Pages

Friday, November 25, 2016

TRUYỆN TÙ & VƯỢT BIÊN =VIỆT CỘNG=LỘC VÀNG= TẾT=THƠ


BS. NGUYỄN MẠNH TIẾN * MỘT GIÁNG SINH TRONG TRẠI TÙ



 

Từ cuối năm 1974, chiến cuộc VN thay đổi hẳn vì sự chênh lệch giữa hai bên về tiếp tế và hỏa lực ngày càng rõ nét. Phía QLVNCH thì quân viện đã bị Quốc Hội Mỹ cắt giảm trầm trọng nên hỏa lực sút giảm thấy rõ. Phe cộng sản thì được Nga và Trung Cộng tăng cường việc trợ ồ ạt, tải vào Nam một số lượng khổng lồ vũ khí gồm cả xe tăng hạng nặng và trọng pháo tối tân nhất. Tháng Ba năm 1975, tỉnh Phước Long bị CS đánh chiếm, không lâu sau đó đến lượt Ban-Mê-Thuột thất thủ, mở đầu cho những tổn thất và di tản liên tục của phía VNCH, đưa đến ngày Quốc Hận 30/4 khi miền Nam VN hoàn toàn bị CS chiếm.

Vào những ngày cuối của cuộc chiến, đơn vị tôi đóng tại Gò Dầu Hạ, cùng với Sư Đoàn 25 BB phụ trách mặt trận Tây Ninh, lúc bấy giờ đang bị áp lực nặng nề từ một lực lượng địch quân đông đảo gấp nhiều lần, với vô số xe tăng và trọng pháo, liên tục tấn công và pháo kích vào các vị trí đóng quân của ta. Chiều ngày 28/4, sau khi bị mất liên lạc với Quân Đoàn và Bộ Tổng Tham Mưu, trước tình hình vũ khí ngày càng hao hụt mà không có tiếp tế, cũng chẳng còn yểm trợ pháo binh hay phi cơ, lại phải chịu hỏa lực pháo khủng khiếp của địch, đơn vị quyết định di tản, mở đường máu băng đồng chạy về hướng Hậu Nghĩa. Chạy suốt đêm, bị địch truy kích liên tục, đơn vị rã thành những nhóm nhỏ. Đến sáng 29/4 thì nhóm của tôi gồm chừng hơn trăm người bị bộ đội CS vây kín. Kiểm lại thì chẳng còn bao nhiêu súng đạn, chúng tôi đành chịu bị địch bắt và giải vào nhốt trong một khu rừng thuộc mật khu Chà Rầy.

Ngày hôm sau thì nghe tin sét đánh: Dương Văn Minh đã đầu hàng, Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức bị khai tử! Nhiều anh em trong chúng tôi đã bật khóc, lòng vô cùng đau đớn trước cái chết nhanh chóng không ngờ của miền Nam thân yêu.

Sau 1 tuần lễ bị giam, đến sáng sớm ngày 6/5, bộ đội và du kích CS tập họp hết mấy trăm tù binh VNCH bị giam tại khu rừng đó lại, đọc “Lệnh Tha” của “Cách Mạng”, thả tất cả mọi người vô điều kiện không phân biệt cấp bậc, cho về “trình diện tại địa phương”, chỉ cần “chấp hành tốt các qui định của chính quyền mới”. Không những thế, “Cách Mạng” còn phát cho mỗi tù binh mấy chục bạc để mua vé xe đò về nguyên quán!

Chúng tôi ngẩn ngơ, vì không ngờ họ lại thả mình dễ dàng như vậy, trong lòng không khỏi lấy làm lạ, có phần thầm phục cái “mã thượng” của “Cách Mạng”! Đi bộ mấy tiếng đồng hồ ra đến bến xe Trảng Bàng, chúng tôi gặp lại rất nhiều đồng đội bị bắt và giam ở chỗ khác, cũng được thả về, trong đó có cả ông Trung tá Liên Đoàn Trưởng, mấy ông Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng. Lại càng ngẩn ngơ, càng thấy “Cách Mạng” sao mà “khoan hồng nhân đạo” quá sức tưởng tượng!

Về nhà, tôi bước vào trước sự ngạc nhiên sung sướng của gia đình, vì thằng con bấy lâu mất tích ngoài mặt trận tưởng đã chết, nay bỗng trở về như một bóng ma! Trong những ngày sau đó, rất nhiều bạn bè của tôi, phần đông cũng là Sĩ quan rã ngũ, nghe tin tôi về thì ghé thăm. Nghe chuyện phóng thích vô điều kiện mà tôi là chứng nhân trực tiếp, ai cũng lắc đầu le lưỡi, phục “Cách Mạng” sát đất!

Vài tuần sau đó, có lệnh tập trung các anh em Binh sĩ, Hạ sĩ quan “học tập tại chỗ” 3 ngày. Rồi Sĩ quan cấp Tá trở lên “trình diện học tập, đem theo 1 tháng tiền ăn”. Cấp tá vừa đi xong là đến bọn Sĩ quan cấp Úy chúng tôi bị kêu trình diện, “đem theo 10 ngày tiền ăn”. Tôi đến trình diện tại trường nữ trung học Gia Long vào chiều ngày 23/6/1975, gặp rất nhiều bạn bè cũng trình diện tại đó. Bữa ăn chiều hôm ấy, “Cách Mạng” đặt nhà hàng Soái Kinh Lâm ở Chợ Lớn nấu đồ ăn Tàu mang vào phát cho anh em ăn. Ai nấy đều phởn phơ vui vẻ, cứ ngỡ rằng chỉ có 10 ngày mà ăn uống ngon lành thoải mái như thế thì có nhằm nhò gì! Ở trường Gia Long mấy hôm, đến chiều 27/6 một đoàn xe Molotova đến chở chúng tôi đi suốt đêm, đổ vào Trảng Lớn. Ở đó, cán bộ CS mà chúng tôi phải gọi là “Quản Giáo”, chia chúng tôi ra thành đội, thành tổ, vào ở trong những căn nhà bỏ hoang của một trại lính cũ. Họ kêu các đội lên lãnh thực phẩm mang về tự nấu, gồm gạo mốc, rau muống đã gần hư thúi và muối hột. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy hơi kỳ kỳ, ngờ ngợ, nhưng vẫn còn bám vào cái tin tưởng “10 ngày”. Rồi màn tự khai đầu tiên xẩy ra, rồi tập họp học tập “Nội qui, Qui định”, “8 câu hỏi nhận thức”... 10 ngày qua đã lâu mà chẳng thấy động tĩnh gì, trong khi mọi chỉ thị, sinh hoạt đều mang dấu chỉ của một sự ở lại lâu dài.

Sự tương phản rõ rệt giữa thái độ “mã thượng” của “Cách mạng” lúc đầu và thực tế phũ phàng bấy giờ khiến chúng tôi mau chóng nhận ra là mình đã bị Cộng sản lừa ! Khi mới chiếm xong miền Nam vào 30/4/1975, họ chỉ nắm được trong tay, có nghĩa là đang bắt giữ được, giỏi lắm là 10% tổng số Sĩ quan QLVNCH - trong đó có tôi và các Sĩ quan trong đơn vị tôi. Đại đa số đã rã ngũ, lột bỏ quân phục, sống lẫn lộn rải rác trong dân chúng, muốn tìm bắt không phải là chuyện dễ. Mà đây lại chính là thành phần được CS đánh giá là nguy hiểm nhất cho chế độ mới, cần phải tập trung giam giữ bằng mọi giá. Những bộ óc lợi hại, xỏ lá nhất của “Cách Mạng” đã bày ra một mưu kế khá cao cường: thả con tép bắt con tôm! Khi họ phóng thích vô điều kiện những sĩ quan bắt được trong những ngày cuối của cuộc chiến như nhóm Sĩ quan trong đơn vị tôi, thì chính chúng tôi là những nhân chứng sống cho cái gọi là “khoan hồng nhân đạo” của “Cách Mạng”, khiến các anh em còn tại đào tin tưởng. Vì thế mà khi có lệnh gọi trình diện thì đại đa số Sĩ quan còn ở ngoài đều chui đầu vào rọ, CS tóm gọn một mẻ lớn ngon ơ!!! Họ đã tính toán rất kỹ và ấn định trình tự gọi “trình diện học tập” rất bài bản để không ai có thể nghi ngờ gì. Qua sự việc này, CSVN đã chứng tỏ rõ ràng khả năng điếm đàng lưu manh đệ nhất, xứng đáng là bậc thầy của mọi tập đoàn độc tài gian ác trên thế giới! “Thấp cơ thua trí”, chúng tôi bị lừa một quả lớn, lớn quá! Khi tỉnh ra thì cá đã nằm trong rọ!!!

Trong thời gian 8 tuần lễ ở Trảng Lớn, tôi biết ở trại bên có một anh dược sĩ cùng khóa 20 Quân Y Hiện Dịch với tôi, Trung úy Mai Gia Thược, trong cơn tuyệt vọng đã tự tử bằng một quả lựu đạn lượm được khi đi lao động. Tinh thần của tất cả các trại viên đều sa sút, ai cũng buồn bã, bi quan vì không biết tương lai sẽ đi về đâu, tựa như ở tù mà không hề có bản án, không biết ngày nào ra.

Ngày 17/8/1975, cán bộ CS tập họp toàn bộ trại viên, chia thành từng nhóm. Họ dùng một danh từ mới lạ tai là “biên chế” để chỉ việc làm này. Rồi từng nhóm được lệnh lên Molotova, di chuyển về những trại khác nhau. Nhóm tôi được đưa vào doanh trại cũ của Tiểu đoàn Pháo binh Sư đoàn 18 nằm gần thị xã Long Khánh. Lại có màn chia đội, tổ, v.v... Rồi bắt đầu các công tác gọi là “ổn định chỗ ăn chỗ ở”, tức là sửa lán trại, đào giếng lấy nước xài, khai quang khu vực chung quanh…v.v... Rồi đắp nền, xây “tội trường” để “sửa soạn bước vào học tập”.

Trong các trại viên, các anh lớn tuổi, có gia đình con cái rồi thì hẳn là lo buồn, rầu rĩ hơn bọn trẻ chưa vợ chưa con như lũ chúng tôi. Mà còn buồn hơn khi những dịp lễ, dịp nghỉ lớn trước kia của mình, như Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, vì càng thêm nhớ gia đình và không khí xum họp vui vẻ những ngày xưa… Tay Chính Trị Viên của Tiểu đoàn Bộ đội CS quản lý trại tôi là một anh già người miền Trung, tên là Năm Sinh. Tay này hay tập họp cả trại lại để “lên lớp” - chữ của “Cách mạng”, thí dụ như “quán triệt chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước”, “Giải thích thêm về nội qui, qui định”. Y nói lè nhè, vừa nói vừa đi tới đi lui, tay chắp sau đít, mặt luôn luôn ngước lên trần nhà. Bọn trẻ chúng tôi ngồi tít phía sau, thường lén chơi cờ croix-zero với nhau hoặc lơ mơ suy nghĩ chuyện riêng, dư biết những gì hắn nói chỉ như là một đoạn băng rè phát ra từ một cái máy thu âm cũ, có nghĩa là học thuộc lòng bài bản do Đảng giao cho rồi cứ thế mà “bài tiết” lại! Đôi khi, sự dốt nát của những tay cán bộ CS này cũng mua vui cho chúng tôi được đôi chút. Tôi nhớ lần “lên lớp” trước mùa Giáng Sinh đầu tiên trong tù năm 1975, sau khi đọc lệnh cấm trại viên tụ tập cầu nguyện trong dịp lễ này, Năm Sinh gật gù nói với vẻ đắc ý : “Các anh nên nhớ là Kinh Thánh đã dạy rằng “Phật tức tâm, tâm tức Phật”, nên đâu cần gì phải tụ họp cầu nguyện?”. Cả lũ tù cười ồ, trong khi mặt y ngớ ra, ngạc nhiên không hiểu tại sao!

Mùa Giáng Sinh đầu tiên trong trại trôi qua trong tẻ nhạt. Mọi trại viên đều thấm thía về thân phận cá chậu chim lồng, không ai còn mơ hồ gì nữa. Rồi Tết đến, cũng một bầu không khí ảm đạm, thê lương y hệt như thế. Cũng may là Ban Quản Giáo cho gia đình gửi quà Tết lên cho bọn tù từ tuần trước, nên anh em cũng có tí đồ ăn “cải thiện”, vui vẻ với nhau một chút trong mấy ngày Tết.

Thời gian trong tù chẳng bao lâu sau đã chứng tỏ rõ ràng khả năng dồi dào và đa dạng của các cựu Sĩ quan Quân đội miền Nam, khác hẳn bọn sĩ quan quản giáo, rặt là một lũ vô học, không có trình độ, dốt nát ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Chỉ với tay không và óc sáng tạo, anh em chế ra đủ thứ. Trước tiên là các dụng cụ để làm việc, họ dùng các tấm sắt đường rầy xe lửa cũ, các thứ vật liệu phế thải thu nhặt được mà làm ra mọi thứ: từ cuốc, xẻng, xà beng v.v... cho đến “xe cải tiến”, ròng rọc gỗ, lò rèn và ống bễ... Nhiều anh em có những khả năng đặc biệt, thí dụ như anh Nguyễn Thanh Thu, họa sĩ kiêm điêu khắc gia, người tạc bức tượng Thương Tiếc nổi tiếng đặt trước Nghĩa Trang Quân Đội bên lề Xa lộ Biên Hòa, được các quản giáo chiếu cố tận tình, nhờ vẽ hết cái này đến cái khác.

Còn nhớ có một anh quản giáo tên là Tý, mà chúng tôi gọi là anh Quản Bia, vì anh có bộ mặt đần độn và hàm răng vẩu, trông giống y hệt như hình tên VC trên tấm bia tập bắn ở các quân truờng. Anh này đem xuống cho anh Thu tấm hình bà vợ, một chị nhà quê miền Bắc tiêu biểu, đầu quấn khăn vành dây có đuôi gà, răng đen mã tấu, mặt rỗ hoa, mắt lác xệch. Anh Quản Bia cung cấp giấy croquis vẽ, màu nước v.v... không biết kiếm ở đâu ra, bắt anh Thu vẽ cho bà vợ một bức họa chân dung, với yêu cầu là phải “hiện đại hóa” cho thành phụ nữ tân thời, nguyên văn lời anh là “giống như phụ nữ miền Nam”! Vài ngày sau, anh Thu trình tác phẩm nghệ thuật đã hoàn tất: chị vợ nhà quê nay môi son má phấn, mặt hết rỗ, mắt không còn lác, tóc phi-dê ngon lành, đeo bông tai, vòng vàng đàng hoàng, trông rất chi là hiện đại và sang trọng. Anh Bia hài lòng lắm, bèn thưởng cho anh Thu mấy tán đường thẻ, hí hửng đem tranh về cất kỹ, đợi dịp đi phép sẽ mang về Bắc làm quà cho vợ!

Sau này anh em tù “ngụy” có phong trào đi lượm những mảnh bom, mảnh nhôm vụn. Những khi rảnh rỗi ngoài giờ lao động, cả trại thi nhau hì hục cưa, mài, dũa… làm lược, làm trâm cài tóc… để mai này tặng vợ con khi có dịp. Những tấm tôn phế thải được đem về đập cho thẳng, cưa ra, gò thành gầu múc nước, nồi, chảo, thùng… để dùng hàng ngày. Anh em còn làm cả những chiếc va-li đựng đồ, có khóa đàng hoàng, trông rất “chiến”, chỉ thua va-ly Samsonite chút đỉnh. Các anh quản giáo trông thấy, suýt soa khen đẹp, và đều xuống đặt làm cho mỗi anh một hai cái, chờ đi phép sẽ xài. Tuyệt vời hơn, anh em bắt đầu “chế” đàn guitare, thùng đàn gò bằng tôn, cần đàn thì đẽo bằng gỗ củi, dùng dây điện và dây điện thoại xe lại làm đủ bộ 6 dây đàn, từ dây “mì” thấp nhất đế dây “mí” cao nhất. Từ những cây đàn đầu tiên còn thô sơ chưa được chính xác và nghe chưa hay, qua kinh nghiệm dần dần kỹ thuật được cải tiến nên những cây đàn làm về sau trông đẹp hơn và nghe rất được. Nghe nói ở trại khác, anh em còn làm cả vĩ cầm, có archet kéo đàng hoàng! Rồi trong trại nổi lên phong trào học nhạc, anh này dạy anh kia, cho qua thời giờ rảnh sau khi lao động mệt nhọc.

Tôi được một anh bạn gò tặng cho cây đàn, sướng quá vì vốn mê nhạc mà đã lâu không được chơi. Cùng tổ với tôi, người tôi thân nhất là Nguyễn Ngọc Ngạn, giáo chức, Trung úy biệt phái, mà chúng tôi gọi là Giáo Ngạn. Thân với hắn vì cả hai thằng đều khoái văn nghệ, đều có máu tếu và đều “phản động ngầm”. Thí dụ như bài hát ca tụng già Hồ: “Bác đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con, bác bắt nhịp bài ca Kết Đoàn”, được chúng tôi sửa lời thành: “Bác đến từng nhà hăm các cụ già, còng tay chúng con, bác bắt buộc người ta kết đoàn…”, hát nho nhỏ với nhau rồi khoái chí cười hinh hích! Người ta đâu có muốn “kết đoàn” theo kiểu của “Bác” đâu, nhưng bị “Bác” bóp cổ bắt buộc nên rất chán!

Có được cây đàn, tôi và Giáo Ngạn tối tối nghêu ngao ca hát các loại “nhạc vàng”, vì thời còn trẻ tôi thuộc lòng rất nhiều nhạc cả VN lẫn ngoại quốc. Tiếng đồn bay xa, dần dần anh em các đội tổ khác muốn nhớ lại “hương xưa”, mời chúng tôi đi “du ca”, hát “nhạc yêu cầu”, đổi lại anh em đãi chúng tôi thuốc lào, chè cháo! Được mấy tháng thì chuyện “du ca” bị chấm dứt sau khi chúng tôi bị quản giáo và vệ binh rình bắt quả tang, may chỉ bị làm kiểm điểm. Báo hại các anh em trong đội tôi cả mấy buổi tối phải “ngồi đồng” sau giờ lao động, kiểm thảo phê bình chúng tôi thay vì có thời giờ làm việc riêng, nên phàn nàn quá xá !

Cuối tháng 8 năm 1976, chúng tôi bị lùa lên Hội trường, bắt đầu “học” bài đầu tiên của loạt “10 bài học cải tạo dành cho sĩ quan chế độ cũ”, do cán bộ chính trị từ Trung đoàn xuống “lên lớp”, to chuyện lắm. Nói chung thì các bài bản của CS đều là thứ tuyên truyền rẻ tiền, với những tiêu đề đại loại như “Đế quốc Mỹ to nhưng không mạnh”, “Đế quốc Mỹ: con đỉa hai vòi”, “Ba giòng thác Cách mạng”, “Nhiệm vụ xây dựng tổ quốc trong thời đại mới”… Bọn tôi xách cái ghế con lên ngồi giả vờ nghe, nhưng kỳ thực hoặc đánh cờ, hoặc “bút đàm” với nhau, hoặc ngủ gật. Lên lớp xong rồi, cán bộ còn ra lệnh phải về họp tổ thảo luận, đào sâu thêm để sau đó làm “thu hoạch” cho tốt! Tổ tôi cũng phải họp lại vào buổi tối cho có lệ, nhưng bàn với nhau cử hai “lính gác giặc”, một anh thủ cửa trước, một anh cửa sau, còn mọi người ai nấy cứ làm việc riêng - anh thì vá quần áo, anh thì dũa lược nhôm, anh thì đánh cờ tướng v.v... Khi thấy có quản giáo hay vệ binh xuất hiện từ xa là “lính gác giặc” báo động, tất cả các đồ linh tinh biến mất trong chớp mắt, nhìn vào người ta chỉ thấy cả tổ đang ngồi nghiêm chỉnh, nghe một tổ viên (dĩ nhiên là đã có cắt cử từ trước) đang thao thao phát biểu, đúng y chang yêu cầu học tập! Theo nhận xét và kinh nghiệm của cá nhân tôi, đại đa số anh em tù chỉ vờ vịt, vì trót lâm vào cảnh “cá nằm trên thớt” nên đành cắn răng “nín thở qua sông” cho qua chuyện, chứ học tập học tiếc cái gì! Chẳng đời nào CS “cải tạo” được các cựu Sĩ quan QLVNCH!

Thấm thoắt đã lại gần Tết, cái Tết thứ nhì trong tù cải tạo. Các trại viên sau hơn một năm bị tù, dường như đã cam phận hơn và chấp nhận thân phận tù đày không biết ngày ra. Trong hoàn cảnh ấy, làm gì cho vui một chút thì vẫn hơn là rầu rĩ, suốt ngày nhìn trời hiu quạnh ! Cán bộ trại cũng ra lệnh cho trại viên sửa soạn văn nghệ đón Xuân để ra điều là “an tâm cải tạo”.

Các đội, tổ được phân công dựng sân khấu ngay tại hội trường chính. Anh Nguyễn Thanh Thu xin cán bộ cung cấp vải và sơn để trang trí sân khấu. Anh thực hiện hai tấm vải treo dọc hai bên cánh gà, vẽ hai con hạc rất đẹp, đối xứng với nhau, ngóc mỏ nhìn lên mặt trăng màu vàng trên nền trời đêm đen bạc. Cán bộ xuống xem, tấm tắc khen. Anh Thu nói nhỏ với tôi: ”Mấy thằng Cán bộ này ngu thiệt! Tôi vẽ hai con hạc đứng một mình này có ý nghĩa là bọn mình cô đơn trong tù, nhìn trăng nhớ nhà, rầu thúi ruột, mà tụi nó không hiểu, cứ khen tới…”

Ngày mồng một Tết năm ấy, trại viên cũng làm đầu lân bằng tre và giấy bồi, đi múa khắp trại, có cả ông Địa phe phẩy quạt. Giáo Ngạn mặc quần tây, áo sơ mi trắng đem theo từ lúc đi trình diện cải tạo, chơi thêm cái cà-vạt làm bằng bao cát, đi vòng vòng chúc Tết anh em “mau chóng cải tạo tốt để được về sớm”. Tôi phụ trách ban nhạc gồm hơn chục anh em, mỗi người một cây đàn tôn, cũng ráo riết tập dợt. Trong buổi trình diễn đón Xuân, Giáo Ngạn vẫn trong bộ đồ kẻng, đeo cà-vạt, làm MC. Có lẽ đó là lần làm MC đầu tiên trong đời của hắn, có thể cũng là điềm báo hiệu sự nghiệp MC sau này chăng?

Ban nhạc chúng tôi thì ngoài mấy cây đàn guitare tôn, còn có một bộ trống cũng gò bằng tôn, phất giấy có thoa nước cơm đặc nhiều lần cho cứng, và một cây contre-basse làm bằng một cái thùng phuy cưa đôi, dây bật phình phình, cũng xôm tụ ra phết. Chúng tôi hòa tấu bài “Those were the days” (khi nộp chương trình văn nghệ cho “khung”, tôi khai là nhạc Liên xô). Bài hát này thời trước 75 khá phổ thông, và lời ca tiếng Anh, nếu ai biết, cũng rất thấm thía đối với hoàn cảnh chúng tôi bấy giờ, ngụ ý nhớ tiếc những ngày vui cũ : “Those were the days, my friend - We thought they'd never end - We'd sing and dance forever and a day - We'd live the life we choose - We'd fight and never lose - Cause we were young and sure to have our way…” Dĩ nhiên anh em tù cải tạo rất khoái, vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Cũng may là không có tay ăng-ten nào đâm thọc, nên chúng tôi không bị rắc rối. Tối về thì tổ anh nuôi phát cho anh em mỗi người một mẩu thịt heo bé tí, đặc ân của “cánh mạng” đãi ngộ bọn tù nhân dịp Xuân về… Từng nhóm nhỏ, chúng tôi gom chung đồ tiếp tế, pha cà phê hoặc trà, nấu nồi chè đậu xanh, ngồi quây quần trò chuyện tới khuya, ngậm ngùi nhắc những kỷ niệm Tết vui những ngày xưa cũ…

Không lâu sau cái Tết năm ấy, trại viên lại được lệnh “biên chế”, từng đội từng tổ lại bị xé ra, ráp trở lại thành những nhóm mới, đi đến những địa điểm tù khác nhau. Thì ra đây cũng nằm trong kỹ thuật “giam tù phản động” của cộng sản : họ sợ rằng để bọn tù ở chung với nhau lâu ngày thì sẽ kết bè kết nhóm, thân nhau tin nhau đủ để có thể âm mưu tổ chức trốn trại hoặc nổi loạn. Vì thế cứ độ hơn một năm là họ “biên chế”, chẻ nát các đội, tổ, xào xáo lung tung và chia thành nhiều nhóm mới, chuyển đến nhiều trại mới khác nhau để tránh hậu họa. Kỹ thuật này do quan thầy Liên Xô và Trung Cộng nghiên cứu và áp dụng thành công từ bao nhiêu năm, nay đệ tử Việt cộng dùng để khống chế bọn tù “ngụy”.

Mới đó mà đã ba mươi mấy năm. Những bạn tù hồi đó, người may mắn vượt thoát ra ngoại quốc, kẻ còn ở lại sống chật vật dưới chế độ CS. Điều lạ lùng là có những người trước đây ở trong tù khốn khổ thì giữ được tư cách, lập trường, đáng mặt trượng phu, mà khi vượt biên thành công, ra ngoài sống thoải mái ở nước tự do thì lại dần dà biến chất, lập trường chao đảo một cách quái đản khó hiểu, thậm chí còn ra mặt ca tụng cảnh “phồn vinh” bây giờ của Saigon, thán phục trình độ ăn chơi sang trọng của tầng lớp Cán bộ CS ăn trên ngồi trước mà nay họ được “hân hạnh” quen biết! Nói chuyện với những người ấy, có khi mình có cảm tưởng là thằng bạn tù ngày xưa đã chết, người mình đang gặp đây là một nguời khác, một người hoàn toàn xa lạ! Giáo Ngạn thì từ mười mấy năm nay, kể từ sau vụ Paris By Night “B40”, chắc là ngượng ngùng nên dù qua Úc nhiều lần nhưng chẳng liên lạc với ai nữa. Thì thôi! Điểm chung đã không còn, có gặp nhau cũng chỉ là gượng gạo, thà là nghỉ cho rồi!

Trại tù L9 T5 Long Khánh của chúng tôi có được hơn chục anh em cựu tù cùng sống tại Sydney, từ 1994 đến nay năm nào cũng họp mặt mỗi cuối năm, hàn huyên chuyện cũ chuyện mới. Những mái đầu xanh ngày xưa giờ đã lốm đốm bạc. Trong nhóm cũng đã có người ra đi vĩnh viễn. Vài anh em ở đây hàng năm vẫn chung góp để tiếp tế cho một vài bạn tù hồi đó nay còn ở VN, giúp họ có được một cái Tết tương đối tươm tất cho gia đình.

Nhớ lại những kỷ niệm xưa mà lòng không khỏi bồi hồi. Và buồn vì không biết bao giờ mới được về thăm một Quê hương Việt Nam, khi thực sự có Tự do dân chủ...


Nguyễn Mạnh Tiến

HOÀNG ĐNH * VƯỢT BIÊN




Chuyến Vượt Biển Hãi Hùng 

Hoàng Định  

Đoàn người chúng tôi vượt biển bằng chiếc ghe với chiều dài khoảng 10 thước, ngang 2 thước, kéo bằng chiếc máy đầu tám ngựa khỏi Bãi Giá, Đại Ngãi, Hậu Giang, Sóc Trăng chở 78 con người đủ lứa tuổi, riêng trẻ em khoảng 20 cả trai lẫn gái, hầu hết thuộc về làng ven biển, mà tôi chỉ biết một số người.
    Chúng tôi rời quê hương tháng 2 năm 1990, thời tiết êm dịu, mọi việc kể như trót lọt, nhưng đồ ăn nước uống rất thiếu thốn, vì thế sau bảy ngày chịu đựng một em bé sáu tuổi khóc mãi và chết trong tư thế đang khóc, mọi người lấy ván có sẵn trong ghe làm tạm chiếc hòm với hy vọng ngày mai mang lên bờ chôn cất, tối đó có rất nhiều người nằm mơ nhiều chi tiết liên quan đến cái chết của cháu bé, riêng tôi thấy rất nhiều trẻ em kêu khóc, níu kéo ghe chìm xuống, thế là mọi người đều đồng ý cúng vái với một ít mì gói vụn và thả hòm xuống biển, mấy đêm sau đó mọi người không còn những giấc mơ kinh hoàng nữa.
    Vài giờ sau chiếc ghe máy bị hỏng không ai sửa chữa được, thế là thuyền lênh đênh trên biển thêm bảy ngày đêm, đói thì ăn cả kem đánh răng, khát thì uống nước biển hoặc nước tiểu, cứ tối đến thì thỉnh thoảng đốt lửa kêu cứu bằng quần áo tẩm dầu.
    Một đêm khoảng 2 giờ 30 sáng, trong lúc người ta đốt lửa làm hiệu thì nhận ra một chiếc tàu chạy đến và dừng lại trao cho chúng tôi chuối, nước, rồi tự động cột dây kéo đi. Người trên chiếc tàu đó không biết là người nước nào. Chúng tôi rất mừng vì được cứu. Khoảng mười phút sau đó, tàu dừng lại song song với ghe và ra dấu chỉ vào tai, vào ngón tay, cổ tay chúng tôi, mấy tiếng giọng lơ lớ “US đô la”. Vì quá vui mừng nên chủ ghe Năm Be vội lấy mũ nỉ gom góp nữ trang của những người trên ghe, họ đứng n hìn và thấy nữ trang được bỏ đầy vào chiếc mũ thì nhẩy qua ôm chiếc mũ sang tàu họ. Một người có vẻ là chủ tàu ra dấu như không đủ vào đâu nên ra dấu bảo đưa thêm hoặc chính họ sang để lục soát. Rồi họ tự động cột giây từ bánh lái đến mũi ghe và cột vào tàu họ. Tôi và một số thanh niên khác cảm thấy lo sợ và nghi ngờ hành động này thì tức thời họ ra dấu chỉ đám đàn ông đu dây xuống nước dọc thành ghe. Tôi và mọi người cùng biết đây là bọn hải tặc đang tìm cách hãm hại những người trên ghe, đang do dự không tuân lệnh nhưng chủ ghe Năm Be lại giải thích vì của cải chúng tôi nộp chó họ quá ít ỏi không đủ cho chuyến đánh cá của họ. Và vì họ ít người nên ngại chúng tôi đông người đó thôi. Thấy chúng tôi vẫn đứng yên, Năm Be vung tay nói; “ Đ.M! có thằng nào chịu nổi cú đấm của tao không mà bày đặt chống cự?”, thế là chúng tôi hậm hực đu xuống, bọn họ chỉ tay ra dấu cho Năm Be đu xuống luôn. Cả đám đàn ông thanh niên đu dây trong biển dọc thành ghe mà nhìn họ.
    Trời lờ mờ sáng và với đốm lửa cấp cứu mà chúng tôi đã đốt lên, nhận ra bọn họ khoảng năm tên, tay xách búa chặt cây bước sang lục soát những phụ nữ, trẻ em trên ghe, sau dó tên lái táu lái ghe chạy làm lệch ghe. Đàn ông thanh niên dưới nước ôm chặt dây sát vào ghe, cố ngoi đầu lên thở còn thân mình và đôi chân trôi trong nước theo tốc độ của ghe bị kéo. Chúng tôi còn đang kinh hoảng thì những chiếc búa vun vút chém vào đầu, vào mình đám đàn ông thanh niên đang đu dây.
    Cảnh tượng thật kinh hoảng, tiếng la ó từ trên ghe của phụ nữ, trẻ con, tiếng hét chỉ một lần rồi tắt lịm của những nhát búa trúng đích vào đầu, tiếng la thất thnah cảu những ai bị chém trúng tay, cổ, vai hoặc lưng. Tôi kinh hãi buông tay lúc nào không hay và lặn ngầm qua bên kia của ghe. Tên lái tầu rọi đèn pha đảo qua đảo lại để nhìn cho rõ ràng mà chém, chợt nhận ra tôi, một tên trong bọn lấy mỏ neo liệng theo nhưng may không trúng, thế là tôi lặn tiếp một hơi.
    Rời xa ghe một khoảng, tôi nhìn lên ghe, đèn sáng choang từ dưới mặt nước nhìn rất rõ, tôi thấy họ tách một đứa bé ra khỏi tay một bà nào đó liệng xuống biển, tôi tiếp tục bơi xa và nhìn thấy tàu đã húc cho ghe chìm hẳn. Tôi quá kinh hãi không biết chuyện gì đã xảy ra sau đó nữa, mãi qua đến trại Sikew qua một bé gái 13 tuổi tôi mới biết là trẻ em quá nhỏ thì bị liệng xuống biển, còn bé gái đang lớn và tất cả phụ nữ thì họ lùa lên tàu và ngày đêm thay nhau hãm hiếp.
    Tôi vẫn tiếp tục bơi mà chẳng biết đi về đâu, mãi gần sáng gặp được tài công Thời (còn gọi là Chệt Lác) lưng bị chém một nhát búa, và ông Hùng bị một nhát búa ngang mang tai máu me còn rỉ ra. Cả hai đnag ôm một thùng nhựa đựng dầu 20 lít làm phao, tôi mệt quá ghé tay vịn vào nhưng cả hai năn nỉ tôi rời xa đi vì thùng dầu quá bé không đủ sức nổi cho ba người, tôi thông cảm họ và chợt nhớ ra vết thương của hai người máu rỉ ra rất dễ làm mồi cho cá mập. Thế là tôi bơi đi và chợt nảy ra sáng kiến cởi chiếc quần dài thắt ống, lộn ngược làm phao, tôi dựa cổ vào đáy quần và cứ thế một vài giờ lập lại cách làm như vậy cho đến khoảng gần giữa ngọ ngày hôm sau. Nhìn xa xa thấy một vật mầu đen đen nhấp nhô, thế là tôi cố gắng lội đến và rất may vớ được thùng dầu từ chiêc ghe của chúng tôi. Tôi vội ôm ngay vào ngực và thấy sung sướng lạ thường như vừa trút được một khối nặng nề mệt mỏi ra khỏi con người vậy. Nhìn quanh thấy kẻ ôm thùng, người bơi, người ôm ván, không biết ai là ai nhưng nhẩm đếm những điểm di động có vào khoảng 30 người. Tôi rất mừng vì còn được nhiều người sống sót, hoạt cảnh xẩy ra như thể chúng tôi đang chia từng nhóm bơi lội vậy. Có khá nhiều tàu đánh cá khoảng hơn mười chiếc không biết của nước nào đi ngang, nhưng họ tỉnh bơ nhìn chúng tôi như đang tắm biển vậy, có thể nói từng chiếc tàu đó nghe thấy tiếng kêu cứu não nề tuyệt vọng của chúng tôi trên mặt biển đều khoát tay từ chối. (Khi đến trại chúng tôi được biết nếu họ cứu thì sẽ phiền đến họ vì phải khai báo, chụp hình chung với nhau theo luật Cao Ủy Tị Nạn để điều tra, và nhất là họ sợ bọn hải tặc nhận ra sẽ trả thù)
    Chúng tôi cứ lêu bêu ngày đêm trên biển đến ngày thứ ba đã thấy lờ đờ vài ba xác chết và nhiều người bất động còn ôm thùng, ván, có một cái xác ngay sát gần bên tôi. Đến trưa, chợt một tàu đánh cá chạy lại gần lại một cặp vợ chồng. Họ vớt vội người đàn bà, đó là chị Lên đang lả người bám vào ván, anh Vũ vội bám vào thành tàu để họ vớt lên thì bọn họ gỡ tay đẩy xô ra, nhìn xuống trông thấy tôi chị Liên vội la lên; “Hoàng ơi, giúp anh Vũ với !”, tôi chẳng giúp được gì, tôi cũng như anh ấy lều bều trên mặt nước, anh Vũ chỉ biết nhìn theo như cái xác không hồn. Chiều đến sóng bắt đầu lớn, cha con ông Ba Vạn và cháu Hồng ôm thùng dầu bị dập vùi trong cơn biển động trông quá kiệt sức, đột ngột ông Ba Vạn thốt lên “Hồng ơi! Tao bỏ mày!”, thế là ông buông tay mất tăm. Chẳng mấy ai còn để ý đến nữa, tôi cũng như mọi người đều mê sảng, hoa mắt, có người thốt lên thấy cồn cát trước mặt, có kẻ thấy hàng dừa xanh mướt, kẻ thì thấy núi xanh thăm thẳm, người thấy cồn đất, còn tôi thì thấy bờ dừa và người đàn bà ngoắc tay như bảo tôi bơi vào, tôi bơi theo hướng tôi thấy, mạnh ai nấy lội theo hướng riêng. Tôi bơi rất lâu mà chẳng thấy đến gần, rồi người đàn bà hiện ra bảo tôi bỏ thùng mà bơi cho nhanh, tôi buông ra và ra sức bơi bằng tay, được vài phút cũng chẳng thấy bờ dừa. Chợt ôi như bừng tỉnh và cầu nguyện thì thấy cát biển, cây dưới nước, tôi đứng xuống rồi người tôi chìm hẳn và mê sảng, thấy như người nào cho ăn, tự nhiên tỉnh táo, mở mắt nhìn lại thấy mình đang chìm dần nên tôi hoảng hồn lội lên, một hồi mới nổi khỏi mặt nước. Nhìn chung quanh toàn biển là biển, thì ra tôi đang mê man hoang tưởng, và kỳ lạ là không cảm đói khát chi, đêm hôm đó trải qua một đêm quả là kinh hãi.
    Đến sáng tôi gặp được ba người lớn và ba trẻ em còn lại trên biển gồm người cha có đứa con sáu tuổi bị tách rời mẹ quăng xuống biển và vợ thì chúng bắt hãm hiếp, đứa bé chín tuổi con của anh ta, cô bé 13 tuổi có mẹ bị chúng bắt sang tàu hãm hiếp và hai người em nhỏ bị tách ra liệng xuống biển, cháu Hồng con ông Ba Vạn bị sóng dập kiệt sức buông tay, Từ Minh Tường, Thời (Chệt Lác). Qua 5 ngày 4 đêm trên biển chúng tôi gặp một tầu sắt và một tầu đánh cá, họ dừng lại, chúng tôi cũng chẳng màng đến vì hàng trăm chiếc cũng đã qua đi như vậy. Thế nhưng họ đang vớt chúng tôi, tuy có muộn màng vì quá nhiều người kiệt lực trên biển, nhưng vẫn còn sống sót bảy người lớn nhỏ, tôi nhìn đồng hồ tay là 6 giờ 58 chiều. Nhìn họ nước da ngăm đen, quấn xà rông tôi không đoàn được họ là người nước nào, họ đang loay hoay nấu cháo cho chúng tôi ăn, uống từng chút như họ đã có kinh nghiệm cho những người vượt biển đói khát này rồi. Họ chở chúng tôi và tiếp tục đi đánh cá, hơn một giờ sau đánh bắt được một con cá mập họ đem bỏ xuống hầm tàu, nó quậy ầm ầm, họ chỉ tay xuống hầm rồi chỉ chúng tôi như muốn nói sẽ bị cá ăn thịt nếu tụi tôi còn lêu bêu trên nước.
    Tầu chở chúng tôi vào bờ khoảng 5 giờ sáng, họ ra dấu sẽ có cảnh sát tới giúp nhưng đừng nói số tàu của họ cứu, rồi họ vội quay tầu ra khơi (Sau này tôi mới biết vùng biển đó thuộc mã Lai Á cạnh Thái Lan) Khoảng nửa giờ sau, có cảnh sát đến, chúng tôi vẫn chưa rõ là người nước nào, một cảnh sát biết tiếng Việt chỉ vào một chiếc xe pick up truck và bảo chúng tôi “Lên xe đi”. Trên đướng đi họ hỏi chúng tôi có biết cô gái nào tên N. 13 tuổi không? Một anh nhận là cháu vợ, thế là họ trở về trạm cảnh sát và anh đã gặp được cô cháu gái thân xác ốm yếu, và nhất là đôi chân bước đi hai hàng trông đau đớn lắm. Gặp lại chúng tôi, cháu khóc nức nở kèm theo nỗi kinh hoàng ghê gớm trên khuôn mặt, chúng tôi cùng im lặng trong nỗi đau đớn chung. Một chập sau đó cháu kể lại đã bị nhốt trên tầu 3 ngày đêm và bọn hải tặc liệng hết quần áo em mà đè ra thay nhau hãm hiếp, cháu khóc la hét đau đớn mà bọn chúng thì cứ hết đứa nọ đến đứa kia cho đến khi cháu không còn biết gì thì chúng xách liệng xuống biển cháu mới bừng tỉnh dậy. Cũng may mắn là chỉ vài phút sau đó được tàu cảnh sát vớt. Anh ta hỏi thăm về vợ mình (là dì của cháu N), cháu cho biết là vẫn còn sống nhưng dì la hét suốt ngày đêm vì bọn họ hãm hiếp dì nhiều quá! thế là trong số 78 người ra đi, chỉ còn lại 8 người sống sót.
    Sáng hôm sau một số người trong Cao Ủy Tị Nạn đến chích ngừa, chăm sóc cho bé N...Còn 7 người chúng tôi thì hình dáng gần như nhau, ai cũng lở loét khắp mình và mặt mũi, da sưng từng mảng, được thoa và uống thuốc trị liệu.
    8 người chúng tôi ở đó ba tháng rồi được làm hồ sơ đi trại Sekew, 30 ngày sau được thanh lọc và tất cả chúng tôi được chấp thuận đi diện nhân đạo. Ở lại trại thêm 6 tháng nữa, riêng tôi định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ anh chị em ngày 20 tháng 10 năm 1992. Mong rằng những câu chuyện đau thương này sẽ tạo khối đoàn kết mạnh hơn trong cộng đồng người Việt hải ngoại khắp thế giới.
    

TƯ NGHÈO * TỤI NÓ OÁNH NHAU


Tụi nó oánh nhau tới đâu rồi!?



Tư Nghèo (Danlambao) - Theo dõi mấy đứa đầy tớ đang tranh nhau đứa nào sẽ "bị" làm đầy tớ cao cấp nhất mà thấy... thương muốn chết. Nếu mà mấy đứa osin ba-đình-bốn-trụ này chiến đấu chống Tàu-lạ hăng say, nhiệt tình, đánh ngày không đủ tranh thủ đánh đêm như chúng đang chí-rận-tranh-hèn xuân-thu-chiến-ghế như hiện nay thì dân ta đâu có phải khóc ngoài quan ải bên này cửa Nam Quan.


Quay qua quay lại mà chỉ còn có vài tuần nữa là lũ đầy tớ kéo nhau về đại hội toàn cướp để quyết định những đứa vô sản mà giàu nhất nước nào xứng đáng là con hoang thay mặt thiên triều phương bắc cai trị hơn 90 triệu ông bà chủ phương nam.


Cũng như mọi đại hội cướp sạch toàn quốc khác, tiền đại hội quan trọng hơn đại hội. Sống chết là ở những ngày này. Qua những đống phân được mấy con mèo mang thẻ đỏ, tự xưng là lão thành cắt mạng, đồng chí trung kiên, đồng rận trung thành, bới ra trong tiến trình giúp "minh chủ" tranh nhau chiếm ngự hố xí ba đình, người ta biết được... mờ mờ rằng:


- Đồng chí Dũng đang bị đồng rận Trọng dọn đường cho về Cà Mau tổ chức vượt biên qua Mỹ đoàn tụ với sui gia nguỵ quyền.


- Các đồng chí nổi tiếng (vì bị dân chửi nhiều) như Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Nguyễn Chí Vịnh bị chúa đảng đá ra khỏi danh sách đề cử vào bộ chính trị nhưng ban chấp hành trung ương quyết định cho tụi nó tiếp tục ra tranh cử để trở thành 16 osin cao cấp nhất.


- Bên cạnh Minh, Bình, Thăng, Vịnh còn có mấy chú chí mợ rận: Võ Trọng Việt - thượng tướng cướp, thứ trưởng bộ bám bờ; mợ Trương Thi Mai - chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội của đảng hội; Lương Cường - thượng tướng cướp, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị.


- Hiện tại đang có sự tranh chấp như mổ bò về điều 13 của quyết định 244 trong đó bộ chăn trâu nói rằng chỉ có chúng ông mới có quyền cho phép đứa nào ra tiếp tục sự nghiệp chăn trâu của bộ. Vì thế mà mới hôm rồi, Lê Đức Chột đã phải gửi thư đến Tổng lú, bắt chước các nhà dân chủ phe ta đòi quyền ứng cử, quyền đề cử và quyền bầu cử.


- Ngoài đồng chí Nguyễn-nòng-nọc đang bị đầu đảng lú và chủ tịt sâu tấn công loại trừ, tình trạng lão nào đang xài Viagra trong bộ chăn trâu được đề cử tiếp tục sự nghiệp chăn trâu vẫn còn đang nằm trong vùng tranh chấp chủ quyền bàn ghế. Lý do là đầu đảng cướp Nguyễn Phú Trọng còn đang tính đường để có thể tiếp tục sự nghiệp osin phục vụ quần chúng cho đến chết (quần chúng chết chứ không phải lão chết - vì trong tương lai sẽ có băng rôn tiếng Tàu: bác Trọng sống mãi trong lòng quần chúng).


- Theo đề nghị tha thiết của bác Trọng sống mãi gửi đến bộ chăn trâu và ban bí lù thì để các anh già loài sản có thể tiếp tục sự nghiệp đứng/ngồi/nằm trên đầu thiên hạ thì có 3 trường hợp: cho 1 lão ra thì lão đó sẽ là tổng bí và phải là dân từ bên kia vĩ tuyến 17. Nếu 2 lão muốn làm thì nước Việt sẽ có 2 đứa con hoang già khú lãnh đạo ở chức vụ tổng bí và chủ tịt. Và nếu 3 lão được cho ra thì sẽ có thêm lão già thủ tướng cướp. Theo tin đồn từ chợ thịt Ba Đình lan tỏa xuống chợ cá Bến Thành thì cho đến bây giờ lão già mang biệt hiệu Lú vẫn đang say mê đứng trước gương, giơ tay cương quyết chiến đến cùng cho chọn lựa số 1 với điều kiện được bắt bù lon, đinh ốc đính kèm: đầu đảng cướp phải là dân Bắc (triều).


- Thế cờ hiện nay là phe Trọng lú đã thắng thế trong bộ chính trị (gồm 16 đứa) với sự gật đầu của cha già họ Tập. Còn Dũng nòng nọc thì đang được hậu thuẫn nhiều hơn trong ban chấp hành trung ương (gồm 175 đứa). Chính vì vậy mà bằng mọi giá Tổng bí lú đã không đưa vấn đề già quá đát nhưng vẫn muốn tiếp tục chơi bời vào nghị trình họp BCH13 và thay vào đó bám riết vào điều 13 quyết định 244.


Tóm lại tình hình mặt trận osin ba-đình-bốn-trụ tính đến ngày hôm nay là như thế. Tư Nghèo đết có ủng hộ đứa nào (có mà điên! có mà ngu để mà ta yêu em khù khờ!!!). Biết phận chủ nhân đất nước chỉ được đứng ngoài mà ngó đám đầy tớ đâm cha chém chú nhau giành ghế phục vụ... mình, chẳng làm được gì nhiều nhưng không có nghĩa Tư đã nghèo rồi mà lại câm. Phải nói chứ. Nói để cho thấy tụi nó có khả năng gây-mửa tới mức nào và nói để biết đâu cha con nó đổ máu thêm. Chết được con cộng thằng sản nào dân đỡ khổ được chừng ấy. Nhưng vậy cũng chưa đủ. Mình phải làm nghe bà con. Làm kiểu gì cũng được, đừng có phê bình nhau miễn là có làm. Vì có làm thì bè lũ ăn cướp con cháu của HỒ-TẬP chương này mới có ngày nằm trong quan tài mà đổ lệ.


08.01.2016



Tư Nghèo



BARACK OBAMA VÀ TẬP CẬN BÌNH


TRƯỚC BÀN CỜ CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG






Đại-Dương






Toà Bạch Ốc mất ngủ và lúng túng vì ISIS trong nhiều năm mà chưa có chiến lược rõ ràng, dứt khoát để làm suy yếu và tiêu diệt lực lượng Hồi giáo quá khích.


Áp lực của Nga đè nặng lên an ninh Châu Âu mà NATO vẫn chưa có cách hoá giải thoả đáng.


Trung Quốc tung hoành ngang dọc trên 2 Biển Đông và Nam Trung Hoa bất chấp chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ tung ra từ năm 2011.


Một số học giả quốc tế như John Glasser đang nghiên cứu tại Đại học George Mason đề nghị giải pháp Hoa Kỳ từ bỏ ưu thế quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương nhằm tránh chiến tranh cấp vùng hoặc toàn cầu.


Luận điểm của xu thế này tập trung vào các điểm sau: (1) Trung Quốc không trỗi dậy hoà bình. (2) Trong 5 thế kỷ qua đã có 16 vụ “cường quốc đang lên” muốn đoạt vị thế siêu cường mà 12 trường hợp dẫn tới chiến tranh. Vì thế, Hoa Kỳ phải tránh chiếc bẫy Thucydide. (3) Hoa Kỳ phải trả giá cao nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. (4) Trận chiến Mỹ-Trung, nếu có, chỉ lợi cho các nước khác chứ không phải Hoa Kỳ. (5) Duy trì ưu thế quân sự tại Đông Á chẳng đem lại nhiều lợi ích an ninh cho Hoa Kỳ. (6) Ưu thế quân sự toàn cầu chỉ đem lại tối thiểu cho địa-kinh-tế (geoeconomic gains). (7) Hoa Kỳ từ bỏ ưu thế tại CA-TBD thì nguy cơ đụng độ sẽ tan biến.


Sau khi thâu tóm quyền lực vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình dứt khoát từ bỏ chính sách “Ẩn mình Chờ thời” của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình để tiến hành chiến lược bá quyền, bành trướng trên Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa.


Tập Cận Bình lăm le cưỡng chiếm nhóm đảo Senkaku của Nhật Bản đã vô tình khơi dậy tinh thần ái quốc của con cháu Thái Dương Thần Nữ.


Con giao long Nhật Bản chỉ lo phòng thủ kể từ sau Đệ nhị Thế chiến bổng dưng vùng lên mãnh liệt để đối phó hữu hiệu với chính sách bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh.


Vì thế, Tập Cận Bình đành dồn nỗ lực vào Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, tức Biển Đông Nam Á. Nơi đây có 600 triệu dân sinh sống với nhiều thể chế chính trị khác nhau vốn chủ trương “đèn nhà ai nấy rạng” nên dù mệnh danh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á mà rất khó đoàn kết trước chính sách bành trướng, bá quyền Bắc Kinh.


Chủ trương của Tập Cận Bình phát huy tác dụng mạnh mẽ và nhanh chóng nhờ Tổng thống Barack Obama thực hiện chính sách ngoại giao để giải quyết mọi vụ tranh chấp và xung đột trên thế giới.


Dưới áp lực của giới quân sự, Chính phủ Obama đã ban hành chính sách “xoay trục” hoặc “tái cân bằng” tại Châu Á-TBD kể từ năm 2011 gồm các điểm chính: (1) Gìn giữ và tăng cường mối quan hệ với các đồng minh có hiệp ước phòng thủ hỗ tương như Nhật Bản, Đại Hàn, Úc Đại Lợi, Phi Luật Tân, Thái Lan. (2) Gia tăng sự hiện diện quân sự toàn bộ trong vùng. (3) Hội nhập kinh tế trong vùng nhằm gạt Trung Quốc sang bên (TPP).


Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thú nhận đã đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch “tái cân bằng” lực lượng tại Châu Á-TBD.


Trên phương diện ngoại giao, Tập tạo ra “mối quan hệ nước lớn” ngang hàng với Obama và Putin mà không cần quan tâm đến các nước khác.


Về quân sự, Bắc Kinh sản xuất khí tài chiến tranh với nhịp độ nhanh nhất thế giới nhằm nới rộng vùng chống-tiếp-cận và chống-xâm-nhập để đẩy Đệ thất Hạm đội xa dần bờ biển Trung Quốc. Tập không còn e ngại chính sách “đánh phủ đầu” như thời Tổng thống George W. Bush.


Bắc Kinh cưỡng đoạt Bãi cạn Panataq (Scarborough Shoal) của Phi Luật Tân năm 2012. Từ năm 2014, Bắc Kinh bồi đắp các đá, rặng san hô ở Trường Sa (Spratly Islands, Nam Sa) thành 3 đảo nhân tạo Xu-Bi (Subi Reef, Chữ Bích Tiêu), Chữ Thập (Fiery Cross Reef, Vĩnh Thử Tiêu), Vành Khăn (Mischief Reef, Mĩ Tế Tiêu) biến dần thành tiền đồn quân sự.


Từ 2 tháng 1 đến nay, Bắc Kinh đã thực hiện 3 vụ máy bay dân dụng xử dụng phi đạo trên đảo nhân tạo Chữ Thập tại Trường Sa. Có thể phi cơ quân sự sẽ đáp xuống đảo Chữ Thập vào giữa năm 2016.


Trên lĩnh vực pháp lý, nhân dịp Mã Lai Á và Việt Nam nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa ở phía Nam Biển Đông ngày 6 tháng 5 năm 2009, Bắc Kinh gửi công hàm ngay hôm sau phản đối kèm theo bản đồ Đường 9 Đoạn chiếm 80% Biển Nam Trung Hoa mà không ghi toạ độ và lý do hình thành.


Dù bị cộng đồng quốc tế phản đối quyết liệt, Bắc Kinh ngang nhiên coi Đường Chữ U như chủ quyền bất khả tranh cãi, hành xử nghiêm ngặt quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng bao trùm cả 2 Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Bắc Kinh từ chối tham gia và tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Toà án Trọng tài về Luật Biển khi bị Phi Luật Tân kiện về cách diễn dịch sai Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.


Nhóm Glasser lo sợ Hoa Kỳ không đủ khả năng tiến hành một lúc 3 cuộc chiến tranh do chênh lệch về lực lượng quân sự giữa hai đối thủ tại Đông Á.


Trung Quốc hiện có 300 chiến hạm so với 272 chiếc của Mỹ (Mỹ giảm 20% so với 2 thập niên trước). Đệ thất Hạm đội chịu trách nhiệm tại Đông Á chỉ có 182, giảm so với 192 chiếc của 20 năm trước.


Nhưng, đa số chiến hạm của Hải quân Trung Quốc còn thô sơ nên Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift tuyên bố hồi đầu tháng 1-2016 “với kỹ thuật tiên tiến, sức mạnh của Hải quân hiện nay hơn 2 thập niên trước rất nhiều”. Mỹ cũng đã nới rộng vùng hoạt động của Đệ tam Hạm đội tới Tây-TBD. Hoa Kỳ có 10 Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm so với 1 tàu sân bay Liêu Ninh chỉ có khả năng huấn luyện.


Lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc có 200 chiếc vượt trội tổng số tàu đồng nhiệm của các quốc gia trong khu vực nên giám sát chặt chẽ chủ quyền Đường 9 Đoạn (Cửu Đoạn Tuyến). Mỹ có 280 tuần duyên hạm, nhưng, chỉ hoạt trong vùng biển nhà.


Hôm 4 tháng 1-2016, cựu Tổng biên tập tờ The National Interest, Harry Kazianis đã vạch ra sai lầm của chủ trương từ bỏ ưu thế quân sự Mỹ tại Đông Á do Glasser trình bày.


Hoa Kỳ muốn từ bỏ ưu thế quân sự tại Đông Á buộc phải huỷ bỏ các Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương với các quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi cũng như các đối tác chiến lược Ấn Độ, Việt Nam. Rõ rang bất-khả-thi.


Liệu các quốc gia Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung Đông sẽ còn coi Hoa Kỳ như một đồng minh hoặc thân thiện nữa không?


Liệu cộng đồng quốc tế có sẵn sàng chấp nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc, Nga khi Mỹ rút khỏi hệ thống quốc tế hay không? Sự xáo trộn này sẽ vô cùng nguy hiểm mà chẳng ai lường được thảm hoạ khủng khiếp với nhân loại.


Chẳng có chính trị gia Mỹ nào dám tuyên bố bỏ rơi Châu Á-TBD, chiếc đầu tàu kinh tế thế giới hiện nay với 3 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản. Họ biết chắc vùng này sẽ xáo trộn dữ dội, thậm chí xảy ra chiến tranh lan rộng.


CA-Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển sau khi Trung Quốc từ bỏ tham vọng phát động phong trào lật đổ chính quyền bằng biện pháp mao-ít kể từ năm 1978.


Từ năm 2009, Bắc Kinh chứng kiến sự suy thoái của Hoa Kỳ nên đẩy mạnh hoạt động bành trướng, bá quyền buộc các quốc gia láng giềng phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang triền miên.


Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ, mua vũ khí tấn công của Nga, cần vũ khí phòng thủ của Mỹ.


Ấn Độ cầm đầu Phong trào Phi-liên-kết đã tiến gần Hoa Kỳ về chiến lược và kinh tế.


Nhật Bản tái diễn dịch Hiến pháp Hoà bình 1947 để trở thành một quốc gia bình thường có khả năng phòng thủ lẫn tấn công. Thủ tướng Shinzo Abe đang chuẩn bị lập vùng chống-tiếp-cận và chống-xâm-nhập, tăng cường hợp tác với Ấn Độ, Úc Đại Lợi, gia tăng hoạt động tại Biển Đông.


Úc Đại Lợi đang thảo luận về khả năng thủ đắc vũ khí nguyên tử.


Phi Luật Tân mở mặt trận pháp lý chống Trung Quốc.


Đài Loan tăng cường binh bị do sợ Bắc Kinh thôn tính.


Tập Cận Bình chủ trương phá hoại hệ thống luật pháp quốc tế để thay thế quan điểm có lợi cho Trung Cộng. Từ đó, cứ coi như thực tế mà buộc cộng đồng quốc tế phải chấp nhận và tuân theo.


Như vậy, thế càng lớn, lực càng mạnh sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc gây chiến.


Tổng thống Vladimir Putin và Tập Cận Bình biết rõ Obama sợ chiến tranh nên mạnh dạn lấn áp từ Châu Âu, Trung Đông tới Châu Á-TBD.


Giới lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ đã chuẩn bị mọi biện pháp kiềm chế Trung Quốc, nhưng, phải có lệnh Obama mới có thể tiến hành.


Hôm 5 tháng 1-2016, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson công bố kế hoạch vượt trội Nga và Trung Quốc trên biển qua 4 điểm xây dựng lực lượng và 15 điểm cải thiện môi trường chiến lược để chế ngự Nga, Tàu.


Các quốc gia Châu Á-TBD bị Trung Quốc đe doạ cần ý thức được trách nhiệm nặng nề mà đoàn kết hầu cùng với Hoa Kỳ duy trì an ninh, hoà bình, phát triển trong vùng.


Không bị kiềm chế, Tập Cận Bình sẽ nhân năm bầu cử tổng thống Mỹ mà cưỡng đoạt một số thực thể trong Quần đảo Trường Sa và phá tung chuỗi đảo thứ nhất.


Hoà bình không tự tìm tới mà phải nỗ lực, hợp sức chống lại nguồn gốc chiến tranh. Đó là bổn phận thiêng liêng của mỗi dân tộc tại Châu Á-Thái Bình Dương.





Đại-Dương


Jan 8, 2016 ed by: bebeliem@aol.com

THANH THƯƠNG HOÀNG * VŨNG LẦY



THANH THƯƠNG HOÀNG   *    VŨNG LẦY


Cali Today News - Ðây là lần thứ hai ông cựu Trung úy Võ Trung Úy, nguyên Ðại đội trưởng Ðại đội X thuộc Tiểu đoàn Z trấn giữ mặt trận Long Khánh cho tới ngày chót được lệnh rút lui, đi Việt Nam. Lần này, không còn lo lắng sợ hãi như lần trước nữa nên ông đi một mình thăm ông già đang bị bệnh nặng, để bà vợ ở lại Mỹ. Hơn nữa bà còn phải trông coi cửa hàng ăn không thể giao phó cho người khác. Không biết cái tên Trung Úy do ông già ông đặt có phải là tiền định không mà sau mấy năm đeo mãi cái lon Trung úy, khi tới lúc sắp được lên lon Ðại úy thì... đứt phim!
Sau khi bệnh trạng ông già có phần thuyên giảm, ông Võ Trung Úy mới có chút thì giờ đi dạo phố phường.Thành phố Saigon bây giờ đổi khác hơn mấy năm trước nhiều. Thiên hạ tưng bừng trưng diện ăn chơi đủ mốt đủ kiểu, chẳng thua kém gì bọn thanh thiếu niên ăn chơi bên nước Mỹ. Bỗng ông Úy nhận thấy một điều mà lần trước có lẽ ông không để ý tới hoặc "nó" chưa phát triển một cách "tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa" như bây giờ. Ðó là "giai cấp ăn mày". Trước đây, theo Các Mác, trong xã hội tư bản có giai cấp công nhân vô sản, nay trên con đuờng phát triển đi lên xã hội chủ nghĩa, giới ăn mày (còn nghèo hơn những người thuộc giai cấp công nhân vô sản nhiều) phát triển rất nhanh, rất mạnh từ đầu đường xó chợ tới chốn thôn quê. Khắp đâu đâu cũng đầy rặc ăn mày nên vô hình trung một giai cấp mới đã tự phát và hình thành trong xã hội chủ nghĩa: giai cấp ăn mày!
Ðang đi trên đường Lê Lợi, chỗ gần chợ Bến Thành, cùng với một người bạn, bỗng có kẻ bất thình lình cầm tay ông Úy níu lại. Giật mình ông Úy dừng bước và quay nhìn: đó là một gã ăn mày tuổi ngoài trung tuần, râu tóc xồm xoàm áo quần lếch thếch nhưng không đến nỗi rách rưới. Gã ăn mày không đợi "thí chủ" hết ngạc nhiên, nói liền: "Xin ông bạn Việt kiều giúp cho người anh em khốn khó vài tờ !". Ông Úy giận lắm. Ăn mày gì mà chơi kiểu cha vậy. Ông giật tay và cất bước trong khi người bạn đi bên tủm tỉm cười: "Anh bạn bình tĩnh! Chuyện này ở đây diễn ra như cơm bữa!". "Nhưng ít ra chúng nó cũng phải tỏ vẻ lễ độ!". "Xin ông bạn Việt kiều bớt nóng, cảm thông bố thí cho anh em nhờ ! Lễ độ hay không, chuyện nhỏ.". Tiếng gã ăn mày nổi lên phía sau, sát bên ông Úy. Thì ra gã vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Và theo bước gã còn một tên ăn mày nữa. Tên này chống nạng gỗ, mặc bộ đồ bộ đội Bắc Việt mầu xanh lá cây đã bạc phếch, và đầu vẫn đội chiếc nón cối cũ bẩn cũng như chủ nó. 
 Cả hai trông chưa đến nỗi ốm yếu tới độ sắp chết đói mà trái lại còn có phần dữ tợn đe dọa. Người bạn đi cùng ông Úy vội kéo nhanh ông bước như chạy, nói: "Thôi ông ơi, tránh hủi chẳng xấu mặt nào, hơi đâu giằng co với bọn nó. Ðến công an bọn nó còn cóc sợ huống chi bọn mình! Giai cấp mới đang lên mà!". Về nhà suốt buổi tối ông Úy bị ám ảnh mãi hình dạng và lời lẽ của gã ăn mày. Bất chợt ông thấy khuôn mặt gã có vẻ quen quen như gặp đâu nhiều lần. Ông cố lục tìm trong trí nhớ, trong dĩ vãng mãi mà vẫn không nhận ra con người ăn mày có vẻ quen quen này. Ðêm đó ông Úy trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau ngồi uống trà với ông già, ông Úy biết thêm nhiều chuyện về "giai cấp ăn mày". Ở miền Bắc, miền Trung nhiều Làng, nhiều Xã kéo cả vào Nam ăn mày. Bố ăn mày, mẹ ăn mày, con ăn mày. Toàn gia ăn mày. Cả họ ăn mày. Ðời sống của họ đôi khi còn "huy hoàng" hơn giai cấp công nhân vô sản nhiều. Người ta không còn có mặc cảm nhục nhã khi phải ngửa tay xin tiền bố thí nữa mà nhiều lúc còn hãnh diện.


Họ xin tiền khách qua đường không cho họ chửi liền. Họ lên án xã hội. Họ chửi cái xã hội đã biến họ thành nạn nhân, thành những kẻ khốn cùng. Họ chẳng còn gì để mất kể cả sự sống nên họ hết sợ. Khuôn mặt gã ăn mày hôm trước cứ ám ảnh ông Úy mãi đã thôi thúc ông đi tìm gặp lại gã. Ông không mất công tìm kiếm lâu. Hôm nay gã ăn mày không chạy bám theo khách nữa. Gã cùng gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội ngồi trước một Nhà hàng ăn, vẫn ở cuối đường Lê Lợi gần chợ Bến Thành. Ngoài hai gã ra cũng còn dăm bẩy "đồng nghiệp" của gã. Nhưng những người này ngồi hơi xa cửa ra vào Nhà hàng. Nhà hàng có vẻ có nhiều món "đặc sản" nên bà con Việt kiều đến khá đông. Khi ông Úy tới giáp mặt gã ăn mày mà gã vẫn tỉnh khô coi như chưa hề gặp. Có lẽ gã quên ông rồi. Ông Úy cất tiếng: "Chào người anh em!". Gã ăn mày ngước nhìn: "Ðồng chí Việt kiều chào tôi hả?". "Ủa, mới hôm qua gặp nhau quên rồi sao?". Gã mặc bộ đồ bộ đội ngồi bệt dưới đất cạnh gã, nhận ra trước: "A! ông anh bữa qua bọn mình xin tiền đéo cho lại còn nói sỏ đây mà! Hôm nay ông anh nổi máu từ tâm muốn bố thí cho hai thằng này hả?". Lúc đó gã ăn mày mới như chợt nhớ ra à lên một tiếng và nói tiếp: "Thì ra là lão Việt kiều keo kiệt bữa qua. Thế nào người anh em? Phát cho vài tờ xanh xem nào". Ông Úy lặng lẽ nhìn gã ăn mày vài phút mới nói: "Tôi trông anh quen lắm!". Gã ăn mày phá lên cười: "Ha ha! Thì cứ nhận đại là quen đi! Quen thằng ăn mày có khó khăn gì mà phải mầu mè! Thế đằng ấy trước có đi lính không?
Lính Cộng hòa ấy mà! Tớ là lính thứ thiệt chứ không phải thứ dởm lợi dụng sắc áo mầu cờ để ăn xin ăn mày đâu nhé! Trước tớ là đơ dèm củ bắp. Tớ bị thương trong trận đánh cuối cùng ở Long Khánh". Quay sang gã ăn mày mặc bộ đồ bộ đội, gã nói tiếp: "Thằng này cũng ở mặt trận Long Khánh nhưng nó là..vi ci". Gã bạn tiếp lời ngay: "Là bộ đội, là chiến sĩ đi B giải phóng miền Nam đã để lại chiến trường một cái chân và một con mắt làm kỷ niệm!". Gã ăn mày tiếp lời: "Còn tớ thì đi đứt một khúc ruột và cánh tay trái. Ðấy, nó cụt tới tận vai đấy!". \
Gã vén ống tay áo cho ông Úy coi chỗ cánh tay cụt. Ông Úy không nhịn được tiếng thở dài. Ông hỏi: "Thế bạn trước ở đơn vị nào?". Gã ăn mày trả lời liền: "Quên cha nó rồi!". Bỗng gã bất ngờ nổi quạu: "Thôi ông nội! Có bố thí đồng nào thì bố thí đi, chứ cứ đứng cà kê dê ngỗng mãi, còn để người ta kiếm ăn chớ !". Trong khi ông Úy hậm hực bỏ đi còn nghe tiếng gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội chửi với theo: "Cái ngữ này dám Việt kiều rởm, vờ vĩnh nhận vơ bạn bè để mai mốt gạ xin nhập bọn đây! Mẹ đời đa sự!". Sau câu nói gã nhổ bọt đánh toẹt một cái. Rồi gã vụt đứng dậy chống nạng chạy theo một bà – vận bộ đồ có vẻ Việt kiều từ trong Nhà hàng bước ra – "Bà ơi, xin bà thông cảm... Nhờ ơn đảng chúng tôi mới trở thành những kẻ khốn cùng..!".


Mấy hôm sau ông Võ Trung Úy tình cờ gặp một bạn cũ từ Mỹ về. Anh này trước cùng đơn vị với ông mang cấp bậc Thiếu úy Trung đội trưởng. Hai người gặp lại nhau một đôi lần ở Mỹ, vì mỗi người sống một Tiểu Bang. Sau câu chuyện hàn huyên, người bạn nói: "Niên trưởng còn nhớ thằng Lâm nhắng trong đơn vị mình không?". Ông Úy vỗ trán mãi mới nhớ ra: "Ồ, có phải cái thằng lính ba gai luôn chuồn đi chơi gái nhưng đánh giặc rất chì phải không?". "Ðúng rồi đó! Nó bị thương nặng ở mặt trận Long Khánh những ngày cuối cùng. Tưởng chết té ra nó vẫn chì, vẫn còn sống nhăn tới ngày hôm nay. \
Tôi có xin được một số tiền của anh em cựu quân nhân đem về cho nó. Mấy ngày hôm nay tôi lần theo địa chỉ nó gửi thư sang Mỹ mà tìm mãi không ra". "Nó nói ở đâu?". "Trong một nghĩa địa cũ vùng Ngã Ba chuồng chó". "Người ngợm nó ra sao?". "Có ảnh đây". Ông cựu Thiếu úy móc trong ví ra một tấm hình cũ kỹ mờ nhạt. Nhìn ảnh ông Úy kêu ầm lên: "Ðúng rồi! Thì ra cái thằng Lâm nhắng là nó. Ta đến chỗ nó "hành nghề" ngay đi!". "Thì ra niên trưởng đã gặp nó? Nó bây giờ làm nghề gì?". "Cứ đến gặp sẽ biết".


Buổi tối hôm đó tại một quán nhậu bình dân ở một khu xóm ngoại ô tồi tàn có ba người khách vừa ăn uống vừa chuyện trò rôm rả. Ðó là hai "ông Việt kiều": ông cựu Trung úy Ðại đội trưởng, ông cựu Thiếu úy Trung đội trưởng và ông cựu lính cộng hòa "đơ dèm củ bắp" đang hành nghề ăn xin ăn mày. Ông cựu Trung úy hỏi: "Bây giờ có khoản tiền ngoại viện rồi cậu có tính làm lại cuộc đời không?". "Làm lại thế nào?". Lâm nhắng hỏi. 
Ông cựu Thiếu úy đáp: "Tức là thôi nghề ăn xin ăn mày này mần nghề khác lương thiện hơn". Bỗng Lâm nhắng đặt mạnh ly bia đang uống xuống bàn, trợn mắt nói: "Hành nghề ăn mày ăn xin đâu có gì xấu xa. Phải nói đó là những con người lương thiện! Ăn mày ăn xin còn hơn ăn cắp ăn trộm đục khóet của công, ăn thịt người sống lẫn người chết! Chúng tôi bị dồn tới bước đường cùng mới phải ngửa tay xin ăn thiên hạ. Còn bọn chúng nó là bọn bất lương buôn dân bán nước! Thử hỏi như vậy ai đáng trọng hơn ai, ai đáng khinh hơn ai!". "Nhưng tôi thấy hành nghề này vất vả quá, bấp bênh quá, sống ngày nào biết ngày ấy!". Ông cựu Trung úy nói. Lâm nhắng bỗng cất tiếng cười lớn: "Ha, ha! Thưa niên trưởng! Ngài cũng thừa biết bọn tôi hành nghề này là chửi cha vào mặt chế độ này. Chúng nó đã lãnh đạo đất nước tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa bằng cách làm cho cả triệu người trở thành bần cùng hết kế sinh nhai phải đi ăn xin ăn mày. Ðây là một sự lên án nặng nề bọn cầm quyền mà chúng tôi là những nhân chứng sống! Chế độ này còn tồn tại thì chúng tôi còn tiếp tục đi ăn xin ăn mày cho tới khi cả nước trở thành ăn xin ăn mày. Và bây giờ hình như cả nước đang bước vào con đường này rồi đấy!
 Chúng tôi chẳng có mặc cảm gì hết. Ðừng phiền trách chúng tôi! Và cũng đừng diễn trò đạo đức giả với chúng tôi!". \
 Trong lúc ba người đang bức bối vì "vấn đề đặt ra" thì gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội chống nạng bước vào. Mùi hôi hám từ cơ thể gã tỏa ra làm hai "ông Việt kiều" nhăn mặt. Lâm nhắng nói: "Ngồi xuống đây em, uống bia nhé! Ðồ nhậu đó cứ tự nhiên". Quay lại phía hai chiến hữu cũ, gã nói tiếp: "Thằng này là bộ đội chính cống từ miền Bắc vào giải phóng miền Nam. Bọn nó đụng với đơn vị mình ở mặt trận Long Khánh những ngày sau cùng đấy, hà hà bố khỉ!". "Sao hai người lại gặp nhau, quen nhau?". 
Ông Úy hỏi. "Thì gặp nhau trong cùng chí lớn là đi ăn xin ăn mày, khách đồng điệu mà! Thế là quen nhau rồi thân nhau. Trước đó tôi với nó đã đập lộn một trận vì cái trò "Nam Bắc phân tranh" đấy!". Thấy câu chuyện vui vui có vẻ hấp dẫn, ông Úy cười nói: "Cậu có thể kể bọn tôi nghe việc đập lộn vì cái trò Nam Bắc phân tranh được không?". "Ðược chớ !". Uống ngụm bia, có lẽ để nhấp dọng, Lâm nhắng bắt đầu kể.


"Sau một thời gian tập sự "hành hiệp giang hồ" trong Cái Bang *, trở thành đệ tử chính cống của lão giáo chủ Hồng Thất công, tôi phải ra tay đánh đông dẹp bắc mãi mới trở thành Cái Bang bốn túi chiếm cứ được vùng đắc địa (chỗ niên trưởng gặp bữa trước đó). Sở dĩ gọi là vùng "đắc địa" vì đó là nơi bọn Việt kiều, bọn cán lớn cán nhỏ và dân áp phe hay lui tới ăn nhậu. Ðối với bọn họ vài ngàn bạc bỏ ra bố thí có nhằm nhò gì, còn hơn là cứ để bọn Cái Bang theo sau lải nhải nói năng sỏ siên, kể cả dọa dẫm. Vì chỗ đất béo bở vậy nên có nhiều ruồi bu, mật ít ruồi nhiều mà! Thế là phải mở những cuộc tranh hùng thanh toán nhau giữa đồng nghiệp, tuy không đẫm máu nhưng cũng sứt đầu mẻ trán mãi tôi mới làm trùm lãnh địa này. 
Thằng bộ đội này, Lâm nhắng chỉ vào gã cựu bộ đội đang nhồm nhoàm nhai một cái đùi gà, nó mò tới quyết ăn thua đủ với tôi. Tôi là "độc thủ đại hiệp", còn nó mới thuộc típ "độc cước tiểu hiệp", tướng một giò thêm độc nhãn địch sao nổi lại tướng hai giò đầy đủ lưỡng nhãn. Qua mấy hiệp nó đánh không lại tôi, nó thua nó bèn dùng chưởng miệng (nghề của bè đảng nó mà!) chửi tôi là lính ngụy, là thế nọ thế kia. Tôi chửi lại nó "quân Bắc kỳ bẻo, đểu cáng". Rồi nó cứ luôn rình rập phá đám tôi hoài. Nổi hung tôi định giở trò đấm đá thì nó bỏ chạy. Thấy mình nguôi nguôi nó lại sáp lại chọc phá đám, không để yên cho mình làm ăn. Bọn ăn mày ở đây ai cũng căm ghét quân Bắc kỳ cục. Chúng nó đổ tại bị bọn này giải phóng nên mới phải đi ăn mày. 
Một hôm tôi hỏi nó: "Tao thua tao phải đi ăn mày. Mày thắng tại sao mày cũng đi ăn mày?". Nó đốp chát liền: "Tao với mày cả hai thằng đều thua cả nên mới trở thành ăn mày. Tao mất cái chân, mày mất cái tay coi như huề. Chúng nó mới là kẻ thắng!". "Chúng nó là ai?". Tôi hỏi. "Là bọn đồ tể hiện đang ngồi ngất ngưởng những chỗ cao nhất nước hưởng thụ xương máu bọn tao đó!". Nói xong nó bỗng òa khóc như con nít. Tới đây Lâm nhắng ngừng nói quay nhìn gã cựu bộ đội ăn mày xem phản ứng. Thấy gã vẫn thản nhiên ăn uống như không có chuyện gì xẩy ra. Có lẽ lâu lắm rồi gã mới được ăn uống một bữa khoái khẩu hả hê như vậy. Lâm nhắng vui vẻ tiếp tục kể: "Giải phóng miền Nam xong, nó cũng được đảng "giải phóng" cho về quê.nghỉ luôn. "Ngày trở về. anh bước lê.. trên quãng đường đê..." (Lâm nhắng nói như hát). 
\
Về tới làng xưa xóm cũ thì bố mẹ đều chết hết, còn cô vợ yêu quý nay đã trở thành bà Xã đội trưởng. Thế là mất tất cả. Hận đời hận tình, nó bỏ vào Nam. Chẳng có nghề ngỗng gì anh chàng trở thành đệ tử của Lão tổ Cái Bang Hồng Thất công. Một hôm ngồi mãi không thấy ai thẩy cho nó một đồng trong khi đó bà con Việt kiều biết tôi là lính cũ cho tiền ào ào, nó chửi đổng: "Ðịt mẹ, cùng là kẻ thua cả mà vẫn còn trò phe phái, ngụy bênh ngụy, ngụy giúp ngụy. Còn thằng này lỡ làm lính bắc kỳ cộng sản thì tẩy chay thì bỏ mặc. 
Kỳ thị đến thế là cùng! Thế mà luôn mồm bầu ơi thương lấy bí cùng.." "Nhưng rồi chính các đồng chí của nó cũng tẩy chay, cũng kỳ thị, cũng bỏ mặc và còn hắt hủi nó nữa. Bữa đó có mấy trự có vẻ là quan to tới ăn uống. Khi các quan ra về thằng ăn mày cựu bộ đội Bắc kỳ chạy theo tả oán xin xỏ. Chẳng những không được bố thí nó còn bị các quan mắng như tát nước vào mặt là quân phá hoại, tiêu cực, bôi bác, bêu riếu chế độ, nên tóm cổ quẳng vào trại cải tạo! Thế là nó nổi giận chẳng còn nể nang sợ hãi gì nữa. Nó văng tục chửi thẳng vào mặt các quan, nào là "bọn phản bội" nào là "quân chó má uống máu ăn thịt chiến sĩ đồng bào" nào là "hãy trả lại chúng tao những cánh tay, những cái chân và cả triệu người chết...". Thế là nó bị mấy thằng bảo vệ đi theo các quan tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết. Nó bò lê bò càng trên hè phố mà miệng vẫn không ngừng chửi bới nguyền rủa. Tôi thương nó bắt đầu từ đấy".


Trở về Mỹ cả tháng mà ông cựu Trung úy Võ Trung Úy vẫn còn băn khoăn thắc mắc trăn trở về hai gã ăn mày từng là lính của hai chế độ. Ðúng họ là những kẻ thua và mãi vẫn còn thua. Và bây giờ làm sao họ đòi lại được những cánh tay, những cái chân, những con mắt đã bị mất nơi chiến trường để biến họ thành con người như ngày hôm nay? Ông cựu Trung úy Võ Trung Úy bất chợt nghĩ tới bốn chữ "Tổ Quốc Ghi Công". Tổ quốc nào ghi công những người cựu chiến binh ăn mày này đây?

THANH THƯƠNG HOÀNG

Wednesday, January 6, 2016


PHAM T DUYEN *



Kính dâng lên hương hồn những thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả vì lý tưởng tự do. Xin Quý vị nào biết tin tức về Thuyền Trưởng người Anh tên là Brian O’ Connell và Thủy Thủ Đoàn của tàu Panama khoan dầu trên Biển Đông cách đây hơn 31 năm. Xin làm ơn giúp, để tôi có thể liên lạc, dù là muộn màng. Đây cũng là ước nguyện cuối đời của tôi. (PTD)
Cuộc đời chúng ta có những điều trôi qua, rồi tan biến như cơn gió thoảng. Tuy nhiên, có những điều mãi mãi in đậm trong ký ức, dù có muốn quên cũng không thể nào quên được. Đối với tôi, một trong những điều không thể nào quên và cũng là món nợ không bao giờ trả được, dù bây giờ tôi có tiền rừng, bạc biển chăng nữa!
Câu chuyện xảy ra đã hơn ba mươi mốt năm. Hôm nay tôi xin ghi lại những phép lạ, mà tôi may mắn được chứng nghiệm trong chuyến đi bảy ngày đêm lênh đênh trên biển cả, với nhiều biến cố hãi hùng và kinh dị. Nếu như không có bàn tay nhiệm mầu của Thượng Đế, Trời, Phật cứu vớt thì 137 người đã cùng chết trong lòng đại dương trên bước đường đi tìm " Tự Do".
Chuyến đi rất bất ngờ, do hai ân nhân là anh Nguyễn Vĩnh Tôn và anh ruột là Nguyễn QuốcTrụ, cựu Đại Úy thuộc binh chủng Nhảy Dù Quân Đội VNCH bảo trợ cho tôi mọi chi phí được trả từ Hoa Kỳ.
Có lẽ vì đột ngột, nên tôi đã khóc suốt đêm và không thể nào ngủ được. Tâm trạng khác hẳn với những lần đi trước. Chưa ra đi mà trong lòng đã tràn dâng niềm thương nhớ những người thân yêu trong gia đình.
Khoảng 3 giờ sáng, ngày 23-9-1984, tôi đến thắp nhang bàn thờ Phật. Nguyện cầu cho chuyến đi được bình an, may mắn, tai qua nạn khỏi, không bị tù đày, nhất là đừng gặp hải tặc. Có như thế tôi mới có thể giúp được gia đình thoát được cuộc sống bế tắc, khó khăn như hiện nay. Tôi cầu nguyện sức khoẻ, bình an, may mắn đến cho bố tôi đã già yếu, bệnh tật, cùng các anh chị em và một người tôi gọi là Cô đang sống đơn chiếc (đúng ra là Dì vì là em ruột của mẹ tôi). Cô đã đùm bọc, giúp đỡ gia đình chúng tôi rất nhiều kể từ khi Mẹ tôi bất ngờ ra đi vì quá đau khổ và lo sợ cho ngày mai đen tối của một gia đình mà  hầu hết là quân nhân, công chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, sau biến cố 30-4-1975.
Và trong chuyến đi này, tôi cũng có thêm một lời nguyện cầu:Tôi sẽ tái ngộ một“Thiên Thần” đang chờ đợi tôi với một tấm lòng trong sáng và cao quý.
Lúc 3giờ 45 sáng.Tôi đánh thức cô tôi dậy. Cô cũng vừa mới chợp mắt được một chút. Tôi cố giữ thật bình tĩnh chào từ giã cô để cho cô được yên tâm. Trong gia đình và bà con thân thuộc chỉ có cô lúc nào cũng bên cạnh tôi và là người duy nhất biết tôi sắp đi xa, mà chuyến đi này lành thì ít, nhưng dữ thì quá nhiều không thể nào lường được. Ngoài ra, cần phải giữ bí mật vì sơ xuất sẽ gặp những điều nguy hiểm có thể xảy ra.
Đúng 4:00 giờ sáng, nhìn qua khe cửa sổ, tôi thấy đèn từ một chiếc Honda gắn máy chớp đi, chớp lại bốn lần trước cửa nhà. Đây là tín hiệu mà tôi đã được cho biết trước: Có người trong nhóm tổ chức sẽ đến đón tôi.
Tôi lặng lẽ, nhẹ nhàng mở cửa. Tay ôm một túi xách nhỏ gồm: một ít lương khô, một bộ quần áo cũ, vài tấm ảnh gia đình, một quyển kinh loại bỏ túi “Bạch Y Thần Chú” do bác tôi cho. Bác căn dặn phải thường xuyên khấn niệm để cầu xin bình an; và một sợi dây chuyền có hình con chim Đại Bàng đang xoè cánh do một người bạn tặng tôi từ lâu. Tôi luôn mang theo trong người vì biết người ấy luôn luôn cầu nguyện cho tôi được may mắn. Đối với tôi, đó cũng là một biểu tượng "thần thoại." Tôi sẽ được chim Đại Bàng mang tôi đến vùng trời mơ ước.Tôi cũng bỏ theo một bình nước nhỏ, tuy rằng, người của tổ chức dặn đừng mang theo gì hết vì họ đã chuẩn bị tất cả đâu vào đó rồi.
Ngồi sau lưng người lái Honda mà tôi hoàn toàn không hề quen biết, tôi hơi lo sợ. Ngoái cổ nhìn lại con hẻm nhỏ thân yêu của một xóm nghèo gần ngã ba Cao Thắng và Trần Quốc Toản, Sài gòn. Giờ này hầu như mọi người đang yên giấc. Tôi chào vĩnh biệt trong nước mắt căn nhà mà gia đình tôi nương náu gần mười năm qua. Nơi đây bố tôi đã đưa cả gia đình về sống, sau khi trả lại căn nhà do chính phủ VNCH cấp cho công chức chỉ trước biến cố 30/04/1975 vài tháng. Nếu còn tiếp tục ở lại căn nhà đó thì không biết gia đình tôi sẽ gặp khó khăn biết chừng nào, khi người ta đến tiếp thu và yêu cầu gia đình tôi phải ra khỏi trong vòng hai mươi bốn giờ.
Tài xế Honda chở tôi ra bến xe miền Tây. Tại đây có một ngưòi đàn ông đội nón đen đã đứng chờ sẵn, ông ta trao vé xe đò đã mua từ trước để tôi lên xe đi Mỹ Tho. Khi đến Mỹ Tho, tôi được một người đàn ông khác hướng dẫn chuyển xe đi tiếp Bến Tre. Đến nơi, khoảng giữa trưa, tôi cùng mấy nguời đã tới trước cùng ngồi ăn với nhau. Tôi nghĩ họ là những người sẽ cùng đi chung chuyến vượt biên với tôi.
Sau khi ăn trưa xong, tất cả được mời lên xe Lambretta ba bánh để chở ra bến đò gần đó. Tại đây, người ta chia chúng tôi ra từng nhóm xuống những chiếc ghe nhỏ chở đầy trái cây để ngụy trang mà dân vượt biên còn gọi là “Ghe Taxi, hay “Cá Nhỏ”, để tránh những trạm kiểm soát dọc bờ sông, hoặc đột xuất có thể chận lại khám xét bất thình lình.
Ghe đi được một lúc thì nhóm tổ chức phát cho mỗi người một miếng giấy nhỏ, với mật mã do nhóm tổ chức ghi trên đó. Cho đến chiều thì ghe tấp vào một bụi rậm ven sông để chờ đợi. Khi bóng đêm vừa bao trùm xuống, ghe lại tiếp tục đi thêm một khoảng khá xa. Tại đây đã có một ghe lớn neo sẵn, còn gọi là “Cá Lớn.” Đây là ghe sẽ đưa chúng tôi ra đi trên biển cả.
Lúc này đã có nhiều ghe nhỏ đang vây quanh và mọi người cùng một lúc đang tìm mọi cách để leo lên Cá Lớn, nên vô cùng hỗn loạn. Phụ nữ, trẻ em đứng trên vai những người đàn ông hay thân nhân để vịn vào thành ghe, sau đó nhảy lọt được vào cá lớn. Trước cảnh đó, tôi chỉ muốn bỏ cuộc, vì nghĩ rằng tôi không thể nào đủ sức để có thể tự nhảy lên bám được vào thành ghe, rồi sau đó leo vào bên trong. Thời học sinh, tôi luôn luôn đứng cuối lớp về môn Thể Dục, đặc biệt là hai môn leo dây và nhảy cao thì yếu nhất. Bây giờ, nếu đứng trên mặt đất bằng phẳng, tôi cũng không thể nào làm nỗi, huống chi là phải bám vào thành ghe đang tròng trành trên sông nước. Tôi lại nhỏ con, thể lực rất yếu đuối; nếu chẳng may không vào được con cá lớn mà bị rớt  xuống sông trong cảnh hỗn loạn và bóng đêm dày đặc này, chắc chắn một trăm phần trăm là chết đuối, vì tôi không biết bơi và cũng chẳng có ai can đảm cứu tôi trong lúc này. Nhưng nếu bỏ cuộc, có nghĩa là sẽ ở tù, vì tôi không thể tìm cách trở về nhà được trong lúc này nữa.
Tôi chỉ còn biết cầu xin Trời, Phật, Ông Bà khuất mặt hãy cứu vớt: “Con không thể đi tù thêm lần nữa! Con không thể nào chết. Con phải đi thoát được thì con mới có cơ hội giúp gia đình. Tất cả đang trông vào con. Gia đình con không có điều kiện tiền bạc để cho con vượt biên. Nay có quý nhơn giúp đỡ, con chỉ cần quyết tâm, chấp nhận gian nguy là đạt được. Trời Phật có thương con, phù hộ cho con thì con sẽ vượt qua.”
Tôi đã có kinh nghiệm trong lần vượt biên ở Cần Giờ bị bắt vào năm 1981 và ở tù trong Chí Hoà, sau đó bị đưa đi lao động ở Sông Bé. Chỉ trong vài phút thôi, Cá Lớn sẽ nhổ neo. Không bao giờ tổ chức vượt biên đợi người lên đầy đủ mới ra đi.
Tôi không thể do dự hay chần chờ gì nữa! Phải quyết định tức khắc. Tôi vừa khóc, vừa niệm Phật, vừa cố lấy hết sức nhắm vào thành Cá Lớn, tung hết sức bình sinh nhảy thật cao, thật chắc. Ôi! thật là may mắn! Tôi bám được vào thành ghe. Ôi! Tôi đã lọt thỏm vào Cá Lớn. Phải chăng có một sức mạnh vô hình nào đã nhấc bổng tôi lên, để tôi được vào khoang ghe, vì bình thường tôi không bao giờ có thể làm nỗi điều này. Chưa kịp đứng lên thì đã bị một số người nhảy tiếp sau đạp và đè lên khắp người. Tôi lại tiếp tục niệm Phật giúp tôi có đủ sức đứng dậy; nếu không tôi sẽ bị chết bẹp ở đây. May sao!tôi đứng dậy được và nép sát người vào thành ghe.
Chưa kịp hoàn hồn, nghe tiếng hét to: “Không ai được lên nữa! Ghe đã quá trọng tải. Nếu còn tiếp tục nhảy lên, ghe sẽ bị lật và chìm, tất cả mọi người sẽ chết tại giòng sông này.” Ngay sau đó, người của tổ chức bật đèn pin sáng lên để bắt đầu kiểm tra mật mã. Một số người trình mất mã, nhưng họ cho là không đúng và ra lệnh quăng những người này xuống những chiếc “Ta Xi” vẫn còn đang bao quanh con"Cá Lớn"chờ đợi.
Khi đến chỗ tôi đứng, tôi rất tự tin trao mảnh giấy ra cho họ xem. Vừa đọc xong, họ nói "Đây là mật mã của Ba Châu (tên người liên lạc dẫn tôi đi.) Chúng tôi không chấp nhận khách của Ba Châu. Vậy xin mời cô trở xuống ghe taxi đi về." Nghe đến đây, tôi tưởng chừng như tiếng sét đánh ngang tai, chân tay rụng rời. Làm sao lại xảy ra như vậy? Khách nào của Ba Châu cũng đều bị tai hoạ bất ngờ vì sự bất đồng và phản bội trong nội bộ tổ chức với nhau.
Nghĩ lại, nếu không nhờ phép lạ thì làm sao tôi lọt được vào cá lớn, rồi sau đó đứng dậy an toàn được. Vậy mà bây giờ bị đuổi xuống và chắc chắn sẽ lại bị ở tù.
Không thể được! Tôi bật khóc và năn nỉ "Tôi cũng là khách như những người khác, nhưng chẳng may là khách của Ba Châu. Gia đình tôi đã thoả thuận mọi điều kiện cho chuyến đi qua Ba Châu. Nay xin các bác, các anh cho tôi được tiếp tục đi. Gia đình tôi ở Mỹ sẽ đền ơn theo mọi điều kiện yêu cầu của quí vị." Khóc lóc, van nài, nhưng họ vẫn một mực dứt khoát từ chối. Hai người đàn ông được lệnh khiêng đầu và chân tôi quăng xuống ghe taxi. Tôi coi như chắc chắn vào tù. Trong lòng quá đau xót và coi như số tôi phải vào tù không thể nào tránh được.
Bỗng nhiên, ánh sáng đèn pin vụt tắt. Hai người đang khiêng tôi bèn bỏ tôi xuống sàn ghe. Cá Lớn được lệnh phải xả hết tốc lực phóng ra biển. Có lẽ thời gian mua bãi đã hết, nếu chậm trễ toán công an biên phòng khác đến đổi phiên trực có thể giữ ghe lại? Tôi bàng hoàng mừng rỡ; chỉ trong tích tắc tôi đã thoát được cảnh ngục tù. Phải chăng cũng là một phép lạ do Ơn Trên đã cứu tôi?
Chiếc ghe nhắm hướng ra biển lao như mũi tên bay trong bóng đêm dày đặc nghe rợn cả người. Chạy khoảng hơn bốn tiếng đồng hồ thì có những tiếng reo mừng:"Ghe đã ra được Hải Phận Quốc Tế. Chúng ta coi như sắp được tự do rồi.” Vừa nghe xong, tôi oà lên khóc nức nở, dù trong lòng cũng mừng. Vì từ giờ phút này tôi đã thật sự xa tất cả những người thân yêu. Không biết đến bao giờ mới có thể gặp lại, hoặc xa lìa vĩnh viễn; nếu như gặp nạn không tới được bến bờ.
Lúc này nhóm tổ chức bắt đầu quay lại hạch sách những hành khách của Ba Châu đang có mặt trên ghe. Họ doạ nạt từng người. Ai có cà rá, đồng hồ hay bất kỳ vật nào có giá trị thì đưa cho họ ngay.  Khi họ hỏi tôi có gì đưa cho họ, tôi trả lời không có gì hết, ngoài một ít hành lý tôi đang có trên người. Thậ ra, tôi có giấu một chỉ vàng trong áo lót được cô tôi cho để phòng khi hữu sự. Tôi không thể nào nộp cho họ.Tôi năn nỉ với họ là khi nào được định cư, tôi hứa sẽ xin hoàn lại đầy đủ.
Trời lại dần dần sáng. Một ngày mới bắt đầu trên đại dương bao la. Tất cả đều vui mừng và hy vọng vài ngày nữa sẽ đến được bất cứ trại tị nạn nào và sau đó được đi định cư ở một nước thứ ba; lúc đó coi như đổi đời. Khi mặt trời lên cao, nắng chói chang, có lẽ là giữa trưa, nhóm chủ ghe bắt đầu cho phân phối nước uống. Tiêu chuẩn cho mỗi người là hai muỗng canh, phát vào buổi sáng và vào buổi chiều. Điều này khiến mọi người trên ghe hoang mang. Vậy là sao? Lúc đi đã hứa lương thực, nước uống cung cấp đầy đủ. Bây giờ lại xảy ra tình huống kỳ quái này! Có chuyện gì đây?

Lúc này, chủ ghe mới cho biết là anh tài công chánh mang theo các phương tiện đi biển đã bị kẹt lại, không hiểu vì lý do gì mà không lên Cá Lớn được? Nên chúng ta khó hy vọng sẽ đi đến được các trại tị nạn như đã dự tính, vì trên ghe không ai có kinh nghiệm đi biển. Tài công phụ chỉ có kinh nghiệm đi đường sông. Bây giờ chỉ còn trông mong vào số mệnh và ơn trên cứu giúp. Phải lênh đênh trên biển không biết bao nhiêu ngày. Cầu xin sóng yên, biển lặng và gặp tàu thuyền nào đi ngang qua xin được cứu vớt, như vài trường hợp các ghe đi trước may mắn đã gặp. Bây giờ, xin các bà con thông cảm về việc cần phải tiết kiệm nước tối đa để có thể cầm cự trong thời gian dài chưa biết đến khi nào.
Khi nghe chủ ghe giải thích xong, mọi người trên ghe cùng nhìn nhau lo lắng. Riêng tôi chết lặng cả người. Bao nhiêu tin tức về chuyện vượt biên lởn vởn trong đầu óc tôi. Có những chuyến, nếu may mắn không có gì xảy ra thì chỉ vài ba ngày là đến được trại tị nạn. Có những chuyến lênh đênh cả tháng trời bị các cơn đói khát, bệnh tật hành hạ. Đôi khi phải ăn thịt lẫn nhau để được sống còn; và cũng có những chuyến bị hải tặc tấn công cướp bóc, hảm hiếp và những phụ nữ bị bắt đem theo chúng. Biết bao là những bi kịch thảm khốc về chuyện vượt biên mà các cơ quan truyền thông đã đăng tải.
Tôi nghĩ số phận chíếc ghe của chúng tôi sẽ trôi giạt về đâu? Bến bờ vô định nào? Lương thực, nước uống, xăng nhớt sẽ cạn kiệt trong bao lâu nữa? Và cũng có thể làm mồi cho đại dương. Tôi có đạt được sự đổi đời như mơ ước, được sống và học hỏi ở các nước văn minh, dân chủ, tự do. Lúc đó tôi sẽ có điều kiện để giúp đỡ gia đình đang tin tưởng vào nơi tôi. Hoặc tôi tự trách mình đi tìm một cái chết ngu xuẩn, làm cho gia đình đau khổ hơn và mang tội bất hiếu với bố tôi. Trước mắt, tôi cứ niệm Phật, cầu nguyện cho được may mắn. Mà rõ ràng tôi đã thoát chết từ lúc nhảy vào được cá lớn, và chút xíu nữa đã bị chủ ghe ném xuống "taxi", nếu không có báo động bất ngờ xảy đến.
Bóng đêm lại buông xuống, tôi mệt đừ và khát rát cả cổ họng. Phải chờ đến ngày mai mới được phát nước uống. Tôi nghĩ mình có đem theo bình một lít nước. Nếu mỗi ngày uống hai muỗng thì tôi có thể cầm cự được trên nửa tháng. Thế là tôi lấy ra hớp một hớp. Chưa kịp cất lại thì vợ chồng trẻ và cô em gái ngồi kế bên thấy tôi cầm bình nước thì van xin cho họ uống bằng giọng nói lễ phép và lịch sự. Tôi nghĩ cho ba người uống thì nhiều quá, nó sẽ ảnh hưởng đến số nước dự trữ của tôi và cũng là bùa hộ mạng trong lúc này. Nhưng thấy họ nói quá, nên động lòng trắc ẩn.Tôi trao bình nước cho họ và nói "xin mỗi người chỉ được một hớp thôi nhé!" Tuy nhiên, khi cầm được bình nước trên tay, sau khi hớp xong, họ ngang ngược không chịu trả lại, mà còn giở giọng côn đồ ra thách đố tôi muốn làm gì thì làm! Vô tình tôi đã tự đánh mất bùa hộ mệnh vì lòng thương không đúng người.
Ngày thứ hai trôi giạt trên biển theo một hướng vô định. Cầu mong sẽ gặp đuợc tàu thuyền đi ngang qua giúp đỡ, hay phi cơ bay trên đầu để ra dấu kêu cứu. Nhưng chỉ có cả một không gian tĩnh mịch, im lặng của đại dương lạnh lùng và ghê sợ. Trên bầu trời không có bóng dáng một loài chim biển nào. Mọi người đoán là ghe đã đi lạc và cách rất xa đất liền. Tôi vừa đói, vừa khát, vừa nhức đầu, chóng mặt vì các mùi hôi thối của ói mửa, tiêu tiểu của trẻ con bắt đầu xông lên nồng nặc, vì chỉ có một chỗ đi vệ sinh nằm ở phía cuối ghe, trong khi người nằm, kẻ ngồi la liệt không còn chỗ để nhúc nhích.
Sự khủng hoảng bắt đầu khi cô bé khoảng mười lăm tuổi, ngồi đối diện tôi bị ngất xỉu vì khát. Mẹ của cô khẩn khoản, van xin “Ai có nuớc làm ơn cho con tôi xin một hớp; một hớp nước có thể cứu sống được con tôi”.  Không một ai lên tiếng! Có lẽ mọi người nhớ lại lời nhóm chủ tàu căn dặn và đe doạ “Không ai được tự động đi lại, phải tuyệt đối giữ gìn trật tự tối đa. Không được đòi hỏi bất cứ gì! Nếu ai không chấp hành và cãi lời sẽ bị ném ngay xuống biển.” Nhìn mặt cô bé nhợt nhạt vì khát, chỉ cần một muỗng nước là có thể đem lại sự sống cho cô ta. Không thể đành lòng nhìn cô bé đang bất động, dù kiệt lực, tôi cũng cố gắng bò lên cầu thang để gặp nhóm chủ tàu xin nước cho cô bé. Họ nhìn tôi bằng cặp mắt giận dữ. Tôi bình tĩnh nói với họ là tôi không xin cho tôi mà xin các ông hãy nhỏ lòng thương cho cô bé kia đang cần vài muỗng nước. Nếu không, cô ta sẽ chết vì khát! Quả thật, khi được vài muỗng nước thì cô bé lần hồi tỉnh lại. Gia đình cô rất vui mừng và tôi cũng vui theo.
Ngày thứ ba, biển vẫn yên, sóng vẫn lặng. Đúng là Thái Bình Dương! Tuy nhiên, trong lòng mọi người đều bồn chồn, lo lắng. Sự đói khát đã bắt đầu hoành hành. Ánh nắng mặt trời chiếu xuống, thì cô bé lại kiệt sức và bất tỉnh lần nữa. Gia đình cô bé không dám gặp chủ tàu xin nước vì sợ chủ tàu nóng giận thì sẽ bị phiền phức. Sự việc xảy ra trước mắt tôi, nên tôi cũng không thể làm ngơ. Và tôi cũng cố lết đi gặp chủ tàu xin cho cô bé vài muỗng nước. Sau khi được vài muỗng nước thì cô bắt đầu tỉnh lại dần như hôm qua.
Ánh nắng càng lúc càng gay gắt. Tôi tưởng chừng như sắp ngất xỉu đến nơi giống như cô bé vừa rồi. May sao, có một cơn mưa trút xuống. Ôi! Tôi quá mừng như vừa được hồi sinh. Những giọt nước mưa như nước cam lồ của Phật Quan Thế Âm làm mát dịu cổ họng đang rát bỏng của tôi. Nhóm chủ tàu chạy đi lấy mấy tấm bạt Nylon để hứng nước mưa, xong đổ vào những thùng nhựa. Kết quả không ai có thể thể nào uống được vì những thùng chứa nước mưa trước đó dùng đựng nhớt, xăng dầu, làm cho nước mưa có mùi giống như nước cống rảnh, đen ngòm cho vào miệng bị nôn ra ngoài ngay. Nhờ cơn mưa bất chợt coi như một phép màu đã tiếp sức cho tôi sống còn.
Sang đến ngày thứ tư lênh đênh trong vô định. Giấc mơ tìm tự do có dấu hiệu tốt đẹp hơn. Đã thấy những cánh chim biển bay trên bầu trời, thấy những vệt khói dài của vài chiếc phi cơ phản lực để lại. Bóng dáng những chiếc tàu nhấp nhô từ xa đang tiến lại gần hơn. Chủ ghe cho người đốt quần áo để phát tín hiệu xin tiếp cứu. Nhưng tất cả đều vô ích. Không một tàu nào đến gần để giúp đỡ. Có lẽ họ sợ lãnh trách nhiệm và gặp nhiều phiền toái?
Thế rồi, thất vọng này, tiếp nối theo thất vọng khác. Những cơn đói khát dày vò cơ thể. Tôi bị khát rang cả cổ, nên không thể nào nuốt được bất cứ gì. Thức ăn mang theo tôi đều cho hết. Trong lúc này tôi chỉ cần một hớp nước. Nhưng nếu tôi xin chủ tàu, chắc chắn ông ta sẽ cho người quăng tôi xuống biển như lời ông ta đã hăm doạ. Trong lúc đó gia đình chủ tàu có nước, có dừa, có cam quýt tha hồ sung sướng không sợ đói khát. Vài người trên ghe có sáng kiến mưu sinh thoát hiểm. Họ lượm các vỏ dừa ném bừa bãi dưới ghe, đem tướt những lớp xơ để ngậm lấy chất đắng, chát và có độ ẩm để giữ cho cổ họng đỡ phần nào cháy bỏng vì khát. Nhờ vậy mà chúng tôi vẫn tiếp tục cầm cự, chưa bị gục ngã. 
Cô bé trước mặt tôi lại ngất xỉu lần thứ ba trong ba ngày liên tiếp. Tôi nhờ cơn mưa hôm qua được hồi sinh, nay nhờ ngậm thêm xơ vỏ dừa, nên cũng có thể bò lên cầu thang xin nước cho cô bé. Không may, ngày hôm nay nhóm chủ tàu cương quyết từ chối. Họ lấy cớ là muốn sự công bằng cho mọi người. Trong vòng 30 phút cô bé cứ lập đi, lập lại: “cho tôi nước, cho tôi xin nước, nước, nước."Tôi thấy tội nghiệp và đau lòng qua, cầu mong cho mưa xuống ngay bây giờ. Ôi! Tôi không tin vào mắt tôi. Cô bé nấc lên, đảo một vòng mắt và rồi nhắm nghiền lại và bất động. Ngưòi Mẹ hét lên “Cứu con tôi, con tôi chết rồi.” Tất cả mọi người đều sửng sốt. Nghe la, nhóm chủ tàu vội vàng chạy xuống đem theo nước đổ vào miệng cô bé. Nhưng vô ích! Cô bé đã bất động và không bao giờ cần xin nước nữa! Mẹ cô, anh em trong gia đình khóc nức nở. Mọi người, kể cả nhóm chủ tàu cũng đều xúc động. Có lẽ họ đang hối hận về sự sai lầm của họ, khi không cho cô nước như hai ngày vừa qua. Nhất là đã không giữ lời hứa lo cho khách lương thực đầy đủ trong mười ngày.
Mới có ngày thứ năm, đã có người chết vì không được cung cấp nước. Với tình trạng con thuyền trôi vô định không biết đi về đâu? Dù biển yên, sóng lặng cũng sẽ chết dần, chết mòn, chứ đừng nghĩ chi đến sóng to, gió lớn. Lần đầu tiên, tôi thấy bóng tử thần đang chập chờn. Mọi người vừa xúc động, vừa lo sợ sẽ có thêm nhiều người kiệt sức, trước khi đến được “bến bờ Tự Do”.
Nắng đã bắt đầu tắt, hoàng hôn đang dần xuống. Nhóm chủ tàu quyết định "thủy táng cô bé". Họ kêu gọi bất cứ ai tùy theo tôn giáo của mình cầu nguyện cho cô bé. Không có ai hết! Tôi không hề đi lễ chùa, không biết gì về nghi thức tụng niệm. Nhưng từ những năm sau 30/04/1975, tôi đã sống triền miên trong nước mắt, chỉ biết đêm ngày cầu nguyện Trời Phật cứu vớt cho gia đình đang tan nát vì cha và anh lâm nạn, trong khi Mẹ qua đời và các em còn quá nhỏ dại.
Những năm gần đây, có những quý nhân giúp tôi vượt biên. Trong người tôi luôn luôn mang theo quyển kinh “Bạch Y Thần Chú” để cầu nguyện. Biết rằng đây không phải là kinh cầu siêu. Nhưng tôi cảm thấy có thể làm người mất đi được ấm áp, nên tôi tình nguyện đứng ra thắp nhang tụng niệm. Mẹ của cô bé cho tôi biết tên em là Tuyết Nhiên (tôi không còn nhớ họ). Sau khi thắp nhang do chủ tàu mang theo đưa cho. Tôi lăm răm tụng niệm. Sau đó, hai người đàn ông đến gần xác cô bé, người đỡ đầu, kẻ khiêng chân đẩy xác cô bé xuống biển, trong tiếng khóc nghẹn ngào của người Mẹ và anh em trong gia đình. Tôi cũng không cầm được nước mắt, thương tiếc cho cô bé hồn nhiên ngồi trước mặt tôi năm ngày qua. Hôm nay em đã đi vào lòng đại dương chỉ vì nhóm tổ chức đã tàn nhẫn bội ước.
Tôi chợt rùng mình:"Nếu không có cơn mưa nhiệm mầu hôm qua, thì nguời đầu tiên bị Thủy Táng đã là tôi.” Vì có lẽ không ai dám gặp nhóm tổ chức để xin nước cho tôi được hồi sinh thêm vài ngày như Tuyết Nhiên.
Sự xúc động vẫn chưa nguôi, thì nghe tiếng xôn xao"Máy ghe bị hư rồi, tự nhiên máy ghe bị tắt, không biết làm cách nào đễ cho ghe di chuyển.Vậy, bà con nào biết gì về sửa chữa máy móc làm ơn giúp để cho ghe có thể đi tiếp." Một vài đàn ông, thanh niên đi tới chỗ đầu máy loay hoay sờ tới, sờ lui, nhưng chẳng mang lại kết quả gì! Chiếc ghe vẫn không thấy động đậy.
Sau đó một hiện tượng kỳ lạ mà tôi chưa bao giờ thấy trong đời đã diễn ra trước mắt tôi và mọi người: Tự nhiên, một số người đứng dậy nhốn nháo làm chiếc ghe tròng trành, nghiêng qua, nghiêng lại. Nhóm tổ chức hét lớn lên:“Xin bà con hãy ngồi yên, nếu còn tiếp tục ghe sẽ lật úp và mọi người sẽ chết hết.”Tôi kinh ngạc nhìn thấy vài người lần lượt sắc mặt trở thành đờ đẫn, mắt ngây dại và miệng thì thào: “Nước, cho tôi xin nước.” Đúng là ánh mắt và câu nói liên tục của Tuyết Nhiên trước khi ra đi. Đang nghĩ như vậy thì một cô gái trẻ ngồi cạnh tôi mấy hôm nay, cũng từ từ đổi sắc mặt và lập lại đúng câu đó, giống như những người kia.
Tôi vốn dĩ rất nhát. Sau khi Mẹ tôi mất, tôi không dám đi ngang bàn thờ Mẹ một mình. Vậy mà lúc ấy, trước ánh mắt kỳ quái của cô ta, tôi không hốt hoảng chạy đi tìm chỗ khác như người ta. Tôi nghĩ ngay lập tức:"Đúng là hồn của Tuyết Nhiên nhập vào cô này rồi.” Tôi bình tĩnh, nghiêm trang nhìn thẳng vào ánh mắt đờ đẫn, kỳ quái của cô ta và nói: “Tuyết Nhiên, em có sống khôn, thác thiêng Xin em hãy tha thứ cho những ai đã sai lầm không cho nước để em được hồi sức. Em hãy phù hộ cho Mẹ, cho anh em của em và bà con trên ghe đuợc an toàn, không bị nguy hiểm đến tính mạng. Nguyện cầu Trời, Phật, Chư Thiên Thánh Thần và Thủy Thần cho hương linh em được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.Tôi niệm: “ Nam Mô A Di Đà Phật và Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát ba lần.” Thật là quá ngạc nhiên! Chỉ trong vài phút sắc mặt cô ta trở lại bình thường và không nhớ mình vừa nói những lời cuối cùng của Tuyết Nhiên như vài người khác mà cô thấy trước đó.
Càng lại ngạc nhiên hơn là vài phút sau đó có nhiều tiếng reo mừng:" Ồ, máy ghe đã nổ lại được rồi, ghe từ từ chuyển động và đi tiếp.”(Hai hiện tượng này không thể giải thích theo khoa học được và coi như hoang tưởng. Nhưng tất cả là sự thật một trăm phần trăm, mà cho đến nay tôi vẫn còn thắc mắc về sự kiện này.)
Không khí ảm đạm và đau buồn, kèm theo sự lo lắng, sợ hãi lại tiếp tục phủ trùm những thuyền nhân trên chiếc ghe đang di chuyển trong vô định. Hôm nay đã bước vào ngày thứ năm giữa đại dương bao la. Tôi nhớ là ngày 28 tháng 09, năm1984.
Tất cả mọi người gia tăng sự lo lắng và hoang mang, nôn nóng cầu mong gặp đuợc bất cứ tàu thuyền nào đi ngang qua cứu. Sức chịu đựng càng ngày, càng mỏi mòn, kiệt quệ, tinh thần suy sụp! Làm sao có thể cầm cự được lâu dài? Tùy theo tôn giáo riêng của mình, mọi người cùng khấn nguyện đấng thiêng liêng, hiển linh phù trợ. Riêng tôi thì liên tục cầu nguyện Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát gia hộ. Thấp thoáng từ phía xa xa có vài bóng dáng những chiếc tàu đi ngang qua, nhưng sau đó biến dạng.
Thình lình, mọi người thấy một chiếc thuyền lớn xuất hiện và đang tiến dần về phía ghe của mình. Tất cả đều mừng rỡ và hy vọng gặp “Thần Hộ Mạng” đến cứu. Họ cho thuyền cặp sát ghe và quăng dây neo lên. Sau đó họ trèo qua ghe. Lúc đó tôi mới định thần và thấy năm người đàn ông đen như cột nhà cháy, râu ria rậm rạp, trên người chỉ mặc một quần xà lõn. Một người cầm súng dài. Tôi đoán có lẽ là tên cầm đầu? Bốn tên còn lại thì kẻ dao, người búa và mã tấu. Có tiếng xì xào “Chết mẹ rồi, gặp hải tặc là coi như xong đời.”
Tự nhiên, toàn thân thể tôi cảm thấy rụng rời. Ôi! Trời, Phật xin hãy cứu con! Con luôn ngày đêm nguyện cầu:“Đừng cho con gặp hải tặc. Nếu gia đình con đã đến lúc tận cùng, mạt vận. Con thà chết trong lòng đại dương, còn hơn rơi vào tay bọn hải tặc.” Lời nguyện cầu của con không được Trời, Phật chứng giám. Không lẽ con tới số rồi sao?Tim tôi đập vào lồng ngực thình thịch y như tiếng trống. Tôi tưởng chừng như trái tim văng ra khỏi lồng ngực và tôi sẽ chết ngay tại chỗ.
Bọn chúng trao đổi với nhau bằng tiếng Thái và ra dấu hiệu cho mọi người. Ai cũng đoán và hiểu là "Không được di chuyển hay động đậy. Nếu cãi lời sẽ bị quăng xuống biển ngay lập tức.” Thế là, chúng chia nhau đi lục soát từng người, tịch thu những gì quý giá mà chúng bắt gặp. Có cả trăm người bị chúng lục soát.Tôi và vài người khác không có gì đáng giá, còn đa số không ít thì nhiều đều bị chúng tước đoạt của cải. Tính ra chúng tịch thu cũng kha khá. Nhóm chủ tàu coi như bị thiệt hại nhiều nhất. Sau đó tên cầm súng mang các “chiến lợi phẩm” cướp được đem trở lại thuyền. Bốn tên hải tặc trên ghe dõi mắt nhìn theo hắn một cách chăm chú, hình như muốn xem tên đầu đảng cất giấu chiến lợi phẩm ở đâu?
Bình thường, tôi được ví yếu như con sên, chậm hơn rùa vì thể lực tôi rất yếu đuối. Tôi chỉ muốn càng xa bọn chúng càng tốt, dù chiếc ghe dài chỉ khoảng hơn mười thước. Lợi dụng cơ hội này, tôi vụt đứng dậy, lao thật nhanh về phía cuối ghe, rồi ngội thụp xuống giữa tiếng lao xao của vài người “Bà nội này tới số rồi, muốn chết sao? Con nhỏ này chắc muốn bị ném xuống biển!”Ngay tức khắc, anh tài công ném cho tôi một cục nhớt đen thui và nói "Trắng quá, bôi ngay vào mặt đi." Tôi vội vã bôi ngay vào mặt mũi và khắp cả người. Vài cô ngồi bên cạnh nhao nhao kêu:"cho tôi xin cục nhớt với.” Anh tài công lại ném tiếp vài cục nữa về phía các cô gái. Thấy thế bọn cướp giơ cao hung khí la hét, chửi rủa và bắt phải im lặng. May sao, tên đầu đảng vẫn chưa quay lại ghe, nên bốn tên hải tặc tiếp tục đưa mắt nhìn về phía thuyền của chúng. Lúc này, nhìn lại thì tôi đang ngồi đối diện với Mẹ Tuyết Nhiên, mà trước đó khi hồn Tuyết Nhiên nhập vào vài người thì họ đã sợ chạy đi tìm chỗ khác, do đó nhiều người không còn ngồi vị trí cũ nữa.

 Lập tức, bà giao cho tôi đứa con gái út khoảng 2,3 tuổi và nói thật nhanh, giống như ra lệnh:"Cô hãy ôm cháu vào lòng ngay đi."Mấy cô ngồi bên cạnh tôi định giật đứa bé từ trên tay tôi. Mẹ Tuyết Nhiên nói:"Yên ngay! Cô này là Dì ruột của cháu bé này.” Lúc này, bọn cướp qua tức giận, chúng dùng vũ khí đập mạnh xuống sàn ghe và xồng xộc tiến về phía cuối ghe đang ồn ào. Tên cầm dao găm, gương mặt đầy thẹo, đen đúa, râu ria lổm chổm dùng cánh tay mặt xốc tôi đứng lên, khiến đứa bé đang được tôi bồng khóc thét lên và đưa hai tay bấu chặt vào người tôi. Tên cướp có vẻ hơi nao núng. Hắn đưa mắt thật nhanh nhìn đứa bé, rồi quay nhìn tôi. Thấy một phụ nữ có con quá dơ dáy, bẩn thỉu, trông thật gớm ghiếc, nên buông tôi ra. Sau đó bọn chúng đi lùng sục khắp ghe. Cuối cùng, bắt được năm cô gái trẻ, sạch sẽ, xinh đẹp. Chúng lôi xềnh xệch về phía thuyền của chúng, mặc kệ các cô vùng vẫy, kêu khóc thảm thiết, cùng với tiếng van xin, gào thét của thân nhân kẻ bị nạn. Trong số các cô bị chúng bắt mang theo có con gái chủ ghe mới 15 tuổi.
Người trên ghe bèn đặt cho tôi một biệt danh là “Người đàn bà bị hải tặc chê.” Trườc khi rút lui, bọn chúng ra lệnh mọi người phải im và dùng vũ khí đập mạnh xuống sàn ghe làm thủng vài chỗ. Sau này, tôi được biết là nhóm tổ chức có mang theo vài cây súng để phòng thân, nhưng không dám chống cự, vì sợ nếu chống cự bọn hải tặc sẽ lên cơn điên và giết hết mọi người trên ghe. Do đó nhóm chủ ghe phải bó tay chịu trận, và đành đau lòng hy sinh ngay cả con gái của mình cho bọn hải tặc bắt mang đi.
Chiếc thuyền của bọn cướp biển đang xa dần. Mọi người trên ghe vẫn còn sững sờ vì vừa trải qua một biến cố quá kinh hoàng. Những tiếng khóc của thân nhân các cô gái bị bắt đi thật sầu thảm. Tôi không biết mình đang tỉnh hay đang mê? Tôi đã thoát khỏi bàn tay hải tặc dễ dàng vậy sao? Làm sao tôi lại có can đảm đứng dậy chạy về phía cuối ghe, trong khi bọn cướp ra lệnh ở đâu phải ngồi đó, không được nhúc nhích. Trời, Phật, hay hồn thiêng của bé Tuyết Nhiên đã nhấc tôi đứng dậy, đẩy tôi chạy về cuối ghe, để may mắn gặp lại Mẹ Tuyết Nhiên và được bà trao em của Tuyết Nhiên cho tôi bồng, cũng như tại sao anh tài công đã ném cho tôi cục nhớt và nói tôi bôi ngay vào người nhanh lên? Nhờ đó, tôi đã thoát khỏi bàn tay hung ác của hải tặc trong đường tơ, kẻ tóc. Vậy là thêm một phép lạ đã cứu sống tôi. Mới có mấy ngày mà tôi đã suýt chết mấy lần. Liệu tôi còn sức và còn may mắn thêm lần nào nữa để được bến bờ tự do hay không?

Mọi người bắt đầu lao xao:" Tát nước ngay, tát nước ngay! Nước tràn vào ghe rồi!" Đàn ông, thanh niên cố gắng dùng các vật dụng do chủ ghe đưa, cố ra sức tát nước đang làm ghe bị khẳm vì những lỗ thủng trên sàn ghe do bọn cướp gây ra. Ôi! Vừa không biết phương hướng, vừa chống chọi với đói khát, vừa lo hết nhiên liệu, vừa lo nguy cơ chiếc ghe sẽ bị chìm vì nước biển đang tràn vào. Bây giờ, mọi người thật sự thấy tử thần càng lúc, càng trở nên gần hơn. Sự khủng hoảng càng gia tăng, nhưng vẫn cố hy vọng"còn nước, còn tát." Chiếc ghe cứ lê lết đi tiếp. Tôi vẫn tiếp tục niệm Phật cầu nguyện và thiếp đi trong sự hãi hùng chưa nguôi. Tôi lập đi, lập lại trong đầu:" Con không thể chết được. Con là niềm hy vọng của gia đình. Con phải sống để cứu vớt gia đình đang trông mong vào con."
Chiếc ghe tiếp tục di chuyển từ từ trong tuyệt vọng. Ánh nắng chiều dịu tắt dần, từ xa bỗng rực rỡ ánh đèn sáng ngời như từ cái tháp khổng lồ trên mặt nước. Vài người mừng rỡ, la lên:" Có giàn khoan dầu ở phía trước. Hãy cố gắng hướng về phía đó. Hy vọng sẽ được vớt." Tôi chợt bừng tỉnh, nhìn những ánh đèn màu rực rỡ ở trên cao, ngày càng gần hơn, tôi tưởng như mình đang mơ khi được thấy cung điện của Thủy Thần trong một truyện thần thoại. Nghe tiếng reo mừng của mọi người trên ghe, tôi biết đây là sự thật! Không phải là ảo tưởng hay trong mơ. Tôi tưởng chừng ngất lịm trong nỗi vui mừng tột độ, và muốn hét to lên:"Vậy là coi như thoát chết, sẽ được giàn khoan cứu vớt, sẽ được đến bến bờ tự do như đã cầu khẩn.Vậy là đã được Trời, Phật chứng giám, độ trì.”
Mọi nguời như được uống thuốc hồi sinh. Đàn ông, thanh niên ra cố gắng ra sức tát nước nhiều hơn, chiếc ghe dường như cũng đi nhanh hơn. Một lúc sau chiếc ghe đã đến được gần chiếc tàu khổng lồ treo cờ Anh Quốc với hàng chữ to PANAMA. Dù vô cùng vui mừng, nhưng tôi lại rơi vào tình trạng hôn mê vì đã kiệt sức từ lúc quá hãi hùng khi vừa thoát bọn hải tặc sáng nay. Một lát sau, tôi mơ hồ thấy có người cho nước uống, nên tỉnh dậy, thì ra đó là vài ba thủy thủ của tàu Panama đang cho chúng tôi nước và một số thức ăn. Tôi nghe thoáng thoáng tiếng người nói “Có một cựu Trung Úy Quân Đội VNCH đã lên gặp Thuyền Trưởng xin được cứu vớt, nhưng ông ta từ chối. Và một cưụ Trung Tá hiện đang tiếp xúc với Thuyền Trưởng cũng để tiếp tục cầu xin cứu vớt." Nhưng vài phút sau, ông Trung Tá trở lại ghe với nỗi buồn tuyệt vọng cho biết: “Thuyền Trưởng không thể nào cứu được, vì họ đang làm nhiệm vụ khai thác dầu hoả. Ông tặng ghe chúng ta một hải bàn và hướng dẫn đi về hướng trại tị nạn. Ông nói, trên đường đi sẽ gặp tàu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và họ sẽ cứu chúng ta.” Ai ai cũng đều thất vọng, nhưng cũng mừng vì đã có hải bàn và hy vọng sẽ có tàu đến cứu. Hiện giờ đã được cung cấp nước uống, thức ăn, một số quần áo; không như trước đây trong hoàn cảnh đói khát, vô phuơng hướng, vô tin tức và sống trong tuyệt vọng.
Tôi đang hồi tỉnh một chút thì lại choáng váng khi nghe tin không may này. Bất ngờ, có một thanh niên la to lên:" Trong chuyến đi này có một cô giáo dạy Anh Văn tên Duyên.Vậy cô Duyên có trên ghe không? Nếu có, sao cô không chịu lên gặp Thuyền Trưởng xin cứu giúp đi?" Tôi đoán thanh niên này là Khánh, em vợ của anh Nguyễn Quốc Trụ. Khánh chưa hề gặp tôi, nhưng đã được anh Trụ dặn:" Hãy nhớ tìm cô Duyên, cô giáo dạy tiếng Anh đi trong chuyến này”. Mọi người lao xao la to theo: “Cô Duyên đâu? Cô Duyên đâu?” Tôi chưa kịp trả lời thì nghe tiếng xì xào:" Chắc cô ta bị quăng xuống “ghe taxi” hay bị hải tặc bắt đi theo rồi chăng?” Tôi không còn đủ hơi sức để lên tiếng, chỉ đưa tay vẫy vẫy. Có người nói:" Ồ! cái bà tưởng đã chết hồi sáng nay.”
Hai thanh niên còn khoẻ mạnh vội tiến về phía tôi, một người khiêng đầu, một người khiêng chân để đưa tôi lên thang dây, sau đó họ đặt tôi nằm trên sàn tàu. Chỉ vài phút sau, có một Bác Sĩ và vài thủy thủ vây chung quanh tôi. Họ cho tôi thở Oxy, tiếp theo cho uống một loại nước hay thuốc gì đó. Vị Bác Sĩ tiếp tục đo huyết áp, nghe tim, phổi và theo dõi. Ông nói tôi cứ thở tự nhiên. Được hít thở gió biển trong lành khoảng 15 phút, tôi thật sư tưởng mình đã được uống thuốc tiên “cải tử hoàn sinh” trong các truyện cổ tích. Tôi có thể trả lời các câu hỏi của Bác Sĩ bằng giọng nói rõ ràng, và xin được đứng dậy để được nói chuyện với Thuyền Trưởng cũng đang đứng tại đó.
Lần đầu tiên được đứng trên sàn tàu vững chắc, kiên cố, rộng mênh mông, mà trước đó chỉ được ngồi chen chúc như cá hộp trên chiếc ghe mong manh; rồi đói khát, lo sợ hãi hùng với bao biến cố cận kề cái chết. Nhìn những ánh đèn màu rực rỡ từ trên cao của giàn khoang giữa những màu sắc lung linh của mặt trời như một viên hồng ngọc trên mặt nước biển vào lúc hoàng hôn, khiến tôi tưởng mình đang ở Thiên Đàng. Nếu may mắn được Thuyền Trưởng cứu, cho lên chiếc tàu Panama, thì đúng như từ âm phủ được lên cõi Tiên.
Sau khi nghe tôi trình bày "Chúng tôi là những người ra đi từ miền Nam Việt Nam, đã bất chấp mạng sống, bất chấp hiểm nguy để đi tìm tự do bằng chiếc ghe bé bỏng, mong manh và hiện đang bị vô nước vì hải tặc đâm thủng." Vị Thuyền Trưởng lắc đầu, rồi buồn bã nói: “Tôi rất tiếc không thể cứu quý vị được.Trước đó đã có hai người đàn ông nói chuyện tôi về yên cầu này. Tôi đã giải thích lý do tôi không thể cứu được.
Thứ nhất: Chúng tôi đang khai thác dầu hỏa tại nước Malaysia này, chúng tôi không có đầy đủ phương tiện cứu nạn.
Thứ hai: Số người trên ghe quý vị phải hơn 100 người, chúng tôi lại càng gặp rất nhiều khó khăn để giúp đỡ. Tuy nhiên, xin quý vị đừng nên lo lắng. Hãy an tâm. Tôi đã cung cấp hải bàn để định phương hướng trên biển. Tôi đã hướng dẫn kỹ lưỡng đi về phía có trại tị nạn gần nhất, và tôi sẽ liên lạc với các tàu của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đang di chuyển gần đây đến để cứu quý vị. Các thủy thủ chúng tôi đã làm mọi cách để giúp quý vị rồi. Tôi nghĩ quý vị sẽ lên đường bình an.”
Đến đây, tôi lại thấy đầu óc quay cuồng. Từ lúc đầu tiên lọt vào được chiếc ghe Cá Lớn cho đến nay đã 5 ngày lênh đênh giữa đại dương trong tuyệt vọng. Nếu không có những phép lạ xảy ra, làm sao tôi còn sống sót đến giờ phút này. Ôi!Tại sao có thể như thế này? Phải cố gắng nài nỉ, van xin Thuyền Trưởng. Tôi cố gắng trình bày với Thuyền Trưởng những biến cố hãi hùng, những nguy hiểm mà chúng tôi đã trải qua mấy ngày hôm nay như: không có người biết lái, nên chiếc ghe trôi vô dịnh, một cô bé đã chết khát và phải bị ném xuống biển, 5 thiếu nữ đã bị hải tặc bắt đem theo sáng nay. Trước khi rút lui bọn hải tặc đã làm thủng ghe, hiện phải tát nước để có thể cầm cự, sống còn. May mắn đã gặp giàn khoang của các ông. Bây giờ chờ được tàu của Cao Ủy LHQ đến cứu, có lẽ tất cả chúng tôi sẽ làm mồi cho biển cả không bao lâu nữa.
Thuyền Trưởng lộ vẻ xúc động, nhưng lại trấn an tôi: “Bây giờ đã có phương hướng, và sẽ có tàu của Cao Ủy LHQ đến cứu, quý vị đã có đủ lương thực và nước uống trong vài ngày nữa, xin cứ an tâm”. Chỉ nghĩ khi tôi trở về chiếc ghe mong manh, chật ních, ngột ngạt vì bao nhiêu mùi hôi hám cũng đủ chết. Trên ghe ai có đủ khả năng biết xử dụng hải bàn để lái cho đúng hướng? "Sai một ly sẽ đi một dặm” giữa đại dương thì cũng sẽ lạc hướng, tiếp tục trong vô định. Thêm vào đó tình trạng chiếc ghe bị đục thủng thì làm sao cầm cự cho đến khi gặp được tàu của Cao Ủy LHQ?
Đứng trên sàn tàu kiên cố này, tôi thấy rõ rằng. Đây là đất sống. Chiếc ghe mong manh kia là miền đất chết. Tất cả sẽ đi vào cõi chết nếu như không được lên tàu Panama này. Giờ phút này gặp giàn khoang mà không được cứu, thì đúng là số tôi phải chết dưới lòng biển rồi. Tôi lặng người khẩn cầu Trời, Phật: “Gia đình con thật sự đã đến lúc tận cùng mạt vận, nên con đã thoát khỏi tay hải tặc, nhưng phải chịu chết dưới lòng đại dương như đã khấn nguyện chăng? Tại sao Trời, Phật đã ra tay cứu con thoát khỏi bao nguy hiểm từ lúc ban đầu, mà nay phải bắt con chết tức tửi, giữa lúc tưởng rằng thật sự thoát mọi hiểm nguy? Tại sao? Tại sao? Nguời cha già, cả một đời là công chức hiền lương cuối cùng phải lâm nạn; các em thơ dại đã chịu đựng quá nhiều đau khổ trong bao nhiêu năm, nay sẽ càng đau thương hơn?”
Con phải sống. Con chỉ có ước nguyện giúp cha già, các em dại ra khỏi đường hầm, đen tối của đau khổ, và con cầu xin được gặp lại một “thiên thần” đang tha thiết chờ đợi con. Nhưng giờ phút này, tôi thấy thật sự hoàn toàn tuyệt vọng rồi, nên nước mắt đầm đìa, ngước nhìn Thuyền Trưởng khẩn khoản trong nghẹn ngào. "Nếu ông cương quyết từ chối, tôi xin thay mặt hơn 100 người xin kính chào Vĩnh Biệt. Vì tôi tin chắc rằng giờ phút tôi rời khỏi nơi đây, trở về chiếc ghe bất hạnh, tất cả chúng tôi sẽ chết dưới lòng biển. Chiếc ghe đã bị đục thủng và đang bị vô nước trầm trọng thì làm sao chúng tôi có thể có cơ hội gặp được tàu của Cao Ủy LHQ cứu như lời Thuyền Trưởng nói. Xin Vĩnh Biệt Thuyền Trưởng!”
Sau lời chào vĩnh biệt đầy nước mắt trong nỗi tuyệt vọng của tôi, Thuyền Trưởng xúc động thật sự. Ông hỏi tôi:“Có tất cả bao nhiêu trẻ con và phụ nữ trên ghe?” Tôi trả lời “Tôi không biết”, nhưng có lẽ ít hơn đàn ông và thanh niên. Ông nói tiếp:“Trong điều kiện của chúng tôi hiện tại, chúng tôi chỉ cố gắng cứu trẻ em, phụ nữ. Đây là những người dễ dàng bị chết trong cơn nguy hiểm. Riêng các đàn ông, thanh niên xin tiếp tục lên đường, sẽ được tàu của Cao Ủy LHQ hay các tàu khác đi ngang qua gặp sẽ cứu.
Ôi! Thuyền Trưởng đã đổi ý! Đã bằng lòng cứu trẻ con và phụ nữ. Vậy là tôi thật sự thoát chết, và chắc chắn sẽ được đến bến bờ “Tự Do” như hằng ước nguyện. Ôi! Vô vàn cảm tạ Thuyền Trưởng! Ôi! Phải chăng Thượng Đế, Trời, Phật, những người khuất mặt đã làm Thuyền Trưởng đổi ý? Tôi quay qua nói với hai thanh niên khiêng tôi lên đây, và vẫn đang đứng đó, nóng lòng chờ kết quả:“Thuyền Trưởng chỉ có thể cứu trẻ con, phụ nữ mà thôi!"Hai anh thét to lên: “Thuyền Trưởng đã đồng ý cứu trẻ con và phụ nữ.”
Sau đó ông ra lệnh cho các Thủy Thủ xuống ghe, bồng bế các trẻ con, phụ giúp các phụ nữ bước lên thang dây của tàu Panama. Tổng cộng đếm được tất cả là 50 người. Mọi người khóc nức nở, đưa tay vẫy chào những người thân: chồng, cha, chú, bác, cậu, anh em…phải ở lại chiếc ghe không lành lặn, trải qua bao biến cố hiểm nguy, đau buồn, biết đến bao giờ có cơ hội đoàn tụ hay sẽ vĩnh viễn chia lìa? Mặc dù tôi không có bất cứ người thân nào trên chiếc ghe này, nhưng trước cảnh chia ly não nề với những người đã chịu cùng chung số phận với mình từ ngày 23 tháng 09. Nay cá nhân tôi sẽ được bình yên, đến được bến bờ Tự Do mà ai cũng mơ ước; còn họ sẽ đi về đâu, khi tiếp tục lênh đênh trên biển cả, dù được cung cấp đầy dủ phương tiện đi biển? Nhưng chiếc ghe đang bị vô nước và không ai có kinh nghiệm đi biển thì làm sao đi đúng hướng và biết đến khi nào gặp được tàu của Cao Ủy LHQ hay bất cứ tàu nào khác tiếp cứu. Theo tôi tất cả là vô vọng. Tôi vẫn cảm thấy “Chiếc ghe ấy là cõi chết”, nên tôi rất đau lòng và suy nghĩ. Hay mình thử cố gắng năn nỉ Thuyền Trưởng cứu họ. Ông đã can đảm không xin lệnh cấp trên để tự quyết định cứu trẻ con, phụ nữ. Bây gìờ mình yêu sách thêm. Không biết ông sẽ phản ứng ra sao? Mình có quá đáng và không biết sự quảng đại của ông không? Nhìn thấy 50 người đứng chiếm một diện tích bé nhỏ khoảng vài phần trăm trên con tàu khổng lồ, kiên cố chẳng đáng là bao. Dù lo sợ, tôi tiếp tục cố gắng nói với ông: “Thưa Thuyền Trưởng, xin ông tha thứ cho tôi. Tôi rất đội ơn ông đã cứu mạng tôi và những người khác. Nay xin ông hãy cứu tất cả mọi người còn lại. Với chiếc ghe như vậy, tôi không tin họ sẽ có cơ hội gặp được tàu của Cao Ủy LHQ. Chúng tôi không cần thức ăn, quần áo, chúng tôi chỉ cần một nơi an toàn có hy vọng được sống. Chiếc tàu của ông là đất sống, chiếc ghe kia là cõi chết. Nếu ông nhận thêm những người kia mà tôi nghĩ chỉ chiếm thêm diện tích không đáng là bao của chiếc tàu khổng lồ này, và tất cả cùng chờ đợi gặp tàu của Cao Ủy LHQ đến giúp đưa đi tới trại tị nạn.“ Có lẽ Thuyền Trưởng đã xúc động giữa tiếng khóc nghẹn ngào, những tiếng chào biệt ly, dù bằng tiếng Việt, một ngôn ngữ mà ông hoàn toàn xa lạ và không hiểu:“ Ba ráng bảo trọng, tạm biệt anh; tạm biệt con, tạm biệt cậu, chú vvv…” nên ông lặng yên, trầm ngâm suy nghĩ với ánh mắt đầy xúc động. Sau một, hai phút, ông nhìn tôi nhè nhẹ gật đầu và ra dấu bằng lòng cứu tất cả mọi người còn lại trên ghe. Nhiều tiếng hét to:“ Thuyền Trưởng bằng lòng cứu tất cả mọi người.“ Ôi! Không còn gì may mắn và hạnh phúc hơn! Cảnh tượng đau lòng như một đám tang tập thể trước đó, lập tức trở thành hân hoan, vui sướng với mọi người. Thế là, từng người vội vã cuống quýt leo lên thang dây với sự giúp đỡ của các Thủy Thủ để bước lên sàn tàu. Những khuôn mặt rạng rỡ lẫn ngỡ ngàng, dù nét lo âu, khủng hoảng vẫn còn in trên nét mặt.
Khi không còn ai lên nữa, vài thủy thủ hỏi to bằng tiếng Anh:“Còn ai ở dưới ghe không?” Không có tiếng trả lời. Họ hỏi thêm vài lần nữa! và nói chúng tôi xem lại có người nào bị kiệt sức, ngất xỉu chưa lên được chăng? Tất cả gia đình cùng xem lại thân nhân của mình. Thật là một cử chỉ nhân từ và chu đáo! Sau đó các thủy thủ dùng búa chặt đứt sợi dây thừng to dùng để cột chiếc ghe vào tàu Panama trước đó, chiếc ghe tròng trành, lơ lửng trôi bềnh bồng, trên đó có chiếc túi xách mà lúc hai người khiêng tôi lên tàu Panama tôi làm rớt lại. Biểu tượng thần thoại, cánh chim Đại Bàng mà tôi thường mang theo trong những lần vượt biên từ nay sẽ trôi theo giòng nước, không bao giờ cùng tôi đi tiếp bất cứ nơi đâu!
Tất cả mọi người được yêu cầu đứng xếp hàng để đếm số người. Tất cả 137 người gồm: trẻ em, phụ nữ, thanh niên và đàn ông. Vừa mới đếm xong thì vài phút sau bỗng nhiên giông tố ầm ầm từ đâu kéo tới, kèm theo những đợt sóng khổng lồ đánh tràn vào cả sàn tàu. Các thủy thủ vội vã dùng những sợi dây thừng thật to, cột mọi người lại với nhau, và sau đó buộc chặt vào các cột tàu để không bị sóng đánh cuốn trôi đi. Một sự kinh hoàng diễn ra trước mắt mọi người đang bị ướt đẫm: 
Chiếc ghe mà truớc đó chứa cả trăm người chỉ trong nháy mắt đã bị nhận chìm theo những đợt sóng khổng lồ, rồi mất hút ngay dưới cơn mưa tầm tã đổ xuống như thác, sấm chớp nổ vang khắp trời.
137 người trong đó có tôi đã chết đi và sống lại trong sự nhiệm mầu của Thượng Đế, Trời, Phật??? Nếu không may mắn gặp vị Thuyền Trưởng đầy lòng bác ái và nhân từ này thì chúng tôi đã cùng theo chiếc ghe chìm sâu vào lòng đại dương lúc đó. Tôi đi từ bàng hoàng này sang đến bàng hoàng khác. Chỉ trong năm ngày lênh đênh trên biển, tôi đã chứng nghiệm được quá nhiều phép nhiệm mầu của Thượng Đế, Trời, Phật đã cứu vớt tôi thoát khỏi Tử Thần, và kể từ giờ phút này đã cùng 136 người được trở về từ cõi chết.
Thuyền Trưởng và các Thủy Thủ cảm thấy vui mừng đã cứu đuợc 137 người một cách bất ngờ. Chỉ trong vòng vài phút đã có những tấm bạt khổng lồ được căng lên che chở cho đoàn người chúng tôi đang bị ướt sũng, và lạnh run cầm cập bởi những luồng gió mạnh như vũ bão quất thẳng vào người.
Sau đó mọi người được các Thủy Thủ đưa vào các phòng cho ấm. Rồi họ phân phát những cục xà bông thơm phức và một số quần áo, yêu cầu mọi người lần lượt, từng nhóm bốn, năm người, chia ra nam theo nam, nữ theo nữ đi tắm, vì không có đủ phòng tắm cho từng người tắm riêng. Lúc bấy giờ, tôi đã hoàn hồn, và không còn lạnh run nữa, không khỏi bật cười khi nhìn thấy vài cô mặt mũi, mình mẫy vẫn còn dính đầy nhớt, lem luốc trông thật gớm ghiếc (giống như tôi).
Sau khi được tắm rửa sạch sẽ, ấm áp, mọi người được mời vào phòng ăn. Bao nhiêu thức ăn được khui ra từ các hộp thịt, hộp súp đã được bày sẵn trên các bàn trong căn phòng sáng rực những ánh đèn Néon. Chỉ mới sau mấy ngày đói khát, luôn luôn bị khủng hoảng, lo sợ, và lúc nào cũng kề cận với Tử Thần, chúng tôi cảm thấy như được thưởng thức một bửa yến tiệc linh đình, thịnh soạn do chiếc Đèn Thần của Aladin biến hoá. Tôi nhờ vài thanh niên đi vòng quanh càc bàn nhắc nhở mọi người dùng súp truớc, cố gắng ăn từ từ và ít thôi để bao tử không bị ảnh hưởng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng khi chuyển từ tình trạng quá đói sang quá no.
Mọi người lại được phân phát mền, dù không đủ cho mọi người, nhưng chúng tôi vui vẻ, chia theo nhóm đắp chung cho càng ấm, và nằm tạm trên sàn tàu dưới những tấm bạt che mưa vẫn đang còn rỉ rả. Riêng tôi thì may mắn được ngủ trong một phòng riêng nho nhỏ, có lẽ của một Thủy Thủ nhường chỗ cho dùng tạm trong thời gian chờ đợi này?
Cơn giông bão đã ngưng gầm thét để cho mọi người được ngủ yên trong niềm vui sướng và diễm phúc lớn lao nhất: Đã sống lại từ cõi chết và sẽ đến bến bờ Tự Do như ước nguyện. Chưa bao giờ tôi có một giấc ngủ thật say trong tâm trạng bình an, và tinh thần phơi phới như đêm hôm đó!
Chúng tôi chỉ van xin Thuyền Trưởng cho chúng tôi một chỗ ngồi trên sàn tàu Panama kiên cố, để được sống sót, và chờ đợi được tàu của Cao Ủy Tị Nan Liên Hiệp Quốc đến cứu.
Chúng tôi không dám mong được ăn uống, phân phát chăn mền, quần áo như thế này. Chắc là đoàn người chúng tôi đã tiêu thụ hết thực phẩm, quần áo dự trữ của tất cả Thủy Thủ đoàn? Có thể vì thế mà Thuyền Trưởng đã cương quyết từ chối lúc ban đầu. Ơn cứu mạng này của Thuyền Trưởng chắc chắn không bao giờ có thể đền trả được.
Mọi người sung sướng, yên tâm chờ đợi trên tàu Panama thêm một ngày và một đêm. Lần thứ hai được nằm trên chiếc giường bé nhỏ có chăn nệm trắng phau giữa tiếng sóng biển rì rào và thỉnh thoảng có tiếng ầm ầm của những cơn sóng từ xa vọng lại, không khí mát dịu, trong lành mà chưa bao giờ tôi có trong đời đã đưa tôi chìm vào giấc ngủ thật dễ dàng và êm ái.
Tiếng gõ cửa của một Thủy Thủ đánh thức tôi dậy giữa lúc tôi còn đắm chìm trong giấc ngủ êm đềm. Anh ta nói khi tôi vừa mở cửa"Tôi xin lỗi đã đánh thức cô. Cô đã có một giấc ngủ ngon không? Thuyền Trưởng muốn gặp cô".
Tôi vội theo anh ta bước lên cầu thang dẫn tới boong tàu trên cao. Dưới ánh bình minh giữa đại dương, mặt trời thật rạng rỡ trên mặt nước bao la xanh biếc, cảnh sắc còn đẹp hơn cả bức tranh thủy mạc. Vị Thuyền Trưởng cứu tinh của chúng tôi đang đứng chờ và đưa tay ra bắt trong lúc tôi chào ông ta. Sau đó, với khuôn mặt thật nghiêm trang quay về phía mặt Trời đang tiếp tục lên cao trên mặt nước, vị Thuyền Trưởng quỳ xuống, lâm râm vài lời và làm dấu lạy Thượng Đế theo kiểu Thiên Chúa Giáo, tôi cũng vội vã quỳ xuống theo.
Rồi Thuyền Trưởng đứng đậy, nói:" Cảm ơn Thượng Đế đã nhờ Cô cho tôi cơ hội cứu được 137 người. Đúng như lời cô, nếu tôi không thay đổi quyết định kịp thời, 137 người đã thật sự bị chôn vùi dưới lòng đại dương lúc đó. Và suốt hai ngày nay, tôi không liên lạc được với bất kỳ tàu nào của Cao Ủy, vì ảnh hưởng của cơn bão, điện thoại cũng hoàn toàn bị tê liệt. Hôm nay, không thể chờ thêm nữa, chúng tôi phải nhổ neo để đưa quý vị đến một trại tị nạn gần đây nhất."Tôi rưng rưng nước mắt, chỉ biết tận đáy lòng, vô cùng cảm ơn cứu mạng của Thuyền Trưởng. Tôi xin ông cho tôi cơ hội được liên lạc với ông trong tương lai khi được định cư. Thuyền Trưởng về phòng, vài phút sau trở ra trao cho mảnh giấy có ghi tên, địa chỉ ở đất liền bằng chữ viết tay:
Captain Brian O' Connell
17 Arundel Close
Bexley
Kent
England
U.K

Các Thủy Thủ được lệnh nhổ neo tiếp tục lên đường, tàu từ từ xa giàn khoan đứng sừng sững như toà lâu đài giữa đại dương vào buổi sáng ngày 30 tháng 09, năm 1984. Buổi chiều cùng ngày thì đến Đảo Pulau Bidong, một trại tị nạn dành cho các thuyền nhân Việt Nam trên quốc gia Mã Lai Á.
Mọi người coi như đã đạt ước nguyện nhờ ơn cứu mang của vị Thuyền Trưởng có tấm lòng bác ái bao la, "Thuyền Trưởng O'Connell”. Lần lượt từng người chào từ biệt Thuyền Trưởng và các Thủy Thủ với tất cả sự biết ơn không có lời nào có thể diễn tả được. Tất cả Thủy Thủ đoàn và Thuyền Trưởng hân hoan chúc chúng tôi may mắn, sớm được định cư ở một nước thứ ba.
Vì tàu được cặp vào đất liền, chúng tôi không phài dùng thang dây để leo xuống như lúc ở giữa biển. Mọi người ung dung bước ra khỏi tàu như bước ra khỏi phi cơ, có lối đi thẳng lên chiếc cầu giữa mặt nước, rồi cao lên dần cho đến khi giáp với đất liền. Sau này tôi được biết tên cây cầu là Jetty.
Thuyền trưởng O’Connell bắt tay từ biệt tôi lần cuối, sau khi giới thiệu tôi với các Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đang đứng chờ đón đoàn người tị nạn được tàu Panama bàn giao.
Một trang sách mới đã được lật qua trong dòng đời của 137 thuyền nhân sống sót nhờ một phép mầu vào ngày 28 tháng 09, năm 1984 vì đã may mắn gặp được vị Thuyền Trưởng giàu lòng nhân ái. Và bắt đầu đoạn đời tị nạn từ đây với mã số do Văn Phòng Cao Ủy Tị Nạn đăt tên theo thứ tự khi có đoàn người tới đảo:  MB 224 Pulau Bidong.
Vẫy tay chào tàu Panama đang xa dần trên mặt nước mênh mông, tôi vẫn còn ngẩn ngơ như đang mê ngủ. Đứng trên nền cát trắng, dưới những hàng dừa xanh cao vút dọc theo bãi biển, tôi hướng về phía mặt trời rực rỡ đang dần dần đi xuống gần mặt nước xanh trong vắt, thành tâm khấn nguyện lời cảm tạ Thượng Đế,Trời, Phật, những hương linh đã cứu vớt tôi thoát khỏi Tử Thần đầy nhiệm mầu qua bao biến cố kinh hoàng suốt mấy ngày qua.
Từ đây, bắt đầu một khúc rẽ cuộc đời như một hành khất đi chân đất, với hai bàn tay không; cái túi xách nhỏ có vài kỷ niệm và đôi dép đã bị rớt lại trên chiếc ghe trong lúc được khiêng lên tàu Panama. Tôi đã không dám xin đôi giầy hoặc dép trong thời gian chờ đợi, vì đã nói với Thuyền Trưởng: Chỉ xin một chỗ đứng trên “vùng đất sống”.
Hành trang tôi mang đến Pulau Bidong chỉ có một trái tim tràn ngập lòng biết ơn Thượng Đế, Trời, Phật và những ân nhân đã cứu giúp tôi trên từng bước đường  đời, sự thương nhớ những người thân yêu còn lại đang vất vả nơi quê nhà, và đang ấp ủ những ước mơ cho ngày mai tươi sáng. Bên cạnh đó là một linh hồn nặng trĩu với những hình ảnh hãi hùng, tuyệt vọng trong cuộc hành trình đi tìm "Tự Do",với bao ký ức đau buồn của những năm tháng" đại bác đêm đêm vọng về thành phố" trên quê hương. Một linh hồn quằn quại vì sự tan nát của gia đình khi chiến tranh chấm dứt trong cảnh nước mất, nhà tan, đau thương, thống khổ chất chồng.
Thấm thoát đã hơn ba mươi mốt năm trôi qua. Tôi đã bước qua bao nhiêu ngã rẽ cuộc đời như chiếc thuyền trôi theo giòng nước. Có những lúc rẽ qua giòng suối nên thơ, có đôi khi rẽ vào giòng sông êm ả và cũng có lúc di vào lòng biển khơi đang trong cơn giông tố. Ở bất kỳ ngã rẽ nào, không có một khoảnh khắc nào trong đời, tôi có thể quên được những phép lạ đã cứu vớt tôi trong chuyến đi nhiệm màu ấy.

Những lời cuối cho dòng hồi ức về những phép lạ tôi đang kể lại, xin thay mặt 137 người cùng thoát chết dưới lòng đại dương trong cơn giông bão vào buổi chiều ngày 28 tháng 09, năm 1984, và bây giờ không biết đang tản mạn ở các phương trời nào, ai còn, ai mất, thành tâm gửi đến Thuyền Trưởng Brian O' Connell (cũng không biết ông đang phiêu du ở chân trời, góc bể nào), lòng biết ơn vô bờ bến và không bao giờ đền trả được ơn cứu mạng ngày ấy.
Ước nguyện tha thiết nhất của tôi trong những năm tháng cuối cuộc đời là được Ơn Trên ban phép lạ cho tôi tìm được tin tức vị Thuyền Trưởng có tấm lòng bác ái bao la đã cứu 137 người tưởng chừng như chắc chắn là chết được trở về đất sống
Sự liên lạc của tôi với Thuyền Trưởng đã bị cắt đứt, sau bức thư gửi đến ông năm 1988 đã bị trả về với hàng chữ: "Moved to unknown address". Nhiều năm nay, các con tôi đã cố truy tìm trên nhiều trang mạng từ Internet, nhưng tảt cả đều vô vọng.
Cũng xin thay mặt 137 thuyền nhân, gửi đến tảt cả Thủy Thủ đoàn của tàu Panama ngày ấy sự biết ơn sâu xa trước sự giúp đỡ nhiệt tình đầy lòng bác ái của quý vị.
Từ  đáy lòng , xin gửi đến cô Minh, mẹ của Tuyết Nhiên, và anh tài công sự biết ơn vô bờ đã giúp tôi thoát khỏi bọn hải tặc một cách nhiệm mầu, khi giao cháu bé và liệng cục nhớt cho tôi kịp thời trong tích tắc.
Và cũng tận đáy lòng, xin chân thành đặc biệt gửi đến ân nhân Nguyễn Vĩnh Tôn sự  biết ơn vô bờ đã giúp tôi bước lên chiếc thuyền định mạng ngày 23 tháng 09, năm 1984. NVT mãi mãi là một Thiên Thần của sự trong sáng và cao quý trong hồn tôi.
Giờ đây, tôi xin thắp một nén hương dâng lên hương linh của anh Nguyễn Quốc Trụ với tất cả sự biết ơn chân thành nhất của một người hân hạnh và may mắn đã được anh giúp trong chuyến vượt biên này.
Và cùng hàng triệu Quân, Dân, Cán, Chính VNCH, xin tưởng nhớ, ghi ơn những anh hùng đã hy sinh bảo vệ VNCH, trong đó có người anh hùng Mũ Đỏ Nguyễn Quốc Trụ, SVSQ/ Khoá 20 Võ Bị Đà Lạt, Đại Úy thuộc Binh Chủng Nhảy Dù, người đã tham dự trận chiến khốc liệt nhất trong quân sử VNCH, trận Đồi 31, Lam Sơn 719, Hạ Lào 1971, nơi anh hùng Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đương đã nằm xuống, và đi vào huyền thoại qua nhạc phẩm bất hủ "Anh không Chết Đâu Anh" của Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh, còn anh Nguyễn Quốc Trụ và nhiều Sĩ Quan, binh sĩ đã bị bắt làm tù binh trong những trại tù nghiệt ngã ở Bắc Việt cho đến năm 1979.
Xin thắp một nén hương dâng lên người Cô (Dì) yêu dấu Hồng Hoàng Lan, với tất cả sự biết ơn của người cháu được Cô thay Mẹ, an ủi, đùm bọc trong giai đoạn gia đình tan nát, đau thương sau biến cố lịch sử 30 tháng 04, năm 1975. Cô là người duy nhất trong gia đình Mẹ tôi còn ở lại Hà Nội sau năm 1954 vì đã không thể bỏ lại những cây đàn yêu quý để ra đi. Là một nhạc sĩ xử dụng đàn Violoncelle trong Dàn Nhạc Giao Hưởng Hà Nội, cô đã kịp thời vào Sàigòn để đưa tiễn Mẹ tôi về cõi vĩnh hằng ngay sau 30-4-1975. Cô cũng là người đã khuyến khích, giúp tôi tìm đường vượt biên, và bắt nhịp cầu cho tôi được bước vào chuyến đi hãi hùng, nhưng mầu nhiệm này.
Và xin thắp một nén hương nguyện cầu cho hương linh em Tuyết Nhiên cùng tất cả những thuyền nhân đã nằm xuống lòng đại dương trong những cuộc hành trình đi tìm Tự Do đưọc an nghỉ nơi vùng trời miên viễn.

Nếu không có những phép lạ nhiệm mầu cứu vớt, 137 người trong đó có tôi cũng đã chung số phận âm thầm nằm trong lòng biển cả ngày 28 tháng 09, năm 1984. Và những biến cố dồn dập xảy ra trong suốt cuộc hành trình không bao giờ thân nhân được biết.
Cuối cùng, xin chân thành gửi đến anh Trần Đình Phước, cựu Trung Úy Không Quân VNCH, sự biết ơn sâu xa đã khuyến khích, nhiệt tình, bỏ ra nhiều thời gian và công sức giúp tôi hoàn tất viết lại những dòng hồi ký đúng vào ngày Giáng Sinh 2015 về chuyến đi nhiều phép lạ mầu nhiệm này.
 Toronto, Giáng Sinh 2015
 Phạm T Duyên

No comments:

Post a Comment