Pages

Wednesday, November 23, 2016

THUYỀN NHÂN =HAROLD PINTER= VÕ PHƯƠC HIẾU

HẢI LÝ * THUYỀN NHÂN



Kinh Tế Mới - Thuyền Nhân


Người Bạn Nhỏ - Kinh Tế Mới
(trích từ Tùy bút Chào Tháng Tư)
Tác giả: Hải Lý
Trình bày: Nắng Xưa
Lần đó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối tôi gặp bạn. Mấy đêm sau, trong lúc gia đình bạn đang ngon giấc trước cửa nhà tôi, công an lại tới đuổi nữa, và sau đó tôi chẳng bao giờ gặp bạn trở lại.
Tháng Tư, chợt nhớ đến một người bạn nhỏ ...
Cho phép tôi được gọi là bạn nhé, mặc dù ngay cả mối quan hệ sơ giao chúng ta cũng chưa đã có. Hai mươi năm trước, chúng ta chỉ là hai đứa bé với hai mảnh đời hoàn toàn khác biệt nhau. Tôi nằm trong nệm ấm chăn êm, bạn thì co ro trên tấm chiếu mục nát trước cửa nhà tôi. Đêm đêm tôi vẫn ngủ giấc an lành, bạn thì cứ mỗi dăm ba đêm lại bị công an quát tháo, xua đuổi, lếch thếch chạy theo anh theo mẹ tìm một nơi trú thân khác. Mỗi ngày của tôi là thức dậy, ăn sáng và đi học, nhưng mỗi ngày của bạn là thức dậy, theo bước chân mẹ đi bươi rác với cái bụng xẹp lép.
Thuở ấy, tôi nhìn bạn như một người từ hành tinh khác xuống. Tôi không hiểu nổi tại sao lại có những người như bạn. Tôi không hiểu tại sao bạn không có nhà để ở, mà lại phải đi lang thang ngoài đường. Tôi không hiểu tại sao bạn lại không đi học giống như tôi. Trăm ngàn cái tại sao ... tôi hỏi ba, hỏi mẹ, chỉ nhận được những cái lắc đầu, thở dài "Con nít đừng hỏi nhiều!" Những cái tại sao không được giải đáp ấy chuyển thành mối ghê sợ trong tôi, tôi ghê sợ những người thuộc thế giới của bạn. Tôi tận mắt thấy người anh của bạn cầm một con mèo, quay quay mấy cái rồi đập đầu con mèo vào tường nghe cái "bốp". Máu văng tung toé. Anh của bạn thản nhiên xách con mèo đi cạo lông, bên cạnh nồi nước sôi nghi ngút khói. Đêm đêm, lâu lâu tôi lại nghe tiếng một người đàn ông lè nhè, chửi thề tục tằn trước nhà tôi, sau đó có những tiếng đánh đập, rồi những tiếng có lẽ của mẹ bạn, anh bạn và bạn, van xin, khóc lóc ... Tôi co dúm người vì sợ hãi. Bạn và những người trong gia đình bạn thuộc thế giới nào đây, thế giới nào mà lại đầy khổ sở, man rợ như thế!
Ba tôi chỉ nói vỏn vẹn, bạn thuộc gia đình "Kinh Tế Mới"
Ba tôi chỉ nói vỏn vẹn, bạn thuộc gia đình "Kinh Tế Mới". "Kinh Tế Mới", một từ nghe thật lạ tai, và chỉ khi tôi lớn lên được một chút, rời khỏi Việt Nam, tôi mới hiểu hết nghĩa lầm than của nó.
Bạn và tôi chỉ thật sự gặp mặt nhau một lần duy nhất, đó là lúc bạn cầm một chiếc thau nhỏ, đứng lấp ló, lí nhí xin ba tôi cho nước. Tôi đang chạy lăng xăng bên mẹ trong nhà bếp thì bạn rón rén đi vào. Tôi nhìn bạn, bạn nhìn tôi, ánh mắt của hai đứa bé đồng tuổi chạm nhau. Tôi không biết bạn đọc những gì trong ánh mắt của tôi, có lẽ là sự ngạc nhiên, hiếu kỳ, nhưng ánh mắt của bạn ... Vâng, khi lớn lên tôi mới suy nghĩ nhiều về ánh mắt của bạn lúc ấy. Bạn cúi đầu, tới bên cái vòi nước mở nước ra, hứng đầy thau, rồi vẫn cúi đầu, khệ nệ bưng chiếc thau ra, không nhìn tôi một giây.
Lần đó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối tôi gặp bạn. Mấy đêm sau, trong lúc gia đình bạn đang ngon giấc trước cửa nhà tôi, công an lại tới đuổi nữa, và sau đó tôi chẳng bao giờ gặp bạn trở lại.
Mấy tuần sau khi không thấy tăm tích của gia đình bạn, ba tôi như có ý ngóng trông. Ba nói gia đình đó có giáo dục con cái đàng hoàng, bạn và anh bạn dạ thưa rất lễ phép. Mẹ tôi thì khen bạn, "con nhỏ đó nhìn mặt mày sáng sủa, coi dễ thương quá". Đột nhiên tôi cũng nghe chạnh lòng, mặc dù lúc đó tôi chưa chắc đã hiểu cảm giác của mình. Mơ hồ, tôi nhận thấy bạn và tôi cũng như nhau, cũng được cha mẹ thương yêu, giáo dục tới nơi tới chốn ... chỉ là, có lẽ bạn không được may mắn như tôi. Thế giới của bạn có lẽ không đến nỗi xấu xa như tôi đã nghĩ.
Và sau này tôi mới biết, cái độc ác, man rợ không nằm trong thế giới của bạn, mà ở trong chính cái chế độ của một đất nước mà bạn và tôi gọi là Việt Nam.
Bạn,
Khi viết những dòng này, tôi cũng không biết giờ bạn đang ở đâu, hoặc bạn có còn hiện hữu trên cõi đời này. Mẹ bạn có còn không, anh bạn có còn không, và người cha thường hay say rượu đánh đập vợ con giờ đã đi về đâu? Bạn có ở trong những người bán máu đứng chầu chực trước cửa bệnh viện? Bạn có trong những người quần quật suốt cả buổi, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không kiếm nổi ba bữa cơm no? Bạn có trong số những người công nhân làm việc mười tiếng một ngày với đồng lương chết đói, lại còn bị hành hạ đủ điều? Bạn có trong ... Bạn ạ, nói cho tôi biết, đã mười mấy năm kể từ khi tôi rời khỏi VN, tại sao vẫn còn nhan nhản những cảnh lầm than như vậy?
Tháng Tư về, lòng tôi se se một nỗi buồn. Ở Canada, tháng Tư là tháng bắt đầu của mùa xuân, khi vạn vật tưng bừng đón chào một cuộc hồi sinh. Oái oăm thay, tháng Tư cũng chính là tháng kết thúc mùa xuân của dân tộc Việt Nam. Mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, lầm than vẫn tiếp lầm than, dưới chiêu bài của Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc.
Nếu không có tháng Tư ấy, có lẽ gia đình bạn sẽ chẳng phải trú thân trước nhà tôi. Bạn và tôi rất có thể sẽ học chung trường, chung lớp, và tôi có thể gọi bạn là bạn một cách đàng hoàng. Không có tháng Tư ấy, thì sẽ không có ánh mắt bạn nhìn tôi như vậy, ánh mắt đầy tủi thân của một đứa bé đã phải mất nhà, mất cửa, theo cha mẹ đi lang thang ngoài đường từ lúc năm sáu tuổi.
Tháng Tư ... vì ai gây dựng cho nên nỗi này ...

No comments:

Post a Comment