Pages

Monday, February 27, 2017

TRẦN MỘNG TÚ * BÙI BẢO TRÚC




Chàng nhìn theo cái lưng của người bạn trẻ khi cánh cửa buồng khép lại. Chàng rơi vào một sự im lặng hoàn toàn. Khép nhẹ cặp mắt nghe râm ran thân thể, những  lóng xương như đang rên rỉ quanh mình.



Hãy gõ cửa, đêm nay ta trở lại

Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?



Cánh cửa không nhớ chàng nhưng chàng nhớ cánh cửa. Hôm nay bỗng dưng cả ngôi nhà thân yêu trên quê cũ hiện về trong trí nhớ chàng. Nơi chàng sống đời trai trẻ cùng với những đứa con bé bỏng. Nơi chàng đêm đêm trở về rón rén lên từng bậc cầu thang, nghe tiếng con thở, ngửi được cả mùi thân quen của chúng bay ra.



Vòng trở lại là chiếc cầu thang gỗ

Ta vẫn thường rón rén tối về khuya

Ở trên gác, nơi các con ta ngủ
Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây

Căn nhà mà nhắm mắt lại chàng cũng nhớ chỗ nào là kệ sách, chỗ nào để cái ghế, kê cái bàn viết, mà đêm đêm chàng hay thức dậy viết lăng nhăng. Rồi căn bếp, bể nước mưa, cái máng nước, cây trứng cá và những mảng đêm. Chao ôi cái đêm cuối cùng đó, chàng nhớ, mình nằm ngó lên trần nhà nước mắt rưng rưng, nghĩ tới việc bỏ đi:



Đêm còn tối trên tàn cây trứng cá

Ta phải đi, buổi sáng sắp lên

Căn nhà cũ sẽ bỗng đầy người lạ

Đường sá xác xơ, thành phố cũng thay tên.



 Chàng bây giờ nằm đây, ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn chút nắng yếu ớt bên ngoài. Cô đơn hoàn toàn phủ chụp lấy chàng. Trong nỗi cô đơn này chàng có sự tự do để đầu óc mình tưởng tượng, mình trở về quá khứ, về con phố ngoài kia.



Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ

Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn


Chàng bỗng nhớ tới tất cả những người thân yêu đã đi qua đời chàng, những đứa con, những người tình, những người bạn. Họ bỏ chàng đi đâu hết rồi. Chàng tự trách mình :“Ta phụ người hay người đã phụ ta”



Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán

Bạn cũ tới đầy, đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Đã trở về cùng khật khưỡng vài ly


Rồi chàng thầm thì ao ước: 



Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ

Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.

Người đàn ông đang trong cơn vật vã với tử sinh, tác giả của những câu thơ nhẹ nhàng tràn ngập cảm xúc đó, chính là Bùi Bảo Trúc.


Bùi Bảo Trúc, một đời người với chữ nghĩa. Ở nơi nào anh tới, có truyền thanh, truyền hình, báo chí là có anh cộng tác. Những bài viết của anh được độc giả ưa chuộng tìm đọc nhiều nhất dưới tựa đề “Thư gửi Bạn Ta”. Anh viết rất sâu sắc, thông thái, chua chát với đời sống, cười cợt với con người, mắng mỏ kẻ ác, chế diễu Cộng Sản trong suốt bao nhiêu thập niên tung hoành trên báo giấy rồi đến những trang mạng. Chưa có ai viết như anh. Chưa có ai mỗi khi viết, gửi vào bài viết những lầu thông kim cổ như anh. Văn Học Tây Phương, Đông Phương anh thu thập và nhớ rất nhiều. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể mang ra chứng minh trong những bài viết của mình. Độc giả thích thú theo dõi những bài anh viết.



Nhà văn Mai Thảo thủa còn sinh tiền, mỗi khi mở tờ báo ra, tìm bài của Bùi Bảo Trúc đọc trước tiên.



Bùi Bảo Trúc có một đời sống nhiều thay đổi, anh như ngựa chạy đường trường, không dừng vó lâu được. Cũng có thể anh là một con ngựa chứng, cần một “Nài” giỏi mà anh chưa may mắn gặp, nên cuối đời của anh không được vui.



Chúng ta đọc Thơ anh, đọc những bài viết cho “Thư Gửi Bạn Ta”, chúng ta dễ dàng nhận ra lòng thù ghét Cộng Sản của anh, nhận ra tình yêu quê hương, yêu đất nước Việt Nam của anh. Anh gửi tình yêu đó vào những câu thơ trong bài 






Hôm nay người đàn ông tài hoa và lận đận đó đã từ giã quá khứ của mình, từ giã những bài Thơ, những bài tạp ghi để đi về một chốn xa xôi nào đó, nhưng anh vẫn chưa về lại được cố hương một lần như lòng anh mong mỏi.


Trần Mộng Tú

12/17/2016
(Tất cả Thơ trong bài của BBT)

Tưởng nhớ người mới qua đời. BBT 1944-2016      DgN                                                                                            
Nhân đọc một bài thơ của Đỗ MụcBùi Bảo Trúc

Đỗ Mục trong một chuyến ngao du sơn thủy đã neo thuyền khi đêm xuống trên sông Tần Hoài gần bên một quán rượu. Trời về đêm khói tỏa lan trên làn nước lạnh trong khi trăng sáng trải trên bờ cát. Đúng lúc ấy, vọng từ phía bên kia sông, là tiếng hát của một ca nhi. Người thương nữ chắc không biết nỗi hận mất nước nên vẫn đem bài Hậu Đình Hoa ra để hát. Nhà thơ đời vãn Đường ghi lại cảm nghĩ trong bài thất ngôn tứ tuyệt mà ông đặt tựa là Bạc Tần Hoài, đậu thuyền trên sông Tần Hoài:


Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Quá giang do xướng Hậu Đình Hoa


Bài thơ xin được tạm dịch:

Khói loang sông lạnh, trăng trên cát
Thuyền đậu qua đêm cạnh tửu gia
Ca nương không hay hờn mất nước
Bên sông vẫn hát Hậu Đình Hoa




Hậu Đình Hoa là một ca khúc viết cho những tiệc vui trong cung điện của Trần Thúc Bảo tức là Trần Hậu Chủ (582-589), ông vua cuối cùng của nhà Trần thời Nam Bắc triều để nhà vua vui chơi cùng Trương Lệ Hoa và các cung nữ. Ông vua ham chơi, sao lãng việc nước nên cuối cùng đã để cho triều đại nhà Trần mất vào tay nhà Tùy. Chuyện xẩy ra trước thời của Đỗ Mục (803-852), trước cái đêm họ Đỗ neo thuyền ở bến Tần Hoài cả hơn 2 trăm năm nên nhà thơ có hơi trách người ca nữ trong quán rượu là không biết mối hận mất nước, vẫn vô tình đem bài ca từng bị coi là đưa tới sự mất nước của nhà Trần ra ca hát giúp vui cho đám khách uống rượu.Nhưng việc Đỗ Mục trách người thương nữ ấy (dẫu là nhẹ nhàng) có phải là việc làm đúng không? Nhiều người cho là không, vì chuyện nhà Trần mất nước vào tay nhà Tùy thì cũng xẩy ra trước cái đêm Đỗ Mục neo thuyền ở Tần Hoài hơn hai thế kỷ. Chuyện đã xa như thế, thì làm sao người con hát trẻ ấy còn nhớ được việc Trần Hậu Chủ mất nước để... kiêng và né bài Hậu Đình Hoa. Thêm nữa đòi né bài Hậu Đình Hoa có phải là một đòi hỏi hơi quá đáng ở một ca nhi chỉ biết ca hát để kiếm ăn trong một tửu quán nơi bến sông không? 
Người ca nữ còn trẻ đó chắc chỉ lo ca hát kiếm sống chứ đầu óc đâu để biết đau cái hận mất nước, mà mài gươm dưới nguyệt như Đặng Dung rồi ngâm "thế sự du du nại lão (?) hà..." tính chuyện nước non.
Hơn thế nữa, Trần Hậu Chủ có mất ngôi báu vào tay nhà Tùy thì lãnh thổ của ông ta cũng vẫn nằm trong nước Trung Hoa, nhà vua không bị bắt đưa đi học tập cải tạo mà được đưa về kinh đô cho sống yên bình đến lúc chết. Chờ đợi người ca nhi phải đau cái đau mất nước xẩy ra hàng bao nhiêu năm trước để kiêng hát bài ca mất nước thì hơi khó. 
Thế nên cô ca nhi có đem bài Hậu Đình Hoa ra hát cho đám khách uống rượu ở cái quán ven sông Tần Hoài thì cũng chẳng sao. Nhưng bài thơ của Đỗ Mục vẫn là một bài thơ rất hay.
Mới đây, sau phán quyết về đường lưỡi bò ở biển đông, một số nghệ sĩ người Hoa đã đồng loạt lên tiếng bênh vực lập trường (vô lý) của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đa số những nghệ sĩ này là những tên tuổi trong các cuốn phim Tầu mà các đài truyền hình trong nước cũng như hải ngoại chiếu suốt ngày đêm cho các khán giả Việt Nam say sưa theo dõi. Đến nỗi cứ mỗi khi bật truyền hình lên là lại thấy phim Tầu ngự trị. Trong số các diễn viên Hoa ngữ nổi tiếng, chỉ có Châu Nhuận Phát là dám nói không đống ý với lập trường của nhà nước mặc dù đã biết trước sẽ bị nhà cầm quyền Bắc Kinh trả thù.
Chỉ mới có một đài truyền hình ở trong nước đã can đảm quyết định không chiếu một cuốn phim Tầu đang ăn khách. Các đài khác thì không thấy nói gì, vẫn phim Tầu chuyển âm bằng thứ tiếng Việt và giọng nói ngây ngô để cuộc Hán hóa sẽ không trở thành "sốc" nữa.
Chuyện ca hát thì Viêt Nam không có bài Hậu Đình Hoa để vọng từ bên kia sông sang, nhưng bọn thương nữ và thương nam (?) còn tệ hơn cả đứa ca nhi trong thơ Đỗ Mục. Chúng vẫn nhởn nhơ ca hát như con ve trong bài ngụ ngôn của Jean de La Fontaine. Không một tên tuổi lớn nhỏ nào trong nước cũng như hải ngoại dám cất lên một tiếng nói về chuyện cá chết ở Vũng Áng, về phán quyết của tòa án quốc tế liên quan đến tham vọng của Bắc Kinh, về thân phận của những ngư dân khốn khổ, về môi trường đang bị tàn phá một cách có hệ thống, về đất nước đang bị bán đứt cho ngoại bang... Chúng vẫn đàn ca hát xướng như không có gì đang xẩy ra ở đất nước Việt Nam. Chúng nó sợ bị cấm ca hát, không được cho về nước kiếm tiền nữa.
Trong lúc chuyện Việt Nam còn bi đát hơn chuyện vong quốc của Trần Hậu Chủ biết là bao nhiêu!

Mất nước sẽ là mất luôn. Không như trường hợp Trần Hậu Chủ. Nghĩ tới Tây Tạng mà kinh. Lúc ấy có "năm canh máu chẩy đêm hè vắng / sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ" thì cũng chỉ là nghe cuốc kêu cảm hứng như Nguyễn Khuyến mà thôi. 

NGUYỄN TƯỜNG THỤY * HỒI KÝ

 

ĐI BỘ ĐỘI 

(Hồi ức Kỳ 1)

Nguyễn Tường Thụy

Buổi chiều mùa đông ngày 26/12 năm ấy, tôi chào bố mẹ lên đường nhập ngũ. Cả xã có 6 đứa, do xã đội trưởng dẫn đi. Chúng tôi tập trung ở xã Hải Anh, ngủ ở nhà dân một đêm. Hôm sau địa phương giao chúng tôi cho đơn vị tuyển quân. Thế là trở thành bộ đội. Đơn vị đầu tiên của tôi là tiểu đoàn 616, sư đoàn 320B. Một tuần sau, có thêm 2 thằng cùng xã được bổ sung, coi như cùng đợt. Vậy là đợt ấy xã tôi có 8, trong đó có một thằng con ông bí thư và một thằng con ông xã đội trưởng. Lúc ấy, chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.
Một sự kiện trọng đại, bước ngoặt của cuộc đời nhưng tâm trạng tôi bình thường. Ừ, gọi thì đi. Nghĩa vụ mà. Sáng hôm ấy, tôi còn dậy sớm lội xuống ao nhổ rau cần cho mẹ mang đi chợ bán. Lạnh lắm. Buổi trưa ăn cơm bình thường như mọi ngày, có điều lặng lẽ hơn. Cũng có nhà tổ chức liên hoan tiễn con nhưng nhà tôi nghèo. Tôi xách cái túi nhựa mà bố tôi được phân phối ở trường, may dọc, có 2 quai xách, đựng hai bộ quần áo. Bố mẹ tôi cho 5 đồng để tiêu vặt, cô tôi cho 5 đồng, bà hàng xóm cho 3 đồng. Ủy ban thì tặng hai chiếc khăn mặt hoa dâu. Bố tôi lo con chưa sung sức sẽ khó khăn trong tập luyện và chiến đấu. Lúc ấy tôi chỉ có 43 kg. Mẹ tôi hôm ấy nói ít nhưng tôi biết bà buồn. 
Tôi trêu và cũng là dọa bà, đọc hai câu thơ Nguyễn Bính:
Một lần sảy bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu.
Bà mắng: “Chỉ nói dại”.
Tôi đùa dai: “Đằng nào chẳng mất gáo. Khi ấy mợ (tôi gọi bố mẹ bằng cậu mợ) phải đòi bằng được cái bằng tổ quốc mất quân đấy nhé”.
Nhà nào có con hy sinh thì được Bằng Tổ quốc ghi công, xuyên tạc thành Tổ quốc mất quân. Có 1 hoặc 2 con đi bộ đội được Bảng Gia đình vẻ vang, gọi xiên xẹo thành Bảng gia đình vắng vẻ. 3 con đi bộ đội hoặc chỉ có 2 con trai mà đi bộ đội cả thì được Bảng vàng danh dự, dân gian xuyên tạc thành bảng vàng tuyệt tự.
Nói tâm trạng bình thường vì tôi khi ấy vừa trẻ vừa chưa vợ nên chưa biết lo trước lo sau, thanh thản lắm. Có bận tâm chút vì phải xa bố mẹ và vì nhà tôi nghèo. Khi đi, tôi biết bố mẹ còn mấy món nợ để nuôi con ăn học chưa trả được.
Bố tôi vốn là ông đồ, dạy học tư, tiếng Pháp nói, viết và dịch tốt, Hán văn cũng thế. Ông lại biết nghề thuốc. Ông từ quê Nam Trực xuống chợ Ninh Cường mở một hiệu thuốc Bắc ở rồi quen biết mẹ tôi bán hàng xén ở đó. Ông từng cứu nhiều người khi đã cập kề cửa tử. Có lần con bệnh đáp ơn cả một đôi hoa tai 1 chỉ vàng, ông cho chị tôi đeo. Gia đình tôi hồi ấy thuộc loại khá giả. Sau cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh (1958 – 1960), bố tôi thành ông giáo cấp 1, còn mẹ tôi bị ép bỏ buôn bán về làm hợp tác xã. Con nhà buôn bán nòi mà về làm ruộng khi tuổi đã 40 nên nghề nông không thể thạo. Cảnh nhà túng quẫn từ đấy. Vì vậy khi ra đi, tôi còn xót xa thương bố gầy yếu, thương mẹ vất vả. Chứ còn chuyện sống chết, gần như chẳng băn khoăn gì. Lại ân hận vì thỉnh thoảng hay cãi bà, còn bố thì không dám, y như lũ con tôi bây giờ.
Chị tôi theo em lên nơi tập trung, hôm sau giao quân xong thì về. Chị khóc dữ lắm. Chị mới được xuất ngũ khỏi Thanh niên xung phong. Có lần nhớ nhà, chị trốn đơn vị về. Một bác ở ủy ban xã nhận chị làm con nuôi, đến hỏi xem con về có được phép không. Biết chị bỏ về, bác bắt chị lên đơn vị, giải thích vì nghĩa vụ, vì danh dự gia đình này nọ. Thế là chị lại đi. Chị kể, đơn vị bắt tất cả làm đơn tình nguyện đi tiền tuyến. Gọi là đơn tình nguyện nhưng phải hiểu đó là lệnh, chứ có ai thực sự tình nguyện. Chị em ký đơn tình nguyện xong, về lán ôm nhau khóc.
Hồi ấy, mỗi năm có 3 đợt tuyển quân, một đợt vào cuối hay đầu năm, một đợt tháng 4 và một đợt tháng 8. Đợt tuyển quân trước đó 4 tháng, vào giữa tháng 8 tôi cũng đã đi. Khi giao cho đơn vị bộ đội họ khám lại một lần nữa, tôi và một số đứa bị đuổi về. Lý do có thể là yếu tim hay bệnh nào đó, thấp bé nhẹ cân, thậm chí một vết hắc lào cũng loại. Nhưng vào bộ đội rồi thì tất cả thành hắc lào, ghẻ lở hết vì đi tập toàn bùn đất, quần áo có 2 bộ không khô kịp nên ít thay. Tất cả hôi như lũ chồn.
Những thanh niên chuẩn bị gọi nhập ngũ đều được khám sức khỏe tại địa phương trước khi giao quân nhưng đa phần đạt. Khi giao quân rồi, quân y khám có kỹ hơn. Xóm tôi cũng có nhiều đứa đến tuổi, nhưng không được gọi vì gia đình không vào hợp tác xã, hoặc có vấn đề về lý lịch. Nhưng dần dần thấy mấy đứa này cũng lần lượt đi hết, chắc vì lớp sau chưa lớn kịp.
Nhiều thanh niên tìm cách trốn bộ đội. Có anh trốn lên miền núi, ở nhà quen rồi chết trên đó, nghe nói ngã nước, thành ra đủ điều tiếng, chẳng ai thương. Có đứa giả điếc, khi khám sức khỏe, bác sĩ hỏi gì cũng lắc đầu chỉ vào tai ra vẻ không nghe thấy. Ông bác sĩ cũng cao thủ, khoát tay ra dấu bảo về. Cậu này hí hửng tưởng thoát nạn nhưng vừa ra đến cửa thì bác sĩ mới ném cái “panh” (y cụ để khám lưỡi, họng) vào khay nhôm "choang" một cái. Cậu kia giật mình ngoái lại. Thế là không phải điếc. Bác sĩ vẫy cậu ta quay lại, ghi vào hồ sơ sức khỏe: Đủ tiêu chuẩn.
Năm đó, tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, hệ 10/10. Trường tôi có 4 lớp 10, chọn ra 6 đứa để đi học nước ngoài. Khi ấy, chuyện chỉ xét lý lịch rồi cho đi du học hay học đại học cũng đã giảm bớt mà chú trọng hơn đến lực học, vì con em có công với cách mạng, làm chức to lại học quá dốt không theo được. Chúng tôi phải ra bệnh viện huyện khám sức khỏe, sau đó lên bệnh viện tỉnh khám một lần nữa. Rồi mấy đứa ấy lần lượt đi nước ngoài hết, không Liên Xô thì Trung Quốc, Triều Tiên hoặc Đông Âu, còn tôi không được gọi vì xã không duyệt hồ sơ cho tôi, lý do để lại đi bộ đội. Sau, tôi vẫn được gọi đi thi đại học, nhưng thi thì thi chứ không thấy gọi nhập trường. Tôi còn nhớ số báo danh là H367, nghe nói H là ký hiệu của Trường ĐH Bưu điện Truyền thanh ở Thái Nguyên. Hồi ấy thi xong, gọi nhập trường thì gọi chứ không có chuyện báo điểm, báo trúng tuyển hay không trúng. Đứa nào không được gọi nhập trường, một là không đủ điểm, hai là thuộc dạng giữ lại để đi lính. Không biết tôi thuộc dạng nào nhưng những đứa tôi gà bài cho đều vào đại học cả. Tôi lên ban tuyển sinh tỉnh hỏi lý do, có phải em không đủ điểm không hay là địa phương không cho em đi đại học? Họ trả lời rằng cái này không nói được.
Tôi thấy lạ, bộ đội thì có trừ sinh viên, trừ giảng viên đại học, trừ công chức ra đâu. Sao cứ phải ở địa phương mới đi bộ đội được. Nghĩ thế nhưng hồi ấy chưa biết cãi, mà có cãi cũng chẳng được. Sau nghĩ lại, có lẽ đi từ địa phương thì họ được chỉ tiêu. Cũng như bây giờ họ muốn tôi bán nhà đi nơi khác ở, nhường tên “phản động” cho quận huyện khác vậy, có điều là một đằng thì muốn vơ vào lấy thành tích, một đằng thì muốn đẩy đi cho khuất mắt. Tôi hiếu học, nhiều hoài bão nên việc phải bỏ dở học làm tôi buồn. Chứ còn đi lính, đi đánh nhau đi chăng nữa, tôi bình thản, không băn khoăn gì nhiều nhưng phần không thích là có.
Những thanh niên khác cũng vậy, trừ các trường hợp tìm cách trốn còn thì gọi là phải đi vì đó là nghĩa vụ. Chẳng ai thích nghề đánh nhau. Cũng có trường hợp xung phong thật, nhưng hiếm lắm, chứ không như đài báo tuyên truyền rằng thanh niên nô nức tình nguyện nhập ngũ. Chuyện đào ngũ cũng nhiều nhưng nhục. Họ gọi lên xã, bắt đeo trước ngực tấm bìa ghi: “Cả như tôi thì mất nước” rồi đem ra cho nhân dân “góp ý”, thực chất là đấu tố. Làm riết rồi cũng sợ, nhưng không sợ bằng chết nên vẫn cứ trốn. Trên đường hành quân vào Nam mà trốn thì gọi là “B quay”, một từ mới, chỉ điều nhục nhã.
Sau khi nhập ngũ, đầu tiên chúng tôi được đóng quân tại huyện nhà, ở xã Hải Nam, cách nhà khoảng 15 km. Một tháng sau thì đến Tết. Chúng tôi được thả về ăn tết với gia đình mấy ngày. 
Tết xong, chúng tôi di chuyển về nơi huấn luyện chính ở HTX Trường Sơn, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Bốn ngày đi bộ xen giữa là 1 ngày nghỉ thì tới nơi. Ở đây toàn đồng bào từ Ý Yên Nam Định lên khai hoang, lập vùng kinh tế mới. Chính xã Ngọc Lương là nơi có trang trại của gia đình chị Cấn Thị Thêu, nơi chị bị bắt lần thứ hai vào sáng sớm ngày 10/6/2016. Tôi vô tình trở lại nơi này trong một chuyến đi thăm chị Thêu (lần tù trước). Đến trang trại của gia đình chị, hỏi địa danh mới nhớ ra mình từng đóng quân ở đây. Chuyện này tuy ngẫu nhiên nhưng có cái gì đó rất khó giải thích.
Thấy tôi nhanh nhẹn, có chút chữ nghĩa, thủ trưởng rút lên làm liên lạc cho Ban chỉ huy đại đội cùng với một thằng nữa đã làm từ trước đó. Hồi ấy, văn hóa tốt nghiệp phổ thông là hiếm lắm, cả đại đội chỉ vài thằng. Có cả thằng mù chữ, nó chuyên nhờ tôi viết hộ thư về cho vợ. Tôi phải đặt mình vào vị trí nó, tức là thằng có vợ rồi để viết cho đúng tâm lý. Tôi còn bắt nó kể chuyện vợ chồng nó để lựa mà viết sao cho tình cảm. Thực ra, tôi còn có ý tò mò xem vợ chồng lấy nhau thì nó như thế nào nữa. Viết xong, đọc cho nó duyệt, nó thích lắm, khen mày tài. Vợ nó gửi thư lên, tôi lại phải đọc cho nó nghe. Một lần thư vợ nó có thêm phần tái bút: “Em cám ơn anh Thụy, anh tình cảm và thấu hiểu em lắm, anh đừng đọc đoạn này nhá”. Vì không xem trước nên tôi cứ thế đọc tướng lên: “Tái bút: Em cám ơn anh Thụy, anh tình cảm và thấu hiểu em lắm, anh đừng đọc đoạn này nhá”. Đọc xong, tôi mới biết là câu ấy dành cho tôi. Chết cha. May mà thằng này hiền, nó không để ý gì. Theo Luật thì không tuyển người mù chữ vào bộ đội, nhưng địa phương cứ ép đi cho đủ chỉ tiêu.
Làm liên lạc, như theo cái tên của nó là truyền mệnh lệnh xuống cho các trung đội, tiểu đội. Hồi ấy, thông tin liên lạc bằng điện tín chỉ ở chiến trường, chứ ở đơn vị huấn luyện thì chỉ ở cấp trung đoàn trở lên. Không hiểu sao thủ trưởng không ký vào giấy hay sổ mà cứ sai chúng tôi phát lệnh mồm thế này thế khác. Có lần chạy xuống các trung đội truyền lệnh thì gặp anh trung đội trưởng đang dẫn trung đội chạy ra bãi tập. Tôi quát: Dừng lại! Hôm nay cho thảo luận chính trị! Thế là trung đội trưởng lập tức hô: “Đằng sau quay! Hướng doanh trại! Thường bước!”. Thực ra chúng tôi ở nhà dân, làm quái gì có doanh trại. Chắc anh gọi thế cho nó oai. Hẳn là mấy thằng lính thắc mắc sao cùng đi bộ đội với nó mà tôi quát, thủ trưởng của nó phải nghe.
Vì có khiếu, tôi còn phải lo kẻ vẽ khẩu hiệu quyết tâm, thi đua, nhiệt liệt, hoan hô… đủ cả. Lại phải làm báo tường, lo tập văn nghệ nên ít khi phải ra thao trường. Nhưng dù tập ít hay học lỏm tôi cũng biết đủ kỹ thuật, chiến thuật. Ngoài ra, liên lạc còn lo tạp vụ chung cho ban chỉ huy, nhưng không phải phục vụ riêng cho ai. Việc cá nhân của thủ trưởng nào, tự ông ấy lo. Chỉ có một lần người yêu của chính trị viên phó lên chơi, tôi phải chở chị bằng xe đạp lên chỗ anh đang tập huấn. Giao chị cho anh xong thì đã khuya, tôi một mình đạp xe về, qua mấy bãi tha ma, sợ gần chết.
Thư từ, công văn cũng là việc của liên lạc. Hàng ngày đi lấy thư trên tiểu đoàn về thì nộp cho thủ trưởng. Thủ trưởng kiểm duyệt xong dán lại, khi ấy tôi mới đem phát cho người nhận. Vậy mà cũng ối đứa nó nể mình, sợ mình thù vặt giấu thư đi. Bóc thư đọc cũng là cách để nắm được tư tưởng lính. Việc này được coi là chuyện đương nhiên, chẳng ai nghĩ đó là hành vi phạm pháp, cũng chẳng ai gọi đó là đọc trộm mà cho rằng đó là quyền của thủ trưởng. Cũng nhờ kiểm duyệt mà thủ trưởng biết được tư tưởng của lính, thằng này nhớ nhà, thằng nọ sợ chết, thằng kia tư tưởng yên tâm, lập trường vững vàng. Ngoài ra còn biết được kế hoạch đào ngũ của đứa nào đó, tóm gọn.
Tuy nhiên, việc bỏ trốn mà thủ trưởng không biết trước vẫn xảy ra. Có lần một thằng trốn, thủ trưởng giao cho các mũi truy tìm. Tôi một mình một mũi, mai phục tại cầu Nho Quan, cách đơn vị 10 km. Đến 8 giờ tối thì tóm được nó. Thằng này hơn tôi mấy tuổi đã lấy vợ và có 2 con, to gấp rưỡi tôi. Nó sợ quá, bảo, tao nhớ nhà lắm, mày cho tao về. Mày bắt tao lại thì ông Vi (đại đội trưởng) giết tao mất. Hay là mày cùng về với tao…
Tôi cũng nhớ nhà, nhưng tôi sợ phải đeo bảng “Cả như tôi thì mất nước”. Tôi định thả nó ra thì mấy anh làm bảo vệ ở cầu ập đến. Biết chuyện, các anh ấy lột cái dây lưng vải loại 2,5 cm dành cho lính mới nhập ngũ ở lưng nó ra, trói tay lại, giấu dưới vạt áo để tôi đưa nó về. Lúc này tôi không dám thả nó ra nữa vì đã có người chứng kiến. Tôi với nó khoác vai nhau như đôi bạn thân thiết cứ thế đi bộ về.
.......
Sau đó, số phận đưa đẩy mỗi đứa đi một hướng. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, tôi vẫn loanh quanh ở tuyến phục vụ dù mặc dù cũng từng phải viết đơn tình nguyện ra mặt trận kiểu như chị tôi mà tôi đã kể trên. Sau chiến tranh, hỏi han về nhau mới biết được đợt tôi đi có 8 đứa thì 2 thằng tử trận. Đây là một tỉ lệ thấp so với nhiều đợt nhập ngũ khác.
Chuyện đi bộ đội với tôi cũng chẳng có gì phải tiếc nuối. Nếu không đi lính, tôi đã đi học ở Liên Xô hay nước XHCN nào đó, rồi biết đâu trở thành một quan chức cuồng đảng hay thành một ông tiến sĩ cạo giấy nào đó mà cả hai loại người này tôi biết đến khá nhiều.
24/12/2016

 

 HUẤN LUYỆN TÂN BINH 

(Hồi ức kỳ 2)

Nguyễn Tường Thụy

Hồi ấy có tiêu cực thì chỉ là những toan tính cá nhân chứ chẳng ai hoài nghi về đường lối của đảng, về chủ trương “giải phóng” miền Nam, cứ nghĩ Việt Nam Cộng hòa bán nước cho Mỹ mà Mỹ là kẻ xâm lược. Nếu có bất đồng chính kiến thì ở những gia đình nằm trong đối tượng cần theo dõi, như trước đây đã làm việc cho Pháp, liên quan đến Quốc dân đảng, những gia đình có người đã di cư vào Nam, định đi sau nhưng bị kẹt lại, gia đình không chịu vào hợp tác xã và cả một số tín đồ công giáo. Nhưng họ không bao giờ dám lên tiếng. Chỉ cần kêu ca phàn nàn điều gì đó thì sẽ đến tai cán bộ ngay. Còn ở cấp cao hơn cho đến Trung ương, nếu có bất đồng nào thì lập tức bị vô hiệu hóa, điều này mãi sau tôi mới biết.


Cả Đông Dương được xác định đều là chiến trường. Miền Bắc gọi là chiến trường A, miền Nam chiến trường B, Lào chiến trường C, Căm Pu Chia chiến trường K. Chiến trường B còn chia ra B1 đến B5.
Đang ở nhà, thoát ly gia đình vào bộ đội, thấy cái gì cũng mới lạ. Khổ thì có khổ, không được tự do nhưng sinh hoạt tập thể cũng thấy hay hay, thinh thích, có những điều mới lạ lần đầu tiên được biết.
Chương trình huấn luyện tân binh gồm tập đội ngũ, học 10 lời thề và 12 điều kỷ luật, học chính trị, học kỹ thuật và chiến thuật. 10 lời thề thì thề trước lá cờ Tổ quốc, nhưng khẩu hiệu hàng ngày đã là trung với đảng, hiếu với dân rồi. Chính trị gồm các bài về truyền thống quân đội, truyền thống dân tộc, về hai chế độ hai cuộc đời, đường lối, tư tưởng quân sự…, khi sắp đi B thì học chính sách tù hàng binh, chính sách của Mặt trận. Kỹ thuật gồm bắn súng 4 bài, ném lựu đạn, đánh bộc phá, đánh xe tăng, đánh lô cốt, bắn máy bay, vượt chướng ngại vật. Chiến thuật gồm chiến thuật cá nhân, các tư thế vận động như lăn, lê, bò, toài, trườn…, chiến thuật tổ 3 người, tiểu đội. Tập thì phải đào hào, đồ tập tượng trưng thôi như đắp lô cốt giả, máy bay đẽo bằng gỗ, lựu đạn gỗ, bộc phá đất nặn và tất nhiên địch cũng giả. Chỉ có súng không đạn và xe tăng là thật. Khi tập đánh xe tăng, chúng tôi phải hành quân 30 km mới tới nơi, trú tại nhà dân. Hôm sau, ra bãi tập, thấy một chiếc xe tăng bò ra chạy quanh bãi để chúng tôi nhảy lên, dí lựu đạn gỗ vào. Lúc ấy, tôi không hiểu tại sao xe tăng không chịu bò về đơn vị cho chúng tôi tập mà bắt cả tiểu đoàn hành quân vất vả để đến với nó vậy. Sau thì nghĩ cấp trên kết hợp cho lính dã ngoại.
Ngoài học và tập luyện phải rèn để nâng cao sức chịu đựng. Mỗi đứa phải đan một cái sọt có ba chân bằng tre, có hai quai đeo vào vai như đeo ba lô, gọi là sọt rèn, bỏ vào đấy những cục đất nặn sẵn thành hình khối, sao cho tối thiểu được 45 kg. Tôi 43 kg, vẫn phải đeo 45 kg. Mỗi lần rèn đeo sọt đi loanh quanh 5, 10 cây số rồi về, vừa đi vừa hát các ca khúc hào hùng, hô khẩu hiệu “Quân đội ta trung với đảng hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Về đến sân hợp tác xã, thủ trưởng cho mang cái cân treo ra cân. Một lần thằng Thế đeo không đủ, lén mang gạch bỏ thêm vào sọt, bị phát hiện. Binh nhì thì 1 sao, thêm hai cục gạch thành 1sao 2 gạch, nên từ đấy chúng tôi gọi nó là Thế thiếu tá. Tội cho nó, nó tình nguyện đi bộ đội chứ đã bắt nó đi đâu. Khi đi khám sức khỏe, nó còn bỏ đá vào 2 túi quần cho đủ cân.


Gần nơi đóng quân có hòn núi độc lập, đại đội trưởng đặt tên cho nó là Núi Một. Ông cho lính mở đường lên núi theo hình xoáy, lên một đằng, xuống một đằng. Sáng ra đeo sọt rèn leo lên gần một tiếng rồi về, thay cho thể dục. Đi ngủ, nhiều đứa không dám tháo giày ra vì sợ báo động. Báo động chiến đấu, báo động di chuyển gần như đêm nào cũng có. Một đứa bỏ gác, một đứa đi chơi tối về muộn cũng báo động. Mỗi tuần được nghỉ một buổi chiều chủ nhật. Sáng chủ nhật không huấn luyện nhưng phải đi lấy củi hay làm cái gì đó. Thỉnh thoảng chúng tôi phải đi dã ngoại hoặc diễn tập. Đi 1, 2 ngày để quen với điều kiện vừa di chuyển, vừa chiến đấu, đào bếp Hoàng Cầm, nấu ăn tại chỗ. 
Quần thảo suốt ngày như vậy, lại đang sức ăn sức lớn nên dù tiêu chuẩn lương thực 710, 740 gam gạo 1 ngày nhưng lúc nào cũng đói. 
Tháng được xem phim 1 lần do đội chiếu phim của sư đoàn hay trung đoàn về chiếu. Đi xem phim cũng phải ngồi thành hàng ngũ theo đội hình “đại đội hàng ngang, trung đội hàng ngang, tiểu đội hàng dọc”. Phim quân đội, dân được xem không mất tiền, đứng xung quanh. Cũng có khi được xem văn công của sư đoàn về biểu diễn.
Quân trang khi mới nhập ngũ được phát hai bộ quần áo Triều Tiên đã cũ do lứa đã đi B bỏ lại. 2 tháng sau được bổ sung thêm 1 bộ nữa. Mũ cũng may bằng vải Triều Tiên. Lúc đầu phát cho lính dây lưng vải lại 2,5 cm, 2 tháng sau được phát loại 5 cm. Nghe nói vải Triều tiên là họ viện trợ cho ta lau súng, nhưng vì thiếu nên quân nhu mới đem may thành quần áo cho lính mặc. 
Đại đội trưởng đầu tiên của tôi 40 tuổi, văn hóa lớp 4. Ông hơi già so với chức vụ nhưng thực ra ông thăng tiến rất nhanh rồi lại tụt xuống, vì sao tôi sẽ kể dưới đây. Người ông nhỏ, da bánh mật săn chắc nhìn đen cháy nhưng rất nhanh nhẹn. Ông rèn quân dữ lắm, đứa nào cũng hãi. Các môn vượt chướng ngại vật, nhảy sào ông làm mẫu thoăn thoắt, chúng tôi nhìn lác mắt, thán phục lắm. Ông lấn sang cả việc của thủ trưởng chính trị như bắt chúng tôi làm khẩu hiệu treo khắp nơi, đả thông tư tưởng lính. Ông giảng bài không câu nệ vào giáo án nên lính không buồn ngủ. Nói chung, ông là người nhiệt tình, năng nổ, say sưa và đầy trách nhiệm. Hình như ông sinh ra là để đánh trận. Sau này tôi đoán có khi tại lúc ấy, ông đang phấn đấu vào… đảng. 
Chuyện tại sao 40 tuổi ông còn phấn đấu vào đảng có nguyên do của nó. Ông nguyên là đại uý, tiểu đoàn trưởng. bị hạ cấp xuống trung úy, hạ chức xuống đại đội trưởng và khai trừ đảng vì nướng quân. Chuyện này tôi nghe nhiều cán bộ kể lại. Khi giảng bài về tư tưởng tiến công trong quân sự, ông cũng kể ra làm ví dụ, có điều không nói người chỉ huy trận đánh ấy là ông. Đó là trận tấn công vào một cứ điểm. Khi tin báo về, các mũi tiến công đã áp sát đối phương, có mũi còn sờ thấy cả càng trung liên của bên kia, ông mới hạ lệnh nổ súng. Nhưng đánh gần quá, lính ta sợ, lùi lại. Yếu tố bất ngờ mất, đối phương có thời gian củng cố lại đội hình, tổ chức phản công. Lại thêm bất lợi về địa hình nên trận này thất bại, ông nướng mất 2 đại đội. Ông bị kỷ luật nhưng không thấy thể hiện sự bất mãn mà vẫn yên tâm với chức vụ đại đội trưởng. Ông vẫn cần mẫn rèn quân như chẳng có gì phải nuối tiếc hay coi thường những cấp trên trẻ tuổi hơn, có thể đã từng là đồng cấp hay cấp dưới của ông. 
Cán bộ tiểu đoàn hồi ấy có khi chỉ thượng úy thậm chí trung úy nếu là cấp phó. Rồi ông lại vào đảng. Hồi làm liên lạc cho ông, tôi còn “phê” nhận xét vào đơn xin vào đảng của ông, tất nhiên không được… ký vì chính trị viên, bí thư chi bộ chỉ nhờ tôi viết cho chữ nó đẹp thôi. Ông sống chan hòa, bình dị không quan cách. Ông hay rủ tôi đi, đèo bằng xe đạp mỗi khi có việc riêng. Có lần, ông cho tôi chơi chủ nhật đến trường Trung cấp Lâm nghiệp nơi chị nuôi tôi học ở đấy. Ông lại nói với chính trị viên cho tôi mượn xe đạp để đi. Ông cũng cùng đi bằng xe của ông. Ông đưa tôi vào tận trường rồi đi tiếp. Chiều ông lại ghé qua để cùng về. Chúng tôi vừa sợ vừa thích ông. Sau khi giao cả tiểu đoàn cho sư đoàn khác, ông được sư cũ giữ lại chắc vì ông là cán bộ giỏi. Nói chung, ông là một mẫu cán bộ chỉ huy cộng sản mà tôi có nhiều ấn tượng. 
Ngoài đại đội trưởng còn có một tiểu đội trưởng, người miền Nam cũng bị kỷ luật chiến trường. Anh được giao dẫn giải khoảng chục tù binh về tuyến sau. Trên đường đi, nhiều tù binh không theo được vì mệt hay đau gì đó nên anh ta lia cho cả băng đạn rồi về đơn vị một mình. Không rõ kỷ luật đối với anh ta thế nào nhưng chắc chỉ bị cảnh cáo vì tội không to như đại đội trưởng nướng quân mình. Chuyện này do chính trị viên khi giảng bài kể, nêu thẳng tên anh ta, tôi nghe ớn lạnh. Vậy mà trước khi đi B, ai cũng được học các chính sách của mặt trận, chính sách tù hàng binh. 
Trở lại thằng tôi bắt nó ở cầu Nho Quan mà tôi kể ở kỳ trước. Tôi đưa nó về đến đơn vị thì nó run lắm, mặt tái mét. Đại đội trưởng chỉ chỗ cho nó ngồi, bắt thằng Cự cũng là liên lạc như tôi làm thư ký.
Ông đột ngột nhìn thẳng vào nó, hỏi:
- Anh tên gì?
Thằng này ngơ ngác không hiểu sao vì ông lạ gì tên nó. Ông phải giải thích:
- Hôm nay, tôi thay mặt tòa án của Nhà nước hỏi cung anh nên phải hỏi cho đúng luật để ghi vào biên bản, dù có điều đã biết rõ về anh. Anh Cự đây là người giúp việc cho tôi, làm thư ký.
Nó lắp bắp:
- Dạ… em tên là Lành.
Ông quát:
- Không anh em ở đây. Họ tên đầy đủ?
- Dạ, cháu, à tôi là Phạm Xuân Lành ạ.
Rồi ông tiếp tục hỏi: Anh bao nhiêu tuổi? Quê quán? Vợ con? Anh trốn khỏi đơn vị lúc nào? Có ai biết không? Có ai giúp anh không?….

Ông lại hỏi:
- Anh thuộc đơn vị nào?
Thằng Lành lại ngơ ngác, ông lại phải giải thích đã là hỏi cung thì phải hỏi theo qui định, không phải cái gì không biết mới hỏi. Mà đơn vị nào nó cũng không biết nữa, chỉ biết đại đội 4, tôi nhắc nó tên tiểu đoàn, sư đoàn.
- Khi bị bắt, anh có chống lại người thi hành công vụ không?
Tôi thương nó quá, nhanh nhảu:
- Không ạ.
Ông quát luôn tôi:
- Tòa chưa hỏi đến nhân chứng.
Thằng Cự thỉnh thoảng cầm tờ giấy che khéo lên mặt. Tôi biết nó cố nhịn cười,

Ông quần cho nó đến khi nó sợ quá rồi mới sai tôi gọi trung đội trưởng lên nhận về. Mấy hôm sau thì mang nó ra Hội đồng Quân nhân đấu, cảnh cáo phát rồi thôi. Không thấy tòa nào gọi nó nữa.
Học đến bài “Hai chế độ, hai cuộc đời” thì phát động căm thù. Đại ý của bài giảng là dưới chế độ thực dân, đế quốc thì nhân dân ta khổ như thế nào, bây giờ nhờ có Đảng nên cuộc sống thay đổi ra sao. Nay đế quốc Mỹ xâm lược nước ta thì nhân dân miền Nam, rồi nếu miền Bắc bị chiếm thì cả nước phải trở lại cái thời kỳ đen tối ấy. Nội dung phát động căm thù là kể ra nỗi khổ do thực dân, phong kiến, đế quốc gây ra mà mình biết. Bố mẹ có làm thuê cho địa chủ không, bị bóc lột, bị đánh đập ra sao? Rồi những mất mát do bom đạn Mỹ gây ra như thế nào. Cán bộ gợi ý: không nhất thiết phải là chuyện của gia đình mình, nếu biết chuyện của ai đó thì cũng cứ kể ra. Chúng tôi lớn lên không thằng nào biết mặt ông Tây hay địa chủ ra sao. Chẳng thằng nào có người thân bị chết bởi bom Mỹ vì vùng tôi không phải là mục tiêu của Mỹ, tuy có bom rơi ở vài chỗ, cũng chết mấy người. Còn chuyện Mỹ ném bom ở các thành phố, ở Thanh Hóa trở vào đến Vĩnh Linh thì đứa nào cũng biết. Vì vậy vẫn có thể kể tội ác của Mỹ theo đài báo đã đưa. 
Tiểu đội trưởng của tôi người ngoại thành Nam Định kể làm mẫu, đợt Mỹ ném bom ở phố Hàng Thao, có một em bé 7 tuổi bị kẹt trong đống đổ nát. Trong tay em có một chiếc bánh mì vừa mua nhưng em rất khôn, mỗi ngày em chỉ ăn 1 tí để sống. 7 ngày sau, chiếc bánh mì vừa hết thì cũng là lúc người ta tìm được em, cứu ra. Không ai thắc mắc em uống gì trong 7 ngày ấy.
Có đứa kể về một anh ở làng bên đi bộ đội vào Nam chiến đấu bị giặc Mỹ giết hại, mới báo tử. Đứa đọc nhiều, nghe nhiều thì kể Mỹ ngụy bắn giết, moi gan móc mật, ăn thịt người ra sao. Còn tôi kể chuyện cứ như mẹ nói thì địa chủ nó có tính xấu là hay nghi ngờ. Nhận người làm, nó thử kỹ lắm. Nó vứt tiền ở đâu đó quanh nhà rồi bí mật theo dõi. Nếu nhặt được mà nộp cho nó thì nó giữ lại làm, nếu bỏ túi thì nó đuổi chứ nó không biết thương người nghèo. Mà nghèo thì do bị nó bóc lột gây ra chứ còn ai vào đấy. Địa chủ còn hay giả dối, ai chào nó, nó cũng chắp tay ra vẻ lễ độ: “Không dám ạ” nhưng bụng thì đầy mưu mô toan tính. Không toan tính thì làm sao nó giàu như vậy.
Cứ xong mỗi câu chuyện kể, anh trung đội trưởng vung nắm tay thẳng lên:
- Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược!
- Đả đảo Thiệu - Kỳ bán nước!
Chúng tôi cũng hô theo 3 lần:
- Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!


Cứ mỗi lần hô, thấy một cảm giác căm thù, rần rật chạy khắp người. Có thằng còn chảy cả nước mắt.
Tôi không biết quân lực Việt Nam Cộng hòa huấn luyện quân như thế nào, nhưng cách luyện quân của miền Bắc tôi cho là khá công phu về rèn luyện gian khổ và về giáo dục chính trị tư tưởng. Có điều hơi lạ là từ khi tân binh cho đến các đơn vị tôi đã qua sau này, không thấy dạy cho lính về ứng xử. Văng tục, kể chuyện đểu, trêu ghẹo phụ nữ thoải mái. Vì vậy có câu “đói tán ăn, no tán phét”. 
Những ông có vợ bô bô kể cho đám chưa vợ chuyện buồng the, không né tránh bất kỳ chữ nào tế nhị. Tôi vào lính, ban đầu thấy rất ngạc nhiên, nhưng mãi rồi cũng thành quen. Việc này không khuyến khích, tất nhiên rồi nhưng cũng không nhắc nhở hoặc ai thích nhắc thì nhắc. Có cô nuôi quân hỏi ông chính trị viên, thủ trưởng cho em mượn đèn pin cái. Ông thản nhiên bảo, ở trong túi quần ấy. Cô này thọc tay vào thì túi thủng nên chạm vào “đèn pin” của thủ trưởng. Cô ta hét lên bỏ chạy. Lại ông chính trị viên khác, ngồi xuống bắt chước chị em tiểu tiện, tay gãi gãi, đám nuôi quân xấu hổ che mặt: “khiếp”. Thằng Di tiểu đội trưởng thấy một cô đi ra hướng nhà vệ sinh (dùng chung), nó chạy ra tranh chỗ. Lúc ấy trời tối om. Nhà vệ sinh thì thấp nên cô phải hạ quần từ ngoài rồi đưa mông vào, chạm ngay mặt thằng Di. Thằng này không nhịn được, phì cười. Cô bé rú lên: “Trời ơi, có ai khổ như tôi thế này không”, rồi chạy mất.
Kể vài mẩu chuyện cho vui, chứ ở đâu cũng có những chuyện tương tự, có điều là ít hay phổ biến mà thôi.
1/1/2016
Kỳ 1: ĐI BỘ ĐỘI

 

  KHUNG HUẤN LUYỆN 

 (Hồi ức kỳ 3)

Nguyễn Tường Thụy
 
Sau mấy tháng huấn luyện, đại đội tôi có 6 đứa được cử đi học ở tiểu đoàn huấn luyện (gọi là trường huấn luyện cũng được) rồi ra làm tiểu đội trưởng khung. Sau khi về trường, có hai đứa bị trả về đơn vị cũ vì khi xét lại lý lịch chúng nó không đủ tiêu chuẩn vì là người công giáo.
Học gần 4 tháng thì ra trường, về các đơn vị làm tiểu đội trưởng huấn luyện, gọi là cán bộ khung. Thực ra về mặt chính thức thì cấp úy trở lên mới gọi là cán bộ, binh nhì đến thượng sĩ là hạ sĩ quan - chiến sĩ nhưng có nhiều trung đội trưởng hay đại đội phó cũng chỉ là thượng sĩ nên sự phân loại này không chuẩn lắm. Chuẩn úy đến trung úy là cán bộ trung cấp, thượng úy đến trung tá là cán bộ trung cấp, thượng tá trở lên là cán bộ cao cấp.
Khung huấn luyện gồm tiểu đội trưởng trở lên và bộ phận phục vụ như nuôi quân, y tá. Tiểu đội phó được chỉ định từ tân binh. Sau mỗi khóa huấn luyện thì giao quân cho đơn vị chiến đấu. Tuy vậy không phải là cứ khung thì ở lại. Người đi cùng lính thường là trung đội phó, khi ấy giữ quyền trung đội trưởng. Cũng có đợt toàn bộ khung huấn luyện đều ở lại. Tiểu đội trưởng chức bé nhất trong khung (nếu trừ bộ phận phục vụ ra) nhưng lại là người trực tiếp huấn luyện tân binh nên ít khi phải đi. Ở các đơn vị, chúng nó truyền cho nhau câu:
Bao giờ mọt đục súng trường
Thì thằng A trưởng mới lên đường đi B.

Vì vậy đứa nào tích cực được cử đi học về làm trung đội phó dễ đi B hơn. Hồi ấy, chúng nó sáng tác ra tiêu chuẩn chọn lựa của con gái “đẹp trai, con nhà giầu, cán bộ khung không phải đi B”.
Chương trình huấn luyện cho tân binh là những bài vở mà khi mới nhập ngũ và khi ở trường chúng tôi đã được học. Có khi thêm bớt một chút tùy theo yêu cầu lúc đó. Thời gian huấn luyện thường là 3 tháng rồi đi chiến đấu. Có khi đang huấn luyện dở vẫn lên đường, vừa đi vừa huấn luyện.
Làm tiểu đội trưởng thì phải có trách nhiệm đối với 12 con người nhưng được chủ động hơn, có quyền sai bảo lính như trước đây tôi vẫn bị sai bảo. Điều thú vị hơn cả là sau mỗi đợt giao quân, có thời gian trống một vài tháng. Tuy vẫn phải sinh hoạt, lao động nhưng thoải mái hơn là khi có quân.
Thời gian không có quân có khi đi tập huấn, đi kiếm tre, gỗ về làm lán trại. Gỗ vào rừng chặt, tre đi xin. Xin hết lượt rồi thì vào rừng chặt cả tre của dân. Nhu cầu nhiều thì phải lên rừng cách 30 km khai thác tre nứa. Có đợt khai thác, nữ nuôi quân cũng phải đi. Trên đường đi, vô tình gặp ngay thằng đào ngũ từ khi lớp tân binh cùng nó đi B, dân tộc Mường. Thấy chúng tôi, nó sững lại không kịp chạy, mà chạy cũng không thoát. Chúng tôi bắt nó nhập đoàn luôn. Nó cứ thế theo chúng tôi, dù nó chẳng mang theo tư trang gì. Có thêm nó thêm nhân lực đã đành, nó lại thông thạo địa hình, lại người cùng dân tộc trong vùng. Đợt ấy tháng giáp tết, vất vả lắm, mưa rét cũng phải vào rừng, vắt bò khắp người. Con gái còn khổ hơn vì sinh hoạt ở vùng dân tộc còn nguyên sơ, lao động lại vất vả, vừa vác tre vừa khóc. Dù vậy ai cũng phải cố làm cho đủ đóng bè sớm mà còn về. Chúng tôi sinh hoạt trong một khoang nhà sàn. Ngủ thì 6 thằng con trai 1 bên, 3 đứa con gái 1 bên, cách nhau chỉ 1 gang tay. Tôi được phân công nằm ở giáp ranh, có lẽ chúng nó thấy tôi nghiêm túc. Ngày lao động mệt, đêm ngủ say nên cũng hãi lắm. Chỉ sợ trở mình quơ tay sang bên cạnh thì nguy. Vì vậy, tôi luôn phải nằm nghiêng, quay lưng về phía con gái cho chắc.
Lo đủ tre nứa rồi thì làm lán. Mỗi trung đội có 5 thằng cán bộ khung phải làm lán cho cả trung đội ở. Vì vậy thằng nào cũng biết dựng nhà đơn giản, từ đục đẽo kèo cột, đến đánh gianh lợp mái.
Tuy vậy, thời gian được chơi cũng nhiều. Thỉnh thoảng xin thủ trưởng tụt về nhà dăm ngày, gọi là tranh thủ vì chiến tranh không được nghỉ phép. Có khi cả ban chỉ huy đại đội đi tập huấn, giao cho một trung đội trưởng phụ trách chung, thế là càng thoải mái. Lúc này tôi mới biết thế nào là kèo, cột, đòn tay, rui, mè, đòng nóc.
Khi ra huấn luyện quân, tôi không ngoan như hồi tân binh. Nó có nhiều nguyên nhân, ví dụ như tôi biết hơn trước, nhiều cán bộ cấp trên tôi không thích vì họ không giống như mấy ông thủ trưởng đầu tiên của tôi. Tôi việc gì cũng hoàn thành tốt, lính cũng có kỷ luật hơn nhưng vì bướng nên tôi được coi là thành phần chậm tiến. Có lần tôi nghe giảng chính trị dở hơi quá, liền ngáp một cái. Thủ trưởng dừng lại hỏi: “Đồng chí nào ngáp đấy?” Tôi đứng lên luôn, giọng thách thức: “Tôi đấy”. Chả tôi thì ai, biết nhận việc mình làm là tốt chứ. Nhưng sau nghĩ lại, mình thế là không phải.
Tụi chúng tôi đa phần chưa vợ nên việc tích cực “làm công tác dân vận” là điều dễ hiểu. Đứa nào cũng yêu một cô gái làng. Yêu thật chứ không phải yêu chơi, cũng thề non hẹn biển cẩn thận. Nhưng cuối cùng, chẳng cặp nào lấy được nhau do sau đó lại đi xa. Nói chung, chúng nó toàn yêu được hoa khôi trong làng, bản, cô nào cũng xinh. Không hiểu tại sao, con gái đơn vị cũng nhiều, ít ra mỗi đại đội cũng có 1 tiểu đội nuôi quân nữ mà không thấy yêu nhau, đúng ra là có nhưng ít. Có lẽ tại bụt chùa nhà không thiêng.
Thằng Lê yêu một cô cách chục cây số. Có lần chẳng hiểu nghĩ sao, nó thử người yêu, viết thư bịa rằng, anh bị mảnh lựu đạn văng trúng vào mắt phải khi đang luyện tập, phải vào quân y viện cấp cứu. Bác sĩ bảo phải thay mắt giả, đời anh mờ rồi em ơi. Ý em thế nào, nếu vẫn còn thương anh thì viết thư cho anh biết. Nó cũng cẩn thận dặn, nhưng em đừng đến thăm vì họ không cho vào đâu. Thư chưa kịp gửi, nó giấu ở đầu giường rồi đi công tác, bị tôi phát hiện ra, đọc tướng lên cho cả trung đội nghe. Xong tôi lại chuyển bức thư ấy thành thơ song thất lục bát, bịa thêm vài chi tiết vào cho nó thêm hài. Lính khoái, thay nhau chép vào sổ tay. Nó về tức lắm nhưng được cái hiền, chỉ làu bàu mấy câu rồi thôi.
Tôi cũng bắt chước chúng nó yêu một cô. Không may trúng phải gia đình mà thủ trưởng tiểu đoàn hay la cà ở đấy, chẳng biết mục đích gì, chỉ biết là thủ trưởng đã có vợ rồi. Tôi bị điều sang đại đội khác, không biết có phải vì tội yêu cô ấy không nhưng vẫn hai hãi, sợ đời tàn.
Giáp tết năm 1972, tướng Giáp ở trong miền Nam ra, dừng lại sư đoàn bộ, cách đơn vị tôi 30 km. Chúng tôi được lệnh hành quân, đi từ sớm nhưng chẳng biết đi đâu, làm gì. Tới nơi tập trung đợi 1 giờ thì ông Giáp xuất hiện. Ông nói chuyện vài tiếng về tình hình chiến trường, cục diện chiến tranh, động viên binh lính, chúc tết. Nghe xong, chúng tôi lại lục đục hành quân về. Có tiểu đoàn đang trên đường hành quân nhưng ông Giáp đi rồi nên quay lại.
Khi huấn luyện quân, vất vả nhất là phải đi bắt lính trốn, nhưng ra khỏi đơn vị thì được bù lại bằng tự do. Lính trốn không phải là đứa nào cũng đào ngũ. Đào ngũ là đứa trốn biệt. Khi rục rịch đi B đào ngũ nhiều hơn. Có đứa gia đình viết thư lên: “Con phải cao bay xa chạy thì thân mới toàn con ạ”. Có đứa trốn chỉ vì nhớ nhà. Mỗi khi lính trốn, lại phải về địa phương đưa nó lên, gọi là “Vận động quân nhân bỏ ngũ về đơn vị”, theo như chữ ghi trong giấy giới thiệu. Nếu số lính trốn có đứa ở cả tiểu đội khác thì cấp trên vẫn cử tôi đi vì lần nào cũng đem được lính về. Trong một cuộc họp có thằng khen đểu, đề nghị tôi được giấy khen vì “đồng chí Thụy bắt đào ngũ có kinh nghiệm”. Ý nó là tôi làm công tác tư tưởng không tốt để lính trốn nhiều nên mới phải đi bắt nhiều, bắt nhiều thì có kinh nghiệm. Họp xong tôi chửi nó, mày đểu, nó nhe răng ra cười đắc chí lắm.
Có đợt 4 đứa trốn, tôi phải đi bộ đến xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, cách đơn vị hơn 40 km. Đi từ sáng sớm, tối. Đến nơi mới biết chúng nó rủ nhau về ăn rằm. Chúng nó và cả gia đình sợ quá, bảo định mai ăn rằm xong sẽ lên nhưng anh đã mất công về đây thì sáng mai em nó lên. Tôi bảo, thôi, trót về rồi, mai cứ ở nhà ăn rằm, ngày kia đi. Cả nhà mừng rỡ khong ngờ “thủ trưởng” tâm lý thế. Khi lên, rất may có một chiếc com măng ca của anh lính nào đó tạt về bản, chắc là anh chở thủ trưởng về nhà rồi được tự do. Anh cũng phải đi cùng ngày lại cùng đường nên chở cả bọn về. Hết đường đi chung thì chúng tôi xuống, chỉ phải đi bộ 5 km nữa là về đơn vị. Tất nhiên về đơn vị tôi giấu chuyện thả cho lính ở nhà ăn rằm.
Có lần phóng viên về viết bài. Mấy hôm sau thấy đăng trên báo, có chuyện đồng chí Bùi T lấn cấn gia đình bỏ đơn vị về, được cán bộ động viên nên hăng say luyện tập, Khi lên đường nhận nhiệm vụ mới thì rất yên tâm. Tôi biết bài báo nói về thằng Tấn, quân của tiểu đội tôi. Lúc phóng viên về thì nó đã trốn biệt từ lâu rồi. Khi ấy, tôi mới biết báo chí xạo, chứ trước đó ai cũng tin đài báo nên có câu “đài bảo, báo đăng”, “cãi đài à” ý là đã đăng báo, phát lên đài thì không thể sai được.
Không chỉ tân binh, cán bộ khung cũng trốn nhưng là lúc không có quân. Tôi không trốn bao giờ, xin được thì về, lên đúng ngày, nhưng lại sẵn sàng đồng lõa với đứa trốn. Thằng bạn tôi người ngoại thành Nam Định, trốn về nhà ăn tết, chỉ nói riêng với tôi. Tôi cũng thích nó về vì nó sẽ phải xuống nhà tôi, tôi được gửi thư, nhận thư và nhất là khi lên, nó sẽ kể cụ thể gặp bố mẹ tôi như thế nào. Chính trị viên thấy tôi thân với nó hỏi: “Thằng Lượng đi đâu?”. Tôi thản nhiên bảo, em không biết, em có quản lý nó đâu. Nó chẳng báo cáo gì em cả. Chính trị viên không tin là tôi không biết nhưng không biết nói thế nào. Tối hôm ấy 28, gói bánh chưng tết, mấy đứa bảo mày cho thằng Lượng về, mày phải gói thay cho nó. Tôi bảo nó có được chia bánh chưng đâu mà nó phải gói.
Tết ấy, tôi nhớ nó, làm bài thơ trong đó có mấy câu:
Mưa giăng đất Dệt tứ bề
Năm nay Nam Định xuân về chắc vui
Ở miền rừng núi xa xôi
Tết tha hương đến ngậm ngùi, xót xa.
Đọc thì nghe cũng hoành tráng lâm ly nọ kia lắm, chứ có ai biết tôi viết tặng một thằng trốn đơn vị.
Lúc ấy không có quân, Giao thừa cả đại đội còn mươi lăm đứa, ngồi uống rượu mầu với nhau, nghe đài, nghe Chủ tịch nước chúc tết rồi thủ trưởng chúc tết. Tàn giao thừa thì bật khóc, nhất là mấy nữ nuôi quân.
Chuyện cán bộ đánh lính tuy không phổ biến nhưng vẫn xảy ra. Chẳng thằng nào bị kiểm điểm vì đánh lính. Có thằng trung đội phó gọi cả 5 đứa vừa đào ngũ lên, bắt sắp hàng rồi lấy roi lần lượt quật từng đứa, nhưng chúng không dám kêu ca gì. Cũng như bây giờ, dân đánh công an thì coi chừng bị khép tội chống người thi hành công vụ, còn công an đánh dân thì gần như không thể kiện được trừ khi không may nhầm phải người nhà của ông lớn nào đấy vì điều tra vụ án cũng là công an, cũng là đảng lãnh đạo.
Ngoài bỏ ngũ, lính phản ứng bằng cách cáo ốm cũng nhiều. Vì vậy, nghị quyết luôn luôn phải đề cập đến việc chống hữu khuynh tiêu cực, nằm ỳ. Tôi không hiểu sao, hữu khuynh hay tả khuynh đều không tốt cả, nhưng không thấy chống tả khuynh bao giờ. Biện pháp đối với lính nằm ỳ là ví dụ cho tả khuynh. Đứa nào giả ốm thì bắt những đứa khác khiêng ra thao trường, cho nằm đấy, tập xong lại khiêng về. Vì thấy đồng đội phải khiêng nên cũng nể, hôm sau không dám kêu ốm nữa. Có đứa giả ốm, cán bộ không cho ăn cơm mà báo cháo cho nó với lẽ ốm thì phải ăn cháo. 
Ăn cháo mau đói nên cũng sợ. Mấy biện pháp này xem ra cũng có hiệu quả. Ngoài ra còn bị họp kiểm điểm. Tuần nào cũng họp định kỳ đã đành, cứ có một vụ vi phạm thì mang ra kiểm điểm. Mang ra tiểu đội, trung đội hay toàn đại đội thì tùy theo mức vi phạm. Đứa nào vi phạm thì phải đọc bản kiểm điểm rồi cho đơn vị góp ý, phân tích tội trạng, cuối cùng đề nghị mức kỷ luật. Những cuộc họp này bao giờ cũng nâng thành quan điểm. Ví dụ trốn đơn vị về thì phân tích nâng dần lên thành ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Đến đồng hương ở đơn vị khác chơi, ăn cơm ở đấy thì nâng lên thành ăn vào xương máu của đồng đội. Thực chất những cuộc họp kiểm điểm này là những cuộc đấu tố.
Nói về thằng Lượng, tôi muốn kể thêm mấy dòng nữa về nó. Nó là thằng thân với tôi nhất. Nó khai sáng cho tôi bao nhiêu điều ngu dại vì nó dân ngoại thành, còn tôi là dân quê, gọi theo ngôn ngữ hồi ấy là tẩm. Có lần nó được cử đi học lớp trung đội phó, nhưng lên đến trường thì bị trả về. Nửa đêm, nó về mò vào chỗ tôi ngủ. Tôi thương nó, rút ra 5 đồng còn lại trong túi đưa cho, cứ như bù lại thiệt hại bị đuổi về của nó vậy. Bố mẹ tôi gửi cho 10 đồng, tôi cũng rủ nó ra bưu điện lĩnh, chia mỗi đứa một nửa.
Chuyện thằng Lượng đi học bị đuổi về, chúng tôi biết ngay lý do. Chả là nó thân với ông chính trị viên phó tiểu đoàn, người đồng hương nên ông này trực tiếp gọi nó đi học, không thông qua đại đội. Đi học rồi thì chính trị viên đại đội vốn ghét nó mới làm đơn kiện. May mà nó bị trả về chứ lên trung đội phó, nó còn đi B sớm hơn.
Sau đó chẳng hiểu thế nào, nó chẳng đi học gì, tự nhiên được phong lên trung đội phó, phong luôn cả quân hàm để dẫn lính đi B.
Tôi không trốn, chẳng tích cực cũng chẳng vi phạm gì, chỉ biết hoàn thành công việc của mình. Chỉ có một lần bị đưa ra đơn vị nhắc nhở vì trong sổ tay chép thơ Nguyễn Bính. Chẳng riêng gì tôi, những thằng khác cũng thích, cứ thế đọc nghêu ngao. Đại đội trưởng lúc ấy có văn hóa đại học. Ông nói đấy là văn hóa đồi trụy, sản phẩm của thực dân phong kiến, là chất độc ghê gớm ru ngủ con người, làm nhụt ý chí chiến đấu. Ông bảo việc này lẽ ra phải truy tố trước pháp luật, nhưng hôm nay chỉ nhắc nhở thế.
Trước mỗi đợt đi B được “vỗ béo” 1 tháng. Tiêu chuẩn bình thường (đại táo) 7 hào mốt, được thêm 3 hào. Khung thì đứa được ăn bồi dưỡng, đứa không.  Đứa nào không được ăn, yên trí là không phải đi B đợt này. Mấy đứa ăn ở bên bồi dưỡng nhìn sang bọn ăn tiêu chuẩn thường mà… thèm. Tuy vậy, có khi đến trước lúc đi B lại thay đổi. Có đứa không được ăn bồi dưỡng vẫn cứ phải đi như thường. Cũng có khi ăn bồi dưỡng, có da thịt rồi nhưng vẫn chưa đi.
Đến khi đi B được phát hoàn toàn mới, từ ba lô, quần áo ga-ba-đin, quần áo lót, khăn mặt, tăng võng, mũ, giày dép (có cả cuộn quai dép dự phòng), dây lung đỏ. Ngoài ra mỗi đứa 1 lạng mì chính, 1 kg đường ép khô, ép thành từng thỏi vuông, mấy kg lương khô. Mỗi tổ 3 người được phát 1 bật lửa dùng xăng hay dầu hỏa, chục viên đá dự phòng, tiểu đội trưởng được hẳn 1 cái. Nói chung là trang bị đầy đủ, tất cả đều của Trung Quốc, không nhếch nhác như hồi mới nhập ngũ. Trông lính đi B oai hơn cán bộ khung nhiều. Đồ cũ được thu lại dùng cho tân binh theo đúng nguyên tắc cấp mới thu cũ.
Mỗi lần giao quân đi bùi ngùi, cảm động lắm. Hàng ngày huấn luyện, quát tháo lính như thế, đến khi chúng nó đi thương vô cùng. Tàu chạy rồi, đám khung chúng tôi đứng nhìn theo xúc động. Mỗi lần như thế, tôi hay nghĩ đến câu thơ Nguyễn Bính:
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
Có nhiều đứa không kìm nén được cảm xúc. Không khóc lóc, nói lời đau xót nhưng nước mắt cứ thế ròng ròng. Sau khi giao quân về, chính trị viên họp nhắc nhở, không được tỏ ra ủy mị, ảnh hưởng đến tính thần chiến đấu của lính.
***
Tham gia huấn luyện tân binh được mấy khóa, tôi tiếp tục đi sâu vào phía trong. Sau chiến tranh, tôi mới có điều kiện đi học tiếp.
Các nhà văn nhà báo và cả nhà thơ nữa viết về chiến tranh đều hào hùng cả. Phim ảnh cũng vậy. Những khoảng mờ phía sau sự hào hùng ấy thường bị che khuất. Sau chiến tranh, có nhiều tác giả nhìn nhận lại với nhãn quan khách quan hơn. Nhưng thôi, đó là việc của các “nhà”, còn tôi chỉ là người thích viết. Cuộc đời bộ đội của tôi chẳng có gì oanh liệt, chỉ kể vài mẩu ký ức vặt còn nhớ được để giữ lại làm kỷ niệm, ai hiểu thế nào thì hiểu. Có điều rằng, trong 3 kỳ hồi ức này, tôi chỉ kể chuyện có thật, cố gắng không để quan điểm chính trị chi phối. Riêng tên nhân vật thay đổi toàn bộ, chỉ trừ tên người kể chuyện.
Dù tẻ nhạt, vô vị  nhưng nó chiếm cả khoảng đời sung sức nhất của tôi.
3/1/2016
HẾT

No comments:

Post a Comment