Pages

Monday, February 27, 2017

BỎ ĐÔ LA VÀO MIỆNG CỌP

 
 KHI NGƯỜI CHIẾN BINH TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
 
...Dân Việt Nam chúng tôi đau hơn ông nhiều. Chúng tôi đã bị cả thù lẫn bạn lừa và đã mất cả nhà lẫn nước, nhiều người đã mất cả mạng. Mất hết. Chúng tôi đã có một thứ hòa bình mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi là “Hòa bình của nấm mồ”! Đến nấm mồ" cũng không được yên. Nếu vẫn còn chưa sáng mắt, mời ông bớt chút thì giờ ghé qua "tham quan" nơi trước tháng 4.1975 được gọi là "Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa" để xem người chết đã bị trả thù ra sao.
Một câu chuyện mới… mà như cũ

Ký Thiệt
 

 
Khi người cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa
Một đôi vợ chồng người Mỹ – Ken và Pat – đã quyết định dùng toàn bộ số tiền họ dành dụm được trong cả đời mình để làm một điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam. Kết quả là một thư viện khang trang trị giá hơn 50 ngàn USD mọc lên trên vùng đất Bồng Sơn còn nhiều khó khăn của tỉnh Bình Định. Với sự háo hức muốn nhìn thấy công trình của cả đời mình đi vào hoạt động, mang lại lợi ích cho trẻ em VN, hai vợ chồng vừa sang VN dự lễ khánh thành thư viện, để rồi hôm nay họ lên máy bay trở về Mỹ với hai chữ “very disappointed” và câu nhận xét “they have small minds”.

Ken là một cựu chiến binh Mỹ trong cuộc chiến VN. Ông là lính trực thăng ở khu vực Bồng Sơn – Bình Định trong những năm 1969 – 1970. Hai năm chiến đấu ở đó đã để lại nhiều kỷ niệm giữa ông và mảnh đất này. Nay ông trở lại với tư cách một thành viên của “The Library of Vietnam Project” nhằm xây dựng một thư viện và trung tâm học tập cộng đồng (mà ông gọi là “library and learning center”) cho trẻ em và người dân Bồng Sơn, mà vợ chồng ông là nhà tài trợ chính. Kinh phí dự kiến ban đầu là 35.000 USD, nhưng sau đó đã được đẩy lên tới 58.000 USD, trong đó vợ chồng ông hứa tài trợ 48.000 USD, hơn cả khoản tiền hai người dành dụm được và dự định dùng cho công việc từ thiện. Bà Pat đã quyết định không mua xe hơi mới thay cho chiếc xe cũ của bà để dành tiền xây thư viện. Ngày khánh thành thư viện 9/12/2011 đã được xác định từ một năm trước, và vợ chồng ông luôn coi đó là một mốc thời gian rất có ý nghĩa với họ. Ông Ken nói với vợ rằng dịp này ông sẽ dẫn bà sang thăm VN và xem “chiếc xe hơi mới” của bà ở Bồng Sơn!

Hai vợ chồng đến VN ngày 3/12 và đã tham gia chuyến khám bệnh từ thiện của Từ thiện Minh Tâm tại Bến Tre ngày 4/12 và họ thực sự thích thú khi tiếp xúc những con người VN hiền hòa, hiếu khách nơi đó, cũng như khâm phục tinh thần làm việc vì cộng đồng của các thành viên Từ thiện Minh Tâm. Sau đó họ bay ra Bồng Sơn dự lễ khánh thành thư viện. Chiều 14/12, mình đã mời họ một buổi café như một lời chào tạm biệt trước khi họ về Mỹ ngày 15/12. Không ngờ, cuộc gặp mặt lần này lại là dịp để họ trút ra những nỗi bức xúc và thất vọng mà họ trải qua ở Bồng Sơn!

Dưới đây là những điều Ken và Pat kể lại với mình.
- Đặt chân đến Bồng Sơn, họ vô cùng bất ngờ khi thấy tấm bảng “Trường tiểu học Bồng Sơn” nằm chễm chệ trên tòa nhà mà lẽ ra phải là thư viện. Ken và Pat muốn đặt tên cho thư viện này là “Bong Son – Lucky Star Library and Learning Center” vì Lucky Star chính là đơn vị mà Ken phục vụ thời chiến tranh. Chính quyền địa phương đã tự ý đổi tên và đổi cả chức năng của tòa nhà mà không hề báo một lời với vợ chồng ông – những người đã bỏ tiền xây nên tòa nhà đó – chưa nói đến việc xin ý kiến của vợ chồng ông. Ken nói với mình “I paid for it, but they changed the name. I want my money back!”

- Lãnh đạo phòng giáo dục Bồng Sơn, người mà ông đã làm việc trực tiếp trong quá trình xây thư viện, đã không có mặt trong buổi lễ khánh thành thư viện (đã được xác định từ 1 năm trước) với lý do … bận họp. Ken nói, ông không thể hiểu vì sao họ lại họp đúng vào thời điểm mà đã được chọn từ trước cho việc khánh thành thư viện???

- Ken và Pat cảm thấy như họ là những vị khách không mời mà tới trong buổi lễ khánh thành thư viện do chính họ tài trợ xây dựng. Ken nói, khi tôi đến tài trợ xây thư viện, họ tay bắt mặt mừng, cảm ơn rối rít, rồi sau khi nhận tiền và xây thư viện xong, họ “bye bye” như thể tôi đã hết nhiệm vụ ở chỗ này! Không hề có một dòng chữ ghi ơn hai vợ chồng trong thư viện, mà chỉ có một tấm bảng ghi chung chung là “món quà của người Mỹ dành cho người dân Bồng Sơn”. Ken bảo ông không biết sau khi ông đi rồi họ có gỡ bỏ tấm bảng này không nữa?

- Ngoài việc nâng kinh phí từ 35.000 USD lên 58.000 USD, họ còn “vòi vĩnh” thêm 20.000 USD để trang bị phòng máy tính cho thư viện. Vợ chồng ông cũng nghĩ đến việc sẽ vận động tài trợ khoản này, thậm chí ông còn lên kế hoạch cho những chương trình dạy tiếng Anh qua mạng cho học sinh Bồng Sơn do nhóm ông thực hiện. Nhưng với những gì đã diễn ra, Ken khẳng định “Everything is finished. Now.” Ông nói với mình rằng ông quá thất vọng về những con người đó và đừng hòng có thêm một đồng tài trợ nào từ ông, mà thật sự ông cũng chẳng còn tiền vì đã trút hết vào dự án này! Ông nói rằng ông đến VN với thiện chí không chỉ xây dựng thư viện mà còn để tạo mối quan hệ giữa hai bên cho những sự hợp tác sau này. Thế nhưng, cái người ta cần ở ông chỉ là tiền mà thôi! Ông kết luận “I value the relationship with them, but they have small minds!”.

Điều đáng trân trọng ở Ken và Pat là họ không vì những chuyện này mà mất đi tình cảm và hình ảnh đẹp về con người VN trong lòng họ. Khi tôi nói lấy làm tiếc về “bad experience” họ đã trải qua, họ đã sửa lại “chúng tôi không coi đó là khoảng thời gian tồi tệ. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời, nhưng với những người không tốt, tôi không nghĩ người VN là như vậy”.



Bài trên đây được trích từ FaceBook của một nhà giáo tại Sài-Gòn và mới được đưa lên mạng trước đây vài ngày nhưng tưởng như câu chuyện đã cũ lắm, xảy ra lâu lắm rồi, đã nghe ai nói tới rồi.

Câu chuyện về một người có lòng và có tiền, thấy dân Việt Nam lầm than khốn khổ dưới sự cai trị của các “nhà cách mạng vô sản” thì chạnh lòng bèn đem tiền bạc về xây cất bệnh viện, trường học, làm đường, bắc cầu…
Họ nghĩ đó là việc nhân đức nhân đạo, giúp cho dân Việt Nam và cũng giúp cho chính quyền sở tại lo cho dân nghèo, và hoàn toàn không liên hệ gì tới chính trị.

Sự thật đã không phải như vậy. Từ những dự án lớn tới những việc làm từ thiện nhỏ đều gặp những trở ngại bất ngờ, những khó khăn không thể đóan trước, những thất vọng não nề không thể tưởng tượng giống như câu chuyện của ông bà Ken và Pat trên đây.

Kể ra, vợ chồng hai người Mỹ đầy lòng nhân đạo và thương dân Việt Nam này cũng còn may mắn, vẫn còn toàn mạng mà trở về nhà, hay không bị đưa đi cải tạo về tôi gián điệp, âm mưu lật đổ chế độ, hay bất cứ tội gì để đòi tiền chuộc mạng.

Vì vậy, họ nên mừng hơn là giận hay thất vọng, và nên tự trách mình đã quá... ngây thơ. Ken từng tham chiến ở Việt Nam, đã đóng ở Bồng Sơn, Bình Định, trong khoảng thời gian 1969-1970 của thế kỷ trước, để chống kẻ thù chung là cộng sản và giúp dân Nam Việt Nam bảo vệ đời sống an lành, tự do mà đã không hiểu cộng sản là gì.

Có lẽ trong đầu chàng phi công năm nào vẫn còn nghĩ rằng cuộc xung đột Nam/Bắc ở xứ Việt Nam xa xôi ngày xưa cũng chỉ là chuyện “lủng củng” giữa anh em một nhà người ta với nhau, nước Mỹ chẳng mắc mớ gì đi can dự vào. Bây giờ, dân Việt Nam đã hết bắn giết nhau, hòa bình, thống nhất rồi. Dân Việt Nam nghèo khổ vì hậu quả của chiến tranh, người lính Mỹ cũng cảm thấy cũng có trách nhiệm một phần và muốn làm một cử chỉ đẹp cho lương tâm đỡ cắn rứt lúc về già, dọn đường lên thiên đàng.

Hơn nữa, như lời chàng Ken, “chúng tôi đã có những khoảng thời gian tuyệt vời”, ý nói khoảng thời gian chàng là một phi công Mỹ ở Bồng Sơn với những người dân Việt Nam thật dễ thương, hiền lành, hiếu khách, những ông làng, ông xã, ông quận dễ mến hết lòng lo cho dân. Và ông ta nghĩ bây giờ cũng như vậy, và nhà cầm quyền “cách mạng” có thể tốt hơn.

Lúc ông cựu phi công Mỹ lên đường trở lại Việt Nam chắc trong đầu ông đã vẽ ra nhiều giấc mơ đẹp. Sẽ được đón tiếp thật nồng nhiệt, sẽ được biết ơn sâu xa, và cái tên “Lucky Star”, tên đơn vị của Ken thời chiến tranh sẽ được trịnh trọng dùng làm tên của cái thư viện được xây dựng bằng tiền tiết kiệm của vợ chồng ông. Cao đẹp biết bao!

Thế rồi tất cả mộng đẹp đã sụp đổ tan tành trước sự thật phũ phàng, và ông đã tức giận gọi những quan chức của “chế độ cách mạng” là “đầu óc nhỏ mọn”. Hơi muộn.

Đáng lẽ với tư cách là một quân nhân Mỹ từng chiến đấu trên chiến trường Việt Nam, ông phải hiểu biết về kẻ thù trước mặt ông, phải biết vì lý do nào ông đã có mặt tại Việt Nam mà 56 ngàn đồng đội của ông đã ngã xuống trong khi giao tranh với quân thù, và tại sao người Nam Việt Nam đã phải chiến đấu, trước khi người Mỹ đến giúp và sau khi người Mỹ đã ra đi.

Loại người mà ông Ken nói là “đầu óc nhỏ mọn” có cái túi tham rất lớn, có đôi mắt loạn thị nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ thù, và có hai lỗ tai lỗ tai điếc không thể nghe được những lời nguyền rủa.

Dù sao cũng xin chúc mừng ông đã nhận diện được kẻ thù, dù hợi muộn, và đã ra về bình an, mất 50 ngàn đô một cách vô duyên và có thể bị cười vào mũi. Bà Pat buồn vì bị lừa và mất cơ hội mua chiếc xe mới. Ông còn cảm thấy đau nên muốn "đòi lại tiền"?

Dân Việt Nam chúng tôi đau hơn ông nhiều. Chúng tôi đã bị cả thù lẫn bạn lừa và đã mất cả nhà lẫn nước, nhiều người đã mất cả mạng. Mất hết. Chúng tôi đã có một thứ hòa bình mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi là “Hòa bình của nấm mồ”! Đến nấm mồ" cũng không được yên. Nếu vẫn còn chưa sáng mắt, mời ông bớt chút thì giờ ghé qua "tham quan" nơi trước tháng 4.1975 được gọi là "Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa" để xem người chết đã bị trả thù ra sao.

Thế mà cho đến nay vẫn có những người tiếp tục mơ ngủ, suy nghĩ y hệt như ông và làm y hệt như ông để tạo ra những câu chuyện cũng y hệt. Chuyện mới nhưng vẫn là những câu chuyện tưởng như đã cũ.

Ký Thiệt

LỆ HOA WILSON * NƯỚC MỸ



Nước Mỹ: Không phải tạm dung!

Lệ Hoa Wilson

Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước này, dân tộc này với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai.
§ Lệ Hoa Wilson


Tôi người Việt Nam. Ông xã người Mỹ. Chúng tôi gặp nhau và thành hôn năm tôi 30 tuổi, đã một lần ly dị và có hai đứa con. Ông xã thì cũng 30 tuổi và còn là trai tơ.
Vùng I chiến thuật lấy Ðà Nẵng (nơi tôi và ông xã gặp nhau) làm thủ phủ nên có rất nhiều bộ chỉ huy trong đó có nhà thương của Hải quân Mỹ là trung tâm y tế cho tất cả binh sĩ Mỹ trong vùng. Qua khỏi ngã tư Mỹ Khê, quẹo mặt để đi vào núi Non Nước, nằm về phía tay mặt là nhà thương. Tôi đoán nó chiếm trọn ít nhứt là năm mẫu đất với các trung tâm y tế mổ xẻ, chữa trị đủ loại, nhà ở cho binh sĩ và dĩ nhiên là một nhà xác! Một nhà xác không có nhiều nước mắt vì thân nhân ở mãi mười ngàn dặm xa!

Trước mặt nhà thương là một bãi đáp trực thăng để tải các thương binh, các chiến sĩ tử trận từ các chiến trường vùng I. Mỗi lần trực thăng đáp xuống thì con đường xe chạy được các quân cảnh Mỹ chặn lại, từng chiếc cáng được vội vã khiêng ra chạy thẳng vào cổng chánh, có người sẽ tỉnh lại với một cái chân nằm đâu đó trong lá rừng rậm rạp, có người sẽ được trở về quê hương dưới lá cờ phủ kín, có người sẽ ngậm ngùi từ biệt những giấc mơ vì cánh tay đã mất, gương mặt đã bị tàn phá, linh hồn đã bị tổn thương…

Vì ông xã thuộc binh chủng hải quân và đóng quân trong nhà thương nên tôi đã có biết bao lần phải ngừng xe, tắt máy, ngồi nhìn những bước chân vội vã, những gương mặt chịu đựng, những ánh mắt buồn hiu của những người tải thương. Mỗi khi có một cái cáng phủ cờ Việt Nam hay Mỹ thì những người Mỹ xuống xe đứng nghiêm chỉnh đưa tay chào vĩnh biệt. Tôi ít khi thấy thương binh Việt Nam, có thể vì họ được chuyển tới một trung tâm y tế khác. Chỉ có một lần tôi thấy một cái cáng được khiêng ra khỏi cửa trực thăng, lá cờ Việt Nam Cộng hòa phủ kín. Tôi không thấy mặt cũng như binh chủng của tử sĩ nhưng một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, cánh tay quấn băng treo vào vai còn đẫm máu đang lảo đảo nhảy ra khỏi cửa trực thăng. Tóc chị trước kia chắc được cột lại bằng dây thun, nay chỉ còn một vài lọn lỏng lẻo trên đỉnh đầu còn bao nhiêu thì thả dài rối rắm xung quanh mặt.

Bạn ơi, hình ảnh đau thương nhứt không phải là cái cáng có người chết nằm phủ kín lá cờ vàng chói, không phải dòng nước mắt đầm đìa trên mặt người sống sót mà là một miếng băng vải mỏng dùng để quấn vết thương. Nó bị dơ vì đất và máu. Nó chỉ dài bằng một chiếc khăn mùi soa. Nhưng nó lại được người vợ trân trọng để ngang lên trán, dùng một cọng lạt dừa cột vòng lại sau đầu. Mảnh khăn tang được vội vã quấn tạm thời nhưng sự ly biệt thì chắc chắn ngàn trùng xa cách. Người thiếu phụ Việt Nam đang để tang cho người chồng chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc!

Tôi không ra khỏi xe chào vĩnh biệt người chiến binh nhưng gục mặt vào tay lái nước mắt tuôn rơi khóc thương cho những đứa trẻ đang quẩn quanh trong thôn xóm chờ cha trở lại. Tôi tưởng tượng tới lúc gia đình nghe tiếng chuông reo, mở cửa ra và thấy một người binh sĩ đứng trước mặt với cái nón cầm trên tay. Người mẹ ở ngàn dặm xa kia có ngã xuống vì trái tim tan nát?… Một cái gì đó nhen nhúm trong tâm hồn tôi. Chiến tranh tiếp diễn cho tới một lúc nào đó thì hòa ước được ký, quân đội Mỹ rút đi.

Anh nấn ná xin ở lại Việt Nam và là nhóm binh sĩ cuối cùng ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất vào đầu năm 73. Tháng 6, 1973, tôi sanh đứa con trai đầu lòng cho anh. Tháng 9 năm 74 tôi qua Mỹ thăm anh tiện thể thăm dò chuyện xuất nhập cảnh. Chúng tôi dự định chờ anh ra khỏi quân đội và sẽ về sinh sống tại Việt Nam. Ðiều kiện để tôi nói “I do” là chúng tôi phải ở Việt Nam và sẽ có bảy đứa con. Tôi nào biết trời cao đất rộng là gì, chỉ biết rằng tôi rất ham con và bảy đứa là một con số chấp nhận của gia đình VN, đâu nghĩ rằng đối với người Mỹ hai đứa là lý tưởng, ba đứa là chau mày, bốn đứa là nổi điên, năm đứa là tan nát, sáu đứa là thảm họa mà bảy đứa là… rồi đời!

Thời cuộc thay đổi, đến tháng 3 năm 75 thì tôi quay về Việt Nam để đón các con. Lúc đó tôi đang có thai đứa thứ hai được bảy tháng. Khi còn bên Mỹ, qua tin tức trên báo và tin rỉ ra trong quân đội thì chúng tôi biết chắc là Saigon sẽ mất, nhưng khi về Việt Nam thì Saigon vẫn vui vẻ, vẫn bình yên. Rạp chiếu bóng vẫn hát, tiệm ăn vẫn mở cửa, đám cưới vẫn tiến hành, tình yêu vẫn nở hoa… Tôi thầm cằn nhằn báo chí Mỹ thật là dỏm, toàn là đưa tin vịt không hà.
Nhưng với ngày qua, mọi việc có vẻ tệ hơn. Nhóm người quen bán hột xoàn với mẹ con tôi cùng nhau an ủi rằng “bà Mỹ” còn ở đây chưa chạy thì lo gì. Ông xã tôi kêu điện thoại ngày một hối thúc tôi ra đi. Tôi trả lời là má tôi không cho đi, sợ về Mỹ sanh rồi lấy ai săn sóc, làm sao có củi lửa để hơ, có lá xông để tắm, có nghệ vàng để thoa mặt, v.v. Sanh xong rồi tôi sẽ qua.

Một tuần sau tôi mất liên lạc với anh.
Ngày 20 tháng 4, 1975 một trung sĩ Việt Nam lái xe jeep đến nhà tôi, gõ cửa:
“Xin lỗi đây có phải là nhà của bà Lê Thị Hoa không?”.
Tôi trả lời:
“Trung sĩ ơi, ở đây không có bà Lê Thị Hoa chắc trung sĩ muốn kiếm bà Lệ Hoa phải không?”
Viên trung sĩ vội nói:
“Tôi cũng không biết chắc. Tôi làm việc cho ban an ninh phi trường và được lịnh tới đây chở cái bà có chồng Mỹ lên gặp Đại tá Mỹ phụ tá tùy viên quân sự…”
Tôi cầm lấy giấy và thấy tên tôi. Tôi vội dẫn theo hai đứa con nhỏ nhất lên phi trường Tân Sơn Nhất. Khi vào văn phòng, vị Đại tá cho tôi biết là ông xã đã liên lạc với cơ quan của ông và nhờ họ giúp tôi và các con phương tiện để rời Việt Nam.

Vị Đại tá nhìn xấp tài liệu nói:
“Chồng bà yêu cầu Tòa Đại sứ giúp đỡ bà và ba đứa con di tản khỏi Việt Nam lập tức. Xin bà hãy để hai đứa trẻ này lại đây cho cô thơ ký tôi trông chừng, còn bà thì theo xe trở lại nhà và dẫn đứa thứ ba tới đây, chúng tôi sẽ làm giấy tờ và gia đình bà sẽ ra đi nội trong ngày nay”.
Tôi ngẩn ngơ nhìn vị Đại tá ngồi nghiêm chỉnh trước mặt:
“Ngài Đại tá, ngài có nói chơi không? Tôi sanh ra, lớn lên, sống ba mươi lăm năm tại non nước nầy giữa cha mẹ, thân nhân, bạn bè… và bây giờ ngài cho tôi hai tiếng đồng hồ để từ bỏ tất cả… Xin ngài hãy nói là ngài nói chơi, chuyện này không có thật…”
Nước mắt tôi ứa ra và chắc là tôi có vẻ bi thương của một con thú sắp chết nên vị Đại tá rộng lượng nhìn tôi:

“Tôi biết tình cảm của bà. Thôi bà hãy dẫn con về và ngày mai trở lại. Ngày mai, bà có nghe rõ không? Chuyện đầu tiên bà thức dậy ngày mai là cùng ba con lên xe đến đây. Tôi sẽ gởi người trung sĩ này đến nhà bà sáng mai”.
Tôi về nhà và cả nhà bắt đầu khóc. Tôi đi lên đi xuống thang lầu, mở các hộc tủ ra rồi đóng lại, ra sân thượng nhìn chậu cúc héo queo, xuống nhà bếp ngồi lên bộ ván ngựa, vô nhà tắm rờ rờ cái lon múc nước, ra phòng khách nằm lên võng đưa kẽo kẹt… Tôi như người mộng du, làm tất cả những hành động vô nghĩa đó với tiếng khóc hụ hụ.

Ba giờ chiều tôi gọi điện thoại cho vị Đại tá biết là vì tôi bị xúc động nên đã động đến cái thai. Hiện giờ tôi đang ra huyết và Bác sĩ cấm không cho tôi di chuyển cho đến ba ngày sau. Dĩ nhiên vị Đại tá không dám giỡn với tánh mạng người khác nên phải đồng ý cho tôi thêm ba ngày nữa. Tôi không nghĩ là sau ba ngày đó tôi còn có được một giọt nước mắt nào nữa trong cuộc đời.
Ba má tôi không đi vì tôi có người anh đi tập kết: ông bà chờ sự trở lại. Anh rể tôi không đi vì là sĩ quan Cộng hòa: sợ mang tội trốn lính. Chị tôi không đi vì theo chồng.

Ba đứa cháu trai theo tôi vì sợ sẽ phải bị đày đi lính. Một đứa cháu gái theo tôi vì sợ sẽ bị gả ép cho thương phế binh Cộng sản.
Vì thế ba ngày sau tôi mang một bụng bầu tám tháng và bảy đứa nhỏ lên phi trường. Vị Đại tá nhìn tôi như nhìn con quái vật:
“Xin lỗi bà, theo giấy tờ thì tôi chỉ có quyền cho bà và ba đứa con của bà đi. Hiện tại bà có tới bảy đứa! Tôi thật không thể giúp bà”.
Khi người ta phải phấn đấu cho sự sống chết thì can đảm và khôn ngoan ở đâu bất chợt hiện ra. Tôi nhẹ nhàng nói:
“Tôi hiểu thưa Đại tá. Tôi không trách ông. Nhưng đây là những đứa cháu tôi nuôi từ nhỏ giống như con tôi vậy. Nếu ngài không cho chúng đi thì mẹ con tôi cũng xin ở lại”.

Vị Đại tá bối rối nhìn tôi. Có lẽ ông đã biết rằng rồi thì Việt Nam sẽ mất, rồi thì một làn sóng người sẽ cuồn cuộn ra đi. Sớm một vài ngày, bốn đứa trẻ này có thấm gì đối với số người đang rần rộ chen lấn ngoài kia. Ông thở dài, ngồi xuống ghế ký cái công văn “eight months pregnant wife and seven children of US citizen need to be evacuated” rồi đưa cho tôi. Chúng tôi theo dòng thác người nhớn nhác ra đi.

Chúng tôi tới Camp Pendleton ngày 5 tháng 5 năm 1975. Anh đang đóng quân ở Ferndale, một tỉnh lẻ nhỏ nhắn hiền hòa chỉ có bảy ngàn dân, cách San Francisco sáu tiếng đường xe về hướng Bắc. Lúc đó chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Nga Xô vẫn tồn tại nên đây là một căn cứ hải quân rất quan trọng nằm trên một ngọn đồi cao ngó ra biển. Các đài radar tối tân được đặt cùng khắp để theo dõi các tàu ngầm xâm phạm bất hợp pháp vào hải phận Mỹ và California.

Khí trời California lúc đó là 75 độ mà mọi người lạnh cóng. Ðêm thứ hai tại camp, anh lái xe một lèo 16 tiếng để đến đón mẹ con tôi. Mười một giờ khuya một người lính Mỹ đến lều để dẫn tôi lên văn phòng nơi anh đang làm thủ tục.
Bạn có biết lúc đó tôi giống ai không?
Không Giống Ai Hết!
Ðây là một người đàn bà 36 tuổi, tóc hơi dính chùm lại vì cát bụi, mặt hỏm vào, gò má bị nám, mặc một cái áo dài xanh bên hông chỉ gài được một nút ở dưới nách vì thai bụng quá lớn, ngoài khoác một áo bầu thùng thình màu trắng, đầu trùm cái mền xám cột thắt dưới cằm, chiều dài mền thả phấp phới sau lưng. Le lói hơn nữa là người lính Mỹ trẻ thấy tôi run cầm cập nên cởi cái áo lính trận ra, trước mặt đầy những túi để dao găm, lựu đạn v.v… và trùm lên tôi. Tôi bước vào căn lều. Bàn làm việc nằm cuối phòng và anh đang đứng cúi xuống ký giấy tờ.

Chưa bao giờ trong đời tôi lại bước những bước chân nhẹ nhàng, nặng nề, tủi hổ, hoang mang, giải thoát, run sợ như lúc đó. Ðây là lúc bắt đầu cho những ngày tươi sáng với sum họp thương yêu, với nhà lầu chọc trời, với ngựa xe rộn rã, với tương lai đại học hay là lúc chấm dứt cho dòng sông Hậu hiền hòa với hàng dừa nặng trái, lúc từ giã những hàng me xanh thân yêu Trần Quý Cáp, lúc quay lưng lại với bến Ninh Kiều đằm thắm xinh tươi, lúc quì lạy cha mẹ quê hương nói lời vĩnh biệt?
Tiếng bước chân tôi làm anh quay lại. Anh bước tới ôm lấy tôi. Tôi cố gắng để khỏi ngất đi, quì xuống sàn nhà, tay ôm lấy mặt và nghẹn ngào: “Oh My God honey, I lost my family, I lost my country, I lost everything!” rồi tôi khóc nức nở. Anh quì xuống ôm đầu tôi. Anh cũng khóc. Tất cả người Mỹ trong phòng đều rưng rưng.

Ngày 13 tháng 6 năm 1975 tôi sanh cháu Jimmy. Tháng 9 tựu trường, tôi gởi hai đứa nhỏ nhất cho cô bạn, đi làm phụ giáo lớp một trường tiểu học Ferndale, hai đô la rưỡi một giờ.
Hè 1976, tôi đứng bán hot dog trong hội chợ và ba thằng lớn thì đi dọn rửa phân ngựa trong trường đua. Lúc đó Chánh phủ Mỹ còn giàu nên cứ hai năm là các quân nhân được đổi tới một trạm binh khác. Tôi thấy tụi nhỏ rất buồn và sợ rằng sự dời chỗ thường xuyên sẽ làm tụi nó hụt hẫng vì xa bạn nên khuyên anh giải ngũ. Và chúng tôi dọn xuống miền Nam California, tỉnh La Habra.

Tôi thì để tất cả sự nghiệp lại Việt Nam, anh thì trước khi biến cố Việt Nam xảy ra, đã bị thua lỗ tất cả vốn liếng trong một vụ hùn hạp mở tiệm in với một nhóm dân sự nên chúng tôi hoàn toàn… sạch sẽ. Khi đi mướn nhà ở đường Dexford, La Habra, chúng tôi chỉ dẫn theo bốn dứa nhỏ nhất, hai trai hai gái. Chủ nhà là một người đàn ông Mỹ dễ thương, khi biết anh vừa giải ngũ thì rất vui vẻ nói:
“Ô, căn nhà nầy có ba phòng lớn, thật là lý tưởng cho gia đình ông bà với hai trai hai gái. Tôi rất vui lòng cho ông bà mướn”.

Chúng tôi dở khóc dở cười. Anh là người ít nói và chậm chạp nên tôi bèn duyên dáng cười cười nhìn ông
“Thưa ông, nếu tôi nói với ông là chúng tôi có tám đứa con thì ông có tin chúng tôi không?”
Lần nầy thì chủ nhà nhìn chúng tôi dở khóc dở cười. Ông ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
“Thôi được, tôi đồng ý cho ông bà mướn. Mỗi tháng tôi sẽ đích thân đến thâu tiền nhà. Hy vọng là mọi sự sẽ tốt đẹp”.

Ông đâu có biết rằng tên tôi là Lệ Hoa nghĩa là một bông hoa mỹ lệ, đẹp đẽ chớ chẳng phải là nước mắt của hoa nghe bạn. Vì thế tôi thích trồng bông, thích vườn tược. Tôi sanh ra và lớn lên ở Cần Thơ, bà con sống ở Ô Môn, Thới Lai, Phong Ðiền, Cờ Ðỏ nên mỗi mùa Hè chị em tôi thường về vườn đi cầu khỉ, chèo ghe, bắt ốc gạo, hái vú sữa. Cái chất vườn Nam Bộ đã ăn sâu vào máu tôi nên hiện giờ nhiều người còn cho rằng tôi không có vẻ gì là sang trọng như người Việt Nam sống ở Mỹ. Biết sao!
Sau khi dọn vô, tôi và các con hì hục cuốc đất, đổ phân và biến cái sân trống rỗng của ông thành ra một cái vườn đầy hoa vạn thọ (đây là để honor má tôi vì bà rất thích bông vạn thọ). Tháng sau khi ông tới thu tiền nhà thì ông ngẩn ngơ và phán một câu, “Tôi không cần phải tới tận nhà thâu tiền nữa, bà cứ viết check gởi cho tôi là được. Cám ơn bà về những bông vạn thọ”.

Một vài người quen xúi tôi xin đi làm waitress vì nghề này tiền lương chẳng bao nhiêu nhưng tiền tip thì… ăn chết không hết. Trời ơi tôi nghĩ tới cái viễn cảnh, anh sẽ đi làm, tôi sẽ đi làm lại còn tiền hưu trí từ quân đội nữa thì quả nhiên là… ăn chết không hết! Tôi vội vàng vác đơn tới tiệm Red Lobster gần nhà xin việc. Người manager hỏi bà có làm waitress bao giờ chưa? Dạ chưa. Bà có khi nào làm chủ nhà hàng chưa? Dạ chưa. Cứ hỏi…bà có… bà có… bà có…. Cứ trả lời… dạ chưa… dạ chưa… dạ chưa… và thế là tiền ăn chết không hết chỉ là mộng ảo.

Tôi mua tờ báo thấy rao là “Chương trình CETA của Chánh phủ sẽ trả tiền trường cho một năm học để giúp bạn học các nghề văn phòng như thơ ký, kế toán, phụ tá hành chánh v.v… Mỗi tuần chương trình sẽ tặng bạn bốn chục đô để di chuyển và sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm việc làm cho bạn…”. Tôi nói với anh đây chắc hẳn là một sự lường gạt vì làm gì lại có sự tốt đẹp như thế. Anh thì lớn lên đã nhập ngũ, phần nhiều thời gian nếu không lang thang trên biển cả thì cũng đóng quân ở một xứ khác ngoài Mỹ nên đối với xã hội dân sự cũng có chút bỡ ngỡ. Tôi hăng hái tới cơ quan xin vào chương trình thơ ký. Người phụ trách chương trình thấy tôi là người tị nạn, chồng lại là cựu quân nhân, hình dạng có vẻ nghèo nên thương tôi. Sau khi nói chuyện và đọc cho tôi viết một đoạn Anh văn, bà nhận tôi vào chương trình thơ ký. Khi tôi lui cui làm giấy tờ, bà dịu dàng hỏi:
“Bà có giỏi toán không? Làm nhân viên kế toán thì nhiều lương hơn thơ ký thường và rất dễ kiếm việc làm”.

Tôi không dám trả lời vì không biết “toán” của bà thuộc về loại gì nên ngập ngừng:
“Dạ tôi cũng không biết chắc”.
Bà lấy ra một bài thi toán đưa cho tôi. Ái dà, bà ơi. Có phải là bà đang chà đạp cái trường Gia Long của tôi không? Tôi là học sinh đệ nhất A đây nha bà, dù tôi không được như bà Dương Nguyệt Ánh ngày nay phát minh ra cái gì là bom tìm nhiệt thì ba cái 25% của 100 là bao nhiêu, 1/3 của 75 có lớn hơn 2/3 của 40 không v.v.. là cái chuyện nhắm mắt cũng trả lời được.
Một năm sau tôi được giới thiệu vào làm cho Công ty nhà hàng Dennys, bộ phận kế toán xuất nhập.
Làm việc bảy năm tại Dennys tôi đã học được biết bao điều về gia đình, xã hội, dân tình Mỹ. Trong những buổi ăn trưa tôi học đan áo, học móc khăn, học cách nấu món ăn Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, học cách dạy con, cách đối xử với chồng, học cách không bao bạn ăn để rồi kể lể khi giận hờn nhau, mà mạnh ai nấy móc túi trả phần mình và tình bạn thì không bao giờ sứt mẻ.

Những người bạn ngoại quốc mới này giúp tôi hoàn thiện ngôn ngữ, hiểu rõ những tiếng lóng, sử dụng thành thục những thành ngữ, trả lời điện thoại một cách chuyên nghiệp.
Giúp tôi biết nói cám ơn với con cái. Biết dằn lòng không mở thư của chúng ra kiểm soát. Biết chỉ dẫn chúng tự thực nghiệm cuộc đời hơn là bao che lầm lỗi. Biết nói xin lỗi khi phạm phải sai trái.
Biết văn minh không phải là mặc áo hở ngực hở mông mà là tuân thủ theo Hiến pháp. Biết tự do không phải là mạnh ai nấy làm mà là kính trọng nhân vị của chính mình và của đồng loại. Biết thành công là nhờ vào sự mẫn cán, học hỏi, cầu tiến chớ không nhờ vào nịnh bợ lấy lòng.
Biết các sắc dân khác cũng đầy thương yêu và nhiều đau khổ. Biết kính trọng người Mỹ đen. Biết thương yêu người Mễ nghèo.

Họ cười lăn lóc với cái accent Á Ðông của tôi nhưng họ không chê tôi dốt nát. Họ chỉnh sửa lại những tiếng tôi dùng sai trật nhưng không có ý khinh khi. Họ không đánh giá tôi cao vì tôi đến từ gia đình trưởng giả như tôi khoe khoang. Họ không nhìn tôi thấp kém vì tôi thuộc third world country như báo chí thường đăng tải. Họ nhìn tôi giống như họ, một người vợ, một người mẹ đang cố gắng kiếm tiền một cách lương thiện để giúp chồng nuôi dạy đàn con.

Chín mươi phần trăm nhân viên kế toán là đàn bà. Ðây là những bà mẹ, bà vợ ban ngày làm toàn thời gian, chiều về nấu ăn chăm lo con cái, cuối tuần giặt giũ, lau chùi nhà cửa, dạy con làm bài tập, đi chợ, đi chơi với gia đình. Họ sống bình thường mà còn giỏi hơn tôi là đằng khác.Vậy mà khi xưa tôi cứ nghĩ đàn bà Mỹ là đồ bỏ. Tôi mang tội khinh người. Khi ở Việt Nam tôi ít khi nào giặt quần áo cho tôi, cho chồng, cho con. Tôi chưa khi nào lau chùi cầu tiêu, thức khuya dậy sớm cho con bú, kiểm soát từng bài văn điểm toán cho con. Tất cả đều có anh tài xế, chị vú, anh bồi, chị bếp, cô giáo dạy kèm. Biết bao người đã than trời trách đất rằng sống ở đây sao mà cực quá, xã hội gì mà sướng đâu không thấy chỉ thấy cái gì cũng tự mình làm, thời gian hưởng thụ chẳng bao nhiêu mà làm việc thì quay tròn như chong chóng chẳng lúc nào ngừng. Cực ơi là cực. Chỉ chăm chăm muốn về Việt Nam hưởng thụ.

Bạn ơi, bạn hãy dừng chân một bước. Bạn hãy mỉm cười cầm từng món đồ dơ bỏ vào máy giặt, nhìn vết bẩn trên chỗ đầu gối và hình dung lại gương mặt mếu máo đáng yêu của con nhỏ khi té quị xuống bãi cỏ, nhớ lại ánh mắt chờ mong tin tưởng của con khi mẹ đến đỡ lên.
Bạn hãy nhìn cả nhà húp sột soạt chén canh bầu, cùng chia nhau miếng sườn nướng, cuộn chả giò. Bạn hãy cúi xuống đứa bé đang nở nụ cười ngây thơ chờ mong bình sữa bạn đang đu đưa trước mặt. Bạn hãy vừa xào món tàu hủ vừa trả lời thằng con đang cắm cúi làm bài tập bên kia bàn là Los Angeles không phải là thủ phủ của California con ơi. Thủ phủ của CA là Sacramento hoặc square of three is not three, it’s nine. Và năm phút sau đứa con vui vẻ đứng dậy: “Thank you mom (or dad). My home work is done”.

Ðây mới chính là lúc bạn sống, là lúc mà bạn xuyên thủng qua lớp giáp để linh hồn và huyết nhục bạn và gia đình cùng hòa quyện vào nhau. Ðây chính là lúc hột mè trí tuệ nảy nở trong các con do bạn gieo xuống, lúc hạt giống tình yêu thẩm thấu vào linh hồn chúng do bạn cày cấy vào. Chúng sẽ lớn lên với ân cần bạn gởi vào chén cơm, với giúp đỡ bạn sẻ chia trong bài tập, với thương yêu bạn vuốt thẳng áo quần, với mồ hôi bạn chảy dài trong trận đấu. Và vợ chồng bạn có cùng một trận tuyến, cùng một hướng đi.

Tôi đã từ bỏ quê hương điêu tàn, đã quay lưng với tương lai đen tối. Tôi đã chọn một nơi khác để cất nhà, một miếng đất khác để gieo hạt. Tôi đã dùng nước sông của họ để tưới tẩm, dùng đồi núi của họ để chăn nuôi. Tôi đã dùng chất xám của họ để tiến thân, dùng lòng tốt của họ để sống còn. Tôi không bao giờ quên dòng máu Việt trong tôi nhưng tôi sẽ không ngồi đó nhìn non nước này, dân tộc này với một ánh mắt hờ hững, dửng dưng, một thái độ vô ơn, rẻ rúng. Tôi sẽ không coi đây chỉ là một mảnh đất tạm dung và ngồi khóc thương cho một khung trời đã mất, mơ tưởng về một dĩ vãng đã tàn phai.
Tôi sẽ hòa vào các chủng tộc khác nhau, rơi lệ khi thấy tòa nhà chọc trời sụp đổ, đau thương khi nhìn xác lính được chở về, hân hoan khi nghe bài quốc ca trong các cuộc tranh tài. Tôi sẽ dạy các con cùng tôi nhận nơi này làm quê hương, sẽ đem tất cả khả năng lao động hay học vấn đóng góp vào sự thịnh vượng chung của quốc gia này.

Thay vì trồng cây cổ thụ tạm thời trong một cái chậu nhỏ để nó chỉ được lớn èo uột trong bóng râm, tôi và gia đình muốn đào một hố sâu, đổ đầy phân bón, tưới tẩm nó với tất cả ân cần, săn sóc nó với tất cả sức lực để cho rễ mạnh nó ăn sâu vào lòng đất, cho tàn xanh nó tỏa rộng khắp không gian. Chúng tôi không tạm dung. Chúng tôi mọc rễ và yêu thương quê hương này. Rồi một ngày nào đó, ở bên kia góc trời có cần tới một bóng mát bình an, chúng tôi sẽ chiết bớt một nhánh cổ thụ đem về…
Chúng tôi chỉ có thể làm như thế khi chúng tôi nhận nơi này làm quê hương.Lệ Hoa Wilson--

Wednesday, December 21, 2016

TRẦN VIỆT YÊN * NHỮNG GIÁNG SINH TRONG TÙ

Những Giáng Sinh trong trại tù Cộng sản

tre1baa1i-k1-gia-trung
Hồi ức của Trần Việt Yên – 
1- Giáng Sinh năm 1976 ở trại Long Giao
 
Năm 1976 tôi bị giam trong trại 11 Liên trại 3 Long Giao, Long Khánh. Vì mấy tháng trước xảy ra chuyện trốn trại bất thành, bị bắn đổ ruột mà không chết của anh Hà Văn Hùng và một vài anh em khác, đang bị cùm trong conex, nên không khí trong trại ngột ngạt, nặng nề, khó thở. Anh em chúng tôi ngoài giờ đi lao động vác gỗ, vác tre về làm hội trường nhà ở cho đám cán bộ và cuỉ cho nhà bếp còn phải khiêng phân trồng rau trồng sắn.
Ở đội 1 (Đội có anh Hùng) ai nấy đều dè dặt lời ăn tiếng nói, các tên cán bộ quản giáo hay cán bộ đội cũng thay đổi thái độ không còn hay lai vãng xuống các đội dò xét chúng tôi mà có gì chỉ liên lạc với cácđội trưởng, trong đó đội trưỏng đội 1 chúng tôi là anh Lâm Võ Hoàng {sau này là cố vấn kinh tế ngân hàng cho Võ Văn Kiệt) ra ngoài khu cơ quan làm việc.

Riêng những anh hay ăn nói bốp chát với cán bộ như anh Phạm Lai, anh Dương Hùng Cường dường như cũng “sì tốp” bớt sau mấy lần anh Dương Hùng Cường bị điệu ra ngoài cơ quan làm việc trở về với dáng phờ phạc, đăm chiêu.

Tôi nhớ lại đêm Giáng Sinh năm đó, tôi buông mùng đi ngũ sớm hơn thương lệ, ngồi trong mùng tôi thầm đọc kinh cầu nguyện cho khỏi ai thấy, vừa đọc kinh tôi vừa nhớ lại những mùa Giáng sinh trước, những kỷ nệm êm đềm đầm ấm thủa nào, nước mắt tôi âm thầm rơi xuống gò má hốc hác trơ xương.
Tôi thiếp đi lúc nào không hay chợt có bàn tay ai đó kéo chân tôi làm tôi choàng tỉnh, vén mùng nhìn ra tôi lờ mờ thấy khuôn mặt của tên quản giáo Cảnh, đứng đàng sau lố nhố là mấy tên vệ binh súng AK lưỡi lê tuốt trần. Tên cán bộ ra hiệu cho tôi đi ra ngoài, tôi lẳng lặng đi theo hắn ra đến ngoài sân tập họp, ở đó tôi đã thấy có tốp người lặng lẽ ngồi chờ. Trời Long Giao se lạnh, tôi chỉ mặc có một cái áo tù mỏng, tôi thầm trách sao không cầm theo cái áo Jacket để giờ đây ngồi chịu lạnh.
Cũng nói qua về cái trại giam Long Giao đó, nó mang số 11 nghĩa là trước nó đã có 10 cái trại và sau nó thì không rõ còn bao nhiêu cái nữa. Trại nguyên là trại gia binh của Trung Đoàn 52 sư đoàn 18 Bộ Binh, nó gồm nhiều dãy, mỗi dẫy 10 căn nhà, chúng tôi bị giam cứ 1 căn nhốt 7 hay 8 người, 2 căn thành một tổ 15 người , hai dãy nhà thành một đội. Trại 11 gồm 8 đội và nhốt khoảng 1200 người tù cải tạo.

Lần lượt tên quản giáo dẫn ra thêm mấy tốp khác, chúng tôi hoang mang ngồi trong bóng tối, nên không biết là ai, nhưng có tiếng húng hắng ho làm tôi biết có anh Pham Lai, rồi có tiếng khò khè của anh Hoàng Bửu. Tên quản giáo quơ đèn pin ra hiệu cho chúng tôi đứng lên đi theo hắn. Chúng tôi lần lượt xếp hàng đôi đi về phía cổng trại giam như những bóng ma. Ra đến cổng, tôi thấy thêm một tốp vệ binh nữa cũng trang bị súng AK với lưỡi lê tuốt trần nhọn hoắt. Tên quản giáo chiếu đèn pin ra hiệu cho từng cặp ra một, tôi và Vang bước ra nhập vào đám đông đang đứng chờ rồi tiếp tục đi về phía hội trường. Ở đó giữa ánh sáng vàng vọt của mấy ngọn đèn dầu, tên thiếu tá trại trưởng nét mặt ra vẻ nghiêm trọng đang đợi chúng tôi trên bục giảng. Chúng tôi lặng lẽ ngồi xuống nền đất đỏ của hội trường. Tên trại trưởng đằng hắng rồi cất cao giọng, hắn giảng thuyết theo bài bản mà chúng tôi vẫn phải nghe mỗi khi lên lớp, đều là ca tụng đảng CS, ca tụng bác hồ của hắn, ca tụng phe xã hội chủ nghĩa của hắn. Nhìn nét mặt say sưa của hắn tôi tin rằng hắn đang thành thật sùng tín vào những điều hắn nói. Hôm nay đặc biệt hắn lại nói về tôn giáo, hắn kết án các tôn giáo ở miền Nam, cho rằng các tôn giáo làm cản trở bước tiến giải phóng miền Nam. Sau một hồi kết án chán chê, hắn ra lệnh cho chúng tôi về trại, lần này hắn không hỏi và bắt chúng tôi hô lớn : “Thưa cán bộ, hiểu !!” như thông lệ hắn vẫn làm từ trước đến nay.
Chúng tôi lại lục tục kéo nhau về trại giam.
Trước khi bước chân vào buồng, tôi, Vang và Hoàng Bửu bị hắn chặn lại thì thầm vào tai : “ Tôi nói cho các anh biết các anh có bỏ đạo thì mới được về !”, rồi hắn dặn : “Không được nói cho ai biết chuyện đêm nay đấy nhé”.
Tôi leo lên sạp thì nghe tiếng gà eo óc gáy từ xóm nhà dân ở Cẩm Đường văng vẳng vọng laị. Tôi thiếp đi cho đến sáng.
Ngày 25 Giáng Sinh chúng tôi vẫn tiếp tục lao động như thường lệ, nhìn ánh mắt nhau, chúng tôi thầm hiểu đêm qua CS tập trung anh em sĩ quan Công Giáo, Tin Lành lại vì chúng không muốn cho chúng tôi có dịp tập họp ca hát và đón mừng Chúa như mùa Giáng Sinh 75 đầu tiên trong trại tù ở Phú Lợi, Bình Dương. Chúng tôi biết chúng muốn đe dọa và dụ dỗ để phá hoại niềm tin vào Thiên Chúa của anh em chúng tôi. Nhưng chúng đã lầm, càng gian nan chúng tôi càng cảm thấy cần có Chúa hơn.
2 – Giáng sinh 1977 ở trại Hồng Ca Yên Bái Hoàng Liên Sơn
Tháng 7 năm 1977 chúng tôi bị chuyển ra tù ngoài Bắc bằng mấy chuyến tàu sông hương trong những chuyến đi kinh hoàng. Đầu tiên chúng đưa chúng tôi về trại Lao Cai ít hôm rồi chuyển tiếp về trại Khe Thắm, huyện Trấn Yên do bộ đội CS kiểm soát được mấy tháng, lại chuyển chúng tôi về trại Hồng Ca, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn do Công An CS quản lý.
Chúng tôi như cá chậu chim lồng vì lúc ở trại do bộ đội quản lý dù sao chúng tôi còn được hít thở không khí có đôi chút tự do, hàng ngày chúng tôi lên rừng chặt giang chặt nứa cả ngày miễn sao đủ chỉ tiêu một người bốn bó giang mỗi bó 5 cây giang dài 4 mét hay 2 bó giang nứa mội bó 30 cây cũng dài 4 mét là được, thời giờ còn lại chúng tôi đi câu cá, câu cua hay hái măng giang bắp chuối rừng về ăn cho đỡ đói.
Ở trại Hồng Ca, chúng tôi bị bó buộc lao động trong 4 bức rào nứa của vòng ngoài trại giam. Ỏ đó ngoài đội trồng sắn, chúng tôi là được lãnh đi làm tập thể rẫy cỏ sắn chờ thu hoạch ở mấy ngọn đồi quanh trại. Bắt đầu từ ngày 18 /12 chúng tôi thu hoạch sắn, mỗi người theo chỉ tiêu nhổ 60 gốc sắn, dùng cuốc hay dao cắt rồi gom củ sắn lại thành đống để nhóm Tự Giác đánh xe trâu ra chở về trại luộc lên phát cho trại viên mỗi người 2 hay3 củ một ngày để thay cơm hay bánh bột mì hấp vừa dai vừa đen sì và nồng nặc mùi *** dán.

Chiều ngày 23 đi lao động về, lãnh phần ăn thay vì mấy củ khoai mì gầy guộc, chúng tôi nhận cứ 8 ngườiđược một xoong cháo nấu bằng sắn bào, lõng bõng mấy tép hành khô và đám láng mỡ lều bều, nhà bếp giải thích là vì sắn phải đem ra ty lương thực huyện kiểm thu, xong rồi mới phát lại cho trại nên hiện trại không còn lương thực gì kể cả sắn thu hoạch, chúng tôi lặng lẽ húp chén cháo sắn lõng bõng rồi đi ngủ cho quên cái đói ồn ột sôi trong bụng.
Qua ngày hôm sau cũng thế. tình trạng kéo dài đến 25, nhiều anh em trong đội sắn chúng tôi đói quá hóa liều lén nhai cả sắn sống bị say, nôn ói ra mật xanh mật vàng.
Trưa ngày 27, nhiều anh em lả đi nằm thiếp trong sàn cáo bịnh nhưng lịnh của tên trại trưởng thông báo chúng tôi phải tập trung lên hội trường.
Chúng tôi dắt díu nhau lên hội trường trong khi đám cán bộ trại nhìn những bước chân xiêu vẹo của chúng tôi ra vẻ thích thú chúng, huých vai nhau và cười hô hố.
Tên đại úy trại trường tự giới thiệu là Trần Văn Sơn, hắn nhăn nhở đứng trên bục giảng đảo mắt qua chúng tôi một lượt rồi cho lệnh chúng tôi ngồi xuống. Hắn bắt đầu cất cao bài giảng thuyết mà chúng tôi rất quen thuộc vì ở trại nào từ quân đội cho đến công an đề lớp lang như nhau, không khác một giọng lên bổng hay xuống trầm.
Kết thúc bài giảng hắn hỏi chúng tôi giọng ân cần giả nhân giả nghĩa:
– “Các anh có đói không ? Ừ tôi biết các anh đói mấy ngày nay, vì trại phải nộp thu hoạch cho huyện .
Đột nhiên hắn cất cao giong như thét lên :
– “Các anh tin có Chúa của các anh, sao các anh không cầu Chúa của các anh cho các anh ăn no, các anh cứ cầu đi, biết đâu ông Giê Su của các anh chẳng ban ngay cho các anh mỗi người cái bánh tây to tổ bố như thế này này?“ vừa nói hắn vừa phùng mang trợn mắt vung hai tay lên thành vòng tròn .
Rồi hắn chỉ tay vào ngực giọng chì chiết :
– “Đó các anh cứ cầu xin đi! Nhưng mà tôi nói cho các anh biết chỉ có thằng cộng sản này là cho các anh được no mà thôi. Các anh cử thử xin mà xem thằng cộng sản này có cho các anh no nê không nào ?
Nói đến đây hắn có vẻ thỏa mãn, hả hê lắm rồi như khoe:
– “Các anh về traị đi xem hôm nay có được no không nào?
Chúng tôi về đến trại, quả thật chiều hôm đó mỗi người chúng tôi lãnh một nón cối đầy khoai mì luộc còn bốc khói . Tôi nhai mà niềm uất hận cứ trào dâng lên làm tôi nghẹn không thể ăn được hơn hai củ khoai bàng cườm tay trẻ con, dù bụng tôi đói cồn đói cào.
3- Giáng Sinh 1979 trại Tân Lập Vĩnh Phú
Đầu năm 1978 chúng tôi bị chuyển đến trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú, vì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Hoa. Trên báo Nhân Dân mà chúng bắt chúng tôi phải nghe, lác đác đã có các bài chửi Trung Quốc. Một lần có tên vệ binh hỏi chúng tôi nếu có yêu cầu đánh nhau với Tàu các anh có đi đánh không tôi trả lời tôi tuy là lính nhưng chỉ biết cầm sơn, cầm cọ, cầm viết chứ không biết cầm súng, nhất là súng AK. Hắn nhìn tôi lúc lâu rồi đỏ mặt quay đi.
Trại Tân Lập là một trại rất lớn đã có từ lâu đời. Trên những ngôi mộ tù thỉnh thoảng chúng tôi lượm được những thanh gỗ mục có viết tên những tù nhân bị chết ở đây có mảnh dễ chết từ năm 1954, 55. Trại Tân Lập chia ra làm 5 phân trại. Phân trại 2 của chúng tôi nằm tận trong cùng của dòng suối Ngọc quanh co chảy ra đến gần Ấm Thượng.
Nhiệm vụ chính của chúng tôi là trồng rau xanh, cung cấp cho toàn trại, đồng thời còn trồng sắn trên những ngọn đồi trọc cách trại gần 2 cây số.
Từ các trại tù gần biên giới Việt Hoa chúng tôi bị đưa về tập trung ở 2 trại của tỉnh Vĩnh Phú là Hồng Quang và Tân Lập. Phân trại K 2 chúng tôi gồm toàn các anh em trẻ từ trại Hồng Ca chuyển đến đợt đầu, rồi đến nhiều đợt kế tiếp gồm toàn các sĩ quan từ cấp trung tá trở xuống.
Ngày nọ trại K 2 tiếp nhận thêm một đợt gồm toàn các vị linh mục, mục sư, đại đức trước đây là tuyên úy trong quân đội đã giải ngũ hay còn đương nhiệm. Các cha, thầy bị tập trung vào một đội mà bọn vệ binh chúng thường gọi lóng với nhau là đội “đạo binh hương khói” . Công việc của đội tuyên úy là chăn gà chăn lợn trong vòng rào thứ 2 của trại. Một số khác tăng cường cho đội nhà bếp trong đó có cha già Bỉnh .
Giáng Sinh năm 1978, nhờ có các cha mà chúng tôi được xưng tội rước lễ và dâng lễ Giáng Sinh dù phải khéo léo âm thầm để che mắt bọn vệ binh, quản giáo. Đêm Giáng Sinh năm đó chúng tôi hướng về buồng giam các tuyên úy để cùng thầm dâng lễ nửa đêm dù chúng tôi phải nằm trong mùng và trùm chăn kín mít vì lạnh.
Cuộc đời khổ sai của chúng tôi cứ thế trôi dần cho đến cuối năm 1979 thì xảy ra một biến cố lớn . Số là trong trại bỗng từ đâu có tin đồn loan truyền rằng chúng tôi sắp được thả hay được đi qua Mỹ. dù không tin tưởng lắm nhưng lòng tôi cũng háo hức. Bạn bè hỏi, tôi chỉ cười : Tao an tâm cải tạo chờ đón thế kỷ 21 – không biết sao lời nói của tôi đến tai tên quản giáo, hắn bắt tôi tra vấn và làm kiểm điểm.

Rồi mùa Giáng Sinh cũng đến. Sáng ngày 24, như thường lệ chúng tôi tập trung trước sân trại chờ gọi tên từng đội báo cáo con số tù xuất trại đi lao động. Lần lượt các đội đếu được gọi tên, cuối cùng chỉ còn đội Tuyên Úy là sót không được gọi.
Khi tất cả cải tạo vừa ra khỏi trại là lúc mấy chục tên công an vũ trang ùa vào trại. Chúng xông đến đội tuyên úy còn đang ngơ ngac rồi vây chặt họ lại, tên cán bộ trực trại đọc lệnh khám tư trang. Thế là các tuyên úy được áp giải về buồng giam. Mọi người thu xếp tư trang rồi khệ nệ cõng, khiêng ra trước sân lán và cuộc khám công tư trang quen thuộc với chúng tôi lại diễn ra. Có khác chăng, lần này đám công an vũ trang khám xét kỹ lưỡng tỉ mỉ từ đường khâu mối vá trên áo trên quần các vị tuyên úy.
Một tốp công an khác vào trong buồng khám xét, săm soi mọi chỗ nằm từ gầm sạp cho đến kẽ lá trên mái nhà ngay đầu nằm các cha các thầy. Chúng lôi ra đủ thứ trong đó nào là mấy cái ống bương đựng nước đến những thánh giá làm bằng gỗ củi, có vài miếng tôn nhỏ bàng ngón tay mà các cha các thầy dùng để cắt miếng bánh mì hấp vừa khô vừa cứng. Chúng đem những thứ đó ra và hỏi lớn xem của ai, có thứ thì có người đứng ra nhận có thứ thì không, mỗi khi có người nhận món gì tên quản giáo đều ghi tên vào cuốn vở học trò bằng giấy giang hắn kè kè mang theo rồi quăng món đó vào cái thùng xe cải tiến. Còn món nào không có người nhận, chúng tập trung tất cả và đưa cho tên quản giáo.
Tên quản giáo đội dẫn các cha. các thầy trở vào buồng, cho để đồ lên sạp theo sự chỉ định của hắn xong rồi bắt các cha các thầy tập trung ngồi khít hai bên đầu dãy sạp và bắt đầu kiểm điểm, hắn lôi ra từng thứ và hỏi lại món này của ai. Mội lần có người nhận hắn lại chăm chú ghi chép vào cuốn sổ. Phần đông các cây thánh giá thì có các cha, các mục sư nhận, hắn ghi vào sổ nhưng không giao lai cho khổ chủ. Cuối cùng chỉ còn mấy miếng sắt bằng ngón tay dùng để cắt bánh mì hấp là không có ai nhận, vì thực ra có ai biết rõ cái nào là của mình đâu trong trại tù đổi chỗ nằm xảy ra xoành xọach, có khi người này làm để quên ở chỗ nằm khi di chuyển lâu dần quên, người khác đến nằm tìm được cứ thế dùng rồi lại dấu đi, nên nào biết của ai đâu.
Tên quản giáo hỏi gằn mấy lần vẫn không có ai nhận, hắn bực dọc đứng lên : “Các anh vẫn còn ngoan cố bao che cho nhau chẳng anh nào thật thà khai báo, cứ quanh co dấu tôi thì bao giờ mới tiến bộ mà về ?!. Các anh dùng cái này làm gì có phải đây là thứ vũ khí sắc nhọn không?!
Các anh định tái vũ trang đấy à? Này tôi bảo cho mà biết đừng có mà bẻ nạng chống trời là không được với tôi đâu! Tôi yêu cầu anh Tùng (Đại Đức NX Tùng Đội trưởng) phải kiểm điểm hết đêm nay tìm cho ra đến bao giờ xong mới cho đội nghỉ. Nói xong hắn ngoe ngoảy đi ra cửa buồng. Thế là cả đội cứ ngồi im lặng kiểm điểm từ giờ này cho đến giờ kia.
Đến giờ đóng cửa buồng mà các vị vẫn chưa được tha tội cứ ngồi chịu trận mà chẳng được ăn gì từ sáng cho đến tối. Đến khoảng gần 10 giờ tên quản giáo trở lại và hỏi :
“Chưa xong à ?, thôi mai cho cac anh kiểm điểm tiếp !!”
Các cha các thầy đều lặng lẽ ra chia phần ăn là mấy lát rau muống luộc với một chén sắn rồi âm thầm ăn uống trong lạnh lẽo của một đêm Giáng Sinh. Các vị ăn xong ai nấy về chỗ nằm mới đến gần khoảng nửa đêm bỗng có tiếng một vị đại đức lên tiếng :
– “Đêm nay là đêm Giáng Sinh, mình nên làm gì để ghi nhớ ngày Thiên Chúa giáng trần đi chứ. Chẳng thấy ai hưởng ứng vì ai cũng đã quá mệt mỏi. Một lát sau vị đại đức lại đề nghị :
-“ Hay chúng ta hát vài bài ca để kỷ niệm Giáng Sinh ?”
– “Nhưng có được hát nhạc đạo đâu nào”, có tiếng ai đó đáp lại .
– “Thì mình hát nhạc cánh mạng cũng được chớ sao miễn là miệng mình hát nhưng lòng mình tường nhớ đến Chúa cũng được chớ gì.
Cuối cùng, sau một hồi thì thào bàn tán, mọi người đồng ý hát nhạc cách mạng trong đêm Nôel.
Cha Thanh Châu là vị tuyên úy của vùng 4 chiến thuật xung phong đứng ra bắt nhịp cho các vị cùng hát . Tiếng hát ban đầu còn nhỏ sau to dần to dần mọi người say sưa hát như quên hết nỗi căng thẳng trong ngày! Những bài hát CS trong một đêm Giáng sinh vang lên trong trại tù!!
Đang say sưa ca hát bỗng cửa buồng xịch mở: 5, 6 tên công an vũ trang súng AK lăm lăm trong tay xông vào, đi sau là tên thượng sĩ Quang, cán bộ giáo dục trại, hắn hách dịch hỏi :
– “Tại sao các anh không ngủ mà còn ca hát ồn ào?”
– “Thưa cán bộ chúng tôi chưa ngủ được vì cả ngày kiểm điểm căng thẳng quá, chúng tôi muốn ca hát đôi chút cho khuây khỏa
– “Ai là ca trưởng ?”
– “Thưa cán bộ không có ai là ca trưởng, chỉ có tôi cầm càng bắt nhịp cho anh em hát”
– “Ai cho phép anh xuyên tạc nhạc cách mạng?”
– “Thưa cán bộ chúng tôi hát nhạc cách mạng chứ có phạm gì đâu?”
– “Không lôi thôi gì cả anh theo tôi đi ra ngoài, các anh khác ngủ đi lấy sức mai lao động, còn hát nữa là tôi cùm đấy”.
Nói xong hắn dẫn Cha Châu ra khỏi phòng trong bóng đêm dày đăïc, mọi người lặng lẽ nằm xuống ngủ vùi.
Sáng hôm sau trước giờ chúng tôi đi lao động, tên “cán bộ trực trại” điệu Cha Châu ra trước sân tập họp rồi hắn đọc lệnh biệt giam cha 14 ngày vì tội “Hát xuyên tạc nhạc cách mạng”.

Ai nấy đều thắc mắc cho đến ngày cha được tháo cùm thả về đội, mọi người mới vỡ lẽ vì các vị hát bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” trong đó có câu : “Nếu còn bóng quân xâm lược thì QUÉT sạch nó đi !”

Tên cán bộ giải thích: “Các anh hát ra là: Nếu còn bóng quân xâm lược thì GIẾT sạch nó đi. Bác Hồ có nói thế bao giờ?! Rõ ràng là các anh xuyên tạc lời bác, tưởng chúng tôi không biết hả ????”

Thật ra đó chỉ là cái cớ để chúng dẹp các cuộc tụ họp dưới mọi hình thức trong đêm Noel mà thôi. Bằng chứng là trong các đội khác, thỉnh thoảng vẫn có người hát là “Giết sạch nó đi” mà có sao đâu ?
Tất cả những sự kiện trong bài đều là có thưc, chúng tôi chỉ xin sửa đổi tên họ của vài anh em còn kẹt tại quê nhà, vì khôngmuốn công an lại đền hành hạ các anh thêm.
Trần Việt Yên

VŨ ÐỨC NGHIÊM.* GIÁNG SINH TRONG LAO TÙ

KỶ NIỆM GIÁNG SINH
TRONG LAO TÙ CỘNG SẢN


Tháng 4-1975, sau khi Cộng quân cưỡng chiếm Sàigòn, cũng như hầu hết cựu sĩ quan Quân lực Việt nam Cộng hoà, nguời viết bài này đã phải đi trình diện học tập cải tạo.
Giữa tháng 6-1975, chúng tôi bị đưa đến trại Long Giao thuộc tỉnh Long Khánh. Khoảng đầu tháng 11-75, thì chuyển về trại giam Suối Máu, (Tân hiệp, Biên hoà).
Giáng sinh 75 đã gần kề. Trời tháng chạp trong Nam chưa bao giờ lạnh thế. Nằm trên sàn đất chật chội và dơ dáy, thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu, những người tù cảm thấy đau lòng thương thân phận ngục tù trong cảnh nước mất nhà tan. Riêng tôi được an ủi vì có em ruột tôi là Vũ Ðức Chỉnh ở cùng trại nhưng khác phòng . Em Chỉnh có mang theo được một Kinh Thánh Tân Cựu ước do thân phụ chúng tôi cho em trước khi mất nước 3 tuần lễ. Hai anh em thường gặp nhau trong giờ nghỉ, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, nên rất được an ủi, vì biết chắc có Chúa ở cùng trong những ngày hoạn nạn
Ðêm Giáng sinh, từng tốp anh em rủ nhau đi dạo trên những lối đi hẹp trong trại,--- Việt cộng cấm tù không được hội-họp đọc kinh hay hát nhạc Giáng sinh,--- nhưng các anh em tín hữu, Tin lành cũng như Công giáo, vẫn hát hoặc đọc kinh từng nhóm nhỏ với nhau một cách kín đáo. Cách xa trại chừng vài cây số, có ánh sáng đèn và tiếng ca nhạc Giáng sinh vang vọng lại từ các nhà thờ thuộc khu vực kế cận tỉnh Biên hòa. Người tù nghe tiếng ca hát vẳng xa, lòng bồi hồi nhớ lại những ngày Giáng sinh xa xưa mà vô vàn cảm xúc. Trong hoàn cảnh khó khăn, xa Hội- Thánh và gia đình, tôi đã được sự thúc giục để viết ca khúc"Lời nguyện cầu Ðêm Giáng Sinh"...để dâng lên Chúa lời cầu xin tha thiết:
" Nguyện cầu xin Chúa đến với chúng con đêm nay"
"Khi bóng tối ngập đày, hồn rên xiết đêm ngày..."
"Quỳ nơi chân Chúa Chí Thánh, Chúa ơi đêm nay"
"Trong kiếp sống đọa đày, hồn mong Chúa hao gầy"
"Nguyện cầu xin Chúa cho lòng càng yêu Chúa mãi,"
"Tháng năm không nhạt phai, nguyện Ngài sống trong con suốt đời"

Tháng 6-76, chúng tôi lại chuyển trại, lần này thì ra tận miền Bắc. Kể sao cho hết nỗi nhục nhằn, gian khổ và nhục nhã trong chuyến đi này. Những người tù lôi thôi, lếch thếch,rách rưới với đồ đạc kềnh càng, nằm trong khoang tầu như cá hộp.. .... Thấm thoát đã đến tháng 12-76, lại một mùa Giáng sinh xa gia đình và Hội Thánh. Trong một ngày đi lao động, người viết được phân công lợp mái nhà cho trại. Ðang khi làm việc, chợt thấy một người ngoại quốc,---chắc là người Mỹ---mặc bà ba đen,lái xe Jeep ngừng trong sân cách chỗ tôi làm việc chừng vài ba mét. Tôi tìm cách gợi cho hắn chú ý bằng cách huýt sáo bài "Silent Night, Holy Night", nhưng anh ta làm bộ ngó lơ, có lẽ vì anh ta thấy Việt cộng chung quanh quá đông. Sau đó một bạn tù cho biết người Mỹ ấy được V.C. dùng làm thợ máy sửa xe trong trại, và anh ta không dám nói chuyện với bất cứ người nào khác.Thời gian qua đi thật mau , nhưng mỗi lần mùa Giáng sinh về, tôi lại có những kỷ niệm khác nhau ở nhiều trại khác với những người bạn mới.
 
Tháng 10-1978 chúng tôi được chuyển trại về miền Trung, trại tù Nghệ Tĩnh 6 (NT6) Nơi đây, tôi có may mắn gặp nhiều anh em Tin Lành và thường họp nhau mỗi trưa Chúa Nhật để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và hát Thánh ca. Người lớn tuổi nhất trong số các anh em Tin lành là Nguyễn văn Sắc, con Cụ Mục sư Nguyễn văn Tửu, kế đó là Kiều công Lý, con Cụ Mục sư Kiều công Thảo, Nguyễn Lương Tâm, con Cụ Mục sư Nguyễn Lương Thiện, và các anh Mùi , anh Mới, anh Tế và một vài anh em khác nữa. Noel 1978, chúng tôi có tập hát một số bài hát Giáng sinh và có một buổi ăn thân mật. Anh em góp bột, đường đậu phụng, để làm chiếc bánh Giáng sinh, tôi cũng góp một con gà đóng hộp nấu một món ăn rất ngon. Buổi họp mặt Giáng sinh thật là vui vẻ và cảm động. Cám ơn Chúa là mọi sự diễn ra tốt đẹp. Cũng trong dịp này, Nguyễn lương Tâm viết bài thơ 8 chữ có nhiều câu rất xúc động:
..." Mong kịp về cùng bầy chiên nhỏ bé"
" Lòng reo vui bên máng cỏ Ngài nằm"
"Nhưng trọn đời,niềm tin là thánh lễ"
" Dâng lên Ngài, hương tỏa ngát tháng năm"
Bài thơ này được phổ nhạc, gửi về Sàigòn và Mục sư Huỳnh Minh Ðức đã hát ở nhà thờ Khánh hội trong những ngày lễ Noel sau đó.Năm 1981, tôi bị giam tại khám Chí hòa. Noel sắp đến trong sự cô đơn và lạnh lẽo vô cùng. Tôi nằm co quắp vì đói, lạnh, nhưng cũng hát cho Ðỗ đình Hoàng, người bạn cùng xà lim nghe những bài hát Noel mà tôi đã viết trong trí nhớ. Nửa đêm Giáng sinh, anh Hoàng bá Tất ở xà lim bên cạnh quăng giây gửi sang cho chúng tôi hai chiếc bánh làm bằng cốm dẹp ngào đường trên rắc đậu phụng. Thật là miếng khi đói,gói khi no, chúng tôi nhận quà mà ứa nước mắt tạ ơn Chúa và cám ơn anh Tất...Noel 2000 sắp đến. Ngồi viết lại mấy dòng này, tôi bồi hồi nhớ lại chặng đường gian khổ đã đi qua và những kỷ niệm Giáng sinh trong ngục tù Cộng sản. Tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi một thời tự do, nhưng tôi cũng tạ ơn Chúa đã cho tôi những ngày tháng lao tù và những ngày Giáng sinh trong ngục tù tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Tôi nhớ lại những đêm trong tù ở giữa vùng rừng núi Hoàng-liên-sơn âm u, cô đơn và đói khổ lạnh lùng, tôi đã ngước nhìn sao sáng trời cao để nhớ đêm xưa Cứu Chúa vào đời. Cảm xúc ấy triền miên và thôi thúc tôi viết ca khúc "Ngước Nhìn Sao Sáng Trời Cao"
 
" Nhìn sao đêm nhớ Chúa xưa xuống làm người"
" Khổ hình trên thánh giá chết vì tội tôi"
" Lòng thêm yêu Chúa tha thiết đêm ngày
"Nguyện cầu ăn năn,nước mắt dâng đày"
" Xin cảm ơn Cha vì lòng nhân ái "
" Ðã ban cho đời cứu ân nhiệm mầu"
"Thiên Chúa từ nhân cho con Trời giáng thế"
" Xin cứu vớt con trong đời khổ đau"...
Ðã hơn 10 mùa Giáng sinh qua đi, kể từ ngày tôi được trả tự do và sống ở miền đất tạm dung này. Mỗi khi nghe nhạc khúc Noel trổi dậy, lòng tôi bồi hồi thầm tạ ơn Chúa về chặng đường đã qua. Tôi có thể tha thứ, nhưng không làm sao quên được. Chúng ta vui hưởng một mùa Giáng sinh no ấm và đoàn tụ. Chỉ xin ơn Chúa sớm giải thoát cho đồng bào chúng ta, hơn 70 triệu người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà sớm được hưởng những ngày tự do để đón mừng Chúa ra đời trong những mùa Noel sắp tới.
San Jose, tháng 12-2000
VŨ ÐỨC NGHIÊM.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG * THƯ GIÁNG SINH TRONG TÙ



Thư Giáng Sinh trong ngục tù Cộng sản
Đinh Văn Tiến Hùng


(Viết cho con gái và các bạn cựu tù “cải tạo”)


Lời đầu cho Bạn:

Đối với chế độ Cộng sản Việt nam, quyền tự do tín ngưỡng bị hạn chế nhất trong các quyền tự do của con người. Riêng Công giáo VN được chúng lưu tâm đặc biệt qua các sự kiện nổi bật như Quỳnh Lưu, Ba Làng, Bùi Chu, Phát Diệm… tiếp đến cuộc di cư vĩ đại của gần triệu người Công giáo từ Bắc vào Nam năm 1954. Rồi sau ngày 30.4.1975 khi bọn Cộng sản xâm - chiếm miền Nam, trên hai triệu người lại bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, không sợ gian lao nguy hiểm để tìm tự do, mà trong đó quyền tự do tín ngưỡng là ưu tiên. Sau đó liên tiếp những vụ đàn áp tín đồ, cưỡng chiếm nơi thờ phượng, đất đai… như Thái hà - Toà Khâm sứ - Tam Toà, dòng Phaolô Vĩnh Long, trường học xứ Loan Lý, giật sập Thánh Giá Đồng Chiêm và gần đây nhất vụ trấn áp dã man Cồn Dầu khiến nhiều ngừời bị thương tật, gây ra cái chết thảm khốc cho anh Nguyễn thành Nam, đến nỗi một số giáo dân quá khiếm sợ phải trốn qua Thái Lan xin tị nạn ,đã gây xúc động, phản đối tại Quốc Hội Hoa kỳ và các tổ chức nhân quyền trên thế giới. Thế mà bọn cầm quyền CSVN vẫn làm ngơ và tiếp tục dùng mọi thủ đoạn gian manh đàn áp: tuyên truyền,hứa hẹn,dọa nạt, hơi cay,dùi cui,roi điện,chó săn,du đãng... Nhưng bạo lực không thể trấn át được ánh sáng Tin yêu và tiếng kinh Hoà bình vẫn vang vọng khắp nơi trong và ngoài nước.

Sau khi chiếm miền Nam,Cộng sản ra lệnh tập trung cải tạo, nhưng thực chất chỉ là giam tù không tuyên án – tất cả các sĩ quan QLVNCH – mà thành phần chúng theo dõi kỹ hơn là các vị Tuyên uý và sĩ quan Công giáo.Trong thời gian chúng tôi bị giam giữ ngoài Bắc, bọn cán bộ hay gọi các Linh mục và sĩ quan Công giáo lên tra hỏi, hạch sách về lý lịch, cấm không được truyền đạo, trao đổi sách báo Công giáo. Tuy nhiên dưới sự hướng dẫn của các Linh mục chúng tôi vẫn trao cho nhau đọc Thánh kinh, Kinh nguyện chép tay.. Những buổi tối cầu nguyện vào ngày Chúa nhật và Lễ Trọng anh em vẫn tổ chức. Qua những dòng nhật ký ghi lại trong tù vào đêm trước Giáng sinh năm 76 nơi trại tù Sơn la giáp biên giới Bắc việt và Trung quốc- dưới hình thức ‘Những lá thư viết cho Con gái đầu lòng không bao giờ gửi đi -’.Nhưng giờ đây sau 20 năm đặt chân lên đất Hoa kỳ tự do,tôi xin trao lại cho Con gái và các Bạn như một kỷ niệm khó quên nhân dịp lễ Giáng sinh.

“……Sơn La, tối 24 tháng 12 năm 1976.
Ba viết cho con những dòng này giữa thung lũng Sơn la chung quanh núi rừng bao phủ.Trại giam là một khu nhà đổ nát bỏ hoang vì bom đạn chiến tranh.Khoảng 4 giờ chiều là mây mù giăng phủ bốn bề.Tiếng cồng gọi tù là một mảnh bom vang dội nghe âm u buồn thảm.Những người tù quần áo rách nát có đóng số tù trước ngực và sau lưng,thân hình gầy ôm,tiều tụy,vác trên vai những bó tre nứa nặng trĩu,cắm cúi mau bước về trại tập trung.



Sau bữa ăn chiều với vài củ khoai chấm muối là mặt trời đã khuất sau núi. Màn đêm xuống mau mang theo giá lạnh cùng với tiếng côn trùng và muông thú vang vọng gần xa. Các bạn tù đã gom được ít củi và lá khô đốt lên ngồi quanh sưởi ấm. Ba đã viết những dòng chữ xiêu vẹo này dưới ánh lửa chập chờn. Viết mà không bao giờ gửi đi – vì không được phép gửi hay nếu có gửi tới nơi con vẫn chưa biết đọc khi con mới tròn 16 tháng tuổi. Nhưng ba cứ viết để khi buồn đem ra đọc và biết đâu một mai khôn lớn con sẽ đọc. Mỗi đêm ba chỉ viết chừng nửa trang xen kẽ vào những bài học giáo điều mà bọn CS bắt ba học.

Đêm nay ba muốn viết nhiều hơn vì là đêm trọng đại: đêm Noel cả thế giới đang tưng bừng chào đón. Nơi đây làm gì có Thánh lễ, có ăn Reveillon, có Thánh ca… phải không con?. Thế mà có tất cả đấy con ạ! Chắc con lấy làm lạ tưởng rằng bọn CS đã biết tôn trọng tự do tín ngưỡng trong cả nhà tù hay là trò khoe khoang cho cuộc sống ưu việt nơi miền Bắc sau 30 năm tiến lên Xã hội chủ nghĩa?.Không phải thế đâu con, vì ba đã đi qua bao giáo đường đổ nát dùng làm hợp tác xã chăn nuôi. Ba đã từng thấy những tên cán bộ gốc Công giáo nay đã bỏ đạo, cấm các Linh mục tuyên uý không được làm lễ và giải tội cho tù nhân. Chúng còn nói hàm hồ với các Linh mục là Đảng và Nhà nước chưa tha tội cho các anh nên các anh không có quyền tha tội cho ai cả. Nhưng đêm nay trong cảnh ngục tù giữa núi rừng hoang lạnh Chúa sắp đặt tất cả, Chúa thấu suốt những khát vọng nội tâm và không bỏ rơi những kẻ theo Ngài.Chỉ với 2 chiếc bánh và 5 con cá, Chúa đã nuôi năm ngàn người ăn uống no nê thì vỏn vẹn chưa đầy 20 người tù Chúa sẻ lo cho tất cả.

Chiều hôm trước Cha Tuyên úy nhắc nhở anh em dọn mình chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Về nội tâm một số đã xưng tội trong rừng khi đi lao động, số còn lại xưng trong tù trước giờ Thánh lễ. Về hình thức bên ngoài, anh em gom nhặt được trên đường đi lao động: vài con cá,tôm tép,lươn ếch… để nấu một nồi cháo khoai thập cẩm vì không có gạo – gạo ở đây là thực phẩm cao cấp chỉ giành cho cán bộ - còn những người tù như ba quanh năm chỉ có 6 tháng khoai lang và 6 tháng khoai mì do chính mình đổ mồ hôi khai phá bạt ngàn trồng trọt nhưng ăn không đủ no với tiêu chuẩn hàng ngày 500 gam. Ôi! Lúc này ba thèm một nồi cháo như người con phung phá trong Phúc âm thèm một nồi cám heo…Có anh hái được ít lá chè trên một ngọn đồi bỏ hoang nấu những lon nước chè đặc thơm ngát hương vị núi rừng.

Trước giờ lễ cha Tuyên uý nói về ý nghĩa lễ Giáng sinh,s au đó anh em hát bài Thánh ca quốc tế ’Đêm thánh vô cùng’. Thánh lễ trang nghiêm thầm lặng nhưng đầy xúc động. Mình Thánh Chúa đựng trong một hộp nhựa đặt trên chiếc mền phủ khăn trắng. Linh mục trao cho mọi người hôn kính và chia sẻ rước Chúa vào tâm hồn. (Mình Thánh là phần bánh bột, vị Tuyên uý được anh em nhà bếp cung cấp trước). Kết thúc buổi lễ là ca khúc ’Đêm đông’ quen thuộc, càng cảm động khi một số anh em ngoài Công giáo cùng tham dự tiệc mừng. Có anh tình nguyện ngồi xa làm vọng gác tiền đồn để kịp báo động khi cán bộ xuất hiện. Vừa ăn cháo khoai vừa chuyền nhau ngụm nước chè nóng và nhắc nhớ những Kỷ niệm về lễ Giáng sinh. Mọi việc hoàn tất tốt đẹp trước khi tiếng cồng vang lên báo hiệu tắt đèn lúc 8 giờ tối.


Trở về chỗ ngủ, cứ hai người chung nhau 1 chiếc chiếu và mùng cá nhân vì chỗ nằm mỗi người chỉ bằng 3 viên gạch. Nhà không có mái che, sương đêm xuống lạnh buốt phải chăng poncho hay tấm vải nhựa phía trên cho đỡ giá lạnh. Như các bạn giờ này ba chưa ngủ được, nhìn lên bầu trời đêm những vì sao lấp lánh qua đám lá cây rừng ba tìm vì sao sáng nhất của Chúa Hài Đồng và vì sao mờ nhạt của đời mình – vì nếu khoa chiêm tinh ứng với số mệnh của mỗi người thì ắt hẳn trong muôn ức triệu tinh cầu sẽ mang tính mệnh của mỗi con người.


Ba hồi tưởng lại những kỷ niệm Noel đã qua tại vùng cao nguyên Kontum, những tháng ngày thử lửa đầu đời lính. Sau đêm tử chiến ba khiêng xác đồng đội cuộn tròn trong poncho lên trực thăng chuyển về hậu tuyến đúng vào đêm Giáng sinh khi khúc nhạc Silent Night do máy bay phóng thanh vang vang trên thành phố. Pleiku mùa Giáng sinh xứ lạnh sương mù, thành phố im lìm ngủ say trỗi dậy theo tiếng Sứ thần tìm đến hang đá Be-lem đón mừng Chúa Giáng trần. Đà-lạt thành phố du lịch miền Nam cao điểm nhất vẫn là mùa Noel, mọi nơi du khách đổ về đón nhận những ngày lạnh nhất, tưng bừng nhất và cảm động nhất. Những nơi như nhà thờ Con gà, Saint Domaine de Marie, Couvent de Oiseaux, Viện Đại học, Trường Võ bị, Chiến tranh chính trị, Chỉ huy tham mưu… đều mở cửa đón du khách với những lễ hội tưng bừng. 
 
Ba và mẹ con những ngày ấy, cứ mong ước con sớm chào đời để cùng hưởng những phút giây êm đềm. Ba nghĩ đến mẹ con và con chắc giờ này đang sửa soạn đi dự Thánh lễ Nửa đêm, nhưng lại thiếu ba buồn quá con nhỉ? Ba hẹn con một mùa Giáng sinh nào để dẫn con tới Thánh đường, quì bên hang đá cầu xin Chúa cho mọi người trong gia đình mình mãi sống bên nhau. Đêm nay con nhớ cầu nguyện cho ba, cho các bạn của ba, cho Đất nước mình hết hận thù nhau, cho Dân tộc mình hạnh phúc. Đúng như lời vị Tuyên úy: ’Chỉ sống trong hoàn cảnh này ta mới hiểu sâu xa tình thương yêu của Chúa sinh xuống khó hèn vì nhân loại trong hang đá Be-lem’.

Tiếng ca nho nhỏ khúc hát Giáng sinh của người bạn tù còn thao thức làm ba bừng tỉnh quay về thực tại cuộc sống tù đầy cực khổ nơi đây. Tiếng côn trùng vẫn hòa ca,tiếng thú rừng vẫn vang vọng xa xa. Một dòng suối len trong khe đá chảy róc rách gây cho ba cảm giác cô đơn và buốt lạnh. Ba kéo chiếc mền rách nằm sát bên bạn tù chuyền cho nhau hơi ấm như chiên bò thở hơi ấm cho Chúa khi xưa… Cứ miên man trong suy tư và ba thiếp đi trong vùng trời Noel đầy mộng mị…”
(Trích những dòng Nhật ký trong tù CS )

Lời cuối cho Con:

Thấm thoát đã 34 năm kể từ Giáng sinh trong ngục tù Cộng sản năm nào, giờ vẫn còn là những kỷ niệm đau buồn khó quên. Nhưng có một điều an ủi cho con và gia đình ta đã đến được vùng trời tự do, thoát khỏi kiếp sống đọa đầy với những đêm Noel buồn thảm. Ngày ba còn thơ dại, khi nhìn vào những tấm thiệp Giáng sinh hay đọc truyện Noel nước ngoài, ba thường mơ tưởng đến những giáo đường cao vút vươn lên trong bầu trời đầy sao, tuyết phủ trắng xóa trên những cây thông như mũi tên khổng lồ. Ông già Noel râu tóc bạc phơ lái xe chở đầy quà tặng cho các trẻ em do những chú hươu sừng cong lao đi vun vút trong đêm từ miền Bắc cực. Khi ba đặt chân lên miền đất hứa này, ba không còn những rạo rực của tuổi trẻ trứớc cuộc sống tràn đầy sức sống, không còn những năm tháng dài chờ đợi đầy hoa mộng. Nhưng con giờ đã trưởng thành, hấp thụ được vốn kiến thức đủ bảo đảm cho cuộc sống tương lai tốt đẹp.
Nước Mỹ tuy không phải là thiên đàng hạ giới, nhưng vẫn là vùng trời tự do,đất hứa của tuổi trẻ, mảnh đất luôn sẵn sàng đón nhận và bao dung cho những con người chốn chạy khỏi một chế độ tàn ác vô nhân đạo.

Mùa Giáng sinh là mùa An bình Hạnh phúc mà con người luôn khao khát chờ trông. Ba xin mượn lời Thiên sứ năm xưa chúc nguyện cho Con và gia đình mình cùng mọi người trong đêm Đại Thánh này:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người chính tâm!


Đinh Văn Tiến Hùng
             

NHỮNG CHUYỆN CẢM ĐỘNG


NHỮNG CHUYỆN CẢM ĐỘNG

Câu chuyện 1 :



Như thường lệ,mỗi mùa giáng sinh, tôi đều nhận được quà từ anh trai của tôi. Giáng sinh năm ấy tôi cảm thấy vui nhất không phải chỉ vì món quà anh tôi tặng-một chiếc xe hơi mà vì tôi đã học được một bài học rất thú vị vào cái đêm đông lạnh lẽo ấy...
Đã 7 giờ tối, mọi người trong công ty đã ra về gần hết, tôi cũng đang đi đến gara để lấy xe và về nhà ăn Giáng sinh.
Có một cậu bé, ăn mặc rách rưới, trông như một đứa trẻ lang thang, đang đi vòng quanh chiếc xe tôi, vẻ mặt cậu như rất thích thú chiếc xe. Rồi cậu chợt cất tiếng khi thấy tôi đến gần, "Đây là xe của cô ạ?". Tôi khẽ gật đầu, "Đó là quà Giáng sinh anh cô tặng cho." Cậu bé nhìn tôi tỏ vẻ sửng sốt khi tôi vừa dứt lời. "Ý cô là...anh trai cô tặng chiếc xe này mà cô không phải trả bất cứ cái gì?" "Ôi! Cháu ước gì...". Cậu bé vẫn ngập ngừng.


Tất nhiên tôi biết cậu bé muốn nói điều gì tiếp theo. Cậu muốn có được một người anh như vậy. Tôi chăm chú nhìn cậu bé, tỏ vẻ sẵn sàng lắng nghe lời nói của cậu. Thế nhưng cậu vẫn cúi gằm mặt xuống đất, bàn chân di di trên mặt đất một cách vô thức. "Cháu ước...", cậu bé tiếp tục "...cháu có thể trở thành một người anh trai giống như vậy". Tôi nhìn cậu bé, ngạc nhiên với lời nói vừa rồi. Bỗng nhiên tôi đề nghị cậu bé, "Cháu nghĩ sao nếu chúng ta đi một vòng quanh thành phố bằng chiếc xe này?". Như sợ tôi đổi ý, cậu bé nhanh nhảu trả lời: "Cháu thích lắm ạ!"
Sau chuyến đi, cậu bé hỏi tôi với ánh mắt sáng ngời đầy hy vọng, "Cô có thể lái xe đến trước nhà cháu không?". Tôi cười và gật đầu. Tôi nghĩ mình biết cậu bé muốn gì. Cậu muốn cho những người hàng xóm thấy cậu đã về nhà trên chiếc xe to như thế nào. Thế nhưng tôi đã lầm..."Cô chỉ cần dừng lại ở đây, và có phiền không nếu cháu xin cô đợi cháu một lát thôi ạ..."
Nói rồi cậu bé chạy nhanh vào con hẻm sâu hun hút, tối om, tưởng chừng như chẳng có ai có thể sống trong ấy. Ít phút sau tôi nghe thấy cậu bé quay lại qua tiếng bước chân, nhưng hình như lần này cậu không chạy như lúc nãy mà đi rất chậm. Và đi theo cậu là một cô bé nhỏ nhắn, mà tôi nghĩ đó là em cậu, cô bé với đôi bàn chân bị tật. Cậu bé đẩy chiếc xe lăn em cậu đang ngồi, một chiếc xe cũ kĩ, xuống những bậc tam cấp một cách rất cẩn thận, và dừng lại cạnh chiếc xe của tôi.


"Cô ấy đây, người mà lúc nãy anh đã nói với em đấy. Anh trai cô ấy đã tặng một chiếc xe hơi cho cô nhân dịp Giáng sinh mà cô chẳng phải tốn lấy một đồng. Và một ngày nào đấy anh cũng sẽ tặng em một món quà giống như vậy. Hãy nghĩ xem, em có thể tận mắt thấy những món quà, những cảnh vật ngoài đường phố trong đêm Giáng sinh, và anh sẽ không phải cố gắng miêu tả nó cho em nghe nữa!".


Tôi không thể cầm được nước mắt, và tôi đã bước ra khỏi xe, đặt cô bé đáng thương ấy lên xe. Ánh mắt cô bé nhìn tôi đầy vẻ cảm phục và thân thiện.


Ba chúng tôi lại bắt đầu một chuyến đi vòng quanh thành phố, một chuyến đi thật ý nghĩa và tôi zẽ không bao giờ quên, khi những bông tuyết lạnh giá của đêm Giáng sinh bắt đầu rơi.


Và cũng trong đêm Giáng sinh ấy, tôi đã hiểu được sâu sắc ý nghĩa một câu nói của chúa Giê-su: "Không gì tốt đẹp hơn việc làm cho người khác hạnh phúc."



Câu chuyện 2 :


Chỉ còn 4 ngày nữa là đến Giáng Sinh. Không khí của ngày lễ chưa làm tôi nôn nao, cho dù bãi đậu xe của cửa hàng giảm giá trong khu nhà chúng tôi đã chật ních đầy xe. Bên trong cửa hàng lại còn tệ hơn. Các lối đi đầy ứ những xe đẩy hàng và người mua sắm vào giờ chót.


Tại sao tôi lại đến đây hôm nay? Tôi tự hỏi. Đôi chân tôi rã rời, đầu tôi đau buốt. Tôi đã có 1 danh sách một số người quả quyết rằng họ không cần quà cáp, nhưng tôi biết họ sẽ rất buồn nếu như tôi chẳng tặng quà gì cho họ!


Mua quà cho người mà cái gì họ cũng có để rồi lại hối tiếc vì đã tốn kém nhiều cho quà cáp, theo tôi mua quà chẳng có tí gì là thích thú cả!


Tôi vội vã cho những món hàng cuối cùng vào xe đẩy, rồi tiến tới những dòng người xếp hàng dài đăng đẳng. Tôi chọn hàng ngắn nhất nhưng có lẽ cũng phải chờ đến 20 phút.


Đứng trước tôi là 2 đứa trẻ - 1 cậu bé khoảng 5 tuổi và 1 cô bé nhỏ hơn. Đứa bé trai mặc một chiếc áo rách. Đôi giày tennis rách tả tơi, lớn quá khổ và dư thừa ra phía trước chiếc quần Jean ngắn cũn cỡn của nó. Nó nắm chặt mấy tờ đô-la rách nát trong đôi bàn tay cáu bẩn của mình. Quần áo của đứa bé gái cũng giống y anh nó vậy.
Cô bé có một mái tóc xỉn màu với những lọn tóc xoăn. Trên khuôn mặt nhỏ nhắn của cô bé hiện rõ rằng cô bé đang mong chờ đến bữa ăn chiều. Trong tay cô là một đôi dép màu vàng bóng thật đẹp. Trong lúc tiếng nhạc Giáng Sinh vang lên từ hệ thống stereo của cửa hàng, cô khe khẽ ngân nga theo, dù lạc điệu nhưng rất hạnh phúc.
Cuối cùng cũng đã tới phiên chúng tôi, cô bé cẩn thận đặt đôi giày lên quầy. Cô có vẻ quý đôi giày như vàng vậy.

Người thu ngân in hoá đơn và nói: “Của cháu là 6,09 đô”. Câu bé đặt những đồng tiền rách nát của mình trên mặt quầy và lục tìm khắp túi.


Cuối cùng cậu tìm được tất cả là $5.12. “Cháu nghĩ chúng cháu phải trả đôi giày lại” - cậu lấy hết can đảm nói. “Lúc khác cháu sẽ quay lại, có lẽ là ngày mai”.

Nghe anh nói thế, cô bé bắt đầu nức nở:

“Nhưng Chúa Jesus sẽ rất yêu thích đôi giày này cơ mà” - cô bé khóc.

“Thôi được, chúng ta về nhà và sẽ kiếm thêm, em à, đừng khóc nữa, rồi chúng ta sẽ quay trở lại mà” - Cậu bé năn nỉ em.
Tôi nhanh chóng đưa cho người thu ngân 3 đô. Hai đứa trẻ đã xếp hàng chờ đợi quá lâu, và dù sao cũng đang là mùa Giáng Sinh.
Bỗng niên một đôi vòng tay ôm lấy tôi và giọng nói nhỏ nhẹ cất lên: “Cháu cảm ơn cô, cô nhé”.
“Ý của
Cậu bé đáp: “Mẹ cháu bệnh và sẽ lên Thiên Đàng. Bố bảo mẹ sẽ về với Chúa trước Giáng Sinh”.
Cô bé nói thêm: “Giáo viên của cháu nói rằng đường phố trên Thiên Đàng vàng bóng, như chính đôi giày này đây. Mẹ cháu sẽ rất đẹp khi mang đôi giày này đi trên con đường ấy phải không cô?”


Nước mắt tôi tuôn trào khi nhìn thấy những giọt lệ lăn trên khuôn mặt cô bé.

Tôi đáp: “Đúng, cô tin chắc là mẹ cháu sẽ rất đẹp”.


Tôi lặng lẽ cám ơn Thượng Đế đã dùng những đứa trẻ này để nhắc nhở tôi về ý nghĩa đáng trân trọng của việc tặng quà.



Câu chuyện 3 :

Tôi rảo nhanh chân đến cửa hàng địa phương để mua vài món quà giáng sinh vào phút chót lễ Giáng Sinh. Trên đường đi tôi ngắm nhìn mọi người rồi tự nhủ, đáng nhẽ mình phải đi mua quà từ trước nhưng do bận nhiều việc quá. Lễ Giáng Sinh cũng là lúc để tôi có thể thong thả được một lúc. Có lúc tôi đã ước rằng mình sẽ ngủ một giấc dài qua cả mùa Giáng Sinh. Nhưng bây giờ là lúc tôi phải nhanh chóng đến cửa hàng đồ chơi.
Ðang tìm những thứ cần mua, tôi thấy một cậu bé khoảng 5 tuổi đang ôm một con búp bê rất dễ thương. Cậu bé ôm con búp bé rất âu yếm và đang vuốt ve tóc của nó. Tôi cảm thấy rất tò mò nên chăm chú quan sát cậu bé và tự hỏi không biết cậu bé đó định tặng con búp bê đó cho ai. Tôi nhìn thấy cậu bé quay sang nói với người cô đi bên cạnh “Cô có chắc là cô không đủ mua con búp bê này không?”. Người cô trả lời đứa cháu một cách không hài lòng “Cháu phải biết rằng cô không có đủ tiền để mua nó!” Người cô dặn đứa bé không được đi lung tung trong khi bà đi mua trêm vài thứ khác, và bà sẽ quay lại sau vài phút nữa. Rồi thì bà ta bỏ đi để lại thằng bé vẫn đang mải mân mê con búp bê.
Tôi tiến lại gần để hỏi xem thằng bé định mua con búp bê đó cho ai. Thằng bé trả lời “Cháu mua con búp bê này cho em gái của cháu, vì nó rất thích được tặng một con búp bê nhân dịp giáng sinh và nó đoán rằng ông già Noel sẽ tặng nó một con”. Tôi bèn bảo thằng bé rằng có thể ông già Noel sẽ mang đến không biết chừng. Thằng bé đáp lại ngay “Ông già Noel không biết chỗ em cháu đang ở. Cháu sẽ đưa con búp bê này cho mẹ cháu để mẹ cháu chuyển cho em cháu”. Nghe như vậy tôi liền hỏi thằng bé xem em nó hiện giờ đang ở đâu.
Thằng bé ngước nhìn tôi với ánh mắt buồn rầu rồi nói “Nó đã đi theo với đức Chúa rồi”.
Bố của cháu bảo là mẹ của cháu cũng đang chuẩn bị đi cùng với em cháu rồi. Nghe những lời thằng bé nói tôi cảm thấy tim tôi như có ai vừa bóp nhẹ. Nói xong thằng bé ngước nhìn tôi rồi nói “Cháu đã bảo với bố cháu khuyên mẹ cháu đừng đi theo em cháu vội. Cháu bảo ông nhắn với mẹ cháu rằng hãy đợi cháu đi cửa hàng về đã”. Sau đó thằng bé hỏi tôi có muốn xem bức tranh của nó vẽ không. Tôi bảo rằng tôi rất thích. Thằng bé liền rút vài bức tranh nó để ở quầy hàng đưa cho tôi rồi nó nói “Cháu muốn mẹ cháu mang theo những bức tranh này theo để mẹ cháu không quên cháu, cháu rất yêu mẹ cháu nên cháu không muốn mẹ đi đâu. Nhưng bố cháu bảo mẹ cháu phải đi cùng với em cháu”.
Tôi chăm chú nhìn thằng bé và cảm thấy dường như trong hình hài nhỏ bé kia thằng bé lớn lên rất nhiều. Trong khi thằng bé không chú ý, tôi vội lục tìm trong ví của mình để lấy ra một nắm tiền rồi tôi bảo thằng bé “Cháu có đồng ý là chúng ta sẽ cùng đếm số tiền này không?” Thằng bé vô cùng phấn khởi nó nói “Ðược ạ cháu hi vọng là đủ”, rồi tôi đưa cho thằng bé một ít để hai người cùng đếm. Trong khi đếm tiền thằng bé khẽ nói “Tất nhiên ở cửa hàng này có rất nhiều búp bê, cảm ơn Chúa đã mang cho con số tiền này”, sau đó thằng bé nói với tôi rằng “Cháu vừa mới ước được đức Chúa ban cho cháu số tiền này, cháu sẽ mua con búp bê này để mẹ cháu mang nó cho em gái cháu. Và Ngài đã nghe thấy lời nguyện ước của cháu. Cháu cũng muốn ước rằng Ngài ban cho cháu đủ tiền để cháu mua cho mẹ cháu một bông hồng trắng vì mẹ cháu rất thích hoa hồng trắng nhưng cháu chưa kịp hỏi Ngài thì Ngài đã ban cho cháu số tiền đủ để mua cả búp bê và hoa hồng nữa”

Ðúng lúc đó thì cô của thằng bé quay trở lại nên tôi đẩy xe hàng của mình đi. Lúc này đây tôi có tâm trạng khác hẳn với lúc mới vào cửa hàng và tôi không khỏi nghĩ miên man về câu chuyện thằng bé kể cho tôi. Bây giờ tôi mới nhớ ra mình có đọc thấy trên báo nhiều ngày trước đây có một tai nạn do một tài xế say rượu đã đâm vào một ô tô làm chết tại chỗ một bé gái còn mẹ của bé thì bị thương rất nghiêm trọng. Lúc đó tôi nghĩ rằng tai nạn đó không phải là trường hợp của cậu bé đã kể.
Hai ngày sau tôi đọc trên báo thấy đăng tin người phụ nữ xấu số đó đã qua đời. Tôi vẫn không tài nào quên được cậu bé và tự hỏi không biết hai câu chuyện này có liên quan gì đến nhau không. Ngày hôm sau có chuyện gì cứ thôi thúc tôi khiến tôi bước ra ngoài và mua một bó hoa hồng trắng rồi đem đến nơi cử hành tang lễ cho người phụ nữ trẻ. Ở đó tôi thấy người phụ nữ nằm trong quan tài trên tay ôm một bó hoa hồng trắng rất đẹp bên cạnh đó là một con búp bê và những bức tranh của cậu bé mà tôi đã gặp ở cừa hàng đồ chơi hôm nào.
Tôi đứng đó nước mắt tuôn trào, cũng từ đó tôi cảm thấy yêu quí người thân của mình hơn và biết trân trọng những tình cảm linh thiêng đó. Tình yêu của cậu bé dành cho em gái và mẹ của mình thật là quá lớn lao. Nhưng chỉ cần có một tích tắc vô trách nhiệm của gã lái xe say rượu kia đà tàn phá hoàn toàn cuộc đời của cậu bé tội nghiệp. Ai đó đã từng nói rằng: “Chúng ta sống được nhờ những cái gì chúng ta có, nhưng chính chúng ta tạo ra ý nghĩa cuộc sống của mình bằng những gì chúng ta chia sẻ với người khác”.


Câu chuyện 4:

 Kế hoạch đánh lừa ông già Noel

 Hôm đó đã là vài ngày trước Giáng sinh. Mẹ đang ở trong bếp chuẩn bị bữa tối. Hary và Rosie nằm dài dưới sàn phòng khách xem TV.
“Em muốn có nó vào Giáng sinh” - Rosie nói khi nhìn thấy trên màn hình TV một con búp bê biết khóc. Khi chú gấu Teddy biết nhảy múa xuất hiện trong chương trình quảng cáo, Rosie lại nói: “Em muốn cả nó nữa”.
“Em phải viết một danh sách những gì em muốn gửi ông già Noel. Nếu không thì ông ấy chẳng biết được em muốn gì đâu”.
“Nhưng em không biết viết” - Rosie, cô bé mới 3 tuổi rưỡi trả lời.
Đột nhiên cô bé nảy ra một ý định. “Anh viết đi, Harry” - cô bé nói.
Harry rên rỉ. Cho dù là cậu nhóc biết viết, nhưng mà cũng phải loay hoay mất khá nhiều thời gian. Cậu lại vừa vất vả lắm mới hoàn thành được bức thư của mình.
“Anh không thể” - Harry nói. “Viết lâu lắm. Em nhờ mẹ ấy”.
“Mẹ!” - Rosie vừa đi vào bếp vừa gọi. “Anh Harry không viết thư gửi ông già Noel hộ con”.
Mẹ giúp Rosie viết danh sách những món quà cô bé muốn vào Giáng sinh. Khi đã xong, mấy mẹ con đặt thư vào phía trên lò sưởi, chỗ ống khói. “Nhưng làm thế nào ông già Noel nhận được thư của con?”, Rosie hỏi mẹ.
“Ông già Noel sẽ cử Rudolf hoặc một trong những con tiểu yêu xuống lấy” - Harry trả lời trong khi tắt TV, quay ra chờ ăn tối.


“Thế sao ông già Noel không tự tới? Em muốn gặp ông”.
“Em không thể gặp ông ấy được. Tại vì ông già Noel không muốn trẻ con nhìn thấy mình” - Harry trả lời.
“Nhưng em muốn gặp ông già Noel cơ. Rất muốn!”.
Rosie muốn gặp được ông già Noel tới nỗi cô bé nói về chuyện đó suốt cả ngày. Cuối cùng, mẹ phải hứa là sẽ đưa cô bé đến cửa hàng để gặp ông.
Thế là, một buổi sáng, mấy mẹ con ăn mặc thật đẹp, khởi hành từ sớm đến cửa hàng. Dẫu vậy, người xếp hàng đợi ông già Noel ở đây đã đông kín.
“Cô e rằng sẽ phải đợi khoảng 2 tiếng đấy” - một người phụ nữ tốt bụng trong bộ đồng phục nhân viên cất lời.
“Ôi không”, Harry nói. “Chúng ta không thể đợi đến 2 tiếng được”.

“Nhưng em muốn gặp ông già Noel”, Rosie quả quyết.
“Đó là cả một khoảng thời gian dài chờ đợi đấy”, mẹ nói. “Thay vì đợi, chúng ta nên đi ra quầy đồ chơi hoặc đi ăn bánh, uống cà phê”.
“Vâng”, Harry đồng ý ngay.
“Không. Con muốn đợi”. Rosie nói.
Thế là mấy mẹ con cùng đợi, và đợi. Harry cảm thấy vừa mệt, vừa đói, vừa khát, vừa buồn chán nữa, nhưng Rosie bảo cô bé sẽ rất buồn nếu không gặp được ông già Noel.
Đột nhiên Harry nghĩ ra một cách. Cậu bé thì thầm vào tai em, nhỏ đến nỗi mẹ còn không nghe thấy.
“Anh biết có cách để đánh lừa ông già Noel”. Harry cho em biết kế hoạch của mình. Rosie nghĩ rằng đó là một kế hoạch tuyệt hảo.


Rosie kéo áo mẹ: “Mẹ, thực ra con cũng chẳng buồn đâu nếu không gặp được ông già Noel. Con muốn ăn bánh”.

Thế là bọn nhóc theo mẹ đi ăn bánh và dùng chút đồ uống. Sau đó chúng được thỏa sức đi ngắm quầy đồ chơi. Nhưng hai anh em chẳng mua gì bởi đã rất gần Giáng sinh rồi, đến hôm ấy thế nào chẳng được mở quà thỏa thích.

Tối ngày Giáng sinh. Harry và Rosie đang bày đĩa bánh giáng sinh cho ông già Noel. Harry lấy đĩa ra từ trong tủ còn Rosie cẩn thận đặt lên đó những chiếc bánh. Kế đó Harry lại tìm trong tủ lạnh một củ cà rốt đặt bên cạnh bánh.


“Chúng mình có nên bày cả một cốc sữa nữa không anh nhỉ?” - Rosie hỏi. Cô bé vốn luôn thích uống một cốc sữa trước khi đi ngủ.
“Cũng được” - Harry mở tủ lạnh lấy hộp sữa ra.

Harry và Rosie tiếp tục bày thêm một ít đồ ăn vặt rồi đi lên nhà, chuẩn bị sẵn sàng cho cú đánh lừa ngoạn mục với ông già Noel.

Rosie chạy đi lấy đèn pin trong hộp dụng cụ của bố. Harry thì lấy sợi dây Rosie hay nhảy đặt dưới gầm giường.
Harry và Rosie đều có phòng riêng nhưng vì hôm nay là Giáng sinh, mẹ nói hai anh em nên ngủ cùng phòng. Bố đã mang sang phòng Rosie cái giường bạt cho Harry nằm. Hai anh em đi xuống nhà chúc bố mẹ ngủ ngon.
“Chúng con đi ngủ được chưa ạ?”, Rosie hỏi.
Mẹ lấy làm ngạc nhiên: “Mẹ không nghĩ là vừa nghe thấy con đòi đi ngủ đâu, Rosie”.
“Hẳn là con rất háo hức muốn nhận quà Giáng sinh rồi phải không con yêu?”, bố đặt tờ báo đang đọc xuống, ngẩng mặt lên nói với Rosie.
Bố đưa hai anh em về phòng ngủ. Hai anh em đặt tất ở cuối giường. “Bố kể cho các con nghe một câu chuyện nhé?”, bố vừa hỏi vừa đi về phía kệ sách.
“Thực ra, bố có phiền không nếu chúng con không nghe chuyện đêm nay?”, Harry hỏi.
“Ồ, cũng được. Vậy các con đi ngủ đi, và thật ngoan đấy nhé. Bố không muốn nghe hai anh em nói chuyện cả đêm đâu”.
Khi bố đã ra khỏi phòng, Rosie bật đèn pin. Cô bé cần phải chắc chắn rằng mình không ngủ thiếp đi mất, nếu không kế hoạch sẽ đổ bể…
Cánh cửa bắt đầu kêu cọt kẹt. Rosie ngồi ngay dậy, bật đèn pin. Nhưng hóa ra đấy chỉ là anh Harry đi vệ sinh, không phải ông già Noel đến.
Rosie lại nằm xuống giường chờ đợi thêm chút nữa. Cô bé lại nghe cánh cửa bắt đầu mở.
“Harry!” - cô bé khẽ gọi anh. Harry đã đợi sẵn với sợi dây của em trong tay, sẵn sàng quấn quanh người ông già Noel để ông không thể đi khỏi mà chưa nói chuyện với chúng.

Cánh cửa mở ra, và… mẹ bước vào.

“Chào các con. Mẹ vào hôn hai anh em. Chúc các con ngủ ngon. Harry, con làm gì với dây nhảy của Rosie thế? Đến giờ ngủ rồi”.
Sau khi mẹ đi ra, hai anh em ngồi dậy nói chuyện thêm một lúc. Chẳng lẽ ông già Noel không bao giờ đến ư?

… Harry mở mắt. Bên ngoài trời vẫn tối nhưng chiếc tất của Harry ở cuối giường, thực ra nó giống một cái bao hơn là một chiếc tất, trong có vẻ phồng ra.

“Rosie!”, Harry lay em. “Rosie, ông già Noel đã tới đây. Chúng ta bỏ lỡ mất rồi”.


Rosie ngồi dậy và bắt đầu dụi mắt.

“Ôi thực sao, em muốn gặp ông già Noel”.

Harry đi ra khỏi giường để bật đèn. “Chúng mình mở được không?” - Harry nhìn vào những món quà.

Thay vì trả lời anh, Rosie thò tay vào trong cái bao của mình kéo ra một hộp quà. Cô bé xé bỏ giấy.

“Ôi, em không muốn cái này”.

Harry nhìn vào quả bóng mà Rosie không thích. Cậu đã ao ước có nó biết nhường nào.


Ồ, đằng nào Harry cũng có món quà của riêng mình. Cậu bé xé bỏ hộp giấy. Một con búp bê biết khóc. Không đời nào. “Anh không thích cái này” - Harry cũng bắt đầu nói.

Rosie tiếp tục mở món quà thứ hai của mình - một chiếc máy bay đồ chơi.

Món quà thứ hai của Harry còn tệ hơn - một chiếc váy hồng.

Càng mở quà, hai anh em càng thất vọng.


“Ồ, ít ra anh cũng có thể ăn cái này” - Harry kéo ra một túi kẹo khi đã ngồi giữa chú gấu Teddy biết nhảy múa, một túi kẹp tóc, và một quyển truyện cổ tích.

Bố mẹ đi vào phòng.
“Ồ các con đã dậy rồi”, mẹ nói. “Những món quà thế nào hả các con?”.

“Tệ hại ạ!”, Harry nói.

“Kinh khủng!”, Rosie tiếp lời.


“Ý các con là sao?”, bố hỏi.

Bố nhìn xuống quà của Harry, rồi quà của Rosie.

“Các con có nghĩ mình đã lấy nhầm tất không?”.

Đột nhiên tất cả đều sáng tỏ.

Harry cuối cùng cũng vui với các nhân vật trong phim Thunderbirds, chiếc tàu thủy có điều khiển từ xa và giày đá bóng. Rosie thì hôn chi chít vào em búp bê biết khóc.

“Em biết không Rosie”, Harry nói. “Chúng ta đã cố gắng đánh lừa ông già Noel, nhưng cuối cùng, chính ông ấy lại đánh lừa chúng ta đấy!”.


Câu truyện thứ 5
Bong bóng lên trời
TT - Một mùa Giáng sinh, học trò mẫu giáo vào lớp khoe với cô: “Hôm qua con được ông già Noel đến nhà tặng quà đó cô!”. “Con cũng được nữa nè cô”.
Cả lớp nhao nhao, bé nào cũng muốn khoe món quà mình nhận được. Hộp bút chì màu, cây đàn đồ chơi, đôi giày, vòng đeo tay, nơ buộc tóc... Cô giáo mỉm cười khi thấy những đôi mắt trẻ thơ long lanh niềm hạnh phúc.
Chợt cô giáo bắt gặp đôi mắt đỏ hoe của một cô bé học trò ngồi ở góc phòng. Cô bước đến và nhẹ nhàng hỏi: “Sao bé khóc?”. Bé ôm choàng lấy cô giáo và òa lên nức nở: “Cô ơi, ông già Noel không đến nhà con. Tại nhà con nghèo phải không cô?”.
Cô giáo xoa đầu bé dỗ dành: “Ông già Noel phải đi rất nhiều nơi, ông chưa kịp đến nhà con chứ không phải là không đến. Thế con đã gửi ước mơ của con cho ông chưa?”. Bé lắc đầu. Cô giáo hỏi bé ước mơ gì, rồi viết vào giấy, cột vào một chiếc bong bóng màu xanh và dắt bé ra sân.
Cô trao chiếc bong bóng và bảo bé hãy thả lên trời. “Ông già Noel nhất định sẽ quay trở lại”. Hôm sau, bé đến lớp thật sớm với gương mặt rạng ngời: “Cô ơi! Ông già Noel nhận được bong bóng ước mơ của con rồi”. Món quà đến muộn nhưng đúng như bé mong đợi: một chiếc áo mới. Cô giúp bé thay áo, bé cứ mân mê mãi tấm áo mới. Suốt buổi, cô giáo cứ thấy bé cười.
Mùa Giáng sinh sau, cô giáo ghé thăm nhà bé. Cô cầm tay bé nắn nót ghi mơ ước. Bong bóng lại thả lên trời. Lần này bé nhận được món quà là đôi giày màu hồng phấn. Bé ôm cổ cô cười hạnh phúc. Bé hỏi: “Cô ơi, làm sao để cảm ơn ông già Noel?”. Cô giáo mỉm cười: “Niềm vui của bé chính là lời cảm ơn sâu sắc nhất”.
Lại một mùa Giáng sinh nữa. Bé đã biết viết. Trong mảnh giấy bé nhờ cô giáo gửi theo bong bóng để thả lên trời là những dòng chữ: “Ông Noel ơi, năm nay con muốn xin ông tặng cho mẹ con một chiếc áo ấm.
Năm nào mẹ cũng mua áo cho con, còn mẹ thì không có áo. Con thương mẹ lắm, con cũng biết ông già Noel chỉ tặng quà cho trẻ con thôi nhưng con muốn nhường phần quà của con cho mẹ. Từ ngày ba con bỏ đi, đêm nào con cũng thấy mẹ khóc. Ông tặng quà và nói mẹ con đừng buồn nữa, được không ông?”.
Mùa đông đó, mẹ nhận được áo bông và bé cũng nhận được một món quà cùng với lá thư của ông già Noel: “Mẹ bé đã hứa với ông là sẽ chỉ cười thôi, không bao giờ khóc nữa. Bé ngoan lắm, con búp bê này là phần thưởng của ông già Noel dành cho bé”. Mắt bé long lanh, tay cứ ôm chặt con búp bê biết khóc cười. Mắt mẹ và mắt cô giáo cũng ngân ngấn nước.
...Cô bé ấy bây giờ đã hiểu hết chuyện ngày xưa, nhưng ngày Giáng sinh cô vẫn muốn thả lên trời chiếc bong bóng mang nụ hôn và những lời cảm ơn đến tất cả những “ông già Noel” trong cuộc sống - những người đã nghĩ ra nhiều cách để mang hạnh phúc đến cho tất cả trẻ em nghèo: những người đã biến cổ tích thành hiện thực.


Câu truyện thứ 6
Con yêu mẹ

Người mẹ mệt mỏi trở về từ cửa hàng sau một ngày làm việc dài đăng đẵng, kéo lê túi hàng trên sàn bếp. Đang chờ bà là đứa con trai tên David lên 8 tuổi, đang lo lắng kể lại những gì mà em nó đã làm ở nhà: “… lúc con đang chơi ngoài sân còn bố đang gọi điện thoại thì Tom lấy bút chì màu viết lên tường, lên chính tờ giấy dán tường mới mà mẹ dán trong phòng làm việc ấy! Con đã nói với nó là mẹ sẽ bực mình mà!”.
Người mẹ than thở rồi nhướng lông mày: “Bây giờ nó đâu?”. Thế rồi bà bỏ hết hàng ở đó, sải bước vào phòng của đứa con trai nhỏ, nơi nó đang trốn. Bà gọi cả tên họ của đứa bé, mà ở các nước phương Tây, khi gọi cả tên lẫn họ như thế này là thường thể hiện sự tức giận. Khi bà bước vào phòng, đứa bé run lên vì sợ, nó biết sắp có chuyện gì ghê gớm lắm. Trong 10 phút, người mẹ nguyền rủa con, là bà đã phải tiết kiệm thế nào và tờ giấy dán tường đắt ra sao! Sau khi rên rỉ về những việc phải làm để sửa lại tờ giấy, người mẹ kết tội đứa con là thiếu quan tâm đến người khác. Càng mắng mỏ con, bà càng thấy bực mình, cuối cùng bà ra khỏi phòng con, cảm thấy cáu đến phát điên!
Người mẹ chạy vào phòng làm việc để xác minh nỗi lo lắng của mình. Nhưng khi nhìn bức tường, đôi mắt bà tràn ngập nước mắt. Những gì bà đọc được như một mũi tên xuyên qua tâm hồn người mẹ. Dòng chữ viết: “Con yêu mẹ” được viền bằng một trái tim!
Và giờ đây bao thời gian trôi qua, tờ giấy dán tường vẫn ở đó, y như lúc người mẹ nhìn thấy, với một cái khung ảnh rỗng treo để bao bọc lấy nó. Đó là một sự nhắc nhở đối với người mẹ, và với tất cả mọi người: Hãy bỏ một chút thời gian để đọc những dòng chữ viết trên tường! 

CÂU TRUYỆN THỨ 7
57 xu


Một cô bé đang đứng thổn thức bên cạnh một nhà thờ nhỏ sau khi đã chạy vòng vòng mà không vào được bên trong vì “nhà thờ chật cứng”.
“Con không vào được lớp học Chủ Nhật” (Sunday School: lớp học mà nhà thờ thường mở vào ngày chủ nhật để dạy giáo lý và chữ cho trẻ em), cô bé nức nở nói với vị giám mục vừa đi tới. Nhìn bộ dạng tiều tụy, nhếch nhác của cô bé, vị giám mục hiểu ngay ra nguyên do, và cầm tay cô bé dẫn vào trong, tìm cho cô một chỗ trong lớp học.
Đêm hôm đó, cô bé lên giường ngủ mà đầu chỉ nghĩ tới những đứa trẻ không có chỗ để thể hiện lòng tôn kính đối với Chúa. Khoảng 2 năm sau đó, cô bé đã chết trong một chung cư tồi tàn. Cha mẹ của cô bé gọi điện cho vị giám mục - người đã trở nên rất thân thiết với cô bé, đến để chủ trì buổi lễ tang.
Khi di chuyển thi hài của cô bé nghèo, người ta đã tìm thấy một chiếc ví rách nát và bẩn thỉu tựa như được moi ra từ đống rác, trong đó có 57 xu và một tờ giấy xé nham nhở viết trên đó vài dòng chữ nghoệch ngoạc của đứa trẻ: “Để giúp đỡ xây dựng một nhà thờ lớn hơn cho nhiều đứa trẻ có thể đến Lớp học ngày Chủ nhật”. Đó là kết quả trong 2 năm trời dành dụm với cả tấm lòng hy sinh không chút vụ lợi của cô bé. Khi đọc những dòng chữ này, vị giám mục đã không thể cầm được nước mắt.
Mang theo mảnh giấy và chiếc ví rách nát trong những buổi lễ, vị giám mục kể cho mọi người câu chuyện về tấm lòng hy sinh cao cả của đứa bé. Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức để kêu gọi, quyên góp tiền xây dựng một nhà thờ rộng hơn. Nhưng câu chuyện này không chỉ dừng lại ở đó.
Một tờ báo có uy tín đăng câu chuyện về cô bé, và có một nhà kinh doanh bất động sản đã đọc được nó. Ông ta đề nghị nhượng bán cho nhà thờ một mảnh đất rộng, mà giá trị hồi đó lên tới nhiều ngàn đô la, với giá chỉ có… 57 xu. Các tín đồ đã tổ chức một đợt quyên góp quy mô rộng và lớn chưa từng có, chỉ chưa đầy 5 năm số tiền đã lên tới 250.000 đô la - một số tiền rất lớn thời bấy giờ (cách đây gần một thế kỷ). Tấm lòng nhân hậu cao cả của cô bé đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Nếu có dịp qua thành phố Philadelphia, mời bạn ghé thăm Nhà thờ Temple Baptist (Nhà thờ Thánh rửa tội) với sức chứa 3.300 người; và trường đại học Temple, nơi mà hàng trăm sinh viên đang theo học. Và bạn cũng nên ghé thăm Bệnh viện Good Samaritan (Bệnh viện hội bác ái) cùng với Trường học ngày Chủ nhật, nơi dành cho hàng trăm đứa trẻ tham dự Lớp học ngày Chủ nhật, và sẽ không còn đứa trẻ nào trong vùng phải đứng bên ngoài vào ngày chủ nhật nữa.
Trong một căn phòng của toà nhà, bạn có thể tìm thấy một tấm hình với khuôn mặt dễ thương của cô bé gái, người với 57 xu và sự hy sinh của mình, đã làm nên một câu chuyện thần thoại.
Ngay bên cạnh đó, tấm hình của vị Giám mục - Dr.Russell H.Conwell, tác giả của cuốn sách “Cánh đồng Kim cương”.
Đó là một câu chuyện có thật, hoàn toàn thật, minh chứng cho những gì mà một tâm hồn cao thượng và tấm lòng hy sinh cao cả có thể làm được, chỉ với 57 xu.



Câu truyện thứ 8:

HOA HỒNG TRONG ĐÊM GIÁNG SINH

Tuyết đang rơi. Bobby đang ngồi ở khoảng sân sau nhà, nó thấy lạnh hơn. Bobby không mang giày ống cao. Nó không thích, mà nó cũng chẳng có đôi nào. Chiếc áo khoác mỏng tang không đủ giữ ấm cho Bobby. Nó lạnh lắm.

Tuyết vẫn không ngừng rơi. Hơn một giờ trôi qua, nó nghĩ mãi chưa ra món quà Giáng sinh tặng mẹ. “Ôi, thật là chán. Giờ đây nếu có nghĩ ra mua gì thì mình cũng đâu có tiền mà mua.” Nó lắc đầu, mặt buồn rười rượi.

Đã ba năm kể từ khi bố nó qua đời. Ba năm qua, cả nhà năm miệng ăn đánh vật từng ngày với cuộc sống. Không phải vì mẹ nó không quan tâm, mà chỉ vì không biết bao nhiêu mới đủ. Mẹ làm cả ca đêm ở bệnh viện, nhưng đồng lương nhỏ bé cũng chỉ đủ chống chọi qua ngày.

Càng thiếu tiền và những thứ khác, cả nhà càng thương yêu và bảo bọc nhau hơn. Cùng với anh chị và một đứa em, Bobby đảm trách mọi việc nhà khi mẹ vắng. Ba chị em gái của nó đã chuẩn bị những món quà Giáng sinh rất dễ thương cho mẹ rồi. Còn Bobby thì vẫn tay trắng, dù bây giờ đã là đêm Giáng sinh.

Lau vội dòng nước mắt, nó đá chân vào tuyết và đi xuống phố, nơi các cửa hiệu đang lấp lánh ánh đèn màu và nhộn nhịp tiếng nhạc Giáng sinh. Một thằng bé sáu tuổi mồ côi cha, sao giờ đây nó thấy rất cần một người đàn ông để chuyện trò. Nhưng sao khó quá!

Bobby đi dọc theo các cửa hiệu, nhìn đăm đắm vào những tủ kính được trang trí thật lộng lẫy. Mọi thứ sao mà đẹp đến thế, mà cũng xa tầm tay nó đến thế! Trời tối dần. Bobby đành phải quay về nhà. Bỗng mắt nó bắt gặp một tia sáng nhỏ từ phía chân tường. Nó cúi xuống và phát hiện ra đó là một đồng tiền sáng chói.
Giây phút đó, Bobby như thấy mình là kẻ giàu có hạnh phúc nhất thế gian. Một làn hơi ấm chạy dọc cơ thể. Nó chạy nhanh về phía cửa hiệu đầu tiên nó nhìn thấy. Nhưng rồi lòng phấn khích bỗng tan thành mây khói khi người chủ hiệu bảo rằng nó sẽ chẳng mua được thứ gì với đồng tiền này.
Nó trông thấy một hàng hoa và quyết định bước vào trong chờ tới lượt mình.
“Gì vậy cháu?”, người bán hoa hỏi.
Bobby chìa đồng xu ra và nói rằng liệu nó có thể mua một bông hoa làm quà Giáng sinh cho mẹ không.
Người bán hoa nhìn vào đồng 10 xu. Đặt tay lên vai thằng bé, ông trả lời: “Hãy đợi ở đây. Để chú xem chú có thể giúp cháu được gì nhé!”.
Đứng đợi, Bobby nhìn những bông hoa đầy màu sắc xung quanh. Dù là một thằng con trai nhưng nó có thể tưởng tượng được rằng mẹ và các chị em gái nó yêu những bông hoa như thế nào.

Tiếng cánh cửa đóng lại của người khách cuối cùng đưa Bobby trở về với hiện tại. Chỉ còn một mình trong cửa hiệu, nó cảm thấy cô đơn và hơi chút lo sợ.

Bỗng người bán hoa xuất hiện, đi tới quầy. Ông lấy lên mười hai bông hồng đỏ thắm, với những cành lá xanh điểm xuyến những chấm hoa trắng li ti, được bó lại với một chiếc nơ bạc thật xinh. Tim Bobby như lặng đi khi người chủ hiệu đặt bó hoa vào một chiếc hộp màu trắng trong.
“Đây, của cháu đây. Tất cả là 10 xu.” Ông nói rồi chìa tay ra. Bobby đưa đồng xu một cách rụt rè. Ôi, không biết mình có nằm mơ không đây? Ai lại bán cả một bó hoa tuyệt đẹp thế kia với chỉ 10 xu cơ chứ! Dường như cảm nhận được vẻ lưỡng lự của thằng bé, người chủ hàng hoa nói: “Chú đang bán giảm giá mười hai bông 10 xu, cháu có thích chúng không nào?”.
Nghe vậy, Bobby không còn ngần ngại nữa. Khi chạm tay vào chiếc hộp dài xinh xắn, nó mới tin rằng đó là sự thật. Bước ra khỏi hàng hoa, nó còn nghe giọng người bán hoa gọi với theo, “Giáng sinh vui vẻ nhé, con trai!”.
Người bán hoa quay vào, cùng lúc vợ ông đi ra. “Chuyện gì vậy anh?”
Nhìn ra ngoài cửa sổ, cố ngăn dòng nước mắt, ông nói: “Một điều kỳ lạ vừa mới xảy ra sáng nay. Em biết không, trong lúc anh sửa soạn mở hàng, anh nghe một giọng nói bảo rằng hãy dành ra một tá hoa hồng để làm một món quà đặc biệt. Rồi mải mê với công việc anh cũng không nhớ tới nó lắm; nhưng vừa rồi không biết sao anh lại để mười hai bông hoa sang một bên. Chỉ một vài phút sau, một thằng bé bước vào và hỏi mua một bông hoa tặng mẹ chỉ với một đồng mười xu. Anh bỗng nhớ lại…
Đã lâu lắm, khi ấy anh là một thằng bé rất nghèo, không có lấy một đồng mua quà Giáng sinh cho mẹ. Đêm Giáng sinh năm ấy, khi đang lang thang một mình trên đường, anh gặp một người đàn ông xa lạ. Ông ấy ngỏ lời cho anh mười đôla. Đêm nay, khi gặp thằng bé, anh đã biết giọng nói ban sáng là của ai. Và anh đã để lại mười hai bông hoa đẹp nhất.”
Hai người ôm nhau thật lâu. Rồi họ bước ra khỏi nhà trong cái giá rét đêm Giáng sinh. Trời lạnh lắm, nhưng trong lòng họ ấm áp hơn bao giờ.

CÂU TRUYỆN THỨ 9 ( như là truyện tưởng tượng vậy)

Giáng Sinh của Em bé gái nhỏ

Đó là đêm Giáng sinh, và Em bé gái nhỏ vừa mới treo chiếc tất của mình lên bên cạnh lò sưởi, ngay chỗ ông già Noel có thể nhìn thấy được khi ông vừa trượt xuống từ ống khói.
Cô biết thế nào ông cũng tới, bởi đêm nay là đêm Giáng sinh, bởi ông già Noel luôn tới để tặng cho cô một món quà nào đó vào tất cả những mùa Giáng sinh trước, và vì bởi một lẽ nữa, cô đã nhìn thấy hình của ông ở khắp nơi trong thị trấn lúc chiều nay, khi cô có việc ra ngoài với mẹ.
Dẫu vậy, trong lòng cô vẫn chưa được mãn nguyện lắm. Trong thẳm sâu trái tim cô bé, vẫn có một chút gì đó bất an. Bạn biết đấy, khi bạn chưa nhìn thấy, thực sự tận mắt nhìn thấy một người nào đó, thật khó để có cảm giác rằng bạn hoàn toàn tin tưởng người ấy, cho dù họ luôn để lại cho bạn những món quà thật xinh đẹp mỗi lần ghé thăm.
“Ôi, ông ấy sẽ đến”, Em bé gái nhỏ tự nói. “Mình chỉ biết ông sẽ ở đây trước khi trời sáng, nhưng mình ước...”
“Ước gì nào?”, một giọng nói vang lên rất gần Em bé gái nhỏ, gần đến nỗi cô suýt giật nảy mình khi nghe thấy.
“Tôi ước tôi có thể tận mắt nhìn thấy ông già Noel. Tôi muốn đến xem nhà và xưởng đồ chơi của ông lắm, cưỡi cỗ xe tuần lộc nữa này, và làm quen với bà già Noel. Được thế thì rất vui, và như thế, tôi sẽ tin chắc hơn...”.
“Thế sao còn chưa đi?”, giọng nói bé nhỏ lại vang lên. “Dễ thôi, cứ đi thử đôi giày này này, giữ lấy tia sáng này nữa, bạn sẽ tìm được đường đến đó”.
Em bé gái nhỏ nhìn xuống đáy lò sưởi, ở đó có hai chiếc giày bé xíu trông rất tinh xảo đặt cạnh nhau. Gần đó có một tia sáng nữa, cứ như chúng được tạo ra từ những mẩu than đang cháy trong lò sưởi vậy. Đôi giày quá xinh đẹp tới nỗi Em bé gái nhỏ không thể chờ đợi, bỏ ngay đôi dép cô đang đi để xỏ chân vào giày. Nhìn thì bé xíu vậy, nhưng kỳ lạ thay, đôi giày vừa khít ngay khi cô xỏ chân vào. Cầm lấy tia sáng, cùng với một làn gió thổi, cô đã bay lên khỏi ống khói, ra ngoài không trung, nơi những bông tuyết và các chòm sao đang bận rộn trang hoàng cho thế giới đẹp hơn vào mùa lễ Giáng Sinh.
Em bé gái nhỏ cứ thế bay lên cao, cao mãi, cho đến khi chỉ còn là đốm sáng nhỏ xíu trên bầu trời. Đây là điều thú vị nhất. Cô bé dường như biết rõ đường đi, chẳng phải dừng lại hỏi thăm chút nào. Bạn biết đấy, đó là một con đường thẳng, và khi chẳng cần phải nhọc công nghĩ xem nên quẹo trái hay quẹo phải, thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều.
Rất nhanh sau đó, em bé gái nhỏ nhận ra quanh mình ngập tràn ánh sáng, rất sáng. Gần như cùng lúc, trái tim cô rộn lên những niềm vui. Cô bé không biết những linh hồn Giáng Sinh và những thiên thần Giáng Sinh bé nhỏ đã ở khắp nơi xung quanh cô, ở trong cả con người cô nữa. Cô bé không biết vì không nhìn thấy họ, chỉ thấy được quầng ánh sáng, rất sáng.

Em bé gái nhỏ cảm giác như muốn hát, muốn cười, trong lòng thật hân hoan. Cô nhớ đến cậu bé bị ốm ở nhà bên, cô tự nói sáng ra sẽ mang về cho cậu bé những quyển truyện tranh đẹp nhất, như thế cậu ấy sẽ rất vui. Dần dần, khi quầng sáng quanh cô trở nên lớn hơn rất nhiều, cô bé nhìn thấy một con đường ngay trước mặt, thẳng và hẹp, dẫn lên đồi, tới một ngôi nhà lớn có rất nhiều cửa sổ. Khi đến gần hơn, cô thấy nến ở khắp các cửa sổ, nến đỏ, nến xanh và nến vàng, ngọn nào cũng cháy sáng. Cô bé biết ngay đây là những ngọn nến đã chỉ đường cho cô trên suốt hành trình, có gì đó như mách bảo, đây chính là nhà của ông già Noel, và có thể, cô sắp được nhìn thấy ông rồi.
Ngay khi cô bé đến gần bậc cửa, còn chưa kịp nhấn chuông, cánh cửa đã bật mở, rộng hết mức. Trước mặt cô không phải ông già Noel mà là một người lùn với đôi chân mảnh khảnh bé xíu, cái bụng béo tròn cứ chốc chốc lại rung lên khi cậu ấy cười. Bạn sẽ biết ngay rằng cậu ấy là người đàn ông bé nhỏ vui tính. Bạn cũng có thể đoán ngay được sở dĩ bụng cậu ấy béo tròn như vậy là vì cậu ấy rất hay cười, cười mỉm, cười vang, có lúc lại cười khùng khục.
Ngay lúc đó, cậu ấy ngả cái mũ đỏ của mình xuống, nở nụ cười lịch thiệp nhất cúi chào: “Chúc mừng Giáng Sinh! Chúc mừng Giáng Sinh! Vào đi, vào đi nào!”.
Em bé gái nhỏ nắm tay Người đàn ông vui tính đi vào. Khi đã vào tận trong nhà, cô thấy những đám lửa đỏ nhất, vui nhất đang nhảy múa. Còn có cả những anh, chị em của Người đàn ông nhỏ bé nữa, họ giới thiệu tên mình là “Giáng sinh Vui vẻ”, “Chúc mừng”, và còn nhiều âm thanh vui nhộn khác nữa. Họ đông tới nỗi Em bé gái nhỏ biết rõ mình chẳng bao giờ đếm được hết, cho dù có cố gắng cách nào.
Quanh cô có rất nhiều những hộp đồ chơi. Cô bé hiểu rằng chúng đã sẵn sàng chờ ông già Noel tới mang đi trên cỗ xe tuần lộc để phân phát cho các bạn nhỏ.
Đám người tí hon bỗng chốc trở nên bận rộn. Họ phải mang tất cả chỗ quà ra bậc cửa, nơi Em bé gái nhỏ có thể nghe tiếng chuông leng keng và những tiếng gõ từ guốc chân tuần lộc.
Cô cũng nhặt lên vài túi đồ rồi chạy theo những người tí hon. Cô muốn giúp họ một tay. Bạn biết đấy, Giáng sinh sẽ chẳng vui nổi trừ phi bạn có thể giúp đỡ được ai đó.
Và, ngay trước sân là cỗ xe lớn nhất mà Em bé gái nhỏ từng nhìn thấy. Những con tuần lộc đang giậm chân, nhảy dựng lên, làm rung cả những chiếc chuông trên bộ yên cương của chúng. Bởi vì chúng quá háo hức được quay trở lại trái đất một lần nữa đây mà.
Em bé gái nhỏ không thể chờ đợi không già Noel được nữa. Và ngay khi cô đang tự hỏi ông đang ở đâu, thì cánh cửa lại bật mở. Nguyên một cây thông Noel xuất hiện. Lúc đầu trông nó có vẻ như biết đi, nhưng nhìn kỹ thì hóa ra có hàng ngàn con yêu tinh Giáng Sinh đang “tha” cái cây trên lưng chúng. Và đi đằng sau chúng là một người đang cười nói rất to, giọng vui vẻ như thể ông ấy là bạn thân của toàn thế giới.
Cô bé ngay lập tức biết rằng ông già Noel đang đến. Trái tim cô đập thình thịch trong giây lát, tự hỏi không biết ông có nhận ra mình không. Cô bé không phải băn khoăn lâu, vì ông già Noel đã nhìn ra cô ngay và ông cất tiếng hỏi:
“Lạy chúa tôi, ai thế này? Cháu từ đâu đến?”
Cô bé con cứ nghĩ chắc mình sẽ sợ lắm nếu phải trả lời ông. Nhưng lúc này, cô chẳng sợ sệt chút nào. Bạn thấy đấy, ông già Noel có những nếp nhăn nhỏ xíu thật gần gũi nơi khóe mắt. Cô bé cảm thấy rất vui và trả lời ông: “Cháu tên là Em bé gái nhỏ. Cháu rất muốn nhìn thấy ông nên cháu đến đây”.
“Ho, ho, ho, ho!”, ông già Noel cất tiếng cười quen thuộc. “Và giờ cháu đã ở đây rồi. Cháu muốn nhìn thấy ông già Noel nên tới đây. Thật dễ thương. Nhưng tệ quá, ông đang rất vội. Ông rất muốn đưa cháu đi tham quan quanh đây và mang lại cho cháu khoảng thời gian vui vẻ. Nhưng cháu thấy đấy, 12 giờ kém 15 rồi, và ông phải đi ngay, nếu không không sẽ chẳng thể tới được cái ống khói đầu tiên vào lúc nửa đêm. Ông định gọi bà già Noel nhờ bà mang cho cháu bữa tối. Nhưng bà cũng đang bận may cho xong chỗ quần áo búp bê phải hoàn thành trước buổi sáng, có lẽ chúng ta không nên quấy rầy bà. Cháu có muốn gì không Cô bé gái nhỏ?”.
Ông già Noel tốt bụng đặt bàn tay ấm áp lên những lọn tóc quăn của cô bé, cô cảm nhận được sự ấm áp đang chảy xuống tim mình. Bạn thấy đấy, cho dù ông già Noel đang rất vội, ông cũng không bận đến nỗi không thể dừng lại để đem lại niềm vui cho người khác trong một phút, bất kể người đó chỉ là cô gái con bé nhỏ mà thôi.
Cô bé mỉm cười với ông già Noel và nói: “Ông ơi, cháu ước gì có thể cùng ông xuống trái đất trên cỗ xe tuần lộc huy hoàng này. Cháu thích lắm, ông cho cháu đi cùng ông nhé? Cháu rất nhỏ nên không mất nhiều chỗ đâu, và cháu sẽ ngồi yên, không làm phiền ai cả!”.
Ông già Noel cười vang rồi nói: “Cô bé muốn đi cùng chúng ta. Được không các yêu tinh bé nhỏ? Chúng ta đưa cô bé đi cùng được không các thiên thần bé nhỏ? Chúng ta đưa cô bé đi cùng được không hả tuần lộc?”.
“Ồ được chứ, hãy cho cô bé đi cùng. Cô ấy là một cô bé ngoan. Cứ để cho cô cầm lái!” - tất cả đồng thanh nói.
Và trước khi có thể nghĩ thêm điều gì, cô bé đã thấy mình được đưa lên xe, ngồi bên cạnh ông già Noel. Ngay sau đó họ đi vào không trung, lên trên những đám mây, qua dải ngân hà, ngay dưới chòm sao Đại hùng tinh, hướng về trái đất. Cô bé đã có thể nhìn thấy những ánh đèn nhấp nháy ở dưới trái đất rồi. Bỗng cô thấy cỗ xe như kéo lê trên một vật gì đó, cô biết họ đã đậu lên mái nhà của ai đó. Ông già Noel sắp trượt xuống ống khói, chỉ 1 phút nữa thôi.
Cô bé cũng muốn đi cùng ông biết mấy! Rồi cô nghe một âm thanh vang lên: “Nắm chặt lấy tay ông già Noel! Nắm chặt lấy tay ông già Noel!”. Thế là cô bé nắm chặt lấy tay ông già Noel, cùng trượt xuống ống khói. Chẳng mấy chốc, hai ông cháu đã rơi xuống, lăn một vòng, rồi ở giữa căn phòng nơi có những chiếc tất rỗng treo sẵn bên lò sưởi chờ ông già Noel lấp đầy bằng những món quà.
Cùng lúc đó, ông già Noel nhận ra sự có mặt của Em bé gái nhỏ. Trong phút chốc ông gần như quên mất cô, đến giờ ông rất ngạc nhiên: “Lạy chúa tôi! Cháu từ đâu ra thế, Em bé gái nhỏ? Làm sao cả hai chúng ta cùng chui lên qua chiếc ống khói ấy được bây giờ? Trượt xuống thì dễ, chứ trèo lên là cả một vấn đề đấy”.
Trông ông già Noel có vẻ lo lắng thực sự, còn cô bé thì cũng bắt đầu thấm mệt bởi cô đã có một buổi tối quá phấn chấn. Cô bảo: “Ông đừng bận tâm đến cháu. Cháu đã rất vui, bây giờ cháu sẽ ở lại đây. Cháu tin mình sẽ chợp mắt được trên tấm thảm sàn này. Cháu sẽ ngủ được ngay thôi vì nó cũng ấm như tấm thảm sàn nhà cháu. Và, ồ, đây là nhà cháu, phòng của cháu kìa, có gấu Teddy đang nằm trên ghế, đêm nào cháu cũng đặt cậu ấy ở đấy. Và Mèo Bunny thì đang cuộn tròn bên tấm nệm trong góc nhà...”.
Em bé gái nhỏ cảm ơn ông già Noel về buổi tối tuyệt vời rồi chào tạm biệt ông. Chẳng biết ông đi nhanh quá hay cô bé chìm vào giấc ngủ quá mau mà cô chẳng biết điều gì xảy ra sau đó nữa.
Bố đang ôm cô trong tay và nói: “Con gái bé nhỏ của bố đang làm gì ở đây thế? Con phải về giường thôi, đêm nay là đêm Giáng Sinh rồi. ông già Noel sẽ không đến nếu quanh đây vẫn có bóng người đâu”.
Song cô bé gái nhỏ còn biết rõ hơn bố, bởi trong lò sưởi vẫn còn viên Than đen bé nhỏ, chính nó cho cô đôi giày và tia sáng để đến chỗ ông già Noel. Hơn thế nữa, cô đang ở trên tấm thảm trải sàn trước lò sưởi, nơi cô chào tạm biệt ông già Noel. Đó là bằng chứng thuyết phục nhất!
Rắc rối nằm ở chỗ, bố không phải là Em bé gái nhỏ nên không thể kể gì về chuyện này. Song chúng ta đều biết, Em bé gái nhỏ chẳng hề nằm mơ, phải không các bạn?

No comments:

Post a Comment