Pages

Monday, June 5, 2017

BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 470

PHƯƠNG DUY * LẶN LỘI ĐƯỜNG XA
 

Truyện tù cải tạo
Lặn lội đường xa

Vào truyện – Trên khu cải tạo Bù Gia Mập có một con đường đất đỏ dài trên dưới hai mươi cây số, chạy dài từ khu kinh tế mới Minh Hưng, quận Bù Đăng, đi vào sóc Bombo,vòng qua Đức Hạnh, Bù Đốp. Con đường được thiết lập từ thời Đệ Nhất cộng Hoà của Chính Phủ Ngô Đình Diệm với dự tính khẩn hoang lập ấp, thành lập các khu dinh điền, vừa để chế ngự một an toàn khu của phe Cộng Sản VN. Kế hoạch đã bị bỏ dở sau sự sụp đổ nền Đệ nhất Cộng Hoà. Con đường bị bỏ hoang. Nhiều đoạn, cây rừng mọc lan ra che phủ hết,đi dưới đường nhìn lên không thấy bầu trời.. Con đường nắng lên đầy bụi đỏ, mưa xuống lại lầy lội trơn trợt. Đàn bà con gái lặn lội thăm con thăm chồng, tất cả đều phải ba lô trên vai, dép guốc cầm tay mới ráng lết đi được... Trong truyện ngắn này, người viết xin ghi lại một vài hình ảnh nhỏ bé như một lời tri ân của đứa con đến các bà mẹ, lòng biết ơn của người chồng đến các bà vợ Việt Nam tuyệt vời, một đời vất vả hy sinh cho người thân yêu của họ trong khoảng thời gian cùng quẫn khó khăn nhất của xã hội miền Nam.
X X X


Nhận được thư của Thoại gửi về qua tay chị Trang, chị mới đi thăm chồng về, Giang cảm thấy lo lắng. Nói là lá thư cho có vẻ trang trọng. Thực ra, đó chỉ là một mảnh giấy nhỏ nhàu nát. Trong thư, Thoại thăm hỏi gia đình và mẹ con nàng vài câu, thêm vài câu vắn tắt cho biết anh đang bệnh nhiều, cần thuốc thang chữa trị. Thời buổi khó khăn, tìm kiếm cái ăn cho hai mẹ con đã thật vất vả. Mà cả nước đều thế, chứ đâu riêng gì gia đình nàng. Mấy năm trời đi tù cải tạo, Thoại biết hoàn cảnh gia đình không khá, anh chưa bao giờ đòi hỏi xin xỏ gì. Nay tình hình chắc phải tồi tệ lắm mới có chuyện viết thư nhắn gửi như vầy. Vậy nàng phải thu xếp lên rừng một chuyến. Không đi, lỡ chồng có mệnh hệ gì, có lẽ sẽ ân hận suốt đời. Công việc làm ăn của Giang bây giờ càng lúc càng khó khăn. Ngành may mặc lúc trước gia công cón có đồng ra đồng vào.
Kể từ khi bị buộc vào tổ hợp, rồi tiến lên hợp tác xã, chỉ còn đồng lương cố định chết đói hàng tháng cộng với ít tem phiếu mua gạo hẩm, nước mắm thối. Dạo sau này, đến gạo hẩm cũng không còn. Tháng tháng mang tem sổ đến chỉ mua được khi thì ít mì sợi, lúc vài ký bo bo loại thực phẩm cho ngựa ăn. Nhà nước gọi nó là cao lương, nhưng nuốt vào miệng thế nào thì ỉa ra nguyện hột thế ấy. Vậy mà có khi cũng không có, phải nhận mớ ngô vàng cứng như đá hoặc bao củ lang củ sắn (khoai mì) hư thối hơn nửa. Thời những năm bốn mươi lăm, nghe nói miền Bắc người chết đói hàng loạt, nhưng hồi ấy nàng chưa sinh ra nên chẳng biết. Còn lớn lên ở cái miền Nam nhiều lúa lắm gạo này, nàng chưa thấy có thời kỳ nào thế thảm như vậy.

 Lại còn cái vụ phải xin phép nghỉ vài ngày để đi thăm chồng. Rắc rối chứ đâu có đơn giản. Có nên về nhờ vả bố mẹ tí chút nào không? Cả hai bên bố mẹ đều đã già, ruộng vườn co cóp mấy chục năm đã bị tịch thu hết ngay từ những ngày đầu xã hội chủ nghĩa. Số còn lại giờ cũng phải vào tập đoàn làm ăn tập thể, chả còn gì mà trông mong. Lấy gì để mua sắm lên thăm Thoại đây? Giang đành ngó quanh quất trong nhà coi có gì còn tí chút giá trị, có thể tải được ra chợ. Của đi thay người, nàng ngẫm nghĩ. Cái khánh vàng với bốn chữ Trăm Năm Hạnh Phúc lớn có con rồng và con phượng bao quanh thật lộng lẫy. Quà cưới của bạn bè tặng Thoại ngày xưa, dễ có được vài chỉ, đem bán đi chắc Thoại buồn, nàng cũng buồn. Nhưng thời buổi, cái khó bó cái khôn. Túng phải tính cứ biết làm sao? Giang ngậm ngùi lôi nó ra khỏi cái khung kiếng. 
 
Kể từ ngày “giải phóng”, số phận nó cũng giống như Thoại, phải chui vào nằm trong một xó kín trong nhà, không được ngồi trong tủ chè nữa. Chưng ra cho chúng nó dòm ngó, có mà chết. Hôm nay trong lúc túng cùng, thôi thì vĩnh. biệt. Giang gói nó lại bỏ vào giỏ rồi đem ra chợ. Vấn đề tài chánh coi như giải quyết xong. Không phải cầu cứu tới ai, nhưng cũng nên cho bố mẹ Thoại biết một tiếng. Thoại đang đau ốm cần giúp đỡ. Bố Thoại có nghề y tá dạo, ông biết về thuốc men, thế nào chả có chút đỉnh cho con, còn mẹ ít nhất cũng có ít thức ăn cây nhà lá vườn cho con trai bà sống cầm cự qua ngày. Tiện thể, nàng kéo thằng Quốc, em trai nàng đi theo. Nó còn trẻ, mạnh khoẻ nhanh nhẹn đỡ đần tay chân chút ít bớt vất vả. Kinh nghiệm của kỳ đi thăm nuôi lần trước vẫn còn nguyên trong trí. Dạo ấy Giang đi cùng mẹ chồng, may mắn liên lạc được ít gia đình rủ cùng đi chung, nương tựa, giúp đỡ khuyến khích nhau. Nếu không chắc đã bỏ về nửa đường. 
Xe đò từ Sài Gòn đi Phước Long, tới ngã tư Minh Hưng là điểm dừng cuối. Từ đây không còn xe chở khách, ngoại trừ xe bộ đội. Nhưng xe của “quân đội nhân dân” thường ít khi cho nhân dân đi quá giang. Có lẽ có muốn cũng không còn chỗ, vì hàng ngày chả có mấy chuyến. Và chuyến nào trên xe cũng thường đầy ắp. Tới Minh Hưng trời đã xế chiếu. Muốn vào tới các trại cải tạo lao động ở trong rừng còn phải cuốc bộ rất xa theo con đường Mười.

Trại của Thoại ở gần nhất cũng cách trên mười cây số. Tay xách nách mang, có gia đình còn mang theo con nhỏ không biết làm sao để đi. Cuối cùng phải nhờ vả đến người dân địa phương, những người trong vùng kinh tế mới. Họ rành rẽ đường đi nước bước. Họ, có lẽ, trước đây cũng từ các thành phố đến, nhưng sau một thời gian cực khổ, đã quen lam lũ. Vả lại, đó là cơ hội cho họ kiếm thêm được ít đồng tiền đã trở nên rất hiếm hoi quý giá trên rừng này. Trẻ nhỏ thì dẫn đường.
Người lớn thì nhận chuyên chở giùm hành lý. Họ chịu hy sinh nhiều giờ để vừa giúp đỡ vừa có thêm phần phụ giúp gia đình. Giá cả thỏa thuận xong. Có gia đình cả nhà cùng đi làm hướng dẫn viên một loạt.
Đoàn người bắt đầu cất bước từ lúc xế chiều, khi nắng còn đổ gay gắt. Thi thoảng, một chiếc molotova chạy ngang làm tung bụi đỏ mịt mù. Cứ cách quãng dăm bảy trăm thước, đoàn người phải dừng lại nghỉ. Đến được láng trại đầu tiên thì trời đã tối mịt. Mọi người mệt mỏi rã rời. Đoạn đường chỉ hơn mười cây số mà đi tới gần năm tiếng. Đã vậy, khi còn choạng vạng trời lại đổ ập cơm mưa. Đường đồi lên xuống đã gập ghềnh, bây giờ thành trơn như bôi mỡ. Người đi thăm nuôi toàn là đàn bà con gái chưa quen với những con đường đất trơn trợt, guốc dép cởi ra cầm trên tay mà vẫn té lên ngã xuống, thật khổ ải.

Lần này, chuyến đi đột xuất, không có ai cùng đi, Giang nghĩ mình nên chuẩn bị kỹ lưỡng. Nàng về quê mang theo lá thư của Thoại cho bố mẹ đọc, cũng may quê Thoại gần thành phố, chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ đi xe đò, có thể đi về trong ngày. Gần như dự đoán của Giang, Bố Thoại biết tình trạng sức khoẻ của con, có dự trữ sẵn mớ thuốc Thoại cần, nàng sẽ mua thêm. Ông gửi kèm theo mấy hộp sữa đặc, một mặt hàng khá hiếm lúc này, cho con trai bổi dưỡng. Bà mẹ thì chuẩn bị một ít ruốc, một hộp mỡ, đậu phộng cây nhà lá vườn. Bà còn bảo mang theo ít cây trái trong vườn. Giang bảo mẹ chồng: - Mẹ đã thấy rồi. Đường xá đi lại rất khó khăn, Con đâu thể mang vác nhiều. - Thì cũng phải có gì cho nó chứ. Chả lẽ lên thăm nuôi chồng tay không.

Bây giờ thế này. Mẹ biết gia đình con, con cái còn nhỏ dại, đời sống cũng khó khăn lắm. Bố mẹ bây giờ già quá rồi. Thời buổi này chẳng làm gì ra tiền. Thằng Thoại cũng cần chút ít phòng thân. Mẹ không có tiền cho, con cố mang ít quà của mẹ. Phần mày không cần mua sắm nữa, ráng chạy vạy dấm duí cho nó vài đồng. Bà nói mãi. Giang đành chấp nhận mang theo quà của mẹ, ngoại trừ trái cây hoa quả quá nặng nề. Nhưng bà bắt buộc cầm đi mấy cân bột, đậu xanh và ít đường thẻ. Bà bảo trong tù chúng nó thiếu thốn nên thèm ngọt. Nhà có sẵn, ráng mang đi cho bạn bè anh em nó có dịp “liên hoan”. Thằng Quốc đang lúc rảnh rỗi, cũng sẵn sàng lên rừng. Có nó đi theo giúp đỡ, Giang quyết định cho con đi cùng.

Thằng Xuân chưa đầy ba tuổi nhưng lanh và ngoan, có thể yê n tâm. Nên cho nó biết mặt bố. Kỳ trước lên rừng, nó chưa được đi vì nàng chưa biết rõ đường đi nước bước. Bây giờ đã có kinh nghiệm, thêm thằng Quốc bên cạnh. thêm tay thêm chân. Thoại chỉ mới gặp con một lần ở Trảng Lớn. Lúc ấy, thằng Xuân mới mấy tháng chưa biết gì. Hai cái ba lô đã chất cứng, đồ đạc bên ngoài vẫn còn nhiều, không biết nhét vào đâu. Thứ nào nàng cũng thấy cần cho chồng. Quà cáp của bố mẹ và thuốc men tối cần thiết không thể thiếu, dầu ăn, bột ngọt,tôm khô mặt hàng tồn trữ chiến lược không thể bỏ lại. Còn mấy gói thuốc lá và bánh thuốc lào này thì tính sao?

Giang thấy dạo sau này Thoại ngày càng ốm yếu, ho hen luôn miệng, muốn khuyên chàng bỏ hút thuốc đi mà biết nói như thế nào? Rừng núi khí hậu thời tiết lạnh lẽo, thân phận người tù, xa vắng gia đình, cha mẹ vợ con đã nhiều năm, rượu chè đã không có, chỉ còn làn khói thuốc cho ấm lòng, vơi đi nỗi nhớ nhung gia đình. Bỏ thì thương, vương thì tội. Vả lại, không có thuốc lào thuốc lá thật thì họ lại đi hút vớ vẩn những lá cây rừng độc hại thì còn nguy hiểm hơn. Thoại đã chẳng từng kể anh và các bạn tù đã dùng xác bã trà làm thuốc hút đó ư? Trà khô được pha uống đến khi nước pha trắng gần như nước lã mới đem phơi khô, tẩm vào nước điếu đen thui để thành thuốc hút, chẳng ngon thì, “không mỡ xài đỡ đèn cầy”, cũng tạm ấm lòng “ngục sĩ trong khi vắng nhà”. Xong được mấy món đồ lại lo chuyện giấy tờ.

Việc làm trong tổ hợp và đơn nghỉ phép đã có Thu lo giùm. Con nhỏ bạn gái chưa chồng, còn thong thả nên giúp bạn nhiệt tâm. Còn lại cái giấy phép đi đường từ mấy ông ‘kẹ’ ngoài phường là khá rắc rối. Ai đời cả năm mới xin phép đi thăm nuôi chồng một, hai lần mà y như rằng, cứ thấy nàng ló mặt ra tới là chúng hạnh hoẹ đủ thứ. Nào là mọi việc đã có nhà nước lo, cô không phải lo, phải để cho chồng yên tâm học tập mới có kết quả, cứ thậm thụt lên xuống thăm nuôi thế thì làm sao tiến bộ? Nào là đi hoài như thế mất bao nhiêu công lao động. Ai cũng như cô thì còn ai xây dựng đất nước? Lần nào cũng phải đấm mõm cho bọn chúng, khi thì vài gói Samít, lúc dăm bao trà Thái Đức chúng mới chịu cấp giấy cho, còn ra giọng nhân nghĩa: - Nể lắm mới ký cho đó. Mấy phường khác thì còn lâu nghe chửa…

 Ra khỏi cánh cổng ủy ban, nàng còn nghe tiếng cười đểu của bọn chúng: - ĐM lũ nguỵ quân Sài Gòn Chúng nó ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc quá nhiều. Hèn chi vợ con chúng đứa nào cũng trắng da dài tóc. Từ nay cho chúng bay chết cả nút… Xong xuôi giấy tờ, Giang chuẩn bị đi ngay. Nàng cùng em và con ra bến xe thật sớm. Thời buổi này, cái gì cũng của dân, do dân làm chủ, nhưng chủ chỉ đuợc phép ngó, không được phép rờ. Phải ưu tiên cho đầy tớ của dân là cán bộ, bộ đội. Bỏ tiền ra mua vé xe cũng ưu tiên cho cán bộ, thừa ra mới tới dân. Không sao, Giang biết cách xoay xở. Chỉ cần bỏ ra ít tiền lẻ cho người bán dạo hàng quanh bến xe là có vé chợ đen. Bọn cửa hàng thông đồng với đám viên chức cán bộ lợi dụng sự ưu tiên để mua giành hết vé, đem tuồn ra ngoài kiếm lời chia nhau, thành ra dân có chầu chực ba bốn ngày liền cũng chưa chắc có vé.

Chuyện đểu cáng thế nhưng lúc nào bọn chúng cũng giả bộ liêm chính, miệng lưỡi toàn là đạo đức cách mạng. Rặt một bọn vô liêm sỉ. Chiếc xe khách dồn người nêm như cối, không còn chỗ cựa. Hành khách leo lên ngồi cả trên mui, mừng vì may mắn có được một chỗ. Chị em Giang và con bị nhét vào giữa lòng xe nên không nhìn thấy quang cảnh bên đường. Của đáng tội, sau vài năm “giải phóng”, đất nước rặt một màu xám tro. Có còn gì khác để mà nhìn ngắm. Đâu đâu cũng một cảnh nhà cửa điêu tàn, cây cối xác xơ. Càng đi xa Sài Gòn càng thấy sự hoang sơ tiêu điều của những vùng được mệnh danh là vùng kinh tế mới. Thật là thành quả. Giang nghĩ: hoa hôi kết thành quả đắng. Chiếc xe cũ kỹ già nua, bò ì ạch, thở hổn hển. Mãi rồi cũng lết được tới khu kinh tế mới Minh Hưng, điểm đến cuối cùng khi mặt trời đã bắt đầu ngả về Tây. Xuống xe, Giang cùng em và con bước vào một quán nước bên đường.

Nỗi lo lắng bắt đầu dâng lên. Khi còn ở nhà, vì hăm hở muốn gặp chồng để biết đau ốm ra sao, phần vì những lo âu khác, nàng quên đi cái khó khăn này: đường còn xa, phương tiện chuyên chở không có, phải xoay xở ra sao? Phải ngủ trọ lại một đêm rồi sáng mai lên đường? Vùng này kiếm ra một chỗ trọ cho ba người không dễ. Thằng Quốc liều mạng bàn là cứ đi, mười giờ đêm đến là cùng chứ gì? Thấy được nỗi khó khăn của người đàn bà trẻ, người chủ quán thương hại:

  - Để tôi hỏi thằng con trai tôi coi nó chịu dẫn đường giúp không? Nó vẫn hay giúp đỡ bà con mình ở thành phố lên. Có nó quen đường quen xá ở xó rừng này mới đi được. Tội nghiệp thằng nhỏ. Lâu nay chịu cực chịu khổ đã quen. Có hôm nó phải đi suốt đêm, gần sáng mới về tới nhà. Giang mừng rỡ theo chủ nhà đi điều đình với người con. Giá cả thoả thuận xong xuôi, họ ăn uống qua loa rồi chuẩn bị lên đường ngay. Cậu con trai dẫn đường cùng Quốc mỗi người một ba lô, còn Giang bế con.


Thỉnh thoảng mỏi tay lại cho thằng Xuân xuống đi bộ. Chỉ mới hơn năm giờ chiều mà trời đã choạng vạng. Ở rừng trời mau tối, người ta bảo vậy. Nàng rất mệt mà vẫn không dám nghỉ nhiều, con đường như dài vô tận. Hai chị em lúc này luân phiên thay đổi, khi thì đeo ba lô, khi bồng thằng Xuân. Nàng hơi hối hận đã mang con theo. Hai tay mỏi rã rời, hai chân như buộc chì không cất lên nổi. Đoạn đường, theo cậu dẫn đường chưa được phần ba. Trời đã thẫm màu. Cậu dẫn đường đi chặt nứa làm đuốc. Kinh nghiệm đi rừng, lúc nào cũng phải có dao trên tay, cậu bảo thế. Đêm đã về,thằng Xuân sợ hãi không rời mẹ ra nữa. May mắn có một chiếc xe chạy ngang. Chiếc xe quân đội trên sư (đoàn) đi công tác bị hư dọc đường, khách đã chuyển qua xe khác về trước. Bây giờ xe mới sửa chữa xong quay về. Chiếc xe trống rổng dừng lại cho quá giang.

Người bộ đội lái xe còn đủ tình người để thông cảm cho đám người bơ vơ giữa rừng đêm. Giang cám ơn và trả tiền cho cậu bé dẫn đường để cậu quay về nhà, còn ba người leo lên xe. Đến trại cải tạo Thoại đang ở, trời đã hoàn toàn tối mịt, sương đêm rơi xuống ướt lạnh bờ vai, người lái xe dừng lại cho ba người xuống. Giang không quên lục tìm gói thuốc thơm biếu, cám ơn anh đã giúp đỡ. Người bộ đội cười nói không có chi, chúc gặp người thân vui vẻ rồi từ giã phóng xe đi. Anh về sư, còn phải đi thêm một quãng nữa. Giang nhìn quanh. Bên tay phải ngay chỗ xuống xe, mấy dãy nhà lợp tôn. Là bộ phận khung (khung=ban chỉ huy một trại cải tạo thường cấp tiểu đoàn).

Những tấm tôn mà kỳ thăm nuôi trước, Thoại đã kể cho nàng nghe: đó là những tấm tôn vấy máu anh em cải tạo. Số là khi còn ở tại trại tập trung cải tạo Trảng Lớn, trại tù này trước đây do sư đoàn 25 bộ binh Mỹ thiết lập, sau năm 1972, họ rút về nước đã trao lại cho sư đoàn 25 bộ binh quân lực VNCH sử dụng làm căn cứ. Sau tháng Tư 1975, quân chính quy Bắc Việt tiếp thu đã sử dụng làm một trong những trại tập trung cải tạo Sĩ Quan Miền Nam VN trình diện tại Sài Gòn và vùng phụ cận. Gần hai năm trời tại trại với rất nhiều biến chuyển, những ông cai tù, người từ phía bên kia nhìn thấy cảnh ‘phồn vinh giả tạo’ của miền Nam đã có rất nhiều sáng tạo. Khởi đầu là phong trào “tam đê” gồm có đài, đồng, đạp. Mỗi người phấn đấu để có một xe đạp làm chân, một đồng hồ trên tay và cái đài trên vai. Đó là thế hệ xã hội chủ nghĩa nhuốm màu tư bản sơ khởi. Khi phong trào đã lắng dịu thì đến chiến dịch “bốn vê”: vào, vơ,vét, về.

Sau một thời gian vơ vét hết mọi thứ, kể cả những mảnh vụn kim khí từ những chiếc trực thăng, mang về cho một lực lượng lao động”chùa” khổng lồ, đám sĩ quan tù cải tạo giũa gọt, vẽ khắc, đánh bóng, làm thành những món quà quý giá như gương lược, kẹp trâm, những bộ điếu cày chạm trổ tinh vi. Đến cả những tấm ghi sắt lót làm sân bay cũng được gỡ sạch để phục vụ cho các “anh hùng cách mạng.” Khi không còn gì để vơ vét, đêm nằm vắt trán suy nghĩ, nhìn lên nóc nhà họ thấy toàn là tôn. Hướng mắt về phía cửa sổ, bên ngoài là những bãi mìn phòng thủ nằm giữa những lớp kẽm gai, cỏ tranh mọc tốt cao quá đầu người. Lại suy nghĩ. Cỏ tranh này miền Bắc có lợp nhà thật tốt. Ở đây bọn Mỹ Nguỵ toàn lợp mái bằng tôn. Giời ơi!

 Nghĩ ra rồi, của ở trên đầu này chứ còn ở đâu nữa. Trong đầu của người cán bộ, những tấm tôn đã biến thành những hòm lớn hòm nhỏ, mai này đi phép mang về nhà thì quý vô cùng, tiện lợi lại bền hơn gỗ. Miền Bắc hiếm tôn thì chắc chắn có giá. Đúng là sáng tạo. Cụ Mác cụ Lê nói thì chẳng sai. Cám ơn các cụ. Nhờ tư tưởng của các cụ đã soi sáng cho đàn cháu biết tư duy. Bộ phận khung nhất trí soạn thảo kế hoạch. Chỉ tiêu được đề ra: thi đua lao động lập thành tích mừng sinh nhật ‘Bác’. Quyết tâm đạt được mười ngàn bó tranh. Sau khi đã cắt hết tranh phía trong trại, kể cả quanh sân bay cũng chỉ được một phần ba, bộ phận cho lệnh tiến công ra ngoài rào, tức đi vào khu vực có gài mìn bẫy. Tranh tai đây cao và rất dầy. Cắt được hết thì không phải tới mười nghìn, mà có thể năm bẩy chục nghìn cũng có dư. Còn mìn bẫy thì sao? Có người hỏi. Dễ lắm, thủ trưởng nói: bảo đám tù cẩn thận, vừa cắt tranh vừa để mắt cảnh giác một tí có sao.

Chính trị viên tiểu đoàn còn mạnh miệng hơn: Bọn nguỵ quân nguỵ quyền tội ác ngập đầu, được tha chết đã may mắn nhiều. Chúng mình ngày trước còn gian lao nguy hiểm gấp vạn lần ấy. Rồi có sao đâu. Thôi. cứ thế mà làm. Lên giao ban nhận lệnh từ khung, anh em tù giật nẩy mình. Vài người đi vào bãi có sơ đồ, có dụng cụ dò mìn còn lo lắng, huống chi hàng mấy trăm con người hỗn độn đi vào lao động trong một vùng cỏ dầy chi chit che kín hết các dấu hiệu mìn bẫy, lẫn vào cỏ không nhìn thấy nhau, chết là chắc. Lệnh trên đưa ra không thể không thi hành, bị ghép vào tội nổi loạn, chống lại cách mạng tập thể cũng chết. Thi hành thì. Mọi người vô cùng lo lắng, cầu trời khấn phật sao cho tai hoạ không xảy đến cho mình. Thật ích kỷ nhưng trước một cái chết vô lý chắc chắn biết nói gì? Hậu quả của buổi sáng lao động hôm ấy thật kinh hồn: chỉ sau hai giờ làm việc, một tiếng nổ long trời lở đất, tám mạng người ra đi, không ai trong số còn nguyện vẹn thi thể.

 Sự sợ hãi lên đến cao độ khi nhận lệnh đi thu nhặt xác bạn bè tử nạn. Cũng may tiếng nổ làm quang đi vùng cỏ chung quanh. Buổi lao động được hủy bỏ. Sau ít ngày nghỉ ngơi cho công tác chôn cất những người xấu số, người sống sót lấy lại tinh thần, cán bộ khung vẫn tiến hành kế hoạch với một phương thức khác an toàn và nhân đạo hơn. Họ dùng xe chở đán người tù cải tạo đi về phía Cà Tum,Núi Bà. Ở vùng này có rất nhiều đồi tranh, xa xôi, tốn kém xăng dầu nhưng đỡ tốn máu.

 
Dù mở miệng ra là nêu cao chuyên chính vô sản, ca tụng sự tốt đẹp cũa con người xã hội chủ nghĩa, bản năng tham tư của cán bộ bộ đội ngày càng phát triển mạnh hơn. Càng ở lâu thì càng tham. Khi có lệnh chuyển trại lên rừng, các doanh trại được giao lại cho đơn vị khác, số tranh chưa cắt đủ thay thế tôn, nhưng tôn vẫn được tháo gỡ xuống hết để mang theo. Số tranh có sẵn được giàn trải ra thật mỏng cho đủ che kín mái. Vì vậy, khi hoàn thành, ở trong nhà không khác chi ở ngoài trời.  

Khi đơn vị mới tới, làm sao họ ở? Có anh ngứa miệng hỏi. Đó là việc của họ, cán bộ trả lời, dĩ nhiên, họ lại sáng tạo, lao động vinh quang là ở chỗ này. Tôn mang lên rừng để lợp mái cho bộ phận khung, để gò thành hòm lớn hòm nhỏ cho cán bộ. Làm nhà cho khung xong mới tranh thủ dựng trại cho anh em. Lại sáng tạo. Không có cỏ tranh, nhưng rừng có đầy tre nứa, lồ ô. Đốn tre đốn gỗ về dựng nhà, mái và vách lợp bằng nứa đập dập đan vào nhau thành những tấm phên.
 Đó là cảnh những ngày đầu mới lên rừng lao động. Thoại đã kể cho nàng nghe như thế. Nàng đã ngậm ngùi thương cảm những người bất hạnh và gia đình của họ. Những người thân mãi mãi không bao giờ trở về chỉ vì những tấm tôn chẳng đáng giá là bao. Giờ sau vài mùa mưa nắng, những tấm tôn lợp trên khung đã bắt đầu han rỉ, trông như một chứng tích đẫm máu của tám người bạn tù nằm xuống trên đất Trảng năm nào. Giang bước vào dãy nhà lợp tôn được gọi là bộ phận khung, hay ban chỉ huy trại để trình giấy tờ xin thăm nuôi đột xuất. Được biết thật bất ngờ là hầu hết anh em tù cải tạo đã có nhiệm vụ mới, được chuyển đến một vị trí sâu hơn phía trong cho công tác chuẩn bị xây dựng một nhà máy làm bột củ sắn (khoai mì) lớn nhất Động Nam Á Châu. Họ đã di chuyển cách đây hai ngày, chỉ còn một số ít anh em ở lại phụ giúp tháo gỡ (lại tháo gỡ) bộ phận khung mang đến vị trí mới. Hoàn tất xong sẽ đi sau. 

Họ cho phép gia đình nàng tạm trú ngụ trong khu nhà thăm nuôi gọi là nhà khách, đồng thời khuyến cáo hôm sau nên quay trờ về vì đợt thăm nuôi chính thức chưa đến. Thật đau lòng biết bao. Chịu đựng đũ mọi gian khổ cốt để gặp chồng lại không toại nguyện. Giang ôm con vào lòng mà khóc. Có lẽ trời còn thương. Một số anh em cải tạo còn ở lại thấy khu nhà khách có ánh lửa thì họ mò đến. May mắn hơn nữa, trong đó có Quang, người bạn lính cùng đơn vị với Thoại ngày xưa. Chính hai người đã cùng nhau đi trình diện cải tạo, do đó đang ở tù chung một trại. Quang sắp xếp chỗ ăn ở cho gia đình nàng. Cơm nước của tù chẳng có gì, ít bo bo và củ mì ăn với nước muối và lá tàu bay. Giang đem con xuống dòng suối rửa ráy qua loa. Nước suối lạnh như nước đá, dù bụi bám đầy người cũng chẳng tắm rửa nổi. Thấy bọn Quang loay hoay với nồi sắn luộc, nàng bảo Quốc lấy trong ba lô ra con gà rán sẵn thơm phức, gói xôi đậu xanh cùng ít bánh nếp mẹ chồng làm, bà biết Thoại thích bánh này của mẹ. - Mời anh Quang, các anh đến dùng cơm với chúng em. - Thôi chị ạ! Gia đình chị cứ tự nhiên đi, Quang nói. 

Tụi tui kham khổ quen rồi. Với lại, để phần cho thằng Thoại nữa chứ. Vợ con lên thăm mà không có gì nó buồn chết. - Đừng ngại các anh ạ! Các thứ này Giang mang theo để dùng trong ngày thôi. Đến mai sẽ thiu thối hết. Các anh ăn thì cũng như anh Thoại thôi. Ảnh không được ăn là tại số ảnh xui không có mặt hôm nay. Vả lại, em có ít thuốc men và đồ khô, không gặp được chồng thì có lẽ phải nhờ mấy anh chuyển đến giùm. Quốc ơi! chị có mang cà phê trong túi, em mang ra pha mời các anh uống đi em. Quang và các bạn không khách sáo nữa. Tất cả cùng ngồi xuống vừa hỏi thăm chuyện thành phố, tin tức bên ngoài, vừa thưởng thức cái bùi của nắm xôi, miếng thịt gà vừa béo vừa thơm. Thích nhất vẫn là hương vị của ly cà phê đen thật đậm kèm theo điếu thuốc thơm ấm cúng. Nước sôi nấu trong hộp qui gô có quai xách, vợt lọc cà phê làm bằng bao cát, vẫn không kém phần thú vị giữa cái lạnh núi rừng. 

Tin tức vẫn chẳng có gì lạ. “Vũ như Cẫn” Thời gian như ngưng lại. Đời sống khó khăn hơn. Mọi việc ngày càng xấu đi. Quang thấy mẹ con nàng lặn lội thật vất vả mới lên được tới đây mà không gặp đuợc chồng thì quá tội nghiệp. Anh nhất định cùng các bạn bàn cách để hai người gặp gỡ nhau. Họ bàn thảo một hồi. Cuối cùng đi dến quyết định. Ngày mai Quang thức dậy thật sớm, khoảng bốn giờ sáng đi lên trại mới. Đường đất khá xa, đi và về cũng mất hơn ba giờ. Quang sẽ báo cho Thoại biết có gia đình lên thăm. Trại mới chưa có nhà cửa rào dậu gì, chắc chắn mọi người đang trong công tác chặt cây, lấy gỗ về làm nhà. Quang bảo: - Tao sẽ ráng đi nhanh chân để về sớm trước giờ lao động. Tuy nhiên, lỡ có về muộn chút đỉnh thì tụi bay tìm cách bao che. Được rồi, chị Giang chuẩn bị ngay một mớ đồ dùng vào ba lô tôi mang đi trước cho Thoại. 

Riêng chi sau tám giờ lên khung xin lấy lại giấy tờ, cho họ biết không gặp được chồng, chị quay trở về nghe không? Nhớ làm sao đừng để họ nghi ngờ và đoán biết kế hoạch của chúng ta, lôi thôi lắm. Sau đó chị giả vờ đi ngược trở về phía Minh Hưng. Khi đã đi xa thoát khỏi tầm mắt của họ, tôi sẽ đón chị đi vào rừng, chúng ta dùng lối mòn mà chúng tôi thường đi lao động ở phía sau trại, khoảng chừng hai cây số lại trổ ra con lộ lớn. Tới đây đã khá an toàn.Tôi đưa chị đi thêm một quãng đường nữa rồi quay trở lại. Chị cứ tiếp tục đi tiếp. Trong khi Thoại ở đầu bên kia đi ngược trở lại. Trên đường đi, chị sẽ gặp một trại cũ, anh em cải tạo đã dơì đi, bây giở trở thành một đơn vị sửa chữa công xa. Bộ đội đóng ở đây ít khi hỏi han tới tù cải tạo, dường như họ không có nhiệm vụ với tù. Sát lề đường gần cổng trại này có một quán nước gọi là căng tin.

 Chủ quán là người dân thường được phép đến làm ăn liên hệ với bộ đội, thỉnh thoảng tiếp cả khách cải tạo nếu ai có dịp đi qua., bộ đội cũng không ngăn cấm. Chị vào quán ngồi uống nước quay mặt ra đường. Ai hỏi chuyện cứ bịa đại là thăm chồng đi nghĩa vụ. Khi nào Thoại đi qua, nó liếc vào quán sẽ thấy chị ngay. Tôi sẽ dặn nó khi đi qua quán, nhìn thấy chị rồi cứ tiếp tục đi thẳng. Chờ cho Thoại đi xa khoảng hơn trăm mét, chị hãy trả tiền rồi ra khỏi quán đi theo. Làm sao để nếu có người ngồi trong quán lúc đó không nghi ngờ. Ở một vườn sắn thật rậm rạp um tùm cách đó khoảng nửa cây số có một cái chòi nhỏ nằm rất sâu bên trong. Cái chòi do bọn tù cải tạo chúng tôi dựng lên tránh mưa nắng khi đi lao động, bây giờ bỏ hoang, có sửa sang lại để làm điểm hẹn bí mật cho những chuyện thăm nuôi đột xuất như vầy. Chòi nằm giữa rẫy nên rất kín đáo. 

Thoại sẽ đón chị vào đó. Nhớ đừng để ai nhìn thấy chị gặp Thoại. Cũng nhớ nhìn trước nhìn sau truớc khi bước vào bìa rừng. Bây giờ bọn mình về trại cho chị và cháu nghỉ ngơi. Cố làm theo đúng kế hoạch. Bây giờ chị đưa ba lô hành lý đây tôi mang đi truớc. Quang và các bạn chào tạm biệt ra về. Kế hoạch được tiến hành như dự định. Quang báo cho Thoại biết trước và trở lại kịp giờ lao động, rồi đưa gia đình Giang đi vào lối mòn tắt trong rừng. Sau đó ra lộ đi kèm thêm một đoạn nữa rồi phải từ giã. Hai chị em tiếp tục con đường. Thằng Quốc dường như qua một ngày vất vả hôm trước, không còn bao nhiêu sức, Giang phải chia bớt túi đồ cho nó, trong khi vẫn phải trông chừng con. Đường đồi lên đèo xuống dốc thật khổ. Đi vài chục bước lại phải dừng lại thở. 

Mãi rồi cái quán bên đường cũng hiện ra. Mừng vui hiện lên khoé mắt, Giang dẫn em và con vào giải khát, nghỉ ngơi, chờ chồng. Bên trong có mấy người bộ đội ngồi uống nước trà hút thuốc đưa đẩy cười nói với cô gái bán quán trông còn rất trẻ. Thấy bọn Giang bước vào, họ ngưng nói, mắt hướng về nàng có ý nghi ngờ. Nhưng họ không nói gì. Giang ngồi vào cái bàn ngay cạnh cửa, giả bộ chăm sóc con ăn uống. Kỳ thực, đôi mắt cứ liếc nhìn ra đường trông ngóng. Thỉnh thoảng, một hai người tù cải tạo ăn mặc rách rưới, trông thật tang thương, trên tay ai cũng có một dao rựa lớn đi lướt qua nhưng không phải Thoại. Ngồi đã khá lâu, nàng cảm thấy bồn chồn. Đám bộ đội cũng đã bỏ đi. Đến lúc ấy, Thoại mới chợt hiện ra, cũng áo quần rách bươm, cũng con dao rựa trên tay. Anh liếc nhẹ vào quán rồi tỉnh bơ đi thẳng. Quốc thì thầm: “Ảnh tới rồi đó, chị thấy chưa?” - Thấy rồi! Đừng nói gì hết. Để anh đi một quãng xa đã, kẻo tụi nó nghi. 

  Nhìn thân hình tiều tuỵ trong bộ đồ ăn xin của chồng, Giang thật mủi lòng. Những kỳ thăm nuôi chính thức trước dù sao cũng còn khá tươm tất. Lúc này đang giờ lao động, phải ăn mặc như người đi lao động không thì lộ chuyện. Thật là buồn. Vợ lên thăm chồng mà gặp nhau không dám gọi. Nàng muốn bật khóc mà không dám, chỉ đưa nhẹ khăn tay lên lau mắt như có hạt bụi vướng vào. Ôi! Có thời đại nào người hãi sợ người như cái thời đại này. Vợ chồng thân yêu đầu ấp tay gối, gặp nhau phải làm ngơ như người xa lạ. Chờ cho Thoại đi khuất, nàng mới trả tiền bước ra khỏi quán. Tính đi ngược lại với hướng của Thoại một đoạn rồi mới băng rừng trở ra như dự tính, nhưng sao chân lại cứ theo bước chân chàng. Thì, một liều ba bảy cũng liều, đến đâu hay đến đó. 

  Thoại dường như cũng không kiềm chế nổi tình cảm, anh đã quay lại, đến gần vợ con, nắm lấy cái túi xách trên vai nàng kêu khẽ: - Em! Con! Giang thổn thức: “ Anh ơi!” rồi nước mắt tuôn rơi. Thoại vội lên tiếng an ủi: - Đừng khóc, tụi nó nghi ngờ là khổ cả lũ. Để anh xách túi đồ đi trước vào vườn sắn. Em cứ thế mà đi theo nhé! Rồi anh bỏ đi trước. Vườn sắn bỏ hoang, cỏ dại cao hơn đầu người mọc chằng chịt xen lẫn với cây sắn. Đang cố vạch đường tìm vào cái chòi giữa vườn, anh bỗng giật nẩy mình dừng lại. Loáng thoáng có tiếng người ở phía chòi. Hoá ra là mấy tay bộ đội đi săn. Bọn họ lần theo dõi dấu heo rừng về đào phá củ mì và tìm ra cái chòi. 
Thật là tiện cho họ, có chỗ để ẩn nấp rình mồi. Thật may, Thoại nghĩ, gia đình mình chưa vào tới, không thì đã lộ tẩy. Không thể dùng chòi được nữa. Anh quay lui lại bảo Giang đừng tiến vào sâu nữa. Đáng buồn, vợ con lên thăm mà không có một nơi chỗ yên ổn để mừng rỡ, thăm hỏi, nói gì đến san sẻ tình nghĩa yêu thương. Đưa nhau đi đâu bây giờ? Trở lại căng tin, mỗi cách ấy. Vừa đi vừa nói chuyện. Anh dặn nàng nếu bị tra hỏi cứ trả lời túi xách nặng quá nhờ anh mang hộ nên đãi anh ly nước, hai người không có quan hệ, Một tên bộ đội chạy đến trước mặt anh lên tiếng hạch sách rất hách dịch như muốn ra uy: - Anh kia là cải tạo phải không? Đang giờ lao động sao lang thang ở đây? Có phải móc nối với gia đình thăm nuôi lén lút chứ gì? 

  Thoại tránh tiếng. Anh đưa con dao rựa ra trước mặt: - Tôi đang đi lao động trong rừng kiếm cây về làm cột. Gặp chị ấy con nhỏ lãi mang xách nặng nề nên giúp một tay, chứ không có liên hệ. Giang cũng đỡ lời: - Em lên sư đây cán bộ ơi! Sắp tới sư chưa? Cán bộ chỉ giùm. Đang mang xách nặng quá chưa biết làm sao thì có anh này giúp mang hộ. Tính lại quán mời ảnh cốc nước trả công ý mà! Anh chàng bộ đội được người đàn bà gọi là cán bộ, ra vẻ mát lòng đổi thái độ: - À cũng sắp tới rồi, đi vài quãng nữa thôi. Chị có cần tôi giúp một tay? - Thôi, gần tới rồi thì không dám làm phiền cán bộ. Hắn bỏ đi miệng lầm bầm: “cha nào trên sư tốt số thế! Cứ như múi mít ấy”. Thoại không nói gì, nhìn chăm chú vào ly nước trên tay. Chờ hắn đi xa, anh nói nhỏ: - Đi đâu cũng gặp kỳ đà cản mũi, chán thật. Trong quán này tai vách mạch rừng, nói chuyện nguy lắm. 

Thôi mình đi ra, vừa đi vừa nói chuyện được đâu hay đó. Thuốc men đồ dùng Quang đã đưa cho anh rồi. Gặp nhau lén lút thật bất tiện. Bố mẹ ra sao? Cả bố mẹ em nữa? Quốc lớn bộn ha?Làm ăn thế nào? Cho anh gửi lời thăm hỏi sức khoẻ mọi người. Nói ông bà cứ yên tâm, anh sẽ ráng giữ gìn sức khoẻ, ráng sống để về với em và con, với gia đình. Thôi, đưa em và con về. Có ở thêm cũng không gặp gỡ nói chuyện được. Theo anh biết, hàng ngày quán này có chuyến xe ra vào thị xã, không biết phía Minh Hưng hay Đức Hạnh. Em thử lại điều đình với chủ quán xem sao? - Đã lâu không gặp anh. Chưa nói với nhau gì hết đã bảo đi về? Anh đau ốm ra sao?Nói thật cho em biết để em liệu. Giang khóc, “Chả lẽ vừa gặp nhau đã từ biệt ngay?” - Đành chịu vậy! Hoàn cảnh này em biết. Anh thèm muốn được ôm em và con vào lòng một chút mà đâu dám. 

Tụi nó bắt gặp là cùm chân biệt giam, khổ vô cùng. Em hãy về. Chủ yếu mang thuốc men đến được tay anh để có hy vọng chống chỏi bệnh tật, mới có ngày về với em. Thôi chịu thua số phận đi, đợi dịp thăm nuôi chính thức mình gặp nhau lâu hơn. Nói bố mẹ đừng lo lắng thái quá. Anh nhất định sẽ trở về. Thoại đã nói thế, Giang còn biết nói sao. Nàng đứng dậy trả tiền, tiện thể hỏi thăm về chuyến xe hàng sắp tới để xin đi theo. Sáng mai mới có. Vậy lại phải cuốc bộ ra thị xã chiều nay. Giữa rừng, chỗ đâu mà trú.

Mọi người kéo nhau ra khỏi quán. Đi bộ một quãng,nhìn chung quanh vắng lặng không có ai, Thoại choàng tay qua vai vợ hôn nhẹ lên mái tóc đượm mùi cháy nắng của nàng, ghì vội con vào lòng thì thầm với nó: Xuân con ơi! Ba nhớ thương mẹ và con thật nhiều. Con lên thăm mà ba không thể nói chuyện với con ba thật đau lòng. Thôi con về nhớ ngoan ngoãn cho mẹ vui nghe không? Nói với ông bà nội ngoại là ba nhớ ông bà lắm. Mi tạm biệt ba cái coi nào! 

  Thằng bé còn đang ngẩn ngơ dãy dụa trên tay anh, người đàn ông đối với nó vẫn còn xa lạ, gầy gò, rách rưới, lôi thôi như người ăn xin nó thường thấy ngoài chợ. Ông lại còn ôm mẹ con nó vào lòng. Chưa kịp cất tiếng khóc, bỗng dưng xuất hiện lù lù hai người bộ đội, một người hai mẹ con mới gặp lúc sáng. Anh này quắc mắt lên: - A ha! Láo lếu thật. Lũ nguỵ dám qua mặt cách mạng. Vậy mà chúng nó bảo là không có quan hệ. Tội lừa dối nhân dân, lừa gạt nhà nước nặng lắm có biết không? Đúng là bản chất Mỹ Nguỵ khó mà gột rửa. Cần phải cho đi cải tạo mút chỉ mới sáng mắt. 

Cách mạng đã cách ly gia đình để tạo cơ hội yên tâm học tập, mà còn lén lút móc ngoặc với nhau. Này anh kia! Vi phạm nội qui của trại là mang tội có âm mưu chống đối cách mạng, không thành tâm hối cải… Hắn còn đang thuyết giảng, Thoại vội buông thằng bé xuống đất, quay qua nói nhanh với vợ, “Kiếm đường về đi”, rồi chụp vội con dao dưới chân nhãy phắt vào buị rậm trước mặt. Giang ôm lấy con, cùng đứa em trai đứng ngơ ngác, bơ vơ giữa con đường đất đỏ bụi mờ. Thoại có lủi kịp không? Về trại có sao không? Còn nàng, con nhỏ trên tay, về đâu đêm nay giữa núi rừng bao la với sương đêm lạnh buốt?



Phương Duy 
Cuối năm 2002( sửa chữa 05/2008)






NGUYỄN UYÊN * KÝ ỨC THUYỀN NHÂN

Ký ức của một thuyền nhân

01 Tháng Năm 201710:40 SA(Xem: 175)
 Nhiều người Việt đã bỏ nước ra đi trên những con thuyền nhỏ mong manh trên biển sau ngày 30/4/1975, tạo thành làn sóng thuyền nhânExpress Newspapers/Getty Images
 Nhiều người Việt đã bỏ nước ra đi trên những con thuyền nhỏ mong manh trên biển sau ngày 30/4/1975, tạo thành làn sóng thuyền nhân

"Trái bom nổ rất gần làm má hết hồn nên má bỏ chạy," má tôi kể thế khi bà hồi tưởng lại về tính đãng trí của mình giữa cuộc giao tranh. "Chạy chừng 30 thước rồi mới phát hiện là má đang ôm cái gối, chớ không phải ôm con," bà bẽn lẽn khúc khích cười.
Đó là vào khoảng ngày 30 tháng Tư năm 1975, tại Đà Nẵng, một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chiến tranh Việt Nam.

Tôi thích thú nghe bà kể chuyện. Tôi chưa hề có giây phút nào cảm thấy bị bỏ rơi hay thiếu tình thương của má, nên chuyện má quên ôm tôi theo không làm tôi thắc mắc. Tôi chỉ kinh ngạc khi nghĩ tới má chạy vào vùng bom đạn để cứu đứa con gái mới 2 tháng.

Đây là câu chuyện đầu tiên về đời mình tôi được biết - câu chuyện của một đứa bé kẹt ở khúc quanh lịch sử; câu chuyện về tình thương vô điều kiện giữa mẹ với con; và câu chuyện trong giờ phút đất nước đổi chủ, con người trải qua những hệ lụy của chiến tranh.

Tôi đã biết sẽ mất má ngay cả trước khi bà ra đi. Không phải là tôi tiên tri gì. Hồi nào tới giờ, như anh tôi vẫn thường nói, tôi luôn luôn "để ý rất kỹ, nhiều khi tới mức làm người khác khó chịu."

Đó là 10 năm rưỡi sau khi tôi sinh ra đời.

Chúng tôi đang bập bềnh đâu đó ngoài khơi Việt Nam, trên một chiếc thuyền rách nát và quá nhỏ để cưu mang 31 mạng người, quá thiếu an toàn để vượt biển, chứ đừng nói tới mục tiêu đầy tham vọng là đến được nước Mỹ.

Má ôm cơ thể gầy gò và khô cằn của đứa em gái 1 tuổi rưỡi vào lòng, dưới ánh nắng nhiệt đới thiêu đốt. Bà nhìn nó chằm chặp một cách tuyệt vọng, làn da bị nứt nẻ của đứa bé do sức nóng, nước biển và khát. Má lúc đó đã mất ba đứa con rồi, và tôi thấy bà vuốt ve em tôi nhè nhẹ, dường như mong rằng hơi ấm và sự săn sóc dịu dàng của bà có thể giữ em tôi sống thêm vài phút nữa.

Khi em tôi trút hơi thở cuối cùng, mặt của má tôi chuyển từ một người mẹ bám víu vào niềm hy vọng mong manh, đến một người phụ nữ không còn lý do để sống nữa.

Má có thể nói bằng ánh mắt, và khi bà ngẩng mặt lên từ đứa em lúc đó đã chết để chuyển chầm chậm sang nhìn tôi, cho đến giờ phút này tôi chưa thấy cặp mắt nào buồn như thế, và tôi biết tôi sẽ mất luôn cả má. Tôi khóc dữ dội không kềm được, gần như tới độ bị co giật.

Bề ngoài, có vẻ như tất cả sự khổ đau của tôi là do cái chết của đứa em, nhưng tôi biết mình đang khóc cho cả em lẫn má.

Má luôn luôn là một người kiên cường - dẻo dai tuy trầm lặng - nhưng mặt bà lúc này không còn dấu hiệu kháng cự gì nữa. Con là tất cả, và bị mất bốn đứa con trong mấy ngày, cùng với viễn tượng sẽ mất thêm cả hai đứa con trai và tôi, là điều quá sức chịu đựng của bà.

Anh tôi phát hiện má đã chết trong giấc ngủ hai ngày sau đó. Bà lúc đó bằng tuổi tôi bây giờ. Em trai tôi cũng qua đời đêm đó. Và tôi mừng là má đã không phải chứng kiến cảnh em trai tôi chết.

Ngày 30 tháng Tư với tôi chưa bao giờ có ý nghĩa thắng hay bại.

Nó chỉ tượng trưng cho những cái chết oan uổng, cho những hy vọng và ước mơ bị dập tan.

Có người muốn tôi ủng hộ hay kết án phe này hay phe kia, Việt hay Mỹ.

Tôi không làm thế. Thay vào đó, tôi vững vàng sống trong một thế giới mà tôi không muốn mang chiến tranh đến với ai, và tôi làm những gì trong khả năng của mình để ngăn ngừa các hành động ác độc xảy đến cho người khác.

Đôi khi vì chúng ta đã từng làm nhân chứng cho cái chết, chúng ta trở nên sáng suốt hơn về cuộc sống. Tôi nghĩ điều đó đúng với tôi, và đã được lập lại nhiều lần.

Chúng ta nên vận động cho mọi người trên thế giới này đạt được một mục đích chung - sống một cuộc đời có ý nghĩa. Những gì còn lại chẳng có giá trị bao nhiêu, kể cả tiền bạc, quyền lực và danh vọng.

Ngô Nhân Dụng
Đầu tuần này, Công ty thẩm lượng tín dụng Moody đã hạ thấp mức tín nhiệm của chính quyền Trung Quốc từ A3 xuống A1. Lần trước, khả năng trả nợ của Bắc Kinh bị nghi ngờ và mất điểm xảy ra đã gần ba chục năm nay. Bộ Tài chánh Trung Cộng lập tức phản đối, vì khi điểm tín dụng của một xí nghiệp hay một quốc gia xuống thấp, họ sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi vay tiền. Các công ty lượng giá điểm tín dụng cao thấp tùy theo khả năng trả nợ của người đi vay tốt hay không.
Năm 2011 Chính phủ Mỹ cũng bị xuống điểm, từ AAA xuống AA+, khi kinh tế Mỹ bước vào năm thứ ba sau cuộc khủng hoảng. Thứ Hai vừa qua, Moody nêu lý do hạ thấp điểm của Trung Cộng là vì số tiền vay nợ trong cả nền kinh tế lên quá cao trong khi sức phát triển kinh tế lại giảm bớt. Không khác gì một xí nghiệp nợ nần chồng chất mà mức lời có triển vọng đi xuống.
Trung Cộng rất quan tâm đến “điểm tín dụng” (credit-rating), vì muốn các nhà đầu tư quốc tế tham gia mua trái phiếu họ sẽ phát hành, với số lượng lên tới $8,000 tỷ. Vì thế, Tháng Tư năm ngoái, Trung Cộng đã nới rộng thủ tục cho các công ty lượng giá tín dụng như Moody, được hoạt động trong lục địa kể từ Tháng Bảy năm nay.

Giới đầu tư quốc tế sẽ khó đem tiền cho vay nếu chỉ căn cứ vào điểm tín dụng do các công ty tài chánh địa phương thẩm lượng – vì họ thường cho điểm cao hơn. Ngay trong khi Moody hạ thấp điểm tín dụng của Trung Quốc, một công ty địa phương có uy tín vẫn giữ nguyên điểm tín dụng cũ, AAA. Công ty Chengxin Credit Management (Thành Tín Tín dụng Bình cấp) thành lập từ năm 1992 có 30% cổ phần thuộc Moody nhưng làm ăn độc lập.
Mối lo của các nhà phân tích Moody không phải chỉ vì số nợ trong nền kinh tế Trung Quốc lên quá cao; nhưng nguy hiểm hơn nữa là những món nợ khổng lồ được che giấu, không ghi trong sổ sách. Không những các doanh nghiệp nhà nước chất chứa các món nợ “vô hình” đó; chính quyền các địa phương càng mang nợ chồng chất.
Khi lên ngôi, Tập Cận Bình nhìn nhận mối nguy vỡ nợ nên đã ra lệnh ngăn chặn hoạt động “vay ngầm”. Đến Tháng Ba, 2015, nhiều địa phương tiến đến cảnh vỡ nợ, trung ương phải nương tay; đồng thời cho phép các địa phương phát hành trái phiếu. Đó là hình thức vay nợ phổ thông ở các nước tư bản, vay trực tiếp những món tiền lớn từ công chúng, không qua các ngân hàng.

Chỉ trong hai năm, số nợ nần của nhà nước đã tăng vọt lên gần gấp đôi, từ 15% Tổng sản lượng Nội địa (GDP) lên 28%. Số nợ của các tỉnh, năm 2014 còn nhỏ, không đáng kể, đến giữa năm 2016 đã lên tới 1,000 tỷ đồng nguyên, $140 tỷ, nhưng khả năng trả nợ thì lại giảm.
Chính quyền các tỉnh, huyện, cho tới xã trước đây vẫn bán đất công hoặc đất trưng dụng của dân cho vào công quỹ để dùng trong việc trả nợ. Tới nay, số đất công cạn dần, chiếm đất tư khó hơn, và giá đất lại giảm, đến kỳ trả nợ sẽ lúng túng. Hơn nữa, chính sách của Bắc Kinh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Nếu chính quyền trung ương bắt các tỉnh giảm bớt tín dụng, họ sẽ không biết làm cách nào vay được nợ mới lấy tiền trả các món nợ cũ!
Tất cả khiến cho giới đầu tư thế giới lo ngại; và đó là lý do khiến Moody hạ thấp điểm tín dụng của cả nước. Dù sao, điểm A1 của Bắc Kinh cũng còn cao, ngang với điểm tín dụng của Nhật Bản hiện nay. Nhưng kinh tế Nhật đã trì trệ trong hai chục năm qua, trong thời gian kinh tế Trung Quốc vẫn được coi là lên nhanh nhất thế giới.

Năm 2015, sản lượng tính theo đầu người của Nhật Bản là $34,524 một năm, còn người dân Trung Quốc chỉ có $8,069, theo Ngân hàng Thế giới. Khi điểm tín dụng của Bắc Kinh xuống, đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế trong lục địa sắp trải qua nhiều khó khăn.
Từ nhiều năm qua, giới nghiên cứu đã thấy tình trạng kinh tế của Trung Quốc bây giờ rất giống như tình trạng Nhật Bản trong thập niên 1990.
Vào đầu thập niên 1990, hơn 40 năm sau khi bại trận, Nhật Bản đang phồn thịnh đến mức tưởng như sắp vượt qua kinh tế Mỹ, dù dân số thấp hơn. Kinh tế Nhật Bản đã phát triển theo một con đường mà sau này Trung Quốc cũng đi theo: Đặt nặng vào đầu tư, nhẹ về tiêu thụ. Trong một nền kinh tế tư bản như ở Mỹ, hai phần ba số [sản phẩm] phát triển hàng năm là do người dân tiêu thụ. Tại Nhật thời 1990 và tại nước Tàu bây giờ, kinh tế phát triển được một nửa là do đem tiền đổ vào đầu tư.
Một triệu chứng tại Trung Quốc bây giờ và tại Nhật Bản ngày xưa, là tình trạng giá nhà đất tăng vọt, trong khi lợi tức của người dân tăng chậm hơn. Thị trường địa ốc bị lũng đoạn bởi các người đầu cơ, có lúc giá nhà ở Tokyo tăng 70% một năm. Đến năm 1990, giá nhà đất ở Nhật bắt đầu xuống, kéo dài suốt 15 năm.

Lý do khiến quả bóng địa ốc Nhật tăng phồng là hệ thống tài chánh lỏng lẻo, việc vay nợ dễ dàng, giống như ở lục địa Trung Hoa ngày nay. Trước cuộc khủng hoảng năm 2007, tình trạng cho vay ở nước Mỹ cũng vậy. Khi các ngân hàng cho vay tiền để mua nhà phá sản, Chính phủ đã cứu. Nhưng tiền không cứu được lòng tin.

Cho nên kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi từ năm 2009 nhưng phát triển rất chậm. Còn ở nước Nhật, cơn suy thoái thập niên 1990 vẫn còn di lụy tới bây giờ. Hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc được thả lỏng và kém minh bạch hơn cả Nhật Bản và Mỹ, với những món nợ ngầm không chính thức. Từ đầu năm 2017, giá nhà cửa ở Bắc Kinh vẫn lên giá 16%. Lòng tin của dân Trung Hoa sẽ khó vực dậy nếu quả bong bóng vỡ.
Giữa Nhật Bản trước đây và Trung Quốc bây giờ còn giống nhau một điểm khác: Dân số bắt đầu có khuynh hướng sụt giảm. Trong 15 năm nữa, dân số nước Tàu sẽ lên cao nhất, sau đó bắt đầu giảm; tới thập niên 2030 thì sẽ giảm rất nhanh. Chính sách “một con” của Mao Trạch Đông là một nguyên nhân. Những cặp sinh con thứ hai bị phạt nặng, người dân thường bị cắt tem phiếu, còn nhà đạo diễn Trương Nghệ Mưu (phim Kinh Kha) bị phạt 7.5 triệu đồng nguyên (bằng $1.5 triệu lúc đó).

Khi đổi mới theo kinh tế tư bản, nhiều gia đình phân ly vì một người đi tìm việc ở thành phố; năm 2015 số trẻ em mới sinh đã giảm 320,000 so với năm trước. Trung Quốc hiện có 221 triệu người trên 60 tuổi, tuổi về hưu, chiếm 16% dân số, thêm 2% so với năm năm trước đây. Lực lượng lao động đang giảm sút, tỉ lệ gia tăng 1.5% trong 10 năm đầu thế kỷ 21 sẽ tụt xuống thành số âm, bớt 0.1% mỗi năm trong thập niên 2010-2020.
Nhưng khi so sánh kinh tế Nhật hồi 1990 với Trung Quốc bây giờ, chúng ta thấy Nhật Bản hồi xưa có lợi thế hơn nhiều. Trước khi xuống dốc, hàng hóa Nhật đã tràn ngập thế giới với những chiếc xe Toyota, Honda hay hàng tiêu thụ mang nhãn hiệu Sony, Panasonic và Nikon. Hiện nay Trung Quốc chưa có một nhãn hiệu nào có uy tín như thế.
Khi lâm vào cảnh khủng hoảng thời 1990, đời sống của người dân [Nhật] đã khá giả không kém gì các nước Âu, Mỹ; trong khi người dân Trung Quốc trung bình hiện nay vẫn còn sống thiếu tiện nghi, lợi tức bình quân chưa bằng một phần tư dân Nhật; phải mất 20 năm nữa mới theo kịp Nam Hàn và 40 năm để bằng dân Nhật Bản.
Khi kinh tế Nhật giảm tốc, nước Nhật đã sống trong chế độ tự do dân chủ được 40 năm, người dân tin tưởng chính quyền, người cai trị và người bị trị tin lẫn nhau, cho nên đồng tâm chịu cảnh thiếu thốn bất ngờ xảy ra. Dân Trung Quốc hiện đang sôi nổi tranh đấu đòi quyền sống làm người, chống cường hào ác bá cướp đất cướp ruộng, mỗi năm hàng trăm ngàn cuộc biểu tình.
Xã hội Nhật ổn định hơn. Lương bổng người lao động Nhật không thua quá xa lương giới quản đốc, đến mức khiến người ta ghen tị. Còn Trung Quốc, dù người cầm quyền vẫn tự xưng là theo chủ nghĩa xã hội, hiện đang nhiều tỷ phú đô la nhất thế giới, trong khi 200 triệu công nhân từ quê lên tỉnh vẫn sống trong cảnh bấp bênh.
Công ty thẩm lượng tín dụng Moody đã đánh một tiếng chuông báo động cho kinh tế Trung Quốc, nhưng chính quyền Trung Cộng không muốn dân nghe được. Cho nên họ chỉ trích rằng công ty này “dùng phương pháp sai lầm” hoặc “không hiểu rõ luật lệ” của nước Tàu.

Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Hiện nay ông Tập Cận Bình đang cố giữ hình ảnh kinh tế khả quan, ít nhất tới cuối năm khi Đảng Cộng sản họp đại hội. Nhưng sau đó, nếu không liệu sớm cải tổ cơ cấu thì kinh tế sẽ còn xuống dốc nữa, đến khi lâm cơn khủng hoảng như Nhật Bản đã trải qua gần 20 năm trước đây. Lúc đó nước Nhật có nhiều điều kiện tốt để đứng vững, còn nước Tàu thì chúng ta không biết!
N.N.D.
_._,_.___  

NGUYỄN CAO QUYỀN * LỘ TRÌNH CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN



Lộ trình phát sinh phát triểu và tiêu vong của chủ nghĩa cộng sản

Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Trong suốt thời gian cai trị của nó, chủ nghĩa cộng sản đã dùng sự lừa bịp phối hợp với bạo lực để tồn tại. Trong giai đoạn đầu, sự lừa bịp là sách lược chủ yếu của chúng. Bước vào giai đoạn hai, tức giai đoạn mạt kỳ, thì phương án bạo lực mới phát huy tác dụng. Nói khác, hiện nay chúng đã bỏ sở trường dùng sở đoản, bỏ tuyên truyền láo khoét và dùng những đội kiêu binh khổng lồ để đàn áp nhân dân.

Công an đồng hành với côn đồ xã hội đen để ra luật và áp dụng luật với sự mặc nhiên công nhận của giai cấp lãnh đạo. Sở dĩ chúng phải làm như thế vỉ kho tàng lý luận của chúng đả cạn kiệt. Sự tàn bạo trong đàn áp bóc lột không cần che đậy nữa. 
Trong nước, lúc này là lúc dân trí đã lên cao nhờ cuộc cách mạng truyền thông đang phát triển. Tuổi trẻ đang cần vũ khí “lý luận” để đấu tranh. Nhiệm vụ của những người lớn tuổi là phải cung ứng cho họ đầy đủ loại vũ khí đó để cuộc đấu tranh được tiến hành thuận lợi. Mỗi người một tay, mỗi người một phương diện, chúng ta nhất quyết phải làm được việc này để đưa cách mạng dân chủ đến thành công.
Để đóng góp phần nhỏ nhoi vào đề nghị nói trên, bài viết này sẽ trình bày “Lộ trình phát sinh, phát triển và tiêu vong của chủ nghĩa cộng sản” như một trong những vũ khí tấn công của cuộc chiến giành dân chủ hôm nay. Xin mời quý vị theo dõi. 
Giai đoạn phát sinh

Liên đoàn cộng sản và Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản
Liên Đoàn Cộng sản (Communist League) là tổ chức Mác xít đầu tiên ra đời vào tháng 6/1847 tại Luân Đôn do sự kết hợp của Liên Đoàn Những Người Công Chính và 15 người của Ủy Ban Thư Tín Cộng Sản tại Brussels (Bỉ). Sau khi kết hợp tổ chức này được đặt dưới sự lãnh đạo của Marx và Engels.
Trong phiên họp thứ hai vào các tháng 11-12/1847, Marx và Engels được toàn thể hội nghị tín nhiệm và giao phó nhiệm vụ soạn thảo văn kiện ra mắt của tổ chức: Bản Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản.
Marx viết Bản Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản giữa tháng 12/1847 và tháng 2/1848. Bản tuyên ngôn là khí cụ sắc bén của giai đoạn đầu của của cuộc đấu tranh nhằm đưa ra một thế giới quan mới. Tư tưởng hàm chứa trong bản tuyên ngôn là “Vô sản thế giới! Liên Hiệp Lại!”. Bản Tuyên Ngôn là văn kiện tuyên chiến giữa phe Cộng Sản và phe Tư Bản của thế giới trong chiến tranh tư hữu. 
Đệ Nhất Quốc Tế (1864-1876) 
Sau khi Bản Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản được công bố Marx và Engels kêu gọi thành lập “Hiệp Hội Các Công Nhân Quốc Tế” hay Đệ Nhất Quốc Tế. Nòng cốt của hội nghị này là đại biểu của các tổ chức công nhân Tây Âu và Trung Âu, hồi sức sau các cuộc đàn áp 1848-1849, nhưng những người lãnh đạo thực sự là Marx và Engels.
Sau bốn năm hoạt động Marx đã đẩy mạnh thế tấn công từ chống hành hạ tù nhân sang quốc hữu hóa hầm mỏ, đường sắt. Khi Công Xã Paris nổ ra năm 1871 Marx viết ngay tác phẩm “Nội chiến tại Pháp” để tranh công. Cộng xã cũng gợi ý cho Marx biến các đòi hỏi thành hành động chính trị. 
Đại Hội La Haye năm 1872 là đại hội lớn nhất kể từ khi thành lập. Sau lần họp năm đó Marx đề nghị rời trụ sở sang New York (Mỹ). Năm 1876 sau phiên họp tại Philadelphia (Mỹ) thì Đệ Nhất Quốc Tế không còn nữa. Marx từ giả cõi đời năm 1883. Ông chết hơi sớm nên chưa bao giờ được chứng kiến những di hại mà ông đã để lại cho nhân loại. 
Đệ Nhị Quốc Tế (1889-1914)
Đệ Nhị Quốc Tế (QT2) được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp) do các phần tử Mác Xít chủ xướng. Đại hội năm 1900 họp tại Bỉ. Năm 1904 đại hội họp tại Amsterdam (Hoà Lan.) Năm 1907 khi Đại hội họp tại Stuttgard (Đức) thì những đám mây đen của chiến tranh kéo đến Âu Châu. Đại hội Basle (Thụy Sĩ) năm 1912 là đại hội sau cùng trước Thế Chiến I. Đại hội đưa ra lời hăm dọa tổng nội dậy khắp nơi để tiến hành một cuộc cách mạng xã hội toàn cầu, 
Lời hăm dọa nói trên không mang lại hiệu quả. Hai năm sau (1912), chiến tranh vẫn nổ ra và các đảng lãnh đạo của QT2 thay vì làm theo đề nghị của Lenin đã quay về ủng hộ chính quyền của nước họ. Sự thất bái nhục nhã này làm cho QT 2 tan vỡ. 
Sự tan rã của QT2 đánh dấu một bước lùi của phong trào cộng sản thế giới. Đây đồng thời cũng lả khởi điếm của một phản ứng bất lợi trong áp dụng thực tế của cuộc thử nghiệm cộng sản của Marx và Engels. 
Engels mất năm 1895. Sau ngày tháng này là thời gian chia rẽ trong nội bộ của Đảng Xả Hội Dân Chủ Đức: chia rẽ giữa phái cải cách của Bernstein và phái cách mạng của Kautsky.
Sự điều chỉnh của tư bản và sự sửa chữa sai lầm của Marx và Engels
Năm 1866, nghĩa là 17 năm trước khi Marx từ trần, khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ. Sau khi khủng hoảng qua đi, chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh bằng một sáng tạo manh tính lịch sử: sự ra đời của công ty cổ phần và ngân hàng đầu tư quy mô lớn.
Với sự sáng tạo này, vốn của xí nghiệp không còn dựa vào tiền tiết kiệm và dự trữ của một số nhà tư bản mà dựa vào tiền tiệt kiệm và dự trữ của toàn xã hội. Công ty cổ phần tách quyền sở hữu khỏi quyền quản lý xí nghiệp. Việc tách rời này là một cuộc cách mạng tạo khả năng “quá độ hòa bình” sang một chế độ mới.
Công ty cổ phần ra đời khiến Marx chẳng những tìm được hình thức các tư liệu sản xuất là tài sản chung của những người sản xuất mà còn tìm được điểm “quá độ” trong đó tư bản chuyển hóa thành sở hữu của người sản xuất nghĩa là có thể trở lại với chế độ sở hữu cá nhân.
Hai mươi năm sau khi Bản Tuyên Ngôn Của Đảng Cộng Sản ra đời, Marx đã tìm thấy bước “quá độ hòa bình” này. Trong cuốn Tư Bản Luận III ông đã sửa chữa kết luận của cuốn Tư Bản Luận I, nghĩa là không cần làm nổ tung cái vỏ ngoài của chủ nghĩa tư bản nữa. 
Ngày 6/3/1895, không đầy 5 tháng trước khi qua đời, trong lời nói đầu viết cho cuốn “Đấu Tranh Giai Cấp ở Pháp” của Marx, Engels cũng sửa lại toàn bộ chủ nghĩa Marx và nhắn lại với thế hệ sau rằng: “Phương pháp đấu tranh của năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt”. 
*
Sau khi phát hiện ra khả năng “quá độ hòa bình” của tư bản, Marx và Engels chuyển sang ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa của Lassall. Dưới sự chỉ đạo của hai ông Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức ra đời. Đây là giai đoạn hai của phong trào công nhân Đức. Lúc bấy giờ, các đảng phái công nhân mới được thành lập mang danh hiệu là “Đảng Dân Chủ Xã Hội” chứ không còn gọi là Đảng Cộng Sản nữa. 
Như vậy trong tác phẩm của Marx và Engels có hai con đường xã hội chủ nghĩa: chủ nghĩa Xã Hội Bạo Lực và chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội. Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản và cuốn I Tư Bản Luận là căn cứ lý luận của chủ nghĩa Xã Hội Bạo Lực; cuốn III Tư Bản Luận và Lời Nói Đầu của cuốn Đấu Tranh Giai Cấp ở Pháp là cư sở lý luận của chủ nghĩa Dân chủ Xã Hội. 
Giai đoạn phát triển
Đệ Tam Quốc Tế (1919-1943) 
Sau khi cướp được chính quyền ở Nga, Lenin cho ra đời Đệ Tam Quốc Tế, còn gọi là Quốc Tế Cộng Sản. Tổ chức này là phương tiện để Lenin giữ lại các chư hầu của đế quốc Sa Hoàng cũ và cướp đoạt thuộc địa của các thực dân Anh, Pháp trên thế giới.
Lenin sinh ở nước Nga, một nước từ ngàn xưa chỉ có những chế độ cực kỳ tàn bạo. Bạo lực là văn hóa nền tảng của nước này, và Lenin thấm nhuần văn hóa ấy. Môi trường văn hóa bạo lực đã biến Lenin thành một người thành thạo về kỹ thuật khủng bố trong chiến tranh chính trị sau này. 
Trong cuộc đời của Lenin, lúc chưa nắm chính quyền, y chịu ảnh hưởng của hai người: Louis Auguste Blanqui và Serge Genadievich Nechayev. 
Louis Auguste Blanqui, sinh trưởng ở Pháp, là người lãnh đạo một tổ chức bí mật thuộc phe cách mạng bạo lực trong Quốc Tế II và chỉ huy quân sự của Công Xã Paris. Nội dung của chủ nghĩa Blanqui là phải tin chắc rằng: “bất cứ sự phát triển của sức sản xuất ở vào trình độ nào, chỉ cần dựa vào bạo lực là có thể sáng tạo ra một thế giới mới không có bóc lột và áp bức”. Lenin đã tiếp thu giáo huấn bạo lực của Blanqui từ rất sớm. 
Serge Genadievich Nechayev là một người Nga theo chủ nghĩa vô chính phủ, cầm đầu một nhóm sinh viên ớ St Petesbourg. Y bị giam trong tù cho tới khi chết lúc mới 35 tuổi vì giết một người bạn. 
Lúc sinh thời, dưới danh nghĩa làm cách mạng Nechayev chỉ biết nói dối, lừa đảo và khủng bố. Y viết cuốn “Giáo lý Cách Mạng” để phổ biến chính sách khủng bố, bắt đầu bằng một đoạn văn nổi tiếng như sau: “Nhà cách mạng là người có sẵn án tử hình. Người đó không được quan tâm đến tư lợi, thương mại, không được có tình cảm yếu ớt, dễ xúc động hay quyến luyến, không được có tài sản và tên tuổi. Mọi thứ liên quan đến cá nhân người đó phải hoàn toàn tan biến vào tư tưởng và đam mê tuyệt đối dành cho cách mạng”. 
Kinh bổn bạo lực của Nechayev là sách gối đầu giường của Lenin. Vì thế có thể nói chủ nghĩa Marx-Lenin là chù nghĩa Blanqui-Nechayev. Lenin dùng chủ nghĩa này và phối hợp với kỹ thuật bạo lực khởi loạn để giết người và cướp đoạt chính quyền. 

Chủ nghĩa Marx-Lenin
Chủ nghĩa Marx-Lenin là một ứng dụng của chủ nghĩa Marx lúc tuổi trẻ vào thực tế do Lenin khai triển. Công thức này đã mang lại thắng lợi cho đảng cộng sản Nga năm 1917 và trở thành nền tảng ý thức hệ của phong trào cộng sản thế giới với trung thâm là Liên Xô.
Chủ nghĩa Marx-Lenin lập luận rằng sở dĩ công nhân các nước tư bản tiên tiến không chọn lựa cách mạng vì chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang một giai đoạn mới trong đó các nhà tư bản mang tiền đến các thuộc địa khai thác bóc lột và làm giàu rồi dùng số tiền kiếm được này để đút lót cho công nhân trong nước bằng cách tăng lương cho họ. Khi nào các thị trường thuộc địa bị phong trào giải phóng dân tộc phá vỡ thì tư bản dân tộc phải trở về với mẫu quốc và lúc đó cách mạng sẽ nổ ra.
Lenin đã dùng các loại lập luận “con nít” này để đánh lừa thiên hạ mà thiên hạ vẫn có người nghe vì trình độ dân trí quá thấp. Thuật ngữ “chủ nghĩa Mác-Lê” dưới thời Stalin được coi như một di sản qúy báu cho đến khi chính đàn em Krushchev đã dùng thuật ngữ này để hạ bệ Stalin. Tại Việt Nam thì đến nay thuật ngữ này vẫn còn là ngôn từ cửa miệng.
Thanh thế và quyền lực của cộng sản bành trướng nhanh chóng trong thế kỷ 20 vì Lenin coi “đế quốc” chứ không phải “tư bản” la kẻ thù chính như Marx đã giảng dạy. Với khả năng nhạy bén về chính trị, Lenin nhận ra ngay bản chất bạo tàn của chủ nghĩa Marx lúc tuổi trẻ và ông đã dùng nó như một vũ khí lợi hại để làm cách mạng. Đến đây ta hiểu tại sao Lenin đã dấu nhẹm cái chủ nghĩa Marx đã điều chỉnh lúc về già. Sau khi đã trở thành chúa tể nước Nga, Lenin mới phát hiện ra rằng hàng triệu công nhân và nông dân không chấp nhận tư tưởng của Marx. 
Trước hiện thực này, Lenin đã giữ quyền lực cho đảng cộng sản Liên Xô bằng cách ra lệnh bắn chết hàng vạn người và bỏ chết đói hàng triệu người khác. Ông đã dùng tư tưởng của Marx về “tính tất yếu của cách mạng” để biện minh cho tội ác của mình. Dưới thời Stalin trong cuộc Đại Thanh Trừng, con số người chết vì súng và bỏ đói còn nhiều hơn gấp bội. 
Trung Quốc và chủ nghĩa xã hội bạo lực
Trong những năm tháng cuối đời Marx và Engels đã nhìn nhận sai lầm trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản năm 1848. Sau đó hai ông đã sửa sai, đã đưa phương thức sản xuất tư bản vào chủ nghĩa xã hội một cách hòa bình và đã dẫn dắt Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức đến thắng lợi vẻ vang bằng con đường chính thống của chủ nghĩa Marx Engels. 
Mao Trạch Đông cũng biết có sự sửa sai này nhưng giấu kín. Năm 1949 sau khi Tưởng Giới Thạch chạy ra đảo Đài Loan, nhân dân Trung Quốc hy vọng Mao thực hiện lời hứa dân chú thời Diên An là làm cho Diên An trở thành Washington của Trung Quốc. Nhưng khi vào được Trung Nam Hải thì Mao trở mặt tuyên bố ông vừa là Marx vừa là Tần Thủy Hoàng. 
Thật ra Mao tàn bạo hơn Tần Thủy Hoàng rất nhiều vì ba năm “Nhảy Vọt Lớn” với 37,5 triệu người chết đói, y đã tạo ra bạo chính lớn nhất cổ kim nhân loại. Để cai trị dân Trung Quốc, y tiếp tục áp dụng cái chủ nghĩa Mác-Lê bạo lực như dưới thời Stalin ở bên Nga và đưa Trung Quốc vào ngõ bí không lối thoát. 
Ngõ bí này cứ tiếp tục tồn tại nếu Trung Quốc không biết hiện đại hóa nền chính trị ở trong nước. Nhưng thế nào là hiện đai hóa chính trị? Có ba yếu tố then chốt cho sự hiện đại hóa chính trị: thứ nhất là phải hiện đại hóa nhà nước thành một thiết chế bền vững, hiệu quả và không phụ thuộc vào cá nhân con người (thiết chế này phải có khả năng thực thi luật pháp ngay cà trong những xã hội phức tạp); thứ hai, chế độ phải mang tính pháp trị, nghĩa là quyền lực của nhà nước chỉ xuất phát từ luật pháp (nói khác đảng cầm quyền không thể muốn làm gì thì làm); thứ ba, lập một hệ thống ràng buộc trách nhiệm của chính quyền. 
Mao Trạch Đông không biết làm những việc đó và y chết năm 1976. Cái chết này đồng thời đánh dấu sự xuống dốc của chủ nghĩa cộng sản quốc tế. 
Giai đoạn tiêu vong
Sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết 
Ngày 25-12-1991 lúc 7 giờ 30 đế quốc Liên Xô thực sự rút lui vào lịch sử. Sự sụp đổ của Liên Xô giúp con người nhận biết về mình: sinh mạng, sự sống và tài sản của mỗi người là bất khả phân. Khi sở hữu bị chiếm đoạt thì cá tính và quyền sống cũng bị xâm hại.
Lý do chính yếu khiến Liên Xô tiêu vong là vì nền kinh tế bị đình đốn và suy sụp vô phương cứu chữa. Các kinh tế gia cho rằng đó là hậu quả không thể chối cãi của sự thiếu vắng quyền tư hữu, yếu tố tuyệt đối cần thiết vì là động cơ của phát triển.
Tư hữu ảnh hưởng đến thành tích kinh tế theo hai đường hướng. Đường hướng thứ nhất là người dân mất đi sự sốt sắng để sản xuất nhiều hơn, một khi các nhu cầu căn bản của họ đã được nhà nước bảo đảm. Với đầu óc hẹp hòi và thủ cựu, nhóm lãnh đạo Bolshevik đã làm cho nền kinh tễ LIên Xô hoàn toàn mất sức sống chứ chưa nói gì đến phát triển.
Đường hướng thứ hai là khi quyền tư hữu bị hủy bỏ thì nhân cách con người cũng dần dần bị mai một... Nhân cách theo phân tích khoa học, là động cơ thứ hai của phát triển.
Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, mặc đầu công thức độc tài toàn trị vẫn còn tồn tại ở một vài nơi nhưng những chế độ này đã bị cô lập và đang dần dần ngả theo xu thế của thời đại. Xu thế đó là dân chủ và tư hữu.
Liên Xô sụp đổ vì không biết đến khái niệm “lực lượng sản xuất tiên tiến”
Lực lượng sản xuất và “lực lượng sản xuất tiên tiến” là hai khái niệm khác nhau. Lực lượng sản xuất duy trì dây chuyền sản xuất vận hành cân bằng theo tiêu chuẩn lượng và số lượng quy định. Lực lượng sản xuất tiên tiến phá vỡ sự cân bằng cũ, tạo ra tiêu chuẩn chất lượng và số lượng mới, nâng sản xuất lên một nấc cao hơn. 
Công nhân đại diện cho lực lượng sản xuất, nhưng không đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến là các nhà tư bản. Đó là điều mà Marx và Engels không nhìn thấy trong bối cảnh sinh hoạt kỹ nghệ của vùng Manchester, lúc còn trẻ tuổi. 
Muốn thành quả nghiên cứu khoa học chuyển hóa thành sản phẩm là một việc đầy rẫy khó khăn. Người nhiệt tình nhất, chấp nhận rủi ro nhiều nhất để làm công việc chuyển hóa đó là nhà tư bản được thôi thúc bằng lợi nhuận siêu ngạch. Con đường xóa đói giảm nghèo hữu hiệu nhất là phải phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến, và cần ghi nhận thêm là lực lượng này chỉ có thể phát triển đầy đủ bên trong quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Giai cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến là một giai cấp không tiêu diệt được. Vì họ là động cơ của sự phát triển. Đó là bài học mà sự thất bại của phong trào Cộng Sản Quốc Tế để lại cho con cháu về sau. 
Trung Quốc và chủ nghĩa dân chủ xã hội 
Trước khi cướp được chính quyền tại Hoa Lục, Mao Trạch Đông đã cho công bố tác phẩm “Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới”, một hình ảnh thu hẹp của chủ nghĩa dân chủ xã hội ngày nay. Tiếc thay sau khi nắm chính quyền, Mao đã từ bỏ lý luận “dân chủ mới” này và lao vào giấc mơ không tưởng xây dựng xã hội đại đồng. Vì được thành hình vội vã nên chủ nghĩa xã hội Mao Trạch Đông đã phát triển ác tính và hoàn toàn tan rã.
Sau đại họa Bước Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa, thế hệ lãnh đạo nối tiếp đã biết phải xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào và đã có những điều chỉnh mang lại thành tựu lớn lao được nhiều người trong nước và ngoài nước công nhận.
Cải cách “mở cửa” đã bắt đầu từ lãnh vực kinh tế. Trước sự thách thức của ý hệ tả khuynh, đối sách “không tranh luận” đã được áp dụng và đã gặt hái kết quả mỹ mãn. Những cặn bã của chủ nghĩa xã hội bạo lực, không tưởng và phong kiến đã bị dẹp bỏ. 
Tháng 3-2004, kỷ họp thứ 2 Quốc Hội khóa 10 đã đưa tư tưởng quan trọng “Ba Đại Diện” và điều khoản “bảo hộ chế độ tư hữu” vào hiến pháp. Đây là cải cách chính trị quan trọng nhất từ thời kỳ “mở cửa”. Đảng CS cũng như nhân dân Trung Quốc đã thấy việc đoàn kết với giai cấp tư sản là một nhu cầu không thể thiếu. 
Vấn đề còn lại chỉ là sự ráp nối một số nguyên tắc căn bản của chế độ đại nghị vào cơ chế thị trường đã có sẵn. Tuy nhiên sự ráp nối nay không thể làm nhanh và thế hệ lãnh đạo đương thời đang tìm cách vượt qua, như họ đã vượt qua giai đoạn khó khăn lúc ban đầu khi phải chia tay với kinh tế hoạch định.
Như vậy có thể nói rằng giấc mơ “cộng sản” đã hoàn toàn bị tiêu vong. Giờ đây không còn ai mất thì giờ để hy vọng gì về cái ước mơ hão huyền này nữa. Đảng CSVN không có những nhà tư tưởng mới nên thường hay bắt chước để tồn tại. Trong dĩ vãng, chỉ vì bắt chước những cái không nên bắt chước, nên những người đi theo Hồ Chí Minh đã mang đại họa cho dân tộc. 
Những gì xảy ra cho đất nước từ sau bước quy phục Thành Đô không lẽ CSVN không nhìn thấy. Một cơ hội mới để chuộc lại lỗi lầm lại đang xuất hiện. Những người cộng sàn Việt Nam cần phải cảnh giác nhiều hơn để không mắc tội với dân tộc và lịch sử./.
Tháng 5 năm 2017
 

VIỄN THÔNG * NHỮNG THƯƠNG HIỆU PHÁP

Những thương hiệu Pháp một thời lừng lẫy tại Việt Nam

Cùng với quá trình khai khẩn thuộc địa từ thế kỷ 19, nhiều thương hiệu Pháp đã đến hoặc hình thành tại Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm đối với nhiều thế hệ người Việt.

Bia BGI được thành lập tại Sài Gòn vào năm 1875 bởi một sĩ quan hàng hải đã giải ngũ tên Victor Larue, BGI là viết tắt của Brasseries Glacières d’Indochine (Hãng bia và nước đá Đông Dương). Nổi tiếng và lâu đời nhất là Nhà máy bia Chợ Lớn và Usine Belgique, được xây dựng từ năm 1952. Đến năm 1954, khi Đông Dương không còn nữa thì hãng đổi tên thành Brasseries Glacières Internationales, vẫn viết tắt là BGI.
BGI thời trước rất nổi tiếng với bia Bia 33, Royale, Hommel và đặc biệt là bia Tiger, thường được người Sài Gòn trước 1975 gọi theo kiểu bình dân là "bia con cọp".
Vào năm 1975, khi BGI vừa tròn 100 tuổi, hai nhà máy của hãng bia Pháp này được quốc hữu hóa. Nhà máy bia Chợ Lớn trở thành Bia Sài Gòn và Usine Belgique cũng đổi thành Chương Dương. Ngày nay, đây vẫn là 2 thương hiệu thức uống có chỗ đứng lớn tại thị trường Việt Nam.
Đến Việt Nam từ rất sớm, hãng rượu Fontaine xây dựng nhà máy của mình tại số 94 Lò Đúc vào năm 1898, với tên gọi Nhà máy Rượu Hà Nội. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được công ty Fontaine xây dựng ở Đông Dương khi đó.
Năm 1955, Chính phủ quyết định phục hồi Nhà máy Rượu Hà Nội để sản xuất cồn phục vụ y tế, quốc phòng và dân sinh. Cuối năm 2006, Nhà máy Rượu Hà Nội  đổi tên thành Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) và hoạt động dưới hình thức cổ phần.
Cách đây vài năm, UBND TP Hà Nội quyết định di dời nhà máy về Bắc Ninh và thu hồi lô đất tại Lò Đúc để sử dụng vào mục đích khác.
Năm 1936, hãng xe Citroën của Pháp tiến hành xây dựng xưởng sản xuất đầu tiên ở Đông Dương với trụ sở ban đầu tại góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, ngày nay là khách sạn Rex.  Đến thời Việt Nam Cộng hòa xưởng sản xuất được dời đi và đổi tên thành Công ty Xe hơi Citroën, tiếp đến là Công ty Xe hơi Saigon.
Năm 1969, Citroën mua bản quyền thiết kế của chiếc Baby Brousse từ công ty Ateliers et Forges de l’Ebrié để sản xuất chiếc xe lừng danh thời bấy giờ là La Dalat. La Dalat có 4 kiểu dáng khác nhau với các loại 4 chỗ ngồi hoặc 2 chỗ ngồi với thùng chở hàng.
Giai đoạn 1970 cho đến 1975, hãng xe Citroën sản xuất hơn 5.000 chiếc La Dalat, tức là khoảng 1.000 chiếc mỗi năm, tỷ lệ nội địa hóa tăng dần từ 25% đến 40% vào năm 1975. Tuy nhiên, vào năm này, hãng Citroën chính thức đóng cửa.
Cũng có mặt tại Việt Nam từ thời Pháp thuộc, hãng xe Simca có một trụ sở tại Hà Nội, sau này là vũ trường  New Century ở số 10, phố Tràng Thi (đã bị dỡ bỏ sau này).
Đây vốn là hãng xe Pháp, được thành lập vào năm 1934 bởi Fiat. Trong ảnh là một mẫu xe Simca được trưng bày tại một cuộc triển lãm vào tháng 9/1949 tại Sài Gòn.
Simca từng thuộc sở hữu của Chrysler giai đoạn thập niên 50-60  và vẫn tiếp tục bán xe tại Hà Nội, Sài Gòn. Trong ảnh là một ảnh quảng cáo mẫu Vedette đời 1953.Sau năm 1970, Simca được  PSA (liên minh giữa Peugeot và Citroen) mua lại. Tuy nhiên, nhãn hiệu Simca đã không còn xuất hiện tại Việt Nam.
Công ty các đồn điền cao su Michelin (Société des Plantations et Pneumatiques Michelin au Vietnam) thành lập năm 1917, đặt trụ sở tại Dầu Tiếng và một văn phòng tại số 180 đường  Chasseloup Laubat, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM.  Với số mủ cao su khai thác được, De Lafon cho xây dựng nhà máy sản xuất tại chỗ săm lốp xe đạp và săm lốp xe hơi.
Thời đó, Michelin có 3 đồn điền lớn: Dầu Tiếng (7.000 ha), Phú Riềng và Thuận Lợi (3.000 ha). Trong ảnh là đồn điền tại Thuận Lợi vào năm 1927. Đến năm 1943, Michelin chiếm 7% toàn bộ diện tích cao su khai thác và sản lượng bằng 11% tổng sản lượng toàn Đông Dương.
Sau 1975, Đồn điền Michelin đổi tên là Nông trường Quốc doanh Cao su Dầu Tiếng. Đến năm 1981 chuyển thành Công ty cao su Dầu Tiếng. Cùng với đó, hãng lốp xe Michelin cũng quay lại Việt Nam để bắt đầu công việc kinh doanh mới với một công ty con là Công ty TNHH Michelin Việt nam thành lập vài tháng 10/2009.
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại giữa Pháp và Việt Nam cũng như các thành phố tại châu Á trong quá trình khai thác thuộc địa, hãng hàng không Air France cũng sớm có mặt tại Việt Nam.
Không chỉ tổ chức các chuyến bay, vào tháng 6/1951, Air France góp 33,5% vốn cùng với Chính phủ Quốc gia Việt Nam (góp 50%) của Quốc trưởng Bảo Đại để thành lập Hãng hàng không dân dụng của Quốc gia Việt Nam (Air Viet Nam) với quy mô 18 triệu Piastre (tương đương với 306 triệu Franc Pháp lúc bấy giờ). Sau 1975, Air Viet Nam do Cục hàng không dân dụng quản lý. Đến năm 1993, khi Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) ra đời thì Air Viet Nam chính thức không còn.
Khách Sạn Continental được xây cất bởi Pierre Cazeau trong năm 1880 và mau chóng trở thành một địa điểm lưu trú sang trọng nổi bật trên bản đồ du lịch của vùng Đông Dương.
Khách sạn đã qua tay nhiều chủ trước khi Mathieu Franchini mua nó trong năm 1930. Dưới thời điều hành của ông, khách sạn có chuỗi ngày cực thịnh cho đến khi Pháp thất trận tại Điên Biên Phủ năm 1954.
Vào thập niên 1960, Philippe - con trai của ông Mathieu Franchini, quay trở lại từ Pháp để điều hành khách sạn. Sau ngày giải phóng, khách sạn thuộc sở hữu của Công ty Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (Saigontourist).
Năm 1950, quán cà phê kiêm bán bánh Girval ra đời ở đường Catinat, nay là Đồng Khởi, Q.1, TP HCM. Chủ quán là Alain Poitier, một thợ bánh Pháp đã sống nhiều năm ở Sài Gòn. Ông đã làm việc ròng rã suốt 8 tháng trời để tìm công thức bánh kiểu Pháp phù hợp với khẩu vị người Việt.
Hiệu bánh sau đó nhanh chóng trở thành điểm đến quen thuộc của giới trí thức và nhà báo trong và ngoài nước. Đến năm 1973, trước những biến động chính trị, người con của Alain Portier giao lại thương hiệu bánh cho giám đốc xưởng bánh người Việt và về nước.
Năm 1975, Xí nghiệp bánh kẹo Givral được chuyển giao về cho Saigontourist tiếp quản.
Năm 1995, Givral trong tình trạng kiệt quệ được đưa về cho Công ty CP Bông Sen (thành viên Saigontourist) quản lý trực tiếp. Ngày nay, thương hiệu này đã có hơn 30 cửa hàng ở TP HCM và Hà Nội.
Riêng tại địa điểm cũ, quán café Givral cũng đã được khai trương lại với diện mạo mới vào tháng 10/2012. Tuy nhiên, đến tháng 9/2013 thì quán chính thức đóng cửa vì giá thuê mặt bằng đắt đỏ.
Viễn Thông

Sunday, May 28, 2017


VŨ NGỰ CHIÊU * HỒ CHÍ MINH—NHÀ NGOẠI GIAO, 1945-194

Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX:HỒ CHÍ MINH—NHÀ NGOẠI GIAO, 1945-1946

23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 60878)


hcm2-9-45-baivunguchieu


hochiminh1
LTS: Hợp Lưu hân hạnh đăng tải hai nghiên cứu của Tiến sĩ Sử học Vũ Ngự Chiêu, được hoàn tất sau chuyến du khảo Việt Nam từ tháng 11/2004 và đến tháng 5/2005.

Dưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay. Bài này được trích dịch từ Phần III, “Sự tàn nhẫn của chính trị thế giới” [The Brutality of World Politics] của luận án “Những biến đổi xã hội và văn hóa tại Việt Nam giữa 1940 và 1946 [Social and Cultural Change in Vietnam Between 1940 and 1946], đệ trình tại Đại học Wisconsin- Madison tháng 12/1984. Tác giả đã liên tục bổ sung và hiệu đính chương này suốt hơn 20 năm qua, sau mỗi chuyến nghiên cứu tại các văn khố Pháp, Mỹ, và mới đây nhất là tại Việt Nam.

Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963, tác giả nỗ lực đưa sự cố này vào bối cảnh chung của cuộc nội chiến, và giới thiệu một số tài liệu gốc mới phát hiện, công bố lần đầu tiên trên thế giới.

Hợp Lưu đăng tải một Phụ bản tài liệu văn khố về ngày cậu Nguyễn Sinh Côn, tức ông Hồ Chí Minh sau này, được nhận vào trường Quốc Học Huế từ ngày 7/8/1908. Tư liệu này chỉ là một trong số hàng chục tư liệu khác về Hồ Chí Minh mà tác giả tìm thấy suốt hơn 30 năm qua. Nó làm sáng tỏ vài ba chi tiết đã ghi chép một cách sai lầm bấy lâu:

(1) Tên hồi nhỏ của ông Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Côn, không phải Nguyễn Sinh Cung.

(2) Nguyễn Sinh Côn được vào trường Quốc Học sau khi tốt nghiệp trường tiểu học Đông Ba, Thừa Thiên.

(3) Không có việc Nguyễn Sinh Côn bị trục xuất khỏi trường Quốc Học vì tham gia vào cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Huế—cuộc biểu tình chống sưu dịch xảy ra ngày 9 tới 12 tháng 4 năm 1908; tức gần bốn tháng trước ngày trò Côn được nhận vào trường Quốc Học.

Rải rác trong bài “Hồ Chí Minh—Nhà Ngoại Giao, 1945-1946,” quí độc giả sẽ tìm gặp rất nhiều tài liệu văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Trung Hoa và Việt Nam giúp tái dựng lại một hình ảnh trung thực hơn về Hồ Chí Minh, khác biệt hẳn những lời cung văn và đào mộ của hai phe lâm chiến. Tương tự, bài “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ.

Tạp Chí Hợp Lưu



HỒ CHÍ MINH—NHÀ NGOẠI GIAO, 1945-1946



Sự việc Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập và thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] ngày 2 tháng 9 năm 1945 không bảo đảm rằng nền độc lập của Việt Nam và chế độ này được quốc tế công nhận. Người Pháp, dù tiến bộ hay bảo thủ, đều nhấn mạnh phải đưa “con thuyền lạc bến” Đông Dương trở lại với đế quốc Pháp, bằng vũ lực nếu cần. Những cường quốc khác, vì những lý do khác nhau, đều yểm trợ sự tái xâm lăng Đông Dương của Pháp.

Chính sách ngoại giao của Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ tháng 8/1945 tới tháng 12/1946 bởi thế tập trung vào chính sự sinh tồn của chế độ. Để đạt mục đích này, Hồ tìm cách quốc tế hóa chính nghĩa quốc gia của Việt Nam, kêu gọi quốc tế yểm trợ nền độc lập của Việt Nam và chống lại cuộc tái xâm lăng của Pháp. Nỗ lực của Hồ gồm kháng thư hay công hàm đến các cường quốc, phản đối sự xâm lăng của Pháp và gợi nhớ lại những nguyên tắc “cao cả” của Hiến chương Đại Tây Dương, bản tuyên bố của Liên Hiệp Quốc và Hiến chương San Francisco. Hồ đặc biệt quan tâm đến sự yểm trợ của Liên bang Mỹ, thậm chí yêu cầu được hưởng giống như tình trạng của Phi-lip-pin [Philippines] trong vùng ảnh hưởng của Mỹ. Tất cả những thỉnh nguyện của Hồ đều không có hồi âm. Hồ phải đương đầu với cả Trung Hoa và Liên minh Pháp-Bri-tên (sau đó, chỉ với Pháp) để sinh tồn. Với Trung Hoa, Hồ mua chuộc đút lót các quan tướng để họ cho Hồ được tự trị. Với người Pháp, vấn đề phức tạp hơn. Ngay sau cuộc cách mạng tháng 8/1945, Hồ cương quyết chống việc Pháp trở lại và nhấn mạnh trên nền độc lập toàn vẹn của Việt Nam. Sau đó, Hồ phải giảm dần đòi hỏi, chấp nhận thực tế, đồng ý được hưởng tình trạng một nước Việt Nam “tự do” trong Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp. Mặc dù Pháp chỉ thương thuyết với Hồ để kéo dài thời gian, hầu có thể tăng gia lực lượng và thiết lập sự thống trị quân sự trên toàn cõi Đông Dương, Hồ được gần một năm để thủ diễn vai trò nhà ngoại giao ngay tại Việt Nam cũng như tại Pháp. Hồ không đạt được những gì mình mong muốn, nhưng qua tiến trình thương thuyết, đã phần nào đạt được mục tiêu quốc tế hóa chính nghĩa của người Việt và đồng hóa mục tiêu của phe đảng Hồ với tinh thần quốc gia của người Việt.


I. ĐI TÌM “CHÍNH THỐNG”:
Sau hơn phần tư thế kỷ sống ở quốc ngoại và làm việc cho các cơ quan tình báo quốc tế—trước hết cho cơ quan Comintern (Bộ Phương Đông) của Liên Sô tại Trung Hoa và Xiêm, và các cơ quan tình báo Mỹ tại Việt Nam—Hồ Chí Minh hiểu rõ sự tàn nhẫn của nền chính trị quốc tế. Kể từ những ngày tháng đen tối ở Paris, khi kiếm tìm tài liệu để hoàn tất bản thảo Les Opprimés [Những kẻ bị áp bức], Hồ đã hiểu rằng nếu Việt Nam muốn giành được độc lập, phải phá vỡ lớp băng giá của sự thản nhiên (nếu không phải đồng lõa) của thế giới đối với các xứ thuộc địa. Hồ (lúc ấy còn mang bí danh Nguyễn Ái Quấc) đã có lần hy vọng được các nhà xuất bản và tác giả mà Hồ đã trích dẫn nhưng không xin phép sẽ truy tố Hồ ra tòa để được chú ý.(1)

Nhưng chuyện đó không xảy ra. Bị các cường quốc tảng lờ, Hồ chỉ tìm được nguồn tiếp trợ từ Liên Sô. Chua chát cho Hồ là “tinh thần quốc tế vô sản” cũng đầy mặn, ngọt, chua cay. Từ năm 1930, sau khi thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] ngày 6/1/1930, Hồ bị bỏ quên bên lề phong trào Quốc Tế Cộng Sản, không những bị chỉ trích là “nặng tinh thần quốc gia,” “thời cơ,” mà còn bị tình nghi là có liên hệ với tình báo tư bản. Ngay đến bí danh Nguyễn Ái Quốc cũng bị khai tử.(2)

Suốt bốn năm dài ở Mat-scơ-va từ tháng 10/1934 tới tháng 9/1938, dưới bí danh Lin (Lâm), Hồ chẳng được giao một công tác quan trọng nào, trong khi nhóm QTCS (Comintern) trẻ trung từ Nga về như Livitnov Lê Huy Doãn (Hồng Phong), Cinitchkin Hà Huy Tập, Kan Nguyễn Ngọc Vi (Phùng Chí Kiên), Bourov Dương Bạch Mai, Pallat Nguyễn Văn Phong (Minh), v.v... thống trị Đảng Cộng Sản Đông Dương [CSĐD] tại nội địa. Ngay đến người vợ cách mạng của Hồ là “Fan Lan,” tức “Nguyễn Thị Minh Khai” (1910-1941) cũng trở thành vợ Livitnov Doãn trong hai năm 1937-1938.(3) Mãi tới cuối tháng 9/1938, Hồ mới được phép trở lại Trung Hoa để chỉnh đốn lại Ban chấp ủy Trung ương Đảng CSĐD, đưa tổ chức này vào chính sách “mặt trận thống nhất” do CSQT tái phát động từ mùa Thu năm 1935.

Nhưng tới Diên An từ tháng 11/1938, Hồ vẫn không móc nối được với Ban Chấp ủy trung ương của Đảng CSĐD, trước khi các lãnh tụ cao cấp bị mật thám Pháp bắt giữ trong hai ngày 17-18 tháng 1/1940—phần nào do sự tố cáo gián tiếp của một liên lạc viên người Việt gốc Hoa của Hồ. Mãi tới tháng 2/1940, Hồ mới tái xuất hiện ở Côn Minh, thủ phủ Vân Nam, tiếp xúc với Ban Lãnh đạo Ở Ngoài của Đảng CSĐD tại đây, và trực tiếp chỉ huy nhóm Kan Vi, Hoàng Văn Hoan, Vũ Anh.

Sau ngày Pháp thất trận ở Âu Châu (23/6/1940), Hồ quyết định tìm đường về nước. Để che mắt chính phủ Tưởng Giới Thạch, Hồ quyết định khuynh đảo tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh [Việt Minh] của nhóm Hồ Học Lãm, biến tổ chức không Cộng Sản này thành cánh tay ngoại vi của Đảng CSĐD. Rồi, tháng 5/1941, Hồ triệu tập Hội nghị thứ 8, khóa I, tại Pác Bó, tái lập Ban chấp ủy trung ương Đảng CSĐD, với Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm Tổng thư ký.(4)

Trong Thế chiến thứ II (1939-1945), cuộc liên kết Tư bản-Cộng Sản của Đồng Minh chống phe Trục mang lại cho Hồ cơ hội để quốc tế hóa chính nghĩa đòi độc lập của Việt Nam. Dự đoán được vai trò thắng vượt của Liên bang Mỹ trong thời hậu chiến, Hồ không ngừng mua chuộc cảm tình của người Mỹ. Quyết định giải tán QTCS của Josef Stalin ngày 15/3/1943 cho phép Hồ theo đuổi một chính sách mềm dẻo: Hồ được tự do làm việc cho cả cơ quan tình báo Trung Hoa và Liên bang Mỹ. Đổi lại, Hồ được phóng thích khỏi nhà tù Trung Hoa ở Liễu Châu, tự do hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa, có những vật liệu cần thiết và triển vọng được Mỹ yểm trợ trong tương lai. Tháng 10/1944, sau khi về tới Việt Nam, Hồ có thể viết thư ngỏ thông báo với nhân dân là đã mang về món quà “cực kỳ quí báu,” đó là sự ủng hộ to lớn của 450 triệu dân Trung Hoa. (VKĐTT, 7, 2000:352-353)

A. ĐƯỜNG DÂY TÌNH BÁO MỸ:

Từ cuối năm 1944, đầu năm 1945, Hồ đã mở được đường dây liên lạc với Cơ Quan Tình Báo Chiến Lược [OSS] Mỹ.(5)

Trong mùa Hè 1945, đã có lúc hai toán tình báo Mỹ có mặt tại mật khu "Tân Trào," thuộc địa phận Kim Lộng, Tuyên Quang. Toán Con Nai (Deer Team) của Thiếu tá Allison K. Thomas đã giúp huấn luyện khoảng 100 binh sĩ Việt Minh và cứu thoát Hồ trong cơn đau thập tử nhất sinh tại Kim Lộng. Hồ có những thủ thuật đặc biệt để mua chuộc cảm tình của các quan tướng Mỹ tại địa phương. Một mặt, Hồ tự mô tả và diễn giải rằng các đồng chí mình là những người quốc gia chân chính đã bị người Pháp chụp mũ Cộng Sản. Mặt khác, Hồ cố tình chiều chuộng người Mỹ bằng những lời tâng bốc và tận lực thỏa mãn nhu cầu của họ.

Chính Thomas và các nhân viên thuộc toán Air Ground Aid Service [AGAS] của Không lực Lục Quân Mỹ nhiều lần khẳng định với cấp chỉ huy rằng tổ chức Việt Minh của Hồ "không phải là Cộng Sản, hay Cộng Sản kiểm soát, hay Cộng Sản lãnh đạo."(6) Thomas và đại diện OSS tại Côn Minh cũng chuyển cho Jean Sainteny, trưởng đoàn tình báo M-5 Pháp tại Hoa Nam, một lá thư của Việt Minh, đề nghị hợp tác.(7) Nhân viên OSS đã trên thực tế hành sử như Ban Ngoại Giao đầu tiên của Hồ.

Hồ rất rộng rãi trong việc ca ngợi sự vĩ đại và truyền thống dân chủ, chống thực dân của nước Mỹ. Từ tháng 7/1945, Hồ đã bàn thảo với các sĩ quan tình báo Mỹ tại Bộ Chỉ huy Việt Minh tại Kim Lộng [Tân Trào] về bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, chứng tỏ mình rất quen thuộc với văn kiện này. Vài tháng sau, Hồ đã khởi đầu bản Tuyên ngôn độc lập của mình bằng câu mở đầu của Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Sau đó, Hồ thường nhắc đến nước Mỹ như “vô địch về dân chủ” [“champion of democracy”] hay “cứu tinh của mọi quốc gia” [“saviour of the nations”]. (8)

Bản Hiến Chương Đại Tây Dương (14/8/1941) do Tổng thống Franklin D. Roosevelt đề xướng, bản Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc, và Hiến chương Liên Hiệp Quốc ký kết tại San Francisco (26/6/1945), và ngay cả bài diễn văn của Tổng thống Harry S. Truman (1945-1953) vào Ngày Hải Quân, 27/10/1945, cũng được ca ngợi nồng nhiệt chẳng kém gì chủ thuyết của Lê-nin hơn hai thập niên trước. (Public Papers of the President of the United States (Harry S. Truman, April-December 1945), pp. 433-434; US-Vietnam Relations, 1971, I:C-60-61)

Trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ ngày 22/10/1945, Hồ viết:

Những nguyên tắc cao thượng về công pháp quốc tế và sự bình đẳng trong Hiến chương Đại Tây Dương đã được người Việt hưởng ứng và đóng góp vào việc biến tổ chức kháng chiến Việt Minh trong chiến khu thành một phong trào chống Nhật trên toàn quốc, một phong trào phản ảnh mạnh mẽ khát vọng dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được coi như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai. Một kế hoạch xây dựng quốc gia được soạn thảo theo đúng tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc tại San Francisco và đã được thực hiện trong những năm vừa qua... (US-Vietnam Relations)

Bài diễn văn ngày 27/10/1945 của Truman về chính sách ngoại giao hậu chiến của Mỹ—trong đó Truman không hề nhắc đến Đông Dương và đã khéo léo dùng cách diễn tả mơ hồ, chung chung hầu ai nấy đều có thể tự do diễn giải—được Hồ tán thưởng ngay là chứa đựng “những lý tưởng cao cả của sự độ lượng và nhân bản.” (Cable No. 4936, 13 Feb 1946, Smith to Byrnes; US-Vietnam Relations, Bk I, p. C-94) Sau đó, Hồ tuyên bố chế độ của Hồ “dựa trên, và lấy sức mạnh từ các điều thứ hai, thứ tư và thứ sáu trong bài diễn văn 12 điểm của Truman.” (Ho Chi Minh’s Note of 18 Feb 1946, to China, USA, USSR & Britain; US-Vietnam Relations, Bk I, p. C-99)

Về phương diện vật chất, Hồ chăm sóc các cán bộ OSS rất chu đáo. Trung úy Phelan [“John”] nhận xét:

[Hồ] là một người thật dễ thương. Nếu tôi phải chọn ra một điểm để nói về ông già nhỏ bé ngồi trên ngọn đồi trong rừng rậm đó thì đó là sự mềm mỏng của ông ta. [He was an awfully sweet guy. If I had to pick out one quality about that little old man sitting on his hill in the jungle, it was his gentleness].(9)

Frank Tan, một người Mỹ gốc Hoa lo việc truyền tin của toán GBT/AGAS tại Bộ chỉ huy của Hồ từ tháng 4 tới tháng 6/1945, cũng đầy thiện cảm với Hồ. Theo lời Frank, sau khi được biết Frank mới bị một cô gái Mỹ bỏ rơi, Hồ khuyến khích Frank “theo đuổi một cô nữ du kích [Việt] nào đó.” Hồ cũng tiết lộ với Frank rằng “trước kia Hồ rất yêu thương một cô gái nhưng sau khi đăng ký đi tàu đành phải quên cô ta.” (Fenn, Ho Chi Minh, tr. 83)

Khi Frank đã rời chiến khu, Hồ còn gửi tặng mấy cái vòng đeo tay bằng bạc để biếu các nhân viên tham mưu GBT tại Trung Hoa. (Fenn, Ho Chi Minh, tr. 83) Sau ngày đã nắm chính quyền vào tháng 8/1945, Hồ tiếp tục mua chuộc những người bạn Mỹ của rừng xanh. Thiếu tá Thomas và toán Con Nai được ăn uống sang trọng và chăm sóc kỹ lưỡng khi ở Thái Nguyên, giữa lúc những cuồng sóng bạo lực cách mạng loáng rộng khắp đất nước. Khi tới Hà Nội, họ cũng vẫn được tiếp đãi như thượng khách cho tới lúc lên đường hồi hương.(10)

Hai nhân vật Mỹ được người Pháp coi như bạn thân của Hồ là Thiếu tá Archimedes L. A. Patti, trưởng Đoàn OSS tại Hà Nội, và Thiếu tướng Philip E. Gallagher, Trưởng toán liên lạc bên cạnh Bộ Tư lệnh Trung Hoa ở Bắc Việt. Để mua chuộc cảm tình của OSS Mỹ, và cũng để quảng cáo cho sự "đồng minh" với Mỹ, bốn ngày sau khi Patti tới Hà Nội, sáng Chủ Nhật 26/8/1945, Võ Nguyên Giáp dẫn một phái đoàn 4 người tới thăm Patti ngay tại chỗ tạm trú. Sau khi chuyển lời chúc mừng cá nhân của Hồ, Giáp trang trọng mời Patti và thuộc hạ đến tham dự một buổi diễn binh đặc biệt để đón tiếp một số "ủy viên trong chính phủ và phái bộ điều tra Mỹ [của Patti] mới về Hà Nội." (Cứu Quốc [CQ] (Hà Nội), 29/8/1945) Ngay chiều đó, Hồ tiếp Patti tại Phủ Chủ tịch. (Patti, Why Viet-Nam, 1980:196).

Từ ngày này, Patti thay Thomas trở thành một cố vấn không chính thức của Hồ. Không những chỉ chuyển các thông điệp của Hồ về Oat-shinh-tân, qua Tòa Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh, hoặc Tòa Lãnh sự Côn Minh (Vân Nam), Patti còn dàn xếp cho Pháp và Việt Minh thương thảo, hay can thiệp với quan Tướng Trung Hoa khi cần. Vai trò của Patti làm lu mờ hẳn Trung tá A. Peter Dewey, trưởng toán Embarkment của OSS tại Sài Gòn (có nhiệm vụ điều tra các tội phạm chiến tranh tại phía Nam vĩ tuyến 16, và thu hồi tù binh), dù Dewey cũng thường xuyên liên lạc với các cán bộ Việt Minh địa phương, trước khi bị giết ngày 26/9/1945.(11)

Tuy nhiên, Hồ và rất nhiều người không biết rằng các nhân viên OSS Mỹ được lệnh phải hoàn toàn đứng ngoài cuộc tranh chấp quyền lực tại Đông Dương. Ngày 16/9/1945, toán Thomas rời Hà Nội. Các đoàn OSS cũng lục tục rời Việt Nam sau ngày Truman ký nghị định giải tán tổ chức này. Cái chết của Dewey, trưởng toán Embarkment, khiến giao tình giữa Hồ và OSS phần nào bị suy giảm. Ngày Chủ Nhật, 30/9/1945, hầu hết nhân viên OSS đều đã hồi hương. Ngày 11/10, Bộ trưởng Lục quân Mỹ George C. Marshall cũng thông báo cho Pháp biết sẽ tập trung tất cả người Mỹ ở Hà Nội, chờ di tản.

Phần Gallagher, Cố vấn của Lư Hán, được Hồ chiếu cố đặc biệt. Ngay sau khi Gallagher vừa đến Hà Nội, Hồ đã đích thân tới chào mừng. Trong một lá thư gửi Tướng Robert B. McClure, Phó Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Trung Hoa, Gallagher thuật lại về buổi hội kiến này như sau:

[Hồ] đến thăm tôi và nồng nhiệt chào mừng phái đoàn, tặng tôi một lá cờ có tên tôi trên đó và vài nhận xét về “nước Mỹ vĩ đại”, v.v... Hồ nhìn về nước Mỹ như người cứu nạn của các quốc gia, và mọi hành động của ông ta đều dựa trên lời tuyên bố của bản Hiến chương Đại Tây Dương, rằng các cường quốc sẽ bảo đảm nền độc lập cho các nước nhỏ. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng Hiến chương trên chẳng có chữ ký của ai cả.(12)

Sự khéo léo của Hồ và thiện cảm của Gallagher với nền độc lập của Việt Nam tạo nên một liên hệ khá chặt chẽ giữa hai người. Trong buổi gặp mặt đầu tiên, Gallagher khuyên Hồ “phải thu được lòng tin cậy của Lư Hán [tức Tư lệnh đạo quân Trung Hoa] và tìm cách liên hệ với ông ta.” (Ibid) Sau khi Patti rời Hà Nội vào cuối tháng 9/1945, Gallagher lại trở thành cố vấn của Hồ. Tư liệu văn khố cho thấy Gallagher đã chuyển các công điện của Hồ ra thế giới bên ngoài qua Tòa Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh. Gallagher, theo một nguồn tin, còn tham dự buổi họp thành lập Hội Hữu nghị Việt-Mỹ tại Hà Nội vào tháng 10/1945, và trong dịp này còn hát một bài hát tiếng Việt.(13)

Tuy nhiên, liên hệ tốt giữa Hồ và các quan chức Mỹ tại chỗ không bảo đảm rằng chính phủ Truman yểm trợ Hồ. Gallagher phản ảnh:

Cá nhân tôi muốn người Việt được độc lập, nhưng dĩ nhiên, chúng tôi chẳng có tiếng nói nào về vấn đề này.

Thật vậy, mặc dù sự hiện diện của người Mỹ có thể viện dẫn làm bằng chứng cho điều khoa trương rằng Hồ liên hệ thân thiết với Liên Bang Mỹ, điều tối đa mà các quan chức Mỹ tại chỗ có thể giúp Hồ là chuyển các điện tín tới Oat-shinh-tân hay thủ đô một số nước, và giúp Hồ sống còn dưới chế độ quân quản của Trung Hoa. (Xem US-Vietnam Relations, Bk I, C 63-104)


B. NỖ LỰC XIN MỸ NHÌN NHẬN:
Từ tháng 4/1945, Hồ đã bắt đầu vận động xin được chính phủ Truman nhìn nhận. Tuy nhiên, Patti đã nhấn mạnh với Hồ rằng liên hệ giữa hai người chỉ thuần túy có việc tình báo. Qua tháng 8, khi vai trò Hồ và Việt Minh ngày một lên cao, Hồ liên tục kêu gọi sự trợ giúp của Liên bang Mỹ. Ngày 15/8, một đại diện “Đảng Quốc Gia” của Hồ tại Côn Minh tuyên bố như sau về Ủy Ban Khởi Nghĩa Hà Nội:

Ủy Ban Trung ương muốn người Mỹ biết rõ rằng dân Đông Dương muốn được độc lập, và hy vọng rằng nước Mỹ, như một nhà vô địch về dân chủ, sẽ giúp Đông Dương được độc lập...

Tóm lại, dân Đông Dương muốn được hưởng tình trạng như Phi-lip-pin trong một thời gian vô hạn định. (Báo cáo ngày 22/8/1945, William J. Donovan gửi Byrnes; US-Vietnam Relations, 1947-1967, Bk I, C 67)

Trong một buổi nói chuyện giữa Hồ và George M. Abbott ngày 11/9/1946—tức ba ngày trước khi ký Tạm ước 14/9/1946 ở Paris—Hồ trực tiếp xin viện trợ quân sự và kinh tế. Hồ cũng nhắc đến vịnh Cam Ranh ở Trung Bộ. (US-Vietnam Relations, Bk I, tr. C 95-6) Cho tới tháng 12/1946, Hồ tiếp tục xin viện trợ Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám còn xin thẳng với Abbott L. Moffat, Trưởng Sở Đông Nam Á tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, trong dịp Moffat đang viếng thăm các nước Đông Nam Á, là nhờ Mỹ giúp phát triển căn cứ Cam Ranh và can thiệp để Pháp ngừng chiếm đóng toàn nước Việt Nam. (Ibid., Bk I, tr. 96-7)

Trong giai đoạn từ tháng 9/1945 tới tháng 3/1946, Hồ còn mở nhiều cánh cửa cho việc phát triển liên hệ Việt-Mỹ. Ngoài việc thành lập Hội Thân hữu Việt-Mỹ, Hồ đề nghị gửi 50 sinh viên qua Mỹ để thiết lập liên hệ văn hóa giữa hai nước—giống hệt thủ thuật Hồ đã sử dụng hai thập niên trước, với kết quả là loạt cán bộ Cộng Sản đầu tiên huấn luyện tại Mat-scơ-va. (Ibid., Bk I, tr. C-103-104)

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ quyết định giữ trung lập, không hề chính thức hồi đáp các thỉnh nguyện thư của Hồ. Oat-shinh-tân chỉ khuyến khích hai phe Pháp và Việt Minh đạt một giải pháp chính trị qua thương thuyết. Ngày 29/9/1945, Gallagher khuyên Hồ nên gửi một phái đoàn qua Trùng Khánh, dù Tướng Marcel Alessandri, Đại diện Pháp ở phía Bắc vĩ tuyến 16, chỉ mời Việt Minh tham dự với tư cách một đảng mà không phải một chính quyền. (Memorandum of 29 Sept. 1945, Gallagher Papers; Porter, Documentation, vol I, tr. 80-81) Ngay tới tháng 12/1946, Moffat còn khuyên Giám nên tránh chiến tranh, đạt một thỏa ước với Pháp. (Thư Moffat gửi BNG (12/1945); trong Blum, United States and Vietnam, Phụ bản II, tr. 40-2) Quyền Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson còn đề nghị Hồ nên tạm thời bỏ đòi hỏi trưng cầu dân ý ở miền Nam để quyết định thể chế của Nam Kỳ. (Tel. ngày 5/12/1945, Acheson gửi Moffat (Sài-gòn); US-Vietnam Relations, Bk 8, VB2, tr. 85-6)

C. ĐƯỜNG DÂY LIÊN HIỆP QUỐC:
Trong giai đoạn từ tháng 8/1945 tới tháng 3/1946, Hồ cũng tìm chính thống cho chế độ qua các cơ quan Liên Hiệp Quốc. Một trong những thỉnh nguyện thư đầu tiên của Hồ liên quan đến vấn đề hội viên của Ủy Ban Tư Vấn Viễn Đông, nhóm họp ở Oat-shinh-tân ngày 30/10/1945. Ngày 17/10, tức gần hai tuần trước ngày Ủy Ban Tư Vấn nhóm họp, Hồ gửi cho Truman một điện văn, chỉ trích việc nhận Pháp làm hội viên. Theo Hồ, ghế hội viên của Pháp thiếu căn bản pháp lý cũng như thực tế. Việt Nam mới xứng đáng làm hội viên theo đúng tinh thần Hiến chương Đại Tây Dương, cũng như do thiện chí và lập trường dân chủ. (14)

Trong thư gửi Ngoại trưởng Byrnes ngày 22/10/1945, Hồ cũng trở lại vấn đề này. Sau khi bác bỏ lập luận của Bri-tên và Pháp về những gì diễn ra tại Đông Dương, Hồ yêu cầu cho một đại diện Việt Nam có mặt trong phiên họp khai mạc để nói lên quan điểm của Việt Nam. Hồ cũng đề nghị Liên Hiệp Quốc gửi một phái đoàn qua Đông Dương nghiên cứu tình hình, và yêu cầu LHQ nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam. (Ibid., Bk I, C 80-1) Sau khi chẳng nhận được hồi âm về kiến nghị của mình, Hồ lại gửi công điện cho Byrnes, khẳng quyết Pháp không có quyền đại diện cho dân Việt Nam tại buổi Hội thảo về Viễn Đông ở Oat-shinh-tân, và kêu gọi quốc tế can thiệp để chấm dứt việc giết chóc tại Nam Việt Nam. (Tel. No. 820, 26 Nov 1945, Chungking to Washington; Ibid., Bk I, C 92) Các viên chức Mỹ vẫn nghĩ rằng không nên có hành động gì. (Ibid., Bk I, C 71)

Ngoài việc kêu gọi Liên Hiệp Quốc yểm trợ và nhìn nhận, Hồ còn lợi dụng cả Cơ quan Cứu trợ LHQ [UNRRA] để được sự nhìn nhận trên thực tế chế độ VNDCCH. Hồ khẩn thiết kêu gọi cơ quan UNRRA lập tức yểm trợ để ngăn chặn nạn đói tại miền Bắc. (Ibid., Bk I, C 87-8) Nhưng UNRRA thích làm việc với Pháp hơn Hồ.


D. PHẢN ĐỐI CUỘC TÁI XÂM LĂNG CỦA PHÁP:
Trong tháng 10/1945, giữa lúc quân Bri-tên, dưới danh nghĩa giải giới quân Nhật, hướng dẫn quân Pháp đi chiếm đóng hầu hết các tỉnh lÿ quan trọng ở phía Nam vĩ tuyến 16, Hồ gửi nhiều điện văn đến các cường quốc—đặc biệt là Mỹ, Liên Sô và Trung Hoa—yêu cầu can thiệp.

Ngày 21/10/1945, John C. Vincent công bố chính sách của Mỹ về Đông Dương và Indonesia. Bài diễn văn này khéo léo đến độ cả hai phe Pháp và VM đều ca ngợi.

Thực ra, chính phủ Mỹ, hoặc ít nữa một số viên chức ngoại giao, tình báo và quân sự địa phương vẫn đặc biệt lưu tâm đến tình hình Việt Nam. Đã có những nỗ lực khuyến khích hai bên sớm giải quyết dị biệt bằng đường lối thương thuyết.

Ngày 30/1/1946, chẳng hạn, Thiếu tướng Gallagher, từng ở Hà Nội từ tháng 8 tới tháng 12/1945, thuyết trình về hiện trạng Đông Dương tại Bộ Ngoại Giao. Tham dự có Tân Tổng Lãnh sự Charles S. Reed; Woodruff Wallner, Vụ Tây Âu; Moffat và Richard L. Sharp của Vụ Đông Nam Á. Theo Gallagher, thái độ trung lập của Mỹ khiến cả Pháp lẫn Việt Minh đều thất vọng. Sainteny cho Gallagher biết Pháp sẽ thành công trong việc thương thuyết. Hồ Chí Minh sẽ thủ diễn một vai trò quan trọng trong những diễn biến ở Việt Nam. (15)

Ngày 28/1/1946, Ngoại trưởng Byrnes chỉ thị cho Phó vụ trưởng Đông Nam Á Kenneth P. Landon, lúc này đang ở Sài Gòn, ra Bắc và ở lại đây bao lâu cũng được để báo cáo về hiện trạng và diễn tiến cuộc thương thuyết Pháp-Việt Minh. Theo Byrnes, d'Argenlieu tiết lộ là thương thuyết đã diễn ra từ cuối tháng 11/1945, và có thể sẽ đạt được thỏa ước vào cuối tháng 1/1946. Lại có tin cho biết không hề có thương thuyết. Vẫn theo Byrnes, Linh mục/Cao ủy Georges Thierry d'Argenlieu từng tiết lộ là có thể cho Việt Nam tình trạng của Phi-li-pin [Philippines] trong vòng 30 năm, sau đó trả độc lập. Công điện này cũng thông báo là Lãnh sự Charles Reed sẽ tới Sài Gòn vào cuối tháng 2/1946. (16)

Vào tháng 1 và tháng 2/1946, sự kiên nhẫn của Hồ bị bào mỏng dần. Đối diện việc quân Pháp sẽ trở lại miền Bắc Việt Nam, Hồ viết cho Truman ngày 16/2/1946:

Sự xâm lăng [của Pháp] đi ngược lại những nguyên tắc công pháp quốc tế và những lời hứa của Đồng Minh trong Thế Chiến...

Sự xâm lăng của Pháp với một dân tộc hiếu hòa đe dọa trực tiếp nền an ninh thế giới. Nó hàm ý sự đồng lõa [complicity], hoặc ít nữa, là mưu đồ [connivance] của những cường quốc dân chủ. Liên Hiệp Quốc phải giữ lời hứa của mình. Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để ngưng ngay cuộc chiến bất công này, và để chứng minh rằng họ muốn thực hiện trong thời bình những nguyên tắc mà vì đó họ đã chiến đấu trong thời chiến. (US-Vietnam Relations, Bk I, 1971:C-96)
Hai ngày sau, 18/2/1946, trong thỉnh nguyện thư gửi bốn cường quốc Mỹ, Liên Sô, Bri-tên và Trung Hoa, Hồ kêu gọi sự can thiệp tức thời để trước hết, ngăn chặn cuộc chiến tại Việt Nam và dàn xếp một giải pháp công bằng; và, thứ hai, đưa vấn đề Đông Dương ra trước Liên Hiệp Quốc. Hồ kết thúc bản thỉnh nguyện bằng tuyên bố dân tộc Việt “đã quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống lại sự tái thiết lập chế độ thực dân Pháp.” (US-Vietnam Relations, Bk I, 1971:C-100)

Các “đại cường dân chủ” không can thiệp cấp thời, mà có vẻ cũng chẳng coi trọng lời đe dọa của Hồ. Ngược lại, vì những lý do khác nhau, tất cả đều coi Đông Dương là vấn đề nội bộ của Pháp. Hơn nữa, dĩ vãng Cộng Sản của Hồ khiến các viên chức Mỹ ngần ngại. Ngay đến cố vấn của Hồ là Gallagher cũng khó thể quay mặt trước thành tích Cộng Sản của Hồ. Một trong những báo cáo đầu tiên của Gallagher ghi nhận Hồ là “một tay cách mạng lâu đời... một sản phẩm của Mat-scơ-va, một tay Cộng Sản.” (17)

Quan trọng hơn, giới ngoại giao Mỹ biết rõ liên hệ với QTCS của Hồ. Việc Hồ chính thức giải tán ĐCSĐD ngày 11/11/1945—hành động có một không hai trước ngày sụp đổ của Đông Âu và Liên Sô trong thập niên 1980—chưa đủ khiến các viên chức Mỹ xóa bỏ thành kiến về Hồ. Ngày 5/12/1946, chẳng hạn, trong khi cho lệnh Moffat ra Hà Nội gặp Hồ, Quyền Ngoại trưởng Acheson nhấn mạnh:

Nhớ kỹ rằng Hồ là một cán bộ QTCS, và chưa có bằng chứng nào về việc Hồ đã cắt đứt liên hệ với Mat-scơ-va... và sự yểm trợ của Đảng Cộng Sản Pháp mà Hồ nhận được. (18)


Mặc dù không được đọc điện văn trên trước khi gặp Hồ tại Hà Nội, Moffat có vẻ chia sẻ quan điểm trên. Vào giữa tháng 12/1946, Moffat báo cáo lên Bộ Ngoại Giao Mỹ:

[Hồ] nói tiếng Anh, nhưng tôi không hiểu rõ ý nghĩa của những chữ Hồ dùng. Tâm ý chính của Hồ là nụ cười và vẻ thân mật “Đừng ngại gì cả!”—trùng hợp với quan điểm của một thiểu số người Pháp có khả năng (khác với dư luận của đám đông) rằng nhóm cầm đầu Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn đầu là quốc gia, và sử dụng các thủ thuật cùng kỷ luật đảng để thực hiện mục tiêu cuối cùng; tình trạng một chế độ quốc gia như thế là điều kiện cần để thực hiện một chế độ Cộng Sản, mà hiện tại vấn đề thời gian chỉ là thứ yếu. (Thư Moffat gửi BNG (12/1945); trong Blum, United States and Vietnam, Phụ bản II, tr. 40-2)

Không kém quan trọng, ít nữa cho tới trước khi áp dụng chính sách bài Liên Sô tại Mỹ, có sự đồng thuận trong giới chức Mỹ rằng người Việt thiếu khả năng tự quyết. Vào đầu năm 1946, khi nói chuyện với Sharp thuộc Phòng Đông Nam Á BNG, Gallagher bày tỏ quan điểm riêng rằng mặc dù đòi hỏi độc lập lan tràn trong mọi giới, “người An-nam-mít chưa sẵn sàng để tự cai trị và trong cuộc chen vai với những nước khác, họ sẽ thua.” (Báo cáo ngày 30/1/1946 của Sharp; US-Vietnam Relations, Bk VIII, tr. 53-57)

Cách nào đi nữa, diễn đàn quốc tế hoàn toàn đóng cửa với Hồ. Vì sự sinh tồn của chính chế độ và đảng CSĐD, Hồ phải đương đầu với các thế lực trong nội địa Việt Nam. Mặc dù quân Pháp đã bắt đầu cuộc tái xâm lăng miền Nam từ tháng 9/1945, và dân quân miền Nam đã phất cờ kháng chiến sau ngày quân Bri-tên yểm trợ cho Pháp cướp chính quyền ở Sài Gòn ngày 22-23/9/1945, đối tượng ngoại giao khẩn cấp và trực tiếp của Hồ là Lư Hán và hơn 152,000 quân Tưởng Giới Thạch tại phía Bắc vĩ tuyến 16.


II. HỒ VÀ QUÂN TRUNG HOA:
Không rõ vào dịp nào Hồ được biết tin quân Tưởng Giới Thạch sẽ chiếm đóng miền Bắc Đông Dương. Chỉ biết ngày 26/8/1945—đúng ngày Hồ về tới Hà Nội, và hai ngày trước khi Thạch công bố chính sách chiếm đóng—Patti cho Võ Nguyên Giáp, và rồi Hồ biết sự thực này. (Patti, Why Viet-Nam, 1980:202; Giáp, KTNQ, 2001:18)

Hôm sau, Sainteny cũng báo cho Giáp và Dương Đức Hiền biết tin trên, với sự hiện diện của Patti. (Patti, Why Viet-Nam, 1980:209; Sainteny, Paix manquee, tr. 86-7. Giáp không nhắc đến chi tiết này)

Hồ và các thuộc hạ rất bối rối. Sự chiếm đóng của quân Trung Hoa sẽ tạo nên khó khăn muôn mặt. Trái ngược với dư luận và lời đồn đãi, quan tướng Trung Hoa biết rất rõ về Hồ và Việt Minh. Họ đã từng cầm tù Hồ hơn một năm vì tội nhập cảnh bất hợp pháp, tình nghi Cộng Sản, và vì các cán bộ của Hồ tìm cách phá hoại việc thành lập các đơn vị tiền tiêu Việt kiều trong kế hoạch Hoa quân Nhập Việt. Năm 1943, quan tướng Trung Hoa trả tự do cho Hồ, có lẽ vì áp lực Mỹ.

Một số Tướng Trung Hoa tại địa phương, nhất là Trung tướng Tiêu Văn, vốn không ưa Hồ. Thêm vào đó, quân Trung Hoa mang về nội địa nhiều tổ chức Việt kiều ở Hoa Nam. Ngoài hai nhóm nhỏ liên hệ với Đảng CSĐD bên cạnh Chỉ đạo thất Việt Cách tại Đệ tứ Quân khu (sau đổi thành Đệ nhất phương diện quân) của Trương Phát Khuê, đa số Việt kiều cũng chống Cộng hăng say như chống Pháp.

Việt Cách (hay Đồng Minh Hội) là tổ chức do quan tướng Trung Hoa lập nên từ mùa Thu 1944, để chuẩn bị cho chiến dịch "Hoa quân nhập Việt," dưới quyền Tiêu Văn. Tham gia tổ chức này có nhiều nhân vật tên tuổi ở Hoa Nam như Trương Bội Công (Nguyễn Văn Chiêu), Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Trung Phụng, Hoàng Lương, Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật, Vũ Kim Thành, Lương Văn Ý v.v... Chính Hồ cũng là một ủy viên dự khuyết của Ban Hành Động, và được Văn cho mang 18 cán bộ Việt Cách (kể cả “chị Thuần” Đỗ Thị Lạc) về nước vào tháng 9/1944. Tuy nhiên, Hồ móc nối được với cơ quan OSS, và sau tháng 3/1945, làm việc trực tiếp với OSS dưới bí danh "Lucius." Cho rằng sau khi Hồ bắt được chân cẳng Mỹ không còn kính trọng mình nữa, Tiêu Văn đã có lần nhắn tin đe dọa sẽ bắt sống Hồ và tiêu diệt Việt Minh.

Tổ chức Việt Cách—ít nhất trên danh nghĩa dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hải Thần, một nhà cách mạng đã qua Trung Hoa từ đầu thế kỷ XX, và bị Pháp kết án tử hình năm 1913 do những hành động chống Pháp—có một lực lượng quân sự khá mạnh. Mùa Hè 1945, Việt Cách có khoảng 500-600 người, với 150 súng. Vào tháng 6/1945, tại Bảo Lạc có 200 binh sĩ Việt Cách, 600 lính đào ngũ của toán Seguin, do Thượng sĩ Loung, thuộc đại đội 11, Tiểu đoàn 9 Cao Bằng chỉ huy. Tại Pan Cra có 200 quân; và giữa Bảo Lạc-Pan Cra có 500 dọc theo biên giới. Trong mùa Hè 1945, lực lượng Việt Cách cũng từng hoạt động phá hoại vùng biên giới Đông Bắc. (19)

Phần tổ chức VNQDĐ hải ngoại được Trung Hoa Quốc Dân Đảng bảo trợ, và sử dụng như những toán tiền tiêu của các đơn vị Vân Nam. Trong số các lãnh tụ có Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Chu Bá Phượng, Nguyễn Tường Tam v.v... Lực lượng VNQDĐ có khoảng 2,000 tay súng.

Bất kể sức mạnh của các tổ chức này ra sao, họ sẽ tạo nhiều rắc rối cho Hồ. Tháng 8/1945, Vũ Kim Thành đã về tới Móng Cáy. Sau đó, khi Việt Minh tuyên bố thành lập chính phủ, Thành cũng lập một chính phủ lâm thời, với Trương Bội Công phụ trách Quân sự vụ; Nguyễn Hải Thần làm Bí thư; Hoàng Lương, Ngoại vụ; và Nông Kính Giu, Tài chính. (20)

Vài ngày sau, Nguyễn Hải Thần cùng Nông Quốc Long mang quân vào Lạng Sơn. Long là một thổ hào Nùng, chạy qua Hoa Nam sau cuộc nổi dạy năm 1940. Việt Minh cố chống cự, nhưng cuối cùng phải rút lui. (CMTT, tập I, tr. 111. Xem thêm hồi ký của Thượng tướng Phùng Văn Tài, 2001)

Trong khi Nguyễn Hải Thần xuôi Hà Nội để gặp Lư Hán xin ủng hộ cũng như tiếp xúc các phe phái trong nước, đặc biệt là các tổ chức Đại Việt và thanh niên thân Nhật đã bị Việt Minh giải tán, đặt ra ngoài vòng pháp luật và tận tình truy diệt, Nông Quốc Long đóng quân ở Kỳ Lừa, một phố chợ nhỏ gần biên giới. Tuy nhiên, vài lãnh tụ Việt Cách thực ra là cán bộ Cộng Sản, như Hồ Đức Thành, hoặc đã bí mật ngả theo Cộng Sản như Lê Tùng Sơn và Bồ Xuân Luật. Sơn, một lãnh tụ trung ủy Việt Cách, trên thực tế hành sử như một cán bộ "ngoại giao" giữa Việt Minh và các lực lượng của Tiêu Văn.

Phía Tây Bắc, lực lượng võ trang Việt Quốc của Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam theo Quân đoàn 93 Vân Nam nhập Việt qua ngả Lào Cai. (21)

Họ chiếm một số thị xã như Lào Cai, Cốc Lếu, Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Bạch Hạc, Vĩnh Yên, Vĩnh Phú v.v... Vì tình trạng ngập lụt, đạo quân Vân Nam di chuyển chậm chạp như đoàn châu chấu khổng lồ. Ngoài ra, các đơn vị Việt Quốc nhiều lần chạm súng với Việt Minh. Mãi tới giữa tháng 10/1945, mới về tới Hà Nội. Vào thời điểm này, hầu hết đồng chí của họ trong nội địa đã bị các “đội danh dự” của Võ Nguyên Giáp tiêu diệt hay xử tử trước những “tòa án nhân dân” với bản án “Việt gian.” (22) Hàng ngàn người khác bị bắt giữ và an trí.

Nguy hiểm hơn nữa cho chế độ Hồ là quan điểm của quan tướng Trung Hoa đối với Việt Minh. Trong khi nghiêm cấm các quan tướng không được mở bất cứ liên hệ chính thức nào với chế độ Hồ, (Chen, 1969:126-7) Tưởng Giới Thạch tảng lờ mọi thỉnh nguyện của Hồ, kể cả việc xin cử một phái đoàn thân hữu qua thăm Trùng Khánh, (23) và lời kêu gọi Trung Hoa can thiệp để ngăn chặn việc Pháp xâm lăng Nam Việt Nam. (Tel. ngày 28/10/1945, Hồ gửi Tưởng; Ibid., Bk I, tr. C 91)

Đối với chính phủ Việt Minh, Hội đồng Quân quản Trung ương Trung Hoa không nhìn nhận; nhưng vẫn sử dụng nó như một công cụ hành chính để thu góp chiến lợi phẩm. Vì quan tướng Trung Hoa nắm quyền chỉ huy tại các tỉnh quan trọng miền Bắc, bất cứ buổi hội họp hay biểu tình nào phải xin giấy phép trước. Hồ và các bộ trưởng phải có giấy phép đi đường do Ban Cảnh vệ Trung Hoa cấp. Ngay đến Bộ trưởng Nội vụ Giáp từng bị câu lưu vài giờ trên đường đi ra Hà Đông. (Giáp, KTNQ, 1974:63; 2001:57) Tháng 11/1945, Tướng Chu Phúc Thành, Tư lệnh Lộ quân 53 Trung ương, từng tra vấn Hồ gần một ngày về việc ám sát một Pháp kiều tại Hà Nội. Sau khi phóng thích Hồ, Thành câu lưu tài xế và tạm giữ xe của Hồ. (Ibid., tr. 107-108; Idem., 2001:96-98; Sơn, Nhật ký, tr. 200ff ) Sự dọa nạt của quan tướng Trung Hoa trầm trọng đến độ đêm nào Hồ cũng phải thay chỗ ở. (Giáp, KTNQ, 1974:64; 2001:58)

Là tay lão luyện về nghệ thuật sống còn, Hồ mau chóng thay đổi “đường kách mệnh” để làm vui lòng quan tướng Trung Hoa. Ba thập niên sau, Giáp ghi nhận:

Với Bác, chân lý cách mạng là cụ thể. Vận động sách lược, cũng là cụ thể. Tuy tất cả bọn Tưởng đều là những tên phản động, nhưng với từng đối tượng cụ thể, ta cần có cách đối xử cụ thể... (Ibid., 1974:99; Idem, 2001:89)

Nói vắn tắt, theo Giáp, chiến lược chung của Hồ là tránh đụng chạm với quan tướng Trung Hoa bằng mọi giá. (Ibid., 1974:94; 2001:85) Trong khi đó, Hồ cũng thực hiện một chính sách thực tế và sáng tạo hơn là hối lộ quan tướng Trung Hoa về cả hai mặt tinh thần cũng như vật chất. Với những Tướng nhiều uy quyền, đặc biệt là Lư Hán và Tiêu Văn, Hồ đích thân đến chào và xin chỉ thị, cùng làm cho đầu họ to hơn với những lời ca ngợi Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên. (US-Vietnam Relations, Bk I, C-99; Chen, 1969:84-5) Ngoài ra Hồ còn khiến ngay cả Giáp cũng phải sửng sốt khi thấy Hồ quen biết các quan cấp nhỏ Trung Hoa, nhờ họ mua chuộc các cấp chỉ huy cần hối lộ. (Giáp, KTNQ, 1974:98; 2001:88-89) Để có tiền hối lộ các quan tướng Trung Hoa, Hồ phát động nhiều chiến dịch quyên góp tiền bạc qua các Quỹ Độc Lập, Tuần Lễ Vàng, Tuần Lễ Văn Hóa, Quĩ Kháng Chiến v.v... Một số không nhỏ tiền và quí kim này—lên tới khoảng 20 triệu đồng và 375 [370] cân Tây vàng (Ibid., 1974:98; 2001:71-72)—cuối cùng lọt vào tay quan tướng Trung Hoa. Nhờ vậy, Hồ và chính phủ Việt Minh qua được nhiều cơn sóng gió. Ngay đến Tiêu Văn cũng ra sức bênh vực Hồ. (24)

Không những chỉ tự do bóc lột tiền bạc, quí kim, gạo và thuốc phiện, quan tướng Trung Hoa còn dàn xếp việc thành lập một chính phủ liên hiệp giữa Hồ với các lãnh tụ lưu vong mới hồi hương. Từ trung tuần tháng 9/1945 đã có tin đồn ở Hà Nội về việc thành lập một chính phủ liên hiệp, thân Trung Hoa. Theo những tin đồn này, Nguyễn Hải Thần sẽ làm Chủ tịch và Hồ làm Phó. (25)

Hàng rào ngăn cản là lập trường khác biệt giữa hai phe Cộng Sản và chống Cộng, mà sự hiềm khích đã hiển lộ tại Trung Hoa từ đầu thập niên 1940, nếu không phải sớm hơn. Việc chế độ Hồ ám sát, thủ tiêu và bắt giữ hàng ngàn người không Cộng Sản, đặc biệt là đảng viên Đại Việt và Việt Quốc, tạo nên một cuộc nội chiến sắt máu tại nông thôn và không khí ngột ngạt tại các thành phố và tỉnh lÿ. Cả hai tổ chức Việt Cách và Việt Quốc (tức liên minh VNQDĐ và Đại Việt) công khai tố cáo gốc gác Cộng Sản của Hồ. Việt Nam Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Việt Quốc, và các báo tư nhân ấn hành sau tháng 10/1945 công khai đả kích Hồ. (26) Từ khu tự trị Ngũ Xã (tây bắc Hà Nội), những cuộc đấu khẩu bằng loa phóng thanh ra rả ngày đêm. Và, dĩ nhiên, cũng có những cuộc biểu tình, ẩu đả, bắt cóc hầu như mỗi ngày.

Sự chống đối của phe không Cộng Sản mạnh mẽ đến độ Hồ không thể tổ chức được cuộc bầu cử Quốc Hội vào ngày 8/11/1945 như đã hứa hẹn. (27)

Bị dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan, Hồ tung ra một thủ thuật cực kỳ độc đáo: Ngày 5/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSĐD "nghị quyết tự động giải tán Đảng... Những tín đồ của Chủ nghĩa CS muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư [Marx] ở Đông Dương." Trường Chinh được cử làm Tổng Thư ký Hội Nghiên Cứu CNMKT này. (Cờ Giải Phóng [CGP], số 33, 18/11/1945) Mục đích của việc này, theo Hồ, là đánh tan tất cả những sự hiểu lầm, ở ngoại quốc cũng như trong nước, có thể khiến cản trở việc giải phóng Tổ quốc. (Ibid.)

Không rõ quyết định giải tán Đảng CSĐD này do thực tâm của HCM hay đây chỉ là màn kịch. Từ tháng 10/1945, tất cả các cán bộ Đảng CSĐD đã được lệnh rút vào bóng tối. Cơ quan ngôn luận của Đảng CS, tờ Cờ Giải Phóng, được cải danh thành tờ Sự Thật. Việc giải tán Đảng CS, bởi thế, thường được diễn giải như nhắm vào dư luận đám đông, làm hài lòng các quan tướng Trung Hoa cùng thế giới.

Việc làm của Hồ được các quan tướng Trung Hoa đón nhận nồng nhiệt. Trong những ngày kế tiếp, nhóm Thiều Bá Xương, Tiêu Văn và rồi Chu Phúc Thành đứng ra hòa giải giữa Hồ và các đối thủ. Tuy nhiên, Hồ phải tạm hoãn cuộc bầu cử Quốc Hội đến hai lần (23 tháng 12/1945, rồi 6/1/1946), vì mãi tới ngày 24/12, sau nhiều đợt thương thảo, Hồ và phe Việt Cách-Việt Quốc mới đạt được thỏa hiệp.

Mặt khác, sau khi Thạch chính thức đồng ý trao trả Bắc Đông Dương cho Pháp, quan tướng Trung Hoa còn khuyến khích Hồ phải thương thuyết với Pháp về việc cho phép Pháp thay thế quân Trung Hoa tại Bắc Đông Dương.


III. THƯƠNG THUYẾT VỚI PHÁP:
Từ mùa Hè 1945 đã có những dàn xếp cho Pháp và Việt Minh thương thuyết, nhưng không thành công. (28) Ngày 25/7, Hồ Chí Minh lại nhờ tình báo Mỹ làm trung gian để nói chuyện với một nhân vật cao cấp của Pháp. Thiếu tá Thomas của OSS Mỹ chuyển ý kiến này về Bách-sắc (Quảng Tây). Toán AGAS cũng chuyển ý kiến của Hồ sang Côn Minh (Vân Nam). (Giáp, KTNQ, 1974:222) Theo Jean Sainteny, người chỉ huy lực lượng M-5 tại Hoa Nam, thời gian này Việt Minh đồng ý chấp nhận sự trở lại của Pháp, với điều kiện "được độc lập trong vòng từ 5 tới 10 năm." (29)

Sau khi Việt Minh giành được chính quyền, ngày 27/8, Đại úy OSS Patti đã giới thiệu Sainteny với Võ Nguyên Giáp và Dương Đức Hiền; và chính Sainteny báo cho hai người này biết quyết định của tam cường tại Potsdam là sẽ chia Đông Dương làm hai vùng chiếm đóng. (Sainteny 1953:86-7; Patti 1980:209) Phần Hồ chỉ trực tiếp gặp các đại diện Pháp tại Hà Nội từ hạ tuần tháng 9/1945, tức gần một tuần lễ sau ngày Pháp tái chiếm Sài Gòn. Ngày 28/9—đúng ngày lễ giải giới Nhật tại Hà-Nội—Hồ tiếp Tướng Alessandri cùng Pignon. (Giáp, KTNQ, 1974:140; 2001:128)

Sau đó, Alessandri và Pignon bí mật thương thuyết với Hoàng Minh Giám. Từ ngày 15/10, giữa lúc đường phố Hà Nội như dầu sôi lửa bỏng vì tin quân Pháp đổ bộ ở miền Nam, và tin đồn về ám sát, hành hung loan truyền, Sainteny mới chính thức mật đàm với Hồ. (Sainteny 1970:51)

Tuy nhiên, những cuộc mật đàm này không đưa đến kết quả mong muốn. Có nhiều lý do. Trước hết, lập trường Hồ đã thay đổi, cứng rắn hơn. Hồ đòi hỏi Việt Nam phải được độc lập, và thống nhất lãnh thổ. Những điều kiện trên được bạch hóa trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày Thứ Bảy, 20/10. Dịp này, Hồ nhấn mạnh:

Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, bằng không thì không thể nói chuyện gì được cả. (CQ, 23/10/1945)


Phía Pháp, vì de Gaulle vẫn đặt quân sự lên ưu tiên hàng đầu, các đại diện của Paris muốn “mua thời gian.” Theo họ, Việt Minh chỉ là một trong những đảng phái tại Việt Nam, và Pháp muốn ký hiệp ước với một chính phủ đại diện mọi thành phần, khuynh hướng. Cũng với mục đích làm suy yếu Việt Minh, và đặt để những thành phần thân Trung Hoa vào chính quyền, nhóm Thiều Bá Xương, Tiêu Văn và rồi Chu Phúc Thành không ngừng áp lực Hồ phải liên hiệp—hòa giải, hòa hợp—với các lực lượng không Cộng Sản, đại biểu bằng Việt Cách và VNQDĐ, mới theo các toán quân chiếm đóng hồi hương. Mặt khác, quan tướng Trung Hoa khuyến khích Hồ phải thương thuyết với Pháp về việc thay thế quân Trung Hoa tại Bắc Đông Dương.

Thời gian này, chiến cuộc Nam bộ đang bùng nổ dữ dội. Ngày 23/10, chẳng hạn, Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, đi tin 4 cột trang nhất: "Chiến sự tại Nam Bộ; Quân ta đương thực hiện khẩu hiệu: Đốt Sài Gòn ra tro." (CQ, 23/10/45) Cũng ngày này, Hồ công bố quyết định chọn ngày 5/11/1945 làm Ngày Kháng Chiến Toàn Quốc. Trong khi đó, bạo động diễn ra trên đường phố, vì Ủy ban Hoa kiều treo cờ Liên Hiệp Quốc, kể cả cờ Pháp, trước một rạp hát để chào đón quan tướng Trung Hoa mà không treo cờ Việt Minh. Đám đông xé cờ Pháp, tấn công Pháp kiều, giết chết 2 sĩ quan Pháp lận súng ngắn trong người. (30)

Đầu tháng 11/1945, không khí Hà Nội ngày thêm bốc lửa. Tin đồn về đình công, bãi thị, hành hung hay bắn giết Pháp kiều ngày một gia tăng. Quan tướng Trung Hoa phải bắt giữ cả Trưởng Ty Công An Việt Minh tại Hà Nội. Ngày 3/11, Việt Minh đề nghị nói chuyện với Pháp về vấn đề an ninh, trật tự ở thủ đô. (Hale, 1945:24-5) Qua những cuộc thương thuyết này, ngày 25/11, d'Argenlieu có thể tuyên bố với một viên chức cao cấp Mỹ là "những cuộc thương thuyết với dân An-nam-mít để giải quyết những dị biệt tiến triển rất khả quan, và chúng tôi đã hứa không xét xử những lãnh tụ An-nam-mít như tội phạm chiến tranh". (Hale, 1945:30)

Đầu tháng 12/1945, do sự dàn xếp của Hoàng Minh Giám, Hồ, Giáp và Giám gặp Sainteny, Salan và Pignon tại Hà Nội, mở đầu một đợt mật đàm mới. (Chronique 1985:98)

Thái độ Hồ lúc này mềm dẻo hơn. Ngày 4/12, Giám thúc giục Pignon nên thương thảo càng nhanh càng tốt, và tiết lộ là Hồ muốn gặp d'Argenlieu. Ngày 7/12, Pignon bí mật giao cho Giám một bản dự thảo Hiệp ước. (Chronique 1985:99)

Qua ngày Thứ Bảy 8/12, Giám yêu cầu gặp Pignon hôm sau; và tiết lộ chính phủ Hồ sợ quân Trung Hoa làm đảo chính. (Chronique 1985:100) Trong buổi gặp mặt ngày 9/12 này, Giám tâm sự với Pignon rằng đây có lẽ là lần cuối cùng mình thương thuyết với Pháp, vì một chính phủ Liên Hiệp sẽ thành lập trong một tương lai gần. Một tuần sau, ngày 16/12, Pignon vào Sài Gòn gặp d'Argenlieu, báo cáo kết quả những cuộc mật đàm với Giám. D'Argenlieu đồng ý gặp Hồ trên chiến hạm Richelieu ngoài khơi Đồ Sơn trước cuối tháng 12/1945. Tuy nhiên, cuộc gặp mặt này không thực hiện được vì Sainteny sợ tướng Trung Hoa ngăn cản. (31)

Hơn nữa, tại Paris, giới quân sự khẳng quyết rằng ngoại trừ có một biến cố đặc biệt nào, vào khoảng đầu Xuân 1946, quân lực Pháp có thể làm chủ tình hình Đông Dương. (Note ngày 4/12/1945; Papiers Bidault; Valette 1984:4).

Thời gian này, tưởng cũng nên thêm, cả Paris lẫn Sài Gòn đều bắt đầu nghĩ đến việc tìm "một nhân vật mới" có thể dễ thỏa hiệp hơn Hồ. Nhưng khi Paul Mus, đặc sứ viên của d'Argenlieu về Paris, "nhân vật mới" trên, tức Hoàng Tử Vĩnh San (1900-1945), “đã tan biến như một giấc mơ đẹp.” (32)

Quan trọng hơn, ngày 20/1/1946, lãnh tụ lớn của nhóm Gaullist bỗng đột ngột từ chức. Cùng ra đi với de Gaulle là chính sách luật kẻ mạnh. Cuối tháng 1/1946, sau khi chính phủ Félix Gouin thành lập, có sự thay đổi đáng kể trong chính sách Đông Dương của Pháp. D'Argenlieu được lệnh phải xúc tiến nhanh việc thương thuyết. Phía Hồ, thời gian này cũng bận rộn vì sự dàn xếp một chính phủ liên hiệp để có thể tổ chức bầu cử Quốc Hội như đã loan báo, và thiết lập vị thế pháp lý hầu thảo luận với Pháp.

A. CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP-BẦU CỬ QUỐC HỘI:
Để bảo đảm sự hợp pháp của chính phủ VNDCCH, từ ngày Thứ Bảy, 8/9/1945, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14, quyết định tổ chức bầu "Quốc dân đại biểu đại hội" trong vòng 60 ngày. (33)

Ngày 26/9, Hồ lại ký sắc lệnh số 39, thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Nhưng sau đó, phải dời ngày bầu cử tới 23/12/1945. Cả Pháp lẫn Trung Hoa đều tìm cách ngăn chặn việc tổ chức bầu cử nặng phần hình thức này. Do nhu cầu sinh tồn, từ tháng 10/1945, Việt Minh phải thương thuyết với Việt Cách và VNQDĐ về việc thành lập một chính phủ liên hiệp hầu có thể tổ chức bầu cử Quốc Hội như đã dự trù. Ngày 23/10, đúng ngày Hồ chọn ngày 5/11/1945 làm ngày Kháng Chiến Toàn Quốc, phe Hồ tung tin hai phe Việt Minh và Đồng Minh Hội (Việt Cách) ký thỏa ước hợp tác lần thứ nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là một màn kịch do Võ Nguyên Giáp và Lê Tùng Sơn chủ trương. (34) Ít ngày sau, Vũ Kim Thành rút chân khỏi Hội liên tịch Đồng Minh Hội và Việt Minh.

Những cuộc bạo động và công kích trên báo chí giữa Việt Minh và phe VNQDĐ-Đồng Minh Hội diễn ra hằng ngày. Tại Hà Nội, phe VNQDĐ-Đồng Minh Hội thành lập được một khu vực tự trị tại vùng Quan Thánh/Ngũ Xã, mở trận chiến phản tuyên truyền chống Việt Minh, tố cáo gốc gác Cộng Sản của Hồ cùng các tay chân thân tín. Các toán cảm tử VNQDĐ còn ám sát "Ba" [Đại úy Nguyễn Văn] Viên, một "đảng viên" phản bội, và mưu sát Bồ Xuân Luật. Trương Trung Phụng, người cầm đầu Đồng Minh Hội, cũng bị bắt cóc, nhưng sau đó Tiêu Văn can thiệp phải thả. Một vài cán bộ Cộng Sản, như Trần Đình Long—tốt nghiệp cùng thời với Litvinov Doãn và được bí mật cử làm người thay Litvinov Doãn trong thời gian tái tổ chức Đảng CSĐD vào đầu thập niên 1930, nếu có chuyện bất trắc, lúc ấy đang hoạt động dưới danh nghĩa Đảng Dân Chủ—bị thủ tiêu. Có lần, phe VNQDĐ còn bắt cóc được cả Võ Nguyên Giáp.

Theo Giáp, trong tháng 11/1945, Tướng Chu Phúc Thành, Tư lệnh Quân đoàn 53 Trung ương ở Hà Nội, cũng đã hỏi cung Hồ gần một ngày về cái chết của một người Pháp. Cuối cùng, Hồ được tha, nhưng tài xế và xe riêng bị giữ lại. Từ ngày này, mỗi tối Hồ đều phải thay đổi chỗ ngủ. (35)

Để đối phó với những lời tố cáo Việt Minh là Cộng Sản, từ tháng 9/1945, Trung ương Đảng CSĐD cho lệnh các đảng viên phải rút vào bí mật. Rồi, ngày 5/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSĐD "nghị quyết tự động giải tán,” hiệu lực từ ngày 11/11/1945. (CGP, 33, 18/11/1945)

Dưới áp lực của Tiêu Văn, ngày 24/11, ba phe Việt Minh, Việt Cách và VNQDĐ ký một thỏa ước liên hiệp, nhưng sớm đổ vỡ. (36)

Tại Hà Nội và các địa phương, Việt Minh và các đảng phái khác tìm đủ cách triệt hạ nhau. Ngày 10/12, chẳng hạn, Việt Minh tấn công một số căn cứ của VNQDĐ tại Vĩnh Yên. Phe Việt Cách cũng chia làm hai. Trương Trung Phụng tiếp tục hợp tác với Hồ; trong khi phe Nguyễn Hải Thần chống đối. Theo Thiều Bá Xương, sở dĩ việc thương thuyết liên hiệp bị bế tắc vì phe không Cộng Sản đòi ghế Chủ tịch và 6 ghế Bộ trưởng. Hồ thì chỉ chịu nhường 3 ghế Bộ trưởng và một ủy ban Cố vấn. (Thư Thiều Bá Xương gửi King C. Chen; Chen 1969b:129)

Do nỗ lực của Tiêu Văn, ngày 19/12, ba phe lại gặp nhau tại Bộ Tư Lệnh quân Trung Hoa. Rồi ngày 24/12, ký một thỏa ước "hợp tác tinh thành" khác tại số 40 đại lộ Gia Long, dưới sự chủ tọa của Văn. Thỏa ước này gồm 18 điểm, có những điểm chính sau:

1. Thành lập ngày 1/1/1946 một chính phủ liên hiệp với 10 bộ, do Hồ làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó. Số ghế được chia 2 ghế cho VM, 2 cho VNQDĐ, 2 cho Đảng Dân Chủ, 2 cho Đồng Minh Hội, 2 cho độc lập.

2. Tổ chức bầu cử ngày 6/1/1946.

3. VNQDĐ được dành 50 ghế, ĐMH, 20 ghế.

4. Các đảng tự nguyện không gây hấn với nhau. (37)

Hai ngày sau, 26/12, báo chí thủ đô đều đăng thông cáo "Đoàn Kết" của Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh. Nguyên văn thông cáo này như sau:

Ngày 24-12-1945, chúng tôi là Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Minh, Quốc Dân Đảng và Cách Mệnh Đồng Minh Hội, cùng ký tên công nhận những điều ước sau đây:

1. Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Căn cứ vào thái độ thân ái, tinh thành cùng nhau thảo luận để giải quyết hết thẩy những vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng ngang vũ lực gây nên những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.

2. Kể từ ngày 25-12-1945, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc tổng tuyển cử, quốc hội và kháng chiến.

3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đều đình chỉ hết thẩy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.

Ký tên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh. (CQ, 26/12/1945)


Ngày 26/12, trong một buổi họp báo, Hồ chính thức tuyên bố là từ ngày 1/1/1946, chính phủ lâm thời sẽ mở rộng, nhưng chỉ có 10 bộ. VNQDĐ sẽ nắm hai bộ Kinh Tế Quốc Gia và Vệ Sinh. Riêng Quốc Hội sẽ được bầu vào ngày 6/1/1946. Số nghị sĩ trong Quốc Hội sắp tới sẽ dành riêng 70 ghế cho phe Quốc Dân Đảng. (CQ, 28/12/1945; Giáp, KTNQ, 1974:110-1; 2001:99.)

Đúng ngày 1/1/1946, chính phủ Liên Hiệp lâm thời ra mắt tại Nhà Hát lớn, Hà Nội. Hồ vẫn giữ chức Chủ tịch; với Nguyễn Hải Thần làm Phó. Giáp mất chức Bộ trưởng Nội Vụ, nhưng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Quốc Phòng, với Vũ Hồng Khanh (VNQDĐ) và Vũ Kim Thành (ĐMH) là hai trong những thành viên. Năm ngày sau, cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam được tổ chức. Trong số 356 ghế dân biểu, như đã dàn xếp sẵn, Việt Cách (tức Đồng Minh Hội) và VNQDĐ được dành riêng 70 ghế, và Nam Bộ 18 ghế. (Xem danh sách 70 Đại biểu này trong TTLTQG 3 (Hà Nội), Kho QH, HS 1; Lịch sử QHVN, 2000:369-372)

Gần hai tháng sau, ngày 23/2, ba phe VM, VNQDĐ và Việt Cách lại đồng ý đổi tên Chính phủ Lâm thời thành Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Hai bộ Canh Nông và Công Chính dành cho miền Nam. Bộ Quốc Phòng và Nội Vụ dành cho người trung lập (Phan Anh và Huỳnh Thúc Kháng). Việt Minh và Đảng Dân Chủ được 4 bộ; VNQDĐ và Việt Cách 4 bộ còn lại. Hội Đồng Quốc Phòng được cải danh thành Ủy Ban Kháng Chiến Toàn Quốc. Đoàn Cố vấn quốc gia thì ngoài Vĩnh Thụy có thêm Lê Hữu Từ, Giám mục Ki-tô Phát Diệm. (38)

Ngày Thứ Bảy, 2/3/1946, Quốc Hội Việt Nam chính thức khai mạc. Ngày này, chính phủ Hồ từ chức. Quốc Hội ủy Hồ thành lập chính phủ mới. Nửa giờ sau, Hồ công bố danh sách "Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến" đã được bí mật dàn xếp từ trước. (39)

Ngày Thứ Hai, 4/3, chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến họp lần đầu tiên. Tuy nhiên, Thần vắng mặt. Tam cũng chưa chịu nhận chức. (40)

Trong khi đó, tin đồn Thần, và rồi Cố Vấn Vĩnh Thụy, tức Cựu hoàng Bảo Đại, sẽ thay thế Hồ được loan truyền khắp nơi. Theo một tin tình báo Mỹ, Hồ tuyên bố đã đề nghị nhường chức Chủ tịch cho Bảo Đại, nhưng nhiều lãnh tụ Việt không đồng ý, sợ làm mất tinh thần dân chúng. (US Senate, Hearings, 1946:330)

Tại Hà Nội và Hải Phòng, nhiều gia đình giàu có bắt đầu tản cư vì có tin quân Pháp sắp đổ bộ. Sự thờ ơ với quyền lực, chức tước của Hồ hay nhóm Tam, Thần này thực ra có hai nguyên ủy chính; đó là Hòa ước Trung-Pháp ngày 28/2/1946, và một hiệp ước Việt-Pháp đang thành hình. Cả hai hòa ước này có liên hệ mật thiết với nhau, và là môi sinh tạo nên những chuỗi diễn biến chính trị vừa lược thuật.

Việc thành lập chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến, thực ra, chỉ là sản phẩm của luật kẻ mạnh. Cả Trung Hoa và Pháp đều áp lực để có được chính phủ này. Các phe phái Việt Nam phải cách này hay cách khác cúi đầu tuân phục.

B. HIỆP ƯỚC SƠ BỘ 6/3/1946:
Như đã nhắc ở một đoạn trên, lập trường hòa đàm đầu tiên của Hồ là Pháp phải chấp nhận nền độc lập và sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Pháp thì chỉ đồng ý cho Việt Nam tự trị, và Việt Nam chỉ có nghĩa phần lãnh thổ Bắc bộ và Bắc Trung bộ. (41)

Một biến cố vào đầu tháng 2/1946 khiến Hồ thay đổi hẳn lập trường. Ngày 2/2, tức đúng ngày mồng một Tết Bính Tuất, Hồ bị Chu Phúc Thành, Tư lệnh Quân đoàn 53 TH, tạm giữ vài giờ. (42)

Hai tuần sau, ngày 16/2, Hồ đồng ý bỏ hai tiếng độc lập, chấp nhận trên nguyên tắc gia nhập Liên Hiệp Pháp, và đồng ý cho quân Pháp thay thế quân Trung Hoa phía Bắc vĩ tuyến 16. Một trong những hứa hẹn mật là tương lai Nam Kỳ sẽ được thảo luận sau; và, chính phủ Pháp phải trả lời tức khắc. (43)

Sự lùi bước của Hồ khiến Paris vô cùng hồ hởi. Thực ra, từ ngày 14/2, chính Tướng Leclerc—lúc đó đang xử lý thường vụ chức Cao Ủy vì d'Argenlieu phải về Pháp nhận chỉ thị của chính phủ Felix Gouin—đã yêu cầu Pháp nên nhìn nhận tiếng "độc lập" vì trên thực chất chỉ có nghĩa tự trị. (SHAT (Vincennes), 10H 143. Tướng Juin giao công điện này cho d'Argenlieu ngày 18/2/1946 tại Paris; Chronique 1985:155)

Bởi thế, ngày 21/2, từ Paris, d'Argenlieu chấp thuận đề nghị của Hồ; nhưng nhấn mạnh: không bảo đảm rằng Việt Nam sẽ có cả Nam Kỳ. (Tel. số 232/C.I., ngày 21/2/46, D'Argenlieu gửi Sainteny; SHAT, 10H 143)

Vì đã có dụng tâm muốn quân Trung Hoa rút khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt, Hồ đồng ý. Tuy nhiên, sau gần một năm độc lập, tinh thần bài Pháp ở miền Bắc đã lên cao độ. Việc Pháp tái chiếm miền Nam và những chiến dịch tuyên truyền chống Pháp đã được Việt Minh phát động một cách tinh xảo càng như đổ dầu vào lửa. Đơn phương ký kết với Pháp lúc đó là một hành động tự sát chính trị. Khi các đối thủ loan tin Hồ đang bí mật thương thuyết với Pháp, dư luận chống đối đã bắt đầu nổi lên. Ngày 20/2, đối thủ Hồ tổ chức biểu tình đả đảo chính phủ tại Hà Nội, và yêu cầu Bảo Đại lên cầm quyền. (Giáp, KTNQ, 1974:142-4) Có lẽ vì thế đã có lúc Hồ ướm hỏi Bảo Đại muốn thay mình hay chăng.

Dẫu vậy, Hồ và Sainteny tiếp tục gặp nhau hầu như mỗi ngày để bàn về tương lai Nam bộ và Liên Bang Đông Dương trong Khối Liên Hiệp Pháp. Lúc này Hồ chỉ còn muốn được thống nhất lãnh thổ và quan tâm đến quân số Việt Minh. Sau khi Salan đã nhượng bộ về vấn đề quân sự, Hồ chịu nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ—tức đồng ý cho dân Nam bộ trưng cầu dân ý để tự quyết định thể chế tương lai như d'Argenlieu nhấn mạnh. (Xem công điện số 152/E, ngày 3/3/1946, d'Argenlieu gửi Sainteny; số 2960-2962, ngày 5/3/1946, và số 404-407, ngày 5/3/1946, Comrep [Sainteny] gửi Hausaire [d'Argenlieu]; SHAT (Vincennes), 10H 143)

Phần những lãnh tụ không Cộng Sản như Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam, trước một sự thực khó tránh, đã chọn giải pháp "mất tích" từ sau ngày ký Hiệp ước Pháp-Trung 28/2/1946. Tuy nhiên, dưới áp lực của Trung Hoa, họ cuối cùng vẫn phải tham gia chính phủ Liên Hiệp của Hồ. Tối 5/3, sau khi hội kiến với phái đoàn Trung Hoa, Hồ đồng ý chọn một giải pháp trung dung—chấp thuận ký Hiệp ước với Pháp, nhưng có một lãnh tụ VNQDĐ là Vũ Hồng Khanh đồng ký. Sau đó, Hồ và Sainteny duyệt lại lần cuối bản Hiệp ước. (44)

Sáng hôm sau, Hồ trình bản dự thảo Hiệp định cho Quốc Hội. 5 giờ chiều cùng ngày, Hồ cùng Khanh gặp phái đoàn Sainteny tại số 38 đường Lý Thái Tổ, và ký vào bản hòa ước chấp nhận cho quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở phía Bắc vĩ tuyến 16. (SHAT (Vincennes), 10H 143)

Theo Hiệp định sơ bộ này, Pháp nhìn nhận Việt Nam là một "quốc gia tự do" (L’Etat libre) trong Liên Hiệp Pháp (L’Union francaise); và dân Việt Nam sẽ tự quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình qua một cuộc trưng cầu dân ý (referendum). Trong bản Phụ ước về quân sự, 10,000 quân Việt Nam và 15,000 quân Pháp sẽ giữ nhiệm vụ "tiếp phòng" 180,000 quân Trung Hoa. Pháp còn hứa sẽ rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 5 năm. (45)

Vì chưa biết rõ chi tiết trong những phụ bản quân sự, Paris cực lực hoan hỉ. Hai ngày sau, 8/3, Thư ký Ủy ban Đông Dương (Comindo) là François de Langlade viết thư khen ngợi d'Argenlieu. Ngày hôm sau nữa, 9/3, chính phủ Gouin cũng thông báo cho d'Argenlieu biết là chấp thuận Hiệp ước này. (SHAT (Vincennes), 10H 141. Đồng thời hỏi ý kiến về việc tạo một khu vực tự trị cho người Thượng)

Sự vui mừng của các viên chức Pháp có lý do của nó. Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 là chiếc chìa khóa cuối cùng về mặt ngoại giao để hợp thức hóa cuộc tái xâm lăng của Pháp. Hiệp ước, như Moutet nhận định hơn một năm sau, đã giúp tránh đổ máu cho 20,000 kiều dân Pháp bị Nhật tập trung ở Hà Nội, và bảo đảm rằng quân Pháp có thể chiếm lại Bắc Đông Dương không tốn một giọt máu, khi lực lượng quân sự hai bên hoàn toàn chênh lệch: Pháp chỉ có 16,000 quân so với "185,000" quân Trung Hoa, cộng thêm 30,000 lính Nhật. (AAN, 1947:876, col 2. Thực ra số quân Trung Hoa chỉ có 152,500 người.)

Tuy nhiên, khi nhận được những phụ bản về quân sự, Paris bắt đầu có ý nghĩ khác. Moutet không giấu sự bất mãn của mình, yêu cầu d'Argenlieu giải thích rõ ràng hơn, như ai sẽ chịu trách nhiệm trả lương bổng cho quân đội Việt Nam. D'Argenlieu cũng báo cáo là mình không hay biết gì về phụ bản quân sự này, và sẽ gửi Salan về Paris để giải thích tường tận hơn. Đồng thời, d'Argenlieu tìm cách “sửa lại” những điều khoản không hợp ý.

C. HỘI NGHỊ TRÙ BỊ ĐÀ LẠT:
Ngày Chủ Nhật, 24/3, Hồ Chí Minh, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Minh Giám cùng Sainteny và Pignon bay ra Vịnh Hạ Long, gặp d'Argenlieu trên soái hạm L' Emile Berlin. Hồ đề nghị sẽ dẫn một phái đoàn qua Paris để tiếp tục thảo luận hầu đạt được những hiệp ước chính thức giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, d'Argenlieu chỉ đồng ý họp ở Đà Lạt; và, cho một phái đoàn thiện chí 10 người của Quốc Hội Việt Nam qua thăm Quốc Hội Pháp đúng ngày Hội nghị Đà Lạt khai mạc. Sau đó, hai bên đồng ý là sẽ gửi một phái đoàn thiện chí qua Pháp, họp trù bị tại một địa điểm trên lãnh thổ Đông Dương, và rồi chính thức ký kết ở Paris. Vì Hồ cần trở lại Hà Nội trước buổi tối, hai bên đồng ý sẽ tiếp tục thảo luận thêm giữa Sainteny và Hồ tại Hà Nội. (Chính Đạo, VNNB, I:A, 1996:323)

Đáng lưu ý là dù Leclerc có mặt trên soái hạm L'Emile Berlin, d'Argenlieu không cho Leclerc tham dự vào những buổi mật đàm. Sự rạn nứt giữa Leclerc và d'Argenlieu từ mùa Thu 1945 đã bộc phát thành cừu hận sau ngày Leclerc gửi bức điện tín ngày 14/2/1946 cho Tướng Juin, yêu cầu chấp thuận hai tiếng "độc lập," trong khi d'Argenlieu đang trên đường từ Sài Gòn về Paris. Bởi thế, chiều ngày 24/3, Leclerc phải bỏ về Sài Gòn.

Giữa lúc Sainteny—theo chỉ thị mật của d'Argenlieu, và với sự trung gian của Louis Caput, một đảng viên đảng Xã Hội Pháp tại Đông Dương—đang cố thuyết phục Hồ bỏ ý định thương thuyết ở Paris, thay vào đó bằng Đà Lạt, tai nạn đầu tiên xảy ra ở Hà Nội. Ngày 27/3, Valluy cho quân Pháp chiếm Sở Tài Chính, tháo gỡ cờ đỏ sao vàng, ngăn cấm công chức vào làm việc. (Giáp, KTNQ, 1974:222) Hôm sau, 28/3, Valluy gặp Giáp và Khanh, cho lệnh phải nhường dinh Toàn Quyền cho Cao Ủy. Ngày 29/3, Việt Minh ra lệnh bãi công, bãi chợ. Valluy phải nhượng bộ, trả lại Sở Tài Chính. Cũng ngày này, một tiểu đoàn Pháp chiếm Huế. Sau đó, ngày 3/4, Giáp, Khanh cùng Salan và Valluy ký thêm một thỏa ước quân sự tại Hà Nội. Việt Minh đồng ý cho Pháp trú đóng 5,000 lính tại Hà Nội, 1,750 lính ở Hải Phòng, 825 tại Nam Định và Điện Biên Phủ; 650 tại Hải Dương, và 1,025 người ở Hòn Gay. (SHAT (Vincennes), 10H 141; Giáp, KTNQ, 1974:224-5) Hai bên thành lập một Ủy ban liên lạc và kiểm soát trung ương tại Hà Nội để kiểm soát việc "tiếp phòng" quân Trung Hoa. Hai bên cũng thỏa thuận thành lập một Ủy ban đình chiến vào Nam Trung Bộ. Đại diện Việt Nam là Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang).

Chính Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet cũng chỉ muốn thương thuyết diễn ra ở Đà Lạt. Nhưng Hồ vẫn cương quyết phải họp tại Paris. Cuối cùng, hai bên đồng ý sẽ mở một phiên họp trù bị tại Đà Lạt, rồi ký kết Hiệp ước tại Paris. Ít ngày sau, d'Argenlieu cử Tướng Jean Valluy làm Ủy viên Cộng Hòa miền Bắc, thay Sainteny về Paris chuẩn bị đón tiếp phái đoàn thiện chí của Việt Nam. Salan được cử vào thành phần của Liên Bang Đông Dương tham dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, rồi sau đó hoàn trả cho Bộ Tổng Tham Mưu cùng Leclerc.

Ngày 29/3, Pháp đã ra nghị định bổ nhiệm thành phần phái đoàn thương thuyết với Việt Nam. Chủ tịch phái đoàn này là d'Argenlieu. Các thành viên khác gồm có Bloch-Lainé, thuộc Bộ Tài Chánh; Bourgoin, công cán ủy viên thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính; Bousquet, thuộc Nha Kinh tế Bộ Pháp quốc Hải ngoại; Pierre Gourou, thuộc Đại học Bordeaux; Max André, Chánh Công cán ủy viên Bộ Quân lực, Pierre Messmer, Chánh văn phòng của Moutet; cùng 6 người do Cao Ủy Đông Dương chọn. (46)

Ngày 15/4, Phái đoàn đầu tiên của Ngoại trưởng Tam tới Đà Lạt dự hội nghị. Ngày hôm sau, 16/4, Giáp mới rời Hà Nội. Bị kẹt ở Paksé, hôm sau nữa Giáp tiếp tục bay qua Đà Lạt. (Giáp, KTNQ, 1974:251-2). Một phái đoàn khác từ Hà Nội vào Nha Trang, rồi từ đây lên Đà Lạt bằng đường bộ. Ngày 19/4, Hội nghị trù bị khai mạc tại trường Yersin. Tuy nhiên, ngay từ buổi họp đầu tiên đã bị bế tắc. Không khí càng trì trọng hơn sau khi Phạm Ngọc Thạch, đại biểu miền Nam, bị bắt ngày 22/4. (47) Mãi đến phiên họp ngày 29/4, hai bên mới đồng ý trên nguyên tắc về việc quan thuế và buôn bán.

Không khí hòa nghị được cởi mở hơn đôi chút khi Tướng Alphonse Juin, đặc sứ của chính phủ Pháp đi thăm thiện chí Nam Kinh, ghé Đà Lạt ngày 30/4. (48) Trong những phiên họp sau đó, cả hai phe chỉ đồng ý được một điều là bất đồng ý kiến về rất nhiều vấn đề, từ “Liên bang Đông Dương” tới vấn đề Nam Kỳ. Và, đồng ý sẽ tiếp tục thương thảo tại Paris.

Ngày 13/5, phái đoàn VNDCCH tham dự Hội nghị Đà Lạt về tới Hà Nội.

D. CHUYẾN VIẾNG THĂM HÀ NỘI CỦA D'ARGENLIEU:
Để đáp lễ Hồ, và cũng để thực hiện dự định thiết lập một Liên Bang Đông Dương gồm 5 xứ, ngày 14/5, d'Argenlieu bắt đầu chuyến kinh lý Bắc vĩ tuyến 16 kéo dài một tuần lễ. Trạm đầu tiên là Ban Mê [Buôn Ma] Thuột. Tại đây, d'Argenlieu chủ tọa lễ tuyên hứa trung thành của các sắc dân miền Cao nguyên Trung bộ, chuẩn bị thành lập một vùng Cao nguyên tự trị, trung lập. Đà Lạt sẽ chọn làm thủ đô Liên Bang.

Ngày 17/5, d'Argenlieu ghé Vientiane để thắt chặt liên hệ với vương quốc Lào. Chiều hôm sau, 18/5, d'Argenlieu ra tới Hà Nội. Như để đáp lễ cuộc duyệt binh long trọng ít tuần trước tại Vịnh Hạ Long, Hồ cử cả 6 Bộ trưởng ra tận phi trường Gia Lâm tham dự phái đoàn quan khách đón tiếp Cao Ủy Pháp. (Ra đón d'Argenlieu có Valluy, Tân Tư lệnh miền Bắc kiêm Đại biểu chính phủ miền Bắc; Lư Hán, Lãnh sự Mỹ và Swit-zơ-lên [Switzerland, Thụy Sĩ].) Tưng bừng hơn nữa, dân Hà Nội đã được lệnh treo cờ từ sáng ngày 18/5, dưới chiêu bài mừng “sinh nhật 19/5/1890" của Bác Hồ. (49)

Ngày 19/5, Hồ tiếp kiến d'Argenlieu. Nhưng thương thuyết mật chỉ diễn ra ngày 20/5. Hồ cực lực phản đối việc d'Argenlieu nhận lời tuyên hứa trung thành của dân Thượng tại Ban Mê Thuột. Trước khi rời Hà Nội ngày 22/5/1946, d'Argenlieu bảo Hồ: Nếu Nam kỳ tách biệt khỏi Hồ thì “bạo lực và bất công đã thủ diễn vai trò quan trọng." Theo d'Argenlieu, Hồ chẳng biết trả lời ra sao (n'a rien su répondre). (50)

IV. HỒ CHÍ MINH TẠI PHÁP:

Ngày 31/5/1946, Hồ Chí Minh lên đường qua Pháp. Cùng đi có phái đoàn VNDCCH dự Hội nghị Fontainebleau, gồm Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính v.v... Salan, trên đường hồi hương, tháp tùng phái đoàn. (Salan, I:382) Ngay trước khi Hồ bước lên phi cơ, Valluy cho Hồ biết tin chế độ Cộng Hòa Nam Kỳ [tự trị] sẽ được thành lập ngày hôm sau. Để Hồ có một ý niệm rõ ràng hơn về lập trường của Pháp, ngày hôm sau d'Argenlieu còn yêu cầu tòa đại sứ Pháp ở Egypt chính thức khẳng định tin trên khi phi cơ Hồ ngừng cánh tại đây.

Thời gian này, Pháp đang bị khủng hoảng chính phủ. Ngày 12/6, Hồ được đưa tới Biarritz, chờ thành lập chính phủ mới. (L'Humanité (Paris), 13/6/46.) Đảng CS Pháp và các nhóm tả phái, kể cả Hội Pháp-Việt—mới thành lập ngày 14/8, và qui tụ một số nhân sĩ như Justin Godart, Emmanuel Mounier, Andrée Violis, Paul Rivet—đòi hỏi phải tiếp Hồ ở Paris. (51) Đảng Cộng Sản Pháp và những nhân vật tả phái dành cho Hồ những nghi lễ khá trọng vọng. Trong số người ra đón Hồ tại phi trường—ngoài Moutet, Bộ trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại—có "bạn gái" của Maurice Thorez, Marie-Claude Vaillant-Couturier, Lucien Midel, Albert Petit (CS Pháp), Justin Godart, Francois Jourdain và đại diện CGT (Tổng Liên Đoàn Lao Công Pháp). Hồ còn được ở trong L'Hôtel de Ville như một quốc khách. Ngày 25/6, HCM tiếp xúc báo chí Pháp. (L'Humanité, 26/6 & 5/7/1946) Ba ngày sau, 29/6, Simone Terry viết trên L'Humanité bài "L'Oncle Ho [Bác Hồ]," hết lời ca ngợi Hồ, và đồng thời chuyển lời thăm hỏi của Hồ tới các cháu thiếu nhi Pháp. Mãi tới ngày 22/6, sau khi Georges Bidault được cử lập chính phủ, Hồ mới được đưa từ Biarritz lên Paris. (52)


A. HỘI NGHỊ FONTAINEBLEAU:
Ngày Thứ Bảy, 6/7, Hội nghị Fontainebleau khai mạc. Nỗ lực vận động để d'Argenlieu đọc diễn văn khai mạc và chủ tọa bị bác bỏ. (D'Argenlieu về Pháp với chủ định khai mạc Hội nghị Fontainebleau. Ngày 14/6, d'Argenlieu được Gouin và Bidault tiếp kiến) Max André tự đảm nhiệm chức chủ tọa, đọc diễn văn chào mừng phái đoàn Việt Nam. Nhưng ngay trong ngày đầu tiên này, không khí hội trường đã cực kỳ nặng nề, nếu không phải bế tắc. Phạm Văn Đồng tố cáo quân đội Pháp ở Đông Dương không tôn trọng các điều ước đã ký kết, theo đuổi chính sách "chuyện đã rồi" [fait accompli]. Pháp, theo Đồng, đang tìm cách cắt xén Việt Nam qua việc thành lập chế độ Nam Kỳ tự trị. Pháp chỉ dùng những hòa ước đã ký kết để vào miền Bắc một cách bình yên. (53)

Lời tố cáo của Đồng được các báo Combat và Le Populaire tường thuật một cách trung thực. Báo L'Humanité của Đảng CS Pháp thì nhiệt liệt tán thành. Riêng báo L'Aube của MRP [Phong trào Cộng Hòa Bình Dân] cho rằng thiện chí của Pháp không được đáp ứng. Tờ L'Ordre thì hàm ý rằng Việt Nam phải chịu trách nhiệm nếu hội nghị đổ vỡ. (FRUS, 1946)

Cao ủy Pháp, dĩ nhiên, tìm đủ cách biện bạch. Ngay ngày Thứ Hai, 8/7, d'Argenlieu viết thư lên Thủ tướng Bidault, phản đối những lời cáo buộc của Đồng. Hôm sau, 9/7, Bidault tiếp kiến d'Argenlieu. Bidault nói sẽ can thiệp với Hồ về những lời cáo buộc của Đồng, và tiết lộ thêm là đã bổ nhiệm Pierre Messmer làm Thư ký Ủy ban Đông Dương [Comindo], cơ quan tại văn phòng Thủ tướng Pháp do de Gaulle lập nên để đặc trách điều khiển việc tái chiếm Đông Dương.

Hội nghị Fontainebleau chẳng có tiến triển nào đáng kể, và rơi vào bế tắc sau khi d'Argenlieu công bố là sẽ triệu tập một hội nghị tại Đà Lạt vào ngày 1/8/1946 để thảo luận việc thành lập Liên Bang Đông Dương.

Đại hội này, tưởng cũng nên lược nhắc, do Alessandri làm Chủ tọa (bế mạc ngày 13/8). Phái đoàn Pháp gồm có: De la Charrière, Chủ tịch; Granval, Ner, Davée, Labbey, Charles Bonfils, Lami, Thiếu tá Bichon, Thiếu tá Weil. Ngoài ra, còn các chuyên viên Beauvais (Chánh văn phòng của Cédile), Valmary (UV Bắc Lào), Loubet (Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Pháp-Miên), Morice và Caratani (Tư Pháp), Bertrand và de Villodon (Tài chính), Lesca (Giám đốc Quan thuế), Bernard (Giáo dục), Solier (Y tế), và Girod (Công chính, Giao thông).

Phái đoàn bản xứ có:

1. Nam Việt: Đại tá Nguyễn Văn Xuân (Phó Chủ tịch Cộng Hòa Nam Kỳ, kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng, Trưởng đoàn); Trần Văn Tỷ (Tư Pháp), Nguyễn Thành Giung (Giáo Dục), Nguyễn Thành Lập (Tài Chính), và Ung Bảo Toàn (Thương Mại, Nông Nghiệp và Kỹ Nghệ). Các chuyên viên có Huỳnh Văn Chín, Đoàn Quan Tân, Huỳnh Trọng Tấn, và Thiếu úy Bùi Văn Hai. Quan sát viên là Bazé.

2. Chàm: Lưu Ái.

3. Thượng: Ma Krong, tù trưởng Ê-đê vùng Ban-mê-thuột, và Y sĩ Y Djac Ayun.

4. Miên cử Tiou Long, Bộ trưởng Tài chính, làm Chủ tịch; và 3 đại biểu là Sisowath, Sonn Voeunsai, Prak Sarinn. Các chuyên viên có Penn Nouth, Poc Thoun, Sonn Sann và Huot Samath.

5. Lào có Thái tử Chao Savang Vatthana làm trưởng đoàn. Các thành viên gồm Kham Mao, Boun Oum (Vua Bassac), Chao Singkeo, Thao Phoui; các chuyên viên có Ourot Souvannavong, Outhong Souvannavong, Thao Kou Abhay, và Thao Kham Phan.

Đại hội tán thành nguyên tắc Liên Bang Đông Dương trong Liên Hiệp Pháp; với thủ đô là Đà Lạt, và tiếng Pháp làm sinh ngữ chính. Sẽ có một Hội Đồng Liên Bang, gồm 10 người, và một Tòa Án Tối Cao Liên Bang. Về quân đội, có quân đội quốc gia và quân đội Liên Hiệp Pháp. Các Tổng Nha Liên Bang gồm các ngành tư pháp và kinh tế, vệ sinh, nghiên cứu khoa học và kinh tế, đại học, thông tin và du lịch, ngoại thương, thống kê, công chính, bưu điện và giao thông, di trú và tài chính. (54)

Ngày 2/8, Phái đoàn VNDCCH tại Fontainebleau từ chối họp để phản đối việc triệu tập Hội nghị Đà Lạt lần thứ hai nói trên. Cùng ngày, Hội nghị Đà Lạt cũng chính thức phản đối chính phủ Việt Nam tại Fontainebleau đã tạo sự hiểu lầm giữa ý chí của Bắc Kỳ và toàn thể Đông Dương. Hai ngày sau, 4/8, Liên Hiệp Các Sắc Dân Vùng Núi Cao Nguyên Trung Kỳ ("Cộng Hòa Tây Kỳ") ra đời.

Một biến cố khác ở miền Bắc khiến liên hệ giữa hai nước thêm căng thẳng. Ngày 3/8, Việt Minh và Pháp chạm súng dữ dội ở Bắc Ninh. Theo Pháp, một đoàn công-voa 40 chiếc của Pháp bị phục kích; nhiều người chết và bị thương. Lính Việt Minh cướp nguyên tiền lương tháng của một số đơn vị Pháp. Theo Võ Nguyên Giáp, đoàn xe này có 20 chiếc, từ Hà Nội đi Lạng Sơn. Qua Cầu Đuống, lính Pháp bắn ra hai lề đường. Cách Bắc Ninh 2 cây số, Pháp bắn vào một trạm gác Việt Minh, khiến 1 "vệ quốc quân" chết. Đoàn xe chạy vào thị xã Bắc Ninh, tiếp tục nổ súng. Bộ đội và tự vệ Việt Minh bắn trả. Xung đột kéo dài từ 7 giờ rưỡi sáng tới trưa. Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội bèn gửi một toán tiếp viện, có xe bọc sắt đi kèm. Lính Pháp bắn cháy nhiều nhà ở Cầu Đuống, Yên Viên và Từ Sơn. Buổi chiều, Ủy ban Liên kiểm Việt-Pháp tới nơi can thiệp nhưng không có kết quả.

Hôm sau, 4/8, Thiếu Tá chỉ huy đoàn quân Pháp ở Bắc Ninh đòi vào đóng trong trại lính khố xanh cũ; nhưng Việt Minh không đồng ý. Pháp bèn cho 4 phi cơ tới oanh tạc thị xã. Quân Pháp cũng không chịu rút lui. Ngày 6/8, Đại tá Crépin, XLTV Ủy viên Cộng Hòa miền Bắc, gặp Giáp phản đối vụ phục kích ở Bắc Ninh. Tình hình chỉ êm dịu hơn sau khi Tướng Morlière lên chức Ủy viên Cộng Hòa kiêm Tư lệnh Quân lực Pháp tại miền Bắc từ ngày 17/8. (Võ Nguyên Giáp ra phi trường đón; Giáp, KTNQ, 1974:324-5)

Ngày 10/9/1946, Hội nghị Fontainebleau chính thức tan vỡ. Ba ngày sau, 13/9, phái đoàn Phạm Văn Đồng rời Paris xuống Toulon. Ngày 14/9, Đồng rời Toulon bằng tàu Pasteur, và về tới Hải Phòng ngày 3/10. (55)


B. MODUS VIVENDI "14/9/1946"
Thực ra, thương thuyết không hoàn toàn bị đổ vỡ. Hồ Chí Minh vẫn nấn ná ở lại Paris cùng Hoàng Minh Giám và Bourov Dương Bạch Mai để hoàn tất những cuộc mật đàm với Bộ trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại Moutet cũng như nhân viên của văn phòng Thủ tướng Bidault. Nguyên từ ngày 22/7, Hồ đã viết thư cho Moutet, xin thương thảo bí mật. Sau ngày Hội nghị Fontainebleau hoàn toàn bế tắc, những cuộc mật đàm mới có những tiến bộ đáng kể. Vấn đề then chốt vẫn là tương lai Nam Kỳ và Liên Bang Đông Dương.

Thời gian này, lập trường được công bố của Đảng Xã Hội Pháp nói chung, và Moutet nói riêng, là mở cửa cho Việt Nam gia nhập một khối Liên Hiệp Pháp "mới," trong đó chính sách kẻ chinh phục và người bị trị sẽ được thay thế bằng một liên hiệp các nước tự do, và phái đoàn Việt Nam được tự do thảo luận về những qui ước kinh tế, tài chính và văn hóa. (Le Populaire (Paris), 23/7/1946; SHAT (Vincennes), 10H 140) Ngày 8/8, sau khi Hội nghị Fontainebleau bị tạm ngưng họp, báo Le Populaire còn qui trách cho sự gẫy đổ này ở chính sách của d'Argenlieu. Những tai nạn xảy ra ở Bắc Ninh, vẫn theo Oreste Rosenfeld, là sự nổi dậy của dân Việt chống lại những Pháp kiều thực dân [colons]. (Le Populaire (Paris), 8/8/1946)

Tuy nhiên, trong hai buổi họp của Ủy ban Liên Bộ về Đông Dương ngày 10 và 12 tháng 8, quan điểm của Moutet hoàn toàn khác biệt với những điều Rosenfeld viết trên Le Populaire. Moutet khẳng định nước Việt Nam tự do sẽ có ba phần; không đồng ý cho Việt Nam được theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập; và, không có trưng cầu dân ý trong một tương lai gần. Ra điều trần trước Quốc Hội, ngày 18/8, Moutet tuyên bố Nam Kỳ là một thuộc địa Pháp cho tới ngày Quốc Hội có quyết định. (AAN, 1947:881, col 1)

Điều ít người biết là thực ra văn phòng Thủ tướng Bidault—có lẽ dưới áp lực Mỹ--đã tìm cách cứu vãn tình hình. Ngày 14/8, Bidault gửi cho Hồ một đề nghị là hai bên ký một hiệp ước giới hạn, đánh dấu sự tiến bộ từ Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946, và cho phép tiến đến việc bình thường hóa liên hệ giữa hai nước. Ngày 16/8, Hồ đồng ý trên nguyên tắc, với điều kiện sẽ có trưng cầu dân ý về Nam Kỳ. Hồ đề nghị sẽ thành lập một ủy ban tổ chức trưng cầu dân ý, gồm 30 thành viên. Việt Nam sẽ cử 15 đại biểu, và Pháp sẽ chọn 15 đại biểu khác trong số người miền Nam. Ủy ban này có nhiệm vụ giải quyết những khó khăn về vật chất trong việc tổ chức trưng cầu dân ý, và nhất là giải quyết những cuộc chạm súng tại địa phương, với một lực lượng cảnh sát đặc biệt. Ủy ban này sẽ dưới sự kiểm soát của một Ủy ban Quốc Hội, với số lượng đồng đều dân biểu Pháp và Việt. (Note ngày 14/8/1946 của chính phủ Bidault, và thư ngày 21/8/1946, Hồ gửi Bidault; Papiers Bidault [chưa mở cho công chúng])

Phần lo ngại những phản ứng bất lợi từ phe Gaullist, phần không dám liều lĩnh chống lại lời mở đầu của Hiến Pháp, chính phủ Bidault—đặc biệt là Messmer, tân Tổng thư ký Comindo, và trưởng phái đoàn hòa đàm Pháp—đi đến quyết định là phải bắt buộc Hồ hoặc chấp nhận đề nghị ngày 14/8, hoặc về nước tay không. Hạn kỳ là cuối tháng 8/1946. Để tránh tiếng là hòa đàm đổ vỡ và trấn an dư luận, Hồ và chính phủ Pháp có thể ký một bản tuyên cáo chung biểu lộ tình thân hữu. ( Xem Note ngày 21/8/1946, Messmer gửi Bidault; và báo cáo ngày 22/8/1946 của trưởng phái đoàn Pháp; Papiers Bidault)

Tuy nhiên, Bidault còn do dự vì không hiểu rõ ý định của Hồ ra sao. Hai Bộ trưởng Moutet và Michelet, cũng như Pignon, đều không thể hiểu rõ ý muốn đích thực của Hồ. Bởi thế, ngày 24/8, Bidault và các Bộ trưởng quyết định hai bên sẽ ra một tuyên cáo chung, được đúc kết ở buổi họp cuối cùng, hay dưới dạng thức một lá thư có chữ ký của cả hai phe. (Note ngày 24/8/1946 của văn phòng Thủ tướng; Papiers Bidault)

Ngày 2/9, chính phủ Pháp gửi cho Hồ một đề nghị mới với những điểm nêu trên. Một tuần lễ sau, Đồng gặp Pignon, tuyên bố Việt Nam chấp nhận đề nghị của Pháp với vài sửa đổi. Buổi tối, Đồng chấp thuận bỏ đòi hỏi có phái đoàn kiểm soát của Việt Nam. Trong hai ngày 10 và 11, hai phe nỗ lực làm việc để đạt thỏa thuận cuối cùng về một bản tuyên cáo chung, một thỏa ước [protocol], cùng những "notes [ghi nhận quan điểm] hay thư đính kèm với thỏa ước để giải thích một số điểm có thể chưa rõ ràng."

Điều đáng lưu ý là sáng ngày 11/9, Hồ bí mật gặp Đại sứ Mỹ Jefferson Caffery, tại Paris. Hồ tiết lộ Hội nghị Fontainebleau đã đổ vỡ. Nguyên cớ chính là vấn đề Nam Kỳ. Hồ khẳng định muốn ở trong Liên Hiệp Pháp; và cần sự trợ giúp của ngoại quốc, nhưng không nói rõ muốn gì. Thêm một lần Hồ minh xác không phải là Cộng Sản.

Buổi tối, Hồ gặp George M. Abbott, Đệ nhất Thư ký sứ quán Mỹ, một lần nữa. Theo Hồ, vì chính phủ Bidault chỉ là chính phủ lâm thời, Hồ đồng ý tạm ngưng Hội nghị Fontainebleau, chờ tái nhóm vào tháng 1/1947. Về bản dự thảo Hiệp ước tạm thời trù tính ký vào ngày 10/9, theo Hồ hai bên đã đồng ý về quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp, nền quan thuế chung, và một đơn vị tiền tệ chung. Nhưng khi đúc kết văn bản, hai bên gặp khó khăn ở chỗ Hồ không chấp nhận danh từ "Liên Bang Đông Dương" vì nó không hề hiện hữu. Về phía Pháp không chấp thuận đòi hỏi thực hiện tại Nam Bộ "những quyền tự do dân chủ" mà theo Hồ có nghĩa tự do báo chí, tự do hội họp và trả tự do cho các tù chính trị. Pháp cũng không đồng ý việc Hà Nội gửi một phái đoàn vào Nam để kiểm soát việc thực thi những điều khoản trên, đồng thời giúp chấm dứt cuộc chiến tranh du kích.

Hồ nhìn nhận rằng có những phần tử xấu trong phong trào kháng chiến Nam Bộ, nhưng nếu đại diện của Hồ có thể vào Nam giải thích với những người cầm đầu, sẽ có cơ hội phân biệt giữa người yêu nước và bọn cường đạo; hầu tận diệt những phần tử cướp bóc đó. Hồ cũng hy vọng sẽ ký được hiệp ước với Pháp, nhưng đã định sẽ rời Pháp ngày 14/9, vì xa Việt Nam quá lâu.

Nhiều lần, Hồ đề cập đến vấn đề viện trợ kinh tế của Mỹ. Theo Hồ, Hồ chống đối chính sách độc quyền kinh tế của Pháp. Mặc dù Hồ dành ưu quyền cho Pháp trong việc cung cấp chuyên viên và cố vấn, quyền khai thác tài nguyên, hay cung cấp trang bị, nhưng nếu Pháp không đủ sức, Việt Nam cần đến những người bạn khác. Hồ cũng đề cập đến vấn đề quân cảng Cam Ranh, cùng viện trợ quân sự và hàng hải. (FRUS, 1946, VIII:58-9; US-Vietnam Relations, 1971, Book 1-C 104)

Tưởng cũng nên nhắc, từ ngày 10/9, Ủy ban Nghiên cứu và Thông Tin về Đông Dương (Commission d'Etudes et d'Information pour L'Indochine, tức CEII)—gồm đại diện các công ty Pháp có quyền lợi ở Đông Dương như François Trives (Société Indochinoise d'Electricité), Angot (Société Française des Charbonnages du Tonkin), Candlot (Société des Ciments Portland et Artificiels de l'Indochine, và Société des Chaux Hydroliques du Long Tho), và Challamel (Société Indochinoise pour les Eaux et Electricité en Annam)—cũng được chính phủ Pháp khuyến khích tiếp xúc không chính thức (officieux) với đại diện của Hồ. Trong buổi gặp mặt cuối cùng ngày 12/9, các đại diện CEII được Đặng Phúc Thông, Hồ Đắc Liên và Trịnh Văn Bính khẳng định Hồ chỉ muốn độc lập về quốc phòng, còn mọi lãnh vực khác sẽ hợp tác tinh thành, chặt chẽ (Liên). Việt Nam hứa sẽ cung cấp nhân công và góp vốn (Thông).(56)

Về phía chính phủ Pháp, ngày 12/9, Moutet được chính thức thông báo về ý định của Hồ, và tái thương thuyết với Hồ. Buổi sáng ngày 13/9, Moutet đệ trình dự thảo tạm ước trên trước Hội đồng chính phủ. Ngay chiều đó, hai bên chính thức ký kết vào những văn kiện được biết sau này như "Modus Vivendi [Tạm ước] 14/9/1946." Đại cương, hai bên hứa tôn trọng tinh thần Hiệp ước Sơ bộ 6/3/1946, ngưng chiến vào ngày 30/10/1946, và hội nghị Fontainebleau sẽ tái họp vào tháng 1/1947. Đáng lưu ý hơn cả—ngoài những lời hứa hẹn—là một thỏa hiệp về "liên hiệp quan thuế" và thương mại cho toàn Liên Bang Đông Dương (điều thứ VI). (57) (Sự thỏa thuận này trở thành tấm bình phong pháp lý, cho phép Tướng Valluy và Morlière, Tư lệnh quân Pháp tại Bắc bộ, gây nên những biến cố đẫm máu tại Hải Phòng vào hạ tuần tháng 11/1946, dẫn đến cuộc tổng tấn công của Việt Minh tối ngày 19/12/1946, châm ngòi một cuộc chiến khốc liệt, toàn diện trên bán đảo Đông Dương trong nhiều thập niên sắp tới).

Tạm ước 14/9/1946, thực ra, chỉ là một cách hoãn chiến của cả hai phe. Theo Moutet, ông ta chấp thuận ký Tạm ước (Modus vivendi) ngày 14/9/1946 để chứng tỏ thiện chí của nước Pháp. Moutet đã nói với Hồ:

Tôi hiểu rằng khi ông trở lại [VN], ông sẽ thấy nhiều phần tử oán trách là ông không đạt được tất cả mọi sự. Tôi không chống đối (reproche) ý muốn độc lập của quốc gia ông... Tôi không chống đối ước muốn thống nhất ba miền của dân tộc An-nam; đó là một đòi hỏi mà tôi cho rằng chính đáng (légitime). Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, có thể nào tôi đưa ra trước Quốc Hội [Pháp ước muốn độc lập trên] với một danh sách mà tôi biết, ngày này qua ngày nọ, làng này qua làng kia, những hành động khủng bố, những cuộc ám sát các hào mục (notables), những cuộc thảm sát người Pháp và bạn bè họ? Có thể nào tôi yêu cầu Quốc Hội [Pháp] từ bỏ một phần chủ quyền [lãnh thổ] để thỏa mãn nguyện vọng của các ông mà chỉ thuần dựa vào những lời hứa hẹn thiện chí? Tôi không có quyền làm điều đó, tôi sẽ không làm. (AAN, 1947:877, col 3.)

Moutet cũng đề nghị triệu tập những ủy ban để bàn về một Liên Bang mà Hồ muốn gia nhập, nhưng mỗi lần tiếng "Liên Bang" được nêu lên, Hồ chỉ im lặng. Moutet cũng khẳng định với Hồ rằng "Việt Nam" trong bản Hiệp ước sơ bộ chỉ có nghĩa phần lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 16. Bởi thế mới có điều khoản tổ chức trưng cầu dân ý về số phận Nam Kỳ. (AAN, 1947:878, col 1.) Phần Hồ, chiều ngày 14/9 rời Paris xuống Toulon, rồi từ đây đáp tàu [aviso] Dumont d'Urville hồi hương. (58)

Một số đồng chí cũ—kể cả Hoàng Quang Giụ, người từng qua Liên Sô học trường Thợ Thuyền Đông Phương—tổ chức những cuộc biểu tình phản đối. Có người nóng giận gọi Hồ là Việt Gian. Nhưng bốn ngày sau, 18/9, chính phủ Bidault phê chuẩn Tạm Ước "14/9/1946."

V. THỰC TẾ VIỆT NAM:

Không ai hiểu tại sao Hồ đã chọn cách hồi hương bằng tàu Dumont d'Urville. Cũng chẳng ai biết Hồ nghĩ gì trong hơn một tháng lênh đênh trên biển cả. Chỉ biết ngày 18/10, d'Argenlieu cưỡi chiến hạm [croiseur] Suffren ra tận Cam Ranh để gặp Hồ. Hai bên tỏ ra rất thông cảm và hiểu biết. Xuất hiện trong một buổi họp báo ngắn ngủi trên soái hạm của d'Argenlieu, Hồ còn công khai lên án việc dùng bạo lực và khủng bố. (FRUS, 1946, VIII:61; Chronique, 1985:334-6.) Ba ngày sau, 21/10, Hồ về tới Hà Nội. (FRUS, 1946, VIII:61)

Những ngày kế tiếp, Hồ và các thuộc hạ ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Các mật khu thời chiến được tu bổ; các kho tàng nhu yếu phẩm được tăng cường. Một số cơ sở chính phủ và đơn vị chính qui được lệnh rút dần khỏi Hà Nội.

Cuộc đảng tranh đã tạm thời giải quyết xong. Võ Nguyên Giáp và Huỳnh Thúc Kháng đã giúp Hồ thanh toán gần hết các đối thủ chính trị, đặc biệt là Đại Việt và VNQDĐ. Sau vụ án Ôn Như Hầu ở Hà Nội và rất nhiều phiên tòa hình sự tại các địa phương, Giáp và Kháng đã cô lập hầu hết các phần tử đối lập trong các trại tập trung mang tên “cải tạo” ở những vùng ma thiêng, nước độc tại thượng du Bắc Việt hay Khu IV (Thanh Hóa tới Thừa Thiên), Khu V (Quảng Nam-Quảng Ngãi-Bình Định). Ngay đến các Dân biểu đối lập cũng hoặc bị “mò tôm” hay đi “cải tạo.” Nhờ vậy, ngày 28/10/1946, Hồ có thể triệu tập Quốc Hội để thành lập chính phủ mới. Chính phủ Kháng chiến ngày 3/11/1946 này vắng bóng hầu hết những thành phần không Cộng Sản. Những người chịu qui phục Hồ cũng chỉ được giao các chức vụ tượng trưng, và trên thực tế chẳng là gì hơn những tù nhân bị giam lỏng. ( 59)

Ngày 8/11/1946, Quốc Hội thông qua bản Hiến Pháp đầu tiên của Việt Nam. (QH, HS 6) Sau đó, Quốc Hội đồng thanh ủy quyền cho cho một ban thường trực hầu có phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền kháng chiến. (60)

Mặt Trận Liên Việt, mới được thành lập ít tháng trước để thay thế Việt Minh, cũng chìm dần vào quên lãng, hữu danh vô thực.

Nhiều nỗ lực lôi kéo các lãnh tụ tôn giáo về phe "kháng chiến" cũng được phát động. Bởi thế, mặc dù rời Phát Diệm từ ngày 14/10 để du thuyết một số giáo khu trong lãnh thổ Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Bùi Chu, Thanh Hóa để vận động dư luận và cải chính tin ngả theo Việt Minh, ngày 24/10, Giám mục Từ vào Bắc Bộ Phủ yết kiến Hồ, nhận chức Cố vấn chính phủ. (Lê Hữu Từ, tr. 96ff) Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ thì cương quyết chống lại khuynh hướng “về Tề” trong giới cộng sự viên thân cận, thành lập một Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt.

Tuy nhiên, Hồ vẫn chưa tuyệt vọng về một giải pháp chính trị với Pháp. Trong buổi tiếp kiến Phó lãnh sự Mỹ James O'Sullivan tại Hà Nội ngày 27/10, Hồ tuyên bố việc thực hiện Tạm ước 14/9/1946 tùy thuộc vào thái độ người Pháp. Nếu Pháp đồng ý thiết lập những quyền "tự do dân chủ", "phóng thích tù nhân chính trị" và ngưng việc tấn công người Việt, mọi sự sẽ tốt đẹp. (FRUS, 1946, VIII:62)

Đúng nửa đêm 29 rạng 30/10, ngưng bắn bắt đầu có hiệu lực trên toàn Nam bộ. Nhưng cả hai phe không nói chung thứ ngôn ngữ hòa bình. Thêm nhiều biến cố khác xảy ra. Chẳng những không phúc đáp việc Hồ đề cử Phạm Văn Bạch, đương kim Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến Nam Bộ, làm đại diện bên cạnh Cao ủy Pháp, ngày 6/11, d'Argenlieu gửi công điện phản đối hành động "khủng bố" của Lâm Ủy Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ, và yêu cầu phải giải tán tổ chức này. Ngày 9/11, Hồ trả lời rằng Lâm Ủy Hành Chánh đã hiện hữu từ ngày 25/8/1945; từng liên lạc với Bri-tên và Pháp. Hai ngày sau, 11/11/1946, d'Argenlieu cảnh cáo Hồ rằng phải ngăn cấm Lâm Ủy Hành Chánh bạo động; hoặc tố cáo hành vi của tổ chức ngoài vòng pháp luật này.

Những ngày kế tiếp, Linh mục/Cao ủy d’Argenlieu, với sự tiếp tay của Tướng Valluy, Hội truyền giáo Pháp và các thành phần kiều dân bảo thủ, tìm cách khiêu khích đẩy Hồ vào thế phải rút khỏi Hà Nội ra bưng. Phe hiếu chiến của Việt Minh, đại diện bằng Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh, cũng quyết định răng đối răng, mắt đối mắt. Ngày 22- 23 tháng 11/1946, xảy ra biến cố Lạng Sơn-Hải Phòng. Rồi đến cuộc tổng tấn công của Việt Minh đêm ngày 19/12/1946, mở đầu cho đợt hai của cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1945-54).


Kết từ:

Vai trò nhà ngoại giao của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1945-1946 thường bị lãng quên trong khối văn chương sử học hiện hữu.

Khảo sát kỹ lưỡng các tư liệu đã giải mật, một điểm rõ ràng khó thoát khỏi sự quan sát của chúng ta là Hồ cực kỳ khôn ngoan, quyền biến trên trận tuyến ngoại giao. Sự quyền biến hay linh động và cụ thể này chứng tỏ Hồ đã biết tận dụng “luật kẻ yếu”—uốn cong mà không gãy—để sinh tồn và tạo sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Việc tuyên bố giải tán Đảng CSĐD ngày 5/11/1945 cũng phản ảnh khả năng sinh tồn cao độ của Hồ. Tuy nhiên, những chuyên gia về CSVN và những người viết tiểu sử Hồ vẫn chưa có những phân tích tỉ mỉ và đứng đắn về quyết định có một không hai trước thập niên 1980 trong khối Quốc Tế Cộng Sản này. Cần có thêm những tra vấn sâu xa hơn về liên hệ giữa Hồ với Quốc Tế Cộng Sản từ năm 1920 tới 1943 để hiểu rõ hơn về cái gọi là “chất đỏ” trong Hồ.


VŨ NGỰ CHIÊU


Phụ chú: “Hồ Chí Minh: Nhà Ngoại Giao, 1945-1946”

1. CAOM (Aix), SLOTFOM, II, c. 6 (Hồ sơ M. Jean); Chính Đạo, Hồ Chí Minh: Con người & Huyền thoại, 1892-1969, tập I: 1892-1924, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 202-3).

2. Các tác giả Việt Nam bắt đầu công bố về hoạt động của Hồ trong thời gian từ 1934 đến 1938, với tư liệu rút từ văn khố Quốc Tế Cộng Sản. Xem thêm Anatoli A. Sokolov, Quốc Tế Cộng Sản và Việt Nam, bản dịch Đào Tuấn (Hà Nội: NXBCTQG. 1999). Đây là tác phẩm xuất sắc nhất về các sinh viên Việt Nam tại Nga. Về việc khai tử Nguyễn Ái Quốc, xem “Biographie de Ho Chi Minh (1949);” Ibid., 19 PA, c. 4, d. 62; Huỳnh Kim Khánh, Vietnamese Communism, William J. Duiker, Ho Chi Minh (New York: 2000), tr. 618ns13,15.

3. Ngày 14 tháng 12 năm 1934, khi điền vào mẫu lý lịch [Ankieta] nhập học trường Đại học Phương Đông, Fan Lan khai rằng chồng cô là “Lin,” bí danh mới nhất của Nguyễn Sinh Côn (Ái Quốc) sau ngày được phóng thích khỏi Hong Kong. Chẳng rõ sau này ai đã xóa đi tên Lin trên bản lý lịch trên; RC 495, 201, 35. Người đầu tiên phát hiện tài liệu này là ký giả Sophie Quinn-Judge. Chúng tôi cũng được Tiến sĩ Anatoli Sokolov cung cấp bản Ankieta trên; nhưng không thể đăng lại vì vi phạm luật cấm của văn khố Nga. Khi chuẩn bị luận án Tiến sĩ, Quinn-Judge cũng tìm ra một số tài liệu khác tại văn khố Nga và Pháp giúp khẳng định quan hệ vợ chồng giữa Côn và Fan Lan. Xem Quinn-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years, 1924-1941 (Berkeley: Univ. of California Press, 2002), tr. 202-203; Idem, “Women in early Vietnamese communist movement: sex, lies, and liberation;” South East Asia Research (London), 2000, Vol. 9, 3:249.

4. Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 7: 1940- 1945 (Hà Nội: 2000), tr. 96- 136, 137-147, 148-153 [Việt Minh], 154-156, 157-165. [Sẽ dẫn: VKĐTT, tập, năm xb, trang]

5. Xem, chẳng hạn, Charles Fenn, An Introductionary Biography of Ho Chi Minh (London: 1971); Phùng Thế Tài, Bác Hồ những kỷ niệm không quên (Hà Nội: NXB Quân Đội Nhân Dân, 2002), tr. 57-63, 82-87.

6. United States Congress. Senate. Causes, Origins, and Lessons of the Vietnam War. Hearings before the Committee on Foreign Relations, 92nd Congress, 2nd Session, May 1972. Washington: GPO, 1973), tr. 249. [Sẽ dẫn: US Senate, Hearings, 1973:]

7. Jean Sainteny, Histoire d'une paix manquée: Indochine, 1945-1947 (Paris: Amiot Dumont, 1953), tr. 68. [Sẽ dẫn : Une paix manquée]. Sainteny (tên thực Roger) tới Côn Minh ngày 30/7/1945; nhưng gặp Nguyễn Tường Tam mà không phải Hồ Chí Minh; Ibid., tr. 52-56; Archimedes L. Patti, Why Viet-Nam? Prelude to America's Albatros (Berkeley, Cal.: Univ of California Press, 1980), tr. 104. [Sẽ dẫn: Why Viet-Nam, 1980:]

8. Báo cáo ngày 22/8/1945, William J. Donovan gửi Byrnes; Bộ Quốc Phòng, US-Vietnam Relations, 1947-1967 (Washington, DC: GPO, 1971), Bk I, p. C 67.

9. Robert Sharplen, The Lost Revolution (NY: Harper & Row, 1965), tr. 31; US-Vietnam Relations, 1971, Bk I:C-58-59.

10. Gareth Porter, Ed. Vietnam: The Definitive Documentation of Human Decisions, 2 vols. (Stanfordville, N.Y.: Coleman, 1979), vol I, tr. 76-77. [Sẽ dẫn: Documentation]

11. Ibid., tr. 199-200. Toán EMBARKMENT tới Sài Gòn ngày 2/9/1945; CAOM (Aix), INF, c. 338, d.2717. Philippe Devillers, trong cuốn Histoire du Viet-Nam (tr. 202), cho rằng Hồ đã biếu Patti một số vàng lớn trích ra từ Tuần Lễ Vàng (18-25/9/1945).

12. Thư ngày 20/9/1945, Gallagher gửi McClure.

13. Leon B. Blum, The United States and Vietnam, 1944-1947 (Washington: GPO, 1972), tr. 4-5. Theo tài liệu Việt Nam, vào tháng 10/1945, hội này gồm 500 người Việt, 20 người Mỹ; Việt Nam Thời Báo (Hà Nội), số 3 và 4 (24 và 25/10/1945). David G. Marr tìm thấy một bản Điều Lệ của Hội này tại Thư viện Quốc Gia Pháp.

14. CĐ ngày 17/10/1945, Hồ gửi Truman; US-Vietnam Relations, 1971, Bk I, C 73-4. Ủy Ban Tư vấn Viễn Đông gồm 9 nước: Mỹ, Bri-tên, Pháp, Trung Hoa, Nu-zí-lân [New Zealand], Hâu-lân [Holland], Phi-líp-pin, Os-trá-li-a [Australia] và In-đi-a [India])

15. Foreign Relations of the United States [FRUS], 1946, VIII:15-20; US-Vietnam Relations, 1945-1947, Bk 8:53-7.

16. FRUS, 1946, VIII:15. Thực tế, Reed tới Sài Gòn vào thượng tuần tháng 2/1946. Năm 1947, Reed tiến cử “Ngô Đình Giệm” với Lãnh sự Hong Kong. Xem Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston: Văn Hóa, 2004)

17. Porter, Documentation, I, tr. 78. Trước đó, ngày 22/8/1945, Giám đốc OSS cùng một ý kiến: “The Viet Minh is 100% Communist Party, with a membership of approximately 20% of the active political element;” US-Vietnam Relations, Bk I, C-66.

18. Tel. ngày 5/12/1945, Acheson gửi Moffat (Sài-gòn); US-Vietnam Relations, Bk VIII, VB2, tr. 85-6. Trước đó gần hai tháng, ngày 9/10/1946, Acheson từng yêu cầu Tổng lãnh sự Reed ở Sài Gòn giải thích ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh—cờ của Liên đoàn chống Nhật của các sắc dân Malay [Malayan Peoples Anti-Japanese Union, hay MPAJU] cũng màu đỏ, 3 sao vàng (tượng trưng cho 3 sắc tộc ở Malaya); FRUS, 1946, VIII:6?). Chua chát cho Hồ là trong mùa Hè 1946, Dalburo ở Thượng Hải lên án Hồ và Bảo Đại là “bọn phản bội,” sau khi Hồ tuyên bố giải tán Đảng CSĐD.

19. CAOM (Aix), HCI, CP, c. 192; INF, c. 121, d. 1102. Xem thêm Chính Đạo, Hồ Chí Minh, II, 1993:288-304.

20. Theo Hsing Shen-chou, chính phủ lâm thời này thành lập ngày 1/9/1945; Báo cáo ngày 15/10/1945; Chen 1969b:123. Giu, hay Du, người Nùng, sinh năm 1879 tại Động Én, Lạng Sơn; chạy qua Trung Hoa sau binh biến Lạng Sơn năm 1940. Năm 1945, gia nhập Việt Cách. Tổ chức Việt Cách có 7 toán võ trang tuyên truyền: 5 ở Quảng Tây và 2 ở Vân Nam (Côn Minh & Khai Nguyên). Tại Liễu Châu có các báo Việt Hồn, Đồng Minh, Thời sự tuần báo và Mê kông Nộ trào [La Réveil de Mekong]. Trong số các cấp chỉ huy, có: Tĩnh Tây (QT), Trần Báo & Hoàng Quốc Chính; Long Châu (QT), Lê Nguyên Thọ; Pham Chong (QT), Nông Quoc Hung; Ha Cai (QT), Ngũ Qui Đông; Luong San (QT), Nông Nhat Thanh.

21. Vũ Hồng Khanh, tên thực Vũ Văn Giảng (1907-1993), trốn thoát qua Trung Hoa năm 1933. Sau khi Nguyễn Thế Nghiệp về đầu thú Pháp năm 1935, Khanh trở thành một trong những lãnh tụ VNQDĐ hải ngoại lừng danh. Phần Nguyễn Tường Tam (1908-1963), tức nhà văn Nhất Linh, được Nhật giúp trốn qua Trung Hoa năm 1941. Sau tháng 8/1945, liên kết với Khanh. Xem sơ lược tiểu sử trong Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, 1939-1975, tập III: Nhân Vật Chí, tái bản có bổ sung (Houston: Văn Hóa, 1997), tr. 610-2, 388-9. Về hoạt động của VNQDĐ, xem Idem., HCM, II, 1993:80-1, 104-9, 167-8. Theo một tài liệu CS, nhóm Khanh có khoảng 200 tay súng; Lê Tùng Sơn, Nhật ký một chặng đường (Hà Nội: 1978), tr. 180. Theo Nguyễn Hữu Thanh (Lý Đông A), Khanh, Tam cùng Nguyễn Hải Thần và Thanh còn bí mật đưa ra thuyết “Duy Dân,” và cử Thanh về nước để thiết lập một liên minh chống Cộng.

22. Về định nghĩa kỳ lạ của hai tiếng “Việt Gian” này, xem Vũ Ngự Chiêu, “Social and Cultural Change in Viet-Nam Between 1940 and 1946,” Ph.D. dissertation, 1984, Univ. of Wisconsin-Madison, 1984, chương IX. [Sẽ dẫn: Vũ Ngự Chiêu 1984]) Một trong những vụ đàn áp VNQDĐ trắng trợn nhất là vụ án “Ôn Như Hầu,” để gọi là bẻ gãy âm mưu liên kết với Pháp làm đảo chính ngày 14/7/1946.” Xem VKĐTT, tập 8 (Hà Nội: 2001), tr. 104. Đích thân Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch Nhà Nước, đã tích cực tiếp tay Giáp trong việc này. Xem chi tiết trong Võ Nguyên Giáp, Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên, Hữu Mai viết (Hà Nội: NXB QĐND, 1974). Hiện nay, hồi ký này đã tái bản lần thứ 5 vào năm 2001. [Sẽ dẫn: Giáp, KTNQ].

23. Thư ngày 22/10/1945, Hồ Chí Minh và Nguyễn Vĩnh Thụy gửi Tưởng Giới Thạch; US-Vietnam Relations, Bk I, C-83. Mãi tới tháng 3/1946, Thạch mới cho phép một phái đoàn Việt Nam qua thăm Nam Kinh, do Nghiêm Kế Tổ cầm đầu)

24. US-Vietnam Relations, Bk I, C-82 (yêu cầu cho một phái đoàn Việt Nam qua thăm Trùng Khánh); Chen, 1969:127. Theo một tác giả Pháp, Hồ biếu Lư Hán cả một bộ bàn đèn hút thuốc phiện bằng vàng; Devillers, 1952:193.

25. Xem những tin tức về Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần trong Department of State, Interim Research and Intelligence Service, Research and Analysis Branch, RAA No. 3336, “Biographical Information on Prominent Nationalist Leaders in French Indochina (25 Oct 1945)”.

26. Việt Nam Thời Báo thường được biết như báo Việt Nam. Trong thư viện của Văn khố Bộ thuộc địa Pháp có 20 số báo này (vào năm 1983).

27. Nghị định số 14, ngày 8/9/1945; Cứu Quốc, 10/9/1945; Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia [TTLTQG] 3 (Hà Nội), Quốc Hội [QH], Hồ sơ [HS] 1. Xem thêm, Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Văn phòng Quốc Hội, Lịch sử Quốc Hội Việt Nam, 1946- 1960 (Hà Nội: NXBCTQG, 2000), tr. 30-31.

28. Raoul Salan, I:353; d’Argenlieu, Chronique d’Indochine (Paris: 1985), tr. 229-241.

29. US Senate, Hearings [Causes, etc.]; Sainteny 1970:68. Xem thêm chi tiết trong Hồ Chí Minh: Con người & huyền thoại, II, 1993.

30. United States Senate, Committee on Foreign Relations, The United States and Vietnam: 1944-1947; A Staff Study Based on the Pentagon Papers, Prepared for the Use of the Committee on Foreign Relations United States Senate (Washington, DC: GOP, 1972), tr. 24)

31. Chronique 1985:106-7. Ngày 16/10/1945, Sainteny từng bị lính Trung Hoa bắt giữ ít giờ; nhưng sau đó được tha do sự can thiệp của Mỹ; CAOM (Aix), INF, c. 159, d. 1363.

32. Vũ Ngự Chiêu, Lá bài bí mật của de Gaulle: Hoàng tử Vĩnh Sang (1900-1945) (Houston, TX: Văn Hoá, 1992); Idem., Các vua cuối nhà Nguyễn, 1883-1945, 3 tập (Houston, TX: Văn Hoá, 1999-2000), tập III.

33. CQ, 10/9/45. Người thực sự ký SL này là Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ. Xem thêm TTLTQG 3 (Hà Nội), QH, HS 1.

34. CQ, 23/10/1945. Theo tài liệu CS, "Hội nghị liên tịch của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội" nhóm họp tại Hà Nội ngày Chủ Nhật 21/10/1945; sau đó, ra tuyên ngôn đoàn kết, đặt nước nhà và dân tộc lên trên hết. Đại biểu VM có Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền, Nguyễn Văn Ba, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Công Truyền. Đại biểu Đồng Minh Hội (Việt Cách) gồm có Đinh Chương Dương, Trương Trung Phụng, Lê Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật, Hồ Đức Thành, Vũ Kim Thành, và Dương Thanh Dân; CGP (Hà Nội), 28, 25/10/1945. Thời gian này, theo Lê Tùng Sơn, Sơn được Giáp chỉ thị lập ra một hệ phái Đồng Minh Hội ly khai; cũng xuất bản báo Đồng Minh, để tấn công nhóm Nguyễn Hải Thần-Vũ Hồng Khanh; Sơn 1978:189-91.

35. Giáp, KTNQ, 1974:63; 2001:96-98; Sơn 1978:200ff. Phần Lê Tùng Sơn cũng bị bắt giữ. Không rõ chi tiết này có trùng hợp với tin Hồ bị bắt ngày 2/2/1946, sau cái chết của Beylin ngày 9/1/1946 hay chăng.

36. DPSG, Rapport mensuel, Décembre 1945 (7/1/1946); CAOM (Aix), CP, Carton 125.

37. Tài liệu Mật thám Pháp ghi ngày ký thỏa hiệp là 23/12. Chúng tôi dùng nhật kỳ 24/12/1945 theo bản Thông cáo ngày 26/12/1945 trên các báo Hà Nội. Theo Lê Tùng Sơn, cùng tham dự trong buổi này có Hoàng Cương, Tham mưu trưởng của Lư Hán, và Từ Xấu Thu, đại biểu của Tam Dân Chủ Nghĩa Thanh Niên Đoàn, cơ quan mặt nổi của tình báo Trung Hoa.

38. La République (Hà Nội), 10/3/1946. Theo Giáp, Hồ đã bàn về việc thành lập chính phủ Liên Hiệp này với Tiêu Văn; vì các đảng phái chống đối. Cuối cùng, hai bên đồng ý thành lập một chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến gồm 10 bộ; Giáp, KTNQ, 1974:149-50; 2001:136-137.

39. Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó CT: Nguyễn Hải Thần (Việt Cách); Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng (độc lập); Ngoại Giao: Nguyễn Tường Tam (Đại Việt Dân chính); Quốc Phòng: Phan Anh (độc lập); Tư Pháp: Vũ Đình Hòe (Dân Chủ); Giáo dục: Đặng Thai Mai (Mác-xít) [tạm thời cho tới khi Ca Văn Thỉnh nắm quyền]; Lao Động: Nguyễn Văn Tạo (Mác xít); Xã hội-Y tế: Trương Đình Chi [hay Tri] (Việt Cách); Tài chánh: Lê Văn Hiến (Mác xít); Kinh tế: Chu Bá Phượng (VNQDĐ); Canh Nông: Huỳnh Thiện Lộc (Nam); Công Chính: Trần Đăng Khoa (Nam). Cố vấn tối cao: Nguyễn Vĩnh Thụy (Bảo Đại). Thứ trưởng: Hoàng Minh Giám (Nội Vụ), Tạ Quang Bửu (Quốc Phòng), Nghiêm Kế Tổ (Ngoại giao), Nguyễn Văn Hưởng (Tư Pháp), Đặng Phúc Thông (Giao thông, Công Chánh), Trịnh Văn Bính (Tài Chánh), Đỗ Đức Dục (Giáo Dục), Bồ Xuân Luật (Canh Nông), Đỗ Tiệp (Xã Hội); US-Vietnam Relations, Bk I, B-52.

40. Hồ tiết lộ với Sainteny ngày 1/3 là Tam đã nhận lời thay mình nắm chức Bộ trưởng Ngoại Giao; Chronique 1985:182. Tuy nhiên, Tam chỉ nhậm chức ngày 12/3/1946; Giáp, KTNQ, 1974:214; 2001:150-156.

41. Tháng 3/1947, tại Quốc Hội Pháp, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet cho biết đã nhiều lần tuyên bố với Hồ rằng "Việt Nam" trong bản Hiệp ước sơ bộ chỉ có nghĩa phần lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 16. Bởi thế mới có điều khoản tổ chức trưng cầu dân ý [referendum] về vấn đề Nam Kỳ; AAN, 1947:878, col 1.

42. CAOM (Aix), INF, c. 126, d. 1125. Đây có thể là là lần thứ hai Hồ bị bắt. Theo Võ Nguyên Giáp, đầu tháng 12/1945, Hồ đã bị mời vào Bộ Tư lệnh quân Trung Hoa. Hồ đến nhà Tiêu Văn, được người của Chu Phúc Thành đón đến Bộ Tư lệnh ở nhà thương Đồn Thủy. Bị giữ gần trọn một ngày mới thả. Sau giữ lại xe và tài xế của Hồ. Lý do là Chu Phúc Thành nghi Lê Tùng Sơn đi trên xe của Hồ, giết chết một Pháp kiều; Giáp, KTNQ, 1974:107-108. Xem supra.

43. Tel No. 515/Cab, Cororient gửi EMGDN Paris, ngày 17/2/1946; SHAT (Vincennes), 10H 143; Chronique 1985:156-157.

44. Giáp, KTNQ, 1974:179-82. Theo Giáp, cuộc thương thuyết vẫn còn bế tắc vì hai chữ độc lập; Ibid. Điều này không đúng, và Giáp hoặc không rõ nội tình, hoặc không nói sự thực. Điểm khúc mắc là vấn đề thống nhất, tức Nam Kỳ—Hồ đồng ý bỏ chữ "độc lập" từ nhiều tuần trước. Ngoài ra, còn có vấn đề tìm "người tế thần.")

45. Mãi tới ngày 3/4/1946, Giáp, Khanh cùng Valluy, Salan mới chính thức ký Phụ bản Hòa ước về quân sự; Giáp, KTNQ, 1974:224-225. Ngày này, Tướng Valluy báo cáo rằng VM đồng ý cho Pháp trú đóng ở Hà Nội, 5,000 lính; Hải Phòng, 1,750; Nam Định, 825; Hải Dương, 650; Điện Biên Phủ, 825; Hòn Gay, 1,025. Dự định chiếm Nam Định ngày 7/4/1946.

46. Đó là Clarac, cố vấn ngoại giao; Maurice Gonon, cố vấn tài chính; Guillanton, cố vấn kinh tế; Pignon, cố vấn chính trị; Salan, đại biểu quân sự; và Torel, đại diện Tư pháp; Chronique 1985:247-8.

47. Giáp, KTNQ, 1974:258. Thạch chỉ được thả sau khi Hội nghị Đà Lạt kết thúc. Thạch là đại diện chính phủ trung ương tại miền Nam. Sau này Lê Đức Thọ thay; SHAT (Vincennes), 10H 4201; Chính Đạo, VNNB, I:A, 1996:327.

48. Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt (Sài Gòn: 1971), 47; Giáp, KTNQ, 1974:263-4.

49. Chiều ngày 17/8, VM ra lệnh dân treo cờ trong 3 ngày mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), kể từ sáng hôm sau; Cứu Quốc, 17/5/1946. Từ đó, ngày 19/5 này, được kể như sinh nhật Hồ. Tuy nhiên, Hồ thường hay vắng mặt trong ngày sinh nhật này; Giáp, KTNQ, 1974:270. Người ta nghĩ rằng Hồ đã ngụy tạo ngày sinh để bắt dân Hà Nội treo cờ đón tiếp d'Argenlieu. Có người cho rằng 19/5 là kỷ niệm ngày thành lập Mặt Trận Việt Minh (Huỳnh Kim Khánh). Nhưng ngày 19/5, với Hồ, cũng là ngày ba mươi sáu năm trước, cha Hồ bị kết án bãi bỏ quan chức, phạt đánh 100 trượng, đầy đi xa vì tội ngộ sát! Xem, chẳng hạn, Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng, Vàng Trong Lửa (Thành phố HCM : Ban Khoa Học Xã Hội Thành Ủy, 1990), tr. I-60.

50. Nguyên văn: "Si la Cochinchine se sépare librement de vous, croyez-bien que vos violences et vos injustices y auront joué un rôle capital;" Thư ngày 26/5/1946, d'Argenlieu gửi Marius Moutet; CAOM (Aix), PA 28, c. 8, d. 173.

51. Chủ tịch: Justin Godart; Phó: Bà Andrée Violis, Tướng Petit, Georges Paillet. TTK: Francois Jourdain; Thủ quĩ: Charles Désiret. Ủy viên: Bà Cotton, Mounier, Bs Paul Rivet; L'Humanité (Paris), 14/6/1946.

52. Chính phủ Bidault gồm những nhân vật đáng kể sau: Thủ tướng kiêm Ngoại Giao: Bidault, MRP; Phó Thủ tướng: Maurice Thorez (CS) và Félix Gouin (Xã hội); Bộ trưởng Hải ngoại: Marius Moutet (Xã hội); L'Humanité, 23-24/6/1946.

53. L'Humanité, 7 & 8/6/1946; FRUS, 1946; US-Vietnam Relations, 1971:73. Ngày 21/6/1946, Valluy cũng trao cho Giáp một công hàm gửi Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch Nhà nước, thông báo Pháp sẽ chiếm Cao Nguyên Trung Bộ (Tây Nguyên). Sau đó, Pháp tấn công Đại Lãnh, Củng Sơn, Pleimeidden.

54. CAOM (Aix), AP, c.365. Trong công điện ngày 30/7/1946, d'Argenlieu biện giải với Paris về lý do tổ chức Đại hội Đà Lạt: Đó là Công điện số 370 CI 1146 ngày 3/4/1946 của Bộ Hải ngoại.

55. Ngày 3/10, phái đoàn Phạm Văn Đồng được tiếp đón đông đảo: Nguyễn Văn Tố, thay mặt Quốc Hội; Lê Văn Hiến, thay mặt chính phủ; và, Nguyễn Xuân Nguyên (Lê Quang Đạo), Chủ tịch Hải Phòng. Hôm sau, 4/10, Đồng về tới Hà Nội. Ngày 5/10, Đồng họp báo ở Hà Nội.

56. Ngày 13/9, Hồ cũng tiếp kiến Francois Trives, thuộc CEII, tại Royal Monceau, và yêu cầu Trives viết thành văn bản những điều đã thảo luận, nhưng sau đó, ngày 26/9, Trives không thuyết phục được các ủy viên khác của CEII; CAOM (Aix), INF, c. 158, d. 1362.

57. Xem "Nguyên văn bản Thoả Hiệp Án Pháp-Việt làm tại Paris ngày 14/9/1946;" Nam Kỳ (Sài Gòn), 23/9/1946. Xem nguyên bản Pháp ngữ trong phần Phụ bản. Tóm lược bằng Anh ngữ có thể tìm thấy trong FRUS, 1946, VIII:60.

58. Công điện ngày 17/9/1946, Caffery gửi Ngoại Giao; FRUS, 1946, VIII:59. Như thế, rất đáng nghi chuyện Hồ nửa đêm gọi điện thoại cho Moutet xin ký Tạm Ước 14/9/1946. Đáng lưu ý là thời gian này, báo L'Humanité, vì một lý do nào đó, loan tin Hồ rời Paris ngày 16/9; L'Humanité (Paris), 17/9/1946.

59. Chủ tịch: HCM; Ngoại Giao: HCM (Thứ trưởng, Hoàng Minh Giám); Quốc Phòng: Võ Nguyên Giáp (Tạ Quang Bửu); Nội vụ: Huỳnh Thúc Kháng (Hoàng Hữu Nam [Phan Bôi]); Kinh tế: Dành cho miền Nam (Phạm Vân Đồng); Tài chính: Lê Văn Hiến (Trịnh Văn Bính); Tư pháp: Vũ Đình Hòe (Trần Công Tường); Canh nông: Ngô Tấn Nhơn (Cù Huy Cận); Lao Động: Nguyễn Văn Tạo; Y tế: Hoàng Tích Trí; Cứu tế: Chu Bá Phượng; Giáo dục: Nguyễn Văn Huyên (Nguyễn Khánh Toàn); Giao thông, Công Chính: Trần Đăng Khoa (Đặng Phúc Thông); Không Bộ Nào: Nguyễn Văn Tố & Bồ Xuân Luật. Chính Đạo, VNNB, Tập A: 1939-1946 (Houston: Văn Hóa, 1996), tr. 354. Thực ra, danh sách chính phủ kháng chiến mới này được bầu ra ngày 31/10/1946 (Khóa họp thứ hai, 28/10-9/11/1946). TTLTQG 3, QH, HS 5.

60. Ban thường trực: 2/3/1946: Bà Lê Thị Xuyến (tức bà Phan Thanh, sau này kết hôn với Lê Văn Hiến); 9/11/1946: Bùi Bằng Đoàn; 29/1/1957: Tôn Đức Thắng. Mãi tới ngày 1 tháng 12/1953, QH mới được triệu tập khóa họp thứ ba để thông qua Luật Cải Cách Ruộng Đất. TTLTQG 3, QH, HS 9.















NOTE:


This was the first documented fact about Ho Chi Minh's youth: The Director of the National School [Quoc Hoc] informed the Resident Superior of Annam on August 7, 1908 that Nguyen Sinh Con, a former student of the Thua Thien [Dong Ba] Franco-Annamese primary school, was to be admitted to the National School for the school year 1908-1909.

In the margin, an official noted: "Le ne Nguyen Sinh Con est admis comme eleve de Quoc Hoc" [The born Nguyen Sinh Con is admitted as a student of the National School]; with the stamp of August 8, 1908. So, the young Ho Chi Minh was not expelled from the Quoc Hoc for participating in the anti-corvee [forced labor] demonstrations in Hue, which took place between April 9 and 13, 1908, as widely reported.

Sources: Centre des archives d'Outre-mer [CAOM] (Aix), Gouvernement General de l'Indochine [GGI], Fonds Residence Superieure d'Annam [RSA], carton R1.

(BÀI ĐÃ IN TRONG HỢP LƯU 84 / tháng 8 và 9 -2005)

Sunday, May 28, 2017



LÊ NHƯ ĐỨC * VỀ MỘT BẢN NHẠC


 LÊ NHƯ ĐỨC * VỀ MỘT BẢN NHẠC


Tác giả: Lê Như Đức sinh tại Saigon, hiện cư trú tại Melbourne, Florida. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí. Gia đình: vợ và ba con. Ông là tác giả đã nhận Giải Bán Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2001.

* * *

blank
Đại tá Lưu Kim Cương.

Nghe một người mới ra đi tôi thường hay nghĩ tới bài “Cho một người vừa nằm xuống” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho một người bạn của mình là Đại tá Lưu Kim Cương tử trận đầu tháng 5, năm Mậu Thân 1968, tước phong chuẩn tướng sau hy sinh.
Anh nằm xuống, cho hận thù vào lãng quên,
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn,
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn.
Chữ dùng của ông trong lời nhạc nghe rất bình dân đại chúng nhưng quá tuyệt diệu về cả tượng thanh lẫn tượng hình: “đất ôm anh”. Ông đùng chữ không kiêu sa, không quyền qúy, không chải chuốt như các nhạc sĩ khác mà trái lại đều luôn dễ hiễu và thấm tận vào tri giác của người thưởng thức.
Nghe nhạc của ông hay đọc đến tên ông, tôi cũng luôn nhớ tới trưa ngày 30 tháng 4 khi ông lên đài phát thanh Sàigòn hát bài “Nối vòng tay lớn”. Lần đầu tôi nghe được hai chữ “giải phóng” và “thống nhất” từ cửa miệng ông. Ông cũng không quên kêu gọi những người đang tìm cách ra đi là phản bội tổ quốc cho dù gia đình ông cũng bỏ trốn lũcộng nô qua Mỹ ngày hôm trước như cả trăm ngàn người Việt Nam lúc đó.
Ông đã nằm xuống như người bạn của mình, nhưng khác với Đại Tá Lưu Kim Cương “người tình rồi quên, bạn bè rồi xa”, Trịnh Công Sơn sẽ được người đời luôn nhắc tới.
Lịch sử rồi cũng sẽ phán quyết Trịnh Công Sơn chỉ là một nhạc sĩ phản chiến và tình chiến chứ không dính tới chính trị. Nhưng lịch sử cũng sẽ ghi ông được cho về trồng khoai, cấy lúa trên những cánh đồng đầy bom đạn chưa tháo gỡ sau khi là thượng khách tham dự cuộc tọa đàm luận tội "Trịnh Công Sơn có công hay có tội" tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế tháng sáu cùng năm để nghe Nguyễn Khoa Điềm, Trần Hoàn và Hoàng Phủ Ngọc Tường, người cùng quê, phê phán ông là "thiếu lập trường chính trị”, là phản động”viết bài khóc một tên đại tá “ngụy” và muốn xử tử ông ngay lập tức.
Nếu không có sự can thiệp của thủ tướng CS Võ Văn Kiệt, khi đó làm phó bí thư thành ủy thành phố Sàigòn thì có lẽ Trịnh Công Sơn sẽ chết già trên nông trường và mãi mãi không có cơ hội trở về thành phố gặp được người nữ ca sĩ thua mình hơn 30 tuổi mà sau này được người nhạc sĩ tài hoa ưu ái mệnh danh "Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai!".
Từ Hà Nội vào thành phố mang tên xác ướp Hồ Tập Chương để tìm Trịnh Công Sơn, người nữ ca sĩ muốn lập lại quá khứ say mê âm nhạc lang thang với họ Trịnh như Khánh Ly năm xưa trong quán Văn, một quán cà phê đơn sơ dựng trên bãi đất cỏ sau trường đại học Văn Khoa Sàigòn, với hy vọng sau bốn năm lao động tốt, TCS sẽ cống hiến cho đời thêm nhiều ca khúc bất hủ qua giọng ca đầy nội lực vang danh nhạc nhẹ của cô.
“Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá... già!”.
Không những quá già vì được cải tạo mà sợ bị công an thành phố mời về lại nông trường nhổ cỏ nên TCS chỉ viết được vài bài mà có lẽ chỉ có đồng chí tổng bí thư Đỗ Mười mới thưởng thức hết được bằng tiếng Đan Mạch: “Ngọn lửa Maxcova”, "Ánh sáng Mạc Tư Khoa", hay "Ra chợ ngày thống nhất”. So sánh bài “Em ở nông trường, em ra biên giới” với bài “Tôi ru em ngủ” TCS làm trước ngày mất nước thì quả là một thức giấc dài trong dòng nhạc Trịnh trước khi ra nông trường thi công lao động Xã Hội Chủ Nghĩa buổi sớm mai.
Ngoài ba ca khúc lộn xộn, chả giống ai mà cũng chả ai nhớ đến,viết về cái tên cúng cơm của người nữ ca sĩ Hà thành: Bống bồng, bồng Bống rồi bồng bồng vàThuở Bống là người: “em đi Bống về, em về Bống đi”, TCS không viết được riêng cho giọng của cô một bài như những bài viết cho giọng Khánh Ly. Cô giựt các giải phần lớn là hát nhạc của các nhạc sĩ khác và kiếm rất nhiều tiền qua các bài trước 75 từ các phòng trà về đêm mà chủ nhân phải trả riêng cho công an phường để bảo kê.
Cho dù tìm mọi cách hâm nóng tình yêu hầu đánh thức lại thiên tài âm nhạc của TCS, nhưng cô ca sĩ răng khểnh cũng không thành công, không phải vì người nhạc sĩ hết tài mà chính vì đảng của cô đã thui chột hết mọi cảm hứng của các văn nghệ sĩ cả Nam lẫn Bắc khi sống trong chết độ ba khoan: gặp khoan yêu, yêu khoan cưới, cưới khoan đẻ. Nghệ thuật thứ hai phải viết bằng trái tim chứ không thể bằng nghị quyết hay chỉ đạo được. Nó cũng không thể viết bằng mua bán hay trao đổi.
Có quá nhiều binh lính và sĩ quan trong mọi binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tử trận nhưng duy chỉ có ba sĩ quan cấp Tá và một cấp Úy được người ngoài thân nhân, hay bạn thân luôn nhớ đến vì được các nhạc sĩ viết qua các bốn bài hát nổi tiếng: “Anh không chết đâu anh” vinh danh đại úy Pháo binhNguyễn Văn Đương, “Người ở lại Charlie” cho đại tá Nhẩy dù Nguyễn Đình Bảo của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” cho đại tá Không quân Phạm Phú Quốc của nhạc sĩ Phạm Duy và bài “Cho một người vừa nằm xuống”.
Có lẽ không có một đại tá nào trong tất cả các binh chủng của quân đội Việt Nam Cộng Hoà nổi tiếng bằng đại tá Lưu Kim Cương và không một trung tá nào vang danh hơn trung tá Nguyễn Đình Bảo. Lưu Kim Cương chiếm được mọi cảm tình trong giới quân đội vì bản tính vui vẻ và đặc biệt làmáu văn nghệ của ông. Nguyễn Đình Bảo chiếm được hết cảm tình của binh sĩ vì lòng can trường không sợ chết trước làn đạn của địch quân.
Tôi được thấy đại tá Lưu Kim Cương vài lần khi ông tới nhà chú tôi chơi. Lúc đó ông chỉ mang cấp bậc trung tá như chú tôi. Ông cao hơn cả cố vấn Mỹ và khuôn mặt rắn chắc đầy nghị lực trông như tài tử xi nê trong phim cao bồi miền viễn Tây vượt qua các sa mạc cằn cỗi. Chú tôi cũng cao như ôngvà cũng mang đầy máu văn nghệ nhưông: trung tá Không quân Lê Mộng H.
Có thắp đuốc đi khắp nước Mỹ, tôi nghĩ chắc bạn cũng chỉ tìm được vài người đàn ông có đủ kiên nhẫn ngồi đan áo lạnh cho người yêu mình trong ba ngày liên tiếp. Chú tôi chính là một người trong vài người đó và cũng vì vậy mà đã dễ dàng chiếm được cảm tình của một trong hai nữ tiếp viên hàng không nổi tiếng đẹp và sang trọng thuộc hãng Air Việt Nam năm xưa. Thím tôi là một và Bà Đặng Tuyết Mai, vợ của cốthiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, mẹ của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên là người kia.
Máu văn nghệ đã đưa đẩy viên đại tá dũng cảm, cường tráng và người nhạc sĩ gầy gòđa tài đến với nhau cùng với cô ca sĩ nhỏ bé, mệnh danh “nữ hoàng chân đất” nhưng có giọng trầm vang dội, Khánh Ly. TCS được cái nan dù Lưu Kim Cương che nên tha hồ làm nhạc phản chiến mà không sợ an ninh quân đội tới làm phiền. Bao nhiêu lần gặp trục trặc với tập “ca khúc da vàng” ra đời năm 1967 được cho là tột đỉnh của sự phản chiến trong dòng nhạc của người họ Trịnh, Lưu Kim Cương tiêu trừ tất cảdựa vào thế lực của Thủ tướng trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương và Phó Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Cao Kỳ.
Nhiều truyền thuyết nói về cuộc tình tay ba Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và Lưu Kim Cương. Nhất là sau 30 tháng tư, bọn bồi bút VC đã dựng lên câu chuyện Lưu Kim Cương ghen nên bắt Trịnh Công Sơn về Bảo Lộc và cho nửa tiểu đội lính luôn gác trước nhà Khánh Ly ở Đà Lạt. Dư luận viên còn cương lên: Lưu Kim Cương phì nộn ngồi nhậu rồi tuyến bố sẵn sàng làm thịt TCS nếu trái lệnh lén về Đà Lạt thăm người tình.
Chúng ngu tới mức không hiểu ra một điều nếu đại tá Lưu Kim Cương làm những điều trên thì tác phẩm viết “Cho một người vừa nằm xuống” sẽ không ra đời. Thật sự ra vì muốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự, nói nôm na là trốn lính, nên ông thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn và dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng sau khi tốt nghiệp.


Tôi có nhiều anh em ruột thịt và họ hàng gia nhập nhiều binh chủng trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà nên rất hiểu những người trong gia đình Không quân. Họ rất bay bướm, rất ga lăng nhưng rất tự cao. Không bao giờ dùng thế lực hay súng đạn để chiếm lòng người đẹp. Đối với họ đó là hèn, là nhát là bất tài. Có tài thì nhào vô chiếm được trái tim nàng, vô tài thì có là tướng cũng tự động biết điều, chuồn êm đi chỗ khác. Đại tá Lưu Kim Cương chỉ mến mộ giọng ca của Khánh Ly và coi KL thuần túy như là người em văn nghệ như ghi lại trong “Chuyện kể sau 40 năm” của KL:
 Trịnh Công Sơn và Khánh Ly tại Canada
“Cuộc gặp gỡ giữa anh em chúng tôi và Trung úy Lưu Kim Cương đơn giản như vậy. Tôi biết ơn anh vì anh là người duy nhất có cái nhìn thiện cảm với tôi. Anh là người đầu tiên và duy nhất khuyến khích tôi đi theo nghiệp dĩ này”.
Nếu muốn KL, nhạc sĩ TCS sẽ mãi không thể nào là đối thủ của vị đại tá oai hùng và nổi tiếng nhất của quân đội VNCH lúc đó. KL không phải là loại típ người đạt được bốn điểm mà các Tá Không quân lúc đó tìm: đẹp, cao, trắng và sang, thì họ mới thi nhau…cua giựt giải.
Năm xưa trường Taberd bị cộng nô giải thể, tôi phải qua Võ Trường Toản sát bên Trưng Vương học. Có quá nhiều nữ sinh Trưng Vương đẹp đến hớp hồn,đẹp thùy mị, đẹp kiêu sa, đẹp ngây thơ, đẹp đơn sơ, đẹp đài các, đẹp qúy phái, đẹp ngây ngất, đẹp sang trọng, đẹp nũng nịu, đẹp mi nhon, đẹp ngọt ngào, đẹp yêu kiều, đẹp nõn nà, đẹp thanh cao, đẹp khôn tả và đẹp thấy…mẹ. Nhưng rất khó có: vừa đẹp, vừa cao, vừa trắng lại vừa sang vì “Người con gái Việt Nam da vàng” và “Anh thấy em nhỏ xíu anh thương”.
Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung
Đẹp tới nỗi bà tôi phải vào than với mợ tôi khi chú tôi quyết định lấy thím tôi. Bà tôi sợ người trong họ tẩy chay không vào nhà thờ vì thím theo đạo Công giáo:
“Chị bảo. Nó đẹp đến nỗi tôi thấy còn phải mê nữa là thằng H. nhà tôi”.
Coi hình cũ của bà Đặng Tuyết Mai thời còn trẻ sẽ thấy được tiêu chuẩn của họ ngày đó. Kỳ Duyên thua mẹ mình về đẹp, trắng và sang. Chỉ hơn mẹ về chiều cao một tí.
Đại tá Lưu Kim Cương sinh năm 1933, trong một gia đình khá giả tại Hà Nội. Năm 1951 ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài 1 và tình nguyện nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, dự thi và trúng tuyển vào Quân chủng Không quânnăm sau. Ông được cử đi du học tại trường Võ Bị Không quân Pháp và Algérie và tốt nghiệp cuối năm 1953 với cấp bậc Thiếu úy. Năm 1955, Quân đội Quốc gia được cải danh thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Trung úy, rồi đến năm 1961, ông được thăng cấp Đại úy, được chỉ định vào chức vụ Chỉ huy phó Liên Phi đoàn 1 Vận tải.
Sau ba năm, ông được thăng cấp Thiếu tá và chuyển sang làm Trưởng phòng Hành quân của Biệt đoàn 83 (Thần phong) thuộc Không đoàn 33 chiến thuật. Đầu năm 1965, ông được chỉ định vào chức vụ Chỉ huy trưởng Liên Phi đoàn 1 Vận tải và qua năm sau, ông được thăng cấp Trung tá bổ nhiệm vào chức vụ Tư lệnh Không đoàn 33 chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Tân Sơn Nhứt.
Đúng mùng một Tết Mậu Thân, 1968, một cánh quân Việt Cộng tấn công căn cứ Không quân trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Có mặt tại căn cứ, Lưu Kim Cương đã “không quân đánh bộ” thành công chỉ huy dẹp tan quân địch hôm 23 tháng Hai. Ông bị thương ở chân do trúng đạn và được đặc cách vinh thăng cấp Đại tá tại nhiệm.
Mặc dù bị tổn thất nặng nề trong cuộc tổng công kích đợt 1 Tết Mậu Thân, tới trung tuần tháng 4, 1968 Việt Cộng lại mở cuộc tổng công kích đợt 2. Nhật báo Chính Luận ở Sài Gòn trong số ra ngày mùng 7, tháng 5, năm 1968 đăng tin: “Sáng ngày mùng 2 tháng 5 vào hồi 10 giờ, Đại tá Lưu Kim Cương, Tư Lệnh Không Đoàn 33 đã bị tử thương trong lúc ông đương đích thân chỉ huy một đơn vị bảo vệ vòng đai phi trường để đẩy lui một cánh quân Việt Cộng tại khu nghĩa trang Pháp gần ngã tư Bảy Hiền. Ông đã bị một tên Việt Cộng thủ súng B40, bắn một trái B40 trúng tấm mộ bia ngay bên cạnh, sức nổ và miểng đạn đã chặt đứt một cánh tay của ông và gây thêm nhiều vết thương nặng khác, khiến ông tắt thở tại chỗ. Một phóng viên truyền hình Pháp chạy theo Đại tá Cương cũng bị tử thương ngay bên”.
Đây là lần đầu tiên và duy nhất một sĩ quan mang cấp Đại tá, hàm tư lệnh của quân đội VNCH nói chung và của Không quân VN nói riêng đã hy sinh trong lúc trực chiến với địch. Ít ngày sau, tác phẩm “Cho Một Người Vừa Nằm Xuống” ra đời như là lời chia tay, một lời nhắn nhủ, xót xa man mác “nói cùng hư không” từ một người bạn phản chiến gửi ra:
Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du
Đứa con xưa đã tìm về nhà
Đất hoang vu khép lại hẹn hò
Mất Lưu Kim Cương, TCS mất đi sự che chở nhưng vẫn chống chiến tranh cho dù chứng kiến những mồ chôn tập thể của gần sáu ngàn thường dân Huế do người “giải phóng” cống hiến. Ông cho ra tiếp tập Kinh Việt Nam và hai tập nhạc phản chiến “Ta phải thấy mặt trời”, “Phụ khúc da vàng”. Tiếng tăm của ông đã vang ra quốc tế nên ông biết thiếu Lưu Kim Cương thì chính quyền Sàigòn cũng không dám làm khó dễ, nói chi tới bỏ tùông.
Trong các băng nhạc “Hát cho Quê hương Việt Nam” của Khánh Ly, những ca khúc phản chiến được bố trí khéo léo đan xen với các ca khúc trữ tình nên đều được phát hành hợp pháp tại miền Nam trước 1975. Chính vì thế các ca khúc phản chiến của ông được phổ biến khá rộng rãi, có ảnh hưởng lớn đến công chúng nhất là giới trí thức, sinh viên miền Nam cho tới ngày mất nước thì bị chính những người mà ông mới ca tụng “với thái độ tốt đẹp” trưa ngày 30 tháng 4 lên án phản chiến.
Hơn hai năm trước, ca sĩ Khánh Ly tuyên bố về VN hát đã gây nên một cuộc tranh luận không dứt. Tôi nghe nhiều người gào lên chúng ta đã mất chính nghĩa.
Ngồi trong sở làm tôi tự hỏi chính nghĩa của tôi là gì? Hình như tôi không có chính nghĩa theo như định nghĩa của họ thì phải. Tôi chỉ chống những cái sai và những kẻ ác độc. Tôi chống cộng triệt để nhưng không chống cộng cực đoan như bắt tất cả mọi người tôi gặp phải chống cộng. Tôi chống cộng vì tôi chống cái ác, cái hại dân, hại nước. Nếu một ngày nào đó chúng biết hối cải, biết ăn năn, biết xin lỗi, biết làm điều phải cho VN, tôi sẽ hết chống chúng cho dù biết bao nhiêu người thân của tôi mất vì chúng. 
Khánh Ly về VN hát thì KL cũng không phải biến thành người ác độc. Cũng không hại ai cả. Như vậy tại sao tôi phải chống. Còn nói nếu KL nhận tiền của VC thì tôi thấy mỗi năm người Việt hải ngoại gửi về VN gần 4 tỷ đô la nên VC mới có quá nhiều tìền trả cho KL. Như vậy phải nói KL nhận tiền của…Việt kiều mới đúng.
Cũng như nhạc sĩ Phạm Duy, TCS cũng nói mình chỉ là người hát rong: "Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo". TCS chắc chắn phải có những linh cảm về cái chết tức tưởi của sáu ngàn người cùng quê hương Thừa Thiên & Huế của ông.
Chỉ mỗi một người bạn chết, ông đã linh cảm viết lên ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống” trong ít ngày, sáu ngàn đồng bào ruột thịt chết quá nhiều làm ông mất cảm giác chăng? Nếu nói ông phản chiến thì tại sao ông không phản chiến trong trận chiến giữa VC và Trung cộng năm 79 và VC với Pol Pot năm 89?
Như một lần ông đã viết “Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống”, tôi nghĩ ông biết rõ đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì phải mặc áo giấy, nên chỉ dám phản chiến khi sống với quốc qia chứ nào dám hó hé với VC. Ông không hề linh cảm mà chỉ muốn đùa cợt trong cuộc sống này với những người quốc gia và cộng sản mà thôi.
Năm 1998 hãng Boeing gửi tôi qua Nam California làm 9 tháng cho chương trình phi đạn Delta 4. Tôi vào đại học USC ghi danh để học cho xong chương trình hậu đại học còn dang dở. Trong sân trường, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, tôi gặp một nữ sinh viên Lào theo học nghành kỹ sư. Tôi giúp cô ta lượm cuốn sách rơi nên bắt chuyện làm quen. Tôi kể cô nghe một người quen bên Lào cho tôi hay phần lớn dân Lào bị đẩy ra ngoài thành phố, dành chỗ cho người Hoa sinh sống và buôn bán. Khi tôi tiên đoán nước Lào sẽ bị đổi tên không lâu, cô nhất định cãi lại nhưng hai mắt cô từ từ đẫm lệ. Tôi cũng ngậm ngùi nói nước Việt Nam của tôi cũng sẽ bị đổi tên luôn.
Hãy nhìn vào bản đồ nước Trung Hoa ta sẽ thấy ngay hiểm họa. Dân Tàu không lên miền bắc vì chỉ có tuyết và băng sơn. Qua hướng Tây thì dãy Hy Mã Lạp Sơn cao ngất trời, không cây nào có thể mọc trên đá được. Qua hướng Đông là Thái Bình Dương với nước biển và muối. Chỉ có miền Nam trù phú, phì nhiêu, khí hậu ôn hoà dễ sống. Người Trung quốc chỉ có một con đường đi duy nhất mà thôi. Họ không ngừng ở Việt Miên Lào đâu. Thái Lan và Mã Lai sẽ là bước kế tiếp.
Hơn ba mươi năm đi làm, tôi chưa gặp được một kỹ sư Lào. Gặp một Cam bốt, một Mã Lai, một Thái và ba Nam Dương. Kỹ sư Tàu và Việt Nam thì vô số kể. Hèn chi, các nhà quân sự trên thế gìới đều nhận định VN là cái khúc xương khó nuốt nhất của Trung cộng trong vùng Đông Nam Á. Mất VN, toàn bộ Đông Nam Á sẽ nằm trong tay Trung Nam Hải.
Mộ của chuẩn tướng Lưu Kim Cương đã bị khai quật vì nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi đã bị dẹp để làm cung thiếu nhi vì bác Chương thích nhi đồng cứu quốc hơn lấy vợ. Lăng Hồ ở Hà Nội, mộ Võ Nguyên Giáp trong nghĩa trang Mai Dịch, mộ của Trịng Công Sơn ở Thủ Đức cũng sẽ bị quật lên nay mai vì những người “giải phóng” sẽ dâng hiến cho Tàu cộng không lâu.
Người Trung quốc cần đất chứ không cần nhạc, nhất là một bài nhạc tình Việt Nam.
Đất hoang vu sẽ mãi khép lại mà không hẹn hò.
Ngày quốc hận 30/4/2017
Lê Như Đức

 

 

 

 

THỦY ĐIỀN * NHỮNG QUẢ NHÀU GIÀ


 NHỮNG QUẢ NHÀU GIÀ

THỦY ĐIỀN



   

Sau tết Nguyên đán đúng một tuần. Hôm nay là ngày hạ nêu, mấy ông bố trẻ trong thôn xúm nhau nhậu một trận rồi cùng bàn tán: Hôm tết sang nhà thằng sáu Mận xông đất thấy một điều rất lạ kỳ. Thuở đời tết người ta cúng mâm ngũ quả hoặc là những thứ trái cây khác mà xưa nay ông bà mình hay cúng. Ngược lại hắn không làm thế mà chỉ cúng toàn những quả Nhàu già mà hắn bẻ sau vườn. Thế mà vợ và ông Nhạc gia hắn chẳng nói lời nào mới hay chứ.
Thằng sáu Mận tên thật là Anh Tuấn, vì hắn thích ăn quả mận từ nhỏ nên người ta đặt cho hắn cái biệt danh chết là sáu Mận. Hắn là dân gốc gác Gò vấp- thành phố Hồ Chí Minh. Nói dân thành phố nghe xôm tụ chớ hắn sống trong một hẻm nhỏ rất nghèo nàn. Gia đình hắn sống bằng nghề vác mướn, học hành thì ít. Tuy nghèo, nhưng hắn luôn mang hoài bảo là một ngày nào đó hắn sẽ trở thành một ông nhà giàu to tát.
Một hôm trong tiệc nhậu vĩa hè, hắn được một người bạn rủ rê về miền tây làm đồng mướn, cơm nước và chỗ ở đều có chủ lo hết. Nghe xong, hắn khoái quá và đi theo bạn. Thật đúng thế, hắn được một gia đình nông dân tương đối khá giả, chỉ có hai cô con gái độc nhất, nhận hắn làm việc cho nhà ông. Cơm nước ông lo hết, tiền lương cũng giống như người khác, nhưng tối phải về nhà trọ ở tạm.
Qua nhiều năm làm việc ông chủ thấy hắn hiền, làm việc tốt hơn nữa hắn có cái mả đẹp trai nên cũng được nhiều cô trong làng quí mến. Và, cuối cùng hắn được cô con gái lớn ông chủ ngã lòng yêu thương. Hai người yêu nhau gần một năm và được ông chủ gã con gái. Sau khi cưới nhau xong, hắn được ông chủ cho ba công đất có huê lợi sẵn để tự sinh sống. Buồn ngủ gặp chiếu manh, hắn thừa cơ hội trồng trọt thêm đủ thứ và nuôi rất nhiều gia súc nên đới sống gia đình hắn càng ngày, càng ăn nên, làm ra khá khỉnh thấy rõ.
Hắn có bản tình tin dị đoan và hay nghe ngóng thiên hạ nói những điều gì nếu thấy hay là để trong đầu rồi làm theo. Ngày xưa còn nhỏ hắn thường nghe mấy bọn nhậu nói dần lân có một câu mà hắn cứ giữ mãi trong tâm trí và hứa sẽ thực hiện khi mình có cơ hội.
Sau vườn nhà hắn được trồng đủ thứ các trái cây miền tây nam bộ như: Lôm chôm , Vú sữa, Xoài, Mận , Chanh, Bưởi v...v...Nhưng đặc biệt chỉ thiếu loại cây Nhàu. Vì thích trồng cây Nhàu nên hắn đi khắp thôn để xin cho được giống và mang về nhà trồng. Chỉ trong vòng hai năm sau vườn nhà hắn có cả chục cây Nhàu thật tốt và quả rất nhiều. Có mấy lần người ta đến mua để làm trà Nhàu uống trị bệnh đau lưng, nhưng hắn nhất quyết không bán dù giá cả bao nhiêu. Hắn nghĩ bán nó đi là bán sự may mắn của mình.

Mấy năm vào ngày tết hắn không có Nhàu để cúng là trong dạ hắn cũng chẳng mấy được vui. Năm nay vườn nhà có quá nhiều quả Nhàu hắn lựa toàn những quả già bẻ mang vào nhà cúng từ trước đến sau. Nghĩa là nơi nào có bàn thờ là hắn đều cúng cả và không cúng những thứ khác. Vợ hắn bất bình, nhưng hắn cứ cương quyết. Bố vợ hắn cũng chẳng mấy hài lòng khi thấy hắn làm toàn những điều trái ngược phong tục tập quán xưa nay, nhưng cũng phải đành bó tay chịu thua hắn.


Đúng mùng một tết có nhiều người đến nhà hắn xông đất, ai ai cũng đều ngạc nhiên và hỏi? Hắn chỉ trả lời võn vẹn: Cúng để vái van đừng bệnh tật vậy mà, hàng ngày thay vì mình nấu nó với nước để uống thế trà, nhưng làm sao mình uống cho nổi chứ, bằng cách cúng cho ông bà chứng giám lòng mình hy vọng sẽ được tốt hơn. Khi nghe hắn nói mọi người chỉ biết lặng thinh mà chẳng hiểu hắn nghĩ và muốn điều gì.
Khi tết xong, Nhạc gia hắn cho mời hắn sang để hỏi rõ tường tận. Đúng ra thì hắn chẳng nói điều nầy với ai kể cả vợ hắn. Nhưng gì nể tình cha vợ người mà hắn mang ơn suốt cả một đời nên hắn phải đành thú thật.
Thưa ba, con cúng quả Nhàu già là ý con muốn trở thành một nhà giàu trong tương lai đó ba. Ông già té ngữa ra cười. Thế là đã hiểu "Nhàu già là Nhà giàu "Chí lý. Một con người có tâm quyết thì rất được đáng ngợi khen. Vậy năm sau ba cũng sẽ làm như con và khuyến khích cả làng nầy đều làm như thế..


Thủy Điền

15-05-2017

 

Saturday, May 27, 2017

VÕ KỲ ĐIỀN * ĐÁ HOA CƯƠNG

ĐÁ HOA CƯƠNG

VÕ KỲ ĐIỀNCứ mỗi lần tiếng chuông reo vang báo hiệu giờ học bắt đầu, giáo sư lục tục kéo nhau xuống lớp thì tôi đều bước ngang qua cái bảng phân phối giờ dạy thật to gắn trên tường của phòng hội, liếc qua coi buổi sáng nay phụ trách lớp mấy. Nếu không vậy thì thế nào tôi cũng đi lộn vào lớp của giáo sư khác. Cái tật xấu hay nhớ trước quên sau đó, thường bị học trò cười hoài. Nhiều khi lớp của người ta đã ổn định, thầy đang điểm danh, tôi từ từ đi vô như là lớp của mình, quên mất là còn có anh bạn giáo sư đang ngồi lù lù ở trên bàn viết. Những lúc đó, đám học trò có dịp làm ồn:
-Lộn tiệm rồi, thầy ơi !
 
Cứ năm ba tuần là tôi đi lộn lớp một lần. Một phần vì tánh đãng trí hay quên, một phần vì cái trường Hoàng Diệu nầy quá lớn. Trường có trên năm chục lớp với gần một trăm giáo sư. Hành lang cái nào cái nấy dài hun hút. Phòng học, cửa cái, cửa sổ, sơn cùng màu, bàn ghế sắp xếp giống hịch nhau. Không lộn sao được! Có lần thằng Sơn, trưởng lớp Đệ Nhị A7 nhắc khéo:
-Lớp của tụi em có anh Quì ngồi ở đầu bàn. Hễ thấy cái lưng của ảnh, thầy đi vô là trúng phóc.

Thằng Sơn thiệt là xéo xắc. Quì thì làm sao tôi quên được. Ở đầu bàn, nghe Sơn nói, Quì cười gượng gạo. Tôi chợt hiểu ra cái ý xỏ xiên. Ở lớp nầy, Quì nổi tiếng nhiều mặt nhưng cái vụ mập mạp thì nó đoạt giải nhứt. Nó mới có mười bảy tuổi mà sao lớn con quá! Cái lưng dài sọc, cái vai to sầm, còn cái bụng chang bang như đàn bà có thai ba bốn tháng. Nếu đem cân kí lô thì tôi thua nó rõ ràng. Lúc đó tôi mới ra trường, ốm nhách, nhỏ xíu, đen thui. Tụi học trò ở tỉnh nầy, đứa nào đứa nấy tuổi còn nhỏ mà thân thể bự con, dềnh dàng. Có anh bạn bàn rằng vì chiến tranh loạn lạc, ở thôn quê khai sanh bị thất lạc, phải làm lại, người ta sửa tuổi cho nhỏ hơn để tiện việc học hành, quân dịch. Câu nói đó chắc đúng ở trường hợp thằng Quì. So với vóc dáng to lớn đó, tôi không tin nó mười bảy tuổi.
 
Có lần ngồi coi văn nghệ học sinh trình diễn, Quì đang hát trên bục cao, tôi quay qua ông hiệu trưởng nói nhỏ:
-Thằng Quì nó mới mười bảy tuổi mà sao bự quá!
-Anh nhắm coi nó cỡ bao nhiêu?
-Ít ra cũng hai chục!
Rồi tôi tiếp:
-Thằng Quì nó học hát hồi nào mà hay như ca sĩ chuyên nghiệp. Nó mà về Sài gòn thì thế nào cũng nổi tiếng như Anh Ngọc, Nhật Trường...
-Thì cũng nhờ hát hay nên trường mình mới nhận vô. Chớ nó thì học dở lắm.
Rồi ông cho tôi biết, năm trước Quì được nhận vào trường công không phải nhờ thi đậu, cũng không phải do học giỏi mà nhờ cái giọng ca đặc biệt. Nó học trường Trần Văn, một trường tư trong tỉnh. Nghe đâu nhà ở Cái Tắc, Chương Thiện gì đó. Nghèo lắm phải lên Sóc Trăng ăn đậu ở nhờ nhà một người quen để học. Năm ngoái các trường trong tỉnh có tổ chức một đại hội thi đua văn nghệ, Quì với giọng ca ấm áp, truyền cảm, ngọt ngào, đã chinh phục tất cả quan khách, thầy cô giáo, khiến cho mọi người có mặt hôm đó ngẩn ngơ. Tiếng vỗ tay không dứt. Nó đoạt giải dễ dàng. Trường Hoàng Diệu là trường công lớn nhứt tỉnh, không lẽ chịu thua trường . Anh em giáo sư bàn bạc với nhau vì nhu cầu sinh hoạt văn nghệ của trường, cần có một vài học sinh hát hay để làm nồng cốt cho các buổi trình diễn, nên cuối cùng Hội Đồng Giáo sư quyết định thâu nhận đặc biệt Quì vào trường. Thế là nó được học trường công nhờ cái tài năng thiên phú đó.
                                                                                                 *
 Riêng tôi, tôi biết Quì hơi trễ. Vài tuần sau khi tôi dạy lớp nó, tôi lật sổ điểm danh, cầm viết dò tên học trò từ trên xuống dưới. Đến tên Quì tôi thấy là lạ, bèn kêu lên để hỏi bài. Tôi nhìn xuống dưới các dãy bàn để coi đứa nào. Quí đứng lên phục phịch, để tập và sách giáo khoa lên bàn rồi khoanh tay chờ hỏi, dáng lo lắng. Tôi cười nhìn nó:
-Đứng vậy được rồi, đừng có khoanh tay. Lên trả bài, chớ bộ đi hầu quan lớn sao!
Tập vở nó sạch sẽ, chữ viết đẹp, nét đều đặn ngay thẳng. Tôi lật tìm bài đang kiểm soát trong sách giáo khoa. Khi lật trang đầu, tôi đọc thấy hai câu thơ viết nắn nót ở phía dưới cái tên Trần Văn Quì;
Nếu làm hoa làm hoa hướng dương
Nếu làm đá làm đá hoa cương 

Hai câu ý rất lạ, làm tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ thoáng trong đầu. Nó tên Quì mà dùng hai câu nầy để tỏ bày chí hướng cao xa thì khéo quá _ hoa quì một dạ hướng dương. Nhưng trình độ một học sinh đệ tam thì làm sao viết hay được như vậy. Tôi nhìn kỹ lại khuôn mặt Quì cho rõ hơn. Mặt nó hơi thô vì bề ngang to hơn bề dọc, thành ra cái trán, cái mũi, cái càm ngắn ngủn. Hai gò má bầu bĩnh, đầy thịt, khiến khi cười cặp mắt híp lại. Bình thường cặp mắt nhỏ dài, ánh mắt lanh. Tóc mọc lấn hai bên thái dương nên cái trán hẹp lép. Nó chỉ được có cái miệng đẹp. Đôi môi mỏng, đều đặn hồng hồng, hàm răng trắng bóng đều đặn. Nhìn chung con người nó thô, vóc dáng cục mịch, không phải là tướng học trò. Tôi đoán rằng hai câu thơ trên không phải do nó nghĩ ra. Tuy thắc mắc nhưng tôi không tiện hỏi, trong bụng nghĩ rằng nó tình cờ đọc được ở đâu đó rồi chép lại.

Từ đó, tôi càng chú ý tới nó hơn. Quì rất ngoan ngoản, lễ phép, dễ thương, nói năng nhỏ nhẹ, tuy có điều học quá dở. Làm sao tôi quên được một buổi học về ca dao, tôi biểu nó đọc bài Trấn Thủ Lưu Đồn:
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.
-Em giải nghiã câu nầy ra văn xuôi cho tôi nghe!
Tôi thấy nó suy nghĩ hồi lâu, rồi mặt đỏ rần, miệng ấp úng:
-Dạ thưa thầy, khó nói quá!
Tôi ngạc nhiên:
-Em hiểu sao cứ nói vậy. Có trật tôi sửa cho.
Nó ngần ngừ lựa lời:
-Dạ, hai câu nầy theo em hiểu, thì ban ngày mấy người lính phải canh gác, coi chừng mấy cô gái làm cái nghề... bậy bạ, ban đêm thì tụ tập lại để làm quan! chắc họ hát bội cho vui !.
Tụi bạn nó ngồi ở dưới, ban đầu chưa hiểu tại sao nó lại giải nghiã như vậy, cả lớp lặng im. Bỗng có tiếng cười của một đứa, rồi hai đứa, rồi cả lớp xúm nhau cười rần rần. Đứa nầy lấy cùi chỏ thúc đứa kia, đứa kia lại ghé miệng vào tai giải nghiã cho đứa nọ hiểu. Tôi ngồi ở trên, rán nín cười mà không kìm lại được, đành làm bộ đứng dậy, quay mặt vào bảng đen, cười đến chảy nước mắt. Tội nghiệp, thằng Quì đứng đó, mặt bơ. Nó không hiểu tại sao cả lớp lại cười lăn nghiêng lăn ngửa. Nó đưa mắt nhìn tôi dò hỏi.
Tôi từ từ giải nghiã cho nó:
-Em hiểu như vậy là sai rồi ! Chữ "điếm" trong bài nầy là cái trạm canh, bây giờ người ta gọi là cái đồn hay cái bót gác, chớ không phải là mấy cái cô gì... bậy bạ đó đâu! Còn "dồn việc quan" là người lính thú phải gánh vác tất cả các việc vất vả trong doanh trại, cũng như bị các quan trên sai khiến làm việc cực nhọc, không được nghỉ ngơi.
Nó vừa ngồi xuống, vừa cười vừa mắc cỡ, mặt mày đỏ lơ đỏ lưởng. Đại khái sự hiểu biết của Quì rất giới hạn. Quì cũng biết mình kém cỏi nên rất chịu khó học hỏi, nhún nhường. Được một điều, các sinh hoạt xã hội, văn nghệ là nó xung phong đi đầu. Nó hoạt động hăng say không biết mệt. bảy giờ sáng, năm giờ chiều, một hai giờ khuya, chỗ nào có đám đông là có mặt Quì. Bạn bè đứa nào cũng mến nó. Mấy cô bạn gái lúc nào cũng nhắc nhở tới tên nó luôn: -Anh Quì giúp em làm cái nầy_ Anh Quì giúp em làm cái kia. _Anh Quì hát cho em nghe cái bài gì hôm trước anh hát ở trong lớp đó !
Hình như chưa bao giờ Quì từ chối giúp ai điều gì. Nhiều khi nghĩ tới Quì, tôi ước ao phải chi nó học hành được khá thêm một chút thì hoàn hảo. Tôi có nói ý nghĩ nầy với ông Hiệu Trưởng. Ông ta cũng đồng ý với tôi. Anh Hiếu già, giáo sư Lý Hoá cũng góp ý:
-Chắc tại nó nghèo quá nên học không vô. Hay là mình xuất quỹ nhà trường để giúp thêm chút ít cho nó đủ tiền ăn học. Tiền bạc có thoải mái thì trí óc mới sáng suốt được. Thằng Quì cũng dễ thương, biết chịu khó...
Ông Hiệu Trưởng cũng đồng một ý nhưng theo nguyên tắc, không thể lấy tiền quỹ của Hiệu Đoàn để cho riêng một học sinh được. Chúng tôi bàn bàn nhau, mỗi tháng đóng góp người một ít để giúp cho Quì một số tiền nhỏ, phụ giúp nó các khoản ăn mặc, chi tiêu. Còn nhà ở thì dễ quá. Ông Tổng Giám Thị dọn dẹp cho nó một cái phòng trống cạnh kho chứa vật liệu cũ của trường. Có điện, có nước đầy đủ. Nó vừa ở học, vừa phụ với ông gác dan, coi sóc trường sở! Anh em giáo sư cũng hết lòng hướng dẫn nó học tập. Nhiều ngày chủ nhựt có dịp đi ngang trường, tôi thường thấy xe của Hiếu già đậu trước cửa phòng nó. Hiếu già rảnh rổi, ế vợ nên chưa có con, nhà cửa khá giả, lấy việc dạy học thêm cho Quì làm niềm vui. Anh thường khoe với tôi:
-Lúc nầy Quì học tiến bộ lắm đó. Làm bài không còn lụp chụp như trước nữa đâu      Tôi tin anh Hiếu già. Tôi tin Quì nó tiến bộ môn Lý Hoá. Nhưng môn Việt Văn của tôi thì Quì càng học càng dở, không khá được hơn chút nào! Tôi kiên nhẫn, tìm đủ mọi cách giải nghiã thật đơn giản cho Quì hiểu, nhưng rốt cuộc rồi hoài công vô ích. Chưa một bài luận nào của nó mà tôi cho trên năm điểm. Câu văn dài dòng, lê thê, không tìm thấy dấu chấm phết. Phần nhiều thì lạc đề ! Nó viết lan man trên trời dưới đất, không ăn nhập gì với đầu bài. Ý tưởng lộn xộn, lạ lùng. Xen vào đó là những danh từ rất đặc biệt, tôi ít khi nghe. Nhưng cái điều làm tôi bực mình nhứt là nó thường viết chữ " f " thay cho chữ "ph". Mỗi lần bắt gặp chữ nầy, tôi lấy viết đỏ khoanh tròn nhiều vòng, ghi lớn bên cạnh câu nhận xét "chữ quốc ngữ không bao giờ có mẫu tự nầy ". Nó nghe lời sửa chữa được vài lần nhưng sau đó thì chữ
" f " ngứa mắt nầy lại thấy nhan nhản trong các bài luận. Nhiều đêm chấm xong bài của nó, tôi tức phát mệt. Tuy vậy tôi cũng rán sửa từng chữ, từng câu hy vọng một ngày đẹp trời nào đó nó sẽ khá hơn. Nhưng ngày đó còn xa vời quá.

Cho đến một ngày gần cuối niên học, buổi trưa trời nắng gắt, tôi dạy xong ra khỏi lớp nhưng chưa về liền, đến ngồi ở băng đá, cạnh hồ nước có trồng sen thì Quì đến ngồi kế bên, tâm sự:
-Thầy ơi ! Sao nghĩ tới tương lai, em buồn quá!
Tôi ân cần hỏi lại:
-Em có gặp chuyện gì rắc rối không ? Có khó khăn gì cho tôi biết với !
Nó trả lời, giọng buồn buồn:
-Năm nay em tới tuổi quân dịch. Chuyện thi cử thì quá khó khăn đối với em. Làm sao mà thoát được kỳ nầy. Đi lính thì phải bỏ học. Lỡ dở hết...
Tôi an ủi nó bằng một câu thật tầm thường, không nói thì thiếu, mà nói ra thì hơi...dư:
-Em rán hết sức từ giờ đến khi thi, thì sẽ đậu được. Không có gì khó khăn lắm đâu. Đừng nản lòng. Tôi hồi nhỏ học còn dở hơn em nhiều lắm, lần hồi rồi cũng xong!
Khuôn mặt của Quì chiều hôm đó, ảm đạm quá. Tôi thương nó mà đành bất lực. Quì ngồi hồi lâu, khe khẻ nói:
-Chẳng thà em vô bưng, còn hơn đi lính quốc gia đánh mướn cho Mỹ !
Nghe xong tôi muốn á khẩu, lỗ tai lùng bùng. Trời đất ơi ! Thằng Quì ngoan ngoản, hiền lành, nó có được ý nghĩ kỳ lạ vậy sao? Trong đầu tôi, một tia sáng lóe ra. À, cái chữ " f " thường bắt gặp trong các bài luận văn với hai câu thơ lạ viết trên bìa sách giáo khoa của nó, bây giờ trở nên dễ hiểu quá. Rõ ràng có người hướng dẫn, dạy dỗ nó ngoài anh em giáo sư tụi tôi.
Nếu làm hoa làm hoa hướng dương
Nếu làm đá làm đá hoa cương
Thằng Quì muốn làm đá hoa cương.
Được lắm! Thứ đá xanh cứng rắn nầy, người ta sẽ dùng búa thầu để đập nhỏ nó ra để lót đường đi. Rồi nó sẽ bị thứ xe hủ lô chủ nghiã nghiền nát, cán dẹp. Không kịp suy nghĩ, tôi buột miệng:
-Đừng, đừng, em sẽ đậu trong kỳ thi nầy. Còn nếu không may, thì em cũng đừng theo họ. Tôi không thích cái chủ nghiã coi con người như con vật nô lệ, tự động nhắm mắt tuân theo những định luật vật chất, kinh tế như cái răng trong một bánh xe, con ốc trong bộ máy. Con người phải được tự do trong tư tưởng, trong hành động...
Quì ngát lời tôi:
-Em thì không thích cái xã hội bất công, giàu nghèo xa cách quá. Thầy nghĩ thế nào khi thấy người thì lên xe xuống ngựa, kẻ thì cơm không có ăn, áo không có mặc !
-Tôi cũng đồng ý với em, chúng ta không thể chấp nhận sự bất công. Nhưng hiện tại đâu có nơi nào có sự công bằng tuyệt đối. Có thiên đường là nơi lý tưởng nhứt nhưng chỉ dành riêng cho người đã chết rồi ! Còn trên trái đất nầy thì chỉ có cái hạnh phúc tương đối thôi. Để so sánh hai chế độ, tôi nhắc cho em nhớ câu nói nầy của ông Churchill -"Chế độ tư bản bất công ở chỗ phân chia sự giàu có không đồng đều, còn chế độ cộng sản rất công bình vì nó chia rất đều sự nghèo đói "
Nó ngồi trầm ngâm hồi lâu:
-Thầy không biết mới nói vậy chớ trong đó có tới mười hai cái tự do, tám thứ quyền lợi. Mấy ảnh nói với em khi cách mạng thành công, mình sẽ được sung sướng lắm !
Tôi nghe xong, biết ý nó đã quyết, nhưng cố vớt vát:
-Em phải biết ở dưới miếng mồi thơm, luôn luôn có cái lưỡi câu thiệt bén! Đừng để bị dối gạt bằng những lời hứa hẹn mơ hồ...
Nó cắn chặt môi, mắt chớp chớp không nói.
Tôi nắm lấy tay nó, thiết tha:
-Nếu ở trong lớp, tôi biết có đứa nào nghĩ như em vừa rồi thì không cản đâu! Riêng Quì, tôi coi như mấy đứa em ruột trong nhà, tôi thấy có bổn phận phải nhắc nhở. Nghe tôi nói, Quì ơi, đừng có dại dột phiêu lưu. Tuổi trẻ máu nóng lắm, phải suy nghĩ kỹ trước khi dấn thân. Kẹt vô rồi là ra không được. Cái gì mình sắp làm phải nghĩ tới hậu quả. Đừng để lỡ lầm rồi mới nói câu -" phải chi hồi đó ..."
Nó ngồi bất động, ánh mắt xa xôi, diệu vợi.
Rồi nó cúi xuống, lượm một cục sỏi, chọi mạnh xuống mặt hồ, phủi tay đứng dậy:
-Cám ơn thầy thương mà chỉ dẫn, em sẽ nghe lời...
                                                                                               ***
Cũng may mà thằng Quì không nghe theo tôi nên khi tôi gặp lại thì nó đang bắt đầu bước thẳng trên con đường tương lai sáng trưng. Mới có mấy năm xa cách, Quì thay đổi hẵn ra. Đầu đội nón tai bèo, chân mang dép râu, bên hông đeo khẩu súng ngắn, vai mang chiếc bóp da. Nó ngồi tại cái bàn của ông Hiệu Trưởng, thân thể có hơi ốm hơn lúc trước, cộng thêm nét dày dạn, đen đúa, phong sương. Duy cặp môi và ánh mắt thì khác nhiều. Cặp môi thâm hơn. Vẻ trưởng thành, già giặn hiện rõ trên khuôn mặt. Những ngày đầu tháng năm, biểu ngữ cờ sao đầy phố. Trường tôi cũng đỏ rực một màu cờ máu. Ông Hiệu Trưởng, vốn đã nhỏ con, bây giờ gầy tóp lại. Cái cà-vạt thường ngày không còn. Ông lại bỏ áo ra ngoài, chưn mang dép, coi cũng có vẻ giác ngộ cách mạng. Duy có Hiếu già, vẫn áo bỏ trong quần, chưn mang giày da, tay cầm cặp sách như lúc còn đi dạy. Mặt anh bình thản, không buồn không vui. Anh em chúng tôi, buổi sáng đó, đến ghi danh trình diện với Quì. Nó đại diện Ty đến tiếp thu trường sở. Ông Hiệu Trưởng kề tai tôi nói nhỏ như tự trấn tỉnh:
-Cũng may Quì nó đến tiếp thâu trường mình, người lạ thì mệt hơn. Dầu sao thì cũng là học trò cũ, anh em mình cũng không có làm gì bậy...
Quì thấy chúng tôi lục tục kéo đến, chạy ra chào hỏi niềm nỡ.
Nó gật đầu chào tôi, thái độ cũng y như xưa:
-Em cũng có ý trông thầy nãy giờ. Lâu quá gặp lại mấy thầy, em mừng lắm. Không ngờ ngày nay đất nước lại độc lập, thanh bình. Thầy Điền hơi khá hơn lúc trước, còn thầy Hiếu thì y như xưa, không có gì thay đổi...
Tôi cảm thấy hơi yên tâm. Ông Hiệu Trưởng dè dặt:
-Anh Quì chỉ cho tôi biết cách thức làm sổ sách giấy tờ cho đúng cách...
-Thầy đừng lo. Sổ sách trường thì cũng đơn giản, không có gì khó khăn đâu. Để em làm cho mỗi thầy giấy trình diện để tiện việc đi lại
Anh bạn giáo sư nhạc, người đỡ đầu cho Quì ngày xưa, sung sướng hớn hở ra mặt. Anh coi cái vinh dự của Quì như của chính anh.. Anh khoa tay giửa đám đông giáo sư, nói bô bô:
-Hồi Mậu Thân, tôi xúi nó theo cách mạng đó. Phải nghe lời người ta theo "nguỵ " thì bây giờ chết ngắc rồi !
Anh nói trơn tru, gọn lỏn. Tay chống nạnh, mặt nghinh nghinh qua tôi. Tôi cảm thấy nhột quá. Anh ngó ngang ngó dọc, thấy Hiếu già quần áo chỉnh tề, đi dọc theo hành lang, vẫn từ tốn, chững chạc, anh lẩm bẩm cốt để Quì nghe:
-Mẹ, giờ nầy mà còn khệnh khạng, cái bịnh tiểu tư sản vẫn không chừa !
Quì nghe rõ nhưng không nói. Tôi không biết nó nghĩ gì trong đầu. Bảy năm không tiếp xúc làm sao tôi đoán được những đổi thay. Tôi nhìn lại cái bàn viết, cái tủ đựng hồ sơ, mấy cái ghế dành cho khách vẫn y chỗ cũ. Cái bản đồ Việt
Nam vẫn treo trên tường. Cái cờ hiệu đoàn Hoàng Diệu ngày xưa tôi đặt thêu ở Sài Gòn vẫn còn đó. Duy có một sự thay đổi nhỏ. Ông Hiệu Trường đứng ở dưới, còn thằng Quì thì ngồi ở trên. Tôi đứng sau lưng ông Hiệu Trưởng nghĩ quẩn nghĩ quanh, sực nhớ tới câu nói của một chánh trị gia -"sau bất cứ một cuộc cách mạng nào chỉ có thành phần lãnh đạo thay đổi, còn nhân dân cũng hoàn là nhân dân". Như vậy ở trường Hoàng Diệu nầy, ai thuộc thành phần lãnh đạo ? Ai là nhân dân?
Tôi, Hiếu già, các bạn giáo sư nam nữ được sắp hạng ở cái chỗ nào ?
Còn chỗ nào nữa, tụi tôi đâu phải là nhân dân. Quì lại gần tôi:
-Thầy đừng có lo. Chánh sách bảy điểm của chánh phủ lâm thời đã ghi rõ ràng, người ta phải thi hành cho đúng. Hơn nữa, nếu gì thì còn có em. Hỗng lẽ em lại không giúp được cho mấy thầy chút ít gì sao !
Sau đó gần một tháng, quả nhiên Quì đã giúp cho anh em giáo sư chúng tôi. Nó khiêng dùm cho ông Hiệu Trưởng cái ba lô bự, tay xách thêm cái xắc tay dùm cho Hiếu già, đưa tụi tôi thẳng lên xe nhà binh để đến trại học tập. Nó nắm tay tôi từ giả:
-Thầy đi bình yên ! Học tạp một thời gian ngắn rồi về ! Ở trại đầy đủ tiện nghi, thầy đừng sợ thiếu thốn. Nếu có dịp, em sẽ đến thăm...
Nó móc túi trên túi dưới, cuối cùng lôi ra gói Vàm Cỏ còn phân nữa, nhét vào túi áo tôi, nói ngập ngừng:
-Thầy hút cho ấm khi đi đường... Tiếc quá, em chỉ có bấy nhiêu !
Tôi không biết hút thuốc nhưng vẫn lấy cho nó vui. Cái bao thuốc dẹp lép nằm trong tuí áo sát bên ngực, lòng tôi chừng ấm lại. Lúc xe gần chạy, chợt nhớ lại khung trường thân yêu tôi đã gần mười năm dạy ở đó, dặn vói với Quì:
-Ở trước thư viện, tôi mới trồng bốn cây bông điệp, mùa nắng nầy nếu không tưới, sợ nó khó sống, em nhớ dặn chú Cân nhớ chăm sóc, coi chừng dùm thầy...
Khi xe đã chạy, một anh sĩ quan ngồi bên cạnh nói với tôi:
-Thầy giáo lo xa quá, đất trống bây giờ dùng để trồng khoai lang, khoai mì, rau muống, ...còn chỗ nào mà trồng bông...
                                                                                      ***
Thằng cha nói bậy vậy mà trúng quá. Sáu tháng sau, tôi được trở về với miếng giấy phóng thích nhỏ bằng bàn tay có ghi câu: "Không thời hạn quản chế " Phước đức ông bà mười đời còn sót lại. Số tôi còn hơi đo đỏ sau cuộc bể dâu. Tôi đi trên con đường từ nhà đến trường, thấy người ta đông như ngày hội. Thiên hạ túa ra đường để bán quần áo cũ, chén dĩa, giày dép. Tôi không tìm thấy nụ cười trên các gương mặt xanh xao, héo úa đó. Mặt tôi thì cũng không hơn gì, tàn tạ, thê lương. Trong đầu tôi nhớ đến Hoàng Diệu rõ nét. Cái cổng trường có giàn bông giấy, cái hồ nước trồng sen trước phòng ông Hiệu Trưởng, các dãy hành lang dài hun hút... và nhứt là Quì, cái phao hy vọng mà tôi sẽ phải bám vào.
Tôi gặp ngay chú Cân ngồi ở băng đá thảnh thơi. Sân trường được chia ra nhiều khoảng nhỏ trồng rau lang, trồng cải. Cái giàn bông giấy bây giờ là giàn mướp lá xác xơ. Ngôi trường vẫn như xưa nhưng có gì xa lạ quá.
-Thay đổi nhiều quá hả chú Cân ?
-Thầy có biết tin ông Hiệu Trưởng mình bây giờ ở đâu ?
-Khi đi tôi với thầy Hiếu ở chung trại. Ông Hiệu Trưởng được đưa đi nơi khác xa hơn, từ đó tới giờ không gặp nữa.
Tôi đi vào câu hỏi chánh;
-Quì làm việc có dễ chịu không chú Cân ? Sáng nay tôi muốn gặp nó có chút việc. Mới được về bỡ ngỡ quá, cái gì cũng xa lạ..
Chú Cân trố mắt nhìn tôi, ngạc nhiên:
-Thầy không biết gì sao ? Quì đã nghỉ việc, về Cái Tắc làm ruộng. Tội nghiệp anh Quì, tuổi trẻ nhưng đàng hoàng, có tình có nghiã. Nghe đâu không đủ bằng cấp để làm Hiệu Trưởng, Ty kêu về cho làm việc văn phòng, bị chèn ép hoài, nên buồn xin thôi. À, thầy có cần vô văn phòng gặp anh Chuyên, Hiệu Trưởng mới không ? Ông nầy ở ngoài Bắc vô, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Thanh Hoá, mười mấy tuổi đảng rồi đó !
 
Sau màn giới thiệu lý lịch xếp mới, chú chép miệng:
-Gốc mạnh lắm, em ruột anh Hồng, Trưởng Ty mà...

Tôi lắc đầu, từ giả chú Cân, đưa mắt nhìn lướt qua sân trường lần cuối. Mấy cây bông điệp trước thư viện có được vài lá non nhưng èo uột quá. tôi tự hỏi chừng nào nó mới trổ bông. Tôi thèm thấy những cánh hoa đỏ rực trên cành vào những mùa bãi trường. Cái ước ao có chú xíu đó mà cũng không đạt được. Chắc là vĩnh viễn tôi không thể đi dạy lại. Quì nó cách mạng như vậy còn bị bỏ rơi, huống chi tôi. Cũng may là còn đầy đủ đầu, mình, tay chưn mà về cày ruộng ở Chương Thiện. Trong khi đó hằng triệïu, triệu thằng Quì khác đã phơi xương trắng hếu ở dọc Trường Sơn, ở rải rác khắp nơi trên đất nước... 

Tôi miên man nhớ đến những đêm văn nghệ học sinh, Quì mập mạp với giọng ca nồng nàn. Tôi nhớ đến hai câu thơ nó đã viết trong cuốn sách giáo khoa. Tôi muốn gặp lại nó không phải để nói chuyện văn chương chữ nghiã như kiểu "Ba năm trấn thủ lưu đồn " mà là nói với nó một chân lý tầm thường nhứt: 

-Quì ơi " Em đừng có buồn ! Đừng mong làm hoa hướng dương, suốt ngày ngước nhìn mặt trời hoài, mỏi cổ lắm. Cũng đừng thèm làm đá xanh cứ phải lót đường cho người ta đi. Em phải nhớ một điều, vì lý tưởng cao cả, chúng ta có thể chấp nhận hy sinh thân xác để bón lúa, chớ đừng bao giờ dùng nó để làm phân bón cho thứ cỏ dại sinh sôi nẩy nở. Em là người có lòng đối với đất nước, hãy giữ vững niềm tin, đừng để lầm lạc lần nữa trong đời. Ngày nào toàn dân đứng lên phát cỏ dại, hy vọng lúc đó thầy trò mình sẽ có mặt ở tuyến đầu, nhớ nghe Quì !
 

TRUYỆN CƯỜI





Ông "A" cầm tấm check vừa ký xong, đưa cho đứa con gái và nói:-
Hôm nay con vừa đúng 18 tuổi, đây là tấm Cheque "Chid support" cuối cùng của Ba, con cầm về đưa
cho Má của con và nhớ nói:

"Từ đây trở đi...Má của con đừng hòng lấy thêm tiền của Ba dù chỉ là...một xu". Nói xong con nhớ dòm cái mặt Bả như thế nào...chiều trở qua đây nói cho Ba biết !
Buổi chiều thấy cô con gái trở qua, Ông"A" hấp tấp hỏi:- Sao ? con nói xong thấy cái mặt Bả ra sao...nói cho Ba biết !
Cô gái:- Má con biểu con qua đây nói lại với Ba: "Thật ra...con không phải là
con "Ruột" của Ba, Má nói thêm: "Mầy nói xong nhìn cái mặt của Ổng
ra sao...về nói lại cho Tao biết !"
Ông "A": Trời ơi là trời!!!

Sex techniques during Pregnancy

Man asks his doctor, "Can I have sex with my pregnant wife?"
The doctor replied:
"Yes. The first 3 months will be just like normal ; the next three months you should do it like dog and the last three months you should do it like Tiger."
The man replies:
"Tiger? I don't know that method."
The doctor explains:
Like Tiger Woods !!.
The man ....*???
The Doctor : Sleep with other women.



Chuyện đồng xu

Tại một hãng nọ, có anh chàng John rất thích cô bạn gái Linda làm cùng phòng, lúc nào John cũng nghĩ đến và mong được làm "chuyện ấy" với Linda, mặc dầu biết Linda đang có bồ.
Một hôm anh đề nghị với Linda như sau :
- Linda, tôi đưa cho cô $100 bằng cách bỏ trên sàn nhà, trong lúc cô cuối xuống nhặt tờ giấy $100 thì cô cho tôi làm "chuyện ấy" với cô, khi cô lượm xong tờ giấy 100 đứng lên là coi như xong chuyện.
- Linda từ chối ngay lập tức và nói tôi đã có bồ rồi nên chẳng bao giờ làm "chuyện ấy" với người khác.
John vẫn không chịu bỏ cuộc, ngày nào cũng nhắc đi nhắc lại đề nghị đó... Linda, cô nghĩ xem chĩ cần cuối xuống lượm và đứng lên là xong, dễ quá mà lại có $100 xài chơi, sao cô lại không chịu ?

Nói mãi Linda cũng hơi xiu lòng và nói với John là để tôi điện thọai cho bồ tôi để xem ý kiến của anh ta ra sao ?
- Anh à... John đề nghị làm "chuyện ấy" với em bằng tờ giấy trăm đô bỏ trên sàn nhà cuối xuống lượm và đứng dậy là xong, em nhất định từ chối, nhưng John cứ nói hòai nên em phải hỏi ý kiến của anh, anh thấy thế nào ?

- Bồ Linda cười to và nói...em cứ nhận lời đi nhưng phải đòi nó $300, vì em chẳng có bị thiệt thòi gì đâu, bởi lẽ khi em cuối xuống lượm $300 và đứng lên chĩ mất có vài giây, thì nó sẽ không có đủ thì giờ để tụt quần xuống, chứ còn thì giờ đâu mà làm "chuyện ấy". Khi nào xong chuyện gọi lại cho anh ngay nhé !

Linda quay lại trả lời đồng ý với đề nghị của John, nhưng đòi $300. John vui mừng đồng ý ngay.
5 phút...10 phút ....30 phút ...40 phút trôi qua, bồ của Linda sốt ruột gọi lại Linda
- Sao mãi hơn 40 phút rồi mà không thấy em gọi lại để cho anh biết chuyện ra sao ?
- Anh à ... John, đúng là thằng khốn nạn ... nó bỏ 300 đồng bằng tiền 1 xu nên đến giờ này em vẫn phải cuối xuống lượm nhưng chưa xong .


Đổi đời !

Đồng chí A tới nhà đồng chí B chơi, thấy đồng chí B lúi cúi làm bếp vừa lau nhà cực khổ quá mới hỏi:
- Ủa, con nhỏ Liên giúp việc cho mầy đâu rồi, mà mầy làm hết mọi chuyện vậy?
- Nó đi lấy chồng rồi.
- Ủa mà nó lấy ai vậy?
- Lấy tao!!!


Máy dò nói dối


Anh chàng John rất chuộng máy móc hàng hóa vừa được tung ra thị trường, lẽ dĩ nhiên chưa biết rõ lợi ích, hiệu quả của món hàng.
Một hôm anh ta vác về nhà một món hàng lạ, có hình dáng như một robot và bảo với vợ con đây là một cái máy dò nói dối.
Sẵn dịp cậu con Tommy vừa đi học về… muộn 2 giờ.
Để biểu diễn máy, John hỏi: “Con đi đâu mà giờ này mới về?”
Cậu con trả lời: “Mấy đứa con đi thư viện làm bài chung.”
Người máy bèn đến gần Tommy tát cho nó một cái như trời giáng, làm nó bổ chửng.
“John, robot này là máy dò nói dối đó con à, con nói dối là nó đánh đau lắm. Nói thật đi, con đi đâu?”
Tommy cúi đầu nói: “Con đến nhà bạn coi phim.”
“Vậy tụi con xem phim gì?”
Tommy trả lời: Phim “The Ten Commandments”.
Người máy đến tát cho Tommy một cái nữa.
Nó vội vàng chữa lại: “Tụi con xem phim “The Sex Queen”. Con xin lỗi đã nói dối.”
John nghiêm mặt nhìn con: “Con thật đáng xấu hổ, hồi bằng tuổi con, không bao giờ bố dám nói dối cha mẹ.”
Người máy lẳng lặng đến tát cho John một cái đích đáng.
Marie, vợ John, ôm bụng cười ngặt ngoẽo, chảy cả nước mắt nước mũi: “Đáng đời anh chưa? Thằng Tommy thật đúng là con anh.”
Ngay lập tức người máy cho Marie một cái tát… đo ván!

Xúc xích và con bò

- Giờ tự động hoá. Giáo sư thuyết trình: - Độ 20 năm nữa sẽ có những máy tự động hoàn hảo. Chỉ cần nhét con bò vào một đầu, thì đầu kia sẽ có xúc xích chạy ra.
- Thế liệu có cái máy ngược lại, nhét xúc xích vào một đầu, đầu kia ra con bò không ạ? – một sinh viên hỏi.
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 19.
- 20 năm trước có một cái máy như vậy.


ĐÀN ÔNG KHÁC ĐÀN BÀ
- Đàn ông muốn hư hỏng phải có tiền; đàn bà muốn có tiền phải hư hỏng.
- Đàn bà thích nhiều thứ ở một người đàn ông; đàn ông lại chỉ thích một thứ ở nhiều người đàn bà.
- Đàn ông lúc nào cũng muốn nhưng không phải lúc nào cũng có thể; đàn bà lúc nào cũng có thể nhưng không phải lúc nào cũng muốn.


Thà trả tiền đắt hơn cho chắc ăn

Một cặp vợ chồng đưa nhau đi thăm thánh địa Giêrusalem. Chẳng may tại chỗ bà vợ đột ngột qua đời.
Nhà hòm bàn với ông chồng:
- ‘Nếu ông muốn đưa bà nhà về xứ, thì phải tốn 5,000 đô la. Còn như mai táng bà ở ngay tại vùng đất thánh này, thì sẽ chỉ có 200 đô la’.
Ông chồng suy nghĩ một lát rồi trả lời rằng ông muốn đưa thi hài bà về quê quán hơn.
Nhà quàn ngạc nhiên:
- ‘Tại sao phải chi 5,000 đô la, trong khi để bà nhà an nghĩ nơi thánh địa này, chỉ tốn 200 đô la?’
Ông già guá bụa trả lời:
- ‘Cách đây hơn hai nghìn năm, ở nơi Giêrusalem này có một người đã chết, được chôn cẩn thận, ba ngày sau sống lại. Tôi thật không muốn gặp trường hợp rủi ro này.’_._,___



Definitions:

School:
A place where father pays and son plays.

Life Insurance :
A contract that keeps you poor all your life so that you can die rich.

Nurse:
A person who wakes you up to give you sleeping pills.

Marriage:
It's an agreement in which a man loses his bachelor degree and a woman gains her masters.

Divorce:
Future tense of marriage.

Tears:
The hydraulic force by which masculine will power is defeated by feminine water power.

Lecture:
An art of transferring information from the notes of the lecturer to the notes of the students without passing through the minds of either.

Conference:
The confusion of one man multiplied by the number present.

Compromise:
The art of dividing a cake in such a way that everybody believes he got the biggest piece.

Dictionary:
A place where success comes before work.

Conference Room:
A place where everybody talks, nobody listens and everybody disagrees later on.

Father:
A banker provided by nature.

Criminal:
A guy no different from the rest... except that he got caught.

Boss:
Someone who is early when you are late and late when you are early.

Politician:
One who shakes your hand before elections and your confidence after.

Doctor:
A person who kills your ills by pills, and kills you by bills.

Classic:
Books, which people praise, but do not read.

Smile:
A curve that can set a lot of things straight.

Office:
A place where you can relax after your strenuous home life.

Yawn:
The only time some married men ever get to open their mouth.

Etc.:
A sign to make others believe that you know more than you actually do.

Committee:
Individuals who can do nothing individually and sit to decide that nothing can be done together.

Experience:
The name men give to their mistakes.

Atom Bomb:
An invention to end all inventions.

Philosopher:
A fool who torments himself during life, to be spoken of when dead.

 

HỒI KÝ TẠ QUANG KHÔI



CHUYỆN NGÀY XƯA
TẠ QUANG KHÔI

Tôi nghĩ rằng nhưng người bằng tuổi tôi, ít người biết nhiều chuyện bằng tôi.


Năm tôi mới 17 cái xuân, kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Tôi bèn thóat ly gia đình để gia nhập bộ đội. Tỉnh Nam Định của tôi có trung đòan 34, tự nnhận là trung đòan Tất Thắng. Sau mấy lần ra trận, tôi bị thương ở đùi trái. Đạn xuyên qua đùi mà không thấy đau. Khi rút quân, tôi thấy chân ướt, thò tay xuống xem thì tay đầy máu. Bấy giờ mới biết mình bị thương, vội tìm gặp y tá của đơn vị để băng bó cho cầm máu.


Trong khi được nghỉ để dưỡng thương, tôi được ông trưởng ban tình báo của trung đòan cho gia nhập ban tình báo. Đúng vào dịp đó, ban tình báo của Liên Khu 3 mở lớp huấn luyện cho các tình báo viên. Ông trưởng ban cho tôi và một người bạn nữa lên Sơn Tây dự lớp huấn luyện.


Nhưng khi chúng tôi lên đến Tông (tức chùa Thông, người Pháp đọc là Tông) thì được biết lớp huấn luyện tạm ngưng, vì quân Pháp từ Hà Đông sắp tiến lên Sơn Tây. Hai tỉnh chỉ cách nhau hơn 40 cây số. Nhưng chúng tôi được ban tình báo lie^n khu 3 giữ lại họat động dưới quyền ông Tạ Đình Đề.


Một hôm, tôi sửa sọan đi công tác thì có lệnh tất cả mọi người phải vào phòng họp để gặp hai người đặc biệt. Chúng tôi ngơ ngác và thắc mắc không hiểu hai ngưoi đặc biệt đó là ai. Khi phòng họp đã đầy, hai người đặc biệt xuất hiện : đó là ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp. Lúc đó, chúng tôi gọi là Bác Hồ và Anh Văn.


Sau này, khi di cư vào Nam, tôi làm phóng viên cho đài phát thanh Saigon. Một hôm, tôi và một anh bạn cũng phóng viên được xuống Cần Thơ để làm phóng sự cuộc xử tử Ba Cụt. Vì chúng tôi là người nhà nước nên được vào tận khám xem các cảnh sát dẫn giải ra pháp trường. Khi cảnh sát còng tay Ba Cụt, ông ta nói lớn cho các bạn đồng tù nghe :”Tao đi chết đây, chúng bay ơi !”.


Ra tới pháp trường, Ba Cụt thấy máy chem. Của ông Đội Phước thì đứng dừng lại, nói lớn :”Tôi là tướng (thiếu tướng Lê Quang Vinh) thì xử bắn, chớ sao lại chem. ?” Mấy cảnh sát viên hộ tống bèn đẩy mạnh lưng Ba Cụt làm ông ta té xấp xuống máy chem.. Ông Dội Phước liền bấm nút điện. Đầu Ba Cụt văng xuống đất, máu phun xối xả vào thùng mạt cưa. Thấy cảnh đầu rơi, máu chẩy, tôi sợ quá. Về Saigon, tôi bị lên cơn sốt hai ngày.


Khi tổng thống Ngô Đình Diệm cùng ông Hùynh Văn Điểm họp báo ở căn biệt thự nghỉ mát của cựu hòang Bào Đại, tôi cũng được đài phát thanh Saigon cử đi. Sau cuộc họp báo, ông Diệm đãi ăn các nhà báo. Tôi tình cờ được ngồi chung bàn với tổng thống. Ông Diệm nhìn tôi đăm đăm, rồi hoi bằng tiếng Pháp :”Ông làm cho báo nào ?” Ông thấy tôi đen xì, tưởng tôi là người ngọai quốc. Tôi trả lời bằng tiếng Việt :”Thưa tổng thống con là phóng viên của đài phát thanh Saigon.” Sở dĩ tôi xưng con với ông vì ông bằng tuổi bố tôi.


Về khám Chí Hòa, tôi cũng đã từng được vào đó. Trong một khóa thi Tú Tài 1, tôi và một ông giáo nữa được cử vào coi thi. Một ông quản ngục tiếp đón chúng tôi rất niềm nở. Ông mời chúng tôi uống bia và ăn bánh ngọt trước giờ thi.


Phòng thi là một phòng họp của khám. Tổng số thí sinh chỉ có 6 người. Các thí sinh cóp nhau, quay phim lia lịa. Ông giám thị kia định xuống bắt. Tôi vội cản lại vì nghĩ rằng các tù nhân đáng thương, chứ không như các thí sinh ngòai đời thương.

Kết quả, chỉ có một người đậu.
Già rồi, chả biết làm gì cho hết ngày giờ, cứ nghĩ lại chuyện ngày xưa.

TQK

TUYẾT XỨ THI CÁC




LẦU THƠ XỨ TUYẾT


 Tôi yêu Trịnh Hoài Đức
Thiên Thai Phạm Đức Liên


Tôi yêu Trịnh Hoài Đức,
Thuộc tỉnh lỵ Phú Cường,
Nơi miền Đông đất nước,
Chốn “Người Đẹp Bình Dương”.

Tôi yêu Trịnh Hoài Đức,
Không biết tự bao giờ,
Nguỵ Văn Thà cứu quốc,
Nam nữ đẹp tuổi thơ.

Tôi yêu Trịnh Hoài Đức,
Những ngày mới ra trường,
Hăng say qua nhịp bước,
Ban mai mờ tinh sương.

Tôi yêu Trịnh Hoài Đức,
Học trò giỏi lại ngoan, (1)
Thầy cô vàn nô nức,
Hoài Đức rực trời Nam.

Tôi yêu Trịnh Hoài Đức,
Những sanh hoạt học đường,
Thầy trò cùng chung sức,
Hoài Đức nhiều vấn vương.

Tôi mê Trịnh Hoài Đức,
Trường nữ lẫn trường nam,
Thầy cô thật xuất sắc, (2)
Vạn tuế cho Việt Nam.

8/2012

(1): Trong các kỳ thi trung học đệ nhứt cấp và Tú Tài, học sinh THĐ đậu 50% trở lên – trong khi tỉ lệ toàn quốc chỉ 15 đến 20%. Học trò THĐ còn trúng tuyển nhiều vào các đại học chuyên nghiệp như ĐHSP Saigon (Nguyễn thị Phương, Từ Minh Thạnh), Kỹ Thuật Phú Thọ (Từ Minh Tâm, Nguyễn Hoàng …) Sĩ Quan Không Quân (Đinh Quang Hạnh, Hoàng Ngọc Định … )
(2): Là những sinh viên tốt nghiệp từ ĐHSP Saigon (Professeur Licencie = Giáo Sư Cử Nhân) hạng nhất, nhì, ba … và quí vị GS có thâm niên giảng dạy – từ các tỉnh xa đổi về – trước khi chuyển về nhiệm sở sau cùng là Saigon . Thật may mắn.

Bài dịch qua Anh Ngữ của cùng tác giả

I Love Lycée Trịnh Hoài Đức
I love the school of Trinh Hoai Duc,
Belongs to Phu Cuong City,
Eastern province of the nation,
Famously called “The beautiful lady of Binh Duong”.

I love the school of Trinh Hoai Duc,
Unknown of the time of love,
Famed Nguy van Tha saved the nation,
For the young generation.

I love the school of Trinh Hoai Duc,
From the days I began teaching,
Passionately walking toward the classrooms,
In the early dawn of each day.

I love the school of Trinh Hoai Duc
With smart and well-behaved students,
Success brought proud to educators,
Hoai Duc brightened in the South.

I love the scholl of Trinh Hoai Duc,
Along with its extra-curricular activities,
Joined by faculty members and students,
Much love for my Trinh Hoai Duc Lycée.

I deeply in love with Trinh Hoai Duc,
Of its both femaile and male students’ sections,
of its excellet background professors,

Working altogether for our beloved Vietnam.


NGÀY CON RA TRƯỜNG ĐẠI HỌC

DTDB


Giọng reo vui bên kia đầu điện thọai:
"...Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con mẹ đậu rồi!..."
Ôi, suối mát nào ướp thấm hồn tôi...
Cơn mưa ngọt đến trong mùa nắng hạ!

Ngày xưa hỡi, thời thanh xuân đẹp quá!
Bầu trời xanh, mây trắng thướt tha bay
Nắng chiều nghiêng bóng nhỏ ngã đường dài
Đoạt chứng chỉ, mừng rưng rưng muốn khóc

Ve say nắng gọi hè khu Đại học
Hẹn đón mẹ cha ở trước cổng trường
Lòng nôn nao chờ bóng dáng thân thương
Đến với tôi xẻ chia niềm hoan hỉ...

Mẹ buồn lo... đến bên tôi thủ thỉ:
"Cha của con lâm nạn ở chiến trường
Viên đạn thù làm cha bị trọng thương
Quân y viện, bệnh binh vừa tải đến...

Đừng buồn nhé, vào đi con yêu mến
Tiếc hôm nay chẵng trọn vẹn niềm vui
Cha xuất viện, mẹ hứa sẽ đền bồi
Tổ chức tiệc đãi người thân, chòm xóm...

Họ hàng mừng con công thành, khôn lớn
Được ra trường Đại học bằng chuyên khoa
Không phụ lòng kỳ vọng của ông bà
Đã chăm sóc thương con từ tấm bé..."


Mắt ướt lệ ngã đầu vào lòng Mẹ
Thương Cha tôi, đời lính chiến bôn ba
Gần cả năm mới có dịp thăm nhà
"...Con ra trường về thăm, ba xin hứa..."

Cha xa vắng mẹ chăm lo nhà cửa
Dạy dỗ con, mòn mỏi đợi tin chồng
Thời gian qua dù phai nhạt má hồng
Lòng son sắt, có quản gì cực nhọc

Ba năm sau, tôi ra trường Đại học
Nhà rộn vui, gặp lại chú, cô, dì...
Vâng lệnh song đường, cất bước vu quy
Từ giã mộng mơ, bỏ thời tuổi dại

Đèn thắp sáng từ canh năm gà gáy
Mới hừng đông cặp bến mấy ghe hầu
Chiếc kết hoa, thắt tuội dùng rước dâu
Nhà trai nghiêm trang lên bờ vào ngõ

Dù tím, khăn hồng, xiêm y rực rỡ...
Mâm trà, quả bánh, khay rượu, trầu, cau...
Họ gái hân hoan trân trọng đón chào
Mẹ nhắc tôi "...phải chỉnh tề quần áo..."

Bà dịu giọng gọi "... Ra đây đi cháu..."
Cô dắt, thím dìu từng bước chân đi
Lòng tôi bâng khuâng nhiều nỗi nghĩ suy
Cúi mặt thẹn thùng, lòng nghe xao xuyến

Thời gian qua trải biết bao dâu biển
Rời quê hương, ra hải ngọai dung thân
Con lớn lên, vào Đại học bao năm...
Vừa tốt nghiệp sắp vào đời vững chải

Màu kỷ niệm, âm vọng xưa còn mãi
Niềm mừng vui con thi đậu ra trường
Trên xứ người, bao dãi nắng dầm sương
Tôi vất vả nuôi đàn con khôn lớn...

Ai may mắn được an nhàn sung sướng
Tôi đi làm trời còn ngủ chưa ra
Đường vắng, tối thui mới trở về nhà
Nghề lỡ vận, "Cu-li không bằng cắp"

Đất tạm dung quá thãi thừa vật chất
Mọi công dân sống bình đẳng tự do
Giữ lòng ngay, không phạm pháp quanh co
Chịu làm lụng, có cơm ăn áo mặc...


Lo con học phải dụm dành chiu chắt
Chưa bao giờ tôi nghĩ chữ "hy sinh"
Dưỡng dục con là thiên chức của mình
Nên vững chí giữa dòng đời xuôi ngược

Chúng chăm ngoan, là điều tôi mong ước
Được an lành, được bảo đãm tương lai
Làm mẹ cha chỉ hy vọng có ngày
“...Con nên người là tròn niềm hạnh phúc...”
 DƯ THỊ DIỄM BUỒN
ĐT: (530) 822 5622
Email: dtdbuon@hotmail.com
 

MƯA KHUYA
Đêm khuya nghe tiếng mưa rơi
Bóng ai trên đường vắng đợi chờ
Gió khuya thổi từng chiếc lá bay
Hỏi người sao không đến đêm nay?

Trong mưa khuya tiếng đàn ai buông
Nghe sao ray rức trong đêm trường
Từng nhịp từng nhịp và từng bước
Nhịp cô đơn và từng bước nhớ thương

Từng bước thầm trong mưa khuya
Sao nghe cô đơn gió lạnh về
Bóng ai thấp thoáng trong mưa ảo
Tưởng người đến cho ấm tình cô liêu


Mưa khuya như tiếng ru hoang
Hàng cây bên đường vắng chập chờn
Đèn khuya rung rẩy như tóc rối
Dưới mái hiên nhòa tiễn nhau nụ hôn
NGHIÊU MINH

 
CÒN AI THƯƠNG LŨ MÀY ?
    - VOỌC SƠN TRÀ ƠI !
                 -----
"Một phát súng Lục bắn vào quá khứ
Tương lai sẽ bị nã một phát Đại bác".
                     - Tục ngữ mới
Lời thưa : Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) hiện còn khoảng 300 con Voọc rừng  đang sinh sống...nay"Dự án" xây dựng Du lịch đã xảy ra các vụ phá rừng, băm nát Sơn Trà, đe dọa sụ tồn tại của lũ Voọc rừng đáng thương...NK có đôi vần :cảm khái :
Mấy "anh lớn" đang phượt lên xem xét
Nước Việt xanh ( Green Viet) đáng "để"  hay "tiêu" ?
- Dự án lớn Villa - Resort
Dollas là đây ! ôi Tổ Quốc thân yêu !
                       *
Còn lũ Voọc ?- ngây thơ như Thượng Đế
Mắt thao láo nhìn như vốn bình yên
Vẫn đánh võng, ru con, trông trời bể
"Giặc đến nhà" ! mà chẳng biết, cứ "hên"...
                        *
Thôi, yên tâm đi
sẽ vào "Trung tâm bảo tồn" mà dưỡng lão
Còn hơn bị bọn Thợ săn"bắn" bán Quán " vào nồi"...
Ơi Đà Nẵng biển trời xanh sạch đẹp
"Mấy con Voọc nhỏ nhoi kia"...?
còn ai thương lũ mày ?
Sơn Trà ơi !
               ----------
      Hà Nội 29-5-2017
       NGUYỄN KHÔI
 
                                           TA XA HÀ NỘI
              NỖI BUỒN TÊ TÁI CỦA MỘT NGƯỜI HÀ NỘI


Ngày nghỉ lễ
thôi, ta xa Hà Nội
về Nhà Quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn xa để "thoát" lấn chen, xô đẩy
tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịụ dàng hơn...

Ôi Hà Nội,
đi xa cho bớt "sợ" đường cây xanh bị "đốn" nắng vỡ đầu xe ùn tắc, kinh bọn len cướp giật
"Người Tràng An thanh lịch" ở đâu đâu?

Ôi Hà Nội, phố phường xây chắp vá ,
cầu Long Biên để "rỉ" đến bao giờ? đường gốm sứ bụi bám hoen mưa nắng
gái quần đùi đến bẹn phóng xe đua...

Ôi Hà Nội, còn mấy Nàng thỏ thẻ?
mở miệng ra là "đ. mẹ" chửi thề dân tứ xứ vào Kiếm Tiền, chụp giựt...
còn góc nào thanh thản
uống Cafe'?

Ôi Hà Nội, có điều gì không ổn? như trên mây trên gió "cấp điều hành"? mong sớm có một Tràng An thanh lịch
để ta về soi bóng xuống Hồ Gươm.
            -----Viết tại Gia Lộc- Hải Dương 28-4-2015        
 NGUYỄN KHÔI
       (Nhà văn Hà Nội)

 

Nhân ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nói với phóng viên báo Dân Trí: cần làm rõ thông tin về những khối tài sản rất lớn của một nữ trưởng phòng thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa. Và những thông tin trên mạng về những “nghi vấn tiêu cực” ở một số bộ phận quan chức,... Đặng Xuân Xuyến cảm tác đôi vần: 496539838984_4830" style="font-size: 13pt; letter-spacing: -0.2pt; line-height: 110%;"> Tôi nghe...
Quan đầu tỉnh xứ Thanh (1)
Cung phụng bồ nhí siêu xe bạc tỉ
Biệt thự rải khắp nơi
Chiếm đất vàng phố thị
Còn ủ mưu đầu cơ chính trị
Bợ gót đưa “nàng” vào cơ cấu
Quan thật giầu!
Quan tính kế thật sâu!
Quan lấy tiền từ đâu?
Từ bòn rút dân đen?
Hay tận vét bằng trò buôn quan bán chức?
.
Tôi nghe...
Quan đầu tỉnh xứ Bái khử nhau (2)
Hệt như phim hình sự
Vì ân oán tư thù?
Vì ăn chia không đủ?
Vì lật lọng bảo kê ghế ngồi cơ cấu?
Tháng Tám mùa thu
Tám phát giang hồ
Khô khốc nổ
Niềm tin gục đổ
Náo loạn lòng người
Choáng váng tình đồng chí.
.
Tôi nghe...
Quan đầu tỉnh Hà Giang (3)
Thiết lập vương triều nhà Triệu
Này thì vợ
Này em trai
Này thêm chồng em gái
Mật ngọt ruồi bu
Khoanh vùng chia nhau cát cứ.
.


Tôi nghe...
Đứa trẻ Gia Lai chết trong tức tưởi (4)
Ba năm tới trường bằng mượn áo rách của anh
Bà Lò Thị Phanh (5)
Bệnh viện trả về
Không tiền thuê xe
Xác cuốn chiếu
Gập ghềnh xe thồ hơn trăm cây số.
.
Tôi nghe...
Những mảnh đời khốn khó
Những anh Vươn (6) sắp trơ lì hãi sợ
Có câu tức nước ắt vỡ bờ
Khi niềm tin rạn vỡ.

:(1): Bí thư tỉnh Thanh Hóa: Trịnh Văn Chiến
(2): Đỗ Cường Minh (nghi can và cũng là nạn nhân) bắn chết Phan Duy Cường (Bí thư tỉnh Yên Bái) và Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái)
(3): Bí thư tỉnh Hà Giang: Triệu Tài Vinh.
(4): Em Ksor Sôn ở xã Ia Der, huyện Ia Grai, Gia Lai.
(5): Chị Lò Thị Phanh ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
(6): Anh Đoàn Văn Vươn ở Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng.
 
 MẮT ANH
Em xem giùm mắt anh
Có cái gì là lạ 
Vừa xanh như trăng thanh     
Vừa hồng như lửa hạ             
Vừa vàng như nắng hanh       
Em xem giùm mắt anh   
Có cái gì lấp lóa                     
Nhưng không là vảy cá  
Cũng không là thong-manh    .
Em xem giùm mắt anh   
Có cái gì kỳ dị               
Không phải là cận thị             
Không phải là viễn thị           
Không phải là loạn thị           
Giác-mạc vẫn trong lành
Mắt vẫn sáng long lanh…     
Thật ra, anh biết rành             
Không cần tìm loanh quanh   
Vì nó là tâm bệnh:         
Hình em trong mắt anh! 
Thật ra, anh không đau  
Không cần tìm bệnh lý  
Anh cần em chú ý          
Cốt để được gần nhau            
Em là một nụ cười         
Em là đóa hồng tươi              
Cho lòng anh thắm mãi 
Cho anh tin yêu đời       
          THANH-THANH   
      MY VISION
Would you examine my eyes?
There is something strange to arise:
Partly cerulean in the bright moon,
Partly rosy with the summer sun to tune,
Partly yellow like a dry afternoon.
Examine my eyes, would you?
There is some scintillating hue,
But not leucoma at all
Nor cataract as you call.
Examine my eyes, please.
There is something not at ease:
Neither myopia
Nor presbyopia
Nor even astigmatism, so-and-so.
The corneas are still clear, I know;
My eyes are still pure…
Oh, in fact, about it I am quite sure.
No need to look for (there is no border!)
Because it is my mental disorder:
Your image in my eyes!
Truly, to any diseases I have no ties.
It does not involve pathology;
I need your attention (it is psychology!),
In order to be beside you, my dear.
You are a smile, cheer;
You are a fresh rose
To make my heart for ever warm, close,
For me to trust and love life.
English version by THANH-THANH

 

HUY PHƯƠNG * LÀ NGƯỜI VIỆT NAM

Là người Việt Nam!
Tác Giả: Huy Phương – Người Việt – 11 Oct 2015

vn vô địch

Cách đây khoảng 10 năm, sau một chuyến đi xa, trên đường trở lại California, vợ chồng chúng tôi và hai người bạn đang ngồi chờ đổi máy bay tại phi trường Atlanta, thì bất chợt một ông Việt Nam trung niên, áo vest, thắt cà vạt, tiến về phía ghế ngồi của chúng tôi. Một cách mừng rỡ và vội vã, không kể người trước mặt mình là đàn ông hay đàn bà, quen hay lạ, y thọc tay về phía chúng tôi: – “Các bác là người Việt Nam!” Không đợi câu trả lời, quơ được bàn tay của chúng tôi đưa ra một cách phản xạ, y lắc đấy lắc để.

Phải nói là chúng tôi phản ứng quá chậm hay gần như không có phản ứng gì.
Cho đến lúc người đàn ông lạ mặt này thấy không mấy phấn khởi với cuộc làm quen này, quay lưng đi, chúng tôi vẫn ngồi yên tại chỗ, lặng lẽ và ngao ngán không nói một câu gì. Phải, chúng tôi là người Việt Nam, nhưng cuộc gặp gỡ với một người Việt Nam kỳ này không đem lại điều gì hứng thú cho chúng tôi, qua ngôn ngữ và cách xử thế, chúng tôi thấy có một khoảng cách khá lớn, và cũng là người Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy y không giống tôi, ngoài một thứ ngôn ngữ đã khá dị ứng, con người này như đến từ một xứ sở nào khác.
Như thế, ít ra tôi cũng đã hiểu vì sao một người Tàu ở Hồng Kông trước năm 1999 chỉ nhận họ là người Hồng Kông, hay sau 1949, những người Tàu ở Đài Loan, cho rằng mình là người Đài Loan (“Trung Hoa Dân Quốc” hay “Trung Hoa Đài Bắc”) để khỏi nhầm với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Hoa lục địa hay Cộng Sản Trung Hoa). Hẳn không một người Nam Hàn nào thích hiểu lầm họ là người Bắc Hàn (được Việt Nam gọi là Triều Tiên) và trước đây giữa người Đông và người Tây Đức mặc dầu nguồn gốc của họ là người Đức. Người ta không thể phủ nhận nguồn gốc của mình nhưng có thể phủ nhận chính thể đương thời và lựa chọn quốc tịch cho mình.
Chỉ có hai tiếng Bắc Kỳ thôi, và chỉ trong vòng 30 năm, người Việt Nam cũng đã chọn chỗ đứng rõ ràng khi phân biệt ai là Bắc Kỳ cũ, Bắc Kỳ mới, ai là Bắc Kỳ “chín nút” (54), ai là Bắc Kỳ 75! Nếu trong câu chuyện nói, còn có chút gì kỳ thị, thì chúng ta cũng không nên trách, đây không phải là chuyện đoàn kết dân tộc, mà là chuyện văn hóa và chính kiến, nó phát xuất từ những khổ đau và bất hạnh mà con người ta phải gánh chịu, qua những thăng trầm của lịch sử.
Tôi là người Việt Nam, và những ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường hãnh diện mình là người Việt Nam, với “bốn nghìn năm văn hiến,” “con Rồng cháu Tiên,” lớn lên trong thời loạn lạc, người chẳng ra người, ta lại được hãnh diện thêm vì quê hương mình “rừng vàng biển bạc,” thủ đô “là đỉnh cao trí tuệ của loài người,” “đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ!” “mỗi buổi sáng thức dậy ước mơ mình trở thành một người Việt Nam,” “Việt Nam dân chủ gấp vạn lần các nước Tây phương,” “vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế!” thì không còn gì để có thể hãnh diện hơn được nữa!
Gom tất cả tinh hoa của người Việt trên thế giới để làm những tác phẩm vĩ đại để ca tụng con người Việt Nam là điều không khó, vì những khuôn mặt thành đạt vẻ vang này ở nước ngoài, sau ngày phải bỏ nước ra đi, chúng ta không chỉ có hàng chục nhân vật đủ làm một tác phẩm mà con số này có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn người. Nhưng nếu tập họp họ lại, xếp hàng ngay ngắn như trong một cuộc “diễu hành,” có một mỹ nhân mặc quốc phục dẫn đầu cầm một tấm bảng lớn mang dòng chữ “Tôi là người Việt Nam” thì điều này quả còn quá nhiều gượng ép.
Đồng ý nguồn gốc họ đều là những người Việt Nam, có người bỏ nước ra đi từ ngày chủ thuyết Cộng Sản đến Việt Nam, nhưng cũng có người sinh ra ở nước ngoài, mỗi người có một cuộc đời, hoàn cảnh, tình cảm và chính kiến khác nhau. Nếu có ai hỏi họ: – “Ông bà là người Việt Nam?” thì câu trả lời sẽ là: – “Phải, tôi là người Việt Nam! Nhưng đó là câu chuyện cách đây 40 năm. Đó là một câu chuyện dài!”
Trong chúng ta, ai cũng có một câu chuyện dài phải được kể lại, hay bây giờ mới được kể lại!
Những nhà tuyên truyền thường nhắc đến tình tự dân tộc, biểu tượng từ một tiếng đàn bầu, một tiếng hò trên sóng nước để gợi cho con người nhớ đến quê hương. Người ta lập lại mãi câu nói “quê hương chỉ một” hay anh em đi xa là “khúc ruột ngàn dặm” và không ngừng kêu gọi một sự trở về tha thiết, – “Nếu đi hết biển thì đến đâu hở mẹ!”- “Đi hết biển thì sẽ trở về làng cũ!” Vì sao con chim phải bay trở lại cái lồng đã giam hãm nó, có khi là cái thòng lọng hay cái cũi nhốt của một con vật. Đó là con người của tự do, có ý thức, không phải chiếc xe lửa chạy lui tới trên đường ray.
Có người đem chuyện người Việt lưu lạc của Kiến Bình Vương Lý Long Tường (1136-1175) là con thứ sáu của vua Lý Anh Tông, đã cùng họ hàng vượt biển Bắc vào đầu thế kỷ thứ 13 vì bị phe cánh Trần Thủ Độ hãm hại, sau đó trôi giạt đến Cao Ly, để nói chuyện người Việt trở về tìm lại nguồn cội. Xin quý vị yên tâm đi, không cần phải nói chuyện đạo lý, nhân nghĩa, Cộng Sản thôn tính miền Nam mới nửa thế kỷ, dòng dõi Lý Long Tường bỏ nguồn cội đã bảy tám thế kỷ này. Thời gian hãy còn quá sớm để cho những người Việt lưu lạc tha phương trở về.
Hình ảnh tìm về cội nguồn hẳn là đã được ca ngợi rất nhiều.
Truyền thống dân gian cho rằng loài cá hồi trở về đúng nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng, nhưng cuộc nghiên cứu đã cho thấy hành động quay lại nơi ra đời này đã được thể hiện phụ thuộc vào ký ức khứu giác và thói quen, hẳn không hề có ý nghĩa về cội nguồn. Và trong một câu chuyện khác, hàng năm vào mùa Xuân, những đàn én từ phương Nam đã bay trở về nhà nguyện San Juan Capistrano (California) và về phía Nam Mỹ là để trốn mùa Đông giá rét. Đến mùa nắng ấm, chúng lại bỏ gác chuông nhà thờ để ra đi, không hề có có ý niệm trở về hay qui cố hương.
Nếu câu hỏi đặt cho một người và câu trả lời dành cho một người, nó mang một ý nghĩa khác, nhưng khi chúng ta tập trung họ lại, cố tình hướng dẫn họ thành một đám đông và mở đường, sắp xếp cho họ có chung một câu trả lời theo dụng ý của những nhà đạo diễn, tôi cho đây là điều thiếu đạo lý.

Vả lại, điều dễ thấy rõ, hàng chục người vừa tuyên bố mình là người Việt Nam ở đây đều nằm trong 3 triệu người, bỏ nước ra đi, bằng lý do này hay lý do khác; họ không có nổi một tờ giấy tùy thân hay một “sổ đăng ký hộ khẩu thường trú” của chế độ đương thời, vậy thì họ là ai, người Việt nhưng người Việt nào? Câu trả lời gần như được xếp chung một loại “thấy sang bắt quàng làm họ!” Quơ vào những cái quả thực không phải của mình. Mục đích của người làm phim đã quá rõ ràng. Chẳng qua là khán giả của loại chương trình này quá dễ dãi, họ dễ chấp nhận một cái vui nhỏ, một cái cười cợt dính ngoài môi, để quên đi những điều cốt lõi mà họ đang được mời tham dự, mà nội dung đã được tính toán, có dụng ý chính trị, của ông chủ chi tiền.
Phải chăng trong không khí rộn ràng của màu sắc, âm nhạc, da thịt, phấn son, ít ra trong một thời gian ngắn người ta quên được những khuôn mặt Việt Nam cần phải được cởi áo che tại Nhật, hàng nghìn khuôn mặt phụ nữ khổ đau xấu hổ không dám nhìn ai trên quê hương nhầy nhụa hôm nay.
Rõ ràng là chế độ tham lam, ham muốn chạy theo những thành công nhất thời của mỗi con người không phải trong xã hội của mình để áp đặt hai chữ Việt Nam, mà không chịu xây dựng được một con người tử tế ngay trong xã hội của mình.
Chúng ta hãy nghe phát biểu của ông Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẫn, cố bí thư thứ nhất đảng CSVN, trên vietnam.net trong vài ngày gần đây: “…tôi cứ băn khoăn mãi. Hôm trước mở báo ra tôi cứ bị ám ảnh hình ảnh hai ông già đi ăn trộm gà bị bắt, bị đánh hộc máu mồm ra, rồi bắt ngậm con gà chết. Tôi cứ bàng hoàng, tự hỏi: ‘Chẳng lẽ đây là người Việt Nam chúng ta?’”

ANDRÉ LOUIS AUZIERE * GỬI EM BRITE



Bài thơ từ nước Pháp:
Thư cuối ngày gửi em Brigite
https://icdn.vnecdn.net/vnexpress/2017/05/14/2017-05-14T093622Z-925270235-RC1321672B40-RTRMADP-3-FRANCE-ELECTION-JPG_680x0.jpg


Ông Macron và vợ, bà Brigitte Trogneux đứng trước cửa Điện Elysee


Nghe nói trong lúc bà Brigite Trogneux (tân đệ nhất phu nhơn Pháp) dự lễ đăng quang cùng chồng thì chồng cũ của bà đã sáng tác ra bài thơ này. Bài thơ thật hay và người dịch cũng quá xuất sắc. Mời quí vị cùng thưởng thức.




THƯ CUỐI NGÀY GỬI EM BRIGITE(André-Louis Auzière – chồng cũ của em Brigite Trogneux.)


Cả thế giới hồi hộp dõi theo những gì đang diễn ra tại điện Élysée
Anh phải đóng cửa ngồi một mình trong ngôi nhà ngoại vi thành phố
Vậy mà tiếng tivi vẫn cứ vang trong từng căn phòng nhỏ
Người Pháp đang đón chào Macron – vị tổng thống trẻ trung nhất trong lịch sử nước mình

Chắc là em không còn tâm trí nào để nghĩ đến anh
Cái tên André-Louis đã bị xóa rất lâu rồi trong bộ nhớ
Nhưng anh không thể quên Trogneux tóc vàng một thuở
Những thanh chocolate vùng Rua đâu dịu ngọt bằng nàng

Anh nhớ lại những buổi chiều anh phải lang thang
Chạy khắp mọi nẻo đường Paris để tìm cho con hộp thuốc
Chỉ mười năm với ba đứa con có được
Ba đứa con – minh chứng cho tình yêu chúng ta – đẹp hơn cả thiên thần

Anh không ngờ chuyện bắt đầu từ một ngày em đòi li thân
Rồi em nhất quyết kêu anh ra tòa bằng cái đơn li dị
“Không thực sự hạnh phúc” – em tự nhiên nói thế
Cuối cùng đành phải chiều em thôi

Vì anh biết em đã tìm thấy một phương trời
Cứ như Newton bất ngờ tìm ra định luật quả táo rơi
Em ngỡ ngàng tìm ra một chàng trai kém mình hai con giáp
Cũng chẳng có gì bất thường (nhất là nước Pháp)

Song gia đình của chúng ta
thì lại giống như bao gia đình kia tất thảy ở trên đời
Em đã có một mái nhà, một mái ấm đó thôi
Dù ai đó cao siêu
Là Hoàng tử, là Nhà vua hay Chúa Trời đi nữa

Em nên nhớ chữ Thủy Chung là muôn đời muôn thuở
“Công chúa lấy thằng bán than”, cũng theo nó lên rừng
Có thể em đang mơ một sự nghiệp lẫy lừng
Tổng thống với Đệ nhất Phu nhân tâm đầu ý hợp

Hai mốt phát đại bác vang trời, em đừng choáng ngợp
Tiếng trẻ thơ khóc năm xưa mới đúng nghĩa gia đình
Thật buồn trong giây phút này chỉ anh nghĩ đến anh
Nhưng anh bỗng thấy ấm lòng

Khi Sébastian, Laurence, Tiphaini vừa nhắn tin cho bố
“Chúng con yêu bố ngàn lần. Bố hãy tin điều này bố nhớ
Lát nữa, tan cuộc tại điện Élysée, chúng con sẽ về nhà
Cuộc sống sẽ thực sự bắt đầu với bốn bố con ta…”
 André-Louis Auzière
 Ke Nguyen ST

THƯ BRITE TRẢ LỜI ANDRÉ -LOUIS AUZÈRE
SƠN TRUNG CHÉP 
Giã từ anh, em đi lấy chồng,
Anh nên  bình thản, chớ bận lòng.
Anh hãy quên đi ngày tháng cũ
Sá gì cánh bướm buổi tàn đông!

Em cậy nhờ anh trông ba trẻ,
Chúng là kỷ niệm thuở sống chung.
Thỉnh thoảng em về thăm  chúng nó, 
Tình mẹ bao la tựa biển đông!

Thượng đế ban em nhiều ân phước
Em được chồng trẻ khỏe như voi!
 Chồng em nay lại làm Tổng Thống
 Vinh Quang, Hạnh Phuc nhất trần ai!

Người chồng em chọn  rất tuyệt vời
Con đường  em đi rất đúng anh ơi!
Ngày chồng em lên làm Tổng Thống,
Cả nước Pháp tưng  bừng náo động
Bốn bố con anh ắt hẳn  cũng reo vui! 


Bây giờ con sáo đã sang sông
Anh đi lấy vợ thế là xong!
Anh nhớ chọn người trẻ đẹp nhé
Nàng sẽ giúp anh giải hận lòng!

VŨ THẾ THÀNH * CON GÁI HÀ NỘI

CON GÁI HÀ NỘI Ở ĐÂU?
VŨ THẾ THÀNH
 
Mẹ tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh,… Nói chung là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng, con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết…, khiến tôi ngờ…bà muốn thằng con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.
Vũ Thế Thành


 Nhưng thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp… thủy thổ



Tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.
Mà con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông nheo, õng ẽo  làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên Hòa đã phải cay đắng thế này:
“ Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền,
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…”

Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.


Dù sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:

“…Ta vẫn nhớ dặn dò lòng tha thiết,
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng gương mặt khờ khờ
Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…”

Những ngày sau 75, trên tivi Sài Gòn là những đoàn quân “chiến sĩ gái”, bước theo nhịp quân hành, chiếu cận cảnh với đôi mắt rực lửa căm hờn, giọng nói lanh lảnh. Cảm giác đầu tiên của tôi với các cô gái Bắc Kỳ (thứ thiệt) là…ớn lạnh. Tôi cười, “Đấy con gái Hà Nội của mẹ đấy…”. Bà cụ lại thở dài, chép miệng… Hồi trước đâu có thế…”.
Dĩ nhiên, mẹ tôi không thể phát hiện cái trò đánh lận rẻ tiền của thằng con, tỉnh bơ xem tất cả các cô Bắc Kỳ đều là các cô Hà Nội.

 

 Thực ra trong đầu tôi cũng có một chút gì đó mơ hồ về con gái Hà Nội. Biết tả thế nào nhỉ! Có thể là hình ảnh dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay thiếu nữ tân thời một cách bảo thủ, không sao thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi cảm được nỗi cô đơn của Loan khi thả bộ trên bờ đê Yên Phụ,… Đại loại là tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.

Cũng chẳng dừng ở đấy đâu. Khi đọc “Tuấn, chàng trai nước Việt”, một thứ tiểu thuyết hồi ký của Nguyễn Vỹ, tôi biết thêm rằng, các cô nữ sinh Hà Nội cũng lãng mạn ra rít. Họ kín đáo lập ra hội “Ái Tino”. Tino Rossi là ca sĩ người Pháp lừng danh thưở đó, và là thần tượng của vô số thiếu nữ, chẳng riêng gì thiếu nữ Hà thành. Cái “hội” kín đáo, chỉ lèo tèo dăm ba cô thế thôi, nhanh chóng tan hàng, và rồi mạnh ai người nấy tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, công dung ngôn hạnh… Cái “lãng mạn tân thời” chỉ là đóm lửa, và họ nhanh chóng quay lại với sự thanh lịch, nề nếp theo giáo dục của gia đình.


Năm 1980, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội công tác. Anh bạn đồng nghiệp trạc tuổi, tốt nghiệp từ Đông Đức, chở tôi trên chiếc Simson lòng vòng Hà Nội. Nơi đầu tiên tôi muốn ghé thăm là phố Khâm Thiên. Anh bạn tròn xoe mắt, “Làm gì còn hố bom mà ghé thăm”. Tôi chợt hiểu vì sao anh bạn ngạc nhiên, nhưng không thể giải thích. Môi trường giáo dục trong Nam ngoài Bắc khác nhau.
Cái máu phóng đãng đã dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, chứ không phải bom rơi đạn lạc ở đó. Đến, dù chỉ để nhìn vài căn nhà xiêu vẹo, cũng thỏa đôi chút tò mò về một thời vang bóng. Phong lưu tài tử giai nhân, đúng, nhưng không phải cách phong lưu của Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Anh chàng Vân Hạc khi chờ kết quả thi, ra vào chốn ả đào để vui say bè bạn, để trấn an nhau, để bốc nhau, để chờ ngày bảng vàng ghi tên.

Tôi nhớ đến kiểu cách phong lưu của Cao Bá Quát, một tay chơi thứ thiệt, khi làm sơ khảo trường thi, tiếc bài thi hay mà phạm húy, đã dùng muội đèn để sửa. Việc lộ, bị kết án giảo giam hậu, ông phải đi dương trình hiệu lực, nghĩa là đi làm phục dịch cho phái đoàn đi công tác nước ngoài. Con người tài hoa này, mang theo nỗi cô đơn đến phố ả đào giải sầu bên chén rượu, làm vài bài hát nói, đào nương hát, mình gõ nhịp…

“Giai nhân nan tái đắc
Trót yêu hoa nên dan díu với tình
Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh
Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ…”

Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô…đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.
Bây giờ, Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cầu vượt. Hà Nội nhiều xe hơi hơn, Hà Nội giàu hơn. Hà Nội không còn những cảnh cãi tay đôi với cảnh sát buồn cười như thế nữa.  Hà Nội văn minh hơn, nhưng có thể họ phải “cãi tay đôi” với chính mình, khi mà còn những cảnh thanh niên thiếu nữ “ à la mode” hái hoa, giẵm hoa bẻ cành để chụp ảnh, hay gào thét tung hô thần tượng minh tinh Hàn Quốc. Đó là chưa kể bún mắng cháo chửi, rải rác vẫn còn đâu đó. Thương hiệu chăng? Tôi chịu! Ăn ngon mà nghe chửi, thôi thà ăn độn dễ nuốt hơn.
 Và một trong số rất ít người xong bậc đại học thời Tây. Sau 54, nhà đông con, xoay sở không nổi, ông bố định cho 2 đứa con lớn tạm nghỉ học, đi làm rồi học bổ túc sau. Nhưng bà mẹ thì không, nhất quyết không. Bà đến gặp ông bà bác sĩ nhà bên mượn…tiền để các con tiếp tục ăn học. Họ cùng ở trong thành như bà, không vướng bận con cái, còn chút của ăn của để, đồng ý cho vay tín chấp, một thứ tín chấp tình người, thời nay khó tìm. Tôi hiểu ra, dân trí thức Hà Nội xưa có kiểu chơi “chẳng giống ai” (lúc này). Họ kín đáo giúp đỡ nhau trong những tình huống khắc nghiệt. Trong họ dường như  chất “nhân” và lòng tự trọng được rèn luyện qua giáo dục, giấy rách phải giữ lấy lề. Mực đen và bão tố không thể vấy bẩn hay phá sập.  Những năm sau 75, trong Sàigòn tôi cũng thấy vài trường hợp như thế.

Bà bạn (già) này, về chuyên môn, thì kiến thức mênh mông chứ chẳng vừa. Ăn nói nhẹ nhàng, nhưng quyết liệt khi cần. Vậy mà cư xử thì cứ dạ dạ,..cám ơn. Bà nói chuyện với tôi cũng thế, cũng dạ dạ,..cám ơn.  Tôi cười, sao chị khách sáo thế. “Không phải đâu, tôi được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế. Các anh chị em tôi cũng đều như vậy chứ chẳng riêng tôi. Hồi đi học, chỉ vì dạ dạ…cám ơn mà chúng tôi bị phê bình là tiểu tư sản. Ông bà cụ dạy con nghiêm khắc lắm. Tôi là con gái, đi học về là phải tập tành bếp núc, ăn trái chuối là phải bẻ đôi. Ở trường là chuyện khác, còn về nhà là đâu ra đó, vào khuôn phép.”. Tôi cũng nhận ra sự  “khách sáo chân thành” của bà, chứ không phải khách sáo đãi bôi.
Dạo sau này, vì công việc tôi thường ra Hà Nội. Đi ăn hàng với bè bạn ở đó thì không sao, nhưng hễ đi một mình là bị chặt (giá), dù chỉ là chai nước tinh khiết, 10.000 đồng ở quán ven đường phố cổ. Bị chặt riết thành quen. Tôi nhủ thầm, lần nào ra Hà Nội mà không bị chặt coi như trúng số.
Dù tôi cũng có vài người bạn thân ở Hà Nội, nhưng giữa tôi và Hà Nội, dường như vẫn còn khoảng cách nào đó. Tôi đến Hà Nội như một kẻ xa lạ, đến như đi nước ngoài không cần visa.
Sài Gòn dễ hội nhập. Cứ ở Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Chưa thấy mình là người Sài Gòn, ở lâu thêm chút nữa cũng biến thành người Sài Gòn. Sài Gòn đồng hóa con người nhanh lắm.

Nhưng Hà Nội có lẽ khác, người ta đồng hóa Hà Nội như vũ bão, đồng hóa cạnh tranh từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một văn hóa Hà thành hiện đại khó mô tả. Còn người Hà Nội (thứ thiệt) đành phải co cụm, khép kín, và giáo dục con cái theo cách riêng của họ để bảo tồn…di sản. Giáo dục từ gia đình mới tạo ra gốc rễ, chứ  không phải là quy tắc ứng xử, hay giàu sang, quyền thế.
Hà Nội nhiều hồ. Hà Nội đẹp vì hồ vào những buổi sáng thật sớm, khi trời còn nhá nhem. Sáng lên, Hà Nội biến mất. Con gái Hà Nội (xưa) chắc cũng thế. Cuộc đời dâu bể đã làm họ biến mất, nhưng thực ra cũng chỉ lẩn quất, âm thầm đâu đó thôi.
Năm ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: “Thưa, của ông đây, giá 5.000. Cám ơn ông…”. Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: “Thưa bà, bà là người Hà Nội?”. “Vâng ạ, nhà tôi ở  ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở đây”.
Mẹ tôi nói đúng về con gái Hà Nội. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.
Vũ Thế Thành

NGÔ THẾ VINH * TỘI ÁC TRUNG CỘNG

NGÔ THẾ VINH: TRUNG QUỐC PHÁ HUỶ SINH CẢNH VÉT NẠO CÁC ĐẠI DƯƠNG :

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

"Trung Quốc là gã khổng lồ đang im ngủ. Hãy để nó yên giấc, vì khi thức dậy nó sẽ chuyển dịch cả thế giới". Napoléon Bonaparte
"China is a sleeping giant. Let her sleep, for when she wakes she will move the world." Napoléon Bonaparte, 1816 à Saint Hélène 
 
Hélène 
Hình 1: Con tàu cá lưới rà / trawler Trung Quốc có khả năng vét nạo tới đáy đại dương: những chiếc tàu khủng ấy đang đánh cá lậu ngoài khơi các xứ Tây Phi châu và các nơi khác; một lối đánh cá lùng và diệt nguồn tài nguyên của hành tinh này. [nguồn: India Live Today, July 8, 2016] 
TRUNG QUỐC VÉT CẠN NGUỒN CÁ


Thời kỳ mà biển còn tràn đầy các loại cá, đời sống ngư dân tốt đẹp no đủ. Nhưng giờ đây ở phía bên kia trái đất, ngư dân các xứ Tây Phi châu như Guinea, Senegal đang than thở là biển hết cá họ chỉ kéo lên được những mẻ lưới gần như trống trơn. (1, 2)
Trong khi đó, ở một tỉnh miền đông Trung Quốc, Zhu Delong 75 tuổi cũng lắc đầu nhìn vào mẻ lưới với lác đác mấy con cá nhỏ và vài con tôm đỏ. Ông ta hồi tưởng: "Khi còn bé, tôi có thể câu được những con cá đù vàng/ yellow croakers rất lớn. Nhưng nay thì ngoài biển trống trơn rồi."
Theo lượng giá của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, do bị lưới bắt quá mức, nguồn cá biển trên toàn cầu đang dần cạn kiệt. Trên khắp các đại dương, do đánh cá theo lối lùng và diệt, mà đa phần là các hạm đội tàu cá Trung Quốc, đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống bao nhiêu triệu ngư dân các quốc gia nghèo mà tài nguyên biển là nguồn lợi tức chính và cũng là thực phẩm của họ. 
 
họ. 
Hình 2: Số hạm đội tàu cá Trung Quốc ngày càng gia tăng, tăng mức đánh trộm cá ngày đêm suốt dọc vùng biển Tây Phi châu [nguồn: Greenpeace Africa 20.05.2015] 
Hình 3: Với hơn 2,600 tàu cá lớn,Trung Quốc hiện diện cùng khắp: trên Biển Đông, Úc châu, Ấn Độ Dương, Tây Phi châu và Nam Mỹ, họ được mệnh danh là "Vua của Đại Dương" [nguồn: The NYT 04.30.2017]
Trung Quốc với ngót 1.4 tỉ dân, chiếm 1/5 dân số toàn cầu, kinh tế phát triển, đã qua giai đoạn đói kém, lợi tức gia tăng mỗi năm, họ có nhu cầu ăn ngon và hải sản trở thành nguồn thức ăn được ưa chuộng. Để cung ứng nhu cầu ấy, Trung Quốc đã thành lập các hạm đội gồm những con tàu sắt lớn, không chỉ là tàu đánh cá mà còn có vai trò bán quân sự / militia trên đại dương, họ được nhà nước TQ cung cấp ngân khoản đóng tàu, dụng cụ hải hành, nhiên liệu và cả những khoang nước đá ướp giữ cá trong nhiều tuần lễ cho những cuộc hải hành rất xa tới Tây Phi châu hay Nam Mỹ. Các hạm đội tàu cá này còn được hoả lực của hải quân TQ bảo vệ.
Đối với Bắc Kinh, các hạm đội tàu cá này giúp TQ xác định tham vọng chủ quyền về lãnh hải đang có những tranh chấp trên Biển Đông. Chính quyền tỉnh đảo Hải Nam luôn luôn khuyến khích các đoàn tàu cá TQ ra các vùng biển quần đảo Hoàng Sa/ Paracels thuộc Việt Nam và trên Trường Sa / Spratlys nơi mà Philippines và cả Việt Nam đều tuyên bố có chủ quyền.
Đáng sợ nhất phải kể những con tàu lưới rà/ trawlers Trung Quốc có khả năng tung những mẻ lưới dài hàng dặm đụng tới đáy biển sâu, cào vét mọi sinh vật trong lòng đại dương, bốc lên cả những khối san hô và những bãi sò / oyster beds; và 90% đã bị chết khi bị ném trở lại lòng biển. Loại tàu lưới rà / trawlers nàybị cấm ở nhiều quốc gia vì hậu quả huỷ hoại quá lớn trên toàn sinh cảnh đại dương nhưng lại được Trung Quốc tận dụng. [Hình 1]
Do nguồn cá trên biển Trung Quốc gần như cạn kiệt, ngư dân TQ được khuyến khích của nhà nước đưa những hạm đội tàu đánh cá tới các vùng biển xa của những quốc gia khác.
Những hạm đội tàu cá Trung Quốc này không chỉ vẫy vùng trên Biển Đông, mà còn đi xa tới cả hơn nửa vòng bên kia trái đất, tới vùng biển Tây Phi châu và cả xuống tới Nam Mỹ. [Hình 2, 3]
Theo một nghiên cứu của Đại học Singapore, nhà nước TQ đã tài trợ cho kỹ nghệ ngư nghiệp / fishing industry 22 tỉ MK tăng gấp 3 lần so với 4 năm trước (2011-2015),
Hạm đội tàu cá TQ tới các vùng biển xa / distant-water đã lên tới 2,600 chiếc (số tàu cá Hoa Kỳ chỉ bằng 1/10). Nơi vùng biển Senegal, những con tàu sắt ấy có thể lưới số lượng cá trong một tuần bằng cả một năm lưới bắt của ngư dân địa phương. 
Khi nói tới đánh cá toàn cầu, thì TQ là vua của đại dương / king of the sea. TQ là quốc gia xuất cảng hải sản lớn nhất thế giới, dân TQ tiêu thụ 1/3 lượng cá đánh bắt được, 2/3 cá còn lại là xuất cảng. Kỹ nghệ hải sản cũng đã cung cấp việc làm cho 14 triệu dân TQ.
"Thực chất, cái gọi là đánh cá truyền thống trong vùng biển TQ chỉ còn là một cái tên. Đối với giới lãnh đạo TQ thì việc bảo đảm cung cấp nguồn hải sản không chỉ tốt cho kinh tế mà còn góp phần vào ổn định xã hội và chánh trị." Theo Zhang, thuộc ĐH Nanyang. 
TRUNG QUỐC CƯỚP CƠM CHIM 
 
Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc, giải thích với các bạn trẻ lớn lên ở ngoại quốc về thành ngữ "cướp cơm chim"; đó là một cái gì rất thiết yếu như nắm cơm ít ỏi của những người nghèo khổ nhưng vẫn bị kẻ giàu có nhẫn tâm cướp đi. Đó cũng chính là hình ảnh các hạm đội tàu cá Trung Quốc đánh trộm và cướp cá của những ngư dân nghèo khó trên khắp thế giới.
Senegal điển hình cho một quốc nghèo của Tây Phi châu với 14 triệu dân và 300 dặm bờ biển và nguồn cá như mạch sống của họ. Mạch sống ấy đang bị TQ nạo vét đến cạn kiệt. (1)
Làm sao mà cư dân địa phương chỉ với những chiếc thuyền gỗ mỏng manh có thể đương đầu với hạm đội tàu sắt không khổng lồ với lưới cào trải rộng hàng dặm của Trung Quốc. [Hình 1,4] Hậu quả là những ngư dân Senegal vốn đã nghèo khổ, nay không còn lợi tức, không còn đủ cá để ăn như là nguồn protein chính của họ.
Alssane Samba, nguyên giám đốc nghiên cứu Hải học viện Senegal đưa ra nhận định: "Chúng tôi đang phải đương đầu với một khủng hoảng chưa từng có, và nếu sự việc cứ tiếp tục như vậy, dân chúng Senegal sẽ phải ăn sứa / jellyfish để sống còn." (1)
Theo World Bank/ Ngân hàng Thế giới thì hải sản không chỉ là nguồn protein của dân chúng Senegal mà kỹ nghệ thuỷ sản còn là nguồn lợi tức xuất khẩu và đem lại 20% công ăn việc làm cho họ.
Trước đây, ngư dân đánh bắt được những con cá mú / grouper và cá thu / tuna rất lớn nhưng bây giờ thì họ phải tranh giành nhau từng mớ cá mòi / sardine nhỏ vụn. Ngư dân Senegal ngày nay muốn đánh bắt cá thì phải chấp nhận hiểm nguy dám ra xa với những chiếc thuyền gỗ của họ, không kể bất chắc về thời tiết nhưng khi gặp hạm đội tàu cá lớn / super trawlers của TQ thì những chiếc ghe gỗ mỏng manh của họ có thể bị húc chìm. Cam phận với những mớ cá nhỏ còn đánh được, tương lai của họ gần như vô vọng. 
Thêm nạn hạn hán vì thay đổi khí hậu / climate change, đã lại xô đẩy thêm hàng trăm ngàn nông dân Senegal từ vùng quê ra các vùng duyên hải kiếm sống khiến quốc gia này càng lệ thuộc vào biển, trong khi tài nguyên biển cũng đã bị cạn kiệt.
Do các đợt di dân ra vùng biển đã biến thị trấn duyên hải Joal từ một làng cá nhỏ với vài chục thuyền cá nay đã trở thành một thị trấn 55,000 dân với 4,900 chiếc thuyền gỗ. Abdou Karim Sall chủ tịch hội ngư dân địa phương được coi như một người hùng khi tự tay bắt được 2 thuyền trưởng tàu đánh cá lậu TQ nói: "Chúng tôi vẫn nghĩ cuộc sống biển là vô tận, nhưng nay thì đang phải đối đầu với một thảm hoạ."
Cuộc sống ngày càng khó khăn, bế tắc cuối cùng đã xô đẩy họ thành đám thuyền nhân tị nạn kinh tế bất đắc dĩ đổ sang các xứ Âu châu. Moustapha Balde 22 tuổi, có đứa em họ vị thành niên vượt biển bị chết do đắm tàu trên Địa Trung hải, nói: "Người ngoại quốc thì than phiền về đám di dân từ Phi châu nhưng cũng chẳng ai quan tâm gì tới đám người
Phi châu nhưng cũng chẳng ai quan tâm gì tới đám người - ám chỉ Trung Quốc tới vùng biển chúng tôi và đánh cắp hết cá."
Dyhia Belhabib chuyên viên ngư nghiệp đang có những cố gắng lượng giá tình trạng đánh cá lậu dọc bờ biển Tây Phi châu và tệ hại nhất vẫn là những hạm đội tàu cá tới từ TQ. Chỉ riêng vùng biển Senegal, TQ đã đánh trộm 40,000 tấn cá / năm, gây thiệt hại lên tới 28 triệu MK. Con số thiệt hại thật sự lớn hơn nhiều do các tàu cá lậu TQ hoạt động mạnh mẽ trong vùng biển cấm nhất là vào ban đêm. 
Thảm cảnh bị TQ cướp cá ấy cũng diễn ra trên xứ Guinea, một quốc gia Tây Phi châu khác. Hải cảng Bonfi thuộc thị trấn Conakri cũng thật ảm đạm với những chiếc thuyền gỗ sơn nhiều màu sắc đã chẳng còn đem về được những mẻ cá sung túc như xưa. Người dân cảng Bonfi chỉ biết giận dữ nhưng cũng bó tay chẳng làm được gì với những đoàn tàu cướp cá của Trung Quốc. Chính phủ Guinea không chỉ thiếu phương tiện bảo vệ biển mà còn bị tê liệt vì nạn tham nhũng.
Với Trung Quốc thì thảm hoạ nơi quốc gia khác lại là cơ hội của họ. Theo tổ chức Greenpeace, thì điều vô cùng tệ hại và cả nhẫn tâm của TQ là khi mà cả đất nước Guinea đang bị khốn đốn để đối phó với trận dịch kinh hoàng Ebola 2014, thì lúc đó thay vì tham gia cứu trợ, thì chính là lúc các hạm đội đánh TQ tăng tốc đưa thêm hạm đội tới khai thác đánh cá lậu của quốc gia này.
Theo nhận định của Tổ chức Công lý Môi trường/ Environment Justice Foundation (EJF) thì Tây Phi châu là nơi có mức đánh cá lậu lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã làm giàu bằng cách cướp nguồn cá cũng là thực phẩm thiết yếu của những người dân nghèo khổ nhất của các xứ Tây Phi châu như Cape Verde, Mauritania, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Dierra Leone, Senegal... Nghèo, thiếu phương tiện tự vệ, họ bị nước lớn TQ bắt nạt. Các chính quyền tham nhũng Tây Phi / [nuôi dưỡng tham nhũng cũng là sức mạnh mềm của TQ], với không thiếu những khẩu hiệu hô hào bảo vệ biển nhưng dân chúng thì hiểu đó chỉ là những sáo ngữ trống rỗng. Phải đương đầu với một nước lớn như Trung Quốc, từng được mệnh danh là "quốc gia hải tặc/ a pirate nation", thì đây quả là một trận đánh leo dốc/ uphill battle, phần thua luôn luôn là phía họ.  
Hình 4: Chiếc thuyền gỗ đánh cá mong manh của ngư dân Guinea luôn luôn bị xua đuổi và trấn áp bởi những con tàu sắt lưới rà lớn /super trawlers của Trung Quốc [nguồn: BBC World-Africa 8 July 2016] 
TQ có một hạm đội tàu cá lớn nhất thế giới có khả năng đi hàng tháng tới các vùng biển xa trên khắp toàn cầu, và đánh cá lậu trên các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của các quốc gia khác. Có thể nói không một quốc gia nào có biển mà không bị các hạm đội tàu cá TQ xâm nhập đánh cá bất hợp pháp. 
Theo lượng giá của LHQ, những đoàn tàu đánh cá lậu, chủ yếu là từ Trung Quốc đã làm thiệt hại nền kinh tế toàn cầu 23 tỉ MK mỗi năm. Và vùng biển Tây Phi châu là nơi có mức đánh cá lậu lớn nhất thế giới, theo nhận định của Tổ chức Công lý Môi trường/ Environment Justice Foundation (EJF), là một tổ chức phi chánh phủ của Anh quốc. " Những tay điều hành các vụ cướp cá lậu này đã làm giàu bằng bóc lột chính đám cư dân nghèo khổ nhất của các xứ Tây Phi." 
RỒI NHÌN VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ VIỆT NAM
Hàng ngàn ngư dân Phillipines đã bị các tàu hải quân TQ đánh đuổi ra khỏi vùng đánh cá quanh Trường Sa, từ trước đến nay vẫn là vùng đánh cá truyền thống của họ. Ngư dân tỉnh Palawan, do không còn sống được trên biển, họ phải xoay ra đốt rừng làm rẫy nhưng do đất đã bị mưa sói mòn, khô cằn và họ cũng không thể sống bằng canh tác.(1)
Việt Nam với 2,200 km bờ biển, với câu văn Giáo Khoa Thư: rừng vàng, biển bạc nay đã đi vào quá khứ.Rừng bị phá gần hết, biển thì nhiễm độc vàcạn cá. Ngư dân Việt Nam một cổ hai tròng, khổ hơn cả những người dân Tây Phi châu. Không phải chỉ mất nguồn cá, biển của họ cũng đã bị cướp. Họ phải giá bằng sinh mạng nếu muốn ra vùng biển vốn bấy lâu vẫn thuộc ông cha mình. 
Hình 5: Đoàn tàu gỗ đánh cá Biển Đông trên Sông Tiền chuẩn bị ra khơi, họ luôn luôn bị Trung Quốc truy đuổi ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam mà không được bảo vệ  [nguồn: photo by Ngô Thế Vinh] 
-- 07 tháng 6, 2015: tàu TQ dùng những súng vòi rồng / water canons gây hư hại cho tàu cá Việt Nam
-- 10 tháng 6, 2015: bốn tàu TQ vây một tàu cá VN trấn áp 11 ngư dân VN và cướp trọn 6 tấn cá lên 4 con tàu của họ
-- 19 tháng 6, 2015: lính TQ đổ bộ lên một tàu cá VN, phá huỷ lưới cá, tịch thu các dụng cụ truyền tin và la bàn; cướp đi 5 tấn cá
-- 29 tháng 9, 2015: tàu TQ và nhóm võ trang đổ bộ lên một tàu cá VN, tịch thu các dụng cụ hải hành và cướp đi 2 tấn cá và đánh chìm con tàu 12 giờ sau đó
-- 14 tháng 11, 2015: một hạm đội tàu TQ vây hãm 5 thuyền cá VN tại Vịnh Bắc bộ
 
01 tháng 01, 2016: tàu TQ đã húc và đánh chìm tàu cá VN chỉ cách Cồn Cỏ 40 dặm ngoài khơi tỉnh Quảng Trị, 11 ngư dân VN được các ghe bạn tới cứu sau đó
-- 06 tháng 03, 2016: 11 người từ 2 tàu Hải giám có treo cờ TQ đột nhập lên một tàu cá VN ngoài khơi Hoàng Sa, chúng không chỉ phá huỷ các dụng cụ hải hành, lưới cá mà còn tịch thu hết thức ăn, số thùng dầu dự trữ và cướp đi tất cả lượng cá đánh bắt được
-- 13 tháng 05, 2016: một tàu TQ húc và đánh chìm một tàu cá VN ngoài khơi tỉnh Quảng Nam, 350 hải lý đông bắc Đà Nẵng trong vùng quần đảo Hoàng Sa, họ mất toàn bộ thiết bị đánh cá và cả bị cướp đi 30 tấn mực tổn thất lên tới 450.000 MK. 
-- 09 tháng 07, 2016: tàu cá VN cùng 5 ngư dân đã bị tàu hải cảnh TQ truy đuổi, đâm chìm tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa cách đảo Bông Bay 34 hải lý của Việt Nam và rồi bỏ rơi họ trên biển. 
-- 10 tháng 11, 2016: tàu cá KH 97580-TS của VN bị tàu hải cảnh TQ húc và truy đuổi ra khỏi vùng biển Hoàng Sa trong khu vực đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn.
-- 01 tháng 05, 2017: mới đây nhất tàu cá BĐ 93241-TS trên tàu có 15 thuyền viên đã bị "tàu lạ" đâm chìm khiến một ngư dân VN tử vong và một bị thương....
Trung Quốc liên tục tấn công vào các đoàn tàu cá Việt Nam (3), rõ ràng không phải là các sự kiện riêng lẻ, nhưng là một chiến lược nhất quán. Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho những cuộc tấn công liên tiếp ấy; chính sách "một hòn đá giết hai con chim". Bằng bạo lực, TQ xác định chủ quyền trên vùng biển đang tranh chấp; cùng một lúc khai thác độc quyền cướp trọn tài nguyên, nguồn dầu, nguồn cá không chỉ trong vùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà xâm lấn cả vùng cận duyên hiển nhiên là thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Ngư dân Việt Nam thì vẫn dũng cảm bám biển, họ được nhà nước bảo vệ qua những lời tuyên bố lập lại sáo rỗng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: "Lên án mạnh mẽ các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc điều tra và xử lý nhân viên tàu hải cảnh đã cố ý đâm chìm tàu cá VN, bỏ mặc ngư dân trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không để tái diễn các hành động tương tự và có hình thức bồi thường thoả đáng cho ngư dân Việt Nam." VnExpress 13.07.2016 
Kết quả của các công hàm phản đối đó ra sao, các nạn nhân có được nhà nước Trung Quốc bồi thường thoả đáng hay không thì chính những ngư dân sống sót ấy họ biết rất rõ. Và như từ bao giờ, mối quan hệ giữa Việt Nam Trung Quốc vẫn được Bộ Chính trị Hà Nội rêu rao đánh giá là tốt đẹp với phương châm 4 tốt và cả 16 chữ vàng. 
Hình 6: Tàu Trung Quốc húc chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông; đây chỉ là một trong chuỗi những sự kiện liên tục TQ tấn công các tàu cá của Việt Nam. [nguồn: thoibao.today, photo by VOV] (7) 
Cũng cần mở thêm một dấu ngoặc ở đây, một sự kiện đáng buồn là do các ngư dân Việt Nam, không được nhà nước bảo vệ lại bị Trung Quốc dùng võ lực truy đuổi không cho đánh cá trên vùng biển quen thuộc của mình, trong cảnh bần cùng ấy, để có thể sống còn, một số đã liều mạng lái ghe tàu xâm nhập vùng biển của các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và mới đây xuống xa tới cả Úc châu. Số tàu nhỏ nhoi của ngư dân Việt tự phát ấy chẳng là gì so với những hạm đội tàu đánh cá lậu hùng hậu của Tàu được hỗ trợ toàn diện bởi nhà nước Bắc Kinh nhằm đáp ứng cùng một lúc các nhu cầu kinh tế, xã hội và cả quân sự của một Trung Quốc đang theo chủ nghĩa bành trướng.  
CHÍNH SÁCH MỀM NẮN RẮN BUÔNG
Trung Quốc đánh trộm cá và ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của các quốc gia khác đã đưa tới những vụ tranh chấp. Mức độ tranh chấp với Trung Quốc và phản ứng ra sao là tuỳ thuộc ở sức mạnh của nước sở tại. Chỉ riêng vùng Thái Bình Dương, không kể vùng biển rộng lớn quanh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà TQ hiện chiếm đoạt, TQ còn đưa những đoàn tàu đánh cá lậu vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của các quốc gia khác như Nhật Bản
Nam Hàn, Nam Dương, Phillipines và Việt Nam. "Mềm nắn rắn buông" là chính sách "bắt nạt" của các hạm đội tàu cá TQ. Gặp lực lượng tuần duyên hùng mạnh như Nhật Bản, Nam Hàn có đủ sức truy đuổi thì các đoàn tàu đánh cá lậu TQ không còn dám bén mảng tới. 
Giận dữ và cam chịu là tình cảnh của các nước Tây Phi châu không có khả năng tự vệ. Ngư dân Việt Nam cho dù bị Trung Quốc truy đuổi và trấn áp nhưng họ vẫn kiên cường cố bám biển.
Nhưng với các quốc gia khác thì khác. Nam Dương đã từng bắt giữ nhiều tàu Trung Quốc vào đánh cá lậu trong vùng biển của họ, và cả dùng không lực với các phản lực cơ 5 F-16 ra tới các đảo Natuna đánh chìm các tàu thuyền tàu xâm nhập bất hợp pháp. Chỉ mới đây thôi, tháng 4, 2017 Nam Dương đã lại cho phá huỷ thêm 81 tàu cá lậu ngoại quốc, dĩ nhiên trong số đó có những con tàu Trung Quốc, nâng tổng số lên hơn 300 chiếc kể từ 2014 thời Tổng thống Joko Widodo. Nam Dương rất quyết tâm bảo vệ biển và nguồn cá của mình cho dù đưa tới căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh.
Nam Hàn do có một lực lượng tuần duyên rất mạnh và cả chính sách cứng rắn nên khi phát hiện đoàn tàu đánh cá lậu Trung Quốc, họ đã nổ súng truy đuổi và trấn áp với hậu quả để lại một số tử vong và đoàn tàu đánh cá lậu Trung Quốc đã phải tháo chạy.[Hình 7] 
 
] 
Hình 7: Đoàn tàu đánh cá lậu Trung Quốc bỏ chạy khi bị lực lượng tuần duyên Nam Hàn truy đuổi; liệu bao giờ có một hình ảnh hào hùng như vậy với một lực lượng tuần duyên của Việt Nam [nguồn: báo Dong-A Ilbo] 
Ngày 15.03.2016 lực lượng tuần duyên Argentina Nam Mỹ, đã phát hiện một tàu lớn của TQ đang đánh lậu cá trong vùng hải phận của mình và đã yêu cầu con tàu phải rời đi nhưng họ chống cự lại và kết quả là con tàu TQ bị Argentina bắn chìm, 4 ngư phủ bị bắt sống và số thuỷ thủ còn lại đã thoát đi trên một con tàu TQ khác. 
Hình 8: Argentina, Nam Mỹ đánh chìm tàu đánh cá lậu Trung Quốc[nguồn: AFP/ Getty Images 15 March 2016] 
NAPOLÉON VÀ ĐẤT NƯỚC TRUNG HOA
Napoléon một thiên tài quân sự của nước Pháp thế kỷ19, đã tiên tri về một đất nước Trung Hoa: "Đó là một gã khổng lồ đang im ngủ. Hãy để nó yên giấc, vì khi thức dậy nó sẽ chuyển dịch cả thế giới".
Sang đầu Thiên niên kỷ thứ Ba, hơn hai thế kỷ sau Napoléon, một Trung Quốc đã thức giấc. Nó không chỉ làm rúng động mà cả xoay lệch trục hành tinh này theo cái nghĩa huỷ hoại. Gã khổng lồ có dân số đông nhất thế giới ấy đã đem tới những tín hiệu xấu cho hành tinh này: vô địch về gây ô nhiễm đất và không khí, phá huỷ cực thứ ba của trái đất là Tây Tạng nơi phát nguồn các dòng sông lớn Châu Á; đang khai thác huỷ diệt đời sống các đại dương / marine life. Nay với thêm chiến lược "một vòng đai một con đường / one border one road" Trung Quốc đang muốn chinh phục và thu hết tài nguyên thế giới với "lý lẽ của kẻ mạnh". 
Trở lại với Việt Nam, không kể tới một thiểu số đại gia tư bản đỏ
, với hơn 95 triệu dân, đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông nhất thế giới, họ có một mẫu số chung, một giấc mộng rất bình thường: được thở bầu không khí trong lành, uống ly nước tinh khiết, có bữa ăn gia đình đủ mấy chén cơm, với tô cá và mớ rau sạch.
Nhưng với bùn đỏ bauxite đổ ra trên Tây Nguyên, với nhà máy giấy Lee & Man bên bờ Sông Hậu, với nhà máy thép Formosa nơi biển Hà Tĩnh vẫn không ngừng đổ ra các chất độc, đưa ô nhiễm lên mức báo động đỏ, thì một giấc mơ tầm thường đến như vậy xem ra cũng đang vuột xa khỏi tầm tay của người dân Việt. Và câu hỏi đặt ra là vì đâu nên nỗi?
Vẫn có đó một bài học lịch sử: dân tộc muốn sinh tồn phải có nội lực, có sức mạnh đoàn kết bên trong và bên ngoài và phải biết nói "không" với Trung Quốc. 
NGÔ THẾ VINH
California, 21 Tháng 5, 2017 
Tham Khảo:
 
1/ China's Appetite Pushes Fish Stocks to Brink; Overfishing by Giant Fleet Exacts a Toll on Oceans Worldwide. Adrew Jacobs, The New York Times, Sunday 04.30.2017
2/ How China's Trawlers are Emptying Guinea'S Ocean. BBC World Africa, 08 July 2016 http://www.bbc.com/news/world-africa-36734578
3/ China Continues Attacks on Vietnamese Fishing Boats. Gary Sands, 13 May 2016. Foreign Policy Association
4/ China’s Reclamations Roil South China Sea;James Borton; World News / 11 April 2015; https://intpolicydigest.org/2015/04/11/china-s-reclamations-roil-south-china-sea/
5/ Chinese Illegal Fishing Threatens World Waters. AsiaToday; The WorldPost. http://www.huffingtonpost.com/asiatoday/chinese-illegal-fishing-t_b_10425236.html
 

TRUNG QUỐC LO SỢ



Trong nội bộ Trung quốc bắt đầu có sự phân tán rất mạnh, sau khi Chàng trai du học sinh đưa ra công trình nghiên cứu, chứng minh Hoàng sa và Trường Sa là của Việt Nam. Rất nhiều bản đồ cổ của chính nước Trung Hoa chỉ ra rằng. Cực Nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam. Đó là điều không thể chối cãi. PV Đô thị- hut ham cau binh duong lược dịch

Có tới trên 50 bản đồ Hoàng sa và 170 bản đồ cổ Trung quốc, cùng 4 bộ sách Atlas được chàng trai sưu tầm. Và công trình nghiên cứu của anh được công bố tại DH Yale cuối tuần qua.

Chàng trai nghiên cứu sinh Trần Thắng đã làm cho bất cứ ai tham gia hội thảo phải thán phục. Trong đó có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ đến từ Trung quốc đại lục phải ngả mũ.

Đây được coi là nguồn tư liệu từ chính trong đất nước Trung Hoa. Khi mà Thắng cất công sang tận Trung Hoa để sưu tầm từ 2010.

Được biết cha ruột của Thắng trước công tác tại đội xe hut ham cau binh duong. Ông đã có gắng tạo điều kiện cho con mình ra ngoài thế giới.

Trong đó có đến 3/4 là bản đồ cổ của Trung quốc, và 1/4 bản đồ do Phương Tây và Việt nam vẽ gần đây, từ năm 1618 đến 1859. Rất nhiều bản đồ cổ xưa nhất của Trung quốc, có tính liên tục, hệ thống suốt hàng ngàn năm trước và sau công nguyên. Đều chỉ ra rằng điểm cực Nam của Trung quốc dừng lại đảo Hải Nam. Chỉ duy nhất bắt đầu từ năm 1946 chính quyền Tưởng Giới Thạch mới vẽ ra định nghĩa vùng biển 11 đoạn, sau đó dần dần chuyển thành 9 đoạn. Điều đặc biệt hơn nữa, Chính nhà nước Trung quốc vào năm 1933, cũng đã phát hành lãnh thổ chỉ đến đảo Hải Nam.

Nhưng vì thấy bên Tưởng Giới Thạch vẽ cả vùng biển tiếp dưới. Do vậy không để mất mặt trước chính quyền Tưởng. Chính quyền Trung Hoa đại lục đã cho thu hồi hết và ra lại bản đồ mới. Nhưng họ vô tình không thể thu hồi hết những gì mình đã phát hành, có đóng dấu chính quyền.

Các nhà nghiên cứu Trung quốc cũng phải công nhận sự thật. Và trong nội bộ Trung quốc đại lục bắt đầu có dấu hiệu không rõ ràng. Chỉ vì một vài nét bút vẽ thêm vào bản đồ của Tưởng, đã khiến cho chính Quyền Trung quốc đại lục bây giờ phải đối phó với hầu hết các nước xung quanh. Theo công trình nghiên cứu, khi đi sâu vào hồi ký của Tưởng, hoàn toàn có thể nhận ra rằng. Tưởng cảm nhận được tương lại, và yếu thế trong việc đối phó với Công sản do Mao trạch Đông đứng đầu. Ông ta liền suy nghĩ mưu kế lâu dài. Sẽ chuyển hết quân tinh nhuệ của mình ra ngoài đảo Đài Loan.

Nhưng không quên để lại 11 nét bút bằng bút mực. Để tạo cho chính quyền Mao phải giải quyết vụ việc với các nước láng giềng, thay vì chăm chăm đối đầu với mình. Chính mưu kế và 11 nét bút nguệch ngoạc của chính quyền Tưởng. Mà giờ đây, toàn hệ thống chính quyền cộng sản Trung quốc phải căng mình đối phó. Họ không thể từ bỏ, vì họ đã chót cố đấm ăn xôi. Giờ bỏ, thì chắc chắn dân chúng sẽ lật đổ chính quyền. Còn nếu họ cố gắng chiếm, thì giờ đây họ phải đối mặt thách thức không chỉ là các nước láng giềng, mà còn rất nhiều nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật... và đặc biệt là dự luận và cộng đồng thế giới.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia người Australia nghiên cứu các vấn đề về Biển Đông, cũng phải thốt lên rằng :

Người Việt thật quá tài năng!

Niềm tự hào của nước Việt trên đất Mỹ…

Thật đáng ngưỡng mộ!

Ông cũng nhận xét bộ sưu tập của Chàng trai Trần Thắng sẽ chỉ ra điểm mẫu thuẫn lớn trong tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với 2 quần đảo Hoàng sa và Trường sa.

Trao đổi với PV Đô thị - rut ham cau, anh Thắng cho biết. Hiện công trình nghiên cứu sẽ được anh dịch sang nhiều thứ tiếng, để truyền bá rộng rãi đến mọi người dân trên thế giới, nếu muốn tìm hiểu. Và đặc biệt là người dân tại chính Trung quốc đại lục, đang khá phân vân trước ngã tư đường. Khi mà họ đang bị chính quyền Cộng sản trung quốc che đậy và dẫn dắt thông tin.

“Việt Nam đã và đang được các học giả quốc tế đấu tranh bảo vệ lợi ích trên Biển Ðông. Chính phủ nước Việt Nam nên lập quỹ về Biển Ðông, giúp điều kiện phát triển thông tin về Biển Ðông. Từ ngân sách này, chúng ta có thể dịch sách, các công trình nghiên cứu, phim tài liệu và tài liệu về Biển Ðông sang tiếng Anh và tiếng Trung Quốc”, ông Thắng nói và cho rằng quỹ Biển Ðông cũng sẽ hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu Biển Ðông.

Trần Phước Đạt
Bloomington, MN
TM sưu tầm

Anh Chị hãy nhận xét , và chia xẽ đễ bài này phổ biến rộng rãi cho thế giới đề thấy Việt Nam có chứng cứ lịch sử về HS và TS ..Chúng ta yêu nước ., chứ không phải yêu Đảng ..Đảng chỉ là bù nhìn của Đảng CS Tàu
Người gốc Việt triển lãm bản đồ Hoàng Sa trên đất Mỹ - VnExpress
TranslateShow original text
Người gốc Việt triển lãm bản đồ Hoàng Sa trên đất Mỹ - VnExpress

ĐẠI KẾ TẬP CẬN BÌNH

TQ công bố "đại kế nghìn năm" tối mật của ông Tập Cận Bình

Tân Hoa Xã gọi đây là "chọn lựa chiến lược mang tính lịch sử quan trọng", là "đại kế nghìn năm, quốc gia đại sự" của lãnh đạo hạt nhân Tập Cận Bình.
Ảnh minh họa.
"Danh tác", "xuất sắc", "xây dựng nền tảng cơ đồ"... là những đánh giá của dư luận Trung Quốc về kế hoạch thiết kế mới được công bố của chính quyền Trung Nam Hải.
Tất cả những bình luận trên đều để nói về dự án "Quận mới Hùng An" - khu hành chính mới được Ủy ban trung ương đảng cộng sản Trung Quốc (CPC) và Quốc vụ viện ra quyết định thành lập tại tỉnh Hà Bắc hôm 1/4 vừa qua.
Quận mới Hùng An được coi là khu vực mới có ý nghĩa toàn quốc sau Đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Quận mới Phố Đông, Thượng Hải.
Giới quan sát nhận định, dựa theo quy hoạch và kỳ vọng của Bắc Kinh, Hùng An có vị trí vô cùng quan trọng, thậm chí còn được coi là "công trình thế kỷ của thời đại Tập Cận Bình".
Tập Cận Bình - "Tổng công trình sư"
Theo đánh giá, Hùng An nằm ở vị trí trung tâm - là cửa ngõ kết nối ba địa phương gồm Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc.
Thông báo từ chính quyền Bắc Kinh tiết lộ, ĐCSTQ đặt kỳ vọng rất cao vào quy hoạch Quận mới Hùng An trong khi giới phân tích cho rằng, dưới sự hoạch định của ĐCSTQ, Hùng An sẽ nhận được nguồn lực đầu tư trên phạm vi toàn quốc.
Bắc Kinh cũng lần đầu tiết lộ, ông Tập đã đích thân tham gia và chỉ đạo quá trình xây dựng quy hoạch Quận mới Hùng An.
Giới quan sát nhận định, Quận mới Hùng An tuy chưa khởi công nhưng lãnh đạo Bắc Kinh đã đưa ra các mục tiêu rõ ràng cho thấy sự khác biệt lớn giữa quận mới này với Đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Quận mới Phố Đông, Thượng Hải.
Nếu nói Đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Quận mới Phố Đông, Thượng Hải thiên về phương thức "thử nghiệm" thì Quận mới Hùng An chú trọng về "thiết kế thượng tầng".
Trong nền chính trị Trung Quốc, "thiết kế thượng tầng" xuất hiện lần đầu trong báo cáo kế hoạch 5 năm lần thứ mười hai của ĐCSTQ (năm 2010), ý chỉ sự nghiệp cải cách Trung Quốc bước vào một hành trình mới.
Kế hoạch chuẩn bị lâu dài, bảo mật
Một số ý kiến cho rằng, quy hoạch thiết kế Quận mới Hùng An là một sự kiện lớn của thời đại Tập Cận Bình.
Sự kiện này được so sánh với việc việc sau khi Đặc khu kinh tế Thâm Quyến xuất hiện, Đặng Tiểu Bình được ca ngợi đã vẽ ra một vòng tròn đặc khu "Thâm Quyến-Chu Hải-Sán Đầu-Hạ Môn", tạo tiền đề cho cải cách mở cửa của Trung Quốc.
"Mấy nghìn năm sau, những chi tiết về sự ra đời của Quận mới Hùng An cũng có thể trở thành một giai thoại lịch sử thú vị tại Trung Quốc", Đa chiều (Mỹ) bình luận.
TQ công bố đại kế nghìn năm tối mật của ông Tập Cận Bình - Ảnh 3.
Hình ảnh huyện Hùng - khu vực hành chính thuộc Quận mới Hùng An chụp hôm 1/4. 
Ảnh: Tân Hoa Xã
Ngày 1/4, sau khi quy hoạch Quận mới Hùng An được chính thức công bố, phản ứng đầu tiên của người Trung Quốc chính là giá bất động sản tại khu vực này sẽ nhảy vọt. Tuy nhiên, chính sách trù bị và điều chuyển nhân sự đã được ĐCSTQ triển khai từ khá sớm.
Đúng ngày 1/4, chính quyền Hà Bắc thành lập Ủy ban công tác trù bị và Ủy ban đảng ủy lâm thời Quận mới Hùng An. Đồng thời, Hứa Cần - người có 7 năm kinh nghiệm nắm giữ vị trí Thị trưởng Thâm Quyến được bổ nhiệm vào chức vị Phó bí thư kiểm Chủ tịch tỉnh Hà Bắc.
"Nghiêm ngặt, bí mật" là nhận thức chung của dư luận Trung Quốc bởi trước ngày 1/4, dư luận nước này dường như không hề có khái niệm về Quận mới Hùng An.
Định vị quan hệ Bắc Kinh-Hùng An
Sau sự ra đời của Quận mới Hùng An, một bộ phận xã hội Trung Quốc gọi đây là một cuộc "dời đô". Tuy nhiên, truyền thông Đại lục cho rằng, khái niệm "dời đô" chỉ là tưởng tượng của dư luận, bởi mục đích cốt lõi của quy hoạch chính là "phát triển".
Ngoài danh xưng "đại kế nghìn năm, quốc gia đại sự", truyền thông Trung Quốc còn cho biết, mục đích xây dựng khu vực hành chính mới này là "tập trung chia sẻ chức năng 'phi thủ đô' của Bắc Kinh, tìm kiếm mô hình mới để phát triển tối ưu khu vực tập trung đông dân cư, điều chỉnh tối ưu bố cục và cấu trúc không gian giữa Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc..."
Hôm 3/4, trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, Viện sĩ Từ Khuông Địch - Chủ tịch danh dự đoàn Chủ tịch Học viện xây dựng Trung Quốc - Tổ trưởng Ủy ban chuyên gia tư vấn phát triển đồng bộ Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc tiết lộ, Quận mới Hùng An sẽ thực hiện một phần chức năng của thủ đô Bắc Kinh.
"Xây dựng Quận mới Hùng An giúp chia sẻ chức năng phi thủ đô, hiệu quả giảm bớt căn bệnh "đô thị" của Bắc Kinh đồng thời sẽ kết hợp với quận Thông Châu - trung tâm thứ hai của Bắc Kinh trở thành hai cánh mới cho thủ đô Trung Quốc", Từ Khuông Địch nói.
Theo đó, Thông Châu và Hùng An sẽ trở thành khu vực thực hiện chức năng "phi thủ đô" còn Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì chức năng "thủ đô" vốn có.
Ngày 16/2/2014, trong chuyến khảo sát Bắc Kinh, Tập Cận Bình đề xuất cần xác định rõ ràng vị trí chiến lược của Bắc Kinh, duy trì và tăng cường chức năng hạt nhân của thủ đô - trung tâm chính trị, văn hóa, giao lưu quốc tế, sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc.
Theo đánh giá, định hướng phát triển Hùng An theo mô hình mới - mang chức năng bồi dưỡng, xây dựng lực lượng sản xuất vật chất mới - sẽ trở thành ý nghĩa biểu tượng tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu này sẽ không dễ dàng đạt được, hơn nữa trong thời gian ngắn sẽ khó có khả năng "đơm hoa kết trái".
 http://www.biendong.net/goc-khuat-trung-hoa/13543-tq-cong-bo-dai-ke-nghin-nam-toi-mat-cua-ong-tap-can-binh.html

VŨ THƯ HIÊN * THÂN PHẬN TRÍ THỨC

Vũ Thư Hiên: Thân phận trí thức trong xã hội cộng sản

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017


(Đọc “Tuỳ Tưởng Lục” của Ba Kim)

Thường khi gặp được một cuốn sách hay là tôi phải đọc một lèo. Có khi thức trắng đêm đọc cho bằng xong. Chưa xong thì trong người cứ anh ách, ngủ không yên. Lâu ngày thành cái tật, sửa không được.


Cuốn Tuỳ Tưởng Lục tôi đang có trong tay là của một bạn văn trong nước gửi cho. Thỉnh thoảng anh vẫn gửi cho tôi một thứ gì đó, đại loại như trà Tân Cương, cốm Vòng, hoặc tinh dầu cà cuống thứ thiệt, kèm theo một lời nhắn. Thư thì không, tuyệt nhiên. Anh không giấu giếm rằng anh nhát. Lần này có người tin cẩn anh lại gửi quà — một cuốn sách. Chúng tôi chơi với nhau đã nửa thế kỷ, người nọ thuộc tính người kia, tôi không giận anh. Anh cho quà là quý rồi. Anh biết chắc tôi sẽ thích món quà của anh.
Mà thích thật. Trước hết, đó là cảm giác gần gụi của thân phận tác giả với thân phận người đọc, của sự đồng cảm. Cứ đọc xong một bài, có khi chỉ một đoạn, lại phải đặt sách xuống, thừ người ra mà ngẫm nghĩ. Có chỗ, ứa nước mắt.

Thích thì thích, nhưng tôi đã không đọc nổi Tuỳ Tưởng Lục của Ba Kim một mạch. Chắc nó cũng có sức lôi cuốn tương tự với những ai từng sống trong xã hội cộng sản và có một chút trăn trở về xã hội ấy: nó thật sự là cái gì vậy? nó có xứng với ta, với con người, không? liệu nó còn tương lai không? 
Tuỳ Tưởng Lục là lời tâm sự thật thà của một trí thức háo hức đi tìm chân trời mới rồi lớ ngớ thế nào lại thấy mình rơi tõm xuống địa ngục. Trong Tuỳ Tưởng Lục có đủ nỗi nhục nhằn tinh thần và những mất mát làm trái tim suốt đời rỉ máu, không kể đến những đớn đau thân xác. 
Tuỳ Tưởng Lục, bản tiếng Việt (nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2002) là một tập những bài viết của Ba Kim trong tuổi trên 80, nghĩ gì viết nấy, không câu nệ thể loại, đề tài. Hai dịch giả danh tiếng - Trương Chính và Ông Văn Tùng — tự chọn các bài để dịch. Sự chọn lựa của hai ông rất khéo: vừa đủ để người đọc được biết về một thảm họa xảy ra ở nước láng giềng đã nhiều năm, nhưng vì bị bưng bít nên không ai biết vân mòng nó ra làm sao, đồng thời cũng tránh được cơn giận dữ ở các bậc quyền cao chức trọng dễ chạnh lòng.
Tuỳ Tưởng Lục nguyên bản tiếng Hoa là một tác phẩm đồ sộ, gồm 5 tập, không rõ bao nhiêu trang, tập đầu in năm 1978, tập cuối in năm 1986. Những bài được chọn để dịch đều ít nhiều dính dáng tới cuộc “Đại Cách mạng Văn hoá Vô sản” kéo dài mười năm - từ 1966 đến 1975 (1) . Người Việt nào từng chịu đựng cuộc Tiểu cách mạng văn hoá vô sản ở Việt Nam (nó không có tên gọi, kéo dài và âm thầm) sẽ tìm thấy trong Tuỳ Tưởng Lục (bản dịch) những lý giải cho câu hỏi: vì sao nên nỗi?
Những nghiên cứu khoa học cho ta biết trong trí nhớ của con người có một bộ lọc kỳ diệu. Nó thường xuyên xóa đi giúp ta những hình ảnh xấu, những kỷ niệm buồn. Không có cái bộ lọc ấy thì cuộc sống con người khốn nạn lắm. Thật vậy, tôi cũng thường quên những điều tồi tệ, chỉ những kỷ niệm đẹp mới được ghi lại. Tác giả Tuỳ Tưởng Lục chắc cũng không khác. Không thế, không sống nổi.
Vậy mà, với Tuỳ Tưởng Lục Ba Kim lại chống cái trí nhớ có lợi cho con người ấy. Trải qua những năm tháng bị dập vùi, ngẫm lại thân phận mình và thân phận đồng bào trong cái xã hội “không thể tưởng tượng nổi,” ông kêu gọi mọi người không được quên cái Ác và tội của nó. Quên là chết. Nhớ thì đau đấy, khổ đấy, nhưng phải khắc cốt ghi xương, rằng nó đã có, cái Ác ấy, nó hằng có, lúc tiềm tàng, lúc hiện diện, cho nên phải luôn cảnh giác với nó, để mặc nó lộng hành thì con người không thể nào có được cuộc sống yên lành. Phải chặn đứng cái Ác khi còn chưa muộn, phải trói nó lại, cách ly nó khỏi đời sống, tìm mọi cách tiêu diệt nó. Không thể để lũ ác nhân cứ tự do hoành hành, tác yêu tác quái, rồi bất kể hậu quả là thế nào, chúng cứ nhơn nhơn lớn lối với bàn dân thiên hạ, coi như không có chuyện gì xảy ra, chỉ có mình chúng là duy nhất đúng đắn, là vô cùng sáng suốt: “Thành tích là căn bản, sai lầm là nhất thời.” Đối với lũ ác nhân đội lốt thiên thần dường như cứ đạt được một thành tích nào đó, dù chỉ trong tưởng tượng, thì cái gì cũng được phép. Đánh người tuỳ thích. Giết người tha hồ.
Gần ba chục năm đã trôi qua kể từ hạo kiếp của Ba Kim kết thúc. Nhưng ông lúc nào cũng bị dằn vặt bởi câu hỏi: lấy gì bảo đảm rằng vào một lúc nào đó, lại không có một tên nào đó, hoặc vài ba tên nào đó, hoặc cả một lũ một lĩ nào đó, sẽ lặp lại lần nữa, hoặc hơn một lần nữa, cái cuộc thiên hạ đại loạn từng đẩy ông, các bạn ông, và không biết bao nhiêu người Trung Quốc hiền lành vô tội khác, xuống địa ngục?
Trong một bài nói chuyện với giới văn hoá ở Nhật (trong bài không ghi rõ ngày tháng, nhưng chắc chắn là phải sau 1975), Ba Kim cảnh báo: “Mười năm đại hoạ đó là sự việc lớn trong lịch sử loài người, chẳng những dính líu đến chúng tôi, mà còn dính líu đến tất cả loài người”. Nếu Đại cách mạng văn hoá vô sản không xảy ra ở Trung Quốc ắt phải xảy ra ở một nước nào khác, ông nói thế.
Ba Kim đúng. Đúng ở chỗ ông đã nói ra. Nhưng ông cũng sai. Sai ở chỗ ông biết mà không nói hết.
Đúng là cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản không phải chỉ là bài học cho một nước. Nó là bài học chung cho cả loài người. Chưa kể những nơi mà nó khơi dậy những tiểu cách mạng văn hoá vô sản như ở Việt Nam và Cambodia. Ở đó những di hoạ khủng khiếp của nó không biết đến bao giờ mới tiệt nọc. Cái họa này lớn hơn ta tưởng nhiều. Nó lớn ở chỗ người trong cuộc không nhận ra nó khủng khiếp tới mức nào, đừng nói gì người ngoài. Mà không phải chỉ ở những nơi nào nó diễn ra mới chịu hậu quả tai hại. Cứ xem châu Âu của truyền thống dân chủ và tự do trong thập niên 60 thế kỷ trước thì thấy. Hồi ấy đã có bao nhiêu trí thức châu Âu hoan hỉ chào mừng những cuộc “vận động” của những “mao-nhiều” Trung Quốc, cứ như thể dưới bóng lá cờ năm sao đang diễn ra một cuộc đổi đời thật sự, biến mọi sự xấu thành tốt. Đã có bao nhiêu người ở khắp thế giới này hướng về Thiên An Môn với hi vọng được thấy một thế giới mới sẽ từ đó toả ra khắp năm châu bốn biển? Và cho tới hôm nay rải rác đâu đó vẫn còn những “mao ít” mang huy hiệu Mao Trạch Đông trên ngực, miệng hô: “Cái thế giới này phải cải tạo bằng khẩu súng trường,” (2) tay trói du khách đem đi giấu để đòi tiền chuộc.
Ba Kim sai, ở chỗ nơi “Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông” không phải chỉ có một cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản. Trước nó đã có hết cuộc “vận động” này đến cuộc “vận động” khác, và như một quy luật, cuộc “vận động” nào cũng kết thúc bằng một địa ngục, không phải cho người này thì người kia. Ai theo dõi tình hình Trung Quốc cận đại cũng biết rằng trước cái đận Ba Kim và các trí thức đi theo đảng cộng sản bị hạ ngục, bị trấn áp, đã có biết bao nhiêu nạn nhân thuộc các thành phần khác: đảng viên Quốc dân đảng, viên chức chính quyền cũ, tư sản, địa chủ... và những người được gọi bằng cái tên chung “phản động.” Số người bất hạnh ấy là bao nhiêu không ai biết. Đảng cộng sản không thống kê. Chẳng ai được quyền thống kê hết. Nhưng không phải vì thế mà Ba Kim được quyền quên những người ấy. Hoặc tảng lờ như họ chưa từng sống trên đời. Họ cũng là người chứ. Chẳng lẽ ông, với tư cách nhà văn, chứng nhân của những gì xảy ra quanh mình, lại có thể phớt lờ một sự thật rành rành rằng ở Trung Quốc mọi cuộc “vận động” “xây” cái này, “chống” cái kia, bao giờ cũng đi kèm với trống rong cờ mở ban đầu và kết thúc thắng lợi với máu chảy, người chết. Lệ là thế. Không thế không phải là cách mạng. Theo đúng lý thuyết của họ Mao.
Ba Kim được các nhà phê bình văn học bản địa coi là một trong bốn cây đại thụ của nền văn học Trung Quốc (ba người kia là Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Quách Mạt Nhược). Cách đánh giá của họ không có sự đồng thuận ở bên ngoài Trung Quốc. Nhưng đánh giá theo cách nào thì Ba Kim cũng là một nhà văn lớn. Ông tên thật là Lý Nghiêu Đường, tự Phế Cam, người tỉnh Tứ Xuyên, con nhà giàu có, từng du học Pháp. Năm 23 tuổi, khi còn là học sinh trường trung học La Fontaine ở thị trấn Chateau-Thierry, ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Diệt Vong, được độc giả rất hoan nghênh. Từ năm 1930-1949 ông viết nhiều (Ái Tình Tam Bộ Khúc, Kịch Lưu Tam Bộ Khúc), dịch cũng nhiều.
Sau năm 1949, sau khi lục địa Trung Hoa hoàn toàn bị nhuộm đỏ, Ba Kim cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ khác, đã đi theo đảng cộng sản. Tự nguyện hoàn toàn. Một lòng một dạ. Với tất cả tâm hồn hướng thiện nồng cháy. Tuy nhiên, Ba Kim viết ít hơn hẳn so với trước. Nhà trí thức Ba Kim không theo kịp (hay đã cố gắng mà không sực nổi) những khẩu hiệu “Quán triệt phương hướng phục vụ công nông binh, phục vụ chủ nghĩa xã hội,” “thực hiện phương châm “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng,” “Tiến hành phương pháp chủ nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”... Nào có phải chỉ có những khẩu hiệu rổn rảng mà thôi. Theo sau chúng là những cuộc đấu tranh có máu. Nào “Phê phán phim Vũ Huấn” (1951), “Phê phán cuốn ‘Nghiên cứu Hồng Lâu Mộngcủa Du Bình Bá”, “Phê phán quan điểm duy tâm của Hồ Thích” (1954), “Chống tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong” (1955), “Chống phái hữu trên mặt trận văn nghệ” (1957), “Chống “chủ nghĩa xét lại” (1959). Đây là chỉ nói về các cuộc “vận động” nhằm nện cho trí thức nhừ tử. Chứ còn tư sản, địa chủ thì Mao chủ tịch và các đồng chí của ông ta đã quét sạch sành sanh.
Tất cả sự tàn nhẫn của đảng cộng sản đối với trí thức, xét cho cùng, chỉ có mục đích bắt họ phải khuất phục đảng vô điều kiện. Nhưng chưa phải thế đã đủ, những cuộc “vận động” kia hoá ra mới chỉ là khúc nhạc dạo cho một cuộc “cách mạng” còn tàn bạo và gớm ghiếc gấp bội.
Tên của nó là “Đại cách mạng văn hoá vô sản.”
Tháng 8 năm 1966, đùng một cái, Ba Kim rơi xuống địa ngục.
Ông tả lại: “... Tôi thật giống như một du hồn bị đưa đến ‘Thập điện Diêm Vương.’ Mỗi chuyện tôi làm trong quá khứ đều bị nêu ra, từng cái một, để bỏ tôi vào vạc dầu mà tra tấn, mà thay xương đổi thịt! Mười bức vẽ đưa vong linh đi qua thập điện Diêm Vương, âm khí thê thảm, máu chảy đầm đìa, không biết mình là người hay là quỷ, là thú vật hay hồn ma, xuống âm ty hay đã xuống địa ngục rồi. Bấy giờ Tiêu San (3) còn sống, sáng dậy tôi mở mắt, nghe tiếng nàng, tôi gọi thì nàng nói: ‘Không sống nổi nữa!’” (Tuỳ Tưởng Lục).
Nói đùng một cái, là vì Ba Kim đang sống yên lành, hơn nữa, còn hữu hảo lắm lắm với chính quyền cộng sản, vào thời điểm ấy ông còn là cán bộ cấp cao về văn nghệ nữa kia; ấy thế mà một hôm vừa mới đi tiễn các nhà văn Á-Phi ở sân bay về đến nhà thì gặp người của cách mạng ập tới, túm lấy, trói tay giải đi. Úm ba la, Ba Kim — nhà văn cộng sản chính tông - trở thành “đối tượng của chuyên chính vô sản.” “Đối tượng,” chữ ấy thoạt nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, một khái niệm vô cảm, nhưng nghĩa của nó trong thực tiễn xã hội chủ nghĩa kinh khủng lắm, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nó có nghĩa nôm na là “kẻ thù.” Không phải chỉ đơn giản là kẻ thù giai cấp được định nghĩa trong các tác phẩm kinh điển mác-xít, nhiều nhất là trong các trước tác của Stalin, Mao Trạch Đông, không phải thế. Thứ kẻ thù này luôn được đặt trước câu hỏi thách thức “ai thắng ai?”, để mà tiêu diệt không thương sót. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa (viết hoa) ai cũng có thể trở thành “kẻ thù” hết. Mà đã là kẻ thù thì còn cái gì tốt đẹp, vui vẻ, chờ đợi họ trên con đường khổ ải đã trở thành quen thuộc đối với dân đen. Nhất là dân đen ở nước Trung Hoa đỏ. Ở nước này cũng biết mỗi khi có một cuộc “vận động cách mạng” (lần thứ n trong lịch sử) là y như rằng các “đối tượng” của cách mạng (hay của chuyên chính vô sản thì cũng rứa) sẽ được “xử lý” như thế nào.
Nhà văn Ba Kim hiền lành không dám chống lại đảng cộng sản thậm chí cả trong ý nghĩ, bất thình lình bị đảng ném vào cái đống lúc nhúc đủ mọi thứ “kẻ thù của cách mạng.” Ông bị mang đi đấu khắp nơi, từ thấp đến cao, lúc “bồi đấu”, lúc “dạo đấu,” (4) lúc “chính đấu”, đủ kiểu. Nhà ở của ông bị lục lọi khám xét lanh tanh bành, đồ đạc bị cướp thả cửa..., bản thân bị đưa đi học tập (Ba Kim gọi là làm “bò”, lao động cải tạo ở “trường 7.5” (5) ). Bởi vì Ba Kim có tội, theo quan niệm của cách mạng, của đảng cộng sản, hay nói cho đúng hơn, của một số “ông bà” cách mạng (than ôi, chẳng bao lâu sau những ông bà cách mạng này lại bị các ông bà cách mạng khác vạch mặt chỉ tên rằng đó là một “bè lũ” những kẻ xấu). Tội của Ba Kim không hề được tòa án nào tuyên. Mấy ông bà cách mạng nắm Đảng cộng sản lúc ấy bảo: Ba Kim là “tên đại phản cách mạng.” Thế là đủ. Bói ra ma, quét nhà ra rác, trường hợp của ông cũng không khác gì của các nhà văn khác, những gì Ba Kim viết hôm trước được khen, hôm sau bị chửi, bị lên án “tiếp tay cho kẻ thù của cách mạng.”
Trong các văn kiện nói về cuộc trấn áp rùng rợn này, đảng cộng sản Trung Quốc ra một khẩu hiệu sắt máu: “Đánh gục tại chỗ, lấy chân đạp xuống, suốt đời không cho ngóc đầu dậy!
Ở miền Bắc Việt Nam hồi ấy chẳng ai biết “Đại cách mạng văn hoá vô sản” là cái chi chi hết, trừ những bài ca ngợi nó, tít chữ to, in màu đỏ đậm, trên trang nhất tờ Nhân Dân. Trong những cuộc nói chuyện “nội bộ,” các lãnh tụ lớn lãnh tụ bé ra sức ca ngợi cuộc “Đại cách mạng văn hoá vô sản” do chính Mao chủ tịch vĩ đại đích thân chỉ đạo. Trong thời gian bắt đầu cuộc “Đại cách mạng văn hoá vô sản,” Mao chủ tịch phu nhân là Giang Thanh có lần bay sang Hà Nội với tư cách khách riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà khách hách dịch này nằng nặc đòi xem trước những bài xã luận báo Nhân Dân, tự mình sửa từng chữ từng câu, rồi mới gửi trả lại cho toà soạn đưa đi in. Cầm trong tay những số báo ca tụng “Đại cách mạng văn hoá vô sản,” người đọc giật mình thon thót, toát mồ hôi hột: liệu ở bên ta rồi có sẽ có cái “cách mạng” kiểu đó không? Mấy ông kễnh bên ta dám động cỡn lên làm một cái gì đó theo chân các Con Trời lắm. Nước Tàu ở gần ta quá, mà các ông kễnh của ta lại xính bắt chước. Cứ nghe các ông ấy nói thì cuộc “Đại cách mạng văn hoá vô sản” ở bên Tàu hay lắm, rằng cuộc sống sẽ ngày một tốt đẹp hơn là nhờ vào nó đấy. Cứ như thể không có cách mạng thì người ta ăn cám cả.
Ờ, người ta nói, tốt hơn thì... tốt thôi. Miễn đừng có khởi lên một cuộc “đấu tranh” long trời lở đất như cải cách ruộng đất. Kinh nghiệm sống trong quốc gia xã hội chủ nghĩa cho người ta biết phàm đã “đấu tranh” là y như rằng xã hội lộn tùng phèo, đầu chẳng phải phải tai, lành ít dữ nhiều, loạn xị bát nháo, kinh lắm. Các lãnh tụ quyền sinh quyền sát mà khởi lên cái sự “đấu tranh” thì họ có lợi, chứ dân đen chỉ có nước chết, biết “tránh đâu”?
Nhưng những tin vỉa hè, bây giờ được dân gian gọi bằng một cái tên hiện đại, mà rất trúng, là Thông tấn xã nhân dân, cho biết ở bên Tàu chẳng có cách mạng cách miếc gì hết, mà đang có một cuộc “thiên hạ đại loạn” với những tiểu tướng Hồng vệ binh hung hăng đập phá, bắt bớ, và cả giết chóc nữa.
Bắc Kinh mà đã báo mưa thì vua quan ở Hà Nội đi ô, bà con hãy cẩn thận!
Nhưng than ôi, đã ở trong vòng kiềm toả của đảng cộng sản rồi thì có cẩn thận cũng bằng thừa.
Thật vậy, chẳng bao lâu sau sự khởi đầu “Đại cách mạng văn hoá vô sản,” Lê Duẩn - hoàng đế tân triều ở nước ta, ngồi trên ngai vàng vẫn chưa quên việc bẻ ghi đường sắt, ra lệnh phát động ngay tắp lự một cuộc trấn áp bọn phản cách mạng, theo hình mẫu Trung Quốc, gọi là “bọn xét lại chống Đảng.”
Thế là tôi vào tù. Cùng với vô số người khác.
Trong cuộc sống trong xà lim kín như bưng kéo dài hơn bốn năm, tôi không biết việc gì đang xảy ra bên ngoài bốn bức tường, nói gì đến những việc xảy ra ở tận bên Tàu. Đến lúc được đưa ra trại chung mới được nghe sơ sơ về cái cuộc cách mạng long trời lở đất ấy. Những người Trung Hoa từ đại lục chạy qua, bị bỏ tù bởi nước chư hầu của Thiên triều, tránh không kể kỹ. Không phải vì họ sợ, đã ở trong nhà tù Việt Nam rồi còn quái gì mà sợ, nhưng họ ngán nhắc tới những kỷ niệm hãi hùng. Còn tôi thì nghe cái sự kể sơ sơ ấy đã dựng tóc gáy. Còn khiếp hơn những chuyện kinh dị đọc trong sách nhiều. Mạng người như mạng ngoé, có khi còn rẻ hơn. Dân thường còn thế, chắc trí thức Trung Quốc khốn khổ lắm.
Đến những năm 1979-1980 khi cái răng Trung Quốc đùng đùng cắn môi Việt Nam một cái rõ đau, các nhà lãnh đạo Việt Nam coi Trung Quốc là kẻ thù số một số hai rồi, tôi mới được đọc lác đác vài cuốn sách bôi xấu những nhà lãnh đạo một thời của Thiên triều, đại loại như Hồng Đô Nữ Hoàng (Giang Thanh), những chuyện thâm cung bí sử có liên quan tới Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân, Diệp Kiếm Anh, Hạ Long, Bành Đức Hoài, Chu Ân Lai...
Nhưng mãi đến bây giờ, ba chục năm sau đó, qua Tuỳ Tưởng Lục tôi mới được biết cái ngày “hội cách mạng” ở Trung Quốc đã diễn ra với giới trí thức như thế nào?
Tôi tin Ba Kim nói thật trong những gì ông viết về “Đại cách mạng văn hoá vô sản.” Tôi tin rằng ông không bịa thêm, như thường thấy trong những hồi ký tố khổ. Nhưng tôi cũng tin rằng ông đã nói ít hơn những điều ông biết và có thể kể lại. Có thể cảm thông với ông, ông không thể nói đủ, nói hết. Một phần là do sợ hãi (sợ hãi là một thành tố của tính người xã hội chủ nghĩa, không có nó không có con người xã hội chủ nghĩa). Phần khác do mặc cảm tội lỗi: xét cho cùng, Ba Kim đâu có hoàn toàn vô can trong những điều tồi tệ đã diễn ra?
“Đại cách mạng văn hoá vô sản,” theo lời tả của Ba Kim, bắt đầu một cách ào ạt, rầm rộ, với trống rong cờ mở, thanh la não bạt; hào hùng lắm, khí thế lắm. Trong không khí sôi động ấy, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, hoạ sĩ... , nói tóm lại, tất tần tật các văn nghệ sĩ, các nhà trí thức, lần lượt bị phái “tạo phản” (một tên gọi phái cực tả hồi ấy) điểm mặt, lôi ra. Họ bị buộc đủ các thứ tội đối với cách mạng, từ khinh thị công nông, nói xấu Đảng, nói xấu lãnh tụ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, bôi nhọ chế độ, đến phản cách mạng, bán nước... Họ là đều là “hoa dại,” là “cỏ độc” hết, tuốt tuột. Phái “tạo phản” la hét đầu đường cuối phố: “Phải quét sạch, phải nhổ tận rễ mọi thứ hoa dại cỏ độc.” Quần chúng, như đàn cừu Panurge, ào ào theo sau, xông vào nhà những người bị đấu, lôi họ ra đường, bắt họ đội “mũ cao” (một hình thức nhục mạ), nhổ bọt vào mặt họ, ném đá vào người họ, hô to những khẩu hiệu đòi tiêu diệt họ. Và xông vào nhà bọn hoa dại cỏ độc mà ăn cướp, ăn cướp thực sự, theo nghĩa đen.
Ba Kim tả: “Tôi bỗng trở thành ‘ác bá văn chương,’ (6) thành ‘yêu ma quỷ quái,’ thường xuyên bị lôi ra phê đấu. Về sau do ‘lũ bốn tên,’ qua quyết định của sáu người có trách nhiệm ở Thượng Hải là Vương Hồng Văn, Mã Thiên Thuỷ, Từ Cảnh Hiền... đánh tôi thành ‘tên phản cách mạng không đội mũ cao’ đuổi tôi ra khỏi giới văn nghệ. Phái ‘tạo phản’ và tay chân của ‘lũ bốn tên’ dán lên mấy nghìn tờ báo chữ to (đại tự báo) về tôi, thậm chí còn dán biểu ngữ ngay trên đường cái nói tôi là ‘quân bán nước,’ ‘phản cách mạng,’ cho tôi là thối tha. Trương Xuân Kiều tuyên bố công khai không cho tôi sáng tác nữa.” (Tôi Và Văn Học). “Nghĩ lại những ngày ấy... tôi vẫn rùng mình rởn gáy. Tôi cảm thấy rành rành rằng tấm lưới xung quanh tôi ngày càng thít lại, mỗi tuần lễ một ghê gớm hơn”...”Nực cười là tôi cũng cho nhân quyền là thứ của giai cấp tư sản, còn hạng ‘yêu ma quỷ quái’ như chúng tôi không có tư cách hưởng những thứ ấy. Lúc đó sống một ngày dài bằng cả năm, còn bụng dạ nào mà cười? (Về Nói Thật. Bài Thứ Ba). “Tôi không giấu là nhiều lần tôi bị phái ‘tạo phản’ lôi lên bục bắt ‘ngồi máy bay phản lực’; tôi cúi đầu nhận tội, diễn đủ các trò hề! Có lần, tôi và một ông bạn nhà văn già phải quỳ trên sàn hội trường phân hội Liên hiệp các nhà văn để tiếp thu những lời phê phán ‘phần tử cuồng loạn’ của bọn học sinh “cách mạng.” (Vô Đề)
Không phải chỉ có Ba Kim bị hạ nhục. Vào thời kỳ đen tối ấy những công thần của cách mạng như Lưu Thiếu Kỳ, Trần Nghị, Đặng Tiểu Bình, Chu Đức, Bành Đức Hoài, Trần Vân... cũng phải gục đầu quỳ gối trước các tiểu tướng Hồng vệ binh.
Nhưng đó là những nhà chính trị. Họ có thể chịu nhục nhiều, và nhiều lần, hết ra lại vào Trung Nam Hải, miễn thực hiện được mục đích. Trí thức không giống họ. Trí thức là những người không có da dầy, rất mẫn cảm với mọi tác động từ bên ngoài. Cách mạng vô sản chưa kịp tiêu diệt họ thì nhiều người trong bọn họ đã tự diệt mình rồi. Ba Kim kể: “Dĩ Quần (7) là người thứ nhất. Nghe nói, anh nhảy lầu ngày mồng hai tháng tám, nhưng cho đến hôm nay (8) tôi vẫn chưa biết rõ anh bị bức phải nhảy lầu như thế nào. Tôi chỉ biết anh bị người ta bức tử với tội ‘không cần có chứng cứ’... “Dĩ Quần chết một tuần rồi tôi mới hay tin, còn như Lão Xá ‘vỡ ngọc’ (9) thì một thời gian lâu sau khi ông tự sát.” Những người tự sát chưa chắc đã là những người hèn nhát. Phó Lôi, một người bạn mà Ba Kim mến phục, giải thích cái chết của bạn bè, và của chính mình, bằng câu: “Kẻ sĩ, có thể giết, không thể làm nhục.” Sau Dĩ Quần, Lão Xá, Ba Kim được tin Trần Đồng Sinh, Kim Trọng Hoa... “họ ở rất gần nhà tôi, thế mà tôi không biết họ chết vào lúc nào. Kim Trọng Hoa lặng lẽ treo cổ trong phòng, bà mẹ tám mươi chỉ nghe tiếng ghế đổ... Trần Đồng Sinh, thì nghe nói chết nằm vắt trên bếp ga, do đó người ta đoán anh tự tử. Nhưng anh đang ở trong thời kỳ ‘cách ly kiểm tra’ mà, làm sao có thể mở bếp ga được?” (10) (Hai Mươi Năm Trước). Cù Bạch Âm chỉ vì một bài “Tự bạch về đi tìm cái mới” mà “chịu đủ mọi nỗi giày vò như ở địa ngục,” kết thúc bằng cái chết bi thảm (Tìm Tòi).
Ba Kim viết: “Trong Văn Cách (11) , những trí thức bị chết oan đâu chỉ có hàng ngàn, hàng vạn. Họ nêu cao tấm gương phê phán cái triết lý ‘hãy cứu lấy mạng sống.’ Tôi nhớ thời chống phái hữu (12), tôi có viết một bài báo bác lại luận điệu ‘không thể làm nhục’ để đập tan bộ mặt kiểu cách của các nhà trí thức. Viết bài đó kỳ thực là tôi ‘cứu lấy mạng sống của tôi’ ” (13)  (Hai Mươi Năm Trước).
Những trí thức tìm đến cái chết nhiều phần vì không chịu bị làm nhục, bị dày vò quá sức chịu đựng về thể xác. Trong gia đình Ba Kim, chính ông bị bắt quỳ hằng giờ trên sàn đấu, bắt “đi máy bay phản lực,” (14) Tiêu San, vợ ông, bị bọn “tạo phản” quất dây da bịt đồng vào mặt, hành hạ bà đủ trò trước khi bà nhắm mắt vì bệnh ung thư (tháng 7.1972). Con cái Ba Kim bị đẩy đi công tác nông thôn, ở tít tắp những nơi gọi là vùng sâu vùng xa. Gia đình nào vướng vào vòng Đại cách mạng văn hoá vô sản thì số phận cũng tương tự như vậy. “Tôi nghe người con dâu đồng chí Chu Tín Phương kể lại: bà Chu trước khi mất thường bị bọn đầu gấu lôi ra làm quả bóng xô đi đẩy lại, đến nỗi mình mẩy mềm nhũn. Có người khuyên bà trốn đi, bà nói: “Tôi mà trốn đi thì chúng nó lại hành hạ ông nhà tôi như thế thôi mà” (Thương Nhớ Tiêu San). Nhà văn nổi tiếng Lão Xá cũng bị đánh cho tơi tả, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, không hề nương nhẹ với kẻ chân yếu tay mềm. Vợ Lão Xá kể: “Tôi không thể nào quên được trong đêm khuya đã tự mình lấy bông thấm nước, lau từng chút một những vết máu trên đầu, trên mình người thân của tôi như thế nào, mà không rõ chuyện này ở đâu, tại sao lại ra nông nỗi ấy... ” (Lão Xá).
Đến như thân sinh nhà văn Giả Bình Ao (mới nổi tiếng sau này), chỉ là một thầy giáo làng (một trí thức cấp thôn xã) thôi, không biết cứng đầu thế nào mà cũng bị trấn áp, gia đình tan nát. Giả Bình Ao cho một nhân vật của ông kể về những ngày ấy: “Ba năm trước, nổi lên một cơn gió, phải học tập Tiểu Cận Trang, kéo hết người ở ngoài đồng về, suốt ngày môi đỏ răng trắng nói a, hát a. Anh nhà tôi cáu kỉnh nói trước hội nghị xã viên: ‘Nông dân mình bới đất kiếm cơm, khua môi múa mép làm gì? Ăn ngũ cốc không tiêu được hay sao mà bày ra cái trò vớ vẩn ấy,’ hôm sau liền bị bắt. Trong trại giam họ đánh đập anh ấy, đánh gãy cả chân, vết thương bị nhiễm trùng, rồi anh ấy chết.” Trong chuyện, người vợ kiên trì minh oan cho chồng, rốt cuộc bị các quan cấp xã cấp huyện trù dập, bị xã trưởng hiếp, tự tử mà chết.
Đấy là cái mà cách mạng vô sản mang đến cho trí thức, lớn cũng như bé. Sau này, mọi tội do Đảng cộng sản gây ra trong Đại cách mạng văn hoá vô sản đều được vẫn cái đảng cộng sản ấy đổ tuốt tuột vào cái thùng rác tiện lợi là phái “tạo phản.”
Nhưng không phải mọi trí thức đều tuẫn tiết. Phần lớn trí thức không làm thế. Không phải họ không có dũng khí. Cũng không phải họ không biết chán chường. Một trong những lý do khiến họ phải cố gắng sống sót là họ đã ăn phải “cháo lú” (từ của Ba Kim).
Ba Kim tâm sự: “Những ngày
ấy, cuộc sống ấy, quan hệ ấy giữa con người và con người, thật là đen tối quá chừng, giống như đang chịu tội giữa địa ngục vậy. Tôi lấy làm lạ, bấy giờ tôi đã ăn cháo lú gì mà có thể giơ hai tay lên, hô to đả đảo mình, cam lòng nhận tội, để cho kẻ khác tước đoạt quyền làm người của mình”. “Không phải là tôi đang nói mê. Năm 1966 quả thực tôi đã làm thế. Cháo lú đã làm tôi mê suốt mười năm. Năm 1983, nó lại định đưa tôi vào cảnh mộng một lần nữa, nhưng cái phép quỷ quái quen thuộc đã mất tác dụng làm cho tôi lú lẫn lần nữa” (Hai Mươi Năm Trước).
Sao mà giống những gì xảy ra ở Bắc Việt Nam đến thế! Hãy nhớ lại thời kỳ cải cách ruộng đất mà xem. Có phải là như thế không?
Nói cho đúng, sao mà Bắc Việt Nam giống Trung Quốc đến thế!
Ở Việt Nam, trong những cuộc chỉnh huấn bắt đầu từ năm 1950 (sau khi biên giới Việt Trung được khai thông) và kéo dài nhiều thập niên sau, cứ thỉnh thoảng lại nổi lên một đợt, hiện tượng ăn phải “cháo lú” cũng y hệt ở Trung Quốc. Người ta tự hành hạ mình bằng cách tự kiểm thảo, không phải là nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm, mà là tự nói ra những khuyết điểm trước Đảng, có nghĩa là trước cấp trên, theo cách biểu diễn, bằng một sự thành khẩn không thể tin được, tức là thổi phồng những khuyết điểm ấy càng lớn càng tốt, rồi tự xỉ vả bằng những lời lẽ xúc phạm nặng nề nhất, thậm chí bịa đặt ra những tội lỗi mình không hề có, tự mình đả đảo mình (cũng giống như Ba Kim ở Trung Quốc). Đi xem phim Bạch Mao Nữ (Cô Gái Tóc Trắng), người ta bắn lên màn ảnh khi thấy hình tên địa chủ xuất hiện. Đi xem kịch người ta ném đá vào diễn viên đóng vai cường hào. Tất cả những cái đó được nhập cảng ồ ạt từ Trung Quốc đỏ. Thứ “cháo lú” này tôi đã được thấy tác dụng của nó như thế nào. Khi một đám đông đã ăn phải “cháo lú” tức thì xuất hiện sự “lên đồng tập thể.” Con người bỗng chốc mất hết tính người, tính thú nổi lên. Cuộc tổng đàn áp, tổng giết chóc, không cần tới tay những người cộng sản nữa, dân chúng tự giết lẫn nhau là đủ.
Nhưng cũng lại phải nói cho công bằng, về đại thể, mức độ tàn bạo của những cuộc “vận động” cách mạng do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo quả có thấp hơn ở Trung Quốc nhiều, quy mô quả có hẹp hơn nhiều. Đơn giản vì Bắc Việt Nam là nước nhỏ, cái gì ở đó cũng chỉ “tiểu” thôi, chứ không thể “đại” (ở Trung Quốc đã Nhảy Vọt rồi người ta cũng phải thêm Đại vào cơ, cho nó oách).
Khốn thay, số phận con người thì ai cũng như ai, cách mạng đại hay cách mạng tiểu thì cũng thế, mỗi con người chỉ có vỏn vẹn một cuộc đời để mà sống, người Trung Quốc cũng y như người Việt Nam, chẳng có gì khác nhau. Bi kịch cho một con người lớn chẳng kém bi kịch của số đông chút nào, có khi còn lớn hơn. Bởi một con người là cái cụ thể, cái thấy được, cái biết được, rõ ràng hơn bất kỳ con số thống kê nào. Có người sẽ bảo: dân Trung Quốc hơn một tỉ, Đại cách mạng văn hoá vô sản có làm chết đến mươi triệu không mà rộn? Mà có chết mươi triệu hay hơn nữa thì cũng chưa tới một phần trăm cơ mà. Xin thưa: một con người ở trong con số một triệu, hay mười triệu, vẫn là một người như tôi với ông đây này, có vợ có con, có mẹ có cha, có bằng hữu, có thân thuộc, có niềm vui nỗi buồn, có đau thương, có hạnh phúc..., có tất cả những gì thuộc về con người “không xa lạ với tôi,” nói theo cách của Mác. 
*
Hồi trước, khi còn ở trong nước, cứ mỗi khi sơ kết hoặc tổng kết một đợt học tập do đảng chủ trương, thì cán bộ phải viết thu hoạch, tức là viết ra giấy những gì mình đã học được. Tôi bỗng nảy ra ý muốn viết ra cái thu hoạch của tôi sau khi đọc Tuỳ Tưởng Lục.
Vậy, tôi đã thu hoạch được gì? 
Một là, xã hội cộng sản vốn thù nghịch đối với trí tuệ. (15)  Mọi thứ trí tuệ khác, ngoài chính trị, chỉ có thể tồn tại với điều kiện làm tay sai trọn vẹn cho chính trị. Tay sai mà không trọn vẹn cũng không được, phải loại trừ. Các đảng cộng sản (16) đều chủ trương như thế, nhất quán là thế. Từ đây mà ra khẩu hiệu “chính trị là thống soái.” Tức là chính trị đứng trên tất cả, chỉ huy tất cả. Bất cứ cái gì cũng phải ở dưới chính trị, làm tay sai cho chính trị, gọi thì dạ, bảo thì vâng. Đàng sau cái khẩu hiệu về địa vị ấy là quyền lực thực sự của đảng cộng sản nói chung, hoặc của một lãnh tụ hay một nhóm lãnh tụ nói riêng. Không một kẻ nào khác được phép len chân vào đấy. Trí tuệ không là cái gì hết. Đảng là ánh sáng soi đường, là lương tâm, là trí tuệ của dân tộc, của nhân loại. Đảng độc tôn mặc sức muốn làm gì thì làm. Không kẻ nào được cãi lại. Thậm chí không được rón rén phát biểu ý kiến khác với những điều đảng đang nói (bởi vì lúc này đảng nói A lúc khác đảng nói B, không biết đàng nào mà lần). Cứ nghển cổ lên mà đánh hơi, rồi tha hồ tự do phát biểu ý kiến theo kiểu gió chiều nào theo chiều ấy. Trong một xã hội khép kín như thế, đảng cộng sản có làm điều gì sai đến mấy thì cả xã hội cũng phải chịu. Không ai được cãi lại. Người dân không còn quyền gì khác ngoài quyền được cúi đầu vâng lệnh và xưng tụng công đức kẻ cai trị. Cũng từ đây mà ra cái sự tung hô chủ nghĩa Mác-Lenin là vô địch, là bách chiến bách thắng, là chân lý vĩnh cửu, tồn tại muôn đời. Nền chuyên chế được thiết lập thì cũng là lúc lưỡi gỗ lên ngôi. Khi toàn bộ phương tiện truyền thông lưỡi gỗ được vận dụng hết công suất để phục vụ kẻ cai trị thì người dân ắt bị đẩy vào tình trạng mụ mẫm.
Về tình hình này, Ba Kim tả: “Nhưng tôi năm 1970 và tôi năm 1967-1968 không còn là một người nữa. Từ tháng 9 năm 1966 trở về sau, dưới sự uy hiếp và lãnh đạo bằng roi da của phái ‘tạo phản,’ tôi hoàn toàn suy nghĩ bằng đầu óc người khác; người khác gào ‘Đả đảo Ba Kim!’, tôi cũng giơ tay hưởng ứng.” “Càng nghĩ càng thấy phái ‘tạo phản’ nói phải, càng nghĩ càng thấy mình có tội. Nói tôi là ‘hứa tử hiển tôn’ của giai cấp địa chủ, tôi thừa nhận. Nói tôi viết Dòng Nước Xiết là ‘dựng bia, lập truyện’ cho giai cấp địa chủ, tôi cũng thừa nhận. Năm 1970, chúng tôi xuống lao động ở nông thôn ba năm, bị lôi ra ruộng để cùng bị đấu với địa chủ ở đó, tôi cũng cúi đầu nhận tội.””Năm 1967 trở đi, tinh thần và diện mạo tôi khác hẳn. Trong tâm linh tôi có cái gì tích lũy được từ trước tôi bỏ sạch. Tôi ưỡn ngực tiếp thu vô điều kiện mọi chỉ thị của phái ‘tạo phản.’ Về sau tôi tự phân tích nói là ăn phải bùa mê thuốc lú, tôi bị thôi miên, nên không hay biết gì nữa. Kỳ thực tôi chưa đào sâu đấy thôi. Trong khoảng hai năm ấy, những
những khi tôi thành khẩn bái mộ thần linh, bên tai tôi lúc nào cũng văng vẳng một tiếng nói nhân từ :’Tin thần linh thì cả nhà sẽ được cứu.’ Nguyên thuỷ chung tôi vẫn giữ trong đầu cái triết lý ‘bảo toàn tính mạng.’ Lúc ấy, tôi cho rằng mình có tội thì cách chuộc tội là thật sự cải tạo, cách cải tạo là cứ thực hiện đúng từng câu mọi huấn thị, mệnh lệnh, quyết nghị của phái ‘tạo phản’.” (Mười Năm, Một Giấc Mộng). Món “cháo lú” được nấu theo đúng tinh thần “chính trị là thống soái” đem đến kết quả là thế. Một tình hình tương tự người Việt Nam đã được thấy trong cải cách ruộng đất, ở cuộc vận động trí thức và các thứ đám đông khác đánh “hội đồng” nhóm “Nhân văn - Giai phẩm.” Cái khác là nhóm “Nhân văn - Giai phẩm” còn dám nho nhoe đòi “trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ,” chứ Ba Kim và nhiều người bạn ông chưa kịp đòi gì. Trường hợp của Ba Kim chắc cũng giống như trường hợp Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo... và một số trí thức khác. Tuy không thuộc nhóm “Nhân văn - Giai phẩm,” nhưng đảng cầm quyền cũng tiện thể đánh luôn.
Cái sự trấn áp bằng bất cứ phương tiện gì, bằng bất cứ giá nào đối với những trí tuệ không giống mình, được gọi một cách miệt thị là ngoại lai, tạo ra bùa mê thuốc lú cho cả xã hội. Xét đến cội nguồn của nó ta thấy đó chính là sự sợ hãi của nền chuyên chế đối với trí tuệ. Nếu trí tuệ sống thì quyền lực độc tôn không thể tồn tại. “Kẻ nào suy nghĩ khác ta, kẻ đó chống lại ta,” đó là lời Lê Duẩn. Nhưng đó cũng là chủ trương của mọi chế độ độc tài chuyên chế, phát xít hay cộng sản thì cũng vậy. Mặc dầu bị ăn “cháo lú”, nhà văn Ba Kim có lúc cũng tỉnh ra. Ông viết: “Những người cho chúng tôi là nô lệ, cầm roi da huơ huơ trước mặt chúng tôi, thật ra chúng chẳng có cái quái gì hết! Chúng không biết ngày mai chúng sẽ ra sao nữa. Có lẽ có người thấy tôi nghĩ như thế cho là kỳ quặc. Thật ra cũng dễ lý giải thôi. Mấy mươi năm tôi viết sách làm văn, cuối cùng còn có được một chút ‘trí thức’; bây giờ thì tôi biết rõ vì sao ‘lũ bốn tên’ hận thù ‘trí thức’ làm vậy! Dù chỉ với một chút ‘trí thức,’ ‘mày’ cũng còn thấy được khe hở của ‘tao,’ huống chi là ‘phần tử trí thức,’ huống chi là kẻ có văn hoá!” (Mười Năm, Một Giấc Mộng). Có coi mọi người dưới quyền cai trị của mình là nô lệ thì mới có tình trạng “Trương Xuân Kiều tuyên bố công khai không cho tôi sáng tác nữa,” là Ba Kim hết được viết. Trương Xuân Kiều không cần phải là trí thức giỏi hơn, sáng suốt hơn Ba Kim. Trương Xuân Kiều chỉ cần là Đảng.
Trong Tuỳ Tưởng Lục, như nhận xét ở trên, Ba Kim còn chưa dám nói thẳng điều ông nghĩ. Ông ngần ngại, ông do dự. Bởi vì ông vẫn còn nằm trong vòng kiềm toả của chế độ. Ông còn sợ, nói thẳng ra là như thế. Nhưng ta chỉ cần thay “lũ bốn tên” bằng “chế độ hiện hành” là bức tranh xã hội mà ông vẽ ra trong Tuỳ Tưởng Lục lập tức có đủ màu sắc chân thực, sinh động. Gần đây có tin nhà cầm quyền Trung Quốc định đúc tượng đồng của ông trong lúc ông còn sống. Phải chăng đó cũng là cách để cho Ba Kim ngậm miệng?
Nhà cầm quyền một xã hội như thế, bất kể ở nước nào, không chỉ sợ những “tư tưởng thù địch” hiện đại, mà cả những nhà tư tưởng cổ xưa. Hãy xem báo Tiền Phong, số ra ngày 16.8.1973 tại Hà Nội (tức là trong lúc Đại cách mạng văn hoá vô sản còn đang hoành hành ở Trung Quốc) với bài: “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo” thì thấy. Bài báo viết: “... cần phải khẳng định dứt khoát rằng: lễ giáo phong kiến, đặc biệt là lễ giáo Khổng tử, không có một chút nhân tố tích cực nào nữa... Chúng chỉ là những xiềng xích những độc hại... Là thế hệ thanh niên của thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đang sống, chiến đấu, lao động, học tập vì độc lập tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải bảo vệ sự sáng tạo của chủ nghĩa Mác — Lênin. Chính vì thế mà chúng ta không thể dung hoà được với Khổng giáo cùng với hệ tư tưởng phản động và tư tưởng bảo thủ của nó. Vì sự nghiệp cách mạng, chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác vậy.” Tác giả Nguyễn Thanh Dương, tổng biên tập báo, dưới tên ký là Thanh Bình, đã viết đúng như thế. Khi có người hỏi tại sao ông ta lại đánh cả Khổng giáo, thì Nguyễn Thanh Dương trả lời: “Tôi viết theo chủ trương của trên. Tôi chỉ làm nhiệm vụ mở đầu, các báo và tạp chí khác đang được lệnh viết tiếp. Đây là một chiến dịch do trên chỉ đạo đấy...” (17)
“Trên” ở đây là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. “Trên” của “trên” là Quang Minh Nhật báo ở bên Tàu. Tờ này đăng một bài với nội dung y hệt, nhưng sớm hơn tờ Tiền Phong ở Việt Nam ít ngày.
Với những người cầm quyền như thế, chỉ có một tư tưởng được phép sống, được toàn quyền thống trị, là tư tưởng Mác-Lê, hay, lại nói cho đúng hơn, tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Lê Duẩn, hoặc, lạy Chúa tôi, tư tưởng Nông Đức Mạnh... 
Hai là, xã hội cộng sản là một xã hội trái tự nhiên. Bây giờ thì ai cũng biết rằng cái gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa là một sản phẩm thuần tuý tư biện, từ Mác. Nó không phải là một xã hội tự nhiên thành. Nói nôm, là một xã hội bịa đặt. Kể ra nghe cái luận điểm rằng loài người ngu tối trước kia chỉ biết cúi đầu chép sử, nay đã đến lúc nó đứng dậy tự làm ra lịch sử cho mình, thì khoái cái con ráy lắm. Khốn nỗi, tự nhiên có quy luật của nó, không phải muốn thế nào cũng được. Nước thì phải chảy xuôi. Thứ sản phẩm bịa đặt muốn tồn tại được phải nhờ vào dối trá. Thành thử trong cái xã hội đó kẻ cầm quyền phải thay đổi mọi khái niệm thông thường vốn có của loài người, tạo ra một hệ khái niệm khác hẳn để biện minh cho việc làm của nó. Không thể lấy sự hiểu thông thường vốn dĩ có ở các xã hội thông thường để hiểu hắn ta nói cái gì. Chẳng hạn, về tự do báo chí, theo cách hiểu của tổng bí thư Nông Đức Mạnh là: “Báo chí viết gì, nói gì, thông tin gì, bao giờ cũng phải vì lợi ích của cách mạng, của đất nước, của Đảng” (Nói tại Thông tấn xã Việt Nam, tháng 6.2003). Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam Vũ Văn Hiển trước đó cũng đã nhấn mạnh với các hội viên của ông ta: “Nếu nói đến tự do báo chí ở Việt Nam thì cần hiểu đó là việc tự do hoạt động để phục vụ Đảng” (báo Nhân Dân, 20.6.2002). Những lời nói như thế ở các xã hội thông thường chỉ có thể là những lời nói mê nói sảng. Trong một xã hội chuyên chế, mà xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội như thế, những định chế của nó chỉ còn cái tên là giống với những định chế của các xã hội khác, chứ chúng, hoặc rỗng ruột, hoặc được thay thế bằng nội dung khác hẳn, thậm chí trái ngược.
Trải qua Đại cách mạng văn hoá vô sản, Ba Kim than thở: “Nước chúng ta có Hiến pháp 1954, quyền công dân của tôi đáng ra phải được Hiến pháp bảo vệ. Hiến pháp ấy đã được toàn thể đại biểu bỏ phiếu thông qua, trong đó có lá phiếu của tôi... Nhưng đến khi đáng ra phải phát huy tác dụng của nó thì chúng ta chẳng ai tìm thấy nó ở đâu cả, phảng phất như nó chẳng hề tồn tại, hoặc giả là vô ích, không bằng báo chữ to. Hai mươi năm trước, tôi đã bị nhốt ‘chuồng bò’ như thế đấy. Hiến pháp đã mất tăm mất tích, nhân quyền bị dày xéo. Tôi giơ cao quyển ‘sách đỏ,’ (18)  đọc to ‘chỉ thị tối cao,’ đang là người biến thành súc vật, mặc cho người ta phanh thây, xé xác.”
Tội nghiệp cho Ba Kim quá! 
Ba là, xã hội cộng sản là một xã hội bất trắc. Nhìn bề ngoài, đôi khi người ta nhầm: cái xã hội ấy có vẻ ổn định đáo để. Lấy Bắc Hàn làm thí dụ. Ở đó không có lộn xộn — không đảo chính, không đình công, không biểu tình. Dân chúng im re, lúc nào cũng sẵn sàng rầm rập đồng ca những bài ca ngợi Kim tướng quân (tức là ông Kim Nhật Thành, Kim Bố), hoặc ca ngợi lãnh tụ vĩ đại (Kim Chính Nhật, Kim Con). Dân sống trong sự sáng tạo không ngừng, khi gần chết đói, họ phát hiện cỏ cho trâu bò ăn cũng muối dưa được, chẳng kém gì món Kim Chi. Cho đến khi hàng triệu người chết đói thực sự, xã hội Bắc Hàn vẫn “ổn định.” Khi thấy dân chúng Bắc Hàn không còn cái gì mà ăn nữa, có cơ nổi loạn vì đói quá hoá liều, thì lãnh tụ Kim Con bèn mang vũ khí nguyên tử ra doạ cả thế giới: “Chúng mày không viện trợ cái ăn cho nước ông thì ông cho nổ bom nguyên tử đây này.” Bom nguyên tử ở Bắc Hàn chưa chắc đã ném được ở đâu xa, điều chắc chắn là nó sẽ nổ được, ngay tại bệ phóng, ở trên đất Bắc Hàn. Nhưng như thế thì Nhật và Nam Hàn cũng đã lĩnh đủ phóng xạ. Trước lời đe doạ ấy chỉ có Trung Quốc là bình chân như vại, chắc còn tin ở lời dạy của Mao Xếnh Xáng: “Chiến tranh có thể làm chết vài chục triệu người Trung Quốc, nhưng bọn đế quốc rồi sẽ bại, Trung Quốc sẽ tất thắng.”
Xin đừng nghĩ rằng ở Bắc Hàn không có Hiến pháp, không có pháp luật. Nó có cả đấy, có hết. Chỉ có thừa chứ không thiếu.
Cái gọi là ổn định xã hội ở các nước gọi là xã hội chủ nghĩa, được thực hiện bằng dùi cui, về cơ bản là nhà tù, trước hết, và trong nội dung của nó, là ổn định quyền lực. Để ổn định một thứ quyền lực không hình thành bởi sự lựa chọn của các thành viên cùa xã hội, tức là dân chúng, thì không thể nào đặt ra được những định chế ổn định, mà phải thay đổi chúng xoành xoạch, đặng đối phó với mọi biến chuyển. Cái gọi là Hiến pháp mà Ba Kim tin rằng “đã được toàn thể đại biểu bỏ phiếu thông qua, trong đó có lá phiếu của tôi” thế tất chỉ có thể là bánh vẽ. Câu nói cửa miệng “chính quyền của dân, do dân, vì dân” (19) của các quan cách mạng không bao giờ được nhân dân coi là lời nói đứng đắn. Khi nhà cầm quyền — lúc này là đảng cộng sản, lúc khác là một nhúm người cơ hội nhân danh đảng cộng sản — thấy cần phải thay đổi, hoặc giải thích xuyên tạc điều này điều nọ trong Hiến pháp, thì nó chỉ cần ra một nghị quyết là mọi cái lại lộn tùng phèo. Cho nên mới có hiện tượng hôm nay Lâm Bưu - người học trò của Mao chủ tịch, người kế vị xứng đáng của Mao chủ tịch — ra mọi chỉ thị bắt cả xã hội tuân theo, được ca ngợi rầm trời, mai đã trở thành kẻ cầm đầu “lũ bốn tên” bị nguyền rủa hết nước hết cái. Chuyện Lưu Thiếu Kỳ, trong khi còn nguyên chức danh chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, “yên tâm” nằm dài dài trong ngục cho đến khi chết thối, là chuyện bình thường ở cái xã hội đó, nói gì đến Ba Kim.
Tôi có kinh nghiệm cá nhân trong chuyện này. Một năm sau khi Mao Trạch Đông khởi lên Đại cách mạng văn hoá vô sản ở Trung Quốc, Lê Duẩn chưa tuyên bố Tiểu cách mạng văn hoá vô sản, tôi lúc ấy chưa kịp chống đảng cộng sản, chỉ mới tỏ ra khó chịu với nó mà thôi, thì đã bị nó bỏ tù rồi. Chắc hẳn nó bỏ tù tôi là vì trong khi không bằng lòng nó, tôi đã trót dại nói ra ở đâu đó, với ai đó, mà nó biết. Thế rồi chẳng cần đối chiếu việc làm (ở đây là lời nói) có vi phạm Hiến pháp và pháp luật hay không, nó cho tôi ở chín năm liền tù tì hết nhà tù này đến trại tập trung khác, không cần xét xử. 
Bây giờ, trong nước Việt Nam ổn định, những công dân dám nghĩ tới tình trạng tụt hậu hiện tại và tiền đồ đen tối của đất nước, dám phát biểu đôi điều, đúng sai không cần biết, lập tức bị tống giam, rồi giải toà, xử án kín, hoặc không cần xử án. Tên của họ là: Nguyễn Đình Huy, Phạm Thái, Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sĩ, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Trần Dũng Tiến, Vũ Cao Quận, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang..., và rất nhiều người khác nữa.
Mà chẳng cứ những người có ý muốn hoặc đã có hành động đấu tranh cho dân chủ hoá cái xã hội trong đó mình đang sống mới phải nơm nớp lo sợ sự trấn áp có thể giáng xuống đầu mình bất cứ lúc nào. Ai cũng sợ. Không sợ là điếc không sợ súng. Hoặc ăn quá nhiều “cháo lú” nên tưởng tai vạ nào rồi cũng chừa mình ra. Bởi vì mình là người được đảng tin tưởng chẳng hạn. Ba Kim thú nhận ông đã từng có ý nghĩ như thế.
Đảng cộng sản sợ dân chủ hơn sợ ma nhiều. Đảng thừa thông minh để biết rằng dân chủ hoá xã hội có nhiều cách, nhưng cách nào rồi cũng dẫn tới kết cục bi thảm cho những kẻ quen ăn trên ngồi trốc nơi “đỉnh cao trí tuệ”. Kể cả cách móc nối hoặc tạo ra những chính khách nguỵ dân chủ để đánh lừa dân chúng trong bước đường cùng. Vì thế đảng cầm quyền phải tìm cách chống lại mọi biểu hiện dân chủ từ trong trứng. Cách chống tốt nhất là phải làm cho các công dân biết họ chỉ là những tù nhân dự khuyết.
Nhiều người chỉ nhìn thấy sức mạnh bạo lực của Đảng cộng sản mà không nhìn thấy nỗi sợ hãi được giấu kín sau bức bình phong dữ tợn của nó. Nó nói cứng đấy thôi, chứ trong lòng nó run rẩy. Nó sợ ảnh hưởng của những tư tưởng dân chủ đến nỗi trong tang lễ tướng Trần Độ, một công thần khai quốc của Đảng, nó trắng trợn cấm những người đi đưa không cho dùng hai chữ “vô cùng,” trong dòng chữ “vô cùng thương tiếc” gắn trên vòng hoa phúng điếu. “Thương tiếc” thì nó còn chịu được, chứ “vô cùng” thì không.
Dựa trên sức mạnh của bạo lực được trả lương để bảo vệ chế độ, nhà nước xã hội chủ nghĩa của Đảng cộng sản sẽ còn tiếp tục đàn áp những công dân đòi dân chủ chừng nào nhà nước đó còn chưa trút hơi cuối cùng. 
Một xã hội phi nhân bản không vì con người như thế không thể có tương lai.
Bây giờ nói đến xã hội xã hội chủ nghĩa có thể phát triển tốt là người ta dẫn Trung Quốc ra. Trung Quốc quả đang có những bước tiến rất dài trong phát triển kinh tế, chủ yếu dựa vào biện pháp khuyến khích phát triển tư doanh, là cái mà trước kia họ chống đến cùng. Điều đó chẳng hề có nghĩa là nhà cầm quyền Trung Quốc đang đi trên con đường xây dựng cái chủ nghĩa xã hội nọ (20). Vì chẳng ai nhìn thấy bóng dáng nó đâu ở chân trời tít tắp. Các ông Con Trời bèn khẳng định rằng đúng thế, ta chưa thấy được xã hội cộng sản bằng mắt thường, nhưng dưới sự lãnh đạo duy nhất đúng đắn và vô cùng sáng suốt của ban lãnh đạo đảng hiện tại, cái xã hội mơ ước ấy sẽ trở thành hiện thực sau... một thế kỷ. Tức là vào lúc chẳng có ai trong những người nói và những người nghe hôm nay còn sống. Bất cứ ông thầy bói tay mơ nào cũng có quyền phán một lời tiên đoán tương tự. Ấy là chưa kể ban lãnh đạo đảng hiện tại có bền vững lâu dài không, hay sẽ trở thành một “bè lũ ba tên” hoặc “bè lũ năm tên rưỡi” vào một lúc nào đó. Ai dám nói chắc? Chỉ biết rằng cái xã hội Trung Quốc bây giờ đang tiến nhanh được về kinh tế là nhờ cấu trúc lại cái xã hội chủ nghĩa què quặt theo mẫu cái xã hội tư bản mà các đảng cộng sản vẫn thường phỉ báng. Trong dạng thô sơ của nó, có tên gọi là tư bản rừng rú.
Điều mà chúng ta biết chắc là ở Liên Xô, chủ nghĩa xã hội đã tồn tại và phát triển đến mức cao nhất nó mà có thể đạt tới trong hơn hai phần ba thế kỷ, đã đưa Liên Xô trở thành một trong hai cường quốc lớn nhất thế giới, thế mà rồi sụm đổ như một “người khổng lồ chân đất sét” (từ của Lênin dùng để chỉ xã hội tư bản). Cái xã hội bị các nhà mác-xít coi là bất toàn hoá ra không phải là cái chứng minh cho sự tồn tại cái xã hội mà họ cho rằng hữu lý.
Con người là một sinh vật có tư duy. Cho dù có phỉnh nịnh, cưỡng bức nó ăn thứ “cháo lú” trộn lẫn với bạo lực, trước sau gì nó cũng sẽ suy nghĩ đến điều phải nghĩ ra.
Như Ba Kim đi đến kết luận cho cái xã hội mà ông đang phải sống:
“Chúng ta mở miệng ra là nói “xã hội mới,” nhưng cái xã hội mới ấy, chúng ta càng ngày càng không hiểu nó ra làm sao cả, càng ngày càng thấy nó dễ sợ. Bạn bè, người này tiếp người kia, bị quăng xuống vực thẳm trước tôi.”
“Và cả sau tôi nữa!”
Ông có nói thêm lời tiên đoán như vậy cũng không sai.
Chú thích 
(1) Hình như sau năm 1975 hậu quả của Đại cách mạng văn hóa vô sản cũng còn kéo dài đối với những trí thức bị trấn áp.
(2) Trích Mao tuyển
(3) Ba Kim phu nhân
(4) Hai thứ đấu này chưa được nhập khẩu vào Việt Nam, «bồi đấu» là bị đấu nhưng là đấu phụ, không phải là nhân vật chính của cuộc đấu ; «dạo đấu» là không phải bị đấu ở đơn vị sở tại, địa phương sở tại, mà đơn vị khác, hoặc địa phương khác mượn về đấu để «nâng cao lập trường.»
(5) Trường 7.5 là một thứ trại tập trung.
(6) Cụm từ này chắc chắn không có trong từ vựng của bất cứ ngôn ngữ nào.
(7) Có quá nhiều tên văn nghệ sĩ được Ba Kim nhắc tới. Họ đều là những người có tên tuổi trong nền văn nghệ Trung Quốc, nhưng ít được người đọc Việt Nam biết đến. Xin miễn chú thích.
(8) Tứ 20 năm sau.
(9) Ý nói chết.
(10) Ba Kim ngờ có cả nhiều trường hợp bị giết chết rồi đổ cho là tự sát.
(11) Đại cách mạng văn hóa vô sản.
(12) Một cuộc «đấu tranh» trước Đại cách mạng văn hóa vô sản.
(13) Ba Kim viết rất thực tâm trạng của ông, cũng là tâm trạng nhiều trí thức xã hội chủ nghĩa khác.
(14) Ba Kim không miêu tả kiểu nhục hình này. Có thể đoán là bị treo lơ lửng.
(15) Nói cho chính xác hơn : xã hội theo chủ nghĩa cộng sản, chứ nó chưa phải/không phải là xã hội cộng sản, theo định nghĩa của chính Mác; ở đây ta tạm gọi thế cho tiện, đỡ tốn chữ.
(16) Đây là nói về các đảng cộng sản đã nắm được chính
nắm được chính quyền.
(17) Tạp chí Xưa và Nay, số 149, tr. 14
(18) Chỉ cuốn «Mao tuyển» (trích những lời của Mao Trạch Đông), một thời là Kinh thánh của các công dân Trung Quốc, đi đâu cũng phải mang trong túi ngực bên trái (không được để ở túi quần). Ba Kim cũng vậy.
(19) Câu nói nổi tiếng này là của tổng thống Mỹ Lincln sau trận đánh lớn ở Gettysburg (1863), chứ không phải của cán bộ cộng sản nào.
(20) Ngày 28.12 Trung Quốc loan tin họ sẽ kỷ niệm long trọng 110 năm ngày sinh của Mao Trạch Đông, với rất nhiều album nhạc, sách báo nói về công trạng của «Người,» tác giả chính của Đại cách mạng văn hóa vô sản. Cái con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa sau một trăm năm còn đầy những hiểm họa, biết rồi mà không tránh, hoặc không thể tránh.
(Trích từ tạp chí THẾ KỶ 21 số 183, July 2004)

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH * EM CÓ BAO GIỜ ĐƯỢC SỐNG

Em Có Bao Giờ Được Sống?



Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Đó là câu hỏi thống thiết dường như đang được đặt ra cho những phận đời cam chịu mong manh của từng con dân Việt. Đặc biệt là thứ bèo bọt hoa trôi của những người phụ nữ Việt Nam trong một đất nước vốn bị rao bán từng ngày.
Thật ra đối với một nhà cầm quyền chỉ giỏi bán miệng nuôi trôn và chuyên sống nhờ vào tuyên truyền xảo trá thì nghĩa lý gì tệ nạn buôn hương bán phấn, hay bán trôn nuôi miệng trong một xã hội đã đầy rẫy những tệ nạn như tham nhũng buôn chức bán phận, cùng những rình rập bất trắc khác.
Nhắc đến tệ nạn thì nhiều người lại nghĩ ngay đến vấn nạn mà chúng ta đang đối diện hiện nay trên đất nước này là gì, nếu không là làm thế nào để tìm đâu ra thứ ánh sáng cuối đường hầm mỏi mòn dài ngoằng như rặng Trường Sơn, để thổi dân khí và văn minh nhân loại cho dân tộc Việt. Chính thứ ánh sáng dân chủ, trong đó có cả nữ quyền nhân quyền đáng được tôn vinh đã bị thời đại… đồ đểu của C.S.V.N tha hóa con người đến tận mạng, khiến xứ sở không tài nào cất đầu lên nổi, và ngập chìm trong bóng tối.
Nhìn mà xem, chưa bao giờ phụ nữ Việt Nam bị lâm vào tình trạng bị bọt bèo rẻ rúng như bây giờ. Cái đớn đau đắng lòng ở đây là những người phụ nữ Việt đã phải “bôn ba” làm đĩ khắp bốn phương trời, hệt như thanh niên trai tráng Việt Nam chưa kịp làm rường cột nước nhà thì vì bao tử đói quá cũng phải chịu đẩy đi làm cu li xứ người với giá rẻ mạt và trăm cay ngàn đắng.
“Ơn chính phủ” đúng là đã hiếp dâm dân tình mình đến tận xương tủy của từng giọt xăng sưu cao thuế nặng, hay từng giọt lệ lưng tròng của không thiếu những số phận đàn bà Việt Nam bị môi giới hôn nhân mồi chài bán dọc theo đường biên giới. Dĩ nhiên chỉ để làm “cô dâu” theo nghĩa làm con sen và phục dịch tình dục mà thôi. Đó là chưa kể phụ nữ cũng như trẻ em Việt còn bị bán đi làm nô lệ tình dục, gái mãi dâm với con số gia tăng mỗi năm.
Ở đây chúng ta sẽ không bàn về tệ nạn buôn người, dù rằng theo thống kê của những đường dây buôn người thì cứ mỗi phụ nữ được bán đi thì mỗi con buôn có thể bỏ túi khoảng 100 triệu đồng.
Điều nhục nhã và đau xót cần được ghi nhận ở đây, là đã có khá nhiều trường hợp những người phụ nữ Việt Nam của chúng ta đã bị đưa bán sang Tàu rồi, mà lắm lúc còn bị cho trục xuất về nước, chỉ vì có cả khối lý do nằm trong lý do, nhưng chỉ cần viện lý do giấy tờ bất hợp pháp là bị đuổi về. Nghĩ không tủi nhục sao được, khi những “đấng” công dân Tàu khựa thì tha hồ nghênh ngang đi vào nước Việt như chốn không người và không cần “visa”, chưa kể có dạo còn hống hách đóng hình lưỡi bò trên tấm giấy thông hành, và bây giờ ở Nha Trang còn mọc lên những quán ăn “dám” cấm dân Việt Nam bén mảng đến và họ còn cho xài nhân dân tệ thì không thể hiểu nổi nhanh nhất là chỉ bao lâu Nha Trang sẽ thành một phố Tàu (?)
Ca khúc “Em Có Bao Giờ Được Sống?” ra đời bất ngờ từ mối đồng cảm sâu xa cho thân phận của những người phụ nữ Việt Nam, nên đã khiến nhạc sĩ Vĩnh Điện nhất định lồng ngay vào những nốt nhạc trầm buồn, kêu thương, tức tưởi. Tiếng hát của ca sĩ Bảo Yến vẫn rất truyền cảm, và chất giọng có khi nghẹn ngào nhưng vẫn tròn đầy âm sắc, đặc biệt luyến láy ở câu nhạc: “Thương thân mình tan nát, quê mẹ rao bán đủ điều.” Phần hòa âm theo nhịp chậm, của nhạc sĩ Quang Đạt vẫn không thiếu những réo rắt bồi hồi.
Không phải cũng khá lâu chúng ta mới được thả hồn cho một bài nhạc có vẻ như nhạc tình, nhưng vẫn thấm đẫm những xót thương cho quê hương. Khi ở đó, ở một nơi ai cũng gặp nhau và ai cũng phải ra đi chạy trốn quê hương.

25/5/2017

VIETTUSAIGON * GIẢI CỨU

Lại nói về “giải cứu”

Ở Việt Nam, giải cứu là một khái niệm nghe ra rất quen thuộc, nghe riết thành chán cả tai, từ giải cứu heo, giải cứu sầu riêng. Giải cứu vú sữa, giải cứu chuối ba hương, giải cứu dưa hấu, giải cứu bưởi, giải cứu lúa… rồi đến giải cứu muối, giải cứu chanh dây… Dường như sự giải cứu là một chuẩn mực anh hùng, chuẩn mực quân tử xã hội chủ nghĩa trong lúc này. Và nghe ra chính phủ, đảng và nhà nước rất chi là anh hùng trong chuyện giải cứu heo, giải cứu gà, giải cứu dưa hấu, giải cứu chanh dây, giải cứu bưởi, giải cứu sầu riêng… Có lẽ sống với anh hùng quá lâu, người dân trở nên yếu đuối và luôn mong được anh hùng giải cứu chăng?
Nhưng có rất nhiều dân oan mất đất, cũng là chuối nhưng chuối ở Hải Phòng bị chặt hạ hàng ngàn cây trong đêm, ngay vào vụ thu hoạch, sau đó giang hồ tiếp tục đe dọa người trồng chuối nhưng chẳng thấy ai giải cứu cả! Rồi hàng ngàn dân oan bị mất đất, kêu gào khản cổ giữa thủ đô Hà Nội, bị giang hồ (lại giang hồ, không hiểu giang hồ ở đâu ra mà lộng hành ngay giữa thủ đô, chẳng ma nào dám đụng vậy chứ?!) chèn ép, đánh đuổi, cũng chẳng có ma nào giúp họ một tay chứ đừng nói đến giải cứu! Đó là chưa nói đến hàng ngàn người dân bị bắt bớ, đánh đập trên biển bởi Trung Quốc, họ bị bắn giết, đánh đập, bắt bớ, cướp hết tài sản, cũng chẳng có ai giải cứu cho họ!
Sao lại có chuyện tréo ngoe, ngược ngạo như vậy? Vì đơn giản, giải cứu cho dân oan không nhưng không mang lại lợi lộc cho mối quan hệ Việt – Trung mà còn có khi làm ảnh hưởng đến mối quan hệ này. Còn giải cứu chuối, giải cứu heo, giải cứu chanh dây hay kính thưa các loại giải cứu khác không liên quan đến con người đều là chuyện cứu mối quan hệ Việt Trung. Nói là giải cứu cho nông dân nhưng thực ra là giải cứu cho đảng thông qua giải cứu mối quan hệ bốn tốt mười sáu vàng này!
Vì sao? Vì nếu giải cứu cho ngư dân trên biển thì chắc chắn phải đụng độ với Trung Quốc, mà đụng độ với Trung Quốc thì chẳng khác nào đảng, nhà nước tự treo mồm, tự giết mình. Rồi chuyện dân oan mất đất, thử nhìn lại các dân oan đã mất đất vì đâu, vì ai? Hầu hết đất của người dân bị nhà nước hoặc cán bộ nhà nước tịch thu một cách bất minh hoặc giải tỏa, đền bù không thỏa đáng để biến thành món hàng của họ để rồi hoặc là xây dựng dinh thự của họ hoặc bán cho người ta xây dựng hoặc cho thuê, mà đối tượng thuê thường là người nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Cuối cùng, nếu giải cứu các dân oan thì khác nào tự phơi cái lưng ghẻ của mình, tự hại các đồng chí của mình. Và sâu xa hơn là hại cả những mối quan hệ mờ ám Việt – Trung trong chuyện làm ăn, khai thác, tận thu tài nguyên và vắt kiệt sức lao động của người Việt?
Chính vì lẽ này mà hầu hết tiếng kêu cứu của dân oan, của ngư dân, của những người thấp cổ bé miệng trong xã hội Việt Nam lọt thỏm giữa thinh không tuyệt vọng và tiếng ồn tiệc tùng của kẻ nắm quyền bính trong tay. Có thể nói rằng chưa bao giờ sinh mạng và danh dự cũng như vị trí/thế giá của người dân Việt Nam lại thấp như bây giờ. Ngược lại, bất kỳ loại nông sản nào có liên quan đến Trung Quốc đều được giải cứu, tiếng hô hào “giải cứu, giải cứu” nghe cứ rầm rầm như thể trời đang long, đất đang lở trên các trang báo nhà nước. Vì sao?

Lại phải hỏi vì sao để rồi trả lời vì ông anh Trung Quốc to con lớn xác, đụng điến là không chừng mất chế độ. Nên chi mọi thứ có liên quan đến ông Trung Quốc, cho dù là một thằng nhãi nhép buôn gian bán lận, lừa dối, bịp bợm với cái mác doanh nhân hay tư thương Trung Quốc dám qua Việt Nam để lừa bịp, thám thính, theo dõi, rình mò an ninh và thao túng, phá hoại, làm rối loạn thị trường Việt Nam để rồi nông dân Việt Nam phải than van, kêu rêu vì bị nó lừa. Nhưng nhà nước, chính phủ, thay vì trục xuất hắn ra khỏi biên giới hoặc nếu trầm trọng thì bắt nhốt thì lại không nói, không nhắc gì đến hắn, để rồi lại kêu gọi, năn nỉ hắn qua mua hàng trở lại.
Thực ra, nói là giải cứu nhưng nghe ra thì có vẻ như chịu đấm ăn xôi, chịu nhục hơn là giải cứu. Bởi chẳng có gì khác ngoài việc lãnh đạo Cộng sản Việt Nam phải thân chinh sang Trung Quốc, năn nỉ họ xài nông sản Việt Nam trở lại để “giải cứu” nông dân Việt Nam. Cuối cùng thằng nhãi nhép đội lốt doanh nhân hay nhà buôn kia lại trở thành ân nhân sau quá trình đầu cơ, gài bẫy và cho nông dân Việt sập bẫy. Cái thiên tài, cái anh hùng của nhà lãnh đạo Việt Nam là đây, là chỗ năn nỉ ỉ ôi kẻ đã sập bẫy mình sang cứu mình bằng cái bẫy khác nhỏ hơn tí chút!
Và vô hình trung, suốt mấy chục năm nay, khi mà nhà cầm quyền Việt Nam quyết định chọn Trung Quốc làm đối tác, làm đàn anh che chở chế độ, mọi thứ đều phụ thuộc vào Trung Quốc thì về phía người nông dân, dường như nông dân phải thụ động trong mọi vấn đề, càng ngày, người nông dân càng trở nên mù mờ, mụ mị, cứ nhắm mắt đưa chân mà sản xuất nông sản theo thời vụ, theo yêu cầu của nhà buôn Trung Quốc, không cần suy nghĩ gì về tương lai ngành nghề, về dân tộc tính hay về an toàn thực phẩm. Cứ nhắm mắt làm bừa cho đến khi thất bại vì bị Trung Quốc lật kèo thì lại kêu than, chờ nhà nước “gải cứu”. Và nhà nước lại năn nỉ Trung Quốc để giải cứu cho nông dân Việt Nam. Thực sự là không có lối thoát.
Và khái niệm giải cứu càng xuất hiện nhiều bao nhiêu càng cho thấy mức độ trầm trọng trong vấn đề vong nô của người Việt trước đồng tiền và kẻ lừa bịp đội lốt nhà buôn đến từ phương Bắc. Và càng kêu gọi giải cứu nông dân bao nhiêu, nhà cầm quyền càng chứng minh rõ hơn về sự bất lực và yếu kém của họ! Giải cứu, thật sự là Việt nam bây giờ cần một cuộc giải cứu rốt ráo!

SƠN TRUNG * NHỮNG MÂU THUẪN VÀ PHI LÝ CỦA CUỘC ĐỜI

NHỮNG  MÂU THUẪN VÀ PHI LÝ CỦA CUỘC ĐỜI
SƠN TRUNG




Pascal nói :" Je pense donc je suis." (Tôi suy nghĩ vậy tôi tồn tại).Thật vậy , con người hơn loài vật, người này hơn người kia là do suy nghĩ. Ai cũng biết suy nghĩ chỉ cao thấp khác nhau.

Cuộc đời phức tạp muôn nỗi.Mỗi không gian thời gian đều có quan điểm luân lý, thẩm mỹ, tôn giáo, chính trị... khác nhau. Blaise Pascal nói: “Chân lý ở bên này dãy núi Pyrénées, qua bên kia là sai lầm” (Vérité en deça des Pyrénées, erreur au delà). Bởi vậy mà những cái mà tư bản, quân chủ tôn trọng thì cộng sản đá phá hết, và những cái mà cộng sản tuyên truyền, cổ vũ thì phe tự do coi là tai họa cho nhân loại!

Lại nữa, sự vật phức tạp, to lớn mà con người chúng ta, con mắt chúng ta quá nhỏ. Chúng ta không có cái nhìn tổng thể, chúng ta chỉ có cái nhìn phiến diện đầy chủ quan, thiên lệch tùy theo vị trí của chúng ta. Đừng cười chuyện năm anh mù sờ voi. Năm anh mù đó là chính là chúng ta. Chúng ta nhìn sai, chúng ta nhìn đúng cũng không thành vấn đề vì chính sự vật thay đổi làm cho cái nhìn của chúng ta hôm qua khác với cái nhìn của ta hôm nay. Một số sự kiện phi lý và mâu thuẫn đã tồn tại trong thế giới chúng ta. Chúng tôi xin đưa ra vài sự kiện:


I. DÂN DA ĐEN BỊ BẮT LÀM NÔ LỆ
 Ngày 12 tháng 10 năm 1492, đoàn thám hiểm do Cristoforo Colombo làm trưởng đoàn đã đặt chân đến châu Mỹ. Theo lệnh của vua Fernando và hoàng hậu Isabel xứ Castilla và Aragón, đoàn thám hiểm đã xuất phát từ cảng Palos xứ Andalucía. Trong 2 tháng và 9 ngày sau đó, đoàn đã vượt qua biển Đại Tây Dương và đến một số đảo thuộc lục địa châu Mỹ, cụ thể là các đảo thuộc quần đảo Bahamas hiện nay. Khi trở về, Colombo đã thông báo cho châu Âu biết về sự tồn tại của một Thế giới mới. Trong những thế kỷ tiếp sau đó, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả Vương Quốc Anh cũng như Pháp, bên cạnh các cường quốc châu Âu khác, đã ra sức cạnh tranh để khám phá, chinh phục và thực dân hóa châu Mỹ, từ đó dẫn đến sự hình thành của nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa và quốc gia mới.
Sau đó, bọn thực dân xâm chiếm châu Phi.Tốc độ xâm chiếm làm thuộc địa của bọn thực dân phương Tây diễn ra rất mạnh: vào giữa những năm 70 của thế kỉ XIX mới có 10,8% đất đai bị chiếm, nhưng đến đầu thế ki XX con số tăng lên 90,4%. Hầu như toàn bộ châu Phi trở thành thuộc địa, chịu sự thống trị của thực dân phương Tây. Bọn thưc dân bắt dân châu Phi làm nô lệ đem sang châu Mỹ khai thác nông nghiệp.Khu vực săn bắt và buôn bán nô lệ da đen diễn ra chủ yếu từ bờ biển Sénégal đến duyên hải Angola ở Tây Phi.

Việc mua bán lô lệ trong giai đoạn đầu do người Bồ Đào Nha nắm giữ, sau khi thế lực Bồ Đào Nha ở châu Phi suy yếu, việc buôn bán nô lệ chuyển dần sang tay Hà Lan, Anh, Pháp… rồi Anh chiếm ưu thế. Đến năm 1770, một nửa số nô lệ từ châu Phi sang châu Mĩ do tàu thuyền Anh vận chuyển: hàng năm gần 50.000 người (Pháp hàng năm chở được 30.000 và Bồ Đào Nha – khoảng 10.000).

Số nô lệ từ châu Phi sang đến châu Mĩ chỉ còn sống được 1/2 sau khi tới nơi và bắt đầu một cuộc sống vô vàn khổ cực ở các đồn điền, hầm mỏ.Nạn buôn bán nô lệ da đen khiến Nam Phi mất đi khoảng 150 triệu dân.

Tuy vậy  từ thế kỷ XIX,  từ thời thực dân, người châu Phi vẫn tìm cách chạy sang Pháp. Sau đệ nhị thế chiến,  các nước thuộc địa dần dần giành được quy chế độc lập hình thức.Căm thù thực dân châu Âu, dân Phi Châu đã đi theo cộng sản. Cũng như Việt Nam,  họ đã theo Mao Trạch Đông và được Mao nuôi dưỡng.
Châu Phi cũng như châu Á là cái nôi của chiến tranh ý thức hệ, của nội chiến.  Một số dân Phi theo Nga, Trung Cộng nhưng không thấy họ đi du học hay di dân sang Nga và Trung Cộng, trái lại họ tìm cách trốn chạy sang châu Âu  tự do. Nhiều nhất là nươc Pháp.Trong khoảng năm 2000 cho đến nay, hàng trăm nghìn người chạy trốn xung đột, khủng bố ở Trung Đông và châu Phi đang mạo hiểm mạng sống để đến châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, từ đầu năm tới nay, 300.000 người rời Bắc Phi và Trung Đông để vượt biển Địa Trung Hải trên hành trình tới "miền đất hứa" châu Âu. Con số này tăng 40% so với năm ngoái. Mỗi ngày, hàng trăm và có thể hàng nghìn người chọn cách tranh nhau lên tàu hoặc bám vào các thuyền nhỏ để vượt biên. Họ có thể trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha hay chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển khắp châu Âu.
Phần lớn di dân đến biển Địa Trung Hải bằng những chiếc thuyền cũ kỹ hoặc xuồng cao su. Đầu tiên, họ đến Hy Lạp, vì nước này gần một số nước có nhiều người di cư như Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Italy và đảo Lampedusa cũng là một điểm đến phổ biến.
Khi đến các điểm này, nhiều người di cư cố gắng đi qua tuyến đường bộ Balkan - một cuộc hành trình vượt qua nhiều biên giới. Nhiều người muốn di chuyển về phía Bắc, đến các nước như Đức và Thụy Điển, nơi đơn xin tị nạn có nhiều khả năng được chấp thuận.
Dù thế nào đi nữa, người Phi châu đã bị thực dân châu Âu bắt làm nô lệ đáng lẽ sau khi được tự do, họ phải quay về quê hương xứ sở, nhưng họ vẫn ở lại Âu Mỹ. Còn những người châu Phi tại bản địa, họ phải thù ghét Âu Mỹ, tại sao họ lại từ bỏ quê hương mà chạy đến Âu Mỹ? Một số thich Cộng sản, tại sao không chạy qua Nga hay Trung quốc?

II. DÂN CỘNG SẢN CHẠY SANG TƯ BẢN

1.DÂN LAO ĐỘNG XHCH

Nợ cha con phải trả. Cộng sản cha vay nợ thì cộng sản con và thường dân Việt Nam phải è lưng trả nợ. Sau 1975, Việt Cộng phải trả nợ Liên Xô. Họ đã trả nợ bằng nhiều cách nhưng rõ rệt nhất là xuất cảng hàng hóa sang Liên Xô và xuất khẩu lao động. Không phải ai cũng được vinh dự đi làm nô lệ. Chỉ có con ông cháu cha mới được tuyển làm nô lệ. Đừng bảo nô lệ là khổ. Nô lệ sướng lắm chứ. Cái thứ nhất là được đi ra nước ngoài mở rộng tầm mắt, đặc biệt là được đến nước Nga, kinh đô của thế giới cộng sản. Cái thứ hai là được mua hàng hóa nào quạt điện, xe đạp, xe gắn máy, nồi áp suất gửi về Việt Nam bán lời khẳm! Người động phải nộp khoảng 20% tiền công cho đảng bóc lột và nhiều tiền khác nữa nhưngvẫn còn dư chút đỉnh còn hơn ở trong nước tiền lương mỗi tháng ăn được mười ngày!
Ấy thế mà đùng một cái bức tường Bá Linh sụp đổ, Đông Âu và Liên Xô tan tành, các lao động Việt Nam đua nhau bỏ thiên đường Cộng sản mà chạy sang tư bản. Tại sao con ông cháu cha mà không trở về Việt Nam xây dựng XHCN mà lại chạy theo bọn tư bản? Bọn "ngụy quân ngụy quyền" đã bị Cộng đảng kết tội bán nước chạy theo đế quốc Mỹ đã đành nhưng con em đảng viên cao cấp, tay sai Liên Xô, Trung Quốc sao không chạy sang Liên Xô Trung Quốc mà cũng chạy theo đế quốc?

RFA nhận định:"Làn sóng di dân khác nữa của người Việt trong 4 thập niên mà ngày càng có chiều hướng gia tăng mạnh đó là cuộc trốn chạy xin tị nạn của du học sinh và công nhân xuất khẩu lao động khi khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ. Số liệu không chính thức Đài ACTD thu thập được vào thời điểm đầu thập niên 1990 có khoảng 300 ngàn người sống rải rác ở Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Đông và Tây Đức… Số liệu mới nhất cho thấy nhiều gia đình ở các quốc gia này gồm đủ cả 3 thế hệ, trong đó có gia đình lên đến 80 thành viên".
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dream-of-residing-abroad-after-vn-war-ended-04072016111841.html

Chạy theo đế quốc và tư bản nhưng cà cuống chết đến đít vẫn còn cay. Bỏ đảng, bỏ bố mẹ, chạy sang tư bản mà vẫn máu lắm,vẫn hoan hô Hồ Chí Minh, vẫn tự hào đảng bách chiến bách thắng, và chửi mắng bọn "ngụy quân ngụy quyền" ở Tây Đức là bọn phản quốc! Tại Đức, đến một lúc chính phủ Đức đòi trả lao động Việt về Việt Nam. Các ông đảng lại được dịp vòi tiền. Họ đòi Đức phải trả tiền thật nhiều thì họ mới đem con họ về! Việt Cộng giống Trung Cộng, trong vụ "nạn kiều", Trung Cộng không chịu đưa dân họ về nước.

Trong khi bố đòi tiền thì con không cam tâm về làm giai cấp công nông lãnh đạo, đã tìm cách ở lại. Họ bày trò chống cộng,tự xưng là nạn nhân cộng sản, không thể về nước, vì về nước là bị bố nó làm thịt... Một số ra báo chống cộng bằng lý luận nửa nạc nửa mỡ "thông tin đa chiều", nghĩa là đi nước đôi, ca tụng cộng sản đã đành mà chửi cộng sản nghe cũng hay! Khi thấy tạm yên, họ đóng cửa báo, ra cái điều bị Việt Cộng phá bĩnh!Cái đám luật sư được chúng cúng tiền, cũng đứng ra xin xỏ. Dân Đức nhìn thấy rõ tim đen bọn này cho nên Trong mắt người Đức, người Việt chỉ là lau nhà, quét dọn, làm quán và tìm mọi thủ đoạn để ở lại
  http://forum.sividuc.org/threads/167/

Tại sao họ không về nước theo  cha anh họ lãnh đạo đảng quang vinh ? Họ về nước cũng ăn trên ngồi trốc chứ đâu nỗi phải làm cu li cu leo đâu mà sợ, thế mà sao họ không về?
2. DÂN TRUNG CỘNG

Theo báo New York Times số ra ngày 18 tháng 12 năm 2011 thì con số các nhà đầu tư với vốn trên 500.000 đô la đã tăng gần gấp bốn lần trong hai năm qua, với trên 3.800 người trong năm tài chính 2011. Con số các nhà đầu tư nạp đơn xin đầu tư tại Mỹ tăng nhanh chóng đến nỗi chính quyền Obama đang tìm cách cải thiện thủ tục cứu xét các đơn đầu tư loại này. Trước đó vào cuối tháng 9 năm 2012, Tổng thống Obama đã ký ban hành luật S.3245 gia hạn chương trình cấp Visa EB-5 cho các Trung tâm Vùng Thí điểm thêm 3 năm nữa sau khi Luật này được hai viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua vào trung tuần tháng 9
http://www.voatiengviet.com/content/cap-the-xanh-cho-nhung-nha-dau-tu-tu-500000-do-la-vao-hoa-ky/1580602.html

Đài BBC cũng loan tin tương tự:
Chiếu khán lao động
Các doanh nhân, dù là nhờ có các mối quan hệ hay chỉ đơn thuần là do tham nhũng, bất kể họ làm giàu bằng cách nào thì cũng đang có những bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy giới siêu giàu Trung Quốc nay đang tìm cách thoát đi.

Tại một cuộc hội thảo tổ chức tại một văn phòng sang trọng với tầm bao quát ra thành phố Thượng Hải rất đẹp, các doanh nhân Trung Quốc với mức dự tính chi ra ít nhất là nửa triệu đô la được khuyến khích đầu tư vào kinh tế Hoa Kỳ.
Lượng người Trung Quốc muốn đến Mỹ theo con đường đầu tư ngày càng tăng.
Chương trình chiếu khán EB-5 là chương trình đầu tư-để-định cư, cấp thẻ định cư cho các trường hợp đầu tư tạo việc làm cho ít nhất 10 lao động.

Trong năm 2006, chỉ có 63 visa loại này được cấp cho các công dân Trung Quốc. Năm ngoái, con số này nhảy vọt lên 2.408 và trong năm nay con số này đã vượt quá 3.700.
Điều đó có nghĩa là làn sóng tiền từ Trung Quốc đang đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Hoa Kỳ.
Chương trình này cho phép mọi đối tượng đệ đơn, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc nay chiếm tới 75% tổng số hồ sơ được nộp.
Dân Trung Quốc sẵn sàng tốn tiền để bỏ nước ra đi
16/05/2017 14:56 GMT+
TTO - Hơn 100.000 người Trung Quốc đã chi tổng cộng 24 tỉ USD trong 10 năm qua cho các dịch vụ lấy thị thực định cư ở nhiều nước.
 Người có học, có chuyên nghiệp; thân nhân gia đình, con cháu cán bộ đảng viên có quyền, có tiền; những nhà giàu nhờ ‘ăn theo CS’; doanh nhân mang hàng triệu Đô la đi nhập cư đầu tư; phụ nữ gần sanh chạy chọt qua Mỹ sanh; thường dân được gia đình bảo lãnh hay có dịp nhập cư lậu; học sinh du học để mẹ được theo làm bão mẫu, v.v. và v.v. — đang hàng hàng lớp chào Trung Cộng bằng chân, tạo thành phong trào bỏ nước ra đi.[...].Năm năm 2011, đã có 150,000 người đa số là giàu và có trình độ cao rời Trung Quốc. Hoa Kỳ, Canada, Úc hay New Zealand là miền đất hứa họ cố đến.
 http://www.swsdevsite.com/vietthucnew/trung-cong-bo-nuoc-ra-di/

Những người Hoa này là tư sản đỏ, là giai cấp mới ở Trung Quốc, là con cháu các lãnh tụ cộng sản gộc thế sao lại bỏ nước ra đi? Trung Quốc đã lớn mạnh và bản thân họ là triệu phú, tỷ phú USD, sao không ở lại tọa hưởng kỳ thành mà lại bỏ nước, chạy theo bọn đế quốc tư bản, nhất là tư bản Mỹ mà Mao căm thù và toàn khối Cộng sản đã theo Marx mà quyết tâm tiêu diệt?

3.VIỆT CỘNG RA ĐI

Sau 1975, các con em cán bộ cao cấp được vinh hạnh đi xuất khẩu lao dộng.  Và nay một số lớn ra đi hiên ngang dưới sự bảo trợ của đảng quang vinh. Đó là khoảng 15 ngàn-20 ngàn du sinh mỗi năm qua Mỹ, một số con ông cháu cha du học Pháp, Úc, Canada. 
 Đây là một hiện tượng đặc biệt ở phe đại thắng mùa xuân 75. Riêng tại Mỹ, mỗi du sinh mang nửa triệu đô hay một triệu đô thì 20 ngàn du sinh mỗi năm mang bao nhiêu tỉ?Từ 1990 cho đến 2013 là bao nhiêu tỉ?
Tiết mục nộp tiền để nhập cư nhập tịch thì đã có từ lâu. Ở Mỹ hay Canada, cứ có khoảng 200 ngàn là được nhập cư. Số tiền này là tiền mang vào có giấy tờ đàng hoàng, nó vẫn là của chủ nhân nó,  chủ nhân số tiền này làm chủ các công ty đầu tư, nhà nước không tơ hào một xu, người Mỹ không hiên ngang bỏ túi như các đồng chí Việt Cộng. Nhà nước Mỹ, Canada cho nhập cư có điều kiện chứ không phải  bán đất, cướp đất nhân dân như Việt cộng..  


Trong năm 2013, Mỹ cho ra một điều kiện mới, đó là số tiền 500 ngàn và thẻ xanh. Trước kia với 200 hay 300 ngàn là nhập cư được, nhưng phải khoảng mười năm sau mới được thẻ xanh. Nay thì chưng tiền là có liền thẻ xanh cho cả nhà! Mỹ hơn các nước khác là ở chỗ thẻ xanh lập tức. Cái đòn chiêu dụ này rất hay.

Cấp thẻ xanh cho những nhà đầu tư từ 500.000 đôla
Để có thẻ xanh, các nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư ít nhất 500.000 đô la vào một khu vực được nhắm vào, thường là những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao hay những khu vực nông thôn.
Sau khi Chính phủ Hà Nội áp dụng chính sách “Đổi mới” vào năm 1986 theo cơ chế “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, xã hội Việt Nam thay đổi thông thoáng hơn trong nhiều lãnh vực, đời sống người dân được thoải mái hơn; thế nhưng vẫn còn có nhiều người Việt muốn định cư ở nước ngoài và họ tìm mọi phương cách ra đi hợp pháp.
Một làn sóng di dân đặc biệt gây chú ý trong dư luận hơn 2 thập niên qua phải kể đến trường hợp hàng trăm ngàn phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc để ra đi có sự đổi đời, nôm na gọi là “Cô dâu Việt”. Và còn một làn sóng di dân âm thầm mà Nhà nước Việt Nam gọi là “hiện tượng chảy máu chất xám” trong các thập niên vẫn là vấn đề nan giải cấp quốc gia như Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu trong buổi họp Quốc hội mới đây, vào sáng hôm mùng 1 tháng 4, rằng:
“Hiện nay nhiều trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài.”
Tính đến năm 2012, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo cho biết có hơn 100 ngàn du học sinh Việt Nam học tập và làm việc ở 49 quốc gia, trong đó có đến 90% du học tự túc và nhiều người trong số họ đã không về nước. Đối với tầng lớp người dân có hoàn cảnh nghèo khó thì được ra nước ngoài dù trong thân phận xuất khẩu lao động, làm ô sin hay cô dâu bất đắc dĩ… vẫn là một giấc mơ đổi đời và họ sẵn sàng chớp lấy một khi có cơ hội dù phải đánh đổi bất chấp thứ gì như những đồng bào của họ từng dám liều chết hơn 40 năm trước đây khi đặt chân lên thuyền hướng ra biển cả.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dream-of-residing-abroad-after-vn-war-ended-04072016111841.html

Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài

Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.
Hầu hết người Việt Nam di cư đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người), Đức (gần 113 nghìn người), Canada (182,8 nghìn người), Úc (227,3 nghìn người), Hàn Quốc (114 nghìn người),...
http://vietnamfinance.vn/tai-chinh-quoc-te/moi-nam-gan-100-nghin-nguoi-viet-di-cu-ra-nuoc-ngoai-20160722095009241.htm

Trung Cộng và Việt Cộng là hai anh em song sinh, cùng tính chất và cùng chung những bệnh trầm kha. Giai cấp tư sản đỏ ở Việt Nam cũng như giai cấp tư sản đỏ Trung Cộng đã bỏ nước ra đi. Tại sao?Tại sao? Họ là giai cấp thống trị, có quyền hành, tài sản lớn chứ phải hạng vô sản đâu, thế sao bỏ nước ra đi?


III. CỘNG SẢN ÁC HƠN THỰC DÂN

Trần Đĩnh kể chuyện anh bạn Ba Lan ra vào Sài Gòn xoành xoạch khi làm việc cho Ủy ban quốc tế giám sát ngừng bắn. Tôi hỏi bọn Mỹ thế nào? Anh bạn nhìn quanh rồi giơ ngón tay cái lên. Tôi đùa: “Mais c’est l’ennemi? Kìa, kẻ thù đấy!.” Anh ta nhún vai: “Chúng tớ thấy họ là người làm từ thiện
(ĐC, 387)

So với cộng sản, quân chủ và thực dân dễ sống hơn.Thi sĩ Hữu Loan viết :
Một loạt các quyền tự do đã tồn tại ngay cả dưới chế độ thuộc địa. Hãy để tôi liệt kê một số điểm đáng nhớ trong Pháp chiếm Việt Nam vẫn còn trong bộ nhớ của nô lệ này: Đầu tiên, tự do bầu cử. Hầu hết các cơ quan hành chính là đối tượng phổ thông đầu phiếu. Các quan chức Pháp tỉnh chỉ đơn giản là đóng vai trọng tài. Khác thấp hơn [Việt Nam] các quan chức không dám nhận hối lộ.Mọi người có thể kiện và thậm chí còn buộc tội các quan chức từ các vị trí của họ. Quan chức tham nhũng đã khinh miệt bởi tất cả mọi người. Tham nhũng dẫn đến thiệt hại cho đời sống, thậm chí còn tồi tệ hơn. Một viên quan ở một huyện ở Huế tham nhũng thì cả nước đều biết.


Điều thứ hai là có tự do báo chí, và quyền phát biểu tư tưởng.
Các cá nhân được phép thành lập báo chí riêng của họ. Họ từ chối chấp nhận trợ cấp của chính phủ. Trong số các tạp chí nổi tiếng nổi tiếng là tờ Nam Phong ( Gió Nam) Tạp chí, Phụ Nữ) Tạp chí, Phụ Nữ Thời Đàm, Tạp chí, Tiếng Dân , Phong Hóa Ngày Nay vv. Trong số những nhà văn có uy tín và các phóng viên là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Thụy An, Huỳnh Thúc Kháng, etc.
Các thí sinh bất kỳ vị trí nào phải tham gia kỳ thi vòng loại. Những người có tài năng sẽ vượt qua. Lương của người lao động đã đủ để trả tiền cho sinh sống và một số tiền tiết kiệm của họ. Một giáo viên của hai lớp sơ đẳng và dự bị, thu được 12 piasters một tháng, tương đương với 2 "chỉ " của vàng ngày hôm nay.

Sinh viên không phải nộp học phí. Chỉ có giáo dục đại học phải nộp một đồng một tháng. Học sinh giỏi đã được trao học bổng, thậm chí học bổng du học ở bên Pháp. Bệnh nhân được cho thuốc tại trạm xá huyện. Bệnh viện tỉnh đã dành khu vực cho bệnh nhân nghèo đã được điều trị và ăn uống miễn phí. Những bệnh viện này đã được biết đến như bệnh viện từ thiện.
Ngày nay, y đức từ lâu đã biến mất. Các bệnh viện ở khắp mọi nơi lấy tiền của bệnh nhân nhưng chắc không có hiệu quả điều trị. Chế độ thực dân Pháp thực sự là khủng khiếp, nhưng nó vẫn là một giấc mơ xa cho người dân dưới các chế độ vỗ ngực khoe khoang của họ về độc lập và quay lại đàn áp người dân của họ. ( TÁC PHẨM HỮU LOAN).

Nguyễn Chí Thiện viết:
Ôi thằng Tây mà trước khi người dân không tiếc máu xương đánh đuổi.
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng.
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng.
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả [1]

Đúng là thực dân tử tế hơn cộng sản bởi vì tư bản, quân chủ còn chút nhân ái, từ bi còn cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp và vô sản chuyên chính cho nên vô cùng tàn độc!
Các nhân vật trong Đèn Cù đã cho ta thấy rõ tính " ưu việt" của chủ nghĩa cộng sản là tàn bạo, dã man hơn thực dân. Khi công an bắt Vũ Đình Huỳnh, ông nói: " - Các đồng chí cho tôi vào hôn mấy cháu bé.
- Thằng phản động, ai đồng chí với mày hả?
Sau ông Huỳnh nói với Trần Đĩnh: - Mật thám Tây đến bắt không vô văn hóa như vậy (ĐC, 338).

Trong Đêm Giữa Ban Ngày, Vũ Thư Hiên ghi lại lời mẹ ông, bà Vũ Đình Huỳnh, người đã có kinh nghiệm với mật thám Pháp đã đưa ra một nhận định để đời: Chúng nó đến, con có tưởng tượng được không, còn tệ hơn cả mật thám Pháp nữa kia! ....Thời Pháp thuộc, mẹ còn chống chọi được, bọn thực dân tiếng thế chứ không đến nỗi ác như bọn này. Bây giờ khó lắm, mọi sự làm ăn đều khó, chúng nó bít kín mọi đường, bắt mọi người muốn sống phải phụ thuộc chúng nó .[2]
 Vũ Thư Hiên cũng so sánh cộng sản với các triều đại trước: Bây giờ tôi đang sống trong một xã hội được gọi là xã hội chủ nghĩa, nhưng nhà cầm quyền của nó xử sự với dân chúng chẳng khác gì những xã hội trước nó, nếu không tồi tệ hơn.(Ch.II)
Nguyễn Đức Thuận cho biết rằng cơm ăn nước uống của tù rất khá. Mỹ cho mỗi tù mỗi ngày một đô - la ăn uống cơ mà. Thuận đã so sánh cụ thể:- Ra đây tôi thấy cơm vụ trưởng không bằng cơm tù chúng tôi những ngày không bị đánh đạp (Đèn Cù, 298 ).
Trần Độ so sánh lực lượng an ninh xã thôn ngày xưa và bộ máy công an cộng sản ngày nay:
Ngày xưa còn bé, ở nhà quê, tôi chỉ thấy làng xã tôi có một trương tuần và 4 anh tuần phiên. Ngày nay tôi thấy ở phường có công an phường có trụ sở, có mấy chục người và chỉ huy là một cấp tá; bây giờ mình nhiều sĩ quan thật!.....Lực lượng Công an nhân dân hiện nay được giới thiệu như một lực lượng của nhân dân, trong nhân dân và vì nhân dân. Nhưng sao mà trong thực tế nó lại hay giống nhưng cái ngày xưa ở ta, và giống các nước tư bản quá. Nhiều người nhìn vào nó, thấy rõ nó tiêu biểu cho một lực lượng đàn áp và khủng bố. Dân sợ nó nhiều hơn và cho đó là một nghề "thất đức" và quả nhiên nó làm cho nhiều người sợ thật:
Nó có một lực lượng cảnh sát chiến đấu trang bị rất sắc bén và hùng hậu. Nó được trang bị tất cả những công cụ khủng bố hiện đại và phong phú hơn cả các lực lượng bảo vệ chế độ cũ (phong kiến và thực dân) như dùi cui, súng, vòi rồng phun nước, hơi cay, khiên và côn, xe phân khối lớn, chó nghiệp vụ v.v...Nó có một hệ thống trụ sở, đồn, nhà giam và nhà tù và đều là những chỗ đáng sợ, ít ai vui vẻ muốn tới đó. Trình độ nghiệp vụ của nó rất cao: thẩm vấn, hỏi cung, theo dõi, điều tra, phong tỏa thư tín, nghe trộm điện thoại v.v... yêu cầu dân và tìm người đưa tin chỉ điểm.

Hỏi cung thì mớm cung, gài bẫy, tạo chứng cớ, bắt nọn và hành hạ người bị hỏi cung rất kịch liệt và dài ngày. Tất cả những điều nói trên đều là những điều mà khi ta chưa có chính quyền thì ta nguyền rủa, chống đối, khinh bỉ. Lúc đó những chữ mật thám, tay sai, chỉ điểm được nhắc đến như những gì xấu xa và lý tưởng của ta là quét sạch nó như quét sạch những rác rưởi ở chợ. Mà ngày nay ta lại sử dụng nó tích cực và ca ngợi, bênh vực nó ghê gớm
MỘT CÁI NHÍN TRỞ LẠI 2
 
Trần Độ kể lại lời chị họ của ông:" Tôi có một bà chị có chồng là tù nhân trong thời đế quốc phong kiến, nay có con rể là tù cách mạng. Chị có kể chuyện về hai cuộc đi thăm tù : trước đi thăm chồng, nay (sau năm 1975) đi thăm con rể. Chị có một ấn tượng rất nặng nề khi phải so sánh hai cuộc đi thăm ấy : tù nhân thời nay cực hơn thời đế quốc (BÚT kÝ * MỘT CÁI NHÌN TRỞ LẠI I, 4)

Trần Độ viết ":Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ (TRẦN ĐỘ * NHẬT KÝ RỒNG RẮN II, 3)
 
Kể từ năm 1989, nghĩa vụ đặc biệt của Hội đồng Châu Âu là làm tiền vệ cho nhân quyền tại các quốc gia dân chủ hậu cộng sản ở Trung và Đông Âu, giúp đỡ các quốc gia này cải cách chính trị song song với cải cách kinh tế, và trao truyền kiến thức trên các lĩnh vực nhân quyền, dân chủ cơ sở, giáo dục, văn hóa, môi trường.

Nghị quyết số 1481 lên án những tội ác chống nhân loại của các chế độ Cộng sản trên toàn thế giới được thông qua ngày 25.1.2006, với đa số áp đảo 99 phiếu thuận, 42 phiếu chống.
Đặc biệt điều 9 của Nghị quyết xác định rằng : "Các chế độ toàn trị cộng sản vẫn còn hoạt động tại một số quốc gia trên thế giới và vẫn tiếp tục gây tội ác. Quyền lợi quốc gia không thể là cái cớ nhằm phản bác những phê phán thích đáng các chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay. Hội đồng Châu Âu cực lực lên án tất cả những vi phạm nhân quyền". 

 
Các tội ác này đến từ đâu ? Điều 3 của Nghị quyết ghi nhận: "Nhân danh chủ trương đấu tranh giai cấp và nguyên tắc chuyên chính vô sản mà các tội ác được biện minh. Sự giải thích hai nguyên tắc này đã hợp thức hóa việc "thủ tiêu" những người bị cho là có hại cho sự xây dựng một xã hội mới, và do đó, bị xem là kẻ thù của các chế độ độc tài toàn trị cộng sản".
Điều 5 còn xác định : "Sự sụp đổ của những chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Trung và Đông Âu không được quốc tế điều tra theo dõi các tội ác gây ra. Hơn nữa, tác giả những tội ác nầy chưa hề bị đưa ra xét xử trước cộng đồng quốc tế, như trường hợp những tội ác khủng khiếp do Đức Quốc xã gây ra trước đây". 
 
Trong thời gian hoạt động tại Strasbourg, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Cơ sở Quê Mẹ đã gặp gỡ các vị Dân biểu và ghi nhận những phát biểu sau đây của các Dân biểu Châu Âu ủng hộ Nghị quyết 1481, mà đa số là các Dân biểu thuộc Trung và Đông Âu, là các quốc gia kinh qua một thời gian dài dưới chế độ độc tài toàn trị Cộng sản.
Cũng như Việt Nam, Trung Cộng từ trước 1945 đã nuôi dưỡng dân Phi châu và huấn luyện họ thành Cộng sản. Trung Cộng viện trợ cho họ rồi từ đó biến họ thành thuộc địa cho chủ nghĩa thực dân mới Trung Cộng.  Một số người Phi châu mê Mao Trạch Đông và đồng nhân dân tệ, cam tâm làm nô lệ Trung Cộng, nhưng một số yêu nước, chống lại Trung Cộng.

Dân Phi châu theo Trung cộng thì cũng là một bản sao Việt Nam nô lệ Trung Cộng.Theo Quyển Sách Đen, chủ nghĩa Marx đã giết  1,7 triệu dân Phi Châu. Sống dướí ách cộng sản, dân Phi châu, mới thấy thực dân tốt hơn
Việc tư sản đỏ Trung quốc và Việt Nam bỏ nước ra đi cũng là một minh chứng tư bản tốt hơn cộng sản  đồng thời cũng là một minh chứng chủ nghĩa Marx là địa ngục chứ không phải thiên đường như Marx cổ võ.Ấy thế mà cũng lắm kẻ ca tụng Marx. Vũ Thư Hiên bị tù rồi đi tìm hiểu Marx.


Ông vẫn còn có ảo tưởng hoặc cố tình tuyên truyền  về một chủ nghĩa Mác nhân bản, chủ nghĩa cộng sản bác áí như Thiên Chúa giáo ( 99) ,Ông cho rằng những người ngu thì không hiểu cộng sản, Những người cộng sản thiếu học không hiểu rằng mục đích cuối cùng của cách mạng vô sản, theo Mác, không phải chỉ nhằm giải phóng thân phận nô lệ của người vô sản, mục đích của Mác  là Đưa con người từ vương quốc tất yếu qua vương quốc tự do ... mục đích của ông đầy tính nhân đạo. .(Ch.XIV, tr.676). Lạ quá! Cộng sản có tự do sao ông vào tù và bỏ chạy?
Cộng sản  bỏ tù bố ông và ông mà ông còn ca tụng Marx nhân bản ư?Ông có ấm đầu không hay ông là một kẻ hai mang?

Ngoại trừ bọn cộng sản và thân cộng, nhân dân thế giới, nhất là nhân dân Việt Nam, Phi châu đều trải nghiệm các chế độ và nhận định Cộng sản ác hơn quân chủ, thực dân, và tư bản.Tại sao cùng giống nòi mà giết nhau dã man hơn thực dân? Tại sao cộng sản hô hào dân chủ, hòa bình và đoàn kết mà lại tàn sát đồng bào? Tại sao cộng sản ác hơn thực dân?
IV. NGƯỜI CHẠY TRỐN CỘNG SẢN GIÚP CỘNG SẢN TỒN TẠI

Trước 1975, Mỹ viện trợ hàng năm 700 triệu Mỹ Kim nhưng trong đó 300 triệu để trả lương cho nhân viên cơ quân tuỳ viên quân sự DAO của Mỹ. (Nguyễn Trọng Đạt.
https://dongsongcu.wordpress.com/2016/03/14/nguyen-nhan-xup-do-viet-nam-cong-hoa-1975/)

Sau đó thì viện trợ bị cắt.Trong :Khi Đồng Minh Tháo Chạy", Nguyễn Tiến Hưng cho biết:
  Nếu là 750 triệu đô-la thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc và khó điều đình được với Bắc Việt; Nếu quân viện dưới 600 triệu đô-la thì chính phủ VNCH chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long” (Sđd, tr.235)!
Trong khi đó khối Cộng sản viện trợ cho Bắc Việt trong 1974 là 1.tỷ 150 -1tỷ,190USD (Wikipedia)

Ấy thế mà sau 1975, chính đám người tù nhân, thuyền nhân nạn nhân cộng sản lại gửi tiền về nuôi Việt Cộng. Nguyễn Văn Thiệu muốn có 600 triệu viện trợ mà không có, còn Việt Cộng ăn không ngồi rồi, không cần xin xỏ, mỗi năm cũng có vài tỷ đô la kiều hối!

Vào khoảng giữa những năm 1980 của thế kỷ 20, với những thay đổi căn bản trong chính sách về kiều hối, Việt Nam đã tiếp nhận một lượng lớn dòng ngoại tệ từ các kiều bào ở nước ngoài. ... Từ đó cho tới nay, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam luôn luôn tăng với tốc độ ngày càng cao. Năm 2000, lượng kiều hối gửi về là 1,75 tỷ USD, đến năm 2005, con số này đã tăng lên là 3,8 tỷ USD (tăng 117% so với năm 2000).

Đến năm 2008, mặc dù khủng hoảng kinh tế toàn cầu xẩy ra, nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam không những không bị suy giảm mà còn tăng vọt lên ở mức 7,2 tỷ USD. Năm 2010, với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Việt Nam tiếp tục nhận được dòng kiều hối với giá trị 8 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ so với năm 2009. Cũng trong năm này,Việt Nam được Ngân hàng Thế giới xếp vào vị trí 16/20 nước tiếp nhận nguồn kiều hối lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, sau Philippines.    (KIều hối ở Việt Nam.   http://vietstock.vn/PrintView.aspx?ArticleID=185265      
   Vẫn biết đồng bào hải ngoại gửi tiền về cho cha mẹ, anh em không phải gửi cho Việt Công nhưng thực tế Việt Cộng nắm nguồn kiều hối này, làm cho họ có sức mạnh để  đàn áp, cướp bóc nhân dân .Oái oăm thay
Tại sao có những chuyện phi lý và mâu thuẫn như thế?  Ai bày trò bãi bể nương dâu?

TẠP CHÍ VĂN HÓA VIỆT NAM 470

    SƠN TRUNG  
Chủ biên
  
Ngày 27  tháng 5 năm 2017

 

 

 


No comments:

Post a Comment