Pages

Monday, February 27, 2017

VÕ KỲ ĐIỀN * BUỔI ĐẦU GẶP NGƯỜI THƠ

   BUỔI ĐẦU GẶP NGƯỜI THƠ
 VÕ KỲ ĐIỀN

Một buổi tối năm 1986, thi sĩ Ðỗ Quí Toàn có nhã ý tổ chức một buổi hợp mặt trong vòng thân hữu, các văn nghệ sĩ Montréal tại nhà. Thuở đó tôi mới làm quen với văn giới, thường chỉ liên lạc với anh em báo Dân Quyền. Tôi quen biết vài bạn văn gần gũi và hầu như còn xa lạ các bạn phuơng xa. Nhà anh Ðỗ Quí Toàn trong khu Mont -Royal sang trọng nên dễ kiếm. Căn phòng dưới nhà tuy hơi nhỏ nhưng trang hoàng đẹp đẽ, trang nhã, ánh đèn vàng cam dìu dịu ấm cúng, tôi chú ý ngay đến pho tượng đồng đen huyền, đặt trên chiếc bệ nhỏ sát tường, tuợng đức Phật ngồi trong tư thế kiết già, tay bắt ấn, nét mặt    dịu dàng, ngực nở rộng bụng thon nhỏ. Ðó là phó bản một tượng Phật cổ Trung Á nổi tiếng thời Con Ðường Tơ Lụa, đường nét thẩm mỹ đạt mức tuyệt hảo, tôi đã xuýt xoa trầm trồ chiêm ngắm ở Bảo Tàng Viện bên Luân Ðôn (British Museum) năm ngoái, cứ mãi hối tiếc đã bỏ lỡ cơ hội không mua. Thi sĩ chủ nhân họ Ðỗ đã mua được từ hồi nào không biết và chưng bày trang trọng nơi đây.
    Bắt đầu buổi mạn đàm thơ văn, chúng tôi được mời ngồi trên những tọa cụ. Lần đầu tôi được nghe và biết một vật dụng thiền phòng. Ðó là những chiếc gối vải tròn nhỏ dùng để ngồi, đặt trên sàn gỗ bóng, đây đó những bức tranh thủy mặc Trung Hoa, những chậu trúc xanh cao, gian phòng phảng phất phong thái thiền vị lẫn thi vị. Chủ nhân có nhã ý giới thiệu từng khách tham dự, để mọi người quen biết nhau, đối đãi nhau trong tình anh em văn hữu, không phân biệt tuổi tác, địa vị. Nhân đó tôi được biết những vị mình hằng nghe qua tên tuổi, hâm mộ mà chưa từng hân hạnh làm quen..
    Trước hết là vị lớn tuổi ngồi hàng đối diện, xéo bên phải, vóc người gầy cao và ốm, mặc áo lục bình xám như cư sĩ tại gia, điềm đạm trầm mặc, im lặng như một thiền sư, đó là bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, (cựu Tổng Trưởng Bộ Thanh Niên của Việt Nam Cộng Hòa), người cùng Ðỗ chủ nhân đã bỏ nhiều công sức, tiền của sáng lập Làng Cây Phong ở Montréal. Cạnh bên, người cao lớn gân guốc, giọng nói to và mắt sáng mạnh, là ông Tôn Thất Thiện, (giáo sư đại học), người trẻ tuổi hơn, mặt mũi phương phi, chững chạt, đẹp trai là dân biểu VNCH Nguyễn Hữu Chung, anh bạn đồng song Hoàng Chiều Nhân đạo mạo, nhà văn Hồ Ðình Nghiêm trẻ trung, rồi thi sĩ  Lưu Nguyễn, thi sĩ Hoàng Xuân Sơn, thi sĩ Bắc Phong, mỗi người một sắc thái. 
     Tôi lần đầu tập ngồi xếp bằng trên tọa cụ, tuy có êm nhưng thiệt tình không thoải mái chút nào, tôi làm sao có thói quen tốt ngồi thiền khó khăn như vậy. Cái quần vải tây thô cứng, chật chội thật khó xoay trở, cứ chút chút phải thò chưn ra cho đỡ mõi.  Rồi tôi nghe giới thiệu tới vị ngồi đối diện, trạc tuổi tôi, người ốm ốm đen đen, dáng rắn rỏi nhưng thoạt trông da dẻ như cây khô nhăn nheo thiếu nước, đoán rằng gốc người miền Trung, tên tuổi quen thuộc nầy tôi đã từng biết nhiều qua các báo Bách Khoa, Văn, Văn Học, Khởi Hành... trên 20 năm về trước. Ðó là thi sĩ Luân Hoán.
    Tôi nhìn kỹ hơn nhà thơ mình hằng ái mộ, à té ra anh chàng nầy ngoại hình cũng giống mình (hay mình cũng giống anh ta!) cũng ốm ốm đen đen, cũng ngồi đưa hai chưn thẳng đơ ra trước, không xếp bằng đúng cách gì ráo trọi, giữa những vị thiền sư hoặc cố gắng tập làm thiền sư, gần bên. Tôi có đồng minh rồi và chịu anh chàng nầy quá. Vì ngồi đối diện nhau, nên khi vừa nghe chủ nhân giới thiệu xong, tôi gật đầu chào và anh bạn mĩm cười chào đáp lễ. Tôi thiệt tình vui mừng. Không ngờ đời mình lại có ngày quen đuợc những người danh tiếng, trong đó có thi sĩ nổi danh Luân Hoán. Vừa vui mừng xong tôi lại giựt mình. Anh bạn người Trung đen đen ít nói nầy là thi sĩ nổi tiếng Luân Hoán đó sao, có thiệt vậy không. Tôi phân vân mà tự hỏi?
     Ngày xưa tôi có học với thi sĩ Nguyên Sa, người mập mập, bụng phệ, cái môi trề trề, miệng luôn cười nói tươi vui. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền thì mặt nhiều mụn, bàn tay thon đẹp và nói năng hùng biện lưu loát, tuy không đẹp trai nhưng cử chỉ thái độ rất hấp dẫn, quyến rủ. Thầy Vũ Hoàng Chương thì ốm nhom, ăn mặc chải chuốt, thái độ hào hoa phong nhã... và hình như các người có vóc dáng cử chỉ, hình tướng đặc biệt như vậy mới làm thơ hay được. Thi sĩ Luân Hoán ngồi trước mặt tôi đây, sao thấy là lạ, không giống mấy thầy thi sĩ của mình.
    Hồi mới vô làm hãng điện tử Philips ở Saint-Laurent (Québec) có anh bạn đồng nghiệp được hãng nhận vào tập sự, tự xưng là thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Tin hấp dẫn lan nhanh như dòng điện xẹt trong đám gốc Việt da vàng. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng mà cũng xin vô Philips tụi mình! Các cô bu quanh thi sĩ và sung sướng hãnh diện. Cô bạn ngồi bên cạnh đến giờ nghỉ, đến làm quen và xin chữ ký. Tôi cũng tò mò hỏi thăm vài chi tiết, được biết anh bạn thi sĩ Cung Trầm Tưởng đó nói giọng Hà Nội trau chuốt nhưng nhỏ hơn tôi gần 20 tuổi...
    Vậy thì trường hợp thi sĩ Luân Hoán trước mặt tôi đây, có phải như Cung Trầm Tưởng ở Philips hồi trước không? Tôi thầm xin lỗi anh bạn mới gặp, mà phân vân tự hỏi ?  Nhìn hình dáng anh bên ngoài có thể là kỹ sư (mấy ông kỹ sư thường vóc dáng khô khan, tay chưn thô cứng..) cũng có thể gốc nhà binh (mấy ông quân đội cũng giống như kỹ sư vậy, đàn ông mạnh bạo mà, còn bộ đội thì xấu hơn nữa. Do đọc nhiều sách báo, tôi cứ tưởng là giới văn nghệ sĩ thường có vóc dáng mảnh mai, dịu dàng, đeo kiếng cận thị nặng, khá đẹp trai, càng trắng trẻo, càng xanh xao như Kim Trọng hay Lục Vân Tiên ngày xưa, như Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương... bây giờ thì mới đúng).
    Vì là khách mới tham dự lần đầu nên tôi rụt rè, ít nói. Thi sĩ Luân Hoán cũng không nói, thỉnh thoảng chúng tôi nhìn nhau, mãi cho đến khi anh Ðỗ Quí Toàn giới thiệu tập thơ mới ra lò còn thơm mùi giấy mực mới, có hình của thi sĩ ở lưng bìa sau, tôi mới yên lòng, tin cái ông đen đen rắn rỏi nhưng khô khan đang ngồi trước mặt mình là thi sĩ Luân Hoán thứ thiệt. Hình như lúc đó anh mới từ Việt Nam qua nên trên làn da còn dính nhiều nắng mưa, gió bụi. Buổi mạn đàm diễn ra trong bầu không khí thật ấm cúng và thân tình. Có lúc chủ nhân mời thi sĩ Luân Hoán nói vài lời về tập thơ mới xuất bản và ngâm một hai bài trong đó. Nhưng Luân Hoán đã từ chối - anh không có thói quen nói trước đám đông, đồng thời không bao giờ nói về thơ mình.  
   Anh tặng chúng tôi mỗi người một quyển thơ và góp mặt với nụ cười lặng lẽ trong suốt buổi họp, cho tới khi chia tay. Phải thiệt lâu, nhiều năm sau đó tôi mới được biết anh Luân Hoán bị thương mất bàn chưn trái trong cuộc chiến, tôi mới hiểu tại sao anh ngồi trên tọa cụ không bao giờ xếp bằng mà chưn lại đưa thẳng ra (tôi chưn cẳng lành lặn mà cũng duỗi thẳng ra như anh, thiệt là tệ.!.).
          Cho tới bây giờ sau gần 20 năm, tôi có dịp gặp gỡ thêm nhiều văn hữu, tham dự nhiều buổi mạn đàm văn thơ, nhưng buổi gặp gỡ anh Luân Hoán ở nhà thi sĩ Ðỗ Quí Toàn gây cho tôi nhiều ấn tượng vừa êm đềm vừa sâu sắc. Tượng Ðức Phật mĩm cười, trầm mặc, bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng tiên phong đạo cốt, điềm nhiên tự tại, thi sĩ Luân Hoán đơn sơ đen đúa, cười nói nhỏ nhẹ, căn phòng giống thiền phòng của Ðỗ chủ nhân, giọng bình văn của giáo sư Hoàng Chiều Nhân, giọng ngâm thơ hào sảng của thi sĩ Bắc Phong... các câu chuyện văn chương, cuộc đối thoại mạn đàm vừa phải tế nhị, tương kính, phong nhã, căn phòng như ấm hẳn lên đầy không khí thi vị, dù ngoài trời Montréal đang cơn giá buốt...        
                                                      
                                                                +++
   Tôi vốn học về thơ, thích thơ, mê thơ tha thiết nhưng không biết làm thơ. Nhờ tham dự buổi họp mặt thân hữu tối hôm đó, tôi mới cảm nhận được cái dây liên hệ mật thiết giữa thơ và thiền. Thơ là gì và thiền là gì. Hình như cả hai giống nhau, giống nhau ở chỗ không giải nghĩa được.
   Thi sĩ Bùi Giáng đã có lần nói: con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, còn thơ là gì thì ta không biết’. Ðã không biết thơ là gì thì dù có nói muôn ngàn lời cũng vô ích. Cứ im lặng và làm thơ đi. Thời gian sẽ nói dùm, có phải những câu được viết ra đó là thơ không? 
   Cũng như hành giả hành thiền vậy, thiền làm gì có cửa mà đòi vô. Cho nên quyển sách dạy Thiền nổi tiếng có nhan đề là Vô Môn Quan (cái cửa ải mà không có cửa).                           
   Im lặng và làm thơ, Luân Hoán đã thực hiện được. Anh làm thơ lúc trẻ, thuở trung niên cho đến tuổi xế già, đi, đứng, nằm, ngồi, cả một đời mê thơ, làm thơ, làm thơ và làm thơ không ngừng nghỉ..Anh mải miết làm thơ và không nói, không hề nói, đối với người thường, quả thiệt là khó khăn. Anh sống từ tốn ung dung, bình thản, bên ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng bên trong lại ấm áp, thân mật.  Giao tiếp với anh một thời gian dài, tôi chợt thấy được điều nghịch lý trong con người anh. 
    Ngày xưa mấy ông thiền sư đã từng nói những câu thiệt là rắc rối ‘núi xanh không phải là núi xanh, mà là núi xanh’. Hình ảnh Luân Hoán, buổi gặp gỡ đầu tiên ở nhà Ðỗ Quí Toàn tôi không thế nào quên được, do đó tôi bắt chước cách lý luận theo mấy thiền sư bên Tàu, tạm nhận xét ông bạn thi sĩ dễ thương mà ít nói: “thi sĩ Luân Hoán là người của đám đông, cũng không phải là người của đám đông nhưng thật sự là người của đám đông”
Võ Kỳ Ðiền
viết nhân chuyến đi chơi Panama gặp
Lê Hân, em Luân Hoán, 2004 August

Wednesday, January 11, 2017


SƠN TRUNG * EM CHỢT ĐẾN





EM CHỢT ĐẾN 
 SƠN TRUNG

 Tôi đang thong thả dạo bước trong Laurent Center thì tôi bỗng đứng sững lại trước một bích chương quảng cáo rất lớn dán trước cửa hàng The Bay. Tấm hình quảng cáo này chụp hình một thiếu nữ rất đẹp, rất sống động, nửa Á, nửa Âu. Trông nàng rất giống Thanh Hương, người bạn năm xưa của tôi. Tôi đứng ngắm nàng gần nửa giờ đồng hồ, mà lòng bỗng dâng lên bao cảm xúc mạnh mẽ như những đợt sóng cuồn cuộn ngoài biển khơi lúc bão tố.

Năm ấy, tôi là sinh viên Đại học năm thứ nhất, mùa hè tôi thường đi chơi khắp nơi với bạn bè, la cà suốt ngày, từ nhà nọ đến nhà kia. Trong cuộc giang hồ vặt đó, một hôm anh bạn sinh viên vốn là anh họ của nàng đã dẫn tôi đến chơi nhà nàng tại khu Chí Hòa, và nói rằng nàng có rất nhiều bạn trai. Từ đó tôi quen nàng, thỉnh thoảng tôi đến thăm nàng, và hai chúng tôi nói chuyện trên trời dưới đất rất vui vẻ và nghiêm chỉnh. Nàng hơi thấp, dáng mập mạp, mạnh khỏe, da trắng, mũi hơi cao, đôi mắt nửa nâu nửa đen. Sau này ra ngoại quốc, tôi mới thấy dáng dấp và thân hình của nàng rất giống với các thiếu nữ xứ Bắc Mỹ. Không biết mấy đời trước, gia đình nàng có ai kết hôn với người châu Âu hay không mà nàng lại có cái đẹp tây phương. 
Nàng người Huế, cha mẹ có nhà tận Nhà Bè, Gia Định. Một lần, anh bạn sinh viên của tôi đã dẫn tôi về Nhà Bè thăm nơi ẩn cư của thân phụ nàng, một vị cử nhân Hán học, đã làm viêc cho Nam triều, sau về hưu, lui về Nhà Bè ẩn dật. Nhà rất rộng rãi, không khí miền quê thoáng đảng, trồng nhiều loại rau và cây ăn trái. Trước sân và sau vườn có nhiều cây kiểng, uốn hình long, lân, quy, phượng rất tinh xảo. Lại có những hòn giả sơn, có đủ ngư, tiều, canh, mục, hươu, nai với những cây cầu nho nhỏ bắc qua khe,suối. Thân phụ của nàng tiếp tôi rất nồng hậu. Các chị em nàng cũng vui vẻ, họ làm bánh bèo, bánh nậm Huế đãi chúng tôi. Nàng lên ở nhà người anh vốn là một luật sư ở Sài gòn để đi học. Nàng học trường Marie Curie, thường mang đồ đầm rất lịch sự, quý phái, trẻ trung.

Nghe nói nàng có nhiều bạn trai cho nên tôi cũng có chút úy kị. Tôi không biết nàng đã có người yêu chưa cho nên dù thích nàng tôi cũng không dám đường đột.
Trong năm học, tôi bận học thi lại bận việc dạy học tư cho nên không có nhiều thì giờ vào việc du hí. Vài tháng tôi đến thăm nàng một lần, và tôi cũng không hề rủ nàng đi chơi. Những lúc tôi đến thăm nàng thì thường là chỉ có chúng tôi, anh nàng đi vắng thường xuyên. Dù nhà vắng, chúng tôi vẫn chuyện trò trong nếp gia phong nho giáo.

Một buổi trưa, tôi đang ngồi học thì nàng chợt đến. Đây là lần đầu tiên nàng chủ động đến thăm tôi. Nàng nói nàng được nghỉ học nên rủ tôi đi xem ciné. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi xem ciné với nhau. Chúng tôi ngồi bên nhau vui vẻ, thích thú. Đối với tôi nàng vẫn nghiêm nghị như các cô gái Huế. Nhưng dẫu sao buổi đi ciné hôm đó là một điềm tốt chứng tỏ nàng có cảm tình sâu đậm với tôi. Tôi lấy can đảm cầm tay nàng. Nàng vẫn yên lặng. Tôi ôm nàng, nàng cũng không phản đối. Nhưng khi tôi hôn lên môi nàng thì nàng từ chối mãnh liệt. Nàng ngồi một lát rồi bảo tôi nàng phải về kẻo ông anh rầy la. Tôi buồn bực cho nên không nói năng gì, mặc nàng ra về một mình. 
Từ đó, tôi không đến thăm nàng nữa. Sau này, tôi đi làm việc ở tỉnh xa, ít khi về Sàigon. Và từ ngày đó cho đến nay, tôi chưa hề gặp lại nàng một lần. Tôi không biết một chút tin tức gì về nàng. Tôi không biết sau tết mậu thân (1968) cũng như sau cơn quốc biến, nàng và gia đình nàng đi về đâu.Tôi không biêt nàng đã lấy chồng hay chưa, nàng ở lại Việt Nam hay đã đi ra nước ngoài. Tấm hình trước cửa hàng The Bay dã đưa tôi trở về quá khứ. Tôi cảm thấy nổi lên một chút ân hận. Sau buổi đi ciné đó, nàng còn có cảm tình với tôi hay ghét tôi? Nếu sau đó, tôi trở lại thăm nàng thì việc gì sẽ xãy ra ? Nàng cự tuyệt tôi hay nàng chấp nhận tôi? Tôi nghĩ dẫu sao tôi cũng đã có lỗi với nàng, tôi đã làm nàng buồn, nàng giận. Nhất là hôm đó, vì tự ái, tôi đã không lịch sự đưa nàng về tận nhà.

Hình ảnh nàng luôn luôn xuấât hiện trước mắt tôi, và câu hỏi về nàng luôn luôn ám ảnh trong đầu óc tôi. Cho đến hôm tháng ba năm này, tôi sang tiểu bang California để dự một đám cưới trong gia đình thì trong đám cưới tôi bỗng nhiên gặp lại Hằng, và được xếp ngồi cạnh Hằng, người bạn của Thanh Hương mà năm xưa khi tôi đến thăm nàng và gặp Hằng tại đó vài lần. Bọn sinh viên Sài gon chúng tôi ai cũng biết Hằng vì nàng là một người đẹp của nhà sách Khai Trí thuở bấy giờ. Sau này nhà sách Khai Trí bị nhà nuớc tịch thu, một hôm dạo chơi đường Tự Do, lúc này đổi là Đồng Khởi, tôi thấy Hằng đứng bán hàng cho một cửa hàng quốc doanh. Thấy nàng, tôi không dám chào hỏi vì mới giải phóng ai cũng thận trọng, gặp người quen không dám chào hỏi. Lúc đó, phần đông dân ngụy đều thất nghiệp, không hiểu sao nàng lại được đứng bán hàng với các nữ đồng chí Bắc kỳ 75.


Gần ba mươi năm cách biệt, Hằng bây giò dã là một lão bà ngũ tuần, nhưng nhờ mỹ viện và biết cách giữ gìn thân thể cho nên dù lớn tuổi, khuôn mặt và thân hình của nàng vẫn không thay đổi mấy. Gặp nàng, tôi hỏi thăm sức khoẻ và hỏi luôn về Thanh Hương. Hằng cho biết Thanh Hương vốn là cán bộ nội thành, nằm trong tổ chức vận động thanh thiếu niên. Anh nàng là một luật sư trẻ, hăng hái, là đệ tử thân thiết của Nguyễn Hữu Thọ. Nhà nàng là điểm liên lạc của mặt trận. Cả hai anh em nàng đã tham gia hoạt động từ lâu. Nàng thường tổ chức party, mừng sinh nhật cùng đám bạn trai nhảy múa là để che mắt cảnh sát, mật vụ những khi tổ chức này hội họp bí mật trên căn gác nhà nàng.

Sau tết mậu thân, tổ chức bị lộ, hai anh em nàng vào mật khu hoạt động. Anh nàng cũng như giáo sư Nguyễn Văn Kiết, Lữ Phương trở thành cánh tay mặt của Nguyễn Hữu Thọ, và đuợc nằm trong chính phủ của Mặt Trận Giải phóng miền Nam. Còn nàng khi trở về, trở thành cán bộ nòng cốt của thành phố Hồ Chí Minh. Nàng rất tốt với bạn bè. Nhờ Thanh Hương cấp gíấy chứng nhận là người có công với Mặt Trận, đã cộng tác với Mặt Trận trong thời kỳ hoạt động bí mật, Hằng đuợc đảng và ban công quản thành phố cho đứng bán hàng tại một của hàng quốc doanh đường Đồng Khởi. Trước 1975, cộng sản miền Bắc hứa hẹn với đám Mặt Trận là họ sẽ tôn trọng quy chế miền Nam độc lập, trung lập với năm thành phần kinh tế. Nhưng sau khi chiếm Miền Nam hai năm, cộng sản lập tức trở mặt, giải tán Mặt Trận, quyết tâm thống nhất cả nước và đưa miền Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa. 
Đa số thành viên Mặt Trận bất mãn và phản đối trong đó có anh em Thanh Hương. Hai anh em nàng biết mình bị lường gạt cho nên cùng một số thành viên Mặt Trận tìm cách bỏ nước ra đi. Hai anh em nàng kín đáo tổ chức việc chôn dầu, mua bến bãi. Nhưng mọi hành động của anh em nàng đều không lọt cặp mắt theo dõi của công an thành. Họ không muốn bắt sống vì sợ mất uy tín đảng, họ muốn mượn biển cả giết hai anh em nàng một cách kín đáo. Họ chờ cho tàu của anh em nàng ra khơi một đoạn, rồi cho công an đuổi theo, xã súng bắn xối xả. Kết cuộc, con tàu chìm xuống biển sâu. Vài ngày sau, người ta tìm thấy xác của Thanh Hương và một vài người khác dạt vào Bãi sau Vũng Tàu, còn xác của anh nàng thì không biết trôi dạt nơi đâu hay đã được đảng thu vén gọn gàng và kín đáo để khỏi gây dư luận xôn xao trong quần chúng


LI MING * TRUNG CỘNG NGU


 VÌ SAO NGƯỜI TRUNG QUỐC NGU THẾ?

Tác giả: Li Ming (Triết gia Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Lời giới thiệu: Nhiều người cho rằng văn minh Trung Hoa có đóng góp quá nhỏ bé (xét về số dân) vào thành tựu của văn minh nhân loại, về khoa học tự nhiên cũng như khoc học xã hội. Tìm ra căn nguyên của tình trạng này là một vấn đề có tầm quan trọng đối với Trung Quốc, từng được một vài học giả phương Tây, hoặc phương Tây gốc Hoa bàn luận, nhưng dường như giới học giả Trung Quốc lại thiếu quan tâm vấn đề này, có lẽ vì họ không muốn nói tới các mặt tiêu cực của thể chế chính trị-văn hóa nước họ. Trong tình hình đó, cuốn “Vì sao người Trung Quốc ngu thế?” của triết gia Li Ming (Lê Minh, xuất bản 2003) thu hút được sự chú ý của dư luận. Dưới đây là bài nói của Li Ming tại ĐH Bắc Kinh về sách trên. Bài gồm 6 phần: 1) Vì sao người Trung Quốc là một dân tộc “vô học”?  2) Vì sao sự ngu dốt của người Trung Quốc là kết quả tất nhiên của sự lựa chọn không ngừng xuất phát từ lợi ích tự thân của kẻ thống trị các đời trước; 3) Vì sao người phương Tây trong xã hội cận đại lại trở nên thông minh? 4) Nghi ngờ về sự “thông minh” của người phương Tây trong thế kỷ 21; 5) Tình trạng ngu dốt và thông minh hiện nay của người Trung Quốc; 6) Sau thế kỷ 21, người Trung Quốc nên trở nên thông minh như thế nào? Dưới đây xin giới thiệu phần đầu.
Trong cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”, ông Bá Dương đã xúc phạm mạnh đồng bào Trung Quốc (TQ), và bị họ chửi cho mất mặt, giờ đây tôi lại lấy thuyết “ngu dốt” ra để gây sự lần nữa thì chẳng phải là tự chuốc lấy quả đắng đấy ư? Thực ra không phải tôi thích gây sự, mà là do cổ họng tôi bị hóc xương, không lấy xương ra thì khó chịu. Lại còn một lý do nữa là TQ từ xưa tới nay có quá nhiều văn nhân tự khoe mình thông minh, làm cho những người TQ bình thường lâu nay cũng thường xuyên rơi vào đám sương mù dầy đặc tự cho mình là thông minh, mọi người đều mơ giấc mơ người TQ “thông minh”, dường như người nước ta đúng là đặc biệt có gene thông minh. Tiếc thay, mơ mộng rốt cuộc chỉ là mơ mộng. Trên thực tế, người TQ có đúng là thông minh như thế không? Song le thông minh là gì, ngu dốt là gì?
Tôi cho rằng đó chỉ là kết luận rút ra được từ sự so sánh với các chủng loại người khác. Quan điểm của tôi là: trong sự so sánh đó, chủng loại người nào có thể cung cấp cho nền văn minh của toàn nhân loại những nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà công nghệ lớn, nhà nghệ sĩ lớn đẳng cấp thế giới, thì chủng loại người ấy là thông minh. Ngược lại, là chủng loại người ngu dốt.
Nói cách khác, qua so sánh, chủng loại người nào giỏi hơn về khám phá các quy luật mới (về tự nhiên, xã hội, tâm lý loài người), về phát minh công nghệ mới (tư duy, công cụ, máy móc), sáng tạo các tri thức mới (về khoa học, nghệ thuật), thì thuộc về chủng loại người thông minh. Ngược lại chủng loại người nào không giỏi, thậm chí không có thể khám phá quy luật mới, phát minh công nghệ mới, sáng tạo tri thức mới thì là không thông minh.
Dĩ nhiên, thông minh hoặc không thông minh, ngu dốt hoặc không ngu dốt đều mãi mãi ở trong quá trình biến động. Vì thế nên nói không có chủng loại người nào có số phận an bài là thông minh, cũng không có ai số phạn an bài là ngu dốt. Nhưng nếu mọi người tự mình kiên trì mãi mãi không biến đổi thì “ngu dốt” cũng có thể trở thành một loại số phận. Tôi vô cùng lo ngại người TQ trong tình hình trường kỳ giữ một truyền thống lịch sử “bất biến” sẽ thực sự có số phận như vậy.
Người TQ có thực sự thông minh không? Nếu người TQ thực sự thông minh như thế thì trong dòng sông lịch sử dài dằng dặc rốt cuộc họ đã cống hiến cho nền văn minh nhân loại được bao nhiêu nhà tư tưởng lớn, nhà khoa học lớn, nhà công nghệ lớn, nghệ sĩ lớn cấp thế giới, cung cấp được bao nhiêu khám phá lớn về quy luật, phát minh lớn về công nghệ và nghệ thuật, sáng tạo lớn về tri thức?
Nếu người TQ thực sự thông minh thì tại sao trong hơn 100 năm gần đây, về nhân cách chính trị lại luôn luôn bị người nước khác bắt nạt, về  kinh tế toàn là bị người ta bóc lột, về văn hóa học thuật toàn là bị người ta phân biệt đối xử? Cái “thông minh” tự tâng bốc mình có thể biến thành thông minh thực sự được chăng? Rõ ràng không thông minh mà cứ tự tâng bốc mình thông minh, điều đó nên nói là ngu dốt thực sự.
Socrates ở thời cổ Hy Lạp được nhiều người cho là người thông minh nhất. Nhưng cái ông thích được tâng bốc hơn cả lại không phải là sự thông minh của mình, mà ông bao giờ cũng tự xưng: “Tôi biết sự vô tri của mình”. Cho nên Socrates là thủy tổ của phép biện chứng. Ông hiểu sâu sắc thực chất của sự việc con người sở dĩ “thông minh” không phải là ở bản thân sự thông minh mà là ở chỗ thực sự nhận thức được sự vô tri của mình và biết cách vượt qua sự vô tri đó. Trong lịch sử TQ có bao nhiêu sĩ đại phu và văn nhân dám công khai thừa nhận mình vô tri? Lại có bao nhiêu người đã nghiêm chỉnh khắc phục được sự vô tri của mình? Trên ý nghĩa này thực sự có thể nói chính là giới sĩ đại phu văn nhân trong các đời trước đã liên tục tạo ra sự ngu dốt của người TQ. Sở dĩ hôm nay tôi phải lớn tiếng tuyên bố về sự “ngu dốt” của người TQ ngày xưa và ngày nay, thực ra là tôi vô cùng mong muốn người TQ trong tương lai sẽ trở thành “thông minh”.
Lịch sử mấy nghìn năm của TQ thực ra là lịch sử các sĩ đại phu văn nhân tự khoe “thông minh”. Các sĩ đại phu văn nhân “thông minh” trong các thời đại trước đây đã để lại cho người TQ ngày nay những trước tác có tới hàng tỷ chữ, trong đó nổi tiếng nhất có bộ Nhị thập tứ sử, Tư trị Thông giám, Vĩnh Lạc đại điển, Tứ khố toàn thư v.v… Tiếc thay nếu dùng chiếc cân tri thức lý tính của con người hiện đại mà cân đo lượng văn bản lớn ấy thì phần tri thức của nó nhẹ tới mức làm người TQ cảm thấy đau khổ, chỉ đáng một phần vạn lượng tri thức ngày nay. Có một điểm càng làm cho người ta không thể không ghi nhớ là nếu ai hiện nay vẫn vùi đầu vào núi văn bản ấy thì người đó sẽ được nhân bản thành một vị văn nhân tự khoe “thông minh’ của TQ. Các vị văn nhân tự khoe “thông minh’ của TQ trong các thời đại trước đây chính là được nhân bản từ núi thư tịch ấy. Chính vì thế mà xã hội và lịch sử TQ cũng được nhân bản lặp đi lặp lại vô cùng giống như thời xưa, thậm chí như nhau. Chỉ trong một trăm năm gần đây mới có chút thay đổi, nhưng phần cốt lõi thì vẫn khá cứng — tức giới văn nhân TQ cho đến nay vẫn chưa nhận thấy sự vô tri của mình và tại sao lại vô tri, khắc phục sự vô tri như thế nào. Điều này đúng là thực sự ngu dốt.
Sự ngu dốt của người TQ trước hết, hoặc về căn bản, vẫn là sự ngu dốt của giới sĩ đại phu văn nhân nước này. Văn nhân các triều đại trước đây đã làm ra rất nhiều thư tịch có hàm lượng tri thức cực nhỏ — Kinh, Sử, Tử, Tập. Văn nhân TQ ngày nay vẫn tiếp tục làm ra rất nhiều văn bản loại ấy, tạo ra một lượng lớn rác rưởi văn tự trong toàn bộ nền văn minh TQ. Trước kia Lỗ Tấn từng đau khổ cảnh báo thanh thiếu niên TQ cần bớt đọc, thậm chí không đọc sách do văn nhân TQ viết. Qua đây có thể thấy ông sớm hiểu rõ tính nghiêm trọng tồn tại trong núi rác văn tự của nền văn minh TQ. Chính là sự nhân bản lặp lại núi rác rưởi văn tự ấy đã lấp kín con đường trí tuệ của bao nhiêu thế hệ người TQ. Thứ đầu tiên được chế tạo với khối lượng lớn là sự ngu dốt của văn nhân TQ, sau đó nó khuếch đại thành sự ngu dốt của người TQ. Đó là số phận sự ngu dốt của người TQ trong hơn hai nghìn năm qua, nhất là trong 500 năm gần đây, và đặc biệt là 200 năm nay.
  1. Vì sao người Trung quốc là một dân tộc “vô học”?
Tác giả đã sống được ngót 60 tuổi, làm học giả trong khoảng 20 năm, cho tới nay mới chợt tỉnh ngộ biết rằng “học” là gì. Sự tỉnh ngộ ấy cũng làm cho tôi bỗng dưng rơi vào một nỗi buồn sâu sắc: người TQ (dân tộc Trung Hoa) có lịch sử văn minh 5 nghìn năm mà chẳng lưu lại bao nhiêu thứ thực sự đáng để hậu thế học tập. Là một học giả hiện đại TQ tôi vô cùng đau khổ phát hiện thấy người TQ chúng ta vốn dĩ căn bản chưa hiểu thế nào mới là “học” đích thực, do đó mà đến nỗi hầu như vô “học”.
Điều đó thực ra không khó kiểm chứng. Chỉ cần mời mọi người đọc lại một lượt toàn bộ các giáo trình tiểu học, trung học, đại học, viện nghiên cứu sinh, xem xem trong số những kiến thức đáng gọi là “học” dạy cho học sinh, rốt cuộc có bao nhiêu cái là do người TQ chúng ta khám phá, phát minh và sáng tạo.
Kết quả ra sao? Có thể nói, ngoại trừ những thứ như ngữ văn TQ, y dược TQ, sân khấu, thư, họa TQ — số lượng các kiến thức thổ sản ấy đã cực ít lại cũng khó có thể gọi là “học” mà chỉ có thể gọi là “thuật” — hầu như 9999 phần vạn các kiến thức còn lại đều là “sản phẩm du nhập qua đường biển” từ phương Tây. Trong các lĩnh vực như thiên văn, địa chất, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, sinh vật, tâm lý, triết học, khoa học xã hội (chính trị học, kinh tế học, xã hội học, pháp học, luân lý học, tân văn học….) thì người TQ chúng ta có truyền thống 5000 năm lịch sử lâu đời và chiếm tỷ lệ số dân nhiều nhất thế giới, rốt cuộc sáng tạo được môn học nào, khoa học nào? Chúng ta lại có ưu thế rõ rệt ở lĩnh vực nào vậy? Thậm chí người Nhật cũng có thể cười chế nhạo chúng ta “Đôn Hoàng ở TQ nhưng Đôn Hoàng học thì lại ở Nhật”.
Bình tĩnh tự xét mình, nên thừa nhận là trong nền văn minh TQ 5000 năm, chúng ta có chữ “học” động từ (học hỏi, học ở chỗ hỏi, vậy hỏi ai? Hỏi trời, hỏi các đại nhân, hỏi các thánh nhân) mà không có chữ “học” danh từ (môn học, khoa học, những tri thức có năng lực sinh trưởng kéo dài, có sinh mạng riêng, tự làm thành hệ thống).
Nhìn tổng quát xưa nay, chúng ta có quan trắc thiên văn nhưng không có môn thiên văn học; có khảo sát địa lý (như Từ Hạ Khách du ký…) nhưng không có địa chất học, địa lý học; có trồng trọt thực vật, vận dụng thực vật nhưng không có thực vật học; có dạy thú và sử dụng động vật nhưng không có động vật học (phương pháp dùng trong các môn động vật học, thực vật học hiện nay vẫn dùng phương pháp phân loại hệ thống do người phương Tây phát minh); có tính toán con số cụ thể nhưng không có toán học trừu tượng; có Tứ đại phát minh nhưng không có vật lý học, hóa học; có kiến trúc cầu hầm nhà nhưng không có cơ học kiến trúc (vật liệu, công trình, kết cấu); thậm chí ta có ngôn ngữ, chữ viết, hội họa, âm nhạc, nhưng không có các môn học thành hệ thống như ngôn ngữ học, ngữ pháp học, tư từ học (Thuyết văn giải tự của Hứa Thận là một bộ tự điển, Mã thị văn thông là sản phẩm sau khi học ngữ pháp học của phương Tây, Lục thư pháp tắc chưa hình thành nguyên lý nghiêm chỉnh), mỹ thuật học (hội họa TQ không có thấu thị học, sắc thái học…), âm nhạc học (tuy rằng Chu Tải Dục đời Minh đầu tiên phát hiện thập nhị bình quân luật nhưng không làm nó trở thành hòa thanh học, âm luật học v.v…).
Sau hơn 20 năm làm học giả TQ, tới nay tôi mới bừng tỉnh dậy sau giấc mơ lớn: người TQ chúng ta tự xưng có nền văn minh truyền thống cổ xưa 5000 năm nhưng lại là một nền văn minh vô “học”.
Thưa đồng bào, chẳng lẽ quý vị không cảm nhận được điều đó ư? Tứ đại phát minh của ta cố nhiên vĩ đại đấy nhưng đều chỉ là “thuật” mà thôi, hơn nữa lại là kỹ thuật khá thô sơ do tiền nhân thời xưa phát hiện và phát minh ra trong trải nghiệm cuộc sống trực tiếp tiếp xúc với thiên nhiên, những cái đó chưa được nâng lên thành “học”, cũng tức là chưa biến thành tư duy lý luận trừu tượng, thành học thuyết giải thích quy luật của sự vật. Chẳng hạn thuốc súng trong Tứ đại phát minh , thành phần vật chất (nguyên tố) của nó là gì? Tính chất hóa học thế nào? Nguyên lý gây nổ của nó là gì? Lại nói kim chỉ nam trong Tứ đại phát minh vì sao nó mãi mãi chỉ về phương Nam (hoặc Bắc), rốt cuộc từ tính là gì? Tất cả những cái đó đều phải chờ đến sau này khi người phương Tây tiến hành tư duy lý luận trừu tượng mới có được nhận thức. Trên tất cả các mặt, người TQ chúng ta hầu như chỉ dừng bước không tiến tiếp ở “thuật” mà thôi, vì thế nên thành tích trong lĩnh vực “học” cực kỳ nhỏ bé, quả thật có thể nói là vô “học”.
“Học” với ý nghĩa môn học, là gì vậy? Điều quan trọng là ở chỗ có lý luận trừu tượng cao độ, lý luận đó có thể giải thích hiện tượng đã có của sự vật, lại có thể mô tả một cách trừu tượng quy luật phát sinh của hiện tượng, vì thế không những có thể giải thích cụ thể sự vận hành thực tế lúc đó của sự vật mà còn có thể dự đoán trạng thái và sự biến đổi của sự vật trong tương lai, và được kiểm chứng hoặc chứng thực, hoặc chứng ngụy trong thực tiễn sau đó.
Một trong những tiền đề quan trọng nhất để xây dựng lý luận là phải nắm được quy luật tư duy logic cơ bản nhất. Hơn hai nghìn năm qua, nhất là 200 năm gần đây, nền giáo dục người TQ từ nhỏ được tiếp thụ chỉ có sự nhồi nhét Tứ thư Ngũ kinh, xưa nay chưa bao giờ biết logic là cái gì, sĩ đại phu-văn nhân còn như vậy, nói gì tới đông đảo dân chúng mù chữ. Tại TQ còn có một điểm đặc biệt làm đứt đoạn nền văn minh — đó là sự tách rời hầu như tuyệt đối giữa người lao động phổ thông với tầng lớp văn nhân biết đọc biết viết.
Hầu như toàn bộ những người TQ tiếp xúc với thiên nhiên và có kinh nghiệm lao động sản xuất đều không biết đọc biết viết, nhưng giới văn nhân TQ biết đọc biết viết lại hầu như căn bản không tiếp xúc với thiên nhiên. Nói khác đi nghĩa là từ xưa tới nay cái đầu (tư duy) và cái tay (thực tiễn) của người TQ hầu như bị tách rời tuyệt đối. Cộng thêm tư duy của văn nhân TQ lại về căn bản thiếu mất sự huấn luyện của tính quy luật logic có ý thức, qua đó tạo nên sự tách rời tuyệt đối giữa “thuật” với “học”. Do sự đứt rời song trùng ấy mà cho dù chưa xét tới còn có nhiều nhân tố khác vô cùng bất lợi như chế độ xã hội, tập tục… thì cũng đã ngăn trở vô cùng nghiêm trọng con đường phát triển trí tuệ của người TQ rồi. Đó dường như là số phận ngu dốt của người TQ trong mấy nghìn năm qua, nhất là trong 200 năm gần đây.
Sự tách rời giữa đầu óc với tay chân trong văn hóa truyền thống TQ, cũng tức là tách rời  giữa tư duy và thực tiễn, cùng sự xa lạ giữa tư duy với logic của văn nhân TQ, đã tạo ra sự “học” của người TQ: hầu như duy nhất chỉ có cái “học” hỏi mà căn bản không có sự học hiểu, suy luận, giải thích, càng chưa thể nói tới sự học sáng tạo kiến trúc cấu tạo của tư duy logic trừu tượng.
Tứ thư Ngũ kinh và những thứ tràn ngập thành tai họa hơn nữa như Kinh, Sử, Tử, Tập, hầu như toàn bộ đều là sự học hỏi. Văn hóa truyền thống TQ chỉ có sự học-hỏi, cộng thêm sự tách rời giữa đầu (tư duy) với tay (thực tiễn) và tiếp tục tạo ra sự đứt rời giữa “học” đích thực với “thuật” đã nói ở trên, — sự đứt rời song trùng ấy trên thực tế đã tạo nên sự vô “học” của người TQ từ xưa tới nay.
Trải qua quá trình Tây học truyền vào TQ trong 100 năm gần đây, TQ ngày nay cũng chỉ có cái “học” đi theo cái “học” của phương Tây mà về cơ bản chưa có cái “học” của bản thổ. Chính vì thế mà các “học nhân” của TQ ngày nay, trong quá trình học sẽ cảm thấy một cách nặng nề rằng mình đã mắc phải chứng “mất tiếng nói”. Hầu như mọi từ ngữ, khái niệm về “học” đều du nhập từ phương Tây, mà không có liên quan chút nào với truyền thống văn hóa bản xứ của chúng ta. Miệng là của người TQ nhưng nội dung lời nói lại là những điều trải qua sự suy nghĩ nghiền ngẫm của người phương Tây. Giấy viết, sách vở, truyền thông là phương tiện của bản xứ (song máy móc làm giấy, làm sách và thiết bị truyền thông cũng có thể của phương Tây), nhưng mọi đạo lý, quy phạm, quy tắc, quy luật…  được sách báo truyền thông nói tới đều là những thứ người phương Tây phát hiện, phát minh và sáng tạo. Trong tình hình này chúng ta còn có thể nói người TQ không “ngu dốt” ư?  Nếu còn muốn tự khoe mình “thông minh” kiểu AQ thì chúng ta lại “thông minh” ở chỗ nào vậy?
Khi phân tích kỹ nền văn minh 5000 năm của TQ, có một môn tri thức có thể gọi là “học” được — đó là “Trung Y học” [Y học Trung Hoa]. Có lẽ cũng chỉ trong lĩnh vực “Trung Y học”, người TQ có thể để lại cho nhân loại một thứ duy nhất có thể gọi là “lý luận” của mình. Đó là lý luận “Âm dương ngũ hành”. Tiếc thay tuy đây là thứ lý luận duy nhất trên thế giới có thể gọi là lý luận của người TQ, thuộc loại sánh được với lý luận logic của phương Tây, nhưng kể từ khi nó xuất hiện cách đây hơn 2000 năm, trong quãng thời gian dài dằng dặc sau đó, thứ lý luận ấy không hề có chút tiến triển nào. Người TQ không hề nghĩ tới chuyện nên tiếp tục cải thiện, đẩy mạnh lý thuyết này, mà chỉ mù quáng sùng tín nó, làm theo nó. Cuối cùng lý thuyết ấy chẳng những chưa được cải thiện mà ngược lại ngày càng trở nên cũ rích, xơ cứng. Cho tới nay số người TQ tiếp thụ lý luận logic của phương Tây ngày càng tăng lên, họ chỉ có thể coi thường thuyết Âm dương Ngũ hành, phỉ nhổ thuyết đó, thậm chí vu khống nó, coi là thứ lạc hậu, mê tín, thuộc cùng loại với thuật phù thủy.
[…..]
Xin trở lại vấn đề trước đây, đi tìm nguồn gốc tại sao người TQ trong lịch sử lại vô “học”. Hiện nay có thể đã rất rõ ràng, đó là do trong lịch sử dài lâu, người TQ chưa tự mình sáng lập được một cơ sở có thể đặt nền móng cho tất cả mọi thứ “học”, cái cơ sở mà người phương Tây cận-hiện đại dựa vào để xây dựng hầu như tất cả mọi thứ “học” — Logic đối xứng nhị nguyên luận.
Nói rõ hơn, tức là logic hình thức, logic hình học, logic số lý, logic biện chứng … được từng bước hoàn thiện kể từ Aristotle, Euclid… Về bản chất, các logic này đều là logic tính đối xứng và nhị nguyên luận. Triết học phương Tây từ Plato trở đi, từ bản thể luận tới nhận thức luận, thứ được các triết gia phương Tây ra sức hoàn thiện là bản thân phương pháp tư duy logic đối xứng nhị nguyên luận. Chính là sự không ngừng hoàn thiện, phát triển của phương pháp logic phương Tây (từ triết học cổ đại) và sự kết hợp hữu cơ với phương pháp thực nghiệm có lựa chọn trong thời cận đại, đã sinh ra và xúc tiến các khoa “học” trên mọi lĩnh vực, mọi tầng nấc của phương Tây thời cận-hiện đại.
Hegel nói người TQ “không có triết học”. Chẳng may người TQ bị ông nói trúng. Đúng là người TQ không có triết học, mà điều đó lại ở chỗ người TQ không có logic — dĩ nhiên là nói logic đối xứng nhị nguyên luận. Các văn nhân nhiều đời trước của chúng ta chưa từng bỏ công sức vào việc thăm dò quy luật của bản thân tư duy. Họ chỉ có duy nhất một phương pháp tư duy là độc đoán trực giác và trực giác độc đoán. Tư duy độc đoán trực giác ấy ngoài việc sản sinh những ý kiến đủ mọi màu sắc ra thì chẳng thể có được sự suy lý khuếch trương, kéo dài, càng không thể có sự kiến cấu sáng tạo trừu tượng. Cho nên những tư liệu do các văn nhân TQ viết, ngoài việc có ý nghĩa chất đống to bằng hạt cát ra thì căn bản không thể có giá trị lý luận kiến cấu hữu cơ. Điều đó làm cho văn nhân chúng ta bao đời qua chưa bao giờ hiểu được lý luận là gì. Về cơ bản, văn nhân TQ là một lũ người lùn văn hóa chẳng biết lý luận là cái gì, chỉ biết phát biểu ý kiến (ý khí chi kiến) mà thôi. Dựa vào những người ấy thì mãi mãi chẳng có thể xây đắp nên tòa lâu đài khoa học cận-hiện đại. Cho dù trên mặt sáng lập kỹ thuật và nghệ thuật thì phần lớn cũng chỉ có thể là những thứ bình thường, nông cạn, vô vị, thậm chí thấp hèn. Chính vì thế mà đã hình thành một lịch sử hầu như vô “học” hơn hai nghìn năm qua của TQ, qua đó tạo ra sự ngu dốt trên thực chất của văn nhân TQ rồi mở rộng ra thành sự ngu dốt của người TQ (nhất là trong 200 năm gần đây).
Trong tất cả các nguyên nhân làm cho người TQ thời cận đại bị đày đọa, nguyên nhân căn bản nhất là sự ngu dốt của họ — tình trạng này dần dần tích tụ mà thành trong lịch sử dài lâu. Do logic mà lạc hậu, nghèo khó. Do logic mà bị kẻ khác bắt nạt, bị đánh, bị kỳ thị. Chỉ có từ đó nhận thức được sự ngu dốt của mình và thoát ra khỏi sự ngu dốt ấy thì người TQ mới có thể thay đổi tất cả trong thế kỷ và thời đại mới.
Trên đây đã phân tích nguyên nhân tình trạng người TQ vô “học” , quy lại chủ yếu là hai điểm sau:
1- Trong lịch sử lâu dài, những người TQ biết chữ thì không làm công việc sản xuất; ngược lại, những người làm sản xuất thì không biết chữ — điều này đã tạo nên sự hoàn toàn tách rời giữa tư duy với thực tiễn. Nói gọn lại, tức sự hoàn toàn tách rời giữa “bộ não” và “cánh tay” của người TQ.
2- Trong lịch sử dài hơn 2000 năm, sự hoàn toàn tách rời giữa “bộ não” và “cánh tay”, giữa “học” và “thuật” của người TQ — sự tách rời song trùng này làm nên nguyên nhân lịch sử giải thích vì sao người chúng ta ngu dốt như thế. Vấn đề này phải được phân tích tiếp. Vì sao người TQ lại có căn nguyên lịch sử như thế? Đây chính là vấn đề cần được giải đáp trong phần sau.
Nguyễn Hải Hoành dịch. Bản gốc tiếng Trung: 中国人为什么这么愚蠢?- 黎 鸣
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/08/28/vi-sao-nguoi-trung-quoc-ngu/#sthash.W12CDZHv.dpuf
 http://nghiencuuquocte.org/2016/08/28/vi-sao-nguoi-trung-quoc-ngu/

PRISCILLA ROBERTS * LÊ DUẨN VÀ TRUNG CỘNG

 

Ông Lê Duẩn đã nhận định về Trung Quốc như thế nào? 

Kỳ I

Tài liệu dưới đây được dịch từ cuốn Đằng sau tấm màn che – Trung Quốc, Việt Nam và Thế giới ngoài châu Á (Behind the Bamboo Curtain – China, Vietnam, and the World beyond Asia), do Priscilla Roberts biên tập, Trung tâm Woodrow Wilson và Đại học Stanford xuất bản, 2006. Phần III chương 14 của cuốn sách có tiêu đề “Lê Duẩn và sự đoạn tuyệt với Trung Quốc”.



Phần này gồm bài giới thiệu khá dài (14 trang, từ trang 453 đến 467) của Tiến sĩ Stein Tønnesson và bản dịch tài liệu này ra tiếng Anh của Christopher E. Goscha (20 trang, 467-486). Tiến sĩ Stein Tønnesson là học giả nghiên cứu về thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong đó có mối quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc trong giai đoạn này. Ông hiện đang là Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế, Oslo, Na uy. Christopher E. Goscha hiện đang giảng dạy môn Lịch sử tại American University và Trường Quốc tế ở Paris. Ông là đồng Giám đốc Nhóm nghiên cứu Việt Nam đương đại, Trường Khoa học Chính trị, Paris. Gần đây ông có tác phẩm đã in “Mậu dịch vùng biên giới Việt Nam với Hoa Nam thời đầu chiến tranh” (Asian Survey, 2000) và đã trình luận án về đề tài Bối cảnh châu Á của cuộc chiến Pháp-Việt tại Trường Cao đẳng thực hành, thuộc Viện Đại học Sorbonne. Bài giới thiệu của Stein Tønnesson có khá nhiều nhận định sắc sảo và chính xác. Rất tiếc là không đủ thời gian để dịch ra giới thiệu với các bạn, nhưng các bạn có thể tham khảo bản tiếng Anh tại địa chỉ sau:http://www.wilsoncenter.org/topics/pubs/New_Ev_CWAsia.pdf(trang 273-288).
Lẽ ra tài liệu từ tiếng Việt, đã được dịch sang tiếng Anh, thế thì còn dịch lại ra tiếng Việt làm gì. Vấn đề là ở chỗ, như Stein Tønnesson đã nhận xét: “Cho đến giờ, rất ít tài liệu thuộc loại này được phía Việt Nam cho phép các học giả tiếp cận.” Vậy thì trong khi chờ đợi tài liệu được bạch hóa, ta dịch ra để cùng đọc, tuy không thể chính xác bằng bản gốc, nhưng cũng có thể cung cấp cho ta một số thông tin nhất định. (...) Stein Tønnesson cũng đã chỉ ra: “Chúng ta được biết, Lê Duẩn rất ít khi tự mình chấp bút và tài liệu mang phong cách khẩu ngữ (khiến cho việc dịch cực kỳ khó khăn). Rất có thể đây là bản thảo Lê Duẩn đọc cho thư ký ghi, hoặc những đoạn chi tiết do một cán bộ cấp cao dự buổi nói chuyện này ghi lại.”

(Xin lưu ý: Dấu ngoặc vuông [ ] là của Christopher E. Goscha).
KỲ I- KHÔNG NHƯỢNG BỘ DÙ BẤT KỲ SỨC ÉP NÀO
Chúng ta không muốn hận thù dân tộc. Tôi lặp lại: tôi nói điều này bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Tôi không cảm thấy như thế. Đó là họ đánh chúng ta.
Nói chung, sau khi chúng ta đánh bại Mỹ, không đế quốc nào dám đánh chúng ta nữa. Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta là những kẻ phản động Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn thế. Tôi không biết những kẻ phản động Trung Quốc này sẽ tiếp tục tồn tại thêm bao lâu nữa. Tuy nhiên, miễn là họ tồn tại, thì họ sẽ tấn công chúng ta như họ vừa thực hiện (nghĩa là đầu năm 1979).
Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc, thì các tỉnh [Bắc Trung Bộ] Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa sẽ trở thành cơ sở cho toàn bộ đất nước. Các tỉnh này tốt nhất, là các căn cứ mạnh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất. Vì nếu vùng đồng bằng [Bắc Bộ] tiếp tục là vùng liên tục căng thẳng, thì tình hình sẽ rất phức tạp. Vấn đề không đơn giản chút nào. Nếu không phải là người Việt Nam, thì sẽ không có người nào đánh Mỹ, bởi vì lúc Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, cả thế giới còn lại đều sợ Mỹ …
Mặc dù Trung Quốc đã giúp Triều Tiên chỉ với mục đích bảo vệ sườn phía Bắc của họ. Sau khi cuộc chiến kết thúc [ở Triều Tiên] và khi áp lực lên Việt Nam, ông ta (chỗ này hình như nói đến Chu Ân Lai khi đoạn văn sau đó cho thấy vậy) nói rằng, nếu Việt Nam tiếp tục chiến đấu, thì sẽ phải tự lo liệu. Ông ta sẽ không giúp thêm nữa và gây áp lực với chúng ta để ngừng chiến đấu.
Khi chúng ta ký Hiệp Định Geneva, rõ ràng là Chu Ân Lai đã chia đất nước ta làm hai [phần]. Sau khi nước ta bị chia thành hai miền Nam – Bắc như thế, một lần nữa ông ta gây sức ép lên chúng ta, không được làm gì đối với miền Nam Việt Nam. Họ ngăn cấm chúng ta đứng lên [chống lại Việt Nam Cộng hòa do Mỹ hậu thuẫn]. [Nhưng] họ, [người Trung Quốc,] không thể làm gì để ngăn cản chúng ta.
Khi chúng ta ở miền Nam và chuẩn bị chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Geneva, Mao Trạch Đông đã nói với Đại hội Đảng của chúng ta rằng, ngay lập tức, chúng ta phải buộc Lào chuyển hai tỉnh đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu không, người Mỹ sẽ tiêu diệt hai tỉnh này, một tình huống rất nguy hiểm [theo cái nhìn của Trung Quốc]! Ngay lập tức, Việt Nam đã phải làm việc với người Mỹ [liên quan đến vấn đề này]. Mao đã bức hiếp chúng ta bằng cách này và chúng ta đã phải làm điều đó.
Sau đó, khi hai tỉnh này đã được chuyển cho Viêng Chăn, những tên phản động [Lào] ngay lập tức bắt giữ Souphanouvong (Chủ tịch Lào từ năm 1975-1986). Lào có hai tiểu đoàn bị bao vây lúc đó. Hơn nữa, họ vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, một tiểu đoàn đã có thể thoát khỏi sự [bao vây]. Lúc đó, tôi đưa ra quan điểm của tôi là, Lào phải được phép tiến hành chiến tranh du kích. Tôi mời Trung Quốc đến và thảo luận về vấn đề này với chúng ta. Tôi nói với họ: “Các đồng chí, nếu các đồng chí tiếp tục gây áp lực với Lào bằng cách này, thì lực lượng của họ sẽ hoàn toàn tan rã. Bây giờ họ phải được phép tiến hành chiến tranh du kích“.
Trương Văn Thiên (Zhang Wentian), người trước đó là Tổng Thư ký [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và sử dụng bút danh Lạc Phú, trả lời tôi: “Vâng, các đồng chí, điều các đồng chí nói đúng. Hãy để chúng tôi cho phép tiểu đoàn đó của Lào đảm nhiệm chiến tranh du kích”.
Ngay lập tức, tôi hỏi Trương Văn Thiên: “Các đồng chí, nếu các đồng chí cho phép Lào gánh vác chiến tranh du kích, thì không có gì phải sợ việc phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. Điều gì làm cho các đồng chí sợ đến nỗi các đồng chí ngăn cản hành động như thế?”
Ông ta [Trương Văn Thiên] đã nói: “Không có gì phải sợ!”
Trương Văn Thiên đã nói thế. Tuy nhiên, Ho Wei, Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam lúc đó, đã ngồi ở đó và nghe điều đã nói. Ngay lập tức, ông ta điện cho Trung Quốc (báo cáo điều Lê Duẩn và Trương Văn Thiên đã nói). Ngay lập tức, Mao trả lời: “Việt Nam không thể phát động chiến tranh du kích ở miền Nam. Việt Nam phải nằm chờ trong một thời gian dài!” Chúng ta rất nghèo. Làm sao chúng ta có thể đánh Mỹ nếu không có Trung Quốc làm căn cứ hậu tập? Nên chúng ta phải nghe theo họ, đúng không?
Tuy nhiên, chúng ta đã không đồng ý. Chúng ta đã bí mật tiếp tục phát triển lực lượng. Khi [Ngô Đình] Diệm kéo lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam, chúng ta đã ban hành lệnh thành lập lực lượng quần chúng để chống lại lệnh đã được lập và nắm quyền [từ chính phủ Diệm]. Chúng ta đã không chú ý [đến Trung Quốc].
Khi cuộc nổi dậy giành chính quyền bắt đầu, chúng tôi đi Trung Quốc để gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình đã nói với tôi: “Đồng chí, bây giờ sai lầm của đồng chí đã xảy ra rồi, đồng chí chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống“. Đó là áp lực mà họ đã áp đặt lên chúng ta.
Tôi nói [với Trung Quốc]: “Vâng, vâng! tôi sẽ làm điều đó. Tôi sẽ chỉ chiến đấu ở mức một trung đội trở xuống”.
Sau khi chúng ta chiến đấu và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta có thể chiến đấu hiệu quả, đột nhiên Mao có suy nghĩ mới. Ông ta nói rằng, vì Mỹ đánh chúng ta, ông ta sẽ đưa quân đội [Trung Quốc] đến giúp chúng ta xây dựng đường sá. Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình hình đất nước ta để sau này ông ta có thể tấn công chúng ta và từ đó mở rộng xuống khu vực Đông Nam Á. Không có lý do nào khác.
Chúng tôi biết rõ ý đồ này, nhưng phải cho phép họ (sự xâm nhập của quân đội Trung Quốc). Thôi thì cũng được. Nhưng họ quyết định đưa quân vào. Tôi yêu cầu họ chỉ gửi người, nhưng quân lính của họ đã đến cùng với súng đạn. Tôi cũng phải chịu điều này.
Sau đó, ông ta (Mao Trạch Đông) bắt chúng ta phải nhận 20.000 quân của ông ta đến xây một con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ (thuật ngữ tiếng Việt chỉ miền Nam Việt Nam). Tôi từ chối. Họ tiếp tục yêu cầu nhưng tôi không nhượng bộ. Họ gây áp lực với tôi cho quân của họ vào nhưng tôi đã không chấp thuận. Họ tiếp tục gây sức ép nhưng tôi vẫn không chịu.
Tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy họ có âm mưu cướp nước ta từ lâu và âm mưu đó ác độc như thế nào.
- Sau khi Mỹ đưa hàng trăm ngàn quân vào miền Nam Việt Nam, chúng ta đã phát động cuộc tổng tấn công vào năm 1968 để buộc họ giảm leo thang. Để đánh bại Hoa Kỳ, một điều cần phải biết là làm thế nào để họ từ từ giảm leo thang. Đó là chiến lược của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống một kẻ thù lớn, kẻ thù với dân số 200 triệu người và thống trị thế giới. Nếu chúng ta không thể làm cho họ giảm leo thang từng bước, thì chúng ta sẽ thất bại và không thể tiêu diệt kẻ thù. Chúng ta phải đấu tranh để làm nhụt ý chí họ để buộc họ phải đi đến bàn đàm phán với chúng ta mà không cho phép họ đưa thêm quân.
Đến lúc họ muốn thương lượng với chúng ta, Ho Wei đã viết một bức thư cho chúng tôi, nói rằng: “Các ông không thể ngồi xuống đàm phán với Hoa Kỳ. Các ông phải đưa quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam để đánh với họ”. Ông ta gây áp lực với chúng tôi cách này, làm cho chúng tôi bối rối vô cùng. Đây không phải là vấn đề hoàn toàn đơn giản. Rất là mệt mỏi mỗi khi tình huống như thế phát sinh [với Trung Quốc].
Chúng tôi quyết định không thực hiện cách đó (nói đến lời khuyên của Hồ Wei không đàm phán với Hoa Kỳ). Chúng tôi phải ngồi xuống ở Paris. Chúng tôi phải làm cho họ (Mỹ) giảm leo thang để đánh bại họ. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã thông báo [với Mỹ]: “Nếu các ông không tấn công tôi, tôi sẽ không tấn công các ông. Nhưng rất nhiều quân lính mà các ông muốn đưa vào Việt Nam, tùy các ông“. Trung Quốc nhất trí điều này và đã gây áp lực với chúng tôi bằng cách đó.
Họ (Trung Quốc) đã trao đổi nhiều với Mỹ và ép buộc chúng ta phục vụ như là một con bài để mặc cả theo cách này. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua trận, ngay lập tức, họ sử dụng Trung Quốc để [tạo điều kiện] rút quân [ở miền Nam Việt Nam]. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận vấn đề này.
- Trước khi Nixon đi Trung Quốc, [mục đích chuyến đi của ông ta là] giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách đó, để phục vụ lợi ích của Mỹ và giảm bớt thất bại của Mỹ, cũng như cùng lúc cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc về phía Mỹ. Chu Ân Lai đã đến gặp tôi. Chu Ân Lai nói với tôi: “Lúc này, Nixon đến gặp tôi chủ yếu là thảo luận về vấn đề Việt Nam, do vậy tôi phải đến gặp đồng chí để thảo luận điều đó với đồng chí”.
Tôi trả lời: “Đồng chí, đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi không nghe theo đồng chí. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt. Việt Nam là của tôi (đất nước của tôi), hoàn toàn không phải của các đồng chí. Các đồng chí không có quyền nói [về vấn đề Việt Nam] và các đồng chí không có quyền thảo luận [các vấn đề đó với Mỹ]. Hôm nay, các đồng chí, chính tôi sẽ nói với các đồng chí điều mà thậm chí tôi chưa hề nói với Bộ Chính trị, rằng đồng chí đã nêu ra vấn đề nghiêm trọng và vì thế tôi phải nói:
- Năm 1954, khi chúng tôi giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ, tôi đã ở [tỉnh] Hậu Nghĩa. Bác Hồ đã điện nói với tôi rằng, tôi phải vào miền Nam để tập hợp [các lực lượng ở đó] và nói chuyện với đồng bào miền Nam [về vấn đề này]. Tôi đi bằng xe tải vào miền Nam. Trên đường đi, đồng bào ra chào đón tôi vì họ nghĩ rằng chúng tôi đã giành chiến thắng. Đau đớn vô cùng! Nhìn đồng bào miền Nam, tôi đã khóc. Vì sau đó, Hoa Kỳ sẽ đến và tàn sát [người dân] một cách khủng khiếp.
Khi vừa tới miền Nam, ngay lập tức, tôi đã điện cho Bác Hồ để xin ở lại [miền Nam] và không trở lại miền Bắc để tôi có thể đánh thêm mười năm nữa hoặc hơn. Đồng chí đã gây khó khăn cho tôi như thế này (muốn nói đến vai trò của Chu Ân Lai trong việc chia cắt Việt Nam tại Geneva năm 1954), đồng chí có biết không“?
Chu Ân Lai nói: “Tôi xin lỗi đồng chí. Tôi đã sai. Điều đó tôi sai” (muốn nói đến sự chia cắt Việt Nam tại Geneva). Sau khi Nixon rời khỏi Trung Quốc, một lần nữa, ông ta (Chu Ân Lai) đến Việt Nam để hỏi tôi về một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay lập tức, tôi nói với Chu Ân Lai: “Nixon đã gặp các đồng chí rồi. Chẳng bao lâu nữa, họ (Hoa Kỳ) sẽ tấn công chúng tôi thậm chí còn mạnh hơn“.
Tôi hoàn toàn không sợ. Cả hai (Mỹ và Trung Quốc) đã thương lượng với nhau để đánh tôi mạnh hơn. Ông ta (Chu Ân Lai) đã không bác bỏ quan điểm này là vô căn cứ và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ gửi thêm súng đạn cho các đồng chí”.
Sau đó ông ta (Chu Ân Lai) nói (về mối lo ngại âm mưu bí mật Trung – Mỹ): “Không có điều đó“. Tuy nhiên, hai bên đã thảo luận làm thế nào để đánh chúng ta mạnh hơn, gồm các cuộc tấn công bằng bom B-52 và phong tỏa cảng Hải Phòng. Rõ ràng là như thế.
– Nếu Liên Xô và Trung Quốc đã không mâu thuẫn với nhau, thì Hoa Kỳ không thể tấn công chúng ta quyết liệt như họ đã tấn công. Khi hai [cường quốc Trung Quốc và Liên Xô] xung đột, người Mỹ đã không bị [phe đối lập là khối xã hội chủ nghĩa] cản trở. Mặc dù Việt Nam có thể thống nhất và đoàn kết với cả Trung Quốc lẫn Liên Xô, để đạt được điều này rất phức tạp, lúc đó chúng ta phải dựa vào Trung Quốc nhiều thứ. Lúc đó, hàng năm Trung Quốc cung cấp viện trợ 500.000 tấn thực phẩm, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa kể đến viện trợ đô la. Liên Xô cũng đã giúp bằng cách này. Nếu chúng ta không thể làm điều đó (đoàn kết và thống nhất với Trung Quốc và Liên Xô), mọi thứ sẽ rất nguy hiểm.
Mỗi năm tôi đã phải đi Trung Quốc hai lần để nói chuyện với họ (lãnh đạo Trung Quốc) về [các sự kiện] ở miền Nam Việt Nam. Về phía Liên Xô, tôi không phải nói gì cả (về tình hình ở miền Nam Việt Nam). Tôi chỉ nói một cách chung chung. Khi giao thiệp với Trung Quốc, tôi đã phải nói rằng cả hai [nước] đang đánh Mỹ. Tôi đã đi một mình. Tôi phải có mặt về vấn đề này. Tôi đã đến đó và nói chuyện với họ nhiều lần bằng cách này, mục đích chính là để xây dựng quan hệ gần gũi hơn giữa hai bên (nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam). Chính xác là vào thời điểm đó Trung Quốc gây áp lực với chúng ta để xa lánh Liên Xô, cấm chúng ta không được đi với Liên Xô.
Họ đã làm rất căng. Đặng Tiểu Bình, cùng với Khang Sinh đã đến và nói với tôi: “Đồng chí, tôi sẽ giúp đồng chí vài tỷ [có lẽ là nhân dân tệ] mỗi năm. Đồng chí không thể nhận bất cứ thứ gì từ Liên Xô“.
Tôi không đồng ý điều này. Tôi nói: “Không, chúng ta phải đoàn kết và thống nhất với toàn bộ phe [xã hội chủ nghĩa]”.
 



Ông Lê Duẩn đã nhận định về Trung Quốc như thế nào?

Kỳ II

"Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta là những kẻ phản động Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn thế. Tôi không biết những kẻ phản động Trung Quốc này sẽ tiếp tục tồn tại thêm bao lâu nữa?"



Cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Trường Chinh
KỲ II- ÂM MƯU THÔN TÍNH VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á
Năm 1963, khi Khrushchev phạm sai lầm, ngay lập tức [Trung Quốc] ban hành một tuyên bố 25 điểm và mời Đảng chúng ta đến cho ý kiến . Anh Trường Chinh và tôi đã đi cùng với một số anh em khác. Trong cuộc thảo luận, họ (Trung Quốc) lắng nghe chúng tôi đến, hình như là điểm thứ 10, nhưng khi đến điểm “không từ bỏ phe xã hội chủ nghĩa”, họ đã không nghe… Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về tài liệu của chính tôi, tôi muốn nghe ý kiến của các đồng chí, nhưng tôi không chấp nhận quan điểm này của các đồng chí“.
Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”. Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực!”
Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi”. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!
Tôi sẽ nói với các đồng chí nhiều hơn để các đồng chí có thể thấy thêm về tầm quan trọng quân sự trong vấn đề này.
Mao hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?
Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?
Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!
Mao nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!
Mao hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?
Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.
Mao hỏi: Có bao nhiêu người?
Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!
Mao nói: Lạy Chúa! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!
Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta (Mao) nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?” Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?“
Tôi đã nói với Mao Trạch Đông như thế. Ông ta nói: “Có, có!” Ông ta muốn chiếm Lào, cả Thái Lan, cũng như muốn chiếm tất cả các nước Đông Nam Á. Đưa người dân đến sống ở đó. Quan điểm đó thật là phức tạp.
Trong quá khứ (nói đến vấn đề có thể xuất phát từ mối đe dọa của Trung Quốc trong thời gian này), chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều, không phải là chúng ta không chuẩn bị. Nếu chúng ta không chuẩn bị, tình hình gần đây sẽ rất nguy hiểm. Không phải là vấn đề đơn giản.
Mười năm trước, tôi đã triệu tập các anh em trong quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ mâu thuẫn với nhau. Đối với Trung Quốc, họ đã bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng này, các đồng chí phải nghiên cứu vấn đề này ngay lập tức. Tôi sợ rằng quân đội không hiểu ý tôi, nên tôi nói với họ rằng, không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ vẫn thấy khó hiểu. Hoàn toàn không dễ. Nhưng tôi không thể nói bằng cách nào khác. Và tôi đã không cho phép những kẻ khác túm lấy tôi.
Khi tôi đến Liên Xô, Liên Xô cũng làm khó tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một cuộc họp gồm 80 đảng [cộng sản] để hỗ trợ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [buổi họp này] không chỉ đơn giản chỉ nhằm giúp Việt Nam, mà còn có mục đích lên án Trung Quốc. Nên Việt Nam đã không đi.
Liên Xô nói: “Bây giờ các đồng chí bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế [hay] là cái gì? Tại sao các đồng chí làm điều này?” Tôi nói: “Tôi hoàn toàn không bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế. Tôi không bao giờ làm điều này. Tuy nhiên, để là người quốc tế, trước tiên phải đánh bại Mỹ. Và nếu một nước muốn đánh bại Mỹ, thì phải có sự thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đến hội nghị này, thì Trung Quốc sẽ gây nhiều khó khăn lớn với chúng tôi. Các đồng chí, hãy hiểu cho tôi“.
Tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến và tranh luận khác nhau. Chu Ân Lai đồng ý việc hình thành một mặt trận với Liên Xô để chống Mỹ. Một lần, khi tôi đi Liên Xô để dự lễ kỷ niệm quốc gia, tôi có đọc một bức điện Trung Quốc gửi sang Liên Xô, nói rằng: “Bất cứ khi nào có ai đó tấn công Liên Xô, thì Trung Quốc sẽ đứng bên cạnh các bạn”. Đó là vì đã có một hiệp ước hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc từ thời trước đó (tháng 2 năm 1950).
Ngồi cạnh Chu Ân Lai, tôi hỏi ông ta: “Trong bức điện gửi đến Liên Xô gần đây, đồng chí đồng ý thành lập một mặt trận với Liên Xô, nhưng tại sao các đồng chí không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai nói: “Chúng tôi có thể thành lập mặt trận chống Mỹ. Tôi chia sẻ quan điểm đó. Các đồng chí, tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [Việt Nam]“. Bành Chân cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Quan điểm này cực kỳ chính xác!” Nhưng khi vấn đề được thảo luận tại Thượng Hải, Mao nói là không thể và hủy bỏ nó. Các đồng chí thấy nó phức tạp như thế nào.
Mặc dù Chu Ân Lai giữ vững một số quan điểm này, ông ta dù sao cũng đồng ý xây dựng một mặt trận và [ông ta] đã giúp Việt Nam rất nhiều. Cám ơn ông ta rằng tôi có thể hiểu [nhiều về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm. Có lần, ông ta nói với tôi: “Tôi đang làm hết sức mình để tồn tại ở đây, sử dụng Li Chiang tích lũy và hỗ trợ cho các đồng chí“. Thì ra vậy (tức là Chu Ân Lai đã sử dụng Li Chiang, để giúp người Việt Nam). Có nghĩa là, không có Chu Ân Lai, điều này sẽ hoàn toàn không thể xảy ra. Tôi đang mắc nợ ông ta.
Tuy nhiên, không đúng để nói rằng các lãnh đạo khác của Trung Quốc hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Chu Ân Lai. Họ khác nhau nhiều thứ. Phải nói rằng, người kiên quyết nhất là người có tinh thần Đại Hán và là người muốn chiếm Đông Nam Á, đó chính là Mao Trạch Đông. Tất cả các chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay ông ta.
Điều tương tự cũng áp dụng đối với các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao, [sự thật của vấn đề là] họ đã tấn công chúng ta. Trong quá khứ, Đặng Tiểu Bình đã làm hai điều mà hiện đang bị đảo lộn. Đó là, khi chúng ta giành chiến thắng ở miền Nam Việt Nam, nhiều [lãnh đạo] Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên, dù sao Đặng Tiểu Bình cũng chúc mừng chúng ta. Vì lý do này, ngay lập tức ông ta đã bị những người khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.
Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối, tôi dẫn đầu phái đoàn, và tôi đã gặp phái đoàn Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đứng đầu. Khi nói về vấn đề lãnh thổ, gồm cả việc thảo luận về một số hòn đảo, tôi nói: “Hai đất nước chúng ta ở gần nhau, Có một số vùng lãnh thổ của chúng ta vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hai bên nên thành lập các cơ quan để xem xét vấn đề này. Các đồng chí, làm ơn đồng ý với tôi [về vấn đề này]”. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) đồng ý, nhưng sau khi làm như vậy, ngay lập tức ông ta bị nhóm lãnh đạo khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.
Nhưng bây giờ ông ta (Đặng Tiểu Bình) điên rồi. Bởi vì ông ta muốn cho mọi người thấy rằng ông ta không phải là người theo chủ nghĩa xét lại, cho nên ông ta đã tấn công Việt Nam mạnh hơn. Ông ta để cho họ tiếp tục tấn công Việt Nam.
Sau khi đánh bại Mỹ, chúng ta giữ lại hơn một triệu quân, các đồng chí lãnh đạo Liên Xô hỏi chúng tôi: “Các đồng chí định đánh với ai mà giữ lại một đội quân thường trực lớn như vậy?” Tôi nói: “Sau này, các đồng chí sẽ hiểu“. Lý do duy nhất chúng ta giữ quân đội thường trực như thế là vì mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nếu không có [một mối đe dọa như thế], thì điều này (quân đội thường trực lớn) sẽ không cần. Gần đây, bị tấn công trên hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rằng] rất nguy hiểm nếu chúng ta đã không được duy trì một đội quân lớn.
(B) (Ý nghĩa của chữ “B” này trong văn bản gốc không rõ ràng) – Sau Đệ nhị Thế chiến, tất cả mọi người tin rằng tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ. Họ có thể tiếp quản và bắt nạt cả thế giới. Tất cả các nước, gồm các nước lớn đều sợ Mỹ. Chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ.
Tôi hiểu vấn đề này vì công việc đã dạy tôi. Người đầu tiên sợ [Mỹ] là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, đó là, Việt Nam và Lào, rằng: “Ngay lập tức, các ông phải chuyển giao hai tỉnh của Lào đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu các ông không làm như vậy, thì Mỹ sẽ sử dụng điều đó làm lý do tấn công. Đó là mối nguy lớn”. Về phía Việt Nam, chúng tôi đã nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam“. Ông ta (Mao) nói: “Các ông không thể làm điều đó. Miền Nam Việt Nam phải nằm đợi trong một thời gian dài, đợi một đời, 5-10 đời hoặc thậm chí 20 đời kể từ bây giờ. Các ông không thể đánh Mỹ. Đánh Mỹ là nguy hiểm”. Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến mức độ đó…
Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiếp tục chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam Việt Nam sẽ không được giải phóng. Một đất nước chưa được giải phóng sẽ vẫn là một đất nước lệ thuộc. Không ai có được độc lập nếu chỉ có một nửa đất nước được tự do. Không có được độc lập cho đến năm 1975, đất nước chúng ta cuối cùng có được độc lập hoàn toàn. Có độc lập, tự do sẽ đến. Tự do phải là tự do cho cả nước Việt Nam …
Engels đã nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó, Liên Xô, Trung Quốc và chính chúng ta cũng đã nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước rất khác về nội dung [chiến tranh nhân dân]. Không đúng là chỉ vì các bạn có hàng triệu người, thì các bạn có thể làm bất cứ điều gì các bạn muốn. Trung Quốc cũng nói đến chiến tranh nhân dân, tuy nhiên, [họ cho rằng] “khi kẻ thù tiến lên, thì chúng ta phải rút lui“. Nói cách khác, phòng thủ là chính, và chiến tranh được chia thành ba giai đoạn, vùng nông thôn được sử dụng để bao vây thành thị, trong khi [các lực lượng chính] chỉ ở lại trong rừng núi… Người Trung Quốc ở thế phòng thủ và rất yếu [trong Đệ nhị Thế chiến]. Ngay cả với 400 triệu người đọ sức với quân đội Nhật Bản có 300.000 – 400.000 quân, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại họ.
Tôi phải lặp lại điều này như thế, vì trước khi Trung Quốc gửi cố vấn cho chúng ta, một số anh em Việt Nam chúng ta không hiểu. Họ nghĩ rằng [Trung Quốc] rất có khả năng. Nhưng họ không có kỹ năng và do đó chúng ta đã không làm theo [những lời khuyên của Trung Quốc].
Năm 1952, tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc vì tôi bị bệnh và cần điều trị. Đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài. Tôi đặt câu hỏi cho họ (Trung Quốc) và thấy nhiều điều rất lạ. Có những khu vực [đã bị] quân Nhật chiếm đóng, mỗi khu có dân số khoảng 50 triệu người, nhưng không có lấy một chiến binh du kích…
Khi tôi từ Trung Quốc trở về, tôi đã gặp Bác [Hồ]. Bác hỏi tôi:
- Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài, phải không?
Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đi ra nước ngoài.
- Chú đã thấy gì?
Tôi thấy hai điều: Việt Nam rất dũng cảm và họ (Trung Quốc) không dũng cảm chút nào.
Tôi hiểu điều này kể từ ngày đó. Chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn khác với họ. Lòng can đảm vốn có trong con người Việt Nam và do đó chúng ta chưa bao giờ có một chiến lược phòng thủ (ý nói ở thế thủ). Mọi người dân chiến đấu.
Gần đây, họ (Trung Quốc) đã mang hàng trăm ngàn quân vào xâm chiếm nước ta. Hầu hết, chúng ta đã sử dụng lực lượng dân quân và quân đội trong vùng để tấn công họ. Chúng ta không ở thế thủ và do đó họ phải lùi bước. Họ không thể quét sạch dù một trung đội Việt Nam, trong khi chúng ta đã xóa sổ vài trung đoàn và hàng chục tiểu đoàn của họ. Có được như vậy là vì chiến lược tấn công của chúng ta.

Ông Lê Duẩn đã nhận định về Trung Quốc như thế nào?(Kỳ III)

Khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] xung đột với nhau, Mỹ được [Trung Quốc] thông báo là họ có thể tiến tới và tấn công Việt Nam mà không sợ. Đừng sợ [sự trả đũa của Trung Quốc]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đã nói với Mỹ: “Nếu các ông không tấn công tôi, thì tôi sẽ không tấn công các ông. Các ông có thể đưa nhiều quân vào miền Nam Việt Nam mà các ông muốn. Tùy các ông“.

Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông
KỲ III-VIỆT NAM KHÔNG ĐỂ TRUNG QUỐC THỰC HIỆN
… Việt Nam đã chiến đấu chống Mỹ, và đã chiến đấu rất quyết liệt, nhưng chúng ta biết rằng Hoa Kỳ là một nước rất lớn, khả năng tích lũy hơn 10 triệu quân và đưa tất cả các loại vũ khí được xem là mạnh của họ vào để đánh chúng ta. Vì vậy, chúng ta đã phải chiến đấu trong một thời gian dài để làm cho cho họ giảm leo thang. Chúng ta là những người có thể làm được điều đó, Trung Quốc thì không thể. Khi quân đội Mỹ tấn công Quong Tre (Quảng Trị?), ngay lập tức Bộ Chính trị ra lệnh đưa quân đội vào chiến đấu. Chúng ta không sợ.
Sau đó tôi đi Trung Quốc gặp Chu Ân Lai. Ông ta nói với tôi: “Điều đó (cuộc tấn công vào Quảng Trị) có lẽ là chưa từng có, có một không hai. Chỉ có một [cơ hội] trên đời này, không có cơ hội thứ hai. Không ai dám làm những điều các đồng chí đã làm”.
… Chu Ân Lai là người đứng đầu Bộ Tham mưu. Ông ta dám nói, ông ta thẳng thắn hơn. Ông ta nói với tôi: “Nếu tôi biết trước cái cách mà các đồng chí sử dụng, chúng tôi không cần Vạn lý Trường chinh”.
Vạn lý Trường chinh là gì? Vào đầu cuộc hành quân có 300.000 quân, đến cuối Vạn lý Trường chinh chỉ còn 30.000 quân. 270.000 người đã chết. Thực sự ngu ngốc khi thực hiện cách này. Nói như vậy để các đồng chí biết chúng ta đang đi trước họ như thế nào. Trong tương lai không xa, nếu chúng ta chiến đấu chống lại Trung Quốc, chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng … Tuy nhiên, sự thật là nếu một nước khác [không phải Việt Nam] chiến đấu chống lại Trung Quốc, không rõ họ có giành được chiến thắng như thế này không (như Việt Nam).
… Nếu Trung Quốc và Liên Xô thống nhất với nhau, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta hay không. Nếu hai nước thống nhất và liên kết với nhau để giúp chúng ta, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta cái cách mà họ đã đánh. Họ sẽ do dự ngay từ đầu. Họ sẽ do dự như thời Kennedy. Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, tất cả đã giúp Lào và ngay lập tức Mỹ ký một hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân Mỹ sang Lào, họ để cho Đảng [Nhân dân Cách mạng] Lào tham gia chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.
Sau đó, khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] xung đột với nhau, Mỹ được [Trung Quốc] thông báo là họ có thể tiến tới và tấn công Việt Nam mà không sợ. Đừng sợ [sự trả đũa của Trung Quốc]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đã nói với Mỹ: “Nếu các ông không tấn công tôi, thì tôi sẽ không tấn công các ông. Các ông có thể đưa nhiều quân vào miền Nam Việt Nam mà các ông muốn. Tùy các ông“.
… Hiện tại, chúng ta có biên giới với một nước rất mạnh, một nước với ý đồ bành trướng mà nếu muốn được thực hiện, phải bắt đầu với một cuộc xâm lược Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải chung vai gánh vác, vai trò lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ trốn tránh trách nhiệm lịch sử. Trước đây, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ của mình, và lần này Việt Nam xác định không cho phép họ bành trướng. Việt Nam giữ độc lập riêng mình và làm như vậy cũng là để bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Việt Nam kiên quyết không để Trung Quốc thực hiện âm mưu bành trướng. Trận đánh gần đây [với Trung Quốc] chỉ là vòng một. Hiện họ vẫn còn chuẩn bị nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bất kể họ chuẩn bị đến mức độ nào, Việt Nam cũng sẽ thắng …
Tiến hành chiến tranh không phải là đi bộ thong thả trong rừng. Gửi một triệu quân vào cuộc chiến chống lại một nước ở bên ngoài liên quan đến vô số khó khăn. Gần đây họ đưa 500.000 – 600.000 binh lính để đánh chúng ta, nhưng họ đã không có thiết bị vận tải đầy đủ để cung cấp lương thực cho quân đội của họ. Trung Quốc hiện đang chuẩn bị 3,5 triệu quân, nhưng họ phải để lại một nửa số quân đó ở biên giới [Trung-Xô] để ngăn chặn Liên Xô. Vì lý do đó, nếu họ đưa 1 hoặc 2 triệu quân vào để đánh chúng ta, chúng ta sẽ không sợ bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ có 600.000 quân tham gia, và trong tương lai gần, nếu chúng ta phải đánh với 2 triệu quân, sẽ không có vấn đề gì cả. Chúng ta không sợ.
Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta biết cách đánh. Nếu họ đưa 1 triệu quân, họ sẽ chỉ giành được một chỗ đứng ở miền Bắc. Đi xuống vùng trung du, vùng đồng bằng và Hà Nội và thậm chí xuống dưới sẽ khó khăn hơn nữa.
Các đồng chí, như các đồng chí biết, bọn Hitler tấn công quyết liệt theo cách này, nhưng khi họ (Đức Quốc xã) đến Leningrad, họ không thể vào được. Với thành phố, người dân và các công trình phòng thủ, không thể nào thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả chống lại mỗi người và mọi người. Thậm chí đánh trong hai, ba hoặc bốn năm, họ vẫn không thể vào. Mỗi làng ở đó (ở miền Bắc) thì giống như thế. Đường lối của chúng ta là: mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và họ sẽ không thể nào vào được cả.
Tuy nhiên, không bao giờ đủ khi chỉ đánh kẻ thù ở tiền tuyến. Phải có một đội quân hậu tập trực tiếp mạnh mẽ. Sau trận đánh gần đây kết thúc, chúng tôi đánh giá rằng, trong tương lai không xa, chúng ta phải đưa thêm vài triệu người đến mặt trận phía Bắc. Nhưng kẻ thù đến từ phía bắc, hậu phương trực tiếp cho cả nước phải là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh … Hậu phương trực tiếp bảo vệ thủ đô phải là Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Chúng ta có đủ người. Chúng ta có thể đánh chúng bằng nhiều cách … Chúng ta có thể sử dụng 2-3 quân đoàn để giáng một cú mạnh vào chúng, sẽ làm cho chúng lảo đảo, trong khi chúng ta tiếp tục giữ đất của chúng ta. Để đạt được mục đích này, mỗi người lính phải là một người lính thực và mỗi đội phải là một đội hình thực sự.
- Bây giờ đã đánh xong một trận rồi, chúng ta không nên chủ quan. Chủ quan và đánh giá thấp kẻ thù là sai lầm, nhưng thiếu tự tin cũng sai. Chúng ta không chủ quan, chúng ta không đánh giá thấp kẻ thù. Nhưng chúng ta cũng tự tin và vững tin vào chiến thắng của chúng ta. Chúng ta cần phải có cả hai điều này.
- Bây giờ Trung Quốc có âm mưu đánh [chúng ta] để mở rộng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay họ không thể đánh và dọn dẹp một cách dễ dàng. Trung Quốc chỉ đánh Việt Nam có vài ngày mà cả thế giới đã hét lên: “Không được đụng đến Việt Nam“! Thời đại hiện nay không giống như thời xưa. Trong những ngày này, không chỉ có chúng ta và họ (muốn nói Trung Quốc). Bây giờ cả thế giới đang gắn chặt với nhau. Loài người vẫn chưa hoàn toàn đi vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa, nhưng đây là lúc mọi người đều muốn độc lập và tự do. [Ngay cả] trên các đảo nhỏ, người dân cũng muốn độc lập, tự do.
Cả nhân loại hiện nay như thế. Điều đó là rất khác với thời xưa. Thời đó, người dân chưa nhận thức rõ những điều này. Do đó, câu của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là một ý tưởng của thời đại hiện nay. Đụng đến Việt Nam là đụng đến nhân loại và xâm phạm độc lập, tự do … Việt Nam là một quốc gia tượng trưng cho độc lập và tự do.
- Khi phải chiến đấu chống Mỹ, anh em chúng ta trong Bộ Chính trị đã thảo luận với nhau về vấn đề này, cân nhắc liệu chúng ta có dám đánh Mỹ hay không. Tất cả đều đồng ý đánh. Bộ Chính trị đã bày tỏ quyết tâm: để chiến đấu chống Mỹ, chúng ta không sợ Mỹ. Tất cả đều đồng tâm. Khi tất cả đã đồng ý đánh Mỹ, không sợ Mỹ, chúng ta cũng không sợ Liên Xô. Tất cả đều đồng ý. Chúng ta cũng không sợ Trung Quốc. Tất cả đều đồng ý. Nếu chúng ta không sợ ba điều này, chúng ta có thể đánh Mỹ. Đó là cách chúng tôi đã thực hiện trong Bộ Chính trị hồi đó.
Mặc dù Bộ Chính trị đã gặp và tổ chức các buổi thảo luận như thế và mọi người đồng lòng, sau này có một người đã nói với một đồng chí điều mà tôi đã nói. Đồng chí đó đặt câu hỏi cho Bộ Chính trị, hỏi lý do gì mà Anh Ba một lần nữa lại nói rằng, nếu chúng ta muốn đánh Mỹ, thì chúng ta không nên sợ Trung Quốc? Tại sao anh ấy phải nói như vậy nữa?
Lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh, người đã bị nghi là có cảm tình với Trung Quốc, đứng lên và nói: “Kính thưa Bộ Chính trị và kính thưa Bác Hồ, lời phát biểu của Anh Ba là đúng. Phải nói như thế (ý nói không cần phải sợ Trung Quốc), vì họ (Trung Quốc) gây rắc rối cho chúng ta nhiều điều. Họ chặn chúng ta ở chỗ này, rồi họ trói tay chúng ta ở chỗ kia. Họ không cho chúng ta đánh…”
Trong khi chúng ta đánh ở miền Nam Việt Nam, Đặng Tiểu Bình quy định rằng tôi chỉ có thể đánh ở mức trung đội trở xuống và không được đánh ở mức cao hơn. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) nói: “Ở miền Nam, do các ông phạm sai lầm về việc đã khởi động đánh trước, các ông chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống, không được đánh ở mức cao hơn”. Họ gây áp lực lên chúng ta như thế.
- Chúng ta không sợ ai cả. Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta có lẽ phải. Chúng ta không sợ ngay cả anh trai của chúng ta. Chúng ta cũng không sợ bạn bè của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không sợ kẻ thù của chúng ta. Chúng ta đã đánh họ rồi. Chúng ta là con người, chúng ta không sợ bất cứ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết chúng ta độc lập.
Chúng ta phải có một quân đội mạnh mẽ, bởi vì đất nước chúng ta đang bị đe dọa và bị bắt nạt … Không thể khác được. Nếu không, thì sẽ nguy hiểm vô cùng, nhưng đất nước chúng ta nghèo.
- Chúng ta có một quân đội mạnh, điều đó không có cách nào làm nhụt chí chúng ta. Có một số chính sách của Trung Quốc đối với chúng ta: xâm lược và chiếm đóng nước ta, tìm cách làm suy yếu chúng ta về kinh tế và làm cho điều kiện sống của chúng ta khó khăn. Vì những lý do này, để chống lại Trung Quốc, trước hết, chúng ta phải, không những chiến đấu, mà còn làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục đích này, theo tôi, quân đội của chúng ta không nên là một lực lượng lãng phí nguồn lực của nhà nước, mà nên là một lực lượng sản xuất mạnh mẽ. Khi kẻ thù đến, họ (những người lính) cầm súng ngay lập tức. Khi không có kẻ thù, thì họ sẽ sản xuất đàng hoàng. Họ sẽ là biểu tượng tốt nhất và cao nhất trong sản xuất, sản xuất nhiều hơn bất cứ người nào khác. Dĩ nhiên, đó không phải là một câu chuyện mới …
- Hiện nay, trên vai quân đội của chúng ta đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử: bảo vệ độc lập và tự do của chúng ta, trong khi cùng lúc bảo vệ hòa bình và độc lập trên toàn thế giới. Nếu chính sách bành trướng của bè lũ phản động Trung Quốc không thể thực hiện được nữa, sẽ là lợi ích của cả thế giới. Việt Nam có thể làm điều này. Việt Nam có 50 triệu người rồi. Việt Nam có những người bạn Lào và Campuchia và có địa thế vững chắc. Việt Nam có phe [XHCN] và tất cả nhân loại đứng về phía ta. Rõ ràng là chúng ta có thể làm điều này.
… Các đồng chí có biết người nào trong đảng chúng ta, trong nhân dân của chúng ta, nghi chúng ta sẽ thua Trung Quốc? Dĩ nhiên là không có ai cả. Nhưng chúng ta phải duy trì các mối quan hệ bạn bè của chúng ta. Chúng ta không muốn hận thù dân tộc. Tôi lặp lại: tôi nói điều này bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Tôi không cảm thấy như thế. Đó là họ đánh chúng ta.
Hôm nay tôi cũng muốn các đồng chí biết rằng trong thế giới này, người đã bảo vệ Trung Quốc là chính tôi! Đó là sự thật. Tại sao vậy? Bởi vì trong hội nghị tháng 6 năm 1960 tại Bucharest, 60 đảng đứng lên chống lại Trung Quốc, nhưng chỉ có mình tôi là người bảo vệ Trung Quốc. Việt Nam chúng ta là thế. Tôi sẽ tiếp tục lặp lại điều này: Tuy họ cư xử tồi tệ, chúng ta biết rằng người của họ là bạn của chúng ta. Về phía chúng ta, chúng ta không cảm thấy xấu hổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu của một số lãnh đạo (Trung Quốc) là một vấn đề khác. Chúng ta coi họ chỉ là một bè lũ. Chúng ta không nói tới đất nước họ. Chúng ta không nói người dân Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói bè lũ phản động Bắc Kinh. Tôi nói lại điều này một lần nữa một cách nghiêm túc như thế.
Vì vậy, chúng ta hãy kiểm soát tình hình chặt chẽ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và không bao giờ nới lỏng sự cảnh giác. Về mối quan hệ với Trung Quốc cũng vậy. Tôi tin rằng trong 50 năm, hoặc thậm chí trong 100 năm, chủ nghĩa xã hội có thể thành công, và lúc đó chúng ta sẽ không bị vấn đề này nữa. Nhưng sẽ mất một thời gian [dài] như thế. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.
Hiện nay, chắc chắn không ai còn nghi ngờ nữa. Nhưng cách đây năm năm, tôi dám chắc rằng [không có] đồng chí nào nghi ngờ Trung Quốc có thể đánh chúng ta. Nhưng có. Đó là vì các đồng chí [này] không có kiến thức về vấn đề này. Nhưng đó không phải là trường hợp của chúng tôi (Lê Duẩn và ban lãnh đạo). Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã và đang tấn công chúng ta [cách đây] mười năm hoặc hơn. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên [về cuộc tấn công của Trung Quốc vào tháng 1 năm 1979]./.
  


THƯ NGƯỜI NHẬT GỬI NGƯỜI TRUNG QUỐC

Người Nhật nghĩ gì về người Trung Quốc?

Một bức thư người Nhật viết cho người Trung Quốc Hoa Lục (đang được phát tán mạnh trên “net”) All Chinese and Taiwanese Must Read!!
“.. Là một người Nhật Bản, tôi có đôi điều muốn cùng các bạn chia sẻ nơi đây về cái nhìn của tôi đối với người Trung Hoa. Tôi trước kia là một du học sinh của trường đại học Trung Quốc Nhân Dân, tôi đã ngu khờ sống ở Hoa Lục đến 5-6 năm, vì vậy tôi tin rằng tôi hoàn toàn có đủ tư cách để nói lên cái nhìn của tôi…”
trung nhatVề địa lý,Nhật Bản và Trung Hoa rất gần nhau, nhưng mà về tính cách thì hai dân tộc lại xa nhau một trời một vực,người Hoa Lục (Trung Cộng) cho tôi cảm nhận cái ấn tượng lúc ban đầu là rất tốt, nhưng về lâu về dài,thì những khuyết điểm đều bạo lộ hết ra ngoài, người Hoa Lục nhát gan, nịnh hót, hèn yếu, hư ngụy, xảo trá, thích làm tài khôn,và cái điều làm cho tôi không thể nào lý giải được là tại sao người Hoa Lục tự đối đãi với chính đồng bào ruột thịt của họ thì rất ư là vô tình, nhưng lại đối đãi với người ngoại quốc thì họ rất khép nép và cung kính.
Lúc tôi mới vừa đến Hoa Lục,bất quá thì tôi chỉ là một tên học trò nghèo khó, ấy thế mà tôi lại được đãi ngộ như là một “siêu quốc dân”,kinh nghiệm của nhiều năm ở đó, cho tôi một ấn tượng rất sâu đậm, người Hoa Lục chẳng khác nào một thao cát rời rạc,người Hoa Lục đoàn kết một lòng là có,nhưng điều đó chỉ xảy ra ở vào những thời điểm đặc biệt, tỷ dụ như dân tộc họ đang đối diện với sự diệt vong,nhưng mà đó lại cũng không phải là một sự đoàn kết triệt để nữa,người Hoa Lục đối diện với Ngoại Đấu và Nội Tranh thì hầu như nghiêng về phần Nội Tranh nhiều hơn,người Hoa Lục hận nhứt là Hán Gian. Tôi không phải là kẻ xâm lăng (đối với vấn đề xâm chiếm Trung Hoa,tôi tôn trọng lịch sử,thừa nhận đó là cái lỗi lầm của Nhật Bản), người Hoa Lục đã nuôi dưỡng các cô nhi của chúng tôi trong thời kỳ chiến tranh, thế mà họ đã nhẫn tâm tàn hại đồng bào của họ ở thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (thậm chí là giữa thân tình với nhau), những điều này thật tình tôi không làm sao mà hiểu nổi, nếu không phải là người Hoa Lục thì chẳng ai có thể mà hiểu được, các bạn là người Hoa Lục các bạn làm sao lý giải, nếu như nói người Hoa Lục là lương thiện, hư ngụy việc chi, tôi thật chẳng biết đó là chuyện gì, nếu như người Hoa Lục đơn thuần không có việc nồi da xáo thịt, thì đây có thể nói là lương thiện, nhưng khi xảy ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa, thì tình huống đã đổi khác,thật tình mà nói, đối với việc làm của các bạn, tôi thấy chẳng có điểm nào để gọi là cảm ơn, nếu có thì chỉ là nghi vấn và không thể nào lý giải mà thôi.

Còn nữa,tôi cũng không thể nào hiểu nổi tại sao các bạn lại không nhận khoản tiền bồi thường sau chiến tranh của NhậtBản,không có một dân tộc nào giống như dân tộc người Hoa Cộng đối nội thì tàn bạo,nhưng đối ngoại thì lại ẩn nhẩn.Điều này đã làm cho tôi liên tưởng đến sự quan hệ giữa Do Thái và Đức Quốc,Thật lòng mà nói tôi rất thán phục người Do Thái,thái độ không khoan thứ không nhờ vả đối với người Đức của họ,đã tỏ rõ sự trọng thị quyền lợi và giá trị tự kỷ,họ không tha thứ người Đức,nhưng người Đức rất kính trọng họ,ngược lại,tại phương Đông,hiện thực người Nhật Bản rất khinh thị người Trung Hoa,các bạn vứt bỏ bồi khoản, các bạn tha thứ chúng tôi, chúng tôi vẫn hận các bạn, khinh thị các bạn, bỉ thị các bạn,nguyên nhân không phải tại chúng tôi, mà là do bởi tự chính các bạn,các bạn tự khinh tự tiện (đê tiện),người ngoài cũng không làm sao có cách để giúp các bạn, người Hoa Lục không có huyết tính, ý khí đã bị mài cùn lụt hết rồi,cái còn lại chỉ là hơi tàn,tự ti,và ngôn ngữ của các bạn hiện là sùng bái Tây Dương với cung cách nịnh hót để làm cho Ngoại Nhân vui thích.
Các bạn tự cho là Văn Minh Cổ Quốc, nhưng ngoại trừ những kiến trúc giết người rùng rợn, những văn vật trong các viện bảo tàng, sinh hoạt của người Hoa Lục trong hiện thực, có còn lưu lại cái bóng dáng văn minh truyền thống hay không? không sai, Nhật Bản đã từng chịu sự ảnh hưởng văn minh của Trung Hoa trong thời gian dài lâu,nhưng mà hiện tại sự bảo tồn văn hóa và duy trì được như xưa của người Hoa Lục lại chỉ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Tân Gia Ba, chứ không ở Hoa Lục.Các bạn đem thành tín, tiết nghĩa, lễ nghi, tứ thư ngũ kinh coi như bốn thứ đồ phế thải mà quét vào bãi rác, tiếng nói là kiến lập một xã hội mới, có ngờ đâu lại như thế này, các bạn dĩ nhiên là thấy rõ ràng hơn chúng tôi, một đằng thì tham ô hủ bại (lời quỷ dối người của các bạn: “hủ bại là vấn đề mà các nước trên toàn thế giới đều phải đối diện”), tham bạc mê vàng,ca kỹ dâm ô,chơi chó đua ngựa,còn đằng khác thì nghèo đến nổi cơm ăn chẳng đủ no .Làm đồ giả, Hoa Cộng không ai địch nổi, thổi phồng nói dóc, thấy lợi quên nghĩa, các bạn không có tín ngưỡng, tin chũ nghĩa Marxisme. Nếu mà Marx có biết được cái chủ nghĩa của ông ta mà là một cái xã hội như vậy, chắc là ông ta cũng phải tức chết đi thôi, tinh thần rổng tuếch, chẳng ai tin ai, thật không thể nào mà trách một cái thau cát rời rạc, người Hoa Lục hiện tại, với mức độ vô tri, ngu muội như thế nếu thụt lùi trở về ở thời của năm 1895 thì cũng chẳng tốt hơn được là bao nhiêu.
Trung Cộng là một đại quốc, nhưng mà về chính trị thì tuyệt đối là một kẻ yếu, các bạn từng trào tiếu Nhật Bản chúng tôi là chính trị ải tử (thằng lùn),nhưng mà chúng ta thử so sánh chế độ xã hội,coi xem cái xã hội nào trên thế giới ăn ngủ được ngon, xã hội chủ nghĩa chỉ còn có vài ba nước mà thôi, lại không đoàn kết, chuyên chế, độc tài, thế giới chẳng hoan nghinh, nhưng vì Trung Cộng bạn quá to lớn,cho nên được thấy là trọng yếu,nhưng các bạn vẫn luôn là đối tượng ở thế công chính trị đối với tây phương, chưa bao giờ tự chủ động xuất kích (để cải thiện),lý do là vì các bạn không làm, nhân quyền bị thế giới lên án bao nhiêu năm? Ai đem nhân quyền là quyền sống tối đại của con người đi giáng cách (chà đạp nhân quyền)? Cách Mạng Văn Hóa, Bước Đại Nhảy Vọt, bao nhiêu cái sai lầm của chính phủ của các bạn, các ca xướng gia của các bạn vẫn hát: người dẫn đường cải cách khai phóng, dắt chúng tôi đi về hướng thời đại mới. Giờ thì không còn người dân Hoa Lục nào ngoan ngoản, nghe theo, ở vào thời đại văn minh như ngày nay, thì cái tình huống như thế thật là hiếm có rồi.
Các bạn người Hoa Lục đang tự hủy hoại chính mình, trí tuệ của chính mình, tài nguyên của chính mình. Kinh tế Hoa Lục các bạn phát triển nhanh, cái giá phải trả có xứng đáng không? Tài nguyên khô kiệt, môi trường sinh thái bị ác hóa. Nguồn tài nguyên năng lượng tuyệt vời của tỉnh Sơn Tây của các bạn, đã bị chính các bạn hoang phí hủy hoại đến thế nào,kinh tế lạc hậu, dân sinh suy thoái, tham quan hoành hành. Các bạn có biết chăng, thời Trung Hoa Dân Quốc thống trị Hoa Lục, Sơn Tây hãy còn là một tỉnh mô phạm, các bạn cũng chẳng biết địa vị của Sơn Tây trong lịch sử Trung Hoa, kinh tế của tỉnh Sơn Tây thịnh vượng ở thời Thanh triều, một nửa số quan tể tướng ở thời nhà Đường đều xuất thân từ tỉnh Sơn Tây, địa vị của Sơn Tây cao hơn xa so với thành phố Thượng Hải mà các bạn đã từng tự hào huênh hoang khen tặng, bây giờ các bạn hãy thử nhìn Sơn Tây, là sẽ biết ngay cái gì là cái khoảng cách giữa lịch sử và hiện thực rồi (GDP bình quân đầu người Hoa Lục là số 1 từ dưới chót đếm lên).Các bạn hoang phí và hủy hoại tài nguyên như thế, giả sử như Sơn Tây được mang cho Nhật Bản, chúng tôi sẽ rất trân trọng như là tổ tiên mà cung phụng để phát triển Sơn Tây, và Sơn Tây sẽ giàu mạnh hơn nhiều so với Bắc Kinh, Thượng Hải cường thịnh mà các bạn đã từng trọng thị.Các bạn kinh tế phát triển nhanh,rồi mừng rỡ mà dùng cái quái gì là Thượng Hải,là Bắc Kinh làm cửa sổ để ngắm nhìn, ngu xuẩn quá! hai thành phố đó chiếm diện tích Hoa Lục là bao nhiêu,dân số bao nhiêu? Các bạn trường kỳ khinh thị nông dân,9 trăm triệu nông dân mà không chiếu cố tốt cho họ,Hoa Lục các bạn sẽ phải đối diện với đại loạn rồi đó.
Lúc ở Bắc Kinh tôi đã có nói chuyện với một bà lão người đến từ tỉnh Sơn Đông, bà là người đã dắt hai đứa con gái của bà đến Bắc Kinh để cùng bán dâm, bà nói, nhờ ở thân xác mình mà có cơm ăn, không xấu hổ đâu, có xấu hổ chăng là cái xã hội này kìa, vì hơn 40 năm trước, chính quyền sở tại đã khua chiêng gióng trống mang mấy nghìn dân bản xứ (Sơn Đông) di dân đến Tân Cương, đưa đến vùng hoang vu sơn dã,để họ tự sinh tự diệt ,số người bị chết nơi đó không biết là bao nhiêu ,nhưng họ vẫn không cho trở về Sơn Đông, lén trốn về Sơn Đông cũng chẳng ích gì, Chính quyền nói, họ chẳng phải là người Sơn Đông,không có hộ khẩu,mấy mươi năm lưu lạc,tìm ai để đòi công lý? Những niềm vui công trạng lớn của các bạn, mấy chục tỷ công trình nói làm là làm, chúng tôi những người bị các bạn coi là nghững người Nhật Bản “khó tính”, Hoa Lục giàu, nhưng mà số người thất nghiệp lại gia tăng,thêm một người thất nghiệp là xã hội sẽ có thêm một nhân tố bất ổn định cho xã hội. Các bạn không giải quyết, thu nhập của nông dân thấp, các bạn không quan tâm,khoảng cách giàu nghèo càng xa, các bạn lại làm như là chẳng thấy gì, cái mà các bạn thích là người ngoại quốc tán dương, cái điểm này nhiều người đã thấy rất rõ, các bạn hư vinh, xa xỉ, xã hội của các bạn hổn loạn,các bạn lại muối mặt không biết xấu hổ mà dám nói là thời của người Nhật đã hết rồi, Hoa Lục Cộng Sản đã vượt xa Hoa Kỳ rồi, ha ha, cái nhìn thiển cận!
Các bạn bất quá chỉ mới “cởi mở” hai mươi mấy năm, mà đã láo khoét như vậy, kinh tế Nhật Bản đang đình trệ, các bạn liều mạng “phát triển” mười năm vẫn không đạt được 1/4 tổng sản lượng kinh tế của Nhật Bản,vậy mà dám nói vượt xa Hoa Kỳ,chuyện thần thoại chăng? Còn nữa, tình hình thế giới không tốt cho các bạn, nhưng mà Nhật bản, nhờ vào chế độ ưu việt, người dân thật lòng, cùng với sự chân thành giúp đỡ của Tây Phương, là lý do đủ để tái phục hồi. Còn Hoa Lục bởi hình thái ý thức, chế độ, với Hoa Kỳ hoặc với các nước tự do khác không thể dung nhập cùng nhau, Hoa Lục ổn định cái gì, một khi mà xã hội hổn loạn, kinh tế băng hoại, các nước xung quanh không có ai ủng hộ, cũng bởi vì nước của các bạn trước sau vẫn luôn cho người ta cái nhìn phản cảm. Bởi vậy Nhật Bản tuy thua trận, vẫn có cơ hội vươn lên, Hoa Lục thua, chắc chắn sẽ hoàn toàn chia năm sẽ bảy. Các quốc gia xung quanh đều mong muốn Hoa Lục như vậy, nước Nga chẳng muốn các bạn được yên, Ấn Độ hận các bạn, Đông Nam Á hận các bạn, bởi vậy hoàn cảnh của các bạn rất là tệ hại và bấp bênh, ấy thế mà các bạn vẫn chẳng hề thấy được cái nguy cơ đó,vẫn cảm giác lương hảo, như vậy rõ ràng là quá ngu muội.
Trong những sắc dân Đông Phương,chúng tôi tôn kính người Hàn Quốc, bởi vì họ và chúng tôi rất giống nhau,có máu có thịt, dám nói dám làm, lịch sử của chúng tôi và của các bạn đã từng có vấn đề va chạm nhau, người Hàn Quốc từ ông tổng thống đến quốc dân đều có thể kháng nghị, Trung Cộng thì chỉ có vài ba người phát ngôn của bộ ngoại giao với sự hiểu biết thiển cận không biết khinh trọng chỉ biết ở đó ý ý á á.Ha ha, đấy là cái sự khác biệt đó. Người Hàn Quốc hận chúng tôi, nhưng chúng tôi kính trọng người đối thủ này, bạn hận hay không hận chúng tôi, chúng tôi cảm nhận không có chuyện gì để nói, bởi vì tính cách của các bạn, phẩm hạnh của các bạn cho thế giới thấy rõ, người Hoa Lục không có tính thẳng thắn, cương trực. Hiện tôi đang suy nghĩ, Không quên việc trước(lịch sử) sẽ là thầy của việc sau (tiền sự bất vong hậu sự chi sư), như vậy, cuối cùng, giữa Nhật và Hoa Cộng ai là người đã bỏ quên lịch sử?
Chúng tôi tham bái thần xã, sửa lại sách giáo khoa lịch sử, nói rõ là chúng tôi không có quên cái giai đoạn lịch sử đó,còn các bạn? Những người bị hại trong thế chiến thứ hai? Các bạn chỉ vì lo tranh chấp trong đảng phái, mà không nghĩ đến đại nghĩa của dân tộc. Nói gì đến cái chuyện trong 8 năm kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Hoa, sách sử của các bạn viết về giai đoạn lịch sử đó so với chúng tôi sao nó quá mơ hồ không rõ ràng, là bởi vì các bạn tự bóp méo lịch sử,ha ha! (một lần nữa cho thấy rõ là nội tranh nặng hơn ngoại kháng) các bạn chửi chúng tôi là không nhìn thẳng vào vấn đề xâm lược Trung Hoa, làm thương tổn đến cảm tình người dân Hoa Lục, thế còn các bạn thì sao? Qua nhiều lần vận động “cải tổ” chính trị, các bạn đã có nhìn thẳng vào sự bức hại của mình đối với người dân hay chưa? Có nhìn thẳng vào sự hủy hoại của cách mạng văn hóa hay chưa? Các bạn cần phải trực thị với rất nhiều điều sai lầm đó. Đó là do ai(?) đã làm tổn hại cảm tình của người dân Trung Hoa vậy hở? Làm phim Tàn Sát Thành Nam Kinh, trong số các bạn lại có những người vô lương đã thốt lên là tại làm sao không có nhiều màn hiếp dâm trên ống kín.

Các bạn người Hoa lục là cái kiểu như vậy, làm sao kêu người ta chấp nhận được hỉ, các bạn có thể không có khả năng, nhưng các bạn lại còn không cần đến nhân cách, người Mỹ đánh chúng tôi đến gần chết, chúng tôi không hận họ, chúng tôi bội phục họ. Hàn Quốc bị chúng tôi thống trị qua, bây giờ họ đã thành công lập được kỳ tích kinh tế, họ dám tranh đấu và dám làm, chúng tôikính phục họ, còn các bạn người Hoa Lục cộng sản thì chẳng có được một cái điểm nào để cho chúng tôi coi trọng cả,hãy cố gắng phản tỉnh đi, các bạn đất rộng và giàu tài nguyên, lịch sử lâu đời, thế mà phải thua dưới tay chúng tôi, các bạn không cảm thấy xấu hổ hay sao? Một cái thau cát rời rạc sinh ra đầy chật ních đám người toàn chia rẻ, thời đại của các bạn giờ còn có thể sinh ra được những chí sĩ gì nữa hay không? Trung Hoa Dân Quốc còn có Lỗ Tấn, Thái Ngạc, Chu Tự Thanh là những người mà chúng tôi bội phục. Bây giờ các bạn ngoài những tay tham quan, hư hoa học giả, những phần tử tư tưởng khiếp hèn, thì còn có cái gì nữa đâu? Các bạn chẳng đã từng nói muốn vun bồi tài năng người bản địa để họ đượclàm chủ nhân của những giải thưởng hòa bình Nobel hay sao? Tại vì sao đến bây giờ vẫn chẳng có được vậy? Vụ máy siêu điện toán dùng chip Loongson của các bạn,tần số chủ mới chỉ có 266Hz (Hertz), thế mà dám lớn lối thổi phồng đòi thương nghiệp hóa, ha ha! người Hoa Lục,chúng tôi kính phục các bạn cái gì chứ?? Người cùng cội rể đồng tông Tân Gia Ba ở thời kỳ SARS cũng đã phải chế tài các bạn một lúc, sự kiện La Cương, đã làm cho người ta không làm sao hiểu nổi, hởi những người Trung Hoa chia rẻ, người Do Thái tề tâm như thế ấy, các bạn lại phân hóa như thế này, các bạn một tỷ mấy người,một tỷ mấy cái tư tưởng rời rạc, chúng tôi một trăm triệu người Nhật Bản đều cùng nhau suy nghĩ làm sao để đưa quốc gia chúng tôi thoát ra khỏi cảnh khó khăn,tất cả chúng ta đều cùng sống trên quả địa cầu này, rõ thật thú vị lạ lùng!
Sự kiện La Cương: Đài phát thanh tỉnh Hồ Nam,ngày 25/02/2003 lúc 0giờ 16phút do ông La Cương phụ trách chương trình trực thoại truyền thanh,có phát đi lời nhục mạ người Hoa Lục của một thính giả người Nhật tên là Tiểu Nguyên Kính Thái Lang trong 3 phút.Kết quả là ông La Cương và một số đồng sự bị cho nghỉ việc cũng như bị phạt vạ tiền.

No comments:

Post a Comment