Tuesday, June 20, 2017
TRẦN QUÝ TRÂM * BUỒN VUI KHO ĐẠN
BUỒN VUI KHO ĐẠN
TRẦN QUÝ TRÂM
TRẦN QUÝ TRÂM
Ai
ở Đà Nẵng chắc cũng biết địa danh Kho Đạn. Thời kỳ Tây, kho dùng để
chứa đạn, thời kỳ VNCH và sau này dùng để nhốt tù. Kho Đạn nắm trước mặt
chợ Cồn, xung quanh là một bức thành kiên cố, chằng chịt dây kẻm gai,
công an canh gác cẩn mật ngày đêm, ai yếu bóng vía đi ngang qua, nhất là
ban đêm đều rợc tóc gáy. TrạI giam chia làm nhiều khu, khu B thuộc về
hình sự. Trong phòng chu vi độ 4 mét vuông, hai bên là hai bục xi măng
thay giường nằm, trời lạnh thì thấu xương, trời nắng, nhất là với cái
nắng ác nghiệp của mùa hè Đà Nẳng thì mình như ở trong thùng chứa hàng
bằng sắt Conex, mồ hôi mồ kê cứ thế mà nhể nhải.
Sau 1975, tôi xông đại vô Bệnh Viện Đà Nẳng làm việc độ một năm rồi mới bị bắt. Lần này khác với lần đi trình diện cải tạo ngày 30 tháng 4, chỉ có tập trung rồi lên xe đưa đến cải tạo ở các trại. Ngày tôi bị bắt, khoảng 30 công an đổ xe tới, vây quanh nhà. Một công an chỉa súng vào tôi và bắt tôi đứng im. Một công an khác đọc lệnh bắt. Tôi ngơ ngác, không biết mình bị bắt về tội gì. Cũng có thể vì mình khám chui không xin phép. Hay vì tôi “thiến”- vasectomy- hàng ngày quá nhiều, sai chánh sách nên bị bắt. Trước khi bị còng tay, giải ra xe, tôi xin phép công an bồng bé Dung, con gái út của tôi mới hai tuổi. Tôi bồng độ một phút, rồi nắm tay vợ tôi nghẹn ngào.
Chuyến này đi có vẻ dữ hơn lành. Tôi đinh ninh đi học tập chắc tối đa cũng vài tuần, rồi sẽ trở về. Nên trong balô tôi đem giấy bút và cả mấy quyến sách triết lý Mác-Lê nữa trời. Công an dẫn tôi ra xe, rồi chở tôi vô Kho Đạn. Tôi ngao ngán nhìn quanh đường, nào phố xá, chợ búa thật tiêu điều. Sao số phận mình quá hẩm hiu! Tôi là người ở lại làm việc không biết mệt mỏi trong hơn một năm trời. Chẩn bệnh- Mổ xẻ liên tục- Chưa bao giờ cảm thấy mình lầm lổi một điều gì. Thế mà, ngày hôm nay, ngồi trong xe tù, hai tay bị còng. Thật tình chẳng biết mình bị tội gì ?!
Vô trại giam Kho Đạn, việc trước tiên là qua khâu gặp bà Giám Thị Trưởng. Bà này, sau khi lục tung các đồ dùng trong balô của tôi, nào mì gói, đường, muối… Bà thấy tôi đem sách vở nhiều, bà hỏi: “Anh đem sách vở làm gì mà nhiều thế?”. Tôi trả lời: “Tôi đi học tập, một vài tuần rồi cũng về”. Bà nói : “Các anh này ngây thơ quá! Anh đi ở tù rồi đấy nhé, đem mấy thứ đó về đi”.
Vì hết phòng, tôi được đẩy vô phòng số 11. Phòng này nổi tiếng về kỷ luật sắt. Thành phần tù được coi như là nguy hiểm về hình sự, đa số trốn trại cũng 5, 7 lần. Đi qua các phòng, tôi thấy các anh như BS Thái Thanh, BS Châu (khoa nội), BS Hậu (tai, mũi, họng) và nhiều người quen nữa. Các anh quần áo xốc xếch, vẻ mặt bơ phờ, đang đu lên các thanh sắt của khung cửa sổ, chẳng khác gì mấy chú khỉ trong sở thú. Các anh bị bắt trước tôi một ngày. Tôi đặt chiếc balô trên sân xi măng ngao ngán nhìn quanh. Thật là một cảnh tượng hãi hùng. Hàng mấy chục người ở truồng, người ghẻ lở mùi hôi không thể tưởng tượng nổi. Đó là những bộ xương biết đi, chỉ có hai con mắt là mở to sáng rực.
Chúng nhìn tôi trừng trừng: “Ê, lính mới hả? Có đường cho tụi tao không? Cất dấu? biết tay tụi tao!? Rồi chúng xông lại, lục lọi balô tôi vung vãi. Một tên tìm được bịch đường, cười lên hô hố rồi bỏ mấy miếng đường vô miệng nhai ngấu nghiến. Đúng là mình sa vào địa ngục mà chúng nó là lủ quỷ đói. Có đứa moi ra nào sách vở, giấy bút… nó cười lên hăng hắc. “Bộ ông anh, đem sách vở vào tù để dạy tụi tôi học à?” Tôi ngây thơ: “ Dạ, họ cho tôi vô đây học độ một tuần rồi về”. Cả bọn cười ồ lên: "À, nó đi ở tù mà không biết”. May mắn cho tôi, trong đám quỷ sống đó, có một tên mặt mày đanh ác, ốm tong teo, thân hình ghẻ lở có nhiều vết xăm loang lổ.
Hắn nhìn tôi trừng trừng: “Ai như BS Trâm phải không?” Tôi nói phải. Hắn rú lên: “Trời ơi! Ông Thầy của tao đây rồi. Sao ông Thầy cũng bị bắt vô đây. Tội chi rứa? Em là lính của ông Thầy đây. Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân ở Thượng Đức đó. Thầy nhớ không: bữa đó em bị thương lòi ruột. Ông Thầy mổ cứu em đó”. Tôi nói với hắn: “Tôi là Y Sĩ Trưởng Liên Đoàn. Tôi đi làm Bệnh Viện một năm rồi bị bắt vô đây”. Hồi nãy bà Quản Giáo trại có hỏi tôi can tội gì trước khi bà lăn tay, chụp hình va phát áo quần tù cho tôi. Tôi có trả lời “Tôi không biết”. Bà hỏi thêm: “Vậy anh cấp bậc gì?”- Tôi là Thiếu Tá, nhưng lon chưa về- nên tôi trả lời: “Dạ, Đại úy Bác Sĩ”. Bà ta nói: “Thế à?! Là đủ đi tù rồi đấy nhé. Làm Bác Sĩ mà cũng lên Đại Úy nữa!! Tù dài dài cưng nhé!!”
Tên Đại Bàng, lính của tôi, quay qua đám thủ hạ nói: “Đây là Ông Thầy của tao! Tụi bây lớ xớ, tao đánh bỏ mẹ. Nghe không!” Cả bọn nhìn tôi im thin thít. Thực ra, có lẽ vì tôi ở hiền gặp lành, nên lúc nào cũng gặp hên. Như lúc hành quân Hạ Lào, tôi ngồi trên cái mũ sắt trong một phi vụ tải thương của trực thăng Mỹ, viên đạn ở dưới đất bắn lên xuyên thủng cái mũ sắc mà tôi không hề hấn gì. Đến khi vô Kho Đạn lại có Đại Bàng che chở. Nhưng chưa hết, tôi lại gặp được một cứu tinh khác. Tôi gọi là “Thầy Lốc Cốc Tử”.
Buổi sáng đầu tiên trong Kho Đạn, sau một đêm thao thức ngủ không được, phần vì suy nghĩ trăm thứ chuyện, phần vì bị rệp cắn, vừa mới chợp mắt thì tôi bỗng choàng dậy vì nghe một tiếng rao lanh lãnh cất lên: “Ai đau răng, đau bụng hôn?”. Tiếng ai nghe thật quen, giọng Huế, nhìn kỹ lại thấy BS Hà Thúc Lễ (Trưởng Ty Y Tế Đà Nẵng) đi trước, cầm một cái đùi gõ lốc cốc vào cái chén nhựa, theo sau một anh y tá đeo một tráp thuốc. Có lẽ vì thói quen hay sao mà bước chân anh Lễ đi trước cùng nhịp với bước chân người đi sau; hễ anh Lể quay qua trái, thì anh đi sau cũng quay qua trái. Điệu đi rất nhịp nhàng, giống như cuộc diễn hành của Bộ Binh. Anh Lễ cất tiếng rao não ruột, buồn bã, tay vẫn gõ lốc cốc vào cái chén nhựa: “Ai đau đầu không?”
Tên Đại Bàng nằm cạnh tôi bỗng vùng dậy la lớn: “Bác Sĩ ơi! Tôi đái không ra mấy ngày, có thuốc chưa Bác Sĩ?” Anh Lễ dừng lại, ngó qua cửa sổ nói to: “Bệnh anh phải chữa trụ sinh mạnh, mà đây không có; chỉ có xuyên tâm liên (chữa đâu đầu) và viên rửa (chữa đau bụng) thôi”. Chợt nhìn thấy tôi, anh hỏi nhỏ: “Không biết sao, mà các anh vô đây nhiều lắm? Anh cần gì không, tôi gắng giúp anh một chút”. Tôi nói: “Anh coi cho tôi một quẻ, bao giờ được thả?”. Anh Lễ trả lời: “Tôi chỉ giúp anh mua ít mì gói thôi!”. Nói xong, hai người quay đi chỗ khác, tiếng gõ lốc cốc lại cất lên, lần này tôi mường tượng như tiếng rao “ Phởởở” của ông Cơ, buổi tối thường hay đẩy xe phở qua nhà tôi ở Huế, với cô con gái gõ tắc xịt trong đêm thanh vắng, khiến cầm lòng không đặng, tôi phải kêu lại, ăn một tô phở nóng ngon đáo để.
Thành thói quen, buổi sáng hễ nghe anh Lễ gõ lốc cốc là tôi choàng dậy, có bữa hai người vừa đi theo điệu xàng xê, vừa gõ dồn dập khi đi qua phòng tôi, tôi đoán anh thông báo có tin vui. Anh nháy mắt “Vợ anh ngày nay vô thăm nuôi đó”. Mà quả thật, vợ tôi vào thăm nuôi lúc buổi trưa. Tha hồ mà ăn, nào mì gói, đường Trung Quốc, ăn không hết, tôi chia cho các bạn tù. Ngày vợ tôi thăm nuôi là một ngày hạnh phúc nhất.
Một buổi sáng khác, lần này anh Lễ gõ lốc cốc theo nhịp cha cha cha. Hai người bước tới, bước lui, cái trap của anh y tá hôm nay đầy những thuốc là thuốc, cứ xoay qua xoay lại theo nhịp bước. Sau này tôi mới biết: anh y tá cũng là sư tổ trong các vũ trường. Chắc anh đi bộ, sực ngứa đôi chân, nên tập một vài động tác nhót cho vui. Nét mặt anh Lễ hôm nay thật vui. Anh thò mặt vào cửa sổ, nháy mắt: “Anh sắp được đưa lên trại rồi”. Anh đưa cho Đại Bàng mấy viên Sulfamid dặn dò kỷ lưỡng. Rồi tiếp tục khỏ nhịp đi qua các phòng khác. Tiếng gõ nhịp xa dần, bóng chiếc áo xanh đề hai chử “cải tạo” sau lưng của anh Lễ khuất qua hàng song sắt, đổi lại tiếng chưởi thề của tên Đại Bàng: “Mẹ kiếp! tao đái không được tụi bây ơi! thuốc dở ẹc- uống không hết bệnh?!!”
Sau đó ít tuần, tôi không nghe tiếng gõ của lốc cốc tử nữa. Có lẽ anh Lễ qua trại khác. Còn phần tôi, vì phải đắp chiếc chiếu toàn rệp và rệp, nên người tôi ghẻ ngứa đầy mình; Cả bọn tù gải sồn sột đêm lẫn ngày; khi công an đưa tôi lên trại giam An Điền, tôi dùng lưỡi dao mổ các nốt ghẻ, rồi tẩm teinture d’iode vào. Cháy cả da. Một tháng sau mới diệt được ghẻ. Thật là rùng mình nổi gai ốc.
Câu chuyện kể tiếp cũng ở trong Kho Đạn, là chuyện về “Mâm Trưởng” tức là tôi. Bửa cơm ở Kho Đạn rất thanh đạm. Tổ của tôi gồm 5 người. 4 bác sĩ là tôi, BS Điều, BS Toàn ở Hội An (Toàn nhỏ chớ không phải Vĩnh Toàn, anh của BS Vĩnh Chánh đâu!), BS Quyền và một thằng nhóc bị giam lâu ngày không ai thăm nuôi vì can tội ăn cắp. Bữa cơm gồm có cơm bo bo, phần nhiều là cơm cháy. 5 người có 5 tô canh toàn quốc nghĩa là toàn nước (nước pha muối với rau thập toàn). Tôi được giữ chức Mâm Trưởng.
Tôi tự hỏi, tôi không có công trạng gì mà công anh lại cho tôi giữ chức cao vậy, chắc có lẽ vì tôi ăn ít như con gái? Đã là Mâm Trưởng thì phải chia cơm cho đều. Vì mấy lần trước, hễ khi chúng tôi mới cầm đũa, là thằng nhóc lùa một mạch, cơm canh, bo bo vào miệng nhanh như chớp, thành thử chúng tôi trở thành tiên ông. Một buổi họp có công anh tham dự, BS Quyền chịu không nổi đứng lên phát biểu: “Tôi ăn chậm, lần sau chia cơm cho đều”. BS Quyền lớn tuổi, lại cà lăm, ăn chậm không đủ no nên người trông phờ phạc. Đến phiên tôi chia cơm thì thật khó xử, vì bữa cơm nào cũng có mấy miếng cơm cháy đen to tổ bố và 5 tô canh toàn quốc. Tôi chia cơm thật đều, vì nếu không đều, 5 đôi mắt nhìn hau háu sẽ có ý kiến.
Thằng nhóc đề nghị: nó húp 4 tô canh trước, để dành cơm cho chúng tôi ăn. Hai ngày sau đến phiên nó sẽ ăn luôn 5 phần cơm. Nó húp hết mấy tô rồi lăn ra ngủ. Sau khi chia cơm xong, mấy con mắt trợn trạc nhìn vào 4 phần cơm, bo bo nõn nà. Tôi hô to: “Nào bắt đầu ăn”. Như chớp, các bác dành hết 4 phần cơm. Riêng phần cơm cháy thì để lại. Lẽ dĩ nhiên, tôi phải ăn phần cơm cháy đó, vì tôi là Mâm Trưởng. Tôi ăn cơm cháy đến mấy tuần. Sau này lên trại cải tạo An Điền, bị mắt chứng táo bón kinh niên.
Đến phần 15 phút giải lao, cả bọn ào ào chạy ra cái giếng. Thành giếng bể một bên, nước đục ngầu. Vớ vội cái gàu, tôi múc nước giếng xối lấy xối để. Chao ơi là mát. Vừa tắm vừa tranh thủ vò mấy cái áo, không cần xà bông, miểng bớt hôi là được rồi. Nhưng vì cái giếng bị bể một bên, nước dơ ở ngoài chảy vào giếng. Đa số hình sự đều bị ghẻ lở. Tắm rồi nửa đêm lên cơn sốt. Cả bọn trong phòng gải sồn sột tạo một âm thanh quái đản, lẫn trong đêm tiếng thanh la báo giờ đổi gác của trạm công an nghe inh ỏi chát chúa cả tai. Khó mà dỗ giấc ngủ. Ở một tháng trong Kho Đạn, người tôi phờ phạc hẳn ra. Nếu có chợp mắt ngủ một chút thì những cơn ác mộng kinh sợ lại đến.
Khi qua Mỹ, bạn bè mời ăn cơm, thịt cá ê hề. Ngay cả gia đình tôi, thức ăn, thức uống thừa thải. Tôi thường khuyên các con: “Hột cơm là hột ngọc của nhà trời. Đừng có phung phí mà ông trời không cho”. Nhớ lại cảnh tượng ở Kho Đạn, giành giựt nhau từng hột cơm mà thấy chán gán cho thế thái nhân tình.
Cách đây hai năm, anh Hà Thúc Lễ ở Georgia có tới thăm tôi, vẫn tiếng nói nhỏ nhẹ như con gái, và dáng dấp như một lốc cốc tử thủa còn ở Kho Đạn. Hai anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Tôi hỏi anh “Cái anh y tá đi theo phát thuốc với anh bây giờ ở đâu rồi?” Anh nói: “Ảnh qua Mỹ lâu rồi, bây giớ là chủ một vũ trường sang trọng ở Cali”. Hèn nào, lúc đó, đi phát thuốc mà anh ngứa chân, cứ đi điệu cha cha cha, cứ tưởng như bị ma bắt. Sau đó chúng tôi xuống Galveston thăm anh Đinh Văn Tùng có nhà ở gần biển đẹp vô cùng.
Anh Tùng coi tôi như em ruột, Tết Mậu Thân tôi ở nội trú tại Bệnh Viện Đà Nẵng, đêm ngày mổ xẻ mệt nghỉ. Anh Tùng đem hết các sở trường về giải phẩu chỉ vẻ cho tôi. Anh có một người con, lúc còn ở Đà Nẵng bị phỏng nặng, tôi là người cưu mang cháu nhiều nhất. Tôi kể mấy chuyện tếu ở Đà Nẵng, ở Đại Lộc cho anh nghe. Anh bò ra mà cười. Anh nói: “Sao em không đăng báo cho mọi người cùng đọc cho vui”. Về nhà, dự định viết thì nghe anh đã mất. Thôi thì em viết mấy chuyện vừa cười vừa ra nước mắt để anh ở suối vàng cùng đọc với các bạn bè cho vui vậy.
Trần Quý Trâm
Houston 1/3/2006
VĂN QUY * CÁNH BÈO BIỂN CẢ
CÁNH BÈO BIỂN CẢ
VĂN QUY
Mộng Chi và tôi là bạn thân từ thủa học trò, nhưng sau đó tôi nghe theo
tiếng gọi non sông đi tòng quân chống giặc. Còn Mộng Chi trở thành cô
giáo cấp 2 tại miền cao. Ngày di tản tôi gặp lại nàng. Cuộc gặp gỡ giữa
chúng tôi quá ngắn ngủi, vì lúc đó tôi đang chỉ huy một đơn vị mở đường,
còn nàng thì hối hả đi theo dòng người di tản.
Hai năm sau dù không hẹn hò nhưng chúng tôi lần nữa lại gặp nhau tại một
vùng kinh tế mới. Mộng Chi không còn hoa khôi như ngày nào, thân hình
ốm yếu tàn tạ đi.
Còn tôi cũng không còn phong độ như ngày xưa, chỉ còn lại tấm thân tàn
ma dại, ngày hai buổi lo cuốc đất trồng lang để lần hồi kiếm ăn và thực
hiệnđúng khẩu hiệu "lao động là vinh quang" mà đảng đang hô hào. Một
hôm, sau giờ giải lao, Mộng Chi đến gặp tôi, nàng lau mồ hôi, thở dài và
nói: "Khổ quá anh ạ! Chẳng lẽ chúng ta cam phận giam hãm trong nhà tù
lớn này cho đến lúc bị vùi thây dưới lớp cỏ hôi". Nàng còn mượn lời của
Patrick Henry "Give me liberty or give me death" (Hãy cho tôi tự do hay
là chết) Thế là hai đứa tôi vứt bỏ lại cuốc, rìu, nắm tay nhau đi tìm
lại sự sống trong cái chết.
Mộng Chi dẫn tôi đến tôi đến nhà người thân tại một xóm chài ở Nha Trang
đúng lúc ông chủ chuẩn bị thuyền bè để vượt biên. Qua vài lời hỏi thăm,
ông lão chủ nhà hỏi Mộng Chi: - Ngày đó Dượng tưởng cháu đã được ra
ngoại quốc rồi, té ra vẫn kẹt lại. Nay còn dạy học nữa không? - Thưa
Dượng Bảy, chúng dồn cả học trò lẫn thầy cô vào nhà tù lớn thì còn học
hành gì được nữa. - Cháu bị giam tại trại nào? - Thì nhà tù kinh tế mới,
Dượng chưa biết à? Dịp này Mộng Chi cũng giới thiệu tôi là một anh lính
thất trận đang phiêu bạt đây dó. Ông lão đưa mắt nhìn Mông Chi rồi lại
liếc mắt nhìn tôi ra chiều thương hại.
Ông nói nhỏ: - Dượng vừa đóng chiếc tàu để vượt biên, hai hai cháu ở lại
đây cùng đi với dượng. Nửa tháng sau, người nhà ông Bảy cùng một số
khách hàng trong đó có Mộng Chi và tôi được núp kín ở trong tàu. Chiếc
tầu vượt biên được nhập chung với tàu đánh cá trực chỉ ra khơi Khi đến
gần hải phận quốc tế, tàu chúng tôi gặp trân bão, gió cấp 7. Cả bầu trời
tối tăm. Những luồng sét sáng loè chạy dọc ngang như cắt mặt biển ra
từng mảng. Tiếng sấm hòa lẫn tiếng biển Đông vang dội. Những đợt sóng
liên tiếp nổi lên như quả đồi cao nâng chiếc tàu lên rồi lại lặn chìm
như đưa con tàu chúi xuống đáy biển. Con tàu lắc lư nghiêng ngả, nước
biển, nước mưa tràn vào. Tiếng khóc la cầu trời khấn Phật. tiếng tuyệt
vọng giã từ chồng con, người ói mửa nhày nhụa giữ sàn tàu. Trong lúc con
ràu đang lâm nạn thì ba chiếc tàu lớn cắm cờ máu chạy dọc xung quanh.
Một tên vạm vỡ lên tiếng: - Muốn tụi này cứu không?
Trong cơn hoảng loạn mọi người như vớ được chiếc phao, họ van nài xin
cứu giúp. Tên ấy nói tiếp: - Muốn được cứu, có bao nhiêu vàng bạc đưa
nộp hết lên đây. Khi gom vàng bạc đầy túi, phần lớn đã được chuyển sang
ba chiếc tàu Cộng Sản. Số thanh niên còn lại khước từ sự cứu giúp, họ
cương quyết tiếp tục cuộc hành trình. Tên chỉ huy tàu thét lên: - Tụi
mày ngoan cố hử? Không lên tàu lớn, chúng tao kéo úp tàu xuống đáy biển
bây giờ. Nhìn trời cao, nhìn đất dầy, nhìn biển biển rộng, không cón
cách gì để thoát, số người còn lại đành khuất phục trước bọn người lòng
lang dạ sói. Ba chiếc tàu đổi hướng quay mũi vào Vũng Tàu. Tàu cập bến,
chúng tôi bị áp tải vào nhà giam ở Bà Rịa để làm thủ tục "tống tiền".
Họ cho phép nạn nhân được thư từ liên hệ với thân nhân để mang số vàng
qui định đến chuộc mạng. Người không tiền bị di lý về địa phương để nhận
lệnh tập trung hay bị truy tố về tội bỏ nước ra đi. Tại phiên tòa xét
sử tôi và Mộng Chi, người đến tham dự đông nghẹt. Trên hàng ghế các ông
tòa ngồi chễm trệ. Mộng Chi được gọi lên vành móng ngựa để trả lời tội
trạng của mình. Tòa hỏi: - Động cơ nào thúc đẩy bị cáo vượt biên? Mộng
Chi trả lời: - Thưa tòa, động cơ Ép 1 Đồng bào không nén được, phải phì
cười.
Còn quan tòa thì tía tai đỏ mặt, giơ cao chiếc búa nện mạnh xuống bàn: -
Có tội không hối lỗi, còn ngoan cố ngạo mạn à? Mộng Chi đáp lễ ngay: -
Tại các ông dùng từ không đúng! Tiếng cười lại nổi lên, có tiếng xầm xì
"Con bé này to gan thật, mà hắn nói cũng có lý". Người khác nói tiếp "Cô
giáo cấp 2 thời Ngụy đó mầy, không khéo ông Tòa chỉ bằng trình độ học
trò của cô ta" Tòa không dám đối đầu với Mộng Chi sợ bị hố, đành tuyên
phạt nàng 5 năm tù về tội bỏ nước ra đi, 2 năm tù vì tội ngạo mạn quan
tòa. Còn tôi thì bị hai lệnh giây thun.
Tất cả là 6 năm. Từ đó, từ ngoài đến trong trại tù, người ta đặt cho
Mộng Chi một cái tên đặc biệt: Cô Ép 10. Mãn hạn tù tôi đến gặp Ép 10 để
từ giã nàng. Ép 10 nắm chặt tay tôi nhoẻn miệng cười: - Ráng chờ em
nghe, thua ván này mình bày ván khác. Mùa thu năm 1984 tôi một mình với
xị rượu bên chiếc bàn dã chiến lai rai để giải sầu. Từ ngoài xa có người
cỡi con ngựa sắt mang tới cho tôi một cánh thư. Thoáng mắt nhìn qua góc
trái bì thư, tôi thấy vỏn vẹn hai chữ "Ép 10", Bên trong bao thư có vài
câu ngắn gọn: "Em trả nợ xong tù, còn chờ đợi anh ở Hải Sơn. Anh xuống
gấp. Địa chỉ..." Tôi đứng dậy cuộn tròn bộ đồ trận đã xơ xác bỏ vào xách
tay, tìm đến địa chỉ trong thư. Từ đó hai chúng tôi lại đi tìm lẽ sống
trong cái chết, chết ười sống một. Do sự vận động của Ép 10, người bác
của cô đã chấp thuận cho hai chúng tôi được bước lên con tàu định mệnh.
Bọn lãnh thầu bãi đáp vốn tham vàng, và cũng tham ăn nên đã bị chủ tàu
chơi gác. Ông chủ tàu giả tạo một lễ giỗ linh đình chủ đích mời bọn cai
thầu và đệ tử chúng đến nhậu nhẹt. Chỉ mới nâng ly được vài đợt, rượu
mạnh được pha vào một ít độc dược tuy không chết người nhưng tất cả bọn
chúng đã phải "gục". Quan lớn say trước, quan nhỏ say sau, đứa gục xuống
bàn, đứa ghẹo cổ vắt ngang thành ghế...Trong khi đó bãi đáp im lặng như
tờ, từng đoàn quân như những bóng ma lẹ làng vượt qua bãi đáp. Chiếc
tàu tăng vận tốc lướt sóng ra khơi. Ra đến hải phận quốc tế mọi người
tràn đầy hy vọng, thì thình lình biển động, cơn bão mỗi lúc một lớn dần,
từng đợt sóng nối đuôi nhau quần thảo với con tàu cũ kỹ.
Khi biển lặng gió êm thì máy tàu bị hư hại nặng không còn hoạt động được
nữa. Từ đó, con tàu trôi dạt giữa biển Đông, nước uống cạn, gạo không
còn, chúng tôi ngóng chờ không thấy con tàu nào qua lại để xin tiếp cứu.
Những lúc trời mưa mọi người vắt áo ướt để uống. Hai người con chủ tàu
căng bạt để hứng nước mưa, bị cơn lốc cuốn chìm xuống đáy biển. Sang
tháng thứ hai, đoàn người trên tàu đã kiệt sức vì đói khát, con số chết
gần phân nửa.
Những người còn sống sót đã dùng dao dóc thịt người đồng chủng để ăn,
dầu vậy số người chết vẫn gia tăng tốc độ. Trong lúc thần chết đang đến
gần với tôi thì Ép 10 nằm bất động, đôi mắt mở to đục mờ. Hai khoé mắt
rớm lệ, tôi bò lê đến bên cạnh nàng. Hai tay tôi nắm chặt tay nàng, tôi
nấc lên một tiếng rồi ngất lịm đi không còn hay biết gì nữa. Lúc tỉnh
dậy tôi thấy mình đang được các bác sĩ cấp cứu tại một bệnh viện nào đó.
Tôi chẳng biết ai cứu mình và cứu bằng cách nào. Con tàu định mệnh chỉ
còn sống được gần phân nửa. Tôi cố thăm dò Mộng Chi nhưng biệt vô âm
tín. Chẳng biết nàng có diễm phúc được người cứu thoát hay đã yên giấc
dưới tuyền đài?
Mười chín năm rồi, tuy sức khoẻ tôi đã có phần hồi phục nhưng cơn ác
mộng vẫn còn theo đuổi hành hạ tôi. Cứ mỗi lúc nhìn, hay nghe đọc qua
bản tin có người bị tai nạn, chết chóc, một con thú chết, một dòng máu
chảy, thì đêm đó cơn ác mộng lại xuất hiện. Cơn ác mộng không chỉ dành
riêng cho tôi, nhưng rất có thể sẽ xuất hiện với những bạn đồng hành
trên nhiều tàu định mệnh trong cuộc hành trình biển Đông.
::: Văn Qui:::
VÕ PHƯỚC HIẾU * TIN HAY KHÔNG TIN
TIN HAY KHÔNG TIN
VÕ PHƯỚC HIẾU
Ở đời không một ai đoán trước được chữ ngờ bao giờ! Thật đúng với câu nói của nhà văn Hoa Kỳ Philip Roth: vấn đề đối với sự sống là người ta chẳng biết mảy may gì về những việc sẽ xảy ra. Ngay cả cái chết có không biết bao nhiêu câu hỏi và lý giải nhưng thật sự người ta chỉ biết nó vào phút cuối mà thôi. Có ai ngờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của tiền nhân và của thế hệ chúng ta lại có hằng triệu, hằng triệu người dân lương thiện, yêu nước, yêu quê hương, yêu thôn làng cố thổ lại âm thầm gạt lệ trong phẫn uất hờn căm, đành lòng bỏ xứ ra đi bao giờ?
Vậy
mà sau ngày cộng sản hoàn toàn cưỡng chiếm Miền Nam bằng đại bác xe
tăng, bằng võ lực súng đạn ngoại bang và mưu mô chước quỷ để áp đặt một
chế độ sắt máu, hận thù nghiệt ngã đấu tranh giai cấp, họ phải đánh đổi
mạng sống quí báu của chính mình để mong chọn lấy tự do và an bình trong
tâm hồn, cùng lo tương lai của con cháu. Vì chỉ có tự do mới có hạnh
phúc đích thực. Bao nhiêu người cuối ngõ cùng đường đã nằm xuống trong
oán hờn, trong uất hận ngút ngàn ngoài biển khơi Thái Bình Dương, mồ
chôn vĩ đại người vô tội, hay nơi biên giới ngút ngàn rừng sâu trùng
trùng điệp điệp Miên Lào đầy cạm bẫy giết người… Việc chúng tôi và gia
đình gồm đông đủ vợ con cùng anh chị, cả bên chồng lẫn bên vợ, quyết
định sống kiếp tha hương cũng là một bất ngờ trong đời mình. Bình sinh
chúng tôi không bao giờ dám nghĩ tới, dù chỉ phớt qua giây phút trong
tâm trí.
Chúng tôi lại nhớ một dạo trước ngày 30 tháng Tư năm 1975 không lâu, có
lần chúng tôi đến chơi nhà anh Đồng Tuy ở bên kia Cầu Hàn, vùng Tân
Thuận, Sài Gòn, cùng với vài ba anh em bạn bè thân quen vốn là ký giả
chuyên nghiệp nơi nhựt báo Cấp Tiến của hai cố giáo sư khả kính Nguyễn
Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy. Tòa soạn nằm ở đường Phan Đình Phùng, trụ
sở của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Trong số các bạn này có ký giả trẻ
Vĩnh Lợi trong ban biên tập và điều hành tờ báo mà chúng tôi có duyên
bằng hữu qua lại rất mực thân tình. Anh Đồng Tuy lúc đó là một đảng viên
cao cấp và cũng là một trong số đảng viên kỳ cựu nhứt của đảng Tân Đại
Việt do giáo sư Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy sáng lập năm 1964 và được
bầu làm chủ tịch đầu tiên.
Anh cũng là một trong những đoàn viên sáng lập trung kiên và đắc lực của
Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến do hai cố giáo sư Nguyễn Văn Bông (Chủ
tịch) và Nguyễn Ngọc Huy (Tổng thư ký) lãnh đạo. Sau năm 1975, anh đã
nhiều lần vào tù ra khám về những tội danh chống lại chế độ bạo tàn bần
cùng xã hội chủ nghĩa. Một thời gian lâu sau khi được trả tự do, anh
thành công vượt thoát qua Hòa Lan xin tỵ nạn chính trị và từ trần tại
đây ở tuổi ngoài tám mươi trong sự tưởng tiếc nhớ thương của chúng tôi
cùng bạn bè đồng hành đồng chí trong nước cũng như ở hải ngoại.
Hôm nay
xin tạm thời gát qua một bên vấn đề chánh trị, đấu tranh mà anh đã kiên
cường đeo đuổi từ thời thanh xuân, anh Đồng Tuy được biết vốn là giáo sư
môn Việt văn ở các trường trung học tư thục tại Sài Gòn, nhiệm sở lâu
nhứt của anh ở trường Tân Thịnh, Tân Định xem như một nghề chánh thức để
nuôi sống gia đình. Ngoài ra, anh còn nổi tiếng ở lãnh vực tử vi đầu số
mà bạn bè thân hữu đều xác nhận và ca tụng khả năng thiên phú hiếm có ở
anh. Hôm họp mặt đó, anh nể tình có lên cho vợ chồng chúng tôi, mỗi
người một lá số tử vi theo lời khẩn thiết yêu cầu của chúng tôi. Tôi nói
nể tình vì thực ra anh không phải là người chuyên nghiệp sinh sống với
nghề xem tử vi mà chỉ thỉnh thoảng làm vừa lòng những người quen biết.
Thật tình, vợ chồng chúng tôi đúng ra không đặt nặng về mê tín dị đoan,
không hẳn tin tuyệt đối ở những chuyện huyền bí bói toán, nhân tướng, tử
vi đầu số hay phong thủy.
Một phần cũng do chúng tôi bận bịu với bao nhiêu công việc tới tấp hằng
ngày nên ít có thì giờ quan tâm suy nghĩ đến lãnh vực nầy. Nhưng hôm đó
chúng tôi cũng muốn biết qua thời vận của mình về sau ra sao, không
ngoài cung cách thường tình của những người khát khao tò mò, muốn tìm
hiểu. Đơn giản thế thôi. Anh Đồng Tuy có triển khai những nhận xét và lý
giải rất chi li của anh qua hai tập vở học trò năm mươi trang đầy. Hai
tập này chúng tôi vẫn mang theo trên bước đường lưu vong và hiện nay còn
gìn giữ trang trọng trong tủ sách gia đình, như một kỷ niệm tốt đẹp khó
có thể nhạt nhòa mau chóng được.
Cái bất ngờ khá lý thú chúng tôi hồi nhớ và đề cập ghi lại nơi đây là
khi ấy, anh Đồng Tuy tiên đoán chắc nịt như đinh đóng cột, anh cứ lập đi
lập lại nhiều lần thế nào trong tương lai, chúng tôi và cả gia đình vợ
con nhứt định sẽ phải sống cuộc đời ly hương biệt xứ ở thời hậu vận. Còn
lý do ra sao và hoàn cảnh đưa đẩy thế nào anh ngập ngừng không nói dứt
khoát. Chúng tôi để ý thấy anh đắn đo cân nhắc. Nửa muốn nói huỵch tẹt,
nửa muốn ẩn giấu chuyện gì khó nói.
Nhưng có một điều chúng tôi chú ý là
anh khẳng định dứt khoát việc ra đi nầy dù muốn dù không, không sao
tránh khỏi. Mà nó đến rất bất ngờ. Làm sao chúng tôi có thể quên được
hình ảnh của anh lúc đó, đôi mắt long lanh trong sáng cứ đăm đăm nhìn
thẳng chúng tôi, nhíu đôi mày gần như đâu chụm lại như đang suy nghĩ hun
lắm. Chắc anh muốn thăm dò xem phản ứng chúng tôi thế nào chăng? Lúc
ấy, không hiểu sao chúng tôi có phản ứng rất tự nhiên và nhanh chóng.
Xem như một phản ứng không có gì quan trọng cả. Chúng tôi bậc cười trong
khi tiện nội có vẻ lo âu hiện rõ trên nét mặt. Một phần vì chúng tôi
quá đỗi ngạc nhiên và phần khác cũng không hẳn tin vào lời anh nói bao
nhiêu. Chúng tôi bèn phát biểu:
- Có chuyện gì thì anh cứ nói thẳng thắn, trắng đen phân minh rõ ràng.
Đây là một ‘trò chơi’ vô thưởng vô phạt, chẳng có gì anh phải ngại
ngùng. Nhưng tại sao chúng tôi lại phải sống ly hương biệt xứ? Việc nầy
coi mòi lạ à. Đâu anh thử rà lại kỹ xem sao?
Chúng tôi lại pha trò giúp không khí thân tình thêm vui nhộn:
- Coi chừng anh có lầm lẫn chấm lộn các ngôi sao chăng? Chúng tôi thấy
anh ghi cả một rừng sao với hai màu đen đỏ chằng chịt rối nhùi còn hơn
tơ vò. Nhè ‘sao tọa’ anh lại nhầm lẫn với ‘sao di’ là khổ cho chúng tôi,
càng gây thêm thắc mắc! Việc bỏ xứ ra đi này chúng tôi thấy không ổn
chút nào, do chưa bao giờ chúng tôi dám có ý nghĩ tới.
Hôm đó, chúng tôi rất mực tự tin ở sức mình trong thời kỳ sung mãn nhứt
của con người trong hạn kỳ ba mươi, bốn mươi. Công việc làm ăn của chúng
tôi đang trôi chảy tiệm tiến đều đặn, có thể nói khá phát đạt và đầy
hứa hẹn. Và nhứt là chúng tôi từng nguyện với lòng mình lúc nào cũng
tuyệt đối tôn trọng sự lương thiện và sòng phẳng trong thương trường và
trong mối quan hệ giao tế với mọi người nên tin chắc không bao giờ có
những bê bối rắc rối quan trọng khiến phải trốn lánh bỏ xứ ra đi.
Chúng
tôi cũng tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh, vào tính chiến đấu kiên cường
và lòng hy sinh quả cảm tuyệt vời của quân dân cán chính Miền Nam các
cấp trong cuộc chiến trường kỳ chống xâm lăng bảo vệ toàn vẹn quê hương
tổ quốc. Chúng tôi vội phản bác lời tiên đoán đứng đắn của anh, thêm một
lần nữa lập đi lập lại như để xác nhận rằng chúng tôi không bao giờ và
chẳng bao giờ có ý định rời bỏ đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi,
dù với một lý do mù mờ hay chánh đáng nào. Cuộc đời của chúng tôi từ
ngày cha sanh mẹ đẻ đến giờ phút đó như đã gắn bó vĩnh viễn không rời
nơi mảnh đất chôn nhao cắt rún của mình với quá nhiều kỷ niệm buồn vui
lẫn lộn khắc cốt ghi tâm.
Chúng tôi rất hãnh diện và tự hào được chào đời nơi đó và bằng lòng với
những xáo trộn xã hội, ‘địa ngục trần gian’ xét ra nơi xứ sở nào cũng
có, hơn là ‘thiên đường ảo tưởng xã hội chủ nghĩa’ chẳng bao giờ thực
hiện được. Nhiều lúc chúng tôi tự hỏi làm cách nào chúng tôi không xem
mình là người Việt Nam, một khi mỗi ngày qua là mỗi ngày chúng tôi khám
phá ra hào quang rực rỡ của nền văn hóa truyền thống dân tộc và giá trị
vĩnh cửu của tiếng nói với dấu giọng trầm bổng ấm êm ru lòng người. Chưa
nói đến cảnh trí nước non hữu tình hấp dẫn bước chân khám tìm của chúng
tôi.
Chính những nơi đó mà chúng tôi hiểu rằng mình còn mang trong
người quá nhiều nợ nần níu kéo với đất đai cố thổ, với quá khứ lẫm liệt
oai hùng của tiền nhân khai sơn phá thạch xây dựng cơ ngơi, với dân tình
chơn chất mộc mạc đó đây chung quanh chúng tôi, cùng những người thân
thương cật ruột, chung sức chung lòng. Trong mỗi hơi thở và sinh hoạt
hằng ngày của chúng tôi hầu như phảng phất đâu đó hồn đất hồn người, hồn
thiêng sông núi, không thể nào phủi tay rứt bỏ dễ dàng được. Anh Đồng
Tuy vẫn bình tĩnh tiếp tục nhìn thẳng chúng tôi rất thân tình rồi mỉm
cười vừa hóm hỉnh vừa bí mật:
- Ậy, ậy! Cơ trời mà! Tôi thấy sao nói vậy. Không thêm không bớt chi cả đâu. Tôi đã rà thật kỹ lắm.
Ngừng một chút, anh đưa mắt vào bảng phân tích sơ khởi li chi lít chít
màu sắc đỏ đen từng nơi từng chỗ mà thật tình chúng tôi nhìn vào chẳng
biết ất giáp chi cả. Xong, anh lại lấy viết chì rà từng ô vuông, ô dài
như để kiểm tra lần cuối cùng:
- Xét Cung Di thấy cung này được ba sao xếp hàng nhất nhì ba của khoa Tử
Vi chiếu vào. Đó là các sao Tử Vi, Thiên Phủ, Thiên Tướng. Thêm nữa,
cung này còn được bốn cặp cát tinh là Thiên Khôi Thiên Việt, Thai Phụ
Phong Cáo, Ân Quang Thiên Quý, Tam Thai Bát Tọa, làm tăng thêm lý giải
của tôi. Với những yếu tố đó, đây là một Cung Di cận quý và cực tốt,
chứng tỏ mỗi lần cha dời đổi nơi cư trú ở đất người là mỗi lần cuộc đời
cha thêm thăng tiến không ngừng. Sau này phải có phen cha sống vẻ vang ở
nước ngoài, tôi cam chắc như thế.
Anh lại dí dỏm như bản tánh đùa vui cố hữu của anh:
- Mà khi đời cha lên hương rỡ ràng thì cũng đừng quên đám bạn bè sống
chật vật nơi quê nhà, nhứt là ba thằng bạn chí thiết hôm nay nhé (gồm có
anh, bạn Vĩnh Lợi và ký giả báo Cấp Tiến mà chúng tôi thân tình gọi anh
Đang, tức người sẽ viết sạch lại quyển tử vi của chúng tôi, do anh có
nét chữ đẹp).
Rồi anh im lặng đôi phút như muốn biết phản ứng cuối cùng của chúng tôi.
Nhưng chưa kịp, do sự im lặng của chúng tôi thì anh đã dong dài phát
biểu thêm:
- Nói là nói như vậy chớ thực ra Cung Di của cha bị Tuần Không án ngữ,
có Cô Thần, Quả Tú, Đà La, Tang Môn, Điếu Khách nên mỗi lần cứ sắp lên
đường ra đi đều bị nhiều cản trở khó khăn không phải ít. Cha phải đợi
tới thời kỳ bốn mươi lăm bốn mươi sáu tuổi, các điều kiện tốt đẹp đã nói
trên đây mới từ từ xuất hiện đầy đủ và đúng mức. Bây giờ cha có tin hay
không tin tùy thuộc ở cha và bà xã.
Lúc ấy, chúng tôi nghe anh kể dài dòng về mấy vì sao với những cái tên
lạ hoắc lạ huơ, có những tên thú thật chúng tôi chỉ mới được nghe lần
đầu tiên trong đời. Mà thật tình chúng tôi có nghe cũng nghe ù ù cạc
cạc, nghe như vịt nghe sấm không bằng. Chúng tôi chẳng biết ất giáp, tê
mô chi cả, chỉ quan tâm chú ý đến những lời giải thích nghiêm trang của
anh thôi. Ở một đoạn kế tiếp, chúng tôi không quên thái độ gắn bó thương
yên trong sáng giữa bằng hữu với nhau, khi anh lưu ý chúng tôi phải cẩn
trọng, không nên coi thường:
- Chiếu vào Cung Điền của cha, tôi thấy được hai cách tốt là cách Cự,
Nhật và cách Cơ Nguyệt Đồng Lương. Sáu chính tinh của hai cách đều ở vị
trí đắc địa lại có thêm Lộc Tồn hợp chiếu cùng với hai cặp cát tinh Hóa
Khoa Hóa Quyền, Tướng Quân Quốc Ấn. Như vậy Cung Điền của cha rất tốt
đó. Trường hợp nầy rất hiếm có, ít thấy lắm. Nhưng chiếu vào Cung Điền
còn có Không, Kiếp, Triệt Không, Hỏa Tinh, Phục Binh thì nhà cửa có sự
thay đổi đột ngột, phải có phen ở gần nơi bị hỏa hoạn. Cha cần quan tâm
cẩn thận để khỏi phải bị sạt nghiệp. Tôi nói rõ để cha đừng coi thường
là sạt nghiệp thực sự đó. Cha nên đặc biệt nhớ điểm sau cùng nầy.
Thêm một lần nữa, chúng tôi lại cười như thách thức:
- Anh nói làm cho chúng tôi bán tính bán nghi. Nhưng làm sao chúng tôi
có thể sạt nghiệp được anh? Như anh biết chúng tôi có đến đôi ba cơ sở
thương mãi nằm rải rác trong thành phố, ở Sài Gòn có, ở Chợ Lớn có và ở
Quận Sáu Phú Lâm có, giá nếu chẳng may bị hỏa hoạn đi nữa, không lẽ cả
ba nơi đều biến thành tro bụi cùng một lúc hay sao?
Định mệnh nào lại
khắc khe hẩm hiu và bất công đối với chúng tôi quá vậy?... Có phải không
anh? Anh Đồng Tuy ơi! Anh đã tiên đoán trúng phong phóc cái hậu vận
chinh chong bồng bềnh, trầm thống trăm đắng ngàn cay của chúng tôi. Lưu
vong hoàn toàn trắng tay nơi đất khách quê người vào thời kỳ bốn mươi
lăm bốn mươi sáu tuổi thật quá bất ngờ không định trước được. Cái tuổi
đó quả đúng như anh đã tiên đoán ngày nào.
Chúng tôi đã buông xuôi bỏ lại quê hương một nửa đời người, bỏ sự sản,
bỏ gia đình, bà con thân thương ruột thịt, chòm xóm láng giềng, bỏ những
kỷ niệm, bỏ tất cả… Hôm nay nhắc lại những chuyện cũ mèm hơn ba bốn
thập niên mà bàng dân thiên hạ thường bảo hơi sức đâu mà nhắc tới cho
thêm rắc rối phiền hà, nhứt là anh Đồng Tuy nay không còn nữa, nhưng với
chúng tôi những chuyện cũ rích nầy vẫn dấy lên trong lòng bao nhiêu
tiếc nuối và xúc động. Ngay vấn đề trục trặc, trở ngại về chuyến vượt
biên mạo hiểm nữa, anh cũng chẳng nhầm lẫn mảy may. Bao nhiêu lần chúng
tôi mò mẫm xuôi ngược khắp mọi nơi cố tìm con đường ra biển, tánh mạng
như chỉ mành treo chuông trước gọng kềm nghiệt ngã của bạo lực. Lâm le
lên đường nhiều lần nhưng rốt cuộc thất bại cũng không ít. Dù vậy, chúng
tôi vẫn không chấp nhận bỏ cuộc vô lý.
Sự sợ hãi về một cái chết thê thảm nơi biển khơi chẳng làm nhục chí mà
trái lại càng làm cho chúng thôi thêm say mê dấn thân hơn, vì là con
đường giải thoát lúc bế tắc không ngày mai. Hơn nữa, chúng tôi không
quên lời hay ý đẹp của người xưa ngụ ý nhắn nhe lớp hậu sinh, một khi
mình có niềm tin và hy vọng, mình có thể lấp biển dời non. Chúng tôi
cũng nhớ câu nói để đời của cụ Nguyễn Bá Học đã nhập tâm từ thuở còn mài
đủng quần trên ghế học đường: «Đường đi khó, không khó vì ngăn sông
cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông». \
Thật ra chúng tôi cũng
biết rằng con người sinh ra trên đời hầu như để gánh chịu khổ đau và đối
đầu với thử thách dồn dập tới tấp không sao tránh khỏi. Thêm vào đó
chúng tôi nghĩ cho cùng, nếu bất hạnh phải đến được thiên đường của
những mảnh hồn tan tác đau thương, vô phước vô phần bỏ mình nơi biển cả
còn hơn tiếp tục lặn hụp triền miên trong địa ngục của bần cùng ngu dốt,
chung đụng với những kẻ đầy tham vọng không còn nhân tính.
Thật may mắn khi chúng tôi thoát được tù tội, đến bến bờ đất hứa, chẳng
qua chắc cũng nhờ ơn trên phù hộ chở che. Nhưng khốn nỗi, anh Đồng Tuy
không tiên đoán được lý do của sự ra đi tức tửi trong tủi nhục uất hờn
này của chúng tôi là sự sụp đổ rã hàng nhanh chóng trong tang khó của
Miền Nam Tự Do. Anh cũng không tiên đoán được thảm nạn ‘hỏa hoạn’ mà
chúng tôi là nạn nhân khốn khổ đến phải sạt nghiệp trắng tay. Vì không
đoán được đối với chúng tôi mà ngay cả bản thân anh, anh cũng chẳng thấy
gì nên sau tháng Tư Đen, anh đành cam giam thân trong cảnh ‘cá chậu
chim lồng’ một thời gian dài…
Cái màu đỏ của ngọn lửa tai hại mà anh đã
tiên đoán chắc nịt trong hai lá số tử vi của vợ chồng chúng tôi ngày nào
phải chăng là màu đỏ máu của một chủ nghĩa ngoại lai lấy sự thù hận,
chém giết tận diệt những người đối lập làm nền tảng đấu tranh giai cấp,
xóa bỏ cào bằng tư hữu, màu đỏ của nền cờ búa liềm chuyên chính vô sản?
Chắc thuở ấy có những lấn cấn huyền bí gì mà anh nghĩ không ra nên không
thể giải bày tận tường tình tiết tế nhị đó chăng? Nhưng dù sao quả
chúng tôi đã thực sự bị hoàn toàn sạt nghiệp. Đúng với định nghĩa của
danh từ bi thống nầy, do chủ trương và chánh sách giết người cướp của
công khai giữa ban ngày của cộng sản: ‘‘đánh tư sản mại bản, kiểm kê tài
sản, đổi tiền, kinh tế mới, giản dân, truy quét văn hóa phẩm đồi
trụy…’’.
Sau Tháng Tư Đen oan nghiệt, trong gọng kềm hận thù của chế độ mới đang
triển khai chánh sách ‘‘ngăn sông cách chợ’’, siết hầu siết họng người
dân Đô thành, chúng tôi có một lần mò qua Tân Thuận, tìm đến nhà thăm
anh Đồng Tuy, nghĩ rằng suốt một đời gắn bó khắng khít với vận mệnh đất
nước, hẳn anh không nỡ thoát thân hưởng lạc vào những ngày đen tối nhứt
của lịch sử. Sau nữa, chúng tôi cũng muốn nhân dịp đó nhờ anh duyệt lại
lá số tử vi ngày xưa, xem chuyến vượt biên sắp tới của chúng tôi được
thành tựu hay không, lành dữ như thế nào để có thêm niềm tin, an tâm và
mạnh dạng lên đường. Lúc ấy, chị Đồng Tuy đang ngồi trên một chiếc xe
‘lam’. Trên xe đã đông khách và do xăng dầu khan hiếm khó tìm nên họ
chen chúc nhau như cá mòi hộp.
Xe cũng dợm lăn bánh. Chúng tôi tiên đoán
xe sẽ chạy đúng chuyến về Sài Gòn thì phải vì trên mui có chút ít rau
quả được ngụy trang khéo léo. Nhìn thấy vợ chồng chúng tôi đang đi trên
chiếc ‘‘Honda đam’’ vừa mua lại của người hàng xóm để tạm đi đó đi đây
trong khi chờ đợi ngày khởi hành, chị lật đật khoác tay gọi anh lái xe
cho xe ngừng lại. Rồi chị nhanh lẹ bước xuống tiếp đón vợ chồng chúng
tôi rất mực vồn vã thân tình như thường lệ ngay bên lề đường. Nhưng khi
nhìn kỹ, chúng tôi ngạc nhiên để ý thấy gương mặt chị bỗng hiện rõ một
nét buồn buồn kín đáo. Và lời nói đầu tiên chị báo cho chúng tôi một tin
chẳng được vui, đôi mắt chị long lanh đỏ sẫm chán chường:
- Anh Đồng Tuy hiện bị đưa đi học tập ‘cải tạo’ ở tận miền Bắc. Ảnh biệt
tâm biệt tích cả mấy năm nay. Tôi không được một tin tức gì cả. Không
biết ảnh bây giờ sống chết ra sao? Tôi hoàn toàn bất lực, chỉ còn biết
cầu nguyện ơn trên cho ảnh được khoẻ mạnh sớm trở về sum hợp gia đình vợ
con…
Chúng tôi biết nói gì thêm trước nỗi đau ngút ngàn và sự thất vọng tột
cùng của chị giữa khi đất nước đắm chìm trong hố sâu của vực thẳm. Nơi
mà mỗi con dân hiền hòa lương thiện của Miền Nam Tự Do không sao thoát
khỏi đói rách tội tù, kềm kẹp tinh thần, đành bất lực cam tâm chấp nhận
định mệnh oái oăm nghiệt ngã… Nơi mà tất cả đều có ‘nợ máu đối với nhân
dân và nhà nước’ cộng sản, là kẻ thù chẳng đội trời chung của ngày hôm
qua, của hiện tại và của cả tương lai. Nơi mà bóng dáng của những oan
hồn uổn tử không ngớt thét gào rên siết trên từng tấc đất chết.
**
Về sau, chúng tôi có cơ duyên gặp được người trung gian có lương tâm
từng tổ chức vượt biên bằng đường biển tại cây số 74 trên đường từ Sài
Gòn đi Vũng Tàu giữa năm 1979. Lúc đó, chúng tôi lợi dụng cộng sản Việt
Nam còn đang bận rộn về việc đưa quân và cán bộ dân sự các cấp sang Cam
Bốt nhằm thanh toán đám Khờ Me Đỏ của Pol Pot. Thuở đó, bà con ở Thủ Đô
Sài Gòn gọi là vượt biên bán chánh thức. Vì do cộng sản tổ chức qui mô
và có hệ thống để thu vàng vòng, tiền bạc, kim cương đá quý, kiểm kê
đóng chốt cướp sạch của cải tài sản, nhà cửa của những người vượt biên
để chia chát cho đồng bọn.
Nhứt là người Hoa ở Chợ Lớn bị nghi kỵ gán
cho đòn hiểm độc làm gián điệp nội ứng cho bọn Trung cộng nên bị theo
dõi khống chế. Họ bị xua đuổi khỏi Việt Nam bằng mọi giá và bằng mọi
phương cách khác nhau tùy hứng của những ông vua con, lãnh chúa đảng
viên đầy quyền lực ở khắp các địa phương miền Nam. Những đảng viên cộng
sản gốc Hoa dù có lập bao nhiêu thành tích thần sầu quỉ khóc, trung kiên
phục vụ đảng trước đây đều bị cho ra rìa, về vườn làm cảnh, ngồi chơi
xơi nước. Và nếu bị đánh giá nguy hiểm đến guồng máy tổ chức đảng sẽ bị
thanh toán không nương tay. Biết bao nhiêu cái chết bất đắc kỳ tử thường
xảy ra trong thời kỳ đó không cơ man nào mà kể.
Lúc nầy là thời kỳ tột đỉnh trong bang giao Việt Hoa. Chúng hục hặc nhau
quá trầm trọng, không còn tình nghĩa ‘anh em môi hở răng lạnh’. Và
Trung Cộng thường xuyên đưa quân gây hấn vùng biên giới phía Bắc Việt
Nam nhằm tiếp cứu phe Khờ Me Đỏ, vốn nằm trong quỷ đạo ảnh hưởng của
chúng, để sau nầy đi đến những trận đánh khốc liệt với ý đồ cho nhau
những bài học xương máu để đời. Chúng tôi cùng gia đình đầy đủ vợ con
phải cải trang thành người Hoa vì trên danh nghĩa, những cuộc vượt biên
bán chánh thức này chỉ dành cho người Hoa, theo kế hoạch và chủ trương
của đảng và nhà nước.
Mình là người Việt Nam rặc nòi chỉ lợi dụng thời
cuộc, trà trộn vào các chuyến đi một mất một còn nầy, nhưng dù sao cũng
còn đỡ hơn, ít nguy hiểm hơn mua bãi đi chui với trăm ngàn lần đầy cạm
bẫy chết người. Việc đi kiểu nầy ngồi tù dễ như chơi, mất còn chỉ trong
nháy mắt. Chưa kể những bọn vô loại lợi dụng lòng tin để a tùng với công
an biên phòng cướp của hại người. Nhưng trước đó, việc chuẩn bị ra đi
bán chánh thức đối với chúng tôi không dễ dàng gì đâu. Cũng trầy vy tróc
vẫy, cũng nhiêu khê trắc trở lắm. Bao nhiêu mai mối dù tín cẩn đến đâu
đều đi đến thất bại não nề, chẳng qua vì phải kinh qua những người trung
gian môi giới không có lương tâm, chuyên sống với cái nghề hạ tiện thấp
hèn do thời cuộc và chế độ tạo ra là lường gạt, dối gian lật lộng, bất
chấp tình nghĩa.
Mà mỗi lần thất bại là mỗi lần hao tài tốn của, nhưng
chúng tôi may mắn là lần sau cùng chúng tôi không bị gạt gẫm, tội tù như
bao nhiêu người vượt biên bất hạnh khác. Giá nếu cứ tiếp tục như vầy
mãi thì còn đâu tiền bạc đủ để tổ chức những chuyến đi về sau. Cũng may,
trời sanh trời thương không nỡ phụ người ngay đang sa cơ thất thế nên
lần sau cùng đó, chúng tôi được một người bạn có hai dòng máu Việt Hoa,
nhà ở cùng chung một xóm với chúng tôi giới thiệu trực tiếp với người tổ
chức, không qua một trung gian nào cả.
Ông tên là Âu Triều Chương, một thương gia Hoa Kiều có tiếng ở Sài Gòn,
chủ nhân những tiệm buôn dụng cụ điện nơi đại lộ Nguyễn Huệ, bên cạnh
Tòa Hòa Giải. Còn anh bạn cùng xóm với chúng tôi thuộc gia đình trải qua
nhiều thế hệ lập nghiệp ở Sài Gòn. Anh rất dễ thương, đôi mắt đen huyền
được người đời bảo là đôi mắt nhung nên có số đào hoa, bao lần lập gia
đình chánh thức hay tạm bợ với người Hoa cả người Việt. Về sau anh cũng
vượt thoát được khỏi xứ tù chung thân xã hội chủ nghĩa. Anh qua tỵ nạn ở
Californie, Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, nhờ đứa con trai lớn
vượt thoát rất sớm. Tại đây, anh tiếp tục hành nghề cũ, mở một ‘tiệm
nước’ nho nhỏ nơi ngoại ô một thị trấn đông người Việt định cư để tạm
thời sinh sống. Nhưng chẳng may anh vắng số, qua đời chỉ mấy năm ngắn
ngủi được hít thở không khí tự do thanh bình. Anh mất vào tuổi vừa mới
bước qua khỏi năm năm mươi.
Do hoàn cảnh bất hạnh bị kẹt lại sau tháng Tư năm 1975 và nhứt là không
chịu nổi không khí nghẹt thở những năm tiếp theo đó khi cộng sản triển
khai chiến dịch ‘đánh tư sản mại bản’, ông Âu Triều Chương lợi dụng và
khai thác triệt để bản chất tham nhũng sa đọa của đám cán bộ cộng sản
đang trên đà ‘đổi đời’, ‘hồ hởi’ thi nhau chạy đua trang bị những ‘tiện
nghi hào nhoáng của Mỹ Ngụy’ bỏ lại. Ông có tổ chức một hệ thống khá qui
mô đưa người vượt biên.
Ông đã thành công trong rất nhiều chuyến đi
trước đây và ông rất hãnh diện qua những thư từ của những người vượt
thoát tới tấp gởi về báo tin mừng đã đến nơi đến chốn an toàn. Do vậy,
ông rất có uy tín trong giới làm ăn qua đường dây nửa công khai nửa ngấm
ngầm nầy cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chắc chắn nó cũng mang đến cho ông
nhiều lợi nhuận. Dù sao, chúng tôi đặt hoàn toàn niềm tin vào ông. Ông
làm ăn, quan hệ rộng rãi qua mạn lưới rất chặt chẽ với bọn cán bộ cộng
sản có trách nhiệm trong việc tổ chức vượt biên ở các vùng Biên Hòa, Bà
Rịa, Bình Tuy, Phước Tuy và nhứt là Vũng Tàu.
Bằng cớ là có một hôm, ông
xuống lệnh cho đám đàn em ‘tà lọt’ hai ba đứa ở Chợ Lớn đem mấy chiếc
xe ‘Honda’ đưa vợ chồng chúng tôi đến xem một chiếc tàu cây của ông đang
nằm im trong ụ ở bến Vũng Tàu, giữa Bãi Trước và bãi ’Les Roches
Noires’ của người Pháp ngày xưa. Ý ông muốn chứng tỏ lòng thành thật của
ông để chúng tôi không phải băn khoăn lo lắng. Ông còn hết lời đảm bảo
vấn đề an ninh di chuyển cho vợ chồng chúng tôi để chúng tôi không ái
ngại nghĩ ngợi điều gì cả. Vì mọi việc lớn nhỏ ông đã sắp xếp chu đáo kỹ
lưỡng với các cấp chánh quyền sở tại có trách nhiệm từ trên chóp bu đến
hạ tầng.
Nên nhớ, lúc đó tình hình an ninh ở Miền Nam còn cực kỳ khó khăn hỗn
độn. Những người quốc gia chân chính vẫn còn đeo đuổi mục tiêu chống đối
dưới mọi hình thức, chưa kể đến những cuộc thanh toán rùng rợn khắp các
khu phố vì nhiều lý do không hề được làm sáng tỏ. Cộng sản dùng hệ
thống công an khu vực kiểm soát từng người, từng phương tiện và thời
gian di chuyển của người dân thành phố. Nhứt là những tuyến đường hướng
về các tỉnh vùng ven biển. Dĩ nhiên từ thủ đô Sài Gòn đến bãi biển Vũng
Tàu quen thuộc ngày nào, chúng tôi phải qua không biết bao nhiêu trạm
gát của ‘bộ đội chánh qui cụ Hồ’, mặc đồng phục màu cứt ngựa xúng xính
thùng thình còn mới tinh, không ngớt lo le A.K., nhứt là đoạn gần đến
thị xã. Chúng tôi được đưa thẳng ra viếng chiếc tàu như đã hoạch định,
không khác một du khách chính chính đường đường đi giữa thanh thiên bạch
nhựt.
Những người hướng dẫn xem ra tự tin lắm, trong khi chúng tôi vẫn chưa
thoải mái trong lòng. Thực ra ngay bọn lính gát giữ an ninh bãi biển
chẳng những làm ngơ, còn lộ vẽ hí hửng mơn trớn khi trông thấy ‘phái
đoàn’ chúng tôi. Có lẽ chúng đã được đám đệ tử của ông cẩn thận chiếu cố
‘bồi dưỡng’ đúng mức và sồng phẳng trước rồi. Và anh tài công, một
người Hoa Chợ Lớn trẻ tuổi khỏe mạnh, mặt mày sạm nắng, nói rành rẽ
tiếng Việt cũng không có chút dè dặt tối thiểu. Anh ta cứ thông thả cho
nổ máy tàu, sau đó đưa chúng tôi chạy đôi ba vòng tới lui không xa bờ
biển Vũng Tàu bao nhiêu. Chiếc tàu cây nầy sơn màu xanh nhạt còn mới
toanh, có lẽ mới sơn chẳng được bao nhiêu ngày trước đó. Mùi sơn còn
phảng phất đó đây. Nó mang bảng số màu trắng V.T 1274 (?), chúng tôi
không nhớ rõ lắm, mấy mươi năm qua quá lâu rồi trí nhớ thường phản bội
lại chúng tôi. Việc nầy cũng dễ hiểu thôi.
Bao nhiêu thăng trầm, vật đổi sao dời đã bào mòn tinh thần và thể xác
chúng tôi không ít. Nhưng có một điều đập ngay vào nhản quan chúng tôi
là chiếc tàu xem ra bề thế, vững vàng chắc chắn lắm, khiến người nào có
dịp đến với nó như trường hợp của chúng tôi đều có thể tin tưởng được.
Tiện nghi thì khỏi phải chê trách một lời nào cả, vì chúng tôi nhớ kỹ có
những hàng băng ghế ngồi bằng cây khang trang ngay ngắn ở khoảng gần ụ
máy.
Giữa những hàng ghế nầy có một lối đi hẹp vừa đủ để cho một người
lớn lách mình đi những khi cần thiết. Chỉ trông việc sắp xếp qui củ nầy
thiết tưởng không thua gì những hàng ghế vững vàng trên những chuyến xe
đò tân tiến chạy tuyến đường Sài Gòn -Lục Tỉnh những ngày trước tháng Tư
Đen mà sau nầy chúng tôi có nhiều dịp dùng qua khi nó đã cũ kỹ bệ rạc
để ước mơ một lối thoát cứu rổi. Ngày đó ước mơ đã giúp cho mọi người ở
Sài Gòn cũng như ở miền Nam có một cuộc sống ý nghĩa.
Ông Âu Triều Chương rất tử tế, có tinh thần hợp tác đáng tin cậy. Ông
còn hứa dứt khoát với chúng tôi cứ nán chờ đợi ông tổ chức xong xuôi mọi
việc, tức là lúc ông có thêm đầy đủ số người đi thì hãy cùng đi với ông
cho vui. Ông sẽ đặc biệt dành riêng cho chúng tôi mọi dễ dàng, nhứt là
về phương diện tiện nghi vật chất, muốn chọn chỗ ngồi nào cũng được cả.
Vì chiếc tàu nầy do ông bỏ vốn hoàn toàn làm chủ, do đó ông có đầy đủ
thẩm quyền để quyết định số người đi vừa vừa phải phải, cũng như mọi sắp
xếp trên tàu. Nếu không có lý do gì cấp bách cần phải ra đi ngay, ông
khuyên chúng tôi hãy chờ đợi thêm một hai tháng nữa là cùng, tàu sẽ khởi
hành.
Ông đã có trong tay giấy phép chánh thức của chính quyền địa
phương. Tiện nội dù được những hứa hẹn cầm chắc và nhứt là chúng tôi đã
đích thân được đưa lên viếng tàu, có chạy thử đôi vòng dọc theo bãi biển
Vũng Tàu trước đây, nhưng vẫn không ngớt lo lắng trong lòng. Đêm ngày
lạc thần, mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng lơ lơ lững lững như người mất
hồn. Việc đi đứng, ăn nói không thua một người máy.
Hầu như những người ra đi đều có cùng một tâm trạng khủng hoảng trầm
trọng, ngổn ngang trăm mối như thế cả. Tiện nội bèn nhờ người quen biết
đáng tin cậy trong khóm hướng dẫn đến xem một ông thầy bói già được bà
con trong phường đồn đãi xem như người có tay nghề cao và có uy tín. Ông
nầy, tiếng nói là già nhưng không hẳn thế vì theo tiện nội, trông ông
còn hoạt bát nhanh lẹ lắm, chỉ trừ dáng thể ngoại hình được ngụy trang
cho phù hợp với tuổi đời. Có điều tiện nội để ý là ông mù cả đôi mắt.
Nhà ông ở tại một hẻm nhỏ hẹp nằm sâu trong xóm nghèo dân cư đông đúc
bên cạnh rạp hát Văn Hoa, Tân Định.
Ông có mù thật hay không, thật tình
chúng tôi không hề biết đích xác thực hư. Chỉ nghe người trong khu phố
tiếng vô tiếng ra như vậy. Mà đối với tiện nội, việc ông có mù thật hay
không, không quan trọng lắm. Thực tế, mỗi lần tiếp tiện nội, ông đều
mang cặp mắt kiếng râm cũ kỹ, trong ngôi nhà lá lụp xụp, cửa nẻo màn che
sáo phủ hoặc chỉ mở hé hé vừa đủ cho một người lách mình đi vào nên
thiếu hẳn ánh sáng.
Cặp kiếng của ông trông như lặc lìa lặc lọi không
bằng trong bối cảnh lờ mờ đó. Do tâm trạng không được bình ổn, như người
mất hồn, cũng do lo lắng trăm mối ngổn ngang khi phải sẵn sàng trong tư
thế chuẩn bị ra khơi bất cứ lúc nào, phần khác thường xuyên sợ bị bại
lộ mang họa vào thân, nên khi tiện nội đến cầu cứu tài nghệ của ông,
không khác chi một người làm ăn bất chánh, rón ré trốn lánh tránh né mọi
người. Do vậy, tiện nội muốn sự hiện diện của mình tại nhà ông chấm dứt
càng sớm chừng nào càng tốt chừng nấy.
Lúc ấy, tiện nội không có thì
giờ để hỏi cho rõ danh tánh của ông, ngoài những điều cần thiết phải
hỏi. Cho nên hôm nay ở đây, nếu ông còn sống sót bên nhà và tình cờ đọc
những dòng chữ nầy, chúng tôi xin ông vui lòng miễn thứ cho sự thiếu sót
ngoài ý muốn của tiện nội, khi nhắc đến ông qua danh xưng là ông thầy
bói mù gần rạp Văn Hoa. Nên biết lúc đó cộng sản ra chỉ thị cấm đoán và
truy lùng tìm bắt rất ngặc nghèo những ông thầy bói, thầy lá, những ông
bà xem chỉ tay và tử vi đầu số… Chúng huênh hoang cho rằng những hạng
người nầy làm bại hoại ‘nếp sống mới xã hội chủ nghĩa’, không xứng đáng
và phù hợp với ‘đạo đức cách mạng’ do đảng ‘chỉ đạo’.
Do vậy, các ông bà
nầy phải hành nghề lén lút, trốn chui trốn nhủi vì là một cái nghề
không chánh đáng trong chế độ mới. Các ông bà nầy rất cẩn thận, lúc nào
cũng phải nghi trang, bố trí người nhà thân tính canh gát nơi đầu hẻm
cũng như chung quanh nhà. Và nếu cần, họ luôn thay đổi địa điểm làm việc
hoặc di chuyển đến tận nhà của các thân chủ. Việc đến nhà ông đối với
tiện nội cũng nhiêu khê trắc trở không ít, do nơm nớp phập phồng sợ tai
mắt dòm ngó cú vọ của tên công an khu vực lùn sụt từng ngỏ ngách, cùng
sự theo dõi trở mặt vô liêm sĩ của bọn cán bộ ba mươi rắp tâm lập thành
tích dâng đảng. Tiện nội được đưa đến nhà một người hàng xóm của ông,
trong khi những người khác đang chờ đến lượt mình ở những căn nhà kế
cận. Rồi từ từ, sau khi xem dứt những người đến trước, theo thứ tự ông
cho gọi tiện nội vào.
Sau khi nghe tiện nội trình bày cặn kẽ, đầy đủ tên tuổi, giờ giấc, ngày
sanh tháng đẻ, cùng lý do và nhứt là chi tiết về chiếc tàu mang số V.T
1274 (?), ông xủ mu rùa qua vài thủ thuật quen thuộc của riêng ông. Mà
đúng ra tiện nội không màn để ý tới nên chẳng biết ông làm những gì, đầu
óc chỉ tập trung chờ đợi, lắng nghe những lời giải thích của ông thôi.
Hy vọng là được nghe những lời suông sẻ tốt đẹp để củng cố niềm tin và
mạnh dạng dấn thân. Sau một đỗi dong dài, rốt cuộc ông kết luận một câu,
và chỉ một câu ngắn gọn thôi cũng đủ đưa tiện nội vào nỗi thất vọng
chán chường. Tiện nội ngẩn ngơ mất hồn bạt vía không sao tả nên lời,
không khác chi một người vừa bị xối ngay vào mặt một gào nước đá:
- Quý chủ nên tìm ngay con đường nào khác, may ra mới hy vọng có lối
thoát, chớ thật tình thầy thấy chiếc tàu nầy sẽ vĩnh viễn nằm im đó,
không bao giờ ra khơi được. Thầy nhắc là nó vĩnh viễn sẽ nằm rụt tại
chỗ.
Về sau, khi thành công đưa cả gia đình đặt chân đến miền đất hứa hằng
trông đợi thắc thỏm đêm ngày, chúng tôi có liên lạc về mẹ chúng tôi bên
nhà và được biết quả chiếc tàu nầy vẫn nằm im đó cả năm sáu năm sau
không đi được. Và số phần nó rốt cuộc nghe đâu bị sung vào tổ hợp công
tư hợp doanh đánh cá của thị xã Vũng Tàu. Hư thực ra sao, chúng tôi
không hề quan tâm đến tin nầy? Vì thấy không cần thiết trong hoàn cảnh
mới của chúng tôi.
Chỉ biết một điều chắc chắn là ông chủ nó, ông Âu
Triều Chương phải bí mật dời đổi chỗ cư ngụ qua một phường khác cũng ở
Quận Nhứt Sài Gòn. Ông chung tiền lo lót bọn cán bộ cộng sản tham nhũng
đang khát khao làm giàu bất chánh nhằm hoàn tất thủ tục hồ sở xin xuất
ngoại sang Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh chánh thức một cách ngon lành. Ngay
đến khi lên máy bay âm thầm rời Việt Nam, không một ai biết để cản ngăn
làm khó dễ gì ông được. Lâu lắm về sau, khi đến định cư ở Californie,
ông vẫn có thư từ qua lại với chúng tôi một thời gian dài.
Riêng ông thầy bói mù ở hẻm Văn Hoa, Tân Định đã tiên đoán trúng phong
phóc về chiếc tàu V.T 1274 (?) khiến giờ phút hiện tại, khi nhắc nhớ
ông, dù không tin chúng tôi cũng phải tin lời ông. Và ông thầy bói già
nhưng có lòng nầy về sau còn giúp chúng tôi rất nhiều ý kiến quý báu,
nhờ vậy làm tăng thêm gấp bội niềm tin cũng như củng cố quyết tâm của
chúng tôi, khi chúng tôi dứt khoát chọn con đường ra đi ở chuyến tàu
tiếp đó không lâu. Người xưa có nói đâu đó là một khi mình có niềm tin ở
hướng đi trong sáng của mình, mình hãy mạnh dạng, và nếu phải chết vì
niềm tin thì cái chết đó càng có ý nghĩa.
Niềm tin đã tạo nên sức mạnh
vô biên cho chúng tôi, một sức mạnh giúp chúng tôi nghĩ rằng ngày chia
tay giã từ trong buồn tủi tận cùng chỉ để có ngày về trong hạnh phúc sum
hợp. Giờ đây, chúng tôi thêm tiếc thương và nghĩ rằng những người bất
hạnh đã nằm xuống vĩnh viễn đâu đó trong lòng đại dương hay nơi rừng sâu
biên giới quả là những anh hùng vô danh với niềm tin và lý tưởng sáng
ngời không chấp nhận chế độ độc tài đảng trị và trân quí hai chữ tự do
thiêng liêng mà mỗi con người trên thế gian đều phải có quyền hưởng như
nhau.
Từ dạo biết ông, tiện nội trở thành một thân chủ trung kiên nhứt
của ông, chúng tôi ức đoán như vậy. Vì nhiều khi đôi lần trong tuần,
tiện nội vẫn mon men lần mò đến tham khảo ý kiến của ông, dù chỉ cần
được nghe ông nói vài lời, xác nhận một ít câu cũng đủ an tâm vững bụng
thơi thới ra về. Cái khổ tâm và niềm vui sướng của người đang trong tình
trạng hoang mang bất ổn tinh thần là vậy đó.
Phải nhìn nhận trung thực rằng ông không phải là hạng người vô tâm, vô
lương, sống nhởn nhơ bất cần trên nỗi đau khổ trầm thống của người khác,
sống với đồng tiền bất nghĩa bất nhân. Dù mù lòa (?!) nhưng ông rất tự
trọng, được thân chủ tín nhiệm tin cậy. Ông không hề lợi dụng, khai thác
tình thế trớ trêu bi thảm của lịch sử và nhứt là tâm trạng mất định
hướng của những người đang chìm dưới đáy sâu của địa ngục trần gian,
trong đó hẳn nhiên có tiện nội để làm tiền. Lúc ấy dù hoàn cảnh khắc
nghiệt khó khăn, cuộc sống bế tắc trước ngưởng cửa của đói rách xác xơ,
của tuyệt vọng, người dân thành phố đang đối diện với chánh sách ‘ngăn
sông cách chợ’ đầy hận thù của cộng sản, ông vẫn không ấn định giá biểu
cho mỗi lần xem, dù là một giá tối thiểu hay tượng trưng.
Ông để cho thân chủ mình toàn quyền quyết định, tùy hỉ mà đền công khó
của ông bao nhiêu cũng được. Ông cũng từng công khai tỏ ra rất thông cảm
trường hợp éo le túng thiếu của từng thân chủ khi đối diện với họ mà đa
số là những người đàn bà tìm đường vượt biên vượt biển, nhứt là vợ con
quân cán chính cao cấp Miền Nam đang bị cộng sản gạt gẫm, giăng bẫy bắt
đi học tập cải tạo dài hạng tận nơi miền thượng du Bắc Việt để mang bản
án chung thân khổ sai không biết ngày về. Ông không hề mở miệng đòi hỏi
mặc cả chi cả.
Nhưng cái mà chúng tôi cho là đáng kính trọng nơi ông là
những lời giải thích của ông, dù xấu dù tốt, vẫn ẩn chứa một tình cảm
chia xẻ sâu lắng, một nỗi lo âu cảm thông đối với những người trong cuộc
đang dò dẫm mầm mò tìm một hướng đi cứu rổi hay một chút hy vọng mong
manh để tiếp tục tồn tại. Ông cũng tỏ ra không tán đồng chánh sách và
đường lối thiếu hẳn tình người của các ông chủ mới nơi đất nước vừa mới
thống nhứt trên danh nghĩa, nhưng chẳng thống nhứt trong lòng người. Dĩ
nhiên, thái độ nầy của ông đều qua những lời lẽ quanh co lờ mờ, những ẩn
ngữ mà người trong cuộc không khó khăn gì để hiểu tận tường. Dù cán bộ
cộng sản có muốn kết tội ông cũng chẳng thể nào được.
Sau khi đã dứt khoát từ chối không đi trên chiếc tàu V.T. 1274 (?),
chúng tôi trở lại nài nĩ nhờ ông Âu Triều Chương giàn xếp tiếp tục giúp
chúng tôi được đi trên một chuyến tàu khác, càng cận kề chừng nào càng
tốt chừng nấy. Vì không gì khổ sở nhức nhối cho bằng một khi đã quyết
định ra đi, một khi đã thu xếp gọn gàng mọi việc trong ngoài đâu vào đó
lại phải chờ đợi ngày nầy qua tháng nọ, nhứt là mình không biết chắc
chắn được ngày giờ khởi hành. Thêm nữa, bọn công an khu vực và tổ phó an
ninh luôn rình rập hằng ngày hằng đêm. Đôi khi chúng còn phối phợp nhau
đến khám xét nhà, kiểm tra hộ khẩu vào lúc nửa khuya. Thêm vào đó còn
tai vách mạch dừng, không biết ai thương ai ghét, ai bạn ai thù. Mọi
người nghi kỵ e dè mọi người, không ai tin cậy bất cứ ai vào thời buổi
thượng vàng hạ cám lẫn lộn. Ngay đối với những người trong thân tình,
chúng tôi cũng giữ thái độ ngậm câm như hến. Ông Âu Triều Chương nhiều
lần có hỏi chúng tôi:
- Ông bà sao đi chi gấp quá vậy? Có gặp chuyện gì nguy hiểm hay không, khiến ông bà phải lấy quyết định cấp bách nầy.
Ông lại gạn vấn chúng tôi thêm và có ý trách móc khéo:
- Tại sao ông bà không đợi ngày cùng đi chuyến tàu V.T. 1274 (?) với tôi
có phải tiện hơn không? Ông bà rán chịu khó nhẫn nhục… đợi chờ… không
còn lâu đâu. Tôi cũng muốn đi cho sớm, chớ dần dà ở nán lại thêm làm
chi, phiền phức lắm. Đôi khi còn nguy hiểm nữa là khác. Vì tụi nầy vốn
đã khó hiểu, nghi kỵ, bản chất lại tráo trở lật lộng, thay đổi chủ
trương đường lối như chong chóng.
Vì không tranh thủ được chúng tôi lúc ấy, rốt cuộc ông bảo nếu chúng tôi
muốn đi gấp, ông không còn cách nào hơn là sẽ gởi gia đình chúng tôi đi
trên một chuyến tàu khác cũng sẽ xuất phát từ bến Vũng Tàu. Chủ nhân
chiếc tàu nầy vốn là anh em đáng tin cậy trong cùng nhóm của ông. Tàu đã
được chánh quyền địa phương cấp giấy phép mang số V.T. 3399, đã hạ thủy
cả tháng nay và đã chạy thử nhiều lần. Máy móc rất tốt, tài công có tay
nghề cao, thủy thủ đều còn trẻ, đảm bảo lắm.
Chuyến nầy sắp sửa ra đi
nay mai, nhưng thực tình ông không được trọn quyền quyết định chi cả, vì
ông chỉ có một phần hùn tượng trưng trong chuyến đó thôi. Người có phần
hùn quan trọng dĩ nhiên có tiếng nói chung thẳm. Dằn co lắm lần tới lui
tiếp xúc qua nhiều đêm gặp gỡ nơi ông tạm thời trú ngụ ở đường Nguyễn
Huệ trong hoàn cảnh cẩn thận tối đa và lén lút ngụy trang. Cuối cùng vào
giờ chót ông hứa giúp và giúp chúng tôi rất tận tình.
Chúng tôi rất đỗi
vui mừng khi ông cho người thân thuộc tính cẩn đến nhận số vàng ấn định
cho mỗi đầu người, lúc ấy là mười hai ‘cây’ cho người lớn, không có
mảnh giấy lộn trao cho chúng tôi làm bằng chứng. Mà dù có cấp giấy chứng
nhận cũng chẳng làm gì, trái lại không khéo bị đổ bể còn rước lấy tai
họa liên lụy, tội tù là khác. Một lần nữa, tiện nội nghĩ ngay đến việc
gõ cửa ông thầy bói mù bên cạnh rạp hát Văn Hoa, Tân Định. Lần nầy ông
hân hoan báo cho tiện nội biết một tin vui và còn tỏ ra chia xẻ và hết
lời khuyến khích tiện nội nữa:
- Chuyến đi trên con tàu mang số V.T 3399 nầy không có gì bị trục trặc,
trở ngại cả. Nó sẽ rời bến một ngày rất gần đây thôi. Thầy bấm tay thấy
nó đến nhanh, nhanh lắm đó. Quý chủ về nên bắt tay chuẩn bị ngay là vừa.
Kẻo không kịp, mà nếu để lỡ chuyến nầy thầy không thấy con đường tương
lai ra sao. Nó mù mù tăm tăm lắm. Trời ba mươi không bằng! Quý chủ nhớ
để khỏi phải tiếc và ân hận về sau.
Thầy đưa tay che miệng, đằng hắng nhè nhẹ, không thua gì phong thái của
con người lịch sự, biết quý trọng người đối thoại, nhứt là phái yếu:
- Nhưng thầy nói thêm để quý chủ an tâm vững bụng là bổn mạng quý chủ
cực kỳ tốt, thầy ít khi thấy từ ngày hành cái nghề nầy. Thầy nói thật
tình chớ không hề nói để cố tranh thủ cảm tình của quý chủ đâu. Mà trên
bước đường ly hương tìm cuộc sống mới, tiểu nhân khá nhiều không ngớt
khuấy rầy làm phiền hà quý chủ, nhưng không sao cả, trái lại quới nhân
cũng không hiếm nên mọi việc rồi cũng qua.
Thầy còn nhấn mạnh:
- Tuy vậy, riêng trong chuyến đi nầy thế nào quý chủ cũng có gặp sóng
gió, nhưng may mắn chóng qua mau. Bổn mạng rất vững, không có chi phải
lo ngại. Còn nếu quý chủ có gặp những trục trặc nhỏ nhặt gì trên hải
trình thì chẳng qua là ách nước tai trời, mình phải can đảm và nhẫn nhục
gánh chịu để vượt qua, chớ không sao tránh khỏi được.
Ông còn nhắn thòng thêm một đôi câu ngắn gọn làm cho tiện nội quá xúc động, khóe mắt long lanh đỏ sẫm:
- Thầy rất mong hôm nay là lần cuối cùng, thầy không còn dịp gặp lại quý
chủ một lần nào nữa. Thầy có lời chúc lành, thượng lộ bình an suông sẻ…
Ông thầy bói mù nói quá đúng lần chúng tôi lên đường. Cả trận bảo lớn,
chiếc tàu chòng chành rên rĩ như trối trăn giữa những đợt sóng dữ hầm hừ
thịnh nộ, chỉ một đêm ngắn ngủi nhưng đối với chúng tôi dài còn hơn một
thế kỷ. Nhiều lúc chúng tôi tưởng chừng như mình sắp vùi thây tức tưởi,
trong câm phẫn uất hờn giữa lòng biển sâu Thái Bình Dương.
Nhưng cũng
may, chỉ một đêm hãi hùng ấy thôi rồi sau đó trời im biển lặng, con tàu
từ từ âm thầm lướt sóng như đi trên sông nước quê hương, giúp chúng tôi
đến được bến bờ đất hứa bình an vô sự, vợ con đoàn tụ hít thở không khí
tự do hạnh phúc được sống lại lần thứ hai trong đời. Những lần bị bọn
cướp biển Thái Lan hùm hổ lục xét, khủng bố, cướp đoạt sạch sành sanh
những gì đã mang theo, nhưng một khi đến nơi định cư, chúng tôi làm lại
cuộc đời, tạo dựng những gì đã mất mát nhanh chóng không khó mấy. Chẳng
qua cũng nhờ quyết tâm, chấp nhận hoàn cảnh, kiên trì chịu cực chịu khổ,
đồng vợ đồng chồng góp chung công sức xây dựng tương lai con cái. Chúng
tôi dù không tin nhưng cũng phải tin những lời giải thích huyền bí của
ông thầy bói mù, vì cũng nhờ ông mà chúng tôi rất mạnh dạng ra đi và
quyết tâm hơn bao giờ hết.
**
Đến được đảo, không còn nỗi sung sướng vui mừng nào hơn đối với vợ chồng
chúng tôi vừa được hồi sinh trong tang khó và mất mát. Đảo là một đảo
nhỏ hoang dã mang cái tên lạ hoắc lạ huơ Kéramot thuộc quần đảo Anambas
nằm ngoài khơi Nam Dương. Trên bản đồ quốc tế nếu để ý chỉ thấy những
chấm nhỏ li ti chùm nhum chưa bằng đầu kim gút. Đất đai quá hẹp, người
lại thưa nhưng hiền hòa mộc mạc. Đảo được bao bọc chung quanh bởi núi
đồi điệp điệp trùng trùng xan xác đến mút tầm mắt. Trên đảo, trong thời
điểm vượt biên tột cùng giữa năm 1979, số người tỵ nạn cả Hoa lẫn Việt
lên đến con số đôi ba chục ngàn nhân mạng. Đó là ước tính của chính
quyền địa phương nhưng mức chính xác chắc cũng tương đối do thiếu hẳn
thống kê. Riêng chúng tôi quá mệt mỏi chẳng còn tâm trí nào để tìm hiểu.
Mà có tìm hiểu cũng chẳng giúp thêm được gì. Gia đình chúng tôi sau đó
được nhà đương cuộc đem ghe máy chuyển đến quận lỵ Letung để làm thủ tục
hành chánh, trước khi đưa sang đảo Kuku chờ phái đoàn các nước thứ ba
đến phỏng vấn và phân loại. Lưu lại Letung vừa được năm bảy ngày nhưng
cũng đủ thời gian để chúng tôi dò la tìm hiểu về nơi chốn chúng tôi sẽ
đến tạm trú sau nầy. Chúng tôi được biết Kuku từ xưa là một đảo hoang
vu, cũng như bao nhiêu hòn đảo lớn nhỏ khác nhun nhúc chung quanh, không
một mái nhà cũng không người ở, đồi cao rừng rậm xanh ngắt, trừ dãy đất
bằng phẵng nhưng rất hẹp chạy dọc theo một bãi biển cát trắng giới hạn ở
chiều dài. Trên đảo ngoài lùm buội và cây rừng nhiệt đới chỉ có vài
loại cây hữu ích như chà là và nhứt là dừa.
Loại dừa cao ngất nghểu không khác chi dừa tỉnh Bến Tre nơi quê mình,
nhưng mọc lưa thưa từng khúm và vì chịu ảnh hưởng của gió biển nên đa số
đều xiêng xiêng, có cây gần như muốn tróc gốc ngã gần sát mặt nước.
Thỉnh thoảng, tùy mùa gió thuận, người Nam Dương ở thị trấn Letung tập
hợp nhau tổ chức chèo ghe qua đốn dừa đem về quận tiêu dùng, cũng như
khai thác nguồn lợi chà là. Chính nhờ cây chà là lâu năm suôn đuột, thân
vừa cứng vừa dai nầy, người tỵ nạn đốn về dùng cất chòi trại để tạm trú
mưa nắng, cùng làm nẹp giường, bàn ghế trang trí hay phên vách. Thêm
một nguồn tin khác khiến chúng tôi càng lo âu rợn người trước viễn ảnh
phải đến nơi đó ở dài hạn.
Vì chúng tôi cũng như tất cả người tỵ nạn không hề biết ngày được nước
thứ ba đến cứu xét bóc đi. Nguyên khoảng đầu thập nhiên 60 hay đúng ra
là những năm sau khi cộng sản Bắc Việt đẻ ra cái Mặt Trận bù nhìn Giải
Phóng Miền Nam năm 1960 nhằm gạt gẫm, mà mắt dư luận quốc tế để phát
động một cuộc chiến xâm lăng Miền Nam ngày càng khốc liệt. Khí thế tuyên
truyền của tập đoàn cộng sản, dù trong bịp bợm gian dối, trong hận thù
sắt máu nhưng lại thành công đưa đến sự hình thành cao trào phản chiến
đòi hòa bình ở các nước Âu Mỹ quan trọng, đặc biệt là Hoa Kỳ và Pháp
nhằm xuyên tạc chánh nghĩa miền Nam. Chúng nhờ sự hổ trợ đắc lực và hữu
hiệu của hệ thống cộng sản quốc tế, phối hợp với truyền thông báo chí
biến chất và nhứt là đám trí thức thiên tả u mê, nhẹ dạ non lòng, ‘ngơ
ngác như nai vàng’, cứ tưởng mình là người tiến bộ nhưng thực ra chẳng
biết tí gì về cộng sản.
Song hành với chiến tranh Việt Nam và trước khí thế bành trướng nhanh
chóng như thác lũ của cộng sản thế giới, bên Nam Dương, đảng cộng sản
cũng phát triển mạnh như diều đang lên những chiều lộng gió. Người ta
ước lượng lúc đó trên toàn quần đảo nầy số đảng viên chánh thức lên đến
con số đáng tin cậy là ba triệu năm trăm ngàn người. Đó là chưa kể những
người bít bôi mù quáng ủng hộ như cảm tình viên hay những cán bộ ngoại
vi trong thời kỳ được đảng chuẩn bị kết nạp. Có thể nói lúc bấy giờ đảng
cộng sản Nam Dương được coi là đảng cộng sản hùng mạnh nhất vùng Đông
Nam Á với số đảng viên lên đến hằng triệu như vậy. Chúng đang lâm le và
có khả năng tiến lên toan cướp chánh quyền bằng vũ lực, trong khi Tổng
thống đương nhiệm Sukarno nghiêng hẳn về phía Trung Cộng đã thành công
củng cố bộ máy cai trị sắt máu. Ông nầy công khai chủ trương tách khỏi
hẳn ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Tây phương. Nhưng cũng may cho đất nước và
nhân dân Nam Dương.
Tháng 9 năm 1965, sáu ông tướng và một trung úy bị bắt cốc và bị sát hại
thảm thương ngay tại thủ đô Jakarta. Cánh quân đội nhứt trí qui tội lỗi
tầy trời nầy do đảng cộng sản Nam Dương chủ trương nhằm ý đồ nguy hiểm
tiến đến cướp chánh quyền. Do đó, một số tướng lãnh cao cấp có tinh thần
yêu nước và trách nhiệm cao, phản ứng nhanh chóng vì không chấp nhận
chủ thuyết vô sản, xóa bỏ tư hữu và đấu tranh giai cấp của cộng sản. Họ
đồng thanh đứng lên phối hợp với đại đa số quân nhân các cấp cương quyết
làm cuộc cách mạng dân tộc cứu nguy đất nước. Mặt khác, khối Hồi giáo
ngoan đạo rất có ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân và trong nguyên
thủy họ đều nhất trí chọn con đường sinh tử chống bọn vô thần cộng sản
nên hoàn toàn huy động lực lượng ủng hộ cuộc cách mạng lịch sử nầy. Nhờ
vậy phong trào đưa đến thành công vẻ vang gây chấn động thế giới.
Có một điều chúng tôi xin được nhấn mạnh ở đây là trong cuộc cách mạng
dân tộc đó, các đảng viên cộng sản Nam Dương từ hạ tầng cơ sở đến các
cấp lãnh đạo trung ương đều bị dân chúng tiếp tay chánh quyền dân chủ
triệt để thanh toán hoặc bắt tập trung câu lưu, không để đào thoát một
tên nào cả. Giới chức Tây phương về sau ước tính có đến hằng triệu người
bị giết trong giai đoạn đó. Những hòn đảo hoang vu lúc bấy giờ là mồ
chôn tập thể của đám đảng viên cộng sản và đồng bọn. Dĩ nhiên đảo Kuku
cũng là một trong những nghĩa địa quan trọng của đám vô thần cực hung
cực ác trên thế gian nầy. Nhưng vì lúc đó để tranh thủ thời gian cấp
bách do có quá nhiều người chết ối đọng nên việc chôn cất rất mực sơ
sài, hấp tấp chiếu lệ. Sau nầy, từng đợt mưa lũ và gió biển ngày đêm nối
tiếp nhau cuốn phăng lớp đất cát cùng lá cây, cỏ mục, rác rưới phía
trên, phơi bày xương cốt, sọ người thỉnh thoảng bắt gặp đó đây trên đảo.
Do những tin đó nên khi nghĩ đến ngày bị đưa đến đảo nầy làm cho chúng
tôi chùn chân chùn lòng. Đi thì ngập ngừng, còn ở vẫn chưa có lối thoát.
Tiến thoái lưỡng nan. Thêm một số người đi trước qua đảo sống một thời
gian có dịp trở về quận nhận thư từ hoặc tiền bạc của thân nhân từ các
nơi trên thế giới gởi đến viện trợ, mô tả tình trạng vệ sinh quá bê bối ở
đây. Tệ trạng đáng tiếc nầy do một số không nhỏ người tỵ nạn kém văn
hóa, thiếu ý thức đã cẩu thả gây ra. Hoặc do lối sống bê bối đã quen từ
trước. Còn nói gì nạn ruồi thì khỏi phải nói. Chúng nó bay vù vù cùng
khắp, từng đàn, đụng đâu đậu đó. Loại ruồi vừa to vừa đen, hình thù dị
họm trông dễ sợ.
Chúng nó chẳng sợ người, còn dám bu cắn chích nữa. Ăn cơm phải chia nhau
quạt liền tay, nhiều khi vừa mới giở nắp nồi cơm, chúng nó tranh nhau
đâm đầu đáp vào rồi chết cả đám vì hơi nóng. Còn mới mở miệng nói chuyện
với nhau thì ruồi mẹ ruồi con đã nhảy thót trong miệng rồi. Chúng tôi
quyết định tìm cách nấn níu ở lại quận lỵ Letung lâu chừng nào tốt chừng
nấy, dù phải đóng cho chánh quyền sở tại một số tiền hằng tháng gọi là
“lệ phí hành chánh và an ninh” để được tạm cho ở lại. Chúng tôi bèn mướn
một hành lan thềm nhà sàn của người địa phương tạm trú đêm ngày.
Về sau
may mắn lắm chúng tôi mới mướn được một chéo buồng khoảng tám thước
vuông nên cũng tạm ấm cúng. Chính trong thời gian ngắn ngủi ở tạm nầy,
chúng tôi có dịp gặp gia đình anh Huỳnh Vĩnh Minh, cùng chung một hoàn
cảnh ly hương như chúng tôi. Gia đình anh cũng vừa mới đến đảo không
lâu, nhưng trước chúng tôi đôi ba tuần lễ thì phải. Cứ chiều chiều, mặt
trời dợm phụp xuống chân trời xa xa, chúng tôi thường gặp nhau, ngồi
trên nhà sàn trông ra biển, sảng khoái đón nhận những ngọn gió mát trong
lành từ ngoài khơi thổi vào rồi trao đổi những tin tức nóng hổi, những
tâm sự chất chứa lâu ngày cũng như ước vọng của mình để quên ngày quên
tháng ngóng trông đợi chờ tin vui.
Không lâu sau, chánh quyền địa phương ra chỉ thị không cho người tỵ nạn ở
lại quận lỵ như trước, chắc vì những bất đồng về phong tục và tập quán
do người tỵ nạn vốn có những thành phần phức tạp gây ra. Nhứt là dân
tình địa phương hầu hết đều theo đạo Hồi giáo chính thống nhưng có vẻ ôn
hòa, chớ không quá khích chém giết như thời buổi hiện nay. Họ tuyệt đối
không ăn thịt heo, mà người Việt Nam mình cũng như người Trung Hoa
thiếu vắng thịt heo, bữa cơm làm sao đậm đà cho được. Dù người tỵ nạn có
dùng thịt heo lén lút lúc họ vắng mặt, nhưng người Hồi giáo vẫn khám
phá dễ dàng qua mùi vị phát hiện. Và anh em chúng tôi bắt buộc phải rời
quận lỵ Letung lên đường trực chỉ đảo Kuku, lòng quặn thắc một nỗi lo âu
khôn nguôi. Nhưng dù sao chúng tôi cũng đành phải chấp nhận, không còn
lối thoát, không còn con đường nào khác.
Chúng tôi hai gia đình (chúng tôi và anh Huỳnh Vĩnh Minh) cùng một gia
đình thứ ba nữa góp nhóp tiền bạc chung nhau cất lên một mái lá lụp xụp
không hơn cái chòi canh dưa hay cái thum giữ cá mùa nước xuống ở quê
hương mình. Dù sao cũng có chỗ che nắng che mưa, hơn nữa có bạn đồng hội
đồng thuyền đêm đêm thức khuya ôn cố những chuyện tiếu lâm cười ứa nước
mắt trong chuỗi ngày sống dưới chế độ hận thù xã hội chủ nghĩa. Cũng
vui lây lất qua ngày tháng chờ được thanh lọc.
Trong cái chòi tạm bợ nầy gặp những đêm mưa to gió lớn nơi đảo nhỏ chơi
vơi giữa biển khơi, nằm nghe phên vách rúm mình răn rắc rùng rợn lắm.
Nhưng cũng nơi nầy, chúng tôi lại may mắn được anh Huỳnh Vĩnh Minh rất
tâm đắc và chia xẻ. Anh là người tôi chưa hề quen biết ở Sài Gòn trước
đây. Anh là nhân viên công chức công ty điện lực, khi đi có đem theo vợ
và ba đứa con gái ở tuổi ‘cặp kê’. Anh Minh lúc gặp và ở chung với chúng
tôi tuổi độ năm mươi, người phốp pháp, ăn nói rổn rảng nhanh lẹ, tánh
tình vui vẻ cởi mở. Anh có lần tâm sự với chúng tôi:
- Hồi trước ở Việt Nam, tôi có thọ giáo một vị sư già (xin miễn dấu tên
vì lúc đó vị chân tu nầy còn ở tại Sài Gòn không tiện tiết lộ danh
tánh). Ông thương mến và tận tình chỉ dạy cho tôi những cái lắc léo
trong khoa bói toán, tử vi đầu số. Ông hết lời căn dặn, khuyên tôi không
nên và không bao giờ khai thác lãnh vực huyền bí nầy để làm điều xằng
bậy, thủ lợi cá nhân, làm giàu bất chánh mà trái lại nên giúp người, cứu
người mỗi khi họ nhờ đến.
Anh còn cho biết thêm:
- Chính thầy tôi khẳng định như ba bó vào một giạ là sau nầy ra xứ
người, tôi còn có dịp ăn nên làm ra, cơ ngơi sự sản đáng kể. Thầy tôi
không nói rõ ra nhưng tôi hiểu là tôi sẽ còn dịp làm giàu ở xứ người. Vì
vậy tôi mới mạnh dạng quyết định ra đi… vừa có cuộc sống tự do thoải
mái, vừa vượt thoát khỏi ngục tù khắc nghiệt của cộng sản.
Một hôm, sau mấy tháng thất vọng, mòn mỏi đợi chờ tin mừng chẳng đến,
chúng tôi bắt đầu chán nản nên có nhờ anh xem đường tương lai của chúng
tôi ra sao, nhứt là ngày chúng tôi được bốc đi khỏi đảo. Cái ngày nầy
rất quan trọng vì là nỗi canh cánh lo âu đối với chúng tôi từng giây
từng phút. Ngày ngày trông chờ nó. Đêm đêm chập chờn vẫn thấy nó. Do ở
đảo bắt đầu đã có những triệu chứng bịnh dịch tả chết người tràn lan với
một tốc độ quan ngại. Hôm nay một người chết còn nằm trùm chăn trùm
chiếu, chưa kịp chôn. Ngày mai tiếp theo hai ba người trong tang khó
chung của người đồng cảnh ngộ. Và cứ tiếp tục hằng ngày… Trên một cánh
đồi trọc không to lớn lắm chỉ cách bãi biển nơi chúng tôi đang trú ngụ
độ chừng vài trăm thước là cùng, chúng tôi đã thấy lố nhố rất nhiều nấm
mộ đất xan xát nhau, cỏ dại chưa kịp mọc lên. Còn nỗi thấp thỏm nào hơn
đối với chúng tôi lúc nầy, khi cái chết nhanh chóng không thuốc men luôn
luôn chập chờn lờn vờn trước mắt. Anh Huỳnh Vĩnh Minh vui vẻ nhận lời
gỡ rối cho chúng tôi qua những lời phân tích lạc quan của anh, đến nay
chúng tôi còn nhớ rõ như mới ngày hôm qua:
- Anh chị an tâm, sẽ đi tới đây thôi. Tôi bấm tay thấy rõ lắm. Anh chị cứ yên chí lo sắp xếp mọi việc là vừa...
Anh tiếp tục căn dặn với những lời đầy ấp tình thương, đến giờ phút nầy chúng tôi không bao giờ quên:
- Nhưng tôi có lời khuyên thân tình nầy lưu ý anh chị. Trước đây nhiều
lần anh chị có bảo khi đến Pháp, anh chị định khai thác một nhà hàng xem
như phương tiện sinh sống. Nhưng tôi khuyên anh chị nên bỏ ý định nầy
mà nên để tâm lo củng cố cái nền tảng chắc chắn trước để lo tương lai
con cái. Tôi không thấy viễn ảnh một nhà hàng nào trong cuộc đời tương
lai của anh chị. Anh chị nhớ lời dặn của tôi.
Chúng tôi còn hoang mang khi anh chưa nói rõ ngày ra đi của chúng tôi nên yêu cầu anh phân tích sâu hơn:
- Anh nói chúng tôi sẽ đi sắp tới đây nhưng đi chừng nào? Ngày nào?
Tháng nào? Năm nào đây? Anh có thể nói rõ hơn không? Chúng tôi nghe anh
nói thì thú thật cũng mừng vui lắm vì mình đã có một lối thoát, một hy
vọng để bám víu vào, nhưng thú thiệt với anh, chúng tôi chưa vui mừng
trọn vẹn.
Sau nhiều lần gạn hỏi và thuyết phục, anh không nỡ từ chối:
- Tôi thấy anh chị chắc chắn sẽ nhận được tin mừng vào ngày 12 tháng 11
tới (1979) và anh chị sẽ khởi hành đúng vào ngày hôm sau. Nhanh lắm đó
anh chị. Bây giờ anh chị vừa lòng hả dạ chưa?
Anh Huỳnh Vĩnh Minh ấn định dứt khoát cho chúng tôi cái ngày 12/11/1979.
Như anh đã quăng cho chúng tôi cái phao khi chúng tôi đang chới với mòn
mỏi chờ trông một vị ân nhân rộng tay đến cứu vớt. Chúng tôi trông đứng
trông ngồi. Trông ngày trông đêm. Trông từng giờ từng phút. Ngày mong
ngày sớm qua mau. Đêm ngủ thức giấc cũng thấy con số 12 chập chờn trong
trí. Qua tháng 11 lại càng hồi hộp hơn. Thời gian lúc ấy sao qua quá
chậm, đôi khi tưởng chừng như ngừng hẳn đối với chúng tôi, qua những
công việc nhàm chán hằng ngày. Rồi cái ngày chờ mong ngóng đợi phải đến
đã đến trong vui mừng khấp khởi khó tả thành lời. Hy vọng của chúng ấp ủ
từ lâu, nay sắp thành sự thật chăng?
12.11.1979…
Mãi đến tám, chín giờ đêm mỏi mắt trông chờ ngóng đợi vẫn im re phăng
phắc. Không có một tin nào đến từ cái loa độc nhứt nơi văn phòng của Ban
Đại Diện người tỵ nạn trên đảo. Càng đi sâu về đêm, sự im lặng càng trở
nên nặng nề khó thở, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng hắc dài nhẹ nhàng kín
đáo của vợ chồng chúng tôi. Lo lắng, chờ đợi… rồi đợi chờ, lo lắng...
Nhưng chúng tôi đắn đo tế nhị, tới lui lui tới mãi trong gian chòi chật
chội, không dám hở môi hỏi anh Minh một lời, chỉ sợ xúc phạm đến lòng tự
ái của anh. Từng chập, chúng tôi liếc nhìn trộm vẫn thấy anh nằm im bất
động không nói một lời nào. Không khí trong chòi có vẻ căng thẳng khác
thường, trái hẳn với mọi đêm thường rộn rả tiếng nói cười. Bỗng đứa con
trai trưởng của chúng tôi lúc đó khoảng mười, mười một tuổi chắc cũng
nóng ruột sao đó nên cất lời hỏi anh Minh:
- Bác Minh ơi! Bác nói gia đình con hôm nay chắc chắn nhận được tin
mừng. Sao đến giờ phút nầy, đã hơn chín giờ tối rồi mà không nghe động
tịnh chi cả bác?
Nó còn nhắc anh:
- Đâu bác coi lại thử xem bác.
Nằm ở sàn đất trên tấm phên chà là vuông vức vừa đúng mặt bằng một cái giường ngủ cho cả gia đình, anh Minh vẫn không lộ vẻ gì lo âu, trái lại anh rất tự nhiên đáp:
- Chưa có hết ngày mà! Mới chín giờ hơn, còn những mấy tiếng đồng hồ nữa mới tới mười hai giờ. Lúc đó mới hết ngày. Cháu đừng có nóng, cứ chờ xem…
Anh lại vui tánh nói:
- Cháu cứ bảo mẹ cháu an tâm đi nấu ngay một nồi chè thết đãi bà con ở đây là vừa. Mình vừa ăn chè vừa chờ đợi tin mừng, không còn thú vị nào hơn. Cháu tin nơi bác đi.
Để khuây khỏa và bớt căng thẳng, tiện nội lui cui nấu nồi chè đậu xanh.
Đậu thì ít nhưng nước lỏng bỏng thì nhiều. Đường cũng mắc giàn trời giàn
đất vì hiếm hoi do nạn người Hoa khi lên được đảo tung tiền mua mão
những tàu tiếp tế để sau đó khống chế giá cả nên chắc nồi chè hôm đó
cũng lờ lợ thôi. Ở đảo lâu ngày, ăn uống thiếu thốn chất bổ dưỡng, nhứt
là chất ngọt nên ai ai cũng thèm khát. Ăn chè khuya dù là chè lỏng bỏng
lờ lợ nhưng ai cũng khen ngon do bụng dạ mãi cồn cào vì đói triền miên.
Trong lúc mọi người không vui cũng trở thành vui, quay quần bên nhau nói
cười không dứt thì bỗng nghe tiếng loa khếch đại giữa đêm khuya kêu gọi
đúng tên chúng tôi lên trình diện văn phòng đại diện đảo ngay. Vì lúc
đó có một nhân viên tòa đại sứ Pháp từ Jakarta, thủ đô của Nam Dương
tháp tùng tàu Ile de Lumière vừa mới đến bỏ neo ở đảo muốn gặp chúng
tôi. Những nhân viên ngoại giao nầy làm việc liên tục bất chấp giờ giấc,
không kể đêm ngày. Họ làm việc tùy theo giờ đến và đi của tàu. Lúc ấy
khoảng mười một giờ đêm. Ôi! Còn nỗi vui mừng nào hơn của những người
sắp đi cũng như những người không may còn ở lại. Mấy tháng chung sống
quây quần chung dưới một mái “nhà” êm ấm tình thương đồng cảnh ngộ, cùng
nhau chia xẻ biết bao kham khổ, giờ đây kẻ đi người ở không còn gì buồn
cho bằng. Ngày tạm biệt chia tay chỉ trong giờ phút ngắn ngủi sắp tới.
Anh Huỳnh Vĩnh Minh đã đoán trúng một trăm phần trăm ngày chúng tôi rời
đảo Kuku để hôm sau lên tàu Cap Anamur của Đức trực chỉ đảo Galang. Thật
là một phép lạ. Ngụ tạm ở đây một đêm ngắn ngủi trong một trại vách cây
lợp mái thiếc chắc vừa mới dựng xong còn thơm thơm mùi cây mùi dầu sơn
để sáng ra đáp tàu đò của chánh quyền Nam Dương trực chỉ tỉnh lỵ Pinang.
Rồi từ đây chúng tôi được đưa lên máy bay như con mèo ướt để đi Jakarta
làm thủ tục nhập cảnh Pháp. Anh Huỳnh Vĩnh Minh đã tiên đoán trước ngày
đi của chúng tôi rất lâu, cả vài tháng. Chúng tôi biết nói gì đây khi
đứng trước một sự thật, dù là sự thật khó hiểu, khó giải thích nhưng
không sao phủ nhận được. Đối với chúng tôi quả là một huyền bí!
Phận mình xem như đã an bày, chúng tôi không sao không nghĩ đến hoàn
cảnh gia đình anh. Không biết ngày nào anh sẽ hưởng những giờ phút hạnh
phúc tột đỉnh như của chúng tôi hôm nay. Bất giác trong tâm cảnh đó,
chúng tôi buông lời hỏi anh:
- Còn anh thì sao anh Minh? Chừng nào anh đi đây?
Anh vui vẻ đáp ngay:
- Còn mù mờ lắm! Tôi chưa thấy chi cả. Chắc phải chờ thêm một thời gian
nữa. Thôi, đi được người nào mừng cho người nấy. Mình đã thoát chết ở
biển, thế nào mình cũng có ngày gặp lại nhau.
Không lâu sau, khi chúng tôi định cư ở miền Bắc Pháp, chúng tôi có nhận
được thư anh báo đã đến Californie, Hoa Kỳ. Anh cũng đã ổn định cuộc
sống mới và tôi nghĩ chắc anh cũng sẽ có một cuộc sống thoải mái “ăn nên
làm ra” như lời tiên đoán ngày nào của vị chân tu, bậc thầy trọng kính
của anh.
**
Đến đây, chúng tôi xin được nhắc nhớ thêm trong “hồi ký” khó tin nầy
bằng một kỷ niệm của thời thanh xuân, lúc chúng tôi chập chững bước vào
đời. Thuở đó, chúng tôi gặp tiện nội trong hoàn cảnh hy hữu của định
mệnh. Nói hy hữu của định mệnh vì mối tình trong sáng trong giới hạn lễ
giáo cổ truyền của chúng tôi gặp khá nhiều chông gai chướng ngại do
những thành kiến quá khắc khe của một thời đang trên đà suy thoái để sau
đó đi đến tàn tạ. Dù vậy, chúng tôi cũng quyết định nhanh chóng đi đến
thành hôn, nhằm chấm dứt ngay bầu không khí không được lành mạnh chung
quanh mình. Niềm vui hạnh phúc cũng như nỗi buồn bất hạnh của mình đôi
khi không phải do chính mình tức những người trong cuộc chủ động gây ra,
mà thực tế phần lớn lại do ngoại nhân, những người vô trách nhiệm hoặc
có ác ý tạo nên. Việc thành hôn quá nhanh chóng của chúng tôi không biết
có phải do chúng tôi chịu ảnh hưởng sâu đậm của những bậc tiền bối
trong quảng đại quần chúng:
“Lấy vợ phải lấy liền tay, Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha” chăng? Ngặc
một nỗi là tiện nội sanh nhằm tuổi dần, tuổi con cọp nên trong bà con
thân tộc và bạn bè lắm lời nói ra nói vào thêm nhức óc nhức đầu. Mà ở
đời, hạnh phúc cá nhân hay của đôi lứa nếu không sáng suốt, không khéo
xử sự đúng mức sẽ bị tác động tai hại bởi miệng lưỡi thế gian vô trách
nhiệm, như chúng tôi đã từng nhập tâm cảnh giác. Chúng tôi đã yêu nhau
và yêu nhau thực sự thì sá gì mệnh tuổi! Sá gì khắc kỵ! Ông vua Anh quốc
ngày xưa đường đường trên bệ ngọc còn không ngần ngại từ bỏ ngai vàng,
từ bỏ cuộc sống vương giả nhung lụa gây chấn động toàn thế giới để cưới
một người đàn bà đã từng ly dị và có con riêng, thì không lý gì chỉ vì
“tuổi dần”, tuổi con cọp, con cọp hiền hòa mà chúng tôi phải chia tay
nhau sao? Dù vậy, mẹ chúng tôi cũng lén lút không cho chúng tôi biết,
tìm đến cầu cứu một bậc trưởng thượng có uy tín trong vùng về khoa “xem
tuổi” xấu tốt trong việc dựng vợ gả chồng.
Ông ở tận trong vùng sâu, quá lằn ranh vùng xôi đậu nên đường đi nước
bước rất khó khăn, nguy hiểm là khác. Vì lúc đó cộng sản Bắc Việt đã
thành công dựng lên bức bình phong Mặt trận Giải phóng Miền Nam để gạt
gẫm người trong nước và cả quốc tế. Chúng đã phát động những chiến dịch
khủng bố người dân lương thiện và thanh toán nhân viên làng xã không
chấp nhận đi theo chúng. Mời thỉnh được ông là cả vấn đề nhiêu khê, nếu
không có tình thương yêu mẫu tử cao vời vợi thì chắc mẹ chúng tôi không
bao giờ dám mạo hiểm dấn thân.
Mẹ chúng tôi sau nầy có thuật lại và xác nhận chỉ biết ông là ông Cả
ngày xưa xa lơ xa lắc trong làng, như người dân quanh vùng có thói quen
gọi ông, chớ không rõ danh tánh chánh thức của ông. Không biết môn phái
của ông ra sao, nhưng thấy ông mỗi lần xuất hành đi đó đi đây thường
chít khăn đỏ trên đầu tóc bạc trắng như bông bưởi. Ông bấm tay rồi chậm
rãi báo cho mẹ chúng tôi biết hai cái tuổi của chúng tôi, mặc dầu tiện
nội tuổi dần, không sao cả. Bổn mạng hai bên cực kỳ tốt, sẽ ăn đời ở
kiếp với nhau. Thỉnh thoảng nếu có hục hặc cãi cọ cũng thoáng qua do
khắc khẩu, không có gì phải quan tâm lo lắng. Khắc khẩu để làm sáng tỏ
một ý kiến bất đồng, để tìm một hướng đi thống nhứt. Và sau bao nhiêu
sóng gió cuộc đời, dâu biển lắm phen, chúng tôi vẫn thương yêu quấn quít
bên nhau như thuở thanh xuân ở những ngày đầu gặp gỡ cho đến ngày nay,
cả hai chúng tôi đều qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và sắp tổ chức
ăn mừng năm mươi năm ngày thành hôn. Lâu lắm về sau, để phát triển cơ sở
làm ăn, chúng tôi có tạo dựng được một căn phố khang trang ở trung tâm
Sài Gòn. Chúng tôi bèn nghĩ ngay đến nhờ ông, trong khi ông quá lớn tuổi
trở nên lụm khụm, đi đứng khó khăn.
Dù vậy, ông vẫn không từ chối lời thỉnh cầu của chúng tôi để đích thân
đến tận nơi giúp chúng tôi ý kiến và những lời khuyên bảo chí tình. Tôi
xin mở dấu ngoặc ở đây để nhắc sơ lược lịch sử của căn phố khá đặc biệt
nầy. Khi chúng tôi quyết định tạo nó, chúng tôi không hề quan tâm để ý
đến những gì xảy ra trong quá khứ về nó. Chúng tôi chỉ biết đây là một
quán ăn sang trọng, địa thế thuận lợi, trang trí trình bày tân kỳ theo
kiểu cách Tây phương. Chủ nhân chắc làm ăn không khá lắm nên đành buông
tay, xoay qua nghề khác. Nhưng khi chúng tôi chân ướt chân ráo mới dọn
về ở thì những người lối xóm bắt đầu đi qua đi lại dòm ngó, to nhỏ xầm
xì với nhau. Họ cho rằng chúng tôi không thể nào giữ vững căn phố nầy
lâu dài được, vì trước đó hầu như cứ đôi ba năm là có sự thay đổi chủ
mới. Theo họ thì căn phố lắm điều lắm chuyện nầy có một tiền sử không
mấy tốt đẹp.
Có người còn quả quyết, cho biết trước đó khá lâu vào thời kỳ quân đội
viễn chinh Pháp mới qua tái chiếm Miền Nam sau thế chiến thứ hai, căn
phố đã được “lính kín” (tức công an sau nầy) Pháp trưng dụng dùng làm
nơi giam giữ và tra tấn người. Có người đã chết ngay trong căn phố.
Chúng tôi biết được nguồn tin bất lợi nầy thì đã quá muộn. Ông Cả đến
quan sát khắp nơi từ trong ra ngoài. Ông xem cả phương hướng rồi quay
lại hỏi kỹ một lần nữa tuổi tác của vợ chồng chúng tôi. Xong ông kết
luận:
- Tôi không thấy gì đáng quan ngại cả. Hai cháu cứ giữ căn phố nầy, vì
đây chính là cuộc đất hai cháu sẽ vương lên đến tột đỉnh của danh vọng
và tiền tài.
Ông lại giải thích thêm:
- Hai cháu cần lưu ý điều nầy. Ở nhà sau, gần sát vách nhà có một cái mả
mà hồi xây cất dãy phố, người ta quên lấy cốt hay lấy cốt sót. Chính
nơi đó, bấy nay hai cháu đã đặt giàn bếp, ngày ngày nung đốt làm sao
người khuất mày khuất mặt chịu nóng cho nổi? Vậy hai cháu nên dời ngay
giàn bếp qua phía bên kia, phía đối diện là ổn. Sẽ không có ai phá phách
chi cả. Hai cháu sẽ an tâm làm ăn.
Mà quả thật vậy. Chính nhờ căn phố nầy chúng tôi làm ăn phát đạt một
thời, mãi cho đến ngày “sạt nghiệt trắng tay” như lời tiên đoán trước
đây của anh Đồng Tuy, rồi vượt biển cứu lấy thân sau ngày cờ đỏ lên ngôi
trên toàn lãnh thổ Miền Nam. Hôm nay, nhơn nhắc nhớ kỷ niệm nầy, chúng
tôi xin hồi hướng nhìn về quê nhà để tưởng nhớ và tri ân ông Cả, nay
chắc đã yên mồ yên mả đâu đó trên chéo đất vườn nhà. Chúng tôi cũng
không quên xin cám ơn ông đã có lòng yêu thương, ưu ái tặng cho chúng
tôi một “bao thư” nhỏ cở phong bì danh thiếp, không biết ông gói ghém
những gì trong đó. Nhưng ông căn dặn chúng tôi đừng thái mái tò mò mở ra
xem, mà chỉ để cẩn thận trong tủ thu tiền.
Giản dị có thế thôi. Ông đảm bảo chắc chắn mỗi ngày đều có tiền vào
ngoài sức tưởng tượng ước mong, không bao giờ chúng tôi sợ đói vì thất
thu. Chúng tôi nghiệm ra đây quả là “gói bùa” mà bàng dân thiên hạ
thường gọi. Việc nầy thật khó hiểu, khó tin đối với người ngoại cuộc,
nhưng đối với chúng tôi là cả một nguồn hạnh phúc vô biên. Chúng tôi
hoàn toàn hài lòng vì từ dạo đó, công việc làm ăn của chúng tôi phát
triển tốt đẹp. Thu nhập xem như đảm bảo thường xuyên. Đến khi lên đường
vượt biên, chúng tôi thu gọn vật dụng tối cần thiết để mang theo do cồng
kềnh sợ bị bại lộ. Bỏ gì thì bỏ, nhưng chúng tôi nhứt định phải mang
theo “bao thư đắc tài đắc lộc” mà ông Cả đã thương mến tặng vợ chồng
chúng tôi ngày nào. Rất tiếc bọn hải tặc Thái Lan đã cướp sạch sành sanh
những gì chúng tôi mang theo, nên khi đến đất lạ quê người, chúng tôi
phấn đấu làm lại cuộc đời, tìm đồng tiền sinh sống cũng khá trần thân
khổ ải.
**
Thiên “hồi ký” khiêm nhường nầy có thể sẽ gây nhiều thắc mắc, hoài nghi
hay hiểu lầm trong quảng đại độc giả đối với những vấn đề huyền bí linh
diệu về bói toán, tử vi, xem tướng số, chỉ tay v.v... Vẫn biết trong
thực tế có người tán đồng, nhưng cũng có người không hẳn tin. Dù sao
cũng phải nhìn nhận rằng, trước 1975 ở quê nhà hay sau nầy cộng sản có
cấm đoán, truy lùn trừng phạt ngặc nghèo đi nữa, nhưng tập quán trên đây
không có gì lạ cả. Trái lại, chính là một lối sống, một thói quen, một
tập tục trong đời người dân, không phân biệt giai tầng xã hội. Chúng tôi
nghĩ nó sẽ được duy trì dài lâu trong tương lai.
Nhứt là trong hoàn cảnh xác xơ đói nghèo, triền miên trong kềm kẹp mất
tự do hiện nay ở quê nhà, người dân đa số sống bấp bênh không phương
hướng, không tương lai, họ càng tìm nguồn an ủi vỗ về trong hy vọng và
tin tưởng nơi cõi huyền bí linh thiêng để bám víu sống còn. Mà theo một
học giả người Pháp tôi có đọc đâu đó nay chỉ nhớ ý chánh thì hy vọng để
có niềm vui chính là niềm vui thật sự. Cũng như con người một khi sợ hãi
trước đau khổ là chính họ đã đau khổ rồi. Không riêng gì ở Việt Nam mà
ngay tại các nước tân tiến Âu Mỹ, hiện tượng hướng về những gì huyền bí
linh thiêng vẫn không thôi phát triển với nhiều thủ thuật khoa học khác
nhau tùy người hành nghề.
Và những tín đồ trung thành ở các nước nầy không phải ít. Như vậy, chúng
tôi nghĩ tập tục có tính phổ cập toàn cầu nầy không phải do trình độ
dân trí cao thấp mà chính do dân tâm mà ra. Còn nói gì ở các xứ đang
trên đà phát triển, chẳng hạn như Phi Châu, có lẽ đó là cuộc đất màu mỡ
béo bổ cho những người dấn thân hành nghề nầy để thủ lợi. Riêng phần
chúng tôi, chúng tôi xin xác nhận rõ quan điểm của mình là không bao giờ
và chẳng bao giờ chúng tôi có ý định cổ võ hay khuyến khích. Chúng tôi
chỉ muốn trình bày trung thực những sự việc và tình tiết mà chính chúng
tôi là người trong cuộc. Chúng tôi cũng từng băn khoăn tự hỏi lòng,
không biết vì sao và do những nguyên do linh diệu nào, những ân nhân của
chúng tôi đã tiên đoán đúng những gì họ đã tiên đoán về chúng tôi.
Để kết thúc, chúng tôi xin nhắc lại ở đây một kỷ niệm của anh Tạ Tỵ, một
họa sĩ, vừa là thi sĩ và nhà văn tên tuổi trong chốn văn chương chữ
nghĩa trong nước trước 1975 cho đến sau nầy khi ra hải ngoại. Trong một
hồi ký về những văn nghệ sĩ đã đi qua đời anh, anh đã ví von từng bước
dìu dắt chúng ta trầm mình trong giai thoại khá lý thú sau đây:
“Ở Sài Gòn, còn một người tôi quý mến lắm, đó là học giả kiêm nhà văn
Nguyễn Hiến Lê. Trước khi mất Miền Nam vào tay Cộng sản, tôi và Nguyễn
Hiến Lê ít có dịp gặp nhau, trừ vài lần ở tòa soạn Bách Khoa và một lần
tại nhà, tôi đi cùng Lê Ngộ Châu đến vẽ chân dung anh. Nhưng từ ngày tôi
được tha về, tôi và anh thường gặp nhau. Lúc đầu, anh cũng hiểu lầm về
Cộng sản, nhưng sau khi sống dưới chế độ đỏ một thời gian, anh nhận biết
ngay, Cộng sản cũng chẳng thần thánh gì, nên anh sống ẩn dật tại tòa
biệt thự riêng ở đường Kỳ Đồng. Anh nghiên cứu Tử Vi. Một hôm, tôi bảo
anh đoán hộ xem số tôi có đi được không? Sau một hồi tính toán, suy
luận, anh đoán chắc theo lá số, tôi không vượt biên được, đừng có bỏ
tiền cho chủ tàu, mất oan, lại có thể bị tù tội nữa! Tôi nghe, trong
lòng thấy chán nản. Nhưng đã quả quyết, thà chết giữa đại dương còn hơn
sống với Cộng sản, nên tôi nói:
- Anh ơi, nhiều khi đức thắng số đấy!
“Anh nhìn tôi trầm ngâm muốn nói điều gì nhưng lại thôi. Kể từ buổi đó,
khi gặp lại, không bao giờ tôi nói đến chuyện vượt biên nữa, chỉ nói
chuyện tào lao cho vui. Tôi không hiểu, khi nhận được tin tôi đã vượt
biên và qua Mỹ, anh có nghĩ gì không? Chỉ biết, trước lúc mất, anh đã
nhắc tên tôi ba lần theo thư của Trần Phong Giao gửi qua cho biết.
Nguyễn Hiến Lê đã mất, nhưng anh để lại cho đời rất nhiều công trình văn
hóa giá trị”.
Chúng tôi muốn nhắc đến hồi ký của anh Tạ Tỵ chẳng qua để nói lên một
điều xem như đoạn kết luận của chúng tôi. Một kết luận không phần khẳng
định. Giờ đây, tin hay không tin tùy thuộc ở mỗi người, tùy suy nghĩ và
nhận xét của từng cá nhân. Riêng về phần chúng tôi, dù trước đây không
hẳn tin, nhưng bây giờ chúng tôi vẫn phải tin. Đơn giản chỉ vì một lý do
duy nhứt, chính mình là người trong cuộc.
14/10/2011
Trich VÕ PHƯỚC HIẾU * CHỈ LÀ KỶ NIỆM
Tuesday, June 20, 2017
SƠN TRUNG * NGƯỜI GHÉT ĂN MÀY
NGƯỜI GHÉT ĂN MÀY
SƠN TRUNG
Ông phú hộ họ Cao là một trong những người giàu nhất phố Hiến. Ông là
một thương gia buôn bán tơ lụa và đồ cổ ngoạn. Ông lại còn là một nhà
buôn đường biển. Thuyền của ông thường ra vào buôn bán ở Thăng Long,
Thuận Hóa, Hội An, Đồng Nai. Thỉnh thoảng ông cũng sang buôn bán ở Hải
Nam hay Tiểu Tây Dương tức là vùng quần đảo Nam Trung Quốc và An Nam.
Những chuyến đi của ông có khi kéo dài gần nửa năm trời. Nhà của ông rất
rộng lớn, gồm tòa ngang dãy dọc thênh thang. Ông và vợ con ở trong ngôi
nhà chính, và ngôi nhà ngang.
Các cột và cửa bức bàn đều chạm trỗ rất mỹ thuật. Các bà vợ thứ thì ở
trong một ngôi nhà đàng sau ngôi nhà chính, mỗi bà một phòng. Sau nữa là
nhà ở các gia nhân và bếp núc. Bên cạnh ngôi nhà ngang là kho hàng hóa.
Xung quanh nhà có tường cao bao bọc. Nhà nuôi một đàn chó rất dữ. Trong
nhà ông nuôi khoảng năm sáu gia nhân khỏe mạnh và biết võ nghệ để chống
trộm cướp và vận chuyển hàng hóa. Mỗi tối, các gia nhân thay nhau canh
gác nghiêm ngặt như là một trại lính. Ngoài ra, trong nhà, ông nuôi một
thầy đồ Nghệ để dạy văn cho các con ông, và một võ sư dạy võ cho con ông
và các gia nhân. Bà vợ cả và con gái lớn của ông trông coi của hàng tơ
lụa ở ngoài phố. Thỉnh thoảng ông cũng ra đây trông coi, kiểm soát mọi
việc.
Cao phú hộ là một người chăm chỉ kinh doanh. Ông không hút thuốc, không
uống rượu, không chơi bài bạc. Ông không muốn giao thiệp với người ngoài
vì sợ họ vay mượn hoặc nhờ vả. Ông cũng sợ bọn cướp giả dạng ăn mày để
dò xét nhà ông, hoặc giả làm khách sang để vào cướp của cải. Cửa nhà ông
luôn đóng kín. Ông dặn trước với vợ con và gia nhân rằng ông chỉ tiếp
các quan lớn hoặc nhà giàu trong vùng mà thôi. Khách lạ và sang trọng
phải đưa thiếp cho gia nhân trình ông thì mới được vào. Ông có cái tật
là ghét những người nghèo, đặc biệt là ghét ăn mày.
Ông cho rằng những người nghèo là do lười biếng, cờ bạc, rượu chè. Bần
cùng sinh đạo tặc. Người nghèo thường sinh ra trôm cướp, bất lương. Ông
thường đem bản thân ông làm thí dụ. Ông đâu phải sinh trưởng trong cảnh
giàu sang mà sinh ra kiêu căng, khinh người. Quan niệm ông là do trải
qua thực tế. Ông vốn xuất thân nghèo khổ, nhưng nhờ chí phấn đãu mà dựng
được sự nghiệp ngày nay. Ông cấm tiệt ăn mày đến nhà. Ông không bao giờ
giúp đỡ người nghèo hoặc bố thí cho ăn mày vì ông cho rằng làm thế là
khuyến khích họ lười biếng. Vì vậy khi người nghèo và ăn mày đến thì bị
gia nhân xua đuổi. Nếu đuổi nhiều lần mà họ không đi, gia nhân có quyền
xua chó ra cắn. Đó là luật lệ bất di bất dịch đã được thiết lập ra trong
mấy chục năm kể từ ngày ông về làm chủ ngôi nhà này.
Cao phú ông thuở nhỏ trải nhiều gian truân. Quê ông ở vùng dồi núi Hải
dương. Nhà nghèo, mẹ mất sớm, cha lấy vợ kế. Lúc bấy giờ Cao lên mười.
Bà dì ghẻ này rất độc ác, thường hành hạ, đánh đập con chồng tàn nhẫn.
Uât ức và căm thù, Cao bèn ôm quần áo và thu vén một ít tiền bạc vào
trong một cái bị rồi trốn đi. Ngày đêm đi mãi miết, một hôm Cao đến một
vùng dất xa lạ, Cao bèn dừng chân tại một miếu hoang. Trong miếu lúc bấy
giờ đã có sẵn một đám ăn mày, già có trẻ có. Chúng nhìn chăm chú vào
cái bị của Cao và chúng nhường cho Cao một chỗ ngả lưng.
Khi Cao tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao. Đám ăn mày trong miếu đã đi
hết mà cái bị của Cao cũng biến mất. Không quần áo, không tiền bạc, Cao
đành phải đi xin khắp chợ và quê. Vài ngày sau, Cao đến một thị trấn, và
đêm đến Cao ngủ ngoài chợ. Tại đây có rất nhiều ăn mày. Ban ngày chúng
là ăn mày nhưng ban đêm chúng làm chủ khu chợ. Chúng chiếm các lều trại,
và đánh đuổi những dân mới đến như Cao. Chúng đòi Cao nộp cho chúng năm
đồng chinh để được ngủ một đêm. Cao không có tiền nên chúng đánh đập
Cao và đuổi Cao đi. Cao phải ngủ trước một mái hiên nhà nọ.
Sáng sớm, Cao phải dậy đi thật sớm. Ngày đi đêm nghỉ, sau mấy tháng, Cao
đã đến phố Hiến. Nơi đây buôn bán tập nập. Phố xá nhộn nhịp cả ngày lẫn
đêm. Cao đi ăn xin và được một số tiền. Cao bèn mua quần áo mới và đi
khắp nơi kiếm việc. Cuối cùng Cao đã được một quán cơm nhận Cao làm
việc. Công việc cũng nhàn hạ, Cao chỉ có việc bưng đồ ăn cho khách và
đứng hầu khách, hoặc làm các việc vặt cho bà chủ. Khi bà chủ hay cô chủ
đi chợ, Cao đi theo gánh cá thịt rau đưa. Khi rảnh thì Cao lo việc đun
bếp, bổ củi. Bà chủ cho Cao ở luôn tại quán, thỉnh thoảng cho Cao một số
tiền.
Cao tích cực làm việc nên được bà chủ tín nhiệm. Một thời gian sau, bà
chủ già yếu, bị bệnh rồi mất, con cái bỏ nghề cũ, sang nhượng cửa hàng
cho một người khác. Cao bèn xin làm phu khuân vác cho một hãng tàu buôn.
Thấy Cao khỏe mạnh và chăm chỉ, thông minh, ông chủ hãng giao cho Cao
việc chỉ huy đám phu khuân vác, sau Cao lên phụ trách việc coi kho hàng
và đi biển cùng ông chủ. Từ đó Cao học tập nghề buôn bán đường biển,
quen thuộc thủy đạo, và gỉỏi việc điều khiển tàu biển, rành việc buôn
bán, giao dịch. Cao được ông chủ tín nhiệm, gả con gái cho.
Từ đó Cao trở thành con rể ông chủ. Khi ông chủ già yếu, giao hẳn cơ
nghiệp cho Cao vì ông chủ chỉ có một con gái duy nhất. Từ khi ông chủ
mất đi, Cao bắt đầu chấn chỉnh mọi việc trong ngoài. Cao xây tường quanh
nhà, tuyển thanh niên mạnh khỏe vào canh gác nhà cửa, và phụ trách việc
chuyển vận hàng lên tàu hoặc xuống tàu, tuyển gái đẹp phụ trách buôn
bán ở các cửa hàng. Đối với các người giúp việc, Cao trả luơng cho họ
rất hậu và đối xử tử tế. Mỗi khi vợ con họ đau ốm, Cao thường cho họ
tiền bạc, rước thầy chẩn bệnh và cung cấp thuốc men cho họ. Vì vậy mọi
người rất quý mến Cao.
Chuyến đi này Cao đã chuẩn bị mấy tháng rồi. Cao mua trà, cao, quế, lụa, vải vóc các thứ định sang bán tại các nuớc ở phía nam Trung quốc như là Tiểu Tây dương, Tân Gia Ba. . . Khi về Cao mua vàng bạc, ngọc, ngà, và vải vóc để bán. Công việc mua bán rất thuận lợi hứa hẹn một tương lai sáng chói.
Trên đường trở về đuợc ba ngày thì hai bên thuyền bỗng xuất hiện một đàn
'cú biển' . Đó là những con cá rất lớn có cái mặt và tiếng kêu giống
chim cú. Những người đi biển rất sợ loài cá này. Nó là một thứ chim cú
báo tử. Những tiếng kêu của nó kéo dài trong đêm khuya khiến cho mọi
người sợ hãi. Ai nấy nín thở đón nhận một tai họa sắp giáng xuống đầu
họ. Trưa hôm sau, trời bỗng trở nên im lặng một cách kinh dị. Mặt biển
yên tĩnh như nước hồ Gươm. Trời oi bức như cả không gian đang nằm trong
chão nóng. Bỗng nhiên đằng tây mây hồng bừng lên rực rỡ lạ thường. Mây
hồng từng lớp hiện lên rất đẹp. Rồi từ từ từng đám mây chuyển màu từ
hồng sang tía rồi vàng. Và cuối cùng mây đen phủ ngập không gian.
Sấm sét nổi lên. Mặt biển như rung rinh, và dần dần từ xa, những đợt
sóng bốc cao lên tận trời xanh để rồi đổ xuống như những dãy nhà lầu bị
động đất lún xuống và biến mất dưới làn nước xanh. Hết đợt sóng này lại
đến lớp sóng khác. Những lớp sóng này như muốn nhận chìm thuyền ông
xuống tận đáy biển. Có những lúc thuyền ông như đi trong lòng một ống
cống lớn mà bốn bề đều là nước. Nhưng lớp sóng khác lại đẩy thuyền ông
lên. Cứ như vậy suốt buổi. Ai cũng lo lắng không biết lúc nào thì thuyền
chìm thật sự. Ông Cao đã từng đi biển nhiểu lần nhưng không lần nào
nguy hiểm như lần này. Ông Cao rất lo lắng và sợ hãi vì ông biết giờ lâm
tử đã đến. Khắp thuyền ai cũng niệm chú Quan Âm, hoặc kêu gọi tên mẹ
cha và vợ con.
Thuyền ông đã gãy bánh lái, và cột buồm. Thuyền cứ chồm lên trời rồi lại
rút xuống đáy biển. Và thuyền cứ trôi theo cơn bão, tài công không còn
điều khiển đuợc thuyền. Nhưng rồi trời tạnh mưa, gió ngừng thổi, sóng
cũng êm và phương đông mặt trời thẹn thùng lấp ló sau đám mây, và không
gian như lóe lên một chút ánh sáng yếu ớt. Thuyền vẫn trôi đi theo giòng
nước. Đầu bếp chuẩn bị nấu ăn. Nước đã làm ướt hết thuyền nhưng nhờ sự
khôn ngoan của ông mà gạo nước, thức ăn và than củi vẫn khô. Ấy là ông
đã tính trước những hiểm nguy trong nghề nên trước đó ông đã mua những
thùng rượu Bồ Đào mỹ tửu bán hết rượu ông giữ lại thùng. Ông đặt vào
những thùng này những thứ cần thiết như gạo, thức ăn, lương khô, than
củi, và lấy chai gắn lại. Ông cũng đặt riêng những hòm đựng vải vóc,
ngọc ngà có gắn chai để khỏi thấm nước.
Nhờ sáng kiến đó, mọi người ăn uống đầy đủ và lấy lại sức khỏe sau bao
đêm bão tố hãi hùng. Nhưng rồi buổi chiều, mây đen lại nổi lên, gió thổi
nhè nhẹ rồi cơn bão lại đến. Thuyền ông như mũi tên lướt trên biển.
Những đợt sóng thần lại nổi lên như trái núi. Mọi người nghe muôn vạn
tiếng thét, tiếng la khóc nổi lên bốn bề. Và trước mắt họ bỗng hiện lên
những hình ảnh ma quỷ nhe răng trợn mắt và những thây người đầy dòi bọ
nhảy múa. Giữa cơn bão tố , mọi người nghe một tiếng nổ rất lớn như trái
đất vỡ tan thành muôn mảnh. Mặt biển chao động như sụp đổ. Cùng lúc đó
một lỗ hổng rất lớn xuất hiện làm thành một vòng xoáy. Tiếng nuớc réo ầm
ầm như thiên binh vạn mã. Những bọt nước rất lớn nổi lên và chạy xung
quanh xoáy rồi tất cả chui tọt xuống hố nước vĩ đại. Ông ra lệnh mọi
người đeo phao cấp cứu là những tấm ván dày hay thân gỗ tạp có những dây
đeo vào thân. Thuyền ông càng lúc càng tiến dần vào vũng xoáy rồi chui
tọt vào vũng xoáy vô tận.
Không biết bao lâu, ông tỉnh dậy. Ông thấy xung quanh ông có nhiều người
lạ. Họ ăn mặc giống như người Mường, người Mán. Họ nói với nhau bằng
một thứ ngôn ngữ mà ông không hiểu họ là người nuớc nào. Nơi ông nằm là
một ổ rơm, dường như ông đang nằm nơi điếm canh của một thôn xã nào đó.
Họ cho ông ăn uống đầy đủ. Sau mấy ngày ông đã đi đứng được, họ đưa ông
lên một cơ quan địa phương. Quan địa phương cho lính đưa ông xuống nhà
giam. Sau mấy hôm, họ đưa ông lên thẩm vấn. Họ cho ông giấy bút để khai.
Lúc nhỏ ông thất học, nhưng từ khi làm việc cho chủ thuyền buôn, ông đã
học được ít nhiều chữ Hán.
Ông viết rằng ông họ Cao, người An Nam quốc, đi buôn bán ở Tiểu Tây
Dương, khi về bị bão đánh chìm tàu, và nguyện vọng của ông là được trở
về An Nam quốc. Họ nghi ông là gián điệp ngoại bang nên giam giữ ông bốn
năm , sau nhận thấy ông thật thà, nên phóng thích ông. Khi ông ra về,
viên quan địa phương cấp cho ông một giấy chứng nhận ghi rằng quan trấn
thủ Thiên Tân bắt được một người An Nam, xưng họ Cao, đi thuyền bị đắm
trôi vào đất Thiên Tân. Nay xét tên này vô tội nên phóng thích. Nhờ xem
tờ giấy này, ông mới biết là mình trôi đến bắc Trung quốc rồi bị giải về
Thiên Tân. Ông vội vàng nhắm phương Nam trực chỉ. Ngày đi đêm nghỉ. Ông
phải đi hành khất kiếm tiền độ nhật. Trên đường đi nhiều khi ông phải
nằm liệt một xó ở các miếu hoang vì đau ốm gượng đi không nổi.
Thân già dầm giải nắng mưa khiến cho ông xác xơ như là ông lão bảy tám
chục tuổi. Đã thế, ông thường xuyên bị bọn sơn tặc và bọn lưu manh chận
đường cướp của.Thấy ông không có tiền bạc, chúng tức giận đánh đập ông
và xé luôn giấy chứng nhận của ông. Vì không có giấy tờ, ông lại bị quan
binh bắt giam vì nghi ông là gian tế. Lần này ông bị giam năm năm . Lúc
này quân Thanh xâm chiếm Thăng Long và bị vua Quang Trung đánh cho một
trận xiểng niểng nên họ thù ghét người An Nam quốc và họ nghi ông là
gián điệp nhà Tây Sơn. Đến khi bang giao giữa nhà Thanh và Tây Sơn tốt
đẹp, họ mới phóng thích ông. Ở trong tù quá lâu lại cực khổ trăm bề nên
ông rụng hết răng, nói không ra tiếng và đi đứng không vững, phải chống
gậy. Từ đó về đến Nam quan ông mất thêm hai năm. Và ông lần mò từ Nam
quan về phố Hiến phải mất thêm sáu tháng nữa. Khi ông về đến cây đa đầu
làng thì ông đã ngoại sáu mươi. Phong cảnh bây giờ khác xưa. Phố Hiến
sau loạn kiêu binh, sau việc quân Tây Sơn ra bắc dẹp Trịnh và sau những
biến loạn do Nguyễn Hữu Chỉnh, Trịnh Bồng và Vũ Văn Nhậm cai trị thì đã
sa sút.
Ngôi nhà ông vẫn uy nghi như xưa. Vẫn hàng tường cao bao bọc. Vẫn khói lam chiều tỏa nhẹ trên mái nhà. Vẫn cái cổng tam quan với cửa gỗ chắc nịch. Khi ông tới gần cổng thì một bọn hai ba tráng đinh xa lạ ra chận lại. Chúng cầm roi xua đuổi ông. Chúng lớn tiếng bảo: 'Cấm ăn mày vào! Ăn xin thì cút đi! Nếu còn đứng đó thì chúng tao xua chó ra đuổi'. Ông cứ tiến tới. Ông gọi tên vợ ông, con ông! Nhưng giọng ông không thoát ra khỏi cuống họng! Dù ông ta có kêu rõ tiếng cũng chẳng ai nghe vì vợ con ông ở bên trong rất xa ngõ. Ông vẫn đứng mãi đó. Bọn trai tráng tức giận mở cửa xút chó đuổi ông. Năm sáu con chó há miệng đỏ lòm chạy ra, mắt nhìn ông hau háu. Ông sợ hãi cúi đầu chạy. Ông chạy mãi đến bờ sông thì đuối sức ngã lăn ra. Sáng hôm sau, dân làng thấy xác chết một ông lão ăn mày nằm còng queo trên bờ sông. Thương tình một ông già vô danh, họ bó chiếu rồi chôn ông ở ven sông.
Ngôi nhà ông vẫn uy nghi như xưa. Vẫn hàng tường cao bao bọc. Vẫn khói lam chiều tỏa nhẹ trên mái nhà. Vẫn cái cổng tam quan với cửa gỗ chắc nịch. Khi ông tới gần cổng thì một bọn hai ba tráng đinh xa lạ ra chận lại. Chúng cầm roi xua đuổi ông. Chúng lớn tiếng bảo: 'Cấm ăn mày vào! Ăn xin thì cút đi! Nếu còn đứng đó thì chúng tao xua chó ra đuổi'. Ông cứ tiến tới. Ông gọi tên vợ ông, con ông! Nhưng giọng ông không thoát ra khỏi cuống họng! Dù ông ta có kêu rõ tiếng cũng chẳng ai nghe vì vợ con ông ở bên trong rất xa ngõ. Ông vẫn đứng mãi đó. Bọn trai tráng tức giận mở cửa xút chó đuổi ông. Năm sáu con chó há miệng đỏ lòm chạy ra, mắt nhìn ông hau háu. Ông sợ hãi cúi đầu chạy. Ông chạy mãi đến bờ sông thì đuối sức ngã lăn ra. Sáng hôm sau, dân làng thấy xác chết một ông lão ăn mày nằm còng queo trên bờ sông. Thương tình một ông già vô danh, họ bó chiếu rồi chôn ông ở ven sông.
Sunday, June 18, 2017
NS.LÊ MỘNG NGUYÊN * CÁC NHẠC SĨ ĐÃ ĐI QUA
Để tưởng niệm những người đã đi qua trong đời tôi : Nhạc Sĩ TRỊNH HƯNG
Tường thuật LÊ MỘNG NGUYÊN
Tôi được làm quen với NS Trịnh Hưng nhân dịp anh đi từ Lyon lên Paris đến dự buổi họp Bích Xuân ra mắt sách « Bao Giờ Anh Đỉ » ngày mồng một tháng 06-1997 tại Viện Pháp Việt Rue St-Jacques của Thủ đô nước Pháp. Ngay giây phút đầu, chúng tôi đã có cảm tình với nhau, anh ngồi bên cạnh tôi trong suốt Chiều Sinh Hoạt Văn Nghệ Sĩ để hàn huyên về đủ mọi vấn đề, và nhất là về TMBS. Sau khi trở lại Lyon (Số 10, avenue des Frères Lumière), anh viết thư chúc Tết (đề ngày 06-02-1998), chắc vì một khoảng thời gian bặt tin nên xin tôi thông cảm « vì nhiều việc lấn cấn quá, ít có thì giờ nên không thư thăm anh được, mong anh thứ lỗi cho… ». Trịnh Hưng cho tôi biết Nhạc Sĩ Lê Dinh, chủ trương báo Nghệ Thuật «đợi những bài mới của anh về Lê Mộng Nguyên (tác giả TMBS) và Mạnh Bích (tác giả Thôn Trăng)…».
Trong thư đề ngày 14-03-1998 gửi từ Lyon cho tôi, Trịnh Hưng kể lại trong trường hợp nào anh làm quen với TMBS : « Tôi vẫn ngưỡng mộ anh về tài nhạc từ lúc tôi chưa thành danh, nay tôi đọc thư tôi lại phát hiện ra anh viết văn cũng hay và còn làm thơ rất cảm xúc và ướt át quá. Năm l951, tôi còn là Bộ Đội Việt Minh, làm Văn Công, tôi đã được nghe họ hát nhiều bản nhạc TMBS của anh. Không biết từ đâu nó lại lọt ra vùng Kháng Chiến và được phổ biến mạnh. Lúc đó thời KC, già Hồ cấm tất cả mọi người hát các bản nhạc ủy mị và lãng mạn.
Chỉ được phép hát các bài Hùng Ca do KC làm mục đích chống Pháp mà thôi, còn các loại nhạc ủy mị thì họ cho là giảm tinh thần chiến đấu của Quân Đội đi. Nhưng ở đời thì bất cứ nơi nào, bất cứ ở trình độ nào, dù có học hay thôn quê nông dân, họ vẫn là con người và con người cần có tình lãng mạn, do vậy ta thấy ở các cụ ngày xưa đã cho ra hết ca dao tình tứ còn lưu truyền đến ngày nay. Bởi thế cho nên là con người ai cũng có tâm hồn lãng mạn, mà đã khổ sở về cuộc sống, đánh giặc đói khát, gian khổ rồi mà cả ngày chỉ còn nghe nhạc chém giết nó đâm nhàm chán và họ thèm những ca khúc tình tứ để giải sầu nổi lòng họ.
Vì thế mà tuy họ cấm gắt gao, nhưng các bài hát lãng mạn nào hợp với tâm trạng họ là họ in sâu vào đầu óc họ, họ không có hát tập thể hay chổ đông thì họ ca một mình hoặc có hai ba người cùng chí hướngđể giải tỏa nỗi lòng của họ… Do vậy tôi nghĩ như bài TMBS được hoan nghênh và âm thầm phổ biến một cách mau lẹ, họ hát theo nhau chứ đâu có biết bài nhạc, solfège ra làm sao. Tụi tôi ở Văn Công cũng vậy, cứ nghe họ hát là mình đờn thôi và tự chép ra nốt nhạc, có khi sai một vài nốt gì đó, vì họ hát sai nên mình ghi để đờn cũng sai luôn, nhưng đâu có quan trọng.
Năm1952 tôi về Thành, về Hà Nội, tôi đi đờn ở dancing cho lính Tây nhảy, họ cũng chơi ở đó cho ai nhảy slow, và tôi về nhà có dạy một số em học sinh đờn Hawai, họ học được ba tháng là thế nào cũng bắt tôi dạy họ bài TMBS của anh, vì vậy tôi cứ tưởng anh nhiều tuổi lắm. Khi đó tôi mới ngoài 20, tôi tưởng là một người làm được bài nhạc đó chắc đã lớn rồi, chứ đâu có ngờ anh còn quá trẻ và làm nhạc thành công quá sớm, lúc đó tôi chưa làm được một bài nhạc ngắn nào cả nên càng khâm phục. Rồi vào Saigon thì bài nhạc đó cũng thịnh hành. Không có một thanh niên hay thiếu nữ nào chả biết đến nó và hát nó… »
Tôi rất cảm động khi Trịnh Hưng viết trong thư – sau khi đọc qua những tài liệu về tôi – « Thơ văn của anh quá ướt át và cảm xúc lắm. Tôi thì cũng yêu thơ yêu nhạc, nhưng tôi bắt đầu là làm nhạc, mãi đến năm 1989 tôi bị cọng sản bắt đi tù 8 năm, vào tù họ không cho mình chơi nhạc, nên tôi bắt đầu làm thơ ». Trịnh Hưng viết tiếp, khiêm tốn, dịu dàng : « Thơ tôi làm không có lãng mạn tình tứ gì, mà chỉ có nói lên cảm xúc thấy các bà vợ Sĩ quan cộng Hòa lặn lội nuôi chồng 13 năm, thế chồng nuôi con nên người… »
Như tôi đã nhắc nhở trên Đài VNTD ngày thứ tư 14-05-2008, và theo NS Lê Dinh (Nghệ Thuật Số 2) : « Nhờ ở tù anh (Trịnh Hưng) phát triển được khả năng làm Thơ và anh đã được các báo xuất bản ở Hoa Kỳ cũng như ở Canada đăng nhiều bài thơ của anh rất được độc giả chú ý». Trong thư ngày 14-03-1998, có kèm theo bài thơ « Xin cám ơn em, Người Vợ Hiền » Mến tặng Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên bài thơ đầu tay làm trong Trại Tù CS, 1998 – Trại Hàm Tân, Thuận Hải – Hàm Tân. Kính tặng những người vợ hiền mười mấy năm thay chồng nuôi con :
Xin cám ơn em, cám ơn đời
Cám ơn người vợ của tôi ơi
Em là Tiên nữ Trời sai xuống
Trả nợ cho Anh, trả nợ Đời
Từ dạo ấy !
Em trở về vùng biển mặn
Vung đôi tay, níu chặt cuộc sống còn
Anh đi trả nợ nước non
Em về lặn lội nuôi con thế chồng
Chừ đây !
Tóc em không còn đen
Như dạo nào bên Thôn Vỹ
Mắt em không còn xanh
Như giòng Hương Giang thuở nọ
Nhưng!
Lòng em đẹp lắm
Đẹp như ánh trăng rằm
Tươi như hoa thắm
Mắt dịu như gió đầu thu
Là muôn ngàn tinh tú
Lấp lánh trên trời cao
Là Tiên Đào
Của hai chàng Nguyển – Lưu thuở trước
Là Ô Thước
Nhịp cầu tình của Chức Nữ Ngưu Lang
Bá Nha có một tiếng đàn
Trương Lương tiếng sáo, còn nàng là thơ
Nàng là thơ mà ta đang hát
Nàng là nhạc mà ta đang ca
Nàng cô đơn lòng ta thương tiếc
Ta thương nàng hay ta thương ta
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Lưng còng một gánh tuổi già theo sau
Thấy người mình luống thương đau
Nhìn mình, mình thấy thân sầu héo khô
Em ơi vạn nẻo sông Hồ
Mười ba năm biệt bây giờ là đây
Tiếc thương một tấm thân gầy
Kiếm buông hoen rỉ ra tay vuốt hờn
Gió từng cơn, gió từng cơn
Lá rừng, rừng lá hoàng hôn gọi sầu
Xa vời thế sự bể dâu
Tháng năm điểm bạc mái đầu phù cương
* * *
Tuyệt vời là bài thơ viết trong trại tù CS 1998 mà tôi nhận định là một áng văn bất hủ, bất diệt mà Thi Sĩ TRỊNH HƯNG gửi tặng LMN, nhưng thật ra để « Xin cám ơn người vợ hiền » của nhà thơ, và nói rộng là tất cả « Những người vợ hiền mười mấy năm thay chồng nuôi con »… Supremum vale
Adieu pour la dernière fois !
Pr-Dr LE MONG NGUYEN Lauréat de l’Université Paris 1 – Panthéon Sorbonne, Auteur Compositeur-Membre de l’Académie des Sciences d’Outre -mer…
Tường thuật LÊ MỘNG NGUYÊN
Tôi được làm quen với NS Trịnh Hưng nhân dịp anh đi từ Lyon lên Paris đến dự buổi họp Bích Xuân ra mắt sách « Bao Giờ Anh Đỉ » ngày mồng một tháng 06-1997 tại Viện Pháp Việt Rue St-Jacques của Thủ đô nước Pháp. Ngay giây phút đầu, chúng tôi đã có cảm tình với nhau, anh ngồi bên cạnh tôi trong suốt Chiều Sinh Hoạt Văn Nghệ Sĩ để hàn huyên về đủ mọi vấn đề, và nhất là về TMBS. Sau khi trở lại Lyon (Số 10, avenue des Frères Lumière), anh viết thư chúc Tết (đề ngày 06-02-1998), chắc vì một khoảng thời gian bặt tin nên xin tôi thông cảm « vì nhiều việc lấn cấn quá, ít có thì giờ nên không thư thăm anh được, mong anh thứ lỗi cho… ». Trịnh Hưng cho tôi biết Nhạc Sĩ Lê Dinh, chủ trương báo Nghệ Thuật «đợi những bài mới của anh về Lê Mộng Nguyên (tác giả TMBS) và Mạnh Bích (tác giả Thôn Trăng)…».
Trong thư đề ngày 14-03-1998 gửi từ Lyon cho tôi, Trịnh Hưng kể lại trong trường hợp nào anh làm quen với TMBS : « Tôi vẫn ngưỡng mộ anh về tài nhạc từ lúc tôi chưa thành danh, nay tôi đọc thư tôi lại phát hiện ra anh viết văn cũng hay và còn làm thơ rất cảm xúc và ướt át quá. Năm l951, tôi còn là Bộ Đội Việt Minh, làm Văn Công, tôi đã được nghe họ hát nhiều bản nhạc TMBS của anh. Không biết từ đâu nó lại lọt ra vùng Kháng Chiến và được phổ biến mạnh. Lúc đó thời KC, già Hồ cấm tất cả mọi người hát các bản nhạc ủy mị và lãng mạn.
Chỉ được phép hát các bài Hùng Ca do KC làm mục đích chống Pháp mà thôi, còn các loại nhạc ủy mị thì họ cho là giảm tinh thần chiến đấu của Quân Đội đi. Nhưng ở đời thì bất cứ nơi nào, bất cứ ở trình độ nào, dù có học hay thôn quê nông dân, họ vẫn là con người và con người cần có tình lãng mạn, do vậy ta thấy ở các cụ ngày xưa đã cho ra hết ca dao tình tứ còn lưu truyền đến ngày nay. Bởi thế cho nên là con người ai cũng có tâm hồn lãng mạn, mà đã khổ sở về cuộc sống, đánh giặc đói khát, gian khổ rồi mà cả ngày chỉ còn nghe nhạc chém giết nó đâm nhàm chán và họ thèm những ca khúc tình tứ để giải sầu nổi lòng họ.
Vì thế mà tuy họ cấm gắt gao, nhưng các bài hát lãng mạn nào hợp với tâm trạng họ là họ in sâu vào đầu óc họ, họ không có hát tập thể hay chổ đông thì họ ca một mình hoặc có hai ba người cùng chí hướngđể giải tỏa nỗi lòng của họ… Do vậy tôi nghĩ như bài TMBS được hoan nghênh và âm thầm phổ biến một cách mau lẹ, họ hát theo nhau chứ đâu có biết bài nhạc, solfège ra làm sao. Tụi tôi ở Văn Công cũng vậy, cứ nghe họ hát là mình đờn thôi và tự chép ra nốt nhạc, có khi sai một vài nốt gì đó, vì họ hát sai nên mình ghi để đờn cũng sai luôn, nhưng đâu có quan trọng.
Năm1952 tôi về Thành, về Hà Nội, tôi đi đờn ở dancing cho lính Tây nhảy, họ cũng chơi ở đó cho ai nhảy slow, và tôi về nhà có dạy một số em học sinh đờn Hawai, họ học được ba tháng là thế nào cũng bắt tôi dạy họ bài TMBS của anh, vì vậy tôi cứ tưởng anh nhiều tuổi lắm. Khi đó tôi mới ngoài 20, tôi tưởng là một người làm được bài nhạc đó chắc đã lớn rồi, chứ đâu có ngờ anh còn quá trẻ và làm nhạc thành công quá sớm, lúc đó tôi chưa làm được một bài nhạc ngắn nào cả nên càng khâm phục. Rồi vào Saigon thì bài nhạc đó cũng thịnh hành. Không có một thanh niên hay thiếu nữ nào chả biết đến nó và hát nó… »
Tôi rất cảm động khi Trịnh Hưng viết trong thư – sau khi đọc qua những tài liệu về tôi – « Thơ văn của anh quá ướt át và cảm xúc lắm. Tôi thì cũng yêu thơ yêu nhạc, nhưng tôi bắt đầu là làm nhạc, mãi đến năm 1989 tôi bị cọng sản bắt đi tù 8 năm, vào tù họ không cho mình chơi nhạc, nên tôi bắt đầu làm thơ ». Trịnh Hưng viết tiếp, khiêm tốn, dịu dàng : « Thơ tôi làm không có lãng mạn tình tứ gì, mà chỉ có nói lên cảm xúc thấy các bà vợ Sĩ quan cộng Hòa lặn lội nuôi chồng 13 năm, thế chồng nuôi con nên người… »
Như tôi đã nhắc nhở trên Đài VNTD ngày thứ tư 14-05-2008, và theo NS Lê Dinh (Nghệ Thuật Số 2) : « Nhờ ở tù anh (Trịnh Hưng) phát triển được khả năng làm Thơ và anh đã được các báo xuất bản ở Hoa Kỳ cũng như ở Canada đăng nhiều bài thơ của anh rất được độc giả chú ý». Trong thư ngày 14-03-1998, có kèm theo bài thơ « Xin cám ơn em, Người Vợ Hiền » Mến tặng Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên bài thơ đầu tay làm trong Trại Tù CS, 1998 – Trại Hàm Tân, Thuận Hải – Hàm Tân. Kính tặng những người vợ hiền mười mấy năm thay chồng nuôi con :
Xin cám ơn em, cám ơn đời
Cám ơn người vợ của tôi ơi
Em là Tiên nữ Trời sai xuống
Trả nợ cho Anh, trả nợ Đời
Từ dạo ấy !
Em trở về vùng biển mặn
Vung đôi tay, níu chặt cuộc sống còn
Anh đi trả nợ nước non
Em về lặn lội nuôi con thế chồng
Chừ đây !
Tóc em không còn đen
Như dạo nào bên Thôn Vỹ
Mắt em không còn xanh
Như giòng Hương Giang thuở nọ
Nhưng!
Lòng em đẹp lắm
Đẹp như ánh trăng rằm
Tươi như hoa thắm
Mắt dịu như gió đầu thu
Là muôn ngàn tinh tú
Lấp lánh trên trời cao
Là Tiên Đào
Của hai chàng Nguyển – Lưu thuở trước
Là Ô Thước
Nhịp cầu tình của Chức Nữ Ngưu Lang
Bá Nha có một tiếng đàn
Trương Lương tiếng sáo, còn nàng là thơ
Nàng là thơ mà ta đang hát
Nàng là nhạc mà ta đang ca
Nàng cô đơn lòng ta thương tiếc
Ta thương nàng hay ta thương ta
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Lưng còng một gánh tuổi già theo sau
Thấy người mình luống thương đau
Nhìn mình, mình thấy thân sầu héo khô
Em ơi vạn nẻo sông Hồ
Mười ba năm biệt bây giờ là đây
Tiếc thương một tấm thân gầy
Kiếm buông hoen rỉ ra tay vuốt hờn
Gió từng cơn, gió từng cơn
Lá rừng, rừng lá hoàng hôn gọi sầu
Xa vời thế sự bể dâu
Tháng năm điểm bạc mái đầu phù cương
* * *
Tuyệt vời là bài thơ viết trong trại tù CS 1998 mà tôi nhận định là một áng văn bất hủ, bất diệt mà Thi Sĩ TRỊNH HƯNG gửi tặng LMN, nhưng thật ra để « Xin cám ơn người vợ hiền » của nhà thơ, và nói rộng là tất cả « Những người vợ hiền mười mấy năm thay chồng nuôi con »… Supremum vale
Adieu pour la dernière fois !
Pr-Dr LE MONG NGUYEN Lauréat de l’Université Paris 1 – Panthéon Sorbonne, Auteur Compositeur-Membre de l’Académie des Sciences d’Outre -mer…
Để tưởng niệm những người đã đi qua trong đời tôi : NHẠC SĨ THU HỒ -
PHẦN I:
"Được nghe Little Radio Saigon ở Orange City báo tin Nguyên đã được chọn vào Académie Française (de Sciences d'outre-mer) rất vui, gửi lời chúc mừng với gia đình. Cũng như Hồ ở đây, cũng được trúng tuyển Thi sĩ Quốc tế năm 1993-94. Đài có quây cho nghe bản Trăng Mờ Bên Suối trong dịp thông tin ấy, cách đây bốn ngày, Tháng 8/97. Hồ có đi tour qua các nước Âu và Trung Đông, nhưng không ghé Pháp. Phải chi có, đã gặp được bạn và gia đình.Vừa mừng thượng thọ 80. Sức khỏe vẫn yếu theo thời gian. Chúc gia đình yên vui. gởi biếu tác giả bản Đôi Mất Nhung (của LMN). Thu Hồ : (26/02/98) 14802 Stanyan Circle, WEST-MINSTER, CA 92683 (USA).
Đó là bức thư cuối cùng mà Thu Hồ đã viết cho tôi, và câu "sức khoẻ vẫn
yếu theo thời gian" làm tôi lo ngại và buồn đau, nhất là từ một người
bạn đã nếm mùi với xã hội chủ nghĩa ngót 15 năm" (thư ngày 27/09/1990)
và cũng vừa "mừng thượng thọ 80", năm 1998. Di cư qua Hoa Kỳ năm 1990,
Thu Hồ liên lạc với tôi sau khi được một ca sĩ cùng học một lớp ngày xưa
với tôi ở Huế cho biết địa chỉ : "Nguyên thân, Hồ Thu, Thu Hồ đây, chắc
Nguyên vẫn nhớ. Cách đây 40 năm rồi bây giờ mới được định cư qua Mỹ.
Cũng đã nếm mùi với xã hội chủ nghĩa ngót 15 năm, Mới đến với tự do được
mấy tháng. May nhờ Kiêm Nguyên trước ở Thần Kinh Nhạc Đoàn với mình mới
biết địa chỉ Nguyên nên vội viết thư thăm. Minh ra đi tay không, tự
nhiên phải bỏ hết mà đi qua đây nhờ bạn bạn bè giúp đỡtoàn là giới âm
nhạc. Vì tôi phải chịu 3 năm mới có trợ cấp thực thụ.
Tôi có đem một tấm hình chụp chung với Nguyên và Hoàng qua đây và cũng
có mấy bản nhạc của Nguyên nữa : Đôi Mắt Nhung, Trăng Mờ Bên Suối, Bài
Thơ Huế. Ở Saigon, có nghe tape nhạc họ thu bản Trăng Mờ Bên Suối ở Mỹ
gởi về bán ở Saigon. Tôi, sau khi Nguyên đi đến nay, tôi soạn được
khoảng 200 bản và dạy lý thuyết Âm nhạc ở các trường Tư thục lớn nhất
Saigon trong 12 năm. Khi Hoàng mang bằng cấp đạo diễn về Saigon, mình có
ghé thăm và viết một bài giới thiệu cả Hoàng, Nguyên, Quán, chắc Nguyên
có đọc qua Hoàng gởi qua từ dạo ấy.
À, khươi lại tro tàn, cô M... bạn Nguyên, có gởi tặng tôi 2 tấm hình khi
Nguyên đi rồi, thật cảm động, tôi cũng có mang theo đây. Còn một việc
tôi mong Nguyên, nếu còn nhớ tình bạn, vui lòng cho tôi địa chỉ
S.A.C.E.M (Socìété des Auteurs, Compositeurs et Éditeurs de Musique) mà
tôi có chân là Hội Viên, để tôi gởi thư xin họ lại bản sao "Carte" hội
viên, vì thất lạc trong chiến tranh suốt 40 năm, hầu xem họ có chia cho
chút ít bản quyền nhạc của tôi không ? Nếu được tôi cũng có thể sống qua
ngày chờ đợi 3 năm. Nguyên có cho tôi 1 tấm hình lúc mới qua Pháp, chụp
chung với một em bé Pháp ở bãi biển, vv.
Thôi giấy vắn tình dài, chúc Nguyên cùng gia đình mạnh, sức khoẻ. Xin
hẹn thư sau, THU HỒ : 9241 Adolphia St ; San Diego, CA 92129 (USA). Thư
ngày 26/02/98 có nhắc nhở đến chuyện Thu Hồ (cùng với luật sư Đức Hậu,
tác giả bài "Nếu Em Khóc") trúng tuyển Giải Thi Ca Quốc Tế Hoa Kỳ (niên
khóa 1993-1994) với bài thơ "Kính Mừng Maria" (của THU HỒ mà tôi cho là
tuyệt diệu về phần tín đạo), đã được bà Chủ tịch EliZabeth Barnes (nhân
danh ban giám khảo và các chủ bút Thư Viện Thi Ca Quốc Gia) mời tác giả
lên Washington DC nhận quà tặng trong dịp Đại Hội Thi Ca 1993-1994.
Không ngờ Thu Hồ, ngoài tài năng ca nhạc, còn là một thi sĩ giàu tình
cảm. Bài thơ này quả thật đã làm tôi (NS Lê Mộng Nguyên) xúc động, bàng
hoàng :
Con trổi giọng ngâm nga
Cho bay đến thiên tòa
Tay con lần tràng hạt
KÍNH MỪNG MARIA
Mẹ Ơi ! Con hát tình ca
Gởi lên Tòa Mẹ ở xa xa vời
Lòng con thầm thì không thôi
Con ngây ngất bởi muôn lời ca vang
Gió reo giọng tình tang
Mắt con vẫn mơ màng
Con quỳ bên ảnh mẹ
Chuông chiều buồn mênh mang
Ơn lành mẹ tưới tràn lan
Con đi lạc lối giữa đàng mẹ ơi!
Tay lần tràng hạc mân côi
Mong sao được phước nghỉ ngơi quê nhà
KÍNH MỪNG MẸ MARIA
Hoan hô danh mẹ cả nhà con vui
Tôi xin dịch ra bằng Pháp ngữ như sau để tặng hương hồn tác giả :
J'élève la voix pour réciter les vers qui s'envolent vers Toi,
au Palais du Ciel tout en faisant glisser entre mes doigts
les grains de mon chapelet bien réel
COMPLIMENTS RESPECTUEUX À MARIA
Ô Ma Mère !
Je chante la chanson d'amour destinée spècialement à Ton Autel
très lointain
Mon coeur sans cesse murmurant,
Je demeure extasié par des milliers de chants
Qui retentissent dans le vent
Chantant le bonheur!
Mes yeux restant continuellement rêveurs,
Je m'agenouille devant ton Image
alors que la cloche du soir
sonne dans l'immense tristesse
Que la Grâce, ô Ma Mère, se répande
et me submerge
Pour remettre mon âme égarée dans la voix de la sagesse!
Je fais glisser doucement entre mes doigts mon noble chapelet
Espérant avoir le bonheur et la paix
pour mon pays bien-aimé
COMPLÉMENTS RESPECTUEUX À MARIA
J'applaudis ton Nom grâce auquel ma famille
est au comble de la joie.
"Thu Hồ là nhạc sĩ danh ca đã từ năm 1949 đặc biệt trình bày trên Đài phát thanh Pháp Á (Radio France - Asie) hầu như tất cả sáng tác đầu lòng của Lê Mộng Nguyên..." Thật vậy, bất cứ ai đã từng đọc tiểu sử của tôi trên các báo cũng đều công nhận là giữa tôi và Thu Hồ có một duyên nợ, một thông cảm sâu đậm ngay từ giây phút mới quen nhau... Tình bạn này, chớm nở qua lời ca tiếng nhạc, sẽ kéo dài trong tình yêu văn nghệ (mặc dầu rất ít trao đổi thư từ) cho đến ngày anh tạ thế (lúc 6 giờ 10 phút chiều ngày 19/05/2000)...
Con trổi giọng ngâm nga
Cho bay đến thiên tòa
Tay con lần tràng hạt
KÍNH MỪNG MARIA
Mẹ Ơi ! Con hát tình ca
Gởi lên Tòa Mẹ ở xa xa vời
Lòng con thầm thì không thôi
Con ngây ngất bởi muôn lời ca vang
Gió reo giọng tình tang
Mắt con vẫn mơ màng
Con quỳ bên ảnh mẹ
Chuông chiều buồn mênh mang
Ơn lành mẹ tưới tràn lan
Con đi lạc lối giữa đàng mẹ ơi!
Tay lần tràng hạc mân côi
Mong sao được phước nghỉ ngơi quê nhà
KÍNH MỪNG MẸ MARIA
Hoan hô danh mẹ cả nhà con vui
Tôi xin dịch ra bằng Pháp ngữ như sau để tặng hương hồn tác giả :
J'élève la voix pour réciter les vers qui s'envolent vers Toi,
au Palais du Ciel tout en faisant glisser entre mes doigts
les grains de mon chapelet bien réel
COMPLIMENTS RESPECTUEUX À MARIA
Ô Ma Mère !
Je chante la chanson d'amour destinée spècialement à Ton Autel
très lointain
Mon coeur sans cesse murmurant,
Je demeure extasié par des milliers de chants
Qui retentissent dans le vent
Chantant le bonheur!
Mes yeux restant continuellement rêveurs,
Je m'agenouille devant ton Image
alors que la cloche du soir
sonne dans l'immense tristesse
Que la Grâce, ô Ma Mère, se répande
et me submerge
Pour remettre mon âme égarée dans la voix de la sagesse!
Je fais glisser doucement entre mes doigts mon noble chapelet
Espérant avoir le bonheur et la paix
pour mon pays bien-aimé
COMPLÉMENTS RESPECTUEUX À MARIA
J'applaudis ton Nom grâce auquel ma famille
est au comble de la joie.
"Thu Hồ là nhạc sĩ danh ca đã từ năm 1949 đặc biệt trình bày trên Đài phát thanh Pháp Á (Radio France - Asie) hầu như tất cả sáng tác đầu lòng của Lê Mộng Nguyên..." Thật vậy, bất cứ ai đã từng đọc tiểu sử của tôi trên các báo cũng đều công nhận là giữa tôi và Thu Hồ có một duyên nợ, một thông cảm sâu đậm ngay từ giây phút mới quen nhau... Tình bạn này, chớm nở qua lời ca tiếng nhạc, sẽ kéo dài trong tình yêu văn nghệ (mặc dầu rất ít trao đổi thư từ) cho đến ngày anh tạ thế (lúc 6 giờ 10 phút chiều ngày 19/05/2000)...
Hồiấy, tôi chỉ biết Thu Hồ là một ca sĩ nổi tiếng qua đài phát thanh.
Giọng hát ngọt ngào và ấm cúng đã từ Saigon đến tôi ở Huế qua một máy
Radio khá tối tân mà anh Lê Văn Hy ở cạnh nhà tôi (đường Gia Hội) mới
vừa mua. Sau lúc làm xong Trăng Mờ Bên Suối chiều hôm 13 tháng 11 năm
1949, tôi quyết định gửi tặng Thu Hồ qua địa chỉ : Radio France-Asie
Saigon, Thu Hồ mà tôi không bao giờ biết mặt. Bốn năm ngày sau, vào một
buổi chiều (sắp tối), cháu Quỳnh hối hả báo cho chúng tôi : "Cậu Nguyên!
Thu Hồ hát Trăng Mờ Bên Suối . Tôi chạy ngay qua nhà anh Hy để nghe thì
chỉ còn lại đoạn cuối :
Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ...
(còn tiếp)
Nhạc Sĩ LÊ MỘNG NGUYÊN
Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ...
(còn tiếp)
Nhạc Sĩ LÊ MỘNG NGUYÊN
Để Tưởng Niệm... Nhạc Sĩ THU HỒ
Từ dạo ấy, Thu Hồ tiếp tục trình bày trên đài phát thanh bài Trăng Mờ Bên Suối (TMBS) của Lê Mộng Nguyên rất nhiều lần theo lời yêu cầu càng ngày càng mạnh của đồng bào thính giả toàn quốc. Cứ mỗi lần tôi làm xong một nhạc mới, tôi gởi ngay cho Thu Hồ. Không ngần ngại, không đắn đo, người ca sĩ mà tôi chỉ được làm quen qua thư từ, trình bày ngay (với ban nhạcTrần Văn Lý) qua làn sóng điện cho miền Đông Dương tất cả ngững bài tôi sáng tác đầu tiên.
Tuy còn rất trẻ tuổi nhưng nhờ giọng hát truyền cảm, linh động của người
ca sĩ họ Hồ, tôi đã nhận được nhiều khen ngợi của thính giả, nhất là
phái nữ, rất hâm mộ và muốn liên lạc thư từ với tôi. Những bài làm sau
TMBS rất đúng giọng với người bạn mới (Thu Hồ) như Một Chiều Thương Nhớ,
Hoàng Hoa Thôn, Nhớ Huế, Bài Thơ Huế, Đôi Mắt Nhung, Mơ Đà Lạt, Về Chơi
Thôn Vỹ..., được gởi ngay cho Thu Hồ qua Đài Phát Thanh Pháp Á, cũng
trong thời ấy chúng tôi bắt đầu trao đổi nhạc sáng tác và nhân đó tôi
được biết danh ca THU HỒ là một nhạc sĩ có biệt tài. Thu Hồ gởi tặng tôi
bài "Quê Mẹ" là bài đầu tiên anh viết ngày14/10/1943 mà cũng là một vật
thần (fétiche) của Hồ quân, theo cung la mineur đượm buồn tình quê
hương và tình mẹ con với đoạn đầu rất man mác :
Đêm khuya trăng mờ mắt trông về trong cõi xa mờ
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu
Ôi! Tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền
Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con...
Tác giả Thu Hồ đã giải thích nguồn gốc và hứng cảm bài "Quê Mẹ" ( trong vidéo " Những tình khúc Vượt Thời Gian 3" do Tài Linh hát và Kim Lợi Productions (San Jose, California) phát hành năm 1997 (đại khái) như sau : "... Năm 1943, tôi đang làm Trưởng Ga xe lửa ở Ga Dầu Giây, sau khi xe đi rồi (lo phận sự nhà nước xong), tôi sực nhớ hôm nay là ngày sinh nhựt của tôi : ngày 14 tháng 10. Tôi buồn quá vì mới 23 tuổi mà không cha, không mẹ, không bà con, không anh em ruột thịt. Làm gì để kỷ niệm sinh nhựt của mình ? Tôi lấy cây đàn guitare, lên dây và viết vài câu, thấy hay hay liền đặt đầu đề cho bản nhạc : "QUÊ MẸ" vì nhớ đến hai câu thơ tổ tiên mình để lại : "Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu ".
Đêm khuya trăng mờ mắt trông về trong cõi xa mờ
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu
Ôi! Tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền
Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con...
Tác giả Thu Hồ đã giải thích nguồn gốc và hứng cảm bài "Quê Mẹ" ( trong vidéo " Những tình khúc Vượt Thời Gian 3" do Tài Linh hát và Kim Lợi Productions (San Jose, California) phát hành năm 1997 (đại khái) như sau : "... Năm 1943, tôi đang làm Trưởng Ga xe lửa ở Ga Dầu Giây, sau khi xe đi rồi (lo phận sự nhà nước xong), tôi sực nhớ hôm nay là ngày sinh nhựt của tôi : ngày 14 tháng 10. Tôi buồn quá vì mới 23 tuổi mà không cha, không mẹ, không bà con, không anh em ruột thịt. Làm gì để kỷ niệm sinh nhựt của mình ? Tôi lấy cây đàn guitare, lên dây và viết vài câu, thấy hay hay liền đặt đầu đề cho bản nhạc : "QUÊ MẸ" vì nhớ đến hai câu thơ tổ tiên mình để lại : "Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu ".
Tôi nghe lại rất là xúc cảm và sau khi sửa đi sửa lại cho hoàn hảo, tôi
để cất một bên (nhạc thịnh hành thời ấy là nhạc Pháp do Tino Rossi hát
chẳng hạn) và tiếp tục làm những bản khác sau này..." Qua trang bìa 4 từ
" Tuyển Tập Nhạc HOA BỐN MÙA " của Nhạc sĩ Thu Hồ, Nhà Xuất Bản Thứ Tư
1993, nói về " Vài nét chánh về cuộc đời nghệ sĩ Thu Hồ ", tôi được biết
Thu Hồ đồng nguyên quán với tôi (sinh tại làng Tân Mỹ, tỉnh Thừa Thiên,
Huế) lớn hơn tôi 12 tuổi. Lúc còn học, anh trú ngụ tại nhà ông bác là
thân phụ nhạc sĩ Trần Văn Lý và vì vậy được học nhạc lý vững vàng từ
thuở nhỏ. Cũng vì thế mà tất cả những bản nhạc anh sáng tác không một
khuyết điểm nào trên mặt nhịp điệu và hòa âm.
Về phần tình cảm, nhạc sĩ Thu Hồ đã lấy quê hương và mẹ làm tiêu chuẩn,
ngay trong bản đầu lòng Quê Mẹ (1943) mà chúng ta đã biết và sau đó :
Tiếng Sáo Chiều Quê, Khúc Ca Trên Đường Về, Khúc Ca Thôn Dã, Sầu Ly
Biệt... được nhà xuất bản An Phú và Á Châu phát hành cùng với rất nhiều
bản nhạc của Lê Mộng Nguyên mà Thu Hồ đã trình bày trên đài phát thanh
Pháp Á biến thành đài phát thanh Saigon từ năm 1951-1952, toàn "mang
nhiều âm hưởng nhẹ nhàng của những làn điệu dân gian, do đó dễ đi sâu
vào tâm tư đa số người thưởng ngoạn" (nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Tựa Hoa Bốn
Mùa). Đề tài Quê Mẹ theo dõi anh đến tận Hoa Kỳ là nơi anh định cư từ
1990 : Con Sẽ Về Quê Mẹ, Quê Mẹ Lạnh Lắm Rồi, Mùa Đông Ơi, Thu...
Với Mùa Thu, Trăng Huyền Diệu, Nhớ Em Mùa Nắng Ấm...phần đông tụ tập
trong HBM in năm 1993 (22 bài trên hơn 200 bài TH đã sáng tác). Để trả
lời thư TH ngày 27/09/1990 từ San Diego, tôi viết (trong thư đề ngày
12/10/1990 từ Paris : Nhận được tin Thu Hồ từ đất khách xa xôi, sau 40
năm xa cách, tôi rất cảm động và bâng khuâng nhớ lại những ngày tươi trẻ
ở Huế (nghe giọng hát xúc cảm của TH trên đài Pháp Á trình bày những
lời thơ ý nhạc của Nguyên gửi tặng M... một cách âm thầm) và Saigon (lúc
được gặp mặt Thu Hồ lần đầu tiên). Trong dịp hè vừa qua, tôi và Nicole
có mặt tại San Diego suốt một ngày (09/08/1990) : buổi sáng xem thành
phố cũ, buổi chiều đi Sea World, thật đáng tiếc không biết Thu Hồ đã
định cư ngay tại cố đô này.
Nhưng tôi hy vọng, hoặc chúng ta thế nào cũng có dịp gặp lại nhau, hoặc
ở Pháp, hoặc ở Mỹ, có phải không ? Tôi ở đây (Pháp) từ cuối năm 1950,
lo giảng dạy Luật Hiến pháp và Khoa học Chính trị (Science Po.) tại Đại
Học Paris (sau này đổi thành Paris 1 - Panthéon-Sorbonne), rất ít thì
giờ thảnh thơi... nhưng lâu lâu cũng có sáng tác cho đăng trên mấy đặc
san mùa Xuân VN ở hải ngoại.Tôi cũng có dịp nghe nhiều nhạc Việt nhất là
nhạc của Thu Hồ rất rung động và nhớ nhung... À, hai bài "Mơ Đà Lạt" và
" Lá Thư Cho Mẹ " có xuất bản bên nhà Nguyên nhận được cả : Thu Hồ có
còn giữ lại không? Để kết, tôi cho Thu Hồ biết địa chỉ của SACEM tại
Neuilly-Sur-Seine, Pháp).
Trong thư đề ngày 27/09/1990 từ San Diego, Thu Hồ kể lại chuyện một cô
ca sĩ - như thông lệ - quyết định "tổ chức cho mình một dạ vũ, để có thể
sống chờ đợi 3 năm và mua một xe làm chân" nhưng vì trục trặc nhiều
chuyện "sécurity"... thành kết quả "chỉ đủ trang trải chi phí. Tay trắng
trắng tay. Đó là câu chuyện hên thấy rõ, mà xui".
Trong chương trình Dạ Vũ Thu Hồ ấy , tổ chức tối thứ năm 11/10/1990, tại
Khiêu Vũ trường The Palace ở Anaheim (California), ban tổ chức giới
thiệu Nghệ sĩ Thu Hồ là "Người ca nhạc sĩ tài hoa của miền Nam Việt Nam
từ 1948 cho tới nay, mới qua California! Với các ca sĩ : Kim Anh, Giao
Linh, Thanh Thúy, Ngọc Minh, Carol Kim, Sơn Ca, Sơn Tuyền, Băng Châu,
Thanh Mai, Lệ Hoa và Duy Khánh, Hùng Cường, Billy & Barbara Shane,
Quang Minh và ban nhạc The Palace và để kết luận : "Phần lớn ca sĩ trên
đây đều là học trò, là em, hay là người ái mộ ca nhạc sĩ Thu Hồ, người
nhạc sĩ có giọng ca ngọt ngào nhất của những buổi phát thanh đầu tiên
của đài Pháp Á Saigon "...
Thu Hồ cho biết là sau đêm dạ vũ "mấy cháu cho biết lại lo xin lập hồ sơ
mượn tạm ít nhiều hàng tháng, đến nay mới lập xong, chỉ còn chờ quyết
định..." Vì vậy, nay mới có giờ rỗi viết thư cho bạn. Mấy bản Nguyên
hỏi, làm gì còn được. Vì C.S. vào, Hồ đốt biết bao nhiêu là nhạc mà
chúng cho là nhạc ủy mị, vàng, xanh đỏ, tím, ôi thôi đủ thứ. Riêng Hồ
gần 200 bản, mà đút lén đem qua được Mỹ vài chục bản thôi. Chính bản của
Nguyên mình thích nhất là Hoàng Hoa Thôn, mà cũng không còn. Chỉ còn
mấy bản ghi thuở trước.
Chuyện anh em ta còn gặp lại chăng, chỉ là do Nguyên. Hồ thì làm gì có
tiền mà mong qua Pháp. Mà Pháp lại hợp với mình về ngôn ngữ và nếp sống.
Mình gởi cho Nguyên bản "Cô Nữ Sinh Đồng Khánh" là bản nhạc bán chạy
nhất năm 1965, mà hãng Continental đã thưởng mình mấy chục ngàn kỳ đó.
Nếu báo Xuân Đồng Khánh cần, Nguyên có thể copie biếu họ. À Duy Khánh
đàn em chúng mình gởi lời thăm Nguyên. Mình có đứa con gái, lúc 3 anh em
Nguyên ghé nhà thì chưa có nó, tên Mỹ Huyền nối nghề cha. Hiện đang
trình diễn hằng đêm các rạp tại thành Hồ. Nó được mời đi Lào, Hà Nội,
Huế, vân vân, rất ăn khách. Hy vọng nó qua được nay mai...
PHẦN III
... Trở lại dòng ký ức năm xưa (1949 - 1950) : từ lúc tôi từ giã quê hương và đặt chân trên đất Pháp ngày 05/10/1950 (tại phi trường Orly), Thu Hồ tiếp tục trình bày những bài tôi gửi cho anh từ Paris vì suốt mấy năm sau 1951- 1952 tôi vẫn sáng tác dồi dào lúc đầu ở kinh thành hoa lệ... Xuân Tha Hương, Lá Thư Cho Mẹ, Bên Dòng Sông Seine, vân vân. TH thương mến nhạc tôi, muốn biết ai là người đã làm cho tôi hứng cảm sáng tác những bài nhạc lãng mạn và nhung nhớ ? Lúc tôi đã qua Pháp du học, Thu Hồ vẫn tiếp tục nhắc nhở đến cô gái (lúc bấy giờ có tại Saigon, mà tôi đã yêu da diết một thời tươi trẻ. TH là người đại diện cho tôi với các nhà xuất bản như Ái Hoa, Tinh Hoa, Á Châu và An Phú... tại Việt Nam đã phát hành một phần lớn nhạc phẩm của tôi mà qua đài phát thanh và giọng hát truyền cảm của TH, được lừng danh rất sớm vì đánh trúng con tim và tâm hồn lãng mạn của thanh thiếu niên thời bấy giờị (và mãi mãi cho đến ngày nay).
Lúc tôi vào Nam cuối tháng 9 - đầu tháng 10 năm 1950 để đợi máy bay từ Saigon qua Paris (tôi còn nhớ hãng Air France hồi ấy không những không cho "réduction" cho sinh viên du học mà bắt phải mua giấy khứ hồi), anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, tôi đi cùng với anh Hoàng (em Quán đã đi trước bằng tàu thủy, cháu Diêu và một người bạn Nguyễn Đức Kỳ Sơn đến nhà Thu Hồ ăn cơm tối và ngủ lại một đêm theo lời mời của chủ nhân. Sau đó, chúng tôi cũng có đi ăn nhà hàng và Thu Hồ đem tôi và anh Hoàng đến thăm ông Hoàng Cao Tăng là chủ sự đài phát thanh Pháp Á (đổi thành đài phát thanh Saigon của Quốc Gia Viêt Nam độc lập sau này) với vài món quà thực phẫm đem từ Huế.
Trong dịp này ông Tăng có mời tôi và anh Hoàng lên Đài thâu vài bản nhạc của Lê Mộng Nguyên. Tôi nhớ đã hát Hoàng Hoa Thôn và Nhớ Huế và anh Hoàng bài Trăng Mờ Bên Suối (rất đúng giọng ténor léger trời phú cho anh)... Lúc tôi ở Paris du học, ông giám đốc đài Saigon có ghé thăm chúng tôi tại kinh đô ánh sáng và mời chúng tôi lên Studio Radio diffusion Française hồi ấy để thâu vài bài nhạc nổi tiếng của tôi (mà Thu Hồ đã giới thiệu tích cực cho đồng bào VN qua giọng truyền cảm và nhung nhớ của một nhạc sĩ tài hoa). Tôi với Thu Hồ thật có duyên nợ trong cuộc đời này và những dòng chữ được viết ra ở đây (thốt tự đáy lòng) là để dâng tặng hương hồn một người bạn, một người anh cả kính mến đã vĩnh viễn ra đi...
Bẳng đi mấy năm, một hôm tôi nhận được thư của người xưa từ Santa Ana 26/06/1993 : "Mộng Nguyên mến, Đã qua lâu không có thư cho Nguyên. Tuy vậy, vẫn nhớ luôn luôn bạn hiền. Vừa rồi Mỹ Huyền có đi show ở Đức, có qua Pháp, nhưng vì nó không biết trước, nên Hồ không cho nó phone của Nguyên. Gởi Nguyên vài tin về hoạt động của mình và của cháu Mỹ Huyền. Trong đó có tin về Production Giáng Ngọc dính líu đến Nguyên nữa (đọc báo)...mình có nghe Giáng Ngọc đề nghị lấy của Nguyên 10 nhạc phẩm. Đã d'accord en principe. Vậy Nguyên gởi 10 bản ưng ý, tấm hình 6/9 và Histoire résumée về nhạc của Nguyên, sẽ cho ra 10 nhạc phẩm, in hình trên tape nhạc+ histoire...", kèm theo thư có một bài báo dưới mục "Sinh Hoạt Văn Nghệ " do Tô Kiều Phương phụ trách với nhan đề "Từ Canada, nhạc sĩ Lê Dinh gởi thơ hoan hô việc làm sắp tới của Trung Tâm Giáng Ngọc " :
Nghe rằng qua đất tự do này, nhạc sĩ Thu Hồ đã lần lượt bắt liên lạc với các Ban nhạc sĩ khắp nơi, trong đó có nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, hiện là giáo sư luật khoa tại Pháp, nhạc sĩ Lê Dinh tại Montréal, Canada, nhạc sĩ, tay trompette có giá lúc xưa, v.v... Riêng Lê Dinh cũng đang cộng tác với tuần báo Điện Ảnh của Đặng Sĩ Hỷ ở Toronto.
Anh Lê Bá Chư cũng đã nhờ nhạc sĩ Thu Hồ thương lượng với hai nhạc sĩ Lê Dinh ở Canada và Lê Mộng Nguyên ở Pháp, mua bản quyền mỗi anh 10 bản. Vì hai nhạc sĩ này sáng giá từ thập niên 50... Chuyện này không thành, mặc dầu Thu Hồ đã làm tròn nhiệm vụ người trung gian một cách tận tâm, vì sau khi tôi (LMN) làm như nói trên, Thu Hồ loan báo (trong thư 28/09/1993) cho biết : Tất cả đã chuyển cho Lê Bá Chư rồi, cũng như có nhắc anh ta, cứ theo địa chỉ Nguyên ở bao thư liên lạc với Nguyên nữa...
Trong thư đề ngày 23/04/1998, tôi cảm ơn Thu Hồ đã gởi lời khen ngợi trong dịp tôi được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoậi Pháp và nhắc lại chuyện anh được trúng tuyển Thi Ca Quốc Tế : "Nguyên cũng hãnh diện đã có một người bạn tài hoa như Thu Hồ, quen biết nhau gần 50 năm và xin phép nói đến TH nhiều trong tiểu sử của Lê Mộng Nguyên đăng trên các báo... Công chuyện mình với Trung Tâm Giáng Ngọc ra sao ? Xin Thu Hồ tiếp xúc với anh giám đốc và cho mình biết kết quả" .
Trở lại thư Thư Hồ gởi cho tôi (đề ngày 28/09/1993) về hoạt động văn nghệ của gia đình anh : " Tôi đã đi Washington DC lãnh giải thưởng Quốc Tế về thơ trúng tuyển, cũng như chọn được là Thi Sĩ Quốc Tế và đại Sứ Thi Ca hòa Bình của tôi, với luật sư Đức Hậu, một thi sĩ bạn. Vậy là Việt Nam có 2 thi sĩ được vinh dự đó, trong tháng 08/1993. Tôi cũng đi với Mỹ Huyền qua Montréal diễn, cũng vui lắm. Hiện giờ tôi đang lo cho cuộc tổ chức "Đêm Quê Mẹ ", gởi quảng cáo sang cho Nguyên xem chơi đây. Chúc gia đình vui vẻ, mạnh khỏe. Nếu cháu Mỹ Huyền có qua Pháp lần nữa sẽ phone thăm Chú Thím hy vọng tháng 11/1993. Thân ái, Thu Hồ " Thu Hồ ơi, nghe tin bạn mất (do báo Nghệ Thuật số tháng 06/2000 của nhạc sĩ Lê Dinh cho biết), tôi có một ân hận là không được dịp qua gặp anh ở Hoa Kỳ (nơi anh định cư từ năm 1990, ít nhất một lần...
Anh ra đi để lại cho đời một gia tài thi ca nhạc chưa từng có vì thấm nhuần sắc thái và âm hưởng dân tộc và quê hương đến tận cùng, cho thanh thiếu niên những thế hệ sau một gương mẫu huy hoàng trong sứ mệnh phục vụ gìn giữ văn hóa nước nhà, cho gia đình và bằng hữu một đau buồn và tiếc thương không bờ bến : “Một đêm thiết tha rồi đây xa cách, Rồi đây hai ngả biết tới phương nào ?”
Tác Giả : Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên - Paris
BÙI TÍN * 100 NGÀY CỦA TRUMP
100 ngày của Trump và bài báo thâm thúy Mỹ - Kimberly Dozier
02/05/2017
Bùi Tín
Tổng Thống Trump cùng người ủng hộ tại lễ kỷ niệm 100 ngày đầu làm tổng thống.
Chia sẻ
Trước đó, ông Reince Priebus, Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc cũng bị loại.
(Posted by: Gop gio, tu do-ngon luan, 5/6/2017, 13.49PM)
02/05/2017
Bùi Tín
Tổng Thống Trump cùng người ủng hộ tại lễ kỷ niệm 100 ngày đầu làm tổng thống.
Chia sẻ
Xem bình luậnDonald Trump, Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ, một tay ngang
chưa từng có chức vụ công quyền nào, vào Tòa Bạch Ốc vừa tròn 100 ngày.
Đã thành nếp, mỗi Tổng Thống Hoa Kỳ sau 100 ngày cầm quyền được dư luận
bàn luận, tranh cãi sôi nổi để dự đoán, phỏng đoán xem cả nhiệm kỳ 4 năm
tới sẽ ra sao.
Cuối tháng 4/2017, các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ, phương Tây, toàn thế
giới, đều sôi nổi bàn luận về đề tài này, vì ông Trump là tổng thống
loại kỳ khôi, đặc biệt, không giống ai, bị đánh giá rất khác nhau, trái
ngược nhau, thật khó nhận ra đâu là dúng, là chính xác.
Đọc hàng trăm bài bình luận trên báo Hoa Kỳ, báo Pháp, Anh, Đức, Canada,
Nhật, Trung Quốc… người đọc dễ phân vân hoang mang, khó nhận ra đúng
sai, thật giả.
Tôi rất chú ý đến một bài của cô nhà báo Mỹ - Kimberly Dozier, nguyên là
phóng viên chiến trường, xông xáo trên các chiến trường Afghanístan,
Iraq, từng bị thương khi săn tin nóng nhất cho CBS và CNN. Hơn một năm
nay, cô chuyển sang viết bình luận trên báo ''The Daily Beast,'' rất sâu
sắc, già dặn khi tuổi vừa tròn 50.
Đánh giá 100 ngày đầu của ông Trump không dễ. Có nhiều người bi quan,
hốt hoảng khi một nhà buôn tỷ phú thành đạt, đến 70 tuổi mới chuyển sang
làm chính trị, một lĩnh vực phức tạp, lại trúng cử chức Tổng Thống cao
nhất của quốc gia, với một tính khí khác người. Đó là cái vẻ tự cao tự
đại quá đáng, nói năng bỗ bã có khi thô thiển, thiếu suy nghĩ, lại có
lúc làm dỗi, chối phắt lỗi rõ ràng như con trẻ, đến mức bà Hillary
Clinton phải cảnh báo đó là con người ''chưa trưởng thành,'' không đủ
phẩm cách làm tổng thống. Cũng có người lo ông Trump có thể sớm bị phế
truất do có quan hệ với nước ngoài trong cuộc tranh cử.
Có nhiều lý do để bi quan cho tình hình Hoa Kỳ dưới quyền Trump trong
100 ngày mở đầu. Ông đã thất bại khi hứa bãi bỏ ngay kế họach Obamacare
để thay bằng Trumpcare ; ông cũng thất bại khi hứa sẽ hủy ngay Hiệp Định
Thương Mại Hoa Kỳ-Canada-Mexico ; ông cũng thất bại trong việc hứa rút
ra khỏi Hiệp Ước Quốc Tế về Khí Hậu Toàn Cầu; thất bại lớn nữa trong
việc xây lập tức bức tường ngăn biên giới với Mexico. Ông đã buộc lòng
làm một số việc trái với ý định và những lời tuyên bố khi tranh cử, đó
là coi thường khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, nay lại
tuyên bố rất coi trọng, tuyên bố sẽ thiết lập quan hệ thân với nước Nga
của ông Putin nhưng nay lại phải giữ khoảng cách đáng kể.
Theo nhà báo Kimberly Dozier, những điều thay đổi trên đây không phải là
thất bại của ông Trump, trái lại đó là những điều tốt đẹp, uốn nắn
những tuyên bố quá đà, cực đoan khi tranh cử, là những điểm tích cực
trong 100 ngày đầu.
Bên cạnh những điểm tích cực trên lại phải kể đến những điểm son tươi
đẹp của 100 ngày qua. Đó là quyết định bất ngờ mạnh mẽ trừng phạt Al
Assad ở Syria bằng 59 tên lửa Tomahawk, trừng phạt hang ổ Taliban ở
Afganístan bằng những ''bom Mẹ'' cực lớn, là cảnh báo nghiêm khắc Bắc
Triều Tiên trong khi thắt chặt liên minh quân sự với Nhật Bản, Nam Hàn,
Đài Loan và Ấn Độ, những quyết định đi ngược với ý định ''tự cô lập'' -
Isolationist, không can thiệp.
Với Trung Cộng, Trump đã buộc Tập Cận Bình tư kiêu tự đại phải hạ cố
sang Florida, nơi nghỉ mát riêng của ông Trump, không kèn không trống,
không có thảm đỏ duyệt binh, 21 phát đại bác. Họ Tập giật mình khi ăn
tiệc vừa xong, ông Trump thông báo vụ 59 tên lửa Tomahawk vừa phóng
xuống Syria. Tập phải cam kết tham gia ngăn cản Bắc Hàn lao vào thử bom
nguyên tử. Việc tăng thuế hàng Trung Cộng tà tà để sau cũng không sao.
Việc tranh thủ Trung Ciộng trong ngăn chặn Bắc Hàn phiêu lưu là cấp
thiết hơn.
Cô nhà báo Kim Dozier cho rằng những điểm tích cực, thành tựu nổi bật
của Tổng Thống Trump trong 100 ngày đầu không phải từ ông Trump, mà công
đầu là từ một bộ ba nhân vật gần ông, gồm tướng Jim Mattis, Bộ Trưởng
Quốc Phòng ; Rex Tillerson, Bộ Trưởng Ngoại Giao; và John Kelly, Bộ
Trưởng Nội An, nguyên là tướng Hải Quân.
Bộ ba này được cô Kim đặt tên là ''Trục liên minh của những người đã
trưởng thành'' - ''The Axis of Adults,'' ý nói ông Trump chưa trưởng
thành, còn trẻ con, ấu trĩ về cầm quyền, nên bộ ba này đã tự nguyện đóng
vai trò ''cầm lái thay,'' ý nói như vai trò Phụ Chánh Đại Thần khi nhà
Vua còn nhỏ tuổi thời phong kiến. Đáng chú ý, nhóm này không có công gì
trong cuộc tranh cử tổng thống.
Bộ ba này hiện cùng có chân trong NSC - National Security Council - Hội
Đồng An Ninh Quốc Gia, biết tranh thủ sự đồng tình của tướng McMaster,
Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của tổng thống, của Giám đốc CIA, Mike Pompeo,
cũng như của Đại sứ Nikki Haley ở Liên Hợp Quốc.
Chính nhóm ''Adults'' này đã tìm cách gạt dần những cận thần cực đoan
của ông Trump trong cuộc tranh cử, loại họ ra khỏi Tòa Bạch Ốc, như
tướng Mike Flynn và ông Steve Bannon, cả 2 còn cực đoan hơn cả ông chủ
Trump của họ. Hai ông này cậy công lao lớn trong cuộc tranh cử thắng lợi
có hy vọng tham chính rất lớn nhưng cuối cùng bị ra rìa.
Nhóm ''Adults'' còn có mưu cao là tiếp cận tranh thủ cô Ivanka, con gái
cưng của ông Trump, vì cô Ivanka rất thông minh, khôn khéo, biết cách
thuyết phục bố mình, để vừa tránh thất bại, vừa giành nhiều thắng lợi
nổi bật. Cô luôn ngồi cạnh bố khi ông tiếp Thủ Tướng Nhật Bản và Thủ
Tướng Đức.
Điều ly kỳ thú vị là các quyết định chiến lược không được bàn bạc tại
các buổi họp NSC mà được bàn kỹ trước trong các bữa ăn riêng hàng tuần
của nhóm ''Adults,'' khi họp NSC chỉ là để thuyết phục ông Tổng Thống
phê chuẩn.
Cô Kim còn vén bức màn bí mật, cho biết nhóm ''Adults'' đã tiếp nhận
nhiều ý kiến xây dựng từ các nhân vật có trình độ và có thiện chí từng
làm việc dưới thời Tổng Thống Bush (cha) và cả thời Tổng Thống Obama
(như chuyên gia Colin Kahl).
Chính cái ''túi khôn'' này đã làm nên những điểm son và tránh những điểm đen cho Tổng Thống Trump trong 100 ngày đầu vừa qua.
Cầu mong nhóm ''Adults'' tận tâm mưu lược sẽ tận lực giúp cho Tổng Thống
Trump trưởng thành nhanh chóng suốt trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên, thật
sự ''Làm Cho Hoa Kỳ Vĩ Đại'' lâu bền.
Khanh Nguyen
100 ngay dau cua Trump - Hinh 2
(Posted by: Gop gio
Saturday, June 17, 2017
TIẾT LỘ VỀ TÁC GIẢ HAI SĂC HOA TI GÔN
Giai nhân Hà thành tiết lộ về tác giả bài thơ ‘Hai sắc hoa ti gôn’
– Một ngày cuối
bốn tuần 5, tại căn nhà nằm từ trần sâu trong con ngõ nhỏ Võ Thị Sáu,
Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi có dịp chạm chán bà Viên Thị Thuận, năm
nay 94 tuổi, một trong những nữ sinh Đồng Khánh thuở nào.
>>Kỳ 1:
Nữ sinh Đồng Khánh khước từ thiếu gia buôn gỗ, làm vợ thầy thuốc Bạch Mai
Trường nữ sinh Đồng Khánh – Hà Nội (College de Jeunes Filles) được thành
lập năm 1917, nay là trường THCS Trưng Vương – Hà Nội, là ngôi trường
độc nhất của miền Bắc dành riêng cho nữ sinh tới cấp trung học.
Ngôi trường được xây đắp vào những thập niên đầuthế kỷ 20, khi vấn đề nữ
quyền đang chạm chán nhiều rào cản của tư tưởng phong kiến.
Từ đây, nhiều tiểu thư khuê các mau chóng bước ra khỏi chốn “màn che
trướng rủ” để tham gia với thời đại, trở thành những nữ sinh Đồng Khánh
có tiếng duyên dáng và nết na.
Trong số họ có rất nhiều người là bậc kỳ nữ tài tình sau này, như giáo
sư Lê Thi (Dương Thị Thoa) con gái GS Dương Quảng Hàm, nhà giáo Hoàng
Xuân Sính – nữ tấn sĩ toán học trước tiên ở vn…
Bên cạnh đó, trường Đồng Khánh còn được nhiều người biết tới là ngôi trường của những mĩ nhân…
Ngôi trường của những mĩ nhân
Trong tâm tưởng người Hà Nội xưa, trường nữ sinh Đồng Khánh nức
tiếng với những cô học trò dễ nhìn đầy mơ mộng, hồn thiên thướt tha
trong tà áo dài đã trở thành một miền kí ức khó phai.
Một ngày cuối bốn tuần 5, tại căn nhà nằm từ trần sâu trong con ngõ nhỏ
Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi có dịp chạm chán bà Viên Thị
Thuận, năm nay 94 tuổi, một trong những nữ sinh Đồng Khánh thuở nào.
Thời gian dẫu nhuốm màu tuổi tác, nhưng vẻ quý phái, cao nhã của mĩ nhân
Hà thành ngày đó vẫn toát ra từ người nữ giới ở tuổi cửu thập cũ rích
lai hy này.
Bằng chất giọng nhỏ nhẹ với tư thế đoan trang, bà Thuận kể: “Muốn vào
trường Đồng Khánh học, các học trò phải vượt qua các kỳ thi gắt gao, chỉ
ai thực thụ học giỏi mới đỗ được vào trường Đồng Khánh”.
Theo bà Thuận, ngày xưa nữ sinh Đồng Khánh được học vừa đủ, họ không chỉ
được dạy văn hóa, dạy tiếng Pháp mà còn được dạy nữ công gia chánh,
hát, đàn piano, thể dục sport.
Lớp của bà Viên Thị Thuận khóa 1934 – 1942. Ảnh: Nguyễn Lân Bình cung cấp |
Bên cạnh đó, trường còn dạy thêu thùa may vá, cách tắm và chăm chút cho
trẻ lọt lòng, cách ăn tiêu sao cho thích hợp lý bằng cách phân loại ra
tiền điện, tiền nước, tiền ăn…
Ngày đó, nữ sinh Đồng Khánh nức tiếng không chỉ sáng dạ, dễ nhìn mà còn
khôn cùng nết na thuỳ mị. Ai cũng nữ tính đài các, rất mực đa cảm nhưng
vô cùng bí mật, tế nhị. Dù có thích ai họ cũng chỉ giữ kín trong lòng
hoặc gửi gắm vào những trang lưu bút.
Cựu nữ sinh Đồng Khánh cho biết: “Ngày đó cuộc sống của chúng tôi nói
riêng và các tiểu thư đương thời tổng thể rất lãng mạn. Chúng tôi thường
đọc thơ và chép thơ vào những quyển lưu bút”.
Một cô người chơi cùng lớp bà Thuận, so với các người chơi có phần cá
tính, mạnh mẽ hơn nhưng tâm hồn cũng không kém phần lãng mạn, cô là con
gái một thầy thuốc.
Cô người chơi này có tình cảm với giáo viên dạy sport người Pháp, đẹp
trai và tư thế. Bị các người chơi trong lớp phát hiện, trêu đùa, cô
thường hay ngượng ngùng.
Rồi mối tình đơn phương đó cũng sớm chấm dứt khi thấy giáo thành hôn
cùng người nữ giới khác. Còn cô thì gửi nỗi buồn da diết của mối tình
đầu vỡ vạc vào những quyển sổ lưu bút.
Bà Viên Thị Thuận cho biết thêm, các nữ sinh Đồng Khánh thường mặc áo dài thướt tha, thả mái tóc dài mượt, gọn gẽ tới trường.
Đặc biệt, theo nội quy nhà trường, không ai được phép điểm trang khi đi
học. Thế mà các nữ sinh Đồng Khánh lại rất đẹp, đẹp tới hút hồn khiến
bao trái tim nam sinh các trường THPT, ĐH phải đắm say, ngơ ngẩn.
Trang lưu bút bà Thuận viết cho người người chơi học ở trường Đồng Khánh. Ảnh Nguyễn Lân Bình cung cấp |
Theo đó giới tính học riêng, buổi chiều tan học, nam sinh từ các trường
kì dị lân la tới cũ ríchng trường Đồng Khánh, đứng ngắm, nhìn trộm từ xa
lúc các cô gái tan học về. Hầu như chàng trai nào cũng mơ được làm quen
với một nữ sinh Đồng Khánh.
Họ coi đó là niềm hãnh diện, kiêu hãnh để khoe với người chơi hữu, nhưng
điều này quả là chuyện khó, bởi mấy nữ sinh Đồng Khánh luôn lạnh như
băng, trầm lặng như đại dương sâu. Với họ nữ sinh Đồng Khánh luôn là…
một ẩn số.
Giai nhân tiết lậu sự thật về tác giả bài thơ “Hai sắc đẹp hoa ti gôn”
Bà Thuận cho biết, học trò nữ từ các tỉnh giấc miền Bắc về đây học tập,
phần đông là con gái gia đình trung lưu, có địa vị trong xã hội. Vào
thời kì bà Thuận học năm 3 ở trường Đồng Khánh, có người người chơi rất
dễ nhìn, tên là Phạm Thị Lý (SN 1922, quê ở Phủ Lý).
Người người chơi này của bà được mệnh danh là hoa khôi trường Đồng
Khánh, dễ nhìn, sáng dạ nhưng gia đình muốn bà lấy một người chồng bà
không có tình cảm. Vốn có tâm hồn đa sầu, đa cảm nên khi phải lấy người
mình không yêu, bà rất âu sầu.
Bà Viên Thị Thuận san sớt: “Cũng có thể trong lòng bà ấy đã có ý trung
nhân nào khác nhưng ở thời kỳ nữ quyền vừa khởi đầu những bước đi trước
tiên, vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến thì việc dành tình cảm cho người
đại trượng phu nào đó, dẫu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” là điều
chẳng thể. Nên khi phải về lấy chồng bà ấy rất buồn… Trước khi lấy
chồng, bà Phạm Thị Lý đã sáng tác bài thơ ‘Hai sắc đẹp hoa ti gôn’ gửi
đăng báo bằng bút danh TTKH, với mục tiêu giấu tên.
Bà không ngờ được bài thơ mình sáng tác trong cái giây lát cảm hứng lại
trở thành nức tiếng cho tới hiện tại. Hôm đó, bà Lý cùng tôi tới tòa
soạn gửi bài thơ rồi đi thẳng nên chẳng ai tìm được tác giả”.
Bà Thuận cũng cho biết thêm: “Trước khi gửi đăng báo, bà Lý từng đọc cho các người chơi trong lớp nghe…”.
Bà Thuận lần giở những bức ảnh cũ lưu trên ipad. Ảnh: Diệu Bình |
Sau này, rất nhiều giả định được đưa ra để xác định tác giả thực thụ
nhưng đều dừng lại ở chừng độ ngờ vực, vì tác giả bài thơ chưa bao giờ
lên tiếng công nhận.
Hình như, dù là cuộc hôn nhân “ép buộc” nhưng cuộc đời bà lại vô cùng
hạnh phúc. Có thể thành thử, những cảm xúc đầu đời cùng bài thơ “Hai sắc
đẹp hoa ti gôn” được bà Lý cất gọn trong kí ức.
Vợ chồng bà sinh được 10 người con, sau này bà theo chồng sang Mỹ định
cư và mất ở tuổi 80. Và, tác giả của một bài thơ nức tiếng giờ vẫn là bí
hiểm trong văn đàn.
Một nữ sinh nức tiếng khác của trường Đồng Khánh, chẳng thể không nhắc
tới là GS Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, con gái của cố GS Dương
Quảng Hàm.
Bà cùng các anh chị em được ba má cho ăn học đàng hoàng ngay từ khi còn
nhỏ. Bà chính là một trong hai nữ sinh đã kéo cờ trong ngày chủ quyền
trước tiên tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945.
Gần 80 năm đã trôi qua, nữ sinh trường Đồng Khánh cùng khóa bà Thuận chỉ
còn lại một vài người. Nhưng mỗi dịp có thời cơ chạm chán, họ vẫn tranh
thủ ngồi lại hàn huyên và ôn lại những kỉ niệm vàng son thủa nào…
LÂM VĂN BÉ * NGƯỜI TỊ NẠN & VIỆT KIỀU
Người Tị Nạn và Việt Kiều
(Tựa nguyên tác của tác giả)
(Tựa nguyên tác của tác giả)
Sau năm 1975, người Việt Nam bỏ nước ra đi tị nạn đã bị Cộng Sản gọi bằng những danh từ khác nhau. Những danh từ nầy mang những hậu ý chính trị gian xảo, do đó việc tìm hiểu ý nghĩa chính xác những danh từ nầy thật cần thiết để chúng ta sử dụng chính xác trong từng trường hợp.
Người tị nạn.
Khi vào cưỡng chiếm đất miền Nam, cưỡng đoạt tài sản dân miền Nam, Cộng Sản đã gọi tất cả dân miền Nam là bọn Mỹ Ngụy. Đối với người dân có cơ may vượt thoát được bằng những cuộc vựơt biển, vượt biên để xin tị nạn ở các xứ tự do, cộng sản dùng nhiều danh từ thô tục để điểm mặt người tị nạn.
Trước tiên, trong một hội nghị với các cán bộ tại Hà nội năm 1975, Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Xã hội đã ví von một cách tục tĩu dân miền Nam là những con điếm cho Mỹ làm tình để đổi lấy viện trợ. Cùng trong tư tưởng dâm ô ấy, Lê Duẩn mạt sát những người di tản là một bọn ma-cô, đĩ điếm, Phạm văn Đồng chửi người ra đi là bọn phản quốc, và các nhà báo nhà văn cộng sản, kể cả bọn cộng sản 30 cũng chửi hùa theo là những đồ rác rưởi trôi dạt khắp năm châu bốn bể. cặn bả xã hội, trây lười lao động, chạy theo bơ thừa sửa cặn» . Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Y tế còn hằn học hơn khi tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn năm 1993 tại Amsterdam : Những người di tản đáng bị chặt đầu.
Nhưng chẳng bao lâu, Cộng Sản hiện nguyên hình là bọn gian manh. Năm 1990, khi Cộng Sản bắt đầu nhận tiền của người tị nạn gởi về, bọn đĩ điếm được cộng sản «nâng cấp» lên là Việt kiều, và ân tình hơn, Đỗ Mười tuyên bố Việt Kiều là những khúc ruột ở bên ngoài ngàn dặm của dân tộc.
Tưởng cần hiểu từ nguyên chữ Việt kiều để thấy rõ thâm ý của Cộng Sản. «Kiều» chữ Hán có nghĩa là ở nhờ, ở làng khác hay nước khác được dùng làm tỉnh từ cho những danh từ như «kiều dân» là người sống ở ngoài lãnh thổ mà người đó đã được sinh ra, «kiều bào» là đồng bào ở nước ngoài. Dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, người Hoa sống ở VN được gọi là Hoa Kiều và chế độ Hà Nội gọi những người Việt sống ở nước ngoài và ủng hộ họ là «Việt kiều yêu nước».
Người Việt bỏ xứ ra đi tị nạn không phải là Việt kiều, kiều bào, vì những người nầy đã không chấp nhận chế độ Cộng Sản, đã sinh cơ lập nghiệp vĩnh viễn trên một quốc gia khác, đã có quốc tịch của một quốc gia khác. Gọi người tị nạn là Việt kiều, Cộng Sản có gian ý là muốn «tóm thâu» cái khối chất xám nầy là «con dân» của họ, còn đặt dưới quyền sinh sát của họ. Nghị định số 78/2009/NĐ ngày 22/09/2009 về luật quốc tịch xác định rõ quan niệm nầy, theo đó bao giờ người mang quốc tịch VN chưa được chính phủ VN cho phép từ bỏ quốc tịch, người ấy vẫn còn quốc tịch VN dù rằng người ấy đã có quốc tịch Mỹ, Canada, Úc…Càng lộng ngôn và ngang ngược hơn, với con cháu của người Việt tị nạn, dù sinh ra và lớn lên tại các quốc gia của ông cha họ đã định cư, cộng sản cũng xem những người nầy vẫn có quốc tịch Việt Nam nếu chưa phép làm đơn xin bỏ quốc tịch và chưa được chính phủ VN chấp thuận.
Về điểm nầy, chúng ta thấy rõ chánh sách trơ tráo, đánh lận con đen của Cộng Sản. Theo điều 13, khoản 2, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2008 , «Người VN định cư ở nước ngoài vẫn có quốc tịch VN. Sau 5 năm từ khi luật nầy có hiệu lực, kiều bào phải đến cơ quan đại diện của chính phủ VN tại nước ngoài để đăng ký xin giữ quốc tịch, nếu không, sau ngày 1/7/2014 sẽ mất quốc tịch».
Sau 5 năm, chỉ có khoảng 6000 người ghi tên xin giữ quốc tịch. Trái với dự tính vì số người xin giữ quốc tịch quá ít, tháng 7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký luật gia hạn cho người muốn giữ quốc tịch thêm 5 năm nữa, tức là sẽ chấm dứt ngày 1/7/2019.
Ngôn từ Cộng Sản thật lươn lẹo, lật lọng. Cho đến ngày 1/7/2019, người Việt ở hải ngoại mặc nhiên vẫn còn quốc tịch VN, vẫn bị chi phối bởi Luật quốc tịch VN giải thích «rộng rãi» theo luật rừng. Chính bà Ngô Bá Thành, chuyên viên xách động xuống đường thời VNCH, được CS phong cho chức Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội đã ví von : Việt Nam có một rừng luật và áp dụng luật rừng.
Và cho đến đầu năm 2014, chính phủ VN vẫn còn khư khư giữ quan niệm cha chú nầy với người Việt tị nạn. Trong bài huấn từ của Nguyễn Thanh Sơn, Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao đặc trách Cục Người Việt nước ngoài đã nhắn nhủ cho phái đoàn «Việt Kiều yêu nước» về quê ăn Tết, ông nhắc lại lời của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt 20 năm trước như sau : «Cộng đồng người Việt ra đi sau chiến tranh và định cư ở nước ngoài rất đặc thù, không giống các cộng đồng ngoại kiều khác. Những thuyền nhân ra đi đa số là vì mục tiêu kinh tế chứ không phải mục đích chính trị. Có bộ phận những người ra đi sau cuộc chiến tranh mang theo tư tưởng hận thù của những người thua trận và được tuyên truyền rất nhiều điều ghê sợ không có thực về chủ nghĩa cộng sản ... Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, coi cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, tức là những người máu mủ ruột thịt thực sự, không phân biệt đó là thành phần nào, đó là ai. (Xuân quê hương 2014 – danlambao 3/2/2014).
Đối với những Việt Kiều yêu nước, Cộng Sản muốn gọi tên gì thì cứ gọi và sai bảo điều gì thì cứ làm. Nhưng đối với người Việt tị nạn Cộng Sản, họ không phải là Việt kiều mà là người Mỹ, người Canadiens , người Pháp, người Úc, người Đức gốc Việt… Phải gọi chính danh như vậy và phải tôn trọng quyền chọn lựa của họ là không chấp nhận chế độ cộng sản.
Việt Kiều và Nghị Quyết 36.
Không người Việt tị nạn nào ngu xuẩn tự xưng mình là Việt kiều, nếu có, đó là những Việt kiều yêu nước. Tưởng cần biết qua lai lịch của những Việt kiều yêu nước nầy.
Đa số những Việt Kiều nầy là những sinh viên xuất ngoại du học từ thời Việt Nam Cộng Hòa nhờ học bổng của Plan Colombo hay các quốc gia Âu Mỹ. Từ cuối năm 1970, một số con em của những người có thế lực, nhà giàu cũng được xuất ngoại tự túc. Những sinh viên có học bổng sau khi hết học bổng không chịu về nước vì sợ đi quân dịch, nên tìm cách ở lại tại các quốc gia đã du học một cách bất hợp pháp. Phương thức thông thường là kết hôn với người dân sở tại để có quốc tịch, và để biện minh cho hành động hèn nhát, họ chạy theo các phong trào sinh viên phản chiến ở Pháp, Mỹ, Canada để chống chiến tranh Việt Nam mà theo họ là do Mỹ và chế độ quân phiệt miền Nam chủ động. Họ được cộng sản lợi dụng để tuyên truyền và được phong danh hiệu là Việt kiều yêu nước. Sau 1975, nhiều đám sinh viên phản chiến phản quốc nầy từ Nhựt, Âu châu, Mỹ chạy sang Canada xin tị nạn cùng lúc với thân nhân của họ vừa di tản đến. Họ trương cờ đỏ sao vàng ở những tụ điểm của họ, một số xin về nước để lấy uy với bạn bè, nhưng chính phủ cộng sản lạnh lùng với họ, có khi còn bắt họ bởi lẽ cộng sản dư biết những Việt kiều yêu nước nầy chỉ là bọn hèn, theo đóm ăn tàn.
Từ cuối thập niên 1990 xuất hiện thêm một số Việt kiều yêu nước già, nguyên gốc là HO, có học và vô học, vì không hội nhập được vào xã hội định cư nên đi đi về về Việt Nam để sống với tiền xã hội của quốc gia định cư, một số khác thất nghiệp muốn về VN để kiếm việc, làm ăn buôn bán. Để đạt được ý định, họ lập công với cộng sản bằng những mưu chước hèn hạ, phản bội lại đồng hương và đồng đội họ, xâm nhập vào các hội đoàn, cơ quan ngôn luận để quấy phá. Nghị Quyết 36 nhờ sự tiếp tay của những Việt Kiều trở cờ phản bội nầy.
Nhiều người Việt tị nạn không biết hay xem thường những tác hại của Nghị Quyết 36 viện lẽ không làm chính trị. Ban hành vào tháng 3 năm 2004, Nghị Quyết 36 nhằm mục đích chiêu dụ người Việt ở hải ngoại về nước và đem tài sản về nước để gọi là đầu tư, đồng thời tìm cách khống chế lực lượng người Việt ngoài nước. Nói chung, Nghị Quyết 36 có thể tóm lược trong 5 điểm:
- Giúp người tị nạn trong việc sinh sống
- Giúp người tị nạn đoàn kết lẫn nhau
-Thu góp tiền bạc và chất xám
- Biện pháp đối với các thành phần chống lại chánh phủ và Đảng ở hải ngoại
- Tổ chức văn hóa vận và tình báo ở hải ngoại
Nhận định từng điểm, NQ 36 mang bản chất gian xảo, trịch thượng . Làm sao CS có khả năng và uy tín giúp người Việt hải ngoại trong cuộc sinh sống trong khi họ đã đẩy đa số người dân trong nước đến chổ bần cùng và mất cả đạo lý, và càng tệ hại hơn, họ xuất cảng tệ trạng ăn cắp tràn lan tại những nơi mà cán bộ của họ đi qua, làm xấu xa dân tộc. Tại Nhật, Mã Lai, Thụy Điễn, nhiều cửa hàng treo bảng hiệu : Cảnh cáo Ăn cắp vặt, No dogs, no Vietnamese.
Họ nói giúp người tị nạn đoàn kết với nhau, nhưng thực sự họ đưa công an và Việt kiều yêu nước xâm nhập các đoàn thể để gây đố kỵ, đánh phá nhau. Chuyện thu góp tài sản thì quá rõ, từ việc gởi tiền đến Việt kiều du lịch mang về nước tiêu xài cung cấp cho cộng sản 12% GDP, duy chỉ có chuyện thu góp chất xám là một cuộc thảm bại .
Một số tác hại của NQ 36 đã thấy rõ trong một số công tác chiến lược như sau:
- Trường dạy tiếng Việt và sinh hoạt tập thể cho thanh thiếu nhi là lò huấn luyện, tuyên truyền
Tại những nơi có đông đảo người Việt, cán bộ cộng sản chủ động hay hợp tác với các đoàn thể, tư nhân mở trường dạy tiếng Việt, đưa sách báo từ VN sang, hay soạn sách theo quan điểm tuyên truyền cho cộng sản. Những buổi sinh hoạt tập thể là những cơ hội thuận lợi để cán bộ hay thầy cô thân cộng rỉ tai, hướng dẫn những măng non theo tư tưởng cộng sản. Tùy mức độ ảnh hưởng, chính sách văn hóa vận nầy tạo một tư tưởng chống đối của giới trẻ với ông cha trong công cuộc chống cộng.
Trong đại hội «Tổng kết 10 năm thực hiện NQ36 và công tác đối với người Việt nước ngoài» ngày 22 tháng 5, 2014, Thứ Trưởng Giáo Dục Trần Quang Quý đã có chỉ thị rõ rệt «…Cần sớm có quy chế về việc dạy
tiếng Việt cho người Việt nước ngoài, đặc biệt thế hệ thứ ba, thứ tư để việc kết nối giao lưu được thuận lợi…»
- Xâm nhập các cơ quan truyền thông
Cộng Sản đã tung ra hàng triệu mỹ kim để thành lập, hùn vốn để mua chuộc các cơ sở truyền thông ở hải ngoại, bề mặt chửi bới Cộng Sản linh tinh, nhưng thỉnh thoảng gài vào những bản tin, bài viết vận động chính trị chiến lược có lợi cho cộng sản. Trong bản tổng kết Hội nghị Người Việt nước ngoài lần thứ hai từ ngày 27-29 tháng 09 năm 2012 ở TP Hồ Chí Minh, Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt nước ngoài đã nói rõ chương trình hành động: «Tăng cường công tác thông tin đối ngoại , tăng cường đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt ở nước ngoài như đài phát thanh, TV, báo chí, thông qua tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triễn lãm tranh ảnh về đất nước, các hoạt động từ thiện, du lịch, sinh hoạt khoa học, sinh hoạt các nhóm trong cộng đồng người Việt hải ngoại…»
Khuynh đảo, lừa gạt, xảo trá là sở trường của Cộng Sản. Chúng áp dụng kỹ chiến thuật tuyên truyền của Goebbels (Bộ Trưởng Thông tin Tuyên truyển của Đức Quốc Xã) : Nhắc đi nhắc lại hoài một sự việc không đúng sự thật, ban đầu người ta không tin, lần lần người ta bán tin bán nghi sau cùng người ta tin là sự thật. Internet và báo chí là những phương tiện hữu hiệu dể chúng bôi lọ những người quốc gia tranh đấu chân chính, làm yếu đi lực lượng chống cộng. để từ đó chúng đưa người của chúng vào các hội đoàn. Nhiều tổ chức tranh đấu chính trị đã bị chẻ làm đôi, làm ba và khi các cộng đồng hay tổ chức này bị chúng đánh cho yếu đi hay tan vỡ thì chúng dùng tiền để mua chuộc đám Việt kiều - Việt gian nhảy ra làm bình phong cho chúng hoạt động. Mặc dù chúng dùng mọi mưu chước nhưng cho đến nay, chúng vẫn không thành công lắm trong công tác vận động quần chúng ở Bắc Mỹ, Úc và vài quốc gia ở Tây Âu.
Nhưng Cộng Sản có hai bộ mặt chồng chéo nhau : dịu ngọt và bạo lực.
Tạp chí Cộng Sản gần đây đã viết: «…Tính đến nay, có hơn 100 tổ chức chính trị phản động người VN ở hải ngoại đang nuôi chí phục thù nhằm thực hiện ý đồ đen tối phục quốc. Cầm đầu các hội, các nhóm trên là những phần tử cực đoan, từng là ngụy quân ngụy quyền cũ, có nhiều nợ máu với cách mạng. Chúng đã, đang móc nối, cấu kết chặt chẻ với nhau và với bọn phản động trong nước để hoạt động chống phá cách mạng nước ta …» (TCCS. Phát huy vai trò của Cộng đồng @ttp://tapchicongsan. orgvn ngày 28/05/2013)
Chánh sách vừa chiêu dụ vừa khủng bố của Cộng Sản đã có tác dụng phần nào trên các vùng đất có người Việt định cư ở Bắc Âu và Đông Âu, nơi có đông đảo người lao động xuát khẩu, di dân bất hợp pháp và du sinh. Trong thập niên qua, các tòa đại sứ hay lãnh sự Cộng sản đã nỗ lực thiết lập 13 cộng đồng người Việt theo chủ trương của NQ 36: «… Nếu chúng ta phát huy cao độ các lợi thế của các lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài để phân hóa, cô lập các lực lượng phản động thì chúng ta có thể hạn chế một cách hiệu quả, thiết thực các thế lực thù địch…». Mười ba cộng đồng cộng sản nầy là : 4 tại các quốc gia trước đây là cộng sản (Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga, Đông Đức), 4 tại các quốc gia có nhiều lao động xuất khẩu (Hàn Quốc, Đài Loan, Qatar, Angola), 5 tại các quốc gia ít có người tị nạn (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Sĩ – ( chú thích: tại Thụy Sĩ còn có một cộng đồng chống Cộng của người Việt tị nạn). Các chủ tịch các cộng đồng nầy là người cộng sản, chỉ làm bù nhìn, việc điều khiển Cộng Đồng do sứ quán hay tòa lãnh sự đảm nhiệm theo quyết định Q12 năm 2008 (Mobiliser les Vietnamiens à l’étranger, p.50).
Ngày 18 tháng 8 , 2014, Trung ương đảng đã tổ chức một cuộc «mạn đàm» tại Praha (Tiệp Khắc) qui tụ những nhân vật cao cấp của Bộ Chính Trị từ trong nước và các đại sứ, đại diện 14 cộng đồng người Việt ở Đông Âu, Bắc Âu , kể cả Thụy Sĩ, Anh, Bỉ để «trao đổi công tác xây dựng tổ chức, vận động quần chúng, lôi cuốn giới trẻ tham gia và phát huy các sinh hoạt cộng đồng»
- Gởi sư quốc doanh ra hải ngoại lập chùa, tu viện
Chùa là nơi gia đình người Việt tị nạn gặp nhau để lễ Phật, niệm kinh, và còn là nơi sinh hoạt xã hội, văn hóa. Biết như vậy, Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt nước ngoài đã ký kết với Hòa Thượng Thích Thanh Tứ (Tứ chớ không phải Thích Thanh Từ) Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo VN ngày 16 /07/2009 một văn kiện nhằm «phối hợp cộng tác phât sự ở nước ngoài, mở rộng quan hệ, hoạt động của giáo hội sang các nước có đông kiều bào sinh sống». Từ mươi năm nay, tại hải ngoại có nhiều chùa, tu viện được thành lập, mà sinh hoạt chùa không theo truyền thống tôn nghiêm của Phật pháp. Những ngôi chùa nầy tổ chức đại nhạc hội, du lịch, thi hoa hậu và nhiều sinh hoạt của đời thường. Một số thầy chùa, sư nữ gốc là công an, tác phong không phù hợp với người tu hành, làm người phật tử chân chính chán ngán. Ngôi chùa trở nên cơ sở kinh tài cho cá nhân và đảng, sư quốc doanh làm công tác báo cáo, tuyên truyền cho chế độ. Nghị Quyết 36 đã làm tổn hại rất nhiều đời sống tâm linh của người tị nạn.
Người Việt ở hải ngoại
Ngoài ra, chúng ta thường có thói quen gọi chúng ta thuộc cộng đồng người Việt hải ngoại (diaspora) mà Cộng Sản gọi là người Việt nước ngoài. Nếu từ ngữ nầy đúng với tất cả các sắc tộc khác nhưng đối với người Việt, có khi không đúng hẳn bởi lẽ trong số người Việt hải ngoại lại có thêm những người không phải là người tị nạn. Đó là những người xuất khẩu lao động, di dân kinh tế hợp pháp và bất hợp pháp, các du học sinh thân cộng hay theo Cộng. Hiểu như vậy, sự chính xác của từ ngữ sử dụng cần phân biệt theo nội dung và hoàn cảnh.
Bảng 1- Tổng số người Việt tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại
Bảng 2- Số người Việt xuất khẩu lao động, du sinh, định cư
hợp pháp và bất hợp pháp tại hải ngoại (Việt Kiều)
Nguồn :
- Người Việt ờ nước ngoài @ww.vietkieu.info;
- Wikipedia,
- Migration Policy Institute.
- World Facts Book
- Xâm nhập các cơ quan truyền thông
Cộng Sản đã tung ra hàng triệu mỹ kim để thành lập, hùn vốn để mua chuộc các cơ sở truyền thông ở hải ngoại, bề mặt chửi bới Cộng Sản linh tinh, nhưng thỉnh thoảng gài vào những bản tin, bài viết vận động chính trị chiến lược có lợi cho cộng sản. Trong bản tổng kết Hội nghị Người Việt nước ngoài lần thứ hai từ ngày 27-29 tháng 09 năm 2012 ở TP Hồ Chí Minh, Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt nước ngoài đã nói rõ chương trình hành động: «Tăng cường công tác thông tin đối ngoại , tăng cường đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt ở nước ngoài như đài phát thanh, TV, báo chí, thông qua tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triễn lãm tranh ảnh về đất nước, các hoạt động từ thiện, du lịch, sinh hoạt khoa học, sinh hoạt các nhóm trong cộng đồng người Việt hải ngoại…»
Khuynh đảo, lừa gạt, xảo trá là sở trường của Cộng Sản. Chúng áp dụng kỹ chiến thuật tuyên truyền của Goebbels (Bộ Trưởng Thông tin Tuyên truyển của Đức Quốc Xã) : Nhắc đi nhắc lại hoài một sự việc không đúng sự thật, ban đầu người ta không tin, lần lần người ta bán tin bán nghi sau cùng người ta tin là sự thật. Internet và báo chí là những phương tiện hữu hiệu dể chúng bôi lọ những người quốc gia tranh đấu chân chính, làm yếu đi lực lượng chống cộng. để từ đó chúng đưa người của chúng vào các hội đoàn. Nhiều tổ chức tranh đấu chính trị đã bị chẻ làm đôi, làm ba và khi các cộng đồng hay tổ chức này bị chúng đánh cho yếu đi hay tan vỡ thì chúng dùng tiền để mua chuộc đám Việt kiều - Việt gian nhảy ra làm bình phong cho chúng hoạt động. Mặc dù chúng dùng mọi mưu chước nhưng cho đến nay, chúng vẫn không thành công lắm trong công tác vận động quần chúng ở Bắc Mỹ, Úc và vài quốc gia ở Tây Âu.
Nhưng Cộng Sản có hai bộ mặt chồng chéo nhau : dịu ngọt và bạo lực.
Tạp chí Cộng Sản gần đây đã viết: «…Tính đến nay, có hơn 100 tổ chức chính trị phản động người VN ở hải ngoại đang nuôi chí phục thù nhằm thực hiện ý đồ đen tối phục quốc. Cầm đầu các hội, các nhóm trên là những phần tử cực đoan, từng là ngụy quân ngụy quyền cũ, có nhiều nợ máu với cách mạng. Chúng đã, đang móc nối, cấu kết chặt chẻ với nhau và với bọn phản động trong nước để hoạt động chống phá cách mạng nước ta …» (TCCS. Phát huy vai trò của Cộng đồng @ttp://tapchicongsan. orgvn ngày 28/05/2013)
Chánh sách vừa chiêu dụ vừa khủng bố của Cộng Sản đã có tác dụng phần nào trên các vùng đất có người Việt định cư ở Bắc Âu và Đông Âu, nơi có đông đảo người lao động xuát khẩu, di dân bất hợp pháp và du sinh. Trong thập niên qua, các tòa đại sứ hay lãnh sự Cộng sản đã nỗ lực thiết lập 13 cộng đồng người Việt theo chủ trương của NQ 36: «… Nếu chúng ta phát huy cao độ các lợi thế của các lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài để phân hóa, cô lập các lực lượng phản động thì chúng ta có thể hạn chế một cách hiệu quả, thiết thực các thế lực thù địch…». Mười ba cộng đồng cộng sản nầy là : 4 tại các quốc gia trước đây là cộng sản (Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga, Đông Đức), 4 tại các quốc gia có nhiều lao động xuất khẩu (Hàn Quốc, Đài Loan, Qatar, Angola), 5 tại các quốc gia ít có người tị nạn (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Sĩ – ( chú thích: tại Thụy Sĩ còn có một cộng đồng chống Cộng của người Việt tị nạn). Các chủ tịch các cộng đồng nầy là người cộng sản, chỉ làm bù nhìn, việc điều khiển Cộng Đồng do sứ quán hay tòa lãnh sự đảm nhiệm theo quyết định Q12 năm 2008 (Mobiliser les Vietnamiens à l’étranger, p.50).
Ngày 18 tháng 8 , 2014, Trung ương đảng đã tổ chức một cuộc «mạn đàm» tại Praha (Tiệp Khắc) qui tụ những nhân vật cao cấp của Bộ Chính Trị từ trong nước và các đại sứ, đại diện 14 cộng đồng người Việt ở Đông Âu, Bắc Âu , kể cả Thụy Sĩ, Anh, Bỉ để «trao đổi công tác xây dựng tổ chức, vận động quần chúng, lôi cuốn giới trẻ tham gia và phát huy các sinh hoạt cộng đồng»
- Gởi sư quốc doanh ra hải ngoại lập chùa, tu viện
Chùa là nơi gia đình người Việt tị nạn gặp nhau để lễ Phật, niệm kinh, và còn là nơi sinh hoạt xã hội, văn hóa. Biết như vậy, Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt nước ngoài đã ký kết với Hòa Thượng Thích Thanh Tứ (Tứ chớ không phải Thích Thanh Từ) Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo VN ngày 16 /07/2009 một văn kiện nhằm «phối hợp cộng tác phât sự ở nước ngoài, mở rộng quan hệ, hoạt động của giáo hội sang các nước có đông kiều bào sinh sống». Từ mươi năm nay, tại hải ngoại có nhiều chùa, tu viện được thành lập, mà sinh hoạt chùa không theo truyền thống tôn nghiêm của Phật pháp. Những ngôi chùa nầy tổ chức đại nhạc hội, du lịch, thi hoa hậu và nhiều sinh hoạt của đời thường. Một số thầy chùa, sư nữ gốc là công an, tác phong không phù hợp với người tu hành, làm người phật tử chân chính chán ngán. Ngôi chùa trở nên cơ sở kinh tài cho cá nhân và đảng, sư quốc doanh làm công tác báo cáo, tuyên truyền cho chế độ. Nghị Quyết 36 đã làm tổn hại rất nhiều đời sống tâm linh của người tị nạn.
Người Việt ở hải ngoại
Ngoài ra, chúng ta thường có thói quen gọi chúng ta thuộc cộng đồng người Việt hải ngoại (diaspora) mà Cộng Sản gọi là người Việt nước ngoài. Nếu từ ngữ nầy đúng với tất cả các sắc tộc khác nhưng đối với người Việt, có khi không đúng hẳn bởi lẽ trong số người Việt hải ngoại lại có thêm những người không phải là người tị nạn. Đó là những người xuất khẩu lao động, di dân kinh tế hợp pháp và bất hợp pháp, các du học sinh thân cộng hay theo Cộng. Hiểu như vậy, sự chính xác của từ ngữ sử dụng cần phân biệt theo nội dung và hoàn cảnh.
Bảng 1- Tổng số người Việt tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại
Bảng 2- Số người Việt xuất khẩu lao động, du sinh, định cư
hợp pháp và bất hợp pháp tại hải ngoại (Việt Kiều)
Nguồn :
- Người Việt ờ nước ngoài @ww.vietkieu.info;
- Wikipedia,
- Migration Policy Institute.
- World Facts Book
Chú thích :
Bảng thống kê trên, tuy xuất xứ từ các cơ quan thẩm quyền nhưng chỉ là những con số ước lượng gồm có:
- 700 000 người Việt ở Cambốt, Thái Lan và Lào là người Việt đã sống lâu đời nhiều thế hệ tại các quốc gia nầy, đại đa số đã nhập tịch. Về người Việt ở Cambot, số thống kê chỉ là phỏng định vì quốc gia nầy không có thống kê. TheoWikipedia, và World Facts Book, người Cambốt gốc Việt chiếm 5% dân số tức khoảng 600 000 người. Bertrand Didier trong bài Vietnamiens au Cambodgevà Annuska Derks trong A picture of the Vietnamese in Cambodia trình bày chi tiết các giai đoạn di cư, định cư, diện mạo của người Việt ở Cambốt (có thể đọc online).
Migration Policy Institute thiết lập thống kê người di dân VN (immigrants) vào tháng 9 năm 2013 dựa vào ước lượng của United Nations Population Division công bố một con số thấp hơn chỉ gồm người di cư xuất khẩu lao động: Cambot: 37 000, Lào: 11 000, Thái Lan: 6000.
- 700 000 người ở Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai, Nhựt, Trung Quốc, Đông Âu , Nga, Bangladesh, Trung Đông và Phi Châu. Dân số VN tại các quốc gia nầy thuộc nhiều diện khác nhau:
- một số là cư dân hợp pháp phần lớn là phụ nữ lấy chồng người Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mã Lai và những du học sinh tại các quốc gia Đông Âu, Nga, được nhập tịch tại các quốc gia nầy
- một số là người xuất khẩu lao động và cư dân bất hợp pháp.
Như vậy tổng số người Việt ở hải ngoại là :
- Người tị nạn Cộng sản: 2.500 000 người (số tròn) Bảng 1
- Người Việt di cư kinh tế, xuất khẩu lao động, du học sinh, định cư bất hợp pháp: 1 400 000 người Bảng 2
Tổng cộng số người Việt ở hải ngoại: 3 900 000 người.
Một cách dễ nhớ: 4 triệu người.
Nguồn : Lâm Vĩnh Bình, Giá Tự Do
Về tổng số người Việt ở hải ngoại, thống kê của nhiều người viết, ngay cả những nhà nghiên cứu khoa bảng thường có khuynh hướng khuếch đại con số, bởi lẽ thay vì sử dụng thống kê chính thức của các quốc gia sở tại, họ lại sử dụng những thống kê của Cục Người Việt nước ngoài của Cộng Sản mà bản chất là gian dối, thiếu chính xác. Đan kể như luận án tiến sĩ : Mobiliser les Vietnamiens de l’étranger : enjeux, stratégies et effets d’un nationalisme transnational của Christophe Vigne do Institut de recherche sur l’Asie du Sud-Est contemporaine (IRASEC) xuất bản năm 2012 cho biết là người Việt ở hải ngoại là 4.3 triệu người trong đó người Việt ở Mỹ là 2.2 triệu (thay vì 1.5 triệu) và ở Canada là 250 000 (thay vì 220 000). «Le RSVN estime à environ 4.3 M le nombre de Vietnamiens résidents à l’étranger. La communauté vietnamienne des États-Unis est de loin la plus nombreuse avec 2.2M de personnes. Environ 250 000 Viet Kieu vivent au Canada, 120 000 en Allemagne et 60 000 en Russie…(p. 13).
Kết luận
Chúng tôi vừa phân tích hai từ ngữ người tị nạn và Việt kiều để phân biệt hoàn cảnh lúc ra đi và vị trí chính trị đối với chế độ cộng sản. Tuy nhiên, khi phải nhắc đến một từ ngữ khác có chữ kiều là kiều hối (mà cộng sản dùng thay cho danh từ ngoại tệ), cái biên giới giữa người tị nạn và Việt Kiều như không còn nữa bởi cả hai đều dùng kiều hối để nuôi dưỡng và củng cố chế độ trong nước.
Thật vậy, kể từ khi Clinton bắt tay với VN năm 1995, người Việt tị nạn về nước ào ạt vì đủ thứ lý do, thăm gia đình, du lịch, du hí… Thật là khó hiểu khi nhiều người đã ra đi tìm cái sống trong cái chết để vượt biển, vượt biên sau những ngày đói rách, khổ nhục hay bị lao tù, và trên đất mới, sau đó cũng không bao lâu, họ lại quay trở về để tiếp tục luồn cúi, nịnh bợ công an, cán bộ phường xã, những người trước đó không lâu là kẻ thù của họ. Vui thú, vinh quang gì? Cứ mỗi lần Tết đến, có khoảng nửa triệu người về VN ăn Tết, mỗi người mang về VN để chi tiêu trung bình khoảng 4000 mỹ kim, như vậy Cộng sản có được dễ dàng ít nhất 2 tỷ mỹ kim kiều hối chỉ trong hai tháng. Ngoài ra, việc gởi tiền về VN triền miên từ 40 năm nay để nói là giúp đỡ thân nhân cũng là hiện tượng cần suy nghĩ, bởi lẽ chính số kiều hối khổng lồ nầy đã nuôi dưỡng, củng cố chế độ và duy trì một lớp thân nhân ỷ lại lười biếng, thỏa hiệp với công an để được dễ dàng trong cuộc sống. Dưới lăng kính nầy, người tị nạn có khác gì những Việt kiều yêu nước hay xuất khẩu lao động thân cộng?
Theo Viện Nghiên cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (Central Institute for Economic Management CIEM), « tính từ năm 1991 đến 2013, lượng kiều hối gởi về hơn 90 tỷ mỹ kim, là chiếc phao cứu tinh cho nhiều doanh nghiệp và là nguồn tài chính quan trọng cho quốc gia. Số tiền trên không kể đến 28% «kiều hối chui» không qua đường dây chính thức và những khoản tiền tiêu khi Việt kiều về thăm nhà. Chỉ năm 2013, số kiều hối gởi về là 11 tỷ. Mỹ là quốc gia chuyển kiều hối về VN nhiều nhất (57% trong tổng số kiều hối chính thức), kế đó là Úc (khoảng 9%), Canada (8%), Đức (6%), Pháp (4%) . Kiều hối là nguồn vốn thứ hai tại VN sau FDI (chú thích của người viết: Foreign Direct Investment là tiền ngoại quốc đem vào VN đầu tư) giúp tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm nợ, cải tiến bảng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, giúp ổn định tỉ giá, cán cân thanh toán và tăng dự trử ngoại hối . Tóm lại, kiều hối dùng để trả sinh hoạt hằng ngày, đầu tư vào sản xuất kinh doanh và trả nợ». (Cứu tinh của nền
NGÀY CỦA CHA
Vi Anh
GIỚI THIỆU SÁCH
IMPRESSIVE FIRST IMPRESSIONS:A Guide to
the Most Important
30 Seconds (And 30 Years) of Your Career
Tác giả Vu H. Pham là con trai của Giáo Sư và cô Phạm Cao Dương
GIA ĐINH PHẠM CAO DƯƠNG
https://drive.google.com/open?id=0B2iCbW4ID3o6N2RfdkRTck93S2c
-->
Các nhà thực dân tại Congo thuộc Pháp năm 1905@wikipedia
Vậy điều gì đã dẫn đến sự thay đổi này?
Chính là ngôn ngữ!
Giải mã mối liên hệ giữa tự vẫn và mùa xuân
Vì sao khó nhìn vào sự thật?
Mẹo hay để hơi thở hết mùi tỏi khó chịu
Vào cuối thập niên 1860, nhà báo người Hungary Karl Maria Kerthbeny đã xác định bốn cụm từ để mô tả các trải nghiệm tình dục: dị tính (heterosexuality), đồng tính (homosexual), và hai từ, nay đã bị lãng quên, mô tả hành vi thủ dâm và quan hệ với động vật, là quan hệ đơn tính luyến ái (monosexual) và quan hệ hỗn tạp (heterogenit).
Kerthbeny sử dụng từ "quan hệ dị tính" một thập niên sau đó, khi ông được yêu cầu viết một chương sách tranh luận về việc phi hình sự hóa hành vi đồng tính.
Biên tập viên Gustav Jager quyết định không xuất bản nó, nhưng cuối cùng ông đã sử dụng cụm từ của Kertbeny trong một quyển sách xuất bản vào năm 1880.
Lần tiếp theo từ này được xuất bản là vào năm 1889, khi nhà tâm thần học người Áo-Phổ tên là Richard von Krafft-Ebing đã đặt cụm từ này vào quyển "bệnh tâm thần tình dục" (Psychopathia Sexualis), trong một danh mục các rối loại tính dục.
Nhưng trong khoảng 500 trang, từ "quan hệ dị tính" chỉ được sử dụng 24 lần và thậm chí nó không được đưa vào danh sách các từ cần tra cứu, tham khảo.
Tám từ kỳ diệu làm thay đổi thế giới
'Yêu' robot có đồng nghĩa với việc ngoại tình?
Trong thời trang thì ‘nude’ không phải là khỏa thân
Đó là bởi vì Krafft-Ebing hứng thú với "bản năng tính dục trái khoáy" (sự kỳ quặc) hơn là "bản năng tính dục".
"Bình thường" là một từ mạnh, tất nhiên, đã được sử dụng sai rất nhiều trong lịch sử.
Hệ thống thứ bậc dẫn đến chế độ nô lệ có thời đã được coi là bình thường, cũng như thuyết vũ trụ học địa tâm (thuyết coi Trái Đất là cái rốn của vũ trụ).
Chỉ khi các cơ sở nền tảng căn bản, vốn tạo nền móng cho quan điểm chung trong xã hội, bị nghi ngờ và bác bỏ thì những sự "bình thường" đó mới bị xoá bỏ.
Với Krafft-Ebing, khao khát tính dục bình thường được đặt trong bối cảnh rộng hơn là tính năng sinh sản, một ý tưởng vốn vẫn chiếm ưu thế trong các lý thuyết tính dục của phương Tây.
Trong thế giới phương Tây, một thời gian dài trước khi các hành vi tính dục được chia thành các loại như dị tính/đồng tính thì có một cách chia khác tồn tại: Sinh sản hoặc không sinh sản.
http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-40235503
Điều này giống như một loại linh cảm không liên quan đến các giác quan của bạn, thế nhưng trên thực tế, nó cho thấy các giác quan của con người, nhất là thị giác, có thể có những chức năng vô cùng bí ẩn.
Sống có ý nghĩa không phải là điều khó đạt được?
Cách tránh bị nghe dối trá và xem 'tin vịt'
Giải mã mối liên hệ giữa tự vẫn và mùa xuân
Thường thì khi bạn nhìn vào một thứ gì đó, các thông tin được truyền đến vùng vỏ não chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh, giúp bạn nhận dạng được điều mình đang nhìn thấy, thế nhưng thực tế kỳ quặc hơn thế nhiều.
Một khi thông tin rời khỏi mắt của chúng ta, chúng được truyền đi đến ít nhất 10 vùng khác nhau trong não, với những chức năng cụ thể khác nhau.
Có lẽ nhiều người không quá xa lạ với vỏ não thị giác, một vùng khá lớn ở phía sau não, nơi thu hút nhiều sự chú ý nhất từ các nhà khoa học thần kinh.
Vùng vỏ não thị giác có thể xử lý những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy, từ màu sắc cho tới các chi tiết, giúp ta nhận thức được một cách đầy đủ về thế giới đầy màu sắc quanh mình.
Thế nhưng những vùng khác trong não của chúng ta cũng xử lý các mảnh thông tin khác nhau, và đây là những nơi có khả năng tiếp tục làm các nhiệm vụ mà ta không ý thức được.
Nên ăn những món gì để hết mất ngủ?
Những con sâu có giá 20.000 USD một cân
Có thể chỉ ăn một món để sống?
Những ca sống sót từ các vụ chấn thương thần kinh có thể giúp chúng ta hiểu hơn về cơ chế này.
Khi một vụ tai nạn làm tổn thương vùng vỏ não thị giác, thị giác của nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng. Nếu vùng vỏ não thị giác bị hỏng hoàn toàn, bạn sẽ mất khả năng nhận biết hình ảnh, điều mà các nhà khoa học thần kinh gọi là ‘mù vỏ não’.
Thế nhưng không giống như việc bị mất đôi mắt, những người bị mù vỏ não không mù toàn phần - những vùng thị giác phi vỏ não vẫn tiếp tục hoạt động.
Những người bị mắc hội chứng này rất hiếm, vì vậy TD đã tham gia một
loạt thử nghiệm để nghiên cứu liệu người ta có thể và không thể làm
những gì khi không có vỏ não thị giác.
Nghiên cứu này bao gồm việc cho người tham gia xem những bức hình chân dung có các đôi mắt nhìn trực diện hoặc không trực diện vào họ. TD đã thực hiện nhiệm vụ này trong một máy quét fMRI, vốn có khả năng đo hoạt động não trong lúc ông xem ảnh.
Tất nhiên là đối với những người có thị giác bình thường, nhiệm vụ này không có gì đặc biệt - họ sẽ có khả năng ghi nhận từng chi tiết trên các khuôn mặt trong hình. Thế nhưng TD lại không có khả năng đó.
Nhưng có lẽ “Tây” và “Ta” dễ kết nhau, một phần là do tính cách của người Việt. Tuy cùng hệ văn hóa Phương Đông nhưng dân Việt không nặng nề về tôn giáo, sắc tộc, tín ngưỡng, tập quán và đặc biệt là sẵn lòng cởi mở, thân thiện, bao dung. Đương nhiên, trong lúc kinh tế còn khó khăn, tiền “Tây” cũng tạo ra những dịch vụ tại chỗ cho người dân địa phương có việc làm, thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ những dịch vụ cao cấp như sân bay, bến cảng, sân gôn, khách sạn, nhà hàng đến các dịch vụ bình dân như chèo ghe thuyền, cho thuê xe đạp, xe máy, đánh giày..., đã tạo ra môi trường thuận tiện cho sinh hoạt thường ngày của du khách đến từ những nơi xa lạ. Trong khi đó, cùng với tiền bạc, dân “Tây” còn đem đến Việt Nam phong cách, lối sống, thói quen của xã hội văn minh, hiện đại, những sắc màu văn hóa riêng biệt của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.
Dân “Tây” ngả mũ trước những món ăn, thức uống nơi quán cóc hay trên xe đẩy, gánh hàng rong trên hè phố của dân “Ta”, không phải vì giá cả hay chất lượng ẩm thực mà là sự thú vị, khác lạ của cuộc sống trên dải đất hình chữ S này. Chẳng hạn, cảm xúc khi uống cà phê, ăn phở ở phố cổ Hà Nội không giống ở phố cổ Hội An. Ở Hà Nội, vừa uống cà phê là vừa để quan sát, vừa để chiêm nghiệm. Ở Hội An uống cà phê là để lắng đọng và tĩnh tâm. Dạo phố đêm trên đại lộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn khác hẳn trên đại lộ Trần Phú – Nha Trang. Phố đêm Sài Gòn nồng nàn gió sông. Phố đêm Nha Trang miên man gió biển...!
Anh Bergeron quốc tịch Canada, hiện đang thuê căn hộ trên đường Bùi Viện – Ngã Tư Quốc Tế (Sài Gòn) cho biết anh đã “lập nghiệp” ở đây được 10 năm. Trong thời gian ấy, hai lần bố mẹ anh đã “triệu hồi” anh về nước, nhưng mỗi lần chỉ được vài tháng là anh lại nhớ Việt Nam “không thể chịu nổi”. Begeron vốn là bác sỹ chuyên khoa tâm lý nên anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều người Việt có nghề nghiệp, lứa tuổi, vùng miền khác nhau. Qua sự tiếp xúc ấy càng nhân lên trong anh sự khao khát khám phá đất nước này. Begeron nói rằng, mỗi năm anh dành một tháng để du lịch các địa danh nổi tiếng và những thành phố lớn của Việt Nam. Những điểm du lịch mà Begeron thường lui tới thường xuyên là phố “Tây” Trương Công Định ở Đà Lạt và phố “Tây” Phạm Ngũ Lão - Huế, vì ở hai nơi đó anh có nhiều bạn bè thân tín và những kỷ niệm đẹp.
Những cư dân phố “Tây” ở Việt Nam ngày càng nhiều, họ ngày càng gần gũi, thân quen với người Việt, xã hội Việt. Phố “Tây” thực sự đã tô điểm những gam màu mới lạ cho không gian cuộc sống thị thành. Phố “Tây” không chỉ là nơi giải trí, thư giãn, hưởng thụ của người nước ngoài, nó còn là môi trường làm việc, học tập, kinh doanh chuyên nghiệp. Quán sách Randys Book Xchange nằm trong con hẻm nhỏ gần cầu Cẩm Nam, ở phố cổ Hội An của ông chủ Rady người Mỹ, có lẽ là quán sách độc đáo nhất Việt Nam. Thoạt nhìn, quán sách như một ngôi nhà bình thường, khuất lấp trong con hẻm nhỏ, yên tĩnh, nhưng bên trong là một không gian văn hóa đọc khá hiện đại. Các đầu sách cùng hạng, đồng giá 80.000đ một cuốn. Khách hàng cũng có thể đổi sách lấy sách, tỷ lệ tùy theo giá trị của mỗi cuốn. Randys Book Xchange được bình chọn là một trong 10 quán sách tốt nhất châu Á.
Phố “Tây” Nha Trang nằm trên bốn tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật – Hùng Vương – Trần Phú – Biệt Thự, là một trong những phố “Tây” thân thiện, hào hoa, lãng mạn, hiền hòa nhất Việt Nam. Gió biển Nha Trang cùng với lòng người bản xứ, đã lôi cuốn công dân của hầu hết các châu lục tới đây sinh sống, lập nghiệp. Nhà hàng Cafe Desami (đường Biệt Thự), quán LitLe Italia (đường Nguyễn Thiện Thuật), tiệm ăn La Core (đường Hùng Vương)..., và hàng chục nhà hàng, tiệm ăn khác trong khu phố “Tây” phục vụ hàng trăm món ăn theo khẩu vị Âu, Á, Phi, Ấn, Nhật với giá cả phải chăng, chất lượng hoàn hảo. Rất nhiều nhà hàng, tiệm ăn ở khu phố “Tây” Nha Trang do người nước ngoài làm chủ.
Phố Tạ Hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn nét đẹp thâm trầm cổ kính của tường phố màu vàng, ô cửa màu xanh, mái phố rêu phong, cùng với với hương vị của bia cỏ, nem chua, khoai rán, chim quay. Ở đây, điểm xuyết những kiến trúc mới với qui mô nhỏ, là các nhà hàng, quán cafe, cửa hàng lưu niệm, theo phong cách “Tây” hiện đại, hài hòa với không gian phố cổ, càng hấp dẫn thêm du khách Mỹ, Âu trong các buổi tối đẹp trời.
Khu phố “Tây” Hồ Tây, còn được gọi là phố “Tây” Xuân Diệu, chủ yếu tập trung dân “Tây” thường trú lâu dài để công tác, học tập, kinh doanh ở Hà Nội. Ở đây có không gian sống phố thị hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Một bên Tây Hồ, một bên Hồng Hà, ở giữa là những biệt thự, nhà hàng sang trọng như Saiint Homore, My Way, Blue Bird, Bobby Chinn... Nhà hàng Don S ở khu phố “Tây” Xuân Diệu từng lọt vào top 50 nhà hàng tốt nhất châu Á.
Về mùa thu, phố “Tây” Nhà Thờ có sức hút mãnh liệt nhờ cảnh quan xung quanh Hồ Gươm, bởi nó khơi gợi phân vân những buồn vui không tên cho lữ khách. Có lẽ, ai cũng phải thổn thức khi nghe tiếng chuông thờ vang lên trong không gian phố cổ, ai cũng phải nao lòng ngắm mặt hồ xanh đờ đẫn phủ nhẹ sương mờ, ai cũng phải mơ màng khi bắt gặp lộc vừng rủ bóng, Thê Húc nghiêng soi trên gương nước chiều thu. Phố “Tây” Nhà Thờ thường tụ bạ “Tây” trẻ và cả “Ta” trẻ. Họ là những cư dân đang trẻ nên khoái kem dừa Thái, bánh gạo cay, trà chanh chém gió. Ở đây cũng phục vụ các món ăn Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha. Một số kiến trúc khá đẹp và sang trọng như Runam, Paris Deli, Boutique..., càng làm cho phố “Tây” Nhà Thờ buộc dân “Tây” không quên hẹn ngày trở lại!
Phố “Tây” Ngã Tư Quốc Tế - Sài Gòn có lẽ là phố “Tây” náo nhiệt, đông đúc và vui vẻ nhất nước Việt. Cái tên “Ngã Tư Quốc Tế” không có trong địa danh hành chính mà là cái tên dân gian do người Sài Gòn đặt từ trước năm 1975, gọi riết thành quen. Cái tên ấy đã gợi lên tính xã hội học về hiện tượng hợp chủng quốc quần cư, ở khu phố này. Ngã Tư Quốc Tế bao gồm đường Phạm Ngũ Lão, đường Bùi Viện và đường Đề Thám. Đầu thập kỷ 1960, Ngã Tư Quốc Tế còn nổi tiếng bởi nó là địa bàn hoạt động bảo kê cốt lõi, béo bở của tứ đại vương giang hồ “ Đại, Tỳ, Cái, Thế” (Tên cúng cơm của các ông trùm bốn băng giang hồ khét tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ).
Ngã Tư Quốc Tế có vị trí đắc địa vì nó ở trung tâm quận Nhất, liền kề với công viên, khách sạn, thương xá, các tụ điểm giải trí, thuận tiện giao lưu, di chuyển và giá cả lại khá mềm. Hiện nay, riêng khu phố “Tây” này có tới hơn 400 khách sạn, nhà nghỉ, mỗi ngày đón tiếp gần 2500 khách nước ngoài lưu trú. Ngã Tư Quốc Tế có cả loại hình khách sạn giường tầng phục vụ “Tây Ba Lô”, với giá “bèo”, chỉ có 60.000 đồng một đêm. Các dịch vụ cho thuê xe đạp, xe gắn máy, xế hộp, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch rất thuận tiện, giá cả phải chăng.
Ưu thế của Sài Gòn là có nhiều sân chơi cho dân “Tây”. Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, hai bờ sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, địa đạo Củ Chi, Đầm Sen, Suối Tiên, phố nướng, phố ốc đêm, vũ trường, quán bar..., là những địa chỉ quen thuộc, hấp dẫn du khách.
Người nước ngoài cư trú lâu dài ở Sài Gòn thường rất dễ dàng chọn chỗ ở thuận tiện, phù hợp với túi tiền. Nếu là thiếu gia thì chọn đường Phạm Văn Hai, đường Cộng Hòa, đường Lũy Bán Bích... Nếu là đại gia thì chọn Phú Mỹ Hưng, Thanh Đa, Thủ Thiêm... Nếu “Tây” đến Hà Nội để hội thảo, hội nghị hay thưởng lãm thì “Tây” đến Sài Gòn để làm ăn, du hý và thuận tiện về miền Tây vui thú với sông nước, kênh rạch, nhà vườn hay vượt biển ra Côn Đảo, Phú Quốc, xuống Vũng Tàu, ra Mũi Né, ngược lên Đà Lạt, mỗi dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần.
Ở Huế, phố Tây chỉ tập trung ở đường Phạm Ngũ Lão, qui mô nhỏ hơn nhiều so với các phố “Tây” của các thành phố Nam Trung Bộ khác như Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Đường Phạm Ngũ Lão chỉ dài 200 mét, tiếp giáp với đường Lê Lợi và đường Võ Thị Sáu, thuộc bờ Nam của sông Hương. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã qui hoạch bờ Nam sông Hương thành khu đô thị hiện đại với ý tưởng tạo ra không gian kiến trúc tương phản với thành quách cổ kích của bờ Bắc sông Hương. Các nhà hàng, quán cafe dành cho dân “Tây” đến Huế thường được thiết kế, trang trí để tôn thêm vẻ trầm mặc, tao nhã, thong dong của miền đất kinh kỳ. Sông Hương, lăng tẩm, đền đài, giọng Huế, mưa Huế, ẩm thực thuần Huế, cùng với nhã nhạc cung đình, nhạc Trịnh..., vẫn luôn tạo ra sức hấp dẫn kỳ lạ, mê mị, nhất là đối với dân “Tây” đến từ lục địa già.
Những năm tới đây, với những hiệp định song phương, đa phương, xuyên lục địa, đặc biệt là Hiệp định thương mại TPP, được thực thi, chắc chắn phố “Tây” ở Việt Nam ngày càng nhộn nhịp, đông vui.
Đến một lúc nào đó, trong các thành phố Việt, rất có thể “Ta” và “Tây” cùng chung địa chỉ của dòng chảy cảm xúc nhớ quê, nhớ nhà, cùng thầm thì hát những ca từ bình dị mà sâu lắng : “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó...”!
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Liên Hiệp Quốc giúp thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại New York hôm 30 tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến những diễn biến gần đây tại biển Đông và kêu gọi gọi Liên Hiệp Quốc giúp giải quyết những tranh chấp tại khu vực này dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời sớm hoàn tất Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là COC).
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã ghi nhận lời đề nghị này và đồng ý về vai trò của ngoại giao giúp phòng ngừa, giải quyết xung đột, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cũng nhân dịp này Thủ tướng Việt Nam bày tỏ mong muốn các nước ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.
http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/southchinaseadispute/pm-nguyen-xuan-phuc-asks-un-to-help-solve-scs-disputes-via-peaceful-ways-05312017093159.html
Người Em Xưa Hò Hẹn
Gởi quý bạn
Tôi có 4 ngày du lịch Paris, Thủ Đô Ánh Sáng của nước Pháp.
Cuối cùng thì tôi có thể tự trả lời cho tôi: Paris có gì lại không em? (thơ Nguyên Sa):
Bốn ngày qua, có lão già Bảo Trâm, sau bao nhiêu năm mơ uớc đã đến thăm em, Paris
Với 4 ngày để thăm một thành phố nhiều di tích như Thủ Đô nước Pháp thì không thể nào xem hết những gì đáng xem, nhưng dù vậy, muốn viết về những gì đã xem trong 4 ngày đó, cũng cần vài tháng, viết liên tục mỗi ngày 8 giờ.
Vì vậy để kể lại hầu quý bạn có chút khái niệm về những gì tôi đã xem, đã cảm nghĩ, tôi xin viết thành những câu chuyện nhỏ.
Thăm Thủ Đô Paris, nhiều người nghĩ ngay đến Tháp Eiffel, ngọn tháp vĩ đại được xây từ thế kỷ thứ 19, tôi xin sẽ kể sau.
Chúng ta hãy đến thăm một nơi khác, nơi mà đa số người Viện Nam chúng ta, tương đương tuổi của tôi, không ai không nghe nói tới một vài lần.
Tôi đến thăm nàng Mona Lisa, bức họa của Họa Sĩ Leonardo Da Vinci hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Louvre.
Tới nay thì chúng ta dù nghe nhiều, đọc nhiều về bức họa này, nhưng tôi tin chắc là rất ít người biết màu sắc nguyên thủy của bức họa này ra sao, nền phông màu gì? Áo màu gì, tay áo màu gì và cả đôi mắt, đôi tay vốn rất nổi tiếng, thu hút biết bao sáng tác thơ văn, có màu gì?
Bức họa nàng Mona Lisa, ngoại trừ cách vẽ đôi mắt và đôi tay nổi tiếng thì không hề bị chỉnh sửa, nhưng màu sắc thì bị chỉnh sửa quá nhiều, qua những bản phỏng họa của học trò của chính Họa Sĩ Leonardo Da Vinci, của những người khác, sau thời đại đó, cũng nổi tiếng không kém. Ngay trong những viện bảo tàng đứng đắn và nổi tiếng khác, đều có bức phỏng họa Mona Lisa, với nhiều màu sắc khác nhau, và bức họa nào là của chính Leonardo Da Vinci?
NỖI BUỒN CỦA BA
- 700 000 người Việt ở Cambốt, Thái Lan và Lào là người Việt đã sống lâu đời nhiều thế hệ tại các quốc gia nầy, đại đa số đã nhập tịch. Về người Việt ở Cambot, số thống kê chỉ là phỏng định vì quốc gia nầy không có thống kê. TheoWikipedia, và World Facts Book, người Cambốt gốc Việt chiếm 5% dân số tức khoảng 600 000 người. Bertrand Didier trong bài Vietnamiens au Cambodgevà Annuska Derks trong A picture of the Vietnamese in Cambodia trình bày chi tiết các giai đoạn di cư, định cư, diện mạo của người Việt ở Cambốt (có thể đọc online).
Migration Policy Institute thiết lập thống kê người di dân VN (immigrants) vào tháng 9 năm 2013 dựa vào ước lượng của United Nations Population Division công bố một con số thấp hơn chỉ gồm người di cư xuất khẩu lao động: Cambot: 37 000, Lào: 11 000, Thái Lan: 6000.
- 700 000 người ở Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai, Nhựt, Trung Quốc, Đông Âu , Nga, Bangladesh, Trung Đông và Phi Châu. Dân số VN tại các quốc gia nầy thuộc nhiều diện khác nhau:
- một số là cư dân hợp pháp phần lớn là phụ nữ lấy chồng người Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mã Lai và những du học sinh tại các quốc gia Đông Âu, Nga, được nhập tịch tại các quốc gia nầy
- một số là người xuất khẩu lao động và cư dân bất hợp pháp.
Như vậy tổng số người Việt ở hải ngoại là :
- Người tị nạn Cộng sản: 2.500 000 người (số tròn) Bảng 1
- Người Việt di cư kinh tế, xuất khẩu lao động, du học sinh, định cư bất hợp pháp: 1 400 000 người Bảng 2
Tổng cộng số người Việt ở hải ngoại: 3 900 000 người.
Một cách dễ nhớ: 4 triệu người.
Nguồn : Lâm Vĩnh Bình, Giá Tự Do
Về tổng số người Việt ở hải ngoại, thống kê của nhiều người viết, ngay cả những nhà nghiên cứu khoa bảng thường có khuynh hướng khuếch đại con số, bởi lẽ thay vì sử dụng thống kê chính thức của các quốc gia sở tại, họ lại sử dụng những thống kê của Cục Người Việt nước ngoài của Cộng Sản mà bản chất là gian dối, thiếu chính xác. Đan kể như luận án tiến sĩ : Mobiliser les Vietnamiens de l’étranger : enjeux, stratégies et effets d’un nationalisme transnational của Christophe Vigne do Institut de recherche sur l’Asie du Sud-Est contemporaine (IRASEC) xuất bản năm 2012 cho biết là người Việt ở hải ngoại là 4.3 triệu người trong đó người Việt ở Mỹ là 2.2 triệu (thay vì 1.5 triệu) và ở Canada là 250 000 (thay vì 220 000). «Le RSVN estime à environ 4.3 M le nombre de Vietnamiens résidents à l’étranger. La communauté vietnamienne des États-Unis est de loin la plus nombreuse avec 2.2M de personnes. Environ 250 000 Viet Kieu vivent au Canada, 120 000 en Allemagne et 60 000 en Russie…(p. 13).
Kết luận
Chúng tôi vừa phân tích hai từ ngữ người tị nạn và Việt kiều để phân biệt hoàn cảnh lúc ra đi và vị trí chính trị đối với chế độ cộng sản. Tuy nhiên, khi phải nhắc đến một từ ngữ khác có chữ kiều là kiều hối (mà cộng sản dùng thay cho danh từ ngoại tệ), cái biên giới giữa người tị nạn và Việt Kiều như không còn nữa bởi cả hai đều dùng kiều hối để nuôi dưỡng và củng cố chế độ trong nước.
Thật vậy, kể từ khi Clinton bắt tay với VN năm 1995, người Việt tị nạn về nước ào ạt vì đủ thứ lý do, thăm gia đình, du lịch, du hí… Thật là khó hiểu khi nhiều người đã ra đi tìm cái sống trong cái chết để vượt biển, vượt biên sau những ngày đói rách, khổ nhục hay bị lao tù, và trên đất mới, sau đó cũng không bao lâu, họ lại quay trở về để tiếp tục luồn cúi, nịnh bợ công an, cán bộ phường xã, những người trước đó không lâu là kẻ thù của họ. Vui thú, vinh quang gì? Cứ mỗi lần Tết đến, có khoảng nửa triệu người về VN ăn Tết, mỗi người mang về VN để chi tiêu trung bình khoảng 4000 mỹ kim, như vậy Cộng sản có được dễ dàng ít nhất 2 tỷ mỹ kim kiều hối chỉ trong hai tháng. Ngoài ra, việc gởi tiền về VN triền miên từ 40 năm nay để nói là giúp đỡ thân nhân cũng là hiện tượng cần suy nghĩ, bởi lẽ chính số kiều hối khổng lồ nầy đã nuôi dưỡng, củng cố chế độ và duy trì một lớp thân nhân ỷ lại lười biếng, thỏa hiệp với công an để được dễ dàng trong cuộc sống. Dưới lăng kính nầy, người tị nạn có khác gì những Việt kiều yêu nước hay xuất khẩu lao động thân cộng?
Theo Viện Nghiên cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (Central Institute for Economic Management CIEM), « tính từ năm 1991 đến 2013, lượng kiều hối gởi về hơn 90 tỷ mỹ kim, là chiếc phao cứu tinh cho nhiều doanh nghiệp và là nguồn tài chính quan trọng cho quốc gia. Số tiền trên không kể đến 28% «kiều hối chui» không qua đường dây chính thức và những khoản tiền tiêu khi Việt kiều về thăm nhà. Chỉ năm 2013, số kiều hối gởi về là 11 tỷ. Mỹ là quốc gia chuyển kiều hối về VN nhiều nhất (57% trong tổng số kiều hối chính thức), kế đó là Úc (khoảng 9%), Canada (8%), Đức (6%), Pháp (4%) . Kiều hối là nguồn vốn thứ hai tại VN sau FDI (chú thích của người viết: Foreign Direct Investment là tiền ngoại quốc đem vào VN đầu tư) giúp tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm nợ, cải tiến bảng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, giúp ổn định tỉ giá, cán cân thanh toán và tăng dự trử ngoại hối . Tóm lại, kiều hối dùng để trả sinh hoạt hằng ngày, đầu tư vào sản xuất kinh doanh và trả nợ». (Cứu tinh của nền
kinh tế VN /Alan Phan - ngày 18/12/2014.)
Thông tin trên phát xuất từ một cơ quan kinh tế chiến lược đầu não của cộng sản đã cho thấy không phải là nhóm Việt kiều Đông Âu, hay nói chung những Việt kiều thân Cộng đã gởi tiền về nước để nuôi chế độ mà chính đa số là người tị nạn. Chỉ tại 5 quốc gia có đông đảo người tị nạn, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã đóng góp hàng năm cho cộng sản VN 84% ngoại tệ. Có gì phi lý hơn, khi người Việt ở Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Tây Đức là thành trì chống Việt Cộng, nhưng đồng thời cũng là đại ngân hàng tài trợ cho Việt Cộng. Giải quyết cái phi lý nầy phải là chuyện số một phải làm, tuy đã muộn màng lắm rồi, trước khi nói đến những chuyện tranh đấu khác.Lâm Văn Béš›Về tác giả Lâm Văn Bé:
Trước 1975, tác giả làm việc và từng giữ các chức vụ:· Giáo sư, Giám học, Hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho· Tổng Thư Ký Viện Đại Học Tiền Giang· Chánh Sở Học Chánh Định Tường
Sau 1975, ông làm Giám đốc Thư Viện Mile End ở Montreal, Canada. Hiện nay, ông về hưu và dành thời gian viết biên khảo.
aturday, June 17, 2017
VI ANH * NGÀY CỦA CHA
NGÀY CỦA CHA
Vi Anh
Năm nay 2017, Ngày của Mẹ hay Hiền Mẫu nhằm Chủ Nhựt 14 tháng Năm và
Ngày của Cha hay Thân Phụ nhằm Chủ Nhựt 18 tháng Sáu ở Mỹ. Cha mẹ là trụ
cột của gia đình, gia đình Việt Nam là nền tảng của xã hội VN. 42 năm
nhìn lại xã hội Việt Nam của người Mỹ gốc Việt phát triển trong xã hội
Mỹ mới thấy vai trò, công ơn trời biển của cha mẹ nơi quê hương mới của
người Việt tại Mỹ.
Lịch sử chỉ đánh giá đúng anh hùng, liệt nữ sau khi quan tài đã đóng
kín. Ngày của Mẹ, của Cha năm thứ 42 này, những người cha, người mẹ Việt
Nam đầu tiên đưa gia đình sang tỵ nạn CS ở hải ngoại chắc cũng không
còn nhiều lắm. Đây là cơ hội tốt để thấy công ơn trời biển của những
người cha, người mẹ đã hy sinh đưa con cái đến bến bờ tự do, quên mình
nơi quê hương mới để lo cho con cái – là lớp trẻ Việt hải ngoại -- được
như ngày hôm nay.
Census 2010 của chánh phủ Mỹ làm 7 năm trước đã cho thấy cộng đồng người
Mỹ gốc Việt phát triển một cách đặc biệt. Đã lên hạng tư trong khối di
dân gốc Á châu đến trước rất lâu tại Mỹ quốc. Đã giữ được hồn Việt,
tiếng Việt trong gia đình, “nói tiếng Việt ở nhà” nhiều hơn các sắc dân
khác. Nhưng ra ngoài xã hội người Mỹ gốc Việt ăn học cũng chẳng thua ai,
25% có bằng đại học 4 năm hay cao hơn. Trong 10 năm, dân số gốc Việt
tăng gần nửa triệu người, và ngay tại thời điểm kiểm tra, tổng số người
mang họ Việt Nam tại Hoa Kỳ là: 1,548,449.
Lợi tức trung bình của gia đình 4 người là 59,000 USD một năm so với
62,000 của toàn quốc. 67% có việc làm, đứng hàng thứ tư trong cộng đồng
di dân Á Châu, cao hơn tỷ lệ toàn quốc Mỹ là 65%. Tỷ lệ ly dị 6%, thấp
hơn tỷ lệ chung toàn quốc Mỹ là 11%. Tỷ lệ làm chủ căn nhà mình đang ở
là 65% so với 66% của toàn quốc cho thấy gia đình là trụ cột của cộng
đồng Mỹ gốc Việt.
42 năm là thời gian gần nửa đời người. Thế hệ thứ nhứt đại đa số là
những quân dân cán chánh VN Cộng Hoà liều mình dẫn gia đình con cái đi
tỵ nạn CS ở hải ngoại, trẻ nhứt cũng 30, bây giờ đã hơn sáu, bảy, tám
mươi rồi. Không ít người đã ra đi; số còn lại cũng mấp mé bờ sanh tử
theo luật vô thường của Tạo Hoá.
Tre tàn măng mọc là qui luật sinh tồn. Con hơn cha nhà có phước, sau hơn trước đất nước có phần là đà tiến hoá của một dân tộc.
Hậu duệ của những người cha người mẹ đến bến bờ tự do, đứa con sanh sớm
nhứt tại hải ngoại bây giờ cũng trên 40 tuổi. Có người gọi là thế hệ thứ
hai bây giờ cũng đã tứ thập nhi bất hoặc rồi. Còn thế hệ thứ ba thì
nhiều lắm đang đại học hay ngoài đời, hoà nhập sâu sát vào xã hội Mỹ. Dù
bi quan và khiêm tốn sắc tộc thế mấy đi nữa cũng thấy lớp người hậu duệ
của những bậc cha mẹ thuộc thế hệ thứ nhứt của những người Việt tỵ nạn
CS, không thua sút bất cứ sắc tộc nào đã nhập cư các siêu cường Tây
Phương hàng thế kỷ trước.
Đặc biệt ở Mỹ là hiệp chủng quốc, nơi người Việt định cư đông nhứt trên
thế giới, những cố gắng vươn lên, thăng tiến cần lao đồng tiến xã hội
của người gốc Việt thấy rõ nhứt. Bác sĩ, luật sư, kỹ sư, tướng tá quân
đội Mỹ, chuyên viên gốc Việt đã bão hòa so với tỷ lệ dân số gốc Việt..
Ngành nào lớp trẻ VN cũng có mặt, chen vai sát cánh với những sắc tộc
khác.
Sự thành công này của thệ hệ hậu duệ theo phân tích và nhận định của
những nhà xã hội học là do yếu tố gia đình VN. Nói đến gia đình VN là
nói đến cha mẹ. Gia đình tự nó là một nhóm xã hội (social group). Bất cứ
nhóm xã hội nào cũng có sự lãnh đạo mới mưu cầu hạnh phúc và thăng tiến
được. Nhóm xã hội gia đình VN, người cha thường đóng vai trò lãnh đạo
thực hiện (instrumental leadership), nặng về lý trí, thực tiễn, đòi hỏi
con cái phải thực hiện hoàn thành nhiệm vụ của gia đình.
Do đó người cha tỏ ra cứng rắn với con cái và ít được con cái thân tình
như đối với mẹ. Còn người mẹ đóng vai trò lãnh đạo hoà hợp, tạo sự thông
cảm chung, hạnh phúc, êm ấm chung cho gia đình nên được lòng con cái
hơn người cha. Hai thể thức lãnh đạo này không xung khắc nhau mà bổ túc
cho nhau, làm gia đình VN phát triển tốt trong xã hội Tây Phương và làm
cho lý do lớp trẻ VN thăng tiến nhanh trong xã hội các quốc gia định cư
cách nước nhà có nơi nửa vòng Trái Đất.
Trên đường định cư cũng như trên bất cứ đường đời nào đều vạn sự khởi
đầu nan. Cha mẹ lấy thân phận lót đường cho con cái để lớp trẻ có ngày
nay. Hầu hết thế hệ thứ nhứt quên mình, để dĩ vãng qua một bên, hướng về
tương lai phía trước, lo cho gia đình thăng tiến.
Tướng lãnh Quân Lực VNCH không ngần ngại đi làm người lau cửa sổ cho các
building, người quản lý nhà hàng. Nghị sĩ, dân biểu VNCH đi bán xăng,
bán tiệm rượu, làm thợ nhà in, thợ lắp ráp điện tử. Công chức cao cấp đi
cắt chỉ, ủi đồ, cắt cỏ, làm móng tay, làm mặt trong thời kỳ chân ướt
chân ráo. Làm với tất cả lòng tận tụy, với sự hiểu biết và tin tưởng nơi
lớp trẻ tiến lên, tiến thân.
Con cái dầng công nhau xây đắp đại gia đình. Một chiếc xe ban đầu đôi ba
anh chị em chia giờ nhau đi và đưa rước nhau. Anh học ra trường tiếp
cha mẹ đóng tiền trường cho em đi đại học cao hơn. Cả nhà chung đậu tiền
cho người anh mua căn nhà đầu tiên và anh tiếp tay em mua căn nhà hay
sang căn tiệm mới.
Việc dầng công đó thực hiện được nhờ sự lãnh đạo thực hiện và hoà hợp
của cha mẹ. Sư kết hợp này có và làm được là do tình thương gia đình, và
chữ tín nghĩa này có và mạnh hơn mọi credit mà không ngân hàng nào có
thể so sánh được. Bất thành văn tự nhưng long trọng và chắc chắn như nền
tảng gia đình VN.
Do vậy Ngày Của Mẹ, Của Cha thứ 42 của người Việt hải ngoại này là ngày
tưởng nhớ tới những người cha người mẹ đã dẫn dắt con ra khỏi chế độ CS,
đến miền Đất Hứa. Ngày tưởng nhớ những hy sinh của những người cha
người mẹ lót đường cho con cái tiến thân nơi quê hương mới. Ngày ngưỡng
mộ lòng dũng cảm của những người cha người mẹ vượt qua mọi khó khăn, thử
thách, một ngày 24 giờ, một tuần bảy ngày để con cháu được như ngày
nay; lòng dũng cảm của những người mẹ người cha đó can đảm hơn người
chiến sĩ can trường xung phong ngoài mặt trận vì giờ phút can đảm xung
phong ngắn hơn, ít khi xảy ra hơn so với lòng dũng cảm gần như suốt đời
của cha mẹ.
Chẳng những thế có nhiều cha mẹ gốc Việt còn muốn hy sinh cho con khi
không còn ở cõi trần này nữa. Nhiều người cha người mẹ dặn dò hay di
chúc cho con cái, sau khi theo ông theo bà, thì con cái đem hoả thiêu,
lấy tro đem rải ngoài biển hay gởi trong các cơ sơ thờ phượng. Vì không
muốn đem tro xương của mình trở lại nước nhà còn nằm trong tay CS. Vì
biết con cháu ở xứ văn minh kỹ nghệ, quá bận bịu này phải chạy theo việc
làm, thường khi phải ở xa, ngày giỗ tết, thanh minh mà vì bận bịu công
việc làm ăn không về viếng mộ được, thì bùi ngùi, tủi buồn tội nghiệp.
Trong những lý do vệ sinh, giản dị, niềm tin tôn giáo, nhiều gia đình VN
bớt theo phong tục Việt sống cái nhà chết cái mồ, mà chấp nhận hoả táng
thân nhân, lấy tro rải biển hay gởi ở các cơ sở tôn giáo, thờ tự, có lý
do gia đình ấy./.(VA)
CHA NÀO CON NẤY - NHÀ GS.PHẠM CAO DƯƠNG
the Most Important
30 Seconds (And 30 Years) of Your Career
ĐỒ HIẾM * CHÚNG NÓ ĐI BUÔN
VIETTEL - Chúng nó đi buôn! (*)
Đồ Hiếm (Danlambao)
- Nhắc đến Đồng Tâm mà không kể đến Viettel là cả một thiếu
sót. Viettel có thế lực to lớn tới đâu mà ĐCS phải đem bán
đứng cả sự nghiệp lưu manh của Nguyễn Đức Chung như vậy?
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel gọi tắt là Vịt Teo (nhằm giúp cho
Thủ tướng Phúc và cán bộ cao cấp ĐCS dễ đọc) để cho công bằng ta hãy
nghe Vit Teo nổ trước:
- Vit Teo do Bộ Quốc phòng chủ sở hữu và là doanh nghiệp quân đội
kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin.
- Vịt Teo đã đầu tư viễn thông tại 10 quốc gia, phần lớn tại Châu
Phi: Tanzania, Burundi, Mozambique, Kameroon; Châu Đại Dương: Đông
Timor; Nam Mỹ: Peru; Châu Á: Lờ Cờ Mờ Vờ. Với số khách hàng là 35
triệu tại ngoại quốc và 65 triệu trong nước, nên Vịt Teo tự sướng
là một nhà mạng “Mặt trời không bao giờ lặn ở Vịt Teo”.
- Vịt Teo hiện là doanh nghiệp nhà nước mang về lợi nhuận cao nhất,
trong năm 2016, Vịt Teo đã thu về gần 1,4 tỷ USD từ viễn thông.
- Mục tiêu của Vịt Teo là đến 2020 mỗi người dân sẽ có 1
Smart Phone kết nối và mỗi gia đình đều có 1 đường truyền
internet và truyền hình cáp trên một dây thuê bao.
- Ngoài ra Vịt Teo có tuyên bố xanh rờn, chưa có một quân
đội nào trên thế giới dám làm: “Một đòi hỏi mới là người bí
thư quân đội phải nắm vững và tham gia vào kinh doanh”!!!
Quân đội làm kinh doanh - “Chúng nó đi buôn”
Cái này đích thực là quái thai như kinh tế thị trường định
hướng XHCN, vì kinh tế thị trường của tư bản trước đây bị chính
người CS lên án là kẻ thù của XHCN. Tương tự vậy, nhiệm vụ trọng
đại nhất của quân đội là sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nhân
dân, bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn lãnh thổ, mà còn chạy theo kinh
doanh đặt lợi nhuận lên mục tiêu hàng đầu, thì chỉ còn con đường
bán nước là con đường mang Đô La vào lẹ nhất cho ĐCS. Ngày nay
người dân nào cũng rõ: Dưới sự lãnh đạo của ĐCS, chúng ta đã và đang
mất đảo, mất đất, mất biển vào tay kẻ thù truyền kiếp Trung
Cộng, trong khi Quân đội Nhân dân vẫn cứ bền gan đóng vai anh
hùng... núp, đúng là cả lũ hèn hạ.
Nói thêm về vụ Đồng Tâm: Trước đây, các vụ cưỡng bức đất đai là kết quả tất yếu của chính sách “đảng viên kinh doanh”, nay vụ ĐT lại có dính dáng Vịt Teo, nghĩa là thêm chính sách “quân đội kinh doanh”.
Rút cuộc, dân ĐT một cổ mà hai tròng: Tròng Côn an và tròng bộ
đội, mà cả hai thì có cùng chung một mẫu số: Vì bổng lộc từ ĐCS mà đánh dân như kẻ thù,
còn chính giặc thù thì lại xem như bạn! Xin liên hệ thêm một
chút về vụ phi trường Tân Sơn Nhất, giao thông thì tắc nghẽn,
phi trường lại quá tải, mà những cơ quan chức năng vẫn lờ đi,
thẳng tay cắt bớt đất phi trường, viện cớ đất quốc phòng, để...
xây nhà hàng, sân Golf, hầu nhét đầy túi tham vô đáy của bọn các
tướng (cướp) Quốc phòng dưới chiêu bài “quân đội làm kinh doanh”.
Vịt Teo đầu tư viễn thông ra nước ngoài
Vịt Teo tự sướng là đầu tư viễn thông thành công, nhưng chỉ tại những
nước độc tài về chính trị như Việt Nam (65%), Lào, Campuchia, Miến
(trước 2016), vì tại đó Vịt Teo giúp cho chính quyền độc tài kiểm soát
thông tin và hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Về kỹ thuật và
vật liệu của Vịt Teo hầu hết phần lớn đều là ma-dzê China. Nguyên
nhân vì con ốc vít thì “Bộ đội ta chưa làm được”, nên giá thành chắc
chắn phải cao hơn giá của TQ. Do đó tại các nước dân chủ và giàu mạnh
thì Vịt Teo không thể nào cạnh tranh nỗi, vì trình độ kỹ thuật
còn yếu kém, cộng thêm khi biết phía sau Vịt Teo là quân đội CS thì
không nước nào muốn dây với hủi cộng. Nên câu khẩu hiệu “Mặt
trời không bao giờ lặn ở Vịt Teo” là chuẩn không cần chỉnh, vì toàn bộ cán bộ và bộ đội Vịt Teo làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm đi buôn lậu sừng tê giác tại Châu Phi, buôn thuốc phiện từ Nam Mỹ, hay rửa tiền cho cán bộ gộc tại quê nhà!
Vit Teo đầu tư các ngành kinh tế khác
Trở lại việc quốc phòng mà đặt kinh tế lên hàng đầu như Vịt
Teo là hoàn toàn thất sách đối với dân, nhưng lại thực dụng đối với
các tướng chính ủy. Quốc phòng mà đầu tư vào các ngành như: Vào
nhà hàng, thí dụ nhà hàng tiệc cưới White Palace - Trung tâm hội nghị
đồ sộ trên khuôn viên rộng gần 10.000 mét vuông, diện tích xây dựng
24.000 mét vuông tại quận Phú Nhuận, do Quân khu 7 làm chủ đầu tư; vào
xây dựng như Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả - theo đơn đặt hàng
cho các nhà thầu TQ tràn ngập Quảng Ninh; vào các xí nghiệp may
mặc, buôn bán bất động sản... thì đó chính là lún sâu vào
các phi vụ tham lam, lạm quyền, làm giàu bất chính của đám
tướng tá, chính ủy rồi dần dà sẽ trở thành tư sản đỏ chỉ chăm
chăm vào việc lời lỗ, bỏ quên đi nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Nói
có sách, mách có chứng, kịu B.T Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh
thì quá tâm tư vì các tướng tá ham lên chức (kèm theo bổng lộc), đến nỗi
dân phải tự diễn biến thành thế lực thù địch vì quá căm phẫn
hành động ngang ngược của TQ. Riêng tên con giai Phùng Quang Hải mãi mê
lo đi buôn (kèm với gái gú), đến nỗi có người hồ nghi rằng, hắn
đã quên mẹ luôn cách xử dụng “súng” rồi!
Vịt Teo là doanh nghiệp nhà nước, lại có lời?
Nhờ hồi sau 75, quân đội làm kinh tế nhỏ, nghĩa là kiếm Hồ tệ qua nuôi
heo, trồng rau muống, bèo hoa dâu..., sau này được mở trói bởi tư duy
kinh tế thị trường, thì quân đội trực tiếp kiếm Đô qua đất, điện và
nay là điện thoại. Vịt Teo cấu trúc là một doanh nghiệp tư nhân - nói
rõ là doanh nghiệp dành riêng cho quân ủy, chớ không kể bộ đội thấp hèn,
nhưng lại được hưởng mọi ưu tiên từ quốc gia dưới danh nghĩa vì mục đích quốc phòng
như: Ngân sách tài trợ; quyền sử dụng đất đai; ưu tiên trong giao
thông hàng hóa, thuế má, tài chính... Vịt Teo tuyên bố lời to, nhưng
hoàn toàn không dám minh bạch về tài chánh. Nói rõ hơn, Vịt Teo kinh
doanh không có lời mới là lạ, vì tiền nhân công hay lương bộ đội là do
thuế dân đóng; Nhà đất thì chiếm dụng chỗ nào chẳng được với danh hiệu
quốc phòng; Giao thông hàng hóa thì có thằng ngu CSCĐ nào dám xớ rớ
kiếm ăn? Điểm chú ý ở đây là: Sự minh bạch về tài chính như: Tiền khấu
hao cho các cấp ủy trung ương bao nhiêu? Chi phí đấu thầu các công trình
bao nhiêu? Tiền lương cho các tướng CEO (Cướp Eo Ơi!) bao nhiêu? Chất
lượng sản phẩm (phần lớn mua từ TQ) ra sao?
Nói thêm cho mọi người dân rõ: 1,4 tỷ USD/năm mà Viettel mang lại
không đáng là bao nhiêu so với 9 tỷ USD mà Đinh la Thăng hô biến trong
chỉ 2 năm tại Dầu khí VN; hay so với 5 tỷ USD chìm theo con tàu
Vinashin, Vinaline của Tưởng thú nhất Á Châu Nguyễn Tấn Dũng; Hay
so với hàng 20 tỷ USD mà ngư dân Miền Trung phải gánh chịu bởi thảm
họa biển chết do Formosa với tài kinh bang tế thế của thạc sĩ kinh tế
đầu tôm Võ Kim Cự và thái thú Tàu Hoàng Trung Hải. Còn chưa hết, 1.4 tỷ
USD chỉ là số tiền nhỏ còn sót lại, sau khi đã chi trả hào phóng cho
Bộ trưởng Quốc phòng, các tướng CEO và các tay hạm trong B(ộ) C(á)
T(ra) đảng cộng sản Việt gian.
Vịt Teo và Côn an mạng (CAM)?
Khi Vịt Teo đầu tư vào bưu chính, viễn thông và chiếm độc quyền thị
trường, rõ ràng quyền tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế và kiểm soát, quyền
riêng tư sẽ bị xâm phạm. Mọi thông tin cá nhân trên mạng của người
dân đều như nằm trong lòng bàn tay của đám CAM. Facebook, emails,
bloggers, trang mạng tại VN... các liên lạc qua di động đều dễ
dàng rơi vào vòng kiểm soát chặt chẽ của chúng. Thêm nữa các
điều luật hình sự lưu manh như 88, 258 hay phạt tiền đểu đều được tùy
tiện áp dụng. Mọi ý kiến bất đồng, mọi kêu gọi biểu tình đều là
cớ để côn an đến mời người gửi thông tin về đồn và sau đó
hung tin “tự tử” như trường hợp các anh Nguyễn Hữu Tấn, Ngô Chí
Tâm sẽ được thông báo đến cho người thân.
Trở về vụ đất đai Đồng Tâm, không chỉ là vấn đề người dân bị theo
dõi qua mạng di động/internet, mà việc cho phép Vịt Teo đặt trụ
sở tại Đồng Tâm/Hà Nội chẳng khác chính quân đội rước “vi khuẩn”
xuất xứ từ TQ vào để nghe lén mọi thông tin quan trọng của cơ quan
đầu não VN tại Hà Nội (cách hơn 30 km), một việc mà bọn tin tặc,
bọn tình báo Hoa Nam đang ngấm ngầm muốn khống chế VN. Và khi
có bất kỳ thảm họa hay đảo chánh nào xẩy ra, chắc chắn đường
dây cáp quang Vịt Teo sẽ bị cho tê liệt đồng bộ theo lịnh quân
đội như một tuyên bố thiết quân luật mà các nước độc tài vẫn
sử dụng.
Đừng nghe những gì Vịt Teo quảng cáo
Vịt Teo nổ banh nhà xí Ba Đình là đến năm 2020 mỗi người dân
sẽ có 1 Smart Phone kết nối và mỗi gia đình đều có 1 đường
truyền internet và truyền hình cáp trên một dây thuê bao. Chỉ thời
VNCH mới “tình cho không biếu không”, còn ngày nay để có được như vậy,
mỗi người phải trả tiền, không chỉ một lần mà còn đều đặn. Đặc biệt vừa
rồi Bộ Tài chính vừa quyết định “Chi phí nửa triệu USD” cho mỗi lần sửa
chữa đứt cáp quang, vậy bà con hãy tính xem phụ phí này - ít nhất 2 lần
mỗi tháng - trên đầu khách hàng của Vịt Teo sẽ là bao nhiêu? Chưa nói
tới việc sự kiểm soát và hạn chế quyền tự do của mỗi người, vì trên mỗi
điện thoại thông minh do Vịt Teo bán, đều đã gài sẵn GPS (bộ định vị) mà
côn an sẽ dễ dàng phát hiện và bắt dân đen (bị cho là) phản động bất cứ khi nào và ở đâu!
Hãy hoài nghi về khả năng của Vịt Teo!
Vịt Teo tự sướng tự hào về chất xám QĐND, vậy xin hỏi giàn tiến sĩ, kỹ sư của Viettel 2 câu đố chơi để chúng chửi như sau:
Câu 1: Nghe nói Vịt Teo tài tình hoàn thành xây dựng được Hệ thống
Cảnh giới Vùng trời Quốc gia (VQ01-M) vô cùng bảo đảm trong năm 2015,
một con ruồi bay vô cũng bị khám phá, vậy sao hai chiếc máy
bay SU-22 rơi xuống biển đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ
nguyên nhân?
Câu 2: Nghe báo Vẹm rôm rả, Trung đoàn 64 của lực lượng phòng không
VN nhận nhiệm vụ bảo vệ bầu trời thủ đô cũng như nhiều mục tiêu quan
trọng khác tại miền Bắc. Trung đoàn đã được ưu tiên trang bị tổ hợp tên
lửa phòng không S-300PMU1 hiện đại nhất VN cùng các hệ thống pháo phòng
không tự hành ZSU-23-4, vậy sao Trung Quốc đến nay vẫn ngang nhiên
bay vào không phận của VN như vào chỗ không người vậy hả?
Nhiệm vụ của quân đội là nhắm thẳng quân thù mà bắn, nhưng nay
quân đội đã trở thành công cụ bạo lực của ĐCS để chiếm đất
đánh dân, nên dân ta phải kiên quyết tẩy chay Viettel. Không vì giá
cước rẻ, không ham tốc độ cao mà để bọn gián điệp mạng Viettel
bịt miệng, ngăn chặn quyền tự do ngôn luận, cắt đứt thông tin với
thế giới bên ngoài. Chúng ta cần phải sống để cùng nhau diệt
sạch cái ĐCS hại dân bán nước này mới là điều chủ yếu.
18.06.2017
__________________________________
(*) Chúng Đi Buôn - Tên bài nhạc của nhạc sĩ Phan Văn Hưng
THU HẰNG * GIAI ĐOẠN THỰC DÂN
Giai đoạn thực dân Pháp nhìn từ các nước thuộc địa
Hội nghị thường niên của Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp bắt đầu buổi làm việc đầu tiên ngày 15/06/2017 trong tiếng ve kêu và nắng vàng rực rỡ của vùng Provence, miền nam Pháp. Số lượng người tham gia nhiều hơn dự kiến, với khoảng 170 người trình bày tham luận.
Trả lời phỏng vấn ban tiếng Việt đài RFI, bà Nathalie Dessens, giáo sư
Lịch sử đại học Toulouse 2 Jean-Jaurès, nguyên chủ tịch Hội Nghiên Cứu
Lịch Sử Thuộc Địa Pháp và là thành viên ban tổ chức hội nghị 2017, vui
mừng trước thành công ngoài mong đợi. Theo bà, lý do có thể là rất nhiều
nhà nghiên cứu đã tranh thủ hội thảo được tổ chức tại Trung Tâm Lưu Trữ
Hải Ngoại Pháp (ANOM) để lưu lại nghiên cứu tài liệu.
RFI :Xin chân thành cảm ơn bà Nathalie Dessens đã dành thời
gian trả lời ban Việt ngữ để giới thiệu hội thảo cũng như Hội Nghiên Cứu
Lịch Sử Thuộc Địa Pháp từ năm 1974 đến nay. Hội được thành lập như thế
nào và với mục đích gì ?
Nathalie Dessens : Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp được
thành lập vào năm 1974 bởi các nhà sử học Mỹ và Canada. Ý tưởng này
thuộc trào lưu đổi mới nghiên cứu sử-địa, trong đó các nhà sử học về
nước Pháp ở Bắc Mỹ nghiên cứu chủ yếu về nước Pháp lục địa. Dần dần, một
số người trong số họ chuyển sang nghiên cứu toàn cảnh quá trình thuộc
địa Pháp. Điều này giải thích nhu cầu thành lập một hội nghiên cứu về
nước Pháp thuộc địa, và cả mối quan hệ giữa Pháp Quốc với các thuộc địa.
Ý tưởng ban đầu xuất phát từ Bắc Mỹ với các nhà nghiên cứu Mỹ và Canada.
Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Pháp vào khoảng những năm 1990 tại
Poitiers. Trước đó thì hoàn toàn được tổ chức ở Canada hoặc ở Mỹ.
RFI :Vấn đề thuộc địa được đề cập như thế nào trong các hội thảo của Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp ?
Nathalie Dessens : Tôi nghĩ là Hội quan tâm đến toàn bộ tiến
trình thuộc địa Pháp. Tôi cho rằng đây là một trong những điểm mạnh của
Hội, nghiên cứu từ giai đoạn Pháp bắt đầu công cuộc khai thác Mỹ và hình
thành vùng Tân Pháp Quốc cho đến giai đoạn giải phóng khỏi ách thực dân
vào thế kỷ XX.
Cách đề cập vấn đề không giống như cách tiếp cận từ Pháp lục địa. Đây
thật sự là cách nhìn tách biệt, từ bên ngoài, từ các nước thuộc địa.
Theo tôi, đây chính là điểm đặc trưng của phương pháp tiến hành.
Các chủ đề rất đa dạng. Thực ra, mong muốn của chúng tôi là chọn một chủ
đề tương đối rộng để có thể bao phủ mọi lĩnh vực nghiên cứu và cho phép
các nhà nghiên cứu có thể tham gia. Chủ đề năm nay là “Các nhân vật nổi
tiếng và chưa được biết trong giai đoạn thuộc địa Pháp” (Acteurs
illustres et méconnus de la colonisation française), thế nhưng chúng tôi
có những bài tham luận ngoài chủ đề, có thể là về môi trường, về quá
trình khai thác thuộc địa hoặc những đề tài chung.
RFI : Vì có rất nhiều chủ đề được đề cập liên quan đến giai
đoạn thuộc địa, vậy hàng năm, với hội nghị thường niên, ban tổ chức làm
thế nào để thống nhất được một đề tài để cùng thảo luận ?
Nathalie Dessens : Đây là một đặc quyền của ban tổ chức. Mỗi năm,
trường đại học đứng ra tổ chức hội thảo hoặc như năm nay là Trung Tâm
Lưu Trữ Hải Ngoại Pháp, thì những khách mời và ban tổ chức hội thảo đề
xuất một chủ đề. Ví dụ chủ đề năm nay là “Các nhân vật nổi tiếng và chưa
được biết trong giai đoạn thuộc địa Pháp”, tôi nghĩ là có liên hệ đến
kho tài liệu lưu trữ hải ngoại. Cơ quan này muốn nêu lên một số đề tài
ít được chú ý và nghiên cứu. Sau đó, đề tài còn phải chờ văn phòng của
Hội thông qua. Nhưng đúng là chọn chủ đề thường là đặc quyền của ban tổ
chức.
RFI :Hàng năm, ban tổ chức luôn chọn ra một điểm nhất định và
luôn thay đổi từng năm, ví dụ như năm nay là ở Pháp, năm ngoái ở Canada
và năm tới sẽ ở Mỹ. Mục đích chọn các địa điểm khác nhau của ban tổ chức
được hiểu như thế nào ?
Nathalie Dessens : Như tôi đã nói ở trên, đây là một Hội mà ban
đầu hoàn toàn thuộc Bắc Mỹ, vì thế trong vòng nhiều năm, hội nghị hàng
năm thường diễn ra lần lượt tại Mỹ và Canada. Thực ra, Hội không có trụ
sở, mà chỉ gồm các nhà sử học thuộc các trường đại học hoặc các cơ quan
khác nhau. Vì vậy, ngoài ý nghĩa tổ chức hội nghị tại những nơi nghiên
cứu về giai đoạn thuộc địa Pháp, còn phải nói đến khối lượng công việc
khổng lồ trong quá trình chuẩn bị. Vì thế, lần lượt mỗi thành viên của
Hội đứng ra đảm nhiệm công việc này.
Vào cuối những năm 1990, có nghĩa là khoảng 20 năm gần đây, hội nghị
thường niên được tổ chức tại Pháp, lần lượt tại Poitiers, Toulouse, La
Rochelle, Paris và năm nay là ở Aix.
Chúng tôi cũng đã bắt đầu tổ chức hội nghị tại những địa danh cũ trong
thời thuộc địa. Hội nghị đầu tiên theo ý tưởng này được tổ chức tại
Dakar năm 2006 và chúng tôi tổ chức một hội nghị khác ở Siem Reap năm
2014. Mục đích của chúng tôi là vừa đề cao các trường và cơ quan nghiên
cứu về vấn đề thuộc địa, vừa chia sẻ nhiệm vụ với nhau.
Chúng tôi đã nghĩ đến tổ chức hội nghị ở Việt Nam. Chúng tôi đã nhận
được một đề nghị nhưng cuối cùng người phụ trách lại rút lại. Tuy nhiên,
chúng tôi hy vọng có thể tổ chức được vào năm 2020. Chúng tôi rất muốn
và điều này nằm trong kế hoạch.
RFI :Công việc tổ chức, như bà nói, là rất lớn, yêu cầu nhiều
người tham gia cùng lúc. Vậy làm thế nào bà và ban tổ chức có thể điều
phối được 160-170 người cùng tham gia ? Và số lượng “khách” này có tác
động đến ngành du lịch của thành phố Aix hay không ?
Nathalie Dessens : Tôi nghĩ là có tác động nhưng không phải là
những con số quá lớn. Aix-en-Provence là một trường hợp đặc biệt vì có
Trung Tâm Lưu Trữ Hải Ngoại nên năm nay thu hút được rất nhiều nhà
nghiên cứu. Họ tranh thủ sự kiện này để lưu lại thêm vài tuần tìm tài
liệu.
Đúng là có khoảng 160-170 người tham dự năm nay, không phải lúc nào cũng
được như vậy vì còn phụ thuộc vào địa điểm... Có những năm có ít người
tham dự. Chúng tôi từng có những hội nghị với quy mô nhỏ, như ở Nova
Scotia (Nouvelle Ecosse, Canada) với khoảng 90 người. Thường số lượng
người tham gia dao động từ 80 đến 200. Năm nay là một năm tốt, một năm
thành công.
RFI :Sau mỗi kỳ hội thảo, công chúng có thể tiếp cận được những công trình nghiên cứu được trình bày ở hội thảo hay không ?
Nathalie Dessens : Vừa có vừa không. Để có thể dự thính, cần phải
đăng ký ghi danh hội nghị. Có nghĩa là những ai đăng ký đều có thể đến
tham dự hội nghị mà không cần thiết phải là hội viên hay là giảng viên
đại học hoặc làm việc trong trường đại học. Điều quan trọng là phải đăng
ký hội nghị, đơn giản là vì Hội Nghiên Cứu Lịch Sử Thuộc Địa Pháp không
nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào mà chỉ sống được nhờ số tiền đóng
góp của hội viên. Hội nghị thường niên được tổ chức nhờ vào lệ phí đăng
ký. Điều này giải thích tại sao phải đăng ký để có thể tham dự hội nghị.
Bất kỳ ai đều được hoan nghênh ghi danh vào hội nghị.
Về mặt công bố nghiên cứu, Hội có một tạp chí mang tên French Colonial
History, được viết bằng hai ngoại ngữ, Anh và Pháp, và đăng những bài
viết liên quan đến công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Nhưng đó
không hẳn phải là những bài tham luận ở hội thảo mà là những bài viết do
hội viên đề xuất, không nhất thiết là đã trình bày ở hội nghị. Nhưng
tất cả những bài viết này đều tóm lược đầy đủ về các công trình của Hội.
Tờ báo của Hội có thể truy cập được trực tuyến và nằm trong gói các tạp
chí điện tử. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể đặt tạp chí bằng giấy, dù
chúng tôi không nhận được nhiều yêu cầu nhưng vẫn làm được.http://vi.rfi.fr/phap/20170616-giai-doan-thuc-dan-phap-nhin-tu-cac-nuoc-thuoc-dia
BRANDON AMBROSINO * TÌNH DỤC
"Quan hệ tình dục khác giới" ra đời khi nào?
Trong phần Khi niềm hoan lạc bị coi là bệnh hoạn,
tác giả đã giải thích rõ lý do vì sao chỉ mới cách đây chừng 100 năm,
quan hệ tình dục giữa đàn ông và đàn bà từng bị coi là "khao khát bệnh
hoạn", "lệch lạc giới tính", hoặc nhẹ nhàng nhất là "sở thích tình dục
khác thường".
Ngày nay, hành vi tình dục này được thừa nhận là "bình thường".Vậy điều gì đã dẫn đến sự thay đổi này?
Giải mã mối liên hệ giữa tự vẫn và mùa xuân
Vì sao khó nhìn vào sự thật?
Mẹo hay để hơi thở hết mùi tỏi khó chịu
Vào cuối thập niên 1860, nhà báo người Hungary Karl Maria Kerthbeny đã xác định bốn cụm từ để mô tả các trải nghiệm tình dục: dị tính (heterosexuality), đồng tính (homosexual), và hai từ, nay đã bị lãng quên, mô tả hành vi thủ dâm và quan hệ với động vật, là quan hệ đơn tính luyến ái (monosexual) và quan hệ hỗn tạp (heterogenit).
Kerthbeny sử dụng từ "quan hệ dị tính" một thập niên sau đó, khi ông được yêu cầu viết một chương sách tranh luận về việc phi hình sự hóa hành vi đồng tính.
Biên tập viên Gustav Jager quyết định không xuất bản nó, nhưng cuối cùng ông đã sử dụng cụm từ của Kertbeny trong một quyển sách xuất bản vào năm 1880.
Lần tiếp theo từ này được xuất bản là vào năm 1889, khi nhà tâm thần học người Áo-Phổ tên là Richard von Krafft-Ebing đã đặt cụm từ này vào quyển "bệnh tâm thần tình dục" (Psychopathia Sexualis), trong một danh mục các rối loại tính dục.
Nhưng trong khoảng 500 trang, từ "quan hệ dị tính" chỉ được sử dụng 24 lần và thậm chí nó không được đưa vào danh sách các từ cần tra cứu, tham khảo.
Tám từ kỳ diệu làm thay đổi thế giới
'Yêu' robot có đồng nghĩa với việc ngoại tình?
Trong thời trang thì ‘nude’ không phải là khỏa thân
Đó là bởi vì Krafft-Ebing hứng thú với "bản năng tính dục trái khoáy" (sự kỳ quặc) hơn là "bản năng tính dục".
"Bình thường" là một từ mạnh, tất nhiên, đã được sử dụng sai rất nhiều trong lịch sử.
Hệ thống thứ bậc dẫn đến chế độ nô lệ có thời đã được coi là bình thường, cũng như thuyết vũ trụ học địa tâm (thuyết coi Trái Đất là cái rốn của vũ trụ).
Chỉ khi các cơ sở nền tảng căn bản, vốn tạo nền móng cho quan điểm chung trong xã hội, bị nghi ngờ và bác bỏ thì những sự "bình thường" đó mới bị xoá bỏ.
Với Krafft-Ebing, khao khát tính dục bình thường được đặt trong bối cảnh rộng hơn là tính năng sinh sản, một ý tưởng vốn vẫn chiếm ưu thế trong các lý thuyết tính dục của phương Tây.
Trong thế giới phương Tây, một thời gian dài trước khi các hành vi tính dục được chia thành các loại như dị tính/đồng tính thì có một cách chia khác tồn tại: Sinh sản hoặc không sinh sản.
Chẳng hạn, Kinh Thánh lên án hành vi quan hệ tình dục đồng giới với lý
do tương tự như khi lên án hành vi thủ dâm: đó là các hành vi bị coi là
làm hoang phí đi các hạt sự sống.
Trong khi quan điểm này được rao giảng rộng rãi và giờ vẫn còn được Giáo
hội Thiên Chúa áp đặt và sau đó cả Đạo Tin Lành cũng vậy, thì điều quan
trọng cần ghi nhận ở đây là cách đánh giá này không xuất phát từ Do
Thái giáo hay Kito Giáo, mà là từ Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Như nhà đạo đức học Công giáo Margaret Farley chỉ ra, những người theo
Chủ nghĩa Khắc kỷ "giữ quan điểm cứng rắn về sức mạnh của ý chí con
người trong việc điều chỉnh cảm xúc và cả khao khát, như những quy tắc
vì sự bình an trong tâm hồn."
Chẳng hạn, Musonius Rufus cắt nghĩa trong bài giảng "Về khoái lạc nhục
dục" (On Sexual Indulgence) rằng các cá nhân phải tự bảo vệ mình chống
lại sự tự thỏa mãn, trong đó gồm cả đam mê hoan lạc quá độ.
Để kìm hãm sự ham muốn tình dục, nhà thần học Todd Salzman, Rufus và
những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ khác cố gắng định vị nó là "trong bối
cảnh lớn hơn ý nghĩa con người" - lập luận rằng tình dục chỉ thực sự
hợp lẽ khi nó nhằm mục đích sinh sản.
Những nhà thần học Kito Giáo ban đầu cũng theo đuổi đạo lý sinh sản
trong quan hệ vợ chồng này, và đến thời Augustine, tình dục để phục vụ
sinh sản là kiểu tình dục duy nhất được coi là bình thường.
Khi Krafft-Ebing coi chuyện quan hệ tình dục đương nhiên là để nhằm mục
đích sinh sản, thì ông thực sự đã mở rộng nghĩa nó ra. "Trong yêu đương
tình dục thì lý do bản năng thực sự, tức là nhằm duy trì nòi giống,
không diễn ra một cách có ý thức," ông viết.
Nói cách khác, bản năng tính dục chứa đựng mục đích sinh sản - và mục
đích này đã sẵn có như vậy cho dù những người có quan hệ tình dục "bình
thường" không để ý đến sự tồn tại của nó, theo Krafft-Ebing.
Brandon Ambrosino từng viết cho New York Times, Boston Globe, The
Atlantic, Politico, Economist và nhiều tờ báo khác. Ông sống ở Delaware,
và là nghiên cứu sinh thần học tại Đại học Villanova.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Futurehttp://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-40235503
Có điều gì đó khiến bạn quay đầu lại và nhận ra có người đang theo dõi
mình. Có thể bạn đã bắt gặp điều này trên một chuyến tàu đông đúc, hoặc
khi đang rảo bước qua công viên vào buổi tối.
Nhưng làm sao bạn biết được mình đang bị theo dõi? Điều này giống như một loại linh cảm không liên quan đến các giác quan của bạn, thế nhưng trên thực tế, nó cho thấy các giác quan của con người, nhất là thị giác, có thể có những chức năng vô cùng bí ẩn.
Cách tránh bị nghe dối trá và xem 'tin vịt'
Giải mã mối liên hệ giữa tự vẫn và mùa xuân
Thường thì khi bạn nhìn vào một thứ gì đó, các thông tin được truyền đến vùng vỏ não chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh, giúp bạn nhận dạng được điều mình đang nhìn thấy, thế nhưng thực tế kỳ quặc hơn thế nhiều.
Một khi thông tin rời khỏi mắt của chúng ta, chúng được truyền đi đến ít nhất 10 vùng khác nhau trong não, với những chức năng cụ thể khác nhau.
Có lẽ nhiều người không quá xa lạ với vỏ não thị giác, một vùng khá lớn ở phía sau não, nơi thu hút nhiều sự chú ý nhất từ các nhà khoa học thần kinh.
Vùng vỏ não thị giác có thể xử lý những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy, từ màu sắc cho tới các chi tiết, giúp ta nhận thức được một cách đầy đủ về thế giới đầy màu sắc quanh mình.
Thế nhưng những vùng khác trong não của chúng ta cũng xử lý các mảnh thông tin khác nhau, và đây là những nơi có khả năng tiếp tục làm các nhiệm vụ mà ta không ý thức được.
Nên ăn những món gì để hết mất ngủ?
Những con sâu có giá 20.000 USD một cân
Có thể chỉ ăn một món để sống?
Những ca sống sót từ các vụ chấn thương thần kinh có thể giúp chúng ta hiểu hơn về cơ chế này.
Khi một vụ tai nạn làm tổn thương vùng vỏ não thị giác, thị giác của nạn nhân sẽ bị ảnh hưởng. Nếu vùng vỏ não thị giác bị hỏng hoàn toàn, bạn sẽ mất khả năng nhận biết hình ảnh, điều mà các nhà khoa học thần kinh gọi là ‘mù vỏ não’.
Thế nhưng không giống như việc bị mất đôi mắt, những người bị mù vỏ não không mù toàn phần - những vùng thị giác phi vỏ não vẫn tiếp tục hoạt động.
Mặc dù bạn không thể ý thức được về hình ảnh mắt nhìn thấy mà không có
vỏ não thị giác, bạn vẫn có thể phản hồi trước tất cả những gì mắt nhận
biết và chuyển sang các vùng khác trên não.
Vào năm 1974, một nhà nghiên cứu có tên Larry Weiskrantz đã dùng thuật
ngữ ‘thị lực mù’ để gọi hiện tượng những bệnh nhân bị khiếm thị do hỏng
vùng vỏ não thị giác nhưng vẫn có khả năng phản hồi trước những tín hiệu
về hình ảnh.
Các bệnh nhân này không thể đọc sách, xem phim hoặc bất cứ những hoạt
động nào yêu cầu việc xử lý hình ảnh. Thế nhưng họ có khả năng nhận dạng
ánh sáng trước mặt với độ chính xác tương đối. Và mặc dù không thể nhìn
thấy bất cứ gì, họ có khả năng ‘phán đoán’ khá tốt.
Các vùng khác ở não có khả năng nhận dạng ánh sáng và cung cấp thông tin về toạ độ, bất chấp sự thiếu vắng của vỏ não thị giác.
Một số nghiên cứu khác cho thấy nhiều bệnh nhân khiếm thị còn có khả
năng nhận biết chuyển động hoặc cảm xúc trên khuôn mặt người khác.
Gần đây, một nghiên cứu gây chấn động đối với một bệnh nhân có thị lực
mù đã cho thấy cách mà con người có thể cảm nhận khi mình bị theo dõi,
dù không nhìn thấy mặt người khác.
Alan J Pegna từ Bệnh viện Đại học Geneva, Thuỵ Sỹ, cùng với nhóm cộng sự
đã làm việc với một người đàn ông ẩn danh được biết đến dưới cái tên
TD. TD, một cựu bác sỹ, đã mất vỏ não thị giác sau một cơn đột quy. Điều
này khiến ông bị mù vỏ não.
Nghiên cứu này bao gồm việc cho người tham gia xem những bức hình chân dung có các đôi mắt nhìn trực diện hoặc không trực diện vào họ. TD đã thực hiện nhiệm vụ này trong một máy quét fMRI, vốn có khả năng đo hoạt động não trong lúc ông xem ảnh.
Tất nhiên là đối với những người có thị giác bình thường, nhiệm vụ này không có gì đặc biệt - họ sẽ có khả năng ghi nhận từng chi tiết trên các khuôn mặt trong hình. Thế nhưng TD lại không có khả năng đó.
Kết quả từ máy quét cho thấy não của chúng ta có thể cảm nhận được những
điều mà chúng ta không ý thức được. Một vùng trên não gọi là amygdala,
có khả năng xử lý cảm xúc và các thông tin trên khuôn mặt, trở nên năng
động hơn khi TD nhìn vào các khuôn mặt có mắt nhìn trực diện vào ông so
với những tấm hình có mắt nhìn không nhìn trực diện. Khi người khác nhìn
TD, vùng amygdala của ông cũng phản ứng, mặc dù ông không biết điều
này.
Nếu bạn muốn nhận dạng khuôn mặt, xem phim hoặc đọc báo, bạn vẫn phải
phụ thuộc vào vỏ não thị giác. Thế nhưng những nghiên cứu như trên cho
thấy một số chức năng đơn giản và quan trọng hơn đối với sự sinh tồn của
con người hoàn toàn không phụ thuộc vào khả năng nhận biết hình ảnh một
cách có ý thức.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng chúng ta có thể phát hiện những người
đang nhìn mình trong phạm vi tầm nhìn - có lẽ là ở góc mắt - ngay cả khi
chúng ta không ý thức được về họ. Điều này cho thấy não của chúng ta
đang thông báo rằng mình đang bị theo dõi.
Vì vậy vào một lúc nào đó, khi bạn đang đi trên một con đường tối hay đi
trên tàu và bất chợt nhìn lại, thấy có người đang nhìn mình chằm chằm,
đó có lẽ là hệ thống nhận biết hình ảnh một cách vô thức của bạn đang
quan sát môi trường xung quanh, trong lúc bạn đang bận tập trung vào thứ
khác.
Nó có thể không phải là hiện tượng siêu nhiên, nhưng nó cho thấy não bộ có những chức năng vô cùng kỳ bí.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.PHỐ TÂY Ở VIỆT NAM
Phố "Tây" ở Việt Nam
Xu hướng người nước ngoài định cư, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam ngày càng tăng. Họ đến đây vì “đất lành chim đậu”, vì nhu cầu mưu sinh, hay chỉ là ý đồ “sống thử” để trải nghiệm? Dù là lý do gì, thì đó cũng là tín hiệu tích cực của một đất nước đang trên đường hội nhập. Từ năm 1995, ở các thành phố lớn của Việt Nam, phố “Tây” nhen nhóm và phát triển như những tụ điểm dân cư ngẫu nhiên, mang diện mạo và sắc thái riêng, rất sống động. Hiện ở Việt Nam có những phố “Tây” nổi tiếng như Ngã Tư Quốc Tế (Sài Gòn), Tạ Hiện (Hà Nội), Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang), Bạch Đằng (Đà Nẵng), Phạm Ngũ Lão (Huế), Trương Công Định (Đà Lạt)...
Ngôn ngữ bất đồng, tấm lòng rộng mở
Ngôn ngữ không hẳn là cánh cửa duy nhất của ngôi nhà toàn cầu. Trong thiên nhiên, nhiều lúc vạn vật lắng nghe, thấu hiểu, nhận biết nhau chỉ qua thị giác, xúc giác, hoặc sự thay đổi của thời tiết. Con người cũng vậy. Đôi khi nụ cười, ánh mắt, cử chỉ có khả năng truyền cảm, chuyển tải thông điệp, tinh tế, lắng đọng hơn cả lời nói. Dân “Tây” và dân “Ta” những năm đầu hội nhập cuối thế kỷ trước đã tận dụng tối đa những lợi thế đó để vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, ẩm thực, tập quán, văn hóa, chính trị và cả những hận thù của chiến tranh để lại!
“Tây” có nhiều con đường lựa chọn để đến với “Ta”. Có thể là chuyến du lịch khảo cứu về phố cổ Hà Nội bởi sự mê hoặc của tranh “Phố Phái”. Có thể là sự tò mò khám phá miệt thương hồ miền Tây, vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, vịnh Nha Trang..., có một không hai trên thế giới. Có thể do nhu cầu tìm hiểu thị trường để đầu tư kinh doanh. Và có thể chỉ do ngẫu hứng “Lý ngựa ô”, “Lý qua cầu” của những kẻ vốn máu mê xê dịch!
Xu hướng người nước ngoài định cư, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam ngày càng tăng. Họ đến đây vì “đất lành chim đậu”, vì nhu cầu mưu sinh, hay chỉ là ý đồ “sống thử” để trải nghiệm? Dù là lý do gì, thì đó cũng là tín hiệu tích cực của một đất nước đang trên đường hội nhập. Từ năm 1995, ở các thành phố lớn của Việt Nam, phố “Tây” nhen nhóm và phát triển như những tụ điểm dân cư ngẫu nhiên, mang diện mạo và sắc thái riêng, rất sống động. Hiện ở Việt Nam có những phố “Tây” nổi tiếng như Ngã Tư Quốc Tế (Sài Gòn), Tạ Hiện (Hà Nội), Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang), Bạch Đằng (Đà Nẵng), Phạm Ngũ Lão (Huế), Trương Công Định (Đà Lạt)...
Ngôn ngữ bất đồng, tấm lòng rộng mở
Ngôn ngữ không hẳn là cánh cửa duy nhất của ngôi nhà toàn cầu. Trong thiên nhiên, nhiều lúc vạn vật lắng nghe, thấu hiểu, nhận biết nhau chỉ qua thị giác, xúc giác, hoặc sự thay đổi của thời tiết. Con người cũng vậy. Đôi khi nụ cười, ánh mắt, cử chỉ có khả năng truyền cảm, chuyển tải thông điệp, tinh tế, lắng đọng hơn cả lời nói. Dân “Tây” và dân “Ta” những năm đầu hội nhập cuối thế kỷ trước đã tận dụng tối đa những lợi thế đó để vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, ẩm thực, tập quán, văn hóa, chính trị và cả những hận thù của chiến tranh để lại!
“Tây” có nhiều con đường lựa chọn để đến với “Ta”. Có thể là chuyến du lịch khảo cứu về phố cổ Hà Nội bởi sự mê hoặc của tranh “Phố Phái”. Có thể là sự tò mò khám phá miệt thương hồ miền Tây, vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, vịnh Nha Trang..., có một không hai trên thế giới. Có thể do nhu cầu tìm hiểu thị trường để đầu tư kinh doanh. Và có thể chỉ do ngẫu hứng “Lý ngựa ô”, “Lý qua cầu” của những kẻ vốn máu mê xê dịch!
Nhưng có lẽ “Tây” và “Ta” dễ kết nhau, một phần là do tính cách của người Việt. Tuy cùng hệ văn hóa Phương Đông nhưng dân Việt không nặng nề về tôn giáo, sắc tộc, tín ngưỡng, tập quán và đặc biệt là sẵn lòng cởi mở, thân thiện, bao dung. Đương nhiên, trong lúc kinh tế còn khó khăn, tiền “Tây” cũng tạo ra những dịch vụ tại chỗ cho người dân địa phương có việc làm, thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ những dịch vụ cao cấp như sân bay, bến cảng, sân gôn, khách sạn, nhà hàng đến các dịch vụ bình dân như chèo ghe thuyền, cho thuê xe đạp, xe máy, đánh giày..., đã tạo ra môi trường thuận tiện cho sinh hoạt thường ngày của du khách đến từ những nơi xa lạ. Trong khi đó, cùng với tiền bạc, dân “Tây” còn đem đến Việt Nam phong cách, lối sống, thói quen của xã hội văn minh, hiện đại, những sắc màu văn hóa riêng biệt của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.
Dân “Tây” ngả mũ trước những món ăn, thức uống nơi quán cóc hay trên xe đẩy, gánh hàng rong trên hè phố của dân “Ta”, không phải vì giá cả hay chất lượng ẩm thực mà là sự thú vị, khác lạ của cuộc sống trên dải đất hình chữ S này. Chẳng hạn, cảm xúc khi uống cà phê, ăn phở ở phố cổ Hà Nội không giống ở phố cổ Hội An. Ở Hà Nội, vừa uống cà phê là vừa để quan sát, vừa để chiêm nghiệm. Ở Hội An uống cà phê là để lắng đọng và tĩnh tâm. Dạo phố đêm trên đại lộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn khác hẳn trên đại lộ Trần Phú – Nha Trang. Phố đêm Sài Gòn nồng nàn gió sông. Phố đêm Nha Trang miên man gió biển...!
Anh Bergeron quốc tịch Canada, hiện đang thuê căn hộ trên đường Bùi Viện – Ngã Tư Quốc Tế (Sài Gòn) cho biết anh đã “lập nghiệp” ở đây được 10 năm. Trong thời gian ấy, hai lần bố mẹ anh đã “triệu hồi” anh về nước, nhưng mỗi lần chỉ được vài tháng là anh lại nhớ Việt Nam “không thể chịu nổi”. Begeron vốn là bác sỹ chuyên khoa tâm lý nên anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều người Việt có nghề nghiệp, lứa tuổi, vùng miền khác nhau. Qua sự tiếp xúc ấy càng nhân lên trong anh sự khao khát khám phá đất nước này. Begeron nói rằng, mỗi năm anh dành một tháng để du lịch các địa danh nổi tiếng và những thành phố lớn của Việt Nam. Những điểm du lịch mà Begeron thường lui tới thường xuyên là phố “Tây” Trương Công Định ở Đà Lạt và phố “Tây” Phạm Ngũ Lão - Huế, vì ở hai nơi đó anh có nhiều bạn bè thân tín và những kỷ niệm đẹp.
Những cư dân phố “Tây” ở Việt Nam ngày càng nhiều, họ ngày càng gần gũi, thân quen với người Việt, xã hội Việt. Phố “Tây” thực sự đã tô điểm những gam màu mới lạ cho không gian cuộc sống thị thành. Phố “Tây” không chỉ là nơi giải trí, thư giãn, hưởng thụ của người nước ngoài, nó còn là môi trường làm việc, học tập, kinh doanh chuyên nghiệp. Quán sách Randys Book Xchange nằm trong con hẻm nhỏ gần cầu Cẩm Nam, ở phố cổ Hội An của ông chủ Rady người Mỹ, có lẽ là quán sách độc đáo nhất Việt Nam. Thoạt nhìn, quán sách như một ngôi nhà bình thường, khuất lấp trong con hẻm nhỏ, yên tĩnh, nhưng bên trong là một không gian văn hóa đọc khá hiện đại. Các đầu sách cùng hạng, đồng giá 80.000đ một cuốn. Khách hàng cũng có thể đổi sách lấy sách, tỷ lệ tùy theo giá trị của mỗi cuốn. Randys Book Xchange được bình chọn là một trong 10 quán sách tốt nhất châu Á.
Phố “Tây” Nha Trang nằm trên bốn tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật – Hùng Vương – Trần Phú – Biệt Thự, là một trong những phố “Tây” thân thiện, hào hoa, lãng mạn, hiền hòa nhất Việt Nam. Gió biển Nha Trang cùng với lòng người bản xứ, đã lôi cuốn công dân của hầu hết các châu lục tới đây sinh sống, lập nghiệp. Nhà hàng Cafe Desami (đường Biệt Thự), quán LitLe Italia (đường Nguyễn Thiện Thuật), tiệm ăn La Core (đường Hùng Vương)..., và hàng chục nhà hàng, tiệm ăn khác trong khu phố “Tây” phục vụ hàng trăm món ăn theo khẩu vị Âu, Á, Phi, Ấn, Nhật với giá cả phải chăng, chất lượng hoàn hảo. Rất nhiều nhà hàng, tiệm ăn ở khu phố “Tây” Nha Trang do người nước ngoài làm chủ.
Chẳng hạn, tiệm ăn Oto San trên đường Nguyễn Thiện Thuật là của một công
dân Nhật Bản. Rượu Shochu, Sake với giá 40.000 đồng một ly 180ml. Các
món Sushi chế biến từ hải sản tươi sống có giá từ 20.000 đồng đến 50.000
đồng một suất. Món ăn, đồ uống do người Nhật chế biến, phục vụ cũng từ
nguyên liệu, thực phẩm thông thường nhưng luôn đem lại cho thực khách sự
tin cậy, ngưỡng mộ. Xứ sở của “Hoa Anh Đào”, của đất nước “Mặt Trời
Mọc” đã truyền cảm hứng cho thực khách, cho người Việt về triết lý sống,
về văn hóa doanh nhân, cũng thâm thúy như triết lý trà đạo của họ vậy!
Phố Tây, hồn Việt
Hầu hết các phố “Tây” ở Việt Nam đều không xuất hiện ở các khu đô thị mới, hiện đại mà nó thường nằm trong các khu phố cổ, nơi còn lưu giữ hồn cốt và những trầm tích văn hóa của phố thị xa xưa. Có lẽ do đẳng cấp văn hóa, nên đa số dân “Tây” sành điệu thường không phô trương thói trưởng giả hào nhoáng. Họ đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư với phong cách giản dị của đời thường. Họ đến Việt Nam để mục đích khám phá nét độc đáo mới mẻ nào đó của con người phương Đông, hoặc để chiêm ngưỡng, thụ hưởng cảnh quan thiên nhiên miền nhiệt đới. Họ đến Việt Nam để nghiên cứu những di chỉ văn hóa còn sót lại của các triều đại phong kiến... Với dân “Tây” Pháp, Mỹ, đến Việt Nam, họ còn mong muốn tìm kiếm hoài niệm về dĩ vãng của ông cha, anh em, bè bạn họ đã lưu dấu buồn vui ở xứ sở này trong những thế kỷ trước.
Hà Nội có hai khu phố “Tây”. Khu phố “Tây” phố cổ (Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến – Đinh Liệt – Nhà Thờ - Lý Quốc Sư - Ấu Triệu) chủ yếu tập trung khách vãng lai. Họ đến đây để “mua” những khoảnh khắc hào hoa, lãng đãng của Hà Thành, để lắng nghe âm hưởng của “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Kiến trúc phố cổ, phong thủy Hồ Gươm, món ăn đường phố đã quyến rũ họ, lưu bút họ.
Phố Tây, hồn Việt
Hầu hết các phố “Tây” ở Việt Nam đều không xuất hiện ở các khu đô thị mới, hiện đại mà nó thường nằm trong các khu phố cổ, nơi còn lưu giữ hồn cốt và những trầm tích văn hóa của phố thị xa xưa. Có lẽ do đẳng cấp văn hóa, nên đa số dân “Tây” sành điệu thường không phô trương thói trưởng giả hào nhoáng. Họ đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư với phong cách giản dị của đời thường. Họ đến Việt Nam để mục đích khám phá nét độc đáo mới mẻ nào đó của con người phương Đông, hoặc để chiêm ngưỡng, thụ hưởng cảnh quan thiên nhiên miền nhiệt đới. Họ đến Việt Nam để nghiên cứu những di chỉ văn hóa còn sót lại của các triều đại phong kiến... Với dân “Tây” Pháp, Mỹ, đến Việt Nam, họ còn mong muốn tìm kiếm hoài niệm về dĩ vãng của ông cha, anh em, bè bạn họ đã lưu dấu buồn vui ở xứ sở này trong những thế kỷ trước.
Hà Nội có hai khu phố “Tây”. Khu phố “Tây” phố cổ (Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến – Đinh Liệt – Nhà Thờ - Lý Quốc Sư - Ấu Triệu) chủ yếu tập trung khách vãng lai. Họ đến đây để “mua” những khoảnh khắc hào hoa, lãng đãng của Hà Thành, để lắng nghe âm hưởng của “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Kiến trúc phố cổ, phong thủy Hồ Gươm, món ăn đường phố đã quyến rũ họ, lưu bút họ.
Phố Tạ Hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn nét đẹp thâm trầm cổ kính của tường phố màu vàng, ô cửa màu xanh, mái phố rêu phong, cùng với với hương vị của bia cỏ, nem chua, khoai rán, chim quay. Ở đây, điểm xuyết những kiến trúc mới với qui mô nhỏ, là các nhà hàng, quán cafe, cửa hàng lưu niệm, theo phong cách “Tây” hiện đại, hài hòa với không gian phố cổ, càng hấp dẫn thêm du khách Mỹ, Âu trong các buổi tối đẹp trời.
Khu phố “Tây” Hồ Tây, còn được gọi là phố “Tây” Xuân Diệu, chủ yếu tập trung dân “Tây” thường trú lâu dài để công tác, học tập, kinh doanh ở Hà Nội. Ở đây có không gian sống phố thị hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Một bên Tây Hồ, một bên Hồng Hà, ở giữa là những biệt thự, nhà hàng sang trọng như Saiint Homore, My Way, Blue Bird, Bobby Chinn... Nhà hàng Don S ở khu phố “Tây” Xuân Diệu từng lọt vào top 50 nhà hàng tốt nhất châu Á.
Về mùa thu, phố “Tây” Nhà Thờ có sức hút mãnh liệt nhờ cảnh quan xung quanh Hồ Gươm, bởi nó khơi gợi phân vân những buồn vui không tên cho lữ khách. Có lẽ, ai cũng phải thổn thức khi nghe tiếng chuông thờ vang lên trong không gian phố cổ, ai cũng phải nao lòng ngắm mặt hồ xanh đờ đẫn phủ nhẹ sương mờ, ai cũng phải mơ màng khi bắt gặp lộc vừng rủ bóng, Thê Húc nghiêng soi trên gương nước chiều thu. Phố “Tây” Nhà Thờ thường tụ bạ “Tây” trẻ và cả “Ta” trẻ. Họ là những cư dân đang trẻ nên khoái kem dừa Thái, bánh gạo cay, trà chanh chém gió. Ở đây cũng phục vụ các món ăn Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha. Một số kiến trúc khá đẹp và sang trọng như Runam, Paris Deli, Boutique..., càng làm cho phố “Tây” Nhà Thờ buộc dân “Tây” không quên hẹn ngày trở lại!
Phố “Tây” Ngã Tư Quốc Tế - Sài Gòn có lẽ là phố “Tây” náo nhiệt, đông đúc và vui vẻ nhất nước Việt. Cái tên “Ngã Tư Quốc Tế” không có trong địa danh hành chính mà là cái tên dân gian do người Sài Gòn đặt từ trước năm 1975, gọi riết thành quen. Cái tên ấy đã gợi lên tính xã hội học về hiện tượng hợp chủng quốc quần cư, ở khu phố này. Ngã Tư Quốc Tế bao gồm đường Phạm Ngũ Lão, đường Bùi Viện và đường Đề Thám. Đầu thập kỷ 1960, Ngã Tư Quốc Tế còn nổi tiếng bởi nó là địa bàn hoạt động bảo kê cốt lõi, béo bở của tứ đại vương giang hồ “ Đại, Tỳ, Cái, Thế” (Tên cúng cơm của các ông trùm bốn băng giang hồ khét tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ).
Ngã Tư Quốc Tế có vị trí đắc địa vì nó ở trung tâm quận Nhất, liền kề với công viên, khách sạn, thương xá, các tụ điểm giải trí, thuận tiện giao lưu, di chuyển và giá cả lại khá mềm. Hiện nay, riêng khu phố “Tây” này có tới hơn 400 khách sạn, nhà nghỉ, mỗi ngày đón tiếp gần 2500 khách nước ngoài lưu trú. Ngã Tư Quốc Tế có cả loại hình khách sạn giường tầng phục vụ “Tây Ba Lô”, với giá “bèo”, chỉ có 60.000 đồng một đêm. Các dịch vụ cho thuê xe đạp, xe gắn máy, xế hộp, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch rất thuận tiện, giá cả phải chăng.
Ưu thế của Sài Gòn là có nhiều sân chơi cho dân “Tây”. Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, hai bờ sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, địa đạo Củ Chi, Đầm Sen, Suối Tiên, phố nướng, phố ốc đêm, vũ trường, quán bar..., là những địa chỉ quen thuộc, hấp dẫn du khách.
Người nước ngoài cư trú lâu dài ở Sài Gòn thường rất dễ dàng chọn chỗ ở thuận tiện, phù hợp với túi tiền. Nếu là thiếu gia thì chọn đường Phạm Văn Hai, đường Cộng Hòa, đường Lũy Bán Bích... Nếu là đại gia thì chọn Phú Mỹ Hưng, Thanh Đa, Thủ Thiêm... Nếu “Tây” đến Hà Nội để hội thảo, hội nghị hay thưởng lãm thì “Tây” đến Sài Gòn để làm ăn, du hý và thuận tiện về miền Tây vui thú với sông nước, kênh rạch, nhà vườn hay vượt biển ra Côn Đảo, Phú Quốc, xuống Vũng Tàu, ra Mũi Né, ngược lên Đà Lạt, mỗi dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần.
Ở Huế, phố Tây chỉ tập trung ở đường Phạm Ngũ Lão, qui mô nhỏ hơn nhiều so với các phố “Tây” của các thành phố Nam Trung Bộ khác như Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Đường Phạm Ngũ Lão chỉ dài 200 mét, tiếp giáp với đường Lê Lợi và đường Võ Thị Sáu, thuộc bờ Nam của sông Hương. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã qui hoạch bờ Nam sông Hương thành khu đô thị hiện đại với ý tưởng tạo ra không gian kiến trúc tương phản với thành quách cổ kích của bờ Bắc sông Hương. Các nhà hàng, quán cafe dành cho dân “Tây” đến Huế thường được thiết kế, trang trí để tôn thêm vẻ trầm mặc, tao nhã, thong dong của miền đất kinh kỳ. Sông Hương, lăng tẩm, đền đài, giọng Huế, mưa Huế, ẩm thực thuần Huế, cùng với nhã nhạc cung đình, nhạc Trịnh..., vẫn luôn tạo ra sức hấp dẫn kỳ lạ, mê mị, nhất là đối với dân “Tây” đến từ lục địa già.
Những năm tới đây, với những hiệp định song phương, đa phương, xuyên lục địa, đặc biệt là Hiệp định thương mại TPP, được thực thi, chắc chắn phố “Tây” ở Việt Nam ngày càng nhộn nhịp, đông vui.
Đến một lúc nào đó, trong các thành phố Việt, rất có thể “Ta” và “Tây” cùng chung địa chỉ của dòng chảy cảm xúc nhớ quê, nhớ nhà, cùng thầm thì hát những ca từ bình dị mà sâu lắng : “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó...”!
TIN TƯC THẾ GIỚI
Nhận định về tình hình nhân quyền Việt Nam
Chân Như: Xin chào ông, trước hết xin ông có thể chia sẻ với khán giả thông tin mới nhất về tình hình nhân quyền ở Việt Nam ?
Ông Phil Robertson: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights
Watch chuẩn bị đưa ra thông báo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam vào
thứ Hai tuần tới và sẽ kiểm chứng tình trạng sử dụng côn đồ hành hung
các nhà hoạt động và sự liên kết giữa các nhóm côn đồ này với Chính phủ.
Đây sẽ là một cuộc kiểm chứng toàn diện, không chỉ sử dụng các bản báo
cáo và còn cả các đoạn ghi hình và sẽ thay đổi cách mọi người hiểu về
tình hình nhân quyền ở Việt Nam bởi vì tất cả những gì chúng ta nhìn
thấy trong suốt những năm 2011, 2012, 2013 là việc chính phủ mở rộng
việc khởi tố các nhà hoạt động theo Bộ luật Hình sự. Và đột nhiên, cộng
đồng quốc tế đồng loạt quan tâm đến các tù nhân chính trị ở Việt Nam và
họ đặt ra câu hỏi là điều gì đang diễn ra ở đất nước này vậy?
Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận ra là thế giới đang đánh giá họ
qua số lượng nhà hoạt động bị đưa ra tòa. Cho nên bây giờ họ đã thay
đổi chiến lược. Chỉ những người đứng đầu mới bị đưa ra tòa, còn những
người tầm trung, hay những người xuất hiện trong các cuộc biểu tình bây
giờ sẽ bị côn đồ hành hung, đánh đập, thậm chí là ngay trước mắt chính
quyền. Và khi những nhà hoạt động báo là họ bị đánh đập, không ai là
người đứng lên chịu trách nhiệm cả.
Chân Như: Ông nói rằng bản báo cáo sẽ được công bố vào thứ 2
tuần tới, liệu báo cáo này có đề cập đến cụ thể nhà hoạt động hay nhà
bất đồng chính kiến nào không?
Ông Phil Robertson: Như tôi đã nói, báo cáo sẽ đề cập đến những
vụ việc mới nhất. Khán giả chắc cũng đã ước tính được số lượng những
người bị côn đồ tấn công. Vì vậy chắc chắn họ sẽ không thất vọng về nội
dung bản báo cáo này.
Chân Như: Theo quan điểm của ông vì sao chính phủ Việt Nam
tiếp tục sử dụng các biện pháp mạnh chẳng hạn như sử dụng côn đồ để tấn
công các nhà hoạt động?
Ông Phil Robertson: Tôi nghĩ đây là một cách nhằm dập tắt tiếng
nói của các nhà hoạt động và thể hiện khả năng kiểm soát của chính
quyền. Trong một số vụ như Formosa chẳng hạn, họ nhận thấy rằng người
dân biểu tình không chỉ vì chuyện bồi thường chưa thỏa đáng, mà họ còn
đòi hỏi chính quyền phải chịu trách nhiệm và phải đưa ra lời giải thích
về thảm họa này.
Họ nhận ra rằng họ không thể kiểm soát được tình hình vì vậy họ làm nản
lòng những người chủ chốt và họ muốn các nhà hoạt động là họ phải trả
giá cho hành động của họ bằng cách sử dụng côn đồ đe dọa, khiến các nhà
hoạt động lo sợ rằng bất cứ khi nào họ cũng có thể bị tấn công chẳng hạn
như khi họ đang lái xe đến nơi nào đó. Nỗi sợ này chính là mục tiêu của
Chính phủ khi sử dụng côn đồ.
Chân Như: Vậy thì luật pháp Việt Nam có được tuân thủ hay không hay chỉ là lời nói cửa miệng?
Ông Phil Robertson: Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, luật pháp là
bất cứ luật nào họ nói ra. Những luật này không nhất thiết sẽ được thực
thi, cũng không quan trọng đối tượng là ai, tình trạng ra sao và hành
động của họ là thế nào. Thực chất là luật Đảng còn mạnh hơn cả luật
pháp.
Chân Như: Những kêu gọi của các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch có tác động lên Chính phủ Hà Nội không?
Ông Phil Robertson: Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra nhiều ảnh hưởng.
Chính phủ Việt Nam rất nhạy cảm về hình ảnh của họ trong mắt quốc tế.
Họ đã thực hiện nhiều biện pháp để thuyết phục những tổ chức họ quan tâm
như Liên Hiệp Quốc rằng họ đang nỗ lực giải quyết vấn đề nhân quyền.
Tôi nghĩ đó là một đòn bẩy quan trọng thúc giục họ thay đổi các chính
sách. Chúng tôi cũng chứng kiến nhiều bước tiến khác như việc giảm số
lượng án tử hình, công nhận quyền cho cộng đồng người đồng tính.
Đây là sự nhượng bộ với cộng đồng quốc tế trong các lĩnh vực mà Chính
phủ Việt Nam nhận ra rằng việc họ nhượng bộ về nhân quyền không hề ảnh
hưởng lớn đến quyền kiểm soát xã hội của họ. Hiện tại Chính phủ Việt Nam
chỉ quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực. Họ đang nỗ lực dập tắt tất
cả những phong trào quần chúng, họ phá vỡ sự liên kết giữa các nhà hoạt
động trong mọi chiến dịch như lao động hay môi trường, hay những người
chống Tàu cũng bị xếp vào hàng chống đối chính quyền.
Chân Như: Ông nghĩ điều gì có thể giúp đóng góp thêm vào các
hoạt động thúc giục Chính phủ Hà Nội thay đổi các chính sách thù nghịch
thành những tiếng nói ôn hòa về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do cho
người Việt Nam?
Ông Phil Robertson: Tôi nghĩ thứ chúng ta thiếu hiện giờ là những
tiếng nói của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền. Chúng tôi rất
thất vọng khi Tổng thống Donald Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
sang Hoa Kỳ mà không đề cập gì đến vấn đề nhân quyền. Điều đó có nghĩa
là Nhà Trắng đón chào những kẻ độc tài. Và thật đáng xấu hổ khi Tổng
thống Trump đã xóa bỏ thông lệ nhân quyền là một phần của chính sách Hoa
Kỳ.BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG 473
Tuy nhiên các quốc gia khác cần đứng lên lấp khoảng trống mà ông Trump
tạo ra, chứ đừng bỏ bên vấn đề nhân quyền giống ông ấy. Liên minh châu
Âu, Úc, Canada, New Zealand và các nước như Nhật Bản, Nam Hàn, nơi mà
dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, cần đưa nhân quyền vào chính sách
của họ và lên tiếng công khai yêu cầu Việt Nam thay đổi.
Chân Như: Xin cám ơn những chia sẻ của ông.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tái khẳng định hợp tác quốc phòng với Philippines
Thiết giáp của quân đội Philippines tại Marawi, ngày 01/06/2017REUTERS/Romeo Ranoco
Kết thúc chuyến thăm Philippines kéo dài 3 ngày, tư lệnh hạm đội Thái
Bình Dương, đô đốc Scott Swift hôm qua 14/06/2017 tái khẳng định Hoa Kỳ
tiếp tục hỗ trợ quân đội Philippines trong chiến dịch chống khủng bố tại
Marawi, cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng và chống khủng bố với
Manila.
Đô đốc Scott Swift phát biểu : "Tôi rất vui khi có cơ hội làm việc
với các quan chức chính phủ cấp cao và các nhà lãnh đạo quân sự ở
Manila. Chúng tôi tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và tái
khẳng định cam kết hợp tác để đối mặt với những thách thức chung."
Báo Philstar của Philippines cho biết tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift đã gặp ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana, tổng tham mưu trưởng quân đội Eduardo Año và Phó Tư lệnh Hải Quân Ronald Mercado.
Liên quan tới cuộc chiến ở thành phố Marawi miền nam Philippines, một chính trị gia nước này dẫn lời nhiều dân thường trốn thoát khỏi thành phố Marawi miền nam Philippines cho biết đã nhìn thấy thi thể của ít nhất 100 người trong khu vực diễn ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh Philippines và các chiến binh Hồi Giáo Maute. Hiện vẫn còn 500-1000 dân thường bị mắc kẹt bên trong thành phố.
Trong khi đó, quân đội Philippines hôm nay cho biết đã bắt được Mohammad Noaim Maute, một trong bẩy anh em nhà Maute, thành viên cao cấp của nhóm Hồi Giáo cực đoan Maute ủng hộ Daech, tại một trạm kiểm soát gần thành phố biển Cagayan de Oro.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170615-tu-lenh-ham-doi-thai-binh-duong-tai-khang-dinh-hop-tac-quoc-phong-voi-philippines
Báo Philstar của Philippines cho biết tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift đã gặp ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana, tổng tham mưu trưởng quân đội Eduardo Año và Phó Tư lệnh Hải Quân Ronald Mercado.
Liên quan tới cuộc chiến ở thành phố Marawi miền nam Philippines, một chính trị gia nước này dẫn lời nhiều dân thường trốn thoát khỏi thành phố Marawi miền nam Philippines cho biết đã nhìn thấy thi thể của ít nhất 100 người trong khu vực diễn ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh Philippines và các chiến binh Hồi Giáo Maute. Hiện vẫn còn 500-1000 dân thường bị mắc kẹt bên trong thành phố.
Trong khi đó, quân đội Philippines hôm nay cho biết đã bắt được Mohammad Noaim Maute, một trong bẩy anh em nhà Maute, thành viên cao cấp của nhóm Hồi Giáo cực đoan Maute ủng hộ Daech, tại một trạm kiểm soát gần thành phố biển Cagayan de Oro.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170615-tu-lenh-ham-doi-thai-binh-duong-tai-khang-dinh-hop-tac-quoc-phong-voi-philippines
Trung Quốc phản ứng việc G7 quan ngại tình hình Biển Đông
RFA
2017-05-29
2017-05-29
Trung Quốc phản ứng trước bày tỏ quan ngại của nhóm các quốc gia G7 về
tình hình tại hai vùng Biển Đông và Hoa Đông; cũng như kêu gọi phi quân
sự hóa tại hai vùng biển đó.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc vào ngày thứ hai 29 tháng 5 loan đi thông cáo vào ngày chủ nhật 28 tháng 5 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Theo đó, phát ngôn nhân Lục Khảng nêu rõ Trung Quốc vô cùng bất bình về ý kiến của nhóm G7 đưa ra tại cuộc họp ở Italy hôm thứ bảy 27 tháng 5 đối với vấn đề tại Biển Đông và Hoa Đông.
Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra hy vọng của Bắc Kinh là nhóm các nước G7 và những quốc gia ngoài khu vực ngưng không có những nhận định bị Trung Quốc cho là vô trách nhiệm.
Xin được nhắc lại, trong thông cáo chung kết thúc kỳ họp tại Italy hôm thứ bảy 27 tháng 5, nhóm G7 nêu rõ họ quan ngại về tình hình tranh chấp tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông; đồng thời lên tiếng kêu gọi phi quân sự hóa tại những ‘thực thể có tranh chấp’ở hai vùng biển đó.
Tại Taormina, Italy tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham gia cuộc gặp với lãnh đạo các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.
http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/southchinaseadispute/cn-rebukes-g7-over-statement-on-seas-05292017091756.html
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc vào ngày thứ hai 29 tháng 5 loan đi thông cáo vào ngày chủ nhật 28 tháng 5 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Theo đó, phát ngôn nhân Lục Khảng nêu rõ Trung Quốc vô cùng bất bình về ý kiến của nhóm G7 đưa ra tại cuộc họp ở Italy hôm thứ bảy 27 tháng 5 đối với vấn đề tại Biển Đông và Hoa Đông.
Phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra hy vọng của Bắc Kinh là nhóm các nước G7 và những quốc gia ngoài khu vực ngưng không có những nhận định bị Trung Quốc cho là vô trách nhiệm.
Xin được nhắc lại, trong thông cáo chung kết thúc kỳ họp tại Italy hôm thứ bảy 27 tháng 5, nhóm G7 nêu rõ họ quan ngại về tình hình tranh chấp tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông; đồng thời lên tiếng kêu gọi phi quân sự hóa tại những ‘thực thể có tranh chấp’ở hai vùng biển đó.
Tại Taormina, Italy tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham gia cuộc gặp với lãnh đạo các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.
http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/southchinaseadispute/cn-rebukes-g7-over-statement-on-seas-05292017091756.html
Thủ tướng Việt Nam nhờ LHQ giúp giải quyết vấn đề Biển Đông
RFA
2017-05-31
2017-05-31
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi Liên Hiệp Quốc giúp thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại New York hôm 30 tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến những diễn biến gần đây tại biển Đông và kêu gọi gọi Liên Hiệp Quốc giúp giải quyết những tranh chấp tại khu vực này dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời sớm hoàn tất Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là COC).
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã ghi nhận lời đề nghị này và đồng ý về vai trò của ngoại giao giúp phòng ngừa, giải quyết xung đột, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cũng nhân dịp này Thủ tướng Việt Nam bày tỏ mong muốn các nước ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.
http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/southchinaseadispute/pm-nguyen-xuan-phuc-asks-un-to-help-solve-scs-disputes-via-peaceful-ways-05312017093159.html
aturday, June 17, 2017
BẢO TRÂM * NGƯỜI EM XƯA
Người Em Xưa Hò Hẹn
Gởi quý bạn
Tôi có 4 ngày du lịch Paris, Thủ Đô Ánh Sáng của nước Pháp.
Cuối cùng thì tôi có thể tự trả lời cho tôi: Paris có gì lại không em? (thơ Nguyên Sa):
Bốn ngày qua, có lão già Bảo Trâm, sau bao nhiêu năm mơ uớc đã đến thăm em, Paris
Với 4 ngày để thăm một thành phố nhiều di tích như Thủ Đô nước Pháp thì không thể nào xem hết những gì đáng xem, nhưng dù vậy, muốn viết về những gì đã xem trong 4 ngày đó, cũng cần vài tháng, viết liên tục mỗi ngày 8 giờ.
Vì vậy để kể lại hầu quý bạn có chút khái niệm về những gì tôi đã xem, đã cảm nghĩ, tôi xin viết thành những câu chuyện nhỏ.
Thăm Thủ Đô Paris, nhiều người nghĩ ngay đến Tháp Eiffel, ngọn tháp vĩ đại được xây từ thế kỷ thứ 19, tôi xin sẽ kể sau.
Chúng ta hãy đến thăm một nơi khác, nơi mà đa số người Viện Nam chúng ta, tương đương tuổi của tôi, không ai không nghe nói tới một vài lần.
Tôi đến thăm nàng Mona Lisa, bức họa của Họa Sĩ Leonardo Da Vinci hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Louvre.
Tới nay thì chúng ta dù nghe nhiều, đọc nhiều về bức họa này, nhưng tôi tin chắc là rất ít người biết màu sắc nguyên thủy của bức họa này ra sao, nền phông màu gì? Áo màu gì, tay áo màu gì và cả đôi mắt, đôi tay vốn rất nổi tiếng, thu hút biết bao sáng tác thơ văn, có màu gì?
Bức họa nàng Mona Lisa, ngoại trừ cách vẽ đôi mắt và đôi tay nổi tiếng thì không hề bị chỉnh sửa, nhưng màu sắc thì bị chỉnh sửa quá nhiều, qua những bản phỏng họa của học trò của chính Họa Sĩ Leonardo Da Vinci, của những người khác, sau thời đại đó, cũng nổi tiếng không kém. Ngay trong những viện bảo tàng đứng đắn và nổi tiếng khác, đều có bức phỏng họa Mona Lisa, với nhiều màu sắc khác nhau, và bức họa nào là của chính Leonardo Da Vinci?
Nhưng chuyện đó, đối với tôi là…chuyện nhỏ.
Tôi đến thăm nàng Mona Lisa với cả tâm tình kéo dài từ thời còn là một thằng bé con được những người Pháp cho ăn những mẫu ruột bánh mì. Thời gian đó người Pháp chỉ ăn phần vỏ bánh mì, còn phần ruột để lau miêng và vứt đi. Nhưng thay vì lau miệng và vứt đí, những người Pháp này đưa cho chúng tôi với chút bơ… Thế mà có lần họ cho chúng tôi xem tờ báo có bức ảnh nàng Mona Lisa.
Lúc đó, chúng tôi, những thăng nhóc lang thang trong sân tù, nơi ba tôi đang ở tù, chẳng có khái niệm gì, nhưng càng lớn, tôi càng nghe, đọc tới nhiều về bức ảnh này về đôi mắt nàng như dõi theo khi chúng ta di chuyển đến bất cứ hướng nào, với đôi tay dịu dàng, sang trọng đặt lên nhau…
Tôi đến thăm nàng với tâm tình như hẹn người tình từ muôn ngàn kiếp trước.
“Ta đến thăm nàng, không vì nhìn đôi mắt nàng nhìn theo ta, cũng không phải muốn nắm lấy bàn tay xinh đẹp, dịu dàng của nàng, nhưng ta muốn tìm tâm tình nàng, có phài chính nàng, chúng ta như hai vì sao lạc, ta đi tìm nàng từ muôn kiếp bao xa và, nay nàng có còn đồng cảm với ta qua bao chờ đợi, từ tương lai lùi về, hay quá khứ đi tới từ hàng nghìn năm sau truớc, qua bao thời không và vượt qua vạn vạn tinh cầu.
“Anh tìm em qua ngàn năm mòn mỏi
Vượt không gian với rực rở tinh cầu
Vượt thời gian qua vạn kiếp dài lâu
Tìm vô vọng người em xưa hò hẹn”
Tôi đến thăm nàng Mona Lisa với cả tâm tình kéo dài từ thời còn là một thằng bé con được những người Pháp cho ăn những mẫu ruột bánh mì. Thời gian đó người Pháp chỉ ăn phần vỏ bánh mì, còn phần ruột để lau miêng và vứt đi. Nhưng thay vì lau miệng và vứt đí, những người Pháp này đưa cho chúng tôi với chút bơ… Thế mà có lần họ cho chúng tôi xem tờ báo có bức ảnh nàng Mona Lisa.
Lúc đó, chúng tôi, những thăng nhóc lang thang trong sân tù, nơi ba tôi đang ở tù, chẳng có khái niệm gì, nhưng càng lớn, tôi càng nghe, đọc tới nhiều về bức ảnh này về đôi mắt nàng như dõi theo khi chúng ta di chuyển đến bất cứ hướng nào, với đôi tay dịu dàng, sang trọng đặt lên nhau…
Tôi đến thăm nàng với tâm tình như hẹn người tình từ muôn ngàn kiếp trước.
“Ta đến thăm nàng, không vì nhìn đôi mắt nàng nhìn theo ta, cũng không phải muốn nắm lấy bàn tay xinh đẹp, dịu dàng của nàng, nhưng ta muốn tìm tâm tình nàng, có phài chính nàng, chúng ta như hai vì sao lạc, ta đi tìm nàng từ muôn kiếp bao xa và, nay nàng có còn đồng cảm với ta qua bao chờ đợi, từ tương lai lùi về, hay quá khứ đi tới từ hàng nghìn năm sau truớc, qua bao thời không và vượt qua vạn vạn tinh cầu.
“Anh tìm em qua ngàn năm mòn mỏi
Vượt không gian với rực rở tinh cầu
Vượt thời gian qua vạn kiếp dài lâu
Tìm vô vọng người em xưa hò hẹn”
Bưc họa Mona Lisa của Họa Sĩ Leonardo Da Vinci được trưng bày ờ Viện Bảo Tàng Louvre, Paris, nước Pháp
Nàng có là “em” của ta từ tương lai và từ quá khứ? Tâm tình ta vẫn y nguyên, nhưng nàng, nàng có đồng cảm với tâm tình của ta.
Nhưng ta thực thất vọng, vì khi ta vươn tới nàng, thì nàng đã được đặt trong vòng rào kềm tỏa tầm thường của lòng tham con người Trần Thế. Nàng được đặt trong vòng rào, cấm kỵ khách phương xa có thể tới gần nhìn ngắm nàng thỏa thích.
Len đám đông đang ngưỡng mô đến nhìn nàng, chỉ để chụp vài tấm hình với nàng. Ta tắt máy ảnh và len vào đứng sát hàng rào, dù lòng ta đã bị glãm hưng phấn, nhưng ta vẫn là ta với tâm tình tìm nàng qua bao kiếp, đừng lặng nhìn nàng, bỏ qua tiếng ồn chung quanh để tìm nơi nàng chút tâm tình đáp trả, nhưng nàng kiêu sa quá, nàng làm sao có thể nhận ra ta khi hàng trăm người đang bu quanh nàng, nàng làm sao có thể hướng đôi mắt sâu thăm thẳm để dõi theo từng ấy người đứng trước nàng? Nàng đã không có dáng vẻ gì cố để làm đẹp lòng khách ngưỡng mộ từ phương xa
Với ta, nàng Mona Lisa, nàng đã chết từ phút đó. Ta thử chụp vài tấm hình vô tri của nàng, và quay lui không hề nuối tiếc. Nàng Mona Lisa đã không còn trong lòng ta, vì ta vừa nhận ra, nàng không phải là người Ngàn Năm Hò Hẹn của ta
Ta đi tìm nơi khác, biết bao bức danh họa những người đàn bà khác, những cô gái khác, từ bao ngàn năm trước, thử có ai nhìn ta đi qua
Và đây, em bé vui tươi đang níu bước chân ta là đây, em không sang trọng kiêu sa để kín cổng cao tường, nhưng đôi mắt em đã níu kéo ta… và trong em có ta, với cả tâm tình
Ta không cần biết em là ai, em sẽ gọi ta là ông, là anh, hay là hàng cháu chắt của em, những hình như ta với em có hẹn nhau từ nhiều kiếp trước.
Có phải em vẫn chờ ta, hay ta tìm được em, nhưng ta hiểu, ta có thể trở về được từ muôn trùng cay đắng trong cuộc đời là vì có em chờ ta. Trong vô vàn thất vọng, chỉ cần một diểm nhỏ của hy vọng là ta biết nơi nào đó của bao la đất trời, còn có người chờ ta.
Có phải em từng chờ ta trong vô vọng của bao năm ta và cả em, đều nghĩ rằng ta không còn hy vọng trở về?
Có phải em đã hy sinh biết mấy trong khổ nhục của đời sống trần gian, chỉ để đốt le lói trong tim ta một chút lửa của nghị lực chịu đựng?
Và em đã chịu đựng hơn ta…và ta đã trở về, chúng ta được gặp nhau”
Người Em Xưa Hò Hẹn
Anh tìm em qua ngàn năm mòn mỏi
Vượt không gian với rực rở tinh cầu
Vượt thời gian qua vạn kiếp dài lâu
Tìm vô vọng người em xưa hò hẹn
Đôi má em tươi ửng hồng e thẹn
Mắt long lanh chiếu rạng ánh sao băng
Anh vươn theo ngàn dặm cánh chim Bằng
Nương cùng mây mong một lần hội tụ
Ước gặp em từ muôn trùng vũ trụ
Tận kiếp nào để có được hôm nay
Ngược thời gian, dù bao cảnh đổi thay
Mừng tái ngộ Người Em Xưa Hò Hẹn
Bảo Trâm
Bài cảm tác của nhà thơ nữ Minh Thúy
Người Em Muôn Kiếp
Huyền thoại Mona Lisa mơ mộng
Nàng tuyệt vời như nét ánh Trăng thề
Ta say ngắm ngẩn ngơ lạc đam mê
Từ kiếp nào tẩm sương đêm tình ái
Nàng hờ hững lòng ai thầm tê tái
Vẫn cách ngăn muôn dặm những tinh cầu
Lửa yêu thương giao động sức nhiệm màu
Nhìn quyến luyến nhưng nghe lòng ly biệt
Bước chân lướt tranh ai nhìn tha thiết
Nét hoang sơ khơi vọng kiếp trầm luân
Em níu kéo hồn tôi bỗng bâng khuâng
Cõi vô vọng chìm muôn ngàn khổ ải
Đôi ánh mắt chạm nhau lưu luyến mãi
Như sao đêm soi định mệnh an bày
Trời Paris đôi ta ngất ngây say
Ôi ! Đã gặp "Người em xưa hò hẹn"
Minh Thúy
Tháng 3-2017
Bảo Trâm
24/3/2017
Nàng có là “em” của ta từ tương lai và từ quá khứ? Tâm tình ta vẫn y nguyên, nhưng nàng, nàng có đồng cảm với tâm tình của ta.
Nhưng ta thực thất vọng, vì khi ta vươn tới nàng, thì nàng đã được đặt trong vòng rào kềm tỏa tầm thường của lòng tham con người Trần Thế. Nàng được đặt trong vòng rào, cấm kỵ khách phương xa có thể tới gần nhìn ngắm nàng thỏa thích.
Len đám đông đang ngưỡng mô đến nhìn nàng, chỉ để chụp vài tấm hình với nàng. Ta tắt máy ảnh và len vào đứng sát hàng rào, dù lòng ta đã bị glãm hưng phấn, nhưng ta vẫn là ta với tâm tình tìm nàng qua bao kiếp, đừng lặng nhìn nàng, bỏ qua tiếng ồn chung quanh để tìm nơi nàng chút tâm tình đáp trả, nhưng nàng kiêu sa quá, nàng làm sao có thể nhận ra ta khi hàng trăm người đang bu quanh nàng, nàng làm sao có thể hướng đôi mắt sâu thăm thẳm để dõi theo từng ấy người đứng trước nàng? Nàng đã không có dáng vẻ gì cố để làm đẹp lòng khách ngưỡng mộ từ phương xa
Với ta, nàng Mona Lisa, nàng đã chết từ phút đó. Ta thử chụp vài tấm hình vô tri của nàng, và quay lui không hề nuối tiếc. Nàng Mona Lisa đã không còn trong lòng ta, vì ta vừa nhận ra, nàng không phải là người Ngàn Năm Hò Hẹn của ta
Ta đi tìm nơi khác, biết bao bức danh họa những người đàn bà khác, những cô gái khác, từ bao ngàn năm trước, thử có ai nhìn ta đi qua
Và đây, em bé vui tươi đang níu bước chân ta là đây, em không sang trọng kiêu sa để kín cổng cao tường, nhưng đôi mắt em đã níu kéo ta… và trong em có ta, với cả tâm tình
Ta không cần biết em là ai, em sẽ gọi ta là ông, là anh, hay là hàng cháu chắt của em, những hình như ta với em có hẹn nhau từ nhiều kiếp trước.
Có phải em vẫn chờ ta, hay ta tìm được em, nhưng ta hiểu, ta có thể trở về được từ muôn trùng cay đắng trong cuộc đời là vì có em chờ ta. Trong vô vàn thất vọng, chỉ cần một diểm nhỏ của hy vọng là ta biết nơi nào đó của bao la đất trời, còn có người chờ ta.
Có phải em từng chờ ta trong vô vọng của bao năm ta và cả em, đều nghĩ rằng ta không còn hy vọng trở về?
Có phải em đã hy sinh biết mấy trong khổ nhục của đời sống trần gian, chỉ để đốt le lói trong tim ta một chút lửa của nghị lực chịu đựng?
Và em đã chịu đựng hơn ta…và ta đã trở về, chúng ta được gặp nhau”
Người Em Xưa Hò Hẹn
Anh tìm em qua ngàn năm mòn mỏi
Vượt không gian với rực rở tinh cầu
Vượt thời gian qua vạn kiếp dài lâu
Tìm vô vọng người em xưa hò hẹn
Đôi má em tươi ửng hồng e thẹn
Mắt long lanh chiếu rạng ánh sao băng
Anh vươn theo ngàn dặm cánh chim Bằng
Nương cùng mây mong một lần hội tụ
Ước gặp em từ muôn trùng vũ trụ
Tận kiếp nào để có được hôm nay
Ngược thời gian, dù bao cảnh đổi thay
Mừng tái ngộ Người Em Xưa Hò Hẹn
Bảo Trâm
Bài cảm tác của nhà thơ nữ Minh Thúy
Người Em Muôn Kiếp
Huyền thoại Mona Lisa mơ mộng
Nàng tuyệt vời như nét ánh Trăng thề
Ta say ngắm ngẩn ngơ lạc đam mê
Từ kiếp nào tẩm sương đêm tình ái
Nàng hờ hững lòng ai thầm tê tái
Vẫn cách ngăn muôn dặm những tinh cầu
Lửa yêu thương giao động sức nhiệm màu
Nhìn quyến luyến nhưng nghe lòng ly biệt
Bước chân lướt tranh ai nhìn tha thiết
Nét hoang sơ khơi vọng kiếp trầm luân
Em níu kéo hồn tôi bỗng bâng khuâng
Cõi vô vọng chìm muôn ngàn khổ ải
Đôi ánh mắt chạm nhau lưu luyến mãi
Như sao đêm soi định mệnh an bày
Trời Paris đôi ta ngất ngây say
Ôi ! Đã gặp "Người em xưa hò hẹn"
Minh Thúy
Tháng 3-2017
Bảo Trâm
24/3/2017
TUYÊT XỨ THI CÁC
LẦU THƠ XỨ TUYẾT
NỖI BUỒN CỦA BA
Tưởng nhớ ba tôi
Nhân mùa báo hiếu từ phụ
Bao người háo hức tìm vui bên đó!
Tôi cũng muốn về thăm lại cố hương
Thời thanh xuân, ôi đẹp tợ thiên đường
Nhưng cay đắng, vẫn như hình với bóng!
Mẹ qua đời giặc tràn vào giải phóng
Lần đổi tiền đánh tư sản đợt đầu
Bị cướp nhà, chia ruộng đất, bắt trâu
Còn mang bản án cường hào ác bá!
Ở trong tù ba bị đày nghiệt ngã
Tội góp công, tiếp sức giúp “ngụy quyền”
Đào tạo nên người, thế hệ thanh niên
Tuổi lục tuần, còn gặp phường độc ác
Anh tôi cải tạo bỏ thây đất Bắc!
Vì ngày xưa làm “lính Mỹ đánh thuê”
Trả nợ máu nên chẳng có ngày về...
Bởi tốt nghiệp từ trường Quân Y sĩ!
Dùng thủ đoạn giặc trả thù vị kỷ
Không chút lý tình, luật lệ, nghĩa nhân
Cha mẹ tôi đã cứu giúp bao lần
Khi nhà họ gặp quẫn cùng, khốn khó
Họ là học trò ba tôi thuở nọ!
Mà bây giờ lấy oán trả ơn thầy
Ba không buồn cho thế sự đổi thay
Nhưng đau đớn, cõi lòng như dao cắt!
Ba bịnh hoạn trong lao tù của giặc
Bảo lãnh mấy lần chúng chẳng thả về
Ngày qua ngày, bịnh trầm trọng não nề
Khi phóng thích, ngã qụy vì kiệt sức!
Ba suốt đời nêu sáng gương mẫu mực
Dạy học trò, nay tẩu tán bốn phương...
Theo chánh nghĩa, làm rạng rỡ tông đường
Cũng có kẻ phản đồ theo giặc đỏ!
Trước khi qua đời ba tôi nhắc nhở:
“... Hoàn cảnh nào cũng phải giữ sắt son
Cha âu lo nhân nghĩa sẽ không còn!
Trên đất nước mấy ngàn năm Văn Hiến...”
Dư Thị Diễm Buồn
Nhân mùa báo hiếu từ phụ
Bao người háo hức tìm vui bên đó!
Tôi cũng muốn về thăm lại cố hương
Thời thanh xuân, ôi đẹp tợ thiên đường
Nhưng cay đắng, vẫn như hình với bóng!
Mẹ qua đời giặc tràn vào giải phóng
Lần đổi tiền đánh tư sản đợt đầu
Bị cướp nhà, chia ruộng đất, bắt trâu
Còn mang bản án cường hào ác bá!
Ở trong tù ba bị đày nghiệt ngã
Tội góp công, tiếp sức giúp “ngụy quyền”
Đào tạo nên người, thế hệ thanh niên
Tuổi lục tuần, còn gặp phường độc ác
Anh tôi cải tạo bỏ thây đất Bắc!
Vì ngày xưa làm “lính Mỹ đánh thuê”
Trả nợ máu nên chẳng có ngày về...
Bởi tốt nghiệp từ trường Quân Y sĩ!
Dùng thủ đoạn giặc trả thù vị kỷ
Không chút lý tình, luật lệ, nghĩa nhân
Cha mẹ tôi đã cứu giúp bao lần
Khi nhà họ gặp quẫn cùng, khốn khó
Họ là học trò ba tôi thuở nọ!
Mà bây giờ lấy oán trả ơn thầy
Ba không buồn cho thế sự đổi thay
Nhưng đau đớn, cõi lòng như dao cắt!
Ba bịnh hoạn trong lao tù của giặc
Bảo lãnh mấy lần chúng chẳng thả về
Ngày qua ngày, bịnh trầm trọng não nề
Khi phóng thích, ngã qụy vì kiệt sức!
Ba suốt đời nêu sáng gương mẫu mực
Dạy học trò, nay tẩu tán bốn phương...
Theo chánh nghĩa, làm rạng rỡ tông đường
Cũng có kẻ phản đồ theo giặc đỏ!
Trước khi qua đời ba tôi nhắc nhở:
“... Hoàn cảnh nào cũng phải giữ sắt son
Cha âu lo nhân nghĩa sẽ không còn!
Trên đất nước mấy ngàn năm Văn Hiến...”
Dư Thị Diễm Buồn
NHỚ NGÀY QUÂN LỰC
DTDB
Hoa phượng
nở, ve gọi hè réo rắc
Ngày xưa ơi, áo trắng đẹp sân trường
Anh lính Hậu Giang, An Lộc, Liên Khương
Từ các nẻo... trên Bốn Vùng Chiến Thuật
Ánh hồng
lên sáng ngời Ngày Quân Lực
Từng đoàn người lũ lượt kéo đi nhanh
Vẳng từ xa, loa náo nhiệt phóng thanh
Các đoàn thể, xếp thành hàng thứ tự...
Nắng ban mai chói
chan rừng biểu ngữ
Nhạc Quốc Ca vang dội trong không gian
Dân, Quân, Cán, Chánh... lần lượt diễn hành
Xây Dựng,.Bảo An, Trưng Vương, Vĩnh Ký
Biệt Động,
Người Nhái, Chiến Tranh Chánh Trị
Cảnh Sát, Đà Lạt, Hành Chánh Quốc Gia
Quốc kỳ vàng ba
sọc đỏ, chiên sĩ Cộng Hòa
Gió lồng lộng, quân kỳ bay phấp phới...
Sư đoàn Mười
Tám, Pháo Binh tiến tới
Nghĩa Quân, Biệt Chính,
đoàn Nữ Quân Nhân
Thủ Đức, Công Binh, Dù, Thiếu Sinh Quân
Biệt Kích, Hải Quân, Sư Đoàn Hai Mốt...
Đại Bàng uốn
mình, khói tuôn từng cột
Dệt cờ vàng ba sọc đỏ trên không
Rộn niềm vui, niềm kiêu hãnh ngập lòng
Đoàn quân Nam ta hào hùng, tài, đức...
Cô nữ sinh, dự lễ
Ngày Quân Lực
Niềm hân hoan bên bè bạn thầy cô
Mái tóc thề trong vành nón bài thơ
Vòng hoa chiến thắng, choàng lên lính trận
Bình minh reo vui
sáng màu hồng phấn
Chong sách đèn dệt mộng đẹp tương lai
Niềm tin yêu hứa hẹn một ngày mai
Dâng dất nước những gì học, hiểu, biết...
Nhưng trường đời
lắm oan khiên cay nghiệt
Và tình người thật tráo trở gian ngoa
Giặc tràn vào gây tan cửa hại nhà
Tài hoa diệt, lũ ác... tâm nhỏ hẹp
Đau thương chất
chồng, vỡ tan mộng đẹp
Lặng thở dài, ngày ấy đã qua rồi!
Nay chỉ còn âm vọng đáy tim tôi
Khi Miền Nam rơi vào tay quỉ đỏ...
Phút mặc niệm,
mắt rưng rưng lệ nhỏ
Tâm tư chùng lặng, thương xót bâng khuâng
Còn đâu nữa Ngày
Quân Lực tưng bừng
Còn đâu nữa thời tuổi xanh dệt mộng
Có còn chăng, đây
nỗi lòng trầm thống!
Của người di tản buồn... khắp Năm Châu
Cố hương nay đã tan nát héo sầu...
Bởi Việt gian bán nước cho Tàu Cộng
Quốc kỳ vàng tung bay trong gió lộng...
Vẫn hiên ngang phấp phới dưới nắng trời
Dù dân Nam đang nương náu xứ người...
Vẫn nuôi chí một ngày về phục quốc
Hậu
duệ Việt, thừa trí tài,
kiến thức...
Tiếp nối cha ông... trở lại diệt thù
Đánh đuổi Cộng nô dựng nghiệp thiên thu
Xây nước Việt Nam tự do, hạnh phúc...
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
ĐT: (530) 822
5622
Email:
dtdbuon@hotmail.com
LỜI CUỐI CHO CON -
Thơ Ngô Đức Diễm
Tóc cha đã đổi màu
Từng sợi buồn rơi mau
Thương con mưa nặng hạt
Mi ướt đời bể dâu
Mắt cha đã mờ hoen
Sữa mẹ chưa nguôi quên
Thương con đời lưu lạc
Đất tổ thoáng non tiên
Tay cha mười ngón mỏi
Lần đếm từng oan khiên
Thương con môi tuổi ngọc
Sớm khẽ nhấp muộn phiền
Chân cha lấm bụi hồng
Giăng trải mộng núi sông
Thương con xa nguồn cội
Đành lỡ gót tang bồng
Vai cha sờn sương nắng
Nâng nhẹ gót phù vân
Thương con tròn mơ ước
Hoa nở thắm đường trần
Tim cha mãi còn nóng
Gõ nhịp bước kình ngư
Thương con trời biển rộng
Khua sóng dậy ngàn thu
Ngô Đức Diễm
Tóc cha đã đổi màu
Từng sợi buồn rơi mau
Thương con mưa nặng hạt
Mi ướt đời bể dâu
Mắt cha đã mờ hoen
Sữa mẹ chưa nguôi quên
Thương con đời lưu lạc
Đất tổ thoáng non tiên
Tay cha mười ngón mỏi
Lần đếm từng oan khiên
Thương con môi tuổi ngọc
Sớm khẽ nhấp muộn phiền
Chân cha lấm bụi hồng
Giăng trải mộng núi sông
Thương con xa nguồn cội
Đành lỡ gót tang bồng
Vai cha sờn sương nắng
Nâng nhẹ gót phù vân
Thương con tròn mơ ước
Hoa nở thắm đường trần
Tim cha mãi còn nóng
Gõ nhịp bước kình ngư
Thương con trời biển rộng
Khua sóng dậy ngàn thu
Ngô Đức Diễm
TÌNH KHÔNG CÒN TRẺ NỮA
Tình không còn trẻ nữa
Để tung tăng ngoài phố chiều mưa
Tình không còn trẻ nữa
Để nghe tâm sự xa xưa
Tình không còn trẻ nữa
Để thấy chân trời cuối đời xa
Tình không còn trẻ nữa
Hạnh phúc cành khô trổ hoa
Ta đã đi trong mênh mông chiều
Phố lên đèn bóng dài đổ xiêu
Đôi bóng đi trong hoàng hôn tắt
Bờ môi còn vị ngọt trăng khuya?
Ta không ước ao chiều mưa trở lại
Trên con đường nhặt từng tuổi rơi
Cơn gió mang thật xa không thấy
Đóa hoa tàn bên con bướm chết khô
Tình không còn trẻ nữa
Cùng hoang vu và hẹn kiếp sau
Tình không còn trẻ nữa
Thì hãy yêu nhau như lần khởi đầu!
NGHIÊU MINH
BÓNG ĐỔ TRÒN VO
Lưng còng nhập bóng tròn vo
Tiễn con Ba khóc, sao lo quá chừng!
Nào đâu vượt núi, xuyên rừng
Mà con không thể tạm dừng bên Ba
Thương Ba bóng chiếc thật thà
Tròn, vo tâm trẻ, lệ nhòa ăn năn
*
Chào nhau, lệ chửa kịp ngăn
Đã quay trở lại, tim oằn đại tang.
*
Đường về: bóng đổ, lệ hàng
Từ nay đôi bóng, đôi đàng âm dương.
Từ nay không có Ba thương
Ai yêu con trẻ? Ai tường khổ đau?
Còn ai lẽo đẽo theo sau
Nghe Ba kể chuyện chống Tàu, dẹp Tây?
Từ nay chân lấm bùn lầy
Còn ai dạy dỗ con đây làm người?
*
Ba ơi! Con gọi Ba ơi
Khóc hoài vẫn mặn! Lệ rơi đời đời!
Ý Nga
YOUR SHADOW WAS SO ROUND
Your bent back made your shadow so round;
You cried when seeing me off, spirit so downed.
It was not mountains to cross, jungles to go thru,
Too hard that I could not come back to visit you!
I deplored you, Dad being lonely, simple, sincere,
So heart-whole that I felt repenting in tears blear.
*
But, alas, after that farewell, not yet less sad,
I had to return, heart-broken to mourn for Dad!
*
Staggering home, on slanting shadow, in tears sea:
From now on, death has separated Dad from me!
From this day forth, I have no more the father dear
Who will for this young care, up this child cheer!
For against-Chinese, anti-French tales you remind.
Hence, into toil and moil I have to myself bring,
Who will lovingly educate me into a good thing?
*
Oh Dad! I am calling you, Dear Dad, Dad mine!
So long I have wept the tears are still salted, brine.
LINH HỒN GIAO HƯỞNG
Trở lại nơi, ngày ba đưa con đến
Gần hai năm mà tưởng mới hôm qua
Gió hiu hắt, nắng nhuộm vàng trên mộ
Hàng bia buồn nghiêng ngả bóng phôi pha
Bên gốc cây ánh chiều rơi lỗ trỗ
Con nằm im, an phận chiếc quan tài
Nghe thổn thức tiếng nấc ngưng ngang cổ
Nuốt vào tim giọt nước mắt ngắn dài
Cửa lò thiêu đưa con vào vĩnh cửu
Chặng đường cùng thánh giá vác trên vai
Ba theo sau thân người như lá rũ
Vợ con con, tan tác mảnh hình hài
Ðây là chỗ ba đưa tay tiễn biệt
Nơi cuối cùng con nhận mấy bông hoa
Hoa nhiều sắc nhưng riêng ba màu tím
Tím trong lòng và tím cả ngoài da
Ðây lò thiêu với tầng cao điện thế
Năm ngàn volt, ngọn lửa trắng lập lòa
Nóng như thế mà con đành chấp nhận
Tro bụi rồi, ôi giọt máu của ba!
Nay đứng đây gọi hồn con vất vưởng
Theo gió mây hãy về đậu vai này
Hai cha con, hai linh hồn giao hưởng
Ðể ba tìm hạnh phúc một vài giây...
ĐÔNG ANH
Souls' Harmony
I have now returned here where I saw you away
Nearly two years ago but it seems just yesterday.
The wind blows gently, the sun sheds yellow light
On the row of lopsided tombstones – what a blight!
The evening sun fell on every spotted tree root,
You were resting resigned in the coffin deaf mute.
Relatives couldn't help you being forever to depart,
Swallowed their choked sobbings into their heart.
Thru the crematory as to eternity a passport holder
At last stage you carried the cross on your shoulder.
I followed you, hanging down like a stooping leaf;
Your wife and children sank in inconsolable grief.
Here is the place I waved my hand in mind so sour
The last location you received each farewell flower:
The flowers were multicolored, but in such a dole
They were purple, grey, livid, dark inside my soul.
This is the crematorium with high-tension potential
Five thousand volts, to integrate with the essential
That to it even so hot, you were to yourself resign
Into dust, back to dust, oh this dear scion of mine.
I am standing here to invoke your wandering spirit
Relying on wind and clouds onto my shoulder to sit
So that father and son, our two souls harmonize,
I find happiness though in a jiff ceasing to agonize.
translation by THANH-THANH
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh
Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình
Tìm nhau gục vào mình
Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh
Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh
Hòa đại dương mông mênh
Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩatrang gậpghềnh
Đường nghĩatrang gậpghềnh
Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh
Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình
Minh Đức Hoài Trinh
don’t leave me alone
Don’t leave me alone
While the cold moon is shown
The pagoda’s bell for the dead
While the cold moon is shown
The pagoda’s bell for the dead
Slowly mingles with the Sutra said
Don’t leave me forlorn
While the dusk rain is painfully borne
While the dusk rain is painfully borne
The bare birds with wet feather
To seek for warmth huddle together
To seek for warmth huddle together
Don’t leave me forsaken
While the sky and earth are shaken
While the sky and earth are shaken
The jungles are writhing with hurricane
Autumn is biting as a bane
Don’t leave me desolate
And forcibly forbid me to state
And forcibly forbid me to state
Let me shout out loud my emotion
To mix with the vast ocean
To mix with the vast ocean
Don’t leave me solitary
In the night sea so scary
Worldly steps wobbler immerse
In the immense golden universe
In the night sea so scary
Worldly steps wobbler immerse
In the immense golden universe
Don’t leave me deserted
As guardian angel’s power not asserted
As guardian angel’s power not asserted
Time’s moaning groan grumpy
The path to the cemetery is bumpy
The path to the cemetery is bumpy
Don’t leave me destitute
And have me hear the hammer brute
That drives the nails on the coffin lid
Mixing with prayers, farewell to bid.
And have me hear the hammer brute
That drives the nails on the coffin lid
Mixing with prayers, farewell to bid.
Don’t leave me isolated
As a ghost boat undifferentiated
The funeral wreaths will fade
Demons are still heartless to the shade
As a ghost boat undifferentiated
The funeral wreaths will fade
Demons are still heartless to the shade
Don’t leave me estranged
By insects snapped, torn, deranged
Wild grass covers the virginal grave
And storms uncertainly rave
By insects snapped, torn, deranged
Wild grass covers the virginal grave
And storms uncertainly rave
Don’t leave me outcast
Thousands of years from now on at last
Whose youth will not retrograde
Don’t leave me betrayed
Whose youth will not retrograde
Don’t leave me betrayed
Translation by thanh-thanh
__._,_.___
VƯƠNG TRẦN * HÀ NỘI NÓNG
Hà Nội: Những bóng râm mát hiếm hoi quý giá giữa nắng thiêu đốt mùa hè
Lao Động 02/06/2017
Những ngày này, Hà Nội đang phải đối mặt với cái nắng khủng khiếp, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ C, nắng chói chang, bỏng rát như rắc lửa trên đường. Dù vậy, nhiều người lao động vẫn phải gồng mình mưu sinh trong nắng nóng.
Ngày 2.6, nhiệt độ ngoài trời tại thủ đô Hà Nội lên tới hơn 40 độ C. Người dân phải gồng mình trước cái nóng đỉnh điểm của mùa hè. Nhiều người tham gia giao thông phải núp vào những bóng cây để tránh nắng.
Thời điểm trưa và đầu giờ chiều, nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C, nắng chói chang, bỏng rát nhưng những người lao công vẫn phải hoàn thành công việc của mình.
Nhiều người tranh thủ mọi bóng râm khi phải dừng lại trên đường. Ảnh chụp trên đường Phạm Hùng.
Gầm cầu, bến xe buýt, bóng cây xanh... là những địa điểm chủ yếu để người lao động có thể tranh thủ phút nghỉ ngơi vào ban trưa.
Một người bảo vệ trên đường Phạm Hùng kín mít mặt mũi để chống chọi với nắng nóng.
Hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng cũng là nơi trú ẩn cho nhiều người lao động, người dân mỗi khi có việc qua đường.
Tránh nắng trong bóng mát của hàng xà cừ cổ thụ trên đường Phạm văn Đồng
Nhiều người chạy xe ôm tranh thủ bóng râm của cây xanh để nghỉ ngơi, đợi khách.
Một bình nước uống miễn phí được đặt trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng dành cho mọi người qua đường có thể sử dụng tránh cơn khát.
Cái nắng khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.
Những chiến sĩ cảnh sát, công an cũng phải phơi mình trong nắng nóng, oi bức để điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông.
Người lao động tranh thủ phút nghỉ trưa dưới gầm cầu vượt.
Bên cạnh đó, vẫn còn đó những người phải đội nắng chang chang lúc giữa trưa để mưu sinh, kiếm sống.
.
Ghi
nhận của PV tại BV Nhi Trung ương, nhiều bệnh nhân cũng phải vật vã
dưới thời tiết khắc nghiệt. Nhiều trẻ em cũng phải nhập viện vì thời
tiết.
Những phóng viên cũng phải đội nắng tác nghiệp trên mọi cung đường.
Vương Trần
ĐẠI NGHĨA * CỘNG SẢN NÓI DỐI
0 | 0 |
Đại Nghĩa (Danlambao) - Thuở sinh tiền Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu thường nói “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy những gì cộng sản làm”. Câu nói này ngày nay đã được chính những cán bộ cộng sản tiến bộ lập lại và lấy làm “tâm đắc”.
Nói dối được coi như là bản chất của cộng sản, những ai sống trong chế
độ cộng sản đều phải thi hành đúng phương châm và đi “đúng quy trình”.
Ngay cả những đảng viên khi còn đương quyền đương chức cũng không được
nói thật, chỉ dám nói thật khi đã về hưu, nếu vi phạm là sinh mạng chính
trị không được bảo đảm!
Cụ nhạc sĩ Tô Hải, người nhạc sĩ cộng sản già sau 50 năm miệng lắp khóa
kéo, đến tuổi gần đất xa trời không còn biết sợ nên ông đã can đảm viết “Hồi ký của một thằng hèn”, tố cáo chủ trương nói dối của cộng sản để “xả xúc bắp”.
“Sự thật thì cái cách nhồi sọ để nói dối, nói láo này đã được thừa kế
từ thời phát xít Hitler-Goebell cho tới nay là bọn bành trướng Đại Hán.
Với phương châm: ‘Nói dối bắt đầu từ những điều lớn sau đó mới đến
những điều nhỏ!’ hoặc ‘nói dối! nói dối nữa! Bao giờ cũng nói dối…sẽ còn
lại một cái gì đó!” (DanLamBao online ngày 10-7-2011)
Theo ông Hồ Chí Minh đã từng rêu rao “vì lợi ích trăm năm trồng người” và “muốn tiến lên XHCN phải có con người của CNXH” nhưng họ đã đào tạo con người của XHCN ra sao. Hãy xem báo điện tử Tuổi Trẻ trong nước qua bài: “Nói dối tràn lan đang trở thành vấn nạn xã hội”.
“Lê Thị Bích Hồng (Phó Vụ trưởng Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo T.Ư)
cho biết: ‘Một khảo sát đã được thực hiện trên đối tượng học sinh, sinh
viên tại 30 trường học trong cả nước cho thấy một bức tranh cực kỳ nguy
hiểm. Nói dối càng ngày tăng dần. Trẻ em nói dối ít, nhưng càng lớn
càng nói dối nhiều hơn…
Cùng quan điểm, nhà giáo Nguyễn Quang Kính (nguyên chánh Văn phòng Bộ
GD-ĐT) cho rằng: ‘nói dối tràn lan đang trở thành một vấn nạn xã
hội…Nhà trường sẽ thế nào khi xung quanh xã hội nói dối nhiều quá. Nếu
nhà trường không khai tử được bệnh nói dối này thì thật là một tai họa
cho xã hội. Đến chỗ cần nói thật mà vẫn nói dối thì thôi rồi”. (TuoiTre online ngày 23-1-2014)
Cố lão tướng QĐND Trần Độ, một người suốt đời tận trung phục vụ cộng sản
nhưng rồi ông cũng nhận ra cái chế độ mà ông đã góp nhiều công sức bảo
vệ đã mang tội lừa dối dân tộc và với cả đảng viên. Ông lên tiếng “nói
thật” nên đã bị đảng khai trừ và bạc đãi trong ngày sống còn lại lúc
cuối đời. Ông đã để lại cho đời quyển “Nhật ký Rồng Rắn” nhằm cảnh tỉnh
những ai còn u mê nghe theo lời dối lừa của cộng sản.
“Nói thì ‘dân chủ, vì dân’ mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc
điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề ‘nói vậy mà
không phải vậy’. Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò, ở đâu cũng thấy
các vai hề, ở đâu cũng thấy các vai trò lừa bịp. Suốt ngày đêm, suốt năm
tháng lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời nói dối, nói lừa.
Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt tất cả trẻ con đóng trò,
bắt người già phải đóng trò. Đặc điểm này đã đóng góp phần quyết định
vào việc tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa: lãnh đạo dối lừa, đảng
dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả
dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa
hẹn lừa dối. Ôi, cay đắng thay!” (Trích NKRR trang 42-43)
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, một gia đình trong đó có Huỳnh Thục Vy đấu
tranh vì dân chủ hiện sống trong sự bao vây cô lập của nhà cầm quyền tại
Quảng Nam cho biết “Hệ thống dối trá” của CSVN như sau:
“Chủ quyền đất nước và danh dự dân tộc không còn hiện hữu trong thời
đại dối trá này, không còn hiện hữu trong tâm thức của người Việt Nam
hôm nay vì chúng ta đã vô tình hay cố ý hoặc đồng lõa với sự dối trá.
Tôi thấy người Việt Nam, xã hội Việt Nam hôm nay tự hào một cách dối
trá, sĩ diện một cách dối trá, hài lòng một cách dối trá, yêu nước một
cách dối trá, hạnh phúc một cách dối trá, thành đạt một cách dối trá và
ứng xử một cách dối trá”. (DanChimViet online ngày 23-9-2012)
Đại tá QĐND Nguyễn Khải, một nhà văn có tài khi còn sống không dám nói
lên sự thật, mãi đến khi chết mới để lại cho đời một tác phẩm giá trị “Đi tìm cái tôi đã mất”, ông đã mô tả về sự nói dối của cộng sản như sau:
“Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy…Nói dối lem lẻm,
nói dối lỳ lợm, nói dối không biết xấu hổ, không biết run sợ. Người nói
dối, nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng chỉ nghe
có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành
nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói”. (DanChimViet online ngày 9-12-2009)
Cụ Tô Hải đã kể lại một chuyện điển hình mà cộng sản Việt Nam đã bịa ra cách nay đã bảy tám chục năm rồi mà vẫn còn bịa…
“Nếu thấy cần, phải ‘bịa’ ra những ‘sự thật’ không hề có, mà điển
hình là các vụ Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé…hoặc phóng đại những chiến
thắng tưởng tượng bằng cách giấu nhẹm con số tử vong của ‘Ta’ để đổi lấy
việc ‘chiếm đóng, san bằng’ một đồn, bót…” (DanLamBao online ngày 10-7-2011)
Nói về sự dối trá trong lịch sử, Nhà sử học Hà Văn Thịnh, Giáo sư trường
Đại học Khoa học Huế có lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Mặc Việt Hồng
như sau:
“Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật,
70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ đánh nhau 30 năm với Pháp
và Mỹ mà không thua trận nào là không chấp nhận được…
Sự dối trá đó làm cho sinh viên không thích học sử nữa. Thấy sử là
bịp bợm, chán quá! Tôi viết trên báo Lao Động năm 2005 ‘Lịch sử theo
giấy học trò’, tôi vạch rõ, dậy sử mà suốt ngày phải nói dối, điều đó
làm đau lòng lắm. Ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều trí thức ở vào hoàn
cảnh nan giải, giữa nói thật và không nói thật”. (DanChimViet online ngày 19-5-2010)
Nhà văn Trần Mạnh Hảo, tác giả tiểu Ly Thân đã viết về “Hiện tượng sám hối…” nhắc lại lời của ông Phó Thủ tướng CS Trần Phương đã về hưu nói như sau:
“…cuộc đời trong mỗi cá nhân chúng ta để vượt qua những sự kiện quan
trọng trong đời mà cứ phải nói dối người thân, nói dối gia đình, nói dối
mọi người đến mấy lần thì khi về già thấy ngượng, thấy xấu hổ lắm.
Nhưng đảng cộng sản của chúng ta từ khi sinh ra đến giờ toàn nói dối mà
không biết tại sao đảng không biết ngượng, không biết xấu hổ, không biết
sám hối”. (RFA online ngày 7-1-2012)
Không biết cộng sản hiểu dân chủ như thế nào mà khi còn sanh tiền cụ
Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lê đã chua xót
nhắc lại lời tuyên truyền lừa dối của cộng sản nói về dân chủ của CNXH
như sau:
“Nhà nước cộng sản luôn tuyên bố rằng CNXH dân chủ gắp triệu lần CNTB
nhưng thực tế cho thấy, chế độ hiện nay (dân chủ) không bằng một phần
của chế độ phát xít Hít Le thời xưa…
Hiện nay tự do dân chủ, tự do tôn giáo, Tự do sắc tộc đang bị đàn áp
rất nghiêm trọng. Tôi thấy chính quyền hiện nay đang tỏ cho thế giới
thấy rằng, họ đang vi phạm trắng trợn quyền tự do của người dân”. (Viet Tide số 119 ngày 24-10-2013)
Mới gần đây, không biết lấy tiêu chuẩn nào mà bà Phó chủ tịch nước
Nguyễn Thị Đoan viết trên báo điện tử Nhân Dân ngày 5-11-2011 khoác lác
một cách lố bịch rằng:
“Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do dân và vì
dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của nhà nước pháp quyền trong
lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và
cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản…” (Wikipedia tiếng Việt)
Để phản biện cho luận điệu tuyên truyền láo khoét kể trên, Trung tướng
QĐND Đặng Quốc Bảo, anh em họ với chủ tịch nước Đặng Xuân Khu trong lần
trò chuyện với hai Đại tá Tạ Cao Sơn và Quách Hải Lượng, ông nói thẳng
thừng như sau:
“Những người cộng sản không học được ở Chủ nghĩa tư bản. Cho nên, khi
lên cầm quyền đã thu tóm quyền lực vào cho đảng, rồi chỉ là tập đoàn,
một nhóm người, cuối cùng là quyền lực của một người. Đảng cộng sản độc
tài là như vậy, chúng ta cần tạo cho CNTB xuất hiện ở Việt Nam…
Độc tài cộng sản ghê lắm. Thâu tóm quyền lực, lừa bịp nhân dân, biến người dân thành nộ lệ”. (DanChimViet online ngày 3-9-2009)
Đảng cộng sản Việt Nam thường rêu rao Chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết,
ấy thế mà Nguyễn Giang, trưởng Ban Việt Ngữ đài BBC nguyên là sinh viên
dưới mái trường đào tạo con người CNXHVN đã xác nhận: “Chủ nghĩa tư bản ‘giẫy mãi mà chưa chết”. Ngược lại Việt Nam đã đổi mới để trở lại nền kinh tế thị trường đồng thời âm thầm khai tử CNXH khi chưa “hoàn thiện”.
“Những ngày cả nước vẫn muốn tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã
hội đó, sinh viên như tôi cắm đầu học thứ lý thuyết nói chủ nghĩa tư bản
ngay từ lúc sinh ra đã gặp khủng hoảng…
Từ đó đến giờ, cứ theo các văn kiện của đảng và giáo trình chính trị ở
Việt Nam thì chủ nghĩa tư bản đã giẫy biết bao nhiêu lần rồi mà chưa
chết”. (BBC online ngày 14-9-2009)
Chẳng những CNTB giẫy mà chưa chết trong khi CNXH không giẫy mà chết một
cách “đột xuất, không kịp ngáp” tại cái nôi xuất phát ra nó. Do sự
tuyên truyền láo khoét và lừa bịp của đảng CSVN nên Trung tướng Đặng
Quốc Bảo đã chống lại khi CNXH “đổ vỡ”.
“Tôi chống Đại hội 4 (cứ nói như vậy) vì tôi thấy CNXH suy thoái, tôi
cảm thấy CNXH đổ vỡ, khi Trung Quốc chống lại Liên Xô là bắt đầu đổ vỡ
hệ thống XHCN rồi (sau này Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là sự chứng minh
cho suy nghĩ của tôi lúc đó)”. (DanChimViet online ngày 3-9-2009)
Hạ Đình Nguyên, từng là một người “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”,
ngày nay đã thấy được mình đã bị cộng sản lừa dối, khi tỉnh ra thì thì
ông thấy rằng mình đã “góp công” rất nhiều mà chẳng nhận được bao nhiêu
nên chua chát viết bài: “Nói dối cưỡng bức?”
“Bản chất của sự nói dối là biết sự thật nhưng cố ý nói khác một cách
có ý thức với mục đích che giấu hay tránh né sự thật. Nói khác sự
thật, do tình thế cưỡng bức không thể nói sự thật, phải gượng lòng nói
dối, tạm gọi là nói dối cưỡng bức.
Sự nói dối cưỡng bức được lập lại nhiều lần, rồi quen đi, nó trở
thành tính, thành nết, thành tật xấu, cuối cùng là hình thành sự ngụy
tín cho chính mình. Sự nói dối bây giờ trở nên trơn tru, hồn nhiên,
giống y như nói thật, mà người nghe thì thấy nó trần trụi, nó gợi lên
một cảm nhận trơ trẽn”. (Boxitvn online ngày 27-9-2013)
Đương kiêm Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, người có biệt danh là Trọng Lú thường phát ngôn tiền hậu bất nhất như:
- “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân và vì nhân dân…Nhà nước không có tam quyền phân lập”.
- “Hiến pháp đứng sau cương lĩnh của đảng”.
“Dân chủ đến thế là cùng”…
Ngoài những lần tuyên bố ba hoa khoác lác nói trên, Nguyễn Phú Trọng có
được một lần nói thật về tiến trình đi theo “thiên đường mù” CNXH ở Việt
Nam như sau:
“Đổi mới chỉ là giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu lắm. Đến hết thế
kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. (Thanh Nien online ngày 26-10-2013)
ĐỖ VĂN PHUC * HỒI MÃ THƯƠNG CỦA TRUMP
Loretta Lynn và James Comey thấm đòn hồi mã thương
Thời Sự Hàng Tuần 06/17/2017
Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận
Loretta Lynn và James Comey thấm đòn hồi mã thương
Chính bà Dianne Feinstein Thượng nghị sĩ Dân Chủ cũng đã kêu gọi điều
tra trong vụ cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch đã công khai bao che
cho Hillary Clinton khi bà Hillary này bị cơ quan FBI điều tra về vụ sử
dụng email server sai nguyên tắc để cho những hồ sơ tối mật của quốc gia
có thể bị xâm nhập. Đó là chuyện xảy ra trong mùa tranh cử 2016. Tuy có
đầy đủ tang chứng về việc vi phạm nghiêm trọng của Hillary Clinton, ông
James Comey đã yêu cầu Bộ Tư Pháp không truy tố.
Nhưng thứ Năm tuần trước, khi ra trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện để điều trần về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử của Mỹ, cũng như việc Tổng thống Trump có cản trở pháp luật hay không khi yêu cầu Comey bãi bỏ cuộc điều tra đối với cựu Cố Vấn An Ninh Michael Flynn, ông cựu Giám Đốc FBI đã tiết lộ rằng bà Loretta Lynch đã chỉ thị cho ông không nên coi vụ Hillary là một cuộc điều tra (investigation) mà chỉ nên xem đó như một “matter” (tạm dịch là một vấn đề). Dựa trên điểm này, Comey nói rằng ông nghi ngờ bà Loretta Lynch làm việc cho bà Clinton.
Bà Thượng nghị sĩ Feinstein đề nghị rằng cuộc điều tra về Loretta Lynch phải tách biệt khỏi cuộc điều tra về việc Nga can dự vào bầu cử. Bà này là một thành viên Dân Chủ trong Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, vừa là thành viên trong Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện.
Như thế là sau hơn nửa năm từ khi phe thất cử đảng Dân Chủ làm ầm ỉ về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử để giúp cho ông Trump đắc cử; đến nay, sau nhiều cuộc điều tra và mới đây, cuộc điều trần của ông James Comey; Tổng thống Trump đã cởi bỏ đuợc cái ách nặng nề đeo đuổi ông bởi các dân biểu, nghị sĩ, truyền thông phe Dân Chủ. Mà tệ hơn, nó mang đến cái hiệu quả ngược là vấn đề phạm pháp của chính cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch, và sẽ còn dây dưa đến Hillary Clinton. Cũng vấn đề cản trở pháp luật, khi ông Comey nói nguyên văn: “Trong câu nói của Tổng thống Trump, ông không yêu cầu ngưng cuộc điều tra [về ông Michael Flynn]”. Như vậy, cái tôi danh “cản trở pháp luật” (Obstruction of Justice) mà phe Dân Chủ chụp lên đầu Tổng thống Trump, nay được chuyển qua chính gà nhà của họ. Tương lai sẽ có nhiều màn gay cấn lắm.
Trong nỗi hân hoan thoát gánh nặng, và theo đà sai phạm của James Comey, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẵn sàng ra trần tình hữu thệ trước Quốc Hội.
Riêng về Hillary Clinton, từ sau khi thất cử cứ la toáng lên là vì sự can thiệp của Nga. Thì nay ông Comey đã xác nhận không phải như thế. Trong cuộc Hội Thảo Code Conference hôm thứ Tư tại California, Hillary quay ra đổ thừa và đả kích lại đảng Dân Chủ rằng đảng này đã không cung cấp cho bà ta các dữ kiện để tranh cử như ý (I set up my campaign and we have our own data operation. I get the nomination. So I'm now the nominee of the Democratic Party. I inherit nothing from the Democratic Party, … I mean, it was bankrupt. It was on the verge of insolvency. Its data was mediocre to poor, nonexistent, wrong. I had to inject money into it.) Và chắc chắn những thành viên Dân Chủ đang phản ứng lại.
Nội dung cuộc điều trần của ông James Comey
Xin phép nhắc lại các cáo buộc quan trọng mà phe Dân Chủ bày ra để triệt hạ cho được ông Trump: (1) Cấu kết với nước Nga, (2) cản trở công lý bằng cách ra lệnh ông Comey ngưng điều tra vụ Michael Flynn, (3) bãi chức ông Comey để thoát khỏi sự điều tra.
· Cấu kết với Nga: Rõ ràng cho đến nay, không có một tia sáng nào, dù le lói, để kết luận nhóm thân tín Tổng thống Trump có mối quan hệ gì với Putin hay với nước Nga cả. Tờ New York Times lần này bị hố to! Những lời điều trần của ông Comey cho thấy tin của NYT là tim bịa đặt. Ông Comey nói không có manh mối gì về những câu kết giữa nhóm Trump và Nga trong mùa bầu cử nhằm triệt hạ Hillary Clinton. Comey lập đi lập lại nhiều lần “it is not true” khi bị các nghị sĩ vặn hỏi về việc này. Ông Comey minh xác không có bằng chứng nào cho thấy có một lá phiếu bị gian lận vì sự can thiệp của Nga.
· Cản trở công lý: Trong cuộc điều trần, chính ông Comey xác nhận rằng ông bối rối khi được Tổng thống hỏi ông có thể làm cho ông Flynn thoát được không. Nhưng ông cũng khẳng định: “theo ngôn ngữ của ông Trump, thì ông không ra lệnh ngưng điều tra”.
· Bãi chức Comey để thoát vụ điều tra: Ông Comey đã có ba lần, xác nhận rằng ông tự mình thông báo cho Tổng thống Trump rằng ông Trump không hề bị điều tra. Vậy thì việc Tổng thống bãi chức ông Comey không thể coi là cản trở công lý (ngăn cản vụ điều tra). Tổng thống Trump có hỏi ông Comey về sự trung thành. Ông Comey trả lời rằng ông sẽ lương thiện, và Tổng thống Trump đáp lại: “Exactly, I want honest loyalty”. Đây là một vấn đề rất thông thường theo quan điểm giao tế, đạo đức giữa những người cộng sự, bạn bè, thân quyến. Vì những mối ràng buộc này đòi hỏi sự thẳng thắn, trung thành với nhau. Nhưng nó không có nghĩa trung thành một cách mù quáng. Chẳng ai có thể làm việc thoải mái với một người “đồng sàng dị mộng”, họ có thể phản mình bất cứ lúc nào! Nhưng theo ông Marc Kasowitz, luật sư của Tổng thống Trump, thì Tổng thống không hề đòi ông Comey phải trung thnàh, cũng như yêu cầu tha cho tướng Flynn. Hiện nay, không có bằng chứng nào về những lời đối thoại giữa Tổng thống Trump và ông Comey. Các nhân viên sở Mật Vụ trong Toà Bạch Cung xác định như thế. Vậy là trường hợp “He said, she said,” biết xử thế nào? Và dù sự việc có xảy ra hay không, thì đây không phải yếu tố cấu thành tội phạm để có thể đàn hặc một Tổng thống.
· Nhưng bên cạnh những việc trên, ông Comey đã tạo ra một trái bom mới. Đó là việc ông thú nhận đã chuyển nội dung cuộc nói chuyện giữa ông và Tổng thống Trump cho một giáo sư Đại học Columbia, để ông này lại xì ra cho tờ báo New York Times. Việc này coi như vi phạm nguyên tắc trong nghề tình báo, điều tra. Ông Comey thú nhận ông đã quyết định tiết lộ tin này vào lúc nửa đêm, do sự bực tức làm ông trằn trọc không ngủ được. Ông muốn trả thù Tổng thống Trump! Người ta coi đây là một hành động giận quá mất khôn. Dù ông Comey nói rằng ông chỉ tiết lộ tin để phản ứng sau khi Tổng thống Trump tweet ra việc bãi chức, trong thực tế, việc tiết lộ này đã xảy ra trước qua việc New York Times đã trích dẫn trong tài liệu này một ngày trước cái tweet của Tổng thống Trump.
· Việc này có tính cách pháp lý đấy! Vì đó là cuộc đối thoại giữa một Tổng thống và một Giám Đốc Tình Báo, diễn ra trong dinh Tổng thống. Nó được ghép vào loại tài liệu (có thể mật) chứ không phải chuyện cá nhân. Chính ông Comey cũng nói rằng có tin classified trong cái memo đó. Luật sư của Tổng thống cho hay sẽ lập thủ tục khiếu nại với Bộ Tư Pháp về vụ tiết lộ này!
· Chiều thứ Ba, ông Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Session khi điều trần trước Thượng Viện, cũng cho biết không hề có chuyện các thành viên của TT Trump lien hệ với Nga. Ông gọi sự cáo buộc này là “Nói láo đáng sợ và đáng ghét” (appalling and detestable lie).
Posted 17 hours ago by Tieng Dan Weekly
Nhưng thứ Năm tuần trước, khi ra trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện để điều trần về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử của Mỹ, cũng như việc Tổng thống Trump có cản trở pháp luật hay không khi yêu cầu Comey bãi bỏ cuộc điều tra đối với cựu Cố Vấn An Ninh Michael Flynn, ông cựu Giám Đốc FBI đã tiết lộ rằng bà Loretta Lynch đã chỉ thị cho ông không nên coi vụ Hillary là một cuộc điều tra (investigation) mà chỉ nên xem đó như một “matter” (tạm dịch là một vấn đề). Dựa trên điểm này, Comey nói rằng ông nghi ngờ bà Loretta Lynch làm việc cho bà Clinton.
Bà Thượng nghị sĩ Feinstein đề nghị rằng cuộc điều tra về Loretta Lynch phải tách biệt khỏi cuộc điều tra về việc Nga can dự vào bầu cử. Bà này là một thành viên Dân Chủ trong Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, vừa là thành viên trong Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện.
Như thế là sau hơn nửa năm từ khi phe thất cử đảng Dân Chủ làm ầm ỉ về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử để giúp cho ông Trump đắc cử; đến nay, sau nhiều cuộc điều tra và mới đây, cuộc điều trần của ông James Comey; Tổng thống Trump đã cởi bỏ đuợc cái ách nặng nề đeo đuổi ông bởi các dân biểu, nghị sĩ, truyền thông phe Dân Chủ. Mà tệ hơn, nó mang đến cái hiệu quả ngược là vấn đề phạm pháp của chính cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch, và sẽ còn dây dưa đến Hillary Clinton. Cũng vấn đề cản trở pháp luật, khi ông Comey nói nguyên văn: “Trong câu nói của Tổng thống Trump, ông không yêu cầu ngưng cuộc điều tra [về ông Michael Flynn]”. Như vậy, cái tôi danh “cản trở pháp luật” (Obstruction of Justice) mà phe Dân Chủ chụp lên đầu Tổng thống Trump, nay được chuyển qua chính gà nhà của họ. Tương lai sẽ có nhiều màn gay cấn lắm.
Trong nỗi hân hoan thoát gánh nặng, và theo đà sai phạm của James Comey, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẵn sàng ra trần tình hữu thệ trước Quốc Hội.
Riêng về Hillary Clinton, từ sau khi thất cử cứ la toáng lên là vì sự can thiệp của Nga. Thì nay ông Comey đã xác nhận không phải như thế. Trong cuộc Hội Thảo Code Conference hôm thứ Tư tại California, Hillary quay ra đổ thừa và đả kích lại đảng Dân Chủ rằng đảng này đã không cung cấp cho bà ta các dữ kiện để tranh cử như ý (I set up my campaign and we have our own data operation. I get the nomination. So I'm now the nominee of the Democratic Party. I inherit nothing from the Democratic Party, … I mean, it was bankrupt. It was on the verge of insolvency. Its data was mediocre to poor, nonexistent, wrong. I had to inject money into it.) Và chắc chắn những thành viên Dân Chủ đang phản ứng lại.
Nội dung cuộc điều trần của ông James Comey
Xin phép nhắc lại các cáo buộc quan trọng mà phe Dân Chủ bày ra để triệt hạ cho được ông Trump: (1) Cấu kết với nước Nga, (2) cản trở công lý bằng cách ra lệnh ông Comey ngưng điều tra vụ Michael Flynn, (3) bãi chức ông Comey để thoát khỏi sự điều tra.
· Cấu kết với Nga: Rõ ràng cho đến nay, không có một tia sáng nào, dù le lói, để kết luận nhóm thân tín Tổng thống Trump có mối quan hệ gì với Putin hay với nước Nga cả. Tờ New York Times lần này bị hố to! Những lời điều trần của ông Comey cho thấy tin của NYT là tim bịa đặt. Ông Comey nói không có manh mối gì về những câu kết giữa nhóm Trump và Nga trong mùa bầu cử nhằm triệt hạ Hillary Clinton. Comey lập đi lập lại nhiều lần “it is not true” khi bị các nghị sĩ vặn hỏi về việc này. Ông Comey minh xác không có bằng chứng nào cho thấy có một lá phiếu bị gian lận vì sự can thiệp của Nga.
· Cản trở công lý: Trong cuộc điều trần, chính ông Comey xác nhận rằng ông bối rối khi được Tổng thống hỏi ông có thể làm cho ông Flynn thoát được không. Nhưng ông cũng khẳng định: “theo ngôn ngữ của ông Trump, thì ông không ra lệnh ngưng điều tra”.
· Bãi chức Comey để thoát vụ điều tra: Ông Comey đã có ba lần, xác nhận rằng ông tự mình thông báo cho Tổng thống Trump rằng ông Trump không hề bị điều tra. Vậy thì việc Tổng thống bãi chức ông Comey không thể coi là cản trở công lý (ngăn cản vụ điều tra). Tổng thống Trump có hỏi ông Comey về sự trung thành. Ông Comey trả lời rằng ông sẽ lương thiện, và Tổng thống Trump đáp lại: “Exactly, I want honest loyalty”. Đây là một vấn đề rất thông thường theo quan điểm giao tế, đạo đức giữa những người cộng sự, bạn bè, thân quyến. Vì những mối ràng buộc này đòi hỏi sự thẳng thắn, trung thành với nhau. Nhưng nó không có nghĩa trung thành một cách mù quáng. Chẳng ai có thể làm việc thoải mái với một người “đồng sàng dị mộng”, họ có thể phản mình bất cứ lúc nào! Nhưng theo ông Marc Kasowitz, luật sư của Tổng thống Trump, thì Tổng thống không hề đòi ông Comey phải trung thnàh, cũng như yêu cầu tha cho tướng Flynn. Hiện nay, không có bằng chứng nào về những lời đối thoại giữa Tổng thống Trump và ông Comey. Các nhân viên sở Mật Vụ trong Toà Bạch Cung xác định như thế. Vậy là trường hợp “He said, she said,” biết xử thế nào? Và dù sự việc có xảy ra hay không, thì đây không phải yếu tố cấu thành tội phạm để có thể đàn hặc một Tổng thống.
· Nhưng bên cạnh những việc trên, ông Comey đã tạo ra một trái bom mới. Đó là việc ông thú nhận đã chuyển nội dung cuộc nói chuyện giữa ông và Tổng thống Trump cho một giáo sư Đại học Columbia, để ông này lại xì ra cho tờ báo New York Times. Việc này coi như vi phạm nguyên tắc trong nghề tình báo, điều tra. Ông Comey thú nhận ông đã quyết định tiết lộ tin này vào lúc nửa đêm, do sự bực tức làm ông trằn trọc không ngủ được. Ông muốn trả thù Tổng thống Trump! Người ta coi đây là một hành động giận quá mất khôn. Dù ông Comey nói rằng ông chỉ tiết lộ tin để phản ứng sau khi Tổng thống Trump tweet ra việc bãi chức, trong thực tế, việc tiết lộ này đã xảy ra trước qua việc New York Times đã trích dẫn trong tài liệu này một ngày trước cái tweet của Tổng thống Trump.
· Việc này có tính cách pháp lý đấy! Vì đó là cuộc đối thoại giữa một Tổng thống và một Giám Đốc Tình Báo, diễn ra trong dinh Tổng thống. Nó được ghép vào loại tài liệu (có thể mật) chứ không phải chuyện cá nhân. Chính ông Comey cũng nói rằng có tin classified trong cái memo đó. Luật sư của Tổng thống cho hay sẽ lập thủ tục khiếu nại với Bộ Tư Pháp về vụ tiết lộ này!
· Chiều thứ Ba, ông Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Session khi điều trần trước Thượng Viện, cũng cho biết không hề có chuyện các thành viên của TT Trump lien hệ với Nga. Ông gọi sự cáo buộc này là “Nói láo đáng sợ và đáng ghét” (appalling and detestable lie).
Posted 17 hours ago by Tieng Dan Weekly
TRUMP CỨNG RẮN VỀ THƯƠNG MẠI
Người Mỹ vui mừng, TQ "đứng mình" trước sự cứng rắn về thương mại của TT Trump
(Posted by: Truc Chi <trucsonchi@yahoo.com>, Tuoi Tre VN, 5/16/2017, 20.39PM)
Tổng thống Donald Trump không nói suông, về chính sách thương mại ông
rất cứng rắn. Ông đã từng khẳng định "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" và
tất cả vì người Mỹ. Người vừa được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn: ông
Robert Lighthizer, 69 tuổi, làm Đại diện Thương mại Mỹ, với 82 phiếu
thuận và 14 phiếu chống sẽ làm được theo cách của ông Trump.
Với cương vị này, ông Lighthizer sẽ có quyền thi hành và thương thuyết
lại những thỏa thuận thương mại mà phần lớn trong số này bị Tổng thống
Donald Trump xem là đã "cướp" đi việc làm của dân Mỹ, trong đó Trung
Quốc là một trong những quốc gia bị nêu đích danh.
Tín hiệu của ông Trump
Ông Robert Lighthizer là một luật sư kỳ cựu và từng là quan chức Nhà
Trắng dưới thời Tổng thống Ronald Reagan hồi thập niên 1980.
Đây cũng là một trong những chính khách tên tuổi ở Mỹ có tiếng nói cứng
rắn đối với các vấn đề thương mại của nước Mỹ, đặc biệt ông thường xuyên
chỉ trích rằng Hoa Kỳ lâu nay thiệt thòi quá nhiều trước những chính
sách thương mại lạm dụng của Trung Quốc, để thâm thủng mậu dịch và khiến
cho các công xưởng Mỹ phải đóng cửa. Giờ đây, luật sư thương mại kỳ cựu
này có cơ hội để thay đổi thực trạng nêu trên.
Trong chính quyền thời Tổng thống Reagan, ông Lighthizer là Phó Đại diện
Thương mại Hoa Kỳ. Hiện tại ông là luật gia về các vấn đề thương mại.
Là người trong giới hoạch định chính sách thương mại tại Washington gần 4
thập niên, ông Lighthizer nổi tiếng là một nhà thương thuyết sắc sảo và
có nhiều điểm tương đồng với doanh nhân Donald Trump ngày nào.
Theo sự lựa chọn của vị tỷ phú giờ đã là ông chủ Nhà Trắng Donald Trump,
ông Lighthizer sẽ đại diện bước khởi đầu cho đảng Cộng hòa trong nhiều
chục năm ủng hộ tự do mậu dịch để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
"Tôi đồng ý với Tổng thống Trump là chúng ta nên có một chính sách về
thương mại đặt nước Mỹ trên hết và chúng ta có thể làm tốt hơn trong
việc thương thuyết các thỏa thuận mậu dịch, mạnh mẽ hơn trong việc thực
thi luật lệ của chúng ta" - ông từng tuyên bố trước một ủy ban của
Thượng viện.
Việc ông Lighthizer được đề cử đánh đi một tín hiệu khác nữa là chính
quyền của Tổng thống Trump thực sự quyết tâm đảo ngược chính sách của Mỹ
trong nhiều thập niên qua và hành động tích cực ngăn hàng nhập khẩu từ
các nước cạnh tranh không công bằng.
Sự lựa chọn đã được tính trước
Sự lựa chọn của ông Donald Trump dành cho ông Robert Lighthizer không hề
gây ngạc nhiên, bởi ông Lighthizer, như đã nói ở trên, cũng là người
thường xuyên chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về hoạt động thương mại của
nước này.
Mặt khác, ông lại là người được đánh giá "có nhiều kinh nghiệm trong
việc mang lại những thỏa thuận giúp bảo vệ một số lĩnh vực quan trọng
nhất trong nền kinh tế Mỹ".
Theo đó, ông Robert Lighthizer được bổ nhiệm làm Đại diện Thương mại Mỹ
với nhiệm vụ chính là đưa ra những biện pháp giúp làm giảm thâm hụt
thương mại Mỹ - điều mà tỷ phú Trump vẫn thường xuyên kêu gọi trong suốt
chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Cũng giống ông Trump, ông Lighthizer kêu gọi áp thuế với hàng hóa nhập
khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Năm 2001, ông Lighthizer từng chỉ trích Trung
Quốc không thực hiện theo cam kết khi nước này gia nhập Tổ chức Thương
mại Thế giới (WTO).
"Nhiều năm thụ động và thiếu sát sao trong giới hoạch định chính sách
khiến thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tăng đến mức trở thành mối đe dọa
lớn với nền kinh tế của chúng ta" - ông Lighthizer viết trong báo cáo
gửi Ủy ban An ninh Kinh tế Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ năm 2010.
Còn nhớ khi tuyên bố sẽ lựa chọn ông Robert Lighthizer vào đầu tháng
1/2017, Tổng thống Trump đã tin tưởng ông Lighthizer, người từng giữ
chức vụ Phó Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan
trong thập niên 1980, sẽ giúp "đấu tranh để giành lại những thỏa thuận
thương mại hậu hĩnh, trong đó đặt những người lao động Mỹ lên vị trí cao
nhất"; "Ông ấy sẽ giúp đảo chiều những chính sách thương mại thất bại,
vốn khiến Mỹ mất đi sự thịnh vượng" - ông Trump khẳng định trong thông
báo bổ nhiệm.
Trong chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, ông Lighthizer sẽ hợp
tác chặt chẽ trong các vấn đề thương mại với Wilbur Ross, người đã được
bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ, và Peter Navarro, người được tỷ
phú New York chọn làm lãnh đạo Ủy ban Thương mại quốc gia thuộc Nhà
Trắng. Ông Navarro cũng được biết đến là một nhà kinh tế theo trường
phái cứng rắn với Trung Quốc và từng viết những cuốn sách chỉ trích quốc
gia châu Á này.
(Posted by: Truc Chi <trucsonchi@yahoo.com>, Tuoi Tre VN, 5/16/2017, 20.39PM)
THOMAS PHẠM * TNS JOHN McCAIN ĐỨNG ĐẦU CHỐNG NGƯỜI CÙNG ĐẢNG
TNS JOHN McCAIN ĐỨNG ĐẦU CHỐNG NGƯỜI CÙNG ĐẢNG
Sự bất hòa cá nhân giữa John McCain và Donald Trump lời qua tiếng lại ai cũng thấy rõ. Có lẽ vì thế mà TNS John McCain, Arizona, là người chỉ trích dữ dội nhất đối với hành pháp Trump. Điều nguy hiểm ở đây là TNS McCain, chỉ trích hay tuyên bố với nước ngoài điều không có thật, hay chưa kết quả điều tra, làm lợi khí cho Dân Chủ và Truyền Thông Dòng Chính (TTDC) chống lại Tổng Thống đương nhiệm.
Trong chuyến công du nước ngoài, TNS John McCain đã tuyên bố với hãng tin ABC của Úc ngày 29 tháng 5, 2017, “Nga Sô, chứ không phải Nhà nước Hồi Giáo, là mối đe dọa lớn nhất của nước ngoài đối với chúng tôi.” “Tôi nghĩ ISIS có thể gieo những điều khủng khiếp…, nhưng chính những người Nga họ đã cố tình tiêu diệt nền tảng dân chủ, đó là thay đổi kết quả bầu cử của HK.”
(Nguồn: Press and hold Ctrl + click on “McCain Says Russia Poses Bigger Threat Than ISIS ... - The Daily Caller”dailycaller.com/2017/05 /29/mccain-says-russia-poses-b igger-threat-than-isis-/)
Tuy nhiên, các Cơ QuanTình Báo và An Ninh Quốc Gia (DNI, NSA) chưa hề báo cáo rằng Nga là mối đe dọa lớn nhất so với ISIS, và ngay cả Ủy Ban Tình Báo của Thượng và Hạ Viện cũng chưa hề xác nhận điều này. Mặt khác, Đảng Cộng Hòa (ĐCH) thắng ĐDC không có nghĩa là “nền tảng dân chủ bị tiêu diệt.” Không hiểu Ông McCain dựa vào bằng chứng nào mà cáo buộc rằng Nga thay đổi kết quả bầu cử, nghĩa là sửa con số khi các máy bầu cử không hề nối với mạng lưới?
John MacCain tuyên bố với nước ngoài như thế dù chưa có kết quả điều tra, nhưng nước ngoài có thể nghĩ sai lệch rằng kết quả bầu cử HK 2016 không còn giá trị, cũng như uy tín của Tổng Thống HK đương nhiệm bị hạ thấp. Có thể nói đây là tác hại nặng nề cho hành pháp Trump bởi những lời tuyên bố như thế với thế giới bên ngoài của môt TNS có 6 nhiệm kỳ ở Quốc Hội HK.
Tình báo nước ngoài xâm nhập bầu cử là việc thường, như nước Pháp cũng bị Nga xía vô bầu cử mới đây, nhưng Nga đâu có bị cho là đe dọa nền dân chủ và an ninh nước Pháp hơn ISIS. Nga rất có thể xâm nhập can thiệp vào bầu cử Mỹ để trả đũa Hillary Clinton, lúc Bà này làm Ngoại Trưởng, đã bị Putin cáo buộc can thiệp bầu cử Nga. Bằng chứng, những người ủng hộ Putin thường xuyên tố cáo CIA phá hoại bầu cử Nga, họ tung những cuộc biều tình khắp nơi chống lại cách mạng Cam do Hoa Kỳ can thiệp vào bầu cử Nga trong năm 2011-12. Tuy nhiên, nước ngoài có thể đơn phương can thiệp bầu cử nhưng không ai dại gì cấu kết riêng với bất cứ ứng cử viên tổng thống nào để lại hậu quả cho ngoại giao sau này.
Nga can thiệp bầu cử Mỹ cũng như Mỹ đã từng bị Putin tố cáo phá bầu cử Nga, nhưng bà Clinton, vì tham vọng quyền lực, dựng ra chuyện Putin cấu kết giúp Trump thắng cử, mà nguyên nhân chính là người dân đã thấy ông Obama đã quá yếu qua 8 năm cầm quyền và hơn nữa, chính cá nhân Bill và Hillary Clinton đã mang tiếng là gian dối, phản chiến, thiên tả và nhiều tỳ vết khác từ Arkansas cho đến Washington, DC.
Lấy cớ Putin cấu kết, bà Clinton nhằm gỡ lại danh dự, và đồng thời triệt hạ uy tín ôngTrump, vì cản bước của Cấp Tiến thiên tả tiến lên con đường XHCN và Cực Đoan theo thuyết Saul Alinsky (Chicago), thần tượng của Obama và Hillary Clinton.
Thế là câu chuyện bình thường Nga can thiệp phá rối đã biến thành bất thường nghiêm trọng là Nga cấu kết với TT Trump hay các viên chức Mỹ để đưa đến chiến dịch “săn lùng phù thủy” hầu tìm thủ phạm trong óc tưởng tượng. Vladimir Putin mới đây đã trả lời Megyn Kelly cách mỉa mai, khi Cô này phỏng vấn Putin cho chương trình Sunday Night của NBC để tìm bằng chứng (smoking gun), rằng: “Các vị đã tạo tin giật gân của điều không có. Các vị đã biến tin giựt gân này trở thành vũ khí để chống tổng thống đương nhiệm….” (“You created a sensation out of nothing. And out of this sensation, you turned it into a weapon of war against the current president,” Putin said. “You people are so creative over there. Good job. Your lives must be boring.”up
Ngày 8 tháng 6, cựu GĐ FBI James Comey ra điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện mà phe cánh tả tin sẽ bất lợi cho ôngTrump . Nhưng ngược lai Comey đã nói rằng “Trump không cản trở công lý, không hề bị điều tra và cũng không hề cho lệnh ngưng điều tra.”
Nói khác hơn, ông Comey không đưa ra được bằng chứng TT Trump cấu kết với Putin, hay cản trở công lý, là vũ khí chính để Dân Chủ triệt hạ Trump. Ông Comey chỉ có thể trả thù bắng cách nói ông Trump nói láo về lý do cách chức Ông. Lời khai của Comey còn cho thấy Ông đã thất bại điều tra Hillary Clinton vì bị bà Bộ Trưởng tư pháp Loretta Lynch áp lực, bằng chứng như kêu dùng danh từ ‘vấn đề email’(matter) thay vì ‘điều tra email (investigation). Ngoài ra Comey còn nhìn nhận có tiết lộ tin bản ghi nhớ (memos) cho NY Times.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Ông John McCain là Thượng Nghị Sĩ của Quốc Hội HK mà lại đi tuyên bố với nước ngoài một cách thiếu chính xác, khi chưa có kết quả điều tra rõ rệt? Putin có thể vì quyền lợi nước Nga mà hành động bất lợi cho Mỹ nhưng Nga chưa chính thức phải là kẻ thù của Mỹ, mà Ông McCain tuyên bố có vẻ như coi Nga là kẻ thù của Mỹ hơn cả ISIS trái với đường lối ngoại giao. Tuyên bố như thế có thể gây khó khăn cho chính sách ngoại giao của hành pháp Trump.
Ông Trump có lần viết trên mạng (Twitter) rằng “Ông John McCain không phải là anh hùng đối với ông Trump….” Điều này làm liên tưởng đến cuộn băng ghi âm loại tuyên truyền kiểu ‘Tokyo Rose’ được phát thanh từ Hà Nội năm 1969, trong đó ông McCain đã phát biểu một số câu như: “Tôi, là một phi công Hoa Kỳ, có tội chống lại đất nước và nhân dân Việt Nam. Tôi đã bỏ bom các thành phố và làng mạc, gây thương vong cho nhân dân VN. Tôi bị bắn rớt máy bay, bị bắt, tay bị gảy 3 chổ và được đưa đến bệnh viện Hà Nội, nơi đây tôi đã được chửa trị tử tế……Nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa nên sức khỏe tôi nay đã được phục hồi……..Từ khi đến trại giam này, tội đã được đối xử tử tế và nhân đạo, dù tôi là kẻ xâm lược gây thương tổn và khốn khổ cho nhân dân VN. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu xa về cách đối xử tử tế mà tôi sẽ không bao giờ quên.” (Nguồn: Press and hold Ctrl + click on “John McCain's 1969 “Tokyo Rose” Propaganda Recording Released”
www.trunews.com/.../john-mccai ns-1969-tokyo-rose-propaganda- recording-released)
Vấn đề này đã nổi lên tranh cãi sôi nổi trong thời gian ông McCain tranh cử tổng thống năm 2009. Người ta cho rằng John McCain đã cộng tác với CS Bắc Việt trong việc thâu âm tuyên truyền chống lại đồng đội và nước Mỹ, trong khi các bạn tù của Ông đã bị tra tấn và ngược đãi vì không chịu hợp tác như Ông.
Tuy ông McCain là anh hùng của chiến tranh Việt Nam, nhưng thời gian sau này với tư cách là TNS, Ông thường đi VN, tỏ ra rất thân thiện với bạo quyền CSVN. TNS McCain chủ trương bang giao Mỹ-Việt, luôn dùng tiếng nói ảnh hưởng nghị trường kêu gọi bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương không điều kiện nhân quyền cho VNCS. Nhưng nước cựu thù này là nguyên nhân của 58.000 chiến binh HK hy sinh, 150,000 thương binh và 700.000 cựu chiến binh trở về với triệu chứng tâm thần! (Post-traumatic stress disorder, PTSD) Đồng thời cũng là bạo quyền man rợ và nội thù bán nước của nhân dân VN hiện nay.
Như TNS John McCain đã từng nói không bao giờ quên ơn cứu mạng của CS Bắc Việt qua thông điệp tuyên truyền ‘Tokyo Rose’ tại Hà Nội năm 1969. Nên bây giờ Ông đã trở thành ân nhân của bạo quyền CSVN, công lao của Ông cũng không kém gì so với Bill, Hillary Clinton, Barrack Obama và John Kerry.
(Thomas Pham, VA 6.15.2017)
HỮU NGUYÊN * CẤM VẬN CUBA
Đặc biệt, trong bài nói chuyện, TT Donald Trump đã khẳng định SỰ THỰC hiển nhiên tại Cuba: “Suốt
thời gian gần sáu thập niên qua, dân tộc Cuba đã chịu đựng muôn vàn đau
khổ dưới sự đô hộ của chủ nghĩa cộng sản. Cho tới ngày hôm nay, dân tộc
Cuba vẫn còn bị cai trị bởi chính những kẻ sát nhân đã tàn sát hàng
chục ngàn người Cuba; những kẻ muốn xuất cảng sự áp bức và cái ý thức hệ
hủ bại của họ trên khắp bán cầu của chúng ta; những kẻ đã có lúc chứa
chấp vũ khí nguyên tử cách bờ biển chúng ta 90 dặm” (For
nearly six decades, the Cuban people have suffered under communist
domination. To this day, Cuba is ruled by the same people who killed
tens of thousands of their own citizens, who sought to spread their
repressive and failed ideology throughout our hemisphere, and who once
tried to host enemy nuclear weapons 90 miles from our shores). Hiển
nhiên, SỰ THẬT được TT Donald Trump khẳng định với cộng đồng Mỹ – Cuba,
cũng còn là SỰ THẬT, TT dư biết, tại những quốc gia cộng sản trên thế
giới hiện nay, trong đó có cộng sản Việt Nam. Vì
vậy, người Việt yêu nước chống CS đều hiểu, việc cấm vận các quốc gia
CS khác, chắc chắn là điều TT Donald Trump MUỐN LÀM NHƯNG CHƯA THỂ LÀM.
Sau đây, kính chuyển bài viết tóm tắt buổi nói chuyện của Phó TT Pence và TT Donald Trump, với ước vọng, được sự quan tâm, chia sẻ và phổ biến của Quý vị.
Cũng
xin thưa, để bảo đảm quyền tự do ngôn luận được cổ võ và thực thi một
cách trọn vẹn và hợp pháp, tất cả bài vở, ý kiến, hình ảnh, được SGT
đăng tải và phổ biến qua mọi hình thức, đều được Công Ty Ledinh Lawyers
Pty. Ltd. cố vấn, kiểm duyệt, chấp thuận và hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Mọi khiếu nại, tranh tụng, vui lòng coi “Thông Báo Trách Nhiệm Pháp Lý”
trên trang web Saigon Times (Tiếng Việt – Tiếng Anh).
Nếu Quý vị nhận được email này hơn một lần, xin thông cảm; nếu phiền lòng, xin thứ lỗi và email về huunguyen@saigontimes.org.
Trân trọng,Hữu Nguyên
Ký sắc lệnh cấm vận CS Cuba
TT Donald Trump cảnh cáo CS thế giới!
Hữu Nguyên (huunguyen@saigontimes.org)
Thứ
Sáu, 16 tháng 6, 2017, tại nhà hát Manuel Artime (tên vị anh hùng Cuba,
người lãnh đạo cuộc đổ bổ Vịnh Con Heo vào tháng 4, 1961, nhằm lật đổ
chế độ CS Fidel Castro), sau bài nói chuyện dài 40 phút đồng hồ, tố cáo
tội ác CS Cuba đồng thời ca ngợi lòng yêu nước của người Cuba tỵ nạn CS,
được cộng đồng Mỹ – Cuba hết sức cảm động, vỗ tay hoan hô hơn 50 lần,
Tổng Thống Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh TÁI cấm vận nhà nước
CS Cuba.
GIỚI THIỆU CỦA PHÓ TT MIKE PENCE
Tại nhà hát Manuel Artime, thành phố Miami, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, Phó Tổng Thống Mike Pence phát biểu, giới thiệu Tổng Thống Donald Trump (YouTube Video – Diễn văn Phó TT Pence – Diễn văn TT Trump)
Mở
đầu buổi nói chuyện với cộng đồng Mỹ – Cuba, Phó TT Mike Pence tuyên bố
ý nghĩa lịch sử của Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017, ngày đánh dấu nước Mỹ
tiếp tục hậu thuẫn cho tự do dân chủ; ngày dân tộc Mỹ đoàn kết với dân
tộc Cuba, dưới sự lãnh đạo cứng rắn và kiên quyết của TT Donald Trump.
Phó TT Pence cũng trình bầy 3 sự thật quan trọng: Một, suốt 58 năm qua, chế độ CS độc tài áp bức tại Cuba đã tước bỏ mọi quyền tự do, cùng tương lai của người dân Cuba. Hai, trải qua nhiều thế hệ, những người tỵ nạn Cuba đã vượt biển tìm tự do tại Hoa Kỳ. Ba,
mặc dù đến được bến bờ tự do, những người tỵ nạn Cuba vẫn không quên
những thảm cảnh tại quê nhà, và tiếp tục đấu tranh giành tự do cho Cuba.
Sau đó, Phó TT Pence khẳng định với những người Cuba yêu nước chống CS: “Hôm
nay, TT Donald Trump sẽ trình bầy một cách minh bạch, nước Mỹ bên cạnh
các bạn; nước Mỹ hậu thuẫn những ai bị bách hại, áp bức và bóc lột tại
Cuba; nước Mỹ không bắt tay với những tên bạo chúa; nước Mỹ hậu thuẫn
những người Cuba can đảm, đấu tranh giành tự do, sự sống và những quyền
được Tạo hoá ban” (Today,
President Donald Trump will make it clear that America is with you,
that America stands with the persecuted, the oppressed, and the
exploited in Cuba – that this nation stands not with tyrants, but today,
President Donald Trump will make it clear that the United States of
America stands with the courageous men and women of Cuba who seek to
reclaim their God-given rights to life and liberty).
Giữa
tiếng vỗ tay vang dội của mọi người, Phó TT Pence kết thúc phần giới
thiệu qua lời hô bằng tiếng Tây Ban Nha: “Cuba Tự Do Muôn Năm” (Que Viva
Cuba Libre).
BÀI NÓI CHUYỆN CỦA TT DONALD TRUMP
Tại
nhà hát Manuel Artime, thành phố Miami, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, Tổng
Thống Donald Trump phát biểu, tố cáo tội ác CS Cuba và công bố quyết
định ký sắc lệnh TÁI cấm vận CS Cuba (YouTube Video – Diễn văn Phó TT Pence – Diễn văn TT Trump)
Việc
ký sắc lệnh TÁI cấm vận nhà nước CS Cuba, của TT Donald Trump, có giá
trị lịch sử, chính thức huỷ bỏ sắc lệnh “thân thiện CS Cuba” của TT
Obama, đồng thời tiếp tục chính sách cấm vận CS Cuba được chính phủ Mỹ
theo đuổi suốt gần 60 năm qua.
Quan
trọng hơn, sắc lệnh của ông còn là một thông điệp hết sức minh bạch, cổ
võ tất cả những người yêu tự do chống CS trên toàn thế giới, nhất là
những người Mỹ – Cuba.
Lắng
nghe TT Donald Trump trong gần 40 phút, Cộng đồng Mỹ – Cuba đã hết sức
xúc động và vui mừng khi TT Donald Trump thẳng thắn vinh danh, ca ngợi
sự hiện diện: của những cựu chiến binh Cuba từng chiến đấu trong cuộc đổ
bộ Vịnh Con Heo; những nạn nhân của chế độ CS độc tài tàn ác tại Cuba;
những người tỵ nạn và bất đồng chính kiến Cuba; những người Cuba đến Mỹ
qua Operation Peter Pan [chiến dịch di tản 14,000 trẻ em mồ côi ở Cuba
sang Mỹ từ 1960 đến 1962 – chú thích SGT]. TT cũng ca ngợi tất cả những
người dân Cuba dám nói sự thật, dám bảo vệ công lý, trong nhà thờ, các
tiệm cà phê, trên các đường phố của TP Miami…
TT
Donald Trump cũng bầy tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người Cuba
dũng cảm, đã thay mặt những người âm thầm chịu đựng đau khổ tại Cuba,
lên tiếng chống lại chế độ độc tài CS Cuba.
Bằng
giọng nói chân tình, đầy xúc động, TT Donald Trump nhắc nhở mọi người
nhớ lại những tội ác kinh tâm động phách của CS Cuba nói riêng và chủ
nghĩa CS nói chung trên toàn thế giới. Ông cũng tố cáo sự thật, chủ
nghĩa cộng sản đã tàn phá Cuba và bất cứ quốc gia nào bị CS đô hộ. Không
những thế, TT còn nhắc đến tên tuổi cùng những năm tháng tù đầy, của
những nhân chứng sống trong cộng đồng Mỹ – Cuba, hiện đang có mặt trong
buổi nói chuyện của TT.
TT
Donald Trump cũng kêu gọi mọi người không thể im lặng trước sự đàn áp
của CS. Những ai chứng kiến SỰ THẬT về tội ác CS, hãy lên tiếng tố cáo
SỰ THẬT đó; và đã đến lúc SỰ THẬT réo gọi mọi người phải hành động.
Ông
cũng cho biết, trong cương vị ứng cử viên TT Mỹ, ông đã hứa với cộng
đồng Mỹ – Cuba sẽ hành động – thì nay, trong cương vị TT Mỹ, ông giữ lời
hứa bằng hành động cụ thể: Ký sắc lệnh TÁI cấm vận Cuba.
Ông khẳng định SỰ THỰC hiển nhiên tại Cuba: “Suốt
thời gian gần sáu thập niên qua, dân tộc Cuba đã chịu đựng muôn vàn đau
khổ dưới sự đô hộ của chủ nghĩa cộng sản. Cho tới ngày hôm nay, dân tộc
Cuba vẫn còn bị cai trị bởi chính những kẻ sát nhân đã tàn sát hàng
chục ngàn người Cuba; những kẻ muốn xuất cảng sự áp bức và cái ý thức hệ
hủ bại của họ trên khắp bán cầu của chúng ta; những kẻ đã có lúc chứa
chấp vũ khí nguyên tử cách bờ biển chúng ta 90 dặm” (For
nearly six decades, the Cuban people have suffered under communist
domination. To this day, Cuba is ruled by the same people who killed
tens of thousands of their own citizens, who sought to spread their
repressive and failed ideology throughout our hemisphere, and who once
tried to host enemy nuclear weapons 90 miles from our shores).
Hiển
nhiên, SỰ THẬT tại Cuba được TT Donald Trump khẳng định với cộng đồng
Mỹ – Cuba, cũng còn là SỰ THẬT tại những quốc gia cộng sản trên thế giới
hiện nay, trong đó có cộng sản Việt Nam.
Sau
khi khẳng định SỰ THẬT hiển nhiên đó, TT Donald Trump cũng tố cáo sự vô
lý và phản bội của chính phủ tiền nhiệm khi TT Obama thoả hiệp với chế
độ CS Castro. Ông nhìn nhận, quyết định của TT Obama không giúp gì cho
nhân dân Cuba. Trái lại, nó chỉ làm giầu cho chế độ CS Cuba, khiến chúng
càng gia tăng sức mạnh, nghiền nát các phong trào đấu tranh giành tự
do, dân chủ của người dân Cuba.
TT
Donald Trump cũng đòi hỏi, nhà cầm quyền CS Cuba phải chấm dứt đàn áp,
chấm dứt bỏ tù những người bất đồng chính kiến, đồng thời trả tự do cho
tù chính trị, trao trả quyền tự do chính trị và kinh tế cho người dân
Cuba.
Đặc biệt, TT Donald Trump cũng đòi CS Cuba phải trao nộp: Một,
Joanne Chesimard, thành viên thuộc tổ chức khủng bố Black Liberation
Army, đã bị toà án Mỹ kết án tội giết người vào năm 1971 và thọ án tù
tại Mỹ, đến năm 1979 vượt ngục và đào tẩu sang Cuba năm 1984. Hai, những thủ phạm đã bắn hạ hai máy bay dân sự của Brothers to the Rescue (tổ chức do người tỵ nạn Cuba thành lập để cứu vớt những người tỵ nạn Cuba vượt biển), khiến 4 người chết.
Trong
không khí trang nghiêm tại buổi nói chuyện của TT Donald Trump, nhạc sĩ
vĩ cầm Luis Haza độc tấu bài Quốc Ca Hoa Kỳ, tưởng nhớ ước mơ thiêng
liêng của ông và những người Cuba, về miền đất hứa Hoa Kỳ.
Hiểu
rõ, Hoa Kỳ là niềm mơ ước thiêng liêng đối với tất cả những người Cuba
yêu tự do, TT Donald Trump đã kể lại câu chuyện hết sức cảm động về Luis
Haza, nhạc sĩ Cuba nổi tiếng thiên tài vĩ cầm ngay từ bé, có thân phụ
bị CS hành quyết khi CS Cuba cướp chính quyền. Năm đó, Luis Haza mới có 8
tuổi. 4 năm sau, đề tuyên truyền cho cái gọi là “chính sách hoà hợp hoà
giải dân tộc”, CS Cuba tổ chức chương trình truyền hình quay cảnh Luis
Haza độc tấu vĩ cầm cho Castro nghe. Nhưng Luis Haza từ chối. Tới khi bị
lính của Castro chĩa súng vào đầu, Luis Haza, 12 tuổi, đã kéo vĩ cầm
bài quốc ca của Mỹ (Star-Spangled Banner).
Kể
đến đó, TT Donald Trump tự hào tuyên bố, Hoa Kỳ là biểu tượng cho tự do
và hy vọng, không những của Luis Haza, mà còn của tất cả những người
Cuba, cũng như của bất cứ ai trên thế giới có lòng yêu tự do.
Hữu Nguyên
huunguyen@saigontimes.orgVIETTUSAIGON * VỤ ĐỒNG TÂM
Truy tố Đồng Tâm, khôn mà ngu
Thứ Sáu, 06/16/2017 - 02:48 — VietTuSaiGon
Vụ Đồng Tâm đúng như kịch bản của rất nhiều người dự đoán: Hà Nội sẽ vờ
vịt giải hòa, hứa không truy tố bằng một tờ giấy viết tay, sau đó đợi
mọi việc lắng xuống, cho an ninh kèm từng người, cài cắm vào làng và bắt
đầu truy tố. Hành vi truy tố của chính quyền Hà Nội, hiểu như thế nào
cũng đúng, lật lọng, tráo trở cũng đúng mà làm theo đúng truyền thống
Cộng sản cũng đúng. Vấn đề là cái đúng này rất khôn, khôn đến mức dại.
Vì sao nói khôn mà dại?
Khôn bởi đây là một loại tiểu xảo để lừa dân được ông Chung, chủ tịch Hà
Nội dùng rất ngọt, lừa đến mức ngoạn mục, bà con Đồng Tâm mừng vui hát
vang “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng...” để ăn mừng vụ việc êm
xuôi. Và họ ngây ngô không hiểu rằng đây chỉ là một đòn nghi binh, kế
hoãn binh của ông Chung và đảng.
Khôn bởi được cả hai chuyện, vừa làm cho chuyện đất đai ở Đồng Tâm trở
nên rối mù và nhập nhằng với án hình sự, vừa có thời gian để củng cố
chiến thuật cũng như lực lượng mà hành động với bà con Đồng Tâm giống
như từng làm với bà con ở Văn Giang, Hưng Yên và nhiều vụ khác.
Khôn bởi sau vụ bắt giữ một nhóm cảnh sát cơ động, người dân đã thấm mệt
bởi vừa tốn cơm, vừa tốn áo quần lại vừa mất công theo dõi, canh gác...
Đủ thứ mất công nhưng chẳng mang lại kết quả nào, chuyện này dễ gây nản
và nếu có thêm một lần nữa, khả năng bắt giữ sẽ thấp hơn khả năng chiến
đấu trực diện. Mà dân chiến đấu trực diện dù sao công an cũng dễ bề ra
ra tay hơn!
Và khôn bởi dù có như thế nào đi nữa thì dân cũng phải bị đặt ngoài
quyền lợi của đảng cũng như các nhóm lợi ích liên đới của đảng. Các nhóm
lợi ích được bảo vệ, được trương nở theo thời gian sẽ tạo ra thành trì
của quyền lực, tiền bạc cho đảng, dân chỉ được phép đứng bên ngoài thành
trì ấy và đương nhiên, danh dự của dân bao giờ cũng được đặt lên cao
nhất trên bãi đất rộng của dân đen. Khôn, quá khôn, khôn đến độ ngu
ngốc!
Ngu ngốc vì cho đến bây giờ, có mù người ta cũng dễ dàng nhận thấy kẻ
muốn giải thể đảng Cộng sản càng sớm càng tốt không ai khác ngoài Trung
Cộng. Bởi cho đến thời điểm hiện nay, hiệu dụng của con cờ Việt Cộng
trên bàn cờ chính trị khu vực đối với Trung Cộng là đã hết. Nếu vứt bỏ
con cờ Việt Cộng vào sọt rác, cải tổ chính trị Việt Nam trong lúc này sẽ
là cơ hội lớn nhất và tốt nhất để Trung Cộng xua quân đánh chiếm toàn
bộ hệ thống đảo Trường Sa do Việt Nam nắm chủ quyền. Bởi không có gì tê
liệt quân đội và hệ thống an ninh tốt hơn lúc chuyển giao chính trị. Mà
chỉ có độc chiếm Biển Đông thì Trung Cộng mới hết sợ Hoa Kỳ, khi nào
Biển Đông còn nằm trong tay Việt Nam, Trung Quốc còn sợ Hoa Kỳ.
Ngu bởi vì Hoa Kỳ chưa bao giờ xử tệ với Cộng sản Việt Nam, kể từ khi
bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton đến
nay, Việt Nam nếu xét trên mối quan hệ Việt – Mỹ thì chỉ có lợi chứ chưa
có bất kì thứ thiệt hại nào. Và nói cho cùng thì kẻ muốn Cộng sản Việt
Nam tồn tại lại là Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Cách đối đãi của chính
phủ Mỹ qua các đời Tổng thống, nhất là khi lãnh đạo Cộng sản Việt Nam
sang thăm Mỹ đều là nghi thức dành cho thượng khách chứ không phải đối
đãi như tiếp một thằng đàn em nhãi nhép mà Trung Quốc đã dành cho lãnh
đạo Việt Nam từ trước tới nay.
Bởi dù sao thì Mỹ cũng đặt quyền lợi của Mỹ lên cao nhất, hiện tại,
quyền lợi của Mỹ trên Thái Bình Dương tùy thuộc hoàn toàn vào sức mạnh
của họ trên biển Đông. Trong khi đó, nếu như Cộng sản Việt Nam chết,
ngay lúc khâm liệm chủ nghĩa Cộng sản tại quốc gia hình chữ S này, Trung
Quốc chiếm lấy các đảo, đưa thêm vũ khí, quân sự vào nữa, tiếp sau đó
là thiết lập hệ thống qui chế phô trương sức mạnh bá quyền trên biển
Đông thì Mỹ chỉ còn nước nói ngọng cho qua chuyện chứ chẳng còn cơ hội
để giữ sức mạnh trên biển Đông. Chính vì vậy mà Mỹ mới cưu mang Cộng
sản, nuôi dưỡng dân chủ cho Việt Nam. Và khi nào dân chủ Việt Nam đủ
mạnh, Cộng sản buộc lòng phải tự chuyển hóa, nới rộng mọi ràng buộc đối
với nhân dân Việt Nam.
Và chừng đó cho thấy rằng Nguyễn Đức Chung cũng như hệ thống đảng trị
còn ấu trĩ, chưa nhận ra vấn đề mà chỉ biết khôn lõi với dân. Thử tưởng
tượng nếu Mỹ không ủng hộ vì nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam quá kém,
trong khi đó nhân dân trở nên căm ghét, thành thế lực thù địch của đảng,
thì liệu còn cơ hội nào để Cộng sản Việt Nam tồn tại một khi Trung Cộng
ra tay?
Mà việc Trung Cộng ra tay để triệt hạ đảng Cộng sản Việt Nam là việc đương nhiên, vấn đề chỉ là thời gian. Bởi hiện tại, những thứ họ muốn có ở Việt Nam, họ đã được Việt Cộng răm rắp cung phụng. Họ chỉ cần sự cáo chung của Cộng sản Việt Nam bằng cách này hay cách khác, để trong lúc thay đổi, họ ra tay trên iển Đông và thậm chí tạo ra những khu tự trị trong đất liền, và sau đó, khi chế độ chính trị mới lên thay thế, họ lại cãi chày cãi cối về chủ quyền/chủ thể biển Đông và cơ hội kiện lấy lại các đảo của chính thể mới sẽ rất thấp, một kiểu Hoàng Sa khác ở Trường Sa và đất liền.
Mà việc Trung Cộng ra tay để triệt hạ đảng Cộng sản Việt Nam là việc đương nhiên, vấn đề chỉ là thời gian. Bởi hiện tại, những thứ họ muốn có ở Việt Nam, họ đã được Việt Cộng răm rắp cung phụng. Họ chỉ cần sự cáo chung của Cộng sản Việt Nam bằng cách này hay cách khác, để trong lúc thay đổi, họ ra tay trên iển Đông và thậm chí tạo ra những khu tự trị trong đất liền, và sau đó, khi chế độ chính trị mới lên thay thế, họ lại cãi chày cãi cối về chủ quyền/chủ thể biển Đông và cơ hội kiện lấy lại các đảo của chính thể mới sẽ rất thấp, một kiểu Hoàng Sa khác ở Trường Sa và đất liền.
Hiện tại, mối lo lớn nhất của Trung Quốc đối với Việt Nam chính là Cộng
sản Việt Nam tự chuyển hóa dân chủ và không còn cần nhờ Trung Quốc hỗ
trợ giữ độc tài/độc đảng cũng như các thế hệ dân chủ Việt Nam có mặt
trong chính phủ, nhà nước đứng ra kiện lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa, tạo
chuỗi hành động thích ứng. Bởi một khi đã có sự chuyển hóa, không có sự
sụp đổ chính thức và không khép lại một triều đại chính trị thì cơ hội
“chực chợ cháy cướp bánh tráng” của Trung Quốc trên biển Đông gần như là
không có.
Mà trong lúc tình hình khu vực, tình hình biển Đông như dầu sôi lửa
bỏng, cơ hội mới mở ra khi Mỹ bắt tay chặt hơn với Việt Nam thì Chung và
bộ sậu Hà Nội còn nghĩ đến những chuyện vớ vẩn kiểu truy tố người dân
Đồng Tâm – vừa ăn cướp vừa la làng như vậy thì có khi mất cả chì lẫn
chài.
Bởi không có gì đáng sợ hơn là vừa mất lòng dân, vừa mất đồng minh tốt
bụng và chịu cảnh tiếp tục cúi luồn, bợ đỡ cho kẻ sắp ăn thịt mình! Chỉ
có thể nói rằng đó là một lựa chọn ngu ngốc!NS. TUẤN KHANH * KIẾP MƠ
Cho một kiếp mơ được yêu nhau
Thứ Bảy, 06/10/2017 - 06:59 — tuankhanh
Tác giả hai bài thơ đã cùng âm nhạc của Phạm Duy trở thành bất hủ trong
lòng người Việt, nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh, đã ra đi vào ngày
9/6/2017 tại miền Nam California. Một cái tên lớn của văn hoá Việt Nam
đã hoá mây về trời trong những ngày ở quê nhà đầy mưa và mây xám.
Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình, là đôi tác
phẩm trong hàng loạt các sáng tác của bà như truyện ngắn, truyện dài,
thi tập... mà danh mục có đến 17 ấn bản, từ năm 1960 đến 1990.
Tài liệu về bà, chủ yếu được trích từ sách "Văn nghiệp & cuộc đời
Minh Đức Hoài Trinh" do phu quân của bà là Nguyễn Huy Quang chép lại
(sách đề tác giả là Nguyễn Quang). Hiện sách gần như tuyệt bản. Trong đó
nói rõ tiểu sử của bà như sau:
"Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, bà thường lấy các
bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử. Bà sinh ngày 15 tháng 10
năm 1930 tại Huế, sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định
cư tại quận Cam, Hoa Kỳ từ năm 1982. Tên tuổi của Minh Đức Hoài Trinh
không ai trong giới văn học không biết. Bà sinh tại Huế, con quan Tổng
Đốc Võ Chuẩn, Ông Nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều đình.
Năm 1945 Bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó
Bà biết sự lợi dụng của phong trào nên bà bỏ về Huế tiếp tục học.
Năm 1964 bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường
ngôn ngữ Đông Phương La Sorbonne, Paris đến năm 1967 bà ra trường và
làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, lúc đó bà đi làm phóng sự
nhiều nơi sôi động nhất như: Algerie và chiến trường Việt Nam. . . Năm
1972 bà được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris. 1973 Bà sang
Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về
Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1974-1975.
Sau biến cố 1975 bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí “Hồn Việt Nam”
và trở lại cộng tác với đài phát thanh ORTF với chương trình Việt ngữ
để tranh đấu cho những nhà cầm bút, những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng
sản cầm tù. Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận
động để được công nhân hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro,
Ba Tây vào năm 1979"...
Về câu chuyện văn bút quốc tế, có rất nhiều chi tiết đáng ngưỡng mộ tâm sức của bà.
Sau năm 1975, rất nhiều hội đoàn chính danh liên kết với quốc tế của
miền Nam Việt Nam như Hướng đạo sinh, Ngân hàng, báo chí... đều bị đứt
đoạn. Hội nhóm văn chương tự do của miền Nam sau thời điểm đó đều tan
tác, mỗi người một hướng.
Theo quy định của Văn bút Quốc tế, muốn tái lập, thì tổ chức nhân danh
quốc gia đó phải có ít nhất là 20 thành viên. Từ một nền văn hoá có đến
hàng ngàn danh sĩ của miền Nam, việc liên lạc và tập hợp 20 người vào
năm 1977 đến 1979 đã trở nên khó khăn vô cùng, nhất là khi cuộc sống của
người Việt di tản còn vất vả và ly tán.
Năm 1978, nữ thi sĩ và là nhà báo Minh Đức Hoài Trinh một mình tham dự
Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 43 tổ chức ở Stockholm, Thụy Điển, và đơn độc
một tiếng nói Việt Nam ở đó, bà vận động các nhà văn và các bút nhóm
quốc tế quen biết ủng hộ cho việc thành lập Trung Tâm Văn Bút Việt Nam
Hải Ngoại (Vietnamese Abroad Pen Centre) chính danh là thành viên của
Pen International, với lý do nối kết lại hoạt động của giới trí thức tự
do Việt Nam sau chiến tranh. Đây là việc mà ai cũng thấy là vô hy vọng
vì sự chống đối mạnh mẽ của phe thân cộng, lúc đó đang nổi lên trong Pen
International. Nhưng kết quả bỏ phiếu thì thật bất ngờ: 23 phiếu thuận –
23 phiếu chống. Rất nhiều nhà văn trong hội đồng đã cảm động trước tâm
nguyện của bà nên đã bỏ phiếu đồng ý. Tiếc là kết quả không như ý.
Năm 1979, tại Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế kỳ 44 ở Rio de Janeiro,
Brazil, cuộc vận động của nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh thành công. Và
Văn Bút Việt Nam Hải ngoại tồn tại đến ngày hôm nay, vẫn chính danh là
nhánh văn bút quốc tế thuộc Pen International.
Mục đích và tâm lực của nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh là muốn xây dựng
một tiếng nói truyền thông có tầm quốc tế cho giới trí thức người Việt
đang phải ly tán, nhất là vào lúc khi muốn cất tiếng thì lại quá lạc
loài. Tầm nhìn của một phụ nữ như bà, vào thời gian ấy, quả thật đáng
ngưỡng mộ.
Từ năm 1982, Minh Đức Hoài Trinh định cư ở Hoa Kỳ, sau đó ở gần nơi cư
trú của nhạc sĩ Phạm Duy. Nơi Midway City, mà ông thường diễn dịch một
cách thơ mộng là Thị trấn giữa đàng.
Nói về cơ duyên của sự kết hợp thi ca và âm nhạc của Kiếp nào có yêu
nhau và Đừng bỏ em một mình, nhạc sĩ Phạm Duy có ghi lại trong hồi ký
Vang vọng một thời: “Tôi bấy giờ đang là quân nhân... bỗng gặp lại
Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng
chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và
đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các
văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con... ai cũng đều mê
mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương đi bộ xuống vùng trung du
để vào Nam bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa để
xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thái Mai
coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ.
Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở
khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai
trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hy hữu, tôi bèn giao
lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ”...
Là người sống cùng thời đại với nữ văn sĩ Pháp Francoise Sagan, và cũng
là người theo Tây học nhưng tư tưởng bàng bạc theo thuyết cõi tạm của
Phật giáo, ngôn ngữ của bà luôn u uẩn nhưng ngôn từ của bà thì dữ dội và
đắm đuối đến ngộp thở, đọc lại vẫn bàng hoàng:
"Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh"
Hay
"Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Hoặc trong bài "Tình chúng mình sẽ được vẽ lên tranh" có đoạn:
"Anh còn sống là mình còn xa cách
Vì cuộc đời hay ghét kẻ yêu nhau
Vì hạnh phúc phải xây trên nhiều thử thách
Xã hội điên cuồng, nhân loại ngợp thương đau"
Tạm biệt bà, một danh nhân của nền văn hoá đầy sức sống mãnh liệt của
miền Nam Việt Nam tự do. Thêm một người nữa đã khuất, và thêm những núi
đồi hùng vĩ lại mọc lên mà hậu sinh sẽ cứ phải ngước nhìn trong trầm
mặc. Những ngọn núi nhắc rằng đỉnh cao của kiếp người là để sống và mơ
được yêu thương nhau, dẫu muôn thương đau.
Phụ lục: Các tác phẩm của Minh Đức Hoà Trinh đã xuất bản gồm
có:�Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ
(1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa
(1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch
(Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris
1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên Ni Bên
Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển
Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).
Saturday, June 17, 2017
SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN
Khúc ruột gần
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Tôi
quá khổ rồi, bên Miên quá khổ rồi nên mới về tới đây, không có gạo mà
ăn. Mà cũng không có chỗ để ở nữa, không có giấy tờ gì cả. Nguyễn Thị Thô (VOA 25/05/2017)
Cũng như người Thái, người Lào, người Miến, người Miên không
biết... uống cà phê. Cà phê đen họ pha rất dở, cà phê sữa còn
dở hơn nữa. Và nếu lỡ miệng mà “xúi” cho thêm vài cục đá
lạnh nữa là... kể như rồi. Không uống thì tiếc (tiền) đứt
ruột mà uống vào thì ruột rà cũng gần muốn đứt ra từng
khúc!
Biết vậy nhưng bữa nào ở Phnom Penh tôi cũng tà tà vào quán
kêu một ly xây chừng (cho có) rồi châm điếu thuốc - dù không nhớ
nhà, và cũng chả nhớ cái con bà gì ráo. Chậm lắm, qua tới
điếu thuốc thứ hai thì thế nào mấy cậu nhỏ bán báo cũng rà
tới nài nỉ mua dùm một tờ mở hàng - sáng sớm - lấy hên.
Có bữa – xui – tôi vừa ngậm trong miệng một ngụm cà phê (dở
ẹt) vừa liếc mắt vào bản tin của tờ Cambodia Daily, và mém
sặc vì không nín được cười:
“Nước Cam Bốt và nước Trung Hoa cùng uống nước chung một dòng
sông nên chúng ta có cảm giác như người cùng một gia đình vậy,” Ông
Triệu Tấn – đại biểu của ban tuyên huấn thuộc tỉnh đảng bộ Vân Nam
nói vậy đó. (“Cambodia and China have drunk the water from the same
river. Our sensations are like one family,” said Zhao Jin, delegate of the Yunnan Provincial Party Committee’s publicity department).
Thiệt nghe mà cảm động muốn ứa nước mắt luôn!
Chỉ tiếc là mối “hảo cảm” này không kéo dài lâu. Chỉ vài tháng sau, trang Freshnewsasia buồn rầu cho biết: “Thủ
Tướng Chính Phủ Cambodia đã ký một bức thư hủy bỏ lễ nước
năm nay vì mức nước cạn queo và Cambodia đang phải đối diện với
nạn hạn hán.” (According to Freshnewsasia,
HE, the prime minister of Cambodia signed on a letter to cancel the
celebration of this year water festival due to the low level of water
and for the fact that Cambodia is facing with drought).
Uống chung một dòng sông với người Tầu hồi hộp thấy mẹ. Họ ở
thượng nguồn, và xây đập tùm lum ở trển. Chỉ cần chận nước
lại là mấy thằng khác đều khô mỏ ráo, nhứt là hai thằng
(Miên/Việt) ở tuốt luốt phía dưới.
“Cư dân sống hai bên bờ sông Mekong luôn luôn bị chi phối bởi khí hậu
Gió Mùa Tây-Nam thổi vào từ Vịnh Thái Lan. Mùa mưa bắt đầu từ tháng Năm
đến tháng Chín, kết hợp với mùa tuyết tan từ rặng núi Hy Mã Lạp Sơn,
nước sông Mekong dâng cao từ 2 tới 8 mét mênh mông tràn bờ làm ngập lụt
một phần ba diện tích đất đai, phủ lớp phù sa màu mỡ mỗi năm lên khắp
ruộng đồng.
Đó cũng là thời gian con sông Tonlé Sap đổi chiều chảy ngược vào Biển
Hồ, tăng diện tích mặt hồ tới 10 ngàn cây số vuông, gấp bốn lần so với
mùa khô và làm ngập hết các khu rừng lũ (flooded forest). Đây là Hồ nước
ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Các đàn cá từ sông Mekong cũng lội ngược dòng
sông Tonlé Sap tới các khu rừng lũ chọn nơi trú ngụ an toàn để sinh đẻ
và tăng trưởng. Rồi mùa mưa qua đi để bước sang mùa khô từ tháng 1 tới
tháng 5. Đây là thời gian mực nước bắt đầu ổn định và con sông Tonlé Sap
lại chảy xuôi dòng với vô số tôm cá từ Biển Hồ đổ vào các nhánh sông
Mekong và diện tích Biển Hồ bắt đầu co lại. (Ngô Thế Vinh. Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. 2nd ed. Văn Nghệ: USA, 2002).
Vì bị vô số những con đập chận ở thượng nguồn, những năm gần
đây, con sông Tôn Lê Sáp không còn đủ sức “đổi chiều chảy ngược vào
Biển Hồ” như trước nữa. Không có nước thì dân Xứ Chùa Tháp miễn
có Water Festival, đã đành; họ buộc phải treo niêu kho cá luôn
mới là chuyện khó.
Theo Wikipedia: “Ngư nghiệp trên hồ nuôi sống 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia.” Trong số ba triệu người này, tôi ước đoán, có ít nhất khoảng 10 phần trăm, nghĩa là khoảng 300 ngàn dân Việt!
Theo tường trình (“The Situation of Stateless Ethnic Vietnamese in Cambodia”) của MIRO – Minority Rights Organization
– có khoảng năm phần trăm, hay 750.000 người gốc Việt, đang sinh
sống ở đất Miên. Đây là số dân thiểu số đông nhất ở đất nước
này.
Hầu hết họ đều là dân ngụ cư, không khai sinh, không căn cước,
không được quyền tiếp cận với bất cứ dịch vụ xã hội nào, và
(tất nhiên) không có quyền sở hữu tài sản hay đất đai gì ráo
trọi. Bởi vậy, phần lớn kiều bào ở Miên (theo như cách gọi
rất lịch sự của Đại Sứ Quán Việt Nam ở Phnom Penh) đều sống
lêu bêu – rầy đây mai đó – trên những túp lều nổi xung quanh Biển
Hồ, hoặc dọc theo những nhánh sông phụ thuộc.
Ảnh: NgyThanh
Họ sống làm sao?
Cũng giản dị thôi. Chỉ cần một chiếc thuyền con, cùng một mái
chèo, và hai ba người miệt mài quăng chài hay thả lưới suốt
ngày – bất kể nắng mưa, bất chấp lệnh cấm – là có cá ăn,
phần dư dôi cũng đủ để đổi lại một hai ký gạo, ít mắm muối,
và vài ba xị đế.
Y tế, giáo dục, thể thao, giải trí... đều là những khái niệm
mơ hồ – nếu chưa muốn nói là xa xỉ – và chả ai có bao giờ
nghĩ đến. Đời sống giản dị, và giản lược, từ tay đến miệng
thôi.
Cho đến khi mà Cửu Long Cạn Dòng thì cuộc sống giản dị và giản lược, từ tay đến miệng, cũng trở nên bất khả:
Khmer Times: “Vietnamese Families Leave the Tonle Sap.”
Người Lao Động: “Biển Hồ cạn cá, hàng ngàn Việt kiều hồi hương trong nghèo túng.”
BBC: “Biển hồ Tonle Sap... một thế giới bất ổn.”
VOA: “Dưới
những túp lều rách nát chen chúc rất nhiều số phận không căn cước,
không có lấy mảnh đất cắm dùi. Họ từng bơ vơ, lạc lõng trên Biển Hồ,
Campuchia.”
RFA: “Người Việt ở Biển Hồ sẽ về đâu?”
Theo báo Dân Trí: “Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể
chăm lo cho những Việt kiều nghèo từ Campuchia về nước, sống ở đầu sông
Sài Gòn, đoạn nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh…”
Chỉ cần một cái “chỉ đạo” cũng đủ thấy cái tầm, chưa nói
đến cái tâm, của người đứng đầu chính phủ hiện hành ở Việt
Nam. Việt kiều về từ Campuchia đâu phải chỉ có một nhóm nhỏ ở
đầu sông Sài Gòn – cha nội! Họ đang sống vất vưởng tại rất nhiều nơi khác nữa:
Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang, và Kiên Giang. Cỡ
Thủ Tướng mà bạ đâu nói đó, nói cho đã miệng (và cho qua
chuyện) vậy sao?
Tình trạng Biển Hồ cạn nước, và tình hữu nghị Việt/Miên cũng
đang đang từng bước cạn theo thì số lượng người Việt buộc
phải hồi hương sẽ mỗi lúc một tăng. Đây là một vấn đề lớn. Ở
tầm mức quốc gia, có thể ảnh hưởng cả đến những thế hệ
sau.
Không quốc tịch, không chứng minh thư, Việt kiều Nguyễn Văn Tửng
không đi làm được nên ở nhà nuôi con. Ảnh & chú thích: Đoàn Như Phú (08/2016).
Tuy hiện tại nhà nước VN có một ông Trợ Lý Bộ Trưởng, Chánh
Văn Phòng Bộ Ngoại Giao, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao - Chủ Nhiệm Ủy Ban
Nhà Nước Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài (cùng ba vị Phó Chủ Nhiệm
Thường Trực nữa) nhưng họ chỉ “chuyên trách” về những khúc
ruột xa ngàn dặm và có “tiềm năng kiều hối” mà thôi. Chớ khúc
ruột gần thì xin lỗi nha, tụi tui không rảnh.
Đời vẫn vốn không nương người thất thế!
Chỉ cần nhìn vào những xóm liều,
và những túp lều của dân oan – giữa lòng Hà Nội – cũng có
thể đoán biết được hoàn cảnh và số phận của những khúc ruột
gần (những kẻ khốn cùng) đang rẫy chết giữa lòng một quê
hương vừa khốn khổ vừa khốn nạn!
SƠN TRUNG * NHỮNG KẺ CHẲNG NÊN CÔNG
SƠN TRUNG
Dã tràng xe cát biển đông
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gí!
Cộng sản nổi lên, nhiều kẻ chạy theo nhưng rốt cuộc bị cộng sản thủ tiêu hoặc xua đuổi. Những kẻ đó rất nhiều, chúng tôi xin kể một số tiêu biểu.
I. CÁC ĐỒNG CHÍ BAN SƠ
Ban đầu một số nhà cách mạng quốc gia theo cộng sản vì lúc đó cộng sản chưa lộ bộ mặt gian ác. Hơn nữa, lúc bấy giờ là đệ nhị thế chiến, đồng minh khuyến khich Quốc Cộng đoàn kết. Mỹ viện trợ cho Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông. Nhiều yếu nhân cộng sản là đảng viên cao cấp của Trung Hoa Quốc dân đảng. Một số theo Phan Bội Châu chạy theo Lý Thụy.Lý Thụy bán Phan Bội Châu cho Pháp và bán cả các nhà cách mạng khác trong đó có cả đảng viên cộng sản mà Hà Huy Tâp đã tố cáo.
1. LÂM ĐỨC THỤ (1890-1947)
Lâm Đức Thụ tên thật là Nguyễn Công Viễn, còn có biệt danh là Trương Béo hoặc bí danh là Hoàng Chấn Đông,
quê ở Thái Bình, con trai cụ tú tài Nguyễn Hữu Đàn và là cháu nội nhà
nho yêu nước Nguyễn Mậu Kiến. Lâm Đức Thụ thi đỗ đầu xứ, nên còn gọi là
Đầu xứ Viễn. Năm 1912, Lâm Đức Thụ gia nhập Việt Nam Quang phục Hội của
cụ Phan Bội Châu.sau theo Lý Thụy (Hồ Chí Minh) ,vâng lệnh Lý Thụy bán
đứng Phan Bội Châu và một số nhà cách mạng quốc gia cho thực dân Pháp
và cũng là người mai mối Tăng Tuyết Minh cho Nguyễn Ái Quốc ( Hồ Chí
Minh) . Do việc chỉ điểm này, y cùng Nguyễn Ái Quốc ( Nguyễn Tất Thành ) sống một cuộc đời đế vương tại Trung Quốc.
Sau 1945, ông về cùng Hồ Chí Minh, nhưng Hồ Chí Minh không dùng ,
bảo ông về quê làng Vũ Trung, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình mà ở. Năm
1947, ông bị Hồ Chí Minh cho bọn du kich giết để bịt miệng, và vu cho
ông tội chỉ điểm cho Pháp.
Khi về Việt Nam, thấy Hồ Chí Minh không dùng, đáng lẽ ông phải cao
chạy xa bay. Nhưng quả tội, khi ông về Thái Bình, thế nào họ Hồ cũng
cho công an chìm theo dõi, ông không thoát khỏi bàn tay của Hồ Chí Minh!
Trước và sau 1945, nhiều lãnh tụ cộng sản đã sa lưới Pháp như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ...đều bị những "tên phản bội chỉ điểm chỉ điểm cho Pháp". Chỉ điểm là ai?Người ta nghi Hồ Chí Minh vì Hồ là Hồ Tập Chương, phải giữ kín thân phận, phải hạ thủ những kẻ có khả năng chiếm ngai vàng của ông, và nhất là phải trừ bọn có tinh thần quốc gia it nhiều.
II.CÁC VÕ TƯỚNG VIỆT CỘNG
Trước và sau 1945, nhiều lãnh tụ cộng sản đã sa lưới Pháp như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ...đều bị những "tên phản bội chỉ điểm chỉ điểm cho Pháp". Chỉ điểm là ai?Người ta nghi Hồ Chí Minh vì Hồ là Hồ Tập Chương, phải giữ kín thân phận, phải hạ thủ những kẻ có khả năng chiếm ngai vàng của ông, và nhất là phải trừ bọn có tinh thần quốc gia it nhiều.
II.CÁC VÕ TƯỚNG VIỆT CỘNG
1. NGUYỄN SƠN(1908–1956)
Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, quê tại làng Kiêu
Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông là con của Vũ Trường Xương, một nhà đại
tư sản ở Hà Nội , là một trong những người Trung Quốc gốc Việt Nam được
phong quân hàm tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam đợt đầu tiên vào năm
1948, nhưng ông không chịu nhận sắc lệnh từ chủ tịch Hồ Chí Minh.Ông
cũng được Trung Quốc phong quân hàm tướng vào năm 1955 nên còn được gọi
là Lưỡng quốc tướng quân (Tướng quân hai nước).
Năm 1925, ông theo Nguyễn Công Thu đến Quảng Châu. Ông được nhập vào
gia đình họ Lý của Lý Thụy (tức Hồ Chí Minh), gồm Lý Tống (Phạm Văn
Đồng), Lý Tự Trọng, Lý Quý (Trần Phú), Lý Trí Phương (Nguyễn Thị Minh
Khai) và một số người khác. Ông được Hồ Chí Minh đặt tên cho là Lý Anh Tự
và được học lớp chính trị khóa hai cùng Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan.
Tại đây, Vũ Nguyên Bác gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu
năm 1926, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Hoàng Phố cùng với Lê Hồng
Phong, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng. Trong thời gian học, ông gia nhập
Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Ông bỏ khỏi hàng ngũ Quốc Dân Đảng, gia nhập
Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 8 năm 1927. Tháng 11 năm 1945, ông
trở về nước hoạt động theo đề nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam, lấy tên mới là Nguyễn Sơn và giữ nhiều chức vụ quan trọng
trong quân đội và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông từng làm
Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam (từ tháng 12
năm 1945 đến khi giải thể vào tháng 12 năm 1946), Tư lệnh kiêm Chính ủy
hai Liên khu 4 và 5, Hiệu trưởng trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi
(1946), Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu (1947), Tư lệnh kiêm
Chính ủy Liên khu 4 (1948-1949).
Năm 1950, ông trở lại Trung Quốc công tác, làm Phó Cục trưởng Cục Điều lệnh Tổng giám bộ huấn luyện Quân Giải phóng Nhân dân. Được xem là một trong 72 đại công thần Trung Quốc, ngay trong đợt phong quân hàm đầu vào ngày 27 tháng 9 năm 1955, ông được nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phong quân hàm thiếu tướng. Ông cũng được chính phủ Trung Quốc tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất.Năm 1956, do khối u ác tính nằm bên phổi trái, ông biết mình không còn sống được lâu nên xin trở về quê hương. Ông rời Bắc Kinh ngày 27 tháng 9, được Bành Đức Hoài, Diệp Kiếm Anh và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp Trung Quốc ra ga tiễn và về đến Hà Nội ngày 30 tháng 9. Ông mất tại Hà Nội sau đó không lâu. Ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Năm 1950, ông trở lại Trung Quốc công tác, làm Phó Cục trưởng Cục Điều lệnh Tổng giám bộ huấn luyện Quân Giải phóng Nhân dân. Được xem là một trong 72 đại công thần Trung Quốc, ngay trong đợt phong quân hàm đầu vào ngày 27 tháng 9 năm 1955, ông được nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phong quân hàm thiếu tướng. Ông cũng được chính phủ Trung Quốc tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất.Năm 1956, do khối u ác tính nằm bên phổi trái, ông biết mình không còn sống được lâu nên xin trở về quê hương. Ông rời Bắc Kinh ngày 27 tháng 9, được Bành Đức Hoài, Diệp Kiếm Anh và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp Trung Quốc ra ga tiễn và về đến Hà Nội ngày 30 tháng 9. Ông mất tại Hà Nội sau đó không lâu. Ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Ông cho rằng ông trên tài Võ Nguyên Giáp và tỏ vẻ khinh Võ Nguyên Giáp.
Đầu tiên, Hồng Thủy đã gia nhập Hồng quân kháng chiến cách mạng Trung
Cộng, nay ông phục vụ trong quân đội Việt Nam đem kinh nghiệm quân đội
thiêng liêng dâng hiến cho đảng. Hồng Thủy được bổ nhiệm làm Tổng thư
ký của chiến trường hai của Đảng và đổi thành « Trường Sơn », kinh
nghiệm của Hồng Thủy liền xúc tiến Quân đội chiến tranh du kích, vì vậy
quân đội thực hiện một loạt chiến thắng, đặc biệt uy tín của Hồng Thủy
cao vòi vọi những người lính trong cơ sở Việt Cộng không còn nhớ đến Võ
Nguyên Giáp; bởi vì Hồng Thủy tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng Phố tại
Trung Quốc, được huấn luyện chính quy, thực sự cao hơn so với Võ Nguyên
Giáp, vì vậy quân binh nhìn Hồng Thủy và Võ Nguyên Giáp khác nhau, cả
hai không bao giờ chấp nhận hòa thuận. Trong các cuộc hội nghị,. ông lớn
tiếng chỉ trich Võ Nguyên Giáp..Nguyên lúc bấy giờ Võ đại tướng theo
Trường Chinh chủ trương tổng phản công, bị Nguyễn Sơn chửi thẳng trước
mặt "tình hình thế này mà bảo là tổng phản công thì đ. hiểu biết gì về
quân sự cả!".
Trong thời gian Hồng Thủy xung đột với Võ Nguyên Giáp, rõ ràng Hồ Chí
Minh hỗ trợ Võ Nguyên Giáp, trong quân đội thân Trung Cộng có Văn Tiến
Dũng, Lê Trọng Tấn (Li Zhong Tấn), Lê Đức Anh (黎德英), mọi người cùng thái
độ độc đoán sinh ra bất mãn, Hồng Thủy muốn kéo lại những mối quan hệ
rất khó khăn.
Năm 1950, Hồng Thủy buộc phải rời khỏi Việt Nam, trở về Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp cho đó một điều khá hợp lý, mặc dù Hồng Thủy đã biến mất, nhưng lý thuyết và chiến thuật trong quân đội du kích vẫn được giữ lại.
Năm 1955 Hồng Thủy được phong tặng huân chương anh hùng Giải phóng Quân nhân dân, có xoắn về tâm lý nhưng Hồng Thủy bất cần huân chương. Thủ tướng Chu Ân Lai, lấy tư cách cá nhân của mình can thiệp vào nội vụ Hồng Thủy cuối cùng đã được phân loại là cấp quân đoàn tích cực. Tuy nhiên Hồng Thủy thà ở lại Trung Quốc còn hơn về ở với Việt Cộng.
Năm 1950, Hồng Thủy buộc phải rời khỏi Việt Nam, trở về Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp cho đó một điều khá hợp lý, mặc dù Hồng Thủy đã biến mất, nhưng lý thuyết và chiến thuật trong quân đội du kích vẫn được giữ lại.
Năm 1955 Hồng Thủy được phong tặng huân chương anh hùng Giải phóng Quân nhân dân, có xoắn về tâm lý nhưng Hồng Thủy bất cần huân chương. Thủ tướng Chu Ân Lai, lấy tư cách cá nhân của mình can thiệp vào nội vụ Hồng Thủy cuối cùng đã được phân loại là cấp quân đoàn tích cực. Tuy nhiên Hồng Thủy thà ở lại Trung Quốc còn hơn về ở với Việt Cộng.
Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đoàn kết, và cộng sản thường nói mâu thuẫn
nội bộ là hiện tượng chứ không phải bản chất, nhưng thực tế ở đâu cũng
có phe cánh, thù hận. nguyễn sơn thedo cộng sản, chỉ làm tay sai cho
Trung cộng nhưng ông chẳng có công trạng gì với Việt cộng và nhân dân
Việt Nam.Một đời làm tướng của ông thật uổng phí, chẳng được công trạng
gì cho Viêt Nam. Tuy nhiên, ông rất được sự yêu mến của văn nghệ sĩ
liên khu IV, trong đó có Hồ Dzếnh.
2. NGUYỄN BÌNH (1906 - 1951)
Nguyễn Bìnhlà Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, lãnh đạo quân dân miền Nam Việt Nam kháng chiến chống Pháp.Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Thời trẻ, ông lên Hải Phòng làm thủy thủ trên tàu viễn dương chạy tuyến Việt Nam - Pháp.
Được Trần Huy Liệu vận động, ông gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng, phụ trách quân sự. Sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng bị phân hóa. Cả Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo đều bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi Côn Đảo. Do tư tưởng thiên tả, 2 người bị nhóm cực hữu trong đảng kết án tử hình nhưng đều may mắn thoát nạn. Riêng Nguyễn Phương Thảo bị đâm mù một mắt.
Năm 1936, ông được trả tự do, về Hải Phòng hoạt động và xây dựng căn cứ riêng. Cũng trong thời gian này, ông đổi tên thành Nguyễn Bình, với ý nghĩa "Bình thiên hạ", chính thức ly khai Việt Nam Quốc dân đảng. Từ năm 1943, ảnh hưởng của Nguyễn Bình từ Bần Yên Nhân, tỉnh Hưng Yên mở rộng sang vùng Kiến An, Hải Phòng, đến An Lão, Hải An, Thủy Nguyên, tỉnh lị Kiến An và thị xã Đồ Sơn.
Tháng 6 năm 1945, Nguyễn Bình thành lập chiến khu Đông Triều và đảm nhận nhiệm vụ tư lệnh. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông chỉ huy du kích đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên và cướp vũ khí ở một số huyện.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm rộng ra toàn Nam Bộ, Nguyễn Bình được Chủ tịch nước Hồ Chí Minh cử vào Nam lo việc chỉnh đốn phong trào kháng chiến và thống nhất các lực lượng vũ trang tại Nam Bộ. Năm 1946 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 20 tháng 1 năm 1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng
và cử làm tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ. Cùng đợt có Võ Nguyên Giáp
được phong Đại tướng; Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm,
Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử
Bình được phong Thiếu tướng. Lễ thụ phong Trung tướng được tổ chức tháng
7 năm 1948 tại làng Nhơn Hòa Lập trên con kênh Dương Văn Dương, Đồng
Tháp.
Khi Bộ tư lệnh Nam Bộ được thành lập vào tháng 10 năm 1948, ông làm Tư
lệnh. Ông còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Ủy viên quân sự
Nam Bộ.
Ngày 29 tháng 9 năm 1951, theo yêu cầu của Trung ương, ông lên đường ra
Bắc nhận nhiệm vụ mới. trên đường đi, ông bị quân Pháp phục kích và hi
sinh tại xã Srê Dốc, huyện Sê San, tỉnh Xtung Treng, trên đất Campuchia.
Người chỉ huy lực lượng bảo vệ ông khi ấy là cán bộ cấp tiểu đoàn
Nguyễn Văn Sĩ, nay là Thiếu tướng nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ
Tổng tư lệnh thông báo tin ông hi sinh ngày 31 tháng 12 năm 1951 (theo
bản tin ông sinh năm 1909 tại Bần Yên Nhân, Hưng Yên). Tháng 2 năm 1952,
Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh 84/SL truy tặng ông Huân chương Quân công hạng
nhất. Ông cũng là người đầu tiên trong quân đội được nhận Huân chương
cao quý này.
Ngày 29 tháng 2 năm 2000, Bộ Tư lệnh quân khu 7 đã di chuyển hài cốt của
ông về an táng tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Tang lễ được cử
hành theo nghi thức long trọng. Ông còn được nhà nước truy tặng Huân
chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhândân.
Nguyễn Bình vốn là người Quốc Dân Đảng và đó là một lý lịch xấu. Những
kẻ theo Quốc Dân Đảng, Tân Việt đảng như Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh,
Đặng Thai Mai, Quang Dũng vì khéo uốn mình nên đã tồn tại. Những kẻ
khác có lực lượng, có tài quân sự thì bị họ Hồ giết để trừ hậu họa. Ông
Hồ theo kế ' mươn dao giết người' đã dùng Pháp giam Phan Bội Châu và
giết rất nhiều người đã theo Việt cộng trong đó có lẽ có Nguyễn Thị
Minh Khai ,Lê Hồng Phong,Trần Phú, Hà Huy Tập Ngô Gia Tự , Lê Thiết
Hùng., Phùng Chí Kiên ...Tại sao? Tại vì ông là HồTập Chương, ông không
muốn nhiều kẻ biết tông tich ông và tranh ngôi đế vương của ông. Hơn
nữa, ông Hồ theo sách Lenin diệt trừ cộng sản Menshevishs và kinh
nghiệm bản thân hồi hai mươi bốn năm về trước, Tưởng Giới Thạch trở tay
diệt cộng.
3.NGUYỄN CHÍ THANH (1914–1967)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh.Năm
1934, ông tham gia phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1937, ông gia nhập
Đảng Cộng sản Đông Dương, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư chi bộ, Bí
thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Từ năm 1938 đến năm 1943, ông nhiều lần bị Pháp bắt giam ở nhà lao Huế,
Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Đến khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9 tháng 3 năm
1945) mới ra tù. Sau khi ra tù và trở lại hoạt động, ông được bầu làm Bí
thư Khu ủy khu IV và được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào
(8-1945). Trong Đại hội Đảng ở Tân Trào, ông được đặt bí danh là Nguyễn Chí Thanh,
được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư
Xứ ủy Trung Kỳ có nhiệm vụ theo dõi và tổ chức giành chính quyền tại
Trung Kỳ trong Cách mạng tháng 8.
Từ năm 1948 đến 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy IV.
Cuối năm 1950, bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội
Nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), được cử
vào Bộ Chính trị.
Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng.Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Năm 1961, được giao nhiệm vụ Phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Trong Chiến tranh Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng điều ông trở lại quân đội. Nguyễn Chí Thanh còn là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1961, ông liên tục phát động các phong trào thi đua trong các hợp tác xã, giúp ổn định tình hình phát triển trong hoạt động sản xuất nông nghiệp miền Bắc.
Vì ông phụ trách ban nông nghiệp nên được dân chúng ca;
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh,
Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng.
Dân ta thâm thật. Qua câu trên, dân ta muốn nói thành quả của Nguyễn Chí Thanh chỉ là những đống phân!
Người ta nói;'Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ''là đúng vào trường hợp Nguyễn Chí Thanh. Ông là nông dân nhưng thường chứng tỏ trình độ cao triết học Mac Lê, và chứng tỏ văn võ toàn tài. Ông cùng Trần Độ, Tố Hữu đã liên thủ hạ Nhân Văn Giai Phẩm.
Từ năm 1965 đến năm 1967, ông được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư
Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam. Thời
gian này ông lấy bí danh là Sáu Vi. Khi viết báo, ông thường lấy bút danh là Trường Sơn.
Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1967 tại Hà Nội do một cơn nhồi máu cơ tim
khi ra Hà Nội để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình miền Nam.
Việt cộng tô vẽ chân dung Nguyễn Chí Thanh thành kẻ anh hùng. Theo Vũ
Thư Hiên, Viên tướng nông dân, theo lời truyền tụng của những người ngợi
ca Ðảng, xuất thân tá điền, trưởng thành trong nhà tù, là xứ ủy viên
Trung kỳ vào thời kỳ bí mật, chủ nhiệm Việt Minh Trung bộ những năm tiền
khởi nghĩa, đến năm 1948 đã là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội
nhân dân Việt Nam. Theo lời người khác, đáng tin hơn, thì Nguyễn Chí
Thanh chẳng hề làm tá điền, cũng không phải thành phần cố nông, mà là
một “tay chơi” vùng Phong Ðiền, Thừa Thiên. “Tay chơi” theo cách nói dân
dã thời trước Cách mạng Tháng Tám là ăn cướp, nhưng là dạng ăn cướp
nghiệp dư, thỉnh thoảng mới họp nhau lại đi kiếm chác rồi giải tán, ai
về nhà nấy. (DGBN. Chương 19)
Nguyễn Văn Trấn kể lời Bùi Công Trừng
Tao nói cho mầy nghe nha, Bùi công Trừng nói tiếp, về chuyện lão Hồ
chí Minh. Tao nghe, thằng Thọ âm mưu lật đổ ông già, và lấy Nguyễn chí
Thanh thay. Ông lão chỉ còn làm người chuyên nghiên cứu lý luận Mác- Lê
nin. Chuyện nước giao cho Nguyễn chí Thanh. Việc Ðảng, Statuquo - Lê
Duẩn. Cái thằng tự nhiên lại muốn làm Khổng Tử này, khó lật đổ nó lắm.
Vì nó có công trạng ở Nam Bộ, và mấy bà má ôm nó chum chủm trong lòng. (Viết cho mẹ & Quốc Hội" , trang 327, 328, 329)
Theo Trần Đĩnh, Tháng 6-1967, Mao hạ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, gần
hết Bộ chính trị cùng 11 vị nguyên soái rồi thì ở Hà Nội, tối 6 tháng
7, thình lình sau bữa cơm Giáp mời Thanh ăn trước hôm Thanh đáp máy bay
qua Campuchia về Rờ, Thanh đột tử. Nhưng theo con gái Nguyễn Chí
Thanh,
Nguyễn thị Thanh Hà trong bài ' Kỷ niệm về cha tôi' viết rằng cha ông
vào thăm ông Hồ và bị giết sau bữa cơm với bác yêu quáí (Báo Thanh
niên. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 10 tháng 7 năm 2010). Ông Hồ giết hay ai giết Thanh tại dinh ông Hồ?
Theo Hoàng Văn Hoan [Giot Nươc Trong Biển Cả ), chính Lê Duẩn hạ thủ Nguyễn Chí Thanh.
Đầy tớ trung thành , công lao lớn thế sao bị chủ nhân hạ thủ?
Ngoài Nguyễn Chí Thanh, trong vụ xét lại hiện đại, một số tướng lãnh Việt Cộng bị chủ nhân giết:Cái đám tướng tá Việt cộng bị đảng thủ tiêu thì nhiều lắm. Nào Chu Văn Tấn(1909-1984) , Đặng Kim Giang (1910-1983), Hoàng Văn Thái (1915-1986), Lê Trọng Tấn (1914-1986 ).
1. VŨ ĐỈNH HUỲNH
Theo Vũ Thư Hiên, vào tháng 11.1991 thì từ đầu những năm 60 Ðảng đã
phát hiện một nhóm chống Ðảng mà hạt nhân gồm ba người: Ðặng Kim Giang,
Vũ Ðình Huỳnh, Hoàng Minh Chính; rằng nhóm này từ tháng 9 năm 1963 đã
chủ trương phá hoại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, âm mưu truất bỏ Trung
ương nhằm lập ra một Trung ương mới…Vì vụ án 'X ét lại hiện đại, mộ số
nhân vật bị ngồi tù như Vũ Ðình Huỳnh và con ông, Vũ Thư Hiên bị giam.
Trong Đêm Giữa Ban Ngày ,Vũ
Thư Hiên tự hào thành tich ' cách mạng' của cha mẹ ông đã làm nô lệ cho
HồChí Minh, Nguyễn Lương Bằng ,Trường Chinh, ,Phạm Văn Đồng ...nhưng khi
ông bị nạn thì cả bọn làm lơ.
Trần Đức Thảo từ đầu đã nhìn thấy rõ mối quan hệ giữa ông Hồ và Vũ Ðình Huỳnh: ông Hồ không coi Vũ Ðình Huỳnh là đồng chí. ... nghĩa
là không phải người của cách mạng, nên sẽ có ngày bị hất xuống vực thẳm
một cách không thương tiếc. Và sau này thì sự việc đã xảy ra đúng như
vậy. Phải chi được “ông cụ” coi như con cháu, như gia nhân trong nhà thì
tương li, hậu vận mới khá được.(Tri Vũ. Ch.XII). Có
lẽ ông coi ông bà Vũ Đình Huỳnh cũng như bà NguyễnThịNăm chỉ là những
kẻ dại khờ cho ông lợi dụng. Ông Hồ đến nhà Vũ Đình Huỳnh không phải
vì thân thiết mà có lẽ vì muốn điều tra một việc gì đó ở Vũ Đình Huỳnh.
Ông Hồ coi ông bà Vũ Đình Huỳnh chỉ là hạng tôi tớ của ông, một thứ tôi tớ hạng bét, không có công lao, nếu có công lao thì đã được thăng Thứ trưởng, hoặc tướng tá như bao kẻ ngu hèn khác đã được ông Hồ cất nhắc. Vũ Thư Hiên có lý lịch khá, thành tich xuất sắc, 15 tuổi đã đi bộ đội, thế sao không vào đảng? Có đúng là không vào đảng không? Tại sao ông Hồ không cho Vũ Thư Hiên đi học bác sĩ, kỹ sư mà lại học cái nghề vô tich sự? Nên nhớ, buổi đầu việc tuyển lựa sinh viên vào các ngành nghề là do đảng, sau này sinh viên mới được chon ngành nghề. Và ngành nghề đã có bậc thang giá trị:
Nhất Y ,nhì Dược,
Bách Khoa tạm được,
Sư Phạm bỏ qua...
Không ai nghĩ đến cái ngành điện ảnh của Vũ Thư Hiên!
Không lẽ Vũ Thư Hiên dốt? Y công làm bác sĩ còn được kia mà! Nghe nói những tay đi học Nga như Nông Đưc Mạnh, Trọng Lú...đều nổi danh ngu, việc chi mà kiêng Vũ Thư Hiên?
Sự kiện này cho tháy bố mẹ Vũ Thư Hiên chỉ phí công vô ich khi hầu hạ bọn cộng sản gộc!
Trong vu này ,ta thấy vô số những con Dã Tràng xe cát biển đông:
Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin Hoàng Minh Chính (bị bắt ngày 27-7-1967); Vụ trưởng Lễ tân Bộ Ngoại giao Vũ Đình Huỳnh (bị bắt ngày 18-10-1967) Cục trưởng Cục 2 (Cục Tình báo quân đội) đại tá Lê Trọng Nghĩa Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Đại tá Lê Minh Nghĩa; Cục trưởng Cục Tác chiến Đại tá Đỗ Đức Kiên; Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng; phó giám đốc nhà xuất bản Sự thật, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Kiến Giang; Giám đốc nhà xuất bản Sự thật Minh Tranh; Phó bí thư thành ủy Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Minh Việt; phó tổng biên tập báo Hà Nội Mới Phạm Hữu Viết; phó tổng biên tập tạp chí Học Tập Phạm Kỳ Vân; Tổng thư ký toà báo Quân đội Nhân dân Trần Thư; nhà báo Vũ Thư Hiên, nhà văn Bùi Ngọc Tấn...
Những nhân vật không bị bắt nhưng bị khai trừ đảng: Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Liêm; thiếu tướng Đặng Kim Giang (Theo Vũ Thư Hiên, ông này cũng bị bắt giam ở Hoả lò); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh; phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước Bùi Công Trừng.Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị quy trách nhiệm về bản tuyên bố chung "thân Liên Xô" trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1 năm 1963 của Chủ tịch Tiệp Khắc Novotny và bị thay thế bởi Xuân Thủy.
Những nhân vật xin tị nạn tại Liên Xô: có khoảng 40 người lúc đó đang đi học hay đi công tác ở Liên Xô đã xin ở lại như Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Nguyễn Minh Cần; Chính uỷ sư đoàn 308, Phó chính uỷ Quân khu khu III đại tá Lê Vinh Quốc; nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân thượng tá Ðỗ Văn Doãn.
Ở cương vị Viện trưởng Viện Triết học, Hiệu phó trường đảng Nguyễn Ái Quốc, một trong những lý thuyết gia của đảng, ông Hoàng Minh Chính được Trường Chinh giao nhiệm vụ soạn thảo bản Báo cáo chính trị của Hội nghị TW9. Bản báo cáo ông Hoàng Minh Chính bị bác bỏ, nhưng ông đã tự ý phân phát bài viết mang tựa đề "Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam" cho một số đại biểu tham dự hội nghị. Một số các đại biểu đã hưởng ứng lập trường này như Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm. Chính vì thế ông Hoàng Minh Chính bị coi là người đứng đầu nhóm Xét lại Chống Đảng
IV. TRÍ THƯC ĐỎ
1. Dương Bạch Mai (1904-1964) sinh h ở Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa, trong một gia đình điền chủ giàu có. Ông có quan hệ họ hàng với tướng Nguyễn Văn Xuân, một trong những sĩ quan cao cấp người Việt trong chính quyền thuộc địa Pháp.[1]
Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà. Sau đó ông lên Sài Gòn học trung học, và sang Pháp du học tại Đại học Paris (Université de Paris).
Thời gian học ở Paris, khoảng năm 1927, ông tham gia An Nam Độc lập Đảng, một đảng dân tộc theo khuynh hướng xã hội, do một số nhà yêu nước Việt Nam sáng lập tại Pháp. Bấy giờ, đảng An Nam Độc lập được Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ đào tạo cán bộ, nên một thời gian sau, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Tạo.
Năm 1932, ông về nước, sống công khai và hoạt động tại Sài Gòn. Thời gian này, ông cộng tác với các báo La Cloche fêlée, La Lutte, Mai, Dân quyền với Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm...
Đến năm 1938, chính phủ Mặt trận Bình dân đổ. Chính quyền thuộc địa đàn áp các phong trào dân chủ tại Nam Kỳ. Ông và các đồng viện khác bị bắt đưa ra tòa, rồi bị cưỡng bức lưu trú ở Cần Thơ. Một thời gian sau, ông được trả tự do.
Năm 1939, nhân Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ban bố tình trạng chiến tranh, bắt ông và đày đi Côn Đảo với Bùi Văn Thủ, Nguyễn Văn Tạo, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh...
Năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra. Các nhà lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ khi đó đã từng dự tính nếu khởi nghĩa thành công sẽ đưa ông về làm Thủ tướng Chính phủ lâm thời.[2]
Đến năm 1943, ông mới được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc tại Tân Uyên (Biên Hòa). Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông vẫn được chính quyền thực dân cho phép về thăm nhà ở Bà Rịa.[2]
Sau khi Lâm ủy Hành chính Nam Bộ được thành lập, ông được bầu giữ chức Ủy viên trưởng Quốc gia tự vệ cuộc, phụ trách cảnh sát.
Sau khi quân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông được cử làm Thanh tra Chính trị miền Đông trong Lâm ủy Hành chính Nam Bộ. Đầu năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 4 tháng 3 năm 1946, ông được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội.[4]
Sau năm 1954, ông cùng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hà Nội. Ông tiếp tục công tác trong Quốc hội, giữ chức Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô, thành viên Hội hữu nghị Việt Pháp, Ủy viên Ban Việt kiều Trung ương[6]. Năm 1960, ông là một trong 91 đại biểu Nam Bộ được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa II, tiếp tục giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.[7]
Ngày 4 tháng 4 năm 1964, ông bất ngờ đột tử ngay trong ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa II.
Đám tang của ông được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức rất lớn, có Chủ tịch Hồ Chí Minh tới viếng.
Cái chết của ông do nhiều nguyên nhân. Ông nổi tiếng quá. Dương Bạch Mai tâm sự với Vũ Thư Hiên rằngHồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn đều không ưa ông. (Ch.V, tr.246)
Nguyên nhân chính là ông theo Nga chống Trung Cộng.
Từ khi có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, ông chống lại việc đưa nước Việt Nam vào quỹ đạo chủ nghĩa Mao. Ông gọi chủ nghĩa Mao là món tạp pí lù(8) của thổ phỉ. Giữa lúc ngành tuyên truyền Việt Nam đưa Mao Trạch-đông lên hàng thánh sống thì ông ngang nhiên gọi Mao là tên đao phủ của đại pháp trường Trung Quốc. Ông giải thích tình hình loạn lạc hiện tại ở nước láng giềng bằng lập luận rằng vào đầu thập niên 30 giai cấp công nhân Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các thành phố duyên hải, trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng những đại biểu ưu tú của giai cấp này đã chết dần chết mòn trong Vạn lý trường chinh, và thay vào chỗ của họ là bọn cường đạo thảo khấu thu nạp ở dọc đường. Cho nên khi biên khu Thẩm-Cam-Ninh, Tân-Ký-Sát hình thành thì về thực chất Ðảng cộng sản Trung Quốc đã là một đảng thổ phỉ, đứng đầu là thành phần vô sản lưu manh. Những người cộng sản bị Mao Trạch-đông và Khang Sinh thủ tiêu dần. Người còn sống sót thì bị ám hại trong những "cuộc vận động cách mạng" thường trực. Chính cái đó dẫn tới tình trạng bất ổn liên miên trong nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa.(Ch.V, tr.247)
Tuân Nguyễn bị bắt vì bài thơ Trái Tim Hồng Ngọc. Nó được làm nhân đám tang ông Dương Bạch Mai (Ch.X)
Dương Bạch Mai theo cộng sản nhưng phe Trung Cộng trừ khử ông, phủ nhận ông. Ông theo cộng sản cuối cùng chết về tay cộng sản. Công lao ông thành công cốc.
2. TRẦN ĐỨC THẢO( 1917 - 1993)
Tuổi trẻ Trần Đức Thảo tràn đầy tự hào. Ông tự hào về sự học giỏi và nổi tiếng của ông mà Paris chính là môi trường phát triển tài năng và sự tự hào của ông.Trường Cao đẳng Sư Phạm phố Ulm là môi trường phát triển khối tự hào vĩ đại trong lòng ông. Quả thật trường Cao Đẳng Sư Phạm phố Ulm được nổi tiếng vì nơi đây toàn sinh viên ưu tú! Ông tự hào về trường Cao Đẳng Sư Phạm của ông: "Nhưng khi sang tới Paris, tôi nhất định chọn học triết, mà phải là ban triết của trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm, là ngôi trường danh tiếng bậc nhất của nước Pháp. Tôi đã phải theo học hai lớp dự bị rất vất vả mới thi được vào trường ấy. Sự chọn lựa học triết lúc đó chỉ là do tính kiêu ngạo, bồng bột của tuổi trẻ, muốn được mọi người nể phục, muốn chứng tỏ mình là người có đủ sức mạnh trí óc để học triết.(Ch.3)
Ông không học đại học, chỉ là Cao đẳng, chưa là tiến sĩ, chỉ là thạc sĩ, cái bằng cấp để dạy trung học nhưng cái danh thơm triết gia về một vài tác phẩm triết học cũng đủ làm cho ông bay lên chín tầng mây. Những người cộng sản hầu hết mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản. Trần Đức Thảo cũng có cái tự cao, tự đại đó, cái tự hào đã nắm hết chủ nghĩa Marx, nghĩa là sẽ làm cho thế giới đi đến đại đồng, xóa sạch bất công, chấm dứt bóc lột và chiến tranh! Ông tin ở Pháp ông đã học hết tài nghệ của Marx, ông sẽ xuống núi phất cao cờ hồng đại thắng!
Ông nghĩ rằng ông phải về Việt Nam để thực hành chủ nghĩa Marx. Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam làm sai vì họ không đọc Marx, không hiểu Marx, còn ông đọc Marx cả triệu lần, đã thuộc lòng Marx từng câu, từng chữ. Khi đã hiểu đúng tất làm đúng! Ông thấy người ta nói Lenin, Stalin, Mao làm sai, ông phải trở về để "trải nghiệm".
Ông đã hơn 20 lần nhắc đi nhắc lại từ "trải nghiệm".
......
Điều quan trọng là sự trở về xứ sở đã giúp tôi trải nghiệm một thực tại...(Ch2). Sống và tư duy như thế là biết trải nghiệm… Trải nghiệm là biết quan sát cái đang biến hoá, cái đang trở thành cái đã cũ, xuất phát từ những di sản mang tính cổ hủ của dĩ vãng…(Ch.4).
Nói "trải nghiệm" là nói không thật. Sự thực ông về Việt Nam là do tham sân si và vụng tính. Chính ông thú nhận:" Hồi ấy, tôi đã trở về xứ sở với một đầu óc hăng hái, đầy lạc quan tin tưởng của tuổi trẻ. Cứ nghĩ thể nào cụ Hồ cũng phải ngạc nhiên về những hiểu biết của tôi. Bởi tôi đã có những nghiên cứu sâu rộng về cuộc cách mạng tháng mười ở Nga, mặt khác, tới đã có một vốn hiểu biết vững chắc về tư tưởng của Karl Marx. Với lòng hiếu thắng bồng bột, ngông cuồng đến mức cuồng tín, tôi tin rằng với những nghiên cứu và kiến thức mà tôi đã đạt được, tôi tự thấy mình như là hiện thân của ý thức hệ mác-xít, để có thể trở về làm nhiệm vụ như một trong những lý thuyết gia bên cạnh ông cụ. Để tôi góp sức xây dựng ở quê hương một mô hình cách mạng mà loài người mong đợi!
Ông không hiểu tâm lý người đời. Ông Hồ học chưa xong tiểu học làm sao có thể dùng một trí thức nổi danh như ông. Ông nổi danh là một triết gia Marxist sắc sảo, tài ba, lại là " đại biểu Việt kiều", còn ông Hồ lúc đó vô danh, ông Hồ rước ông về cho ông ngồi trên đầu ông ta ư? Khoảng 1930, ông Hồ khốn đốn vì bọn Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn văn Cừ tố cáo ông mang đầu óc dân tộc và bắt tay với thực dân Pháp bán các đồng chí cộng sản. Ông bị Stalin triệu về giam cầm điều tra... Sau đó ông là Hồ Tập Chương đóng vai Hồ Chí Minh, ông lại càng kị bọn xoi mói lai lịch và hành tung của ông. Trần Đức Thảo nhảy về Việt Nam là một hành động khờ dại và nguy hiểm. Khờ dại vì ở đời người ta mời ăn cỗ thì mình mới xách ô đến, không mời mà vác mặt đến thì người ta đuổi ra tổ cho xấu hổ cái mặt lỳ! Cô gái nào cũng nên làm cao một chút, đừng quá dễ dãi.
Ông Hồ coi ông bà Vũ Đình Huỳnh chỉ là hạng tôi tớ của ông, một thứ tôi tớ hạng bét, không có công lao, nếu có công lao thì đã được thăng Thứ trưởng, hoặc tướng tá như bao kẻ ngu hèn khác đã được ông Hồ cất nhắc. Vũ Thư Hiên có lý lịch khá, thành tich xuất sắc, 15 tuổi đã đi bộ đội, thế sao không vào đảng? Có đúng là không vào đảng không? Tại sao ông Hồ không cho Vũ Thư Hiên đi học bác sĩ, kỹ sư mà lại học cái nghề vô tich sự? Nên nhớ, buổi đầu việc tuyển lựa sinh viên vào các ngành nghề là do đảng, sau này sinh viên mới được chon ngành nghề. Và ngành nghề đã có bậc thang giá trị:
Nhất Y ,nhì Dược,
Bách Khoa tạm được,
Sư Phạm bỏ qua...
Không ai nghĩ đến cái ngành điện ảnh của Vũ Thư Hiên!
Không lẽ Vũ Thư Hiên dốt? Y công làm bác sĩ còn được kia mà! Nghe nói những tay đi học Nga như Nông Đưc Mạnh, Trọng Lú...đều nổi danh ngu, việc chi mà kiêng Vũ Thư Hiên?
Sự kiện này cho tháy bố mẹ Vũ Thư Hiên chỉ phí công vô ich khi hầu hạ bọn cộng sản gộc!
Trong vu này ,ta thấy vô số những con Dã Tràng xe cát biển đông:
Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin Hoàng Minh Chính (bị bắt ngày 27-7-1967); Vụ trưởng Lễ tân Bộ Ngoại giao Vũ Đình Huỳnh (bị bắt ngày 18-10-1967) Cục trưởng Cục 2 (Cục Tình báo quân đội) đại tá Lê Trọng Nghĩa Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Đại tá Lê Minh Nghĩa; Cục trưởng Cục Tác chiến Đại tá Đỗ Đức Kiên; Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng; phó giám đốc nhà xuất bản Sự thật, nguyên Tỉnh ủy viên tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Kiến Giang; Giám đốc nhà xuất bản Sự thật Minh Tranh; Phó bí thư thành ủy Hà Nội kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Minh Việt; phó tổng biên tập báo Hà Nội Mới Phạm Hữu Viết; phó tổng biên tập tạp chí Học Tập Phạm Kỳ Vân; Tổng thư ký toà báo Quân đội Nhân dân Trần Thư; nhà báo Vũ Thư Hiên, nhà văn Bùi Ngọc Tấn...
Những nhân vật không bị bắt nhưng bị khai trừ đảng: Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Liêm; thiếu tướng Đặng Kim Giang (Theo Vũ Thư Hiên, ông này cũng bị bắt giam ở Hoả lò); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh; phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước Bùi Công Trừng.Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị quy trách nhiệm về bản tuyên bố chung "thân Liên Xô" trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1 năm 1963 của Chủ tịch Tiệp Khắc Novotny và bị thay thế bởi Xuân Thủy.
Những nhân vật xin tị nạn tại Liên Xô: có khoảng 40 người lúc đó đang đi học hay đi công tác ở Liên Xô đã xin ở lại như Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Nguyễn Minh Cần; Chính uỷ sư đoàn 308, Phó chính uỷ Quân khu khu III đại tá Lê Vinh Quốc; nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân thượng tá Ðỗ Văn Doãn.
Ở cương vị Viện trưởng Viện Triết học, Hiệu phó trường đảng Nguyễn Ái Quốc, một trong những lý thuyết gia của đảng, ông Hoàng Minh Chính được Trường Chinh giao nhiệm vụ soạn thảo bản Báo cáo chính trị của Hội nghị TW9. Bản báo cáo ông Hoàng Minh Chính bị bác bỏ, nhưng ông đã tự ý phân phát bài viết mang tựa đề "Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam" cho một số đại biểu tham dự hội nghị. Một số các đại biểu đã hưởng ứng lập trường này như Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm. Chính vì thế ông Hoàng Minh Chính bị coi là người đứng đầu nhóm Xét lại Chống Đảng
IV. TRÍ THƯC ĐỎ
1. Dương Bạch Mai (1904-1964) sinh h ở Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa, trong một gia đình điền chủ giàu có. Ông có quan hệ họ hàng với tướng Nguyễn Văn Xuân, một trong những sĩ quan cao cấp người Việt trong chính quyền thuộc địa Pháp.[1]
Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà. Sau đó ông lên Sài Gòn học trung học, và sang Pháp du học tại Đại học Paris (Université de Paris).
Thời gian học ở Paris, khoảng năm 1927, ông tham gia An Nam Độc lập Đảng, một đảng dân tộc theo khuynh hướng xã hội, do một số nhà yêu nước Việt Nam sáng lập tại Pháp. Bấy giờ, đảng An Nam Độc lập được Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ đào tạo cán bộ, nên một thời gian sau, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Tạo.
Năm 1932, ông về nước, sống công khai và hoạt động tại Sài Gòn. Thời gian này, ông cộng tác với các báo La Cloche fêlée, La Lutte, Mai, Dân quyền với Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm...
Đến năm 1938, chính phủ Mặt trận Bình dân đổ. Chính quyền thuộc địa đàn áp các phong trào dân chủ tại Nam Kỳ. Ông và các đồng viện khác bị bắt đưa ra tòa, rồi bị cưỡng bức lưu trú ở Cần Thơ. Một thời gian sau, ông được trả tự do.
Năm 1939, nhân Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp ban bố tình trạng chiến tranh, bắt ông và đày đi Côn Đảo với Bùi Văn Thủ, Nguyễn Văn Tạo, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn An Ninh...
Năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra. Các nhà lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ khi đó đã từng dự tính nếu khởi nghĩa thành công sẽ đưa ông về làm Thủ tướng Chính phủ lâm thời.[2]
Đến năm 1943, ông mới được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc tại Tân Uyên (Biên Hòa). Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông vẫn được chính quyền thực dân cho phép về thăm nhà ở Bà Rịa.[2]
Sau khi Lâm ủy Hành chính Nam Bộ được thành lập, ông được bầu giữ chức Ủy viên trưởng Quốc gia tự vệ cuộc, phụ trách cảnh sát.
Sau khi quân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông được cử làm Thanh tra Chính trị miền Đông trong Lâm ủy Hành chính Nam Bộ. Đầu năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 4 tháng 3 năm 1946, ông được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội.[4]
Sau năm 1954, ông cùng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Hà Nội. Ông tiếp tục công tác trong Quốc hội, giữ chức Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Xô, thành viên Hội hữu nghị Việt Pháp, Ủy viên Ban Việt kiều Trung ương[6]. Năm 1960, ông là một trong 91 đại biểu Nam Bộ được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa II, tiếp tục giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.[7]
Ngày 4 tháng 4 năm 1964, ông bất ngờ đột tử ngay trong ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa II.
Đám tang của ông được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức rất lớn, có Chủ tịch Hồ Chí Minh tới viếng.
Cái chết của ông do nhiều nguyên nhân. Ông nổi tiếng quá. Dương Bạch Mai tâm sự với Vũ Thư Hiên rằngHồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn đều không ưa ông. (Ch.V, tr.246)
Nguyên nhân chính là ông theo Nga chống Trung Cộng.
Từ khi có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, ông chống lại việc đưa nước Việt Nam vào quỹ đạo chủ nghĩa Mao. Ông gọi chủ nghĩa Mao là món tạp pí lù(8) của thổ phỉ. Giữa lúc ngành tuyên truyền Việt Nam đưa Mao Trạch-đông lên hàng thánh sống thì ông ngang nhiên gọi Mao là tên đao phủ của đại pháp trường Trung Quốc. Ông giải thích tình hình loạn lạc hiện tại ở nước láng giềng bằng lập luận rằng vào đầu thập niên 30 giai cấp công nhân Trung Quốc chủ yếu tập trung ở các thành phố duyên hải, trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng những đại biểu ưu tú của giai cấp này đã chết dần chết mòn trong Vạn lý trường chinh, và thay vào chỗ của họ là bọn cường đạo thảo khấu thu nạp ở dọc đường. Cho nên khi biên khu Thẩm-Cam-Ninh, Tân-Ký-Sát hình thành thì về thực chất Ðảng cộng sản Trung Quốc đã là một đảng thổ phỉ, đứng đầu là thành phần vô sản lưu manh. Những người cộng sản bị Mao Trạch-đông và Khang Sinh thủ tiêu dần. Người còn sống sót thì bị ám hại trong những "cuộc vận động cách mạng" thường trực. Chính cái đó dẫn tới tình trạng bất ổn liên miên trong nước Trung Hoa xã hội chủ nghĩa.(Ch.V, tr.247)
Tuân Nguyễn bị bắt vì bài thơ Trái Tim Hồng Ngọc. Nó được làm nhân đám tang ông Dương Bạch Mai (Ch.X)
Dương Bạch Mai theo cộng sản nhưng phe Trung Cộng trừ khử ông, phủ nhận ông. Ông theo cộng sản cuối cùng chết về tay cộng sản. Công lao ông thành công cốc.
2. TRẦN ĐỨC THẢO( 1917 - 1993)
Tuổi trẻ Trần Đức Thảo tràn đầy tự hào. Ông tự hào về sự học giỏi và nổi tiếng của ông mà Paris chính là môi trường phát triển tài năng và sự tự hào của ông.Trường Cao đẳng Sư Phạm phố Ulm là môi trường phát triển khối tự hào vĩ đại trong lòng ông. Quả thật trường Cao Đẳng Sư Phạm phố Ulm được nổi tiếng vì nơi đây toàn sinh viên ưu tú! Ông tự hào về trường Cao Đẳng Sư Phạm của ông: "Nhưng khi sang tới Paris, tôi nhất định chọn học triết, mà phải là ban triết của trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm, là ngôi trường danh tiếng bậc nhất của nước Pháp. Tôi đã phải theo học hai lớp dự bị rất vất vả mới thi được vào trường ấy. Sự chọn lựa học triết lúc đó chỉ là do tính kiêu ngạo, bồng bột của tuổi trẻ, muốn được mọi người nể phục, muốn chứng tỏ mình là người có đủ sức mạnh trí óc để học triết.(Ch.3)
Ông không học đại học, chỉ là Cao đẳng, chưa là tiến sĩ, chỉ là thạc sĩ, cái bằng cấp để dạy trung học nhưng cái danh thơm triết gia về một vài tác phẩm triết học cũng đủ làm cho ông bay lên chín tầng mây. Những người cộng sản hầu hết mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản. Trần Đức Thảo cũng có cái tự cao, tự đại đó, cái tự hào đã nắm hết chủ nghĩa Marx, nghĩa là sẽ làm cho thế giới đi đến đại đồng, xóa sạch bất công, chấm dứt bóc lột và chiến tranh! Ông tin ở Pháp ông đã học hết tài nghệ của Marx, ông sẽ xuống núi phất cao cờ hồng đại thắng!
Ông nghĩ rằng ông phải về Việt Nam để thực hành chủ nghĩa Marx. Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam làm sai vì họ không đọc Marx, không hiểu Marx, còn ông đọc Marx cả triệu lần, đã thuộc lòng Marx từng câu, từng chữ. Khi đã hiểu đúng tất làm đúng! Ông thấy người ta nói Lenin, Stalin, Mao làm sai, ông phải trở về để "trải nghiệm".
Ông đã hơn 20 lần nhắc đi nhắc lại từ "trải nghiệm".
......
Điều quan trọng là sự trở về xứ sở đã giúp tôi trải nghiệm một thực tại...(Ch2). Sống và tư duy như thế là biết trải nghiệm… Trải nghiệm là biết quan sát cái đang biến hoá, cái đang trở thành cái đã cũ, xuất phát từ những di sản mang tính cổ hủ của dĩ vãng…(Ch.4).
Nói "trải nghiệm" là nói không thật. Sự thực ông về Việt Nam là do tham sân si và vụng tính. Chính ông thú nhận:" Hồi ấy, tôi đã trở về xứ sở với một đầu óc hăng hái, đầy lạc quan tin tưởng của tuổi trẻ. Cứ nghĩ thể nào cụ Hồ cũng phải ngạc nhiên về những hiểu biết của tôi. Bởi tôi đã có những nghiên cứu sâu rộng về cuộc cách mạng tháng mười ở Nga, mặt khác, tới đã có một vốn hiểu biết vững chắc về tư tưởng của Karl Marx. Với lòng hiếu thắng bồng bột, ngông cuồng đến mức cuồng tín, tôi tin rằng với những nghiên cứu và kiến thức mà tôi đã đạt được, tôi tự thấy mình như là hiện thân của ý thức hệ mác-xít, để có thể trở về làm nhiệm vụ như một trong những lý thuyết gia bên cạnh ông cụ. Để tôi góp sức xây dựng ở quê hương một mô hình cách mạng mà loài người mong đợi!
Ông không hiểu tâm lý người đời. Ông Hồ học chưa xong tiểu học làm sao có thể dùng một trí thức nổi danh như ông. Ông nổi danh là một triết gia Marxist sắc sảo, tài ba, lại là " đại biểu Việt kiều", còn ông Hồ lúc đó vô danh, ông Hồ rước ông về cho ông ngồi trên đầu ông ta ư? Khoảng 1930, ông Hồ khốn đốn vì bọn Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn văn Cừ tố cáo ông mang đầu óc dân tộc và bắt tay với thực dân Pháp bán các đồng chí cộng sản. Ông bị Stalin triệu về giam cầm điều tra... Sau đó ông là Hồ Tập Chương đóng vai Hồ Chí Minh, ông lại càng kị bọn xoi mói lai lịch và hành tung của ông. Trần Đức Thảo nhảy về Việt Nam là một hành động khờ dại và nguy hiểm. Khờ dại vì ở đời người ta mời ăn cỗ thì mình mới xách ô đến, không mời mà vác mặt đến thì người ta đuổi ra tổ cho xấu hổ cái mặt lỳ! Cô gái nào cũng nên làm cao một chút, đừng quá dễ dãi.
Dễ dãi là mất giá ngay. Ông Hồ không mời mà ông Trần chạy đến bắt tay
làm quen, rồi lại ăn nói ngông nghênh:" Tôi nhớ rất rõ hôm ấy là ngày
mùng 5 tháng sáu, năm 1946. Lúc đó, trùng buổi chiêu đãi “phái bộ cụ Hồ”
vừa tới Paris để lo việc điều đình với Pháp, vì sự bồng bột của tuổi
trẻ, nên tôi hồn nhiên vui mừng, thân mật, vồn vã chạy tới nắm chặt tay
“ông cụ” một cách nồng nhiệt và nói: “Tôi rất hân hạnh được gặp cụ chủ
tịch!” Cụ Hồ cũng vui vẻ đáp: “Chào chủ Thảo!” Nghe vậy, tôi rất cảm
động, nghĩ rằng Hồ chủ tịch đã thân mật coi mình như đứa em trong gia
đình… Cuối bữa ăn, Hồ chủ tịch kêu gọi anh em Việt kiều về nước tham gia
kháng chiến, thì tôi hăng hái, xin được trở về ngay để được phục vụ
cách mạng và quê hương.> Tôi còn tỏ ra là mình hơn hẳn các anh em
Việt kiều khác khi khoe rằng “tôi cũng đã bỏ công nghiên cứu về tư tưởng
Karl Marx và về cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga… Tôi rất mong ước được
về nước cùng cụ xây dụng thành công một mô hình cách mạng tốt đẹp… tại
quê hương ta”! Ông cụ lúc ấy chỉ mỉm cười nhạt, nhưng nét mặt thì vẫn
lạnh lùng khi nhìn tôi. Tới lúc Hồ chủ tịch lần lượt bắt tay từ biệt mọi
người. Khi bắt tay tôi thì “ông cụ” nói với tôi một cách nghiêm nghị:
- Còn chú Thảo này thì cách mạng chưa cần tới chú lúc này đâu. Chú cứ ở lại Paris thì có lợi cho cách mạng và cho chú hơn. (Ch.12)
Trong khi đó, ông Hồ mời bốn khoa học gia về nước.
Bác Thảo cho biết bốn Việt kiều cùng về với Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay chuyến ấy là ba kỹ sư: Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh, và bác sĩ Trần Hữu Tước. Phạm Quang Lễ là kỹ sư cơ khí hàng không, nhưng có nhiều kiến thức về vũ khí nên đã được tin dùng đặc biệt. Và đã được “cụ Hồ” đặt cho một tên mới là Trần Đại Nghĩa, rồi sau được phong quân hàm thiếu tướng, trông nom quân xưởng đầu tiên của chiến khu, rồi sau được ca ngợi như là người đã sáng chế ra loại súng chống tăng, mang tên SKZ (Súng Không Zật). Nhưng bác Thảo cũng chế giễu khéo:
- Thứ súng ấy sau chỉ thấy trong ảnh, chứ không thường thấy trên các trận địa. Vinh quang là như thế. Sự thật là như thế (Ch.12)
Ông Hồ mời các ông này dù là trí thức nhưng cũng thuộc loại trí ngủ, chẳng biết gì về chính trị, đem về làm tay sai thì được. Hơn nữa cũng cần khoa học gia, còn cái thứ triết già ưa lý luận ngốc nghếch, không xài được. Việc này làm cho ông Trần nổi tự ái.Ông càng tức giận cố vật vã mà về cho được! Sao ông háo thắng kiêu căng và khờ dại như thế! Như vậy là ông Hồ " kị" ông rồi. Nếu lúc đó ông Trần nói
" Trăm ngàn lạy cụ, xin cụ cho con về xách dép cho cụ" may ra ông Hồ chấp thuận. Thế nhưng ông lại đòi về lãnh đạo chung với ông Hồ! Tôi nghĩ rằng nghe nói vậy, trong bụng ông Hồ giận lắm. Ông chửi thầm:" Thằng nhóc! Mày là cái thá gì mà đòi làm vua với tao! Ăn mày mà đòi ăn xôi gấc!" Ông Hồ có chân tay tại Pháp, họ đã báo cáo cho ông đầy đủ về Trần Đức Thảo. Hạng người như ông Trần, ông Hồ không thể xài và cho ở gần. Thế mà ông Trần lại chạy chọt cho được về Việt Nam. Quả là "cố đấm ăn xôi"!
Ông Thảo nói ra sự thật về ông: Sự thật là việc tôi về là do sự vận động của tôi với sự trợ giúp của đảng cộng sản Pháp. Và qua đảng cộng sản Pháp thì có cả sự giúp đỡ của phía lãnh đạo Liên Xô nữa. Bởi lúc ấy, cả đảng cộng sản Pháp, cũng như phía Liên Xô, đều muốn đưa tôi về với hi vọng có thể có cơ hội góp ý với cách mạng Việt Nam.(Ch.12)
Hành động này làm cho ông Hồ ghét ông và nghi ngờ ông là tay sai của cộng sản Pháp và cộng sản Liên Xô đặt ông bên cạnh ông Hồ để theo dõi, báo cáo và có thể chuẩn bị thay thế ông! Ai cũng thấy thế huống hồ ông Hồ và bọn Trường Chinh. Nếu ông Thảo lên lãnh đạo thì bọn họ phải cuốn gói. "Tôi đã kể lại lần gặp gỡ này cho một người bạn mới quen ở ATK, tên là Đa, một trí thức có vẻ cởi mở hiếm thấy. Nghe kể xong, Đa lè lưỡi, lắc đầu, khoát tay tỏ vè lo sợ đến lớn tiếng:
- Thế thì chết! Chết thật đấy! Tôi không doạ anh đâu. Anh khôn hồn thì tìm cách lặn cho sâu, tránh cho xa lãnh tụ đi! Không nên nán lại ở ATK này nữa. Phải xin đổi công tác đi. Nói câu ấy ra là “Người” đã khai trừ anh rồi đấy. Tỏ thái độ ngang hàng như thế là anh đã tự tuyên án tử hình cho chính mình rồi đấy!(Ch.12)
Ông biết thân ông đã lọt hang hùm, ổ rắn khi vừa về Việt Bắc.
Bởi ngay từ khi vừa đặt chân trở lại quê hương, tôi đã bị nghi ngờ là một “kẻ có vấn đề”(Ch11). Cho tới khi bị coi như là một kẻ phản động, bị nghi là “kẻ do địch cài vào hàng ngũ cách mạng” thì từ đó tôi mới nhận ra sự bế tắc ấy là do ý thức, do thái độ cảnh giác, do chính sách thù hận mù quáng của quyền lực chuyên chính.(Ch.12).
Sau này Trần Đức Thảo mới thấy mình ngu' . Ông tâm sự:"
Nay nghĩ lại lúc gặp “Người” lần đầu tiên, mà tôi thấy lúc ấy mình ngốc quá. Bạch diện thư sinh mà dám tỏ ra là tay ngang với lãnh tụ! Vì trong đầu “ông cụ” đầy ắp cuồng vọng quyền lực tối cao. Anh phải biết là cho tới nay, những ai đã từng coi thường “Người”, từng tỏ ra ngang hàng với “Người”, thì sau đều đã vinh viễn bị loại trừ ra khỏi tầm mắt của “Người”. Không ít người đã mất mạng, mất cả xác vì dám có ứng xử tay ngang như thế đấy.
- Tôi không hiểu nổi tại sao lại có thể tàn nhẫn khủng khiếp đến thế?
- Vì vậy mà phải biết giải mã lãnh tụ. Phải hiểu rằng “ông cụ” có tâm thức mình là bên trên tất cả, là một bậc kỳ lão gia trưởng, luôn luôn toả sùng bái một thứ hào quang thần thoại đúng với truyền thuyết lịch sử “con rồng, cháu tiên”… Và đám quần thần chung quanh “ông cụ” không tha thứ cho một ai dám tỏ mình là ngạng hàng với “Người”. Từ những tay trí thức nổi tiếng tâm huyết như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm… cho tới kẻ được đào tạo chính quy như Trần Văn Giàu, và biết bao nhiêu trí thức có uy tín khác nữa… đều là những nạn nhân của thái độ ngang hàng như thế (Ch.12).
Cuộc chiến tranh ý thức hệ đã bùng nổ trong gia đình ông. Bố mẹ ông phản đối việc ông về làm tay sai cho Việt Cộng. Ông nói với bố mẹ ông: Con về hợp tác với thứ cách mạng này là với hoài bão sẽ có ngày thay đổi, cải thiện được nó, sẽ có ngày tìm ra cách uốn nắn lại được nó, để nó trở thành thứ cách mạng của con, tức là thứ cách mạng mà mọi người mong đợi!
- Nghe mày nói tao thấy mày khừng, mày điên rồi! Rõ ràng là mày học nhiều quá nên trở đã thành kẻ không tưởng, kẻ sống trong mộng ảo! Mày tưởng một mình mày về đây là sẽ cải đổi, cải thiện được cái thứ cách mạng tàn nhẫn này, cái thứ cộng sản thô lỗ, trói buộc con người như thế này à? Tao nói thật cho mày biết sự thất vọng của tao khi tao nghe tin mày đã về với cách mạng, với cộng sản! Về như vậy là mày tự giết mày rồi! Mà cũng là giết cả mẹ mày và tao nữa! Thảo ơi! Phải chi mà mày học được cái nghề gì như thợ nề, thợ máy, thợ mộc gì… thì đỡ khổ cho tao biết mấy! Phải chi mày cứ ở bên Pháp làm việc, mỗi tháng gửi về cho tao vài chục đồng Francs thì cũng đủ cho tao vui sống cảnh già! (Ch.8)
III. NGUYỄN KHẮC VIỆN(1913 - 1997)
Hoàng Hải Thủy trong bài "Sống và chết ở Saigon (7) viết:" Những
anh ký giả Sài Gòn trước đó một niên đã làm Ngày Ký Giả Đi Ăn Mày để bỉ
mặt Tổng Thiệu, nay được dịp “ăn mày” thật sự. Ký giả là những người
đói nhất trong giới văn nghệ sĩ bỏ nước chạy lấy người không kịp. Không
phải anh em ký giả, văn nghệ sĩ Sài Gòn ta ngày xưa không kiếm được
tiền. Anh em kiếm được nhưng tuyệt đại đa số anh em ăn chơi, tiêu hoang,
kiếm được năm thì tiêu mười. Việt Cộng vào Sài Gòn, anh em đói đến
không có cơm mà ăn, không phải chỉ đói phở, đói cơm sườn, đói giả cầy
quán Bà Cả Đọi. Cùng dự khóa bồi dưỡng với kẻ viết bài này có Nguyễn
Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang dịch giả Bố Già (The Godfather của Mario
Puzo). Hôm được phát “nhu yếu phẩm” như vừa kể, người ta thấy vắng bóng
Ngọc Thứ Lang ngay lập tức, rồi vắng bóng chàng suốt ngày hôm sau. Khóa
viên không đến lớp vì còn bận tự “bồi dưỡng” bằng hai hộp sữa, nửa ký
đường, hai gói thuốc, lạng bột ngọt. Chàng phát mại ngay những thứ không
nhu yếu gì với đời sống của chàng để lấy tiền “choác”.
Và Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai có Cô Khóa Mộng Tuyền. Tháng Bẩy năm 1976 ở Thành Hồ, Mộng Tuyền còn trẻ, đẹp. Ký giả đói, nhưng các em đào cải lương vẫn đông vàng, đông kim cang. Các em như Mộng Tuyền – bận bà ba phin nõn, quần đen, đi guốc – phây phây đến lớp. Các em không đi xế hộp, nhưng các em cũng không đi xế đạp, các em đi học bằng xe xích lô.
Trần Dạ Từ trong bài""Sức Mạnh Thức Tỉnh Từ Chính Thân Xác Người Cầm Bút" nhận định
"Trước 1975, tại Sài Gòn, các nhà báo vui tính, có lần phản đối chính quyền bằng cách xuống đường biểu tình, dưới hình thức ‘ký giả đi ăn mày.’ Sau 30 tháng Tư, ở quê hương, ở hải ngoại, vẫn có anh nhà banh hỏi anh nhà báo: ‘Sao các anh không xuống đường ăn mày nữa đi."
Các nhà văn trên đã chỉ trich đám ký giả đi ăn mày, cho rằng đám này ngu dại! Không phải họ ngu đâu! Họ là những bậc "thông minh nhất nam tử" của miền Nam! Khi Mỹ nói chuyện với Mao và Khrushchev, khi Mỹ cắt bớt rồi cắt hẳn viện trợ cho miền Nam thì họ biết miền Nam sẽ tiêu vong cho nên họ phải trở lưỡi, đầu hàng, thay đổi tư duy! Việt cộng cũng biết thế nên họ quyết tâm chiếm miền Nam, cái "thành phần thứ ba" , hòa hợp hòa giải cùng miền Nam trung lập chỉ là trò chơi của Bắc Việt về tuyên truyền.
Đám Judas và Bồ Đề Đạt Đa nổi lên khắp nơi. Các ông bà tich cực chống Cộng lúc đó trở thành Việt Cộng hay thân cộng. Họ trở mặt ,trở giọng ca tụng Cộng Sản và múa may như những thằng hề cộng sản tha mạng hoặc cũng có thể đưa các ông lên đỉnh vinh quang như thời Pháp thuộc như LM Hoàng Quỳnh, LM. Nguyễn Hữu Thanh, LM. Thanh Lãng, bà BS. Nguyễn Thị Thanh...Còn những Việt Cộng và thân cộng thì khỏi nói nào Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Trần Tấn Quốc, Trần Văn Tuyên, Thế Uyên, Đinh Xuân Dũng, Hồ Ngọc Nhuân, Thich Nhất Hạnh, Ngọc Lan, Chân Tín...
Các bài viết của Lý Chánh Trung trong thời kỳ này đã có những ám ảnh mà chủ yếu đặt nặng vấn đề Công bằng Xã hội – một đề tài quen thuộc và được ông khai thác nhiều lần. Nó phản ánh một phần các tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác Xít trong đó có các vấn đề Cần Lao, vấn đề Vong Thân, vấn đề Bạo động và vấn đề Tranh đấu giai cấp, vấn đề Bóc lột giữa chủ và thợ, v.v.
Những ý tưởng then chốt về công bằng xã hội sẽ là những bước mở đường cho Lý Chánh Trung một ngày không xa đến thực sự với cộng sản.
Ông ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu. Hoặc ông rập khuôn cái tinh thần: Nắng được lúc nào thì cứ nắng như trong một bài viết của cụ Phan Khôi chăng?
Nhưng người cộng sản đọc thì đánh giá ông là người cộng sản không có thẻ đảng. Một lời khen hay một lời cảnh cáo?( Nguyễn Văn Lục .Thân phận dư thừa của một người trí thức thiên tả, thành phần thứ ba)
Còn những trí thức chạy theo cộng sản thì được gì? Xem gương Lý Chánh Trung, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Hữu Chung, Lê Hiếu Đằng... thì rõ!
V. ĐÁM VIỆT CỘNG VÀ THÂN CỘNG HUẾ
1.TRỊNH CỘNG SƠN (1939- 2001)
Ông quê ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông theo học các trường Lycée Français và Providence ở Huế, sau vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lycée Jean Jacques Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây.
Theo ông cho biết, ông sáng tác bài Sương đêm và Sao chiều vào năm 17 tuổi. Nhưng tác phẩm được công bố đầu tiên của ông là Ướt mi, do nhà xuất bản An Phú in năm 1959 và qua giọng ca Thanh Thúy.
Năm 1961 vì muốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự (trốn lính) nên ông thi và theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến hơn, từ khi ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê đơn sơ dựng trên bãi đất cỏ sau Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn do nhóm sinh viên mang tên Khai Hóa trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương, từ cuối năm 1966. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly.
Một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản năm 1970 như "Diễm xưa" (do Khánh Ly biểu diễn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt), "Ca dao Mẹ", "Ngủ đi con". Riêng bài Ngủ đi con đã phát hành trên hai triệu đĩa nhựa. Vì lời lẽ trong nhiều bài hát của ông có tính chất phản chiến, nhà cầm quyền Việt Nam Cộng hòa đã cấm lưu hành vài tác phẩm của ông. Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng", nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến bị cả hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa cấm lưu hành. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng không tán thành thái độ phản chiến của ông về chiến tranh, vốn mang tính "chủ hòa, ủy mị", làm nản lòng những người đang đấu tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước. Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng", Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì có những người phê phán ông vì coi ông là "thiếu lập trường chính trị" có những người cực đoan đòi sau khi tiến về Sài Gòn sẽ "xử tử" ông.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn" (bài hát kêu gọi và nói về ước mơ thống nhất dân tộc hai miền Nam Bắc mà ông viết từ năm 1968 nhưng chưa từng công bố cho tới thời điểm đó, nay được ông công bố để kỷ niệm sự kiện trọng đại mà ông mong chờ đã lâu. Cũng chính ông là người trưa ngày 30/4 đã đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam
Theo BBC, sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình ông di cư sang Mỹ và ông phải đi học tập cải tạo trong 4 năm. Theo Nguyễn Đắc Xuân, thời gian đầu sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, “Đối với lãnh đạo thì không có vấn đề gì, nhưng có nhiều "anh em phong trào" ở Sài Gòn không thích quan điểm lập trường chung chung của Trịnh Công Sơn trước đây", ông trở về Huế và "thời gian đó một số phần tử quá khích theo phong trào "Hồng vệ binh" của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa đã kích động sinh viên treo một tấm banderole to tướng mang dòng chữ xanh rờn: "Hạ bệ Phạm Duy - Hoàng Thi Thơ và Trịnh Công Sơn" trước trường Đại học Sư phạm Huế" và "tiếp theo là cuộc tọa đàm luận tội "Trịnh Công Sơn có công hay có tội" tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Hôm ấy có cả Trần Hoàn, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc và vài người nữa. Có người lên án, nhưng cũng có người bảo vệ. “Tội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ông đã làm nhạc phản chiến một cách chung chung, không phân biệt được chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng dân tộc trong bài “Gia tài của mẹ” với câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Thậm chí ông còn làm nhạc ca ngợi địch trong bài “Cho một người nằm” xuống thương tiếc đại tá không quân Sài Gòn Lưu Kim Cương tử trận – người đã từng cưu mang ông. . Hồi ấy, những bản kiểm điểm nói không đúng vấn đề thường phải viết lại. Trịnh Công Sơn chưa quen lối sinh hoạt này nên rất chán chường..
Những năm sau 1975, sau thời gian học tập chính trị, ông làm việc tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Sóng nhạc. Từ đầu thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, lúc đầu một số sáng tác ông gởi qua cho Khánh Ly và chỉ phát hành tại hải ngoại. Khi bắt đầu được phép lưu hành nhạc trong nước, ông có viết một số bài có nội dung ca ngợi những chủ trương của chế độ mới như Thành phố mùa xuân, Ngọn lửa Maxcova, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ... Sau đó nhà nước Việt Nam đã nới lỏng quản lý văn nghệ, ông lại tiếp tục đóng góp nhiều bản tình ca có giá trị.
Cuối đời, ông bị bệnh gan, thận và tiểu đường. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng sáng tác những ca khúc mới trong những năm cuối đời mình.
Ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh tiểu đường lúc 12giờ45 ngày 1 tháng 4 năm 2001 (tức ngày 8 tháng 3 năm Tân Tỵ), hàng ngàn người đã đến viếng tang và "có thể nói, chưa có nhạc sĩ nào mất đi lại được công chúng thương tiếc như Trịnh Công Sơn".[25] Ông được an táng tại Nghĩa trang chùa Quảng Bình (phường Bình Chiểu - quận Thủ Đức. Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy ngày này làm ngày tưởng niệm.
Suốt đời, Trịnh Công Sơn yêu nhiều nhưng không chính thức kết hôn với ai, và cũng chưa chính thức công nhận là có con.
Mối tình đầu, thực chất chỉ là 1 tình bạn đẹp của ông là với ca sĩ Khánh Ly, rồi sau đó với một cô gái Nhật Bản làm luận án tiến sĩ về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Hai người cũng đã tiến xa đến một kế hoạch đám cưới nhưng rồi cũng không thành vì anh Sơn không chấp nhận một vài nguyên tắc của gia đình người Nhật đưa ra khi anh về làm rể. Và Dao Ánh (người trong mộng của ông từ năm 1964 đến năm 1967; em ruột của bà Ngô Vũ Bích Diễm. Đây chính là "bóng hồng" trong nhạc phẩm "Diễm xưa". Trước khi yêu Dao Ánh, Trịnh Công Sơn từng dành tình cảm với cô chị gái Bích Diễm nhưng tình cảm ấy không thành.
Mối tình thứ tư của ông là với ca sĩ Hồng Nhung, và mối tình thứ năm của ông là với VA..., khi ông mất VA là một trong số các người thân ở bên cạnh ông .
Những năm cuối cùng của cuộc đời, niềm say mê lớn nhất, Trịnh Công Sơn gần như dành hết cho ca sĩ Hồng Nhung mà theo ông là "Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai!"... Với Hồng Nhung, tâm hồn Trịnh gần như trẻ lại, khiến bước chân ông trở nên bối rối, ngập ngừng với buổi hẹn ban đầu.
Một người khác cũng từ Hà Nội kể lại tình cảm của cô dành cho Trịnh Công Sơn và của Trịnh dành cho cô lần đầu gặp mặt: "Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá... già!"
Ban Mai có viết " Trịnh Công Sơn ,Vết chân dã Tràng. Thật vậy, ông là con Dã Tràng xe cát biển Đông. (Wikipedia)
Một bài viết của Trịnh Cung làm chấn động dư luận. Trong bài mang tựa "Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị" ở trang mạng Damau, ông Trịnh Cung cáo buộc "rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm Trịnh Công Sơn" thời kỳ sau 1975.
Phần lớn bạn bè và nhà phân tích cho rằng Trịnh Công Sơn là con người phi chính trị, nhưng Trịnh Cung lại viết nhạc sĩ đã từng có lúc nghĩ đến việc xin vào Đảng Cộng sản.
Ông Trịnh Cung nói ông đã khuyên can, nhưng "không phải nhờ sự phân tích ấy mà Trịnh Công Sơn không trở thành đảng viên Đảng CSVN, mà bởi sự ngăn cản của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người giữ vai trò chính trị của Hội Âm Nhạc TP. HCM".
"Một là tài năng, có thể gọi là thiên tài âm nhạc, nhưng còn một con người mà ta vẽ vời là thiền sư, trong sáng thì ở đây, tôi muốn mô tả một thời kỳ xuống dốc của người bạn ấy."
Theo ông Trịnh Cung, giai đoạn trước và sau 1975 chứng kiến hai con người khác nhau của nhạc sĩ.
"Không phải do anh muốn, mà do thời cuộc đã đẩy anh vào một cuộc sống không đẹp như trước 75. Dù là trước 75, anh đấu tranh cho ai, tôi vẫn thấy đó là thời gian sống rất đẹp, khác hoàn toàn giai đoạn sau này."
"Cuộc sống của anh sau 75 là của một người yếu đuối, chấp nhận để được vui. Sau khi được ông Võ Văn Kiệt nâng đỡ, đưa anh quay lại Sài Gòn, từ đó anh xem mình có chỗ dựa. Mà ngay cả trước 75, có những người bạn ở phía đối nghịch cộng sản nhưng quý tài của anh, đã giúp anh nhiều."
http://www.bbc.com/vietnamese/culture/2009/04/090404_trinhcongson_controversy.shtml
Nhiều người yêu mến Trịnh Công Sơn, nhất là bà Trịnh Vĩnh Trinh cải chánh cái tin Trịnh Cộng Sơn có tham vọng chính trị. Họ phủ nhận Trịnh Cung nhưng không có lời biện hộ rõ rệt. Mà tham vọng chính trị thì có gì xấu? Trong chế độ quân chủ, nhiều người cố học hành thi đỗ để làm quan. Trong chế độ hiện tại, ai cũng cố học đại học để kiếm mảnh bằng nuôi thân. Và các chính trị gia đổ xô ra ứng cử. Tất cả đều có tham vọng chính trị, mà có sao đâu! Miễn là đừng phản quốc, hại dân, tham ô nhũng lạm, chà đạp pháp luật và luân lý là được!
Hoạ sĩ Bửu Chỉ (đã mất) đã viết: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả” (Trích bài viết: “Về Trịnh Công Sơn và Những Ca Khúc Phản Chiến Của Anh”, in trong Trịnh Công Sơn, Cuộc Đời, Âm Nhạc, Thơ, Hội Hoạ & Suy Tưởng do Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn ấn hành năm 2005)?
Sự thực có đúng như câu khẳng định chắc nịch ở trên của ông Hoàng Tá Thích và hoạ sĩ quá cố Bửu Chỉ? Chắc chắn là sai 100% rồi nếu như Trịnh Công Sơn không là tác giả của 3 tập nhạc phản chiến (Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời), và cũng chưa từng tham gia vào Phong trào Đấu tranh Đô thị của Thanh niên Sinh viên Học sinh để chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà chính cuốn sách của Hoàng Tá Thích và bài viết của Bửu Chỉ vừa nhắc đến ở trên đã có nhiều tiết lộ. Mặt khác, trong bài viết “Có Nghe Ra Điều Gì” Trịnh Công Sơn gửi cho bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều năm 1973 có đoạn như sau: “…Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn, nhưng khi đã lỡ nhận chịu những cảm tình nồng hậu từ đám đông, thì những tình cảm kia phải được đền bồi…”. Và trong thư TCS gửi cho Ngô Kha – người bạn cùng chí hướng chính trị và cũng là người em rể, đồng thời là lãnh tụ của Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức này đã bị Công An Huế bắt (1972-1974) – chúng ta sẽ dễ nhận ra ý thức làm chính trị chống chế độ Sài Gòn của Trịnh Công Sơn. Nhất là trong đoạn Lê Khắc Cầm nói về mối quan hệ giữa TCS và tổ chức cơ sở thành uỷ Huế do Lê Khắc Cầm bí mật phụ trách trước 1975 như thế nào, thì không thể nói là TCS không có toan tính chính trị như nhận định của hoạ sĩ Bửu Chỉ
– Không ở trong một đường dây của tổ chức và chịu sự lãnh đạo của tổ chức đó.
– Không dám thoát ly đi theo MTGPMN.
VI. ĐÁM MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG
Cộng sản là một lũ tàn ác và lưu manh xảo trá.Ký hiệp định Genève thì chúng liền chuẩn bị chiến tranh.
-Một số tập kết ra Băc nhưng một số ở lại với đạn được, vũ khí.
-Làm đưởng Trường Sơn đưa quân đội, vũ khí vào Nam.
Rồi đi theo Cộng Sản Pháp chống chiến tranh. Cha ông hiểu Cộng Sản. Gia đình ông đã bị điêu đứng vì Cộng Sản. Cơ sở làm ăn buôn bán của gia đình ông bị Cộng Sản phá sạch. Vì vậy khi nghe tin ông theo Cộng Sản. Cha ông gọi ông về. Ông không về. Cha ông và cha vị hôn thê của ông bày mưu đưa cô này, lúc ấy mới 17 tuổi, sang Pháp làm đám cưới với ông, rồi đưa đi thăm thú nơi nọ nơi kia với mục đích làm ông mê vợ trẻ, quên chính trị. Nhưng ông lại thuyết phục được vợ theo chí hướng của ông mà cả hai coi là chủ nghĩa yêu nước. Đến nước này gia đình hai bên chỉ còn cách làm áp lực tài chính. Cắt chuyển ngân. Không tiếp tế gì nữa. Trương Như Tảng bèn để vợ mang bầu về Saigon còn mình ở lại đi rửa chén, gọt khoai kiếm tiền sinh sống ngỏ hầu có thể tiếp tục theo hướng đi đã vạch sẵn. Nhưng rồi sau ông cũng mềm lòng vì thương gia đình, (cha ông không còn đủ tiền cho các anh em ông tiếp tục theo học). Ông về nước vào năm 1954. Ông đã kể rõ trường hợp đó trong hai chương 3 và 4 của cuốn hồi ký.
Khi mới chân ướt chân ráo tới Pháp ông đã được hân hạnh gặp Hồ Chí Minh cũng vừa tới để thương thuyết với Sainteny. (1bis) Ông Hồ đã để cả một buổi chiều tiếp ông và một nữ sinh khác cũng người miền Nam tại phòng làm việc của phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở Fontainebleau. Cuộc gặp gỡ này đã để lại cho ông một kỷ niệm khó quên và những tình cảm sâu đậm dành cho ông Hồ, người luôn bắt ông phải gọi là “bác” chứ không được xưng hô là Hồ chủ tịch, hay chủ tịch. Cũng vì vậy cho nên khi về nước vào năm 1954, ông đã từ khước lời mời của những Võ Văn Hải, Ngô Khắc Tỉnh, Trần Hữu Thế là những người Quốc Gia chống Cộng, để rồi chạy theo những người thuộc phe ông Hồ. Ngay từ 1958 ông đã bắt đầu hoạt động bí mật cho Cộng Sản, tại Saigon. Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông được cử làm tổng giám đốc Công Ty Đường Việt Nam, một công ty quốc gia lớn với trên 5000 nhân viên. Trong thời gian này theo ông cho biết (2) ông đã hoạt động ngầm qua hai tổ chức thân Cộng là “Phong trào Tự Quyết” và “Ủy ban bảo vệ Hoà Bình” do bác sĩ Phạm Văn Huyến, cha của nữ luật sư Ngô Bá Thành, điều khiển. Năm 1967, do sự “phản bội” của Ba Trà, một cán bộ Cộng Sản khác, hành tung của ông bị bại lộ và ông bị cảnh sát quốc gia bắt giam. Nhờ có Trần Bạch Đằng (3) thu xếp với người Mỹ về trao đổi tù binh, ông được phóng thích cùng với vợ của Trần Bặch Đằng để ra bưng hoạt động hẳn cho Cộng Sản cho đến năm 1976.
Ngày 8 tháng 6 năm 1969 Trương Như Tảng được chỉ định vào chức vụ bộ trưởng bộ Tư Pháp của “chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”, do Huỳnh Tấn Phát, một đảng viên Cộng Sản kỳ cựu, làm thủ tướng. Gần 6 năm trời, từ 8-6-1969 đến 30 tháng 4 năm 1975, trong cuốn hồi ký không hề thấy tác giả nói ông làm gì trong cái bộ đó và nó hoạt động ra sao. (4) Đó chính là một điểm khôi hài nhất của cái gọi là chính phủ kia, đồng thời cũng là một lỗ hổng to tướng của cuốn hồi ký.
Sau khi Saigon thất thủ, Trương Như Tảng có dịp liên lạc với gia đình thì được biết cha ông mới qua đời, con gái ông đã được phu nhân Tổng Thống Thiệu bảo trợ cho đi du học ở bên Mỹ, con trai ông cũng đã sang Pháp, còn mấy người anh em ông thì bị đi “học tập cải tạo”, trong đó có một người cho đến khi ông viết xong cuốn hồi ký (1985) vẫn còn ở trong tù. Ông buồn rầu nhớ lại lời cha ông nói lúc vào thăm ông trong nhà tù của Tổng Nha Cảnh Sát quốc gia năm 1967:
“Con à, ba không thể hiểu được con. Con đã bỏ tất cả. Một gia đình êm ấm, hạnh phúc, giầu có để đi theo bọn Cộng Sản. Chúng sẽ không cho lại con được mảy may những gì con đã bỏ đi. Rồi sẽ thấy. Chúng sẽ phản bội con và con sẽ khổ suốt đời.” (5)
Ông cho rằng trước kia ông cùng với một số trí thức miền Nam khác vốn tin mình tranh đấu cho một miền Nam có một chế độ riêng, và thi hành chính sách hòa hợp hoà giải với phe quốc gia. Nhưng sau 30 tháng tư ông thấy những lời hứa hẹn, cam kết của những Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ (trang 283-284) chỉ là giả dối. Chỉ một năm sau chiến thắng, đảng đã hoàn tất việc thống nhất đất nước, nghĩa là giải tán chính phủ “lâm thời cộng hòa miền Nam” của nhóm các ông. Không có hòa hợp hòa giải. Không có chính phủ ba thành phần. Mà chỉ có đảng, một đảng duy nhất, từ danh xưng đảng Lao Động đã đổi ngay sang “đảng Cộng Sản Việt Nam”. Hơn 300.000 người (con số tối thiểu của ông đưa ra) bị bắt giữ, không có xét xử và không biết ngày về, trong đó có anh em ruột thịt, bà con thân thích, bạn bè của ông, hay của những người tai to mặt lớn trong Mặt Trận, kể cả con rể của luật sư Trịnh Đình Thảo, người bạn vong niên của ông.
Vì đã tỉnh mộng, hết tin tưởng ở đảng nên khi được mời làm thứ trưởng bộ Thực Phẩm và Tiếp Tế, ông đã từ chối khéo. Cảm nhận được sự bất mãn của ông, chính Võ Văn Kiệt, lúc ấy là bí thư thành ủy Saigon, đã tìm cách giải thích và khuyến dụ ông nhận một chức nhỏ hơn tại miền Nam. Nhưng ông đã lợi dụng sự tin cẩn của Kiệt để tính chuyện chuẩn bị vượt biên. Ngày 25 tháng 8 năm 1979 ông xuống thuyền làm “thuyền nhân’ và hơn một tuần sau thì được một tầu hàng Singapore chở tới đảo Galang, thuộc Indonesia, bắt đầu cuộc sống tha hương.
- Còn chú Thảo này thì cách mạng chưa cần tới chú lúc này đâu. Chú cứ ở lại Paris thì có lợi cho cách mạng và cho chú hơn. (Ch.12)
Trong khi đó, ông Hồ mời bốn khoa học gia về nước.
Bác Thảo cho biết bốn Việt kiều cùng về với Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay chuyến ấy là ba kỹ sư: Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh, và bác sĩ Trần Hữu Tước. Phạm Quang Lễ là kỹ sư cơ khí hàng không, nhưng có nhiều kiến thức về vũ khí nên đã được tin dùng đặc biệt. Và đã được “cụ Hồ” đặt cho một tên mới là Trần Đại Nghĩa, rồi sau được phong quân hàm thiếu tướng, trông nom quân xưởng đầu tiên của chiến khu, rồi sau được ca ngợi như là người đã sáng chế ra loại súng chống tăng, mang tên SKZ (Súng Không Zật). Nhưng bác Thảo cũng chế giễu khéo:
- Thứ súng ấy sau chỉ thấy trong ảnh, chứ không thường thấy trên các trận địa. Vinh quang là như thế. Sự thật là như thế (Ch.12)
Ông Hồ mời các ông này dù là trí thức nhưng cũng thuộc loại trí ngủ, chẳng biết gì về chính trị, đem về làm tay sai thì được. Hơn nữa cũng cần khoa học gia, còn cái thứ triết già ưa lý luận ngốc nghếch, không xài được. Việc này làm cho ông Trần nổi tự ái.Ông càng tức giận cố vật vã mà về cho được! Sao ông háo thắng kiêu căng và khờ dại như thế! Như vậy là ông Hồ " kị" ông rồi. Nếu lúc đó ông Trần nói
" Trăm ngàn lạy cụ, xin cụ cho con về xách dép cho cụ" may ra ông Hồ chấp thuận. Thế nhưng ông lại đòi về lãnh đạo chung với ông Hồ! Tôi nghĩ rằng nghe nói vậy, trong bụng ông Hồ giận lắm. Ông chửi thầm:" Thằng nhóc! Mày là cái thá gì mà đòi làm vua với tao! Ăn mày mà đòi ăn xôi gấc!" Ông Hồ có chân tay tại Pháp, họ đã báo cáo cho ông đầy đủ về Trần Đức Thảo. Hạng người như ông Trần, ông Hồ không thể xài và cho ở gần. Thế mà ông Trần lại chạy chọt cho được về Việt Nam. Quả là "cố đấm ăn xôi"!
Ông Thảo nói ra sự thật về ông: Sự thật là việc tôi về là do sự vận động của tôi với sự trợ giúp của đảng cộng sản Pháp. Và qua đảng cộng sản Pháp thì có cả sự giúp đỡ của phía lãnh đạo Liên Xô nữa. Bởi lúc ấy, cả đảng cộng sản Pháp, cũng như phía Liên Xô, đều muốn đưa tôi về với hi vọng có thể có cơ hội góp ý với cách mạng Việt Nam.(Ch.12)
Hành động này làm cho ông Hồ ghét ông và nghi ngờ ông là tay sai của cộng sản Pháp và cộng sản Liên Xô đặt ông bên cạnh ông Hồ để theo dõi, báo cáo và có thể chuẩn bị thay thế ông! Ai cũng thấy thế huống hồ ông Hồ và bọn Trường Chinh. Nếu ông Thảo lên lãnh đạo thì bọn họ phải cuốn gói. "Tôi đã kể lại lần gặp gỡ này cho một người bạn mới quen ở ATK, tên là Đa, một trí thức có vẻ cởi mở hiếm thấy. Nghe kể xong, Đa lè lưỡi, lắc đầu, khoát tay tỏ vè lo sợ đến lớn tiếng:
- Thế thì chết! Chết thật đấy! Tôi không doạ anh đâu. Anh khôn hồn thì tìm cách lặn cho sâu, tránh cho xa lãnh tụ đi! Không nên nán lại ở ATK này nữa. Phải xin đổi công tác đi. Nói câu ấy ra là “Người” đã khai trừ anh rồi đấy. Tỏ thái độ ngang hàng như thế là anh đã tự tuyên án tử hình cho chính mình rồi đấy!(Ch.12)
Ông biết thân ông đã lọt hang hùm, ổ rắn khi vừa về Việt Bắc.
Bởi ngay từ khi vừa đặt chân trở lại quê hương, tôi đã bị nghi ngờ là một “kẻ có vấn đề”(Ch11). Cho tới khi bị coi như là một kẻ phản động, bị nghi là “kẻ do địch cài vào hàng ngũ cách mạng” thì từ đó tôi mới nhận ra sự bế tắc ấy là do ý thức, do thái độ cảnh giác, do chính sách thù hận mù quáng của quyền lực chuyên chính.(Ch.12).
Sau này Trần Đức Thảo mới thấy mình ngu' . Ông tâm sự:"
Nay nghĩ lại lúc gặp “Người” lần đầu tiên, mà tôi thấy lúc ấy mình ngốc quá. Bạch diện thư sinh mà dám tỏ ra là tay ngang với lãnh tụ! Vì trong đầu “ông cụ” đầy ắp cuồng vọng quyền lực tối cao. Anh phải biết là cho tới nay, những ai đã từng coi thường “Người”, từng tỏ ra ngang hàng với “Người”, thì sau đều đã vinh viễn bị loại trừ ra khỏi tầm mắt của “Người”. Không ít người đã mất mạng, mất cả xác vì dám có ứng xử tay ngang như thế đấy.
- Tôi không hiểu nổi tại sao lại có thể tàn nhẫn khủng khiếp đến thế?
- Vì vậy mà phải biết giải mã lãnh tụ. Phải hiểu rằng “ông cụ” có tâm thức mình là bên trên tất cả, là một bậc kỳ lão gia trưởng, luôn luôn toả sùng bái một thứ hào quang thần thoại đúng với truyền thuyết lịch sử “con rồng, cháu tiên”… Và đám quần thần chung quanh “ông cụ” không tha thứ cho một ai dám tỏ mình là ngạng hàng với “Người”. Từ những tay trí thức nổi tiếng tâm huyết như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm… cho tới kẻ được đào tạo chính quy như Trần Văn Giàu, và biết bao nhiêu trí thức có uy tín khác nữa… đều là những nạn nhân của thái độ ngang hàng như thế (Ch.12).
Cuộc chiến tranh ý thức hệ đã bùng nổ trong gia đình ông. Bố mẹ ông phản đối việc ông về làm tay sai cho Việt Cộng. Ông nói với bố mẹ ông: Con về hợp tác với thứ cách mạng này là với hoài bão sẽ có ngày thay đổi, cải thiện được nó, sẽ có ngày tìm ra cách uốn nắn lại được nó, để nó trở thành thứ cách mạng của con, tức là thứ cách mạng mà mọi người mong đợi!
- Nghe mày nói tao thấy mày khừng, mày điên rồi! Rõ ràng là mày học nhiều quá nên trở đã thành kẻ không tưởng, kẻ sống trong mộng ảo! Mày tưởng một mình mày về đây là sẽ cải đổi, cải thiện được cái thứ cách mạng tàn nhẫn này, cái thứ cộng sản thô lỗ, trói buộc con người như thế này à? Tao nói thật cho mày biết sự thất vọng của tao khi tao nghe tin mày đã về với cách mạng, với cộng sản! Về như vậy là mày tự giết mày rồi! Mà cũng là giết cả mẹ mày và tao nữa! Thảo ơi! Phải chi mà mày học được cái nghề gì như thợ nề, thợ máy, thợ mộc gì… thì đỡ khổ cho tao biết mấy! Phải chi mày cứ ở bên Pháp làm việc, mỗi tháng gửi về cho tao vài chục đồng Francs thì cũng đủ cho tao vui sống cảnh già! (Ch.8)
Năm
1951, tác phẩm Phenomenology and Dialectical Materialism ra đời, và
cùng lúc này, ông về Việt Nam phục vụ Cộng sản Việt Nam.
Dẫu sao, việc trở về Việt Nam của ông giúp cho nhân dân ta có một nhân chứng Trần Đức Thảo. Việc đầu tiên là ông đươc tham dự cuộc CCRD ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Mặc cảm đồng lõa với tội ác hành hạ Trần Đức Thảo, gay gắt, quay cuồng chất vấn, đòi ông “phải tỏ thái độ, phải có lập trường rõ rệt; không thể im lặng a dua đồng loã một cách mù quáng”[26]. Từ giờ phút ấy, Trần Đức Thảo “ý thức rất rõ rằng, lúc này, ở nơi đây, mình sẽ không có một cơ hội nào để góp một chút gì tốt đẹp cho cách mạng”[Tri Vũ.tr. 156].
Sau đó là những chuỗi ngày bị Cộng đảng lạnh nhạt rồi trừng phạt ông.
Ông dạy Triết nhưng không được dạy Triết Học Marx, chỉ dạy những đề tài triết vớ vẫn.
Năm 1956, ông làm Chủ nhiệm ban Sử học trường Đại Học Văn Khoa, sau thành Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, và làm công việc dịch thuật các bài của Trường Chinh ra tiếng Pháp.
Ông được gặp Hồ Chí Minh và trình bày vấn đề chiến tranh nhưng bị họ Hồ lạnh nhạt. Ông được họ Hồ khuyên "nên học tập nhân dân", nghĩa là ông chỉ là "cục phân", "phải học tập nhân dân".
Mặc cảm đồng lõa với tội ác hành hạ Trần Đức Thảo, gay gắt, quay cuồng chất vấn, đòi ông “phải tỏ thái độ, phải có lập trường rõ rệt; không thể im lặng a dua đồng loã một cách mù quáng”[26]. Từ giờ phút ấy, Trần Đức Thảo “ý thức rất rõ rằng, lúc này, ở nơi đây, mình sẽ không có một cơ hội nào để góp một chút gì tốt đẹp cho cách mạng”[Tri Vũ.tr. 156].
Trong khoảng 1965 đến 1987, ông không viết tác phẩm nào. Vai trò của ông suy giảm, ông chỉ viết được quyển Tìm Hiểu Nguồn Gốc Ngôn Ngữ và Ý Thức (Investigation into the Origin of Language and Consciousness), quyển này ra đời năm 1973 tại Pháp, viết về chủ nghĩa Marx và ý thức. Trong khoảng 1980, Việt Nam muốn lấy lòng Pháp để xin tiền, họ cho ông trở lại Pháp để chữa bệnh. Tại đây, ông gặp lại nhiều bạn cũ. Ông mất tại Paris ngày 24 tháng 4 năm 1993 , hỏa thiêu tại nghĩa trang Père-Lachaise .Tro cốt ông được đưa về Việt Nam. Phùng Quán viết:
Về đến Hà Nội, vì không gia đình vợ con và không có cơ quan nào và trường đại học nào trước đây triết gia đã từng công tác và giảng dạy nhận về để thờ hoặc quản, nên triết gia phải tạm trú dưới cái gầm cầu thang của nhà tang lễ thành phố 125 phố Phùng Hưng, Hà Nội.
Nguyễn Bân viết: Tới khi người lữ hành vất vả đã đi trọn con đường của mình, lọ tro hài cốt từ bên Pháp gửi về được quản ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, người vợ cũ chẳng hiểu sao bỗng nhớ tới tình xưa nghĩa cũ, khăng khăng kiến nghị đòi đưa lọ tro vào nghĩa trang Mai Dịch, chẳng hiểu do động lòng thương xót hay muốn nhân đó phủ thêm chút hào quang lên nhân cách của mình. Nhưng cái lý do đó có thể tồn tại. Muốn vào Mai Dịch, phải có Huân chương Độc lập hạng Nhất hoặc cao hơn hoặc theo tiêu chuẩn khác, Tang chế chí đã ghi rõ, trong khi đó người lữ hành vất vả chỉ được huân chương độc lập Hạng Ba. Dùng dằng hơn bốn mươi ngày lưu lại ở 125 Phùng Hưng cuối cùng lọ tro đành đưa ra khu A nghĩa trang Văn Điển.!
Khi ông sống, người ta đầy đọa ông. Sau khi ông chết 7 năm, năm 2000, người ta trao giải thưởng cho ông. Đúng là: Khi sống thì chẳng cho ăn/ Đến khi chết mới làm văn tế ruồi! .
Đó là một mai mỉa cho đảng cộng sản, và cũng là một mai mỉa cho ông, một trí thức tài ba chạy theo cộng sản. Tuy nhiên ông là một kẻ sĩ chân chính vì ông có lần đã can đảm lên tiếng đòi hỏi tự do, dân chủ trong một xã hội độc tài và tàn bạo.
Ông đã thẳng thắn phê bình Hồ Chí Minh; HCM chưa ðọc kỹ học thuyết sách vở của Marx, “tư duy sổi nên chưa tiêu hóa ðược”; nhưng lại “ðọc thuộc lòng cuốn “Le Prince” của Machiavel”, cuốn chỉ bày tận dụng mọi thứ ðể người ta sùng bái. “Ông cụ” luôn luôn chứng tỏ một bề ngoài nặng lý trí ðến vô cảm; không thiết tha với gia ðình; không có bạn hữu thân tình. “Ông cụ” rất ghét cánh Tây học. Trong vòng thân cận, chỉ có toàn hầu cận ít học ðược ”ông cụ” ðào tạo ðể phục tùng; rồi sau ðề bạt lên làm lớn. “Ông cụ” làm thơ là “do cuồng vọng chính trị”, là ðể “ca ngợi mình” và “hô hào quyết chiến”. Nhà triết học này còn cho rằng, trên thân phận HCM có một bóng ma quái nó ðè.
Ðó là “ bóng ma ðế quốc bành trướng vô cùng ðộc ðoán, lấn át của Mao.”[...]Đẩy lý luận cho tới tận cùng của trải nghiệm, càng về lâu về dài, càng thấy rõ có ba chọn lựa của “cụ Hồ” mang tính sinh tử: đối với đất nước và dân tộc, bởi nó đã để lại di sản vô cùng trầm trọng, lợỉ bất cập hại. Đó là chọn chủ nghĩa xã hội của Marx để xây dựng chế độ, chọn chiến tranh xoá hiệp định hoà bình để bành trướng xã hội chủ nghĩa và thống nhất đất nước, chọn Mao và đảng cộng sản Trung Quốc làm đồng minh, đồng chí…(Ch.XIII)
Về Marx, ông nhận định: Ta đã trồng cây tư tưởng của Marx, và cho tới nay thì cây đó vẫn cho toàn quả đắng- (Tri Vũ.69)
Không có một thứ lý luận biện chứng nào có thể chứng minh rằng một xã hội đầy đen tối, đầy dối trá, độc ác, quỷ quyệt, đầy hận thù , tranh chấp , đầy chia rẽ và tham nhũng của hôm nay sẽ đẻ ra một thế giới đại đồng chân thật, đoàn kết, thương yêu, tốt đẹp cho nhân loại …tung tích của thủ phạm đưa tới sai lầm cơ bản của cách mạng là : sự thiếu vắng của thực tế hiện tại trong lý luận- (Tri Vũ,207)… hạnh phúc ở nơi không có con quỷ quyền lực và con quỷ chiến tranh nó ám …phải biết rằng chỉ có con quỷ mới kiêu căng, mới vui khi làm khổ, làm nhục con người. ..quỷ ấy là thứ đầu óc đầy ý đồ gian xảo, hung bạo của quyền lực. Quỷ ấy là ý thức đấu tranh giai cấp, là thứ cuồng tín của bạo lực và hận thù - Chính trị và chiến tranh cách mạng là cơ hội thao túng của quỷ (Tri Vũ,.342-344)
Dẫu sao, việc trở về Việt Nam của ông giúp cho nhân dân ta có một nhân chứng Trần Đức Thảo. Việc đầu tiên là ông đươc tham dự cuộc CCRD ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Mặc cảm đồng lõa với tội ác hành hạ Trần Đức Thảo, gay gắt, quay cuồng chất vấn, đòi ông “phải tỏ thái độ, phải có lập trường rõ rệt; không thể im lặng a dua đồng loã một cách mù quáng”[26]. Từ giờ phút ấy, Trần Đức Thảo “ý thức rất rõ rằng, lúc này, ở nơi đây, mình sẽ không có một cơ hội nào để góp một chút gì tốt đẹp cho cách mạng”[Tri Vũ.tr. 156].
Sau đó là những chuỗi ngày bị Cộng đảng lạnh nhạt rồi trừng phạt ông.
Ông dạy Triết nhưng không được dạy Triết Học Marx, chỉ dạy những đề tài triết vớ vẫn.
Năm 1956, ông làm Chủ nhiệm ban Sử học trường Đại Học Văn Khoa, sau thành Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, và làm công việc dịch thuật các bài của Trường Chinh ra tiếng Pháp.
Ông được gặp Hồ Chí Minh và trình bày vấn đề chiến tranh nhưng bị họ Hồ lạnh nhạt. Ông được họ Hồ khuyên "nên học tập nhân dân", nghĩa là ông chỉ là "cục phân", "phải học tập nhân dân".
Ông kết luận về một đời theo Marx, theo Hồ của ông chỉ là đi theo đuôi,
uổng phí thời giờ, chứ chẳng làm được một việc gì có ích cho dân, cho
nước cả!(Ch.9). Ông cảm thấy ông là thẳng ngớ ngẩn… ngu si, đần độn quá (Ch.13), là bù nhìn đứng giữa ruộng dưa”. (IV. 88)
Cùng lúc này, ông tham gia Nhân Văn Giai Phẩm, và bị sa thải năm1958, và bị lao động cải tạo cho đến 1960. Sau đó ông bị tuyệt thông như bao văn nghệ sĩ trong Nhân Văn Giai Phẩm. Con ông chết, vợ ông ôm cầm sang thuyền khác. Ông rất tây, xách va li cho vợ đưa vợ về nhà viện sĩ Nguyễn Khắc Viện. Chuyện vợ chồng bỏ nhau là chuyện thường thế gian, nhưng trong xã hội cộng sản, mang một ý nghĩa khác. Muốn tồn tại, con phải đấu cha, vợ phải tố chồng, hoặc bỏ chồng, bỏ người yêu.
Dẫu sao, việc trở về Việt Nam của ông giúp
cho nhân dân ta có một nhân chứng Trần Đức Thảo. Việc đầu tiên là ông
đươc tham dự cuộc CCRD ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang).Cùng lúc này, ông tham gia Nhân Văn Giai Phẩm, và bị sa thải năm1958, và bị lao động cải tạo cho đến 1960. Sau đó ông bị tuyệt thông như bao văn nghệ sĩ trong Nhân Văn Giai Phẩm. Con ông chết, vợ ông ôm cầm sang thuyền khác. Ông rất tây, xách va li cho vợ đưa vợ về nhà viện sĩ Nguyễn Khắc Viện. Chuyện vợ chồng bỏ nhau là chuyện thường thế gian, nhưng trong xã hội cộng sản, mang một ý nghĩa khác. Muốn tồn tại, con phải đấu cha, vợ phải tố chồng, hoặc bỏ chồng, bỏ người yêu.
Mặc cảm đồng lõa với tội ác hành hạ Trần Đức Thảo, gay gắt, quay cuồng chất vấn, đòi ông “phải tỏ thái độ, phải có lập trường rõ rệt; không thể im lặng a dua đồng loã một cách mù quáng”[26]. Từ giờ phút ấy, Trần Đức Thảo “ý thức rất rõ rằng, lúc này, ở nơi đây, mình sẽ không có một cơ hội nào để góp một chút gì tốt đẹp cho cách mạng”[Tri Vũ.tr. 156].
Trong khoảng 1965 đến 1987, ông không viết tác phẩm nào. Vai trò của ông suy giảm, ông chỉ viết được quyển Tìm Hiểu Nguồn Gốc Ngôn Ngữ và Ý Thức (Investigation into the Origin of Language and Consciousness), quyển này ra đời năm 1973 tại Pháp, viết về chủ nghĩa Marx và ý thức. Trong khoảng 1980, Việt Nam muốn lấy lòng Pháp để xin tiền, họ cho ông trở lại Pháp để chữa bệnh. Tại đây, ông gặp lại nhiều bạn cũ. Ông mất tại Paris ngày 24 tháng 4 năm 1993 , hỏa thiêu tại nghĩa trang Père-Lachaise .Tro cốt ông được đưa về Việt Nam. Phùng Quán viết:
Về đến Hà Nội, vì không gia đình vợ con và không có cơ quan nào và trường đại học nào trước đây triết gia đã từng công tác và giảng dạy nhận về để thờ hoặc quản, nên triết gia phải tạm trú dưới cái gầm cầu thang của nhà tang lễ thành phố 125 phố Phùng Hưng, Hà Nội.
Nguyễn Bân viết: Tới khi người lữ hành vất vả đã đi trọn con đường của mình, lọ tro hài cốt từ bên Pháp gửi về được quản ở nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, người vợ cũ chẳng hiểu sao bỗng nhớ tới tình xưa nghĩa cũ, khăng khăng kiến nghị đòi đưa lọ tro vào nghĩa trang Mai Dịch, chẳng hiểu do động lòng thương xót hay muốn nhân đó phủ thêm chút hào quang lên nhân cách của mình. Nhưng cái lý do đó có thể tồn tại. Muốn vào Mai Dịch, phải có Huân chương Độc lập hạng Nhất hoặc cao hơn hoặc theo tiêu chuẩn khác, Tang chế chí đã ghi rõ, trong khi đó người lữ hành vất vả chỉ được huân chương độc lập Hạng Ba. Dùng dằng hơn bốn mươi ngày lưu lại ở 125 Phùng Hưng cuối cùng lọ tro đành đưa ra khu A nghĩa trang Văn Điển.!
Khi ông sống, người ta đầy đọa ông. Sau khi ông chết 7 năm, năm 2000, người ta trao giải thưởng cho ông. Đúng là: Khi sống thì chẳng cho ăn/ Đến khi chết mới làm văn tế ruồi! .
Đó là một mai mỉa cho đảng cộng sản, và cũng là một mai mỉa cho ông, một trí thức tài ba chạy theo cộng sản. Tuy nhiên ông là một kẻ sĩ chân chính vì ông có lần đã can đảm lên tiếng đòi hỏi tự do, dân chủ trong một xã hội độc tài và tàn bạo.
Ông đã thẳng thắn phê bình Hồ Chí Minh; HCM chưa ðọc kỹ học thuyết sách vở của Marx, “tư duy sổi nên chưa tiêu hóa ðược”; nhưng lại “ðọc thuộc lòng cuốn “Le Prince” của Machiavel”, cuốn chỉ bày tận dụng mọi thứ ðể người ta sùng bái. “Ông cụ” luôn luôn chứng tỏ một bề ngoài nặng lý trí ðến vô cảm; không thiết tha với gia ðình; không có bạn hữu thân tình. “Ông cụ” rất ghét cánh Tây học. Trong vòng thân cận, chỉ có toàn hầu cận ít học ðược ”ông cụ” ðào tạo ðể phục tùng; rồi sau ðề bạt lên làm lớn. “Ông cụ” làm thơ là “do cuồng vọng chính trị”, là ðể “ca ngợi mình” và “hô hào quyết chiến”. Nhà triết học này còn cho rằng, trên thân phận HCM có một bóng ma quái nó ðè.
Ðó là “ bóng ma ðế quốc bành trướng vô cùng ðộc ðoán, lấn át của Mao.”[...]Đẩy lý luận cho tới tận cùng của trải nghiệm, càng về lâu về dài, càng thấy rõ có ba chọn lựa của “cụ Hồ” mang tính sinh tử: đối với đất nước và dân tộc, bởi nó đã để lại di sản vô cùng trầm trọng, lợỉ bất cập hại. Đó là chọn chủ nghĩa xã hội của Marx để xây dựng chế độ, chọn chiến tranh xoá hiệp định hoà bình để bành trướng xã hội chủ nghĩa và thống nhất đất nước, chọn Mao và đảng cộng sản Trung Quốc làm đồng minh, đồng chí…(Ch.XIII)
Về Marx, ông nhận định: Ta đã trồng cây tư tưởng của Marx, và cho tới nay thì cây đó vẫn cho toàn quả đắng- (Tri Vũ.69)
Không có một thứ lý luận biện chứng nào có thể chứng minh rằng một xã hội đầy đen tối, đầy dối trá, độc ác, quỷ quyệt, đầy hận thù , tranh chấp , đầy chia rẽ và tham nhũng của hôm nay sẽ đẻ ra một thế giới đại đồng chân thật, đoàn kết, thương yêu, tốt đẹp cho nhân loại …tung tích của thủ phạm đưa tới sai lầm cơ bản của cách mạng là : sự thiếu vắng của thực tế hiện tại trong lý luận- (Tri Vũ,207)… hạnh phúc ở nơi không có con quỷ quyền lực và con quỷ chiến tranh nó ám …phải biết rằng chỉ có con quỷ mới kiêu căng, mới vui khi làm khổ, làm nhục con người. ..quỷ ấy là thứ đầu óc đầy ý đồ gian xảo, hung bạo của quyền lực. Quỷ ấy là ý thức đấu tranh giai cấp, là thứ cuồng tín của bạo lực và hận thù - Chính trị và chiến tranh cách mạng là cơ hội thao túng của quỷ (Tri Vũ,.342-344)
Năm 1937, ông sang Pháp học tại Đại học Y khoa Paris. Năm 1941, ông tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa và bác sĩ các bệnh nhiệt đới nhưng do Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ nên ông không thể trở về. Trong thời gian này, ông mắc bệnh lao và phải điều trị dài hạn trong trại an dưỡng. Mãi đến năm 1947, ông mới tạm hồi phục và trở lại Paris Tại Pháp, ông nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt Nam
ra thế giới, phản đối chiến tranh của thực dân Pháp và Hoa Kỳ tại Đông
Dương. Ông là người lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp.
Ông thường xuyên viết bài giới thiệu Việt Nam, phê phán chủ nghĩa thực
dân đăng trên các tạp chí vào báo nổi tiếng tại Pari La Pensée (Tư tưởng), Esprit (Tinh thần), Europe (Châu Âu), La nouvelle critique (Phê bình mới), Cahiers du communisme (Tập san cộng sản), L’Observateur (Người quan sát), France nouvelle (Nước Pháp mới), Le monde diplomatique (Thế giới ngoại giao) dưới nhiều bút danh: Nguyễn Nghệ, Nguyễn Kiên... Ông từng là Chủ tịch của Hội người Việt Nam tại Pháp (Union Générale les Vietnamiens en France).
Về nước ông tham gia đảng Cộng sản Việt Nam, sáng lập và chủ biên Tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Etudes Vietnamiennes, Vietnam Studies)
và làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới).
Năm 1984, ông sáng lập và làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý
trẻ em và tâm bệnh lý (trung tâm NT), xuất bản tờ "Thông tin khoa học
tâm lý", đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm trí do hoàn
cảnh. Ngày 10 tháng 5 năm 1997, Nguyễn Khắc Viện qua đời. Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội dành cho những danh nhân có công đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Năm 1997, Nhà nước Việt Nam trao tặng cho ông Huân chương Độc lập hạng nhất.
Ngày 1 tháng 9 năm 2000, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn "Việt Nam, một thiên lịch sử". Tên của ông được đặt cho các đường phố tại Quận 7 thuộc TP Hồ Chí Minh, quận Ngũ Hành Sơn thuộc TP Đà Nẵng, TP Nha Trang, TP Hà Tĩnh.
Ngày 1 tháng 9 năm 2000, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn "Việt Nam, một thiên lịch sử". Tên của ông được đặt cho các đường phố tại Quận 7 thuộc TP Hồ Chí Minh, quận Ngũ Hành Sơn thuộc TP Đà Nẵng, TP Nha Trang, TP Hà Tĩnh.
Nguyễn Khác Viện là con trai của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954) giữ chức Quyền Tổng đốc Thanh Hóa, trong CCRD bị đấu tố mà chết năm 1954.
Cha ông bị Việt cộng giết năm 1954 thế mà năm 1963, ông về nước ông tham gia đảng Cộng sản Việt Nam, cam tâm nhận giặc làm cha.
Ông là kẻ tân tòng mà lại cuồng tín hơn kẻ đạo gốc.Nguyễn Khắc Viện đã gửi lên Duẩn đề cương chống xu hướng tư bản ở miền Nam. Theo
Viện, nó có năm nhân tố thúc đẩy là đế quốc bên ngoài chưa từ bỏ mộng
trở lại, tư sản mại bản trong nước, cán bộ thoái hoá sa đoạ và phần tử
lưu manh....
Ông đâm đầu vào cộng sản tưởng rằng đó là mồi ngon, sẽ đưa ông làm bộ trưởng y tế hoặc bộ trưởng ngoại giao, nhưng ông "cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm" . Cộng sản không thí cho ông cục xương. Về Việt Nam, không ai cho ông chức vụ gì, ngay cả cái ghế bác sĩ là chuyên môn của ông mà cũng không. Ông phải tự biên tự diễn bày ra các chưc vụ cho mình. Cộng sản không cho ông cục xương mà còn trấn lột ông.Tháng 11 năm 1992, Nguyễn Khắc Viện được trao giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp, Việt Cộng định cướp số tiền này ,ông bèn đem cúng phần lớn khoản tiền thưởng 400.000 franc (tương đương 80.000 USD) cho quỹ của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (Trung tâm NT).
Ông là một trí thức mà ăn nói điêu ngoa. Môn hít thở có từ lâu trong đạo Bà La Môn của Ân Độ , sao ông dám bảo do ông sáng tạo. Hơn nữa, môn hít thở cũng như Thiền, Yoga, Tài Chi chỉ là những môn dưỡng sinh không phải là thuốc trị bệnh. Ông tập hít thở mà bệnh lao của ông không bớt, sao ông dám khoe khoang môn hit thở của ông. Đã thế Việt Cộng công kênh ông lên, thổi ống đu đủ cho ông bay lên chín tầng trời. Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc tán dương Nguyễn Khắc Viện học giỏi, bảỏ môn hit thở do Nguyễn Khắc Viện "tìm ra", môn dưỡng sinh của Nguyễn Khắc Viện đã giúp ông ấy sống mạnh khỏe, như người bình thường...
Thế sao cuối đời ông phải tự tử?Ông có lời trối trăng:"Xin để cho tôi ra đi nhẹ nhàng, rút ngắn những ngày nằm dài, không trò chuyện gì được với ai, ăn uống vệ sinh đều phải người phục vụ, sống thêm vài ba ngày chỉ làm khổ cho bản thân, cho vợ con, cho các bạn.( Nguyễn Khăc Phê. Một đôi lời. Trích báo Tuổi trẻ Chủ nhật, Số 19-1997)
Phải chăng ông chán môn dưỡng sinh của ông và chán cộng sản?
Gần cuối đời, con dun Nguyễn Khác Viện muốn làm con sư tử. Ngày 21 tháng 06 năm 1981, Bs Nguyễn Khắc Viện mới cảm thấy đau lòng trước tình hình bi đát của Việt nam , bèn viết một bức thư dài gởi Quốc Hội, đưa ra một số nhận xét và đề nghị thay đổi « Tình hình này không thể kéo dài và đói hỏi có những sự thay đổi quan trọng về nhiếu mặt… Nhứt là đi sâu vào những sai lầm, tìm gốc rể, nên đặt vấn đề tư tưởng : tư tưởng Mao xâm lấn vào Việt nam đến mức nào ? Nay phải gột rửa như thế nào ? Không nên quên rằng năm 1951 đã ghi vào Điều lệ đảng tư tưởng Mao chỉ đường cho chúng ta, không quên rằng tất cả những cách làm ăn, chính huấn, tổ chức, cải cách ruộng đất, v.v… đã do cố vấn Trung quốc sang giúp …. » .
Tố Hữu, cấp trên của Viện, đã phê bình một cách mĩa may thư góp ý của ông là « sớ cải lương », và nói rỏ đối với đảng, Nguyễn Khắc Viện chỉ là một « việt kiều » mà thôi . Sau đó, Vìện bị cách ly và về hưu sớm .
Nghe tin Đảng định đưa nhà thơ Tố Hữu làm thủ tướng chính phủ, ông gặp trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm bầy tỏ ý kiến phản đối.
Đến lúc Gorbachev đưa ra chánh sách cải cách ở Nga, Viện kiến nghị đảng cộng sản việt nam nên tiến hành đổi mới nhịp nhàng theo đản anh .
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 tháng 6 năm 1991, câu lạc bộ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tổ chức buổi nói chuyện về tâm lý trẻ con. Khi săn biết diễn giả là Nguyễn Khắc Viện, lệnh trên truyền xuống phải huỷ bỏ buổi nói chuyện này. Cuối năm đó, khai mạc Phòng khám Tâm lý Trẻ em tại bệnh viện Đống Đa. Đây là Phòng Khám Tâm lý trẻ em đầu tiên ở nước ta. Vô tuyến truyền hình đến quay phim. Nguyễn Khắc Viện là người sáng lập tổ chức, chủ trì buổi lễ và đọc diễn văn giới thiệu ý nghĩa, mục đích việc thành lập cơ sở này. Nhưng, khi phát hình buỗi lễ lên sóng, người ta cắt đi tất cả những đoạn có hình ảnh Nguyễn Khắc Viện.
Rồi Quận uỷ Hoàn Kiếm lôi Nguyễn Khắc Viện ra đấu tố, bắt đứng lên kiểm điểm.Tóm lại, một đời Nguyễn Khắc Viện theo Cộng sản mà chẳng được xơ múi gì!
IV. LÝ CHÁNH TRUNG (1928 - 2016), THÀNH PHẦN THỨ BA VÀ THÂN CỘNG
Sau năm 1975, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội ba khóa VI, VII, VIII.
Được Việt Cộng đưa vào Quốc Hội, ông tưởng là bảnh. Ông cũng như Ngọc Lan, Chân Tín, sớm đầu tối đánh, viết những bài thọc léc Việt Cộng. Về già ông bị bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên cả lối về nhà.
Ông qua đời lúc 5g 50 phút ngày 13 tháng 3 năm 2016 tại nhà riêng Thủ Đức, TP.HCM sau một tháng nằm bệnh với chứng viêm phổi tái phát.
Cuộc hôn phối giữa Việt Cộng và đám thành phần thứ ba Saigon kéo dài chẳng dược bao lâu.
Vào đầu năm 1989, có tin đồn là ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có rày rà, ám chỉ giáo sư Lý Chánh Trung sao đó, ông nói đại ý như: “Có một số người trước đây là đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc, thực dân. Nhưng bây giờ họ lại có lập trường khác, làm cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước của ta v.
Linh mục Chân Tín vốn là Ủy Viên Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và phó chủ tịch Mặt trận thành phố. Vậy mà có lần cỡi xe Lambretta vẫy tay một người bạn, ông nói to: Tôi được giải phóng rồi. Có nghĩa, ông đã bị đuổi ra khỏi Mặt trận. Ông cũng lên tòa giảng yêu cầu đảng phải biết sám hối và cuồi cùng ông bị giam lỏng ở Cần Giờ.
Nguyễn Ngọc Lan với bài viết khi tham quan Hà Nội trên Đứng Dậy, Hà Nội tôi thế đó! nó đã làm tiêu ma sự nghiệp chính trị của ông, báo Đứng Dậy bị đình bản sau đó. Từ đó Nguyễn Ngọc Lan trở thành người viết đối lập với nhà nước cộng sản.
Hồ Ngọc Nhuận ra khỏi Mặt Trận Tổ quốc.
Ông vốn là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, ông đã xin từ chức và viết bài Phá Xiềng để ủng hộ luật sư Lê Hiếu Đằng. Lê Hiếu Đằng cũng là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và nhiều chức chức vụ chỉ có danh khác nữa – tuyền là những chức vụ hờ, chỉ có tiếng – khi ngã bệnh trước khi qua đời đã chính thức tuyên bố trên đài BBC, ngày 5-12-2013: tuyên bố công khai ra khỏi Đảng Cộng sản vì Quốc Hội chỉ là bù nhìn.
Nhưng vào tuổi xế chiều , Vinh quang và quyền lực của đảng cộng sản dành cho ông như chức tước đại biểu quốc hội bù nhìn cũng đã đến lúc trắng tay.
Ông trở thành kẻ hết thời hay thứ dư thừa dưới mắt người cộng sản. Số phận những người theo cộng sản thì phải nhận lấy những hậu quả tương tự.
Cái còn lại như chứng tích duy nhất của nền Đệ Nhất Cộng hòa để lại cho ông là căn nhà của ông ở làng đại học Thủ Đức, số 17 đường Công Lý, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Sài gòn. Chính nơi đây con cái ông lớn lên, được nuôi dưỡng ăn học và nay là cái mái che mưa nắng cho ông lúc tuổi xế chiều.
Sự đãi ngộ ấy có thể ông không bao giờ muốn nhìn nhận, có thể ông chỉ coi như một điều đương nhiên là như thế. Nay được biết ông lại bị bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên cả lối về nhà. Chắc nhiều bạn bè thương cảm và buồn cho ông.
Buồn thì đúng rồi.
Nhưng với tôi, tôi nghĩ nó lại là cơ may, là nguồn hạnh phúc cho riêng ông.
Nếu ông còn trí nhớ, còn biết vui buồn, còn biết phân biệt thị phi nhìn thấy cảnh đất nước rã nát như ngày hôm nay – như trường hợp luật sư Lê Hiếu Đằng – thì có khi đến chết ông cũng không nhắm mắt được.
Mấy tháng trước , Lý Tiến Dũng con trai trưởng của Lý Chánh Trung bị mất chức Tổng biên tập báo Đại Đòan Kết của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Dũng đã đi bộ đội tham gia chiến đấu ở Cambodia trên 20 năm trước và sau này gia nhập ngành báo chí của chánh quyền cộng sản. Nhưng có lẽ cũng muốn làm anh hùng chống đảng, Dũng đã đi ra ngoài con đường do cộng đảng vạch ra, cho nên mới bị lọai bỏ khỏi chức vụ .Phuc bất trùng lai,
Gần đây nhất, cậu con trai út Lý Trung Dũng, sinh năm 1970, phóng viên báo Tuổi Trẻ trước đây bị xe ô tô cán phải nằm liệt giường, hai vợ chồng ông phải tắm rửa cho con trai, Sau nhiều năm chữa trị , câu út đã qua đời ngày 22 tháng 11-2013.
Cuộc sống vắn vỏi ấy kết thúc một cuộc đời-kết thúc cả cuộc đời tuổi trẻ đến phi lý- phải chăng Lý Trung Dũng như một con chiên làm vật hiến tế thay cho bố?
Tin chắc là ông buồn vô kể. Như một phần đời của ông không còn nữa. Tôi còn nhớ, đến thăm ông, tiếng kêu của Dũng ở trong nhà vọng ra ngoài phòng khách, ông làm như thản nhiên tiếp tục nói chuyện.
Khi buổi chiều ra về, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn. Trên tay cầm cuốn:Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình..
Đây là cuốn sách duy nhất được xuất bản sau 1975 của ông, một cuốn sách mà tự nó cho thấy cái hèn kém của một người trí thức thiên tả miền Nam. Bởi vì đó là cuốn sách hoàn toàn sai sự thật, đánh lận con đen và tự bôi nhọ chính mình.
Những Lê Hiếu Đằng, những Hồ Ngọc Nhuận, những Lý Quý Chung, những Nguyễn Hữu Chung cũng đã từng là những con vẹt biết nói tiếng người như thế cả, nhất là những kẻ mang tên Trung, Chung mà bất Trung, bất nghĩa và không chung thủy....
Lý Quý Chung trong một dịp trả lời phỏng vấn của Alain Ruscio nhận xét:
“Như phần đông những người bạn tôi ở đây, tôi đã sống nghiệm trải hai chế độ báo chí..Trước đây chúng tôi đã là những người thợ bửa củi, còn bây giờ, chúng tôi là những người thợ mộc. Thái độ đã hoàn toàn khác. Bây giờ chúng tôi lao mình vào việc xây dựng. Bây giờ tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội hơn cho Việt Nam, cho dân tộc tôi, liên hệ gắn bó với dân tộc, trách nhiệm hơn.”
Hãy cứ hỏi 700 tờ báo hiện nay ở VN họ là thợ bửa củi hay họ là thợ mộc?
Chính vì làm báo kiểu thợ mộc Lý Quý Chung mà khi giáo sư Trần Văn Giàu đến thăm tòa báo Tin Sáng lần đâu tiên đã đưa ra lời nhận xét khen mà mỉa mai như sau:
“Các anh làm báo cộng sản như… Cộng sản.”
Lần sau ông đến khen nhiều hơn:
“Các anh làm báo cộng sản hơn.. cộng sản.”
Lời khen này nếu hiểu ra thì quả thực Trần Văn Giàu quá hiểu cộng sản cũng như quá hiểu những kẻ nịnh cộng sản.
Có nghĩa là các anh nịnh giỏi quá.
Vì thế, Hồ Ngọc Nhuận khi viết cuốn Hồi Ký Đời, đã ghi chú thêm: Chuyện về những người tù của tôi.
Những người tù ở đây là ai? Là Nguyễn Ngọc Lan, là Lê Hiếu Đằng, là Ngô Công Đức, là Dương Văn Ba, là Nguyễn Hữu Hiệp mặc dầu họ chưa đi tù một ngày nào trong chế độ mới.
Nói chung, đọc hết các sách của Lý Chánh Trung như Tìm Về Dân tộc, Tôn Giáo và Dân Tộc, Những Ngày Buồn Nôn. Tôi chỉ thấy những lời nguyền rủa và xưng tụng...
Ông đã tự vẽ chân dung của mình là khi từ Bỉ về nước, ông đã về quê ở Vĩnh Bình và dạy cho một trường học là cơ sở của Cách mạng. Một thời gian ngắn sau ông lên Sài Gòn..Năm 1955, ông từ bỏ Vĩnh Bình- quê ông- và gia nhập vào trong nhóm trí thức công giáo Pax Romana với các quý ông như bs Nguyễn Văn Ái, lm Nguyễn Bình An( qua đời rất sớm vì bệnh cancer) bs Nguyễn Văn Thơ, luật sư Nguyễn Văn Huyền, các giáo sư Phạm Thị Tự, Nguyễn Văn Trung, Phó Bá Long, Trần Long, các chuyên viên như Lâm Võ Hoàng, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Đoản Thanh Liêm, v.v.
Nhóm này đã tổ chức ‘Tuần lễ Hội Học công giáo’ và và cho ra ‘Tủ sách Đạo và Đời’.Đây là giai đoạn hiền lành và trong sáng nhất của một người trí thức như ông. Nó tiêu biểu cho giới trí thức công giáo thành thị mà phần đông du học ở ngoại quốc về.
Sau đó do sáng kiến phần lớn của Nguyễn Đình Đầu để thể hiện tinh thần Công đồng Vatican 2, ông cùng với Nguyễn Văn Trung Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang chủ trương tờ tuần báo Sống Đạo. Trụ sở tờ báo là mượn văn phòng xã hội của linh mục Parrel, trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà thờ Đức Bà.
Lúc bấy giờ,quảng cáo cho tờ báo này, họ đề tờ báo" cạnh tòa Tổng Giám mục" không phải là loè. Sư thật, nhóm này có thế lực mạnh đàng sau. Vị lãnh đạo tối cao có quyền uy về đạo và đời là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Ông đã được cộng sản cho khai thác gỗ, đổi lại ông đưa cộng sản vào dinh Độc Lập. Các linh mục chống cộng khét tiếng nay như Hoàng Quỳnh cũng đưa Việt cộng vào dinh Độc lập và biến Hố Nai thành chiến khu cộng sản.
Ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức, với ba đoàn thể ký giả tham dự là: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại dân tộc làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007.Trong đám ký giả đi ăn mày phần lớn là những chủ bút giàu sụ. LM Thanh Lãng , Phạm Việt Tuyền là Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi của Diệm và Thiệu.LM Thanh Lãng nắm nhiều chức vụ về văn hóa, Ông đã chưởi GS. Nguyễn Đăng Thục thẳng cánh tại hội đồng DHVăn Khoa Saigon vì ông Thục cùng Thượng tọa Quảng Liên,Trần Tuấn Khải, Lê Kim Ngân, Dương Kỵ... ký tên kêu gọi hòa bình. Nhà nước định mời GS Nguyễn Đăng Thục lên đường ra Bắc với đám Dương Kỵ nhưng nhờ vân động mà được ở lại tuy rằng mất chức Khoa Trương. Chuởi ông Thục theo Cộng sản nhưng sau đó LM cởi áo nhà dòng và tich cực theo Cộng sản.
Luật sư Trần Văn Tuyên lãnh tụ Đại Việt, cũng đi ăn mày và cũng đã giao thiệp với Việt Cộng.Sau 1975, ở lại trong khi các con ông vượt biên. Ông hớn hở đi trình diện và kết quả bị Cộng sản xử đẹp trong tù!
Ông Trần Tấn Quốc chống Diệm và thiên Cộng sản. Vợ ông vào mật khu Việt Cộng. Sau 1975, ông không phải đi ăn mày mà phải cung hiến dinh cơ của ông cho Việt Cộng để sang Pháp! Chính thể quốc gia và chính thể cộng sản, chính thể nào đã làm cho ông trắng tay?
Chắc có đọc sớ triệt mầm tư bản của Viện
dâng, Trần Đức Thảo một bữa lẳng lặng đưa tôi một tờ báo Pháp cũ: Anh
xem cái này! Bài báo Viện viết năm 1942-43 ở Paris ca ngợi chủ nghĩa
quốc xã của Hitler. Viện giúp nhiều sinh viên Việt Nam lúc ấy mất học
bổng của Pháp - Pháp đầu hàng Hitler mà - sang học Đức quốc xã. Hitler
có cấp học bổng cho họ không thì tôi không biết.(Đèn Cù II, Ch,II)
“Thư gửi Hoàng Minh Chính, ông viết : "chế độ xã hội chủ nghĩa thì tất nhiên là phải tốt đẹp hơn chế độ tư bản”.(ĐC II,Ch.18)
Ông viết khá nhiều, trong đó có tác phẩm "Bàn về đạo Nho". Như ông phục
vụ bọn cộng sản phản quốc hại dân, giết cha mình, lại còn cướp vợ bạn,
như vậy mà còn mặt mũi nào bàn vể trung hiếu tiết nghĩa!“Thư gửi Hoàng Minh Chính, ông viết : "chế độ xã hội chủ nghĩa thì tất nhiên là phải tốt đẹp hơn chế độ tư bản”.(ĐC II,Ch.18)
Ông đâm đầu vào cộng sản tưởng rằng đó là mồi ngon, sẽ đưa ông làm bộ trưởng y tế hoặc bộ trưởng ngoại giao, nhưng ông "cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm" . Cộng sản không thí cho ông cục xương. Về Việt Nam, không ai cho ông chức vụ gì, ngay cả cái ghế bác sĩ là chuyên môn của ông mà cũng không. Ông phải tự biên tự diễn bày ra các chưc vụ cho mình. Cộng sản không cho ông cục xương mà còn trấn lột ông.Tháng 11 năm 1992, Nguyễn Khắc Viện được trao giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp, Việt Cộng định cướp số tiền này ,ông bèn đem cúng phần lớn khoản tiền thưởng 400.000 franc (tương đương 80.000 USD) cho quỹ của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (Trung tâm NT).
Ông là một trí thức mà ăn nói điêu ngoa. Môn hít thở có từ lâu trong đạo Bà La Môn của Ân Độ , sao ông dám bảo do ông sáng tạo. Hơn nữa, môn hít thở cũng như Thiền, Yoga, Tài Chi chỉ là những môn dưỡng sinh không phải là thuốc trị bệnh. Ông tập hít thở mà bệnh lao của ông không bớt, sao ông dám khoe khoang môn hit thở của ông. Đã thế Việt Cộng công kênh ông lên, thổi ống đu đủ cho ông bay lên chín tầng trời. Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc tán dương Nguyễn Khắc Viện học giỏi, bảỏ môn hit thở do Nguyễn Khắc Viện "tìm ra", môn dưỡng sinh của Nguyễn Khắc Viện đã giúp ông ấy sống mạnh khỏe, như người bình thường...
Thế sao cuối đời ông phải tự tử?Ông có lời trối trăng:"Xin để cho tôi ra đi nhẹ nhàng, rút ngắn những ngày nằm dài, không trò chuyện gì được với ai, ăn uống vệ sinh đều phải người phục vụ, sống thêm vài ba ngày chỉ làm khổ cho bản thân, cho vợ con, cho các bạn.( Nguyễn Khăc Phê. Một đôi lời. Trích báo Tuổi trẻ Chủ nhật, Số 19-1997)
Phải chăng ông chán môn dưỡng sinh của ông và chán cộng sản?
Gần cuối đời, con dun Nguyễn Khác Viện muốn làm con sư tử. Ngày 21 tháng 06 năm 1981, Bs Nguyễn Khắc Viện mới cảm thấy đau lòng trước tình hình bi đát của Việt nam , bèn viết một bức thư dài gởi Quốc Hội, đưa ra một số nhận xét và đề nghị thay đổi « Tình hình này không thể kéo dài và đói hỏi có những sự thay đổi quan trọng về nhiếu mặt… Nhứt là đi sâu vào những sai lầm, tìm gốc rể, nên đặt vấn đề tư tưởng : tư tưởng Mao xâm lấn vào Việt nam đến mức nào ? Nay phải gột rửa như thế nào ? Không nên quên rằng năm 1951 đã ghi vào Điều lệ đảng tư tưởng Mao chỉ đường cho chúng ta, không quên rằng tất cả những cách làm ăn, chính huấn, tổ chức, cải cách ruộng đất, v.v… đã do cố vấn Trung quốc sang giúp …. » .
Tố Hữu, cấp trên của Viện, đã phê bình một cách mĩa may thư góp ý của ông là « sớ cải lương », và nói rỏ đối với đảng, Nguyễn Khắc Viện chỉ là một « việt kiều » mà thôi . Sau đó, Vìện bị cách ly và về hưu sớm .
Nghe tin Đảng định đưa nhà thơ Tố Hữu làm thủ tướng chính phủ, ông gặp trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm bầy tỏ ý kiến phản đối.
Trước Đại hội VI ông đã từng viết một lá thư gửi ông Tố Hữu, đại ý như sau : Trước
kia, tôi rất mến phục tài thơ của anh, tôi thích thú một số bài thơ
của anh và đã dịch những bài đó ra tiếng Pháp đưa ra quốc tế. Nhưng anh
làm lãnh đạo chính trị, đặc biệt về văn hoá văn nghệ, rồi làm phó thủ
tướng, làm kinh tế như thế này, không ai đồng tình, nhiều người oán
trách, anh nên biết rõ. Dịp này anh nên tự nguyện rút lui, đừng ứng cử
vaò Trung ương nữa, trở lại làm nhà thơ, chắc anh sẽ lại được lòng kính
mến tài làm thơ của anh.
Trước đó, Nguyễn Khắc Viện cũng có gởi cho Lê Duẩn một bản đề cương
dâng kế chống xu hướng tư bản hóa ở Miền Nam nhưng không được chiếu cố .Đến lúc Gorbachev đưa ra chánh sách cải cách ở Nga, Viện kiến nghị đảng cộng sản việt nam nên tiến hành đổi mới nhịp nhàng theo đản anh .
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 tháng 6 năm 1991, câu lạc bộ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tổ chức buổi nói chuyện về tâm lý trẻ con. Khi săn biết diễn giả là Nguyễn Khắc Viện, lệnh trên truyền xuống phải huỷ bỏ buổi nói chuyện này. Cuối năm đó, khai mạc Phòng khám Tâm lý Trẻ em tại bệnh viện Đống Đa. Đây là Phòng Khám Tâm lý trẻ em đầu tiên ở nước ta. Vô tuyến truyền hình đến quay phim. Nguyễn Khắc Viện là người sáng lập tổ chức, chủ trì buổi lễ và đọc diễn văn giới thiệu ý nghĩa, mục đích việc thành lập cơ sở này. Nhưng, khi phát hình buỗi lễ lên sóng, người ta cắt đi tất cả những đoạn có hình ảnh Nguyễn Khắc Viện.
Rồi Quận uỷ Hoàn Kiếm lôi Nguyễn Khắc Viện ra đấu tố, bắt đứng lên kiểm điểm.Tóm lại, một đời Nguyễn Khắc Viện theo Cộng sản mà chẳng được xơ múi gì!
IV. LÝ CHÁNH TRUNG (1928 - 2016), THÀNH PHẦN THỨ BA VÀ THÂN CỘNG
Lý Chánh Trung sinh tại Trà Vinh. Ông là một chính khách và nhân sĩ yêu nước. Ông nguyên là Giám đốc Nha Trung học Công Lập của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nguyên là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và Đại biểu Quốc hội ba khóa VI, VII, VIII.
Lý Chánh Trungi mới lấy xong Cử nhân Tâm Lý Học và Cử nhân Chính trị Học, chưa đậu Tiến sĩ, ông về nước.
Ông có người anh là Lý Chánh Đức, làm Giám đốc Nha Học Liệu tại Bộ Quốc
gia Giáo dục, đã xin cho ông vào làm Công Cán Ủy viên của Bộ này. Về
sau, ông được bổ làm Giám đốc Nha Trung học Công Lập rồi Đổng lý văn
phòng Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngoài ra, Lý Chánh Trung cũng được mời dạy
triết học tại các Viện Đại học Huế và Đà Lạt.
Tại Đại Học Huế và Đại học Văn Khoa Saigon, nhiều tay đi Tây về mà chẳng
có bằng cấp gì ráo trọi thế mà cũng được phong giáo sư. Lý Chánh Trung
khá hơn, có bằng cử nhân Tâm Lý học và Chính Trị học, nhưng loại bằng
cấp này sao lại được mời dạy Triết học ở Đại Học Văn Khoa Saigon? Thật
ra ông là loại "đậu lạy quan xin".Một phần ông nhờ Lý Chánh Đưc xin xỏ,
một mặt ông cậy thế Thiên Chúa giáo và đám Nam Kỳ quốc đưa ông lên! Ông
tâng công với Cộng sản bằng các cuốn " Tìm về dân tộc ( 1967) và các
cuốn "Ba Năm Xáo Trộn (1967),Những Ngày Buồn Nôn (1972) để bêu xấu chế
độ Miền Nam.Sau năm 1975, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội ba khóa VI, VII, VIII.
Được Việt Cộng đưa vào Quốc Hội, ông tưởng là bảnh. Ông cũng như Ngọc Lan, Chân Tín, sớm đầu tối đánh, viết những bài thọc léc Việt Cộng. Về già ông bị bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên cả lối về nhà.
Ông qua đời lúc 5g 50 phút ngày 13 tháng 3 năm 2016 tại nhà riêng Thủ Đức, TP.HCM sau một tháng nằm bệnh với chứng viêm phổi tái phát.
Cuộc hôn phối giữa Việt Cộng và đám thành phần thứ ba Saigon kéo dài chẳng dược bao lâu.
Vào đầu năm 1989, có tin đồn là ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có rày rà, ám chỉ giáo sư Lý Chánh Trung sao đó, ông nói đại ý như: “Có một số người trước đây là đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc, thực dân. Nhưng bây giờ họ lại có lập trường khác, làm cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước của ta v.
Linh mục Chân Tín vốn là Ủy Viên Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và phó chủ tịch Mặt trận thành phố. Vậy mà có lần cỡi xe Lambretta vẫy tay một người bạn, ông nói to: Tôi được giải phóng rồi. Có nghĩa, ông đã bị đuổi ra khỏi Mặt trận. Ông cũng lên tòa giảng yêu cầu đảng phải biết sám hối và cuồi cùng ông bị giam lỏng ở Cần Giờ.
Nguyễn Ngọc Lan với bài viết khi tham quan Hà Nội trên Đứng Dậy, Hà Nội tôi thế đó! nó đã làm tiêu ma sự nghiệp chính trị của ông, báo Đứng Dậy bị đình bản sau đó. Từ đó Nguyễn Ngọc Lan trở thành người viết đối lập với nhà nước cộng sản.
Hồ Ngọc Nhuận ra khỏi Mặt Trận Tổ quốc.
Ông vốn là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, ông đã xin từ chức và viết bài Phá Xiềng để ủng hộ luật sư Lê Hiếu Đằng. Lê Hiếu Đằng cũng là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và nhiều chức chức vụ chỉ có danh khác nữa – tuyền là những chức vụ hờ, chỉ có tiếng – khi ngã bệnh trước khi qua đời đã chính thức tuyên bố trên đài BBC, ngày 5-12-2013: tuyên bố công khai ra khỏi Đảng Cộng sản vì Quốc Hội chỉ là bù nhìn.
Và tiếp theo sau đó còn nhiều người đã nối đuôi nhau ra khỏi đảng mà
danh sách mỗi ngày một dài như trường hợp các ông: Ngô Công Đức, Châu
Tâm Luân, v.v.
Đã thế, ngay trong nhóm thiên tả miền Nam, người ta cũng thấy sự chia rẽ, đố kỵ trầm trọng. Lý Chánh Trung kỵ với Nguyễn Ngọc Lan. Giữa bộ ba Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba tưởng là tình thân như ruột thịt. Nhưng trong Hồi ký Những ngã rẽ Dương Văn Ba đã tố cáo Ngô Công Đức, làm báo Tin Sáng sau 1975 bao nhiêu bổng lộc hưởng một mình. Tiền bạc ê hề, ăn chơi cờ bạc, mua nhà mua cửa, bao gái đủ cỡ trong khi anh em tòa soạn sống lây lất. Tình cảnh đó đi đến chỗ mâu thuẫn kiện tụng. Và Đảng nhân cơ hội đó đóng cửa luôn tờ báo vào năm 1981 với lời ghi chú, Tờ báo đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử.
Nhưng xem ra trong số những thành phần thứ ba – trừ những thành phần cắc
ké như dân biểu Kiều Mộng, Nguyễn Chức Sắc, Lê Tấn Trạng, Đinh Xuân
Dũng vv.. có lẽ chỉ còn sót lại một người là Lý Chánh Trung, cố bám trụ,
cố theo đảng tới cùng- mặc dầu, chức vụ cao nhất của ông cũng chỉ là
được cho đắc cử vào một Quốc Hội bù nhìn và sau đó cho nghỉ hưu.Đã thế, ngay trong nhóm thiên tả miền Nam, người ta cũng thấy sự chia rẽ, đố kỵ trầm trọng. Lý Chánh Trung kỵ với Nguyễn Ngọc Lan. Giữa bộ ba Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba tưởng là tình thân như ruột thịt. Nhưng trong Hồi ký Những ngã rẽ Dương Văn Ba đã tố cáo Ngô Công Đức, làm báo Tin Sáng sau 1975 bao nhiêu bổng lộc hưởng một mình. Tiền bạc ê hề, ăn chơi cờ bạc, mua nhà mua cửa, bao gái đủ cỡ trong khi anh em tòa soạn sống lây lất. Tình cảnh đó đi đến chỗ mâu thuẫn kiện tụng. Và Đảng nhân cơ hội đó đóng cửa luôn tờ báo vào năm 1981 với lời ghi chú, Tờ báo đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử.
Nhưng vào tuổi xế chiều , Vinh quang và quyền lực của đảng cộng sản dành cho ông như chức tước đại biểu quốc hội bù nhìn cũng đã đến lúc trắng tay.
Ông trở thành kẻ hết thời hay thứ dư thừa dưới mắt người cộng sản. Số phận những người theo cộng sản thì phải nhận lấy những hậu quả tương tự.
Cái còn lại như chứng tích duy nhất của nền Đệ Nhất Cộng hòa để lại cho ông là căn nhà của ông ở làng đại học Thủ Đức, số 17 đường Công Lý, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Sài gòn. Chính nơi đây con cái ông lớn lên, được nuôi dưỡng ăn học và nay là cái mái che mưa nắng cho ông lúc tuổi xế chiều.
Sự đãi ngộ ấy có thể ông không bao giờ muốn nhìn nhận, có thể ông chỉ coi như một điều đương nhiên là như thế. Nay được biết ông lại bị bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên cả lối về nhà. Chắc nhiều bạn bè thương cảm và buồn cho ông.
Buồn thì đúng rồi.
Nhưng với tôi, tôi nghĩ nó lại là cơ may, là nguồn hạnh phúc cho riêng ông.
Nếu ông còn trí nhớ, còn biết vui buồn, còn biết phân biệt thị phi nhìn thấy cảnh đất nước rã nát như ngày hôm nay – như trường hợp luật sư Lê Hiếu Đằng – thì có khi đến chết ông cũng không nhắm mắt được.
Mấy tháng trước , Lý Tiến Dũng con trai trưởng của Lý Chánh Trung bị mất chức Tổng biên tập báo Đại Đòan Kết của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Dũng đã đi bộ đội tham gia chiến đấu ở Cambodia trên 20 năm trước và sau này gia nhập ngành báo chí của chánh quyền cộng sản. Nhưng có lẽ cũng muốn làm anh hùng chống đảng, Dũng đã đi ra ngoài con đường do cộng đảng vạch ra, cho nên mới bị lọai bỏ khỏi chức vụ .Phuc bất trùng lai,
Gần đây nhất, cậu con trai út Lý Trung Dũng, sinh năm 1970, phóng viên báo Tuổi Trẻ trước đây bị xe ô tô cán phải nằm liệt giường, hai vợ chồng ông phải tắm rửa cho con trai, Sau nhiều năm chữa trị , câu út đã qua đời ngày 22 tháng 11-2013.
Cuộc sống vắn vỏi ấy kết thúc một cuộc đời-kết thúc cả cuộc đời tuổi trẻ đến phi lý- phải chăng Lý Trung Dũng như một con chiên làm vật hiến tế thay cho bố?
Tin chắc là ông buồn vô kể. Như một phần đời của ông không còn nữa. Tôi còn nhớ, đến thăm ông, tiếng kêu của Dũng ở trong nhà vọng ra ngoài phòng khách, ông làm như thản nhiên tiếp tục nói chuyện.
Khi buổi chiều ra về, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn. Trên tay cầm cuốn:Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình..
Đây là cuốn sách duy nhất được xuất bản sau 1975 của ông, một cuốn sách mà tự nó cho thấy cái hèn kém của một người trí thức thiên tả miền Nam. Bởi vì đó là cuốn sách hoàn toàn sai sự thật, đánh lận con đen và tự bôi nhọ chính mình.
Những Lê Hiếu Đằng, những Hồ Ngọc Nhuận, những Lý Quý Chung, những Nguyễn Hữu Chung cũng đã từng là những con vẹt biết nói tiếng người như thế cả, nhất là những kẻ mang tên Trung, Chung mà bất Trung, bất nghĩa và không chung thủy....
Lý Quý Chung trong một dịp trả lời phỏng vấn của Alain Ruscio nhận xét:
“Như phần đông những người bạn tôi ở đây, tôi đã sống nghiệm trải hai chế độ báo chí..Trước đây chúng tôi đã là những người thợ bửa củi, còn bây giờ, chúng tôi là những người thợ mộc. Thái độ đã hoàn toàn khác. Bây giờ chúng tôi lao mình vào việc xây dựng. Bây giờ tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội hơn cho Việt Nam, cho dân tộc tôi, liên hệ gắn bó với dân tộc, trách nhiệm hơn.”
Hãy cứ hỏi 700 tờ báo hiện nay ở VN họ là thợ bửa củi hay họ là thợ mộc?
Chính vì làm báo kiểu thợ mộc Lý Quý Chung mà khi giáo sư Trần Văn Giàu đến thăm tòa báo Tin Sáng lần đâu tiên đã đưa ra lời nhận xét khen mà mỉa mai như sau:
“Các anh làm báo cộng sản như… Cộng sản.”
Lần sau ông đến khen nhiều hơn:
“Các anh làm báo cộng sản hơn.. cộng sản.”
Lời khen này nếu hiểu ra thì quả thực Trần Văn Giàu quá hiểu cộng sản cũng như quá hiểu những kẻ nịnh cộng sản.
Có nghĩa là các anh nịnh giỏi quá.
Vì thế, Hồ Ngọc Nhuận khi viết cuốn Hồi Ký Đời, đã ghi chú thêm: Chuyện về những người tù của tôi.
Những người tù ở đây là ai? Là Nguyễn Ngọc Lan, là Lê Hiếu Đằng, là Ngô Công Đức, là Dương Văn Ba, là Nguyễn Hữu Hiệp mặc dầu họ chưa đi tù một ngày nào trong chế độ mới.
Nói chung, đọc hết các sách của Lý Chánh Trung như Tìm Về Dân tộc, Tôn Giáo và Dân Tộc, Những Ngày Buồn Nôn. Tôi chỉ thấy những lời nguyền rủa và xưng tụng...
Ông đã tự vẽ chân dung của mình là khi từ Bỉ về nước, ông đã về quê ở Vĩnh Bình và dạy cho một trường học là cơ sở của Cách mạng. Một thời gian ngắn sau ông lên Sài Gòn..Năm 1955, ông từ bỏ Vĩnh Bình- quê ông- và gia nhập vào trong nhóm trí thức công giáo Pax Romana với các quý ông như bs Nguyễn Văn Ái, lm Nguyễn Bình An( qua đời rất sớm vì bệnh cancer) bs Nguyễn Văn Thơ, luật sư Nguyễn Văn Huyền, các giáo sư Phạm Thị Tự, Nguyễn Văn Trung, Phó Bá Long, Trần Long, các chuyên viên như Lâm Võ Hoàng, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Đoản Thanh Liêm, v.v.
Nhóm này đã tổ chức ‘Tuần lễ Hội Học công giáo’ và và cho ra ‘Tủ sách Đạo và Đời’.Đây là giai đoạn hiền lành và trong sáng nhất của một người trí thức như ông. Nó tiêu biểu cho giới trí thức công giáo thành thị mà phần đông du học ở ngoại quốc về.
Sau đó do sáng kiến phần lớn của Nguyễn Đình Đầu để thể hiện tinh thần Công đồng Vatican 2, ông cùng với Nguyễn Văn Trung Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang chủ trương tờ tuần báo Sống Đạo. Trụ sở tờ báo là mượn văn phòng xã hội của linh mục Parrel, trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà thờ Đức Bà.
Lúc bấy giờ,quảng cáo cho tờ báo này, họ đề tờ báo" cạnh tòa Tổng Giám mục" không phải là loè. Sư thật, nhóm này có thế lực mạnh đàng sau. Vị lãnh đạo tối cao có quyền uy về đạo và đời là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Ông đã được cộng sản cho khai thác gỗ, đổi lại ông đưa cộng sản vào dinh Độc Lập. Các linh mục chống cộng khét tiếng nay như Hoàng Quỳnh cũng đưa Việt cộng vào dinh Độc lập và biến Hố Nai thành chiến khu cộng sản.
Vào tháng 6-1971, đang lúc tên gián-điệp cộng-sản Vũ Ngọc Nhạ (kẻ được Linh-Mục Hoàng Quỳnh che-chở) bị Việt-Nam Cộng-Hòa cầm tù ở Côn-Đảo, mà Tòa Thánh và Giáo-Hoàng Phaolô VI lại tặng Bằng Khen và Huy Chương “Vì Hòa Bình” cho y.
Năm 1974 ở Sài-gòn, LM Trần Hữu Thanh
cùng với 301 Linh Mục khác ký tuyên ngôn lập Ủy Ban Chống Tham Nhũng,
chống VNCH”. Đám này đông lắm, gồm các Linh-Mục Thanh Lãng, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trần Du, Nguyễn Quang Lãm, Trần Ngọc Nhuận, v.v…“Phong-Trào” được sự tham-gia của các nhân-vật ngoài Kitô-Giáo, như Thượng-Nghị-Sĩ Hoàng Xuân Tửu và Dân-Biểu Nguyễn Văn Kim cùng nhiều DB thuộc Đảng Đại-Việt của Hà Thúc Ký và phía Dương Văn Minh; DB Đặng Văn Tiếp phía Nguyễn Cao Kỳ; DB Nguyễn Văn Cử chống Diệm và phía Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng; DB Vũ Công Minh phía Hòa-Hảo; DB Đỗ Sinh Tứ phía quân-đội; Bác-Sĩ Nguyễn Tuấn Anh; Luật-Sư Đặng Thị Tâm; Nhân-Sĩ Nguyễn Trân; v.v...Trong thời-gian này diễn ra Hội-Nghị Paris (từ 1968 đến 1973), Giáo-Hoàng Phaolô VI đã nhiều lần “nhân đạo” kêu gọi chấm dứt chiến-tranh Việt-Nam.(Điển-hình là Phan Khắc Từ, từ năm 1969 đã đi dự đại-hội Thanh Lao Công Thế-Giới có xu-hướng thân-Cộng được Mạc-Tư-Khoa đỡ đầu, tại Liban. Ở Pháp thì đến hội-ý với Nguyễn Thị Bình, Trưởng Phái-Đoàn thương-thuyết của “Mặt Trận Giải Phóng”; tham-gia đình-công; biểu-tình đòi công-bằng cho giới lao-động; cùng sinh-viên và công-nhân đòi hòa-bình cho Việt-Nam. Sau này về nước thì dính vào Mặt Trận Nhân-Dân Tranh-Thủ Hòa-Bình, Phong Trào Học-Sinh Sinh-Viên Đòi Quyền Sống, Phong-Trào Chống Tăng Học-Phí, Chống Độc-Diễn; đóng vai “linh-mục hốt rác” gây sự chú ý của dư-luận; dùng Nhà-Thờ Vườn Xoài làm nơi chế-tạo bom xăng cho phong-trào đốt xe Mỹ trên đường phố; cùng công-nhân đình-công để gây trở-ngại cho các cuộc hành-quân; tiếp tay CS dựng lên Ủy-Ban Bảo-Vệ Quyền-Lợi Lao-Động Miền Nam; rồi lại giả-danh từ-thiện hoạt-động trong tổ-chức trá-hình của CS là Mặt Trận Nhân Dân Cứu Đói...
Bên cạnh phong trào Kitô hữu, có Nhóm “Sóng Thần” tổ-chức “Ngày Ký-Giả đi Ăn Mày” rồi tiếp theo là “Ngày Công-Lý và Báo-Chí Thọ-Nạn” vào tháng 10-1974.(Lê Xuân Nhuân. TÓM-LƯỢC SỬ-LIỆU
BỨC-TỬ VIỆT-NAM CỘNG-HÒA trong cuốn hồi-ký “Biến-Loạn Miền Trung” )
Ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp liên tịch đã được hội chủ báo tổ chức, với ba đoàn thể ký giả tham dự là: Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại dân tộc làm chủ tịch. Nhiệm vụ trước hết của Ủy ban này là chống lại việc thi hành luật 007.Trong đám ký giả đi ăn mày phần lớn là những chủ bút giàu sụ. LM Thanh Lãng , Phạm Việt Tuyền là Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi của Diệm và Thiệu.LM Thanh Lãng nắm nhiều chức vụ về văn hóa, Ông đã chưởi GS. Nguyễn Đăng Thục thẳng cánh tại hội đồng DHVăn Khoa Saigon vì ông Thục cùng Thượng tọa Quảng Liên,Trần Tuấn Khải, Lê Kim Ngân, Dương Kỵ... ký tên kêu gọi hòa bình. Nhà nước định mời GS Nguyễn Đăng Thục lên đường ra Bắc với đám Dương Kỵ nhưng nhờ vân động mà được ở lại tuy rằng mất chức Khoa Trương. Chuởi ông Thục theo Cộng sản nhưng sau đó LM cởi áo nhà dòng và tich cực theo Cộng sản.
Luật sư Trần Văn Tuyên lãnh tụ Đại Việt, cũng đi ăn mày và cũng đã giao thiệp với Việt Cộng.Sau 1975, ở lại trong khi các con ông vượt biên. Ông hớn hở đi trình diện và kết quả bị Cộng sản xử đẹp trong tù!
Ông Trần Tấn Quốc chống Diệm và thiên Cộng sản. Vợ ông vào mật khu Việt Cộng. Sau 1975, ông không phải đi ăn mày mà phải cung hiến dinh cơ của ông cho Việt Cộng để sang Pháp! Chính thể quốc gia và chính thể cộng sản, chính thể nào đã làm cho ông trắng tay?
Và Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Hai có Cô Khóa Mộng Tuyền. Tháng Bẩy năm 1976 ở Thành Hồ, Mộng Tuyền còn trẻ, đẹp. Ký giả đói, nhưng các em đào cải lương vẫn đông vàng, đông kim cang. Các em như Mộng Tuyền – bận bà ba phin nõn, quần đen, đi guốc – phây phây đến lớp. Các em không đi xế hộp, nhưng các em cũng không đi xế đạp, các em đi học bằng xe xích lô.
Trần Dạ Từ trong bài""Sức Mạnh Thức Tỉnh Từ Chính Thân Xác Người Cầm Bút" nhận định
"Trước 1975, tại Sài Gòn, các nhà báo vui tính, có lần phản đối chính quyền bằng cách xuống đường biểu tình, dưới hình thức ‘ký giả đi ăn mày.’ Sau 30 tháng Tư, ở quê hương, ở hải ngoại, vẫn có anh nhà banh hỏi anh nhà báo: ‘Sao các anh không xuống đường ăn mày nữa đi."
Các nhà văn trên đã chỉ trich đám ký giả đi ăn mày, cho rằng đám này ngu dại! Không phải họ ngu đâu! Họ là những bậc "thông minh nhất nam tử" của miền Nam! Khi Mỹ nói chuyện với Mao và Khrushchev, khi Mỹ cắt bớt rồi cắt hẳn viện trợ cho miền Nam thì họ biết miền Nam sẽ tiêu vong cho nên họ phải trở lưỡi, đầu hàng, thay đổi tư duy! Việt cộng cũng biết thế nên họ quyết tâm chiếm miền Nam, cái "thành phần thứ ba" , hòa hợp hòa giải cùng miền Nam trung lập chỉ là trò chơi của Bắc Việt về tuyên truyền.
Đám Judas và Bồ Đề Đạt Đa nổi lên khắp nơi. Các ông bà tich cực chống Cộng lúc đó trở thành Việt Cộng hay thân cộng. Họ trở mặt ,trở giọng ca tụng Cộng Sản và múa may như những thằng hề cộng sản tha mạng hoặc cũng có thể đưa các ông lên đỉnh vinh quang như thời Pháp thuộc như LM Hoàng Quỳnh, LM. Nguyễn Hữu Thanh, LM. Thanh Lãng, bà BS. Nguyễn Thị Thanh...Còn những Việt Cộng và thân cộng thì khỏi nói nào Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Trần Tấn Quốc, Trần Văn Tuyên, Thế Uyên, Đinh Xuân Dũng, Hồ Ngọc Nhuân, Thich Nhất Hạnh, Ngọc Lan, Chân Tín...
Các bài viết của Lý Chánh Trung trong thời kỳ này đã có những ám ảnh mà chủ yếu đặt nặng vấn đề Công bằng Xã hội – một đề tài quen thuộc và được ông khai thác nhiều lần. Nó phản ánh một phần các tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác Xít trong đó có các vấn đề Cần Lao, vấn đề Vong Thân, vấn đề Bạo động và vấn đề Tranh đấu giai cấp, vấn đề Bóc lột giữa chủ và thợ, v.v.
Những ý tưởng then chốt về công bằng xã hội sẽ là những bước mở đường cho Lý Chánh Trung một ngày không xa đến thực sự với cộng sản.
Nói như thế chỉ là hoàn cảnh đặc biệt dành cho Lý Chánh Trung thôi..
Những sinh viên nào ngồi trên ghế nhà trường đã bước qua cổng trường của
Platon thì không có gì xa lạ với những chủ đề xã hội trên.
Không có điều gì nhất thiết bắt buộc một người trí thức có ý thức thiên tả thì sẽ đi theo cộng sản!
Nhưng ông thừa biết, bọn trí thức Bắc Kỳ công giáo làm hết mọi chuyện: -Từ sáng kiến cũng do họ – tổ chức do họ – phương tiện vật chất do họ tự liệu – viết cũng do họ. Nhưng họ vẫn đẩy ông ra làm người đứng đầu. Sau này cũng thế khi làm tờ Hành Trình, ông vẫn giữ vai trò chủ bút. Nguyễn Văn Trung vai chủ nhiệm.
Việc thì người khác làm, danh xưng thì ông nhận. Điều đó cho thấy yếu tố miền trong nhiều trường hợp trở thành yếu tố căn bản cho mọi hoạt động chính trị, văn hóa và cả tôn giáo.
Lý Chánh Trung đã thừa hưởng một cách tự nhiên các điều kiện thuận lợi ấy của một người trí thức gốc miền Nam. Và nhóm trí thức nàycũng đã tổ chức được một tuần lễ Hội học xã hội dưới nhan đề: Lương tâm công giáo và công bằng xã hội vào năm 1963, do nhóm Trí thức công giáo Sài Gòn.
Ông viết như thế mà nhiều người không thù oán ông và chính thể của nền
Đệ Nhị Công Hòa cũng để ông yên. Ông vẫn được làm Đổng lý Văn phòng Bộ
Giáo Dục. Đi làm vẫn có tài xế đưa đón.Không có điều gì nhất thiết bắt buộc một người trí thức có ý thức thiên tả thì sẽ đi theo cộng sản!
Nhưng ông thừa biết, bọn trí thức Bắc Kỳ công giáo làm hết mọi chuyện: -Từ sáng kiến cũng do họ – tổ chức do họ – phương tiện vật chất do họ tự liệu – viết cũng do họ. Nhưng họ vẫn đẩy ông ra làm người đứng đầu. Sau này cũng thế khi làm tờ Hành Trình, ông vẫn giữ vai trò chủ bút. Nguyễn Văn Trung vai chủ nhiệm.
Việc thì người khác làm, danh xưng thì ông nhận. Điều đó cho thấy yếu tố miền trong nhiều trường hợp trở thành yếu tố căn bản cho mọi hoạt động chính trị, văn hóa và cả tôn giáo.
Lý Chánh Trung đã thừa hưởng một cách tự nhiên các điều kiện thuận lợi ấy của một người trí thức gốc miền Nam. Và nhóm trí thức nàycũng đã tổ chức được một tuần lễ Hội học xã hội dưới nhan đề: Lương tâm công giáo và công bằng xã hội vào năm 1963, do nhóm Trí thức công giáo Sài Gòn.
Ông ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu. Hoặc ông rập khuôn cái tinh thần: Nắng được lúc nào thì cứ nắng như trong một bài viết của cụ Phan Khôi chăng?
Nhưng người cộng sản đọc thì đánh giá ông là người cộng sản không có thẻ đảng. Một lời khen hay một lời cảnh cáo?( Nguyễn Văn Lục .Thân phận dư thừa của một người trí thức thiên tả, thành phần thứ ba)
Tóm lại, tại Saigon nhiều trí thức nổi lên chống chế độ.Nào Lý Quý
Chung, Nguyễn Văn Trung Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang,Lê Hiếu Đằng,
Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Hiệp, Hồ Ngọc Nhuận, Thế
Uyên....Cơ sở của họ là Trình Bày, Thái Độ. Bọn họ được Việt Cộng hoan
hô một thời nhưng chỉ một mình Lý Chánh Trung là đạt đỉnh cao danh vọng
là Dân biểu quốc hội Việt Cộng. Hồi tôi học tập chính trị ở Đại Học Văn
Khoa thì LM Thanh Lãng vẫn áo chùng đen, cánh tay đeo băng đỏ, đi ngoài
hành lang với vẻ "hồ hởi phấn khởi" nhưng it lâu ban ban quân quản
trường cho biết họ đã trả các nhà tu hành về các tôn giáo!
Lý Chánh Trung là tổ trưởng, tổ phó là Lưu Tất Khôn, nay ở California , với Nguyễn Trọng Văn và Lê Tử Thành là nòng cốt! GS Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần 70 tuổi xin nghỉ hưu. Giản Chi trên 70 họ bảo nghỉ đi nhưng ông xin học tập thêm để biểu diễn nhân nghĩa của cổ nhân như ông và Nguyễn Hiến Lê đã viết ! Ông sáng chiều xúm xít chầu chực quanh Lý Chánh Trung để mong được tiếp tục dạy ở Văn Khoa! Cuối khóa tổng kết, Lý Chánh Trung nói một số học viên có tinh thần chống đối! Chống đối nghĩa là phản động, tội phải đi học tập cải tạo mút mùa! Nghe ông nói mà chúng tôi ớn lạnh! May thay chúng tôi chỉ bị kết tội là CIA và sa thải chứ không bị đi Cổng Trời hoặc nhập ngục thất Phan Đặng Lưu ngoại trừ Sơn Hồng Đưc có liên quan tới An ninh Tổng thống phủ.!
Lý Chánh Trung là tổ trưởng, tổ phó là Lưu Tất Khôn, nay ở California , với Nguyễn Trọng Văn và Lê Tử Thành là nòng cốt! GS Nghiêm Toản, Nguyễn Duy Cần 70 tuổi xin nghỉ hưu. Giản Chi trên 70 họ bảo nghỉ đi nhưng ông xin học tập thêm để biểu diễn nhân nghĩa của cổ nhân như ông và Nguyễn Hiến Lê đã viết ! Ông sáng chiều xúm xít chầu chực quanh Lý Chánh Trung để mong được tiếp tục dạy ở Văn Khoa! Cuối khóa tổng kết, Lý Chánh Trung nói một số học viên có tinh thần chống đối! Chống đối nghĩa là phản động, tội phải đi học tập cải tạo mút mùa! Nghe ông nói mà chúng tôi ớn lạnh! May thay chúng tôi chỉ bị kết tội là CIA và sa thải chứ không bị đi Cổng Trời hoặc nhập ngục thất Phan Đặng Lưu ngoại trừ Sơn Hồng Đưc có liên quan tới An ninh Tổng thống phủ.!
Bây giờ bọn họ tan tác, còn Lý Chánh Trung thì đã đi thăm các cụ Mac ,
Lê. Nguyễn Đình Đầu vẫn sống khoẻ không đến nỗi khốn khổ như Lý Chánh
Trung.Vừa rồi ông viết quyển sách về Trương Vĩnh Ký và bị thâu hồi.Ông
kêu trời kêu đất! Té ra sống thân phận nô bộc mà ông tưởng là công thần,
muốn viết sao thì viết ư?
Chuyện đáng buồn cười là Thế Uyên (1935-2013) , cháu Nhất Linh, đã rút gan ruột viết "Nghĩ trong một xã hội tan rã" (Thái Độ xuất bản, 1967, tái bản 1969) chỉ trich miền Nam. Ông cũng như bao văn nghệ sĩ khác như Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc,Thu Tứ.. . truoc khi về với cộng sản phải phê và tự phê, nghĩa là phải chửi Quốc gia, chửi cha chửi mẹ! Một số sau 1975, Thế Uyên, Trần Văn Sơn, Đinh Xuân Dũng, Trần Thuc Linh...cuối cùng kẻ chạy sang Mỹ, người sang Pháp, chẳng ai ở lại hưởng thành quả tranh đấu của họ!
Tóm lại, người tu hành nếu cứ ở trong nhà chùa, nhà thờ chuyên lo thờ
cúngvà cầu nguyện thì đáng kính còn nhảy vào địa hạt chính trị nếu không
thành những thằng hề thĩ là những con quỷ mặt người!Chuyện đáng buồn cười là Thế Uyên (1935-2013) , cháu Nhất Linh, đã rút gan ruột viết "Nghĩ trong một xã hội tan rã" (Thái Độ xuất bản, 1967, tái bản 1969) chỉ trich miền Nam. Ông cũng như bao văn nghệ sĩ khác như Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc,Thu Tứ.. . truoc khi về với cộng sản phải phê và tự phê, nghĩa là phải chửi Quốc gia, chửi cha chửi mẹ! Một số sau 1975, Thế Uyên, Trần Văn Sơn, Đinh Xuân Dũng, Trần Thuc Linh...cuối cùng kẻ chạy sang Mỹ, người sang Pháp, chẳng ai ở lại hưởng thành quả tranh đấu của họ!
Còn những trí thức chạy theo cộng sản thì được gì? Xem gương Lý Chánh Trung, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Hữu Chung, Lê Hiếu Đằng... thì rõ!
Các ông trí thức, sĩ quan và tín đồ các tôn giáo sau 1975 có tỉnh ngộ
không?Thich Nhât Hạnh chơi với ma bị mà rút ruột. Công lao của Hoàng
Quỳnh, Trần Hữu Thanh, Nguyễn Thị Thanh đã đổ xuống sông xuống biển khi
Hoàng Quỳnh, Nguyễn Thi Thanh bị tù và các ông bà đua nhau từ bỏ Thiên
Đường Công sản là nơi họ đã ra công "nẳm mùng chống muỗi! Một số ra hải
ngoại làm gián điệp, viết báo chống Mỹ ca tụng Trung cộng, và kêu gọi
hòa hợp hòa giải! Sao họ không ở lại với cộng sản ?
V. ĐÁM VIỆT CỘNG VÀ THÂN CỘNG HUẾ
1.TRỊNH CỘNG SƠN (1939- 2001)
Ông quê ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông theo học các trường Lycée Français và Providence ở Huế, sau vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lycée Jean Jacques Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây.
Theo ông cho biết, ông sáng tác bài Sương đêm và Sao chiều vào năm 17 tuổi. Nhưng tác phẩm được công bố đầu tiên của ông là Ướt mi, do nhà xuất bản An Phú in năm 1959 và qua giọng ca Thanh Thúy.
Năm 1961 vì muốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự (trốn lính) nên ông thi và theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến hơn, từ khi ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê đơn sơ dựng trên bãi đất cỏ sau Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn do nhóm sinh viên mang tên Khai Hóa trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương, từ cuối năm 1966. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly.
Một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản năm 1970 như "Diễm xưa" (do Khánh Ly biểu diễn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt), "Ca dao Mẹ", "Ngủ đi con". Riêng bài Ngủ đi con đã phát hành trên hai triệu đĩa nhựa. Vì lời lẽ trong nhiều bài hát của ông có tính chất phản chiến, nhà cầm quyền Việt Nam Cộng hòa đã cấm lưu hành vài tác phẩm của ông. Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng", nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến bị cả hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa cấm lưu hành. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng không tán thành thái độ phản chiến của ông về chiến tranh, vốn mang tính "chủ hòa, ủy mị", làm nản lòng những người đang đấu tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước. Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng", Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì có những người phê phán ông vì coi ông là "thiếu lập trường chính trị" có những người cực đoan đòi sau khi tiến về Sài Gòn sẽ "xử tử" ông.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn" (bài hát kêu gọi và nói về ước mơ thống nhất dân tộc hai miền Nam Bắc mà ông viết từ năm 1968 nhưng chưa từng công bố cho tới thời điểm đó, nay được ông công bố để kỷ niệm sự kiện trọng đại mà ông mong chờ đã lâu. Cũng chính ông là người trưa ngày 30/4 đã đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam
Theo BBC, sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình ông di cư sang Mỹ và ông phải đi học tập cải tạo trong 4 năm. Theo Nguyễn Đắc Xuân, thời gian đầu sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, “Đối với lãnh đạo thì không có vấn đề gì, nhưng có nhiều "anh em phong trào" ở Sài Gòn không thích quan điểm lập trường chung chung của Trịnh Công Sơn trước đây", ông trở về Huế và "thời gian đó một số phần tử quá khích theo phong trào "Hồng vệ binh" của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa đã kích động sinh viên treo một tấm banderole to tướng mang dòng chữ xanh rờn: "Hạ bệ Phạm Duy - Hoàng Thi Thơ và Trịnh Công Sơn" trước trường Đại học Sư phạm Huế" và "tiếp theo là cuộc tọa đàm luận tội "Trịnh Công Sơn có công hay có tội" tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Hôm ấy có cả Trần Hoàn, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc và vài người nữa. Có người lên án, nhưng cũng có người bảo vệ. “Tội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ông đã làm nhạc phản chiến một cách chung chung, không phân biệt được chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng dân tộc trong bài “Gia tài của mẹ” với câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Thậm chí ông còn làm nhạc ca ngợi địch trong bài “Cho một người nằm” xuống thương tiếc đại tá không quân Sài Gòn Lưu Kim Cương tử trận – người đã từng cưu mang ông. . Hồi ấy, những bản kiểm điểm nói không đúng vấn đề thường phải viết lại. Trịnh Công Sơn chưa quen lối sinh hoạt này nên rất chán chường..
Những năm sau 1975, sau thời gian học tập chính trị, ông làm việc tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Sóng nhạc. Từ đầu thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, lúc đầu một số sáng tác ông gởi qua cho Khánh Ly và chỉ phát hành tại hải ngoại. Khi bắt đầu được phép lưu hành nhạc trong nước, ông có viết một số bài có nội dung ca ngợi những chủ trương của chế độ mới như Thành phố mùa xuân, Ngọn lửa Maxcova, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ... Sau đó nhà nước Việt Nam đã nới lỏng quản lý văn nghệ, ông lại tiếp tục đóng góp nhiều bản tình ca có giá trị.
Cuối đời, ông bị bệnh gan, thận và tiểu đường. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng sáng tác những ca khúc mới trong những năm cuối đời mình.
Ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh tiểu đường lúc 12giờ45 ngày 1 tháng 4 năm 2001 (tức ngày 8 tháng 3 năm Tân Tỵ), hàng ngàn người đã đến viếng tang và "có thể nói, chưa có nhạc sĩ nào mất đi lại được công chúng thương tiếc như Trịnh Công Sơn".[25] Ông được an táng tại Nghĩa trang chùa Quảng Bình (phường Bình Chiểu - quận Thủ Đức. Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy ngày này làm ngày tưởng niệm.
Suốt đời, Trịnh Công Sơn yêu nhiều nhưng không chính thức kết hôn với ai, và cũng chưa chính thức công nhận là có con.
Mối tình đầu, thực chất chỉ là 1 tình bạn đẹp của ông là với ca sĩ Khánh Ly, rồi sau đó với một cô gái Nhật Bản làm luận án tiến sĩ về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Hai người cũng đã tiến xa đến một kế hoạch đám cưới nhưng rồi cũng không thành vì anh Sơn không chấp nhận một vài nguyên tắc của gia đình người Nhật đưa ra khi anh về làm rể. Và Dao Ánh (người trong mộng của ông từ năm 1964 đến năm 1967; em ruột của bà Ngô Vũ Bích Diễm. Đây chính là "bóng hồng" trong nhạc phẩm "Diễm xưa". Trước khi yêu Dao Ánh, Trịnh Công Sơn từng dành tình cảm với cô chị gái Bích Diễm nhưng tình cảm ấy không thành.
Mối tình thứ tư của ông là với ca sĩ Hồng Nhung, và mối tình thứ năm của ông là với VA..., khi ông mất VA là một trong số các người thân ở bên cạnh ông .
Những năm cuối cùng của cuộc đời, niềm say mê lớn nhất, Trịnh Công Sơn gần như dành hết cho ca sĩ Hồng Nhung mà theo ông là "Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai!"... Với Hồng Nhung, tâm hồn Trịnh gần như trẻ lại, khiến bước chân ông trở nên bối rối, ngập ngừng với buổi hẹn ban đầu.
Một người khác cũng từ Hà Nội kể lại tình cảm của cô dành cho Trịnh Công Sơn và của Trịnh dành cho cô lần đầu gặp mặt: "Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá... già!"
Ban Mai có viết " Trịnh Công Sơn ,Vết chân dã Tràng. Thật vậy, ông là con Dã Tràng xe cát biển Đông. (Wikipedia)
Một bài viết của Trịnh Cung làm chấn động dư luận. Trong bài mang tựa "Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị" ở trang mạng Damau, ông Trịnh Cung cáo buộc "rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm Trịnh Công Sơn" thời kỳ sau 1975.
Phần lớn bạn bè và nhà phân tích cho rằng Trịnh Công Sơn là con người phi chính trị, nhưng Trịnh Cung lại viết nhạc sĩ đã từng có lúc nghĩ đến việc xin vào Đảng Cộng sản.
Ông Trịnh Cung nói ông đã khuyên can, nhưng "không phải nhờ sự phân tích ấy mà Trịnh Công Sơn không trở thành đảng viên Đảng CSVN, mà bởi sự ngăn cản của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người giữ vai trò chính trị của Hội Âm Nhạc TP. HCM".
"Một là tài năng, có thể gọi là thiên tài âm nhạc, nhưng còn một con người mà ta vẽ vời là thiền sư, trong sáng thì ở đây, tôi muốn mô tả một thời kỳ xuống dốc của người bạn ấy."
Theo ông Trịnh Cung, giai đoạn trước và sau 1975 chứng kiến hai con người khác nhau của nhạc sĩ.
"Không phải do anh muốn, mà do thời cuộc đã đẩy anh vào một cuộc sống không đẹp như trước 75. Dù là trước 75, anh đấu tranh cho ai, tôi vẫn thấy đó là thời gian sống rất đẹp, khác hoàn toàn giai đoạn sau này."
"Cuộc sống của anh sau 75 là của một người yếu đuối, chấp nhận để được vui. Sau khi được ông Võ Văn Kiệt nâng đỡ, đưa anh quay lại Sài Gòn, từ đó anh xem mình có chỗ dựa. Mà ngay cả trước 75, có những người bạn ở phía đối nghịch cộng sản nhưng quý tài của anh, đã giúp anh nhiều."
http://www.bbc.com/vietnamese/culture/2009/04/090404_trinhcongson_controversy.shtml
Nhiều người yêu mến Trịnh Công Sơn, nhất là bà Trịnh Vĩnh Trinh cải chánh cái tin Trịnh Cộng Sơn có tham vọng chính trị. Họ phủ nhận Trịnh Cung nhưng không có lời biện hộ rõ rệt. Mà tham vọng chính trị thì có gì xấu? Trong chế độ quân chủ, nhiều người cố học hành thi đỗ để làm quan. Trong chế độ hiện tại, ai cũng cố học đại học để kiếm mảnh bằng nuôi thân. Và các chính trị gia đổ xô ra ứng cử. Tất cả đều có tham vọng chính trị, mà có sao đâu! Miễn là đừng phản quốc, hại dân, tham ô nhũng lạm, chà đạp pháp luật và luân lý là được!
Hoạ sĩ Bửu Chỉ (đã mất) đã viết: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả” (Trích bài viết: “Về Trịnh Công Sơn và Những Ca Khúc Phản Chiến Của Anh”, in trong Trịnh Công Sơn, Cuộc Đời, Âm Nhạc, Thơ, Hội Hoạ & Suy Tưởng do Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn ấn hành năm 2005)?
Sự thực có đúng như câu khẳng định chắc nịch ở trên của ông Hoàng Tá Thích và hoạ sĩ quá cố Bửu Chỉ? Chắc chắn là sai 100% rồi nếu như Trịnh Công Sơn không là tác giả của 3 tập nhạc phản chiến (Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời), và cũng chưa từng tham gia vào Phong trào Đấu tranh Đô thị của Thanh niên Sinh viên Học sinh để chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà chính cuốn sách của Hoàng Tá Thích và bài viết của Bửu Chỉ vừa nhắc đến ở trên đã có nhiều tiết lộ. Mặt khác, trong bài viết “Có Nghe Ra Điều Gì” Trịnh Công Sơn gửi cho bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều năm 1973 có đoạn như sau: “…Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn, nhưng khi đã lỡ nhận chịu những cảm tình nồng hậu từ đám đông, thì những tình cảm kia phải được đền bồi…”. Và trong thư TCS gửi cho Ngô Kha – người bạn cùng chí hướng chính trị và cũng là người em rể, đồng thời là lãnh tụ của Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức này đã bị Công An Huế bắt (1972-1974) – chúng ta sẽ dễ nhận ra ý thức làm chính trị chống chế độ Sài Gòn của Trịnh Công Sơn. Nhất là trong đoạn Lê Khắc Cầm nói về mối quan hệ giữa TCS và tổ chức cơ sở thành uỷ Huế do Lê Khắc Cầm bí mật phụ trách trước 1975 như thế nào, thì không thể nói là TCS không có toan tính chính trị như nhận định của hoạ sĩ Bửu Chỉ
Trước khi nêu thêm những dẫn cứ quan trọng hơn để chúng ta có cái nhìn
rõ hơn về thái độ chính trị của TCS thời chiến tranh VN, và cũng nhằm
cung cấp thêm tư liệu để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào
hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS, tác giả xin kể một kỷ
niệm với Ngô Kha và vì sao Ngô Kha lấy tên cho lực lượng đấu tranh của
mình là Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức.[...] . Ngay cả tại “túp lều cỏ”
Tuyệt Tình Cốc ở Huế, nơi mà nhà văn Thế Uyên trong một bài viết của anh
có tên “Cuộc Hành Trình Làm Người Việt Nam Qua Trịnh Công Sơn” đã tự
bạch anh từng đến dự những cuộc họp bàn về đấu tranh chính trị do nhóm
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn
đứng ra tổ chức, tôi cũng chưa bao giờ đặt chân đến đó và thậm chí
không hề biết có những việc như thế.
Đơn giản vì tôi rời Huế vào sống ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật năm 1962, mối quan hệ giữa tôi và họ chỉ là một tình bạn văn nghệ thuần tuý. Để thối thác lời đề nghị ghê gớm này của Ngô Kha, tôi dừng lại trong bóng đêm bên này cầu Kiệu và nói với anh:”Ông thấy con mình vừa đầy năm, bà xã còn quá trẻ và yếu đuối, làm sao mình bỏ nhà đi vào căn cứ với bạn được. Hơn nữa mình không đồng ý cách giết người của họ ở Huế hôm Tết Mậu Thân… thôi chúc bạn lên đường may mắn!”. Thế nhưng, sự việc sau đó lại đưa Ngô Kha đến một hoàn cảnh khác. Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm.[...]. Nguyễn Đắc Xuân tiết lộ và đã xác nhận lại với tác giả bài viết này như sau: “Vào đêm ngày 29-5-1966, trên đường Trần Bình Trọng-Đà Lạt, Trần Trọng Thức (nhà báo), Nguyễn Ngọc Lan (linh mục, đã chết), Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước và người đưa ra sự chọn lựa rất quyết đoán và hợp ý với 3 bạn đồng hành với mình: “Không có con đường nào khác cho anh em mình ngoài Mặt trận Giải Phóng Miền Nam!”.
Vậy là đã quá rõ về khuynh hướng chính trị của Trịnh Công Sơn![...].Những ngày trước 30-4-75, Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người thân cộng thì hí hửng, người quốc gia thì lo âu và tìm đường bỏ nước. Mọi thứ sinh hoạt đều tê liệt, tôi nằm trong số người chịu trận, bế tắc, no way out. Trong thời điểm tinh thần sa sút này, tôi thường ghé qua nhà TCS để tìm một thông tin tốt lành vì anh có nhiều mối quan hệ, nhưng cũng không được gì vì TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh lên thay Thiệu-Kỳ, em trai TCS là đại uý Trịnh Quang Hà sẽ được giao làm Cảnh sát Trưởng quận 2 (nay là quận 1).
Thế là xong, TCS sẽ tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân GP đang bao vây Sài Gòn và doạ sẽ tắm máu Sài Gòn nếu VNCH không buông súng.[...].Thế nhưng, TCS và người em không có tên trong thành phần chính phủ Dương Văn Minh khi các hệ thống thông tin quốc gia công bố ngày 27-4-75 và cũng không có tên kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống trong vai đệ nhất Phó Thủ Tướng – người bạn chính trị không lộ diện của TCS từ trước sự kiện Tết Mậu Thân 1968, một cố vấn chính trị, một công trình sư cho sự nghiệp chính trị của TCS, đã vận động cho TCS vào chính phủ này như là đại diện của phe Phật giáo. Và với kết quả này, nhà hoạt đầu chính trị trẻ tuổi Nguyễn Hữu Đống đã phải rời khỏi nhà TCS ngay sau đó, sau khi đã ăn ở trong nhà TCS nhiều tháng trước như một người em rể.
Sau này, trong thời Lý Quí Chung còn sống, tôi có hỏi về sự việc này. Với tư cách là một Bộ trưởng Thông Tin và người rất thân cận với tướng Dương Văn Minh, Lý Quí Chung đã xác nhận: không hề có một đề cử nào cho TCS và Nguyễn Hữu Đống vào chính phủ Dương Văn Minh cả. TCS và gia đình đã bị Nguyễn Hữu Đống lừa rồi! Và từ đó TCS đã coi Nguyễn Hữu Đống là kẻ ghê tởm.
(Trịnh CungTrịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị)
Đơn giản vì tôi rời Huế vào sống ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật năm 1962, mối quan hệ giữa tôi và họ chỉ là một tình bạn văn nghệ thuần tuý. Để thối thác lời đề nghị ghê gớm này của Ngô Kha, tôi dừng lại trong bóng đêm bên này cầu Kiệu và nói với anh:”Ông thấy con mình vừa đầy năm, bà xã còn quá trẻ và yếu đuối, làm sao mình bỏ nhà đi vào căn cứ với bạn được. Hơn nữa mình không đồng ý cách giết người của họ ở Huế hôm Tết Mậu Thân… thôi chúc bạn lên đường may mắn!”. Thế nhưng, sự việc sau đó lại đưa Ngô Kha đến một hoàn cảnh khác. Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm.[...]. Nguyễn Đắc Xuân tiết lộ và đã xác nhận lại với tác giả bài viết này như sau: “Vào đêm ngày 29-5-1966, trên đường Trần Bình Trọng-Đà Lạt, Trần Trọng Thức (nhà báo), Nguyễn Ngọc Lan (linh mục, đã chết), Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước và người đưa ra sự chọn lựa rất quyết đoán và hợp ý với 3 bạn đồng hành với mình: “Không có con đường nào khác cho anh em mình ngoài Mặt trận Giải Phóng Miền Nam!”.
Vậy là đã quá rõ về khuynh hướng chính trị của Trịnh Công Sơn![...].Những ngày trước 30-4-75, Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người thân cộng thì hí hửng, người quốc gia thì lo âu và tìm đường bỏ nước. Mọi thứ sinh hoạt đều tê liệt, tôi nằm trong số người chịu trận, bế tắc, no way out. Trong thời điểm tinh thần sa sút này, tôi thường ghé qua nhà TCS để tìm một thông tin tốt lành vì anh có nhiều mối quan hệ, nhưng cũng không được gì vì TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh lên thay Thiệu-Kỳ, em trai TCS là đại uý Trịnh Quang Hà sẽ được giao làm Cảnh sát Trưởng quận 2 (nay là quận 1).
Thế là xong, TCS sẽ tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân GP đang bao vây Sài Gòn và doạ sẽ tắm máu Sài Gòn nếu VNCH không buông súng.[...].Thế nhưng, TCS và người em không có tên trong thành phần chính phủ Dương Văn Minh khi các hệ thống thông tin quốc gia công bố ngày 27-4-75 và cũng không có tên kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống trong vai đệ nhất Phó Thủ Tướng – người bạn chính trị không lộ diện của TCS từ trước sự kiện Tết Mậu Thân 1968, một cố vấn chính trị, một công trình sư cho sự nghiệp chính trị của TCS, đã vận động cho TCS vào chính phủ này như là đại diện của phe Phật giáo. Và với kết quả này, nhà hoạt đầu chính trị trẻ tuổi Nguyễn Hữu Đống đã phải rời khỏi nhà TCS ngay sau đó, sau khi đã ăn ở trong nhà TCS nhiều tháng trước như một người em rể.
Sau này, trong thời Lý Quí Chung còn sống, tôi có hỏi về sự việc này. Với tư cách là một Bộ trưởng Thông Tin và người rất thân cận với tướng Dương Văn Minh, Lý Quí Chung đã xác nhận: không hề có một đề cử nào cho TCS và Nguyễn Hữu Đống vào chính phủ Dương Văn Minh cả. TCS và gia đình đã bị Nguyễn Hữu Đống lừa rồi! Và từ đó TCS đã coi Nguyễn Hữu Đống là kẻ ghê tởm.
(Trịnh CungTrịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị)
Nhiều người oán ghét Trịnh Cung về tội làm lộ bộ mặt nham nhở của thần
tượng họ.Theo tôi nghĩ, vấn đề chính là Trịnh Công Sơn có theo Cộng sản
hay không. Nếu theo cộng sản tất có ý thưc chính trị và tham vọng nọ
kia.! Ở đời ai chẳng tham danh! Tham danh có gì là xấu! Từ tham danh đi
đến gian dối, phản quốc hại dân, hành động vô liêm sỉ thì mới đáng
khinh. Trịnh Công Sơn cùng đám Trần Trọng Thức , Nguyễn Ngọc Lan ,
Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Hữu Đống...cùng theo Việt
Cộng thì đâu có phải là nhà tu hành! Bọn họ theo cộng sản tất là một bọn
khát máu, khát tiền tài, danh vọng. Lãnh tụ thì thich ngồi lì, kéo cả
vợ con, anh em bất tài vào xí phần. Cái truyền thống đó tất nhiên sẽ
sinh ra tranh giành, chém giết, đâu có nhân nghĩa đến phần Trịnh Công
Sơn. Thành thử bênh vực một vài tên trong bọn cướp là hành động vô
nghĩa.
Xét cho kỹ, trường hợp Trinh Công Sơn là nạn nhân giữa hai lằn đạn.
Người quốc gia kết tội Trinh Công Sơn là hữu lý vì Bắc Việt cũng cấm
nhạc phản chiến. Nhưng của đáng tội, TCS theo cộng sản lại bị cộng sản
đọa đầy! Họ kết tội TCS:
– Thiếu minh bạch trong suy nghĩ về chiến tranh VN và tính hai mặt trong quan hệ xã hội. – Không ở trong một đường dây của tổ chức và chịu sự lãnh đạo của tổ chức đó.
– Không dám thoát ly đi theo MTGPMN.
Nếu không có Võ Văn Kiệt, TCS sẽ ra sao? Khi Trần Hoàn, Tô Nhuận Vỹ,
Nguyễn Khoa Điềm lập tòa án xử TCS, mấy ai là bạn bè của TCS dám lên
tiếng bênh vực? Ở trong cái xứ mà con cái phải tố cha mẹ thì việc bênh
vực bạn bè thật sự đã tuyệt chủng! Trịnh Cung nói sau 1975,TCS trở nên
yêu đuối. Ông ta không tự tử là may khi thấy các đồng chí anh em của ông
đời xử tử hoặc bỏ tù ông! TCS khôn ngoan và biết cúi mình khi viết Thành phố mùa xuân, Ngọn lửa Maxcova, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ...Và ông cũng giỏi đóng kịch khi lớn tiếng cười reo:
Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui”!Thật vậy, đời ông còn gì nữa đâu!
Người ta lo Trịnh Công Sơn phẫn chí sẽ tự tử. Ông cũng tự tử nhưng bằng một cách khác. Sáng hay chiều, TCS ngồi nhậu rượu Ararat, một loại cô-nhắc Nga (sau “đổi mới” chuyển qua rượu chát đỏ của Pháp, và sau cùng là Whisky Chivas).Rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm TCS được nguỵ danh dưới khẩu hiệu "Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui"
Người ta lo Trịnh Công Sơn phẫn chí sẽ tự tử. Ông cũng tự tử nhưng bằng một cách khác. Sáng hay chiều, TCS ngồi nhậu rượu Ararat, một loại cô-nhắc Nga (sau “đổi mới” chuyển qua rượu chát đỏ của Pháp, và sau cùng là Whisky Chivas).Rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm TCS được nguỵ danh dưới khẩu hiệu "Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui"
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim !
Mỗi ngày một niềm vui chính là mỗi ngày một liều thuốc độc nhỏ!
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim !
Mỗi ngày một niềm vui chính là mỗi ngày một liều thuốc độc nhỏ!
Tôi nghĩ TCS là kẻ lạc đường, đất nước không cần những kẻ theo Cộng sản
như ông. Ban Mai phê phán rất đúng trong bài " Trịnh Công Sơn ,Vết chân
dã Tràng. Thật vậy, ông là con Dã Tràng xe cát biển Đông. (Wikipedia)
2. HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Ông cùng Nguyễn Đắc Xuân, và em ông, Hoàng Phủ Ngọc Phan là những nhận vật nổi cộm trong vụ tết mậu thân (1968). Thế mà, theo Ngô Minh, từ nhiều năm qua, chính quyền cũng không mấy mặn mà với anh (Ngô Minh. Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường.Tạp chí Sông Hương - Số 231- tháng 5). Và Bảng Đỏ (Dân Làm Báo) cũng nhận định:" Sau năm 1975, cũng như nhiều nhân vật đi theo ‘mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam’, Hoàng Phủ Ngọc Tường gần như bị chế độ CSVN loại bỏ. Đến năm 1987 thì ông này lại làm đơn xin gia nhập đảng.Trong bài phỏng vấn, ông Tường nói rằng đã ‘thôi sinh hoạt đảng’ 3 năm sau đó – tức năm 1990, nhưng không có giấy tờ chính thức."
Ông đã được Cộng sản khen ngơi vì ông đã lập nhiều thành tich.Lúc này Hoàng Phủ là giáo sư dạy môn siêu hình học ở Trường Quốc Học Huế. Anh có viết báo làm thơ và làm chủ bút một số tờ báo của lực lượng học sinh sinh viên đấu tranh, nhưng về văn học thì chưa có tác phẩm nào nổi tiếng. Cùng tham gia “xuống đường” đấu tranh với HPNT lúc đó có Hoàng Phủ Ngọc Phan (em trai), Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Trần Quang Long, giáo sư Lê Văn Hảo, Phương Thảo v.v. Năm 1966, HPNT “lên xanh” làm cán bộ, rồi viết báo ở Ban Tuyến Huấn Thành uỷ Huế, chẳng có chức vụ gì cả. Trong “Tổng tấn công” Tết Mậu Thân 1968, trong khi chiến trận đang hồi ác liệt tại Huế, thì một tổ chức mới ra đời gọi là Liên Minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Thành phố Huế (gọi tắt là Liên Minh Huế) ra đời. Hoàng Phủ Ngọc Tường, là Tổng thư ký, giáo sư Lê Văn Hảo, chủ tịch, bà Nguyễn Đình Chi và Hoà thượng Thích Đôn Hậu là phó chủ tịch. Người ta kết tội HPNT, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân là “đồ tể giết 2000 người Huế trong Tết Mậu Thân”, “thủ phạm chính của cuộc tàn sát”, “các hung thần can dự tới bữa tiệc máu” v.v
Ông và đồng bọn phủ nhận rằng ông là thường dân nên không cầm súng, và trong tết mậu thân, ông không ở Huế. Lý luận này quá ư trẻ con vì ông không ở Huế nhưng có thể ở Thừa Thiên, ở khu an toàn của bộ chỉ huy, ông không cầm súng nhưng dắt súng trong quần áo, ai biết được!
Đài VOA đã cho ta những chi tiết về bàn tay đẫm máu của Hoàng Phủ Ngọc Tường và đồng bọn:
Việc chứng minh Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt ở Huế và đã có xử án nhiều người thì nhiều nguồn đã nhắc đến. Những tài liệu chính:
1/ Năm 1981 khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình WGBH cho loạt phóng sự về cuộc chiến Việt Nam đã qua, ông Tường thừa nhận đã có mặt tại Huế vào thời điểm Tết Mậu Thân.
2/ Trong tác phẩm Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca (Nxb Việt Báo. 2008), Nguyễn Đắc Xuân cũng xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt tại Huế ở khu Gia Hội trong Tết Mậu Thân, với các nhân vật Đắc là Nguyễn Đắc Xuân, Phủ là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngọc là Hoàng Phủ Ngọc Phan. (tr. 226)
3/ Sách Huế Thảm sát Mậu Thân của Liên Thành (Nxb Ủy ban Truy tố Tội ác Đảng Cộng sản Việt Nam. 2011) ghi lại sự kiện tác giả, lúc còn là cấp chỉ huy cảnh sát đặc biệt ở Huế, bắt được Hoàng Kim Loan, một cán bộ cộng sản nội thành hoạt động tại Huế vào tháng 5/1972 và Loan đã khai rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế chủ tịch toà án nhân dân ở trường Gia Hội cùng với 2 thành ủy viên là Phan Nam, Hoàng Lanh cũng như Hoàng Kim Loan đã có mặt ở đó. (tr. 215)
4/ Sách The Viet Cong massacre at Hue của Alje Vennema (Nxb Vantage. 1976) ghi nhận những nơi có tòa án nhân dân là ở chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa. Bên trường Gia Hội do Nguyễn Đắc Xuân (tr. 94).
Sự kiện Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đoá và Nguyễn Thị Đoan Trinh có mặt tại Huế dịp Tết Mậu Thân thì không có gì tranh cãi vì đã có rất nhiều tài liệu nói lên điều đó và họ không phủ nhận.
Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường, sau khi trả lời truyền hình Mỹ là ông có mặt ở Huế vào Tết Mậu Thân, đến năm 1997 ông lại phủ nhận chuyện đó khi trả lời phóng viên Thụy Khuê của đài RFI. Bài phỏng vấn được in lại trong sách Giải khăn sô cho Huế có câu hỏi liên quan đến sự kiện đó như sau:
TK: Như vậy thì anh đã làm gì trong thời gian Tết Mậu Thân? Anh ở đâu? Anh làm những chức vụ gì?
HPNT: Có một tổ chức chính trị của các lực lượng đấu tranh của phong trào Huế ra đời trong bối cảnh xuân Mậu Thân, ấy là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế, do anh Lê Văn Hảo làm Chủ tịch, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi làm Phó chủ tịch. Với tư cách Tổng thư ký, tôi luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên để làm công tác chính trị của Liên Minh, tuyệt nhiên không dính líu gì đến chuyện nhúng tay vào máu ở Huế. Trụ sở chiến dịch của Liên Minh là một địa đạo Trường Sơn, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Trụ sở này, đã được mô tả đầy đủ trên báo Lao Động, ở trong nước cách đây hai tháng. (tr. 604)
Tập sách Huế Xuân 68 (Nxb Thành ủy Huế. 1988) là nguồn tài liệu qua nhiều bài bút ký chiến tranh ở Huế Tết Mậu Thân của những người đã trực tiếp tổ chức và tham gia vào cuộc tổng tấn công như Thượng tướng Trần Văn Quang, Thiếu tướng Lê Chưởng, Lê Minh, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đình Chi, Lê Thị Mai v.v…
Sách do Nguyễn Huy Ngọc chịu trách nhiệm xuất bản và ban biên tập gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, và Nguyễn Đắc Xuân.
Bài “Bước ngoặt vào xuân” của Lê Cảnh Trân là sĩ quan bí thư của tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế Phan Văn Khoa và là một cán bộ nằm vùng, có đoạn viết:
“Theo các nguồn tin từ xa qua đài Tiếng nói Việt Nam, đài Phát thanh Giải phóng…. Bao nhiêu gương mặt quen thuộc, thân yêu cũng đã đến với tôi: Thượng tọa Thích Đôn Hậu trụ trì chùa Thiên Mụ, giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường từng giảng văn học cho tôi, giáo sư Lê Văn Hảo, bà Tùng Chi, rồi Nguyễn Đắc Xuân người bạn trong phong trào trước đây, rồi Đoan Trinh, con gái cụ Nguyễn Đoá, từng là đoàn sinh gia đình Phạt tử của tôi. Nhiều, nhiều người lắm… cùng xuất hiện trên một trận tuyến giải phóng thành phố Huế.” (tr. 332)
Giáo sư Lê Văn Hảo qua bài “Bước ngoặt của đời tôi” ghi lại sự kiện ông rời thành lên núi, tức vào chiến khu, từ hôm 25 tháng Chạp, đi theo một cô giao liên tên Gái dẫn đường. Tối 29 tháng Chạp ông gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường, cùng với Hoàng Phương Thảo và Nguyễn Đức Hân. Sáng 30 Tết ông tham khảo với Tường để sửa chữa lời kêu gọi của ủy ban liên minh các tổ chức để trưa hôm đó ghi âm. Ông và Thảo, Hân cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường theo dự kiến sẽ xuống núi sau vài ngày. (tr. 240)
Sau khi tổng tấn công nổ ra ông Hảo ghi lại như sau:
“Đến ngày 15 tháng 2 thì Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế ra mắt đồng bào cố đô. Tôi được cử làm chủ tịch, anh Hoàng Phương Thảo, chị Nguyễn Đình Chi làm phó chủ tịch. Cũng trong những ngày Huế giải phóng, trên đường phố tại nhiều địa điểm có loa phóng thanh đã vang lên Lời Kêu gọi của Ủy ban Liên Minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam…” (tr. 242)
Sự kiện Lê Văn Hảo đã có mặt ở Huế ngày 15-2-1968 và theo lời Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời Thụy Khuê là ông “luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên” thì điều đó chứng minh ông Tường đã xuống núi cùng với giáo sư Lê Văn Hảo và Hoàng Phương Thảo và lúc đó cũng đang có mặt ở Huế cùng với Hoà thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi là những người đứng đầu Liên minh.
Cũng theo bài viết của Lê Văn Hảo, khoảng nửa tháng sau khi Huế được giải phóng, nhiều người rời thành phố ra vùng giải phóng tham gia cách mạng có Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Nguyễn Đình Chi (tên thật là Đào Thị Xuân Yến), Nguyễn Đoá, Tôn Thất Dương Tiềm. (tr. 244)
Bà Nguyễn Đình Chi trong bút ký “Thoát Ly” kể rằng ngày 9-2-1968, lúc bà còn ở Huế, thì Hoàng Phương Thảo đã gặp bà để bàn về việc gia nhập Liên minh và ủy ban nhân dân cách mạng và bà đã đồng ý.
Sau đó bà thoát ly lên núi, vào một nơi dành cho các vị trong ủy ban nhân dân và liên minh thì “gặp ngay những nhân sĩ trí thức Huế đã lên trước tôi chẳng hạn như bác Nguyễn Đoá, anh Tôn Thất Dương Tiềm, anh Lê Văn Hảo, anh Thành, anh Hoàng Lê (tức Hoàng Phương Thảo)…” (tr. 252). Hôm đó là ngày 18-2-1968.
Khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 ở chiến khu bà Chi bị sốt rét và có Lê Văn Hảo cùng Thuyết, bí danh của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ghé thăm. Đó là lời bà Chi kể lại trong bút ký.
Qua những tài liệu trên, có thể suy ra rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt ở Huế trong khoảng thời gian từ tuần đầu đến giữa tháng 2/68. Vì sau đợt tấn công đầu tiên chiếm được Huế, bộ đội cộng sản không giữ được và quần chúng không nổi dậy, cũng như tại nhiều tỉnh thành khác lúc bấy giờ, nên bộ chỉ huy bắt đầu tính đến kế hoạch rút lui sau các đợt phản kích bắt đầu một tuần sau đó của lính Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Sau 26 ngày chiếm Huế thì bộ đội cộng sản hoàn toàn rút khỏi.
Trong giao tranh nhiều người bị tử thương vì bom đạn hai bên. Chết vì bị tấn công nhầm, vì bom lửa như đã được ghi lại trong nhiều sách, tài liệu.
Nhưng còn hàng nghìn cái chết của những người đã ra đầu hàng, những người bị đập vỡ sọ, bị trói tay thành từng nhóm, bị nhét giẻ vào miệng trước khi bị đẩy xuống hố, xuống mương chôn sống. Đó là thảm sát.
https://www.voatiengviet.com/a/hoang-phu-ngoc-tuong-co-o-hue-tet-mau-than/3058946.html
2. HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Ông cùng Nguyễn Đắc Xuân, và em ông, Hoàng Phủ Ngọc Phan là những nhận vật nổi cộm trong vụ tết mậu thân (1968). Thế mà, theo Ngô Minh, từ nhiều năm qua, chính quyền cũng không mấy mặn mà với anh (Ngô Minh. Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường.Tạp chí Sông Hương - Số 231- tháng 5). Và Bảng Đỏ (Dân Làm Báo) cũng nhận định:" Sau năm 1975, cũng như nhiều nhân vật đi theo ‘mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam’, Hoàng Phủ Ngọc Tường gần như bị chế độ CSVN loại bỏ. Đến năm 1987 thì ông này lại làm đơn xin gia nhập đảng.Trong bài phỏng vấn, ông Tường nói rằng đã ‘thôi sinh hoạt đảng’ 3 năm sau đó – tức năm 1990, nhưng không có giấy tờ chính thức."
Ông đã được Cộng sản khen ngơi vì ông đã lập nhiều thành tich.Lúc này Hoàng Phủ là giáo sư dạy môn siêu hình học ở Trường Quốc Học Huế. Anh có viết báo làm thơ và làm chủ bút một số tờ báo của lực lượng học sinh sinh viên đấu tranh, nhưng về văn học thì chưa có tác phẩm nào nổi tiếng. Cùng tham gia “xuống đường” đấu tranh với HPNT lúc đó có Hoàng Phủ Ngọc Phan (em trai), Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Trần Quang Long, giáo sư Lê Văn Hảo, Phương Thảo v.v. Năm 1966, HPNT “lên xanh” làm cán bộ, rồi viết báo ở Ban Tuyến Huấn Thành uỷ Huế, chẳng có chức vụ gì cả. Trong “Tổng tấn công” Tết Mậu Thân 1968, trong khi chiến trận đang hồi ác liệt tại Huế, thì một tổ chức mới ra đời gọi là Liên Minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Thành phố Huế (gọi tắt là Liên Minh Huế) ra đời. Hoàng Phủ Ngọc Tường, là Tổng thư ký, giáo sư Lê Văn Hảo, chủ tịch, bà Nguyễn Đình Chi và Hoà thượng Thích Đôn Hậu là phó chủ tịch. Người ta kết tội HPNT, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân là “đồ tể giết 2000 người Huế trong Tết Mậu Thân”, “thủ phạm chính của cuộc tàn sát”, “các hung thần can dự tới bữa tiệc máu” v.v
Ông và đồng bọn phủ nhận rằng ông là thường dân nên không cầm súng, và trong tết mậu thân, ông không ở Huế. Lý luận này quá ư trẻ con vì ông không ở Huế nhưng có thể ở Thừa Thiên, ở khu an toàn của bộ chỉ huy, ông không cầm súng nhưng dắt súng trong quần áo, ai biết được!
Đài VOA đã cho ta những chi tiết về bàn tay đẫm máu của Hoàng Phủ Ngọc Tường và đồng bọn:
Việc chứng minh Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt ở Huế và đã có xử án nhiều người thì nhiều nguồn đã nhắc đến. Những tài liệu chính:
1/ Năm 1981 khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình WGBH cho loạt phóng sự về cuộc chiến Việt Nam đã qua, ông Tường thừa nhận đã có mặt tại Huế vào thời điểm Tết Mậu Thân.
2/ Trong tác phẩm Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca (Nxb Việt Báo. 2008), Nguyễn Đắc Xuân cũng xác nhận Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt tại Huế ở khu Gia Hội trong Tết Mậu Thân, với các nhân vật Đắc là Nguyễn Đắc Xuân, Phủ là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngọc là Hoàng Phủ Ngọc Phan. (tr. 226)
3/ Sách Huế Thảm sát Mậu Thân của Liên Thành (Nxb Ủy ban Truy tố Tội ác Đảng Cộng sản Việt Nam. 2011) ghi lại sự kiện tác giả, lúc còn là cấp chỉ huy cảnh sát đặc biệt ở Huế, bắt được Hoàng Kim Loan, một cán bộ cộng sản nội thành hoạt động tại Huế vào tháng 5/1972 và Loan đã khai rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi ghế chủ tịch toà án nhân dân ở trường Gia Hội cùng với 2 thành ủy viên là Phan Nam, Hoàng Lanh cũng như Hoàng Kim Loan đã có mặt ở đó. (tr. 215)
4/ Sách The Viet Cong massacre at Hue của Alje Vennema (Nxb Vantage. 1976) ghi nhận những nơi có tòa án nhân dân là ở chủng viện do Hoàng Phủ Ngọc Tường chủ tọa. Bên trường Gia Hội do Nguyễn Đắc Xuân (tr. 94).
Sự kiện Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đoá và Nguyễn Thị Đoan Trinh có mặt tại Huế dịp Tết Mậu Thân thì không có gì tranh cãi vì đã có rất nhiều tài liệu nói lên điều đó và họ không phủ nhận.
Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường, sau khi trả lời truyền hình Mỹ là ông có mặt ở Huế vào Tết Mậu Thân, đến năm 1997 ông lại phủ nhận chuyện đó khi trả lời phóng viên Thụy Khuê của đài RFI. Bài phỏng vấn được in lại trong sách Giải khăn sô cho Huế có câu hỏi liên quan đến sự kiện đó như sau:
TK: Như vậy thì anh đã làm gì trong thời gian Tết Mậu Thân? Anh ở đâu? Anh làm những chức vụ gì?
HPNT: Có một tổ chức chính trị của các lực lượng đấu tranh của phong trào Huế ra đời trong bối cảnh xuân Mậu Thân, ấy là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế, do anh Lê Văn Hảo làm Chủ tịch, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi làm Phó chủ tịch. Với tư cách Tổng thư ký, tôi luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên để làm công tác chính trị của Liên Minh, tuyệt nhiên không dính líu gì đến chuyện nhúng tay vào máu ở Huế. Trụ sở chiến dịch của Liên Minh là một địa đạo Trường Sơn, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Trụ sở này, đã được mô tả đầy đủ trên báo Lao Động, ở trong nước cách đây hai tháng. (tr. 604)
Tập sách Huế Xuân 68 (Nxb Thành ủy Huế. 1988) là nguồn tài liệu qua nhiều bài bút ký chiến tranh ở Huế Tết Mậu Thân của những người đã trực tiếp tổ chức và tham gia vào cuộc tổng tấn công như Thượng tướng Trần Văn Quang, Thiếu tướng Lê Chưởng, Lê Minh, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đình Chi, Lê Thị Mai v.v…
Sách do Nguyễn Huy Ngọc chịu trách nhiệm xuất bản và ban biên tập gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, và Nguyễn Đắc Xuân.
Bài “Bước ngoặt vào xuân” của Lê Cảnh Trân là sĩ quan bí thư của tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế Phan Văn Khoa và là một cán bộ nằm vùng, có đoạn viết:
“Theo các nguồn tin từ xa qua đài Tiếng nói Việt Nam, đài Phát thanh Giải phóng…. Bao nhiêu gương mặt quen thuộc, thân yêu cũng đã đến với tôi: Thượng tọa Thích Đôn Hậu trụ trì chùa Thiên Mụ, giáo sư Hoàng Phủ Ngọc Tường từng giảng văn học cho tôi, giáo sư Lê Văn Hảo, bà Tùng Chi, rồi Nguyễn Đắc Xuân người bạn trong phong trào trước đây, rồi Đoan Trinh, con gái cụ Nguyễn Đoá, từng là đoàn sinh gia đình Phạt tử của tôi. Nhiều, nhiều người lắm… cùng xuất hiện trên một trận tuyến giải phóng thành phố Huế.” (tr. 332)
Giáo sư Lê Văn Hảo qua bài “Bước ngoặt của đời tôi” ghi lại sự kiện ông rời thành lên núi, tức vào chiến khu, từ hôm 25 tháng Chạp, đi theo một cô giao liên tên Gái dẫn đường. Tối 29 tháng Chạp ông gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường, cùng với Hoàng Phương Thảo và Nguyễn Đức Hân. Sáng 30 Tết ông tham khảo với Tường để sửa chữa lời kêu gọi của ủy ban liên minh các tổ chức để trưa hôm đó ghi âm. Ông và Thảo, Hân cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường theo dự kiến sẽ xuống núi sau vài ngày. (tr. 240)
Sau khi tổng tấn công nổ ra ông Hảo ghi lại như sau:
“Đến ngày 15 tháng 2 thì Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế ra mắt đồng bào cố đô. Tôi được cử làm chủ tịch, anh Hoàng Phương Thảo, chị Nguyễn Đình Chi làm phó chủ tịch. Cũng trong những ngày Huế giải phóng, trên đường phố tại nhiều địa điểm có loa phóng thanh đã vang lên Lời Kêu gọi của Ủy ban Liên Minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam…” (tr. 242)
Sự kiện Lê Văn Hảo đã có mặt ở Huế ngày 15-2-1968 và theo lời Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời Thụy Khuê là ông “luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên” thì điều đó chứng minh ông Tường đã xuống núi cùng với giáo sư Lê Văn Hảo và Hoàng Phương Thảo và lúc đó cũng đang có mặt ở Huế cùng với Hoà thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi là những người đứng đầu Liên minh.
Cũng theo bài viết của Lê Văn Hảo, khoảng nửa tháng sau khi Huế được giải phóng, nhiều người rời thành phố ra vùng giải phóng tham gia cách mạng có Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Nguyễn Đình Chi (tên thật là Đào Thị Xuân Yến), Nguyễn Đoá, Tôn Thất Dương Tiềm. (tr. 244)
Bà Nguyễn Đình Chi trong bút ký “Thoát Ly” kể rằng ngày 9-2-1968, lúc bà còn ở Huế, thì Hoàng Phương Thảo đã gặp bà để bàn về việc gia nhập Liên minh và ủy ban nhân dân cách mạng và bà đã đồng ý.
Sau đó bà thoát ly lên núi, vào một nơi dành cho các vị trong ủy ban nhân dân và liên minh thì “gặp ngay những nhân sĩ trí thức Huế đã lên trước tôi chẳng hạn như bác Nguyễn Đoá, anh Tôn Thất Dương Tiềm, anh Lê Văn Hảo, anh Thành, anh Hoàng Lê (tức Hoàng Phương Thảo)…” (tr. 252). Hôm đó là ngày 18-2-1968.
Khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 ở chiến khu bà Chi bị sốt rét và có Lê Văn Hảo cùng Thuyết, bí danh của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ghé thăm. Đó là lời bà Chi kể lại trong bút ký.
Qua những tài liệu trên, có thể suy ra rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường có mặt ở Huế trong khoảng thời gian từ tuần đầu đến giữa tháng 2/68. Vì sau đợt tấn công đầu tiên chiếm được Huế, bộ đội cộng sản không giữ được và quần chúng không nổi dậy, cũng như tại nhiều tỉnh thành khác lúc bấy giờ, nên bộ chỉ huy bắt đầu tính đến kế hoạch rút lui sau các đợt phản kích bắt đầu một tuần sau đó của lính Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Sau 26 ngày chiếm Huế thì bộ đội cộng sản hoàn toàn rút khỏi.
Trong giao tranh nhiều người bị tử thương vì bom đạn hai bên. Chết vì bị tấn công nhầm, vì bom lửa như đã được ghi lại trong nhiều sách, tài liệu.
Nhưng còn hàng nghìn cái chết của những người đã ra đầu hàng, những người bị đập vỡ sọ, bị trói tay thành từng nhóm, bị nhét giẻ vào miệng trước khi bị đẩy xuống hố, xuống mương chôn sống. Đó là thảm sát.
https://www.voatiengviet.com/a/hoang-phu-ngoc-tuong-co-o-hue-tet-mau-than/3058946.html
VI. ĐÁM MẶT TRẬN GIẢI PHÓNG
Cộng sản là một lũ tàn ác và lưu manh xảo trá.Ký hiệp định Genève thì chúng liền chuẩn bị chiến tranh.
-Một số tập kết ra Băc nhưng một số ở lại với đạn được, vũ khí.
-Làm đưởng Trường Sơn đưa quân đội, vũ khí vào Nam.
Trong Bắt Trẻ Đồng Xanh (1958 ), Võ Phiến viết về sự cghuẩn bị chiến tranh của Việt Cộng:
— Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở Miền Nam;
— Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại: có hạng được bố trí
để len lỏi vào các cơ quan quốc gia, có hạng trở về cuộc sống thường dân
chờ thời cơ, có hạng đổi vùng để hoạt động, có hạng vừa lẩn trốn vừa
bám lấy địa phương để hoạt động v.v…
— Địa chủ, phú nông, trót bị ngược đãi tù tội, đều được tha thứ, giải
thích, dỗ dành để xóa bỏ hận thù. Những thành phần không dỗ dành được
thì họ thủ tiêu, vì xét nguy hiểm đối với tính mạng những cán bộ nằm
vùng của họ;
— Tập kết theo nguyên tắc: Đưa ra Bắc hạng trai trẻ có thể làm việc đắc
lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả năng; bỏ lại trong Nam
hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố ý gây phân ly
chia cách, làm thế nào để mỗi gia đình đều có kẻ đi người ở;
— Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập kết ra Bắc và dân
chúng Miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho
hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy
nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.
Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu
chú bác v.v… là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập kết và gây
liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội tuyến
cho chúng.
Trần Đĩnh cũng nói lên sự gian manh của Việt Cộng trong hiệp định Geneve.
Sau hiệp định Genève, thế giới tố cáo các ông cài người ở lại phá hoại thì các ông chửi là vu cáo bỉ ối và lời các ông hay dùng nhất lúc ấy là “vả vào những cái mồm nói láo”. Nay báo chí lại tự hào ngay từ lúc hiệp định Genève chưa ráo mực đã sớm cài người, rồi mở đường mòn với “con thuyền không số” để chuẩn bị cách mạng. Lạ à? Đọc Nhân Dân 21 tháng bảy linh tư đi....
Trần Đĩnh cũng nói lên sự gian manh của Việt Cộng trong hiệp định Geneve.
Sau hiệp định Genève, thế giới tố cáo các ông cài người ở lại phá hoại thì các ông chửi là vu cáo bỉ ối và lời các ông hay dùng nhất lúc ấy là “vả vào những cái mồm nói láo”. Nay báo chí lại tự hào ngay từ lúc hiệp định Genève chưa ráo mực đã sớm cài người, rồi mở đường mòn với “con thuyền không số” để chuẩn bị cách mạng. Lạ à? Đọc Nhân Dân 21 tháng bảy linh tư đi....
Gia Lai gặp mặt
154 cán bộ được đảng phần công ở lại “bám dân bám đất, lãnh đạo chống
lập tề, chống bắt lính để tiếp tục sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống
nhất nước nhà ngay sau hiệp định Genève”.
Sau đó mấy hôm Q. gặp tôi. Nói ngay: Chú ý là ngay sau và tiếp tục sự nghiệp giải phóng tức là hê mẹ nó Genève đi từ sớm và uýnh luôn sang màn hai, thế nhưng lại nói vì nó không chịu tổng tuyển cử.
Anh cài người, từ Lê Duẩn, anh chôn vũ khí lại, anh phá Chính quyền
Quốc gia thì hỏi còn đứa nào tổ chức được tổng tuyển cử nữa mà anh cứ vu
cho nó phá tổng tuyển cử! Lưỡi không xương, ông cha nói hay thật đấy!
Gần đây cố vấn quân sự Trung Quốc tung ra hồi ký cho hay tháng 3 năm
1955, La Quý Ba, Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp đã vào tận Bến Hải
nghiên cứu bờ biển để sớm đề phương án tác chiến “tương lai”. Tháng 9,
Võ Nguyên Giáp lại sang họp với Bành Đức Hoài và tướng lĩnh Trung Quốc
bàn thêm.(ĐC II. Ch,48)
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được chính thức thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) trong vùng căn cứ của mình ở tỉnh Tây Ninh, với thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh hoạt động bí mật ở miền Nam. Lãnh đạo ban đầu là Võ Chí Công, Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát. Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương.
Bắc Việt đứng đàng sau MTGPMN.Việt Cộng lập những trí thức miền Nam
đứng đầu để che mắt thiên hạ. Theo Kim NHật (VỀ R), bọn bần cố nông
trong khu rất khinh bỉ bọn trí thưc Saigon. Họ là công nông, giai cấp
lãnh đạo không thể phục vụ bọn tư sản. Bọn Việt Công phải dỗ dành mới
yên. Sau 1975, tôi đến thư viện Quốc Gia cũ mượn sách, đứng ở bàn giấy,
tôi nghe bà nhân viên chửi bới Thanh Nghị nát nước. Có lẽ bà tức bực vì
thành phần công nông lãnh đạo mà phải ở dưới quyền một tên tư sản, dẻ
thù của nhân dân.
GS Hứa Hoành cho ta biết nhiều việc.
-Các tổ chưc Mặt Trận, Chính phủ lâm thời đều không có lấy một văn phòng.Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng không có một người thư ký. Cán bộ Chín Chiến nhiều lần nói huych tệc trước mặt với tôi rằng :NGuyễn Hữu Thọ chỉ là cái tên. Mọi việc đều do đảng quyết đinh hết.Ông Thọ có cần phải ký tên đâu mà cần thư ký!
Nếu ông Thọ muốn vào đảng thì cũng chỉ được làm đảng viên dự bị thôi vì ông ta là thân phận trí thức tư sản do Tây phương đào tạo. (Hứa Hoành. Trí thưc miền Nam theoMTGP)
Người quan trọng trọng MTGPMN là Trương Như Tảng. Ông chạy sang Pháp, viết "Hồi Ký một Việt Cộng".
GS Hứa Hoành cho ta biết nhiều việc.
-Các tổ chưc Mặt Trận, Chính phủ lâm thời đều không có lấy một văn phòng.Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng không có một người thư ký. Cán bộ Chín Chiến nhiều lần nói huych tệc trước mặt với tôi rằng :NGuyễn Hữu Thọ chỉ là cái tên. Mọi việc đều do đảng quyết đinh hết.Ông Thọ có cần phải ký tên đâu mà cần thư ký!
Nếu ông Thọ muốn vào đảng thì cũng chỉ được làm đảng viên dự bị thôi vì ông ta là thân phận trí thức tư sản do Tây phương đào tạo. (Hứa Hoành. Trí thưc miền Nam theoMTGP)
Người quan trọng trọng MTGPMN là Trương Như Tảng. Ông chạy sang Pháp, viết "Hồi Ký một Việt Cộng".
Rồi đi theo Cộng Sản Pháp chống chiến tranh. Cha ông hiểu Cộng Sản. Gia đình ông đã bị điêu đứng vì Cộng Sản. Cơ sở làm ăn buôn bán của gia đình ông bị Cộng Sản phá sạch. Vì vậy khi nghe tin ông theo Cộng Sản. Cha ông gọi ông về. Ông không về. Cha ông và cha vị hôn thê của ông bày mưu đưa cô này, lúc ấy mới 17 tuổi, sang Pháp làm đám cưới với ông, rồi đưa đi thăm thú nơi nọ nơi kia với mục đích làm ông mê vợ trẻ, quên chính trị. Nhưng ông lại thuyết phục được vợ theo chí hướng của ông mà cả hai coi là chủ nghĩa yêu nước. Đến nước này gia đình hai bên chỉ còn cách làm áp lực tài chính. Cắt chuyển ngân. Không tiếp tế gì nữa. Trương Như Tảng bèn để vợ mang bầu về Saigon còn mình ở lại đi rửa chén, gọt khoai kiếm tiền sinh sống ngỏ hầu có thể tiếp tục theo hướng đi đã vạch sẵn. Nhưng rồi sau ông cũng mềm lòng vì thương gia đình, (cha ông không còn đủ tiền cho các anh em ông tiếp tục theo học). Ông về nước vào năm 1954. Ông đã kể rõ trường hợp đó trong hai chương 3 và 4 của cuốn hồi ký.
Khi mới chân ướt chân ráo tới Pháp ông đã được hân hạnh gặp Hồ Chí Minh cũng vừa tới để thương thuyết với Sainteny. (1bis) Ông Hồ đã để cả một buổi chiều tiếp ông và một nữ sinh khác cũng người miền Nam tại phòng làm việc của phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ở Fontainebleau. Cuộc gặp gỡ này đã để lại cho ông một kỷ niệm khó quên và những tình cảm sâu đậm dành cho ông Hồ, người luôn bắt ông phải gọi là “bác” chứ không được xưng hô là Hồ chủ tịch, hay chủ tịch. Cũng vì vậy cho nên khi về nước vào năm 1954, ông đã từ khước lời mời của những Võ Văn Hải, Ngô Khắc Tỉnh, Trần Hữu Thế là những người Quốc Gia chống Cộng, để rồi chạy theo những người thuộc phe ông Hồ. Ngay từ 1958 ông đã bắt đầu hoạt động bí mật cho Cộng Sản, tại Saigon. Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông được cử làm tổng giám đốc Công Ty Đường Việt Nam, một công ty quốc gia lớn với trên 5000 nhân viên. Trong thời gian này theo ông cho biết (2) ông đã hoạt động ngầm qua hai tổ chức thân Cộng là “Phong trào Tự Quyết” và “Ủy ban bảo vệ Hoà Bình” do bác sĩ Phạm Văn Huyến, cha của nữ luật sư Ngô Bá Thành, điều khiển. Năm 1967, do sự “phản bội” của Ba Trà, một cán bộ Cộng Sản khác, hành tung của ông bị bại lộ và ông bị cảnh sát quốc gia bắt giam. Nhờ có Trần Bạch Đằng (3) thu xếp với người Mỹ về trao đổi tù binh, ông được phóng thích cùng với vợ của Trần Bặch Đằng để ra bưng hoạt động hẳn cho Cộng Sản cho đến năm 1976.
Ngày 8 tháng 6 năm 1969 Trương Như Tảng được chỉ định vào chức vụ bộ trưởng bộ Tư Pháp của “chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”, do Huỳnh Tấn Phát, một đảng viên Cộng Sản kỳ cựu, làm thủ tướng. Gần 6 năm trời, từ 8-6-1969 đến 30 tháng 4 năm 1975, trong cuốn hồi ký không hề thấy tác giả nói ông làm gì trong cái bộ đó và nó hoạt động ra sao. (4) Đó chính là một điểm khôi hài nhất của cái gọi là chính phủ kia, đồng thời cũng là một lỗ hổng to tướng của cuốn hồi ký.
Sau khi Saigon thất thủ, Trương Như Tảng có dịp liên lạc với gia đình thì được biết cha ông mới qua đời, con gái ông đã được phu nhân Tổng Thống Thiệu bảo trợ cho đi du học ở bên Mỹ, con trai ông cũng đã sang Pháp, còn mấy người anh em ông thì bị đi “học tập cải tạo”, trong đó có một người cho đến khi ông viết xong cuốn hồi ký (1985) vẫn còn ở trong tù. Ông buồn rầu nhớ lại lời cha ông nói lúc vào thăm ông trong nhà tù của Tổng Nha Cảnh Sát quốc gia năm 1967:
“Con à, ba không thể hiểu được con. Con đã bỏ tất cả. Một gia đình êm ấm, hạnh phúc, giầu có để đi theo bọn Cộng Sản. Chúng sẽ không cho lại con được mảy may những gì con đã bỏ đi. Rồi sẽ thấy. Chúng sẽ phản bội con và con sẽ khổ suốt đời.” (5)
Ông cho rằng trước kia ông cùng với một số trí thức miền Nam khác vốn tin mình tranh đấu cho một miền Nam có một chế độ riêng, và thi hành chính sách hòa hợp hoà giải với phe quốc gia. Nhưng sau 30 tháng tư ông thấy những lời hứa hẹn, cam kết của những Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ (trang 283-284) chỉ là giả dối. Chỉ một năm sau chiến thắng, đảng đã hoàn tất việc thống nhất đất nước, nghĩa là giải tán chính phủ “lâm thời cộng hòa miền Nam” của nhóm các ông. Không có hòa hợp hòa giải. Không có chính phủ ba thành phần. Mà chỉ có đảng, một đảng duy nhất, từ danh xưng đảng Lao Động đã đổi ngay sang “đảng Cộng Sản Việt Nam”. Hơn 300.000 người (con số tối thiểu của ông đưa ra) bị bắt giữ, không có xét xử và không biết ngày về, trong đó có anh em ruột thịt, bà con thân thích, bạn bè của ông, hay của những người tai to mặt lớn trong Mặt Trận, kể cả con rể của luật sư Trịnh Đình Thảo, người bạn vong niên của ông.
Vì đã tỉnh mộng, hết tin tưởng ở đảng nên khi được mời làm thứ trưởng bộ Thực Phẩm và Tiếp Tế, ông đã từ chối khéo. Cảm nhận được sự bất mãn của ông, chính Võ Văn Kiệt, lúc ấy là bí thư thành ủy Saigon, đã tìm cách giải thích và khuyến dụ ông nhận một chức nhỏ hơn tại miền Nam. Nhưng ông đã lợi dụng sự tin cẩn của Kiệt để tính chuyện chuẩn bị vượt biên. Ngày 25 tháng 8 năm 1979 ông xuống thuyền làm “thuyền nhân’ và hơn một tuần sau thì được một tầu hàng Singapore chở tới đảo Galang, thuộc Indonesia, bắt đầu cuộc sống tha hương.
Trương Như Tảng chê các chính quyền Mỹ (Eisenhower và Kennedy) đánh giá
sai ông Hồ, cho rằng ông Hồ là dụng cụ của Trung Quốc dùng để thực hiện
chủ nghĩa bá quyền mà không đếm xỉa đến sự toàn vẹn và sức mạnh của lòng
yêu nước của nhân dân Việt Nam. (tr.213)
Và Lê Duẫn đã phải lên tiếng giảng hòa bằng những lời lẽ mềm dẻo hơn:
“Chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc không trả thù là chiến lược trường kỳ và đó là đường lối chính trị và lập trường của Đảng, và cũng là lập trường của giai cấp công nhân.”
Với lời nói trên của viên bí thư thứ nhất của đảng, nhóm ông Tảng hí hửng tưởng mình đã thắng.(10)
Bốn năm sau TNT và những nhà lãnh đạo mặt trận và chính phủ, ngoài đảng, mới vỡ lẽ ra rằng lời tuyên bố của Lê Duẫn chỉ là đòn phép, tuyệt chiêu của một tay đại bịp. Nhưng đã muộn. Khi ra Bắc, trong một buổi lễ lớn, gặp Trường Chinh, Trường Chinh hỏi :"Ông là ai mà tôi không được biết?"
Nghe Trường Chinh hỏi, ông hiểu ý Trường Chinh:"Đây là chỗ của các đảng viên cộng sản kỳ cựu, không phải chỗ cho những thằng chó chết như mày!" Sợ quá, Trương Như Tảng dông!
Hứa Hoành kể lời Lê Văn Hảo sau khi trốn qua Pháp:
Tôi được họ (VC) cử làm chủ tịch Liên Minh các Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam, thành phố Huế và khi cuộc Tổng công kich Huế nổ ra, tôi lại được họ cử làm chủ tịch "Uỷ ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên. Đó là những chưc vụ bù nhìn mà cộngsản gán cho tôi, vì họ muốn lợi dụng tên tuổi của tôi để tuyên truyền lừa mi giới trí thưc và sinh viên Huế (Hứa Hoành, sdd)
Sau 1975, Trần Đức Thảo vào Saigon, giới kháng chiến cũ của miền Nam hỏi Thảo:
Và Lê Duẫn đã phải lên tiếng giảng hòa bằng những lời lẽ mềm dẻo hơn:
“Chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc không trả thù là chiến lược trường kỳ và đó là đường lối chính trị và lập trường của Đảng, và cũng là lập trường của giai cấp công nhân.”
Với lời nói trên của viên bí thư thứ nhất của đảng, nhóm ông Tảng hí hửng tưởng mình đã thắng.(10)
Bốn năm sau TNT và những nhà lãnh đạo mặt trận và chính phủ, ngoài đảng, mới vỡ lẽ ra rằng lời tuyên bố của Lê Duẫn chỉ là đòn phép, tuyệt chiêu của một tay đại bịp. Nhưng đã muộn. Khi ra Bắc, trong một buổi lễ lớn, gặp Trường Chinh, Trường Chinh hỏi :"Ông là ai mà tôi không được biết?"
Nghe Trường Chinh hỏi, ông hiểu ý Trường Chinh:"Đây là chỗ của các đảng viên cộng sản kỳ cựu, không phải chỗ cho những thằng chó chết như mày!" Sợ quá, Trương Như Tảng dông!
Hứa Hoành kể lời Lê Văn Hảo sau khi trốn qua Pháp:
Tôi được họ (VC) cử làm chủ tịch Liên Minh các Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam, thành phố Huế và khi cuộc Tổng công kich Huế nổ ra, tôi lại được họ cử làm chủ tịch "Uỷ ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên. Đó là những chưc vụ bù nhìn mà cộngsản gán cho tôi, vì họ muốn lợi dụng tên tuổi của tôi để tuyên truyền lừa mi giới trí thưc và sinh viên Huế (Hứa Hoành, sdd)
Sau 1975, Trần Đức Thảo vào Saigon, giới kháng chiến cũ của miền Nam hỏi Thảo:
- Anh nhận định ra sao về tương lai của những người kháng chiến cũ như chúng tôi?
- Dĩ nhiên là người ta đã và sẽ dứt khoát
dẹp các anh qua bên lề, vì nay sẽ không còn là thời kỳ cách mạng nữa,
mà là thời kỳ “đổi mới” với khẩu hiệu chính thức “đổi mới hay là chết”!
Nay là phải thay đổi, bãi bỏ một số điều kiện để “đảng và chế độ” trụ
lại được, sau khi đã cơ bản thất bại vì bế tắc cả về chính trị lẫn kinh
tế trong giai đoạn kiêu binh ấu trĩ, hung hăng thừa thẳng tiến lên chế
độ “Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa”! Từ sau 1976 cho tới 1985, tức là nay
“ta” đã phải đau đớn dứt khoát bỏ hết các nguyên tắc quản lý xã hội chủ
nghĩa đã quá lỗi thời, theo một lập trường mới, phương pháp mới, là
ngả hẳn theo khối kinh tế tư bản, là nơi duy nhất có dư tiềm lực giúp
đất nước ta đứng dậy. Và do vậy, các anh là người của thời cũ, nên nay
bị đẩy ra bên lề! (Tri Vũ. Ch.X)
Tuyên ngôn đảng Cộng sản ghi rõ đường lối của Marx là "đấu tranh giai
cấp ", là "vô sản chuyên chính ", nghĩa là không có đoàn kết toàn dân,
cộng sản nhắm tiêu diệt giai cấp tư sản và các giai cấp khác, và cai trị
bằng bàn tay sắt. Tại sao các ông thông minh tài trí như Trần Đưc Thảo,
Nguyễn Mạnh Tường là giai cấp tư sản lại không hiểu vô sản chuyên chính
là gì, mà đâm đầu làm nô lệ cho cộng sản, cuối cùng bị đánh, bị đạp
thảm thương? Trí khôn các ông để đâu mà ra nông nỗi thế?
Các ông lại không đọc điều lệ Đệ Tam quốc tế sao? Có 21 điều, nội dung
chính là tiêu diệt những kẻ cải lương và giai cấp tư sản. Phải lọại trừ
những thành phần đó và đưa người cộng sản vào thay thế.
Những điều lệ trên không dung tha giai cấp tư sản. Họ coi tư sản là kẻ
thù. Tại sao kẻ thù tư sản lại chạy theo cộng sản để phản dân, hại nước
và hại bản thân?
Thật ra cộng sản tàn sát, triệt hạ mọi giai cấp, kể cả các đồng chí dày công lao. Những kẻ được cộng sản đưa lên nắm quyền, có tiền bạc, quyền lợi, danh vọng nhưng cũng chỉ là những con dã tràng xe cát vì họ là lũ phản quốc, hại dân, không ich lợi gì cho quốc gia,dân tộc.
Thật ra cộng sản tàn sát, triệt hạ mọi giai cấp, kể cả các đồng chí dày công lao. Những kẻ được cộng sản đưa lên nắm quyền, có tiền bạc, quyền lợi, danh vọng nhưng cũng chỉ là những con dã tràng xe cát vì họ là lũ phản quốc, hại dân, không ich lợi gì cho quốc gia,dân tộc.
No comments:
Post a Comment