêng mới vỡ lẽ là em gái bà con với mình là vợ của người Tổng Ủy viên Tổ Chức của mình. Rõ ràng là tác giả “Sống Còn Với Dân Tộc” và người viết gắn bó với nhau hoàn toàn là do công việc chung. Điều đáng nói là sự gắn bó đó được kết dính bởi lòng tin cậy vào khả năng và tinh thần tận tụy với công việc của nhau, chứ không phải do cảm tình cá nhân hay do liên hệ gia đình. Gia dĩ, tác giả Hà Thúc Ký và người viết cá tính có nhiều điểm giống nhau, bẩm sinh đều ít nói, lại quen tính quyết đoán, không thích bàn bạc dài dòng, nên gặp lúc ý kiến không thống nhất với nhau thì đi đến sự đồng thuận là trong phạm vi trách nhiệm của ai thì người ấy làm. Người viết được Chủ Tịch Hà Thúc Ký ủy thác công việc trong tinh thần tin cậy. Cho dù phải tự lo tự liệu, công việc đôi lúc kinh qua nhiều giai đoạn khó khăn, nhưng cuối cùng kết quả đều tốt đẹp, nên tương quan giữa chúng tôi y hệt mối tương quan công vụ giữa Hoàng Đế Napoleon Bonaparte và Thượng Thư Talleyrand-Perigord thời Đế chế nước Pháp. Đó là điều mà người viết gọi là giao tình tri ngộ. Một sự kiện khác cũng cần nêu lên là mối liên hệ giữa tác giả “Sống Còn Với Dân Tộc” và Cố Nghị sĩ Trần Điền. Sự thật chỉ giản đơn Trần Điền là anh rể của Hà Thúc Ký. Thế nhưng, bất kỳ ai ở Huế lưu tâm đến chuyện thời thế cũng cho rằng Trần Điền là đảng viên Đại Việt, nhất là sau vụ biến động Ba Lòng, Tỉnh trưởng Quảng Trị Trần Điền mất chức và một số lớn đảng viên Đại Việt ở miền Trung phải ra tòa lãnh án tù. Tỉnh Trưởng Trần Điền trong phạm vi quyền hạn của mình theo tinh thần Dụ số 10 đã bổ nhiệm Quận Trưởng Nguyễn Ngọc Cứ và điều động các đại đội Nghĩa Dũng đoàn lên chiếm đóng Ba Lòng hoàn toàn vì mục tiêu công vụ, không giây mơ rể má gì đến quan hệ gia đình hay đảng phái. Trần Điền ngay dưới thời Bảo Đại đã là người của nhóm nhân sĩ miền Trung hoạt động ủng hộ Ngô Đình Diệm, và sau này đắc cử vào Thượng Viện do đứng tên trong một liên danh không phải là Đại Việt. Bởi vậy, dư luận bàn tán về tinh thần gia đình trị trong lề lối sử dụng nhân sự của Đại Việt Cách Mạng Đảng là hoàn toàn phiến diện.
Lùi xa hơn về quá khứ, việc các đảng viên Đại Việt cao cấp Lê Thăng và Nguyễn Tôn Hoàn tham chính thời Quốc Trưởng Bảo Đại, việc cảm tình viên Đại Việt Phan Huy Quát hết giữ chức Bộ Trưởng Giáo Dục lại giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng, cũng như việc Thủ Hiến Bắc Việt Nguyễn Hữu Trí đưa một số quan chức cũ thời phong kiến về làm việc trong guồng máy hành chánh thuộc quyền, đã làm nẩy sinh cụm từ “Đại Việt Quan Lại” lưu truyền trong công luận đương thời với hậu ý không mấy thân thiện, quả tình là một sự ngộ nhận đáng tiếc. Cũng có dư luận cho rằng đảng Đại Việt ở miền Trung thuộc hệ phái “Đại Việt Ky Tô” dựa trên nhận xét phiến diện rằng đa số đảng viên là tín hữu Công giáo có quan hệ mật thiết với giáo quyền địa phương. Đành rằng trong số cán bộ nòng cốt của Đại Việt Cách Mạng Đảng ở miền Trung lúc bấy giờ có nhiều người có tiếng tăm như Cựu Nghị sĩ Nguyễn Văn Mân, Cố Nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, hoặc có thành tích hoạt động năng nổ như Cựu Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng, Cựu Dân biểu Nguyễn Đức Cung, những người đó đều là người Công giáo, nhưng cùng với những đảng viên khác tại miền Trung không phải là Công giáo, họ gia nhập đảng Đại Việt với tư cách người công dân Việt Nam yêu nước, lấy lý tưởng phụng sự quyền lợi quốc gia làm cứu cánh, và mưu cầu phúc lợi dân tộc làm đối tượng. Việc bàn ra tán vào hệ phái này hệ phái nọ chỉ là chuyện chẻ sợi tóc làm tư, gặp khi trà dư tửu hậu thì tìm cách bới bèo ra bọt để mua vui và giết thời giờ. Về sau, tình hình chính trường Việt Nam gặp nhiều biến chuyển, đảng phái chính trị cũng phải uyển chuyển tìm cách thích nghi với thời thế, nên mới phát sinh những hiện tượng gọi là “thống nhất với phân hóa”, “cựu với tân”, “cấp tiến với cách mạng” v.v., nhưng tất cả đều là những nhánh sông có cùng chung một nguồn và cùng chảy một hướng, chỉ vì gặp phải địa hình hiểm trở mà phải tạm chia nhánh, phân dòng, để mai đây ra tới đồng bằng thì lại hội tụ hoặc cùng nhau song hành xuôi về biển đông. Người đảng viên Đại Việt đặt yếu tố quốc gia dân tộc lên hàng đầu, một lòng một dạ chung vai sát cánh với mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi, không phân biệt giai cấp, địa phương, tôn giáo, và luôn luôn biết quên mình để phụng sự lý tưởng chung. Trước đây, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã từng kết hợp với Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính Đảng để thống nhất thành Quốc Dân Đảng Việt Nam. Lẽ nào ngày nay một vài chi lưu của con sông có chung nguồn và chảy cùng hướng lại mãi mãi chia nhánh phân dòng?
Đó cũng là lời nhắn nhủ tâm huyết với lớp người trẻ của tác giả “Sống Còn Với Dân Tộc”.
                                                            Tháng 11 năm 2009
                                                        Minh Vũ Hồ Văn Châm

Sunday, November 8, 2015

NGUYỄN KHẮC PHÊ * VŨ BÃO


Những trang sách chân thực và trào lộng
10:34 | 19/12/2011
NGUYỄN KHẮC PHÊ 
(Đọc Rễ bèo chân sóng, hồi ký của Vũ Bão, Nxb Hà Nội, 2011)



Nhà văn Vũ Bảo - Ảnh: tuoitre.vn

 Nhà văn Vũ Bảo (1931-2006) từng là chiến sĩ quân báo từ năm 1947, nổi tiếng với tiểu thuyết Sắp cưới (1957), nhưng thực ra cuốn sách 200 trang này chỉ là phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của ông với gần ba chục tác phẩm (kể cả kịch bản phim), trong đó nhiều cuốn sách và truyện ngắn đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội… Tiểu thuyết Sắp cưới bị phê phán gay gắt một thời chẳng qua do quan niệm văn nghệ ấu trĩ và thích chứng tỏ “lập trường” hồi đó; chứ sách viết về đề tài “Cải cách ruộng đất” sau này, nhiều cuốn còn “ác liệt gấp nhiều lần mà vẫn… bình yên”.

 Sắp cưới là chuyện đôi trai gái yêu nhau, sắp làm lễ cưới thì đội CCRĐ về xã; mặc dù gia đình cô gái bị quy oan thành phần địa chủ, nhưng chàng trai sợ mang tiếng bao che, cố tình làm ngơ trước nỗi đau của người yêu. Sau sửa sai, chàng trai hối hận xin nối lại cuộc tình, nhưng cô gái từ chối… Chỉ có vậy thôi. Có lẽ vì thế mà tác giả không dành nhiều trang cho câu chuyện không vui này. Chỉ biết sau khi bị “đánh đấm”, tác giả lâm cảnh “lên bờ xuống ruộng”, bị đẩy đi hết cơ quan này đến cơ quan khác. Cũng nhờ thế mà ông lại có dịp khoác ba lô vào chiến trường miền Nam để rồi viết thêm nhiều tác phẩm có chất lượng cao hơn.

Nhà văn Hồ Anh Thái, trong mấy dòng giới thiệu cuốn hồi ký ở bìa 4 đã viết: “…Trong cuốn hồi ký này, bạn đọc lại thấy Vũ Bão hội đủ tính hài hước của mình trong một văn phong trào phúng, cười đấy mà cũng xót thương đấy, khi ông viết về đời mình, về bạn bè…”

Quả là tính trào lộng của cuốn sách đã thể hiện ngay từ những trang đầu, khi ông viết về quê Thái Bình với mấy cái “danh hiệu hão” và bút danh của ông (tên thật của ông là Phạm Thế Hệ). Tuy vậy, trong gần 500 trang chữ nhỏ, có đến khoảng 300 trang, tác giả dành kể lại thời thơ ấu cho đến thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp với bút pháp hiện thực nghiêm ngặt nhất.


Có thể một số bạn đọc sẽ kêu “mệt” khi đọc những trang này, nhưng không ít người - nhất là lớp “người cũ” U60-80 - hẳn là thích thú vì tác giả đã dựng lại cuộc sống hơn nửa thế kỷ trước với vô vàn chi tiết hết sức tỉ mỉ, từ bài học thuộc lòng trong sách Quốc văn giáo khoa thư đến những bài hát “Tây”, phim “Tây” thời đó… Với một trí nhớ “siêu đẳng” và với cách nhìn cuộc sống của một cây bút từng trải nhiều cảnh ngang trái ở đời, tác giả đã để lại những trang viết chân thật và công bằng. Ví như với bọn lính Nhật vào Hải Phòng năm 1945, ông tả cảnh chúng dùng dây thép xâu tai mấy đứa trẻ “bâu xấu” hôi của ở khu Sáu Kho khi bị Mỹ ném bom, nhưng đã dành đến mấy trang kể chuyện lính Nhật chơi với lũ trẻ khu phố ông ở rất thân ái!…

Đã đành, với cái “tạng” của một nhà văn có khiếu trào phúng, trong những trang viết “hiện thực nghiêm ngặt” vừa nêu, thỉnh thoảng tác giả lại “chêm” một hai câu liên hệ chuyện “đời nay” để “chọc” thiên hạ. Ví như sau khi kể chuyện bọn “bâu xấu” chôm chỉa ở đường phố thời xưa, ông liên hệ đến “cái hội “bàn tay chìa” bây giờ đã phát triển đến các ông béo nung núc, có đủ học hàm học vị, mặc complê, cravát, đi giày da, xách ca-táp bóng lộn”… tranh giành nhau “hộc” đến” những chỗ béo bở dù “đã từng chửi thậm tệ bọn đang chi tiền là kẻ thù không đội trời chung…” Một chỗ khác, ông viết: “Hồi ấy chưa có Ban Tư tưởng - Văn hóa, không có ai định hướng tư tưởng cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ tin vào Sấm Trạng…”.

Dù sao, đó cũng chỉ là chút trào lộng điểm xuyết cho những trang sách kể chuyện “đời xưa” đỡ… nặng; còn dư âm sâu đậm để lại trong lòng bạn đọc chính là đôi nét chân dung mấy bạn đồng nghiệp - lại toàn là những nhân vật nổi tiếng - mà ông có dịp gặp gỡ - những trang sách cười ra nước mắt! Đó là lúc Vũ Bão được làm phóng viên đi viết về “Cải cách ruộng đất” gặp Xuân Diệu đang “bắt rễ xâu chuỗi” ở làng Còng; vốn hâm mộ nhà thơ trữ tình nổi tiếng, thấy Xuân Diệu “ba cùng” hàng ngày chỉ ăn sắn, khoai… nên có lần Vũ Bão rủ Xuân Diệu “mò đến quán một bà già ở làng bên” để tránh những cặp mắt dò xét; dù vậy, nhà thơ lớn vẫn… sợ phạm kỷ luật “ba cùng” vì tìm quà ăn thêm, dù Vũ Bão đã bóc sẵn bánh và sẵn sàng nhận “tội” chủ mưu:


 “Trông anh thật tội, cứ ngần ngừ không dám vượt khoảng cách tội lỗi từ cái bánh chưng đã bóc trần trên tay đến cái miệng chuyên ngâm thơ tình”… Đáng cười mà chảy nước mắt hơn nữa là khi nhà thơ lớn nhờ Vũ Bão đưa bài thơ mới sáng tác về đăng báo: “Đấu thằng đầu sỏ vừa xong/ Gặp kỳ giáp hạt, làng Còng gieo neo/ Trong thôn đa số dân nghèo/ Sắn ăn thay bữa, ngô nhiều hơn cơm…”. Vũ Bão hỏi nhà thơ Tổng Biên tập Bùi Hạnh Cẩn: “Sao dạo này nhà thơ Xuân Diệu làm thơ không hay như hồi “Yêu là chết ở trong lòng một ít” anh nhỉ?” Trả lời: “…Anh ấy đang lột xác để trở thành nhà thơ của công nông binh”. Chưa hết, về sau, Xuân Diệu còn viết bài phê phán Văn Cao “…Sự giả dối đã trở thành bản chất của Văn Cao… Những thứ tư tưởng văn nghệ của Văn Cao bóc trần ra, chỉ là một mớ bùng nhùng bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản…”.

Cùng “căn bệnh” ấy, cùng thời ấy, nhà văn lừng danh Nguyễn Khải đã “quay ngoắt 180 độ, đóng vai người bảo vệ Đảng, kịch liệt phê phán một số nhà văn viết về sai lầm trong Cải cách ruộng đất để đến hơn 40 năm sau, Nguyễn Khải phải có lời xin lỗi với những người đã từng bị ông ta đánh đập”. Chuyện “vui” này là có thật 100% vì nhà báo Xuân Ba đã viết bài, chụp ảnh “vụ” Nguyễn Khải tươi cười đón Vũ Bão ngồi cạnh mình tại Đại hội Nhà văn lần thứ 6 - tức là 42 năm sau khi Nguyễn Khải viết bài dài 4 trang phê phán cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của Vũ Bão…

Ôi! Cái “thời ấy”, cái thời mà không ít văn nghệ sĩ tên tuổi, hầu hết là những người tốt, rất tốt, nhưng do nhận lầm những giá trị hoặc vì sự thúc ép nào đó đã nói ra, viết ra những điều về sau phải ân hận. Bài học xưa rồi, nhưng tưởng cũng nên nhắc lại vì ngay sau “Đổi mới”, cũng một nhà văn tên tuổi, đã lên án tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh để rồi phải công khai xin lỗi Bảo Ninh tại một Đại hội Nhà văn…

Cuộc đời tác giả cũng như các nhà thơ tên tuổi Quang Dũng, Trần Lê Văn, Phùng Quán… còn vô số chuyện “cười ra nước mắt” đã được Vũ Bão kể lại một cách… khá vui vẻ trong cuốn sách. Như với nhà thơ tài hoa Quang Dũng, hồi 1951, khi Vũ Bão đi chiến dịch lên miền Tây gặp ông, trong ba lô có cuốn sổ tay chép bài thơ “Tây Tiến”, Vũ Bão chỉ “thầm ao ước làm sao được nhà thơ Quang Dũng giơ tay vẫy lại rồi cho đi cùng…”; không ngờ, ít lâu sau thì chính bài thơ “Tây Tiến” bị cấm lưu hành “vì nhiều câu phản ánh tâm hồn tiểu tư sản, sợ khó khăn gian khổ”, lúc về lại Hà Nội, nhà thơ bị xếp loại cán bộ hạng bét hưởng phiếu E (cũng như Vũ Bão và Trần Lê Văn), không có dầu đun, phải ra công viên Lê Nin nhặt lá khô nhen lửa!... Hôm nay thì “Tây Tiến” đã được đưa vào Văn tuyển lớp 12 và những câu thơ bị phê phán “làm nhụt ý chí chiến đấu” đã được chính cán bộ chiến sĩ Tây Tiến - đồng đội của nhà thơ Quang Dũng - khắc bia tưởng niệm đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Tây Tiến ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình)…

Chỉ tiếc là hình như Vũ Bão viết chưa xong hồi ký của đời mình. Cũng do cái “máu” xông pha thời làm báo trong kháng chiến, dù tuổi trên 75, ông vẫn tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc, nên đã bỏ dở những trang viết sau khi xuống Quảng Ninh dự lễ hợp long cầu Bãi Cháy vào tháng 4 năm 2006! Thật tiếc!...

N.K.P
(SH274/12-11)

PHAN LẠC TIẾP * HÀ THUC SINH

HÀ THUC SINH

PHAN LẠC TIẾP

ĐNV: Hà Thúc Sinh lá tác giả của truyện dài "Đại Học Máu". Đây là tác phẩm nhức nhối, và gây "đau đầu" cho không ít những nhà nghiên cứu trong nước, khi viết về văn học hải ngoại. Nói "đau đầu" bởi vì khi nghiên cứu về VHVN hải ngoại, không thể không nói tới Hà Thúc Sinh. Mà nói tới ông, không thể không nhắc tới Đại Học Máu. Mà nhắc đến ĐHM, làm sao những người nghiên cứu văn học, như Hoàng Ngọc Hiến, chẳng hạn, dám nhìn thẳng vào sự thực, chấp nhận một sự dã man, mà người chiến thắng đã gây ra trên những thân xác của kẻ bại trận.  
Nên nhớ, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, đã viết về những hành hạ dã man trong tù, của người cộng sản đối với những đồng chí cũ của họ. Với đồng chí, đã là thế. Thì với "kẻ thù" thì sao?
Vâng, với kẻ thù, người cộng sản tăng cường độ dã man ấy lên đến 7 lần hơn.
 Tôi nghĩ, khi đọc ĐHM, HNH đã chạm phải những sự thật kinh khủng đã kể lại trong tác phẩm này, làm cho ông bàng hoàng về những điều mà có nằm mơ, hẳn cũng không dám nghĩ đến, nên ông đã nhận xét rất "qua loa", rất hời hợt, để đi qua những tác giả khác, mà nói theo nhà thơ Phan Nhiên Hạo: miễn sao xong một sô.
Có thể nói" ĐHM là tiếng kêu trầm thống về một thời đã qua, là một bản cáo trạng đầy thuyết phục về "một thời oan trái".
Không chỉ viết tiểu thuyết, truyện, HTS còn là mọt nhạc sĩ với hàng trăm ca khúc đấu tranh, và cũng là người đồng sáng lập phong trào Hưng Ca VN.
+++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
                   Hà thúc Sinh
           Anh Hà thúc Sinh là một người đa tài : viết văn, làm thơ, làm nhạc, viết kịch. Là tác giả cuốn Đại Học Máu, lừng lẫy một thời, được đón nhận nồng nhiệt cả trong thị trường chữ nghĩa cũng như trong văn đàn. Trong mỗi trang sách đều tiết ra vẻ cao ngạo, diễu cợt, buồn cười, khiến ngườì đọc đều thấy cái nghịch lý rằng sự thất trận thật là kỳ cục, và kẻ thắng thật không có gì đáng thắng. Ngày ra mắt cuốn sách này, nhìn cuốn sách đồ sộ gần một ngàn trang, so với tấm thân mỏng manh dựa trên đôi nạng gỗ, nhạc sỹ Pham Duy đã cười đùa : “ Sinh à, em có thể chết được rồi.” Nhưng không, trong những ngày khởi đầu cuộc sống nơi hải ngoại, anh đã toát mồ hôi kiếm sống, nuôi một đàn con nhỏ. Anh chẳng quản ngại việc gì. Có thời mấy cha con làm nghề bỏ báo. Trong nỗi nhọc nhằn ấy, anh đã đùa vui, ghi lại trong mấy câu Ném Báo :
                                 Thế sự vo tròn ném cái vù
                                 Từng chiều báo bỏ sáu mươi nhà
                                 Người xưa quẳng gánh rồi vui sống
                                 Mình mấy năm liền quẳng vẫn lo.
                              
    Trong hoàn cảng ấy anh vẫn miệt mài sáng tác và tích cực tham gia những công tác đấu tranh. Vì anh không thể quên những ngày dài quằn quại trong các trại tù cộng Sản. Anh đã sản xuất nhiều nhạc khúc đấu tranh, và vẫn tiếp tục viết truyện, làm thơ, viết kịch và có mặt trong hầu hết các sinh hoạt của cộng đồng, nhằm vạch trần tội ác của cộng sản Việt Nam trước lịch sử. Ở lãnh vực nào anh cũng có những công trình được công luận tán thưởng. Bởi dưới mọi thể loại, người thưởng ngoạn đều tìm thấy trong sáng tác của anh một tấm lòng tha thiết với quê hương, với đồng bào. Anh làm hối hả, như chạy đua với thời gian, với số phận. Để có một cái nhìn chu đáo về những đóng góp của anh, chúng ta cần có thì giờ và thẩm đinh chu đáo hơn. Với tôi, trong cảm quan nghệ thuật tức thì, tôi bị ám ảnh về cuốn Chị Em của anh mạnh mẽ nhất. Cuốn sách thật mỏng, kể cả bià chỉ có 132 trang, khổ 5”1/4 và 8”. Bià màu đen, chỉ có tên sách, tên tác giả mà không có hình vẽ gì hết, hiện lên trong một màu đen đặc. Đen như cảnh một đêm nào đó không trăng sao giữa biển, trời giao thoa không gianh giới, đầy hãi hùng, tuyệt vọng của Thuyền Nhân trên đường đi tìm ánh sáng của Tự Do năm nào.
    Bề ngoài cuốn sách là như thế, nhưng mở ra, trên 100 trang sách mỏng manh, nhưng đó là cả một thách đố và nỗi kinh hoàng. Thách đố, bởi Hà thúc Sinh đã bước chung một khung trời cùng một văn hào lừng lẫy Hoa Kỳ, E. Hemingway trong tác phẩm nổi danh là cuốn Ngư Ông bà Biển Cả (The Old man and The Sea ). Anh đã cùng lấy biển khơi làm môi trường của cuốn tuyện. Và cụ thể hơn nữa, anh cũng đã khép mình vào sự ngặt nghèo của sinh hoạt như tác giả lẩy lừng kia, truyện chỉ có 2 nhân vật. Cái giống nhau là thế, nhưng cái khác nhau thì thật cực kỳ. Ngư Ông ra biển để thoả lòng tự ái, ông không muốn  là một người già. Ông còn hữu ích và tấm lòng ông, ông vẫn còn thừa can trường trước những thách đố, nguy nan của sóng gió, của biển khơi. Ông ra biển, và biệt tăm. Trong khỏng gian trống vắng mịt mù của biển và của nỗi trông chờ của người trong đất liền, ông câu được một con cá lớn. Con cá lớn quá ông không thể kéo lên thuyền được. Con cá bỗng trở nên cái mồi khổng lồ cho đàn cá mập. Chúng nhâu đến rỉa mồi. Con cá ông câu được nhẹ dần, cuối cùng con cá ấy chỉ còn lại là một bộ xương ở cuối đường dây, nhẹ thênh. Với bộ xương cá khổng lồ ấy, ông trở về bến cũ. Ông gặp người bạn nhỏ, ông hỏi nó. Trong những ngày ông ra khơi, ở trong bờ người ta có đi kiếm ông không. Chú nhỏ nói. Có chứ. Cả máy bay và tàu thuyền bổ đi tìm mà không thấy ông đâu. Báo chí theo dõi và đăng tin đầy ra đây này. Lão ngư ông mỉm cười, nằm bên chồng báo có những bài, những tin tức vô vọng  nói về ông. Ông đã trở về và thoả mãn với cuộc phiêu lưu, đùa cợt với hiểm nghèo. Cuốn sách nhỏ này được đón nhận nồng nhiệt trên thị trường chữ nghĩa và được trao tặng giải văn học cao quý, giải Nobel về văn chương, như một lễ đăng quang cho lòng can trường hiếm quý của xã hội tây phương. Đăng quang cho một trò tiêu khiển, cho tự ái cá nhân, trò chơi ấy có hay không cũng chẳng chết ai. Hầu như cả thế giới đểu biết, và ca ngợi thật lẫy lừng.
     Còn cuốn Chị Em của Hà thúc Sinh thì sao. Cũng chỉ có hai nhân vật. Đó là hai chị em trên con tàu đi vượt biển tìm Tự Do.  Gặp bão, thuyền đắm. Tất cả mọi người trên thuyền chết hết. Trong cơn hoảng loạn, hai chị em trôi dạt vào một hòn đảo hoang. Hòn đảo nhỏ nhoi, không biết thuộc quốc gia nào trong Thái Bình Dương. Trong cảnh hoang sơ, thiếu thốn ấy, hai chị em phải vận dụng mọi khả năng để sinh tồn. Tìm nước mà uống. Tìm cây trái mà ăn. Gia tài của cải của hai chị em chỉ còn một mảnh vải nhỏ thay nhau che thân. Nhưng thời gian không ngưng lại. Trên hòn đảo hoang vu này, hai chị em đã sống như hai người tiền sử. Họ ăn uống, trú ngụ ra sao, nhiều cảnh huống thật bi ai, trào nước mắt. Sức khỏe của hai người mổi ngày mỗi thêm suy kiệt. Bịnh tình khởi phát. Những hôm  thuỷ triều xuống thấp, cái cột buồn của chiếc ghe vượt biển ngày nào nhô lên. Trực, tên người con trai, nhớ đến những gói nylong ở những khoang thuyền. Có thể trong đó còn có những viên thuốc chưa nát, và cũng có thể còn  có những bịch thức ăn khô, và cũng có thể còn những mảnh áo quần cũ chưa tan rách hết. Cái gì cũng quý, cũng cần. Trực, người con trai quyết định sẽ bơi ra con thuyển cũ, lục tìm những gì còn sót lại. Anh hẹn người chị sáng mai sẽ về  khi trăng lặn, nước lên. Trong nỗi chờ đợi và hy vọng ấy, đêm đã hết, mặt trời đã lên, và thuỷ triều cũng đã dâng đầy. Người chị, người đàn bà cô độc trên hòn đảo hoang ấy đã đi ra triền cát, nhìn ra khơi. Cái cột  buồm của con thuyền cũ đã chìm trong lòng biển sâu. Tất cả đều vắng lặng. Chị nhìn quanh. Tất cả đều vắng lặng. Bốn phương chỉ có tiếng gió hoà trong tiếng biến dạt rào. Chị hoàn toàn tuyệt vọng. Chị nhìn xuống triền cát. Miếng vải nhỏ che thân của người em nằm đó. “ Gia tài” cuối cùng người em đề lại cho người chị là đây. Lan, tên người con gái. “ Nàng không còn nước mắt để khóc. Nàng quỳ lên. Quay mặt ra biển, hai tay chắp trước ngực và khép chặt hai mắt. Một lát nàng mở ra, qua đôi môi run rẩy, nàng khan giọng thầm thì :
      “ Trực ơi, em ơi, em của chị ơi…”
    Đó là lời than khóc của một thuyển nhân Việt Nam trong vô củng tuyệt vọng. Tiếng kêu ấy không tới được đất liền, không được ai biết đến. Không ai nghe thấy được. Nỗi tuyệt vọng này khác hẳn với hoàn cảnh của Ngư Ông khi từ biển khơi trở về đã được in đậm trên những hàng tin tức và câu truyện giả tưởng ấy đã được lửng lẫy vinh danh. Trong khi hoàn cảnh bi thương của Thuyển Nhân Việt Nam thì đã từng bị loài người quên lãng. Một đằng là câu tuyện giả tưởng. Một đằng là truyện của hàng triệu những câu chuyện như thế, và còn bi thảm hơn thế thực sự đã và còn liên tiếp xẩy ra trên Biển Đông. Một đằng là sản phẩm của một xã hội dư thừa đi tìm cái hào hùng trong sự dong chơi. Còn một đằng là thảm nạn của một giai đoan cam go, bi thảm, hậu quả cuả một cuộc thư hùng khốc liệt giữa Thế Giới Tư Do và Cộng Sản đã diễn ra trên đất nước Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu bao nhiêu là tang thương, chia lìa đau khổ mà làn sóng Thuyền Nhân là hệ quả cuả cuộc chiến này.
     Đó là một vấn nạn cực kỳ khốc liệt của nhân loại ở cuối thế kỷ 20. Và trước hết là nỗi đau xé ruột của những người cùng chung giòng máu, cùng chia nhau những ngày gian khổ chiến tranh, cũng như chia nhau những tủi nhục của ngày 30 tháng 4, và những ngày gian lao tù tội, những nguy nan, khốn khổ trên đường đi tìm Tư Do. Sau đó là những chiến dịch Vớt Người Biển Đông, là những đóng góp của ngưòi đi trước kêu cứu, hỗ trợ cho người đi sau, là “lá rách đùm lá tả tơi”. Trong tinh thần ấy Phong Trào Hưng Ca ra đời, do Hà thúc Sinh đứng ra thành lập, quy tụ những tiếng hát với bát ngát những tấm lòng thương sót những người đang nguy nan trên đầu ngọn sóng. Bản nhạc Thà Chết Trên Biển Đông của Hà thúc Sinh đã được thai nghén và vang lên, khởi đi từ San Diego, từ căn nhà thuê nhỏ bé 2 buồng ngủ cho hai vợ chỏng và 5 đứa con. Tiếp theo có những người như Nguyệt Ánh, Nguyễn hữu Nghĩa, Phan ni Tấn,Việt Dũng và bao nhiêu bằng hữu nữa cùng góp tiếng. Bản hùng ca ấy mỗi ngày mỗi bùng lên, vang toả gần như khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, lan tới các châu lục khác ở Úc, ớ Canada, ờ Pháp… Những tiếng hát ấy lúc đầu để nói lên nỗi kinh hoàng của ngưòi vuợt biển, để quy tụ, để gây quỹ Vớt Người Biển Đông. Sau đó tại Geneve, trong những ngày cuối của thảm nạn này, trước buổi họp quốc tế về Thuyền Nhân, những tiếng hát ấy còn bùng lên như nhũng tiếng kêu khẩp thiêt “ Là Thuyền Nhân chúng tôi không muốn trở về đất cũ”. Tiếng kêu thương hùng vỹ ấy đã có hàng triệu người nghe, bay cả về quê nhà qua các đài phát thanh quốc tế, nhưng khởi đầu là từ tấm lòng của con người mảnh khảnh, tựa mình trên đôi nạng gỗ, anh Hà thúc Sinh, người bạn cùng màu áo trắng của tôi.
     Bây giờ, năm 2010, thảm nạn này đã qua, đã đi vào lịch sử. Những thế hệ con em chúng ta nơi đất mới đã và đang là những ngôi sao lấp lánh của sự thành công, làm vui sướng cho các bậc cha anh, cũng như làm rạng danh cho ngưởi Việt trên các vùng đất của quê hương mới. Người Việt Nam ở đâu, hầu như cũng có những tấm gương của sự hiếu học và thành công, như một món quà đáp lại tấm lòng hào hiệp bao dung của những ai đã giúp đỡ mình. Trong hoàn cảnh đó, anh Hà thúc Sinh, ngày nào mướt mồi hôi trong sinh kế để nuôi dạy một đàn con, lớn thi chưa quá 15, nhỏ thì còn phải cầm bình sữa. Nay tất cả đều đã xong đại học. Chị Hà thúc Sinh cho biết :“Khi các cháu lớn cả, tôi đã đi học lại kiếm một cái nghề để dưỡng già”.  Và cậu con út theo chân mẹ, cũng học xong dược, đi làm, ra ở riêng. Thế là cả hai mẹ con cùng là Tiến Sỹ dược khoa. Và người bạn tôi, một thời gian nan như thế, nay anh nói :”  Cuộc sống ào ạt trôi đi, dù không muốn, tóc đã bạc”. Và anh đã viết :
                             Thế sự quanh ta một trận cười
                             Trần gian cũng chỉ dưới chân thôi
                             Phút vui mấy nét đùa nghiên bút
                             Tàn mộng trăm năm để tiếng đời. 
                              ( Thơ tặng Lão Tử, Hà thúc Sinh)
    Vâng, anh bạn tôi đã “đùa nghiên bút” nhưng trong đùa vui ấy tôi đã thấy tràn ngập một tấm lòng. Và
từ những âm vang của tấm lòng ấy đã có bao nhiêu tấm lòng khác cùng hoà reo làm nên cả một phong
trào, giúp cho việc nghiã. Thảm nạn Thuyền Nhân đã hết, nhưng Hưng Ca vẫn còn và vẫn không ngừng sinh hoạt. Nhưng anh bạn tôi thì như một người Huớng Đạo, thấy việc phải thì làm. Làm xong thì buông. Anh không còn sinh hoạt trong Hưng Ca nữa. Trở lại với những con chữ, với tuổi trời, anh hàng ngày làm bạn với cỏ cây, với Lảo Đam, với Trang Tử mà từ những ngày còn rất trẻ anh đã muốn “Dạo Núi Mình Ta”. ( Tên tập thơ của anh từ những năm trước 1975). Tôi khép mắt lại, nhớ lại những ngày cùng nhau vận động, cứu vớt Thuyền Nhân, tiếng hát của anh em Hưng Ca bỗng như oà vỡ trong không gian vắng lặng của lòng tôi :
                   “ Thà chết trên Biển Đông
                   Một ngày cũng hào hùng
                   Em căng buồm thách thức biển gầm…”
                  
 Phan Lạc Tiếp
12/9/2010.
                     
                                  

NGUYỄN VĂN CANH * ĐỌC CUỐN HỒI KÝ CỦA HÀ THÚC KÝ





ĐỌC CUỐN HỒI KÝ
CỦA HÀ THÚC KÝ


Nguyễn Văn Canh
 
PHẠM VI BÀI VIẾT:
 1.Tôi viết bài này không phải với tư cách một đảng viên Đại Việt, lại càng không phải trên cương vị một Tổng Thư Ký Chính Trị Bộ, Đại Việt Cách Mạng  trước thời kỳ 1975, viết về cuốn Hồi ký của Chủ Tịch Đảng. Bài viết được soạn thảo với danh nghĩa một người đứng ở vị trí làm nghiên cứu để cho được vô tư. Trong một giới hạn nào đó, một số ít những gì có liên hệ với hoạt động của tôi sẽ được nhắc tới ở đây, chỉ với mục đích là để chứng minh những gì đã xảy ra mà tác giả đã kể lại là đúng.
2. Trong một phạm vi có giới hạn, tôi lược duyệt, có khi khai triển thêm những điều mà tác giả trình bày trong cuốn Hồi Ký "Sống Còn Với Dân Tộc" súc tích này, với ý định là để giúp cho người đọc có một cái nhìn đầy đủ hơn, để từ đó hiểu được nội dung của nó.
Qua tóm lược cuốn Hồi Ký này, độc giả đã hình dung ra hình ảnh sự cố gắng đóng góp của các đảng cách mạng quốc gia trong sứ mạng cứu nước trước các nguy biến, nhất là những hi sinh vô bờ bến của các cá nhân đã dấn thân vào con đường hiểm nguy vì mục đích cao cả này. Tất nhiên, những gì mà tác giả cuốn Sống Còn Với Dân Tộc thực hiện là biểu tượng cho một số đóng góp ấy.
3. Hồi Ký chính trị là tài liệu ghi lại các sự kiện như hoạt động của một người trong bối cảnh lịch sử mà tác giả đã trực tiếp hay gián tiếp tham dự. Dĩ nhiên, trong phạm vi này, nó gồm cả những giải thích sự việc trong phạm vi hiểu biết của tác giả. Độc giả thế hệ này hay mai sau nhờ thế biết được những gì đã xảy ra, chiêm nghiệm để rút ra một bài học về một giai đoạn lịch sử, để sử dụng hay ứng dụng khi phải đối phó ngay cả trong trường hợp cá biệt, riêng của mình.
Điều đặc biệt là cuốn Hồi Ký của Hà Thúc Ký không phải là tài liệu biện bạch cho những hoạt động của mình như đã thấy một số hồi ký xuất hiện tại hải ngoại trong vòng mấy chục năm nay.
grandpa_001.jpg
Cụ Hà Thúc Ký
01/01/1919--16/10/2008
I. CUỘC ĐỜI
Sau khi tốt nghiệp Kỹ Sư Thủy Lâm tại Đại Học Hà Nội năm 1943, tác giả đã được nhà cầm quyền Pháp bổ nhiiệm làm Phó Quận Trưởng Thủy Lâm tại Năm Căn, Cà Mau. Tác giả đã chiếm được địa vị cao và lương bổng ưu đãi trong xã hội thời bấy giờ. Đó là chưa kể đến các lợi lộc mà ngành thủy lâm mang lại cho cá nhân. Dù có điều kiện đi theo con đường hoạn lộ để vinh thân phì gia, vì tác giả đã lọt vào guồng máy hành chính khép kín của chính quyền bảo hộ thời đó, tác giả có thể không cần phải đổ mồ hôi, nước mắt thêm nữa để được thụ hưởng thành quả những cố gắng của mình; nhưng bầu huyết nóng của một thanh niên có lý tưởng phụng sự như tác giả, nên tình hình đất nước diễn biến trong thời điểm ấy là những quan tâm canh cánh bên lòng của tác giả. 
Tình hình miền Nam vào lúc đó có nhiều biến chuyển dồn dập. Trước hết là Nhật đảo chính, loại Pháp ra khỏi vị trí đô hộ Đông Dương vào ngày 9 tháng 3, 1945. Kế đó, mấy tháng sau, ngày 15 tháng 8, Nhật đầu hàng đồng minh. Tại miền Nam, tháng 9, 1945, quân đội Anh đến Sài gòn để tước khí giới quân đội Nhật theo kế hoạch Postdam của các đại cường thắng trận. Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội vào ngày 18 tháng 9, 1945. Sau khi vào miền Nam, Quân đội Anh tái võ trang cho 1,400 quân nhân Pháp mà trước đây Nhật bắt làm tù binh. Việt Minh thiết lập Ủy Ban Hành Chánh và Kháng Chiến Nam Bộ.  Ngày 22 tháng 9, quân Pháp nổ súng chiếm Sài gòn.
Chiến tranh chống Pháp bắt đầu tại miền Nam. Trước tình trạng rối rắm này, tác giả trở về Thừa Thiên - Huế. Ưu tư trước sự xâm lăng của thực dân Pháp trở lại đặt ách thống trị trên quê hương, tác giả quyết định không trở về Cà Mau nữa, và cũng như nhiều thanh niên thời đó đã ồ ạt hăng hái tham gia phong trào chống Pháp.
GIA NHẬP GIẢI PHÓNG QUÂN
Tác giả tìm cách gia nhập "Giải Phóng Quân" (lực lượng quân sự Việt Minh), với một tinh thần giống như của bao nhiêu thanh niên cùng thế hệ là "lăn xả vào công cuộc đấu tranh cho dân tộc" và "tin tưởng vào vận hội mới của đất nước." Như tác giả đã nói "vừa qua thời kỳ bút nghiên, lại quẳng hết sự nghiệp để đầu quân… giải phóng".
Đó là những hi sinh cao quí của các chàng trai thế hệ xung phong lên đường cứu nước. Ngay khi xin gia nhập "Giải Phóng Quân", tác giả được bạn bè hướng dẫn vào Ban Đặc Vụ Quân Sự, để làm thủ tục. Lúc này, Ban Đặc Vụ đang cần một chỉ huy trưởng cho đơn vị "Đặc Vụ Quân Sự Lào, đường số 9". Đơn vị này thuộc lực lượng Việt Minh mà Ủy Ban Hành Chính và Kháng Chiến Trung Bộ cử sang trợ giúp lực lượng "Lào Độc Lập" của hoàng thân Souphanouvong (sau này là lãnh tụ Lào cộng), đối đầu với quân đội Pháp. "Pháp muốn lật lại thế cờ, chuẩn bị mở lại chiến trường Lào…Nếu giữ được quốc lộ 9 là  ngăn chặn quân Pháp kéo về chiếm Khe Sanh và Lao Bảo, uy hiếp Đông Hà, Quảng Trị."
Dù chưa làm giấy tờ gia nhập, tác giả đã nhận nhiệm vụ khó khăn này trong khi không có một kiến thức quân sự và tình báo tối thiểu, gồm cả đến cách sử dụng võ khí, cũng như chưa từng bắn một phát súng nào từ trước. Khi đảm nhiệm chức vụ chỉ huy một trung đội Đặc Vụ quân sự, tác giả và đơn vị lập tức lên đường đi Tchepone, Lào.
Tại đây, tác giả và những thành viên trung đội được cố vấn của lực lượng Việt Minh huấn luyện về quân sự. Họ là cựu sĩ quan Nhật không chịu đầu hàng đồng minh, ở lại phục vụ trong hàng ngũ Việt Minh.
Nhiệm vụ của đơn vị này là thu thập và cung cấp tin tức về hoạt động của quân Pháp, còn đóng rải rác dọc quốc lộ 9, cho lực lượng Việt Minh. Tác giả bắt tay vào việc thiết lập mạng lưới thu thập tin tức trong khu vực cho quân giải phóng.
Lực lượng Việt Minh quyết định tấn công quân Pháp ở NaKoi. Quân số của Việt Minh có chừng một tiểu đoàn hành quân trong khu vực này, trong khi đó lực lượng của Pháp là một trung đoàn đóng rải rác trong khu vực. Việt Minh tấn công trước. Vì quân Pháp rất mạnh, nên cuối cùng, Việt Minh yếu thế, phải rút lui, chạy về Mường Phin. Bất ngờ quân Pháp truy kích và bao vây căn cứ. Bộ đội Việt Minh chỉ chống đỡ cầm chừng, rồi tìm cách chạy trốn, rồi phân tán trú ẩn trong các nhà của dân chúng địa phương.
Vào tháng 12 năm 1945, Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Trung Bộ cử viên chính ủy đến Khe Sanh để họp với các chỉ huy lực lượng Việt Minh từ Lào về. Kết thúc buổi họp, tác giả đưa ra  một nhận xét trái ý viên chính ủy ấy, và ngay sau đó được chỉ huy trưởng lực lượng Việt Minh cảnh giác rằng tác giả sẽ bị rắc rối về sau và cùng với lời khuyên của viên cố vấn quân sự người Nhật rằng tác giả nên rời khỏi Lào "càng sớm càng tốt, và nên vào Nam hay ra Bắc, chứ đừng về Huế, vì nơi đó  nằm trong vòng kiềm tỏa của viên chính ủy và tay chân bộ hạ của anh ta". Đồng thời, tác giả nhận được điện tín bằng mật mã của người bạn, làm trong Ban Đặc Vụ ở Huế khuyên tác giả phải rởi khỏi Lào gấp, vì "viên chính ủy đã vu cáo tác giả là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng". Đó là một "thành phần phản động, vô cùng nguy hiểm". Như vậy, tính mạng tác giả đã thực sự bị đe dọa trước mắt.
Tác giả rời Lào vào tháng 1 năm 1946, rồi trở lại Hà Nội.
II. DẤN THÂN VÀO HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Trở ra Hà Nội lần này, tác giả ghi danh vào trường Dược để tránh dòm ngó và theo dõi của Việt Minh Cộng Sản. Với ngụy trang đó, được sống tại Đông Dương Đại Học Xá như khoảng 5 hay 6 năm về trước, tác giả đã lăn xả vào họat động tiếp tục.
Từ tháng 2 năm 1946, tác giả tuyên thệ gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng tại Hà Nội.
Công tác đầu tiên được giao làm Trưởng Ban Báo Chí Nội Thành. Nhiệm vụ là thu góp, biên soạn, sản xuất và phân phối các tài liệu huấn luyện cho đảng viên, và tuyên truyền ra ngoài quần chúng. Ngoài ra, tác giả còn được giao công tác đặc biệt mà Đảng Trưởng ra lệnh.
Vào thời đểm này, Việt Cộng hoạt động mạnh và có ưu thế tại Hà Nội kể từ khi chúng cướp được chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945. Lực lượng tình báo của chúng rải ra khắp nơi để ám sát, bắt cóc, và đem thủ tiêu những người mà chúng cho là kẻ thù hoặc chống lại chúng. Tại Đông Dương Đại Học Xá, có một chi bộ Cộng Sản chuyên lo công tác này, dưới danh nghĩa Sinh Viên Cứu Quốc. Một số bị sa bẫy và bị thủ tiêu. Đó là trường hợp Phan Thanh Hòa, sinh viên Nha Khoa, bị Sinh Viên Cứu Quốc dụ lên Phú Thọ và thủ tiêu tại đó. Phan Thanh Hòa là anh ruột chị Phan Thanh Bình, về sau là chị Nguyễn Tôn Hoàn. Ngoài khuôn viên đại học, biết bao nhiêu trí thức yêu nước, không chịu hợp tác với Cộng Sản, hay thuộc Đại Việt hoặc Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng bị Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp tương tự. Đảng Trưởng Đại Việt là Trương Tử Anh có tin cho biết là bị mất tích tại Hà Đông và bị thủ tiêu vào thời gian tháng 12 năm đó (1946). Lãnh tụ Lý Đông A của Đại Việt Duy Dân cũng ở trong tình trạng như thế. Đặng Vũ Trứ, con trai BS Đặng Vũ Lạc cũng bị mất tích v.v...
Hoạt động báo chí kể cả phân phối tài liệu học tập trong hoàn cảnh này rất khó khăn, phải được ngụy trang cẩn thận tránh sự phát hiện của tình báo Cộng Sản. Ngay khi di chuyển trên đường phố, cũng phải canh chừng bọn chúng theo dõi. Sinh sống hàng ngày, nhất là ở khu tập thể như Đại Học Xá, cũng phài tính toán như thế nào để Sinh Viên Cứu Quốc, không nghi ngờ, dù chúng thường xuyên rình mò.
Nhân dịp này, tôi thấy cần nhấn mạnh đến phương thức liên lạc để hiểu biết các khó khăn, gian khổ của các nhà cách mạng Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này. Mọi liên lạc để báo cáo lên hay nhận chỉ thị từ cấp trên xuống đều được bố trí nghiêm ngặt để sống còn. Và chỉ có một đường dây duy nhất với một người được chỉ định để tránh tiết lộ và đề phòng cả trường hợp phản bội.
Trường hợp của tác giả, thì chỉ nhận lệnh của Đảng Trưởng Trương Tử Anh qua phái viên duy nhất phụ trách liên lạc, Nguyễn Tất Ứng (về sau là Bộ Trưởng Xây Dựng Nông Thôn của Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, bị tử nạn máy bay sau ít tuần lễ nhậm chức). Chỉ thị là lên đường về Huế làm phụ tá Xứ Ủy cho Bác Sĩ Bửu Hiệp. BS Hiệp đã được cử vào Trung phục vụ với cương vị Xứ Ủy trước đó. Cùng một phương thức liên lạc qui định trước, Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn cũng nhận được lệnh mật như vậy để trốn tránh VC vì "đang bị theo dõi để ám sát". Một hôm đang khám bệnh tại bệnh viện Phủ Doãn nằm trên đường Quán Sứ, Hà Nội, BS Hoàn được lệnh của chính Đảng Trưởng Trương Tử Anh qua phái viên phụ trách liên lạc là phải rời bỏ công việc tức khắc và được người hướng dẫn đưa đến một ngôi nhà ở đường Quan Thánh, vì Việt Cộng đang theo dõi khắt khe. Nằm trên căn gác của ngôi nhà ấy vài ngày, BS Hoàn được bí mật đưa đến Hải Phòng và từ nơi đây, người đồng chí tên Minh đưa BS Hoàn xuống một chiếc thuyền đi Hồng Kông, và sau đó BS Hoàn được đưa đến Nam Ninh, Trung Hoa.
Cũng như trước đó không bao lâu, vào cuối năm 1945, Đảng Trưởng Trương Tử Anh bí mật cử 2 đồng chí đầu tiên là Nhân và Tín vào Nam Kỳ để lập cơ sở và phát triển Đảng. Nhân là bí danh của GS Phạm Đăng Cảnh, có một thời gian làm Giám Đốc Nha Tư Thục Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. GS Cảnh hiện ở Rennes, Pháp. Tín là bí danh của GS Nguyễn Tấn Thành, thuộc trường Đại Học Luật Khoa, Sài Gòn. GS Thành đã qua đời tại Niles, Pháp, hơn 10 năm trước đây. Một người thứ 3 được cử vào Nam là Lễ. Lễ hay Mười Lễ là bí danh của Nguyễn Văn Hướng, về sau, năm 1967, làm Tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống cho TT Thiệu, trong những ngày đầu của chế độ nền đệ II Cộng Hòa. Có một người khác được đưa vào sau là Nghĩa, được nói là bí danh của Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột của TT Thiệu, làm Đại Sứ tại Đài Loan cho đến khi Việt Cộng chiếm miền Nam Việt Nam.
LÀM XỨ ỦY TRUNG KỲ.
Ngày 19 tháng 11 năm 1950, Việt Minh ám sát BS Bửu Hiệp. Đóng vai là một bệnh nhân, cán bộ ám sát Việt Minh xin vào khám bệnh mà phòng mạch đặt tại nhà ở Huế. Tên sát nhân bắn nạn nhân vào đầu trong lúc đang ăn cơm, và BS Hiệp gục chết tại chỗ. Tên sát nhân về sau đã đền mạng. Tác giả được lệnh thay thế BS Hiệp, để phát triển Xứ Ủy Trung Kỳ từ đó.
Cho đến 1950, Đại Việt đã phát triển rất mạnh ở Huế. Nhiều người theo Việt Minh đã nhận ra được âm mưu của họ Hồ. Nhiều thanh niên, trí thức biết rõ Việt Minh, nên đã bỏ hàng ngũ Việt Minh và gia nhập Đại Việt. Đó là nguyên do VC ám sát BS Bửu Hiệp. Đây là biện pháp khủng bố "làm nhụt nhuệ khí của Đảng Đại Việt."
Xứ Ủy Trung Kỳ "nhắm vào giới trẻ là thành phần tràn đầy năng lực để lôi cuốn giới sinh viên, đồng thời tìm cách đưa người vào các cơ quan chính phủ, nhất là chú trọng vào vấn đề an ninh tình báo để đối đầu với Cộng Sản nằm vùng". Chính vì thế mà chương trình bình định tại tỉnh Quảng Trị do cán bộ Đại Việt hỗ trợ dưới thời hai Tỉnh Trưởng Trần Điền (bị VC bắt và giết vào dịp Tết Mậu Thân ở Huế) và GS Nguyễn Văn Mân (hiện ở Texas, Hoa Kỳ) là hai tỉnh trưởng được ca ngợi rất thành công. Quảng Trị là tỉnh địa đầu của miền Nam, và dĩ nhiên là mục tiêu ưu tiên của Cộng Sản Bắc Việt nhắm vào, đặt hạ tầng cơ sở, để từ đó dùng Quảng Trị làm đầu cầu thôn tính miền Nam.
Đảng ủy Huế -Thừa Thiên được phát triển mạnh để làm bàn đạp cho Đại Việt phát triển ở miền Trung.
III. VỤ BIẾN ĐỘNG VÀ CHIẾN KHU BA LÒNG
NGUYÊN NHÂN: tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ gia đình họ Ngô.
Hiệp định Genève được ký vào 21 tháng 7 năm 1954. Việt Nam bị chia làm hai. Hiệp định qui định Việt Minh Cộng Sản (Cộng Sản) phải rút về bên kia vĩ tuyến 17, và ranh giới phân chia hai miền là cầu Hiền Lương, nằm trên sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Để thi hành hiệp định, CS phải rút quân đội ra khỏi căn cứ của chúng, tập trung lại để di chuyển ra Bắc (tập kết ra Bắc). Cũng nên để ý đến một sự kiện là tại một số nơi như ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam v.v… quân Việt Cộng đã chống trả quân đội quốc gia đến tiếp thu. "Máu đã đổ để thu hồi đất đai cho tổ quốc ".
Thời gian này, Trần Điền là tỉnh trưởng Quảng Trị. Cán bộ Đại Việt ở địa phương "xung phong" hợp tác với tỉnh trưởng để tiếp thu các căn cứ địa ấy. "Chủ trương này được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm (lúc đó mới lên cầm quyền) chấp thuận, khi ông đi kinh lý miền Trung hồi đầu năm 1955", tuy nhiên lại bị ngấm ngầm chống đối bởi một số người tại địa phương". Hồi Ký nhấn mạnh rằng họ là "chân tay của Cố Vấn Chỉ Đạo miền Trung, ông Ngô Đình Cẩn"…Mâu thuẫn này là nguyên nhân chính đưa dẫn tới sự đụng độ về mặt quân sự giữa hai bên, về sau này được gọi là Biến Động Ba Lòng". Vì tại địa phương, "cấp trên của tỉnh trưởng Trần Điền là Đại Biểu Chính Phủ Trung Phần có những tính toán khác và bất thần quyết định hủy bỏ kế hoạch tiếp thu Ba Lòng, dù đã bắt đầu thực hiện.
Ba Lòng là một chiến khu quan trọng của Việt Minh Cộng Sản thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm sát biên giới Lào. Kế hoạch tiếp thu ấy đã được chấp thuận, và đã được các sĩ quan gốc Đại Việt thi hành một phần. Hai đại đội Cảnh Bị do sĩ quan gốc Đại Việt chỉ huy đã vào chiếm giữ chiến khu. Còn hai đại đội khác chờ ngày xuất quân là lên đường. Đúng sáng ngày xuất quân, trong một buổi lễ trọng thể trước tòa Hành Chánh Tỉnh đang cử hành, Tòa Đại Biểu Trung Phần gủi cho tỉnh trưởng Quảng Trị một công điện hủy bỏ kế hoạch tiếp thu Ba Lòng.
Vì quyết định quá đột ngột này làm cho những sĩ quan gốc Đại Việt phụ trách đi tiếp thu Ba Lòng "ngỡ ngàng và đẩy họ vào hoàn cảnh không biết phải hành động thế nào cho phải. Rồi họ phản ứng theo cảm tính và chống trả ..."
Hồi ký có nói rằng "Đại Việt khi chống trả lại nhà cầm quyền địa phương và tuyên bố ly khai quả thật là sai trái". Hà thúc Ký viết: "Một số chi tiết không được giải thích, tại sao chính quyền địa phương lại đi ngược lại hẳn với chính quyền trung ương?. Họ không được giải thích?. Rồi đến khi (quân đội) tấn công, họ không được một cơ hội biện bạch !"
Kế hoạch tiếp thu các căn cứ của VC gồm cả chiến khu Ba Lòng như thế nào?
"Tỉnh Trưởng đề nghị lên Trung Ương qua Tòa Đại Biểu Chính Phủ Trung Phần kế hoạch phối trí lực lượng và đã được chấp thuận như sau: Tỉnh có 10 đại đội Cảnh Bị (sau này gọi là Bảo An, rồi sau cùng là Địa Phương Quân) được sử dụng để tiếp thu căn cứ của VC. Mỗi đại đội gồm 150 người. Riêng tại căn cứ Cùa và Ba Lòng, lực lượng tiếp thu là 4 đại đội. Sau khi tiếp thu, Ba Lòng sẽ trở thành một quận hành chánh kiểu mẫu. Đại Úy Nguyễn Ngọc Cứ được tỉnh trưởng cử làm Quận Trưởng, kiêm Tiểu Đoàn Trưởng. Sau Tết Nguyên Đán (1955), trong khi chờ đợi sự vụ lệnh chính thức làm Quận Trưởng, Đại Úy Cứ được lệnh Tỉnh Trưởng đem hai đại đội lên Ba Lòng trước để chuẩn bị tiếp thu và gây dựng cơ sở. Đại Úy Cứ chia lực lượng ra làm hai cánh: một đại đội đi đường thủy, ngược sông Thạch Hãn và một đại đội đi đường bộ lên Cam Lộ, vào Ba Lòng qua ngả Kho Muối.
Hai đại đội còn lại tiếp tục ở Thị Xã, chờ làm lễ xuất quân chính thức, rồi lên đường.
Sau đó ít hôm, Tỉnh Trưởng Trần Điền ký sự vụ lệnh bổ nhiệm Đại Úy Cứ làm Quận Trưởng, kiêm Tiểu Đoàn Trưởng Cảnh Bị Ba Lòng, đồng thời ấn định ngày 19 tháng 2, năm 1955 làm lễ xuất quân. Buổi lễ được tổ chức trọng thể trước tòa Hành chánh Tỉnh, dưới sự chủ tọa của Tỉnh Trưởng Trần Điền để tiễn đưa tân Quận Trưởng và 2 đại đội Cảnh Bị còn lại lên đường.
Vào 8 giờ sáng ngày 19 tháng 2 năm 1955, trong lúc đang làm lễ xuất quân trước Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Trị, đột ngột nhận được công điện từ Huế đánh ra, ra lệnh đình chỉ chiếm đóng Ba Lòng. Tỉnh Trưởng Trần Điền quyết định rằng đoàn quân cứ tiến hành theo chương trình đã định. Ông sẽ thương nghị với thượng cấp".
Tỉnh Trưởng Trần Điền và Thiếu Tá Hoàng Văn Hiền, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Bị (Bảo An) Tỉnh về trình diện Tòa Đại Biểu Chính Phủ ở Huế. Quyết định của Trần Điền bị Đại Biểu Chính Phủ coi là "bất tuân thượng lệnh'. Sau đó, Tỉnh Trưởng được ra về, còn Thiếu Tá Hiền bị đưa sang Nha Bình Trị giam lỏng. Trần Điền phản đối và đòi ở tù tại Huế cùng với Thiếu Tá Hiền.
LỆNH GIẢI GIỚI TRỰC TIẾP BAN RA CỦA CỐ VẤN NGÔ ĐÌNH CẨN
Ông Ngô Đình Cẩn cho mời GS Nguyễn Văn Mân của Đại Việt đến, ra một tối hậu thư là các đơn vị ở Ba Lòng phải trở về thị xã và nộp tất cả võ khí. Ông Cẩn còn nặng lời rằng không tuân lệnh, thì sẽ bị dẹp, tới lúc đó tất cả sẽ vào ngồi tù. GS Mân khẳng khái trả lời: "Chúng tôi hân hạnh ở tù dưới chế độ cụ Ngô."
Năm ngày sau, Bộ Tư Lệnh Quân Khu II ra lệnh cho một tiểu đoàn Bộ Binh, một đại đội Thiết Giáp đưa Thiếu Tá Hiền về Quảng Trị, đến thẳng văn phòng Tỉnh Đoàn Bảo An, buộc ký lệnh thu hồi tất cả võ khí của các đại đội ở các quận và thị xã đem về nộp vào kho của tỉnh đoàn, buộc Thiếu Tá Hiền ra lệnh cho tiểu đoàn ở Ba Lòng trở về thị xã. Sau đó Thiếu Tá Hiền được trả tự do và tước hết quyền hành. Ngay chiều hôm đó, Thiếu Tá Hiền đi thẳng lên Ba Lòng. Ngoài ra, vì thấy chính quyền quyết định như vậy, Thiếu Tá Phạm Văn Bôn, Chỉ Huy Trưởng Tiểu Đoàn Khinh Quân 610 đang đóng quân ở Quảng Nam và  Đại Úy dù Phạm Văn Đồng với một trung đội Dù nghe tin như vậy, tuyên bố ly khai và kéo quân về Ba Lòng.
"Chính quyền đã dồn họ vào thế phải chống đối dù biết rằng đằng nào cũng gặp nguy hiểm". Anh em sĩ quan gốc Đại Việt quyết định "đã bị dồn vào chân tường, thì chỉ còn cách là 'họ đánh thì mình đỡ'. Đằng nào cũng vào tù, nhưng ngẩng mặt mà vào tù, không chịu áp bức, không chấp nhận sự bất công."
QUÂN ĐỘI TẤN CÔNG BA LÒNG
Đệ Nhị Quân Khu điều động 3 tiểu đoàn thiện chiến nhất để lập thành Đòan Quân Thứ Lưu Động lên Ba Lòng. Sau đợt tấn công đầu tiên không vào được mục tiêu, vì Chỉ Huy Trưởng chiến dịch là Trung Tá Phan Văn Cách không có ý định 'tàn sát lẫn nhau'. Bộ Tư Lệnh đệ II Quân Khu đưa Trung Tá Lê Văn Nghiêm lên thay thế. Quân đội dùng công binh mở đường để đem đại bác vào tận Đá Nổi để tác xạ vào Ba Lòng. Cầm cự đến ngày 9 tháng 3, năm 1955, quân trú phòng bị bất ngờ khi quân chính phủ tiến vào phía sau, chiếm kho đạn và lương thực. Ba Lòng thất thủ. Lực lượng Đại Việt rút về Ba Hi, bên kia biên giới Lào.
Ngày 10 tháng 3, Ban chỉ huy quyết định giải tán lực lượng. Th. Tá Hiền và Đại Úy Cứ dẫn một số anh em về Quảng Trị. Họ bị giam ỏ nhà lao Thừa Thiên cho đến 1977, Tòa quân sự Huế mới đưa ra xét xử. Còn chừng 100 người ở lại và lén về ẩn náu tại làng Ven. Tại đây, một số chết dần vì bệnh tật, hoặc sa vào tay Việt cộng. Ít người khác lẻn về Huế, rồi cuối cùng cũng bị bắt.
Chung cuộc,Tỉnh trưởng Trần Điền bị cách chức và loại ra khỏi ngạch công chức. Những sĩ quan chỉ huy Ba Lòng, người thì bị án tù, khổ sai và một số vắng mặt bị khổ sai chung thân.
Nhận xét về biến cố Ba Lòng:
Dựa trên các sự kiện được trình bày trong cuốn Sống Còn Với Dân Tộc, người đọc thấy rõ được sự mẩu thuẫn giữa chính quyền Trung Ương với  chính quyền địa phương. Sự việc này bắt nguồn từ ở mối nguy cơ mất chức của  viên Đại biểu Chính Phủ tại Trung Phần Việt nam: Nguyễn đôn Duyến.
Trong cuộc viếng thăm Quảng Trị vào đầu năm 1955, Thủ tướng Diệm ngợi khen Tỉnh Trưởng Trần Điền về thành quả đã đạt được, ban cấp Bảo Quốc Huân Chương, chấp thuận kế họach tiếp thu các căn cứ VC, và lại công khai nói rõ ý định của Thủ Tướng Diệm là sẽ đưa Trần Điền làm Đại Biểu Trung Phần.
Kẻ sắp bị mất chức trong trường hợp như vậy như Nguyễn đôn Duyến phải tìm cách diệt kẻ "thù" của mình. Có như thế, thì mới giữ được ghế của mình. Dưới triều Ngô, ai cũng biết có nhiều trung tâm quyền lực trong nội bộ gia đình của TT Diệm :Giám Mục Ngô đình Thục, Ngô đình Nhu, Ngô đình Cẩn. Những nhân vật này được coi là trung tâm quyền lực thực tại ( de-facto), nghĩa là không có chức vụ chính thức trong chính quyền, ngay cả đến luật pháp căn bản để thiết lập ra quyền lực ấy cũng không có. Và mọi người đều hiểu rằng họ là Cố Vấn của  Ông Diệm. TT Diệm là người nắm quyền chính thống , được Hiến Pháp ban cấp quyền hành. Chính ông nhiều khi lại không hành sừ quyền của mình liên quan đến những vấn đề của quốc gia. Quyền hành của TT Diệm  bị chi phối bởi những người thân trong gia đình của ông. Chi phối ở đây không có nghĩa là anh em ông Diệm gây ảnh hưởng đối với trung tâm quyền lực chính thống là ông Diệm, mà là hạn chế quyền hành của ông, có khi thay thế hay vướt quá cả quyền hành của ông. Vì nhu nhược trước các hành động của các trung tâm quyền lực khác  của gia đình, mà nhất là gia đình có truyền thống phong kiến, Ông  Diệm không dám hay không thể nắm hay hành sử quyền hành mà Hiến Pháp, hay là gọi là do  quốc dân giao phó.
Trường hợp vụ Biến Động  Ba Lòng là một thí dụ. Kẻ sắp mất chức là Nguyễn đôn Duyến. Làm Đại biểu chính phủ ở Trung Phần Việt nam, Ông Duyến đã phải được che chở của trung tâm quyền lực ở địa phương là ông Ngô đình Cẩn. Nếu không có sự chấp thuận của ông Cẩn, ông Duyến hay bất cứ ai không thể có địa vị nào ở Miền Trung. Trong thời gian nhà Ngô cai trị, người ta đã chứng kiến nhiều trường hợp sự lạm quyền đã xảy ra và ông Diệm đều lặng thinh. Thí dụ Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung  dưới quyền điều khiển của  Dương văn Hiếu hoạt động tài Sài gòn. Đoàn này do Ông Cẩn từ Huế lập ra, chỉ đạo và không  thống thuộc hệ thống An ninh của Trung Ương. Quyền hành của nhóm này còn mạnh hơn hay cao hơn cả hệ thống an ninh chính thức cuả quốc gia.Như vậy phạm vi "ảnh hưởng" của ông Cẩn không chỉ giới hạn ở Miền Trung. Hậu quả là có nhiều tướng lãnh, bộ trưởng v.v. từ Sài gòn bay ra Huế để chúc tết hay dự ngày sinh nhật của ông Cố Vấn Miền Trung để mưu cầu một ân huệ.
Nhờ  quyền hành  rất lớn như thế của ông Cố vấn và là người đỡ đầu, ông Duyến đi tới  quyết định chấm dứt kế hoạch tiếp thu Ba Lòng đã được ông Diệm chấp thuân từ trước và đã bắt đầu thi hành một phần rồi. Lại ra lệnh chấm dứt vào đúng phút chót  là lúc tổ chức "lễ xuất quân" để đánh vào mặt và hạ uy tín Trần Điền. Lệnh của ông Duyến dù có trái với quyết định  trước đó của chính ông Diệm, nhưng lệnh ấy vẫn được ông Diệm  hợp thức hóa bằng cách  trừng phạt, và bắt bớ, truy tố "các kẻ thù" của ông Duyến về tội "phá rối trị an", và "vi phạm an ninh quôc gia".  Tỉnh trưởng Trần Điền là mục tiêu của ông Duyến. Ông Trần Điền và các sĩ quan Đại Việt trong công tác tiếp thu chiến khu Ba Lòng, dù sẵn sàng chấp nhận phải đổ máu, là nạn nhân của tranh chấp quyền hành trong gia đình Nhà Ngô. Lệnh hủy bỏ kế hoạch tiếp thu Ba Lòng của ông Duyến được ông cố vấn Cẩn chính thực "bao yểm" khi ông Cẩn mời GS Nguyễn văn Mân tới "nhà", để "chỉ thị"  rằng sĩ quan Đại Việt phải giải giới về trình diện tại Quảng trị, nếu không  sẽ bị bỏ tù.
Tôi có gọi điện thoại nói chuyện với cựu Thượng Nghị Sĩ  Mân , hiện tại ở Texas về vấn đề này. TNS Mân xác nhận rằng có trả lời ngay ông Cẩn rằng " Đại Việt chúng tôi rất vui mừng ở tù dưới triều đại cụ Ngô".  Hành động của chính quyền địa phương đã dồn sĩ quan Đại Việt vào vị trí phải chống trả lại , nghĩa là họ quyết định "ngẩng  đầu lên mà đi". Cũng vì  hành vi "ngẩng đầu mà đi" này đối với người em của ông Diệm, là Cố Vấn Cẩn, mà GS Mân bị tòa án quân sự phạt tù 6 năm, dù GS Mân không có một hoạt động nào dính líu đến vụ Ba Lòng. Lý do được viện dẫn trong bản án là : phá rối trị an và vi phạm an ninh quốc gia.
IV. NHÀ NGÔ ĐÀN ÁP ĐẠI VIỆT
Hồi ký nói: "Từ 1956, Đại Việt bị chính quyền dồn vào tình thế bất lợi. Các hoạt động của Đảng không những bị ngưng trệ và càng ngày càng lâm vào bế tắc".
Đẩ làm sáng tỏ vấn đề này,  hồi 1992 , BS Nguyễn tôn Hoàn kể với tôi rằng " sau khi ông Diệm ở Mỹ về, thì thái độ của ông ấy  thay đổi hẳn. Trước khi xuất ngoại, vì tôi là người đứng đầu phong trào  Đại Đoàn Kết và Hòa Bình để vận động yểm trợ ông ấy. Ông ấy còn dặn ông Nhu rằng cần phải vận động khối Hòa Hảo và Cao Đài và phải nhờ BS Hoàn giúp liên lạc và giới thiệu. Ông Diệm còn nói rằng hai giáo phái đó không chấp nhận hợp tác với ông Nhu. BS Hoàn phải đích thân đưa ông Nhu đến gập các nhà lãnh đạo của hai khối này để giải quyết vấn đề hợp tác để ủng hộ ông Diệm. Nay thấy ông Diệm tỏ vẻ thờ ơ và có thêm được tin tức về âm mưu đàn áp đối lập đã lộ rõ. Ngay trong giai đoạn đầu cũng đã có tin  việc thủ tiêu Nguyễn bảo Toàn, Vũ tam Anh (1)…. Tôi thấy có một mối nguy hiểm cho tôi. Tôi đến gập ông Diệm và nói rằng tôi cần đi ngoại quốc. Ông Diệm hỏi tai sao tôi muốn đi như vậy. Tôi trả lời thẳng với ông Diệm rằng: " Nêu tôi ở lại, có ngày anh sẽ giết tôi." Kế đó, ông Diệm gọi ông Nhu vào văn phòng, bảo ông Nhu: " làm thủ tục để BS Hòan xuất ngoại."
Rồi, ngày 3 tháng 4 năm 1957, Tòa án quân sự Sài gòn xử  tù một số đảng viên Đại Việt thuộc Xứ Bộ Miền Nam trong số này có ông Phan thông Thảo; và ngày 7 tháng 10,1958 , tòa quân sự Nha Trang cũng xử một số Đảng viên Đại Việt. Thí dụ Bà Trương thị Thỉnh, em ruột của Đảng trưởng là một nạn nhân, bị 3 năm tù. Tất cả bị qui tội "phá rối trị an" và bị án tù, dù họ không có liên hệ gì đến vụ Ba Lòng. Ngoài ra, Trương tử An, một em ruột khác của Đảng trưởng Đại Việt bị thủ tiêu vào giai đoạn này. (2).
V. ĐÓNG GÓP VÀO CÔNG VIỆC XÂY DỰNG DÂN CHỦ, TỰ DO Ở THƯỢNG TẦNG
A). CỦNG CỐ LỰC LƯỢNG QUỐC GIA TRONG CÔNG CUỘC GIÀNH CHỦ QUYỀN DÂN TỘC KHỎI TAY NGƯỜI PHÁP, VÀ  THAM DỰ VÀO CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG PHÁT HUY CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA
1. PHONG TRÀO ĐẠI ĐOÀN KẾT VÀ HÒA BÌNH, 1953.
Tình hình đất nước vào năm 1953 rất bấp bênh, lòng dân phân tán. Các phe phái dằng co, những người chủ trương Nam Kỳ tự trị sau khi thất bại âm mưu của họ tỏ ra bất mãn và chống đối tích cực. Thục dân Pháp đã được người Anh thỏa hiệp cho vào Sàigon, và Tàu nhượng cho Pháp vào Miền Bắc và nay ở trong vị thế lăm le  đặt ách thống trị trở lại, dù Pháp đã ký hiệp ước trao trả độc lập cho Việt nam.
Về phía Việt minh, thì Hồ chí Minh đã  được Mao viện trợ quân trang, quân dụng để phát động đấu trang võ trang qui mô. Mao cử  Trần Canh sang làm cố vấn về mặt quân sự, viện trợ quân trang quân dụng cho Hồ để đánh Pháp. Dưới sự chỉ đảo của Trần Canh, quân Việt Minh thắng trận đầu tiên tại Cao bằng, Lạng sơn (1950),  rồi những năm kế đó,  dồn quân Pháp lui vào vùng Trung Châu, Bắc Phần, gây rối tại nhiều khu vực do Pháp kiểm soát. Dưới sụ lãnh đạo chính trị của Lã quí Ba, Hồ cải tổ chính quyền, chuẩn chị công cuộc Cải Cách Ruộng Đất, thiết lập hệ thống thuế để củng cố thế lực. Tại Miền Bắc Trung Phần,  Việt minh cộng sản kiểm soát được nhiều nơi và các vùng phía Nam Trung Phần trở thành các khu vực tranh chấp giữa Pháp và Việt minh.
Trước tình thế đó, các lãnh tụ Đại Việt quốc dân Đảng của ba miền: BS Nguyễn đình Luyện thuộc Xứ ủy Bắc Kỳ, BS Nguyễn tôn Hòan, Xứ ủy Nam Kỳ, và Kỹ sư Hà thúc Ký, Xứ ủy Trung Kỳ họp và quyết định ra thành lập Phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình. Mùa thu năm 1953, phong trào ra đời. Mục đích là kêu gọi Quốc trưởng Bảo Đại "cải tổ định chế (cơ cấu chính quyền), thay đổi nhân sự để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của tình thế và áp lực với Pháp trao trả độc lập thực sư cho Việt nam."
Phong trào được thành lập và tại 3 Miền Nam Trung Bắc, mỗi miền có một Ban Đại Diện. Tại Trung  Phần, Ngô đình Nhu làm chủ tịch và tác giả làm Phó. Sự việc này chứng tỏ một điều là Đại việt nói chung và tác giả nói riêng , vì ý thức quyền lợi và tương lai của  dân tộc, đã vận động thành lập Phong trào với mục đích đòi lại chủ quyền thực sự cho dân tộc khỏi tay của thực dân Pháp. Chúng có âm mưu đặt ách thống trị trở lại, sau khi chúng đã bị Nhật bản đảo chánh chừng một thập niên trước đó. Hơn thế nữa, tập hợp này sẽ  tạo một sức mạnh của toàn dân chống lại sự bành trướng của Công sản Việt nam có sự tiếp sức và chỉ đạo của Cộng sản quốc tế, nhất là của Tàu cộng. Ngô đình Nhu với tư cách là Chủ Tịch Phong Trào tại Trung Phần lại lập thêm một bộ phận tham mưu riêng gồm một số tay chân thân tín tại Sài gòn (Nam Phần), ở nơi đây là phạm vi hoạt động đã được giao cho BS Nguyễn tôn Hoàn chịu trách nhiệm.  Bộ phận này của Ngô đình Nhu chống lại một số người Ban chỉ đạo Phong trào của Miền Trung và như đã nói, chính Ngô đình Nhu làm Chủ tịch. Để giải quyết mâu thuẫn nội bộ này, Đại Việt cử ông Đoàn Thái ( hiện cư ngụ tại Fort Smith, AR)  làm trung gian, tiếp tay hòa giải.
Ngày 6 tháng 1, 54  Phong trào ra mắt tại Sài gòn với 100 đại biểu của các tố chưc thành viên. Tại buổi họp này, Phong trào biểu quyết một lá thư gửi Quốc trưởng Bảo Đại thỉnh nguyện cải tổ định chế, triệu tập Quốc Hội và ban hành Hiến pháp. Phong trào 'hậu thuẫn cho Ngô đình Nhu và nhóm công giáo ủng hộ Ngô đình Diệm, vả gây được tiến vang khắp ba Kỳ'.
Về mục tiêu giành lại chủ quyền, thì "ngày 4 tháng 6 năm 1954, Thủ tướng Pháp Lauriel và Thủ tướng Việt nam Bửu Lộc ký thỏa ước thi hành Hiệp Định Elysée để kiện toàn độc lập cho Việt nam."
Phong trào Đoàn Kết và Hòa Bình lúc đầu gồm nhiều nhận vật, gồm cả những người thân Pháp. Về sau, Phong trào chỉ còn gồm có Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Phục Quốc Hội, Phục Quốc Quân,các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và các tổ chức Công Giáo.
2. MẶT TRẬN DÂN CHỦ XÃ HỘI QUỐC GIA,1969.
Vào thời kỳ sau Tết Mậu Thân (1968), phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao, gây một áp lực mạnh đối với chính quyền Hoa Kỳ. Mục tiêu  của chúng là đòi hỏi cắt đứt mọi hỗ trợ tài chánh cho Việt nam Công Hòa, và rút quân đội Mỹ ra khỏi Miền Nam, để Miền Nam tự chống đỡ lấy, tự  mình chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản quốc tế mà Cộng sản Việt nam  là một thừa sai.
Để làm nhẹ bớt áp lực đó, Đại sứ  Bunker, đại diện chính quyền Hoa Kỳ kêu gọi các đảng phái quốc gia tập hợp xung quanh chính quyền của TT Thiệu thành một tập thể rộng lớn, hỗ trợ cho mục tiêu chống lại Cộng sản mưu toan đánh chiếm Miền Nam.
Tôi và chủ tịch Hà thúc Ký đi họp một số buổi  họp với các chính đảng có biểu lộ ý định ngồi lại với nhau trong Mặt Trận.
Tromg buổi cuối cùng, mở rộng gọi là khoáng đại hội nghị của các chính đảng gồm khoảng 100 đại biểu  của các chính đảng ấy do Nguyễn văn Hướng triệu tập, các đại biểu bầu 3 đại diện lên làm chủ tọa đoàn để điều khiển Hội Nghị. Ba đại diện đó là Trịnh quốc Khánh, Ngô Khắc Tỉnh và tôi. Tôi đề nghị một cuộc hội ý riêng, tại chỗ giữa 3 người chúng tôi  để xác định qui tắc và phương pháp sinh hoạt  cho hữu hiệu, cũng như đề cử  một người làm đại diện của chủ tọa đoàn đứng ra điền khiển  hội nghị. Chủ tịch Khánh và Dược sĩ Tỉnh đồng thanh cử tôi  lãnh trách nhiệm này, vì lý do " trẻ hơn và năng động…"
Chúng tôi đã hoàn tất nhiệm vụ một cách tốt đẹp và Mặt Trận đã ra đời.
Chủ đích của Đại Việt Cách Mạng tham gia Mặt Trận, không phải chỉ để tiếp tay cho chính quyển Hoa Kỳ phản ứng lại phong trào phàn chiến tại Mỹ. Đại Việt Cách Mạng còn muốn đóng góp thực sự  vào công tác bảo vệ "hạ tầng " chống lại sự khuynh loát của Cộng sản. Đó là loại các phần tử VC nằm vùng tại nông thôn ra khỏi thôn ấp, củng cố và lành mạnh chính quyền nông thôn để từ đó xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Vào thời điểm này, tài liệu nghiên cứu của tôi cho biết rằng với trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, hạ tầng cơ sở của Việt Cộng đã bị vỡ nát. Con số chi bộ VC được ước tính chỉ còn độ 400 trên toàn quốc. Tuy nhiên các chi bộ này không toàn vẹn. Có chi bộ chỉ còn bí thư. Chi bộ khác còn một vài ủy viên… Chúng phải lẩn trốn, y như thời kỳ sau hiệp định Genève.
Tôi là người viết kế hoạch để Chủ Tịch Ký đưa ra cho Hội Đồng Chỉ Đạo của Mặt Trận có trụ sở ở đường Bà Lê Chân, Sàigon, thuyết phục các thành viên đóng góp sức mình vào công tac trọng đại này.
 Không một  chính đảng trong Mặt Trận  có thực lực dải rộng trên toàn lãnh thổ. Vì thế kế hoạch trù liệu sự phối trí nhân sự và hoạt động linh động. Ở nơi nào một đảng nào mạnh nghĩa là nhiều đảng viên đảm nhiệm công việc nặng nhọc hơn, với sự hỗ trợ của cá đảng khác. Ở những nơi không có hiện diện của một đảng nào, chính quyền địa phương phải lo bố trí nhân sự thay thế. Điểm quan trọng là các cơ sở của Mặt Trận ở địa phương có nghĩa vụ cung cấp tin tức về 'hạ thầng cơ sở 'của VC để  chính quyền quyết định. Như vậy, Mặt Trận không dẫm chân lên chính quyền, hay cản trở hoạt động của chính quyền..
Trong cái gọi là chiến tranh nhân dân của Mao trạch Đông mà Hồ được huấn luyện để thực hiện, thì đơn vị đảng CS  ở hạ tầng đóng vai trò quan trọng. Ngoài công tác kiểm soát dân chúng bằng bạo lực ( khủng bố), hạ tầng cơ sở của VC là các chi bộ đảng thu thuế bằng nhất là hiện vật ( như lúa gạo) và  huy động ( bắt buộc) nông dân vận chuyển lúa gạo để tồn trữ ở một nơi nào đó khi quân đội hành quân đi qua có lương thực để ăn. Hạ tầng cơ sở VC còn làm nhiệm vụ tình báo, nghĩa là tìm kiếm và cung cấp tin tức cần thiết để cho quân đội hành quân…. Muốn lảm được hai công tác này (
dĩ nhiên còn nhiều công tác khác), đơn vị Đảng  ấy ở nông thôn luôn sử dụng mọi biện pháp có thể có để đạt mục tiêu của chúng. Hạ tầng VC là người trong thôn xóm. Chúng biết từng người trong thôn ấp. Chúng dùng mọi thủ thuật để vận động mỗi cá nhận, từng cá nhân vào họat động mà chúng muốn, quan trọng hơn hết bằng là bạo lực, kể cả khủng bố: ám sát, giết chóc v.v.. nếu cần.  Mọi cá nhân đều sợ, nên phải 'thi hành.' Nhiều cá nhân bị áp lực nhận công tác nhỏ  như vậy, góp vào thành công việc lớn. Tuy nhiên, ở nơi nào VC không xâm nhập được, vì không có 'hạ tầng cơ sở nằm vùng", VC không làm gì được. Đó là vùng Hòa Hảo. Đó là vùng người công giáo sống  tập trung. Nhiều khu vực Quảng trị, Thừa thiên, Quảng nam, Quảng ngãi, Qui nhơn,  Phú yên,  ở những nơi Đại Việt và VNQDD mạnh,  lả những thí dụ khác. Điều quan trọng trong Kế hoạch này là các đảng phái tại nông thôn là một tập thể bảo trợ cho các cá nhân, nên VC không thể hay khó có thể vận dụng được. Hơn nữa, mỗi cá nhân biết được có đoàn thể của mình hậu thuẫn, hướng dẫn, nên có can đảm đứng ra 'tố cáo' các phần tử khả nghi hay nằm vùng (các vùng Hòa Hảo và Công giáo cũng vậy) qua tập thể của mình. Còn mỗi cá nhân riêng rẽ  ở nông thôn bị  VC tiếp xúc, thường giữ kin đáo, lặng yên vì sợ, nhất là ám sát hay bắt cóc là biện pháp VC thường sử dụng  Trong tình thế này, họ thường bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng của VC. Đó là điểm mấu chốt cho sư thành công trong công tác vận động của CS.
Kế hoạch này chẳng bao giờ được mang ra thi hành. Khi viết kế hoạch, tôi không có ảo tưởng rằng Chủ tịch Đoàn, dĩ nhiên  TT Thiệu lả Chủ tịch của chủ tịch đoàn, có thể hiểu được tầm quan trọng của vấn đề để giải quyết cuộc chiến do CSVN xâm lược. Hơn nữa, những kẻ được đưa vào ngồi trong chính quyền, trung ương cũng như địa phương , dù bằng phương cách nào đi chăng nữa cũng chỉ muốn độc quyền hành động, không muốn chia sẻ quyền hành với bất cứ ai, kể cả e ngại những dòm ngó của kẻ khác…, dù kế hoạch này qui định các ủy ban Mặt Trận  địa phương là một bộ phận tư nhân, đóng góp cho chính quyền bằng cách thu lượm, đánh giá tin tức về VC nằm vùng, giúp cho chính quyền thực hiện công tác bình định trong phạm vi trách nhiệm của họ.
Tác giả  cuốn Sống Còn Với Dân Tộc khi nói về Mặt Trận bị giải thể, nhấn mạnh rằng các thành viên trong Chủ Tịch Đoàn ra đi "không kèn , không trống" . Trái lại, lễ  khai mạc được tổ chức tại rạp Rex ở Sàigòn, long trọng, 'rầm rộ'.
Tại sao như vậy, tôi nghĩ rằng TT Nguyễn văn Thiệu , chủ tịch Mặt Trận cảm thấy đã đạt mục tiêu về phía Mỹ đòi hỏi rồi, và không cần có lực lượng  nào hẫu thuẫn nữa. Đó là chưa kể đến sự kiện là suốt trong thời gian gọi là hoạt động của Mặt Trận, chẳng có gì xảy ra, ngoài một số buổi họp chiếu lệ, tẻ nhạt, của các chủ tịch trong Chủ tịch đoàn chỉ có tính cách tượng trưng để quảng cáo hay tô vẽ vẻ đẹp cho chế độ. Ông Thiệu cũng chẳng đến họp. Người ta có cảm tưởng rằng các chính đảng tham dự bị TT Thiệu cầm chân. Sau đó, hầu hết các chính đảng có chân tromg Mặt Trận đứng vào vị trí chống đối với TT Thiệu.
Các sự kiện này đưa đến một giải thích thứ hai là âm mưu của TT Thiệu là tiến tới độc tài. Ông Thiệu  cho lập đảng Dân Chủ  với phương tiện của chính quyền để nắm trọn quyền hành trong tay, dù trước đó đã  phải ứng cử độc diễn. Với Luật ủy Quyền được Quốc Hội thông qua để chuẩn bị  ứng cử nhiệm kỳ 3,  với qui chế chính đảng mới thay thế qui chế đã ban hành trước, TT Thiệu đã lộ rõ âm mưu này. Sắc Luật 060 vào ngày 27 tháng 12, 1972 ( trước ngày hết hạn ủy quyền), đòi hỏi các chính đảng phải tái tổ chức trên phạm vi toàn quốc hay là bị giái tán. Rồi đến các luật lệ tiếp theo ban hành vào tháng 5, 1973, giải tán 26 chính đáng hợp pháp. Các đảng đó đã hội đủ điều kiện và đã đăng ký ở Bộ Nội Vụ theo luật Qui Chế Chính Đảng và  đang hoạt động. Nay  chỉ để một mình Đảng Dân Chủ của TT Thiệu hoạt động mà thôi. (3)
Từ 1969, TT Thiệu quá say mê củng cố quyền hành, tập trung nỗ lực quốc gia vào mục tiêu này để tiến tới nắm trọn quyền hành trong tay. TT Thiệu đồng thời cố gắng làm sói mòn lực lương chính trị quốc gia, đến nỗi vào tháng tư 1975, không còn ai cộng tác vào  lúc phải  huy động mọi lực lượng chính trị, cải tổ nội các để đối đầu với Tổng Công Kích của VC nhằm chiếm đoạt Miền Nam.
Thực là thảm thương cho quân dân Miền Nam.
Mặt Trận gồm 6 đoàn thể: Việt nam Quốc Dân Đảng  (gồm phân bộ Vũ hồng Khanh ( Bắc) hợp tác với phân bộ  Nguyễn hòa Hiệp ( Nam, có sự tham dự của LS Trần văn Tuyên), Lực lượng Đại Đoàn Kết  (Nguyễn gia Hiến), Nhân Xã Đảng  (Trương Công Cừu), Lực Lương Tự Do Dân Chủ (Nguyễn văn Hướng), và Dân Chủ Xã Hội Đảng  (Trình Quốc Khánh của Hòa Hảo) và  Đại Việt Cách Mạng.
Về sức mạnh của Mặt Trận, GS John C. Donnell  trong  bài  thượng dẫn của cuốn sách trên, trang 156, có trích dẫn từ tài liệu  " South Vietnam: Neither War nor Peace" của  Allan E. Goodman đăng trong  Asian Survey (Feb 1970), nói rằng tập hợp này tượng trưng cho 40% lực lượng quốc gia dựa trên kết quả bầu cử 1967. 
B). ĐÓNG GÓP VÀO XÂY DỰNG NỀN TẢNG CHO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ PHÁP TRỊ
1.  DẠI VIỆT CÁCH MẠNG VÀ HIẾN PHÁP VNCH 1967.
Hiến Pháp là văn kiện căn bản thiết lập cơ quan chính quyền của quốc gia trong một chế độ dân chủ pháp trị.
Trước sự xáo trộn gây ra do các tướng lãnh tranh giành quyền lực, và sự lủng củng của chính phủ dân sự Phan khắc Sửu- Phan huy Quát để tiến tới chính phủ quân nhân nắm quyền.  Ban lãnh đạo Đại Việt Cách Mạng đưa ra  kế hoạch 9 điểm để đối phó với tình hình: tuyên bố lập trường đối với quốc tế, đối với Cộng sản , kêu gọi áp dụng các biện pháp cần thiết để chống lại Cộng sản.  Kế hoạch ấy được công bố vào tháng 5 1965.   Điểm 3 của kế họach nói " Để có chính nghĩa đấu tranh, chính phủ phải nỗ lực tạo dựng điều kiện tiến tới việc tổ chức bầu cử một Quốc Hội Lập Hiến, soạn thảo một Hiến Pháp dân chủ. Sau khi Hiến Pháp được ban hành, phải tổ chức bầu cử các cơ cấu quyền lực quốc gia, thành lập chính quyền dân cử". Mục đích  điều 3 này là ngăn ngừa  cánh quân nhân có tham vọng nắm trọn quyền hành trong tay ngõ hầu tiến tới độc tài quân phiệt. Như thế là một thảm họa cho Miền Nam. Tránh được độ tài nọ, dân tộc lại phải gánh chịu một độc tài khác, để  rồi sẽ dẫn đến độc tài toàn trị của Cộng sản. Hai phương pháp được áp dụng: Một mặt phải vận động với tướng lãnh có ảnh hưởng trong chính quyền quân nhân, vì tất cả thành viên đều là quân nhân chuyên nghiệp, và mặt khác phải phát biểu quan điểm để làm áp lực. Do đó, có một số cuộc biểu tình đã được tổ chức tại Miền Trung (10 tháng 5, 1965: Tam Ký, Quảng Tín; 17 tháng 5: Hương Trà, Thừa Thiên; 24 tháng 5: Triệu Phong), và tại Miền Nam, ngày 7 tháng 5: Phước Ninh ( quận ChâuThành) Tây Ninh, 31 tháng 5: thị xã Sóc Trang, Ba Xuyên  để đòi hỏi ban hành một đạo luật bầu cử quốc hội lập hiến. Chính quyền quân nhân nhượng bộ, tỏ thiện chí muốn cải tiến chế độ. Vì vậy, các cuộc biểu tình tiếp theo bị hủy bỏ.
         Tham dự Bầu Cử Quốc Hội Lập Hiến
 Đại Việt Cách Mạng đã tham dự bầu cuộc cử Quốc Hội được tổ chức ngày 11 tháng 9, 1966 để làm ra một Hiến pháp làm căn bản cho sinh hoạt quốc gia. Trong tổng số 117 dân biểu được bầu, Đại Việt có được 9 dân biểu và 2 cảm tình viên.
Trong Quốc Hội này có 3 Khối, một dân biểu của Đại Việt Cách Mạng là GS Nguyễn văn Ngải được bầu làm Trưởng Khối của một trong 3 Khối. Đó là Khối Đại Chúng.  Ngay trong giai đoạn đầu, đó là một Khối có đa số áp đảo gồm hơn 60 ghế. Khối này có khuynh hướng độc lập.  Các dân biểu khác của Đại Việt được bầu nắm chức vụ trong  ban lãnh đạo Quốc Hội Lập Hiến là: Hoàng xuân Tửu, đệ II Phó Chủ Tịch; Mai  đức Thiệp, Chủ Tịch Ủy Ban Kiểm Tra Kế Toán; Nguyễn hữu Đức, Thuyết trình viên Dự Luật Qui Chế Chính Đảng. Một Dân biểu khác là LS Đinh thành Châu, hiện làm chủ nhà hàng Kobe ở Santa Clara, CA được bầu là Chủ Tịch Ủy Ban Thảo Hiến.
Sau 6 tháng làm việc, ngày 1 tháng  4 năm 1967 Quốc Hội này đã cho ra đời một bản Hiến Pháp làm nền tảng xây dựng nền đệ II Cộng Hòa(4)
2. THAM DỰ VÀO SINH HOẠT TRONG NGÀNH HÀNH PHÁP VÀ LẬP PHÁP.
HIẾN PHÁP VNCH 1967  thiết lập Tổng Thống Chế và quốc hội theo chế độ lưỡng viện, gồm Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện.
A.  Bầu cử Tổng Thống: Hiến pháp qui định nhiệm kỳ Tổng Thống là 4 năm. Bấu cử Tổng Thống đầu tiên của đệ II Cộng Hòa được tỗ chức ngày 3 tháng 9 năm 1967.  ĐVCM có liên danh Hà thúc Ký- Nguyễn văn Định với danh hiệu Bông Lúa. Về kết quả bầu cử, thì trong tổng số 11 liên danh, Liên danh Bông Lúa đứng hàng thứ 5.
B. Thượng Viện:
Hiến Pháp 1967 qui định Thượng Nghị Viện VNCH gồm 60 Nghị sĩ. Để bầu 60 nghị sĩ này, các ứng viên phải được tập hợp thành từng liên danh 10 người. Như vậy, cuộc bầu cử đầu tiên sẽ chọn 6 liên danh. Nhiệm kỳ của Thượng viện là 6 năm. Thượng viện cũng  được tổ chức  bầu cử  vào ngày 3 tháng 9 năm 1967.  Đại Việt Cách mạng có một liên danh đắc cử. Đó là liên danh Bông Lúa. Tại cơ quan này, Hoàng xuân Tửu được bầu làm đệ II Phó Chủ tịch; Nguyễn văn Ngải , Chủ tịch Ủy Ban Kinh tế; Phạm nam Sách, Chủ tịch Ủy ban Định Chế Tư Pháp; Nguyễn văn Kỷ Cương, Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục.
C. Hạ Viện: Trong các nhiệm kỳ 1967-1971, 1971-1975 có 18 dân biểu.
Về cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện, được tổ chức vào tháng 9 1970. Nhiệm kỳ Thượng Viện là 6 năm. Để cho sinh hoạt Thượng viện không bị gián đoạn, Hiến Pháp 1967 qui định rằng cuối năm thứ 3 của pháp nhiệm I, sẽ có một cuộc rút thăm để giữ lại 1/2  là 30 thành viên và  1/2  phải ra đi . Như vậy vào năm 1970, sẽ có cuộc bầu cử bán phần để thay 30 người phải ra đi. Chủ tịch Hà thúc Ký cử tôi đứng đầu liên danh cũng lấy danh hiệu Bông Lúa. Liên danh gồm 10 đảng viên: Nguyễn văn Canh; Đặng văn An ( trung tá Quân đội); Đoàn Ý ( Luật sư); Nguyễn Bào ( Giáo sư Đại Học); Nguyễn đình Hoan ( Giáo sư Đại Học);  Nguyễn văn Mân ( cựu Giáo sư, cựu Thượng Nghị sĩ, pháp nhiệm I); Tôn thất Uẩn ( Kỹ sư  Điện, cựu Thượng Nghị sĩ , pháp nhiệm I); Mai đức Thiệp ( Đốc sự, cựu Thượng nghị sĩ, pháp nhiệm I); Nguyễn văn Đại ( Luật sư) và Nguyễn văn Kỷ Cương ( Giáo sư Đại Học, cựu Thượng nghị sĩ Pháp nhiệm I).
Kết quả được Hội Đồng Bầu Cử tuyên bố ngày 14 tháng 9, 1970: liên danh Bông Lúa được 628,992 phiếu, đứng thứ 6, trong khi đó theo Hiến pháp qui định, thì chỉ chọn 3 liên danh đứng đầu mà thôi.
Ngoài ra, nhiều đảng viên ĐVCM tham dự vào các cơ quan quyết nghị tại các cấp địa phương như Hội Đồng Tỉnh, Thị Xã, và các Xã khắp nơi trên toàn quốc.
Chủ tịch Hà thúc Ký làm Tổng trưởng Bộ Nội Vụ trong một thơi gian ngắn vào 1964  và Hồ văn Châm được cử làm Tổng trưởng Chiêu Hổi (1969).
3. THAM DỰ VÀO CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN  HẠ TẦNG CƠ SỞ MÀ MỤC TIÊU LÀ LOẠI TRỪ VC NẰM VÙNG RA KHỎI NÔNG THÔN.
TẠI MIỀN TRUNG:
A)  CÔNG TÁC BÌNH ĐỊNH TẠI QUẢNG TRỊ dưới thời Trần Điền làm Tỉnh trưởng
Quảng Trị là một tỉnh địa đầu giới tuyến đầy dãy cán bộ cộng sản nằm vùng. Trần Điền, xuất thân là Tri Huyện, được Ngô đình Diện khi chấp chánh bổ nhiệm làm tỉnh trưởng. Biết tới khả năng và thực lực của Đại Việt, Trần Điền tìm đến  sự hợp tác của Đại Việt, nhất là phải đối phó với Việt Minh Cộng Sản trong thời gian chuyển tiếp sau Hiệp Định Genève  được ký kết. Tỉnh đã  đạt: "kết quả vô cùng tốt đẹp là mới hơn nửa năm, tỉnh Quảng trị đã  vãn hồi an ninh và phát triển kinh tế, ổn định đời sống." Thủ tướng Diệm đến kinh lý Quảng trị vào đấu tháng 1 năm 1955 đã "khen ngọi và ban thưởng Bảo Quốc Huân Chương cho Trần Điền."
B). CÁN BỘ ĐẠI VIỆT TRONG TỔNG ĐOÀN XÂY DỰNG NÔNG THÔN VÀ CẢNH SÁT THỪA THIÊN, VỚI VỤ BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG.
Vào tháng 4 năm 1966, Việt cộng lợi dụng thay đổi phương vị Tư Lệnh Quân Đoàn I của Tướng Nguyễn chánh Thi ( bị bãi chưc ngày 10 thảng 3, 66) xúi dục nhóm phản động Miền Trung dưới danh nghĩa Phật Giáo đấu tranh, chống lại chính quyền trung ương. Chúng đốt phá thư viện của Hoa Kỳ tại Huế, đốt luôn cả tư gia của Tỉnh trưởng, Trung tá  Phan văn Khoa, xúi dục đồng bào Phật tử đưa bàn thờ Phật xuống đường gây xáo trộn, cản trở lưu thông làm mất trật tự của thành phố Huế. Tình trạng hỗn loạn, có thể nói là vô chính phủ, bất chấp luật pháp của nhóm đấu tranh lan tràn. Vào lúc này, tinh thần của Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã nao núng, có vẻ đã chùn bước, mất tinh thần muốn xuống nước nhường nhóm đấu tranh. Các cơ  quan hành chánh, quân sự tỉnh đã đồng loạt rút về cố thủ tại Hương Thủy do một Đảng Viên Đại Việt làm quận trưởng. 
 Trong hoàn cảnh đó, cán bộ  Đại Việt Cách Mạng (ĐVCM) được lệnh công khai quyết liệt chống lại chúng. Hơn nữa, ĐVCM được chính quyền trung ương triệt ủng hộ: Ty Cảnh Sát Thừa Thiên được giao cho một Đảng Viên ĐVCM là Trần công Lập chỉ huy để  chế ngự nhóm đấu tranh tại thành phố. Đồng thời, với sự đồng ý của chính quyền, một đảng viên khác là Phùng ngọc Sa, lúc đó đang phục vụ tại sở Ngoại Viện, Bộ Xây Dựng Nông Thôn  đã được điều động ra Thừa Thiên làm Tổng Đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn. Với trên 1,000 cán bộ trong tay, Phùng ngọc Sa đã góp phần tích cực phối hợp với Đoàn công Lập của Cảnh Sát  đễ giữ vững tình hình tại thị xã cũng như tại nông thôn. Ngoài lực lượng cảnh sát Thừa Thiên và tổng đoàn Xây Dựng Nông Thôn ra, các quận quanh thành phố như Hương Trà, Phú vang, Hương Thủy  từ trước đã  đều do cán bộ ĐVCM chỉ huy. Tất cả đều nhận lệnh của Đảng là phải cương quyết chống lại bọn đấu tranh.
Hai bên, Cộng sản Bắc Việt và các can bộ quốc gia cầm cự từ tháng 4 cho đến tháng 5, 1966, lực lượng chính phủ Trung Ương gốn 1500 Thủy Quân Lục Chiến và các biệt đoàn Cảnh Sát Dã Chiến từ Sài gòn do Tướng Nguyễn ngọc Loan chỉ huy được điều  động ra trực tiếp can thiệp và dẹp tan cái gọi là Khối Phật Giáo Đấu Tranh.
Công tác dẹp bỏ bàn Thờ Phật đã " xuống đường" là công tác tế nhị, cũng đã được cán bộ Đại Việt dẹp bỏ một cách khôn khéo và  êm đẹp.
Cũng cần nói thêm rằng, vào thời điểm này,Tổng Đoàn Xây Dựng Nông Thôn còn thành công tham dự vào công tác ngăn cản sự bành trướng của VC ở nông thôn, và rồi từ tình trạng thôn xã bị sa sút nhất, mất an ninh, vùng xôi đậu …đã trở thành những thôn xã có an ninh đúng tiêu chuẩn mà Bộ Xây Dựng Nông Thôn đề ra.
Một chi tiết cần thêm ở đây rằng trong cuộc ứng cử Tỗng Thống năm 1967,  có cuộc tranh luận diễn ra tại trường Đồng Khánh, Huế , và liên danh Bông Lúa (của Hà thúc Ký) được nhiệt liệt hoan hô, trái lại liên danh Thiệu Kỳ bị đả kích nặng nề. "Ngay buổi chiều hôm đó, tỉnh đoàn trưổng ( Xâ Dựng Nông Thôn) Phùng ngọc Sa bị cách chức và trả về Bộ và Nguyễn ngọc Cứ bị trung tá  tỉnh trưởng Phan văn Khoa giải nhiệm chức vụ Tỉnh Đoàn Phó và không cho hưởng bất cứ một trợ cấp nào."…..
"Sau Tết Mậu Thân, Tỉnh Đoàn (Xây Dựng Nông Thôn) bị thiệt hại nặng. Trong tình trạng đen tối đó, tỉnh trưởng Thừa Thiên lại tìm Nguyễn ngọc Cứ để giao quyền chỉ huy lại cho Đại Việt Cách Mạng.
Tác giả mạnh mạnh đến một nguyên tắc chỉ hướng là : "nếu muốn thành công phải có sự chỉ đạo sáng suốc của chính trị, dưới sự lãnh đạo của đảng phái chân chính, một công cụ để đấu tranh. Ngược lại muốn áp dụng hay quảng bá một đường lối có lợi cho quần chúng trong một vùng thiếu an ninh, đều kiện cần thiết là phải có sự yểm trợ của bộ phận võ trang. Lý do đó, chính trị và quân sự phải liên hoàn và được  phối hợp chặt chẽ".
C) TẠI MIỀN BẮC.
 Nhân dịp này cũng cần thêm vào công tác bình định và xây dựng nông thôm của Đại Việt ở Miền Bắc, trước năm 1954. Có 3 công tác lớn theo đuổi mục tiêu này.
Tại Bắc Việt, Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn (TNBQĐ) do Đỗ văn Năng làm thủ lãnh. Thanh niên BQĐ có cơ sở ở nhiều nơi ở nông thôn. Nha Công An Bắc Phần là do Giám Đốc Nguyễn đình Tại, xuất thân là Tri Huyện điều khiển. Đoàn Quân Thứ Lưu Động (GAMO: Groupements Administratifs Mobiles Operationnels)  dưới sự điều động của Đỗ đình Đạo , rồi Trần như Thuần (cựu Tri Huyện). Công tác của Đoàn Quân Thứ Lưu Động gồm  cả  quân sự  lẫn chính trị: tổ chức lại  và bảo vệ cơ quan hành chánh tại xã ấp sau khi Pháp đã giải phóng khỏi tay Việt Minh Cộng sản. 15  Đoàn Quân Thứ Lưu Động hoạt động mạnh tại nhiều tỉnh ở Miền Bắc. 
Vào giữa thập niên 1990, tôi có gập một  sinh viên người Pháp đến xin phỏng vấn để viết luận án tiến sĩ với Đại Học ở Paris về thời kỳ trước Hiệp Định Genève ở Bắc Việt. Anh này cho biết rằng anh ấy có tìm thấy một báo cáo của một Đại Úy Pháp thuộc Tâm Lý Chiến, khuyến cáo Tổng Tư Lệnh Pháp ở Đông Dương đừng ngăn cản Đại Việt  mà trái lại phải trợ lực cho họ hoạt động và thực hiện công tác của họ.
                    x
Hơn 30 trang cuối, tác giả nói về những ngày cuối cùng của VNCH. Những chi tiết liên hệ cũng là những tài liệu quí báu để cho những ai muốn biết  về sự kiện trong giai đoạn đen tối của lịch sử dẫn đến Miền Nam lọt vào tay Cộng sản, thay vì Miền Nam phải giải cứu Đồng Bào Miền Bắc khỏi gông cùm của Cộng Sản.
                x  x x x
Dưới chế độ Ngô đình Diệm, tác giả sa vào vòng tù tội từ tháng 10 năm 1956 mãi cho tới ngày 3 tháng 11 năm 1963 ( hơn năm năm, kể cả biệt giam tại sà lim), sau ngày đảo chính, mới được thả. Với cách thức đối đãi với tù nhân (như đã mô tả trong cuốn hồi ký này)- một người đã từng cộng tác trong một số phong trào trước đó, để chống lại thực dân và cộng sản, có cả  phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình là để ủng hộ chính  Ngô đình Diệm giành đoạt chính quyền với mục đích xây dựng một quốc gia độc lập và tự do, ngoài ra, vợ và con út của  tác giả ( mới chỉ có 3 tháng tuổi) cũng bị giam cầm gần 3 năm, chỉ vỉ chồng và cha tham gia chống đối chế độ, tác giả trong suốt cuốn hồi ký không có một  chữ hay  câu văn ngụ ý đến oán hận nhà Ngô  mà ngược lại còn ca tụng, thương tiếc (tr.360).  Đó là một điểm mà người đọc cần nhận diện qua cuốn tài liệu này.
                    x
Về hình thức, lời văn rất thông thoáng, nhẹ nhàng, dễ đọc.  Sắp xếp bố cục có lớp lang. Tác giả đã tài tình dùng một số câu tục ngữ  hay cao dao, hay trong văn chương bình dân để diễn tả một hình nào đó. Thí dụ như "đường dài ngựa mỏi chân bon"; "vật đổi sao dời"; "cảnh cũ còn đó, những người xưa nay đâu?", "tuyệt tích giang hồ"….
                               Sống Còn Với Dân Tộc là cuốn hồi ký có giá trị../.
GIA NHẬP GIẢI PHÓNG QUÂN
Tác giả tìm cách gia nhập "giải phóng quân" (lực lượng quân sự Việt Minh), với một tinh thần giống như của bao nhiêu thanh niên cùng thế hệ là " lăn xả vào công cuộc đấu tranh cho dân tộc" và "tin tưởng vào vận hội mới của đất nước."  Như tác giả nói " vừa qua thời kỳ bút nghiên, lại quẳng hết sự nghiệp để đầu quân… giải phóng".
Đó là những hi sinh cao quí của các chàng trai thế hệ xung phong lên đường cứu nước.
Ngay khi xin gia nhập "giải phóng quân", tác giả được bạn bè hướng dẫn vào Ban Đặc Vụ Quân Sự, để làm thủ tục.  Lúc này Ban Đặc Vụ đang cần một chỉ huy trưởng cho đơn vị  "Đặc Vụ Quân Sự Lào, đường số 9" . Đơn vị này thuộc lực lượng Việt Minh  mà Ủy Ban Hành Chính và Kháng Chiến Trung Bộ cử sang trợ giúp lực lượng "Lào Độc Lập" của hoàng thân Souphanouvong (sau này là lãnh tụ Lào cộng), đối đầu với quân đội Pháp : "Pháp muốn lật lại thế cờ, chuẩn bị mở lại chiến trường Lào….
Nếu giữ được quốc lộ 9 là ngăn chặn quân Pháp kéo về chiếm Khe Sanh và Lao Bảo, uy hiếp Đông Hà, Quảng Trị."
Dù chưa làm giấy tờ gia nhập, tác giả đã nhận nhiệm vụ khó khăn này trong khi không mảy may có một kiến thức quân sự và tình báo tối thiểu, gồm cả đến cách sử dụng võ khí, cũng như chưa từng bắn một phát súng nào từ trước.  Khi đảm nhiệm chưc vụ chỉ huy một trung đội  Đặc Vụ quân sự, tác giả và đơn vị lập tức lên đường đi Tchepone, Lào.
Tại đây, tác giả và thành viên trung đội được cố vấn của Lực Lượng Việt Minh huấn luyện về quân sự. Họ là cựu sĩ quan Nhật không chịu đầu hàng đồng minh, ở lại phục vụ trong hàng ngũ Việt Minh.
Nhiệm vụ của đơn vị này là thu thập và cung cấp tin tức về hoạt động của quân Pháp, còn đóng rải rác dọc quốc lộ 9, cho lực lượng Việt Minh. Tác giả bắt tay vào việc thiết lập màng lưới thu thập tin tức trong khu vực cho quân giải phóng.
Lực lượng Việt Minh quyết định tấn công quân Pháp ở NaKoi. Quân số của Việt Minh có chừng một tiểu đoàn hành quân trong khu vực này, trong khi đó lực lương của Pháp là một trung đoàn đóng rải rác trong khu vực. Việt Minh tấn công trước. Quân Pháp rất mạnh. Cuối cùng, Việt Minh yếu thế, phải rút lui, chạy về Mường Phin. Bất ngờ quân Pháp truy kích và bao vây căn cứ. Bộ đội Việt Minh chỉ chống đỡ cầm chừng, rồi tìm cách chạy trốn, rồi phân tán trú ẩn trong các nhà của dân chúng địa phương.
Vào tháng 12 năm 1945, Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Trung Bộ cử viên chính ủy đến Khe Sanh để họp với các chỉ huy lực lương Việt Minh từ Lào về. Kết thúc buổi họp, tác giả đưa ra một nhận xét trái ý viên chính ủy ấy, và ngay sau đó được chỉ huy trưởng Lực lượng Việt Minh cảnh giác rằng tác giả sẽ bị rắc rối về sau và cùng với lời khuyên của viên cố vấn quân sự người Nhật rằng tác giả nên rời khỏi Lào "càng sớm càng tốt, và nên vào Nam hay ra Bắc, chứ đừng về Huế, vì nơi đó trong vòng kiềm tỏa của viên chính ủy và tay chân bộ hạ của anh ta". Đồng thời, tác giả nhận được điện tín bằng mật mã của người bạn, làm trong Ban Đặc Vụ ở Huế khuyên tác giả phải rời khỏi Lào gấp, vì "viên chính ủy đã vu cáo tác giả là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng." Đó là một 'thành phần phản động, vô cùng nguy hiểm". Như vậy, tính mạng tác giả đã thực sự bị đe dọa trước mắt.
Tác giả rời Lào vào tháng 1 năm 1946, rồi trở lại Hà nội.
 
II. DẤN THÂN VÀO HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Trở ra Hà nội lần này, tác giả ghi danh vào trường Dược để tránh nhòm ngó và theo dõi của Việt Cộng. Với ngụy trang đó, được sống tại Đông Dương Đại Học Xá khoảng 5 hay 6 năm về trước, tác giả lăn xả vào họat động.
Từ tháng 2 năm 1946, tác giả tuyên thệ gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng tại Hà nội.
Công tác đầu tiên được giao là làm Trưởng Ban Báo Chí Nội Thành. Nhiệm vụ là thu góp, biên soạn, sản xuất và phân phối các tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho đảng viên và ra ngoài quần chúng. Ngoài ra, tác giả còn được giao công tác đặc biệt mà Đảng Trưởng ra lệnh.
Vào thời đểm này, Việt cộng hoạt động mạnh và có một ưu thế tại Thủ Đô kể từ khi chúng cướp được chính quyền từ 19 tháng 8 năm 1945. Lực lượng tình báo của chúng rải ra khắp nơi để ám sát bắt cóc, rồi đem thủ tiêu những người mà chúng cho là kẻ thù hoặc chống lại chúng. Tại Đại Học Xá, có một chi bộ Cộng Sản chuyên lo công tác này, dưới danh nghĩa Sinh Viên Cứu Quốc. Một số bị sa bẫy và bị thủ tiêu. Đó là trường hợp Phan Thanh Hòa, sinh viên Nha Khoa, bị Sinh Viên Cứu Quốc dụ lên Phú Thọ và thủ tiêu tại đó. Phan Thanh Hòa là anh ruột chị Phan Thanh Bình, về sau là chị Nguyễn Tôn Hoàn. Ngoài khuôn viên Đại Học, biết bao nhiêu trí thức yêu nước, không chịu hợp tác với Cộng Sản, hay thuộc Đại Việt hoặc Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng bị Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp tương tự. Đảng Trưởng Đại Việt là Trương Tử Anh có tin cho biết là bị  mất tích tại Hà Đông và bị thủ tiêu vào thời gian tháng 12 năm đó (1946). Lãnh tụ Lý Đông A của Đại Việt Duy Dân cũng ở trong tình trạng như thế. Đặng Vũ Trứ, con trai BS Đặng Vũ Lạc bị mất tích v.v..
Hoạt động báo chí kể cả phân phối tài liệu học tập trong hoàn cảnh này rất khó khăn, phải được ngụy trang cẩn thận tránh sự phát hiện của tình báo Cộng Sản. Kể cả khi di chuyển trên đường phố, cũng phải canh chừng. Sinh sống hàng ngày, nhất là ở khu tập thể như Đại Học Xá cũng phài tính toán như thế nào để Sinh Viên Cứu Quốc, không nghi ngờ, dù chúng thường xuyên rình mò, theo dõi.
Nhân dịp này, tôi thấy cần nhấn mạnh đến phương thức liên lạc để hiểu biết các khó khăn, gian khổ của các nhà cách mạng Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này. Mọi liên lạc để báo cáo hay nhận chỉ thị lên hay từ cấp trên xuống được bố trí nghiêm ngặt để sống còn. Và chỉ có một đường dây duy nhất với một người được chỉ định để bị tránh tiết lộ và đề phòng cả trường hợp phản bội.
Trường hợp của tác giả, thì chỉ nhận lệnh của Đảng Trưởng Trương Tử Anh qua phái viên duy nhất phụ trách liên lạc, Nguyễn Tất Ứng, (về sau là Bộ Trưởng Xây Dựng Nông Thôn của Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, và bị tử nạn máy bay sau ít tuần lễ nhậm chức). Chỉ thị là lên đường về Huế làm phụ tá Xứ Ủy cho BS Bửu Hiệp. BS Hiệp đã được cử vào Trung phục vụ với cương vị Xứ Ủy trước đó. Cùng một phương thức liên lạc qui định trước, BS Nguyễn Tôn Hoàn cũng nhận được lệnh mật như vậy để trốn tránh VC vì "đang bị theo dõi để ám sát". Một hôm đang khám bệnh tại bệnh viện Phủ Doãn nằm trên đường Quán Sứ Hà Nội, BS Hoàn được lệnh của chính Đảng Trưởng qua một phái viên phụ trách liên lạc là phải rời bỏ công việc tức khắc và được một người hướng dẫn ngay đến một ngôi nhà ở đường Quan Thánh, vì VC đang theo dõi khắt khe. Nằm trên căn gác một ngôi nhà được vài ngày, BS Hoàn được bí mật đưa xuống Hải Phòng và từ ở nơi đây một người đồng chí tên là Minh đưa xuống một chiếc thuyền đi Hồng Kông và được đưa lên Nam Ninh, Trung Hoa.
Cũng như trước đó không bao lâu, vào năm 1945, Đảng Trưởng Trương Tử Anh bí mật cử 2 đồng chí đầu tiên là Nhân và Tín vào Nam Kỳ để lập cơ sở và phát triển Đảng. Nhân là bí danh của GS Phạm Đăng Cảnh, có một thời gian làm Giám Đốc Nha Tư Thục Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. GS Cảnh hiện ở Rennes, Pháp. Tín là bí danh của GS Nguyễn Tấn Thành, thuộc trường Đại Học Luật Khoa, Sài gòn. GS Thành đã qua đời tại Niles, Pháp hơn 10 năm trước đây. Một người thứ 3 được cử vào Nam là Lễ. Lễ hay Mười Lễ là bí danh của Nguyễn Văn Hướng, về sau, năm 1967, làm Tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống cho TT Thiệu, trong những ngày đầu của chế độ đệ II Cộng Hòa. Có một người khác được đưa vào sau là Nghĩa, được nói là bí danh của Nguyễn Văn Kiểu, anh ruột của TT Thiệu, làm Đại Sứ tại Đài Loan cho đến khi Việt cộng chiếm Miền Nam Việt Nam.
LÀM XỨ ỦY TRUNG KỲ.
Ngày 19 tháng 11 năm 1950, Việt Minh ám sát BS Bửu Hiệp. Đóng vai trò một bệnh nhân, cán bộ ám sát Việt Minh xin vào khám bệnh mà phòng mạch đặt tại nhà ở Huế. Tên sát nhân bắn nạn nhân vào đầu trong lúc đang ăn cơm và BS Hiệp gục chết tại chỗ. Tên sát nhân về sau đã đền mạng.
Tác giả được lệnh thay thế BS Hiệp, để phát triển Xứ Ủy Trung Kỳ từ đó. Cho đến 1950, Đại Việt đã phát triển rất mạnh ở Huế. Nhiều người theo Việt Minh đã nhận ra được âm mưu của họ Hồ, nhiều thanh niên, trí thức biết rõ Việt Minh, nên đã bỏ hàng ngũ Việt Minh và gia nhập Đại Việt. Đó là nguyên do VC ám sát BS Bửu Hiệp. Đây là biện pháp khủng bố "làm nhụt nhuệ khí của Đảng Đại Việt."
Xứ Ủy Trung Kỳ "nhắm vào giới trẻ là thành phần tràn đầy năng lực để lôi cuốn giới sinh viên, đồng thời tìm cách đưa người vào các cơ quan chính phủ, nhất là chú trọng vào vấn đề an ninh tình báo để đối đầu với Cộng Sản nằm vùng". Chính vì thế mà chương trình bình định tại tỉnh Quảng Trị do cán bộ Đại Việt hỗ trợ dưới thời hai tỉnh trưởng Trần Điền (bị VC bắt và giết vào dịp Tết Mậu Thân ở Huế) và GS Nguyễn Văn Mân (hiện ở Texas) được ca tụng là rất thành công. Quảng Trị là một tỉnh địa đầu của Miền Nam, và dĩ nhiên cũng là mục tiêu ưu tiên của Cộng sản Bắc Việt nhắm vào, đặt hạ tầng cơ sở VC để từ đó làm đầu cầu thôn tính Miền Nam.
Đảng ủy Huế-Thừa Thiên được phát triển mạnh để làm bàn đạp cho Đại Việt phát triển.
 
III. VỤ BIẾN ĐỘNG VÀ CHIẾN KHU BA LÒNG
NGUYÊN NHÂN: tranh giành ảnh hưởng trong nội bộ gia đình họ Ngô.
Hiệp định Genève được ký vào ngày 21 tháng 7 năm 1954. Việt nam bị chia làm hai. Hiệp định qui định Việt Minh Cộng Sản (Cộng Sản) phải rút về bên kia vĩ tuyến 17, và ranh giới phân chia hai miền là cầu Hiền Lương, nằm trên sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Để thi hành hiệp định, CS phải rút quân đội ra khỏi căn cứ của chúng, tập trung lại để di chuyển ra Bắc (tập kết ra Bắc). Cũng nên để ý đến một sự kiện là tại một số nơi quân đội VC như Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam v.v.. quân Việt cộng đã chống trả quân đội quốc gia đến tiếp thu. "Máu đã đổ để thu hồi đất đai cho tổ quốc "
Thời gian này, Trần Điền là Tỉnh Trưởng Quảng Trị. Cán bộ Đại Việt ở địa phương "xung phong" hợp tác với tỉnh trưởng để tiếp thu các căn cứ địa ấy. "Chủ trương này được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm (lúc đó mới lên cầm quyền) chấp thuận, khi ông đi kinh lý Miền Trung hồi đầu năm 1955", tuy nhiên lại bị ngấm ngầm chống đối bởi một số người ngay tại địa phương". Hà Thúc Ký nhấn mạnh rằng họ là "chân tay của Cố Vấn Chỉ Đạo miền Trung, ông Ngô Đình Cẩn"… Mâu thuẫn này là nguyên nhân chính đưa dẫn tới sự đụng độ về mặt quân sự giữa hai bên, và đây là thực chất của nội vụ về sau này được gọi là Biến Động Ba Lòng". Vì tại địa phương, "cấp trên của tỉnh trưởng Trần Điền có những tính toán khác và quyết định hủy bỏ kế hoạch."
Vì quyết định quá đột ngột này, làm cho họ ngỡ ngàng và đẩy họ (cán bộ Đại Việt phụ trách đi tiếp thu Ba Lòng) vào hoàn cảnh không biết phải hành động thế nào cho phải. Rồi họ phản ứng theo cảm tính và chống trả..." Hồi ký có nói rằng " Đại Việt khi chống trả lại nhà cầm quyền địa phương và tuyên bố ly khai quả thật là sai trái."
Hà Thúc Ký viết: "Một số chi tiết không được giải thích: tại sao chính quyền địa phương lại đi ngược lại hẳn với chính quyền trung ương?. Họ không được giải thích? Rồi đến khi tấn công, họ không được một cơ hội biện bạch !"
Kế hoạch tiếp thu các căn cứ của VC gồm cả chiến khu Ba Lòng như thế nào? Tỉnh Trưởng đề nghị lên Trung Ương qua Tòa Đại Biểu Chính Phủ Trung Phần kế hoạch phối trí lực lượng và đã được chấp thuận như sau: Tỉnh có 10 đại đội cảnh bị (sau này gọi là Bảo An, rồi sau cùng là Địa Phương Quân) được sử dụng để tiếp thu căn cứ của VC. Mỗi đại đội gồn 150 người. Riêng tại căn cứ Cùa và  Ba Lòng, lực lượng tiếp thu là 4 đại đội. Sau khi tiếp thu, Ba Lòng sẽ trở thành một quận hành chánh kiểu mẫu. Đại Úy Nguyễn Ngọc Cứ được Tỉnh Trưởng cử làm Quận Trưởng, kiêm Tiểu Đoàn Trưởng. Sau Tết Nguyên Đán (1955), trong khi chờ đợi Sự Vụ Lệnh chính thức làm Quận Trưởng, Đại Úy Cứ được lệnh Tỉnh Trưởng đem hai Đại Đội lên Ba Lòng trước để chuẩn bị tiếp thu và gây dựng cơ sở. Đại úy Cứ chia lực lượng ra làm hai cánh: một đại đội đi đường thủy, ngược sông Thạch Hãn và một đại đội đi đường bộ lên Cam Lộ vào Ba Lòng qua ngả Kho Muối.
Hai đại đội còn lại tiếp tục ở Thị Xã, chờ làm lễ xuất quân chính thức, rồi lên đường.
Sau đó ít hôm, Tỉnh Trưởng Trần Điền ký sự vụ lệnh bổ nhiệm Đại Úy Cứ làm Quận Trưởng, kiêm Tiểu Đoàn Trưởng Cảnh Bị Ba Lòng, đồng thời ấn định ngày 19 tháng 2, năm 1955 làm lễ xuất quân. Buổi lễ được tổ chức trọng thể trước tòa Hành Chánh Tỉnh, dưới sự chủ tọa của Tỉnh Trưởng Trần Điền để  tiễn đưa tân Quận Trưởng và  2 đại đội Cảnh Bị còn lại lên đường.
Vào 8 giờ sáng ngày 19 tháng 2 năm 1955, trong lúc đang làm lễ xuất quân trước tòa Hành Chánh, tỉnh Quảng Trị, đột ngột nhận được công điện từ Huế đánh ra, ra lệnh đình chỉ chiếm đóng Ba Lòng.  Tỉnh Trưởng Trần Điền quyết định rằng đoàn quân cứ tiến hành theo chương trình đã định. Ông sẽ thương nghị với thượng cấp. Quyết định của Trần Điền bị Đại Biểu Chính Phủ coi là "bất tuân thượng lệnh'. Tỉnh Trưởng Trần Điền và Thiếu tá Hoàng Văn Hiền, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Bị (Bảo An) Tỉnh về trình diện Tòa Đại Biểu Chính Phủ. Sau đó, Tỉnh Trưởng được ra về, còn Thiếu Tá Hiền bị đưa sang Nha Bình Trị giam lỏng. Trần Điền phản đối và đòi ở tù tại Huế cùng với Thiếu Tá Hiền.
 
LỆNH GIẢI GIỚI TRỰC TIẾP BAN RA CỦA CỐ VẤN NGÔ ĐÌNH CẨN
Ông Ngô Đình Cẩn cho mời GS Nguyễn Văn Mân của Đại Việt đến, ra một tối hậu thư là các đơn vị ở Ba Lòng phải trở về thị xã và nộp tất cả võ khí. Ông Cẩn còn nặng lời rằng không tuân lệnh, thì sẽ bị dẹp, tới lúc đó tất cả sẽ vào ngồi tù. GS Mân khẳng khái trả lời: "Chúng tôi hân hạnh ở tù dưới chế độ cụ Ngô."
Năm ngày sau, Bộ Tư Lệnh Quân Khu II ra lệnh cho một Tiểu Đoàn Bộ Binh, một Đại Đội Thiết Giáp đưa Thiếu Tá Hiền về Quảng Trị, đến thẳng Văn Phòng Tỉnh Đoàn Bảo An, buộc ký lệnh thu hồi tất cả võ khí của các Đại Đội ở các quận và thị xã đem về nộp vào kho của tỉnh đoàn, buộc Thiếu Tá Hiền ra lệnh cho tiểu đoàn ở Ba Lòng trở về thị xã. Sau đó Thiếu Tá Hiền được trả tự do và tước hết quyền hành. Ngay chiều hôm đó, Thiếu Tá Hiền đi thẳng lên Ba Lòng. 
Ngoài ra, vì thấy chính quyền quyết định như vậy Thiếu tá Phạm văn Bôn,chỉ huy trưởung Tiểu Đoàn Khinh quân 610 đang đóng quân ở Quảng nam và  Đại Úy dù Phạm văn Đồng với một trung đội Dù nghe tin như  vậy, tuyên bố ly khai và kéo quân về Ba Lòng.
"Chính quyền đã dồn họ vào thế phải chống đối dù biết rằng đằng nào cũng gặp nguy hiểm", anh em Đại Việt quyết định "đã bị dồn vào chân tường, thì chỉ còn cách là 'họ đánh thì mình đỡ'. Đằng nào cũng vào tù, nhưng ngẩng mặt mà vào tù, không chịu áp bức, không chấp nhận bị sự bất công."
 
 QUÂN ĐỘI TẤN CÔNG BA LÒNG
Đệ Nhị Quân Khu điều động 3 tiểu đoàn thiện chiến nhất để lập thành Đoàn Quân Thứ Lưu Động lên Ba Lòng. Sau đợt tấn công đầu tiên không vào được mục tiêu, và chỉ huy trưởng chiến dịch là Trung Tá Phan Văn Cách không có ý định 'tàn sát lẫn nhau'. Bộ Tư Lệnh đệ II Quân Khu đưa Trung Tá Lê văn Nghiêm lên thay thế. Quân đội dùng công binh mở đường để đưa đại bác vào tận Đá Nổi để tác xạ vào Ba Lòng. Cầm cự đến ngày 9 tháng 3, 1955, quân trú phòng bị bất ngờ tiến vào phía sau, chiếm kho đạn và lương thực. Ba Lòng thất thủ. Lực lượng Đại Việt rút về Ba Hi, bên kia biên giới Lào.
Ngày 10 tháng 3, Ban Chỉ Huy quyết định giải tán lực lượng. Thiếu Tá Hiền và Đại Úy Cứ dẫn một số anh em về Quảng Trị. Họ bị giam ỏ nhà lao Thừa Thiên cho đến 1957, Tòa Quân Sự Huế mới đưa ra xét xử. Còn chừng 100 người ở lại và lén về ẩn náu tại làng Ven. Tại đây, một số chết dần vì bệnh tật, hoặc sa vào tay Việt Cộng. Ít người khác lẻn về Huế, rồi cuối cùng cũng bị bắt.
Chung cuộc, Tỉnh Trưởng Trần Điền bị cách chức và loại ra khỏi ngạch công chức. Những sĩ quan chỉ huy Ba Lòng, người thì bị án tù, khổ sai và một số vắng mặt bị khổ sai chung thân.
 
IV. NHÀ NGÔ ĐÀN ÁP ĐẠI VIỆT
Hồi ký nói: "Từ 1956, Đại Việt bị chính quyền dồn vào tình thế bất lợi. Các hoạt động của Đảng không những bị ngưng trệ và càng ngày càng lâm vào bế tắc".
 
Để làm sáng tỏ vấn đề này, hồi 1992, BS Nguyễn tôn Hoàn kể với tôi rằng "sau khi ông Diệm ở Mỹ về, thì thái độ của ông ấy thay đổi hẳn. Trước khi xuất ngoại, vì tôi là người đứng đầu phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình để vận động yểm trợ ông ấy. Ông ấy còn dặn ông Nhu rằng cần phải vận động khối Hòa Hảo và Cao Đài và phải nhờ BS Hoàn giúp liên lạc và giới thiệu. Ông Diệm còn nói rằng hai giáo phái đó không chấp nhận hợp tác với ông Nhu. BS Hoàn phải đích thân đưa ông Nhu đến gập các nhà lãnh đạo của hai khối này để giải quyết vấn đề hợp tác để ủng hộ ông Diệm. Nay thấy ông Diệm tỏ vẻ thờ ơ và có thêm được tin tức về âm mưu đàn áp đối lập đã lộ rõ. Ngay trong giai đoạn đầu cũng đã có tin việc thủ tiêu Nguyễn Bảo Toàn, Vũ Tam Anh (1)…. Tôi thấy có một mối nguy hiểm cho tôi. Tôi đến gặp ông Diệm và nói rằng tôi cần đi ngoại quốc. Ông Diệm hỏi tại sao tôi muốn đi như vậy. Tôi trả lời thẳng với ông Diệm rằng: "Nếu tôi ở lại, có ngày anh sẽ giết tôi." Kế đó, ông Diệm gọi ông Nhu vào văn phòng, bảo ông Nhu: "Làm thủ tục để BS Hoàn xuất ngoại."
 
Rồi, ngày 3 tháng 4 năm 1957, Tòa án quân sự Sài Gòn xử  tù một số đảng viên Đại Việt thuộc Xứ Bộ Miền Nam trong số này có ông Phan Thông Thảo; và ngày 7 tháng 10,1958 , tòa quân sự Nha Trang cũng xử một số Đảng viên Đại Việt. Thì dụ Bà Trương Thị Thỉnh, em ruột của Đảng Trưởng là một nạn nhân, bị 3 năm tù. Tất cả bị qui tội "phá rối trị an" và bị án tù, dù họ không có liên hệ gì đến vụ Ba Lòng. Ngoài ra, Trương Tử An, một em ruột khác của Đảng Trưởng Đại Việt bị thủ tiêu vào giai đoạn này. (2).
 
V. ĐÓNG GÓP VÀO CÔNG VIỆC XÂY DỰNG DÂN CHỦ, TỰ DO Ở THƯỢNG TẦNG
 
A). CỦNG CỐ LỰC LƯỢNG QUỐC GIA TRONG CÔNG CUỘC GIÀNH CHỦ QUYỀN DÂN TỘC KHỎI TAY NGƯỜI PHÁP, VÀ  THAM DỰ VÀO CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG PHÁT HUY CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA
 
1. PHONG TRÀO ĐẠI ĐOÀN KẾT VÀ HÒA BÌNH, 1953.
Tình hình đất nước vào năm 1953 rất bấp bênh, lòng dân phân tán. Các phe phái dằng co, những người chủ trương Nam Kỳ tự trị sau khi thất bại âm mưu của họ tỏ ra bất mãn và chống đối tích cực. Thục dân Pháp đã được người Anh thỏa hiệp cho vào Sàigon, và Tàu nhượng cho Pháp vào Miền Bắc và nay ở trong vị thế lăm le  đặt ách thống trị trở lại, dù Pháp đã ký hiệp ước trao trả độc lập cho Việt nam.
Về phía Việt minh, thì Hồ chí Minh đã  được Mao viện trợ quân trang, quân dụng để phát động đấu trang võ trang qui mô. Mao cử  Trần Canh sang làm cố vấn về mặt quân sự, viện trợ quân trang quân dụng cho Hồ để đánh Pháp. Dưới sự chỉ đảo của Trần Canh, quân Việt Minh thắng trận đầu tiên tại Cao bằng, Lạng sơn (1950),  rồi những năm kế đó,  dồn quân Pháp lui vào vùng Trung Châu, Bắc Phần, gây rối tại nhiều khu vực do Pháp kiểm soát. Dưới sụ lãnh đạo chính trị của Lã quí Ba, Hồ cải tổ chính quyền, chuẩn chị công cuộc Cải Cách Ruộng Đất, thiết lập hệ thống thuế để củng cố thế lực. Tại Miền Bắc Trung Phần,  Việt minh cộng sản kiểm soát được nhiều nơi và các vùng phía Nam Trung Phần trở thành các khu vực tranh chấp giữa Pháp và Việt minh.
Trước tình thế đó, các lãnh tụ Đại Việt quốc dân Đảng của ba miền: BS Nguyễn đình Luyện thuộc Xứ ủy Bắc Kỳ, BS Nguyễn tôn Hòan, Xứ ủy Nam Kỳ, và Kỹ sư Hà thúc Ký, Xứ ủy Trung Kỳ họp và quyết định ra thành lập Phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình. Mùa thu năm 1953, phong trào ra đời. Mục đích là kêu gọi Quốc trưởng Bảo Đại "cải tổ định chế (cơ cấu chính quyền), thay đổi nhân sự để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của tình thế và áp lực với Pháp trao trả độc lập thực sư cho Việt nam."
Phong trào được thành lập và tại 3 Miền Nam Trung Bắc, mỗi miền có một Ban Đại Diện. Tại Trung  Phần, Ngô đình Nhu làm chủ tịch và tác giả làm Phó. Sự việc này chứng tỏ một điều là Đại việt nói chung và tác giả nói riêng , vì ý thức quyền lợi và tương lai của  dân tộc, đã vận động thành lập Phong trào với mục đích đòi lại chủ quyền thực sự cho dân tộc khỏi tay của thực dân Pháp. Chúng có âm mưu đặt ách thống trị trở lại, sau khi chúng đã bị Nhật bản đảo chánh chừng một thập niên trước đó. Hơn thế nữa, tập hợp này sẽ  tạo một sức mạnh của toàn dân chống lại sự bành trướng của Công sản Việt nam có sự tiếp sức và chỉ đạo của Cộng sản quốc tế, nhất là của Tàu cộng. Ngô đình Nhu với tư cách là Chủ Tịch Phong Trào tại Trung Phần lại lập thêm một bộ phận tham mưu riêng gồm một số tay chân thân tín tại Sài gòn (Nam Phần), ở nơi đây là phạm vi hoạt động đã được giao cho BS Nguyễn tôn Hoàn chịu trách nhiệm.  Bộ phận này của Ngô đình Nhu chống lại một số người Ban chỉ đạo Phong trào của Miền Trung và như đã nói, chính Ngô đình Nhu làm Chủ tịch. Để giải quyết mâu thuẫn nội bộ này, Đại Việt cử ông Đoàn Thái ( hiện cư ngụ tại Fort Smith , AR )  làm trung gian, tiếp tay hòa giải.
Ngày 6 tháng 1, 54  Phong trào ra mắt tại Sài gòn với 100 đại biểu của các tố chưc thành viên. Tại buổi họp này, Phong trào biểu quyết một lá thư gửi Quốc trưởng Bảo Đại thỉnh nguyện cải tổ định chế, triệu tập Quốc Hội và ban hành Hiến pháp. Phong trào 'hậu thuẫn cho Ngô đình Nhu và nhóm công giáo ủng hộ Ngô đình Diệm, vả gây được tiến vang khắp ba Kỳ'.
Về mục tiêu giành lại chủ quyền, thì "ngày 4 tháng 6 năm 1954, Thủ tướng Pháp Lauriel và Thủ tướng Việt nam Bửu Lộc ký thỏa ước thi hành Hiệp Định Elysée để kiện toàn độc lập cho Việt nam."
Phong trào Đoàn Kết và Hòa Bình lúc đầu gồm nhiều nhận vật, gồm cả những người thân Pháp. Về sau, Phong trào chỉ còn gồm có Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Phục Quốc Hội, Phục Quốc Quân,các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và các tổ chức Công Giáo.
 
2. MẶT TRẬN DÂN CHỦ XÃ HỘI QUỐC GIA,1969.
Vào thời kỳ sau Tết Mậu Thân (1968), phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao, gây một áp lực mạnh đối với chính quyền Hoa Kỳ. Mục tiêu  của chúng là đòi hỏi cắt đứt mọi hỗ trợ tài chánh cho Việt nam Công Hòa, và rút quân đội Mỹ ra khỏi Miền Nam, để Miền Nam tự chống đỡ lấy, tự  mình chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản quốc tế mà Cộng sản Việt nam  là một thừa sai.
Để làm nhẹ bớt áp lực đó, Đại sứ  Bunker, đại diện chính quyền Hoa Kỳ kêu gọi các đảng phái quốc gia tập hợp xung quanh chính quyền của TT Thiệu thành một tập thể rộng lớn, hỗ trợ cho mục tiêu chống lại Cộng sản mưu toan đánh chiếm Miền Nam.
Tôi và chủ tịch Hà thúc Ký đi họp một số buổi  họp với các chính đảng có biểu lộ ý định ngồi lại với nhau trong Mặt Trận.
Tromg buổi cuối cùng, mở rộng gọi là khoáng đại hội nghị của các chính đảng gồm khoảng 100 đại biểu  của các chính đảng ấy do Nguyễn văn Hướng triệu tập, các đại biểu bầu 3 đại diện lên làm chủ tọa đoàn để điều khiển Hội Nghị. Ba đại diện đó là Trịnh quốc Khánh, Ngô Khắc Tỉnh và tôi. Tôi đề nghị một cuộc hội ý riêng, tại chỗ giữa 3 người chúng tôi  để xác định qui tắc và phương pháp sinh hoạt  cho hữu hiệu, cũng như đề cử  một người làm đại diện của chủ tọa đoàn đứng ra điền khiển  hội nghị. Chủ tịch Khánh và Dược sĩ Tỉnh đồng thanh cử tôi  lãnh trách nhiệm này, vì lý do " trẻ hơn và năng động…"
Chúng tôi đã hoàn tất nhiệm vụ một cách tốt đẹp và Mặt Trận đã ra đời.
Chủ đích của Đại Việt Cách Mạng tham gia Mặt Trận, không phải chỉ để tiếp tay cho chính quyển Hoa Kỳ phản ứng lại phong trào phàn chiến tại Mỹ. Đại Việt Cách Mạng còn muốn đóng góp thực sự  vào công tác bảo vệ "hạ tầng " chống lại sự khuynh loát của Cộng sản. Đó là loại các phần tử VC nằm vùng tại nông thôn ra khỏi thôn ấp, củng cố và lành mạnh chính quyền nông thôn để từ đó xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Vào thời điểm này, tài liệu nghiên cứu của tôi cho biết rằng với trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, hạ tầng cơ sở của Việt Cộng đã bị vỡ nát. Con số chi bộ VC được ước tính chỉ còn độ 400 trên toàn quốc. Tuy nhiên các chi bộ này không toàn vẹn. Có chi bộ chỉ còn bí thư. Chi bộ khác còn một vài ủy viên… Chúng phải lẩn trốn, y như thời kỳ sau hiệp định Genève.
Tôi là người viết kế hoạch để Chủ Tịch Ký đưa ra cho Hội Đồng Chỉ Đạo của Mặt Trận có trụ sở ở đường Bà Lê Chân, Sàigon, thuyết phục các thành viên đóng góp sức mình vào công tac trọng đại này.
 Không một  chính đảng trong Mặt Trận  có thực lực dải rộng trên toàn lãnh thổ. Vì thế kế hoạch trù liệu sự phối trí nhân sự và hoạt động linh động. Ở nơi nào một đảng nào mạnh nghĩa là nhiều đảng viên đảm nhiệm công việc nặng nhọc hơn, với sự hỗ trợ của cá đảng khác. Ở những nơi không có hiện diện của một đảng nào, chính quyền địa phương phải lo bố trí nhân sự thay thế. Điểm quan trọng là các cơ sở của Mặt Trận ở địa phương có nghĩa vụ cung cấp tin tức về 'hạ thầng cơ sở 'của VC để  chính quyền quyết định. Như vậy, Mặt Trận không dẫm chân lên chính quyền, hay cản trở hoạt động của chính quyền..
Trong cái gọi là chiến tranh nhân dân của Mao trạch Đông mà Hồ được huấn luyện để thực hiện, thì đơn vị đảng CS  ở hạ tầng đóng vai trò quan trọng. Ngoài công tác kiểm soát dân chúng bằng bạo lực ( khủng bố), hạ tầng cơ sở của VC là các chi bộ đảng thu thuế bằng nhất là hiện vật ( như lúa gạo) và  huy động ( bắt buộc) nông dân vận chuyển lúa gạo để tồn trữ ở một nơi nào đó khi quân đội hành quân đi qua có lương thực để ăn. Hạ tầng cơ sở VC còn làm nhiệm vụ tình báo, nghĩa là tìm kiếm và cung cấp tin tức cần thiết để cho quân đội hành quân…. Muốn lảm được hai công tác này (
dĩ nhiên còn nhiều công tác khác), đơn vị Đảng  ấy ở nông thôn luôn sử dụng mọi biện pháp có thể có để đạt mục tiêu của chúng. Hạ tầng VC là người trong thôn xóm. Chúng biết từng người trong thôn ấp. Chúng dùng mọi thủ thuật để vận động mỗi cá nhận, từng cá nhân vào họat động mà chúng muốn, quan trọng hơn hết bằng là bạo lực, kể cả khủng bố: ám sát, giết chóc v.v.. nếu cần.  Mọi cá nhân đều sợ, nên phải 'thi hành.' Nhiều cá nhân bị áp lực nhận công tác nhỏ  như vậy, góp vào thành công việc lớn. Tuy nhiên, ở nơi nào VC không xâm nhập được, vì không có 'hạ tầng cơ sở nằm vùng", VC không làm gì được. Đó là vùng Hòa Hảo. Đó là vùng người công giáo sống  tập trung. Nhiều khu vực Quảng trị, Thừa thiên, Quảng nam, Quảng ngãi, Qui nhơn,  Phú yên,  ở những nơi Đại Việt và VNQDD mạnh,  lả những thí dụ khác. Điều quan trọng trong Kế hoạch này là các đảng phái tại nông thôn là một tập thể bảo trợ cho các cá nhân, nên VC không thể hay khó có thể vận dụng được. Hơn nữa, mỗi cá nhân biết được có đoàn thể của mình hậu thuẫn, hướng dẫn, nên có can đảm đứng ra 'tố cáo' các phần tử khả nghi hay nằm vùng (các vùng Hòa Hảo và Công giáo cũng vậy) qua tập thể của mình. Còn mỗi cá nhân riêng rẽ  ở nông thôn bị  VC tiếp xúc, thường giữ kin đáo, lặng yên vì sợ, nhất là ám sát hay bắt cóc là biện pháp VC thường sử dụng  Trong tình thế này, họ thường bị lôi cuốn vào vòng ảnh hưởng của VC. Đó là điểm mấu chốt cho sư thành công trong công tác vận động của CS.
 
Kế hoạch này chẳng bao giờ được mang ra thi hành. Khi viết kế hoạch, tôi không có ảo tưởng rằng Chủ tịch Đoàn, dĩ nhiên  TT Thiệu lả Chủ tịch của chủ tịch đoàn, có thể hiểu được tầm quan trọng của vấn đề để giải quyết cuộc chiến do CSVN xâm lược. Hơn nữa, những kẻ được đưa vào ngồi trong chính quyền, trung ương cũng như địa phương , dù bằng phương cách nào đi chăng nữa cũng chỉ muốn độc quyền hành động, không muốn chia sẻ quyền hành với bất cứ ai, kể cả e ngại những dòm ngó của kẻ khác…, dù kế hoạch này qui định các ủy ban Mặt Trận  địa phương là một bộ phận tư nhân, đóng góp cho chính quyền bằng cách thu lượm, đánh giá tin tức về VC nằm vùng, giúp cho chính quyền thực hiện công tác bình định trong phạm vi trách nhiệm của họ.
 
Tác giả  cuốn Sống Còn Với Dân Tộc khi nói về Mặt Trận bị giải thể, nhấn mạnh rằng các thành viên trong Chủ Tịch Đoàn ra đi "không kèn , không trống" . Trái lại, lễ  khai mạc được tổ chức tại rạp Rex ở Sàigòn, long trọng, 'rầm rộ'.
Tại sao như vậy, tôi nghĩ rằng TT Nguyễn văn Thiệu , chủ tịch Mặt Trận cảm thấy đã đạt mục tiêu về phía Mỹ đòi hỏi rồi, và không cần có lực lượng  nào hẫu thuẫn nữa. Đó là chưa kể đến sự kiện là suốt trong thời gian gọi là hoạt động của Mặt Trận, chẳng có gì xảy ra, ngoài một số buổi họp chiếu lệ, tẻ nhạt, của các chủ tịch trong Chủ tịch đoàn chỉ có tính cách tượng trưng để quảng cáo hay tô vẽ vẻ đẹp cho chế độ. Ông Thiệu cũng chẳng đến họp. Người ta có cảm tưởng rằng các chính đảng tham dự bị TT Thiệu cầm chân. Sau đó, hầu hết các chính đảng có chân tromg Mặt Trận đứng vào vị trí chống đối với TT Thiệu.
Các sự kiện này đưa đến một giải thích thứ hai là âm mưu của TT Thiệu là tiến tới độc tài. Ông Thiệu  cho lập đảng Dân Chủ  với phương tiện của chính quyền để nắm trọn quyền hành trong tay, dù trước đó đã  phải ứng cử độc diễn. Với Luật ủy Quyền được Quốc Hội thông qua để chuẩn bị  ứng cử nhiệm kỳ 3,  với qui chế chính đảng mới thay thế qui chế đã ban hành trước, TT Thiệu đã lộ rõ âm mưu này. Sắc Luật 060 vào ngày 27 tháng 12, 1972 ( trước ngày hết hạn ủy quyền), đòi hỏi các chính đảng phải tái tổ chức trên phạm vi toàn quốc hay là bị giái tán. Rồi đến các luật lệ tiếp theo ban hành vào tháng 5, 1973, giải tán 26 chính đáng hợp pháp. Các đảng đó đã hội đủ điều kiện và đã đăng ký ở Bộ Nội Vụ theo luật Qui Chế Chính Đảng và  đang hoạt động. Nay  chỉ để một mình Đảng Dân Chủ của TT Thiệu hoạt động mà thôi. (3)
Từ 1969, TT Thiệu quá say mê củng cố quyền hành, tập trung nỗ lực quốc gia vào mục tiêu này để tiến tới nắm trọn quyền hành trong tay. TT Thiệu đồng thời cố gắng làm sói mòn lực lương chính trị quốc gia, đến nỗi vào tháng tư 1975, không còn ai cộng tác vào  lúc phải  huy động mọi lực lượng chính trị, cải tổ nội các để đối đầu với Tổng Công Kích của VC nhằm chiếm đoạt Miền Nam.
Thực là thảm thương cho quân dân Miền Nam .
 
Mặt Trận gồm 6 đoàn thể: Việt nam Quốc Dân Đảng  (gồm phân bộ Vũ hồng Khanh ( Bắc) hợp tác với phân bộ  Nguyễn hòa Hiệp ( Nam, có sự tham dự của LS Trần văn Tuyên), Lực lượng Đại Đoàn Kết  (Nguyễn gia Hiến), Nhân Xã Đảng  (Trương Công Cừu), Lực Lương Tự Do Dân Chủ (Nguyễn văn Hướng), và Dân Chủ Xã Hội Đảng  (Trình Quốc Khánh của Hòa Hảo) và  Đại Việt Cách Mạng.
 
Về sức mạnh của Mặt Trận, GS John C. Donnell  trong  bài  thượng dẫn của cuốn sách trên, trang 156, có trích dẫn từ tài liệu  " South Vietnam: Neither War nor Peace" của  Allan E. Goodman đăng trong  Asian Survey (Feb 1970), nói rằng tập hợp này tượng trưng cho 40% lực lượng quốc gia dựa trên kết quả bầu cử 1967. 
 
B). ĐÓNG GÓP VÀO XÂY DỰNG NỀN TẢNG CHO CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ PHÁP TRỊ
 
1.  DẠI VIỆT CÁCH MẠNG VÀ HIẾN PHÁP VNCH 1967.
 
Hiến Pháp là văn kiện căn bản thiết lập cơ quan chính quyền của quốc gia trong một chế độ dân chủ pháp trị.
Trước sự xáo trộn gây ra do các tướng lãnh tranh giành quyền lực, và sự lủng củng của chính phủ dân sự Phan khắc Sửu- Phan huy Quát để tiến tới chính phủ quân nhân nắm quyền.  Ban lãnh đạo Đại Việt Cách Mạng đưa ra  kế hoạch 9 điểm để đối phó với tình hình: tuyên bố lập trường đối với quốc tế, đối với Cộng sản , kêu gọi áp dụng các biện pháp cần thiết để chống lại Cộng sản.  Kế hoạch ấy được công bố vào tháng 5 1965.   Điểm 3 của kế họach nói " Để có chính nghĩa đấu tranh, chính phủ phải nỗ lực tạo dựng điều kiện tiến tới việc tổ chức bầu cử một Quốc Hội Lập Hiến, soạn thảo một Hiến Pháp dân chủ. Sau khi Hiến Pháp được ban hành, phải tổ chức bầu cử các cơ cấu quyền lực quốc gia, thành lập chính quyền dân cử". Mục đích  điều 3 này là ngăn ngừa  cánh quân nhân có tham vọng nắm trọn quyền hành trong tay ngõ hầu tiến tới độc tài quân phiệt. Như thế là một thảm họa cho Miền Nam . Tránh được độ tài nọ, dân tộc lại phải gánh chịu một độc tài khác, để  rồi sẽ dẫn đến độc tài toàn trị của Cộng sản. Hai phương pháp được áp dụng: Một mặt phải vận động với tướng lãnh có ảnh hưởng trong chính quyền quân nhân, vì tất cả thành viên đều là quân nhân chuyên nghiệp, và mặt khác phải phát biểu quan điểm để làm áp lực. Do đó, có một số cuộc biểu tình đã được tổ chức tại Miền Trung (10 tháng 5, 1965: Tam Ký, Quảng Tín; 17 tháng 5: Hương Trà, Thừa Thiên; 24 tháng 5: Triệu Phong), và tại Miền Nam, ngày 7 tháng 5: Phước Ninh ( quận ChâuThành) Tây Ninh, 31 tháng 5: thị xã Sóc Trang, Ba Xuyên  để đòi hỏi ban hành một đạo luật bầu cử quốc hội lập hiến. Chính quyền quân nhân nhượng bộ, tỏ thiện chí muốn cải tiến chế độ. Vì vậy, các cuộc biểu tình tiếp theo bị hủy bỏ.
 
         Tham dự Bầu Cử Quốc Hội Lập Hiến
 Đại Việt Cách Mạng đã tham dự bầu cuộc cử Quốc Hội được tổ chức ngày 11 tháng 9, 1966 để làm ra một Hiến pháp làm căn bản cho sinh hoạt quốc gia. Trong tổng số 117 dân biểu được bầu, Đại Việt có được 9 dân biểu và 2 cảm tình viên.
Trong Quốc Hội này có 3 Khối, một dân biểu của Đại Việt Cách Mạng là GS Nguyễn văn Ngải được bầu làm Trưởng Khối của một trong 3 Khối. Đó là Khối Đại Chúng.  Ngay trong giai đoạn đầu, đó là một Khối có đa số áp đảo gồm hơn 60 ghế. Khối này có khuynh hướng độc lập.  Các dân biểu khác của Đại Việt được bầu nắm chức vụ trong  ban lãnh đạo Quôc Hiệp Lập Hiến là: Hoàng xuân Tửu, đệ II Phó Chủ Tịch; Mai  đức Thiệp, Chủ Tịch Ủy Ban Kiểm Tra Kế Toán, Nguyễn hữu Đức, Thuyết trình viên Dự Luật Qui Chế Chính Đảng. Một Dân biểu khác là LS Đinh thành Châu, hiện làm chủ nhà hàng Kobe ở Santa Clara, CA được bầu là Chủ Tịch Ủy Ban Thảo Hiến.
Sau 6 tháng làm việc, ngày 1 tháng  4 năm 1967 Quốc Hội này đã cho ra đời một bản Hiến Pháp làm nền tảng xây dựng nền đệ II Cộng Hòa(4)
 
 
2. THAM DỰ VÀO SINH HOẠT TRONG NGÀNH HÀNH PHÁP VÀ LẬP PHÁP.
HIẾN PHÁP VNCH 1967 thiết lập Tổng Thống Chế và quốc hội theo chế độ lưỡng viện, gồm Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện.
A. Bầu cử Tổng Thống: Hiến pháp qui định nhiệm kỳ Tổng Thống là 4 năm. Bấu cử Tổng Thống đầu tiên của đệ II Cộng Hòa được tỗ chức ngày 3 tháng 9 năm 1967.  ĐVCM có liên danh Hà thúc Ký- Nguyễn văn Định với danh hiệu Bông Lúa. Về kết quả bầu cử, thì trong tổng số 11 liên danh, Liên danh Bông Lúa đứng hàng thứ 5.
B. Thượng Viện:
Hiến Pháp 1967 qui định Thượng Nghị Viện VNCH gồm 60 Nghị sĩ. Để bầu 60 nghị sĩ này, các ứng viên phải được tập hợp thành từng liên danh 10 người. Như vậy, cuộc bầu cử đầu tiên sẽ chọn 6 liên danh. Nhiệm kỳ của Thượng viện là 6 năm. Thượng viện cũng  được tổ chức  bầu cử  vào ngày 3 tháng 9 năm 1967.  Đại Việt Cách mạng có một liên danh đắc cử. Đó là liên danh Bông Lúa. Tại cơ quan này, Hoàng xuân Tửu được bầu làm đệ II Phó Chủ tịch; Nguyễn văn Ngải , Chủ tịch Ủy Ban Kinh tế; Phạm nam Sách, Chủ tịch Ủy ban Định Chế Tư Pháp; Nguyễn văn Kỷ Cương, Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa Giáo Dục.
C. Hạ Viện: Trong các nhiệm kỳ 1967-1971, 1971-1975 có 18 dân biểu.
Về cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện, được tổ chức vào tháng 9 1970. Nhiệm kỳ Thượng Viện là 6 năm. Để cho sinh hoạt Thượng viện không bị gián đoạn, Hiến Pháp 1967 qui định rằng cuối năm thứ 3 của pháp nhiệm I, sẽ có một cuộc rút thăm để giữ lại 1/2  là 30 thành viên và  1/2  phải ra đi. Như vậy vào năm 1970, sẽ có cuộc bầu cử bán phần để thay 30 người phải ra đi. Chủ tịch Hà thúc Ký cử tôi đứng đầu liên danh cũng lấy danh hiệu Bông Lúa. Liên danh gồm 10 đảng viên: Nguyễn văn Canh; Đặng văn An ( trung tá Quân đội); Đoàn Ý ( Luật sư); Nguyễn Bào ( Giáo sư Đại Học); Nguyễn đình Hoan ( Giáo sư Đại Học);  Nguyễn văn Mân ( cựu Giáo sư, cựu Thượng Nghị sĩ, pháp nhiệm I); Tôn thất Uẩn ( Kỹ sư  Điện, cựu Thượng Nghị sĩ , pháp nhiệm I); Mai đức Thiệp ( Đốc sự, cựu Thượng nghị sĩ, pháp nhiệm I); Nguyễn văn Đại ( Luật sư) và Nguyễn văn Kỷ Cương ( Giáo sư Đại Học, cựu Thượng nghị sĩ Pháp nhiệm I).
Kết quả được Hội Đồng Bầu Cử tuyên bố ngày 14 tháng 9, 1970: liên danh Bông Lúa được 628,992 phiếu, đứng thứ 6, trong khi đó theo Hiến pháp qui định, thì chỉ chọn 3 liên danh đứng đầu mà thôi.
Ngoài ra, nhiều đảng viên ĐVCM tham dự vào các cơ quan quyết nghị tại các cấp địa phương như Hội Đồng Tỉnh, Thị Xã, và các Xã khắp nơi trên toàn quốc.
 
Chủ tịch Hà thúc Ký làm Tổng trưởng Bộ Nội Vụ trong một thời gian ngắn vào 1964  và Hồ văn Châm được cử làm Tổng trưởng Chiêu Hổi (1969).
 
3. THAM DỰ VÀO CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN  HẠ TẦNG CƠ SỞ MÀ MỤC TIÊU LÀ LOẠI TRỪ VC NẰM VÙNG RA KHỎI NÔNG THÔN.
 
TẠI MIỀN TRUNG:
A)  CÔNG TÁC BÌNH ĐỊNH TẠI QUẢNG TRỊ dưới thời Trần Điền làm Tỉnh trưởng
Quảng Trị là một tỉnh địa đầu giới tuyến đầy dãy cán bộ cộng sản nằm vùng. Trần Điền, xuất thân là Tri Huyện, được Ngô đình Diện khi chấp chánh bổ nhiệm làm tỉnh trưởng. Biết tới khả năng và thực lực của Đại Việt, Trần Điền tìm đến  sự hợp tác của Đại Việt, nhất là phải đối phó với Việt Minh Cộng Sản trong thời gian chuyển tiếp sau Hiệp Định Genève  được ký kết. Tỉnh đã  đạt: "kết quả vô cùng tốt đẹp là mới hơn nửa năm, tỉnh Quảng trị đã  vãn hồi an ninh và phát triển kinh tế, ổn định đời sống." Thủ tướng Diệm đến kinh lý Quảng trị vào đấu tháng 1 năm 1955 đã "khen ngọi và ban thưởng Bảo Quốc Huân Chương cho Trần Điền."
B). CÁN BỘ ĐẠI VIỆT TRONG TỔNG ĐOÀN XÂY DỰNG NÔNG THÔN VÀ CẢNH SÁT THỪA THIÊN, VỚI VỤ BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG.
Vào tháng 4 năm 1966, Việt cộng lợi dụng thay đổi phương vị Tư Lệnh Quân Đoàn I của Tướng Nguyễn chánh Thi ( bị bãi chưc ngày 10 thảng 3, 66) xúi dục nhóm phản động Miền Trung dưới danh nghĩa Phật Giáo đấu tranh, chống lại chính quyền trung ương. Chúng đốt phá thư viện của Hoa Kỳ tại Huế, đốt luôn cả tư gia của Tỉnh trưởng, Trung tá  Phan văn Khoa, xúi dục đồng bào Phật tử đưa bàn thờ Phật xuống đường gây xáo trộn, cản trở lưu thông làm mất trật tự của thành phố Huế. Tình trạng hỗn loạn, có thể nói là vô chính phủ, bất chấp luật pháp của nhóm đấu tranh lan tràn. Vào lúc này, tinh thần của Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã nao núng, có vẻ đã chùn bước, mất tinh thần muốn xuống nước nhường nhóm đấu tranh. Các cơ  quan hành chánh, quân sự tỉnh đã đồng loạt rút về cố thủ tại Hương Thủy do một Đảng Viên Đại Việt làm quận trưởng. 
 Trong hoàn cảnh đó, cán bộ  Đại Việt Cách Mạng (ĐVCM) được lệnh công khai quyết liệt chống lại chúng. Hơn nữa, ĐVCM được chính quyền trung ương triệt ủng hộ: Ty Cảnh Sát Thừa Thiên được giao cho một Đảng Viên ĐVCM là Trần công Lập chỉ huy để  chế ngự nhóm đấu tranh tại thành phố. Đồng thời, với sự đồng ý của chính quyền, một đảng viên khác là Phùng ngọc Sa, lúc đó đang phục vụ tại sở Ngoại Viện, Bộ Xây Dựng Nông Thôn  đã được điều động ra Thừa Thiên làm Tổng Đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn. Với trên 1,000 cán bộ trong tay, Phùng ngọc Sa đã góp phần tích cực phối hợp với Đoàn công Lập của Cảnh Sát  đễ giữ vững tình hình tại thị xã cũng như tại nông thôn. Ngoài lực lượng cảnh sát Thừa Thiên và tổng đoàn Xây Dựng Nông Thôn ra, các quận quanh thành phố như Hương Trà, Phú vang, Hương Thủy  từ trước đã  đều do cán bộ ĐVCM chỉ huy. Tất cả đều nhận lệnh của Đảng là phải cương quyết chống lại bọn đấu tranh.
Hai bên, Cộng sản Bắc Việt và các can bộ quốc gia cầm cự từ tháng 4 cho đến tháng 5, 1966, lực lượng chính phủ Trung Ương gốn 1500 Thủy Quân Lục Chiến và các biệt đoàn Cảnh Sát Dã Chiến từ Sài gòn do Tướng Nguyễn ngọc Loan chỉ huy được điều  động ra trực tiếp can thiệp và dẹp tan cái gọi là Khối Phật Giáo Đấu Tranh. Công tác dẹp bỏ bàn Thờ Phật đã " xuống đường" là công tác tế nhị, cũng đã được cán bộ Đại Việt dẹp bỏ một cách khôn khéo và  êm đẹp.
Cũng cần nói thêm rằng, vào thời điểm này,Tổng Đoàn Xây Dựng Nông Thôn còn thành công tham dự vào công tác ngăn cản sự bành trướng của VC ở nông thôn, và rồi từ tình trạng thôn xã bị sa sút nhất, mất an ninh, vùng xôi đậu …đã trở thành những thôn xã có an ninh đúng tiêu chuẩn mà Bộ Xây Dựng Nông Thôn đề ra.
 
Một chi tiết cần thêm ở đây rằng trong cuộc ứng cử Tỗng Thống năm 1967,  có cuộc tranh luận diễn ra tại trường Đồng Khánh, Huế , và liên danh Bông Lúa (của Hà thúc Ký) được nhiệt liệt hoan hô, trái lại liên danh Thiệu Kỳ bị đả kích nặng nề. "Ngay buổi chiều hôm đó, tỉnh đoàn trưổng ( Xâ Dựng Nông Thôn) Phùng ngọc Sa bị cách chức và trả về Bộ và Nguyễn ngọc Cứ bị trung tá  tỉnh trưởng Phan văn Khoa giải nhiệm chức vụ Tỉnh Đoàn Phó và không cho hưởng bất cứ một trợ cấp nào."…..
"Sau Tết Mậu Thân, Tỉnh Đoàn (Xây Dựng Nông Thôn) bị thiệt hại nặng. Trong tình trạng đen tối đó, tỉnh trưởng Thừa Thiên lại tìm Nguyễn ngọc Cứ để giao quyền chỉ huy lại cho Đại Việt Cách Mạng.
 
Tác giả mạnh mạnh đến một nguyên tắc chỉ hướng là : "nếu muốn thành công phải có sự chỉ đạo sáng suốc của chính trị, dưới sự lãnh đạo của đảng phái chân chính, một công cụ để đấu tranh. Ngược lại muốn áp dụng hay quảng bá một đường lối có lợi cho quần chúng trong một vùng thiếu an ninh, đều kiện cần thiết là phải có sự yểm trợ của bộ phận võ trang. Lý do đó, chính trị và quân sự phải liên hoàn và được  phối hợp chặt chẽ".
 
C) TẠI MIỀN BẮC.
Nhân dịp này cũng cần thêm vào công tác bình định và xây dựng nông thôm của Đại Việt ở Miền Bắc, trước năm 1954. Có 3 công tác lớn theo đuổi mục tiêu này.
Tại Bắc Việt, Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn (TNBQĐ) do Đỗ văn Năng làm thủ lãnh. Thanh niên BQĐ có cơ sở ở nhiều nơi ở nông thôn. Nha Công An Bắc Phần là do Giám Đốc
Nguyễn đình Tại, xuất thân là Tri Huyện điều khiển. Đoàn Quân Thứ Lưu Động (GAMO: Groupements Administratifs Mobiles Operationnels)  dưới sự điều động của Đỗ đình Đạo , rồi Trần như Thuần (cựu Tri Huyện). Công tác của Đoàn Quân Thứ Lưu Động gồm  cả  quân sự  lẫn chính trị: tổ chức lại  và bảo vệ cơ quan hành chánh tại xã ấp sau khi Pháp đã giải phóng khỏi tay Việt Minh Cộng sản. 15  Đoàn Quân Thứ Lưu Động hoạt động mạnh tại nhiều tỉnh ở Miền Bắc. 
Vào giữa thập niên 1990, tôi có gập một  sinh viên người Pháp đến xin phỏng vấn để viết luận án tiến sĩ với Đại Học ở Paris về thời kỳ trước Hiệp Định Genève ở Bắc Việt. Anh này cho biết rằng anh ấy có tìm thấy một báo cáo của một Đại Úy Pháp thuộc Tâm Lý Chiến, khuyến cáo Tổng Tư Lệnh Pháp ở Đông Dương đừng ngăn cản Đại Việt  mà trái lại phải trợ lực cho họ hoạt động và thực hiện công tác của họ.
                                                            x
Hơn 30 trang cuối, tác giả nói về những ngày cuối cùng của VNCH. Những chi tiết liên hệ cũng là những tài liệu quí báu để cho những ai muốn biết  về sự kiện trong giai đoạn đen tối của lịch sử dẫn đến Miền Nam lọt vào tay Cộng sản, thay vì Miền Nam phải giải cứu Đồng Bào Miền Bắc khỏi gông cùm của Cộng Sản.
                                                x  x x x
 
Dưới chế độ Ngô đình Diệm, tác giả sa vào vòng tù tội từ tháng 10 năm 1956 mãi cho tới ngày 3 tháng 11 năm 1963 ( hơn năm năm, kể cả biệt giam tại sà lim), sau ngày đảo chính, mới được thả. Với cách thức đối đãi với tù nhân (như đã mô tả trong cuốn hồi ký này)- một người đã từng cộng tác trong một số phong trào trước đó, để chống lại thực dân và cộng sản, có cả  phong trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình là để ủng hộ chính  Ngô đình Diệm giành đoạt chính quyền với mục đích xây dựng một quốc gia độc lập và tự do, ngoài ra, vợ và con út của  tác giả ( mới chỉ có 3 tháng tuổi) cũng bị giam cầm gần 3 năm, chỉ vỉ chồng và cha tham gia chống đối chế độ, tác giả trong suốt cuốn hồi ký không có một  chữ hay  câu văn ngụ ý đến oán hận nhà Ngô  mà ngược lại còn ca tụng, thương tiếc (tr.360).  Đó là một điểm mà người đọc cần nhận diện qua cuốn tài liệu này.
 
                                                            x
 
Về hình thức, lời văn rất thông thoáng, nhẹ nhàng, dễ đọc.  Sắp xếp bố cục có lớp lang. Tác giả đã tài tình dùng một số câu tục ngữ  hay ca dao, hay trong văn chương bình dân để diễn tả một hình thái nào đó. Thí dụ như "đường dài ngựa mỏi chân bon"; "vật đổi sao dời"; "cảnh cũ còn đó, những người xưa nay đâu?", "tuyệt tích giang hồ"….
 
                               Sống Còn Với Dân Tộc là cuốn hồi ký có giá trị.
 
(1). Nguyễn bảo Toàn nguyên là Tổng Thư Ký, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ( gọi tắt là Dân Xã Đảng) từ thời Đức Huỳnh Phú Sổ còn sống, là Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng. Hội Đồng này gồm cả Cao Đài ( Hồ Hán Sơn, đại diện của cánh Nguyễn Thành Phương , ở bên ngoài về và  Nhị Lang của cánh trong nội thành). Ngoài ra, còn nhiều lực lượng khác. Hội Đồng có mục đích là truất phế Bảo Đại qua cuộc trưng cầu dân ý, để  ông Diệm thay thế Bảo Đại , và rồi làm Dự Thảo Hiến Pháp để thiết lập nền Cộng Hòa và Thủ tướng Diệm  sẽ là Tổng Thống. Có người cho rằng sở dĩ Nguyễn bảo Toàn bị thủ tiêu, bắt nguồn từ quan điểm là Hội Đồng chỉ ủy quyền cho ông Diệm 3 tháng để tổ chức  trưng cầu dân ý và lập Hiến Pháp. Riêng điều này không thôi đã làm cho ông Diệm phật lòng, vì giới hạn quyền hành của ông ấy, và là nguyên do của sự ra đi và chống đối của Nguyễn bảo Toàn. Sau đó, ông ta bị thủ tiêu..
 
(2) Có sự bắt bớ và giam cầm một số cán bộ Đại Việt. Một vài thí dụ tiêu biểu: a) đảng viên gốc miền Bắc: Trần việt Sơn, Nguyễn văn Ngải, Đinh văn Lục…; b) đảng viên gốc Miền trung: Lê phùng Thời, Hà thúc Ký, Đoàn Thái…c) Đảng viên gốc Miền Nam : Lê Xuyên ( tác giả nhiều tiểu thuyết), Nguyễn kim Vui, Đỗ văn Thọ…
Những người này là do Ty Đặc Cảnh Miền Đông bắt.
Các vụ bắt bớ  về sau này mới Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung mà  Dương văn Hiếu là người đứng đầu, thực hiện. Cơ quan Mật Vụ của Nhà Ngô đã áp dụng những hiện pháp tra tấn dã man mà thực dân Pháp để lại đối với các tù nhân. Cưu Nghị Sĩ Nguyễn văn Ngải cho biết cho đến nay ông vẫn còn gánh hậu quả của tra tấn. LS Đinh thạch Bích cũng chịu cảnh đó. Riêng,  đối với KS Hà thúc Ký , Nhà Ngô không áp dụng các hình phạt này.
 
(3) John C. Donnell , "Prospects for Political Cohesion and  Electoral Competition", in trong  cuốn " Electoral Politics in South Vietnam"  của John C. Donnell & Charles A. Joiner , tr.160, Lexington Book, 1974
 
(4) Về tài liệu liên quan đến Hiến Pháp đệ II Cộng Hòa, trong thời gian tôi làm Đồng Giám Đốc với Doug. Pike, Dự Án Oral Life History, Văn Khố Đông Dương thuộc Viện nghiên Cứu Đông Á, Đại học Berkeley, tôi có nhờ anh Ngô ngọc Trung, một Viên Chức được cử làm Giám Đốc Điều Hành Dự Án cho sắp xếp lại biên bản của Ủy Ban. Tài liệu này rất dày, lên tới 1 thước tây. Vào khoảng giữa thập niên 1990, khi Doug. Pike chuyển sang Vietnam Center, Tech. Texas University, ông ấy cho chuyển rất nhiều tài liệu của Văn Khố Đông Dương sang Texas. Tôi có lưu ý rằng tập tài liệu này cần được lưu trữ tại Đại Học Berkeley và nay dù Văn Khố này đã giải tán, tập hồ sơ quan trọng này được giao cho Steve Denney cất giữ. Hiện nay Steve đã chuyển sang làm việc tại Tổng Thư Viện của Đại Học Berkeley.

Nguyễn Văn Canh
10 tháng 9 năm 2009

PHAN LẠC TIẾP = TƯỢNG PHẬT DƯÓI ĐÁY BIỂN INDONESIA - BÙI BẢO TRÚC

Monday, November 9, 2015


NHỮNG TIẾNG NÓI Từ Nền ĐỆ-NHỊ VIỆT-NAM CỘNG-HÒA

Sách Mới:
NHỮNG TIẾNG NÓI
Từ Nền
ĐỆ-NHỊ VIỆT-NAM CỘNG-HÒA


        Giáo-Sư Keith W. Taylor, tác-giả nhiều sách và bài-viết về lịch-sử và văn-học Việt-Nam, dạy Khoa Hán- và Việt-Học tại Viện Đại-Học Cornell, đã viết về sách này:
        Việt-Nam Cộng-Hòa (Nam Việt-Nam) thông-thường được xem là một thực-thể thống-nhất xuyên suốt qua hai thập-niên (từ 1955 đến 1975) trong đó Hoa-Kỳ là đồng-minh chính-yếu của mình.  Tuy nhiên, chính-trị quốc-nội trong thời-kỳ ấy đã diễn-biến theo một quỹ-đạo động, từ một giai-đoạn độc-đoán đến một giai-đoạn hỗn-loạn, rồi đến một giai-đoạn thử-nghiệm dân-chủ đại-nghị tương-đối ổn-định.  Ấn-tượng sâu-sắc về Nam Việt-Nam biểu-lộ trong đa-số các tác-phẩm, cả kinh-viện lẫn đại-chúng, tập-trung vào hai giai-đoạn đầu tiên, để miêu-tả một bức tranh biếm-họa về tệ-nạn độc-tài tham-nhũng bất-ổn, mà ít nói đến những gì đã đạt được trong giai-đoạn tám năm sau cùng.  Các bài tiểu-luận trong cuốn NhỮng TiẾng Nói tỪ NỀN ĐỆ-NhỊ ViỆt-Nam CỘng-Hòa (1967-75) này, là của các nhân-vật đã ra sức xây-dựng một cơ-cấu hiến-định cho chính-thể đại-nghị trong một cuộc chiến để sống-còn chống lại một nhà-nước chuyên-chế.  Những người đã cam-kết thực-hiện một tương-lai cho Việt-Nam không-cộng-sản đã đặt tất cả hy-vọng của họ vào nền Đệ-Nhị Việt-Nam Cộng-Hòa, đấu-tranh cho nó, và hành-động cho sự thành-công của nó.  Cuốn sách này là một bước đầu, để đưa các tình-tiết sự-việc của họ đến được với cộng-đồng, vì các thành-tựu tích-cực của họ không đáng bị lãng quên.”
        Tiến-Sĩ Charles Keith, sử-gia chuyên về lịch-sử cận-đại của Việt-Nam, tại Viện Đại-Học Michigan, đã phát-biểu:
        “Tập sách này được ân-cần tiếp-nhận làm một phụ-bản cho kho sách sử uyên-thâm ngày càng phát-triển về Nam Việt-Nam.  Các chứng-cớ của người-trong-cuộc cung-cấp cho chúng ta những chi-tiết chủ-yếu, không những về chính-sử và quân-sử của quốc-gia liên-hệ, mà còn về các bối-cảnh và thế-giới-quan phức-tạp của các nhà cầm quyền ở đó.  Đây là hồ-sơ về các niềm hy-vọng và gian-khổ của một nhóm công-dân Nam Việt-Nam đã mưu-cầu kiến-tạo một xã-hội ổn-định, thịnh-vượng, trong thời-buổi phi-thực-dân-hóa và chiến-tranh lạnh.”
*
        Các tác-giả:
        Bùi Diễm, cựu Đại-Sứ tại Hoa-Kỳ, Đặc-Sứ tại Hòa-Hội Paris, Đại-Sứ Lưu-Động của VNCH.
        Phan Công Tâm, cựu Giám-Đốc Kế-Hoạch và Phụ-Tá Công-Tác Đặc-Biệt cho Đặc-Ủy-Trưởng tại Phủ Đặc-Ùy Trung-Ương Tình-Báo VNCH.
        Nguyễn Ngọc Bích, cụu Tổng-Giám-Đốc Thông-Tấn-Xã VNCH.
        Trần Quang Minh, cựu Thứ-Trưởng Bộ Nông-Nghiệp & Tổng-Giám-Đốc chương-trình Lương-Thực Quốc-Gia VNCH.
        Nguyễn Đức Cường, cựu Bộ-Trưởng Bộ Thương-Nghiệp & Công-Nghiệp VNCH.
        Phan Quang Tuệ, cựu Phó Đổng-Lý Văn-Phòng của Chánh-Thẩm Tối-Cao Pháp-Viện VNCH.
        Trần Văn Sơn, cựu Dân-Biểu VNCH.
        Mã Xái, cựu Dân-Biểu VNCH.
        Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Phó Đề-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải VNCH.
        Lữ Lan, cựu Trung-Tướng Tổng-Thanh-Tra, Bộ Tổng-Tham-Mưu QLVNCH.
*
        Sách tiếng Anh, nhan đề VOICES FROM THE SECOND REPUBLIC OF SOUTH VIETNAM (1967-75) dày 172 trang, in trên giấy trắng, khổ 7"x10", với bìa do nghệ-sĩ Kat Dalton trình-bày, trong Tủ Sách Đông-Nam-Á do Viện Đại-Học Cornell, New York, USA, xuất-bản.
        Info:
        judgePhan@gmail.com
TIẾNG NÓI ĐỆ-NHỊ VIỆT-NAM CỘNG-HÒA

PHAN LẠC TIẾP * THƯ GỬI BẠN

Phan Lạc Tiếp
Thư Gửi Bạn Bè:
Thưa các bạn Bảo-Bình,
Đơn vị đầu tiên của tôi sau khi ra trường là HQ-09, cùng với các bạn Thiệu, Đăng, Cẩm, Thiện. Tôi ở đơn vị này khá lâu, 18 tháng, đảm nhận từ chức vụ Sĩ Quan Ẩm Thực rồi lần lượt xử lý Hạm Phó. Rời HQ-09, về Phòng Tổng Quản Trị mấy tháng, rồi đổi xuống Giang-Đoàn 21, tại Mỹ Tho. Tại đây có các bạn Đặng Diệm, Trần Hữu Khánh và Vũ Hữu San tại GĐ-27, cũng đóng tại Mỹ-Tho. Rời Mỹ Tho sau một năm hoạt động, chạm mặt với nhiều nguy nan, tôi được gọi về làm Trưởng Đoàn Tâm Lý Chiến Lưu Động, đến hầu như hết các đơn vị HQ. Sau đó được biệt phái đi tầu biển của Nha Hỏa Xa, 2 năm. Trở lại HQ, Trung Tá Hoàng Cơ Minh xin tôi về làm việc tại BTL/HQ, nhưng lại được Đại Tá Nguyễn Văn Ánh xin BTL/HQ cho tôi xuống Vùng 4 Sông Ngòi làm trưởng khối CTCT. Ở đây một năm tôi đi Mỹ lãnh HQ-504, do Thiếu Tá Phan Phi Phụng làm Hạm Trưởng. Tại đây, bạn cùng khóa có Đinh Mạnh Hùng (tức Hùng Mèo), làm Hạm Phó. Hùng đổi đi, tôi làm Hạm Phó, đi 16 chuyến chở đạn dược và vũ khí cho Nam Vang, và chở kiều bào bị nạn cáp-duồn từ Cam Bốt về. Sửa soạn lấy tầu dầu thì được công điện của Văn Phòng Tư Lệnh Hải Quân: "Gửi ngay HQ Đại Úy Phan Lạc Tiếp về trình diện tân đáo BTL/HQ. Lý do cho biết sau."  Trình diện Tư Lệnh HQ hôm mồng 4 Tết năm 1971, và được chỉ định làm Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến BTL/HQ. Ở đây 2 năm, rất bận rộn và nhiều phiền phức, tôi xin đi học lớp Tham Mưu Trung Cấp. Sau khóa học được đổi xuống làm Hạm Trưởng HQ-601, 18 tháng, quá dài, và giao tầu cho HQ Đại Úy Trần Văn Chánh, trưởng nam của Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh HQ vào cuối năm 1974. Theo đề-nghị của Phòng Tổng Quản Trị, tôi sẽ đổi xuống làm Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ HQ Năm Căn "cho phù hợp với cấp bậc Trung Tá thực thụ mà đương sự sẽ lên theo danh sách thường niên trong năm 1975", nhưng Tư lệnh HQ đã giữ tôi lại Sài-Gòn "để cho tiện, khi cần viết lách gì…". Do đó tôi được thuyên chuyển về Khối Thanh Tra. Nhờ đó, vì không có trách nhiệm gì cụ thể như một Đơn Vị Trưởng, tôi đem được vợ con di tản trên tầu HQ-502 của anh Nguyễn Văn Tánh, một con tầu hư hỏng, chỉ còn một máy, đang sửa chữa, với hơn 5000 người.
Tại hải ngoại tôi đã cùng gia đình anh Nguyễn Văn Tánh, gia-đình Nguyễn Kim Khánh, gia-đình Vũ Hữu San và gia-đình anh Lê Văn Quí, các bạn cùng khóa, định cư tại Salt Lake City, Utah. Ở đây đúng một năm, gia đình tôi dọn về San Diego, cho gần thân nhân bên bà xã tôi, và bắt đầu lao vào cuộc sống để nuôi gia-đình. Tôi đã làm rất nhiều nghề, lúc thì cổ xanh, lúc thì cổ trắng, viết ra thì sẽ dài lắm. Có lúc tôi làm trong hãng đóng tầu Nassco tại San Diego, là salaried Foreman, lương khá cao. Nhằm khi xem hệ thống ống, bàn tay trái của tôi bị miệng ống sắt kẹp vào thành tầu, làm đứt 2 ngón tay. Tôi nằm nhà trên 3 năm để điều trị, chờ 2 ngón tay liền lại với 70% lương. Một cách tình cờ, đây là lúc mà Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển, hợp tác với các tổ chức quốc-tế, như Medecins du Monde, Cap Anamur và sự hỗ trợ của nhà tỷ-phú Andre Gills, đem tầu ra biển vớt thuyền nhân. Tổ chức này do Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương làm chủ tịch, tôi đã đem chút hiểu biết của Hải Quân, và khả năng thông tin, báo chí vào công tác này. Những tin tức về cảnh huống của thuyền nhân do tôi viết và phổ biến, đã được cộng đồng Việt Nam đáp ứng mạnh mẽ và nồng nhiệt hỗ trợ. Nhờ đó đã có 3103 đồng bào được cứu vớt giữa biển khơi, do các con tầu được bảo trợ, hợp tác của ủy ban này. Những thuyền nhân này đã được các quốc gia đệ tam tại Âu Châu đón nhận và vinh danh là những Chiến Sĩ của Tự Do.
Riêng về hoàn cảnh gia-đình, bà xã tôi mở một tiêm mạng quần áo (Reweaving), một nghề đòi hỏi sự cẩn thận, tinh vi, nên lợi nhuận đều hòa cho gia đình là do bà xã tôi kiếm được. Bốn đứa con tôi, một trai 3 gái, học hành bình thường, xong đại học, mỗi đứa đều có một nghề vững vàng. Hai cháu đầu đã có gia-đình, cháu thứ ba đương sửa soạn làm đám cưới. Chúng tôi mới có một cháu ngoại, 7 tuổi. Tôi đã đến tuổi về hưu, nhưng sợ ở nhà buồn, dễ đau ốm, nên vẫn đi làm. Sở làm gần nhà nên cũng nhàn nhã, thuận tiện.
Bên cạnh những nét chính yếu trên, ở bất cứ hoàn cảnh nào, tôi đều ghi và viết lại những kinh nghiệm về cuộc sống của mình. Nhờ đó tôi đã xuất bản được 4 cuốn sách, đa số là Bút Ký. Cuốn 'Bờ Sông Lá Mục', viết về những ngày hoạt động ở trong sông, cuốn 'Nỗi Nhớ' viết về nỗi khó khăn, bi thảm của con tầu Thi-Nại, HQ-502, do anh Tánh làm Hạm-Trưởng, và những ngày ở trại tỵ-nạn. Cuốn 'Cánh Vạc Lưng Trời' (cuốn này là truyện), ghi lại cảnh huống của người Việt trên đường vượt biển, và trong thời gian chúng ta còn bơ vơ xa lạ trên đất tạm dung. Cuốn 'Quê Nhà 40 Năm Trở Lại', như tên gọi, tôi đã ghi lại những cảm xúc của mình trước những điều tôi đã thấy sau 40 năm về thăm lại quê hương miền Bắc vào năm 1994. Những cuốn sách của tôi, như đã nói, thuộc thể Ký, viết về những người thực, việc thực mà tôi đã gập, đã trải qua. Như tất cả chúng ta, dù muốn hay không, chúng ta đã lớn lên và bị cuốn hút vào chiến tranh. Xã hội chúng ta, đất nước chúng ta, theo tôi, là nạn nhân của thời cuộc, với tất cả những oan trái, tang thương, chia lìa, khốn khổ. Bởi thế, những cuốn sách của tôi, tuy viết về hoàn cảnh của mình, nhưng đồng thời cũng đã phản ảnh một phần nào xã hội mà chúng ta đã sống. Có lẽ vì thế mà cuốn bút ký 'Bờ Sông Lá Mục' tìm thấy trong Thư Viện Quốc Hội Hoa-Kỳ, được xếp vào loại tài liệu chiến tranh. Trong cuốn 'Tổng Quan 20 Năm Văn Học Miền Nam' của nhà văn Võ Phiến cũng đề cập tới cuốn sách nhỏ này của tôi và in lại một bài tiêu biểu. Giáo-sư Nguyễn Đình Hòa đã giới thiệu cuốn 'Cánh Vạc Lưng Trời' (bài viết bằng Anh Ngữ) trong tập san của Đại Học Oklahoma số mùa thu năm 1993. Các cuốn khác của tôi cũng được giáo-sư Tiến Sĩ Phạm Cao Dương dùng làn tài liệu tham khảo giảng huấn về văn chương và chiến tranh Việt Nam (The Vietnamese American Experience) tại Đại Học UCLA và UCI. Riêng cuốn 'Quê Nhà 40 Năm Trở Lại' được đón nhận rộng rãi nhất. Nhiều báo chí và các vị thức giả đã nói đến cuốn này (trong đó có bạn Cẩm). Nhiều báo chí tại hải ngoại đã lần lượt in lại. Mới đây, từ giữa tháng 11 tới đầu tháng 12 năm 2000 (trùng hợp với lúc Tổng Thống Clinton viếng thăm VN), đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã liên tục phát thanh về VN ba chương trình phỏng vấn tôi về cuốn sách này. Mỗi chương trình phát 2 lần, tổng cộng là 6 lần trong khoảng 2 tuần lễ.
Tôi được sinh ra và lớn lên tại miền quê, tỉnh Sơn Tây, thuộc trung-du Bắc Việt. Hình ảnh Ông  Giáo Làng là mộng ước của tôi hồi nhỏ. Song vì thời cuộc , vì chiến tranh đã khiến tôi phải rời bỏ làng quê để ra Hà-Nội sống. Với nhiều dang dở, tôi vừa đi làm vừa học. Khi biết mình có đôi chút khả năng về văn-chương và triết học, tôi muốn trở thành Giáo Sư Trung Học. Ở Sài-Gòn tôi theo học Văn Khoa, nhưng cũng ghi tên bên Luật-Khoa (hàng ngày ngồi học bên cạnh Trung Tá Trần Văn Chơn, tức Đề Đốc Trần Văn Chơn sau này). Sau tôi bỏ Luật, chỉ học bên Văn Khoa mà thôi. Chứng chỉ Dự Bị tôi đỗ với số điểm khá cao. Mộng là nhà giáo của tôi đã gần, nhưng chiến tranh đã kéo tôi vào đường quân ngũ mà tôi rất chán, dù tôi rất thương sót và cảm phục những hy-sinh to lớn của người lính. Nhưng cuộc chiến mỗi lúc mỗi thêm khốc liệt. Hoàn cảnh mỗi lúc mỗi thêm khó khăn. Tuổi đời mỗi lúc mỗi nhiều, lại vợ con một gánh, tôi không có cơ hội hoàn tất văn bằng Cử Nhân Văn Khoa. Rồi cuộc chiến tàn với bao nỗi ê chề đau đớn. Rời VN tôi là một người dang dở, bắt đầu lại cuộc đời bằng con số KHÔNG đúng nghĩa.
Giờ đây, dù có chèo kéo, tự lừa dối cách gì, tôi cũng như các bạn, chắc chắn chúng ta đã không còn trẻ nữa. Thôi thì hãy bằng lòng với những gì mình có. Nhưng phải công bằng mà nói, dù không ưa đời quân ngũ, lại là người "hoạn lộ kém thênh thang", nhưng tôi rất cám ơn quân đội, cám ơn Hải Quân. Đặc biệt nhờ HQ, tôi và gia-đình tôi đã thoát được một đoạn đời, nếu kẹt lại ở VN, chắc là chúng tôi đã vô cùng khốn khổ. Hiện tại gia-đình tôi sống ở thành phố San Diego, Hoa-Kỳ, có một cuộc sống bình-an. Mùa Giáng Sinh năm 2000 vừa qua, các con tôi, trong lặng lẽ đã làm một cử chỉ có ý nghĩa, được ghi lại trong lá thư gửi cho Họ Đạo St. Michael, Poway, họ đạo đã bảo trợ gia-đình tôi 25 năm trước, có đoạn như sau: "… We have each progressed at our own pace, but this millennial year marks the first time that four of us have become firmly established in our careers. To mark this event, in lieu of exchanging gifts to one another, we have decided to contribute what we would have spent on each other to St. Micheal's. This contribution is not a repayment for the gifts that we received in the past, for no repayment would be adequate. It is in memory and honor of the spirit that was extended to us during those fagile times." Lá thư đã đăng trên tờ Tin Tức của nhà thờ. Tôi nghĩ rằng các con tôi thực sự đã trưởng thành.
Cách đây trên 10 năm, do cơ duyên đưa đẩy, vợ chồng tôi cùng một số bạn đạo, tham dự những buổi Tu Thiền. Nhân một khóa tu trên núi, giữa rừng cây, được nghe giảng về sự tương quan giữa con người và vạn pháp trong tinh thần của kinh Bát Nhã, tôi cãm xúc làm một bài thơ như sau:
Thiền Hành Ban Mai và Rừng
Buổi sáng ở trong rừng
Thức cùng chim mời gọi
Buổi sáng ở trong rừng
Lòng trong như gió núi
Hơi mát ủ ngàn cây
Trời xanh mầu lá mới
Nhẹ đặt bước đầu ngày
Trên đá xanh ngàn tuổi
Đóa hoa nào bên suối
Lặng lẽ một niềm vui
Chào một ngày chẳng đợi
Lóng lánh hạt sương rơi
Bước đi mà chẳng vội
Ngày tháng như mây trôi
Ta và rừng một tuổi
Con rắn trong hốc cây
Ngủ vùi mà chẳng dậy
Nhẹ đặt bước đầu ngày
Nắng lên trời xanh cao.
Bài thơ này đã được một đạo hữu phổ nhạc, hát trong các buổi tu-thiền. Cũng trong tinh thần ấy, nhân buổi lễ Bông Hồng Cài Áo, tổ chức tại Malibu, California, năm 1990, do yêu cầu, tôi đã viết một bài nói về tình cha, nhan đề 'Cái Áo Của Thầy Tôi'. (Bài nói về nghĩa mẹ do thầy Nhất Hạnh viết). Trong buổi lễ này có anh chị Nguyễn Ngọc Luân tham dự. 'Cái Áo Của Thầy Tôi' là một chuyện thật. Tôi đã bồi hồi khi viết bài này. Các con tôi đọc đã xúc động nên con gái tôi là Ngân Hà, cùng con trai tôi là Tường Huân đã dịch sang Anh Ngữ. Các đài phát thanh ở San Jose, Santa Ana cũng như ở Houston đã nhiều lần đọc bài này với nhạc đệm như một chủ đề đặc biệt nhân ngày Vu Lan. Do đó tôi gửi cả phần Việt và Anh Ngữ của bài này, như một đóng góp cụ thể và tích cực của gia-đình tôi bên cạnh các gia-đình Bảo-Bình khác.
Như đa số các bạn kết thúc bài viết bằng ước vọng của mình. Ở tuổi mà như các cụ nói đó là "ngày Tiên, tháng Phật", tôi cũng có một ước vọng nhỏ bé, tầm thường: Mong được có sức khỏe, đừng đau ốm, để trong nhàn rỗi tôi có thể viết tiếp những cuốn sách mà tôi còn bỏ dở như 'Một Mảnh Trời Hà-Nội', cuốn sách tiếp theo cuốn 'Quê Nhà 40 Năm Trở Lại'  … 'Vớt Người Biển Đông', viết lại những cảnh huống bi thương của đồng bào vượt biển, cũng như những sự kiện suốt 11 năm hoạt động của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển mà từ khởi đầu tôi và Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương là người thành lập và trực tiếp điều hành. Một tập thơ, thu góp những bài mà tôi đã làm từ ngày trai trẻ. Và ngay bây giờ, như trên tôi đã nói, để trả ơn Hải Quân, để vinh danh những đồng đội đã chiến đấu, đã hy sinh, tôi vẫn tiếp tục thu thập các dữ kiện để mong nói lên một phần nào những đóng góp cụ thể của HQ/VNCH trong hơn 20 năm chiến đấu và những gắn bó đầy tình nghĩa giữa những người cùng mầu áo với nhau, cũng như với đồng bào ruột thịt trên đường đi tìm Tự Do.
Trên đây là những nét tổng quát về tôi, về gia đình tôi, thân gửi tới các bạn. Chúc các bạn và gia đình đạt được mọi điều vui.
Phan Lạc Tiếp
San Diego ngày 10 tháng Giêng năm 2001.
Gia-Đình Phan Lạc Tiếp:
 

Cái Áo Của Thầy Tôi

Phan Lạc Tiếp
Mẹ tôi mất năm tôi mới trên 10 tuổi. Từ đó lúc nào tôi cũng quanh quẩn bên cạnh thầy tôi. Buổi sáng tôi xách nước cho thầy tôi tưới những luống rau ở mảnh vườn  trước nhà. Buổi tối khi thầy tôi tụng kinh, tôi nằm bên cạnh. Giọng đọc kinh của thầy tôi đều hòa êm ả như những lời ru, khiến tôi ngủ vùi hồi nào tôi không biết, cho đến khi được gọi dậy để lên giường đi ngủ, toàn thân tôi đã được đáp kín bằng chính cái áo dạ của thầy tôi. Cái áo dạ dài ấm lắm. Mấy năm sau đó tôi lớn hơn, cái áo dạ đã không phủ kín toàn thân tôi nữa, và tôi biết rằng anh em tôi mồ côi mẹ thật là bơ vơ. Có người khuyên thầy tôi nên tục huyền, thầy tôi chỉ lặng lẽ cười không nói, và vẫn sống trong cảnh gà trống nuôi con.
Những ngày sắp tết, thầy tôi thường sai tôi dọn dẹp bàn thờ gia tiên, thay cát trong bát hương, rồi theo thầy tôi đi tảo mộ. Thầy tôi vác cái cuốc, còn tôi, tôi đem theo một bó hương to. Hai cha con tôi đi từ rất sớm, khắp cánh đồng làng. Bao giò thầy tôi cũng đến thăm mộ của cụ tổ họ trước tiên, rồi mới đến các ngôi mộ khác. Tại mỗi ngôi mộ, thầy tôi rẫy cỏ, đắp đất, lau các mộ bia, thắp hương và đứng khấn rất nhỏ. Thầy tôi nói cho tôi biết đây là mộ của ai, mất ngày nào. Người quá cố đã sinh ra những ai, con cháu hiện là những người nào, liên hệ với gia đình tôi ra sao. Thầy tôi không bao giờ quên nhắc lại những việc tốt lành mà người quá cố đã làm cho gia-đình, con cháu, làng nước. Thầy tôi thường nói: "Nhờ phúc ấm của các cụ nên giòng họ nhà ta mới được như ngày hôm nay. Các con phải cố noi theo gương của các cụ mà làm nhưng điều lành …"
Tại ngôi mộ của mẹ tôi, vì chưa được xây cất như các ngôi mộ của các cụ, nên thầy tôi thường cuốc đất xung quanh, đắp cho cao ráo, vuông vắn, rẫy một khoảng cỏ trên chóp mộ và cắm vào đó ba nén hương. Thầy tôi đứng khấn rất lâu, rồi lặng lẽ bước quanh ngôi mộ. Thầy tôi nói: "Con vào lễ mẹ đi, xin mẹ phù hộ cho các con được sức khỏe dồi dào, học hành tấn tới. Con cũng đừng quên mời mẹ về ăn tết với cả nhà".
Trên đường đi, thầy tôi cũng hay dừng lại đắp đất vào những hố chân trâu trên các ngôi mộ hoang, thắp hương lên đó nữa. Thầy tôi bảo các ngôi mộ này thày tôi biết là của ai, nhưng nay con cháu đi làm ăn xa, phiêu tán nơi nào, lâu quá không thấy về. Cả những ngôi mộ nằm bên vệ đường, nơi an nghỉ của những kẻ bần cùng, bơ vơ lạc bước, thầy tôi cũng dừng lại. Ông sai tôi đốt hết các nén hương còn lại, đem cắm lên các mộ đất. Lúc ấy thường trời chiều đã muộn, gió đã lạnh. Nhìn những đốm hương từng đợt lóe lên, tôi có cảm tưởng như  những oan hồn, uổng tử đang lởn vởn quanh đây và tôi sợ. Tôi sợ và tôi thương cho số kiếp mong manh của con người.
Khi cái áo dạ của thầy tôi, tôi đã mặc gần vừa, tôi đã lớn, cũng là lúc cuộc chiến tranh tàn khốc từ đâu đó đổ về, lan cả đến thôn xóm của làng tôi. Thầy tôi bị Tây bắt. Khi được thả về ông gầy còm, ốm yếu lắm. Chưa được mấy hôm, một đêm có những người từ trên núi xuống, bắt thầy tôi đi, nói rằng sẽ đưa thầy tôi qua vùng giải phóng. Lúc chia tay, tôi vội đưa cái áo dạ cho thầy tôi, nước mắt tôi chan hòa. Thầy tôi ngoảnh lại nói: "Lớn rồi, can đảm lên con". Khi họ thả thầy tôi về, vẫn mặc tấm áo dạ cũ, nay đã có nhiều chỗ mòn, rách thầy tôi run rẩy không còn đứng vững được nữa. Tôi biết thầy tôi sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi bỏ học để ở nhà bên cạnh thầy tôi. Lúc sắp mất thầy tôi nói với anh em tôi rằng: "Thầy không ân hận gì. Các con hãy để cho thầy nằm bên mộ của mẹ con, đắp chung thành một ngôi mộ cho to, cho dễ nhận. Vì các con sẽ đi xa lắm, còn lâu mới về". Tấm áo dạ sờn, rách cuốn tròn thi hài héo úa của thầy tôi. Lúc bấy giờ là một giờ đêm ngày hai mươi mốt tháng chạp ta, chỉ còn mấy ngày nữa là tết.
Từ đó đến nay thấm thoát đã bốn mươi năm. Theo vận nước nổi trôi, tôi đã bỏ miền Bắc vào Nam, mỗi khi sắp tết, tôi lại nhớ lại hết. Tôi nhớ như in lời thầy tôi trăn trối, tôi nhớ cả hơi ấm trong tấm áo dạ của thầy tôi. Trên trần thế, thầy mẹ tôi sống với nhau không quá hai mươi lăm năm. Nhưng kể từ khi thầy tôi mất tới nay, thầy mẹ tôi đã nằm cạnh nhau trong lòng đất, đã bốn mươi năm. Bốn mươi năm với lời trăn trối, chờ đợi các con về. Bốn mươi năm đó gió mưa nào đã đổ trên cánh đồng kia, những tang thương nào đã tràn tới quê hương ấy. Suốt cả thời gian dài rộng đó, mặc dù vô cùng mong muốn, tôi chưa trở lại thăm mộ thầy mẹ tôi được một lần. Nay sống xa quê nhà cả nửa vòng trái đất, cách cả một đại dương, nỗi mong mỏi của tôi càng trở nên mạnh mẽ. Tôi rất muốn trở về. Thể nào tôi cũng về. Tôi tin rằng đất nước sẽ có những đổi thay, lúc ấy tôi sẽ về. Tôi sẽ về để anh em đoàn tụ, để họ hàng, làng xóm lại đùm bọc, thương mến nhau như xưa. Lúc ấy tôi sẽ về. Tôi sẽ đi lại trên những con đường cũ, thăm các cánh đồng xưa. Tôi sẽ thăm mộ thầy mẹ tôi. Tôi sẽ thắp những nén hương, cắm trên đầu mộ và tôi sẽ nói: "Thưa thầy mẹ, con đã về. Chúng con đã về". Và chắc rằng tôi không thể nào không khóc. Tôi sẽ khóc như những ngày xưa thơ dại.

My Father's Coat

Witten by Phan Lac Tiep
(translated from Vietnamese by Ha & Huan Phan)
My mother passed away when I'd just turned 10. From that point on, I've always been close to my father. Every morning, I carried water for my father to water the vegetable patch in the small yard up front. In the evening, I would lay next to my father and listen to him chant. The rhythm of my father's voice chanting is regular and calming, like sounds from a lullaby, lulling me to sleep. When waken to get into bed, my body had been entirely covered in my father's coat. I remember, the coat was long and very warm. Years later, when the coat could no longer cover me from head to toe, I realize then, that life without a mother is a forsaken one.
During the days before Tet, my father would tell me to tidy up the ancestor altar, change the sand in the incense burner, then follow him to visit the graves. My father would carry a hoe with him, and I -- I would carry along a large bundle of incense. We two would begin the day very early, crossing all the rice fields of the village. My father would always visit the burial site of our eldest ancestor first, before the others. At each tomb, my father would weed, pile the earth up high, wipe the tombstone clean, light incense, and murmur a soft prayer. He would also tell me whose gravesite it was, when the person died, how many children the deceased left behind, who are the descendants, and how they are related to our family. My father never forgot to remind me of the good deeds the deceased has done for the family, his or her descendants, and our village. He often said, "Our family is what it is today, thanks to the good karma of our forefathers."
Because my mother's gravesite had not yet been contructed with a marker like our forefathers', my father would hoe the earth around the gravesite, stack the dirt up high, squaring it off, and place three sticks of incense there. He would tell me, "Ask your mother for her blessing -- so that you'll have good health and excell in your studies... and don't forget to ask her to come home for Tet."
On our way home, my father would often stop at the deserted gravesites and fill the holes left behind by the hooves of water buffaloes, then place a stick of incense there. He'd say that he knew whose grave this was, but now the descendants have left to work far away, drifted elsewhere, and long since have not returned. My father would even stop at the burials on the side of the roads, the final resting place of desolate indigents. He'd ask me to light the remaining incense and place them on the soft earth. By then, the evening light had begun to descend, and the wind was already cold. Looking at the sparks of incense, each flashing a red glow in the twilight, I felt as if those wasted lives, those lost souls were lingering somewhere around me and I was afraid. I was afraid and I grieved for the fragile fates of people.
When I could almost fit into my father's coat - it was the same time when the atrocious war had spread to my village and home - my father was captured by the French. When he came home, my father was already haggard and weak. Only a few days had passed since his release, whilst one night a few men from the mountains came down and seized him, claiming they must take him to the land of revolution. At the time we parted, I quickly gave my father his coat, my tears overflowed. He turned to me and said, "You're grown now. Be brave." When they finally sent my father home, he was still wearing that same coat, now with many worn and torn spots. He was shaking and could no longer stand. I knew then that my father could not live much longer, and I left school to be with him. Before my father died, he said, "I have no regrets. Let me lay next to your mother, pile the earth up high, so that it becomes one large tomb, easy to identify. Because you children will go very far. It will be a long time before you return." That torn, tattered, ridiculous coat of my father's, now lay rolled-up in a pile. It was 1:00 a.m., the 21st day of the twelve lunar month, only a few days til Tet.
Forty years have since escaped. Following the stormy fate of our country, I have since left the North and move to the South. Yet, every year before New Year's Day, I would remember it all. I remember my father's last words as if they are imprinted on my conciousness. I can almost inhale the warmth of my father's old coat. In life, my parents lived with each other no more than twenty five years. But since the day my father passed away, my parents have lain next to one another in the womb of the earth for forty years. Forty years since those last words, forty years of waiting for their children to return home. In those forty years, what have the wind and rain poured onto that rice field, what miseries have flooded our native homeland. During that expansive time, despite my desires, I've not once been able to visit my parents resting place. Now that I live half the world away, separated by a vast ocean, my desire to return grows stronger. I truly want to return home. Eventually I must. I believe there will be changes within my homeland, then I will return. I will return so that brothers and sisters can reunite, so that kinfolks will bond and cherish each other as they did those years ago. I will walk on the old roads, pad across those ancient fields. I will visit my parents' gravesite. I will light incense, place them atop the grave, and I will say, "Mother and Father, I have returned. Your children have returned." And I know that I cannot keep myself from crying. I will cry as I did during those years of my childhood.

TRUYỆN DỊCH * XEM XIẾC CÙNG CHA




Lúc còn là một thiếu niên, một lần, tôi được cha dẫn đi xem xiếc. Khi nhập vào hàng người đang xếp dài trước quầy vé, tôi chú ý đến một gia đình đứng ngay trước chúng tôi. Họ có đến những 8 đứa trẻ mà đứa lớn nhất có lẽ chưa đến 12 tuổi. Nhìn dáng vẻ những đứa bé ấy có thể đoán được gia đình chúng không giàu có.

Quần áo chúng không phải loại đắt tiền nhưng sạch sẽ và tươm tất. Và đó là những đứa trẻ biết cách cư xử. Cứ nhìn cái cách từng 2 đứa một nắm tay nhau xếp hàng sau bố mẹ chúng thì rõ. Chúng nói huyên thuyên một cách đầy phấn khích về những chú hề, những con voi và những trò xiếc khác mà chúng sẽ được xem tối nay. Rõ ràng chúng chưa từng đến rạp xiếc bao giờ. Buổi tối ngày hôm nay thật sự rất đặc biệt với cả 8 đứa trẻ ấy.


Cha mẹ chúng đang đứng ở đầu hàng với vẻ mặt hãnh diện nhất mà họ có thể. Người phụ nữ nắm lấy tay chồng, nhìn ông một cách dịu dàng. Ngay lúc ấy, người bán vé ngẩng lên và hỏi người đàn ông số vé ông ta cần. Người đàn ông trả lời đầy hứng khởi: "Cho tôi 8 vé trẻ con, 2 vé người lớn để tôi có thể dẫn cả nhà mình vào xem xiếc."
Nhưng, khi người bán vé báo giá của 10 chiếc vé, bàn tay người vợ đột ngột rời khỏi tay chồng, đầu bà ta gục xuống. Mặt người đàn ông hơi tái đi. Ông ta tiến lại quầy vé gần hơn và hỏi : "Anh nói giá bao nhiêu?"


Người bán vé bình thản lập lại giá của 10 chiếc vé, nhưng người đàn ông không có đủ tiền. Làm sao ông ta có thể quay lại và bảo với 8 đứa con của mình rằng ông ấy không đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc?


Chứng kiến tất cả những gì xảy ra, cha tôi lặng lẽ lấy từ trong túi ra tờ 20 đô và thả xuống đất. Sau đó, ông cuối xuống nhặt lên và vỗ vai người đàn ông, nói rất tự nhiên: "Xin lỗi, thưa ông, cái này vừa rơi ra từ túi ông".
Người đàn ông hiểu những gì đang diễn ra. Ông không cầu xin của bố thí nhưng rõ ràng ông có thể đoán đây là sự giúp đỡ trong một tình huống ngặt nghèo.


Bối rối trong giây lát rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi, chụp lấy tay cha bằng cả hai bàn tay như muốn vắt kiệt tờ 20 đô, một giọt nước mắt rơi lặng lẽ xuống má, đôi môi mấp máy một cách khó khăn: "Cảm ơn, cảm ơn ông rất nhiều. Điều này thật sự ý nghĩa với gia đình tôi lúc này".
Sau khi nhìn cả gia đình người đàn ông khuất sau cánh cổng rạp xiếc, tôi và cha đón xe buýt về nhà, đơn giản bởi vì số tiền còn lại trong túi cha không đủ để mua vé cho hai cha con. Thật sự thì chúng tôi cũng chẳng dư dả gì! Nhưng tôi không hề giận cha. Những gì cha đã làm lúc đó đáng giá hơn cả ngàn buổi xem xiếc.

Theo The Secrets of Life

ĐỀN THỜ PHẬT TUYỆT ĐẸP DƯỚI ĐÁY BIỂN INDONESIA


ĐỀN THỜ PHẬT TUYỆT ĐẸP DƯỚI ĐÁY BIỂN INDONESIA
Buddha Statue Under Water
(Nguồn Internet)


Published on Jan 20, 2014: Trong thời gian lặn biển, chúng tôi thấy một tượng Phật ngã xuống và đã chuyển dịch ra xa hơn điểm thực mới đầu. Chúng tôi dừng lại và di chuyển tượng về vị trí cũ của tượng. Hy vọng Đức Phật sẽ ban phước lành cho tất cả các thợ lặn ở vùng Coral Garden (Bali). Cảm ơn Okta, bạn là một người bảo vệ rất tốt và là vị sư lặn tuyệt vời.Published on Nov 10, 2013: Trong khi kỳ nghỉ hè ở Nusa Lembongan, một hòn đảo nhỏ gần Bali (Indonesia), chúng tôi đã lặn biển nửa ngày. Nhà tôi Fiona và con gái lớn Hannah đã khám phá ra cảnh tượng Phật tuyệt vời này.
Một tượng Phật ngồi cao 2 mét rưỡi bao quanh bởi nhiều tượng nhỏ và trụ đá tựa như hình chuông, kiến trúc này tương tự như kiến trúc quần thể đền Phật Giáo Borobudu. Tượng Phật hướng về phía Bắc và nằm ở lối vào kênh Ceningan.
Chúng tôi không biết chắc những ngôi tượng này đã ở đây được bao lâu, nhưng nhìn vào lượng hải sinh tăng trưởng xung quanh tượng thì có lẽ ít hơn một năm. Người hướng dẫn cuộc lặn biển này cho biết là họ không hề biết nó đã ở đó và chúng tôi có nói chuyện với một số người dân địa phương ở đây, họ đều không biết về cảnh vật này. Tôi không thể tìm thấy bất kỳ một thông tin trực tuyến nào về điều chúng tôi đã thấy, nếu có ai biết về việc này xin vui lòng cho chúng tôi biết.
Cảnh tượng chúng tôi thấy gần giống như như một loại cảnh tưởng niệm như là điều nghi ngờ cái cánh của một chiếc máy bay nhỏ. Bạn có thể thấy điều này ở phần cuối của video.
Có một vầng hào quang kỳ diệu khi chúng tôi ở đó và tôi đã cố gắng mô tả điều này trong đoạn video..






UnderWater Temple Garden Pemuteran Bali
borobudor-location-mapĐất nước Indonesia nổi tiếng với ngôi đền thờ Phật giáo độc đáo nhất thế giới, Borobudur (hay còn gọi là Candi Borobudur theo tiếng địa phương), nhưng đất nước này hiện vẫn còn ẩn giấu một ngôi đền thờ Phật tuyệt đẹp khác đang chìm dưới đáy biển. Vẻ nguy nga tráng lệ và trang nghiêm của di tích đền thờ Phật này không hề thua kém gì so với Borobudur, đủ để làm rung động cả thế giới.
Vậy, ngôi đền thờ Phật chìm dưới đáy biển này là di tích của thời kỳ nào? Kỳ thực vẫn chưa tìm được đáp án chính xác cho câu hỏi này. Nhưng nếu căn cứ vào hình dạng kiến trúc và kiểu dáng của nó thì khả năng lớn là nó có cùng niên đại với đền thờ Borobudur tức là vào thế kỷ 7-8 sau công nguyên. Bởi vì vào thời kỳ Phật giáo phát triển hưng thịnh ở quốc gia Srivijaya (thế kỷ 7-8) này, việc kiến tạo đền bằng đá đã trở thành một trào lưu mạnh mẽ ở nơi đây và Borobudur là một ví dụ.





Theo thông tin hiện có, di tích đền thờ Phật này nằm ở vùng biển cách không xa so với Borobudur. Indonesia nằm ở khu vực núi lửa hoạt động mạnh từ xưa đến nay, những vụ núi lửa lớn nhỏ hoạt động đã khiến nơi đây xảy ra nhiều tai nạn thiên nhiên, cũng làm thay đổi vỏ trái đất. Đền chùa được kiến tạo bằng đá mặc dù dễ bảo tồn, nhưng muốn ngăn cản sự ảnh hưởng  của sự vận động của vỏ trái đất thì cũng không phải việc dễ dàng. Vì vậy, trong lịch sử  Borobudur đã từng bị chôn vùi bởi núi lửa và di tích đền thờ Phật đang chìm dưới đáy biển này có thể cũng đã gặp phải cảnh ngộ này. Còn có một số đền thờ Phật có kiến trúc tương tự đã vì sự biến đổi tự nhiên mà bị thay đổi hình dạng và vị trí địa lý.

di tich den tho phat duoi day bien 01 
bali under sea 1 

di tich den tho phat duoi day bien 02 
di tich den tho phat duoi day bien 03 

di tich den tho phat duoi day bien 04 


di tich den tho phat duoi day bien 05
di tich den tho phat duoi day bien 06di tich den tho phat duoi day bien 07di tich den tho phat duoi day bien 08di tich den tho phat duoi day bien 09di tich den tho phat duoi day bien 10
di tich den tho phat duoi day bien 11
di tich den tho phat duoi day bien 12
di tich den tho phat duoi day bien 13\

di tich den tho phat duoi day bien 14

CÔNG AN VIỆT CỘNG LÀM BẬY Ở ĐẠI HÀN

 
QUAN LỚN CÔNG AN CSVN ĐI CÔNG TÁC ĐÃ BÓP VÚ CÔ GÁI TRẺ NAM HÀN TRONG THANG MÁY NÊN BỊ BẮT GIAM TÙ




Hình minh họa: Một Quan Lớn Công An Cộng Sản VN đã bóp vú một cô gái trẻ Hàn Quốc 21 tuổi trong thang máy tại một khách sạn nên đã bị bắt giữ. Tin nầy đăng lên báo chí Nam Hàn, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới làm vẽ vang ngành Công An CsVN và nêu uy danh Cờ Đỏ Sao Vàng của XHCNVN trên trường quốc tế bên cạnh cách vụ ăn cắp nỗi danh của công dân XHCNVN tại Nhật, Anh, Thụy sĩ.
VietPress USA (06-11-2015): Bản tin trên báo chí Nam Hàn Korea News tại Link http://news.joins.com/article/19003008 vừa loan tin rằng Cảnh Sát Bucheon đã bắt giữ một “Đồng chí” Lãnh Đạo Cao cấp Công An Nhân Dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vì đã bóp vú một cô gái trẻ Hàn Quốc khi đi chung trong thang máy tại một Khách sạn.







Bác cháu ta cùng Bóp Vú!

Tin của Cảnh Sát cuộc Hàn Quốc cho hay vào khoảng 9:30pm ngày 30/10/2015, tại thang máy của 1 khách sạn thuộc quận Wonmi-gu, Thành phố Bucheon, Gyeonggi-do, một cô gái trẻ Nam Hàn 21 tuổi đang đi thang máy chung với một người đàn ông Việt Nam 51 tuổi thì bất ngờ bị ông nầy bóp vú tới tấp. Cô gái Hàn Quốc cố gắng chống cự nhưng đã bị người đàn ông dùng sức mạnh của cả hai tay càng bóp vú cô liên tục.
Khi thang máy dừng lại thì người đàn ông kia vội vàng tẩu thoát về phòng ngủ của Khách sạn. Cô gái Hàn Quốc là nhân viên làm việc tại khách sạn nơi người đàn ông tạm trú nên cô gái đã báo cho Ban Giám Đốc Khách Sạn và mời Cảnh Sát quận Wonmi đến.


Khi Cảnh Sát quận Wonmi đến thì người đàn ông nầy chối phăng là không hề sàm sở làm chuyện tồi bại như vậy. Nhưng Cảnh Sát Hàn Quốc đã lấy băng thu hình an ninh của Khách sạn ra xem thì thấy rõ chính người đàn ông Việt Nam nầy đã dùng cả hai bàn tay bóp vú cô gái trẻ Hàn Quốc trong thang máy của khách sạn.





Hý họa trên Internet "Làm theo gương Bác... Bóp!"


Người đàn ông bóp vú sàm sở đã bị còng tay bắt về giam giữ tại Cảnh Sát cuộc của Hàn Quốc. Ông ta khai tên và đưa giấy tờ cho thấy là một Cán bộ Cao Cấp ngành Công An Nhân Dân csVN được phái đi công tác nhập cảnh Hàn Quốc từ ngày 25-10-2015 theo diện tu nghiệp nghiên cứu thực hiện Thư Viện Điện Tử cho Học Viện Cảnh Sát Nhân Dân nước CHXHCNVN. Thời hạn ông Cán bộ cao cấp ngành Công An Nhân Dân nầy thuê phòng tại Khách sạn là 8 ngày 7 đêm; nhưng ông chỉ mới ở được 5 ngày thì tay ông bị chứng ngứa xã hội chủ nghĩa nên ông bóp vú cô gái trẻ Nam Hàn.

Cảnh Sát Nam Hàn liên lạc với Tòa Đại sứ csVN tại Seoul và phía Việt Nam xin tạm thời dấu tên Cán bộ cao cấp Lãnh đạo Công An Nhân Dân nầy. Do đó trong bản tin công bố trên Korea News, Cán bộ Lãnh Đạo Công An bóp vú 51 tuổi được đặt tên là ông A. Theo bản tin công bố, cô gái Nam Hàn cũng được dấu tên và gọi là cô B. để bảo vệ danh dự cho cô đã bị bàn tay tham nhũng, bốc hốt quen thói của người Lãnh đạo Công An Nhân Dân nước CHXHCNVN vấy bẩn lên thân thể của cô gái trẻ Hàn Quốc nầy.


Có tin cho hay “Lãnh đạo Công An bóp vú” nầy đang chờ Bộ Nội vụ csVN cử đại diện Công An Nhân Dân từ Việt Nam qua Hàn Quốc ký nhận và dẫn độ về nước để khỏi bị đưa ra tóa án Hàn Quốc. Thế nhưng trên các mạng xã hội và Diễn đàn Internet nói rằng "Bóp Vú" không bị phạt tội tại nước CHXHCNVN vì đó là "Học tập làm theo gương Bác Hồ vĩ đại". Nhiều hình ảnh tài liệu cho thấy Bác "bóp vú" công khai (xem hình đính kèm ở trên). Nhiều cơ quan nhà nước csVN có câu "Làm việc kêu bằng Chú, bóp vú gọi bằng Anh, góp ý đấu tranh xưng là Đồng Chí".







Đau tay

Bùi Bảo Trúc



Ông Tản Đà, trong tập Khối Tình Con (1913) và Tản Đà Văn Tập, có hai bài thơ thất ngôn bát cú chỉ khác nhau có 4 câu đầu còn 4 câu sau thì giống hệt. Hai bài có hai cái tựa khác nhau nhưng đều nói về chuyện một ông thầy đồ nham nhở bị một phụ nữ tặng cho bàn tay thích đi lang thang của ông một gậy đau gần chết.
Hành động ưa phiêu lưu của ông được mô tả rất rõ trong tựa của bài thơ in trong tập Khối Tình Con: “Bóp Vú Đau Tay.” Bài thơ ấy nguyên văn như sau:
Hàng xứ đồn lên lắm chuyện hay
Con người như thế hóa non tay
Gớm cho cô bé nhiều gan tệ
Chết nỗi làng chơi phải miếng cay
Hùm đã biết tay sao cứ mó?
Chim chưa vỡ bọng dễ mà bay
Từ đây buộc chỉ chừa thôi nhé
Đừng có chơi dao liệu có ngày
Có lẽ cái tựa “Bóp Vú Đau Tay” vào thời ấy (1913) nghe sỗ sàng quá nên Tản Đà sau đó đổi lại là “Thầy Đồ Ve Gái Phải Đánh Đau Tay” và viết lại 4 câu đầu của bài thơ thành:
Em mới nghe đồn lắm sự hay
Đồn rằng bác mới phải đau tay
Gớm ghê cô bé già gan tệ
Lẩy bẩy thầy nho mắc miếng cay
Còn 4 câu sau thì giống hệt 4 câu của bài trước. Đọc cả hai bài thì thấy người bị đánh đau tay là một ông thầy đồ chắc đã có tuổi (lẩy bẩy) bề ngoài đạo mạo chữ nghĩa thánh hiền một bụng, nhưng lúc vắng người thì thầy ma mãnh hơn bất cứ ai, những trò nhí nhắt (mà Nguyễn Khuyến kể trong bài Lựu: ...ông già ông khác người ta/những cái nhí nhắt ông ma bằng mười ) thầy chẳng hề thua người nào. Cho đến khi thầy bị người phụ nữ (mà thầy nham nhở) cho bàn tay của thầy một đòn đau nhớ đời. Chuyện được truyền miệng khắp Hà thành, đến tai Tản Đà nên bị ông già núi Tản sông Đà cho một bài thơ lên báo. Chắc ông thầy đồ cũng là chỗ quen biết, lại là vai vế đàn anh của Tản Đà nên Tản Đà mới xưng “em” và gọi ông thầy đồ bằng “bác.”
Thực ra chuyện nham nhở, cho bàn tay lang thang một chút thì cũng thế gian thường tình, nhưng chuyện mới xảy ra gần đây tại Hàn Quốc thì lại là chuyện không nhỏ chút nào.
Một tờ báo ở Bucheon, một thị trấn gần thủ đô Hán Thành, tuần trước cho biết một cán bộ lãnh đạo công an Việt Nam đã bị cảnh sát Hàn Quốc bắt về tội có hành vi sàm sỡ với một phụ nữ làm việc cho một khách sạn nơi người này đang tạm lưu trú.
Người đàn ông này đã có những hành vi nham nhở với người phụ nữ 21 tuổi trong thang máy, bị cự tuyệt, chàng ra khỏi thang máy chạy về phòng làm như không có gì xảy ra. Nhưng máy thu hình đặt trong thang máy đã thu được tất cả nội vụ. Người phụ nữ ngay sau đó đã trình báo với cảnh sát nên người công an mất nết này đã bị bắt giữ ngay sau đó. Chàng chối bay chối biến làm như còn ở Việt Nam không bằng. Nhưng camera trong thang máy thì không ăn gian nói dối như công an cảnh sát Việt Nam.
Hình ảnh camera thu lại rất rõ hành vi mất dậy của viên công an cao cấp này. Được biết chàng được cử đi Hàn Quốc để tham dự một khóa tu nghiệp trau dồi nghiệp vụ. Vậy là mới sang đất nước người ta được 5 ngày, chàng đã giở trò khốn nạn ngay với một phụ nữ Hàn Quốc. Báo chí ở Bucheon không nêu đích danh chàng mà chỉ cho biết tên tắt của chàng là A. năm nay 51 tuổi.
Chưa biết cảnh sát Hàn Quốc sẽ giải quyết vụ này ra sao. Có thể chàng sẽ tống xuất về nước và sẽ được thăng thưởng vì không ăn cắp trong siêu thị như nhiều người Việt khác ở Hàn Quốc và Nhật không chừng!
Khốn nạn hết chỗ nói!
Trong khi đó, báo chí trong nước hồi tuần trước loan tin hồi tháng 5 năm nay, ông Ban Ki Moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đến thăm nhà thờ họ Phan Huy ở Sài Sơn nhận là có liên hệ họ tộc với dòng Phan Huy ở Việt Nam. Ông Ban Ki Moon đã viết trong sổ lưu niệm của nhà thờ tên Việt Nam của ông là Phan Cơ Văn và hứa sẽ hành sử sao không hổ danh dòng họ Phan Huy của ông.
Đặt hai chuyện bên nhau mà thấy buồn. Một người trở về đem vinh dự cho dòng họ Phan. Một thằng khốn nạn làm nhục nhã người Việt vì một cái bóp vú người phụ nữ Hàn Quốc.
Chỉ vì chủ nghĩa Cộng Sản khốn nạn ở Hà Nội. 

NGUYỄN ĐẠT THỊNH * PHẠM HUẤN

Phạm Huấn - Nhà Báo Quân Ðội
Phạm Huấn là một nhà báo quân đội và trong “Bộ Biên Tập Diều Hâu”. 
Thành viên Ban Liên Hợp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên, đặc trách về Báo Chí, khi Hiệp Định Paris 1973 được ký kết.
Chủ tịch Hội Phóng Viên Chiến Tranh Việt Nam, 1972-1975.

Tác giả đã theo học Trường Võ bị Đà Lạt năm 1956, Trường Đại Học Quân Sự năm 1963.
Và cá Trường Quân sự tại Hoa Kỳ: Infantry School (Fort Benning, GA, 1958), Civil Affairs School (Fort Gordon, GA) và Special Warfare School (Fort Braggs, NC, 1965).…
Trong nghề phòng viên chiến tranh, Phạm Huấn có một chỗ đứng riêng biệt, dù đi chung với những phóng viên nổi tiếng hàng đầu của thế giới như Moshe Dayan, Dickey Chapel… hay chỉ đi có một mình, bao giờ anh cũng được đón nhận nồng nhiệt của mọi chiến hữu ở ngoài mặt trận.Năm tháng sau cùng của chiến tranh Việt Nam, anh bỏ bàn hội nghị với Cộng Sản tại Saigon, theo Tướng Phạm Văn Phú lên Pleiku, chắc chắn không phải là một sự ngẫu nhiên. Những ghì mà Phạm Huấn biết được trong cái nôi của mọi khởi biến trọng đại ấy, đã là những chứng liệu quí báu, giúp chúng ta nhìn rõ hơn tình huống lúc bấy giờ.

Với tôi chỉ là một câu hỏi thừa thãi: Tại sao, bây giờ, sau nhiều năm, Phạm Huấn mới chịu công bố những sự kiện trên? Sự kiện càng đắt giá bao nhiêu, câu hỏi thừa thãi càng nở lớn bấy nhiêu. Tại sao? Tôi không chờ đợi một cây trả lời chiếu lệ, khỏa lấp. Phạm Huấn có quyền giữ cho riêng Anh những điều bí ẩn ấy.

 Tác giả Phạm Huấn, trong những lời cuối của cuốn bút ký chiến trường lịch sử “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975” đã bày tỏ: “Tôi đã viết ra tất cả những bí mật, những cái lệnh của các tướng lãnh, lãnh đạo đất nước và quân đội, và mọi diễn biến xảy ra trong “Cuộc rút bỏ Cao Nguyên tháng 3,1975”, dưa đến sự sụp đổ tinh thần, làm tan rã QLVNCH, và mất nước sau đó. Những tiết lộ trong cuốn sách này, ngoài đoạn viết về “quyết định Cam Ranh 14.3” của năm tướng Thiệu, Khiêm, Viên, Quang, Phú; tất cả là sự thật và có chứng tích.

Về “Quyết định Cam Ranh 14.3”, tôi đã viết đi viết lại nhiều lần, và đây là lần tôi ưng ý nhất. Tôi có mặt tại “tòa Bạnh Dinh” Cam Rang sáng ngày 14.3.1975, nhưng tôi không được tham dự buổi họp này

Tôi viết những tiết lộ của Tướng Phú, bằng những diễn biến sau đó của cuộc rút quân, bằng sự suy diễn của một nhà báo đã nghiên cứu về Chiến Trường Cao Nguyên, và hiểu biết một phần nào “cuộc đời chính trị và quân sự” của các tướng lãnh hiện diện trong phiên họp.
Giữa năm 1986, trước khi hoàn thành cuốn sách, mới mong ước tập tài liệu đặc biệt này có một giá trị tuyệt đối, tôi đã bỏ ra một tháng trời tại miền Đông Hoa Kỳ, bằng mọi cố gắng xin gặp Đại Tướng Cao Văn Viên, cựu Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH. Tôi muốn được nghe một “tiếng nói thứ hai” về Quyết Định Cam Ranh ngày 14.3.1975, vì Đại Tướng Viên là một nhân vật rất quan trọng trong cuộc họp lịch sử nàyLúc đầu, Đại tướng Viên từ chối không tiếp tôi, với 2 lý do:

- Đất Nước mất đã hơn 11 năm, Ông không muốn nhắc lại chuyện cũ, gây nên hiểu lầm, làm buồn lòng những anh em đã chết. Hiện tại, dù đã trên 60 tuổi, ông vẫn phải làm việc rất vất vả, cực khổ để sinh sống, và ít khi có mặt ở nhà.  Tuy nhiên, với sự khẩn khoản yêu cầu của tôi, Đại Tướng Viên đồng ý cho tôi phỏng vấn trên điện thoại.  Nhưng thật bất ngờ, sau đó, không biết vì lý do gì, tôi đã gọi khoảng 30 cú điện thoại viễn liên, mà không lần nào gặp ông. Tôi chỉ được nói chuyện rất nhiều lần với bà đại tướng Cao Văn Viên.  Tuy vậy, tôi vẫn chưa thất vọng. Tôi tin rằng trong tương lai, có dịp được diện kiến với Tướng Viên, chắc chắn, ông sẽ nói cho tôi biết những điều đúng, những điều sai về “quyết định Cam Ranh 14.3.1975” mà tôi đã viết ra. Và nếu có những điều sai, tôi sẵn sàng viết lại thêm một lần nữa và “Quyết Định” có tính cách lịch sử này.Tôi xin chịu trách nhiệm về những điều tôi viết trong cuốn sách. Tôi cũng xin sẵn sàng chấp nhận mọi sự phê phán, mọi chuyện xảy ra, bất cứ từ đâu tới. Đây là việc làm tôi đã suy nghĩ trong một thời gian khá lâu, trước khi quyết định phổ biến mọi bí mật mà tôi biết về “Cuộc rút quân Cao Nguyên”, và những ngày cuối cùng trên Chiến Trường Quân Đoàn II.Trong cái nhục của một người quân nhân bại trận, hèn nhát trốn chạy sang đây, tôi đã muốn quên đi tất cả. Nhưng, những hình ảnh của trận chiến sau cùng luôn luôn chờn vờn, ẩn hiện trước mắt tôi. Tôi rất đau đớn và vô cùng phẫn nộ, khi phải nghe, phải đọc, hoặc ai nhắc đến câu: “Tan hàng bỏ chạy, chưa đánh đã chạy v.v.”đó là một sỉ nhục chung cả tập thể QLVNCH!  Điều đó không đúng. Xin hãy kết tội, phê phán những sai lầm của các tướng lãnh, các cấp chỉ huy lãnh đạo đất nước, chỉ huy quân đội, và kết tội tôi đã làm mất nước, đã thua trận, đã hèn nhát. Nhưng hãy để yên cho những người đã chiến đấu và đã chết trong trận chiến sau cùng được yên nghỉ.
Sau khi Phước Long mất, Mặt Trận Ban Mê Thuột bùng nổ đầu tiên, ngày 10.3.1975, trong trận đánh quyết định sau cùng, tinh thần chiến đấu của các đơn vị QLVNCL như thế nào, những trang sách trên đã ghi lại mọi diễn biến, và từng ngày, từng giờ xảy ra. Khi Cộng sản Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuột, các đơn vị chủ lực của QLVNCH tại thị xã này gồm Trung Đoàn  Bộ Binh, Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân, các đơn vị Pháo Binh 105 ly, và Thiết Vận Xa M113, trong 7 ngày chiến đấu, gần như 100% lực lượng của Trung Đoàn 53 Bộ Binh, và các đơn vị Pháo Binh, Thiết Vận Xa bị thiệt hại, Liên Đoàn 21 Biệt Động quân bị tổn thất khoảng 80% quân số. Các anh hùng phi công của Không Quân Việt Nam đã chiến đấu gan dạ phi thường, để yểm trợ cho những cánh quân bạn dưới đất, và đánh những chiến xa, những dàn đại pháo của địch. Họ bị phòng không Cộng Sản Bắc Việt bắn hạ như mỗi ngày, có ngày 3 phản lực cơ A-37 và 1 trực thăng võ trang bị bắn cháy, bị nổ tung như ngày 13.3.1975.

17 ngày sau cùng trên chiến trường Quân Khu II, kể từ 17.3.1975, song song với cuộc rút quân, các Mặt trận Phước An, Khánh Dương, Bình Định, đều đồng loạt bùng nổ.  Tại khắp các Mặt Trận, Cộng sản Bắc Việt với một lực lượng quân chính qui đông hơn gấp từ 5 tới 10 lần, có chiến xa, đại pháo yểm trợ, do đó, chúng đã làm chủ tình hình ngay từ phút đầu. Tuy nhiên, các đơn vị chủ lực còn lại của Quân Đoàn II, và Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù, chỉ buông súng khi bị tràn ngập, hoặc đã bị thiệt hại 70% quân số, và không còn được tiếp tế đạn dược, không còn liên lạc được với quân đoàn.  Trước ngày 30.3.1975, 2 trung đoàn 41, 42, 47 của sư đoà
n 22 Bộ Binh tại các mặt trận quốc lộ 19, và Bắc Bình Định, sau khi bị thiệt hại ở chiến trường, và trên 30 cây số đường rút quân, xuống tầu tại Quy Nhơn được khoảng 1,000 người. Bị thiệt hại trên 70%.  Lữ đoàn 3 Nhẩy Dù tăng phái cho Mặt trận Khánh Dương, buông súng trưa ngày 1.4.1975, sau khi vỡ tuyến, bị tràn ngập, và không còn được tiếp tế, liên lạc được với quân đoàn II.  Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù bị tổn thất 70% lực lượng.  Đó là thực trạng và tinh thần chiến đấu của các đơn vị chủ lực Quân Đoàn II, và Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù trong những ngày sau cùng trên chiến trường Cao Nguyên.Pleiku, Kontum, Nha Trang: Chưa đánh đã bỏ chạy! Đúng!  Cuộc rút bỏ Pleiku, Kontum năm 1975 là một sai lầm nghiêm trọng, một thiệt hại lớn lao nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.  Tất cả lực lượng chiến xa M48, M41, và Pháo Binh nặng, Đại bác 175 ly, 155 ly của quân Đoàn bị hủy diệt. Gần 20 ngàn quân tinh nhuệ bị… thảm sát  7 liên đoàn Biệt Động Quân, Lữ Đoàn 2 thiết Kỵ, Liên Đoàn 6 Công Binh Chiến Đấu, các đơn vị Lôi Hổ, Thám Kích bị thiệt hại từ 70% tới 80%. Tôi dùng chữ “Thảm Sát” ở đây, vì hầu hết bị chết bởi pháo của Cộng Sản Bắc Việt, bom đó do Không Quân thả trúng, mìn bẫy của Đồng Minh và quân ta, gài từ trước trên tỉnh lộ 7. Đó là một quyết định sai lầm về chiến lược. Tâp đoàn Tướng Lãnh lãnh đạo Đất Nước và Quân Đội phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về quyết định rút bỏ Cao Nguyên 1975, đưa đến sự sụp đổ, tan rã QLVNCH, và mất nước.  Tổ chức và hệ thống chỉ huy tồi tệ của cuộc rút quân, không phối hợp, vô trách nhiệm, vô kỷ luật: Đó là trách nhiệm của các Tướng Lãnh bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, các Tướng Tham mưu quân Đoàn II.Còn về Nha Trang bỏ chạy, đó là chuyện đương nhiên. Bởi vì, Bình Định, Phú Yên đã mất, tất cả các đơn vị chủ lực Pháo Binh, Thiết Vận Xa của Quân Đoàn II  đã bị đánh bại tại 2 mặt trận Phước An và Khánh Dương. Tuyến cuối cùng của Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù trên Đèo M’Drak đã bị vỡ, bị tràn ngập. Kể từ trưa ngày 1.4.1975, Nha Trang chỉ còn được “phòng thủ” bởi các lực lượng Cộng quân không cần đánh, Nha Trang cũng mất! 

Tối ngày mồng 4 Tết Ất Dậu, 2005, chúng tôi vào thăm nhà báo Phạm Huấn ở dưỡng đường Mission De La Casa, San Jose. Ông bị tai biến chứng về cột xương sống. Đây là hậu quả khi ông tham dự vào 1 lần tập huấn tại Trung Tâm Luyện Nhẩy Dù, thời đầu thập niên 1960.

Buổi tối San Jose khá lạnh. Chúng tôi nói chuyện với ông về kỷ niệm những ngày ông đã từng đi chung với nữ ký giả chiến tranh Dickey Chapel ở cấp đại đội, tại chiến trường Việt Nam. Sau này bà đã thiệt mạng, trong lần thứ hai trở lại chiến trường này. Còn bây giờ, người phóng viên chiến tranh Phạm Huấn đang ngồi âm thầm bên chiếc bàn nhỏ, trên đó có đĩa bánh chưng rán của người thân mang vào cho ông trong những ngày đầu năm. Ông chỉ ăn được một phần nhỏ, và ông cũng không rõ đã ăn chưa, vì chứng bệnh alzheimer…

Sáng ngày mồng 5 Tết, các nữ ca sĩ Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao cũng đã đến thăm ông. Mọi người đều bùi ngùi. Phạm Huấn, phóng viên chiến tranh, tài tử của phim “Ngàn Năm Mây Bay”, người chứng kiến lịch sử đoạn kết của VNCH 1975 bây giờ đang ngồi, mắt xa xăm, trong 1 dưỡng đường ở San Jose, California. Gần đó, cuối dãy, bạn ông, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn cũng vừa nhập viện cách đây hơn một tháng…

 


Mời đọc bài viết của Văn Quang, từ Sài Gòn về 1 người bạn chung:



Phạm Huấn
Phóng viên chiến trường năm xưa đã ra đi

Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự
Số 129 - ngày 24-10- 2005 * Văn Quang




Sáng thứ bảy ở VN, chiều thứ sáu 21-10-2005 ở Santa Ana, tôi nhận được điện thoại của người em dâu ở Mỹ báo tin: Phạm Huấn vừa "về với Chúa".



Thật ra điều này không làm tôi ngạc nhiên, vì từ mấy năm nay bạn bè đã cho tôi biết về bệnh tình Phạm Huấn. Anh nằm trong "nhà an dưỡng" ở San Jose trong một tình trạng rất đáng buồn, các bạn tôi nhìn thấy anh, không ai không mủi lòng. Trong thời gian đó tôi chỉ được coi một tấm hình anh ngồi ngơ ngẩn trên hàng ghế đầu khi trình làng tập thơ của Hoàng Anh Tuấn ngay trong một căn phòng khách của "nhà an dưỡng". Tôi không thể nào hình dung được con người đẹp trai, hào hoa phong nhã ngày nào, bây giờ lại& "thảm" đến như thế được. Chứng bệnh mất trí nhớ hành hạ anh và cả những người thân của anh thường xuyên có mặt bên giường bê.nh.



Phạm Huấn chỉ đóng một phim duy nhất
Hình ảnh hôm nay, khiến tôi càng nhớ tới khi anh đóng phim "Ngàn năm mây bay" do Thái Lai sản xuất dựa trên một truyện dài của tôi xuất bản vào khoảng năm 1962. Và dường như đời anh chỉ đóng có một cuốn phim duy nhất đó, thế nên nó cũng giống như một cuộc vui chơi mà thôị Những lần sau đó, có người mời anh đóng phim, anh đều từ chốị Ngay trong phim Chân Trời Tím, tôi gợi ý anh vào vai một sĩ quan bảnh bao, học giỏi, con nhà giàu, bên cạnh vai chính Hùng Cường và Kim Vui, nhưng anh lắc đầu: "Tao thấy nhân vật đó hơi& kỳ". Và rồi vai nào anh cũng chệ Mặc dầu đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, đôi khi cũng rủ rê anh "đóng một vai cho vui", cũng như Hoàng Vĩnh Lộc đã từng rủ rê cả Duyên Anh, đóng vai bệnh nhân trong một bệnh viện và Hà Huyền Chi vào vai "người vác quan tài" trong phim "Người tình không chân dung". Gọi là đóng phim chơi cho vui, có tên tuổi của những nhà văn, nhà báo cho thêm xôm tu.. Trong phạm vi đứng đắn của một tác phẩm, vẫn có những "trò nghịch ngầm", vui chơi của anh chị em nghệ sĩ mà chắc khán giả cũng biết. Nhưng nếu có ai gọi Phạm Huấn là tài tử, anh cho rằng người ta "chọc giận" mình. Bởi theo nhận định của tôi, anh thích là một phóng viên chiến trường, một nhà văn, hơn bất cứ thứ gì khác. Cuộc đời trai trẻ của Phạm Huấn sôi nổi nhưng không "giang hồ đến cả hoa kia cỏ này" như ông bạn già Phan Nghị của chúng tôị Một ngày của anh là công việc và lãng du, tình yêu và quân ngũ, những thứ gắn liền với nhau như từ trong máụ



Tôi không nhớ chính xác chúng tôi quen nhau từ năm nào, nhưng gặp nhau là thân ngay, cũng gần nửa thế kỷ rồi đấỵ Nhưng từ 30 năm nay, tôi không một lần gặp lại Phạm Huấn. Nhớ lại lần đầu gặp anh, vào khoảng đầu thập niên 60, khi anh về phục vụ tại Phòng Báo Chí, Cục TLC. Khi ấy anh vừa từ giã chức Đại đội trưởng Đại Đội Văn Nghệ ở vùng 1, đồn trú ở Quảng Ngãị Có lẽ vì yêu cuộc đời phóng viên nên anh xin về làm báo quân độị Anh nói với tôi: "sẵn sàng đi bất cứ chiến trường nào, chứ không muốn ngồi bàn giấy làm biên tập viên".



Cuộc đời phóng viên chiến trường
Ngay thời gian đầu, trong khi còn đang "học việc", anh đã tỏ ra xông xáo và mộng ước của anh là được đi học nhảy dù để khi cần có thể nhảy xuống những chiến trường sôi động trong lửa đạn, cũng như Dương Phục và một số những anh phóng viên trẻ khác đang muốn nâng cao tay nghề của mình. Trên hết vẫn phải nói đến ý chí của họ, là một người lính sống chết với chiến trường như những chiến binh khác ngoài trận tuyến. Một lần nữa Phạm Huấn hoàn thành được tâm nguyện của mình. Từ đó anh thường đi cùng một ê kíp phóng viên có mặt ở hầu hết các chiến trường miền Nam. Một ê kíp phóng viên Quân Đội thường có đủ mặt: phóng viên nhiếp ảnh, phóng viên quay phim truyền hình, phóng viên báo chí, phóng viên phát thanh. Anh nào có cấp bậc lớn hơn làm trưởng toán, bất kể anh ở chuyên môn nàọ



Những năm sau này, chiến trường trải rộng ở khắp các quân khu nên chúng tôi phải lập nhiều toán thường trực mà không thể đáp ứng hết các nhu cầụ Thế nên có những phóng viên vừa ở Quảng Trị về đã phải khăn gói lên ngay Pleiku, Kontum, hoặc chui vào Bình Long& Hầu như họ không còn ngày nghỉ. Nhất là mỗi lần đi công tác đều thiếu tiền. Theo nguyên tắc hồi đó, để tiết kiệm ngân sách và cũng để phòng ngừa những chuyện lợi dụng có thể xảy ra, quân đội chỉ cho lãnh công tác phí tối đa là 15 ngày trong một tháng, mặc dù anh đi công tác cả tháng. Điều đó tất nhiên gây nhiều thiệt thòi cho những anh phóng viên suốt tháng lăn lộn khắp " bốn vùng chiến thuật". Tôi cũng muốn nói điều này để thấy được chúng ta đã phải tiết kiệm như thế nào và sự ngăn ngừa tệ nạn "tiêu cực" ráo riết đến mức nàọ Không phải cứ ở trong quân đội là đầy đủ như một số người đã tưởng tượng rạ



Mỗi lần đi công tác là một lần lo tiền, có những PV phải vay cào vay cấu vài ba chục ngàn làm tiền lộ phí. Đến ngay cả cái xe ra phi trường, đôi khi cũng không có, nhờ bạn đèo xe gắn máy hoặc vẫy cái taxi đi cho kịp giờ. Đến đơn vị nào rảnh rỗi thì có thể được ăn cùng ở cùng, nhưng nếu gặp khi đơn vị nằm ở bìa rừng trong vòng trận mạc thì& ráng tự xoay xở lấỵ Anh trưởng toán lại lo sốt vó. Có điện thoại về cho "trung ương" thì cũng chưa chắc gì đã lo nổi, có khi còn được móc ngay vào một công việc khác: "Nhà hết phóng viên rồi, nhân tiện các anh ở Huế, đi luôn vào Quảng Ngãi làm cái phóng sự ở một quận nào đó vừa có tin chiến trường nóng bỏng". Thế là lại bay vào Quảng Ngãi và còn "tiện thể" đi những đâu nữa thì "hạ hồi phân giải". Miễn là mỗi buổi tối có một bài tường thuật cho phòng tin tức.



Phải cố gắng lắm, chúng tôi mới kiếm ra một chút ngân quỹ để "đền bù" cho những thiệt thòi ấy của các anh phóng viên trẻ "rách hơn cái mền rách". (Nói theo chữ nghĩa bây giờ ở đây là "bồi dưỡng" đúng nghĩa của nó, chứ không phải "bồi dưỡng" theo kiểu hối lộ, chia chác hàng triệu đô la cứ như lấy đồ trong túi). Tuy vậy số tiền bồi dưỡng chỉ có sau khi đi công tác về và chỉ có một giới hạn nhất định, mỗi anh cầm tạm vài ba chục ngàn, chỉ bằng tiền vài bữa cơm ngoài quán "Bà Cả Đọi".
Anh chàng đào hoa quá khiến con gái& sợ
Sau những giây phút căng thẳng đó, Phạm Huấn lại trở về với thành phố Sài Gòn và "rũ áo phong trần, khoác áo hào hoa". Nhìn anh lúc đó chẳng khác gì một thư sinh công tử, không ai nghĩ anh là PV chiến trường vừa thoát chết trên Đại lộ kinh hoàng cùng với Vũ Thanh Thủy và Dương Phục.



Phạm Huấn và tôi có quá nhiều kỷ niệm vào những năm tháng nàỵ Từ công việc trong mấy tờ báo Quân Đội đến cuộc sống ngoài đờị Chiếc xe Taunus 15 như con trâu già của tôi đã được Phạm Huấn lái đi chơi cùng khá nhiều người đẹp.
Trẻ tuổi, đẹp trai, độc thân, đấu ngọt như mía lùi, chơi mạt chược cũng xuất sắc nên luôn vây quanh Huấn là những người đẹp. Tất nhiên đi chơi với Huấn thì phải chấp nhận phần thiệt vẫn về tôị



Có một vài ca sĩ loại "sao đang lên" của Sài Gòn lúc bấy giờ đã từng là "bạn gái" của Huấn. Tôi xin phép không kể tên ra đây vì tôn trọng cuộc sống của từng người hiện còn đang ở đây hay ở nước ngoàị Tôi dùng chữ "bạn gái" vì thật ra đối với Huấn và ngay cả những người đẹp đó, dường như chỉ là một tình cảm đậm đà trên mức bình thường một chút mà thôị Câu mà Huấn thường đùa cợt với bạn bè là "vương vấn, vẩn vơ, vật vờ" cho lên hương cuộc đờị Cũng đẹp lắm chứ. Có thể hiểu được tâm trạng của những người đẹp khá nổi danh nàỵ Thích đấy, vui đấy nhưng lại sơ.. Một anh chàng hào hoa và đào hoa quá thường làm các cô gái e dè, "phòng thủ cẩn mật" hơn là đối với những vị thương gia thường tỏ ra hiền lành, dễ thương và dễ bảo hơn. Còn với Phạm Huấn thì cũng thế, đối với những người nổi tiếng, anh "chờn vờn" chứ không thể hay không dám "đặt cược cuộc đời lâu dài" mình vào đấỵ



Một ngoại lệ
Nhưng có một người đẹp nữ sinh được mệnh danh là "hoa khôi Gia Long" thì khá nặng tình với anh chàng phóng viên hào hoa và đào hoa nàỵ Không biết bao nhiêu lần, chiếc xe của tôi đã đưa hai người đi trên "xa lộ không đèn". Và chẳng lần nào Huấn quên kể cho tôi nghe về những chuyện xảy rạ Chuyện của họ vẫn ở trong vòng lễ giáo và cho tôi cảm tưởng như họ có thiện chí muốn "xây dựng cùng nhau". Hoa khôi Gia Long cũng không hề giấu giếm tôi về những điều nàỵ Bởi thật ra hoa khôi quen biết tôi từ trước khi Phạm Huấn về làm ở Cục TLC. Cô hay vào phòng báo chí như một độc giả, một "người em gái hậu phương" gửi tâm tình ra tiền tuyến. Cô cũng có viết vài ba bài cho báo Quân đội xung quanh đề tài "thời thượng" đó. Và sau này, khi Phạm Huấn không còn ở bên cô nữa, cô thường có những bài thơ đăng rải rác trên một vài tờ tuần báo ở Sài Gòn, nhiều nhất là ở tờ Văn Nghệ Tiền Phong. Không ngần ngại, cô gọi thẳng tên "H. ơi, còn nhớ ngày nào&". Sau năm 75, ở lại Sài Gòn , tôi lại có dịp gặp lại hoa khôi Gia Long. Lúc này đã con cái đùm đề, song vẫn còn đẹp, chúng tôi không nhắc gì tới chuyện cũ, nhưng qua ánh mắt, lại thấy đầy đủ hình ảnh những người xưạ Dường như người em trai của cô sắp đặt buổi gặp gỡ này cũng chỉ vì điều ấỵ



Tao lấy vợ
Đó là những ngày cậu trai rẻ Phạm Huấn khởi nghiệp làm phóng viên và cũng bắt đầu viết văn. Anh có nhiều phóng sự và truyện ngắn đăng trên các báọ Rồi đến khi có một khóa học về báo chí ở Mỹ, Huấn mải đi làm phóng sự không có tên theo học. Anh về đến phòng, biết được tin này, anh lao lên phòng Cục trưởng TLC xin vào gặp. Hồi đó là thiếu tướng Trần Tử Oai làm giám đốc. Một vị tướng khét tiếng nghiêm khắc từ thời còn làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Chánh văn phòng không dám đường đột cho vào, Huấn đạp cửa vào và thản nhiên trình bày ý muốn được đi học lớp nàỵ Không hiểu sao, ông Trần Tử Oai lại "chịu đèn" anh chàng phóng viên ngang ngạnh nàỵ Sau vài câu hỏi, ông ký giấy ngay cho Huấn đi học Mỹ. Việc đó khiến cả phòng báo chí chúng tôi ngạc nhiên.



Tôi không còn nhớ rõ khóa học sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng có một điều tôi nhớ rất rõ là sau khóa học về đến Sài Gòn, Huấn tuyên bố với anh em trong phòng "tao lấy vợ". Và anh kể lại giai thoại anh gặp cô bé xinh xinh, đeo kính cận đang theo học ở Mỹ như thế nàọ Giản dị đến không ngờ, họ chơi bài với nhau cho qua thì giờ rồi yêu nhau lúc nào không biết. Chàng về nước trước, nàng xin phép gia đình về saụ Đám cưới của hai người tôi không dự được vì theo học lớp tham mưu ở Đà Lạt. Tôi gặp họ trong tuần trăng mật ở một ngôi biệt thự rất đẹp ở cuối con đường lối vào Trường Chỉ Huy tham mưụ
Kể từ đó, gia đình Phạm Huấn với tôi càng thân thiết hơn. Những năm sau này, không tuần nào mà chúng tôi không ngồi xoa với nhau cho đến những ngày cuối tháng 4 -1975. Nhà tôi chỉ có một bàn xoa mạt chược, mà bạn bè thì quá đông, nên anh nào cũng phải nhanh chân đến đúng giờ. Điệp, Tuấn, Thủy, Phong, Tài, Hiến, Lệ Thu, NĐToàn, Hồng Dương là những chân thường trực. Còn về khuya thì đôi khi các ông đi chơi chán kéo đến, Hùng Sùi, Hoan Sứt,& ngồi một đống, đấu láo tưng bừng. Các ông này quen chơi lớn, coi bàn chúng tôi là loại "còm", ăn thua vài ba ngàn, nên chỉ đến "chầu rìa, hút thuốc vặt", xem mấy tay mơ đánh loạng quạng cho đỡ buồn. Thỉnh thoảng Phạm Huấn cũng có đến, nhưng chỉ với mục đích ngồi coi ké Điệp đui vui chơị



Một phóng sự để đời
Khi tôi chuyển sang phục vụ ở Đài Phát Thanh Quân Đội, Huấn vẫn ở lại phòng Báo chí. Có một thời anh làm tờ Diều Hâu cùng anh Nguyễn Đạt Thịnh, chúng tôi quá bận rộn nên ít có thì giờ gặp nhaụ Vài năm sau này, Huấn sang làm ở Ủy ban quân sự 4 bên ở Tân Sơn Nhất. Trong thời gian đó, khoảng tháng 2 năm 1973, Phạm Huấn cùng với Phan Nhật Nam, Dương Phục đi theo phái đoàn ra Hà Nội làm phóng sự trao trả tù binh đợt 2 diễn ra tại Phi trường Gia Lâm. Vào thới chiến tranh đó, Hà Nội đối với người dân miền Nam hoàn toàn xa lạ, cho nên được dịp ra Hà Nội là chuyện hầu như không thể xảy rạ Tất nhiên tôi phải đón sẵn Huấn để "vồ" về làm tường thuật trực tiếp trên Đài PT Quân Độị Nhân tối đó có chương trình Nghệ sĩ với chiến sĩ đang thu thanh, Phạm Huấn tường thuật toàn bộ chuyến đi Hà Nội ngay trong chương trình nàỵ
Một phóng sự rất đặc sắc được thính giả đón nhận nồng nhiệt khiến chúng tôi đã phải phát lại đến vài ba lần nữạ Ngay sau đó cuốn sách "Một ngày tại Hà Nội" (1973) của Phạm Huấn được xuất bản kèm theo những hình ảnh sống động mà trên làn sóng điện phát thanh không thể nào có được. Đó cũng là cuốn sách đầu tay của "nhà báo Phạm Huấn" và cũng là cuốn sách duy nhất mà tôi được đọc. Sau này anh sang định cư ở Mỹ viết thêm những cuốn khác:


- Triệt thoái Cao nguyên (1987);
- Những trận đánh lớn trước khi mất miền Nam (1988);
- Điện Biên Phủ 54 - Ban Mê Thuột 75 (1988);
- Trận Hạ Lào (1990), rất tiếc tôi không có để đọc.



Một người đáng được bạn bè tri ân
Năm sau cùng trong quân ngũ, Phạm Huấn lại nổi máu giang hồ, lên Pleiku làm SQ báo chí Quân đoàn 2. Anh đi cùng tướng Phú cho đến giờ phút cuối cùng. Anh điện thoại cho tôi khi "rút" về đến Nha Trang, anh diễn tả lại cảnh "loạn lạc hoang tàn" của thành phố này khi mọi người rời bỏ nó ra đị Vài ngày sau, anh mới về được đến Sài Gòn trong khi gia đình anh đã đi theo tàu ra Phú Quốc. Anh tất tả vào gặp tôi ở Đài QĐ rồi lắc đầu: "Tao cuốn gói".



Anh ra đi lúc nào và bằng cách gì, tôi cũng không biết. Cuộc sống sau này bên xứ người ra sao tôi chỉ biết rất lơ mợ Điều làm tôi ngạc nhiên chính là sự tan vỡ của gia đình anh. Cho đến khi Phạm Hùng trở lại VN cùng Phạm Long đến thăm, tôi mới tin đó là sự thật. Nhưng mọi chuyện cũ qua rồi, những vết thương rồi sẽ lành. Khi biết tin anh nằm ở bệnh viện, bên anh có chị Hà chăm sóc tận tình, tôi thành thật mừng cho anh. Có lẽ người chịu đựng với anh nhiều nhất trong những ngày tháng vừa qua chính là chi.. Ít có người phụ nào chịu đựng giỏi như thế. Tôi chưa quen chị, nhưng là bạn bè của Huấn, tôi phải tri ân một người phụ nữ như chi.. Nhiều người bạn Phạm Huấn cũng từng kể với tôi điều này, và bây giờ chắc họ cũng muốn nói với chị Hà như vậỵ



Từ hôm được tin anh ra đi đến nay, tôi đã nhận được rất nhiều thư từ, điện thoại của các bạn ở khắp nơị Trong số đó tôi nhận được e mail của Điệp báo tin vừa sang San Jose và cậu trưởng nam Phạm Huy Phong cũng có mặt từ trước hôm anh ra đị Gia đình Phạm Hậu người anh cả của anh đã hai lần phải đổi vé máy bay vì cứ tưởng anh đi sớm hơn nữạ Cuộc chơi của người phóng viên quân đội đến bây giờ mới kết thúc trong nỗi nhớ thương của mọi ngườị



Nhưng với 5 tác phẩm của anh để lại, thế hệ sau này sẽ có dịp nhìn được rõ hơn những điều sống động, xác thật đã và đang xảy ra trong lịch sử dân tộc mình. Làm được điều này, cuộc sống của anh đã thật sự có ý nghĩạ Không phải ai cũng làm được như thế. Người phóng viên chiến trường năm xưa đã ra đi, nhưng những gì để lại vẫn còn sống mãị
Phạm Huấn: ‘Triệt Thoái’ Khỏi Cuộc Đời...
Trường Kỳ

- Tôi coi Phạm Huấn như một người anh rất thân thiết. Một người anh văn nghệ hào hoa và rất chịu chơi. Tôi đã bàng hoàng khi nhận được tin chỉ vài giờ sau anh qua đời tại một nhà an dưỡng ở San Jose vào ngày 21 tháng 10 năm 2005, hưởng thọ 68 tuổi. Hình ảnh Phạm Huấn trong trí tưởng tôi luôn là một Phạm Huấn đầy sinh động, hoạt bát, lạc quan và bất cần đời, tức luôn coi cuộc đời như "pha", là câu nói thường xuyên của anh. Nhưng hình ảnh thật sự của Phạm Huấn đã khiến tôi ngỡ ngàng không tránh khỏi xúc động khi nhìn tấm hình Nam Lộc chụp chung với anh khi Lộc đến thăm anh tại nhà an dưỡng vào mùa Đông 2004. Đó là một Phạm Huấn tiều tụy, hốc hác và thê thảm cùng một trí nhớ sa sút. Bài viết ngắn này ghi lại một số kỷ niệm giữa anh và tôi, cũng như giữa anh và phong trào nhạc trẻ Việt Nam để tưởng nhớ đến một người anh đã hết lòng trong việc phát triển phong trào nhạc trẻ và nhất là tạo được cái duyên giữa nhạc trẻ và những người phục vụ trong quân ngũ.

Nói thẳng ra, nếu không có Phạm Huấn, lúc đó là thiếu tá phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, cùng nhà thơ Hà Huyền Chi, tức đại úy Đặng Trí Hoàn nhúng tay vào thì Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế đầu tiên tại Việt Nam đã không có cơ hội được diễn ra tại sân vận động Hoa Lư vào ngày 29 tháng 5 năm 1971. Kéo theo sau đó là những buổi đại hội nhạc trẻ khác được tổ chức tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn với số khán giả tham dự trung bình khoảng 15 ngàn người, gấp ba số khán giả tại các buổi Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd tổ chức ngoài sân trường từ giữa thập niên 60. Phạm Huấn "nhúng tay" bằng cách nào ? Dù gặp nhiều chống đối từ phía đối lập thời đó và ngay cả trong nội bộ Cục Tâm Lý Chiến, anh vẫn một mực khích lệ nhóm thực hiện chương trình chúng tôi - gồm Jo Marcel, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, vv... - cứ việc "đường ta , ta cứ đi". Không phải sợ cái gì hết ráo. Anh đã dùng tờ tuần báo Diều Hâu của mình để yểm trợ cho Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Hoa Lư mang mục đích cứu trợ gia đình cô nhi, quả phụ những chiến sĩ đã hy sinh hay mất tích trên chiến trường Hạ Lào. Hàng trăm quân nhân thuộc các đơn vị chiến đấu đã được gửi tới tăng cường an ninh cho buổi đại hội lịch sử này, được đặt dưới sự chủ tọa của bà Nguyễn Văn Thiệu. Cuối cùng Ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời tại sân Hoa Lư đã diễn ra suôn sẻ và đã trở thành buổi trình diễn đáng ghi nhớ nhất của phong trào nhạc trẻ Việt Nam. Và liên tiếp những năm sau, cái duyên giữa nhạc trẻ và quân đội đã dính liền qua những đại hội nhạc trẻ ngoài trời khác nằm trong mục đích Yểm Trợ Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ mỗi khi Tết đến. Chưa kể trước đó, cái duyên này đã được nhen nhúm với tướng Trần Văn Trung từ năm 1968 trong đại hội nhạc trẻ tổ chức tại rạp Thống Nhất, Sài Gòn.

Anh Phạm Huấn tìm gặp tôi tại vũ trường Ritz, trong thời gian tôi đang thực hiện những chương trình nhạc trẻ "Hippies À GoGo" tại đây, trong khi Nam Lộc cũng đang tổ chức những chương trình "SoulParty" tại vũ trường Queen Bee. Anh cho biết ý định của mình là tổ chức một buổi đai hội nhạc trẻ ngoài trời có tính cách quốc tế trong thời gian có rất nhiều ban nhạc trẻ ngoại quốc như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Phi Luât Tân, Nam Dương, Đại Hàn, vv... phục vụ cho những đơn vị quân đội đồng minh đang có mặt tại Việt Nam . Mặt khác anh muốn tạo cơ hội cho những ban nhạc trẻ Việt Nam có cơ hội tranh tài cùng những ban nhạc trẻ quốc tế khác. Nhưng mục đích chính anh cho biết là dùng số tiền thu được để cứu trợ cho gia đình cô nhi, quả phụ những chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường Hạ Lào. Trước mục đích mang nhiều ý nghĩa đó, tôi đã cùng Nam Lộc và các bạn Jo Marcel, Tùng Giang, vv...hội ý để cuối cùng đi đến quyết định chấp thuận lời đề nghị của anh Phạm Huấn. Vì chính anh em chúng tôi cũng đang có những ưu tư và cũng đang muốn kéo giới trẻ tham gia vào các sinh hoạt có tính cách văn hoá truyền thống cũng như xã hội, cộng đồng.

Từ đó trở đi, anh Phạm Huấn và Hà Huyền Chi thường xuyên đến gặp chúng tôi, khi thì ở Ritz, khi thì tại căn phòng được coi như "trung tâm sinh hoạt nhạc trẻ" là căn phòng trên khách sạn Bồng Lai ( giữa phòng trà Kim Sơn và nhà hàng Thanh Thế ) của tôi, hoặc tại phòng báo chí của Cục Tâm Lý Chiến để bàn thảo về việc tổ chức. Địa điểm được ấn định là sân vận động Hoa Lư , nơi có thể qui tụ hàng chục ngàn người tham dự. Và ngày tổ chức sẽ là ngày 29 tháng 5 năm 1971, kéo dài từ sáng đến chiều. Từ khi chúng tôi bắt tay vào việc thì phong trào chống đối cũng bắt đầu nổi lên, đến từ sự tranh chấp chính trị vào thời đó giữa ông Nguyễn Cao Kỳ và tổng thống đương nhiệm Nguyễn Văn Thiệu cùng với nhiều tổ chức thuộc phe đối lập.

Đó là chưa kể đến sự bất đồng ý kiến ngay trong nội bộ Cục Tâm Lý Chiến, giữa hai nhóm có thể gọi là "cấp tiến" và "bảo thủ". Tuy nhiên cuối cùng, anh Phạm Huấn cùng những người ủng hộ anh đã thuyết phục được một số nhân vật thoạt đầu không đồng ý việc tổ chức một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ có tầm vóc qui mô như vậy trong thời kỳ chiến tranh đang sôi động.

Nhưng việc chống đội từ bên ngoài đã khiến nhóm thực hiện chương trình chúng tôi lo ngại. Nhưng Phạm Huấn nhất quyết không lùi bước và luôn yểm trợ tinh thần chúng tôi. Anh không tỏ ra có gì lo lắng để hàng tuần vẫn đến gặp chúng tôi vào ngày thứ năm để rủ đi... nhậu thịt dê tại cái quán nhỏ xíu đối diện với tòa đại sứ Cao Miên trên đường Phan Đình Phùng, góc Lê Văn Duyệt ( bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu, góc Cách Mạng Tháng 8 ) do vợ chồng một ông bà cụ khai thác. Kế hoạch đối phó với những chống đối được bàn luận ngay bên cạnh những đĩa tái dê, dê nướng, vv...thơm phức. Thiếu tá Phạm Huấn những lúc đó càng tỏ ra không một chút nao núng để khuyến khích chúng tôi không nên chùn bước. "Sợ chó gì! Mính làm thì cứ làm chứ!" hoặc "Công việc mình làm ý nghĩa như vậy thì sợ đếch thằng nào, mụ nào! Đứa nào có giỏi nhẩy ra làm một công việc yểm trợ như vậy coi!". Đó là những câu chúng tôi thường được nghe anh phát ngôn một cách rất hăng! Nhưng càng gần đến ngày tổ chức thì phong trào chống đối càng nổi lên rầm rộ. Những bài báo công kích cũng xuất hiện rất nhiều, trong số có loạt bài của linh mục Hoàng Yến, hội trưởng Hội Bảo Vệ Luân Lý, đi trên nhật báo Xây Dựng vào những ngày 9 và 10 tháng 5 năm 1971.

Trong đó, linh mục Hoàng Yến đã cố tình gọi đó là một Đại Hội Hippy và tỏ ý lo ngại trước những tệ đoan do phong trào này gây ra. Trong khi tên gọi chính thức là Ngày Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời, yểm trợ cho chương trình "Vành Khăn Sô" dành cho gia đình cô nhi, quả phụ những chiến sĩ Hạ Lào. Đối mặt với những bài báo tương tự, Phạm Huấn chỉ cười khẩy để đăng tải đều đặn những bài viết về chương trình đại hội, về mục đích cao đẹp của nó, cũng như luôn đề cao sự đóng góp tích cực của các anh chị em nghệ sĩ thuộc phong trào nhạc trẻ Việt Nam.

Tổ chức "Thanh Niên Trừ Gian" thuộc phe ông Nguyễn Cao Kỳ cũng tỏ ra hoạt động rất tích cực bằng cách cho người đi…...xé bỏ những posters của ngày đại hội!. Nhưng xé đến đâu lại được dán đến đó do sự điều động của Phạm Huấn! Cùng một lúc bà Ngô Bá Thành cũng dọa sẽ huy động một số lượng...ăn mày tới trước cửa sân Hoa Lư để phá đám ngày đại hội. Chưa kể một số hội đoàn thuộc phe đối lập đưa ra lời dọa dẫm sẽ có biểu tình. Nhưng kết qủa sau cùng ra sao, hẳn ai cũng biết! Riêng về mặt an ninh trật tự, Ngày Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời 29 tháng 5 năm 1971 đã diễn ra hoàn toàn tốt đẹp do tính kiên quyết và điều động chặt chẽ và khéo léo của Phạm Huấn. Cũng nhờ đó mặt nghệ thuật của chương trình đã được ghi nhận là rất thành công trước gần 20 ngàn khán giả! Một "sự cố" duy nhất: một khán giả trẻ đã lên cơn động kinh, có thể vì quá "hưng phấn "khi theo dõi chương trình sống động của Ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Quốc Tế Ngoài Trời?

Tác giả Phạm Huấn của "Triệt Thoái Ban Mê Thuột" (và một số tác phẩm có tính cách lịch sử khác ) nay đã thật sự triệt thoái khỏi cuộc đời nhiều thăng trầm của anh sau khi rời Sài Gòn vào tháng 4 năm 75. Khi ra hải ngoại, tôi được em ruột anh là Phạm Long, một bạn thân và là một phóng viên tên tuổi, cho biết có thời gian anh Phạm Huấn hành nghề lái taxi ở Hawaii. Một thời gian sau anh về sống tại San Jose, và tôi đã có dịp gặp lại anh cách đây đã hơn 10 năm ở thành phố này, trong thời gian anh đang ở bên cạnh chị Hà. Và đúng là Phạm Huấn có duyên với nhạc trẻ khi chị Hà chính là chị ruột của Francoise Hằng, một trong những nữ ca sĩ đầu tiên của nhạc trẻ Việt Nam. Hai anh em nghồi đấu láo trước đĩa bánh ngọt và ly cà phê thay cho đĩa thịt dê và ly rượu nếp than và cùng nhau nhắc nhở về những kỷ niệm liên quan tới Ngày Đại Hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời tại sân Hoa Lư ngày nào mà tưởng chừng như mới diễn ra. Thật vui và thật cảm động.

Cách đây 6 năm, nhân dịp sang Orange County, nhờ nữ ca sĩ Mai Hương - một người bạn thân của anh - cho số điện thoại mới của anh ở San Jose, tôi đã gọi thăm anh và hẹn sẽ cố gắng lên thăm anh. Nhưng đó là lần cuối cùng tôi nghe được tiếng nói lúc đó vẫn còn sang sảng và vui vẻ của anh Phạm Huấn.

Rồi ngày 21 tháng 10 năm 2005 vừa qua, tôi đột ngột nhận được tin anh mới lìa đời vài tiếng đồng hồ trước đó trong một nhà an dưỡng ở San Jose. Buồn quá anh Huấn ơi! Anh đã "triệt thoái" khỏi cuộc đời này thật rồi! Nhưng cũng mừng anh đã không còn phải sống những ngày cuối cùng buồn thảm như vậy.

Cũng nhân dịp này tôi lại biết thêm một cái duyên khác của Phạm Huấn với nhạc trẻ: nhân viên phụ trách hồ sơ cho nhà an dưỡng này và là người thường xuyên thăm hỏi anh chính là tay trống Hiệp San của một trong những ban nhạc trẻ đầu tiên của Việt Nam là Les Faucons Noirs!

Nam Lộc cũng đã rất xúc động khi nghe tôi báo tin buồn này. Lộc đã tỏ bầy tâm sự của mình về anh Phạm Huấn như sau:"Một trong những điểm quan trọng mà tôi học được ở nơi anh Phạm Huấn là nghị lực và sự cứng rắn cần có từ tâm hồn đến thể xác để sẵn sàng đối phó với mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Tôi còn nhớ vào những năm đầu của thập niên 1970, chúng tôi đã gặp biết bao nhiêu là sự kỳ thị, khó khăn và chống đối khi tổ chức những buổi Đại Hội Nhạc Trẻ ngoài trời, mặc dù luôn mang những mục đích xã hội rất cao đẹp. Nếu không có sự khuyến khích và hướng dẫn của Thiếu Tá Phạm Huấn cùng quý anh trong Cục Tâm Lý Chiến VNCH thời bấy giờ, chắc chúng tôi đã bỏ cuộc.

Sự thành công đó đã làm cho anh em chúng tôi cảm thấy tự tin hơn. Và những yếu tố này chính là hành trang cần thiết để chúng tôi bước vào đời với một tinh thần lạc quan và tích cực.

Vĩnh biệt anh Phạm Huấn!"

Tôi cũng vậy, xin vĩnh biệt anh! Thành thật chia buồn cùng chị Huấn, anh Phạm Hậu và các bạn Phạm Long, Phạm Hùng cùng những người thân của anh...

TRƯỜNG KỲ


PHẠM HUẤN, NGƯỜI ÐI KHÔNG TRỞ LẠI Mùa Thu năm 1954, Geneve chia đôi đất nước, có 4 anh em nhà họ Phạm từ giã Hà Nội di cư vào Nam. Phạm Hậu, Phạm Huấn, Phạm Long và Phạm Hùng. Mỗi người một tính nết, mỗi người một con đường, mỗi người một định mệnh. Người anh cả là một nhà thơ và là người lính nhảy dù. Người thứ nhì vừa là lính, vừa là phóng viên tiền tuyến. Những người em đều đi theo con đường của các anh trong ngành báo chí.

Tháng 4-1975, họ Phạm lại di tản lần nữa bỏ lại sau lưng thành phố Sài Gòn. Bốn anh em ở 4 phương trời Mỹ quốc, mỗi người một đời sống, mỗi người một phần số.

Tháng 10-2005, sau 30 năm cách xa Sài Gòn, sau 50 năm cách xa Hà nội. Họ Phạm về gặp nhau ở San Jose miền Bắc California để tiễn đưa người anh thứ nhì. Phạm Huấn 69 tuổi, người đi không trở lại.

Trong đêm tao ngộ giữa Phạm Huấn và bằng hữu, khi đã phát tang và tẩm liệm xong, Kim Tước cất tiếng Ave với lời ca dẫn người đi vào miền vĩnh cữu. Mai Hương khóc than tiễn bạn với Ngàn năm mây bay. Bài ca xưa cũ cũng là tựa cuốn phim có vai Phạm Huấn.

Trong số bốn anh em, biết bao nhiêu bạn bè đủ mọi lứa tuổi, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy Phạm Huấn có cơ hội gặp gỡ nhiều bằng hữu trong các giới văn nghệ, báo chí, quân đội trước 75. Tất cả đều đến San Jose tiễn đưa Phạm Huấn khi gió thu lạnh trở về với miền Bắc California.

Cuộc di cư 1954 đã đem từ Bắc vào Nam cả ngàn họ đạo, và các nhân sĩ Bắc Hà để cùng miền Nam xây dựng hai nền Cộng Hòa suốt 21 năm dài.

Nhưng cuộc di cư cũng đem vào miền Nam những thiếu niên và thiếu nữ sau này trở thành các tên tuổi trên truyền hình, báo chí và phim ảnh ở miền Nam.

Cô bé Nguyễn Thị Chinh 16 tuổi đến Tân Sơn Nhất cô đơn một mình, mẹ mất sớm, cha kẹt lại ở Hà Nội. Sau này trở thành Kiều Chinh, đệ nhất minh tinh của điện ảnh Việt Nam.

Cô bé Nguyễn Lệ Mai, 11 tuổi sau này trở thành ca sĩ Khánh Ly, 40 năm làm kiếp ca nhi với cuộc đời trầm luân, tang thương như một nước Việt buồn.

Và 1954, Hà Nội cũng bàn giao cho Sài Gòn một Phạm Huấn 17 tuổi sau này trở thành một sĩ quan phóng viên chiến tranh chính trị đã có cơ hội sống lại một ngày ở Hà Nội vào năm 1973.

Cậu bé ra đi với hiệp định Geneve 54, trở về Hà Nội được một ngày nhờ hiệp định Paris 73, và sau đó là chia tay vĩnh viễn cả Sài Gòn lẫn Hà Nội.

Xuất thân Võ Bị năm 1956, Phạm Huấn đã được huấn luyện để trở thành một sĩ quan hiện dịch và con đường binh nghiệp được đào tạo để sẵn sàng trở thành cấp chỉ huy trong một quân đội trẻ trung đang phát triển.

Tuy nhiên, định mệnh đã đưa ông qua ngành chiến tranh chính trị nên dù sau này lên đến cấp thiếu tá, ông vẫn thủy chung là một phóng viên tiền tuyến.

Năm 1971 với nhiệm vụ phóng viên, Phạm Huấn có dịp theo sát trận Hạ Lào. Các điều mắt thấy tai nghe trên chiến trường Quân khu I đã làm thành tác phẩm để 19 năm sau xuất bản tại San Jose.

Những ngày cuối của tháng 4-1975, thiếu tá Phạm Huấn làm tùy viên báo chí cho tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 nên đã chứng kiến những giây phút lịch sử của quyết định Cam Ranh của cuộc rút quan bi thảm làm xụp đổ cả miền Nam. Những ký ức đau thương của người phóng viên quân đội đã tạo dựng thành hai tác phẩm. Cuộc Triệt Phái Cao Nguyên xuất bản 1987 và Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước xuất bản 1988. Tất cả các tác phẩm của ông đều in trên khổ lớn, bìa cứng tại San Jose là nơi ông đã sống những giờ phút sau cùng.

Năm 2005, chuyến đi không trở lại của ông dù có chút trăn trở khó khăn nhưng vẫn được coi là đã có chuẩn bị chu đáo.

Ngay từ năm 2003, em út của gia đình là Phạm Hùng đã thu xếp công việc từ các quốc gia Á Châu để trở về săn sóc người anh và đồng thời cũng là người bạn thân thiết Phạm Huấn. Anh em đã có nhiều cơ hội gần gũi nhau và người em hiểu rõ bệnh tình và hoàn cảnh của anh rất nhiều.

Ðối mặt với định mệnh như các chiến binh trực diện với chiến trường, anh em đã đi quan sát các dưỡng đường có bệnh nhân nằm bất động và được nuôi bằng các phương tiện y khoa với các ống nối chằng chịt.

Bác Huấn đã di chúc chính thức lại cho chú Hùng là nếu gặp cảnh này thì giao cho em toàn quyền dứt điểm để anh đi. Dứt khoát anh không muốn sống bằng thực phẩm qua ống dẫn vào thực quản. Anh không muốn thở qua ống dẫn vào khí quản. Anh không muốn thấy hình ảnh những người thân yêu mờ dần trong não trạng. Khi cơ thể từ chối vận hành là em để anh đi. Giấy tờ hợp lệ được ủy nhiệm chính thức. Phải nhờ chú em lấy quyết định thay cho cả vợ con và thân quyến. Cứ như là lệnh hành quân đã làm sẵn có ngày D và giờ H. Phạm Hùng đã thi hành hết sức chặt chẽ và chu đáo.

Anh Huấn đã chết trong tay em trai út dù rằng vào một buổi chiều kẹt xe trên xa lộ 680 khi Phạm Hùng được tin báo đã quay đầu xe trở lại kịp thời.

Ðã tính toán để báo tin cho thân quyến bằng hữu bốn phương. Anh em và bè bạn đã lần lượt vào ăn với nhau những miếng cơm cuối cùng, những ly rượu đỏ thấm trên môi người bệnh. Những ánh mắt thay nụ cười.

Ðầu năm 2005, tôi có dịp vào thăm Phạm Huấn. Tuy đi lại khó khăn nhưng đầu óc anh vẫn còn sáng suốt. Chúng tôi có nói chuyện về dự án bảo tàng viện của VNCH. Vốn tính bông đùa cố hữu tôi đã nói những lời tự làm giảm tính cách quan trọng của dự án. Phạm Huấn đã hơi trách cứ. Anh nói rằng chuyện ông làm là việc lớn, xin đừng coi thường, cứ xin hết sức để anh em giữ mãi tấm lòng quý trọng ông.

Tôi ra về mà cứ áy náy mãi về lời Phạm Huấn nói rất chân thành và cảm động.

Thứ Sáu 14 tháng 10-2005, tôi lại có dịp dẫn Phạm Huy Sảnh từ Seattle xuống San Jose với tư cách bạn nhảy dù Sài Gòn vào thăm Phạm Huấn. Anh nằm trên giường, đã yếu lắm rồi, nhưng vẫn còn nhận ra chúng tôi. Phạm Huy Sảnh nhắc đến các kỷ niệm xưa, nhắc đến cả Vũ Thế Quang gửi lời hỏi thăm.

Khi chúng tôi ra về, Phạm Huấn nằm ngó theo. Mắt long lanh, chậm chạp giơ tay chào. Bàn tay gầy guộc treo trên mi mắt. Chúng tôi giật mình dừng lại chào đáp lễ.

Hình ảnh người chiến binh 30 năm trước nằm trên giường. Chung quanh là các tờ giấy lưu ý của Nursing Home báo tin bệnh nhân đang ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Tất cả đều rõ ràng, công khai minh bạch. Dù biết như vậy, nhưng chúng tôi cũng không thể nghĩ rằng đây là cái chào tay cuối cùng của thiếu tá Phạm Huấn.

Rõ ràng là vào buổi trưa 14 tháng 10-2005, hồn lính đã trở về với Phạm Huấn trọn vẹn ân tình bằng một cái chào tay.

Tháng 10-2005 ở San Jose tập thể chiến binh Cộng Hòa về họp mặt. Phải mà quân đội họp mặt đại hội 30 năm trước ở Sài Gòn thì đã có phóng viên Phạm Huấn đi một bài tường thuật.

Những người khách của San Jose đến tham dự Nghị Hội lần thứ 19 đã ra về. Những cựu chiến binh VNCH đến San Jose dự đại hội lần thứ I cũng đã chia tay lên đường.

Và khi Phạm Huấn đã vĩnh viễn xa rời San Jose vào ngày thứ Sáu thì những người khách bốn phương của anh lại bắt đầu kéo đến. Các học sinh Chu Văn An, các chiến binh nhảy dù, các phóng viên tiền tuyến, các văn nghệ sĩ. Trong tình bằng hữu với chút duyên văn nghệ khách phương xa, đến với người ra đi lần cuối và cũng là dịp hội ngộ hãn hữu với các cố tri ngày xưa vẫn còn lại đến ngày nay.

Ðầy đủ, vắng dần, hay thưa thớt. Rồi ai cũng đến lượt mình. Nhưng quả thực lần ra đi của Phạm Huấn đã có sự chuẩn bị, đối mặt, bình thản. Rồi thì cũng như mọi người, ai cũng sẽ cam chịu, khuất phục với định mệnh một lần cuối cùng.

Ngày xưa đã có những vần thơ tứ tuyệt:


“Mây tụ để rồi tan.
Hoa nở để rồi tàn.
Trăng tròn để rồi khuyết.
Người gần để ly biệt.” Vần thơ giải thích các hiện tượng trong trời đất và thân phận con người.

Cái gì hợp rồi cũng tan.

Dù xa Hà Nội cũng còn trở lại một ngày. Dù xa Sài Gòn cũng còn trở lại. Nhưng đi xa San Jose lần này, thiếu tá Phạm Huấn thân xác nhẹ tênh, sớm phiêu diêu miền vĩnh cữu. Sẽ chẳng bao giờ trở lại. Bởi vì ở đất San Jose bình yên này sẽ chẳng có trận đánh nào để cho người phóng viên chiến trường viết bài tường thuật.

Vào tháng 4-2005 vừa qua, Phạm Hùng, người em út tha hương của họ Phạm đã tổ chức buổi ra mắt sách rất đặc biệt trong Nursing Home ở Tully San Jose. Những bài thơ Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn lần đầu in thành tuyển tập.

Hoàng Anh Tuấn và Phạm Huấn là đôi bạn văn nghệ Sài Gòn và bây giờ là hàng xóm láng giềng trong cùng một dưỡng đường. Lần đầu tiên các bằng hữu văn nghệ gặp nhau trong một khung cảnh lạ lùng như thế. Mối duyên đồng hương kéo dài từ Hà Nội ố Sài Gòn đêẩ đến tận San Jose.

Bây giờ Huấn đã ra đi, Hoàng Anh Tuấn nhìn ra ngoài song cửa, chẳng thấy mưa Sài Gòn mưa Hà Nội. Chỉ còn chờ đợi những trận mưa San Jose đến muộn. Ðã gần Thanksgiving mà sao chưa thấy ướt mặt đường.

* * *

Con người dù sống đơn độc hay quảng giao với bằng hữu bốn phương thì so với dòng thời gian vĩnh cữu cũng chỉ là đoản kỳ ngắn hạn. Nhưng các tác phẩm của Phạm Huấn viết về chiến tranh sẽ ở lại lâu dài hơn. Là một phóng viên yêu quê hương, yêu quân đội, tác giả đã trải tấm lòng trong tác phẩm.

Dù rằng phải viết về toàn những cay đắng uất nghẹn của những lần đau thương trận đánh đường số 9 Hạ Lào 1971, cuộc rút lui ở cao nguyên trên quốc lộ số 15 hoang vắng và sau cùng là những trận chiến mất nước 1975 trên quốc lộ 1. Ba tác phẩm ra đời vào cuối thập niên 80, lúc đó các chiến binh huynh đệ tù cải tạo chưa đặt chân đến Hoa Kỳ. Các tin tức hành quân ngày cũ chưa được mở rộng như hôm nay, Phạm Huấn đã mở đường soi sáng lịch sử, dù là những trang sử đau thương của người lính Cộng Hòa.

Những cuối sách của anh lần lượt gửi cho chúng tôi với lời lẽ chân tình ngay từ lúc mới xuất bản 1987, 1988 và 1990.
Tương lai của các tác phẩm của Phạm Huấn sẽ nằm trong thư viện của Bảo Tàng Viện VNCH tại San Jose cùng với bức hình của anh trong trận Hạ Lào 1971.

Ðó là món quà kỷ niệm của phóng viên chiến trường Phạm Huấn gửi gấm cho thế hệ tương lai.

Giao Chỉ - San Jose 2005
Thiếu Tá Phạm Huấn
Saturday, November 05, 2005


Tưởng niệm của Nguyễn Ðạt Thịnh

Tôi sống rất gần và rất lâu với Phạm Huấn; sống trong quân ngũ, sống trên chiến trường, trên trường văn trận bút, và cả trên bờ biển Hawaii thơ mộng nữa. Tôi có thể viết về Huấn như nhắc nhở đến một người bạn thân, nhưng tôi chọn góc cạnh quân ngũ để viết về anh.
Ðó là góc cạnh tôi biết anh rõ nhất, và, theo quan điểm của tôi, đó cũng là góc cạnh đẹp nhất của anh.
Trong hệ thống quân sự, Huấn là sĩ quan phụ tá giúp tôi thực hiện việc biên tập hai tờ báo của quân đội, tờ Tiền Phong, dành cho sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, dành cho binh sĩ.
Tôi là chủ bút và Huấn giúp tôi trong mọi địa hạt biên tập, nhưng trên thực tế cả hai chúng tôi là 2 phóng viên chiến trường. Thời gian chúng tôi có mặt ngoài tiền tuyến, bên các đơn vị đụng trận với địch, nhiều hơn thời gian chúng tôi ngồi ở văn phòng.
Ða số những bài phóng sự mô tả các trận giao tranh, chúng tôi viết trên những chuyến bay C47, C119, hay C130 chuyên chở thương binh về hậu cứ hay đưa thi hài tử sĩ về nguyên quán.
“Chúng mình thấy nhiều người chết trận hơn đa số anh em quân nhân khác,” Huấn thường nói với tôi.
Ðiều này cũng dễ hiểu: Mỗi đơn vị trưởng chỉ nhìn thấy số tử sĩ của đơn vị mình và số tử thi của địch bị sát hại trước hàng rào phòng thủ hay trong trận giao tranh với đơn vị.
Huấn và tôi thấy nhiều trận giao tranh của nhiều đơn vị, mà trận Lam Sơn 719 là một.
Lam Sơn 719 là một trong những trận giao tranh lớn mà hai anh em chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Ðây là trận quân ta hành quân sang Hạ Lào.
Huấn theo cánh quân của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh tiến trên đường số 9 để vào Tchepone, căn cứ chỉ huy tiếp vận của địch; tôi theo cánh quân của Sư Ðoàn Nhảy Dù xuất phát từ Khe Sanh.
Lam Sơn 719 là cuộc hành quân đầu tiên do QLVNCH hoàn toàn thực hiện, từ thảo hoạch chiến thuật tới yểm trợ hành quân, từ kế hoạch “khóa vòi nước” Bắc Việt không cho chúng đưa quân vào tăng viện cho bọn Việt Cộng trong Nam, tới mục tiêu cắt đứt hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, đặt các toán biệt kích mai phục, ngăn cấm không cho địch sử dụng con đường tiếp vận quan trọng này nữa.
Nhưng vì LS 719 là cuộc hành quân độc lập đầu tiên của QLVNCH không phối hợp với Mỹ nữa nên anh đồng minh khổng lồ của chúng ta cũng giả ngơ để chúng ta tự lực cánh sinh, với những phương tiện trợ chiến và tiếp vận bằng không lực còn rất yếu kém của chúng ta.
Từ Saigon ra, chúng tôi đáp tại phi trường Phú Bài. Trong lúc các tiểu đoàn trưởng tổng trừ bị kiểm điểm quân số, vũ khí và trang cụ của đơn vị, Huấn lại tìm tôi.
“Anh nghe đài Hà Nội chưa?” Huấn hỏi tôi, rồi mở cái máy thu thanh nhỏ anh vừa mượn của một quân nhân nhảy dù cho tôi nghe: Hà Nội đang chỉ trích VNCH đem quân sang “xâm chiếm” Vương Quốc Ai Lao.
Chúng tôi lo lắng, vì địa điểm hành quân là một yếu tố mật, chính chúng tôi và các tiểu đoàn trưởng tham dự hành quân cũng vẫn chưa được thông báo, mà Hà Nội đã biết rồi. Bí mật đã bị tiết lộ.
Nhưng ai bật mí? Chúng tôi không biết; nhưng chắc chắn từ trung tướng Dư Quốc Ðống tư lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù trở xuống không một quân nhân nào phản trắc, hoặc có hoàn cảnh và điều kiện để làm công việc thông đồng với địch, phản quốc.
Chỉ có bộ Tổng Tham Mưu, Dinh Ðộc Lập, và Tòa Ðại Sứ Mỹ có điều kiện để thông báo cho địch.
Không biết nguồn gốc phản phúc, nhưng chúng tôi biết chắc chắn một điều: Ðịch đã biết trước, và biết rõ hơn chúng tôi biết về cuộc hành quân chúng tôi đang tham dự, đã bố trí, và các đơn vị QLVNCH sẽ phải trả một giá rất đắt.
Ðiều chúng tôi lo sợ trở thành sự thật; đồi 31, căn cứ Hồng Hà 2, quốc lộ 9 trở thành những trận địa pháo Việt Cộng chờ sẵn.
Trời Hạ Lào xấu, nhiều trần mây chạm đỉnh đồi, không quân Việt Nam chỉ có khả năng trợ chiến trực tiếp: Tấn công vào những mục tiêu nhìn thấy được bằng mắt thường, nhưng không có dụng cụ đánh đêm, mà cũng chưa được huấn luyện để yểm trợ tác chiến bằng phi cụ, nên gần như không giúp đỡ gì được cho người bạn bộ binh bên dưới đang lọt vào phục kích và trận địa pháo của địch.

Không yểm Hoa Kỳ = 0
Tình thế nguy hiểm thấy rõ, tôi chia công việc với Huấn: Anh ở lại theo dõi Hạ Lào, tôi trở về Saigon hy vọng tìm một lối thoát, giúp tái lập không yểm Hoa Kỳ.
Lối thoát là nghị sĩ Trần Văn Hương, người đã nhiều lần yểm trợ chúng tôi trong những chương trình giúp đỡ cô nhi quả phụ.
Không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào để giúp người lính tác chiến, nhà ái quốc trọng tuổi Trần Văn Hương đứng ra triệu tập một cuộc họp báo, tố cáo thái độ không trợ chiến của không quân Hoa Kỳ.
Ngay ngày hôm sau không yểm được tái lập. Huấn vào Tchepone với Trung Ðoàn 1 Bộ Binh, chứng kiến tổn thất khiếp đảm của những đơn vị tham chiến và trở về Saigon với kế hoạch “Ðại Hội Nhạc Trẻ Sân Hoa Lư.”
Anh gởi thơ mời những người lính trẻ Hoa Kỳ thích đàn hát tham dự chương trình nhạc sống ngoài trời, bán vé lấy tiền để giúp cô nhi, quả phụ Hạ Lào.
Số tiền thâu được gần 3 triệu bạc trong thời điểm lương sĩ quan trung cấp của chúng tôi chỉ trên dưới $40,000. Huấn trao số tiền này cho bộ tư lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù.
TUẦN BÁO DIỀU HÂU là tờ báo thứ ba chúng tôi làm trong cùng một lúc. Hai tờ báo chính thức của quân đội chúng tôi phụ trách không giúp chúng tôi nêu lên những vấn đề thiết thực của quân đội, và không nói lên tiếng nói uất nghẹn của người lính VNCH.
Một thí dụ: Chúng tôi không thể tố cáo trên mặt tờ báo chính thức của quân đội tình trạng người lính không được mua đủ khẩu phần quân tiếp vụ của họ, vì nhiều lon dầu ăn, lon paté gan của quân tiếp vụ bị nhẩy dù ra khỏi kho, và đem bầy bán trên lề đường Saigon. Chúng tôi lại càng không thể đề cập đến nhiều hành động tham nhũng của hàng tướng lãnh Việt Nam.
Huấn bàn với tôi việc xuất bản tờ tuần báo Diều Hâu như tiếng nói trung thực của người lính.
Hai anh em rốc túi được trên $100,000, và đó là số vốn đầu tư mua được cho chúng tôi nhiều phút tranh đấu hào hứng đến đứng tim.
Chúng tôi giúp anh em quân nhân giải quyết nhiều bất công thông thường, nhưng lại đứng khựng trước một vụ tham nhũng khổng lồ, lạm dụng quá đáng và vô cùng quy mô: Vụ quỹ Tương Trợ Tiết Kiệm (TTTK).
Quỹ TTTK trực tiếp trừ lương mỗi người lính $100 mỗi tháng, một triệu lính $100 triệu; mỗi năm 1 tỷ 2.
Lương tháng của chúng tôi khoảng $40,000-400 tờ giấy trăm. Số tiền mang chất tiền lính, tính liền, nên có thiếu một tờ cũng không để ý lắm, nó chỉ bằng một quarter bây giờ.
Nhưng 4 năm sau, khi số tiền tiết kiệm lên đến 5 tỉ bạc, thì nó đủ lớn để làm tối mắt nhiều viên chức chính phủ và tướng lãnh quân đội. Họ lập Kỹ Thương Ngân Hàng, tài trợ cho hai giới kỹ nghệ gia và thương gia trong công việc doanh thương, họ mua hãng RMK của Mỹ để làm xa lộ, làm đường sá, họ mua công ty Cogido để làm giấy in sách báo, họ dự trù khui giếng dầu Hồng Hà 2 ngoài thềm lục địa Việt Nam, và làm nhiều dự án vô cùng lớn lao khác nữa.
“Tiền tiết kiệm của lính, mà mọi người xúm lại sử dụng vung vít quá,” Huấn bảo tôi. Anh viết bài đặt vấn đề quản trị và trách nhiệm về tài sản tiết kiệm của lính.
Trung tướng Ðồng Văn Khuyên, một viên chức trong hội đồng quản trị quỹ TTTK, viết bài trả lời chúng tôi.
Ông hỏi chúng tôi những việc làm xa lộ, khui giếng dầu, sản xuất giấy để in sách báo không phải là phục vụ cho nền kinh tế quốc gia hay sao.
Chúng tôi đăng nguyên văn thơ và chân dung ông lên báo, rồi viết trả lời ông là tất cả những việc quỹ TTTK làm đều đúng, trừ một điều: Sử dụng số tiền tiết kiệm của chúng tôi.
Chúng tôi là trái chủ của trương mục TTTK này, và chúng tôi, người lính VNCH, phải có ưu tiên vay mượn trước mọi người khác.
Vay mượn để làm gì? Chúng tôi vạch rõ tình trạng mỗi người lính, với số lương còm cõi, phải đài thọ việc nuôi dưỡng một đại gia đình gồm 5, 7 người thân nhân đến tá túc trong trại gia binh, chung sống với gia đình người lính, vì tình trạng thiếu an ninh tại nông thôn.
Do đó số nhân lực thặng dư, cần việc làm trong trại gia binh rất nhiều, và sẽ trở thành đắc dụng nếu quân đội có kế hoạch sử dụng họ và sử dụng số tiền tiết kiệm của những người lính thân nhân họ, cho lính vay lại số tiền tiết kiệm.
Huấn và tôi lấy Sư Ðoàn 18 ra làm điển hình để cụ thể thảo luận với hội đồng quản trị quỹ TTTK trên mặt báo Diều Hâu. Sư Ðoàn đóng tại Long Khánh vùng đất đỏ mầu mỡ rất tốt cho việc làm rẫy trồng đậu nành.
Nếu sư đoàn tổ chức hợp tác xã dầu ăn, mua máy cày về cầy mướn cho những người lính thành viên hợp tác xã, và cho họ mượn vốn mua hột đậu nành giống, mua phân, mua máy bơm nước để khai thác một hai mẫu đậu nành cấp cho họ thì hợp tác xã đã sử dụng hai phần ba số bà con lính sống thất nghiệp trong trại gia binh, và với tối thiểu 5,000 thành viên, trong số 10,000 quân nhân của sư đoàn, mỗi mùa hợp tác xã đã có thể mua lại hoa mầu của 10,000 mẫu đậu nành, số lượng có thể ép thành hàng chục triệu lít dầu ăn.
Lúc đó khẩu phần quân tiếp vụ của binh sĩ là mỗi gia đình được mua 2 lít dầu mỗi tháng. Hợp tác xã sư đoàn 18 không những có khả năng hủy bỏ giới hạn mua dầu ăn, mà còn có khả năng cung cấp thêm cho thị trường bên ngoài.
Máy ép dầu? Kỹ sư dầu ăn? Mua dụng cụ và mướn người ngoại quốc nếu chúng ta chưa có đủ chuyên viên.
Chúng tôi chọn thêm hai sư đoàn 5 và 25 để thảo luận về việc sản xuất một nhu yếu phẩm khác: Ðường. Hai sư đoàn này đóng ở Củ Chi và Ðức Hòa, vùng trồng mía.
Chúng tôi cũng đề nghị sử dụng nhân công thân nhân binh sĩ, sử dụng vốn trong quỹ TTTK để tạo ra hợp tác xã sản xuất đường.
Hội đồng quản trị quỹ TTTK đang thảo luận với tuần báo Diều Hâu thì bên trong nội bộ của hội đồng tiết lộ ra nhiều tài liệu tố giác tham nhũng trong việc điều hành quỹ.
Cuộc thảo luận về nguyên tắc sử dụng đứng đắn đồng tiền tiết kiệm của người lính biến thành cuộc điều tra của Phủ Phó Tổng Thống đặc trách bài trừ tham nhũng.
Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ, tổng trưởng quốc phòng và chủ tịch quỹ TTTK bị cất chức, và quỹ bị giải tán.
Mỗi người lính chúng tôi được lãnh lại 60 tờ giấy trăm, một số tiền khác cũng mang tính chất tiền lính để bị tính liền trong một bữa ăn cuối tuần.
Trong cuộc đấu tranh này tôi nhận ra được bản tính vô cùng can đảm của Huấn trong nhiều đụng chạm với những quân nhân cao cấp và nhiều quyền hạn.
Tôi ca ngợi Huấn, anh chỉ cười dễ dãi, rồi huyệch hoạc bảo tôi, “mó dế ngựa, tôi cũng teo lắm.”
Kỷ niệm buồn thấm thía giữa Huấn và tôi, mà cả hai chúng tôi cùng không dám nhắc lại là ly rượu chúng tôi uống trong một buổi chiều sơn cước.
Sáng hôm đó tôi theo trung đoàn 45 từ đèo Hàm Rồng về Ban Mê Thuột chứng kiến cảnh Ðại tá Quang đưa quân về tiếp cứu trung tá Ân đang tử thủ tại phi trường Phụng Dực.
Tôi chứng kiến sức chiến đấu can trường và dũng mãnh của người lính bộ binh chống với đoàn chiến xa của Việt Cộng.
Chiều hôm đó tôi trở về Pleiku; Huấn đón tôi tại sân trực thăng Quân Ðoàn 2. Anh không còn là một phóng viên như tôi nữa, mà đã trở thành sĩ quan báo chí của Quân Ðoàn.
Anh không chở tôi vào bộ Tư Lệnh để tiếp tục làm việc với những tin tức cuối cùng của Phòng Nhì và Trung Tâm Hành Quân, mà cũng không đưa tôi về cư xá sĩ quan cho tôi nghỉ ngơi trước bữa cơm chiều, mà lái xe thẳng ra phố.
Chúng tôi vào một tiệm cơm Tây của Pleiku do một cập vợ chồng Tây thật làm chủ. Huấn gọi hai ly rượu mạnh. Ông Tây già bưng rượu và một dĩa thịt nguội nhỏ ra bảo chúng tôi, “amuse gueul,” (món vui miệng).
Thường khi chúng tôi cũng xổ tiếng Tây ra đấu với ông, nhưng lần này Huấn chỉ “merci” một tiếng rồi cụng ly với tôi.
Nhìn gương mặt lầm lì của Huấn tôi hỏi, “tình hình tệ lắm hả?”
“Lát Thiếu Tướng Phú sẽ nói chuyện với anh,” Huấn nói.
Nửa đêm hôm đó quân đội VNCH bỏ cao nguyên, với nhiều uẩn khúc Huấn, tôi và nhiều người khác đã viết lại.
Cuộc triệt thoái này đưa người Miền Nam đến chỗ mất nước. Tôi gặp lại Huấn tại San Jose, làm chủ một tiệm cơm Tây lớn hơn nhà hàng chúng tôi ăn lần chót tại Pleiku, và chị Hà, bà xã Huấn, nướng steak cũng ngon hơn ông Tây già Pleiku. Huấn rót cho tôi một ly Cordon Bleu, thứ rượu chúng tôi uống tại Pleiku chiều cuối cùng. Tôi uống cạn, không nhìn Huấn.
Huấn ra đi ngày 29, tháng Mười, 2005. Tôi đến thăm Huấn nhiều lần trong những ngày anh dưỡng bệnh và chứng kiến sự chăm sóc chan chứa yêu thương của chị Hà bên giường bệnh.
Với tư cách một quân nhân, tôi ngả nón kính phục những nỗ lực tối đa của anh trên đường phục vụ tổ quốc.Nguyễn Ðạt Thịnh

No comments:

Post a Comment