Pages

Tuesday, November 29, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN = NGUYỄN CHÍ THIỆN= VIỆT CỘNG=

Monday, October 31, 2016


NGỌC LAN * KÝ ỨC VƯỢT BIÊN

 

Tình người, lòng tri ân – ký ức còn lại sau 36 năm vượt biên

WESTMINSTER, California (NV) – “Tình người trong cơn tuyệt vọng, sự can đảm của các thuyền nhân, nhất là những người phụ nữ, và lòng tri ân những người đã cứu chúng tôi, như ông Ted Schweitzer, là những gì tôi muốn lưu giữ.”
Câu trả lời đó của ông Hoàng Huy Thành, hiện là giám đốc Công ty tư vấn về software Northwest EIS-OLAP ở Oregon, khiến tôi ngạc nhiên.
Bởi lẽ, khi đặt câu hỏi, “Giờ đây, trong thời khắc này, hồi tưởng lại hành trình tìm tự do đầy khốc liệt của mình từ 36 năm trước, điều anh còn lưu giữ trong ký ức là gì?”, tôi cứ ngỡ mình sẽ nghe được hồi ức đau thương, tàn khốc nhất của những phận người tưởng chừng đã rơi vào tận cùng của tuyệt vọng sau 11 ngày lênh đênh trên biển và 20 ngày kinh hoàng trên đảo Kra, trong đó có nhà văn Nhật Tiến, tác giả của Thềm Hoang, của Chim Hót Trong Lồng… từng làm say sưa biết bao trái tim độc giả.
Và, đặc biệt hơn, câu chuyện đi tìm lại vị ân nhân Ted Schweitzer của ông Thành sau hơn 35 năm, để ngỡ ngàng khám phá ra ông cùng 156 thuyền nhân khác đã được giải thoát như thế nào trong thời điểm ấy càng vẽ lên những nét đậm nhất, lãng mạn nhất, đẹp đẽ nhất về lòng người, tình người dù trong hoàn cảnh nào.
Từ trái: Nhà văn Nhật Tiến, ông Hoàng Huy Thành (phải) cùng con trai và vợ của ông Ted Schweitzer - Max Schweitzer và bà Hằng Lê. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
Từ trái: Nhà văn Nhật Tiến, ông Hoàng Huy Thành (phải) cùng con trai và vợ của ông Ted Schweitzer – Max Schweitzer và bà Hằng Lê. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
Ngược dòng quá khứ
Ông Thành, đang sống tại Portland, Oregon, rời Việt Nam vào ngày 19 Tháng Mười, 1979 từ Vũng Tàu, cùng 80 người khác, “thuộc giới văn nghệ sĩ, giới khoa học kỹ thuật, cả thầy tu, ni cô, các sĩ quan đào thoát khỏi trại cải tạo của Cộng sản, nhưng đông nhất là giới sinh viên.”
Nhà văn Nhật Tiến, hiện ở Quận Cam, người có mặt cùng chuyến hải hành đó, nhớ lại: “Mới ra khơi được một ngày thì biển động dữ dội. Sang ngày thứ ba thì thuyền chết máy, đành phó mặc cho sóng gió đưa đi. Tám ngày lênh đênh trôi giạt, thiếu ăn thiếu uống trầm trọng. 7, 8 con tàu đi qua nhưng không một tàu nào quan tâm tới dấu hiệu báo nguy của chúng tôi. Cho tới ngày thứ 10 của cuộc hành trình thì chúng tôi gặp một tàu đánh cá, khi đó chúng tôi mới biết là mình đã trôi giạt vào vịnh Thái Lan.”
Trong bài “Hành trình đi tìm tự do bằng tàu thuyền qua ngã Thái Lan”, nhà văn Nhật Tiến có ghi nhận: “Chiếc tàu đầu tiên này sau khi lục soát tịch thu tất cả đồ nữ trang, đồng hồ và một số quần áo mà họ ưng ý, đã cho mượn bình điện để nổ máy và chỉ tọa độ cho chúng tôi đi vào đất liền. Sau đó, lại gặp thêm hai chiếc tàu đánh cá Thái Lan khác cũng lục soát, và một chiếc tàu dòng giây qua thuyền của chúng tôi để kéo vào hoang đảo Kra nơi cách địa phận quận Pakpanang thuộc tỉnh Nakornsri thamaraj chừng 5, 6 giờ tàu chạy.”
Cơn sợ hãi vì đắm thuyền giữa biển cả kéo dài từng giờ, từng phút triền miên trong 11 ngày đêm liên tiếp của 81 con người trên chiếc thuyền mỏng manh của ông Thành, của nhà văn Nhật Tiến kể như đã chấm dứt.
Tuy nhiên, sau hai ngày trên đảo hoang, những người này phát hiện ra dấu tích của nhiều nhóm người vượt biên Việt Nam trước đó từng đặt chân đến hòn đảo này. Những dòng chữ được ghi lại sơn trắng, bằng dấu than củi đã phai lạt trên bốn bức tường vôi của một căn chòi cho biết “phụ nữ khi lên đảo phải tìm cách trốn lên núi cao hay rừng sâu để khỏi bị hãm hiếp.” Đồng thời cũng qua những dòng chữ được viết vội đó, mọi người còn được biết “ngư phủ Thái Lan quanh vùng vừa là đánh cá vừa là cướp biển, ban ngày họ có thể cho gạo cho cá, nhưng ban đêm thì kéo phụ nữ đi hành hạ tập thể.”
Và từ đêm ấy, những gì khủng khiếp nhất bắt đầu xảy ra cho những phận người liều chết đi tìm tự do.

Ảnh ông Ted Schweitzer chụp các thuyền nhân đảo Kra từ trên trực thăng.  Người đầu tiên trong ảnh, tay cầm bao vải là nhà văn Nhật Tiến. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
Ảnh ông Ted Schweitzer chụp các thuyền nhân đảo Kra từ trên trực thăng.
Người đầu tiên trong ảnh, tay cầm bao vải là nhà văn Nhật Tiến. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
“Tối hôm ấy chúng tôi bị ba toán cướp vào lục soát liên tục. Riêng toán cuối cùng sau khi moi móc đã dồn tất cả đàn ông, thanh niên vào hết trong hang đá rồi canh giữ bằng súng ở bên ngoài. Sau đó bọn chúng lùa đàn bà đi một chỗ xa để hãm hiếp…. Cơn kinh hoàng tột độ đó kéo dài tới gần sáng mới chấm dứt. Những phụ nữ được kéo trở về nằm bết bát trên nền sỏi đá san hô. Nhiều người tấm tức khóc. Nhiều người lả đi trong vòng tay nghẹn ngào tủi nhục của thân nhân.” Tác giả “Chim Hót Trong Lồng” kể.
Ông Thành vẫn nhớ “Trong số những phụ nữ trở về thiếu một người. Chúng tôi phải cùng nhau đốt đuốc đi tìm. Sau mới phát hiện ra cô gái đó trong lúc bị bọn cướp lôi đi đã vùng chạy lên bờ đá cao ở ven biển rồi lao mình xuống nước tự tử. Nhưng cô không chết mà bị sóng đẩy dạt vào bờ, kẹt vào một hốc đá. Cô gái ấy đã nhất định không chịu ra khỏi hốc đá ấy cho đến ngày có người đến cứu chúng tôi.”

“Hãy thử tưởng tượng một phụ nữ sống như vậy, trong hốc đá ẩm ướt đó 18 ngày. Lúc kéo được cô ấy ra, hai chân cổ như teo đi, không bước được. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông Ted Schweitzer đã cắn môi ổng đến bật máu khi chứng kiến cảnh đó.” Ông Thành hồi tưởng trong nỗi xúc động lẫn sự cảm kích đến vô cùng về sức chịu đựng của người phụ nữ.
Ngày 8 Tháng 11, tức khoảng 10 ngày sau khi thuyền ông Thành bị đưa vào đảo Kra, thêm một tàu tị nạn có 20 người được ngư phủ Thái Lan kéo vào. Qua ngày hôm sau, thêm một tàu có 37 người nữa lên đảo. Tới ngày 15 Tháng 11, một chiếc tàu vượt biên có 34 người nhưng bị hải tặc Thái Lan xô xuống biển làm chết đuối 16 người, còn lại 18 người bơi được vào nơi đây.
“Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi, phụ nữ đã bị lôi đi hành hạ ngay.” Nhà văn viết lại bằng nỗi bàng hoàng, đau xót.
Ông Thành nói, “Tôi nhớ có một người phụ nữ trốn trong bụi rậm, bị bọn hải tặc phát hiện. Chúng kêu cô ấy ra, cổ nhất định không ra. Chúng tưới dầu đốt. Cổ lăn dưới đất, tấm lưng bị phỏng hết.”
“Cũng trong ngày 15 Tháng 11, chúng tôi phát hiện một trực thăng bay qua đảo, mọi người xô ra vẫy nhưng họ bay mất. Tình thế tưởng như không còn hy vọng gì thì hai hôm sau họ trở lại, đổ xuống bãi biển cho chúng tôi gạo, cá khô và thuốc men.” Dịch giả của “Thân Phận Dư Thừa” tiếp tục câu chuyện.
“Việc chúng tôi được tiếp tế, các ngư phủ Thái Lan đều nhìn thấy rõ. Họ lục lọi để kiếm chác thêm ít quần áo đã xơ xác của chúng tôi, lấy đi từng cái áo mưa rách, từng cái áo len của trẻ con, và phụ nữ nào mệt mỏi quá không đủ sức đi trốn nữa phải bò về thì lại bị tiếp tục hãm hiếp. Có người bị cả ngày lẫn đêm.”
Tuy nhiên, ông Trời cũng có mắt, không đày con người ta vào tận cùng của nghiệt ngã.
Địa ngục kinh hoàng đó chỉ kéo dài thêm đúng một ngày nữa là chấm dứt.
Chiều ngày 18 Tháng 11 nhóm người tiếp tế bằng trực thăng hôm trước nay trở lại bằng một tàu tuần của Hải quân.
Nhà văn Nhật Tiến cho biết, “Đó là Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ở Thái Lan do ông Theodore G. Schweitzer III (tên đầy đủ của Ted Schweitzer) là đại diện. Chính ông Theodore Schweitzer đã chứng kiến cái cảnh chúng tôi lôi từng phụ nữ từ khe đá lên mặt đất. Ai nấy nhìn thấy ánh sáng mặt trời đều ngất xỉu đến nỗi chính ông cũng phải xúc động quay đi không dám nhìn. Trước tình cảnh cùng cực của chúng tôi, ông Schweitzer đã an ủi, khích lệ chúng tôi rất nhiều, ông tuyên bố mọi sự hãi hùng từ nay sẽ chấm dứt.”
Tổng số 157 người của 4 tàu tị nạn được cứu khỏi đảo Kra ngày 18 Tháng 11, 1979. Chấm dứt những ngày đen tối nhất của hành trình tìm đến tự do của những người như ông Thành, như nhà văn Nhật Tiến.
Đi tìm ân nhân
Sau hơn 8 tháng ở trại tị nạn Songkhla, Thái Lan, ông Thành đến Mỹ vào Tháng Bảy, 1980 và bắt đầu làm lại cuộc đời, tạm quên đi những biến cố đau thương đã xảy ra, quên đi cả những người đã từng cứu mình thoát khỏi hòn đảo ma quỷ, ngoài việc nhớ tên người đại diện cho UNHCR ở Thái Lan là Ted Schweitzer.
“Cho đến khi trung tâm Thúy Nga lên kế hoạch tổ chức chương trình Tôi Là Người Việt Nam 2 nhân tưởng niệm 40 năm biến cố 30 Tháng Tư, trong đó muốn vinh danh những người đã từng cứu thuyền nhân Việt Nam. Tôi nhớ đến ông Ted Schweitzer và nhận lời sẽ đi tìm tung tích của ông, dù hơn 35 năm qua tôi chưa một lần liên lạc, cũng không biết giờ ông đang làm gì, còn hay mất.” Ông Thành cho biết lý do ông muốn tìm về vị ân nhân xưa.

Cựu viên chức Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, ông Theodore G. Schweitzer III. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
Cựu viên chức Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, ông Theodore G. Schweitzer III. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
Ông Thành kể, sau hai ngày tìm kiếm trên Internet, ông tình cờ thấy có quyển sách tựa đề “The Forgotten Pirate Hunter: Câu chuyện thật về Ted Schweitzer, người quản thủ thư viện đeo đuổi mục tiêu giải thoát người tị nạn Việt Nam,” viết bởi tác giả Reagan Martin do nhà xuất bản CreateSpace Independent Publishing platform phát hành năm 2013, có nhắc đến tên Ted Schweitzer.
“Khi tôi đọc trang đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã thấy cả người mình như có luồng điện chạy qua, bởi, tôi thấy tôi ở trên hòn đảo đó, Tháng 11 năm 1979. Và tôi chợt hiểu thì ra bốn tấm ảnh mà ông Ted tặng tôi lúc ông ghé thăm chúng tôi ở trại tị nạn Songkhla từ đâu mà ra. Tôi đã giữ những bức ảnh đó để làm kỷ niệm suốt hơn 35 năm qua và thật không bao giờ có thể ngờ được là giờ đây mình đang được đọc xuất xứ của chúng, qua một quyển sách.” Ông Thành, thuyền nhân 20 tuổi ngày nào, nói trong sự vui mừng lẫn xúc động.
Quả thật, ngay trong lời giới thiệu của quyển “The Forgotten Pirate Hunter”, tác giả đã kể lại: ngày 16 Tháng 11, 1979, viên phi công lái trực thăng của một hãng dầu đã bay ngang qua đảo Kra trên đường trở về nhà. Từ trên máy bay nhìn xuống, người phi công thấy thấp thoáng hàng trăm con người mà không có chiếc tàu nào. Ngay lập tức ông hiểu chuyện gì xảy ra, bởi lẽ ông từng nghe nói đây là nơi bọn hải tặc Thái Lan giam cầm những người Việt Nam vượt biên.
Nghĩ rằng cần phải thông báo cho một ai đó biết tin này, nhưng báo cho nhà cầm quyền Thái Lan thì thật là vô ích, vì họ chẳng quan tâm chuyện gì đã xảy ra cho những con người này. Nghĩ vậy nên viên phi công gọi báo cho UNHCR ở Thái Lan hay những gì ông nhìn thấy.
Một người đàn ông phía đầu dây bên kia đề nghị người phi công đưa ông ta đến nơi hòn đảo ấy. Viên phi công thoạt đầu miễn cưỡng, không muốn dính líu vào, nhưng sau đó, cũng đồng ý.
Hai ngày sau, người đại diện của UNHCR cùng viên phi công bay trở lại đảo Kra. Từ trên máy bay nhìn xuống, người đại diện này cảm thấy lòng mình quặn đau. Ông không chỉ thấy những chiếc tàu của bọn hải tặc, mà còn thấy cả những xác người trôi trên biển. Từ trên máy bay, ông chụp lại những gì mình trông thấy (những tấm ảnh ông Thành có được chính là ảnh chụp từ đây – NV). Không thể thuyết phục người phi công đáp xuống đảo lúc ấy, vị đại diện của UNHCR chỉ biết rằng mình sẽ phải trở lại, bằng cách nào đó.
Viên chức đại diện cho UNHCR Thái Lan đó chính là Theodore Schweitzer, người mới nhận công việc này chưa bao lâu.
Ngay lập tức, ông Ted Schweitzer buộc Cảnh sát tuần duyên Thái Lan phải đưa ông trở lại đảo Kra. Và ông đã cứu được 157 thuyền nhân Việt Nam có mặt trên đảo lúc đó, như nhà văn Nhật Tiến kể trên.
Bàng hoàng lẫn xúc động khi thấy tên nhà văn Nhật Tiến cùng chuyện vượt biên của nhóm thuyền nhân ở trên đảo Kra ngày nào được nhắc đến, ông Thành đã thức suốt đêm để đọc cho hết quyển sách.
Ông kể, “Sáng hôm sau, tôi email cho nhà xuất bản để hỏi thăm tung tích của ông Ted, nhân vật được nhắc đến trong quyển The Forgotten Pirate Hunter. Ba ngày sau câu trả lời từ nhà xuất bản là họ cũng không biết ông ấy đang ở đâu. Họ đề nghị tôi nên tìm ở ‘public record.’”
Bằng cách này, ông Thành có được địa chỉ và số điện thoại của rất nhiều người cùng tên Ted Schweitzer. Tuy nhiên, mọi liên lạc cho biết đó không phải là ông Ted mà ông Thành muốn tìm.
“Trong lúc tưởng chừng tuyệt vọng, thì tôi tìm được một website chuyên tìm kiếm người. Tôi trả tiền và họ đưa một số email để tôi thử liên lạc. Hơn một tiếng đồng hồ gửi email đi trong tâm trạng không mấy hy vọng thì tôi nghe tiếng điện thoại reng. Linh tính cho tôi biết đó là Ted Schweitzer. Tôi bắt phone, người phía đầu dây bên kia nói anh ta là con trai của Ted Schweitzer, tên Max Schweitzer, và xác nhận cha anh ta chính là người mà tôi đang muốn tìm.” Ông Thành kể lại với đầy niềm vui của người hoàn thành sứ mạng được giao, dù không được nói chuyện trực tiếp với ông Ted Schweitzer do ông đang có nhiệm vụ ngoài nước Mỹ, mà đều qua trung gian con trai ông.
Nhà văn Nhật Tiến ngồi viết lại thảm trạng vượt biên qua ngã Thái Lan sau 5 này được cứu thoát khỏi đảo Kra. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
Nhà văn Nhật Tiến ngồi viết lại thảm trạng vượt biên qua ngã Thái Lan sau 5 này được cứu thoát khỏi đảo Kra. (Hình: Hoàng Huy Thành cung cấp)
Cũng từ những trang sách này, người ta còn biết thêm rằng, sau nhóm thuyền nhân đầu tiên mà ông Ted Schweitzer cứu, trong đó có ông Thành và nhà văn Nhật Tiến, ông còn một mình quay trở lại đảo Kra nhiều lần, tự bỏ tiền túi mướn tàu đánh cá chở ông vào đảo vì cảnh sát Thái Lan không muốn giúp đỡ ông. Ông cũng bị hải tặc Thái Lan đánh hội đồng dã man đến bất tỉnh, gãy xương, chảy máu thận và sau khi bị chính phủ Thái trục xuất về Mỹ ông vẫn phải tiếp tục điều trị những thương tích này.
“Tôi nghĩ nếu chính phủ Thái không trục xuất ông thì có lẽ ông sẽ không còn sống đến ngày hôm nay, vì với lòng thương yêu thuyền nhân vô bờ bến, chắc chắn ông sẽ còn tiếp tục một mình đi ra đảo Kra để tiếp cứu thêm rất nhiều thuyền nhân Việt Nam và như thế khó mà bảo toàn tánh mạng với bọn hải tặc.” Ông Thành nhận xét.
Cũng trong “The Forgotten Pirate Hunter”, người ta ước tính rằng ông Ted Schweitzer đã quay trở lại đảo Kra trên 20 lần và một mình ông đã cứu được ít nhất là trên 1,200 thuyền nhân Việt Nam. Năm 1981, UNHCR được trao giải Nobel Hòa Bình, một phần do công lao của Ted Schweitzer. Khi nhận được giải thưởng cao quý nầy, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã gởi tặng ông một tấm sao của huy chương Nobel để tỏ lòng biết ơn về những sự hy sinh của ông trong công tác cứu vớt thuyền nhân Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, trong lúc đi tìm kiếm lại vị ân nhân xưa, ông được biết một nhà sản xuất phim đang dự định làm phim về cuộc đời và những công việc mà ông Ted Schweitzer từng làm, từ một quản thủ thư viện ở một trường học tại Thái Lan, một người từng được gửi sang Cambodia trước khi chính quyền rơi vào tay Khmer Đỏ để làm nhiệm vụ thu nhặt lại những tài liệu, những thiết bị đã bị phá hủy của quân đội Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam, và đặc biệt là người có vai trò nhất định trong việc đưa đến sự ban giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào năm 1995.
Tình người trong cơn tuyệt vọng
Ngoài sự can đảm của các thuyền nhân, nhất là những người phụ nữ, và lòng tri ân những người như ông Ted Schweizer, thì tình người là điều được cả nhà văn Nhật Tiến và ông Thành nâng niu trong ký ức suốt mấy mươi năm qua.
“Tình người. Tôi thấy thấm thía hơn về chữ nhường cơm xẻ áo, nhất là trong tình trạng tuyệt vọng như thế, thì đó không phải ai cũng có thể làm được.” Ông Thành nói về điều mình còn lưu giữ về chuyến vượt biên từ hơn 35 năm trước.
Tác giả Nhật Tiến kể, ngày mới lên đảo Kra ông còn mặc một chiếc áo len dầy để có thể chịu qua được những đêm mưa lạnh hay ngủ ngoài trời. Tuy nhiên, chiếc áo đó đã bị một tên hải tặc lột đi.
“Những ngày sau đó, tôi lạnh run những lúc đêm về, nhưng may mắn sao, vào một lần đi quanh đảo, tôi bắt gặp cái áo nỉ cộc tay của ai đó vứt ngay trên bờ cỏ. Tôi đã lượm lên và mặc nó suốt những ngày còn lại trên đảo và cả hàng tháng trời sau khi nhập trại Songkhla.”
Cho tới khi nhận được tiền tiếp tế của thân nhân, ông mua được cái áo ấm khác để thay. Đến khi đó mới có một người phụ nữ đi cùng ghe với ông đến xin lại chiếc áo làm kỷ niệm. Bởi: “Bà cho biết cái áo nỉ ấy là của bà, bị hải tặc lấy đi, nhưng sau chắc mặc không vừa nó vứt đi và vì thế tôi lượm được. Những ngày sống trên đảo, chủ nhân của cái áo ấy đã nhìn thấy tôi mặc, nhưng thấy tôi ốm yếu, trời lại lạnh, nên bà lẳng lặng nhường cho tôi mặc. Nay mọi sự đã ổn định, bà xin lại chiếc áo để giữ làm kỷ niệm.”
“Tôi đã ứa nước mắt trả lại cho bà, và những ngày sau, tôi vẫn còn khóc được mỗi khi nghĩ đến tấm lòng nhường nhịn chia sẻ của bà, đã dành cho tôi ở trong cái hoàn cảnh mà ai nấy đều đói, lạnh và yếu đau hết. Tình người quả là thứ quý giá biết bao và không một thứ vật chất nào có thể so sánh được.” Nhà văn của “Thềm Hoang” nhớ lại.
Với ông Thành thì “Có một hình ảnh mà tôi không thể nào không nhắc tới, đó là khi được ông Ted Schweitzer đến cứu, mọi người đều muốn nhanh chân chạy xuống tàu. Vậy mà chú Tiến (nhà văn Nhật Tiến – NV) lại quành trở lại vừa đi vừa tìm những cục than rồi leo lên căn chòi nơi chứa những bình gaz để thắp sáng cho ngọn hải đăng duy nhất trên đỉnh núi để ghi lại chỉ chỗ gạo giấu ở đâu, lấy nước ở chỗ nào.”
“Nghĩa cử đó, trong hoàn cảnh đó, nói lên được rất nhiều điều về nhân cách của một con người.” Ông Thành nhận xét.
Gần bốn thập niên trôi qua, nếu mãi hoài niệm về nỗi đau thì sẽ thấy “dân tộc này sao quá nhiều đắng cay”. Nhưng bước qua nỗi đau, cất lại tất cả oan khiên cay nghiệt nhất của đời người vào ngăn tủ của ký ức, để chỉ nâng niu, trân quý và nhớ đến những điều cao cả nhất về tình người, sự quả cảm và lòng biết ơn là điều trái tim con người mong hướng tới. Và nhiều người đã bước tới.

Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com
Ngọc Lan

NGUYỄN CHÍ THIỆN * ĐÀN BÒ SỮA

 

Ðàn Bò Sữa

In PDF.
Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện
LTS. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện qua đời tháng Mười năm 2012, đến nay đã tròn bốn năm.
Hôm nay tưởng niệm anh, chúng tôi mời bạn đọc cùng chúng tôi xem lại bài Tựa cuốn Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện do Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích viết cách đây 15 năm. Bài Tựa như một đánh giá những đóng góp của Nguyễn Chí Thiện về văn, về  thơ và về các vận động không ngừng nghỉ từ trong nước ra hải ngoại để tố cáo bộ mặt phi nhân của chế độ cộng sản.
Chúng tôi cũng đăng lại một truyện ngắn trong cuốn Hỏa Lò, truyện Đàn Bò Sữa, như một hoạt cảnh ngộ nghĩnh vừa gợi tò mò vừa thương tâm diễn ra trong một phòng nữ tù nhân của nhà tù Hỏa Lò giữa Hà Nội.
Và một bài thơ, Sẽ Có Một Ngày, như một tiên cảm, một nguyện ước ngày chế độ cộng sản sẽ tan biến trên đất nước Việt Nam. - DĐTK

Mới chín giờ sáng, nắng đã gắt. Lại một ngày nóng dữ. Hàng chục nữ tù nhân đổ năm bao tải chặt cứng những túi ni-lông ra cạnh bể nước trước phòng. Đó là những túi ni-lông gia đình các phạm nhân đựng quà gửi vào. Họ rửa sạch sẽ từng túi một, rải ra phơi khắp sân. Ngoài khoản ni-lông, còn có khoản dép nhựa. Tù ở các buồng chung phải đi chân đất. Giầy dép thu, vất vào kho. Ban giám thị Hỏa-Lò đem bán hai khoản này. Tiền thu được, mua lợn, nuôi cạnh nhà bếp. Bọn cấp dưỡng có trách nhiệm phải nuôi chúng bằng cơm tù, rau tù. Trong chuồng, lúc nào cũng ủn ỉn bảy, tám “ông ỷ” béo nục nịch. Thỉnh thoảng, quản giáo, công an võ trang lại thịt một “ông”, liên hoan. Tù không được một miếng. Mùa hè, sân gạch nóng bỏng. Tù không giầy dép, ngồi ăn quà, ăn cơm, chân dát rộp. Mùa đông, sân gạch lạnh ngắt, chân buốt giá, tê tím, như kim châm.

Chẳng mấy khi được ngồi ngoài hiên thoáng đãng, cạnh bể nước. Tha hồ vốc nước lên mặt, lên cánh tay, cho nó mát da, mát thịt. Các ả vừa thủng thẳng làm, vừa chuyện trò:
Thằng bé tội quá. Gầy còm, ghẻ lở đầy mình.
Hôm mới vào, trông nó kháu khỉnh. Cái mồm lúc nào cũng toe toét cười.
Nó giống mẹ nó nhỉ. Tao cũng ước có một đứa con.
Có con, để mày mang đầy nó vào tù với mày!
Khổ thân thằng bé, mới có mười tháng đã là tù nhân rồi!
Mẹ nó không có sữa nuôi nó.
Ăn uống thế, mà đòi có sữa!
Không ai có sữa hộp để cho nó.
Dạo này, nó ốm, khóc quấy quá.
Bố nó đi chiến đấu ở Căm-pu-chia, bị mìn chết. Mẹ nó chỉ có một bà chị. Bà này nghèo dớt mồng tơi, lại đông con, không dám nhận nuôi nó.
Gia đình bố nó ở tận Quảng-Bình. Nghe đâu cũng đói lắm. Đường xá xa xôi. Tiền đâu tầu xe mà ra tận Hà- Nội đón nó về.
Kể nó cũng liều. Là giáo viên, mà dám đem cả “Nghĩa vụ quốc tế” của Đảng ra chửi. Bị bắt là phải.
Liều cái gì? Được tin chồng chết, nó đau khổ quá, hoá điên, mới làm vậy. Nó bảo vợ chồng nó yêu nhau lắm.
Tiếng mụ quản giáo, the thé:
Mấy con đượi, nhanh tay lên, rồi vào. Đừng có lợi dụng ngồi mát, tán hươu, tán vượn với nhau. Bận sau, để những đứa khác làm. Không khiến chúng bay nữa. Có tí ni-lông, mà dềnh dàng, từ sáng đến giờ chưa xong. Quen thói nằm ngửa, ăn sẵn.
Các ả vội vã nhanh tay. Một lúc sau, xong việc, kéo nhau vào.
Đương ở ngoài, bước vào phòng như bước vào lò hấp. Phòng nữ tuy không quá đông như các phòng nam, nhưng cũng chật ních. Mùi cầu tiêu, mùi mồ hôi, mùi máu mủ ghẻ lở, lậu, giang mai, kinh nguyệt, quện vào nhau, lan tỏa. Tệ hơn phòng nam. Các ả đói meo, gầy teo, da dẻ nhăn nheo, ghét bẩn, đầu tóc bù xù. Những đường cong tuyệt mỹ trở thành những đường thẳng khẳng khiu. Không thể gọi là phái đẹp được nữa. Trừ những mụ tự giác, những mụ tham ô, buôn bán, và dăm bảy “nữ quái” trấn lột được của người khác mà ăn, là còn có da, có thịt.
Buổi chiều, đếm tù xong, mụ quản giáo khóa phòng lại. Trong phòng, gần hai trăm ả, kẻ cởi quần, kẻ cởi áo, nằm, ngồi ngổn ngang, lấy những miếng giẻ con, thấm máu mủ, ghẻ lở cho nhau. Mấy mụ tự giác, mấy nữ quái, phanh ngực, ngồi ở đầu phòng, gần cửa, chuyện trò.
Mụ trưởng phòng đã ngoài bốn mươi, nhưng vóc dáng thanh mảnh, trông còn tươi mát, bế đứa nhỏ trong tay, nựng:
Cô thương cháu quá. Tí hon thế này, mà đã tù. Chỉ tại mẹ cháu trẻ người non dạ, ăn nói dại dột. Ngoan nào! Cô sẽ kiếm sữa cho cháu. Cười đi! Khổ thân cháu tôi quá. Ăn toàn cháo loãng. Mẹ nó có còn đường không? Cô giáo đừng ăn của con đấy nhé.
Cảm ơn các chị thương cháu, cho nó. Em đâu nỡ ăn của con. Đường còn đủ nó ăn vài hôm nữa. Cháu nó ghẻ lở quá. Lại sốt. Em lo lắm. Ông y sĩ cho uống át-pi-rin, nó cứ ọe ra. Thuốc bôi ghẻ, thì đợi mãi chưa có. Nó quấy suốt đêm, không chịu ngủ. Gầy xọp đi. Không hiểu mẹ con em kiếp trước phạm tội gì, mà trời đầy đọa đến thế này. Bố nó bỏ mạng xứ người. Mẹ con em thì vào tù đã năm tháng rồi.
Nói xong, cố giáo ôm mặt, nức nở.
Mụ trưởng phòng an ủi:
Đừng khóc nữa. Sẽ được về thôi. Trên thế nào cũng xét, chiếu cố cho mẹ con em. Em thật là dại. Bao nhiêu người chồng chết, con chết. Có ai dám cả gan chửi như em đâu. Em phải làm đơn, nhận hết khuyết điểm. Xin Đảng khoan hồng cho mẹ con em.
Em đã nhận hết tội lỗi. Làm hai lá đơn rồi. Có thấy gì đâu. Thực ra, em không chửi. Em chỉ kêu khóc là “nghĩa vụ quốc tế” đã giết chồng em. Thế rồi, bị bắt ngay.
Giữa trường học, mà kêu thế, ảnh hưởng lắm. Em phải thấy tội em nghiêm trọng.
Một nữ quái trẻ măng, thân hình thon thả, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, da trắng mịn, đôi mắt to, đen láy, bĩu môi:
Nói một câu như thế, mà cũng bỏ tù mẹ con người ta! Em cũng vậy. Có làm hại gì tới chế độ đâu, mà cũng bắt bớ. Em ngủ với bọn sứ quán Tây phương, thì việc gì tới Đảng? Em không có sức đi công trường đắp đường, gánh đá. Em kiếm tiền theo lối của em. Thuận mua, vừa bán. Có ăn trộm, ăn cắp của ai đâu.
Mày là “phò tây” còn kiếm ra tiền. Bọn tao, ngày đi lao động, tối đi “kiếm thêm”, vẫn chưa đủ tiêu. Thế mà cũng tù ra, tù vào. Có lần, gặp thằng đểu. Nó đèo lao ra tận ngoại thành. Đã chơi quỵt thì chớ. Nó còn lấy cả quần, phóng xe đi mất. Lần ấy, may gặp một bác già cứu. Bác cho tao cái quần của bác, mặc quần đùi, đèo tao trở về. Tao nhớ ơn suốt đời. Tiếc rằng không gặp lại được bác ấy.
Mày tưởng “phò tây” không nguy hiểm à? Mỗi lần ra vào sứ quán, tao phải nằm phục xuống sàn xe. Lần này, vừa ra khỏi xe, xuống đường, là bị “chôm” ngay. Còn bị nghi là gián điệp nữa!
Mụ trưởng phòng thở dài, nhớ lại thời xa xưa:
- Nói thực với các em, chị cũng tiếp Tây nhiều lắm. Chúng nó sang trọng, lịch sự. Cho chị nào tiền, nào ra-đi- ô, đồng hồ, xe đạp. Chị sống như một bà hoàng. Chị không phải lén lút như các em bây giờ đâu. Hồi đó, chị ở Hải-phòng. Bố Mẹ chị bán thuốc tây. Chị được ăn học. Nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Chị tích cực hoạt động nên được kết nạp vào Đoàn. Chị được điều sang làm việc ở khách sạn Bắc-Kinh, gần ngang cầu Hạ-Lý. Đó là nơi các đồng chí chuyên gia y tế Tiệp-Khắc ở. Trước khi nhận công tác, chị được gặp một đồng chí trong Ban Bí-Thư thành-ủy, căn dặn là phải phục vụ các đồng chí chuyên gia hết mình. Đồng chí đó giơ ngón tay lên, nhấn mạnh: “Nhớ rằng phục vụ vô điều kiện. Thỏa mãn mọi yêu cầu của các bạn Tiệp. Chắc cháu hiểu chú muốn nói gì? Đây là công tác cách mạng. Đòi hỏi phải hy sinh. Bao đồng chí đã hy sinh cả cuộc sống cho cách mạng cơ mà. Nhiệm vụ của cháu rất vẻ vang”. Nhìn thấy người Tiệp họ ăn uống, mà thương cho các cán bộ của mình. Các loại thịt, các loại hải sản, thừa mứa. Bữa nào cũng phải đổ đi. Mứt sen mình biếu, họ chê ngọt, đổ đầy thùng rác. Cán bộ mình ăn có 18 đồng một tháng. Họ ăn những 180 đồng. Lại hưởng giá cung cấp, rẻ thối. Hoa quả, đồ hộp, bia rượu, không tính. Lương bác sĩ của họ hai nghìn đồng. Lương đầu bếp, sáu trăm đồng. Trong khi lương bác sĩ mình có sáu mươi đồng. Đầu tiên, chị tưởng có mình chị được giao trách nhiệm đó. Sau, chị mới biết có nhiều cô trẻ đẹp cũng làm như chị. Họ không làm việc ở khách sạn. Họ chỉ được ô-tô đưa tới vào buổi tối, hoặc buổi trưa. Tùy theo yêu cầu. Cô nào, cô ấy áo dài tha thướt, nước hoa thơm ngát. Trong đời phục vụ cách mạng của chị, chỉ có giai đoạn đó là vinh quang nhất. Mấy năm sau, chị được kết nạp vào Đảng. Được Đảng giới thiệu, cho lấy chồng. Lần này, bị tù, chỉ vì tham ô hai mươi tấn gạo. Nhân viên của chị ngồi bán hàng, đứa nào cũng giầu. Chúng nó ăn cò con, năng nhặt, chặt bị. Chẳng ai bắt được cả. Tiêu chuẩn nhân dân mười cân một tháng. Chúng cân cho chín cân rưỡi. Mỗi ngày, bán ra bao nhiêu là tấn gạo. Chúng kiếm vô số. Có điều, chúng phải biếu xén đủ mặt.
Nữ quái bất bình:
Chị cũng làm như em, thì chị được coi là làm nhiệm vụ vẻ vang, được kết nạp vào Đảng. Em thì bị bêu rếu, bị bắt bỏ tù. Chẳng còn trời đất nào cả!
Chị làm theo lệnh của Đảng. Còn em, là tự ý em. Khác nhau là ở chỗ đó. Nhưng thôi, chúng ta hãy tìm cách kiếm sữa cho thằng bé này.
Mụ đu đưa thằng bé, nựng:
Khổ thân cháu cô. Còm quá! Thương quá!
Ai mà chẳng thương. Nhưng những người có tiếp tế, không ai có sữa. Biết làm thế nào?
Nữ quái hớn hở:
Em đã có cách. Tụi công an đi tuần ban đêm, biết chúng ta mùa hè không mặc quần áo. Chúng thường trèo lên chỗ song sắt trên cao nhòm vào. Thèm ứ tới tận họng. Tại sao chúng ta không giở nghề ra, kiếm sữa cho thằng cháu? Đêm, em sẽ ra đứng ở cửa dụ chúng. Thằng nào muốn đụng vào người em, em bắt phải đưa hai hộp sữa. Lão chánh giám thị ra lệnh bắt phải mặc quần áo. Làm như nghiêm lắm! Nhưng chính em, một lần đi tiểu ban đêm, nhìn thấy nó trèo lên, nhìn vào. Một hôm, em đi cung về, mắt lão hấp ha, hấp háy, vờ vẫn hỏi chuyện, còn giáo dục em. Mồm sặc hơi rượu.
Lão ta đứt mạch máu não, chết hơn một tuần rồi. Lão đã trắng trợn tán tỉnh chị mấy lần. Đàn ông toàn một ruộc cả. Sáng kiến em hay đó. Bắt đầu ngay đêm nay đi.
Cô giáo nhìn nữ quái, ngập ngừng:
Chị cảm ơn lòng tốt của em. Không ngờ em thương cháu đến như vậy. Nhưng chị không muốn em gặp phiền phức. Lộ chuyện, em có thể bị cùm.
Nữ quái cong cớn:
Vì thằng bé, cùm, em cũng không sợ. Phục vụ nó còn tốt hơn phục vụ cách mạng!
Mụ trưởng phòng cười:
Em nói xỏ xiên chị. Nhưng em nói đúng. Chị không giận. Nhớ phải thành công. Thận trọng một chút.
Đêm đó nữ quái ngồi ngay ở cửa. Cả phòng đã ngủ. Muỗi vo vo từng đàn, tha hồ hút máu trên tấm thảm người trần trụi, nham nhở ghẻ lở. Những tiếng mê sảng, thẳng thốt, thỉnh thoảng bật ra, ú ớ, nức nở. Nghe tiếng giầy, nữ quái gục đầu xuống đùi gối.
Đêm hôm không ngủ, ngồi ở đây làm gì?
Ả ngẩng đầu lên, cười:
Báo cáo cán bộ, nóng quá, em không ngủ được. Ngồi đây cho thoáng một chút. Phòng bí quá.
Ả đứng lên. Chiếc áo không cài khuy tự động phanh ra. Hai tên công an không rời mắt khỏi hai trái tuyết lê chắc nịch, núm hồng hấp dẫn.
Em có chuyện muốn báo cáo riêng với một trong hai cán bộ.
Một tên đưa mắt nhìn tên bạn, nói:
Cậu ra ngoài canh.
Tên kia đi khỏi. Ả nói ngay, nũng nịu:
Mấy hôm nay không có cơm. Em không ăn được bo bo. Em bị đau ngực lắm. Em muốn xin cán bộ hai hộp sữa.
Tên võ trang, giọng nhân đức:
Phải cố mà ăn, giữ sức khỏe chứ. Được, ba giờ đêm mai, tôi sẽ cho sữa. Đau thế nào? Tù mà ốm đau là khổ lắm.
Cảm ơn cán bộ. Em đau ở chỗ này. Nhức lắm.
Ả chỉ tay vào ngực. Tên võ trang thò ngay tay vào, mân mê.
Ả để yên khoảng một phút, rồi lùi lại:
Thôi, em đi ngủ. Đêm mai, em đợi cán bộ. Nhớ cho em hai hộp sữa. Em sẽ đền bù lại thỏa đáng.
Ả đi vào.Tên võ trang đứng tần ngần một lúc, rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau, như thường lệ, gã nhà bếp tới lấy thùng nước đặt ngoài cửa mang đi.
Mụ trưởng phòng gọi lại:
Anh bạn cấp dưỡng, tôi muốn nhờ anh một việc.
Gã nhà bếp dừng lại, nhìn quanh, vẻ e ngại:
Có việc gì, nói nhanh lên.
Phòng tôi có một cháu bé mới mười tháng. Nó không ăn được. Chúng tôi có kẹo, bánh. Anh đổi dùm cho một hộp sữa để nó uống. Nếu có thể, anh kiếm cho ít kháng sinh. Nó sốt cao mấy hôm rồi. Ông y sĩ bảo trại hết thuốc kháng sinh, phải đợi. Anh làm phúc giúp hộ.
- Được, tôi sẽ cố.
Gã xách thùng về nhà bếp, nghĩ ngợi. Cánh nhà bếp thường được ông quản giáo phụ trách dẫn ra phố mua bán. Kiếm hộp sữa, không có gì là khó. Nhưng nội quy cấm ngặt việc liên lạc với các phòng. Mồm đàn bà bép xép. Lộ ra thì bị tống đi trại lập tức. Vợ gã phải mất mười cây vàng mới mua được chân làm bếp ở Hỏa-Lò. Gã cũng muốn giúp thằng bé. Nhưng bản thân gã quan trọng hơn nhiều. Không thể làm liều được. Còn chuyện thuốc kháng sinh, thì gã đã có sẵn. Ông y sĩ mới đưa cho gã ba chục viên tétra, dặn gã nghiền ra, rắc lên chỗ mông con lợn bị chuột gậm. Con lợn này béo quá, không đi đứng được. Cứ nằm ềnh ra. Ban đêm, chuột tới gậm mông ăn. Nhà bếp đã phải cấp tốc đan chiếc lồng bàn tre, úp lên nó. Cho thuốc thằng bé uống, nhỡ nó làm sao, thì đại họa. Thôi, việc thiên hạ, không nên bận tâm tới.
Đêm hôm đó, trước giờ hẹn, nữ quái đã đợi sẵn.
Tên võ trang hôm qua mò tới, cười nhăn nhở:
Anh bận quá, chưa có thì giờ ra phố. Hẹn cm đêm mai, khoảng một giờ. Tuy không phải phiên tuần tra của anh, nhưng vì em, anh sẽ mang sữa tới. Cho anh xem chỗ đau của em đi.
Nữ quái ức lắm, định chửi. Nhưng cố kìm lại. Vì hy vọng có hai hộp sữa đêm mai, ả chiều lòng, cho hắn mân mê một phút. Hắn hăng máu, đưa tay xuống phía dưới.
Á lùi lại, nói nhỏ:
Trong phòng có người vừa dậy. Hẹn anh tối mai.
Rồi đi vào, mặc tên võ trang đứng đờ đẫn ngoài song
sắt.
Nữ quái về chỗ nằm, uất ức, mặt bừng bừng.
Mây cô bạn nằm cạnh thì thào hỏi:
Thế nào? Thất bại à?
Gặp phải thằng bọ, chỉ muốn gỡ gạc, không muốn chi, phải không?
Phải có cách nào chứ? Chẳng lẽ chịu lỗ với nó sao?
Nữ quái thì thầm, bàn tán kế hoạch tác chiến với
mấy cô bạn. Tất cả đồng tình, quyết tâm phải làm bằng được. Phải thu hoạch lớn là đằng khác.
Sáng dậy, thấy không có sữa, mụ trưởng phòng than thở với nữ quái:
Chị đã nhờ thằng nhà bếp. Nhưng nó sợ, không dám giúp. Em thì đã mất công toi hai đêm. Thôi, để chị xin phép bà quản giáo viết thư về gia đình. Chồng chị sẽ gửi sữa cho chị. Nhưng sớm nhất là tận cuối tháng mới có.
Nữ quái tươi cười:
Chị cứ an tâm. Em hứa với chị đêm mai là có sữa. Có thể đêm nay đã có, không biết chừng.
Gần một giờ đêm, nữ quái đợi ở cửa. Ả đã mất hai đêm công cốc rồi, nên hận lắm. Ả nhất định không chịu thất hại. Gặp thằng đểu, ả phải đểu hơn. Vỏ quít dầy phải có móng tay nhọn.
Tên võ trang cay cú lại mò tới, tay không.
Ả đon đả:
Em nhớ anh quá. Chỉ sợ anh không đến. Em đâu có phải vì hai hộp sữa, để em bỏ cả ngủ, chờ anh. Chỗ đau của em đã đỡ rồi. Nhờ anh xoa hộ lần này nữa là khỏi.
Tên võ trang vui mừng:
Nếu em thật lòng yêu anh. Khi ra tù, chúng ta sẽ cưới nhau.
Hắn thò tay qua song sắt, say sưa xoa bóp. Hai tay nữ quái giữ chặt cánh tay hắn. Một cô bạn nấp sẵn ở bên tường nhẩy tới, nhanh như cắt, tháo chiếc đồng hồ đeo tay của hắn. Đó là nghề chuyên môn của ả. Tất cả diễn ra chớp nhoáng vài giây.
Nữ quái vểu mỏ, nói vào cái mặt nghệt ra của tên võ trang:
Đồ bọ chó! Mỗi lần hai hộp. Đúng 11 giờ tối mai, mà không mang sáu hộp sữa tới, bà sẽ mang cái đồng hồ Seiko này báo cáo với Ban Giám-Thị. Bà không dọa mày đâu. Đúng 11 giờ, bà không thức đợi được!
Nói xong, ả bỏ vào phòng, không thèm nghe hắn ấp úng xin xỏ.
Sau khi nhận đủ sáu hộp sữa, giả lại đồng hồ cho tên võ trang, nữ quái đưa tất cả cho mụ trưởng phòng, vẻ đắc thắng:
Chị giữ lấy. Mỗi ngày pha cho cháu nhỏ nửa hộp. Hết, em lại kiếm “con bò sữa” khác.
Mụ trưởng phòng thán phục:
Công nhận em có bản lĩnh. Mưu kế thực. Xứng đáng với danh hiệu “nữ quái”. Bọn võ trang rồi sẽ khốn đốn với em.
Từ nay trở đi, em phải chơi lối tiền trao, cháo múc. Không để rắc rối như lần này nữa.
Thằng bé có sữa uống, đã mập ra đôi chút. Mụ trưởng phòng kiếm được thuốc ghẻ, bôi cho nó. Ghẻ cũng đỡ. Không thuốc men gì, cơn sốt của nó cũng tự nhiên khỏi.
Cô giáo đưa con cho nữ quái bế, cảm động:
Từ nay, em là mẹ nuôi của nó. Lớn lên, chị sẽ kể chuyện cho nó, bảo nó phải coi em như mẹ. Em đã cứu sống nó đấy.
Nữ quái nâng niu thằng bé trên tay, cười rất tươi. Ả vui trong lòng, vì thấy mình đã làm được một việc tốt.
Ngày lại ngày trôi đi. Trong vòng một tháng, đã có thêm ba tên võ trang nộp sữa cho nữ quái.
Mụ trương phòng cười vui:
Đúng là một “đàn bò sữa”. Nữ quái chăn bò cừ
thật!
Những ngày đầu tháng tám. Thời tiết nóng lạ thường. Mặt trời chói lóa dội lửa xuống. Tường, sàn xi-măng, mái ngói, phả hơi nóng ra, hầm hập, ngột ngạt. Trong phòng đầy người, mùi hôi tanh nồng lên.
Mụ quản giáo ngồi dưới quạt trần, cau có:
Trời đất gì mà như cái lò lửa. Quạt máy chỉ toàn quạt hơi nóng vào người. Tắt mẹ nó đi. Đài nói nhiệt độ lên tới bốn mươi độ. Đợt nóng này còn kéo dài nhiều ngày.
Các nữ tù nhân, mình mẩy nổi mụn đỏ. Ngứa. Rát. Ban đêm không thể ngủ được. Thằng bé lại sốt cao. Át- pi-rin, sữa, uống vào, đều ọe ra. Rôm sẩy đầy người. Nó khóc tới nghẹt thở. Mẹ nó chỉ còn xương với da, mắt quầng thâm, ôm con, lo lắng. Mất ngủ nhiều đêm liền, quá mệt.
Một buổi sớm, cô giáo thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy thằng con bé bỏng há hốc cái miệng nhỏ xíu, mắt trợn lên, bất động. Hai bàn tay tí hon nắm chặt. Cô sợ quá, ôm con vào lòng. Nó đã tắt thở. Cô hoảng loạn, kêu ầm lên, nước mắt dàn dụa:
- Con tôi chết rồi! Con tôi chết rồi!
Cả phòng xôn xao. Trưởng phòng, nữ quái, mấy ả nữa đổ xô tới. Nó đã chết thật. Cô giáo gục đầu vào ngực con, ngất xỉu. Nữ quái úp mặt vào hai bàn tay, nức nở.
Trưởng phòng nước mắt dòng dòng, ra cửa kêu:
Báo cáo cán bộ! Phòng nữ có người chết!
Một lúc, mụ quản giáo cùng một tên tù tự giác tới. Mụ mở cửa, hỏi:
Ai chết?
Báo cáo cán bộ, thằng bé con.
Đưa nó ra.
Trưởng phòng vào, định bế thằng bé ra. Mẹ nó đã tỉnh lại, ôm ghì con trong lòng, gào lên, điên loạn:
Con của tôi, nó phải ở với tôi! Không ai có quyền đưa con tôi đi đâu!
Thấy cô giáo mắt trợn trừng, ôm chặt con không rời.
Trưởng phòng bối rối, dỗ:
Em bình tĩnh lại. Cháu nó đã mất. Nên để người ta đưa đi chôn cất, cho nó được mồ êm, mả đẹp. Em giữ đây làm sao được. Nghe chị. Chị cũng đau khổ, thương cháu lắm.
Cô giáo ôm chặt con hơn:
Không, không được, tôi phải giữ nó với tôi!
Mụ quản giáo ngoài cửa sốt ruột, bảo tên tự giác:
Vào mang nó ra!
Tên tự giác vào phòng. Nó giật đứa bé khỏi tay cô giáo, đẩy cô ngã chúi xuống. Rồi ôm đứa bé đi ra. Cửa khóa lại.
Cô giáo vùng dậy, chạy theo, gào thét:
Trả con tôi! Trả con tôi! Tôi tự tử chết!
Cô đập đầu vào song sắt. Trưởng phòng, nữ quái ôm chặt lấy cô. Máu từ đầu chảy xuống, hòa với nước mắt, đỏ lòm. Hai người khiêng cô vào, đặt lên sàn. Nữ quái xé áo mình, băng vết thương trên đầu, lau máu trên mặt cô.
Khi tỉnh lại, miệng cô lảm nhảm:
Trả con tôi, trả con tôi. Con ơi, mẹ thương con quá!
Sợ cô giáo tự sát, suốt ngày, suốt đêm, nữ quái cùng mấy ả thay nhau ngồi bên, an ủi cô.
Sau cái đập đầu vào song sắt, cô giáo không chết. Cô chỉ trở thành người mất trí. Lúc cười, lúc khóc, lúc ngồi thừ ra, lúc ôm túi quần áo trong tay như ôm con, hôn hít. Ngày nào cô cũng múa hát. Giọng cô khàn. Nhưng cố múa rất dẻo. Cô chỉ hát một bài duy nhất. Bài hát đã được các thầy, các cô dạy, từ thủa cô còn là một nhi đồng sáu, bảy tuổi. Cô vừa múa, vừa hát, miệng tươi cười:
Ai yêu bác Hồ-chí-Minh hơn các em nhi đồng
Bác chúng em, dáng cao cao, người thanh thanh
Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài
Bác chúng em, vì đất nước, quên thân mình
Bác nay tuy đã già rồi
Già rồi, nhưng vẫn vui tươi
Mong sao Bác sống muôn đời
Để dìu dắt nhi đồng thành người...
Một hôm, ăn cơm ngoài sân, cô đứng lên múa hát. Mụ quản giáo đương đọc tờ “Nhân Dân” cũng phải ngừng đọc, nhìn. Mụ khen cô múa hát giỏi. Thấy tờ báo có ảnh Bác Hồ to tướng, cô năn nỉ xin mụ quản giáo. Cô mất trí, nhưng hiền, không phá phách, mất trật tự. Mụ cũng thương hại. Mụ cắt hình Bác ở báo ra cho cô.
Từ đó, đêm đêm, cô đặt ảnh Bác ở đầu chỗ nằm, quỳ xuống, xụt xùi khóc lóc, cầu khấn: “Cháu lạy Bác. Chồng cháu đã hy sinh vì cách mạng. Bác thương tha cho mẹ con cháu! Mẹ con cháu biết có tội với Đảng rồi. Xin Bác khoan hồng, thương tha cho! ”
Nhìn cảnh tượng đó, trưởng phòng, nữ quái, nước mắt ứa ra.
Thế rồi, một sáng đầu tháng mười, ông y sĩ vào dẫn cô đi. Cô được đưa tới một trại giam người điên bên Châu-Quỳ, Gia-Lâm.
Trưởng phòng thì thầm với nữ quái:
- Chắc nó được đưa đi bệnh viện Việt-Đức điều trị. Bác Hồ phù hộ đấy. Bác thiêng lắm. Hôm Bác mất “Người tuôn nước mắt, Trời tuôn mưa” * cơ mà!

Nguyễn Chí Thiện
(Trích nguồn: http://www.diendantheky.net/)

VIỆT CỘNG KHỦNG HỎANG LÝ LUẬN

'Khủng hoảng lý luận' của Đảng Cộng sản Việt Nam

  • 4 giờ trước



Tiến sĩ Đinh Thế Huynh (phải), Uỷ viên Bộ Chính trị, đang là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ươngImage copyright Getty Images
Image caption Tiến sĩ Đinh Thế Huynh (phải), Uỷ viên Bộ Chính trị, đang là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Ngày 22/10 vừa qua, Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho cái gọi là "Hội đồng Lý luận Trung ương" của họ, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập hội đồng này.
Cùng thời gian, ông Đinh Thế Huynh, Chủ tịch hội đồng ấy có chuyến công tác dài gần nửa tháng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hai sự kiện có vẻ ngoài sáng màu ấy không che lấp được sự thật tối màu là ĐCSVN đã và đang ở trong một cuộc khủng hoảng lý luận kéo dài từ năm 1976, tới nay chưa thấy dấu hiệu khởi sắc.
Cần biết rằng họ quan niệm vai trò của lý luận như là ánh sáng soi đường, như chiếc la bàn mà nếu không có chúng thì đảng, nhà nước và xã hội sẽ loạn.
Lúc mới thành lập, họ có sẵn lý luận của Lenin để dùng; lúc đánh Pháp đánh Mỹ, họ có thêm tư tưởng của Stalin, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai hỗ trợ. Trong thời kỳ chiến tranh ấy thì vốn lý luận như vậy là đủ giúp họ giành được chính quyền khắp cõi Việt Nam.






Enable it in your browser or download Flash Player here.
Sorry, you need Flash to play this.
Quan hệ Việt - Mỹ: Hai bên sẽ đối thoại 'thẳng thắn'
Nhưng niềm vui sau năm 1975 lại ngắn chẳng tày gang, do nền kinh tế ảm đạm trong nước, do cuộc chiến biên giới 1979 khốc liệt với người "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Có thể nói rằng họ bị dội nước lạnh từ rất sớm; con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN), cộng sản chủ nghĩa (CSCN) bỗng chốc mịt mù, hiểm trở hơn họ tưởng.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong ở Hà NộiImage copyright Getty Images
Image caption Việt Nam đang hội nhập kinh tế với thế giới
Năm 1986 tới như một tất yếu: phải "mở cửa, đổi mới" về kinh tế, như Đặng Tiểu Bình đã làm trước đó (1978) với Trung Quốc. Sự tan rã khối XHCN ở Đông Âu (1991) đối với ĐCSVN chẳng khác nào giật phăng bàn tay người lớn dìu dắt ra khỏi đứa bé còn đang chập chững tập đi. Chới với như người sắp chết đuối bám lấy ngay cả cọng rơm, họ bấu víu vào cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng XHCN", còn gã hàng xóm to lớn phương Bắc cũng kịp vẽ ra cái bánh mang "màu sắc Trung Hoa" mờ mờ ảo ảo hòng cầm cự càng lâu càng tốt.
Có thể nói, suốt mấy chục năm qua, "thành tích" của Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ là một cọng rơm ấy mà thôi. Vốn dĩ khái niệm "XHCN" họ đưa ra đã là mơ hồ, mà Marx và Engels từng phân biệt tới vài loại (phong kiến, tiểu tư sản, tư sản, "chân chính", không tưởng, khoa học). Định hướng theo cái mơ hồ là mất định hướng, căn cứ vào cái mơ hồ là vô căn cứ, lý luận có cũng như không. Còn thực tế thì trở thành "XHCN định hướng kinh tế thị trường", cho nên cũng chẳng lạ gì khi ông John Kerry chỉ nhìn thấy chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam.
'Tự chuyển hóa' từ đâu đến ?
VN: Chọn cả Trung Quốc lẫn Mỹ là 'khôn ngoan'?
Ngược lại quá khứ, ta thấy ông Hồ đánh giá khá cao vai trò của lý luận, nhưng chưa bao giờ ông ấy cho thấy năng lực của một nhà lý luận tầm cỡ vĩ mô theo kiểu Marx, Engels, Lenin.
Phó mặc công tác nghiên cứu lý luận về CNXH, CNCS cho các lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc, cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" thực ra chỉ tập hợp các quan điểm rời rạc về những vấn đề riêng lẻ của Việt Nam, dành cho những nhóm đối tượng cụ thể, với văn phong rất "nôm na", nặng về dạy đạo đức, chịu ảnh hưởng nhiều của triết lý Khổng, Nho.
Chính vì rời rạc, chưa được hệ thống hóa, chưa được luận giải đến nơi đến chốn, nên rất dễ trở thành "siêu hình", không "biện chứng", thành giáo điều cứng nhắc khi đưa vào thực tiễn.
Về hoạt động lý luận, ông Lê Duẩn có cố gắng hơn ông Hồ, văn phong giống ba vị tiền bối kinh điển của CNCS hơn, và hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của triết lý Khổng, Nho.
Vì sao ông Đinh Thế Huynh thăm Mỹ?
John Kerry: 'Chỉ có chủ nghĩa tư bản' ở Việt Nam
Điểm chung của ông Hồ, ông Duẩn (ở đây phải kể thêm cả ông Giáp, ông Đồng nữa) là mạnh về chính trị, quân sự song lại lúng túng, kém cỏi khi quản lý, điều hành nền kinh tế.
Nguyên nhân khách quan, do chiến tranh liên miên khiến thời gian đi sâu nghiên cứu bị hạn chế, do bất đồng ngôn ngữ khiến việc tìm hiểu các trước tác của ba vị tiền bối kinh điển không được đầy đủ; nguyên nhân chủ quan, đó là sự thụ động lẫn ỷ lại trong công tác lý luận của Bắc Việt khi Liên Xô và Trung Quốc còn đang mạnh sau Thế chiến II.
Hệ quả là khi Trung Quốc quay lưng, Liên Xô sụp đổ thì các lãnh đạo Việt Nam bị hẫng hụt nghiêm trọng. Họ chỉ còn cách nhào nặn Chính sách kinh tế mới hay chủ nghĩa tư bản-nhà nước của Lenin, thành một món tạm thời nhai được. Đồng thời, sau 30 năm "đổi mới" họ đã phải lùi bước ở một số điểm quan trọng trong cương lĩnh, điều lệ của mình, chẳng hạn: vai trò của kinh tế nhà nước, đảng viên làm kinh tế tư nhân, tỷ lệ nhà nước nắm giữ cổ phần trong doanh nghiệp,...
Định nghĩa hiện nay của Đảng về XHCN không khác với cái xã hội mà các nước tư bản chủ nghĩa khác đều đang hướng tới (công bằng, dân chủ, thịnh vượng,... ), ngoài một điểm duy nhất: Đảng cộng sản ở vị trí lãnh đạo độc tôn.
Thực chất Hội nghị Trung ương 4
Để tạm thời an lòng dân chúng, họ đã vay mượn những khái niệm, khẩu hiệu mà ba vị tiền bối kinh điển cho là mang tính chất "tư sản". Họ bỏ qua vấn đề căn bản: sở hữu tư liệu sản xuất (đặc biệt là đất đai).
Đỉnh điểm của sự khủng hoảng lý luận hiện ra trong Cương lĩnh 2011, ở đó họ đưa vào định hướng "đoàn kết, bình đẳng các giai cấp" chứ không phải đấu "đấu tranh, xóa bỏ giai cấp" - một sự phản bội rõ ràng, nghiêm trọng so với Marx và Engels!
Những yếu kém trong công tác lý luận mà Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 09/12/2014 của Bộ Chính trị đã kể ra (nếu nhắc lại ở đây sẽ quá dài) là có thật.
Tính chất "không có tiền lệ, không giống ai" của con đường quá độ từ xã hội tiểu nông lên xã hội CSCN, bỏ qua giai đoạn TBCN - mà đầu tiên là ông Lê Duẩn, sau này nhiều vị lãnh đạo khác thừa nhận - cũng là có thật.
Song liệu chúng có phải lý do chính đáng để phản bội Marx và Engels, trong khi vẫn hùng hồn tuyên bố "lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng, hay không?
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả ở Hà Nội.
 http://www.bbc.com/vietnamese/forum-37825489

MELISA HOGENBOOM * NGƯỜI ĂN THỊT NGƯỜI

Vì sao một thời con người ăn thịt nhau?

  • 30 tháng 10 2016


Dấu răng người có trên những khúc xương được tìm thấy trong hang độngImage copyright Natural History Museum

Khoảng 15.000 năm trước, tại động Gough's Cave, ở vùng Sommerset gần Bristol, Anh Quốc, một nhóm người đã ăn thịt lẫn nhau.
Họ lóc thịt và tháo rời các khớp xương, sau đó nhai và nhằn nát xương. Họ cũng có thể đã bẻ xương để ăn phần tuỷ bên trong.
Không chỉ có xác người lớn có dấu hiệu bị ăn. Một em bé ba tuổi và hai thiếu niên có thể đã có dấu hiệu bị ăn thịt và gặm xương.
Một vài hộp sọ của nạn nhân thậm chí còn được chỉnh sửa thành đồ trang trí, gọi là "cốc sọ người", có thể được sử dụng để đựng thức uống.
Chuyện gì đã xảy ra trong động Gough's Cave? Đó có phải là một trường hợp cho thấy sự đối xử hung dữ của con người với kẻ thù không, hay đó là một nghi thức tín ngưỡng kỳ lạ? Hay đó chỉ đơn giản là nỗ lực tuyệt vọng nhằm mục đích sinh tồn?
Gough's Cave được khai quật lần đầu vào cuối thập niên 1880. Tuy nhiên, khi đó mục đích chỉ là để nhằm phục vụ du khách, cho nên công tác phân tích khảo cổ đã không được tiến hành cặn kẽ. Những mẫu hóa thạch được tìm thấy có thể cũng đã bị thất tán.
Những cốc sọ người có thể được sử dụng vì các nghi lễ


Những cốc sọ người có thể được sử dụng vì các nghi lễImage copyright Trustees of NHM
Image caption Cốc sọ người có thể được sử dụng vì các nghi lễ
Trong lần khai quật khác được thực hiện hồi thập niên 1980, người ta phát hiện ra rất nhiều di hài của người và động vật, với những dấu hiệu rõ nét cho thấy họ bị xẻ thịt.
Qua nhiều phân tích chi tiết trong hàng thập niên sau, các nhà nghiên cứu kết luận xương người trong hang động đó là của những người đã bị ăn thịt.
Gough's Cave nằm ở vị trí xa xôi và đơn độc. Bằng chứng của hành động ăn thịt người gợi lại thời kỳ có người Neanderthals hoặc có thể là còn trước đó nữa.
Bằng chứng đầu tiên cho thấy người Neanderthals có thể đã ăn thịt bạn bè (hay kẻ thù) được tìm thấy ở Pháp và có niên đại khoảng 100.000 năm trước.
Có một số trường hợp khác cũng vậy. Một nhóm người Neanderthal sống trong một hang động ở miền bắc Tây Ban Nha 49.000 năm trước, có vẻ đã bị ăn thịt.
Xương trong một hang động ở Bỉ cũng cho thấy các dấu hiệu một nhóm người khác đã ăn thịt nhau, theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 7/2016.


Những xương tìm thấy trong hang động Gough's Cave cho thấy những người này đã bị ăn thịtImage copyright Natural History Museum
Image caption Xương tìm thấy trong hang động Gough's Cave cho thấy những người này đã bị ăn thịt
Ăn thịt người là chủ đề không dễ chịu chút nào với các nhà nhân chủng học. Một phần, có thể vì chủ đề này cho thấy một phần tối tăm, ghê tởm của bản năng con người. Nhưng phần nữa là bởi rất khó để có thể xác định được rõ ràng điều này.
Đặc biệt, rất khó để nhận diện vết dao cắt là do hành động ăn thịt người, hay từ việc người ta lóc thịt khỏi xương sau khi người đó chết, mà đây đôi lúc cũng là việc được thực hiện theo nghi lễ tâm linh.
Vết cắt trên xương động vật thường chắc chắn là dấu hiệu bị làm thịt. Nhưng khi có các dấu vết tương tự trên di hài của người, nhiều kết luận không "dễ dàng được chấp nhận", Silvia Bello từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh Quốc, cho biết.
Các di chỉ xương người trong hang động Gough's Cave mà Bello đã phân tích nhiều năm qua lại có rất nhiều dấu vết cắt. Khoảng 65% xương cho thấy dấu cắt từ dụng cụ đồ đá. Hơn thế nữa, rất nhiều xương bị nghiền nát, mà có thể là để hút tuỷ xương.
"Nó rất đặc trưng," Bello nói. "Ta có thể thấy cùng những dấu vết như vậy trên các động vật khác. Bạn có thể nói họ xả thịt các động vật khác theo cùng một cách, [để lấy ra] từng miếng thịt."


Dấu răng người có trên những khúc xương được tìm thấy trong hang độngImage copyright Natural History Museum
Bello thậm chí còn tìm ra dấu răng người. Vết răng cắn khi họ nhai xương dễ dàng được xác định.
"Một vài bộ phận bị biến đổi, đặc biệt là các ngón tay cho thấy có lẽ chúng đã bị ai đó nhai để ăn hết thịt dính trên đó," Bello nói.
"Dấu răng người trên xương người có lẽ là bằng chứng tốt nhất cho thấy hành động ăn thịt người."
Bello quyết định thử tìm cách giải đáp một số tranh cãi vốn được nêu lên khi các di chỉ với dấu vết như vậy được tìm ra.

Khác gì với lóc thịt?

Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016, bà và đồng nghiệp cẩn thận vạch ra sự khác nhau giữa hành động ăn thịt người và "lóc thịt". Đây là quá trình khi thịt được lóc ra từ thi thể người đã chết, nhưng không thường để ăn.
Những xương tìm thấy trong hang động Gough's Cave cho thấy những người này đã bị ăn thịt
Quá trình lóc thịt thường được thực hiện vì mục đích "chôn cất thứ cấp": người tiền sử thường có thói quen mang theo người chết khi họ di chuyển đến một vùng khác, và để làm vậy thì đầu tiên họ phải lóc thịt người chết ra.
Xương có thể "quan trọng hơn" thịt, Rosalind Wallduck, một đồng nghiệp của Bello tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nói.
Có nhiều bằng chứng phong phú cho thấy điều này ở Serbia trong khoảng từ 10.000 đến 5.000 năm trước. "Người ta vẫn thường di chuyển theo mùa và mang người chết theo khi đi," Wallduck nói. "Tổ tiên của họ sẽ hiện diện gần gũi hơn trong đời sống của họ và họ cũng tương tác nhiều hơn với những thi thể đó."
Nhóm nghiên cứu nói di hài của người bị ăn thịt giờ đây đã dễ nhận diện hơn, vì họ có những dấu vết đặc biệt. "Chúng thực sự khớp với những xác động vật bị ăn thịt khác trong khu vực, trong khi đó việc chôn cất thứ cấp lại có dấu vết khác, về tỷ lệ phần trăm các vết cắt và độ dày đặc," Bello nói.
Sự khác biệt cơ bản là số lượng của vết cắt. Khi người hay động vật bị ăn thịt, có rất nhiều dấu vết có thể quan sát được, nhưng nếu thi thể được lóc thịt thì lại có dấu vết nhỏ hơn, chỉ chiếm diện tích trên 1% xương, và không có dấu răng.
Tuy nhiên, đó vẫn không phải là câu trả lời cho lý do tại sao những người cổ đại đó lại ăn thịt người.


Xương sọ người đã được chế lại thành các cốc sọ ngườiImage copyright Trustees of NHM
Image caption Xương sọ người đã được chế lại thành các cốc sọ người

Quá khắc nghiệt

Không có cách nào tìm ra câu trả lời tuyệt đối chính xác. Tuy nhiên, Bello nói những người sống trong Gough's Cave không có dấu hiệu nào cho thấy có dấu vết của sự giết người tàn bạo. "Họ đã ăn thịt xác chết, nhưng không có việc chém giết."
Có thể do thời tiết trong thời đại đó đã đẩy họ đến hành động cực đoan như vậy. Họ sống trong một quãng nghỉ ngắn giữa hai đợt cực kỳ lạnh trong kỷ băng hà cuối cùng: thời tiết chỉ ấm lên trong vài trăm năm. Một mùa đông cực kỳ lạnh có thể đã làm cạn kiệt nguồn thức ăn, buộc họ phải ăn bất cứ xác người nào đã chết để sinh tồn.
Nhưng điều đó không giải thích được các cái cốc làm bằng sọ người trong hang động Gough's Cave. Các sọ người không có vẻ được đẽo gọt lại để đựng đồ ăn, và những cốc sọ người tương tự cũng được tìm thấy ở nhiều nơi khác.
Thay vào đó, Bello nghĩ những người sống trong hang Gough's Cave đã làm những cái cốc sọ người như thực hành một nghi lễ hay nghi thức chôn cất nào đó. Hoàn toàn có thể xảy ra việc họ uống bằng cái cốc đó. Nếu đó là thật thì việc ăn thịt những người khác có thể chỉ là một hành vi văn hoá, hơn là một hành động vì mục đích sinh tồn.
Thời đại của những người này sinh sống cũng là một manh mối nữa cho công tác nghiên cứu. Nếu những người này chết vì xung đột, thì hẳn là những nạn nhân bị ăn thịt phải là người lớn, nhưng trong trường hợp này thì không phải. "Đây không phải một nhóm chiến binh," Bello nói. "Tôi nghĩ họ chết vì lý do tự nhiên thôi."
Có thể là vậy, nhưng những trường hợp gần đây của việc ăn thịt người có thể cho thấy một bức tranh rất khác.

Nạn nhân bạo lực?

Ăn thịt người thường là kết quả của bạo lực, và người chiến thắng "tiến thêm một bước là hành hạ xác chết", Rick Schulting từ Đại học Oxford của Anh nói.
Schulting lập luận rằng trường hợp ăn thịt người khá hiếm, dù có tình trạng bạo lực khá nhiều trong quá khứ của loài người. "Chúng tôi tìm thấy rất nhiều bằng chứng cho thấy người chết trong các xung đột thời tiền sử, nơi người ta không ăn, làm thịt hay chặt xác họ," ông nói. "Vì thế trường hợp này cho thấy điều gì đó cực đoan hơn."


Xương được phân tích cẩn thận để tìm ra các vết cắt và vết răngImage copyright Silvia Bello/AJPA
Image caption Xương được phân tích cẩn thận để tìm ra các vết cắt và vết răng
Một trường hợp ăn thịt người diễn ra khoảng 900 năm trước tại khu vực Puebloan ở Tây Nam Mỹ (nay là Colorado).
Sự việc xảy ra trong thời kỳ hạn hán nghiêm trọng, nhưng Schulting nói điều đó không có nghĩa người ta sẽ ăn thịt nhau. Ông nghĩ đó có vẻ là những người đó đã ăn thịt nhau vì "xung đột nghiêm trọng về tài nguyên".
"Những người đó đánh nhau, và để cảnh báo không cho đối phương quay lại, kẻ nào dám làm vậy sẽ bị xẻ thịt tàn bạo và nghiền nát, có lẽ bị tra tấn," ông nói. "Vì thế những hành động cực đoan trở thành dấu hiệu nhận biết."
Thậm chí có thể những cá nhân tại Gough's Cave đã bị giết hết, Schulting nói. Không có chứng cứ nào có thể quan sát được cho thấy có bạo lực, nhưng có rất nhiều cách để giết người mà không để lại dấu vết trên xương người.
Có lẽ bài học từ tất cả những trường hợp này là không có một giải thích chung cho tất cả các trường hợp ăn thịt người. "Thông thường bạo lực có vẻ bị cho là có liên quan khi bạn thấy quá trình cực đoan như thế này," Schulting nói. "Nhưng ngay cả điều đó cũng cần thảo luận và tranh luận."
Dù cho tại sao sự việc đó xảy ra, rõ ràng là hành động ăn thịt người đã xảy ra trong nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử loài người. Đó là một khía cạnh khủng khiếp khác tạo nên con người chúng ta. Và nó không hẳn là điều gì đặc biệt đáng xấu hổ, ít nhất là khi bạn so sánh nó với những điều tàn ác khác mà con người đã gây ra.
"Tôi không nghĩ [ăn thịt người] khiến chúng ta dã man hơn," Schulting nói. "Chúng ta đã hoàn toàn có thể tạo ra những hành động tàn ác ngày nay, dù là có ăn thịt ai hay không."
Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.

BÚI VĂN PHÚ * ĐỊNH CƯ TẠI MỸ

Những ngả đường vào Mỹ

  • 29 tháng 7 2016




Trong những ngày qua dư luận trong nước xôn xao việc ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng Giám đốc tập đoàn viễn thông FPT, đưa cả gia đình sang Mỹ định cư.
Trước đó không lâu dư luận cũng bàn tán về việc một đại biểu quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị truất quyền đại biểu vì mang song tịch Việt Nam và Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ ở Địa Trung Hải gần bên nước Ý.
Theo luật Malta, một người nước ngoài chỉ cần bỏ nửa triệu đôla vào đầu tư, không bắt buộc phải sinh sống ở đó cũng có thể được nhập tịch. Điều này khơi lên nghi vấn là có bao nhiêu người Việt khác có chức quyền và những triệu phú đã có quốc tịch Malta như bà Hường, hoặc đang là thường trú nhân, hay đã mang hộ chiếu một nước khác.
Báo chí trong nước đưa tin ông Trương Đình Anh rời Việt Nam hôm 23/7 nhưng không cho biết ông và gia đình gồm vợ và bốn người con dưới 21 tuổi được vào Mỹ định cư theo diện nào.
Theo ông Lương Duy Phương từ Công ty Pháp lý DP Legal Solutions có văn phòng dịch vụ ở vùng Vịnh San Francisco thì có khả năng cao là ông Anh đến Mỹ định cư theo diện bỏ vốn đầu tư.
Ông Phương nói: “Hiện nay ở Mỹ có những vùng sâu xa cần đầu tư, nếu một người nước ngoài có thể bỏ ra 500 nghìn hay một triệu đôla đầu tư vào một cơ sở thương mại hay những dự án có sẵn và có thể thuê 10 công nhân làm việc chính thức toàn thời gian thì nhà đầu tư và cả gia đình sẽ được chính phủ Mỹ cấp thẻ xanh.”
Với kinh nghiệm dịch vụ về pháp lý và di dân lâu năm, ông Phương cho biết những địa phương nào người nước ngoài có thể đầu tư để được thẻ xanh thì do sở di trú Mỹ quyết định. Ngay ở California cũng có những vùng xâu xa, khu vực gần sa mạc nếu người nước ngoài bỏ tiền vào đầu tư sẽ được thẻ xanh, theo lời ông Phương.
“Với một người như ông Trương Đình Anh thì không chỉ cần 1 triệu đôla mà ngay cả 10 triệu đôla để đầu tư vào Mỹ thì điều đó không khó,” ông Phương đưa ra nhận xét như thế về trường hợp ông Trương Đình Anh và gia đình.
Như thế, cứ theo đúng tiến trình thì từ việc có thẻ xanh đến việc nhập tịch Mỹ, nếu muốn, chỉ còn là vấn đề thời gian đối với ông Anh.

Những ngả đường vào Mỹ




Image copyright Getty
Với hàng triệu người Việt đã đến Mỹ định cư từ năm 1975, để trở thành công dân Mỹ đã qua các giai đoạn sau: người vượt biên, vượt biển được nhận cho định cư qua qui chế tị nạn với giấy I-94, một năm sau có thẻ xanh và 5 năm kể từ ngày đặt chân đến Mỹ thì có thể xin nhập tịch.
Bình thường một di dân đến Mỹ khi còn trẻ, có khả năng học hiểu tiếng Anh và hiểu biết cơ bản về tổ chức công quyền, quyền lợi công dân và không phạm luật thì chừng sáu bảy năm là có thể trở thành công dân Mỹ dễ dàng.
Những người lớn tuổi với khả năng tiếng Anh giới hạn, nếu trên 65 tuổi và ở Mỹ hơn 15 năm có thể xin thi nhập tịch bằng tiếng Việt.
Khi làn sóng thuyền nhân vượt biển chấm dứt, đến lớp người được Hoa Kỳ nhận cho định cư theo diện HO, con lai hay ROVR, là diện hồi hương từ các trại tị nạn, vào thập niên 1990 và hầu hết cũng được hưởng qui chế tị nạn với thẻ I-94.
Ngày nay vẫn còn nhiều người Việt đến Mỹ định cư, đa số theo diện di dân đoàn tụ do người thân trong gia đình bảo lãnh và họ nhận được thẻ xanh trong một thời gian rất ngắn, chừng vài tuần, sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ.
Nếu đến Mỹ theo diện hôn thê hôn phu hay vợ chồng, thời gian có thẻ xanh sẽ lâu hơn vì cơ quan di trú muốn có thời gian để xác minh những đám cưới không phải những cuộc kết hôn giả tạo.
Trong những năm qua, với quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển hơn thì người Việt vào Mỹ qua diện đầu tư hay nghề nghiệp cũng nhiều.
Diện di dân theo nghề nghiệp, cao cũng như thấp, một năm chính phủ Mỹ cấp hơn một trăm nghìn visa, trong số đó khoảng 40 nghìn thuộc loại EB-3 dành cho những ngành nghề đòi hỏi có bằng cử nhân hay cao hơn từ đại học Mỹ như kiến trúc sư, kỹ sư, luật sư, bác sĩ, giáo viên các cấp và giới hạn không quá 7% số visa dành cho một quốc gia.
Nhiều sinh viên du học từ Việt Nam đã được định cư tại Mỹ sau khi hoàn tất học trình là qua diện này. Trung Quốc và Ấn Độ luôn sử dụng hết số visa được cấp vì quá đông dân.
Như thế con đường định cư và trở thành công dân Mỹ có nhiều cơ hội hơn cho người Việt, so với việc định cư ở các nước như Đức, Anh hay Pháp. Không những được định cư cho gia đình, sau đó còn có thể đem bố mẹ, anh chị em qua nữa.
Trong quá khứ đã có nhiều nghệ sĩ Việt di dân hợp pháp sang Mỹ như Thu Phương, Trần Thu Hà, Lam Trường, Bằng Kiều, Quang Dũng qua kết hôn với Việt kiều có quốc tịch Mỹ.
Chuyện ông Trương Đình Anh đưa cả gia đình sang Mỹ định cư tuần qua là sự kiện đầu tiên một người nổi tiếng trên thương trường bỏ nước ra đi được truyền thông công khai nhắc đến.



Image copyright HOANG DINH NAM AFP Getty Images
Image caption Ông Trương Đình Anh từng là Tổng giám đốc FPT

Cơ hội cho người Cộng sản?

Sự việc có nhiều người từ Việt Nam qua Hoa Kỳ định cư, trong đó có thể có những đảng viên Đảng Cộng sản, từ lâu nay đã gây chú ý trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đặc biệt ở California với nhiều cơ sở thương mại do người trong nước mới qua làm chủ.
Điều này đã khiến một ứng cử viên gốc Việt ở San Jose quan tâm.
Kỹ sư Công Đỗ, ứng cử dân biểu tiểu bang California trong kỳ bầu sơ bộ vừa qua nhưng không thành công, đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Mỹ thu hồi thẻ xanh của những người đã từng là đảng viên cộng sản và ông đã nêu vấn đề này với giới chức dân cử địa phương cũng như với sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Một đảng viên Đảng Cộng sản có thể định cư tại Mỹ được không? Theo hồ sơ xin thẻ xanh mẫu, I-485, có câu hỏi số 6, nguyên văn như sau: “Have you EVER been a member of, or in any way affiliated with, the Communist Party or any other totalitarian party?” (Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ với Đảng Cộng sản hay một đảng độc tài toàn trị nào khác?)



Image copyright Getty
Image caption Một trong những câu hỏi trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ là "Ông/Bà đã từng bao giờ là thành viên trực tiếp hay gián tiếp của Đảng Cộng sản chưa?"
Câu hỏi tương tự cũng có trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ, mẫu đơn N-400, và thêm quan hệ với tổ chức khủng bố: “Have you EVER been a member of, or in any way associated (either directly or indirectly) with: A. The Communist Party? B. Any other totalitarian party? C. A terrorist organization?” (Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ (trực tiếp hoặc gián tiếp) với: A. Đảng Cộng sản? B. Với bất cứ đảng độc tài toàn trị nào khác? C. Một tổ chức khủng bố?)
Vì lý do này mà trong thập niên 1980 nhiều bộ đội cộng sản Việt Nam vượt biên giới từ Cambodia qua Thái Lan và đến được các trại tị nạn thì không được Hoa Kỳ nhận cho định cư. Hầu hết họ đi Canada, Úc hay các nước Tây Âu.
Về việc thu hồi thẻ xanh, nếu đã cấp cho một đảng viên cộng sản, theo nhận định của ông Lương Duy Phương là điều khó thực hiện: “Đưa việc này vào vấn đề tranh cử thì được, nhưng để thực hiện thì rất khó vì sở di trú INS không đủ người để điều tra. Chỉ khi một người có những hành vi phạm luật khác, khi đó họ mới xét lại hồ sơ.”
Tôi biết một bà mẹ được con bảo lãnh qua Mỹ, khi khai hồ sơ đánh dấu YES cho câu hỏi về tư cách đảng viên Đảng Cộng sản vì bà thực sự là một đảng viên cấp chi bộ và đã nghỉ hưu. Nhân viên di trú bác hồ sơ và nói với bà hãy thôi tham gia sinh hoạt đảng rồi khiếu nại thì phía Mỹ sẽ tái cứu xét hồ sơ.
Hoa Kỳ là nước có chính sách đón tiếp di dân rất thoáng vì truyền thống lịch sử. Những ai có tài năng vượt trội, có nhiều tiền đều có cơ hội đến Mỹ để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước này, dù theo nhiều bảng xếp hạng toàn cầu nước Mỹ không phải là nơi hạnh phúc nhất.
Theo một khảo sát mới đây của tổ chức New Economics Foundation, Việt Nam đứng cao thứ 5 về chỉ số hạnh phúc trong số 140 quốc gia, còn Hoa Kỳ đứng thứ 108. Nhưng mỗi năm có gần trăm nghìn người rời Việt Nam đi định cư ở nước khác, đông nhất vẫn là đến Mỹ.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại California.
 http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/07/160729_vietnamese_us_residents

Sunday, October 30, 2016


TS. PHẠM CAO DƯƠNG * HIỆP ĐỊNH GENÈVE


Bài học từ Hiệp định Geneva 1954
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014-07-19

giaminh_07192014.mp3




Ông Tạ Quang Bửu, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại buổi ký Hiệp định Genève 1954.
Photo courtesy of wikipedia


Hiệp định Geneva năm 1954 được ký kết nhằm giúp chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và cả Đông Dương. Thế nhưng mục tiêu đó đã không đạt được; trái lại chiến tranh lại diễn ra suốt trong mấy mươi năm sau đó, ngăn chặn sự phát triển của Việt Nam về mọi mặt.
TQ nhượng bộ Pháp và miền Nam?

Gia Minh hỏi chuyện sử gia Phạm Cao Dương hiện ngụ tại California, Hoa Kỳ về những điểm đáng chú ý của Hiệp định Geneva 1954 và bài học cần rút ra. Trước hết ông cho biết:

Phạm Cao Dương: Trước hết Hội nghị Geneva năm 1954 không phải được nhóm họp sau ngày sự kiện Điện Biên Phủ chấm dứt, mà nó đã được triệu tập từ trước rồi (từ ngày 26 tháng 4). Mục tiêu của hội nghị ban đầu không phải bàn về Việt Nam mà bàn về chiến tranh Cao Ly (Triều Tiên). Việc bàn về Việt Nam vào ngày 8 tháng 5 mới bắt đầu và không phải là chính. Nhưng vì tình hình tại Việt Nam thay đổi: biến cố, trận chiến Điện Biên Phủ chấm dứt nên người ta họp vào ngày đó.

Thứ hai, sách trong nước thường ca ngợi đó là chiến thắng của phía Việt Minh. Điều đó không hoàn toàn đúng, vì nếu chúng ta theo dõi những gì xảy ra trước đó khi ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp sang họp với Chu Ân Lai ở Liễu Châu, người ta thấy phía Việt Minh tức tối lắm. Sau này ông Võ Nguyên Giáp có nói rằng khi ông thuyết trình thì bản đồ đưa ra ‘đỏ’ hết tất cả; nhưng đến khi Chu Ân Lai thuyết trình thì theo lời ông Võ Nguyên Giáp ‘Bác và tôi rất ngỡ ngàng’ vì sự nhượng bộ mà Chu Ân Lai dành cho phía Pháp và miền Nam.

Cần phải để ý là Trung Quốc trong thời điểm đó mới làm chủ được lục địa Trung Hoa và chưa có vai trò quốc tế nào nên họ muốn vai trò nào đó, và Hội nghị Geneva là cơ hội để họ đóng vai trò đó.

-Sử gia Phạm Cao Dương

Lý do hai ông Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp không vừa ý vì hai ông tin tưởng được nhiều lợi thế hơn những gì mà phía Chu Ân Lai và Molotov (ngoại trưởng Nga lúc đó) buộc phía Việt Minh phải chấp nhận. Trước hết là sự hiện diện của bộ đội Việt Minh ở Miên và Lào. Chủ trương của Việt Minh hồi đó là muốn nâng đỡ hai tổ chức cộng sản bên Miên và Lào (Pathet Lào và Khmer Issarak). Phía đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa luôn phủ nhận không có sự hiện diện của bộ đội bên hai nước đó, nhưng cuối cùng Chu Ân Lai và Molotov ép buộc Việt Minh phải phần nào chấp nhận điều đó, và sau đó chấp nhận luôn. Có nghĩa chấp nhận đã rút rồi nhưng vẫn còn một phần ở lại bên Miên và Lào. Do vậy Pháp và phía Miên, Lào không chấp nhận nên cuối cùng chấp nhận ‘nếu còn sẽ rút đi’.

Điểm nữa về phân chia lãnh thổ. Khi có sự chia đôi, bên phía người Pháp đề nghị vĩ tuyến 19 và phía Việt Minh muốn vĩ tuyến 13 hay ít ra là vĩ tuyến 16; nhưng cuối cùng cũng hai ông Chu Ân Lai, Molotov và phía người Pháp - Mendes France, thỏa thuận vĩ tuyến 17.


Đến chuyện ngày bầu cử thống nhất, đầu tiên Phạm Văn Đồng muốn 6 tháng, nhưng sau đó lên 1 năm và 2 năm. Quyết định cuối cùng là năm 1956, tức 2 năm sau.

Cần phải để ý là Trung Quốc trong thời điểm đó mới làm chủ được lục địa Trung Hoa và chưa có vai trò quốc tế nào nên họ muốn vai trò nào đó, và Hội nghị Geneva là cơ hội để họ đóng vai trò đó.

Gia Minh: Việc tuyển cử như ông nói được thống nhất vào năm 1956, sau đó Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa có đề nghị với phía miền Nam, nhưng miền Nam từ chối. Lý do vì sao thưa ông?

Phạm Cao Dương: Thực ra phía miền Nam mà buổi đầu là Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và sau này là Việt Nam Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm, không chấp nhận bản Tuyên bố Cuối cùng. Chúng ta nên nhớ sự thỏa thuận ở Geneva gồm hai phần: phần thứ nhất là đình chiến và phần thứ hai là chính trị. Phần đình chiến được ký kết hẳn hoi, có nhiều bản thỏa ước; còn phần chính trị không có bản thỏa ước được ký kết mà chỉ là Bản Tuyên bố Cuối cùng được các bên chấp nhận bằng miệng mà thôi.

Phía Quốc gia Việt Nam lúc đó và sau này là Việt Nam Cộng Hòa thì không chấp nhận Bản Tuyên bố Cuối cùng đó. Phía Mỹ cũng không chấp nhận. Nên nếu không chấp nhận thi hành cuộc bầu cử đó chẳng qua vì họ không bị ràng buộc về phương diện pháp lý.

Thứ hai nữa, nếu có bầu cử phải cần những điều kiện tối thiểu để có sự công bằng. Đằng này chưa chắc có sự công bằng đó, thành ra miền Nam không chấp nhận cũng có lý của họ.
Bài học kinh nghiệm

Trong những hoạt động bang giao quốc tế, các quốc gia luôn đặt quyền lợi của mình lên trên, kể cả đồng minh cũng đứng hàng thứ không quan trọng.

-Sử gia Phạm Cao Dương

Gia Minh: Sau 60 năm rồi, ông thấy có những bài học gì?
Phạm Cao Dương: Trong những hoạt động bang giao quốc tế, các quốc gia luôn đặt quyền lợi của mình lên trên, kể cả đồng minh cũng đứng hàng thứ không quan trọng. Nếu bên Trung Quốc vì quyền lợi riêng mà hy sinh đồng minh là Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa thì đó cũng là điều tự nhiên mà thôi. Nhưng Hà Nội không thấy điều đó!

Thứ hai nếu nhìn vào thế giới trong thời gian đó và những năm tiếp theo, không phải chỉ có Việt Nam bị chia đôi. Còn nhiều nước khác bị chia đôi nữa nhưng không có nước nào dùng võ lực để tiến chiếm nước kia. Còn Việt Nam thì chuyện đó đã xảy ra.

Nhưng hậu quả là Hà Nội không có đủ thực lực để tự mình đánh xuống miền Nam nên phải dựa vào thế của Trung Quốc; Hà Nội và cả miền Nam đều không nhận ra điều, không biết đánh lá bài của Trung Quốc. Vì hồi đó Trung Quốc không muốn người Mỹ vào miền Nam và hiện diện tại miền Nam, họ muốn dùng người Pháp để giữ không cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam.

Gia Minh: Cám ơn sử gia Phạm Cao Dương.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/geneva-accords-1954-essence-n-lessons-gm-07192014103843.html

TS. PHAN VĂN SONG * YERSIN


vtt-zzmar13-2-vietthuclogo-chim-viet


Gương Sáng Của Đời Tôi: Bác Sĩ Alexandre Yersin, Nhà Thám Hiểm, Nhà Bác Học, Hậu Duệ của Pasteur


:
Tuần qua, được anh láng giềng mời ăn tối. Nhà anh cách chúng tôi cở 500 thước, cùng đường, trên đầu dốc. Chúng tôi cùng sanh hoạt trong Hội đồng Xã. Thói quen, vẫn mời nhau ăn cơm. Anh chị bạn, cũng như vợ chồng chúng tôi, đều dân hưu trí, nên đều thích đi du lịch. Anh chị có một chiếc Mobil Car to lớn nên, xuân hạ thu đông, hai vợ chồng lái đều đều đi ngao du khi Pháp, khi âu châu. Mùa thủy triều cao, thì xuống biển lượm sò, mùa cá vượt suối đẻ, thì lên núi câu cá. Mỗi khi về đều có sò, có cá cho tôi cả. Nhưng tháng qua, anh chị vắng tin. Tuy nhiên vì hè, nên tôi không để ý. Có dịp qua đầu dốc, thấy nhà đóng cửa, vẫn chiếc xe nhỏ đậu cạnh nhà, nghĩ rằng hai ông bà lại cùng mobil car chu du đâu đó ? Tuần qua, bổng nhận điện thoại.


-Anh chị vừa đi du lịch về ? Đi đâu ?
-Tối mai, đến dùng cơm với vợ chồng mình, xem phim thì biết !
Bà xã mình tinh ý đoán: « Chắc tụi hắn về Việt Nam, làm surprise anh đấy ! ». Tôi cãi lại : « Hắn đâu dám, nếu hắn đi Việt Nam hắn sẽ nhờ mình « cố vấn » sửa soạn buổi du lịch chứ ? Hắn đâu dám «thày lay gồng mình» đi một mình ?»


Vợ mình tủm tỉm cười kết luận : « Anh vexé – giận lẫy – em miễn bàn – tối mai đến xem sau ! ».
Hai vợ chồng bấm chuông, một bó hoa hồng đỏ cho vợ hắn, một chai rượu ngon cho hắn ! Hôn hôn (Xứ tui hôn bốn cái). Chào chào. Apéritifs ngoài vườn, hưởng những giọt nắng chiều cuối hạ. Hàn huyên đấu láo, chuyện con, chuyện cái, chuyện chánh trị, chánh em, chuyện thời sự, thể thao, nhưng …không một lời chuyện du lịch ! Nóng ruột, bực mình, nhưng lễ phép, không hỏi, chờ chủ nhà bật mí. Và cứ thế… tà tà… hoàng hôn rực đỏ chơn trời, và « ánh sáng chìm dần vào bóng tối » đưa chúng tôi vào phòng ăn ! Suốt buổi cơm cũng không một lời về… « chuyến du lịch bí mật ! ». Một buổi cơm thuần túy « lô can Tây nhà quê – đặc sản cây nhà lá vườn xứ sở làng xã » – không một dấu hiệu đặc biệt, xứ lạ vật lạ nào cả – kể cả bánh ngọt tráng miệng cũng mua đặc sản làng là macarons của Hồi Nhơn Sơn. Cơm xong, chờ hai bà xã dọn dẹp bàn ăn xong, chàng chủ nhà mời qua salon, mở chai Champagne, và tuyên bố : « On boit au VietNam-Tụi mình uống mừng Việt Nam ! Tuị tao mới ở Việt Nam về ». Bà xã mình ngó mình nháy mắt (anh phục tui chưa ?). Và thằng tui chưởi thề trong bụng, sao nó không nhờ mình « quân sư tổ chức » ! Nhưng mở miệng mắc quai vì đã ăn cơm nhà nó ! Và mở PC ra chiếu hình ảnh du lịch ở Việt Nam.


Du lịch, từ Bắc vô Nam, ghé cả qua Pnom Pênh Cam Bốt, đi đúng ba tuần, chương trình hấp dẫn. Mở đầu với Hà nội, nóng bức, ồn ào, chụp giựt, lên Sa Pa, hưởng gió núi, xuống Hạ Long hóng gió biển ! Khi hoài cổ, với cố đô Hoa Lư, cái nôi của đất nước và dân tộc Đại Việt, với cựu đô thời quân chủ, đất thần kinh Huế cổ kính, kín đáo với giòng sông Hương với Núi Ngự Bình. Lúc tân thời, Đà Nẳng nhộp nhịp, xô bồ. Khi ngoạn mục, Hội An, bảo tàng nhà cổ, phố xưa, cấu khỉ. Lúc thời trang, cát trắng Nha Trang, « miền thùy dương, bóng dừa ngập nắng » khách du lịch Nga Tàu ồn ào hổn độn.
Và Sài gòn, Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi ! Được gặp lại hình ảnh một đô thị âu châu quen thuộc, được xuống biển tắm Bãi Trước Vũng Tàu, được lên non thăm Đà Lạt, với nhà Ga hình dáng quan thuộc rất Tây, của nhà Ga Deauville, miền Normandie. Đà Lạt, mình nhắc hắn, là thánh phố thời niên thiếu của mình ! Và hắn chiếu mình xem hình Hồ Xuân Hương, nhưng đối với mình, đã hết Xuân Hương rồi ! Hắn chiếu mình ngắm Trường Yersin thân yêu, nhưng nay sao chỉ còn trơ trẻn cái tháp chuông và kiến trúc bằng gạch đỏ đang « trơ gan cùng tuế nguyệt » ! Chương trình du lịch tiếp tục đưa họ xuống thăm xứ Miệt Vườn, miền Tây, thăm giòng sông Cửu, thăm di tích nhà nữ văn hào Marguerite Duras, căn nhà thời tuổi trẻ của nàng ở Sa Đéc, di tích cầu Bắc Cần Thơ nơi nàng gặp người tình nhơn…Đoàn du lịch vượt biên giới thăm Biển Hồ xứ Chùa Tháp Nam Vang…
Hình, hình, bạn mình, bạn họ, đoàn du lịch, phong cảnh, nụ cười, tiệc tùng ăn uống …Chóng cả mặt ! Vì rượu ? Vì tình bạn ? Vì tình quê hương ? Không, vì thất vọng ? Vì… Vài hình ảnh quen thuộc… ngoài nhà hàng, trời xanh, biển đẹp, phong cảnh Việt Nam hữu tình, đấy chất Á Đông, nhưng khi cố tìm quê hương gợi nhớ, quen thuộc … lại sao quá xa vời với ký ức ? Lạ nhỉ ? Cố tìm Việt Nam, nhưng sao chả thấy ?
Và hôm ấy, mình làm một điều sai, ngày hôm sau phải mang hoa đến xin lỗi bà chị bạn. Vì mình nổi giận, lớn tiếng với bạn, khi bạn mình kể cho mình biết rằng lúc họ ghé Nha Trang họ được đoàn du lịch dắt đi viếng Nhà thờ Ông Nam Bác sĩ Yẹt Xinh… (Mình viết đúng âm diễn tả như ông bạn mình nói) Bạn mình kể theo lời hướng dẫn viên việt nam : « Ông ấy là người Pháp, đến Việt Nam và đã khai quang vùng chung quanh Nha Trang và làm phúc cho dân vùng Nha Trang… vân vân …Ông mất ở Nha Trang và dân Nha Trang thờ cúng ông gọi là ông Nam – và người hướng dẫn viên du lịch (việt nam) còn cường điệu cao ngạo và ngu dốt nói rằng, vì người Việt thương ông quá nên gọi ông là ông Nam vì xem ông là người (việt) Nam !
Mình nghe đến như vậy nổi điên, nên ngắt lời bạn và lớn tiếng gây bạn, trách bạn, « sao đi du lịch Việt Nam, mầy đi không hỏi ý kiến tao vân…vân… » May quá là họ chỉ kể việc Bác sĩ Yersin sau khi duyệt hình ảnh xong, Gia đình bạn người Pháp hoàn toàn không biết Bác sĩ Yersin là ai cả. Và cả số đông người Pháp cũng không biết Ông Yersin là ai cả?

Có chăng là ai yêu đọc sách và theo dõi thời sự sách thì biết được và may ra có đọc dược cuốn sách tựa đề là La Peste et le Choléra, do nhà xuất bản Editions du Seuil ra ngày 23 /8/2012 của nhà văn Patrick Deville viết chuyện về Bác sĩ Yersin, nhà vi khuẩn học, người khám phá ra vi khuẩn Peste – Dịch hạch, từ nay được đặt tên là Yersinia Pestis. Cuốn tiểu thuyết nhận được giải thưởng Fémina và giải của Tiểu thuyết-Romans Fnac cùng năm ấy. Không hiểu tại sao, tối đó gia đình bạn tôi không có hình nhà thờ ông Yersin. Có lẽ trong chương trình du lịch, Nhà thờ Yersin là phần phụ ? Hay khách du lịch Pháp không chú ý đến Yersin, hiểu lầm là một vị quan quyền thực dân da trắng đế quốc nào đó chăng ?




Mình bèn kể cho gia đình bạn mình biết Ông YERSIN là ai ! Đọc là Dẹt Xanh theo âm Pháp chứ không phải là Yét Xinh theo âm Mỹ. Mình cho biết Alexandre Yersin sanh ở Thụy Sĩ năm 1863, là người có tôn Giáo Tin Lành Cải Cách Calviniste. Ông qua Pháp làm việc ở Viện Pasteur, năm 1885. Vì say tình viễn xứ nên ông tình nguyện đi phục vụ ở xứ thuộc địa Pháp, đến Việt Nam năm 1890, trên một chiếc tàu của Hảng Thương Thuyền Messageries Maritimes đi đường Marseille Manille, trong chức vụ Bác Sĩ… Năm 1892, để tiện làm việc với Viện Pasteur ở Sài Gòn lúc bấy giờ theo lời gọi của Bác Sĩ Calmette (Calmette et Guérin hai nhà Y sĩ bác học tìm ra vi khuẩn BCG lao phổi), và cũng để tiện bề sanh nhai kinh tế, ông nhập vào Quân Y Thuộc địa ngày 30 tháng 12 1892 với chức vụ Bác sĩ Quân Y hạng 2 tức là Trung Úy. Năm 1913, Ông là Bác sĩ Quân Y trưởng hạnh nhứt – Médecin principal de 1ère classe tức là Đại Tá, với 5 gạch vàng trên tay áo – mang theo hải quân. Vì Năm Gạch đó, nên người Việt làm việc và dân chúng khi ông săn sóc gọi ông là Ông Năm (Con số 5 vì năm Gạch) Thời bấy giờ không có Thiếu Úy, Trung Úy gì cả – những chức vụ lon lá ấy là thời của quân đội Quốc Gia Việt Nam sau nầy thôi!


Mình cũng cho hai bạn mình biết là Bác sĩ Yersin là người thám hiểm tìm ra Đà lạt, một thành phố dưởng sức của ngườp Pháp thời ấy. Ngài cũng là người khám phá ra Vi khuẩn bệnh dịch hạch Peste, cùng Émile Roux phát mình thuốc ngừa chủng bệnh Yết hầu-Diphtérie. Chính Ngài đem hột giống trồng Hévéa Cây cao su, hột giống trồng cây Quinquina tìm chất quinine trị bệnh sốt rét, đem bò sữa… vào Việt Nam…
Vì vậy hôm nay, ba năm sau năm kỷ niệm (2013, năm Yersin, năm kỷ niệm 150 năm ngày sanh) của Alexandre Yersin, người đã đặt tên và cắt băng khánh thành Trường Trung học thân yêu của chúng tôi, Xin có bài viết để tưởng niệm và để cám ơn Ông Năm ! Trễ còn hơn không !


1/ Alexandre Yersin, Nhà Khoa Học :


Khi nói tên Louis Pasteur, ta nghĩ ngay bệnh Dại. Calmette và Guérin : Lao phổi và vi khuẩn BCG-Bacille Calmette et Guérin.


Nhưng Alexandre Yersin ? Là ai vậy ? Chỉ có chúng tôi, một nhóm cựu học sanh của Trường Trung học Yersin Đà Lạt Việt Nam, mới biết rõ ràng đến – chưa chắc hẳn là tất cả các cựu học sanh ? – tiểu sử của Bác sĩ Alexandre Yersin.


Alexandre Yersin sanh năm 1863 ở Lavaux, Thụy sĩ, trong một gia đình thuộc Nhà Thờ Tin lành Cải cách – Église réformée hệ phái Calvin – cùng Nhà Thờ người viết, chúng tôi – Mồ côi cha sớm, lúc vừa 3 tuổi, mẹ dọn về sanh sống ở Morges bên hồ Léman, nên dễ dàng qua lại Pháp. Ngài tốt nghiệp y sĩ sinh học-médecin biologiste, là một nhà bác học, nhà nghiên cứu hơn là một y sĩ y khoa tổng quát, chữa bệnh. Năm 1894, Bác sĩ Yersin đã tìm ra được vi khuẩn bệnh Dịch hạch – Peste. Từ đó trở về sau ông sống ở Nhatrang, mất ở Nhatrang năm 1943, trong tình thương tiếc của dân cư Việt Nam ở vùng ấy. Thật vậy, ngày nay, nếu ai về Suối Dầu, một địa lý gần Nha Trang sẽ gặp Nhà thờ Ông Năm Yersin, cạnh mộ phần Ông Năm quanh năm hương khói thờ phượng nghi ngút.
(Lần nữa xin nhắc nhở các hướng dẫn viên Nha du lịch, hay Sở du lịch hay Cục du lịch… – Xin hãy đọc phát âm đúng tên của Bác sĩ Yersin ! Ông sanh ở Thụy sĩ, quốc tịch Pháp, suốt đời ông phục vụ ở Việt Nam, ông là người Pháp nên không thể phát âm Yẹt Xinh, như Pu Tinh, hay Ga Ga Rinh, Ma ri Linh như âm Mỹ hay âm Nga được ! Và cũng ráng học rõ tiểu sử của Ông Năm (như số 5 chứ không phải Nam nhé) Và mặc dù từ Năm nghe rất quê mùa, nhưng đấy là tiếng gọi thân thương cũng những người xưa ngưởng mộ Ông Năm và nay thờ phượng Ông Năm. Và cũng nhắc một lần nữa khi nói đúng sự thật, là kính trọng khách du lịch, khi kể một đoạn di tích, một đoạn lịch sử thật là kính trọng lịch sử và di tích của đất nước mình đấy !)
Năm 1885, sanh viên Y khoa Alexandre Yersin đến đất Pháp, Ngài nhập nội trú – interne des hôpitaux vào Tổng Y viện Hôtel-Dieu, tiếp tục ngành y khoa với Giáo sư Y Khoa, Bác sĩ Cornil. Trong một buổi phẩu thuật, Yersin bị thương nơi bàn tay. Tai nạn nầy thay đổi quyết định và hướng đi của cậu sanh viên nầy !
Nhà Bác học Bác sĩ Émile Roux nhìn thấy nơi cậu sanh viên nầy, dưới cái vẻ rụt rè, nhút nhát có một nghị lực phi thường và một đam mê về nghiên cứu. Vốn là một y sĩ – médecin, nhưng chuyên ngành về vi khuẩn học – bactériologiste và kháng sanh học – immunologiste – bèn kéo Yersin về làm phụ tá nghiên cứu sanh cho cơ sở thí nghiệm của ông.
Pierre Paul Émile Roux người Pháp sanh ngày 17 /12/1853 tại Confolens (gần nhà người viết) mất tại Paris năm 1933, là một cộng sự viên đắc lực với Louis Pasteur (1822-1895) và cũng là người cùng sáng lập các Viện Pasteur. Émile Roux là người phát mình thuốc chủng ngừa – vaccin chống bệnh Yết hầu -Diphtérie, chữa trừ hẳn con bệnh nầy (cùng người phụ tá là Yersin).
Yersin trình luận án Tiến sĩ Y khoa năm 1888, luận án dưới sự dẫn dắt với Bác học Vi Khuẩn Học người Đức Robert Koch. Năm sau, ngài về lại Paris làm việc với Émile Roux nghiên cứu về bệnh Lao phổi và bệnh Yết hầu-Diphtérie. Năm 1889, Yersin là chuyên viên hạng nhứt ở Viện Pasteur. Năm ấy ngài nhập quốc tịch Pháp.
Năm 1890, chán cảnh văn phòng và phòng thí ngiệm, Ngài tình nguyện đi phục vụ hành chánh thuộc địa. Tháng 9 năm ấy, Alexandre Yersin đến Đông dương, phục vụ trên một thương thuyền của Hảng Massageries Maritimes trong vai trò Bác sĩ Hàng Hải. Thoạt đầu trên tuyến Saigon Manille. Sau đó Sàigòn Hải Phòng ! Đây là định mệnh.
2/ Alexandre Yersin, Nhà Thám Hiểm :
Và Bác sĩ Yersin « mê » Đông dương ngay. Năm 1891, Ông xin phép Hảng Messageries Maritimes cho ông nghỉ dài hạn để « thám hiểm » Đông dương. Ba lần, ba cuộc hành trình thám hiểm thăm dò những rừng Việt Nam. Xuyên rừng, lội suối, ông lục lạo, biên chép và xoay quanh một địa lý biến thành nơi ông yêu quý nhứt : vùng Nha Trang.
Với sự đở đầu của Pasteur, ông được nhận vào phái đoàn đi thám hiểm vùng từ ven biển miền Trung đến cửa sông Cửu Long. Thành công của đoàn nầy được nhập vào kết quả của hai đoàn thám hiểm địa lý Nam Việt Nam là đoàn của Doudart de Lagrée và đoàn của Francis Garnier của thời 1860, và cả sau nầy của thời mới hơn với phái đoàn Pavie để hoàn chỉnh việc hiểu biết và khảo sát địa dư Việt Nam.


Cũng trong cuộc thám hiểm nầy, Yersin đã tìm ra địa lý một vùng có một không khí trong lành tươi mát như nước Thụy sĩ quê nhà của Ông: Bình nguyên Langbian. Với cái nhìn thực tiển của một nhà khoa học, ông chấm ngay tọa độ của một vùng để lập ra một nơi nghỉ mát cho các công chức hành chánh thuộc địa bị khó khăn về cái nóng nhiệt đới dưới đồng bằng lên nghỉ mát. Và ông đề nghị với Toàn Quyền lúc bấy giờ là Paul Doumer hãy thành lập ra thành phố nghỉ mát ấy.
Thành phố Đà Lạt. Nơi nghỉ mát của toàn bộ quan chức hành chánh Pháp thuộc địa và sau nầy của toàn bộ người Việt Nam miệt đồng bằng của xứ nhiệt đới ra đời.
Lycée Yersin. Kiến trúc trường trung học Lycée Yersin với cái tháp cao được khánh thành năm 1927. Công trình do kiến trúc sư Paul Moncet. Kiến trúc toàn bộ bằng gạch đỏ -briques nhập từ Pháp, mái bằng đá đen-ardoises cũng nhập từ Pháp (Mái về sau năm1950 được lợp lại bằng ngói đỏ Việt Nam). Toàn bộ căn nhà chánh cao ba từng với 24 phòng. Chiều cao với tháp chuông là 54 thước. Toàn bộ kiến trúc hình cánh cung. Tháp chuông có cả một đồng hồ. Năm 1954, khi chúng tôi nhập nội trú học lớp 6ème (Đệ thất Việt Nam), đồng hồ đã ngưng chạy rồi. Công trình được Hội kiến trúc Sư Thế Giới Quốc tế – the World Association of Architects nhìn nhận là một trong 1000 kỳ công của thế kỷ 20. Năm 1935, ngày 10 tháng Năm, Trường Trung học Yersin chánh thức được đặt tên Lycée Yersin do chính Bác sĩ Yersin đặt tên dưới sự chủ tọa của Toàn Quyền Jules Brévié.


3/ Alexandre Yersin Nhà Bác Học :


Năm 1894, Yersin bỏ hẳn thú thám hiểm. Đồng thời, một cơn dịch đang tràn từ Mông Cổ qua phía Nam xứ Tàu và đã đến Hong Kong. Chánh phủ Pháp và Viện Pasteur bèn phái Yersin qua, phải làm sao nghiên cứu lý do và cố chặn cơn sóng dịch hạnh đang làm chết 100 ngàn người.


Từ ngày 12 đến ngày 15 tháng sáu : Yersin đến Hong Kong với một ít phụ tùng nghiên cứu rất sơ sài, lấy vội ở một phòng thí nghiệm về vi khuẩn học của bệnh viện quân y Sài gòn (Nhà thương Grall sau nầy).
17 đến 19 tháng 6 : Giải phẩu liên tục các tử thi người bệnh để tìm hiểu : không kết quả. Bèn quyết định dựng một căn phòng phụ cạnh, độc lập hẳn, với Nhà thương Hong Kong để dễ dàng ra vào tự do nghiên cứu. Ông quan sát, thấy nhóm cộng đồng người Âu không bị bệnh dịch hạch nhiều. Tại Sao ? Do đâu ? Do người Âu sống trong một tình trạng đầy đủ vệ sinh hơn người Tàu ?
20 tháng 6 : Trong một tình trạng khó khăn và thiếu thốn phương tiện. Bác sĩ Yersin đã khám phá ra vi khuẩn Dịch Hạch. Ông trích hẳn một con « vi khuẩn lạ » trên tử thi một người lính Anh đồn trú ở Hong Kong. Đoạn ông cấy và nuôi con vi khuẩn ấy và chích nhiểm trên các con chuột phòng thí nghiệm. Và tìm ra vi khuẩn bệnh dịch hạch.
3 tháng 8 : Ông rời Hong Kong trở về Sài gòn. Thành công. Đã tìm ra vi khuẩn Dịch Hạch. Gởi sang Paris đễ tạo sérum-dung dịch – chủng chích ngừa vaccin Dịch Hạch. Từ đó, các thuốc chủng ngừa dịch đều do vi khuẩn Yersin (Yersinia Pestis).
Ông về ngụ tại Nha Trang. Vừa xa Sài gòn ồn ào, vừa trên hải lộ đi Tàu và Ấn, hai nơi ấy vẫn là những cái nôi bệnh dịch hạch.
Năm 1895 Ông thành lập Viện Pasteur Nhatrang, và lập ở đấy phòng sản xuất dung dịch ngừa Dịch Hạch.
Năm 1896 Dịch hạch lại hoành hành Quảng Đông, bên Tàu. Ông bèn chạy qua, chích thử loại thuốc trừ Dịch Hạch do Viện Pasteur sản xuất. Thành công.
Viện Pasteur Nhatrang biến thành chuyên nghiệp sản xuất tất cả những chích ngừa các bệnh nhiệt đới cho súc vật. Như Dịch Hạch của Bò (Peste bovine). Vì cách nghiên cứu khác nhau vể bệnh dịch giữa người và giữa bò. Ông bèn cho nhập càng loại bò giống thụy sĩ, ông cho nuôi bò sữa và tổ chức dạy người Việt Nam uống sữa bò tươi. Đồng thời ông cũng nhập giống gà âu châu để làm tốt giống giống gà ta.


Để kiếm tiền, thêm nguồn tài chánh cho Viện Pasteur và công trình sánh tạo y khoa. Ông nghiên thực vật. Cho nhập trồng cây cao su, nhập cấy và tạo hột giống cây Hevea bresiliensis. Ông Michelin mua giống ông, trồng đồn điền cao su mang lợi tức cho xí nghiệp bánh xe và Việt Nam sau nầy.


Được khguyến khích ông nghiên cứu cho trồng một lô loại cây kỹ nghệ. Không thành công cho lắm Nhưng ông cũng gặp hái được kết quả với cây Cinchonas – tức là quinquina để bào chế chất quinine chữa trị bệnh sốt rét. Được trồng thử trên các đồi núi ở Dran phía Tây Nam Dalat, các đồn điền Quinquina đã sản xuất được 26 ngàn tấn vỏ cây quinquina năm 1939, trước thế chiến 2 bùng nổ. Nhờ những thành công ấy ông tự túc nuôi sống những khảo cứu nghiên cứu của cơ sở ông.


Kết Luận: Ông Năm


Cuối đời (từ 1894 dến 1943), ông sống ở Nha Trang. Ông chữa bệnh miễn phí. Ông thường bào « Hoặc túi tiền hay cái sống – la bourse ou la vie » Với Ông bỏ cái bourse đi lựa chọn cái sống. Người Việt Nam trong vùng gọi ông là Ông Năm một cái trìu mến. Ông còn ham mê về thiên văn học – astronomie, về dự đoán thời tiết – prévisions métérologiques : nhờ vậy ông được tay đánh cá vùng thương ông lắm !


Ngày 1 tháng 3 năm 1943, vừa tính xong bảng dự tính thời tiết cho các bạn đánh cá trong vùng, ông mệt, nằm xuống và mất trong căn nhà nhỏ ở Nhatrang.


« Bienfaiteur et humaniste, vénéré du peuple vietnamien – Ơn Nhơn và Nhơn Nghĩa, Người Dân Việt Biết Ơn » Câu nầy được viết trên mộ Ông. Một nhà thờ được xây đề tạ ơn ông, hương khói ngày đêm suốt từ 70 năm nay không lúc nào ngưng.


Bác sĩ Alexandre Yersin để lại cho hậu thế và cho Việt Nam 55 công trình nghiên cứu cho tất cả ngành nghề: Y khoa, thú y, thực vật, nhơn chủng học, địa dư, thiên văn, còn thêm về truyền tin – radiophonie vì suốt đời Alexandre Yersin, ông tò mò, học hỏi, tìm kiếm, nghiên cứu. Năm cuối cùng trước khi mất ông quyết định học lại Cổ ngữ Hy lạp để dịch lại Thánh Kinh La Bible.


Cám Ơn Thầy ? Cám Ơn Ông Năm !


Hồi Nhơn Sơn Lập Thu Bính Thìn.

TS Phan Văn Song

Cư dân Đà Lạt 1951-1961 (Thiếu Sinh Quân 54-Lycée Yersin 61)




Alexandre Emile Jean Yersin



Born

(1863-09-22)22 September 1863

Aubonne, Vaud, Switzerland
 

Died

1 March 1943(1943-03-01) (aged 79)

Nha Trang, Annam, French Indochina

Nationality

Swiss and French


Fields

Bacteriologist

Institutions

École Normale Supérieure, Institut Pasteur


Known for

Yersinia pestis


Influences

Kitasato Shibasaburō


Notable awards

Leconte Prize (1927)


Alexandre Emile Jean Yersin (22 September 1863 – 1 March 1943) was a Swiss and naturalized French physician and bacteriologist. He is remembered as the discoverer of the bacillus responsible for the bubonic plague or pest, which was later named in his honour (Yersinia pestis).

THI CA TRÀO PHÚNG HIỆN ĐẠI



 Khi Gà Mái Gáy
Giống gà mái trời sinh không biết gáy
Bỗng om sòm cất tiếng ó ò o
Chuyện xảy ra nơi nước Vẹm triều Hồ
Khiến toàn thể thần dân đều kinh hãi

Xứ Bến Tre có con gà khờ dại
Chuyên cụp đuôi phục vụ đám trống cồ
Có biết gì ngoài bợ dái bưng bô
Và đưa đít đợi gà tồ xả nhớt
Nhưng từ khi được đảng Hồ phong chức
Trong cái chuồng cai quản đám heo dê
Gà mái ta cũng vấy máu ăn thề
Cùng với bọn sói Quang và chó Lú
Gà cất tiếng gáy vang lừng vũ trụ:
"Đám người kia toàn một lũ dân ngu
Chuyên biểu tình đòi hỏi chuyện ruồi bu
Các ngươi đã làm gì cho đất nước?"
Thật khốn khiếp cho con gà hỗn xược!
Dám vong ơn phụ nghĩa biết bao người
Nuôi dưỡng mi và cái đảng đười ươi
Mà giở giọng dạy đời đầy ngược ngạo.
Nhưng đây cũng quả là điềm trời báo
Ngày cáo chung Cộng đảng sắp kề gần
Xui khiến con gà mái gáy vang rần
Đánh thức cả toàn dân ta vùng dậy.
Phan Huy

 

Sài Gòn bây giờ. 
Saigon bây giờ dù mưa hay nắn
Rác ngập đầy đường xe kẹt quanh năm
SàiGòn bây giờ ăn xin khắp lối
Quán nhậu lan tràn hạnh phúc tối tăm

Chỉ biết đến tiền tình người không có
Chân ngắn chân dài tìm cách lừa nhau
Ngậm đắng nuốt cay đổi tình thay bạn
Tan nát gia đình nuốt hận niềm đau
SàiGòn bây giờ bụi ơi là bụi
Cái nóng nung người da thịt mồ hôi
SàiGòn bây giờ cướp ngày hết ý
Tích tắc một giây tấm lắc bay rồi .

SàiGòn bây giờ khói xe mù mịt
Nghẹt thở tim gan phèo phổi mệt nhoài
SàiGòn bây giờ kẹt xe không ngớt
Đâu dám qua đường ngại chết banh thây
SàiGòn bây giờ suốt ngày ăn nhậu
Đĩ điếm đầy đường chèo kéo người qua
SàiGòn bây giờ khắp nơi đồ giả
Giả vật giả người giả cả tình xa

SàiGòn bây giờ cường hào ác bá
Tham nhũng vòi tiền mọi thứ trao tay
Tình người tan nhanh đồng tiền trước đã
SàiGòn bây giờ đạo đức đã bay .

Thực phẩm ngập đầy tràn lan hoá chất
Tráo trở lọc lừa giết cả Mẹ Cha
SàiGòn bây giờ dù mưa hay nắng
Cắt xéo lọc lừa xẻ thịt banh da .

SàiGòn bây giờ chỉ toàn người Bắc
Nắm giữ quyền hành to nhỏ cơ quan
Khắp cả phố phường âm thanh the thé
Một lũ ngu si cuồng sắt đầy đàng

SàiGòn bây giờ tang thương khiếp quá
Bệnh viện một giường năm bảy người chen
Bác sỹ y công đua nhau móc túi
Tán tận lương tâm một lũ ươn hèn
SàiGòn bây giờ Đài Loan kiếm vợ
Những gái trần truồng để lựa tự nhiên
Văn hoá thuần phong nát tan hết cả
Một đám côn đồ một xã hội điên .
.SàiGòn bây giờ trăm phương ngàn kế
Móc ngoặc phong bì tham nhũng mánh mung
Tai nạn giao thông lăn đùng ra chết
Vô cảm làm ngơ văn hoá điên khùng .

SàiGòn bây giờ nhà cao cửa rộng
Của đám cường quyền vơ vét người dân
Khóc lóc kêu oan biểu tình khắp lối
Sắt máu côn đồ đàn áp thẳng tay .

SàiGòn bây giờ ôi thôi hết biết
Còn nữa ta đâu Hòn NGọc Viễn Đông
Tan nát niềm tin lòng dân căm phẫn
Mong muốn có ngày xoá sạch cho xong

SàiGòn còn nhớ hay quên
Từng đêm ray rức cạnh bên đoạ đày
Hỡi người còn nhớ chăng thay
SàiGòn năm cũ tháng ngày yêu thương .

Nguyễn Trãi.
 ÁO LỤA HÀ ĐÔNG
NGUYÊN SA
  
 Nắng Saì gòn anh đi mà cjhợt mát.
 Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đômng
 Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng 
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn  
 Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh  
 Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
 Bay vội vã vào trong hồn mở cửa  
 Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa 
 Gặp hai hôm thành nhị hỹ của tâm hồn 
 Thơ học trò anh chất lại thành non  
 Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu 
 Em không nói, đã nghe từng giai điệu  
 Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh 
Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình  
Với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt  
 Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết  
 Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu 
 Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau  
 Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại 
Để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại  
 Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời 
 Em đi rồi, sám hối chạy trên môi  
 Những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng 
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn  
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Ðông  
 Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng  
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng 
 Nguyên Sa


 SaiGon Bay Gio ".
Forward Send Date: August 27, 2016.

Nắng Sài gòn anh đi mà lạnh ngắt

 Bởi vì em sinh quán taị Hà Ðông 

 Bao lần anh khiếp hãi sợ vô cùng

Đây trên mặt vẫn còn nguyên vết sẹo !
Anh vẫn nhớ em ngồi đâu quát đấy
 Cầm khúc cây dàì lắm để đe anh

 Anh kinh hồn vội vã né lung tung

 Chờ sơ hở phóng ra đường dông tuốt.

 Gặp một bữa, anh đã rầu một bữa 

Gặp hai hôm thành rầu rĩ cả tâm hồn 

Bao lâu rồi ăn uống chẳng thấy ngon

Và đôi mắt mơ màng đang bầm tím !

Em chưa hét đã vang lừng khắp xóm

Em chưa gầm mà đã động rừng xanh

Bao lần anh toan tính muốn làm lành

Lòng run sợ làm sao anh dám noí

Em thích đánh thích thoi anh vẫn biết

Lòng chợt lo chợt sợ chẳng vì đâu 

Đôi khi em còn hăm dọa thiến thằng cu

Để anh lạy mặt xanh như tàu lá

Lúc em đánh, anh chỉ nhìn lấm lét

Giận điên lên nhưng nói chẳng nên lời

 Em đi rồi, ôi khoái quá sướng mê tơi!

Những tháng ngày đời anh thôi bầm dập 

 Em ở đâu bên nầy hay bên nớ

 Hởi người em sinh quán ở Hà Ðông 

 Anh vẫn run và sợ hãi vô cùng

 Giữ hộ anh một chuyện tình khiếp đãm


Nguyên Sẹo

 
          Nắng Ca li tôi đi mà thấy ấm     
        Bao cắn cấu vẫn còn yên trong trí      
        Tôi vẫn nhớ ai ngồi bên cấu chí
          Và ngày sao dài thế mẹ cha ơi
          Đau từng cơn mà không dám kêu ai
          Cũng chẵng dám chạy ra khỏi cửa 
          Tha một bữa là mừng một bữa
          Tha hai hôm là tưởng tới thiên đường
          Vết sẹo lành ai cấu lại thành non
          Xoa thêm muối chỉ còn quên tí ớt
          Ai cấu véo nhịp nhàng như giai điệu
          Ai véo von mà đau tới trời xanh
          Ai trông lên cầu xin Chúa thương tình
          Cho con thoát sư tử, con xin Chúa
          Ai chợt dữ chợt ngoan tôi vẫn biết
          Sau cơn mưa trời lại sáng vậy thôi
          Ôi vết thương sao chẳng chịu lành ngay
          Để chào đón cho cái gì mơi mới
          Để tôi im vì có ai than thở
          Thú đau thương làm sao nói thành lời
          Ai đi rồi mà chẳng mất cái chi
          Thú đau thương xem ra cũng không nặng
          Ai đâu đó hỡi mãnh sư cỡ bự
          Nhớ đừng quên có sư tử Hà Đông
          Nghĩ mà run chắc cũng sợ tới già
          Xin cầu cầu chứng tại tòa danh sư tử.
        

HALLOWEEN

Người Việt hòa vui trong lễ hội Halloween tại Mỹ

Cập nhật lúc 01-11-2015 04:29:34 (GMT+1)
Người Việt cùng bạn bè Mỹ phấn khởi đón lễ hội hóa trang tại Los Angeles, Hoa Kỳ.


Những ngày này, khắp các cửa hàng ở thành phố Los Angeles, Hoa Kỳ đều nhộn nhịp và bày bán các loại trang phục truyền thống cho lễ hội Halloween. Đối với tôi và cộng đồng người Việt đang định cư tại thành phố cũng hòa trong không khí xốn xang đón ngày hội độc đáo này.
Theo chia sẻ của một số vị cao niên tại khu tôi ở thành phố Los Angeles, Hoa Kỳ, nguồn gốc của lễ hội Halloween - ngày hội hoá trang cũng chỉ được người ta kể lại, rồi truyền miệng với nhau cho đến ngày nay. Chuyện kể rằng: “Vào ngày này những hồn ma vất vưởng đã chết sẽ trở lại trần thế tìm một người nào đó nhập xác để còn tiếp tục được tồn tại sau khi chết. Thế nhưng người dương thế thì lại không muốn bị ma bắt hồn nên đến tối ngày 31/10 họ tắt đèn, tắt bếp lửa để cho nhà cửa lạnh lẽo như cõi âm. Họ còn mặc quần áo giả trang cho lẫn lộn với đám ma quỉ và khua động khắp xóm làng để đuổi tà ma”. Cũng vì thế mà, bên cạnh các trang phục tương đối dễ nhìn còn có những người rơm “mặt quỷ” trông đến phát sợ được mọi người mua về để dán trước cửa nhà.
Những ngày đầu đặt chân đến Los Angeles, tôi cũng rất sợ ngày hội hoá trang này, bởi những trang phục cùng những gương mặt được trang điểm theo kiểu kỳ quái, rùng rợn nhất. Những năm gần đây, lễ hội Halloween đã có nhiều thay đổi, trở thành ngày hội của mọi người, nhất là giới trẻ. Hoà cùng không khí náo nhiệt của lễ hội, tôi cùng gia đình đã chuẩn bị thật tốt ngày hội độc đáo này, trong đó có phần thi hoá trang “ma quỷ”. Ngày hội cũng là dịp để cho bọn trẻ được người lớn dẫn đi xin kẹo ở một số nhà, tiếng cười, tiếng nói xôn xao náo nhiệt. Nhiều bạn trẻ cùng nhau đến địa điểm tổ chức để tham dự lễ hội hoá trang mang đầy màu sắc kinh dị, ma quái.
Trước đây, khi còn sống ở quê nhà tỉnh Vĩnh Long, tôi chưa từng nghe nói đến ngày lễ Halloween. Sau này, khi đã định cư và sống tại Los Angeles, Hoa Kỳ, mọi thứ sinh hoạt đối với chúng tôi dường như thay đổi hẳn. Cuộc sống nơi đây tất bật với công việc mưu sinh và cả các lễ hội được tổ chức thường niên vào mùa đông, trong đó có ngày lễ Hallowen độc đáo. Nhớ những ngày đầu đặt chân đến Mỹ, mọi thứ và sinh hoạt đều xa lạ, rồi được cộng đồng bà con người Việt giúp đỡ nên lâu ngày cũng thành quen.
Lễ hội hoá trang được xem là phong tục phổ biến nhất trong mùa Halloween ở Mỹ. Gần đây, lễ hội truyền thống này đã được lan toả ở khắp các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, không khí lễ hội này cùng đã có ở các thành phố lớn, được biết giới trẻ cũng rất thích và tổ chức nhiều trò vui chơi trong đêm Halloween.

Đối với tôi, lễ hội Hallween tại Mỹ có ý nghĩa nhân văn rất lớn, con người không những phải tự thân đấu tranh với bản chất xấu tốt đan xen, mà còn phải đấu tranh với những mặt tiêu cực xã hội, đó là  “những bóng ma” trong cuộc sống để hướng đến những giá trị đích thực của cuộc sống. Và quan trọng hơn hết Hallween cũng là một dịp để cộng đồng người Việt – những người con sinh sống ở nơi xa quê hương hòa chung niềm vui với cư dân nơi bản địa.
 
Tác giả trong trang phục cho lễ hội hoá trang tại Los Angeles, Hoa Kỳ.
 
Trẻ em thích thú trong trang phục Hallwee ngộ nghĩnh. (ảnh: Thảo Lê)
Nguồn: Thảo Lê/ Danviet

Thây ma gây sốc trên đường phố

Những thây ma bước đi trên đường với hóa trang rùng rợn là một phần không thể thiếu của lễ hội Halloween ở Canada.
> Trẻ thơ hóa trang thành phù thủy trong công viên

ShocktoberFest (Shock October festival - Lễ hội Gây sốc) hay Zombie Walk ( Xác chết biết đi) là một trong những sự kiện của lễ hội Halloween ở Canada, được tổ chức thường niên vào cuối tháng 10 để gây quỹ giúp người nghèo. Lễ ShocktoberFest năm nay được tổ chức ngày 27/10 tại thủ đô Ottawa. 
ShocktoberFest nam nay co' hon 2000 nguoi tham du. Ho. hoa' trang tha`nh nhung~ tha^y ma dda da.ng va` di dien hanh tren duong pho^'.
ShocktoberFest năm nay có hơn 2000 người tham dự. Họ hóa trang thành những thây ma đa dạng và diễu hành trên đường phố 
Cô gái hóa trang thành quỷ Dracula
Cô gái hóa trang thành quỷ Dracula
Thây ma sẵn sàng dọa những ai đến gần
Thây ma sẵn sàng dọa những ai đến gần
Hai cô gái dễ thương trong bộ dạng thây ma trên đường phố
Hai cô gái dễ thương trong bộ dạng thây ma trên đường phố
Shocktober lan dau tien duoc to chuc o Willow Glen Park, PennySylvania, nam 1990, roi

Shocktober lần đầu tiên được tổ chức ở Willow Glen Park, PennySylvania, năm 1990. Rồi nhanh chóng lan rộng ra các thành phố khác của nước Mỹ, Canada và nhiều nước khác. Nó trở thành một phong tục không thể thiếu của lễ hội Halloween.
Nụ cười ma quái
Nụ cười ma quái
Vien Xu


NẠN TRỘM CHÓ TẠI VIỆT NAM

Số phận những kẻ trộm chó Việt (I) : Tôi đã bị giết chỉ vì "là thằng trộm chó" như thế nào?


THỨ HAI, 11/04/2016 15:08:00 | TIN 24H
Vntinnhanh.vn - Khi họ còn đang bàn thảo về cách xử lý Phong, có ai đó đã dội xăng và châm lửa thiêu gã. Khói độc bốc lên từ bộ quần áo đang bùng cháy đã khiến Phong bất tỉnh, trước khi thân thể gã bị thiêu ra tro tàn. Cảnh sát đã gọi điện cho mẹ Phong trong buổi sáng tiếp theo để nhận diện thi thể con chị.

Lời tòa soạn Vntinnhanh:  Nạn trộm chó ở Việt Nam và các màn trả đũa chết chóc của các cộng đồng dân cư bị mất chó là điều đã được báo chí trong nước phản ánh nhiều. Tuy nhiên vấn đề này ít khi xuất hiện trên báo chí nước ngoài và một bài viết đặc sắc như của tác giả Calvin Godfrey viết cho trang Roads & Kingdoms lại càng hiếm.
Đây không chỉ là câu chuyện về những kẻ trộm chó, mà còn là câu chuyện về nhân tính, về những lựa chọn hành động của chúng ta khi đứng trước điều gì đó chúng ta căm ghét. Hy vọng quý độc giả sẽ có một cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, để thấy rằng phía sau một kẻ trộm chó bị đánh chết, có nhiều uẩn khúc và câu chuyện có thể khiến chúng ta phải nhìn và suy ngẫm rất nhiều về những gì đang diễn ra. Vntinnhanh xin giới thiệu với độc giả loạt bài viết vô cùng chân thực này.

Xác Nguyễn Đình Phong cháy đen bên chiếc xe máy hồi năm 2010.
Xác Nguyễn Đình Phong cháy đen bên chiếc xe máy hồi năm 2010.
Xem thêm
Số phận những kẻ trộm chó Việt (II): Lần thoát chết rùng rợn, và ngựa quen đường cũ
Gã trộm chó
Không ai biết rằng Nguyễn Đình Phong rời khỏi căn nhà mái bằng của anh ta ở tỉnh Nghệ An vào lúc mấy giờ. Gã trai 27 tuổi gầy nhẳng và nghiện heroin nặng này đã vét sạch mọi của cải trong nhà để thỏa mãn nhu cầu hút hít.
Khi không còn lấy thêm được gì nữa, gã lắp biển số giả vào chiếc xe của mình, cầm một cây gậy có gắn thòng lọng và bắt đầu chuyến đi săn. Dọc theo hai bên con đường Phong chạy xe qua, hàng quán nằm san sát, bán đủ thứ từ bia tới vé máy bay.

Nhưng khi phóng xe trên đường, Phong chỉ quan tâm tới các quán thịt chó. Đằng sau các hàng rào tre của các quán này, những kẻ như Phong có thể dành cả đêm thưởng thức rượu gạo và thịt chó sẫm màu bày trong đĩa, cùng với rau sống, sả và mắm tôm dậy mùi.
Đêm đó, Phong hy vọng sẽ kiếm nhanh số tiền chừng 400.000 đồng. Tất cả những gì gã cần chỉ là một con chó. Gã rẽ vào một con đường lầy lội, chạy xuyên qua các cánh đồng lúa vẫn còn đầy những ngôi mộ cổ.
Dọc đường, Phong đã đón một người khác biết đường vòng tránh điểm kiểm tra do dân làng dựng nên để ngăn không cho những kẻ như gã vào làng. Cả hai đi tới làng Hưng Đông, ở cách nhà Phong hơn 1km, lúc đó hoàn  toàn chìm trong bóng tối.

Thủ phạm một vụ trộm chó ở Phú Thọ bị người dân đánh bất tỉnh, trói gô vào xác chó. (Ảnh: Facebook)
Thủ phạm một vụ trộm chó ở Phú Thọ bị người dân đánh bất tỉnh, trói gô vào xác chó. (Ảnh: Facebook)
Kẻ đi cùng Phong cầm lái, tắt đèn pha rồi để tiếng nổ bùng bục của động cơ khiến những con chó tỉnh giấc. Chúng bắt đầu thi nhau sủa và hú lên. Phong căng mắt nhìn vào bóng đêm và rồi nhanh tay dùng thòng lọng tóm lấy con chó đầu tiên chạy về phía hai gã.
Chiếc xe máy rú ga chồm lên và Phong cảm thấy khoảnh khắc con mồi của mình gãy cổ, cái xác nó bị kéo lê theo chiếc xe, nảy tưng tưng trên con đường gồ ghề. Phong kéo xác con chó bỏ vào một bao tải và khi đó, gã tưởng như phi vụ đã thành công.
Đột nhiên cả hai dừng lại giữa đường, khi thấy một nhóm dân làng xuất hiện từ xa. Kẻ đi cùng Phong hoảng sợ nhảy khỏi xe chạy trốn, để lại Phong đang ôm con mồi đã chết và chiếc gậy bắt chó.
Phong sợ cứng người, nhưng chẳng thể làm gì trước đám đông tức giận, đã nhanh chóng tung những cú đấm đạp liên tiếp vào người gã. Những tên trộm đã câu chó từ ngôi làng này trong nhiều tháng và Phong là kẻ đầu tiên mà họ tóm được.
Sau này mẹ Phong mới biết rằng lời van xin tha mạng của con bà đã khiến cả ngôi làng tỉnh giấc. Một số nhân chứng cho biết họ đã ở trong nhà, trong khi số khác ra đường để tham gia màn đánh hội đồng nhằm vào Phong.
Nguyễn Đình Phong bị đốt xác đến cháy đen, không thể nhận dạng.
Nguyễn Đình Phong bị đốt xác đến cháy đen, gần như không thể nhận dạng.

Đã có lúc trong cơn điên, người ta cầm cả cái cào cỏ đâm thẳng vào bộ ngực xương xẩu của Phong. Trước khi mặt trời lên, đám đông kéo Phong, lúc này đã bị đánh tới sống dở chết dở, tới tòa nhà Ủy ban nhân dân và trói gã vào chiếc xe máy.
Khi họ còn đang bàn thảo về cách xử lý Phong, có ai đó đã dội xăng và châm lửa thiêu gã. Khói độc bốc lên từ bộ quần áo đang bùng cháy đã khiến Phong bất tỉnh, trước khi thân thể gã bị thiêu ra tro tàn. Cảnh sát đã gọi điện cho mẹ Phong trong buổi sáng tiếp theo để nhận diện thi thể con chị.
“May mắn thay, tôi đã nhận ra đôi tay và gương mặt con”, bà nói với tôi khi chúng tôi gặp nhau cách đây 2 năm. Lần gặp gỡ ấy, Tết Âm lịch vừa trôi qua nhưng ngôi nhà hoàn toàn chẳng có chút không khí đón xuân nào, như một lọ hoa hay mâm ngũ quả.
Nhà chức trách đã trao lại cho bà di cốt của Phong để bà có thể chôn cất con tử tế. Nhưng khi bà tới ngôi làng để xem ai đã giết Phong thì không nhiều người thể hiện thiện chí muốn giúp đỡ. “Họ coi con tôi như cỏ rác. Chẳng có ai thương xót cả”, bà nói.
Phong chết đi, gia đình gã cũng nhanh chóng xuống dốc. Cha gã qua đời không lâu sau cái chết của con. Rồi vợ gã bỏ lại những đứa con cho bà mẹ già đã 60 tuổi, để đi lấy chồng mới. Cảnh sát thì không bắt được ai trong vụ sát hại Phong.

Hai kẻ trộm chó khác bị bắt đeo xác chó trên người, quỳ lạy xin lỗi.
Hai kẻ trộm chó khác bị bắt đeo xác chó trên người, quỳ lạy xin lỗi.

Có lẽ vì thế mà trong cuộc gặp với tôi, bà nói rằng vẫn muốn biết ai đã giết con mình. “Tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Hãy đi hỏi họ đi”, bà nói với tôi, đôi mắt ngầu đỏ đầy đau khổ. Nhận sự ủy thác đó, tôi đi vào ngôi làng, băn khoăn không biết sẽ hỏi han người dân ở đây ra sao về vụ giết Phong.
Làng Hưng Đông không giống như nơi có thể diễn ra một vụ hành hình, như chuyện xảy ra với Phong. Nơi đây chỉ có những ngôi nhà một tầng và các cửa hàng lầm bụi như nhiều miền quê khác ở Việt Nam.
Vị cựu chiến binh ngồi ở bàn đón tiếp tại tòa nhà Ủy ban nhân dân của làng giơ tay ra bắt rồi nở một nụ cười tươi rói, chẳng hé lộ bất kỳ điều gì với tôi. Không có thư giới thiệu chính thức từ tờ báo của tôi và từ Bộ Ngoại giao, ông không thể nói về vụ giết Phong.
“Đi nhậu thịt chó nhé?” tôi gạ gẫm, nhằm tìm hiểu câu chuyện theo lối không chính thức. Ông gật đầu đồng ý, nhưng cho biết không phải hôm nay, vì còn bận. Ngày mai ông cũng bận và ngày kia nữa.
Trong cuộc trò chuyện đầy những khoảng lặng kéo dài, ông phát tín hiệu cho tôi biết rằng bản thân sẽ không bao giờ rảnh rỗi để tiếp chuyện tôi.
Nhiều kẻ trộm chó ở Việt Nam bị đánh hội đồng, thậm chí giết chết. (Ảnh: Roads and Kingdoms)
Tại một ruộng lúa gần đó, tôi thấy một nhóm đàn ông đang hút thuốc lào từ một chiếc điếu không được sạch sẽ cho lắm. Những người này gật đầu xác nhận và cười khi được hỏi có phải làng của họ đã đánh chết nhiều kẻ trộm chó.
Nhưng khi tôi hỏi rằng có ai trong số họ tham gia vào vụ giết người như thế, tất cả đều đứng lên, ra xe máy đi thẳng mà không trả lời.

Cuộc sống. Công lý. Thịt chó.
Tôi dọn tới Việt Nam sống từ tháng 6/2010 để làm công việc biên tập cho một tờ báo thuộc sở hữu của nhà nước. Tháng tiếp theo thì Phong chết và các thông tin ngắn ngủi, rời rạc về vụ sát hại anh đã khiến tôi băn khoăn về bản chất cuộc sống, công lý và vấn đề thịt chó ở Việt Nam.
Những câu hỏi đó càng thôi thúc tôi hơn khi nhiều tin vắn cho biết về những cái chết liên quan tới hoạt động trộm chó đã lan rộng ra khắp các ngõ ngách. Tôi đếm được tổng cộng 30 cái chết chỉ riêng trong các tin tức bằng tiếng Anh.
Ít người tôi gặp gỡ dường như cảm thấy xu hướng này có vấn đề. Tất cả những gì các nhân chứng vô danh và thậm chí là người tham gia (hoạt động đánh kẻ trộm chó) nói với các phóng viên là: “Những con chó giống như thành viên trong gia đình”.
Các bài viết dài hơn dần xuất hiện sau đó - những cuộc phỏng vấn đẫm nước mắt với các gia đình đau khổ và những câu chuyện nghẹt thở của các tay trộm may mắn thoát chết sau khi bị đánh. Nhưng đồng nghiệp người Việt của tôi đánh giá những câu chuyện đó chỉ mang mục đích giật gân câu khách.

Thịt chó là món ăn được bán phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: Một thế giới)
Thịt chó là món ăn được bán phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: Một thế giới)

“Chuyện xảy ra đơn giản thôi”, một người từng nói với tôi và cười. “Kẻ trộm chó bị bắt và tất cả (dân làng) lao vào đánh hắn”.
Nhưng cả hai hướng giải thích này đều có vẻ không đúng. Thi thoảng ở Việt Nam có chuyện trai làng đánh bị thương con trai làng khác tới tán gái làng mình, hay một tên trộm xe đạp hoặc xe máy bị đánh tới bươu đầu, chảy máu.
Song cùng nhau đánh tới chết một ai đó vì trộm cắp không phải là điều diễn ra phổ biến ở Việt Nam. Tôi chưa từng nghe thấy chuyện dân làng đánh chết một người đàn ông vì tội trộm một chiếc TV hay đầu karaoke.
Và câu “những con chó giống như thành viên của gia đình” cũng không giải thích được vì sao vẫn có rất nhiều người Việt ăn thịt chó. Nó không giải thích được tại sao người dân sống trong một ngôi làng hiền hòa lại sẵn sàng tước đoạt mạng sống của một người như Phong.
Nó không mang tới câu trả lời, rằng vì sao người dân một ngôi làng khác lại chặn xe cứu thương, không cho người ta cứu một kẻ trộm chó đang hấp hối.
Tương tự, nó không có đáp án cho các bức ảnh báo chí chụp cảnh một kẻ trộm chó máu me khắp mình mẩy đang quỳ trước đám đông, trên cổ treo tấm biển đề dòng chữ: “Tôi là thằng trộm chó”.

"Con ăn trộm chó. Hãy đưa con đi".
"Con ăn trộm chó. Hãy đưa con đi".

Cũng phải nhắc tới một thực tế rằng những kẻ trộm chó tấn công đám đông bằng đủ thứ vũ khí, từ ớt bột cho tới súng điện tự chế. Vài gã còn mang theo đao kiếm khi “hành nghề”. Sự manh động của chúng chiến dân làng cũng lập ra các chốt kiểm soát, các đội tuần tra để chống trả và khiến câu chuyện trở nên phức tạp hơn.
Đã có các thành viên trong những đội tuần tra chống trộm chó phải vào tù vì đánh chết nhầm người. Thi thoảng lại có chuyện người vô tội bị đánh thành thương vì bị nhận nhầm là kẻ trộm chó. 
Tuy nhiên tất cả những chuyện này nghe có vẻ xa xôi tại tờ báo tôi làm việc, nơi các đồng nghiệp trẻ phải khó khăn lắm mới lên án hoạt động ăn thịt chó, cho đó là thói quen khó bỏ.
Nhưng trên bàn nhậu, họ lại rỉ tai mời gọi tới một con hẻm đầy những quán thịt chó nằm ngay bên kia đường.
Một vị quan chức kiểm dịch động vật mà tôi có dịp nói chuyện đã ước tính sơ bộ rằng tới nửa số các con chó bị thịt tại các nhà hàng là kết quả từ hoạt động trộm chó. Số còn lại được nuôi lớn bởi các gia đình nghèo, trước khi bán đi để có thêm thu nhập. Ông cũng tự hào tuyên bố rằng nhà mình không có ai ăn thịt chó.
Những phát ngôn như thế khiến người ta dễ trở nên bối rối. Sau rốt thì có bao nhiêu người thực sự ghét việc ăn thịt chó và bao nhiêu người chỉ trả lời theo lối ngoại giao với người nước ngoài?
Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á khác vẫn còn phổ biến ăn thịt chó.
Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á khác vẫn còn phổ biến ăn thịt chó.

Một chủ quán cà phê giao thiệp rộng từng nói với tôi rằng anh bỏ không ăn thịt chó nữa vì việc đó khiến bản thân thấy có lỗi, giống như anh đang ăn thịt con vật nuôi của người khác. Theo anh, việc ăn thịt chó mang tới khoái cảm tội lỗi, cũng có nghĩa rằng các nhà hàng thịt chó thường không được bắt mắt, hoành tráng cho lắm.
Thế nhưng thịt chó vẫn rất hấp dẫn người ta, giống như tranh ảnh khiêu dâm vậy. Nghe thấy vậy, tôi biết rằng sẽ có lúc mình phải nếm thử thịt chó.
Năm 1959, nhà văn Vũ Bằng từng nói rằng một bữa thịt chó là đủ để người thất tình thôi nghĩ tới việc tự sát. Ông đã viết những dòng như sau về món thịt chó:
“Người ta viện lý con chó là bạn của loài người, ăn thịt chó là mọi rợ, thế thì tại sao con ngựa, “một chinh phục cao cả nhất của loài người” mà người Âu Mỹ cũng đem ra “đánh chén”? Bảo là con chó ăn bẩn, thế thì con gà, con lợn, con cá ăn uống sạch sẽ ư?
Không. Con chó là con vật để cho người ta ăn thịt. Ăn thịt chó không khác gì ăn thịt thỏ, ăn thịt nai, ăn thịt bò.
Huống chi thịt chó lại còn ngon và bổ; vì thế tôi cho rằng mặc dầu người ta đàm tiếu thế nào đi nữa, thịt chó vẫn cứ là một món ngon bất diệt của dân ta và tôi tin rằng: “Nước ta còn, thịt chó còn” mà văn hóa ẩm thực của ta mai sau hay, dở là ở điểm có biết duy trì thịt chó hay không vậy?”.
Nhiều người Việt coi thịt chó là món ăn ngon, bổ dưỡng.
Nhiều người Việt coi thịt chó là món ăn ngon, bổ dưỡng.

Nhà văn hải ngoại Nguyen Thanh Viet cũng từng viết về việc người Việt sang Mỹ định cư phải khổ sở che giấu thói quen ăn thịt chó với những người Mỹ bản địa. Các nhân vật của Viet có nhiều lý do để phải giữ im lặng.
Đã có một thời điểm, văn minh phương Tây quyết định coi những con chó là bạn tốt nhất của con người. Những ai ủng hộ quan điểm này tin rằng người ta nên và cần phải đối xử với những con chó theo cách của người Mỹ. Ai làm khác sẽ bị xem như những kẻ man rợ.
Năm 2013, Joel Brinkley, một giáo sư ở trường Đại học Stanford sau kỳ đi nghỉ tại Việt Nam đã nêu đích danh hoạt động ăn thịt chó, coi đây là “điều ghê rợn nhất” mà bản thân từng chứng kiến. Hiệp hội sinh viên người Việt ở trường Stanford lập tức phản ứng lại bằng tuyên bố cho rằng hiện chỉ còn một bộ phận nhỏ người Việt vẫn ăn thịt chó.
Có một thực tế là những người Việt sống ở đô thị, có học vấn cao cũng đối xử với vật nuôi như ở phương Tây vậy. Vì điều này, họ thường bị bắt trộm các con chó thuần chủng và phải trả rất nhiều tiền để mua lại thú cưng. Có cả một đội trung gian hoạt động ở Hà Nội, sẵn sàng giúp bạn tìm lại một con chó Doberman, nếu bạn chịu chi ra 1.000 USD.
Cùng thời điểm, những con chó ở vùng nông thôn tiếp tục phục vụ chủ trong vai trò vật nuôi ăn cơm thừa, báo động chống trộm và nhiều chức năng khác. Chúng có giá trị không đủ cao để khiến cảnh sát phải vào cuộc, chỉ vừa đủ để trở thành con mồi cho những kẻ săn trộm chó.


Số phận những kẻ trộm chó Việt (II): Lần thoát chết rùng rợn, và ngựa quen đường cũ

THỨ BA, 12/04/2016 09:30:00 | TIN 24H
Vntinnhanh.vn - Ở phần II của loạt bài về vấn nạn trộm chó tại Việt Nam, tác giả Calvin Godfrey dành thời gian rong ruổi các làng quê ở miền Trung để tận mắt nghe, thấy những câu chuyện bi hài xung quanh 2 chữ "trộm chó", vốn đã thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân nông thôn.

Xem thêm
Số phận trộm chó Việt (I): Tôi đã bị giết chỉ vì "là thằng trộm chó" như thế nào?
3. Lần theo nguồn gốc
Cách đây 2 năm, tôi nghỉ việc tại tờ báo ở Sài Gòn và đi vào miền Trung còn nghèo khó ở Việt Nam để xem chuyện quái quỷ gì đang diễn ra. Tôi đi theo các con đường nhỏ, bụi bặm, nối các làng quê về hướng thành phố Vinh.
Những con chó đuổi tôi khỏi lều của các tay săn trộm, của những người khai thác gỗ và các trạm kiểm lâm đơn độc, dù rằng chủ nhân của chúng thậm chí còn mời tôi vào ăn cơm, uống nước.
Sau khoảng 1 tháng di chuyển (từ Sài Gòn), tôi đã tiến vào Nghệ Tĩnh, nơi Phong và chừng nửa tá kẻ trộm chó giống gã đã thiệt mạng.
Tôi đi vào một nhà hàng thịt chó trông giống như đã đóng cửa. Một con chó già tên Nít xuất hiện ở cửa ra vào trong khi anh Hùng, chủ của nó, ngồi uống rượu trên ghế gỗ ở phía trong.
Anh  nói rằng vẫn chưa thể bán thịt chó trong 2 tuần tới vì ăn thịt chó vào giai đoạn đầu tháng thường bị xem là xui xẻo. Ăn thịt chó vào cuối tháng được xem là may mắn.
Sau vài ly rượu, Hùng ưỡn lưng, hắng giọng, nói bông đùa rằng ở Việt Nam chẳng có tay trộm chó nào cả. Rồi anh không muốn bàn về chó nữa mà chỉ mời tôi hút thuốc lào và uống chè.
(ảnh Roads and Kingdoms)


Buổi chiều tiếp theo, thành phố Vinh dần hiện lên trước mắt. Khi nghỉ ngơi ăn tối tại Vinh, tôi không ngừng nghĩ về Nguyễn Đức Bình, có lẽ là tay trộm chó nổi tiếng nhất ở đây.
Một buổi sáng tháng 9/2011, Bình cầm theo gậy bắt chó và nhảy lên chiếc xe máy, cùng đồng bọn đi săn mồi. Nhưng trước khi cả hai bắt được con chó nào đó, chúng đã bị dân làng tóm gọn.
Chứng kiến đồng bọn bị đánh tới mức hỏng thận, Bình suy nghĩ nhanh rồi vùng chạy vội tới ngôi nhà dân gần nhất, kề dao vào cổ một bé gái đang hoảng sợ.
Điên tiết, đám đông đòi lấy đầu Bình, trong khi nhà chức trách cố gắng bảo vệ gã. Một đội 100 người lính đã được điều tới để kiềm chế dân chúng, khi họ tìm cách phá cửa vào “xử” Bình, và thương thảo với gã để giải thoát con tin.
Cuối cùng, Bình đã đồng ý trả tự do cho bé gái để được giải cứu. Phía lực lượng an ninh đưa cho gã một túi máu heo để bôi lên người. Sau khi thuyết phục đám đông rằng họ đã đạp Bình tới chết, những người lính đưa Bình tới một đồn cảnh sát nằm cách xa ngôi làng, nơi chính quyền phạt hành chính rồi thả gã về.
Bình nhanh chóng trở lại với hoạt động trộm chó sau lần chết hụt đó. Bình tiếp tục bắt rất nhiều con chó khác và khiến thù oán tăng lên. Khi cảnh sát bắt được Bình lần cuối, họ đã thu gom nhiều chứng cứ về tội trộm cắp, đủ để tống gã vào tù và khép lại các màn trêu ngươi của gã.

4. Bà quả phụ tên Xuân
Trong buổi sáng đầu tiên ở Vinh, tôi tiến về phía Nam, ngang qua một cây cầu sắt dẫn tới ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều.
Trên một con đường dưới cầu là một cộng đồng nằm gần biển, nơi những kẻ trộm chó thích lui tới làm ăn, do nơi này ở gần khu chợ của thành phố, đồng thời sau khi “ăn hàng” chúng sẽ dễ lẩn trốn vào màn sương dày đặc thường xuất hiện tại đây.
Nhiều người sống ở đây đổ lỗi cho vấn nạn trộm chó lên vai những kẻ nghiện heroin ở ngôi làng gần đó.  Nhưng những người ở ngôi làng kia thì nói điều ngược lại. Và tôi đã đi theo sự chỉ dẫn của họ tới một đoạn đường đầy rác nhìn ra biển.
Tôi đã biết từ các câu chuyện trên báo chí về lý do để người ta trộm chó: để trả nợ cờ bạc, trả nợ chơi game online, để ăn thịt chó với bạn bè hoặc đơn giản là kiếm tiền dễ dàng. Và không chỉ có người nghiện heroin mới trộm chó.
Cụm từ “bọn nghiện” cũng không chỉ đơn thuần nói về đối tượng này mà còn đóng vai trò một hình mẫu về những kẻ suy đồi, sẵn sàng làm những trò mà người thường còn chẳng nghĩ tới.

"Lý do để người ta trộm chó: để trả nợ cờ bạc, trả nợ chơi game online, để ăn thịt chó với bạn bè hoặc đơn giản là kiếm tiền dễ dàng."

Khi tôi rảo bước, một người ngư dân vạm vỡ tên Vinh dần xuất hiện trong làn sương mờ. Vinh nói rằng anh đã nhìn thấy rất nhiều kẻ trộm chó. Anh thậm chí còn chứng kiến chúng ăn trộm 2 con chó ngay trước mũi mình.
Nhưng dù có vai rộng và đôi tay rất khỏe nhờ cả đời kéo lưới, Vinh chưa từng nghĩ tới việc đuổi theo những tên trộm chó. Khi được hỏi vì sao, Vinh đã chỉ tôi tới gặp bà Bùi Thị Xuân, rồi bỏ đi.
Nhờ sự chỉ dẫn của một người đàn ông lớn tuổi đi xe đạp màu đỏ, tôi đã tới được nhà bà Xuân. Chẳng có con chó nào cất tiếng sủa khi tôi bước vào phần hiên nhà đầy những chậu cây và giỏ hoa lan đang treo dưới một dây phơi quần áo. Một tấm biển hiệu đã bị rỉ sét cho tôi biết rằng bà Xuân kiếm sống nhờ cho thuê bàn ghế phục vụ đám cưới và đám ma.

Bà Xuân đi vào phòng khách tiếp tôi với một gương mặt xanh nhợt và mệt mỏi. Ngay cả ở trạng thái bình thường, miệng bà vẫn há ra và đôi mắt thì đầy sự lo âu, như thể vẫn chưa hết sốc sau khi đón tin dữ. Bà đi lấy một đống giấy tờ của tòa án phủ đầy bụi nằm phía sau chiếc TV rồi đặt chúng trên một hộp bánh quy bơ. Trước khi tôi có thể đọc chúng, bà bật khóc.
Mỗi buổi sáng, chồng bà Xuân thường mặc nguyên đồ ngủ và tưới cây ngoài vườn nhà. Rồi một ngày nọ, có hai tên trộm đi ngang qua, tóm lấy con chó của gia đình. Bà Xuân thấy chồng chửi ầm lên ngoài vườn rồi nổ máy đuổi theo.
Bà vội gọi cho con rể và anh cũng lao theo bố vợ cùng những kẻ trộm chó. Khi ra tới đường quốc lộ, anh chứng kiến một gã gầy gò ngồi sau xe của bọn trộm giơ một khẩu súng cao su và bắn một viên bi vào trán bố vợ.
Ngay sau đó, anh thấy bố vợ loạng choạng rồi lao vào một rãnh nước. Anh cố ghi nhớ biển số xe của những tên trộm rồi chạy xuống rãnh nước chỉ để phát hiện bố vợ đã chết, do viên bi sắt xuyên trúng giữa hai mắt.
"Anh chứng kiến một gã gầy gò ngồi sau xe của bọn trộm giơ một khẩu súng cao su và bắn một viên bi vào trán bố vợ" (ảnh: Roads and Kingdoms)

Quan tòa sau đó đã ra phán quyết nói rằng hai tên trộm chó phạm tội giết người và tuyên phạt tù với chúng. Tòa cũng yêu cầu thân nhân của những kẻ trộm chó chi tiền hỗ trợ cho bà Xuân mỗi tháng, nhưng gia đình của chúng quá nghèo nên không thể thực hiện yêu cầu này.
Đêm đó, bà Xuân, con gái bà cùng con rể mời tôi uống bia và hát karaoke trong quán cà phê mà họ xây dở nằm bên rìa một ruộng lúa. Bà quả phụ đã tự cho phép mình bớt chút đau buồn và thết tôi một bữa tối thịnh soạn, với gà nấu cà ri, chim rán và bánh cá.
Bà mỉm cười khi tôi tấm tắc khen ngợi về những con chim nhỏ, với hộp sọ nổ bôm bốp lúc tôi nhai chúng trong miệng.
Bà không muốn nói về người chồng đã khuất nên tôi cất tiếng hỏi về thịt chó. “Chúng tôi không hay ăn thịt chó,” con rể bà Xuân nói. Rồi anh chợt quay sang hỏi: “Anh có muốn tôi chạy ra ngoài kia và mua về ít thịt chó không?”

5. Một chuyến thăm người làm thịt chó
Ngày tiếp theo, tôi dừng chân bên một cái bàn bày đầy thịt chó màu hồng. 
Nhìn chung, công việc thường rơi vào tay những cá nhân không có nhiều lựa chọn. “Anh muốn mua bao nhiêu?” chị Chinh, chủ bàn bán thịt chó kể trên, cất tiếng hỏi. Chinh bán thịt chó bên về đường với giá 140.000 đồng một cân. Trả thêm chút tiền, chị sẽ cho tôi thêm rau sống, sả cùng mắm tôm để ăn thịt chó.
Chị nói rằng không thứ gì có thể qua mặt được món dồi chó của mình. Khi tôi tung ra hàng loạt câu hỏi cho Chinh, một đám đông chừng 30 đứa trẻ là học sinh vẫn mặc đồng phục áo gió xanh trắng đã vây quanh, nhìn ngó với vẻ tò mò.
“Tôi sẽ giết cậu, nếu cậu không mua thứ gì!” chị nói trước khi cất một tràng cười hơi căng thẳng. Nhưng Chinh không phải là một tay đồ tể. Chồng chị, anh Tinh Nang, làm mọi hoạt động giết mổ trong một khoảnh sân sau nhà.
“Giết chó chắc khó lắm chị nhỉ,” tôi hỏi khi một con chó nhà chị nuôi xuất hiện rồi nhanh chóng lẩn đi. “Cũng chẳng khó lắm,” chị nói. “Anh chỉ cần cắt cổ và để chó chảy hết  tiết.”
Những quán thịt chó xuất hiện đầy rẫy ở nông thôn lẫn thành thị.

Có lẽ để tránh không bị tôi làm phiền nữa, chị Chinh mời tôi tới ăn trưa với người chồng “vui tính” của mình. Khi tôi hỏi về nạn trộm chó, chị trả lời: “Đó là vấn đề gây đau đầu trong khu vực này, nhưng chưa xảy ra với chúng tôi.”
Ngày tiếp theo, tôi trở lại để gặp anh Tinh Nang đang lau chùi, đánh bóng phần chắn bùn trên chiếc Chevrolet Avalanche của mình. Anh đeo một sợi dây chuyền bạc dày cộp và một chiếc đồng hồ mạ vàng nặng chịch. 2 vết sẹo sâu và to bằng giọt nước nằm ở trán anh.
Khi con chó của nhà Tinh Nang gầm gừ và nhảy lên sủa vào mặt vị khách lạ, anh đã đẩy nó ra rồi đưa tôi vào căn phòng khách, nơi 4 cô con gái đang ngồi im lặng quanh một đống lon bia Hà Nội và thịt chân giò muối.
Anh xin lỗi vì màn làm phiền của con chó. Những tên trộm đã đánh nó bất tỉnh rồi mang bán vào buổi tối hôm trước nên nó vẫn chưa hoàn hồn.
Anh cười rinh rích khi kể lại việc đã khiến một người phụ nữ bán hàng ngoài chợ ở Vinh phải bỏ ra tới gần 1 triệu đồng để chuộc con chó lại, dù nó đã bị thương khắp nơi trên cơ thể.
 7. Chỉ là câu nói đùa
Buổi sáng tiếp theo, tôi ăn trưa tại nhà một bà quả phụ ở ngoại ô của Vinh. Người phụ nữ này nói một cách say sưa, đầy yêu mến về người chồng đã mất của mình, rằng ông từng huấn luyện chó nghiệp vụ cho cảnh sát.
Khi ông qua đời vì tai nạn giao thông, bà đã đưa những con chó về nuôi trong các cũi chó cũ mà chồng xây dựng ở sân sau và rồi bán chúng cho các nhà hàng, các lò mổ để kiếm sống. Dù rất ghét những kẻ trộm chó, bà lại chẳng quan tâm lắm tới ý tưởng giết thịt chó.
Khi ngồi tại cửa hàng của người phụ nữ này và thưởng thức bữa trưa, tôi tiện thể bắt chuyện với một thiếu niên ngồi gần đó, đang chậm rãi uống nước ngọt vị dâu. Cậu kể lại một ngày nọ, khi bạn bè gọi tới ngôi làng cạnh đó để xem đám đông đã làm gì với một kẻ trộm chó.
Những kẻ trộm chó bị dân làng vây đánh


“Tôi tới tòa nhà Ủy ban nhân dân, chỉ vừa kịp lúc để thấy có người rút dao đâm gã trộm," cậu kể. Tôi chưa thấy tin tức về vụ đâm dao này xuất hiện trên báo chí nên quyết định sẽ tự tìm hiểu.
Ngôi làng nằm lọt nằm giữa các ruộng lúa xanh rì, ở cuối một con đường đầy bụi bẩn - cũng là lối vào và ra duy nhất. Tôi dành 20 phút hút thuốc lá trong một quán cà phê và lắng nghe cô chủ quán kể việc đã lấy chồng ở Sài Gòn rồi dọn về đây ra sao.
Cô tỏ ra thân thiện và tò mò trước một người nước ngoài khoái tìm hiểu về vấn đề thịt chó, cho tới khi tôi lôi vụ đánh gã trộm ra. "Anh đi mà hỏi Ủy ban nhân dân ấy," cô nói rồi đi sang phòng khác.
Rời quán, tôi chạy xe tới tòa nhà Ủy ban nhân dân. Vị Chủ tịch Ủy ban, ông Nguyễn Quốc Trung kéo tôi phòng ông. Ông yên lặng không nói gì khi tôi nói về những điều mình đã đọc và nghe thấy về các vụ giết người liên quan tới chó trong vùng.
Những từ duy nhất ông thốt ra là "ừ, ừ". Cuối cùng, khi tôi nói về vụ đâm gã trộm chó xảy ra trước trụ sở Ủy ban, ông đứng dậy, mỉm cười rồi khoanh tay tiễn tôi ra cửa. "Làm ơn đừng tin vào những câu chuyện như thế," ông nói."Có lẽ người ta chỉ đùa anh tôi."


Số phận những kẻ trộm chó Việt (III): Sự thật lạnh người sau miếng thịt chó

THỨ TƯ, 13/04/2016 14:50:00 | TIN 24H
Vntinnhanh.vn - Khi biết tôi đang tìm hiểu về những kẻ trộm chó, cô kể lại cái ngày mình đi ngang qua một cái xác cháy đen nằm bên vệ đường. “Tôi chẳng cảm thấy gì cả”, cô nói và mỉm cười. “Sau rốt thì hắn ta cũng chỉ là một thằng trộm chó thôi mà”.

Một nhóm trộm chó bị đánh đến bất tỉnh, trói vào xác chó. (Ảnh: Facebook)
Một nhóm trộm chó bị đánh đến bất tỉnh, trói vào xác chó. (Ảnh: Facebook)

Rời khỏi Ủy ban nhân dân, tôi dừng lại ở một cửa hàng bán công cụ để hỏi thông tin về một vài tên trộm bị đánh chết. Một bà cụ đi ra bắt tay và chào tôi. Khi tôi hỏi bà về việc có hai gã trộm chó bị đánh chết trong làng, bà đã kêu một đứa cháu đưa cho mũ bảo hiểm rồi nhảy lên phía sau xe tôi.
Theo sự chỉ dẫn của bà cụ, tôi chạy tới một ngôi nhà nằm trong làng và thấy một gia đình ba người đang ngồi hút thuốc lá hiệu White Horse tại một bàn uống trà nhỏ nằm bên một ao cá. Bà cụ xuống xe, tiến lên trước rồi cho họ biết về mục đích chuyến viếng thăm của tôi.
Ánh nhìn sắc lạnh của người mẹ dịu đi khi nghe bà cụ đề cập đến con trai mình, nhưng rồi bà chẳng nói gì cả. Ông bố thì khoanh tay và nhìn vô hồn vào một điểm trống rỗng trên bàn. Anh trai của người đã chết đòi phải chi tiền để kể chi tiết vụ việc.
Cuối cùng tôi chẳng thu được gì. Gia đình để tôi thắp hương tại bàn thờ của người đã khuất. Họ rót cho tôi một chén trà, chúc may mắn khi tôi lên đường tới gia đình đau khổ tiếp theo, vốn nằm ngay bên cạnh.
Chừng 6 con cún con chạy ra lối đi, sủa loạn lên khi chúng tôi tiến vào phần sân được lát gạch. Một cặp vợ chồng cao tuổi mắng nhẹ những con chó để chúng im lặng.

Hình ảnh em bé Việt Nam ngồi khóc bên con chó thui được chia sẻ trên Daily Mail.
Hình ảnh em bé Việt Nam ngồi khóc bên con chó thui được chia sẻ trên Daily Mail.

Người đàn ông nói tuổi của mình là 55, nhưng mái tóc trắng và các cử chỉ rất chậm của ông trông giống như một người ở cuối cuộc đời. Sau vài câu trao đổi với bà cụ ở cửa hàng bán công cụ, ông bắt đầu tả lại đêm cuối cùng còn thấy đứa con trai tên Hùng của ông còn sống.
Cha Hùng nói rằng con ông không có gì nổi trội, chỉ hơi đẹp trai một chút. Không giống chị gái đã dọn vào sống ở Sài Gòn, Hùng ở lại quê để tiện chăm sóc cha mẹ. Anh nuôi gia đình bằng cách trồng rau củ và làm nghề xây dựng.
Hùng mới chỉ 21 tuổi vào cái đêm định mệnh đó, khi anh ra ngoài uống rượu với một người hàng xóm và vài người bạn. Hùng và người hàng xóm ngồi hút thuốc, chơi bài cho tới khi bạn bè gọi điện báo rằng một đám đông đã phát hiện hành vi trộm chó của họ.
Những người bạn này đề nghị Hùng cùng người hàng xóm tới giúp. Cả hai vội vã chạy đi cứu bạn tại địa điểm cách đó chừng hơn 1km, để rồi trở thành nạn nhân của đám đông.
Theo lời kể của báo chí, hàng chục dân làng đi xe máy đã rượt theo Hùng và người hàng xóm, sau khi chứng kiến họ kéo theo một con chó ở trên đường. Màn đuổi bắt kéo dài từ làng này tới làng khác và chỉ chấm dứt khi cả hai vứt bỏ xe máy để chạy vào cánh đồng gần đó.
Một đối tượng trộm chó ở Bắc Giang nổ súng bắn trả người dân khi bị truy đuổi. Người này sau đó bị dân chúng đánh chết.
Một đối tượng trộm chó ở Bắc Giang nổ súng bắn trả người dân khi bị truy đuổi. Người này sau đó bị dân chúng đánh chết.

Người hàng xóm đã không bao giờ có thể ra khỏi cánh đồng. Về phần mình, Hùng đã phải nhận một cái chết từ từ, đầy đau đớn trên một chiếc taxi chạy tới bệnh viện. Cha Hùng tin rằng những kẻ trộm chó thực sự đã thoát chết, còn con ông thì mất mạng chỉ vì muốn cứu bạn.
Ông nói rằng Hùng chưa từng nghiện heroin và cũng chẳng đi trộm chó. Cảnh sát đã không điều tra về vụ này. “Gia đình chúng tôi cũng không khởi kiện vì chẳng biết ai đã giết Hùng", ông nói. “Có quá nhiều người, có lẽ tới 1.000 người, đã đánh con tôi”.
Trên đường trở lại Vinh, tôi đã dừng chân để quan sát một chủ quán thịt chó đang xử lý một con chó ở đằng sau nhà. Người phụ nữ giúp việc cho ông ấy mời tôi lên phía trước. Cô chưa có chồng nên không ngại ngần trêu chọc một người ngoại quốc như tôi.
Rồi khi biết tôi đang tìm hiểu về những kẻ trộm chó, cô kể lại cái ngày mình đi ngang qua một cái xác cháy đen nằm bên vệ đường. “Tôi chẳng cảm thấy gì cả”, cô nói và mỉm cười. “Sau rốt thì hắn ta cũng chỉ là một thằng trộm chó thôi mà”.

Trong chợ thịt chó
Hành trình đi bộ từ khách sạn của tôi tới chợ thịt chó ở Vinh xuyên qua nhiều nhà kho, khoảnh đất trống và rất nhiều người phụ nữ bán thịt cá, rau củ. Cuối cùng tôi đã tới các sạp hàng nằm san sát của chừng gần một chục lò mổ chó.

Một lò mổ chó ở Việt Nam được ghi hình trên báo nước ngoài. (Ảnh: Red Door News)
Một lò mổ chó ở Việt Nam được ghi hình trên báo nước ngoài. (Ảnh: Red Door News)
Để tìm hiểu xem nơi này hoạt động như thế nào, tôi tình nguyện mời chào khách tới cửa hàng thịt chó của một người phụ nữ tên Ngọc. Chị khẳng định rằng những kẻ trộm chó không có vai trò gì trong hoạt động làm ăn của mình.
“Ở đây chúng tôi đánh chúng tới chết”, chị chia sẻ. “Chỉ có những thằng nghiện ma túy mới trộm và bán chó, để mua ma túy. Tôi thì không mua chó từ bọn nghiện”.
“Thế một người nghiện trông như thế nào?”, tôi hỏi. “Trông như thằng kia kìa”, chị nói rồi chỉ vào người cháu gầy gò của mình. Người cháu này chia sẻ rằng nhà mình cũng mới bị trộm bắt mất chó và anh muốn bắt được một tên trộm để đánh cho hả giận.
Trong những giờ “làm việc” cho chị Ngọc, tôi đã chứng kiến trong những chú chó chị bán có cả một con Berger Đức, với vết thương rất lớn ở trên đầu.
Trước khi tôi có thể hỏi xem vì sao ai đó lại mất công huấn luyện một giống chó thông minh như thế để rồi cuối cùng lại tống nó vào lò mổ, một thầy dạy tiếng Nga đã về hưu bước vào và lựa chọn một con chó để làm thịt.
Sự hỗn loạn trong lò mổ
Không giống việc giết bò, gà hay lợn, luật Việt Nam không có quy định nào về việc giết chó. Khi Cơ quan thú y TP Hồ Chí Minh đề nghị cấp trên ở Hà Nội mở rộng quy định quản lý sang những con chó vào năm 2009, đề nghị này đã bị  từ chối.
Giống như việc giết bất kỳ sinh vật nào khác để lấy thịt, tôi cho rằng tiến trình làm thịt chó hẳn cũng rất khó để chứng kiến. Tuy nhiên đây chẳng phải là điều khiến ông thầy kể trên bận tâm.
Ông đã chọn một con chó đen nặng chừng 15kg với lông mày màu vàng nhạt. Ông ra giá rồi châm thuốc hút và chờ đợi.

Thịt chó là món ăn được bán phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: Một thế giới)
Thịt chó là món ăn được bán phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh: Một thế giới)

Con chó hẳn sẽ đóng vai trò trung tâm trong một bữa tiệc lớn, có sự tham gia của các đồng nghiệp cũ, bạn chiến đấu một thời. Vợ ông sẽ dành gần hết cả ngày để nấu thịt và nội tạng chó. Công việc của ông là lựa ra một con ngon nhất, được chuẩn bị tốt nhất.
Một cậu trai có nước da tai tái tên Tuấn Anh mở lồng nhốt chó và dùng kẹp sắt lôi ra con vật khốn khổ. Sau khi kéo cái đầu của con chó ra, cậu dùng một thanh tre to nặng đập liên tục vào đầu, cho tới khi cái lưỡi tím ngắt của con vật trôi ra qua kẽ răng.
Sau khi mổ con vật, Tuấn Anh ném cái xác lên một lồng chó chứa đầy những con chó khác đang đứng co vào nhau một cách sợ sệt. Sau đó cậu dùng đèn khò đốt qua phần da.
Tuấn Anh dành phần lớn buổi sáng để giết thêm những con chó khác cũng theo cách thức tương tự. Vào buổi chiều, cậu buộc dây vào cổ con Berger rồi cùng bạn dắt con vật chạy xe tới một bác sĩ thú y.
Một người họ hàng giải thích rằng Tuấn Anh thấy con chó quá đẹp nên không muốn làm thịt mà muốn nuôi nó khỏe trở lại và đưa nó về gia nhập đàn chó lớn đang sống ở nhà cậu. Vài tuần sau, tôi gọi điện cho Tuấn Anh và biết cậu đang đi nghỉ. Cậu nói rằng khi trở về sẽ tìm việc làm khác.
Tuấn Anh thấy con chó quá đẹp nên không muốn làm thịt mà muốn nuôi nó khỏe trở lại.
Tuấn Anh thấy con chó quá đẹp nên không muốn làm thịt mà muốn nuôi nó khỏe trở lại.
Ngày quốc tế phụ nữ
Phải mất một tuần loanh trong trong chợ Vinh, tôi mới quen với cảm giác rằng việc giết một con chó cũng chỉ giống như làm một con cá. Tôi đánh bạt mùi chó bằng cách rít thuốc liên tục và nhai kẹo gừng mà mẹ chị Ngọc bán.
Nhưng những tiếng sủa, tiếng kêu rên của những con chó vang lên vẫn gây cảm giác không thoải mái, giống như khi ta thấy một đứa trẻ khóc liên tục trong một chuyến bay dài. Những con người trong chợ Vinh bắt đầu quen tôi.
Về phần mình, tôi cũng ngừng hỏi xem chó đã tới đây từ đầu, bởi rõ ràng là chẳng ai quan tâm tới gốc gác của chúng. Rất nhiều người phụ nữ làm việc trong chợ nói với tôi về một “bữa tiệc” sắp diễn ra trong ngày Quốc tế phụ nữ.
Nhưng khi tôi xuất hiện vào tối 8/3, khu chợ đã chẳng còn ai, ngoại trừ một đám đàn ông đang ngồi nhậu quanh một mâm rau sống và thịt. Khi tôi hỏi chú Lực, người cao tuổi nhất trong đó, rằng vì sao họ lại được nhậu nhẹt trong ngày của phụ nữ, chú hắng giọng đáp: “Ở Việt Nam, phụ nữ phục vụ đàn ông”.
Các bác sĩ nói rằng thịt chó không vệ sinh gây ra đủ thứ bệnh, từ dịch tả tới bệnh dại. Nhưng khi chấm vào một bát mắm tôm đã được vắt chanh, ớt, thịt chó mang tới cảm giác như thuộc về một thế giới khác.
Các bác sĩ nói rằng thịt chó không vệ sinh gây ra đủ thứ bệnh, từ dịch tả tới bệnh dại. Nhưng khi chấm vào một bát mắm tôm đã được vắt chanh, ớt, thịt chó mang tới cảm giác như thuộc về một thế giới khác.
Không giống nhiều cậu trai đến rồi lại đi, phần lớn đàn ông trong khu bán thịt chó của chợ Vinh làm việc cho vợ họ. Ví dụ như chồng chị Ngọc từng là một kỹ sư điện. Nhưng vợ anh trả cho chồng khoản lương tới 9 triệu một tháng, cao hơn nhiều mức thu nhập trung bình trong vùng.
Chú Lực vẫy tay gọi tôi ngồi vào trước một cái bàn đầy rau sống tươi rói, các nhánh giềng, chuối chát và khế chua. Chú rót cho tôi một cốc rượu nhỏ, dùng cả hai tay trao cho tôi đôi đũa một cách trân trọng rồi mời tôi dùng món thịt từ một con chó họ vừa giết và nấu nướng trước đó có một giờ.
Những  kỷ niệm từ cuộc sống thời thơ ấu quanh những con chó ùa về khi tôi giơ đũa lựa lấy một lát thịt chó luộc màu nâu. Khi cắn lấy một miếng nhỏ, tôi thấy nó có vị pha trộn giữa thịt vịt và thịt bò hảo hạng.
Các bác sĩ nói rằng thịt chó không vệ sinh gây ra đủ thứ bệnh, từ dịch tả tới bệnh dại. Nhưng khi chấm vào một bát mắm tôm đã được vắt chanh, ớt, thịt chó mang tới cảm giác như thuộc về một thế giới khác. Trong giờ tiếp theo đó, những người đàn ông và tôi vừa nếm thịt chó, lạc luộc, vừa tán phét.
Khi được hỏi về con chó trong văn hóa phương Tây, tôi cố gắng giải thích với họ rằng tất cả chúng tôi có thể sẽ phải vào tù vì những gì đang làm. “Chó sống trong nhà à?”, họ hỏi khi nghe chuyện. “Chó sống trên giường ư?”. Không ai tin câu chuyện của tôi cả.

Một lò mổ chó ở Hà Nội. (Ảnh: AFP)
Một lò mổ chó ở Hà Nội. (Ảnh: AFP)

Lúc tôi bàn về chủ đề trộm chó, họ đều kêu lên. Tôi nhân cơ hội để vặn vẹo họ về việc mua chó bị đánh cắp và họ đều khẳng định không làm điều đó, bởi bản thân rất muốn đánh chết một kẻ trộm chó. Mỗi người trong số họ đều từng bị trộm bắt mất chó. Nhiều người thậm chí đã mất tới vài con.
Không lâu sau đó, bữa tiệc giải tán. Những người đàn ông phải dậy từ 4 giờ sáng để tiếp tục làm thịt chó.
Không có câu trả lời cho một câu chuyện không đầu đũa
Một ngày nọ, tôi tỉnh dậy và nhận ra rằng mình không muốn thấy thêm cảnh một con chó nào khác phải từ giã cõi đời. Tôi đưa xe máy lên tàu và dành 8 giờ tiếp theo để uống bia với một người lạ trong toa ăn uống.
Tôi về TP Hồ Chí Minh trong tình trạng chuếnh choáng nặng, nhưng cảm thấy nhẹ nhõm vì đã thoát khỏi một thế giới khổ sở, nơi người nào cũng từng bị trộm chó nhưng chẳng ai bỏ tiền ra mua những con chó bị ăn trộm, nơi người nghèo lấy đi tài sản của những kẻ nghèo giống mình và ai đó sẵn sàng châm lửa thiêu kẻ khác.
Nơi người nào cũng từng bị trộm chó nhưng chẳng ai bỏ tiền ra mua những con chó bị ăn trộm, nơi người nghèo lấy đi tài sản của những kẻ nghèo giống mình. (Đồ họa: Richard Manders)
Nơi người nào cũng từng bị trộm chó nhưng chẳng ai bỏ tiền ra mua những con chó bị ăn trộm, nơi người nghèo lấy đi tài sản của những kẻ nghèo giống mình. (Đồ họa: Richard Manders)

Không lâu sau khi tôi trở về, có 3 cậu trai tuổi teen ở quận Củ Chi quyết định mang theo dao kiếm, cưỡi trên một chiếc xe máy để rình những kẻ bắt trộm chó mình trong đêm trước đó. Khi phát hiện hai thanh niên lạ mặt chạy lòng vòng với những chiếc bao tải rỗng và một chiếc nỏ tự chế gắn với một cục ắc quy xe máy, cả ba đã đuổi theo.
Trong cuộc đuổi bắt ấy, cả hai nhóm đều tăng ga hết cỡ. Cuối cùng, khi hai chiếc xe đã chạy song song với nhau, nhóm ba cậu trai bị trộm chó vung dao lên. Phía bọn trộm không phải dạng vừa, đã bắn một mũi tên từ cây nỏ điện tự chế vào nạn nhân ngồi giữa.
Bọn trộm không giảm tốc nên chẳng thể chứng kiến cảnh những kẻ đuổi theo mình lao xe thẳng vào một cột điện bê tông. Chúng đi ngủ mà không biết thiếu niên cầm lái chết ngay vì vỡ đầu và hai cậu trai ngồi sau thì do bị điện giật nên ngã xuống đường tử vong.
Chỉ tới ngày hôm sau, khi biết tin rằng đã có 3 người thiệt mạng, chúng mới ra đầu thú. Thành viên trẻ nhất trong nhóm trộm chó đã được hưởng án treo. Số còn lại nhận án tù chừng 10 năm. Riêng gã thủ lĩnh 20 tuổi bị kết án tử hình.
Việt Nam hiện vẫn khó xử lý vấn đề trộm chó. Khi cơ quan điều tra tỉnh Bắc Giang định khởi tố 13 người do liên quan tới một vụ đánh chết kẻ trộm chó, 800 người đã ký đơn nhận tội nhằm khiến vụ này chìm xuồng.

Một kẻ trộm chó bị bắt giữ, đánh trọng thương.
Một kẻ trộm chó bị bắt giữ, đánh trọng thương.
Rồi họ còn cáo buộc cơ quan công an nặn ra những lời cung khai, sau khi không chấp nhận việc các nghi phạm đang ngủ hay đang đi tắm vào thời điểm vụ giết người xảy ra. Tới nay, các nghi phạm này vẫn chưa phải ra tòa.
Ngoài ra còn phải kể tới những bất cập về luật. Ai đó phải lấy một món đồ trị giá chừng 2 triệu đồng mới bị bắt giữ và xét xử tại Việt Nam, trong khi những con chó có giá chưa đầy 400.000 đồng.
Nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai. Gần đây một tờ báo Việt Nam đưa tin chính quyền sẽ ban hành quy định chống những kẻ trộm chó, khiến chúng có thể bị bắt giữ và xét xử không cần biết con vật có giá trị lớn tới đâu.
Tờ báo này cũng nói rằng một lực lượng cảnh sát mặc thường phục nay đã bắt đầu săn bắt những kẻ trộm chó tại tỉnh mà Phong đã chết. Vọ đã tóm được nhiều tên trộm và còn bắt vài chủ lò giết mổ chó mua hàng từ những kẻ này.
Tuy nhiên, có vẻ như sẽ chẳng có ai tóm được những kẻ đã tước đoạt mạng sống của Phong.
Hết

Hương Giang (Theo Roads and Kingdoms)


Sunday, October 30, 2016


GOC CỦA PHAN


CON NGƯỜI CỘNG SẢN



KHÁCH TÀU VIÊT THƯ XIN LỖI
sau khi đánh cắp... nắp bồn cầu vệ sinh


(Dân trí) - Hành vi kém văn minh của hai du khách Tàu tại Nhật Bản tiếp tục khiến dư luận nước này bất bình.

 >> Du khách Trung Quốc bị chỉ trích bẻ san hô chụp ảnh “tự sướng”
Khách Trung Quốc đốt tiền ở Đà Nẵng bị liệt vào danh sách đen 

Hai vị khách người Tàu vừa phải viết thư xin lỗi trước hành vi đánh cắp nắp bồn cầu thông minh khi tới nghỉ dưỡng tại một khách sạn ở Nagoya, Nhật Bản. Được biết, tối ngày 18/10, trên nhiều diễn đàn du lịch ở Tàu xuất hiện thông tin công dân nước này đã lấp cắp nắp bồn cầu đa năng tại khách sạn.




Nắp bồn cầu vệ sinh đa năng bị du khách Tàu lấy cắp
Trước đó, nhân viên tại khách sạn ở Nagoya phát hiện ra vụ việc. Họ lập tức liên lạc với hướng dẫn viên du lịch để yêu cầu du khách trả lại món đồ. Khi người hướng dẫn viên hỏi lại các thành viên trong đoàn, không ai chịu thừa nhận việc lấy cắp trên, buộc khách sạn phải báo cáo sự việc với cảnh sát.



Lá thư xin lỗi của cặp vợ chồng người Tàu.
Cuối cùng, một đôi vợ chồng người Tàu đã lên tiếng thừa nhận sự việc sau khi nắp bồn cầu vệ sinh được tìm thấy trong hành lý của họ. Cả hai đã gửi trả lại nắp bồn cầu, đồng thời viết thư xin lỗi tới toàn thể nhân viên khách sạn, đồng thời họ đưa ra lời hứa “sẽ không để sự việc tái phạm thêm lần nữa”.
Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc xử phạt cặp vợ chồng du khách này. Tuy nhiên, sự việc kể trên càng khiến hình ảnh du khách Tàu thêm “xấu xí” khi tới nước ngoài du lịch.

Huy Hoàng
 

NGƯỜI TRUNG QUỐC TRỘM CẮP

TIN MỚI NHẤT : NGƯỜI TRUNG QUỐC TRỘM CẮP - NGUOI TRUNG QUOC TROM CAP

\
Phạt người Trung Quốc móc túi cựu đại tá trên máy bay 1,5 triệu đồng
Thứ Sáu, 02/05/2014 19:03 GMT+7

Phạt người Trung Quốc móc túi cựu đại tá trên máy bay 1,5 triệu đồng

(NLĐO) - Hành khách Wang Xingao, người Trung Quốc móc túi cựu đại tá không quân trên chuyến bay từ nội địa từ Hà Nội đi TP HCM của Vietnam Airlines ngày 30-4, đã bị xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng và trục xuất về nước.
Bắt 2 người Trung Quốc vào chợ trộm cắp

Bắt 2 người Trung Quốc vào chợ trộm cắp

13.04.2014
Vào chợ giả mua hoa quả, 2 người Trung Quốc đã có một số động tác làm người bán mất tập trung và lấy đi 6 triệu đồng rồi bỏ trốn.

Phạm Thị Hoài: Nghề ăn cắp của người Việt ở Đức

Đây là Con cháu bác Hồ nổi danh ở hải ngoại ?(Hải)
Đây là con Ngụy:
 Vô đây xem con cháu bọn Ngụy ở Hải Ngoại

Ảnh mang tính minh họa
Có lần tôi đi một phiên tòa xử nhanh hai thanh niên Việt Nam ăn trộm trong cửa hàng. Một chàng diện Nike Air Max chói chang Một chàng quần bò Dolce Gabbana rất xước. Cả hai đều mới
sang Đức hai tuần trước, đơn xin tị nạn còn chưa nộp. Họ ăn trộm phụ kiện, nước hoa và mỹ phẩm trị giá gần 1000 Euro, trong một cửa hàng mà họ hiển nhiên là những vật thể lạ. Xã hội tư bản tân tiến một thế kỷ rưỡi sau Marx đã xóa đi nhiều ranh giới giữa các giai cấp đối kháng, song lại mở rộng khoảng cách giữa các đẳng cấp. Hai thanh niên Nghệ An này chỉ cần đặt một nửa bàn chân vào cửa hàng đó là toàn hộ hệ thống báo động của nó đã đỏ rực. Hình phạt cho mỗi chàng là một cuối tuần quản thúc, tức chiều tối thứ Sáu khăn gói đến Nhà Quản thúc Thanh thiếu niên ở, chiều tối Chủ nhật được về. Đại diện tư pháp cho thanh thiếu niên cằn nhằn rằng thế hơi nặng, phạt lao động công ích là đủ rồi. Công tố viên nhún vai. Thẩm phán thở dài, biết rằng sớm muộn cũng gặp lại họ, nhiều phần sớm hơn phần muộn.

Người Việt ở Đức hoàn toàn vắng mặt trong những tội phạm cỡ lớn như khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia; rất khiêm tốn trong những tội phạm tài chính và công nghệ cao; khá thứ yếu trong những lĩnh vực như ma túy, mại dâm…; quả thật không thể sánh vai các bạn thuộc khối Đông Âu cũ do Nga dẫn đầu; nhưng lừng danh trước hết với mafia thuốc lá lậu và ngay sau đó có thứ hạng đáng kể là những người ăn trộm, có lẽ chỉ đứng sau Rumani. Trong ba năm gần đây, mỗi năm cộng đồng 84.000 người Việt ở Đức phạm khoảng 5000 vụ hình sự, trong đó trên dưới 1000 vụ là tội ăn cắp. Để so sánh: cộng đồng Trung Quốc 110.000 người, mỗi năm trên dưới 200 vụ ăn cắp. Trừ tranh tượng nghệ thuật và bí mật công nghệ, nói chung không có thứ gì mà người Việt ở đây không thể và không nỡ ăn cắp, từ mèo nhà hàng xóm, xe nôi, xe đạp, hộ chiếu, thẻ tín dụng, điện, nước, biển số, đến nhân thân, vịt trời…; làm nấm ăn cắp nấm, làm xúc xích ăn cắp xúc xích, làm quán ăn cắp tất cả những gì không còn nguyên niêm phong; song phổ biến nhất là ăn cắp trong cửa hàng. 
Có thời, đồ ăn cắp được bày ngang nhiên ở nhiều góc Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, khu chợ Việt Nam nổi tiếng tại quận Lichtenberg. Đồng bào xúm xít mua đồ tốt giá rẻ, từ hộp thuốc đánh răng, kem dưỡng da, rượu, cà-phê đến túi xách, áo da, quần bò hàng hiệu. Sự nghiệp bán thuốc lá lậu đã góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ở miền Đông nước Đức trong 25 năm qua, song thời hoàng kim của nó đã là dĩ vãng, trong khi ăn cắp thì tương lai còn khá vững bền.
Người Việt bán thuốc lá lậu tại Đức – NGUỒN: SPIEGEL TV
Ta hãy nhớ lại: Ngày 10/5/1996, cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường thuốc lá lậu ở Berlin giữa các băng đảng Việt Nam – mở màn ngày 6/12/1992 với một xác người Việt ở một bãi đậu xe tại quận Marzahn, Đông Berlin – đạt tới đỉnh cao ghê rợn: sáu người Việt bị hành hình trong một căn hộ chung cư cũng ở quận Marzahn, tất cả tay đều bị trói, mỗi người lĩnh chính xác hai viên đạn của băng Ngọc Thiện bắn vào đầu. Bốn ngày sau, để “tháng Năm đẫm máu” đi vào lịch sử tội phạm của thành phố này, băng Quảng Bình “bị hại” đáp lễ bằng ba xác người Việt vứt ở đường tàu quận Lichtenberg.
Một người Việt bị giết trong các cuộc thanh trừng của mafia thuốc lá – NGUỒN: SPIEGEL TV MAGAZIN
Mafia Việt Nam một thuở, nghe thì kinh, đếm xác nạn nhân càng kinh, song diện mạo thật thì thô sơ đến bất ngờ. Một số lính, được trìu mến hay trọng thị hay e sợ hay tất cả trộn lại – chỉ trừ không giễu nhại – gọi là “bộ đội”, quân chủ lực của băng Quảng Bình, sa vào tay cảnh sát Berlin không phải như trong phim hình sự, sau những pha săn lùng, đột nhập nghẹt thở. Mà đơn giản là ngớ ngẩn. Sau một phiên tòa xử tội ăn trộm một chiếc sơ-mi, một bộ đồ tắm và một chiếc quần short trị giá gần 500 DM trong cửa hàng xa xỉ KaDeWe, bị cáo là một phụ nữ Việt nhất định không chịu rời khỏi phòng xét xử. Cô run rẩy bảo, “bộ đội” đang chờ trước cửa tòa án, “bộ đội” sẽ bắt cóc cô để tra khảo, dù cô không khai gì trước tòa. Một trong những “bộ đội” ấy, súng giắt cạp quần ngẩn ngơ, gần như lao thẳng vào tay cảnh sát, và ngay trong ngày hôm ấy sào huyệt của Quảng Bình bị lật tung, một trong hai khẩu Kalashnikov thu được ở đó chính là vũ khí đoạt mạng ba người ở đường tàu. Vài hôm sau, một trong những “bộ đội” đang bị truy nã cũng dính lưới, không phải trong khi chôn sống một ai đó ngoài rừng, mà trong khi ăn trộm tại một cửa hàng ở quận Lichtenberg.
Ăn cắp vậy là đã góp phần thanh toán mafia thuốc lá, chuyện của người Việt thường trớ trêu như thế. Không bao giờ nghề buôn lậu thuốc lá của người Việt ở đây còn đạt tới quy mô huy hoàng của những năm chín mươi đó nữa. Đức không còn là điểm đến hấp dẫn nhất. Chính ở thời điểm đó, Anh quốc nổi lên, với lợi nhuận kếch xù từ nghề trồng cỏ. Người Việt nghèo nhưng nhiều tham vọng. Họ muốn giàu, nhưng phải là giàu một cục, thật nhanh, thật xổi. Chắt chiu những đồng tiền lẻ để khấm khá dần lên từng đời như người Tàu ở nước ngoài thì chẳng bõ.
Tháng Ba năm nay, một phụ nữ Việt Nam vừa bị kết án hai năm sáu tháng tù vì tội bán đồ ăn cắp tổng trị giá 136.000 Euro trong cửa hàng châu Á này – NGUỒN: MORGENPOST SACHSEN
Tuy một bước đổi đời bằng nghề cầm nhầm thì khó, song ăn trộm ở đây một ngày vẫn hơn đi cày ở nhà cả tháng. Và khác xa huyền thoại, đồng bào tôi – nhất là thế hệ hai chàng Nike và Dolce Gabbana – còn thiếu cần cù hơn cả thiếu kiên nhẫn. Ăn trộm là nghề nhàn, dạo phố, tia hàng, đi làm như đi chơi mà thu nhập không thua đứng đường bán thuốc lá từ sáng sớm đến tối mịt, tức mỗi tháng trên dưới một ngàn Euro, chưa kể tiền nhà, tiền bảo hiểm y tế và khoảng 350 Euro trợ cấp tị nạn, tất cả do nhà nước trả. Môi trường lại vô tận, nhân loại còn thì siêu thị còn, siêu thị còn thì người Việt còn. Và gần như không mất vốn. 
Một cái kìm cắt tem từ. Một cái túi lót lớp giấy bạc để tránh báo động khi qua cổng từ, gần đây người Việt giàu sáng kiến còn khâu luôn lớp giấy bạc vào mặt trong áo khoác. Và không cần qua đào tạo. Hôm trước theo đàn anh đàn chị đi tia, hôm sau tự mình đã ngon lành khánh thành công ty một thành viên hai ngón. Và ít mạo hiểm. Khung hình phạt cao nhất là năm năm, nhưng có ăn cắp cả Nữ thần Chiến thắng lẫn bốn con ngựa trên cổng thành Brandenburger Tor cũng chưa chắc được tuyên bản án ấy. Xã hội càng yên thì luật pháp càng hiền. Trong thực tế, không mấy người Việt phải ngồi nhiều hơn vài ba tháng. Phần lớn chỉ phạt tiền, mỗi tháng trả dần vài ba chục, án tù thường chuyển thành chế độ hưởng án treo. Thanh thiếu niên chưa tròn hai mốt tuổi thường chỉ bị cảnh cáo, phạt lao động công ích, tức dọn dẹp lau chùi ngay trong trại, hay quản thúc cuối tuần. Có lần tôi suýt phì cười vì bản án dành cho một thanh niên Việt Nam ăn cắp 17 gói cà-phê: bắt về trại đi học tiếng Đức!
Thế là hôm ấy khi ra cửa, tôi bảo, hai cháu chịu khó đi học tiếng Đức nhé, đừng ăn trộm nữa.
Chàng Dolce Gabbana đáp, bọn phát-xít, nó xử oan, cháu có cầm đồ đâu.
Cầm đồ ở đây không phải là cầm đồ mà là cầm đồ. Tôi đã tưởng mình khá thông thạo ngôn ngữ của đồng bào ở Berlin, song có lần hỏi một chị làm nghề gì và nghe câu trả lời, em nhặt tay nhặt chân, tôi vẫn hơi sững sờ. Ám ảnh của chiến tranh mấy chục năm trước vụt hiện về: đó là một buổi sáng, từ hầm trú ẩn nơi sơ tán chui lên, đứa trẻ khi ấy là tôi cùng người lớn và những đứa trẻ khác lặng lẽ đi nhặt những mẩu chân tay vô danh, có cái là nguyên một tảng ở khúc hông và bẹn, văng rải rác gần một hố bom mới toanh. Nhưng ở Berlin, người phụ nữ Việt Nam nọ là chủ một tiệm làm móng, việc thường trực là lấy khóe, tỉa da thừa ở móng tay móng chân.
Tôi hỏi, cái gì cầm đồ?
Chàng Nike nhanh nhẹn giải thích, đồ thì cháu cầm, thằng này – hất hàm về phía Dolce Gabbana – chỉ bóc tem thôi. Nhưng cháu đã ra đến cửa đâu. Luật pháp đéo gì, bất công!
Tôi bảo, bóc tem với cầm đồ thì đúng là định ăn trộm rồi, oan với ai nữa.
Dolce Gabbana trừng mắt: Cô bênh bọn Đức lợn hử? Người Việt thì phải giúp người Việt chứ! Cô có phải người Việt không hử?
NgheAnCapODuc(3)
Vâng, tôi đúng là người Việt, sống ở Đức. Tháng trước, ở TTTM Đồng Xuân, trong lễ hội “40 năm hội nhập và phát triển” của người Việt ở Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân, tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đức, thay mặt chính phủ Việt Nam cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của chính phủ và nhân dân Đức, rồi kết thúc bài phát biểu bằng tiếng Đức của mình với lời gửi gắm đến cộng đồng người Việt đang sống ở đây: Đồng bào hãy chứng tỏ lòng biết ơn nước Đức bằng cách tôn trọng luật pháp Đức. Hóa ra là chuyện ơn huệ. Vậy việc hai khách du lịch Việt Nam vừa ăn trộm ở Zürich thật không đáng để làm ồn. Họ vừa không có gì mang ơn Thụy Sĩ để phải tôn trọng luật pháp nước này, vừa quá vặt vãnh so với hệ thống công ty hai ngón, chẳng hạn của người Việt ở Đức.

Khu định cư mới của ‘Việt cộng’ ở Quận Cam, USA”
Posted on August 29, 2016 by editor  1 Comment

Trần Phong Vũ

ourladyofconfidence
Từ những thông tin tại chỗ, ông ghi nhận được cả những sinh hoạt từng ngày, từng mùa của những người mới tới. Từ chuyện tìm nơi an ninh, sang trọng để mua nhà lớn nhà nhỏ tới việc chọn trường ốc cho con cháu,…
Bạn bè từ quốc nội vừa gửi cho tôi bài viết mới của tác giả Tuấn Khanh với tựa đề nêu trên. Đọc đi đọc lại tới lần thứ ba, tôi không khỏi suy tư.Trước hết vì những điều tác giả thấy xảy ra ngay tại Sài Gòn Nhỏ, nơi được mệnh danh là thủ đô của tập thể người Việt Nam tị nạn hải ngoại và cũng là nơi cư ngụ của gia đình, con cái tôi. Chỉ một sự kiện bài được một tác giả trẻ đã thành danh ở trong nước viết đã là một thôi thúc khiến tôi phải quan tâm và không thể không lên tiếng. Ngoài giá trị chứng từ của một bài viết nặng ký, tác giả còn cho tôi thấy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, thương nòi và thái độ bao dung nhưng thẳng thăn, can trường dám nói lên sự thật của ông.
Tuấn Khanh là ai?
Ông tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh sinh ngày 1-10-1968, và là một tác giả nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Ngoài đam mê âm nhạc, Tuấn Khanh còn là một nhà báo có hạng. ông đã cộng tác với nhiều tờ báo trong nước, như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động.
Ông đã được đài truyền hình Rai Italia của Ý trao tặng giải thưởng về âm nhạc. Vào năm 2001, ông được chọn là một trong 10 nhân vật trẻ của Đông Nam Á trong một cuộc bình chọn do tạp chí East Magazine tổ chức. Năm 2005, đài VTV mời Tuấn Khanh điều khiển trò chơi truyền hình mang tên Trò chơi âm nhạc. Năm 2007 ông là thành viên Ban giám khảo chương trình Việt Nam Idol.
Gần đây, Tuấn Khanh tuyên bố sẽ chấm dứt sáng tác tình ca phù phiếm để chuyển qua những đề tài xã hội. Điều đáng chú ý là ông sẽ không xin phép kiểm duyệt các đĩa nhạc do ông thực hiện. Điều này có nghĩa là những sáng tác của ông hoàn toàn tự do bay bổng không chịu bất cứ ràng buộc nào của bộ Thông Tin Tuyên Truyền nhà nước.
Trong mấy năm qua, kể từ khi Bắc Kinh công khai có những hành vi xâm lăng biển đảo của Việt Nam(1), tác giả Tuấn Khanh đã viết những ca khúc chống Tàu cộng, khơi gợi tình yêu nước, chống ngoại xâm và được giới trẻ trong nước nhiệt liệt hưởng ứng. Điển hình như bài “Trái Tim Việt Nam”(2) hiện được google post lên mạng như một tác phẩm tiêu biểu của ông dưới dạng một video link có kèm hình ảnh hàng trăm thanh niên nam nữ quốc nội đang cuồng nhiệt tham dự một cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Bản nhạc có những lời ca như “Việt Nam phải vẹn tuyền / Không thẹn cùng tổ tiên… Hãy cất tiếng nói để mãi lưu truyền / Lời thề giữ lấy nước Nam vẹn tuyền… Em có nghe chăng nước non Việt Nam / Rên xiết phân ly trong tay kẻ gian…Nếu có chết ngày nào / Thì cho thấy đất nước tôi Tư Do…”
Ngoài việc sáng tác nhạc, ông cũng viết nhiều bài mang tính phản biện liên quan tới hiện tình đất nước. Bên cạnh những bài mang nội dung chống bọn bá quyền Bắc Kinh, ông còn viết những bài về thảm họa cá chết hàng loạt ở Vũng Áng, Hà Tĩnh mới đây.
Đánh giá về tính đấu tranh, dư luận trong nước cho rằng nhạc của Tuấn Khanh và cả những bài viết của anh, đã tác hại cho chế độ không kém nhạc Việt Khang. Nhưng sở dĩ nhà nước bắt giam Việt Khang mà không dám động đến ông chỉ vì ảnh hưởng của ông trong cũng như ngoài nước quá lớn. Hà Nội sợ bứt giây động rừng nên đành ngậm miệng. Tương tự như trường hợp cô giáo Trần Thị Lam với bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” Không bắt, không trù giập được thì “tha làm phúc”!
Nội dung bài viết mới của Tuấn Khanh
Mở đầu, Tuấn Khanh viết:
“Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt… Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của ‘Việt cộng’.
Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình. Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng.
Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”
Đường vào t.p. Huntington Beach. Nguồn: www.donovanblatt.com
Đường vào t.p. Huntington Beach. Nguồn: www.donovanblatt.com
Cũng như phần đông bà con tị nạn ở Mỹ, tôi từng nghe rất nhiều tin đồn tương tự về chuyện thời gian gần đây những đại gia trong nước, trong số không thiếu những tay tham nhũng gộc thuộc cơ chế cầm quyền Hà Nội, Sài Gòn đã và đang ồ ạt qua sinh sống và mua những căn nhà cả triệu mỹ kim ở các khu sang trọng tại Sài Gòn Nhỏ thuộc miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tuy nghe vậy nhưng không mấy ai biết rõ thực hư ra sao. Vì thế khi đọc bài viết của tác giả Tuấn Khanh từ quốc nội gửi ra tôi không khỏi ngạc nhiên sửng sốt. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tôi mang cảm giác này. Ngày từ cuối năm 2015, thời gian Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị Đại Hội đảng lần thứ 12, tôi đã từng một lần choáng váng khi đọc trên mạng Chân Dung Quyền Lực(i) đưa tin chi tiết kèm theo hình ảnh tiết lộ về sản nghiệp đồ sộ của ông Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có những căn biệt thự khang trang, bề thế ở ngay Quận Cam vào thời gian ông ta còn giữ chức phó Thủ tướng dưới trào Nguyễn Tấn Dũng.
Bài viết của Tuấn Khanh không chỉ nói tới những đại gia Việt Nam ẵm tiền từ trong nước qua tậu biệt thự ở nam California mà còn ở nhiều nơi khác như Texas chẳng hạn. Tác giả cho hay:
“Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà tác giả Trầm Tử Thiêng từng gọi là ‘một Việt Nam bên ngoài Việt Nam’”.
Tuân Khanh cho biết thêm:
“Có lẽ vì vậy, mà ở các khu người Việt, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều. Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ.”
Đứng trên lãnh vực kinh doanh, thương mại thuần túy, chẳng ai trách giới luật sư hay các cơ quan truyền thông quảng bá cho những dịch vụ này. Giản dị vì đây thuộc phạm vi nghề nghiệp của họ, là một trong những dịch vụ làm ăn để kiếm sống của giới này. Vả chăng ngoài những tay tham nhũng trong hệ thống cầm quyền đảng và nhà nước CSVN và đông đảo những kẻ thời cơ biết ăn chia với những kẻ quyền thế để làm giầu trên xương máu dân đen rồi tìm đường qua Mỹ, cũng còn có nhiều đồng bào qua định cư tại đây là bà con thân nhân của những người đã bỏ nước đi tị nạn sau cơn hồng thủy 75.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào đàng sau những hiện tượng khác lạ trong giới làm truyền thông, cách riêng các hệ thống truyền hình đang nở rộ ở nam bắc California, những người còn quan tâm tới thân mệnh quê hương, dân tộc không thể không nhận ra những chỉ dấu cần đặt câu hỏi. Có người nói, cách tốt nhất để phân biệt lập trường chính trị giữa các đài truyền hình, phát thanh là hãy quan sát cách chọn tin, đưa tin, nội dung các chương trình hội luận thời sự và dàn xướng ngôn của mỗi đài là đủ rõ. Trên thực tế có đài chỉ loan tin thế giới và những loại tin “cán chó” ở quốc nội mà luôn tránh né những tin được đảng và nhà nước CSVN coi là “nhạy cảm”. Cụ thể trong thời gian gần đây, những đài này không hề đưa tin về những cuộc biểu tình với hàng chục ngàn đồng bào ở Nghệ Tĩnh trương cao khẩu hiệu đỏi hỏi nhà cầm quyền phải minh bạch thảm họa cá chết đồng loạt và trục xuất vĩnh viễn Formosa khỏi Vũng Áng. Giới hâm mộ âm nhạc trong cộng đồng cũng than phiền về một trung tâm nọ đã dùng tiền và những lời hứa hẹn để mua đứt những ca sĩ nổi tiếng từng hát những bản nhạc đấu tranh chống Trung cộng xâm lược và một chính quyền “hèn với giặc, ác với dân” từng làm rung động lòng người thưởng ngoạn trong và ngoài nước. Giữa kẻ bị mua và tổ hợp dùng tiền từ đâu đó, âm mưu làm bặt đi những tiếng hát đấu tranh được coi là vưu vật của cộng đồng tị nạn, ai nặng tội hơn đối với những người không chấp nhận CS, mọi người đều đã rõ(ii).
Với những lời lẽ mỉa mai, châm biếm, tác giả Tuấn Khanh đã can đảm, công khai chỉ rõ bộ mặt gian manh, giả danh yêu nước thương nói của những kẻ từng lớn tiếng tuyên bố là “chống Mỹ cho đến cái lai quần” là “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” nhưng ngày nay lại là những kẻ đang tìm đường qua ấn thân trên đất nước kẻ thù và cũng là nơi định cư cả triệu đồng bào một thời bị họ coi là “ngụy” là “tay sai đế quốc Mỹ”!
Bài viết cho hay:
“Sẽ là một điều chua chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Quốc. Thậm chí các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho họ và cho con cái của họ.”
Nhiều người Việt Nam sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời…”
Đan cử chứng từ của một người bạn đang sống đời tị nạn ở Mỹ, Tuấn Khanh viết:
“Anh Mến, một người sống ở Kansas hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng ông chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2, 3 căn nhà. Thậm chí họ còn luôn đón mua hàng chục chiếc iPhone đời mới nhất để gửi về, so với ông đến nay vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi.”
Trước câu hỏi ngẩn ngơ, ngỡ ngàng của người bạn tên Mến là “Việt Nam bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?” tác giả bản nhạc “Trái Tim Việt Nam” cảm thấy lúng túng, khó giải thích cho bạn hiểu, dù cả hai đều là người Việt và cùng đang dùng ngôn ngữ mẹ để đối thoại với nhau.
Xác định rằng việc kiếm tiền trong nước không dễ dàng thì lý giải sao cho thông trước bắng chứng ông Mến đã thấy tận mắt là có những người Việt vừa chân ướt chân ráo tới Mỹ đã có thể mua một lúc 2, 3 căn nhà “to đùng” bằng “tiền tươi” không cần phải vay ngân hàn! Nhưng nếu bảo rằng dễ thì biết trả lời với bạn ra sao khi ở Việt Nam ngày nay hàng triệu gia đình dân vẫn đang phải sống dưới mức nghèo khó? Mà bằng cách nào có thể giấu bạn khi hàng ngày gần như mỗi người đều thấy trên mạng hình ảnh những em bé phải giãi nắng dầm mưa được cha mẹ bọc trong bao nylon kéo qua sông suối, hoặc run rẩy bước trên những cây cầu khỉ mong manh, sau đó lê la ngồi học dưới những mái trường dột nát, kể cả những lớp học lộ thiên!
Tác giả viết:
“Thật khó mà giải thích với ông Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.”
Tuy đang sống trên đất nước xa xôi bên kia bờ biển Thái Bình, nhờ tai mắt của bạn bè thân sơ, tác giả Tuấn Khanh vẫn có được những thông tin thật chính xác để nhận biết những gì đang xảy ra bên ngoài đất nước liên hệ tới những con người, những sự việc trong sinh hoạt hàng ngày bên cạnh anh. ông thấy được con số những người bỏ nước qua sống ở Mỹ hiện nay không còn là mấy chục hay một vài trăm… mà hàng ngàn, hàng chục ngàn người. Hiển nhiên nó đã trở thành một cao trào. Trong số những người đi, không chỉ giới hạn những thành phần tạm coi như là làm ăn lương thiện, nay có tiền thấy cần phải rời xa mảnh đất của tổ tiên nhưng bất hạnh đã trở thành hang ổ những cạm bẫy không chỉ đe dọa an sinh mạng sống bản thân mà còn di lụy tới tương lai con cháu họ sau này. Hơn thế, nó còn bao gồm cả những khuôn mặt lớn nhất của chế độ hiện nay, những kẻ thừa mứa tiền bạc, đến lúc phải tìm kế “hạ cánh an toàn”. Điều mỉa mai đối với tác giả là nơi “hạ cánh an toàn” của những tay đầu sỏ này không phải là quê hương của ông bạn “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” Đại Hán mà lại là xứ Cờ Hoa, đất nước của “ba đời Tổng Thống” mà họ từng tuyên bố vung vít đã đánh bại và không giấu diếm thái độ khinh khi, miệt thị!
Từ những thông tin tại chỗ, ông ghi nhận được cả những sinh hoạt từng ngày, từng mùa của những người mới tới. Từ chuyện tìm nơi an ninh, sang trọng để mua nhà lớn nhà nhỏ tới việc chọn trường ốc cho con cháu, dĩ nhiên là trường tốt không chỉ về mặt học vấn mà cả về chuẩn mực luân lý, đạo đức…
Một đoạn trong bài, tác giả Tuấn Khanh ghi lại lời bạn anh:
Cổng trường St. Polycarp ở Stanton. Bảng chỉ dẫn có cả tiếng Việt Nam. Nguồn: Google Maps
Cổng trường St. Polycarp ở Stanton. Bảng chỉ dẫn có cả tiếng Việt Nam. Nguồn: Google Maps
“Trường St. Polycarp(3) ở thành phố Stanton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái, chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo, giày dép vả cả giọng nói.
Khi gia đình này bước qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn, “Anh có làm ở đây không, ông nên nói với ban giám hiệu.”
Đúng là cung cách hành xử của một công dân biết rõ quyền của mình. Có điều là khi đang nắm quyền sinh ở trong nước tuồng như các ông lớn, bà bé này vì vô tình hay hữu ý đều chỉ biết đến quyến nạt nộ dân đen thôi!
Sau khi ghi lại câu chuyện trên đây, thấy chuyện người, Tuấn Khanh nghĩ tới chuyện xảy ra thường xuyên ở quê nhà, ông viết:
“Tôi nhớ đến Sài Gòn, Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau đó không lâu, mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân sách. Gia đình đó khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh,”
Nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà văn John Mason và cũng là một nhà hùng biện “You were born an original. Don’t die a copy – Bạn được sinh ra như một nguyên bản, xin đừng chết như một phó bản”, tác giả Tuấn Khanh đẩy suy tư của ông đi thật xa tít tắp tới bến bờ lịch sử đất nước, giống nòi với “những người muôn năm cũ” và gần gũi như mấy triệu bà con đã liều mình vượt biên vượt biển, coi nhẹ mạng sống tìm đường chạy thoát khỏi nơi có thể làm họ mất bản sắc, cho dẫu đấy là nơi chốn nhau cắt rốn của mình.
Ông viết:
“Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của mình… Lịch sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do.”
Con người luôn bao dung, giầu tình thương và tinh thần nhân bản nơi Tuấn Khanh đã khiến ông nhận ra không phải chỉ những người từ bao đời nay vốn mang sẵn tính “thiện bẩm sinh” mà ngay cả những kẻ do cảnh ngộ nhất thời bị biến thành máu lạnh, sẵn sang làm điều gian ác nhưng khi đã “buông dao đồ tể” bỏ nơi tăm tối tìm về ánh sáng… cũng chỉ là để tìm lại chính mình.
Nhận định của tác giả trong đoạn văn trên đây khiến tôi nghĩ tới tâm sự của ca sĩ Mỹ Lệ trong một bài viết trên mạng vừa đọc được hôm rồi mang tiêu đề “Vì sao người Việt Quốc Nội lại đua nhau ‘tháo chạy’ khỏi thiên đường Cộng Sản?”
Được biết Mỹ Lệ là một ca sĩ nổi tiếng. Bà có hai con gái ở tuổi lên 10. Vì thương con, lo lắng cho tương lai của con, bà gác sự nghiệp ca hát qua một bên, tìm mọi cách cho con qua Đức du học. Mỹ Lệ tâm sự: “Là một người mẹ không ai muốn xa con, nhất là khi con mới hơn 10 tuổi. Nhưng, chỉ có cách đó, tôi mới bảo vệ được con mình khỏi bị đầu độc!”
Nói tới từ “đầu độc” ở đây, Mỹ Lệ không chỉ nói theo nghĩa tinh thần, tâm linh hay trí tuệ. Điều này vốn dĩ là mối lo tâm phúc của những người dân phải ép mình sống dưới chế độ cộng sản. Bà muốn nói tới những loại thực phẩm “bẩn” mà từ trên xuống dưới người ta đang toa rập với nhau tiếp tục chế biến, nuôi trồng bằng mọi thứ độc dược giết người để bán ra thị trường. Nó len lỏi vào tủ lạnh, vào xó bếp, trên mâm ăn để giữa người với người, thản nhiên giết nhau tư từ trên đất nước ta hôm nay.
Tinh thần nhân bản và lòng yêu thương của Tuấn Khanh không thể cột chặt ông ở khía cạnh bao dung. Vì thế khi nghĩ tới cảnh hàng hàng lớp lớp người ta chen nhau bỏ nước ra đi cho dù để bảo vệ nguyên bản, ông không khỏi thảng thốt nêu lên câu hỏi: “Nhưng tại sao chúng ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình? Vì sao chúng ta phải sống không là chính mình nơi chôn nhau cắt rốn của mình?”
Kết thúc, Tuấn Khanh  viết:
“Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ đó sẽ không chất vấn một ban giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói như vậy trên chính đất nước mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo?
Chúng ta được dặn dò hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt đã mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch.
Cuộc sống đang như vậy. Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Dĩ nhiên, đó lại là một khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy. Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau đó sẽ là gì?”
Rời màn hình tôi tự hỏi: liệu những lời tâm huyết của người tác giả này có chạm được tới trái tim, khối óc của những con người vô cảm, những kẻ thờ ơ với con người, với vận mạng dân tộc, nhưng tên tay sai chạy cờ, những dư-luận-viên, nhất là những kẻ đang nắm giữ vận mạng đất nước hôm nay? 
Nam California cuối tháng 8, 2016

Xử vị thành niên 'cướp bánh mì' nặng hay nhẹ?

  • 20 tháng 7 2016






Image copyright vietbao.com
Image caption Các bị cáo cướp giật một số lương thực, thực phẩm trị giá 45.000 VNĐ ở một cửa hàng bánh mì khi đang ở độ tuổi vị thành niên lúc gây án.
Mức án tòa vừa tuyên đối với hai bị cáo vị thành niên phạm tội 'cướp bánh mì' ở TP. Hồ Chí Minh là 'hợp lý, hợp tình', tuy nhiên mức đề nghị của Viện Kiểm sát trước đó là 'quá nặng' và dựa trên 'nhận định sai', trong khi cần xem xét lại khâu tạm giam, tạm giữ nói chung đối với đối tượng bị cáo, bị can vị thành niên, theo bình luận của các luật sư với BBC.
Ngày 20/7, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn (sinh năm 1998) mức án 10 tháng tù, bị cáo Ôn Thành Tân (cũng sinh năm 1998) 8 tháng 20 ngày tù, bằng thời gian tạm giam, về tội cướp giật tài sản, theo truyền thông Việt Nam.
Theo cáo trạng, "trong thời gian được tại ngoại để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản, Tuấn bỏ nhà đi lang thang. Khuya 17/10/2015 Tuấn gặp Tân, cùng chơi Internet tới sáng hôm sau thì rủ nhau đến nhà hàng ở quận Thủ Đức kiếm việc làm," VnExpress cho hay.
"Trên đường đi cả hai đói bụng, không có tiền nên bàn cách vờ mua đồ ăn rồi bỏ chạy. Khoảng 12h, chúng đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức. Tuấn hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nylon thì cậu ta giật phăng, tăng ga bỏ chạy. Nghe chủ quán tri hô, hai người đàn ông gần đó đuổi theo bắt Tân và Tuấn giao công an. Số hàng bị cướp giật có giá 45.000 đồng."






Trước đó vẫn theo truyền thông Việt Nam, cơ quan giữ quyền công tố trong xét xử vụ án đã đề nghị các mức án nhiều năm với hai bị cáo vị thành niên này khi họ phạm tội.
"Viện Kiểm sát Nhân dân quận Thủ Đức sau đó truy tố Tân và Tuấn ở khung hình phạt 3-10 năm tù với tình tiết "dùng thủ đoạn nguy hiểm" cướp giật tài sản. Thời điểm phạm tội cả hai chưa thành niên," VnExpress viết.
Hôm thứ Tư, báo Tiền Phong cũng đưa tin, cho hay: "Cả hai bị tạm giam từ ngày 18/10/2015. Sau đó, VKSND quận Thủ Đức ra cáo trạng truy tố Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn về tội "Cướp tài sản" theo Khoản 1 điều 136 Bộ Luật hình sự (khung hình phạt 1 – 5 năm tù)."
Còn tờ Dân Trí nói: "Tòa xác định 2 thanh niên cướp bánh mì trên đường đi tìm việc làm là tội danh “cướp giật tài sản”. Hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến tài sản và sức khỏe, tính mạng của người khác. Hội đồng Xét xử đã tuyên 1 bị cáo 10 tháng tù và bị cáo còn lại là 8 tháng 20 ngày."

'Có thể chấp nhận'

Bình luận về các mức án được tuyên với các bị cáo 'cướp bánh mì', hôm thứ Tư, từ Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự, Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng văn phòng, nói với BBC:
"Tôi thấy rằng các mức án ở đây xét xử đối với các vị cáo có thể chấp nhận được.

"Tôi nghĩ rằng mức án đó, hội đồng xét xử đã cân nhắc tất cả những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân và khi phạm tội hai đứa trẻ đó ở tuổi vị thành niên, và giá trị của nó cũng chỉ là mấy ổ bánh mì.
"Tôi nghĩ rằng mức án đó không thể chê trách được. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, vai trò công tố là Viện Kiểm sát đã đưa ra đề nghị với mức hình phạt từ 3-10 năm, tôi nghĩ rằng đề xuất của Viện Kiểm sát trong vụ án này thứ nhất là quá cao.
"Thứ hai, nhận định chưa cân nhắc đến vai trò, vị trí cũng như tuổi khi mà các em phạm tội và nói rằng là dùng các 'thủ đoạn nguy hiểm', thì tôi cho rằng nhận định này của Viện kiểm sát là nhận định sai."
Luật sư giải thích:
"Bởi vì đối với tội cướp giật, cướp giật là những hành vi cướp tài sản của người khác, thì phương tiện dùng có thể là người điều khiển các phương tiện xe máy, rồi những phương tiện khác để cướp của người đi bộ, hoặc là người đi bộ cướp của những người đang đi trên các phương tiện, nó làm ảnh hưởng, làm nguy hiểm, vì vậy tội cướp giật không có một quy định về tài sản cướp, không có quy định phải cướp tài sản (giá trị) bao nhiêu mới cấu thành tội phạm,

Mức án đề ra đối với hai cháu này, tôi nhận thấy cũng đã có xem xét đối với trẻ em vị thành niên, đặc biệt, nó mang tính giáo dục nhiều





Luật sư Hoàng Văn Hướng
"Mà ở đây có hành vi cướp giật của người có tài sản làm ảnh hưởng, có thể gây nguy hiểm cho những người bị cướp, thế thì tôi cho rằng quy kết của Viện Kiểm sát nói rằng dùng thủ đoạn nguy hiểm, thì nó là một nhận định sai lầm," Luật sư Trần Thu Nam nói.

'Mang tính giáo dục'

Cũng hôm 20/7, bình luận với BBC từ Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng về mức án, Luật sư Hoàng Văn Hướng, nêu quan điểm:
"Hai trẻ em vị thành niên này thực ra đã phạm vào một tội trong trường hợp nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, vì tội phạm đó là tội phạm cướp giật.
"Tính chất của nó như thế, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng pháp luật để xét xử, quan điểm của tôi là xét về những yếu tố, tôi không có hồ sơ trong tay, mà qua báo chí và các thông tin, quan điểm xử lý hình sự tôi nghĩ là có cơ sở.
"Tuy nhiên, mức án đề ra đối với hai cháu này, tôi nhận thấy cũng đã có xem xét đối với trẻ em vị thành niên, đặc biệt, nó mang tính giáo dục nhiều."
Bình luận về mức án từ 3-10 năm mà Viện Kiểm sát Quận Thủ Đức từng một lần đề nghị, Luật sư nói:
"Tôi nghĩ rằng giữa hai cháu bé, gọi là hai trẻ vị thành niên mà với tính chất khách thể xâm phạm vào chỉ là hai cái bánh mì có mấy chục ngàn thôi, quan điểm của tôi là nên chăng các nhà làm luật, tiến hành tố tụng hãy mang nặng tính nhân văn, mang tính giáo dục nhiều hơn, hơn là vấn đề hình phạt."
Nhân dịp này, Luật sư Hoàng Văn Hướng cũng nêu nhận xét cho rằng 'khâu bất cập lớn' nhất hiện nay ở Việt Nam trong xử lý tội phạm vị thành niên nằm ở khâu tạm giam, tạm giữ.
Ông nói với BBC:
"Tôi cho vấn đề bất cập nhất đó là công tác tạm giam, tạm giữ, đặc biệt như trường hợp của em Đỗ Đăng Dư ở huyện Chương Mỹ, nó xảy ra một vấn đề hết sức phức tạp.
"Tại sao như thế, thứ nhất vấn đề hiện nay là hoàn thiện pháp luật công tác tạm giam, tạm giữ chưa xong, chính ra luật về thi hành tạm giữ và tạm giam vừa rồi có luật, nhưng người ta lại đình lại, cùng với bộ luật hình sự.
"Và vấn đề thứ hai là nhận thức của những cơ quan và con người tiến hành cụ thể, rõ ràng trẻ em vị thanh niên, họ là con người chưa hoàn thiện thể chất, thì rõ ràng mình cần phải xem xét có những cái mang tính chất giáo dục nhiều hơn.
"Cứ mang tính cứng nhắc thì rõ ràng là không đảm bảo được tính khách quan và bản chất của luật hình đó là mang tính giáo dục," Luật sư Hoàng Văn Hướng nói với BBC.
Theo truyền thông Việt Nam, hồ sơ vụ án đã được Tòa án trả lại cho các cơ quan điều tra, pháp luật một lần, trước phiên xử, sau đó, Viện Kiểm sát quận Thủ Đức cũng đã điều chỉnh lại kiến nghị hình phạt và các mức án của mình cho khả thi hơn.

 Bị mời họp phụ huynh, nam sinh lớp 8 chém thầy giáo
Sự kiện: Tin pháp luật, Nghệ An
Bị nhà trường mời họp phụ huynh, một học sinh lớp 8 mang dao đến tận trường chém thầy giáo bị thương.
Mâu thuẫn tình cảm, học sinh chém bạn nhập viện
HN: Hai học sinh chém nhau giữa sân trường
Nam sinh đánh bạn cùng trường tử vong


Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc
Ngày 30/10, Ông Đặng Văn Hóa – Trưởng phòng GD - ĐT huyện Thanh Chương, Nghệ Ancho biết, tại trường THCS thị trấn Thanh Chương đã xảy ra vụ việc, một học sinh mang dao tới trường đuổi chém thầy giáo bị thương.
Trước đó, vào sáng 27/10, Ban giám hiệu trường THCS thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An đã mời phụ huynh em N.T.M. (học sinh lớp 8) đến để bàn bạc, phối hợp trong việc giáo dục học sinh này.
Khi thầy Nguyễn Hữu Hiếu là giáo viên bộ môn Hóa Học, kiêm trưởng ban an ninh nhà trường đang nói chuyện với phụ huynh em M., bất ngờ M. cầm dao xông vào chém thầy Hiếu.
Thầy Hiếu, dùng tay đỡ thì bị chém trọng thương ở phần tay. Ngay sau đó, nhà trường đã báo với công an thị trấn Thanh Chương.
Thầy Hiếu được các đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương cấp cứu. Tại cơ quan điều tra, M. đã khai nhận về hành vi của mình.
Được biết, M. là học sinh cá biệt thường xuyên vi phạm nội quy trong trường học.

Theo Diễn Kim (Dân Việt)

 

Can ngăn đánh nhau, một học sinh bị đâm trọng thương

Trong lúc can ngăn bạn cùng trường đánh nhau, một học sinh bị đâm trọng thương.

Cho rằng em mình bị bạn ăn hiếp, Khánh đón đường và dùng cây đập vào đầu em N.

 
Học sinh lớp 11 "hạ gục" tình địch bằng 2 nhát dao

Thấy người mình yêu đi cùng một chàng trai khác trong đêm diễn văn nghệ ở nhà thờ, 1 học sinh lớp 11 đã hạ gục tình địch bằng 2 nhát dao 
 




Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật – Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau!

Đăng ngày 31/12/2015 bởi iSenpai 
 



Sang Nhật Bản du học, một số du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam đã có những hành vi trộm cắp vặt xấu xí, khiến hình ảnh người Việt xấu đi trong mắt người Nhật.

Tại một vài nơi trên đất nước Nhật, người Việt không khỏi đau lòng khi nhìn thấy những tấm biển báo mà người Nhật ghi bằng tiếng Việt với nội dung: “Không được ăn cắp”, “Ăn cắp là hành vi xấu sẽ bị cảnh sát bắt”. Đáng buồn, đó lại là một vấn nạn trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật.
Trong một số lần tiếp xúc với cảnh sát Nhật, họ cũng hỏi tôi những câu hỏi xoay quanh vấn nạn này. Và người Việt ở Nhật như chúng tôi cũng không biết phải trả lời sao với họ nữa.
Những vụ ăn cắp của người Việt Nam trên báo Nhật
Đầu năm nay, báo Ashahi đưa tin 2 sinh viên người Việt, dù kiếm được khá nhiều tiền nhờ đi làm thêm hàng tháng nhưng lại bị bắt vì ăn trộm dê thí nghiệm để giết thịt tại một công viên thuộc tỉnh Gifu ở Nhật.
Trong một bài báo gần đây, một nghiên cứu sinh người Việt Nam sang Nhật theo diện học bổng 3 năm cho biết ở Nhật vì giá cả hàng hóa rất đắt đỏ, một đôi giày có giá từ 10 triệu đến 20 triệu nên những người như anh không thể có tiền mua giày và phải ăn cắp. Rồi việc các siêu thị ở Nhật không bắt gửi túi xách nên càng “tạo điều kiện” để có hành vi xấu. Sau nhiều lần ăn cắp các đồ ăn lặt vặt, anh nghiên cứu sinh này còn bê cả một chiếc tủ lạnh 200 lít về nhà để dùng vì giá tủ lạnh quá đắt. Sau đó anh còn ăn cắp rất nhiều đồ đạc để gửi cho người thân ở Việt Nam sử dụng.

Mới đây, vào tháng 10, một nữ sinh Việt Nam bị bắt vì ăn trộm thịt lợn trong siêu thị để nấu cho bạn trai ăn. Khi bị bắt và khám người, cô có mang theo trong người khoảng 80 nghìn yên, tức khoảng gần 15 triệu đồng Việt Nam nhưng cô vẫn cố tình ăn cắp gói thịt giá trị chỉ khoảng 50 nghìn đồng.
đồng.
Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật - Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau! - Ảnh 1.
Cô khai cô và bạn trai kiếm được mỗi tháng hơn 40 triệu đồng nhờ đi làm nhiều việc khác nhau. Như vậy không thể nói vì đói nghèo túng bấn mà họ phải đi ăn trộm trong siêu thị. Kết quả nữ sinh này đã bị trục xuất khỏi Nhật. Và thường thì những người rời khỏi nước Nhật với lý do trên sẽ không có cơ hội quay lại Nhật trong tương lai.
Những vụ việc trên đây là số ít trong hàng chục vụ người Việt Nam ăn cắp ở Nhật bị bắt giữ, có trường hợp cả tiếp viên hãng hàng không lớn cũng ăn cắp trong thời gian dài và bị dẫn độ về nước.
Không thể bao biện hành vi ăn cắp bằng lí do giá cả đắt đỏ 
Chi phí sinh hoạt ở Nhật thực ra không cao như người nước ngoài nghĩ. Hai thứ chi phí tốn kém nhất là nhà ở và đi lại. Còn với chi phí đồ ăn, thức uống hay đồ dùng sinh hoạt hoàn toàn không quá đắt đỏ. Một đôi giày giá 10 đến 20 triệu đồng như anh nghiên cứu sinh nói thực ra là giá quá cao ngay cả so với rất nhiều người Nhật, nên việc người Việt Nam không có tiền mua là điều tất nhiên.
Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật - Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau! - Ảnh 2.
Quần áo ở Nhật có nhiều loại cao cấp hơn Việt Nam nhưng cũng có rất nhiều hãng bình dân, giá cả chấp nhận được ngay cả khi chưa vào đợt giảm giá. Ví dụ như một chiếc áo sơ mi thông thường có thể mua được ở mức giá khoảng 500, 600 nghìn đồng Việt Nam. Ở thời điểm sale vào khoảng tháng 7 hay tháng 12, chiếc áo sơ mi trên chỉ còn khoảng 300 nghìn, tương đương với giá ở Việt Nam.
Đối với thực phẩm, một gói thịt lợn ăn được 1 bữa có giá khoảng 50, 60 nghìn đồng, thịt bò đắt hơn một chút. Tuy nhiên chỉ cần sau 8h tối thì giá giảm đến 50% hoặc hơn nữa. Giá thịt bò và các loại rau củ quả cũng có loại đắt loại rẻ nhưng nhìn chung mỗi tuần kể cả sống ở Tokyo thì ăn uống nấu tại nhà cũng chỉ mất tối đa khoảng 10 nghìn yên (1,8 triệu đồng Việt Nam).
Với mức sống trên thì số tiền đi làm của một du học sinh – theo đúng quy định của luật pháp Nhật là 28 tiếng/tuần – hoàn toàn đủ sống chứ không thể đến nỗi cùng cực.
Đừng chặn đường sang Nhật của những thế hệ du học sinh về sau 
Ăn cắp ở bất kỳ nước nào cũng là xấu nhưng với người Nhật, đó còn là một hành vi tồi tệ khủng khiếp. Chắc hẳn chưa ai trong chúng ta quên được rằng sau trận động đất sóng thần năm 2011, dù hàng trăm nghìn người Nhật chìm trong đau khổ, cùng cực nhưng không có hành vi hôi của, trộm cắp, những người no bụng và có áo ấm sẵn sàng trả lại phần ăn, miếng áo của mình cho người thiếu thốn hơn.
Giáo sư Gregory Pflugfelder, người đứng đầu bộ môn nghiên cứu về văn hóa Nhật tại đại học Boston, Mỹ, khẳng định ở đâu cũng có người tốt người xấu nhưng chắc chắn rằng ở Nhật, từ “ăn cắp” và bạo lực gần như không có trong từ điển của họ.


Thói ăn cắp vặt của 1 bộ phận người Việt ở Nhật - Đừng chặn đường của các thế hệ du học sinh đi sau! - Ảnh 3.
 Ăn cắp ở bất kỳ nước nào cũng là xấu nhưng với người Nhật, đó còn là hành vi tồi tệ khủng khiếp – (Ảnh: Internet).
Người Nhật luôn tôn trọng văn hóa hướng đến cộng đồng, tránh làm ảnh hưởng đến cộng đồng một cách tối đa và cùng lúc đó đóng góp cho cộng đồng càng nhiều càng tốt. Bất kỳ một hành vi phạm tội nào, trong đó có ăn cắp, được coi như gây tổn tại nghiêm trọng đến cộng đồng. Cũng chính vì tâm lý đó mà nước Nhật nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.
Lí giải điều này để thấy rằng, những hành vi ăn cắp của một bộ phận người Việt Nam trên đất Nhật –  trong con mắt của người dân đất nước mặt trời mọc – bị coi là vô cùng nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến cách họ nhìn nhận, đánh giá chung về người Việt Nam.
Theo số liệu Bộ Tư Pháp Nhật công bố tính đến cuối tháng 6/2015, có 124.820 người Việt Nam tại Nhật. Tốc độ tăng trưởng về số lượng người Việt Nam nhập cư vào Nhật trong năm vừa qua lên đến 140%.
Vì thế có cơ sở để lo ngại rằng nếu vẫn còn những vụ việc tương tự như trên, thì rõ ràng, một số ít người đi trước đang chặn đường sang Nhật của rất nhiều thế hệ du học sinh Việt đi sau.
Theo Ngọc Thuý / Trí Thức Trẻ

    
 

TS. PHẠM CAO DƯƠNG * VĂN CHƯƠNG LÃNG MẠN


Đặc Tính Lãng Mạn Trong Những Năm Đầu Của Cuộc Kháng Chiến Chống Pháp (1946-1954) và Thi Ca Việt Nam Thời Chiến




Chiến tranh đồng nghĩa với bom đạn, với súng gươm, với giết chóc, với gian lao, khổ ải, với tàn phá, hủy diệt,… mà lại nói tới lãng mạn, hay dù hẹp hơn, tới thi ca lãng mạn là một điều hoàn toàn nghịch lý, khó có thể tưởng tượng được.Nhưng đối với những người Việt Nam đã từng sống trong cuộc chiến ba mươi năm vừa qua, đây lại là một sự thực, một sự thực có bằng chứng hẳn hoi mà người tìm hiểu khó có thể chối cãi.


Nó hoàn toàn đúng ít ra là cho ba năm đầu của cuộc chiến nếu ta tính từ cuối năm 1946 khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới thực sự bùng nổ trên toàn quốc Việt Nam đến năm 1949 là năm Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản của ông làm chủ được Trung Hoa Lục Địa, Tưởng Giới Thạch phải bỏ chạy ra Đài Loan, biên giới Việt Trung trở thành biên giới giữa hai nước Cộng Sản Á Châu và Quốc Gia Việt Nam của Cựu Hoàng Bảo Đại được thành lập, mở đầu cho một giai đoạn mới cho cuộc chiến. Đây chính là ba năm cuối cùng của nửa đầu của thế kỷ hai mười, ba năm đầu của thời kỳ độc lập hay tranh đấu giành độc lập dưới hình thức này hay hình thức khác, sau một thời gian dài sống dưới sự cai trị của người Pháp. Đây ba năm đẹp nhất của lịch sử chiến tranh của người Việt trong thế kỷ hai mươi, trước khi mọi chuyện đều thay đổi và thay đổi một cách bi thảm ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Câu hỏi được đặt ra là do đâu mà đặc tính lãng mạn này đã có thể tồn tại và lãng mạn đã được thể hiện ra sao trong thi ca của thời này?



Nguyên nhân nào đã khiến cho đặc tính lãng mạn tiếp tục tồn tại trong ba năm đầu của thời kỳ kháng chiến chống Pháp?


Có nhiều nguyên nhân khiến cho cuộc sống lãng mạn của người Việt, vốn đã nảy nở và phát triển từ trước, đặc biệt là lãng mạn trong thi ca và đương nhiên trong bộ môn song sinh của nó là âm nhạc, không những vẫn có thể tồn tại được mà còn phát triển rộng rãi hơn trong giai đoạn này.


Thứ nhất: Người Cộng Sản chưa sẵn sàng để thực thi chính sách kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt văn nghệ trong ba năm đầu của cuộc chiến

Thế lực của người Cộng Sản xuyên qua chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh cho đến hết thời gian này còn quá mới, chưa đủ để cho họ có thể áp đặt một sự chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ lên mọi phạm vi sinh hoạt của người dân, trong đó có văn nghệ, vốn dĩ là một sinh hoạt rất tế nhị mà họ đang cần để tuyên truyền lôi cuốn mọi người vào cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, đồng thời tiêu diệt nốt những thành phần đối lập, dù cho là bản Đề Cương Văn Hóa của Đảng Cộng Sản đã được soạn thảo và phổ biến từ năm 1943. Làm sao có lợi cho vai trò lãnh đạo của họ là được rồi. Cũng cần phải để ý là trong thời gian này Hồ Chí Minh và chính phủ của ông đã dời bỏ thủ đô Hà Nội, di tản lên miền rừng núi Việt Bắc, do đó cần phải có thì giờ để củng cố lại thế lực cũng như để sắp đặt lại mọi cơ sở, mọi hệ thống liên lạc mới nhằm thắt chặt trung ương với địa phương, song song với vai trò lãnh đạo kháng chiến của mình.


Thứ hai: Lãng mạn trong thời gian này đã trở thành rất phổ biến trong sinh hoạt của giới thanh niên như là sự tiếp nối phong trào lãng mạn của những năm  cuối của thập niên ba mươi và những năm đầu của thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi


Ở thời điểm ba mươi của thế kỷ hai mươi người ta nói tới ý muốn thoát ly khỏi cuộc đời nhàm chán, dù cho là chẳng biết để đi đâu trong khi cách mạng hãy còn là một ý niệm mơ hồ và chế độ đô hộ của người Pháp có vẻ mỗi ngày một vững hơn. Sang đầu thập niên bốn mươi tất cả đã đổi khác. Lý do là sự bại trận của người Pháp ở ngay chính nước Pháp và sự thắng thế của quân đội Nhật và sự hiện diện của họ trên đất nước Việt Nam. Nếu vào cuối thập niên ba mươi người ta nói tới chuyện


Rũ áo phong sương trên gác trọ.
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang


hay ngồi trước lò sưởi trong một ngày mưa gió, hút thuốc lá, thở khói lên trần… thì vào đầu thập niên bốn mươi, ngưới ta lại sính hát “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương hay tìm hiểu và ngâm những đoạn thơ và vẽ những cảnh diễn tả buổi chia ly tuyệt đẹp và vô cùng lãng mạn trong Chinh Phụ Ngâm:


Áo chàng đỏ tựa ráng pha,
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.


Mọi người dường như chờ đợi và sẵn sàng để làm công việc này.
Khi chiến tranh toàn quốc bùng nổ vào tháng Chạp năm 1946, tinh thần lãng mạn qua ý niệm thoát ly để đi làm cách mạng từ mơ hồ đến chỗ gần như bế tắc đã được thay thế bằng một thứ lãng mạn yêu nước cụ thể hơn. Người ta sẵn sàng từ bỏ gia đình, từ bỏ quê hương, ruộng vườn để ra đi và ra đi mà không ai trách cứ.


 Nhiều thanh niên đã hăng hái xung phong gia nhập Vệ Quốc Đoàn, nhiều người không được nhận vì thiếu sức khỏe đã khóc khi phải trở về nhà. Người ta đã ra di để cứu quốc một cách ngây thơ, tự nhiên, đơn giản, không cần biết ai là người lãnh đạo, nói như Phạm Duy ở một chỗ nào đó trong hồi ký của ông. Trước đó, khi các mặt trận mới chỉ diễn ra ở các thành phố, các lực lương Tự Vệ Thành đã thu hút một số lớn thanh thiếu niên nam nữ thuộc đủ mọi thành phần từ các sinh viên, học sinh đến những người làm nghề lao động. Họ tự bỏ tiền túi ra để may quần áo, khí giới, làm huy hiệu… và đã ở lại giữ thành trong một thời gian khá dài, điển hình là sáu mươi ngày ở Hà Nội, trong khi quân đội chính qui của Cộng Sản được rút lên miền núi cùng với Hồ Chí Minh và các nhân viên chính phủ của ông.


Thứ ba: Ảnh hưởng của các phong trào Hướng Đạo và thanh niên thể thao


Các phong trào Hướng Đạo và thanh niên thể thao qua những buổi cắm trại hay du ngoạn đã đưa giới trẻ đến chỗ có dịp thoát ra khỏi cuộc sống chặt hẹp nhàm chán ở các thành phố hay các phủ hay huyện lỵ của thời bấy giờ để có thể vào rừng, lên núi, ra các miền quê hay bờ biển sống gần với thiên nhiên, tiếp xúc với dân quê hay người miền núi hơn, đồng thời thăm viếng các thắng cảnh hay các di tích lịch sử của đất nước mà trước đó họ chỉ có dịp tiếp xúc qua sách vở hay trong lớp học. Lãng mạn tính thể hiện trong tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương quê hương, đất nước và đồng bào cũng như cái đẹp của quê hương, đất nước, và của những người dân quê hay miền núi, công lao xây dựng và bảo vệ đất nước của người xưa… của một thế hệ người Việt mới đã nẩy nở trong bối cảnh này.



Thứ tư: Ảnh hưởng của những bài ca mới đầy tình cảm mang chủ đề quê hương, đất nước và lịch sử oai hùng của dân tộc đã xuất hiện trước đó

Những năm đầu của thập niên bốn mươi cũng là thời gian xuất hiện của nhiều bài ca mang nặng tình cảm bình thường của con người cùng tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là những bài ca lịch sử. Bắt đầu những bài ca này được phổ biến ở thành thị, sau đã tràn về thôn quê do những cuộc tản cư thời phi cơ Mỹ ném bom các cơ sở của quân đội Nhật hay trong các cuộc cắm trại hay du khảo của các phong trào Hướng Đạo hay thanh niên. Nên nhớ là khi Cộng Sản còn ẩn náu ở các chiến khu Việt Bắc những bài ca được dùng trong các sinh hoạt của họ phần lớn là những bài ca của Hướng Đạo và khi Văn Cao được cán bộ Cộng Sản tiếp xúc, người


nhạc sĩ này đã được giao cho nhiệm vụ làm những bài ca mới để thay thế cho những bài ca của Hướng Đạo cũ với bài đầu tiên ông làm là bài “Tiến Quân Ca”, sau trở thành quốc ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam hiện tại..


Từ sau năm 1949, mọi sự đã hoàn toàn thay đổi, ở trong nước cũng như trên thế giới. Ở trong nước, chính phủ của Hồ Chí Minh và những người Cộng Sản đã đứng vững được về cả hai phương diện chính trị và quân sự, những lực lượng chống đối không còn nữa. Ở Trung Quốc, Đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông đã hoàn toàn đánh bại được quân đội của Tưởng Giới Thạch và làm chủ được toàn thể Trung Hoa Lục Địa, biên giới giới hai khối Cộng Sản Hoa, Việt đã tiếp giáp với nhau và Cộng Sản Việt Nam đã được Cộng Sản Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ kèm theo với những ảnh hưởng của họ. Sự e ngại kẻ thù từ phương bắc tới không còn nữa, nhưng áp lực của người anh em mới mỗi ngày một thêm đè nặnglên vai của người anh em đang cần sự giúp đỡ. Một mặt khác, cũng năm 1949, Quốc Gia Việt Nam của Cựu Hoàng Bảo Đại đã được chính thức thành lập với sự trao đổi văn kiện trực tiếp giữa Cựu Hoàng Bảo Đại với chính Tổng Thống Pháp Vincent Auriol thay vì với một nhân vật cấp dưới, rồi rất nhanh chóng chính quyền Quốc Gia này đã được hai nước Anh và Mỹ và rất nhiều quốc gia thuộc khối tự do thân Tây Phương thừa nhận, đe dọa sự chính thống của Hồ Chí Minh và của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.


Những biến chuyển này đã khiến cho Hồ Chí Minh và chính phủ của ông phải thay đổi hoàn toàn đường lối cai trị của mình, trong đó có lãnh đạo văn nghệ. Sự thả lỏng cho các văn nghệ sĩ dù là các người làm thơ, các người soạn kịch, các người vẽ tranh… muốn làm sao thì làm, muốn đi đâu thì đi, miễn là tất cả hướng vào toàn quốc kháng chiến, toàn quốc chống Pháp phải được bãi bỏ. Ở Đại Hội Văn Nghệ Lần Thứ Hai mà Phạm Duy đã tinh ý nhận xét là có thêm hai chữ Nhân Dân vào mùa hè năm 1950 ở Việt Bắc, chính quyền trung ương đã bắt đầu áp đặt đường lối mới.

Thiếu Tướng Nguyễn Sơn, một ngưới rất yêu mến văn học nghệ thuật và các văn, nghệ sĩ, người đã biến đại bản doanh của mình ở Thanh Hóa thành một thủ đô của giới văn nghệ sĩ thời bấy giờ, bên cạnh nhiều trung tâm khác như Cống Thần – Chợ Đại, Rừng Thông… đã bị triệu hồi về trung ương. Đây là thời điểm các cuộc dinh tê của mọi người bấy lâu theo chân kháng chiến tản cư trở nên ào ạt hơn trong đó có rất đông các văn nghệ sĩ mà sau này người ta thấy xuất hiện trong sinh hoạt văn hóa ở các vùng Quốc Gia, ở miền Nam và luôn cả ở Hải Ngoại trong những năm kế tiếp. Luận cứ cho rằng những người tản cư từ các thành phố về thôn quê hay lên miền trung du dinh tê về thành là do họ đã quen với cuộc sống tiểu tư sản thành thị không chịu nổi cuộc sống kham khổ, thiếu thốn ở trong vùng kháng chiến là không đúng. Nó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân mà thôi. Còn nhiều nguyên nhân khác hơn nguyên nhân hoàn toàn vật chất này. Cuộc sống tự do, nhân bản và chính quyền quốc gia không Cộng Sản, tương lai học vấn của giới trẻ, chẳng hạn.


Thi ca lãng mạn thời chiến


Bây giờ nói tới thi ca thời chiến, đúng hơn thi ca lãng mạn thời chiến hay đúng hơn nữa, thi ca lãng mạn trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt trong nửa sau của thế kỷ hai mươi, thời quân đội kháng chiến còn được gọi là Vệ Quốc Đoàn, chưa bị đổi tên là Quân Đội Nhân Dân, những năm tôi nghĩ đẹp nhất trong lịch sử giành độc lập của người Việt trong thế kỷ hai mươi, bất kể là do ai lãnh đạo, trước khi mọi chuyện thay đổi. Còn nếu so sánh với cả lịch sử của dân tộc Việt Nam thì đó cũng là một trong những thời gian đẹp nhất như chính những người tham dự đương thời đã miêu tả như:


Ở thời nhà Trần:


Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
…………….
Lính già phơ tóc bạc
Kể chuyện thuở Nguyên Phong
(Thơ Trần Nhân Tông, Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng
Ngô Tất Tố dịch)


và thời kháng chiến chống Pháp:


Buông tay gầu vui
lại thuở bình Mông
Thơ Yên Thao, Nhà Tôi


Nếu người lính già của thời nhà Trần cứ thỉnh thoảng ngồi kể chuyện của thời Nguyên Phong thì những người đã từng là lính hay đã từng sống hay tham dự vào những sinh hoạt ở thời chống Pháp từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1950 cũng không bao giờ quên được những ngày kháng chiến của mình dù là sau này họ sống ở vùng Tê hay ở hậu phương, ở trong Nam hay ở ngoài Bắc, ở trong nước hay ở hải ngoại, dù là họ tiếp tục được sống trong vinh quang hay bị bỏ quên ở một góc phố hay ở một làng thôn hẻo lánh nào đó.

Có điều văn thơ của họ đã được phổ biến mỗi ngày một rộng, từ hình thức những bài chép tay nằm dưới đáy ba lô của những người lính Vệ Quốc Đoàn hay những cán bộ còn nặng đầu óc tiểu tư sản ở ngay chính thời chúng mới được làm đến những bản in trong các sách vở, những bản phổ nhạc ở miền Nam hay được đưa lên sân khấu ở Hải Ngoại. Nhưng tên tuổi của Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Yên Thao, Hữu Loan… đã được người ta nhắc tới. Những tác phẩm như Đêm Liên Hoan, Tâm Sự Đêm Giao Thừa, Bên Kia Sông Đuống, Tây Tiến, Đôi Bờ, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Đồng Chí, Bao Giờ Trở Lại, Làng Tôi, Màu Tím Hoa Sim...của các tác giả này đã được nhiều người thuộc lòng dù là thuộc một vài đoạn, một vài dòng hay một đôi câu hay ít ra là có thể nhận ra được vì đã được nghe ngâm, nghe hát vào một dịp nào đó trong đời mình, kể cả những người chưa từng được nghe, được học về cuộc kháng chiến chống Pháp của thời cha ông họ.


Nhận xét về các tác giả này, người ta thấy đa số họ là những tên tuổi mới và hầu hết đều rất trẻ. Tất nhiên là rất trẻ cho thời kỳ các tác phẩm của họ được sáng tác. Đa số năm sinh của họ là vào đầu hay giữa thập niên hai mươi, tuổi của những người đã đóng vai trò chính trong cuộc cướp chính quyền của Việt Minh vào tháng 8 năm 1945. Họ cũng là những người có học, đã từng là cựu học sinh các trường Sư Phạm, Bưởi, Thăng Long…. Điều này cũng có nghĩa là họ đã có dịp tiếp xúc với văn hóa tây phương, trong đó có văn chương lãng mạn Pháp. Nhưng quan trọng hơn hết họ là những nhà thơ có thực tài, có cảm giác rất bén nhậy với những nhận định tinh vi và đã được sống trong thời kỳ sôi sục nhất của lịch sử dân tộc.

 Riêng Quang Dũng còn là một người rất tài hoa, phóng khoáng. Cái lãng mạn của họ do đó không phải chỉ khác hơn mà còn phức tạp hơn cái lãng mạn của những nhà thơ lớp trước. Lãng mạn của họ là lãng mạn kết hợp bởi không riêng tình yêu nam nữ mà luôn cả tình yêu gia đình, đặc biệt là tình yêu dành cho người mẹ, người vợ, cho đứa con còn bú, cho xóm làng, bờ sông, ruộng vườn, hình ảnh quê hương thuở còn thanh bình… và đương nhiên cả cuộc kháng chiến với những đồng đội, với đơn vị, với núi rừng, với bệnh hoạn, với cái chết kề bên, với những xóm làng đã đi qua…

Chính vì vậy mà có nhà nghiên cứu chỉ xếp Hữu Loan và Quang Dũng vào loại những tác giả lãng mạn, còn các tác giả khác vào loại tranh đấu hay tuyên truyền cho kháng chiến dù là ở một mức cao về nghệ thuật. Có điều dù xếp thơ của họ vào loại nào đi chăng nữa, người ta phải cũng phải công nhận rằng những thi ca này đã phát xuất một cách tự nhiên, từ tâm hồn của mỗi tác giả. Chúng đã được làm vào lúc họ vẫn còn được quyền tự do sáng tạo, chưa bị áp lực và sự kiềm chế chặt chẽ của chính quyền Cộng Sản như trong những năm sau này. Chính vì thế mà mỗi người có một phong cách riêng tùy theo bản chất và hoàn cảnh của mình. Ngôn từ họ dùng cũng rất đơn sơ, giản dị, trong sáng, dễ dàng khiến cho người nghe, người đọc không đến nỗi phải cố gắng, phải căng óc ra để tìm hiểu. Âm điệu cũng vậy. Đa số những bài mọi người ưa thích đều là thơ
tự do, nhưng dòng thơ rất tự nhiên, trôi chảy, nhẹ nhàng
từ đó lôi cuốn người đọc khác với nhiều bài làm theo cùng thể về sau này.




Hữu Loan

Vì thời giờ có hạn, tôi không thể đi sâu vào từng tác phẩm, từng tác giả mà chỉ đề cập tới hai tác giả chính, được nhiều người ưa thích là Hoàng Cầm và Quang Dũng. Hữu Loan vì là, năm 2007, nên chắc chắn đã được mọi người tìm hiểu nên tôi thấy không cần phải nói thêm ở đây.
Hoàng Cầm và Quang Dũng, hai người cùng một tuổi, một người sinh ở Bắc Ninh, quê hương của dân ca miền Bắc, một người ở làng Phùng, một làng được người ta biết tới là vừa chăm chỉ làm ăn, vừa ham mê du hí, nói theo Trần Lê Văn, tác giả của một tuyển tập về Quang Dũng. Hai người cùng có trình độ học vấn cao ở thời bấy giờ và cùng dự tính vào nghề dạy học. Nhưng trong khi Hoàng Cầm ở lại với nghề trước khi tham gia kháng chiến thì Quang Dũng, mặc dầu đã ra trường sư phạm nhưng lại bỏ nghề đi đánh đàn, kéo nhị cho môt gánh hát, chỉ làm thày giáo dạy kèm để được đi đây, đi đó, kể cả lên Yên Báy làm ký ga, sau mới về Hà Nội, tham gia cách mạng rồi kháng chiến và kháng chiến thực sự trong đoàn quân Tây Tiến. 
Sự khác biệt trong đời sống của hai người đã ảnh hưởng lớn tới thi ca. Thơ của Hoàng Cầm phát xuất từ quần chúng, từ đoàn thể, lấy quần chúng, đoàn thể làm đối tượng nên có lời lẽ bình dị, dễ dàng, lôi cuốn, hấp dẫn, khi thì mạnh mẽ, khi thì sôi nổi, khi thì nỉ non, kể lể, tha thiết.., điển hình là ba bài bài Đêm Liên Hoan, Tâm Sự Đêm Giao Thừa và Bên Kia Sông Đuống. Cả ba đều là thơ ca tụng kháng chiến và cổ võ cho kháng chiến nhưng ca tụng và cổ võ với một nghệ thuật cao, một phong thái tự nhiên vững vàng, không sống sượng thô lỗ như những bài thơ tuyên truyền người ta thường thấy về sau này dưới chế độ Cộng Sản. Cả ba bài đều lấy đám đông hay người của đám đông làm khởi điểm với những bối cảnh, những tình tiết của đám đông hay những con người của đám đông, đám đông làm công việc chiến đấu để bảo vệ quê hương với những hình ảnh quen thuộc của quê hương được nêu lên trong truyện kể. 
Bài Đêm Liên Hoan theo Phạm Duy được làm để thay thế cho một vở kịch thơ mà ông Hoàng Cầm muốn dựng, hướng vào các Vệ Quốc Quân nhưng vì đội văn nghệ của ông có rất ít người nên cuối cùng ông chỉ có thể làm một bài thơ cho một hay hai người ngâm trên một sân khấu ngoài trời mà thôi. Chính vì thế ta không lấy làm lạ là khi trình bày bài thơ này người ta không thể chỉ có ngâm, chỉ có dùng lời nói để diễn tả mà thôi mà còn phải kèm theo những cử chỉ, những điệu bộ và kèm ngay khi ngâm mấy câu đầu:


Đêm liên hoan đầu người nhấp nhô như sóng biển ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ Quốc Đoàn…





Hoàng Cầm


Cũng theo Phạm Duy, Phạm Duy đã cùng Hoàng Cầm diễn ngâm rất nhiều lần trước hàng trăm, hàng ngàn Vệ Quốc Quân với những lời lẽ vô cùng tha thiết và đầy hào khí như:


Trong tiểu đội của anh
Những ai còn ai mất?
Không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi!
Người sau kẻ trước lao vào giặc
Giữ vững nghìn thu một giống nòi!
Dù ta thịt nát xương rơi
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam!


“Tâm Sự Đêm Giao Thừa” kể chuyện người lính nghèo có vợ mới sinh con. Vì nghèo và đang chiến đấu ở chiến trường nên anh lính và cũng có thể chính tác giả không có gì để gửi về cho vợ con ăn Tết . Còn nếu có thì chỉ là ráng lập công để sớm được về. Trong khi đó thì người vợ ở nhà sinh sống bằng bán hàng ở một quán nhỏ, cuối năm ế khách, thiếu ăn, không đủ sữa cho con bú. Người lính tưởng tượng ra cảnh vợ mình đang đói ăn, không có sữa cho con bú, nhưng nghe tin chồng thắng trận thì vui mừng quá, máu bỗng chảy mạnh trong huyết quản, sữa bỗng căng trên đầu vú và đứa con được bú một bữa no trong niềm vui lớn của cả dân tộc. Ta hãy đọc những đoạn chính của “Tâm Sự Đêm Giao Thừa”:

Đêm nay hết một năm
Phải gác tới giao thừa
Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa
Tôi có người vợ nghèo
Đời vất vả gieo neo
Từ khi chồng đi lính
Nhà tranh bóng hắt hiu
Lần hồi rau cháo dăm phiên chợ
Tóc rối, thân gầy, quán vắng teo.


Đêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi
Vợ đói, con cùng đói
Khóc thét lặng từng hồi
Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa
Ngực lép con nhai đã rã rời…

với bốn câu kết luận:


À ơi! Cha con ăn Tết lập công
Cho sữa mẹ chảy một giòng nghìn thu
Cha đem cái chết quân thù
Làm nên cuộc sống bây giờ của con


Trong bài “Bên Kia Sông Đuống” Hoàng Cầm dùng lối kể chuyện để giải buồn cho người yêu. Ông đã dùng tất cả những hình ảnh tươi đẹp, hiền lành của quê hương thời thanh bình trước kia và mơ ước một ngày cùng người yêu trở về.


Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Năm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

……

rồi Hoàng Cầm kể tiếp những hình ảnh hiền hòa dễ thương của cuộc sống ở quê hương ông như lúa nếp thơm nồng, tranh Đông Hồ, áo the đen, cô hàng xén răng đen, những cô nàng cắn chỉ môi trầu, những em bé xột xoạt quân nâu… mà chiến tranh đã làm tan hoang phiêu bạt, để cùng người yêu mơ ước một ngày về:


Bao giờ về bên kia Sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.



Quang Dũng


Thơ của Quang Dũng khác hẳn. Quang Dũng không làm thơ hướng vào đám đông, để tuyên truyền, để cổ võ cho kháng chiến, để thúc đẩy mọi người hy sinh cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Ông làm thơ cho ông hay chia sẻ với bạn bè của riêng ông. Ông nhìn mọi chuyện qua con mắt riêng của ông, trình bày những cảm nhận của riêng ông, của một con người vừa tài hoa, vừa phóng khoáng, độc lập, không chịu sống gò bó, mà trước kia ông đã có dịp thể hiện qua hành động không ở lại với nghề dạy học sau khi đã tốt nghiệp trường sư phạm để đi theo một gánh hát kéo đàn nhị hay lên Yên Bái làm thư ký nhà ga. Phong thái của ông đã hiện rõ nét trong thơ ông. Đi kháng chiến, theo đơn vị vượt biên giới sang Lào, trải qua nhiều gian lao, vất vả, hiểm nguy, bệnh tật, chết chóc… Nhưng qua thơ của ông tất cả đã trở thành nhẹ nhàng, rất lãng mạn, rất đẹp và rất thơ, không vướng vào những hạt sạn của tuyên truyền.
Ông viết:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Hiu hắt cồn mây súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống…

hay


Chiêu chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người…


hay:


Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.


Những hình ảnh thật hào hùng khó kiếm được ở những nhà thơ khác đương thời. Cần để ý đoàn quân không mọc tóc không phải là đoàn quân trọc đầu vì theo kỷ luật của quân đội mà là bị sốt rét nặng mà những ai đã từng sống ở miền Bắc trong thời gian tản cư về các miền quê hay miền núi đều có kinh nghiệm.


Với cái chết, Quang Dũng cũng nhìn với phong thái tương tự, một phong thái bình thản, có thể nói là hồn nhiên của trẻ thơ bởi vì đi lính là đương nhiên người ta phải chấp nhận tất cả dù là gian lao, nguy hiểm, chết chóc, dù là đi lính cho một mục tiêu vô cùng đẹp đẽ, vô cùng lý tưởng như Hoàng Cầm và các nhà thơ khác diễn tả. Nhưng Quang Dũng đã đạt tới một trình độ cao hơn. Ông cảm nhận được sự mong manh của cuộc sống ngoài chiến trận. Một phút trước người ta còn tồn tại, phút sau đã trở thành hư vô. Ông đã chấp nhận sự mong manh đó như người ta chấp nhận trò chơi hồi còn nhỏ. Chán, mệt thì không chơi nữa, không thèm chơi nữa, lúc khác sẽ chơi lại.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!


hay


Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.


hay:


Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.


Thực sự thì ở đây chết là chết không có chiếu mà chon nhưng người ta cũng có thể hiểu theo nghĩa tình cảm đối với là về với đất nước quê hương của dân tộc.

Những câu thơ kể trên được trích từ bài Tây Tiến của Quang Dũng. Nhưng đó không phải là những câu hay nhất vì trong bài này câu nào cũng hay, cũng xúc tích, cũng gợi nên những cảm xúc sâu xa ở người đọc. Xen vào những câu này, là những câu dầy tình cảm, mang nặng bản chất hào hoa, tiểu tư sản thành thị ở con người tác giả. Đêm trằn trọc không ngủ được trên đường hành quân, Quang Dũng viết:


Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiêu thơm.


hay ở một bài thơ khác, bài Đôi Bờ:


Khói thuốc khơi dòng thương nhớ xưa
Đêm đêm Sông Đáy lạnh đôi bờ.
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ.


hay trong Đôi mắt Người Sơn Tây:


Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương.
Ngay cả đối với những sinh hoạt mà các văn nghệ sĩ đương thời thường gặp hay tham gia trong những năm này ở vùng kháng chiến như các đêm liên hoan chẳng hạn, khác với Hoàng Cầm, Quang Dũng cũng tham dự nhưng tham dự như là một khách phong lưu, tài tử. Ông không gọi là liên hoan, tiếng thời thượng, ai cũng dùng. Ông dùng hai hai chữ đuốc hoa và kèm theo hai chữ xiêm áo của văn chương lãng mạn cổ điển:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.


và còn nhiều nữa nhưng bài đã quá dài, viết thêm nữa e làm loãng những gì người viết muốn viết hay muốn nói. Xin để cho người đọc suy nghĩ, tìm tòi tiếp.


Kết luận:


Khi tham gia đoàn quân Tây Tiến vào năm 1947, một đoàn quân được nói để bảo vệ miền Thượng Lào và biên giới Việt Lào nhưng rất có thể chỉ là để thanh toán những thành phần tiểu tư sản trí thức còn lại của Trung Đoàn Thủ Đô và của Tự Vệ Thành Hà Nội sau khi họ đã làm tròn nhiệm vụ vì ai cũng biết chiến đấu ở các miền rừng núi đoàn quân này không thể nào so sánh được với quân đội chính qui của Võ Nguyên Giáp mà để lại ở miền đồng bằng thì nguy hiểm, Quang Dũng làm đại đội trưởng. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã không lên cao hơn được nữa, có thể là vì gốc gác của ông cũng như bản chất con người nghệ sĩ phóng khoáng của ông. Sau này khi về Hà Nội, ông đã được thấy những cảnh bi thảm của vợ con những tử sĩ của thời chiến và đã ghi lại trong bài “Đường Chiều Thứ Bảy” với những câu như sau:


Tôi đã gặp
Nhiều người vợ trẻ
Đàn ông đã ngã trên chiến trường
Vất vả nuôi con những ngày kháng chiến
Xót xa thương khóc bao ngày
Chiều thứ bảy hôm nay
Họ đi bên người chồng mới lấy
Và những đứa con
Bước còn bỡ ngỡ
Bên người cha mới hôm qua.
Ai biết được bây giờ
Tâm sự của những người
Ngậm ngùi cất kỹ ảnh chồng
Vào đáy hộp nữ trang
Bến nước đi thêm một bước nữa.


Bài thơ tả chân nhưng cũng có thể mang tính chất biểu tượng. Nó nói lên sự thê thảm, thật là thê thảm của những người được gọi là thắng trận, thê thảm như chính cuộc đời của tác giả, của Hữu Loan, của Nguyễn Hữu Đang và của nhiều người khác… , những người nửa đường đứt gánh, những người sáng tạo nhưng không được sáng tạo. Có điều vì những ngày theo kháng chiến của họ đẹp quá, nên thơ họ luôn luôn tiếc nuối, bỏ không được, giữ không xong. Họ không có được sự nhạy cảm, dứt khoát, nhanh và gọn gàng của Phạm Duy sau khi người nhạc sĩ này được gọi về trung ương tham dự Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân, người viết xin nhấn mạnh hai chữ sau, hai chữ nhân dân, lần thứ hai vào mùa hè năm 1950 như Phạm Duy đã nhận định và đã làm. Âu cũng là một sự bất hạnh cho nền văn học Việt Nam hậu bán thế kỷ hai mươi.

Phạm Cao Dương

Tháng 10 năm 2007

Hiệu chính 30 Tháng 10, năm 2012

Ghi chú: Đây là bài phát biểu tác giả đọc trong buổi sinh hoạt ghi dấu Nguyệt San Khởi Hành sang năm Thứ Mười Hai và giải Văn Chương của báo này trao cho nhà thơ Hữu Loan được công bố.


unday, October 30, 2016


GS. PHẠM ĐỨC LIÊN * TRẦN HƯNG ĐẠO

"Hưng Đạo Đại Vương" Trần Quốc Tuấn đại thắng quân Mông Cổ
Phạm Đức Liên, EdD



A. Dẫn nhập:
    * Thành Cát Tư Hãn (Chinghis Khan, 1162-1227) là người sáng lập đế quốc Mông Cổ (Mongol Empire). Cháu nội ông là Hốt Tất Liệt (Kublai Khan, 1215-1294, trị vì 1260-1294), năm 1266 tôn vinh ông là Nguyên Thái Tổ của triều đại nhà Nguyên (Yuan Dynasty, 1271-1368). Hốt Tất Liệt là một đại danh tướng: oai phong lẫm liệt (the great military feat in the world history).
    * Kỵ binh Mông Cổ - đánh Tây (Tây Hạ, 1227), dẹp Bắc (nước Kim 1234)... Vó ngựa của họ gây khiếp sợ khắp Trung Á và Đông Âu - và chuẩn bị tiến chiếm nhiều quốc gia ở Miền Nam: xâm lược Đại Lý (Vân Nam, 1254) - Đại Việt , 1258... Thế nhưng...

B. Nhà Trần (1225-1400): 3 lần chiến thắng quân Mông Cổ:

    I. Đại Việt đại thắng quân Nguyên lần I (1258):
        1. Tháng 1 năm 1258, với 45,000 quân, và kế hoạch tiến nhanh/đánh nhanh trong 2 tuần lễ, tướng Ngột Lương Hợp Thai (Vriyangqatai, 1200-1271) - tiến quân vào Đại Việt (lãnh thổ nước ta lúc đó chỉ là châu thổ Sông Hồng) theo hướng sông Chảy và chiếm được thành Thăng Long!. Xin nhắc lại: quân mông Cổ rất giỏi về kỵ bịnh (ngựa).
        2. Vua Trần Thái Tông (1218-1277, trị vì 1225-1258) đích thân chỉ huy cuộc tổng phản công - cùng các tướng Trần Quốc Tuấn, Trần Thủ Độ... và 100,000 quân (bộ binh, kỵ bịnh, tượng binh và thủy binh). Đại Việt toàn thắng quân Mông Cổ ở Đông Bộ Đầu và truy kích địch quân trên đường tháo chạy về Vân Nam (sông Thao).
        3. Trong lúc phản công, có lúc vua Trần xuống tinh thần!, Trần Thủ Độ tâu:
        "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo...".
        4. Chiến tranh "Nguyên - Việt" lần thứ nhất kéo dài gần một tháng. Đồng bào thiểu số (minorities): người Dao (Yao), Miêu (H'Mong) ... đóng góp rất nhiều trong cuộc chống quân xâm lược Bắc Phương.



    II. Đại Việt thắng quân Nguyên lần II (1285) và Trần Hưng Đạo:
        1. Năm 1283, quân Nguyên do tướng Toa Đô (Sogetu) đánh chiếm Chiêm Thành (Champa). Vua Trần Nhân Tông (1258-1308, trị vì 1278-1293) cho chiến thuyền qua giúp vua Chiêm. Tháng 1 năm 1285, chủ tướng Thoát Hoan (Toghan) bằng đường bộ tiến vào Đại Việt: uy hiếp Thăng Long (theo ngả sông Chảy) và Vạn Kiếp (ngả Lạng Sơn). Đồng thời Thoát Hoan ra lệnh cho Toa Đô, Ô Mã Nhi (Omar) từ Chiêm Thành mà đánh ra Bắc tạo thế gọng kìm hòng tiêu diệt Đại Việt. Tổng số quân Nguyên trong trận nầy (1285) là khoảng 500,000 binh lính.
        2. Tháng 2 năm 1285, vua Trần triệu tập Hội Nghị Diên Hồng và toàn dân quyết chiến. Vua Trân giao cho Trân Hưng Đạo (1228-1300) chỉ huy lực lượng Đại Việt (cuộc chiến diễn ra cả Bắc Việt và Bắc Trung Phần). Trần Quốc Tuấn thừa lịnh vua - viết Hịch Tướng Sĩ: "...điều quan trọng là chiến thắng sau cùng!". Khí thế dân quân cao vời vợi, binh sĩ tự nguyện xâm vào tay hai chữ Sát Thát (Sát = giết, Thát = Thát Đát = Mông Cổ). Các danh tướng của ta là Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái... Trần Hưng Đạo cho quân phục kích những nơi hiểm yếu (đóng chốt): Lạng sơn, Bắc Giang (Tổng Hành Dinh quân Đại Việt)... tiến hành du kích chiến trong giai đoạn đầu.
        3. Vẫn nguyên tắc: tiến nhanh (quân mã Mông Cổ) đánh nhanh và thắng nhanh - Quân Mông Cổ tiến nhanh như vũ bảo. Trần Hưng Đạo ra lịnh rút lui để bảo toàn chủ lực và tiêu thổ kháng chiến (vườn không nhà trống !). Đại Việt lui quân về Vạn Kiếp cả ngàn chiến thuyền - để rồi Vạn Kiếp cũng phải di tản chiến thuật. Thoát Hoan vào Thăn Long ăn mừng chiến thắng - rồi ra đóng trại ở bờ bắc sông Hồng. Trần Bình Trọng bị giắt bắt và giết sau đó!. Vua Trần rút về Thiên Trường (Nam Định), Trường Yên (Ninh Bình) - lại bị Toa Đô tiến quân ra Quảng Bình, Nghệ An rồi Thanh Hóa. Trần Hưng Đạo lui về Nam Ninh cứu vua!. Đại Việt và quân Nguyên đánh nhau đã 5 tháng, tinh thần địch quân bắt đầu có phần suy yếu và nhất là thiếu lương thực...
        4. Tháng 6, 1285, Trần Quốc Tuấn ra lịnh tổng phản công, quyết tâm trở lại Vạn Kiếp rồi dọc theo sông Hồng mà trở lại Thăng Long. Toa Đô bị quân Đại Việt chém chết, thủ cấp được trình lên vua Trần!. Rồi Đại Việt truy kích quân Nguyên trên bờ Bắc sông Hồng. Ở đây, Trần Quốc Toản đền nợ nước nhưng Thoát Hoan phải chui ống đồng để trốn thoát!. 500,000 quân Mông Cổ đầu tháng 1 năm 1285 chỉ còn lại 50,000 sau cuộc chiến lần hai! (thủy binh hầu như bị quân Trần tiêu diệt toàn bộ. Ô Mã Nhi thoát chết).



    III. Đại Việt toàn thắng quân Nguyên lần III (1288) và "Hưng Đạo Đại Vương" Trần Quốc Tuấn:
        1. Cho dù là một đạo quân "bách chiến bách thắng" thế nhưng lần xâm lăng Đại Việt (1285) 10 phần chết 9 còn 1 (chỉ còn 50,000 trong số 500,000 quân xâm lăng!) Hốt Tất Liệt vẫn không từ bỏ mộng tái chiếm nước ta. Với 100,000 quân tinh nhuệ, tướng lãnh chỉ huy sắc bén (sharp) và 500 chiến thuyền và 100 tàu vận tải lương thực do Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ cầm đầu. Thoát Hoan lại tiến chiếm Đại Việt: Chủ yếu là Vạn Kiếp, Thăng Long (trên toàn lãnh thổ Bắc Việt).
            *Kỵ, tượng, bộ binh tiến vào châu thổ sông Hồng bằng 2 ngả: từ Vân Nam dọc theo sông Thao để dứt điểm Thăng Long và từ Quảng Tây dọc theo sông Lục Nam mà chiếm Vạn Kiếp để rồi tây tiến, vào Thăng Long. Quân Thoát Hoan vượt biên giới chiếm Lạng Sơn ngày 25 tháng 12 năm 1287, vào Vạn Kiếp đầu tháng 1/1288.
            * Từ Quảng Đông, chiến thuyền của Ô Mã Nhi ra khơi theo bờ biển Móng Cái mà vào Bạch Đằng Giang rồi sẽ tiến lên Vạn Kiếp, Phả Lại!. Đầu tháng 2, 1288, quân Nguyên đánh Thăng Long, không vào được.
        2. Trần Nhân Tông là 1 trong những ông vua anh minh nhất của dân tộc là Tổng Tư Lịnh tối cao. Hưng Đạo Đại Vương làm Tổng Chỉ Huy quân đội (commander - in-chief) cùng 300,000 quân chung một lời thề xưa của danh tướng Trần Thủ Độ.
            * Trước tiếng vó ngựa nổi tiến vô địch của quân Mông Cổ - Hưng Đạo Đại Vương sai các tướng đóng chốt: bắc (Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái ở Lạng Sơn...), nam: (Lê phụ Trần tại Thanh, Nghệ Tĩnh...) e rằng quân Nguyên đánh gọng kìm như năm 1285. Tổng hành dinh của ngài đóng ở Quảng Yên. Những ngày đầu cuộc chiến, như nước vỡ bờ, hầu hết các chốt bị quân địch tràn ngập. Hưng Đạo Đại Vương phải rút về Đồ Sơn (Hải Phòng). Lúc Thoát Hoan bao vây kinh thành, hoàng đế Trần Nhân Tông dùng hải quân đi vào Thanh Hóa. Tình hình nguy ngập và Hưng Đạo Đại Vương sai sứ giả qua xin giảng hòa cùng Thoát Hoan! Worried to Death!..
            * Thế rồi khí thiêng sông núi, hồn thiêng dân tộc (cụ thể là Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản... ) đã phù hộ Đại Việt: đoàn tàu vận tải lương thực của địch bị danh tướng Trần Khánh Dư đánh tan ở Vân Đồn... Cũng là lúc Đại Việt tổng công kích trên khắp chiến trường. Thoát Hoan bỏ Thăng Long về Vạn Kiếp để rồi cuối tháng 3 năm 1288 bại tướng Thoát Hoan ra lịnh rút quân bằng đường bộ (Lạng Sơn) và thủy binh do Ô Mã Nhi (sông Bạch Đằng). Xin lưu ý: địch bao vây Thăng Long nhưng không vào được.
            * Đầu tháng 4 năm 1288, Trần Nhân Tông và  Hưng Đạo Đại Vương trực tiếp đánh tàn quân Ô Mã Nhi ở Bạch Đằng Giang bằng những cọc nhọn và chờ nước thủy triều rút xuống (ông đã thực hiện đúng bài bản của Ngô Quyền năm 938): 400 chiến thuyền của quân Nguyên bị tan nát! Bộ binh địch bị truy kích ráo riết và trung tuần tháng 4, 1288 mới rút được về nước (Vân Nam). Đại Việt toàn thắng quân Mông Cổ.
        3. Đoàn tàu chở lương thực của quân Nguyên bị tiêu diệt ở Vân Đồn là một khúc rẽ của lịch sử Đại Việt (turning point of Tran Dynasty). Không có thực phẩm thì làm sao mà Thoát Hoan điều binh khiển tướng!. Hốt Tất Liệt băng hà năm 1294 là khúc rẽ thứ hai.
        4. Chiến tranh "Đại Nguyên - Đại Việt" lần thứ 3 kéo dài trên ba tháng (cuối tháng 12,1287-đầu tháng 4,1288). Thủy binh địch hoàn toàn tan rã (400/500). Kỵ binh địch mười phần chết sáu còn bốn (chỉ còn 40,000 trong số 100,000 quân). Thắng thì thắng, thế nhưng vì là nước nhỏ nên hoàng đế Trần Nhân Tông : viết thơ cầu hòa và tặng phẩm đến Hốt Tất Liệt. Âu cũng là nhân tình thế thái: La raison du plus fort est toujours la meilleure!.



C. Lời kết:

    * Tiếng vó ngựa của đoàn quân viễn chinh Mông Cổ (trong đó có nhiều binh sĩ gốc Hán/Trung Quốc - bằng chứng là tướng Phàn Tiếp...) vang dội cả một bầu trời rộng lớn Á Âu (đến tận Ba Lan, Hung Gia Lợi...) gần suốt 2 thế kỷ 13, 14. Ấy thế mà - tiếng ngựa hí của đoàn kỵ binh đó - đã không thể vang lên ở bầu trời Rồng Tiên (children of the Dragon and Fairies )!
    * Vì sức mạnh của Hội Nghị Diên Hồng (tháng 2/1285) do vua Trần Nhân Tông triệu tập: "Quyết Chiến để Quyết Thắng". Dân quân Đại Việt đã thắng!.
    * Ý dân là ý trời: 95 triệu dân Việt Nam Lục Địa đang thèm khát bốn chữ "Dân Quyền, Chủ Quyền". Chúng tôi xin muơn bài thơ Rừng Bạc Biển vàng của "Lão Hạc Mây Tần" thay cho phần kết. Đa tạ.

Rừng Bạc Biển Vàng

Lão hạc Mây Tần

 1. Tôi yêu nước Việt lạ lùng,
Yêu từng ngọn núi - đến vùng biển Đông
2. Yêu qua châu thổ sông Hồng,
Là nơi ấp ủ - con Rồng cháu Tiên
3. Yêu vạn nẻo - yêu triền miên,
Trường Sơn lừng lững - rồi xuyên sơn hà
4. Ngọt thơm dòng nước La Ngà,
Cửu Long hồng thắm - núi Bà Tây Ninh
5. Bao cô thôn nữ duyên xinh,
Sông Hương núi Ngự - lung linh cho đời
6. Xiết tay - gìn giữ biển khơi,
Đánh quân xâm lược - tời bời - tim gan
7. Vững tâm - bảo vệ gian san,
Bao nhiêu tấc đất - tấc vàng ngàn sau.
8 Quyết tâm - bám trụ biển sâu,
Bao nhiêu thước biển - tấn dầu Lạc Long

Silvery forests, golden sea

1. We love Vietnam tremendously,
Love every each mountain - through Eastern Sea.
2. This beautiful strip of land, Red river delta - We love them all,
Cradle we swing - Dragons, Fairies we decend upon.
3. Loving with all our hearts - endearing non-stop,
Truong Son range - gigantically rising above, branching every passes.
4. Sweet - favored water from La Nga - the sparking stream,
Mekong river - the black virgin mount Tay Ninh.
5 From distant villages - Thousands of pretty young girls,
Perfume river, Ngu Binh mountain - enhance our good life.
6. Joining hands - We take care our fort,
We fight the aggressors and bleed their hearts.
7. Bravely, triumphantly - we protect our country,
Numerous feets of land turn to gold pieces - for the upcoming thousand years.
8. Full of efforts - under our deep sea,
Unmeasureable volumes of water - Lac Long millions barrels of oils !



Chicago, Dec 29/2015
(snow turned to sleet!)
Phạm Đức Liên, EdD
Nguyên Giáo Sư Sử Địa các trường trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương, Nguyễn Trải Sài Gòn và các trường tư.

PHAN HẠNH * VIỆT CỘNG KHỦNG BỐ

Ai khủng bố ở Việt Nam

Tíh

Phan Hạnh

 
Khủng bố là một từ ngữ mà con người định nghĩa mỗi người một cách tùy theo họ ở phe nào. Sau biến cố 9-11, đối với hầu hết thế giới, khủng bố gắn liền với những người hồi giáo cực đoan,  đầu sỏ là Osama bin Laden, trùm khủng bố.
Thật ra theo từ điển Oxford, từ ngữ khủng bố chủ nghĩa đã được đặt ra từ năm 1798 ở Pháp để mô tả hệ thống đàn áp của chính phủ đối với dân chúng trong thời kỳ được mệnh danh là Sự Thống Trị của Khủng Bố trên đất Pháp (tiếng Pháp: la Terreur). Thời kỳ thống trị đó kéo dài từ 27 tháng 6 năm 1793 đến 27 tháng 7 năm 1794 là một thời kỳ bạo lực xảy ra trong một năm và một tháng sau khi sự khởi đầu của cuộc Cách mạng Pháp, kích động bởi cuộc xung đột giữa đối thủ chính trị phe phái, những người Girondins và Jacobins, và đánh dấu bằng hành quyết hàng loạt các “kẻ thù của cách mạng.”
Con số ước tính rất khác nhau về số người đã thiệt mạng, với số lượng khác nhau, từ 16.000 đến 40.000 người, trong nhiều trường hợp, hồ sơ không được lưu giữ hoặc, nếu có thì hồ sơ này bị coi là có khả năng không chính xác. Các máy chém đã trở thành biểu tượng của một chuỗi các vụ hành quyết: Louis XVI, Marie Antoinette, những Girondins, Philippe Égalité (Louis Philippe II, Công tước của Orléans) và Madame Roland, cũng như nhiều người khác, chẳng hạn như nhà hoá học tiên phong Antoine Lavoisier, tất cả  đều bị mất mạng dưới lưỡi dao máy chém.
Qua hàng bao thế kỷ, từ ngữ quân khủng bố đã được dùng để chỉ những người vũ trang tranh đấu cho niềm tin tôn giáo, chính trị , những người được gọi là chiến đấu cho tự do, giải phóng quân, những người nổi dậy, những người đối kháng chống lại sự áp bức của nhà cầm quyền. Nhưng cộng đồng quốc tế chưa có một định nghĩa luật định minh bạch nào cho từ ngữ quân khủng bố.
Nhưng đừng tưởng dân chúng dùng phương cách bạo động chống nhà nước mới gọi là khủng bố. Nhà nước đàn áp dân cũng bị coi là khủng bố như thường. Bị coi là một chính quyền khủng bố khi chính quyền đó thống trị đất nước dựa trên sự gieo rắc sợ hãi và kinh khiếp trong xã hội. Tính đặc trưng của nó là một chính sách đàn áp hình sự có hệ thống và quy mô lớn, thực hiện bởi các cơ quan công an mật vụ nhà nước.
 
Việt Nam ngày nay xứng hợp với định nghĩa này. Nhà cầm quyền CSVN có dùng hành động bạo lực đối với dân chúng hay không? Tuy Việt Nam ngày nay không do một bạo chúa cai trị nhưng do đảng cộng sản thì cũng vậy thôi. Người dân có thể  vô cớ bị công an hăm dọa, hành hung, đánh đập, ép buộc nhận tội, tra tấn hay giết chết.
Thứ bảy, ngày 28 tháng tư năm 2012, người viết nhật ký mở lớn tuổi nhất trong nước là nhạc sĩ Tô Hải qua bài “Lực bất tòng tâm mất rồi các bạn của tôi ơi!” phải kêu lên: “Khủng bố! Khủng bố tinh thần, khủng bố bằng võ lực! Khủng bố các kiểu, cà-rốt –cây gậy chán rồi chăng nên lần này sau khi dán băng keo các cái miệng lắm điều về vụ Tiên Lãng thì nay đến vụ Xuân Quan -Văn Giang “lực lượng thù địch” đã công khai trải cả ngàn quân đủ loại để tấn công nhân dân ủi đất, cướp ruộng đồng của dân để biến một vùng trồng cây cảnh nổi tiếng trở thành cái tên Ê-Cô-Pắc đậm đà bản sắc… ngoại lai, sửa soạn chỗ ăn chơi cho mấy người dân không phải là người Việt!?”
Đảng CSVN và nhà cầm quyền Hà Nội chủ trương và đỡ đầu chủ nghĩa khủng bố để tiêu diệt các đảng phái không cùng đường lối như Đại Việt và VNQDĐ, đàn áp mọi đối kháng từ dân chúng ngay kể từ khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập ngày 02/09/1945. Trong bí mật, Hồ Chí Minh cho thi hành một chính sách khủng bố bằng bạo lực một cách dã man, áp dụng đúng theo sách lược của Lênin trong thời cách mạng vô sản ở Nga. Chính sách đó là “bắt cóc, ám sát, thủ tiêu, mổ bụng, cắt tiết, buộc đá thả trôi sông, xảy ra như cơm bữa từ thành thị đến thôn quê”. Các ban ám sát Việt Minh đêm ngày lùng sục bắt bớ thủ tiêu những cán bộ các đảng phái yêu nước theo chủ nghĩa Dân tộc, những người có chút tiếng tăm hay gia sản, chụp cho họ cái mủ “Việt Gian” để biện minh cho những vụ thảm sát vô nhân đạo ấy. CSVN không bao giờ ngưng chính sách khủng bố ấy trong suốt 70 năm qua. Hồ Chí Minh cũng chính là một trùm khủng bố chẳng khác gì Osama bin Laden.
Trong những năm tháng trong cuộc chiến kháng Pháp, các cuộc thanh trừng, khủng bố diễn ra từ Nam chí Bắc, không những chỉ đối với các phe phái đối lập, mà còn xảy ra đối với chính các đồng chí trong cùng nội bộ. Dưới thời VNCH, hoạt động khủng bố của VC càng tinh vi và tàn bạo hơn. Thế cho nên một cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, ông Bill Laurie khi đem so sánh thời gian và tính chất giết người của khủng bố VC với bọn khủng bố Al-Qaeda, đã thốt lên rằng “Việt Cộng chính là sư tổ của bọn khủng bố” (mother of all terrorists).
Sư tổ khủng bố Việt Cộng Hồ Chí Minh học từ sư tổ khủng bố Nga Cộng Lenin, chủ trương là phải tra tấn, phải giết thật man rợ để những người ở cách đó cả trăm dặm cũng phải run sợ. Hồ Chí Minh, đảng viên đệ tam quốc tế cộng sản, đã học cái tàn bạo dã man của Nga, cái thâm hiểm và độc ác của Tàu để đem về áp đặt trên đầu dân tộc Việt Nam. Chính vì cái xấu (CSBV man rợ) chiếm đoạt và thay thế cho cái tốt (VNCH tự do dân chủ) đã làm cho hàng triệu người uất ức. Sau ngày 30-4-1975, khi Dương Thu Hương theo đoàn quân CSBV vào chiếm Saigon, bà đã khóc. Vì sao? Bà kể: “Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ… nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Ðó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Ðó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.”
Việt Nam ngày nay nằm trong danh sách những nước được gọi là quốc gia công an trị hay cảnh sát trị. Theo Bách Khoa Từ Điển Mở Wikipedia, thuật từ “police state” trong Anh ngữ  được dùng để chỉ một quốc gia mà chính phủ của nó thực hiện các biện pháp kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân. Nhà nước cảnh sát thường thường bộc lộ các yếu tố của chủ nghĩa toàn trị và kiểm soát xã hội. Thông thường, có ít hoặc không có khác biệt giữa luật pháp và việc thực thi quyền lực chính trị của người cầm quyền trong một nhà nước cảnh sát. Các nuớc cộng sản, độc tài toàn trị, phát xít, thường dùng đến một lực lượng cảnh sát công an mật vụ lớn lao hoạt động vượt qua phạm vi hiến định để kềm chế, đàn áp, ngăn chận các quyền tự do báo chí, phát biểu hay truyền đạt quan điểm chính trị cũng như những quan điểm khác như tôn giáo, niềm tin và khác biệt chủng tộc.
Qua định nghĩa trên, rõ ràng Việt Nam ngày nay là một nước công an trị khủng bố người dân. Nghĩ cũng buồn cười khi nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội ngày nay bảo rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn không có nạn khủng bố. Càng buồn cười hơn khi họ bảo “Nếu có khủng bố thì đó chính là những người Việt lưu vong.”  Nếu sách Kỷ Lục Thế Giới Guinness có đề mục kỷ lục nói láo và nói ngược, chắc chắn CSVN sẽ đứng đầu. Các sư tổ khủng bố VC hồi trước 1975 bây giờ đã tóm hết giang sơn vào một mối rồi và đang trị vì thiên hạ bằng hệ thống công an khổng lồ “hoành tráng” chuyên bóp cổ đá đít dân thì làm sao dân có thể khủng bố được chứ. Mới sáng hai bản nhạc yêu nước để hát mà nhạc sĩ Việt Khang bị ghép tội là “phản động chống phá nhà nước” và bị tống vô nhà giam Phan Đăng Lưu thì thử hỏi ai là khủng bố đây hở bà “người phát ngôn” Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga?
Công an CSVN nhiều khi còn giả dạng côn đồ hoặc đóng kịch làm thường dân bất bình để khủng bố nạn nhân bị nhắm mục tiêu như trường hợp đã xảy ra với cụ bà Lê Hiền Đức (sinh năm 1932), một giáo viên về hưu và là người tích cực đấu tranh bênh vực dân oan và chống tham nhũng, là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 (2007 Integrity Awards) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International). Bà Đức cho biết trong tháng Ba 2012, bà bị công an khủng bố bằng cách gọi điện thoại nặc danh rồi dùng lời lẽ thô tục chửi mắng và hăm dọa đến tính mạng của bà.
Sau vụ cưỡng chế đất ở diện rộng tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm thứ Ba ngày 24/4 khiến hàng chục nông dân bị bắt giữ, ngày hôm sau Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012, trang mạng Đài BBC Luân Đôn đăng bài viết tựa đề Dùng vũ lực mạnh với dân Văn Giang tường thuật:
Chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã huy động lực lượng hùng hậu gồm hàng ngàn cảnh sát cưỡng chế các nông dân kiên quyết bám trụ không giao đất để xây dựng khu đô thị thương mại-du lịch Ecopark. Một số hình ảnh video được đưa lên mạng sau đó cho thấy đã có hành động bạo lực mạnh tay của lực lượng cưỡng chế đối với những người nông dân phản kháng. Trong một video gần 10 cảnh sát và những người mặc thường phục đeo băng đỏ đã xông vào dùng dùi cui và tay chân đánh hội đồng một nông dân không vũ khí. Sau đó có nhiều tiếng ổn ào và có tiếng nổ.”
 
Một đám công an mặc sắc phục lẫn thường phục đang đánh một người dân ở Văn Giang ngày 24-4-2012.
      
   Một đám công an khác đang nắm đầu đánh một phụ nữ ở Văn Giang ngày 24-4-2012.
Cụ bà Lê Hiền Đức có mặt và chứng kiến cuộc đàn áp kể lại: Tôi nhìn thấy cảnh sát cơ động chi chít. Cảnh sát địa phương áo xanh lá mạ cũng đầy ra.Tôi đứng đấy, tôi gặp tất cả bà con. Bà con đang khóc ầm ĩ kêu gào. Nghe những tiếng khóc của các cụ già tám, chín mươi tuổi, thương lắm. Chỉ có súc vật mới không động lòng thôi. Tôi cảm tưởng như đang trong trận chiến đấu ác liệt cách đây nửa thế kỷ mà tôi đã từng phải chiến đấu …lửa cháy ngút trời. Các lực lượng đã dùng súng hơi cay đánh đập dân rất dã man. Đây rõ ràng là lực lượng ấy đang cưỡng chế dân. Tôi ngồi tôi khóc. Tôi ức quá mà tôi khóc vì tại sao tôi không bênh vực được những con người như thế. Tôi gọi đó (thanh niên bị đánh) là những thanh niên dũng cảm, dám đối mặt với lực lượng công an. Họ đàn áp vô cùng tệ hại. Bắn súng, đánh đập một cách rất dã man.”
Bà Đức kể tiếp:Tôi nhục nhã đến mức là, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đã từng hy sinh tuổi thanh xuân của tôi, tôi đã chiến đấu đủ mọi hình thức, mọi ngả đường nhưng bây giờ hoà bình rồi, mà tôi phải cải trang. Hôm qua, tôi phải mượn cái nón rách, cáo áo nâu, quần sắn móng lợn để trà trộn vào với nhân dân. Nếu không nó nhìn thấy mình, nó thay đổi thái độ ngay. Có như thế thì mới chứng kiến được hành động của họ đối với những người dân lành. Có những người ngày hôm qua là trắng tay rồi, không còn gì cả, thì cuộc sống ngày mai đây họ sẽ ra sao? Đây là dấu hỏi rất to, tôi mong công luận sẽ đánh dấu hỏi cho những người dân Văn Giang hôm qua.”
Luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân nói ông tin rằng chính quyền địa phương đã có ‘vi phạm nghiêm trọng’ khi ‘sử dụng vũ lực trái pháp luật’ trong hành động đàn áp dân để cưỡng chế đất đai này. Qua các hình ảnh video mà ông xem được, ông Quân cho biết lực lượng công cả mặc đồng phục lẫn không mặc đồng phục và đeo băng đỏ ‘cùng nhau vây dân lại bắt dân và đánh dân’.
Luật sư Quân nói Họ đánh rất nặng và dã man. Điều này hoàn toàn sai pháp luật vì pháp luật quy định quyền tự do thân thể rất rõ. Nếu tôi gặp một kẻ cắp thì việc ăn cắp có thể bắt giữ hoặc tri hô nhưng nếu đánh người ăn cắp đó thì tôi cũng phạm tội.” Ông nói những nông dân bị đánh đập hoàn toàn có thể kiện lực lượng cưỡng chế về tội ‘cố ý gây thương tích’.
Ông cũng không cho rằng người dân Văn Giang phản kháng chống đối người thi hành công vụ vì theo như ông thấy qua hình ảnh được quay lại thì có đến hàng chục cảnh sát mặc quân phục lẫn không mặc quân phục vây vào đánh chỉ một người.Nói họ (nông dân Văn Giang) chống (người thi hành công vụ) là hoàn toàn sai vì họ chỉ có một (đối đầu với công an) và họ rất hiền lành.” Ông cho biết pháp luật không quy định số lượng người tham gia cưỡng chế nhưng trong vụ việc ở Văn Giang thì chính quyền ‘đã huy động lực lượng quá sức’.
Dẫn chứng trên cho thấy ngày nay cũng như trong thời chiến trước năm 1975 ở miền Nam, kẻ khủng bố chính là Việt Cộng chứ không ai khác.
Bài viết với tựa đề “Mỹ nghi từng thấy khủng bố ở VN” đăng trên trang nhà BBC Việt ngữ ngày thứ Sáu, 9 tháng Chín, 2011 có đoạn viết: Trước nỗi quan tâm của Hoa Kỳ về sự hoạt động lén lút của các tiểu tổ khủng bố Hồi giáo, Hà Nội trấn an rằng hiểm họa “khủng bố Hồi giáo” ở Việt Nam rất thấp và hầu như không có, nhưng nguy cơ lớn là từ các tổ chức người Việt lưu vong.”
Tại buổi họp báo hôm 3/05 khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước cái chết của Bin Laden, bà Nga đã trả lời một cách chung chung: Việt Nam phản đối chủ nghĩa khủng bố và lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức. Những kẻ khủng bố phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình và cần phải bị nghiêm trị”.
Một mặt phản đối và lên án nạn khủng bố, một mặt nhà cầm quyền Hà Nội do đảng cộng sản lãnh đạo luôn triệt để áp dụng những biện pháp khủng bố như đàn áp, gán tội, đánh đập, bắt bớ, giam cầm nhằm tạo nên sự kinh hoàng sợ hãi trong dân chúng và triệt tiêu mọi đối kháng. Ở Việt Nam ngày nay, nói đến công an Việt Cộng là người dân đen ghê sợ những đòn phép khủng bố của họ.
Trong một cuộc gặp với quan chức của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Frank Jannuzi, ông Trần Kim Tuyến, Phó Cục trưởng Cục chống khủng bố thuộc Tổng cục An ninh Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam chưa phát hiện các tổ chức khủng bố ở trong nước và chưa bị tấn công khủng bố. Ông ta nhấn mạnh: Khủng bố ở đây là người Việt lưu vong. Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Tự do là hai tổ chức đã gửi tiền, người và vũ khí vào Việt Nam với mục tiêu gây bất ổn và lật đổ chế độ.”
Ông Tuyến nói Các tổ chức này đã ủng hộ hay tiến hành các cuộc tấn công ở bên trong Việt Nam và đối với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể là ở Manila và Bangkok.” Ông cũng cho biết “hàng chục” thành viên của các tổ chức này đã bị bắt với thuốc nổ và “các thiết bị khủng bố khác”. Ông nói các nhóm “khủng bố” này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Việt Nam và ông “không hiểu tại sao họ lại được phép hoạt động ở Hoa Kỳ trong bối cảnh hiện nay.”
À thì ra ông ta mắng vốn Hoa Kỳ với ngầm ý bảo rằng Những người khủng bố là công dân của Hoa Kỳ xuất phát từ Hoa Kỳ, tại sao Hoa Kỳ lại làm ngơ cho họ vào Việt Nam vậy, phải đàn áp họ đi chứ, có cần chỉ dẫn cách thức đàn áp không thì chúng tôi cố vấn cho. Đàn áp là món nghề của chúng tôi mà.”
Đảng cộng sản Việt Nam vốn thoát thai từ một tổ chức khủng bố với nửa thể kỷ kinh nghiệm. Chính họ là loại khủng bố tàn độc nhất. Trước biến cố 30 tháng Tư 1975, họ đã tổ chức không biết bao nhiêu vụ khủng bố ở Miền Nam Việt Nam nhắm vào tất cả mọi mục tiêu quân cũng như dân, đồng bào hay người ngoại quốc. 
Sau khi đã chiếm được Miền Nam, họ càng khủng bố mãnh liệt hơn để đàn áp mọi nhen nhúm đối kháng. Họ đàn áp đến mức độ ít còn ai dám hó hé gì nữa để được sống yên thân. Lực lượng an ninh Việt Cộng gồm cảnh sát công an và tai mắt đông như ruồi theo dõi nhất cử nhất động của người dân khắp nẻo đường đất nước. Có một câu chuyện vui cười như thế này cho thấy lý do tại sao nạn khủng bố khó xảy ra trong nước dưới sự cai trị của Việt Cộng: 
Một điệp viên của một tổ chức chống Cộng ở hải ngoại bí mật về Việt Nam để đặt bom khủng bố. Đến thời hạn điệp viên trở về, thủ lãnh tổ chức hỏi:
– Công tác thi hành thế nào? Có thành công không? Sao tôi chẳng nghe tin tức trong nước nói có vụ nổ bom nào xảy ra cả. 
– Báo cáo với thẩm quyền là tôi có làm đúng theo kế hoạch đặt bom. Chẳng may lực lượng công an mặc thường phục giả trang người đi thu nhặt ve chai hè phố đông quá. Tôi vừa đặt bom xong là cả bọn nhào đến, đứa tháo lấy giây điện, đứa lấy đinh sắt, đứa lấy chất nổ. May mà tôi chạy thoát. 
Vẫn biết đó là chuyện đùa cho vui thôi nhưng nó cũng không khác xa sự thật lắm đâu.
Tính chất dã man của các vụ Việt Cộng khủng bố
Trong hồi ký “Deliver us from Evil”, y sĩ Hải Quân Hoa Kỳ Tom Dooley đã mô tả nhiều tội ác kinh hoàng của Cộng sản gây ra cho người dân đang cố gắng rời bỏ miền Bắc để vào Nam. Ông kể: Bảy học sinh và thầy giáo bị lôi ra khỏi lớp. Tất cả bị bắt ngồi xuống đất và hai tay bị trói gập ra sau lưng. Hai cán binh Cộng Sản đi đến từng đứa trẻ. Một nguời dùng hai tay kèm chặt lấy đầu đứa bé, nguời kia đặt chiếc đũa bằng tre đóng mạnh sâu vào hai lỗ tai, tiếng kêu la thất thanh vang dội cả làng, máu trào ra lênh láng… ” 
(Ghi chú: Bác sĩ Dooley theo tàu chuyển vận người di cư đến Hải Phòng năm 1954. Ông được mời lên bờ để cứu giúp bệnh nhân, sau đó đã quyết định rời khỏi Hải quân và ở lại Việt Nam trong nhiều năm cuối thập niên 1950 để mang lại sự chăm sóc y tế cho dân làng ở những vùng xa xôi nơi mà người da trắng chưa hề đặt chân đến cho tới khi ông trở về Mỹ trước khi qua đời vì bệnh ung thư đầu năm 1961 ở tuổi 34.) 
Uwe Siemon-Netto, ký giả nổi tiếng người Đức từng trải qua 5 năm phục vụ chiến trường VN, sau khi theo một đơn vị QLVNCH hành quân giải vây một ngôi làng tỉnh Định Tường bị Việt cộng bố ráp năm 1965, tường thuật: Treo trên các cành cây sào trong sân làng là xác xả trưởng, nguời vợ và 12 đứa con vừa trai, vừa gái kể cả cháu bé. Tất cả nạn nhân phái nam đều bị cắt bộ phận sinh dục nhét vào mồm, còn phụ nữ thì bị cắt nhũ bộ. Dân làng kể họ bị VC bắt gom lại để chứng kiến cảnh tàn sát. Việt cộng bắt đầu giết em bé nhất rồi bằng một màn trình diễn, chậm rãi ra tay lần lượt giết các em lớn hơn, tới nguời mẹ và sau cùng là nguời cha, viên xả trưởng. Việt cộng đã giết cả nhà 14 nguời, giết một các lạnh lùng như thể bấm cò súng đại liên bắn máy bay. Việc VC tàn sát thế này là việc bình thuờng hàng ngày… Vì với chúng tôi nó đã trở thành bình thường nên chúng tôi không tường thuật tới, tuờng thuật tới lui mãi. Chúng tôi chỉ tường thuật điều bất thường như vụ thảm sát ở Mỹ Lai mà thôi.” 
(Ghi chú: Qua bài viết “A German Remembers Vietnam”, Uwe Siemon-Netto nói rằng VC thắng không phải vì chiếm được cảm tình của dân chúng mà vì những hình thức khủng bố tàn bạo vô nhân. Dân làng kể với ông là VC thường vào làng hăm dọa dân không được hợp tác với chính quyền, nếu không sẽ lãnh lấy hậu quả nghiêm khắc. Xả trưởng không nghe nên nửa đêm VC bắt dân làng thức dậy để chứng kiến tận mắt cảnh hành hình. Ông Netto nói rất tiếc là ông không còn nhớ tên làng, nhưng điều đó chẳng quan trọng vì những vụ VC khủng bố dân như vậy xảy ra rất thường hàng đêm ở miền Nam trong thời chiến tranh. Tiến sĩ Netto hiện là cư dân ở Laguna Woods, California, Hoa Kỳ và hay giao tiếp với bạn bè người Việt. Địa chỉ trang blog:http://uwesiemon.blogspot.ca/2012/04/german-remembers-vietnam.html)
 
Trong quyển “The Soldiers’ Story”, phóng viên Hoa kỳ Ron Steinman ghi lại lời kể về kinh nghiệm chiến trường ở VN của 77 chiến binh Mỹ: “Tôi còn nhớ đã từng đi ngang qua các nghĩa địa nơi Bộ đội miền Bắc giết hàng nhóm nguời dân lành. Họ đào hầm, rãi vôi rồi bắn nguời dân quăng xuống… Những hầm (chôn tập thể) rất khó nhận ra… Vài cán binh Bắc Việt và Việt Cộng đã cắt rời những bộ phận sinh dục của nạn nhân rồi đánh dấu thi thể những nạn nhân đó.” (trang176, The Soldiers’ Story  – Ron Steinman). 
 Vì Việt Cộng đã từng là vua khủng bố trong suốt hơn nửa thế kỷ nên họ có kinh nghiệm đầy mình để ngăn chận khủng bố. Theo dữ liệu của Bách khoa Tự điển mở Wikipedia, lịch sử Việt Nam chưa ghi nhận những vụ khủng bố có quy mô lớn, nhưng các âm mưu khủng bố rất nhiều. Trong Chiến tranh Việt Nam, tại miền Nam từng xảy ra nhiều vụ đặt bom nhằm mục đích phá hoại các cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Việt Cộng thực hiện. 
Tại Việt Nam ngày nay, các điều khoản về khủng bố được quy định trong Bộ luật Hình sự ra đời sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 tại New York. Các hoạt động mang tính đối kháng bằng bạo lực với Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thường bị chính quyền Việt Cộng liệt vào dạng “khủng bố” và đều bị lực lượng an ninh Việt Nam phát hiện và ngăn chặn. Ngăn chận để dành độc quyền. 
Như vậy rõ ràng là Việt Cộng vừa ăn cướp vừa la làng, vừa ra tay khủng bố cả nước vừa la làng lên là bị người Việt hải ngoại về nước khủng bố, thật đúng với bài bản của quan thầy Trung Cộng. Tàu Cộng giỏi nghề Sơn Đông mãi võ bán thuốc dán thường la làng. Tàu Cộng nói: 
– “Tranh chấp liên tục trên Biển Đông chủ yếu bắt nguồn từ Việt Nam”,
– “Thách thức lớn nhất đối với sự nhấn mạnh về một giải pháp hòa bình của Trung Quốc cũng có thể do Việt Nam”,
– “Việt Nam ngày càng gây sự trong việc thu tóm các đảo làm của riêng mình, không đếm xỉa đến chính sách truyền thống của Trung Quốc”, v.v. 
Sự thật ra sao chúng ta ai cũng biết là chính Trung Cộng ra sức ăn cướp trắng trợn đất biển của Việt Nam, cố tình gây căng thẳng nhằm biến khu vực không có tranh chấp và thuộc chủ quyền của Việt Nam thành vùng có tranh chấp để thực hiện kế hoạch “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” trên Biển Đông. 
Qua bài “Khủng Bố: Xưa và Nay”, tác giả Lê Minh ở Úc châu viết:Nạn khủng bố của Việt Cộng đã có từ lâu, có từ thời ông Hồ Chí Minh mới đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Các vụ ám sát khủng bố do các đảng viên, cán bộ cộng sản thực hiện đã xảy ra từ những năm tháng trước thời điểm 1945. Từ sau thời điểm 8/1945 thì các vụ ám sát, khủng bố lại diễn ra với hình thức quy mô, rộng lớn hơn. Những đối thủ chính trị của các đảng phái khác khi bị ám sát thì được chụp cho cái mũ “Việt gian, phản động” hay “tay sai”. Đây là những thủ thuật được dùng để che mắt quần chúng và giúp kẻ nhận nhiệm vụ ám sát có thể ra tay dễ dàng, dã man và dứt khoát hơn. Những năm tháng trong cuộc chiến kháng Pháp, các cuộc thanh trừng, khủng bố vẫn diễn ra từ Nam chí Bắc, không những chỉ đối với các phe phái đối lập, mà còn xảy ra đối với chính các đồng chí trong cùng nội bộ.” 
Những vụ khủng bố do VC gây ra trong thời chiến, kể ra thì có hàng ngàn đã được kiểm tra và đúc kết hồ sơ đầy đủ bởi các cơ quan chính phủ Mỹ; người viết xin liệt kê nơi phần liệt kê ở cuối bài. 
Thông thường, kẻ giết người luôn tìm cách che đậy hành vi tội ác ghê tởm. Hành động lén lút ám sát giết người thường là do lệnh của tổ chức đảng phái chính trị, là một thứ công tác sứ mạng điệp vụ. Đàng sau sứ mạng đó, cho dù thành công thì vẫn là chết chóc đau thương cho một người hay nhiều người có khi vô tội và bị giết oan khuất. Đối với lương tâm con người, hành động đó là việc làm bắt buộc và đáng lý ra không có gì vinh quang để kiêu hãnh. Nhưng đối với những con người cộng sản khát máu, họ lại xem đó như một thứ hào quang đáng tự hào khoe khoang và hãnh diện.
 
Xe hơi chở giáo sư Nguyễn Văn Bông bị hư hại sau khi trúng bom chất nổ của khủng bố VC ngày 10 tháng 11 năm 1971. Tổ trinh sát vũ trang Ban An ninh T4 gồm có Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu ám sát giáo sư Bông, (Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, lãnh đạo của đảng Tân Đại Việt, người thành lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến) tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản bằng 4kg chất nổ C4 được liên kết với ba trái lựu đạn.
Vũ Quang Hùng, người đã đặt bom giết chết giáo sư Nguyễn Văn Bông, từng là phó Tổng biên tập báo Công an TP. HCM. Hùng khoe khoang thú nhận “Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” ca ngợi chiến công hiển hách của 2 biệt động Sài Gòn là Hùng và Châu. Giáo sư Bông bị sát hại khi 42 tuổi, là một trí thức cấp tiến có khả năng trở thành thủ tướng của Việt Nam Cộng Hòa. Lúc mất ông là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, cố vấn cho Tối cao Pháp viện, ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Cùng thiệt mạng với ông còn có 3 người khác là vệ sĩ là lái xe. Ông để lại người vợ góa 30 tuổi và 3 con nhỏ. 
Một kẻ khủng bố Việt Cộng khác khoe thành tích là Trịnh Thị Thanh Mão. Bà Mão khoe là từng đã nhúng tay vào một vụ mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. 
Bài viết “Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” trên báo trong nước tiết lộ rằng Tháng 9/1970, trong một lần đi kinh lý bên dòng sông Thạch Hãn, ông tổng thống VNCH suýt chết trước nòng súng của nữ du kích Trịnh Thị Thanh Mão. Hiện tại, cựu nữ du kích Mão đang cư ngụ ở làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với cái gọi là “Ký ức hào hùng”, bà Mão kể lại năm 1964 khi 14 tuổi, Lợi dụng sự sơ hở của địch ít chú ý tới trẻ con, tôi đã “chuyển vũ khí, thuốc men vào căn cứ cách mạng; hóa thân vào làm người bán hàng rong trà trộn vào lòng địch cài bom hẹn giờ nổ đánh xe, tiêu diệt địch”. Sau một loạt thành tích đặt bom, năm 18 tuổi tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Việc ám sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được tôi thực hiện vào năm 1970 trong buổi khánh thành hệ thống “ấp chiến lược”, tôi bắn 2 viên đạn nhưng không viên nào nổ.“Tiếc thật nếu sau cái bóp cò đó súng nổ thì Thiệu đã tiêu rồi”.
 
Ảnh: Bác sĩ Lê Minh Trí, Bộ Trưởng Giáo Dục VNCH đẫm máu vì bị thương nặng (và sau đó chết) đang nằm trên mặt đường và vệ sĩ của ông cũng bị thương đang ngồi trên lề đường trước sự canh gác của một quân cảnh Mỹ. Tài xế của ông chết trong chiếc xe đang bốc cháy sau khi khủng bố VC tung lựu đạn vào xe trên đường phố Sài Gòn ngày 6 tháng 1, 1969.
Nếu việc khủng bố chỉ được đảng CS thi hành trong chiến tranh thì cũng chưa phải là điều đáng nói. Thực tế, sau 36 năm thống nhất đất nước, họ vẫn tiếp tục hành động khủng bố của mình bằng nhà tù, bằng còng số 8 thông qua điều 88 và 79 của bộ luật Hình sự. Phương tiện họ dùng khủng bố không phải là bom ba càng, mìn hẹn giờ mà dùng chính Hiến pháp, thông qua điều IV và lực lượng công an, an ninh dày đặc để đàn áp những người bất đồng chính kiến. 
Hàng loạt các trí thức, nhân sĩ yêu nước bị bỏ tù vì đòi hỏi thực thi dân chủ nhân quyền đã bị cầm tù như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, LM Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Vi Đức Hồi, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Paulus Lê Sơn, Huỳnh Thục Vy, Việt Khang, v.v. Đó chính là sự tiếp tục chủ nghĩa khủng bố từ những năm xưa. Những trí thức trên và còn nhiều người khác nữa bị kết những bản án từ vài năm tới cả chục năm tù chỉ vì quan điểm của mình qua phỏng vấn hay các bài viết, bài nhạc. Vậy không là khủng bố thì sao?
Một số những vụ khủng bố của VC ở miền Nam VN
từ 1960 đến 1969 ghi nhận được:
 Ngày 2 tháng Hai 1960: VC phá và đốt chùa Phật giáo ở làng Phước Thành tỉnh Tây Ninh, đâm chết thiếu niên 17 tuổi tên Phan Văn Ngọc do em này kháng cự. 
Ngày 22 tháng Tư 1960: Khoảng 30 cán bộ võ trang VC ruồng bố làng Thới Long tỉnh An Xuyên định bắt Cao văn Nành 45 tuổi. Dân làng tụ lại phản đối. Việt Cộng nổ súng giết chết một thiếu niên 16 tuổi. 
Ngày 23 tháng Tám 1960: Việt Cộng đang đêm bắt hai giáo viên Nguyễn Khoa Ngôn và Nguyễn Thị Thiệt đến trường Rau Ran tỉnh Phong Dinh để chứng kiến cảnh chúng xử tử hai người đàn ông tên Cảnh và Văn để răn đe và gây khiếp đảm. 
Ngày 24 tháng Chín 1960: Một toán VC lục phá và đốt cháy tiêu trường An Lạc tỉnh An Giang. 
Ngày 28 tháng Chín 1960: VC chận xe của Cha xứ Hoàng Ngọc Minh, giáo phận Kontum, dùng súng máy bắn ông chết, xong còn cắm cọc tre vào người ông. Tài xế Huỳnh Hữu, cháu cha Minh, bị thương nặng. 
Ngày 30 tháng Chín 1960: Một toán VC bắt nông dân Trương văn Đáng 67 tuổi ra trước một phiên “tòa án nhân dân”, cáo buộc tội ông mua hai mẫu ruộng mà trái lệnh chúng không giao cho người khác. Ông bị VC bắn chết trên mảnh ruộng của ông sau phiên xử. 
Ngày 6 tháng Mười Hai 1960: VC đặt chất nổ nhà bếp Sân Cù Sài Gòn làm chết một phụ bếp và làm bị thương hai đầu bếp. 
Báo cáo tổng kết các vụ VC khủng bố năm 1960 của chính phủ VNCH nạp trình cho Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến gồm có 284 chiếc cầu bị phá hoại, 60 trạm y tế bị đốt. Và do hậu quả của những trường học bị VC phá hủy, việc học của 25,000 học sinh bị ảnh hưởng. 
Ngày 22 tháng Ba 1961: 20 nữ sinh đi xe đò trên đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu sau khi tham dự Lễ Hai Bà Trung bị VC giật mìn và xả súng bắn làm thiệt mạng hai nữ sinh và làm bị thương 10 em khác. 
Ngày 15 tháng Ba 1961: 12 sơ nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đi xe đò từ Tây Ninh đi Sài Gòn bị VC phục kích chận lục soát hành lý. Sơ Theophile phản đối nên bị chúng bắn chết tại chỗ và sơ Phan thị Nở bị thương. 
Ngày 26 tháng Bảy 1961: Hai dân biểu gốc người Thượng tên Rmah Pok and Yet Nic Bounrit bị VC phục kích bắn chết gần Đà Lạt cùng với một giáo viên cùng đi thăm viếng một làng định cư. 
Ngày 20 tháng Chín 1961: Một lực lượng hàng ngàn VC tràn ngập thị xã Phước Vinh tỉnh Phước Thành, đốt phá mọi cơ sở hành chánh, chặt đầu hầu hết công chức trong thị xã, chiếm giữ trọn ngày trước khi rút lui. 
Tháng Mười 1961: Nghiên cứu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ước đoán số lượng dân chúng VNCH bị VC giết mỗi tháng là một ngàn năm trăm người.
Ngày 13 tháng Mười Hai 1961: Cha Bonnet người Pháp thuộc giáo phận Kontum bị quân khủng bố VC ám sát trong lúc ông viếng thăm giáo dân ở Ngok Rongei. 
Ngày 20 tháng Mười Hai 1961: kỹ sư S. Fuka người Nhật làm việc cho dự án đập thủy điện Đa Nhim bị VC chận đường bắt cóc. Số phận của ông ra sao không bao giờ được rõ. 
Ngày 1 tháng Giêng 1962: VC chém chết ông Lê văn Thiều 63 tuổi, thủ lãnh lao công tại đòn điền cao su nơi ông làm việc.
Ngày 2 tháng Giêng 1962: VC giết chết hai nhân viên tên Pham văn Hải và Nguyễn văn Thạch trong đoàn diệt trừ sốt rét đang làm việc ở địa điểm cách khoảng 20km về phía nam Sài Gòn.
Ngày 20 tháng Hai 1962: VC ném 4 quả lựu đạn vào một đám dân làng đang xem hát ở Cần Thơ, giết chết 24 phụ nữ và trẻ con và làm cho 84 người khác bị thương. 
Ngày 8 tháng Tư 1962: VC xử tử hai tù thương binh Hoa Kỳ gần làng An Châu Trung phần Việt Nam. Hai thương binh Mỹ này bị trói và bị bắn vào mặt vì họ không đi theo kịp toán VC đang rút lui. 
Ngày 19 tháng Năm 1962: Khủng bố VC ném lựu đạn vào nhà hàng Aterbea ở Sài Gòn làm bị thương viên quản lý đoàn xiệc đến từ Bá Linh và tham vụ văn hóa Tòa Đại Sứ Tây Đức ở Sài Gòn. 
Ngày 20 tháng Năm 1962: VC đánh bom trước khách sạn Hưng Đạo Sài Gòn, nơi cư ngụ của quân nhân Hoa Kỳ, làm bị thương 8 người Việt và 3 quân nhân Mỹ đang đứng bên ngoài khách sạn. 
Ngày 12 tháng Sáu 1962: VC phục kích xe đò hành khách gần Lệ Tri tỉnh An Giang giết chết tất cả người trên xe gồm tài xế, người phụ lơ và hành khách.
 
Thi thể của hai thiếu niên trai và một người đàn ông nằm trên đường phố trong vụ VC tung lựu đạn trước Tòa Đô Chính Sài Gòn Ngày Quốc Khánh 26 tháng Mười năm 1962.
Ngày 20 tháng Mười 1962: Đội Biệt động 159 của Việt Cộng tung lựu đạn giết chết 7 người và làm bị thương 47 người đang đứng xem một cuộc triển lãm có trưng bày một phi cơ trực thăng cùng một số chiến lợi phẩm tịch thu được của địch quân trước Tòa Đô Chính Sài Gòn và một đoạn dài của đại lộ Nguyễn Huệ. 
Theo lời thuật có tính cách tuyên truyền khoác lác của báo chí VC, nữ du kích nội thành Lê Thị Thu Nguyệt giả dạng nữ sinh đảm nhận công tác mang thuốc nổ vào Sài Gòn. Trong bộ quần áo dài trắng giả trang một nữ sinh từ quê lên Sài Gòn học, Nguyệt mang theo hai chậu kiểng được ngụy trang dưới lớp đất là những quả lựu đạn. Bài báo kể Nguyệt bị chận xét nơi trạm kiểm soát như sau. 
(Trích: Tim chị cơ hồ nhảy ra khỏi lồng ngực khi tên lính xét giấy tờ đòi đập vỡ hai chậu kiểng xem có chất nổ không. Quá bất ngờ, Thu Nguyệt òa khóc, nói rằng ông bà ngoại sẽ đánh chết cô nếu đem hai chậu kiểng về nhà không còn nguyên vẹn. Vẻ đẹp tinh khiết và nước mắt cô nữ sinh làm mềm lòng tên lính. Hắn ta khoát tay ra hiệu đồng bọn bỏ đi. 8 giờ sáng ngày 26/10/1962, Nguyệt chọn bộ quần áo dài đẹp nhất cùng Tùng, Quang giả làm thường dân đi xem triển lãm. Trong chiếc khăn mùi soa của Thu Nguyệt là quả lựu đạn. Tới nơi, thấy địch để bên cạnh chiếc trực thăng Mỹ là súng, mìn “chiến lợi phẩm”, Quang định ném trái lựu đạn vào đống mìn nhưng Thu Nguyệt ngăn lại. Chị giải thích hành động của mình lúc ấy: “Chỗ đó quá đông người, tôi sợ mìn nổ làm chết dân. Nơi chiếc trực thăng đậu vắng người hơn. Tôi bí mật chuyển “chiếc khăn mùi soa” qua cho Quang. Anh hiểu ý nhanh tay ném vào mục tiêu này”. Một tiếng nổ vang lên, chiếc máy bay sụm xuống, bốc cháy mù mịt. Mọi người hỗn loạn tranh nhau thoát ra khỏi khu vực triển lãm. Lợi dụng thời cơ đó, các chiến sĩ biệt động hòa vào đám đông, thoát ra ngoài an toàn. Sáng hôm sau đọc báo, chị biết được kết quả trận đánh. Vậy là với chiếc khăn mùi soa trắng mỏng manh trong bàn tay bé nhỏ của Thu Nguyệt, quả lựu đạn đã phá hỏng 1 trực thăng HU1A, làm chết 3 tên, 2 tên bị thương và chiến công lớn hơn của trận đánh là đã phá vỡ được cuộc triển lãm của địch dự định kéo dài trong bảy ngày, làm thất bại âm mưu chính trị của ngụy quyền Sài Gòn.” Ngưng trích). 
Bạn đọc ắt thấy bài báo trên đây kém trung thực. Hình ảnh tài liệu cho thấy rõ ràng là các nạn nhân của vụ khủng bố này cũng chỉ là thường dân, trong đó có trẻ em. 
Ngày 4 tháng Mười Một 1962: VC ném lựu đạn trong một đường hẽm tại Cần Thơ, giết chết một quân nhân Hoa Kỳ và 2 trẻ em Việt Nam và làm một em khác bị thương nặng. 
Ngày 25 tháng Giêng 1963: VC đặt chất nổ xe lửa chở gạo gần Qui Nhơn, giết chết 8 hành khách và làm bị thương 15 người khác.
Ngày 4 tháng Ba 1963: VC chận xe trên đường Sài Gòn Đà Lạt, bắn chết 2 nhà truyền giáo Tin Lành là Elwood Forreston, người Mỹ, và Gaspart Makil, người Phi Luật Tân. Hai đứa con song sinh của Makil bị bắn và bị thương. 
Ngày 16 tháng Ba 1963: VC ném lựu đạn vào một ngôi nhà của một gia đình người Mỹ đang tiếp khách ăn tối ở Sài Gòn, giết chết một thương gia người Pháp và làm bị thương 4 người khác. 
Ngày 25 tháng Ba 1963: Cơ sở nội tuyến của Đội biệt động 159 (do Mười Luân, bí số 8E, và Lê Thị Thu Nguyệt, đóng vai người yêu của Mười Luân) đã gắn một quả mìn hẹn giờ vào chiếc máy bay Boeing 707 cho chuyến bay từ Sài Gòn đi Mỹ. Chiếc máy bay vừa đáp xuống phi trường Honolulu thì mìn phát nổ nhưng không làm ai bị thương vong vì tất cả hành khách đã di chuyển vào nhà ga sân bay. Nguyên nhân mìn phát nổ chậm là do áp suất trên cao làm đồng hồ hẹn giờ của quả mìn thay đổi. 
Vụ khủng bố này lại cũng có sự nhúng tay của nữ khủng bố Lê Thị Thu Nguyệt. Báo Việt Cộng viết: (Trích) Cũng không ai nghĩ, người phụ nữ bé nhỏ, dịu dàng ngồi trước mặt tôi nói những chuyện đời thường về cơm ăn áo mặc, mối lo toan thường tình như bao phụ nữ khác là nữ biệt động Đội 159 đưa được mìn nổ chậm, một loại vũ khí do Quân giới Quân khu sản xuất từ Củ Chi vào sân bay Tân Sơn Nhất, gài được mìn hẹn giờ trên máy bay Boeing 707.  
Để thực hiện được trận đánh quan trọng này, Đội Biệt động 159 trước đó đã tiến hành gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay, mang bí số 8E, tức Mười Luân; đồng thời đưa Thu Nguyệt đóng vai người yêu của Mười Luân ra vào sân bay để điều nghiên mục tiêu. Ngày 25/3/1963, một gói thuốc nổ mạnh C4 cài đồng hồ hẹn giờ được ngụy trang trong một chiếc túi du lịch, giống y hệt chiếc túi du lịch mà bọn cố vấn Mỹ thường dùng. Khi khoác “túi du lịch” đến từ giã “người yêu”, Thu Nguyệt đánh tráo túi du lịch của một tên Mỹ trong phòng đợi.
Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút. Nhưng chiếc Boeing 707 hôm ấy chở 80 cố vấn Mỹ rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu được 2 phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng. Thoát chết trong gang tấc, bọn cố vấn Mỹ vô cùng kinh hoàng. Nếu như hôm ấy, chiếc đồng hồ hẹn giờ không bị trục trặc do máy bay lên độ cao 10.000 mét, áp suất không khí khiến nó chạy chậm lại, thì 80 cố vấn Mỹ xâm lược đã đền mạng. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về trận đánh này, trong đó có lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch. Quả mìn ấy tuy không nổ đúng giờ nhưng có sức “công phá” lớn trong dư luận, gây kinh hoàng cho quân đội Mỹ ngay phía bên kia bờ Thái Bình Dương: “Không chỉ Việt cộng đánh chúng ta trong thành phố, mà ngay cả bên Mỹ”. (Ngưng trích). 
Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện VC kể này, xin để đọc giả tự thẩm định. 
Ngày 3 tháng Tư 1963: Khủng bố VC tung hai quả lựu đạn vào một trường học ở Long Xuyên, giết chết một giáo viên và hai người lớn đang xem học sinh trình diễn ca nhạc hàng năm. 
Ngày 4 tháng Tư 1963: VC ném lựu đạn vào khán giả đang xem chiếu bóng ở một làng quê quận Cao Lãnh tỉnh Định Tường, giết chết 4 người và làm bị thương 11 người khác. 
Ngày 23 tháng Năm 1963: VC đánh bom bằng hai chiếc xe đạp có gài chất nổ trên đường phố Sài Gòn giết chết hai người và làm bị thương 10 người khác. 
Ngày 12 tháng Chín 1963: Cô giáo Võ Thị Lộ 26 tuổi ở An Phước tỉnh Kiến Hòa sau 3 ngày bị VC bắt cóc, đã bị VC cắt cổ chết và vứt thây ở rìa làng. 
Ngày 16 tháng Mười 1963: Hai chiếc xe đò ở Kiến Hòa và Quảng Tín bị trúng mìn VC khiến cho 18 hành khách tử vong và 23 người khác bị thương. 
Ngày 9 tháng Mười Một 1963: Trong một ngày 3 vụ ném lựu đạn xảy ra tại 3 địa điểm khác nhau tại Sài Gòn làm bị thương 16 người. 
Ngày 9 tháng Hai 1964: VC kích nổ bom tại một sân vận động thể thao nơi người Mỹ chơi banh làm cho 2 chết và 41 bị thương trong đó có 4 phụ nữ và 5 trẻ em. Một phần bom khác không nổ, nếu không, số người tử thương sẽ cao hơn nhiều. 
Ngày 16 tháng Hai 1964: Khủng bố VC kích nổ bom tại rạp chiếu bóng Kinh Đô ờ Sài Gòn gây tử thương 3 người Mỹ và làm bị thương 32 người khác. 
Ngày 14 tháng Bảy 1964: Phạm Thảo, chủ tịch ủy ban hành động Công giáo tỉnh Quảng Ngãi bị VC xử tử khi ông về thăm sinh quán làng Phổ Lợi Quảng Ngãi.
Tháng Mười 1964: Giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết từ đầu năm đến tháng Mười 1964 VC đã giết chết 429 viên chức địa phương của VNCH và bắt cóc 482 người khác.
 
Ngày 24 tháng 12, 1964: Một vụ nổ do khủng bố VC ở cư xá Brink trong đêm Giáng Sinh. Cư xá Brinks ở Sài Gòn là nơi trú ngụ của hơn 125 sĩ quan Mỹ và dân thường bị đánh bom do một đặc công Việt Cộng đóng giả làm sĩ quan Việt Nam Cộng hòa. Bom được đưa vào garage của cư xá và cho phát nổ làm sập 3 tầng của tòa nhà, giết 66 người trong đó có 2 sĩ quan Mỹ và làm hơn 100 người khác bị thương. 
Ngày 6 tháng Hai 1965: Đài phát thanh VC cho biết VC đã đem hai tù binh người Mỹ ra bắn chết để trả thù cho 2 khủng bố VC vừa bị VNCH xử bắn. 
Ngày 10 tháng Hai 1965: Khủng bố VC đặt bom phá nổ trại lính ở Qui Nhơn, giết chết 23 binh sĩ Mỹ.
 Quang cảnh bên ngoài Tòa Đại Sứ Mỹ cũ trên đại lộ Hàm Nghi trong vụ VC khủng bố ngày 30/3/1965.
Ngày 30 tháng Ba 1965: Một toán đặc công VC phối hợp đánh bom Tòa Đại Sứ  Mỹ trên đại lộ Hàm Nghi gây thiệt mạng cho 22 người, trong đó có 19 người Việt, 2 nhân viên Mỹ và một người Phi Luật Tân, 83 người khác bị thương, trong đó có phó đại sứ Mỹ A.Johnson.
 
Lối đi vào nhà hàng nổi Mỹ Cảnh từ Bến Bạch Đằng sau khi VC giật quả mìn Claymore thứ nhì để giết hại thêm thực khách từ nhà hàng chạy lên sau vụ nổ trước.
Ngày 25 tháng Sáu, 1965: Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn bị đặt bom làm hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có 9 người Mỹ và làm hơn 50 thường dân bị thương. 
Ngày18 tháng Tám, 1965: Tổng Nha Cảnh sát bị đánh bom làm 6 người chết và 15 người bị thương. 
Ngày 4 tháng Mười, 1965: Sân vận động Cộng Hòa bị đặt bom làm 11 người thiệt mạng, 42 thường dân khác bị thương.
Ngày 5 tháng Mười, 1965: Bom nổ trên một chiếc taxi trên đường phó chính ở Sài Gòn, có thể do bom phát nổ sớm hơn giờ ấn định, làm hai người chết và 10 bị thương. 
Ngày 4 tháng 12, 1965: Bom khủng bố nổ trước một biu đing cư xá quân nhân ngoại quốc ở Saigon làm 137 người bị thương gồm 72 người Mỹ, 3 người Tân Tây Lan và 62 người Việt. 
Ngày 12 tháng 12, 1965: Hai trung đội khủng bố VC giết 23 công nhân đào kinh trong một ngôi chùa Phật giáo ở Tân Hưng tỉnh Định Tường và 7 người bị thương. 
Ngày 30 tháng 12, 1965: Ký giả Từ Chung của nhật báo Chính Luận bị VC kê súng bắn vào đầu khi ông từ tòa soạn về nhà để ăn trưa vì trước đó ông đã cho đăng lên báo lời hăm dọa mà ông nhận được của cộng sản.
Ngày 7 tháng 1, 1966: Cộng sản gài và giật nổ một quả mìn Claymore tại cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất, làm 2 người chết và 12 bị thương. 
Ngày 17 tháng 1,1966: Cộng sản giật mìn xe đò trên công lộ tỉnh Kiến Tường làm chết 26 thường dân, trong đó có 7 trẻ em, và 8 người bị thương. 
Ngày 29 tháng 1, 1966: VC giết chết cha xứ Phan Khắc Dậu 74 tuổi ở Thạnh Trị tỉnh Kiến Tường cùng với 5 giáo dân. Đám khủng bố xúc phạm và hủy hoại thánh kinh và tượng chúa cùng các vật dụng khác. 
Ngày 2 tháng Hai, 1966: Một toán du kích VC phục kích bắn xả vào một chiếc xe Jeep chở nhân viên ty thông tin tỉnh Hậu Nghĩa, làm 6 chết và một bị thương. 
Ngày 14 tháng Hai, 1966: VC gài nổ hai quả mìn dưới xe đò gần Tuy Hòa giết chết 48 nông dân và làm bị thương 7 người khác. 
Ngày 18 tháng Ba, 1966: Thêm 15 hành khách xe đò chết và 4 bị thương vì trúng mìn VC 8km phía tây Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. 
Ngày 22 tháng Năm, 1966: Quân khủng bố VC đang đêm tấn công một khu nhà trú ngụ của nhân công đào kinh tỉnh An Giang, giết chết 18 đàn ông, 1 phụ nữ và 4 trẻ em. 
Ngày 10 tháng Chín, 1966: Trong đêm trước ngày bầu cử Quốc Hội miền Nam, Việt Cộng tung ra 166 cuộc tấn công trên toàn quốc, phá hoại địa điểm đặt thùng phiếu, bắt cóc và ám sát. 
Ngày 11tháng Chín, 1966: Trong ngày bầu cử, khủng bố VC giết chết 19 cử tri, làm bị thương 120 người, đốt phá phòng phiếu, đặt mìn vệ đường và ám sát. 
Ngày 24 tháng Chín, 1966: Quân đội Hoa Kỳ giải cứu 11 tù nhân tại một trại giam của VC ở tỉnh Phú Yên. Có 70 tù nhân bị VC bỏ đói đến chết và 20 người khác chết vì tra tấn. 
Ngày 11 tháng Mười, 1966: Theo sự chỉ dẫn của một thiếu niên 14 tuổi, lực lượng Đồng Minh tìm thấy một nhà tù VC ở tỉnh Bình Định với 12 tử thi tù nhân đã bị VC bắn và ném lựu đạn chết trước khi chúng tẩu thoát. 
Ngày 22 tháng Mười, 1966: Một cán bộ nông thôn nửa đêm bị VC vào nhà bắn chết ở Bình Chánh tỉnh Gia Định. 
Ngày 24 tháng Mười, 1966: Một chiếc xe đò chạy tuyến đường Huế – Quảng Trị trúng mìn VC tại Phong Điền khiến 15 hành khách bị thương. 
Ngày 27 tháng Mười, 1966: VC tung lựu đạn vào nhà dân ở Ban Mê Thuột giết chết 2 người và làm bị thương 7 người gồm trẻ em và phụ nữ. 
Ngày 28 tháng Mười, 1966: Cảnh sát kịp thời bắt giữ một nữ du kích VC định đặt bom dưới khán đài lễ hội ở Khánh Hưng tỉnh Ba Xuyên. 
Ngày 1 tháng 11, 1966: VC pháo kích Sài Gòn trong Ngày Cách Mạng giết chết và làm bị thương 51 người. 
Ngày 2 tháng 11, 1966: VC ném lựu đạn vào trường đua Phú Thọ Sài Gòn làm 2 người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày một toán khủng bố VC tấn công quận châu thành tỉnh Phong Dinh, đặt chất nổ gây hư hại cầu sắt Đầu Sấu. 
Ngày 3 tháng 11, 1966: Khủng bố VC xâm nhập ngoại ô Sài Gòn và pháo kích 24 phát vào trung tâm thủ đô. Các nơi bị trúng đạn là Chợ Bến Thành, nhà thương Grall, nhà thờ Đức Bà và một số nhà dân cư; có 8 người chết và 37 người bị thương nặng. 
Ngày 4 tháng 11, 1966: VC bắn súng cối vào một làng tỉnh Hậu Nghĩa, làm một người chết và 8 người bị thương. Cùng ngày VC tấn công một làng ở Tây Ninh làm 6 người chết và một số bị thương. 
Ngày 7 tháng 11, 1966: VC bắt cóc hai viên chức hành chánh trên tỉnh lộ 8 tỉnh Quảng Đức. 
Ngày 16 tháng 11, 1966: Một chiếc xe đạp chứa chất nổ do khủng bố VC gài phát nổ trên đường Nguyễn Văn Thoại Sài Gòn khiến hai quân nhân và một thường dân bị thương. 
Ngày 19 tháng 11, 1966: VC pháo kích tổng cộng 28 phát đạn súng cối ở Cần Giộc và Cần Đước tỉnh Long An gây cho 2 trẻ em chết và 17 người bị thương. 
Ngày 20 tháng 11, 1966: Hai cảnh sát viên bị thương khi gỡ băng rôn VC có gài chất nổ. 
Ngày 23 tháng 11, 1966: VC mặc quân phục giả dạng binh sĩ VNCH giết chết cảnh sát gác cầu ở Khánh Hưng tình Ba Xuyên và ném 2 quả lựu đạn làm 2 binh sĩ và 7 thường dân bị thương.
Ngày 26 tháng 11, 1966: VC gài mìn Claymore ở sân chơi trường tiểu học Trịnh Hoài Đức ở An Thạnh tỉnh Bình Dương cạnh một địa điểm huấn luyện của một đơn vị Đại Hàn. Mìn nổ giết chết 3 binh sĩ Đại Hàn và làm bị thương một học viên người Việt. 
Ngày 30 tháng 11, 1966: VC pháo kích chợ Tân Uyên tỉnh Biên Hòa giết chết 3 thường dân và làm bị thương 7 người khác. 
Ngày 4 tháng 12, 1966: Một đơn vị đặc công VC phá thủng chu vi phòng thủ 20,8 cây số xung quanh Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhứt và pháo kích khu vực trong 4 giờ. Lực lượng bảo vệ Mỹ và VNCH sau đó đã đẩy lui toán đặc công này, giết chết 18 người. Một máy bay trinh sát 101 của Mỹ bị thiệt hại nặng. Quân du kích quay lại trong đêm cùng ngày, nhưng lực lượng phòng thủ một lần nữa đã đẩy lui, giết thêm 11 đặc công Việt Cộng. 
Ngày 7 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng dùng súng lục Đông Đức ám sát dân biểu Trần Văn Văn khi ông đang trên đường đi đến trụ sở Quốc Hội. Hai tên du kích bị bắt. 
Ngày 10 tháng 12, 1966: Du kích Việt Cộng ném lựu đạn vào sân chơi của ty Chiêu Hồi tỉnh Bình Dương làm cho 3 trẻ em bị thương nặng. Cùng ngày, một xe đò trúng mìn Việt Cộng ở Phong Dinh khiến 5 hành khách toàn phụ nữ thiệt mạng và làm tài xế bị thương nặng. 
Ngày 27 tháng 12, 1966: Dân biểu bác sĩ Phan Quang Đán may mắn thoát chết khi xe ông phát nổ ở Gia Định. Bánh chất nổ gắn dưới lườn xe của ông kích nổ khi ông mở cửa xe bước ra. Bác sĩ Đán bị thương nhưng một phụ nữ đi đường tử thương và 5 người bộ hành khác bị thương.
Ngày 6 tháng 1, 1967: Một cảnh sát viên ở quận Tân Châu tỉnh Kiến Phong bị Việt Cộng hành quyết trước sự chứng kiến của gia đình. 
Ngày 7 tháng 1, 1967: Việt Cộng đặt chất nổ phá sập một lớp học và một trạm y tế quận Hồng Ngự tỉnh Kiến Phong. 
Ngày 8 tháng 1, 1967: Việt Cộng ném lựu đạn vào nhà một xã trưởng tỉnh An Xuyên làm một đứa con của ông ta chết và làm bị thương 3 thành viên khác trong gia đình. 
Ngày 12 tháng 1, 1967: VC phục kích xe đò trên Quốc lộ 14 ở Tân Cảnh giết chết 3 thường dân và làm bị thương 3 quân nhân. 
Ngày 21 tháng 1, 1967: VC đột nhập làng Buôn Hô tỉnh Darlac gom dân tuyên truyền và bắt đi 6 thanh thiếu niên. 
Ngày 6 tháng 2, 1967: VC bố ráp Liêu Trì tỉnh Quảng Tín bắt cóc giáo viên và viên chức . Giáo viên bị giết sau đó. Cùng ngày VC ném lựu đạn một buổi tiếp tân của Phó Tỉnh trưởng Kontum, giết chết Trưởng Ty Giáo Dục và 2 viên chức khác cùng 8 người bị thương nặng. 
Ngày 4 tháng 3, 1967: Biết tin một đơn vị VNCH hành quân giải cứu, toán canh tù VC trói 12 tù nhân VNCH xong bắn, đâm và cắt cổ. Chỉ có hai người được cứu sống. 
Ngày 5 tháng 3, 1976: VC mở 2 vụ đột kích ban đêm giết hai cán bộ xây dựng nông thôn ở Vĩnh Phú tỉnh Phú Yên. Trong một vụ khác, thêm 7 người khác bị giết và 4 người bị thương.
Ngày 30 tháng 3, 1967: VC pháo kích trại gia binh tỉnh lỵ Bạc Liêu, phá hủy 200 căn nhà, giết chết 32 người. 
Ngày 13 tháng 4, 1967: VC nhắm mục tiêu khủng bố ban đêm vào một đoàn văn nghệ trình diễn ở Lữ Sơn gần Đà Nẵng. Trưởng và phó đoàn đều bị giết, 2 đoàn viên bị thương. 
Ngày 14 tháng 4, 1967: Du kích VC bắt cóc Nguyễn Văn Sơn, người ra ứng cử hội đồng làng thuộc quận Bình Chánh tỉnh Gia Định. 
Ngày 16 tháng 4, 1967: VC ám sát một ứng cử viên hội đồng làng Cẩm Hà tỉnh Quảng Nam. Thân nhân trong gia đình cũng bị vạ lây gồm 1 em bé chết và 3 người lớn bị thương.
Ngày 18 tháng 4, 1967: VC tấn công vào ấp Suối Chồn thuộc tỉnh Long Khánh đông bắc Sài Gòn, giết chết 5 cán bộ xây dựng nông thôn, làm bị thương 3 người và bắt cóc 7 người. Trong số 5 người bị giết có 3 cô gái trẻ bị trói và bắn vào đầu. Một phần ba nhà cửa trong ấp bị VC đốt cháy rụi. 
Ngày 26 tháng 4, 1967: Nguyễn Cầm, trưởng ấp Ba Đàn tỉnh Quảng Nam bị VC giết. 
Ngày 10 tháng 5, 1967: Một chiếc xe đò cán trúng mìn VC ở tỉnh Phú Bổn làm một hành khách chết, tài xế và 5 hành khách khác bị thương. 
Ngày 11 tháng 5, 1967: Bác sĩ Trần Văn Lữ Y, bộ trưởng Y Tế tường trình trước Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Geneva rằng trong 10 năm qua có hơn 200 nhân viên y tế bị VC giết hại. Con số chính xác là 211 người gồm bác sĩ và y tá đã bị VC giết hoặc bắt cóc; 174 bệnh xá, bệnh viện và nhà bảo sanh bị phá hủy, 40 xe cứu thương bị trúng mìn hoặc bị bắn bằng súng máy. 
Ngày 16 tháng 5, 1967: VC mở hai vụ khủng bố ở hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Trị giết chết 8 cán bộ xây dựng nông thôn và làm 5 người bị thương. 
Ngày 24 tháng 5, 1967: VC tung lựu đạn vào nhà trưởng ban thông tin Phú Thạnh tỉnh Biên Hòa giết chết ông cùng với hai đứa con lúc 3 giờ sáng. 
Ngày 29 tháng 5, 1967: Đặc công người nhái VC từ dưới Sông Hương ở Huế làm nổ một khách sạn nơi các thành viên của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến thường trú ngụ. Không có thành viên nào của 3 nước hội viên là Ấn Độ, Gia Nã Đại và Ba Lan bị nguy hại; Vụ tấn công của VC làm cho 5 thường dân người Việt tử thương và 15 bị thương. 80% khách sạn bị hư hại. 
Ngày 2 tháng 6, 1967: Hai trung đội VC có trang bị súng máy giữa khuya tấn công Trung Tâm Chiêu Hồi tỉnh Long An làm 5 binh sĩ và 5 thường dân bị thương. 
Ngày 27 tháng 6, 1967: Một xe đò đầy hành khách cán phải mìn VC ở đông nam Lai Khê tỉnh Bình Dương khiến 23 người trên xe đều chết. 
Ngày 6 tháng 7, 1967: 7 trẻ em đi bộ trên đường lộ để đến chùa tại xã Cẩm Phổ tỉnh Quảng Nam nhằm lúc một xe hàng chạy ngang làm nổ một quả mìn chống tăng do VC gài khiến một em chết vầ em bị thương.  
Ngày 13 tháng 7, 1967: Một nhà hàng ở Huế bị VC gài bom nổ làm chết 2 thực khách người Việt, làm bị thương 12 người Việt, 7 người Mỹ và 1 người Phi Luật Tân. 
Ngày 14 tháng 7, 1967: VC giả dạng binh lính VNCH tấn công một trại tù tỉnh Quảng Nam, giải thoát cho 1,000 trên tổng số 1,200 tù nhân, xử tử 30 người tại sân trại. 10 thường dân bị giết và 29 thường dân khác bị thương khi VC mở đường rút lui.  
Ngày 25 tháng 7, 1967: VC vào nhà dân ở Bình Triệu tỉnh Long An bắt đi 4 đàn ông, 1 phụ nữ và đứa con trai 16 tuổi của bà. Sáng hôm sau trên tỉnh lộ 13, người ta tìm thấy thi thể 6 người này với hai tay bị trói sau lưng và mỗi người có một vết đạn bắn vào đầu.
Ngày 5 tháng 8, 1967: Khủng bố VC bắt một bé gái học sinh cầm một quả lựu đạn đã rút chốt sẵn dặn em đưa cho thầy cô giáo của em. Em học sinh này đi đến trường em thuộc tỉnh An Xuyên đang có chương trình đặc biệt cổ động cho chiến dịch Rủ Nhau Đi Bầu Tháng Chín. Vừa tới cửa lớp học, em học sinh buông tay thả lựu đạn khiến cho em chết và làm 9 em học sinh ngồi trong lớp bị thương.  
Ngày 24 tháng 8, 1967: VC ném bom vào nhà một cảnh sát viên ở Cần Thơ làm một người chết và 4 người bị thương. 
Ngày 26 tháng 8, 1967: Xe đò chở hành khách cán trúng mìn trong tỉnh Kiến Hòa làm cho 22 người chết và 6 người bị thương. 
Ngày 27 tháng 8, 1967: VC gia tăng các vụ khủng bố bằng pháo kích một tuần trước ngày bầu cử tổng thống và thượng nghị viên. 46 chết và 227 bị thương ở Cần Thơ. 10 chết và 10 bị thương trong tỉnh Phước Long. 9 thường dân và 5 trẻ em bị thương ở Ban Mê Thuột. 2 chết và 1 bị thương ở Bình Long. 6 người bị bắt cóc ở làng Phước Hưng tỉnh Thừa Thiên. 
Ngày 29 tháng 8, 1967: VC xâm nhập 4 xã thuộc quận Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, giết chết 2 và bắt đi 6 người.
Ngày 1 tháng 9, 1967: VC phá quốc lộ 4 trong tỉnh Định Tường với 6 hố bom khiến mọi lưu thông tắt nghẽn ngoại trừ một xe cứu thương quân đội cán trúng mìn áp suất khiến 13 hành khách chết và 23 bị thương. 
Ngày 3 tháng 9, 1967: Trong ngày bầu cử, vụ khủng bố VC đầu tiên xảy ra tại một địa điểm bỏ phiếu ở Tuy Hòa Phú Yên khiến 3 chết và 42 bị thương. Tính chung trong buổi sáng ngày bầu cử. có tổng cộng 48 cử tri bị VC sát hại.
Ngày 8 tháng 11, 1967: Trung tâm tị nạn Kỳ Chánh tỉnh Quảng Tín bị VC xâm nhập giết chết 4, làm bị thương 9 và bắt đi 9 người khác, lớp học bị đốt.
 
Ấp tân sinh Đắc Sơn bị VC dùng súng phun lửa hủy diệt, giết 114 dân làng và làm bị thương 47 người (AP Photo)
Ngày 5 tháng 12, 1967: Một trong những vụ VC khủng bố tồi tệ nhất gây tiếng vang lớn là cuộc thảm sát ở Dak Son tỉnh Phước Long. Người Mỹ ví nó như vụ thảm sát làng Lidice ở Tiệp Khắc dưới thời nước này bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Dak Son là một làng người Thượng với khoảng 2,000 dân. Vì ngôi làng này gần một căn cứ quân đội Mỹ và được dân làng có thiện cảm, VC căm thù muốn tiêu diệt. Hơn 300 VC trang bị 60 súng phun lửa đang đêm tấn công định thiêu sống tất cả: người già trẻ lớn bé, gia súc, thực phẩm, nhà cửa… Sáng hôm sau, một cảnh hoang tàn với từng đống thây người chết cháy thành than cùng với mọi vật. Tổng cộng có 252 người chết, hai phần ba là phụ nữ và trẻ em. 200 người bị bắt đi và không bao giờ trở lại. Số người còn sống sót là vì cư trú trong các dãy nhà khác và VC đã xài cạn hết súng phun lửa. 
Ngày 14 tháng 12, 1967: Dân biểu Bùi Quang San bị VC xông vào nhà ám sát. Hai ngày trước khi bị giết, ông San cho biết có nhận được thư VC hăm dọa tính mạng. Cả gia đình ông ở Hội An từng bị VC sát hại gồm mẹ, vợ và 6 đứa con. Cùng ngày, thông cáo Bộ Thông Tin cho biết trong  tuần lễ qua có 232 người chết vì các vụ VC khủng bố. 
Ngày 16 tháng 12, 1967: VC cướp máy vi âm trong một buổi diễn kịch trong trường Đại Học Sài Gòn để tuyên truyền và nổ súng làm 3 người bị thương khi bị ngăn cản, xong tẩu thoát.
Ngày 20 tháng 1, 1968: Một toán du kích VC có võ trang cưỡng bức khoảng 100 dân cư quận Tam Quan tỉnh Bình Định tập họp để nghe chúng tuyên truyền. Một người lớn tuổi lên tiếng phản đối liền bị VC bắn chết.
Một cuộc khai quật mồ chôn tập thể thảm sát Mậu Thân Huế
Ngày 30 tháng 1, 1968: Trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân, một lực lượng Cộng quân khoảng 12,000 người đã thừa dịp hưu chiến xâm nhập thành phố Huế và tức khắc biến Huế trở thành một trong những thành phố buồn nhất trên quả địa cầu. Thành phố bị VC chiếm đóng 26 ngày, xử tử gần 6,000 nạn nhân không vũ khí mà VC cho là kẻ thù của CS. Sau khi thành phố được giải cứu, người ta tìm thấy nhiều mồ chôn tập thể hàng ngàn người bị VC trói, giết cà chôn vội vã trên đường rút lui. Dấu hiệu cho thấy có cả nạn nhân bị chôn sống. 
Ngày 6 tháng 4, 1968: Một toán du kích VC vào làng Thất Vinh Đông tỉnh Tây Ninh bắt dân mua trái phiếu và bắt đi một giáo viên, 2 người con gái và một người cháu trai của xả trưởng cùng 6 thiếu niên 15, 16 tuổi. 
Từ 5/5 đến 22/6, 1968: VC pháo kích 417 quả đạn hỏa tiễn 107 ly của Trung Cộng và 122 ly của Sô Viết vào Sài Gòn,  làm chết 115 người và 528 người bị thương, phần lớn là cư dân Quận Tư. 
Ngày 29 tháng 5, 1968: VC chận đường lộ 155 ở tỉnh Vĩnh Bình, đốt 2 xe đò và 28 xe lam 3 bánh, bắt đi 50 hành khách thường dân gồm một mục sư Tin Lành. 
Ngày 28 tháng 6, 1968: VC tấn công bằng vũ khí nặng, chất nổ và lựu đạn vào trung tâm tị nạn và làng chài Sơn Trà, phía nam Đà Nẵng làm 88 người chết và 103 bị thương. 450 ngôi nhà bị phá hủy khiến cho hàng ngàn dân không nhà ở. Sau đó VC lại phục kích tấn công bắn vào đám người đi đốn tre để cất lại nhà tị nạn. 
Ngày 28 tháng 7, 1968: Một tốp 4 đặc công VC gồm 2 nam 2 nữ đột kích cơ sở nhật báo Chợ Lớn, đuổi hết mọi người, đặt 60 cân Anh chất nổ dẻo làm nổ tung tòa nhà 
Ngày 1 tháng 9, 1968: Các bác sĩ bệnh viện dã chiến 27 Hoa Kỳ cho biết có 2 phụ nữ người Thượng được đưa vào bệnh viện với chứng thiếu máu trầm trọng. Các bác sĩ khám phá ra rằng 2 phụ nữ này đã bị cán binh VC rút máu để sang cho thương binh của họ. 
Ngày 12 tháng 9, 1968: Một tài liệu của VC do chính quyền tịch thu được ở quận châu thành tỉnh Bình Dương cho biết rằng VC ra lệnh giết 7 tù binh của họ để khỏi vướng bận trên đường rút lui. 
Ngày 26 tháng 9, 1968: VC ném lựu đạn vào Chợ Bến Thành làm 1 người chết và 11 người bị thương. 
Ngày 11 tháng 12, 1968: VC vào nhà trưởng toán nhân dân tự vệ quận Tri Tôn tỉnh Châu Đốc bắt trói ông lôi ra ngoài sân rồi dùng súng liên thanh ria nát người ông. 
Ngày 6 tháng 1, 1969: Hai đặc công VC cỡi xe gắn máy áp xe hơi của Bộ Trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí rồi ném lựu đạn vô xe khiến ông và tài xế tử thương và cận vệ bị thương. 
Ngày 7 tháng 2, 1969: VC cho nổ một túi mìn gài ở chợ Cần Thơ làm 1 người chết và 3 người bị thương. 
Ngày 16 tháng 2, 1969: Du kích VC vào làng Phước Mỹ tỉnh Quảng Tín tung lựu đạn nhiều nhà giết chết một số cư dân gồm người già và trẻ em không chạy kịp. 
Ngày 19 tháng 2, 1969: VC gài bom trong xe đạp và cho nổ tại một tiệm đông người ở thị xã Trúng Giang tỉnh Kiến Hòa làm chết 6 thường dân và 16 người bị thương. 
Ngày 24 tháng 2, 1969: VC vào nhà thờ Thiên Chúa giáo tỉnh Quảng Ngãi ám sát một linh mục và một thiếu sinh. 
Ngày 4 tháng 3, 1969: VC đi xe gắn máy bắn chết giáo sư Trần Anh, viện trưởng đại học Sài Gòn. Trước đó ông đã nhận được thư hăm dọa của Biệt đội Cảm tử Nội thành Sài Gòn của VC. 
Ngày 5 tháng 3, 1969: VC định quăng túi chất nổ vào xe hơi để ám sát Thủ tướng Trần Văn Hương nhưng thất bại và đa số VC can dự trong vụ này đã bị bắt.  
Ngày 6 tháng 3, 1969: VC đặt chất nổ tại bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi làm hư hại 2 xe cứu thương và một bệnh nhân sản khoa chết. 
Ngày 9 tháng 3, 1969: VC vào nhà bà Phan thị Trí ở Xóm Láng tỉnh Gò Công bắt bà chặt đầu vì chồng bà đã bỏ VC và ra đầu thú với chính quyền. Cùng ngày trong tỉnh Quảng Nam, VC bố ráp các làng Lộc An, Lộc Mỹ và Lộc Hưng giết hai thường dân và bắt đi 10 thiếu niên theo chúng. 
Ngày 13 tháng 3, 1969: VC tấn công vào hai làng người Thượng Kon Sitiu và Kon Bobanh thuộc tỉnh Kontum, giết chết 15 người, bắt đi 23 người, 2 người trong số này sau đó bị VC xử tử. 3 nhà dài, 1 nhà thờ, 1 trường học bị đốt. Một trưởng làng bị đánh chết. Những người sống sót kể lại VC hăm dọa họ không được hợp tác với chính quyền.
Ngày 21 tháng 3, 1969: VC tấn công một trung tâm tị nạn lần thứ hai bằng súng cối và B-40 giết chết 17 thường dân  và làm bị thương 36 người khác, phần nhiều là phụ nữ và trẻ em. 
Ngày 4 tháng 4, 1969: VC đặt mìn một ngôi chùa trong tỉnh Quảng Nam làm 4 người chết và 14 người bị thương. 
Ngày 9 tháng 4, 1969: VC tấn công trại tị nạn Phú Bình tỉnh Quảng Ngãi đốt cháy 70 căn nhà, bắt cóc 4 người, làm cho 200 dân không còn nơi cư ngụ. 
Ngày 11 tháng 4, 1969: VC gài túi chất nổ ở đình làng Long Thạnh tỉnh Phong Dinh làm 4 trẻ em bị thương. 
Ngày 15 tháng 4, 1969: VC đột nhập trung tâm tị nạn An Kỳ tỉnh Quảng Ngãi để tuyên truyền và cưỡng bức đuổi người tị nạn về nhà. Khi dân phản đối, VC xả súng giết chết 9 người và làm bị thương 10 người khác. 
Ngày 16 tháng 4, 1969: Du kích VC có võ trang vào trại tị nạn Hòa Đại tỉnh Bình Định tuyên truyền kêu gọi người tị nạn hồi cư. Bị từ chối, VC đốt sạch 146 căn nhà tạm trú. 
Ngày 19 tháng 4, 1969: VC vào trại tị nạn Hiếu Đức tỉnh Quảng Nam bắt đi 10 người. 
Ngày 22 tháng 4, 1969: VC tấn công một trung tâm chiêu hồi trong tỉnh Vĩnh Bình làm 5 người chết và 11 người bị thương. 
Ngày 23 tháng 4, 1969: VC tấn công khủng bố trại tiếp cư ở Sơn Tịnh Quảng Ngãi, bắn chết 2 phụ nữ và bắt đi 10 người. 
Ngày 6 tháng 5, 1969: VC bắt cóc và giết ông Lê Văn Giáo 37 tuổi ở làng Vĩnh Phú tỉnh An Giang vì ông này từ chối đóng thuế cho VC.
 
Cảnh đổ nát bên trong Bưu Điện Sài Gòn do VC đặt bom ngày 8-5-1969.
Ngày 8 tháng 5, 1969: Đặc công VC đặt bom trong trụ sở Bưu Điện Sài Gòn làm 4 thường dân chết và 19 người bị thương. 
Ngày 10 tháng 5, 1969: VC giật chất nổ ở Dương Hồng tỉnh Quảng Nam giết chết 8 thường dân và làm 4 người bị thương. 
Ngày 12 tháng 5, 1969: Đặc công VC tấn công Phú Mỹ tỉnh Bình Định làm chết 10 thường dân và làm bị thương 19 người. 87 nhà bị hư hại. 
Ngày 14 tháng 5, 1969: VC pháo kích 5 phát đạn hỏa tiễn 122ly vào khu dân cư thành phố Đà Nẵng làm 5 người chết và 18 người bị thương. 
Ngày 18 tháng 6, 1969: 3 trẻ em ở Quản Long An Xuyên bị thương khi chạy giỡn gần nhà đạp trúng mìn VC. 
Ngày 19 tháng 6, 1969: VC bắt cóc và bắn chết đoàn viên nhân dân tự vệ Lương văn Thành ở Tân Thuận Đông tỉnh Định Tường. Cùng ngày tại Phú Mỹ Thừa Thiên, VC ám sát chết một người đàn ông 51 tuổi và bà mẹ 70 tuổi. 
Ngày 24 tháng 6, 1969: VC pháo kích hỏa tiễn 122 ly vào bệnh xá Thanh Tâm ở Hố Nai Biên Hòa làm một bệnh nhân tử thương. 
Ngày 30 tháng 6, 1969: VC pháo kích chùa Phước Long tỉnh Bình Dương làm một nhà sư tử thương và 10 khách viếng chùa bị thương. Cùng ngày, 3 đoàn viên nhân dân tự vệ bị bắt cóc ở Phú Mỹ Biên Hòa. 
Ngày 30 tháng 6, 1969: Trung tâm tiếp cư Hưng Mỹ tỉnh Bình Dương trúng đạn hỏa tiễn VC làm 76 người bị thương. 
Ngày 2 tháng 7, 1969: VC đột nhập văn phòng xã Thái Phú tỉnh Tây Ninh ám sát xả trưởng và người phụ tá. 
July 17 tháng 7, 1969: VC tung lựu đạn vào Chợ Cồn Đà Nẵng làm bị thương 13 người, phần lớn là phụ nữ. 
Ngày 5 tháng 8, 1969: VC tung 2 quả lựu đạn vào trường tiểu học Vĩnh Châu tỉnh Quảng Nam trong lúc trường đang có một buổi họp mặt, làm 5 người chết và 21 người bị thương. 
Ngày 7 tháng 8, 1969: Đặc công VC gài và cho nổ 30 thỏi chất nổ Bệnh Viện Dã Chiến 6 của Hoa Kỳ ở Vịnh Cam Ranh, gây 2 tử vong và 57 bị thương, phần nhiều là bệnh nhân. 
Ngày 13 tháng 8, 1969: Khủng bố VC tấn công hai trạm tiếp cư dân chạy loạn ở Quảng Nam và Thừa Thiên làm 23 người chết và 75 người bị thương, một số lớn nhà cửa bị phá sập hoặc hư hại.  
Ngày 26 tháng 8, 1969: Một gia đình 8 người gồm cả trẻ sơ sinh mới 9 tháng đều bị VC giết bằng súng bắn vào gáy ở Hòa Phát tỉnh Quảng Nam. 
Ngày 6 tháng 9, 1969: VC pháo kích Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến ở Đà Lạt  khiến 5 học viên chết và 26 bị thương. 
Ngày 9 tháng 9, 1969: Chính phũ VNCH đưa ra con số tổng kết trong 8 tháng đầu của năm 1969 có gần 5 ngàn thường dân bị VC sát hại. 
Ngày 20 tháng 9, 1969: VC tấn công Trung Tâm Tị Nạn Từ Vân tỉnh Quảng Ngãi giết chết 8 người và làm 2 người bị thương. Tất cả nạn nhân đều là vợ con của các đoàn viên Nhân Dân Tự Vệ. Tại Bình Sơn, toàn thể 8 người trong gia đình một viên chức cảnh sát đều bị giết. 
Ngày 24 tháng Chín, 1969: Một chiếc xe đò trúng mìn Việt Cộng trên Quốc Lộ 1 về phía bắc Đức Thọ Quảng Ngãi làm 12 hành khách thiệt mạng. 
Ngày 13 tháng Mười, 1969: Việt Cộng bắt cóc một linh mục Thiên Chúa Giáo và một phó tế tại nhà thờ Phú Hội tỉnh Biên Hòa. Cùng ngày, Việt Cộng ném lựu đạn vào Trung Tâm Chiêu Hồi Vị Thanh tỉnh Chương Thiện giết chết 3 thường dân và làm cho 46 người khác bị thương, khoảng phân nửa số người đó là thân nhân của các hồi chánh viên gồm phụ nữ và trẻ em.
Những vụ khủng bố liệt kê trên đây chỉ là một phần của những tội ác chiến tranh mà Việt Cộng gây ra đối với dân lành miền Nam, dư đủ để dùng làm bằng chứng truy tố và kết tội Đảng Cộng Sản Việt Nam trước Tòa Án Quốc Tế.
Tiến sĩ Carol Winkler, giáo sư Trường Đại Học Maryland qua quyển sách In The Name of Terrorism cho biết rằng giữa khoảng thời gian từ 1965 đến 1972, khủng bố VC đã giết chết hơn 33 ngàn người và bắt cóc 57 ngàn người khác trên toàn quốc VNCH. Riêng tại thủ đô Sài Gòn, các vụ khủng bố tàn độc quyết liệt hơn và giết hại nhiều sinh mạng hơn cả. Riêng trong năm 1964 không thôi có 19 ngàn vụ khủng bố VC, trong đó có vụ ám sát hụt thủ tướng Trần Văn Hương.
Douglas Pike, chuyên gia uy tín về Chiến Tranh Việt Nam và là người bỏ công sưu tầm nguồn tài liệu khổng lồ về đề tài này cho Trung Tâm Việt Nam tại Trường Đại Học Kỹ Thuật Texas ở Lubbock, cho rằng vụ thảm sát năm Mậu Thân ở Huế của VC là vụ khủng bố tàn độc nhất trong suốt cuộc chiến với số người bị giết dã man lên đến cỡ 5 ngàn người. VC Hoàng Phủ Ngọc Tường nhúng tay vào vụ thảm sát này bào chữa cho rằng số nạn nhân trên do Mỹ dội bom khi chiếm lại nội thành nhưng ai cũng biết các mồ chôn tập thể nằm ở ngoại vi trên đường VC rút quân. 
Phe Cộng sản tuyên truyền tạo cho thế giới cảm tưởng rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc nổi dậy của dân chúng chống ngoại xâm. Trên thực tế, đa số những người thiệt mạng do Việt Cộng khủng bố là thường dân người Việt, nạn nhân của các vụ phục kích khi di chuyển trên xe đò. Nhà cửa vùng quê xa xôi bị đốt, thanh thiếu niên bị cưỡng bức theo VC. Có sự hiện diện của ngoại nhân trên quê hương hay không, chính sách khủng bố để tạo khiếp đảm kinh hoàng sợ hãi của VC vẫn là một. Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, hàng triệu người liều chết bỏ nước ra đi đủ nói lên điều đó. 

Phan Hạnh Toronto.

Nguồn tham khảo:
http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=50462
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/09/110909_wikileaks_hanoi_embassy_post_911.shtml
https://hoalaivn.wordpress.com/2011/05/04/chuy%E1%BB%87n-kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam/
http://www.11thcavnam.com/education/namterror.htm
http://en.wikipedia.org/wiki/State_terrorism
http://en.wikipedia.org/wiki/Communist_terrorism
http://vnafmamn.com/VNWar_atrocities.html
http://letungchau.blogspot.ca/p/tin-van.html

No comments:

Post a Comment